Wednesday, November 23, 2016

TƯỞNG NĂNG TIẾN = HUỲNH VĂN LANG =NGUYỄN KHẮC KHAM


SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

Nhà Nước Tận Thu & Nhân Dân Tận Diệt

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Tỉ lệ thuế và phí dân VN phải chịu đóng/GDP cao từ 1,5 đến 3 lần các nước trong khu vực là để nuôi tới 3 bộ máy chồng chéo chéo chức năng, nhiệm vụ với nhau: đảng cộng sản, chính phủ, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong Mặt trận tổ quốc từ TW tới địa phương.
Võ Thị Hảo
Mai tôi ra đi chắc Cambodia mưa ...
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau ..

Tui cũng thơ thẩn vài câu cho ông Nguyên Sa vui lòng (nơi chín suối) chớ chuyến này “xa nhau”  luôn cũng được, cũng không có gì đáng tiếc. Sau hai mùa nắng (như đổ lửa) và hai mùa mưa (như thác đổ) tui đã ớn cái xứ Chùa Tháp này tới tận ngón chân út của mình rồi.
Từ phòng đợi của phi trường Pochentong, nhìn Nam Vang ảm đạm trong bầu trời xám xịt (nói thiệt) tôi cũng cảm thấy có hơi ái ngại nhưng tiếc thương hay vương vấn thì không. Nhất định là không.
  • Adieu Phnom Penh!
Tôi vừa thầm thì lời từ giã xong thì một cậu nhỏ bán báo (bất ngờ) xuất hiện, miệng mồm liếng thoắng:
  • The Cambodia Daily! The Cambodia Daily! The Cambodia Daily!
Còn báo chí mẹ rượt gì vào giây phút giã từ này nữa, cha nội?  Nói “vĩnh biệt” rồi là kể như hết chuyện. Từ nay, đường ai nấy đi; tiền ai nấy sài; hồn ai nấy giữ. Bận lòng chi nữa lúc chia phôi ?
Đã định lắc đầu nhưng cái tựa bản tin nơi trang nhất (“Hun Sen Announces Broad Cuts of Petty Taxes") khiến tôi đổi ý:
“The country’s lower class will receive a series of tax breaks starting in 2016, Prime Minister Hun Sen announced Thursday, with tariffs on motorbikes, tuk-tuks and farm machinery to be waived, along with fees at stalls in state-owned markets. “From next year onward, the road tax for motorbikes, tuk-tuks and agricultural machinery such as tractors, tillers and boats will no longer be charged,” he said. “It will be cut off.”
“Từ năm tới, xe gắn máy, xe tuk-tuk, xe máy cầy, ghe thuyền sẽ không phải chịu thuế nữa,” ổng nói vậy đó. “Sẽ bỏ luôn.”
Trời, sao cái thằng cha Thủ Tướng Hunsen này bảnh dữ vậy cà? Tôi chưa bao giờ nghe ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải “tuyên bố” một câu ngon lành (bằng một phần ngàn) cỡ đó. Và qua tới “trào” ông Nguyễn Tấn Dũng thì chuyện thuế phí khiến cho cả nước đều muốn “trào máu họng” luôn:
          - NLĐ: Phí chồng phí.
          - VOV: Ra ngõ gặp trạm thu phí.
          - MTG: Kỷ lục khó phá: Gần 10 cây số có 5 trạm thu phí.
          - VOVGT: Bức xúc thu phí, tài xế dàn xe chặn huyết mạch Tây Bắc.
          - TTO: Lệ phí đăng ký mới ôtô tại TP.HCM tăng lên 11 triệu đồng/xe, gấp 5,5 lần so với trước.
          - BVSC: Vận tải biển - Đang khó khăn lại còn tăng phí.
          - TTO: Hầm chưa xong đã thu phí: hàng triệu lượt xe khi đi qua đèo Cả phải chấp nhận đóng một khoản phí   đường bộ hết sức vô lý khi hầm đường bộ đèo Cả chưa đưa vào khai thác.
          - BAB: Tăng phí công chứng các loại hợp đồng.
          - ĐSPL: Hà Nội tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô bắt đầu từ tháng 9.
          - VOV: Tăng phí tham quan các di tích lịch sử cố đô Huế.
          - V.J.T : Phí tham quan Vịnh Hạ Long sắp tăng gấp đôi.
Riêng chuyện “tăng phí tham quan” khiến tôi nhớ đến sự phẫn nộ của dân bản địa, ở khu du lịch Đambri. Ông K’Vếu, một người K’Ho gần 70 tuổi, đến từ huyện Bảo Lâm trút bầu tâm sự:
Ngọn thác Đambri hùng vĩ này đã ngàn đời nay thuộc về tổ tiên chúng tôi, thuộc về cha ông chúng tôi, thuộc về chúng tôi. Vùng đất Đambri xinh đẹp này đã ngàn đời nay là của chung các tộc người K’Ho, Châu Mạ. Trước đây, chúng tôi tự do vào ra Đambri, tự do hẹn hò ở Đambri, tự do tổ chức các ngày lễ ở đây, tự do đốt lửa rồi nhảy múa ca hát và uống rượu cần ở đây….
Thật đau xót và cay đắng. Họ đột ngột xuất hiện, và xây dựng lên ở Đambri này một khu du lịch mà không hỏi chúng tôi lấy một tiếng, không xin phép tổ tiên chúng tôi, ông cha chúng tôi và dĩ nhiên là cả chúng tôi nữa. Giờ đây, chúng tôi chỉ là những vị khách xa lạ trên mảnh đất đã từng rất thân quen và gắn bó với chúng tôi. Và, buồn đau thay, chúng tôi phải mua vé để chiêm ngưỡng và tận hưởng những vẻ đẹp đã từng thuộc về chúng tôi. Chúng tôi mất và họ được. Mất mát của chúng tôi quá lớn... (“Nỗi Buồn Đambri” – Tâm Don).
Tác giả bài báo thượng dẫn cũng cho độc giả biết thêm đôi chút kinh nghiệm của ông, về chuyện thu phí, khi đi du lịch ở nước ngoài:
Quần thể di sản văn hóa của nhân loại Angkor ở tỉnh Seam Reap, Cambodia là một quần thể di tích có một không hai trên thế giới. Chính quyền vương quốc Cambodia đã giao quyền bảo quản và khai thác quần thể di sản này cho một công ty tư nhân có ông chủ là một người Cambodia gốc Việt.
 Vé vào tham quan quần thể di sản này rất cao. Nhưng điều lạ lùng là, trước cổng mua vé luôn có tấm bảng có dòng chữ: MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI CAMBODIA. Người hướng dẫn viên du lịch người Cambodia gốc Việt giải thích cho những du khách Việt Nam: Miễn phí vé cho người Cambodia là một điều hoàn toàn đúng, hoàn toàn hợp tình thấu lý. Quần thể di sản Angkor là di sản của đất nước Cambodia, là thành tựu chung của người Cambodia...
Những người dân Châu Mạ, K’Ho – hy vọng – sẽ bớt “buồn đau” phần nào nếu biết rằng chuyện “tận thu” không chỉ xẩy ra ở Đambri. Đây là chủ trương xuyên suốt của Nhà Nước từ tuốt miền ngược xuống đến miền xuôi, không sót một nơi nào.
Báo Người Lao Động, số ra ngày 11 tháng 8 năm 2015, kêu Trời: “Đừng ‘siết’ nữa, dân khổ lắm rồi! Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu.”


Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo nguyên văn lời của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì chế độ hiện hành đã chuyển hướng từ “tận thu” sang “tận diệt.” Cách nói của bà khiến tôi liên tưởng đến chhuyện bắt cá (bằng điện) rất phổ biến hiện nay của người dân Việt. Họ kích điện bằng tay trong những cánh đồng hoặc sông rạch nhỏ, hay bằng ghe có hai gọng lưới  trên những dòng sông lớn.



Ghe dùng xung điện để bắt cá trên sông Sài Gòn. Ảnh & chú thích: Tuổi Trẻ
Dù giữa Biển Hồ hay trong những sông rạch lớn/nhỏ đan xen khắp xứ, tôi không hề thấy kiểu bắt cá “tân kỳ” như thế ở đất Chùa Tháp. Người Khmer không kiếm sống bằng cách tận diệt nguồn cá, và hủy hoại môi sinh. Chính phủ ở đất nước này cũng biết khoan sức dân nên không chủ trương tận thu thuế má.
Ngày 23 tháng 10 vừa qua, Hunsen đã tuyên bố cắt những khoản thuế lặt vặt đánh vào xe gắn máy, xe tuk-tuk, xe máy cầy, ghe thuyền...
Ở Cambodia, ít nhiều, dân chúng (cũng như những kẻ đang nắm quyền) vẫn còn đặt niềm tin vào tương lai của chế độ và đất nước. Niềm tin này, rõ ràng, không có ở  Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, tôi nghe nhà báo Huy Đức bầy tỏ nỗi băn khoăn: “Bao giờ bằng được Campuchia?” Câu hỏi của ông e sẽ không có lời giải đáp vì dân Việt không chung hướng đi với toàn thể nhân loại.
Việt Nam hiện có khuynh hướng bước lùi. Giới lãnh đạo đang hối hả vơ vét hay ra sức tận thu, và dân chúng thì cố sức tận diệt (bất chấp sự hủy hoại môi sinh) để đáp ứng nhu cầu bức thíết cho cuộc sống hàng ngày.
Tình trạng đất nước, tuy thế, vẫn chưa lấy gì đáng lo cho lắm – theo ý kiến của TS Vũ Minh Khương:
“Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.”
“Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quý giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày…”
Tôi thực sự tán thưởng sự lạc quan của T/S Vũ Minh Khương, dù tự thâm tâm vẫn lo ngại rằng người Việt khó mà “sống xênh xang được được 20-30 năm nữa” – nếu vẫn tiếp tục phải chịu đựng cảnh một cổ ba tròng, và tình trạng tận thu cũng như tận diệt không chấm dứt nay mai. 

NGUYỄN THIÊN-THỤ * HỒI KÝ HUỲNH VĂN LANG

 HỒI KÝ HUỲNH VĂN LANG
NGUYỄN THIÊN-THỤ 

Tản Đà nói: " Người có tài thì không có tiền, người có tiền thì không có tài. Câu này sai nếu áp dụng vào cuộc đời ông Huỳnh Văn Lang  là người mà . Hoàng Hải Thủy khen ngợi  là có  số  " đẻ bọc điềuvì ông vón gốc nhà điền chủ, đi học Pháp Mỹ rồi về nước thành nhân vật số 2 của Cần Lao bên cạnh Ngô Đình Nhu. Sau 1963, ông có trầy vi tróc vảy một tí, nhưng với thiên tài kinh doanh, ông lại nổi lên, thò vào đất đất  thành vàng, chỉ vào đó đá thành ngọc..Sau 1975, ông lại được người ta rước xuống tàu qua Mỹ, không phải học tập, cải tạo như hàng vạn sĩ quan và công dân miền Nam.

Người ta cầu ngũ phúc: phú, quý thọ, khang, ninh, ông có đủ. Tuổi chín mươi vẫn mạnh khoẻ, sáng suốt, nói năng mạch lạc rõ ràng, viết cả hàng  ngàn trang sách, quà là bậc thần nhân tại thế. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu kỳ nhân, vĩ nhân đó.
Huỳnh Văn Lang sinh ngày 26-7-1922, tại làng Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình điền chủ, lên Saigon học, rồi sang Pháp, sang Mỹ du học đỗ bằng Cao học kinh tế.Năm 1954, ông ở Mỹ được Ngô Đình Diệm mời về làm việc với các ông Đỗ Vạng Lý, Đỗ Trọng Chu, Bùi Kiến Thành, Dư Phước Long, Nguyễn Thái.

. Dưới thời Ngô Đinh Diệm, ông giữ các chức vụ như Giám Đốc Viện Hồi Đoái, Chủ tịch Đại Á Ngân Hàng, dưới quyền Ngô Đình Diệm, Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc việt của Đảng Cần Lao, làm việc trực tiếp với Cố vấn Ngô đình Nhu. Về Giáo dục ông dạy học tại Đại học Sư phạm Saigòn, hội trưởng hội Văn hoá Bình dân và điều hành một hệ thống trường Bách khoa Bình dân trên những thành phố và tỉnh thị, chủ nhiệm, sáng lập tạp chí Bách Khoa.

Tại hải ngoại, ông đã xuất bản nhiều quyển hồi ký
-Về Các thú tiêu khiển trong dân gian: Cờ bạc., 1998
-Những biến cố chính trị, xã hội, văn hóa thời trước 1975: Nhân chứng một chế độ gồm 3 tập gần 1500 trang,
-Chuyện đường rừng hơn 500 trang,

-Quyển Đã hơn 30 năm rồi ghi lại những quan sát và nhận định của tác giả qua các chặng đường đất nước dưới chế độ Cộng Sản.
- Ngoài ra, ông Huỳnh Văn Lang còn là một nhà nghiên cứu sử học: quyển Có những sự kiện lịch sử cần phải xem lại mà tác giả gọi là quyển Lịch sử khai tâm.,2004


Chúng tôi chú trọng đến tác phẩm

(1). "Nhân Chúng Một Chế Độ", 3 tập, , tác giả xuất bản, USA, 2000
(2). “Ký Ức Huỳnh Văn Lang” , ba tập gần 2000 trang, do tác giả xuất bản.
+ Tập 1 Thời kỳ Pháp thuộc, viết từ khi tác giả bắt đầu đi học năm 1928 đến năm 1955, đã được phát hành năm 2011, 653 tr.
- Tập 2 Thời kỳ Việt Nam độc lập từ 1955 đến 30/4/1975, gồm Đệ nhứt và Đệ nhị Cộng hòa,2012, USA. 839 tr.

+ Tập 3. Thời lưu vong, sau 1975 : chưa xuất bản.


    

Chúng tôi xin có vài ý kiến và hai quyển hồi ký trên


1. Mâu thuẫn

(1). Ông luôn tỏ ra là người nhân nghĩa « Thà người phụ ta chứ ta không phụ người”(4) nhưng ông lại oán trach hai ông Nhu Diệm đã tước quyền ông, và ông âm mưu đảo chánh. Nếu ông không phụ hai anh em ông Diệm thì cam chịu, thực hành kinh Thánh dạy “nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ tát luôn”. Còn đã âm mưu đảo chánh thì đâu còn nhân nghĩa mà chỉ là trả thù ẩn náu dưới danh nghĩa cứu ông Diệm. Hơn nữa chính ông cũng tự than Làm gì tôi có chánh nghĩa. Tôi chỉ chia xẻ chính nghĩa của hai người anh em thôi, và trong 9 năm qua, tôi phụng sự cái chính nghĩa đó (Nhân Chứng Một Chế Độ III, tr.189). Ông vừa mâu thuẫn, vửa giả dối! Nước mắt ông nhỏ xuống thương xót hai anh em ông Diệm e rằng chỉ là nước mắt cá sấu!
(2). Ông ca tụng Ngô Đình Diệm, hoan hô và tham gia tích cực việc tàn sát các giáo phái và lật đổ Bảo Đại nhưng ông cũng nói việc này làm lợi cho Cộng sản:
Một năm trước, người dân dân Miền Nam “không biết Ngô Đình Diệm là ai? nay được 98% người dân Miền Nam bầu cho ông thay thế Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo quốc gia. Theo tôi, đó là đại phước cho dân tộc...Nhưng sau đó, như ông Huỳnh Văn Lang đã ghi trong quyển Ký Ức: “Cuộc Cách mạng Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại nầy là tác động của dân miền Nam nói chung, trong đó quần chúng Nam kỳ lục tỉnh qua các đại diện của họ đã đóng một vai trò chủ động, không ai có thể chối cãi điều đó. Nó đã dọn đường cho sự hình thành ra Đệ nhứt Cộng hòa. Nhưng chỉ 5 năm sau cũng chính quần chúng Nam kỳ lục tỉnh (không quơ đũa cả nắm) qua « Mặt trận Giải phóng Miền Nam » đã đóng một vai trò quá ư quan trọng, dù không phải là chủ động đã khởi sự tàn phá, không phải chỉ Đệ Nhứt Cộng Hòa mà cả Đệ Nhị Cộng Hòa nữa. Sau 15 năm dọn đường, đúng hơn là làm cổ sẵn cho Cộng Sản Miền Bắc thôn tính hoàn toàn, đúng hơn là thuộc địa hóa miền Nam ».


(3). Ông kết tội Phật giáo nhưng ông cũng nói Phật giáo biểu tình là chống âm mưu Mỹ biến Việt Nam thành Thiên chúa giáo:

Những người thực dân mới (Mỹ) đang muu đồ hy sinh văn hóa Khổng Phật Lão của một vùng để bảo tồn văn hóa Thiên chúa giáo ở Âu châu. Tranh đấu vì đạo của các thầy đã đi đến chỗ đó cũng có nghĩa là Mỹ không thành công trong cái mưu đồ Thiên chúa giáo nói trên.(Nhân Chứng Một Chế Độ III, 155)


Như vậy là ông công nhận Phật giáo tranh đấu là chống kỳ thi tôn giáo, cuộc tranh đấu Phật giáo rất có ý nghĩa và chánh nghĩa.


(4). Ông nói đến việc Ngô Đình Nhu bí mật gặp Việt Cộng tại Tánh Linh nhưng cũng biết rằng Mỹ sẽ dùng sự đi đêm với Hà Nội của ông Nhu để làm chiêu bài thuyết phục những tướng tá ngu dốt không hiểu chính trị là gì, vì họ chỉ biết đánh đá thôi, mà lại không có tinh thần quốc gia cao độ .


Nhiều tài liệu đã nói họ Ngô bắt tay với cộng sản. Ông Huỳnh Văn Lang cũng xác định như thế. Như vậy các tướng lãnh lật đổ ông Diệm là yêu nước chống cộng sản sao nói họ ngu dốt và không có tinh thần quốc gia? Hơn nữa, ông cũng như họ muốn lật đổ nhà Ngô sao ông lại chỉ trích thậm tệ và lên án các tướng lãnh ?


(5). Nếu chính phủ Diệm tốt đẹp như ông ca tụng, tại sao ông cũng như Mỹ chủ trương đảo chánh, đuổi toàn bộ gia đình họ Ngô, bãi bỏ tổng thống chế lập thủ tướng chế? Nên nhớ lúc bấy giờ nhiều tổ chức muốn lật đổ họ Ngô. Sao vậy? Tại sao chứng nhân lịch sử Huỳnh Văn Lang không nói rõ ra?


2. Tuyên truyền


Có hai loại tuyên truyền:

- Vương đạo: nói sự thật
- Bá đạo: dối trá, lừa bịp, khen mình, chê người.



(1). Phủ nhận và chỉ trích Bảo Đại
+ Việt Nam bị Pháp đô hộ, Bảo Đại đã muốn canh tân nhưng bị Pháp ngăn chận. Sau khi đảo chánh Pháp, Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Việt Nam được độc lập dù đó là một nền đôc lập mong manh. Huỳnh Văn Lang phủ nhận Tuyên ngôn độc lập của Bảo Đại:
Vốn độc lập của Việt Nam do quân đội Nhựt ban cho ngày 09-3-1945 không do tranh đấu, do hy sinh mà được, tất nhiên không giá trị bao nhiêu...”
Và ông Huỳnh cùng đám Cần Lao tôn vinh Ngô Đình Diệm chống Pháp giành độc lập: Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố Hiến Chương tạm thời, theo đó từ rày Việt Nam là một nước Cộng Hòa, người lãnh đạo là Quốc trưởng kiêm luôn chức Thủ tướng, tức là Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa. Đến đây thì uy tín của Thủ tướng lên đến tuyệt đỉnh, trong nước cũng như trên thế giới, vì tuyệt đại đa số Quốc dân ủng hộ ông. Nhờ đó mà ông giải quyết tất cả các vấn đề tồn kho với Pháp để hoàn thành độc lập Quốc gia trọn vẹn…

Cộng sản thì khoác lác đánh Pháp đuổi Nhật nhưng sự thật thì Nhật đánh bại Pháp và đồng minh đánh bại Nhật. Thủ hạ ông Diệm cũng theo sách đó mà ca tụng Ngô Đình Diệm đuổi Pháp. Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm … .chống Pháp còn gia đình họ Ngô là chân tay của Pháp. Pháp rút lui khỏi Việt Nam vì 
bị Trung Cộng và Mỹ đánh đuổi , chẳng dính líu gì đến Ngô Đình Diệm.
Lê Quế Lâm bình luận:
Qua nguyên văn các đoạn trích dẫn trên, thì Việt nam hoàn toàn độc lập sau cuộc Cách mạng truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Dù không nói ra, nhưng qua cách trình bày luôn tự đề cao, ông Huỳnh Văn Lang muốn chứng tỏ mình là “khai quốc công thần” và Liên Kỳ Bộ (Cần Lao) của ông đã dựng lên chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa. Cuộc cách mạng này có tính quyết định là đập đổ, san bằng chế độ quân chủ, mà Cách mạng Tháng Tám của Việt Minh chưa hoàn thành. Ông Huỳnh Văn Lang đã nhận định, với cuộc Cách mạng truất phế Bảo Đại “thì trên thực tế chế độ quân chủ của nhà Nguyễn với 13 triều đại (1802-1954) đã thật sự cáo chung, sau một thời gian 9 năm (1945-1954) hấp hối  (2)


Và ông nhắc nhở : Hiệp ước Élysée ký kết giữa TT Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Đại ngày 08-3-1949: Pháp nhìn nhận ViệtNam là một quốc gia độc lập thống nhất thuộc khối Liên Hiệp Pháp, có chủ quyền ngoại giao và nội trị, có quân đội và tư pháp riêng. Phải thừa nhận chủ quyền quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, vì Pháp cần phải tiếp tục hiện diện ở ViệtNam để bảo vệ nền độc lập của quốc gia còn non trẻ này đang bị Cộng sản uy hiếp nặng nề[…].Cuối tháng 4-1954, các cường quốc gặp nhau tại Hội nghị Genève để chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam bằng giải pháp chia cắt ảnh hưởng hai nước này. Một bên là Thế giới Tự do do HK lãnh đạo, một bên là Quốc tế Cộng sản với Liên Xô và Trung Cộng. Vai trò bảo vệ VN kể như chấm dứt, Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam với Hiệp Ước về Độc Lập (Traité d’Independance) được Joseph Laniel -thủ tướng Pháp và Hoàng thân Bửu Lộc -thủ tướng Quốc gia VN ký ngày 4-6-1954, gồm 4 điều khoản:

- Điều 1: Nước Pháp công nhận nước Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập có đầy đủ chủ quyền và thẩm quyền do quốc tế công pháp công nhận.
- Điều 2: Nước Việt Nam thay thế nước Pháp trong các quyền lợi và trách nhiệm do những hiệp ước mà Pháp đã ký thay cho Việt Nam.

- Điều 3: Nước Pháp cam kết chuyển giao cho Việt Nam thẩm quyền các công sở do Pháp chi phối trên lãnh thổ Việt Nam.

- Điều 4: Hiệp ước sẽ bắt đầu thi hành ngay sau khi ký kết và bãi bỏ tất cả mọi án văn trái ngược với hiệp ước trên đây. (Nam Đình-Kỳ Nam Nguyễn Thế Phương, Hồi ký lịch sử: 1923-1964, Nhật báo Thần Chung, Sàigòn, 1965) .(Lê Quế Lâm, Ibid)

(2). Bảo Đại thả tù cộng sản:


Ông kết tội Bảo Đại làm cho Cộng sản lớn mạnh:Vào ngày 02-05-1945, hoàng đế Bảo Đại đã ký một sắc luật phóng thích tất cả tù nhân chính trị mà trong đó 90% là cán bộ cộng sản….. Nhờ đó mà ngày một ngày hai (tháng 6, tháng 7, 1945) cả mấy ngàn cán bộ CS (trong dó có Lê Duẩn , Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương… toàn là cán bộ cao cấp)… để rồi làm ung thối chiến trường Miền Nam…” (trang 532)


Phạm Hồng Diễm trong bài «Đọc Ký Ức Huỳnh Văn Lang» đã trích dẫn nhiều sách:


-Ông Liêm Anh ghi: Ngày 06-07 [1945], ban hành lịnh ân xá toàn diện các tù nhân chính trị không cộng sản…” (Bảy Viễn, Một Đời Ngang Dọc, Nguồn Việt, trang 256)
Sáng sớm 29-8, các nhóm tù Côn Đảo đầu tiên vể tới bến Khánh Hội. Buổi trưa, một nhóm cộng sản vẫn còn mặc y phục tù khổ sai màu xanh trình diện sở cảnh sát trung ương. Bảy Viễn thấy trong số này co`Tôn Đức Thắng và Phạm Hùng. Cả hai vùa trải qua 15 năm cấm cố ở Côn Đảo. Giàu tức thời trao cho họ tiền, giấy thông hành, trưng d ụng một xe hơi và ra lịnh các trạm khắp nơi phải tiếp đãi nồng hậu. (sđd, trang 290)


Ông Ngô Vân viết:: Ngày 16 [9, 1945], trong khi một chiếc tàu và 25 chiếc ghe cập bến Côn Đảo để đưa các tù chính trị trở vế (trong đó có Tôn Đức Thắng, vụ ám sát ở phố Barbier, Phạm Văn Thiên tức Hùng, thoát tử hính năm 1933, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, thuộc ĐCS Đông Dương)… (Việt Nam 1920-1945, L’Insomniaque Editeur, Montreuil, 2000, trang 334)
Còn các ông cộng sản thì nói chinh các ổng đã mang tàu và ghe ra đón các đồng chí về: Chúng tôi về Sài Gòn thì tình hình có sáng sủa hơn. Liên Đoàn Thủy Thủ lấy chiếc tàu Phú Quốc bọn Nhật phá hư bỏ xó tại Ba Son… Bảy Ngạnh làm thuyền trưởng chiếc Phú Quốc ra đảo rước chính trị phạm… (Tà Lài Tụ Nghĩa, Nguyên Hùng, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, trang 431)


Phải mất một tuần để làm danh sách tù nhân… Danh sách đã làm xong, tàu Phú Quốc đưa năm trăm chính trị phạm về…
Anh Phạm Hùng lên tàu Phú quốc…. Đặc biệt có ông Tôn Đức Thắng… (sđd, trang 332-3, 204)


Không biết ông Lang lấy tài liệu ở đâu để mà chê trách như thế. Ông Bảo Đại cũng như cụ Trần Trọng Kim đâu đến nỗi ngờ nghệch như ông Lang tưởng” (3)



(3). Phủ nhận việc Mỹ ép Bảo Đại đưa ông Diệm về chấp chánh.

Ông viết: Thiết nghĩ khi bổ nhiệm Ngô Đình Diệm, quốc trưởng Bảo Đại có hội kiến với bộ ngoại giao Mỹ và cũng có thể với chánh phủ Pháp nữa, vì Pháp dù có thua trận ở Điện Biên Phủ trong tháng 5 rồi, nhưng vẫn còn nắm quyền ngoại giao và quốc phòng ở VN, với một đạo quân viễn chinh dù đã thua trận, nhưng vẫn còn hùng hổ, đang khi anh em NĐD lại có tiếng là chống Pháp. Cũng chắc chắn là chánh phủ Hoa Kỳ không có liên quan trực tiếp gì đến chuyện bổ nhiệm này, vì dù ông Diệm có bôn ba ở Hoa Kỳ gần 3 năm đi nữa, ông có quen thân với nhiều nhân vật có tiếng nói trong chánh trường Hoa Kỳ, nhưng thật ra Hoa Kỳ chưa nghĩ đến chuyện thay thế Pháp ở Đông Dương, cho đến khi chạm mặt với Nga/Tàu ở Hội Nghị Genève trong tháng 7, 1954.” (trang 512)


Có nhiều ý kiến giống Huỳnh Văn Lang song cũng có nhiều ý kiến trái lại.


a. Trong Con Rồng Việt Nam, cựu hoàng cho biết lý do Ngài chọn ông Diệm: vì sự giao hảo giữa Ngô Đình Diệm và Mỹ.(539)
b. Wikipedia.
Spellman helped Diệm to garner support among right-wing and Catholic circles [...].With the backing of the Eisenhower administration, Bảo Đại named Diệm as the Prime Minister.
c. Tài liệu mật của Ngũ Giác đài.
Diem appointed Premier of South Vietnam
Urged by America and France, Emperor Bao Dai named Ngo Dinh Diem premier of South (Free) Vietnam. Bao Dai remained legal, constitutionally recognized Chief of State.(The Pentagon PapersGravel Edition Volume 1, Chapter 4, "U.S. and France in Indochina, 1950-56"
(Boston: Beacon Press, 1971) Section 1, pp. 179-214- https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent9.htm
Cũng trong bài báo trên, Phạm Hồng Diễm viết: Không một tên dân quèn nào có quan tâm đến thời cuộc mà lại cho rằng “Hoa Kỳ không liên quan trực tiếp đến chuyện bổ nhiệm này”. Dĩ nhiên cũng tùy theo hiểu “trực tiếp” là gì. Nhưng ngay trên, chính ông Lang nói “quốc trưởng Bảo Đại có hội kiến với bộ ngoại giao Mỹ và cũng có thể với chánh phủ Pháp nữa” thì thừa ngụ ý ai cầm trịch rồi. Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam ngay từ 1945, khi Hồ Chí Minh nắm chính quyền. Do đó mới để
Pháp trở lại và viện trợ cho Pháp chống cộng. Pháp chống không nổi, 1954 Mỹ phải nhảy vào.
(4). Trưng cầu dân ý
Đây là việc cướp quyền đầy thủ đoạn gian manh . Huỳnh Văn Lang ca tụng việc này và đã ra tay hành động Đầu tiên là bọn họ lập một hội nghị ma mà Huỳnh Văn Lang khoe khoang là tính cách đại diện bao quát của Hôi nghị, chưa bao giờ miền Nam có một Hôi nghị gồm đại diện của những 18 đoàn thể nếu không nói là chính đảng và có những 34 nhân sỉ tên tuổi .


Về điểm này, Phạm Hồng Diễm trong bài trên, viết:


“Ở đây tôi muốn nói đến tính cách đại diện bao quát của Hội Nghị, chưa bao giờ Miền Nam có một hội nghị gồm đại diện của những 18 đoàn thể, nếu không nói là chính đảng, và có những 34 nhân sĩ tên tuổi… Như thế có thể khẳng định tính cách đại diện bao quát của dân Miền Nam. Dù biết rằng có những đảng chính trị chỉ có vài ba chục đảng viên và không có một cây súng trong tay để đánh Pháp và chống cự CS Việt Minh (trang 523)… cuộc cách mạng truất phế quốc trưởng Bảo Đại này là tác động của dân Miền Nam nói chung, trong đó quần chúng Nam Kỳ Lục Tỉnh, qua các đại diện của họ, đã đóng vai trò chủ động, không ai có thể chối cãi điều đó” (trang 528-9).
Chỉ với sự lương thiện tối thiểu thì ta phải công nhận, ít nhất từ 19-8-1945 đến nay, chưa có cái gì là “đại diện bao quát của dân”. Xin đừng nói nhảm. Quốc hội Miền Bắc là bịp bợm, gian dối, gia nô. Quốc hội Miền nam là bịp bợm, gian dối, gia nô. Nhiều lắm, 18 đoàn thể kể ra chỉ đại diện cho đoàn viên của họ (nếu có đoàn viên) và 34 nhân sĩ chỉ đại diện cho họ (và may ra vợ con họ).
Huỳnh Văn Lang viết tiếp về trưng cầu dân ý:
Và ngày 23 tháng 10, 1955, quốc dân miền Nam đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Ngô Đình Diệm, náo nức kéo nhau đi đầu phiếu, và kết quả hết sức tốt đẹp cho thủ tướng Ngô Đình Diệm 5.838.907 cử tri đi bầu. 5.721.735 lá phiếu truất phế quốc trưởng Bảo Đại và bầu Ngô Đình Diệm lên thay thế, như là quốc trưởng Viêt Nam.


Như thế thủ tướng Ngô Đình Diệm thu về cho mình gần 98% số phiếu đi bầu. Thật ra thì thủ tướng Diệm không cần đến một phân suất cao đến thế. Vì ai ai cũng đinh ninh ông thắng và thắng lớn. Ai nói gì thì nói, theo tôi, kết quả hay những con số này hoàn toàn trung thực với ý người dân, nếu có một hai thùng phiếu không hợp lệ vì nhân viên chánh quyền quá sốt sắng đến chỗ ngu xuẩn, thì chỉ là một con số quá nhỏ, không đáng kể. (trang 534)


Phạm Hồng Diễm nhận xét: Hai con số trên hẳn nhiên ông Lang lấy từ báo cáo chính thức của Bộ Nội Vụ. Ông Lang lờ đi những con số khác.

Cộng với phiếu bầu cho ông Diệm (cũng chính thức theo Bộ Nội Vụ):


5.721.735 là

63.017 phiếu không chịu truất phế Bảo Đại

31.395 phiếu không có ý kiến

44.155 phiếu không hợp lệ


———–


5.960.302 TỔNG CỘNG.



Như vậy, dư ra: 5.960.302 – 5.838.907 = 121.195.
121.195 phiếu không phải là “một con số quá nhỏ, không đáng kể”. Bộ Nội Vụ công bố kết quả này thật là trơ trẽn, vô liêm, quá cả cộng sản (nếu không phải họ cố tình nêu ra với quốc dân bản chất của chế độ). Chưa kể ngay ở Sài Gòn tổng số cử tri là 450.000, mà số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến 650.000. Gian lận, bịp bợm quá rõ ràng. Mà là điều không hề cần thiết. Có nghĩa đó là bản chất rồi . Vậy mà ông Lang đổ cho nhân viên chánh quyền ngu xuẩn, thì là vu cáo quá hỗn hào. Là dân, chúng tôi hiểu có kẻ sốt sắng vì ngu xuẩn. Nhưng phần lớn là do nhà nước ông Diệm đã làm cho họ sợ. Sợ rắc rối lôi thôi, tù đày đến bản thân. Sợ bể nồi cơm của gia đình.


Bắt đầu chế độ bằng tiêu diệt những người cùng chiến tuyến, mua chuộc những kẻ phản phúc bằng tiền bạc, bầu bán lừa bịp, gian dối,… khiến hầu như mọi người ảo tưởng lúc đầu đều phải xa rời, phần lớn lại còn tích cực chống đối chế độ.
Dẫu sao, Ngô Đình Diệm cũng không xạo bằng Hồ Chí Minh. Phạm Hồng Diễm cho biết:
Ông Diệm vẫn còn thua xa ông Hồ: số phiếu dành cho ông Diệm vẫn ít hơn số cử tri (5.721.735/5.96.32); năm 1946, ông Hồ ứng cử quốc hội tại Hà Nội đạt 169.222 trên… dân số 119.000!



Lê Quế Lâm nhận định về trò trưng cầu dân ý:


Chính vì tình cảm này, người dân Nam Kỳ hết sức đau buồn khi thủ tướng Diệm triệu tập 18 chánh đảng và nhân sĩ quốc gia chỉ vỏn vẹn có 52 người, tham dự hội nghị ngày 29/4/1955, đưa đến kiến nghị truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Theo ông Huỳnh Văn Lang, đó là “lực lượng vô song, nói ở đây là Quốc-Dân”. Ông Huỳnh Văn Lang nói rõ trong sách của ông “Một điều cần nói ở đây là khi thủ tướng đi tìm một lực lượng vô song đó, không phải là không có cố vấn của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, lúc đó là ai? Là Ngô đình Nhu, là Trần Quốc Bửu, Trần trung Dung, Trần chánh Thành, có cả Bác sĩ Bùi kiện Tín và cả nhóm Tinh thần, trong đó có Bs Hùynh kim Hữu. Biết rằng tất cả những nhân vật nầy không một ai gia nhập Cần lao, nhưng đều chấp nhận chủ trương của ông Ngô đình Nhu và do ông Nhu chi phối theo đường hướng Cần Lao của ông”.


Ông Huỳnh Văn Lang còn nêu tên “18 đoàn thể nếu không nói chính đảng”: Mặt trận quốc gia kháng chiến Việt Nam, Việt Nam phục quốc hội, Thanh niên Quốc dân xã Việt Nam, Dân chủ Xã hội, Phong trào tranh thủ độc lập Việt Nam, Phụ nữ quốc dân xã Việt Nam, Tịnh độ Phật giáo Việt Nam, Tổng liên đoàn lao công Việt Nam, Việt Nam Cần Lao Nhân vị Cách mạng đảng, Phong trào cách mạng quốc gia, Tập đoàn công dân, Nhóm Tinh thần, Xã hội Công giáo, Thanh niên dân chủ Việt Nam, Cựu chiến sĩ kháng chiến Việt Nam, Hội tương trợ đồng bào Nghệ Tỉnh Bình.


Điểm qua danh sách các chính đảng và đoàn thể trên, ai cũng thấy rõ đó là những tổ chức do đảng Cần lao lập ra hoặc là thân hữu của ông Diệm hoặc bị chính quyền mua chuộc. Điển hình là Việt Nam Dân Xã đảng Hòa hảo của Nguyễn giác Ngộ do bí thư Nguyễn bảo Toàn đại diện, Việt Nam Phục quốc hội Cao đài của Nguyễn thành Phương do Hồ hán Sơn đại diện và Mặt trận Quốc gia kháng chiến của Trịnh minh Thế do Nhị Lang đại diện. Cả ba nhân vật trên giữ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký Ủy ban Cách mạng Quốc gia, kiến nghị truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Sau đó, Nhị Lang bị kết tội thâm lạm biển thủ trên một triệu đồng của Uỷ ban Cach Mạng Quôc Gia, nên trốn sang Miên. Còn Hồ Hán Sơn chạy về Tây Ninh và bị giết một cách bí mật. Ông Nguyễn Bảo Toàn, bị mật vụ ông Diệm bỏ vào bao bố liệng xuống sông. Đó là số phận của những người đã tích cực ủng hộ ông Diệm truất phế Bảo Đại.(Lê Quế Lâm, Ibid)


Đỗ Mậu tố cáo Ngô Đình Diệm gian lận: “Dân chúng miền Nam đến phòng phiếu để chọn lựa giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm theo hai câu thơ trước đó đã được bộ máy thông tin của ông Diệm ra rã suốt ngày đêm và xuất hiện đầy dẫy trên các bờ tường hè phố: “Phiếu xanh ta bỏ vô bì, Phiếu đỏ Bảo Đại ta thì vất đi”.


Kết quả chính thức cuộc Trưng cầu dân ý được đăng vào công báo là 5.721.735 phiếu xanh có hình ông Diệm (98.2%) và 63.107 phiếu đỏ có hình Bảo Đại (1.1%). Tại Sàigòn tổng số cử tri là 450.000 mà số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến 650.000, nghĩa là số phiếu gian lận là 200.000. Giữa thủ đô Sàigòn có tai mắt quốc tế mà còn gian lận trắng trợn như thế, thử hỏi tại các tỉnh, tại thôn quê thì sự gian lận đến mức nào? [..]“vị thế của mình là cán bộ trung kiên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với tư cách là chủ tịch Phong trào Cách mạng Quốc gia của bốn tỉnh duyên hải miền Nam Trung phần, tôi đã hăng say hoạt động cho chiến dịch truất phế Bảo Đại. Những tài liệu do Bộ Thông tin Sàigòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong trào Cách mạng Quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của Bảo Đại: Bảo Đại bù nhìn, dâm ô, tham nhũng, vô đức, vô tài... Lên án chưa đủ, chỉ thị còn bắt buộc phải khơi dậy lòng căm thù Bảo Đại trong quần chúng nữa! Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải do chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách chà đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như một hiện thân xấu xa nhất hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đỉnh. Hai đài phát thanh Sàigòn và Huế phối hợp với báo chí liên tục mạt sát Bảo Đại và thúc dục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại”. (Hoành Linh-Đỗ Mậu, Sđd, tr. 219-222)


Trong những năm oai phong làm cận thần của họ Ngô, vì danh lợi ông phải nói láo làm xằng, nhưng sau 1975, thời gian khá xa, ông có khoảng cách để nhìn lại, nhất là khi ông có ý “phản chủ’, tống xuất gia đình Ngô Đình Diệm, sao ông lại quay về con đường nô lệ ngày xưa?



(5). Đổ tội báo chí


Huỳnh Văn Lang viết khi ông đưa ý kiến lên Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ sau 1-11-1963 :

Báo chí, phải biết lợi dụng cái quyền thứ tư này, chính nó làm cho chính phủ Diệm suy sụp.


Hoàng Hải Thủy chất vấn họ Huỳnh:

Tôi xin hỏi ông: Báo chí Sài Gòn đã làm những thủ đoạn gì làm cho chính phủ Diệm suy sụp? Ðã ca tụng, tâng bốc chính phủ? Ðã đả kích chính phủ? Chuyện báo Sài Gòn đả kích chính phủ Ngô Ðình Diệm là không có. Không có 500%. Tất cả im re, chịu phép. Còn việc báo chí tung hô Tổng Thống và chính phủ thì làm sao mà chính phủ suy sụp đến cái độ bị lật đổ ( Hoàng Hải Thủy. Người lnh cai trị.

https://hoanghaithuy.wordpress.com/2013/04/23/nguoi-linh-cai-tri/ )




3.Chủ quan


Ông tự hào là người Nam duy nhất được Ngô Đình Diệm để mắt xanh, và chính ông và toàn thể nhân dân Nam Kỳ ủng hô Ngô Đình Diệm trong vai trò thủ tướng và tổng thống . Ông ca tụng thành tich Cần Lao của ông trong bài ba lá trưng cầu dân ý:


Với chức vụ Bí thư Liên Kỳ Bộ Nam Bắc Việt, tôi đã trở thành một cố vấn đa dạng (tiền tệ, văn hoá và an ninh) của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và cũng là chứng nhân cho những biến cố lịch sử kể ra sau đây. Thật ra, từ đây vai trò của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng càng ngày càng trở nên quan trọng và rõ ràng hơn.


Cũng lạ là trong những cuộc khủng hoảng vừa kể trên những người cận kề bên ông Diệm nhứt toàn là người Trung hay người Bắc, chỉ có một mình tôi là người Nam, mà cuôc Cách mạng Truất phế Bảo Đại lại hoàn toàn là do tác động của người miền Nam. Có phải vì thế mà thủ tướng Diệm phải suy nghĩ cả 2 tháng mới khởi sự hành động một cách dứt khoát với Bảo Đại.


Khi ông về nước và khi ông lãnh đạo Cần Lao có vài người nữa, không phải riêng ông như. Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Văn Tỵ, Dương Văn Minh, Đỗ Vạng Lý.. Còn ông nói dân Nam Kỳ ủng hộ Ngô Đình Diệm là sai. Ông Diệm ngồi vững là do quân đội, CIA, tiền bạc và vũ khi Mỹ ngay trong cuộc tàn sát giáo phái. Dân Nam Kỳ làm sao ưa Ngô Đình Diệm khi ông tận diệt Cao Đài, Hòa Hảo? Hơn nữa, trong dân Nam Kỳ có mấy ông "Nam kỳ quốc' rất ghét người Trung và Bắc. Dân Trung kỳ lưỡng đầu thụ đich. Dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa ghét dận Trung vì Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu là dân miền Trung độc quyền cai trị miền Bắc. Còn trong Nam, mấy ông "Nam kỳ quốc "ghét cay ghét đắng” bọn Trung Kỳ vì cái gia đình trị của Ngô Đình Diệm và vụ tàn sát giáo phái. Họ cũng ghét bọn Bắc Kỳ. Cái đám theo GPMN, theo cộng sản cũng vì "phân biệt chủng tộc". Nhưng than ôi, sau mấy năm sống chung với cộng sản, Nam kỳ bị Bắc kỳ đô hộ, các ông Nam kỳ quốc mới thấy bọn Bắc kỳ 54 rất dễ thương!


4.  Ngôn ngữ  hồ đồ, hungdữ


(1). Thiếu thận trọng, vu khống

+ Ông trách các tướng lãnh do thực dân đào tạo, còn ông có do thực dân đào tạo không?

+ Ông xúc phạm phụ nữ Phật giáo và Thiên chúa giáo, đặc biệt là Phụ nữ liên đới, vây cánh của bà Nhu:“Các nữ sinh viên Phật tử hiến thân cho anh hùng cách mạng, các bà Phụ Nữ Liên Ðới đem thân xác chuộc tội.”


Các nhà báo bình thường, có chút lương tri và thận trọng nghề nghiệp không bao giờ viết thế. Hoàng Hải Thủy phản bác ông Huỳnh về đoạn văn trên:


Tác giả Ký Ức Huỳnh Văn Lang viết quá đáng. Theo tôi không có chuyện nữ sinh viên Phật Tử hiến thân cho các ông Tướng – số nữ sinh Phật Tử tham gia cuộc hạ bệ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không nhiều – còn chuyện các bà Phụ Nữ Liên Ðới đem thân xác chuộc tội thì bà nào cũng năm bó, sáu bó tuổi đời, nhan sắc thuộc loại ma chê, quỉ hờn, thân xác bệu nhệch nát hơn cái mền Sakymen, Xưởng máy ở chân cầu Bình Triệu.. Nàm thao mấy ông Tướng có thể nhận trò đem thân chuộc tội của mấy bà này!(Hoàng Hải Thủy, Người lính cai trị.

https://hoanghaithuy.wordpress.com


+Trong khi Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Mậu chỉ nêu lên một vài kẻ xấu, ông chỉ trích hầu hết tướng tá hóa ra “bè lũ Diêm Nhu” toàn là bọn ác nhân thất đức như lời cộng sản tuyên truyền!! Nếu ông chỉ trích một vài người thì không sao, đằng này ông bôi xấu hầu hết tướng lãnh miền Nam,Và nói như vậy là ông miệt thị chủ nhân của ông và đảng Cần Lao của ông! Chủ tàn ác, ngu si mới dùng thủ hạ ngu si, tàn ác. " Cha nào con nấy " " Thầy nào tớ nấy" , " Rau nào sâu nấy". người đời có sự liên kết như vậy, ông không biết sao?

Ông chửi các tướng lãnh là chửi họ Ngô, chủ nhân của ông!Than ôi, một tập đoàn xấu mà lại có ông trong đó, lại là một con giòi trong những con giòi bự nhất của đống phân chế độ! Cổ nhân nói” Đánh chó phải ngó nhà chúa” là như vậy đó! Xem ra mức độ thù hận và tàn độc thì Huỳnh Văn Lang rất cao siêu, ghê gớm. Không biết khi ông nắm quyền Cần Lao thì oai hùng biết là bao!

Hơn nữa, ông và các tướng lãnh đều mưu đảo chánh họ Ngô. Nếu Dương Văn Minh thất bại, thì ông cũng như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu... đều bị xử bắn, Nếu không bị xử tử, ông Huỳnh cũng lãnh án chung thân. Ông và các tướng lãnh đảo chánh  cũng là tội nhân của họ Ngô nào khác gì mà ông mắng chửi họ? Còn về đạo đức ư? Việc ông hoạt động diệt các giáo phái, tàn sát bao người,  lật đổ Bảo Đại và việc ông dấn thân vào kinh doanh làm sao có được tâm hiền và tay sạch. Người ta nhân đức và đại lượng không tố cáo ông đó thôi. Ông và Cần Lao cũng đồng chủng loại, sao ông nỡ nặng lời kết tội họ.
  Thật là:
Chân mình thì lấm, lại cầm bó đuốc đi rê chân người

Kể ra các tướng lãnh cũng có tâm khoan, không thấy ai chửi mắng lại ông, chỉ có những lời than phiền nhẹ nhàng!
Giao chỉ Vũ Văn Lộc trong bài trên nhận xét về việc này như sau :
Người xưa nói rằng. Dân thế nào thì vua thế ấy. Quân ra sao thì tướng như vậy. Tướng lãnh của chúng tôi mà xấu xa tệ hại như thế, thì thuộc cấp còn ra làm sao. Dù rằng thực ra, nằm trong chăn chúng tôi biết chăn có rận. Trải qua bao năm quân ngũ, trực tiếp dưới quyền các tướng lãnh như thế, làm sao tôi không biết là các niên trưởng của tôi có những sai lầm tệ hại. Nhưng ngày nay rõ ràng vì thù hận mà tác giả lên án nặng nề. Thử hỏi, hàng cấp dưới chúng tôi, ai chả đau lòng. Nghĩ đi nghĩ lại, các vị tướng mà bác Lang nhắc đến tên từ Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Trần Văn Đôn, Trần Tử Oai, Mai hữu Xuân, Lê Văm Kim xem ra đều dốt và hèn. Nhưng các vị niên trưởng khác của chúng tôi lên tướng đợt sau nhưng cũng có lúc vẫn vừa dốt lại vừa hèn. Ngay như thân phận anh em cùng khóa chúng tôi, có người chưa tốt nghiệp trung học mà đã ra trường sĩ quan. Nào có cơ hội học hành gì đâu mà tránh được bản án dốt nát. Sau này trải qua 21 năm chinh chiến, chuyện tứ đổ tường trong chúng tôi, anh nào cũng có lúc ra vào thông thả...”


Vì vậy nghe bác chửi thượng cấp, làm sao lại không đau lòng. Lại xin có lời thưa rằng, xem lại các thượng cấp dốt nát mà bác chê bai chửi bới thì trăm phần trăm là do tổng thống Ngô Đình Diệm tin cậy, với sự cố vấn hết sức tinh tế của ông Ngô Đình Nhu. Rồi mới thăng cấp và bổ nhiệm. Làm sao các ngài lại để ra cớ sự như vậy. Lính tráng và các sĩ quan cấp dưới chúng tôi đâu có bầu ra tướng lãnh. Bác từng là đệ nhất công thần của chế độ, ngày xưa khi vua bị giết, quan đại thần phải chết theo. Nay bác chỉ bị tạm giữ, xem mấy ông tướng vẫn còn sợ nhân vật Cần Lao số 2 của chế độ. Lại nói về Cần Lao, xin báo cáo bác rõ dù muộn màng gần 50 năm, là ở cấp dưới chúng tôi đã khổ vì mấy ông Cần Lao biết chừng nào.(4).


Diệu Tần phát biểu:
Trong buổi ra mắt sách tại Vivo San Jose vào chiều Chúa Nhật (31/6/2012), trong phần giới thiệu tác phẩm, nhà văn Diệu Tần “có nêu lên các nhận định của bác Huỳnh Văn Lang về Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa. Đặc biệt các đoạn tác giả lên án hoặc nhắc lại các lời phê phán về tướng lãnh trong vụ đảo chánh. Những lời phê phán hết sức nặng nề. Một đoạn ghi rõ nhất khi tác giả nhắc lại ý kiến của Phạm Ngọc Thảo và cho rằng Đại tá quân báo Connor cũng ghi nhận như vậy. Nguyên văn như sau: ‘Minh là đại ca đại ngu. Đôn là thằng đểu. Đính là thằng dốt. Đỗ Mậu gian, Kim là điếm chính trị, Oai là thằng hèn, Xuân là tên đại ác...’.Trong suốt tác phẩm, tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần các tướng lãnh cầm quyền ngu, dốt, gái, tiền”.( Lê Quế Lâm. Đọc Ký Ức Huỳnh Văn Lang để hiểu rõ thảm họa của dân tộc xuất phát từ đâu? (Phần II)
(2). Kiêu căng, khinh người.
Huỳnh Văn Lang làm chính trị mà viết và nói sống sượng và vô chính trị khi ông miệt thị các tướng lãnh là võ biền, võ phu. (Ký Ức II).
Trong xã hội có nhiều hạng người như nho gia đã phân loại sĩ nông công thương, mỗi hạng có một nhiệm vụ, một khả năng. Trong quốc gia có văn lẫn võ, sao lai khinh khi võ biền? Nếu ông làm Tổng thống, Thủ tướng, ông có dùng quân đội và các tướng tá không? Khi làm nhân vật Cần Lao số 2 của chế độ, há chẳng phải dưới ông có nhiều tưóng tá? Và khi mưu đảo chánh, ông cũng đã liên lạc, chạy vạy với các tướng hay sao?


(3).Nặng lời


Rất nhiều văn gia, sĩ quan, tướng lãnh viết Hồi ký. Họ đã sống 10 - 15 năm tù đày nhục nhã, mất địa vị và gia sản nhưng khi kể việc quá khứ, hầu hết đều có tâm bình hòa. Còn Huỳnh Văn Lang chỉ ngồi tù khoảng hai năm, không phải ăn sắn khoai, không phải chém tre, đẵn gỗ trên ngàn, gia tư có mất chút đỉnh nhưng sau đó vẫn huy hoàng..Ông là Cần Lao gộc, cánh tay đắc lực của Phạm Ngọc Thảo một tên  cộng sản nguy hiểm mà   không bị  trừ khử, thế là các tướng lãnh rộng rãi với ông, và đời ưu đã lắm rồi mà ông không biết. Khổng tử nói:. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc,ngũ thập nhi tri thiên mệnh;lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ. (Ba mươi tuổi biết tự-lập, bốn mươi tuổi mới thấu-hiểu hết sự lý trong thiên-hạ, năm mươi tuổi mới biết mệnh trời, sáu mươi tuổi mới có kiến-thức và kinh-nghiệm hoàn-hảo, và bảy mươi tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý-muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn-khổ đạo-lý).Nhưng Huỳnh Văn Lang không nằm trong các trường hợp trên. Theo thông thường, tuổi tám chín chục là tuổi đã hạ hỏa, lại là người Nam  kỳ, vốn hiền lành nhân đức sao ông lại bừng bừng sát khí, hận thù đằng đằng như vậy? Vũ Văn Lộc, Hoàng Hải Thủy, Lê Quế Lâm, Diệu Tần , Phạm Hồng Diễm  và Hứa Hoành.. (5). đều phán nàn ông nói nặng lời! Đặc điểm của Huỳnh Văn Lang là ngôn ngữ hận thù vô cớ. Các hồi ký chính trị của ông chỉ có mục đich khoe thành tich Cần lao của ông, không có cống hiến gì mới cho tài liệu lịch sử ngoại trừ âm mưu đào chánh của ông.


____

CHÚ THICH

(1).Hoàng Hải Thũy. (.Người lính cai trị.-https://hoanghaithuy.wordpress.com . 
[1] Lê Quế Lâm. Đọc Ký Ức Huỳnh Văn Lang để hiểu rõ thảm họa của dân tộc xuất phát từ đâu? (Phần III). ucchau.ndclnh.com
(3). Phạm Hồng Diễm  «Đọc Ký Ức Huỳnh Văn Lang». www.buinhuhung.com 
(4). Giao-Chỉ Vũ Văn Lộc: Mạ Lỵ Tướng Lãnh VNCH..www.buinhuhung.com/
(5). Hứa Hoành. . Ông Huỳnh Văn Lang tiết lộ nhiều bí mật lịch sử hời đệ nhất cộng hòa (1955-1975)   http://www.vietnamdaily.com/?c=article&p=14236

No comments: