Wednesday, November 2, 2016

CHUYỆN TÙ =NGUYỄN QUANG LẬP =TIỂU TỬ

THANH THUONG HOANG * NHỮNG NGÀY THÁNG TÙ ĐÀY


Những ngày tháng tù đầy không thể quên

Thanh Thương Hòang


 Tôi bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1976, trong cái trò bắt người mà cộng sản gọi là “chiến dịch X2 đánh Văn Nghệ Sĩ phản động”. Chiến dịch X1 trước đó “đánh”tư sản mại bản (tức những nhà tỷ phú người Việt và người Việt gốc Hoa, đa số ở Chợ Lớn). Có 3 nhà tỷ phú người Việt bị bắt là cụ Hoàng Kim Quy (cựu Thượng Nghị Sĩ đệ nhị VNCH), hai anh em vua tầu thủy Phạm Quang Khai và Phạm Quang Hoa. 
Trước và sau tôi bị bắt vài ngày có hơn trăm người gồm đủ bộ môn văn nghệ Miền Nam (Văn, Thơ, Báo chí, Nhạc, Kịch, đạo diễn điện ảnh, đạo diễn Cải lương có đôi chút tên tuổi). Đa số giam ở T20 (số 4 Phan Đăng Lưu bên hông chợ Bà Chiểu, Gia Định) vài người đi khám Chí Hòa. 


Tưởng cũng nên kể ra đây tôi là người trong giới Văn nghệ đầu tiên, mới nhập trại đã bị tống ngay vào “biệt giam”(cachot) khu B1, phòng 11 trại Phan Đăng Lưu. Có lẽ họ tưởng tôi là nhân vật quan trọng, là tay sai của CIA được dựng lên làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam hoạt động trong báo giới. Vì ngoài Bắc chức vụ này “to” lắm, do đảng đưa ra và quyền hạn cũng như quyền lợi ngang bộ trưởng. Trong cùng dẫy biệt giam khu B1 có những nhân vật tên tuổi như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ (cựu Khoa trưởng Khoa Luật đại học Huế), Luật sư Nguyễn Hữu Doãn, Luật sư Nguyễn Khắc Chính, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, Nhà Văn Nhà báo (nguyên dân biểu)Hồ Hữu Tường. Những người này lần lượt vào biệt giam sau tôi 1, 2 tuần. 


Đầu dẫy khu biệt giam buồng số 1 là “tướng phục quốc Nguyễn Việt Hưng”. Tôi rất tiếc khi đó không biết nhiều về nhân vật này. Ông là người đầu tiên cầm đầu một số dăm bẩy người trấn trong nhà thờ Vinh Sơn (đường Trần Quốc Toản) đánh CS với vài vũ khí thô sơ, khi CS vào Saigon mấy tháng. Sau đó ông bị CS xử bắn. Vụ “vùng lên”khởi đầu chống đối CS này đã gây tiếng vang rộng lớn làm trấn động dư luận khắp nước khi đó. CS phải điều động bộ đội công an cảnh sát vây hãm quanh khu vực Nhà Thờ mấy ngày liền mới trấn áp được.


Tôi nghĩ chúng ta thật vô tình khi ở ngoài này, trải qua mấy chục năm, không thấy một ai nhắc nhở tới ông (người được gọi là tướng Nguyễn Việt Hưng mà dư luận khi đó đồn đãi là biệt danh của Tướng NCK hoặc Tướng cảnh sát NNL ở trong mật khu lãnh đạo cuộc chiến đấu với rất nhiều “hồ hởi phấn khởi”). Theo tôi đây là người chiến sĩ quốc gia can trường bất khuất, dám đứng ra chống CS ngay từ ngày đầu, chúng ta nên tỏ bầy lòng ngưỡng mộ và khâm phục.

Phía sau dẫy biệt giam B1 là dẫy biệt giam B2 có giáo sư Vũ Quốc Thông, ông chủ nhiệm nhật báo Lẽ Sống Mới, Ngô Công Minh (vào đầu năm 1975 làm phụ tá Tổng Trưởng Thông Tin), ông Tống Đình Bắc, Trưởng ty Công an nổi tiếng sát cộng Miền Tây, ông chủ Nhà sách Khai Trí và một vài người nữa từng giữ chức vụ cao chế độ cũ.

Riêng ông Ngô Công Minh sau khi lên trại tù lao động Gia Trung với chúng tôi hơn tháng thì CS đưa ông đi nơi khác. Từ đó không ai biết tin tức về ông. Có dư luận nói ông bị đem thủ tiêu vì mấy tay tổ văn nghệ, báo chí CS (từng quen biết ông trước kia) muốn cướp không ngôi nhà lớn của ông ở Saigon và vàng bạc của cải. Theo tôi, ông không phải nhà hoạt động chánh trị, chỉ là nhà báo thuần tuý nên không thể bị sát hại vì lý do chánh trị. Khi tù về tôi có dò hỏi tin tức ông nhưng không ai biết một cách chính xác.

Trong thời gian “nằm” biệt giam tôi cũng có vài việc để nhớ xin kể ra đây. Cứ mỗi tháng tù biệt giam được cho ra ngoài cắt tóc. Bọn “thế nhân” chúng tôi tất cả đều bị “gọt” trọc đầu, kể cả vị Linh mục, nhưng với hai vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì cai tù lại bắt để tóc. Hai cụ phản đối, cai tù thản nhiên:

“Đó là chính sách Nhà nước!”.

Việc thứ hai là vì biệt giam mới làm chưa lắp ống dẫn nước nên mỗi ngày chúng tôi chỉ được từ hai tới ba phút vòi nước ở ngoài thọc vào để làm vệ sinh. Tôi không biết nên thản nhiên chà xà bông gội đầu (bằng xà bông giặt). Đang làm nửa chừng vòi nước rút ra mặc cho tôi nài nỉ. Báo hại đêm đó đầu tôi bị xà bông làm ngứa ngáy khó chịu không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Cũng vì “nước” tôi phải tự “tranh đấu” với mình mãi mới nuốt xong phần cơm tù. Tôi chỉ có 2 cái tô nhựa: một dùng đựng cơm, một dùng đựng canh. Vì phải chứa nước làm vệ sinh (khi đi cầu) tôi nhịn tắm lấy nước chứa vào cái tô lớn mầu xanh. 
Trong khi đi “làm việc” (hỏi cung) tôi viết mấy chữ bằng bút chì dặn anh tù hành sự để cơm vào nửa tờ giấy báo cũ, còn canh để vào tô nhựa mầu đỏ. Nhưng anh ta đổ hết nước trữ đi, để cơm canh vào 2 cái tô và đặt ngay trên bệ cầu tiêu chưa được dội nước còn nồng nặc mùi phân của mình. Tôi ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ nhìn hai tô cơm canh muốn ứa nước mắt tự “tranh đấu” với mình. Ăn hay nhịn? Nếu ăn, khó nuốt trôi miếng cơm vì tởm lợm. Nhưng nếu không ăn sẽ bị đói tới trưa hôm sau. Tôi lại mắc chứng đau dạ dầy từ ngày CS chiếm Saigon nên sẽ khốn khổ lắm. Cuối cùng tôi đành nhắm mắt nuốt vội chút cơm canh lạnh ngắt với hai hàng nước mắt.

Tôi bị nhốt biệt giam hơn 10 tháng, vào một buổi sáng trời âm u, được gọi tên mang đồ ra khỏi buồng giam. Phía chéo buồng giam, tôi liếc nhìn thấy nhà văn Duyên Anh để mặt sát ô vuông cánh cửa sắt phòng giam tập thể hướng về phía tôi nói khá lớn:

“Nhớ ghé nhà tao nói với vợ tao…”.

Tôi chỉ nghe được tới đây thì bị viên cai tù nạt nộ cấm nói. Thì ra Duyên Anh tưởng tôi được tha về nhờ tôi tới nhà nhắn tin vợ.

Khi đi đến trước sân “nhà khách” trại giam tôi thấy vài người quen ngồi đó với đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh. Chúng tôi chỉ đưa mắt chào nhau. Mấy phút sau họ điểm danh từng người xong còng tay lại đưa lên chiếc xe hơi bít bùng chuyển về cơ quan An ninh nội chính (Nha Công an thành phố Saigon cũ đường Trần Hưng Đạo). Cùng trên chuyến xe có tiến sĩ Mai Văn Lễ, thạc sĩ Vũ Quốc Thông, ông Tống Đình Bắc và một vài người nữa (giờ tôi quên mất tên). Trong lúc ngồi ngoài sân cơ quan chờ làm thủ tục gì đó, các bạn tù của tôi bàn cãi sôi nổi về dự đoán chúng tôi được đưa lên đây làm giấy tờ tha. Có vị còn “cá” một chầu ăn uống linh đình ở Chợ Lớn. Rồi lần lượt từng người được gọi tên đem hành lý đi vào phòng…biệt giam!

Tôi được gọi tên sau chót (may mắn cho tôi vì biệt giam hết chỗ(?) – viên công an tiếp nhận tù nói vậy) nên được nhốt vào khu tập thể A (làm từ thời Pháp). Gần 100 người đủ thành phần già trẻ lớn bé, tư sản, chính trị gia, Linh mục, Mục sư, Thượng tọa, Đại đức, trộm cắp, buôn lậu, nhốt chung trong một phòng dài trên 10 mét, bề ngang nhỏ hẹp, u tối, ẩm ướt, thiếu ánh sáng và khí trời. Phòng có 2 “sàn”, sàn trên cao khoảng một mét. Mỗi người được cấp manh chiếu rách cáu bẩn, nồng nặc mùi chua mồ hôi người tích tụ lâu năm đã kết thành “cao”.

Ở trên tôi nói may mắn không phải vào lại biệt giam vì mấy tháng sau anh Mai Văn Lễ được thả khỏi biệt giam vào phòng tôi kể cho nghe thảm cảnh trong buồng biệt giam anh đã “chết trong cõi sống” mấy tháng qua. Buồng biệt giam Sở An ninh nội chính được xây từ thời Pháp thuộc có tuổi đời trên mấy chục năm. Tường bẩn thỉu lam nham dầy cáu bẩn đen đúa, sàn xi măng ẩm ướt quanh năm. Mùi mồ hôi, mùi phân nước tiểu người tích tụ bao năm tạo thành một thứ mùi hôi hám khó tả, ngửi phải muốn nôn ọe ngay. Khủng khiếp nhất là cái cầu tiêu đã nứt nẻ và vỡ nhiều mảnh, mỗi khi trời mưa nước từ trong lỗ cầu dâng lên tràn lan khắp buồng với những cục phân chưa tiêu hủy. Nếu mưa lâu khoảng một giờ nước cầu tiêu dâng ngập buồng giam hơn gang tay, tù chỉ còn biết đứng dựa vào tường chờ cho nước rút hoặc ngủ đứng. Và khi nước vừa rút hết, sàn si măng còn ẩm ướt, tù mới ngả lưng nằm thì một hai chú chuột cống khá to, lông lởm chởm ghẻ lở khắp mình trông dơ dáy khủng khiếp chui lên từ miệng cầu, thản nhiên gặm bàn chân tù, đạp đuổi nó cũng cứ gan lỳ không chạy! Có lẽ từ lâu nó sống bằng xương thịt tù bị chết chưa kịp mang đi. Anh Mai Văn Lễ kết luận:

“Đúng là tầng chót địa ngục trần gian, có một không hai trên thế giới!”.

Tôi được biết Linh mục Hoàng Quỳnh, người lãnh đạo giáo dân khu Bùi Chu Phát Diệm nổi tiếng chống CS bằng vũ lực hồi còn ngoài miền Bắc. Linh mục bị bắt từ ngày đầu tháng 5. 1975, bị giam và chết trong “tầng chót địa ngục trần gian” này. Khi họ đem xác Linh mục đi trên cái băng ca, thân thể teo tóp gầy đét bé nhỏ như đưá trẻ lên 10.

Sau hai ngày đêm 15 chiếc xe vận tải lớn, trước đây dùng chở heo, chở mấy trăm tù ngồi bó gối trên sàn xe chật cứng nhúch nhích cánh tay cũng không được. Với bao gian khổ đói khát trên con đường dài mệt lả người, chập choạng tối chúng tôi tới trại tù lao động cải tạo Gia Trung (thuộc tỉnh Pleiku) nằm trong khu rừng núi hoang vu. Nghe nói nơi này khi trước là mật khu của CS. Trại Gia Trung lúc bọn tôi tới đã có 3 trại giam, mỗi trại cách nhau khoảng cây số. Trại nào cũng đầy nhóc người: từ 700 tới 1000. Tù đa số là các viên chức cấp nhỏ, địa phương quân, nhân dân tự vệ và đông nhất vẫn là tù hành sự từ các nơi đưa tới, có án hoặc chưa có án. Có cả tù chưa đến 10 tuổi, đói quá liều ăn tô bún riêu ở chợ không tiền trả bỏ chạy bị bắt.

Những nỗi đói khổ nhục nhã, sống cuộc đời trung cổ, sách báo đã nói nhiều từ hơn 30 năm, tôi xin miễn kể ra đây. Sự khổ sở nhục nhã chúng tôi còn có thể chịu đựng được. Nhưng cái khủng khiếp nhất đối với chúng tôi là sự vô vọng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, với đời sống ngoài xã hội. Bọn cai tù bắt chúng tôi “học tập” chính sách Nhà nước là đem vợ con lên vùng đất tù đầy này cuốc đất trồng khoai sinh sống (như ngoài Bắc đã thực hiện). Tất nhiên chúng tôi không thể làm theo họ. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đời mình chứ không thể để vợ con đã khốn khổ ngoài đời lại phải gánh thêm cảnh tù đầy.

Trong những năm tháng không tên dài dằng dặc như bao thế kỷ sống như cây cỏ như súc vật, chúng tôi hết cả hy vọng hết cả chờ mong thì có những tin tức như những làn gió mát mang theo hơi sống tới: tin đồn về chương trình HO, người Mỹ sẽ cứu chúng tôi đem sang Mỹ. Trong thời gian này các con tôi gửi thư cho tôi nói bóng nói gió là hai hội Văn Bút Quốc Tế và Việt Nam đang ráo riết can thiệp vận động cho anh em cầm bút chúng tôi. Và các con tôi cũng báo tin có nhận được “quà” của hai hội gửi. Thời gian này bọn tù chúng tôi “hồ hởi phấn khởi” lắm. Chỗ nào cũng bàn tán về chương trình HO (mỗi người tán một kiểu toàn có lợi cho mình) với bao hy vọng tốt đẹp. Và chúng tôi cũng hết lời ca ngợi Tổng Thống Carter – vị ân nhân vĩ đại – sẽ lập cầu Không vận đưa chúng tôi từ VN qua Mỹ sống một đời ấm no tự do tươi sáng. Tôi cũng nghe nói tới tên một bà lúc ấy còn rất xa lạ với chúng tôi: bà Khúc Minh Thơ. Biết bao giai thoại đồn đại thêu dệt về bà được dựng lên. Qua câu chuyện và lời bình luận của anh em tù, tôi có cảm tưởng bà Khúc Minh Thơ như một bà tiên đang cầm cây đũa thần giúp chúng tôi từ vực thẳm lên. Rồi ngày tháng tiếp tục lặng lẽ trôi qua, tất cả mọi việc vẫn như cũ không có biến chuyển gì xẩy ra, chúng tôi lại tiếp tục buồn nản thất vọng lê cái thân tù đầy mòn mỏi héo hắt trong quốc nạn khổ sai. “Mong nhưng không đợi không chờ” như câu thơ của Giáo sư Vũ Quốc Thông làm và đọc cho tôi nghe.

Sau gần 10 năm thân thể rã rời hư hao chỉ cỏn bộ da bọc xương, tinh thần suy sụp chán nản chẳng còn gì để mong để chờ và cũng hết cả “cú” tha bất ngờ thì anh Doãn Quốc Sỹ được gọi tên tha, năm sau anh Hồ Văn Đồng rồi thời gian sau nữa là giáo sư Vũ Quốc Thông. Những người này được tha về làm sự hy vọng tưởng tắt ngấm trong chúng tôi lại lóe lên, dù là ở cuối đường hầm mù mịt.

Có lẽ do nguồn từ gia đình ký giả Cao Sơn lên thăm nuôi nói đài VOA vừa loan tin tôi và họa sĩ CHÓE (Nguyễn Hải Chí) hiện bị giam tù ở trại Gia Trung, Pleiku. Thế là ầm cả trại đến nỗi viên quản giáo đội tôi cũng tò mò hỏi anh tù nấu nước có biết tôi không và hiện ở đội nào (vì đài VOA chỉ loan bút hiệu của tôi nên anh ta không biết).

Báo hại tôi từ khi có tin này không được tự động đi gánh phân người từ trại ra ngoài đồng nữa. phải về đội cuốc đất chặt cây đào mương như mọi anh em tù khác. Gánh phân tuy có vất vả bẩn thỉu hôi hám mất vệ sinh thật nhưng chỉ nửa buổi là “thanh toán” xong các hố xí. Thời gian còn lại thoải mái xuống suối tắm giặt và đi “va tạt linh tinh” kiếm củ khoai mì hay vài cọng rau lang “cải thiện”cho “ấm” cái bụng thường trực rỗng. Nếu tôi nói đã hơn một lần “tự động” ăn…phân người, có lẽ nhiều người không tin cho là tôi nói quá để kể khổ thân phận tù đầy dưới chế độ cộng sản.

Lần thứ nhất quãng hơn 10 giờ, tôi vừa đói vừa khát ghé vào chỗ chòi đun nước uống của đội để uống nước. Anh bạn được phân công đun nước, nguyên đại úy cảnh sát quốc gia, vốn quý mến tôi, thấy tôi đến, anh mắt nhìn chỗ khác nhưng miệng nói nhỏ:

“Bác đi tới phía bụi cây bên trái”.

Tôi biết là “có gì” rồi. Tới nơi nhìn vào trong bụi cây tôi thấy nửa trái dưa chuột nhỏ. Tôi cầm lên bỏ vào miệng nhai liền. Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ ăn miếng dưa chuột ngon đến thế (tôi vốn không thích ăn dưa chuột). Vừa nuốt xong nửa phần dưa chuột tôi chợt nhớ ra, ngừng nhai, tiến lại chỗ anh bạn đun nước, nói:

“Này ông ơi, có phải trái dưa này “tẩm” phân người?”.

Anh bạn gắt nhẹ:

“Đã bảo, bác cứ ăn đi, không chết đâu mà sợ!”.

Nghe anh bạn nói, tôi biết mình đã lỡ ăn rồi (hơn nữa cũng tại đói) nên tiếp tục cố nhai và nuốt nốt phần dưa chuột còn lại.

Nguyên do thế này. Trong vườn ươm giống của đội trồng rau có một dàn dưa chuột. Khi dưa mới kết trái to hơn ngón tay đã bị tù (và cả cai tù) hái trộm ăn hết nên ban giám thị trại tù ra lệnh lấy phân tươi của người hòa với nước rồi hàng ngày quết vào những trái dưa chuột cho hết bị trộm. Nhưng tù vẫn hái trộm ăn sau khi rửa sơ qua. Thế là lần thứ nhất tôi ăn phân người.

Lần thứ hai thì chính do tôi (và mấy ông bạn) chủ động ăn phân người. Tôi và mấy “đồng sự” được “bố trí” dọn phân cầu tiêu các phòng giam. Một số anh em tù hình sự ra ngoài đồng làm việc đã hái và ăn tươi nuốt sống các trái bắp. Vì ăn trộm nên không kịp nhai (sợ cai tù thấy) các bạn tù hình sự cứ thế mà nuốt. Bắp già hạt cứng dạ dầy không tiêu nổi, hôm sau đi cầu ra nguyên cả hạt. Chúng tôi lúc đầu còn sợ bẩn sợ hôi và bệnh nhưng sau khi sôi nổi “bàn thảo”, chúng tôi đi tới việc lấy những hạt bắp này đem ra suối rửa, luộc hai ba lần cho hết mùi hôi rồi ăn một cách ngon lành thoải mái! Nhiều bạn tù biết chuyện cũng xin ăn ké. Tôi được “ấm bụng” ít ngày thì bị “ngưng công tác” (vì tin đài Voa loan?). Đó là hai dấu ấn khủng khiếp trong trại tù cho tới ngày hôm nay, mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn không khỏi rùng mình tự hỏi không hiểu sao mình lại có thể “ghê gớm” đến thế!.

Còn một chuyện nhỏ nữa mà tôi cũng khó quên. Tôi vốn bị quy kết “học tập cải tạo” xấu, tư tưởng không ổn định và trây lười lao động nên thường xuyên bị ăn 13 ký một tháng (5 ký gạo, 8 ký khoai mì – nhưng bọn cai tù và bọn nhà bếp đồng lõa ăn chặn mất 2 ký gạo nên chỉ còn 3 ký).

Trong 7 năm sống ở trại Gia Trung tôi được gia đình “thăm nuôi” có 3 lần. Đáng nhớ nhất là lần 2 con tôi (còn vị thành niên: một trai 15 tuổi và một gái 13 tuổi) đi xe đò hơn ngàn cây số lên thăm Bố với gói quà khoảng 10 ký. Khi đến cây số 25 (quốc lộ 1 thì xuống xe, lúc đó là 2 giờ đêm. Trời rất lạnh lại ở chốn rừng thưa hoang vắng không biết đường vào trại, hai anh em phải ngồi dựa lưng vào nhau chờ sáng trong lòng vừa sợ vừa lo mọi thứ, nhất là với thú dữ và kẻ cướp.

Sáng hôm sau tôi được gọi thăm nuôi. Tôi cố làm nét mặt lạnh lùng vô cảm để tránh trận nước mắt của hai con tôi khi nhìn thấy thân thể tiều tụy mòn mỏi hết sinh lực của bố chúng. Như đã viết ở trên vì tôi học tập cải tạo xấu lao động kém nên chỉ được nhận 2 ký đồ thăm nuôi. Tôi nhìn thấy một gói bột trắng khoảng 1 ký, tôi tưởng là bột gạo hoặc bột sữa nên lấy gói này và 1 gói xả xào mắm ruốc vừa đủ 2 ký. Hai con tôi đứng trước cửa nhà thăm nuôi nhìn theo, tôi biết chúng đang khóc nhưng không đủ can đảm quay lại nhìn, tôi sợ không cầm được nước mắt và òa khóc. Tôi nghe tiếng con gái tôi nói trong nước mắt: “Bố ráng giừ gìn sức khỏe để còn sống trở về với các con”.

Vào tới buồng tôi mở ngay gói bột ra pha nước vào cái tô nhựa và ngoắng cho tan bột. Bột bị ngoắng sủi bọt lên trắng xoá. Đang đói đang khát tôi đưa lên miệng uống liền một ngụm lớn. Nhưng chất bột vừa trôi vào cổ họng, thấm vào lưỡi đắng chát và nóng rát, không có mùi vị gì có thể gọi là sữa cả, dù là sữa quá “đát”, tôi muốn nôn ọe vội nhổ ra ngay. Thì ra đó là sà bông bột (mà tôi cứ đinh ninh là bột gạo hay bột sữa). Kể lại cho anh em trong trại nghe ai cũng ôm bụng cười. Hai con tôi thật ngây thơ đem sà bông bột cho tù giặt quần áo!

Sau này tù về tôi mới biết hai con tôi cũng vô cùng khốn khổ trong chuyến về này. Vì xe đò hết chỗ chật cứng, chủ xe bảo hai con tôi muốn đi thì lên mui xe mà “nằm”. Bát đắc dĩ chúng phải làm theo. Mấy lần suýt chết khi xe chạy qua nhưng cái “cầu” thấp nhỏ bắc ngang đường, chỉ sơ sẩy một chút là bị vướng gạt ngã xuống đường chỉ có chết, nếu không thì cũng vỡ đầu gẫy chân tay.

Đầu năm 1985 tôi bất thần được gọi tên tha về cùng một số anh em quân nhân. Ngoài tôi không có thêm tên anh bạn văn nghệ sĩ nào. Các anh mừng cho tôi thì ít, lo lắng chán nản thất vọng cho mình thì nhiều. Viên quản giáo trở nên tử tế với tôi, gã chạy vào phòng nói:

“Mừng cho anh nhé. Có thuốc men gì cho tớ xin”.

Tôi cho gã mấy viên thuốc cảm, gã đòi lấy hết nhưng tôi không cho để cho anh em tù nghèo không thăm nuôi.

Trại tù phát cho chúng tôi 50 đồng tiền đi xe, trong khi giá xe về Saigon 150 đồng. Đi bộ từ trại tù ra tới quốc lộ 25 gần 5 cây số. Chúng tôi phải nài nỉ mãi bà chủ xe đò mới “thông cảm” lấy 50 đồng. Xe đày nhóc người ì ạch chạy như rùa bò trên con đường vòng vèo dốc núi cheo leo đầy bất trắc, nguy hiểm. Tôi và ba anh tù đi cùng chuyến xe không một đồng bạc dính túi, phải nhịn đói nhịn khát hai ngày đêm liền cho tới khi về tới nhà ở Saigon. Một anh có “sáng kiến” đem bộ quần áo tù mới tinh được trại tù phát khi tha, gạ bán cho mấy người trên xe để lấy tiền ăn, nhưng đều bị từ chối vì ai cũng sợ xui khi mặc đồ tù.

Rời nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn sống mấy năm thì “phong trào HO” nở rộ và tên tuổi bà Khúc Minh Thơ được anh em tù về hết lời ca ngợi công đức. Bà là ân nhân của tù cải tạo. Tôi vì nghèo, tiền ăn không có lấy đâu ra vàng đút lót hối lộ để được đi HO. Nhưng nghe theo lời các bạn đồng nghiệp cũ may mắn thoát sang Mỹ trước, viết thư về khuyên tôi cứ đến đường Nguyễn Du nộp đơn kèm theo những giấy tờ can thiệp (từ trước tới nay) của các tổ chức như Hội Văn Bút Quốc Tế, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế, Hội Nhân Quyền…v…v…

Nhưng tất cả đều vô vọng. Lần nào cũng vậy, hai lần, tôi “ôm” hồ sơ xin xuất cảnh tới Sở Ngoại Vụ đường Nguyễn Du đều được các viên chức hữu quyền (công an CS) trả lời dứt khoát:

“Nhà Nước không có chính sách cho anh xuất cảnh. Bọn lính cũ không có súng ống đâu còn đánh được chúng tôi nhưng với bọn anh chỉ một cây viết vẫn có thể chống phá chúng tôi như các anh đã làm trước đây. Anh nên biết bên đó bọn báo chí phản động nhiều như nấm”.

Thế là con đường sống bị triệt. Hết hy vọng, hết chờ mong. Tôi đành sống kiếp mạt rệp – một thứ công dân hạng bét – ngay trên quê hương đất nước mình. Nhưng tới cuối năm 1998 tôi được anh bạn nhà văn Hoàng Hải Thủy từ Mỹ gửi thư về báo cho biết tôi và Nhà văn Uyên Thao được bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đã tận tình can thiệp với Bộ Ngoại Giao Mỹ để chúng tôi được sang Mỹ định cư. Chính Hoàng Hải Thủy sốt sắng giới thiệu hai chúng tôi với bà Khúc Minh Thơ và cộng tác mật thiết với bà trong công việc vận động. Con đường hy vọng, con đường sống, lại mở rộng trước mắt tôi.

Buổi tối ngày 18 tháng 5 năm 1999 tôi lên máy bay giã biệt quê hương tăm tối sang Mỹ định cư. Tôi lại được sống lại dưới bầu trời tự do dân chủ như tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên nhiều đêm vẫn giật mình thức giấc vì những ám ảnh não nề thê thảm khốn cùng của những năm tháng tù đầy.


Thanh Thương Hoàng
--
_____________________________________________________________
 
"Tuyệt vời của cuộc đời là sự khác biệt!" vì thế nếu quý vị không muốn tiếp tục nhận, xin  báo tuan.b.cao@gmail.com. Thành thật cám ơn. 
Cao Bá Tuấn
"Bạc lòng nhưng chẳng cam lòng,
mang theo nhục nước vào trong mộ phần" - HHC
http://huyenthoai.org/nhac/HungCa.html

Wednesday, December 25, 2013

NGUYỄN QUANG LẬP * XÓM GÁI HOANG



 


XÓM GÁI HOANG
  NGUYỄN QUANG LẬP
1. Hồi sơ tán ở làng Đông, nhà mình ở đầu làng, từ đấy cứ đi ngược lên phía Tây Bắc, băng qua rặng trâm bầu là gặp một cái bàu sen cực rộng, rộng đến nỗi đứng bên này bờ cứ tưởng mặt trời chui lên từ bờ bên kia. Bàu sen nước đen ngòm, sen và súng mọc tràn lan, chẳng ai chăm sóc. Không mấy khi thấy hoa sen, hễ có cái hoa nào mới nở là con nít vặt liền, đài sen cũng không thấy, chỉ thấy mỗi lá không thôi. Con nít ra đây không phải hái hoa sen, chủ yếu là bắt cá lia thia. Cá lia thia ở đây rất đẹp, to, khoẻ, chọi nhau rất hay. Mình cũng hay ra đây, lọ mọ suốt ngày phục bắt cá lía thia về chọi nhau với cá tụi bạn.


Bên kia bàu là một xóm nhỏ, có mấy túp lều tranh cất tạm, núp dưới rặng trâm bầu, xưa gọi là Xóm Bàu, bây giờ ai cũng gọi là Xóm gái hoang. Ba người đàn bà ở đấy không phải gái chửa hoang, đấy là những người đàn bà bất trị.
Người nhiều tuổi nhất là mụ Cà, năm 1967 mụ chỉ hơn bốn chục tuổi.

Mụ Cà lấy chồng lúc 16 tuổi nhưng mãi không có con, chồng mụ chán đời uống rượu say, té xuống ao, chết. Khi đó vào năm 1953, mụ mới 21 tuổi, tham gia đội du kích rất tích cực. Đội trưởng du kích khi đó là cu Miễn, rất khen ngợi mụ, họp đội du kích nói đồng chí Cà nợ nước thù nhà, chiến đấu rất hăng say.

Mụ Cà đứng lên nói bá cáo tui chỉ nợ nước thôi, không có thù nhà. Cu Miễn nói Đế quốc Pháp lừa bịp dân ta, cho uống rượu say, nhiều người chết, trong đó có chồng đồng Cà, thù nhà của đồng chí Cà là ở chỗ đó đo. Mụ Cà tròn mắt há miệng nói oa rứa a, oa rứa a.

Cuối năm 1953 Pháp từ Ba Đồn càn lên làng Đông, dân làng bỏ chạy chỉ còn đội dân quân vẫn ở lại giữ làng. Mụ Cà mải bắn địch một hướng, không biết Pháp vào làng theo hướng khác, anh em du kích bỏ chạy cả mụ vẫn không biết, bị một thằng Pháp xông đến đè cổ mụ trên cát, hiếp.

Mụ Cà chống cự quyết liệt, liên tục hô đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo đế quốc pháp. Thằng Pháp khoẻ hơn, đè riết không cho mụ động cựa. Mụ vẫn không sợ, miệng vẫn hô vang đả đảo đế quốc Pháp. Lúc đầu mụ còn hô to, đầy đủ cả câu đả đảo đế quốc Pháp, sau nhỏ dần hụt hơi hơi dần, đã đảo đế quốc… rồi đả đảo đế… rồi đả đảo…Cuối cùng chỉ còn mỗi đả ả ả ả…Xong om.
Chuyện mụ Cà bị một lính Tây hiếp cả làng ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Cu Miễn họp đội du kích phát động căm thù. Cu Miễn nói đồng chí Cà kể lại cho anh em nghe. Mụ Cà nói kể cái chi? Cu Miễn nói kể việc đồng chí bị giặc Pháp hiếp ra răng. Mụ Cà nói thì cũng giống như lẹo chắc, nhưng đây là hiếp rứa thôi, chi mà kể. Đồng chí Cu Miễn không biết lẹo chắc à?


Cu Miễn nói đồng chí Cà nghiêm túc vào, hiếp khác với lẹo chắc. Mụ Cà nói nhưng tui không biết kể chi hết. Cu Miễn nói ví dụ giặc Pháp đè đồng chí xuống, xé áo quần đồng chí rất dã man. Mụ Cà nói đúng rồi rất dã man. Tui chống cự rất quyết liệt, vừa chống cự vừa hô đả đảo đế quốc Pháp.


Cu Miễn mừng rỡ nói rứa đo rứa đo, đồng chí kể tiếp đi. Mụ Cà nói chỉ rứa thôi, biết kể chi nữa. Cu Miễn nói lúc đầu răng, cuối cùng ra răng cứ rứa mà kể. Mụ Cà hỏi kể thiệt a? Cu Miễn nói có răng đồng chí cứ kể rứa.


Mụ Cà nói bá cáo các đồng chí lúc đầu hắn đâm một phát tui chửi rất hăng, sau hắn đâm nhiều quá, sướng rồi hết chửi. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói ua chầu chầu hay hè hay hè. Cu Miễn tức, đập bàn chỉ tay mụ Cà quát phản động, bắt mụ ni trói lại cho tui. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao.


Cu Miễn nói, mụ ni hớp tác hủ hoá với giặc Pháp, rứa mà các đồng chí không hiểu còn vỗ tay hoan hô. Mất lập trường rồi các đồng chí ơi! Mụ Cà nói đồng chí Cu Miễn nói rứa oan tui. Cu Miễn đập bàn chỉ mặt mụ Cà, nói mụ Cà kia, tui không đồng chí với mụ. Mọi người nói ua chầu chầu đồng chí cu Miễn nóng quá. Cu Miễn hô cả trung đội đứng dậy, nghiêm! Tôi quyết định đuổi mụ Cà ra khỏi trung đội dân quân. Từ nay không được ai kêu mụ Cà là đồng chí, rõ chưa. Cả trung đội đập chân ưỡn ngực hô rõ.


Đáng lẽ mụ Cà im lặng không kiện cáo gì thì mọi chuyện cũng qua. Nhưng mụ tức, mụ gặp xã đội trưởng kiện đi kiện lại, nói tui không hủ hoá, giặc Pháp hiếp tui thiệt. Xã đội trưởng nói bị giặc Pháp hiếp, đồng chí có căm thù không? Mụ Cà nói bá cáo xã đội trưởng có căm thù. Xã đội trưởng nói căm thù răng lại nói sướng? Mụ Cà nói bá cáo xã đội trưởng tui không sướng.



 Cu Miễn nói mụ đừng có chối, mụ nói sướng, cả trung đội nghe rõ ràng. Mụ Cà nói tui không sướng. Cu Miễn nói mụ có nói sướng không, mụ Cà nói có. Cu Miễn nói đó, mụ công nhận rồi đó, hết kêu oan nghe. Mụ Cà nói bá cáo xã đội trưởng tui vẫn oan. Xã đội trưởng nói đồng chí Cà nói hay,vừa kêu sướng vừa kêu oan là răng? Mụ Cà nói tui căm thù giặc Pháp, nó hiếp tui, tui không sướng, tại bướm tui sướng chứ tui không sướng. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói úa chầu chầu hay hè hay hè.

Xã đội trưởng tức, đập bàn quát, bậy bạ, dung tục, phản động! Rứa mà các đồng chí còn cười được à. Mất lập trường!Mụ Cà khóc nói báo cáo xã đội trưởng oan tui quá. Xã đội trưởng nói oan răng mà oan! Mụ Cà khóc rống lên, nói oan oan, các đồng chí toàn cu, không ai hiểu được bướm…Xã đội trưởng đập bàn quát câm mồm! Xã không có trách nhiệm hiểu cái bướm của mụ!

Mụ Cà phủi đít quần, nói è he, ẻ vô nói với các đồng chí nữa. Rồi về. Mấy thắng sau đi đâu cũng bị làng xóm chê cười, mụ Cà nói è he, ẻ vô ở làng ni nữa, rồi bỏ ra xóm Bàu ở.
Đó là người thứ nhất ra xóm Bàu.
 

Xóm gái hoang-2

2. Người thứ hai là chị đóc Xấu. Mặt chị đẹp như mặt Đức Mẹ, phải cái chị cao quá, gần mét tám, hồi này là có thể thi hoa hậu nhưng ngày đó thì bị người ta coi là dị dạng. Bố mẹ chị nhiều năm hục hặc cũng vì chị càng ngày càng cao, mới 13 tuổi đã cao hơn hẳn đám trai làng, nhiều người nói è he đóc Xấu con tây, không phải con Mẹt Huỳnh mô. Bố chị nghi mẹ chị lấy Tây hoặc bị tây hiếp như mụ Cà. May chị càng lớn càng có nhiều nét giống bố, nên thôi.


Chị đi đâu, tụi con trai lén đi sau lưng, nhảy nhảy lên cho cao bằng chị, rồi bịt miệng cười với nhau, chị biết, không thèm ngoái lại, mặt vênh lên vẻ bất cần. Nhưng tối về thì ra giếng ngồi bưng mặt khóc




Có lần chị về chợ Ba Đồn, chợ phiên sáu đông nghịt, thế mà chị đi đâu ai cũng thấy, cái đầu chị vượt lên cả ngàn người, chuyển động từ đầu chợ đến cuối chợ, ai nhìn cũng tức cười.Con trai Ba Đồn chạy rật rật theo chị, trầm trồ chỉ trỏ, nói oa chà ăn chi cao rứa hè, con ni e lấy voi. Có người vẽ cái bướm dài ba gang trên cột điện, đề: Đây là l. đóc Xấu.


Hai sáu tuổi rồi chẳng ai dám mang cau trầu đến hỏi, tuổi đó bị coi là ế chồng. Bố mẹ chị lo lắng vô cùng, bữa cơm nào cũng càm ràm răng con tui ế câm ế cảy ri hè. Chị nghe nói thế thì bỏ bát ra giếng ngồi khóc.Bố mẹ chị đánh tiếng ai muốn lấy đóc Xấu tụi tui cho không, không cần cưới hỏi chi hết, nhắn nhe từ đầu làng đến cuối xóm cũng chẳng ai thèm.


Vừa lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bom rơi đạn nổ khắp nơi. Hễ có máy bay, mọi người ba chân bốn cẳng chạy vào hầm, chị đóc Xấu không chạy, ngồi bó gối giữa sân. Bố mẹ chị dục xuống hầm, chị nói để con chết bom cho xong, nhục lắm.


Nhà ông Quắn ở Quảng Thuận lên sơ tán, chuyên nghề đúc soong nồi từ vật liệu máy bay. Nhà này rất giàu, làng Đông hồi đó nhà nào có vài nghìn đồng, dăm mười cây vàng gọi là giàu sụ, nhà ông Quắn còn nhiều hơn thế. Họ có đứa con trai tên Hào cao 2m, trắng trẻo đẹp trai, phải cái bị ngất ngơ, hình như bị down, suốt ngày ngồi ngạch cửa nhìn ra đường, thỉnh thoảng cười hậc cái, nói hay hè. Chẳng có gì cũng cười hậc cái, nói hay hè. Dòng họ ông Quắn chỉ mình ông là con trai, đẻ ra thằng con ngất ngơ, vợ chồng ông lo lắm, sợ tiệt giống. Biết chị đóc Xấu ế chồng, họ mừng húm, mang cau trầu đến hỏi liền.







Lúc đầu chị đóc Xấu cự nự không chịu, sau cả vợ chồng ông Quắn, cả bố mẹ chị quì lạy như tế sao, chị tắc lưỡi nói lấy thì lấy. Đám cưới chị đóc Xấu một bò hai lợn, to nhất lịch sử làng Đông. Cu Miễn bây giờ là chủ nhịêm HTX, làm chủ hôn, như kiểu MC bây giờ, tay gõ cọc cọc vào micro, nói alô alô trăng trên trời có khi tròn khi méo/ Xấu yêu Hào thật khéo lắm thay. Chị đóc Xấu lần đầu son phấn, mặt cúi gầm không dám nhìn ai. Anh Hào ngồi cạnh chị , ngơ ngác nhìn mọi người, cười hậc cái, nói hay hè


Cu Miễn tay gõ cọc cọc vào micro, nói a lô a lô vui duyên mới không quên nhiệm vụ/ Xấu và Hào ưu tú cả hai/ người quốc sắc kẻ thiên tài/ tình trong hợp tác thuận, mặt ngoài hai họ ưa. Ông Quắc vỗ tay đôm đốp, nói đụ mạ Cu Miễn nói hay.


Rước dâu từ sân kho hợp tác, cô dâu chú rể cao lêu đêu nổi bật giữa đám rước. Mọi người nói ua chầu chầu giống tây giống tây. Chị đóc Xấu vấp cục đá ngã quị. Anh Hào đứng trố mắt nhìn. Mọi người nói kéo vợ lên tề, Hào tề! Anh cứ đứng ngơ, cười hậc cái, nói hay hè.



Đêm động phòng bà Quắc kéo chị đóc Xấu ra sau hồi, nói có khi chồng con không biêt mần chi mô, con phải bày cho hắn nghe con. Chị đóc Xấu nói bày chị mạ. Bà Quắc làm động tác, nói đầu tiền mần ri nì ri nì, sau nó chịu rồi thì ri nì ri nì, nghe chưa. Chị đóc xấu ngượng nghịu cúi mặt, nói dạ. Bà ẩn chị đóc xấu nằm xuống, ngồi lên giật giật, nói rồi ri nì ri nì, nghe chưa. Chị đóc xấu nói dạ, bà nói rồi ri nì ri nì, nghe chưa. Chị đóc xấu nói dạ. Bà Quắc vực chị đóc Xấu ngồi dậy, vỗ vỗ lưng, nói cố lên con, đầu tiên ngượng chút thôi, sau sướng mê man luôn, khe khe khe.

 Vợ chồng ông Quắc nằm phòng bên nín thở nghe động tĩnh. Bà Quắc nói không biết con mình có làm ăn chi được không. Ông Quắc nói è he lo chi hè, chó mèo còn làm được nữa là người.Trong buồng, chị đóc Xấu nằm ngửa chờ đợi, anh Hào ngồi bó gối nhìn chị lom lom, cười hậc cái, nói hay hè. Chị đóc Xấu chờ mãi không được, bèn trật vú ra nói đây nì đây nì. Anh Hào đặt tay lên vú, cười hậc cái , nói hay hè. Chị đóc Xấu trật bướm ra nói đây nì đây nì, anh Hào đặt tay lên bướm, cười hậc cái, nói hay hè. Cứ để nguyên tay vú tay bướm, anh Hào ngồi nhìn lom lom, cười hậc cái , nói hay hè, rồi lăn ra ngủ như chết.



Cả tháng trời sáng nào bà Quắc cũng kéo chị đóc Xấu ra sau hồi nói răng rồi răng rồi, chị đọc Xấu ứa nước mắt nói không răng cả mạ ơi. Bà Quắc lại làm động tác, nói đầu tiền mần ri nì ri nì, sau nó chịu rồi thì ri nì ri nì, rồi ri nì ri nì. Chị đóc Xấu ôm mặt khóc, nói mạ ơi cho con về nhà.


Không biết vợ chồng ông Quắc bàn bạc ra sao, tối đó ông Quắc vào buồng, vuốt lưng xoa đầu chị đóc Xấu, nói thôi, con chịu khó để ba mần ví dụ cho chồng con coi. Lập tức ông bị ăn một cái tát rụng mất cái răng cửa. Ông Quắc ôm mồm nhăn nhó, nói hay để ba thuê đứa mô mần ví dụ, ông lại ăn thêm một cái tát, rụng mất cái răng cửa nữa. Anh Hào nhin cái mồm đầy máu của ông Quắc, cười hậc cái, nói hay hè. Chị đóc Xấu đùng đùng xách áo quần ra về, hai vợ chồng ông Quắc qùi xuống ôm chân chị khóc nói khoan khoan, còn nước còn tát con ơi!

Cu Miễn đến nhà ông Quắc, nói chúng tôi coi gia đình bác là người của hợp tác, cháu Hào chưa biết làm chồng thì hợp tác phải có trách nhiệm.

Ông Quắc gật gà gật gù, nói phải phải, hợp tác yêu cầu chi vợ chồng tui chấp hành liền. Cu Miễn chém tay mấy cái, nói chủ nhiệm HTX mần ví dụ nhất định đóc Xấu phải chấp hành. Ông Quắc gật gà gật gù, nói phải phải.



Tối đó Cu Miễn vào buồng chị đóc Xấu, nóí đồng chí đóc Xấu, tui được hợp tác giao nhiệm vụ mần ví dụ cho đồng chí Hào coi, đồng chí cứ coi tui như đồng chí Hào, mần như thiệt nghe không? Cu Miễn nói chưa xong đã ăn một cái tát, rụng liền hai cái răng cửa. Cu Miễn tức, nhảy ra sân thổi còi gọi dân quân tới. Vợ chồng ông Quắc lạy lục Cu Miễn, đền một trăm đồng Cu Miễn mới chịu thôi, vụ án mần ví dụ tạm thời khép lại.


Cu Miễn nói đóc Xấu vô cớ đánh chủ nhiệm hợp tác, đuổi cổ nó ra khỏi đoàn đội. Chị đóc Xấu nói không cần đuổi mất công, tui cút khỏi làng giờ. Chị ôm anh Hào khóc, nói ôi chồng ơi chồng ơi, chó mèo còn biết làm răng chồng không biết. Anh Hào cười hậc cái , nói hay hè.

Chị đóc Xấu lạy ông bà Quắc, một mình đi thẳng ra xóm Bàu. Đó là người thứ hai trong Xóm gái hoang.



 XÓM GÁI HOANG 3

Người thứ 3 là chị Mai. Chị hơi thấp, múp máp, da trắng ngần, đặc biệt chị hát và ngâm thơ đều hay cả. Người thì gọi chị là Châu Loan xóm, người thì gọi Tường Vi xóm.
Họp đội, họp xóm, họp đoàn, đám cưới đám hỏi nhất nhất phải có chị hát mới xong. Mọi người nói Châu Loan mô rồi hè? Chị đứng lên liền, nói đây đây. Người nóí ngâm bài rứa là hết đi, người nói không không ẻ vô bài nớ, ngâm bài chào sáu mốt đỉnh cao tề.
Chị thuộc toàn thơ Tố Hữu thôi, mấy bài trong sách giáo khoa chị thuộc sạch. Hỏi nước mình có ai là nhà thơ, chị nói Trần Đăng Khoa với Tố Hữu, hỏi còn ai nữa không, chị nói từng nớ ngâm đã rã họng ra rồi, nhiều chi lắm. 


Đầu buổi ngâm thơ cuối buổi hát, hoặc ngược lại, khi nào cũng vậy ở đâu cũng vậy. Mọi người nói Tường Vi mô rồi hè, chị đứng lên liền, nói đây đây. Người nói hát bài Noọng ơi trăm ngàn nở hoa đi, người nói dở dở quẹt quẹt, hát nắng toả chiều nay tề.
Chị hát say sưa, miệng hát ngực rung hấp dẫn vô cùng.

Có hai người mê chị, một là anh Toả bí thư chi đoàn, hai là Cu Mèo con trai cu Miễn. Mỗi lần chị Mai hát, anh Toả nhìn miệng chị không chớp, miệng mấp máy, người đu đưa, nói hay hè hay hè; cu Mèo nhóng cổ nhìn ngực chị rung rung, thè lưỡi liếm một vòng, nói đụ mạ hát rứa mới hát chơ, lại thè lưỡi liếm một vòng.
Nhưng chị Mai ghét Cu Mèo, yêu anh Toả. Cu Mèo tức lắm, đứng dạng háng chặn đường chị Mai hỏi tui thua cu Toả cái chi? Chị nói không, bỏ đi. Cu Mèo vượt lên nói tui tên Mèo, xấu phải không? Chị nói không, lại bỏ đi.
Tối cu Mèo trèo lên cây xoan sau hồi nhà chị Mai, dóng mồm xuống cửa sổ nhà chị kêu vơ Mai nời... tui ưng Mai rồi vơ Mai! Vơ Mai nời... cu Toả không bằng bãi cứt trâu, ưng hắn mần chi. Chị Mai đóng cửa sổ, cu Mèo hát hờn căm bao lũ tham tàn... cu Toả! Rồi lại hét Mờ eo meo huyền Mai! Mờ ai mai huyền Mèo. Tôi nào cũng ầm ĩ, không cho ai ngủ ngáy gì cả.
Buổi trưa nắng nóng chị Mai gánh lúa về, cu Mèo chặn đường, dạng háng nói ưng tôi đi, mai mốt tui làm lái xe. Chị Mai đang gánh lúa, mệt, nói ẻ vô, bỏ đi. Cu Mèo lại vượt lên trước, đứng dạng háng, nói ưng tui đi, mai mốt bọ tui lên xã, tui làm chủ nhiệm. Chị Mai đánh môi cái bịp nói ẻ vô, bỏ đi.
Cu Mèo vẫn không chịu, lại vượt lên, đứng dạng háng, tụt quần nói, cặc tui ri nì, Mai ưng không? Chị Mai vứt gánh lúa, chồm tới túm chim cu Mèo nghiến răng vặn, nói khoe cái cố tổ mi, khoe cái cố tổ mi.
Cu Mèo kêu như cha chết, nhưng đi đâu cũng khoe em Mai cầm chim tau rồi, khen chim tau đại chang, khe khe khe... bằng mười chim cu Tỏa, khe khe khe..
Tết năm 1967, làng làm hội diễn văn nghệ ở đình làng. anh Toả chị Mai hát song ca bài Trước ngày hội bắn, chị Mai mặc váy, cầm cái ô xoay xoay e thẹn, bắp chân trần trắng muốt, liếc cái, hát ai tin anh nói... anh Toả mặc áo quần bộ đội, đội mũ tai bèo, liếc cái, hát vì sao em nói nghe nào...
Bà con nói ua chầu hầu hay hè hay hè. Cu Mèo đứng dậy nói hay cái l. mạ bay! Bà con nói ua chầu chầu cu Mèo nói bậy quá hè. Cu Mèo nói đồ xã viên biết cái chi! Rồi hát rống lên hờn căm bao lũ tham tàn... Mai Toả!



Mọi người nói ua châù chầu cu Mèo ỷ thế con chủ nhiệm mất trật tự quá hè. Cu Mèo nói đồ xã viên biết cái chi! Rồi lại hát cu cu Toả ơi, cu cu Toả ơi.. chim mi mô rồi, chim mi mô rồi... đọ tau cái coi.
Bà con đòi đưa cu Mèo ra kiểm điểm, cu Miễn nói đồng chí cu Mèo nóng tính, có nói bậy nhưng xuất phát từ tấm lòng yêu thương xã viên nghèo như đồng chí Mai. Rứa là tốt. Quan trọng là tấm lòng, không quan trọng cái lỗ mồm. Người nói tốt rứa a tốt rứa a, người không nói gì, người nói tốt rứa đo tốt rứa đo.
Anh Toả nói đồng chí Cu Miễn sai rồi, nguỵ biện bao che con cái. Cu Miễn nói chính đồng chí cu Toả mới nguỵ biện. Anh Tỏa hỏi răng, cu Miễn nói đồng chí là bí thư chi đoàn, mồm nói căm thù giặc sâu sắc, yêu Tổ quốc nồng nàn lại không chịu gương mẫu xung phong đi bộ đội. Cu Toả nói khó chi, tui đi
 ngay!



Ra tết anh Toả đi bộ đội, cu Miễn nói rất hoan nghênh tinh thân dám nghĩ dám làm của đồng chí cu Toả, rồì tổ chức cho làng Đông học tập tinh thần đồng chí cu Toả. Cu Miễn đề nghị chị Mai làm bí thư chi đoàn, gánh vác cho người đi xa. Chị Mai nghe nói vậy thì nhận, cu Miễn nói rứa mới thấy hậu phương yêu thương tiền tuyến chơ, khe khe khe.

Cu Mèo nói tui muốn lấy con Mai, làm răng bọ? Cu Miễn nói mồm mi thối lắm, được con cặc là kiên cường, tận dụng thế mạnh đi con. Rồi nói với chị Mai đồng chí cu Mèo chậm tiến, đồng chí nên gặp riêng nhắc nhở.
Tối, chị Mai họp chi đoàn ở kho hợp tác, hết họp thì bảo cu Mèo ở lại nhắc nhở, cu Mèo đè chị ra hiếp liền. Chị Mai xấu hổ không dám nói ai, đi một mạch xuống Quảng Thanh, ngồi đợi máy bay tới thả bom thì lao vào. Chị không chết, bị một mảnh bom đâm đúng cuống họng, không nói được, nói gì cũng cứ dá da da da.
Cu Mèo nói tui cần mồm dưới, không cần mồm trên, Mai lấy tui đi. Chị Mai trợn mắt đạp vào bộ hạ cu Mèo một phát, nói dá da da da... dá da da da!
Cu Miễn nói hoàn cảnh đồng chí rất khó khăn, đồng chí về làm dâu nhà tôi, chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ đồng chí. Chị Mai trợn mắt đập vào mồm cu Miễn một phát, nói dá da da da... dá da da da, rồi xách áo quần ra thẳng xóm gái hoang.
Xóm chỉ có 3 nhà, về sau thì có cả trăm nhà nhưng năm 1967-1968 chỉ có ba nhà thôi. Mụ Cà nói tao trưởng xóm, hai đứa bay xóm viên, khỏi bầu bán chi mệt. Chị đóc Xấu nói cho em xóm phó cho oách, con Mai nhỏ tuổi nhất làm xóm viên, đồng ý không? Chị Mai cười, nói dá da da da.Phần vì xóm quá xa các làng, phần vì đồn đại, thêu dệt ba người đàn bà Xóm gái hoang rất ghê rợn, nhiều người sợ cấm con cái không được ra đó. Người ta đồn hễ ai ra Xóm gái hoang về thì không cháy nhà cũng mất của, chết bất đắc kì tử không chừng.


Xóm không có ai vãng lai, cái xóm nhỏ ba ngôi nhà như một vương quốc riêngBàu sen mênh mông cho họ đủ thứ ăn, lại còn thừa mang bán. Tôm cá ê hề, ngó sen đài sen hoa sen thu nhập cũng khá, họ còn thả rau muống dây, mỗi tuần xuống chợ gánh rau muống, gánh cá, gánh sen, ăn uống thoả thuê còn thừa cả nghìn đồng một tháng.Chị đóc Xấu nói ua chà, răng sướng ri hè, biết rứa em bỏ hợp tác từ khi mới đẻ. Mụ Cà nói hợp tác với hợp teo, cu Miễn mưu mô cả năm không bằng tau ngâm l. bàu sen một buổi. Chị Mai cưòi nói dá da da da.. dá da da da.
Nhưng buồn. Ngày mải làm,quên, tối buồn rũ ra. Buổi tối, ba ngườì ăn cơm chung, ăn xong mụ Cà buông bát nằm dài ra, nói bây chừ mần chi hè? Chị đóc Xấu cũng buông bát nằm dài ra, nói mần chi hè? Chị Mai nằm dài ra theo, nói dá da da?
Mụ Cà bày rượu ra uống, một bát uống vòng, uống được ba bát thì say, như lũ cuồng đập phá lung tung. Mụ Cà nhảy lên hòn đá, vỗ bướm bôm bốp nói vơ đàn ông... đây nời đây nời! Chị đóc Xấu chổng mông vỗ bem bép, nói đây nời đây nời! Chị Mai tụt quần, cầm quần khua khua chạy quanh sân, nói dá da da.... dá da da!


Cả ba nằm vật ra, không ai nói với ai, thở vào thở ra, miệng chóp chép. Mụ Cà nói đàn ông ngu chi ngu lạ, chị đóc Xấu nói ừ đo, ngu chi ngu lạ! Chị Mai nói dá da da! Rồi ba chị ngồi ôm nhau khóc, khóc đến dã rượu thì ngủ lịm.


Ba chị ra chợ, thấy có người đứng ôm cái đài orionton đòi bán, họ mua ngay, 700 đồng cũng mua, về nhà tranh nhau mở. Đài phát tin chiến thắng, mụ Cà vỗ đùi đánh bốp, nói thấy chưa, tau nói đúng chưa, chết cha Mỹ Diệm chưa! Chị đóc Xấu nằm vật ngửa ra, chổng chân lên trời, nói oa làng ơi sướng! oa làng ơi sướng ! Chị Mai cười toét nhảy chồm lên chị đóc Xấu dập dập nói dá da... dá da... dá da.
Nhưng nghe mãi cũng chán, quanh đi quẩn lại cũng chỉ tin chiến thắng, hết chỗ này thắng lợi đến chỗ kia thắng lợi, Mụ Cà thở ra, nói răng thắng hoài thắng huỷ rứa mà chưa thấy hoà bình chi cả hè. Chị đóc Xấu nói ừ đo... ừ đo, chị Mai nói dá da... dá da.


Đài vẫn phát tin thời sự, miền Nam thắng lớn nơi này nơi kia, miền Bắc sản xuất thắng lợi nơi này nơi kia, lãnh đạo thăm hỏi nơi này nơi kia, mụ Cà nốp ruột kêu vơ đài nời, hát đi với, nói chi nói lắm.
Nằm dài vuốt bụng chán thì vùng dậy lấy soong nồi gõ ầm ĩ, lại còn múa hát. Mụ Cà nói lối như ta đây là Lê Thị Cà, một lần tây hiếp đến già không quên, rồi gõ cái choeng! Chị đóc Xấu, chị Mai nhảy nhảy gõ gõ choeng choeng!


Mụ Cà hát này này ơi chị em ơi, Chị đóc Xấu nói ơi, Chị Mai nói dá da. Mụ Cà hát lũ đế quốc vô cùng tàn ác, sức đã dai mà cặc lại to, thế nên ta phải căm thù, choeng! Chị Mai, chị đóc Xấu nhảy nhảy gõ gõ choeng choeng!
Máy bay xoẹt qua, mụ Cà nhảy lên hét vơ Đế quốc Mỹ nời, răng không thả phi công, toàn thả bom, ngu rứa ác rứa. Chị đóc Xấu cũng nhảy lên, hét ngu ngu!... ác ác! Chị Mai nhảy chồm chồm, hét dá da... dá da!


Mơ được ước thấy, phi công nhảy xuống bàu sen thật.
Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F4H cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ.
Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. Ba chị sướng rêm, lội ra ngay.
Hồi này dù là một chiến lợi phẩm dân chúng rất mê. Hễ có một cái dù pháo sáng, dù phi công nào rơi là từ dân chúng từ bốn phương tám hướng nhào ra, tay lăm lăm dao kéo, mạnh ai nấy xẻo. Nhiều khi tranh giành đập đánh nhau chí tử.
Ba chị cùng tay dao tay kéo lao ra. May tối hôm đó hình như mọi người mải xem máy bay cháy, không để ý, chẳng thấy có ai chạy ra, ba chị lân đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất.
Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy, cái đầu nói rốp rít xốp xít, ba chị nhìn lại, hoá ra là một phi công Mỹ, họ cứ đứng trơ nhìn nhau.Mụ Cà sực tỉnh chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói đụ mạ tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị đóc Xấu nói Đế quốc Mỹ ngu chi ngu lạ.


Chị Mai vung hai tay lên, nói dá da da, thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền.
Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười, nói è he, tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!


TIỂU TỬ * MÙA THU CUỘC TÌNH


Mùa Thu Cuộc Tình 

Tiểu Tử

Bữa ăn trưa đó của ông Năm thật giản dị: một trái cà tô mát không dầu, không dấm và một miếng thịt bò nhỏ bằng bàn tay nướng trên vỉ sắt không muối, không bơ. Quá giản dị! Nhứt là hôm nay thứ bảy, không phải đi làm. Nghĩa là có dư dả thì giờ để làm một món gì đó cho có vẻ một bữa ăn cuối tuần. Cho nó khác với ngày thường ăn vội ăn vàng cái gì cũng được.

 Thật quá giản dị! Nhứt là ông Năm sống một mình, không bị phiền toái bởi những chuyện vụn vặt lỉnh kỉnh phải làm vào cuối tuần của người có gia đình. Ở Paris này mà sống một mình như ông Năm thì thời gian không biết phải làm gì cho hết chớ đừng nói không có thì giờ để làm một bữa ăn cho tươm tất vào trưa thứ bảy. Nói rằng ông Năm không biết làm bếp cũng không đúng. Hồi xưa, hồi còn ở bên nhà, thật tình ông Năm không biết chiên một cái trứng gà. Ông chỉ biết đi làm ngày hai buổi, còn việc bếp núc có bà Năm lo hết. Bây giờ thì khác. Ông cũng biết nấu vài món thông thường và lâu lâu cũng biết “làm” một nồi phở để đãi đôi ba ông bạn già cùng lứa tuổi và cùng thân phận lưu vong …
Như bình thường thì trưa thứ bảy, ông hay thả xuống khu 13 la-cà ở nhà sách Khai Trí một lúc rồi sang qua mấy cửa hàng nho nhỏ trên lầu Paris Stores để coi có gì lạ không. Sau đó, ông mới tấp vô tiệm phở để ăn trưa, có khi một mình,nhưng thường thì với một vài người bạn gặp nhau ngoài phố. Ở khu 13 vào trưa thứ bảy, không gặp người này cũng gặp người nọ, bởi vì ai cũng đến đó để mua đồ, nói là “đi chợ Tàu” chớ thật ra là để tìm lại một chút gì hơi hướm của quê hương: những khuôn mặt gần gũi (gặp ai cũng thấy quen quen !), những món hàng còn giữ nguyên nét cũ (đòn chả lụa vẫn phải có màu xanh của lá, con vịt quay vẫn phải đỏ ao màu mật …) và những cái tên chỉ cần đọc lên là đủ để gợi nhớ… Hồi sáng này, ông Năm cũng đã đóng bộ để đi khu 13. Trời đã sang thu, nhưng nắng còn thật ấm. Cây marronnier nhà hàng xóm nằm ngay dưới cửa sổ nhà ông Năm đã trở màu vàng. “Chắc lá đã rụng đầy”, ông Năm nghĩ vậy khi đứng thắt cravate gần khung cửa sổ.
Chỗ ông cư ngụ là một studio nhỏ ở lầu ba khu nhà cũ nằm sâu phía sau nhà thờ Sacré Coeur. Cây marronnier che hết phía dưới thành ra từ cửa sổ nhà ông Năm nhìn thẳng ra chỉ thấy bức tường cao của khu nhà đối diện chắn ngang, chừa phía trên bầu trời bị đóng khung hình chữ nhựt bởi hai dẫy nhà dài. Trên nền trời đó, tuốt phía xa, là nóc nhà thờ với cây thánh giá. Thành ra, thế giới bên ngoài nhìn từ phòng ông Năm chỉ còn lại vỏn vẹn có cây thánh giá để cái nhìn còn có một điểm tựa! Ông Năm theo đạo Phật, nhưng từ ngày dọn về đây – năm sáu năm gì rồi – cứ nhìn cây thánh giá riết mà ông có cảm tưởng như mình đã thành con chiên của Chúa! Nhiều khi ông thấy cây thánh giá thật là sinh động. Ông không hay rằng niềm suy tư của ông đã gởi trên đó từ lâu … 
Có lần, trong thư gởi về Việt Nam cho bà Năm, ông viết: “Anh thường nhìn cây thánh giá đứng cao vòi vọi một mình trên kia mà tự hỏi không biết anh và cây thánh giá, ai cô đơn hơn ai? Nhưng cây thánh giá hãy còn giang tay ngạo nghễ, chớ anh thì từ lâu rồi anh đã buông tay đầu hàng số mệnh! Tuy nhiên, ở đây anh còn có cây thánh giá trước mắt để hướng về đó mà cầu nguyện, chớ ở bên nhà giờ đây muốn cầu nguyện em phải hướng về đâu hả em? Anh bỗng ứa nước mắt thương em vô cùng … Ở ngay trong lòng quê hương mà thiếu thốn đủ thứ, đến nỗi điểm tựa cho niềm tin mà còn không có thì em sống ra sao, em hả?”. Đối với ông Năm, cây thánh giá trên chót nhà thờ Sacré Coeur mặc nhiên đã trở thành một vật gì thật gần gũi, thật trần gian, thật người, và là động cơ khơi nguồn kỷ niệm …
Hồi xưa, ông làm việc cho Air France ở Sài gòn. Đời sống rất thoải mái, nhưng hai vợ chồng lại không có con. Chạy thầy chạy thuốc mãi rồi mới biết tại vì tử cung của bà Năm nằm lệch. Điều này làm bà Năm khóc hết nước mắt. Tuy nhiên, hồi đó còn trẻ nên cũng dễ nguôi, hai vợ chồng chẳng quan tâm cho lắm. Lần hồi, tuổi đời chồng chất, sự không có con đã trở thành một vấn đề cho hai vợ chồng. Mặc dù ông Năm không bao giờ nhắc đến chuyện đó, bà Năm vẫn khơi ra để nhận lỗi về mình. Mặc cảm đó làm cho bà lúc nào cũng ân hận, áy náy. Rồi cái gì hư, cái gì trật, cái gì bậy ở trong nhà dù là do lỗi những người giúp việc, bà cũng nhận hết. Ông Năm phải mất một thời gian dài để giải thích, khuyên lơn, an ủi, bà Năm mới lấy lại đựơc quân bình. Có hôm, trong lúc hai vợ chồng đi dạo trên bãi biển Vũng Tàu, nhìn thấy mấy gia đình đông con đùa giỡn vui vẻ, bà Năm chợt thở dài than:
- Nếu không phải tại em thì bây giờ hai đứa mình đâu có bơ vơ như vầy!
Ông Năm choàng tay ôm vai vợ xoay người lại để nhìn sâu vào mắt:
- Em à! Mình không có con, nhưng mình còn có nhau. Đó là Trời thương lắm rồi, em còn đòi hỏi gì nữa? Thử tưởng tượng một ngày nào đó không còn có nhau nữa thì sao?
Bà Năm gật gật đầu nhưng chẳng bao giờ tưởng tượng đến “cái ngày không còn có nhau” đó. Vậy mà cái ngày đó đã đến cho ông bà Năm.
Hai năm sau ngày mất nước, trong chuyến vượt biên ở Cà Mau, ông Năm đi thoát, bà Năm bị bắt lại với một số người không may khác! Ông Năm sang Pháp, làm việc lại cho hãng Air France. Bà Năm nằm tù hết mấy tháng. Được thả ra thì nhà cửa đã bị tịch thu, đành về quê ở Gò Công làm công nhân cho nhà máy xay lúa của gia đình mà trong đợt đánh tư sản đầu tiên, VC đã tịch thu để biến thành hợp tác xã. Từ đó, là những chuỗi dài thương nhớ, là những lo âu dằn vặt, là những lá thư nhiều ẩn nghĩa cho đúng “văn phạm Nhà Nước”. Còn chuyện vượt biên lần nữa là chuyện mà bà Năm không bao giờ dám nghĩ đến! Bên này, ông Năm chạy mãi rồi cũng được giấy nhập cảnh cho bà gởi về, nhưng phía bà Năm thì gặp quá nhiều khó khăn trong hồ sơ xin xuất cảnh, cứ bị kéo dài, kéo dài bằng những chầu chực, bằng những lời hứa hẹn suông và bằng mấy lần bị lường gạt … 
 Để cuối cùng, mấy năm sau, mới biết là hồ sơ đã bị bác từ lâu! Tin đó đến với ông Năm bằng tờ giấy tập học trò vàng như giấy súc mà trên đó bà Năm chỉ còn đủ sức viết có mấy hang … Vậy là vĩnh viễn không còn có nhau nữa! Ông Năm mất tinh thần hết một thời gian dài. Sau đó, dọn về khu phố này tình cờ cửa sổ mở về hướng nhà thờ Sacré Coeur, để mỗi sáng trước khi đi làm ông nhìn cây thánh giá một lúc, giống như một tín đồ ngoan đạo …
Khi ông Năm mặc xong quần áo thì trời cũng đã gần trưa. Đốt điếu thuốc để lên môi, ông đóng cửa bước chậm rãi xuống cầu thang, giống như đo từng nấc thang một! Thật ra, tại tánh ông Năm vốn đã trầm, thêm tuổi đã gần sáu mươi bắt ông phải cẩn thận khi bước lên bước xuống. Ngoài ra, có gì phải vội phải gấp khi mà chẳng có ai đợi ai chờ? Đi khu 13 vào trưa thứ bảy đã thành một thói quen, chẳng có gì phải náo nức. Bỗng nhiên, ông Năm nhận thấy cuộc đời mình sao thật vô vị. Giống như tờ giấy trắng mênh mông trải dài, thẳng băng, chẳng có một dòng mực, chẳng có một đốm màu, cũng chẳng có một vết hoen ố. Hình ảnh đó làm cho ông Năm dừng lại ở giữa cầu thang, ngẩn ngơ một lúc như vừa khám phá ra một điều gì quá rõ rệt nằm ngay trước mắt mà sao lâu nay ông không nhận thấy! “Mình đi làm đều đặn. Mỗi tuần xuống khu 13 cũng đều đặn vào trưa thứ bảy. 
 Mỗi tối thứ hai đi ciné một lần vì giá vé hạ. Đêm nào cũng coi télé vào 8 giờ tối để theo dõi tin tức, rồi đọc sách đọc báo đến 11 giờ rưỡi là tắt đèn ngủ. Đều đặn. Đều đặn. Đến như cái cầu thang này, mình cũng đều đặn trèo xuống trèo lên đến nỗi biết nó có bốn mươi tám nấc! Vậy rồi thôi! Rồi cứ như vậy cho tới về hưu, tới chết !” Ông Năm hít hơi thuốc thật sâu để thở khói ra thật dài. Ông làm mấy lần như vậy, giống như đang tìm một đáp số! Rồi ông vỗ nhẹ bàn tay lên thành lan can gỗ, tự nhủ “Thôi! Đừng nghĩ tới nữa”. Ông tiếp tục bước xuống, nhưng bây giờ sao thấy bước chân nặng hơn hồi nãy nhiều … 
Khi đi qua trước phòng gác-dang, có tiếng gọi: – Ông Georges! Ông Georges!
Georges cũng là tên của ông Năm. Người Pháp phát âm Năm thành Nam, nghe lơ lớ chói lỗ tai, nên ông lấy đại tên Georges cho dễ gọi dễ kêu. Bà gác-dang bước ra trao cho ông một điện tín, nói:
- Vừa mới tới. Tôi định lên nhà đưa cho ông thì ông xuống đây.
Ông Năm run tay mở bức điện tín. Giòng chữ ngắn ngủn hiện lên nhảy múa: “Đã có xuất cảnh. Lo vé máy bay cho em. Mai”. Điếu thuốc trên môi bỗng rơi xuống đất. Ông Năm có cảm giác như mình đang lên cơn sốt. Ông đọc lại điện tín một lần nữa, hai tay phải gồng cứng lại mới kềm được tờ giấy đứng yên căng thẳng dưới mắt. Ông nói cho mình nghe: “Đúng rồi! Bả được xuất cảnh rồi!”. Bà gác-dang nghiêng đầu lo lắng:
- Có sao không? Có chuyện gì không? Ông Georges?
Tiếng bà ta lôi ông Năm về thực tại. Ông nhìn bà ta, mỉm cười, rồi nắm lấy tay bà ta lắc mạnh:
- Cám ơn bà! Cám ơn bà nhiều! Tôi thật không biết nói gì cho phải. Bà thật tốt bụng! Quá tốt bụng! Cám ơn! Cám ơn!
Giọng ông thật thành khẩn, làm như chính bà đã cho giấy xuất cảnh! Bà ta không hiểu gì cả, vừa ngạc nhiên vừa buồn cười trước thái độ của ông Năm. Bà ấp úng trong lúc ông Năm buông bà ra để chạy lên cầu thang:
- Nhưng mà … Nhưng mà…
Nửa chừng, sực nhớ ra, ông dừng lại nghiêng người nói với xuống:
- Điện tín của vợ tôi ở Việt Nam. Bả nói bả sẽ qua đây ở với tôi! Cám ơn! Cám ơn nhiều!
Rồi ông phóng lên cầu thang, nhảy hai bậc một, nhanh như sóc, nhẹ như hươu. Làm như ông mới có hai mươi tuổi!
Vào phòng, ông ngã người lên giường, thở hổn hển. Cái tuổi hai mươi bất thần tìmlại chỉ đủ giúp ông trèo hết bốn mươi tám nấc thang thôi! Một lúc sau, ông cầm điện tín lên, đọc lại một lần nữa. Thật rõ ràng mà! Đây nè, hàng chữ không bỏ dấu “Da co xuat canh. Lo ve may bay cho em. Mai”. Đọc là hiểu ngay! Còn Mai là tên của bả rồi, chớ còn ai vô đây nữa! Cái tên dễ thương mà mình đã thương từ mấy chục năm, không còn lộn với ai được. Vậy là chỉ còn có vé máy bay nữa là xong. Ông nhỏm người lên nhìn tấm lịch tháng treo gần đó để thấy rằng mình bỗng quên mất hôm nay là thứ bảy! Vậy phải đợi thứ hai mới vào sở lo vụ này được. 
Ông lại nằm xuống. Dễ thôi! Nhờ thằng Durand đánh cái télex là xong ngay. Ờ … nhưng mình cũng phải gởi cái điện tín về cho bả mừng. Tội nghiệp! Không biết ai chạy lo cho bả cái xuất cảnh, chớ bả thì lo khỉ gì được với cái tánh hiền khô và nhát hít của bả. Nghĩ đến đó, ông Năm bỗng thấy thương vợ vô cùng. Cái người đàn bà hiền khô và nhát hít đó đã về làm vợ ông từ hơn ba mươi năm, trước sau như một, theo chồng như một cái bóng. Ngoài chuyện không có con, chẳng thấy bao giờ bà làm bận tâm ông. Con nhà giàu ở Gò Công, học ở Marie Curie, vậy mà cô gái có cái tên Trần thị Lệ Mai đó đã có một quan niệm sống thật cổ điển, thật Á đông. 
Và khi trở thành bà Trần văn Năm, luôn luôn bà đối xử với bên chồng thật vuông tròn và xem việc nội trợ như một thiên chức! Hồi xưa, bạn bè vẫn nói là “thằng Năm trúng số độc đắc” hoặc “đẻ bọc điều mới có người vợ như vậy”. Ông thì nghĩ rằng tại vợ mình hiền khô và nhát hít nên chẳng dám làm phiền ai bao giờ. Có lẽ nhờ vậy mà ai cũng thương …
 Ông lại nhỏm dậy nhìn tấm lịch. Trên đó ông có ghi bằng marker đỏ con số 10 to bằng nửa bàn tay ở gốc trái. Vậy mà cũng đã mười năm xa nhau! Mỗi năm mua lịch, mình ngồi nắn nót viết con số lên đó giống như người tù bị lưu đày ghi số năm mà mình biệt xứ. Có khác là người tù còn biết ngày được thả chớ còn mình thì mù tịt. Đã tưởng vĩnh viễn sống một mình rồi … chết cũng một mình trên đất lưu vong này, nào ngờ Trời còn thương mình nhiều quá!
Ông ngồi hẳn dậy đốt điếu thuốc, khói thuốc thật thơm thật ngọt. Vậy mà cũng đã mười năm xa nhau! Mười năm … lâu lắm chớ! Vậy mà sao vẫn thấy còn thương còn nhớ. Lạ quá! Có phải như vậy người ta gọi là chung thủy hay không! Rồi ông nhìn quanh. Nhà cửa thiệt là lượm thượm, phải dọn dẹp laị coi cho nó được một chút. Vậy là ông đứng lên đẩy ghế, đẩy bàn, quên mất là mình còn mặc bộ đồ lớn để đi khu 13 và làm như bà Năm sắp qua tới bây giờ! Vừa làm vừa nói một mình, lâu lâu ông ngừng lại hít một hơi thuốc thật sảng khoái. Hai cái fauteuils này cho sát vào tường, kê gần nhau để cùng ngồi coi télé. Cái télé nằm đó được rồi. 
Cái bàn ăn nhích qua một chút để có chỗ kéo cái nệm dưới gầm giường ra. Bả trên giường, mình dưới đất, tạm ổn trong khi chờ đợi kiếm nhà khác rộng hơn. Cái tủ búp phê đẩy tới một chút là nằm ngang với bàn ăn. Mẹ nó! Coi vậy mà cũng nặng ớn! Ông đứng lên thở hổn hển, nhìn quanh. B ây giờ coi có nét rồi đó. À! Cái màn cửa sổ, phải tháo xuống đem giặt, cho nó “sáng” ra mới được. Rồi ông vào buồng tắm thay đồ. Đồ đạc ở đây thì sạch sẽ rồi, khỏi lo. À! Còn cáitủ quần áo ở bên phòng ngoài nữa. Phải thu gọn lại cho có chỗ để bả để quần áo chớ! Ông bỗng phì cười. Làm như mình sắp cưới vợ vậy! Mà thiệt! Sau mười năm xa cách, gặp lại nhau cũng giống như cưới nhau lần nữa chớ gì! Ông soi gương chải lại tóc. Tóc mình mới có mấy sợi bạc thôi. 
 Mặt mũi hãy còn “nét” lắm, ai mà nói mình sắp sáu mươi? Cô dâu qua đây thấy chú rể như vầy là nhìn … rớt con mắt! Ông Năm bỗng nghe lòng vui rộn rã, giống như tâm trạng ngày xưa, thuở còn trẻ, lúc sửa soạn đi đến nơi hẹn với người con gái tên Trần thị Lệ Mai…
Vậy là trưa thứ bảy này ông Năm không thấy đói! Tuy vậy, cũng phải “bỏ bụng”một cái gì, vì thói quen hơn là vì nhu cầu. Ông mở tủ lạnh lấy một trái cà tô mát và một miếng thịt bò. Cà xắt khoanh, không dầu không dấm, thịt nướng trần trên vỉ sắt không muối không bơ. 
Làm cho “lấy có” và ăn cũng cho “lấy có”. Bởi vì tâm hồn ông đang mãi phiêu bồng ở đâu đâu xa lắm, hình như là ở Gò Công quê vợ, ở Gia Định quê mình, ở những ngày đầu “hai đứa gặp nhau” (những ngày đó, tiếng nói của tình yêu là một chuỗi dài im lặng!), ở rạp hát bóng Đại Nam là nơi “hai đứa hẹn hò” (Dù trời mưa anh cũng tới. Em nghe không?), ở Đà Lạt ít lâu sau đó…
Chao ôi! Đẹp quá! Dễ thương quá! Tình yêu là cái gì mà sao mãi mãi vẫn còn nguyên, như mới hôm qua hôm kia …
*
Ông Năm lái xe lên phi trường Charles de Gaulle lần này là lần thứ hai. Hồi sáng, đã lên đó một lần, đợi cả tiếng đồng hồ để được thông báo là chuyến bay Air France từ Thái Lan qua sẽ đến trễ gần tám tiếng. Nhờ là nhân viên của hãng nên ông Năm được biết là máy bay bị trục trặc kỹ thuật ở Karachi. Trở về sở làm, ông ngồi đứng không yên, lâu lâu cứ nhìn đồng hồ. Bạn bè trong sở thấy vậy thương hại, mỗi người một câu an ủi trấn an. Có người ngồi lại gợi chuyện tán dóc cho ông đỡ thấy sốt ruột. Có người đặt tay lên vai ông bóp mạnh:
- Georges! Đợi chờ nhau mười năm mà mày còn chịu nổi huống gì chỉ có mấy tiếng đồng hồ nữa thôi. Can đảm lên chớ!
Vậy rồi thời gian cũng qua, chiều cũng xuống, để ông Năm lái xe đi phi trường, lòng náo nức xôn xao trong sự đợi chờ kỳ diệu. Vào phi trường, ông gắn thẻ nhân viên lên ngực áo rồi đến quầy Air France hỏi thăm. Mô Phật! Lần này máy bay sẽ đến đúng giờ … Hai cô tiếp viên trong quầy không quen ông Năm nhưng thấy đeo thẻ Air France, nên cũng hỏi đẩy đưa:
- Ông chờ đón bạn à?
Ông mỉm cười, vừa bước đi vừa trả lời:
- Không! Tôi đón nhà tôi. Chào hai cô.
Phi trường giờ này nhiều chuyến bay cùng đến một lúc nên người đi kẻ lại tấp nập. Ông Năm ngồi uống cà phê, hút thuốc, nhìn thiên hạ. Ông thấy ai cũng dễ thương hết! Ông muốn họ uống với ông một tách cà phê, hút với ông một điếu thuốc lá. Cà phê expresso thật ngon. Khói thuốc Dunhill thật ngọt. Tâm hồn ông Năm được trải rộng mênh mông …
Lại nghĩ đến bà Năm. Bả “điệu” lắm! Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Tóc lúc nào cũng chải gọn về phía sau rồi cuốn thành một vòng kẹp lại phía trên ót, thành ra khuôn mặt trái soan và cái cổ tròn lúc nào nhìn cũng rõ nét. Còn về quần áo thì bả chẳng bao giờ mặc loại có màu sắc sặc sỡ loè loẹt, luôn luôn hoặc đen hoặc xanh đậm và nếu có bông thì cũng phải tiệp màu với nền vải và hình dáng phải nhã nhặn, nho nhỏ tương xứng với tầm vóc của bả. Hà! Bả hiền khô và nhát hít vậy mà về vấn đề ăn mặc bả khó đàng trời! Người ta nói bả có “gout”. Mình cũng nghĩ như vậy, nhưng nếu bả không có thân hình đều đặn cân đối thì không biết cái “gout” để vào đâu cho nó nổi! 
 Ông hít một hơi thuốc dài sảng khoái. Hồi đó sao mà mình mê bả quá, nhứt là đôi bàn tay có ngón thon dài sang trọng và cặp mắt đen to như mắt đầm làm cho cái nhìn của bả lúc nào cũng có vẻ như ngạc nhiên. Điều lạ là sau này khi đã đứng tuổi, bả vẫn còn giữ nguyên đường nét thời con gái. Thành ra lắm khi nhìn bả, mình muốn trêu chọc bằng câu “Gái không con mà nom cũng mòn con mắt”, nhưng vì sợ bả buồn nên mình nín thinh luôn! Ông Năm ngừng suy tư trên hình ảnh đẹp của bà vợ, mỉm cười vu vơ. Lại hút thuốc, lại nhìn thiên hạ. 
Hớp cà phê cuối cùng đã nguội ngắt mà sao vẫn còn thấy ngon lạ lùng. Bỗng ông bật cười. Sau bảy mươi lăm, sống với Việt Cộng mà bả vẫn tiếp tục “điệu” như thường! Trong lúc người ta lôi quần áo cũ rách ra bận và để mặt mũi tóc tai lôi thôi lếch thếch cho có “tác phong cách mạng” thì bả vẫn gọn ghẽ sạch sẽ như thường, vẫn chút đỉnh má hồng, chút đỉnh son, vẫn quần dài áo ngắn tươm tất, mặc dù phải đạp xe đi làm công nhân ở tổ may thêu xa bảy tám cây số. Mình hay trêu chọc bả bằng câu nói của Việt Cộng “song chân lý ấy vẫn không bao giờ thay đổi”, bả cười không nói. Vậy mà có hôm, bả trả lời bằng một câu … xanh dờn: “Đàn bà phải biết tự trọng. Làm như mấy bà cách mạng tóc tai xủ xộp, quần áo xốc xếch rộng rinh hoặc ngắn ngủn như mặt đồ khín, em làm không được”…
Có tiếng nhạc chuông dìu dặt, tiếp theo là giọng bổng trầm của cô tiếp viên th ông báo chuyến bay Air France số AF199 đến từ Thái Lan đã đáp xuống sân bay. Ông Năm đứng lên trả tiền, xong đi vào phía trong qua ngả văn phòng trực của hãng. Ông nghe lòng vừa náo nức vừa hồi hộp giống như ngày xưa khi đứng chờ xem kết quả thi tú tài! Ông ra đón tận cổng vào. Có hai chuyến bay đến từ hai nơi khác nhau nhưng đổ hành khách xuống cùng một lúc, nên sân bay đầy người. Giữa cái lao xao lộn xộn đó, ông Năm nghểnh cổ tìm vợ trong luồng người thoát ra từ cổng F, cổng của chuyến bay Air France. Ông nhìn từng khuôn mặt, từng người. Ông nhìn, ông chớp mắt để nhìn cho rõ hơn. Những gương mặt Á đông phờ phạc. Những gương mặt Á đông hốc hác. Những gương mặt Á đông xanh xao. 
 Ông nhìn, ông chờm tới, nhích tới để nhìn. Bả dễ nhìn lắm. Lúc nào cũng sạch sẽ gọn ghẽ. Lúc nào cũng điệu. Trong đám đông, bả nổi hơn người ta nhờ nước da trắng hồng của gương mặt trái soan và đôi mắt lớn, cho nên dễ nhận ra lắm. Không phải bà này. Bà này già quá cũng không phải. Bà này coi ngờ ngợ nhưng đi chung với bầy con nít, không phải bả. Ông nhón chân lên để cái nhìn được đưa ra xa thì tai thoáng nghe hình như có tiếng người gọi nhỏ: “Ông Năm!”. Ông vẫn tiếp tục nhìn từng người, từng khuôn mặt. Lại có tiếng người gọi nhỏ, lần này tiếng gọi lạc đi: – Ông Năm …
Nghe rõ có tiếng ai gọi mình, ông nhìn lại. Ngay phía trước, đứng cách ông chỉ mấy bước, người gọi ông là một bà già tóc muối tiêu hớt bom bê ngắn như mấy bà Tàu Chợ Lớn, mặc áo len nâu rộng thùng thình, ống tay dài phủ mất hai bàn tay đang xách mỗi bên một túi vải.
 Chỉ mới nhìn tới đó thôi, linh tánh bắt ông nhìn lại gương mặt: khuôn mặt gầy xạm nắng với những nếp nhăn trăng trắng ở khoé môi và đuôi mắt. Ngần đó thứ giống như miếng cau khô, chỉ trừ có hai con mắt là sinh động, là mở to như có vẻ ngạc nhiên, là nói lên, là nhắc nhở, là… là … Trời ơi! Là vợ tôi đây mà! Ông Năm nghẹn ngào bước tới, hai tay đưa về phía bà già và chỉ còn đủ sức gọi có một tiếng: “Mai!”. Ông ôm lấy vợ mắt nhắm nghiền đau đớn. Tội nghiệp! Người vợ chỉ dám gọi chồng bằng hai tiếng “Ông Năm!” như người xa lạ, và chỉ dám gọi có hai lần. Và khi chồng nhìn ra mình, ôm chầm lấy mình, người vợ đó chỉ còn nói được bằng nước mắt!
Ông Năm buông vợ ra để nhìn lại lần nữa. Ông nghe nghẹn lời và nghẹn cả lòng. Ông chỉ còn nói được bằng hai bàn tay … Hai bàn tay vuốt làn tóc bạc bây giờ sao quá thẳng quá ngắn. Hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt bây giờ sao không lấp đầy hai lòng bàn tay. Hai bàn tay đặt xuống bờ vai bóp nhẹ. Dưới lớp áo len, ông cảm rõ nét gầy của bờ vai bây giờ. Bây giờ… Hồi đó… Từ trong sâu thẳm của lòng ông, nỗi đau khổ tột cùng bỗng bật lên thành tiếng, một thứ tiếng nói lệch lạc méo mó vì uất nghẹn: “Sao vầy nè?” Rồi, không kềm chế nổi nữa, không cần giữ gìn ý tứ gì nữa, trong cái rừng người xào xạc đó, ông ôm lấy vợ, ngửa mặt lên trời thét lên một cách thống thiết: “Sao vầy nè … Trời?” Tiếng “Trời” nặng trĩu thoát ra từ lòng ngực ông như tất cả sinh lực trong người được trút ra hết … Rồi ông ôm lấy vợ, nước mắt ràn rụa. Bà Năm cũng khóc nhưng vẫn không buông rời hai cái túi vải.
Hơn mười năm sống với Việt Cộng, đã trở thành một bản năng: nắm chặt, giữ chặt những gì còn thuộc về mình, những gì mà “tụi nó” chưa kịp chiếm lấy, cướp lấy! Một lúc lâu sau, phải một lúc lâu sau, ông Năm mới lấy lại bình tĩnh. Ông nói: – Thôi mình về đi em!
Tiếng “em” thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng. Tiếng “em” mà đã mười năm, bà không còn nghe thấy! Bà cắn môi để kềm xúc động, nhìn chồng mà đuôi mắt nheo lại mỉm cười. Bà nghe một cái gì mát rượi đang len vào lòng, một cái gì đã làm rơi mất từ hơn mười năm, bây giờ mới tìm gặp lại. Mãi đến bây giờ, ông Năm mới thấy trong đôi mắt vợ, nét cũ ngày xưa: to tròn như mắt đầm, tròng đen lay láy. Đôi mắt đó đang nhìn ông, cái nhìn ngời lên như muốn nói thật nhiều … Ông cúi xuống định xách hai túi vải. Bà Năm lắc đầu: – Để em xách!
Tiếng “em” cũng thật tự nhiên thật nhẹ nhàng. Giọng nói thật dịu dàng, trong trẻo. Làm như nước mắt đã tẩy sạch dấu vết của mười năm … Ông vói tay cầm lấy quai túi: – Để anh xách cho.
Bà Năm vừa bước đi, vừa nói, tay vẫn nắm chặt hai túi vải: – Không sao. Em xách được. Ở bển, em gánh lúa mỗi ngày cho nhà máy, có sao đâu.
Ông Năm bỗng nghe lòng quặn thắt. Thì ra “tụi nó” đày đọa bả đến nước đó! Bả tội gì? Tội gì? Tội vượt biên? Thì đã ở tù trên ba tháng rồi còn gì nữa? Vậy tội gì?
Ông Năm nghiến cái căm thù trong răng để đừng chửi đổng, nhưng rồi ông cũng bật ra: – Quân khốn nạn!
Về đến nhà thì trời đã xâm xẩm tối. Lần này thì chính ông Năm xách hai túi vải, đi trước dẫn đường, lòng vui như mở hội. Đến chân cầu thang, ông nói: – Ở từng lầu ba lận. Em leo nổi không?
Bà Năm trả lời, giọng vẫn trong trẻo: – Gì không nổi? Bây giờ em làm cái gì cũng nổi hết.
Rồi bà bước lên cầu thang, bước đều đặn. Ông Năm theo sau, nhìn dáng dấp nhỏ thó với mái tóc bạc hớt bom-bê cao ông bỗng thương vợ vô cùng. Mười năm… Mái tóc huyền mà ngày xưa hay kéo sát về phía sau để cuốn tròn kẹp gọn một vòng trên ót … bây giờ chỉ còn là như vầy! Cái cổ tròn dẫn xuống bờ vai thon thon của hồi đó … bây giờ gầy nhom như vầy! Mười năm… Chắc bả phải khổ ghê lắm, phải chịu đựng ghê lắm mới ra nông nỗi này! 
Tội nghiệp! Người đàn bà hiền khô và nhát hít đó chưa làm phiền lụy ai bao giờ, vậy mà Việt Cộng vẫn moi ra một cái cớ nào đó để hành hạ. Và như vậy suốt mười năm. Lam lũ quá nên bả già trước tuổi, chớ bả cũng còn giữ được cái nhìn, giọng nói và tâm hồn … những thứ mà Việt Cộng không cưỡng chiếm được!
Vào nhà, ông Năm bật đèn lên, bà Năm nhìn quanh mỉm cười, không nói. Ông Năm đặt hai túi lên bàn ăn, rồi cũng nhìn quanh: – Nhà của anh đó. Nhỏ như cái lỗ mũi. Tạm một thời gian rồi mình sẽ kiếm nhà khác rộng hơn.
Bà Năm dịu dàng: – Như vầy cũng được. Có hai đứa mà gì …
Bỗng nhiên hai người nhìn nhau. Tiếng “hai đứa” nhắc cho họ nhớ tới hoàn cảnh bây giờ, một hoàn cảnh mà từ lúc gặp lại nhau bao nhiêu thống hận dập dồn đã làm họ quên đi: bây giờ “hai đứa” vẫn còn có nhau, thật sự còn có nhau. Rồi sẽ không còn gì chia cách. Rồi sẽ đi bên nhau, đi hết đoạn đường còn lại, một đoạn đường không còn bao nhiêu xa … Bởi vì họ biết: họ đang bước vào mùa thu của cuộc đời … Cho nên họ nhìn nhau mà yêu thương dâng đầy trong mắt.
Bà Năm bước lại cửa sổ. Ngoài xa trên nền trời trắng đục, hiện lên thật rõ cây thánh giá và nóc nhà thờ Sacré Coeur. Bà Năm hỏi: – Cây thánh giá này đây?
Câu hỏi trống không nhưng hai người cùng hiểu: cây thánh giá mà ông Năm viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần trong thư gởi về Việt Nam. Ông bước lại khoác vai vợ, gật gật đầu. Hai người yên lặng nhìn cây thánh giá như đang tạ ơn, giống như đang rước lễ, giống như cô dâu chú rể sau khi được kết hợp thành vợ chồng … Thời gian bỗng như dừng lại, để hình ảnh trở thành bất diệt, nói lên cái cao cả của tình yêu, cái huyền diệu của niềm tin… những thứ mà Việt Cộng muốn xoá bỏ để biến con người thành gỗ đá. Một lúc lâu sao, bà Năm như sực tỉnh: – Để em soạn đồ ra.
Rồi bà bước lại bàn mở hai túi vải. Ông Năm đốt điếu thuốc, khói thuốc lâng lâng nhẹ. Ông ngồi cạnh giường nhìn vợ soạn đồ bằng đôi bàn tay xạm nắng với những đường gân nổi lên ngoằn ngoèo. Đôi bàn tay đã từng có ngón tay thon dài khéo léo từ đường kim mũi chỉ … bây giờ là như vậy! Ông thấy thương vợ vô cùng. Bà Năm soạn đồ ra để trên bàn: vài bộ quần áo, mấy cái khăn lông, một cái mền nhỏ … Vừa làm bà vừa nói: – Có bao nhiêu, em đem theo hết. Nói là đi chánh thức chớ không biết lúc nào tụi nó bắt mình lại. Có nhiều người lên máy bay rồi mà còn bị lôi xuống, không biết vì cớ gì. Rồi khi được thả ra là trắng tay.
Bà lấy trong túi ra một khuôn hình, trao cho ông Năm: – Em đem hình ông già bà già qua để lâu lâu mình thắp một cây nhang.
Ông Năm nhìn hình cha mẹ, lòng bồi hồi xúc động. Hình này, hồi đó, để trên bàn thờ nhà cũ. Nhà bị tịch thu, không hiểu bả làm sao lấy được để mang qua đây? Ông đứng lên nhìn quanh, rồi treo khuôn hình lên cây đinh trên tường đối diện.
Có tiếng bà Năm nói: – Em có đem qua cho anh chai rượu nếp than nữa. Nhớ hồi đó anh ưa lắm.
Ông quay lại, cầm chai lên mở nút. Chưa đặt miệng chai lên mũi mà mùi rượu ngọt ngào thơm phức tỏa ra thật nồng nàn … Ông hít một hơi dài, đóng nút lại, rồi nhìn chai rượu mà ứa nước mắt. Nỗi nhớ quê hương nằm sâu trong tiềm thức, bây giờ, mùi rượu nếp than, màu rượu nếp than đã làm bật dậy, vô cùng mãnh liệt. Ông tưởng chừng như vừa hưởi thấy mùi thơm quê hương. Có mùi ngọt ngọt của lúa chín, có mùi nồng nồng của rơm của rạ, có mùi hăng hăng của đống un đốt cạnh chuồng trâu chuồng bò … 
 Ông tưởng chừng như đang giữ trong tay một mảnh trời quen thuộc. Ở đó có màu tím lờn lợt của hoa bằng lăng, có màu tím nâu nâu của vỏ măng cụt, có màu tím học trò của trái mồng tơi, và những tà áo tím phất phơ theo gió qua cầu, với những chiều tím quê ngoại, đứng ngẩn ngơ bên sông Vàm Cỏ khi tuổi vừa mới lớn … Chao ơi! Ngần đó thứ, tưởng quên nhưng vẫn nhớ. Ngần đó thứ bây giờ xa thật xa .. Xa, không phải vì cách biệt, mà xa vì không còn thuộc về mình nữa! Ông Năm cầm chai lắc lắc, bột nếp than tím ngát dợn lên trong lòng chai. Ông mở nút rót thẳng vào miệng một hớp.
 Chất rượu béo ngậy ngọt ngào cay cay nhắc ông nhớ những quán nhậu ở Hóc Môn, những món thịt rừng ở Biên Hoà, những con cá mú sữa kho tộ ở Vũng Tàu bãi sau bãi trước … Ông ngậm lấy hớp rượu để nghe rõ chất rượu đang thấm vào nướu răn, đang thấm vào các thớ thịt cổ, đang thấm lên nóc giọng, đang nồng lên mũi. Ôi! Mùi vị quê hương là đây … ông không cầm được nước mắt!
Bà Năm vẫn âm thầm soạn đồ đạc. Bà hiểu ông Năm lắm và nghe thương chồng vô cùng. Tội nghiệp! Mười năm xa quê hương … Ông Năm vào phòng tắm rửa mặt rồi ra chỉ chỗ cho vợ xếp quần áo. Xong ông bảo: – Anh đã làm sẵn mấy món ăn cho hai đứa. Để anh đem ra hâm. Em đặt bàn đi. Đồ đạc trong tủ búp phê đó.
Bà Năm nghi ngờ: – Anh mà làm bếp cái nỗi gì? Mua ở tiệm thì có.
Ông Năm cười sảng khoái: – Em lầm rồi! B ây giờ, anh làm cái gì cũng được hết. Nấu bếp, giặt đồ, làm ménage … đủ thứ. Rồi em coi! À… đặt bàn em nhớ để một dĩa sâu cho món súp légume và một dĩa trẹt cho món gà nấu rượu, nghe!
Bà Năm mỉm cười, thấy chồng sung sướng mà lòng cũng thênh thang trải rộng. Một lúc sau, hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn. Trên bàn cũng có hai cây nến. Cũng khăn trải bàn trắng phau, cũng khăn ăn màu xám lợt, cũng dĩa trắng chạy chỉ vàng, cũng nĩa dao cán gỗ có nét vẽ cong cong nhè nhẹ. Và không quên hai ly rượu có chân, đựng chút rượu nếp than có màu tím đậm đà và hương thơm mời mọc. Ông vui vẻ: – Như vầy mới đúng là nuit de noces chứ, phải không em?
Bà Năm nhìn chồng không nói, nhưng vành tai bỗng đỏ bừng. Bà nói lảng: – Súp ngon chớ! Anh học nấu ở đâu vậy?
Ông để ngón tay trỏ lên môi, vẻ bí mật: – Hùm … Không nói đâu! Ông Tiên người Tàu chuyên nấu đồ Tây chỉ đó, dặn anh đừng nói cho ai biết!
Rồi cả hai cùng cười vì hình ảnh ngộ nghĩnh đó, cái cười hồn nhiên tìm lại sau mười năm xa nhau … Bữa ăn kéo dài bằng những chuyện kể cho nhau nghe, nhớ đâu kể đó, không mạch lạc đầu đuôi, bởi vì trong thời gian mười năm có biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra làm sao mà nhớ cặn kẽ cái nào sau cái nào trước!
Dọn dẹp xong thì trời đã khuya. Hai vợ chồng chia nhau, bà nằm trên giường, ông nằm trên nệm dưới đất. Tắt đèn đã lâu mà hai người vẫn còn trằn trọc. Làm như còn thèm nói chuyện với nhau nữa! Bóng tối dầy đặc vây quanh. Không khí trong nhà êm êm mát mát. Mùi rượu nếp than và mùi thuốc lá Dunhill còn phản phất thơm thơm. Bỗng bà Năm nghe một bàn tay của chồng đặt lên mình mình. Toàn thân bà run lên nhè nhẹ. Hơi thở của bà bỗng trở nên phập phồng. Một cảm giác dường như thật cũ, mà cũng dường như thật mới, dìu dịu ngây ngây… Bà không biết nữa! Rồi, không tự chủ được, bà cầm bàn tay chồng áp lên má, lên mũi, lên môi. Bàn tay này tưởng đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy, cầm lấy. Da thịt này tưởng đã vĩnh viễn không còn đụng chạm sờ mó được. Mười năm… Mười năm… Nước mắt bỗng chảy dài xuống hai bên tai, bà Năm thốt lên nho nhỏ: “Mình!” 
Chỉ có một âm đơn độc, nhưng sao tiếng “mình” nói lên thật nhiều, diễn tả thật nhiều. Tiếng “mình” mà mười năm nay ông Năm không còn nghe. Tiếng “mình” gợi lên tình nghĩa vợ chồng, nỗi niềm chia xẻ. Tiếng “mình” cũng là tiếng nói của yêu đương, của hài hoà sum họp. Và tiếng “mình” ở đây, trong hoàn cảnh này, sao nghe thật mời mọc dâng hiến … Người đàn bà mười năm khổ hận đó, vợ ông, cần được yêu thương thật nhiều để bù lại. Tiếng “mình” gọi nhỏ trong đêm bỗng nghe tiếp nối … Bồi hồi xúc động, ông Năm chồm lên ôm lấy vợ, hôn tràn lên tóc, lên má, lên môi. Ông nghe trong tay, thân xác gầy còm của vợ run lên như đang cơn sốt. Và tai ông còn nghe những tiếng “mình” đứt quãng ú ớ như tiếng nói trong chiêm bao … Cuộc tình của tuổi vào thu âm thầm như lá rụng bên ngoài nhưng cũng nồng nàn, ngọt lịm như hớp rượu nếp than cùng chia nhau khi nãy. Có mùa chớm thu nào mà không thấy còn sót lại vài tia nắng hạ?
***
Tôi muốn câu chuyện này chấm dứt ở đây cho cuộc tình được đẹp như bài thơ, được vuông tròn như trong tiểu thuyết. Nhưng trên thật tế không phải như vậy. Bởi vì … một tháng sau đó, bà Năm ngã bịnh, phải vào nằm nhà thương. Bà bị ung thư phổi, ở thời kỳ chót. Bà đã giấu ông Năm lâu nay, bây giờ bà mới cho biết: hồi còn ở Việt Nam, nhờ khám thấy ung thư nên bà mới xin được chiếu khán xuất cảnh. “Nhà nước Cách Mạng vốn khoan hồng nhân đạo, nên cho phép chị sang thăm chồng đấy! Chớ chị không nằm trong diện được cứu xét nào cả. Rõ chưa?” Gã cán bộ trao giấy phép cho bà Năm, mà nói như thật! Tụi nó dư biết rằng có giữ bà lại cũng chỉ tốn gạo tốn khoai thêm vài tháng nữa và là một miệng ăn phi sản xuất, chẳng lợi lộc gì cho “nhân dân”. Thà tống đi gấp để khỏi phải chôn thêm một người, chật đất!
Ông Năm đã ngồi bên giường vợ suốt thời gian cuối cùng. Ông đã cầm bàn tay còn mang tỳ vết của mười năm gian khổ. Ông đã ôm gương mặt phong trần chưa kịp đổi hồng sau mấy tuần sống đầy hạnh phúc. Và cuối cùng, ông đã chải lại mái tóc bạc chưa kịp dài để được cuốn tròn kẹp lên sau ót, như ngày xưa … Ông đã gục lên thân xác gầy khô, khóc với tất cả nước mắt còn lại. Mùa thu đó, lá rụng thật nhiều.
Tiểu Tử

ĐOÀN DỰ * TRUYỆN TÌNH

 
 Chuyện “tình cảm” năm con rắn  

Đoàn Dự ghi chép

Cuối năm con Rắn, ĐD tôi xin gửi đến quý bạn vài chuyện tình cảm kiểu rắn – độc địa và lươn lẹo, đã ghi chép được trong năm.


I. Cứa cổ người tình vì ăn tát trước đám đông 

Trong cơn tức giận, cô gái đã không tiếc lời thóa mạ bạn trai. Không chấp nhận bị sỉ vả và còn phải nhận một cái tát trước mặt mọi người, anh chàng này bèn lấy dao cứa cổ “người yêu”.
Sáng ngày 1/11/2013, Tòa án xét xử anh Trần Văn Trịnh, 31 tuổi, quê quán tại xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, về tội “giết người” với tính chất côn đồ, hung hãn.

 
 Người bị hại dưới tay anh ta là cô gái tên Trịnh Thị Miến (23 tuổi, quê quán tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) nhưng đã may mắn thoát chết. Đến tòa, cô gái quê ở Nam Định này dù đã cố gắng che kỹ song vẫn không giấu nổi vết sẹo dài như con rết bám ở vùng cổ.
Theo bản cáo trạng và lời khai của bị cáo tại tòa thì Trần Văn Trịnh rời quê nhà lên Hà Nội làm nghề tự do và đến thuê nhà trọ tại số 17, ngõ 31, phố Đê La Thành, quận Đống Đa, nơi cô Miến cũng ở trọ.
Trai chưa vợ, gái chưa chồng, lại đang ở độ tuổi yêu đương nên hai người nhanh chóng “bén hơi” nhau. Sau một thời gian mặn nồng, Trịnh thấy tình cảm của người tình dành cho mình có phần phai nhạt.
Cho rằng Miến không còn thiết tha với mình nữa và đã nảy sinh tình cảm với người khác, Trịnh bèn rêu rao rằng Miến là gái lẳng lơ. Chưa hết, anh ta còn gọi điện thoại về nhà cho mẹ của Miến, kể tội Miến lăng nhăng.

Ngày 23/10/2012, giữa lúc Trịnh và một số bạn ở khu nhà trọ đang ăn nhậu tại phòng trọ của anh ta thì Miến cũng nhận được phản hồi từ gia đình. Bực tức vì bị người tình đặt điều nói xấu, cô gái tức tốc tới phòng trọ của Trịnh đôi co và không tiếc lời chửi bới.
Thế rồi, Miến không ngần ngại tặng cho người tình một cái tát ngay trước mặt mọi người. Dù vô cùng tức giận song lúc ấy Trịnh vẫn cố giữ bình tĩnh, chỉ hết lời phân giải nhưng Miến vẫn không ngớt lời thóa mạ.
Không chịu đựng nổi nữa, Trịnh lẳng lặng sang nhà bên cạnh lấy một con dao gọt hoa quả, giấu vào trong mình. Quay lại chỗ mọi người, trong khi Miến vẫn đang chửi bới, Trịnh đi vòng ra sau lưng bạn gái, túm tóc giật ngược lại đồng thời đưa con dao lên cứa mạnh một nhát vào cổ nạn nhân. Thấy máu ở cổ người tình tuôn chảy, Trịnh vứt con dao ở hiện trường rồi thủng thẳng đi đến công an Ô Chợ Dừa thú tội.
Miến được mọi người đưa đến bệnh viện cứu cấp kịp thời nên may mắn thoát chết. Dù Miến xấu hổ, từ chối giám định thương tích, song kết quả điều trị tại bệnh viện cho thấy nạn nhân bị vết cứa rất dài, theo chiều từ mang tai trái sang mang tai phải.
Tuy nạn nhân có đơn xin miễn truy cứu hình sự đối với người tình, nhưng anh Trịnh vẫn bị truy tố.
Tại tòa, Trần Văn Trịnh thừa nhận mọi tội lỗi đồng thời cho rằng hành động cứa cổ người tình của mình chỉ là bộc phát vì không kiềm chế nổi sự nóng giận và cũng như không có ý tước đoạt mạng sống của “người yêu” từ trước.
Trình bày trước tòa, cô Miến cũng xác nhận nội dung vụ án giống như lời khai của bị cáo. Ngoài đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Trịnh, Miến cũng không yêu cầu gì về mặt bồi thường dân sự.
Thế nhưng, tòa án Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Văn Trịnh 18 năm tù giam về tội “giết người”. Nhiều phóng viên cho là bản án này quá nặng và không đếm xỉa đến sự bãi nại của nạn nhân.
II. Công an đứng sau lưng vẫn say sưa nhìn trộm cô gái tắm
doandu03221213

Đêm 15/1/2013, sau khi đi nhậu cùng đám bạn về, Ngô Quang Sở (tạm trú tại cư xá 20, phường Tân Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn) ngật ngưỡng đi đến gần nhà tắm của khu Cư xá 20 thì thấy một cô gái bước vào đó để tắm. Sở nhìn theo ngẩn ngơ rồi quyết định trèo lên lầu 1 của khu cư xá để rình trộm cô gái kia tắm.
“Nạn nhân” là cô N.A. (18 tuổi, ở trọ cùng khu trên). Trong lúc Sở đang say sưa nhìn trộm cô N.A. tắm thì bị cô phát hiện và kêu lên.

Mặc dù thế nhưng đối tượng vẫn không bỏ “hiện trường”. Khi những người trọ cùng khu cư xá báo cho công an và tổ dân phòng đến giải quyết thì Sở vẫn đang… ngắm. Bất chợt thấy có nhiều người bên dưới đang chờ bắt mình gã mới bừng “tỉnh” và nhảy xuống khe tường trốn thoát.
Khoảng 30 phút sau, Sở quay trở lại phòng trọ (đối diện chéo với phòng trọ của cô N.A.) vì tưởng giữa đêm khuya không ai biết mặt mình. Nhưng vừa mở cửa phòng thì Sở đã bị bắt, đưa về phường.
Tuy nhiên, vì Sở say rượu và đây là lần đầu vi phạm nên y chỉ bị phạt hành chánh để cảnh cáo.
III. Cắt quần của nữ sinh viên đang ngủ để… xem bên trong!

doandu04221213
Tháng 10, Nguyễn Đạt Hưng rời quê nhà ra Đà Nẵng học đại học và ở trong ký túc xá sinh viên. Tối 24/11/2013, vốn có tính gian, thích ăn cắp vặt, Hưng đi quanh xem phòng nào sơ hở. Sau hơn 15 phút “thị sát”, thấy có một căn phòng không đóng cửa, cậu đột nhập thó trộm một chiếc điện thoại di động đem về phòng mình cất giấu. Đến ngày 26/11/2013, Hưng bán cái điện thoại lấy 500,000 đồng.
Đến 2 giờ chiều ngày 27/11, Hưng lại lên tầng 3 “khảo sát” tình hình. Thấy một phòng không cài cửa chính, Hưng lẻn vào lấy trộm điện thoại di động và 29,000 đồng của một nữ sinh viên. Hưng định tháo lui thì “phát hiện” nạn nhân nằm ngủ, mặc bộ đồ pyjama sọc, hình như không mặc đồ lót, trông có vẻ “ngon lành”, Hưng sững người đứng nhìn trân trối…
Thấy cô gái vẫn đang ngủ say, Hưng bèn về phòng mình lấy chiếc kéo rồi quay trở lại dùng kéo cắt chỗ đũng quần của “nạn nhân”. Cô gái đang ngủ nhưng cảm thấy hơi nhột nên tỉnh dậy, thấy …quần mình bị cắt thủng ở chỗ đũng và một anh chàng đang hì hục dùng kéo cắt tiếp nên hoảng hồn bèn tri hô lên. Nhân viên bảo vệ ký túc xá và các sinh viên khác nghe tiếng tri hô chạy đến, phát hiện Hưng đang trèo qua lan can bèn đón bắt và đưa lên văn phòng nhà trường. Nhà trường đưa tới công an. 
Trả lời nhân viên điều tra của công an Đà Nẵng lý do cắt quần của cô nữ sinh viên, Hưng nói rằng lâu nay thường nghe bạn bè kể về “chỗ đó” của phụ nữ nhưng chưa biết nên cắt để nhìn trộm nhưng chưa thấy gì hết.
Chưa biết anh chàng này sẽ bị kết tội như thế nào, song ít nhất Hưng cũng bị nhà trường đuổi học.
IV. Bác sĩ đánh vợ đến sẩy thai 
Bác sĩ Phạm Kha Ly bị cáo buộc đã lột hết quần áo người đầu gối tay ấp rồi dùng xích trói lại để đánh khiến nạn nhân bị sẩy thai. Ông Phạm Kha Ly, năm nay 31 tuổi, là bác sĩ hiện đang công tác tại Khoa Tiêu hóa – Huyết học Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.
Ngày 21/ 5/2013, Bác sĩ Phạm Kha Ly (quê quán tại Cà Mau) bị truy tố về tội ngược đãi và hành hạ vợ, người đầu gối tay ấp với mình.
Theo điều tra, ông Kha Ly làm việc tại Cần Thơ, một năm trước kết hôn với cô Trần Thị Cẩm L. tại quê nhà nên đem vợ lên thuê chỗ ở tại quận Ninh Kiều vì trước đây ông ở trong khu tạm trú của bệnh viện. Mặc dầu nhà cửa sang trọng, đời sống thoải mái nhưng Bác sĩ Ly vẫn nghi ngờ là vợ mình xinh đẹp như thế thì “có lẽ” đã có người yêu trước khi lấy mình. (Thật ra, ông ngờ oan, chị Cẩm L. là bác sĩ thú y, cũng mới làm việc tại Cần Thơ trước khi quen biết và kết hôn ông Ly, không hề có điều tiếng gì). Ông bèn mua dây xích và ổ khóa, cất trong nhà để khi tức sẽ đánh đập vợ.
doandu05122213
(: Bệnh Viện Đa khoa Cần Thơ và Bác sĩ Kha Ly)
Sáng 22/3/2013, chị Cẩm L. báo tin có thai, người chồng hết sức vui mừng, âu yếm vợ nhưng sau đó lại giận vợ về tội có người yêu trước mình nên mắng chửi thô tục rồi lột hết quần áo của vợ và xích vào chân bàn để đánh cả tiếng đồng hồ rồi mới chuẩn bị đi làm. Khi chị Cẩm L. tự cởi trói ở tay để lấy quần áo trùm lên người trong khi chân vẫn bị xích, Kha Ly lại tiếp tục đánh nữa rồi mới đến bệnh viện.
Ngày hôm sau, chị Cẩm L. tới công an phường An Bình, quận Ninh Kiều trình báo sự việc. Một tuần sau chị bị ra máu bèn đi khám bệnh thì được bác sĩ cho biết là bị sẩy thai.
Chị Cẩm L. giận chồng, dọn đến trạm Thú y ở và đòi bác sĩ Kha Ly phải bồi thường nhân phẩm cũng như sức khỏe cho mình 20 triệu đồng – một số tiền được coi là nhỏ đối với một bác sĩ – nhưng Bác sĩ Kha Ly không chịu khắc phục.
Trao đổi với các phóng viên, Bác sĩ Ly thừa nhận mình có đánh vợ hơi nặng tay nhưng không cho biết lý do mà chỉ nói: “Tại tôi không kìm hãm được sự nóng giận”. Theo vị bác sĩ 31 tuổi này, trong lúc đánh vợ ông “quên” không nhớ là chị Cẩm L. đang có thai: “Vợ tôi bị sẩy thai, tôi ân hận lắm và tự hứa không bao giờ tái phạm nữa, mong vợ và gia đình cô ấy ở nơi quê nhà tha thứ cho”.
Gần 3 tháng trước, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã kỷ luật ông Ly với hình thức cảnh cáo, cắt thi đua 3 tháng. Đến cuối tháng 11/2013, Bác sĩ Phạm Kha Ly bị truy tố về tội hành hạ vợ đến sẩy thai.… 
V. Đại tá công an lắm đô la vướng bẫy 
Ông Thành, đại tá công an, giấu giếm gia đình chu cấp cho Hằng nhiều tỷ đồng để nuôi con vì tưởng bé gái là máu mủ của mình. Đến khi Hằng ra tòa vì lừa đảo, ông đại tá ngoại tình suýt bị vướng vòng lao lý vì cô bồ trẻ một mực đổ tội cho ông là người chủ mưu trong vụ lừa đảo nói trên.
Tại phiên xử Trần Thu Hằng (44 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, ông Thành, người tình của cô ta, bị triệu tập. Gặp nhau ở phòng xử, hai người không nhìn mặt nhau lấy một lần.
Ông Thành kể, một bạn đồng nghiệp của ông ở Hải Phòng muốn mua một căn nhà tại Hà Nội để các con tiện việc học hành nên nhờ ông kiếm giùm. Ông giới thiệu cho bạn là Hằng đang muốn bán căn nhà đang ở trên đường Âu Cơ mà không biết đó là tài sản của người khác. Đến khi Hằng nhận 265,000 đôla và 50 triệu đồng và không giao nhà, ông tự nhiên trở thành người liên quan tới vụ lừa đảo do cô nhân tình gây ra.
Ông kể là ông quen Hằng từ năm 1994 khi cô mới chân ướt chân ráo về Hà Nội học. “Hằng bảo Hằng có bố là công an, mẹ là giáo viên nhưng cả hai đều đã mất nên tôi rất đồng cảm”. Sau nhiều lần qua lại, hai người gắn bó với nhau dù ông quan công an này đã có vợ con.
Sau hai năm bên người tình kém mình 22 tuổi, ông mua cho Hằng một căn nhà khang trang ở phố Tôn Đức Thắng. Hằng tháng, ông chu cấp đầy đủ, không để Hằng thiếu thốn thứ gì. Năm 1999, ông phát hiện ra là Hằng có người tình trẻ nên bèn chủ động lãng ra. “Căn nhà tôi mua và đã nhờ bạn đứng tên hộ. Sau, do Hằng muốn nên tôi đã sang tên cho cô ấy”, ông Thành kể.
doandu07122213
( “Người đẹp” Trần Thu Hằng)
Bẵng đi một thời gian, năm 2000, ông gặp lại Hằng và được người tình cho biết đã bán căn nhà ở Tôn Đức Thắng, hiện tại đã chuyển về đường Âu Cơ. Ông và Hằng nối lại tình cũ. Mối quan hệ giữa hai người ngày càng khăng khít khi Hằng sinh một bé gái và cho biết đó là con của ông.
Ở tuổi 55, có thêm một con gái xinh xắn, ông bảo lúc đó ông thấy hạnh phúc vô cùng. Chuyện có bồ nhí ông giấu nhẹm, không ai trong gia đình hay biết. Ông không tiếc tiền với mẹ con Hằng. Việc Hằng dạy thêm đàn piano chỉ đủ để cô tiêu vặt.
Hễ có dịp là ông đưa cả hai mẹ con đi nghỉ mát khắp nơi. Tiền bỏ ra để chu cấp cho mẹ con người tình ông không tính hết. Có lần, Hằng hớt hải bảo ông tìm chỗ vay tiền giùm để “chuộc” giấy tờ của căn nhà mẹ con cô ta đang ở vì cô đã trót đem cầm. Ông tin lời và đã nhiều lần đưa tiền cho Hằng tổng cộng 210,000 đôla cùng 1.3 tỷ đồng (tức khoảng 65,000 đô).
“Tại tôi nghĩ rằng nếu không có tiền, hai mẹ con Hằng sẽ bị tịch biên nhà, không có chỗ ở, bởi vậy tôi giấu giếm tiền của gia đình và đứng tên vay của tiệm cầm đồ nên mới có số tiền lớn như vậy đưa cho cô ấy,” ông Thành cay đắng nói. Năm 2008, Hằng báo đang ở bệnh viện chữa trị ung thư, ông đã bỏ cả công việc lẫn gia đình để đến chăm sóc cho cô ta. Ông vay 600 triệu đồng đưa cho Hằng chữa bệnh. Lúc đó, ông không biết rằng người tình thực chất không phải bị ung thư mà chỉ là bệnh về đại tràng.
Theo lời ông quan ham ngọt này, Hằng nói dối nhiều lần nhưng ông không biết. Ngay cả việc mẹ cô ta còn sống mà Hằng cũng nói dối đó là bà cô chứ mẹ Hằng mất từ lâu rồi. Hằng cũng nói dối là bố mẹ cô chỉ có một mình cô ta nhưng thực chất là có tới 4 anh chị em, những chuyện đó sau này ông Thành mới biết và không hiểu Hằng nói dối như vậy để làm gì, có lẽ tại tính người hay nói dối chăng.
Mối quan hệ tình cảm ngoài luồng của ông đại tá công an sau này bị vợ con khám phá. “Cùng năm đó tôi mới biết đứa con không phải máu mủ của mình,” ông Thành tâm sự. Ông còn hay Hằng đã đăng ký kết hôn với người khác trẻ hơn ông rất nhiều. Từ năm 2000 đến năm 2009, ông không biết căn nhà Hằng đang ở là thuê của người khác nên vô tình giới thiệu cho bạn mua, đến khi Hằng nhận tiền xong, bỏ trốn bấy giờ mới té ngửa là nhà Hằng đi thuê.
Hằng bị bắt lại và khi bị ra tòa thì đổ lỗi là tại ông chủ mưu, xúi Hằng lừa đảo chứ Hằng không hề quen biết gì với người bạn của ông. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của chủ ngôi nhà, của người giúp việc cho Hằng và các nhân chứng khác, tòa đã bác bỏ lời khai của Hằng.
Nghe tòa tuyên phạt người tình cũ 20 năm tù và phải trả lại đầy đủ 265,000 đôla cộng với 50 triệu đồng Hằng đã chiếm đoạt, ông Thành lầm lũi rời tòa. Dù không còn tình cảm với nhau, ông vẫn lo lắng về tương lai bé gái 11 tuổi, con của Hằng.
V. Bị dọa cắt “của quý” trong khi đang muốn kiếm vợ 
Khi anh Nguyễn Văn Thanh đang nằm ôm cô gái mới quen, chưa kịp hỏi tên thì hai người đàn ông ập vào gí dao ép đưa tiền nếu không sẽ cắt “của quý”.
Nguyễn Văn Thanh (32 tuổi, sinh sống tại huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông trên đường đi Ban Mê Thuột) với nét mặt thất thần, mặc bộ quần áo bảo hộ lao động rộng thùng thình, chạy đến trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông trình báo anh vừa bị cướp hết mọi thứ gồm: xe máy, điện thoại di động, tiền, giấy tờ tùy thân; đồng thời bị đánh đập, đe dọa.
Trong tâm trạng hoảng loạn, anh trình bày với công an rằng nhà anh ở huyện Đắk Song nhưng từ quê lên thị xã Gia Nghĩa của tỉnh vì vừa mới được giới thiệu làm quen với một cô gái qua điện thoại. Thấy cô gái ăn nói có duyên, anh “kết” ngay và hai người hẹn gặp gỡ nhau. Cả hai chuyện trò khá vui vẻ tại phòng khách của một nhà nghỉ. Sau đó, họ chia tay, cô gái có vẻ bịn rịn, mong sớm gặp lại.
Đúng hẹn, anh Thanh lại lên thị xã Gia Nghĩa tiếp tục gặp cô bạn gái. Khi đi, anh thành thật đem theo 5 trái sầu riêng, 4 trái xoài, 2 trái dưa chuột, toàn “cây nhà lá vườn” để làm quà tặng cô. Chiều tối cùng ngày (14/6/2013), được gặp lại cô bạn gái và cô đề nghị dẫn anh vào một căn chòi trong rẫy cà phê ở xã Đắk Nia cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 10km để tâm sự với nhau, anh rất sung sướng.
Anh chở cô gái không biết tên vào chòi rẫy cà phê, mà theo như lời cô ta là vào gặp người quen xem rẫy để mua lại. Trong chòi không có điện, cô gái đưa cho anh cây đèn cầy. Sau đó, Thanh đi kiếm củi khô quanh rẫy để đốt đống lửa sưởi ấm và còn gọt trái cây mang theo cho cô gái cùng ăn và tâm sự. Ngồi chuyện trò một lúc, được sự đồng ý của cô gái, anh cởi áo ngoài của cô ra, còn anh thì cởi hết quần áo trên người mình. Cả hai nằm ôm nhau trên nền xi-măng.
Bất ngờ, có hai người đàn ông xuất hiện. Một người la lớn: “Tao đã rình chúng mày mấy ngày nay rồi”. Một tên đấm vào vai cô gái rồi dùng chân đạp mạnh, đè lên ngực anh Thanh… Hai người đàn ông này đánh Thanh, khóa tay, dúi mặt anh xuống đất rồi lấy con dao nhọn gí vào tra hỏi điện thoại, giấy tờ xe máy.
Bị đánh đau nên anh khai điện thoại để ở trên bàn và giấy tờ thì để trong cốp xe dựng ngoài sân của rẫy. Trong lúc Thanh bị hai người đàn ông đe dọa, cô gái dẫn anh đến đây đã lấy quần áo chạy mất.
Thanh bị chúng bắt viết giấy bán xe máy nếu không sẽ bị cắt “của quý”. Trong lúc cả hai đang loay hoay tìm kế để bắt ép anh viết giấy bán xe thì anh vùng chạy thoát trong tình trạng trên người không mảnh vải che thân. May mắn, trên đường chạy trốn, Thanh được một gia đình thương tình cho mượn bộ quần áo bảo hộ lao động để đến trình báo công an.
Thanh chỉ nhớ được ba số cuối điện thoại của cô gái đưa anh vào bẫy. Nạn nhân cũng chỉ nhớ cô gái thấp đậm, mặt tròn, tóc ngắn ngang vai, chừng 35 tuổi. Hai người đàn ông kia anh hoàn toàn không nhớ mặt.
Chủ nhà nghỉ xác nhận, tối 13/6 và trưa 14/6 anh Thanh cùng một cô gái có tới đây. Cô này sau đó ở lại qua đêm với một người đàn ông khác, không để lại giấy tờ tùy thân, chỉ có Thanh đưa giấy tờ để bảo lãnh cho cô gái. Người đàn ông kia cũng để lại một chứng minh nhân dân… giả.
Nghi can được xác định là Lê Thị Huế (35 tuổi, trú phường Nghĩa Tân). Huế có những đặc điểm nhận dạng trùng khớp với mô tả của anh Thanh và chủ nhà nghỉ miêu tả. Cô đã có gia đình nhưng chồng đi tù, đứa con trai thì gửi cho người thân nuôi, thất nghiệp.
Ngày 17/6, cơ quan chức năng triệu tập Huế để làm việc và cho nạn nhân, nhân chứng nhận dạng. Anh và bà chủ nhà nghỉ khẳng định, Huế chính là cô gái đã đến thuê phòng nghỉ và lừa tình anh Thanh. Vậy nhưng, cô ta vẫn một mực kêu oan, cho rằng không liên quan vụ lừa tình cướp tài sản.
Huế khai chủ mưu trong vụ này là Lê Văn Liến (47 tuổi) và Nguyễn Tiến Bảng (52 tuổi, cùng trú phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa).
“Vở kịch” bắt đầu khi một người bạn của Bảng có quen anh Thanh và được nạn nhân nhờ giới thiệu một người con gái để lấy làm vợ. Trong khi Bảng cũng có cô em chưa lấy chồng nên đã làm mai cho anh Thanh. Ngày 12/6, Thanh đến nhà Bảng để gặp cô này. Uống nước trà nhà Bảng thấy ngon, Thanh “xin một ít” mang về. Bảng khó chịu, tâm sự với Liến – một người làm công trong gia đình. Liến bảo: “Sẽ trị tên này kiếm tiền tiêu”.
Từ đây, Liến trở thành “đạo diễn” cho màn kịch “đánh ghen tống tiền”. Liến bàn bạc với người tình của mình là Huế và được cô ta đồng ý tham gia. Huế lấy số điện thoại của anh Thanh để làm quen. Ngay buổi tối đó, anh Thanh chạy xe máy 30km đến Gia Nghĩa gặp Huế. Hai người trò chuyện được chừng một tiếng, Huế lấy lý do có việc bận và để anh Thanh ra về, hẹn ngày mai gặp lại. Thấy thái độ dễ tin và đang nôn nóng cần tìm bạn gái của Thanh, cả nhóm Huế, Bảng, Liến thông báo cho nhau, khẳng định “con mồi đã cắn câu”. Chúng bàn tính, nếu đánh ghen ở nhà nghỉ sẽ gây ồn ào, nhiều người biết mặt. Tài sản cướp được sẽ không trót lọt. Vì vậy, địa điểm gây án là đánh ghen trong chòi rẫy nơi Liến đã từng làm thuê ở đó.
Do sợ nạn nhân nhận ra mặt, nên Bảng, Liến rủ thêm Võ Xuân Tri cùng tham gia. Khi thấy anh Thanh cởi quần áo, Huế nhắn tin cho đồng bọn cùng hành động. Liến và Tri cùng xông vào đánh ghen, còn Bảng ở ngoài cảnh giới và chở Huế tẩu thoát. Xe máy cướp được của anh Thanh, chúng bán được 8 triệu đồng chia nhau. Điện thoại và số tiền trong ví của anh Thanh, Liến giữ lại cho mình.
Cả 4 nghi can đã bị tạm giam để điều tra về tội Cướp tài sản có tổ chức.
Đoàn Dự ghi chép-
Newer Posts Older Posts

No comments: