Monday, November 28, 2016

CHUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * SAIGON * ÂY ĐỦNG ĐỈNH=NGHÊ SĨ =


CÁNH CÒ * BÌNH VÀ CHUỘT

Bình là ông mà chuột cũng ông.


Một lần nữa báo trong báo ngoài, lề này lề kia dậy lên tiếng chì tiếng bấc qua câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng trong buổi "họp bạn" tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về tham nhũng, người bạn chí thân của dân trong phòng lạnh mang tên "tiếp xúc cử tri" đã thủ thỉ những điều đáng thương lạ lùng. Ông nói ném chuột phải tránh chiếc bình quý. Ông cho biết "xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm".
Ông trân trọng chiếc bình quý và bảo đừng ném chuột. Bình mà vỡ thì phải làm sao? Hãy tìm cách khác mà đánh con chuột phá hại căn nhà Việt Nam. Bác Hồ dạy rồi, đánh chuột phải xem chừng chiếc bình. Làm sao diệt chuột mà vẫn giữ được bình hoa. Tức là phải giữ cho cái ổn định.
Hầy! ông nói hay và lời vàng ý ngọc đáng cho nhân dân tâm niệm.
Trước tiên, hãy nói về chiếc bình.
Ngày 6 tháng 1 năm 1930 chiếc bình mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam được bảy người hùn lại đ
ể mua tại Hương Cảng. Đó là các ông Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Người đứng tên chiếc bình đầu tiên là Trịnh Đình Cửu, sở hữu vào ngày 31 tháng 10 năm 1930, Sau đó chiếc bình được chế tác lại nhiều lần vì phẩm chất ban đầu xem ra thô sơ, khó bắt mắt người xem. Tên chiếc bình từ Đảng Cộng sản Việt Nam đổi lại thành Đảng Cộng sản Đông dương và tờ giấy chứng nhận người sở hữu chiếc bình "quý" được sang tên cho Trần Phú.
Sau nhiều lần nung lên nấu xuống, năm 1951 bình thay tên thành Đảng Lao động Việt Nam và cuối cùng sửa lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12 năm 1976.
Sau Trần Phú là Hà Huy Tập, Trường Chinh, Lê Duẩn rồi Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng . . . thay nhau đứng tên làm chủ chiếc bình ấy cho tới ngày nay.
Thay vì nói "chủ" người cộng sản thấy khó giải thích với dân bởi "chủ" là một danh từ nhơ bẩn, bóc lột nhân công, không lao động nhưng ăn trên ngồi trốc đè đầu cưỡi cổ đám bần nông. Để cho dịu tai và được mùi quyền bính, ba tiếng "Tổng bí thư" được ưu ái đặt lên vai người chủ chiếc bình quý giá ấy cho xứng với tầm cao của một ông vua trên tập thể ba triệu con người.
Chiếc bình qua nhiều đời Tổng bí thư ngày càng sáng bóng lên bởi những khẩu hiệu viết lời tự sướng. Nét họa tiết trên bình ngày một thẫm màu cờ đỏ mà nhiều đứa ganh ghét, xấu mồm nói là màu máu nhân dân. Bình được đặt trang trọng cho người dân thờ lạy thay vì cắm hoa vào đó. Bình được hiến pháp bảo vệ, chỉ một chiếc duy nhất không có cái thứ hai. Duy nhất luôn luôn là của quý. Ý của Bác Hồ nói khi xưa là thế.
Nói tới bình người dân nghĩ tới người chủ của nó là Tổng bí thư. Nói tới Tổng bí thư thì sự liên tưởng tự động vòng sang chiếc bình.
Tổng bí thư không cho ném bình do sự thật này. Ông sợ chiếc bình vỡ toang cũng có nghĩa là ông sợ cho chính bản thân ông trước tiên và sau đó kéo theo cận thần chung quanh. Giống như người dân nghèo sợ cháy nhà, bồ lúa không nói làm chi, cái quần đùi cũng không còn mà mặc. Chiếc bình cần được bảo vệ bằng hai từ ổn định. Ổn định là y như cũ, là không thay không đổi gì cả miễn sao cuộc sống ngắt ngứ của người dân đừng tuột xuống nữa là ổn thôi.
Bình là ông chính ở sự thật này.
Nhưng một sự thật khác khiến người ta có lý khi nghĩ rằng chuột cũng là ông nốt.
Ông không tham nhũng để bị gọi là chuột nhưng bất cứ điều gì có hại cho căn nhà Việt Nam đều quy ra... chuột tất.
Chuột là nhũng nhiễu dân lành là làm luật sai trái cho một thành phần nào đó. Chuột được biết tới như bằng cấp giả mà tiền lương thì thật. Chuột thập thò ở các ban bệ đục khoét công quỹ, gậm nhấm tài nguyên quốc gia. Chuột đi đêm với kẻ thù, chuột nhắm mắt nói lời dối trá. Chuột cắn xé đất đai tổ quốc và không cho người dân biết sự thật phía sau bức màn đen tối mang tên Thành Đô. Chuột phá nát văn hóa, chuột biến thành sư thầy mang nón cối cười hỉ hả, ngồm ngoàm nhậu nhẹt coi nhân gian như đám lên đồng. Chuột nhốt người cô cớ, giết hại lương dân và còn hàng tá điều ám muội.
Xem ra các thứ chuột này vận vào ông nguy hiểm hơn tham nhũng vạn lần. Tham nhũng tới hồi no thì ngừng nhưng quyền bính và sự u mê không bao giờ có giới hạn. Chiếc bình cũng là con chuột lớn nhất trong hàng trăm ngàn con chuột lúc nhúc trong hang.
Ban ngày là bình, ban đêm là chuột.
Chiếc bình quý biến hình như truyện liêu trai. Bình và chuột trước sau như một che chở cho nhau. Bình có đời bình, chuột có đời chuột nhưng nếu bình không có chuột bình chẳng thể sáng màu. Chuột không có bình che thân thì dân đã phang cho một phát.
Vậy thì có gì lạ khi chính bình bảo dân đừng ném chuột?
Và chuột không nhúc nhích vì biết có ai lại ngu si đi giết chính mình?
Cánh Cò

Friday, October 3, 2014


TỐNG PHƯỚC HIẾN * NẰM ẤP


Nằm Ấp


Tống phước Hiển


Sáng mồng một Tết âm lịch năm 1978, tù Chính trị trại giam Z.30 D bất ngờ tập họp “đột xuất” mừng Xuân bằng những bài ca hùng tráng làm sống dậy thời liệt oanh hào hùng, thuở khách chinh nhân xem thường hiểm nguy xông pha lửa đạn, thưở chinh nhân được đi vào Văn học với hình ảnh rất lãng mạn :

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Vương Hàn)


Dịch :

Rượu đào chén ngọc sáng choang,
Trên yên sắp uống đã vang tiếng tỳ.
Sau lăn bãi cát hề chi.
Những người ra trận mấy khi lại về.
(Ngô Tất Tố)


Hay :

Chí làm trai, dặm ngàn da ngựa.
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào.
Thét roi cầu Vị, ào ào gió Thu.
(Chinh Phụ Ngâm - Bà Đoàn thị Điểm)


Tù say sưa hát, cuồng nhiệt vổ tay. Họ di chuyển khắp hết các sân trại giam.

Cộng sản nói rằng đất nước đã Hòa bình, thắng bại đã phân minh. Người tù kiên định cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Cuộc chiến đấu mới, khởi động từ xế trưa 30.04.1975 ngay khi chiếc xe tăng Cộng quân bị bắn hạ tại cầu Thị Nghè. Ngay khi chừng một Trung đội Chiến sĩ Nhảy dù của Quân Lực VNCH cùng chia nổi nhục nhằn với Quê hương bằng một quả lựu đạn, họ là những anh hùng nối chí Tiền nhân vinh quang đi vào lịch sử, Ngay từ khi năm vị Tướng Lãnh hiên ngang trên tư thế “Sinh vi Tướng, Tử vi Thần”. Và ngay khi tiếng súng tuẫn tiết của Trung Tá CSQG Nguyễn Văn Long trước tòa nhà Quốc-hội.

Hầu hết tất cả tù trong trại đều tham gia buổi hát “Lưu động đột xuất” ấy, có cả các khuôn mặt đặc biệt sau: Luật Sư Trung úy Khuất Duy Trác (Đàn Giutar, hát bài Ly ruợu mừng mở màn), Nhạc sĩ (Không nhớ tên - dẫn hò tập thể). Những khúc quân hành năm xưa trỗi dậy, tim máu họ rộn ràng háo hức làm bọn bò vàng Công an hốt hoảng huy động lực lượng bủa vây toàn trại. Nỗi kinh hoàng của chúng lộ rõ trên khuôn mặt hoang mang rối loạn. Chúng hấp tấp chỉa mũi súng vào đám tù không tất sắc. Bọn Antenne thường ngày ngổng tai hèn mạt nghe ngóng bây giờ chúng quỵt mặt run rẩy. Lủ phản bội nầy vội vàng chạy vào cầu tiêu, hoặc lẹ làng ẩn trốn trong mền chăn chiếu gối. Riêng nhóm Trật tự, Thi đua được “bọn chủ” hộ tống chạy thoát ra cổng, hướng về khu văn phòng. Gần giữa trưa, sau khi bố trí xong những vị trí xung yếu, khoảng một Trung đội Công an Võ trang trong tư thế tác chiến tiến vào, dàn mỏng bảo vệ cho các toán quản giáo xuống sinh hoạt với các đội trách nhiệm. Mỗi toán gồm một quản giáo và hai vệ binh có võ khí. Tất cả do tên Thuợng úy Thới (tức Sáu la - vì y ưa la hét) điều động.

Ngay chiều hôm ấy, bọn Giám thị trại giam bắt nhốt một số người mà chúng nghi là thành phần lãnh đạo như các anh: Khuất Duy Trác, Linh mục Ðổ-Bá-Công thuộc giòng Ða-Minh, Giáo Sư Vũ-Thành-Hoan, hai Sinh viên thuộc tổ chức kháng Cộng sau 1975 là Nguyễn-Ðình Toàn, Nguyễn-Thanh-Nhàn, Hà-Ngọc-Phan (Phụ trách hành động - tức trừng trị bọn antene, Thi đua, Trật tự). Phía Hình sự bị nghi thành phần “Thi hành bản án trừng phạt bọn phản bội” và được ghi nhận “Thường xuyên quan hệ với thành phần phản động” có Nguyễn-Văn-Hậu. Tù hiểu rằng, Cộng sản đang giăng lưới mà nói theo kiểu cai tù là “Phá vỡ tổ chức phản động có tầm quy mô và được lãnh đạo, tiếp tế bởi tổ chức phản động bên ngoài”. Ðồng thời chúng hùng hổ tuyên bố: “Trại kiên quyết hốt hết trọn ổ”. Do đó, tù tạm phải bị ngưng những sinh hoạt thường lệ như thông tin, tiếp tế đồ ăn, và gặp nhau phiếm luận...

Gần nửa tháng trại không “Phát hiện thêm hiện tượng tiêu cực” nào khác, nên “con mồi” cuối cùng bị đưa vào phòng kỷ luật sau khi “được” dẫn ra mé bờ suối hoang vắng giáp với khu B để “động viên” và đưa trả về nhà giam lúc tiếng kẻng dội vang báo hiệu giờ ngủ.

***

Lao động về, cái bọc vải đựng đồ ‘tuế nhiễn” của anh đã ra đi không lời từ biệt. Ðoán trước tình huống, anh bình thản đến nhận ổ bánh mì làm từ khoai mì (Trong thời gian nầy, tù ăn độn khoai mì 100% - nói theo cách nói cán bộ - đã 100% mà còn gọi là ăn độn! Tù bèn “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, biến chế thành bánh mì cho có vẻ ‘Tây”). Cầm ổ bánh mì “to”chừng bằng nắm tay, anh kiếm xó góc, bạn bè hiểu tình thế. Anh kín đáo tìm kiếm những ánh mắt lân la dò xét. Tuy đói, và tâm tư chuẩn bị những bất trắc nhưng anh vẫn thấy hồi hộp, miệng nghét đắng, miếng bánh mì như khúc củi đang trệu trạo trong miệng.

Bốn tên gồm tù đã được chuyển sang giai cấp tù thống trị là tên Ba Trưởng ban Thi đua, (Nguyên là cán bộ Cộng sản bị tội hủ hóa gì đó !?), tên Thạch tù Trật tự, thuộc loại hung thần (Nghe nói nguyên trước kia là Sĩ Quan QL/VNCH) hai tên bò vàng đi vào. Nhưng chúng ngừng lại bên hông Trạm xá xì xầm bàn bạc. Ðến lúc nầy, thì anh đã hoàn toàn bình tỉnh. Còn già nửa ổ bánh mì, biết không ăn kịp, anh để vội trên khung cửa sổ. Cũng vừa ngay lúc tên trật tự Thạch đến sát bên cửa ra vào, ngay chỗ anh đội trưởng, nghe Thạch nhắc đến tên anh, anh đến, và theo hắn đi về cổng trại. Khi đến Bệnh xá, Thạch chậm bước, y rẻ vào phòng ở tù Trật tự (Phòng nầy nằm giữa cách vách ngăn với phòng kỷ luật và Bệnh xá). Trong phòng, bọn cai tù đang chuyện trò vui vẻ với bọn đầu gấu Thi đua. Thấy anh, sắc diện chúng bỗng nghiêm khắc lạnh lùng, Thạch đưa anh vào phòng kỷ luật.

Phòng kỷ luật tối đen như “Căn hầm trong bóng tối vào ban đêm lúc không đèn”. Anh hoàn toàn không thấy bất cứ gì. Do một cú đẩy bất ngờ từ phía sau, không mạnh lắm nhưng cũng đủ làm anh chúi sấp trên nền Ciment. Chưa đoán được những gì sẽ xảy tới, anh nghe trật tự Thạch bảo đưa chân cho hắm cùm. Với thủ thuật của những tay rành nghề, chúng đè ngữa anh xuống, hai chân anh đã ngay ngắn trên sàng, và một cái cùm cũng đã gọn gàng ôm lấy ống chân. Chân trái còn lại chưa xỏ cùm vào được vì cùm nhỏ hơn chân (!?). Nhờ tù Trật tự “Hạ quyết tâm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu của trên giao” nên cuối cùng, sau khi cái cẳng chân của anh bị bắt buộc phải thân mến tặng một miếng da chân có rớm máu làm “Kỷ vật cho... cùm”.

“Kỷ vật” đó sau nầy bị tấy sưng, mưng mủ làm anh kinh hoàng đau đớn (Nhất là vào lúc bọn cai tù hay trật tự đánh vào thanh sắt xuyên từ trụ cây trong phòng, qua hai khoen cùm ra đến trụ ngoài. Ðến bây giờ anh vẫn còn kinh sợ mỗi khi nhớ lại) đã lưu lại vết sẹo trên mắt cá chân trái của anh.

Lúc đầu, rất khó chịu vì hai chân bị cùm, không ngồi dậy được do bàn chân bị cấn với vách nhà. Cái cùm sắt dường như chưa mài giủa trước khi “xuất xưởng” nên còn lấm tấm mày sắt. Những mày sắc ấy nhẫn nại cứa dần dần vào và rồi đâm thủng lớp da bao sợi gân lớn nơi gót chân anh. Thêm vào đó, cái cảm giác ngứa ngáy sau lưng anh, rồi khắp thân càng tăng thêm nổi khó chịu. Ðến chiều, trật tự mở cùm cho đi vệ sinh và nhận phần ăn.

Khác với “tù tự do” bên ngoài, phần ăn của tù kỷ luật là một miếng bột luộc, bề dày khoảng một phần ba bề dày ngón tay, diện tích thì lọt thõm trong lòng bàn tay (Bàn tay của người bình thường), và nửa chén nước trắng. Dụng cụ vệ sinh là thùng gỗ có hình khối thang, đáy lớn khoảng 60cm x 50cm, đáy nhỏ khoảng 50cm x 40cm, cao chừng 25 cm. Ðáy lớn là nắp che phần trên, giữa nắp nầy, có một lổ nhỏ rộng chừng 20cm x 20cm có thanh gỗ nhỏ dùng để nắm. Tù đi vệ sinh thì giở nắp nhỏ ra, “Khéo léo đi cho lọt, cho đúng vào trong (Nếu vì bất cứ lý do gì mà vung vải ra ngoài thì... ráng chịu). Nếu may mắn phòng chỉ có một người thì không mấy trở ngại. Nhưng vào hôm “cao điểm” (Từ hai người trở lên) thì tù nào nằm càng phía trong càng vất vả hơn vì phải trườn, rướn người để “quá giang” qua người hàng xóm bên cạnh. “Tác nhân” gây trở ngại trong việc “Hoàn thành mục tiêu giải phóng chất cặn bã trong ruột già” là hai cái cùm. Nói như thế, e rằng cũng chưa công bằng, vì anh nằm ngoài cùng tuy có thoải mái hơn, vì trong “quá trình giải phóng” ấy, anh có thể tự “tự lực”, không cần bắt buộc ai phải cùng “hợp tác”. Nhưng mỗi khi người láng giềng cần cái động tác “giải phóng” ấy thì anh ta bị bắt buộc phải cùng “hợp đồng thao tác”. Hai người thì “trở ngại không to”, nhưng ba người thì “khó khăn thật vô cùng vĩ đại”. Thường thường, anh nằm ngoài sát thùng phân phải lãnh nguyên xi cái mùi không “trong sáng” như “cái mồm bọn Thi đua, Trật tự, ăng ten”.
Chuyện anh nằm ngoài cùng bị các anh nằm bên trong “tặng nước nóng” bất đắc dĩ là chuyện “ thường ngày”. Ðại tiện xong, giấy lau vệ sinh trở thành “vấn đề khó khăn trước mắt”, ban đầu, tù lúng túng vô cùng, nhưng khó khăn sinh ra sáng kiến, tù bèn “tận dụng vật liệu tại chỗ”, xé áo quần làm... giẻ chùi. Cuộc đời, nào ai lường trước được rủi may. Cái hôm qua gọi là may, thì nay lại là rủi! Triết lý ấy không biết ngoài đời như thế nào, chứ trong phòng kỷ luật thì trúng phóc 100%. Vải quần áo cụ nào càng cũ càng “sung sướng, nhẹ nhàng” đỡ phải lao động vất vả (Xin chia mừng!) Cụ nào vải quần áo còn có vẻ “tươm tất” thì “hì hục” xé có khi nhờ đến “sự chi viện” của hàm răng (Xin chia buồn!). Ðiều đáng mừng hơn hết là “nhờ ơn Bác và đảng” nên bộ tiêu hóa tù tạo ra chất thải thật khiêm nhượng và thường là “chất rắn” và cũng nhẹ mùi hơn mồm của bọn tay sai lòn cúi hèn mạt trật tự, thi đua và ăng ten...

Phòng kỷ luật “xây dựng” theo “mô hình sáng tạo và kinh qua kinh nghiệm” nên mới nhìn tưởng không có gì, mà thật ra vô cùng kiên cố. Vách dựng lên bằng năm lớp. Chính giữa là những thanh tre rắn chắc, nguyên ống, hai bên kèm kẹp bởi những thân tre đã đập dập, ngoài cùng của cả hai mặt là hai tấm vách được dựng lên bằng những tấm cót. Tất cả đều được buộc kết bằng những sợi dây mây (cây song) rất chắc với kỹ thuật khá cao. Tuyệt đối không có đinh sắt, dây kẽm hay bất cứ thứ kim loại nào.

Mỗi sáng, tù kỷ luật được tháo cùm làm “vệ sinh cơ thể ” bằng 1/3 ca nước (loại ca bộ đội). Tù đem thùng phân ra ngoài, dồn phân vào một thùng khác, rồi đổ tro mới và khiêng thùng vào. Ðây chính là dịp tù kỷ luật thấy được ánh mặt trời, hít thở một ít không khí trong lành và nhất là nhìn lại “cảnh vật thân quen”. Tù kỷ luật “tranh thủ” đưa mắt kiếm tìm những ánh mắt của “tù tự do”. Bị kềm kẹp, dày đọa đến tận cùng vực thẳm cùng cực, khi giác quan bị tổn thương, thì cái trực giác lại hết sức tinh vi và nhạy bén để thế vào, nên dù chỉ một ánh mắt, một cái nhìn thoáng, một cử động nho nhỏ nào đó, tù cũng đoán được, mà thường thì xác xuất sai số rất thấp. Tuy nhiên, vào lúc nầy hầu hết tù đã phải xuất trại đi lao động. Số còn lại nếu không có phi vụ (tức nhiệm vụ cần liên lạc, thông báo với tù kỷ luật) thì hầu hết là tù bịnh, tù già yếu thuộc đội vệ sinh (tức đội chống ruồi), hoặc toán vệ sinh chở phân đi đổ cho đội rau xanh. Ðây là thời điểm của bọn Thi đua, Trật tự , thi hành lệnh cán bộ trực trại đến họp bàn, kiểm tra, báo cáo, dề xuất phương án nào đó.

Tù kỷ luật được nhận phần ăn mỗi ngày hai lần theo tiêu chuẩn 9kg500 chất bột cho mỗi tháng, muối trộn sẵn trong chất bột, và non nửa ca nước. Nếu là cơm, bobo hay khoai mì thì một nắm nằm gọn trong lòng nắm tay bóp chặt, nếu bánh thì một “cục”. Hôm nào gặp ngày tư Tết, lễ lạc thì khẩu phần có vẻ “đặc táo” hơn, nghĩa là mỗi người được lưng nửa chén cơm chan sẵn nước thịt kho, do Trật tự mang vào, trước khi đã được Thi đua kiểm tra chặt chẽ.

Khó khăn rồi cũng dần quen. Qua một đêm suy tư trằn trọc, anh thiếp ngủ. Thức dậy, ngồi thẳng giò (bây giờ, anh đã có kinh nghiệm), làm vài động tác. Ðược mở cùm, ra ngoài anh không gặp “bè bạn”. Các người khác nhìn anh vừa e dè ngại ngùng, vừa lo sợ những cặp mắt cú vọ rình rập (có thể quá sợ, họ tưởng tượng, nhưng dù sao “ủ tờ” trong chế độ cộng sản, thì cảnh giác vẫn là tốt nhất).

Thế là hai ngày trôi qua, anh thấy kỷ luật cũng chẳng có gì dáng phải hãi sợ. Cơ thể anh nhanh chóng thích hợp với những điều kiện vật chất khắc nghiệt. Thật ra, khi chưa bị kỷ luật, anh tưởng tượng nó khắc nghiệt hơn nhiều. Anh nghĩ cái khó nhất là phải đối phó với âm mưu xảo trá của bọn Cán bộ sắp tới đây. Anh có ý trông chờ chúng kêu lên “làm việc”. Ðể đo cân lượng sức lực của chúng. Anh ráng nhớ anh đã nghi ngờ ai, đã gài sẵn cho ai câu gì để nếu chúng hỏi là anh biết ai đã cam tâm làm tay sai cho chúng. Tù kỷ luật thấy ngày trôi qua mau hơn. Ngủ chán, thức dậy suy nghĩ. Nếu tinh thần yếu đuối lo sợ sẽ mau chóng bị sa sút.

Ý chí vững mạnh là thức ăn tuyệt vời nuôi cơ thể rất hữu hiệu. Anh tự vạch ra cảnh huống rồi tìm giải pháp đối phó.

Tình thế không cho phép anh vẽ vời tương lai ấm êm bên cạnh vợ con nữa. Hình ảnh đau thương tủi nhục của vợ anh trong cuộc sống nghiệt ngã của xã hội mà sự suy đồi đã trở thành nguyên do gây tan vỡ tình nghĩa thủy chung, phá tan tành tinh thần trách nhiệm gia đình cũng như đạo lý. Nghĩa khí làm người bị công nhiên xúc phạm. Rồi con anh, tương lai mờ mịt vì kỳ thị lý lịch.

Bọn Cộng sản cố tình dùng lý lịch làm vũ khí gây thù gán hận gia đình. Cha con vợ chồng khinh miệt nhau, dẫn đến sự rã rời, gia đình tan nát. Tất cả những băng hoại ấy lại là điều kiện cho tập đoàn đảng cộng sản và thế hệ con cháu chúng trở thành chủ nhân ông chính thức và duy nhất của đất nước. Những thành phần còn lại đương nhiên trở thành giai cấp nô lệ miên viễn. Càng suy nghỉ, anh càng cảm thấy quyền lợi gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn vong của Tổ Quốc. Ðúng là “Nước mất Nhà tan”. Nhìn vào khoảng tối mênh mông vô tận, anh thầm cám ơn nơi tăm tôí nầy. Một ý nghĩ làm anh lạc quan mỉm cười: ”chính nơi tăm tối nầy đã làm tâm hồn tôi trong sáng!”. Bây giờ, mắt anh quen dần với bóng tối, anh cảm nhận, phân biệt sự vật rõ ràng trong bóng tối. Bấm ngón tay tính, cũng đã mười ngày thời gian cùng đi với anh vào phòng kỷ luật. Anh đã thật hoàn toàn “an tâm”. Không còn chờ đợi, hồi hộp lo toan. Anh cũng chẳng phải hoài công đếm bóng tối hay ánh sáng mỗi ngày. Lâu lâu anh lại ngâm bài thơ “Hoài Cảm” của Ðặng-Dung, hay những bài thơ mang tư tưởng nhập thế của Nguyễn-Công-Trứ. Chính những bài thơ nầy giúp thêm sức mạnh cho anh ngạo nghể xem thường sợ hải. Anh tự nghĩ rằng anh đã chiến thắng và tiếp tục thừa sức chiến thắng những oan khiên ác độc của kẻ thù.

Anh không nhớ, đã “nằm ấp” bao lâu. Một buổi sáng, sau khi các đội đã xuất trại. Tên trật tự mở khóa, hé cánh cửa phòng biệt giam, rút thanh sắt và bảo anh theo hắn đi ”làm việc”. Anh bây giờ rất tỉnh táo, lòng không chút vấn vương lo sợ, Anh mỉm cười khi nhớ câu châm ngôn đầy kinh nghiệm khôn ngoan trong chế độ cộng sản tàn ác lưu manh: ”Tự giác là tự sát!”. Tù trật tự dắt thẳng anh đến một phòng, trong đó đã có sẵn một tên công an ngồi chờ. Và anh lại phải sắp giao chiến với kẻ thù.



Tống Phước Hiển
Trích từ: “Khi vượn tấn công Người”

VĨNH KHANG * CHUYẾN VƯỢT BIÊN THỨ SÁU

 

Chuyến vượt biên thứ sáu

Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"

Thương tặng con trai L.V.S.

Sau chuyến thất bại chạy về từ Nhà Bè. Tôi chán nản và không muốn nghĩ tới chuyện vượt biên nữa. Cuộc sống khó khăn thực tế hàng ngày khiến tôi cảm thấy có lỗi với vợ con và gia đình khi tất cả đều chịu vất vả, cố gắng để lo cho tôi thoát đi. Cứ mỗi lần thất bại trở về nhìn lại gia đình vợ con thấy thương vô cùng. Nhưng có lẽ số tôi còn nặng nợ với chuyện vượt biên nên một cơ hội lại đến…

Anh Tuấn, anh vợ của bạn tôi và cũng là người tổ chức đã cho tôi đi trong chuyến trước, một hôm ghé ngang qua chỗ tôi ngồi bơm quẹt gas. Anh hẹn tôi ở một quán cà phê vào buổi chiều và hỏi tôi có muốn làm công nhân viên cho một hợp tác xã không? Hợp tác xã này ở Rạch Giá chuyên chở mướn hợp đồng với Cục Đường Sông. Vì anh là người tồ chức vượt biên trước đây nên khi tôi nghe đề cập tới chuyện có liên quan tới ghe cộ như thế này, tôi nghĩ ngay là anh đang tính tổ chức một chuyện vượt biên nữa. Tôi hỏi thẳng anh điều này? Ban đầu anh tìm cách nói quanh co không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Nhưng cuối cùng cũng xác nhận là: "Đúng! Anh đang tổ chức làm một chuyến nữa". Anh định đến khi nào thuận tiện mới thố lộ với tôi, nhưng nay tôi đã hỏi thì anh cũng có thể cho tôi biết ngay. Tôi hỏi anh tại sao lại nghĩ đến tôi trong việc này. Anh trả lời là anh cần một người tin tưởng để đi áp tải theo ghe trong khi chuyên chở hàng hóa hợp đồng với nhà nước cho đến ngày "đánh" mà không biết phải giao chuyện này cho ai? Anh nghĩ tới tôi vì mấy lý do sau:

1/Tôi là bạn thân của Thịnh, em vợ của anh và cũng là người đã giới thiệu tôi với anh.
2/Tôi và anh đã biết nhau từ khi còn học ở Đại Học Vạn Hạnh.
3/Tôi đã tham gia trong chuyến vượt biên không thành ở Nhà Bè trước đây do anh tổ chức. ( Xin xem lại Chuyến Vượt Biên Thứ Năm)

Nếu nhận lời, tôi sẽ mang danh nghĩa là nhân viên của hợp tác xã và cũng lảnh lương đàng hoàng như một công nhân thực thụ, vì thế tôi sẽ không bị ảnh hưởng thu nhập nếu bỏ việc làm bơm quẹt gas . Công việc này hoàn toàn hợp pháp và chiếc ghe vẫn sinh hoạt bình thường. Anh không hoàn toàn nói rõ ra, nhưng tôi biết việc anh nhờ tôi như là một hình thức giữ ghe và kiểm soát tài công người địa phương vì anh sợ bị "tiêu lòn" lấy ghe đi mất. Chuyện này đã có người bị rồi. Nếu tôi nhận lời giúp anh chuyện này thì đổi lại, tôi và gia đình sẽ được đi không tốn tiền.

Trong bụng đã tính không nghĩ tới chuyện này nữa, nhưng khi cơ hội tới thì tôi lại bị chao đảo, khó mà nói lời từ chối ngay được! Thật đúng là mâu thuẩn! Hơn nữa, lần này anh lại cho cả vợ chồng và hai đứa con tôi cùng tham dự. Đây quả là một cơ hội quá lớn! Nên nhớ rằng vào lúc đó, biết bao nhiêu người muốn đi vượt biên. Thậm chí có tiền muốn đi mà không biết đường dây tổ chức nào tin tưởng… Vì thế ở vào trường hợp của tôi ngồi một chỗ mà có người đến rủ rê cho cả gia đình đi không tốn tiền thì phải nói khó mà bỏ qua cơ hội này lắm. Tôi nói với anh Tuấn cho tôi mấy ngày suy nghĩ và bàn với gia đình rồi trả lời anh sau.

Khi tôi bàn với vợ tôi chuyện này thì bà xã tôi cũng nôn nao lắm. Vì mấy lần trước chỉ có hai cha con tôi tham gia, vợ tôi và đứa con gái ở nhà. Tâm trạng của người đàn bà lúc bấy giờ làm sao không khỏi lo lắng. Phần thì lo không biết cha con chúng tôi trên đường đi có gặp chuyện gì không… phần lo nếu cha con chúng tôi đi thành công thì biết bao giờ vợ chồng con cái mới có cơ hội trùng phùng lại được?? Hay sẽ là một cuộc chia ly vĩnh viễn… Mỗi khi hai cha con tôi thất bại trở về; ngoài việc thất vọng ra, vợ tôi chắc cũng mừng thầm là vẫn còn gặp được cha con chúng tôi… Tôi nghĩ rằng bất cứ ai ở vào hoàn cảnh như vậy đều có cùng tâm trạng mâu thuẩn xung đột như thế cả. Nay đột nhiên có một cơ hội cho cả gia đình cùng đi, bảo sao vợ tôi không nôn nao, vui mừng cho được. Thành công hay không chưa biết được. Tuy nhiên nếu gia đình 4 người cùng đi chung với nhau, còn hơn là cảnh người đi, kẻ ở như mấy lần trước… Chúng tôi bàn bạc và quyết ý tham gia chuyến này.

Mấy ngày sau tôi trả lời cho anh Tuấn biết là tôi đồng ý.

Theo như lời anh Tuấn cho tôi biết thì chuyến này anh sẽ rút toàn bộ kể cả gia đình anh cũng tham gia, nên anh chuẩn bị kỷ lưởng lắm. Anh mua chiếc ghe này với máy chính là máy F10, sức kéo không mạnh lắm. Anh đã cho sửa sang nó lại để làm máy phụ và thay vào đó bằng một máy 2 blocks đầu xanh. Hiện nay ghe đã sửa xong và sắp xuất xưởng. Theo kế hoạch thì sau khi xuất xưởng ghe sẽ tiếp tục chở hàng hợp đồng với nhà nước trên danh nghĩa của một hợp tác xã. Như đã nói ở phần trên, nhiệm vụ của tôi sẽ là công nhân làm việc cho hợp tác xã, đi theo ghe áp tải hàng hóa, bàn giao, ký nhận… Tài công lái ghe là người địa phương đã có sẵn.

Tôi hỏi anh bao giờ chuyến vượt biên sẽ bắt đầu và tôi phải đi theo ghe như vậy trong bao lâu?? Anh cho biết số khách đi đã có rồi. Sau khi tôi xuống dưới đâu đó xong xuôi, nếu mọi chuyện đúng theo như kế hoạch không có gì trở ngại thì anh sẽ tiếp tục lo việc bến bãi và cuối cùng là chuyển quân xuống ếm rồi "đánh" luôn... Tôi cứ yên tâm theo ghe. Anh không thể nói trước là bao giờ sẽ "đánh", chỉ cho tôi biết anh cũng muốn thực hiện càng sớm càng tốt và hy vọng mọi chuyện êm xuôi thì có thể khoảng 3 tuần đến một tháng là xong. Bao giờ gần đến lúc anh sẽ cho tôi biết để sắp xếp đưa vợ con tôi xuống. Nghe anh nói sao thì tôi cũng chỉ biết thế thôi, chứ có hỏi nữa anh cũng không bao giờ tiết lộ hết sự thật. Tuy biết thời gian theo ghe hứa hẹn nhiều diễn biến chưa biết được, nhưng khi đã quyết định rồi thì không còn đường lựa chọn nữa, cứ mặc kệ muốn tới đâu thì tới. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho mọi việc suông sẻ tốt đẹp, còn lại thì cứ phó mặc cho số Trời! Vợ chồng tôi bàn tới tính lui cũng chẳng được gì. Vả lại từ trước tới giờ việc vượt biên có bao giờ đơn giản, dễ dàng như mình nghĩ đâu ?

*******

Độ 1 tuần sau, anh Tuấn đưa cho tôi một giấy chứng nhận là nhân viên Hợp Tác Xã có tên là Tiến Phát, chuyên chở hợp đồng cho Cục Đường Sông. Tôi được chính anh Tuấn đưa xuống thị xã Vị Thanh theo như kế hoạch đã định trước. Khi xuống tới nơi thì trời đã sụp tối. Anh đưa tôi vào nhà một người đàn ông trung niên mà anh gọi là chú Danh mà sau này tôi biết là người chịu trách nhiệm về vấn đề đưa đón khách bằng ghe nhỏ ra ghe lớn. Anh bảo tôi ở lại nhà chú Danh còn anh thì phải đi gặp mấy người khác và sẽ nghĩ đêm ở chỗ khác.

Tôi được đưa vào một căn nhà nhỏ vách đất ở sâu phía sau một mảnh vườn rộng có ao nuôi cá. Đây là chỗ chủ nhà sử dụng làm nơi nấu rượu bán. Nằm trong căn nhà nấu rượu này khá an toàn, vì theo lời chú Danh thì ngoài vợ chồng chú ra không ai ra tới nhà nấu rượu này cả. Tuy nhiên nằm đây ngửi mùi hèm chua lè xông lên thật khó chịu. Đã vậy mấy con heo ở chuồng phía sau nhà nấu rượu cứ kêu ục ịch cả đêm làm tôi không thể nào ngủ được.

Mới tờ mờ sáng sớm hôm sau anh Tuấn đã đến đưa tôi ra bến đò thị xã Vị Thanh và giới thiệu tôi với Mạnh, tài công của ghe. Theo lời anh Tuấn nói với tôi lúc còn ở Saigon thì Mạnh hoàn toàn không biết gì về chuyện vượt biên cả. Anh ta làm tài công từ người chủ trước và rất rành việc, nên dự định sau khi thay máy 2 blocks đầu xanh xong, anh Tuấn giữ Mạnh lại để tiếp tục chuyên chở cho hợp đồng, như vậy sẽ tránh được sự nghi ngờ. Còn tài công cho chuyến vượt biên thì anh Tuấn đã có sẵn rồi, gần đến ngày "đánh" mới đưa xuống.

Chúng tôi đón xe lôi đi đến ụ sửa chữa ghe cách bến đò cũng khá xa. Sau khi hoàn tất thủ tục và thanh toán tiền bạc đâu đó, chiếc ghe rời ụ sửa chữa. Đây là một chiếc ghe dài khoảng 10 mét rưỡi, ngang khoảng 3 mét, là một loại ghe chở hàng trên đường sông, nhưng đã được sửa mũi ghe cao hơn mà người ta hay gọi là mũi Thái Lan để có thể rẻ và nhồi sóng. Nhìn dáng vẻ chiếc ghe mới vừa tân trang xong thấy cũng "mát" con mắt lắm. Một mình Mạnh đưa ghe về lại bến đò Vị Thanh nằm chờ, còn anh Tuấn và tôi ra đón xe đò về Rạch Giá, sau đó đi ngay đến văn phòng Hợp Tác Xã Tiến Phát. Tại đây anh Tuấn giới thiệu tôi với những người đang có mặt ở Hợp Tác Xã như là một nhân viên mới. Thật tình tôi không biết rõ vai trò của anh Tuấn là gì đối với hợp tác xã này, nhưng nhận thấy mọi người ở đây có vẻ nể trọng anh ta lắm. Khi anh giới thiệu tôi với mấy người đang có mặt nơi đó, không ai thắc mắc gì về tôi cả. Anh Tuấn vào phòng trong nói chuyện với một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi trông có vẻ là người điều hành Hợp Tác Xã này một lúc khá lâu (Tôi có được giới thiệu nhưng không nhớ tên ông này). Sau đó hai người đi ra đưa cho tôi giấy tờ hợp đồng cho chuyến chở hàng sắp tới. Người đàn ông còn đưa tôi số điện thoại của hợp tác xã để tiện việc liên lạc khi cần. Đâu đó xong xuôi anh Tuấn vội vả ra bến xe trở về Cần Thơ , rồi từ đây sẽ đón chuyến xe chót đi tiếp về Saigon ngay trong ngày. Còn tôi thì cũng trở ngược lại thị xã Vị Thanh, cùng Mạnh ở trên ghe chờ 3 ngày sau sẽ nhận hàng đi giao.

*******

Qua ngày kế tiếp không có chuyện gì xảy ra. Mạnh và tôi thả bộ lên chợ mua đồ về ghe nấu ăn rồi cứ nghêu ngao cho hết thì giờ. Mọi chuyện có vẻ thông suốt. Nhưng đúng là chuyện bất trắc không thể nào lường trước được. Đêm hôm sau đang ngủ trên ghe thì Công An xuống xét ghe. Mạnh và tôi trình giấy tờ đầy đủ. Lẻ ra thì mọi chuyện cũng êm xuôi. Tên công an xem xét giấy tờ ghe và giấy tờ tùy thân của chúng tôi xong thấy mọi thứ đều hợp lệ. Hắn đang tính trả lại giấy tờ cho chúng tôi thì một tên công an khác bên cạnh chợt ngăn lại và cầm giấy tờ rọi đèn pin lên đọc, sau đó hỏi:

-Ai là tài công của ghe này? Chủ ghe đâu?
Mạnh trả lời:
-Tôi là tài công. Chủ ghe hiện ở Rạch Giá.
-Chiếc ghe này mới sửa chữa xong phải không?
Mạnh trả lời:
-Dạ phải?
-Nó bị hư gì mà phải sửa?
-Máy cũ quá chạy hư hoài. Khi chạy được thì kéo yếu quá.
-Giấy tờ sửa chữa đâu? Đưa ra coi.
Mạnh lục giấy tờ ra đưa cho tên công an. Sau khi đọc tới đọc lui. Mấy tên công an xuống phòng máy xem xét. Một lúc sau hai tên trở lên:
-Anh nói ghe bị hư máy nên sửa, nhưng tại sao lại thay máy mới?
-Dạ cái đó thì tui không biết? Hợp tác xã hợp đồng sửa máy thế nào, chi tiết ra sao? Tui là tài công thôi, đâu có biết?..
- Mỗi khi thay máy mới, phải có giấy tờ xin phép và đăng ký máy mới. Anh đưa giấy tờ đó xem.
Mạnh trả lời:
-Tôi không nghe biết chuyện này. Hợp tác xã làm giấy tờ sửa chữa, thay máy, tôi không được rõ. Mấy anh cứ liên lạc hỏi ngay hợp tác xã.

Tên công an quay qua tôi:
-Anh là đại diện cho Hợp Tác Xã, anh có biết không?
Trong bụng tôi nghĩ thầm là không xong rồi, nhưng cũng cứ tỉnh bơ nói:
-Mấy chuyện máy móc ghe cộ sửa chữa, đâu phải chuyện của tui. Tui chỉ là nhân viên theo ghe giao và nhận hàng chuyên chở cho hợp tác xã thôi, làm gì biết tới mấy chuyện đó.
-Được rồi. Mấy anh báo lại với hợp tác xã cho người xuống làm việc với chúng tôi. Giấy tờ ghe chúng tôi tạm thời giữ lại. Sau khi làm việc xong, chúng tôi sẽ trả lại.
Mấy tên công an trả lại giấy chứng nhận công nhân Hợp Tác Xã đang công tác hợp đồng với cục đường sông của tôi và giấy tờ tùy thân của Mạnh, chỉ giữ lại giấy tờ ghe và đưa cho chúng tôi một biên nhận, xong xuôi chúng bỏ đi mất.

Chúng tôi biết mấy tên công an này muốn kiếm chuyện làm tiền. Mạnh thì không lo lắng gì nhiều ngoài việc than phiền nếu ghe nằm lâu không chở hàng thì anh ta chỉ lảnh lương căn bản thôi. Chỉ có khi ghe chuyên chở hàng thì Mạnh mới được lảnh thêm tiền huê hồng cho từng chuyến… Anh ta cứ càm ràm là ghe nằm ụ sửa chữa lâu quá không có tiền, nay ghe đã sửa xong mà chưa gì đã bị trục trặc này thì tiền đâu gởi cho vợ con… Còn tôi thì lại lo rầu về dự tính vượt biên vì chuyện này sẽ bị trở ngại. Cũng may là tụi công an không bắt giữ tôi và Mạnh, bằng không thì còn mệt nữa. Có tịch thì giật mình. Mặc dù giấy tờ anh Tuấn đưa cho tôi khi còn ở Saigon, chứng nhận tôi là nhân viên của hợp tác xã là giấy tờ hợp lệ, nhưng tụi công an này đến hồi nó muốn bắt giữ luôn tôi thì cũng làm gì được nó… ngoài ra mấy tên công an này đã thắc mắc chuyện ghe thay máy khác chứng tỏ tụi nó cũng đã nghi ngờ rồi. Vì thế bằng mọi cách tôi phải rời khỏi chỗ này ngày mai. Tôi nói với Mạnh:
-Điệu này sáng mai tôi phải về báo ngay cho Hợp tác Xã biết để họ tính.
Mạnh nói:
-Mai anh ra bưu điện thị xã gọi điện thoại cũng được, đâu cần phải về.
Tôi tìm cớ nói:
-Đằng nào không có giấy tờ, ghe cũng phải nằm đây chờ. Tôi có ở đây cũng chẳng làm được gì. Tôi về cho hợp tác xã biết nhân tiện ghé nhà luôn, chứ nằm đây cũng đâu làm gì được.

Thế là trời mới vừa hừng sáng tôi ra bến xe dọt ngay về Cần Thơ, từ đây đón xe đò đi tiếp ngay về Saigon báo lại cho anh Tuấn biết. Khi tôi báo chuyện Công An giữ giấy tờ ghe, anh Tuấn lo lắm, anh không thể trực tiếp đi xuống được. Tôi không rõ anh sẽ giải quyết thế nào về chuyện giấy tờ ghe bị giữ, anh không nói cho tôi biết, cứ bảo tôi về nhà chờ, có gì anh sẽ cho hay. Sau đó khoảng hơn một tuần, tôi gặp lại anhTuấn khi đang đi xe đạp trên đường Lê Văn Sỹ, anh cho biết là ghe bị giữ luôn, đang tìm người xuống lo lót cho bọn công an để lấy lại ghe rồi mới tính được. Kể từ đó, không thấy anh ghé đến chỗ tôi bơm gas nữa. Như vậy dự tính vượt biên của tôi trong chuyến thứ sáu này chưa đi tới đâu đã gặp trục trặc và coi như chìm xuồng luôn.

Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn , cuối tháng 4 năm 2008

LÊ DIỄN ĐỨC *TRÍ THỨC HỒNG KÔNG

Sinh viên, ngọn lửa cách mạng của trí thức trẻ


Lê Diễn Đức

Sinh viên Hongkong bãi khoá, biểu tình trong ngày 22 tháng 9 năm 2014
 
Vào ngày 31 tháng 10 năm 1967 cuộc biểu tình của sinh viên ở Prague đòi loại bỏ các nhà lãnh đạo ngày càng không được lòng dân của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã bị đàn áp tàn bạo.
 
Tháng 01 năm 1968, ông Alexander Dubcek trở thành Bí thư thứ nhất chi nhánh Slovak bắt đầu một quá trình cải cách đã đi vào lịch sử với tên gọi của Mùa xuân Prague.
 
Trong những tháng tiếp theo, những người biểu tình yêu cầu bãi bỏ kiểm duyệt, cho phép thành lập tổ chức độc lập, tự do hóa chính sách đối với các nhà thờ, dần dần sẽ đưa quy tắc dân chủ vào nội bộ đảng, chuẩn bị một nhà nước liên bang...
 
Mùa xuân Prague bị dập tắt bởi sự can thiệp quân sự của các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw. Các cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện của quân đội Xô Viết đã bị đàn áp dã man. Biểu tượng của cuộc biểu tình chống lại cuộc xâm lược này là vụ tự thiêu của Jan Palach, sinh viên tại Đại học Charles ở Prague, vào ngày 16 tháng 01 năm 1969. Tang lễ Palach trong ngày 25 tháng 01 đã trở thành một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của khoảng 100 ngàn người.
 
Cảm hứng từ Mùa xuân Prague, tháng 3 năm 1968 sinh viên Ba Lan từ các thành phố Warsaw, Gdansk, Krakow, Lodz và Poznan đã tổ chức biểu tình đòi cải cách chính trị. Cuộc biểu tình cũng bị công an đàn áp tàn nhẫn.
 
Những người biểu tình mình đã hy vọng mờ nhạt về sự khắc phục các giả định của hệ thống cộng sản và cũng muốn qua việc biểu tình sẽ thay đổi ý thức của giới trí thức trẻ Ba Lan. Nhiều sinh viên sinh viên tham gia bị nhà cầm quyền bắt giữ là những người năng động nhất trong năm 1980, khi họ tham gia thành lập các cơ sở của "Công đoàn Đoàn kết" và trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào xã hội này như Jacek Kuron, Adam Michnik...
 
Trong thập niên 80 sinh viên Ba Lan phát động phong trào “Orange Alternative” (Pomarańczowa Alternatywa) tức là "lựa chọn màu cam" qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt, với mục đich chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw.
 
Những hoạt động tích cực của sinh viên Ba Lan đã đặt nền móng cho một cuộc cách mạng dân chủ mùa Thu năm 1989 xoá bỏ chế độ cộng sản.
 
Vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, các cuộc biểu tình của sinh viên Miến Điện lan rộng khắp đất nước, thu hút sự ủng hộ của các tu sĩ, công nhân, trí thức và thành viên của tất cả các nhóm dân tộc và tầng lớp xã hội. Cuộc biểu tình đã kéo dài thành một cuộc đình công 5 ngày, đã bị chính quyền quân sự dìm trong biển máu với khoảng ba ngàn người thiệt mạng (chính quyền Miến Điện đưa ra con số khoảng 350 người). Sinh viên đã bày tỏ sự ghê tởm của họ với chính sách kinh tế, chính trị và tiền tệ thù địch của chính quyền quân sự được lãnh đạo bởi tướng Ne Win.
 
Sự đàn áp và cảnh máu của những người dân lương thiện bị đổ xuống đã thúc đẩy bà Aung San Suu Kyi lúc bấy giờ từ Anh quốc về nước lo cho mẹ già, ở lại và lần đầu tiên bước vào vũ đài chính trị, trở thành một biểu tượng của nền dân chủ và tự do không chỉ là của Miến Điện, mà còn phần còn lại của thế giới.
 
Giờ đây, khi Miên Điện đang chuyển mình, bắt đầu những bước đi thay đổi cho lộ trình dân chủ, tại trung tâm Prague và trên toàn thế giới vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 đã kỷ niệm 25 năm biến cố được gọi là "8888", để tôn vinh nạn nhân trong quá khứ và hiện tại của chế độ độc tài Miến Điện.
 
Ngay trong ngày Ba Lan tổ chức cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, ngày 04 tháng 6 năm 1989, trên quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, đã diễn ra một trong những vụ thảm sát khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn sinh viên đòi cải cách chính trị, dân chủ trong đời sống công cộng và chống sự gia tăng tham nhũng, đã bị quân đội Trung Quốc sử dụng xe tăng đàn áp. Những ước tính về con số thiệt mạng khác nhau: 4000-8000 (CIA), 2600 (Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc)  và có nguồn khác chưa được xác định khác là 5 ngàn. Số người bị thương từ 7 ngàn đến 10 ngàn người.
 
Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày 4 tháng 6, hàng chục ngàn, có khi tới hàng trăm ngàn người Hoa ở Hongkong tập trung mít tinh, đốt nến tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát này. Nhiều sinh viên tham gia cuộc biểu tình trở thành những nhà hoạt động đối lập.
 
Và cũng tại Hongkong, 25 năm sau, ngày 22 tháng 9 năm 2014, sinh viên Hong Kong bắt đầu một tuần bãi khóa với quy mô lớn để phản đối lập trường của chính phủ trung ương Trung Quốc trong việc cải cách bầu cử ở đặc khu hành chính này.
 
Có 24 trường đại học tổng hợp, bách khoa và trung học Hongkong tham gia bãi khóa. Tờ Bưu điện Hoa Nam cho hay, khoảng 400 học giả và nhân sự không giảng dạy ở các trường học cũng bãi công để ủng hộ học sinh sinh viên. Đây chỉ mới là màn dạo đầu cho một cuộc biểu tình rầm rộ hơn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày o1 tháng 10 tới do phong trào Occupy Central tổ chức.
 
Sinh viên cáo buộc Trung Quốc phản bội lời hứa về việc trao thêm quyền dân chủ cho Hongkong trong vòng 50 năm tiếp theo, sau khi Anh quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Họ đòi hỏi phải cho cư dân Hong Kong được quyền tự do ứng cử, thay vì Bắc Kinh tự đưa ra danh sách các ứng cử viên.
 
Trong cao trào này nổi bật lên khuôn mặt trẻ trung Joshua Wong.
 
Tháng 6 năm 2011, khi mới 14 tuổi, Joshua Wong đã thành lập phong trào "Scholarism"chống lại việc bắt buộc các trường tiểu học Hongkong từ 2015 đưa vào giảng dạy “Mô hình Trung Quốc”, bao gồm chào cờ Trung Quốc, học lịch sử nói về tính ưu việt của chính quyền Trung Quốc, "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội"...  Cha của Joshua Wong, người từng chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản hàng chục năm về trước, và những người Hongkong khác đã phẫn nộ khi thấy trong sách giáo khoa sử sắp tới không hề nhắc đến những biến cố to lớn tại Trung Quốc như Cách Mạng Văn Hóa 1966 -1976, hay thảm sát Thiên An Môn 1989.
 
"Scholarism" đã thu thập được 20 ngàn chữ ký cho kiến nghị hủy bỏ sách giáo khoa này. Nhà cầm quyền Trung Quốc gọi Joshua Wong và bạn bè là những kẻ đấu tranh cực đoan, những phần tử nổi loạn tuổi teen.
 
"Chương trình giáo dục quốc dân muốn bồi dưỡng lòng yêu nước mù quáng trong giới sinh viên. Chúng tôi lo ngại rằng nhiều sinh viên sẽ bị tẩy não", "Chúng tôi chỉ không muốn nhìn thấy thế hệ tiếp theo của mình mất tự do và trở thành những con rối ", Joshua Wong nói.
 
Theo báo chí quốc tế, sinh viên đã vấp phải những phản ứng quyết liệt đầu tiên từ phía nhà cầm quyền. Bưu điện Hồng Kông từ chối gửi truyền đơn kêu gọi bãi khóa, trong khi một loạt trường học đe dọa sẽ hạ điểm hạnh kiểm nếu học sinh, sinh viên bỏ học.
 
Vì tính chất đặc biệt về quản lý hành chính của Hongkong, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ khó có thể cho một "Thiên An Môn" tái hiện trong ngày 01 tháng 10 năm 2014.
 
Hơn nữa, nhận rõ cuộc vận động của sinh viên là một hoạt động dân sự ôn hoà dường như đã thấm vào máu của người Hongkong, Joshua Wong đã thẳng thắn nói rằng: "Nếu quân đội kéo đến, tất cả chúng tôi sẽ đi về nhà. . . chúng tôi không muốn nhìn thấy đổ máu".
 
Cuộc tranh đấu của sinh viên dù có thành công hay không cũng sẽ là ngọn lửa cách mạng đầu tiên nung nấu, biểu hiện sự đoàn kết, nguyện vọng chung của xã hội. Đây là một sự thách thức lớn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc.
 
Sinh viên là giới trí thức trẻ, sôi nổi, cầu tiến và luôn có khao khát tự do, dân chủ, những giá trị mà họ nhìn nhận khi đi ra thế giới bên ngoài.
 
Tinh thần của sinh viên Hongkong khác hoàn toàn với sinh viên Việt Nam. Một ví dụ điển hình nhất có thể nêu ra. Khi Nguyễn Thị Phương Uyên bị bắt, 109 sinh viên của trường đại học thực phẩm đồng ký đơn gửi lên Chủ tịch nước đòi trả tự do cho cô, nhưng sau đó đã nhanh chóng phủ nhận, hoặc rút tên vì bị đe doạ đuổi học. Họ sống trong sợ hãi, cũng như đa số còn lại bị tẩy não, bị thuần phục trong cái lò giáo dục dối trá.
 
Khi sinh viên, lực lượng trí thức tương lai của xã hội, có điều kiện tiếp cận thông tin và hiểu biết mà vô cảm với chính trị, chưa nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi thể chế để lành mạnh hoá đời sống, thì khó hy vọng gì về một tiến trình dân chủ cho Việt Nam.
 
© Lê Diễn Đức
 
 

CÁNH CÒ * MÃNH THÚ MẮC XƯƠNG

Khi mãnh thú mắc xương...


Câu chuyện không xảy ra trong sở thú hay rừng rậm Phi châu mà tại một thủ đô tài chánh của châu Á: Hong Kong.
Mãnh thú không phải là cọp, beo hay sư tử mà là một lãnh tụ đang làm hàng tỷ người run sợ: Tập Cận Bình. 
Khác với đại lục, mảnh đất Hong Kong với 7 triệu dân, nhưng ít nhất tính tới lúc này hàng chục ngàn người không biết run sợ trước sức mạnh của con người được xem là quyết đoán nhất hành tinh. Mạnh mẽ và cực đoan trong sứ mạng giữ vững vai trò kẻ thống trị và nhất là không ngại ngùng thanh trừng đối thủ nếu ông ta cảm thấy cản trở bước tiến của mình. 
Ruồi hay hổ gì cũng phải nể sợ ông ta vì không biết được lúc nào trong một hôm đẹp trời nào đó, công an gõ cửa dẫn đi vì một lý do rất được lòng dân chúng: tham nhũng.
Nhưng một chú bé 17 tuổi không hề biết sợ con mãnh thú ấy. Cậu không sợ mà còn dẫn dắt bạn bè cùng trang lứa không sợ hãi, và sau cùng hàng chục ngàn đồng hương của cậu đứng lên nói tiếng "không" với chính sách đảng cử dân bầu đối với dân chúng Hong Kong. Chàng thanh niên nhỏ thó ấy chính là Joshua Wong, hai lần khiến Hong Kong nỗi cơn thịnh nộ. 
Lần thứ nhất, lúc ấy vừa 15 tuổi, chàng trai nhỏ bé này vận động một đám đông khổng lồ chống lại chính sách giáo dục nhồi sọ của Bắc Kinh muốn áp đặt lên nền giáo dục Hong Kong vốn nhắm tới trí thức và sự thịnh vượng để thay vào đó là khẩu hiệu ca tụng đảng, ca tụng đại lục.
Với hàng trăm ngàn người biểu tình bất bạo động chống lại nghị quyết đem nước mẹ Trung Quốc vào các ngôi trường tiểu học Hong Kong khiến chính quyền đặc khu hành chánh phải nhượng bộ và Bắc Kinh ê mặt vì không thể áp đặt lên xứ này những viên gạch đầu tiên xây ngôi nhà tù ý thức hệ.
Sau khi thành công, Joshua Wong bình thản tiếp tục học hành, thi cử như mọi thanh niên khác nhưng đôi mắt của anh mở to theo dõi từng động thái của chính quyền. Tai anh lắng nghe tiếng thầm thì lo lắng của người chung quanh về viễn cảnh người Hong Kong sẽ phải mất hẳn quyền phổ thông đầu phiếu, cái quyền căn bản của một thể chế dân chủ mà người dân Hong Kong đã sống cùng ngót cả trăm năm. 
Nghe, thấy, để rồi phản ứng với những chính sách mà Bắc Kinh áp đặt lên cho người dân Hong Kong và sau cùng trở thành dòng chảy của tuổi trẻ Hong Kong cuốn phăng mọi sợ hãi về đảng cộng sản Trung Quốc mà Tập Cận Bình là tân hoàng đế.
Từ lúc lên ngôi cho tới hôm nay, có lẽ người làm cho ông Tập khó ngủ nhất là Joshua Wong bởi những yếu tố mà một lãnh tụ cùng với bao nhiêu chuyên gia chính trị hiến kế cũng thua một cậu thanh niên 17 tuổi.
Sức mạnh nào từ Joshua Wong có khả năng rúng động Đảng cộng sản Trung Quốc như vậy? 
Trước và trên hết: anh còn quá trẻ. Trẻ đến nỗi tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh không thể nào vu khoát cho anh bất cứ sự chụp mũ nào như thường thấy. Anh trong veo và thông minh. Anh can đảm và dịu dàng. Anh không có bất cứ một kêu gọi bạo động nào và luôn chủ trương tuyệt đối bất bạo động, tuyệt đối tránh cho chính quyền khó xử và vì vậy kêu gọi bạn bè né tránh tất cả những hành động dù vô tình nhất có thể gây bất mãn cho người thi hành công vụ. Anh lấy được trái tim của cảnh sát cũng như lực lượng chống biểu tình, đẩy họ trở về nơi xuất phát mà không bị một chỉ huy nào phê phán hay kỷ luật.
Những trái đạn hơi cay bắn ra như làm bổn phận một cách miễn cưỡng và hình ảnh cảnh sát vội vã lấy nước rửa mắt cho một người biểu tình trúng hơi cay đã làm Joshua Wong sáng rực thêm giữa biển người tràn ngập đường phố. 
Joshua Wong: nỗi ám ảnh của con mãnh thú Tập Cận Bình.
Quân đội Trung Quốc tràn xuống Hong Kong ư? Không còn gì dễ bằng. Tuy nhiên tràn xuống rồi...sao nữa? bắt anh ta? Hong Kong đã làm rồi và chính một chánh án đã ra lệnh thả anh ra vì không đủ cơ sở ghép tội. Chánh án Hong Kong được đào tạo dưới cán cân công lý chứ không phải dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc quang vinh. Quân đội nhân dân Trung Quốc muốn thì cứ bắt, cứ đàn áp nhưng khó một điều: cảnh sát và chính quyền đặc khu không thể nhắm mắt bịt tai cộng tác để nướng người dân của mình.
Hong Kong cũng không đủ nhà tù để nhốt bằng ấy con người.
Bên cạnh đó không có nhà giam nào thoát khỏi đôi mắt dư luận thế giới khi liều lĩnh nhốt chàng thanh niên 17 tuổi chỉ có một tội duy nhất là đòi hỏi Hong Kong được quyền bầu cử người lãnh đạo trong tinh thần dân chủ. 
Nếu Tập Cận Bình không thể giải tán cuộc biểu tình ngày một lớn của sinh viên học sinh và người dân Hong Kong, Trung Quốc sẽ lâm vào thế domino đe dọa sự chuyên chính của đảng cộng sản và từ đó một nguy cơ đổ vỡ lớn lao hơn cho toàn hệ thống.
Nếu đủ đảm lược và tàn nhẫn để làm một Thiên An Môn thứ hai, họ Tập sẽ bị thế giới nguyền rủa. Anh quốc, Hoa Kỳ cùng hàng trăm nước khác sẽ vào cuộc vì thế giới không thể chấp nhận một Thiên An Môn nữa khi mà chàng trai "tank man" vẫn còn ám ảnh lương tâm nhân loại.
Hai hình ảnh trước mắt không những làm cho mãnh thú Tập Cận Bình gầm rống trên ngai vàng mà còn khiến toàn hệ thống đảng Cộng sản Trung Quốc lo âu, mất ngủ. Một chàng trai sức khỏe không đủ khuân một trăm ký lô lại có khả năng đè một phần tư thế giới dưới thân thể bé nhỏ của mình há chẳng phải thần kỳ hay sao? 
Rồi đây dù Bắc Kinh đưa ra giải pháp tạm thời nhượng bộ để rồi sau đó lập lại bàn cờ mới có tính toán kỹ hơn thì người dân Hong Kong vẫn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng không ai hiểu người Trung Quốc hơn họ. Cùng ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo và văn hóa nhưng chỉ khác một từ dân chủ đã khiến 7 triệu con người không biết sợ là gì.
Chỉ có người Trung hoa mới có khả năng chống nhà cầm quyền đại hán. Đài Loan trước đây rồi Hong Kong sau này sẽ tiếp tục theo con đường ấy. Bài học Joshua Wong sẽ giúp nhiều nước nhận ra chân lý: kẻ mạnh nào cũng có gót chân Achilles, nếu biết tấn công sẽ làm nó ngã quỵ.

THẾ GIỚI TRĂM NĂM SAU



Thế giới 100 năm tới có gì lạ?

Thế kỷ XXI mới bắt đầu được 10 năm mà đã có bao nhiêu đại gia nói hoặc viết sách dự đoán về các sự việc lớn sẽ xảy ra trên thế giới trong 100 năm tới.

Cách đây ít lâu Vietnamnet đăng loạt bài giới thiệu sách Giấc mơ Trung Quốc [1], tác giả sách là Lưu Minh Phúc khẳng định trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ soán ngôi bá chủ thế giới của Mỹ. Mạng này cũng từng có bài giới thiệu cuốn Thế giới vừa nóng, vừa phẳng lại vừa chật chội [2] của Thomas Friedman, một cây bút 3 lần đoạt giải Pulitzer, đưa ra các dự báo đáng sợ về môi trường sống của loài người.

Mới đây Vietnamnet lại có bài viết về cuốn 100 năm tới của George Friedman [3], người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược STRATFOR, một think-tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược. Friedman là người gốc Do Thái ở Hungary theo gia đình di cư sang Mỹ khi mới 3 tuổi. Người ta thường nói dân Do Thái có trực giác nhạy bén, giỏi khái quát, giàu tưởng tượng, ít sa đà vào các chi tiết dễ gây lạc hướng, dám nghĩ tới những chuyện “trời ơi đất hỡi”.

Trên thế giới luôn có nhiều nhà dự báo tương lai, kể cả các nhà chiêm tinh. Không ít người đã dự báo về ngày tận thế của nhân loại. Kịch bản phim Năm 2012 được dựng trên cơ sở các dự đoán của nền văn minh Maya, một dân tộc giỏi thiên văn, khoa học, mấy nghìn năm trước đã tính toán chính xác một năm có 365,2420 ngày (nếu coi một năm có 365 ngày thì cứ 4 năm lại phải bù thêm 1 ngày, và sau vài trăm năm lại bớt đi một ngày...). Nền văn minh ấy để lại 2500 chữ khắc trên một bậc đá kim tự tháp hiện còn, cho biết lịch pháp Maya sẽ chấm dứt vào ngày đông chí 21/12/2012. Người ta suy ra đó sẽ là ngày tận thế của Trái Đất, gây ra bởi các tác động của thiên nhiên.

Trên báo The Australian hôm 21/06/2010, nhà khoa học tiến hoá Frank Fenner 95 tuổi nói nhân loại đã quá trễ trong việc tự cứu mình khỏi thảm hoạ diệt vong trong khoảng một thế kỷ tới, gây ra bởi nạn thiếu lương thực (do người đông quá và hiệu ứng nhà kính) và nạn tiêu xài hoang phí.

Nói chung ít người quan tâm tới các dự đoán quá xa xôi; nhưng khi đó là dự đoán của những bộ óc thông thái thì chớ nên bỏ qua, nhất là các dự đoán liên quan tới tương lai đất nước mình. Thí dụ Thomas Friedman nói về vấn đề nước biển dâng cao trong thế kỷ này, có lẽ người Việt Nam cần quan tâm ngay từ bây giờ nếu không muốn mất trắng hai vựa lúa nuôi sống cả dân tộc, bởi lẽ việc xây đập ngăn biển kiểu Hà Lan cần làm dần dần từ hàng dăm chục năm trước khi nước biển dâng cao (tuy nó không tốn nhiều tiền và xi măng như dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt!).

100 năm tới của George Friedman chỉ dự báo những vấn đề chiến lược, không đi vào chi tiết. Dự báo của ông khác tới mức ngạc nhiên với dự báo của nhiều người, nhưng không ai vội bác bỏ, vì họ biết ông là chủ nhân kho tàng đầy ắp thông tin chiến lược của STRATFOR. Cách dự báo độc đáo ấy khiến cuốn sách trở nên rất hấp dẫn.

Điều ngạc nhiên thứ nhất: dự báo về nước Mỹ

Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.

Dự báo ấy khác với quan điểm của Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger, Stephen Brooks, William Wohlforth hoặc của Martin Jacques (trong cuốn Khi Trung Quốc thống trị thế giới [4]), cũng như nhiều dự báo rất xấu về kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nó giội gáo nước lạnh lên những cái đầu phát sốt sau khi đọc sách của Lưu Minh Phúc cho rằng trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Dự báo của Friedman dựa trên quan điểm sự thực lịch sử và tình trạng địa-chính trị quyết định tất cả. Friedman nhận định: nước Mỹ đã xây dựng được một nền văn hoá và chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.

Sự thực là văn hoá Mỹ đang giữ vai trò dẫn đầu thế giới, có sức lan toả và chiếm lĩnh mạnh mẽ. Nhạc pop, vũ điệu rock and roll cũng như fastfood và CocaCola... được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng. Hollywood thống trị điện ảnh 5 châu. Truyền thông Mỹ dẫn đầu truyền thông thế giới. Văn hoá chính trị-tư tưởng của Mỹ rất phát triển, họ luôn có nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị học hàng đầu. KHKT và giáo dục đại học thì khỏi phải nói.

Tư tưởng dân chủ bình đẳng sinh ra ở châu Âu nhưng nảy mầm và thành cây lá sum sê trên đất Mỹ - khi châu Âu còn dưới ách phong kiến. Nền văn hóa lâu đời của Châu Âu đã sản sinh ra một đẳng cấp "Quí Tộc" cha truyền con nối, tự cho mình cái quyền độc quyền lãnh đạo xã hội. Về thực chất thứ văn hóa Châu Âu ấy đã đè nén và kìm chế con người, buộc con người phải nằm trong các khuôn phép giáo điều tự nguyện biến mình thành nô lệ. Vào thời những năm đầu của thế kỷ 16, 17 phần lớn những người di cư sang Mỹ đều là những kẻ, dưới quan điểm của giới "Quí Tộc", là những kẻ bất mãn bị xã hội ruồng bỏ, những người vô gia cư bị coi là hạ đẳng, và các phần tử bị coi là tội phạm hay phản động. Những con người này đến vùng đất mới châu Mỹ, họ đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Văn hóa của họ, tức nguyên lý sâu xa nhất chi phối suy nghĩ của con người, chỉ đơn giản là "tự lo", và cái nguyên lý ấy phát triển thành triết lý về "tự do" kiểu Mỹ sau này. Phạm trù tự do của Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên lý tự do hành động, chính vì thế thượng tầng kiến trúc của xã hội Mỹ đã phải đối diện với một phạm trù mới về quản trị nhân sự -- khi mà những yếu tố khống chế con người như: tôn giáo, ý thức hệ, truyền thống,... đã không còn. Phạm trù mới này đã nẩy nở thành hệ thống nhà nước pháp quyền và văn hóa quản trị tri thức - một hệ thống khái niệm về quản lý lao động tách rời nhân sự.

Hiến pháp Mỹ 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Nó dựa trên cơ sở tư tưởng dân chủ tư sản, đầu tiên dựng nên một quốc gia có đặc trưng là chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Cơ chế ấy bảo đảm dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền. Tuy chưa sang Mỹ nhưng Marx từng hết lời ca ngợi nước này. Trong bài “Hình thái ý thức của nước Đức”, Marx viết: “Thí dụ hoàn thiện nhất về quốc gia hiện đại là Bắc Mỹ.” Trong “Siêu hình học chính trị kinh tế học”, Marx gọi nước Mỹ là “quốc gia tiến bộ nhanh nhất tại Bắc Mỹ” [5]. Sức sống của mô hình chính quyền Mỹ thể hiện ở chỗ từ ngày lập quốc (1776) đến nay nước này chưa hề có đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ. Rất ít nước lớn nào có nền chính trị ổn định, được lòng dân lâu như vậy.

Dù từng phạm không ít sai lầm nhưng nước Mỹ đã đứng vững và chiến thắng trong hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng. Được như vậy trước hết là do cơ chế chính trị phát huy được vai trò làm chủ của toàn dân, họ phát hiện và bầu lên được những người lãnh đạo khôn ngoan phù hợp với xu thế từng thời đại. Nhờ thế chỉ sau 150 năm dựng nước, Mỹ đã trở thành siêu cường bá chủ thế giới.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nợ nhà nước và thâm hụt ngoại thương đem lại cảm giác kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ sụp đổ. Thế nhưng giờ đây họ vẫn sống đàng hoàng bằng núi tiền các nước khác tự nguyện cho vay. Châu Âu mới là kẻ chịu thiệt với đồng Euro có nguy cơ đổ sập. Cơ chế chính trị Mỹ có khả năng tự sửa đổi cho thích hợp hoàn cảnh, như chính sách Kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt, hoặc luật cải tổ tài chính Tổng thống Obama vừa trình Quốc hội đã và sẽ có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.

Trên lĩnh vực kinh tế, người Mỹ cũng dẫn đầu thế giới đưa ra nhiều sáng kiến vĩ đại. Thời gian 1863-1869 họ đã xây dựng xong tuyến đường sắt Thái Bình Dương 3000 km xuyên suốt Đông Tây, vừa góp phần quan trọng thống nhất đất nước, vừa giúp nhanh chóng phát triển kinh tế. Công trình này được đài BBC đánh giá là một trong 7 kỳ tích của lịch sử công nghiệp hoá thế giới và được dân Mỹ coi là biểu tượng thống nhất quốc gia (thời gian 1861-1865 Mỹ có nội chiến, đất nước chia rẽ sâu sắc). 30 năm sau, nước Nga mới bắt đầu làm đường sắt xuyên Siberia.

Thập niên 50 họ có sáng kiến xây dựng mạng xa lộ cao tốc nối tất cả các bang, các thành phố, khiến cho đất nước này trở nên vô cùng năng động, người dân tha hồ phóng xe đi khắp nơi tìm việc làm, khai thác tài nguyên.

Thập niên 90 họ đầu tiên đề xuất và triển khai xa lộ cao tốc thông tin (gồm hệ thống thông tin số và mạng thông tin internet), dẫn đầu thế giới tiến sang kỷ nguyên thông tin, nhờ đó nguồn tri thức tăng gấp bội, bảo đảm công nghệ cao phát triển như vũ bão.

Hai mạng xa lộ nói trên đã đem lại cho nước Mỹ sức mạnh bá chủ thế giới trong 50 năm qua.

Giờ đây George Friedman dự báo trong thế kỷ XXI Mỹ sẽ hoàn tất xây dựng xa lộ cao tốc năng lượng, năm 2080 nhà máy điện trên vũ trụ sẽ bắt đầu phát điện về cho trái đất sử dụng.

Nước Mỹ có ưu thế tốt nhất thế giới về địa lý. Đất rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, có nhiều con sông lớn thông thương được và những hồ nước ngọt khổng lồ. Hai đại dương quan trọng nhất bao bọc hai bên. Ngày nay tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã chuyển từ đại lục Âu Á sang giành giật quyền kiểm soát biển, mà về mặt này Mỹ có ưu thế vô địch, đã và đang kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, vì thế họ sẽ tiếp tục kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.

Friedman viết: trong 10-20 năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ sẽ gặp những thách thức nghiêm trọng, nhưng không nước nào có thể thay thế vị trí số 1 của Mỹ; thế giới vẫn lấy nước Mỹ làm trung tâm.

Mỹ tập hợp nguồn tài nguyên của Bắc Mỹ, kiểm soát các đại dương và vũ trụ, triển khai sức mạnh ở bất cứ nơi nào.

Mỹ tiến ra thế giới như năm xưa Anh Quốc tiến ra châu Âu. Cả hai nước này đều dựa vào kiểm soát biển để bảo vệ lợi ích của họ và hiểu rằng cách tốt nhất để tiếp tục kiểm soát biển là ngăn cản các nước khác xây dựng hải quân. Mục tiêu đầu tiên của Mỹ là ngăn cản sự xuất hiện một cường quốc có thể bá chủ lục địa Âu Á và bán đảo châu Âu.

Với sự tan rã của Liên Xô, sự hạn chế của Trung Quốc, sự chia rẽ của châu Âu, hiện nay nước Mỹ không gặp mối đe doạ nào. Cho nên Mỹ đang chuyển sang mục tiêu thứ hai là ngăn cản sự xuất hiện quốc gia bá quyền khu vực có thể trong một thời kỳ lâu dài lớn mạnh trở thành thành mối nguy hiểm với họ. Mỹ lập quan hệ tốt với Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn Nga vươn ra thế giới và giữ Trung Đông ổn định. Vòng cung bao vây Trung Quốc từ Alaska, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á đã hoàn tất. Mỹ khuyến khích sự bất ổn tại Trung Quốc bằng cách bán vũ khí cho Đài Loan, nêu vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng.

Điều ngạc nhiên thứ hai: dự báo về Trung Quốc và châu Âu

George Friedman không đánh giá cao vai trò của Trung Quốc và châu Âu trong thế kỷ XXI.

Lâu nay thế giới đã quen nói tới việc Trung Quốc năm 2030 sẽ vượt Mỹ về kinh tế, trở thành đối thủ lớn nhất thách thức Mỹ về mọi mặt, thế kỷ XXI sẽ không còn là của Mỹ mà là của Trung Quốc - quốc gia quán quân thế giới (từ của Lưu Minh Phúc).

Friedman cho rằng về địa lý, Trung Quốc của người Hán được bao bọc bởi 4 quốc gia đệm (buffer states) là Mãn Châu, Nội Mông Cổ, Tân Cương và Tây Tạng. Không có 4 cái đệm ấy, biên giới Trung Quốc sẽ lùi vào trong và trở nên dễ bị tấn công. Với 4 cái đệm này, Trung Quốc được an toàn, song chỉ còn là một hòn đảo cô đơn bị các lục địa bao quanh; núi rừng, dãy Himalaya, các đồng có Trung Á, và miền đất hoang Siberia bọc kín Trung Quốc về mọi hướng, trừ hướng biển.

Phần lớn dân Trung Quốc sống ở vùng trải dài vài nghìn dặm dọc ven biển Thái Bình Dương. Người đông nhưng thiều nguồn nước ngọt. Hầu hết khu công nghiệp nằm trong vùng vài trăm dặm dọc bờ biển. Theo số liệu của Trung Quốc, khoảng 65 triệu hộ dân có thu nhập trên 20000 USD/năm; 165 triệu hộ có thu nhập từ 2000 đến 20000 USD; hầu hết số nói trên sống trong vùng 100 dặm dọc bờ biển. 400 triệu hộ thu nhập từ 1000 đến 2000 USD, trong khi 670 triệu hộ thu nhập dưới 1000 USD. Trung Quốc là mảnh đất của nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo, nguyên nhân gây ra bất ổn nội bộ nước này. Đây là nguồn gốc khiến Trung Quốc khó trở thành cường quốc thế giới. Để đuổi kịp Mỹ về GDP, Trung Quốc cần tăng gấp ba quy mô nền kinh tế (nếu Mỹ đứng im). Kinh tế dựa vào xuất khẩu là một nhược điểm chí tử. Nếu kinh tế Mỹ suy thoái thì Trung Quốc cũng suy thoái theo. Gần đây người Trung Quốc nói nhiều về chuyện Mỹ là con nợ của họ, song trong khi kêu con nợ tiêu hoang thì chủ nợ lại cứ cho con nợ vay tiếp. Nhiều quân sư Trung Quốc hiến kế chính phủ họ bán tháo công trái Mỹ và gây sức ép về quân sự ... nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua công trái Mỹ, dù có đại biểu Quốc hội đã đề nghị chia đều lượng ngoại tệ dự trữ cho toàn dân.

George Friedman nói Trung Quốc còn yếu kém về quân sự. Quân đội họ chỉ là lực lượng bảo vệ an ninh trong nước. Khả năng triển khai sức mạnh bị hạn chế bởi các rào cản thiên nhiên. Hải quân họ chủ yếu đang trong giai đoạn chuẩn bị [6] và chẳng thể đe doạ nghiêm trọng Mỹ (tuy báo mạng Trung Quốc thường xuyên khoe nước này lúc nào cũng có 2 tàu ngầm nằm sát Mỹ). Để giải quyết các vấn đề ấy Trung Quốc cần gần hết 1 thế kỷ.

Friedman nhận định: Ý tưởng châu Âu trở thành một quốc gia đa dân tộc với hệ thống quyết sách kinh tế thực sự hợp nhất và lực lượng quân sự toàn cầu được chỉ huy thống nhất cũng xa vời như giấc mơ Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu. Quả thật, nợ công của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang đe doạ đồng Euro sụp đổ. Số công ty châu Âu phá sản trong khủng hoảng kinh tế nhiều hơn công ty Mỹ tuy khủng hoảng xảy ra trước tiên ở Mỹ.

Nước Nga sau khi từ bỏ mô hình công nghiệp hoá của Liên Xô cũ đã chuyển sang sống dựa vào xuất khẩu năng lượng, do đó cơ sở công nghiệp càng suy yếu.

Điều ngạc nhiên thứ ba: dự báo về các cường quốc trong tương lai

Trong khi hiện nay dư luận nói nhiều về khối BRIC thì Friedman cho rằng các cường quốc nổi lên trong tương lai sẽ là Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico (đối thủ của Mỹ) và Ba Lan (đồng minh của Mỹ).

Nhật đã là một siêu cường với nền kinh tế thứ hai thế giới, có sự phân phối thu nhập quốc dân và cấu trúc xã hội ổn định nhiều so với Trung Quốc. Nhật có lực lượng hải quân lớn nhất châu Á và lục quân lớn hơn Anh Quốc, dù chỉ là lực lượng phòng vệ chứ chưa phải là quân đội chính quy.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và lớn nhất trong các nước Hồi giáo. Lực lượng quân đội của họ mạnh nhất trong khu vực và cũng có thể là mạnh nhất châu Âu, trừ Anh. Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng bao trùm vùng Caucasus, vùng Balkans, vùng Trung Á và thế giới A Rập. Nếu nước Nga suy yếu thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nổi lên như một cường quốc chính trong vùng, kể cả vùng Đông Địa Trung Hải. Nước này là một cường quốc hải quân được thừa nhận. Chính sách đối ngoại của họ tuân theo chủ nghĩa thực dụng truyền thống.

Ba Lan có nền kinh tế thứ 18 thế giới, lớn nhất trong các nước vệ tinh của Liên Xô cũ và lớn thứ 8 châu Âu. Ba Lan là một tài sản chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Trong cuộc cạnh tranh mới nổi lên giữa Mỹ và Nga, Ba Lan đại diện ranh giới địa lý giữa châu Âu với Nga và nền tảng địa lý của bất kỳ nỗ lực nào bảo vệ vùng Baltics. Quan hệ Mỹ-Ba Lan trở nên rất quan trọng vì nước này có ý nghĩa chiến lược giúp Mỹ bao vây các quốc gia bá quyền trên đại lục Âu Á.

Hai trong ba cường quốc nói trên sẽ là cường quốc biển. Rõ ràng Nhật sẽ là nước quan trọng nhất.

Điều ngạc nhiên (và thú vị) thứ tư: dự báo về chiến tranh thế giới lần thứ ba

Về chiến lược, Mỹ coi bất kỳ cường quốc biển nào cũng là mối đe doạ với họ. Hình ảnh một liên minh Nhật-Thổ xem ra có vẻ lạ lùng, song thực ra không lạ gì hơn liên minh Nhật-Đức năm 1939. Cả hai nước này đều chịu sức ép ghê gớm phải trở thành cường quốc.

Không gian vũ trụ là nơi thể hiện sức mạnh quân sự Mỹ. Bất cứ cường quốc nào muốn thách thức Mỹ thì phải tiêu diệt căn cứ quân sự Mỹ trên vũ trụ. Như vậy tới giữa thế kỷ này Mỹ phải có cách bảo vệ các căn cứ đó. Nếu Mỹ trở nên câm điếc đui mù thì một liên minh Nhật-Thổ sẽ buộc Mỹ phải nhượng bộ.

Nhật-Thổ sẽ bất ngờ tấn công các căn cứ ấy. Khó tưởng tượng Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến này. Nhưng chiến tranh sẽ không đẫm máu như các cuộc chiến xưa kia, vì trên vũ trụ không thể chứa hàng triệu lính.

George Friedman hư cấu chuyện đại chiến thế giới lần thứ III sẽ nổ ra vào 5 giờ chiều ngày 24/11/2050. tức ngày Lễ Tạ Ơn: liên quân Nhật-Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tấn công các căn cứ quân sự vũ trụ của Mỹ, lặp lại kịch bản Nhật đánh úp Trân Châu Cảng 7h55 sáng Chủ nhật 7/12/1941. Sau đó Nhật-Thổ sẽ đàm phán ngay với Mỹ. Lợi dụng đàm phán, Mỹ củng cố lực lượng, 72 giờ sau, Mỹ chỉ cần dùng 2 tiếng đồng hồ để diệt hết lực lượng quan trắc của đối phương, tức các vệ tinh. Máy bay Mỹ sẽ triệt hạ toàn bộ các bệ phóng vệ tinh của đối phương và giành chiến thắng

Do đâu George Friedman dự báo sẽ có chiến tranh thế giới lần thứ ba?
Lịch sử cho thấy nước Mỹ xưa nay hưởng lợi nhiều từ chiến tranh. Nội chiến (Civil War) 1861-1865 đem lại sự thống nhất nước Mỹ. Sau hai cuộc Thế chiến, Mỹ thành siêu cường. Sau chiến tranh lạnh, thành siêu cường duy nhất. Cho nên Mỹ luôn luôn chuẩn bị chiến tranh, Quốc hội cho phép bộ máy quân sự ngốn tiền khủng khiếp để đưa KHKT quân sự luôn tiến trước, sau đó chuyển thành KHKT dân sự. Hầu hết công nghệ Mỹ đều phát triển theo cách như vậy. Điện thoại di động, tên lửa, vệ tinh, internet, hệ thống GPS v.v.. trước tiên do quân đội nghiên cứu-triển khai, sau đó chuyển sang phục vụ dân sự rất có kết quả. Quân sự kéo kinh tế đi lên, đó là mô hình kinh tế Mỹ.

Bởi vậy, một cuộc chiến tranh thế giới mới sẽ chỉ có lợi cho Mỹ. Thời kỳ hoà bình kể từ 8/1945 đến nay đã quá dài, khó có thể kéo dài nữa. Thế giới không ngừng xuất hiện các cường quốc mới và họ đòi công nhận vị trí của họ. Và thế là chiến tranh nổ ra.

Một dự báo ngạc nhiên nữa: trong 100 năm tới Mexico láng giềng sẽ là đối thủ lớn nhất của Mỹ! Nước này hiện có hơn 100 triệu dân với nền kinh tế 1000 tỷ USD, thứ 15 thế giới, giàu nhất Mỹ La tinh (năm 2006). Nhiều dân Mexico đang trốn sang Mỹ, ma tuý cũng tuồn từ đây sang Mỹ, rồi tiền bán ma tuý chuyển từ Mỹ về nơi xuất phát. Mexico sẽ giàu mạnh với một bộ phận dân sống ở vùng Tây Nam nước Mỹ, vùng đất họ cho là của mình. Hiện tượng tăng nhanh dân Mỹ gốc Mexico tai vùng ven bờ vịnh Mexico (hiện chiếm từ 1/5 tới 1/3 số dân trong vùng) cũng như tại California và Texas đang làm chính phủ Mỹ lo lắng. George Friedman dự báo năm 2100 Mexico sẽ gây chiến tranh biên giới với Mỹ.

Chẳng ai sống nổi 100 năm để xem dự báo nào sai hay đúng. Dự báo của George Friedman cũng có thể sai. Song cái có giá trị nhất trong sách 100 năm tới là ở chỗ tư duy dự báo rất sáng tạo, mạnh dạn, khác các phương pháp truyền thống.

George Friedman không tin rằng lịch sử đầy rẫy những sự việc ngẫu nhiên mà cái gì cũng có quy luật, xuất phát từ khoa học địa-chính trị (geopolitics) mà STRATFOR tôn sùng, tức nguyên lý môi trường thiên nhiên, tình trạng địa lý quyết định tất cả. Vào mạng stratfor.com bạn sẽ thấy hầu như tất cả các bài đều phân tích theo nguyên lý đó. [Thí dụ Geopolitical Weekly (ngày 29/6) có bài The 30 Year War in Afghanistan; ngày 28/6 có bài The Geopolitics of 2010 World Cup Countries. Đến Cúp bóng đá thế giới cũng được phân tích theo địa-chính trị học, thật thú vị!]

Địa-chính trị học có ảnh hưởng sâu sắc tới không ít nhà chính trị học, thí dụ học thuyết Clash of Civilization của Samuel Huntington, và bây giờ nó chỉ đạo tư duy dự báo chiến lược của George Friedman. Tính chính xác của tư duy ấy ra sao, chắc thế hệ sau mới đánh giá được./.
 .

ĐẠO SƯ KHAI THỊ

KHAI THỊ CỦA ĐẠO SƯ GARCHEN RINPOCHE DÀNH CHO
ĐOÀN PHẬT TỬ NGƯỜI VIỆT NAM VÀO NGÀY 18/8/2014 NHÂN DỊP THAM DỰ PHÁP HỘI A DI ĐÀ TẠI SINGAPORE





Công phu đảnh lễ

Thầy muốn khai thị cho chúng ta một chút về công phu đảnh lễ. Thường chúng ta chỉ nghĩ về việc đảnh lễ qua thân, nhưng thực sự có ba loại đảnh lễ: đảnh lễ qua thân, khẩu, và ý. Có những người nghĩ rằng họ lớn tuổi hoặc có giới hạn về thể xác nên họ không đảnh lễ được, nhưng điều này không đúng. Vì thường khi chúng ta đảnh lễ qua thân thì đây chỉ là việc đảnh lễ bình thường thôi, chứ chưa phải cách đảnh lễ trên ý nghĩa tối hậu. Do bởi tất cả những gì chúng ta có thể làm được qua thân để đem đến lợi lạc cho người khác thì đây cũng phải xem là đảnh lễ. Chẳng hạn như khi chúng ta làm công quả ở chùa hay khi chăm sóc cho người bệnh, hoặc khi chúng ta làm bất kỳ một việc hay hành động nào mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho người khác, thì tất cả những việc làm này cũng được coi là đảnh lễ qua thân.

Sau khi đảnh lễ qua thân, còn có đảnh lễ qua khẩu hay ngữ. Bất kỳ những gì chúng ta nói mà có thể mang lại lợi lạc cho người khác có thể coi là đảnh lễ qua khẩu. Ví dụ chúng ta từ bỏ việc nói xấu người khác, chỉ nói những điều thiện lành, nhắc nhở cho người khác nghe về nhân quả, tụng đọc các bài quy y, tụng chú mani, tụng bài nguyện hồi hướng, nói những lời làm cho người khác gần gũi hài hòa với nhau, nói những lời từ ái, nói những lời đầy từ bi, v.v. thì đó cũng chính là đảnh lễ qua khẩu hay ngữ.

Nhưng quan trọng hơn cả là đảnh lễ qua tâm của chúng ta. Đó là khi chúng ta hướng tâm của mình đến chư Phật và nghĩ rằng: “Ôi, các Ngài thật là trân quý,” hay chúng ta phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Khi tâm của chúng ta khởi nên các niệm hướng về Tam bảo trong sáu thời một ngày, cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng hướng về Tam Bảo, luôn nhớ nghĩ đến sự từ ái hay trân quý của Tam Bảo thì đó chính là đảnh lễ qua tâm hay ý. Và trong ba loại đảnh lễ thì đảnh lễ qua ý là quan trọng nhất và có nhiều sức mạnh nhất.

Tri kiến thanh tịnh trong Mật Thừa

Trong Mật thừa thì điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát khởi và trưởng dưỡng được một tri kiến thanh tịnh. Thật sự đối với một số người trong chúng ta, khi nói đến tri kiến thanh tịnh thì điều này có vẻ hơi khó hiểu. Nhưng Thầy nói điều này rất dễ hiểu và bây giờ Thầy sẽ khai thị cho chúng ta. Có được một tri kiến thuần tịnh có nghĩa là luôn phải nhìn thấy những gì tốt lành nhất [nơi mọi người mọi sự] và xin đừng soi xét các lỗi lầm hay những điều xấu xa. Chẳng hạn như khi chúng ta nhìn thấy một người đang thọ giới Quy y thì chúng ta cần khởi lên tư tưởng nghĩ rằng, “Ồ, điều này thật là tốt lành, người này đã trở thành một phần của Tăng Bảo và tôi tùy hỷ với người đó”. Như vậy đây là một hình thức có tri kiến thuần tịnh.

Cái gì là thuần tịnh hay thanh khiết? Đó chính là chúng ta tịnh hóa được sự chấp ngã của chúng ta, và chúng ta tùy hỷ với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Thuần tịnh cũng có thể hiểu theo nghĩa là khi tâm chúng ta thanh khiết, khi chúng ta hướng tâm về Tam Bảo, hay khi ta phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Các tâm niệm như thế đó cũng chính là tri kiến thuần tịnh. Các vị Đạo Sư Kadampa trong những đời quá khứ đã nói rằng đừng nhìn xét lỗi của người khác mà hãy luôn nhìn ra được những phẩm tánh của họ. Bởi vì khi chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác thì tâm của chúng ta đã trở nên ô nhiễm, còn khi chúng ta chỉ nhìn thấy thiện đức, thấy những điều tốt lành nơi người khác thì tâm của chúng ta đang được tịnh hóa.

Như trong Pháp hội Thầy cũng đã có khai thị, tri kiến thuần tịnh của chúng ta được xem như là một cái máy giặt, và chúng ta cần gột rửa tâm mình giống như chúng ta bỏ quần áo vào máy giặt để máy giặt có thể gột sạch tất cả đất cát, bụi bẩn bám trên quần áo của chúng ta. Còn nếu chúng ta có một tri kiến bất tịnh, cái nhìn của chúng ta lúc nào cũng bất tịnh thì cũng chẳng khác nào chúng ta quăng ném đất cát vào quần áo của mình, hay quăng ném đất cát vào trong tâm của mình. Điều này vô cùng quan trọng và chúng ta cần luôn ghi nhớ, bởi vì nếu có được tri kiến thuần tịnh thì tri kiến này sẽ giúp cho chúng ta biết được cái gì nên làm và cái gì nên từ bỏ qua thân và khẩu của chúng ta. Chúng ta cần nghĩ rằng tâm thức bên trong của chúng ta là cái mà chúng ta cần tịnh hóa để có được một tri kiến thuần tịnh chứ không phải chỉ tịnh hóa thân và khẩu bên ngoài mà thôi.

Tri kiến thanh tịnh và cõi Tịnh Độ Cực Lạc

Thầy nói rằng Thầy thực sự cảm ơn tất cả đại chúng đã bỏ công sức đi từ rất xa đến đây để thọ Pháp và Thầy tùy hỉ với công đức của các bạn và với Pháp hội này. Việc tất cả đã đến đây thọ Pháp là bởi vì tất cả các bạn trong quá khứ đã từng phát khởi được một trí kiến thanh tịnh để có thể phát lòng hoan hỷ đến đây tu tập như thế này. Thầy hy vọng là khi quý vị trở về quê nhà thì hãy luôn ghi nhớ những gì đã được học trong Pháp hội này. Và khi quý vị đã có được những dấu ấn trong dòng tâm thức xuyên qua công phu hành trì trong những buổi cộng tu vừa qua, thì khi về nhà hành trì và nhắm mắt lại, hãy nhớ nghĩ đến Phật A Di Đà và hãy phát khởi tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sinh. Và khi nhắm mắt như thế, thì những hình ảnh của toàn bộ Pháp hội, hình ảnh về đại chúng, những người bạn đồng tu, hình ảnh các món cúng dường, hình ảnh của Chư Phật, v.v. cũng có thể hiện ra trong dòng tâm thức của các bạn để hỗ trợ cho công phu tu tập của các bạn tại nhà.

Thầy nói rằng hôm qua Thầy có phát cho chúng ta một tuyển tập nhỏ, gọi là “Bài Nguyện Dài Hướng Về Cõi Tịnh Độ Cực Lạc” của đức Chagme Rinpoche (quyển tiếng Việt bìa màu trắng). Thầy nói rằng khi Thầy đọc tuyển tập này, có một câu khai thị trong đó đã giúp cho Thầy nhìn thấy ra được rất rõ cõi Tịnh Độ là như thế nào.

Đôi khi người ta nghĩ Tịnh Độ có thể là một cõi giới vật chất nào đó, nhưng thực sự nó không phải là như vậy. Ở trong bài nguyện này có viết một câu rằng “cõi Tịnh Độ Cực Lạc không thể nhìn thấy được bằng mắt phàm, nhưng có thể nhìn được bằng tâm thanh tịnh.” Điều này mang một ý nghĩa rất sâu sắc bởi vì đây không phải là một cõi vật chất nhìn được bằng mắt phàm, mà chúng ta chỉ có thể nhìn được cõi này và cảm ứng được cõi này thông qua tâm thanh tịnh của chúng ta. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, có được tri kiến thanh tịnh thì chúng ta tức khắc sẽ nhìn được cõi Tịnh Độ.

Thầy kể lại câu chuyện về một người đệ tử của Thầy, cô tên là Emily, cô đã từng tu tập ở trên núi thiêng Lapchi, và cô kể lại chuyện rằng… Đôi khi trong lúc cô thiền định, toàn bộ núi thiêng Lapchi hiện ra như một cõi Tịnh Độ và nó thực sự hiện ra như vậy trước mắt cô. Nhưng đôi khi cõi Tịnh Độ lại biến mất, và Lapchi lại chỉ như là núi Lapchi mà thôi, không có gì đặc biệt cả. Điều này càng chỉ cho chúng ta thấy rằng xuyên qua tri kiến thuần tịnh mà chúng ta có thể thấy được cõi giới đó hiện hữu như thế nào. Vì vậy, thực sự là cõi Tịnh Độ có liên hệ mật thiết với tâm thức bên trong của chúng ta chứ không phải là một cõi giới vật chất nào đó ở bên ngoài. Nếu hiểu được cõi Tịnh Độ có thể cảm ứng và thể nhập xuyên qua tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ không còn hoài nghi là liệu Cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không. Chúng ta sẽ tin rằng cõi Tịnh Độ là có thật. Làm sao để cắt bỏ được sự hoài nghi này? Điều này thật vô cùng quan trọng và do đó, Thầy hy vọng chúng ta sẽ đọc đi đọc lại tuyển tập này của Chagme Rinpoche.
 

Thầy nói đôi khi có một số người đã mắc phải một lỗi lầm to lớn. Đó là họ có sự hoài nghi không biết cõi Tịnh Độ có thực sự hiện hữu hay không, cũng giống như không biết cõi địa ngục có thực sự hiện hữu hay không. Tuy rằng họ có phát khởi tín tâm với cõi Tịnh Độ, nhưng họ lại chưa thực sự tin là cõi Tịnh Độ có thể thực sự hiện hữu vì họ cho rằng cõi Tịnh độ là một cảnh giới được thiết lập qua tâm [chỉ là do tâm tưởng], chứ không đích thực hiện hữu. Mà nếu chỉ là to tâm tưởng thì cõi ấy không thể là một thực tại, không thực sự hiện hữu, mà nếu không thực sự hiện hữu [như một thực tại sống động] thì nó đâu có mang được lợi lạc gì đâu? Nhưng chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo tường tận về điều này để giúp chúng ta đến được nơi cõi ấy. Chúng ta cần phải hiểu như sau.

Bây giờ giả sử chúng ta nghĩ đến [và đem cõi thế gian này của chúng ta ra so với] cõi Tịnh Độ. Cuộc đời này, cảnh giới phàm phu này đây, cũng đã được thiết lập bởi tâm của chúng ta, do tâm của chúng ta tạo ra, nhưng cho dù một mặt là do tâm tưởng [nghĩa là mang tánh huyễn ảo] thì mặt khác, cuộc đời này vẫn đang là một thực tại hiện hữu đối với chúng ta. Đúng là đối với một người không bám chấp, không có một chấp trước nào cả, thì họ sẽ thấy cõi này chỉ là môt cõi hư huyễn do tâm tạo mà thôi. Vì tâm tạo ra tất cả nên vào thời điểm chúng ta chưa được sinh ra, chúng ta vẫn còn trong thân trung ấm thì chính tâm thức ở trong thân trung ấm đã tạo ra thân này của chúng ta. Rồi sau đó chính thân này của chúng ta mới tạo ra cõi giới này mà chúng ta hiện đang sống.
Cõi thế gian này có rất nhiều chúng sinh sống trong đó, đều là do cộng nghiệp. Do bởi chúng sinh có những nghiệp giống nhau nên mới cùng sinh vào cõi giới này. Nhưng mặt khác, chúng sinh cũng lại có các biệt nghiệp, hay nghiệp cá nhân khác nhau, nên những đau khổ của chúng sinh lại khác nhau. Dù là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nếu nói cõi thế gian này là do tâm tạo thì coi như cõi thế gian này mang tánh chất hư ảo, không có thật.

Nhưng tuy nói là hư huyễn, nhưng đồng lúc cõi thế gian lại thực sự hiện hữu đối với chúng ta, chúng ta vẫn phải sinh vào đó, vẫn sống trong đó và nó vẫn là một thực tại đối với chúng ta. Nghĩa là tuy cõi thế gian này mang tánh chất huyễn hóa, nhưng chúng ta vẫn hiện hữu sinh tồn trong đó. Vậy thì đối với cõi Tịnh Độ chúng ta cũng cần phải suy diễn theo lối nghĩ y như thế. Nghĩa là không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ mang tánh huyễn hóa nhiệm mầu, nhưng đồng thời, cũng không khác cõi thế gian, cõi Tịnh Độ vẫn là một thực tại, nơi mà chúng ta có thể trải nghiệm và sinh vào.

Tuy là một thực tại nhưng cõi thế gian này sau 100 ngàn năm thì có khi cũng sẽ biến mất, hệt như bong bóng nước. Như vậy nó có thực hay là không có thực? Hiện tại thì nó đang có thực đối với chúng ta [nên ngang đây, ta không thể hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của nó]. Nếu hiểu như vậy về cõi thế gian thì cũng có thể hiểu y như thế về cõi Tịnh Độ.

Cõi Tịnh Độ là một sự phản chiếu của tâm. Vậy nếu tâm của chúng ta tràn đầy vô minh, sân hận và oán ghét, thì tâm ấy sẽ phóng chiếu ra các cõi địa ngục, ngạ quỷ và các cõi thấp khác [chứ chẳng thể phóng ra được cõi Tịnh Độ để cho chúng ta có thể sinh vào]. Còn ngược lại nếu tâm chúng ta thanh tịnh thì cõi Tịnh độ chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi chúng ta có lòng từ bi, có tâm Bồ Đề, thì tâm Bồ Đề sẽ phóng chiếu ra cõi Tịnh Độ, và chúng ta cũng có thể hiện hữu trong cõi Tịnh Độ đó y hệt như chúng ta đang hiện hữu trong cõi thế gian. Do đó cái mà chúng ta cần tập trung vào là làm sao để phát khởi được một tri kiến thuần tịnh và làm sao để có thể đóng những dấu ấn hết sức thanh tịnh và từ bi lên trên dòng tâm thức của mình.

Vì muốn có được những dấu ấn như vậy trong dòng tâm thức của mình nên đó là lý do tại sao chúng ta lại hành trì chung với nhau, cùng sắp đặt các bức tượng Phật và những món cúng dường Tam Bảo, cùng cầu nguyện với nhau, cùng trì chú với nhau, cùng giúp cho tâm ô nhiễm, tâm phàm phu của chúng ta được tiêu trừ và giúp trưởng dưỡng những tư tưởng hướng về giáo Pháp. Chúng ta cùng tụng chú của các vị Bổn Tôn, vì chúng ta muốn hình ảnh của các vị Bổn Tôn và âm thanh của các câu chú lưu xuất trong tâm của chúng ta. Khi đã có những dấu ấn như vậy trong tâm thức thì sau này, bất kỳ khi nào chúng ta nghĩ đến các vị Bổn Tôn, Hộ Phật thì các Ngài cũng có thể hiện ra ngay tức khắc trong tâm của chúng ta.

Điều này rất là lợi lạc bởi vì khi chúng ta ra đi khỏi cõi đời này, khi chúng ta bỏ thân xác này và đi vào cõi trung ấm thì khi đó chúng ta chưa có được một thân mới, và thần thức của chúng ta đang phải lang thang mà không có thân tướng. Và khi chưa bị mắc kẹt trong một thân tướng thì lúc đó nếu chúng ta khởi lên một niệm nghĩ đến vị Hộ Phật thì ngay lúc đó chúng ta sẽ trở thành vị Hộ Phật. Bất kỳ cái gì chúng ta nghĩ đến, chúng ta sẽ trở thành cái đó ngay trong khoảnh khắc của thân trung ấm. Vì vậy cho nên nếu tâm thức của chúng ta bị ô nhiễm khi đang ở trong thân trung ấm, chúng ta chỉ nghĩ đến điều ô nhiễm, thì chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để có thể trở thành một vị Hộ Phật được. Và chúng ta lại tiếp tục bị lang thang trong một tâm thức ô nhiễm tràn đầy sân hận, oán ghét. Vào thời điểm đó, do bởi chúng ta chưa có một thân mới mà chúng ta lại đã bỏ thân cũ rồi, nên nếu tâm thức thanh tịnh thì cõi Tịnh Độ thanh tịnh sẽ hiện đến và Bổn Tôn thanh tịnh sẽ hiện ra, và chúng ta sẽ ở trong cõi giới đó và sẽ trở thành vị Bổn Tôn đó. Đó là lý do vì sao chúng ta trì tụng minh chú và quán tưởng Bổn Tôn.

Một điều quan trọng nữa là động lực tái sinh vào cõi Tịnh Độ của chúng ta. Khi chúng ta phát nguyện tái sinh vào cõi Tịnh Độ, điều quan trọng là đừng chỉ nghĩ rằng tôi muốn tái sanh vào cõi Tịnh Độ, vì nếu chỉ nghĩ về bản thân thì chính điều đó sẽ làm cho việc được tái sinh vào cõi nước Tịnh Độ sẽ trở nên khó khăn. Bởi vì một khi chúng ta phát khởi niệm “tôi sẽ là người vãng sanh” thì có ngã chấp hiện ra trong đó rồi. Và bất kỳ cái gì liên quan đến sự chấp ngã thì đó sẽ là một chướng ngại cho chúng ta, nó sẽ là một dấu ấn tiêu cực cho dòng tâm thức của chúng ta và chúng ta sẽ không thể nào chuyển hóa để trở thành một vị Hộ Phật. Bởi vậy, điều quan trọng để được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc là đừng chỉ nghĩ về bản thân mà hãy luôn nghĩ về tất cả các chúng sinh. Bởi vì cái tôi chính là cái đem lại chướng ngại cho chúng ta, ngăn che chúng ta từ khởi thủy của luân hồi. Cái tôi luôn là một chướng ngại, do đó muốn tái sanh về cõi Tịnh độ thì phải thoát khỏi tất cả những suy nghĩ hướng về cái tôi và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến toàn bộ chúng sinh mà thôi.

Hỏi Đáp
Thầy hỏi là có ai có câu hỏi hay không, nếu có câu hỏi thì Thầy sẽ giải đáp, còn nếu không thì Thầy sẽ tiếp tục giảng Pháp.
Câu hỏi 1: Nếu muốn hành trì Bạch Quan Âm [White Tara] tại nhà riêng thì có được không, và cách hành trì là như thế nào.

Thầy nói là nếu muốn hành trì Bạch Quan Âm [White Tara] thì dù rằng có một người hành trì hay cả trăm người hành trì cùng với nhau, thì thật sự không có khác biệt. Trên thế giới này có rất nhiều người cũng hành trì TARA, và khi chúng ta cũng hành trì TARA thì giống như chúng ta đang kết nối với họ qua tâm. Một số người khi hành trì có thể nghĩ rằng đức Hộ Phật ở một nơi nào đó rất xa và chúng ta kêu gọi các ngài Bổn Tôn, Hộ Phật đó hãy giáng lâm đến với chúng ta, nhưng thật sự [ở mức rốt ráo] thì không phải như vậy. Vì các vị Bổn Tôn, Hộ Phật ở trong cảnh giới Pháp thân, mà Pháp Thân thì luôn bao trùm, luôn trùm khắp giống như không gian vậy. Vì các vị ở trong cảnh giới của Pháp thân trùm khắp như vậy nên không phải là chúng ta cần kêu gọi các Vị đến từ nơi nào đó.
Pháp thân chính là một sự đại triệt đại ngộ. Mà sự đại triệt đại ngộ cũng như sự bao la trùm khắp không gian cũng vốn ở bên trong của chúng ta, nó luôn vốn hiện hữu với chúng ta, chứ không phải là mình ngồi đây, rồi gọi các Ngài từ nơi đâu xa xôi hiện đến.

Điều này đức Milarepa đã từng chứng ngộ và từng nói như sau trước khi ngài từ giã cõi đời, rằng: “Thực sự ta không bao giờ chết. Thân ta dù có thể chết đi nhưng tâm thức của ta không bao giờ chết. Tâm thức đó sẽ mãi mãi trường tồn và chan hòa khắp năm nguyên tố. Do đó trong tương lai, sau khi ta đã bỏ thân xác này, nếu có ai cần đến ta, thì ta sẽ hiện hữu ở đó với người đó.” Sự chứng ngộ này đến từ sự trực chứng của chính Ngài, và nếu ai đã từng trực chứng thì cũng có thể hiểu về điều Ngài nói.

Do đó chúng ta cũng không thể nói rằng chư Phật đã nhập niết bàn, vì thực sự chư Phật không nhập niết bàn mà chư Phật giác ngộ đang chan hòa khắp năm nguyên tố, y như là đức Milarepa đã từng nói. Đức Phật cũng từng nói một điều tương tự như thế. Ngài đã dạy rằng ,“Bất kỳ khi nào có ai nghĩ đến ta, thì ta sẽ hiện ra ngay nơi đỉnh đầu của họ.” Đó là bởi vì đức Phật luôn luôn ở cùng với chúng ta.

Nếu hiểu trên một mức độ tương đối, thì chúng ta sẽ thấy rằng đức Phật là người ban rãi lòng từ bi của Ngài cho tất cả chúng sinh, giống như là tình yêu thương của bà mẹ trao cho đứa con độc nhất của mình. Nhưng nếu hiểu trên ý nghĩa tối thượng, thì không có sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh [Phật và chúng sinh không phải là hai thực thể khác biệt].
Vậy điều này có nghĩa là như thế nào. Có nghĩa là Phật và chúng sinh cùng mang một tính đồng đẳng, không hai, không khác, và bởi vì cùng mang một tính đồng đẳng nên không có sự phân biệt đối đãi giữa ta người, không có sự khác biệt giữa ta và Phật. Sự khác biệt đó chỉ đến do có sự ô nhiễm tạm thời trong tâm chúng ta, như ở trong bài nguyện của Phật Phổ Hiền đã từng nhắc đến. Và nếu tâm không khởi lên sự phân chia đối đãi, thấu biết tất cả đều mang một thể đồng đẳng, thì dù chỉ một người tu tập hay cả trăm người cùng tu tập, điều đó cũng không có gì khác biệt [vì khi ấy tâm đồng tâm, hòa cùng một thể].

Bởi vì không có sự khác biệt giữa Phật và chúng sinh, nên bất cứ khi nào chúng ta phát được một tâm nguyện từ bi và khẩn nguyện vị Hộ Phật thì Ngài lập tức hoạt hiện trong giây khắc đó. Khi đang quán tưởng, chúng ta đừng nghĩ rằng tôilà người đang quán tưởng vị Hộ Phật, đừng nghĩ theo cách đây là tôi và kia là vị Hộ Phật, mà hãy ngay lập tức để cho vị Hộ Phật ấy hiện ra trong tâm của chúng ta. Tâm ta chính là nơi hoạt hiện của Hộ Phật. Do đó, phải nghĩ rằng [tâm] tôi và vị Hộ Phật là bất khả phân, [tâm] tôi và Hộ Phật là một, [tâm] tôi và [tâm] tất cả chúng sinh và Hộ Phật đều đồng đẳng. Nếu nghĩ được như vậy thì khi chúng ta khởi niệm nghĩ về vị Hộ Phật thì ngay lập tức ngài sẽ hoạt hiện nơi tâm của ta. Ngài là một với tâm của ta. Ngài không tách lìa tâm của chúng ta.
Còn nếu chúng ta nghĩ rằng tôi ở đây, tôi ngồi đây và khẩn gọi Hộ Phật ở kia, thì đó nghĩa là tâm của chúng ta không hòa với tâm ngài, tâm ta đang tách lìa với tâm Ngài, ta sẽ chẳng thể là Ngài. Chúng ta phải nghĩ chúng ta chính thực là Ngài. Và khi nghĩ được như thế thì chúng ta hiểu ra rằng bất kỳ cái gì hoạt hiện nơi tâm chính là sự phóng chiếu của tâm.

Một điều quan trọng nữa là bất cứ khi nào chúng ta hành trì pháp Bổn Tôn, Hộ Phật, chúng ta gần trưởng dưỡng một tâm nguyện của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bởi vì nếu chúng ta không trưởng dưỡng được một tâm nguyện như vậy thì vị Bổn Tôn sẽ chẳng khác nào một vị Trời thế tục. Và vị Trời thế tục thì vẫn chưa [đại ngộ], vẫn chưa thoát khỏi khổ đau luân hồi và vẫn phải chịu lo lắng chẳng khác nào người bình thường vậy. Kết quả của việc tu tập thiếu lòng từ bi là [thay vì thành tựu Bổn Tôn thì] chúng ta lại sẽ chỉ tái sinh trong dạng của một vị Trời thế tục. Vì vậy khi chúng ta tu tập pháp môn Bổn Tôn, Hộ Phật, điều quan trọng là cần trưởng dưỡng tâm nguyện mang lại lợi lạc cho người khác thông qua công phu hành trì của chúng ta. Kết quả của việc tu tập đúng đắn như vậy là chúng ta sẽ thành tựu được vị Bổn Tôn trí tuệ. Thật sự thì tâm của chúng ta chính là Bổn Tôn, là Hộ Phật, hình ảnh khởi hiện trong tâm của chúng ta chính là Bổn Tôn, Hộ Phật. Điều này là quan trọng và cần phải được hiểu thật tường tận.

Khi chúng ta thực hành bất kỳ một vị Bổn Tôn nào, cái mà chúng ta cần làm là phải luôn luôn quán chiếu và nghĩ là tất cả các chúng sinh đang ở cùng với chúng ta và đang tu tập chung với chúng ta. Và sau đó nhất tâm quán tưởng vị Hộ Phật, trì tụng tâm chú vị Hộ Phật. Làm được như vậy thì việc tu tập mới thực sự đem đến một lợi lạc lớn lao bởi vì khi đó chúng ta đang hòa tâm của ta vào tâm nguyện vị tha của Bổn Tôn. Khi chúng ta trưởng dưỡng được động cơ vị tha, và thực tập hòa nhập làm một với vị Hộ Phật thì sự chấp ngã sẽ giảm thiểu. Còn nếu chúng ta không hòa được tâm ta vào tâm nguyện vị tha của các Ngài thì hành động của chúng ta làm sẽ bị che chướng bởi tâm chấp ngã, mà ngày nào nó bị che chướng bởi tâm chấp ngã thì ngày đó chúng ta vẫn chưa thể nào hòa nhập được với vị Bổn Tôn. Và thật sự thì mọi nghiệp báo của chúng ta đều đến từ tâm chấp ngã.

Đức Sơ Tổ Jigten Sumgon khi trước đã ngã bệnh và Ngài mang một căn bệnh rất khủng khiếp, đó là bệnh phong cùi. Khi đó Ngài nghĩ rằng chắc chắn tôi sẽ qua đời, và Ngài đã bị đem đến một nơi xa xôi hẻo lánh, không được cho ở gần những người khác. Nhưng sau đó Ngài lại đã lành được bệnh phong cùi. Đó là do Ngài đã hoàn toàn tịnh hóa được sự chấp ngã của Ngài, và khi Ngài tịnh hóa được sự chấp ngã thì toàn bộ nghiệp báo cũng được tịnh hóa. Bởi vì khi tâm thanh tịnh thì nghiệp cũng được thanh tịnh.

Do đó khi chúng ta tu tập Bổn Tôn, Hộ Phật thì điều quan trọng nhất là phải buông bỏ tâm chấp ngã, và nếu chỉ buông bỏ tâm chấp ngã dù chỉ trong một giây phút thôi thì chúng ta và người khác cũng được lợi lạc rồi.
Thầy cũng vừa đưa ra ví dụ, là có những người đã kể lại cho Thầy rằng khi họ phải trải qua các cuộc giải phẫu, vì tâm họ hướng đến Bổn Tôn một cách đúng đắn thanh tịnh nên Bổn Tôn đã hóa hiện ra ngay vào thời điểm họ phải trải qua các cuộc giải phẫu.

Câu hỏi 2: Khi hành trì nghi quỹ, chỉ tụng bằng tiếng Việt và không tụng bằng tiếng khác có được không?

Điều quan trọng nhất khi hành trì là chúng ta nên hành trì theo ngôn ngữ của chúng ta. Vì quan trọng là chúng ta cần hiểu nghĩa lý của những gì chúng ta đang tụng đọc. Lẽ dĩ nhiên đôi khi chúng ta cũng đọc bằng tiếng Tạng là bởi vì các Lạt Ma là người Tây Tạng và chúng ta muốn đọc cùng với họ. Nhưng ý nghĩa của những gì chúng ta đọc tụng thì quan trọng nhất, và ngôn ngữ chỉ đứng hàng thứ yếu. Đôi khi chúng ta cũng cần đọc tụng theo âm điệu hoặc các lời nguyện theo âm điệu của Tây Tạng thì điều đó cũng tốt thôi, nhưng một lần nữa Thầy nói là hành trì theo ngôn ngữ của các bạn là điều quan trọng nhất. Vì các bạn cần hiểu ý nghĩa các bạn đang tụng cái gì.

Và khi chúng ta đã hiểu được ý nghĩa thì ngay cả khi chúng ta không có thời gian, không có cơ hội để hành trì toàn bộ nghi quỹ rất dài— nhưng do chúng ta đã hiểu được nghĩa lý rốt ráo, nên khi chúng ta hướng tâm đến các vị Hộ Phật thì ngay lập tức các Ngài cũng sẽ hiện ra, đó là bởi vì chúng ta đã hiểu được cái gì là tinh túy của các Ngài. Khi đó, cũng không nhất thiết phải ngồi tụng toàn bộ cả quyển nghi quỹ.

Và ngay cả nếu không có thời gian để tụng chú thì chỉ cần thực hành pháp OM AH HUNG là đủ tốt rồi. Bởi vì đối với tất cả chư Hộ Phật, chư Bổn Tôn, tất cả các minh chú cũng đều có thể được tóm gọn trong pháp môn đơn giản OM AH HUNG. Trong thế gian này đôi khi có những người cần đi làm để kiếm sống và vì thế không có thời gian thực hành các nghi quỹ dài, thì họ cũng có thể thực hành pháp môn OM AH HUNG. Điều quan trọng nhất Thầy muốn nói là khi thực hành nghi quỹ, chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa tinh túy của nghi quỹ.

Câu hỏi 3: Có một người nghĩ rằng họ có thể chỉ sống được vài tháng hoặc vài năm, họ cảm thấy buồn khổ và lo lắng vì họ đã làm nhiều tội lỗi. Họ sợ khi chết, quả sẽ chín muồi và họ sẽ bị đọa sinh vào địa ngục. Họ sợ không được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Họ xin Rinpoche chỉ bảo cho người đó nên tu tập như thế nào trong thời gian họ đang còn sống.

Thầy nói cho dù có nhiều nghiệp tội nhưng vẫn có hy vọng nếu chúng ta hành trì miên mật mong được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Cho dù chúng ta không có nhiều thời gian, dù chỉ một ngày hay một tuần nhưng nếu chúng ta hướng toàn bộ thời gian đó vào việc tu tập, ngày và đêm chỉ nghĩ đến đức Phật A Di Đà, tâm ta không bao giờ rời xa Ngài và ta không bao giờ quên Ngài, thì chúng ta vẫn có hy vọng được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Một trong những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là phải cảm thấy ân hận sâu xa vì những ác nghiệp đã tạo. Khi chúng ta phát lồ sám hối những ác nghiệp đã tạo thì điều này mở cho chúng ta một con đường đi tới giải thoát. Còn nếu chúng ta không tin vào nhân quả, thì thật sự rất là khó khăn để có thể tái sinh vào cõi Tịnh Độ.

Vậy nên cho dù chỉ có một ngày để tu tập thì hãy hướng toàn bộ ngày đó vào việc hành trì và đừng bao giờ quên việc nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà. Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ Cực Lạc thông qua nguyện lực và công phu của chính chúng ta. Thầy khuyên hãy thường xuyên tụng đọc bài nguyện hướng về Cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà; trong đó có cắt nghĩa rất chi tiết cõi Tịnh Độ hiện hữu ra sao và làm cách nào chúng ta có thể được vãng sinh vào nơi đó. Do bởi tín tâm và hạnh nguyện mà chúng ta được tái sinh về nơi đó. Cho dù chỉ tu tập duy nhất một vị Bổn Tôn, Hộ Phật mà thôi thì vị Bổn Tôn, Hộ Phật đó cũng giúp đưa đến con đường giải thoát cho chúng ta.

Khi chúng ta tu tập với đại chúng, có thể đại chúng dựa trên một vị Bổn Tôn khác, nhưng nếu chúng ta có một vị Bổn Tôn riêng thì khi tu tập với đại chúng, chúng ta có thể quán tưởng rằng có toàn bộ chư vị Bổn Tôn đang hóa hiện ở khắp nơi trong không gian, và chúng ta dâng cúng phẩm vật lên các Ngài. Sau đó tất cả các vị Bổn Tôn tan hòa vào trong chúng ta. Khi chúng ta tu tập pháp môn A Di Đà chúng ta có thể quán tưởng như trong nghi quỹ có dạy. Chúng ta quán tưởng nhiều hình tướng của đức Phật A Di Đà tràn khắp và các hình tướng này tan hòa vào trong chúng ta giống như các hạt mưa thấm nhuần vào trong chúng ta, và khi đó chúng ta trở thành đức Phật A Di Đà, và tứ vô lượng tâm sẽ khởi sinh trong dòng tâm thức của chúng ta. Chúng ta quán tưởng các vị Hộ Phật là biểu tượng của tâm Bồ Đề và các vị Hộ Phật tan hòa vào tâm của chúng ta giống như những giọt nước mưa thấm nhuần trong tâm. Và cái quan trọng là làm sao để có thể phát khởi được tình yêu thương và lòng bi mẫn, phát khởi được tứ vô lượng tâm khi chúng ta quán tưởng ruộng công đức và quán tưởng các Ngài hòa tan vào trong chúng ta.

Câu hỏi 4: Xin Rinpoche chỉ cách hành trì OM AH HUNG bằng hơi thở.
Khi chúng ta tu tập OM AH HUNG bằng hơi thở, chúng ta hít vào, thở ra, thì đừng suy nghĩ quá nhiều mà hãy trụ tâm và khí của chúng ta ngay nơi rốn và nghĩ rằng ngay tại nơi rốn có một ngọn lửa nhỏ cùng với chủng tự của vị Hộ Phật. Khi chúng ta hít vào, chúng ta đẩy khí xuống rốn, và chúng ta quán tưởng khí đó tan hòa vào ngọn lửa nhỏ ở nơi rốn.

Và khi chúng ta thở ra cùng với âm HUNG, chúng ta thở ra những hơi thô nhiễm—chỉ thở ra các khí trược thôi chứ không đẩy toàn bộ khí ra ngoài. Phải nghĩ rằng các khí thanh tịnh và tinh túy của các khí thanh tịnh đã tan vào trong ngọn lửa rồi. Ngọn lửa đó cũng giống như lửa trí tuệ, có rất nhiều sức mạnh để có thể đốt cháy toàn bộ nghiệp chướng của chúng ta. Ngọn lửa đó có sức mạnh của Bồ Đề Tâm, và có sức mạnh của chư Phật trong ba thời. Trong quá khứ chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp thông qua tâm chấp ngã, và bây giờ ngọn lửa đó chính là biểu tượng của Bồ Đề Tâm. Ngọn lửa đó cũng giống như ngọn lửa ở cuối đại kiếp có thể thiêu rụi toàn bộ vũ trụ. Thiêu rụi toàn bộ vũ trụ ở đây có nghĩa là thiêu rụi toàn bộ tâm chấp ngã và cảm xúc ô nhiễm của chúng ta. Ngọn lửa này cũng có thể làm như thế.

Lẽ dĩ nhiên không đơn giản, nên khi chúng ta tu tập OM AH HUNG thì cứ phải kiên trì tập đi tập lại. Sau khi chúng ta tu tập, thì các các cảm xúc ô nhiễm vẫn có thể lại trồi lên, và rồi chúng ta lại vẫn tạo những nghiệp ác, sau đó thì chúng ta lại phải sám hối và lại hành trì tiếp. [Tuy là cứ gặp đi gặp lại chướng ngại như thế,] bởi vì chúng ta đã tạo rất nhiều ác nghiệp [nên không thể nhanh chóng thành tựu hay tịnh hết nghiệp] nhưng chúng ta cứ phải tiếp tục tinh tấn tu đi sửa lại. Theo truyền thống [Hiển giáo], có pháp sám hối “Sodjong” để phục hồi giới nguyện, ví dụ như sám hối mỗi tháng hai lần, hay sám hối sáu thời trong một ngày, nghĩa là ba lần ban ngày và ba lần ban đêm; chúng ta cứ phải tiếp tục kiên trì như thế.

Thêm vào đó, mỗi khi chúng ta tưởng nghĩ đến toàn bộ chúng sinh thì điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang phục hồi giới nguyện. Sự tịnh hóa tốt nhất là hướng tâm của chúng ta đến toàn bộ chúng sinh. Bởi vì chỉ có một tâm hoàn toàn vị tha như vậy mới có thể tịnh hóa được hết những che chướng và nghiệp ác của chúng ta. Và khi chúng ta cứ tiếp tục tu đi sửa lại cho thật thuần thục, sám hối tịnh hóa rồi lại sám hối tịnh hóa, thì cũng giống như chúng ta tích lũy các bông hoa tuyết. Ý Thầy nói cứ một chút một chút rồi dần dần sẽ ngập đầy tuyết và đó là cách chúng ta tích lũy công phu tịnh hóa. Thầy nói là thật sự trong toàn bộ thời gian mà chúng ta có thì tâm ô nhiễm của chúng ta lại rất nhiều, nó chiếm đến 90% toàn bộ thời gian của chúng ta, trong khi tâm thanh tịnh, tâm tràn đầy tình yêu thương, tâm Bồ Đề của chúng ta lại thực sự rất nhỏ bé, nhiều khi chỉ có được 10% trong toàn bộ thời gian mà thôi. Mà 10% thì quá ít, không đủ! Nên cứ phải liên tục, liên tục sám hối và liên tục tịnh hóa, liên tục phục hồi giới nguyện và phát tâm Bồ Đề.

Thầy lại dặn thêm là Thầy thấy chúng ta có nhiều các món Pháp bảo muốn Thầy gia trì. Thầy nói rằng bản thân Thầy và các Lạt Ma cũng đã tặng cho chúng ta những món quý giá, nhưng đừng tích lũy quá nhiều những thứ ấy, đừng tích lũy quá nhiều các món Pháp bảo này! Nếu cần thì chỉ cần giữ một chuỗi tràng để tu tập, còn những gì còn dư thì nên tặng cho người khác, tặng cho những người bạn có tín tâm và đang mong muốn tu tập. Nên giữ chuỗi tràng và sách mà thôi, còn tất cả những thứ còn lại nên tặng cho người khác. Làm được vậy thì nghĩa là chúng ta đang thực hành hạnh Bố Thí, mà hạnh Bố Thí có một sức mạnh to lớn. Chúng ta nên tặng cho những người khác những Pháp bảo này để họ có thể tu tập. Thầy nói Thầy đã tặng cho các bạn Pháp bảo, và nếu các bạn lại tặng lại cho những người có tín tâm thì tức là các bạn đang luân chuyển quà tặng, ban tặng Pháp bảo cho mọi người, thực hành hạnh pháp thí cho mọi người, và như vậy thì sẽ mang lại lợi lạc vô cùng to lớn.

Câu hỏi 5: Xin Rinpoche chỉ cách bắt ấn kiết trong khi trì chú Bạch Quan Âm (White Tara).
Thầy nói không cần bắt ấn kiết trong khi trì chú Bạch Quan Âm. Ấn kiết không quan trọng bằng tâm. Thủ ấn [kết ấn bằng tay] không quan trọng bằng tâm ấn!


____________________________
Ina Dhargye thông dịch qua Anh ngữ tại Singapore vào ngày 18/8/2014. Tâm Bảo Đàn thông dịch qua Việt ngữ. Trần Lan Anh nghe lại và chép lại từ băng thu âm, nhuận văn và hiệu đính lần đầu vào ngày 8/25/2014. Tâm Bảo Đàn nhuận văn và hiệu đính lần nhì vào ngày 8/27/2014. Nguyện sám hối mọi sai sót trong khi thông dịch và hiệu đính trước Bổn sư Garchen Rinpoche và đại chúng.

GS. TÔN THẤT TRÌNH* SAIGON



Sài Gòn thay đổi danh tính là Thành Phố HCM sau 1975, vẫn còn là Hòn Ngọc Viễn Đông ?
GS Tôn Thất Trình 

             
Tháng 7 năm 1976 , Sài Gòn đổi tên thành ( TP HCM) , nhưng từ Sài Gòn vẫn thông dụng trong dân gian Việt Nam, trong nước hay các giới Việt Kiều. Từ Sài Gòn hay dùng để nói tới các quận đô thị trấn không thuộc Vùng Thành Phố nới rộng, không bao gồm các huyện nông thôn, đặc biệt là để chỉ Quận 1. Từ Sài Gòn có thể bắt nguồn theo Hán Tự là Sài, có nghĩa là củi và Côn có nghĩa là gậy, côn đánh võ, rồi dần dần việt hóa thành bông gòn, loại cây họ Gòn ta Bombacacae, thường là lòai Bombax ceiba – Gòn rừng hay Gạo rừng , một đại mộc thân luôn luôn có gai, hoa hường hay đỏ, rụng lá mùa khô
Nhà Bè nước chảy chia đôi
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm
( Thay đổi cảnh quan Hà Nội tiếng chuông Trấn Võ , canh gà Thọ Xương bằng Xá Lợi tên một ngôi chùa ở trung tâm Sài Gòn, Thủ Thiêm là một địa danh ở cạnh sông Sài Gòn đối diện cột cờ Thủ Ngữ )
Ai về Bà Điểm Hóc Môn,

Hỏi thăm người ấy có còn hay không.
Để tôi kiếm sợi chỉ hồng,
Chờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng đôi ta.
Chừng nào Chợ Lớn hết vôi,
Em đây hết đứng , hết ngồi với anh.
Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú ,
Cột cờ Thủ Ngữ cao thiệt là cao .
Em thương anh vàng vỏ má đào,
Tìm anh khắp chốn nhưng nào thấy anh.
( Ca Dao Miền Nam về Sài – Gòn )
… Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn!
Ăn ở vui thú nơi nơi …
Dù võng nghênh ngang chợ Điều Khiển,

Quan quân rầm rập cầu Khâm Sai .
Vào Chợ Qúan, ra Bến Nghé,

Xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai.
Coi ngòai rạch Bà Nghè ,
Dòng trắng hây hây tờ quyến trải .
Ngó lên Giồng Ông Tố ,
Cây xanh mịt mịt lá chàm rai.
Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ ,
Giọng con đò, giọng con rỗi .
… Cây da Thằng Mọi,
Coi bán đủ thuốc xiêm, cau mít .
Cái cầu Cao Mên ( Cầu Bông thuở trước ),
Thấy làm nguyên cột vấp ván trai .
Trên cây Da Còm (ở ngòai Chợ Đũi, đường Chợ Lớn Bến Thành)
Nỡ để ông già gùi đội,
Dưới đường Cầu Khắc ( nay là cầu Bà Châu)
Chi cho con trẻ lạc lài.
Đường Nước Nhỉ ( cũng có tên Xóm Lá Buôn) chảy tiu tiu,
Người thương khách lại qua hóng mát.
Quán Nước Lên( Ngã Tư Rạch Lào bây giờ) dòng dờn dợn,
Khách bộ hành tắm gội nghĩ ngơi ….
( Trích Gia Định Vịnh, ghi lại một số địa danh Gia Định – Sài Gòn thời xưa – Saigon d’autrefois, Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ, năm 1882 )


Vị Trí, địa lý , hành chánh

Tháng 7 năm 1976 , Sài Gòn đổi tên thành Thành Phố Hồ Chí Minh ( TP HCM) , nhưng từ Sài Gòn vẫn thông dụng trong dân gian Việt Nam, trong nước hay các giới Việt Kiều. Từ Sài Gòn hay dùng để nói tới các quận đô thị trấn không thuộc Vùng Thành Phố nới rộng, không bao gồm các huyện nông thôn, đặc biệt là để chỉ Quận 1. Từ Sài Gòn có thể bắt nguồn theo Hán Tự là Sài, có nghĩa là củi và Côn có nghĩa là gậy, côn đánh võ, rồi dần dần việt hóa thành bông gòn, loại cây họ Gòn ta Bombacacae, thường là lòai Bombax ceiba – Gòn rừng hay Gạo rừng , một đại mộc thân luôn luôn có gai, hoa hường hay đỏ, rụng lá mùa khô, hay lòaiCeiba( Bombax ) pentandra là Gòn ta, Silk Cotton tree, Kapokier, một đại mộc thân vỏ xanh, có gai hay không hoa trắng, có hoa rồi mới rụng lá, cả hai không phải là cây Baobab lòai Adansonia grandidieri, một đại mộc dạng như cây Gòn ta, hoa trắng nguồn gốc Phi Châu có đem về trồng ở Huế. Lâu ngày dân gian đọc ngắn lại thành từ Gòn, Sài Côn thành Sài Gòn ( ? ). 
Cũng có thể đó là những cây bông gòn- kapokier , dân Miên xưa đem trồng quanh một địa danh Miên gọi là Prey Nokor còn tìm thấy ở Miếu Thờ Cây Mai và vùng lân cận. Theo Truong Mealy, Cựu Giám đốc Nội các Hòang gia vua Norodom Sihanouk, tên chánh thức của Prey Nokor là Preah Reach Nokor theo Miên là Thành Phố Hòang Cung – Royal City, lâu ngày biến đổi thành Preykor, có nghĩa Miên là rừng cây bông gòn – kapok forest phát sinh ra từ Sài Gòn ( cây Kapok tiếng Miên và tiếng Chàm là Kor và tiếng Việt là Gòn, bông gòn). Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc Hội khóa 6 , chánh thức đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, tiếng Anh là HCMCity và tiếng Pháp là HCMville .
Sài Gòn – TP HCM nằm vào vùng Đông Nam nước nhà, cách Hà Nội về phía Nam 1760 km ( 1 090 dặm Anh ). Tọa độ là 10046’10” vĩ tuyến Bắc và 106040’55” kinh tuyến Đông. Bắc giáp hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Nam giáp Biển Đông với bờ biển dài 15km ( 9 dặm Anh ). Đông giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tây giáp tỉnh Long An. Diện tích Sài Gòn là 2 095km2( 809 dặm Anh vuông), chiếm 0.63 % tổng diện tích Việt Nam ). Trải dài đến huyện Củ Chi ( cách biên giới Căm Bốt 12 dặm Anh hay 19km ) xuống đến Cần Giờ cạnh Biển Đông. Khỏang cách từ điểm xa nhất ở phía Bắc – điểm cực Bắc ( là xã Phú Hưng huyện Củ Chi ) đến điểm cực Nam ( Xã Long Hòa , huyện Cần Giờ ) là 102km ( 63 dặm Anh ) và từ điểm cực Đông ( phường Long Bình quận 9 ) đến điểm cực Tây ( xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh ) là 47 km ( 29 dặm Anh ).
Phân Chia Hành Chánh
Sài Gòn là một thành phố xếp ngang hàng các tỉnh Việt Nam Trung Ương quản trị. Từ tháng 12 năm 2003, Sài Gòn chia ra làm 24 đơn vị hành chánh. 5 đơn vị gọi là huyện ( quận huyện ? ) rộng tổng cọng 1601km2( 618 dặm Anh vuông ). Đó là các huyện nông thôn: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh. Số còn lại rộng 494 km2 ( 191 dặm Anh vuông ) là các quận đô thị hay phụ đô thị từ quận 1, 2. 3… đến quận 9, và các quận Tân Bình, Bình Thạnh , Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Tân , Tân Phú và Gò Vấp. Mỗi quận, huyện đều chia ra thành nhiều phường. Tính đến tháng 12 năm 2006, Sài Gòn gồm có 12 quận gọi số ( 1, 2… đến 11 , 12) , 6 quận tên địa danh cũ, 5 quận huyện ( ? ) nông thôn ngọai thành, 259 phường, 58 xã và hai thị trấn. Đó là: Quận 1 có 10 phường , diện tích 7,73 km2 năm 2006 , dân số 198032 người tháng 10 năm 204, 180 225 tháng tư năm 2009, 187 435 năm 2010 và 185 715 năm 2011 ) ;
 Quận 2 ( 11 phường, 49.74 km2, 125 136 người năm 2004, 147 490 năm 2009 , 140 621 năm 2010, 136 497 năm 2011 ) ; Quận 3 ( 14 phường, 4.92 km2, 201 136 năm 2004, 190 553 năm 2009, 188 945 năm 2010, 188 898 năm 2011 ); Quận 4 ( 15 phường, 4.18 km2 , 180 548 năm 2004 , 180 980 năm 2009, 183 261 năm 2010 , 183 043 năm 2011 ); Quận 5 ( 15 phường, 4.27 km2, 170 367 năm 2004, 171452 năm 2009, 174154 năm 2010, 175 217 năm 2011 ); Quận 6 ( 14 phường, 7.19 km2 , 241 379 năm 2004 , 249 329 năm 2009 , 253 474 năm 2010 , 2512 902 năm 2011 ); Quận 7 ( 10 phường, 35.69 km2, 159 490 năm 2004, 244 276 năm 2009, 274 828 năm 2010, 265 997 năm 2011); Quận 8 ( 16 phường , 19.18 km2,, 360 722 năm 12004 , 408 772 năm 2009 , 418 961 năm 2010 , 421 547 năm 2011); Quận 9 ( 13 phường, 114 km2, 202 948 năm 2004, 256 257 năm 2009, 263 486 năm 2010, 269 068 năm 2011); Quận 10 ( 15 phường , 5.72 km2, 235 231 năm 2004 , 226 854 năm 2009, 232 450 năm 2010 , 234 188 năm 2011 ); Quận 11 ( 16 phường, 5.14 km2, 224 785 năm 2004, 226 854 năm 2009, 232 450 năm 2010, 238 188 năm 2011 ); Quận 12 ( 11 phường , 52.78km2, 290 129 năm 2004 , 405 360 năm 2009 , 4 27 083 năm 2010 , 451 737 năm 2011) . Trong nội thành, còn có Quận Gò Vấp ( 16 phường, 19.74 km2, 452 083 năm 20045 , 522 690 năm 2009, 548 145 năm 2010, 561 068 năm 2011 ) : Quận Tân Bình ( 15 phường , 22.38 km2 , 3987 569 năm 2004, 421 724 năm 2009 , 430 436 năm 2010 , 439 350 năm 2011 ); 
Quận Tân Phú( 11 phường, 16.06 km2, 366 399 năm 2004, 398 102 năm 2009, 407 924 năm 2010, 419 227 năm 2011); Quận Bình Thạnh ( 20 phường, 20. 76 km2, 423 896 năm 2004, 453 362 năm2009 , 470 054 năm 2010, 479 733 năm 2011 ); Quận Phú Nhuận ( 15 phường, 4.88 km2, 1765 293 năm 2004, 174 535 năm 2009, 175 175 năm 2010, 175 631 năm 2011 ); Quận Thủ Đức ( 12 phường, 47. 76 km2, 336 571 năm 2004, 442 177 năm 2009, 455 899 năm 2010, 474 547 năm 2011 ); Quận Bình Tân( 10 phường, 51. 89 km2, 398 712 năm 2004, 572 132 năm 2009, 595 335 năm 2010, 511 170 năm 2011 ). Các quận ngọai thành ( hay huyện nông thôn ) là : huyện Củ Chi ( 20 xã ,1 thị trấn, diện tích 434.5 km2, 288 279 người năm 2004, 343 155 năm 2009, 355 822 năm 2010, 362 454 năm 2011) ; huyện Hóc Môn( 11 xã, 1 thị trấn , 109.18 km2, 245 4381 năm 2004, 349 065 năm 2009 , 358 640 năm 2010, 363 171 năm 2011); huyện Bình Chánh ( 15 xã, 1 thị trấn, 252. 69 km2, 304 168 năm 2004, 420 409 năm 2009, 447 291 năm 2010, 465 248 năm 2011 ); huyện Nhà Bè ( 6 xã, 1 thị trấn, 704.22km2, 72 740 năm 2004, 101 024 năm 2009, 103 793 năm 2010, 109 949 năm 2011 ); huyện Cần Giờ ( 6 xã, một thị trấn, 704.3 22 km2, 66 272 năm 2004, 68 846 năm 2009, 70 697 năm 2010, 70 499 năm 2011 )
Như vậy theo Kiểm kê Dân số ngày 1 tháng 10 năm 2004, dân số Thành Phố là 6 117 251 người; 19 quận nội thành có 5 140 414 người và 5 huyện nông thôn có 976 839 người. Giũa năm 2007, thành phố có 6 650 942 ; 19 quận nội thành có 5 564 975 và 5 huyện nông thôn có 1 885 967 người. Kiểm Kê Dân số năm 2009 cho thấy thành phố đã tăng lên đến 7 162 864 ngừời, nghĩa là 8.34 % tổng số dân Việt Nam, dân số cao nhất nước . Đến cuối năm 2012 tổng số dân thành phố là 7 750 900 người , tăng thêm 3.1 % hơn năm 2011. Dân Kinh ( tộc dân Việt ) là đa số, chiếm đến 93.52 % tổng số dân Việt Nam. Nhưng Sài Gòn – TP HCM có tộc dân Hoa ( Tàu ) đông nhất Việt Nam chiếm đến 5.78 % tổng số. Chợ Lớn ở quận 5 và một phần các quận 6, 19 , 11 có cọng đồng Hoa – Tàu đông nhất Việt Nam. Người Hoa nói nhiều thứ tiếng Tàu khác nhau như Quảng Đông – cantonnese, Triều Châu – Chaozhou ), Phúc Kiến ( Hokkien), Hải Nam – HaiNan , Hẹ – Hakka, và rất ít ngươi hoa nói được tiếng quan thọai – mandarin . Các tộc dân khác đáng kể khác là Khmer chiếm 0.34 % và Chàm chiếm 0. 1% .
Năm 2014 , ước lượng dân số TP Sài gòn sẽ là 8 190 775 người , trên một diện tích là 2 095 km2 ( 809 .23 dặm Anh vuông ). Diện tích Sài Gòn- TP HCM nếu bao gồm luôn cả Thủ Dầu Một , Dĩ An, Biên Hòa và môt phần các tỉnh bao quanh sẽ có trên 9 triệu người; hy vọng sẽ đạt 13.9 triệu người năm 2025.
Khí hậu , Thủy Văn

Sài Gòn có khí hậu nhiệt đới, đặc thù hai mùa : mùa khô và mùa mưa. Ẩm độ khí trời trung bình là 75 %. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1800mmm ( 71 ngón Anh ). Mùa mưa, có 150 ngày mưa, thường bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11. Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình là 280C ( 82 0 F ). Nhiệt độ cao nhất là 390C ( 1020F ) vào buổi trưa cuối tháng 4. Nhiệt độ thấp nhất có khi xuống dưới 160C ( 61 0 F ) vào sáng sớm cuối tháng 12 đến đầu tháng giêng. Nhật chiếu hàng năm là 1486 giờ. . Tháng nhiều giờ nắng nhất là tháng 3 ( trung bình 272 .8 giờ) và tháng ít nắng nhất là tháng 9 (162 giờ).
Hai sông lớn chảy vào địa phận Sài Gòn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn . Theo Đại Nam Nhất Thống Chí ( bản dịch Pham Trọng Điềm và Hòang Đổ sưu tập (2003 ): 1- Sông Đồng Nai tên cũ là sông Phước ( Phúc ) Long, còn có tên là sông Hòa Quí, ( là con sông duy nhất chảy hòan tòan trong lảnh thổ Việt Nam dài 635 km ) bắt nguồn từ các động Man tỉnh Bình Thuận, hợp với sông Là Nha ( La Ngà ? ) chuyễn về phía Tây qua núi Thần Qui , đến ngã ba sông Bé bẻ về phía Đông, vào huyện Phước Chánh, có nhiều nhánh sông hợp lại thành sông lớn, giữa sông nổi Hòa, chảy xuống làm sông Đồng Môn , hợp với sông Bình Tân huyện Bình Tân , làm sông Phước Bình, vào phủ Phước Tuy đến sông Ngã bảy, hợp với sông Kí huyện Long Thành và sông Hương Phước huyện Phước An mà ra biển ở cửa Cần Giờ. Trước Biên Hòa ( nay là Bà Rịa ), còn có sông Lai ở phía Đông Bắc huyện Long Khánh, nguồn ra từ xã Bảo Chánh, chảy vào sông Xích Lam, sông Xích Lam thì ở phía Đông huyện Phước An, chảy ra cửa biển Xích Lam . Tỉnh Gia Định còn có 2 sông lớn cũng bắt nguồn từ Cao Miên tức là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, hai sông ấy hợp với nhau, rồi hợp với sông Phước Lộc từ sông An Thông chảy đến mà ra cửa Sòai Rạp. Sông Đồng Nai ( tên trước thời Pháp thuộc là sông Phước- Phúc Long hay sông Hòa Quí như vừa kể trên ) đã được mô tả nhiều ở hai bài khảo luận về các tỉnh Đồng Nai – Biên Hòa và Bình Dương- Thủ Dầu Một, Lâm Đồng -Đà Lạt… rồi, nên không nói thêm nữa .
2- Sông Sài Gòn tức là sông An Thông, nguồn từ miền rừng núi phía Đông nước Cao Miên, chảy về huyện Bình Dương gọi là sông Sài Gòn, có sông Bình Dương chảy vào thành sông Bến Nghé, cũng gọi là sông Tân Bình, chuyễn về phía Bắc rồi xuống phía Đông đến ngã ba Nhà Bè thành sông Phước Bình mà ra cửa Cần Giờ; đó là đường sông mà tàu bè từ cửa Cần Giờ theo để lên Sài Gòn. Sông Sài Gòn đổ vào sông Nhà Bè ở khỏang giữa Tân Thuận và Nhà Bè. Ở đọan giữa, nghĩa là trong địa phận TP Sài Gòn, sông Sài Gòn chảy giữa Củ Chi và Hóc môn (Gia Định ), Bến Cát và Lái Thiêu của tỉnh Bình Dương .Từ Lái Thiêu về đến Nhà Bè, sông Nhà Bè chảy trong địa phận Gia Định qua các quận 12 ( An Phú Đông , Thạnh Lộc ), quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4( Tân Thuận ), quận 7 ( Nhà Bè ). Phụ lưu quan trọng tả ngạn sông Sài Gòn là sông Thị Tính, chảy trong địa phận Bến Cát ( Bình Dương ).
 Hửu ngạn sông Sài Gòn có những phụ lưu nhỏ và quan trọng là Rạch Láng The ở Củ Chi, nối liền với hồ Dầu Tiếng ( hồ nhân tạo ở Tây Ninh rộng 27 000 ha ) bằng Kinh Đông của tỉnh Tây Ninh; Rạch Tra, ranh giới thiên nhiên giữa Củ Chi và Hóc Môn nối liền với Rạch Trảng Bàng của sông Vàm Cỏ Đông qua Kính Xáng Thầy Cai; sông Vàm Thuật , ranh giới thiên nhiên giữa quận 12 ở phía Bắc và các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh ở phía Nam. Sông Vàm Thuật có 2 nguồn. Nguồn phía Bắc là Rạch Bến Cát và nguồn phía Tây Nam là Rạch Bến Thượng. Nguồn Rạch Bến Thượng là Kinh Tham Lương; Rạch Thị Nghè có nguồn là Kinh Nhiêu Lộc. Rạch Bến Nghé và Kinh Đôi, nối liền sông Sài Gòn với với sông Vàm Cỏ Đông qua Rạch Chợ Đệm và sông Bến Lức .Sông Bến Lức và Kinh Chợ Đệm tháo nước vùng đầm lầy Láng Le, Bàu Cỏ, Vườn Thơm, Bà Vụ của quận Bình Chánh ra sông Vàm Cỏ Đông nhờ một hệ thống kinh rạch chằng chịt ở phía Nam quận Bình Chánh …


Trên phương diện tài nguyên thiên nhiên không thể không nhắc tới vùng rừng sác , rừng ngập mặn quận-huyện Cần Giờ nơi có hợp lưu các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai , sông Vàm Cỏ sông Bé ( ? ) tạo ra hai sông khá rộng là sông Sòai Rạp chảy ra cửa Sòai Rạp và sông Lòng Tảo chảy ra cửa Cần Giờ. Nhắc lai là 291 000 ha tổng diện rừng ngập mặn trong thời gia Chiến Tranh Viêt Nam ( 1965 – 73 ? ) đã bị thuốc khai quang tàn phá nặng nề , mất hết 100 500 ha. Rừng sác Cần Giờ, năm 2000 còn tổng diện tích là 74 750 ha, trong đó 40 000 ha là rừng trồng lại từ năm 1978 đến 1998. Vùng rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là Vùng Di sản Sinh cầu Thế giới – World Biosphere và nay nhiều người xem đây là phổi xanh – green lung của TP Sài Gon City . Thật thế, khu rừng Cần Giờ đã kiểm kê được 127 lòai cá tôm – nghêu -sò, 130 lòai chim, 30 lòai bò sát , 19 lòai động vật có vú và 52 loài thực vật. Vì là rừng ngập mặn, lẽ dĩ nhiên là phải chứa nhiều lòai cây như mắm ( Mấm ) Avicennia sp. , vẹt Bruguiera sp., bần Sonneratia sp. , đước Rhizophora sp. … Nhưng nổi tiếng nhất cho Lâm Viên Cần Giờ là có chừng 1000 con khỉ ở Đảo Khỉ cách trung tâm Sài Gòn chừng 61 km và Cá sấu nước mặn – Salt water Crocodile .
Lịch sử Sài Gòn
Từ đồn Prey Kor – Sài Côn 1623 đến địa danh chánh thức Sài Gòn 1674
Vào đầu thế kỷ thứ 17, năm 1613 khi chúa Tiên Nguyễn Hòang từ trần, con là Chúa Sải Nguyễn Phúc( Phước ) Nguyên, lúc đó đã 51 tuổi ta, lên kế vị cầm quyền Đàng Trong từ 1613 đến 1635, theo di mệnh quyết tâm xây dựng Đàng Trong thật mạnh để chống lại chúa Trịnh Đàng Ngòai. Do đó ông giao hảo với các nước phương Nam để củng cố vị thế . Phía Nam nước ta lúc đó là Chiêm Thành và Chân Lạp. Vua Chân Lạp Chey Chetta (trị vì 1618- 1628 ) mới lên ngôi, cầu hôn với con gái chúa Sải công nương Ngọc Vạn, muốn kết thân với Chúa Nguyễn để làm thế đối trọng với Xiêm ( Tiêm ) La ( Siam ,Thái Lan ngày nay ). Tưởng cũng nên nhắc lại là đế quốc Khmer hay Chân Lạp từ thế kỷ thứ năm đã bị những cuộc tấn công liên tiếp của các vua Xiêm La Ayuthya là suy tàn. Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên đến mục “ Ngọc Vạn” ghi rằng Ngọc Vạn là khuyết truyện , nghĩa là không có tiểu sử. Nă m 1995, bộ gia phả Nguyễn Phúc tộc thế phả, cho biết là vào năm 1620, chúa Sải gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.
Ba năm sau ( 1623 ) cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn , chúa Sải cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey Chetta II , nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xòai ( Mô Xuy ?), gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hòang hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến Mô Xòai canh tác . Đây là lần đầu tiên, Chân Lạp chánh thức nhận cho Việt Nam khai khẩn trên đất Phù Nam, Chân Lạp xem là thuộc địa lỏng lẻo của Chân Lạp. Sử ghi rằng năm 1665, có khỏang 1000 người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất mới này . Đồng thời chúa Sải cũng “ mượn “ đất Prey Nokor và Kas Krobei ( Bến Nghé ở quận 1 ngày nay ) lập đồn quân và sở thuế bảo đảm an ninh cho lưu dân Việt ở vùng Mô Xuy ( Theo LS Lưu Vĩnh Khương- 2006 ). Prey kor đọc trại là Tài gòn- Sài Côn hay Sài gòn- Chợ Lớn ngày nay. Theo Huỳnh Văn Lang- 2004, người Việt thật sự đã khai hoang lập ấp trước đó ba, bốn thập niên rồi. 
Theo Pierre Dupont ( B.S.E.I.-1949), nước Chân Lạp cướp nước Phù Nam, nhưng chỉ cướp được cái phần đất mà nay là nước Căm Bốt và Nam Xiêm La xưa mà thôi , còn từ Nam Kỳ ra tới Nha Trang, cũng là lảnh thổ Phù Nam thì họ không bao giờ cướp đựợc cả . Nhà văn Bình Nguyên Lộc ( Tập san sử địa số19, 20 – 1970 )viết : vào giữa thế kỷ thứ 1 7 cho đến năm 1900, thì giữa Biên Hòa và Phan Thiết là rừng rậm của những bộ lạc có con dân làm nô lệ cho nước ta. Đây là một vùng không có dân – nomansland , giữa 2 quốc gia Cao Miên và Chiêm Thành; cả hai cố ý không khẩn hoang một vùng rộng lớn để lấy rừng sâu làm thành lũy thiên nhiên, hầu chống xâm lăng. 
Các bộ lạc đó là Người Mạ, họ tự xưng là Chi -au Mạ , sách biến âm Chi- au thành Châu, Châu Mạ ). Không có tài liệu nào cho biết là Chân Lạp chiếm đất Bà Rịa – Biên Hòa- Long Khánh cả thảy. Cứ lật hồ sơ hành chánh của Pháp, ta nhận ra rằng cho tới năm 1930, mà dân ta khẩn hoang chưa xong đất Đồng Nai- Củu Long, thì hẳn vào thế kỷ thứ 17, không có bao nhiêu người Cao Miên định cư ở vùng đất này. Trong tỉnh Biên Hòa đào được nhiều tượng Chàm, chớ không có tượng Cao Miên nào hết. Trái với học giả tiền bối Trương Vĩnh Ký, những địa danh Việt Hóa ở Biên Hòa và Long Khánh mang dấu vết Mã Lai như Gia Ray ( Gia là sông , là nước nhà theo phương ngữ Mã Lai) không có địa danh nào mang danh tiếng Cao Miên cả . Khác hẳn tên Việt hóa từ tiếng Miên như Trà Vinh – Tra Peng, Long Hồ – Longhor, Mỹ Tho- Mêsor …
Năm 1658, khi vua Chân Lạp mất, nội bộ hòang gia Chân Lạp bất hòa, chú cháu tranh dành ngôi vua, sự việc không giải quyết được, bèn sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền sai tướng đem 3000 quân đánh Mỗi Suy ( nay thuộc tỉnh Biên Hòa ), bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân( Ponhea Chan) đem về giam tại Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, nhưng phải hứa hàng năm triều cống và bảo vệ người Việt Nam lập nghiệp trên đất Nam Vang chiếm cứ. Năm 1674, nội bộ Chân Lạp lại có sự tranh chấp. Nặc Ông Đài ( Batom Reacha ? ) cầu viện Xiêm La đánh Nặc Ông Nộn ( Ang Non ). Nặc Ông Nộn chạy sang dinh Thái Khang ( tỉnh Khánh Hòa ngày nay ) cầu cứu. Chúa Hiền sai các tướng Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Đình Phái sang đánh Nặc Ông Đài , phá được các lũy Sài Gòn , tiến quân vây thành Nam Vang.
 Đây là lần đầu tiên địa danh Sài Gòn thay vì Sài Côn được dùng trong Chánh sử Việt. Con cháu dòng thừa kế là Nặc Ông Thu ( Ang Saur ) ra hàng, được lâp thành Chánh Quốc Vương đóng tại Long Úc. Riêng Nặc Ông Nộn( Ang Non ) được phong làm Phó Quốc Vương đóng tại Sài Côn . Cả hai đều được xem là chư hầu, hàng năm phải triều cống chúa Nguyễn. Năm 1679, chúa Hiền cho quân tướng Trần Thượng Xuyên vào lập nghiệp tại Lộc Dã – Bàn Lân, thuộc Biên Hòa. Năm 1698, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hửu Kính làm Kinh Lược đất Chân Lạp, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, và Sài Côn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Trấn Biên – Biên Hòa và dinh Phiên Trấn – Gia Định. Năm 1714, quân của Nặc Ông Thâm, con của Nặc Thu, chiếm thành La Bích, vây Nặc Ông Yêm con của Ông Nộn nguy cấp lắm. Chúa Ninh Nguyễn Phước Trú sai Trần Thượng Xuyên phát binh sang đánh. Nặc Ông Thâm sợ hải bỏ chạy. Trần Thượng Xuyên lập Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp .

Theo Lâm văn Bé( Dòng Việt số 17 – 2005), lúc ban đầu, cuộc Nam Tiến là một cộng cư giữa người Việt, người Tàu và người bản địa ( Miên, Môn, Chàm ), để khẩn hoang một vùng đất vô chủ. Sau đó đến thế kỷ thứ 18, những đất đai vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La vua chúa Chân Lạp lần lượt chuyễn nhượng, hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn, họăc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những món quà đổi lại sự giúp đở quân sự cho Chân Lạp, bảo vệ Chân Lạp chống đỡ uy hiếp thường xuyên của Xiêm La. Các đất đai vua Miên dâng tặng cho chúa Nguyễn không hẳn thuộc vua Miên, vì từ sau khi Phù Nam tan rã, vùng đất này chẳng bao giờ được Miên kiểm sóat hay đặt bộ máy chánh quyền. Đến năm 1768, cuộc Nam Tiến coi như đã chấm dứt. Lảnh thổ Nam Kỳ lúc này được chia ra thành 3 ba vùng : Vùng Đồng Nai, bao gồm các tỉnh Miền Đông, Vùng Sài Gòn bao gồm các đất từ sông Sài Gòn đến cữa Cần Giờ và Vùng Long Hồ là đất các tỉnh miên Tây.
Tháng 10 năm 1777, nghe tin Nguyễn Huệ rút về Qui Nhơn, Nguyễn Phước Ánh thóat nạn ở Long Xuyên chạy ra tránh ở đảo Thổ chu ( Châu ), cử binh tiến đến Sa Đéc , tháng 11, đánh úp dinh Long Hồ và tháng 12 chiếm lại Sài Côn. Năm 1778, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc lên ngôi hòang đế, niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Lữ làm tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân. Đại Nguyên Súy Nguyễn Phước Ánh lúc đó mới 17 tuổi, sai đóng chiến thuyền đắp lũy phong giữ Sài Côn, dựng nhà tông miếu, đặt công đường các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn ,Long Hồ , chứa lương thực Bắc Tiến đánh anh em Tây Sơn. Nguyễn Phước Ánh tổ chức lại việc cai trị đất Gia Định, chia vạch địa giới 3 dinh Trấn Biên ( Biên Hòa sau này ), Phiên Trấn ( tỉnh Gia Định và Đinh Tường)
và Long Hồ ( An Giang và Vĩnh Long ). Dinh Phiên Trấn chỉ có một huyện là Tân Bình gồm 4 tổng : Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận. Năm 1789 , bắt được tướng Tây Sơn là Phạm văn Tham ở Ba Thắc – Châu Đốc, Nguyễn Ánh mới dẹp yên đất Gia Định. Năm 1790, sai đắp thành Gia Định xây theo kiểu bát quái xây dựng kỳ đài ba tầng, tòa vọng đẩu ban ngày kéo cờ , ban đêm chong đèn là hiệu lệnh cho các quân. Thành xây theo kiểu Tây Phương do Olivier de Puymanel và Theodore Lebrun trình bày. Trong thành có 8 con đường ngang dọc; ngòai thành là đường phố, chợ búa, dọc ngang la liệt, có thứ tự , hai bên đường đều có trồng cây . Thật ra thì cuối đời chúa Nguyễn Phúc Thuần ( 1772) , Đại Phố Châu ( Biên Hòa – Cù Lao Phố ) đã bị chúa Tây Sơn Nguyễn Nhạc tàn phá năm 1782, hạ sát tàn bạo, giết hơn 10 000 quân binh hay thường dân Minh Hương ( Lưu Vĩnh Khương – 2006 ). Hoa thương đã rời bỏ Đại Phố đến Bến Nghé( Chợ Lớn ), nơi quân nhà Nguyễn trú đóng, dân cư đông đúc để được an ninh, dễ làm ăn hơn. Chúa Nguyễn đã chỉ định vùng Sài Côn- Chợ Lớn ngày nay cho họ ở, lập phố xá buôn bán. 
Từ đó Chợ Lớn mỗi ngày mỗi phồn thịnh, trở thành trung tâm thương mãi miền Nam. Cũng theo Lưu Vĩnh Khương ( 2006 ) , năm 1821 một thương gia Anh ghé vào gia Định, “ không ngờ ở miền xa xôi này lại có một thành thị to rộng như thế, cách xếp đặt phố xá ở đây còn phong quang thứ tự hơn nhiều kinh đô châu Âu . Sĩ quan Pháp Francis Garnier quả quyết là thị trấn Chợ Lớn do người Tàu lập lại vào năm 1778 : “ dân cư đông đúc , phố chợ san sát, nhà tường nhà ngói liên tiếp cùng nhau . Ghe tàu hải dương đến buôn bán qua lại , cột buồm liền lạc, xứng là xứ đô hội không đâu sánh bằng”. Liên hệ Pháp Việt đã có từ thế kỷ thứ 17 khi nhà truyền giáo dòng tên Jesuit Alexandre de Rhodes đến Xứ Đàng Trong. Phạm vi hoạt động của Pháp và Tây Phương là buôn bán, thương mãi. Cho đến năm 1787, Giám mục Bá Đa Lộc – Pigneau de Bihaine mộ được vài quân binh giúp Nguyễn Phước Ánh đánh Tây Sơn, tiếp tục chiến đâu giúp Nguyễn Vương dù giám mục đã chết, mãi cho đến 1802 khi Nguyễn Vương lên ngôi vua Gia Long, lựa chọn kinh đô là Phú Xuân – Huế. Vào đầu thế kỷ thứ19, Pháp can thiệp sâu vào nội tình nước Việt nam , lấy cớ là bảo vệ Hội Thừa sai Paris – Foreign Mission .
 Phần triều đình nhà Nguyễn Phước lại xem các nhà truyền giáo Cơ Đốc – Catholic missionaries như thể là một mối đe dọa chánh cho quyền uy chánh trị , văn hóa , lễ nghĩa , phong tục… của triều đình và dân gian… : tỉ như Việt Nam đang theo chế độ đa thê- polygamy, trong khi các linh mục, giáo sĩ lại nhấn mạnh đến độc thê- monogamy. Năm 1858, sau khi nhà ngọai giao Charles de Montigny thất bại điều đình bải bỏ cấm đạo, Nã Phá Luân Đệ Tam – Napoleon III phái đô đốc Charles Rigault de Genouilly sang Việt Nam với sứ mệnh ngăn chặn việc đuổi bắt các giáo sỉ theo đạo Cơ Đốc và cấm đạo của triều đình Huế. Tháng 9 năm 1859, 14 tàu chiến Pháp, 3000 quân lính và 300 lính mộ Phi Luật Tân do Tây Ban Nha cung cấp, tấn công đánh phá gây thiệt hại trầm trọng ở Tourane ( nay là Đà Nẳng ) và chiếm cứ thị trấn này. Sau vài tháng, Rigault phải rời bỏ Tourane vì thiếu tiếp tế và lâm bịnh. Rigault quay về Miền Nam, phá tan đồn Kỳ Hòa,Nguyễn Tri Phương chống giữ yếu đuối , và chiếm giữ Sài Gòn ngày 18 tháng 2 năm 18 59. De Genouilly bị chỉ trích về hành động xâm lược này và được đô đốc Page thay thế tháng11 năm 1859, với chỉ thị là ký một hòa ước với triều đình Huế bảo vệ truyền đạo ở Việt Nam và cố sức không tăng thêm xâm chiếm đất đai. Thế nhưng, ngày 13 tháng tư năm 1862, triều đình Huế bị bó buộc phải nhượng ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp.



Phần II :


Thời Đông Pháp, ít người đề cập tới


Đông Pháp – Indochine francaise hay Đông Dương thuộc Pháp, Liên Bang Đông Dương – Fédération indochinoise , từ năm 1947 đến hiệp định Giơ Neo- Geneva, Genève tháng tư năm 1954, là thành phần của Đế Quốc Thuộc Địa Pháp ở Đông Nam Á . Gồm liên bang 3 kỳ Việt Nam là Bắc Kỳ- Tonkin, Trung Kỳ – Annam và Nam Kỳ – Cochinchine cũng như Căm Bốt, nhận Pháp bảo hộ từ năm 1887, cộng thêm Lào năm 1893 và Quảng Châu Loan ( Kouang- Tchéou- Van , Guangzhouwan ) năm 1900. Sài Gòn là thủ đô Đông Pháp từ 1887 đến 1902 . Thủ đô Đông Pháp, năm 1902, được chuyễn từ Sài Gòn ra Hà Nội và đến năm 1939 cho đến 1945 là Đà Lạt , rồi chuyễn về lại Hà Nội từ năm 1945 đến năm1954. Khi Pháp thua trận ở Thế Chiến thứ II, Đông Pháp được chánh quyền Vichy Pháp cai trị với sự giám sát của quân đội Nhật mãi cho đến một thời kỳ ngắn ngũi hòan toàn do Nhật quản trị thực tế từ tháng 3 ( Nhật đảo chánh Pháp ) đến tháng 8 năm 1945. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1941, Việt Minh ( Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) nổi lên chống đối chánh quyền cai trị Pháp, khởi sự Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất – The First Indochina War, theo sử gia Hoa Kỳ. Ở Sài Gòn, chánh quyền chống Cọng Việt Nam do quốc trưởng ( đã thóai vị bỏ ngôi vàng năm 1945 ) Bảo Đại ( Vĩnh Thụy ) lảnh đạo, được tuyên bố độc lập năm 1949. Tiếp theo Hiệp Định Giơ Neo năm 1954, Việt Minh nắm chánh quyền miền Bắc Việt Nam, và chánh quyền Bảo Đại vẫn thực tế cai trị miền Nam .
Tưởng cũng nên biết qua là năm 1862 Pháp nhận được từ thời vua Tự Đức hòa ước nhượng 3 cảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho Pháp và nhượng Nam Kỳ , Pháp chánh thức xem là lảnh thổ ( thuộc địa ) Pháp năm 1864. Năm 1867, 3 tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên và Vĩnh Long cũng trở thành lảnh thổ Pháp kiểm sóat. Năm 1863 , vua Căm Bốt Norodom đòi hỏi Pháp lập Bảo Hộ – Protectorat trên đất nước Căm Bốt. Năm 1867, Xiêm ( nay là Thái Lan ) nhận bỏ chủ quyền trên Căm Bốt và chánh thức công nhận Pháp Bảo hộ Căm Bốt năm 1863 hầu đổi lấy kiểm sóat các tỉnh Battambang và Siem Reap, trở thành lảnh thổ Thái Lan . Nhưng sau hòa ước biên giới năm 1906 giữa Pháp và Xiêm, Thái Lan hòan lại hai tỉnh này cho Căm Bốt .
Pháp đọat quyền kiểm sóat Bắc Kỳ sau khi thắng Trung Quốc ở Chiến Tranh Hoa- Trung Pháp các năm 1984- 85. Đông Pháp được thành lập năm 1887 từ ba kỳ , Bắc Kỳ , Trung Kỳ và Nam Kỳ( hợp lại thành nước Việt Nam ngày nay) và vương quốc Căm Bốt, Lào, được xáp nhập vào Đông Pháp sau Chiến Tranh Pháp -Xiêm năm 1983. Liên Bang Đông Pháp tồn tại cho đến năm 1954. Cả 4 xứ Bảo Hộ, trên danh nghĩa, Pháp giữ lại chánh quyền địa phương là các vua Việt Nam, vua Căm Bốt và vua Luang Prabang. Nhưng trong thực tế Pháp thu gọn mọi uy quyền vào tay Pháp; các vua chỉ là “ bù nhìn” . Tranh chấp lảnh thổ khi Pháp muốn mở rộng Đông Pháp, là nguồn gốc Chiến Tranh Pháp- Xiêm năm 1893. Năm 1893 , Chánh quyền Thuộc địa Đông Pháp lợi dụng tranh chấp biên giới, tiếp theo là hải chiến PakNam, để gây hấn. Tàu chiến Pháp xuất hiện ở Vọng Các -Bangkok và yêu cầu Xiêm nhượng các lảnh thổ Lào ở phía Đông sông Cửu Long. Vua Xiêm Chulalongkorn kêu gọi Anh Quốc, nhưng tổng trưởng Anh nói vua Xiêm nên tự điều đình lấy, cho nên buộc lòng vua Xiêm phải chấp nhận. Thành quả thái độ Anh Quốc là một thỏa thuận của Xiêm với Pháp, bảo đảm toàn vẹn lảnh thổ còn lại của Xiêm. Thay vào đó, Xiêm phải từ chối chủ quyền vùng Shan, nói tiếng Thái ở Đông Bắc Miến Điện cho Anh Quốc kiểm sóat và nhượng Lào cho Pháp.
Tuy nhiên , Pháp tiếp tục áp lực trên Xiêm và các năm 1906 – 1907 lại tạo dựng lên một khủng hỏang khác. Lần này, Xiêm đã phải nhượng cho Pháp bờ phía Tây sông Cửu Long đối diện Luang Prabang và quanh Champasak ở Nam Lào, cũng như miền Tây Căm Bốt. Pháp cũng chiếm giữ phần phía Đông tỉnh Chantaburi. Năm 1904, hầu đòi lại Chantaburi, Xiêm phải nhượng vùng Trat cho Đông Pháp. Trat được hòan lại cho Xiêm – Thái Lan ngày 23 tháng 3 năm 1907, đổi với nhiều vùng phía Đông sông Cửu Long như Battambang , Siam Nakhon và Sisophon. Vào thập niên 1930, Xiêm thảo luận với Pháp về việc hòan trả lại cho Xiêm những tỉnh Xiêm Pháp chiếm giữ. Năm 1938 , Chánh quyền
Mặt Trận Bình Dân Pháp ở Ba Lê đồng ý hòan lại Angkor Vat, Angkor Thom, Siem Reap, Siem Pang và các tỉnh liên hệ ( gần 13 tỉnh cả thảy ) cho Xiêm. Trong lúc đó, Xiêm chiếm cứ các vùng này, trước khi hòa ước ký kết. Hai chánh quyền Xiêm và Đông Pháp gửi người đến Đông Kinh- Tokyo Nhật ký kết hòa ước hoàn lại những tỉnh Xiêm đã mất.
Chiến tranh Pháp- Xiêm ( Thái Lan ) tái diễn các năm 1940 – 41. Vào Thế Chiến thứ II , Thái Lan lợi dụng cơ hội Pháp yếu kém , đòi lại các đấtđai Xiêm đã mất, gây nên cuộc chiến tranh Pháp – Xiêm, từ tháng 10 năm 1940 đến ngày 9 tháng 5 năm 1941. Quân lực Thái Lan chiến đấu khá giỏi trên đất liền, nhưng các mục tiêu Thái rất là giới hạn. Tháng giêng 1941, hải quân Pháp Vichy đánh bại thẳng thừng hải quân Thái ở Trận Ko Chang . Chiến tranh chấm dứt với sự can thiệp của Nhật tháng 5 năm 1941 và Pháp phải trả lại những lảnh thổ Xiêm Pháp đã chiếm giữ thêm.
Tháng 3 năm 1945 , Nhật đảo chánh Pháp, chiếm mọi uy quyền ở Đông Pháp. Tháng 4, Nhật làm áp lực Thái tử Lào, Hòang thân Savang Vatthana tuyên bố Lào độc lập, tung ra Chiến dịch Đông Pháp thứ II . Nhật nắm thực quyền ở Đông Dương và Đông Pháp, mãi cho đến tháng 8 năm 1945 khi Nhật đầu hàng Đồng Minh. Sau Thế Chiến thứ II, Pháp đòi hủy bỏ Hiệp Ước Pháp – Xiêm năm 1938, cố sức giữ vững uy quyền, nhưng đụng độ với các lực lượng Việt Minh liên kết cùng các đảng phái quốc gia Việt Nam. Hoa Kỳ thọat tiên ủng hộ Việt Minh chống Nhật. Tổng thống Roosevelt và tướng Stilwell, trong nhũng đàm luận tư, minh bạch nói rằng Pháp không thể tái lập uy quyền ở Đông Pháp ( nghĩa là Việt Nam ngày nay, Căm Bốt và Lào ) khi Thế Chiến chấm dứt . Tổng thống Roosevelt nói với Ngọai trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull là sau gần 100 năm Pháp cai trị, Đông Pháp còn tệ hại hơn trước . Roosevelt còn hỏi Tưởng giới Thạch – Chiang Kai shek là có muốn lấy Đông Pháp không, được Tưởng Giới Thạch trả lời rằng không trong bất cứ trưòng hợp nào. Nhưng sau khi Nhật đầu hàng, Tưởng gửi 200 000 quân Tàu do tướng Lư Hán chỉ huy chiếm đóng miền Bắc Việt Nam phía trên vĩ tuyến thứ 16 để giải giáp quân đội Nhật. Tưởng đe dọa Pháp và thao tác xung đột giữa Pháp và Việt Minh, buộc Hồ Chí Minh và Pháp phải ký thỏa hiệp hòa bình. Tháng 2 năm 1946, Tưởng buộc Pháp phải trả lại mọi nhượng địa ở Trung Quốc và các ân huệ ngọai lảnh thổ của Pháp , đổi lại việc Tàu rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam và để cho quân đội Pháp tái chiếm vùng này , khởi sự tháng 3 năm 1946. Sau khi thuyết phục vua Bảo Đại thóai vị , ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ( HCM ) tuyên bố Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam độc lập. Nhưng trước cuối tháng 9, một lực lượng quân đội Anh và Pháp cùng quân đội Nhật bị bắt giữ, tái lập quyền Pháp cai trị Pháp ở miền Nam Việt Nam . C hiến tranh khốc liệt tiếp theo đó, được gọi là Chiến Tranh Đông Dương thứ Nhất. Năm 1950, ông Hồ lại tuyên bố độc lập trên lảnh thổ Việt Nam Dân chủ Cọng Hòa , được hai chánh quyền Cọng Sản là Trung Quốc và Nga Sô Viết công nhận . Chiến tranh tiếp diễn mãi cho đến tháng 5 năm 1954 , khi Việt Minh đánh bại quyết định lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ. Ngày 27 tháng 4 năm 1954, Hiệp Định Giơ Neo phân chia ra hai miền Nam Bắc ở vĩ tuyến 16, với điều lệ là phải tổ chức tổng tuyễn cữ tháng 7 năm 1956, để thống nhất đất nước. Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam không chịu ký hiệp định Giơ Neo này. Pháp rút lui, trao lại Miền Bắc cho Cọng Sản . Trong khi chế độ Bảo Đại nhờ sự ủng hộ của Hoa Kỳ , tiếp tục kiểm sóat miền Nam .
Phát triễn Sài Gòn thời Pháp thuộc
Như đã nói trên cảng Sài gòn đã được thiết lập từ năm 1862 ở vòng cung sông Sài Gòn có nhiều sông nhỏ và rạch, kinh lớn nhỏ chằng chịt ngang qua. Đây là mạng lưới sông rạch bao phủ châu thổ sông Cửu Long và giao thông đến Căm Bốt . Nay tàu trọng tải 30 000 tấn có thể cập bến cảng sông Sài Gòn , một ưu điểm quan trọng ít khi thấy ở một cảng sâu trong đất liền. Cảng này đã là một trung tâm thương mãi, chuyên chở hàng hóa và hành khách náo nhiệt. Báo chí Sài Gòn, năm 1909, cho biết trong tháng 9 đã có 95 tàu chở hàng ngọai quốc ( Tây – Pháp , Đức , Mỹ- Hoa Kỳ, Hồng Mao – Anh… ), số lượng hàng hóa nhập cảng là 85 476 tấn. Theo giáo sư Nguyễn Văn Trung ( Đi Tới – 2003 ), riêng thủy trình của Hỏa Luân Thuyền Công ty đã có tàu Sài Gòn đi Mỹ Tho; từ Mỹ Tho đi Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cù Lao Gien, Châu Đốc, Long Xuyên, Trà Ôn, Sóc Trăng và trở về Mỹ Tho , Sài Gòn; ngòai vô số thủy trình khá như lên Biển Hồ, lên Nam Vang, lên Bassac, đường sông lớn đi lên Lào … Pháp đã cố gắng dặt mục tiêu phát triễn Hòn Ngọc Viễn Đông – Sài Gòn thành một cảng buôn bán sầm uất sánh ngang Singapore do Anh Quốcc thiết lập lúc đó . Năm 19037 Sài Gòn đã là một trong 6 cảng họat động sôi nổi nhất trong 6 cảng nổi tiếng của Đế Quốc Pháp . Nay, Sài Gòn là một cảng sông chuyên chở hàng hóa mỗi năm 13 triệu tấn .
Năm 1936, Pháp khai thông đường xe lữa Xuyên Đông Pháp – Trans-Indochinois rail way nối Hà Nội- Sài Gòn Hà tầng cơ sở còn được cải thiện đẽ đễ du hành từ Pháp đến Đông Dương. Từ năm 1939, tàu đi từ Marseille ( cảng miền Nam nước Pháp ) chỉ mất chưa đầy 1 tháng và chỉ mất 5 ngày đi máy bay từ Paris đến Sài Gòn. Cáp điện tín- telegraph cables ngầm được thiết lập năm 1921. Kiều dân Pháp tạo thêm ảnh hưởng ở Sài Gòn bằng những kiến trúc cột mốc – landmark . Tỉ như Nhà Thờ Đức Bà- Cathedrale Notre Dame xây cất ngày 7 tháng 10 năm 1877 và hòan tất ngày 11 tháng 4 năm 1880, theo đồ bản họa kiểu của kỷ sư Pháp Bourard. Ngay tại trung tâm Thành Phố, trên đường Hàn Thuyên, quận 3, đối diện đường Động Khởi, gần Tòa Bưu Điện Sài Gòn. Hình như tổn phí là 2.5 triệu phật lăng – francs đương thời. Hai ngày 7 và 8 tháng 12 năm 1959, Tòa Thánh Vatican công nhận là đây là Nhà Thờ Lớn Sài Gòn thờ Đức Bà. Nhà Thờ lớn cũng là một công thự tôn giáo nguy nga, lọai kiến trúc Tân La Mã – Neo Romane có 2 tòa tháp cao 40m có mũi tên kim lọai trên đỉnh. Tòa Đô Chánh – City Hall, Hotel de Ville nay là Tòa Hội đồng Nhân Dân Thành Phố, sơn phết màu kem và màu vàng đúng kiểu cổ dinh thự thời Thuộc địa , đèn thắp sáng trưng ban đêm, không được phép thăm viếng, nhưng trước mặt là tượng Bác Hồ rất phổ thông để chụp hình . Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam – Museum of Vietnamese History, Musée de l’histoire du Việt Nam ở số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP Sài Gòn. 
 Viện Bảo tàng xây cất năm 1929, mang tên là viện Bảo Tàng Musée Blanchard de la Brosse , cho đến năm 1956 mới đổi tên Trong thời gian này, viện trưng bày nhiều triễn lãm nghệ thuật Á Châu. Năm 1956, viện trở thành viện Bảo Tàng Quốc Gia Sài Gòn. Sau 1975 , sau một lọat trùng tu mới có tên là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam . Đặc điểm là Viện chứa trên 17 000 cổ vật quí hiếm và trưng bày nhiều công trình nhiều giai đọan lịch sử nước nhà, từ thời cổ đại cách đây 300 000 năm đến năm 1930 lúc đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, và của nhiều nền văn hóa , văn minh thế giới khác nhau. Dinh Thống nhất – Reunification Palace, Palais de Réunification ở số 106 đường Nguyễn Du, quận 1. Được xây cất năm 1865 và gọi là Dinh Norodom và sau đó là Dinh Phủ Tòan Quyền Đông Pháp . Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm và gia đình ông bà Nhu sống ở dinh Norodom cho đến năm 1954 . Dinh bị một sĩ quan không quân ném bom làm hư hỏng nặng nề, tháng 2 năm 1962. Tổng Thống
Diệm bắt buộc phá hủy phần còn lại và sai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ họa kiểu xây dựng một dinh thự mới, đổi thành Dinh Độc Lập -Independance Palace, Palais de l’ Independance. Dinh Độc Lập rộng 4 500 m2, trong một khuôn viên 120 000 m2. Dinh thự gồm một tầng dưới đất , ba lầu, hai tầng gác lững- mezzanines , một sân thượng -terrace, terrasse, một sân chơi ở tầng trên . Dinh có 100 phòng và mỗi phòng trang trí, theo đúng chức năng mình Ngòai ra còn có 2 phòng triễn lãm, một nhà khách 33 phòng để đón mời quan khách và nhiều cơ sở để tiêu khiển giải trí, như sân đánh cầu vượt – tennis và nhiều nhà sàn. Ngày 30 tháng 5 năm 1975, xe tăng quân đội Bắc Việt phá cửa sắt xông vào chiếm dinh. Tổng thống Dương Văn Minh cùng 45 nhân viên nội các ông đầu hàng, không chút nào chống cự. Sau giải phóng, dinh là trụ sở Ủy Ban Quân quản TP HCM . Những hội họp chánh trị về thống nhất đất nước xảy ra ở dinh , cho nên dinh đổi tên thành Dinh Thống Nhất . Ngày nay, dinh Thống Nhất là một địa điểm du lịch hút dẫn, không những cho dân Việt mà còn cho ngọai quốc nữa.
Phần III : Phát triễn Sài Gòn – TP HCM ngày nay sau năm 1975
Khác hẳn Algérie, kiều dân Pháp không đến cư trú nhiều ở Đông Pháp. Năm 1940 chỉ kiểm kê được 34 000 Pháp dân sự, song song với một số nhân viên nhỏ hơn gồm quân đội và công chức . Sở dĩ như vậy là vì Pháp xem Đông Pháp là thuộc địa khai thác kinh tế- colonie d’ exploitation économique thay vì là thuộc địa định cư dân – colonie de peuplement ( Pháp xem dân ở chánh quốc là đã quá đông ), vì lẽ Đông Pháp cũng xa Pháp Quốc. Tuy nhiên, trong thời Pháp thuộc địa, tiếng Pháp là ngôn ngữ chánh ở giáo dục , chánh quyền, thương mãi báo chí truyền thông và tiếng Pháp được phổ thông rộng rải trong dân gian. Tiếng Pháp rất thông dụng ở thị thành hay thôn quê bán đô thị, trở thành tiếng nói chánh của giới thượng lưu và giới có học. Đặc biệt ở Bắc kỳ và Nam Kỳ hai miền chịu nhiều ảnh hưởng Pháp, trong khi Trung Kỳ, Lào và Căm Bốt ít bị ảnh hưởng gíao dục Pháp hơn. Dù tiếng Pháp chủ trì khắp Đông Pháp, dân gian vẫn sử dụng tiếng địa phương mình. Khi nền cai trị Pháp chấm dứt, các chánh quyền quốc gia mới vẫn sử dụng tiếng Pháp ( ngọai trừ Bắc Việt ). Nhưng từ đó tiếng Anh càng ngày càng được dùng nhiều thêm ở trường học và đã thay tiếng Pháp ở địa vị ngôn ngữ, sinh ngữ thứ 2, sau tiếng mẹ đẻ . Ngày nay số người Việt nói được tiếng Pháp ít hơn 0.5 % .
Vì là thuộc địa khai thác, nên kể từ năm 1930, Pháp bắt đầu khai thác các tài nguyên thiên nhiên và cố đa dạng kinh tế Đông Pháp . Cả 3 kỳ Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ trở thành một nguồn sản xuất trà ( Chè ), lúa gạo, cà phê, tiêu , than đá, kẻm và thiếc . Căm Bốt là một trung tâm lúa gạo và tiêu , chỉ có Lào được xem là một thuộc địa không đáng khai thác, ngòai gỗ trên một kích thước tương đối nhỏ hẹp. Đầu thế kỷ thứ 20, công nghệ ô tô tăng mạnh ở Pháp , thành quả là tăng trưởng ngành trồng cao su, và các đồn điền mọc lên đặc biệt ở Cao nguyên Trung Phần ( lúc đó thuộc Trung Kỳ ) và miền Đông Nam Kỳ . Cao su các đồn điền Pháp ở Đông Pháp giúp Pháp trở thành một quốc gia dẫn đạo sản xuất cao su, rất cao giá ở thị trường công nghệ thế giới. Thành công trồng tĩa cao su như hảng Michelin, kéo theo đầu tư ở Đông Pháp vào ngành hầm mỏ, các đồn điền cao su, trà và cà phê. Đông Pháp bắt đầu công nghệ hóa. Các xưởng mới sản xuất tơ sợi, thuốc điếu , bia và xi măng; được xuất cảng khắp đế quốc Pháp. Nguồn tài chánh đầu tư ở Đông Pháp một phần lớn là do các thuế độc quyền về thuốc phiện – opium ,muối, và rượu gạo – nếp. Buôn bán ba sản xuất này, năm 1920 chiếm đến 40% ngân sách Đông Pháp, nhưng năm 1930 trụt xuống chỉ còn 20 % , khi Đông Pháp khỏi sự đa dạng kinh tế . Công cụ tài chánh là Ngân Hàng Đông Dương – Banque de L’ Indochine thiết lập từ năm 1875, có trách nhiệm in và phát hành đồng bạc- piastre Đông Pháp. .Đông Pháp là thuộc địa Pháp có mức đầu tư vào hàng thứ hai năm 1940 sau Algeria , tổng số đầu tư năm đó là 6.7 triệu phật lăng.
Sài Gòn – TP HCM trở thành Trung tâm Kinh tế chánh ở Việt Nam
GDP mỗi đầu người Sài Gòn cuối năm 2013 đạt 4500 $ -USD hơn gấp đôi năm 2007
Từ một làng đánh cá chỉ vài trăm gia đình, ở thế kỷ thứ 17, năm 1995, dân số Sài Gòn đã lên đến 4 640 400 người , năm 2000 là 5 274 900, năm 2005 là 6 230 900, năm 2010 là 7 378 000 và năm 2012 là 7 750 900 , nay có lẽ đã trên 8 triệu người ( theo cục thống kê năm 2012, thì dân số Sài Gòn đã là 8 382 287 người, tính theo cư dân đăng ký cọng thêm các nhân công di cư vào TP làm việc ). Năm 2005, Sài Gòn chiếm 8. 34 % dân số Việt Nam trên một diện tích chỉ vào khỏang 0. 6% lảnh thổ, nhưng chiếm 20.2 % GDP, 27.9% sản xuất công nghệ và 34.9 % các dự án FDI nước nhà. Năm đó, Thành Phố có 4 344 000 dân lao động, trong đó 130 000 già tuổi hơn tuổi lao động tiêu chuẩn Viêt Nam là 60 tuổi cho nam giới và 55 tuổi cho nữ giới. Năm 2000, ước lượng GDP Sài Gòn đạt 14.3 tỉ $- USD nghĩa là 2 180 $ mỗi đầu người – per capita , tăng 12.6 % so với năm 2006, và chiếm 20% GDP cả nước, 5 lần hơn GDP mỗi người VN năm 2000, và 10 lần cao hơn năm 1995. 
Tính theo Sức Mua Tương Đương- Purchasing Power Parity , PPP, GDP sẽ là 71. 5 tỉ $ hay khỏang 10 870 $ mỗi đầu nguời, chừng 3 lần cao hơn trung bình cho cả nước. Tuy vậy năm 200, GDP- PPP Sài Gòn vẫn còn thua xa Singapore, ước lượng năm 2001 là 20 767 $ và Nhật Bổn là 24 489$ . Hòn Ngọc Viễn Đông Pháp thuộc Sài Gòn chưa theo kịp Hòn Ngọc Viễn Đông Anh thuộc Singapore, dù đã tăng phát triễn 10 lần hơn kể từ năm 1995. Giá trị Công nghệ Sài Gòn năm 2007 là 6.4 tỉ $, tương đương 30.5% giá trị công nghệ tòan quốc. Trị giá xuất nhập khẩu qua các cảng Sài Gòn – TP HCM là 36 tỉ $ , 40 % con số cả nước. Tăng thêm lợi tức góp phần ngân sách quốc gia khoảng 30% và chiếm 20.5% tổng lợi tức quốc gia. Yêu cầu tiêu thụ TP HCM cũng cao hơn các tỉnh VN và 1.5 lần cao hơn Hà Nội. Đến tháng 6 năm 2006, Sài Gòn đã có 3 khu chế xuất – export processing zones và 12 công viên công nghệ. Sài Gòn nhận cả thảy đến 2 530 dự án đầu tư ngoại quốc trực tiếp – FDI projects trị giá 16.6 tỉ $. 
Năm 2007, Sài Gòn đã hút dẫn 400 dự án FDI, trị gíá 3 tỉ $. Năm 2008, Sài Gòn hút dẫn thêm 8.5 tỉ $ FDI. Năm 2010, GDP Sài Gòn ước lượng đạt 20.902 tỉ $, nghĩa là chừng 2800 $ mỗi đầu người, cao hơn năm 2009 11.8 % . Cuối năm 2012, GDP Sài Gòn ước lượng là 20 .595 tỉ $ hay khỏang 3700 $ mỗi đầu người, 9,2 % cao hơn năm 2011. Tổng số thương mãi xuất nhập khẩu đạt 47.7 tỉ ( so với con số 36 tỉ $ năm 2007 đã kể trên ), 21. 57 tỉ $ là xuất khẩu và nhập khẩu là 26.14 tỉ $. Cuối năm 2013, GDP Sài Gòn tăng thêm 9.3 %, và GDP mỗi đầu người đạt 4500 $ – USD, tăng hơn gấp đôi năm 2007.



Thành phần các khu vực kinh tế

Công nghệ và xây cất chiếm 47,7 % và dịch vụ chiếm 51. 1%. Nông lâm ngư và các lảnh vực khác chỉ còn chiếm 1,2 % GDP. Quốc doanh vẫn còn chiếm 33.3 % nền kinh tế Thành Phố . Khu vực tư chỉ mới chiếm 4.6 %, phần còn lại là đầu tư ngọai quốc. Các ngành quan trọng của Sài Gòn là hầm mỏ, chế biến hải sản, nông nghiệp, xây cất, du lịch, tài chánh, công nghệ và thương mãi.
Công viên công nghệ cao kỷ SHTP, công viên Phần Mềm Quang Trung và Vùng Tụ điểm Kinh tế Miền Nam .
Tính đến tháng 6 năm 2006 , Sài Gòn có 3 khu chế biến xuất khẩu – export processing zones và 12 công viên công nghệ- industrial parks , ngòai Công viên Phần mềm – Software Park Quang Trung và Công viên Cao kỷ SaiGon Hi -Tech Park , SHTP. Công Ty Phầm mềm Quang Trung nằm ở quận 12 , cách trung tâm thành phố 15 Km ( 9 dặm Anh ), gồm vừa các hảng doanh nghiệp phần mềm lẫn các công ty “dot .com”. Công ty cũng có một trường đào tạo phần mềm. Các nhà đầu tư dot.com được cung cấp những tiện nghi và dịch vụ khác , tỉ như các cư gia và đường vào internet cùng nhiều ân huệ thuế khóa. Công Viên Cao kỷ SHTP ở Xa lộ Hà Nội , phường Tân Phú, quận 9. Hai công viên này là hai công viên cao kỷ quốc gia hiện có ở nước nhà và thuờng được xem là hai trong số 5 công viên dự án động lực chánh thúc đẩy Thành phố Phát triễn. SHTP nằm ở vị thế chiến lược , cũng cách trung tâm TPHCM 15 Km về phía Đông Bắc; cách Phi trường Tân Sơn Nhất 18 km, cách Cảng Sài Gòn 12km, gần Tân Cảng Sài Gòn, cảng Thị Vải và cảng Cát Lái . SHTP cũng là trung tâm cho Vùng Tụ điểm Kinh tế- Focal Economic Region Miền Nam Việt Nam gồm TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An. SHTP cũng nằm ở ngã tư các quốc lộ chánh: quốc lộ số 1, Vòng đai Xa lộ Xuyên Á nối Sài Gòn Nam Vang – Phnom Penh ( Căm Bốt ) , và Vọng Các – Bangkok ( Thái Lan ).( xem vị trí Sài Gòn đối với các đô thị Đông Nam Á: Trung Quốc , Myanmar, Thái Lan, Lào, Căm Bốt và miền Bắc Mã Lai Á đính kèm ). SHTP còn kế cận 55 vùng công nghệ và vùng chế xuất quanh Sài Gòn và các đô thị; gần Viện Đại học Quốc gia TP HCM có trên 15 000 sinh viên về khoa học và kỷ thuật, cũng như sân Gôn – Golf Thủ Đức. SHTP tập trung kêu gọi đầu tư ở 4 lảnh vực ưu tiên: 1- là điện tử micrô electronics , kỷ thuật thông tin và viễn thông ; 2- là cơ học chính xác – precision mechanics; 3- là kỷ thuật sinh học – biotechnology ứng dụng cho nông nghiệp, dược phẩm và môi sinh: 4 – là kỷ thuật nanô và vật liệu tiên tiến – advanced materials . Đầu tư ở SHTP rất đa dạng: có thể là chế tạo cao kỷ, dịch vụ cao kỷ ( như các trung tâm dây nói – call centers , trung tâm dữ liệu- data centers , phát triễn phần mềm ), khảo cứu và phát triễn, ấp nở hay huấn luyện đào tạo. Những tổ hợp công ty danh vang thế giới như Intel ( Hoa Kỳ), tổ hợp Jabil Corporation( Hoa Kỳ ? ), tổ hợp Nideo Cor poration ( Nhật ) , Sonion A/Ds ( Đan Mạch ) và HPT ( ViêtNam ) đều đã có mặt. Intel đã đầu tư 1 tỉ đô la năm 2006 lập một xưởng chế tạo ở TP HCM. Ba công viên SHTP, Công viên phần mềm Quang Trung và Công viên phần mềm Tân Thuận ( ? ) rộng 32 ha ở vùng chế xuất Tân Thuận, quận 7, hy vọng sẽ giúp Sài Gòn trở thành một thành phố cao kỷ cho cả nước và cho Đông Nam Á, một vị trí nguồn ngọai – outsourcing location cho các doanh vụ các nước tiên tiến, đã phát triễn ở Ấn Độ. Không rỏ ngành rôbốt điện tử tiên tiến- advanved robotics , ngành công nghệ cơ học rôbốt chính xác … Việt Nam, phát triễn mạnh nhất ở Công viên công nghệ ,Khu chế xuất nào ?… Hảng Robotland, chánh phủ Hàn Quốc – Nam Hàn của bà tổng thống Phác Huệ Hy – Park Geun Hye trợ cấp 735 triệu $, đặc điểm là phát huy các phát minh tương lai cùng những Labô khảo cứu và phát triễn thêm ngành công nghệ điện tử- cơ khí rô bốt Robotics, nay đầu tư vào công viên công nghệ, khu chế xuất nào ở Việt Nam? Tưởng cũng nên theo dõi phát triễn Robotics ở ở Nam Hàn và Nhựt Bổn, hầu có ý niệm rỏ rệt hơn cho tương lai ngành nay ở Việt Nam ? Theo Bloomberg Businessweeks số 1 tháng 9 đến 21 tháng 9 năm 2014, ngành công nghệ robotics ở Nam Hàn đã tăng gấp đôi kích thước kể từ năm 2009, lợi tức gần 1 tỉ $ năm 2012 . Chánh Quyền Nam Hàn muốn tăng lợi tức này lên 3.5 tỉ $ năm 2018, làm ra 600 công ty robôtic nội địa, sử dụng 34 000 lao động, nhân công. Chuyên môn Nam Hàn về kỷ thuật màn ảnh – screen technology, bán dẫn – semiconductors . Theo Lee Jeong Yeob, Chánh kỷ sư Khảo cứu của Công ty Hyundai Rotem, một công ty quốc phòng, thành phần của nhóm Tổ Hợp Hyundai Motor Group, các kỷ thuật căn bản vừa kể, sẽ giúp Nam Hàn dẫn đạo ngành và Nam Hàn phải sử dụng chúng hầu thương mãi hóa rô bốt. Tuy vậy, Nam Hàn cũng chưa đuổi kịp các nước tân tiến khác, mới đứng hàng thư tư thế giới về công nghệ rô bốt . Nhất là khi nước đứng đầu là Nhật Bổn, nhìn thấy các công nghệ cao kỷ của mình bị Samsung, Apple và Google đánh sầm cửa và thủ tướng Shinzo Abe đã tập hợp một hội đồng chuyên môn – task force, tìm cách tăng gấp ba kích thước công nghệ rô bốt Nhật lên 22 tỉ $ -USD ( 2.4 ngàn tỉ yên ), nghĩa là 6 lần hơn Nam Hàn. Hiện Sài Gòn có chừng 300 000 doanh vụ , nhiều doanh vụ lớn liên hệ đến cao kỷ, điện tử, công nghệ chế biến hay nhẹ, và ở ngành vật liệu xây cất hay xây dựng và sản phẩm nông nghiệp. Thêm vào đó cũng nên kể thêm ngành dầu lữa thô, một căn bản kinh tế phổ thông cho Thành Phố. Tổng số đầu tư tư nhân đã lên đến 160 tỉ Đồng Việt Nam, ĐVN (7.5 tỉ đô la )với 18 500 công ty mới thiết lập. Khuynh huớng đầu tư là cao kỷ, dịch vụ và các dự án bất động sản – real estates projects.
Phần IV


Những phát triễn hạ tầng cơ sở cần thiết cho phát triễn bền vững kinh tế , xã hội Sài Gòn
Giao thông , vận tải
Đường sông, đường biển, biết rỏ hơn mạng lưới hệ thống các cảng Sài Gòn
Ở các phần trước, chúng ta đã nói qua về cải thiện chuyên chở, chuyễn vận đường sông từ thế kỷ thứ 17 đến thời Pháp thuộc. Đáng kể nhất ngày nay là mạng lưới hệ thống các cảng Sài Gòn đóng một vai trò quan trọng cho hình thành và phát triễn thành phố Sài Gòn – HCMCity . Từ thời Pháp thuộc, Cảng Sài Gòn đã có một nhiệm vụ thiết yếu cho việc nhập khẩu và xuất khẩu vật liệu ở Đông Pháp. Đến năm 2011, Cảng Sài Gòn đã được xếp vào hàng thứ 29 trong mọi cảng công ten nơ thế giới, tuy chỉ khởi sự bốc dỡ công ten nơ vào thập niên 1970 . Ngày nay, đây là một điểm trọng tâm cho xuất nhập khẩu nước nhà, một trung tâm kinh tế, chiếm đến hơn ⅔ cả nền Kinh tế Việt Nam Đến năm 2006, hệ thống Cảng Sài Gòn đã bốc dỡ hơn 35 triệu tấn hàng hóa – cargo và 1.5 triệu TEU công ten nơ .
 Nhắc lại Đơn vị Tương đương 20 bộ Anh – Twenty -foot Equivalent Unit , viết tắt là TEU ( hay teu ) là một đơn vị không chính xác của dung lượng hàng hóa – cargo capacity thường dùng để mô tả dung lượng tàu và các ga – bến chót- terminals công tên nơ. Căn cứ trên một thể tích côngten nơ kiểu mẩu tương hổ – intermodal container , một hộp – thùng kim lọai kích thước tiêu chuẩn có thể chuyễn vận dễ dàng qua nhiều thể thức chuyên chở tỉ như tàu, xe lữa hay xe vận tải. Bề cao hộp thiếu tiêu chuẩn hóa, chừng 1.30m ( 4 bộ 3 ngón Anh ) đến 2.90 m ( 9 bộ 6 ngón ) và bề cao hay sử dụng nhất là 2.59 m ( 8 bộ 6 ngón Anh ) . Thế giới cũng hay dùng công ten nơ lọai 45 bộ ( 13. 7m ), chứa khoảng 2 TEU. Trung bình một TEU có thể tích từ 680 – 1520 bô, khối – cubic feet ( 19- 43 m3 ), chở tối đa khỏang 21. 6 tấn hàng hóa ( 47 500 cân Anh ) . Cuối năm 2012 , hệ thống Cảng Sài Gòn đã bốc dỡ 3. 5 triệu TEU công tên nơ , tăng 14 % so với năm 2011.
Vì kế họach đô thị hóa, mạng lưới Cảng Sài Gòn đã dời ra ngọai ô Thành Phố. Đặc biệt cho Vùng cảng và đô thị mới Hiệp Phước, vùng Tân cảng Cát Lái , cảng Thị Vãi và cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách TPHCM 60 km về phía Đông Nam, cách Vũng Tàu 30 Km về phía Tây Bắc. Cảng Thị Vải nhờ khả năng tàu 50 000 tấn cập bến được sẽ là cảng nước sâu – deep water port cho vùng này. Bến Cuối Tân Cảng – Cát Lái là bến cuối chuyên chở cận đại công ten nơ ở Việt Nam, ở quận 2 TP HCM và cũng gần các công viên công nghệ, các vùng chế xuất phía Bắc TP HCM, các công viên công nghệ hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Diện tích bến cuối Tân Cảng – Cát Lái là 800 000 m2 , có 7 nơi bỏ neo cập bến tổng chiều dài là 1 189m đã được thiết bị 17 cần trục – gantry cranes tối tân Panamax trên đất bao quanh bến – quayside . Tân Cảng – Cái Mép là một bến cuối công ten nơ là một cảng biển nước sâu, bắt đầu họat động ngày 3 tháng sáu năm 2009.
 Giai đọan I, lúc đó, đã có tàu khả năng 90 000 DWT ( 8000 TEU ) cập bến được, dung lượng tổng cọng 600 000 TEU/năm . Giai đọan II bắt đầu tháng giêng năm 2011, có khả năng cho tàu 110 000 DWT ( 9000 TEU ) cập bến và dung lượng một năm là 1.2 triệu TEU . Tân Cảng – Cái Mép nay cho tàu đi trực tiếp từ TP đến Bờ biển miền Tây và miền Đông Hoa Kỳ (thời gian chuyên chở mất tổng cọng 15- 16 ngày ), cũng như với các đường biển lớn chuyên chở tàu thủy thế giới. Từ qúy đầu năm 2011, Tân Cảng -Cái Mép là một hợp doanh quản trị giữa SNP ( SaiGon Newport ), bộ Quốc Phòng thiết lập ngày 15 tháng 3 năm 1898, trở thành một công ty kinh doanh – holding company tháng chạp năm 2006 và ngày 9 tháng hai năm 2010 , cũng theo nghị định bộ Quốc Phòng Việt Nam, biến thành một tổ hợp công ty cổ phần- corporation SNP ( Saigon Newport Company); hợp doanh với các công ty Á Châu lớn chuyên chở tàu thủy như Mitsui C SK Lines của Nhật, Wan Hai Shipping Lines , Hartjin…. 
 Các cảng khác ở Vùng Kinh tế Then chốt phía Bắc- Northern Key Economic Region có bề sâu cạn hơn , chừng 6- 8m thay vì 14- 15m ở Tân Cảng – Cái Mép , có thể cho tàu trọng tải 10- 15 000 DWT cập bến cho nên các cảng này gọi là “ bến cuối nhánh tiếp liệu – feeder terminals” . Tân Cảng TP HCM- Long Bình ở công viên công nghệ tỉnh Đồng Nai , có diện tích 280 ha, cách Tân Cảng – Cát Lái 35 km và Tân Cảng – Cái Mép 45 km . Giai đoạn I dự án mới này đang hòan tất chiếm 80 ha gồm một trung tâm hậu cần – logistics và phân phối , một bãi công ten nơ và những dịch vụ kho chứa hàng. Giai đọan II sẽ cọng thêm 150 ha cho cơ sở tiện nghi, gồm kho chứa hàng và hạ tầng cơ sở phát triễn một dự án bất động sản. SNP cũng cống hiến dịch vụ xà lang tiếp liệu – feeder barges cho Châu thổ Sông Cửu Long và Căm Bốt qua hệ thống các cảng sông Cửu Long – Mê Kông . 
Phần mềm dùng cho các họat động bến cuối TOPX – Terminal Operations Pac kage Systems được hội nhập với e -quan thuế, e – ngân hàng và e cảng (e- port ). Kho chứa hàng Tân Cảng- Nhơn Trạch Depot ,cũng nằm trong địa phận tỉnh Đồng Nai cách Tân Cảng – Cát Lái khỏang 8 km rộng 81 000 m2, gồm một bãi công ten nơ 6 300 m2 và một bến tàu dài 70m . Trong số các dự án Cảng TP HCM đang thiết lập thêm, có lẽ nên kể ra một khu rộng hơn 10 ha trong phạm vi trung tâm Thành Phô’, phát triễn một trung tâm quốc tế duyên hải và thương mãi, một nơi triễn lãm và lễ hội chợ quốc tế, có cơ sở văn phòng, cơ sở cho thuê khách sạn và gia cư …


Việt Nam có bờ biển dài 3400 km ( 2100 dặm Anh ) dọc theo những đường biển chuyễn vận hàng hóa tấp nập nhất thế giới, có tham vọng cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông. Đa số sản phẩm các xưởng công nghệ Virêt Nam, từ các cảng nhỏ Sài Gòn, chở đến hai cảng Singapore và Hồng Kông, cho nên cảng nước sâu Cái Mép bị khiếm dụng. Chánh sách cảng manh mún của miền Nam Việt Nam, hiện chiếm 70% tổng số doanh vụ chuyên chở tàu thủy nuớc nhà, có cơ làm chán nản các nhà đầu tư phát triễn cảng biển nước sâu Hải Phòng ở miền Bắc. Công nghệ bến cuối Việt Nam đang phải mệt mõi chiến đấu,khi thương mãi Việt Nam bừng lên. Các hảng chế tạo như Sam Sung, Nokia Oyj, và Honda Motor … đã nâng cao thêm xuất khẩu Việt Nam, tăng thêm 15.4 % năm 2013 so với năm 2012 . Tỉ xuất xuất khẩu trên GDP tăng đến mức 75 % năm 2013, thay vì chỉ ở mức 58% năm 2009, theo Cơ Quan Tiền Tệ Quốc tế – International Monetary Fund ) .Singapore là một cạnh tranh đáng gờm nhất, vì Singapore là cảng công ten nơ đứng thứ nhì thế giới, sau Thượng Hải – Shanghai. Singapore đã tung ra hàng tỉ đô la Mỹ, hầu chiếm đọat thêm thương mãi lớn rộng của Việt Nam và các nước Á châu khác, đang xây một tân cảng, tăng gấp đôi khả năng dung lượng chuyên chở ở phía tây cảng hiện hửu. Lẽ dĩ nhiên là chánh phủ muốn xây cất thêm nhiều cảng nữa, nhưng chánh quyền tuồng như muốn nhấn mạnh đến số lượng hơn là phẩm giá. Tuy nhiên Ngân Hàng Thế giới báo cáo tháng giêng năm 2014 là khả năng dư thừa dung lượng – overcapacity có thể phá hại ngầm khả năng nước nhà hút
dẫn thêm công nghệ chế tạo cao kỷ, thường đòi hỏi những hệ thống chuyên chở hửu hiệu. Tỉ như Intel, căn cứ tại thị trấn Santa Clara Bắc California và là hảng chế tạo nhiều chip nhất thế giới, đã đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ thiết lập một nhà máy thử nghiệm và ráp chip ở TP HCM, khai trương cách đây 4 năm, năm 2010. Samsung căn cứ ở Suwon- Nam Hàn có hai cơ sở sản xuất điện thọai ở Việt Nam, kể cả cơ sở tiện nghi dự liệu chạy hết khả năng sản xuất vào năm 2015. Các đơn vị Samsung khác, gồm cả đầu tư 1. 2 tỉ đô la chế tạo các môđun chụp hình – camera modules và các bảng mạch vòng – circuit boards đã họat động ở nước nhà. LG Electronics Inc. cũng đã đầu tư 1.5 tỉ $, gồm cả xây cất một phức tạp chế tạo Ti vi – TV và các ứng dụng khác. Cảng Cái Mép ở Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 bến cuối – terminals. Bến mới nhất khai trương tháng 12 năm 2013, do hảng SNP quản lý, cạnh tranh chống lại 6 bến cuối kia, khiến cho bến cuối mới chỉ chạy 30 % khả năng mà thôi.
Các tàu chuyên chở hành khách cũng họat động thường xuyên từ Sài Gòn – TP HCM đến các tỉnh, thị trấn miền Nam và Căm Bốt , gồm luôn cả Vũng Tàu, Cần Thơ, Châu Thổ sông Cửu Long và Nam Vang – PhnomPenh . Những năm gần đây, giao lưu giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Mam tăng gia mạmh mẽ , đặc biệt ở Kinh Đôi và Kinh Tẻ . Hai Kinh này nhận đến 100 000 tàu bè di chuyễn mỗi năm, tổng cọng đạt 13 triệu tấn hàng hóa/năm . Một dự án vét hai kinh này, các năm 2011- 2014, đã được chấp thuận, không rỏ tháng 9 năm 2014 đã vét xong chưa ?…


Tưởng cũng không nên quên nhắc tới xuồng bay – hydrofoil đi Vũng Tàu, là một cách ngắm cảnh thương mãi hóa đường sông Sài Gòn ra biển Đông. Vé chỉ tốn 10$ cho người lớn và 5$ cho thiếu niên ( trẻ em 6- 11 tuổi , không cao quá 1.4 m ) và mất 75 phút hành trình. Cả ba hảng : Petro Express , Greenlines , Vina Express , chạy đường sông Sài Gòn – Vũng Tàu, đều dùng chung một hành trình và giá vé bán như nhau. Khởi hành từ bến Bạch Đằng quân 1, cách khách sạn cũ thân thuộc Hotel Majestic 100 m và cập bến Cầu Đá, cảng Cầu Đá, đường Hạ Long -Vũng Tàu. Tàu Tốc Hành sông Sài Gòn – Saigon River Express, vé bán ở dãy phòng – suite 2015 Điểm Tháp Mê Linh- Point Tower , số 2 đường Ngô Đức Kế, quận 1, kế cận Khách Sạn Renaissance Riverside Hotel, cống hiến các chuyến du lịch bằng tàu động cơ – speed boat đi xem các Địa Đạo – Tunnels Củ Chi, Châu Thổ Mê Kông, và các chuyến tham quan kinh rừng thẳm – jungle canals quanh Sài Gòn Nay hảng sử dụng các tàu có động cơ tân tiến và dịch vụ 5 sao . Môột chuyến du lịch chiều tối quanh Sài gòn sẽ dẫn tới thám hiểm các kinh cùng rừng thẳm , xem một làng nhà tre – bamboo, lợp tranh hay lá dừa nước ( ? ) cũng như xem một đền thờ, miếu mạo nổi – floating temple .


Đường hàng không: Tân Sơn Nhất thành cảng hàng không cho dân trong nước và Long Thành sẽ là phi trường quốc tế


Thành phố Sài Gòn được Không Cảng quốc tế -International Airport Tân Sơn Nhất phục vụ từ thời Pháp thuộc. Đây là không cảng lớn nhất Việt Nam. Năm 2005, Tân Sơn nhất đã đón chào 7 triệu hành khách, trong tổng số 14 triệu cho tất cả mọi phi trường Việt Nam. Các năm 2006- 2007, cơ quan ODA – Official Development Asistance của Chánh phủ Nhật đã tài trợ 200 triệu đô la Mỹ lập một khu cảng cuối – air terminal mới, rộng 100 000 m2 có 8 cầu không – airbridges và thiết bị đúng kiểu nghệ thuật , khả năng tiếp đón 8- 10 triệu hành khách quốc tế . Năm 2010 đã chuyên chở trên 15.5 triệu hành khách, hơn phân nữa là hành khách Việt Nam. Nhưng Việt Nam dự trù là không cảng Tân Sơn Nhất, sau năm 2025, sẽ chỉ dùng để chuyên chở hành khách trong nước mà thôi. Không cảng Quốc tế Long Thành đang xây dựng, dự trù hòan tất năm 2025, ở quận Long Thành tỉnh Đồng Nai, cách Sài Gòn 40km ( 25 dặm Anh) về phía Đông Bắc và về phía Tây căn cứ dầu lữa ngòai khơi tỉnh lỵ Vũng Tàu chừng 70 km , sẽ đón nhận các chuyến bay quốc tế, khả năng tối đa là 100 triệu hành khách một năm và 5 triệu tấn hàng hóa khi hòan tất . Tổng số tư bản đầu tư là khỏang 8 tỉ $. không kém đầu tư làm phi trường mới Gia Lâm – Hà Nội.


Đường sắt, xe lữa tốc hành Hà Nội-Sài Gòn và xe điện ngầm – mê trô


TP HCM là ga cuối cho tàu đường xe lữa nước nhà. Tàu tốc hành Thống Nhất nối Sài Gòn đến Hà Nội từ ga Sài Gòn ở quận 3, ngưng lại nhiều ga thị trấn và tỉnh dọc theo đường. Trong địa phận Thành Phố, có 2 ga chánh là Sóng Thần và Sài Gòn . Ngòai ra còn có nhiều ga nhỏ hơn như Dĩ An, Thủ Đức, Bình Triệu, Gò Vấp. Ga Sài Gòn nằm ở đường Cách Mạng Tháng 8 , phía tây Bắc Trung tâm Thành Phố, có tắc xi đưa rước hay xe buýt công quản chở đi từ các khách sạn chính trong quận. Vé bán chánh thức ở cơ sở quận “Tây ba lô” 275C đường Phạm Ngũ Lảo. Mỗi ngày có 5 chuyến xe lữa tốc hành Thống Nhất. Dù tên gọi “tốc hành- express”, mỗi chuyến phải mất khỏang 30 – 35 giờ. Chuyến nhanh nhất là SE3 khởi hành từ Hà Nội lúc 11 giờ đêm và đến Sài Gòn lúc 5 giờ sáng, hai đêm sau. Chuyến SE5 khởi hành 3.45 giờ chiều đến Sài Gòn lúc 4.40 sáng, có toa du khách sang trọng hơn và do công ty tư Livitrans đảm trách. Toa sang cho du khách giá gấp đôi giá toa tiêu chuẩn hành khách. Tàu xe lữa rất an tòan có máy điều hòa không khí, thỏai mái, rất mau lẹ và đáng tin cậy. Tuy nhiên hệ thống đường xe lữa Thành Phố phát triễn yếu kém và chỉ phục vụ cho 0.6 % tổng số hành khách và chuyễn vận 6% hàng hóa Thành Phố .


Hệ thống Tàu Điện “Ngầm” , Mê Trô- HCM City Metro System đang khởi công: nhánh Xanh Dương – Blue Line #1 và nhánh Đỏ Red Line # 2 . Nhánh Xanh Dương Line #1, từ Chợ Bến Thành đến khu Tiêu Khiển- Giải trí Suối Tiên, dài 19.7 km với 2.6 km đường ngầm dưới đất và 17.1 km trên không, có 3 trạm ngầm và 11 trạm trên cao. Dự án hòan tất năm 2017 và bắt đầu họat động năm 2018. Thọat tiên ước lượng phí tổn là 1.09 tỉ $, nay đã lên đến 2.07 tỉ $ , vì phải điều chỉnh theo thăng trầm hối xuất . Nhánh Đỏ Red Line #2, dài gần 20km ,sẽ nối Vùng Đô thị Mới – New Urban Area Thủ Thiêm ở quận 2 và trạm Xe Búyt An Sương ở quận 10. Trong giai đọan I, Thành Phố sẽ phát triễn khúc 11 km, chạy từ chợ Bến Thành ở trung tâm Thành Phố đến Kho Trữ Hàng Tham Lương Depot ở quận 12 , gồm luôn cả 9.3 km đường ngầm dưới đất. Tổng số chi phí sẽ là 1.37 tỉ $. Các nhà qui họach ước lượng là mỗi ngày sẽ có 160 000 hành khách đi đường mê trô này . Tổng phí Hệ thống Đường Xe Điện Ngầm -Metro TP HCM là 7.5 tỉ $ , hòan tất năm 2020 với 84% ngân khoản vay ngọai quốc .



Đường bộ, xe búyt và các trạm xe búyt , vòng đai xa lộ mới thứ hai


Tính đến năm 2009, Sài Gòn -TPHCM diện tích 2095 km2, có 978 cầu, 3584 đường dài 3668 km. Đường thành phố thường nhỏ hẹp: 14 % là đường rộng 12m xe búyt chạy được , 51% là đường rộng 7 -12 km xe hơi và xe mô tô – xe gắn máy chạy và đường hẹp hơn 7m dành cho xe gắn máy và xe đạp. Đến tháng 7 năm 2008, đã có 3 926 239 xe các lọai đăng ký, 10. 6% nhiều hơn năm 2007. Trong số này là 361 411 xe ô tô và 3 565 287 xe gắn máy, gấp đôi các con số cho Hà Nội – Thăng Long . Ngòai ra phải kể thêm 600 000 xe đủ lọai đăng ký ở các tỉnh, 30 000 xe xích lô 3 bánh và 2 000 000 xe đạp .


Xe byút công cọng xanh sáng chói phục vụ cho 150 đường khắp Thành Phố. Xe búyt giá rẽ , an tòan không qúa đông chật chội, đa số cận đại và thỏai mái, nhiều tiện nghi như máy điều hòa không khí, âm nhạc và có khi cả tì vi nữa. Nhưng tìm đúng xe búyt là một thách thức lớn cho ai không biết đọc, biết nói tiếng Việt. Du khách có thể tìm thấy bản đồ hệ thống xe búyt Thành Phố ở trạm xe Búyt Bến Thành ngang qua đường từ Chợ Bến Thành , quận 1. Xe buýt Sài Gòn hửu hiệu và mau lẹ. Mỗi xe có hai nhân viên, một tài xế và một “ lơ” thu tiền. Dân Sài Gòn cho là đi xe byút mau lẹ hơn là đi tắc xi. Lý do có lẽ là ưu tiên đường phố TP HCM dành cho xe buýt; khi một xe nào khác thấy xe búyt tới thì phải rẽ đường nhường cho xe búyt chạy. Các trạm xe búyt Sài Gòn là : Trạm Búyt Chợ Bến Thành ngay tại trung tâm TP ; Trạm Búyt Miền Đông đi – đến phía Bắc, hay có thể lấy búyt số 19 đi từ Chợ Bến Thành đến trạm này; Trạm Búyt Miền Tây , lấy búyt số 19 từ đường Trần Hưng Đạo để đến đây; Trạm Buýt Chợ Lớn và Trạm buýt Đinh Bộ Lĩnh, các búyt Mai Lĩnh từ Đà Nẳng đến đây. Đa số các hảng búyt tư, tổ chức các chuyến du hành để khách xuống ở đường Phạm Ngũ Lảo , phía tây khu “ tây ba lô” Đề Thám. Cũng có rất nhiều hảng tư khác tổ chức đến từ Phnom Penh- Căm Bốt giá khỏang 12$ một người ; cũng có xe búyt đêm cho khách đến từ các thị trấn kế cận, tỉ như búyt từ Nha Trang đến , đi mất chừng 11 giờ xe chạy . Nhưng ghế ngồi phần lớn bằng phẳng, hẹp và xe búyt rất sóc- nẩy lên nẩy xuống, cho nên không ngũ được . Muốn ngũ đêm, nên đi xe lữa.


Thời Cộng Hòa Sài Gòn đã xây dựng Xa Lộ Sài Gòn- Biên Hòa. và khởi sự Vòng đai Xa lộ Đại hàn . Từ năm 1989, nâng cấp Quốc lộ số 22 Sài Gòn đi Trảng Bàng , Gò Dầu tỉnhTây Ninh , xa lộ nhiều lằn Sài Gòn đi Ngã ba Trung Lương xuống Mỹ Tho, Cần Thơ . Đáng kể nhất là Xa Lộ Vòng đai thứ hai nối Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất với các công viên công nghệ tỉnh Bình Dương, xuyên qua Quốc lộ số 13, có 12 lằn- lanes ( ? ), chạy từ ngã tư Nguyễn Thái Sơn không mấy xa từ phi trường đến Quốc lộ số 13 . Sẽ giúp giảm bớt kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm các đường kẹt xe nhất , tỉ như Sô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh , Bạch Đằng , Phan Đăng Lưu, Phan Văn Trị . Tháng 9 năm 2013 lại khánh thành khúc đọan 5km Tân Sơn Nhất – Bình Lợi của Vòng đai thứ hai này. Đây là 1 Xa lộ Cao tốc- Expressway có tên là Xa Lộ HLD , HCM City – Long Thành- Dầu Giây , dài 51 km, có 4 lằn, phải trả tiền – tolled expressway.


Xa lộ HLD sẽ bắt đầu từ nơi gặp nhau của Vòng đai thứ hai , tại quận 9 TP HCM, đến nơi gặp nhau với Quốc lộ 1 ở Dầu Giây tỉnh Đồng Nai ( Dầu Giây là ngã ba chia Quốc lộ 1 đi Xuân Lộc – Phan Thiết và Quốc lộ 20 đi Gia Kiệm, Túc Trưng lên Bảo Lộc – Di Linh – Đà Lạt ). Xa lộ là mối nối trực tiếp từ trung tâm Sài Gòn đến các vùng phát triễn kinh tế các tỉnh lên phía bắc Thành Phố dọc theo quốc lộ số 1, nối Sài Gòn – Hà Nội . Thoạt tiên, Xa lộ Cao tốc này chỉ giới hạn vào 3 vị trí : ngã nối với Xa lộ Vòng đai thứ hai, ngã nối với quốc lộ 51 ở phía Nam cuối thị trấn Long Thành (gần nơi xây cất phi trường quốc tế Long Thành và ở Dầu Giây . Dự án bao gồm xây cất một cầu mới, dài 1700 m, ngang qua sông Đồng Nai ở Long Thành và hai nơi nghỉ dưỡng, dịch vụ – rest and service areas. Dự án sẽ do Ngân Hàng Á Châu -Asian Development Bank và Ngân Hàng Nhật Hợp tác Quốc tế- Japan Bank for International Cooperation , IBIC , đồng tài trợ. Cầu Bình Lợi 12 lằn, dài 1.1 km, bắt ngang sông Sài Gòn trên xa lộ, nay gọi tên là Phạm văn Đồng thủ tướng lâu đời nhất Việt Nam, sẽ phục vụ 40 % giao lưu ngang qua sông từ Thành Phố …


Phát triễn du lịch, những gì đáng chú tham quan ở Sài Gòn ?


Năm 2007 đã có 4.3 triệu du khách đến Việt Nam. Trong số này, 70% nghĩa là khỏang 3 triệu, thăm viếng Sài Gòn- TP HCM. Tăng thêm 12 % so với năm 2006. Năm 2013, có lẽ đến 4.2 triệu đến Sài Gòn trong số trên 7 triệu đến Việt Nam. Năm 2014, dự trù đạt 4.4 triệu. Nhiều nhất là dân Trung Quốc, thứ đến là Mã Lai Á, Nga, Úc Châu và Nhật Bổn. Du khách đến Sài gòn, vì đây là một thị trường thế giới đang phát triễn mạnh mẽ, một nơi cảnh tượng nghệ thuật đang nẩy lộc , một đời sống đêm đu đưa nhịp nhàng, một chỗ ăn nhậu thèm chảy nước miếng, hòa hợp văn minh mới cũ Âu Châu và Viễn Đông – Đông Nam Á, nay cọng thêm Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Nhưng dân Sài Gòn “chính cống “ ( ? ) vẫn dùng từ Sài Gòn, có lẽ vì thành phố cũ Tàu Chợ Lớn còn được họ nhận thức là một thành phố riêng biệt tách rời Thành Phố HCM. Các xe búyt Thành Phố cũng xưng mình là Xe búyt Sài Gòn và luôn luôn xem trung tâm lịch sử Thành Phố là quận 1. Du lịch thu chừng 4. 4 tỉ $ lợi tức, gần bằng phân nữa lợi tức công nghệ .



Danh lam thắng cảnh


Các cột mốc kiến trúc lịch sử đã kể ra ở trên là Nhà Thờ Đức Bà đường Hàn Thuyên gần Tòa Bưu Diện cũng là một kiến trúc lịch sữ thời Pháp thuộc, đã lôi cuốn thêm du khách là năm 2005 tiếng đồn hàng ngàn nhân chứng thấy tượng Đức Bà, Đức Mẹ Đồng Trinh -Virgin May statue chảy nước mắt khóc, tuy tòa Tổng Giám Mục đã cải chính; Tòa Đô Chánh ( hay Tòa Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố ) ở cuối đường Nguyễn Huệ; Dinh Độc Lập ( hay Dinh Thống Nhất ) cổng vào ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Viện Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam ở cắt ngang hai đường Lê Duẫn và Nguyễn Bỉnh Khiêm bên trong Sở Thú, cần đọc qua lịch sử Viêt Nam trước khi thăm viếng, nếu không sẽ không biết là mình xem gì. Phía ngòai là Sở Thú , nhưng tên dịch lại là Vườn Bách Thảo – Botanical Gardens, thiết lập từ năm 1865, một nơi rất thú vị – tốt đẹp để ăn trưa, xa hẳn quần chúng đông đảo, náo nhiệt. Có lẽ nên kể thêm ( theo Wikitravel tháng giêng năm 2014) Viện Bảo Tàng Vết Tích Tàn Dư Chiến Tranh – War Remnants Museum, ở đường Võ Văn Tấn.


Viện Bảo tàng này được vội vã khai trương, chưa đầy 5 tháng, sau khi Cộng Hòa Miền Nam thất thủ. Sau đó được di dời vào vị trí mới , gồm 3 tầng lầu triễn lãm và nhiều phần cứng quân sự Hoa Kỳ ( như các lọai xe tăng, máy bay phản lực – jets, trực thăng – helicopers, súng pháo – đại bác ngắn – howitzers ) trưng bày bên ngòai dinh thự, những tàn bạo thảm khốc con người gây ra ở Cuộc Chiến Tranh Việt Nam ( Hoa Kỳ )- Vietnam ( American) War, cùng những hình chụp khủng khiếp đầy các đại sảnh. Một chuồng “ cọp – tiger cage” bắt chước giả tạo và những bình vại đựng bào thai méo mó do thuốc khai quang Tác nhân Da Cam – Agent Orange làm ra. Một triễn lãm ở lầu ba trưng ra những chuyện kể các nhà báo phóng viên chiến tranh khắp thế giới đã căn cứ trên thực tế, đã mất tích, đã chết ở trận mạc . Coi chừng những kẻ cụt tay, cụt chân cố bán các sản phẩm của họ. Viện bảo tàng này không mấy xa Dinh Thống Nhất. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ở đường Nguyễn Tất Thành, trước đó là Bến Tàu Nhà Rồng -Dragon House Wharf , quận 4. Dinh thự được xây cất từ thời Pháp thuộc địa , gần bến tàu Sài Gòn trình bày đời sống của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là tiệm sách bán tài liệu về Ông Hồ Chí Minh. Các sách có phần sô vanh hiếu chiến -jingoistic , tùy quan điểm mỗi người như mọi điều thường lệ.


Danh lam, thắng cảnh tôn giáo Sài Gòn, ngòai Nhà Thờ Đức Bà đã kể, đáng chú ý là :- Nhà Thờ Hồi Giáo Trung Ương – Central Mosque ở đường Đông Du. Đây là một trong số 12 nhà thờ Hồi Giáo của TP HCM. Nhà Thờ Hồi Giáo Trung Ương được xây cất năm 1935, nguyên thủy để cho kiều dân Nam Ấn Độ cư ngụ Sài Gòn thờ phụng, nhưng nay các dân Hồi Giáo từ Hồi Quốc – Pakistan và Inđônêxia cũng đến đây cúng bái. Dân gian đến rất đông mỗi thứ sáu; sân hiên nhà -verandah bóng giâm và các sàn đá mát lạnh là một nơi lý tưởng để ngồi nghỉ, đọc sách báo, hay ngũ trưa lúc trời nóng nực. Lưu ý như mọi nhà thờ Hồi Giáo khác, đừng quên cởi bỏ giày trước khi vào cầu nguyện và ăn mặc phong thái cỗ sơ sài nhưng chỉnh tề khi vào. -Ngòai các Chùa Vĩnh Nghiêm, Giác Lâm, Giác Viên, Xá Lợi ( ? ) … Phật gíáo Viêt Nam thiết lập, có thể kể thêm: Chùa Thiên Hậu Pagoda ở đường Nguyễn Trải- Chợ Lớn, thờ Bà Thiên Hậu một Thánh Mẩu Biển Cả – Sea goddess, khi vắng mặt bà để lại hai con rùa khổng lồ làm mắt nhìn thế gian, mỗi năm ngày 13 tháng 3 âm lịch một lễ hội tưng bừng cúng dường bà, và không nên bỏ quên những chạm trỗ hoa mỹ lộng lẫy trên tượng sân cạnh ngòai chùa. Chùa Quan Âm ở đường Lảo Tử – Chợ Lớn khỏi đường Hùng Vương đôi chút và gần Chùa Thiên Hậu là chùa xưa cổ nhất Thành Phố, nhan khói mờ mịt quanh năm suốt tháng. Chùa Phụng Sơn Tự ở đại lộ Tháng 2, ngọai ô Chợ Lớn, nay có phần bụi bặm và lùn tũn cạnh các cao ốc mới xây chung quanh, nhưng đất đai nhỏ chạm trổ là nơi rất tốt hầu nghỉ ngơi, tránh bận rộn hối hả Thành Phố. Chùa Ngọc Hoàng hay Phước Hải Tự – Emperor Jade ( Tortoise ) Pagoda ở đường Mai Thị Lựu, nhiều người cho là chùa tinh vi đẹp nhất Sài Gòn , nuôi nhiều rùa ở hồ bê tông sân vườn .


Trên phương điện thương mãi , hai cột mốc kiến trúc tân trào đáng cho du khách đến xem là :* Tháp Tòa Tài Chánh – Financial Tower Bitexco ở ngay trung tâm quận doanh nghiệp và tiêu khiển Thành Phố là một bất động sản phát triễn khích lệ nhất nước nhà từ trước đến nay. Đây là một nhà chọc trời cao 262m, gồm có 68 tầng, tầng thấp nhất là những tiệm bán lẽ tiệm ăn. Tầng ba là một bệnh viện FV. Các tầng trên nữa là các phòng sở, ra vào giới hạn. Kiến trúc sư Carlos Zapata có trách nhiệm họa kiểu Tòa Tháp Bitexco, đã rút cảm hứng xây tòa nhà học trời này từ hình dáng Hoa ( Bông ) Sen- Lotus “ quốc hoa” Việt Nam tượng trưng cho trong sạch- tinh khiết ( “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn “ ), tinh thần trách nhiệm và tính lạc quan. Bitexco, được xây dựng vào thời kinh tế Việt Nam lớn mạnh, có mục đích biểu hiện năng lực và hòai vọng của dân gian Việt . Sân Thượng Sài Gòn -Skydeck ở đường Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1.

 Trên tầng thứ 49 nhà chọc trời này, có thể nhìn 3600 tòan cảnh toàn thể Thành Phố và sông Sài Gòn kế cận. Sài gon Skydeck có một tiệm bán quà tặng, những màn ảnh thông tin sờ tay- Information touch sreens tiếng Anh hay tiếng Pháp, dùng ống nhòm tự do, uống nước ve chai không mất tiền. Leo lên tầng 50 cũng dễ dàng, tự do qua một lọat bậc cầu thang, dẫn tới một quán cà phê bán nhiều lọai giải khát. Tầng 52 chứa một sân trực thăng đáp ( thay thang máy ở tầng thứ 50 ) nên hỏi thăm quán bar, bán nước uống không đắt tiền bao nhiêu từ 17 – 20 giờ đêm với âm nhạc nghe tự do, trong ly có hạt giẽ- ô liu và nhìn rỏ được Thành Phố ngọan mục. Ban đêm “bồi’ quán bar, ăn mặc chỉnh tề ở tầng thứ nhất, hướng dẫn du khách đến thang máy đi lên tầng thứ 50 và sau đó lên tầng 52 .


Các phố chợ buôn bán ngày nay : các tiệm không còn mấy tên cũ thời Cộng Hòa nữa


Cũng theo Wikitravel tháng 9 năm 2014, có chừng vài tá tiệm bán sản phẩm nghệ thuật và thủ công hay đồ nhựa chế tạo vội vàng – resin knock off, quanh quận du lịch trung tâm. Các sản phẩm đắt tiền nhất, tốt nhất thường tìm thấy ở đường Đồng Khởi hay các đường lân cận. Sản phẩm có khuynh hướng dần dần đơn giản hơn, rẽ tiền hơn khi du khách tiến về phía Tây hướng đến Chợ Bến Thành, tuy rằng tiệm bán đồ khắc chạm gỗ- wood carving hay nhất lại là một gian hàng sau lưng Chợ Bến Thành. Vài tiệm bán hàng lụa dệt từ Sa Pa miền Bắc. Các tranh sơn “mài” – lackered paintings , đĩa , chén v.v… rất đáng ngạc nhiên và độc đáo cho Việt Nam. Các áp phích, quảng cáo có thể rất sâu sắc, gây ấn tượng về khái niệm lịch sử Việt Nam. Những tiệm có thể ghé mua là : tiệm may mặc Đường Phố Địa phương Bò Sửa- Local Street Wear, ở Tháp Vincom Tower đường Đồng Khởi quận 1 ; tiệm áo sơ mi cụt tay – Ginkgo T shirt , ở đường Lê Lợi quận 1, bán các áo sơ mi cụt tay làm quà kỷ niệm độc đáo cao phẩm, với những họa kiểu sáng tạo các nền văn hóa Á Châu và Việt Nam cảm ứng. Hảng này có một tiệm khác trong quận 1 ở đường Bùi Viện .Phòng trưng bày Nghệ Thuật Phương Mai- Art Gallery ở đường Lê ThánhTôn quận 1 và đường Đồng khởi, bán các công trình nghệ thuật cận đại đặc sắc gồm tranh dầu , tranh sơn mài- lacquer paintings , tranh thuốc nước- water color paintings và đồ chạm trổ , điêu khắc; Phòng Trưng Bày -Galerie Quỳnh triễn lãm nghệ thuật đương thời- contemporary art ở đường Đề Thám ( giữa hai đường Cô Bắc và Cô Giang ), quận 1 là môt trưng bày nghiêm chỉnh nghệ thuật đương thời Việt Nam.


Khác hẳn hàng lọat vô số phòng trưng bày tụ điểm vào các công trình có tính cách trang trí hơn, phòng này thể hiện sáng tạo của các nghệ sĩ trong nước và ngoại quốc gồm Tiffany Chung, Đổ Hòang Tường, Hòang Dương Cầm và Sandrine Blouquet . Những nhà thu thập nghệ thuật chính chắn tất nhiên phải đến thăm phòng triễn lãm này; tiệm Diệu Anh boutique ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, gần dinh thự Le Meridian, bán áo quần độc đáo và tân thời, cả đàn ông lẫn đàn bà, do một nhà vẽ kiểu địa phương sáng lập làm chủ ; tiệm Sống, Thời trang – Fashion ở đường Pasteur, quận 1 gần đường Lê Lợi, chuyên về mỹ lệ xa xỉ kẻ lang thang, giang hồ mã thượng – luxury bohemian chic, kiểu đời sống phiêu bạt Pháp cảm ứng thủ công tinh nghệ truyền thống Việt Nam nhãn hiệu kiểu thời trang Sống gồm luôn cả đồ thêu – embroideries, vải vóc tế nhị và kiểu cách thô lỗ tương phản nhau – contrasted rugged style , tạo ra một cái nhìn vừa bình thường vừa phức tạp. Muốn xem các đồ sơn mài, véc ni – lacquer are thì đến tiệm Lacquer ware, đối diện Lucky Plaza ở Đồng Khởi mua một thứ gì đặc điểm Sài Gòn đem về nhà, hay tiệm Saigon Craft ,giữa đường Mạc Thị Bưởi và Đông Du cũng ở Đồng Khởi, có bán những sáng tạo đặc sắc đáng kinh ngạc mà Quà Tăng 42 – Gift 42 là qúi giá nhất; tiệmTrang trí Gia thất- Home Decor bán những đồ độc đáo và gía trị. Nếu ai đó nghĩ rằng nên đầu tư 2000$ hay hơn nữa về đồ đạc bàn ghế giường phản- home furnishing, một thùng thưa – crate đồ đạc này chở từ Sài Gòn về sẽ đủ trả tiền chi phí chuyến du lịch này. Trước tiên, khởi sự mua các đồ chính yếu ở tiệm Gaya, đường Nguyễn Văn Trang quận 1 nếu thích những gì cận đại và tiệmVerlim , đường Lê Lai quận 1 nếu kiểu bạn thích hợp nghi thức- truyền thống. Rồi bạn còn có thể tiêu hoang phí mua các khung nghệ thuật đồ gốm Việt ở Gốm Việt- Pottery, đường Lý Tự Trọng và Pasteur; Đèn thắp sáng- Lighting ở NGA , đường Lê Thánh Tôn, giữa Nguyễn Huệ và Đồng Khởi hay Mosaic , đường Mạc Thị Bưởi ngay trước Nguyễn Huệ và tiệm đồ cỗ – antiques ở Lê Công Kiều. Chêm thêm vào thùng thưa những công trình giường ngũ của Catherine Denoual ,đường Thi Sách ngay khi xuống đường Lê Thánh Tôn và các gối, mền chăn Dolce Casa – Gia Thất Diụ Dàng ở đường Đồng Khởi, đối diện Khách sạn Sheralton.


Về vải vóc, thì nên đến tiệm Lụa Khải Silk, đường Đồng Khởi, Hòang Khải sáng lập bán lụa nổi tiếng khắp thế giới . Bên cạnh làCreation và Indochina hai cạnh tranh thực sự giá trị. Các bà có lẽ không nên bỏ qua các tiệm La Bella ,La Bella Blue ( đường Lê Thánh Tôn và Pasteur) tiệm Sống đã kể rồi . Nên hoan hô Nhà Họa Kiểu Minh Hạnh ( ngay từ đường Đồng Khởi và đường Ngô Đức Kế ). Mua ví ( giỏ ) xách tay Anapa bag thì đến Gaya hay Ipa – Nima , đường Nguyễn Trung Trực, quận 1; mua giày giá rẽ đến Mandarina và mua chuổi hạt, đồ nữ trang, châu báu đến Lệ Hằng . Tiệm Khải Silk and Creation bán sơ mi rất đẹp và cà vạt sánh được với cà vạt Zegna; sơ mi làm sẳn- off the peg shirts có thể sửa lại không tính thêm tiền, hay mang sơ mi- quần sọt , quần dài đến tiệm Tricia và Verona giữa đường Đông Du có thể cắt may y hệt những áo quần này bằng lụa, vải lanh – linen hay bông vải Ai Cập mịn mà nhất. Muốn may một bộ đồ kẻn sang trọng, đến tiệm Cao Minh ( đường Pasteur giữa Lê Thánh Tôn và Lê Lợi ) một thợ may “ gia” biết rỏ vải vóc nước nhà hay tiệm Minh Đòan ? ( đường Lê Thánh Tôn ,khi xuống khỏi Nguyễn Trung Trực ) nơi các Việt Kiều hay đến ….


*Chợ Bến Thành- Bến Thành Market , cuối phía Tây Nam đường Lê Lai là một ổ – sào huyệt đạo tặc -dân ăn cắp, ăn cướp, nhưng lại có vài tiệm bán hàng nổi tiếng. Nhận diện ra Bến Thành dễ dàng là nhờ chợ có một tháp đồng hồ giữa môt bùng binh – quảng trường vòng tròn lưu thông to lớn. Đây là một chợ xưa cũ lớn nhất ở quận trung tâm Thành Phố , nhiều gian hàng chứa đầy nhóc hàng hóa, hành lang giữa chia gian hai bên rất hẹp, không đi qua nổi. Vì rất phổ thông cho du khách, nên nay Bến Thành chia ra hai khu buôn bán ; một khu dành cho hàng bán cho khách du lịch ( quần jeans , sơ mi cụt tay – T shirts, và các đồ vật nhỏ làm kỷ niệm ) và một khu bán hàng thường lệ ( trái cây, rau đậu, gạo, các chén bát, soong nồi chảo, hoa, thịt, thực phẩm ăn liền – fast food, trái cây dầm giấm hay nước mắm và kẹo bánh theo kiểu địa phương). Đa số không bán theo đúng giá thị trường, nói thách và thường cao hơn 50 – 100% cho du khách. Ngay sau lưng Chợ Bến Thành về phía Bắc là vài tiệm do Nhóm Bến Thành Group quản lý, bán theo giá nhất định, rẻ tiền hơn các gian trong Chợ .


*Chợ Bình Tây ở khu Hoa buôn bán Chợ Lớn là Chợ đàn em gíá trị thấp của Chợ Bến Thành, bán đủ thứ từ gia vị, thuốc Đông Y Tàu, lụa là, che khuất cá mắm, hải sản khô thái lát phơi nắng vụng về. Muốn tìm một lọai lụa hay nhung Việt Nam thích hợp thì tránh Chợ Bến Thành mà đến ngay chợ Bình Tây . Đa số hàng bán ở chợ Bình Tây là hàng bán sĩ . Thật tế, phần lớn các hàng hóa bán ở Chợ Bến Thành từ Chợ Bình Tây chở đến.


*Chợ Đêm – Night Market nằm ngay ngòai Chợ Bến Thành. Nơi đây có thể tìm ra nhiều món ăn, thức uống khác nhau, cũng như đi mua sắm loanh quanh. Chợ Đêm mở cửa vào 6 giờ chiều, lúc Chợ Bến Thành đóng cửa. *Chợ Đồ Phế thải Chiến Tranh -War Surplus Market còn gọi là “Chợ Cũ” hay “khu Dân Sinh” ở góc đường Yersin và đường Nguyễn Công Trứ, quận 1. Thời Pháp thuộc là khu bán đồ nhậu bình dân với la de – “bia bốc” không vô chai và nhiều tiệm ăn đồ Tàu đặc biệt như “ Cháo cá Chợ Cũ”. Che khuất sau những hàng dài các gian bán phần cứng điện tử và các vật liệu bộ phận điện, chen chúc tấp nập nên rất khó vào. Đầy đồ cấm của thiết bị quân sự chiến tranh Mỹ nguồn gốc vô định ( chẳng hạn “ một thu thập gọi là hộp quẹt máy chính cống lính Mỹ – GI’s Zippo lighter từ thời chiến tranh” ), sơ mi cụt tay rẻ tiền và những đồ phụ thuộc quân sự -military paraphernalia.Đừng mong mua được một Zippo Thủy quân Lục chiến Mỹ, vì nay mọi thứ đều là đồ giả mạo. *

Công trường Sài Gòn – Saigon Square hay Thương xá Tax là con sinh đôi của Chợ Bến Thành, nhưng lại có máy điều hòa không khí, không mấy xa Chợ Bến Thành. Giới trung lưu Sài Gòn mua sắm tại đây vào các ngày cuối tuần. Có lẽ du khách nên mua sắm ở đây lúc ban ngày và đêm đến thì đi Chợ Đêm Bến Thành. *Vùng buôn bán Phạm Ngũ Lảo là một khu hình chử nhật do đường Phạm Ngũ Lảo và đường Bùi Viện của TP Sài Gòn làm ra. Nay biến thành nơi “Tây Ba lô- backpackers” và dân ngân sách kém đến tham quan . Mọi đường bộ chánh, cũng như các đường nhỏ kết nối, đều náo nhiệt đầy rẫy các quán cà phê, tiệm ăn, quán bar và những vị trí xài tiền như rác.Mua bán đồ điện tử rẻ rề quanh đường Huỳnh Thúc Kháng, nhưng luôn luôn nhớ rằng đa số tiệm bán đồ giả, đồ bắt chước tỉ như iPads tinh ranh quỷ kế rất dễ nhận diện, khi so sánh với iPads chánh hiệu. Thế nhưng các bình điện máy chụp hình lại khó phân biệt thật – giả. Nếu muốn mua thêm một bộ nhớ cho máy chụp hình kỷ thuật số – digital camera phải cẩn thận, vì đa số bộ nhớ bán ở đây đều là đồ giả cả . Thẻ giả Sandisk II Ultra cards bán khắp nơi và rất khó phân chia giả – chân( thật ). Phẩm giá các thẻ này rất kém cõi và có đáng mất ngũ trưa tìm kiếm mua thẻ không ? . Các bình điện giả mạo còn có tiềm năng nổ tung, cho nên lại cần cẩn thận hơn. …


Ba thắng cảnh khác,các chuyến du lịch tổ chức hay dẫn tới, nên nhắc qua là các Địa Đạo Củ Chi Tunnels cách TP chừng 2 giờ đi xe búyt, hay đi xe gắn máy, vé bán ở đường Đồng Khởi hay đường Bùi Viện ; và Công viên Nước Đầm Sen – Đầm sen Water Park , ở đường Hòa Bình, phường 3 quận 11, thành lập năm 1999 mỗi năm đều có thêm trò trượt nước – water slides mới; Công viên Du Lịch Đại Nam – Đại Nam Tourist Park ở thị trấn Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, cách TP HCM chừng 40 km, khai trương năm 2008, là một địa điểm hut dẫn du khách trong nước và ngọai quốc lớn nhất, mới nhất nước nhà ( đã mô tả ở bài khảo luận về tỉnh Bình Dương) ….



Những siêu thị, Thương xá , Cửa hàng bách hóa


*Thương xá Tax nay gọi là Quảng Trường – Sài Gòn Square hay Cửa hàng Bách hóa Tax- department store đã kể sơ qua ở trên , nằm tại góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Đây là một thương xá có phần căn cỗi – xưa cũ, bán đủ thứ hàng thị hiếu tầm thường cho du khách, tuy rằng càng leo lên tầng cao hơn thì các lựa chọn càng tốt hơn. Tầng 2 là một siêu thị- supermarket tốt . Nếu du khách đi bằng tắc xi đến thì các tài xế xem tên mới ngơ ngác bàng hòang , vì chỉ biết tên cũ. Hình như mới đây được phá hủy, xây Siêu thị – Thương xá mới, hợp trào lưu thương mãi đương thời hơn ? . * Các Siêu thị nhỏ kiểu Tây Phưong- Small- Western style Supermarkets có thể tìm thấy trên tầng cao nhất Cửa Hàng bách hóa – department store , một khối nhà, phía Đông Bắc Nhà Hát Lớn – Opera House và ở Quảng trường Diamond Plaza, sau Nhà Thờ Đức Bà, cũng ở trên tầng chóp.


Còn Siêu thị Citimart thì ở đường Nguyễn Trải, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, cách Zen Plaza chừng 10- 15 phút đi bộ .* Co- op Mart Supermarkets nơi các đám đông dân trung lưu Sài Gòn cũng như dân ba lô- backpackers lui tới thuờng xuyên thì hiện diện khắp nơi ở TP HCM. Ở quận 1, tìm thấy chúng ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Đình Chiểu cách trung tâm Thành Phố chừng 1 km hay ở đường Cống Quỳnh đi bộ đến được từ cuối đường dân ba lô là Phạm Ngũ Lảo. Giá cả có phần thấp hơn, nhưng các lựa chọn mua nghiêng về phía yêu cầu nấu nướng của người Việt. *Các Cửa Hàng Bách hóa Tây Phương/ Nhật bổn- Western/Japanese – style department store gồm ba Cửa Hàng gần trung tâm TP . Đối với đa số du khách ngọai quốc, lý do duy nhất đến các thương xá này là để có máy lạnh điều hòa không khí mát mẽ và tiêu khiển vui chơi, tránh các sản phẩm nhãn hiệu Tây Phương (? ) giá cao vời vợi. Nên kể ra Thương Xá Parson, cách Nhà Hát Lớn một khu phố ở đường Đồng Khởi; Diamond Plaza phía Bắc sau lưng Nhà Thờ Đức Bà đã nói trên; Zen Plaza cũng đã nói, cách New World Hotel hai khối nhà phía Tây; Taka Plaza ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần tiệm cà rem – kem Bạch Đằng.


Ăn uống ở Sài Gòn


Sài Gòn là nơi ăn uống lựa chọn thỏa thích cống hiến rộng lớn hàng lọat món ăn Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, món hời càng ngày càng khó kiếm và giá cả tiệm ăn mỗi năm tăng thêm 30 % những năm gần đây, vì là một phối hợp của các gía thực phẩm cao hơn , giá nhân công lên tăng thêm lên và giá bất động sản cũng tăng vọt mạnh. Giá đất trung tâm Thành Phố nay bán chừg 16 000 $ mỗi mét vuông .Thế nên một tiệm ăn cở khiêm tốn thường nằm trên một bất động sản gía hơn một triệu đô la Mỹ. Thực phẩm địa phương chính hiệu gíá hời, trước đây là một huy hòang , danh tiếng Việt Nam. Nay càng ngày càng khó thấy một khi Sài Gòn trở thành cao sang và tứ xứ cư ngụ . Các món ăn địa phương trưng bày ảnh hưởng của thời Pháp thuộc địa là các tiệm bánh mì que – baguettes mới ra lò và ngon lành. Bánh mì que dài – nhỏ , quẹt phó mát “ bò cái cười tươi – la vache qui rit, laughing cow” , kẹp thịt trong lọ- bình, giăm bông và các lát hành, hoặc phối hợp chúng, nên khá rẽ . ( trong khi Việt Kiều Ba lê lại thích bánh mì que quét bơ Bretagne kẹp thịt chà bông – thịt ruốc bông Ca Li ? ). Thịt bò được sử dụng ở nhiều đĩa khác nhau là những thay đổi thịt ở món Phở ( chín, tái , nạm, gàu … ) hay làm ra “ bún bò Huế- Hue Beef soup” .

Thưởng thức bên cạnh Phở và Bún Bò Huế là “ bánh xèo” miền Nam , “bánh khóai” miền Trung, một lọai trứng tráng – omelette , crepe, bên trong chứa những rau cải mình lựa chọn : giá( mọng dài đậu nành – đổ tương, đậu xanh sống – chín ), các lát măng tre, nấm ta hay nấm Nhật enoki , song song với thịt, tôm hay cả hai …Các món địa phương giá hời rất dễ tìm tại Sài Gòn . Bánh mì kẹp thịt heo – Pork sandwiches bán 13 000 – 15000 VNĐ một ổ, tháng 5 năm 2011. Cơm tấm bì hay sườn thịt heo theo nhiều cách nướng hay chiên xào và một ít rau đậu, giá 18000 VNĐ . Muốn ăn các thực phẩm phố đường( lề , vệ đường. ) – street food, hàng rong hay không , phải đến một quận Sài Gòn khác: Quận 5 chẳng hạn là tốt rồi, nhưng quận 3 sẽ tốt hơn và giá rẽ hơn. Cũng như Hà Nội, quán ăn phố đường- lề, vệ đường hay gánh hàng rong đã trở thành một văn hóa ẩm thực , có thể đến nơi bằng xe mô tô, xe gắn máy ( Xe ôm !) … , quan sát đời sống dân gian Sài Gòn và nhậu nhẹt những món ăn lề đường tuyệt diệu . Xe ôm – hug motobikes, motorbike taxis Sài Gòn cũng như Hà Nội gồm 2 lọai cho thuê : xì cút tơ – scooters( truyền tự động ) và xe 4 tốc độ, hộp số đạp thay bằng chân trái. Xe Honda Super Cub đầy rẫy khắp nơi là xe gắn máy có 4 tốc độ, hộp số – gearbox bán tự động nghĩa là không có bộ ly hợp( bộ nối ) – clutch cho nên đi đứng tương đối dễ dàng hơn.


Các kiểu khác có thể hòan tòan lái tay, cho nên phải tập luyện sử dụng bằng tay trái, đòi hỏi nhiều khéo léo bộ nối trước đã . Xe ôm là phương tiện chuyễn dịch “đặc điểm” “cho cảnh quan đời sống Sài Gòn ngày nay ( nhắc lại xe xì cút tơ và xe gắn máy Honda…. chỉ mới bắt đầu phổ thông giữa thập niên 1960 và thập niên 1970 ở Sài Gòn, nhưng “xe ôm” chưa thịnh hành ) giá rẽ và thường an tòan . Từ năm 2007, mọi người đều phải đội mũ cứng che đầu , một thể lệ được áp dung nghiêm chỉnh . Khi đi xe ôm, phải hỏi mũ đội , nếu không sẽ bị phạt nặng. Có thể thuê xe gắn máy ở nhiều nơi trong Thành Phố , đặc biệt quanh vùng Tây Ba Lo Phạm Ngũ Lảo, quận 1. Nhưng tốt hơn là để cho một tay lái xe lành nghề chở đi. Vì lưu thông Sài Gòn rất là dữ dội, theo nhịp và lô gíc Sài Gòn, rất hổn độn , chứa một danh sách dài những luật lệ không viết ra, khác hẳn luật lệ giao thông các nơi khác.

Hầu như không ai biết :”Quyền ưu tiên đi đường – Right of way” là gì cả . Lái xe ở TP HCM không khác gì thấy mình ở giữa một trò chơi viđêô 3- D , nơi ai cũng có thể đến được từ mọi hướng, trong khi mình chỉ có một đời sống mà thôi. Việt Kiều – expat muốn bất chấp lưu thông – kẹt xe, phải thực tập vài tuần – vài tháng ôm lưng người khác lái, trước khi tự lái ấy . Phải lưu tâm đến trộm xe: luôn luôn để xe noI nhìn thấy được hay gửi xe nơi có người giữ xe. Đa số khách sạn đều có người làm giữ / cất xe …


Các quán hàng bán đồ ăn uống rải rác khắp Thành Phố và tại Chợ Bến Thành đã có một bộ sưu tập đáng kể , một số đã nói tới ở trên. Muốn thưởng thức các đồ ăn liền – fast food thì đến các tiệm Phở 24 dây chuyền, có mặt khắp nơi, tuy rằng gíá đắt gấp đôi các tiệm thường lệ. Tiệm McDonald đầu tiên ở TP HCM khai trương ngày 8 tháng 2 năm 2014. Thụt lùi, khiếm khuyết ăn nhậu lề đường, còn gọi là thực phẩm nấu nướng ở các lỗ tường – holes in the walls tại bất cứ thị trấn hay TP nào tại Việt Nam , thảy đều không bảo đảm tốt đẹp vệ sinh, theo nhận xét du khách Tây Phương . Các kẻ vồ chụp kiểu bán lệ đường này không chỉ nấu nướng, mà còn là kẻ thâu tiền . Họ chụp tiền rồi lấy ngón tay đầy nước miếng ( nước giải ) mình , búng các tờ giấy thối tiền ( có thể thêm mùi vị cho món ăn chăng ? ).

 Khi một miếng bánh mì que rơi xuống vệ đường, họ lượm lên và tiếp tục sử dụng như cũ . Đa số kẻ bán hàng là đàn bà- phụ nữ gánh hàng trên vai mảnh mai, có thể ho hen hay hắt xì, khi nấu nướng thì che miệng bằng tay – không bao tay ,rồi tiếp tục những gì họ đang sửa sọan. Món ăn có thể chứa tóc rụng, có khi cả lông bộ phận sinh dục hay lông nách. Chén bát , soong nồi chảo rửa bằng các thùng chứa nước mang theo nhỏ xíu, độ 1 lít ,không bao giờ xài bột giặt – detergent . Các ly cốc nhúng rửa hai ba lần vào chút it nước này và sẳn sàng cho người khác dùng. Còn nhiều khiếm khuyết căn bản khác. Tuy nhiên, thực phẩm phường phố, lề- vệ đường hay ở lỗ tường tuyệt đối đầy hương vị, quyến rũ, lạ lùng, sáng chế chân thật và rẽ rề, chứa tất cả mọi yếu tố của kim tự tháp dinh dưỡng; trong đó mọi mùi vị : ngon , chua đắng, mặn ,nồng cay đều có đủ .


Các món Sài Gòn du khách hay lựa chọn rất nhiều. Ăn uống kiểu nước ngòai là : -Các tiệm Baskin Robin có cà rem rất ngon; tiệm Burger Corner gầnTháp Bitexco bán Burger rất mùi vị ; tiệm La Cantina là tiệm ăn đồ Mễ Tây Cơ ; Doner Kebab đường Bùi Viện quận 1, bán thịt cừu Kebab Thổ nhĩ Kỳ; ABC Bakery là tiệm bánh ảnh hưởng Pháp to lớn ở chế độ làm bánh Việt Nam ; BánhMì Bistro ở đường Vỏ Thị Sáu, quận 1, nổi danh bán Bánh mì sandwich và Bánh Mì Việt Nam mới ra lò; Cafe India và Babas Kitchen bán đồ ăn miền Nam Ấn Độ; Hard Rock Cafe ở đường Lê Duẫn bán Burger Mỹ và các đĩa nướng kiểu Mỹ ( ? ); La Habana đường Cao Bá Quát, quận 1 bán đồ ăn Tây Ban Nha và kiểu Cuba, bán côc tên pha đặc sắc ít khi thấy ở Việt Nam ; La Hosteria ở đường Lê Thánh Tôn, bán đồ ăn sành sỏi của nước Ý ; Pomodoro ở đường Hai Bà Trưng quanh góc Hotel Sheraton và Caravelle Hotel, một tiệm nhỏ nhưng lịch sự bán các món ăn Ý đặc thù như lasagna, tuy các pizza ở đây có phần hơi nhiều dầu ;

 Swiss Chalet Restaurant ở đường Pasteur, quận 1, bán các món đặc thù truyền thống Thụy Sĩ như Phó mát nung chảy để nhúng- chấm, sô cô la nước nhúng , cùng những món ăn miền Trung Âu Châu; Âu Lac do Brazil giữa hai đường Pasteur và Điện Biên Phủ và J.J ‘s Brazilian Barbecue đường Phạm Ngũ Lảo , bán thịt nuớng -barbecue churrascaria( Churasco ) Brasil ăn bao bụng – all you can eat; 4 Sushi bar ở đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trải và Nguyễn Đình Chiểu bán sushi cao phẩm nhất Sài Gòn; Spice ở đường Lê Quí Đôn quận 3 , dọn những món ăn Thái Lan Việt Kiều hay đến ; Lion City Cafe & Restaurant đường Lê Ánh Xuân quận 1 là dây chuyền bán đồ ăn Sinpapore ; Huy Long Viện đường Nguyễn Du, gần dinh Thống Nhất, bán đồ ăn Tàu , đặc biệt là món Vịt Bắc Kinh và ăn điểm sấm -dim sum ; Yu Chu, lầu 1 Inter continental Asiana Sài Gon, bán các món ăn Bắc Kinh và Tàu chính hiệu, cũng như điểm sấm ăn bao bụng và Vịt Bắc Kinh; Decibel Lounge ở đường Phan Kế Bính quận 1, gần chùa Jade Emperor Pagoda, bán đồ ăn Miền Địa Trung Hải, miền Nam Âu Châu. D’Nyonya Penang, Halal @Saigon , đường Đông Du quận 1, Four Season Restaurant , đường Thi Sách quận 1, Vn .Galal đường Phạm Hồng Thái phường Bến Thành, quận1, bán đồ ăn Mã Lai Á song song với đồ ăn Việt Nam. Không thể bỏ quên các tiệm nấu các món ăn Việt như Phở 19 ở đường Nguyễn Trải quận 5 vừa bán Phở vừa bán thịt bò kho, giá rẻ; Phở 24 , một dây chuyền bán phở sạch sẽ khắp TP HCM, tuy nên gạt đi Phở 24/24 giả hiệu ở đường Phạm Ngũ Lảo qúa đắt ; Phở Quỳnh cũng ở đường Phạm Ngũ Lảo, phở dân địa phương rất thèm ăn và bán cho dân ba lô và cũng bán luôn cả bánh mì que Pháp thời xa xưa ; 3 tiệm Phở 2000 , một tiệm bán chung với I Love Burger ngay bên cạnh Chợ Bến Thành và tiệm thư” ba cuối đườngLê ThánhTôn . Đây là tiệm phở cựu tổng Thống Bill Clinton ghé ăn, có bán luôn cả các món ăn Viêt Nam kể cả các món hải sản và món cà ry chay tuyệt cú ; Phở Bò Viên Quốc Ký đường Ngô Đức Kế gần đường Nguyễn Huệ quận1, giá rẽ và ngon, bán cùng nhiều lọai Mì ; Bún Bò Huế ở đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, vài khối nhà cách dinh Thống Nhất, bán bún bò ngon nhất so với hàng trăm tiệm bán bún bò Huế ở Sài Gòn , mọi vật liệu bún , thịt , nước xúp đều siêu quần, gây xúc động; Bún Chả Vân Anh ở góc đường Trường Sơn, đường chánh đến phi trường Tân sơn Nhất, không có máy lạnh, không có thực đơn , không có phòng cầu tiêu rửa tay – toa let – toilet, không tường,không nói tiếng Anh, chỉ có bún chả – grilled pork Hà Nội – Thăng Long , bún mát lạnh, nước chấm đủ lọai gia vị hành, tỏi, tiêu ớt, gừng nghệ, sả và nhiều lọai rau cải tùy lựa chọn ; Thiện Duyên Bến Thành đường Calmette gần trạm xe búyt Thành Phố, bán đồ chay – vegetarian ; Trang đường Cống Quỳnh, bán đồ ăn địa phương gồm cả cua hấp, cua muối tuyệt hảo; Hương Đồng nay dời cách xa trung tâm Thành Phố hơn đến đường HuỳnhTịnh Của, phần lớn bán các món ăn miền Nam, có thể có chuột đồng, ếch tòan thân, cháo bồ câu, gà ta nướng luôn cả đầu- chân… ; Hà Nội Ơi Bistro ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, trải dài trên hai tầng, bán các món ăn Việt kim cỗ, nhất là vài món đặc biệt miền Bắc ,do chủ nhân kiêm đầu bếp Thùy Linh nấu nướng; Thùy Linh là môt ca sĩ lừng danh ban 5DK ( ? ) trình diễn nghệ thuật hiếm có địa phương, lọai Âm Nhạc Thế Giới -World Music. Ca sĩ trong nước, diễn viên tài tử, các nghệ sĩ danh vang đủ lọai, dân địa phương và du khách ngọai quốc ồ ạt tới bistro này, thưởng thức không khí và thức ăn cận đại – cổ điển Việt Nam độc đáo của bistro; Baotique Bar and Restaurant ở đường Tôn Thất Thiệp, quận 1, dọn những món ăn Việt cận đại và một lọat lựa chọn rượu vang ngon do đầu bếp – chef Michael Bảo từ New York về , nhưng giá lại rất phải chăng. Đáng khuyến cáo là các món hải sản rất thú vị của tiệm.

 Các tiệm ăn pha lẫn cách nấu nước nhà và quốc tế nay qúa nhiều ở Sài Gòn, không kể xiết nổi. Có lẽ cần nhắc qua cho Việt Kiều ở Hoa Kỳ, xem ti vi Mỹ CNN hàng ngày, tiệm The Lunch Lady ( Nguyễn Thị Thanh) ở đường Hòang Sa , đã được Anthony Bourdain trình diễn ở đài này. Rất phổ thông cho dân địa phương vì có rất nhiều món, không đương nhiên là cao phẩm, các món mì, bún thay đổi mỗi ngày … Các tiệm bánh ngọt , bánh mì Sài Gòn đáng đến mua là ABC Bakery & Cafe đã kể rồi; 5 tiệm Bread Talk rẽ nhưng ăn ngon; Crumbs Bakery ở đường Cống Quỳnh ; Gloria Jeans, bánh ngọt ngọai quốc nhưng giá cả rẽ Việt Nam; L’ Amour Bakery & Cafe ở đường Hai Bà Trưng bán những lựa chọn tốt về bánh sừng bò – croissants , bánh cuộn – scrolls, bánh ngọt nhân thịt, mứt- pies, bánh ga tô – cakes và kẹo , mứt – goodies khác; Tous les Jours đường Trần Hưng Đạo quận 1, phải tự mua lấy bánh. Các tiệm cà phê Sài Gòn cũng vô số kể.

 Như chúng ta đều biết Viêt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai thế giới sau Brasil (nếu chỉ kể cà phê vối Robusta nhiều cafêin thì Việt Nam đứng hạng nhất ), cho nên uống cà phê rất phổ thông ở nước nhà. Việt Nam là một thiên đường cho ai thích uống cà phê. Kiểu uống Cà phê Virêt Nam vừa ngọt vừa mạnh mẽ ( đắng!). Từ chánh nên nhớ là cà phê sửa ( pha sửa đặc có đường), cà phê đá – ice và cà phê nóng – hot. Cà phê đá rất đắng, theo thị hiếu Mỹ, cá phê sửa đá cũng ngọt không kém sửa đặc có đường .Cà phê (sửa) nóng chế bằng một dụng cụ kim lọai đặt trên tách cà phê, chỉ cần lấy uống khi bớt nóng, cầm không phỏng da .

Các cách pha chế cà phê Expresso, Cappuccino, Cà phê phin- filter Mỹ nay đều phổ cập ở quận du lịch Sài Gòn , nhưng giá thường cao 2-8 lần hơn kiểu cà phê địa phương. Các tiệm nhậu bia – la de Sài Gòn có thể chia ra hai lọai, tìm bia vô chai và bia hơi rất dễ dàng . Hiện tượng độc đáo ở Viêt nam là có thể tìm thấy các tiệm bia nhỏ , bán bia Tiệp Khăc- Czech hay Đức. Đa số các hảng chế tạo bia nhập khẩu hốt bố- houblons, hops và mạch nha – malt từ Cộng Hòa Tiệp Khắc hay Đức Quốc , thơm phức mùi bia hơn là các bia địa phương. Có chừng10 tiệm bia mini – microbreweries, nhưng đa số ở trung tâm Sài Gòn . Tiệm Lion Brewery ở gần trung tâm nhất và tiệm bia bán ba lọai bia vòi – on tap là Hoa Viên bán bia đen, bia nâu lạt – blond và cả bia trên vòi bia urquell pilsner nhập khẩu . …



Các phố chợ buôn bán ngày nay : các tiệm không còn mấy tên cũ thời Cộng Hòa nữa


Cũng theo Wikitravel tháng 9 năm 2014, có chừng vài tá tiệm bán sản phẩm nghệ thuật và thủ công hay đồ nhựa chế tạo vội vàng – resin knock off, quanh quận du lịch trung tâm. Các sản phẩm đắt tiền nhất, tốt nhất thường tìm thấy ở đường Đồng Khởi hay các đường lân cận. Sản phẩm có khuynh hướng dần dần đơn giản hơn, rẽ tiền hơn khi du khách tiến về phía Tây hướng đến Chợ Bến Thành, tuy rằng tiệm bán đồ khắc chạm gỗ- wood carving hay nhất lại là một gian hàng sau lưng Chợ Bến Thành. Vài tiệm bán hàng lụa dệt từ Sa Pa miền Bắc. Các tranh sơn “mài” – lackered paintings , đĩa , chén v.v… rất đáng ngạc nhiên và độc đáo cho Việt Nam. Các áp phích, quảng cáo có thể rất sâu sắc, gây ấn tượng về khái niệm lịch sử Việt Nam. Những tiệm có thể ghé mua là : tiệm may mặc Đường Phố Địa phương Bò Sửa- Local Street Wear, ở Tháp Vincom Tower đường Đồng Khởi quận 1 ; tiệm áo sơ mi cụt tay – Ginkgo T shirt , ở đường Lê Lợi quận 1, bán các áo sơ mi cụt tay làm quà kỷ niệm độc đáo cao phẩm, với những họa kiểu sáng tạo các nền văn hóa Á Châu và Việt Nam cảm ứng. Hảng này có một tiệm khác trong quận 1 ở đường Bùi Viện .Phòng trưng bày Nghệ Thuật Phương Mai- Art Gallery ở đường Lê ThánhTôn quận 1 và đường Đồng khởi, bán các công trình nghệ thuật cận đại đặc sắc gồm tranh dầu , tranh sơn mài- lacquer paintings , tranh thuốc nước- water color paintings và đồ chạm trổ , điêu khắc;


Phòng Trưng Bày -Galerie Quỳnh triễn lãm nghệ thuật đương thời- contemporary art ở đường Đề Thám ( giữa hai đường Cô Bắc và Cô Giang ), quận 1 là môt trưng bày nghiêm chỉnh nghệ thuật đương thời Việt Nam. Khác hẳn hàng lọat vô số phòng trưng bày tụ điểm vào các công trình có tính cách trang trí hơn, phòng này thể hiện sáng tạo của các nghệ sĩ trong nước và ngoại quốc gồm Tiffany Chung, Đổ Hòang Tường, Hòang Dương Cầm và Sandrine Blouquet . Những nhà thu thập nghệ thuật chính chắn tất nhiên phải đến thăm phòng triễn lãm này; tiệm Diệu Anh boutique ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, gần dinh thự Le Meridian, bán áo quần độc đáo và tân thời, cả đàn ông lẫn đàn bà, do một nhà vẽ kiểu địa phương sáng lập làm chủ ; tiệm Sống, Thời trang – Fashion ở đường Pasteur, quận 1 gần đường Lê Lợi, chuyên về mỹ lệ xa xỉ kẻ lang thang, giang hồ mã thượng – luxury bohemian chic, kiểu đời sống phiêu bạt Pháp cảm ứng thủ công tinh nghệ truyền thống Việt Nam nhãn hiệu kiểu thời trang Sống gồm luôn cả đồ thêu – embroideries, vải vóc tế nhị và kiểu cách thô lỗ tương phản nhau – contrasted rugged style , tạo ra một cái nhìn vừa bình thường vừa phức tạp. Muốn xem các đồ sơn mài, véc ni – lacquer are thì đến tiệm Lacquer ware, đối diện Lucky Plaza ở Đồng Khởi mua một thứ gì đặc điểm Sài Gòn đem về nhà, hay tiệm Saigon Craft ,giữa đường Mạc Thị Bưởi và Đông Du cũng ở Đồng Khởi, có bán những sáng tạo đặc sắc đáng kinh ngạc mà Quà Tăng 42 – Gift 42 là qúi giá nhất; tiệmTrang trí Gia thất- Home Decor bán những đồ độc đáo và gía trị. Nếu ai đó nghĩ rằng nên đầu tư 2000$ hay hơn nữa về đồ đạc bàn ghế giường phản- home furnishing, một thùng thưa – crate đồ đạc này chở từ Sài Gòn về sẽ đủ trả tiền chi phí chuyến du lịch này. Trước tiên, khởi sự mua các đồ chính yếu ở tiệm Gaya, đường Nguyễn Văn Trang quận 1 nếu thích những gì cận đại và tiệmVerlim , đường Lê Lai quận 1 nếu kiểu bạn thích hợp nghi thức- truyền thống. Rồi bạn còn có thể tiêu hoang phí mua các khung nghệ thuật đồ gốm Việt ở Gốm Việt- Pottery, đường Lý Tự Trọng và Pasteur;

Đèn thắp sáng- Lighting ở NGA , đường Lê Thánh Tôn, giữa Nguyễn Huệ và Đồng Khởi hay Mosaic , đường Mạc Thị Bưởi ngay trước Nguyễn Huệ và tiệm đồ cỗ – antiques ở Lê Công Kiều. Chêm thêm vào thùng thưa những công trình giường ngũ của Catherine Denoual ,đường Thi Sách ngay khi xuống đường Lê Thánh Tôn và các gối, mền chăn Dolce Casa – Gia Thất Diụ Dàng ở đường Đồng Khởi, đối diện Khách sạn Sheralton. Về vải vóc, thì nên đến tiệm Lụa Khải Silk, đường Đồng Khởi, Hòang Khải sáng lập bán lụa nổi tiếng khắp thế giới . Bên cạnh làCreation và Indochina hai cạnh tranh thực sự giá trị. Các bà có lẽ không nên bỏ qua các tiệm La Bella ,La Bella Blue ( đường Lê Thánh Tôn và Pasteur) tiệm Sống đã kể rồi .


Nên hoan hô Nhà Họa Kiểu Minh Hạnh ( ngay từ đường Đồng Khởi và đường Ngô Đức Kế ). Mua ví ( giỏ ) xách tay Anapa bag thì đến Gaya hay Ipa – Nima , đường Nguyễn Trung Trực, quận 1; mua giày giá rẽ đến Mandarina và mua chuổi hạt, đồ nữ trang, châu báu đến Lệ Hằng . Tiệm Khải Silk and Creation bán sơ mi rất đẹp và cà vạt sánh được với cà vạt Zegna; sơ mi làm sẳn- off the peg shirts có thể sửa lại không tính thêm tiền, hay mang sơ mi- quần sọt , quần dài đến tiệm Tricia và Verona giữa đường Đông Du có thể cắt may y hệt những áo quần này bằng lụa, vải lanh – linen hay bông vải Ai Cập mịn mà nhất. Muốn may một bộ đồ kẻn sang trọng, đến tiệm Cao Minh ( đường Pasteur giữa Lê Thánh Tôn và Lê Lợi ) một thợ may “ gia” biết rỏ vải vóc nước nhà hay tiệm Minh Đòan ? ( đường Lê Thánh Tôn ,khi xuống khỏi Nguyễn Trung Trực ) nơi các Việt Kiều hay đến ….


*Chợ Bến Thành- Bến Thành Market , cuối phía Tây Nam đường Lê Lai là một ổ – sào huyệt đạo tặc -dân ăn cắp, ăn cướp, nhưng lại có vài tiệm bán hàng nổi tiếng. Nhận diện ra Bến Thành dễ dàng là nhờ chợ có một tháp đồng hồ giữa môt bùng binh – quảng trường vòng tròn lưu thông to lớn. Đây là một chợ xưa cũ lớn nhất ở quận trung tâm Thành Phố , nhiều gian hàng chứa đầy nhóc hàng hóa, hành lang giữa chia gian hai bên rất hẹp, không đi qua nổi. Vì rất phổ thông cho du khách, nên nay Bến Thành chia ra hai khu buôn bán ; một khu dành cho hàng bán cho khách du lịch ( quần jeans , sơ mi cụt tay – T shirts, và các đồ vật nhỏ làm kỷ niệm ) và một khu bán hàng thường lệ ( trái cây, rau đậu, gạo, các chén bát, soong nồi chảo, hoa, thịt, thực phẩm ăn liền – fast food, trái cây dầm giấm hay nước mắm và kẹo bánh theo kiểu địa phương). Đa số không bán theo đúng giá thị trường, nói thách và thường cao hơn 50 – 100% cho du khách. Ngay sau lưng Chợ Bến Thành về phía Bắc là vài tiệm do Nhóm Bến Thành Group quản lý, bán theo giá nhất định, rẻ tiền hơn các gian trong Chợ .


*Chợ Bình Tây ở khu Hoa buôn bán Chợ Lớn là Chợ đàn em gíá trị thấp của Chợ Bến Thành, bán đủ thứ từ gia vị, thuốc Đông Y Tàu, lụa là, che khuất cá mắm, hải sản khô thái lát phơi nắng vụng về. Muốn tìm một lọai lụa hay nhung Việt Nam thích hợp thì tránh Chợ Bến Thành mà đến ngay chợ Bình Tây . Đa số hàng bán ở chợ Bình Tây là hàng bán sĩ . Thật tế, phần lớn các hàng hóa bán ở Chợ Bến Thành từ Chợ Bình Tây chở đến.


*Chợ Đêm – Night Market nằm ngay ngòai Chợ Bến Thành. Nơi đây có thể tìm ra nhiều món ăn, thức uống khác nhau, cũng như đi mua sắm loanh quanh. Chợ Đêm mở cửa vào 6 giờ chiều, lúc Chợ Bến Thành đóng cửa. *Chợ Đồ Phế thải Chiến Tranh -War Surplus Market còn gọi là “Chợ Cũ” hay “khu Dân Sinh” ở góc đường Yersin và đường Nguyễn Công Trứ, quận 1. Thời Pháp thuộc là khu bán đồ nhậu bình dân với la de – “bia bốc” không vô chai và nhiều tiệm ăn đồ Tàu đặc biệt như “ Cháo cá Chợ Cũ”. Che khuất sau những hàng dài các gian bán phần cứng điện tử và các vật liệu bộ phận điện, chen chúc tấp nập nên rất khó vào. Đầy đồ cấm của thiết bị quân sự chiến tranh Mỹ nguồn gốc vô định ( chẳng hạn “ một thu thập gọi là hộp quẹt máy chính cống lính Mỹ – GI’s Zippo lighter từ thời chiến tranh” ), sơ mi cụt tay rẻ tiền và những đồ phụ thuộc quân sự -military paraphernalia.Đừng mong mua được một Zippo Thủy quân Lục chiến Mỹ, vì nay mọi thứ đều là đồ giả mạo. *

Công trường Sài Gòn – Saigon Square hay Thương xá Tax là con sinh đôi của Chợ Bến Thành, nhưng lại có máy điều hòa không khí, không mấy xa Chợ Bến Thành. Giới trung lưu Sài Gòn mua sắm tại đây vào các ngày cuối tuần. Có lẽ du khách nên mua sắm ở đây lúc ban ngày và đêm đến thì đi Chợ Đêm Bến Thành. *Vùng buôn bán Phạm Ngũ Lảo là một khu hình chử nhật do đường Phạm Ngũ Lảo và đường Bùi Viện của TP Sài Gòn làm ra. Nay biến thành nơi “Tây Ba lô- backpackers” và dân ngân sách kém đến tham quan . Mọi đường bộ chánh, cũng như các đường nhỏ kết nối, đều náo nhiệt đầy rẫy các quán cà phê, tiệm ăn, quán bar và những vị trí xài tiền như rác.Mua bán đồ điện tử rẻ rề quanh đường Huỳnh Thúc Kháng, nhưng luôn luôn nhớ rằng đa số tiệm bán đồ giả, đồ bắt chước tỉ như iPads tinh ranh quỷ kế rất dễ nhận diện, khi so sánh với iPads chánh hiệu.


Thế nhưng các bình điện máy chụp hình lại khó phân biệt thật – giả. Nếu muốn mua thêm một bộ nhớ cho máy chụp hình kỷ thuật số – digital camera phải cẩn thận, vì đa số bộ nhớ bán ở đây đều là đồ giả cả . Thẻ giả Sandisk II Ultra cards bán khắp nơi và rất khó phân chia giả – chân( thật ). Phẩm giá các thẻ này rất kém cõi và có đáng mất ngũ trưa tìm kiếm mua thẻ không ? . Các bình điện giả mạo còn có tiềm năng nổ tung, cho nên lại cần cẩn thận hơn. …


Ba thắng cảnh khác,các chuyến du lịch tổ chức hay dẫn tới, nên nhắc qua là các Địa Đạo Củ Chi Tunnels cách TP chừng 2 giờ đi xe búyt, hay đi xe gắn máy, vé bán ở đường Đồng Khởi hay đường Bùi Viện ; và Công viên Nước Đầm Sen – Đầm sen Water Park , ở đường Hòa Bình, phường 3 quận 11, thành lập năm 1999 mỗi năm đều có thêm trò trượt nước – water slides mới; Công viên Du Lịch Đại Nam – Đại Nam Tourist Park ở thị trấn Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, cách TP HCM chừng 40 km, khai trương năm 2008, là một địa điểm hut dẫn du khách trong nước và ngọai quốc lớn nhất, mới nhất nước nhà ( đã mô tả ở bài khảo luận về tỉnh Bình Dương) ….



Những siêu thị, Thương xá , Cửa hàng bách hóa


*Thương xá Tax nay gọi là Quảng Trường – Sài Gòn Square hay Cửa hàng Bách hóa Tax- department store đã kể sơ qua ở trên , nằm tại góc đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Đây là một thương xá có phần căn cỗi – xưa cũ, bán đủ thứ hàng thị hiếu tầm thường cho du khách, tuy rằng càng leo lên tầng cao hơn thì các lựa chọn càng tốt hơn.

Tầng 2 là một siêu thị- supermarket tốt . Nếu du khách đi bằng tắc xi đến thì các tài xế xem tên mới ngơ ngác bàng hòang , vì chỉ biết tên cũ. Hình như mới đây được phá hủy, xây Siêu thị – Thương xá mới, hợp trào lưu thương mãi đương thời hơn ? . * Các Siêu thị nhỏ kiểu Tây Phưong- Small- Western style Supermarkets có thể tìm thấy trên tầng cao nhất Cửa Hàng bách hóa – department store , một khối nhà, phía Đông Bắc Nhà Hát Lớn – Opera House và ở Quảng trường Diamond Plaza, sau Nhà Thờ Đức Bà, cũng ở trên tầng chóp. Còn Siêu thị Citimart thì ở đường Nguyễn Trải, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, cách Zen Plaza chừng 10- 15 phút đi bộ .* Co- op Mart Supermarkets nơi các đám đông dân trung lưu Sài Gòn cũng như dân ba lô- backpackers lui tới thuờng xuyên thì hiện diện khắp nơi ở TP HCM. Ở quận 1, tìm thấy chúng ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Đình Chiểu cách trung tâm Thành Phố chừng 1 km hay ở đường Cống Quỳnh đi bộ đến được từ cuối đường dân ba lô là Phạm Ngũ Lảo. Giá cả có phần thấp hơn, nhưng các lựa chọn mua nghiêng về phía yêu cầu nấu nướng của người Việt. *

Các Cửa Hàng Bách hóa Tây Phương/ Nhật bổn- Western/Japanese – style department store gồm ba Cửa Hàng gần trung tâm TP . Đối với đa số du khách ngọai quốc, lý do duy nhất đến các thương xá này là để có máy lạnh điều hòa không khí mát mẽ và tiêu khiển vui chơi, tránh các sản phẩm nhãn hiệu Tây Phương (? ) giá cao vời vợi. Nên kể ra Thương Xá Parson, cách Nhà Hát Lớn một khu phố ở đường Đồng Khởi; Diamond Plaza phía Bắc sau lưng Nhà Thờ Đức Bà đã nói trên; Zen Plaza cũng đã nói, cách New World Hotel hai khối nhà phía Tây; Taka Plaza ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần tiệm cà rem – kem Bạch Đằng.


Ăn uống ở Sài Gòn


Sài Gòn là nơi ăn uống lựa chọn thỏa thích cống hiến rộng lớn hàng lọat món ăn Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên, món hời càng ngày càng khó kiếm và giá cả tiệm ăn mỗi năm tăng thêm 30 % những năm gần đây, vì là một phối hợp của các gía thực phẩm cao hơn , giá nhân công lên tăng thêm lên và giá bất động sản cũng tăng vọt mạnh. Giá đất trung tâm Thành Phố nay bán chừng 16 000 $ mỗi mét vuông .Thế nên một tiệm ăn cở khiêm tốn thường nằm trên một bất động sản gía hơn một triệu đô la Mỹ. Thực phẩm địa phương chính hiệu gíá hời, trước đây là một huy hòang, danh tiếng Việt Nam. Nay càng ngày càng khó thấy một khi Sài Gòn trở thành cao sang và tứ xứ cư ngụ . Các món ăn địa phương trưng bày ảnh hưởng của thời Pháp thuộc địa là các tiệm bánh mì que – baguettes mới ra lò và ngon lành. Bánh mì que dài – nhỏ , quẹt phó mát “ bò cái cười tươi – la vache qui rit, laughing cow” , kẹp thịt trong lọ- bình, giăm bông và các lát hành, hoặc phối hợp chúng, nên khá rẽ ( trong khi Việt Kiều Ba lê lại thích bánh mì que quét bơ Bretagne kẹp thịt chà bông – thịt ruốc bông Ca Li ? ). Thịt bò được sử dụng ở nhiều đĩa khác nhau là những thay đổi thịt ở món Phở ( chín, tái , nạm, gàu … ) hay làm ra “ bún bò Huế- Hue Beef soup” .

Thưởng thức bên cạnh Phở và Bún Bò Huế là “ bánh xèo” miền Nam , “bánh khóai” miền Trung, một lọai trứng tráng – omelette , crepe, bên trong chứa những rau cải mình lựa chọn : giá( mọng dài đậu nành – đổ tương, đậu xanh sống – chín ), các lát măng tre, nấm ta hay nấm Nhật enoki , song song với thịt, tôm hay cả hai …Các món địa phương giá hời rất dễ tìm tại Sài Gòn . Bánh mì kẹp thịt heo – Pork sandwiches bán 13 000 – 15000 VNĐ một ổ, tháng 5 năm 2011. Cơm tấm bì hay sườn thịt heo theo nhiều cách nướng hay chiên xào và một ít rau đậu, giá 18000 VNĐ . Muốn ăn các thực phẩm phố đường( lề , vệ đường. ) – street food, hàng rong hay không , phải đến một quận Sài Gòn khác: Quận 5 chẳng hạn là tốt rồi, nhưng quận 3 sẽ tốt hơn và giá rẽ hơn. Cũng như Hà Nội, quán ăn phố đường- lề, vệ đường hay gánh hàng rong đã trở thành một văn hóa ẩm thực , có thể đến nơi bằng xe mô tô, xe gắn máy ( Xe ôm !) … , quan sát đời sống dân gian Sài Gòn và nhậu nhẹt những món ăn lề đường tuyệt diệu . Xe ôm – hug motobikes, motorbike taxis Sài Gòn cũng như Hà Nội gồm 2 lọai cho thuê : xì cút tơ – scooters( truyền tự động ) và xe 4 tốc độ, hộp số đạp thay bằng chân trái. Xe Honda Super Cub đầy rẫy khắp nơi là xe gắn máy có 4 tốc độ, hộp số – gearbox bán tự động nghĩa là không có bộ ly hợp( bộ nối ) – clutch cho nên đi đứng tương đối dễ dàng hơn. Các kiểu khác có thể hòan tòan lái tay, cho nên phải tập luyện sử dụng bằng tay trái, đòi hỏi nhiều khéo léo bộ nối trước đã . Xe ôm là phương tiện chuyễn dịch “đặc điểm” “cho cảnh quan đời sống Sài Gòn ngày nay ( nhắc lại xe xì cút tơ và xe gắn máy Honda…. chỉ mới bắt đầu phổ thông giữa thập niên 1960 và thập niên 1970 ở Sài Gòn, nhưng “xe ôm” chưa thịnh hành ) giá rẽ và thường an tòan .


Từ năm 2007, mọi người đều phải đội mũ cứng che đầu , một thể lệ được áp dung nghiêm chỉnh . Khi đi xe ôm, phải hỏi mũ đội, nếu không sẽ bị phạt nặng. Có thể thuê xe gắn máy ở nhiều nơi trong Thành Phố, đặc biệt quanh vùng Tây Ba Lo Phạm Ngũ Lảo, quận 1. Nhưng tốt hơn là để cho một tay lái xe lành nghề chở đi. Vì lưu thông Sài Gòn rất là dữ dội, theo nhịp và lô gíc Sài Gòn, rất hổn độn , chứa một danh sách dài những luật lệ không viết ra, khác hẳn luật lệ giao thông các nơi khác. Hầu như không ai biết :”Quyền ưu tiên đi đường – Right of way” là gì cả. Lái xe ở TP HCM không khác gì thấy mình ở giữa một trò chơi viđêô 3- D, nơi ai cũng có thể đến được từ mọi hướng, trong khi mình chỉ có một đời sống mà thôi. Việt Kiều – expat muốn bất chấp lưu thông – kẹt xe, phải thực tập vài tuần – vài tháng ôm lưng người khác lái, trước khi tự lái ấy. Phải lưu tâm đến trộm xe: luôn luôn để xe nơi nhìn thấy được hay gửi xe nơi có người giữ xe. Đa số khách sạn đều có người làm giữ / cất xe …


Các quán hàng bán đồ ăn uống rải rác khắp Thành Phố và tại Chợ Bến Thành đã có một bộ sưu tập đáng kể, một số đã nói tới ở trên. Muốn thưởng thức các đồ ăn liền – fast food thì đến các tiệm Phở 24 dây chuyền, có mặt khắp nơi, tuy rằng gíá đắt gấp đôi các tiệm thường lệ. Tiệm McDonald đầu tiên ở TP HCM khai trương ngày 8 tháng 2 năm 2014. Thụt lùi, khiếm khuyết ăn nhậu lề đường, còn gọi là thực phẩm nấu nướng ở các lỗ tường – holes in the walls tại bất cứ thị trấn hay TP nào tại Việt Nam, thảy đều không bảo đảm tốt đẹp vệ sinh, theo nhận xét du khách Tây Phương . Các kẻ vồ chụp kiểu bán lệ đường này không chỉ nấu nướng, mà còn là kẻ thâu tiền. Họ chụp tiền rồi lấy ngón tay đầy nước miếng ( nước giải ) mình, búng các tờ giấy thối tiền ( có thể thêm mùi vị cho món ăn chăng ? ).

Khi một miếng bánh mì que rơi xuống vệ đường, họ lượm lên và tiếp tục sử dụng như cũ. Đa số kẻ bán hàng là đàn bà- phụ nữ gánh hàng trên vai mảnh mai, có thể ho hen hay hắt xì, khi nấu nướng thì che miệng bằng tay – không bao tay, rồi tiếp tục những gì họ đang sửa sọan. Món ăn có thể chứa tóc rụng, có khi cả lông bộ phận sinh dục hay lông nách. Chén bát, soong nồi chảo rửa bằng các thùng chứa nước mang theo nhỏ xíu, độ 1 lít ,không bao giờ xài bột giặt – detergent . Các ly cốc nhúng rửa hai ba lần vào chút it nước này và sẳn sàng cho người khác dùng. Còn nhiều khiếm khuyết căn bản khác. Tuy nhiên, thực phẩm phường phố, lề- vệ đường hay ở lỗ tường tuyệt đối đầy hương vị, quyến rũ, lạ lùng, sáng chế chân thật và rẽ rề, chứa tất cả mọi yếu tố của kim tự tháp dinh dưỡng; trong đó mọi mùi vị : ngon, chua đắng, mặn, nồng cay đều có đủ .


Các món Sài Gòn du khách hay lựa chọn rất nhiều. Ăn uống kiểu nước ngòai là : -Các tiệm Baskin Robin có cà rem rất ngon; tiệm Burger Corner gầnTháp Bitexco bán Burger rất mùi vị; tiệm La Cantina là tiệm ăn đồ Mễ Tây Cơ; Doner Kebab đường Bùi Viện quận 1, bán thịt cừu Kebab Thổ nhĩ Kỳ; ABC Bakery là tiệm bánh ảnh hưởng Pháp to lớn ở chế độ làm bánh Việt Nam ; BánhMì Bistro ở đường Vỏ Thị Sáu, quận 1, nổi danh bán Bánh mì sandwich và Bánh Mì Việt Nam mới ra lò; Cafe India và Babas Kitchen bán đồ ăn miền Nam Ấn Độ; Hard Rock Cafe ở đường Lê Duẫn bán Burger Mỹ và các đĩa nướng kiểu Mỹ ( ? ); La Habana đường Cao Bá Quát, quận 1, bán đồ ăn Tây Ban Nha và kiểu Cuba, bán côc tên pha đặc sắc ít khi thấy ở Việt Nam ; La Hosteria ở đường Lê Thánh Tôn, bán đồ ăn sành sỏi của nước Ý; Pomodoro ở đường Hai Bà Trưng quanh góc Hotel Sheraton và Caravelle Hotel, một tiệm nhỏ nhưng lịch sự bán các món ăn Ý đặc thù như lasagna, tuy các pizza ở đây có phần hơi nhiều dầu; Swiss Chalet Restaurant ở đường Pasteur, quận 1, bán các món đặc thù truyền thống Thụy Sĩ như Phó mát nung chảy để nhúng- chấm, sô cô la nước nhúng, cùng những món ăn miền Trung Âu Châu; Âu Lac do Brazil giữa hai đường Pasteur và Điện Biên Phủ và J.J ‘s Brazilian Barbecue đường Phạm Ngũ Lảo, bán thịt nướng -barbecue churrascaria( Churasco ) Brasil ăn bao bụng – all you can eat; 4 Sushi bar ở đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trải và Nguyễn Đình Chiểu bán sushi cao phẩm nhất Sài Gòn; Spice ở đường Lê Quí Đôn quận 3 , dọn những món ăn Thái Lan Việt Kiều hay đến ; Lion City Cafe & Restaurant đường Lê Ánh Xuân quận 1 là dây chuyền bán đồ ăn Sinpapore ; Huy Long Viện đường Nguyễn Du, gần dinh Thống Nhất, bán đồ ăn Tàu , đặc biệt là món Vịt Bắc Kinh và ăn điểm sấm -dim sum ; Yu Chu, lầu 1 Inter continental Asiana Sài Gon, bán các món ăn Bắc Kinh và Tàu chính hiệu, cũng như điểm sấm ăn bao bụng và Vịt Bắc Kinh; Decibel Lounge ở đường Phan Kế Bính quận 1, gần chùa Jade Emperor Pagoda, bán đồ ăn Miền Địa Trung Hải, miền Nam Âu Châu; D’Nyonya Penang, Halal @Saigon , đường Đông Du quận 1, Four Season Restaurant , đường Thi Sách quận 1, Vn .Galal đường Phạm Hồng Thái phường Bến Thành, quận1, bán đồ ăn Mã Lai Á song song với đồ ăn Việt Nam. Không thể bỏ quên các tiệm nấu các món ăn Việt như Phở 19 ở đường Nguyễn Trải quận 5 vừa bán phở vừa bán thịt bò kho, giá rẻ; Phở 24 , một dây chuyền bán phở sạch sẽ khắp TP HCM, tuy nên gạt đi Phở 24/24 giả hiệu ở đường Phạm Ngũ Lảo qúa đắt ; Phở Quỳnh cũng ở đường Phạm Ngũ Lảo, phở dân địa phương rất thèm ăn và bán cho dân ba lô và cũng bán luôn cả bánh mì que Pháp thời xa xưa ; 3 tiệm Phở 2000 , một tiệm bán chung với I Love Burger ngay bên cạnh Chợ Bến Thành và tiệm thứ ba cuối đường Lê ThánhTôn. Đây là tiệm phở cựu tổng Thống Bill Clinton ghé ăn, có bán luôn cả các món ăn Việt Nam, kể cả các món hải sản và món cà ry chay tuyệt cú; Phở Bò Viên Quốc Ký đường Ngô Đức Kế gần đường Nguyễn Huệ quận1, giá rẽ và ngon, bán cùng nhiều lọai Mì- pasta ; Bún Bò Huế ở đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, vài khối nhà cách dinh Thống Nhất, bán bún bò ngon nhất so với hàng trăm tiệm bán bún bò Huế ở Sài Gòn, mọi vật liệu bún, thịt, nước xúp đều siêu quần, gây xúc động; Bún Chả Vân Anh ở góc đường Trường Sơn, đường chánh đến phi trường Tân sơn Nhất, không có máy lạnh, không có thực đơn, không có phòng cầu tiêu rửa tay – toa let – toilet, không tường, không nói tiếng Anh, chỉ có bún chả – grilled pork Hà Nội – Thăng Long, bún mát lạnh, nước chấm đủ lọai gia vị hành, tỏi, tiêu ớt, gừng nghệ, sả và nhiều lọai rau cải tùy lựa chọn ; Thiện Duyên Bến Thành đường Calmette gần trạm xe búyt Thành Phố, bán đồ chay – vegetarian ; Trang đường Cống Quỳnh, bán đồ ăn địa phương gồm cả cua hấp, cua muối tuyệt hảo; Hương Đồng nay dời cách xa trung tâm Thành Phố hơn đến đường HuỳnhTịnh Của, phần lớn bán các món ăn miền Nam, có thể có chuột đồng, ếch tòan thân, cháo bồ câu, gà ta nướng luôn cả đầu, cả chân… ;


Hà Nội Ơi Bistro ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, trải dài trên hai tầng, bán các món ăn Việt kim cỗ, nhất là vài món đặc biệt miền Bắc, do chủ nhân kiêm đầu bếp Thùy Linh nấu nướng; Thùy Linh là một ca sĩ lừng danh ban 5DK ( ? ) trình diễn nghệ thuật hiếm có địa phương, lọai Âm Nhạc Thế Giới -World Music. Ca sĩ trong nước, diễn viên tài tử, các nghệ sĩ danh vang đủ lọai, dân địa phương và du khách ngọai quốc ồ ạt tới bistro này, thưởng thức không khí và thức ăn cận đại – cổ điển Việt Nam độc đáo của bistro; Baotique Bar and Restaurant ở đường Tôn Thất Thiệp, quận 1, dọn những món ăn Việt cận đại và một lọat lựa chọn rượu vang ngon do đầu bếp – chef Michael Bảo từ New York về, nhưng giá lại rất phải chăng. Đáng khuyến cáo là các món hải sản rất thú vị của tiệm. Các tiệm ăn pha lẫn cách nấu nước nhà và quốc tế nay qúa nhiều ở Sài Gòn, không kể xiết nổi. Có lẽ cần nhắc qua cho Việt Kiều ở Hoa Kỳ, xem ti vi Mỹ CNN hàng ngày, tiệm The Lunch Lady ( Nguyễn Thị Thanh) ở đường Hòang Sa , đã được Anthony Bourdain trình diễn ở đài này. Rất phổ thông cho dân địa phương vì có rất nhiều món, không đương nhiên là cao phẩm, các món mì, bún thay đổi mỗi ngày … Các tiệm bánh ngọt, bánh mì Sài Gòn đáng đến mua là ABC Bakery & Cafe đã kể rồi; 5 tiệm Bread Talk rẽ nhưng ăn ngon; Crumbs Bakery ở đường Cống Quỳnh ; Gloria Jeans, bánh ngọt ngọai quốc nhưng giá cả rẽ Việt Nam; L’ Amour Bakery & Cafe ở đường Hai Bà Trưng bán những lựa chọn tốt về bánh sừng bò – croissants , bánh cuộn – scrolls, bánh ngọt nhân thịt, mứt- pies, bánh ga tô – cakes và kẹo , mứt – goodies khác; Tous les Jours đường Trần Hưng Đạo quận 1, phải tự mua lấy bánh. Các tiệm cà phê Sài Gòn cũng vô số kể. Như chúng ta đều biết Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng hàng thứ hai thế giới sau Brasil (nếu chỉ kể cà phê vối Robusta nhiều cafêin thì Việt Nam đứng hạng nhất ), cho nên uống cà phê rất phổ thông ở nước nhà. Việt Nam là một thiên đường cho ai thích uống cà phê. Kiểu uống Cà phê Việt Nam vừa ngọt vừa mạnh mẽ ( đắng!).


Từ chánh nên nhớ là cà phê sửa ( pha sửa đặc có đường), cà phê đá – ice và cà phê nóng – hot. Cà phê đá rất đắng theo thị hiếu Mỹ, cà phê sửa đá cũng ngọt không kém sửa đặc có đường .Cà phê (sửa) nóng chế bằng một dụng cụ kim lọai đặt trên tách cà phê, chỉ cần lấy uống khi bớt nóng, cầm không phỏng da. Các cách pha chế cà phê Expresso, Cappuccino, Cà phê phin- filter Mỹ nay đều phổ cập ở quận du lịch Sài Gòn, nhưng giá thường cao 2-8 lần hơn kiểu cà phê địa phương. Các tiệm nhậu bia – la de Sài Gòn có thể chia ra hai lọai, tìm bia vô chai và bia hơi rất dễ dàng. Hiện tượng độc đáo ở Việt Nam là có thể tìm thấy các tiệm bia nhỏ, bán bia Tiệp Khắc- Czech hay Đức. Đa số các hảng chế tạo bia nhập khẩu hốt bố- houblons, hops và mạch nha – malt từ Cộng Hòa Tiệp Khắc hay Đức Quốc, thơm phức mùi bia hơn là các bia địa phương. Có chừng10 tiệm bia mini – microbreweries, nhưng đa số ở trung tâm Sài Gòn. Tiệm Lion Brewery ở gần trung tâm nhất và tiệm bia bán ba lọai bia vòi – on tap là Hoa Viên bán bia đen, bia nâu lạt – blond và cả bia trên vòi bia urquell pilsner nhập khẩu . …


Đô thị hóa Sài Gòn thể hiện văn minh đô thị mới kiểu Hoa Kỳ ( ? ) thay vì ở Nhà Tây ( Pháp và các thời trước1975 ?


Ẩm thực Việt Nam , nhất là ăn tuy tiến bộ nhưng có lẽ chưa nổi danh thế giới bằng “ Cơm Tàu” tuy phở, chả giò ( nem theo tiếng Bắc )… là những món ăn chơi phổ thông tận Tây Phi Châu ( các thủ đô Dakar – Senegal, Bamako- Mali ) như nhậu bia ăn chả giò và uống cà phê, rượu vang Âu Châu và Mỹ , cốc ten … đã lấn lướt cách uống ẩm “ hòang hoa tửu- mai quế lộ …” . Ngược lại, các đô thị mới ngày nay đã sánh kịp cách cư trú nhà ở đầy đủ tiện nghi văn minh thời nay ở “Nhà Mỹ- Hoa Kỳ” nhiều tiện nghi cận đại hơn của cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thay thế cách ở “ Nhà Tây – Pháp” các thế kỷ 19 và 20 . Đáng kể nhất là hai khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm .


Tháng 7 năm 1993 , Tổ hợp phát triễn vùng đô thị phía Nam TP HCM, Phú Mỹ Hưng Corporation-PMHC được thành lập có sự chung sức của các hảng kiến trúc – họa kiểu đô thị lừng danh thế giới Skidmore, Merrill( San Francisco- Hoa Kỳ, hầu làm ra Dự Án Chánh – Master Plan cùng những hổ trợ kỷ thuât và cố vấn Koetter, Kim Associates ( Boston – Hoa Kỳ của Kenzo Tange (Tokyo- Nhật bổn ). Tháng 9 năm 1994 , Dự án Chánh được Ngân Hàng Thế giới và Viện Các Kiến Trúc Sư Hoa Kỳ – American Institute of Architects xem là một phát triễn bền vững- sustainable development . Tháng 12 năm 1994, thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp thuận Dự án. Năm 1995, thủ tướng cũng thành lập Ủy ban Xử lý Vùng Miền Nam TP HCM, để theo dõi thực hiện . Tháng 7 năm 1996, Tổ Hợp khởi sự các công trình hạ tầng cơ sở và đại lộ Nguyễn Văn Linh Parkway . Tháng 6 năm 2008 , Vùng đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là Một Thành Phố Kiểu Mẩu – A Model City cho tương lai đất nước . Nên nhớ là đến năm 1990, Việt Nam vẫn chưa có căn bản pháp lý cho qui họach đô thị hóa. Các chỉ dẫn của Bộ Xây Cất- xây dựng rất sơ sài ,đại lược giới hạn vào các tiêu chuẩn liên quan đến dân số, đất đai cho hạ tầng cơ sở, kỷ thuật, xã hội. Wiki pedia cho biết, trước năm 1975 cho đến năm 1990 , các nhà đô thị thời Pháp và thời Cộng Hòa như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ , kỷ sư Trần Lê Quang và cả kiến trúc sư (? ) Mỹ Dioxadis …đều cho rằng hướng phát triễn chánh của Thành Phố là Hướng Bắc và Đông Bắc gồm Thuận An tỉnh Bình Dương và thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai và hướng Tây Bắc ở khu vực Củ Chi. Họ luôn luôn tránh nhấn mạnh đến phát triễn Sài Gòn về hướng Nam là Vùng Phú Mỹ Hưng và Đông Nam là vùng dự định xây đô thị Thủ Thiêm .


Tháng 7 năm 1993 , chánh quyền thiết lập Tổ hợp Phú Mỹ Hưng Corporation để phát triễn một vùng đô thị mới, hầu đem lại một không khí mới phát triễn một lối sống mới và cải cách xã hội nước nhà. Tổ hợp đã sử dụng Công ty Mỹ SOM tạo một qui họach có tầm nhìn xa chiến lược, nghiên cứu tòan diện mọi khía cạnh môi sinh,sau khi được phép làm kế họach ra khỏi các ranh giới hành chánh của lề lối qui họach dô thị hóa thủ cựu. Vùng đô thị Phú Mỹ Hưng ở phía Nam trung tâm Thành phố, rộng 3600 ha gồm đất đai 4 quận Thành Phố nhìn ra tận Biển Đông, lõi cốt là đô thị mới Phú Mỹ Hưng . Rồi Tổ Hợp lập một Công Ty hợp doanh với CT& D ( Đài Loan ) và Cụm Công nghệ Tân Thuận IPC , trước tiên 450 ha thực hiện một trung tâm quốc tế : tài chánh, thương mãi, dịch vụ, cư xá nhà cửa, tiêu khiển, văn hóa, khoa học, kiến trúc đồng bộ.. ., kiểu mẩu cho Sài Gòn . Đáng kể ra là Đại Lộ Nguyễn Văn Linh dài 18.8 km, rộng 27m, một xa lộ có 14 lằn ( ? ), lằn giữa dành cho chuyên chở công cọng nặng nề , thực hiện theo 3 giai đọan; giai đọan 1 các năm 1996-98 , giai đọan II các năm 2002-03 và giai đọan III các năm 2004- 2007 ; xây cất hơn 40 cầu theo những kỷ thuật tân tiến thế giới như cầu Ông Lớn,cầu Cần Giuộc, Cầu Xóm Củi, cầu Bà Lớn và năm 2005 cầu Cả Cấm ( ? ) năm 2010 cầu Thầy Tiêu… và những khu cư trú, nhà ở mới mẽ , căn hộ cá nhân cao ôc áp dụng những thể thức họa kiểu, xây cất phòng , trang trí kiểu mới thanh nhã ,thỏai mái, hay tráng lệ theo lề lối tân kỳ Nhật Bổn, kết hợp với nhiều yếu tố tiêu chuẩn cận đại như cây xanh, lưu thông dễ dàng, đường xá tổ chức gọn ghẻ- sạch sẽ, chung sống theo văn minh- văn hóa mới v.v.. Dọc theo đại lộ NguyễnVăn Linh . tổ hợp Phú Mỹ Hưng đã lập ra 5 vị trí đô thị kiểu mới : Vị Trí A là vùng 409 ha, vị trí B là Qủang Trường viện Đại học 91 ha,vị trí C là trung tâm cao kỷ 40 ha, vị trí D là một khu thương mãi 40 ha và vị trí E cũng là khu thương mãi 111 ha .

 Các thời trước 1975 cũng cố tránh phát triễn Vùng Thủ Thiêm, có lẽ vì vùng Thủ Thiêm đất thấp, bùn lầy, xây dựng hạ tầng cơ sở tốn kém và chịu nhiều rủi ro như sạt lở – lún đất. Nhiều chuyên gia cũng đã khuyến cáo, nếu muốn giải quyết tạm thời nạn lún đất và sát lở này, cần phải lấy đất từ đồi núi 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng về đắp tránh ngập lụt khu vực này. Trên phương diện dự án được phê chuẩn năm 2005, dân số Sài Gòn lúc đó là 6 611 600 người, mật độ dân cư khỏang 3 người /m2 hay 366 người /km2. Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy họach mới sẽ có 130 000 ngườii ở thường trực và 1 triệu người vãng lai, nghĩa là mật độ dân sinh sống thường trực ở vùng này sẽ là 18.4 người/ m2 hay 1840 người/km2 tức là 6 lần mất độ Sài Gòn lúc đó. Dự án không khả thi và có nguy cơ phá vở cấu trúc thổ nhưỡng đất Sài gòn và đưa tới tình trạng khủng hỏang giao thông ngay khi đô thị Thủ Thiêm họat động. Do đó mà nẩy sanh xây dựng Đường Hầm – Thủ Thiêm Tunnel còn có tên là Đường Hầm Sông Sài Gòn- Saigon River Tunnel. Đây là một thành phần quan trọng của Xa lộ ĐôngTây – East West Highway kích thước cận đại, tân tiến nhất Đông Nam. Đường hầm dài 1,49 km , rộng 33 m, cao 9m và lưu thông bằng 6 lằn , mỗi bên 3 lằn cho xe hơi và xe mô tô. Ngòai ra còn có 2 lằn bên để ra khỏi hầm và tốc độ họa kiểu là 60 km/giờ .

Khởi công ngày 2 tháng 2 năm 2005 , Đường Hầm Thủ Thiêm khai thông ngày 20 tháng 11 năm 2011 . Từ năm 2011, chỉ cần đi xe ô tô ít hơn 3 phút , từ quận 1 đến quận 2 TP. Xa lộ Đông- Tây Sài Gòn cũng khởi công ngày 31 tháng giêng 2005, và ngày 2 tháng 9, 2009 , khánh thành lưu thông giai đọan 1 , dài trên 13 km, từ quốc lộ 1A (quận Bình Chánh) đến cầu Calmette ở quận 1. Đây cũng là khúc đọan ngắn nhất nối Thành Phố với bán đảo Thủ Thiêm, dọn đường cho Thành Phố phát triễn về phiá Đông. Ngày 20 tháng 11 năm 2011, khúc đọan Xa lộ Đông Tây còn lại, mở cửa cho lưu thông. Đường Đông Tây dài tổng cọng 22 km nối Đông Tây Thành phố bằng một đường duy nhất, đi chỉ mất ít hơn 30 phút, đã giúp cải thiện đời sống dân gian, song song với cải thiện cảnh quan đẹp đẻ hơn, vệ sinh môi trường tốt hơn v.v.. .

Cầu Phú Mỹ là một cầu cáp – cable stay tân tiến thế giới ngày nay, bắt ngang qua Sông Sài Gòn nối các quận 32 , quận 7 và quận 9 , khởi công ngày 9 tháng 9 cũng vào năm 2005 và khánh thành ngày 2 tháng 9 năm 2009, nối vùng đô thị mới Thủ Thiêm với vùng đô thị Phú Mỹ Hưng, dài 2000m, rộng 27.5 m , có 6 lằn cho xe có động cơ và 2 lằn cho xe thô sơ ( xe xích lô , thổ mộ .. ). Đây là một cây cầu không chỉ nổi danh ở Sài Gòn, mà còn cả thế giới nữa. Cũng không nên quên nhắc đến cầu Gò Dưa, từ Quốc lộ 1A Xuyên Á -Trans Asia National Highway 1A ( quận Thủ Đức ); cầu Phú Long nối quận 12 TP Sài Gòn đến tỉnh Bình Dương, giúp Sài Gòn bớt kẹt xe trên Quốc lộ 13.


Dự án chánh quản trị kiểu mới Thành Phố


Dự án kiểu mới quản trị Sài Gòn – TP HCm khởi sự từ năm 2007, sau khi được Bộ Chánh Trị Việt Nam cho phép soạn thảo, đã được chánh phủ và quốc hội Việt Nam chấp thuận, sẽ đặt lại quyền hạn, chức năng và nhiệm vụ các cấp bậc quản lý. Thành Phố sẽ thu thập ý kiến dân gian năm 2015, hầu hòan thiện dự án để có thể bắt đầu thực thi năm 2016. Dự án mới sẽ chia Thành Phố ra làm 4 thành phố vệ tinh, chung quanh một vùng trung tâm gồm có 13 quận. Mỗi quận sẽ do một Ủy Ban Quản lý Hành chánh -Administrative Committee có Chủ tich Ủy Ban hay chủ quận điều khiển. Trong khi đó , mỗi thành phố vệ tinh lại do Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố , đứng đầu là Chủ tịch hay Đốc lý – Mayor điều khiển . 13 quận gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11 và Bình Chánh , Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú . 4 thành phố vệ tinh là Đông , Tây ,Nam, Bắc. Thành phố Đông sẽ gồm quận 2, quân 9 và huyện Thủ Đức, diện tích là 211 km2 .

Nó sẽ gần Xa Lộ Cao tốc HCMC – Long Thành – Dầu Giây, trung tâm sẽ là Vùng đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố sẽ triễn khai các dịch vụ cao cấp gồm luôn cả tài chánh và tín dụng, các công nghệ cao kỷ , du lịch sinh thái v.v…Thành phố Tây sẽ là tòan thể huyện Bình Tân, một phần phường 7 và phường 16 quận 8 , và 4 xã của huyện Bình Chánh gồm An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Trung tâm thành phố vê, tinh này là vùng đô thị Tân Kiên, giáp giới Quốc lộ 1. Thành phố sẽ có diện tích 109 km2, dân số là 810 000 người, sẽ tụ điểm vào các công nghệ dịch vụ, các công viên công nghệ và các vùng cư trú- nhà ở kiểu mới . Thành phố Nam sẽ gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần phường 7 quận 8 và 2 xã Bình Hưng và Phong Phú của huyện Bình Chánh. Diện tích chiếm 169km2 , sẽ có 470 000 người, chiếm vùng đô thị mới Nam Sài Gòn, kể cả Phú Mỹ Hưng sẽ là cốt lõi của Thành phố vệ tinh Nam. Thành phố Bắc sẽ gồm quận 12 và huyện Hóc Môn, diện tích 262 km2, dân số 860 000 người. Thành phố sẽ có cốt lõi là vùng xã Tân Thới Nhì, sẽ xây dựng một nền kinh tế căn bản dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp cao kỷ và một khu nhà ở , cư xá mới ….


( Irvine, Nam Ca Li –Hoa Kỳ, ngày 23 tháng 9 năm 2014 )

._,_.___







TIỀN THẬT TIỀN GIẢ

Tin tức truyền thông mới đây cho biết, cảnh sát vừa phá vỡ một vài cơ sở in tiền giả mệnh giá 100USD tại New York và New Jersey. Và theo Cơ quan Mật vụ (U.S. Secret Service), việc khám phá số lượng tiền giả lên đến hơn bảy chục triệu tại các nơi này, là nỗi đau của tờ bạc mệnh giá trăm đô. Tiền giả không chỉ được in trong nước, số lượng tiền giả thu hồi trong năm qua lên đến 157 triệu USD, xuất phát từ nước ngoài, chủ yếu từ Peru tuồn vào Mỹ. Điều đáng nói là kỹ thuật in tinh vi đến mức thượng thừa. Tiền giả được lưu hành thông qua hàng trăm chi nhánh “cho vay nóng” ở các tiểu bang miền Đông Bắc và qua mạng lưới tiêu thụ nhỏ lẻ khắp nơi bằng nhiều hình thức.

Cảnh sát vừa phá vỡ vài cơ sở in tiền giả tờ 100USD mới ở New York và New Jersey

Coi chừng bị gạt
Trung bình những tay làm tiền giả thường kiếm được khoảng 40,000 USD trên 100,000 USD tiền giả sản xuất ra, sau khi trừ mọi chi phí. Tính ra, sản xuất tiền giả còn thu lợi hơn cả buôn bán ma túy bởi chi phí đầu tư đối với ma túy rất lớn, trong khi việc vận chuyển và chế biến phức tạp hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận nhiều không có nghĩa là bọn tội phạm muốn tung ra tiêu thụ bao nhiêu cũng được. Chúng rải nhỏ số tiền phân tán chung trong tiền thật bằng nhiều hình thức nhằm qua mặt những người bận rộn mua bán lơ là cảnh giác. Không rõ các tiệm của người Việt mình có bị “dính” nhiều không nhưng theo nhận xét hầu hết cơ sở kinh doanh của người Mỹ, cảnh giác chuyện tiền giả rất cao. Nhận giấy 10, 20 USD cũng dùng bút thử hay đưa lên ánh sáng săm soi cẩn thận.
Năm trước, có lần tôi ghé một cơ sở kinh doanh trong một khu thương mại của người Việt ở thành phố Arlington. Nhìn thấy tấm khung lộng kiếng treo trên vách tường sau quầy hai tờ 100 USD trưng bày mặt trước và mặt sau, tôi nói đùa: “Người làm ăn mua bán, thờ ông Thần tài cho tiền vô như nước, còn tiệm ông lại thờ ông “Thần Dollar”. Là chỗ quen biết, chủ tiệm với tay tháo tấm khung kiếng đưa tôi xem và hỏi: “Ông coi cho thật kỹ, thật hay giả?”. Nhìn y như thật, nhưng nghe giọng điệu của chủ tiệm, tôi đoan chắc là giả một trăm phần trăm. Nhưng ông lắc đầu: “Tiền thật đấy, từ giấy cho đến mực in của tờ mệnh giá nhỏ được tẩy xóa con số thay vào mệnh giá lớn hơn. Người nhận không để ý kỹ hình dạng chi tiết in trên tiền, sờ vào thấy nhám, thử bút thấy thật, thế là “dính”. Có nhiều kỹ thuật chế biến đồng tiền giả, không nhất thiết phải in bằng máy cho ra một tờ giấy mới toanh”.
Ông cho biết, ngoài tiệm của ông, một vài nơi khác quen biết ở Dallas cũng “dính” vài tờ dollar dỏm. Đa phần là tiền in mới hoàn toàn, không tẩy sửa con số. Loại này dễ phát hiện hơn khi dùng bút thử do bọn tội phạm trong nước thường sử dụng kỹ thuật cao và máy in laser để tạo ra một số lượng tiền giả hạn chế. Thông thường bọn tung tiền giả nhắm vào loại tờ mệnh giá cao 100 USD hơn là làm loại giấy bạc nhỏ. Mặc dù vậy, theo một chủ nhà hàng ở Houston cho biết, tiền lớn nhỏ gì cũng có giả hết, càng tinh vi hơn, nét in rõ ràng và giấy in như thật. Có thể nó được lưu thông từ túi người này sang túi người khác mà chúng ta không nhận ra vì giả mà như thật. Chỉ khi nào đưa vào nhà bank thì mới phát hiện, lập biên bản thu hồi.
Tôi ngạc nhiên khi ghé vào một tiệm ăn trên đường Bellaire ở Houston thấy trên vách tường sau quầy treo khung kiếng hai tờ 20 USD như lời cảnh báo. “Biết hết rồi, đừng hòng đưa tiền giả nhé!”, tôi đoán mò. Bà chủ nói: “Bán buôn đông khách không để ý những tờ giấy mệnh giá nhỏ. Mấy tháng trước, tôi để tiền mặt cả tuần mới ra nhà bank, không ngờ trong đó có đến hơn trăm tiền giả. Tôi phải điền giấy làm tường trình với cảnh sát và xin nhà bank cho tôi giữ lại hai tờ làm kỷ niệm”.
Ngoài những chuyện tiền giả xảy ra trong các tiệm mua bán kinh doanh, ngoài phố các trò lường gạt, đánh tráo, đổi chác diễn ra không kém. Anh T. kể có lần đi Houston, ghé cây xăng lúc trời còn mù mù, gặp một thành niên da đen đến nhờ đổi tờ một trăm đô giùm vì chủ cây xăng không nhận tiền lớn. Cảnh giác với chuyện lường gạt nên anh nói không có. Tay thanh niên lại ghé đến hỏi ông Mỹ trắng vừa ghé xe vào, ông nầy cũng lắc đầu. Khi tay này đi khỏi, ông xoay sang tôi nói một tràng ý bảo, chuyện này ông biết rành, đừng vì lòng thương cảm, coi chừng bị gạt.
“Vua” làm tiền 20 USD giả như thật
Frank Bourassa người Canada được mệnh danh là “vua” làm tiền giả mệnh giá 20USD bị bắt hồi đầu năm và anh ta đồng ý giao nộp số tiền giả và giấy in tiền để đổi lấy việc được chính quyền giảm án. Điều này khiến “danh tiếng” của Bourassa nổi như cồn. Những đồng 20 USD của Bourassa lần đầu xuất hiện tại Troy, Michigan, Mỹ vào năm 2010. Nhà chức trách Mỹ và Canada đã phải mất tới 4 năm theo dấu các nguồn tin mới lần ra được Bourassa. Kể từ đó tới nay, tiền giả đã được tìm thấy trên khắp nước Mỹ, từ California tới Nevada và Florida. Tiền giả thậm chí còn bay tới các vùng đất xa xôi nằm ở một số tiểu bang tại vùng Đông Bắc. Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng để phát hiện một đồng tiền giả do Bourassa làm là điều vô cùng khó khăn.

Frank Bourassa “vua” làm tiền 20USD giả như thật tường trình cách in tiền giả với Đài ABC - nguồn abcnews.go.com
Về phần mình Bourassa tiết lộ anh ta đã có 2 năm nghiên cứu mọi chi tiết về bảo mật tiền tệ trên trang web của chính cơ quan Mật vụ Mỹ, để tìm cách sản xuất tiền giả. Bourassa bắt đầu hoạt động làm tiền giả bằng cách lừa các hãng giấy ở Đức và Thụy Sĩ sản xuất một loại giấy làm từ chất liệu cotton và vải lanh, vẫn được dùng để sản xuất tiền đô la Mỹ. “Tôi phải khởi đầu từ đó, để có thể tạo ra cảm giác chân thực khi người ta sờ vào những đồng tiền giả. Chúng tạo cảm giác giống như sờ vào vải hơi nhàu. Nếu không có được cảm giác đó, sẽ chẳng có gì cả” - Bourassa khai với cảnh sát. Bourassa sục sạo trên Internet để tìm các nhà cung cấp Trung Quốc có thể bán cho anh ta một số loại mực hiếm và các nguyên liệu chế tạo đặc điểm an toàn có trên đồng tiền “xịn”. “Mấy anh biết đấy, tôi sẽ chơi tới bến hoặc ra về tay trắng” - Bourassa khoe khoang.
Nhà chức trách tin rằng Bourassa đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác, gồm một chuyên gia in ấn rất lành nghề. Người này đã giúp anh ta tìm được một máy in off-set để làm tiền giả và các thiết bị khác để tạo ra số serie không giống nhau trên các đồng tiền. Một khi tiền được in xong, Bourassa bán chúng theo từng lô lớn cho các nhóm tội phạm. Bourassa còn coi thành tích của mình là “chiến thắng tuyệt đối” trước chính quyền Mỹ.

Các nhà điều tra đã theo dõi Frank Bourassa, người làm giả tiền $20 trong bốn năm trước khi bắt - nguồn dailymail.co.uk
Sau rốt chính sự ngạo mạn của Bourassa đã khiến anh ta bị bắt. Một viên cảnh sát chìm hoạt động trong một nhóm tội phạm đã đứng ra thực hiện thương vụ mua tiền giả với Bourassa. Thông tin do anh ta cung cấp đã giúp nhà chức trách lần ra hoạt động bí mật của Bourassa ở Quebec. Mật vụ Mỹ cho biết năm ngoái lực lượng chấp pháp Mỹ đã thực hiện hơn 3.500 vụ bắt giữ những kẻ âm mưu làm giả tiền Mỹ. 20 USD hiện vẫn là đồng tiền bị làm giả và đưa vào lưu hành nhiều nhất. Theo phỏng đoán của Sở Mật vụ Mỹ, Bourassa đã in ra khoảng 250 triệu USD.
Nhưng ngay cả khi cảnh sát Canada và Mật vụ Mỹ đột kích nhà Bourassa, anh ta vẫn giữ cho mình một quân bài tẩy cuối cùng: chính quyền không biết số giấy đặc biệt còn lại đang chứa ở đâu, cũng như rất nhiều những đồng 20 đô la giả đã in ra đang phiêu bạt chốn nào. “Điều đó khiến họ phát điên, vì thế Mật vụ Mỹ đã ở đây suốt, theo chân tôi cả ngày” - Bourassa nói một cách tự hào.
Tuy nhiên cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Nhà chức trách Canada thông báo họ vẫn đang tiếp tục điều tra hoạt động làm tiền giả quanh Bourassa. Họ tin rằng anh ta chỉ chường mặt ra trước công chúng và khoe khoang thành tích để đánh lạc hướng dư luận, nhằm bảo vệ các lãnh đạo cao hơn của băng tội phạm chuyên làm tiền giả mà anh ta là thành viên. “Có nhiều chứng cứ cho thấy vẫn còn giấy in đặc biệt và tiền giả đang được cất giấu, cũng như có nhiều người liên quan vào vụ việc” - Tasha Adams, một điều tra viên thuộc Đơn vị chống hàng giả (ICET) của Canada phát biểu trước báo chí “Cần cả một hệ thống để tiêu thụ tất cả các đồng tiền đó. Nó có số lượng lớn tới mức không chỉ có vài người là tiêu thụ xong. Bọn tội phạm sẽ cần tới một mạng lưới rất lớn”.
Mẹo thử nhận biết tiền thật tiền giả
Hầu hết mực in tiền USD đều có từ tính, lượng từ tính nhiều hơn đặc biệt nằm ở chỗ in con số mệnh giá tiền. Có thể dùng một viên nam châm để biết được tiền thật hay giả. Thí dụ dùng tờ 1 USD, trước tiên bạn gấp nó lại 1/4, sau đó mở phần gấp đó ra ở góc rộng 130 độ. Đưa viên nam châm sát vào con số in mệnh giá. Nếu bị hút vào nam châm là tiền thật, còn không là tiền giả.

http://maytrenngan.wordpress.com/

TỰ DO NGÔN LUẬN 204



Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 204 (01-10-2014)


Chế độ Cộng sản từng được xây dựng và đứng vững trên cái kiềng 3 chân: bạo hành, che giấu và lừa gạt (nói theo kiểu chơi chữ cho dễ nhớ là bạo lực, bít lấp và bịp lừa). Cái kiềng 3 chân này được rèn đúc nhờ lối giáo dục học đường nhồi sọ và giáo dục quần chúng tuyên truyền, được củng cố và bảo vệ bằng hệ thống công an kiểm soát, hàng ngũ trí thức giáo chức gia nô, mạng lưới truyền thông công cụ và bầy đàn dư luận viên đầy tớ. May thay, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là internet với các mạng xã hội của nó, hai chân của cái kiềng là che giấu và lừa gạt đã phần nào bị bẻ gãy. Phần nào thôi, vì với những kẻ dù có học nhưng đã bị tẩy não, với những kẻ vì ít học nên ngây thơ khờ khạo, với những kẻ chỉ miệt mài chuyện kiếm cơm áo, tiền bạc và địa vị, thì trò che giấu và lường gạt của CS vẫn có hiệu quả. Thành ra cuộc chiến đấu của những công dân yêu sự thật và lẽ phải nhằm đập tan chính sách tuyên truyền láo khoét dối gian và giấu che bưng bít của CS vẫn phải tiếp tục lâu dài, với những bước tiến ngày càng dâng cao và mạnh mẽ.


1- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng thái độ tẩy chay.


Mới đây, cuốn phim “Sống cùng lịch sử” được dựng với kinh phí một triệu đôla Mỹ (tiền thuế của nhân dân) nhằm ngợi khen tướng Võ Nguyên Giáp đã thất bại cách thê thảm. Nó đã chết ngay khi vừa xuất xưởng và công chiếu, bởi lẽ số khán giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảo tưởng trước cuộc “lên đồng tập thể” mình đã khơi dậy nhân đám tang của ông, nhà cầm quyền quyết định đóng ấn lên kế hoạch “huyền thoại hóa” tay công thần và ngu trung này bằng bộ phim đồ sộ. Không huyền thoại hóa sao được khi đã có những nô ngôn bồi bút tô vẽ ông bằng những vần thơ như sau (xin trích): “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê. Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử. Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể. Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông. 
 
Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân. Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối. Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới. Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng… Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân. Khi nằm xuống cả non sông thương khóc. Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục. Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân” (Bất Tử, Nguyễn Trọng Tạo). Thế nhưng huyền thoại đã tan vỡ, phim về anh hùng đã bị tẩy chay, vì công chúng biết đó thật ra là anh hèn, chỉ có tài nướng quân, chẳng chút công lao trong trận Điện Biên Phủ. Trước đây, vào năm 2000, bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” tốn phí 120 tỷ (vẫn tiền thuế của nhân dân) cũng đã phải đắp chiếu vì bị công luận tố cáo là xuyên tạc lịch sử và tuyên truyền cho Tàu cộng. Đến năm 2003, bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, với tổn phí 15 tỷ và được báo chí công cụ quảng cáo là “chân thực và hấp dẫn” vẫn chỉ hấp dẫn được 25 người khi bán vé tại Hà Nội !


Nhưng đòn tẩy chay đau hơn hết chính là từ các em học sinh đối với môn sử. Chưa bao giờ giới trẻ VN dốt và ghét môn sử như vậy. Như vào năm 2011, trong kỳ thi đại học, môn lịch sử mới chỉ ở một số trường công bố đã có hàng ngàn điểm 0. Năm 2012, các em trường PTTH Nguyễn Hiền (Sài Gòn) đã có một cuộc ăn mừng bằng hành động xé đề cương ôn thi sử ném xuống sân trường, khi nghe thông báo môn đó sẽ không đưa vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2013. Kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm nay (2024), lại xảy ra hiện tượng có một không hai trên thế giới, thật xứng với thế hệ Hồ Chí Minh: đó là tại những trường mang tên các anh hùng như Quang Trung (Hà Nội) chỉ có 1 thí sinh dự thi môn lịch sử, trường Nguyễn Thị Minh Khai (Sài Gòn) có 2, trường Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) có 3… Ai cũng biết đó là vì các sách giáo khoa sử (thậm chí các sách nghiên cứu sử) do chế độ biên soạn và ấn hành đa phần đều xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn và tô son trát phấn cho đảng một cách vô liêm sỉ.


2- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng ngòi bút vạch trần sự thật.


Cuộc triển lãm về Cải cách Ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội mới đây đã phải đóng cửa sau 3 ngày dù dự trù mở cửa 3 tháng, đó là vì ngay lập tức đã nhận được gáo nước lạnh, xô nước đá của công luận, cụ thể của những bài viết cho thấy nó vừa xuyên tạc các sự kiện lịch sử, vừa thóa mạ các oan hồn nạn nhân, vừa bao che bào chữa tội ác của cộng đảng. Tiếp đó, vô số bài nghiên cứu từ lâu và cũng không ít bài nghiên cứu mới mẻ tung bay nườm nượp trên mạng toàn cầu, đã cho quốc dân và quốc tế thấy được các mục tiêu đích thực (mà rất thâm độc) của biến cố “long trời lở đất” ấy, các thủ phạm chính yếu (luôn tự che giấu, ẩn mình) của cuộc tàn sát “kinh thiên động địa” ấy, đặc biệt là tên đầu đảng từng lấy bí danh CB để ra một bản cáo trạng vu khống trắng trợn, bịa đặt ngất trời về một người đàn bà vô tội vốn chính là ân nhân của hắn và đồng bọn hắn. Ở đây tưởng cũng nên nhắc tới hành động của đồng bào dân oan Dương Nội mặc những chiếc áo đỏ (in lời tố cáo tội cướp đất của cán bộ, đánh người của công an, phá lúa của nhà cầm quyền) kéo nhau đến xem cuộc triển lãm về cái biến cố tự nhận là “bước đi đầu tiên mang đến cho người dân tư liệu sản xuất và xóa bỏ chế độ phát canh thu tô, chế độ bóc lột của địa chủ” !


Cũng từ nhiều năm nay, nhờ mạng lưới thông tin toàn cầu hiện đại, vô số tác phẩm vạch trần sự thật về chủ nghĩa và lịch sử, lãnh tụ và chế độ CS khắp thế giới lẫn tại VN (cũng như về mọi chế độ tội ác chống loài người) dưới hình thức sách điện tử, video clip, đĩa VCD đã phá tan bức tường bưng bít thông tin của các chế độ độc tài lẫn bức tường ngăn chận tự do (bên Berlin chẳng hạn) của các chế độ cộng sản. Bộ phim “Sự thật Hồ Chí Minh” của Phong trào Sài Gòn, tác phẩm “Đêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, tập thơ “Hoa địa ngục” của thi hào Nguyễn Chí Thiện, cuốn “HCM, nhận định và tổng hợp” của nhà biên khảo Minh Võ, bộ sách “Bên Thắng Cuộc” của nhà báo Huy Đức, mới đây là hồi ký “Đèn Cù” của chuyên gia tiểu sử Trần Đĩnh…. là những tác phẩm tiêu biểu tại VN (trong vô vàn tài liệu cũng rất giá trị khác), bên cạnh những tác phẩm quốc tế như “Giai cấp mới” của nhà chính trị Milovan Djilas, “Quần đảo ngục tù” của văn hào Alexander Soljenitsyne, “Bóng tối giữa trưa” của tiểu thuyết gia Arthur Koestler v.v... Tất cả là những cây búa tạ đã và đang từng ngày đập tan chính sách tuyên truyền lếu láo của Cộng sản.


3- Đập tan chính sách tuyên truyền bằng hành động tranh đấu.


Thế giới đang rúng động vì cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông, đặc biệt của các sinh viên đại học, nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền Tàu cộng phải cho họ được bầu cử hàng lãnh đạo đặc khu này cách dân chủ vào năm 2017, như Bắc Kinh từ lâu đã hứa nhưng nay nuốt lời. Trong số đó nổi lên khuôn mặt chàng trai 17 tuổi Joshua Wong, “thủ lĩnh sinh viên” theo lời xưng tụng. Khắp năm châu đang vang rền lời của cậu: “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ”, “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi lúc này”. 
 
Lý do để Joshua Wong trở thành người hướng dẫn cuộc đấu tranh của sinh viên như thế, đó là vì tháng 6 năm 2011, khi mới 14 tuổi, cậu đã thành lập phong trào “Scholarism” gồm nhiều học sinh nhằm chống lại việc bắt buộc các trường trung tiểu học Hồng Kông từ 2015 phải đưa vào giảng dạy “Mô hình Trung Quốc”, bao gồm chuyện chào cờ Trung Quốc, học lịch sử về tính ưu việt của của chế độ cộng sản, của nhà cầm quyền Bắc Kinh, chuyện “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”… Cha của Joshua Wong, người từng chạy trốn chế độ tàn ác này hàng chục năm về trước và rất nhiều cư dân Hồng Kông khác đã phẫn nộ khi thấy trong sách giáo khoa sử sắp tới không hề nhắc đến những biến cố to lớn mà đẫm máu tại Trung Quốc như Cách mạng Văn hóa 1966-1976, hay thảm sát Thiên An Môn 1989. Phong trào “Scholarism” của Wong đã thu thập được 20 ngàn chữ ký cho kiến nghị hủy bỏ sách giáo khoa này. Sau đó, phong trào đã gia tăng thành viên không thể tưởng tượng: vào tháng 9 năm 2012, Scholarism tụ họp được 120.000 người biểu tình - trong đó có 13 người tuyệt thực - chiếm trụ sở chính quyền Hồng Kông, buộc lãnh đạo đặc khu phải rút lại chương trình giáo dục thân cộng.


Cuộc tranh đấu của sinh viên Hồng Kông trong tinh thần bất bạo động ấy ngày càng thêm quyết liệt, thêm ý nghĩa và thêm thu hút. Nay nó được sự hưởng ứng của các cô thầy, cha mẹ của họ, rồi của các người lớn (trong phong trào Chiếm giữ Trung tâm -Occupy Central), của các bạn nhỏ tuổi (học sinh) và bây giờ là hầu như của khắp thế giới. Người ta đặc biệt chú ý tới sự tham dự của nhiều chức sắc tôn giáo cao cấp, cụ thể là Hồng y Giu-se Trần Nhật Quân, nguyên lãnh đạo Giáo phận Công giáo tại đặc khu này. Là một giám mục nhưng ngài không chỉ “giám” (xem xét) và “mục” (nhìn vào) nhưng còn dấn thân, đồng hành bên cạnh dân chúng nữa.


Một sự trùng hợp thú vị là trong thời điểm tại Hồng Kông xảy ra cuộc biểu tình xuống đường thì tại VN cũng xảy ra cuộc biểu tình trên mạng với chiến dịch, phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” do Mạng lưới Blogger khởi xướng và nay được sự ủng hộ đồng hành của hầu hết các xã hội dân sự, của hàng ngàn công dân, cũng như của nhiều đoàn thể và cộng đồng người Việt hải ngoại. Đây là một hình thức đấu tranh, về mặt tiêu cực là đập tan chính sách và luận điệu tuyên truyền xưa nay của đảng CS luôn cho mình “gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (HP 4), cũng như của một nhà nước luôn ngoác miệng tuyên bố “của dân, do dân và vì dân” nhưng hành động thì hoàn toàn ngược lại. Về mặt tích cực là đòi hỏi Cộng sản, trong tư cách đảng lãnh đạo và nhà cầm quyền, phải thỏa mãn quyền được biết nhiều mặt của con người và công dân Việt Nam. Cụ thể trước mắt là công bố những văn kiện của hội nghị Thành Đô vốn như đang che giấu nhiều cam kết và quyết định vô cùng tai hại cho đất nước của đảng CS. Sau những bài viết và lời kêu gọi mang tính khởi động, rồi sẽ đến những hành động quyết liệt hơn, chẳng hạn như đòi gặp gỡ Quốc hội, tọa kháng trước các cơ quan nhà nước, đưa yêu sách lên hàng lãnh đạo chính trị, xuống đường biểu tình đông đảo như tại Hồng Kông. Đã đến lúc chính nhân dân phải nắm lấy vận mệnh của mình và của Dân tộc.

BAN BIÊN TẬP

Xem tiếp:
http://tudodanchuvietnam.net/view.aspx?idx=38b62ecf-7599-497d-8b4d-5ae1f8d0e556&ag=bns

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TÔI


Hình Ảnh bên trong đài truyền hình Sài Gòn trước 1975

- Với sự viện trợ của Mỹ, chính quyền VNCH trước 1975 đã sở hữu một đài truyền hình tân tiến hàng đầu trong khu vực.



Một nữ điều hành viên đang kiểm tra các đoạn phim 35mm tại đài truyền hình VNCH, ngày 23/1/1967. Hình ảnh được giới thiệu trên trang Fold3.com.



Đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng thư ký tại văn phòng của mình ở đài truyền hình



Giám đốc, biên tập viên và thư ký kiểm tra các bản tin trong phòng tin tức




Hai nữ phát thanh viên chuẩn bị thu hình chương trình thời sự hằng ngày ở trường quay




Cố vấn kỹ thuật người Mỹ đang hướng dẫn nhân viên Việt Nam thao tác với máy quay




Một kỹ thuật viên kiểm tra băng ghi âm trong phòng thu vào thời điểm bản tin buổi đêm sắp kết thúc



Ông Robert C. Gassert, cố vấn kỹ thuật truyền hình Mỹ đang kiểm tra hoạt động của máy móc trong phòng thu




Một kỹ thuật viên xử lý phim 35mm trong phòng tối
 
Biệt thự xây bằng container ở Việt Nam
Không cần móng, gạch hay xi măng cốt thép, ngôi biệt thự 2 tầng diện tích 500m2 nằm sát bờ sông Sài Gòn gây bất ngờ với tất cả mọi người bởi được lắp ghép hoàn toàn từ 28 container loại 20 peet.

Chia sẻ với về ý tưởng của ngôi biệt thự độc nhất vô nhị hiện nay tại Việt Nam, anh Văn Công Mỹ, chủ biệt thự Mỹ Thanh, cho biết: “Lúc đầu, tôi chỉ mới có ý định làm một ngôi biệt thự với thời gian thi công ngắn và tiết kiệm chi phí. Tôi tham khảo nhiều mẫu biệt thự nhưng đều không hài lòng. Khi tiếp xúc với kiến trúc sư Nguyễn Cửu Long thì tôi bị thuyết phục bởi ý tưởng xây biệt thự bằng container - một vật liệu mới, độc đáo. Tuy vậy, phải 2 năm sau thì ý tưởng mới trở thành hiện thực”.




Căn biệt thự nhìn từ chính diện

Nằm trên đường Kha Vạn Cân, đối diện khu Cá sấu Hoa Cà, đi đến đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM), khu đất xây biệt thự của anh Mỹ rộng 550 m2 và ngôi biệt thự độc đáo bằng container được xây trên nền đất 250m2, 2 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng là 500m2.
Biệt thự được xây dựng từ 28 container loại 20 peet, lắp ghép vào nhau, không dùng gạch và xi măng cốt thép. Ngôi nhà được xây dựng không có móng mà chỉ bằng các gối đỡ (mỗi container có 6 gối đỡ). Các container được lắp và hàn khít vào nhau, mặt ngoài và trong nhà được tô trát và ốp col-wood (vật liệu như gỗ). Vì vậy, nhìn bề ngoài, ít ai biết được ngôi biệt thự được làm bằng container; chỉ ai tinh ý mới thấy có một số lượn sóng của container mà chủ nhân cố ý giữ lại.


Tường phòng khách


Bên trong căn biệt thự có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng thư giãn, nhà bếp, nhà vệ sinh... Sàn nhà được ốp bằng đá. Các bức tường được trát phẳng. Thế nhưng, ngay từ cửa vào và lối lên cầu thang, chủ nhân đã cố ý giữ nguyên các khoảng tường là vách container nguyên bản còn xù xì vết xước, đinh, mối hàn. Điều đó đã tạo một sự lạ lẫm thú vị.
Kỹ sư Nguyễn Cửu Long, Giám đốc Xí nghiệp 2 - Công ty Nhà Tiện Ích Descon (đơn vị thiết kế và thi công biệt thự Mỹ Thanh) cho biết: Container được dùng để chứa hàng xuất nhập khẩu. Lâu nay, container đã được sử dụng làm nhà tạm cho các công trình, làm văn phòng thì đã có nhưng dùng container để làm biệt thự thì đây là lần đầu tiên.
Ở nước ngoài thì các nước: Mỹ, Đức, Hà Lan đã từng xây dựng các công trình độc đáo bằng container.
Khởi công xây dựng từ tháng 11/2009, đến cuối tháng 2/2010, biệt thự Mỹ Thanh đã hoàn thành phần thô và hiện nay đang tiến hành trang trí nội thất. Dự kiến, biệt thự sẽ khánh thành vào 15/4/2010. So với một ngôi biệt thự thông thường với thời gian xây dựng phải từ 7 đến 8 tháng, xây dựng biệt thự bằng container tiết kiệm được một nửa thời gian.


Lối lên cầu thang
Chủ nhân của ngôi biệt thự - anh Văn Công Mỹ tiết lộ: Biệt thự Mỹ Thanh dự toán làm hết 4 tỷ đồng, chủ yếu đắt ở phần trang trí nội thất. Còn xây dựng phần thô thì rất rẻ. Nếu xây bình thường, phải làm móng (ven sông Sài Gòn nền đất yếu), riêng phần cọc nhồi đã tốn 720 triệu đồng. Mỗi container loại 20 peet, giá chỉ dưới 20 triệu đồng, biệt thự dùng 28 container, tính ra chi phí xây dựng phần thô đã tiết kiệm được 30%. Tuy nhiên, làm biệt thự bằng container phải giải được bài toán: Container nguyên chỉ có chiều cao 2,4 mét, điều đó chỉ phù hợp với một số hạng mục (phòng ngủ, phòng vệ sinh); trần nhà phải nâng lên 3,2 mét.




Nhà vệ sinh của biệt thự làm bằng container

Khi pv TS băn khoăn về chất lượng của công trình xây bằng container liệu có đảm bảo tương đương xây bằng gạch, xi măng bình thường không thì anh Mỹ khẳng định: “Tôi đã tham khảo các tài liệu. Container được dùng để vận chuyển hàng, mỗi container chứa 20 tấn hàng. Với thời gian đi trên biển, chịu nhiều va đập, nước biển ăn mòn mà niên hạn dùng là 25 năm. Còn dùng làm nhà, thời gian 100 năm tôi không dám nói nhưng cỡ 50 năm thì chắc được”.




Ông bà Mỹ - Thanh, chủ nhân của căn nhà được xây dựng bằng container


Theo quan sát, những ngày này, các tốp thợ đang đang gấp rút thi công phần nội thất biệt thự Mỹ Thanh. Còn đúng một tháng nữa, biệt thự này sẽ hoàn tất - một ngôi biệt thự bằng container xinh đẹp, độc đáo, soi bóng bên sông Sài Gòn. Anh Mỹ "tiết lộ": Sau khi biệt thự Mỹ Thanh hoàn thành, anh chị cũng có kế hoặc xây dựng 1 nhà hàng bằng container vào tháng 9 tới đây ở Thanh Đa, cũng nằm ven sông Sài Gòn.

Một biệt thự bằng container đã được xây dựng. Một nhà hàng bằng container sẽ ra đời nay mai. Những ý tưởng độc đáo làm cho cuộc sống thú vị hơn. Xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, căn nhà rộng rãi và đẹp đẽ dưới đây được dựng nên từ những container không còn dùng đến.





Căn biệt thự thự Mỹ Thanh (khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp.HCM) thuộcsở hữu của gia đình ông Văn Công Mỹ, một đại gia có tiếng tại Sài Gòn. Nhìn bên ngoài không thể ai biết được là nó làm bằng những thùng container.





Được lắp ráp từ 28 container bằng sắt, đặt trên 50 khối bê tông vững chắc, căn biệt thự có một không hai này đang khiến nhiều người kinh ngạc vì vẻ đẹp đáng ngạc nhiên của nó.





Được hoàn thành trong năm 2010, ngôi nhà rộng thênh thang có tổng diện tích 500m2, diện tích sàn 250m2






Ngôi nhà đã được xây dựng gần 4 năm nay nhưng độ bền vững và chất lượng của nó thì gia đình anh Mỹ rất hài lòng và an tâm. Anh tâm sự: "Từ trước đến giờ ở Việt Nam chưa ai làm loại nhà container nên lúc đầu, tôi cũng rất lo lắng. Nhưng khi tìm hiểu thấy ở nước ngoài nhà container được sử dụng khá nhiều thì tôi đã quyết định làm loại nhà độc đáo này".





Một số tường nhà phía bên ngoài được chủ nhân cố tình để lộ ra phần lồi lõm của container để tạo thêm chất mộc mạc căn biệt thự.





Theo chủ nhân, thời gian dựng biệt thự container chỉ khoảng 3 tháng trong khi xây biệt thự thông thường thì mất khoảng 7-8 tháng. Ngoài ra, về chi phí xây dựng, nhà container đỡ 1 khâu làm móng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm tiền bạc. Với container thì tốn chưa tới 30 triệu đồng để xây các gối đỡ (trung bình 6 gối cho một container) nên tiết kiệm được trên 200 triệu đồng. Như vậy, xây nhà container với phần thô đã tiết kiệm được 30% chi phí.





Phòng sinh hoạt gia đình, phòng khách, phòng bếp, sảnh nằm ở tầng trệt.

Đá phong thủy được thiết kế giữa ngôi nhà tạo nên sự độc đáo riêng.




Các cặp container xếp so le nhau tạo hình khối đặc biệt cho ngôi nhà, làm nên không gian thoáng mát, yên tĩnh.


Bộ bàn ghế trang nhã tạo thêm điểm nhấn khác biệt.





Phòng sinh hoạt chung của gia đình được tạo nên từ 1 cặp container sắp xếp cạnh nhau



Một số tấm đỡ của container được gia công hoàn thiện lại sau đó áp với phần bê tông làm cho kết cấu bê tông được vững chắc hơn tạo nên cầu thang, vách.





Một container được thiết kế riêng thành phòng thờ, tạo cửa hai bên cân đối hài hòa




Phòng ngủ ấm áp được thiết kế đẹp mắt, một bên tường lắp kính cường lực để ánh sáng có thể chiếu vào tạo nên không gian sáng sủa cho căn phòng





Thiết bị chống thấm, chống ẩm được lắp đặt trong phòng vệ sinh nên rất mát mẻ, khô ráo.

Anh Mỹ chia sẻ: "Gia đình tôi không hề lo ngại đến chuyện nóng bức hay ồn ào từ nhữnghộp container gây ra vì khi làm ngôi nhà chúng tôi đã tính toán rất kỹ rồi".




Để tránh tiếng ồn và đi lại thoải mái hơn, sàn nhà đã được chủ nhân ốp gỗ trên mặt container





Gian bếp là 2 cặp container xếp sát nhau, rộng rãi và thoáng mát




Một nét riêng biệt của ngôi nhà được tạo nên từ một góc trần nhà còn nguyên phần thô lồi lõm của container không hề áp bê tông vào




Mái nhà mang phong cách mới lạ, chủ nhà lấy từ hai mảnh container gia công bằng phẳng sau đó sơn màu lại




Góc tường nhà bậc thang lạ mắt




Thay vì xây tường rào thông thường, chủ nhà tận dụng những vách container cho cây leo khiến không gian xanh mát.





Khuôn viên ngôi biệt thự được trồng nhiều cây xanh tạo nên sự yên bình trong không gian phố thị


Thời gian sử dụng nhà loại này là hơn 50 năm, nếu muốn thay đổi mẫu mã nhà mới sau 50 năm sử dụng hoặc chẳng may có thiên tai thì chỉ cần tháo dỡ xuống chuyển đi là được. Phương án xây nhà này tiết kiệm rất nhiều cho việc xây dựng, góp phần giải quyết nhà ở cho những thành phố lớn, tạo nên nét kiến trúc độc đáo cho cảnh quan đô thị.



Những tên đường lạ ở Việt Nam


Tại quận Bình Tân, TPHCM, nhiều người đau khổ khi phải nói mình sống ở... Kênh nước đen





Một tên đường nghe khá Tây, thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân





Có những tên đường còn kết hợp cả chữ và số khiến người đi đường dường như được lạc vào "ma trận" các khu, ấp








Đơn giản hơn có những tên đường được kết hợp một chữ số và một chữ cái





Tuy nhiên trên địa bàn quận Phú Nhuận, TPHCM một số tên đường được đặt tên bởi các loài hoa khiến nhiều người dân cũng như khách đi đường đều cảm thấy rất thích thú. 

;Trên địa bàn quận Phú Nhuận, TPHCM một số đường mang tên loài hoa. Với cách đặt tên này, quận Phú Nhuận không bao giờ lo hết tên đường, mai này hẳn sẽ có đường hoa sấu, hoa thược dược.

 

Cây Đủng Đỉnh
***

Đủng đỉnh (thực vật) – Wikipedia tiếng Việt
VIDEO
- Ký ức miền Tây Kỳ 231 Đủng đỉnh tình quê
File:Đủng đỉnh.jpg




NHỮNG GIAI NHÂN VIỆT NAM

 

 GIAI NHÂN VÀ THỜI GIAN



 

Từ năm 1997, Minh Tuyết đã quyết định qua Mỹ du học và ở lại đây phát triển sự nghiệp ca hát. Nhan sắc của cô em gái Cẩm Ly không còn được trẻ trung như xưa.



Đôi lúc Minh Tuyết còn để lộ thân hình mập với ngấn bụng mỡ khi đứng trên sân khấu.

Như Quỳnh thời trẻ (trái) giờ đã ở độ tuổi 43.
 


Gương mặt Như Quỳnh (phải) đã nhiều thay đổi. Đặc biệt sau khi sinh con, thân hình cô “mũm mĩm” hơn trước.


 





Những tấm ảnh chụp cùng Quang Lê từng làm dấy lên tin đồn Như Quỳnh phẫu thuật thẩm mỹ.
 

Dù không còn xuân sắc như ngày mới bước chân lên sân khấu nhưng cô vẫn là một giọng ca trữ tình khiến người ta phải say đắm.


Chân dung mặt mộc của Như Quỳnh ngoài đời.
 

Nữ ca sỹ Hạ Vy xinh đẹp ngày nào giờ cũng đã xuống sắc.

 

Hương Lan của ngày xưa và trong live show của Quang Lê tại Hà Nội vào tháng 1 năm nay.


 

Trong một clip đối thoại với Hương Lan về Phương Mỹ Chi được thực hiện vào tháng 8, hình ảnh Hương Lan đủ thấy dấu hiệu tuổi già của một người phụ nữ. Năm nay giọng ca Quê hương đã 57 tuổi.


 



 



 


Nữ ca sỹ chuyển giới Di Yến Quỳnh lộ rõ những nếp nhăn trên gương mặt già nua khi xuất hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất vào một ngày tháng 11 vừa qua. Đó có thể là tác dụng phụ của việc chuyển giới từ nam sang nữ được gần 9 năm.


 


 


MC Kỳ Duyên đã bước vào độ tuổi trung niên. Cô vẫn cố gắng giữ cho mình một chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp để giữ vóc dáng nhưng không thể xóa nhòa được dấu vết của thời gian.


 


Dẫu vậy, Kỳ Duyên đã đẹp hơn xưa nhiều, nhất là thời “đen nhẻm” trước khi bước lên sân khấu (năm 1981).


Phi Nhung không thay đổi nhiều so với trước.
 

Nhưng khi xuất hiện trên sân khấu liveshow của chính mình tại một phòng trà tháng 4 năm nay, nhiều người đã phải ngỡ ngàng, đặc biệt với bộ trang phục không giấu nổi vòng một quá khổ của Phi Nhung.
 


 


NhHình ảnh nữ ca sỹ Thanh Tuyền ngày trẻ và khi đứng trên sân khấu Nhà hát Hà Nội vào tháng 12/2011. 49 năm đi hát, Thanh Tuyền vẫn có được chất giọng cao, khỏe khiến nhiều người bất ngờ.


 


Giao Linh giờ cũng đã 64 tuổi. Ở cái tuổi làm bà, nữ ca sỹ này vẫn mang đến cho người nghe những ca khúc ngọt ngào của dòng nhạc trữ tình.


NHỮNG GIAI NHÂN SAIGON XƯA

  - Họ là những nhan sắc nức tiếng một thời, có những mỹ nhân không chỉ nổi tiếng bởi nhan sắc mà còn bởi tài năng như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương…


Bà Trần Lệ Xuân - một sắc đẹp Sài Thành xưa.
Trần Lệ Xuân là vợ ông Ngô Đình Nhu, em trai của Ngô Đình Diệm, Tổng thống VNCH. Ngô Đình Diệm không có vợ, vì thế những nghi lễ ngoại giao, bà Lệ Xuân được phép hành xử như cương vị Đệ nhất phu nhân.Lệ Xuân vốn là dòng dõi vua chúa, bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp.

Trần Lệ Xuân là người ăn mặc rất có phong cách, chiếc áo dài cổ thuyền đặc biệt do chính tay bà vẽ kiểu, được rất nhiều phụ nữ thời bấy giờ bắt chước theo, họ thường gọi “áo dài bà Nhu”.
 

 
Quý bà Mai Anh - một vẻ đẹp quyền quý và đài các.
Nguyễn Thị Mai Anh là vợ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Bà là con gái một gia đình gia thế gốc người Mỹ Tho. Nguyễn Thị Mai Anh có vẻ đẹp sang trọng, quý phái rất hiện đại.

Bà ứng xử khéo léo và rất biết cách “trị” những người đẹp vây quanh chồng mình. Ca sỹ Kim Loan, người có nhan sắc và giọng hát mê hoặc Nguyễn Văn Thiệu đã phải “chào thua” mà bỏ Sài Gòn ra đi
.


Thẩm Thúy Hằng - một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành
NSƯT Thẩm Thúy Hằng có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, bà sinh ra ở đất Hải Phòng nhưng sống ở An Giang. Khi mới 18 tuổi bà đã là một diễn viên đình đám.
Thẩm Thúy Hằng sở hữu một nhan sắc lộng lẫy, nhan sắc và tài năng của bà còn vươn xa ra khu vực châu Á khi được nhiều nhà sản xuất ở các nước như Hoa Kỳ, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan… mời hợp tác.

Sự nổi tiếng của Thẩm Thúy Hằng thời điểm đó còn sánh ngang với những ngôi sao minh tinh của châu Á. Những năm sau 1975, bà cũng tham gia một số bộ phim về cách mạng và sau đó khép lại con đường nghệ thuật của mình bằng vai diễn cuối cùng trong vở kịch Lôi Vũ. Hiện tại khuôn mặt bà bị biến dạng đi rất nhiều vì phẫu thuật thẩm mỹ.


 Kim Cương - người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
NSND Kim Cương xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, có mẹ là cố NSND Bảy Nam, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã theo gia đình mưu sinh bằng con đường nghệ thuật.
Rất nhiều vai diễn để đời của bà là những nhân vật đã từng lấy nước mắt của đông đảo khán giả nhiều thế hệ. Trong số đó, có phần lớn các tác phẩm do chính NSND Kim Cương viết kịch bản. Vì vậy, bà cũng đã được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nữ nghệ sỹ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam.
 


 Thanh Nga với nhan sắc mê đắm.
Thanh Nga mang vẻ đẹp sang trọng, quý phái và đậm chất Á Đông. Bà là bộ ba bạn thân cùng với NSND Kim Cương và NSƯT Thẩm Thúy Hằng, nhưng con đường nghệ thuật của NSƯT Thanh Nga lại tỏa sáng trong lĩnh vực sân khấu cải lương.
Thập niên 60 - 70, nhan sắc và tài năng của bà thuộc hàng bậc nhất ở Sài Gòn.



 Thanh Nga đã được công chúng ưu ái dành tặng cho danh hiệu “Nữ hoàng sân khấu”.
Năm 1978, sự ra đi bất ngờ của bà sau một vụ án mạng đã để lại niềm thương tiếc cho rất nhiều khán giả ái mộ. Cho đến tận bây giờ, khi nói đến NSƯT Thanh Nga, công chúng vẫn nhắc đến bà như một nữ nghệ sỹ tài sắc vẹn toàn bậc nhất trong làng nghệ thuật sân khấu miền Nam.


Kiều Chinh - người phụ nữ có vẻ đẹp hiện đại.
Kiều Chinh lại được sinh ra ở Hà Nội. Bà có vẻ đẹp khá hiện đại. Điều đó cũng đã ảnh hưởng trong phong cách diễn xuất của bà và có lẽ, đây cũng là lý do mà bà được mời tham gia một số bộ phim của Hollywood thời điểm đó.

Nổi tiếng từ bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ năm 1957, Kiều Chinh đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao sáng của làng điện ảnh Việt Nam. Ngoài đóng phim, Kiều Chinh còn kiêm luôn công việc của một nhà sản xuất phim. Những bộ phim có bà tham gia dù là ở vai trò nào cũng luôn giành được khá nhiều giải thưởng quốc tế.
Ít ai biết rằng, một bộ phim tài liệu của Mỹ nói về diễn viên Kiều Chinh của Việt Nam đã từng nhận được giải thưởng Emmy tại Hoa Kỳ. Giải thưởng danh giá khác mà bà có được như giải “Thành tựu suốt đời”. Hiện, Kiều Chinh đang định cư ở Mỹ nhưng thỉnh thoảng bà vẫn về thăm quê hương.
Bà tham gia rất nhiều các chương trình từ thiện hướng về quê hương đất nước.

 


Hoa khôi Sài Gòn Đặng Tuyết Mai
Đặng Tuyết Mai là vợ của Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ. Tuyết Mai học rất giỏi, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.
Bà là một trong 4 nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Hãng hàng không Air Vietnam. Tướng Kỳ đã gặp và yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên trên chuyến bay từ Manila về Việt Nam. Người dân Sài Thành xưa từng chứng kiến cảnh tướng Kỳ lái máy bay riêng để thả thư tỏ tình với Tuyết Mai.
 
 

Thursday, October 2, 2014


KIỀU PHONG * NHỮNG SAI LẦM CỦA THU TỨ



NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ 


Kiều Phong


LTS:Thu Tứ là bút hiệu của ĐTP, con trai thứ nhà văn Võ Phiến. Anh được cha mẹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học từ nhỏ, trở thành một khoa học gia ở Mỹ. Anh là nhà văn có tài. Nhưng, như một số sinh viên du học của miền Nam, Thu tứ đền đáp lại cho miền đất đã nuôi dưỡng mình bằng một quả “thân Cộng” to đùng. Tháng 8- 2014, cái tâm địa phản phúc, vô ơn, “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản” của Thu Tứ tràn ra đầu ngọn bút, trút lên chính thân phụ của anh. Thu Tứ viết một bài dài mạt sát nhà văn Võ Phiến về tội “chống Cộng”, “làm hại nước”. Sau đây là những lá thư nhà báo KP viết cho TT





Nhà văn Võ Phiến tại nhà riêng. Hình: Huỳnh Ngọc Dân


Cháu Thu Tứ,

Đây là những sai lầm trong bài: “Trường hợp Võ Phiến”:

1- Cháu lên án những người chống Cộng ở miền Nam là: rước ngoại bang Mỹ về để giữ cho đất nước tiếp tục bị chia đôi! và “nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước.”


Không có dân miền nào ngu dại thích chuyện “đất nước bị chia đôi” đến độ hy sinh máu xương để giữ cái “chia đôi” cho bằng được. Quân dân miền Nam và bố cháu đặt việc chống Cộng lên trên hết là để bảo vệ vùng đất cuối cùng của Việt Nam nơi con người còn được sống như người, không lọt vào gông cùm của một loại chế độ bị cả loài người kinh tởm.


Tóm tắt vài chi tiết lịch sử mà vì đọc toàn sách báo Cộng sản, cháu không biết:

Kháng chiến chống Tây là việc của toàn dân. Đảng Cộng sản chỉ là một trong những đảng tham gia vào cuộc chiến đấu chung. Nhờ tổ chức giỏi, mưu mô xảo quyệt và tàn bạo – nhất là tàn bạo – vừa gặp cơ hội là đảng cướp chính quyền làm của riêng, đẩy các “đồng minh sát cánh chiến đấu” ra rìa. Rồi sợ họ bất mãn thì phiền, Đảng Cộng sản ra tay tiêu diệt các đảng khác. Việt Nam Quốc dân Đảng đóng góp cho kháng chiến 13 người liệt sĩ ở Yên Bái thành tích kháng chiến lẫy lừng, đảng viên cao cấp vẫn bị CS thủ tiêu, đảng viên cắc ké nhiều người bị giam cầm tới chết.


Thanh toán những đảng phái quốc gia cùng chiến đấu với mình vì sợ phải chia quyền lực cho họ, ta hiểu được. Nhưng bác Hồ còn thanh toán chính các đồng chí của mình, hung hãn không thua bác Staline, rồi thừa thắng xông lên, thanh toán luôn… nhân dân, Bác “cải cách ruộng đất” một phát long trời lở đất, biến những ngôi làng hiền hòa muôn thủa của dân tộc thành những pháp trường đẫm máu, rùng rợn chả kém gì làng quê của bác Mao, ông thầy dậy và bắt Bác phải giở trò man rợ này với chính đồng bào ruột thịt.


Mà khi đó, Bác mới làm vua nửa nước!

Trong bài, có chỗ cháu bào chữa cho Bác và Đảng là: bác Hồ đã sửa sai rồi! Chú cũng biết chuyện ấy, khi nghe bác Hồ hối hận, rơm rớm nước mắt, chú cũng mềm lòng, bùi ngùi cảm động.


Nhưng cảm thông với kẻ giết người hàng loạt xong biết tuyên bố sửa sai, thì ta cũng phải thông cảm với những người vì cái sai ấy mà chịu cảnh tang thương, nuôi lòng oán hận, và hàng triệu người sau khi chứng kiến cảnh đồng bào mình bị tàn sát, hoảng kinh co giò chạy thục mạng cho thật xa Bác và Đảng. Nếu Bác tiếp tục xông tới đòi chiếm luôn mảnh đất sống cuối cùng của họ thì nhất định họ phải chống cự. Bởi vì lúc đó họ không tiên đoán được là có lúc Bác hối hận. Mà biết thì cũng không ai ham làm nắm xương tàn trong mộ chờ ngày được Bác ban cho vài giọt lệ sửa sai lâm ly.


Mà đâu phải sau khi sửa sai, hối hận, Bác trở nên hiền như ma sơ. Tết Mậu Thân, có “thời cơ tốt”, Đảng Cộng sản quang vinh và Bác Hồ muôn vàn kính yêu ra tay chôn sống hàng ngàn đồng bào Huế tỉnh bơ. Rồi ở “một thời cơ tốt” khác, có đám đông đồng bào, đa số đàn bà con trẻ, khóc mếu bồng bế dắt díu nhau chạy loạn, các đồng chí dùng hỏa tiễn súng cối Nga Tầu phát cho, pháo kích chết la liệt hàng cây số trên đại lộ kinh hoàng. Khi không gặp thời cơ tốt, các đồng chí vẫn tạo ra thật nhiều “thời cơ hơi hơi tốt” bằng cách pháo kích đều đều vào thành phố, thịt xương con cháu đám Ngụy Dân lâu lâu lại tan nát, rải khắp sân trường.


Cháu có thể theo đúng kinh sách Cộng sản, lý luận rằng “cứu cánh biện minh cho phượng tiện” các đồng chí phải tàn sát không gớm tay để cứu nước, giúp cho những đứa may mắn sống sót được hưởng cuộc đời hạnh phúc phồn vinh trên thiên đường xã hội chủ nghĩa.


Cháu tin thế là quyền của cháu, nhưng đừng đòi hỏi nhà văn Võ Phiến và những người văn minh, nhân bản ở miền Nam phải buông súng, dâng mảnh đất tự do cuối cùng cho bọn người cuồng tín, bất nhân, và hung bạo như thế, để “nước khỏi bị chia hai”.


Bố cháu theo kháng chiến, dạy học, giúp những cán bộ cao cấp mở mang kiến thức (nhờ vậy mà được một người học trò cứu mạng). Trông thấy đảng Cộng sản tàn ác, bất nhân quá, ông bất bình, can ngăn. Thế là bị tù, suýt bị tử hình.

Thoát gông cùm, về được miền tự do, ông đặt chuyện chống Cộng lên trên hết, coi đó là vấn đề sinh tử của mình, gia đình mình, và toàn dân trên phần quê hương chưa bị cộng sản cưỡng chiếm. Muốn ghép hai chuyện chống Cộng và “thống nhất đất nước” vào với nhau thì phải viết rõ: “Nhà văn Võ Phiến quyết tâm chống Cộng vì không muốn để miền Nam bị bọn Bắc Cộng chiếm nốt, đất nước bị thống nhất dưới một chế độ độc tài, sắt máu nhất trong lịch sử loài người.”


Cháu viết lửng lơ: “nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước.”… rồi ngửa mặt nhìn trời, tuôn ra một tràng những lời trách than ảo não, bi ai, nghe kêu boong boong: “Tổ tiên ta bao nhiêu công phu, xương máu, qua bao nhiêu đời mới mở được chừng này đất, để bây giờ đất chia hai sao? Dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm trải bao lượt thử thách vẫn là một để bây giờ thôi là một sao?” ngụ ý rằng bố cháu quên công ơn dựng nước của tổ tiên, coi trọng việc chống Cộng hơn việc vẹn toàn lãnh thổ, còn cháu thì yêu nước, biết ơn tổ tiên, biết đau lòng vì đất nước chia hai v.v…


Viết như thế là gian lận, kiêu căng và xấc láo.

Chú tin cháu là người ngay thật, không cố tình dùng chữ nghĩa để bày trò gian vặt, cốt thủ thắng trong tranh luận. Chú cũng không tin cháu kiêu căng đến độ nghĩ mình khôn ngoan, yêu nước, biết ơn tiền nhân hơn cả các bậc cha chú và hàng triệu người chống Cộng ở miền Nam. Cháu cũng không là người ngu.


Chỉ mù quáng hết thuốc chữa thôi!

Bây giờ, ta xét xem chọn lựa “chống Cộng” đúng hay sai.


Nhờ chọn “chống Cộng”, bố cháu có chỗ dung thân, tạo sự nghiệp văn chương lừng lẫy, nuôi dưỡng các cháu thành tài, riêng cháu được du học để trở thành khoa học gia. Nếu ở lại với CS, với tội danh “phản động” sợ rằng tính mạng cũng không giữ được, số phận các cháu, con cái của một “tên phản động” chắc cũng không khá.


Nhờ hàng triệu người miền Nam chọn lựa chống Cộng giống bố cháu, cố chiến đấu giữ cho “nước chia đôi’ hai thập niên mà người dân miền Nam có đời sống khác xa thiên đường xã hội chủ nghĩa miền Bắc như thế nào, chẳng lẽ cháu không biết.


Nếu thật không biết thì hãy nhìn kỹ vào đất nước Nam Hàn. Như bố cháu, như miền Nam Việt Nam, Nam Hàn cũng chọn lựa quyết liệt chống Cộng, giữ cho chuyện “đất nước chia đôi” kéo dài. Họ may mắn hơn ta, thành công. Nhờ thế giờ này thành một quốc gia giầu mạnh, văn minh, khoa học kỹ thuật tiến bộ ngang với Nhật, và không bị cậu chủ tịch nhóc tì Kim Chính Vân lãnh đạo.


Nếu Việt Nam bây giờ còn chia đôi thì cháu và bộ máy tuyên truyền ở Hà nội tha hồ tưởng tượng ra cảnh một Việt Nam thống nhất được Bác và Đảng lãnh đạo cho lên phi thuyền, xuất phát từ đỉnh cao trí tuệ loài người, bay vù vù vượt xa Nam Hàn. Nhưng nước ta thống nhất bốn thập niên rồi, Việt Nam tiến tới đâu, khác Nam Hàn ra sao, người khiếm thị cũng thấy. Mới đây, trên báo Tuổi Trẻ ở trong nước, tác giả Nguyễn Hoa Lư trong bài “Ngậm ngùi rơi lệ” có đoạn rất hay nói sơ sơ về sự “khác biệt” giữa hai quốc gia:


“Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh: “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng”.


VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương cách đây bốn, năm mươi năm, nghĩa là vào thời điểm chưa “bị” thống nhất, Việt (miền Nam thôi, các đồng chí đừng có nhận vơ!) chẳng kém Hàn. Thế mà giờ đây…


Nhà văn Võ Phiến, miền Nam VN, Nam Hàn chọn chống Cộng mà nhân loại hôm nay cũng chọn lựa giống hệt như thế.


Do đó, chủ nghĩa Cộng sản đã từng chinh phục một nửa thế giới bây giờ co cụm lại còn sót có bốn mống. Trong bốn mống đó thì Trung Cộng đã thành tư bản Đỏ, chỉ còn xứng danh Cộng sản dỏm. Cộng sản Việt Nam thì đang chạy theo hai con voi Tư bản xanh và Tư bản đỏ để hít bã mía cho đỡ đói, chả thấy còn giống con Giáp Cộng sản nào. Gia tài Cộng sản còn rơi rớt lại, nguyên con, không sứt mẻ là hệ thống công an cảnh sát đàn áp, hành hạ đối lập và bắt nạt, áp bức dân lành.


Và chính trên quê hương, nơi lý thuyết chủ nghĩa Cộng sản chào đời, dân tộc Nga cũng chọn lựa giống hệt nhân loại. Họ đem cái chủ nghĩa đáng ghê tởm ấy cùng những tượng lớn bé của các đấng sinh thành ra nó vứt hết vào bãi rác.


Bây giờ mà chống Cộng hăng quá thì có thể… sai thật. Vì mang tiếng tàn nhẫn, đánh đập những kẻ đã hấp hối, đang ngáp ngáp!


Về chuyện “thống nhất đất nước” thì nhà văn Võ Phiến, như hàng triệu người ở miền Nam, ở Nam Hàn có khi nào ngưng thiết tha mong ước ngày đất nước thôi bị chia hai đâu! Nhưng trái với đảng Cộng sản và cháu, họ chỉ muốn Việt Nam được thống nhất như Đông Tây Đức, nghĩa là chế độ Cộng sản Đức hết chỗ dung thân, dân Đông Đức từ nay không phải tìm tự do bằng cách vượt ngục, rồi bị lính Đức Cộng bắn chết gục dưới chân tường Bá Linh. Toàn dân Đông Đức được chung hưởng phúc lợi và niềm hãnh diện của những công dân một nước Đức tự do, văn minh, giầu mạnh.


Mơ ước không thành, nhưng chọn lựa “chống Cộng” thì thật đúng, theo phán quyết của chính quan tòa lịch sử nhân loại.


2 – Đoạn văn sau đây khiến người đọc, nhất là những người từng đọc Thu Tứ, bàng hoàng:


“Cách nhìn là quan trọng nhất. Nhưng nhìn đâu cũng có đóng góp vào cái thấy của người nhìn.

Có thể đặt vấn đề, hay là quê hương nhỏ của nhà văn Võ Phiến là huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định nó đã “ngoại lệ” khiến ông đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước? Quả thực, ở Phù Mỹ thời Pháp thuộc gần như không thấy bóng giặc Pháp mà chênh lệch giàu nghèo cũng không đáng kể.”


Người đọc kinh ngạc sững sờ, không thể ngờ một cây bút luôn có những suy tư chín chắn, sâu sắc lại viết ra những lý luận, nhận định ngây ngô, nhảm nhí đến thế.


Ở đây, cháu mô tả Võ Phiến giống hệt một ông nông dân mù chữ, không biết viết, biết đọc, và suốt đời – suốt đời – quẩn quanh ở huyện Phù Mỹ nên không biết Tây nó ác, xã hội Việt Nam ngoài huyện Phù Mỹ có chênh lệch, bất công, có khi còn chả biết mặt mũi thằng Tây thế nào vì “ Phù Mỹ gần như không thấy bóng giặc Pháp” … thành ra ông nhà văn mù chữ quanh quẩn ở huyện Phù Mỹ nghĩ chuyện đất nước lệch lạc hết trơn!


Nào, bây giờ theo đúng cách lập luận của cháu, chú viết thế này: “Thủa nhỏ Thu Tứ sống ở Sài gòn, rồi đi du học, quanh quẩn ở Úc ở Mỹ nên không biết chế độ Cộng sản tác hại cho dân tộc đến thế nào, nên dễ nghĩ lệch về Bác và Đảng”.


Chắc chắn cháu sẽ “phản biện” nhận xét hồ đồ, ngây ngô này ngay: “Tôi biết tường tận chuyện đất nước quê hương chớ, nhờ đọc sách báo”.


Cháu đọc để biết thiên hạ sự thì cũng phải để ông nhà văn không mù chữ Võ Phiến đọc để biết những chuyện xảy ra khắp trên quê hương của ông chứ!

Nói chuyện đọc, chắc cháu đọc không nhiều bằng bố. Chú lại nghi cháu tập trung đọc toàn những sách ca ngợi, tâng bốc Cộng sản. Thành ra bắt chước cháu, chú cũng: “Có thể đặt vấn đề, hay là kho sách nhỏ của Thu Tứ chỉ toàn một giống tác phẩm tuyên truyền, ngợi ca Bác Đảng, khiến Thu Tứ đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước?”


Áp dụng suy luận này vào trường hợp cháu, nghe lại có vẻ rất… chí lý!

Kết luận Võ Phiến chỉ là một người mù chữ, vốn hiểu biết nghèo nàn gồm một mớ chuyện mắt thấy tai nghe quanh quẩn trong phạm vi huyện Phù Mỹ xong, cháu lên tiếng mắng mỏ, chê trách ông:


“Nhưng ngay ở Phù Mỹ, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người yêu nước, chẳng qua nhà văn không chú ý đến họ”. (Ông nhà văn này đáng trách thật, có mớ kiến thức cỏn con lượm lặt ở huyện Phù Mỹ mà lại còn bỏ sót một kiến thức quan trọng như thế!)

Mắng mỏ chê trách xong là đến màn dậy dỗ thân phụ:


“Hơn nữa, dù chỉ nhìn tình hình Phù Mỹ mà thôi khó thấy được đại cục nước Việt Nam, thì thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước, chứ đâu được nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình!”


Ngoài kiến thức do đọc, ông Võ còn vốn sống. Tham gia kháng chiến, sống và làm việc với Cộng sản, ở tù, bị xử truớc tòa án nhân dân… rồi sau đó là hai thập niên đối đầu với Cộng sản hàng ngày, bắt buộc phải tìm hiểu chiến thuật, chiến lược của địch, phải theo dõi sát nút tình hình thế giới để biết chuyện gì sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Còn Thu Tứ vốn đọc hạn hẹp, vốn sống thì chỉ có mấy chuyến về thăm quê hương theo kiểu Tây ba lô! Vậy mà con nguời vốn đọc nghèo nàn, hẹp hòi, vốn sống là con số không to tướng lại lên mặt dậy dỗ chủ nhân một kho tàng kiến thức mênh mông! Lại vu cáo cho ông là: … nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình!”


Sao cháu có thể u mê đến độ dám viết ra những lời quàng xiên, ngớ ngẩn, hỗn xược đến thế?

Đoạn văn ấy không làm giảm uy danh nhà văn Võ Phiến để “phục vụ tốt” cho Bác Đảng đâu, mà chỉ biểu lộ tác phong, nhân cách của chính tác giả: kiêu căng, xấc láo và ngu muội đến mức không ngờ.


Trong bài, có đoạn cháu khoe đã về Việt Nam du lịch nhiều lần, tìm mãi không thấy “cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam,”. Chuyện ấy bàn sau, bây giờ hãy nói đến ảnh hưởng cực xấu của những tác phẩm do cơ quan tuyên truyền của Cộng sản sáng tác.

Những cuốn sách đã mốc meo, chính những người Cộng sản hiếm hoi cuối cùng còn sót lại cũng chán lè, không thèm đọc, vẫn thu hút được một nhà văn thông minh có tài, đang sống trên đất tự do. Thu hút và thôi miên, biến anh ta thành một con người ngây ngô, ngớ ngẩn, khả năng xét đoán đúng sai bị tê liệt, rồi tự biến mình thành một cán bộ tuyên truyền hạng bét.


Tệ hơn nữa, ngoài công tác tuyên truyền, tâng bốc, bào chữa cho một chủ nghĩa đã bị nhân loại ghê tởm, anh ta còn lợi dụng cơ hội được làm con nhà văn Võ Phiến để ở ngay trong nhà rình rập những lời nói “phản động”, moi móc các sáng tác của ông, kiếm tìm những câu văn chê Bác Đảng để viết báo cáo trình công an, xúi chúng nó cấm in sách của thân phụ mình.

Cháu luôn luôn tỏ ra tha thiết muốn bảo tồn văn minh, văn hóa Việt Nam. Hầu như bài viết nào cũng toát ra tấm lòng thiết tha đẹp đẽ ấy.


Nhưng cháu đang nỗ lực bảo tồn một nền văn hóa, văn minh Cộng sản mới đẻ ra từ thời “cải cách ruộng đất”, thứ văn minh “ đấu cha, tố mẹ” đã từng làm một con người khắc nghiệt, tàn nhẫn như Hồ Chí Minh phải ân hận, rơi lệ.


3- Những sai lầm văn chương, lý luận, suy diễn trong bài viết của cháu còn nhiều, chú bận quá, lại không hứng thú gì khi phải ngồi đọc đi đọc lại một bài mạt sát Võ Phiến ngây ngô, non nớt, thua xa văn chương của đám bồi bút tác giả cuốn: “Những tên biệt kích văn nghệ”, ấn hành ngay sau 75.

Hơn nữa, sau khi đọc phần 1 và 2, được chỉ dậy cho những sai lầm có thể làm một tác giả sáng suốt giật mình tỉnh ngộ, cháu vẫn nhất định ôm khư khư cái quái thai văn chương ấy… có giảng giải thêm cũng chẳng ích gì.


Vậy tạm gác cái sai văn chương, xét qua cái sai trong hành động.

Hành động lâu nay, được cháu tả rất rõ:

“Số là, trong hai năm qua, do nhà nước Việt Nam nới lỏng qui định về xuất bản, nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vửa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước!”


Trước hết, chú tin cháu không cố tình gian lận, lươn lẹo trong việc sử dụng từ ngữ, nhưng cháu dùng toàn những từ gian lận Cộng sản cung cấp: “Người yêu nước” thay cho “ Người Cộng sản” “tổ quốc, nước” thay cho “Bác và đảng Cộng sản”, “nội dung chính trị”thay cho “nội dung chống Cộng”.

Dùng từ ngữ một cách ngay thẳng, có thể tóm tắt sinh hoạt của Thu Tứ như sau: Được cha già ủy quyền quản thủ gia tài văn chương của ông, Thu Tứ tự biến mình thành công an văn hóa, ngồi chọn lựa tác phẩm không chứa nội dung chống Cộng, nếu có tí chống Cộng nào thì kiểm duyệt, cắt bỏ ngay, rồi mới cho phổ biến. Và Thu Tứ tin mình làm thế là chu dáo với nhà và với (Đảng Cộng sản đang cai trị cả) nước.


Sinh hoạt trước đây là thế, sinh hoạt mới nhất, sôi nổi nhất thể hiện trong bài này là hô hoán báo động về cái hại trong văn chương Võ Phiến để nhà nước Cộng sản kịp thời có biện pháp đối phó. Thành tích đi báo Công an đó được nêu ra ngay từ đoạn mở bài:

“Chúng tôi vô cùng bất đắc dĩ mới lên tiếng

Chẳng ai muốn đi chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình!


Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, hại đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này.”


Nghĩa là Võ Phiến được độc giả trong nước chào mừng, nhiều nhà xuất bản tư nhân (phi chính phủ!) muốn ấn hành các tác phẩm khác, có thể mang nội dung chống Cộng mà Thu Tứ đã loại bỏ, hoặc chưa kiểm duyệt. Thành ra anh công an văn hóa tình nguyện này phải gào lên kể tội chống Cộng của bố, để cứu đảng và nhà nước ta khỏi bị quân phản động hãm hại.


Nhiều lúc chú băn khoăn: hay là có biến cố gì làm cháu bị chấn động, hoang mang, rồi nẩy sinh những ý nghĩ, hành động bất thường? Nhưng hiện tại, trước mắt, thấy một người, dù điên hay tỉnh, đang cầm vũ khí, hoặc dao, hoặc bút, đâm chém loạn xạ, kể cả người đẻ ra mình, miệng gào thét kết tội các vị ấy “làm hại nước” v.v… thì cần có biện pháp đối phó ngay. Nguyên cớ tìm hiểu sau.

Bài viết của cháu không thuyết phục được ai, như con dao cùn, người bị đâm không thấy đau, chỉ tức cười. Nhưng vị thế hiện nay của cháu – con trai nhà văn Võ Phiến, được ủy quyền quản thủ gia tài văn chương – cho phép cháu tha hồ phá hoại. Thành tích đã có rồi: kiểm duyệt hết những bài, những đoạn văn chống Cộng của nhà văn Võ Phiến để lập công với Đảng và nhà nước.


Do đó, qua điện thoại, chú đã yêu cầu mẹ cháu giúp bố làm thủ tục truất quyền “thừa hưởng và quản thủ tài sản văn chương Võ Phiến” của cháu.

Nếu vì thương con, bà không chịu làm việc ấy, chú sẽ đoạn giao.


Dù rất thương kính ông bà, chú không thể ngồi yên chứng kiến cảnh một tên công an văn hóa được ông bà dung dưỡng, che chở, tiếp tục tàn phá, hủy diệt những di sản tinh thần quý giá của dân tộc.

NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (2)


Kiều Phong





4) Trong phần “Tại sao chúng tôi trở nên bất đồng” cháu khoe đã mở cuộc điều tra về tình cảnh đồng bào sống dưới chế độ Cộng Sản, và kết luận: không thấy chuyện gì chứng tỏ chủ nghĩa Cộng sản ảnh hưởng cực xấu vào văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.


Nào, để xem thám tử Thu Tứ đi truy tầm “cái ảnh hưởng cực xấu” ra sao.


Cháu kể: Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu miền Bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội kia thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! (Chúng tôi vẫn có lối du lịch “bụi” như vậy từ trước chứ không phải đến khi về nước mới thế.)



“Không ở khách sạn sang trọng, không đi tua, mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xe xích-lô v.v…” kể lể hơi dài dòng, cứ nói gọn: du lịch kiểu Tây Ba Lô, bà con hiểu liền. Cháu còn hơn Tây Ba Lô một bậc, biết mua xe đạp, đạp vòng vòng, khiến giữa nơi chợ búa đông đúc như thế mà có tới một đứa mắt mũi kèm nhèm tưởng nhầm là dân buôn. Ngụy trang khéo léo kín đáo cỡ đó là nhất rồi, James Bond Thu Tứ tha hồ điều tra sâu rộng mà không lộ tung tích.

Sau khi mở cuộc điều tra ở miền Bắc thì “thấy người Việt Nam ngoài Bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”, mọi người bình đẳng, cũng rất hay.”


Cháu không nói đã gặp mấy chục, mấy trăm người Bắc?

Mà tại sao lại “mọi người bình đẳng, cũng rất hay?”. Văn quá bí hiểm, ý tứ không rõ. Dân bình đẳng với dân là chuyện thường, có gì đáng nói? Dân đen mà được bình đẳng với ông công an phường mới quý hóa, mới rất hay chứ?

Điều tra sâu rộng chỉ ở miền Bắc, quan sát tính tình, sinh hoạt của tối đa là vài trăm người dân xong, Thu Tứ lập tức dõng dạc kết luận: “Đâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa Cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam!…”


Dựa vào sự quan sát một vùng đất, một nhóm người, để đưa ra kết luận về toàn thể gần một trăm triệu dân, một đất nước trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu… cháu có thấy mình quá vội vàng không?

Sự vội vàng ấy, chính cháu đã lên án gay gắt ở một đoạn khác. Cháu chỉ trích tất cả những người chống Cộng là dựa vào một số hiện tượng tiêu cực để chê Cộng Sản xấu, ngụ ý họ bất công, xuyên tạc vì thiên kiến, nhìn cục bộ suy ra đại thể. (Cháu cũng lớn tiếng dậy dỗ thân phụ: “thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước…”. Quên rồi sao!)


Thế những đứa không nhìn khắp cả nước, chỉ dựa vào vài ba chuyện tích cực ở mấy địa phương nhỏ để hít hà, tâng bốc rằng chủ nghĩa Cộng sản trên toàn quốc hay lắm, đẹp lắm thì sao?

Câu này mới ngộ nghĩnh: “Bấy giờ miền Bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện.”


Ấy, chỗ này phải từ từ, không nói liến thoắng để lấp liếm được. Cho chú ngắt lời cháu, nêu tí thắc mắc: Đứa nào làm cho kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn? Lúc đó là 1991, 16 năm sau “thống nhất đất nước” rồi, tàn dư Mỹ Ngụy không thể sống dai đến thế.


Lãnh đạo bất tài, làm kinh tế trì trệ, chủ nghĩa Cộng Sản tạo ảnh hưởng vào bát cơm, manh áo, cuộc sống của người dân, làm nẩy sinh thứ văn minh, văn hóa mánh mung, vật lộn, tranh sống khốc liệt, hiện ra lù lù trên nét mặt lo âu, trong sinh hoạt ngược xuôi, tất tả hàng ngày của những con người Việt Nam đói khổ, cùng quẫn… Thế là “cực xấu” hay chỉ hơi hơi xấu thôi?

Lại còn: “nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện”.


Những món văn hóa tinh thần (?) nào mà hay ho thế? Sao không kể ra cho độc giả nhờ. Một câu văn với những từ ngữ hoa hòe hoa sói nhưng mơ hồ không thực chất, không cơ sở, làm bà con nghĩ bể đầu chả hiểu tác giả định ngợi ca, tâng bốc cái gì! Lần sau, nên theo cách nói giản dị của tiền nhân, thí dụ như: “nghèo đói mà sạch sẽ, rách rưới mà thơm tho.” Đã có chữ là có nghĩa, ai cũng hiểu liền. Khỏi bị ngờ là bí quá, không biết khen cái gì cụ thể, đành “văn hóa tinh thần” một phát, cho nó kêu boong boong. Nó rỗng tuếch mặc xác nó!


Viết một đoạn văn ca tụng tài cai trị dân của Đảng loe ngoe có mấy dòng mà chỗ thì vô tình tố cáo Đảng bất tài,bất lực, chỗ thì ấp úng như âm thanh không thoát ra được từ cái miệng đầy bột của một con chó vừa ăn vụng. Thê thảm!


Đừng buồn, lỗi không phải ở cháu. Cháu rất thông minh, nghệ thuật nâng bi cũng khá rồi đấy, nhưng thất bại vì lỗi ở… mấy hòn bi.

Chúng nó nặng quá, khó nâng quá!


Nâng bi Cộng sản bây giờ là một công tác cực kỳ khó khăn, gian khổ, một loại mission impossible. Đội ngũ bồi bút của Đảng, tài nghệ siêu quần bạt chúng, kinh nghiệm đầy mình, cả đời nỗ lực nâng đến nỗi lưng còng xuống, rồi gẫy gập, khiến việc di chuyển khó khăn, phải dùng thêm cả hai tay… mà giờ này cũng ê càng hết rồi. Cháu đừng dại dột tranh nghề của họ.


“Người Việt Nam ngoài Bắc … bình thản” Lại mơ hồ, bình thản theo kiểu gì, trong hoàn cảnh nào? Bình tĩnh trước nghịch cảnh? Thản nhiên trước những đau thương của đồng loại? Hay chỉ là bình thản khi gặp một Việt Kiều?


Nếu cái “bình thản” thứ ba đúng thì chú đồng ý hoàn toàn. Năm 1991 phong trào du lịch Việt Nam chưa rầm rộ, đồng bào chưa biết vồn vã, tưng bừng chào mừng du khách. Bây giờ khác rồi, nhiều đồng bào ta gặp du khách mừng như bắt được đô la.

Muốn tìm lại những nét mặt bình thản thân thương thủa nào, cháu chỉ có cách tiếp tục làm Tây Ba lô vừa nghèo, vừa kẹo. Bớt tưng bừng tíu tít ngay, bình thản ra rít, có khi còn tiu nghỉu nữa.

“vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách “cách mạng”.


Câu khen người Bắc này khiến chú cảm động, và hãnh diện, vì mình dân Bắc kỳ. Mặc dầu là Bắc kỳ Chín nút (54= 5 + 4 = Chín nút – theo cách nói hiện nay của đồng bào miền Nam), nghe ai khen Bắc kỳ Hai nút (75= 7 + 5 = Hai nút ) cũng phổng mũi. Nhất là được khen có “phong cách Cách mạng”, vừa đẹp vừa hùng.


Đó là nhóm từ ngữ cao quý dành cho những con người bất khuất, sẵn sàng vùng lên chống lại cường quyền, dẹp bất công xã hội, thay đổi thế giới, làm nó đẹp hơn. Dân Bắc kỳ không di cư, ai cũng có cái phong cách, cái tinh thần cao quý ấy, Thu Tứ đã nức nở khen như thế.


Vừa cảm động vừa hãnh diện, chú nghĩ tới những bà mẹ liệt sĩ, những người xứng đáng nhất với lời ca ngợi của cháu.

Các bà mẹ Gio Linh, mang nặng đẻ đau sinh ra những chiến sĩ can trường, tất nhiên trong tim đã luân lưu dòng máu anh hùng, những mầm “phong cách cách mạng.” Khi con thành liệt sĩ, để lại cho mẹ lũ cháu mồ côi, tất nhiên mẹ lại tất tả ngược xuôi bán buôn nuôi lũ cháu, đã cách mạng lại còn rất kiên cường.


Các bà thường có những gánh quà rong, thơm ngào ngạt những món quốc hồn quốc túy. Những món quà do mẹ nấu đã từng đi vào văn học sử. Đám du khách nặng lòng với quê hương như cháu đã từng viết hàng trăm, hàng ngàn bài tùy bút ngợi ca từng cọng rau, sợi bún, miếng cá, con cua v.v…

Thế mà cái vỉa hè thơm lừng, tràn ngập hương vị quê hương, thắm đượm tình tự dân tộc ấy thỉnh thoảng, trong chớp mắt, bị náo loạn, teng beng vì bóng của một chú Công an.


Tin lời ngợi ca của cháu, độc giả sẽ hình dung một cảnh tượng hào hùng: bà mẹ liệt sĩ, đúng phong cách cách mạng truyền thống, hiên ngang đứng lên, giơ cao đòn gánh, sẵn sàng nghênh chiến, đánh đuổi thằng phá thối. Và khách hàng của mẹ, cũng phong cách Cách mạng cùng mình, chắc chắn có người lập tức xăn tay áo trợ chiến, bênh vực mẹ chống kẻ ác!

Nhưng “ôi chỉ là giấc mơ thôi”, giống hệt những người nghèo khổ bán quà rong, bà mẹ liệt sĩ cũng đành vắt giò lên cổ chạy tóe khói. Nhiều khi cuống quýt gánh gồng xiêu đổ, bát đĩa rơi vỡ, guốc dép và phong cách cách mạng văng hết ra đường, mỗi cái mỗi nơi! Tội nghiệp vô cùng!


Quen thói đùa cợt, mô tả thảm cảnh của các bà mẹ liệt sĩ bằng văn chương chữ nghĩa thiếu nghiêm trang , khiến có độc giả tuy ứa lệ mà vẫn phì cười, chú thấy mình thật cũng không phải.


Nhưng so với những đứa vừa phát bằng khen cho mẹ, vừa sai công an tịch thu cơ nghiệp, nguồn sống của cả bà lẫn cháu, hay những đứa về thăm quê hương, có mắt như mù, trút lên đầu mẹ những danh từ hào nhoáng, đao to búa lớn, xát muối vào vết thương trong tim mẹ, làm mẹ thêm đau đớn, nhục nhã, tủi thân… thì tội của chú chẳng có kí lô nào.


Độc ác, tàn nhẫn do cố tình, hay vì ngu dốt, ngớ ngẩn, tội ấy mới to. Kết quả như nhau, cùng dẫn tới những hành vi bất nhân, bất nghĩa.


Với đồng bào, với đồng loại.

Kiều Phong
__._,_.___

Posted by: Gia Cat

Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topi

WALL STREET * PHỞ




 PHỞ VIỆT NAM

- Mới đây, tờ tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ - Wall Street Journal đã cho đăng tải một bài viết khen ngợi món phở Việt Nam. Bài viết có những nhận định, so sánh sâu sắc về món ăn nổi tiếng của người Việt.
Bằng giọng văn hài hước, dí dỏm và chân thành, phóng viên của tờ Wall Street Journal đã có một bài viết thú vị về phở Việt:
Đáp máy bay đến Hà Nội trong một buổi sớm se lạnh, khi cảm giác lâng lâng, say say của máy bay vẫn còn khiến đầu óc “nửa mê nửa tỉnh”, tôi bước vào một quán ăn nhỏ ven đường, tỏa ra mùi hương ngào ngạt, quyến rũ. Tôi đã ở đây rồi, nơi tân cổ giao duyên, nơi Đông Tây gặp gỡ - Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
“Ông ăn ngay đi nhé!”, cô phục vụ lấy tay ra hiệu chỉ vào bát phở vừa mới đặt xuống trước mặt tôi. Trông cô nghiêm nghị như một vị tướng chỉ huy cấp dưới, nhưng đó chỉ là sự so sánh hài hước của tôi thôi. Thực ra, cô đang thể hiện sự quan tâm, có lẽ trông tôi không khỏe và cô đang lo lắng cho người khách phương xa.
Bát phở đặt trước mặt tôi - món ăn thương hiệu của ẩm thực Việt Nam đây rồi, trông thật giản dị: những sợi phở trắng bơi trong bát nước dùng, rải đều trên mặt là những lát thịt bò thái mỏng. Đi kèm bên cạnh là một đĩa bày rất khéo những thức rau sống, giá đỗ, miếng chanh cắt nhỏ, lát ớt chỉ thiên…
Phở, tôi đã ăn nhiều lần. Đó luôn là món ăn đặc biệt đối với tôi. Kể từ lần đầu tiên được nếm thử hương vị phở ở đất nước quê nhà cách Việt Nam nửa vòng trái đất - nước Mỹ, tôi đã biết mình sẽ không bao giờ có thể quên món ăn này.
Tôi cũng không bao giờ có thể miêu tả hương vị phở, nó quá sâu sắc và phức tạp, chẳng dễ nói bằng lời được. Bởi lẽ, để có tô phở đặt trước mặt tôi đây, người chủ quán đã phải chuẩn bị cầu kỳ từ trước đó nhiều tiếng đồng hồ.
Nguồn gốc của phở thật bí ẩn. Người thì bảo phở là món lai Pháp, người lại bảo nó xuất xứ từ Trung Hoa, có người lại quyết bảo vệ: phở là của Nam Định. Bất kể phở xuất xứ từ đâu, người Việt Nam các bạn vẫn luôn bảo rằng phở là linh hồn ẩm thực của Hà Nội.
Ở thành phố miền Bắc đông đúc này, mặt trời lên là đường phố bắt đầu hối hả, mặt trời lặn là ai về nhà nấy, đến đêm thì không gian được trả lại sự tĩnh lặng. Tôi thường thấy những người bán hàng rong đạp xe xung quanh thành phố với những thúng mủng đựng chanh, ớt, tỏi… Và tôi cũng thường thấy các quán phở có khách từ sáng đến đêm, đó là món ăn mà có lẽ người ta có thể ăn từ ngày này sang ngày khác, từ bữa này sang bữa khác không chán, tôi nghĩ vậy.
Phở là món quà đặc sản của Hà Nội, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam- Thạch Lam từng viết như vậy hồi thập niên 1940. Điều này vẫn không thay đổi cho tới tận hôm nay. Phở là đặc sản Hà Nội không phải bởi chỉ người Hà Nội mới biết nấu phở mà bởi ở Hà Nội, hương vị phở thơm ngon đặc biệt, một thứ vị riêng có.
Hai thúng hai đầu và một dải quang gánh ở giữa nối liền, ai đó đã miêu tả hình ảnh đất nước Việt Nam như vậy. Miền Bắc với Hà Nội ở một đầu quang và miền Nam với thành phố Saigon ở đầu còn lại. Đến với thành phố Saigon , tôi cũng dùng phở và nhận thấy hương vị hai nơi thật khác nhau, phong cách nấu ở hai thành phố này có những khác biệt thú vị.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe về trải nghiệm đầu tiên của tôi với phở. Nó bắt đầu từ một nhà hàng ở tận thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ở những năm 1990, khi đó, phở vẫn còn chưa được nhiều người Mỹ biết tới. Một đầu bếp Mỹ có tên Didi Emmons đã mở quán phở đầu tiên trong bang. Có lần ghé qua ăn thử và quá ấn tượng với món này, cậu sinh viên trẻ là tôi khi đó đã ngay lập tức xin được làm thêm tại cửa hàng.
Tôi đã từng làm việc ở nhiều cửa hàng ăn suốt thời đi học nhưng chưa có món nào gây ấn tượng với tôi như phở. Tôi khâm phục cách người ta sáng tạo ra nước dùng của phở, cách người ta thái và chẻ những cọng hành, cách đập gừng làm sao để miếng gừng vừa đủ độ dập và tiết ra hương thơm không quá nhạt cũng không quá nồng.
Rồi hằng hà sa số những thứ thảo mộc tinh tế mà người ta dùng để chế vào nồi nước phở. Có những đêm tôi được người chủ quán ở Cambridge giao trông nồi nước dùng, tôi đã say sưa ngắm những bong bóng phập phồng trong nồi nước. Hít hửi hương thơm tỏa ra, tôi tin rằng đây là thứ nước dùng tinh tế nhất trong thế giới của các loại nước dùng.
Hương vị phở ở Hà Nội giản dị và cổ điển, nước dùng thanh và trung thành với những gì truyền thống - những lát thịt bò thái mỏng, những cọng hành tươi thái nhỏ và một vài chiếc lá rau thơm…
Những quán phở ngon nổi tiếng ở Hà Nội lại tập trung ở những con phố hẹp và đông đúc nằm trong khu phố cổ. Hàng quán ở đây san sát nhau, người dân “luồn lách” trong dòng xe đông đúc một cách rất “cơ động” bằng những chiếc xe máy nhỏ gọn.
Đường phố thì thế nhưng người dân ở đây vẫn giữ được sự thư thái, thoải mái mỗi khi ngồi xuống ăn quà. Nhiều khách du lịch khi sang Việt Nam không dám ngồi xuống những hàng quán vỉa hè và họ đã tự tước đi quyền thưởng thức sự tinh túy của ẩm thực Hà Nội. Sự tinh tế đó lại nằm ở chính những hàng quán ven đường này.
Phở ở thành phố Saigon có hương vị nồng đượm. Ở đây nước dùng đậm đà, hơi đục chứ không trong và thanh như nước dùng ngoài Hà Nội. Ở đây, phở có nhiều sáng tạo, cải biên thú vị với những nạm, tái, gầu, bò viên… thơm nức, mềm mại. Người yêu phở ở thành phố Saigon vì thế có nhiều lựa chọn “phi truyền thống” hơn.
Theo tôi, phở có thể được coi là một “thức ăn nhanh” của người Việt. Các nguyên liệu thường được chủ quán bày sẵn ra các khay và chế biến rất nhanh, chỉ vài phút sau khi gọi món, bát phở nóng sốt, thơm lừng đã được đặt ngay trước mặt thực khách.
Ở Việt Nam có những quán phở mở từ tờ mờ sáng, thậm chí có cả quán mở xuyên đêm. Những nồi nước dùng ở đây to khổng lồ tới mức tôi tưởng tượng mình… có thể bơi trong đó. Chưa tới 2 đô la, du khách đến Việt Nam đã có thể thưởng thức món ẩm thực tinh tế đỉnh cao của Việt Nam - một ưu đãi quá lớn.
Sau khi đã thưởng thức phở ở cả miền Bắc và miền Nam, tôi nhận ra rằng phở ở Hà Nội thanh và truyền thống còn phở ở thành phố Sài Gòn đậm và “tân thời”. Đối với cá nhân tôi, tôi thích phở của thành phố Sài Gòn Hồ hơn bởi tôi yêu vị ngọt đậm trong tô phở Sài Gòn.
Trước khi bước ra khỏi quán, cô phục vụ thân thiện hỏi tôi: “Ông đã no bụng chưa?”. Tôi chỉ cười. Làm sao có thể no được khi phở Việt Nam ngon đến vậy? Dù đã ăn hết cả tô nhưng tôi vẫn luôn thấy thòm thèm, đúng như người Việt vẫn nói: No bụng đói con mắt. Chắc chắn tôi sẽ còn nhiều lần ăn phở, ngay cả sau khi đã trở về Mỹ. Người Mỹ giờ đây cũng đã có nhiều người “nghiện phở” như tôi.


Theo Wall Street Journal

VI ĐỨC HỒI * TANG VẬT

                                
Tang vật vụ án

Vi Đức Hồi



Sau mười ngày từ 07 đến hết 16 tháng 10 năm 2010, quần nhau với một nhóm an ninh thuộc phòng phản gián, chống bạo loạn lật đổ công an tỉnh Lạng sơn.Đây là phòng thứ ba công an tỉnh thay phiên làm việc với tôi kể từ khi tôi tham gia lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ, trước đó đã có hai phòng: phòng văn hóa tư tưởng và phòng an ninh nông thôn đã theo dõi, giám sát, làm việc với tôi suốt thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến nay. Lần này đoàn gồm có 5 người do trưởng phòng Nguyễn Thu chỉ huy, bốn viên sỹ quan an ninh thay nhau truy xét tra hỏi trong suốt thời gian làm việc, người tôi cảm thấy đã thấm mệt. Tôi tìm cách thư giãn có hiệu quả nhất để lấy lại trạng thái cân bằng tinh thần bằng cách đi đây đó để khuây khỏa. Thâm tâm vẫn nghĩ đây là việc làm định kỳ, thường xuyên của an ninh vì từ trước tới nay vẫn vậy, có điều khác là kỳ này trước khi làm việc họ tiến hành khám xét nơi ở của tôi rất kỹ và thời gian làm việc dài hơn, có cả bộ máy từ trưởng phòng cho đến đội trưởng của phòng. Hóa ra đây là việc làm khai thông đường dẫn để đưa mình vào lao ngục, thật ngây ngô và tự trách mình khi mà tuổi đời đã không còn trẻ mà không nhận ra thủ đoạn rất tầm thường này.


Đúng 13 ngày 27 tháng 10 năm 2010, đang thiu thiu giấc nghỉ trưa, có tiếng gọi ngoài cửa, tôi dậy mở cửa thấy có cậu An ninh của huyện mà tôi quá quen thuộc vì cậu ta là người cộng tác đắc lực cho công an tỉnh mỗi khi đến làm việc với tôi. Nhiệm vụ của cậu ta là đưa họ đến nhà tôi; đi cùng công an thị trấn đưa giấy triệu tập cho tôi mỗi khi có công chuyện.

Chú mặc quần áo vào, có khách!
Lại khám xét tiếp à?
Cháu không biết!


Trở lại vào nhà mặc quần áo đi ra cửa, viên sỹ quan có tên Lăng Văn Ngọc, một trong những người đã trực tiếp tra hỏi tôi trong những ngày vừa qua trúc đầu lao đến trước mặt tôi và theo sau như một bầy đàn săn kiếm được miếng mồi, từ hai phía cánh gà nhà tôi hơn chục người ập đến với vẻ mặt hằm hằm vây quanh lấy tôi. Viên sỹ quan Lăng Văn Ngọc với bộ mặt đỏ văng, lập cập thông báo với tôi:
Anh Hồi đứng nghiêm nghe tôi đọc lệnh!


Trong giây lát bất ngờ, tôi lấy lại trấn tĩnh, bình thản nghe đọc lệnh. Vẫn giọng lập cập có phần run run, anh ta đọc quyết định bắt giữ tôi về tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 bộ luật hình sự, do thượng tá Hoàng Công Uẩn, phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Lạng Sơn ký, với thời hạn bốn tháng để điều tra vụ án. Đọc xong lệnh, họ đưa khóa số 8 ra, tôi đưa hai tay cho họ còng lại. Tiếp tục đọc lệnh thứ hai về tiến hành khám xét nơi ở của tôi. Đọc xong họ hỏi tôi;
Anh có ý kiến gì không?


Tôi đề nghị khi khám xét phải có người nhà tôi cùng có mặt.Viên sỹ quan chỉ huy lên giọng gay gắt, vẻ mặt nghiêm trọng, đôi mắt ngầu lên:
Không được, đưa anh ta về trại trước rồi tổ chức khám xét sau!
Tôi đề nghị như vậy nếu không đáp ứng được thì thôi, không có vấn đề gì, các anh cứ tiến hành.


Anh ta im lặng quay đi hướng khác. Cuộc lục soát bắt đầu với những động tác quen thuộc bởi nhà tôi có đến cả chục lần bị lục soát trong thời gian hơn ba năm từ 2007 đến nay. Lúc này tôi mới có thời gian quan sát những nhân vật có mặt bắt giữ mình, ngoài mấy cậu an ninh công an huyện, trưởng khu phố, trưởng, phó công an thị trấn, người làng xóm được gọi ra làm chứng mà tôi đã quen thuộc, còn có viên sỹ quan đội trưởng của phòng phản gián, chống bạo loạn,lật đổ công an tỉnh Đinh Văn Hùng; viên sỹ quan thuộc tổng cục an ninh bộ công an có tên Trung mà tôi đã có nhiều lần làm việc, còn lại là những người lạ. Ngoài đường trước cửa nhà từng tốp công an đứng canh xua đuổi những người kéo đến tụ tập, các loại xe cộ đi qua không được dừng lại.


Cuộc lục soát bắt đầu, vẫn những động tác quá quen thuộc, việc đầu tiên là kiểm tra máy tính, in ra những tài liệu mà họ cho là có nội dung “phản động”; sau đó là tiến hành lục soát khắp nhà, từ trên gác sép đến gầm giường được các sỹ quan an ninh các cấp tận tình chui rúc, lục lọi khắp mọi nơi để tìm kiếm. Chẳng phát hiện ra tài liệu, tang vật gì mới cả bởi vì cách đây đúng hai mươi ngày cũng đội ngũ này đã lục tung căn nhà tôi bới tìm từng chân lông kẽ tóc, lấy đi những gì mà họ cho là có nghi vấn, liên quan có thể khai thác được để kêt tội tôi. Sau một thôi, một hồi lục soát, nhóm trưởng nhóm lục lọi nói nhỏ với viên sỹ quan chỉ huy những gì mà không ai nghe được. 
 
Vẻ mặt trầm tư, viên sỹ quan chỉ huy nói với người phụ trách khâu tìm tòi, lục lọi một lúc rồi bắt đầu một cuộc bới tìm mới lại được tiến hành, lần này họ xem kỹ hơn các loại tài liệu, sách báo trong nhà tôi và cuối cùng thì họ cũng tìm ra được vài tang vật để ghi vào biên bản. Một radio, một quyển sổ ghi chép công tác hàng ngày của tôi, một đơn xin ra Đảng của Hoàng Thị Tươi (vợ tôi), một giấy học sinh có chữ viết tay Lương Thị Huyền Trang lớp 10A5, mặt sau có tiêu đề “ truyền bá những tư tưởng tiến bộ ”, một thẻ đa năng ngân hàng Đông Á, một máy tính sách tay và một số tài liệu có liên quan đến vụ án. Tôi nhận thấy những thứ đó chẳng liên quan gì đến vụ án nên bắt đầu chất vấn.


Chiếc radio này có liên quan gì đến vụ án mà các anh thu nó?
Đây là chiếc đài anh thường xuyên nghe đài địch phải không? Nên nó là phương tiện để anh vi phạm pháp luật.
Không có pháp luật nào quy định nghe đài nước ngoài là vi phạm pháp luật, anh cảm thấy thu được thì cứ thu, không sao!
Đây là quyển sổ ghi chép công tác của tôi, sao các anh lại quy nó là tang vật liên quan của vụ án?


Không, chúng tôi thu về để nghiên cứu xem nội dung bên trong anh ghi những gì! Vì lúc này không có thời gian để đọc, anh biết đấy!
Đơn xin ra Đảng của vợ tôi sao liên quan đến tôi? Vợ tôi được Huyện ủy yêu cầu viết đơn xin ra Đảng vì không thuyết phục được chồng.
Việc này tôi còn phải xem xét vì tôi chưa từng thấy có ai viết đơn xin ra Đảng, người ta muốn vào không được. Chỉ có xin vào Đảng hoặc bị khai trừ ra khỏi Đảng.


Đây là tờ giấp nháp của học sinh, cháu nó học cùng lớp với con tôi, đây là nội dung môn lịch sử lớp 5 trung học phổ thông cơ sở.
Chúng tôi cứ cho vào biên bản để nghiên cứu sau.
Sao các ông thu thẻ đa năng của tôi?
Chúng tôi có quyền thu để điều tra phục vụ vụ án.


Và cuối cùng thì mọi tang vật nói trên đều được đưa vào biên bản, duy chỉ có chiếc radio sau khi cân nhắc kỹ viên sỹ quan chỉ huy quyết định để lại. Lòng tôi trào lên nỗi tức giận rồi tự lắng xuống tức khắc bởi nhận ra họ là con người quá tầm thường.
Vào trại tôi đem chuyện này kể cho mọi người nghe, ai cũng không tin.


Ông chỉ được cái phịa giỏi!
Tôi cam đoan đó là sự thật, biên bản thu giữ tang vật tôi vẫn còn giữ.
Đúng là một lũ thiểu não! Mọi người thốt lên.

Vi Đức Hồi

Trích ĐỐI MẶT phần 2: CHUYỆN TRONG LAO NGỤC

ĐẶNG CHÍ HÙNG * LÊ DUẨN

Những sự thật cần phải biết (phần 7): Lê Duẩn và sự tàn ác với quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa.



Đặng Chí Hùng (Danlambao) – Quá khứ đã trôi qua gần 40 năm , tuy nhiên quá khứ đó vẫn là nỗi đau với nhân dân Việt Nam nói chung và quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nói riêng. Vết thương không thể lành lặn nếu đảng cộng sản vẫn tiếp tục xúc phạm danh dự của quân dân Việt Nam Cộng Hòa và đàn áp nhân dân Việt Nam. Tôi viết bài này chỉ xin góp một tiếng nói chân thật của lịch sử nhằm phanh phui tội ác của Lê Duẩn và cộng sản Việt Nam, để như một nén hương với người đã khuất trong lao tù cộng sản hay tri ân những ai đã vì tự do mà phải chịu đọa đày trong ngục tù cộng sản.

Như trong “Những sự thật cần phải biết 6”, bài Lê Duẩn: Kẻ đồng mưu với Hồ Chí Minh tàn sát nhân dân Mậu Thân 1968, tôi đã trình bày với bạn đọc tội ác của Lê Duẩn trong việc đồng mưu cùng Hồ Chí Minh tàn sát hàng nghìn người dân Huế vô tội tết mậu thân 68. Trong khuôn khổ bài này, tôi xin trình bày về tội ác tiếp theo của Lê Duẩn trong việc trả thù tàn bạo đối với quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975. Đây là một trong những tội ác không thể bỏ qua vì nó là một trong bốn nhóm tội ác được dự liệu tại Đạo Luật Rome (The Rome Statute) và thuộc quyền xét xử của Toà Án Hình Sự Quốc Tế (The International Criminal Court, viết tắt là ICC).
Trên thực tế , những ai là quân dân, cán chính Việt Nam cộng hòa sau khi bị bị cộng sản đưa vào tù đều thấy điều này. Ngoài ra, gia đình họ bị cộng sản bức hại đi lên vùng kinh tế mới, con em bị ghi lý lịch xấu, nhà của bị tịch thu là những nỗi thống khổ của những quân dân cán chính VNCH. Trong khuôn khổ bài viết này, tội ác của Lê Duẩn và đảng cộng sản đối với quân dân, cán chính Việt Nam cộng hòa trong lao tù của cộng sản.
I. Cả nước Việt Nam là một trại tù khổng lồ : 
Thứ nhất, ngày Thứ Hai, 23/7/2007, Website của The Wall Street Journal, nhà báo James Taranto đã trích dẫn cuộc điều tra quy mô của nhật báo Orange County Register được phổ biến trong năm 2001 về “học tập cải tạo” tại Việt Nam và đã kết luận rằng: “Ngay sau khi xâm chiếm VNCH, cộng sản đã đưa một triệu quân dân cán chính VNCH vào tù vô thời hạn – dưới cái nguỵ danh học tập cải tạo – trong ít nhất là 150 trại tù được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam kể cả những nơi rừng thiêng nước độc với khí hậu khắc nghiệt. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại đa số những người này đã bị giam cầm từ 3 tới 10 năm và có một số người đã bị giam giữ tới 17 năm. Nếu lấy con số trung bình là bẩy năm tù cho mỗi người, số năm tù của một triệu người là 7,000,000 năm.”
Đây là một tội ác hình sự mang tính lịch sử của đảng cộng sản cộng sản và những người đứng đầu đảng cộng sản. Nó xứng đáng được được đưa vào cáo trạng mà chúng tôi đang thực hiện nhằm đưa tội ác của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản ra trước ánh sáng công lý.
Cũng theo cuộc điều tra nói trên cho biết: “Cứ mỗi ba gia đình tại Miền Nam, có một gia đình có người phải đi tù cải tạo. Và trong số một triệu người tù kể trên, đã có 165,000 người chết vì bị hành hạ, tra tấn, đánh đập, bỏ đói, lao động kiệt sức, chết vì bệnh không được chữa trị, bị hành quyết… Cho tới nay, hài cốt của 165,000 nạn nhân này vẫn còn bị Việt Cộng chôn giấu trong rừng núi, không trả lại cho gia đình họ. Hiện nay chỉ có Việt Cộng mới biết rõ tên tuổi các nạn nhân cùng nơi chôn giấu hài cốt của họ. Đây là tội ác thủ tiêu mất tích người, một tội ác chống loài người đã và đang diễn ra tại Việt Nam suốt 35 năm nay mà thủ phạm là Lê Duẩn…”.
Thứ hai, trong tập tài liệu ghi bí số TN/QP-14 được lưu chiểu ngày 14/02/1977 tại cục lưu trữ Bộ Quốc Phòng Cộng sản ghi rõ như sau tại trang số 6: “Tổng số tù nhân tham gia học tập cải tạo để trở thành con người mới sau khi chế độ Sài Gòn đầu hàng là 1.321.506 người. Trừ những số trốn trại, bị chết trong lúc cải tạo và già yếu trả về với gia đình , bộ quốc phòng giao lại cho bộ nội vụ quản lý là 1.236.569 người”.
Qua tài liệu nói trên của nhà nước cộng sản nói lên điều gì? Đó là họ đã coi những quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa là những “Tù nhân”. Trên thực tế, họ không phải là tù nhân vì theo như cộng sản tuyên truyền họ chỉ đi học tập chủ trương đường lối của “cách mạng”. Nhưng chính tài liệu của cộng sản đã coi họ là tù nhân.
Ngoài ra con số người mà đảng cộng sản cho biết chính là con số nói lên thực tế về trại tù khổng lồ mà cộng sản cùng Lê Duẩn bày ra nhằm trả thù quân dân cán chính VNCH.
Thứ ba, theo tài liệu của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose ghi nhận số lượng tù cải tạo thực sự đều là tù chính trị như sau: “Năm 1975 QLVNCH có 980.000 quân nhân gồm 1/10 cấp Tá và cấp Tướng tổng cộng 9.600, cấp úy là 80.000, còn lại là hạ sỹ quan và binh sĩ . Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975.AFP/Getty Images – Cấp Tướng tại ngũ đến 30 tháng 4 năm 75 là 112; bị tù cải tạo: 32 vị, 80 tướng lãnh di tản và 1 số nhỏ không bị bắt giam. – Ðại tá có 600, bị tù 366. – Trung tá có 2.500, bị tù 1.700. – Thiếu tá có 6.500, bị tù 5.500. – Cấp úy có 80.000, bị tù 72.000. Trong số này bao gồm cả nữ quân nhân cũng như thành viên đảng phái và các cấp chính quyền. Ðây là con số ghi nhận được từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, không có tài liệu của các trại giam phía cộng sản để đối chiếu; và không có con số chính xác tù cải tạo bị chết trong khi giam cầm”.
Như vậy, mặc dù do thất lạc khi rút bỏ Miền Nam, cộng với những thống kê những người chết do cộng sản đạo đày trong tù thì những con số mà Viện Bảo tàng cũng cho thấy cộng sản đã biến cả nước Việt Nam thành một địa ngục tù ngục trong chính sách trả thù man rợ của mình đối với những ai liên quan đến VNCH.
Thứ tư, để thừa nhận thêm về chính sách bỏ tù quân dân cán chính VNCH, cũng cần phải nhắc lại đảng cộng sản Việt Nam chủ trương theo chủ nghĩa cộng sản độc tài của Liên Xô và Trung Cộng. Hồ Chí Minh khi đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam chủ trương làm tay sai cho quốc tế thứ 3 (Xin xem thêm “Những sự thật không thể chối bỏ” phần 4,10,11,12) và làm con tốt thí trong tay sai Liên Xô. Những tư tưởng của Lê Nin đã được Hồ Chí Minh truyền thụ cho đàn em của mình trong việc trả thù những ai bất đồng chính kiến, trong trường hợp này là quân dân quán chính VNCH. Vì vậy nhìn lại Việt Nam sau năm 1975 như một trại tù khổng lồ của cộng sản không có gì là điều lạ lùng . Hãy đọc cuốn “Lê Nin và Xã hội chủ nghĩa” xuất bản tại Liên Xô dày 820 trang, tại trang 233 có viết:
“Chiếm được một tỉnh, giải phóng được một nước thì dễ nhưng giữ yên được đất nước, địa phương ấy mới là khó. Muốn vậy sau khi chiếm được lãnh thổ, trước hết phải tập trung giam giữ lâu dài bọn phản động, thành phần làm việc cho chế độ cũ, chỉ khi nào ổn định được xã hội, nắm vững tình hình an ninh nội chính mới thả chúng về”.
Và cũng là sư phụ của Hồ Chí Minh cũng như Lê Duẩn sau này không quên nói thêm: “Bọn này gồm những tên đầu đường xó chợ, đói khát rách rưới, Vô sản lưu manh rất nguy hiểm, chúng là kẻ thù số một của chuyên chính vô sản vì dễ bị bọn phản động mua chuộc, chúng cần bị giam giữ, loại trừ”(Trích cuốn “Lê Nin tuyển tập và Bản tuyên ngôn đảng cộng sản” có nói về Vô sản lưu manh.).
Qua đây chúng ta có thể thấy, việc cộng sản Việt Nam học tập tư tưởng của Lê Nin nhằm trả thù man rợ quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa cũng là điều hết sức thường tình đối với bản chất của cộng sản.
Thứ năm, trong cuốn sách có tên “Đối nghịch” của tác giả J. Leroy – một nhà hoạt động xã hội người Pháp và cũng là đảng viên đảng cộng sản Pháp (giới thiệu ở bài “Những sự thật không thể chối bỏ – phần 14 – Ai làm cho Huế đau thương?”). Cuốn sách của ông đi sâu phân tích về tính chất đối lập của đảng cộng sản và các đảng phái khác và dẫn chứng về cuộc chiến Việt nam như là một sự đối nghịch đỉnh điểm về ý thức hệ. Trong trang 202 của cuốn sách in năm 2000 tại Pháp có nội dung trích như sau: “Sau ngày 30/4/1975, tư tưởng của Mác, Lê Nin đã hoàn toàn làm chủ cả Việt Nam. Hàng triệu người theo chế độ cũ do người Mỹ giúp đỡ đã phải vào tù theo lệnh cải tạo của nhà nước Việt Nam”. 
Cuốn sách này cho thấy người cộng sản Pháp đã phải công nhận có hàng triệu người quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa bị cộng sản đẩy vào tù để phục vụ cho mục đích trả thù những ai không theo cộng sản độc tài.
II. Trả thù man rợ :
Từ sau năm 1975 đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam, đã thi hành chính sách bắt những người là quân dân cán chính đi cải tại các trại tập trung. Thực chất là đi tù. Khi ra khỏi trại thành kẻ tứ cố vô thân. Rồi chính sách cải tạo công thương nghiệp làm cho nhiều người điêu đứng phải vượt biên… Rồi trấn áp, bắt bớ người vượt biên. Một số địa phương ven biển còn lợi dụng “bắt vượt biên” để trấn vàng, trấn của… Những thương phế binh VNCH thì bị đẩy ra lề đường.
Để nói lên thực tế này, ngay một tờ báo cộng sản đã phải thừa nhận sự thật này . Xin trích dẫn đến bạn đọc đoạn viết trên Tuần Vietnamnet: “Anh tên Ngô Công Vò, quê xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế, đi lính cho chế độ Sài Gòn năm 1970… So với nhiều anh em lính chế độ cũ, tôi còn may mắn hơn nhiều. Nhưng cuộc sống vẫn vất vả lắm. Anh em thương binh phía Bắc còn có chế độ, chứ chúng tôi chẳng có gì, làm việc quần quật mà chẳng đủ nuôi vợ con. Công việc của gia đình anh Vò chủ yếu làm ruộng, và ai thuê gì làm nấy. Công việc khá thường xuyên của anh là lấy đất thải san ủi nền nhà, và cả tháo gỡ những quả bom mìn còn sót lại trong vùng đem bán. Công việc vất vả, mạo hiểm đủ để tùng tiệm cuộc sống”. (Links của bài báo : http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-04-27-hoa-hop-dan-toc-va-su-hoi-sinh-tu-noi-dau).
Còn đối với những người bị giam trong tù thì ra sao? Xin điểm lại một số chứng cứ để thấy cộng sản đã đối xử với quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa như thế nào.
Trên thực tế,quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa được thông báo: “Công chức trung ương từ Chánh sở, địa phương từ trưởng ty, phó quận cho tới Tổng thống; sĩ quan cảnh sát từ thiếu tá trở lên; các thành phần đảng phái, nhân viên tình báo ra trình diện học tập tại trường Gia Long…, mang theo quần áo, lương thực.. đủ dùng trong một tháng”.
Khoảng hơn một năm sau ngày nhập trại, bộ nội vụ bèn gom tù lại, ra Chính sách 12 điểm, tất cả học viên thành tù hết, án phạt ba năm… do Công an quản lý, đối xử hà khắc, bắt lao động cực nhọc, giai đoạn này cho ăn đói, mỗi bữa chỉ có vài củ khoai và một hai bát bo bo… rồi nhiều người bị đẩy ra những trại tù ở miền Bắc như: Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh…
Những người bị giam ở trong nam thì còn đỡ khổ vì có gia đình thăm nuôi vả lại miền nam khá hơn miền Bắc, những người bị đưa ra Bắc vô cùng thê thảm, đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, làm việc quá sức.. nhiều người chết bỏ xác miền Bắc hoặc hóa ra thân tàn ma dại. Sĩ quan cấp thiếu úy, những người quá trình nhẹ hoặc có thân nhân là cán bộ bảo lãnh phần nhiều được về trong vòng ba năm, cấp trung úy hoặc ty sở trưởng, những người có liên hệ an ninh tình báo thường là được về sau 5 hay 6 năm… Trong thời gian đó, cộng sản hành hạ quân dân cán chính VNCH hết sức tàn tệ:
Thứ nhất, sau ngày 30/04/75, mọi người đều e ngại về một cuộc tàn sát trả thù đẫm máu vì đã có những lời đồn đại về hành động này. Nhưng cộng sản đã nghĩ ra một giải pháp thâm độc và tránh được sự lên án của Quốc tế đó là giam cầm và hành hạ quân dân cán chính VNCH. Quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã được khuyến dụ trình diện để “học tập” ngắn hạn. Gọi là “tìm hiểu đường lối, chính sách của nhà nước và để gột bỏ tàn tích chống phá cách mạng khi xưa”. Chính quyền mới hứa là thời gian học tập chỉ vài tháng rồi ai nấy trở về với gia đình, phục vụ đất nước.
Nhưng thực ra đây là một sự tù đầy, tẩy não, hành xác. Có người vài ba năm. Rất nhiều người mươi năm. Và số người triền miên tù đầy gần hai chục năm cũng không ít. Lại còn một số đáng kể chết mất xác trong tù đầy hành hạ. Người sống sót trở về đã kể lại nhiều thảm cảnh mà họ phải gánh chịu trong thời gian đau khổ ấy. Những thảm cảnh mà nghe lại ai cũng rùng mình.
“Rồi mai đây, nếu vì may mắn nào đó, tôi được sống trong môi trường khác, tôi có bổn phận phải nhớ và nhớ thật kỹ tất cả những gì đã xẩy ra, đã khắc xâu vào tâm khảm tôi những chứng tích khổ đau, hờn hận!”, (Tạ Tỵ – Đáy Địa Ngục, trang 152.).
Người tù bất khuất Tạ Tỵ đã mô tả cảnh đói khát trong nhà tù cộng sản hết sức kinh khủng vì có lẽ bỏ cho đói khát là chính sách để kiềm chế, kiểm soát người tù. Nên bất cứ tù nhân nào cũng nói rất nhiều về sự hành xác này.
“Đã hơn hai tháng nay, chúng tôi không được ăn miếng thịt nào. Lao động mỗi ngày 8 tiếng, toàn việc nặng. Cơm không có, mỗi ngày lãnh hai chiếc bánh mì luộc, mỗi cái khoảng 200 gram và một nửa chiếc bánh buổi sáng 50gram, như vậy chúng tôi chỉ được ăn 450 gram chất bột với muối, không có chất béo, chất rau và chất đạm nào! Do đó, ai nấy đều gầy rộc hẳn, da khô khốc. Trên nguyên tắc theo giấy tờ chúng tôi được ăn 18 kí lô chất bột, 300 gram thịt mỗi tháng, nhưng thực tế chúng tôi chỉ được ăn 13 kí 500 chất bột”, (Đáy Địa Ngục -Tạ Tỵ trang 378- 379.).
Thứ hai, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ là một trong những người đã chứng kiến cảnh tượng đó. Và ông đã mô tả chân thực cuộc sống của nhà tù cộng sản giành cho quân dân cán chính VNCH. Chật chội, ngột ngạt hơi người, mùi hôi của mọi người, mọi bệnh riêng của mỗi người, cả tháng không tắm. Cả ngàn người có một giếng nước, kéo một lúc đã cạn nước, nhiều khi có chuột bọ chết thối trong giếng. Ăn uống vào là bị kiết lỵ. Đi cầu vào các dẫy hố đào trên mặt đất…
“Cả trại nhốn nháo về bệnh kiết lỵ. Hầu như không khu nào thoát. Chưa bao giờ buổi sáng lại đông người chờ đi cầu như vậy. Mặt mũi người nào cũng nhăn nhó, mệt mỏi trông thật thảm hại… Thật đau khổ, lúc nào bụng cũng quặn đau, mỗi lần đi cầu són ra một chút, phân ít, mũi máu nhiều. Từ nơi tôi ở ra nhà cầu khá xa. Để tiện việc, tôi không về nhà, ngồi ngay ở căn nhà chiếu Tivi sẵn sàng chạy ra hố cầu khi cần. Không phải mình tôi như vậy mà hàng chục người tay cầm lon nước, ngồi bệt xuống mặt cát. Bệnh của tôi kéo dài cả tuần sau khi uống cả lọ tetracycline do Lan cho. Trong thời gian kỷ luật chúng tôi được xuống sông tắm mỗi hai tuần một lần. Tuy nhiên nhiều khi cán bộ bận hay có việc gì bất thường thì phải chờ lâu tới ba tuần”, (Tầng Ðầu Địa Ngục – Linh Mục (LM) Nguyễn Hữu Lễ.).
Và cùng đó là cảnh thiếu thốn: “Điều quan trọng đối với tôi là cái đống rác! Mỗi lần đi ngang đống rác trước cổng trại là mỗi lần đời tôi lên hương. Hai con mắt hoạt động tích cực để tìm nhặt những thứ cần thiết cho cuộc sống trong buồng như vải rách dùng đại tiện, bọc nylon làm nhiên liệu chất đốt, hoặc may mắn hơn thì cái bàn chải đánh răng cũ hoặc ít giấy bao xi măng làm vở viết chữ Tầu, thứ ngôn ngữ tôi đang cố học”, (Tầng Ðầu Ðịa Ngục – LM Nguyễn Hữu Lễ.).
Cùng đó là những hành động bị hành hạ cơ thể:
“Tùy theo mức độ nặng nhẹ khác nhau của các hình thức vi phạm nguyên tắc mà tù nhân bị “đại ca” ra hình phạt tương xứng theo luật giang hồ tù. Nếu chỉ để cảnh cáo và áp đảo tinh thần những lính mới để bắt phải đi vào khuôn phép thì chỉ cần sử dụng “chưởng” tức là đánh bằng hòn đá bọc trong cái vớ hoặc “bẻ ngà” là dùng đá cà hoặc đập gẫy hết cả hai hàm răng. Trường hợp nặng hơn thì “lấy cấp pha” tức là móc đôi mắt, hoặc “ xin cặp nạng” nghĩa là cắt gân gót chân. Trường hợp nghiêm trọng thì đối phương sẽ được “cất” có nghĩa là giết chết”, (Tầng Ðầu Ðịa Ngục – LM Nguyễn hữu Lễ.)

Thứ ba, cũng cần nhắc qua cuốn Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh để thấy sự tàn tệ của nhà tù cộng sản đối với quân dân cán chính VNCH như thế nào. Hình ảnh cánh binh cộng sản bắt phạt tù nhân “ngụy” được mô tả như sau: “Nói đến sùi bọt mép mà thấy nét mặt của mười thằng “ngụy” vẫn trơ thổ địa ra, thằng quản giáo cáu quá hét: Tao phạt chúng mày quỳ hai tiếng. Quỳ xuống! Bọn tù chỉ liếc nhìn nhau chẳng ai chịu quỳ. Thằng quản giáo đâu có chịu thua. Hắn móc súng bắn đến đùng một phát. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, anh em lần lượt êm ái quỳ. Thằng quản giáo đứng chửi rủa một lúc rồi mới chịu bỏ đi…”, (Đại Học Máu – Hà Thúc Sinh, trang 116).
Tác giả Hà Thúc Sinh cũng không quên mô tả tình trạng thiếu thuốc men và y tế của cộng sản đối xử với quân dân cán chính VNCH: “Mặt đứa nào đứa nấy trông như những quả dưa bở chín rục, chân tay bụ bẫm vì bị phù do thiếu chất, cứ như những cái xác chết trôi ba ngày, đang xếp hàng dài trước bếp xin chút nước vo gạo về uống với hy vọng mong manh tí chất cám có thể cứu nổi căn bệnh phù thũng trầm kha…”, (Đại Học Máu – Hà Thúc Sinh, tr. 251.).

Thứ tư, cũng có rất nhiều tác giả khác đã từng ngồi tù cộng sản bằng mỹ từ “học tập cải tạo” đã viết lên những khốn khổ trong tù cộng sản mà trong khuôn khổ bài này tôi không thể kể xiết. Xin điểm lại một số điểm chính để bạn đọc thấy rõ bản chất tàn bạo của cộng sản.
Ông Nguyễn Cao Quyền từng là một viên chức cao cấp trong chính quyền VNCH. Tốt nghiệp khóa 1 Trừ Bị Nam Định và khoá 51-53 trường Saint Cyr (Pháp), đỗ cử nhân luật và cao học tiến sĩ kinh tế Đại học Luật khoa Sài Gòn (1963), thẩm phán Tòa Án Quân Sự, Đại tá Chánh thẩm Tòa Án Đặc Biệt (1966-1968), Cố vấn ngoại giao tại Paris (1968-1974), Nha Thông Tin Báo Chí Bộ Ngoại Giao (1974-1975), Sau năm 1975, ông bị đưa đi tù cải tạo (1975-1985), rồi sau đó sang định cư tại Maryland, Hoa Kỳ từ năm 1990. Ông từng là Chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị vùng Hoa Thịnh Đốn, nguyên Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, nguyên Chủ Tịch Cộng Đồng VN vùng Hoa Thịnh Đốn (1996-1998). Ông còn viết nhiều bài khảo luận về kinh tế, chính trị được phổ biến rộng rãi có viết:
“Tại trại Thanh Cẩm, chế độ lao động còn khắt khe và nặng nhọc hơn ở trại Quảng Ninh. Dưới mũi súng canh gác của công an gốc dân tộc Mường, chúng tôi phải đi rất xa để lấy cát làm nhà. Mỗi chuyến vừa đi vừa về vào khoảng 3 cây số. Mỗi ngày phải đi ba chuyến mà chỉ đươc ăn có 4 chén cơm với vài cọng rau muống luộc thì sức nào chiụ nổi. Nếu đội nào không đi xe cát thì phải xe đá hoặc vào rừng đẵn luồng vác về cho cán bộ làm nhà. Những người lao động ở trại cưa, trại mộc cũng không sung sướng gì hơn. Cả ngày quần nhau với những cây gỗ lớn, cưa sẻ liên hồi hoặc đục đẽo luôn tay thi lấy năng lượng đâu mà bù đắp. Cuốc đất trồng khoai ngô mới là mệt vì đất núi bạt ngàn mà nhân công thì thưa thớt. Ấy là chưa kể nhũng vụ gánh phân đi bón nặng gẫy sương sườn và chốc lở sương vai.Sức người có hạn còn nhu cầu của trại thì mỗi ngày môt tăng thêm. Bên cạnh những cái chết vì tại nạn lao động như bị đá núi đè, lợp nhà té xuống đất hay bị cây luồng đâm thủng bụng, dần dần người ta thấy xuất hiện những cái chết vì đói, vì thiểu lực. Sau hơn ba năm bị lưu đầy ra Bắc anh em tù nhân chôn nhau, vì chết đói, đã chật cả một phần đồi sắn. Có một thời gian, trong tâm tư và trước mắt mọi người cái chết đã trở thành quen thuộc, không gây sợ hãi và cũng không gây súc động. Tù nhân chờ đợi Thần Chết đến thăm như chờ đợi một sự giải thoát”.
(Links:
Tác giả Nguyễn Chí Thiệp trong cuốn “trại kiên giam “ nổi tiếng của mình thì viết: “Tiêu chuẩn ngừoi phạm kỷ luật mỗi tháng còn 9 kg lương thực ăn với nước muối, mỗi ngày hai bữa hai chén nhỏ xíu . Cơm mới bỏ vào miệng chưa kịp nhai cái lưỡi đã đưa cơm vào cổ. Đến bữa ăn phải kềm hãm cố nhai cho thật kỹ, vừa để cho đỡ buồn, cho qua thời giờ có việc làm. Khi nhai thức ăn, vừa phải nhai kỹ để thức ăn ít ỏi và quí báu được tiêu thật hết, khỏi phí phạm, giúp cơ thể bòn từng chút bổ dưỡng để thân xác chịu đựng con người được sống, nhai thật kỹ để chất thải ra thật ít, 5,7 ngày mới đại tiện một lần, vì đại tiểu tiện đều vào cái thùng đại liên để ngay bên cạnh bục nằm, đến lúc đầy tràn trật tự mới đổ đi, nên suốt ngày đêm phải nằm bên cạnh cái của nợ khai thúi đó”. (Nguyễn Chí Thiện – Trại Tù Kiên Giam, trang 35).
Hoặc: “Hai chân tôi bị còng chéo để bức cung. Còng chéo hai chân bị đóng cứng chặt giữa hai cái còng hình chữ U và thanh sắt xuyên. Vì độ cao của thanh sắt giở hổng hai chân lên thành ra không thể nằm thẳng lưng, vì nằm như vậy thân mình căng ra hai chân bị siết chặt vào sắt đau buốt tận tủy óc. Người bị còng phải dùng hai khuỷu tay để chống hoặc cởi hết quần áo ra chêm ngang thắt lưng mới chịu được một thời gian. Chờ một vài ngày hai cổ chân gầy đi xoay được lật úp thì hai chân sẽ thẳng ra nhưng phải nằm sấp. Nhưng chỉ vài ngày chân đã sưng húp vì ban đêm bị lắc còng điểm danh”, (Trại Tù Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiện, tr 473).
Thứ năm, trên thực tế còn rất nhiều bằng chứng từ chính những người bị cộng sản trả thù man rợ. Nhưng còn phe cộng sản nói gì về điều này? Xin giới thiệu cuốn sách “365 ngày ở Việt Nam” của nhóm công tác do Liên Xô chỉ đạo trong năm 1975 tại Việt Nam đã được giải mật năm 2008 (Đã giới thiệu ở “Những sự thật cần phải biết” phần 5) cho biết tại trang 75 như sau: “Những hình phạt của đảng cộng sản Việt Nam giành cho tù nhân chế độ Sài Gòn đã cho thấy những người anh em của chúng ta đã không quên phương pháp mà Xtalin áp dụng…”.
Cuốn sách này còn nói thêm tại trang 82: “Trong một điều kiện khó khăn và kỷ luật hà khắc, chính quyền mới tại nước Việt Nam thống nhất đã thanh lọc rất tốt tư tưởng của những người đi theo Mỹ…”.
Như vậy, ở đây ta có thể thấy, cuốn sách đã chỉ rõ cộng sản Việt Nam học tập phương pháp tàn bạo của kẻ giết người hàng loạt đó Xtalin. Và cuốn sách nhắc đến cum từ “Kỷ luật hà khắc” cho thấy bản chất bạo tàn của cộng sản trong đó có cộng sản Việt Nam áp dụng đối với quân dân cán chính VNCH.
III. Lê Duẩn là đầu xỏ :
Việc trả thù quân dân cán chính VNCH do chủ trương của đảng cộng sản gây ra. Những người trực tiếp thực hiện đó là Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà, Cao Đăng Chiếm… Nhưng chủ trương và phương án này chính là do Lê Duẩn cầm đầu.
Thứ nhất, Lê Duẩn chính là một người tuy thích thân Liên Xô hơn Tầu nhưng Duẩn cũng học tập chính sách của Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất. Và chính đảng cộng sản Việt Nam đã thừa nhận điều này: “Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội…” (Trích: Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 11/7/1986).
Và tại thời điểm sau năm 1975, Duẩn với cương vị đứng đầu của nhà nước cũng như đảng cộng sản (Lúc đó có tên là đảng lao động) chính là kẻ đã chỉ đạo và quyết định việc đối xử tàn tệ với quân dân cán chính VNCH.Là kẻ đứng đầu đảng và nhà nước, đương nhiên Duẩn biết điều này và không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai: “Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, nước Việt Nam thống nhất. Ngày 16 tháng 5 năm 1975,Bí thư thứ Nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã trực tiếp vào miền Nam nắm tình hình, gồm cả tình hình kinh tế.”
Và: “Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại và Ban Chấp hành Trung ương vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Tại Đại hội lần thứ IV Đảng (năm 1976) và lần thứ V của Đảng (năm 1982), đồng chí Lê Duẩn tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.(Trích bài phát biểu của Nông Đức Mạnh: Báo Điện tử đảng cộng sản Việt Nam 6/4/2007 )
Thứ hai, trong cuốn “Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, xuất bản lần 1 tại trang 482 có viết: “Sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam được tích luỹ qua gần nửa thế kỷ đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kết tinh cả truyền thống chiến đấu và tài thao lược của tổ tiên ta. Bằng ý chí của chúng ta, những kẻ một thời lầm đường lạc lối theo Mỹ – Ngụy đã được lao động cải tạo để trở thành những công dân có ích cho xã hội mới..”.
Bỏ qua những từ ngữ huyênh hoang quen thuộc của cộng sản để tự lăng xê chính mình. Bỏ qua những mỹ từ “Cải tạo, lao động” thì chúng ta thấy Lê Duẩn đã rất tâm đắc với chủ trương của mình trong việc hành hạ những người là quân dân cán chính VNCH.
Thứ ba, cũng vẫn cuốn sách: “365 ngày ở Việt Nam” của nhóm công tác do Liên Xô chỉ đạo trong năm 1975 tại Việt Nam đã giới thiệu ở phần trên cũng viết tại trang 83: “Đồng Chí Tổng bí thư đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn cùng ban chấp hành trung ương đảng đã tiến hành ổn định nhanh chóng tình hình sau ngày 30/4/1975. Chính sách kỷ luật hà khắc mà nhà nước áp đặt cho những người lính chế độ Sài Gòn đã được chính đồng chí Tổng bí Thư Lê Duẩn đề ra trong một cuộc họp của bộ chính trị…”.
Qua đây có thể thấy, đảng cộng sản mà đứng đầu là Lê Duẩn đã vạch ra kế hoạch “hà khắc” đối với quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa. Những hành động đầy tội ác mà tôi đã nêu ra ở phần hai chính là do Lê Duẩn – một đồ tể tay chân của Hồ Chí Minh gây ra.
Thứ tư, ngày 1-11-1978, Lê Duẩn và Phạm Văn Ðồng dẫn đầu một phái đoàn đảng và chính phủ sang Mạc Tư Khoa để cùng Brezhnev ký bản hiệp ước “hợp tác và hữu nghị”, theo đó hai nước sẽ liên minh với nhau cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Ðiều 6 của hiệp ước này nói rõ là nếu một trong hai nước bị tấn công, cả hai nước sẽ dùng những biện pháp thích hợp đối phó. Từ đó, Liên Xô đã hết lòng viện trợ cho Việt Nam. Số tiền viện trợ và cho vay lên tới nhiều tỷ Mỹ kim. Bù lại, Việt Nam sẽ để cho Liên Xô sử dụng hải cảng Cam Ranh và có thể Ðà Nẵng làm đầu cầu quân sự để kiềm chế Trung Hoa và đối đầu với hạm đội thứ 7 của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương. Trong cuộc găp với Brezhnev, ngoài báo cáo tình hính quan hệ với Trung cộng, CamPuchia thì Lê Duẩn đã báo cáo: “Cơ bản tình hình trong nước chúng tôi đã ổn định do tôi và các đồng chí trong bộ chính trị không để cho ngụy quân, ngụy quyền có thể nổi lên bằng việc áp dụng mô hình nhà tù như thời đồng chí Xtalin. Chúng tôi chỉ lo lắng là Campuchia đang leo thang khủng bố…”( Trích: “Văn thư lưu trữ của đảng cộng sản Liên Xô trang 422”).
Vậy không ai khác mà chính Lê Duẩn cùng cộng sản Việt Nam đã đẩy quân dân cán chính VNCH vào lao tù khắc nghiệt.
IV. Kết Luận :
Qua những hành động trả thù man rợ quân dân cán chính Việt Nam cộng hòa của cộng sản nói chung và Lê Duẩn nói riêng cho thấy bản chất của cộng sản là không thay đổi qua các thê hệ từ sau Hồ Chí Minh. Tội ác đó vi phạm công ước về tù binh chiến tranh cũng như luật nhân đạo. Sau nhiều chục năm bị bưng bít bởi chế độ cộng sản toàn trị, đã đến lúc chúng ta cần cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được bản chất tàn bạo của cộng sản.
Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại rơi vào thảm cảnh như ngày hôm nay do bàn tay độc ác của cộng sản. Chúng ta cần phải đoàn kết lại để lên án và lật đổ chế độ bán nước hại dân cộng sản Việt Nam. Xin trả lại sự thật lịch sử và danh dự cho những người quân dân cán chính VNCH để tôn vinh họ – Những người anh hùng không chịu khuất phục lao tù cộng sản.
6/6/2013
 

No comments: