Wednesday, November 23, 2016

DƯƠNG NGHIỄM MẬU * NHƯ PHONG * TẠ QUANG KHÔI

Thursday, 3 November 2016


NGUYỄN THIÊN THỤ * DƯƠNG NGHIỄM MẬU

NGUYỄN THIÊN THỤ * DƯƠNG NGHIỄM MẬU





DƯƠNG NGHIỄM MẬU

NGUYỄN THIỆN THỤ


Ông tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).Năm 12 tuổi, ông ra sống và học ở Hà Nội đến bậc trung học. Sau đó, ông bắt đầu viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp. Năm 1954, ông vào Nam. Từ 1957, ông bắt viết nhiều đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho các báo Sáng tạo, Thế kỷ, Tia sáng, Văn, Văn học, Bách khoa, Giao điểm, Chính văn, Sóng thần, Giữ thơm quê mẹ... Ngoài ra, ông còn chủ trương nhà xuất bản Văn Xã.


Năm 1966, ông nhập ngũ, đến năm sau thì được bổ nhiệm làm phóng viên quân đội Việt Nam Cộng hòa đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Từ năm 1977, ông chuyển sang ngành vẽ tranh sơn mài cho đến nay (2010).
Tác phẩm:Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu có khoảng 20 truyện dài và tâp truyện ngắn.:
Tập truyện ngắn: Cũng đành (Văn Nghệ, 1963; Văn Xã tái bản 1966);Đêm (Giao Điểm, 1965); Đôi mắt trên trời (Giao Điểm, 1966);Sợi tóc tìm thấy (Những tác phẩm hay, 1966);Nhan sắc (An Tiêm, 1966; Văn Xã tái bản 1969);Địa ngục có thật (bút ký, Văn Xã 1969; Cái chết của… (Văn Xã, 1971);'Tiếng sáo người em út
Truyện dài: Gia tài người mẹ (Văn Nghệ, 1964; Văn Xã tái bản 1966); Đêm tóc rối (Thời Mới, 1965); Tuổi nước độc (Văn, 1966); Phấn đấu (Văn, 1966)
Gào thét (Văn Uyển, 1968); Ngày lạ mặt (Giao Điểm, 1968); Con sâu (Văn, 1971)…



Tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu là những bức tranh sống động. Những bức tranh của Dương Nghiễm Mậu có hai sắc thái đặc biệt. Một là hình ảnh dân sinh với trẻ lang thang, chó, chuột, rệp. ..Một hình ảnh khác là lửa cháy, bom nổ và xác chết. Bức tranh của Dương Nghiễm Mậu là một bức tranh lớn, vẽ quang cảnh Miền Bắc và miền Nam thuộc quốc gia từ 1945 cho đến 1975.
Xã hội Hà Nội trước 1954 là một xã hội điêu tàn vì chiến tranh Việt Pháp. Dân Hà Hội chạy đi tản cư. Sống với cộng sản một thời gian, họ phải trở về Hà Nội với tay trắng trong thành phố tan nát vì chủ trương vườn không nhà trống. Thành phố đầy lính Pháp, kẻ nghèo đói lang thang, bọn lưu manh mánh mung chơi trò gian dối.


Có nhiều thân phận bất hạnh trong một xã hội đen tối: mẹ tôi bị bắn chết, cha tôi bị cầm tù, anh em họ hàng thất tán mỗi người một nơi tìm không thấy mặt, chị tôi túng quẫn trong vòng bệnh hoạn, em tôi được gửi vào nhà tế bần, người yêu tôi đã bỏ đi..(Bồn cát tuổi thơ).Thuấn, có người chị tên Liên. Hai chị em mồ côi. Mẹ chết sớm, cha lấy vợ khác. Cảnh dì ghẻ con chồng. Sau người cha cũng mất tích. Người ta tìm thấy xác người cha trôi sông Đáy. Người chị làm điếm nuôi em. Thuấn kinh tởm nghề của chị, xỉ nhục chị, có thể đã bạo hành chị, rồi bỏ đi. (Nói một mình) \


Miền Nam khá hơn nhưng vẫn có nạn bán dâm phổ biến như miền Bắc, và bao cảnh sống bất lương ,bất hạnh. Năm-Sàigòn đã dùng một đứa nhỏ đang bốc trộm thùng cơm thiu cho lợn ăn, về "nuôi" và dậy nó nghề bán thuốc cao Giang đông chuyên trị bá chứng. Năm-Sàigòn rạch tay thằng bé cho máu chảy và rịt thuốc cao vào vết thương trước mắt mọi người để "chứng minh tính cách thần diệu" của cao Giang đông. "Qua một tuần lễ như thế tay trái tôi đã gần nát ra rồi, có những vết tay mưng mủ và thối, nó rỉ nước vàng. Mỗi bữa bưng bát cơm không nổi tôi phải dùng cù dìa mà súc ăn như một kẻ tàn tật. Thấy không thể tiếp tục cắt máu ở bàn tay đó nên Năm-Sàigòn bắt đầu cắt ở bàn tay phải. Người ta vẫn xúm đông xúm đỏ lại coi, và mua thứ thuốc vứt đi đó" (Lấy máu- trong Đôi Mắt Trên Trời, 28)


Lão Chệt ở Saigon cũng như Năm Saigon và lũ chuột đều là những nhân vật hạ đẳng của một xã hội bất hạnh. Chuột là lẽ sống của lão. Khi đói, lão chỉ cần thộp cổ một chú nướng lên thơm phức là rồi. Lão bẫy chuột bằng mùi cua nướng, đoạn nhốt chúng vào một chỗ, mỗi tuần thằng Lai, con lão từ Sai Gòn đánh xe về lấy chuột đem bán cho những cửa hàng síu mại, bánh bao.(Những chuột- Đôi Mắt Trên Trời,38- 40).


Lừa dối, cho vay nặng lãi, ngoại tình, cưỡng hiếp, tù đày... là những sự kiện rải đều trong các truyện của Dương Nghiễm Mậu.
Nét sắc sảo khác của Dương Nghiễm Mậu là chiến tranh. Tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu là những nét đơn sơ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Phan Nhật Nam, Phan Lạc Tiếp, Xuân Vũ viết về các cuộc hành quân, các trận đánh, còn Dương Nghiễm Mậu phần lớn viết về các vết tich chiến tranh và những màu sắc đen tối của hậu phương. Vết tích chiến tranh, âm hưởng chiến tranh trải dài từ Bắc chí Nam, từ 1945 đến 1975. Thành phố hoang vắng vì dân chúng tản cư ra vùng thôn quê hay lên miền núi. Khoảng 1950, người ta bỏ về Hà Nội. Một số người hăng hái lên chiến khu theo đuổi lý tưởng cao cả, nhưng rồi thấy mình thất bại.


Chú tôi từ ngoài trở vào, tôi ngạc nhiên hỏi ông tại sao vào, cuộc sống hào hùng ở ngoài không đủ sức quyến rũ sao, chú tôi cười, tôi hỏi hay chú đã mệt mỏi, đã già, chú tôi nói có lẽ, chắc cháu nghĩ chuyện ở ngoài ghê gớm lắm, và hành động đi kháng chiến là vinh dự hào hùng lắm, chú nghiêm giọng: để tới đâu? Chú muốn về trông nom mấy đứa nhỏ. Chú không tin họ nữa, hỏng hết rồi. Mình chẳng biết làm sao nẵ. Đó là câu tôi trả lời cậu.".[...].Họ đã lừa chúng ta, chúng ta thất bại trong kiêu hãnh, chúng ta đã nhầm… 

Chú thấy chú không làm gì được, chú chấp nhận những điều nhỏ bé. Còn cháu, chú nói thật, đó không phải là con đường để cháu đi. Sau này, người ta sẽ phải làm một cuộc giải phóng rộng lớn, cuộc giải phóng cho tất cả mọi người chống lại tất cả những áp lực, đoàn thể… chú gọi đó là cuộc giải phóng làm thánh hoá con người chứ không phải giải phóng làm nô lệ con người. Tư bản, vô sản… tất cả đã trở thành bọn phản bội tồi tệ nhất.[…"].

Nghĩ mãi quá quẩn, tôi mơ hồ thấy rằng những điều trong sách vở mình học hợp lý cho một xã hội khác, không hợp ở đây. Ngay về chuyện giai cấp mà Vịnh nó cứ nói nhai nhải mình cũng thấy không thể có, mình đâu có công nhận, có nông dân nhưng không có tư bản. Ở đây chỉ có cái thành phần cai trị là rõ hơn cả, lớp phú nông cũng chẳng có bao, phú nông của mình đời sống cũng chẳng khác mà có khi còn thấp hơn đa số dân chúng những nước có kỹ nghệ. Ở ngoài họ chỉ có cái chiêu bài chống ngoại xâm mà thôi, cái mục đích đi tới thì mình không thể chấp nhận".(Tuổi Nước Độc I,V)


Trong tác phẩm Con Sâu, tác lên tiếp tục phê phán một thời con người cuồng điên chạy theo ảo tưởng cách mạng. Những con người cuồng điên này tự cho mình là yêu nước, thương dân, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho Tổ quốc. Họ chạy theo cờ máu, mải chém giết quân thù, suốt đời "ngoảnh mặt" với vợ con, với gia đình, với cuộc sống, họ trở thành những con sâu của sự sống, những con sâu cha reo rắc chiến tranh, đục khoét hạnh phúc, đẻ ra những con sâu con mà "cái miệng chỉ là cái cối xay cứt" (trang 133).


Thành phố bất an, đêm ngày đều có bom nổ đạn bay, người chết.
Những toa tầu màu xám và vẻ chiến tranh của nó càng làm tối cho sinh hoạt này. Đêm đêm vẫn có lần đèn thành phố cùng tắt một lúc với tiếng nổ vang dội, hay tiếng súng ám sát đủ cho một người nghe thấy. Những lần ấy dưới chân cầu xe lửa lại dầm dập tiếng giày đinh chạy, cùng cả đêm tiếng xe thiết giáp nghiến trên mặt đường nhựa. Những khối sắt kín bưng ngó mũi súng vào các đống gạch vụn, những căn nhà đổ đầy bóng tối. Hà nội, những cơn hốt hoảng trong những đêm tối khiến tôi càng cảm thấy sự bất trắc của đời sống, sự có mặt của từng người. Mỗi ngày chiến sự một ác liệt thêm..[...]...Không khí chiến tranh vẫn bùng bùng vây phủ một cách thảm khốc, thành phố mỗi lúc một đông dân cư rời khỏi những làng quê không còn an ninh trong cuộc sống tranh tối tranh sáng. Họ rời khỏi cuộc sống nông dân lên thành phố làm kẻ buôn thúng bán mẹt chui rúc trong những căn nhà đổ nát, trên hè phố những kẻ tàn tật, những nạn nhân chiến tranh ngồi nơi những góc đường như những gia đình kêu khóc xin bố thí, lâu lâu thành phố lại tắt đèn, tiếng nổ khủng bố chợt đánh thức, và khi đó những khuôn mặt thất thần nhìn nhau ngơ ngác, đe dọa nằm trong cả những hang cùng ngõ hẻm, những bàng hoàng lay động làm thành một sinh hoạt giả tạo rời rã.. :(Tuổi Nước Độc II)


Thỉnh thoảng có người lạc đạn do ai đó bắn tỉa. Ban ngày, trong rạp ciné có người ném lựu đạn làm chết đàn bà trẻ con. Người ném lựu đạn là Vịnh, một tay cộng sản nằm vùng. Nhân vật chính nói với Vịnh: "Cậu đã biết những gì xảy ra sau đó không, hai người chết ngay, tám người bị thương không rõ số mạng, cậu có thể làm việc như vậy sao? Và để làm gì?"


"Cậu tưởng trong thành phố này là chỗ an toàn sao, mỗi ngày vô số người chết tan xác, ai làm những chuyện ấy, ai cho phép những người ở đây được sung sướng hưởng thụ cùng với quân thù. Thằng Cao ủy mới sắp sang nhậm chức phải cho chúng nó kinh hoàng, còn nhiều nữa, cậu nên biết thế, cậu nhân đạo thì cậu đi báo cho lính nó đến bắt tôi".


"Cậu thách thức tôi phải không, trước kia tôi đã từng nói với cậu, mỗi kẻ có những lựa chọn tự do, nhưng tôi chống lại những hành vi vô nhân đạo. Không có gì bó buộc mọi người phải lựa chọn làm kẻ thù của nhau. Đó là mục đích các cậu theo đuổi sao?"


"Không, cậu nhầm, đó là phương tiện".
"Chính cả cậu nữa. Cậu cũng là phương tiện".
"Tôi không nói với cậu nữa".
"Cậu sợ phải không, sao cậu không dám nhìn thẳng vào cậu".


"Tranh đấu không từ phương tiện, tôi chấp nhận nó, tôi có là phương tiện đi nữa tôi cũng làm phương tiện cho mục đích tốt. Sống như cậu đã có ích lợi gì cho ai?"
"Thà vậy, tôi không có ích cho ai, nhưng tôi không thể giết người như cậu".(Tuổi Nước Độc. Kết)


Đoạn tiếp theo là chiến tranh tại miền Nam. Tại đây, cộng sản cũng áp dụng một mô thức chung là lấy núi rừng uy hiếp nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị. Vì vậy, dân quê đã lần lượt bỏ làng lên tỉnh sống đời gieo neo.
Cũng như ngoài Bắc, cộng sản áp dụng chiến tranh phá hoại và khủng bố. Họ bắn tỉa, giật mìn, phá cầu, phá đường rầy và pháo kích. (Tiếng Sáo Người Em Út) .




Ông kết án Cộng sản gây ra chiến tranh, mà cộng sản là do bọn trí thức, không phải vô sản, tạo ra. Trong Nhật Ký (Văn Nghệ 8, 10-1961), Dương Nghiễm Mậu kể lại một kinh nghiệm mà trước đây dân miền Nam phần lớn đã trải qua:

Tôi trở về buổi trưa 4 giờ 30 Định Quán. Chúng bắn chết ba người. Chiếc xe T.V lật xuống vệ đường. Mối đe dọa vào đời sống. Thế sao tôi không biết đến. Tôi trông thấy những chiến sĩ nơi đó: một vị cố đạo, một người thanh niên bằng tôi, một người con gái bằng người yêu tôi. Chúng nó ở trong rừng xả súng vào xe. Tôi đã thấy những giọt máu hồng. Những lo âu, phẫn uất. Tụi cộng sản đang đe dọa chúng ta (51).

Từ đào đường, phá cầu, bắn tỉa, ám sát, cộng sản tiến lên một bước là pháo kích vào dân chúng và căn cứ quân sự mi ền Nam:



.Hàng đêm mọi người bị đánh thức trở dậy với những loạt đạn pháo kích. Sự đe doạ bỗng trở thành quen thuộc. Mỗi buổi sáng thức dậy người ta kéo nhau đi coi những dấu vết tàn phá, xem có ai chết hay bị thương không, người ta cũng theo dõi những thiệt hại của trại lính Mỹ một cách bình thản.

Tiếng đạn pháo kích đến, tiếng súng bắn đi, tiếng máy bay lên xuống, tiếng xe cộ chạy suốt ngày đêm đã khiến cho khu xóm có một bầu khí đầy tiếng động, thứ tiếng động của chiến tranh, thứ tiếng động mệt nhoài, tiếng động như lùa khỏi đầu khối chất lỏng đen để chỉ còn lại một khoảng trống ngu ngơ thờ thẫn biểu lộ trên nét mặt thiếu máu và ngái ngủ (Tiếng động buổi trưa.Tiếng Sáo Người Em Út)
Tác giả đề cập đến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam. Người Mỹ tỏ ra rất nhân đạo và tài giỏi:


Hồi trước tôi có một người bà cô lên chữa bệnh ở trong trại lính này. Họ giỏi thật, bệnh tật bao nhiêu không khỏi, đến lúc về thì mập mạp ra. Mỗi tháng còn phải trở lại để họ khám rồi phát thuốc cho uống[..].Nhiều người mắc bệnh kinh niên được nhờ lắm. [..]. Trước kia hằng đêm vùng này bị pháo kích, mỗi lần như thế dân chúng đem những người bị thương lên cửa trại lính, những lính Mỹ ở đấy họ rất sốt sắng, họ băng bó cho những người bị thương nhẹ, cho nằm lại bệnh viện những người bị nặng, có người được đưa thẳng sang Mỹ. (Tiếng động buổi trưa. Tiếng Sáo Người Em Út)


Người Mỹ săn sóc cả những người già nua không cần đòi hỏi giấy tờ, tiền bạc như Việt Cộng:

Bọn Mỹ lạ thật.
- Trời ơi, các ông chưa biết đó. Họ bắt cóc cả người bệnh nữa.
- Thế là làm sao.
- Hồi đó có một ông già ở đây. Ông ta bị bang hay sao đó, bụng lớn như cái thúng, ông ta thường ngồi ở ngã ba xin tiền. Một hôm bỗng nhiên thấy ông ta biến mất, con cháu đi tìm không thấy, có người nói thấy một chiếc xe Mỹ bắt ông ta lên. Có người nói Mỹ nghi ông ta làm mật thám cho giặc, ngồi ở đường để đếm xe qua lại nên bị bắt, có người nói Mỹ nó bắt ông đi triển lãm, có người còn nói hay ông ta bị làm thịt, có người nói Mỹ gì đó ăn thịt người... Ba tháng sau người ta thấy ông già xuất hiện ở ngay ngã ba, lúc bấy giờ người ta mới biết là quả thực Mỹ nó bắt ông ta vào trong nhà thương, sau nó đưa ông ta đi Mỹ vì nhà thương họ không đủ phương tiện chữa cho ông già, ông già trở về khỏe mạnh, cái bụng lớn không còn, nhưng từ đó ông già không thể ngồi mà xin tiền khách bộ hành nữa, ông khỏe rồi, không ai còn cho tiền, ông ta phải làm việc mệt nhọc...(Tiếng động buổi trưa.Tiếng Sáo Người Em Út)

Người Mỹ tử tế với cả loài vật.

Một đêm trong khi bị pháo kích, đạn làm bốc cháy một căn nhà, lính Mỹ đã ùa ra chữa cháy hôm ấy không có ai bị thương. Chỉ có con chó bị mất một bên chân lăn lộn và kêu, một lính Mỹ đã đưa nó vào bệnh viện băng bó, cho thuốc. Một người nẳm trong bệnh viện kể lại, Mỹ nó chữa cho con chó như chữa cho người, con chó lành và nó quanh quẩn ở trong đó, không ra khỏi. Nó là chó hoang nên cũng không ai quan tâm, về sau tôi có lần vào trong đó xin thuốc thấy con chó nằm ngay ở cửa ra vào, thấy người nó vẫy đuôi ra vẻ mừng rỡ, quen thuộc. Ai cũng nói con chó có phúc, chắc có mấy kiếp tu, được chữa lành lại được nuôi sung sướng. (Tiếng động buổi trưa.Tiếng Sáo Người Em Út)


Tác giả tỏ ra không thích chính quyền Ngô Đình Diệm và các cuộc xuống đường: Mày tranh đấu cho ai, cho cách mạng, cho Phật giáo, cho dân tộc, thật là đẹp đẽ huy hoàng, nhưng ai chịu mang cái bào thai cho mày, ai chịu đánh đập, tù tội cho mày, rồi ai sẽ cưới mày làm vợ, ai nuôi con mày. [.]. Mỗi người còn sống đều có những cái tang trong chiến tranh chua xót. Mỗi người đều có thể chết bất cứ lúc nào. Chết cho cái gì? Đánh cộng sản giữ nước. Nhưng nước ấy cho ai, cho anh em ông Diệm an hưởng ư, cho một xã hội thối nát, xôi thịt, cho bọn buôn bạc giả dư tiền, dư địa vị sống sung sướng trên xương máu những chiến sĩ ngoài mặt trận ư?(Phấn đấu, 51-52)


Cuộc chiến lên đỉnh cao khi Cộng sản tấn công Huế trong tết Mậu thân 1968. Địa Ngục Có Thật của Dương Nghiễm Mậu là một danh tác khi ông làm phóng viên chiến trường. Trong bút ký Đi Trên Những Xác Chết đăng trên bán nguyệt san Văn số 104 phát hành ngày 15.4.1968, sau này in lại trong tập Địa Ngục Có Thật , ông viết: “Ở trong nhà mọi người vẫn sinh hoạt bỗng nghe tiếng nổ, rồi một người đàn bà kêu lên ở ngoài sân, chạy ra thấy bà ta ngã xuống chết. Hết sức kinh hoàng, cũng như phía sau nhà đó, bảy người cùng chết, những ngày đó chẳng ai chết mà có được quan tài. Người ta lo đào một cái huyệt vùi xuống cho xong. 

Tội nghiệp, một bà vợ ở xóm trên này, ông chồng bị bắt đi bị bắn chết, bắn chết trước mặt, rồi trận đánh tới, bà vợ chỉ còn đủ thì giờ kéo xác ông chồng về bỏ trong buồng, đóng cửa lại rồi dắt con chạy loạn. […]. Những ngày đầu tiên, ngay sau khi tiếng súng ngừng nổ, người ta đã đổ xô tới đó nhìn mặt những người chết đã nát, nhiều xác chết để bừa bãi, mặt che bằng những tàu lá chuối, bằng những tờ báo, những con chó quanh quẩn, những người bao khẩu nhìn ngó… . "


Thảm cảnh đã xảy ra ở khu vực cầu Gia Hội, Phú Cam, lên Thừa Phủ, đến sân nhà thờ Chánh toà và cả sân trường Đồng Khánh… nơi nào cũng xác chết, cũng tan hoang. Huế khắp nơi đầy máu và xương trắng và khăn tang... Một cô gái Huế mấy năm liền thi rớt y khoa ở Sài Gòn, sau trở về Huế học Văn khoa, bỗng dưng cô ta xuất hiện trên chiếc mobylette như một con quỷ hiện lên từ địa ngục mọi người thấy cô ta mặc quần jean đeo súng và chạy cùng khắp trong thành phố, nhiều người bị cô ta chỉ vào mặt và tất nhiên sau đó nhiều hậu quả đã xảy ra…”.


Sau trận mậu thân, được lệnh Trung Cộng và sự tiếp sức của Trung Cộng, Cà Mau rồi ngược ra Tây Nguyên, những Pleiku, Kontum, Nha Trang, Phan Rang… Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đâu đâu, cộng sản quyết tử. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Quân Cộng sản bao gồm quân Trung Cộng đã công hãm các đồn xa bằng trọng pháo và hỏa tiễn.


Cái chết của Trung: đóng trong một đồn biên giới nhận tiếp tế từ máy bay, ba tháng liền không ai rời khỏi tay súng, những lá thư của Trung còn đó, nhưng Trung không còn nữa. Đồn đã bị vây khốn. Trung chết trong đồn, quân tiếp viện lên tới nơi chỉ còn để đưa Trung về trong quan tài im lặng. Những tiếng khóc. (Phấn đấu, trang 51-52)


Tác giả cũng nói đến kết cuộc của Miền Nam bị cộng sản xâm lược. Sau khi Mỹ rút lui, dân chúng bỏ chạy, các thành phố miền Trung và miền Nam hoang vắng.


Tất cả các cửa hãng đều đóng, ngôi chợ bị đốt cháy chỉ còn lại một xác nhà nhem nhuốc đen đúa. Một con chó hoang chạy dọc theo con đường mòn từ trên lộ xuống bờ sông. Tôi đi vào thành. Nhà người quen đã đóng cửa và khóa trái.[...]. Vô vị, hôm nay em hái ít hoa mang ra chợ, không có người mua mà lại nhiều người bán quá... Chợ chỉ thấy bán hoa sen với mận, người ta đi hết rồi còn ai cúng kiếng gì nữa. [...].Hồi bấy giờ chỗ nào cũng có người chết, người ta lấp xuống cho xong.[..]. Dân chúng đã đi gần hết, còn lại ai thì đã lên mặt trận phía bắc...[..]. Những người chết cũng nằm lại đó.[.. ]..Người bạn thân từ mặt trận trở về, vết thương nơi khuôn mặt còn băng trắng. 


- Pháo quá, tao tưởng đã chết, tao tin có hàng mấy ngàn người bị giết. Những trẻ em, những bà già... Mày hiểu không. Tao cũng không nghĩ được rằng tao thoát ra được để trở về đây. (Nơi máu chảy, ở ngoài Tiếng Sáo Người Em Út )
Nhìn chung, Dương Nghiễm Mậu oán ghét chiến tranh nhưng ông tỏ ra ghét cộng sản vì ông rõ cộng sản không thực tâm vì dân vì nước mà chỉ vâng lệnh Nga, Tàu: Súng không chỉ nổ ở Nam bộ, bây giờ súng nổ trên khắp đất nước, cuộc chiến không còn đơn giản như ngày nào, cái ý nghĩa kháng chiến giải phóng chống xâm lăng cũng đã thay đổi, những thay đổi khiến cho lựa chọn tham dự cùng mâu thuẫn nhau.(Tuổi Nước Độc I ). Những lời của ông chú từ chiến khu về đã trình bày ở trên chính là nhận thức của tác giả về cuộc chiến Việt Nam.



Trong tiểu thuyết '' Con Sâu'', Dương Nghiễm Mậu đã chú trọng trình bày những suy nghĩ nội tâm và sử dụng phương pháp độc thoại. Về tư tưởng, ''Con Sâu'' mang những hình ảnh và cuộc sống xấu xa, buông thả. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Mai Thảo.Thanh Nam là những người sống không lý tưởng, nhưng họ là những trí thức. Trong khi đó, các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu là những bình sĩ cộng hòa, không lý tưởng và vô kỷ luật: uống rượu say sưa, chửi thề, chơi gái và có những đoạn khiêu dâm ( 78-79 ). Phải chăng Dương Nghiễm Mậu đã chịu ảnh hưởng những bi quan, tiêu cực của Hiện Sinh khi ông để cho các nhân vật của ông phát biểu:


-Chúng ta không được chọn đời sống của minh (35).
- Vậy lý tưởng là gì, vậy sự nghiệp danh vọng là gì, phải chăng là một thứ ma túy của đời sống mỗi người con trai mới lón lên? (55)
- hay hơn hết là không nên muốn gì cả, đời sống mang đến gì, mình nhận chịu như thế. Mình chịu thua một cách khôn ngoan (114).
Kết cuộc là hai nhân vật tự tử (ông Vũ, 102; và Quảng, 216).


Trong Đêm tóc rối , tác giả viết:

- "Tôi hoài nghi những thần tượng, sự trong sạch, tinh khiết, những điều chúng ta gọi là lý tưởng. Tôi ngờ ngay những nhận thức của tôi. Tôi biết rõ một điều về tôi, sự hoang mang, mâu thuẫn."( 41)
Đôi cánh đã gãy, thiên thần và dòi bọ giống nhau" ( 49),



Dẫu sao, truyện của Dương Nghiễm Mậu đã phản chiếu tâm trạng chán chường của dân chúng nhất là thanh niên trong thời chiến tranh. Tư tưởng Hiện sinh chẳng có gì quan trọng và lạ lùng với Việt Nam.. Lão Trang, Cung Oán và Ca Trù của Việt Nam chính là tư tưởng Hiện Sinh. Chỉ áp dụng ở một vài truyện thì được nhưng tất cả đều một màu đen Hiện sinh thì " buồng nôn", "buồn ngủ" lắm. Mai Thảo, Thanh Nam, Nguyễn Đình Thiều, Nguyên Vũ ... nhai di nhai lại, ca lui ca tới Hiện sinh chỉ làm cho độc giả chán chường. Hơn nữa, vũ trụ muôn màu, tại sao ông lại thích màu đen? Các tác giả Việt Nam bi thảm hóa cuộc đời. Các ông chưa ra xông xáo với đời mà đã kêu rên thảm thiết. Sự thật là Đẹp (Truth is Beauty ). Sao phải tạo ra những cái kỳ dị, khả ố, kinh tởm mới là Hiện sinh? Tại sao lại bảo bố mẹ là kẻ thù? "Tôi là giọt máu của một kẻ thù trong gia đình này. Kẻ thù đó là bố tôi.[..]tôi là điều để các anh tôi nhớ rằng chính mẹ tôi đã bị nhục nhã, bố họ đã bị giết, kẻ giết đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là bố tôi" (Gia tài người mẹ, trang 34)


Tác giả cũng đã phải dùng đến nhân vật bệnh tâm thần để minh chứng đời là buồn nôn, là phi lý nào có hay ho gì? "Tôi đã cầm chắc một con dao nơi tay, tôi đứng lấp trong một góc tối nơi hò hẹn của ma quỷ cùng tội ác, tôi chờ giết một người... tôi chờ mãi cho tới khi có một cái bóng vừa xuất hiện ngơ ngác, tôi túm lấy, nó không cử động, kháng cự, kêu la, vùng vẫy gì hết. Tôi đâm một nhát thấu tim, khi nhìn vào mặt nó tôi mới nhận ra là tôi giết tôi..." (sđd, trang 76).


Về vấn đề nghèo đói, khốn khổ, chó, chuột rệp, bán máu, hiếp dâm,mại dâm, tình dục.. thì xã hội nào cũng có, cần gì phải bi thảm hóa. Con Sâu, Gia Tài của Mẹ là những ẩn dụ tương hơp với thực tại nhưng bi thảm quá, xấu xa quá! Muốn ẩn dụ thì thiếu gì cách hoa mỹ mà phải dùng những hình tượng đen đủi và ghê rợn như thế? Còn về lý tưởng thì trong trăm người cũng có một hai người có lý tưởng. Nguyễn Thai Học, Phan Bội Châu, Nhất Linh, Phan Khôi, Trần Dần... là những người có lý tưởng quốc gia, dân tộc chứ không phải ai cũng không có lý tưởng cao đẹp. Tiểu thuyết của ông vừa bi quan vừa sai sự thực.

t(Trich VIÊT NAM VĂN HỌC SỬ TOÀN THƯ của Nguyễn Thiên Thụ-sẽ xuất bản) 


No comments: