Thursday, November 24, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = TRUNG CỘNG VIỆT CỘNG


TRIỀU PHONG * ĐÊM ĐÔNG

Đêm Đông Không Nhà*

Tác giả/Nhân vật: |28-12-2015| 29 lần xem | |
Bước ra khỏi “barrack” lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm như ngày xưa được thả ra khỏi trại lao động dù chưa biết phải đi đâu. Hít một hơi thật dài, không khí trong lành vào đầy ắp buồng phổi. Chao ôi, cái mùi của gió biển nồng nàn thoáng qua mới thấy đã làm sao! Mùi của tự do đây mà! Cái mùi mà tôi đã mất hơn mười bốn năm trời để đi tìm kiếm đến bây giờ mới có được đây các bạn ơi! Đó là một ngày giữa tháng Sáu năm 1989 ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) của Phi Luật Tân mà tôi còn nhớ.
Sau khi cùng Đủ, cô gái đi chung ghe, chia một ít đồ dùng xã hội của Cao Ủy tị nạn cấp cho mỗi hai người xong chúng tôi tạm biệt để lo tìm đường về nhà mới ở ngoài khu. Đứng xớ rớ nhìn dãy nhà lá lụp xụp và mấy con đường nho nhỏ chằng chịt trước mặt tôi hơi hoang mang. Cúi xuống nhìn tờ giấy đang cầm trên tay mà Ban Kế Hoạch vừa phát cho rồi ngước lên, dáo dác ngó xung quanh. Nhà số Ba, khu Tám! Chà, không biết ở đâu đây? Một người phụ nữ tuổi trung niên, dáng cao, gầy, có khuôn mặt đen sạm, khắc khổ bước ngang qua. Tôi đón lại hỏi thăm.
Lần theo hướng chị ta vừa chỉ, tôi bước thấp bước cao qua các con đường lởm chởm đá. Phi là đảo quốc do đó hầu như đất ở đây lẫn đầy đá được cấu tạo từ vôi nên lâu ngày trở nên cứng vô cùng, đi rất đau chân. Ngang qua mấy con hẻm nhỏ tôi thấy nhiều người đứng ngồi, tán dóc rôm rả, con nít thì tụm năm tụm bảy vui đùa rượt bắt, hò hét inh ỏi. Bên hông nhà người ta để lỉnh kỉnh các bình nhựa bốn lít (litre) và rất nhiều chai hũ ngoài nắng mà tôi không biết chứa thứ gì bên trong nhưng mỗi khi có người tới gần thì ruồi nhặng lại bay lên loạn xạ trông thật ghê rợn. Sau này tôi mới biết đó là những bình hũ người ta dùng để đựng đầu cá, ruột cá, cá con, cá ươn…trộn với muối, phơi nắng làm nước mắm mà hàng tháng lúc Cao Ủy đi khám trại, ông Jun, Trưởng Ban Vệ Sinh, đã cho nhân viên tịch thu tất cả các thứ này mang đi vứt chẳng biết bao nhiêu lần!
Khi đi ngang qua ngôi nhà đầu hẻm tôi thấy trước hàng ba có khoảng hơn mười thanh niên đang ngồi uống bia, ở trần trùng trục cười nói oang oang, có người mặt đỏ ngầu, mắt long lên song sọc trông thật dễ sợ. Một người lên tiếng lúc thấy tôi:
- Nhìn ông này là biết trong barrack mới ra. Chắc ổng phải ở đây trồng hai cây dừa là ít!
Tôi biết họ muốn ám chỉ đến cái “cut off date” hai mươi mốt tháng ba năm 1989 nên phải qua CPA (The Comprehensive Plan of Action) ấy mà. Đó là chương trình thanh lọc để xác định tư cách tị nạn của thuyền nhân đến đảo sau ngày đóng cửa trại; một chuyện vô cùng hệ trọng mà những ngày ở trong barrack tôi luôn nghe mọi người bàn tán với đầy nỗi lo âu sợ hãi. Và khi dùng từ “trồng dừa” là ý họ muốn nói tôi sẽ phải ở lại đây lâu có thể tới sáu năm vì một cây dừa từ khi bất đầu trồng đến lúc có trái là mất đến ba năm.
Tiếng nhạc mở ra từ chiếc cassette để trên bàn sau lưng họ vang lừng cả xóm “Sàigòn ơi, ta có ngờ đâu rằng! Một lần đi là một lần vĩnh biệt. Một lần đi là mất lối quay về. Môt lần đi là mãi mãi thương đau. Người tình ơi, ta có ngờ đâu rằng! Một lần đi là nghìn trùng cách biệt…Giọt nước mắt cho anh, giọt nước mắt cho em, giọt nước mắt cho bạn bè. Lệ khóc cho mẹ già, lệ khóc cho người tình ở lại quê hương…”
Lời ca đó lúc này nghe thật não nuột và tôi nhận ra ngay đó là bản “một lần đi” của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh mà tôi thường lén lút nghe nho nhỏ qua đài VOA khi còn ở Việt Nam. Hôm nay đây là lần đầu tiên được nghe nhạc to lớn, công khai giữa thanh thiên bạch nhật làm tôi vô cùng thích thú dù đang lo lắng trước hoàn cảnh hiện tại nhiều khó khăn của mình. Đúng là được tự do thì có tất cả!



Tác giả cùng một đồng nghiệp ở IOM và Josh, cũng là thầy giáo Anh Văn tại trại PFAC trong đêm Giáng Sinh năm 1994.
Cuối cùng tôi cũng đã tìm được ngôi nhà tôi sẽ ở. Nó nằm cạnh vòi nước của khu, sát gần phi đạo. Nhìn cảnh người ta chen lấn sắp từng hàng dài ngoằn với nào là xô nhựa, các bình lớn nhỏ chứa từ bốn lít tới hai mươi lít nằm xếp lẫn lộn chờ lấy nước tôi bỗng thấy oải. Tiếng ồn ào, tiếng người cười nói, tiếng chửi thề huyên náo cả một vùng. Tôi nhủ thầm trong bụng “trời, nhà ngay đây thì ở sao nỗi trời!”
Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn đi vào. Bốn năm thanh niên đang nằm ngồi lỗn ngỗn trên chiếc chỏng tre ở phòng ngoài trò chuyện chợt im bặt khi thấy bóng tôi thấp thoáng nơi nghạch cửa.
- Anh được chia vào nhà này hả? Người vừa lên tiếng hỏi là một anh thanh niên cũng cở trạc tuổi tôi. Sở dĩ anh ta hỏi là vì anh thấy tôi tay cầm tờ giấy đứng lóng ngóng bên ngoài thì anh ta đã đoán được tôi là “newcomer” rồi.
- Dạ.
- Cái Ban Kế Hoạch này kỳ cục thiệt nha. Nhà này hai mươi hai người rồi bây giờ thêm anh nữa thì anh ngủ ở đâu? Vì anh biết, tối ở chỗ này là tám thằng, trong phòng kia là “hộ gia đinh” nên đã có một cặp, trên gác Cao Ủy thì chín mạng bên này là gác tư nhân tức là tự người ta bỏ tiền túi ra làm và gia đình họ có ba người…
Vừa nói anh vừa đưa tay múa vòng vòng xung quanh và giơ ngón trỏ chỉ lên chỉ xuống. Anh nói một hơi làm tôi bối rối, mắt cứ ngó theo bàn tay vung vẫy của anh mà cảm thấy ngượng ngùng trước sự từ chối thẳng thừng ấy. Giải thích xong anh ta ngừng lại giây lát, tôi nhất thời chưa biết phải làm gì trước tình cảnh bất ngờ ấy. Có lẽ như thấy được cảm giác bẽ bàng đó của tôi người thanh niên trẻ ngồi kế bên chợt lên tiếng:
- Thôi vô đây nói chuyện chút đi, “người khách không mời” mà tới!
Nói đoạn anh ta nhích vào trong nhường khoảng trống ngoài đầu chỏng cho tôi. Tuy biết là anh ta đùa nhưng tôi cũng cảm thấy tủi bởi hôm mới vào barrack, ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen đã xuống thăm và cũng gọi những người chúng tôi như vậy. Thế là tôi bước vào và sau một lúc hàn huyên thăm hỏi nguyên quán, nơi ăn chốn ở bên Việt Nam, chuyến đi vượt biên thế nào thì chắc có lẽ họ thấy tôi cũng không đến đổi gì nên anh Minh, người thanh niên ban đầu, bây giờ tôi biết là chủ nhà, quyết định:
- OK, thôi ông ở đây đi. Có đồ đạc nào thì mang vào luôn!
- Dạ, cám ơn anh. Tui cũng không có gì nhiều, chỉ có hai bộ đồ và một ít thứ mới được cho thôi.
Nói xong tôi giơ gói đồ nhỏ xíu bỏ trong bao ny-lông mà ở đây họ gọi là “bì bóng” đang cầm trên tay lên. Bổng nhiên thằng nhỏ trạc độ chín hay mười tuổi nãy giờ ngồi im trong góc chợt cất tiếng:
- Ban ngày ở trong nhà. Tối ra ngoài ngủ làm “cứm dòi nước!”
Mọi người cười ầm trước câu nói khôi hài của nó, riêng tôi thì ngơ ngác hỏi lại:
- Cứm dòi nước là gì?
Long, tên người thanh niên thứ hai, ngó qua cái cửa sổ to lớn được mở lên bằng một cây chống nhìn đám đông đang đợi lấy nước bên ngoài hất hàm:
- Cứm dòi nước là làm đại ca phân phát nước ở ngoài này nè!
- À, ra là vậy.


Tôi cười giả lả không hỏi thêm nhưng ít hôm sau tôi hiểu cụm từ ấy là “cớm vòi nước” vì đi đâu cũng nghe nói tới, và rồi tôi biết thêm được rằng đó là một cái “job thơm” bởi có rất nhiều tay đàn anh hay băng nhóm muốn thống trị chuyện chia nước này. Nếu ai giành được quyền phân phát nước cho đồng bào trong khu thì họ sẽ được tiền, được quà cáp và thậm chí còn được cả tình yêu nữa. Có nhiều tay anh chị cặp được bồ hay lấy được vợ là cũng nhờ vụ chia nước này. Do đó vì miếng mồi ngon béo bở ấy mà không thiếu gì chuyện đánh lộn hay đâm chém hoặc giành giựt đặc quyền xảy ra giữa các băng đảng. Không biết ở những trai tị nạn khác thì sao chứ tại PFAC thì đó là một ung nhọt lỡ lói mà Ban Điều Hành trại không thể chữa lành.
Trong lúc bọn tôi ngồi đấu láo thì mấy cô đi lãnh lương thực về và vào bếp nấu nướng. Đến trưa, anh Minh leo ra khỏi chỏng bước xuống đất, ngó thằng nhỏ:
- Thôi Bon dọn bàn ăn cơm đi, đói rồi. Hôm nay cho ông này “tắp đảo” một bữa luôn.
Mọi người giải tán, lục tục đứng dậy. Khi thức ăn, chén bát được dọn lên bàn, bảy tám người ngồi vào. Nhận thấy sự có mặt của mình lúc này ở đây là thừa thải nên tôi dợm bước ra ngoài thì tiếng anh Minh vang lên sau lưng:
- Ông kia hổng ăn à?
Cô gái yên lặng từ lúc tôi vào đến bây giờ mới nhỏ nhẹ:
- Ảnh đâu có hiểu “tắp đảo” là gì!
Mọi người lại cười ầm lên. Thằng Long giải thích:
- Dân vượt biên làm gì mà chẳng biết từ “tắp đảo!” Trưa nay sẳn tiện mời anh tắp đảo ăn với tụi em luôn.


Bữa cơm hôm đó gồm có cá hộp được cho thêm gia vị như hành tỏi mắm muối rồi bỏ lên chảo xào lại làm món mặn, canh đu đủ nấu với thịt heo có thêm rau muống luộc và một chén nước mắm sống nữa. Đó là buổi ăn ngon nhất của tôi sau cả tháng trời đói khát. Ăn uống no nê xong, Nhung; người con gái nấu nướng cho cả bọn lại dọn dẹp, còn mọi người lại nhảy lên chỏng ngồi tán dóc tiếp.
Riêng thằng Bon thì lăng xăng chuẩn bị sang trường AMDEV mà lâu ngày quá tôi không còn nhớ nó được viết tắt từ những chữ gì nhưng thường nghe bà con gọi là Êm Đẹp để học tiếng Pháp vì sắp đi Canada định cư.
Rửa chén bát xong, Nhung từ trong bếp bước ra đến gần bên anh Minh:
- Anh Be, anh Be…cho em một đồng mua đé!
Anh Minh nghiêng người, thò tay vào túi móc ra một peso** đưa cho cô gái. Cô vói lấy cái ca nhựa đi ra ngoài, chừng độ năm phút sau thì trở vô, trong ca có một cục nước đá. Cô rửa sạch cục nước đá rồi cho nước lọc vào bưng lên để trên bàn trước mặt mọi người. Bấy giờ thì tôi đã biết trong nhà này em út gọi anh Minh là anh Ba và hiểu câu cô vừa nói.
Từ đấy tôi ở đó với họ. Họ là những người đến trước ngày “cut-off” nên đương nhiên được quyền tị nạn mà thiên hạ thường gọi là dân PA (Politic of Asylum) và đám chúng tôi là PS (Politic of Seeker). Đa số thuyền nhân ở trại PFAC là người từ Nha Trang đổ ra miệt ngoài, tôi sinh trưởng trong Saigon chưa bao giờ ra Miền Trung nên đâu biết gì ngoài đó. Vì vậy tôi nghĩ không biết những người tôi sống chung trong thời gian sắp tới sẽ ra sao, nhưng dù là người dân ở đâu chăng nữa thì cũng đều là người Việt Nam, có chung một cội nguồn, cùng chung một kiếp nạn, chịu chung một số phận nên phải đùm bọc nhau như ca dao tục ngữ có câu “nhiễu điều phủ lấy giá guơng, người trong một nước phải thương nhau cùng!” Bởi thế nên tôi vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh mà không có chút băn khoăn nào cả.\
Tuy nhiên mặc dầu đã đến bến bờ tự do nhưng những ngày đầu tắp đảo cũng lắm nhiều đắng cay. Bởi một hôm đi lãnh lương thực tôi tình cờ gặp lại mấy người quen cùng ghe tôi mới biết là mình còn may mắn vì gặp được những người hiền và tốt chứ như chị Hạnh với đứa con gái nhỏ thì thật tội. Ngày chị tới, các người trong nhà của chị đuổi chị ra không cho vào khiến chị và đứa bé phải ngồi suốt buổi bên hông nhà. Chị kể lại với tôi trong tức tưởi ngẹn ngào, nước mắt lưng tròng, cuối cùng chị đành phải ẳm con đi tìm chỗ khác!
Đó chỉ là sự bắt đầu cho một chuỗi đau thương tiếp nối ngày sau mà đám người quyết chí ở lại tranh đấu sống chết cho tự do của chúng tôi đã chịu đựng. Thời ở trong trại giam Chí Hoà (T30) năm xưa tôi đã tìm cho riêng mình một phương pháp và rèn luyện thành cách lấy “cái tịnh bên trong mà chế ngự cái động ở ngoài” để giúp tôi tồn tại qua muôn vàn khó khăn nên tôi rất quyết tâm, chấp nhận sự thực phủ phàng mà sống gần mười một năm trong trại tị nạn với ý tưởng “phải vượt qua nghịch cảnh bằng mọi giá, về là chết!”
*
Khi ổn định cuộc sống xong tôi bắt đầu đi học Anh Văn ngay. Ngoài lớp học chính ở CADP (The Center Assistance for Displaced Persons) ra, tôi có thể đứng bên ngoài cửa sổ của những lớp Anh Văn khác để học dự thính suốt nhiều giờ liền. Ngày tối, tôi cứ lẩn quẩn ở các lớp học này. Phải công nhận rằng đây là khoảng thời gian đi học thật sung sướng trong đời tị nạn của tôi. Nếu mình chịu khó, ham học thì sẽ có rất nhiều trường lớp cho mình đi học, vì những lớp Anh Văn của trường CADP bắt đầu từ bảy giờ sáng tới bảy giờ đêm nên tha hồ học. Đó là chưa kể tới các lớp của trường HTC (The Holy Trinity College,) trường của Hội Thanh Niên Việt Nam, trường của Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình, trường của Hội Thánh Tin Lành…do các thầy cô là những thiện nguyện viên ngoại quốc tới giảng dạy, truyền đạo…
Trong không khí được tự do như chim sổ lồng lúc ấy hầu như mọi người đều hăng hái đổ xô đi học, đi làm thiện nguyện khắp các ban nghành đoàn thể của người Việt tới cơ quan nước ngoài như The International Organization for Migrant (IOM), The Community and Family Sevice International (CFSI), hay văn phòng Cao Ủy…
Kẻ học tiếng Anh người học tiếng Pháp. Trường dạy nghề như dạy điện tử của thầy Thanh, lớp đào tạo về thợ máy do anh Trần Tiến Nam hướng dẫn lúc nào cũng đông nghẹt học sinh. Trường Việt Ngữ thì có thêm Việt Ngữ Một và Việt Ngữ Hai với Ban Giảng Huấn là các thầy cô có trình độ sư phạm dạy mọi cấp lớp nhằm giúp cho các em không bị gián đoạn nền học vấn căn bản ở bậc trung học để các em có thể tiếp tục khi được định cư ở quốc gia thứ ba. Đăc biệt là trong việc bảo tồn nền văn hóa theo tinh thần “tiếng Việt còn, nước Việt còn” môn Quốc Văn được dạy theo Giáo Khoa Thư của Bộ Giáo Dục Miền Nam trước năm 1975 cho trẻ em mà trong môn này không ai là không biết tới Thầy Nguyễn Văn Khớ. Chính nhờ thầy dạy dỗ, tự hào mình là người Việt Nam, “không thành công thì ắt cũng thành nhân” mà ngày nay nhiều em đã thành tài ở hải ngoại vẫn giữ được cái hồn của dân tộc Việt, cái tinh hoa của con Hồng cháu Lạc.
Sinh hoạt trại vào thời điểm này thật sự náo nhiệt, ai ai cũng hăng say làm việc. Mọi người được khuyến khích tham gia hoạt động nhằm chứng tỏ cho Cao Ủy và thế giới thấy rằng chúng ta ra đi vì các quyền tự do căn bản của con người bị chà đạp, thậm chí như việc học vấn để trau dồi kiến thức cũng bị phân biệt đối xữ, chứ không phải vì miếng cơm manh áo!
Bên cạnh đó các cơ sở tôn giáo cũng phát triển mạnh mẽ. Sinh hoạt tôn giáo phong phú với các khoá Linh Thao do Cha Nguyễn Trọng Tước (tức Nhà Văn Nguyễn Tầm Thường) tổ chức, những buổi học Kinh Thánh đều đặn hằng đêm của Hội Thánh Tin Lành, các buổi lễ lớn của Phật Giáo như Đại Lễ Phật Đản, Vu Lan Bồn được Chùa Vạn Đức tổ chức long trọng với đông đảo đồng bào phật tử…đã nói lên khao khát quyền tự do tín ngưỡng. Sự mong muốn về tự do tôn giáo mà người Việt không có dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam đã được tìm thấy rộng rãi ở trại tị nạn khi ấy.
Phần tôi lúc đó được các anh em đi cùng ghe bảo lãnh với chủ nhà của họ ở Khu Một cho tôi tới “ngủ ké” chung với họ để tiện việc học hành vì các lớp tôi đang theo học đều nằm gần đây chứ ngoài ra chủ nhà không cho tôi chuyển tên vào nên phần lương thực của tôi vẫn ở nhà cũ. Hơn nữa ngoài giờ học thì giờ giải lao của tôi là Thư Viện CADP cũng gần đấy bởi ở đây có rất nhiều sách báo tiếng Việt lẫn tiếng Anh và tiếng Pháp vô cùng giá trị trước năm 1975. Ngoài ra thư viện cũng có lắm truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, bút ký của những nhân vật lịch sử của Miền Nam Việt Nam hay của các cựu tù cải tạo kể lại mà tôi rất thích thú tìm đọc say mê hằng ngày.
Mặc dù những người sống chung nhà ở Khu Tám miễn cho tôi phiên đi lên Ban Lương Thực lảnh vì tôi chỉ có một mình nhưng mỗi ngày tôi đều phải lội về đó để lấy phần mình mang về Khu Một góp chung với anh em tôi cho bữa ăn. Đi lên đi xuống giữa hai khu phải mất hơn nửa giờ đồng hồ, nhiều hôm cầm cái cánh gà bé tí với mấy cọng rau muống hay trái đu đủ xanh bé xíu đi dưới trời nắng chang chang hay hai ba hôm mới đến lượt mình lấy trọn nguyên lon cá hộp tròn nhỏ bằng cùm tay em bé hai ba tuổi, không đủ ăn trong ngày, tôi cũng chán nản thế mà Cao Ủy cứ ngày đêm dọa sẽ cắt hết mọi thứ nhu yếu phẫm sau này nếu không chiụ hồi hương bây giờ khiến tôi không hiểu tương lai mình sẽ ra sao nữa?
Đây có thể coi là hành động khủng bố tinh thần của Cao Ủy đối với người tị nạn trong giai đoạn cuối mùa khiến lắm kẻ trở nên “khùng điên, ba trợn!”
Với dáng người to, cao, nụ cười hiền từ nở trên môi, Cha đứng yên lặng trong chiếc áo dài trắng và đôi giày tây đen nhìn tôi chăm chăm Tôi lúng búng không biết nói thế nào vì tiếng Anh khi ấy chỉ bập bẹ còn trả lời tiếng Việt thì không biết Cha có hiểu không nên cứ thế mà tôi bối rối hết vò đầu lại bứt tai đúng kiểu “Vietnamese.”
- Vào đây!
Tiếng của Cha từ tốn, êm ái như ru. Nói rồi Cha nắm lấy vai tay tôi và quay lưng kéo nhẹ đi vào Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình cạnh đó. Sự lo lắng ân cần của Cha đối với người “homeless” như tôi khi ấy khiến tôi nghe ấm cả tâm hồn xen lẫn một chút bùi ngùi tủi thân!
Cha mở cửa thư viện của nhà thờ cho tôi vào trú ngụ như Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón loài người. Sau đấy lại có thêm vài người nữa cũng được Cha tiếp tục dẫn vào. Đó là đêm không nhà đầu tiên trong đời của tôi!
* * *
Lể Giáng Sinh năm ấy tôi đón mừng Chúa Hài Đồng xuống thế cứu chuộc nhân loại trong sung sướng pha lẫn xót xa. Tôi vui vì được nhìn lại những hình ảnh thân quen mà tôi từng được sống thời tuổi thơ ở Saigon. Tôi hân hoan được hít thở lại cái không khí nhộn nhịp, thanh bình của ngày hội lớn trên xứ sở tự do. Nhưng tôi cũng chua chát khi cảm thấy lẻ loi giữa những người đang hạnh phúc cùng gia đình người thân ở đây. Nhìn họ tôi bỗng nhớ tới cha mẹ và em gái tôi vẫn còn ở quê nhà. Bên Việt Nam họ giờ này làm gì được hưởng mùa Giáng Sinh vui vẻ như tôi ở chốn này?
Để đón chào dòng người đông đảo đổ xô đến và nhằm làm giảm tình hình căng thẳng trong trại, Ban Điều Hành Nhiệm Kỳ 30 do cựu Thông Dịch Viên Trần Phi làm chủ tịch đã phát động mừng Chúa Giáng Sinh năm 1989 bằng cách cấp một ít ngân khoản cho mười hai khu để làm hang đá Đức Mẹ và sẽ có một ban giám khảo đi từng khu chấm điểm. Khu nào đạt điểm cao nhất sẽ được nhận một số tiền và quà.v.v…làm trại nhộn nhịp hẳn lên.
Đêm Giáng Sinh, trong ban giám khảo đi chấm điểm có ông Chủ Tịch Trần Phi cùng với đại diện của các ban nghành đoàn thể, Sister Carina, Sister Thomasa, Cha Crawford, Đại Đức Thích Thông Đạt…cùng một đám đông đồng bào và trẻ nhỏ đi sau cổ vũ, hát hò.
Sau khi nhà thờ đã hoàn tất thánh lễ lúc nữa đêm, người ta tụ tập về nhà cùng nhau ăn “réveillon,” nhạc Giáng Sinh được mở vang lừng các khu, ồn ào cả trại. Tôi không có thân nhân giúp đỡ nên chẳng có tiền bạc gì để tiệc tùng như thiên hạ nên nằm đìu hiu trên gác Cao Ủy ngó mông ra màn đêm bao la qua khung cửa sổ nghĩ vẫn vơ. Trên trời cao những vì sao nhấp nháy như nhảy múa nhưng không làm tôi vui hơn.
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống, đâu đấy buông lửng lờ tiếng chuông. Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời….thời gian như ngừng trong tê tái, cây trúc lá nghiêng theo chiều mây…đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm đông, bên song ngẫn ngơ kìa ai mong chồng. Đêm đông thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư …gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây….Đêm đông ôi ta nhớ nhung đường về xa xa. Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương…Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương. Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.”
Tiếng ai như tiếng của ca sĩ Bạch Yến hát bài “đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương văng vẳng vang ra từ chiếc cassette của chị Lan ở vách sau nhà nghe nức nỡ không sao tả xiết. Lời ca não nùng, tiếng hát đau thương đứt đoạn khiến tôi chạnh lòng nhớ cố hương rồi buồn cho thân phận mình.
Những ngày này trong trại lúc nào cũng tưng bừng náo nhiệt. Hầu như mọi nhà đều có cây thông do đồng bào vô rừng tìm, lựa cây nào tốt đẹp nhất chặt đem về rồi mua bông gòn quấn lên các cành cây đoạn giăng dây đèn “multi color mini-lights” khiến cho không khí Giáng Sinh rộn hẳn lên. Nhìn mọi người vui vẻ đón Chúa trong bình an, gương mặt của Cha Crawford rạng rỡ và hạnh phúc hơn.
 
Ngày xưa, Cha Crawford làm việc ở Việt Nam, chuyên lo cho các trẻ em mồ côi và tàn tật. Năm 1975, Cha đã đưa một trăm ba mươi em cô nhi về Mỹ chữa bệnh. Chiến tranh chấm dứt, Miền Nam thua cuộc, Cha về lại Hoa Kỳ. Khi làn sóng thuyền nhân bỏ nước trốn chạy cộng sản bùng phát, Cha vội vã sang Bornéo giúp người tị nạn từ năm 1977. Mười năm sau Cha được chuyển tới PFAC, Phi Luật Tân cho đến lúc trai đóng cửa. Trọn đời Cha đã hy sinh để lo cho người Việt Nam.
Tình yêu thương người Việt của Cha âm thầm nhưng được thể hiện rõ ràng hơn bằng hành động mà sau này nhờ nhiều lần tiếp xúc với Cha tôi đã được chứng kiến như trong lần Phật Giáo phát động biểu tình ngồi bất bạo động để chống thanh lọc bất công suốt sáu mươi lăm ngày đêm. Cuối cùng Cao Ủy phải yêu cầu thủy quân lục chiến của Bộ Tư Lệnh Miền Tây với dùi cui và vòi rồng của xe cứu hỏa tới giải tán. Đoàn biểu tình chống lại kịch liệt ngay trước Hang Đá Đức Mẹ. Chính Cha Crawford là người đã dùng búa tạ đập vỡ ổ khóa cổng Nhà Thờ Nữ Vương Hoà Bình cho dân chúng tràn vào để chấm dứt cuộc giả tán bằng bạo lực vì Cha không can tâm nhìn chúng tôi bị đánh đập tơi tả, bị vòi nước mạnh thổi bay như những chiếc lá, ướt sủng trong máu và nước mắt!
Hành động ấy của Cha đã bị Bộ Tư Lệnh lên án mạnh mẽ. Tướng Tanega, tư lệnh vùng, đã mời Cha sang Bộ Tư Lệnh để bày tỏ sự phản đối dù rằng Cha là Cha Tuyên Úy của họ. Cha thì chỉ giải thích rằng Cha làm theo ý Chúa mà thôi.
Tôi còn nhớ có một ngày, Cha đi bộ sang chùa cách đó không xa để gặp tôi và anh Thiên, Phó Ban Trị Sự Chùa Vạn Đức và Ngài ngỏ ý muốn đưa Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo sang nhà thờ lánh nạn bởi từ những nguồn tin Cha thu thập được thì Ngài biết Bộ Tư Lệnh Miền Tây muốn bắt Sư Cô trong chiến dịch cưỡng bức hồi hương. Đêm đó tôi và Minh Nhí, một người em bên Thanh Niên Công Giáo và cũng là tay trống của trại, đã âm thầm hộ tống Sư Cô vô nhà thờ bằng ngỏ sau đối diện với Khu Một. Tại đây, Cha đã sắp xếp sẳn dưới nền nhà một chỗ nằm cho Sư Cô trong gian phòng nhỏ. Trưa hôm sau khi bọn tôi đang ngồi chơi dưới bóng cây sứ trước sân chùa thì thấy Cha từ phố chạy về. Phía sau chiếc xe gắn máy màu đỏ Cha thường đi có cột một chiếc giường xếp (folding bed) mới tinh. Lúc chạy ngang qua Chùa, Cha nhìn chúng tôi cười cười. Nụ cười đầy ẩn ý ngày đó có ai biết ngoài chúng tôi? Đó là chiếc giường Cha mua cho Sư Cô trong những ngày tá túc ở nhà thờ. Hôm nay đây tôi muốn ghi lại giai thoại này để nói lên tình yêu thương của Cha đối với người Việt Nam. Sự hài hòa giúp đỡ lẫn nhau giữa đạo Công Giáo và Phật giáo Việt Nam bên trại tị nạn ngày đó. Sự tương trợ kính trọng lẫn nhau ấy đẹp đến nỗi mà Cha Nguyễn Trọng Tước đã phải thốt “tôi chưa thấy Phật Giáo và Công Giáo Việt Nam ở đâu mà thương nhau bằng ở đây. Nhà Chúa bên cạnh nhà Chùa!”
Tiếc rằng những ngày cuối cùng của trại, vì sức mạnh của đồng tiền mà người ta đã làm cho hai tôn giáo này bị rạn vỡ từ chuyện “Lập Làng Việt Nam!”
* * *
Vào ngày chúng tôi kéo nhau lên phi đạo ngăn cản không cho chiếc Airbus 320 chở đồng bào bị cưỡng bức hồi hương vào năm 1996 thì khi hay tin dữ ấy Cha đã chạy theo chúng tôi cùng với phóng viên Bảo Vũ của đài BBC đang có mặt ở trại lúc đó để làm phóng sự cưỡng bức hồi hương thuyền nhân.
“Go home, Father! Go home now! If you dont go, I will shoot you right away!” Đó là lời mà một người lính trẻ chĩa súng vào Cha và quát ầm ĩ trên phi đạo trước mặt tôi.
Nhưng Cha chỉ bước giật lùi mấy bước rồi đứng yên lặng, nhún vai nhìn tôi rồi nhìn anh ta mỉm cười đôn hậu. Sau này gặp lại tôi trong trại Cha nhắc lại chuyện này và nói sỡ dĩ Cha có mặt với chúng tôi lúc đó là vì Cha muốn nói với các người lính rằng “hãy thương họ! Họ chỉ là những người tị nạn khốn khổ thôi, bởi Chúa Giêsu cũng từng là người tị nạn kia mà!” Nghe Cha nói mà tôi cảm thấy xúc động làm sao trước tấm chân tình của Ngài đối với chúng tôi
Năm 1998, Chùa Vạn Đức được dời lên Merville ở thành phố Pasay. Khi hay tin Cha đang nằm trị bệnh ở một bệnh viện ngoài Manila, tôi đã cùng Sư Cô Thích Nữ Diệu Thảo, anh Trần Tiến Nam, anh Lê Bảo Thiên đến thăm Cha. Ngài đã rất vui khi gặp chúng tôi, ân cần hỏi thăm đời sống của từng người sau ngày trại bị giải tán. Cha bảo là Cha nhớ chúng tôi lắm và Ngài đã xúc động nghẹn ngào khi chúng tôi từ biệt ngài ra về. Nhưng tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Cha bởi sau này trong khi tôi phải vất vã vật lộn để mưu sinh kiếm sống nên không hay Cha đã được đưa về Mỹ và về với Chúa vào tháng Ba năm 1999 tại Philadelphia.
Bao năm qua rồi nhưng hình ảnh của Cha Crawford mãi mãi ở trong tôi dù bây giờ Cha đã về theo tiếng gọi của Chúa. Hôm nay đây tôi vẫn thật sự bùi ngùi thương cảm mỗi khi nghĩ đến Cha. Vị ân nhân của người tị nạn! Vị Thiên Sứ của lòng nhân ái!
* * *
Năm nay thời tiết thật lạ, dù đã sắo tới Giáng Sinh mà OH vẫn không có tuyết và ít lạnh. Vào một sáng chủ nhật, nhiệt độ chỉ khoảng 28 độ F, từ Beavercreek tôi đi freeway 675 S về nhà. Sau khi vô Exit số Hai và ngừng lại ở đèn đỏ để vào 725 W tôi bỗng thấy một người homeless đứng cầm tấm bảng “no house, need food” khiến tôi áy náy. Tôi không đoán được ông ta bao nhiêu tuồi và người ra sao vì ông ta râu ria xồm xoàm, mặc nhiều quần áo bẩn thỉu lại đội nón xùm sụp lúc đến gần khi tôi hạ kính xe biếu ông vài đồng.
Chạy được một khoảng khá xa rồi nhưng tôi vẫn bần thần nghĩ ngợi về người homeless nọ. Tôi biết, người ta vẫn thường xuyên khuyến cáo không nên giúp những người vô gia cư này vì đa phần họ là các phần tử xấu. Họ có nơi ăn ở do chính phủ lo nhưng chẳng qua họ muốn ở ngoài thoải mái và để sống theo ý họ hơn nên chẳng chịu vào. Tuy hiểu vậy nhưng tôi vẫn ray rứt, đau lòng khi thấy họ lang thang trên đường phố vì đó là hình ảnh của tôi ngày xưa. Tôi cảm thấy có tội mỗi lần tôi gặp họ mà không giúp được gì nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt mới của thế giới ngày nay khi người homeless càng lúc càng nhiều !
Biết rằng chỉ quan tâm và cầu nguyện cho họ thì không đủ nhưng trong mùa Giáng Sinh sắp tới tôi vẫn mong mọi người hãy đồng tâm xin Chúa ban ơn cho những kẻ không nhà sức mạnh và may mắn để vượt qua cái lạnh của mùa đông và vượt qua số phận!
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm!”
Miamisburg, ngày 22 tháng 12 năm 2015
Triều Phong TPN
Nguồn Việt Báo
Chú thích:
*: mượn một câu trong nhạc phẩm “đêm đông“ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
**: đơn vị tiền tệ của Phi Luật Tận.

TRẦN VĂN * TÙ CỘNG SẢN

 


NHỮNG NGÀY ĐẦU VÀO TÙ
TRƯỜNG TRUNG HỌC PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ


Theo thông báo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam từ ngày 30.4.75, theo lời cộng sản nói, những thành phần "có nhiều nợ máu" phải trình diện 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6 năm 1975 (tôi có thể nhớ sai ngày dương lịch), nhưng, chắc chắn là trong 3 ngày trình diện đó có ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão, vợ chồng chúng tôi trình diện vào buổi chiều ngày này.
Cư ngụ ở quận 8 nên chúng tôi trình diện một lúc với các anh em khác cùng cấp bậc Thiếu tá ở các quận 6, 7 (hình như có thêm quận 9 mới thành lập không lâu ở bên kia sông Sài Gòn - Thủ Thiêm) tại trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở đại lộ Cộng Hòa (VC gọi trường này là Lê Hồng Phong). Còn những qúy vị khác tùy theo cấp chức trình diện ở các địa điểm khác, hầu hết là các trường học. Thông cáo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam nói rõ là chúng tôi phải mang theo tư trang (đồ dùng cả nhân) và đóng đủ tiền ăn 1 tháng, khoảng trên 13 ngàn mấy trăm (bằng 1/3 lương của một Thiếu tá. Sau đó, trình diện đi tù đợt 2: sĩ quan từ Đại úy trở xuống đóng tiền ăn 10 ngày…).
Sĩ quan cấp Thiếu tá trình diện ở trường Trung học Pétrus Ký ít hơn các nơi khác, trên dưới 100 người, vì các quận 6,7,8… nằm ở ven đô - Thủ Đô Sài Gòn. Người nữ quân nhân duy nhất tại điểm tập trung này, Thiếu tá Trần Thị Bích Nga, Chỉ Huy Trưởng Trường Xã Hội Quân Đội (trường nằm trong Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Đô). Thật đúng là hoa lạc giữa rừng gươm tua tủa của hai phía ta và địch. 
Ngày đầu tiên trình diện, chúng tôi được “cách mạng” cho thưởng thức cách trị bệnh thần sầu quỷ khốc, nằm dài trên ghế học trò, được nhỏ nước tỏi tươi nồng nặc vào hai lỗ mũi. Ngày sau, truớc khi có “lệnh hành quân” chuyển đến trại tù chính , chúng tôi được nhà hàng sang trọng Ngọc Lan Đình ở Chợ Lớn đưa bàn ghế tới, cứ 10 người một bàn như “nhập đại tiệc”, có đến 7 món ăn mà chúng ta thường gặp trong các tiệc cưới… Khi nhân viên nhà hàng thân quen Ngọc Lan Đình đến “thết đải”, tự dưng tôi chảy nước mắt vì tháng 2 năm 1962, khi tôi được các giáo sư và nhà trường Phước Kiến (266 Đại lộ Khổng Tử, sau đổi tên là trường Phước Đức.Vụ Tết Mậu Thân, trực thăng xạ kích lầm nơi này làm chết và bị thương nhiều sĩ quan cấp tá) tổ chức một bữa tiệc linh đình để tiển đưa tôi nhập ngũ khoá 13 Thủ Đức tại nhà hàng Ngọc Lan Đình. Lúc bấy giờ tôi là Giám học trường trung học này [kể cả học sinh trung tiểu học có (3000 hay 5000 em?), học 2 thứ tiếng Việt và Tàu mà tôi làm Giám học đặc trách về các môn học Việt ngữ, Tiến sĩ Tăng Kim Đông làm Hiệu trưởng, sau TS Đông làm Tổng Trưởng Giáo dục thời Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc]. Tôi được TS Tăng Kim Đông mời phát biểu lời từ giã, sau vài lời cám ơn giáo sư và nhà trường, tôi sực nhớ đến 4 câu thơ xưa của Tàu và lên giọng to:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc vấn
Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi.

Tự nhiên tôi chảy nước mắt và khi đó có một giáo sư người Hoa rất qúy mến tôi, anh cảm kích đọc lại bài thơ này bằng tiếng Hoa (Quan Thoại), cả thực khách đến mấy trăm người dự tiệc như lắng đọng, cảm kích chia xẻ với tôi “cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi”. Đó cũng là dấu ấn khó quên trong đời đi dạy học của tôi từ tiểu học đến trung học. Sau hơn 13 năm đi lính, nay cũng chính nhà hàng Ngọc Lan Đình đãi tiển chúng tôi vào một ngày mai mờ mịt…nên tôi xúc động thật sự. Bài thơ tứ tuyệt ấy lại đến với tôi và câu cuối cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi, 13 năm trước cho đến ngày vào tù, tôi vẫn sống và thăng quan tiến chức. Tôi như thầy bói suy luận, biết đâu câu thơ này sẽ vận vào cuộc đời ở tù của tôi từ đây…
Trình diện “học tập cải tạo”, một danh xưng bịp của bọn CSBV mà chúng tôi tự ý đưa thân nạp mạng cho loài quỷ dữ, đúng ngày Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5 năm Ất Mão (1975).
Hai vợ chồng đèo trên 1 chiếc xe đạp, người tài xế trung thành của bà xã tôi, từ Hóc Môn đạp xe xuống để tiển đưa. Khi chúng tôi mang ba lô vào cổng trường Pétrus Ký, chú Nhuận tên người tài xế thân thương trung thành đó, một tay lái xe, một tay cố kềm đưa chiếc xe đạp thứ hai về nhà. Chúng tôi ở khu lao động, dốc cẫu Chữ Y, đường Hưng Phú - đường đi đến lò heo Chánh Hưng,. Bốn đứa con nhỏ của chúng tôi, từ 3 đến 9 tuổi, được cha mẹ chúng để lại chiếc xe đạp làm phương tiện và là một tài sản sau cuộc đổi đời này.
Viết đến đây, ký ức của tôi bỗng nhiên như thấy cảnh tượng hoang mang, lo sợ, giao động của hơn 38 năm trước như hiện rõ.
Khi Thủ Đô Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thời mạt vận của chánh thể VNCH đã ập đến nhanh quá. Nỗi nhục nhã ê chề của những người lính từng cầm súng chống quân xâm lược cộng sản Bắc Việt, nay đến thời điểm lâm vào cảnh cá chậu chim lồng. Tất cả chiến sĩ anh hùng của QLVNCH phải buông súng và sống trong cảnh phập phồng. Chúng tôi chờ đợi kẻ thù công bố chính sách đối xử với tù hàng binh mà CSBV rêu rao ra rả hàng ngày trên các hệ thống truyền thông suốt 2 tháng 5 và 6.1975. Sự phập phồng, lo âu như cảnh tượng quân Khơ Me đỏ sau những ngày tiến chiếm Thủ Đô Pnom Penh (Nam Vang) nhốt và giết sạch kẻ thù của chúng. Ý nghĩ này đã xâm nhập vào tâm tư tình cảm của mọi người, một tương lai mờ mịt u buồn, thê lương tràn ngập trong suy nghĩ của từng người từng gia đình mà gia đình chúng tôi cả hai vợ chồng đều là lính, bốn đứa con nhỏ dại sẽ nương tựa vào đâu để sống?.
THÀNH ÔNG NĂM – LIÊN ĐOÀN 5 CÔNG BINH KIẾN TẠO
Một trăm thiếu tá trình diện ở trường Pétrus Ký, khi chuyển đến thành Ông Năm ở Hóc Môn (bản doanh của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo) được chia thành 2 đội 34 và 35. Tôi ở đội 34, đội 35 có 5 Y sĩ Thiếu tá. Bà Thiếu tá Bích Nga nhập cùng với quý chị cấp tá khác ở đội nữ, cách đội 34, 35 chỉ một con đường và gần sát hàng rào kẽm gai. Hàng ngày, chúng tôi có thể trông thấy nhau dùng ánh mắt chia xẻ sự lo âu sâu xa về tương lai của 4 đứa con nhỏ dại…
Những ngày đầu, nhiều chuyện quan trọng đã xảy ra tại lán của đội 34 và 35 ở trại tù Thành Ông Năm – Hóc Môn:
Chuyện khó tin, nhưng có thật, một tên cán bộ y tá, mặt rỗ khá rõ đến lán đội 34 và 35, tập hợp 5 ông thiếu tá bác sĩ Quân Y, dẫn ra khỏi lán bảo đứng nghiêm, 5 ông là bậc thầy của chúng, nghe tên cán ngố này giảng về vệ sinh phòng bệnh… Hắn dẫn 5 ông bác sĩ tội nghiệp của chúng ta phải đi xem “thanh sát” các đường mương, nhà cầu, cách làm sạch các chỗ này. Chưa hết cán ngố còn chỉ bảo cách chửa bệnh nữa cơ làm 5 ông bác sĩ phe ta cứ ngẫng mặt mà nhìn chịu trận, nín thở qua sông. Về lán, anh bác sĩ Tôn Thất Thận (lớn tuổi nhất trong 5 ông BS) nằm gần tôi, kể lại cho chúng tôi nghe mà cùng nhau cười ngất.
Chuyện mà tôi cũng khó quên, anh Hoàng Xuân Định (hiện ở San Jose), Thiếu tá Quân Cụ, anh em thúc bá với Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, nguyên Tư Lệnh QĐ1 & QK1, đứng ra nhận lãnh chức Trưởng Ban Văn Nghệ của trại tù Thành Ông Năm (Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo do Đại tá Dương Công Liêm làm Liên Đoàn Trưởng). Không biết ai giới thiệu với anh Định, chọn tôi vào ban văn nghệ, xung vào thành phần đóng kịch vì hát xướng, giọng vịt đực của tôi bù trất. Sở dĩ, tôi chấp nhận sự chọn lựa này vì hoàn cảnh bi đát của tôi, vợ chồng đều bị đi tù, ở gần nhau mà chẳng nói được lời nào với nhau. Tôi luôn bị ám ảnh tình cảnh 4 đứa con nhỏ dại làm sao mà sống với bà mẹ vợ già cả và thường bị nhiều thứ bệnh. Hơn nữa, trước khi đi tù, có tin, nhà đang ở của gia đình sẽ có một tiểu đội bộ đội CSBV “xin” được đến đóng chốt, làm sao mẹ vợ của tôi từ chối, các con chúng tôi sẽ chịu cảnh ở chật chội, mất tự do. Tôi cần phải làm cái gì để tạm quên sự lo âu dằn vặt đang ăn sâu vào tâm trí, tôi vào đội văn nghệ để giết thì giờ.
Suýt chút nữa, ban văn nghệ của anh Hoàng Xuân Định được cách mạng “chiếu cố” cho vào cùm. Với vỡ hài kịch mà anh Định viết nói về những ngô nghê, ngu dốt của đám khỉ từ rừng mới về Sài Gòn hoa lệ làm cuộc đổi đời, dân chúng từ sung túc xuống bần cùng. Dù anh Định viết rất khéo, nhưng đến buổi phúc khảo, có người trong phe ta làm ăng-ten lập công (nghe anh em kể lại) phân tích tỉ mỉ cái ý nghĩa của vỡ hài kịch “trình” với cán bộ “răng đen mã tấu” ngu dốt “đì” chúng tôi. Nhưng, lúc đó cán bộ cộng sản còn “nới tay” vì mới chiếm Sài Gòn, lòng dân còn nhiều hoang mang và người “tù cải tạo” vừa đóng tiền nhập trại tù chưa lâu nên toán văn nghệ chúng tôi thoát hiểm “trong đường tơ kẽ tóc” chỉ bị cảnh cáo dằn mặt và đuổi về đội.
Chính đội 35 “nổi tiếng” vì có hai chiến sĩ can đảm anh hùng nhất của chúng ta lúc bấy giờ. Ai bị nhốt ở Thành Ông Năm thời điểm đó đều nghe danh 2 Thiếu tá của QLVNCH là anh Quách Hồng Quang, cư ngụ ở vùng cầu Nhị Thiên Đường, Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân ( tôi không nhớ rõ: TĐ 42 hay TĐ 44, có tên là Cọp Xám hay Cọp Ba Đầu Rằn, 2 tiểu đoàn vang danh anh dũng của vùng đồng bằng sông Cửu Long-V4CT, cộng quân khiếp sợ). Người thứ hai là Thiếu tá Phạm Hữu Thịnh, đơn vi cuối thuộc Ban Liên Hợp 4 Bên ở Sài Gòn, anh gốc là An Ninh Quân Đội, cư ngụ ở Dạ Nam Cầu Chữ Y. Cả hai chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã can đảm “trốn trại” đầu tiên, tìm đường vượt thoát khỏi cảnh tù đày nhục nhã vào một đêm có gần nửa vành trăng trên bầu trời. Đây là vụ trốn trại đầu tiên khi CSBV lùa quân cán chính VNCH vào rọ tù của chúng, có thể nói là vô tiền khoáng hậu mà tôi chứng kiến.
Tôi chơi rất thân với hai anh Quang, Thịnh, vốn tôi quen biết anh Quang từ miền Tây, lúc ấy tôi là sĩ quan báo chí của QĐ4 từng theo ông Tướng Tư Lệnh QĐ4 đến thăm viếng đơn vị khi anh Quang còn là Trung đội trưởng. Anh Thịnh ở phía bên kia cầu Chữ Y, gia đình tôi ở phía bên này cầu Chữ Y, cả hai anh đều nhỏ hơn tôi 5-6 tuổi và tốt nghiệp trường Sĩ Quan Thủ Đức sau tôi nhiều khóa. Hai anh Thiếu tá trẻ này xem tôi là niên trưởng, năm 1975, tôi đã qua tuổi 40.
Trước khi thực hiện chuyện phi thường, liều lĩnh, anh Quang bị đau liên tiếp nhiều ngày, tôi có tặng nhiều viên thuốc cảm và trị sốt rét mà anh Quang cần. Còn anh Thịnh, hàng ngày mải mê tập thể dục, anh Thịnh còn tự chế một cái tạ để tập, hai tay của anh cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Một lần, tôi hỏi, anh Thịnh nói tôi tập tạ nhằm luyện cho thật khỏe 2 tay để có ngày sử dụng và ngày ấy là ngày N, giờ G, giờ định mạng của cả hai anh Quang và Thịnh?.
Khoảng từ 12 giờ khuya đến 2 giờ sáng của một đêm có mưa lất phất, trên nền trời và cảnh vật, ánh trăng sáng lờ mờ, hai anh Thịnh và Quang đi ra hướng cầu tiêu ở gần hàng rào kẽm gai, chọn thời điểm thích hợp này thực hiện cuộc vượt thoát. Nhiều tiếng súng nổ vang trong đêm khuya vắng lặng và tiếng kẻng báo động vang dội khắp nơi xa gần, đánh thức mọi người. Tôi choàng ngồi dậy bước ra cửa coi xem có chuyện gì xảy ra, lính tráng đơn vị canh gác trại tù này, rầm rập chạy với súng cầm tay la hét om sòm, bảo phải tắt đèn và mọi người ở trong lán không được đi ra ngoài…
Sáng hôm sau, cán bộ quản giáo cho biết có 2 anh trốn trại thuộc đội 35, một anh bị bắn chết tại vòng rào trại, một anh bị thương và bị bắt đang nằm ở y xá. Trong những ngày kế tiếp, chuyện trốn trại của 2 anh Quang, Thịnh đã được sáng rõ thêm. Khi quản giáo hỏi đội 34 và 35 có anh nào đem thức ăn cho anh Thịnh đang bị thương, không ai lên tiếng. Tôi tình nguyện mang thức ăn chánh thức của trại đến tiếp tế cho anh Phạm Hữu Thịnh. Sau khi mỗ lấy viên đạn còn ghim trong người ra, nay hồi tĩnh, anh Thịnh lại bị nhốt trong 1 connex, để gần chòi gác, còn bi thảm hơn, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm khuya lạnh lẽo đến tận xương tủy. Mỗi lần đưa thức ăn đến anh Thịnh, trong đầu, tôi xếp sẵn những câu hỏi, phải thật nhanh và ngắn gọn vì lính gác trên chòi canh lúc nào cũng nhìn theo dõi tôi khi mang thức ăn đến connex. Nhờ vậy, tôi biết được khá nhiều về gia cảnh Thịnh, anh còn bà mẹ già, vợ anh gốc người Hoa. Anh Thịnh còn cho biết sở dĩ anh bị bắn trọng thương vì anh quay lại cứu bạn mình, anh Quang, quần áo đang bị vướng dây kẽm gai mà anh gỡ ra còn nhùng nhằng. Lính gác trên chòi canh phát hiện bắn anh Quang nhiều phát đạn, anh bị thương và nằm dán chặt vào hàng rào. Trong khi anh Thịnh đã chạy đến cây mít (chúng tôi thường thấy các chị ở Sài Gòn lên kiếm thăm chồng? đứng lấp ló ở khu cây mít này), cách hàng rào trại chừng trăm mét. Vừa tới hàng rào dây kẽm gai, anh Thịnh nghe tiếng súng nổ liên hồi vội quay lưng chạy và một viên đạn cấm vào lưng anh, té qụy. Theo lời anh Thịnh kể vắn tắt, anh Quang chỉ bị thương còn sống và cái áo của anh còn dính với mấy móc kẽm gai, đám cán độ trại đến nả bồi thêm vài tràng đạn nữa, kết liễu đời oanh liệt của một chiến sĩ BĐQ ưu tú can trường QLVNCH, Quách Hồng Quang, lúc nào 2 chữ sát cộng cũng đến với binh chủng anh dũng này.
Nếu gia đình chị Thịnh may mắn được sang định cư ở Hoa Kỳ, xin liên lạc, tôi kể lại những ngày cuối cùng của anh Thịnh từ Thành Ông Năm ở Hóc Môn cho đến trước 1 ngày anh Thịnh bị xử bắn tại trại Suối Máu - Biên Hòa mà tôi “làm gan” trò chuyện với anh đang ngồi hớt tóc. Anh Thịnh linh cảm sẽ khó sống vì đám cán bộ chấp cung thường tỏ vẽ muốn giết anh để dằn mặt đám tù còn lại. Anh Thịnh còn nhân mạnh với tôi, CSBV tàn ác lắm, chúng muốn giết anh, khi mỗ lấy đạn không có thuốc tê, thuốc mê gì cả. Anh đau đớn quá chết ngất không còn biết gì nữa, chúng muốn làm gì thì làm, may mà anh còn sống đến ngày bị xử bắn.
Thành Ông Năm ở quận Hóc Môn, trại tù đầu tiên đã nhốt chúng tôi, nhưng trại này chỉ là trại trung chuyển, sau mấy tháng lại chuyển tất cả bò tứ, bò ngũ (thiếu tá, trung tá) về Suối Máu. Đây là doanh trại của Trung tâm giam giữ tù phiến cộng của Quân Khu 3 để trao trả với phía bên kia.
Cũng chính trại tù Thành Ông Năm, sau ngày ra tù, một bác sĩ Quân Y/QLVNCH, Y sĩ thiếu tá Trần Đông A, đã làm cho nhà cầm quyền cộng sản khiếp phục vì tài mổ 1 cặp song sinh dính lại mà nhiều nước, lúc bây giờ, thập niên 80 không dám mỗ tách ra. BS Trần Đông A nhờ đào tạo dưới chánh thể VNCH đã tiến hành ca mỗ thành công và đến nay BS Trần Đông A vẫn là một trong những bác sĩ giỏi và nổi tiếng nhất của Việt Nam.
TRẠI TÙ SUỐI MÁU
Từ Thành Ông Năm ở Hóc Môn chuyển về Suối Máu, con đường dài 40 -50 cây số, với đoàn xe quân sự có hộ tống nghiêm chỉnh, theo lẽ di chuyển một tiếng hay tối đa 2 tiếng đồng hồ là đến nơi rồi. Đàng này, chúng tôi phải “khẩn trương” tập hợp hành quân từ 6-7 giờ tối mãi đến hơn 7 giờ sáng hôm sau mới trại Suối Máu – Biên Hòa. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần chúng tôi bị ”bầm vập” thể xác và tinh thần. Chúng dồn nén đám tù này như con vật, một chiếc xe tải Molotova nhét cả 1 đội 50 người cùng với đồ đoàng lỉnh kỉnh, chen chúc ngồi bó rọ, dẫm trên chân trên người nhau. Các xe đều bỏ bạt phủ kín, không đủ không khí để thở, chỉ một cái đánh rấm của một anh nào đó kể như mọi người lãnh đủ cái mùi khó chịu không ai thích.
Lần chuyển trại đầu tiên, từ trường Trung học Pétrus Ký chuyển đến Thành Ông Năm ở Hóc Môn, chúng tôi đã lãnh đủ cái cơ cực khổ sở của cái vụ chuyển trại bi thảm này. Được lệnh hành quân khẩn trương, từ 9 giờ tối đã có tiếng tu-hít (còi) thổi gọi tập họp mọi người. Từ trường Pétrus Ký đến Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, mười mấy hai chục cây số. Cái dễ sợ nhất là mỗi đội chúng tôi bị nhốt trong một chiếc xe bít bùng, tiểu tiện phải đi trong quần vì từ 9 giờ tối đã lên xe, hành quân kiểu gì không biết của đám khỉ học làm người, mãi đến 6 giờ sáng mới tới Thành Ông Năm ở Hóc Môn.
Tại Suối Máu, tưởng tôi đã “bỏ mạng sa trường” vì cái bệnh kiết lỵ.
Xin nhắc lại, tôi từ giã ông Yamoto “đi cải tạo”, khoảng giữa tháng 5.1975, ông là Trưởng văn phòng nhật báo Asahi (Asahi Shimbun) tại Sài Gòn, một tờ báo lớn của người Nhật, có số phát hành các ấn bản sáng chiều và chữ Anh, trên dưới 10 triệu số mỗi ngày. Tôi đã cộng tác với ông Yamoto trên 3 năm, qua tài liệu, ông đã hiểu hơn tôi về chế độ “tù cải tạo” của cộng sản, ông biếu tôi vài trăm đô và đặc biệt tặng 2 “túi cứu thương” để tôi dấn thân vào cõi chết mà ông chỉ nói úp mở. Lúc bấy giờ, thời chiến cực kỳ khốc liệt, mỗi ký giả ngoại quốc ở Sài Gòn, gọi là ký giả chiến trường, đều kè kè bên mình một túi cứu thương, gồm đủ các thứ thuốc, trong đó có nhiều thuốc trị bệnh sốt rét, kiết lỵ, tiêu chảy…May mắn cho tôi, ông Yamoto và người phụ tá của ông có 2 túi cứu thương, ông tặng hết. Nhờ có nhiều thuốc nên ở trong trại tù, nhiều bác sĩ phe ta khám bệnh cho anh em, biết tôi có thuốc tốt, phụ nhĩ với bệnh nhân, đến tìm anh Ngà xin thuốc, tôi trở thành dược sĩ bất đắc dĩ mà chẳng cần học trường Dược ngày nào.
Khi tôi bị bệnh kiết lỵ ngặt nghèo, từ cầu lê lết về đến lán, tôi bước lên thềm không nổi phải bò mới vào được chỗ nằm và vận dụng hết sức lực còn lại mở túí balô lấy thuốc trụ sinh trị kiết lỵ uống 2 lần từ tối đến khuya, tôi không đi cầu nữa.
Tại trại Suối Máu, tôi gặp anh Phạm Đăng Có, Thiếu tá Quân Cảnh, Chỉ huy trưởng trại giam tù phiến cộng này. Anh Có là em ruột của Đại tá Phạm Đăng Tấn (đã từ trần cách nay chừng 8 năm ở Virginia, vợ chồng tôi có đến phúng viếng, tiển đưa), nguyên là Tham Mưu Trưởng QĐ4 & V4CT thời Trung Tướng Đặng Văn Quang làm Tư Lệnh, đó là hai ông sếp lớn của tôi. Người anh kế của anh Có là Trung tá An Ninh Quân Đội Phạm Đăng Năng, có vợ là bạn học với tôi ở Châu Đốc (anh Năng hiện còn ở VN). Anh Có rù rì với tôi, tụi VC này ác quá, hồi tôi làm sếp ở đây, đám cán binh của chúng được nằm giường sắt 2 tầng đàng hoàng, nay chúng cho bọn mình ăn chay nằm đất.
Tại trại Suối Máu, trước ngày lên đường đi ra miền Bắc “xã hội chủ nghĩa” chúng tôi gồm bò tứ và bò ngũ, được học tập chính sách “khoan hồng nhân đạo” 12 điểm của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để thông suốt mà hồ hởi phấn khởi ra miền Bắc nghèo mạt rệp. Cũng chính lúc này, một tòa án quân sự của quân khu 7 VC được thiết đặt, gần cổng ra vào trại. Cán bộ trại bắt loa gọi anh em “trại viên” lắng nghe theo dõi buổi xử án 2 người trốn trại, có trực tiếp truyền thanh. Mỗi đội phải cắt cử 2 người (thường là đội trưởng và đội phó) đi tham dự phiên xử anh Phạm Hữu Thịnh và một anh Thiếu tá nữa là Nguyễn Văn Đương thuộc ngành Tình Báo Quân Đội (tôi vừa mới bìết tên anh Thiếu tá này do một chiến hữu ở Úc Châu gọi điện thoại cho biết) cũng trốn trại tại Suối Máu. Anh này trốn được ra khỏi trại Suối Máu, đi xe đò bị chận bắt ở một chốt kiểm soát nào đó, chưa về tới Sài Gòn. Chúng tôi đang ngồi nghe ngóng, phiên xử khai mạc, nghe rất rõ, khi gọi tên anh Thiếu tá Đương ra xử. Sau khi luận tội và kêu án tử hình, vẫn trong tư thế bị còng 2 tay, anh chiến sĩ anh hùng của chúng ta hô lớn đả đảo cộng sản trước tòa, anh vừa mới nói đả đảo tiếp theo chắc là đả đảo hồ chí minh. Hai tên bộ đội dùng tay bịt miệng và sau đó anh bị nhét giẻ vào miệng, kéo sền sệt ra khỏi phòng. Chừng 2 phút sau nghe tiếng súng AK nổ một loạt mà anh em có tham dự chứng kiến từ đầu. Trong lúc đó, bất ngờ, dù còn nắng trời đổ mưa như sụt sùi khóc cho một chiến sĩ anh hùng của QLVNCH bị giết dã man trước họng súng của quân xâm lược. Được biết, đám cán binh VC không lôi anh chiến sĩ anh hùng này đến pháp trường cát đã thiết đặt trước mà chúng bắn anh khi ra khỏi nơi xét xử trước một ụ đất . Buổi chiều, bọn xét xử, rút kinh nghiệm buổi sáng, khi chúng luận tội, anh Phạm Hữu Thịnh bị nhét giẽ đầy miệng không cho nói lời nào và đưa đến pháp trường cát kết liễu đời anh, tội nghiệp anh Thịnh bị hành hạ đày đọa mấy tháng trong connex, thân hình tiều tuỵ, da bọc xương tái méc, nhưng sắc mặt anh vẫn bình thản, lạnh lùng và vui vẻ khi tôi hỏi chuyện.
Cộng quân đã đem xử bắn 2 anh em của chúng ta để dằn mặt đám tù còn lại, trốn trại bắt được là xử bắn, không có khoan hồng nhân đạo gì ráo trọi.

CHUYẾN TÀU THỦY RA BẮC
Qua 2 lần chuyển trại trước đây, nay lại chuyển trại lần nữa vào đêm 10 tháng 6 năm 1976, nghĩa là sau 1 năm chúng tôi nằm tù cộng sản ở miền Nam. Nay lại ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo khổ mạt rệp, cũng tập họp từ 7 giờ tối, bị kiểm tra "tư trang", chúng tịch thu vô số đồ dùng cũng như thuốc men của anh em chúng tôi. Khoảng 10 giờ tối, chúng tôi được dồn lên xe chật ních cũng như 2 lần chuyển trại trước, mãi đến 6 giờ sáng mới bị dẫn xuống tàu nhỏ, cũ kỹ bẩn thỉu, loại tàu chở vật dụng, heo, trâu, bò…đậu tại tân cảng Sài Gòn, gần cầu Sài Gòn, trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa.
Mỗi chiếc tàu loại nhỏ đó chỉ chở 5-7 chục người là nhiều, đàng này chúng dồn hình như xấp xỉ 3 trăm người vì chúng tôi chỉ nhìn thấy đầu đen và người nào người nấy, ở trần trùn trục, mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi mà ngồi chen chúc chịu trận vì không có đủ chỗ nằm. Tôi mạo hiểm lấy ra một cái võng tự chế khi còn ở Hóc Môn, leo lên thành tàu cao hơn 2 mét mới có chỗ buộc dây 2 đầu căng võng nằm, còn ở sàn tàu, không ai có thể đặt lưng nằm được. Bắt chước làm theo tôi có đến cả chục người nữa mà đám bộ đội áp tải không nói năng gì.
Cái khổ nhất trần gian lúc bấy giờ là đi tiểu tiện trong 2 cái thùng thiếc miệng tròn dành cho mấy trăm người. Mỗi ngày, từ trên boong tàu mở nắp ra, thòng dây xuống để chúng tôi buộc vào thùng phân và nước tiểu lần lượt kéo lên. Vì ở trên cao, cách hơn 5-6 mét, cái thùng lại nặng, 2 tên bộ độ ì ạch kéo lên khơi khơi, làm chiếc thùng đầy lượn đảo qua lại bắn nước dơ tung toé, rơi xuống trúng người nào người đó chỉ biết kêu trời, lãnh đủ, nước không đủ uống làm sao mà có nước rữa nên phải “khắc phục”. Mỗi lần xếp hàng chờ “lấy tài” để tống hai cái của nợ, mất vài tiếng như chơi. Rủi hơn nữa tới phiên mình được phép trút cái nợ đời ra là lúc chiếc thùng đầy ắp, còn chỗ đâu mà chứa, đành gọi khan cổ xin kéo thùng lên. Chờ “bề trên” trông xuống hỏi lý do gì mà kêu cứu, họ mới thòng dây xuống kéo thùng lên, đồ phế thải dơ bẩn đó phải đổ xuống biển, còn rữa nữa mới thòng thùng xuống lại, thêm một lần nữa, thùng mới rữa lại văng nước tung toé. Anh em có dịp la lên chí choé, nhưng nước văng lần này tương đối “ thơm tho” hơn lần trước từ dưới kéo lên. Trong 4 ngày ở dưới hầm tàu này, có nhiều lần vì đợi tới phiên lâu quá, tôi lại không đi cầu được, đành rút lui để cho người khác làm “nhiệm vụ xã hội chủ nghĩa”.
Sau 4 ngày ngất ngư con tàu đi, nhiều người bị say sóng ói mữa tới mật xanh, may cho tôi, thể trạng tốt không bị ói mữa nên đở tiều tụy hơn nhiều anh em khác. Cũng vì cái còn khỏe đó mà tôi lãnh cái búa tạ, khi tàu cặp bến Vĩnh Linh - Đồng Hới, tôi được một thằng bạn mắc dịch lớn giọng đề cử tôi làm Đội trưởng để “quản lý” anh em trên toa xe lửa khi có 1 tên bộ đội bảo anh em đề cử đội trưởng.
CHUYẾN TÀU HỎA ĐỊNH MỆNH TRÊN ĐẤT BẮC
Trời đã bắt đầu tối, từng chiếc tàu cặp bến cầu, đổ người lên đông nghẹt, xếp hàng đôi “2 hàng dọc, đàng trước thẳng” lần lượt tiến bước có 4-5 con chó trận vừa sủa vừa dẫn đầu. Đèn dầu, đuốc được các người dân nghèo khổ cầm đứng 2 bên đường với các tên du kích cầm súng trường CKC có gắn lưỡi lê sáng loáng như hù dọa đám tù đói khổ đang lê lết từng bước nặng nề, sau 4 ngày nổi trôi lênh đênh trên sóng biển. Không biết dân chúng bị bắt buộc đứng trên con đường này bao lâu để “chào đón” chúng tôi. Họ nói chuyện râm rang, bàn tán, chữi đổng… rất ồn ào, bọn tù chúng tôi uể oải, mệt lã, lầm lũi bước đi như kẻ không hồn. Đến ga xe lửa, cứ 50 người lên 1 wagon (toa), hàng mấy chục cái toa, loại toa tàu lửa để chở súc vật, đồ đạc, không có ghế ngồi và hoàn toàn kín mít, không có một cái cửa sổ nhỏ nào cả, 50 người ngồi bó gối chen chúc nhau. Tôi nhận chân được cái văn minh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đường rầy xe lửa quá cũ kỹ từ thời Pháp thuộc để lại, những thanh sắt ngang, nay biến đâu mất tiêu, chắc cán bộ hỏa xa gỡ đem đi bán sắt vụn để “cải thiện’ đời sống. Thay những thanh sắt ngang bằng những thanh gỗ, khi bánh xe cán lên nghe âm thanh phập phình, khập khểnh, chúng tôi có cảm tưởng đường rầy sẽ “banh xà rông” và tàu hỏa sẽ trật bánh, đưa bao nhiêu con người cùng khổ xuống sông, xuống ruộng… Tàu hỏa chạy suốt đêm, đến gần trưa tới Nam Định, ngôi giáo đường Công Giáo giữa thị xã Nam Định loang lổ phong sương như các tín hữu của tôn giáo này đã từng bị chế độ cộng sản vùi dập không thương tiếc từ năm 1954 khi đất nước VN bị chia đôi.
Vì tôi là “xếp” toa này, nên được ngồi ngay cửa lên xuống mở hé, có 2 tên bộ đội ngồi chỉa súng ra ngoài, đó là ân huệ và cũng cái khổ cho tôi. Đến trưa, trời tháng 5 âm lịch, miền Bắc nóng khủng khiếp, hôm ấy có thể đến 100 độ F hay cao hơn, toa tàu đóng kín, qua khỏi Nam Định 2 tên bộ đội biến đâu mất và cửa này hoàn toàn bị đóng khóa chặt ở ngoài. 50 anh em chúng tôi mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, có người ngất xỉu vì thiếu oxy. Tôi nảy ra sang kiến kêu gọi anh em nào có vật gì bén nhọn như cọng dây kẽm… ngồi xuống nạy các khe gỗ ở sàn tàu, may ra có kẻ hở để gió lọt vào mà thở.
May quá, trong balô của tôi còn sót một cái lưỡi cưa nhỏ xíu và cọng thép dài hơn 1 tấc mà khi còn ở Hóc Môn, tôi dùng trong việc chạm trỗ trên các cái lược bằng nhôm, đám cán binh xét tới xét lui, tịch thu biết bao cái “của quý” loại này rồi, nay còn sót 2 món bảo bối quý hiếm đó. Tôi miệt mài khơi cạy chừng 10 phút , tàu lửa ngừng lại một ga xép để nhận tiếp tế và tù được nhận 1 thùng nước để uống mà đội trưởng nhảy xuống toa tàu, khi 1 tên bộ đội đến mở cửa, phải chạy thật nhanh mang thùng nước về. Khi tôi ra khỏi toa, tên bộ đội lại khóa cửa, anh em luân phiên cạy, nạy, móc ra từng mảnh rác nhỏ, đất cát… và may mắn có luồng gió mát thổi vào khi tôi mang thùng nước nặng 20 lít đưa lên tàu vừa lúc tiếng còi tàu ré lên, từ từ lăn bánh. Anh em mừng quá vừa có nước uống đở khát vừa có luồng gió mát thổi vào một cái khe nhỏ bằng đầu chiếc đủa và dài hơn 1 tấc, gặp thanh gỗ bắt ngang nên tắt tị không “khựi” thêm được nữa. Bây giờ là cái khổ của người đội trưởng, ai cũng cần khí trời để thở cho khỏe nên anh em khó nhường nhau mà người đau yếu, nhất là các anh bị suyễn kinh niên ốm yếu chỉ nằm chờ chết, làm sao chen giành lại với các anh khỏe hơn?. Tôi bèn có quyết định, lựa 4 anh to con như tôi hoặc to khỏe hơn tôi, ngồi chung quanh cái lỗ thông hơi cứu tinh này. Ai ngất xỉu được ưu tiên chuyển tới lỗ thông hơi hít thở vài phút, nhường chỗ cho anh khác tới thay. Nhờ anh em toàn là cấp chỉ huy cũ nên dễ thông cảm và tự thấy mỗi người có trách nhiệm giúp đở nhau trong cảnh cùng cực này. Dù vậy, càng về trưa, càng oi bức mà trời lại đứng gió nên có nhiều anh em ngất xỉu, tôi phải vỗ cửa bình bịch kêu cứu khi xe ngừng lại tại một ga nào đó. Nhiệm vụ của đội trưởng là phải dìu hay phải cõng anh bị xỉu chạy nhanh đến toa cấp cứu. Toa này chỉ là toa có nhiều cửa mở toang 2 tên bộ đội ngồi ghìm súng trên đó, anh nào may mắn được đưa đến đây đều được thoát chết vì được thở không khí ở ngoài tràn vào. Tôi gặp một anh bò ngũ thân quen đang nằm tại đây và anh cho biết Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng Khối Kế Hoạch Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã tắt thở, không đưa kịp đến toa cấp cứu này và xác anh ấy bộ đội áp tải cho khiên xuống rồi, cách đây 1 trạm. Tôi vốn quen biết Trung tá Hùng, vì khi ông đi làm đều phải đi ngang qua Khối Thông Tin Giao Tế mà tôi đang phục vụ, ở số 2 ter Đại lộ Thống Nhất – Sài Gòn. Sau này, tôi nghe còn có thêm vài bò tứ hay bò ngũ cũng qua đời trong chuyến tàu lửa định mệnh này. Nhờ những cái chết oan khiên của các anh ấy mà từ đó về sau khi chạy ngang Hà Nội cho tới ga cuối cùng Yên Bái, các cửa lên xuống đều được mở toang để có không khí lùa vào toa. Nhiệm vụ đội trưởng quá vất vả của tôi cũng chấm dứt tại bến phà Âu Lâu của tỉnh Yên Bái, sau đúng 1 ngày 2 đêm “nhậm chức”.
ĐƯỜNG LÊN SƠN LA GIAN KHỔ
Đến nhà ga Yên Bái gần sáng, ngày 16.6.76, bên nây bến phà Âu Lâu, chúng tôi được lùa đi cũng 2 hàng dọc đàng trước bước. Cán bộ giữ tù thông báo: Các anh được nhân dân địa phương đón tiếp và mời các anh uống nước vối cho mát để tiếp tục cuộc hành quân đến các trại. Hai bên vệ đường, có nhiều thùng nước vối đang còn lửa cháy phừng phực. Trong đời, lần đầu tiên tôi được thưởng thức nước vối có mùi khói phảng phất của đất Bắc, uống vào chả ra làm sao và tôi ao uớc nếu có một chén nước trà nóng trong đêm buồn thảm này uống chắc đả, phê lắm. Đi bộ xuống phà, nghe nhiều tiếng gà gáy sáng xa xa, báo hiệu một ngày mới nhục nhã và gian khổ đang chờ đón.
Lên bến bên kia thuộc địa phận khác, có nhiều đoàn xe molotova chờ sẵn, những người lính áp giải không phân biệt đội nào, cứ lùa tù lên đầy xe là được, hàng trăm xe lăn bánh đưa chúng tôi người về Hoàng Liên Sơn, người lên Sơn La, mãi đến chiều, tôi đến Sơn La, rừng núi ngút ngàn bất tận, đúng ngày 16.6.1976. Sau gần 6 ngày hành quân kỳ cục và khổ nhọc nhất, tôi đã nhận rõ tương lai mờ mịt của những người tù bị lưu đày lên xứ “nước Sơn La ma Hòa Bình”, đã đến đây chắc khó trở về sum họp với vợ con?.
Đoàn xe tù chúng tôi chừng vài chục chiếc, ước đoán cả 5-6 trăm người được đưa đến tận chân núi, nơi có 2 nhà tù lớn do Pháp khoét sâu vào vách núi, xây mấy chục năm trước để nhốt tù chánh trị. Sau này CSBV nhốt tù binh Mỹ và Đại Hàn mà vết tích còn ghi trên vách đá, nay nhốt chúng tôi. Trong đoàn tù này gồm toàn bò tứ, bò ngũ bên Quân Đội, bổng dưng có một xe toàn bò tam cũng đổ xuống , ngành cảnh sát đặc biệt, làm thành một đội riêng.
Chừng 2 tuần sau nhiều đợt tù kế tiếp được chuyển tới và tiếp tục chuyển tới nữa mà đa số là những anh em thuộc quân khu 9 của cộng sản, ở miền Tây. Chuyển từ Cần Thơ ra đây và nhiều anh em cấp đại úy trở xuống trình diện đợt 2 ở Sài Gòn cũng được chuyển đến xã Mường Cơi này, nơi mà không có đủ nước sinh hoạt hàng ngày cho cả chục ngàn tù binh mà CSBV gọi chúng tôi khi mới đặt chân lên xứ này.
Đợt tù đầu tiên đến đây lại gặp gần 100 anh em tù bị bắt từ mùa hè đỏ lửa 1972, ở trận Hạ Lào và đặc biệt có Trung tá Khương, Chỉ Huy Trưởng BCH Tiếp Vận V1CT bị bắt hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Tình cờ, trong khi tôi đi lao động cất nhà mới để đón tiếp các anh em chuyển ra sau, gặp lại anh Nguyễn Văn Thuế, Thiếu tá Pháo Binh cùng học với tôi tại trường Sinh Ngữ Quân Đội ở đường Nguyễn Văn Tráng Sài Gòn, cuối thập niên 60 để chuẩn bị đi du học Hoa Kỳ, khi đó chúng tôi còn đeo lon Đại úy. Anh Nguyễn Văn Thuế bị bắt lọai hàng binh trong mùa hè đỏ lửa 1972 được CSBV cho ăn bánh vẽ, nghe nói cũng “le lói” trong hàng ngũ bộ đội CSBV cũng đeo “quân hàm” thiếu tá… Sau xin đổi qua diện tù binh để được trao trả theo Hiệp Định Ba Lê nên bị cộng sản đì, không những không trao trả mà còn bị nhốt tù để cùng với những anh em khác cất thêm trại chờ đón chúng tôi.
Một chuyện hi hữu và thương tâm làm nhiều anh em chúng tôi không cầm được nước mắt. Một anh Trung tá (quên tên) cùng ở một nhà với nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, Tô Kiều Ngân, Văn Quang ở bên kia hàng rào, nhà bên này, nằm cạnh tôi có nhà báo Phan Lạc Phúc (đang ở Úc), chúng tôi chứng kiến một cuộc trùng phùng hi hữu giũa hai bố con truớc cỗng trại. Khi chúng tôi xếp hàng ra ngoài lao động “đốn tre đẵn gỗ trên rừng”, anh Trung tá gặp lại đứa con trai yêu quý của anh, cấp bậc Thiếu úy đã bị ghi nhận là mất tích trong một trận chiến mùa hè đỏ lửa 72, nay lù lù xuất hiện nhận diện được cha mình cùng đang ở tù chung trại.
Cũng tại trại Sơn La này, người tù chết đầu tiên là nhạc sĩ Thục Vũ, tôi lại quên tên, anh là Trung Tá làm Trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ hay là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, anh chết vì đau và sau khi hút được 1 “bi” thuốc lào thoải mái, anh thanh thản ra đi. Người chết kế tiếp cũng tại K1 có 2 nhà tù đá kiên cố này là anh Trung tá Tường, nguyên Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ mà tôi gặp anh hàng ngày khi chúng tôi cùng làm việc tại đây. Anh Tường chết vì uống thuốc tự tử, anh chán đời, chán cảnh tù khổ sai không biết ngày nào được thả ra…
Trại tù Sơn La, khi chúng tôi đến “tạm trú” đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 2 nhà đá có từ trước. Với chừng 100 anh em tù cũ gồm có Biệt Kích nhảy ra Bắc bị bắt hàng chục năm trước còn sống sót cùng với anh em bị bắt vào mùa hè đỏ 1972, cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào, cấp bậc từ hạ sĩ quan đến Trung úy, cấp cao nhứt là Trung tá Khương bị bắt 1968 tại Huế. Chính toán tiền đạo tù cũ hướng dẫn anh em chúng tôi cách “lao động xã hội chủ nghĩa” cất thêm doanh trại mới để nhốt tù lần lượt sẽ được chuyển tới từ trong Nam ra tiếp, trong phạm vi chừng 10 cây số vuông. Liên trại 2 Sơn La lúc cao điểm có đến 6 trại được phân định nhốt tù rõ rệt từng cấp bậc. Khu nhà đá gọi là K1, ở sâu trong núi “chuyên trị” nhốt tù có cấp bậc cao nhất ở đây là Trung Tá, K5 ở đồi chè Mường Cơi, gần đường lộ chính lên hướng huyện Phù Yên, gồm toàn bò tam và K6 nhốt toàn bò tứ trong đó có tôi, K6 cũng nằm gần trục lộ chính huyết mạch của tỉnh Sơn La. Còn K2, 3, 4 mới cất vội vã sau này nhốt các anh em ở các trại giam từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tập trung tại các trại giam Cần Thơ và từ đó chuyển đến Sơn La. Tội nghiệp cho các anh em này đến Sơn La cũng là nơi trung chuyển để Liên trại ở Hoàng Liên Sơn cất thêm đủ chỗ, các trại K 2,3,4 của Sơn La sẽ chuyển về đó.
Ở tù cộng sản, trại nào cũng khổ, nhưng mỗi trại tù có cái khổ nhiều ít khác nhau. Các anh ở miền Tây chuyển trại liên tục và đường lại xa hơn chắc chắn mệt khổ hơn chúng tôi từ Sài Gòn lên thẳng Sơn La.
TRẠI TÙ HỒNG CA - YÊN BÁI
Chuyện ở tù cộng sản, chúng ta viết hoài viết mãi cho đến chết cũng chưa có thể chấm hết được. Có đến 1001 chuyện khổ nhục về sự đối xử dã man tàn bạo của chế độ lao tù CS, cùng hung cực ác dành cho những người ngã ngựa của chính thể VNCH.
Đến năm 1978, có tin Trung cộng sẽ dạy cho CSBV một bài học, như chúng ta biết hồng quân TC đã xua hàng chục sư đoàn bộ chiến cùng với không yễm và pháo yễm đã tấn công vào các tỉnh cực bắc VN, giáp biên giới TC vào năm 1979. Ba trại 1, 5 và 6 ở Sơn La đã có lệnh “di tản chiến thuật” trước từ gần cuối năm 1978. Một nửa trại 6 chúng tôi được chuyển về trại Hồng Ca-Yên Bái do công an quản lý. Đó cũng là thời điểm, chúng tôi được chuyển sang diện tù thường không còn là diện tù binh như chúng tôi đến Sơn La được học tập chính sách 8 điểm của bộ đội cộng sản đối với tù hàng binh.
Chúng tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt. Bộ đội quản lý trại tù có phần dễ dãi đôi chút hơn là đám công an dùng kỹ luật sắt đối với chúng tôi, mỗi lần di chuyển bằng xe thì 2 người bị chúng khóa chung 1 cái còng số 8, còn bên bộ đội khi chuyển từ Nam ra Bắc không bị còng, ngoài trừ quý vị đi bằng máy bay. Tiêu chuẩn ăn uống hàng tháng bị công an xén bớt, ăn sắn quanh năm thay cơm. Chính sắn tươi quy ra gạo cũng bị công an tính gian lận. Thí dụ 1 ký gạo ở bên bộ đội quy ra thành 4 ký sắn tươi hoặc 2 ký sắn lát khô. Còn bên công an cứ 3 ký sắn tươi quy ra 1 ký gạo, có nơi công an chỉ tính có 2 hoặc 2 ký rưỡi sắn tươi thành 1 ký gạo, còn sắn lát khô, cứ 1 cân (ký) quy ra thành 1 cân gạo. Tiêu chuẩn về cung cấp đường, thuốc lá, thuốc lào bên công an cũng rút bớt của tù để chúng bồi dưỡng hoặc mua bán đổi chác với các hợp tác xã trong vùng.
Tóm lại, tại các trại tù do công an quản lý bắt người tù lao động cật lực chết bỏ, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm và có thể lao động cả ngày chủ nhật nữa mà bên bộ đội ít có xảy ra.
Chúng tôi ở trại 6 Sơn La, hơn một nửa chuyển về trại Hồng Ca-Yên Bái, số còn lại được chuyển về Nghệ Tĩnh. Còn trại 1 bò ngũ và trại 5 bò tam cũng vậy một số lớn chuyển lên trại Phù Yên gần quận lỵ Phù Yên-Sơn La, cách chỗ cũ chừng 20 cây số và một số chuyển về đâu đó, hình như cũng ở Nghệ Tĩnh.
TRẠI TÂN LẬP – VĨNH PHÚ KHÓ QUÊN
Bi đát nhất của cuộc đời ở tù cộng sản của tôi, gần đúng 10 năm, là K1 và K4 liên trại Tân Lập ở Vĩnh Phú. Vì vậy tôi không thể viết qua loa đại khái giai đoạn này, xin dành cho 1 bài khác vậy. Ở đây, chúng tôi chỉ tóm gọn, ở tù trại nào cũng khổ mà ai từng ở tù trại Tân Lập so sánh với các trại tù khác, quả trại này là địa ngục trần gian.
Từ Sơn La về Hồng Ca-Yên Bái, đây cũng là trạm trung chuyển, ở được vài tháng, ăn được một cái Tết tại Hồng Ca, tất cả “trại viên” được cho ăn 1 bữa khá no còn được tặng thêm gần 2 ký sắn luộc lại có kèm thêm đường cát trắng của Cuba.
Ôi! hạnh phúc biết bao! vì bao năm tháng ở tù cải tạo, lần đầu tiên tôi được ăn một bữa no và còn có sắn và đường để mang theo bồi dưỡng cho cuộc hành trình mới, chưa biết lành dữ thế nào?. Ngoài cổng trại Hồng Ca có nhiều chiếc xe đò loại nhỏ chừng 20-30 chục chỗ ngồi đậu sẵn để chở chúng tôi về trại Tân Lập Vĩnh Phú. Cứ 2 người đeo chung 1 cái đồng hồ số 8, tôi cùng đeo chung đồng hồ với Linh mục Trần Quý Thiện, ngài cùng ở chung với tôi tổ, đội 8 ở trại 6 Sơn La. Nay tôi được ngồi ghế gần ngài có dịp tâm sự nhỏ to suốt lộ trình dài nên cũng đở lo nghĩ, sốt ruột. Khi xe đến bến phà Âu Lâu, chúng tôi xuống xe và đi bộ hai người dung dăng dung dẻ có cặp song hành, lần lượt xe qua hết thì chúng tôi lại lên xe. Trên đường đi ngang qua khu chợ đang họp vào buổi sáng gần bến phà, bỗng nhiên tôi bị đau bụng quặn thắt dữ đội. Báo cáo cán bộ áp giải xin đi ngoài, tên này không cho, tôi làm liều lôi Cha Thiện vào cái nhà nhỏ bỏ hoang cạnh đường, xin Cha thông cảm giúp tôi cởi quần cho nhanh và chưa kịp ngồi xuống là cái của nợ của một bữa ăn no và cộng thêm sắn bồi dưỡng cùng với đường cát trắng biểu tình lần lượt dzọt ra tới tắp. Tội nghiệp Cha Thiện chỉ biết nhìn trời hiu quạnh mà hít phải mùi chua lòm của tôi vừa phóng ra. Quả Cha Thiện rất gentleman ngài xé 1 mảnh báo Nhân dân có sẵn trong túi đưa tôi làm nhiệm vụ sạch sẽ cuối cùng.
Lên xe, tôi cứ tiếc mãi được một bữa ăn no lại có thêm bồi dưỡng, nay của thiên trả cho địa mà thân xác tiều tụy của tôi chắng có hấp thụ được chút chất bổ dưỡng nào.
Về trại Tân Lập với các đồi sắn chập chùng vô tận do các người tù đến trước trồng trọt, đám tù sau tiếp tục sự nghiệp đào hóc trồng sắn mệt nghỉ và ăn sắn quanh năm. Một năm chỉ có 5 lần được ăn 1 chén cơm vào các ngày chiều 30 Tết, trưa Mồng Một Tết, lễ Lao Động 1.5, ngày 2.9 cái gọi là quốc khánh của CSBV và ngày 1 tháng giêng dương lịch (Tết Tây).
Cái khó quên của tôi, đội 16 rau xanh sau qua đội 5 trồng sắn mà tôi là thành viên, có 2 anh cùng đội chết vì trời nắng gắt, Trung tá Nguyễn Văn Lạc, Trưởng phòng An Ninh QĐ2, Thiếu tá Lê Xuân Hường Trưởng khối CTCT Liên Đoàn 1 BĐQ. Một ngày nắng cực gắt ấy làm cho các cây sắn như muốn rũ lá, chúng tôi mắt nổ đom đóm như bị ngộp thở. Ai cũng đội nón đàng hoàng thế mà anh Lạc, anh Hường và 1 anh Trung tá nữa lăn quay ra chết và còn một anh cũng bị say nắng được chuyển về trạm xá, đến tối mới chết. Chỉ một ngày bị say nắng đã 4 con người vô tội đáng thương từ giã cõi đời. Chính nhờ có 4 cái chết oan nghiệt của các anh ấy đã giúp chúng tôi từ đó về sau, không còn cảnh lao động trong lúc trời đổ nắng đom đóm nữa. Đây là cảnh trại K1 vừa kể ở trên, tôi ở Tân Lập từ K2 qua K1 rồi bị chuyển sang K4 và sau cùng là K3 . Từ K3, tôi được chuyển về Nam từ tháng tư năm 1982, trại Z 30D, thuộc huyện Hàm Tân-Thuận Hải, trại này ở khu vực có tên là Rừng Lá. Đến cuối năm 1984, tôi được thả ra cùng với một số đông gần 200 người gồm nhiều cấp tá mà trước đó cấp tá thả ra rất hiếm hoi.
TRẠI TÙ CHÓT: Z 30D – HÀM TÂN (RỪNG LÁ)
Đến năm 1982, khi tôi được quy hồi miền Nam, đóng chốt ở trại Z 30D – Hàm Tân (Rừng Lá), gặp lại nhiều anh em bò tứ bò ngũ trong lần chuyển ra đất Bắc đầu tiên ngày 10.6.1976. Khi tàu hỏa đến ga chót là Yên Bái, ai đi toa nào phải sang sông qua phà Âu Lâu sẽ trực chỉ Hoàng Liên Sơn và Sơn La, toa nào ở lại Yên Bái thì có xe tải đến đón đưa về các trại ở Yên Bái.
Đợt đi đầu tiên ra đất Bắc, gồm toàn những người mà cộng sản đã xếp loại nợ máu nhiều, khó mà được thả ra trong vòng 5 - 6 năm như tin đồn đoán, hầu hết là cấp tá đến cấp tướng bên Quân Đội và bên hành chánh là những công chức cao cấp đến hàng Tổng Trưởng, các lãnh tụ đảng phái, tôn giáo, dân cử…
Bên Quân Đội, những vị từ cấp Đại tá đến Tướng được đi bằng máy bay C130 của ta “bỏ của chạy lấy người”, cứ 2 người đeo chung 1 cái đồng hồ số 8. Bên công chức cao cấp cũng vậy được đi bằng máy bay và cũng đeo đồng hồ như bên quân sự. Còn cấp thiếu tá, trung tá, hàng Giám đốc nha sở trở xuống, các đại úy thuộc Cảnh sát đặc biệt hay nhiều người cấp chức nhỏ nhưng lọt mắt xanh xếp loại nợ máu nhiều của chúng cũng được ra Bắc đợt đầu.
Cái bịp của CSBV, không những chúng bịp các người tù mà chúng còn bịp đối với mọi người dân lương thiện trong nước và ngay cả nhiều thành phần cán bộ của chúng, quốc tế cũng bị chúng cho ăn quả lừa bịp.
Trưóc khi chuyển tù ra Bắc, tại trại Suối Máu-Biên Hòa, CSBV thiết lập tòa án quân sự bắn 2 anh Thiếu tá trốn trại. Tiếp theo, chúng cho tù học tập chính sách 12 điểm của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để mọi người tù an tâm hồ hởi phấn khởi sợ mà ở yên “học tập tốt, lao động tốt”.
Sau này, CSBV dùng tàu lớn như tàu Sông Hương chở 1 lần mấy ngàn người tù đổ xuống bến ở gần cảng Hải Phòng để có xe lửa hoặc xe tải đưa đến các trại tù khắp đất Bắc.
Tại Z 30D có 2 K1 và K2 mà tôi được “biên chế” về K2 ở trong sâu, còn K1 là nơi có BCH trại làm việc nữa. Z 30D là khu rừng lá buông bạt ngàn, người ta lấy lá làm đủ thứ chuyện. Đường vào K1 và K2 có trồng thật nhiều sua đũa tha hồ mà ăn bông, nếu ăn bông sua đũa nhiều quá dể bị “tào tháo” đuổi chạy trối chết.
Được chuyển trại về tới miền Nam, dù ở trại nào, tôi cũng vững tin là mình sẽ còn sống, lúc ấy quả thật chúng tôi rất vui mừng (hồ hởi phấn khởi) thấy được đoạn cuối của con đường hầm tối tăm bắt đầu có ánh sáng hé lộ. Khí hậu thời tiết không còn khắc nghiệt như các tỉnh ở vùng rừng núi miền Bắc, gần gia đình dễ thăm nuôi và được thông báo những tin tức hấp dẫn, tù cải tạo sẽ được thả hết qua sự vận động của Bà Khúc Minh Thơ với chánh quyền Hoa Kỳ. Tất cả tù cải tạo sẽ được qua Mỹ… Nghe vậy chỉ biết vậy và chúng tôi vẫn bán tín bán nghi, chắc gì Mỹ chịu rước của nợ các ông tù cải tạo bệnh tật đem qua nuôi báo cô. Chuyện gì đến đã xảy đến tốt đẹp cho mọi gia đình tù cải tạo từ 3 năm trở lên hoặc ở tù 1 năm và nếu có tu nghiệp ở Mỹ bất luận bao lâu, cũng được xếp vào diện HO ra đi đàng hoàng, ngẫng đầu mà đi dưới con mắt khó chịu của cộng sản.
KÉT LUẬN

Ai đã vào tù cộng trên đất Bắc từ Lào Cai, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Sơn Tây… ở tận cùng miền Bắc xuôi vào Nam qua Nam Đình, Nghệ Tĩnh, về miền Trung Bình Trị Thiên, Cao Nguyên, miền Đông Nam Bộ cho đến miền Tây đến vùng cuối Việt Cà Mau, CSBV đã thiết đặt hàng trăm trại tù lớn, khắc nghiệt, lao động khổ sai, thiếu ăn thiếu mặc, hàng ngàn tù lần lượt ra đi về bên kia thế giới. Chưa muốn nói là chánh sách nhân đạo của CSBV xuyên suốt nhằm trả thù cái vụ chúng sinh Bắc tử Nam trong thời chiến vì chúng đi xâm lược miền Nam nên chúng phải trả giá.
Nay miền Nam sụp đổ, CSBV trả thù một cách hèn hạ, tinh vi để cho những người ngã ngựa chết lần chết mòn trong các trại tù đói khổ, lao động khổ sai và bị hành hạ bỏ đói, đau không thuốc chửa trị…
Chuyện tù cộng sản không có bút mực nào mà viết hết và vì vậy mà tội ác của chúng tạo nên căn nghiệp mà luật quả báo của nhà Phật chỉ rõ “chủng quả đắc quả, chủng đậu đắc đậu” và tội nghiệp cho người dân lương thiện Việt Nam ở quê nhà cũng bị vạ lây vì luật nhân quả này./.

Trần Văn

Tuesday, December 29, 2015

TIN QUAN TRỌNG

 


SẮP CÓ BIẾN TẠI VIỆT NAM! (PHẦN 1) - TRUNG QUỐC BAN HÀNH ĐẠO LUẬT CHỐNG KHỦNG BỐ.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc trong ngày Chủ nhật 27/12/2015 đã phê duyệt đạo luật chống khủng bố (CKB). Đây là một đạo luật cho phép Quân Đội TQ đưa quân viễn chinh ra nước ngoài.
Sáng ngày 28/12/2015 T.T Mỹ Obama đã gọi cho Tập Cận Bình nêu rõ đạo luật CKB của TQ có thể sẽ vi phạm Nhân Quyền trầm trọng, hơn nữa điều 18 trong đạo luật CKB sẽ gây trở ngại cho các hãng kỹ thuật Mỹ tại Trung Quốc.


Điều 18 luật CKB của TQ : quy định các công ty dịch vụ viễn thông và Internet giao nạp kỹ thuật, giải mã, trợ giúp kỹ thuật cho cơ quan an ninh và tình báo quốc gia TQ khi thực thi nhiệm vụ.

Giải thích rõ hơn cho các bạn hiểu về "kỹ thuật, giải mã (encryption)" mà Trung Quốc muốn có. Trong các dịch vụ liên quan tới kỹ thuật số thì quan trọng nhất "mã số" để nhằm giữ KÍN bí mật của khách hàng.


Những email bạn gửi cho nhau, tin nhắn text trên điện thoại, giao dịch ngân hàng, thông tin doanh nghiệp... Điều cần mã số (encryption) để giữ kín bí mật về tài khoản mỗi cá nhân.

Luật Chống Khủng Bố của Trung Quốc đòi hỏi các hãng nước ngoài có dịch vụ điện toán, viễn thông và Internet phải giao nạp toàn bộ mã số của khách hàng, điều nầy có nghĩa là chính phủ sẽ kiểm soát toàn bộ sinh hoạt đời sống cá nhân của người dân.


Hai hãng lớn của Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc là CISCO và IBM ở Trung Quốc sẽ dời bản doanh sang một nước Á Châu khác bắt đầu vào tuần nầy.

Hãng APPLE ở Trung Quốc có những sản phẩm lớn như Iphone, Ipad cho biết là mã số của người sử dụng được mã hóa khác nhau trong mỗi đơn vị sản phẩm. Khi bạn mua một Iphone của Apple thì Iphone của bạn sẽ có mã số riêng biệt.


Hãng Apple cho biết thêm là chính phủ Trung Quốc có đòi họ cung cấp mã số của từng cá nhân sử dụng Iphone cũng không được vì mỗi Iphone có mã số riêng biệt, mã số nầy không nằm ở công ty viễn thông.











SẮP CÓ BIẾN TẠI VIỆT NAM! (PHẦN 2) - TRUNG QUỐC ĐƯA QUÂN VÀO LÃNH THỔ VIỆT NAM.


Chủ Nhật 27/12/2015, Trung Quốc phê duyệt đạo luật chống khủng bố (CKB), cho phép Quân Đội TQ đưa quân viễn chinh ra nước ngoài.


Thứ Hai ngày 28/12/2015 Đại tá Hà Minh Trân – Phó Cục trưởng Cục A67 cho biết: "Tại Việt Nam… lực lượng Công an đã phát hiện 10 đối tượng khủng bố quốc tế là thành viên chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda và JI nhập cảnh vào Việt Nam".

Điều nầy phù hợp với thông tin nghe được từ chuyến đi của Nguyễn Sinh Hùng ký kết Thống Nhất các điều khoản giữa Quốc Hội CSVN & Quốc Hội TQ.

CSVN đang dọn đường cho Quân Đội Trung Quốc vào Việt Nam với mục đích là "Chống Khủng Bố" nhưng thực chất là để thôn tín nước Việt Nam.

Nguyễn Phú Trọng được lệnh quan thầy Trung Quốc là đẩy Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chức vụ Tổng Bí Thư vào tháng 5 năm 2016, sau đó Nguyễn Phú Trọng sẽ duy trì chức vụ thêm 2 năm nữa từ 2016-2018 để hoàn tất kế hoạch BÀN GIAO NƯỚC VIỆT NAM cho TRUNG QUỐC.


Theo Kế hoạch thực hiện:

(1) Bộ Chính Trị CSVN do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu vào tháng 5/2016 sẽ thay thế toàn bộ các tướng lĩnh lãnh đạo Quân Đội CSVN, sau đó bàn giao hết các chức vụ cầm quân cho tình báo Hoa Nam.

(2) Khi Quân Đội Trung Quốc tiến vào Việt Nam để làm nhiệm vụ truy lùng các đối tượng "khủng bố" Quốc Tế thì Quân Đội Trung Quốc (công nhân) có sẵn tại các khu vực Hà Tĩnh ở Vũng Áng, Đà Nẵng và Miền Trung VN sẽ đồng loạt đứng lên nắm hết vị trí quân sự chủ yếu, trong cùng thời điểm đó, các tướng lĩnh Hoa Nam sẽ giải giới Quân Đội CSVN.


(3) Sau khi nắm được KHU VỰC TỰ TRỊ (KVTT) từ ĐÀ NẴNG tới NAM QUAN thì Trung Quốc sẽ Tuyên Bố là KVTT sẽ hưởng đặc ân của nước mẹ là không đóng thuế 3 năm, đồng thời gạo và thực phẩm sẽ được Trung Quốc chở sang Việt Nam tràn ngập trợ giúp cho khu vực Tự Trị.
- Lý do Trung Quốc KHÔNG đòi chiếm hết nước Việt Nam là vì vấn đề an ninh KHÔNG kiểm soát nỗi. Trung Quốc sẽ đóng cửa Biên Giới KHU VỰC TỰ TRỊ ngay tại ĐÈO HẢI VÂN, sử dụng ĐÀ NẴNG là khu vực Giao Thương Cửa Khẩu Biên Giới.

- Miền Nam từ Đà Nẵng vào sẽ được BỎ NGỎ (vô chính phủ).


Kết Luận: Đây là một số điểm chính trong "TOÀN BỘ HỒ SƠ" nằm trong KẾ HOẠCH bàn giao một phần VN cho Trung Quốc. Tất cả điều trên là Sự Thật dựa trên Hồ Sơ Thùy Trang có được. Sự sắp xếp có thể thay đổi tùy vào đấu đá phe cánh trong Đảng CSVN, tuy nhiên Thùy Trang đưa tin nầy trước để mọi người chuẩn bị tinh thần VƯỢT TUYẾN vào Miền Nam trước khi quá muộn.


(*) Điều chúng ta cần phải làm trong lúc nầy là Quan Sát tình hình - Nếu Bộ CHính Trị Đảng CSVN CHO PHÉP Quân Đội Trung Quốc sang VN để "truy tìm khủng bố", thì đây chính là KHỞI ĐIỂM của sự BÀN GIAO, do đó khi nghe tin nầy thì đồng bào HÃY vượt tuyến vào NAM thật nhanh.

Thùy Trang sẽ báo động ĐỎ trên các phương tiện truyền thông khi có biến.

Thân Ái

Nguyễn Thùy Trang





Minhhà

Báo Đài Loan: Việt Nam sắp đại biến, Chủ tịch Quốc hội cầu cứu Tập Cận Bình

Trong hai ngày 23- 24/12/2015, Tập Cận Bình và Du Chính Thanh tại Bắc Kinh đã lần lượt tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng. Giới quan sát cho rằng, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra, cạnh tranh trên chính trường đang rất kịch liệt, người được mệnh danh “đả phá diện mạo độc tài biến tướng”* thuộc phe cải cách là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang chiếm lấy ưu thế. Việt Nam sắp có biến cố lớn, Nguyễn Sinh Hùng thăm Bắc Kinh lần này có thể là để cầu tiếp viện. Ông Trần Phá Không (một nhà bình luận chính trị gốc Hoa tại Mỹ) cho rằng, nếu chính trị Việt Nam chuyển biến thành công, Trung Cộng sẽ bội phần lúng túng và bị áp lực.
Tháng 1/2016, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 quyết định hướng đi của Việt Nam trong tương lai sẽ diễn ra. Trong Đại hội này, tứ trụ triều đình đang lãnh đạo Việt Nam, bao gồm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều đến tuổi về hưu, thế hệ lãnh đạo Việt Nam mới sẽ lên thay.
Có thông tin cho rằng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ không nghỉ hưu đợt này, mà sẽ tiếp nhận chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Trên chính trường Việt Nam, quyền lực cao nhất trên thực tế là tổng bí thư Đảng Cộng sản, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội cũng chịu sự lãnh đạo của Đảng.
Nhưng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất thân quân đội, đã từng đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo kinh tế, hành chính; quan chức thuộc cấp đầy khắp trong 3 lĩnh vực hành chính, kinh tế, quân đội, là nhân vật có thế mạnh chính trị nổi bật.
Ngoài ra, truyền thông Nhật Bản từng đưa tin, Nguyễn Tấn Dũng là đại diện cho một phe lớn của Việt Nam, đó là phe miền Nam chủ trương cải cách chính trị. Vì vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có khả năng áp chế Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Tấn Dũng đang ở vào thế cân bằng quyền lực với Nguyễn Phú Trọng, thậm chí ngầm chiếm giữ thế áp đảo.
Có nguồn tin cho rằng, Nguyễn Phú Trọng vô cùng bất mãn với chủ trương cải cách kích tiến * của Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã có sự trao đổi về lĩnh vực này.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được coi là thân cận của Nguyễn Phú Trọng.
Có quan điểm cho rằng, trong thời khắc nhạy cảm này, một trong “tứ trụ triều đình” là Nguyễn Sinh Hùng thăm Trung Quốc, hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và Du Chính Thanh, có thể là có mục đích “cầu chi viện”. Nguyễn Phú Trọng yếu thế, có thể là hy vọng Trung Cộng triển khai sức mạnh ngoại giao, giúp sức một tay cho phe bảo thủ.
 
 
Nguyễn Tấn Dũng chủ trương cải cách, được mệnh danh “đả phá diện mạo độc tài biến tướng”.
BBC nói, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được cho rằng sẽ nắm giữ lấy chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 1 năm sau. “Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu phái cải cách ở Việt Nam”. Truyền thông từng đưa tin, theo tiết lộ của một quan chức cao cấp Việt Nam giấu danh tính, Nguyễn Tấn Dũng gần đây trong một buổi tiệc có nói rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có đi theo những giá trị phổ quát của thế giới, mới có thể tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam, nếu không sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi diện mạo độc tài biến tướng này, nếu như không có cách nào cải cách, sẽ lập tức giải tán”.
 
Cũng có nguồn tin rằng, Nguyễn Tấn Dũng thậm chí còn chủ trương đổi tên nước hiện tại là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thành nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Dưới sự ủng hộ đó, đồng đô la sẽ trở thành ngoại tệ lưu thông chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông còn đưa tin, Việt Nam gia nhập Hiệp định Quan hệ đối tác Thái Bình Dương (TPP), chính do sự ra sức tác động và triển khai mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chuyên gia bình luận chính trị sống tại Mỹ Trần Phá Không cho rằng, nếu như Việt Nam có thể cải cách mà trở thành một quốc gia mới tôn trọng nhân quyền và pháp trị, thì mô hình chuyển đổi đó có hiệu ứng khó lường hết được. Lúc đó, Trung Cộng sẽ bội phần lúng túng và áp lực, lựa chọn của Trung Quốc chỉ có 2 con đường: một là cải cách thay đổi để hòa nhập vào hàng ngũ thế giới văn minh; hai là cố chấp theo đường cũ, đóng cửa với bên ngoài, cam phận làm bạn với Triều Tiên, trở thành quốc gia lạc hậu nhất.
 
Trần Phá Không: Việt Cộng đi trước Trung Cộng trên lĩnh vực cải cách chính trị
Trần Phá Không từng viết bài đăng trên đài Á Châu Tự Do cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là 2 trong số 4 nước còn lại trên toàn cầu do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng với Triều Tiên và Cu Ba. Trung Cộng và Việt Cộng, tuy có sự thù địch nhất định, nhưng ý thức hình thái giống nhau, cách thức hành động cũng tương tự. Đều do một Đảng chuyên chính; đều dùng chính sách trấn áp, bắt bớ, bức hại những người bất đồng chính kiến và nhân sĩ tôn giáo thuần túy; đều dùng chiêu bài cải cách kinh tế để giữ lấy chính quyền chuyên chế; đều là những nước tham nhũng hủ bại nghiêm trọng; đều thao túng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chẳng hạn, Trung Cộng thao túng cho thị uy chống Nhật, Việt Cộng thao túng cho thị uy bài Hoa, đến lúc cần thì lại ra tay đàn áp.
Còn sự khác biệt nhau, ngoài khác biệt về cải cách kinh tế, Việt Cộng đã đi trước Trung Cộng trên lĩnh vực cải cách chính trị. Bắt đầu từ năm 2006, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên công bố báo cáo chính trị cho toàn dân thảo luận, công khai chương trình hội nghị, Tổng Bí thư và lãnh đạo các cấp được chọn ra do tuyển cử công khai. Những cách làm này, Trung Cộng thường bảo “dân chủ trong Đảng” mà đến nay vẫn chưa làm được, vẫn duy trì tình trạng “đấu đá trong cung đình, hiệp thương mờ ám”. Tháng 11/2012, Việt Nam quy định bắt buộc cán bộ công khai tài sản, trong khi Trung Cộng chỉ mới bước vào giai đoạn thí điểm, còn ám thị rằng kiểu quy định này phải đợi tiếp thời gian 20 năm nữa.
Điểm khác nhau lớn nhất giữa Việt Cộng và Trung Cộng còn ở chỗ, Việt Cộng lãnh đạo tương đối lý tính và ôn hòa, không tạo ra những tội nghiệt tày trời như Trung Cộng trong các chính sách: Đại nhảy vọt, Nạn đói, Cách mạng văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, Bức hại Pháp Luân Công… Việt Cộng mang nợ máu với nhân dân trong nước ít hơn Trung Quốc.
Chính trị Việt Nam dân chủ hóa 30 năm trước đến giờ, đã khởi bước
Sau Đại hội lần thứ 9, công cuộc dân chủ hóa chính trị ở Việt Nam trên bình diện quốc gia đã thể hiện.
Lãnh đạo tối cao Việt Nam đã hình thành chế độ “tứ trụ triều đình”, tức Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Tổng bí thư Đảng không kiêm nhiệm Chủ tịch nước và Thống soái tối cao của quân đội. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, kiêm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, đồng thời là Chủ tịch  Ủy ban An ninh và Quốc phòng, lãnh đạo toàn thể lực lượng vũ trang cả nước. Chủ tịch Quốc hội lãnh đạo lập pháp và tư pháp. Thủ tướng Chính phủ nắm giữ hành chính.
Như vậy, quyền lãnh đạo đảng, quyền lãnh đạo quân đội, quyền lập pháp và quyền hành chính phân lập và hình thành thế quân bình chế ngự nhau. Hơn nữa, chế độ phân quyền này đã được thực thể hóa ở một trình độ cao, Tổng bí thư Đảng đã không nắm giữ hết tất cả mọi quyền lực.
Năm 2013, Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu được truyền hình đến công chúng Việt Nam, trong lúc nói đến việc không thể tiến hành kỷ luật một đồng chí X (thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) đã rơi nước mắt.
Quốc hội Việt Nam (tương đương“Nhân đại thường ủy hội” của Trung Quốc) cũng không phải là những con rối. Đại biểu Quốc hội Việt Nam tổng cộng là 498 người, do cử tri các tỉnh thành trực tiếp bầu cử nên. Vì Quốc hội tập trung các phần tử tinh anh được dân tuyển từ các nơi trong cả nước, nên không khí cải cách trong Quốc hội Việt Nam khá mạnh mẽ, là động lực chủ yếu thúc đẩy dân chủ hóa chính trị ở Việt Nam.
Ngoài ra, tình hình dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã hình thành, thể hiện trong các mặt dưới đây: (1) Tổng bí thư do bầu cử mà ra; (2) Quyền quyết định việc trọng đại thuộc về Ban bí thư Trung Ương; (3) Thực hiện chế độ chất vấn của Ủy viên Trung ương; (4) Ủy viên Trung ương và các chức vụ lãnh đạo quan trọng do tuyển cử dân chủ, thông tin về người ứng cử được công khai.
Tác giả: Vu Phi, biên dịch Minh Nguyệt (Anhbasam)
Nguồn: tw.aboluowang.com, tiếng Trung, Đài Loan, ngày 26/12/2015
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
  1. Bài học nào cho các công ty Đài Loan sau sự kiện Bình Dương?
  2. Bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai
  3. Chủ tịch nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh?
  4. Chủ Tịch Cuba thăm Trung Quốc và Việt Nam
  5. Trung Quốc loan báo tập trận trên Thái Bình Dương
  6. Đài Loan đề phòng diễn biến hòa bình từ Hoa lụ




TỔNG THỐNG OBAMA CẢNH CÁO TRUNG CỘNG


Tổng thống Obama: “Tôi chỉ cần làm 6 việc khiến ĐCSTQ tan tành mà không phải dùng đến một người lính nào!”


Ông Obama đã cảnh cáo quan chức Trung Quốc: Nếu quý quốc dám gây chiến tranh với Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, tôi chỉ cần nói ra 6 điều là Trung Quốc tan vỡ, không phải sử dụng đến dù chỉ một người lính.

1. Công bố tài khoản nước ngoài của quan chức Trung Quốc và cho đóng băng.


2. Công bố danh sách quan chức Trung Quốc có hộ chiếu Mỹ.

3. Công bố danh sách người nhà các quan chức cấp cao Trung Quốc định cư tại Mỹ.

4. Ra lệnh thanh tra biệt thự và tình nhân của quan chức Trung Quốc ở Los Angeles.

5. Đưa người nhà quan chức Trung Quốc đang sống tại Mỹ đến nhà tù nổi tiếng của Mỹ ở Guantanamo (Cuba).

6. Tiếp tế vũ khí cho công nhân thất nghiệp ở Trung Quốc (có lẽ chỉ cần áp dụng điều thứ 6 này là đủ). "....






NGA CHƯA CHUẨN BỊ KỊP:


Poutine valide la nouvelle doctrine militaire russe




© Photo: RIA Novosti/ Alexei Druzhinin


MOSCOU, 29 décembre - RIA Novosti/La Voix de la Russie Vladimir Poutine a signé la nouvelle doctrine militaire russe: elle conserve son caractère défensif mais, selon le Conseil de sécurité de la Russie, comprend d'autres articles et termes en rapport avec le changement de "nature des dangers et des menaces militaires", écrit lundi le quotidien Nezavissimaïa gazeta.


Comme dans sa version précédente signée en 2010 par le président Dmitri Medvedev, la nouvelle doctrine considère l'activité de l'Otan comme un danger extérieur. La liste des risques comprend toujours le "déploiement de systèmes stratégiques de défense antimissile" ou encore "de systèmes stratégiques conventionnels d'armes de haute précision". Le concept de frappe globale - partie intégrante de la stratégie américaine de défense - est également présenté comme une nouvelle menace.


Le Conseil de sécurité russe souligne toutefois que la doctrine actualisée "garde son caractère défensif" et que la Russie ne recourra à la force militaire qu'après avoir épuisé "toutes les mesures non-violentes". De plus, il reconnaît la "nécessité d'entretenir un dialogue d'égal-à-égal avec l'UE et l'Otan, et de concourir à la construction d'un nouveau modèle de sécurité dans la région Asie-Pacifique".


La nouvelle doctrine militaire introduit un nouveau concept: la "dissuasion conventionnelle". Selon le Conseil de sécurité russe, cette nouveauté s'explique par la "nécessité de maintenir une aptitude au combat très élevée au sein des forces conventionnelles". C'est apparemment pour cette raison que la doctrine de 2014 évoque des dangers militaires extérieurs liés au changement forcé de l'ordre constitutionnel, au terrorisme ethnique et religieux, au torpillage des traditions historiques, spirituelles et patriotiques, etc. Ces interprétations pourraient être liées aux événements actuels en Ukraine.


Par ailleurs la doctrine actualisée, tout comme le texte précédent, souligne la faible probabilité du déclenchement d'une guerre de grande envergure contre la Russie. Le document souligne également que les "armes nucléaires resteront un facteur important de prévention des conflits militaires nucléaires et conventionnels". Les principes de recours aux forces armées et les conditions d'utilisation des armes nucléaires restent identiques.

Les médias citaient hier le commentaire d'un haut responsable de l'administration américaine, selon qui "la Maison blanche soutient la position russe quant aux menaces de l'extrémisme et des armes de destruction massive, mais n'est pas d'accord avec les estimations des dangers potentiels représentés par l'Otan". Eric Chiriaev, professeur de relations internationales et de psychologie politique à l'Université Georges Mason, estime que "cette doctrine de Poutine n'est pas un phénomène tout à fait nouveau: la menace d'une guerre mondiale nucléaire a diminué, mais la Russie fait face à de nouveaux dangers et d'autres conflits".



Lire la suite: http://fr.sputniknews.com/french.ruvr.ru/2014_12_29/Poutine-valide-la-nouvelle-doctrine-militaire-russe-6795/


De : "'nguoiphuongnam' nguoiphuongnam@iinet.net.au [chinhnghia]"
À : nguoiphuongnam
Envoyé le : Mercredi 30 décembre 2015 1h19
Objet : [ChinhNghia] FW: "THẾ CHIẾN THỨ 3 CÓ THỂ BÙNG NỔ NGAY NGÀY MAI" & Giờ G đã điểm -



From: Thập Ngv


Telegraph :
"THẾ CHIẾN THỨ 3
CÓ THỂ BÙNG NỔ NGAY NGÀY MAI"





Chỉ cần một va chạm nhỏ, Thế chiến thứ III có thể bùng nổ bất cứ lúc nào giữa NATO và Trung Quốc hoặc Nga. Và đây sẽ là cuộc chiến chưa từng có tiền lệ.


Trong 20 năm qua, các nhà lãnh đạo ở London và Washington chỉ chú trọng tới hoạt động quân sự ở Sierra Leona, Bosnia, Iraq, Afghanistan và hiện thời là Syria. Tuy nhiên, thế giới hiện đang chứng kiến một xu thế mới đó là: Sự trở lại của cuộc đua giữa các cường quốc chính trị và nguy cơ đẩy các quốc gia này vào vòng xoáy chiến tranh.


Theo Telegraph, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người từng cho rằng cuộc xung đột giữa các cường quốc với Nga hay Trung Quốc là điều sẽ không bao giờ xảy ra. Song cuộc chiến này lại dường như đang gần hơn với thực tế.



Chiến đấu cơ Squadron Typhoon của Không quân Anh (phía trên) và máy bay chiến đấu Bear của Nga trên không phận quốc tế ngoài khu vực bờ biển Anh.



Bởi tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác so với mấy chục năm về trước khi mà hàng loạt máy bay ném bom của Nga đang ngày ngày tuần tra khắp các vùng biên giới của NATO. Hành động này có thể dẫn tới những va chạm trên không giữa oanh tạc cơ của Nga với các chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh.


Nguy hiểm hơn, bầu trời Syria giờ trở nên quá đông đúc với sự xuất hiện cùng lúc của các loại máy bay quân sự Nga và Mỹ tham gia chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS trong khi đó, NATO cũng cho triển khai hệ thống phòng không ở Thổ Nhĩ Kỳ.


Trên biển, các vụ đụng độ dường như không thể tránh khỏi khi mà lực lượng tàu thuyền của Nhật Bản và Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Hải quân Trung Quốc xâm chiếm nhiều hòn đảo và bãi đã ở khu vực Thái Bình Dương. Chính hoạt động quân sự hóa trên những khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm, đã tạo ra một cuộc đua vũ trang ở châu Á trong thời gian gần đây.


Các cuộc xung đột còn có thể được xem là một phần trong những quyết định chính trị lớn nhằm định hình lại thế giới. Bởi hiện nay, sức mạnh quyền lực ở châu Á đến từ tiềm năng quân sự và kinh tế đang dần bắt kịp phương Tây. Đây là nhận định của hai chuyên gia PW Singer và August Cole, đồng tác giả của cuốn “Ghost Fleet: A Novel of the Next World War” (tạm dịch: Hạm đội ma: Tiểu thuyết về Thế chiến tiếp theo).


Điển hình, trong những bài phát biểu liên quan tới “Giấc mơ Trung Hoa”, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần nhắc tới mối liên hệ giữa sức mạnh quân sự và vị thế vượt trội của quốc gia này. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn dần dần thế chân Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới.


Theo Giáo sư Graham Allison tại Đại học Harvard, kể từ năm 1500, 11/15 trường hợp tham vọng như Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc xung đột.


Thậm chí, quyết định khơi mào xung đột không xuất phát từ việc tiềm lực của một quốc gia đang ngày càng lớn mạnh mà đôi khi lại ở sự xuống dốc. Cụ thể, Nga từng là một cường quốc nhưng giờ tình hình kinh tế và chính trị lại tụt dốc. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của một đứa trẻ sinh ra ở Nga giờ chỉ tương đương với bạn cùng lứa ở Haiti. Ngay cả việc đẩy mạnh tiềm lực quân sự ở khu vực biên giới và đặt NATO vào tình trạng cảnh báo cao nhất kể từ giữa thập niên 80, cũng được xem là chiến lược không mấy khôn ngoan của Tổng thống Nga Putin.


Vậy bằng cách nào Thế chiến thứ Ba bùng nổ?


Không giống như lực lượng khủng bố Taliban hay IS và thậm chỉ cả đội quân của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, các cường quốc trên thế giới giờ có thể triển khai lực lượng quân sự tới mọi vùng lãnh thổ. Và giờ là thời điểm thế giới chứng kiến những cuộc chiến giành quyền kiểm soát không phận và hải phận chưa từng xảy ra trong hơn 70 năm qua.


Tuy nhiên, một số dự án mua sắm khí tài lại mới được đầu tư nửa vời. Cụ thể, Anh đã chi 12 tỷ bảng để mua các chiến đấu cơ mới nhưng chương trình này đã không ít lần bị bại lộ và ngay cả tầm hoạt động của các máy bay mới cũng không thể sánh bằng quy mô trong Thế chiến thứ Hai. Thậm chí, chiếc tàu sân bay trị giá 6 tỷ bảng cũng thiếu cả hệ thống phòng thủ chủ chốt để tham gia một cuộc chiến hiện đại.



Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ tham gia huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin ở Florida.


Ngoài ra, thế giới cũng đang phải chứng kiến cuộc chiến trong 2 lĩnh vực rộng lớn là khoảng không vũ trụ và không gian mạng.


Trong đó, khoảng không vũ trụ giờ được xem là một phần trong hệ thống đầu não của quân đội các nước. Không chỉ có các vệ tinh tình báo quân sự, hơn 80% hoạt động trao đổi thông tin quân sự của NATO còn được thực hiện qua các vệ tinh thương mại. Trong khi đó, năng lực diệt vệ tinh của Trung Quốc lại không ngừng được phát triển kể từ năm 2007. Thậm chí, Nga được cho đang phát triển loại vũ khí bắn hạ các hệ thống trong không gian, nhằm làm suy yếu năng lực của các lực lượng quân sự NATO. Về phần mình, Mỹ đã chuẩn bị sẵn khoản ngân sách 5 tỷ USD cho các kế hoạch chiến tranh vũ trụ.


Tình hình nay đã khác xưa, cuộc chiến không gian mạng không chỉ dừng lại trong những câu truyện viễn tưởng mà hiện đã trở thành một phần trong chiến lược quân sự. Và thực tế, cuộc chiến này đã bắt đầu. Điển hình, các nhóm tin tặc của Trung Quốc từng nhiều lần đột nhập và ăn cắp dữ liệu từ chương trình phát triển chiến đấu cơ hiện đại F-35 cho tới hồ sơ cá nhân của các nhân viên an ninh tại Mỹ mà cụ thể là 1,1 triệu dấu vân tay.


Trong khi đó, Nga sử dụng các cuộc tấn công mạng để đột nhập hệ thống thông tin lien lạc và thương mại của Ukraine còn Mỹ sử dụng Stuxnet, “siêu vũ khí” chiến tranh mạng, để tấn công các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran.


Do đó, vấn đề hiện nay không còn nằm ở việc các cường quốc quân sự có số lượng máy bay và tên lửa vượt xa quy mô mà IS hay quân đội của Tổng thống Syria Bashar-al Assad có thể cạnh tranh.


Đối với cuộc đua vũ trụ và không gian mạng, không có bất cứ ranh giới địa lý nào. Hơn nữa, mạng lưới viễn thông và thông tin liên lạc trong ngành dân sự và quân sự dường như không còn sự phân cách dù thông qua hệ thống cáp quang dưới lòng biển hay các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Hoạt động chia sẻ thông tin quân sự và tình báo hay gửi thư điện tử (e-mail) cũng đang diễn ra trên cùng một băng tần. Các loại máy bay không người lái tối tân nhất của Không quân Hoàng gia Anh và hoạt động theo dõi tư gia của các gia đình cũng dùng chung hệ thống đinh vị toàn cầu GPS.


Theo Telegraph, dù muốn hay không, sự bùng nổ của Thế chiến thứ Ba sẽ là lỗi lầm mang tính lịch sử về khả năng kiềm chế và ngoại giao giữa các nước. Song nguy cơ này là không thể loại trừ. Điển hình, trong tuyên bố chính thức hồi năm ngoái, một vị tướng quân đội Trung Quốc từng nhấn mạnh: “Chiến tranh thế giới là một dạng chiến tranh mà cả thế giới phải đối mặt”. Và lời tuyên bố này thật đáng để cân nhắc.


Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang điện tử của tờ Telegraph (Anh), một nhật báo khổ rộng phát hành buổi sáng hàng ngày tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.


Theo infonet




Giờ G đã điểm


Hội nghị Trung ương 13 vẫn không giải quyết được cái gốc của sự tranh giành quyền lực: đó là trong tứ trụ triều đình hiện nay, giữa Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng ai sẽ ở lại trong Bộ chính trị tương lai và ai sẽ phải khoác áo ra đi.


Đây không còn là vấn đề cá nhân nữa mà ít nhất thể hiện hai đường lối đối với Bắc Kinh: “Không đổi toàn vẹn lãnh thổ lấy hữu nghị viển vông” và “Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung sống bên cạnh nhau bao giờ cũng là thật, không khi nào viển vông“. Bên cạnh đó cũng là giữa hai đường lối “bảo thủ triệt để” hay “đổi mới toàn diện”.


Nếu “Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị” không phải ngụy tạo thì chứng tỏ rằng qua hội nghị nói trên có kẻ hạ màn đánh lén trong bóng tối và người bị đánh lén và người bị đánh lén đã trả lời công khai trước bàn dân thiên hạ.

Có hai điều nổi bật trong thông cáo chính thức bế mạc Hội nghị Trung ương 13 đã diễn ra từ ngày 14 đến 15/12

1/ “giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định.”


Ai cũng biết rằng ông Nguyễn Tấn Dũng yếu thế trong Bộ chính trị, nên sẽ bất lợi cho ông Dũng nếu tương lai của ông do bộ này quyết định. Ông Trọng có vẻ yếu thế không dám để Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu về việc chọn lãnh đạo trực tiếp của mình.

2/ “Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoàn chỉnh dự thảo các Quy chế nói trên để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.”





Phải làm lại quy chế bầu cử có nghĩa là quy định về bầu cử do ông Nguyễn Phú Trọng ban ra trong đó cấm đảng viên tự ứng cử, nhận đề cử, nhằm cắt hết cỏ dưới chân ông Dũng đã bị phản đối nên phải làm lại. Quy định này vi phạm điều lệ của đảng một cách nghiêm trọng, nhưng ông Trọng túng thế làm bừa.

Nó cho thấy ban chấp hành trung ương khóa XI đang phân hóa dữ dội, ông Trọng không áp đặt được quan điểm của ông trong Ban chấp hành hiện nay nên dằng dai thời gian bằng cách để Ban Chấp hành Trung ương XII tương lai quyết định.



Đại Hội XII được tổ chức vào ngày 20/1/2016 tức là chỉ còn một tháng thì dù cho có tổ chức được Hội nghị Trungương 14 cũng sẽ không giải quyết được vấn đề cốt tử của tứ trụ muốn nắm mãi trong tay vận mệnh của đảng và qua đó của đất nước.


Cùng lắm là phe ông Trọng trong Bộ chính trị áp đặt để quyết dành phần thắng nhưng thái độ của Ông Dũng và những người ủng hộ đổi mới triệt để sẽ như thế nào vẫn là một ẩn số. Trong cuộc chiến một mất một còn này, ông Dũng và phe của ông chưa chắc đã cúi đầu cam chịu. Và khi đó Đại Hội XII chắc chắn sẽ là một đại hôi cực nóng, nóng, nóng.



Ông Bùi Đức Lại, một chuyên viên cao cấp của Ban tổ chức trung ương trong một bài nhận xét góp ý cho văn kiện đại hội đảng đã cảnh báo một cách đáng sợ rằng: “Giai đoạn tới cuộc đấu tranh giữa các thế lực sẽ có thể diễn biến gay go hơn, quyết liệt hơn, công khai hơn. Không loại trừ một số hành vi cực đoan đối với nhau và đối với những người khác chính kiến (bị đe dọa trong 2 đoạn của Dự thảo)”.


Ra tay đầu tiên là phe Nguyễn Phú Trọng với sự bắt bớ LS Nguyễn Văn Đài. Đặc biệt thời điểm bắt ông Đài cho phép truyền thông trong nước và quốc tế hô hoán lên và đây lại là chủ ý tuyên truyền hăm dọa của phe ông Trọng. Ông Bùi Đức Lại đã chuẩn đoán đúng. Chỉ còn lại câu hỏi bao giờ đến lượt ra tay với ba người con ông Dũng và ngay cả ông Dũng để giúp Trung Quốc yên lòng về “Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Trung sống bên cạnh nhau bao giờ cũng là thật, không khi nào viển vông“


Chỉ còn một tháng nữa thôi, sẽ biết VN có được vực dậy hay không hoặc là tiếp tục xuống bùn đen với XHCN. Giờ G đã điểm.

Nguyễn Trung Chính


(Ba Sàm)



TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN =

unday, December 27, 2015


TRẦN TƯ, NGƯỜI TÙ XUYÊN THẾ KỶ


Người tù bất khuất, xuyên thế kỷ Trần Tư đã được tự do

Chí Sĩ Trần Tư
Nguyễn Thu Trâm, 8406 (Danlambao) - Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đánh đi từ Washington DC hôm nay 25 tháng 9​ năm 2014​ thì ông Trần Tư, một tù nhân chính trị với bản án chung thân, chấp hành án tại trại giam Ba Sao, Nam Hà đã được phóng thích vào ngày 24 tháng 9 và vừa về đến gia đình tại số nhà 23 Đường Số 10, khu phố 4, phường An Phú, quận Hai​, Sài gòn vào lúc 5 giờ sáng hôm nay, giờ Việt Nam. Điện Thoại: (+84)942 305 591​.
Xin được nhắc lại rằng Ông Trần Tư sinh ngày 20 tháng 01 năm 1941 trong một gia đình Công Giáo tại làng Phủ Cam, xã Thủy Trường quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, nay là phường Phước Vĩnh, thành Phố Huế. Là cựu học sinh trường Pellerin từ năm 1952 cho đến năm 1959, là một trong những học trò cưng của ba vị Bề trên Frère Jérôme, Frère Antonin, và Frère Camille. Năm 1960, ông Trần Tư nhập ngũ, được huấn luyện thành hạ sĩ quan thông dịch viên tùng sự trong một đơn vị thuộc Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Đội Đồng Minh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. Sau năm 1975, ông Trần Tư không ra trình diện ban quân quản Sài Gòn để tập trung cải tạo mà trốn về Miền Tây tìm đường vượt biên và ông đã bị bắt, bị đưa đi cải tạo tại trại giam K1, Cái Tàu, thuộc V 26 Bộ Công An, nằm trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Minh Hải từ năm 1976 cho đến năm 1981.

Thầy Giáo Anh Ngữ Trần Tư tại trại tỵ nạn Panatnikhorn, Thái Lan
Năm 1986 ông Trần Tư vượt biên thành công đến trại tỵ nạn Panatnikhom Thái Lan, nơi ông đã phục hoạt Liên Đoàn Hướng Đạo Sinh La Vang để trợ giúp đồng bào tỵ nạn trong trại, đặc biệt, với sự trợ giúp của tổ chức COERR, ông Trần Tư đã thành lập Trung Tâm Giảng Dạy Tiếng Anh cho người tỵ nạn tại các trại Panatnikhom, Sathu và Sikiw trước khi ông được đến định cư tại Ontario, California, Hoa Kỳ vào cuối năm 1986.
Ông Trần Tư tại California
Không lâu sau khi được định cư tại Hoa Kỳ, ông Trần Tư đã thành lập công ty dịch vụ du lịch ASIA TRAVEL nhằm tạo lợi tức để giúp đỡ cho các thuyền nhân còn kẹt lại tại các trại tỵ nạn ở Thái Lan.
Sau 4 năm định cư tại Hoa Kỳ, vào năm 1990 ông Trần Tư nhập nội trong vai một nhà từ thiện, về ủy lạo quần áo, thuốc Tây và sữa bột cho các bệnh nhân Phong đang điều trị tại trại phong Thanh Bình, xã An Khánh, Thủ Thiêm, bên kia sông Sài Gòn. Trong chính thời gian về nước làm từ thiện này, ông Trần Tư đã xây dựng và phát triển được Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội nhằm tập hợp những người yêu nước có khát vọng chấn hưng dân tộc, quang phục quê hương và đấu tranh một cách ôn hòa nhằm giành lại tự do dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.
Năm 1993, lần thứ hai ông Trần Tư trở về Việt Nam để tiếp tục kiện toàn tổ chức và phát triển đội ngũ của Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam cũng như để phổ biến phương hướng đấu tranh mới trong tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự sụp đổ hoàn toàn của các nước cộng sản ở Đông Âu. Không may là ngay sau khi về đến Sài Gòn chưa hoạt động được bao lâu thì ông Trần Tư đã bị bắt giữ.
Cơ quan an ninh của CSVN tiến hành khám xét nhà của ông ở gần Giáo Xứ Thiên Thần, tại số 354 thuộc Khu An Bình, An Phú, quận Thủ Đức, và đã tịch thu một số tài liệu của tổ chức cùng số hiện kim là 195.000 Đô La Mỹ. Với chứng cứ là các tài liệu về dân chủ, nhân quyền và về phương hướng đấu tranh ôn hòa cùng với số tiền gần 200.000 Mỹ Kim được phát hiện tại nhà, ông Trần Tư bị tòa án của CSVN tại Sài Gòn xét xử và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền. 
Sau khi bị kết án tù, ông Trần Tư bị đưa ra thi hành án tại trại tù A20 Xuân Phước, ở một thung lũng Tử Thần thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1994 sau một vụ nổi dậy của các tù nhân chính trị tại đó, bộ công an CSVN đã chuyển ông Trần Tư cùng một số tù chính trị trọng phạm như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Thượng Tọa Thích Hải Đăng, ông Trương Văn Sương, ông Lê Trọng Quang, Trần Mạnh Quỳnh, Lý Tống cùng hàng trăm tù chính trị khác ra Bắc, giam giữ tại trại tù Ba Sao, Nam Hà. Với chế độ tù đày khắc nghiệt, đói khát triền miên, bệnh tật không thuốc men điều trị, trong điều kiện thời tiết quá cực đoan, không ít tù nhân đã vĩnh viễn gởi lại nắm xương tàn ở nhà tù nhỏ đó. 

Một số tù nhân khác còn sống sống sót đã lần lượt mãn án tù và đã trở về với gia đình. Một số khác có quốc tịch Mỹ thì được sự can thiệp của chính phủ Mỹ và đã được trở về Mỹ như các anh Lý Tống, Jimmy Quỳnh. Riêng ông Trần Tư, vì mới là thường trú nhân của Hoa Kỳ, nhưng chưa nhập quốc tịch, nên không được sự can thiệp của chính phủ Mỹ, lại do tinh thần quật cường, bất khuất của một cựu quân nhân QLVNCH cùng chí hiên ngang của một tù nhân chính trị, ông Trần Tư đã không cúi đầu trước bạo quyền, không khuất phục trước chế độ cộng sản, và luôn nêu cao dũng khí của một huynh trưởng Hướng Đạo trước các tên giám thị và cán bộ quản giáo, nên ông vẫn tiếp tục bị giam cầm bị hành hạ tại nhà tù nhỏ Ba Sao, khi đến nay ông đã bước sang tuổi 72, với ngót 20 năm tù đày lao lý.
Có một điều cần được minh bạch ở đây là khi ông Trần Tư bị cơ quan an ninh của cộng sản bắt giam và kết án tù chung thân với tội danh âm mưu lập đổ chính quyền, dù không có bất cứ bằng chứng nào mang tính chất bạo lực về hoạt động lật đổ chính quyền của ông Trần Tư mà chỉ có một số tài liệu về các cuộc Cách Mang Nhung ở Ba Lan và Đông Âu cùng với số tiền 195.000 Mỹ Kim mà cơ quan an ninh đã thu giữ như là một bằng chứng để buộc tội ông âm mưu lật đổ chính quyền. Trong khi đó, những người thuộc tổ chức của ông Trần Tư ở hải ngoại thì hoàn toàn làm ngơ trước bản án tù chung thân mà nhà cầm quyền CSVN đã tuyên phạt ông, bởi trong tổ chức một số người vu cáo rằng ông Trần Tư biển thủ số tiền 195.000 Mỹ Kim đó để mua đất, sắm nhà cho vợ con ở Sài Gòn, thật oan khuất cho một chính khách đã dấn thân, đã hy sinh tất cả mọi phúc lợi của bản thân, của gia đình khi định cư trên đất Mỹ, thành lập được ASIA TRAVEL với lợi tức hàng trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm, để trở về xây dựng cơ sở, kiện toàn tổ chức để đấu tranh cho quê hương được tự do, cho dân tộc hưởng đầy đủ các quyền làm người.

Để minh oan cho tù nhân chính trị Trần Tư, chúng tôi đã liên lạc với các tổ chức Human Rights Watch Asia, Amnesty International và được họ cung cấp biên bản tịch thu số hiện kim khi công an tiến hành khám xét tư gia của ông tại Sài Gòn. Chúng tôi xin phép được đăng tải biên bản khám xét và tịch thu tài liệu cũng như tiền bạc của cơ quan an ninh Việt Nam khi họ bắt giam ông Trần Tư với mong mỏi các chiến hữu của tù nhân Trần Tư xóa bỏ định kiến và những nghi hoặc về hành động biển thủ số tiền 195.000 Mỹ kim của tổ chức mà suốt cả một thời gian dài họ đã nghi oan cho ông Trần Tư. Ngay khi chưa nhận được biên bản khám xét và tịch thu tang vật này, chúng tôi đã hoàn toàn tin vào sự trong sáng của tù nhân chính trị Trần Tư, bởi một người từng thừa hưởng một nền giáo dục căn bản của các Frère ở trường Pellerin, là một giáo dân có lòng tin kính như ông lại được trưởng thành trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa và khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tại Hoa Kỳ thì ông Trần Tư không phải là hạng người “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” để đổi lấy cuộc đời tù ngục bằng một số tiền không bằng lợi tức hàng năm của ông như thế.
Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam hân đón mừng chí sĩ Trần Tư, một người tù xuyên thế kỷ vừa rời khỏi địa ngục trần gian. Xin chúc mừng bà Nguyễn Ngọc Hoa và đại gia đình sắp được đoàn tụ với người chồng, người cha khả kính vì đáp đền ơn tổ quốc, nợ núi sông mà phải lụy vòng lao lý ngót phần tư thế kỷ.
Cũng theo nguồn tin từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đến thăm hỏi sức khỏe và đang hoàn thiện hồ sơ xuất cảnh để người tù bất khuất Trần Tư được sớm trở về Hoa Kỳ đoàn tụ với gia đình trong vài ngày tới.
Mong rằng các tổ chức và cá nhân đang hoạt động vì dân chủ nhân quyền cho Việt Nam, các cựu tù nhân chính trị kịp thời ghé qua thăm gặp và chúc mừng chí sĩ, người bạn tù bất khuất Trần Tư trong những ngày ngắn ngủi ông lưu lại Việt Nam.



TRẦN TƯ, NGƯỜI TÙ TỊNH KHẨU BẤT KHUẤT

Tôi nhận được điện thoại của anh Trần Tư (TT) từ Florida cách đây khoảng 1 tháng và sau đó anh gọi lại khi đã move về Nam Cali. TT được trả tự do tại Việt Nam ngày 25/9/2014 và trở về Mỹ ngày 25/12/2014, cách nay đúng 1 năm. (Hình TT, ở giữa, hàng 3, có dấu X, chụp với Gia đình và Chức sắc họ đạo Tân Mỹ, Thừa Thiên, Huế, và chụp với đứa cháu sau khi ở tù về, tổng cộng 27 năm, hai đợt tù.)

Tôi hỏi tại sao anh không gọi tôi ngay khi tới Mỹ thì TT cho biết anh thực hiện lời nguyện Cấm Phòng và Tịnh Khẩu một năm nên không liên lạc với bất cứ ai, kể cả gia đình. Điều đặc biệt là Chính phủ Hoa Kỳ, qua Thượng nghị sĩ John McCain, đã bảo lãnh toàn bộ gia đình TT qua Mỹ trong khi TT đang ở tù qua 5 đợt:
id="x_yiv4494626088yui_3_16_0_1_1451165903689_4407" style="font-size: small;">Đợt 5: Con dâu Trang và các cháu nội qua Mỹ năm 2013.
Tôi định đi Florida thăm TT thì anh đã về Orange County. Nhân Christmas và New Year từ San Diego tôi định xuống thăm anh một tuần từ ngày 23/12, nhưng không ngờ phải về ngày 24/12 vì "long thể bất an." Tôi chỉ kịp đãi TT một chầu Lobster tại Red Lobster, do tiền của Thành, một bạn trẻ tại San Diego, ái mộ tôi và TT, yểm trợ. (Thành là người đã dựng tấm bảng lớn FREEDOM FOR VIETNAM tại nhà mình, ở địa thế cao, chồm ra ngoài đường lớn nên xe qua lại gần ngã tư Foster St và Imperial St, tại San Diego đều thấy. Tôi chụp hình tại đây hôm Thành mới ghé thăm nhà.
Anh TT và tôi, hai người hình như ở 2 thái cực ngược nhau, nhưng lại hợp nhau. Ở Mỹ, TT dành nhiều thời gian đi bộ, tập Yoga còn tôi thì suốt ngày ngồi ôm computer biên soạn Thi Nhân Bách Khoa Từ Điển Việt-Anh. Anh có một trí nhớ đặc biệt. Khi briefing về Yoga, anh thao thao bất tuyệt về hơn 200 huyệt đạo, trong đó có 21 Luân xa phụ và 7 Luân xa chính tức 7 tuyến nội tiết gồm: Tuyến Sinh dục, tuyến Tụy, tuyến Thượng thận, tuyến Ức, tuyến Giáp, tuyến Tùng, tuyến Yên. Anh còn sửa một chữ của Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ ngành Y, VN trong câu:
Bế kinh, Dưỡng khí, Tồn thần
Thanh tâm, Quả/Diệt dục, Thủ chân, Luyện hình.
bởi theo TT, "Quả dục" tức "ít dục" chưa đạt bằng "Diệt dục," hoàn toàn diệt bỏ dục tính. (Điều này cũng trái với châm ngôn của tôi: "Making love is the best way to keep in shape!"). Chỉ có hình thức "Tout nu" khi TT ngồi luyện Yoga và "tout nu" khi LT ngồi luyện computer là tương đồng. 5 giờ chiều anh đi ngủ đến 12 giờ khuya. Tôi hỏi: "Sao anh ngủ trái với nguyên tắc ngày, đêm của Trời-Đất?" TT bảo: "Trời-đất cũng phải theo nguyên tắc của mình!" Bởi thế tôi phải đi kiếm mối giải trí tối một mình và được Thanh AF, bạn Phi công cùng Phi đoàn, cho biết SBTN đang tổ chức Party Giáng Sinh. Không đâu tổ chức ăn uống sang bằng đây, bởi có đủ những món tôi thích khẩu: Losbter, Sushi, Beef Steak... Tuy vậy, tôi chỉ cụng ly cùng các người bạn trẻ mới gặp có thiện cảm với các Phi vụ của mình do chầu Red Lobster còn đầy bụng.
Đang hào hứng cụng ly với đủ thứ coctails do các bạn mời, tôi bỗng chợt thấy mình thức dậy trong xe giữa đêm lạnh giá. Hôm sau gọi điện thoại hỏi, tôi có say không và ai đưa tôi ra xe, thì anh bạn chủ tiệm vàng trả lời: Đang nhậu vui vẻ thì anh biến mất tiêu, tụi em tìm khắp nơi không thấy. Suốt đêm chịu lạnh nằm trong xe vì không muốn lãnh ticket DUI của cảnh sát, hôm sau tôi gần tắt thở. Do đó sau khi được Giàu đầu bạc, một Phi công bạn chiêu đãi ăn sáng tại Quán Hỷ, tôi đành bye-bye TT trở về San Diego dưỡng thương. Tôi khoái nhất món "bánh canh" tại đây, nhưng quên tên của món, chỉ đến khi cô chiêu đãi viên hỏi: "Không phải bún, mỳ, hủ tiếu, phở mà có nước thì chắc là bánh canh?" Lúc đó tôi mới gật đầu! TT nhớ tên 200 huyệt đạo, trong khi tôi lại quên tên cả món "hẩu xực" của mình, dù kém TT 6 tuổi. Thật là chuyện khó tin nhưng có thật. Sau 7 lần Tuyệt thực kiêm Tuyệt ẩm, tôi giờ bắt đầu quá trình mất trí nhớ, đặc biệt quên tên và chữ số. Tôi đi gấp đến nỗi quên chụp chung với TT một bức ảnh. Bởi vậy tôi nhắn Giàu đầu bạc (tên do có mái tóc bạch kim đẹp hơn tóc Tài tử Đoàn Châu Mậu ngày xưa) chụp với TT hình mới nhất để post theo đây.
Các khác chính giữa tôi và TT trong thời gian ở tù là: TT áp dụng biện pháp "Tịnh Khẩu" trong lúc tôi lại "Động Khẩu." Trong suốt 21 năm, 6 tháng, 20 ngày (Từ 5/3/1993 đến 25/9/2014), đặc biệt thời gian ở Ba Sao, Nam Hà, TT chủ trương phớt lờ, không thèm trả lời bất cứ ai, ngoại trừ Đại Tá Trưởng trại Nguyễn Tiến Lấn khi có việc quan trọng. Anh suốt ngày đêm đi đi, lại lại trong phòng mình hoặc ngồi Yoga, mặc cho cán bộ kêu réo, gọi tên. Tôi do chủ trương "Động Khẩu," nên hở là "độp" lại ngay, với giọng quát tháo ồm ồm khá lớn đầu trên xóm dưới đều nghe. Đến nỗi cán bộ An ninh Nam cứ phải lập đi lập lại câu: "Ai có nàm gì đâu mà nại 'nên cơn' nữa rồi?" hay cán bộ Chanh trực trại: "Bììììình tĩĩĩĩĩnh, bììììình tĩĩĩĩĩnh, có gì từ từ giải quyết!" trước khi bỏ chạy, đến nổi Thầy Tuệ Sĩ phải than: "Anh dữ quá anh Lý Tống à! Mỗi lần anh quát lớn là các cán bộ quíu chạy như vịt!" (Nhờ lối nói kéo dài chữ Bììììình tĩĩĩĩĩnh của cb Chanh mà tôi phân biệt được giữa cách phát âm của dấu hỏi và dấu ngã!)
Chỉ có một lần duy nhất tôi áp dụng biện pháp "Tịnh Khẩu" của TT. Đó là lần tôi định trốn trại chung với TMQ. Tôi bảo: "Nếu mỗi tối đám cai tù hỏi: Anh Quỳnh, anh Tư, anh Tống... ngủ chưa, mà chúng ta cứ phải trả lời 'chưa ngủ' thì khi ta đi trốn, họ hỏi, không nghe tiếng trả lời, sẽ lộ chuyện vắng mặt của mình. Vậy từ hôm nay các bạn: TMQ, A Quý tuyệt đối giữ im lặng, không trả lời thì chuyện trốn trại sắp đến mới an toàn được." Đêm đầu tiên áp dụng, tay vệ binh gác đêm không nghe ai trả lời bèn chạy về phòng trực báo cáo. Cán bộ trực nghe vậy hốt hoảng xách chùm chìa khóa chạy vào, mở cửa ngoài, phóng qua sân rộng 4 mét vào tới 2 cửa sát phòng, đập rầm rầm và hỏi: "Anh Quỳnh ngủ chưa?" Lúc đó TMQ buộc lòng phải trả lời: "Chưa ngủ." Anh ta qua 2 phòng kế tiếp, TT rồi A Quý, cũng đập cửa rầm rầm và hỏi lớn như vậy nên hai người buộc phải trả lời: "Chưa ngủ." Đến phòng tôi, phòng chót, dù anh ta đập cửa, la lối, tôi vẫn "Tịnh Khẩu." Y thò tay qua 2 lần cửa, nắm mùng tôi giật xuống, đến khi thấy rõ tôi còn nằm bên trong y mới chịu bỏ đi dù không nghe tôi trả lời.
Sáng hôm sau, ông Th/Tá Thắng Trại Phó, xuống phòng gặp tôi, hỏi sao tôi không chịu trả lời, tôi gằn giọng bảo: "Tôi có tật khi đang ngủ, bị đánh thức là có thể nổi cơn điên! Cũng may là ông gác không mở luôn 2 cửa cuối vào phòng tôi, nếu làm như vậy tôi đã bóp cổ ông ta chết rồi. Tôi báo cho ông biết trước, dặn họ đừng làm phiền tôi, để tránh cảnh chết người rồi ân hận không kịp!"
Tôi post lại 5 bài có liên quan đến Trần Tư để quý vị xem:
TUYỆT THỰC TRẠI TÙ BA SAO, NAM HÀ của Lý Tống
CHIẾN SĨ ĐỖ HƯỜN ĐÃ HY SINH TRONG NHÀ TÙ CS của Lý Tống
TRẦN TƯ - NGƯỜI TÙ THẦM LẶNG BẤT KHUẤT của Lê Minh
THÂN PHẬN CỦA MỘT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VIỆT NAM BỊ QUÊN LÃNG của Nguyễn Thu Trâm
THƯ KHÁNG NGHỊ VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ PHẠM NHÂN HIỆN NAY do 4 chúng tôi: Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Trần Mạnh Quỳnh và Lý Tống cùng ký tên.
CHÚC MỪNG TÙ NHÂN BẤT KHUẤT XUYÊN THẾ KỶ TRẦN TƯ - NGƯỜI BẠN TÙ CÙNG TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC, BA SAO - VỪA THOÁT KHỎI "NHÀ TÙ NHỎ" VC. MONG ANH SỚM THOÁT "NHÀ TÙ LỚN" ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG LẠI KHÔNG KHÍ TỰ DO TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG CÒN LẠI CỦA TUỔI GIÀ.
LÝ TỐNG
Cám ơn nhà báo Nguyễn Thu Trâm, 8406 (Danlambao) đã nhanh chóng phổ biến TIN VUI đến Đồng Bào về việc Người Tù Bất Khuất Xuyên Thế Kỷ TRẦN TƯ vừa thoát khỏi gông cùm đè nặng trong suốt 20 năm tù đày lao lý tại Trại Giam Ba Sao, Nam Hà.
Bài báo rất giá trị, trung thực và đầy tính nhân bản. Tuy nhiên có một điểm cần điều chỉnh trong đoạn: "Sau khi bị kết án tù, ông Trần Tư bị đưa ra thi hành án tại trại tù A20 Xuân Phước, ở một thung lũng Tử Thần thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đến ngày 28 tháng 10 năm 1994 sau một vụ nổi dậy của các tù nhân chính trị tại đó, bộ công an CSVN đã chuyển ông Trần Tư cùng một số tù chính trị trọng phạm như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Thượng Tọa Thích Hải Đăng, ông Trương Văn Sương, ông Lê Trọng Quang, Trần Mạnh Quỳnh, Lý Tống cùng hàng trăm tù chính trị khác ra Bắc, giam giữ tại trại tù Ba Sao, Nam Hà" bởi 4 người chúng tôi: Lý Tống, Trần Tư, Đoàn Viết Hoạt, Trần Mạnh Quỳnh cùng A Quý đã bị chuyển ra Bắc sau vụ Vượt Ngục Trại Giam Xuân Phước thất bại của cá nhân tôi vào tháng 2/1994.
Tôi post lại 2 bài "TUYỆT THỰC TẠI TRẠI TÙ BA SAO, NAM HÀ" và "CHIẾN SĨ ĐỖ HƯỜN ĐÃ HY SINH TRONG NHÀ TÙ CS" có liên quan đến TRẦN TƯ để bổ túc thêm những điểm thiếu sót.
TUYỆT THỰC TRẠI TÙ BA SAO , NAM HÀ
Sau vụ vượt ngục thất bại tại Trại Tù A20 Xuân Phước vào tháng 2/1994, tôi bị giam phòng kỷ luật vừa đúng 1 tuần thì Cục Trại Giam quyết định chuyển tôi ra Bắc để tránh "lịch sử lập lại." Bốn "đầu vụ" khác vô can bị vạ lây là Đoàn Viết Hoạt, Trần Tư, Trần Mạnh Quỳnh và A Quý. Sau một chuyến xe dài vất vả tay chân bị kòng từ Xuân Phước đi Ba Sao , Nam Hà, chúng tôi bắt đầu học Nội Quy 1 tuần. Hôm kết thúc khóa học, tôi được lệnh đọc bài thu hoạch trước mặt 4 bạn tù có câu kết luận: “Tôi trở về đây để thay đổi và cải thiện Luật pháp, Nội quy chứ không phải để chấp hành, tuân thủ các luật lệ lạc hậu, lỗi thời tại VN” và “Tôi sẽ phấn đấu cải tạo đến chừng nào chế độ này tốt mới về. Nếu không sẽ 'tự phóng thích!'” (tức vượt ngục) thay vì viết theo công thức áp đặt của nhà tù: “Tôi nguyện phấn đấu học tập tốt, lao động tốt, chấp hành nội quy tốt, cải tạo tốt sớm trở thành công dân lương thiện để được cách mạng khoan hồng cho về !"
Để dễ theo dõi, Ban Giám đốc nhập chúng tôi vào đội đập đá làm việc trong Trại. Sau vài tuần, Trại nâng chỉ tiêu làm công tác đập đá ngày càng nặng nhọc, trong thời tiết ngày càng nóng gắt vì đang chuyển sang mùa hè. Bụi đá mù mịt ngột ngạt, dăm đá bắn đầy mặt mũi làm mặt kiếng kính cận bị rỗ lỗ chỗ. Lại xảy ra vụ một Thầy Chùa Linh Mụ bị tù hình sự hành hung. Thấy tình hình căng thẳng, tôi quyết định Tuyệt Thực từ ngày 1/4/1994 chống lại việc bóc lột sức lao động và dùng tay tù hình sự uy hiếp tù chính trị và tôn giáo. Các bạn ủng hộ tôi bằng cách tẩy chay không lao động và Đoàn Viết Hoạt soạn thảo Nam Hà Kháng Nghị Thư để 4 người cùng ký.
Sợ tôi uống nước lạnh trong lúc Tuyệt Thực có thể sinh bệnh, Trần Tư lúi húi đun nước sôi thường trực và Trần Mạnh Quỳnh rỉ tai:
- Tôi có một ít sâm. Ông nên ngậm sâm để giữ sức.
Tôi từ chối bảo:
- Khi Tuyệt Thực bất tỉnh càng sớm càng tốt. Sự bất tỉnh giúp chấm dứt các cơn đau đớn và đối phương chỉ quan tâm giải quyết khi mình bất tỉnh hoặc sắp chết.
Sau đúng 1 tuần, Trại thành lập Tòa Án Nhân Dân để xử tội tôi. Quan Tòa và Bồi Thẩm đoàn là những tên tù hình sự được Trại tin cậy. Khi tên Chánh Án vừa mở lời lên án, tôi tiến về phía ý quát lớn:
- Thằng ăn cướp, ma cô, ma cạo kia. Mầy dám hỗn láo với bố mầy hả?
Nói xong tôi bất ngờ tung một quả đấm vào mặt làm y bật ngửa ra sau. Đám cán bộ và vệ binh xông vào kịp thời kềm chế, khóa tay, đẩy tôi ra xe và chuyển tôi ra Khu Kỷ Luật Trại Ba Sao B. Hôm sau Đoàn Viết Hoạt cũng được chuyển ra đó. ĐVH ở phòng đầu dãy, tôi phòng cuối dãy. Đến giờ cơm trưa, tù phục vụ đem cho tôi một mâm cơm có 3 món tươm tất thay vì tô "canh đại dương" lỏng bỏng nước với vài cọng rau nổi lều bều như thông lệ. Tôi bảo "tôi không ăn" và thò tay cầm gô nước uống nhưng tên cán bộ gạt tay và nói:
- Quy định Trại nầy "không ăn không được uống!"
Tôi cãi lại:
- Tôi chỉ Tuyệt Thực chứ đâu có Tuyệt Ẩm?
Y khoát tay bảo tên tù đem mâm cơm về và gằn giọng:
- Muốn uống thì phải ăn lại đã!
Liên tiếp mấy hôm sau, mỗi lần đem mâm cơm "thịnh soạn" vào y còn cho quay phim, chụp hình để làm bằng chứng "Trại cho ăn ngon nhưng chính tôi từ chối ăn chứ không phải Trại cúp cơm, bỏ đói!" Thấy trò nầy diễn đi diễn lại cố làm cho tôi "thèm" phải đầu hàng và nếu tôi có mệnh hệ nào thì Trại có bằng chứng khỏi chịu trách nhiệm nên tôi bảo:
- Cái thứ đùi heo, cánh gà... nầy bên Mỹ cho chó nó cũng không thèm ăn các ông tưởng quý báu lắm à? Chưa kể người ta còn nghĩ các ông cố tình dụ tù tuyệt thực ăn vào cho mau chết bởi người tuyệt thực khi ăn lại cũng chỉ được ăn cháo hoặc xúp vì bao tử đang yếu. Tuyên truyền kiểu nầy quá ấu trĩ!
Từ đó Trại dẹp trò màu mè nầy nhưng việc dời bàn ngồi ăn của Đoàn Viết Hoạt từ đầu dãy xuống cuối dãy ngay trước phòng tôi để "chọc thèm" thì giữ nguyên vì anh Hoạt có tật ăn nhóp nhép lớn tiếng nghe rất khiêu gợi bao tử và các hạch nước miếng của người nhịn đói. Sau 1 tuần không được uống nước và 2 tuần không ăn, tôi cảm thấy hơi chóng mặt và chân hơi yếu nên mỗi lần đi ra Nhà Vệ sinh tôi chống tay vào tường cho vững. ĐVH thấy vậy bảo:
- Đấu tranh là để sống chứ đâu để chết? Nếu họ không cho uống nước, tại sao anh không uống nước nhà cầu cho đỡ khát?
Thấy có lý, sau khi rửa mặt, đánh răng và làm vệ sinh xong, tôi chơi luôn một ca nước đầy bụng mặc dù nước dội nhà cầu rất dơ dáy, đủ thứ sét đỏ, cặn đen vì lâu ngày bồn nước không được chùi rửa. Tên cán bộ thấy vậy bèn bảo:
- Từ ngày mai anh sẽ không được làm vệ sinh buổi sáng nữa!
Tên tù phục vụ đem một thùng sắt đặt trong phòng tôi làm bô đi cầu, đi tiểu. Tuy không ăn, không uống nhưng do bị bệnh tiêu chảy nên cơ quan bài tiết vẫn tiếp tục làm việc lai rai dù là thứ nước tiểu vàng quánh hay nước phân lỏng đen thui. Quá khát tôi năn nỉ tù phục vụ:
- Mỗi lần đổ bô, rửa xong nhớ để ít nước dưới đáy cho anh uống đỡ khát!
Không ngờ y báo lại cán bộ trực nên từ đó bô rửa xong được lau khô ráo thay vì còn dính một ít giọt nước để tôi tranh thủ thấm môi như trước. Tôi bắt đầu lả người vì bị cắt nước 2 tuần và Tuyệt thực được 3 tuần. Buổi sáng tay cán bộ vào bảo tôi:
- Hôm nay có Thủ trưởng trên Bộ xuống thăm Nhà Kỷ luật. Tôi cho anh một thau nước để đánh răng, rửa mặt cho sạch sẽ vì trông anh bèo nhèo, dơ dáy quá.
Khi ra sân, tôi gục đầu xuống thau uống lấy uống để cho đã cơn khát nước. Tôi uống đến mửa ra, rồi uống tiếp, đến khi không thể uống được nữa. Xong tôi mới đánh răng, rửa mặt bằng số nước ít ỏi còn lại. Tên cán bộ thấy vậy lắc đầu bảo:
- Từ rày anh đừng mong còn dịp tiếp xúc với nước nữa!
Đoàn Viết Hoạt khuyên tôi:
- Anh nên viết các yêu sách nộp cho Trại ngay, sợ vài hôm nữa bất tỉnh không còn dịp để cho Trại biết điều kiện ngưng tuyệt thực.
Nghe có lý, tôi mượn giấy bút viết:
Bốn (4) Yêu Sách Tuyệt Thực:
1. Tù Chính trị và Tôn giáo không ở chung với Tù hình sự.
2. Tù Chính trị và Tôn giáo không lao động.
3. Ở riêng nhưng được sinh hoạt bình thường, tức trong giờ Tù hình sự lao động, chúng tôi được mở cửa ra sân sinh hoạt bình thường thay vì bị nhốt phòng kín 24/7 như những tù bị kỷ luật.
4. Được đọc sách báo tự do, thay vì chỉ đọc Báo nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân.
Từ tuần thứ ba trở đi, cô Y tá Trại mỗi ngày vào phòng giam đo mạch 2 lần. Cô khoảng 27 tuổi, dáng cao, khá đẹp nên trước kia tôi vẫn đùa khen:
- Bác sĩ giống các cô "fashion model" quá! Sao không đi làm người mẫu lại phí nhan sắc tại Trại Tù khỉ ho cò gáy này?
Có lẽ được khen bởi tay Không Tặc hào hoa cô có vẻ chịu đèn nên rất tận tụy và tình cảm. Nghệ thuật tuyệt thực là đừng bao giờ đóng tuồng "đau đớn" vì không thể nào qua mắt Bác sĩ và Y tá. Mình càng "không sao" thì họ càng nể nang. Chẳng hạn gần chết vẫn tuyên bố:
- Tuyệt thực một năm cũng chưa ăn nhằm gì huống gì chỉ mới mấy tuần lẻ tẻ!
Đến ngày thứ 28, cô Y tá khám xong luồn tay dưới áo sờ bộ xương sườn teo hết thịt da rồi nói với giọng xúc cảm:
- Mạch sắp đứng rồi. Anh sắp chết anh có biết không?
Tôi lúc đó môi đã khô nức, nước miếng đặc quánh như keo và cổ lở lói bởi hơi thở nóng như lửa trong ống khói lò sưởi nhưng bàn tay phù thủy của cô đã kích thích cơn động tình từ cơ thể suy kiệt sắp tàn. Người tôi bỗng run lên trong cơn khoái cảm. "Cu con" bị đánh thức đột ngột, cựa quậy như muốn chứng tỏ mình đã sẵn sàng "take care" nhiệm vụ canh giữ hòa bình thế giới như lời giao ước của bác Nguyễn Minh Triết vì "Cu ba" của bác Fidel Castro sắp... yên ngủ vĩnh viễn. Tôi kéo tay cô Y tá xuống dưới bụng, đụng phải "ngãi thần" rồi phều phào nói đùa:
- Vậy mà sắp chết hả?
- Cô Y tá đỏ mặt, rút tay lại, mắng yêu:
- Đồ quỷ! Gần chết mà còn...
Chiều hôm đó trời bỗng nổi sấm sét và mưa giông đầu mùa đổ xuống như thác. Không gì cay đắng bằng kẻ gần 3 tuần bị cắt nước uống nhìn nước đổ, chảy ầm ầm ngoài sân, ngay trước mắt mình mà chịu khoanh tay. Gió lại thổi vào mặt tiền có mái hiên rộng nên không giọt nước nào rơi tạt vào phòng. Tôi vói tay ra cửa sổ sau, rướn người dí ống nhựa đựng thuốc gần những giọt nước đang lăn và nhỏ giọt từ mái hiên phía trên ô cửa sổ. Giọt nước chạy trốn như trêu ngươi. Tôi rà ống nhựa theo vết nước. Nước tụ lại từng chút, lớn dần thành giọt tròn đủ nặng để rơi xuống. Nếu chậm tay, giọt nước sẽ rơi ra ngoài cái miệng nhỏ bằng đồng xu 10 cents của ống đựng thuốc. Phải mất cả 1/2 giờ tôi mới hứng được trọn vẹn "8 giọt nước cam lồ" để thấm môi, cổ họng trong khi thân thể, tay chân rã rời vì công việc hứng nước đơn giản. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới thấy giá trị của từng giọt nước trong cơn khát kinh người. Như vậy trong 3 tuần cuối, tôi chỉ được uống trộm nước 2 lần và lần chót có 8 giọt nước thấm môi.
Sáng 29/4 Đại tá Giám Đốc Trại Nguyễn Tiến Lấn đến Phòng Kỷ Luật gặp tôi. Ông bảo:
- Bác sĩ báo cho biết anh sắp chết! Anh định tuyệt thực đến chết thật sao? Vậy anh có điều kiện gì để ngưng tuyệt thực?
Tôi trả lời:
- Ông viết văn thư xác nhận sẽ thực hiện đúng Bốn (4) Yêu Sách tôi đã gửi ông.
- Chuyện thực hiện 4 Yêu Sách đó đâu có gì khó. Nhưng hợp thức hóa bằng văn thư thì không thể được. Anh biết chúng tôi cũng có phe phái như các anh. Chẳng hạn Th/Tá Thắng, Phó Giám Đốc, là nhân tuyển đối thủ của tôi. Chỉ cần tôi làm gì sai nguyên tắc, ông ấy trình lên cấp trên là tôi mất chức ngay để ông ta thế chỗ. Tôi hứa chắc sẽ thực hiện, không lẽ anh không tin lời tôi sao?
- Thôi được. Dù ông Thiệu từng nói "Đừng nghe những gì CS nói..." nhưng tôi chấp thuận. Xem như "take break" nghỉ dưỡng sức thôi. Nếu trong vòng vài tuần thấy ông thất hứa, tôi sẽ tuyệt thực lại.
- Vậy ngày mai bắt đầu ăn lại được chưa?
- Ngày mốt 1/5 đi. Tôi muốn tuyệt thực nguyên tháng 4 để kỷ niệm "Tháng Quốc Hận."
Sáng 1/5, Đại Tá Lấn cho mời tôi lên văn phòng. Trên bàn bày sẵn một mâm thức ăn và một két bia. Ông bảo:
- Cả tháng rồi vừa đói vừa khát, giờ ăn bù, uống bù cho đã!
Nói xong ông mở bia rót đầy ly tôi, một ly cối bự, và ly ông, một ly nhỏ kiểu hột mít rồi cụng ly. Tôi nhai thịt lấy nước nhả bã và uống cạn trăm phần trăm. Phải đói khát tới giới hạn mới thấy được cái thơm ngon của bia rượu, của thức ăn thường nhật. Đại tá Lấn thú thật:
- Hôm gặp anh, khi anh nói, miệng anh hôi thối như xác chết, tôi biết anh sắp chết và quyết chết thật. Chúng tôi cũng thật tình nể phục anh đó. Ông Thắng từng nói "Lý Tống chết thì còn ai để chống Cộng" tôi nghĩ đó là câu nói thật lòng chứ không phải đùa đâu. Trại nầy từng giữ bao nhiêu Tướng, Tá và các Quan chức cao cấp của chế độ cũ nhưng chưa từng thấy ai như anh. Tôi đã cho thực hiện các yêu cầu của anh khi nhận được 4 Yêu Sách Tuyệt Thực. Mong rằng từ nay anh sẽ không còn lý do gì để "quậy" nữa!
Tôi "đá" hết 12 chai bia lớn, 2 đĩa đồ nhắm và thơ thới ra về. Tôi được dẫn vào dãy nhà số 18 nằm cuối Trại. Thì ra đúng như Đại tá Lấn nói, Trại đã chuẩn bị sẵn một chỗ ở mới còn "đạt" hơn đòi hỏi của tôi. Dãy nhà có 4 phòng, 2 phòng đầu rộng 4X8 mét dành cho Trần Mạnh Quỳnh và Trần Tư. Hai phòng cuối cùng khổ nhưng ngăn đôi thành 4x4 mét, mặt trước dành cho A Quý và tôi, mặt sau là 2 Phòng Kỷ luật. Riêng Đoàn Viết Hoạt bị chuyển đi Nhà Tù khác. Mỗi phòng có 2 giường đúc, một bồn nước và một nhà cầu. Trước mỗi phòng còn được xây thêm sân rộng 4x4 mét để chúng tôi sinh hoạt trong giờ tù đi lao động. Mỗi sáng phòng mở cửa 6 AM, tù phục vụ kéo giây bơm nước vào từng phòng. Tôi tập "công phá" 1 giờ bằng cách đấm, đá và đánh đầu vào tường bê tông cốt sắt, xong tắm rửa, đọc sách, tập đánh đàn guitar. Trần Tư thì ngồi Yoga hoặc tập thể dục bằng cách đi lại hàng giờ. 11AM những món order hôm trước được đem vào để phe ta tự nấu nướng. Trần Mạnh Quỳnh và A Quý chuyên trị nấu ăn nên thỉnh thoảng mời chúng tôi vài món ăn đặc chế. Tôi suốt đời "cơm hàng cháo chợ" nên đành nhờ tay tù phục vụ nấu dùm. 3PM, cán bộ trực mở cửa để chúng tôi ra sân chung lớn để đánh vũ cầu, chăm bón hoa hay nuôi gà. 6PM sau tiếng kiểng chiều, chúng tôi cho gà "vào chuồng" trước rồi mình "vào chuồng" sau.
Nhà Trần Mạnh Quỳnh gửi vào Trại cuốn sách Tiểu sử Mao Trạch Đông do Bác sĩ riêng của ông viết. Tôi đọc trước cả nhiều thân hữu tại Mỹ. Nói chung, dãy phòng 17, 18 của Khu Biệt Giam (dành cho các nhân vật đặc biệt) là một "Thiên Đàng hạ giới" trong chốn lao tù đày đọa của VC. Bởi vậy khi có người lên án: Cha Lý hay các Nhà đấu tranh "bị biệt giam" và tranh đấu cho họ được ra chung sống với Tù hình sự là quý vị hoàn toàn không hiểu công lao của nhóm 4 người ký Nam Hà Kháng Nghị Thư đã tranh đấu kiên cường thế nào để đạt được thành quả hi hữu này.
Cuộc tuyệt thực tại Ba Sao, Nam Hà, hoàn toàn thắng lợi nhờ yếu tố "thiên thời": Đúng thời điểm VC cần bang giao và cần quy chế tối huệ quốc của Mỹ. Yếu tố thứ nhì là "nhân bất tri" thay vì "nhân hòa," tức VC thời đó không biết rằng các Nhà Chính trị Mỹ thuộc loại "lip service" (chỉ nói để nói), họ thực sự chỉ là những con "cọp giấy" như VC từng bêu rếu. Bây giờ thì VC quá rành Mỹ nên có đủ cách "play game" với Mỹ. Nếu tuyệt thực xảy ra vào thời điểm nầy, 4 yêu sách trở thành 4 miếng ván đóng hòm chôn tôi rồi!
CHIẾN SĨ ĐỖ HƯỜN ĐÃ HY SINH TRONG NHÀ TÙ CS
Hôm 14-8-2000, sau mấy ngày vắng nhà trở về, tôi nhận được message cuả chị Phạm Thị Qúy, vợ anh Đỗ Hườn, thông báo anh đã qua đời trong nhà tù CS. Qua điện thoại, tôi biết được Đỗ Hườn bị bệnh đái đường nặng, và trong một cơn stroke, anh ngã té, bị bại xuội, và cuối cùng đã qua đời. VC đoán bệnh biết anh sắp chết nên định thả anh vào ngày “Quốc Khánh” 2-9-2000 để chứng tỏ sự “nhân đạo” của chúng. Nhưng Đỗ Hườn đã không được may mắn chết bên ngoài nhà tù và bên cạnh thân nhân mình. Cuối cùng nhờ kiên trì yêu sách, xác anh được phép chôn bên “ngoài” nghiã trang nhà tù, và gia đình phải trả một số tiền lớn để mua một miếng đất nhỏ an táng anh gần điạ phận nhà tù Ba Sao, Nam Hà.
Cũng cần nhắc lại, sự kiện Không Tặc máy bay, rải 50 ngàn tờ truyền đơn trên không phận Sài Gòn ngày 4-9-1992 đã tạo nên một cơ hội hãn hữu, nên ngay sau đó có 2 nhóm chớp thời cơ gấp rút về VN hoạt động. Đỗ Hườn thuộc nhóm Liên Đảng Cách Mạng Việt Nam gồm người từ các tổ chức Phục Việt Dân Tộc Đảng, Quốc Dân Đảng, Đảng Duy Dân, và Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết hợp lại. Nhóm về nước gồm 14 người, trong đó có 5 người từ Mỹ là Trần Tư, Nguyễn văn Muôn, Phạm Đức Hậu, Đỗ Hồng Vân và Đỗ Hườn; 3 người từ Pháp là Phạm Văn Thành, Lê Hoàn Sơn và Phạm Anh Dũng; và một người từ Canada là Nguyễn Ngọc Đăng; còn 5 người ở tại VN.
Tổ chức Liên Đảng CMVN phát động Chiến Dịch Đông Xuân vào đầu tháng 3-1993, với mục tiêu tiến hành đồng loạt, kết hợp lực lượng quốc nội và hải ngoại, rải truyền đơn, phá nổ khách sạn nổi 5 sao trên sông Sài Gòn, tượng đài cáo Hồ, chợ Bến Thành, chợ An Đông, khách sạn Rex, Chợ Lớn, chợ Kim Biên, đánh cháy một số khu, đánh chiếm đài phát thanh và đài truyền hình ở Sài Gòn và Vũng Tàu, đánh sập cầu Phan Thiết trên quốc lộ 1, tổ chức biểu tình, cướp chính quyền, lập Chính Phủ Lâm thời, xoá bỏ nhà nước CSVN. (Tờ Sài Gòn Giải Phóng đăng lời BÁO ĐỘNG khẩn cấp ở trang đầu về những dự định phá hoại của “Tổ chức phản động nước ngoài” để dân chúng đề phòng cả tháng trước khi nhóm Trần Tư bị bắt. Nhiều thân nhân tù cho biết tình hình bên ngoài rất căng thẳng, các ngõ đường đều bị chận xét rất gắt.) Đầu tháng 3-1993, khi kế hoạch của Liên Đảng CMVN chưa kịp thi hành thì tổ chức bị phát hiện, các thành viên bị bắt với các tang vật bị tịch thu gồm: 199.066 đô la Mỹ, 29 ký chất nổ TNT, 218 kíp nổ, hơn 5 mét giây cháy chậm, 2 loa phóng thanh, 1 máy fax, 2 điện thoại di động, xe ô tô, mô tô, băng cờ, băng video ghi hình buổi ra mắt và băng cassette ghi lời kêu gọi quần chúng v.v…
Phiên toà xử “Âm mưu lật đổ Chính quyền” cuả nhóm Trần Tư tại Sài Gòn kéo dài 3 ngày, từ chiều ngày 23-8-1993, kết thúc với 3 án chung thân, còn lại từ 3 năm đến 20 năm tù. Năm người có quốc tịch Mỹ và Pháp, và ba người chưa có quốc tịch Mỹ, Pháp nhưng nhờ có sự vận động tích cực của các chính khách Mỹ, Pháp nên đã được phóng thích cuối năm 1998 sau gần 6 năm tù. Trần Tư và Đỗ Hườn đều bị án chung thân, vừa không có quốc tịch Mỹ, vừa không được vận động, nên tiếp tục bị giam giữ.
Để xác định giá trị cuả các chiến sĩ đấu tranh, thông thường sự thẩm định được căn cứ trên những cơ sở sau:
- Công tác đã thực hiện được trong thời gian hoạt động.
- Khí phách trong thời gian bị giam cầm. Tính cách này thường được xét qua hai nhân tố đặc thù: Sự kiên định trước thử thách qua hình thức chịu đựng nhục hình và thiếu thốn vật chất.
1- TRẦN TƯ
Trần Tư (tức Nguyễn Duy Khương, Peter Trần), sinh ngày 20.1.1941 tại Thừa Thiên, ngụ tại Cali . Tham gia tổ chức Liên Đảng từ tháng 12.1992, được phong làm Phó Thủ tướng, đặc trách ngoại giao cuả Chính Phủ Lâm Thời. Ngày 17.1.93 Trần Tư được cử về nước mở văn phòng du lịch Asia Travel tại 214 Nguyễn Tri Phương Sài Gòn để làm nơi liên lạc giữa thành viên trong nước và ngoài nước, trực tiếp truyền đạt chỉ thị, giao nhiệm vụ và nhận tiền phân phát cho các thành viên để hoạt động.
Trần Tư giữ được khí phách và danh dự trong thời gian ở Trại Ba Sao, Nam Hà. Các sự kiện sau đây nói lên được tính cách kiên cường cuả Trần Tư:
- Trần Tư thường ngồi Yoga suốt ngày, không thèm trả lời bất cứ cán bộ nào ngoại trừ tay Đại tá Giám thị trưởng. Trong những cuộc đối thoại hãn hữu này, các phòng bên cạnh thường nghe được tiếng cười cao ngạo, xấc xược cuả Trần Tư khi đối diện Chuá ngục.
- Trần Tư bị đổi đi Trại B, Ba Sao, vì dám đốp chát lại Chuá ngục. Số là hôm đó tay Đại tá Nguyễn Tiến Lấn vào thăm, vừa kể công đã cho Trần Tư chụp hình chung với gia đình trong dịp Tết, vừa huênh hoang khoe thành tích Trại Ba Sao được phong tặng “Danh Hiệu Anh Hùng.” Tưởng rằng sẽ nhận được câu chúc tụng theo phép lịch sự thông thường, không ngờ bị Trần Tư độp ngay: “Xin lỗi! Nhờ chúng tôi mà ông và trại mới nhận được danh dự đó. Nếu không được 'hân hạnh' phụ trách giam giữ chúng tôi, và nếu chúng tôi đi trốn, thì làm gì có được danh hiệu anh hùng!” Thế là cuộc cãi vã xảy ra, và Chuá ngục đã trả thù, đì Trần Tư đi trại B, nơi mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt đều tồi tệ hơn trại A.
Trong nhà tù, Trần Tư rất hào phóng, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người tù nghèo khổ, mặc dù bản thân không lấy gì làm dư giả mới trân trọng tấm lòng Nhân thật sự cuả Trần Tư.
Với Trần Tư, chúng ta có bổn phận phải quan tâm, phải tranh đấu để anh được trở về với không khí tự do sau gần 8 năm bị quên lảng trong nhà tù CS. Trần Tư đau tim khá nặng. Mặc dù tập luyện kiên trì, Trần Tư, do bệnh hoạn cộng với tuổi già, cùng với tâm lý bị bỏ rơi, có thể rồi cũng sẽ tiếp tục con đường bi thảm cuả Đỗ Hườn, nếu chúng ta không quyết liệt đấu tranh để Chính phủ Mỹ và các Tổ chức Nhân quyền can thiệp cứu Trần Tư kịp thời.
2- ĐỖ HƯỜN
Đỗ Hườn (tức Bùi Phán, Morier Bùi) sinh ngày 12-12-1938, tại Bình Thuận, thường trú tại Cali, là Đại Úy Quân Y, đơn vị cuối cùng đóng tại Cần Thơ, tham gia tổ chức tháng 12-1992 và được phong chức Thiếu tướng Tư lệnh Vùng 1 & 2, đặc trách từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Ngày 17.1.93 Đỗ Hườn về VN cùng Trần Tư. Ngày 6.3.93 Đỗ Hườn bị bắt khi đưa 6 người từ Phan Thiết và Đồng Nai vào Sài Gòn với mục đích bảo vệ Chính Phủ Lâm Thời, với tang vật 5 mét vải xanh chuẩn bị may khăn làm ám hiệu.
Trong thời gian ở trại Xuân Phước, Đỗ Hườn sống khắc khổ, kiên định lập trường, giữ vững tư cách của người chiến sĩ QLVNCH. Với đôi kính lão và khổ người bề thế, Đỗ Hườn có dáng dấp cuả một tu sĩ hơn là một chiến sĩ, phong thái đĩnh đạc và nghiêm nghị. Dưới chế độ nhà giam CS, tù nhân thường lâm vào cảnh “một cổ hai tròng,” vừa chịu sự kềm kẹp của cai ngục vừa bị sự khống chế cuả đám tù “đại bàng, đầu gấu” hình sự. Trong hoàn cảnh căng thẳng đó, Đỗ Hườn chưa bao giờ tìm cách lấy lòng cán bộ quản giáo, quản chế để được yên thân hoặc nhận ân huệ, và Đỗ Hườn rất bản lãnh khi bị tù hình sự đe doạ. Có lần một tên “đại bàng” xâm xâm đi vào khu nhà chúng tôi tại Trại Xuân Phước, vừa đi vừa chửi lớn: “Đ.M. thằng già mang kính. Già bố sẽ “cào bằng” theo già, đừng giỡn mặt với các bố!” Tôi ngồi gần đó bèn hỏi: “Thằng già mang kính là ai vậy?” Tên côn đồ bèn chỉ Đỗ Hườn đang đi bách bộ trước sân trại. Tôi nạt: “Mẹ mày, thằng bố láo. Ông đó không già hơn bố mày sao mày dám kêu là thằng già và tại sao lại chửi người ta.” Thấy tôi đột nhiên nhảy vào can thiệp, tên anh chị tù hình sự bèn xuống giọng phân trần: “Ở đây ngoại trừ ‘đại ca Không Tặc’ là tụi em đặc biệt kính nể, còn tất cả mọi thằng từ già đến trẻ, từ hình sự đến chính trị đều phải ‘đóng thuế’ cả. Thằng già này đã không chịu đóng thuế, lại còn dám cự nự. Thằng em sẽ ‘cào bằng,’ sẽ ‘xả láng’ với nó.” Nghe thế tôi bèn xông tới chộp cổ nó, quát lớn: “Tao sẽ vặn cổ hết tụi mầy nếu thằng nào dám bố láo vào khu này bắt địa.” Tên mặt rằn lúc đó mới chịu lủi đi.
Thời ở tù danh hiệu "Không Tặc" được báo chí áp đặt cho tôi đã trở thành "Thần Hộ Mệnh" che chở tôi. Trước khi chuyển tôi đến Khám Chí Hòa, cai ngục tại đây đã "quảng cáo" free cho tôi bằng cách thông báo cho đám tù Khu Tử hình: "Tên Không tặc sẽ được chuyển về giam giữ tại đây. Hắn là tên cực kỳ nguy hiểm, từ Mỹ trở về, một mình dám cướp phi cơ Airbus, khống chế Phi hành đoàn và 200 hành khách để rải truyền đơn kích động nhân dân đứng dậy lật đổ chế độ. Các anh phải theo dõi và báo cáo Trại khẩn cấp nếu thấy hắn định phá trại hoặc vượt ngục!" Với đám anh chị xã hội đen, Không tặc cướp máy bay được xếp hạng "Siêu Cao thủ," dữ dằn hơn cả cướp biển tức hải tặc, cướp núi như các đại vương "Lương sơn bạc," bọn khủng bố Hồi giáo IS ôm bom tự sát, bọn cướp bắt cóc con tin, kể cả các hảo hớn cướp pháp trường, cướp nhà băng (như 10 tên cướp nhà băng khét tiếng ở Mỹ,http://www.baomoi.com/10-ten-cuop-nha-bang-khet-tieng-o-My/104/4401713.epi
Phải được chứng kiến cảnh các tù khác tình nguyện làm “gà” phục vụ từ cai ngục đến “đại bàng, đầu gấu,” toán trưởng, nhà trưởng, “ăng ten” gộc, và những tù nổi tiếng mới thấy được mục đích trở về, sự kiên định lập trường và tư cách Đỗ Hườn sống trong nhà tù CS là đáng trân trọng. Tôi muốn nêu lên một vài sự kiện cụ thể để đồng bào so sánh và đánh giá đúng sự hy sinh cuả Đỗ Hườn, một chiến sĩ rời gia đình thân thương lên đường về nước có mục đích, có kế hoạch cụ thể mặc dù chưa thực hiện được; đã giữ vững lập trường, khí phách, tư cách trong cảnh tù đày khốn cùng. Chúng ta cần phải tận dụng những phương tiện hiện có như truyền thông, báo chí, các tổ chức đấu tranh, các tổ chức nhân quyền … để lên án chế độ lao tù cuả CS, bắt chúng phải chịu trách nhiệm trước công lý về cái chết cuả Đỗ Hườn. Và chúng ta cần phải chia sẻ với chị Đỗ Hườn không chỉ về tình cảm, tinh thần, mà còn về vật chất để gia đình chị có thể lo được mộ phần tươm tất, khỏi tủi vong linh người quá cố. Qua cái chết cuả chiến sĩ Đỗ Hườn, chúng ta phải tranh đấu để bạo quyền CS phải thả Trần Tư, một chiến sĩ khác đã hoàn toàn bị quên lãng trong thời gian qua.
LÝ TỐNG

THƯ BẰNG PHONG

KTG. NGUYỄN XUÂN NGHĨA, ANH LÀ AI?
BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU
 
Thành phố Westminster, Quận Cam, Ngày 27 tháng 12 năm 2015
 
Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa,
Trước kia, tôi dùng Nguyễn Đắc Xuân – thằng bạn học thuở thiếu thời – là thằng cộng sản tép riu nổ sảng, nó khoe nó đi theo Cách Mạng (!) là đi làm lịch sử, để nói cho nó hiểu rằng những thứ cộng sản từ chóp bu trở xuống như Hồ Chí Minh, Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp …  chẳng có thằng nào học và hiểu biết lịch sử cả. Nếu chúng nó có học lịch sử thì không đời nào chúng nó đi không làm tay sai cho giặc Tàu! Tôi dùng chữ “thằng” để gọi những người cao tuổi hơn mình không phải vì tôi vô lễ. Giản dị là tôi khinh những đứa phản quốc, bán nước.
Tôi nghĩ chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Việt Khang đặt tựa bài hát “Anh Là Ai?” cũng vậy. Công An Việt Cộng (CAVC) chỉ là loại côn đồ tép riu, không phải là đối tượng xứng đáng cho Việt Khang đặt câu hỏi. Cho nên, vừa rồi tôi viết bài có tựa đề “VIỆT KHANG ĐẶT CÂU HỎI THỜI ĐẠI: ANH LÀ AI?” là để chứng minh cho độc giả thấy rằng đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả những người Việt Nam từ phía Cộng Sản sang phía Quốc Gia, thuộc thế hệ Cha Ông đã làm gì để cho thế hệ con cháu như chàng phải nhận lấy hậu quả đớn đau này. Đó là câu hỏi nêu lên vấn đề Lương Tri và Trách Nhiệm có tầm vóc thời đại mà chúng ta sống trong thời đại này phải có bổn phận trả lời. Nếu chúng ta tảng lờ quay mặt đi thì chúng ta không xứng đáng làm CON NGƯỜI VIỆT NAM của thời đại mà ta đang sống.
Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa,
Anh là nhân vật kỳ bí và tài tình, xuất chiêu tuyệt đẹp. Rất nhiều lần tôi muốn nêu lên câu hỏi “Anh là ai?”, nhưng chưa có dịp. May nhờ có anh nhà báo Mỹ A. C. Thompson làm thiên phóng sự “Terror In Little Saigon” thì tôi thấy đây là lúc để đặt vấn đề với anh. Tôi đánh giá anh cao lắm; còn những thứ như Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn chỉ là loại tép riu. Tôi sẽ giải thích sau.
Ngày 30 Tháng 4 năm 1975, Cộng sản Hà Nội hoàn thành cuộc xâm lăng; chứ không phải giải phóng nhân dân Miền Nam ra khỏi sự đô hộ của Hoa Kỳ như họ rêu rao. Nếu họ giải phóng thì đồng bào không dính dáng tới chế độ VNCH không hớt hãi rời bỏ quê hương. Cộng Sản “cướp” chính quyền bằng khuynh đảo. Cho nên, ưu tiên của họ là tận diệt tất cả mầm mống có thể khuynh đảo họ:
1/ Lừa tất cả quân, cán, chính đi học tập ngắn hạn, nhưng đày ải, hành hạ kéo dài hàng chục năm nhằm làm kiệt quệ ý chí phấn đấu của đối phương.
2/ Tổ chức kháng chiến giả để lừa những phần tử Chống Cộng không chịu đi trình diện. Phao tin đồn “Thống tướng” Nguyễn Cao Kỳ, “Đại tướng” Ngô Quang Trưởng đã về chiến khu để lãnh đạo nhân dân vùng lên. Mục đích để biết ai tỏ ra “hồ hỡi, phấn khởi” là tóm nốt; giống như bắt chước “bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng” (trăm nhà đua tiếng, trăm hoa đua nở) của Mao Trạch Đông  để dựng lên phong trào “Trăm Hoa Đua Nở” nhằm hốt trọn văn nghệ sĩ nào có máu phản động.
Đó là thủ đoạn ở quốc nội. Ở quốc ngoại, Cộng Sản cũng tìm cách triệt tiêu những ai mưu đồ phục quốc. Trước hết, họ gửi điệp viên sang Pháp, giả vờ là thành phần Nam Bộ trong cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam bất mãn cộng sản Miền Bắc, sẵn sàng làm nội ứng để tổ chức cuộc đảo chánh nhằm mục đích giành Miền Nam cho người Miền Nam. Cho nên những người như Lê Quốc Túy, Trần văn Bá, Hồ Thái Bạch, Mai văn Hạnh, Lê Quốc Quân… toàn là người Miền Nam họp nhau năm 1981 thành lập Mặt Trận chỉ Giải phóng Miền Nam mà thôi. Về sau Mặt Trận Lê Quốc Túy mới chính thức đặt tên là Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam.
Mặt Trận Lê Quốc Túy không băng rừng, họ dùng xuồng máy đổ bộ vào Cà Mâu theo sự chỉ dẫn của điệp viên VC đã xâm nhập vào tổ chức. Rút cục, nhân sự, vũ khí đều bị bắt “trọn gói” (chữ VC thường dùng). May mà Lê Quốc Túy bị lên cơn suyễn không thể tham dự, nên thoát chết. Kết quả là 5 người bị xử tử hình, 3 người tù chung thân và 13 người bị tù từ 8 đến 20 năm. Mai văn Hạnh được TT. Giscard D’ Estaing can thiệp nên được trả về Pháp. Tôi đã từng gặp riêng Lê Quốc Túy ở Hoa Kỳ.
Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa,
Trong khi tôi đang đánh nhau với cộng sản ngoài chiến trường ở VN, thì anh đang học ở trường Cao Đẳng Thương Mại ở Paris (Hautes Études Commerciales Paris). Trong khi tôi hoạt động trong Ủy Ban Tranh Đấu cho Nhân Quyền Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn với Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, thì anh đang làm việc cho bọn Cộng Sản tại Sài Gòn sau 1975 cùng với cựu Phó Thủ tướng Nguyễn văn Hảo đặc trách kinh tế trong chính phủ của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu
Trước năm 1975, tôi không quen biết Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, nhưng sau này cùng nhau sinh hoạt trong Ủy Ban Tranh Đấu Nhân Quyền Cho VN, có lẽ do cơ duyên sao đó, tôi được ông Minh ưu ái, nên thường bàn bạc với nhau về chuyện Nước Non. Tôi rất mến mộ Tướng Minh ở tinh thần dấn thân, tinh thần hòa đồng với anh em; nhưng đồng thời tôi cũng khám phá ra nơi ông là một con người có nhiều thủ đoạn, khát khao làm lãnh tụ một cách cuồng nhiệt.  Khát vọng làm lãnh tụ khiến cho ông Minh bất chấp nguyên tắc đấu tranh cách mạng bạo lực, quyết dùng mọi phương tiện để đạt mục đích một cách nhanh chóng. Mẫu người đó muốn người cộng sự với mình chỉ biết tuân thủ mệnh lệnh; chứ không chấp nhận bất cứ ai góp ý, bàn bạc, cho nên rất dễ bị kẻ nào có ý đồ xấu dùng sự xu nịnh, tâng bốc mê hoặc để dẫn dắt đến thất bại. Thiết nghĩ Đỗ Thông Minh chia tay ông Hoàng Cơ Minh cũng nhìn thấy ở ông Minh những đặc điểm giống như tôi thấy, nên nhanh chân giã từ Mặt Trận?
Do đâu tôi khám phá ra khát vọng của Tướng Minh? Thấy ông làm thợ sơn quá vất vả, một hôm tôi nói: “Anh Minh, tại sao anh không đi xin việc như Phó Đề đốc Đinh Mạnh Hùng làm cho hãng Xerox, có phải đỡ mệt hơn không?” Tướng Minh cười cười trả lời: “Cậu không biết Hitler xuất thân là anh thợ sơn mà về sau làm rúng động thế giới à?”. Thật ra, Hitler chưa bao giờ là thợ sơn. Giấc mơ của Hitler là trở thành họa sĩ (Peintre trong tiếng Pháp). Hitler thi vào trường Mỹ thuật , bị đánh rớt vì tranh vẽ của Hitler giống tranh vẽ của kiến trúc sư; chứ không giống như tranh nghệ thuật. Qua câu trả lời của Tướng Minh, dù là đùa, thì nó cũng biểu hiện cá tính của ông sau nhiều ngày đêm tranh luận với tôi. Đối với nhân loại, Hitler là con Quỷ. Tướng Minh nuôi giấc mơ Hitler thì dễ trở thành… quỷ !
Tôi nghe nhiều nguồn tin, trong đó có nguồn tin từ luật sư Nguyễn văn Chức, nhà báo Cao Thế Dung, anh là cháu của Mười Cúc Nguyễn văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản. Họ bảo anh là cán bộ cộng sản được gửi ra nước ngoài để triệt hạ Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Riêng tôi thì không, bởi vì trong cuộc nội chiến VN, gia đình nào cũng có người ở phía bên này hoặc ở phía bên kia. Tôi chỉ theo dõi, quan sát hành động của đối tượng để đánh giá mà thôi. Vả lại, tôi rất không ưa sự chụp mũ vô căn cứ.
Nhân có phim “Terror In Little Saigon” ra đời, anh mới viết bài Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vấn” đăng trên tuần báo Sống ngày 15 tháng 11 năm 2015. Qua bài viết đó, tôi nhận thấy có một số sự kiện mà tôi cần đặt câu hỏi: “Anh Là Ai?”. Nhớ có lần xem cái Video Clip “Giờ Giải Ảo” với chủ đề “Trọng Thủy – Mỵ Nương thời nay” do anh cùng nhà báo Đinh Quang Anh Thái diễn xuất, tôi cũng muốn thử giải ảo để độc giả nhận xét anh là ai nhé. Nếu tôi giải không đúng, anh cứ việc lên tiếng phản bác, còn nếu anh im lặng thì độc giả sẽ hiểu anh là ai.
Anh kể anh tham gia Mặt Trận vì câu nói của ông Hoàng Cơ Minh: “Tôi không tin là trong đời mình sẽ thấy Việt Nam được giải phóng khỏi chế độ Cộng sản. Nhưng tôi thà chết trong rừng như một thảo khấu còn hơn làm một người tỵ nạn ở hải ngoại.” Và anh kể chuyện ông Hoàng Cơ Minh nhận công tác đi tìm người Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh VN được ông Richard Armitage giao phó để tương kế tựu kế dàn dựng cuộc kháng chiến mà không thèm hỏi ý kiến Hoa Kỳ là thêm một lý do để anh tham gia, thì tôi không tin. Là một người thông minh, anh không thể nào tham gia một tổ chức mà ông “Lãnh Tụ” thà chết trong rừng như một tên thảo khấu (chứ không thèm tuân theo nguyên tắc và quy luật đấu tranh cách mạng và cái ông “Lãnh Tụ” đó dám trở mặt với Hoa Kỳ trong khi còn lệ thuộc giấy tờ để vào đất Thái). Không! Anh không phải là loại người bồng bột để tham gia một cách phiêu lưu như vậy. Dù anh có máu “lãng mạn cách mạng” chăng nữa, anh cũng không liều lĩnh đến thế. Anh tham gia có chủ đích làm quân sư; chứ không giống như Trung tá Lê Hồng và hàng chục “kháng chiến quân” tình nguyện ôm súng xuyên rừng vào Việt Nam mà nội địa chưa có cơ sở hạ tầng.
Trong bàn bạc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, tôi đã cảnh báo ông Hoàng Cơ Minh rằng nếu ông cứ khăng khăng theo chủ trương của ông thì chắc chắn trước sau gì ông cũng trở thành thảo khấu. Nay anh lặp lại hai chữ “thảo khấu” thốt ra từ cửa miệng ông Minh càng xác minh cho mọi người thấy rằng ông Minh là lãnh tụ một tổ chức đấu tranh không hề có sách lược, chiến lược gì cả, chỉ làm liều để thà làm tên “thảo khấu” hơn là phải làm người tị nạn ngày ngày đi sơn nhà để kiếm cơm độ nhật!
Trong “Hồi Ký Một Đời Người”, cụ Phạm Ngọc Lũy đã đề cập đến Nguyễn Xuân Nghĩa như sau:
- Người có nhiều sáng kiến nhất về Đại Hội (Chính Nghĩa) là Phạm Dương Hiển, cũng là người giới thiệu Nguyễn Xuân Nghĩa từ San Francisco sang giúp Đại Hội. (tr. 110)
- Sau Đại Hội, Hoàng Cơ Minh đã lấy lại sức, không còn bị sốt rét như hôm tới Virginia, cho biết sẽ để Nghĩa giữ chức vụ Tuyên Vận. Quả thực, sau khi nghe lời này, tôi toát mồ hôi. Trực giác đã giúp tôi nhận ra có cái gì bất thường….( tr.120 )
- Khi Hoàng Cơ Minh cho biết đưa Nghĩa vào chức vụ Ủy Viên Tuyên Huấn, tôi đã nói:“ Nghĩa đã ở lại với CS năm năm, nên cần một thời gian để hiểu Nghĩa, để tìm hiểu công việc Nghĩa đã làm khi ở lại Sài Gòn. Nghĩa có rất nhiều khả năng, làm việc thâu đêm suốt sáng không biết mệt… nhưng càng tài giỏi bao nhiêu, một khi gây tai hại thì tai hại sẽ to lớn không lường được. Giữ một nhiệm vụ có ảnh hưởng đến sinh mệnh MT thì cần phải đắn đo, suy nghĩ…”.  Tuy ở cùng nhà 6604 Lee Highway gần hai tháng, không một lần nào tôi nói với Nghĩa về chi tiết công việc tôi đã làm ở các nơi, và cũng không hề hỏi Nghĩa những ngày Nghĩa ở lại Sài Gòn. (tr. 139,140)
- Mở đầu phiên họp, Liễu buộc tội Nghĩa từ khi vào MT luôn luôn gây bất hòa giữa người này với người kia, như công kích Đinh Mạnh Hùng, cư xử không tốt với Nguyễn Bích Mạc. Báo Kháng Chiến dưới sự trông coi của Nghĩa đã được sử dụng để gây chia rẽ, mượn lời Lê Hồng (Đặng Quốc Hiền) để mạt sát tập thể quân đội. Giới sinh viên, văn nghệ sĩ, Phật giáo … đều có lời than phiền. Thoạt đầu, Liễu cho rằng Nghĩa còn quá trẻ nên nông nổi, cho đến khi Ủy ban Phản Gián An Ninh khuyến cáo nên thay thế Nghĩa ở chức vụ Tuyên vận. Vì Nghĩa, sau 75 tiếp tục ở lại Việt Nam, đã cộng tác với Nguyễn văn Hảo, không hề phải đi học tập cải tạo, đó là chưa kể đến yếu tố Nghĩa là cháu của Tổng Bí Thư VC Nguyễn văn Linh đang gây nghi vấn trong dư luận. Vì sinh mệnh của MT, đây là vấn đề an ninh nên chỉ hội ý với Ủy Ban An Ninh mà không triệu tập phiên họp Tổng Vụ (tr. 224)
- Trần Xuân Ninh, sau khi nghe những lời nói đi đáp lại đã dằn từng tiếng:“Tôi có cảm tưởng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự việc, Nghĩa đứng đầu lá thư nặc danh, Nghĩa gây ảnh hưởng với chiến hữu Chủ tịch, với chiến hữu Định. Vậy có phải đúng Nghĩa là nguyên nhân của mọi sự rắc rối, và như thế có đúng không ?”. (tr.226)
- Ngày 23, Nguyễn tường Bá đã nói câu chót buổi họp: “Nếu chiến hữu Định tiếp tục nghe và tin theo chiến hữu Nghĩa thì vấn đề còn nhiều khó khăn lắm! ”. (tr. 228)
- Liễu không dằn được, nói tiếp: “Tôi chưa hề làm gì để rung thang cả. Chiến hữu Chủ tịch đề cập đến vấn đề thay thế Tổng Vụ Trưởng, còn hải ngoại chưa hề bảo quốc nội phải từ chức dù công việc không tiến triển. Không phải Nguyễn Nam viết lá thư gửi đi các nơi. Những người khác đã viết để Nguyễn Nam ký tên.. ” ( tr.236 )
- Hoàng Cơ Định (Phan Vụ Quang) vẫn giọng gay gắt: “Không nên buộc tội người vắng mặt. Nếu bảo rằng không ai có quyền, chỉ là phân chia trách nhiệm thì Tổng vụ Trưởng có quyền gì giải nhiệm Vụ trưởng Nguyễn Đồng Sơn (Nghĩa). Tôi đề nghị mời chiến hữu Đồng Sơn tham dự phiên họp. Phải để Đồng Sơn có tiếng nói..”(tr.237).
Khi công thành danh toại, cảnh “lục súc tranh công” giành nhau miếng đỉnh chung mà sinh ra phân hóa là chuyện thường thấy. Nhưng khi đang mưu đồ việc lớn, muốn thành công, ắt mọi người phải đoàn kết như keo sơn mới đúng. Là một quân sư cho Mặt Trận đang mưu đồ việc lớn, anh âm mưu chia rẽ người này với ngưới kia là một điều phi lý. Anh chuyên viết thư nặc danh là một hành động không xứng đáng với một con người bình thường; chứ đừng nói là một quân sư. Anh hành động mờ ám (viết thư nặc danh), vì anh có chủ đích.
Tôi đã hỏi ông Phạm văn Liễu tại sao anh là người tiến cử Nguyễn Xuân Nghĩa với Hoàng Cơ Minh, mà cuối cùng anh lại bị Nghĩa xúi dục Hoàng Cơ Minh cách chức? Ông Liễu đáp: “Thằng Nghĩa nó dùng miệng lưỡi rắn đâm bị thóc chọc bị gạo và khổ nhục kế để lấy lòng Hoàng Cơ Minh. Hễ Hoàng Cơ Minh nằm trên giường là nó nằm ngay dưới sàng nhà cạnh ông Minh”. Câu này ông Liễu cũng nói với ông Nguyễn văn Chức nữa. Tôi tin rằng Đại tá Trần Minh Công cũng nghe ông Liễu nói như thế.
Năm 1988 cựu Đại sứ Bùi Diễm thuyết phục được các đảng viên cao cấp Đại Việt họp nhau để thống nhất Đảng về một mối. Sau phần nghi thức khai mạc, cụ Cung Đình Quỳ 92 tuổi phát biểu đầu tiên. Cụ đã hài tội các anh Đặng văn Sung, Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Diễm, Đặng văn Đệ, Nguyễn văn Canh v… v… đã không đoàn kết nhau để chiến thắng cộng sản. Cụ muốn kể từ nay các đồng chí phải dốc hết tâm huyết đoàn kết một lòng để cùng nhau phất ngọn cờ Đại Việt giải phóng Việt Nam. Sau bài nói hùng hồn của đồng chí cao niên nhất, các anh lớn đều bắt tay xin lỗi nhau, rưng rưng thú tội và thề sẽ quyết tâm. Mỗi người luân phiên phát biểu chừng ba phút. Tới lượt tôi, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ lời nói hùng hồn của đồng chí Cung Đình Quỳ, nhưng có một điểm tôi không đồng ý. Mọi người hướng mắt nhìn về tôi để chờ xem tôi nói điều gì. Tôi chậm rãi thưa: “Tôi không đồng ý với câu “từ nay chúng ta phất ngọn cờ Đại Việt để giải phóng Việt Nam. Nói như thế, có nghĩa là Đại Việt vẫn mang tinh thần cục bộ. Tại sao chúng ta không cùng các tổ chức khác để phất ngọn cờ Dân Tộc? Một mình Đại Việt dù đoàn kết keo sơn đến mấy cũng không thể triệt hạ nổi cộng sản”. Các nhân vật tham gia buổi họp năm 1988 còn sống là các anh Bùi Diễm, Đào Nhật Tiến, Nguyễn văn Canh, Lê Tấn Trạng và Nguyễn văn Ánh chắc còn nhớ điều tôi nói trong buổi họp.
Năm 1989, Đảng Đại Việt Thống Nhất ra đời, thấy cụ Nguyễn Tôn Hoàn và cụ Hà Thúc Ký làm Đồng Chủ tịch thì tôi đề nghị Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng – cựu Tư lệnh Nhảy Dù – cùng ra khỏi Đảng vì hai vị lãnh đạo vẫn đặt nặng chức chưởng. Tại sao không nhường nhau để một người là Chủ Tịch, một người là Phó Chủ Tịch, mà phải là Đồng Chủ Tịch? Kể từ đó, tôi không tham gia đảng phái nào khác.
Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa,
Ngày 29 tháng 12 năm 1984 Mặt Trận vỡ làm đôi do phân hóa nội bộ, mà vấn đề quan trọng nhất là tài chánh không minh bạch. Ông Phạm văn Liễu và ông Phạm Ngọc Lũy đòi Hoàng Cơ Định phải báo cáo sự chi tiêu một cách rõ ràng. Sự đòi hỏi đó là hợp lý, nhưng ông Minh bênh vực em, còn cách chức ông Liễu mà anh không ngăn cản, tức là anh đồng lõa với việc ông Minh làm kháng chiến để ông em – Hoàng Cơ Định – nắm túi tiền. Ở trường hợp đó, tôi sẽ ra khỏi tổ chức vì ông Minh lem nhem, không xứng đáng làm lãnh tụ. Anh vẫn bám trụ, tức là anh có ý đồ hùa theo phần tử xấu trong tổ chức để sau này dễ bề khuynh đảo.
Khi cao trào kháng chiến lên tột đỉnh, ông Phạm văn Liễu nổi đình nổi đám hơn cả ông Hoàng Cơ Minh, nhờ vào tài hùng biện kích động quần chúng. Tôi được người anh thúc bá là Đặng văn Đệ giới thiệu với ông Liễu. Trước sự hào hứng của ông Liễu, tôi nói với ông ta rằng “anh là người hữu dũng vô mưu, thùng rỗng kêu to thôi”. Ông anh tôi và ông Liễu, cả hai người rất giận. Tôi giải thích: “Anh đang đi bán món hàng mà nhà sản xuất chưa chế tạo, trước sau gì cũng bể. Rút cục, anh nào giữ tiền, anh đó có quyền lực và anh với hai bàn tay trắng sẽ chẳng còn ai theo.”
Tôi không phải tiên tri. Nhưng trong thời đại kim tiền, phe nào nắm tài chánh, phe đó có thế lực. Trong cuộc họp vào ngày 29 tháng 12 năm 1984 diễn ra tại San José của phe ông Hoàng Cơ Minh ít đoàn viên tham dự hơn phe hai ông Đại tá Phạm văn Liễu và Trần Minh Công tổ chức tai Orange County, nhưng rút cục Mặt Trận đẻ ra Đảng Việt Tân nhờ có tiền trả lương cán bộ. Phe ông Liễu dần dần lùi vào bóng tối. Không ai dám phủ nhận lòng nhiệt thành của các ông Phạm văn Liễu, Trần Minh Công, Phạm Ngọc Lũy, nhưng đồng thời các ông cũng đáng bị khiển trách vì đã kém luận lý để bị Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh dẫn dắt vào cuộc phiêu lưu đầy tai tiếng. Tôi không theo ông Hoàng Cơ Minh vì tôi ý thức quy luật đấu tranh cách mạng: Không bao giờ phát động quần chúng trước khi có nội lực.  
Là quân sư, anh không can ngăn ông Hoàng Cơ Minh để râu, mặc bà ba đen, quấn khăn rằn giống hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh – một tội đồ dân tộc – tôi nghĩ, anh có thâm ý. Trên tờ Kháng Chiến, anh phổ biến tên ông Hoàng Cơ Minh bằng ba chữ tắt “HCM”, tôi nghĩ, anh không vì sơ ý.
Viết bài “JE SUIS CHARLIE” hồi đầu tháng Giêng năm 2015, tôi nói rằng tôi coi Mặt Trận là nghi phạm trong cái chết của nhà báo Đạm Phong và vợ chồng Lê Triết, vì không có tang chứng. Nhưng về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, tôi khẳng định các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn là thủ phạm. Phó Đề đốc tuyên bố Mặt Trận có 10 ngàn quân và 36 tổ chức ở nội địa tham gia kháng chiến là tuyên bố láo, mà chắc chắn ban lãnh đạo Mặt Trận biết rõ hơn ai hết. Vậy ông Minh lên đường về nước để tìm cái chết vì lãnh tụ bị bẽ mặt do sự lừa dối và vì sợ phe ông Liễu tố giác về cái chết của ký giả Đạm Phong liên lụy đến những việc làm khuất tất của mình. Ông Minh thà chết như tên thảo khấu trong rừng Thái Lan hơn là bị chung thân bóc lịch trong tù.  Ông Minh không phải là anh hùng như người ta tưởng, như Việt Tân tuyên dương. Ông Mình hèn vì không dám đối diện với công lý và bất nhân vì dẫn những người yêu nước chết theo mình một cách vô lối.
Lịch sử không thể tha thứ cái tội của ông Minh và mưu đồ của anh đẩy ông Minh vào chỗ chết.
Nếu tôi là quân sư, tôi sẽ khuyên ông Minh đứng ra giải thích với đồng bào như sau: “Trước đây, Mặt Trận dùng đất Thái Lan làm bàn đạp để xâm nhập Việt Nam nhằm đưa cán bộ về xây dựng hạ tầng cơ sở nội địa, chờ cơ hội đứng lên lật đổ bạo quyền Việt Cộng. Nhưng tình thế đã đổi khác, Thái Lan hiệp thương với Việt Cộng, nên dự án xâm nhập bất thành. Chúng tôi chuyển đấu tranh cách mạng bạo lực sang đấu tranh chính trị. Số tiền do đồng bào đóng góp bấy lâu nay Mặt Trận sẽ dùng để xây dựng cộng đồng, đào tạo thế hệ trẻ cho chiến lược dài lâu, nếu thế hệ chúng tôi chưa đạt được”. Tôi tin anh Nghĩa thừa sức nghĩ ra điều như tôi trình bày ở trên, nhưng anh không ngăn cản ông Minh, vì anh muốn ông Minh … phải bị hy sinh. Hoàng Cơ Định không cản anh mình, vì biết chắc số tiền cả chục triệu đô-la do Mặt Trận quyên góp được sẽ về tay mình. Mỗi người có một mưu tính riêng. Còn hai anh chàng Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn chỉ là hạng theo đuôi, bảo sao nghe vậy.
Trong bài Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phóng Vấn”, anh Nghĩa tiết lộ anh biết ông Minh chết ba năm sau ngày gặp gỡ lần đầu. Ông Minh chết, anh Nghĩa cùng một lúc đảm nhiệm chức vụ Tuyên vận và Kế hoạch, tức anh Nghĩa là đầu não (Mastermind) quyết định mọi chuyện, đúng không? Cái việc Chủ tịch Hoàng Cơ Minh viết thư từ chiến khu quốc nội gửi thư ra thăm đồng bào hải ngoại vào dịp Tết Nguyên Đán, chúc các cháu nhi đồng trong dịp Tết Trung Thu và những phóng sự các trận đánh của “Kháng chiến quân” hạ sát Công An Việt Cộng đăng trên tờ Kháng Chiến đều do anh ngụy tạo; chứ ai vào đấy? Ai dám qua mặt ông Tổng Tuyên Vận? Chắc chắn anh biết những tin vịt đó sẽ một ngày bị bại lộ, uy tín anh sẽ cháy ra tro, tại sao anh vẫn làm? Bởi vì anh có chủ đích?
Trong đời người, “CHỮ TÍN” là quan trọng nhất. Làm tiền bất chính sẽ bị quần chúng khinh khi, phỉ nhổ. Tại sao anh dám hy sinh danh dự của mình? Phải chăng anh âm mưu chuyện gì ghê gớm hơn?
Anh là kinh tế gia thượng thặng, vì được các đài VOA, RFA, RFI thường xuyên phỏng vấn. Mỗi lần anh đoán thị trường lên xuống đều trúng phóc, thì với số tiền kếch sù của Mặt Trận, anh chỉ ngồi nhà “chơi” chứng khoán, cũng đủ đem về cho Mặt Trận hàng chục triệu đô-la một cách danh chính ngôn thuận. Anh đâu cần dùng CỜ VÀNG dán trên những cái lon xin tiền đồng bào yểm trợ kháng chiến đặt lây lất nơi chợ búa, nhà hàng ăn? Hình thức đem CỜ VÀNG đi ăn xin chẳng khác gì những Mẹ Mìn đi bắt trẻ con, rồi đánh đập cho què tay què chân để đưa tới đám đông lạy ông đi qua lạy bà đi lại. Anh chà đạp biểu tượng thiêng liêng của người Chống Cộng mà không ai dám hé môi. Anh cao cường thiệt!
Theo “kháng chiến quân” Phạm văn Thành nhận định, sau cái chết của ông Minh, cán bộ mất niềm tin, Mặt Trận có nguy cơ tan rã, nhưng nhờ Nguyễn Xuân Nghĩa bay sang Âu Châu gây dựng lại, nên Đảng Việt Tân mới tồn tại tới ngày hôm nay. Tôi đánh giá nhận định của anh Phạm văn Thành là đúng, bởi vì ngoài anh Nghĩa ra, những thứ như Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Kim Huờn chẳng có khả năng gì để xây dựng đảng Việt Tân.
Tôi chưa hề đọc thấy Hoàng Cơ Định viết một bài tham luận chính trị nào cho ra hồn. Anh ta chỉ biết thấy ai viết bài bênh vực Việt Tân thì vội nhảy ra khen và tâm đắc. Hai chữ “Tâm đắc” được ông Định xài hoài, nghe mà phát chán. Hoàng Cơ Định đáng khinh vì khi luật sư công tố ở Tòa đưa tấm hình Hoàng Cơ Minh nằm chết, hỏi có biết người này là ai không, thì Hoàng Cơ Định lắc đầu nói không! Nói “không” là vì lúc đó Mặt Trận vẫn cương quyết xác nhận Hoàng Cơ Minh còn sống! Thật tội nghiệp ông Hoàng Cơ Minh, đến thằng em mình cũng không dám nhìn nhận mình!
Trần Xuân Ninh mang danh bác sĩ, nhưng tối dạ, cứ ở lỳ trong đảng Việt Tân cho đến khi bị khai trừ (tức là bị đuổi) thì mới thốt lên Việt Tân đi chệch hướng. Hướng nào? Sao không nói?
Còn Nguyễn Kim Huờn thì chỉ biết “Xì, Già, Đầm, Bồi …” trong cỗ bài cào theo như bạn cùng đơn vị Đào Vũ Anh Hùng từng tiết lộ. Chiều mồng 5 tháng 7 năm 2013, tại nhà một anh em Không Quân, Nguyễn Kim Huờn đến chào tôi. Tôi bảo: “Anh còn nợ Phạm Đăng Cường và tôi một lời xin lỗi”. Huờn vội vã nói: “Tôi ra khỏi Việt Tân rồi mà, anh Âu!”. Tôi bỉu môi. Huờn nắm lấy tay tôi, quả quyết nói: “Anh hãy nhìn vào mắt tôi đây này! Tôi nói thật mà, anh Âu!”. Tôi gỡ tay Huờn ra và nói: “Tôi mắc mớ gì phải nhìn vào mắt anh để biết sự thật? Anh hãy tổ chức cuộc họp báo để thông báo với quần chúng kia kìa! Giống như anh đã họp báo khai trừ Trần Xuân Ninh dạo trước ấy! Cái ngày anh khai trừ Trần Xuân Ninh, tôi đã biết sẽ chẳng bao lâu anh cũng bị Việt Tân cho nghỉ việc, vì vai trò bù nhìn của anh đã cáo chung, vì anh chẳng có khả năng để họ dùng”. Từ ngày gặp gỡ đó cho đến nay, tôi chẳng biết Nguyễn Kim Huờn trốn ở đâu mà không ra mặt trong khi mọi người xôn xao về vụ “Terror in Little Saigon”. Một sĩ quan VNCH đi làm kháng chiến, mà lẩn tránh như thế, tôi cho là rất tồi.
Thành phần lãnh đạo vừa không có khả năng, vừa tồi cho nên anh Nghĩa thao túng thế nào cũng được, là phải! Hai nhân vật Phạm văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy được coi là “lão thành” bị anh đá văng ra khỏi tổ chức mà chỉ biết cười đau khóc hận bằng hai tập hồi ký dày cộm thì ai nấy đều nhìn nhận anh nguy hiểm thật! Giống như năm nào Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo đã nói về anh ở Paris.
Thưa anh Nguyễn Xuân Nghĩa,
Tôi làm mất lòng nhiều người lắm, vì quen thói nói thẳng thừng. Sau khi tôi đọc bản thảo bài phóng sự do ký giả Hoàng Xuyên theo chân Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh về “khu chiến”, tôi khuyên ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong – không nên đăng, bởi vì tôi biết đó không phải là sự thật. Ông Hoàng giận tôi lắm, đáp lớn gần như mắng tôi: “Các anh Đại Việt có cái tật chê bai người khác, hèn gì không đoàn kết được với ai!” Tôi không phản ứng lại, chỉ nhún vai đáp: “Wait and See”! Đau thay, sự đoàn kết của ông Chủ nhiệm VNTP với ông Hoàng Cơ Minh mang lại kết quả vác chiếu ra tòa vì bị anh kiện cái tội phỉ báng. Ông Hoàng về sau thân tôi lắm! Mỗi lần xuống Houston, ông đều mời tôi đi ăn để phân bua: “Giá như ngày đó tôi nghe lời anh!”.
Tôi làm mất lòng Đại tá Cảnh sát Phạm văn Liễu, Thượng Nghị sĩ Nguyễn văn Chức, Đại tá KQ. Vũ Thượng Văn, Trung tá KQ. Đàm Thượng Vũ, Trung tá KQ. Phạm Hữu Thế … vì tôi nói sự thật về Mặt Trận cho họ nghe. Khi Mặt Trận mới tan vỡ, luật sư Nguyễn văn Chức viết bài bào chữa, ví sự tan vỡ của Mặt Trận giống như “cơn sốt vỡ da” của đứa trẻ trước khi bước sang giai đoạn trưởng thành. Tôi trêu ông: “Luật sư hay thiệt! Các ông luật sư đều có biệt tài biện bác để biến một kẻ có tội thành vô tội, hoặc ngược lại!”. Luật sư Chức giận tôi lắm, có lẽ ông nghĩ ông là Thượng Nghị sĩ thì trình độ nhận thức chính trị phải hơn anh chàng phi công lái máy bay. Ông cho rằng ông ủng hộ Mặt Trận là đúng! Về sau, chuyện kháng chiến càng ngày càng vỡ to ra, Thượng Nghĩ sĩ Chức viết nhiều bài miệt thị Mặt Trận hết sức nặng nề. Giống như Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng, luật sư Chức không còn giận tôi nữa, mà lui tới nhà tôi uống trà và hút thuốc lá rất thường xuyên. Ông biết ông hớ vì cả tin.
Một hôm tôi hỏi luật sư Chức: “Anh có biết tại sao Nguyễn Xuân Nghĩa là “Mastermind” trong Mặt Trận, cha đẻ ra Việt Tân mà lại giao cho Nguyễn Kim Huờn làm Chủ tịch, rồi bỏ Việt Tân để nhảy sang lãnh vực truyền thông?” Ông Chức đáp bằng tiếng Pháp: “Sa mission est accomplie” (Sứ mạng của anh ta hoàn tất). Câu trả lời của luật sư Chức khiến tôi nghĩ ngợi nhiều lắm.
Tốt nghiệp ở Pháp về, anh làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn văn Hảo đặc trách kinh tế. Khi Miền Nam rơi vào tay cộng sản, ông Hảo chẳng những không tìm cách ra nước ngoài, nhất định ở lại và cố giữ cho bằng được 16 tấn vàng để tâng công với cộng sản. Có phải anh Nghĩa được người phía bên kia móc nối để dụ Nguyễn văn Hảo ở lại? Sở dĩ tôi hỏi anh câu này là vì hai anh em ông Trung tướng Lâm văn Phát, Trung tá Lâm văn Phiếu ở lại vì có bà chị làm lớn ở phía bên kia dụ ở lại, sẽ được đảng trọng dụng trong chế độ mới. Rất nhiều trường hợp tương tự với hai ông Phát, Phiếu được móc nối lắm. Hai anh em ông Phát, ông Phiếu vẫn bị đi tù vì tin vào lời dụ dỗ của bà chị.
Có người hỏi anh có phải là Nguyễn Xuân Nghĩa, tác giả bài viết mạt sát chế độ VNCH một cách thậm tệ đăng trên báo cộng sản. Anh đáp: “Ở VN có nhiều người mang tên Nguyễn Xuân Nghĩa, nhưng ông nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa ấy không phải là em”. Tôi thắc mắc tại sao sau khi anh rời khỏi VN thì  không thấy ông nhà báo Việt Cộng nào ký tên Nguyễn Xuân Nghĩa nữa. Tôi chỉ biết có ông Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, nhỏ tuổi hơn anh, đang là nhà đấu tranh dân chủ trong nước.
Là kinh tế gia, có phải anh Nghĩa là “Mastermind” giúp cộng sản Hà Nội mở ra các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đổi tiền, tổ chức ra đi bán chính thức để vét tiền của dân Miền Nam? Nhờ đó anh không phải bị đi tù giống như bao quân cán chính trong chế độ VNCH. Anh Nghĩa lên máy bay rời khỏi Việt Nam bằng đường chính thức; chứ không vượt biển, vượt biên gian khổ, hiểm nguy như bao nhiêu người khác, có lẽ anh phải nhận điều kiện gì đó với Việt Cộng? Nếu ra hải ngoại, anh không làm theo yêu cầu của VC, thì VC sẽ tố giác anh là tác giả của những chiến dịch đánh tư sản mại bản, đổi tiền, tổ chức ra đi bán chính thức … chắc chắn anh khó sống với đồng bào nạn nhân của anh.
Ở lại với cộng sản 5 năm, có lẽ anh Nghĩa được cộng sản đào tạo thuần thục về phương thức đấu tranh khuynh đảo, nên tuy nhỏ tuổi mà anh làm cho Mặt Trận trở thành một đảng Lừa Đảo một cách ngon lành, không ai dám đụng đến, kể cả những đoàn thể đấu tranh quang phục quê hương.
Nhà báo A. C. Thompson tiết lộ anh có cuộc họp của Mặt Trận bàn tính thanh toán nhà báo Đỗ Ngọc Yến, chủ nhân báo Người Việt. Anh phủ nhận cái tin đó và mạt sát anh Thompson thậm tệ. Anh Thompson trả lời nhà báo Hà Giang rằng anh có nói. Nếu anh Nghĩa muốn đối chất thì Thompson sẵn có ba nhân chứng. Từ đó đến nay anh không kiện Thompson tội vu khống như anh đã kiện các ông Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung và Vũ Ngự Chiêu dù có nhiều người viết thúc đẩy anh kiện.
Qua sự kiện này, tôi hiểu bọn trong Mặt Trận hiếu sát, không có mưu lược; còn anh tha mạng Đỗ Ngọc Yến vì anh sẽ dùng Đỗ Ngọc Yến cho ý đồ tương lai. Do đó, tôi hiểu vì sao anh không thèm làm Chủ tịch Đảng Việt Tân, vì nó không quan trọng bằng nắm ngành truyền thông. Anh ngầm cho Đỗ Ngọc Yến biết nhờ sự can thiệp của anh trong Mặt Trận để Đỗ Ngọc Yến phải mang ơn anh, thì anh bảo gì Đỗ Ngọc Yến cũng phải làm để đền ơn anh. Có thể anh dàn xếp cuộc họp kín giữa Đỗ Ngọc Yến và Nguyễn Tấn Dũng mà sau này bại lộ thì Nhật báo Người Việt bị lên án tư thông với Việt Cộng?
Tôi viết bài “JE SUIS CHARLIE” từ đầu năm 2015, yêu cầu anh trả lời câu hỏi của tôi “ai là người giả danh Chủ tịch Hoàng Cơ Minh viết thư từ quốc nội gửi ra thăm đồng bào, khi Hoàng Cơ Minh đã chết từ năm 1987”, anh không thèm trả lời. Nhưng khi nhà báo A. C. Thompson đòi phỏng vấn thì anh sẵn sàng. Anh khen Hoàng Cơ Minh tương kế tựu kế biến việc tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích thành Kháng Chiến mà không thèm hỏi ý người Mỹ. Trong khi Mỹ đòi phỏng vấn thì anh nhận lời ngay, điều đó chứng tỏ anh trọng Mỹ khinh Việt, càng cho tôi thấy anh mâu thuẫn và không thành thật trong quyết định tham gia Mặt Trận. Anh tự tin anh thừa bản lĩnh để qua mặt nhà báo Mỹ. Không ngờ anh bị lộ chân tướng là người nói dối, vì anh không dám kiện PBS và ký A. C. Thompson.
Thực ra sự dối trá lừa đảo của anh đã xảy ra rõ ràng nhất khi anh giả Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã chết viết thư thăm đồng bào quốc ngoại. Người dân thường lo làm ăn không hay biết đã đành, nhưng giới truyền thông phải biết, vì tấm hình tử thi của HCM đã được báo chí Thái Lan đăng tải từ tháng 11 năm 1987. Có một điều rất lạ là chẳng hiểu sao giới truyền thông VN im lặng và ông Vũ Quang Ninh, một “Guru” truyền thông và những ký giả tên tuổi  khác lại rất thân với anh, một người đi lừa. Mà anh đâu chỉ lừa thiên hạ bằng những cao đơn hoàn tán như các anh Sơn Đông mãi võ bán dạo ở đầu đường xó chợ? Anh lừa bằng tin tức láo. Anh làm nhục lá CỜ VÀNG dán trên những chiếc lon xin tiền yểm trợ Kháng Chiến để lây lất nơi chợ búa, nhà hàng ăn. Các nhà truyền thông mù hết hay sao vậy?
Tôi đăng bài “VÀNG RƠI KHÔNG TIẾC” năm 1988, tức là vào thời điểm Hoàng Cơ Minh đã chết,  Nguyễn Kim Huờn ra lệnh đàn em đe dọa tính mạng nhân viên tòa soạn Lý Tưởng, mà anh không ngăn, tức là anh chủ trương đàn áp tiếng nói của Quân chủng VNCH. Thế mà những chiến sĩ Không Gian từng chinh Nam phạt Bắc đều im thin thít. Anh Nghĩa lợi hại quá, đi chứ!
Tôi tin anh Nghĩa không phải là cộng sản, vì anh là tay chơi điệu nghệ: rành uống rượu ngon, mặc áo quần đẹp và thích thưởng thức giọng “ténor” từ những tiếng hát “vượt thời gian” réo rắc bên tai mình. Nhưng căn cứ những gì anh đã hành động từ khi anh gia nhập Mặt Trận, anh đẻ ra Việt Tân làm tan biến NIỀM TIN vào chính nghĩa phục quốc như cụ Huỳnh văn Lang lên án thì tôi không biết anh đang ở phía nào. Giống như tôi không thể nói Trí Quang là cộng sản vì tôi không có tài liệu chứng minh, nhưng sau khi lật đổ xong chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, Trí Quang tiếp tục gây rối những chính quyền kế tiếp, Trí Quang kêu gọi đồng bào Phật tử mang bàn thờ Phật ra đường để ngăn cuộc hành quân của VNCH truy kích giặc Cộng, tôi hỏi anh Trần Quang Thuận – cánh tay mặt của Trí Quang – rằng Trí Quang thuộc phe quốc gia hay phe cộng sản, thì Trần Quang Thuận nín thinh.
Việt Tân đưa ra luận điệu: “Ai mà chống Việt Tân là làm lợi cho cộng sản” hòng bịt miệng người không đồng ý những hành vi lừa đảo, khủng bố của Việt Tân. Lẽ ra Việt Tân phải giản tán khi thua vụ kiện các ông Nguyễn Thanh Hoàng, Cao Thế Dung, Vũ Ngự Chiêu vì tòa phán quyết các bị can vô tội, nghĩa là sách họ viết ra là đúng sự thật.
Cuốn phim “Terror In Little Saigon” ra đời, Việt Tân phản ứng như đứa con nít bù lu bù loa. Điều đó chứng tỏ trong cái đảng Việt Tân chẳng có ma nào có trí tuệ, có bản lĩnh chính trị. Trình độ ấu trĩ như vậy thì có thể làm tay sai; chứ không thể ngồi đối diện bọn cáo già cộng sản để thương thuyết hay hòa đàm. Sức mạnh của đảng chính trị là dựa vào quần chúng. Nay Việt Tân bị quần chúng khinh dễ thì lấy đâu ra sức mạnh để thương thuyết? Còn những kẻ cầm cờ chạy hiệu bên ngoài ra mặt bênh vực Việt Tân thì càng tệ hơn, bởi những lý lẽ đưa ra để bào chữa đều ngớ ngẩn giống như ông nhà văn mắc bệnh tâm thần Trần Như Huỳnh.
Cuốn phim “Terror In Little Saigon” ra đời là cuộc trắc nghiệm của Mỹ để đánh giá trình độ của một đảng chính trị có đông bạc và đông đoàn viên đã trưởng thành chưa. Đồng thời đánh giá những nhà truyền thông VN “lề phải ở hải ngoại” có làm tròn chức năng “fair, balance, accuracy” như đạo đức nghề nghiệp đề ra không? (truyền thông “lề phải ở hải ngoại” là truyền thông im tiếng trước cái chết của nhà báo Đạm Phong, Lê Triết và bốc ông Nguyễn Xuân Nghĩa lên mây xanh đấy!).
Tôi biết anh Nghĩa là người có nhiều thủ đoạn, cao tay ấn, lại được các nhà báo “lề phải ở hải ngoại” bảo kê, mà tôi dám cả gan rà soát hoạt động của anh, thì tôi dễ bị thanh toán bằng cách này hay cách khác. Nhưng thây kệ! Từng xông pha nơi chiến địa như Snoul, Krek, Konpong Thom, Konpong Chàm, Bình Long An Lộc, Bastogne … mà không chết, tức là Trời cho sống để nói lên lời công đạo, dù có chết thì cũng là làm tròn nghĩa vụ Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Còn bị Việt Tân sai bọn đầu đường xó chợ mạ lỵ thì chỉ kiêu hãnh mỉm cười, vì thân còn chẳng tiếc, tiếc chi danh?
Tôi không có “conflict of interest” với Việt Tân, với giới “truyền thông lề phải ở hải ngoại” vì tôi không đảng, không sinh nhai bằng ngòi bút. Trong bài viết Ba Cuộc Phỏng Vấn Và Hai Năm Phỏng Vấn”, anh Nghĩa dùng câu danh ngôn của nhà văn Louis Scutenaire: Trong một xứ của người câm thì người mù mắc bệnh điếc” , để khuyên mọi người đừng câm, mù, điếc. Tôi bèn mạo muội làm người “Whisleblower” để độc giả thử xét xem anh Nguyễn Xuân Nghĩa là AI. Anh đứng về phía nào mà biến hải ngoại thành những người mất NIỀM TIN như cụ Huỳnh văn Lang nhận xét.
Bằng Phong Đặng văn Âu
__._,_.___


MẶC ĐỖ =TUẤN KHANH = THỊT CHUỘT-NHÀ THỜ HÀI CỐT=

NGÔ THẾ VINH * MẶC ĐỖ


Con đường Mặc Đỗ từ Hà Nội Sài Gòn tới Trưa trên đảo san hô

Ngô Thế Vinh
2015-06-20
mac-do-1-622.jpg
Bìa tiểu thuyết Bốn Mươi của Mặc Đỗ, Nxb Quan Điểm, Sài Gòn 1957.
Courtesy photo

Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.

Tiểu sử Mặc Đỗ

Tên Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học nhưng hấp thụ một nền văn hoá Tây phương. Học Luật nhưng không hành nghề và chọn viết văn. Tên Mặc Đỗ được thân phụ đặt cho, có nghĩa là người họ Đỗ trầm lặng. Khởi đầu viết khá sớm các truyện ngắn, kịch và dịch sách đăng báo. Sau Hiệp định Geneve 1954 di cư vào Nam, cùng với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan thành lập nhóm Quan Điểm, xuất bản sách của các thành viên trong nhóm. Về sinh hoạt báo chí, Mặc Đỗ đã cùng với các nhà văn Vũ Khắc Khoan, Tam Lang Vũ Đình Chí, nhà thơ Đinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu Lưu Đức Sinh sáng lập tờ nhật báo Tự Do đầu tiên ở Miền Nam. Sau 1975 Mặc Đỗ tỵ nạn sang Mỹ.
Tác phẩm:
Bốn Mươi (1956), Siu Cô Nương (1958), Tân Truyện I (1967), Tân Truyện II (1973), Trưa Trên Đảo San Hô (2011), Truyện Ngắn (2014), chỉ trừ Tân 2 Truyện II (1973) do Nxb Văn, sách Mặc Đỗ đều xuất bản với tên Nxb Quan Điểm.
Dịch thuật:
Lão Ngư Ông và Biển Cả / Ernest Hemingway (Quan Điểm 1956); Con Người Hào Hoa / F.Scott Fitzgerald (Quan Điểm 1956); Một Giấc Mơ / Vicki Baum (Cảo Thơm 1966); Người Vợ Cô Đơn / Francois Mauriac (Cảo Thơm 1966); Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers / Boris Pasternak (Văn 1967); Tâm Cảnh / André Maurois (Văn 1967); Anh MÔN / Alain-Fournier (Cảo Thơm 1968); Vùng Đất Hoang Vu / Leo Tolstoi (Đất Sống 1973); Giờ Thứ 25 / Virgil Georghiu (Đất Sống 1973).
Trong Mộng Một Đời, rất sớm từ thuở niên thiếu, Đỗ Quang Bình – chưa có bút hiệu Mặc Đỗ, đã nuôi mộng trở thành nhà văn, "Để luyện văn phong, người trai chọn phương pháp đúng nhất là dịch văn ngoại ra Việt văn. Kỹ thuật viết của những tác giả truyện đã dịch đã giúp khá nhiều cho việc hoàn thiện những cấu trúc cho truyện dài dự định sẽ viết." Lựa chọn của Mặc Đỗ có tác dụng "đôi": một viên đá bắn 2 con chim/ kill two birds with one stone, anh tạo được một văn phong rất Mặc Đỗ với ảnh hưởng nền văn học Tây phương, và thành quả tiếp theo là các tác phẩm dịch thuật của Mặc Đỗ từ hai ngôn ngữ Pháp và Anh sang tiếng Việt rất chuẩn mực và tài hoa, đã như một phần sự nghiệp thứ hai của anh bên cạnh sự nghiệp sáng tác. Các sách dịch của anh được liên tục tái bản những năm về sau này.

Hơn nửa thế kỷ

mac-do-4-400.jpg
 
Chân dung Mặc Đỗ, ảnh Trần Cao Lĩnh.


Về tuổi tác Mặc Đỗ hơn tôi hơn một thế hệ. Rất sớm đọc văn anh từ tiểu thuyết Bốn Mươi (1957), Siu Cô Nương (1959) tới Tân Truyện (1967). Tôi có mối giao tình với anh từ thập niên 1960, cho đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Cảm tưởng khi mới gặp, anh có phong cách của một nhà văn.
Khi tôi chọn học Y khoa, làm báo Sinh Viên Tình Thương và bắt đầu viết báo viết văn. Báo Tình Thương Y khoa có gửi biếu anh. Năm 1962, một bản thảo truyện dài được viết xong, tôi gửi tới hai anh Mai Xuyên Đỗ Thúc Vịnh Bóng Tre Xanh, và Mặc Đỗ Bốn Mươi đọc trước. Từ hai anh tôi đã nhận được những lời phê bình thẳng thắn.
Anh Đỗ Thúc Vịnh chú trọng tới sự trong sáng và văn phạm của tiếng Việt cùng với vốn sống của người viết, anh rất quan tâm tới thế hệ Những Người Đang Tới, cũng là tên một tác phẩm khác của anh sau này. Nhà văn Đỗ Thúc Vịnh thì nay đã mất [1920-1996], vậy mà cũng đã ngót 20 năm qua rồi.
Anh Mặc Đỗ có quan niệm, với người trẻ bắt đầu viết văn nên tập viết truyện ngắn trước và kỹ thuật là phần quan trọng. Tác phẩm đầu tay của tôi không phải là tập truyện ngắn mà là một cuốn tiểu thuyết. Về chọn lựa bước khởi đầu này, tôi đã không theo được lời khuyên của anh. Mây Bão xuất bản 1963 với nguyên vẹn nội dung với mẫu bìa của người bạn tấm cám hoạ sĩ Nghiêu Đề.
Do gần nửa phần đời sau ở hải ngoại, từ 1975 cuộc sống nhà văn Mặc Đỗ gần như khép kín, thật khó để để vẽ một chân dung toàn diện về anh. Chọn lựa và trích dẫn từ những bức thư anh gửi cho tôi, bớt đi những phần quá riêng tư có lẽ giúp bạn đọc biết được nhiều hơn về một nhà văn Mặc Đỗ quy ẩn.
Sang thế kỷ 21 kỷ nguyên của computer, Mai Thảo thì vẫn cứ ẩn nhẫn viết tay kể cả trên những phong thư hàng tháng gửi báo Văn tới từng độc giả dài hạn, riêng anh Mặc Đỗ vẫn thuỷ chung với chiếc máy chữ xách tay thuở nào. Các thư anh gửi cho tôi đều là thư đánh máy. Chỉ một bức thư hiếm hoi hoàn toàn viết tay của anh mà tôi có được là do một tai nạn, chiếc máy chữ yêu qu. thiết thân của nhà văn Mặc Đỗ bị rơi và hư gẫy. Ít lâu sau đó, anh được một ông bạn ở Pháp tặng cho một máy đánh chữ khác như món quà Giáng sinh, từ đó tôi lại nhận được những lá thư đánh máy, chỉ với chữ k. là thủ bút của anh.
Cher Vinh,
Tôi lọng cọng đánh rơi cái máy chữ yêu qu., nhà thương Mỹ thích thay parts hơn là chữa, trong khi chờ một bàn tay Á đông đành nắn nót viết, tập trung vào mấy ngón tay mệt óc quá, cho nên chỉ có thể ngắn gọn, trang thư qua printer mất personality.
Cám ơn Vinh đã cho tôi thấy Vinh rõ hơn nữa. Nhúm lửa trong tôi, có trước ngày tôi nghe lời bạn chôn bản thảo "Đứng ngồi không yên" dưới ba lớp giấy gói và gác lên nóc tủ, nhúm lửa đó tôi thấy thấp thoáng đôi chỗ qua những lời đối thoại của Vinh. Sau ngày đó bút của tôi không tìm thấy AN nữa - chữ AN Phật dạy. Mừng thấy bút Vinh vẫn AN.
Kết luận, thấy Vinh hơi lạc quan. Nhìn thêm cái "nửa vơi", ngắm 
con người chúng sinh. Yêu nước cũng là một thứ tham. Thân, [Mặc Đỗ, Feb 5 1996]
Từ bốn mươi Siu Cô Nương tới Tân truyện


mac-do-2-400.jpg

 
Mặc Đỗ qua nét vẽ Tạ Tỵ Courtesy Gió O.
Bốn Mươi (1957) là một tiểu thuyết, Mặc Đỗ viết về giai tầng trí thức tiểu tư sản, ở cái tuổi không còn ngờ vực "tứ thập nhi bất hoặc"; họ xuất thân từ những gia đình giàu có, đi du học rồi tốt nghiệp, trở về nước và sống trong sự xa hoa của một xã hội thượng lưu. Họ là những chính khách salon, theo cái nghĩa rất thời thượng, tự đồng hoá với giai tầng sĩ phu trước kia, rất xa lạ với đời thường nhưng có ảnh hưởng trên chính trường, họ tin vào vai trò lãnh đạo của giai cấp trí thức tiểu tư sản trong cuộc chiến Quốc-cộng.
Siu Cô Nương (1959) là tiểu thuyết thứ hai của Mặc Đỗ, viết về ba người đàn ông và hai phụ nữ trong bối cảnh một Miền Bắc 1954, sau hiệp định Geneve khi một Việt Nam sắp chia đôi. Ba người đàn ông ấy cũng thế hệ bốn mươi có l. tưởng, tin vào vai trò lãnh đạo giai tầng trí thức tiểu tư sản với chủ trương xây dựng một chế độ dân chủ kiểu Tây phương – không chấp nhận cộng sản. Và họ giã từ Hà Nội, di cư vào Miền Nam -- tỵTần, chữ Mặc Đỗ dùng sau này để chỉ những cuộc lánh nạn cộng sản. Không gian sinh hoạt của các nhân vật trong Siu Cô Nương trải rộng hơn Bốn Mươi nhưng vẫn là một thứ xã hội trên cao, với mấy mối tình ngang trái, tất cả chỉ cái cớ cho những tình huống lịch sử mà viễn kiến của nhà văn là cái nhìn tiên tri. Cũng để nhận ra rằng: cái thème chính của tác phẩm Bốn Mươi, Siu Cô Nương là cuộc đấu tranh giai cấp, đưa tới cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài 20 năm sau đó. Với hậu quả là cuộc tỵTần lần hai sau 1975 với hàng triệu người Việt Nam tung ra khắp thế giới.
Hãy để chính Mặc Đỗ nói về tác phẩm Siu Cô Nương của mình: "Tôi nhớ trong đoạn kết Siu Cô Nương một nhân vật trên chuyến xe lửa ra đi ngó xuống những ruộng đồng hai bên đường với những nông dân đang cặm cụi đã thắc mắc, mai ngày những con người kia sẽ thành thù địch ư? Thắc mắc này trải dài trong 500 trang truyện tiếp SCN." [Thư Mặc Đỗ, Sept 28, 1994]
Tân Truyện I (Quan Điểm1967) và Tân Truyện II (Văn 1973) là hai tập truyện ngắn mà Mặc Đỗ gọi là tân truyện / nouvelle. Mỗi truyện như một viên ngọc của một chuỗi ngọc thể hiện quan niệm dựng truyện ngắn với nhiều vận dụng kỹ thuật của Mặc Đỗ và ngôn ngữ thì giàu hình ảnh nhưng cô đọng và chau chuốt. Mỗi tân truyện của Mặc Đỗ đều để lại cho người đọc một ấn tượng rất đặc biệt và khó quên.
Tưởng cũng nên ghi lại đây quan niệm viết của Mặc Đỗ: "Từ khi bắt đầu viết tôi đã chọn một đường lối nhất định, không bao giờ đem đời tư của riêng một ai, quen hay không quen vào truyện. Tất cả đều là những nhân vật được cấu thành do những chi tiết, hình ảnh, ngôn từ, đã ghi được qua bao nhiêu dịp quan sát, nhận định; mỗi nhân vật là một hội tụ đúng chỗ của những tài liệu chọn lọc." [Phụ lục: Truyện Không Thể Viết, Trưa Trên Đảo San Hô. Nxb Quan Điểm 2011]
Một số truyện ngắn trong Tân Truyện I & II được Mặc Đỗ chọn cho in lại trong hai tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô (2011): 13 truyện và tuyển tập Truyện Ngắn (2014); 30 truyện, gồm cả 13 truyện đã in trong tập Trưa Trên Đảo San Hô. Và không có một truyện nào được ghi thời điểm sáng tác.

Như một giã từ

mac-do-3-400.jpg
 
 
Bìa Trưa Trên Đảo San Hô (2011) tác phẩm giã từ của Mặc Đỗ. Courtesy photo.
Nói rằng nhà văn Mặc Đỗ hoàn toàn không viết gì khi ra hải ngoại thì không đúng. Anh có viết nhưng phải nói là rất ít. Anh đã góp bài cho ấn bản đầu tiên báo Lửa Việt với truyện Cái Áo Len Màu Rêu, anh cũng góp bài cho Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến gồm các bài nhận định văn học, truyện ngắn trong những số đầu tiên: số 1 (Kế hoạch chống đàn bà, truyện ngắn), số 2 (Làm văn học nghệ thuật trong hoàn cảnh tỵ nạn), số 4 (Văn Nghệ Việt Nam ở hải ngoại), số 7 (Con người Nga trong khuôn đúc cộng sản) VHNT bộ cũ (1978) [http://tapchivanhoc.org]
Trong một thư riêng anh viết: "Một hai năm đầu khi mới đến đây tôi có viết đôi chút để tiếp tay vài bạn cũ ra báo trong khi còn hiếm bút, sau này làng ta trở nên phồn thịnh thì tôi yên tâm ngồi im, trừ một số nhỏ dịp phải trả nợ nhiều số báo được tặng không (Văn, Thời Tập) thì có đóng góp một chút." [Mặc Đỗ 25/08/1991]
Và một năm sau, trong lá thư đánh dấu 17 năm tỵTần, anh viết: "Từ hôm qua tôi bắt đầu nhận được báo Xuân, sớm nhất là Văn [của nhà văn Mai Thảo, ghi chú của người viết]. Vui thấy bạn còn nhớ cho báo đều đặn, đọc báo thì chẳng mấy vui. Rất hiếm đọc những bài viết cho thấy cái công phu của người chau chuốt nghệ thuật. Luôn luôn nổi rõ sự vội vàng sản xuất và vội vàng chấp nhận... Sự đời ở biển ngoài đã biết rồi, thưởng thức hiếm có dịp, thành ra chẳng thấy vui." [Mặc Đỗ 11/01/1992]
Trong sáng tác, Mặc Đỗ có quan niệm khá nghiêm khắc, cả với chính anh. Anh luôn luôn nhắc tới kỹ thuật là quan trọng nhất trong việc viết truyện.
Anh kể lại: "đã mất khá nhiều bạn trẻ đã cho tôi đọc bản thảo hay sách đã in vì tôi rất thẳng trong . kiến đưa ra sau khi đọc, tôi cũng than chuyện đó với một vài anh bạn già (không viết) thì được trả lời ai bảo đụng tới nhược điểm của người ta! Tôi tiếp tục không nghe lời khuyên đó vì tôi thấy cần phải sòng phẳng với ai có bụng tin tôi và chính tôi nữa..." [Mặc Đỗ 5/02/1994].
Khi viết về chính anh: "Riêng phần tôi, sau từng trải và đánh giá mọi khả năng còn lại, tôi bây giờ rất sáng suốt mà bi quan và tiêu cực. Thái độ này tôi giữ từ sau khi tự tay đốt cuốn truyện 'Bong Bóng Bay' kết quả của cả chục năm hì hục." [Mặc Đỗ 01/11/1995] Cuộc "phần thư" lần này trên đất Mỹ là do chính tay anh, chứ không phải do kẻ bạo Tần của thế kỷ 21.
Rồi ở cái tuổi đã ngoài 90, anh quyết định cho in tập truyện ngắn Trưa Trên Đảo San Hô (2011), mà anh gọi là "tác phẩm cuối đời" với một bìa lưng hoàn toàn trống trải chỉ với mấy câu thơ thật thanh thoát [Hình III]:
Tự nhiên thành núi băng
Lục địa lạnh một ngày tách biệt
Lênh đênh vào có không
Trưa Trên Đảo San Hô gồm 13 truyện ngắn, được sắp xếp theo ngược dòng thời gian: 7 truyện đầu được viết thời tỵ nạn [tị-Tần chữ của Mặc Đỗ: anh ví chế độ Cộng sản Việt Nam với nhà Tần 221-297 BC được coi là triều đại tàn bạo nhất trong cổ sử Trung Hoa], 3 truyện tiếp theo được viết tại Sài Gòn trước 1975; 3 truyện cuối được viết tại Hà Nội khoảng 1946-52. Mặc Đỗ viết: "Ba truyện cuối trong toàn bộ cũng là ba truyện đầu tiên tôi viết sau nhiều năm học, tập, và đến lúc tự xét thấy có thể bắt đầu viết." Chỉ là một tập truyện ngắn nhưng đã ghi dấu ấn ba chặng đường và cũng là ba không gian sáng tác của Mặc Đỗ: Hà Nội, Sài Gòn Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong Lời cuối, anh tâm sự: "Thấy tương lai rất ngắn trước mặt (cũng như viễn tượng viết truyện ngắn/dài) tôi tự xuất bản tập truyện này sau một thời gian vắng bóng trong làng văn ở ngoài nước, coi như một giã từ."
Nhưng rồi tiếp theo đó, ba năm sau "Đứng ngồi không yên" -- tên một tác phẩm của anh bị thất lạc, anh lại cho in thêm một tuyển tập Truyện Ngắn (2014), gồm các tân truyện viết trước và sau 1975; cả hai tác phẩm tác giả tự xuất bản vẫn với tên Tủ Sách Quan Điểm.


Tác phẩm thất lạc

mac-do-5-400.jpg
 
Bìa tuyển tập Truyện Ngắn (2014) tác phẩm giã từ 2 của Mặc Đỗ. Courtesy photo.
Nhà của gia đình anh Mặc Đỗ ở Sài Gòn, không phải là ngôi biệt thự sang trọng như bối cảnh sinh hoạt của tiểu thuyết Bốn Mươi, chỉ là một căn phố lầu trên đường Trần Hưng Đạo nhưng rất ấm cúng bao năm, sau 30 tháng Tư, 1975 tôi có ghé thăm, trông thật lạnh lẽo, những chiếc ghế nệm bỏ trống, bức tranh lập thể sơn dầu của Tạ Tỵ rất đẹp cũng không còn treo trên tường nơi phòng khách, sau đó tôi mới được biết cả gia đình Mặc Đỗ đã âm thầm rời Sài Gòn đêm ngày 29 tháng Tư, chỉ một ngày trước đó. Dĩ nhiên, cũng như mọi người, anh chẳng mang được gì ngoài một chiếc túi nhỏ xách tay.
Trong một thư, sau này anh kể rõ hơn về số phận tập bản thảo "Đứng ngồi không yên" và sau đó đã thành tro than ra sao. "Sau khi hoàn tất cuốn "Đứng ngồi không yên" tôi có đưa cho ba bốn người mà tôi kính trọng, [anh có kể tên nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh] vì nhiều lẽ đọc. Tình cờ tất cả chung một nhận định: lắm động chạm đủ thứ! Nhận định đã khiến tôi suy nghĩ và gói kín trọn vẹn bản thảo và tư liệu trong chiếc hộp, cột dây và gắn si cẩn thận với mảnh giấy dán bên ngoài: Để dành cho thế hệ sau. 75 tôi đi rồi thì một thằng cháu chạy đến lục lọi, nó lấy đi cùng với những thứ khác cái hộp tưởng qu. lắm. Về nhà nó mở ra rồi vừa tức vừa sợ nó vứt tất cả trong chiếc thùng sắt đổ dầu đốt cháy sạch. Bao tâm tư đốt cháy khói khét lẹt! Mãi sau này tôi được kể lại chi tiết đã tức cười nghĩ, Thế cũng đáng! Đáng đốt! "Bên trên là nói chuyện với BS NTV, Biệt Cách Dù. Đây là nói chuyện với nhà văn NTV... Vào thu rồi, đang chuẩn bị nhận một flushot nữa và nhớ lại lũ trẻ trung học Pháp thời trước/ sau TCII gọi những ông bà già là những PPH (Passera Pas cet Hiver/ sẽ không qua khỏi mùa đông này – ghi chú của ngườiviết). Chúng tôi thì chắc chưa!" [Mặc Đỗ, 28/09/1994]

Tác phẩm lớn không thể viết

Sau Lời Cuối trong tập truyện Trưa Trên Đảo San Hô còn có thêm một Phụ Lục Truyện Không Thể Viết, Mặc Đỗ tâm sự: "Với một người viết đáng buồn nhất khi thấy cần thành thật với chính mình và quyết định không thể viết tác phẩm thèm viết... Theo dòng lịch sử đất nước, tôi không thấy thời cơ nào có thể so sánh với gần tròn một thế kỷ qua, với ba biến cố đặc biệt nối đuôi nhau, cùng hết sức giàu sinh động trong muôn vẻ chi tiết. Cảnh khổ ly tán được cụ thể hoá bằng một vụ phân ly giữa hai miền Nam Bắc. Kinh nghiệm độc lập người Việt ở hai miền cùng thâu góp, chất ngất, trong nước mắt. Biến cố thứ hai hào hùng thay! Nhưng đã hiện hình chẳng bao lâu sau, và kéo dài tới nay đã hơn ba mươi năm. [những dòng chữ này có lẽ Mặc Đỗ viết khoảng 2005, ghi chú của người viết] Hai biến cố đó xô tới biến cố lạ lùng, ngót hai triệu người Việt Nam thình lình tìm được tới, và bắt đầu mọc rễ trên những bến bờ lạ. Khơi lên từ cảnh đời một cô gái lai Mỹ, thiên truyện mọc lên trong đầu tôi khả dĩ ôm trọn ba biến cố vừa kể... Trong nhiều tháng sau tôi mê mải với đề tài Truyện, ra công sắp xếp cái sườn để gài lên những tình tiết... Ai sẽ viết? Cái vốn quan sát nhận định, rung cảm, chứa sẵn trong đầu, tôi có thể dùng cho phần đầu Truyện. Nhưng từ đêm 29 tháng Tư 1975 tôi đâu còn ở trong nước để quan sát, nhận định, rung cảm nữa... Tôi đã không thể viết... Tôi mong cho tôi, cũng mong cho đông đảo độc giả Việt Nam vì hiện chưa có một tác phẩm nào ghi lại liên tục giai đoạn lịch sử độc đáo vừa bi hùng vừa đáng cười ra nước mắt...Kho tàng đó đang chờ những người Việt Nam dám lãnh vinh dự và trách nhiệm là nhà văn." [TTĐSH, lược dẫn Phụ Lục tr.219-230]
Đó là nỗi buồn và cũng là cái giá rất đắt phải trả của một nhà văn lưu đầy. Không thể viết nhưng Mộng-ngày bao năm trước về một tác phẩm lớn vẫn cứ vất vưởng như một ám ảnh khôn nguôi đối với nhà văn Mặc Đỗ.
Vào đời tràn háo hức
Tiếp theo liền dằng dặc ưu tư
Nhắm mắt còn ưu tư

Tìm chữ An trong Đạo Phật



mac-do-6-400.jpg

Nhà văn Mặc Đỗ 95 tuổi, hình chụp tháng 10/2012. Hình do anh Trần Huy Bích cung cấp.
"Ngay từ thời đọc 'Cạn Dòng' tôi đã buồn thấm thía trước viễn tượng sớm muộn sẽ thành sự thật và nông nỗi bất khả kháng trong thời thế toàn cầu hiện nay. Vinh và các bạn đang theo đuổi một cố gắng đúng, rất nhiều người khác tại các nước khác cũng theo đuổi những cố gắng khác với chung một mục đích cứu vãn đời sống trên mặt đất, khổ một nỗi loài người bây giờ quá ham tranh chấp đạp lên mọi lẽ phải. Sinh thời nhà tôi chúng tôi thường nhìn nhau, thu gọn mối sầu mênh mông vào một vòng nhỏ với cảm nghĩ: Tội nghiệp lũ con, cháu, chắt... sinh sau! Cũng như tôi, bất cứ độc giả nào đọc 'Nghẽn Mạch' không thể không xúc động trước những sự thật đã hiển hiện sớm hơn cả viễn tượng lo lắng." [Mặc Đỗ 06/04/2007]
Dưới bức thư đánh máy, anh Mặc Đỗ có thêm một dòng tái bút viết tay:
"Vinh có nghĩ tới trận chiến lớn sẽ có thể xảy ra và Việt Nam sẽ hứng chịu?"
Với một Biển Đông hiện đang ầm ầm dậy sóng hình như sắp chứng nghiệm cho lời tiên tri của anh. Mặc Đỗ luôn luôn nói tới chữ AN [viết hoa] trong đạo Phật. Cũng vẫn chữ "AN" trong một thư từ Austin, anh viết:
"Cher Vinh, Năm nay Xuân từ Đồng Bằng Cửu Long không đem 'AN' đến cho tôi. Đọc 'Tìm về' trước Tết, cái arrière-goût dai dẳng từ trước cho đến sau Tết, không dứt. Tôi còn nhớ hồi nhỏ ở nhà khi có đám giỗ lớn, họp đông họ hàng, hay có một vài vị lớn tuổi, không hiểu dòng dõi với tiền nhân như thế nào nhưng đã được nghe truyền lại, kể thành tích chiến công Nam Tiến với những chi tiết... Mỗi lần Me tôi thường khóc và nói rằng, oán thù bao giờ rũ cho sạch được! Tết năm nay tôi cứ bị ám ảnh bởi nhận định bi thương đó... Bây giờ sắp tới thời không còn giấu bụi dưới thảm, càng buồn hơn. Nén buồn xuống chỉ còn mơ ước: Con người VN hồi tỉnh và biết nắm tay nhau cùng đối phó, và đối thoại." [Mặc Đỗ, 18/02/2000]
* [Tìm Về là tên một chương sách Tìm Về Phương Đông, trong Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Nxb Văn Nghệ 2000]
Ba nhà văn chủ lực trong nhóm Quan Điểm mà tôi được biết, phần cuối cuộc đời đều có khuynh hướng tìm về đạo Phật. Tuyết ngưu Vũ Khắc Khoan của Thành Cát Tư Hãn nơi xứ vạn hồ miệt mài với Đọc Kinh và nghe Kinh, để rồi "lâng lâng trong mù sương nơi ngưỡng cửa pháp hội, một mình."
[1917-1986], Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng của Cách Mạng và Hành Động [1920-2000] sau 1975 tịnh tu, mang nặng suy tư từ những trang Kinh Lăng Nghiêm, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp. Vũ Khắc Khoan và Nghiêm
Xuân Hồng thì đã lần lượt ra đi trong sự thanh thoát và cả lặng lẽ tiếng kinh kệ. Mặc Đỗ thì sống quy ẩn từ bao năm như một hành giả không ngừng đi tìm một chữ AN trong đạo Phật.

Xướng Họa và Khai Bút

"Hôm cuối năm, ông bạn già, anh Đoàn Thêm [nhóm Bách Khoa, tác giả Những Ngày Tháng Không Quên, ghi chú của người viết] làm bài thơ 'Than già' gửi cho bạn già đọc. Bài thơ có năm vần rồi-trôi-nòi-thôi-hồi. Một bạn già khác hoạ lại, rồi lác đác nhiều bạn già khác cũng hoạ. Thấy anh em vui tôi cũng nhẩy vô, tuy trong đời đây là lần thứ hai tôi thử trò chơi nghĩ rằng chỉ dành cho các bậc túc nho. Nhảy vô thấy cũng thú giống như thú chơi mots croisés chẳng hạn... Tôi chép hai bài tặng Vinh đọc chơi làm quà cuối năm. Chơi trò xướng hoạ mới thấy cái thú vận dụng tiếng Việt, một vần có thể xoay chuyển qua nhiều nghĩa. Càng thú nữa là xướng hoạ không để đăng báo, thành danh. [Mặc Đỗ 11/01/1992]

Dư Sinh

Lời đẹp nghìn xưa đã dạy rồi
Đời người lãng đãng bóng mây trôi
tham đeo đẳng không đành thoát
Muôn kiếp sinh sôi vẫn một nòi
Nợ nước tình nhà và sự nghiệp
Tuyết sương rồi cũng thế mà thôi
Sống thừa mới thấy thừa chi lắm
Lão giả chen nhau kiếm chỗ ngồi

Năm Mới

Đã đến thời thôi đếm tuổi rồi
Ngồi bên bờ cỏ để buông trôi
Cúi đầu cố học ngu không hết
Nghển cổ tầm sư lạc mất nòi
Tính sổ cuộc đời nhiều mực đỏ
Bài thua úp xuống xoá đi thôi
Cười xem thời vận mong Bùi Tín
Áo gấm về quê chẳng mấy hồi
Phải nói là ngạc nhiên đến thú vị khi thấy một người theo Tây học như Mặc Đỗ, mới bước vào trường thơ xướng hoạ mà về vần và niêm luật, nhất là bài thứ hai Dư Sinh anh đã đạt được tới mức độ gần hoàn chỉnh.
"Sáng mùng một tết Tây 2003, tỉnh dậy nằm suy ngẫm chợt nhớ tới những người Việt Nam lưu lạc khắp nơi", anh Mặc Đỗ gửi tặng tôi bài thơ mới làm.

Khai bút

[Giao thừa lẻ hai vào lẻ ba]
Những khớp xương nghe đời phôi pha
Nhưng như xưa tấm lòng vẫn ấm
Tiễn đưa chào đón chén trà đậm
Cuộc tình trời đất dài thăm thẳm
Hai bàn tay khép mời nguyện ngắm
Theo nén nhang sợi khói bay cao
Những mối yêu nguyên vẹn thuở nào
Một mình bàu bạn không trăng sao
Tư bề không tiếng sóng dạt dào
Thời gian ngồi lại không chờ đợi
Buồn vui không cũ cũng không mới
Mặc Đỗ

Chuẩn bị một chuyến đi thanh thản

Sau ngày Chị Mặc Đỗ mất, là một chấn thương lớn đối với anh, cả về tinh thần và sức khoẻ. Mối quan tâm lớn của anh là chuẩn bị cho riêng mình một chuyến đi thật nhẹ nhàng và thanh thản. Anh kể: "Tôi có một ông bạn Pháp 14 năm nuôi vợ ở tình trạng living death." Năm 2006, anh đã tự tay viết một di chúc về sức khoẻ / Advance Medical
Directives of Binh DoQuang, anh chia xẻ điều đó với tôi như một witness/ nhân chứng ở xa, do tình thân và cũng có thể do nghề nghiệp y khoa của tôi. "Tôi viết directive bằng Pháp văn cho thật đúng . nghĩ trước khi dịch ta Anh văn hợp với legalese."
Anh viết về sự hiểu biết của anh đối với căn bệnh Alzheimer cùng những hậu quả do tiến trình căn bệnh trên người bệnh, gia đình và xã hội và với tất cả sáng suốt - như "một lão giả" chữ của Mặc Đỗ, anh đã thanh thản viết xuống giấy sự chọn lựa của anh:
"Si j'amais j'attraperais ce mal Alzheimer, situation bien établie par mon docteur et d'autres spécialistes consultés, je demande que toute nourriture solide et liquide soit interrompue, nourriture ou d'autre substance donnée par quel moyen que ce soit. J'implore tous les membres de ma famille, toutes les autorités judiciares, administratives, religieuses, politiques, et autres, à ne pas s'opposer à ma décision et me laisser périr comme un vieil arbre  aisiblement."
Chọn lựa của anh có thể là một tấm gương cho nhiều người, biết chấp nhận chu kỳ sinh diệt như lẽ tuần hoàn của trời đất, nó cũng cứu vãn cho một nền y tế Mỹ đang bị phá sản/ bankrupt chỉ vì vẫn muốn duy trì lâu dài những cuộc sống thực vật/ vegetative state hay living death, vẫn chữ của anh Mặc Đỗ.
Năm 2015, đã chín năm sau ngày anh viết di chúc sức khoẻ ấy, sáng nay từ nhà thương nơi tôi làm việc, rất vui mới được nói chuyện điện thoại khá lâu với anh [14/06/2015], vẫn là một nhà văn Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn. Phải chăng một phần do gene, phần kia do một cuộc sống kỷ luật từ thời còn rất trẻ, sáng dậy sớm tập thể dục tắm nước lạnh và sống điều độ suốt những năm sau đó, có thời ở Sài Gòn anh đã chọn chế độ dinh dưỡng gạo lức muối mè, có lẽ vậy mà anh dễ dàng sống tới trăm tuổi, vẫn tự sinh hoạt độc lập với nguyên vẹn phẩm chất của cuộc sống. Một ngày nào đó mong còn xa, sự ra đi của anh theo quan điểm y khoa sẽ được coi như một cái chết tự nhiên/ natural death, như một cây cổ thụ khô và tự héo dần - vẫn chữ của nhà văn Mặc Đỗ.
Ngô Thế Vinh
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/vhnt062015-06202015114633.html

TUẤN KHANH * GIÁNG SINH

 

Những mùa Giáng sinh ở ngôi nhà thờ cổ


 
Lại thêm một năm nữa, tiếng chuông đón mừng mùa Giáng sinh ngân vang trên một ngôi nhà thờ nhỏ ở Phố Hiến, Hưng Yên. Không gian cô quạnh khiêm nhường nơi này, lặng lẽ ôm trong lòng nó một ký ức lịch sử độc đáo của người Việt, mà khó nơi nào sánh được.
Nếu dựa trên sự có mặt của ngôi nhà thờ Phố Hiến (1650), có lẽ đây là nhà thờ Công giáo lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, đến nay đã có trên 300 năm tuổi. Năm 1650, những người Hà Lan đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ này với các chất liệu chủ yếu bằng gỗ, thông qua sự cho phép của chúa Trịnh (Thanh Đô Vương Trịnh Tráng / 1623-1652) để phục vụ cho những người thương buôn ngoại quốc đầu tiên Đàng Ngoài.
Lý do của việc cho phép này, bởi chúa Trịnh lúc đó đang mở rộng thương cảng ở Phố Hiến, cửa ngõ đường sông cách Hà Nội 55 cây số, nhằm đẩy mạnh việc mua bán với thương nhân nước ngoài, cũng như học hỏi các vấn đề về quân sự và vũ khí trong cuộc đối đầu với nhà Nguyễn (lúc đó là Nguyễn Phúc Tần / 1620-1687). Sự có mặt của nhiều người ngoại quốc như Pháp, Anh, Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đặc biệt là người Hà Lan và đạo Công giáo, đã khiến cho chúa Trịnh mở rộng ứng xử, cho phép xây một nhà thờ của tín ngưỡng bên ngoài, ngay tại đường đê, cho các tàu nước ngoài ghé vào làm lễ, trước và sau chuyến đi biển của họ.
Tuy sách vở ghi rằng chúa Trịnh không mặn mà với thương buôn, người nước ngoài như ở Đàng Trong, nhưng thực tế ở Phố Hiến cho thấy thế kỷ 17-18, nơi này đã có một thời kỳ rực rỡ của ngoại giao, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhiều đời Chúa Trịnh là người căn cơ Khổng giáo, nhưng chính thức cho phép việc xây dựng một nhà thờ ngoại giáo ở Việt Nam lúc đó, cũng có thể cho thấy một áp lực từ sự lớn mạnh của thương nhân ngoại quốc ở Phố Hiến và đạo Công giáo như thế nào. Chính vì vậy mà người miền Bắc vẫn có câu "Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến"
Như vậy, từ năm 1651, người Việt đã chứng kiến một lễ Giáng sinh đầu tiên trong lịch sử, dù lúc đó giáo dân chưa phát triển. Nhà thờ Phố Hiến (hay còn gọi là Nam Hoà) này khởi đầu chỉ được dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, lá... (có thể khởi đầu còn dè dặt, vì sợ chúa Trịnh cho là phô trương thanh thế ngoại giáo) nhưng sau một vài lần do hoả hoạn, mưa gió... Nên nhà thờ dần dần được mở rộng và kiên cố hơn. Đến năm 1898, một linh mục Bồ Đào Nha đã mang bản vẽ đến, cùng nhân công người Việt xây dựng hoàn chỉnh đến ngày nay. Đây cũng là ngôi nhà thờ hiếm hoi trên đất nước Việt Nam có phong cách Bồ Đào Nha với vẻ đẹp vừa kiêu kỳ, vừa dịu dàng hết sức quyến rũ. 
Bên trong nhà thờ lại là một cảnh quan độc đáo khó tả, khi các kiến trúc sư ngoại quốc tác tạo nên một vẻ đẹp hoàn toàn Á Đông. Sự tinh tế từ chất liệu cho đến các chi tiết ráp nối bằng gỗ khiến người xem phải ngẩn ngơ về khả năng của người xưa - mà ngay cả việc xây dựng thời nay cũng khó mà bắt chước được. Tư duy của người đi trước mới đáng kinh ngạc làm sao. Đến năm 1898 thì giáo dân người Việt và người nước ngoài đã có số lượng khá tương đồng, nên các ghi chú trong và ngoài nhà thờ đã có tiếng Latin lẫn chữ Nho.
Cho đến trước năm 1954, nhà thờ Phố Hiến đã là một nơi quen thuộc của người Công giáo Hưng Yên. Tuy nhiên, khi hiệp định đình chiến Genève 1954 được ký kết, nhiều gia đình Công giáo đã vào Nam chọn một cuộc sống khác, khiến không chỉ Hưng Yên mà toàn miền Bắc trở nên thưa vắng người của nhà thờ. Từ chỗ có hơn 1300 giáo dân, hôm nay, nhà Thờ Phố Hiến chỉ có lại được 187 giáo dân, sau rất nhiều năm vận động (60 năm), nhiều năm đón Giáng sinh lạnh lẽo và hiu quạnh.
Đó là một giai đoạn đầy biến động. Miền Nam đột nhiên đón Giáng Sinh ngày càng lớn do hàng trăm ngàn người Công giáo xuất hiện, mang theo nhiều lễ hội ăn mừng, treo đèn kết hoa... khiến các mùa Giáng sinh ở miền Nam ngày càng nhộn nhịp hơn, thậm chí biến thành ngày vui của cả Lương giáo. Ngược lại, do số giáo dân, linh mục... giảm thiểu mạnh, nên sinh hoạt của các nhà thờ miền Bắc cũng co lại. Theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu Ba Lan thì lúc đó, Công giáo miền Bắc mất đi khoảng hơn 450.000 giáo dân và 375 giáo sĩ. Người theo đạo chỉ còn chiếm 2% ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì tăng vọt, chiếm đến hơn 9%.
Những năm dài chiến tranh và khó khăn trong việc lo cái ăn, việc sinh hoạt tinh thần với nhà thờ cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt với những giai đoạn mà Công giáo bị chính quyền Cộng sản nghi kỵ, bị kỳ thị là thành phần không đáng tin cậy. 
Sinh hoạt Nhà thờ Phố Hiến cũng như nhiều nhà thờ ở miền Bắc yếu đi. Qua các tác phẩm của giới văn bút thân chính quyền trong thời gian này, thành phần Công giáo vẫn bị nhìn với sự gán đặt là thành phần phản động, đáng ghét - tương tự như cách nền thông tin tuyên truyền sau năm 1975 vẫn nguỵ tạo ra hình ảnh tệ hại của các quân nhân VNCH hoặc giới tư sản ở miền Nam Việt Nam.  
Vào thập niên 60, có những năm chỉ có một linh mục trong tỉnh, tổ chức sinh hoạt cho cả 16 giáo xứ, thì chính Nhà thờ Phố Hiến cũng không còn đủ sức làm nên những mùa Giáng sinh đẹp như ý muốn. Bên cạnh đó, do dư phòng ốc, lại thiếu cộng đoàn nên khuôn viên nhà thờ, kể cả nơi làm lễ cũng có rất nhiều gia đình kéo nhau vào ở, mang theo cả thỏ, gà... cùng với nơi ở của mình. Tình trạng liên tục thất thoát các cổ vật của ngôi nhà thờ độc đáo này, mục nát các sàn gỗ xưa... khiến không ít người yêu mến lịch sử của Phố Hiến, của Hưng Yên đau lòng, mà không biết làm sao để thay đổi. Những mùa Giáng sinh ở đây, đã từng khe khẽ, từng nhẫn nại để cùng chung sống hoà bình với gần 15 gia đình chia nhau sống khắp ở nhà thờ.
Cho tới hôm nay thì mọi thứ dần dần đã khá hơn. Nhà thờ đang cố gắng gìn giữ những gì còn lại, vì đó không phải là của riêng một giáo xứ, mà vì đó là dấu ấn của một thời đại có một không hai, đầy ngẫu hứng cho các thế hệ sau tìm về. Nhiều gia đình ở trong nhà thờ đã nhận được tiền để tìm chỗ ở mới. Cho đến nay thì chỉ còn một gia đình bộ đội và thường dân còn ở trong khuôn viên nhà thờ. Những giáo dân ít ỏi bắt đầu cùng nhau lau quét và sơn lại ngôi nhà chung đã hơn 3 thế kỷ.
Mùa Giáng sinh năm nay, nhà thờ lại chuẩn bị đón một đêm thánh với những gì đơn sơ nhất của mình có, giữa cái lạnh làm ai ai cũng nao nao, háo hức. Với 187 giáo dân của mình, nhà thờ Phố Hiến là nơi vô cùng giàu có về ký ức, nhưng đầy khó khăn vật chất. Thậm chí tiền lắc giỏ hàng tuần (quyên tiền cho nhà thờ) cũng không đủ trả tiền điện trong tháng
Trong hàng ghế của nhà thờ, có một cụ già im lặng nhìn những thanh niên đang trang trí. Mắt cụ ngời sáng, thăm thẳm những điều không nói hết về một lẽ sống mà ông đã chọn khi đã 83 năm không rời nơi chốn này để đón các mùa Giáng sinh, bất chấp khi đó tối om, bất chấp chỉ có một ngọn nến con hay được trang hoàng tươm tất như hôm nay. Khi hỏi vì sao cụ Dương Hồng Đức, tên đủ của cụ, không theo người chị gái ta đi vào năm 1954, cụ nhìn và nói trong một ánh mắt kiêu hãnh "tôi thấy nhà thờ quạnh quẽ quá, tôi muốn lại. Vì tôi tin Chúa ở khắp mọi nơi". 
Khi hỏi cụ rằng ở lại có gặp nhiều khó khăn không. Cụ Đức run run nói, nhưng cao giọng hơn trong niềm kiêu hãnh ẩn giấu "vâng, tôi biết, và tôi cũng đã sống với rất nhiều điều khó khăn nhưng tôi tin rằng tôi sẽ vượt qua, vì tôi yêu thương".
"Khó khăn" - nghe chừng như đơn giản qua lời cụ Đức. Nhưng với lịch sử ghi lại bằng tài liệu của cả hai bên, cho thấy mọi thứ đã là máu và nước mắt. Từ năm 1955, lễ Giáng Sinh ở miền Bắc đã bắt đầu co cụm, và khó khăn bởi chính quyền Việt Minh bắt đầu lo ngại về số người ra đi nên tìm cách ngăn cản. Từ tháng 11/1954 đến tháng 1/1955, ở riêng tỉnh Thanh Hoá và Hà Nam đã có gần 50.000 người muốn ra đi nhưng bị lính Việt Minh nổ súng ngăn lại và giải tán. Những năm 60, người Công giáo ở miền Bắc bị coi là công dân hạng hai. Đặc biệt với khu Bùi Chu - Phát Diệm, nơi có hơn 50% giáo dân ra đi, nhà thờ và linh mục có thể bị chụp mũ là gián điệp.
Quá khứ của Phố Hiến ngồn ngộn những câu chuyện truyền kỳ. Từ những chiếc thuyền thương buôn cho đến số phận những con người vô danh đi qua nghịch cảnh, khiến cho tiếng chuông cổ của nhà thờ ngân nga bài hát về nhân thế hôm nay, lại khôn cùng hơn.
Có thể đêm Giáng sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn tràn ngập người đi, tràn ngập ánh đèn... nhưng ở ngôi nhà thờ xưa như cổ tích Việt Nam này, tiếng chuông nho nhỏ, dăm ba ánh đèn nhấp nháy và lòng người đầy thương vọng của người giáo dân già, Giáng sinh lại một lần nữa bừng lên ý nghĩa về một mùa lễ không còn là của riêng nhà thờ, của người có đạo hay của riêng bất cứ ai, mà đó là mùa để nhắc về tình yêu và lòng thương khó trên khắp nhân gian, trên đất nước Việt Nam, đã qua muôn trùng khốn khó này.


VĂN HÓA THẾ GIỚI

 

Ở những nơi thịt chuột là 'vua'

25 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 21:40
Chuột được coi là món ngon thượng hạng, là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, là quà năm mới cho trẻ nhỏ, thậm chí còn có lễ hội ẩm thực thịt chuột.








Tại một số nơi trên thế giới, chuột được coi là món ngon thượng hạng. Vào ngày 7/ hàng năm, tại một ngôi làng hẻo lánh nằm trên các triền đồi đông bắc Ấn Độ, bộ lạc Adi ăn mừng lễ Unying-Aran, một lễ hội lạ thường mà tâm điểm là các món ăn chế biến từ chuột. Một trong những món được đặc biệt tán thưởng là món hầm bule-bulak oying, được nấu từ dạ dày, ruột, gan, da, chuột bao tử, tất cả bỏ vào nồi nước nấu lên với đuôi và chân chuột, thêm chút muối, ớt, gừng. Người dân nơi đây ăn tất cả các loại chuột, từ chuột nhà cho tới các loại chuột hoang sống trong rừng. Đuôi và chân chuột được cho là tuyệt hảo bởi vị ngon, theo Victor Benno Meyer-Rochow từ Đại học Oulu, Phần Lan, người đã phỏng vấn một số người dân bộ lạc Adi trong một nghiên cứu gần đây về chuột và việc ăn chuột.
 


Chuột được ưa chuộng tới mức chúng không chỉ là thứ không thể thiếu trong các buổi cỗ bàn. "Quà thịt chuột, tất nhiên là chuột chết, là thứ quan trọng để làm vừa lòng nhà gái khi cô dâu xa cha mẹ về nhà chồng," ông nói. Trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội Unying-Aran, được gọi là Aman Ro, trẻ con được cho hai con chuột chết làm quà, một phong tục giống như tặng quà cho trẻ nhỏ vào các buổi sáng Giáng Sinh. Những chú chuột này được quay nguyên con, rưới chút nước sốt cay và ăn cả con cùng với món bột khoai mỳ (củ sắn) nấu chín.




Con người đã ăn thịt chuột từ nhiều thế kỷ trước. Theo một bài viết mang tính học thuật của Đại học Nebraska-Lincoln, ở Trung Quốc người ta đã ăn thịt chuột từ thời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), và chuột được gọi là "hươu nhà". Một món đặc sản thời đó là chuột non mới đẻ nhồi mật ong, "vừa vặn một gắp đũa", các tác giả viết. Campuchia, Lào, Myanmar, một số vùng của Philippines và Indonesia, Thái Lan, Ghana, Trung Quốc và Việt Nam là những nơi ăn thịt chuột, theo Grant Singleton từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines. Singleton nói ông đã ăn thịt chuột ít nhất là sáu lần ở vùng Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam.




Ở ngoại vi thành phố Yaounde của Cameroon, Stefan Gates, người dẫn chương trình truyền hình của Anh phát hiện thấy một trang trại nhỏ nuôi chuột sậy (cane rat), thứ động vật mà ông mô tả là "giống như con chó nhỏ, cáu kỉnh và dữ tợn". Dữ tợn, có thể, nhưng mà cũng rất ngon. Gates nói rằng những con chuột này là thứ đặc biệt, đắt hơn gà và rau quả các loại. "Đó là thứ thịt ngon nhất tôi từng ăn trong đời," ông nói. Gates nhớ lại là ông đã ăn món thịt chuột hầm cà chua. Ông tả, "hơi giống thịt lợn, nhưng rất mềm, giống như thịt lợn vai hầm nhừ vậy. Cực kỳ mềm, món hầm đó "rất ngon, không bị khô xác và có một lớp mỡ béo tinh tế tan chảy vị rất tuyệt".


Trang trí nhà thờ bằng 40.000 bộ hài cốt

26 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 17:31
Ở Cộng hòa Czech có một nhà thờ kỳ lạ được trang trí bằng đầu lâu và xương từ hơn 40 ngàn bộ xương người.






Mọi ngóc ngách của khu vực Nhà để hài cốt Sedlec đều được trang trí bằng một phần nào đó từ hơn 40.000 bộ xương cốt, ‘Nhà thờ Xương’ kỳ quặc nằm ở Cộng hòa Czech này là một nhắc nhở đối với chúng ta rằng cái chết là không thể tránh khỏi. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1278, khi vị giáo sỹ đứng đầu tu viện ở Sedlec, một thị trấn nằm cách thủ đô Prague 80 km về phía đông, có một chuyến hành hương về Jerusalem. Ông đã lấy một ít đất nơi Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, và khi trở về, ông rắc ra khắp nghĩa trang của nhà thờ địa phương. Tin về ‘đất thiêng’ lan truyền khắp nơi, khiến nghĩa trang tu viện trở thành một trong những nơi mà mọi người muốn được chôn cất nhất.

Truyền thống này tiếp tục trong suốt thế kỷ 14 khi đại dịch ‘Cái Chết Đen’ lan tràn khắp châu Âu: tổng cộng có gần 30.000 người chết bệnh ở Trung Âu được chôn cất ở đây. Những Cuộc chiến Hussite – tức là hàng loạt các cuộc Thập tự chinh của Giáo hội Công giáo La Mã trong thời gian từ 1419 cho đến 1434 chống lại những người cải cách Bohemian – đã tàn phá Sedlec và thành phố Kutná Hora gần đó. Cuộc chiến đã khiến 10.000 người chết và tất cả đều được chôn cất ở nghĩa trang Sedlec.



Vào thế kỷ 15, nhiều bộ xương được khai quật để lấy chỗ xây dựng một nhà thờ theo kiến trúc Gothic. Các bộ xương được xếp chồng lên nhau trong những khối hình kim tự tháp trong một nhà để hài cốt mới nằm dưới nhà thờ mới xây. Chúng nằm yên ở đó cho đến năm 1870, khi một thợ khắc gỗ địa phương được thuê đến để 'biến hóa' những đống xương này thành cái gì đó đẹp đẽ, có sức hấp dẫn.



Những chiếc xương được tẩy trắng, sắp xếp thành những hình thù kỳ quái ở khắp nơi trong nhà nguyện nhỏ, từ những chuỗi xương được xâu lại với nhau làm thành bức màn trước lối vào cho đến những chiếc cốc đựng nước thánh làm bằng xương hông và xương đùi, cho đến gia huy để tưởng nhớ dòng họ Schwarzenberg, gia đình Bohemian quý tộc đã thuê người thợ khắc gỗ hồi thế kỷ 19.



Ở chính giữa nhà nguyện là một cây đèn chùm tỏa ra được làm từ tất cả các bộ phận xương người với các đầu lâu nhìn ra ngoài ở ngoài cùng của bảy nhánh đèn.









Pháp : Không khí đầm ấm ngày lễ Giáng sinh


media 


Noel là lúc mà các gia đình Pháp quay quần bên bàn ăn với những món truyền thống.Reuters
Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư sang Pháp du học từ những năm 1970. Ông đã đón lễ Noel đầu tiên trên xứ người tại vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp. Không khí đầm ấm, phong tục tập quán của một gia đình ngoan đạo để lại cho nhà nghiên cứu người Việt này những kỷ niệm khó quên.
Khi có con, rồi lại có cháu, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư luôn tạo lại bầu không khí đầm ấm trong gia đình mà ông đã được hưởng trong mùa Noel đầu tiên khi đến Pháp. Trả lời ban Việt ngữ đài RFI ông cho biết gia đình năm nay đón lễ Giáng sinh như thế nào.

DƯƠNG DANH DY * NGUYỄN SINH HÙNG

'Chuyến đi cuối khi còn cương vị'?

27 tháng 12 2015 Cập nhật lúc 20:43 ICT
Một nhà nghiên cứu và quan sát quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, bình luận về ý nghĩa thực chất của chuyến thăm Trung Quốc vừa diễn ra của ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội hôm 27/12/2015, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nói:
"Có thể giải thích là chuyến đi thăm cuối cùng khi còn cương vị thì tội gì không đi.
"Đi thì vừa tỏ lễ nghĩa, tỏ tình cảm, còn chuyện họ có ý đồ gì nữa thì chuyện đó là cái chuyện để đó xem thôi.
"Chứ còn theo tôi thì ông Nguyễn Sinh Hùng nhiều tuổi rồi, theo tôi, mà cũng không phải là nhân vật đặc biệt.
"Cho nên khó mà có thể ở lại để làm chức vụ gì mới trong ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đâu."

Bỏ một phiếu

Về ý nghĩa của việc Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 11/2015, đã bày tỏ lời mời đương kim Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, sang thăm Trung Quốc 'vào một thời điểm thích hợp' trong tương lai, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy bình luận thêm:
"Cá nhân tôi, với sự hiểu biết của tôi, thì tôi cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng 'khá chắc' rồi.
"Cho nên khi mời ông Dũng đi, thì tức là phía Trung Quốc đã bỏ phiếu Tổng bí thư cho ông Dũng đấy."
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng đưa ra đánh giá của mình về mức độ 'hiệu quả tác động' của Trung Quốc 'vào nội bộ' của Việt Nam.
Ông nói: "Tôi biết ảnh hưởng của Trung Quốc từ những đại hội trước đó, từ thời ông Lê Khả Phiếu, rồi đến ông Nguyễn Phú Trọng..., ông Nông Đức Mạnh, Trung Quốc làm sao can thiệp được Việt Nam, (can thiệp) rất nhiều, nội bộ không muốn nói ra đấy chứ.
"Họ ép anh này, ép anh kia, nhưng có ép được đâu, vấn đề là Việt Nam vẫn chọn người của mình thôi," nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói với BBC.

Monday, December 28, 2015


LÊ XUÂN NHUẬN * ĐẠO VÀ ĐỜI


Sunday, December 27, 2015


TRÍ THỨC RỞM VIỆT NAM


225.500 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Học vì hư danh


Zing 2015/12/27


PGS Văn Như Cương nêu, cử nhân, thạc sĩ không làm được việc do đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.


Thống kê vừa công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu, cử nhân và thạc sĩ chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người).
Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây.


Trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.
Đánh giá về con số trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, đây là điều đáng lo ngại. Còn PGS Văn Như Cương nêu, 225.500 người là sự lãng phí về thời gian, tuổi trẻ.


"Trống" định hướng nghề nghiệp


PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, cần định nghĩa lại sự hiếu học. Nước ta đang tồn tại phong trào hiếu học đến lạc hậu, học vì hư danh. Người người, nhà nhà đều muốn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ theo cách ngành nào cũng được, chủ yếu để “oai”. Nhiều trường dạy nghề, đảm bảo công việc sau tốt nghiệp nhưng ít người học.


Hiếu học đúng nghĩa không phải lấy bằng cấp mà học để nâng cao chất lượng sống của bản thân, gia đình.





PGS Văn Như Cương. Ảnh: Quyên Quyên.


Đồng tình với ý kiến trên, PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không. Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học của nước ta không đảm bảo.
Cụ thể, chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Điều này có thể khắc phục bằng cách tăng cường trang thiết bị như kết hợp với nhiều xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp. Tăng số lượng thời gian thực tập của học sinh.


Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế khác, nguồn nhân lực ở nước ta rất thiếu ở các tỉnh thành, trong khi con người đổ xô về các thành thị.
Tất cả những nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài. Trong khi đó “Nhất nghệ tình, nhất thân vinh”, một người đầu bếp giỏi cũng có thể đi khắp thế giới và thành đạt. Công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.


PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hiện tại không đảm bảo được sự phân luồng học sinh. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số lượng học đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.
Cũng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phần định hướng nghề nghiệp của học sinh không được nêu rõ. Đó là nguyên nhân khiến cho nguồn nhân lực nước ta bị mất cân đối.
PGS Văn Như Cương kiến nghị, trước mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải công bố số lượng nguồn nhân lực của từng ngành nghề đang thừa hay thiếu trong tương lai.


Cử nhân, thạc sĩ cũng phải “học lại”
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), PGS Văn Như Cương kể, khi tuyển chọn giáo viên cho trường, ông từng gặp những bạn trẻ có tài nhưng có rất nhiều người “không ghi được điểm”.


“Có lần, khi mở túi hồ sơ xin việc, tôi thấy ngay phong bì của người nộp đơn. Đó thực sự đã trở thành tệ nạn. Một lần khác, có bạn trẻ rất tự cao khi đánh giá về bản thân, nhưng khi được hỏi về vấn đề giao dục đang được quan tâm trong xã hội lại không biết”, PGS Văn Như Cương kể.


Ông cũng cho biết thêm, giáo viên trong trường dạy cùng bộ môn và trình độ đều có mức lương giống nhau, không phân biệt học vị là Thạc sĩ hay Tiến sĩ… Nhà trường cũng không trả lương cho giáo viên theo thành tích của học sinh, vì sẽ tạo ra phong trào học vì điểm số.


Về việc hệ đại học và cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu, bản thân họ phải “học lại” để có kiến thức hữu dụng, tìm hiểu nhu cầu của xã hội, rèn luyện kỹ năng của bản thân để tự tạo cơ hội cho mình.


Chất lượng thạc sĩ hiện nay cũng đáng báo động khi có nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường, thất nghiệp, lựa chọn cách học thêm bằng thạc sĩ. PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, học thạc sĩ hiện nay giống “đại học cấp 5” (vì tăng số lượng 1 năm học so với bậc đại học). Chương trình bậc thạc sĩ hiện tại chủ yếu học lý thuyết, chưa có tính thực hành và nghiên cứu sâu.


Bàn về chất lượng cử nhân, thạc sĩ, Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Gemslight Company Ltd đã thẳng thắn: “Về kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi. Học xong trường đại học chỉ đủ cho các ông bà thò được đầu lên khỏi mặt đất thôi, còn hít bụi còn chán, chưa phải đã được đứng lên mà đi hiên ngang đâu.


Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu”.


Câu nói “Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả” kết thúc bài "chửi đã thức tỉnh nhiều người.





__._,_.___

LÊ XUÂN NHUẬN * ÐẤT VÀ HƯ-VÔ

ÐẤT VÀ HƯ-VÔ    
                                     
       Trưa ngày 25 tháng 12 năm 1974, tôi đang cùng với bạn-bè dự một bữa ăn nhân dịp Nô-En tại nhà của một thuộc-viên thì được Sĩ-Quan Trực từ Phòng Tình-Hình gọi máy đến báo-cáo một tin-tức khác thường.
       Vào khoảng 11g30 vừa rồi, có một chiếc trực-thăng đáp xuống cạnh Trường Tiểu-Học Xã Lộc-Mỹ, thuộc Quận Ðại-Lộc, Tỉnh Quảng-Nam.  Từ trên phi-cơ bước xuống một thiếu-tướng và một trung-tá Việt-Nam Cộng-Hòa, cùng với một người đàn-ông và một người đàn-bà Hoa-Kỳ.  Người đàn-ông có mang theo một cái hộp trên tay.  
        Viên trung-tá vào trường, dẫn bác Cai Trường ra, giới-thiệu với mấy người kia; rồi bác Cai Trường vào trong mang ra một cái xẻng, theo sự chỉ-dẫn của hai người Mỹ, đào một cái lỗ, ngay giữa hàng-rào phân chia khoảng sân bên hông trường ấy với con đường hương-lộ bên ngoài, chôn xuống đó cái hộp từ tay của người đàn-ông Hoa-Kỳ, lấp đất lại, rồi xóa sạch dấu đất mới, để chỗ đó trông giống bình-thường như không có việc gì xảy ra.  
        Xong, bốn người kia trở lên trực-thăng bay đi, và bác Cai Trường vào trường.
Mọi việc xảy ra mau lẹ như đã được sắp-đặt từ trước rồi.
Lúc chôn cái hộp là vào khoảng 12 giờ trưa.
                                                                                         * 
Tôi đoán là có cái gì bí-mật, mà nhà chức-trách địa-phương giấu kín, hoặc không biết rõ nên Sở Ðặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Nam chỉ báo-cáo đơn-giản thế thôi.  Cho nên, do tò-mò nghề-nghiệp, tôi về nhà sớm và bắt tay vào việc ngay.
Sau khi gọi điện-thoại hỏi Trung-Tâm Hành-Quân thuộc Sư-Ðoàn I Không-Quân và Văn-Phòng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I, tôi tổ-chức một chuyến đi vào Quảng-Nam quan-sát tại chỗ, đồng-thời tiếp-xúc với các mật-viên quanh vùng, để biết thêm chi-tiết về vụ này...  
                                                            *
        Bác Nam thanh-minh:
Tôi cứ tưởng là chỉ cần báo-cáo những gì liên-can đến cộng-sản mà thôi, còn đây là vấn-đề tình-cảm cá-nhân mà các người trong cuộc đã yêu-cầu tôi giữ kín giùm...
Thiếu-Tá Sơn đỡ lời tôi:
Không ai trách-móc bác đâu.  Bác hãy kể chuyện về người Mỹ tên Sam đi.
 
Bác Nam kể:
Ðầu năm 1971, Toán Dân-Sự-Vụ của Thủy-Quân Lục-Chiến Hoa-Kỳ hoạt-động tại Quận Ðại-Lộc thay đổi cấp chỉ-huy.
“Người mới đến là Đại-Úy Sam, một thanh-niên đẹp trai, hiền-lành, nhã-nhặn, bình-dân.  Anh rất lanh-lợi và có nhiều sáng-kiến hay.
“Công-tác nổi bật đầu tiên là anh thành-lập một Hội Việt-Mỹ cho Quận Ðại-Lộc.  Anh chịu khó đi thuyết-phục để mời vào Hội không những chỉ các viên-chức chính-quyền như Quận-Trưởng, Phó Quận-Trưởng, Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực, Trưởng Chi Thông-Tin, Trưởng Phòng Văn-Hóa Giáo-Dục, Hiệu-Trưởng Trường Trung-Học, các sĩ-quan thuộc Chi-Khu, Xã-Trưởng, giáo-sư, giáo-viên, phụ-huynh học-sinh, học-sinh tiểu+trung-học, v.v... như thường-lệ, mà anh còn mời cả các thương-gia, nông-dân, tài-xa, tài-công, lâm-dân, ngư-dân, v.v... cùng với một số tu-sĩ Phật-Giáo trong vùng.
“Với Hội Việt-Mỹ của Sam, sinh-hoạt ở đây sinh-động hẳn lên.  Hội-viên gồm mọi tầng-lớp xã-hội.  Sách+ báo từ phía Hoa-Kỳ phân-phát, phổ-cập hầu như đến từng gia-đình.  Hoạt-động không chỉ thu gọn trong các kỳ họp, mà còn thể-hiện qua bất-cứ cơ-hội nào có người Mỹ xuất-hiện trong làng xóm Việt-Nam.
Sam đề-nghị, và được phía Việt-Nam đồng-ý, dùng phòng học của Lớp Năm trường tiểu-học Lộc Mỹ này làm nơi trao-đổi văn-hóa, dạy tiếng Anh vào buổi tối, vì nơi đây thuận-tiện cho sự đi lại của mọi người.
“Phòng này nằm ở đầu dãy, bên hông có một cửa sổ nhìn ra hàng-rào che khuất tầm mắt của người qua đường.  Phía bên kia đường, các ông thấy đấy, có một cây đa cành lá sum-suê, rễ ở gốc cây cao hơn mặt đất, người nào vóc cao mà đứng lên trên đám rễ, tựa vào gốc cây nhìn vào cửa-sổ thì trông thấy mặt cô giáo rõ-ràng.
“Giáo-viên Lớp Năm là cô Diệu-Hương, hoa-khôi toàn Quận, năm ấy vào khoảng hai mươi, dịu-dàng, lễ-phép, đứng-đắn, siêng-năng.
“Phòng học Lớp Năm trước kia là nơi cô đến soạn bài, chấm bài cho học-sinh, và tự học thêm chương-trình đại-học vào các ngày nghỉ và mỗi buổi tối, thì nay còn là nơi cô đến làm công-việc của Hội với tư-cách thư-ký, học tiếng Anh, dạy tiếng Việt cho ngưới Mỹ, giúp chiếu phim, điều-khiển máy ghi-âm, v.v...
“Cha mẹ cô thuộc giới trung-nông, sùng Ðạo Phật và chịu ảnh-hưởng Ðạo Nho.
“Sự giao-tiếp giữa cô với Sam, trong khung-cảnh chung của sự tiếp-xúc giữa hai bên Việt-Mỹ, có bắt tay, có vỗ vai, nhất là giữa đàn-bà con-gái Việt Nam với đàn-ông Hoa-Kỳ, bề ngoài là chuyện tự-nhiên, nhưng cha+mẹ cô rất lo, nên đã nhờ tôi theo dõi, ngăn ngừa giùm, sợ đi quá xa.
“Tôi là Cai Trường, làm liên-lạc-viên của Hội, vừa sắp dọn rồi cất dẹp mọi thứ trước và sau mỗi buổi, vừa tham-dự học tiếng Anh và dạy tiếng Việt, nên tôi có mặt hầu hết mọi lần SamDiệu-Hương gặp nhau.  Và tôi đã thấy ngay một mối tình trai+gái chớm nở giữa hai người, ngày càng sâu nặng hơn.
“Quả thật là tôi đã có đồng-lõa với hai người.
“Thứ nhất là vì tôi thấy Đại-Úy Sam thật tình yêu Diệu-Hương, muốn xây-dựng lâu dài.  Anh đi lễ chùa vào rằm, mồng một âm-lịch, tìm hiểu Ðạo Phật, học hỏi phong-tục tập-quán Việt-Nam.  Anh biếu quà và tham-gia mọi cuộc vui với trẻ em vào các dịp cuối tuần, nghỉ hè, Trung Thu.  Anh đưa Y-Tế Mỹ đi săn-sóc từng cụ già, cứu-trợ từng nạn-nhân bị Việt-Cộng pháo-kích, giật mìn.  Anh giúp lợp nhà, sửa đường, đào mương, tích-cực hơn cả cán-bộ của mình.  Dân-chúng nhờ anh rất nhiều.
“Mà điều quan-trọng là anh trân-trọng người yêu, không hề sỗ-sàng bậy-bạ như đa-số người Mỹ khác.  Sam nói riêng với tôi là anh sẽ xin chính-thức cưới Diệu-Hương.  Tôi biết là có nhiều cô-gái Việt-Nam lấy chồng Mỹ đường-hoàng, nên tôi yên tâm.
“Thứ nữa là vì tôi nghĩ: nếu cho cha+mẹ cô biết thì chắc ông+bà sẽ cấm hẳn cô tới+lui với Hội Việt-Mỹ; mà không có cô thì Hội tất-nhiên sẽ tan, vì anh sẽ dời Hội đi nơi khác, tôi mất việc làm với đồng lương cao và tiền lời bán đồ giải-khát, bánh, kẹo, cháo, chè mỗi đêm.
“Mãi đến hôm nay, giữ đúng lời hứa với hai người trong cuộc, tôi vẫn chưa kể cho cha+mẹ cô biết về mối tình giữa hai người.
“Huống chi Đại-Úy Sam thì đã về nước từ sau Nô-En năm ấy, và cô Diệu-Hương thì cũng đã bỏ đi đâu biệt-tích từ sau Nô-En năm ngoái, 1973...”
Từ khi Sam rời Việt-Nam, đến khi Diệu-Hương đi biệt, là hai năm trời, hai người có còn liên-lạc với nhau hay không?  Ðời sống tình-cảm của cô thế nào?
Anh vẫn gửi thư đều-đặn, hàng tháng, cho cô, qua tôi; tôi đều chuyển lại tận tay; nhưng cô nói là cô không trả lời.  Tôi không được biết trong thư anh nói những gì.
“Có nhiều thanh-niên Việt-Nam cũng như vài ba người M có vẻ săn đón cô hơn, nhưng cô đối xử với họ bề ngoài tự-nhiên như đối với Sam trước kia, chứ không có gì khác hơn.
“Cuối năm 1972 thì cô đổi về dạy ở Tam-Kỳ, thuộc Tỉnh Quảng-Tín; cuối tuần về nhà thường ghé thăm tôi.
“Tôi hiểu là cô rất buồn, ít nói hơn, da xanh hơn...
“Ðây là bức thư của cô đã viết cho Sam vào dịp Nô-En năm ngoái.  Cô không gửi nó qua Mỹ mà lại nhờ tôi cất giữ như một bằng-chứng hoặc một di-vật lưu lại cho Sam; tôi không mở xem.  Cô đã dặn tôi: nếu đến hết ngày Nô-En năm nay, tức là 12 giờ khuya hôm nay, mà Sam vẫn không trở lại gặp cô, thì xin tôi hãy giải giùm lời thề, bằng cách đốt nó ở gốc cây đa, là nơi anh đã đứng đó nhiều lần hướng về cửa sổ say-đắm nhìn vào...”  
                                                            *
                                                                                                                                                    Lộc-Mỹ, ngày 25/12/1973
 
Anh Sam yêu-dấu,
Ðây là bức thư đầu tiên mà cũng là bức thư cuối cùng em gửi anh, người đàn-ông đầu tiên mà cũng là người đàn-ông cuối cùng trong đời em.  Nội-dung chỉ là EM YÊU ANH.  Nhưng vấn-đề không chỉ đơn-giản như ba tiếng “em yêu anh”.
Anh là người Mỹ học-thức, giàu-có, mạnh-khỏe, trẻ-trung, can-đảm, cần-cù, nhân-ái, vị-tha, hào-phòng, tự-do.
        Những quân-nhân như anh, ngoài các cuộc hành-quân còn dành thêm tâm-trí, công-sức và thì-giờ để làm công-tác xã-hội giúp ích cho người xung quanh, thật là hiếm-hoi.  Trong cương-vị của anh, anh xứng-đáng tiêu-biểu cho một dân-tộc hùng-cường, nghĩa-hiệp, vượt vạn dặm trùng-dương đến đây hy-sinh xương máu để bảo-vệ, kiến-thiết, và phát-triển Việt-Nam nghèo-yếu khổ-nạn quê-hương em.
Anh là một thanh-niên lịch-thiệp, nói theo các bạn em là “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai”, yêu đời, yêu người, biết kính già quý trẻ, biết tôn-trọng những giá-trị tinh-thần, nhất là tôn-trọng người mình yêu.
Anh đã cho em biết thế nào là mãnh-lực ái-tình, thế nào là tình yêu không phân chia chủng-tộc, màu da.  Anh vừa lãng-mạn phác-họa một cảnh gia-đình hạnh-phúc tràn-trề, vừa thực-tế dự-trù sau khi xuất-ngũ sẽ tiếp-tục học lấy bằng Master, lấy bằng Ph.D., dọn đường cho sự-nghiệp tương-lai.  Anh đặt kế-hoạch cho tiền-đồ của cả hai chúng mình.  “Anh đã cho em Niềm Tin trong Tình Yêu”...
Nhưng vì cha+mẹ em không chấp-nhận việc một người con-gái Việt-Nam lấy chồng người nước ngoài (em biết điều đó qua nhiều lần ông+bà phê-bình người khác trước mặt em, và qua lời ông+bà nói với bác Nam mà bác ấy kể lại với em), nên em đành phải giấu-giếm mọi người, trừ bác Nam mà em đã thú thật sau này.
Yêu nhau mà phải lén-lút, còn gì bực-bội và xấu-hổ bằng!
Hy-vọng duy-nhất của em là chờ đến ngày em hai mươi mốt tuổi, là tuổi hợp-pháp tự mình quyết-định hôn-nhân của mình; nhưng không phải là để tự-do làm giấy hôn-thú với anh, mà là để dễ thuyết-phục song-thân em chấp-nhận mối tình của chúng mình, vì em không thể làm một đứa con bất-hiếu bất-hiếu vì làm trái ý cha+mẹ, bất-hiếu vì làm cha mẹ mất mặt với mọi người.
Nhưng, nếu ông+bà vẫn không đồng-ý thì sao?  Ðó là điều mà em không dám giải đáp, vì chỉ nghĩ đến là em đã thấy sợ rồi.
Ðùng một cái, anh được lệnh hồi-hương.  Một việc bình-thường mà thời-gian qua đắm chìm trong tình yêu em không nghĩ đến.  Hết hạn tùng-quân thì phải về thôi!
Tuy thế, có lý nào chấm dứt mọi sự ngang đây sao anh?
Nhưng anh đã trấn-an em.  Anh hứa là sẽ tìm đủ mọi cách trở lại Việt-Nam, dù với tư-cách quân-nhân hay nhân-viên dân-chính, thường-dân.
Qua năm 1972 thì Hội Việt-Mỹ dời đi nơi khác.
Em sống xa anh, lại không còn gần những cảnh sinh-hoạt thân quen do anh tạo nên và vẫn mang đậm dấu ấn của anh, nên em cảm thấy cuộc sống trống vắng, lạt-lẽo vô cùng, dù anh vẫn gửi thư về đều đều; nên qua Nô-En thì em đã xin thuyên-chuyển về dạy ở Tam-Kỳ.
Em về Tam-Kỳ để gần căn-cứ Chu-Lai, để được thấy các bạn anh nhiều hơn, để đỡ nhớ anh hơn, và để càng nhớ anh hơn.
Anh yêu! Cuộc đời không chiều lòng người.  Nô-En 1972 anh chưa trở lại được, nhưng vẫn còn nhiều hy-vọng, vì chiến-tranh vẫn còn.  Nô-En 1973 anh không trở lại được, thì đâu còn hy-vọng, vì chiến-tranh không còn.  Phải chăng hy-vọng chỉ còn, tình yêu của chúng ta chỉ còn, khi vẫn còn chiến-tranh, cuộc chiến khốc-liệt mà chúng mình muốn sớm kết-thúc?  Nhưng, kết-thúc như thế nào, có phải là trong chia-lìa, mất-mát, đổ-vỡ, đau-thương không anh?
Nô-En năm nay em có một quyết-định mới.  Em bỏ gia-đình, em bỏ việc làm, em thử... tìm về Hư-Vô, một cõi sắc-không không-sắc như anh đã có nghiên-cứu và nói là đã lĩnh-hội được rồi vì cuộc đời quả là bể khổ, oái-oăm phi-lý quá, phải không anh?  Cha+mẹ em ép buộc em phải kết-hôn với một người mà em không yêu.  Thế là em đã có lý-do để thoát-ly gia-đình mà không làm cho ai đổ lỗi cho anh.
Thời-hạn ba năm của lời thề xưa vẫn còn.  Anh còn một năm để giải lời thề trước cây đa làng cũ.  Anh còn một năm để thử-thách lòng anh.  Em đã cố tình không viết một dòng chữ nào cho anh từ hai năm qua, trừ lời nhắn miệng với các người bạn mà anh nhờ gặp, rằng em trọn đời yêu anh và sẽ trung-thành với anh, cốt để giúp anh trắc-nghiệm tình anh.  Nếu anh trở lại được, thì anh đi tìm em được; Tình Yêu sẽ hướng-dẫn anh.  Nếu anh không tìm ra em, mà anh vẫn muốn tìm em, thì đêm Nô-En 1974 em sẽ chờ anh ở Nhà Thờ năm xưa; chậm lắm là vào 12 giờ khuya ngày 25, phút cuối cùng của thời-gian thử-thách, em sẽ chờ anh ở gốc cây đa.
Ở gốc cây đa đó, em đã đón nhận nụ hôn đầu tiên của người khác phái, em đã trao anh nụ hôn đầu tiên của người con gái, là lần đầu tiên em ngây-ngất mê-ly, là lần đầu tiên em sẵn-sàng chết đi trong vòng tay siết chặt của người yêu.  Ôi, nụ hôn ngọt-ngào như lời thề-nguyền buổi sáng mùa xuân cuộc đời, mà cũng là nụ hôn đắng-cay mùi vị chia-ly chúng mình dành cho nhau trước ngày anh xa em.
         Anh không sợ ma, em không sợ ma, nhưng hầu hết những người dân làng ở đây đều sợ ma.  Nhờ họ sợ ma nên họ để yên cho chúng mình gặp nhau giữa khuya bên gốc cây đa nhiều đêm.  Những lần ấy, anh có biết đâu, em lo sợ vô cùng: không phải là sợ có người biết được mối tình mà chúng mình giữ kín, mà là sợ Việt-Cộng tìm cách ám-hại anh, vì chúng đã hơn một lần muốn nhờ tay em...
Bây giờ thì anh đã hiểu rồi đấy.  Nụ hôn biểu-hiện lời thề.  Ðời em chỉ hôn một người; người đó, trên đạo-lý, đã là chồng em.
Em còn nhớ mấy câu Kinh Thánh mà anh đã giảng cho em: “Không được thề dối!” và “Không được phạm tội ngoại-tình!”; và: “Hễ ai ly-dị vợ mà không phải vì cớ vợ mình gian-dâm thì tức là khiến cho nàng ngoại-tình!” (Matthew 5:33, 27, 32)...
Em không ngoại-tình, em không gian-dâm; em chỉ yêu một mình anh.  Nếu không có anh thì em sẽ là hư-vô, vì đời trở nên hư-vô.
Ðây cũng là một cuộc thử-thách tối-trọng và tối-hậu về phần em: do nơi anh, và do lời hẹn của anh, em sẽ trở về sống với hạnh-phúc trần-gian, hay sẽ tiếp-tục và vĩnh-viễn trở thành sắc-không...  
                                                                                                            
                                                                                                    D.H.  
                                                            *
Và đây là mười hai bức thư của Sam; Diệu-Hương không ghé lấy từ mười hai tháng nay...
Trời đã xế chiều.  Tôi tranh-thủ mở đọc bức thư mới nhất của người thanh-niên đã từng một thời là Đại-Úy Sam:  
                                                                                                    New York, December 1974  
        Diệu-Hương, người yêu duy-nhất của anh:
Cả ba năm nay em không viết thư cho anh.  Anh chấp-nhận, vì đó là ý muốn của em mà em đã nói cho anh biết trước rồi; nhưng trong thâm-tâm anh bao giờ cũng mong ước và ngóng chờ thư em.
Vậy mà giờ đây thì anh không còn trông đợi thư em nữa, em biết vì sao không?
Ngay khi gặp em là anh yêu em.  Ðồng-thời, sau khi đã ở Việt-Nam rồi, đã hiểu Việt-Nam rồi, là anh yêu luôn Ðất Nước và đồng-bào em.
Anh về Hoa-Kỳ không phải chỉ để vận-động trở lại Việt-Nam với em mà thôi, mà là còn để nói lên tiếng nói của lương-tri, chống lại phong-trào phản-chiến, kêu gọi tinh-thần khử-bạo phù-nguy vốn là truyền-thống cao-đẹp của dân-tộc Hoa-Kỳ.
Thế nhưng kết-quả ngược lại.
Ma-quỷ đang hồi cực mạnh; người ta không nghe tiếng nói thống-thiết của những con người chính-trực như anh, thậm-chí bác đơn thỉnh-cầu của anh xin được một lần trở lại Việt-Nam.
Và bây giờ thì nước Mỹ đã bỏ cuộc rồi.
Anh còn mặt-mũi nào sống trên đời này mà làm người thua cuộc, hả em? nhất là trong cuộc tình của chúng mình mà hạn chót của lời thề đã đến rồi.
Trong quá-khứ, nước Mỹ đã từng cứu Pháp, giúp Ðức, tiếp-trợ Âu-Tây, nâng Nhật-Bản, vớt Ðại-Hàn, che-chở Á-Ðông.
Trong tương-lai, nước Mỹ chắc-chắn sẽ còn hành-hiệp cái-thế độ-nhân.
Nhất-định mọi người sẽ phải xét lại thái-độ yếu hèn của ngày hôm nay.
Riêng đối với em, anh đã giữ tròn danh-tiết cho em.
Trong đêm cuối cùng, bên gốc cây đa, em đã lịm người trong vòng tay anh, phó mặc hoàn-toàn cho anh. Nhưng anh kính-trọng tinh-thần văn-hóa Ðông-Phương...
Anh sẽ không để cho ai biết gì về mối tình vô-vọng của chúng mình.
“Khối tình mang xuống tuyền-đài khôn tan...”
Nếu còn có thoáng chốc nào em nhớ đến anh, thì xin em hãy tin rằng, đến tận hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình, anh vẫn chỉ biết một lòng yêu em.
Tình Yêu ấy là sinh-khí cho hình-hài này, vốn là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất mà thôi.
Xin cho linh-hồn anh được thanh-thoát, làm một Romeo, một Trương Chi...  
                                                                                                    SAM  
                                                            *
Thiếu-Tá Sơn, Chánh Sở Ðặc-Cảnh Tỉnh sở-tại, nãy giờ ghé mắt cùng đọc theo tôi, phát-biểu:
Như thế là cô Diệu-Hương đã tái xuất-hiện ở Nhà Thờ đêm qua, và sẽ có mặt ở gốc cây đa đêm nay...
Tôi nghĩ:  “Ðoạn cuối câu chuyện không thuộc nhiệm-vụ của mình.  Mình chỉ tìm biết xem cô là ai, lâu nay làm gì, ở đâu; thế thôi”.
Tôi bắt tay từ-giã Sơn:
Tất cả thư-từ, và những việc gì xảy ra đêm nay, về sau, hoàn-toàn để tùy bác Nam giải-quyết.  Bây giờ thì tôi phải về; còn nhờ anh Hòa trong Quảng-Ngãi, anh Song trong Quảng-Tín, và anh Ðảm ngoài Thừa-Thiên, dĩ-nhiên là cả anh nữa, tìm xem cô đang tu ở chùa nào...  
                                                            *  
                                        Ðà Nẵng, ngày 25 tháng 12 năm 1974
                               PHIẾU TRÌNH
Kính trình...  
                                                                                                    tại SÀI-GÒN
Tiếp theo công-điện số...
Kính xác-nhận điện-trình sơ-khởi về việc...
Văn-Phòng Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu I xác-nhận chính Thiếu-Tướng Hoàng Văn Lạc, Phó Tư-Lệnh Quân-Khu I, thừa lệnh Cấp Trên, với sự hướng-dẫn của trung-tá Quận-Trưởng Quận Đại-Lộc, đã dùng trực-thăng đưa hai người Mỹ liên-hệ đến Xã Lộc-Mỹ trưa ngày hôm nay, 25-12-1974.
Hai người Mỹ ấy là đại-diện của một văn-phòng Chưởng-Khế Mỹ, thi-hành di-chúc của một người tên Sam.
        Theo di-chúc của Ông Sam thì sau khi ông tự-tử chết đi, thi-hài được thiêu thành tro, đem đến chôn ở hàng-rào của trường tiểu-học Xã Lộc-Mỹ, thuộc Quận Ðại-Lộc, Tỉnh Quảng-Nam, Việt-Nam, ngay hướng mắt nhìn từ gốc cây đa vào khung cửa sổ Lớp Năm, giữa ngày Nô-En năm nay...
Chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu, được biết:
Nguyên...  
                                                            *

        Sáng sau, tôi đang đọc lại bản lưu Phiếu Trình nói trên thì Sĩ-Quan Trực Phòng Tình-Hình báo-cáo rằng các Chánh Sở Ðặc-Cảnh các Tỉnh đã có mặt sẵn, đang chờ lệnh tôi trên máy điện-đàm.
Thiếu-Tá Thái Văn Hòa của Tỉnh Quảng-Ngãi được tôi hỏi trước, trả lời:
Ở Tỉnh Quảng-Ngãi có chùa Thiên-Ấn và nhiều chùa khác, nhưng không có ni-cô nào giống với đối-tượng cần tìm...
Thiếu-Tá Ðặng Văn Song, Chánh-Sở của Tỉnh Quảng-Tín, báo-cáo là chưa tìm ra.
Chánh-Sở Trương Công Ðảm của Tỉnh Thừa-Thiên liền xin xác-nhận:
Ngoài này chúng tôi đã tìm ra được cô rồi.
“Cô ở ngay Chùa Sư-Nữ nổi tiếng của Miền Trung.  Tại đây, cô giấu lý-lịch; ngoại-trừ Sư-Bà trụ-trì, còn với người khác thì cô xưng một tên khác, nhưng thường chỉ dùng pháp-danh mà thôi.  Cô không bao giờ tiếp-xúc với người ngoài chùa.  Trước đây đã có nhiều người từ trong Ðại-Lộc ra tìm, nhiều lần mà không gặp được.  Riêng ngày hôm kia, cô đã xin phép đi vào Quảng-Nam thăm nhà...”
Tôi cám ơn các anh, rồi hỏi Thiếu-Tá Lâm Minh Sơn của Tỉnh Quảng-Nam tình-hình đêm qua thế nào.
Sơn đáp:
Ðêm qua, chúng tôi không thấy Diệu-Hương đến gốc cây đa.  Có lẽ cô đã nấp kín, cũng gần đâu đó mà thôi.  Nhưng không thấy Sam xuất-hiện thì cô đến đó làm gì!
“Còn bác Nam thì, vào lúc 12 giờ khuya, sau khi đốt xong bức thư của cô ở gốc cây đa, đã chôn luôn các bức thư của Sam vào chỗ đã chôn cái hộp mới được đưa đến từ nửa vòng trái đất bên kia...”  
      
                           LÊ XUÂN NHUẬN


__._,_.___

No comments: