Wednesday, November 2, 2016

PHAN THỊ BÍCH HẰNG+THÁI BÁ TÂN+ PHẠM CAO DƯƠNG+NGUYỄN KIẾN GIANG

Tuesday, January 21, 2014

ÔNG BÚT* PHAN THỊ BÍCH HẰNG

Nhà ngoại cảm XHCN

"Nhà ngoại cảm" Phan Thị Bích Hằng
Hồi nhỏ, mỗi khi nhà “vắng chủ,” tôi hay tò mò mở đài Việt Cộng, vì thời chiến, nên lúc nào cũng nghe tin chiến sự. Trăm lần nghe, điều chi phe ta thắng, phe địch thua, và trăm lần đủ với câu kết: “Phe ta rút lui, hoàn toàn vô sự.”
Đùng một phát tới ngày “giải phóng,” cái ngày này nó làm khốn nạn, không chỉ cho riêng miền Nam, bên bại cuộc, mà cả bên thắng cuộc, cũng lao đao không kém.
 Vì trước đó bác, đảng tuyên truyền: “Mỹ Ngụy bóc lột nhân dân miền Nam nghèo xơ xác” nhưng thực tế Sài Gòn và những thành phố khác, 
 “Nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng
 lầu đài nguy nga, tráng lệ, khiến bộ đội, cán bộ rớt nón cối. Bác đảng nói “Mỹ nguỵ kềm kẹp” nhưng sách vở, báo chí tràn ngập tự do. Thậm chí cán bộ Nam, Nữ ở trên rừng xuống, không hiểu sao “đít con gái miền Nam có gân!?”
Nhìn tận mắt miền Nam, sau 30/4 1975, so với những gì bác, đảng tuyên truyền, chắc hẳn nhiều người bên thắng cuộc, phải buộc miệng chửi thề; Bác, đảng láo!
Láo nên phải lếu:
Trước kia báo đài Cộng Sản nói: “Phe ta rút lui, hoàn toàn vô sự,” thế nhưng sau 30/4/75 khắp nước “nghĩa trang liệt sĩ” mọc dày như sao đêm ba mươi. Ở dưới các nấm mồ chôn cái gì?
Đảng Cộng Sản, thường rêu rao: “Đấu tranh công bằng,” đầu sỏ đảng, chết xây lăng, tướng tá, công thần đảng vào nghĩa trang Mai Dịch, mồ to mả bự, Võ Nguyên Giáp, chơi nguyên cái vũng Chùa, lẽ nào bọn tép riêu bỏ xiêu lạc nơi xó rừng, góc núi. Nên đảng bày trò “nhà ngoại cảm” tìm xác bộ đội.
Thời chiến, mỗi lần bộ đội đánh vào đồn, hoặc căn cứ quân đội VNCH, sau khi rút lui, vì điều kiện không cho phép, họ mang theo xác đồng đội, hơn nữa dù mang theo cũng không có đất để chôn, hai chục năm chiến tranh, miền Bắc chưa chiếm được một làng xã nào, Lộc Ninh chỉ là hư danh, như bóng ma “mặt trận giải phóng miền Nam.” Cục R chỉ huy đánh phá miền Nam, đóng tuốt bên Miên.


Sau khi Cộng quân rút khỏi trận địa, phía VNCH lo trùng tu, sửa chữa đồn bót, không có thì giờ chôn cất những xác bộ đội, vài ba ngày sau Công Binh mới cho xe ủi tới, ủi nhiều cái hố sâu rộng, vùi lấp xuống đó. Trong tình cảnh như vậy, làm sao mỗi phần mộ trong “nghĩa trang liệt sĩ” có tên tuổi đàng hoàng?
Đơn vị quân đội VNCH, thuyên chuyển luôn, đến tháng Tư 1975 không còn một đơn vị nào ở tại hậu cứ, ai chỉ được những hố chôn xác bộ đội? Vì thế hơn 70% bộ đội kể như mất xác, hoặc cốt xương lẫn lộn, số tìm được có đủ họ và tên, chừng 10%. Để giải quyết vấn đề, đảng nặn ra nhà ngoại cảm XHCN, mới đầu chỉ cho những nhà ngoại cảm, những phần mộ có thật, trục lên, báo chí được lệnh tuyên giáo đảng lăng xê, thổi tên tuổi mấy nhà ngoại cảm lên tận trời, ở miền Trung thời kỳ đầu có Năm Chiến, “tìm mộ liệt sĩ giỏi như thần” ngoài bắc có Phan Thị Bích Hằng, linh hơn tiên… người dân vốn sẵn lòng mê tín, ùn ùn kéo tới, giới ngoại cảm tha hồ hốt bạc làm giàu, đảng bình an, mấy ông to bà lớn cứ im cái miệng, mặc cho giặc Tàu tung hoành, ngửa tay chia tiền tham nhũng, mai mốt chết, đảng xây đền, xây lăng “hoành tráng.” Nhà ngoại cảm XHCN, chỉ mất công tìm xương heo, cốt chó đưa vào “nghĩa trang liệt sĩ.” Không thiếu trường hợp nhiều người mang về thờ, hết sức trang nghiêm, đến chừng xét nghiệm hóa ra xương chó!
Tai nạn nghề nghiệp cho nhà ngoại cảm, vừa qua bà Phạn Thị Bích Hằng, dám tợn gan đem răng heo, mảnh sành, nói là cốt Phùng Chí Kiên, tay này được Hồ Chí Minh/Hồ Tập Chương, phong tướng đầu tiên, tai nạn đổ lên đầu đảng CS, nhiều hơn những nhà ngoại cảm.
Liên quan tới vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, vất xác nạn nhân xuống sông Hồng.
Ai đọc tin này cũng lấy làm đau xót, cho nạn nhân xấu số, phẫn uất bác sĩ vừa ngu dốt, vừa tàn ác. Nhưng cũng đừng quên, ông ta chính là sản phẩm “đạo đức cách mạng, đạo đức Hồ” mà ra. Bác và đảng từng quăng hàng triệu sinh mạng Nam, Nữ Thanh Niên miền Bắc vào Nam thì sao? Trong miền Nam, mỗi khi đồn quân đội VNCH bị thất thủ, người dân gần đó côn gánh chạy theo lính, chạy miết, chạy cho tới cùng trời cuối đất, thì vượt biên, vượt biển. Mười bốn, hay mười sáu triệu dân thuở ấy, không ai ngu, mơ “giải phóng.” Chưa nói “giải phóng” để rồi đảng hai tay dâng lên Trung Cộng, cả nước lại càng không muốn. Vậy hãy nhân lên hàng triệu lần niềm phẩn uất, đối với Hồ Chí Minh/ Hồ Tập Chương và đảng CSVN, bọn tội đồ của dân tộc.
Mấy ngày qua, nhà ngoại cảm XHCN cũng mon men tới bờ sông Hồng, hòng tìm xác chị Lê Thị Thanh Huyền, nhưng coi bộ khó ăn, nên về không. Cả nước hãy đào hết “nghĩa trang liệt sĩ” dưới mộ phần toàn xương động vật, hãy đào lên mới có đủ tang vật kết tội bọn Cộng Sản đại bất lương (một trong muôn ngàn tội). Trước khi kết án BS Nguyễn Mạnh Tường, phải luận tội và truy tố tội ác đảng Cộng Sản.
© Ông Bút
ĐÀN CHIM VIỆT

THÁI BÁ TÂN * THƠ XHCN


Những Vần Thơ Đặc Thù của Thời XHCN

Những Vần Thơ Đặc Thù của Thời XHCN
Tác giả: Thái Bá Tân
21/12/2013

SỰ THẬT Có một giáo sĩ nọ
Nhìn tấm biển cửa hàng:
“Ở đây bán sự thật”,
Hơi ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Giáo sĩ bước vào quán.
Ông chủ cúi đầu chào:
“Ngài muốn mua sự thật?
Có nhiều loại, loại nào?
Loại sự thật một nửa,
Hay sự thật toàn phần?
Sự thật làm nhức nhối
Hay chỉ khiến băn khoăn?”
“Tôi là người dũng cảm,
Và cái tôi quan tâm
Là sự thật trần trụi,
Sự thật trăm phần trăm!”
“Thế thì giá đắt đấy. -
Chủ quán đáp, nhìn ông. -
Hơn nữa, còn nguy hiểm.
Ngài có dám mua không?
Khi biết sự thật ấy,
Ngài sẽ thấy bất yên,
Nghi ngờ suy nghĩ cũ,
Rồi rơi vào buồn phiền…”
Giáo sĩ nghe, tư lự,
Thấy nặng trĩu trong lòng.
Ông bước ra khỏi quán,
Như lúc vào, tay không.
Ông chưa đủ dũng cảm
Biết loại sự thật này.
Biết nó là phủ nhận
Mọi niềm tin xưa nay.
Dẫu sao ông đã sống
Hơn già nửa cuộc đời.
Kịp để điều vớ vẩn
Thấm rất sâu vào người.
*
Câu chuyện này tôi đọc
Trong “Cơn bão cốc trà”.
Đọc, và ngồi suy ngẫm
Về mỗi một chúng ta.
Không phải ta không biết
Rằng niềm tin của mình
Từ đầu đã sai trái,
Cả lý và cả tình.
Ta hèn nhát, né tránh
Đối mặt với điều này.
Tự phủ nhận mình khó,
Quả rất khó xưa nay.
Thế là ta dung dưỡng,
Cố tình hoặc vô tình,
Những cái sai, dối trá
Để mình tự lừa mình.
Để được sống yên ổn
Phần còn lại cuộc đời.
Dẫu đôi khi dằn vặt
Thầm xấu hổ với người.

KINH TẾ QUỐC DOANH
Tôi nghe nhà nước nói
Rằng kinh tế quốc doanh
Giữ vai trò chủ đạo,
Quyết định bại hay thành. Vậy thì sao có chuyện
Cái thằng quốc doanh này
Nợ nghìn nghìn, tỉ tỉ,
Luôn thua lỗ xưa nay.
Thằng ấy ăn như hổ,
Mà làm thì như mèo.
Tham nhũng thì kỷ lục,
Làm đất nước thêm nghèo.
Nhà nước như bố mẹ,
Sao cho thằng con mình,
Loại phá gia chi tử,
Phung phí tiền gia đình?
Vậy thì xin nhà nước
Xem xét lại thằng này.
Chứ dân nhìn hắn phá,
Tiếc và buồn lắm thay.
Là bố mẹ nghiêm khắc,
Xin cứ đánh nếu cần.
Con ngu dốt, lếu láo,
Dứt khoát không cho ăn!


ĐÁNG LO
Có cái gì không ổn
Trong việc giờ, ở đâu
Cũng san sát quán nhậu,
Cao lâu rồi thấp lâu. Rồi quán bia, quán lẩu,
Rồi ka-ra-ô-kê,
Rồi trăm thứ ăn uống
Chiếm hết cả vỉa hè.
Đâu cũng thế, nhiều lắm,
Nhiều đến mức giật mình.
Mà sao ăn ngoài phổ,
Không phải ở gia đình?
Nếu đó là “văn hóa”,
Thì kiểu “văn hóa” này
Rất đáng để lo sợ,
Vì lý do sau đây:
Một, lai rai ăn nhậu
Tốn thời gian, tốn tiền.
Một cảnh không đẹp lắm,
Nhất là với thanh niên.
Hai, uống say, về muộn
Thành lục đục gia đình.
Con cái tuy không nói,
Nhưng trong lòng chúng khinh.
Ba, tửu nhập ngôn xuất,
Chuyện dại rồi chuyện khôn.
Không khéo rồi sinh sự,
Phải kéo nhau vào đồn.
Bốn, và quan trọng nhất -
Trẻ, rất cần thời gian
Để đọc sách, làm việc,
Không hưởng lạc, an nhàn.
Tóm lại là tôi thấy
Cái nước mình thật buồn.
Cái gì cũng yếu kém,
Ăn chơi thì sợ luôn.
Uống bia nhất châu Á,
Cứ nhậu nhẹt suốt ngày.
Nếu đólà “văn hóa”,
Thì thật đáng lo thay.


SỰ THỜ Ơ!…
Ở đời luôn vẫn vậy.
Cái tốt đẹp có nhiều.
Cái xấu xa không ít.
Nhưng phải nói một điều,
Rằng còn có cái khác,
Có hàng ngày, hàng giờ,
Ác hơn cả cái ác,
Đó là sự thờ ơ.

- Thái Bá Tân

Monday, January 20, 2014

GS. PHẠM CAO DƯƠNG * LỊCH SỬ

Từ bài viết của Giáo Sư Hà Văn Tấn năm 1988 đến những tiết lộ cuối năm 2005 của Giáo Sư Phan Huy Lê:
Sự thực Lịch sử
 và Các nhà Sử học Mác-xít Việt Nam
Gs Phạm Cao Dương 
Trong một bài tham luận nhan đề “Lịch Sử, Sự Thật và Sử Học” đăng trên tờ Đoàn Kết số 403, ấn hành vào tháng 6 năm 1988 tại Paris, có lẽ in lại từ tờ Tổ Quốc số tháng Giêng năm 1988, Hà Văn Tấn, một sử gia có uy tín đương thời của Hà Nội, đã nêu lên một số những nhận định quan trọng liên hệ đến tình trạng nghiên cưú lịch sử nước nhà ở miền Bắc hồi trước năm 1975 và ở toàn thể quê hương ta từ sau năm này.
Đối với những người làm công việc nghiên cứu lịch sử, bài viết của Giáo Sư Tấn có thể được coi là đơn giản và ngắn cho một vấn đề vô cùng rộng lớn và là chủ yếu trong sinh hoạt tư tưởng nói riêng và văn hóa nói chung ở Việt Nam hiện tại; nhưng đối với những người theo dõi các biến chuyển xảy ra ở trong nước trong hơn hai thập niên vừa qua nó đã phản ảnh một sự thay đổi trong cách nhìn những công trình sử học đã được thực hiện, từ đó cuộc sống, điều kiện làm việc và ước vọng của các nhà sử học Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản là như thế nào.
Vào thời điểm bài của Hà Văn Tấn được viết, người ta đã kỳ vọng rất nhiều vào một sự thay đổi và sự thay đổi này đã được tờ Tổ Quốc gắn liền với công cuộc mà người Cộng Sản gọi là “đổi mới”(1). Trong phần giới thiệu bài của Hà Văn Tấn, tờ này đã viết ”Trong công cuộc đổi mới ở trong nước , có lẽ các nhà khoa học xã hội là giới im lìm, thụ động nhất. Liệu bài phê bình của Hà Văn Tấn có phải là con én báo hiệu mùa xuân của một ngành đáng ra phải đi đầu trong việc suy nghĩ nghiên cứu, và đặt lại một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước?”
Mở đầu bài tham luận, Hà Văn Tấn dẫn hai câu cuối cùng trong bài thơ cuối cùng của mười bốn bài “Mạn thuật” của Nguyễn Trãi:
Ai ai đều bằng câu hết
Nước chẳng còn có Sử Ngư!
và ông viết:
“Thật là cay đắng khi mà mọi người bị uốn cong như lưỡi câu, và chẳng ai nói lên sự thật nữa, chẳng còn ai như Sử Ngư nữa. Sử Ngư là người chép sử nước Vệ đời Xuân Thu nổi tiếng vì thẳng thắn trung thực.
............
“Ngày nay chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là yêu cầu của nhân dân, của đất nước. Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rằng: “Sử bút” của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử hay chưa?”
Hà Văn Tấn đã không trực tiếp trả lời câu hỏi kể trên nhưng gián tiếp người ta hiểu là “chưa!” và nói trắng như qua lời giới thiệu của tờ Tổ Quốc, ông là “người viết bài đầu tiên phê bình một số bệnh ấu trĩ của nền sử học (Mácxít, chữ chua thêm của người viết bài này) Việt Nam từ ba bốn chục năm nay. Sự “ấu trĩ “ này đã được Hà Văn Tấn vạch ra qua hai phần nghiên cứu chuyên môn là phê phán sử liệu và miêu tả sử liệu một bên, giải thích và đánh giá sử liệu một bên.
Trong sự phê phán sử liệu và miêu tả sử liệu, theo Hà Văn Tấn nhiều công trình nghiên cứu sử học của Hà Nội đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng để tìm hiểu lịch sử hiện đại, lịch sử đảng Cộng Sản cũng như lịch sử của thời xa xưa, từ đó đã mắc phải những sai lầm trầm trọng. Ba trường hợp điển hình đã được ông nêu ra là trường hợp của bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”, trường hợp quyển Binh Thư Yếu Lược và trường hợp của một bức thư của Hồ Chí Minh gửi các học sinh. Bài “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” thường được người ta hiểu là của Lý Thường Kiệt . Nhưng theo Hà Văn Tấn không có một sử liệu nào cho biết điều này cả và do đó không một nhà sử học nào có thể chứng minh điều này được. Cũng theo ông thì quyển Binh Thư Yếu Lược là một quyển sách giả từ đầu đến cuối, đã được các nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm chứng minh là giả nhưng khi viết về cuộc kháng chiến chống Nguyên hay về Trần Hưng Đạo, một số người vẫn sử dụng quyển sách giả này. Thậm chí có lãnh tụ đã trích dẫn sách trong diễn văn của mình. Còn bức thư của Hồ Chí Minh thì sai rất nhiều so với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở Cục Lưu Trữ Trung Ương(2). Nhiều văn liện khác theo Hà Văn Tấn cũng vậy.
Trong việc giải thích và đánh giá sử liệu, tác giả của bài tham luận đã chỉ trích các nhà sử học Mác Xít Hà Nội đã mắc bệnh thiên lệch, do đó đã bỏ qua nhiều sự thực lịch sử. Để chứng minh, ông đã nêu lên sự kiện là do nhu cầu phải tập trung tinh lực cho cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, các nhà viết sử chỉ chú ý đến các trang sử chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc, trong khi hàng loạt những vấn đề về kinh tế, xã hội đã không được chú ý đến một cách đầy đủ. Đồng thời cũng để đề cao truyền thống, các vị này thường chỉ đánh giá một chiều, chỉ nhìn thấy cái tốt và dường như không chấp nhận có truyền thống xấu. Trong địa hạt kỹ thuật, ông cho việc đề cao quá đáng truyền thống kỹ thuật của người Việt như trường hợp của ông Nghè Vũ Hữu hồi cuối thế kỷ XVI , người đã tính đủ số gạch xây tường không thừa, không thiếu một viên là làm một việc lố bịch. Cũng vậy đối với cách định giá truyền thống làng xã cổ truyền hay các nhân vật lịch sử.
Nhìn chung và đứng về phương diện nghiên cứu sử học thuần túy mà xét, những nhận xét của Hà Văn Tấn kể trên là rất nghiêm chỉnh và vô tư, khách quan, đặc biệt khi ông viết về những nhận định của các nhà sử học Hà Nội về các nhân vật lịch sử. Ông viết:
“Cũng thường thiên lệch, khi chúng ta đánh giá các nhân vật lịch sử. Con người là cả một hệ thống những mối liên hệ phức tạp, bị qui định bởi các điều kiện xã hội, tự nhiên và lịch sử. Thiếu một sự xuất phát từ chủ nghĩa lịch sử dường như là căn bệnh chung của chúng ta. Một số người đã chê trách các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến chỗ miêu tả tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mác-Lênin.”
Nhưng chi tiết hơn và kỹ hơn để tìm kiếm những triệu chứng của sự đổi mới, người đọc khó có thể đồng ý với người viết lời giới thiệu trên tờ Tổ Quốc, chưa nói tới chuyện đi xa hơn, dù cho người ta có tính lạc quan cho rằng Hà Văn Tấn đã mượn lời Nguyễn Trãi để nói lên tâm trạng của mình, đặc biệt khi ông viết:
“Cho đến nay đọc câu thơ Nguyễn Trãi, chúng ta vẫn như tê tái với nỗi đau của ông. Làm sao có thể sống nổi trong một xã hội mà mọi sự thật đều bị che đậy hay xuyên tạc. Trong những thời kỳ như vậy, người chép sử, nhà sử học, những người nói lên sự thật, không biết bị dằn vặt đến thế nào?”
Lý do chính yếu khiến cho người ta phải dè dặt là những sự bất ổn – tôi không muốn dùng hai chữ “ấu trĩ” của báo Tổ Quốc mà tôi nghĩ là quá nặng – kể trên chỉ là những bất ổn có tính cách cục bộ nhất thời do một cá nhân hay một số các nhà nghiên cứu sử hay liên hệ đến sử học mắc phải còn bản chất của nền sử học Mác- Xít thì vẫn còn nguyên vẹn. 
Cácnhà sử học ở miền Bắc thời trước năm 1975 và ở toàn quốc Việt Nam kể từ sau năm 1975, những đồng nghiệp của Hà Văn Tấn vẫn “tự coi là người Mác Xít”; đồng thời cũng theo Hà Văn Tấn có nhiều học giả tư sản vẫn nghi ngờ tính cách khách quan của sử học, do đó trách nhiệm của những người này là phải bác bỏ những luận điệu đó bằng cách chứng minh rằng nền sử học của họ có khả năng đạt được sự thật khách quan thay vì tiếp tục góp thêm chứng cứ cho những luận điệu đó. Có điều ai cũng biết là ở chế độ Cộng Sản kết quả của những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn trong các ngành học, đặc biệt là sử học, không được tự do phổ biến mà phải qua nhiều sự kiểm soát vô cùng kỹ càng nếu không nói là khắt khe trước khi được đem ấn hành bởi các cơ sở của nhà nước . Vậy tại sao các sơ hở kể trên lại có thể xảy ra được? Lỗi ấy nếu đổ cho cá nhân các nhà nghiên cứu thì thật là tội nghiệp cho họ. Còn nếu không đổ lỗi cho họ thì đổ lỗi cho ai bây giờ? Không lẽ bảo nó là lỗi của cả chế độ hay đúng hơn của chính chủ nghĩa Mác-Lênin mà quan điểm của chủ nghĩa này đã được các nhà sử học Việt Nam của chế độ vận dụng để tìm hiểu lịch sử nước nhà chỉ là một phần.
Trong bài tham khảo kể trên, trong phần nói về truyền thống đánh giặc giữ nước trong lịch sử dân tộc, Hà Văn Tấn viết rằng “Các nhà viết sử chỉ chú ý đến các trang sử chống ngoại xâm”. Nhưng một sử gia khác, Văn Tạo,Viện Trưởng Viện Sử Học, trong Lời Giới Thiệu tác phẩm Sử Học Việt Nam Trên Đường Phát Triển do Ủy ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam thuộc Viện Sử Học biên soạn(3), cũng như trong bài “Khoa học lịch sử Viêt Nam trong mấy chục năm qua” in trong tác phẩm này(4), lại khẳng định một cách rõ ràng là Đại Hội Lần Thứ IV của Đảng đã chỉ ra rằng:”Nhiệm vụ hàng đầu của các ngành khoa học xã hội (trong đó có sử học –Văn Tạo chú thích thêm) là tiếp tục làm sáng tỏ những đường lối, chính sách của cách mạng Việt nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm cách mạng đã tích lũy được”(5) và “ sử học có thể cần thiết phải đóng góp một phần nhất định của mình vào nhiệm vụ trọng đại này”(6) “nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước hiện nay”(7). Các tác giả khác có bài in trong tác phẩm kể trên cũng luôn luôn nói tới (hay bắt buộc phải nói tới) vai trò lãnh đạo của Đảng và nhiệm vụ của sử học theo chiều hướng tương tự. Nguyễn Hồng Phong lại còn nói rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của sử học trong phần mở đầu của bài viết của ông như sau:
“Bởi vì sự phát triển của khoa học không bao giờ chỉ là do những nhu cầu đại học, có tính hàn lâm viện, hoặc do sự xuất hiện những tài năng bác học nào đó, mà trước hết là do yêu cầu của cuộc sống, của thực tiễn đấu tranh và phát triển xã hội, cho nên sử học, một bộ môn khoa học xã hội có tính cách chiến đấu, tính chính trị cao, đã phát triển mạnh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, nhất là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước là có thể cắt nghĩa được”.
Trong hoàn cảnh kể trên, bảo rằng các nhà viết sử chỉ “chú ý đến các trang sử chống ngoại xâm” thì quả là tội nghiệp cho họ. Nhu cầu đã được nêu lên, mục tiêu đã được vạch rõ, đường lối, quan điểm đã có sẵn coi như ánh sáng soi đường, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng, qua những văn kiện, những nghị quyết của Đảng, bằng những lời căn dặn của các lãnh tụ như Trường Chinh..., với tư cách thay mặt cho Trung Ương Đảng trong hội nghị tổng kết 10 năm công tác sử học (tháng 12 năm 1963), các nhà sử học kể trên còn có thể làm gì khác hơn là ráng sức tuân theo, không còn con đường nào khác. Trong khi đó trong việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, người ta không thể loại ra ngoài ý muốn, sự thích thú, khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của người làm công tác. Không có cảm tình, không cảm thấy thú vị, không thấy việc làm hấp dẫn, người ta khó có thể chuyên tâm, dốc hết thì giờ, lòng dạ vào công tác được. 
Những lỗi lầm do đó dễ dàng bị nhắm mắt bỏ qua, đặc biệt khi những lỗi lầm đó lại phục vụ cho nhu cầu chính trị liên hệ tới nhiệm vụ mà ngành sử học bị Đảng đòi hỏi phải có, dẫn xuất từ Đảng tính và chiến đấu tính của nó. Cũng vậy, sử học đã mất đi tính cách nghệ thuật phần nào nó có. Trường hợp của Văn Tạo khi ông viết và cho xuất bản tác phẩm Sử Học và Hiện Thực là điển hình trong đó ông đã dùng 10 chương để viết về 10 cuộc đổi mới trong lịch sử Việt Nam(8). Sách đượcxuất bản năm 1999, sau hơn mười năm chính sách đổi mới được thi hành và chế độ Cộng Sản tỏ ra vẫn còn vững mạnh. Hai chữ đổi mới đã được ông dùng song hành với hai chữ cải cách và thay thế cho hai chữ cách mạng thông dụng trước đó, đặc biệt trong thời gian người Cộng Sản mới chiếm được miền Nam, thời cách mạng đã trở thành đồng nghĩa với chế độ, với chính quyền, với quyền uy, với quyền sinh, quyền sát.
Liên hệ tới sự thực và sử học, sau Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, một sử gia kiêm giáo sư sử học uy tín khác của miền Bắc Việt Nam thời trước năm 1975 và của cả Việt Nam sau năm này, trong dịp qua Mỹ vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 khi cho xuất bản một tuyển tập trong đó có 5 bài viết của ông ở hải ngoại dưới nhan đề Trong Cõi, Những Ý kiến về Lịch sử, Truyền thống và Hiện trạng Dân tộc của một Sử gia trong nước(9) cũng hé mở cho người thấy ít nhiều chi tiết quan trọng. Tiếc rằng, nói như lời của nhà xuất bản của tác phẩm này, ông chỉ là “con chim lạ đến đây ngứa cổ hót chơi, nhưng lại không được hót trên quê hương mình.”(10) Người ta chờ đợi ông viết thêm nhưng cũng theo nhà xuất bản sách của ông “Sau này, chúng tôi đã đọc được một số bài viết đả kích đích danh cá nhân của ông trên các báo chí nhà nước. Ông được cho nghỉ dạy, cô lập, về hưu non, với số lương hàng tháng mà ông cho là chỉ vừa đủ uống 3 chai bia (ông vẫn đùa với chính mình). Chúng tôi cũng nghe nói, tên tuổi của ông, cũng như Bùi Tín hay Dương Thu Hương, đã trở nên một điều cấm kị trên những cơ sở truyền thông trong nước.”(11)
Mới hơn và được nhiều người biết tới hơn là sự tiết lộ của một sử gia kiêm giáo sư uy tín khác, Phan Huy Lê. Giáo Sư Phan Huy Lê ngoài tư cách là một giáo sư Sử học với nhiều công trình xuất bàn có giá trị còn là chủ tỉch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, khi trả lời một cuộc phỏng vấn của Nhật Báo Người Việt xuất bản ở Orange County thuộc tiểu bang California, Hoa kỳ, ngày 18 tháng Ba năm 2005 và được lập lại trong cuộc phỏng vấn của ký giả Khôi Nguyên, cũng của Nhật báo Người Việt và được đăng trong giai phẩm Xuân Bính Tuất của báo này về “hình tượng anh hùng Lê Văn Tám, một nhân vật hoàn toàn không có thật”(12) cũng như một số nhân vật “lịch sử” khác như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn.... Theo Giáo Sư Lê, nhân vật Lê Văn Tám này do Trần Huy Liệu, một sử gia tiền bối của ông, người đã từng làm viện trưởng Viện Sử Học và chủ biên của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử trong thời chiến tranh, ngụy tạo ra và Trần Huy Liệu có nhờ Giáo Sư Lê sau này nói lại khi có dịp. Giáo Sư Lê có hứa là sẽ công bố sự thật “một cách đầy đủ trong nay mai thôi” và khuyên độc giả hãy kiên nhẫn chờ. 
Nhưng không cần phải có thêm chi tiết, chỉ riêng với mấy chữ “hoàn toàn không có thật” là đủ để người ta đánh giá Trần Huy Liệu và những công trình của sử gia Mác xít này, cũng như của một phần không nhỏ của những công trình của nền sử học Mác xít Việt Nam. Nhiều câu hỏi cần phải được đặt ra và các người nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong tương lai sẽ phải vô cùng vất vả mới tìm ra sự thật. Đó là chưa kể tới nguồn gốc bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền trong chính phủ đầu tiên của Trần Huy Liệu trong chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh thời cuối năm 1945. Một người cầm đầu guồng máy tuyên truyền mà lại cầm đầu ngành sử học ở trong nước thì ngành sử học ấy sẽ là như thế nào. Bên cạnh Trần Huy Liệu, ta cũng cần phải kể thêm Trần Văn Giàu, một giáo sư Sử học tiên khởi khác của nền sử học Mác xít Việt Nam, người đã bị người dân miền Nam, đặc biệt là các tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo tố giác là đã có trách nhiệm trong vụ ám hại Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của họ cũng như nhiều nhân vật lịch sử của miền Nam khác trong đó có Bùi Quang Chiêu. 
Ông Trần Văn Giàu vẫn còn sống và đã giữ im lặng khi bị hỏi về sự kiện này kể cả hỏi trực tiếp ở trong nước cũng như khi ông sang Pháp. Không trả lời khi bị hỏi phần nào cho phép người hỏi tự trả lời rằng điều mình muốn biết là có thật, không còn gì phải thắc mắc nữa. Nhưng đó mới chỉ là một vấn đề liên hệ tới con người như là một con người bình thường. Trong phạm vi nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu ngụy tạo ra sự kiện, ngụy tạo ra nhân vật là một việc làm không thể tha thứ được. Tuy nhiên có một điều người ta thắc mắc là các vị giáo sư tiên khởi của nền sử học Mác xít Việt Nam này đã được huấn luyện ở đâu và như thế nào để sau này lãnh những nhiệm vụ mà họ được trao phó?
Bây giờ nói tới quan điểm Mác xít, quan điểm được những người Cộng Sản Việt Nam (phân biệt với các sử gia và các nhà sử học) ca tụng như một nền sử học tiến bộ của cả nhân loại, là siêu việt. Quan điểm này đã hình thành từ trong hoàn cảnh của thế giới tây phương của hơn một thế kỷ trước, căn cứ vào những hiểu biết về lịch sử nhân loại, được hiểu là nhân loại tây phương của hơn một thế kỷ trước và bởi một nhà tư tưởng có căn bản học vấn và kiến thức nặng về triết học hơn là sử học, ở đây là triết học và sử học của thế giới tây phương thời đó. Từ đó tới nay nhân loại đã không dậm chân tại chỗ và sử học đã trở thành một khoa học vừa độc lập vừa tổng hợp. Những thành quả của sử học trong hơn một thế kỷ qua ở hay về tất cả các lục địa, Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu chắc chắn đã vượt xa khả năng nhận định của một cá nhân rất nhiều, nếu nói một cách khiêm nhường như vậy. Các nhà sử học bị gán cho, bị bắt buộc phải, hay tự nhận là Mác xít Việt Nam trong hoàn cảnh của ít ra là quá khứ trước đây, chắc chắn đã không có dịp thấy được tất cả những tiến bộ đó. 
Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa ra những nhận xét như “đã hết thời rồi các quan điểm coi sử học như là sử ký, tức chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử mà thôi”, hay “sử học tư sản và phong kiến chỉ qui vào nhiệm vụ xác định sử liệu miêu tả biến cố...”, hay các sử gia phong kiến, tư sản “coi lịch sử chủ yếu là lịch sừ cá nhân xuất chúng, còn quần chúng nhân dân thì bị gạt ra ngoài đối tượng của sử học”, xem lịch sử là sự kết hợp ngẫu nhiên những mặt sinh hoạt và hoạt động khác nhau của con người trong xã hội, mà trong đó hoạt động trí thức, hoạt động tư tưởng, văn hóa... có vai trò chi phối, thậm chí quyết định nhất.”, “xem lịch sử chỉ là những hoạt động của những cộng đồng người đã đạt tới một trình độ văn minh nào đó. Còn hàng loạt dân tộc bị coi là dã man đều bị loại ra bên lề đối tượng của sử học”... Thật là đáng tiếc! Phải chi những nhận xét này chỉ áp dụng giới hạn vào Việt Nam thì may ra còn có thể chấp nhận được. Từ những qui luât đã có sẵn, người ta đã buộc các sử gia Việt Nam phải tìm ra những giai đoạn – cũng được vạch sẵn – phát triển của dân tộc, cũng nguyên thủy, cũng chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa v..v...
Trong khi đó thì các sự kiện căn bản liên hệ tới toàn thể mọi khía cạnh của cuộc sống của dân tộc chưa được khôi phục một cách đầy đủ, trọn vẹn và chính xác, cũng như các tài liệu chưa được sưu tầm đầy đủ và cặn kẽ, vô tư vì hoàn cảnh chiến tranh, nghèo nàn, chậm tiến của đất nước. Người ta không thể chỉ dựa trên một khía cạnh đơn thuần của tổ chức xã hội, luôn cả một khía cạnh của sinh hoạt của một xã hội ở một thời điểm nào đó để xác định bản chất nào đó, từ đó qui luật phát triển của xã hội đó. Lý do là vì đời sống con người phức tạp, xã hội con người do đó không đơn giản để người ta có thể qui về một lý luận có tính cách nhất nguyên và quyết định.
 Nhưng những người chủ trương theo quan điểm Mác xít phải hiểu là tại sao ở các nước không Cộng Sản, nơi các sử gia không có Đảng lãnh đạo, không có các lãnh tụ căn dặn, chỉ đường lại không mấy ai theo Mác xít. Lý do là vì trong việc tìm hiểu quá khứ vô cùng phong phú, vô cùng phức tạp của một dân tộc, nói riêng, của cả loài người, nói chung, người ta không muốn tự đóng khuôn mình vào một đường lối duy nhất để rồi phải uốn cong các sự kiện lịch sử, các biến cố lịch sử theo một phong cách lý luận đã có sẵn, giống hệt như khi đi du ngoạn trên một cánh đồng đầy hoa cỏ, chim muông mà phải đi theo một con đường độc đạo vào lúc mặt trời đã khuất, dưới ánh sáng của môt ngọn đèn bấm. Người du ngoạn trong trường hợp này chỉ còn nhận ra sự vật bằng thị giác qua ánh sáng của ngọn đèn bấm mà thôi, còn bao nhiêu những chỗ khác đã bỏ sót, những hiện tượng khác đã không thấy được. Bao nhiêu giác quan khác đã không được sử dụng. Đó là ta chưa nói tới hình thể, màu sắc của sự vật dưới ánh sáng của ngọn đèn bấm đã bị đổi dạng, đổi màu.
Các giai đoạn của quá khứ của dân tộc đó đã bị gán cho những cái tên chưa chắc đã có. Giới nông dân bị biến thành giai cấp trong khi thực sự thì trong những thế kỷ trước và luôn cả trong thế kỷ vừa qua hoạt động kinh tế căn bản của giới này có gì khác hơn là làm ruộng và đa số người Việt Nam ai chẳng xuất thân từ giới làm ruộng. Làm gì có một giai cấp nông dân, làm gì có một giai cấp của những người làm ruộng với tất cả những điều kiện hình thành và tồn tại của nó giống như ở các nước tây phương hay Ấn Độ thời cổ.
Ở đây người ta phải ghi nhận một thái độ khách quan của một số các nhà sử học Hà Nội khi các vị này đã khẳng định là không có nô lệ trong xã hội cổ Việt nam, mặc dầu để vừa lòng
chế độ, các vị này đã phải đã nói đến chế độ nô tì. Cũng vậy khi nói đến vấn đề suy tàn của chế độ bị gọi là phong kiến trong lịch sử nước nhà. 
Nhưng tất cả đã bị ngừng ở đó. Sử học ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước và luôn cả trong hiện tại (hy vọng người viết không hoàn toàn đúng ở thời điểm này) vẫn do Đảng lãnh đạo, vẫn chỉ có một chủ nghĩa là chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường, vẫn coi Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, vẫn có những lãnh tụ như Trường Chinh, Lê Duẩn căn dặn, chỉ đường, vẫn phải mang những “tính” như “tính đảng”, “tính chiến đấu”, với những mục tiêu giai đoạn, kể cả mục tiêu chống bá quyền của Trung Quốc, mục tiêu chống Mỹ cứu nước, chống những thế lực thù nghịch...bây giờ là hỗ trợ đổi mới, vẫn chỉ có những nhà xuất bản do nhà nước quản lý. Nói cách sử học luôn luôn phải lý luận theo quan điểm nhị nguyên, luôn luôn có ta và địch, có yêu nước và phản quốc, có cách mạng và phản cách mạng... Con én Hà Văn Tấn – nếu quả thật là con én – còn rất lâu mới kéo theo được cả đàn én để đem lại mùa xuân như câu hỏi người viết lời giới thiệu bài tham luận của ông nêu lên trên báo Tổ Quốc non hai chục năm trước đây.
Các nhà sử học Mác xít Việt Nam như vậy có nhiều phần còn phải giữ im lặng một cách xót xa hay ít ra là trong dằn vặt – dùng chữ của Hà Văn Tấn – trước những vấn đề trọng đại và căn bản của đất nước, y hệt họ đã giữ im lặng trước vấn đề các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những thập niên 50, 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, vì nói gì được khi chính vị thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Phạm Văn Đồng trong văn thư chính thức đề ngày 14 tháng 9 năm 1958, gửii Đồng Chí Châu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc, “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”, “ tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mắt. 
Bản tuyên bố, tiếc thay, bao gồm cả các quần dảo Dongsa, Sitha, Zhongsa, Nansha và các đảo khác, theo họ Châu thuộc Trung Hoa. Cũng vậy, các vị này cũng phải tránh né một số vấn đề liên hệ tới Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong nửa thế kỷ qua hay xa hơn nữa, vì nói gì được khi Hồ Chí Minh đã được thần thánh hóa coi như biểu tượng của chế độ cũng như của chính phủ do ông thành lập. Dè dặt nhưng những ai đã để tâm theo dõi lịch sử nước nhà vẫn có quyền chờ đợi và hy vọng. Chờ đợi và hy vọng câu trả lời cho câu hỏi đã được Hà Văn Tấn nêu lên: Đã đến lúc những người chép sử, những nhà sử học phải tự hỏi rẳng “Sử bút của mình đã thật nghiêm chưa, đã viết đúng sự thật lịch sử chưa?”
Để kết luận, người ta có thể nói rằng nền sử học Mác xít Việt Nam, phân biệt với nền sử học Việt Nam dù là ở miền Bắc trước năm 1975 và trên toàn quốc sau năm 1975, với những thành tích sửa đổi văn bản, ngụy tạo nhân vật, uốn cong các dữ kiện lịch sử chắc chắn thay vì mở đường cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà, sẽ làm cho các nhà sử học tương lai phải mệt nhọc lắm mới tìm ra được một số không nhỏ những sự thực... Nỗi chua xót, dằn vặt và cay đắng của Hà Văn Tấn phải chăng phần lớn nằm ở chỗ này, chưa kể dù muốn hay không ông cũng vẫn là người Việt Nam và là người Việt Nam yêu nước, một nhà sử học và một người thày cả đời làm bạn với bảng đen, phấn trắng và với những thế hệ tương lai. Tất cả những hoạt động của ông cũng như của hai sử gia đồng nghiệp của ông không cho phép ông lẩn tránh và nhất là chấp nhận những gì phản lại sự thật.
Phạm Cao Dương
Tháng Giêng 2007 
Ghi chú :
1 - Gọi là đổi mới nhưng thực sự thì đó chỉ là một sự trở lại với cuộc sống bình thường của nhân loại hay của một dân tộc sống bình thường, diễn tiến bình thường , không trải qua những đột biến, nhất là đột biến bằng bạo lực..
2 - Hà Văn Tấn không nói rõ thư gửi năm nào. Nếu là bức thư mở đầu bằng câu “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn...” thì đúng là bức thư mà mọi học sinh trung và tiểu học thời đó, thời 1945 –1946, trong đó có người viết bài này, đã phải đọc và học thuộc lòng và nhớ mãi. Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng Hồ Chí Minh là người đầu tiên và chính thức gọi các học sinh ở tuổi con nhỏ nhất hay cháu nội ngoại của mình là em, là các em thay vì các con mở đầu cho một cách xưng hô mới giữa thày và trò trong học đường Việt Nam về sau này. Trước đó nó chỉ được dùng bởi các huấn luyện viên thể dục .
3 - Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1981.
4 - Sử Học Việt Nam Trên Đương Phát Triển, tr. 9 – 35.
5 - nt -, tr.7.
6 - nt -
7 - nt -, tr.10.
8 - Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1999.
9 - Garden Grove, California, USA, 1993.
10 - nt - , tr. 286.
11 - nt - , tr. 287.
12 - Khôi Nguyên, “ Trò truyện cùng Giáo Sư Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, Ai sẽ viết lịch sử của người Việt tị nạn”, trong Người Việt, Giai Phẩm Xuân Bính Tuất 2006, Westminster, California, tr. 45 – 48.

LÊ PHÚ KHẢI * NGUYỄN KIẾN GIANG

03/12/2013

NGUYỄN KIẾN GIANG – Hạt giống đỏ Mác-xít trở thành nhà lý luận Dân chủ tiên phong

clip_image001
Lê Phú Khải
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22-1-1931 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình Nho học. Kiến Giang là tên con sông chảy qua làng ông. Kiến Giang học đến deuxième année tức năm thứ hai trung học đệ nhất cấp. 14 tuổi ông đã hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh. 17 tuổi đã là huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình. Năm 1956 ra Hà Nội giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Tác phẩm Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám của ông được Trường Chinh đánh giá rất cao. Ông kể: Viết xong 400 trang sách tôi gửi cho ông Trường Chinh. Ông gọi lên nói: Rất tốt! Ông Trường Chinh chỉ sửa có một chữ và sách được in năm 1961.
clip_image003
Nguyễn Kiến Giang và tác giả.

Chính vì thế mà năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô để làm “hạt giống đỏ” cho lý luận của Đảng trong tương lai. Tháng 9-1953 Khruschov lên Tổng Bí thư, phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương các nước khác nhau về thể chế chính trị có thể chung sống hòa bình, đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ hóa đời sống xã hội. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông phê phán Liên Xô là xét lại, chủ trương phải tiêu diệt đế quốc sạch sành sanh.
Tháng 12-1963 ta họp Hội nghị Trung ương 9, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng xác định lập trường Trung Quốc, không chấp nhận báo cáo chính trị của Hoàng Minh Chính ủng hộ lập trường của Liên Xô. Những người Cộng sản Việt Nam chia rẽ về tư tưởng.
Kiến Giang kể với tôi: Sau khi trận Ấp Bắc ở miền Nam thắng lớn, Hoàng Tùng sang Liên Xô triệu tập chúng tôi lại, nói: Mỹ thua đến nơi rồi, Liên Xô có quan hệ gì với ta thì chỉ là để “dây máu ăn phần” mà thôi! Chỉ thị từ nhà sang là: cấm tham gia mọi hoạt động mà Liên Xô tổ chức. Tôi và nhiều anh em lại nhận định khác. Liên Xô và Mỹ hòa hoãn thì Mỹ sẽ đổ quân vào Việt Nam và chiến tranh sẽ mở rộng, không có chuyện Mỹ thua ngay như ông Hoàng Tùng nói. Thư tôi viết về cho gia đình còn đó, đúng như tôi nhận định.
Sau này tôi có đọc cuốn sách Điệp viên hoàn hảo nói về nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, thấy ông ấy cũng nhận định tình hình lúc đó như Kiến Giang. Đầu năm 2007 tôi có đem cuốn sách này đến tặng ông Sáu Kiệt (sách còn mới, chưa gạch chân vào đó như cuốn Trang trại ở Pháp đã nói ở trên). Tôi nói với ông Sáu Kiệt: Cả hai nhận định giống nhau, nhưng P.X.A. thì được ca ngợi là sáng suốt; còn ở ngoài Bắc, sau đó Kiến Giang đi tù 9 năm! Ông Sáu Kiệt nói: Ở ngoài đó các ông ấy hay bắt nhau đi tù quá!
Kiến Giang còn kể cho tôi vào ngày 20/5/2004 tại Gò Vấp, nhà con gái ông ở đường Nguyễn Văn Nghi (vì tôi có ghi chép vào sổ tay cuộc nói chuyện này nên còn nhớ rõ ngày giờ, địa điểm): Vụ Liên Xô đưa tên lửa vào vùng biển Caribê của Cuba rồi rút ra làm cả thế giới hồi hộp, một ông trong phe Mao-ít là Nguyễn Chí Thanh đã phê phán: “Đưa vào là phiêu lưu, rút ra là đầu hàng”! Cụ Hồ phải gõ bút chì xuống bàn nói: “Chú nói gì mà quá đáng thế!” Năm 1964 Dương Bạch Mai không phục tùng nghị quyết 9, không thi hành nghị quyết 9 nên đã phải chết!
Chính vì thế mà năm 1964, Kiến Giang và một số cán bộ đang học ở Liên Xô bị Trung ương gọi về. Những người không tán đồng NQ 9 đang ở Liên Xô lúc đó như Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Lân Tuất… đã ở lại xin tỵ nạn chính trị. 
Kiến Giang kể: Tôi suy nghĩ mãi, ở hay về, cuối cùng tôi và Hồng Hà quyết định về. Hồng Hà và tôi được Lê Đức Thọ kêu lên gặp. Sau khi nghe Lê Đức Thọ phê phán, Hồng Hà rút khăn ra lau nước mắt. Thọ nói: Cậu đã thấy lỗi là tốt! Anh ta được ra về và sau đó thăng quan tiến chức đến Ủy viên Trung ương. Tôi ngồi chờ đến lượt mình, nghe rõ câu chuyện hai vị nói với nhau, tôi chỉ được quyết định số phận của mình có mấy giây. Tôi đã nói với Lê Đức Thọ: Khi ở Liên Xô, tôi tưởng mình nghe nhầm, nay nghe chính đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nói thì tôi càng thấy tôi đúng! Thế là sau đó, tôi “đi thực tế” 3 năm từ 1964 đến 1967 ở Quảng Bình rồi Thái Bình, sau đó là đi tù 6 năm, 3 năm quản chế! Cái giá của một câu nói thật là thế!
Chuyện “nghe nhầm” của Kiến Giang là như sau. Tại lớp học ở trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô có nhiều học viên là đảng viên các đảng Cộng sản các nước. Lúc đó có việc Tổng Bí thư ĐCS Irak qua đời, vợ ông ta lại đang học cùng lớp với Kiến Giang và Hồng Hà. Lớp học tổ chức truy điệu ông. Theo chỉ thị từ nhà thì các học viên Việt Nam không được tham gia bất cứ hoạt động nào do Liên Xô tổ chức, nhưng Kiến Giang và Hồng Hà cứ đến dự lễ truy điệu vì “nghĩa tử là nghĩa tận”; hơn nữa, nếu không đến thì người ta sẽ đánh giá Việt Nam thế nào? Vậy mà Lê Đức Thọ không tha vụ đó.
Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an trực tiếp tổ chức cuộc bắt bớ đám xét lại chống Đảng năm 1967. Ngoài Hoàng Minh Chính và Kiến Giang là những nhân vật nổi cộm, còn nhiều nhân vật cao cấp khác bị bắt, trong đó có Vũ Đình Huỳnh - Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Đại tá Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục 2 (Quân báo) Bộ Quốc phòng, Lê Minh Nghĩa - Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Đức Kiên - Cục trưởng Cục Tác chiến, Hoàng Thế Dũng - Tổng biên tập báo QĐND, Minh Tranh - Giám đốc NXB Sự Thật, Trần Minh Việt - Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, v.v… Các vị Ung Văn Khiêm - Bộ trưởng Ngoại giao, Đặng Kim Giang - Thứ trưởng Bộ Nông trường, Lê Liêm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng… bị khai trừ Đảng.
Theo nhà nghiên cứu Sophie Quinn – Sudge viết trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005 thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.
Kiến Giang cho biết, Lê Đức Thọ sau này thuyết phục: Các cậu đi học xa không biết tình hình trong nước. Vì sao lại có Nghị quyết 9? Ta đề nghị đặt tên lửa tầm trung để đánh hạm đội 7, Liên Xô không cho thì đã có vũ khí của TQ. Chỉ có đồng chí Mao Trạch Đông mới có dũng khí cách mạng và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại.
Đến năm 1967 là kỷ niệm 50 năm cách mạng Tháng Mười thành công, bên ngoài ta tung hô LX, vì nếu không thì cũng không xong: 5/8/1964 Mỹ đã đánh phá miền Bắc bằng máy bay, bằng chiến tranh phá hoại; nếu nghe TQ, nghe Đặng Tiểu Bình đoạn tuyệt hẳn với LX thì lấy vũ khí (tên lửa) đâu ra mà đánh Mỹ? Vậy nên, bên ngoài thì Lê Duẩn tuyên bố, có hai tổ quốc: LX và VN, bên trong, năm 1967, bắt xét lại “để làm hài lòng TQ”! Vì thế Lê Đức Thọ đã có lần nói với Kiến Giang: “Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước!” Nhắc lại câu này của Lê Đức Thọ, Kiến Giang ở tuổi 74, đang đau yếu cũng không nén được tức giận, ông chửi thề: “Thật bỉ ổi, ấu trĩ!”
Kiến Giang nhớ rất kỹ, bắt đợt đầu là Hoàng Minh Chính ngày 27/7/1967, Sau ba tháng thì bắt đợt hai Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt… vào ngày 18/10/1967…
Kiến Giang bị bắt đưa đi trại giam Bất Bạt của quân đội và bị chuyển trại ba lần, có lần giam ở trại Ba Sao. Ông kể về 5 năm bị giam trong xà lim: Có 4 mét vuông, như nhà mồ, rét lắm vì cửa sổ hướng về phía Tây, phải đứng suốt ngày, tưởng là phát điên. Tôi phải tự viết một cuốn tiểu thuyết trong đầu để khỏi phát điên, vì xin đi lao động nó không cho đi… Gia đình chỉ được lên thăm có hai lần, năm 1969 ở Bất Bạt, năm 1971 ở Ba Sao. Năm 1973 bắt đầu quản chế, 1975 quản chế ở xã Bối Khê Vũ Ẻn.
Ở trong tù, năm 1968 được tin đánh Mậu Thân, tôi biết trước là sẽ thua vì Mỹ chưa yếu như các ông ấy nghĩ. Còn nếu thắng thì số phận bọn xét lại chúng tôi sẽ vô cùng đen tối… Năm 1970 tôi đã viết thư cho Lê Đức Thọ về chuyện này…
Kiến Giang sở dĩ trở thành nhân vật nổi cộm trong vụ án “Xét lại chống Đảng” vì cùng với Hoàng Minh Chính ông là một nhà lý luận có kiến thức uyên bác, có tư duy sắc bén… Vì thế Lê Đức Thọ có phần nể nang, nhưng vì ông không khóc lóc van xin, không khuất phục như Hồng Hà, nên bầm dập. Ông kể: Khi Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu… đem về in thành sách. Theo ý ông Trường Chinh thì lãnh tụ phải có tác phẩm. Tôi đã nghe lời sang gặp Lê Duẩn. Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài liệu, bảo muốn làm gì thì làm… Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về Chủ nghĩa Mác cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa… Khi trao đổi với Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi ở trong tù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó. Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán Lê Duẩn là dân tộc chủ nghĩa cả (!)
Kiến Giang còn kể: Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sỹ đi học về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa Đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay Giám thị trại giam vào hoảng hốt nói: Kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng… vậy là tiếp tục tù dài!...
Kiến Giang là một con người như thế, quyết liệt. Từ chỗ là một tín đồ ngoan đạo của Chủ nghĩ Mác-Lênin, sùng bái LX, đến chỗ dứt khoát từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Lần đầu tiên Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông xuống Mỹ Tho chơi với tôi vào năm 1988, bác Viện đã giới thiệu: Đây là một nhà Xô viết học! Cậu có cần hỏi gì về LX, cứ hỏi cái đầu này… 
Lúc đó LX đang cải tổ. Năm 1987, tức 70 năm LX, Kiến Giang còn viết cuốn sách dày hơn 200 trang mang tựa đề Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (NXB Phú Khánh). Đọc kỹ cuốn sách đó, tôi thấy ông còn tin tưởng, hy vọng là Đảng CSLX sẽ cải tổ thành công. Đùng một cái LX tan rã và thực tế ở LX và Đông Âu, và cả ở VN những năm sau này đã đẩy tư duy của Kiến Giang đi đến cùng. Ông đã viết tiểu luận Tôi từ bỏ CNCS như thế nào? Để công bố tư tưởng của mình. Ông trở thành một nhà lý luận đổi mới hàng đầu, có uy tín lớn với trí thức VN ở trong nước và trên thế giới. Trang web Talawas ngày 11/3/2013 đã giới thiệu học giả Nguyễn Kiến Giang cả một bài dài. Nhưng Kiến Giang không phải một học giả của những vấn đề đã được xếp trong tủ kính. Ông đứng giữa dòng sông đang chảy xiết của thời cuộc đất nước mà nghiên cứu, đề xuất, phán xét, bất chấp mọi hiểm nguy. Ngày 22/8/1996 ông lại lãnh án 15 tháng tù treo cùng với Lê Hồng Hà hai năm tù giam, Hà Sĩ Phu một năm tù giam của Toà án TP Hà Nội về tội… lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống đối chế độ!
Chính cái hôm ông vừa lãnh án tù treo về, tôi gặp ông ở Hà Nội. Tôi hỏi: Cùng một tội, các vị kia bị tù giam, anh được cái án treo coi như… tha bổng! Ông cười hóm hỉnh: Có lẽ người ta thấy tôi tù nhiều quá rồi, có giam nữa cũng thế thôi!
Kể từ cái ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông đến chơi với tôi ở Mỹ Tho và ở lại chơi đến cả tuần lễ vào năm 1988, năm nào ra Hà Nội tôi cũng đến thăm ông ở phố Tuệ Tĩnh và sau này ở ngõ Lương Sử C gần Văn Miếu. Tôi đến để xin ý kiến ông về thời vận của đất nước! Có lần ở 91 Tuệ Tĩnh, ông chỉ vào một hòn gạch trên nền nhà và nói: Chính tại cái hòn gạch này, tôi đã đứng để công an còng tay vào năm 1967, lúc đó cả cái nhà tập thể của Nhà xuất bản Sự Thật này họ nhìn tôi như kẻ tội phạm đáng ghét. Vậy mà bây giờ, họ chửi bới chế độ om xòm, còn tôi vẫn lặng lẽ đọc và viết…
Ông đã viết 25 tác phẩm và dịch 45 cuốn sách. Ông phải dịch để kiếm sống sau bao năm tù đày. Đương nhiên sách dịch của ông phải ký các tên ba lăng nhăng để che mắt chính quyền. Hai cuốn sách in trong nước của ông là cuốn Liên Xô – 70 năm trên đường khai phá và cuốn Cách mạng 1789 (Pháp) và chúng ta… Sau khi cuốn Cách mạng 1789… ra đời, Đại sứ Pháp tại Hà Nội đã đến nhà Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp dự lễ kỷ niệm 200 Cách mạng Pháp (1789 – 1989) tại Paris. Bác sĩ Viện đã nói với nhân viên Sứ quán Pháp rằng người viết cuốn sách đó là Nguyễn Kiến Giang, ông chỉ cho mượn tên đề ngoài bìa sách mà thôi! Người Pháp lại tìm đến Kiến Giang. Ông phải nói với họ rằng ông không thể đi được… dù mọi chi phí đi lại, ăn ở ông không phải lo!
Những lần ra chơi với Kiến Giang như vậy, tôi đều tặng ông những cuốn sách tôi mới in, với lời đề tặng đại loại như: Kính tặng anh Kiến Giang, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn… Chúng tôi nhìn vào anh để sống và hy vọng cho tương lai đất nước… Ở dưới có đề rõ địa chỉ và họ tên người tặng sách. Kiến Giang bảo tôi: Cuốn sách của cậu tặng, moi (tôi) để trên bàn tiếp khách, một viên công an theo dõi moi, thường xuyên đến nhà “thăm hỏi”, đã giở ra coi. Anh ta coi đi coi lại lời đề tặng của cậu như để thuộc… để ghi vào hồ sơ của moi… Cũng vì tôi hay đến chơi Kiến Giang như thế nên đã có lần chạm trán với nhân viên an ninh và đã bị truy tìm lý lịch.
Sau Tết năm 2000, tôi lại đến thăm ông. Kiến Giang bảo tôi: Hôm mùng một Tết, tướng Phạm Chuyên (Giám đốc CA Hà Nội) có đến thăm chúc Tết và cho quà. Ông ấy hỏi tôi: Anh nhận định tình hình thế nào? Tôi trỏ lên cuốn lịch nói: Năm 2000 có ba con số 0. Phạm Chuyên đề nghị tôi nói về ba con số 0 ấy. Tôi nói: Thứ nhất là không còn đường lùi, thứ hai là không tiến lên được… Phạm Chuyên sốt ruột: Còn con số 0 thứ ba nữa? Tôi nói: Nhưng không phải là không có lối thoát. Phạm Chuyên vỗ tay: Hay quá, tôi mời anh đến gặp đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó là Lê Khả Phiêu – LPK) để anh phân tích về từng con số 0 một cho TBT nghe! Tôi trả lời: Tôi không phải là thầy bói, tôi là nhà khoa học. Nếu cần thì các anh tổ chức hội thảo khoa học để tôi đến trình bày đàng hoàng.
Dĩ nhiên là không có hội thảo nào sau đó. Nhưng cũng có những cuộc hội thảo kín, người ta mời Kiến Giang đến tham luận và yêu cầu ông không phổ biến rộng rãi tham luận đó. Nộp lại tham luận và nhận nhuận bút rất cao. Ông nói với tôi: Mình được mời đi tham luận là sẵn sàng… vì có nhuận bút cao cũng đỡ!
Sau ngày Đổi mới, Kiến Giang được phục hồi sổ hưu. Ông đưa quyển sổ hưu cho tôi coi và chỉ tay vào chỗ có đóng dấu, nói: Cậu xem có lạ không? Sổ hưu của tôi dấu vuông. Dấu của Đảng. Không có Nhà nước pháp quyền nào trả lương hưu với dấu vuông của Đảng cả (!)
Kiến Giang là như thế, bao giờ ông cũng đi đến tận cùng mọi vấn đề, và trên hết, ông là một nhà xã hội học đúng với tên của nó. Độc lập quan sát xã hội. Tôi đã được đọc tập tiểu luận của ông trong một cuộc “hội thảo kín” như ông đã kể. Tập tiểu luận tham luận có chủ đề ‘‘bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và con người mới XHCN”. Trong tập tiểu luận đó, ông đã dẫn ra tất cả những lời có dính đến hai chữ “con người” mà ông Hồ Chí Minh đã nói tới trong tất cả những gì đã được in ra từ trước đến nay. Chỉ riêng việc thống kê đầy đủ như thế đã cho thấy tính nghiêm túc khoa học trong tham luận của Kiến Giang (trả nhuận bút cao là phải!). Qua những thống kê đó, tác giả đi đến kết luận: ông Hồ coi người cán bộ, đảng viên là lõi cốt của cách mạng.

Nhưng ông bác bỏ hoàn toàn khái niệm “Con người mới”. Theo ông, trong con người có cái mới và cái cũ không thể tách biệt để có “con người mới” như đã ảo tưởng! Và, tác giả cũng bác bỏ hoàn toàn quan niệm “cán bộ là đầy tớ” của nhân dân. Theo ông, cán bộ cấp cao thì phải hưởng thụ cao và phải có cống hiến xứng đáng với hưởng thụ. Còn giữ khẩu hiệu “đầy tớ nhân dân” thì sẽ dẫn đến giả dối, đến hội nghị nói một đằng, về làm một nẻo. Còn giữ khẩu hiệu này sẽ làm mất uy tín của ông Hồ. Ông Hồ nêu khẩu hiệu này trong những điều kiện đặc biệt; nay thời gian, không gian đã khác, phải cất nó vào quá khứ để xây dựng một xã hội công dân thực sự, một nhà nước pháp quyền thực sự. Kiến Giang bảo tôi: Bản tham luận được vỗ tay nhiệt liệt, người vỗ tay toàn là “đầy tớ”!
Kiến Giang là một nhà xã hội học thực sự trong một đất nước không hề có khoa học xã hội, chỉ có những vị giáo sư “ăn theo, nói leo” minh họa lời ông lớn, minh họa các nghị quyết của Đảng cầm quyền để vinh thân phì gia. Hãy đọc đầu đề các tập tiểu luận (chủ yếu là tự viết, tự in lấy) của ông, đủ thấy không mấy ai đặt bút viết về các đề tài “nhạy cảm” này: Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt, Một cuộc chiến chống lại “phi lý tính”, Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?, Khủng hoảng và lối ra, Thử dò tìm cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại, Một quan niệm về hiện đại hóa ở VN, Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo, Từ Duy Tân đến Đổi mới, Nhìn nhận thực trạng văn hoá VN hiện nay, Công bằng xã hội và kinh tế, Nhìn lại quá trình du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin vào VN, Bàn về sự lãnh đạo của Đảng, v.v…

Tôi có may mắn và hạnh phúc được đọc hầu hết các tiểu luận trên của ông để lấy thêm vốn liếng hành nghề báo của mình. Một tiểu luận của ông như thế có độ dày đủ để in một cuốn sách giá trị. Nhiều tác phẩm của ông đã được bà con Việt kiều quan tâm đến tình hình nước nhà in ra và gửi về nước… tặng lại tác giả. Có lần Kiến Giang đưa tôi coi một cuốn sách in rất đẹp ở nước ngoài do chính nhân viên an ninh theo dõi ông đem đến. Anh ta hỏi: Bác đã nhận được cuốn sách này của bác chưa? Kiến Giang bảo tôi: Mình nói với cậu công an là mình chưa nhận được và cảm ơn cậu ta. Hóa ra tác phẩm của mình được chăm sóc kỹ thế, được in mà tác giả không biết!

Có hai tiểu luận của Kiến Giang mà tôi đọc đến thuộc từng ý chính. Một là Khủng hoảng và lối ra. Trong đó Kiến Giang cho rằng cỗ xe VN mới chỉ lắp được có một bánh là kinh tế thị trường. Vì thế khi nổ máy, cỗ xe ấy chạy vòng tròn! Nó còn thiếu ba bánh nữa phải lắp đủ để cỗ xe bốn bánh VN có thể chạy ra con đường lớn của nhân loại. Ba cái bánh còn thiếu đó là: Xã hội công dân, Nhà nước pháp quyền và Chế độ bầu cử tự do dân chủ. Kiến Giang nói một cách hài hước với tôi: Các nhà lãnh đạo VN lái xe, một chân thì đạp ga, một chân lại vội vàng đạp thắng (phanh), vừa cài số tiến lại vội vàng cài số lùi… Vì thế cỗ xe cứ nhảy tưng tưng trên đường và không biết lúc nào thì lật!

Tiểu luận thứ hai của ông, ít được nhắc đến, vô cùng bất ngờ, có nhan đề Bàn về cái chết. Khi đưa tác phẩm này cho tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: Nó rất uyên bác, tôi đã đọc nhiều sách đông tây mà chưa thấy tác giả nào dám bàn đến chuyện con người từ xưa đến nay đã quan niệm về cái chết như thế nào. Đáng lẽ cuốn sách như thế này phải được in vì nó không đề cập gì đến chính trị, nhưng vì là của Kiến Giang viết nên không ai dám in! Tôi đã đọc rất kỹ tiểu luận này. Tác giả trích cả lời Khổng Tử. Khi học trò hỏi thầy Khổng: Người chết có biết gì không? Thầy trả lời: Nếu người chết mà biết thì những đứa con có hiếu sẽ chết theo bố mẹ. Nếu người chết mà không biết gì thì những đứa con bất hiếu sẽ không chôn cất bố mẹ. Nói người chết biết là bất trí, nói người chết không biết là bất nhân…

Lần Kiến Giang vô Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất, cũng đã 4-5 năm. Khi đó ông đi đã phải có người dìu. Ông bảo tôi và mọi người: Cuối đời ông Viện có một vết nhơ. Thấy ông nói thế, tôi ngạc nhiên quá, vì ông với ông Viện là bạn chí thân. Ông còn mượn tên ông Viện để in sách. Thấy tôi có vẻ bức xúc ông từ tốn nói: Cuối đời mà vào nghĩa trang Mai Dịch để nằm thì không phải là vết nhơ còn gì nữa?
Tôi đã đem chuyện trên nói với một nhà báo nổi tiếng, cũng là người thân cận với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nghe xong ông nổi nóng: Kiến Giang là tên cơ hội, nói bậy, vào Mai Dịch là sự khẳng định công lao của con người ông với đất nước!

Tôi để cho ông nguôi giận rồi từ tốn nói: Kiến Giang nói đúng. Ở Pháp được đưa thi hài vào Viện Panthéon là các danh nhân, ở ta cứ ủy viên trung ương là vào Mai Dịch, nay mai anh Viện có vinh dự được nằm cạnh anh Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc đài Truyền hình VN… là kẻ “đi không biết đường lại, đái không biết đường về”, chuyên nghề đi biếu xén và tham ô, con gái ông ta ăn cắp ở Thụy Điển bị bắt quả tang mà vẫn được làm MC của Đài THVN. Được nằm cạnh một con người như thế chắc ông Nguyễn Khắc Viện… mỉm cười nơi chín suối (!)
Nghe tôi nói xong, ông ngồi thừ ra và chặc lưỡi: Ừ nhỉ!

Con người mặt vuông chữ điền, cao to, đi lại, ăn nói khoan thai, yêu quí bạn bè ấy… bây giờ yếu nặng, đi phải có người dìu từng bước. Và hôm nay ông đã bỏ chúng ta mà đi! Bên tai tôi luôn văng vẳng lời ông: Bắt bọn “xét lại chống Đảng” là “cách mạng đã bắt đầu ăn thịt những đứa con của mình”… “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài người…”
L.P.K.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

SƠN TRUNG * HOÀN CẦU THỜI BÁO

Hoàn Cầu Thời báo


HOÀN CẦU THỜI BÁO
SƠN TRUNG

Cộng sản xưng xe là Duy vật chủ nghĩa nhưng họ rất chú trọng ở tuyên truyền dối trá. Họ coi khinh văn nghệ sĩ nhưng rất chú trọng việc dùng lý luận để tranh luận. Kim Dung rất hài hước khi tạo ra một đội quân chửi mướn, chúng là đội quân tiên phong trong thế giới Kim Dung. Đội quân chưởi mướn đó tức là đội tuyên truyền, mà đứng đầu bọn này là cơ quan Văn giáo,ở Việt Nam trước đây do Tố Hữu cầm đầu nhằm khống chế, khủng bố Văn nghệ sĩ. Nhân dân thì gọi bọn họ là công an văn hóa, mà nay Cộng sản Việt Nam đặt cho một tên mới là "Dư luận viên".

Như thường lệ, Trung cộng có báo đảng, báo quân đội và báo Công An. Thế mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo lại là một tờ báo mạnh miệng nhất, hung hăng nhất trong báo chí TrungCộng. Hoàn Cầu Thời Báo là tờ báo như thế nào?Năm 2011, đài BBC đã có một bài giới thiệu Hoàn Cầu thời báo.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ với bài của tác giả Christina Larson tựa đề 'Kênh Fox News của Trung Quốc' đã giới thiệu về Hoàn Cầu Thời báo, Các biên tập viên cao cấp của Hoàn Cầu Thời báo được nói hàng ngày tới văn phòng trong tòa nhà được canh gác chặt chẽ ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh để làm việc cần mẫn tới 14 tiếng đồng hồ.Trong thời gian bận rộn đó "họ đặt và biên tập các bài báo cũng như xã luận về nhiều chủ đề, từ khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông, tới thái độ ma mãnh của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tới lượng bia rượu khổng lồ mà các quan chức nhà nước tiêu thụ..." để cuối cùng cho ra được tờ báo 16 trang.


Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo là ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), người được cho là "đưa ra các quyết định cuối cùng". Hoàn Cầu Thời báo có hai ấn bản tiếng Trung và tiếng Anh, nội dung không khác nhau nhiều lắm và chủ yếu là đưa ra những cảnh báo đại loại như các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải 'sẵn sàng nghe tiếng đại bác'.... Tất nhiên các đe dọa kiểu này gây nhiều chú ý và Hoàn Cầu Thời báo luôn được các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài trích thuật.

 

Báo Hoàn Cầu đặt tại khu nhà của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập từ năm 1948.Nó là vệ tinh của tờ Nhân dân Nhật báo và thường chạy các bài xã luận mang tính dân tộc chủ nghĩa mà dường như thể hiện xu hướng gây hấn hơn trong các chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thống, nhiều khi tẻ nhạt, chỉ được theo dõi để biết về số phận các lãnh đạo, ông nào lên và ông nào xuống.
Hoàn Cầu có sứ mệnh khác hẳn. Ra đời năm 1993, ban biên tập Hoàn Cầu có nhiệm vụ tiếp cận quần chúng chứ không phải chỉ truyền đạt lại các thông điệp của Chính phủ hay Bộ Ngoại giao.

Nhân viên tờ báo này cũng tỏ ra bình dân, không chỉ trong cách ăn mặc mà còn cả trong không khí làm việc sôi động và lắm lúc mất trật tự. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, 51 tuổi, để tóc dài, gầy gò và năng động. Ông học về đối ngoại quốc phòng ở Nam Kinh và có bằng thạc sỹ văn học Nga từ đại học Bắc Kinh. Lập trường của Hoàn Cầu Thời báo chỉ là làm sao để kiếm tiền. Chủ nghĩa dân tộc là con bài chính của tờ báo." Chuyên gia về Trung Quốc Michael Anti ( tuyên bố như vậy) . Thông thường ở Trung Quốc, tổng biên tập các báo do Đảng Cộng sản cử, nói chung không có kinh nghiệm báo chí và cũng chẳng mấy quan tâm tới việc làm báo.


Thế nhưng, ông Hồ Tích Tiến thì khác hoàn toàn. Có lẽ ông chỉ giống các ông tổng biên tập khác ở một điểm là trung thành với Đảng. Ông từng là phóng viên chiến trường, và ham viết xã luận nên bài xã luận nào hầu như cũng có đóng góp của ông.Trang cá nhân của ông Hồ trên mạng Weibo, tương tự mạng Twitter bên phương Tây, có tới 1,4 triệu người theo dõi.


Nếu tính về lượng độc giả thì Hoàn Cầu Thời báo là tờ đứng thứ thứ ba Trung Quốc, với 2,4 triệu người đọc báo in mỗi ngày. Báo điện tử có tới 10 triệu độc giả. Giả sử các số liệu trên đã bị thổi phồng ít nhiều thì nó vẫn cao hơn đa số tờ báo ở phương Tây. Để so sánh, báo Washington Post mỗi ngày chỉ in có nửa triệu bản.


Thành công của Hoàn Cầu một phần nhờ vào các thay đổi trong bối cảnh báo chí Trung Quốc hiện nay. Tờ báo tập trung vào các vấn đề quốc tế, và tuyên truyền cho vị thế ngày càng cao của Trung Quốc trên thế giới. Hoàn Câu Thời báo cổ súy cho tâm lý dân tộc chủ nghĩa. Người đọc trong nước ngày càng hướng ngoại thì Hoàn Cầu lại càng đăng nhiều bài đả kích thái độ của các nước ngoài đối với Bắc Kinh.


Chúng ta có thể đọc qua các tựa đề: 'Tấn công Trung Quốc thành xu hướng thời thượng ở Washington', 'Ấn Độ và Việt Nam ký hợp đồng nhằm khiêu khích Trung Quốc'... để thấy rằng tờ báo này đang nhằm vào tâm lý muốn khơi dậy sự tự tôn và 'phục thù' của người dân.
Jeremy Goldkorn, chuyên gia về truyền thông Trung Quốc và sáng lập viên của mạng Danwei.org, nói rằng Tổng biên tập Hồ đã thành công trong việc kết nối cái gọi là 'giáo dục tinh thần yêu nước' và vai trò kiếm tiền của tờ báo trong thời buổi chính phủ không còn bao cấp nữa.


Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông đã phải thương mại hóa bằng các cách thức khác nhau. Có tờ phải quay sang tin tức về đời tư các ngôi sao để bán báo và bán quảng cáo.
Thế nhưng, Hoàn Cầu Thời báo chọn cho mình con đường dân tộc chủ nghĩa để tăng lượng độc giả.


Cũng bởi vậy mà tờ báo này được chú ý không phải vì các bản tin, mà nhờ các bài xã luận đanh thép, nhiều khi hung hăng 'như tiếng đại bác'.
Tuy nhiên bí quyết thực của tờ báo này, theo một số nhận định, là vì 'không có gì đáng đọc nữa cả'.
Một cựu phóng viên tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh nói với Christina Larson: "Chẳng có nhiều lựa chọn... làm gì có tin tức đích thực ở Trung Quốc".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/11/111104_global_times.shtml

Hoàn cầu thời báo viết rất cứng, chứng tỏ Tổng biên tập Hồ Tích Tiến là người văn võ toàn tài. Nhưng cái tài đó là tài ngụy biện, kiểu nói lấy được của các ông cộng sản, và kiểu hống hách " cả vú lấp miệng em" của kẻ mạnh. Rõ rệt nhất đó là lối nói nịnh bợ của bọn gian thần, một truyền thống lâu đời trong chế độ quân chủ Trung Quốc. Ở nước ta, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi chính là những tay công an bậc nhất, và là kẻ nịnh thần bậc nhất. Ôi thôi chẳng qua là lên gân  để mong ơn trên ban thưởng cho chút cơm, chút cháo. 
Tố Hữu nhờ công lao nịnh hót và lên gân mà làm đến Phó Thủ tướng, quả là giỏi, giỏi nhất trong nghề nịnh.Nịnh giỏi lại gặp thời, trong đời it ai được như Tố Hữu! Tố Hữu không những nịnh mà còn gian. Ông ca tụng Hồ Chí Minh, nhưng khi ông Hồ thất thế, y lại theo Lê Duẩn, Lê Đức Thọ lấn áp ông Hồ. Ông Hồ chết, y lại khóc thiết tha như khóc Stalin! Nhưng Tố Hữu gỉỏi nịnh mà không giỏi kinh tế cho nên cái ghế Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế của ông cũng không bền. Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Xuân Diệu cũng chỉ là tay sai vinh dự được chút xênh xang một năm vài bận ra nước ngoài công tác. Hồ Tich Tiến cao lắm cũng chỉ là Tổng biên tập, một chức năng "giữ nhà cho đảng" như cỡ Hoàng Thế Dũng, Văn Doãn, Bùi Tín. Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Trường Chinh chính là những tên cộng sản gian xảo, ăn nói giảo hoạt mà nhân dân ta đã có thành ngữ gọi chúng là
" Nói như Vẹm".

Hồ Tích Tiến chứng tỏ có một khả năng "hồng", thông hiểu triết học Mac Lê. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, Hồ Tích Tiến trả lời rất hay, nghe qua thì rất đúng bài bản.
BBC: Ông nhận định thế nào về những phát triển tại đất nước Trung Quốc hiện đại như một xã hội tư bản?
Hồ Tích Tiến (HTT): Tôi không nghĩ Trung Quốc là một xã hội tư bản. Trung Quốc đã và đang có những cải tổ theo kinh tế thị trường. Đó là nền kinh tế thị trường, nhưng không phải là một xã hội bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa tư bản. Các quyết định được chính phủ và nhân dân cùng đưa ra chứ không phải được quyết định bởi chủ nghĩa tư bản.
"Trung Quốc phát triển cơ chế nhân quyền riêng của mình. Hoa Kỳ có thể là một ví dụ tốt cho Trung Quốc nhưng nó là tùy thuộc vào quyết định của Trung Quốc muốn làm cách nào và làm gì trên phương diện này"

BBC: Cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản là niềm tin đã được đưa vào Hiến pháp của Trung Quốc rằng phương tiện sản xuất là thuộc sở hữu toàn dân. Đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng nhiều phương tiện sản xuất tại Trung Quốc này thuộc sở hữu tư nhân. Làm sao ông có thể nói rằng Trung Quốc là một xã hội cộng sản. Nó không phải là cộng sản.

HTT: Tôi không nghĩ là như vậy. Trung Quốc không phải là một xã hội cộng sản mà đang ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Trong xã hội của chúng tôi, định nghĩa về sở hữu phương tiện sản xuất đã và đang có thay đổi không ngừng. Vào lúc này chính xác kiểu sở hữu nào Trung Quốc cần theo chỉ có thể được quyết định bởi thực tế, bởi kiểu sở hữu đem lại lợi ích nhất cho xã hội.

BBC: Ông nói tới thực tế. Rõ ràng là chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc đã thất bại và Trung Quốc đã chấp nhận hệ thống kinh tế của phương tây là ưu việt hơn so với hệ thống kinh tế mà đảng của ông theo đuổi?

HTT: Không thể nói là Trung Quốc đã thất bại. Trung Quốc luôn có những tiến bộ, từ ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tới ngày nay, nền kinh tế luôn phát triển không ngừng. Chúng tôi nhận ra rằng nền kinh tế thị trường là cách tốt để tổ chức nguồn lực xã hội nhưng nền kinh tế thị trường không thể được coi là tương ứng với chủ nghĩa tư bản. ..

... BBC: Nhưng tạp chí của ông, tôi xin được đề cập tới ở đây, dường như chuyên về các tư vấn, đe dọa và thậm chí cả những xúc phạm tới các nước khác. Tại sao ông lại có thái độ thù nghịch như vậy đối với những người Mỹ tới Trung Quốc để nói chuyện về chính sách của Trung Quốc trong khi ông lại sẵn sàng bảo các nước khác phải làm gì?

HTT: Tôi cho rằng phương tây có quyền chỉ trích chúng tôi. Và chúng tôi cũng có quyền chỉ trích phương tây và đồng thời chỉ trích những chỉ trích của phương tây về Trung Quốc. Sự hội nhập giữa các nền văn hóa thường dựa vào những tương tác chặt chẽ hơn.

Người biểu tình Philippines phản đối động thái trên Biển Đông của Trung Quốc
BBC: Nhưng ông vừa nói rằng ông phản đối các chính trị gia Mỹ tới Trung Quốc và khuyên đất nước ông phải làm gì để bảo vệ quyền công dân? Điều đó là hoàn toàn mâu thuẫn.


HTT: Tôi nghĩ suy nghĩ của ông là quá đơn giản. Trung Quốc là một đất nước phức tạp. Chúng tôi tiếp nhận các ý tưởng từ Hoa Kỳ, rất nhiều ý tưởng từ Hoa Kỳ nhưng khi các chính trị gia Mỹ tới Trung Quốc và đưa ra các yêu cầu thì đó là chuyện chính trị chứ không phải là chuyện ý tưởng nữa.
Chính trị có hậu quả tương tự. Chúng tôi phản bác chính trị của họ vì đó là chuyện chính trị chứ không phải là những ý tưởng.


BBC: Thế khi Trung Quốc bảo với Việt Nam rằng họ phải chuẩn bị sẵn sàng lực luợng hải quân của họ, và bảo cả Philippines phải chuẩn bị nghe tiếng súng đại bác, khi tờ báo của ông xỉ vả các nước khác thì đó là ý tưởng hay là chính trị?


HTT: Họ không thể can thiệp vào chính trị của chúng tôi. Và chúng tôi không can thiệp vào chính trị của họ.
BBC: Nhưng ông nói với tôi rằng chúng ta phải tương tác và phải đối xử tốt với nhau, phải lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau?


HTT: Chúng ta phải đấu tranh với nhau. Nhưng ông có nghe thấy tiếng đại bác không? Không. Ông có nghe tiếng súng đại bác ở Biển Đông không? Không. Chuyện tranh đấu thì vẫn luôn còn đó. Nhưng chúng tôi có giới hạn của mình. Nay, tại Biển Đông đang có hòa bình, chứ không phải là chiến tranh.
(Không có tiếng súng ở Biển Đông.
-http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/11/111104_global_times.shtml)

Đúng là Marx và Lenin cho rằng cộng sản có hai giai đoạn, giai đoạn đầu là XHCN, giai đoan sau mới là cộng sản. Triệu Tử Dương nói phải trăm năm sau mới đến cộng sản chủ nghĩa. Nói như thế là Triệu Tử Dương bảo không bao giờ có thể lập nên cộng sản chủ nghĩa.

Các ông cộng sản trong đó có Hồ Tích Tiến đều là những kẻ dối trá. Họ thất bại nhưng không dám nói là họ thất bại. Bao nhiêu năm thi hành chủ nghĩa cộng sản, họ khoe khoang là "Tiến lên XHCN", "Tiến lên CSCN". Trong mấy năm đầu, Lenin thất bại, ông phải nói lại: Phải có hai giai đoạn:giai đoạn thứ nhất là XHCN, giai đoạn thứ hai là CSCN. Có lẽ Lenin đã sửa lại lời Marx. Cũng có thể Stalin đã sửa lại lời Marx và Lenin để che đậy thất bại của cộng sản, để cho khỏi thẹn với những lời khoác lác:" Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu ","xã hội cộng sản giàu mạnh hơn xã hội tư bản."

Mao phê phán Đặng Tiểu Bình trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Lời kết tội này đúng vì Đặng Tiểu Bình phê phán Mao, bãi bỏ kinh tế chỉ huy, bãi bỏ vô sản tính, đảng tính , bãi bỏ lập trường giai cấp khi chủ trương " mèo trắng, mèo đen, con nào bắt được chuột là tốt". Bọn Đặng Tiểu Bình bỏ kinh tế chỉ huy chạy theo kinh tế thị trường tức là trở lại con đường tư bản chủ nghĩa , thế mà lại gọi là "đổi mới" ư? Là không theo tư bản ư? Mao, Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào đều treo ảnh Mác Lê, dùng cờ cộng sản, và đảng hiệu là cộng sản mà ông bảo là Trung Cộng không phải là cộng sản ư? Theo tư bản ư? Theo cộng sản ư? Trung cộng bây giờ kinh tế theo tư bản nhưng chính trị theo cộng sản độc tài. Hạ tầng kinh tế tư bản thì thượng tầng là cộng sản được ư? Chẳng qua là các ông "treo đầu dê, bán thiịt chó". Nhân dân Trung Quốc và thế giới đã nhìn thấy mặt thật của các ông, các ông đừng tưởng thiên hạ dễ bịp, các ông muốn nói sao thì nói.


 Marx hô hào bãi bỏ tư hữu, diệt tư sản, lập công trường, nông trường tập thể, đưa giai cấp vô sản lên nắm quyền, nhưng nay Trung Cộng công nhận tư hữu, công nhận thừa kế, cho phát triển các công ty tư, cho tư bản đỏ đứng vai trò lãnh đạo thì sao gọi là theo Mac-Lê, theo Mao, theo cộng sản? Theo kinh tế thị trường, buôn bán với tư bản mà gọi là sáng kiến của Trung Quốc, là đường lối` "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" .Ôi, một Lỗ Trí Thâm uống rựợu, ăn thịt ở trong chùa có lẽ cũng có thể tự xưng đó là đường lối tu hành đặc thù và sáng tạo của riêng ông"? Đó là những ngụy biện mà Việt Nam nay cũng bắt chước để che đậy việc thất bại của cộng sản chủ nghĩa mà trở lại tư bản chủ nghĩa.

HCTB tỏ ra giảo hoạt khi cho rằng Trung Quốc rất hiền hòa cho nên bây giờ tuy có xung đột nhưng không hề có tiếng súng.
Bên cạnh những kiểu nói lấy được, Hoàn Cầu Nhật báo còn lên gân, coi khinh thiên hạ. HCTB là người thay mặt không chính thức của Trung Cộng. Vẫn trò ném đá giấu tay, Trung Cộng giao cho HCTB de đọa thế giới.

-Tờ Hoàn cầu Thời Báo chê Mỹ đuối sức.

Bài viết của ông Long Thao mang tựa đề "Mỹ không có bụng dạ đâu cho việc đụng độ quân sự tại Nam Hải (Biển Đông)", phân tích rằng Hoa Kỳ nay đã không còn đủ sức lực và ý chí để tham gia xung đột vũ trang.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/11/111101_globaltimes_us.shtml

Mao đã chê Mỹ là cọp giấy, nay HCTB che Mỹ đuối sức đúng là đồ đệ đích truyền của Mao.

-Ngày 17.12, tờ Hoàn Cầu Thời báo (Trung Quốc) cho rằng tàu chiến Mỹ đã có hành vi đe dọa tàu sân bay của Trung Quốc tại biển Đông hôm 5.12 vừa qua và đe dọa, hải quân Trung Quốc sẽ hành động nếu tàu Mỹ lặp lại hành vi tương tự.

http://laodong.com.vn/the-gioi/tau-my-phai-tranh-tau-trung-quoc-o-bien-dong-165910.bld

Từ bao năm trước, HCTB lên tiếng đe dọa các nước ở ven biển Đông. Họ đe dọa, chửi mắng, mạ lỵ Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines. Năm 2011-2012, nhiều lần họ đe dọa tấn công Việt Nam trong chớp nhoáng. Bọn Việt Cộng Hà Nội sợ hãi phải xuống nước van lạy và ra tay đánh dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Cộng và bắt bớ các bloggers chống đối. Gần đây, ngày 19-1-2014,HCTB có bài nói " VN 'đóng vai nạn nhân", ý nói Việt Nam cướp biển của Trung Quốc mà lại bảo Việt Nam bị Trung Quốc cướp biển, đảo. Đó là kiểu ăn nói ngược ngạo, bất chấp đạo lý, bất chấp sự thật lịch sử. Trong bao năm nay, Trung Quốc cho rằng vùng đặc quyền kinh tế của họ là 200 dặm. Họ vẽ bản đồ lưỡi bò chiếm 80% biển Đông.Nay đảo Hải Nam quy định có hiệu lực từ hôm 1/1, đòi tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào phần lớn khu vực Biển Đông.


Theo tờ báo, Trung Quốc sẽ đặt ưu tiên thi hành quy định mới ở đảo Hoàng Sa và bãi đá Macclesfield, mà Trung Quốc lần lượt gọi là Tây Sa và Trung Sa. “Hiện nay, hơi khó để thi hành các biện pháp” ở quần đảo Trường Sa, theo tờ báo.


Báo Trung Quốc nói không ngạc nhiên khi Philippines phản đối mạnh mẽ sau khi Manila đã kiện Bắc Kinh ở Tòa án Quốc tế về luật Biển. Nhưng Thời báo Hoàn Cầu tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam phản đối và giải thích: “Việt Nam từ lâu đã làm dậy sóng vì các đảo mà họ đòi và quyết thúc đẩy việc quốc tế hóa tranh chấp.”
“Đóng vai nạn nhân trong bài toán khó kéo dài này là chiêu trò cũ của Việt Nam.”

Tờ báo khẳng định Việt Nam nay đang chờ xem các diễn biến sắp tới trên Biển Đông.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/01/140119_bao_tq_noi_ve_quy_dinh_danh_ca.shtml

Tuy nhiên, HCTB cũng có lúc để trơ cái dại dột khi lên gân bảo vệ đảng và nhà nước. Ông Hồ Tích Tiến đã liều mình cứu chúa, bênh vực cho sự yếu kém của đảng và nhà nước trong việc quản lý đô thị. HCTB đã ca tụng ích lợi của bụi khói của các thành phố Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu khẳng định khói bụi tại các thành phố lớn rất có lợi trong các tình huống quân sự, ví dụ như nó có thể cản trở tên lửa định vị. Còn CCTV công bố năm “lợi ích bất ngờ” của khói bụi, trong đó có việc “giúp người Trung Quốc trở nên hài hước hơn”.
Chính người Trung Quốc cũng cảm thấy xấu hổ vì thái độ lố bịch và ngu dốt của HCTB nên nhiều tờ báo Trung Quốc đã phản ứng.  Tờ Nhật báo Kinh doanh Bắc Kinh chỉ trích: “Liệu khói bụi có biến mất khi chúng ta cười cợt nó không? Khói bụi ảnh hưởng đến hô hấp của người dân. Chúng tôi hi vọng nó không ảnh hưởng đến tư duy của chúng ta”.
Tờ Thời báo Đông Quan tuyên bố bình luận của CCTV kỳ quái đến nỗi mọi người “không biết nên cười hay nên khóc”. “Chẳng có gì hài hước về mối đe dọa của khói bụi đối với sức khỏe con người” - Thời báo Đông Quan nhấn mạnh.

Kể cả Tân Hoa Xã cũng cho rằng việc nói chuyện hài hước về tình trạng khói bụi là điều “hoàn toàn không phù hợp”.
Trên trang mạng xã hội Sina Weibo, rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với các bài bình luận của Thời báo Hoàn Cầu và CCTV. “Cuộc khủng hoảng khói bụi là một thất bại trong chiến lược phát triển của chính phủ. CCTV đang cố tìm cách tô hồng” - giáo sư Wu Bihu thuộc ĐH Bắc Kinh bức xúc.
http://tuoitre.vn/The-gioi/584563/thoi-bao-hoan-cau-cctv-bi-chi-trich.html

Rật tiếc là  các ông trong HCTB  không  sống ở Huế và Đà Lạt, và  không đọc thơ Hàn Mặc Tử cho nên mới bị ném cà chua, trứng thối. Nếu các ông đã đọc thơ Hàn Mặc tử, các ông có thể viết về Bắc Kinh và các thành phố Trung Quốc bằng vần thơ lãng mạn như sau:
Bắc kinh sương khói mờ nhân ảnh,
Trời mù mịt khói, tình  thêm đậm đà?"
Và các ông có thể viết rằng Đảng và Chính phủ Trung Cộng tạo ra khói mù như thế để tạo nên một không gian huyền ảo, cho dân Trung Quốc thêm mơ mộng và yêu nhau nhiều hơn!

BBC viết về HCTB như sau: Chúng ta có thể đọc qua các tựa đề: 'Tấn công Trung Quốc thành xu hướng thời thượng ở Washington', 'Ấn Độ và Việt Nam ký hợp đồng nhằm khiêu khích Trung Quốc'... để thấy rằng tờ báo này đang nhằm vào tâm lý muốn khơi dậy sự tự tôn và 'phục thù' của người dân. Jeremy Goldkorn, chuyên gia về truyền thông Trung Quốc và sáng lập viên của mạng Danwei.org, nói rằng Tổng biên tập Hồ đã thành công trong việc kết nối cái gọi là 'giáo dục tinh thần yêu nước' và vai trò kiếm tiền của tờ báo trong thời buổi chính phủ không còn bao cấp nữa. Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông đã phải thương mại hóa bằng các cách thức khác nhau. Có tờ phải quay sang tin tức về đời tư các ngôi sao để bán báo và bán quảng cáo

.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/11/111101_globaltimes_us.shtml

BiểnĐôngnet ngày 19-1-2014 trong bài Đọc “Thời báo Hoàn cầu”: Thấy một Trung Quốc thật đáng sợ !nhận đinh như sau về HCTB:"
Trên báo Tài Kinh (Tạp chí Tài chính), học giả Seong Hyon Lee viết rằng “Thời báo Hoàn cầu ” là “một trong những kẻ thù tệ hại nhất đối với nền ngoại giao nhân dân của Trung Quốc, và đã đến lúc Trung Quốc cần phải ‘khai tử’ tờ báo này!”.

Ông Seong Hyon Lee cho biết rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến “Thời báo Hoàn cầu ” bởi biết rõ nó phản ánh “những quan điểm bên trong” (không nói ra) của đảng cầm quyền, nhất là khi tờ báo này lại được kiểm chứng dưới nhãn hiệu của “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nhận xét tử “Thời báo Hoàn cầu ” đang “vẽ” lên một Trung Quốc gặp nguy khốn, bị vây bủa tứ bề. Cứ theo hình ảnh mà tờ báo này “vẽ”, Trung Quốc là một đất nước bị cô lập, không có mấy bạn bè, các thiện ý của nó luôn bị giải thích sai lệch. Do vậy, Trung Quốc phải “tả xung, hữu đột” để thoát khỏi vòng vây.

Đối với độc giả trong nước, theo ông Lee, thế giới mà tử “Thời báo Hoàn cầu ”vẽ ra là một thế giới nguy hiểm và đầy rẫy những âm mưu. Bởi vậy, người đọc của tờ báo này dễ bị tiêm nhiễm “tâm trạng của kẻ bị vây hãm”, luôn cảnh giác với thế giới bên ngoài. Về mặt tâm lý, những người đọc này có nguy cơ đánh mất sự tự tin. Từ chỗ liên tục bị lặn ngụp trong những ngộ nhận, họ sẽ đâm ra ngờ vực và thù nghịch thế giới bên ngoài.
Học giả Seong Hyon Lee viết: “Trên thực tế, đất nước Trung Quốc đang hiện ra một cách đáng sợ trong con mắt người nước ngoài”.

Theo nghiencuubiendong.vn, một ví dụ điển hình là giữa lúc căng thẳng Trung Quốc-Philippines lên đến đỉnh điểm liên quan đến bãi cạn Scarbourough hồi cuối tháng 5/2012, “Thời báo Hoàn cầu ”đã kêu gọi thành lập “binh đoàn xây dựng Nam Hải (Biển Đông)”. Theo “Thời báo Hoàn cầu ”, binh đoàn này sẽ bao gồm các đoàn khảo sát dầu khí, đoàn sản xuất nghề cá, đoàn xây dựng cơ sở vật chất. Các đoàn đội này cũng có cả tàu sản xuất, tàu hộ vệ vũ trang và tàu hậu cần, hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, khi xảy ra khủng hoảng có thể phối hợp ứng phó. Trung Quốc có thể…rút một số tàu không chủ lực của hải quân để tham gia “binh đoàn xây dựng và sản xuất” ở Biển Đông. Trung Quốc có thể cân nhắc thu hồi một hoặc một số đảo ở Biển Đông hiện nằm trong tay các nước khác.

Học giả Seong Hyon Lee kết luận: “Khi Trung Quốc và phương Tây nay đang cọ xát với nhau về nhiều vấn đề như mô hình phát triển và các hệ thống giá trị, thì việc giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của độc giả, nhờ đó tăng được số lượng phát hành và thu được nhiều quảng cáo. Nhưng người ta lại đang tự hỏi liệu đó có phải là chủ nghĩa yêu nước đích thực hay là thứ chủ nghĩa yêu nước ‘giả cầy’ vì mục tiêu thương mại?”.

http://biendong.net/binh-luan/632-c-thi-bao-hoan-cu-thy-mt-trung-quc-tht-ang-s-.html

Nói tóm lại, Hoàn Cầu Thời Báo là tay sai hung hản và trơ trẻn của đảng Cộng sản Trung Quốc.  Lý luận một chiều, nịnh hót, dối trá của họ cũng làm cho người Trung Quốc khó chịu.  HCTB bênh vực chủ nghĩa đế quốc của Trung Cộng, sóm hay muộn HCTB và đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai gần.
 

WOLFGANG KEMP * TƯ BẢN

Tư bản hàn lâm

Wolfgang Kemp
Phạm Thị Hoài dịch
Trong sự bế tắc của ngành giáo dục Việt Nam hiện tại, người Việt đương nhiên đặt kì vọng vào những mô hình giáo dục đào tạo ở các nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ. Hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ. Bài viết sau đây của một học giả Đức, đăng trên tờ Süddeutsche Zeitung, cung cấp một góc nhìn cảnh báo về nền đại học ở đất nước có nhiều trường đại học được coi là tốt nhất thế giới này. Độc giả quan tâm có thể tham khảo thêm bài viết của nhà báo Mỹ Thomas Frank đăng trên The Baffler số mới nhất về cùng chủ đề.
Người dịch
________
Đó là hệ thống đại học ở Mỹ (higher education). Trong khi tiểu bang cuối cùng ở Đức vừa bỏ hẳn chế độ thu học phí đại học[1] thì tiền học ở Mỹ lại tăng vô kể. Mức học phí ở Mỹ không căn cứ vào phí tổn và dịch vụ được cung ứng. Không, các trường đại học ngự trên đống tài sản cao nhất cũng đòi những mức học phí cao nhất, vì đó “là chiến lợi phẩm, là biểu tượng”, như ông cựu hiệu trưởng Đại học George Washington đã thẳng thừng tuyên bố vài năm trước. Học phí ở trường này thời ông đương chức là 50.000 dollar. Thêm vào đó là 10.000 dollar tiền ăn ở trong kí túc xá sinh viên. Tất nhiên một người trẻ tuổi còn có những nhu cầu khác. Bỏ rẻ vào đó 5000 dollar nữa, thế là thành 65.000 dollar một năm, theo tỉ giá hiện nay tức là khoảng 47.000 euro. Nhìn vào con số đó thì biểu dương tính phúc lợi xã hội của đại học ở Đức bao nhiêu cũng chưa đủ – dù là giữ hay bỏ chế độ học phí 500 euro một học kì.
Trong số mới nhất (số 23) của tạp chí The Baffler, Thomas Frank đã cất lên một khúc “chiến ca hàn lâm” (Academy Fight Song) thật sôi sục. Chiến ca (fight songs) là những ca khúc cổ xúy các đội thể thao của các trường đại học ở Mỹ. Khúc ca ra trận của Thomas Frank vừa phẫn nộ, vừa có cả tuyệt vọng và tự phê bình. Ông viết: “Chúng ta là thế hệ những kẻ trố mắt đứng nhìn một nhúm kí sinh trùng và tỉ phú phá nát nền đại học để vụ lợi”. Sự phê phán triệt để của ông tập trung vào những điểm sau: cuộc chạy đua của mức học phí, sự thống soái của bộ máy quản trị, những công cụ thống trị mới của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism), hệ thống đại học trong vòng tay của “giới độc quyền, các tập đoàn và những đám mãnh thú thả giàn khác”. Những đám mãnh thú mà Frank đề cập liên quan đến vòng xoáy phi lí của giá bán các giáo trình bắt buộc; toàn bộ ngành luyện trắc nghiệm để chuẩn bị cho các thí sinh được nhận vào trường (test prep); hệ thống quản lí tuyển sinh (enrollment management), tức một hệ thống kinh doanh tư nhân phụ trách việc điều phối tuyển sinh. Thêm vào đó là hoạt động kinh doanh của các trường đại học trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao và bằng sáng chế. Sản phẩm của cạnh tranh thả giàn là cái được mệnh danh “university inc.”, hay công ti cổ phần đại học. Trước hết, đó là cuộc cạnh tranh giữa các đại học có vốn tài trợ phải bảo tồn lợi nhuận và các trường đại học doanh lợi (for-profit). Mới đây Thượng viện Hoa Kì đã thực hiện một công trình nghiên cứu về ngành kinh doanh đang nở rộ này. Sau đây là một con số rút ra từ công trình dày 800 trang đó: Tại các trường đại học doanh lợi, trung bình chỉ 17,4 % doanh thu được dành cho giảng dạy, tất cả phần còn lại là lợi nhuận, quảng cáo và quản lí. Những trường này không hề có nghiên cứu. Hiệu trưởng các trường đại học truyền thống có nằm mơ cũng không thấy cái tỉ lệ ấy, nhưng họ đang hăng hái tiến theo hướng đó. Đến nay, 75 % số tiết học là do các giáo sư trợ giảng (adjunct professor), tương ứng với giảng viên hợp đồng ở Đức, đảm nhiệm. Ở Mỹ đã xuất hiện khái niệm “giáo sư giẻ rách”. Giải quyết xong vấn đề khó chịu là ai sẽ phải đứng lớp thì ban quản trị nhà trường sẽ rảnh tay lo việc chính: việc chiêu mộ các giáo sư ngôi sao. Từ lâu câu nói tếu sau đây đã được truyền tụng trong các trường đại học: Hỏi: Thượng đế và một giáo sư ngôi sao khác nhau ở điểm nào? Đáp: Thượng đế ở khắp nơi, tức ở đây cũng có. Giáo sư ngôi sao cũng ở khắp nơi, nhưng ở đây thì không bao giờ. Giờ đây cái nghề ngoại trú, hiện diện bao la này còn có một danh xưng riêng: trong hệ thống vươn ra toàn cầu của Đại học New York (NYU) nó được gọi là “giáo sư toàn cầu” (global professor). Slavoj Žižek chẳng hạn, bây giờ là “giáo sư tiếng Đức uy tín toàn cầu” (global distinguished professor of German) của NYU (mà chắc tự ông ta cũng thấy khoái) và cũng ở đó Ernst Fehr là “giáo sư kinh tế uy tín toàn cầu” (global distinguished professor of economics). Những ngôi sao đó cũng là chiến lợi phẩm như các mức học phí cực khủng. Giới lãnh đạo bộ máy quản lí rất yêu các ngôi sao, vì khi trả cho các ngôi sao một mức lương mà ta cứ tạm tính là 400.000 dollar (cộng các khoản phụ cấp, trong khi mức trung bình ở đại học Mỹ là 98.000 dollar) thì giới lãnh đạo khỏi phải lo mức lương khủng của chính họ quá lẻ loi. Hiện nay huấn luyện viên các đội thể thao ở đại học không còn dẫn đầu bảng lương nữa – trừ khu vực miền Trung Tây Hoa Kỳ, ở đó thì quả thật ngoài thể thao còn có gì đáng kể nữa? Lương cao nhất bây giờ thuộc về các hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa, chánh văn phòng, họ sẵn sàng nhận “thù lao” ở mức một triệu dollar. Ngoài ra lại còn các khoản tiền thưởng, vì trong các doanh nghiệp kinh tế cũng có tiền thưởng kia mà – và trong chế độ tư bản hàn lâm thì không có gì đáng phấn đấu hơn cái gọi là hoạt động doanh nghiệp (entrepreneurial). Cái từ vựng khủng khiếp của những “tuyên ngôn về sứ mệnh kinh doanh” và “dự thảo chiến lược”: nào là “tác nhân thay đổi” (change agent), nào là “năng động chiến lược” (strategic dynamism), nào là tăng trưởng (growth)…, đều từ đó mà ra. Nghe khá quen tai – ở Đức bây giờ danh hiệu thần chú “Exzellenz” (Đại học Ưu tú) cũng ngày càng thông dụng.
Bộ máy hành chính quản trị đã củng cố địa vị thống soái của nó trong các đại học Mỹ từ rất nhiều năm nay. Số lượng nhân viên hành chính đã vượt xa số lượng giáo sư từ lâu. Công trình nghiên cứu mang tên The Fall of the Faculty của Benjamin Ginsberg (2011) đã chỉ ra quá trình từng bước tước đoạt quyền lãnh đạo và quản trị của các giáo sư ở đại học: Từ 1975 đến nay, số lượng nhân viên cao cấp trong bộ máy quản trị tăng đến 85 %, số lượng nhân viên cấp dưới tăng 240 %, trong khi các khoa giảng dạy chỉ tăng 50 %[2].
Mới đây, khi thỉnh giảng tại Đại học New York (học phí 60.000 dollar một năm), tôi chứng kiến một vụ xung đột quyền lợi kéo theo nhiều hậu quả. Châm ngòi là sự đối đầu kinh điển giữa một bên là quyền quyết định và mong muốn thay đổi của chủ sở hữu và một bên là thái độ khoanh vùng của người sử dụng. Tôi sống trong một tòa nhà đồ sộ về chiều ngang, một quần thể dài vô tận, với 13 tầng, một kiến trúc như của Le Corbusier, nhưng vẫn không đủ hiện đại, vì đằng sau dãy nhà này là một công viên với sân chơi cho trẻ em, bể bơi và cây xanh, rồi lại đến một dãy khác, và cả hai chụm lại thành một không gian văn hóa của một thế giới đô thị khép kín khá khác thường ở Manhattan. Quần thể đó được gọi là “Washington Square Village”, và có lẽ cũng nên nhắc đến là toàn bộ khu vực này từng thuộc về một quỹ phúc lợi mang một cái tên đẹp: Snug Harbor, Bến Nương thân. Ông John Sexton, hiệu trưởng NYU, vốn đã được thỏa lòng hăng say xây cất bằng việc thành lập hai chi nhánh của NYU ở Abu Dhabi và Thượng Hải [3] – tất nhiên là bằng tiền của bên xin nhận quyền kinh doanh đại học này – và bằng cách đó dựng nên cái Đại học Mạng Toàn cầu (Global Network University) đầu tiên, với những “giáo sư toàn cầu” nêu trên – nhưng xem ra vẫn chưa đủ: ông ta trình ra thêm một dự án xây dựng quy mô 3,5 tỉ dollar ở khu vực Bến Nương thân, số tiền mà ở nơi khác đủ để xây và trang bị toàn bộ một trường đại học mới. NYU vốn đã là chủ bất động sản lớn nhất ở phía Nam Manhattan. Bây giờ khoảng không gian đẹp đẽ giữa hai dãy nhà nói trên sẽ bị hai tòa nhà cao tầng cuốn vào nhau kì quặc đè lên, trung tâm thể thao sẽ bị giải tỏa mặt bằng và một loạt nhà cao tầng khác sẽ mọc lên. Bao nhiêu nền văn hóa đã tiêu vong, chỉ vì ham xây dựng quá mức. Trong trường hợp này thì chỉ có ông hiệu trưởng bị đi tiêu. Giảng viên và sinh viên đã quá chán tình trạng bị cai trị từ trên xuống ròng rã nhiều năm trời và liên tục phải đối mặt với những chiến lược tăng trưởng mới. Đa số các phân khoa đã biểu quyết bất tín nhiệm. Kết quả: nhiệm kì của ông hiệu trưởng sẽ kết thúc vào năm 2016. Từ nay đến lúc đó, ông ta hưởng một mức lương là 1,5 triệu dollar một năm, cộng thêm 2 triệu do thâm niên công tác. Sau đó, tiền lương hưu ít ỏi của ông ta sẽ là 800.000 dollar cộng thêm khoản tín dụng cho ngôi nhà nghỉ ở đảo Fire Island. Chuyện đó có giấu cũng không được nữa: Trường đã cấp 72 triệu dollar tín dụng để các chủ nhiệm khoa, cán bộ quản trị cấp cao và các giáo sư ngôi sao mua nhà, nhà trong thành phố và cả nhà nghỉ, thậm chí là cả một trang trại. Hội đồng Quản trị không hề thấy thông lệ này có gì đáng trách. Đúng thế: đó là tiêu chuẩn sống đương nhiên của giới này. Vì thế, trước vụ phản kháng của giảng viên và sinh viên năm 2013, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Ban Quản trị tỏ ra mềm nhũn nhưng không hủy bỏ thông lệ cấp tín dụng xây dựng nói trên. Một hệ quả khác: Một thỏa thuận tạm hoãn xây dựng 9 năm với khu Snug Harbour. Ở phía sau, các tòa nhà cao tầng sẽ tới tấp mọc lên.
Ở Đức, tuy nhiều thứ còn rất chừng mực nhưng sự phát triển đáng kinh ngạc ở Mỹ nên được coi là cảnh báo nghiêm trọng. Trong thời gian gần đây, các trường đại học lớn ở Đức đã thuê hơn 1000 giảng viên hợp đồng một học kì, với mức thù lao tồi tệ. Đồng thời, chế độ minh tinh cũng bắt đầu phát triển, các trường đại học tư đã và đang được thành lập, ngôn ngữ quản trị hoành hành, bộ máy hành chính càng ngày càng phình to – ở Đại học LMU tại München cán cân đã ngang bằng: 700 giáo sư và nhân viên hành chính cũng chừng ấy. Ngày nay, tất cả những gì được mệnh danh đại học: cử nhân (bachelor), thạc sĩ (master), tín chỉ (credit points), công nhận chứng chỉ, đánh giá, cam kết mục tiêu.., được thử nghiệm đầu tiên ở Anh hai mươi năm trước. Năm 2010, người Anh lại tiến thêm một bước lớn về phía chủ nghĩa tư bản hàn lâm: Họ điều chỉnh ngân sách của các trường đại học bằng nguồn thu học phí. Nhà nước chỉ còn tài trợ một số trường hợp cá biệt và những bộ môn “định hướng tương lai”. Báo cáo về kết quả bước đầu đã có. Mới đây trong tạp chí London Review of Books, ông Stefan Collini, giáo sư Anh ngữ và Lịch sử Tư tưởng tại Cambridge, bản thân là một ngôi sao, đã có bài về sự biến chất của các trường đại học từ những thiết chế giáo dục công ích thành những doanh nghiệp kinh tế toàn cầu. Nhan đề cho bài viết về kết quả thê thảm này là: “Sold out”. Đã bán sạch.
___________
GS Wolfgang Kemp là nhà nghiên cứu Lịch sử Nghệ thuật, từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học Hoa Kì. Hiện ông là giáo sư tại Đại học Leuphana, Lüneburg.
Nguồn: “Akademischer Kapitalismus”, Süddeutsche Zeitung 4/1/2014 (bản in, không có bản online)
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra

[1] Trước 1970, học phí đại học ở CHLB Đức (Tây Đức cũ) đồng đều là 150 DM, sau đó bỏ hẳn. Năm 2005, 7 tiểu bang thuộc Tây Đức cũ khôi phục chế độ học phí 500 Euro / học kì. Năm học 2012/2013, chỉ còn 2 tiểu bang và năm học 2013/14 chỉ còn một tiểu bang giữ chế độ đó. Năm học 2014/2015, tiểu bang cuối cùng sẽ bỏ chế độ học phí đại học. (Các chú thích trong bài đều của người dịch.)
[2] So sánh với Đức: trong vòng 10 năm gần đây (2002-2012), số người làm việc tại các đại học ở Đức tăng 28%, hiện tổng cộng là 639.700 người, trong đó nhân viên hành chính, dịch vụ chỉ tăng 6%, còn nhân viên khoa học, nghệ thuật tăng gấp đôi.
[3] Một bài viết trên New York Times (“Liberal Education in Authoritarian Places“) được Vietnamnet dịch đăng dưới nhan đề “Trường Mỹ xuất khẩu danh tiếng, liệu còn tự do học thuật?“. Bài viết rất khơi mở này dường như quá xa xỉ với công chúng Việt Nam. Nếu đại học NYU cũng thiết lập một chi nhánh tại Việt Nam – như ở Abu Dhabi và Thượng Hải – thì người Việt chắc chắn không đặt câu hỏi về việc cái thường được ca ngợi là tự do học thuật của các đại học Mỹ có thể bị nướng vào công cuộc kinh doanh toàn cầu của phương Tây, nếu cần thì với cả các quốc gia chuyên chế. Tư bản không có hệ tư tưởng.
*****
Nguồn:

No comments: