Saturday, November 12, 2016

VIỆT CỘNG * TRẺ RANH * CỘNG SẢN *

THƯ 61

Thư ngỏ 61 nhắm tới ai?

Cập nhật: 15:31 GMT - thứ năm, 7 tháng 8, 2014

Nhà văn Nguyên Ngọc nói thư ngỏ nhắm tới đông đảo người Việt
Một trong những người ký thư ngỏ kêu gọi Đảng Cộng sản thay đổi nói mục tiêu nhắm tới không hẳn là những người được nhận.
Trong phỏng vấn với BBC hồi đầu tháng này, nhà văn Nguyên Ngọc nói:
"Chúng tôi không hy vọng nhiều rằng cái đó sẽ làm trực tiếp thay đổi đến đối tượng mà chúng tôi gởi.
"Nhưng mà vấn đề là thế này. Nhất định cơ chế đó, nhất định cách làm đó phải thay đổi, mà sự thay đổi đó phải có sự đấu tranh của toàn xã hội.
"Trước hết là ví dụ như kiến nghị của chúng tôi vừa rồi đó là toàn bộ đảng viên của Đảng hoặc đa số đảng viên của Đảng phải tạo nên áp lực buộc Ban chấp hành Trung ương, lãnh đạo trung ương phải thay đổi.
"Khi gửi thư đó là gửi cho 200 ủy viên trung ương, 175 ông chính thức và 25 ông dự khuyết. Chúng tôi gửi đúng địa chỉ 200 ông."
Mặc dù vậy nhà văn nói 61 đảng viên ký thư ngỏ có mục tiêu rộng hơn.
Ông nói: "Chúng tôi cũng không hy vọng nhiều là 200 ông sẽ thay đổi đâu. Nhưng mà chúng tôi biết trong số 200 ông đó vẫn còn những người mà chúng tôi tin rằng là đảng viên thật sự yêu nước, vì sự nghiệp, vì dân, vì nước.
"Có những điều kiện này, khác họ chưa nói, chưa hành động thì chúng tôi muốn đánh thức.
"Còn đối với đảng viên trong toàn đảng chúng tôi cũng muốn đánh thức họ... kể cả toàn dân nữa, thì chúng tôi gởi, làm những kiến nghị này là nhằm vào cái rộng rãi đó chứ không phải chúng tôi hy vọng tác động trực tiếp những ông đó để họ sẽ thay đổi."

'Tình hình cấp bách'

Một đảng viên khác ký tên vào thư ngỏ là Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, người luôn thúc giục có cải cách chính trị như từng quyết tâm cải cách kinh tế từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản.
Ông Doanh nói: "Bức thư ngỏ đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay.
"Một là phải có đối sách rõ ràng với Trung Quốc để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và không còn ảo tưởng đối với Trung Quốc, thực hiện chính sách hữu nghị, hòa bình, hợp tác nhưng trên cơ sở cân bằng và bảo vệ độc lập chủ quyền của chúng ta.
"Thứ hai nữa là phải thực hiện đổi mới chính trị, cải cách thể chế và điều tốt nhất là tự trong Đảng phải đổi mới."
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/08/140805_open_letter_by_61.shtml

07/08/2014


Góp phần giải mã thư ngỏ “61”

Thiện Tùng
Đã là Đảng Cộng sản theo học thuyết CS thì tất phải độc tài chuyên chế, là đảng viên Đảng Cộng sản mà không chấp nhận thể chế độc tài chuyên chế của đảng mình, về thực chất, đâu còn là đảng viên Cộng sản.
Nói không sợ mích lòng, theo nội dung Thư ngõ, 61 vị đứng tên trong đó gởi Ban Chấp Hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN, họ đều phản đối độc tài chuyên chế, vậy là trong người họ không có hoặc không còn chất Cộng sản. Họ từ đâu ra, đây là một trong những vấn đề cần được giải mã.
Từ khi Thư ngõ nầy được công bố, nhiều ý kiến khen chê theo cảm nghĩ của riêng mình, nói chung những ý kiến ngược xuôi ấy đều có giá trị cho tôi tham khảo, học hỏi. Về phần mình, tôi cũng có một số suy nghĩ về hiện tượng đặc biệt nầy.

“Có ở trong chăn mới biết chăn có rận” - Tôi muốn nói: Tôi tham gia kháng chiến năm 1952, trụ lại miền Nam, vào Đảng Lao Động VN năm 1959. Vì không chấp nhận Chuyên chính Vô sản và Chủ nghĩa Xã hội, tôi từ nhiệm năm 1986 và sau đó trả thẻ Đảng với lý do là tôi xin vào Đảng Lao Động VN chớ không xin vào Đảng CSVN. Vậy là ít nhiều tôi có ở trong “chăn” trong thời chiến và thời bình. Thấy gì nói nấy, xem như góp phần giải mã phần nào về sự bất hòa hiện có trong nội bộ Đảng CSVN, sự lộ diện 61 vị ghi danh trong Thư ngõ nầy chỉ là phần nổi.
Đảng CS với học thuyết Mác-Lê không “ăn khách”. Mới xuất hiện, còn manh nha mà hung dữ đòi “đào tận góc, trốc tận rể” 4 anh Trí, Phú, Địa, Hào. Những cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ Khởi nghĩa… do Đảng CS khởi xướng đều tắm máu, thất bại trong trong trứng nước. Trong cái rủi có cái may, thế chiến thứ 2 do phát xít Đức, Ý, Nhật gây sự, nước Pháp thọ nạn phát xít, ở Châu Á Nhật thọ nạn Đồng Minh, thừa cơ, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ Dân tộc khởi nghĩa giành được chính quyền từ tay Pháp, Nhựt.
Khi pháp trở lại VN, với tư cách Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng, không còn cách nào khác, Hồ Chí Minh giải thể Đảng CS, thực hiện dân chủ, đa nguyên về chính tri, tiến hành cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ suốt thời gian dài từ 1946-1975. Nhờ dân chủ, đa nguyên về chính trị, các tổ chức đảng, phái, tôn giáo lần lượt ra đời: Đảng CS “tái xuất giang hồ” với tên gọi mới Đảng Lao Động VN, Đảng Dân Chủ (của Tư sản dân tộc), Đảng Xã Hội (của Trí thức cấp tiến), Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam (1); ở Nam Bộ có 3 lực lượng vũ trang của 3 giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Tất cả những tổ chức vừa kể cùng nhân dân chung sức chung lòng làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ bằng 2 bước: bước Dân tộc là loại ngoại xâm, bước Dân chủ là thực hiện quyền về mọi mặt đối với nhân dân.
Sau 1975, khi nước nhà thống nhất, dựa vào thế thượng phong của Đảng mình, những người lãnh đạo Đảng Lao Động VN đưa ra kế sách “thuyết phục” các đảng chiến hữu “tự nguyện” giải thể - được xem như cái chết tự chọn; kết tập các đảng viên của các đảng bị giải tán lại trong ngôi nhà mới xây có tên là Đảng CSVN, nhận lớp bước Dân chủ, tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH.
Từ sự hợp nhất đó, Đảng CSVN nghiễm nhiên thành tạp chủng do đã dung nạp những khuynh hướng chính trị khác nhau từ nhiều đảng. Trong nội bộ Đảng CSVN xuất hiện ngày càng rõ 2 khuynh hướng: Một bộ phận tuy không đông, nhưng đa phần nằm trong giới lãnh đạo, theo khuynh hướng gọi là “Giai cấp”, nặng về ý thức hệ Cộng sản theo học thuyết Mác – Lê - Mao; một bộ phận khác khá đông, nhưng “thấp cổ bé miệng”, theo khuynh hướng Dân tộc, đa nguyên. Để phân biệt, người đời thường gọi là phái độc tài bảo thủphái dân chủ đa nguyên.
Có người cho rằng dân chủ, đa nguyên, đa đảng chẳng qua là sách lược để tập hợp lực lượng chống ngoại xâm. Nói thế nếu có thể đúng chỉ đối với Đảng Lao Động trước đây và Đảng CSVN sau này, chớ các đảng khác và nhân dân xem dân chủ, đa nguyên, đa đảng là chiến lược, mục đích. Họ đã từng vì nó mà đánh đổi bao mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Dựa vào danh sách trích ngang của 61 vị đảng viên ghi danh trong Thư ngỏ, tính từ trên xuống, cho thấy thành phần trong Đảng CSVN đa dạng như hợp chúng quốc Hoa Kỳ:
- 16 vị (từ 1 đến 16) vào đảng từ 1939 đến 1950 là đảng viên Đảng CS Đông Dương.
- 9 vị (từ 17 đến 25) vào Đảng từ 1951 đến 1963 là đảng viên Đảng Lao Động VN, cũng có thể có đảng viên Đảng Dân chủ hoặc Đảng Xã hội trong đó.
- 26 vị (từ 26 đến 51) vào Đảng từ 1965 đến 1975, nếu vào Đảng ở miền Bắc là đảng viên Đảng Lao Động VN, nếu vào Đảng ở miền Nam là đảng viên Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam.
- 10 vị (từ 52 đến 61) vào Đảng từ 1976 đến 1996 là đảng viên Đảng CS VN đương quyền.
Điều thú vị, được biết trong danh sách Thư ngỏ nầy có 2 cha con, người cha đứng đầu danh sách là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có tuổi Đảng cao nhất, người con của Ông cuối danh sách là trung tá Nguyễn Nguyên Bình, có tuổi Đảng thấp nhất – Cha con đều tướng tá, cùng đồng chí hướng – hơn cả tuyệt vời.
Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, không cùng ý thức hệ, khác chủng mà buộc “kết hôn” với nhau thì trách sao khỏi cảnh “lộn nài bẻ óng”. Muốn ổn định chỉ còn cách “xả giàn” cho chúng về “nguyên quán”.
Có ý kiến cho rằng, những đảng viên đòi dân chủ, đa nguyên chính trị… là phản bội Đảng CSVN. Trả lời sao trôi nếu họ nói lại: Tôi là đảng viên của Đảng khác, bị tổ chức úp bộ chớ có Cộng sản đâu?! Nếu nói chúng tôi phản bội “giai cấp”là giai cấp nào? Chúng tôi chỉ thấy rằng Đảng CSVN phản bội sự nghiệp Cách mạng Dân tộc Dân chủ mà cả dân tộc phải đổi lấy nó bằng mồ hôi, nước mắt và máu trong những cuộc kháng chiến. Phản bội kẻ phản bội thường là những người tốt, can đảm mới dám làm việc ấy.
Lại cũng có người cho rằng, nội dung Thư ngỏ của 61 vị này không có gì mới, năm này qua năm khác, hết thỉnh nguyện thư, kiến nghị, thư ngỏ… rồi cũng chẳng đâu vào đâu! Tôi thì nghĩ rằng Thư ngỏ này có những mới, lạ:
- Nó ra đời trước nguy cơ mất nước, dân tộc bị đồng hóa, kinh tế, xã hội rối loạn…
- Họ toàn là đảng viên có tên tuổi, Thư ngỏ không phải gởi cho cá nhân hay Bộ Chính trị mà gởi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng gởi cho toàn thể đảng viên trước thềm đại hội Đảng các cấp… Vô hình trung nó vừa là lời kêu gọi lãnh đạo Đảng sớm hồi tâm, vừa như là bản hiệu triệu đánh thức số đảng viên đang ôm sổ hưu say ngủ và số đảng viên đang lạc lõng trong “mê hồn trận”.
- Có lẽ lần này các ông không “quăng chài buông chốp”đâu.Thư ngỏ cũng là lời cảnh báo đối với toàn Đảng. Nếu không được lãnh đạo Đảng đáp ứng ở chừng mức mà đôi bên có thể chấp nhận, theo tôi, có khi 61 vị này không dừng lại “ly thân” như lâu nay mà công khai “ly hôn” với Đảng CSVN không chừng. Rồi họ làm gì nữa, thú thật tôi không biết và không dám đoán mò.
Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, ước gì Đảng CSVN từ bỏ lợi ích riêng tư, trở về với cộng đồng dân tộc như hồi kháng chiến thì tốt biết mấy.
Nếu Đảng CSVN tiếp tục vì lợi ích riêng tư, cho rằng mình có quyền giữ thể chế độc tài toàn trị, biết đâu những đảng viên có khuynh hướng dân chủ họ cũng có quyền tách ra lập đảng này, phái nọ như hồi kháng chiến để lo cho dân, cho nước thì sao? – chẳng lẽ Đảng CSVN xua quân ra đập đầu những người hết lòng vì nước vì dân này sao?!
Phải công nhận rằng, 61 đảng viên ghi danh trong Thư ngỏ là những người yêu nước thương dân, họ đang tiên phong trong đấu tranh để cải cách về mọi mặt, nếu không ủng hộ thì thôi, không ai có quyền làm nhục chí họ.
05/08/2014
T.T.
(1) Đảng Nhân Dân Cách mạng miền Nam chính thức ra đời 1964, năm 1975 có hơn 500.000 đảng viên. Họ ít biết về chủ thuyết Cộng sản. Hiện nay phần lớn họ cũng đã về hưu.
Tác giả gửi BVN
 

  Kiến nghị tích cực nhưng không thực tế



Lê Diễn Đức

Bức thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) được loan tải trên Internet của 61 nhân sĩ, trí thức, đa phần là lão thành cách mạng, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Tất cả đều là đảng viên ĐCSVN. Nguời vào Đảng sớm nhấ, năm 1939, là thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Người có ít thâm niên trong đảng nhất, từ năm 1991, là Đào Tiến Thi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội.
Thực ra viết thư "kiến nghị" một băng đảng cướp hãy nhân đạo, ngưng tay cuớp bóc thì thật là khó, nếu không nói là ảo tưởng.
Từ trước tới nay, ký "kiến nghị" kiểu này, đông đảo nhất là lần góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong năm 2013, đều chẳng được nhà cầm quyền lắng nghe, thậm chí còn bị xuyên tạc, chỉ trích. Những "kiến nghị" tâm huyết bị quẳng vào thùng rác một cách không thương tiếc.
Tuy nhiên, kiến nghị lần này có một số điểm cần chú ý.
Thứ nhất kiến nghị xuất hiện trong lúc nhiều tổ chức dân sự được thành lập và ra đời có vẻ trước sự làm ngơ của nhà cầm quyền. Mặc dù các tổ chức này hoạt động còn manh mún, chưa có tổ chức sâu rộng, quy mô, đa phần nằm ở các hoạt động giao lưu, hỗ trợ mang tính từ thiện, nhưng dù sao cũng đã nảy nở manh nha một khuynh hướng dân sự. Khuynh hướng này rất cần thiết, như là tiền đề cho một cuộc thay đổi thể chế chính trị qua các phong trào xã hội bất bạo động.
Kiến nghị được ký kết bởi các đảng viên, bằng tên tuổi thật, những người đã và đang gắn bó với bộ máy cầm quyền, có tác dụng củng cố thêm niềm tin, giúp các tổ chức dân sự vượt qua sợ hãi, đối diện với chế độ, để dám nói thật và nói thẳng.
Kiến nghị xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Việt-Trung có nhiều diễn biến phức tạp. Khiêu khích, gây hấn, mang giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một buớc leo thang, tạo tiền lệ, thách thức vai trò bá chủ biển Đông của Bắc Kinh. Sự kiện này cũng dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ ĐCSVN, tuy nhiên, phe thân Trung Quốc vẫn chiếm thế thượng phong và tương lai một Việt Nam bị Hán thuộc duờng như cầm chắc.
Khác với hàng loạt kiến nghị truớc đó, kiến nghị này thể hiện sự can đảm, dám nói chính xác vào sự thật, đụng trực diện vào nền tảng cốt lõi của chế độ.
Bản kiến nghị viết:
Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh".
Nói ĐCSVN "đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin" là khẳng định sự sai lầm của toàn bộ cương lĩnh hoạt động và cầm quyền của ĐCSVN, kể từ khi thành lập.
Ra đời trong thời kỳ Pháp thuộc, lợi dụng lòng yêu nuớc và dân tộc của dân chúng trong khi tiêu diệt các tổ chức, đảng phái yêu nước khác, ĐCSVN đã cướp chính quyền và sau chiến thắng thực dân Pháp, áp đặt trên miền Bắc một nhà nước chuyên chính vô sản mà thực chất là hệ thống độc tài toàn trị. Hệ thống này tiếp tục được thực hiện trên cả nước sau cuộc xâm chiếm miền Nam, sau ngày 30/0/1975. Xây dựng một mô hình xã hội chủ nghĩa là lý tưởng xuyên suốt và nhất quán của ĐCSVN.
Mô hình xã hội chủ nghĩa về bản chất đã thực sự phá sản sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, thành trì của cách mạng, sụp đổ vào đầu thập niên 90.
Để tự cứu mình và tồn tại, ĐCSVN đã phải "đổi mới", "cởi trói", đưa nền kinh tế đi theo thị trường tự do, từ bỏ nền kinh tế kế hoạch của xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, vì duy trì hệ thống chính trị một đảng cầm quyền, nên cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" dành cho "thị trường" đã không thể dung hoà. Kinh tế quốc doanh nắm vai trò chỉ đạo đã chứng minh sự trì trệ, thua lỗ và là nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng. Các nhóm lợi ích tận dụng cơ chế độc quyền và đặc quyền đặc lợi móc ngoặc với các quan chức làm giàu bằng mọi giá, đẩy đất nước vào nợ nần, suy kiệt sinh lực.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN, nói rằng, chủ nghĩa xã hội hoàn thiện hết thế kỷ này chưa biết đã tới chưa. Điều này cho thấy một niềm tin mong manh vào những giá trị mà chính ĐCSVN đưa ra. Con đường xã hội chủ nghĩa là một bãi sình lầy bế tắc mà 21 năm ở miền Bắc và 40 năm trên cả nước ĐCSVN đã nỗ lực trong cuồng vọng nhưng không bao giờ về tới đích.
Cho dù thành thật hay mị dân, giả vờ, thì "xã hội chủ nghĩa" bằng thực tế của lịch sử và bằng con đường mà ĐCSVN đang lãnh đạo, đã chứng minh là không tưởng.
Từ bỏ chủ thuyết xây dựng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là từ bỏ sự lừa mị, dối trá, từ bỏ bản chất của chính mình. Từ bỏ nó là từ bỏ các cơ hội vơ vét, tham nhũng, vinh thân phì gia, những vấn nạn đã trở thành đại dịch, thành bệnh ung thư mãn tính của cả guồng máy cầm quyền.
Trong thực tế "xã hội chủ nghĩa" chỉ còn là tấm mặt nạ bao che cho chế độ độc quyền. ĐCSVN dư sức biết điều đó.
Những người tham gia ký kiến nghị đều là những đảng viên cộng sản, họ đã một thời gắn bó, đi chung với những sai lầm của ĐCSVN. Tuy giờ đây nhận ra nhưng họ vẫn ràng buộc bởi quyền lợi, chí ít là "sổ hưu". Họ có can đảm nhận ra sai lầm nhưng không đủ can đảm đồng loạt rời bỏ đảng, rời bỏ một tổ chức đã gây ra bao nhiêu tội ác, làm đất nước tụt hậu, nghèo đói.
Họ vẫn mong muốn ĐCSVN cầm quyền, nhưng "tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa, (....) xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ".
Làm sao ĐCSVN lại có thể "xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ"? Như thế tức là loại bỏ độc quyền lãnh đạo của họ ư? Họ đang một mình một sân, vừa đá bóng vừa thổi còi, làm sao họ có thể tự khép vào kỷ cương, luật lệ?
Điều này chỉ có thể xảy ra khi có sức ép lớn và mãnh liệt của toàn xã hội. Trong khi đó người Việt trong nước đã bị thuần phục, liệt kháng vì văn hoá sợ hãi và cam phận với miếng ăn. Đại đa số chỉ biết so sánh đời sống khổ sở, thiếu thốn của thời chiến tranh với ngày hôm nay, nhiều kẻ ngộ vẫn nhận có được như vậy là ơn huệ của ĐCSVN.
Sự chán ghét chế độ và nhìn nhận ra sự thật chỉ nằm trong số ít, giới trí thức thì nửa vời, cơ hội. Cho nên, kiến nghị tuy về nội dung có nhiều tích cực, nhưng thiếu sức mạnh và thực tế. Nó khó có thể tạo ra ảnh hưởng lên một nhà cầm quyền độc đoán, tham lam, ích kỷ và bảo thủ.
© Lê Diễn Đức

  04-08-2014


Thư trả lời 61 đảng viên lão thành

Trần Sơn/ Dân luận
Thư các bác không dài, nhưng vấn đề không mới, ai cũng biết, 90 triệu dân VN biết tỏng lâu rồi, 16 ủy viên bộ CT cũng biết tỏng lâu rồi. Nhưng trả lời các bác làm sao đây. Các bác toàn kiến nghị khó, như dánh đó nhau. 
Thôi, em trả lời các bác từng phần theo thứ tự từ trên xuống để phần nào các bác yên lòng. 
Bản kiến nghị, tựu chung lại có 2 phần. Phần 1 là hiện tình đất nước. Phần 2 có 2 kiến nghị cụ thể. Em thử trả lời như sau, các bác xem sao:
1. Các bác bảo xây dựng đất nước theo con đường CNXH là sai lầm, 30 năm đổi mới chưa triệt để nên gây ra nhièu mặt lũng đoạn trong xã hội …. Cái này đích thân đồng chí TBT Trọng đã trả lời rồi. Đại ý là “đổi mới“ chỉ là một giai đoạn ngắn để tháo gỡ tình thế về kinh tế thôi. Còn nền tảng là chính trị không thể thay đổi được”. Điều này có nghĩa là, các bác liệu chừng, đến một ngày đẹp trời nào đó các bác cùng toàn đân vác hộ khẩu lên phường nhận tem phiếu theo tiêu chuẩn lương thực thực phẩm hàng tháng nhé. Chợ búa dẹp hết nhé, tất cả vào HTX nhé… Có vậy mới xây dựng CNXH được, chứ cứ như nền kinh tế thị trường bát nháo hiện nay thì 100 năm nữa chưa chác đẫ có ( Lời của TBT Trọng). Mà điều các bác phải nhớ, Hiên nay đồng chí TBT Trọng đang khao khát hàng ngày hàng giờ làm sao xây dựng CNXH trên đất nước ta thật mau. Kẻo 100 năm năm nữa bác ấy không kịp sống.

Các bác, 61 người ai cũng là đảng viên CS cả, thế mà các bác quên một điều căn bản sống còn: Nếu không vì mục tiêu xây dựng CNXH thì đảng CS tồn tại để làm gì? Xây được hay không được, không quan trọng. Cứ phải hô hào như vậy đã, để mà còn lý do tồn tại, lý do lãnh đạo. Chứ không nói như vậy để dân nó chửi cho là đồ ăn bám à. Bí lắm thì nói liều là sứ mệnh do dân tộc giao phó, do nhân dân lựa chọn
Các bác bảo thôi đừng theo Mac-Lê nữa, chảng hóa các bác muốn giải tán cái đảng này à? Cái này đồng chí Nguyễn MInh Triết đã nói rõ rồi “Hổng được đâu”Thôi thì thế này, các bác làm gương trước đi: Trả lại thẻ Đảng, tự ý xin ra, như bác Đằng, anh Đức nghe còn thuyết phục hơn cái bản kiến nghị. Nói ngược lại, các bác còn là đảng viên CS thì các bác đừng khuyên từ bỏ chủ nghĩa Mac-Lê, nghe nó chối lắm. Làng nào chẳng thờ ông khai canh, nghề nào chẳng thờ ông tổ. Đến nghề làm… còn có nữa là. 
2. Rồi các bảo đảng độc tài toàn trị, Thế chẳng nhẽ các bác muốn đa đảng à. Nếu muốn, các bác tự lập ra đảng mới đi. Pháp luật có cấm đâu. Khi nào an ninh CS bắt bớ các bác, các bác kiến nghị cũng chưa muộn kia mà. Còn quan điểm của đảng CS VN là không đa đảng. Cái này, cũng bác Triết nói rõ rồi “đa đảng là chết“ nói toạc ra, đa đảng dân không chết, mà đảng CSVN chết ngay, chết không kịp ngáp. Phải chăng các bác muốn như vậy? Em nghĩ các bác trên TƯ đảng không muốn như vậy. Nhìn Sadam bị treo cổ, Gradafi bị lôi ống cống là các bác ấy hãi lắm.
3. Rồi các bác bảo là kìm hãm tự do dân chủ chia rẽ dân tộc. Thế dân chủ, tự do là cái gì, mặt mũi nó ra sao? đã có bao giờ dân VN này được biết thế nào là tự do dân chủ đâu mà so sánh. Các bác nói vậy, em biết vậy, chứ bảo thế nào là tự do dân chủ thì em chịu, em chưa bao giờ qua Âu-Mỹ, em chưa biết. Em không dám đòi. Còn chia rẽ dân tộc thì các bác nói hơi mơ hồ. Trong nước thì khấu hiệu “Đoàn Kết, Kỷ Cương…” giăng đầy đường đấy, các bác không đọc à? Với bà con Việt kiều bác Triết có khúc ruột ngàn dặm của bác vắt qua tận bên Mỹ rồi. Các bác cũng không thấy sao? Rõ ràng chủ trương của đảng CSVN là không chia rẽ nhé. Chủ trương của đảng lâu nay là tập hợp thật đông quần chúng, càng đông càng tốt, một lòng theo đảng, đảng bảo gì nghe nấy, đừng ý kiến ý cò gì hêt. Còn lòng dân không theo là lỗi tại dân. Các bác nói thế là oan cho đảng ròi. Đảng không vui đâu. 
4. Các bác bảo tham nhũng tràn lan, đất nước kiệt quệ, tụt hậu so với các nước trong khu vực. Cái này cũng đúng, ai cũng thấy. Nhưng bọn cán bộ địa phương các cấp, ban ngành đoàn thể, lương ba cọc ba đồng nó ăn gì để nó làm việc. Không tạo điều kiện cho nó chấm mút thì nó bỏ việc à? Lúc ấy các bác ra mà làm nhé. Có bọn nó mới có người phục vụ chế độ. Nói toạc ra, chế độ này còn tồn tại là nhờ bọn nó. Thằng nào làm cán bộ mà không ăn cắp là thằng đấy có nguy cơ chống phá đảng, không chóng thì chầy cũng bị các đồng chí “tận tụy phục vụ chế độ“ cho bật xới. Cho nên các bác muốn truy tìm, tố cáo tham nhũng, rất dễ. Các bác xem thằng nào luôn mồm hô to “Đảng cộng sản VN quang vinh muôn năm“ là thằng đấy tham nhũng nhiều nhất. Cái này bác Sang gọi là bầy sâu. Cứ xem thằng nào to mồm ca ngợi đảng CSVN, thằng đó là chính loại sâu bự. 
Như vậy phần tình hình chung em đã nói ró chân lý từng điểm cho các bác rồi nhé. Giờ đến phần 2, kiến nghị. Em cũng nói ngắn thôi:
5. Các bác kiến nghị chuyển đổi mô hình chính trị từ toàn trị sang mô hình dân chủ. Vậy cái mô hình ấy nó như thế nào. Sao các bác không đính kèm bản kiến nghị ấy một bản luận cương, xem nó cụ thể nó ra sao. Chứ các bác nói dân chủ chung chung ấy thì bố ông TBT cũng không sao mà hình dung ra được. Còn về dân chủ thì chị Doan thay mặt đảng và nhà nước cũng đã khẳng định rồi “nước ta có nền dân chủ gấp ngàn lần các nước tư bản chủ nghĩa“. Vậy thì các bác còn đòi dân chủ như thế nào nữa. Rõ là các bác được voi đòi tiên. 
6. Nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc thì đúng rồi. Nhưng bảo không phụ thuộc vào nó thì mua bán với ai. Đồ của nó rẻ, toàn dân ai dùng cũng được. Cho nó trúng thầu thì phần lại quả lớn hơn bọn Nhật, lại đảm bảo không bị tố. Làm ăn với nó kiểu gì nó cũng mời qua TQ vài lần, ăn chơi không bị dòm ngó. Vậy thì các bác bảo nên chọn ai. Cho bọn trong nước trúng thầu thì vừa đắt, vừa làm ẩu. ăn xong còn bị nó tố ngược mới oan gia làm sao. Thôi tạm thời cứ chơi với nó vài chục năm nữa đã, cho lành.
7. Lâu nay chọn đại biểu đại hội đảng toàn quốc, thì cũng bầu từ cơ sở lên đấy thôi. Chứ bộ CT, ban chấp hành TƯ công đâu mà đi chọn cả nghìn đại biểu. Toàn là dưới cơ sở nó bầu lên đấy chứ. Nó phe cánh o bế cho nhau thì các bác phải chỉ ra nó không xứng đáng như thế nào chứ. Bây giờ mà hỏi 10 thằng thì cả 11 thằng nó bảo nó yêu nước đấy chứ, có thằng nào không yêu nước đâu. Nhưng yêu nước chung chung thì cũng chưa được, phải kèm thêm yêu đảng, yêu chế độ nữa, cái này thì bọn ấy có thừa tình yêu. Vì đảng là suối nguồn tươi trẻ của nó mà.
8. Bầu đại biểu Quốc hội cũng vậy, toàn là dân bầu lên chứ ai. Dân đi bầu là dân ngu thì các bác chịu, chứ biết kêu ai bây giờ. Em nhớ không nhầm, gần đây có vị đại biểu quốc hội thẳng thừng tuyên bố “quốc hội là của dân, quốc hội sai thì dân chịu“ (đảng vô can). Thế thì các bác còn thắc mắc gì nữa. Hay thôi, biết là cái đám đại biểu quốc hội toàn bọn ăn hại đái nát, lần sau có tổ chức bầu cử, các bác ở mỗi địa phương của mình vận động nhân dân đừng đi bầu nữa có được không. Các bác có làm được điều này không?
9. À còn cái chuyện biểu tình yêu nước nữa, “cái ni là mệ không ưng mô“. Nói thật với các bác, chế độ nào, chứ chế độ CS sợ biểu tình lắm. Từ biểu tình đến sụp đổ chế độ chỉ cách nhau một gang tay. Đi nhanh hơn ung thư giai đoạn cuối. Nên ở chế độ CS là không có biểu tình. Mít tinh ủng hộ thì được. Đại loại như mít tinh ủng hộ Putin chiếm trọn bán đảo Crưm thì OK. Hay mít tinh chaò mừng quân đội ly khai Ucraina vừa bắn hạ một chiếc máy bay của bọn Malaysia thì đảng cho tổ chức liền. 
10. Còn tù nhân chính trị nữa, nói gọn, đấy là con bài dự trữ để đối ngoại. Thả làm sao được, Có thả 1 thì bắt 10. Bọn Âu Mỹ nó yêu sách đủ điều. Bây giờ mà không lưu trữ vài chục tù nhân chính trị thì nó đòi hỏi nhiều điều mệt hơn. Nào là bầu cử tự do, nào là đa đảng, nào là công đoàn độc lập… Tù nhân chính trị là thứ dễ mặc cả nhất với phương tây. Khi nào cảm thấy có lợi (hoặc bất lợi quá) thì ta thả vài thằng, nom xem kho hơi cạn thì ta đi bắt dự trữ vài thằng nữa. Các bác thông cảm, đây là cái vốn lận lưng của đảng.
...
Thôi các bác ạ, cái dám dân đen nước mình vốn dĩ nghèo khổ, thất học, cả tin, chỉ vì nghe theo Việt Minh mà đến nông nỗi này. Chả trách đám dân đen, cỡ Trần Đức Thảo còn bị lừa nữa là. 
Trả lời các bác như thế có lẽ tạm đủ rồi. Hy vọng các bác không thắc mắc nữa. Để kết thúc, em hầu các bác một bài thơ em vừa làm, để các bác thư giãn. Tên bài thơ là:
CÂY ĐA Ở CỔ LOA
Ở Cổ Loa.
Có một cây đa,
Ngót một ngàn năm tuổi.
Năm 939 Đức Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán.
Chấm dứt Bắc thuộc ngàn năm.
Ngài về lại Cổ Loa,
Trồng một cây đa,
Phục dựng vương triều cũ.
Nhưng than ôi!
Năm 90 thế kỷ 20.
Triều đại nhà Hồ,
Qua Thành Đô khấu đầu cúi lạy.
Cây đa chết.
Một ngàn năm Bắc thuộc bắt đầu. 
Bài thơ có dở các bác đừng cười nhé.
Trần Sơn
Theo Dân luận

NGUYỄN TƯỜNG THUỴ * VIỆT CỘNG XUYÊN TẠC

04-08-2014

Vẫn là giọng lưỡi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo quen thuộc

Nguyễn Tường Thụy/ Blog NTT
Gần một tháng đã qua, Hội Nhà báo Việt nam (NBVN) dường như mới chợt phát hiện ra sự xuất hiện một đồng nghiệp tuy không đồng chí: Hội Nhà báo độc lập (NBĐL). Tờ Nhà báo & Công luận của Hội NBVN và tờ Peetro Times bắt đầu cất tiếng:

Ðộc lập hay đối lập đây? tác giả Minh Toàn.
Vâng, cái Hội này mới ra đời chưa đầy một tháng, tuổi đời quá non trẻ với vỏn vẹn vài chục hội viên và đương nhiên “bề dày thành tích” đối với báo chí cách mạng bằng 0 và mãi mãi bằng con số 0 tròn trĩnh. Vì sao? Vì Hội NBĐL không xác định cho mình phải bảo vệ cho đảng phái nào. So với đội ngũ làm báo xã hội chủ nghĩa với hơn 2 vạn hội viên mà họ khoe thì số hội viên của Hội NBĐL cũng chỉ bằng con châu chấu so với một con voi (tuy đã vào mức tuổi 69 - nghe đâu, voi có tuổi thọ phổ biến là 70)
Nhỏ bé như vậy, ấy thế mà Hội NBĐL đã được hai tờ báo quan tâm dành cho những lời lẽ gay gắt, làm như ảnh hưởng đến niêu cơm của họ đến nơi, dẫu rằng nó không hề và không nghĩ tới một xu ngân sách. 
Vấn đề là ở chỗ khác. Họ là công cụ tuyên truyền của Đảng, có nhiệm vụ phải bảo vệ Đảng. Nào ai đã nói phải lật đổ Đảng của các người mà đã phải nhảy thách lên. Họ không tiếc lời rủa sả, coi Hội NBĐL như kẻ thù, là những phần tử này nọ, “đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước” “thực hiện các mưu đồ đen tối” “thu nạp những phần tử chống đối trong và ngoài nước” “nhóm người tiêu cực, bất mãn”. Qui chụp chán, cuối cùng họ lớn tiếng đòi “loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”
Đọc những gì họ viết, không thấy một tư duy nào mới hơn so với những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Họ nhân danh ai? Nhân danh Hội Nhà báo Việt Nam? Nhân danh đảng CS và Nhà nước VN? Tôi dám chắc, cả những ông lãnh đạo bảo thủ, giáo điều nhất nước cũng không tới nỗi ăn nói bừa bãi như họ. Minh Toàn vừa đặt ra câu hỏi "Ðộc lập hay đối lập đây?" đã khẳng định luôn "Chắc chắn là âm mưu đối lập!"
Hồ đồ, qui chụp, vu khống mà không cần chứng cứ, diễn giải gì. Họ dựa vào hơi hám Nhà nước có đầy đủ công cụ trấn áp trong tay cho nên cứ việc nói vung mạng.
Ra đời được 1 tháng, Hội NHĐL chưa làm gì các người. Thế mà các người tỏ ra căm ghét, hằn học đến thế. Phải chăng, các người muốn chứng tỏ mình là tên lính xung kích trên mặt trận báo chí?
Xin đặt ra cho các người vài câu hỏi đơn giản:
- Căn cứ vào đâu các người bảo Hội NBĐL “đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước”?. Hội NBĐL chống phá Nhà nước như thế nào?
- Hội NBĐL đã làm gì chứng tỏ đang "thực hiện các mưu đồ đen tối”?
- Căn cứ nào để các người nói, Phạm Chí Dũng là chủ tịch tự phong? Các người cần phải biết rằng, trong cuộc họp thành lập Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã được toàn bộ Hội viên có mặt tín nhiệm bầu làm Chủ tịch với số phiếu 100%. Hay là các người liên tưởng đến các cuộc bầu bán quốc hội, Hội đồng ND và các cuộc bẩu cử chính thống khác mà suy bừa ra như thế.
- Các người viết “phần đa trong số họ (tức Hội NBDL-NTT chú) thực chất chỉ là những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa”.
Xin hỏi, theo quan niệm của các người thì thế nào là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng, những bài báo viết một nửa sự thật, nửa kia lại bị xuyên tạc mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo ca ngợi 16 chữ vàng, tinh thần 4 tốt để nhân dân ta phải ê chề vì sự bạo ngược của Trung Cộng mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những tin cướp, hiếp, giết, loạn luân giăng đầy lên các trang báo của các người mới là tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo né tránh chuyện dân đói khổ lầm than, bị cướp đất, cướp nhà mới là những tác phẩm báo chí đúng nghĩa? Phải chăng những bài báo không dám động đến các cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cộng năm 1979 ở biên giới phía Bắc, năm 1974 ở Hoàng Sa, năm 1988 ở Trường Sa mới là những tác phẩm báo chí đúng nghĩa?
Họ còn chê Hội NBĐL "có những người chưa bao giờ làm báo". Trong số Hội viên của Hội NBĐL, có ai chưa viết báo không thì tôi chưa rõ vì tôi không làm công việc tổ chức. Nếu có thì người ấy cũng chỉ là Hội viên thường. Nhưng "Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí".

Các người chưa biết thì hãy đọc ở đây: Nhiều tổng biên tập không phải là nhà báo - Vietnamnet
Thì ra, trong cơn tức tối, họ quên khuấy đi mất, không nhìn lại chính mình còn kinh khủng hơn. Rõ là "Lươn ngắn thì chê trạch dài/Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm"

Hội NBĐL thì họ nói thế, còn với Văn đoàn độc lập thì sao? Họ kẻ cả:
"Một số nhà văn đã từng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tác nhưng khi đã nhận tiền rồi, họ có cho ra đời được tác phẩm nào xứng đáng? Ăn lương Nhà nước, ăn tiền hỗ trợ sáng tác mà lại âm mưu thành lập hội mới để đối lập với tôn chỉ mục đích của hội chính thống hiện hành thì thử hỏi tư cách của những nhà văn ấy là gì?"

Ơ hay! Đảng nào, Nhà nước nào làm ra tiền? Là tiền thuế của dân, là tiền bán tài nguyên đất nước đấy chứ. Lối viết bút nô, nịnh bợ như thế mà vẫn coi là "tác phẩm báo chí đúng nghĩa" được. Với các nhà văn, nhất là các nhà văn có tài, có tâm mà bắt viết trong một cái khung định sẵn thì có hỗ trợ bao nhiêu chăng nữa cũng chẳng làm sao mà ra nổi tác phẩm hay. Ấy là chưa hỏi tới, tác phẩm xứng đáng theo họ là tác phẩm như thế nào?
Về các tổ chức XHDS, họ cho rằng "vẫn không đánh lừa được các quốc gia trên thế giới và trở nên lạc lõng". Không biết sự lạc lõng của các tổ chức này trước con mắt thế giới như thế nào, chỉ biết rằng, họ ra nước ngoài thì được các tổ chức, chính giới chào đón, ở trong nước được cơ quan ngoại giao các nước chào đón và bảo vệ như đại sứ quán Hoa Kỳ, Pháp, Ôxtrâylia, Đức, Thuỵ Điển v.v... toàn những nước có tiếng nói uy tín trên thế giới cả.
Điêu toa là thế, họ còn khoe khoang, phủ dụ, bịp bợm về những điều trẻ con cũng khó có thể bị lừa. 
Họ khoe "dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo phấn đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa."
Công lao của Hội NBVN đấy. Chẳng biết họ tuyên truyền giỏi giang thế nào mà bây giờ, đất nước be bét ra như thế này. Tụt hậu đến cả Căm Pu Chia nó cũng qua mặt được.
Họ dụ rằng “Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể đại diện cho mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội. Không những thế, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể đều được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện hoạt động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 
Lạ nhỉ, sao các người không tự hỏi, tốt đẹp thế, hoàn mỹ thế sao người ta lại không thích? Khác gì một anh thắc mắc tôi đẹp trai thông minh, giàu có, tại sao cô không yêu tôi? Cô không lấy tôi thì đừng hòng tôi để cô lấy thằng khác. Như thế có phải là vô duyên không?
Nếu ai cũng có người tổ chức đại diện xứng đáng và được chăm lo chu đáo, tạo điều kiện hoạt động thì làm gì có sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự để cho họ lên án, giảng giải.
Mở đầu bản tuyên bố thành lập,  Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam trăn trở:
“Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề? Đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để trả lời những câu hỏi trên. Tuân theo kinh nghiệm của mọi xã hội dân sự tiến bộ nhất trên thế giới, một trong những giải pháp cần phải có là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.” 
Trong nhiều chục năm qua, báo chí VN chỉ là công cụ tuyên truyền, minh hoạ cho đường lối của Đảng CSVN, thậm chí nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó. Vì thế nên nội dung giao ban hàng tuần, hàng tháng được gọi là mục tiêu tuyên truyền: cần viết gì, không được viết gì. Vì thế, báo chí trở nên xơ cứng, mòn xáo, vừa thiếu thông tin, vừa thiếu độ tin cậy, tránh sao khỏi bị độc giả xa lánh.
Cho nên không có gì khó hiểu khi độc giả tìm đến các website, các blog và các trang facebook cá nhân để thoả mãn nhu cầu. Việc ra đời Hội NBĐL là tất yếu.
Hai bài báo ký tên Hồng Sâm và Minh Toàn chẳng khác gì những bản thu hoạch chính trị, khô cứng, giáo điều và nhạt hoét. Phần khoe khoang thì toàn thấy đúng, đẹp và vẹn toàn cả, điều này cả báo cáo trính trị của Đảng CSVN cũng chẳng đến nỗi trơ trẽn mà viết như thế. Chẳng lẽ, Hội NBVN hết người rồi sao?
Trong buổi làm việc ngày 29/7/2014 với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng nói: 
“Chính phủ hết sức quan tâm, mong muốn lắng nghe được nhiều ý kiến tư vấn phản biện từ xã hội, các nhà khoa học, giới trí thức... Phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý”.
Thủ tướng thì nói thế, còn các người lấy tư cách gì mà giành cho mình cái quyền cao giọng, giảng giải, qui chụp, chẹn họng người khác - những điều mà tôi cho rằng chính các người cũng không tin.
Ca ngợi chán, Minh Toàn lại buông ra một lối so sánh “chết người” nhưng đúng, không hiểu tác giả có ý gì: gọi các tổ chức của đảng là cỏ còn các hội đoàn mới thành lập là lúa, theo đúng trình tự đặt câu:
“Dù ở một số tổ chức vẫn còn những mặt hạn chế nhưng so sánh với các hội, đoàn độc lập đang được rêu rao, vận động thành lập thì sẽ thấy chẳng khác gì so sánh cỏ với lúa vậy!”
Vâng, các đoàn thể do Đảng tổ chức ra là cỏ nhưng các hội, đoàn mới thành lập có được xem là lúa không thì cần phải có thời gian. Tin rằng dù được gieo trong môi trường khắc nghiệt nhưng nhờ hạt giống tốt chắc chắn cây lúa sẽ trổ đòng, kết hạt.
4/4/2014
NGUYỄN TƯỜNG THUỴ

GS. NGUYỄN VĂN TUẤN* TUYÊN TRUYỀN

Tác hại của tuyên truyền

Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan
Theo cách hiểu thông thường, tuyên truyền là truyền bá những thông tin lệch lạc để quảng bá một mục tiêu chính trị hay một quan điểm. Theo cách hiểu này tôi thấy ở VN có nhiều hiểu lầm hay lệch lạc về các sự kiện lịch sử chỉ vì những sản phẩm của tuyên truyền.

Năm nay kỉ niệm đúng 50 năm ngày 3 tàu hải quân VN đụng độ với tàu khu trục Maddox của Mĩ (2/8/1964). Báo chí VN mô tả trận đánh đó như là một “chiến thắng giòn giã” của hải quân VN (1) vì đã đuổi được tàu Maddox. Nhưng tôi nghĩ đây là một sản phẩm tiêu biểu của tuyên truyền, và nó sẽ làm lệch lạc sự thật lịch sử.
Trong thực tế, cuộc đụng độ không tương xứng đó làm cho 3 tàu của VN đều bị hư hỏng, 4 thuỷ thủ bị tử vong, 6 người bị thương. Còn tàu của Mĩ chẳng hề hấn gì; họ thậm chí phản công gây nhiều tổn hại cho VN. Tàu Maddox cũng chẳng “chạy trốn” mà nó còn quay lại với một tàu khác cùng máy bay oanh kích và gây tổn thất khá lớn trên đất liền. Đã 50 năm rồi, chẳng có gì phải giấu diếm, nên nói thật cho công chúng biết. Không nói thì họ (cũng như tôi đây) vẫn có thể tìm trên mạng để đọc và biết. 
Trong quá khứ, tuyên truyền đã làm sai lệch lịch sử. Một trong những sản phẩm tuyệt vời của tuyên truyền là nhân vật Lê Văn Tám. Đó là một cậu bé được hư cấu hoàn toàn, mà tác giả của nó là Trần Huy Liệu (2), lúc đó (1946) là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động của VNDCCH. Ông Liệu sáng tác ra một thiếu niên 18 tuổi tên Lê Văn Tám, vì căm thù giặc Pháp, đã tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè vào ngày 1/1/1946. Người sáng tác câu chuyện Lê Văn Tám cho biết Tám chạy 50 mét để vào đến kho xăng. Nhưng người sáng tác có vẻ hơi cường điệu. Làm sao một đứa bé 10 tuổi, với sức nóng dữ dội của xăng, có thể chạy đến 50 mét? Nhưng sau này chúng ta biết rằng đó chỉ là hư cấu, chứ không có nhân vật Lê Văn Tám. Tác giả của nó thú nhận một cách chống chế: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.” Ấy vậy mà Lê Văn Tám đã đi vào lịch sử, vào sách giáo khoa, có tên công viên và đường phố. Mặc cho tác giả trần tình, rất nhiều người vẫn không tin rằng Lê Văn Tám là nhân vật hư cấu! 
Tuyên truyền có thể gieo căm thù cho cả một cộng đồng. Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi đoán người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mĩ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người; sĩ quan và quan chức Nguỵ sống phè phỡn, bê tha, truỵ lạc, trong khi đó thì người dân đói khổ đến nỗi không có chén để ăn cháo. Có lẽ người dân ngoài Bắc tưởng là thật, nên có lí do để vào Nam giải phóng cho dân miền Nam. Có lẽ tin là quân Nguỵ ác ôn, nên mới có tình trạng khi tù cải tạo từ miền Nam bị áp tải ra ngoài Bắc bị dân chúng quăng đá ném gạch và chửi rủa thậm tệ. Có vài người chết vì đòn thù này. Không biết bao nhiêu là đạo diễn (như thời Cải cách ruộng đất) và bao nhiêu là căm thù thực sự, nhưng hệ quả của tuyên truyền quả là ghê gớm.
Cũng vì tuyên truyền mà đến nay người dân VN vẫn tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới do UNESCO công nhận. Sự thật thì UNESCO không có văn bản nào công nhận ông hay bất cứ ai là “danh nhân văn hoá thế giới” (3). Vậy mà báo chí và giới lãnh đạo vẫn cứ dùng cụm từ “danh nhân văn hoá thế giới”. Có lẽ họ đã bị nhập tâm cái sản phẩm tuyên truyền đó và nói như là một quán tính. 
Còn rất nhiều tác hại của tuyên truyền mà rất khó liệt kê hết ở đây. Có những câu nói gần như đi vào tâm tưởng của người dân mà khi nói ra họ cũng không để ý đến tính hợp lí của nó. Trước đây, có người phàn nàn về câu “Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước” người ta mới giật mình thấy có cái gì không đúng. Hay như từ một bài ca “đảng đã cho ta mùa xuân” đi vào câu khẩu hiệu mà chẳng ai để ý mùa xuân là kết tinh của đất trời hội tụ chứ có ai cho đâu. Tương tự, câu “Nước CHXNCN Việt Nam muôn năm” nếu nghĩ kĩ cũng khó có thể vì trên thế gian này chẳng có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả. Các hoàng đế Tàu ngày xưa cũng thích “vạn tuế” mà có ai đạt được đâu. Những sản phẩm tuyên truyền đó nó được gieo vào tâm trí của nhiều thế hệ để rồi theo thời gian nó trở thành một loạt sự thật giả tạo. 
Có thể nói không ngoa rằng VN là một xứ sở của tuyên truyền. Bật tivi, mở radio, đọc báo, tất cả đều có bóng dáng và cái air của tuyên truyền, đặc biệt là các bản tin và bài viết liên quan đến chính trị, xã hội, sử, văn học. Đó là chưa kể đến những pano nền đỏ chữ vàng xuất hiện trên khắp đường phố từ nông thôn đến thành thị, từ lộ nhỏ đến đường cao tốc đều mang nội dung tuyên truyền. Cái gì cũng tuyên truyền, từ chính trị, đóng thuế đến có con đều tuyên truyền. Tuyên truyền hàng phút, hàng giờ, hàng ngày, và ở bất cứ nơi nào. Thử tưởng tượng, người dân phải bị “exposed” (phơi nhiễm) với cường độ tuyên truyền như thế thì trước sau gì cũng bị nhiễm. Tổ sư về tuyên truyền của Đức Quốc Xã là Joseph Goebbels từng nói rằng một lời nói dối nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lí. Điều này rất đúng với VN.
-----
(2) Ông Trần Huy Liệu được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ nhận ấn kiếm của Vua Bảo Đại vào năm 1945. Bảo Đại mô tả ông Liệu như là “Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé”.
http://www.viet-studies.info/kinhte/BaoDai_HCM_DL.htm
(3) http://unesdoc.unesco.org/images/0007/000769/076995E.pdf
Records of the General Conference Twenty-fourth Session Paris, 20 October to 20 November 1987 (xem trang 135)

Ỷ LAN PHỎNG VẤN TIẾN SĨ HEINER BIELEFELDT

Phỏng vấn tiến sĩ Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo

Ỷ Lan, Phóng viên RFA, Paris 
2014-07-31
Tiến sĩ Heiner Bielefeld, báo Cáo Viên LHQ gặp HT Thích Quảng Độ hôm 27.5.2014
Tiến sĩ Heiner Bielefeld, báo Cáo Viên LHQ gặp HT Thích Quảng Độ hôm 27.5.2014   RFA

Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do Tôn giáo vừa kết thúc chuyến viếng thăm điều tra tình hình tôn giáo tại Việt Nam, từ ngày 21 đến ngày 31.7.2014
 Trong cuộc Họp báo trưa ngày 31.7 tại Hà Nội, ông xác nhận “những vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo tại Việt Nam” và ông đã bị “ngăn cấm gặp gỡ một số người cần gặp trong chuyến đi”.
Liền sau cuộc họp báo của ông, từ Paris chúng tôi đã kết nối đường dây phỏng vấn ông khi ông đang ngồi trên xe ra phi trường rời Việt Nam về lại Âu châu. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn :
Ỷ Lan : Xin chào Tiến sĩ Heiner Bielefeld. Xin ông vui lòng cho biết cảm tưởng sau khi kết thúc chuyến điều tra tình hình tôn giáo tại Việt Nam ?
Heiner Bielefeldt : Cảm tưởng thường rất phức tạp và lắm khi xung đột. Cho tôi rút ngắn rằng, cần phải biết đời sống tôn giáo đã phát triển tại Việt Nam như thế nào. Các thiết chế tôn giáo đa dạng đang có mặt, người ta thấy các kiến trúc tôn giáo, các tín đồ đi cúng lễ. Tuy nhiên, tất cả đó bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Tín đồ tôn giáo bị thúc bách trong việc thực hành tín ngưỡng qua một số hình thái nào đó. Vì vậy, dù không gian cho sự thực hành này được mở rộng, nhưng nhìn từ viễn cảnh đặc thù nhân quyền và tự do tôn giáo, thì mọi sự tuỳ vào thiện chí của chính quyền. Chính quyền thi hành nhiều sự kiểm soát, nên tính hình tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn đặt ra nhiều vấn nạn.
Trong bản tuyên bố báo chí của tôi phổ biến tại cuộc Họp báo hôm nay, tôi nhận dạng những vi phạm trầm trọng trên đất nước này, đồng thời tôi cũng nhận biết một số thiện chí của chính quyền nhằm điều chỉnh tình hình, ví dụ như nắm lấy cơ hội cho việc sửa đổi pháp luật sắp tới để điều chỉnh cơ cấu hạ tầng.
Cuộc thăm viếng không phải lúc nào cũng trôi chảy. Đã có những sự cố khi những người muốn gặp tôi, bị sách nhiễu, hăm doạ, và ngăn cấm đến cuộc hẹn. Một vài cuộc gặp gỡ riêng tư bị theo dõi — chúng tôi nhận chân nhiều dấu hiệu theo dõi này. Kết quả là, cuộc thăm viếng phải bỏ dở. Do đó chúng tôi không thực hiện được nhiều phần quan trọng trong chương trình. Chúng tôi đã không thể giúp được họ vì muốn bảo vệ nguồn tin và đối tác của chúng tôi. Tôi đã nêu việc này với chính quyền Việt Nam, đồng thời phản ảnh qua bản tuyên bố báo chí của tôi.
Ỷ Lan : Ông có thể cho biết nhóm tôn giáo nào bị ngăn cản gặp ông ?
Heiner Bielefeldt : Một số rộng rãi các cộng đồng tôn giáo, các nhà hoạt động Xả hội dân sự — không riêng cho một nhóm tôn giáo nào, là điều xấu tệ hơn. Tôi không thể nói ai tạo ra các áp lực ấy, là điều tôi không thể nào biết được. Nhưng sự phá rối này rất trầm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ chuyến viếng thăm của tôi.
Tiến sĩ Heiner Bielefeld
Tiến sĩ Heiner Bielefeld
Ỷ Lan : Thưa ông, cuộc gặp gỡ song suốt của ông phải chăng là cuộc gặp gỡ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh MinhThiền Viện ở Saigon ? Xin ông cho biết đôi chút về cuộc gặp này ?
Heiner Bielefeldt : Vâng. Một trong những khía cạnh quan trọng trong chuyến đi của tôi là tìm hiểu tình hình các cộng đồng tôn giáo ngoài luồng của Nhà nước, kể cả các cộng đồng tôn giáo không được nhà nước công nhận. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) là một ví dụ của một cộng đồng tôn giáo bị đẩy ra ngoài lề xã hội một cách có chủ tâm. Họ đã bị phi pháp hoá, bị đối diện với những sách nhiễu, hăm doạ trầm trọng, kể cả hình thức quản chế và cầm tù. Trong cuộc gặp ngài Thích Quảng Độ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi, qua đó ngài trình bày rõ ràng hiện tình của ngài và Giáo hội ngài.
Ỷ Lan : Nói chung, ông thấy những chướng ngại nào cho tự do tôn giáo tại Việt Nam ?
Heiner Bielefeldt : Như tôi đã nói qua cuộc Họp báo, hệ thống pháp lý rất hạn định. Bản Hiến pháp mới năm 2013 bảo đảm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, nhưng những hạn định lại bao trùm khắp nơi, cho phép nhà cầm quyền có nhiều uy quyền xâm phạm. Pháp lệnh về tôn giáo năm 2005 bắt buộc các tôn giáo phải đăng ký hoạt động và đệ trình chính phủ kế hoạch thường niên về mọi hoạt động. Bộ Luật Hình sự với những điều luật mơ hồ về “lợi dụng tự do dân chủ” được sử dụng rộng rãi để hạn chế tự do, kể cả tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Tôi cũng chú ý tới não trạng thích viện dẫn những quyền lợi chính thống cho số đông, và thải hồi những đời hỏi của các nhóm tôn giáo “không được thừa nhận” bị coi như quyền lợi tư kỷ. Mọi cầu viện pháp lý không được vận hành. Chúng tôi gặp một số thành viên tư pháp, họ chẳng hề biết một trường hợp nào bị vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được đưa ra trước toà án. Như thế là đã có cấu trúc, thiết chế, và loại tâm thần gắn kết với các vấn nạn — thật là một gói vấn đề ! Nhưng đồng thời, tôi luôn nhìn tới những điểm tích cực và nhìn xem các ý chí của chính quyền trong việc thay đổi nền pháp lý sắp tới cùng các cơ hội cho cuộc thảo luận thực thi tương lai.
Ỷ Lan : Ông có nghĩ rằng cuộc viếng thăm vừa qua sẽ đóng góp cho sự thực thi tôn trọng tự do tôn giáo tại Việt Nam không ?
Heiner Bielefeldt : Tôi luôn luôn hy vọng như thế. Chúng ta phải luôn luôn mang trong đầu ý nghĩ, rằng mọi cuộc thay đổi quan trọng phải đến từ lòng xã hội. Là Báo cáo viên đặc biệt và đại diện LHQ về nhân quyền quốc tế, tôi luôn có thể phụ giúp cách làm thế nào cấu tạo những không gian mới cho tự do tôn giáo, làm thế nào cho chính quyền chấp nhận đối thoại, vân vân. Đây là hoạt động thăng tiến, nhưng trong sâu thẳm, mọi cuộc đổi thay phải đến từ lòng xã hội. Điều này chưa có tại Việt Nam. Tôi luôn hy vọng điều ấy xẩy ra. Tại Việt Nam, tôi gặp một số người thực sự muốn thấy sự thay đổi, khiến tôi càng thêm hy vọng.
Ỷ Lan : Xin ông Báo cáo viên LHQ một câu hỏi chót. Cuộc phỏng vấn này sẽ được phát thanh về Việt Nam, và có thể một số người không được gặp ông cũng sẽ được nghe. Nếu có thông điệp gì nhắn gửi nhân dân Việt Nam, ông sẽ phát biểu như thế nào ?
Heiner Bielefeldt : Ô, ô… đây quả là một câu tra vấn ! Tôi không phải là hạng người thích “khẩu hiệu”. Nhưng nếu là thông điệp thì sẽ phải là : Hãy thực sự nắm bắt quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, hãy tuyên cao quyền ấy cho chính bạn, tôn trọng nó, và hãy biết rằng quyền này là quyền của mọi người, mà chẳng cần có sự chẩn thuận của chính quyền. Nhân phẩm đã có địa vị. Là điều mà ai cũng dễ hiểu. Nếu họ nhận chân họ được phú cho các quyền ấy, mà chẳng cần sự chuẩn thuẩn của chính phủ hay nhà cầm quyền, thì trong tinh thần ấy, mọi cuộc thay đổi sẽ hoàn thành.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Tiến sĩ Heiner Bielefeldt cho cuộc phỏng vấn mà ông phải nhọc nhằn hồi đáp trên chuyến xe ra phi trường rời Việt Nam sau 11 ngày thăm viếng.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Paris
********

BÁO CÁO CỦA LHQ VỀ TÔN GIÁO VIỆT NAM

Tuyên bố báo chí về Chuyến thăm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng,

Tuyên bố báo chí về Chuyến thăm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng,
Heiner Bielefeldt

Hà Nội, Việt Nam, 31/7/2014
Với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, tôi đã được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mời tiến hành một chuyến thăm quốc gia từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014.
Trước hết, tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã mời tôi đến đây và đã duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng với Thủ tục Đặc biệt mà tôi phụ trách. Báo cáo viên tiền nhiệm của tôi, ông Abdelfattah Amor đã quá cố, cũng đã đến thăm Việt Nam vào năm 1998.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các Thủ tục Đặc biệt và đã mời sáu chuyên gia thực thi các thủ tục này, trong đó có tôi, tiến hành các chuyến thăm quốc gia. Việt Nam cũng là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã rất tích cực trong việc chuẩn bị và hỗ trợ trong suốt chuyến thăm này. Bộ cũng tạo điều kiện để chúng tôi thăm một tù nhân.
Tôi cảm ơn tất cả các bên đã gặp và tham gia trao đổi với tôi trong chuyến thăm này, từ các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của Chính phủ, các cộng đồng hay tổ chức tôn giáo (đã được công nhận hay chưa được công nhận), đến cộng đồng ngoại giao và các cơ quan Liên Hợp Quốc. Tôi cũng muốn cảm ơn Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Hà Nội đã hỗ trợ về hậu cần cho chuyến đi. Những cuộc thảo luận ở Hà Nội, Tuyên Quang, thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Long nhìn chung đều cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Dự định đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum của đoàn không may đã bị gián đoạn từ ngày 28 đến 30 tháng 7. Tôi nhận được những thông tin đáng tin cậy là một số cá nhân tôi muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại. Ngay cả những người đã gặp được tôi cũng không tránh khỏi việc bị công an theo dõi hoặc chất vấn ở một mức độ nhất định. Ngoài ra, việc di chuyển của tôi cũng bị giám sát chặt bởi “những cán bộ an ninh hoặc công an” mà chúng tôi không được thông báo rõ, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng.
Những việc này là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của bất kỳ chuyến thăm quốc gia nào.
Hôm nay, tôi trình bày với các bạn ở đây những phát hiện sơ bộ và một số nhận xét chính của tôi mà tôi muốn các bạn chú ý tới. Tuyên bố báo chí này không phải là báo cáo cuối cùng. Báo cáo chính thức sẽ được trình bày tại kỳ họp thứ 28 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3 năm 2015. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, tôi sẽ tiếp tục hợp tác và làm việc trên cơ sở tham vấn với Chính phủ và tất cả các bên liên quan để có thêm các thông tin và làm sáng tỏ những điểm chưa rõ, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến những vùng tôi không thể đến thăm.
I. Tóm lược tình hình tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng. Ban Tôn giáo Chính phủ cho tôi biết hiện có 37 tổ chức tôn giáo được đăng ký trong cả nước. Theo con số thống kê của Chính phủ, tổng số tín đồ của các tôn giáo được công nhận là khoảng 24 triệu người trong tổng dân số 90 triệu người. Các cộng đồng tôn giáo được công nhận chính thức gồm 11 triệu Phật tử, 6,2 triệu tín đồ Công giáo, 1,4 triệu người theo đạo Tin lành, 4,4 triệu người theo đạo Cao Đài, 1,3 triệu phật tử Hòa Hảo cùng với 75.000 người Hồi giáo, 7.000 người Baha’ís, 1.500 người Ấn Độ giáo và những người theo các tôn giáo khác. Chính thức có 26.387 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự khác. Việt Nam tự hào đã tổ chức các hội nghị quốc tế của các nhà lãnh đạo tôn giáo, cụ thể là một đại hội các chức sắc Phật giáo được tổ chức vào Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2014. Tôi cũng được cho biết là ở Việt Nam có 54 dân tộc. Đôi khi các nhóm dân tộc thiểu số cũng chính là các nhóm tôn giáo thiểu số.
Trong khi đa số người dân Việt Nam không thuộc một cộng đồng tôn giáo được chính thức công nhận, họ cũng vẫn thỉnh thoảng hoặc thường xuyên thực hiện những nghi lễ truyền thống – mà ở Việt Nam thường gọi là “tín ngưỡng”. Nhiều nghi lễ truyền thống biểu đạt sự tôn kính tổ tiên. Ngoài ra, trong thực tế có những niềm tin và thực hành tôn giáo nằm ngoài các cộng đồng tôn giáo đã chính thức được công nhận. Khó có thể có một bức tranh rõ ràng và đầy đủ về vấn đề này, nếu không muốn nói là không thể. Một vài chuyên gia của Chính phủ đưa ra ước tính tương đối thấp về số người đang thực hành các tôn giáo bên ngoài các cộng đồng đã được công nhận. Nhưng đồng thời tôi cũng nghe được những phỏng đoán rằng số người đang thực hành tôn giáo ngoài các cộng đồng đã được đăng ký – hoặc đang muốn đăng ký – có thể lên đến hàng triệu người. Bên cạnh những ước đoán khác nhau về con số, tôi cũng nhận được những thông tin trái ngược nhau về các điều kiện để những người này có thể thụ hưởng quyền con người về tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hay tín ngưỡng.
Nhiều người chúng tôi tiếp xúc nhấn mạnh một thực tế rằng các điều kiện để thực hành tự do tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung đã được cải thiện so với tình hình sau năm 1975. Nhiềuđại diện các cộng đồng tôn giáo cũng chia sẻ nhận xét này, và họ công nhận rằng, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng hiện nay nhìn chung họ có nhiều không gian để thực hành tôn giáo hơn trong quá khứ. Mặt khác, điều kiện để các cá nhân hoặc các nhóm thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng cũng khó đoán, và thường phụ thuộc vào thiện chí của các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương. Ngoài ra, thành viên của các nhóm thiểu số về tôn giáo không được công nhận chính thức tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc thực hành tự do tôn giáo tín ngưỡng của mình, đặc biệt khi các thực hành tôn giáo hay nghi lễ của họ bị cho là không phù hợp với “lợi ích chính đáng của số đông” – một cụm từ thường được nhắc đến trong một số cuộc thảo luận.
II. Các quy định pháp lý và việc thực hiện
a) Quy định pháp lý điều chỉnh thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng : Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, trong đó Điều 18 bảo vệ chung tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng. Hiến pháp mới sửa đổi của Việt Nam (1) quy định chương II “Quyền con người, Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Tại đó, Hiến pháp 2013 cũng nhắc đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong Điều 24. Các đại diện của Chính phủ đã nhắc lại nhiều lần và nhấn mạnh. Bản Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc Hội thông qua ngày 28/11/2013. (3) rằng những người có quyền được quy định trong điều này bao gồm tất cả mọi người, trong khi quy định tương ứng tại Hiến pháp 1992 giới hạn ở các công dân Việt Nam. Điều này được trình bày như một dấu hiệu cho thấy thái độ nhìn chung là tích cực hơn đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Điều 24 quy định như sau:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Việt Nam chưa có một luật riêng điều chỉnh các vấn đề tôn giáo. Văn bản pháp lý liên quan nhất là Pháp lệnh về Tôn giáo và Tín ngưỡng ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2004. Nghị định số 92 ngày 8/11/2012 quy định chi tiết các điều khoản trong Pháp lệnh. Trong Pháp lệnh về Tôn giáo và Tín ngưỡng, Điều 38 khẳng định các quy định trong các điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Pháp lệnh và các điều ước quốc tế. Tôi được biết một dự án xây dựng luật về các vấn đề tôn giáo trên nền tảng Pháp lệnh hiện hành sẽ được đưa ra trong năm 2015, và dự kiến được thông qua năm 2016. Ngoài việc vị thế pháp lý của một văn bản luật sẽ cao hơn so với một pháp lệnh, quá trình soạn thảo một luật mới toàn diện có thể là cơ hội để có những sửa đổi cụ thể với mục đích thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và việc thực thi quyền này trong thực tế. Khi thảo luận vấn đề này với các chuyên gia của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, đã có những nhận định rằng vấn đề đất đai sẽ được giải quyết tốt hơn, đồng thời người nước ngoài cũng sẽ có điều kiện dễ dàng hơn để thực hành tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Những người khác cũng bày tỏ sự sẵn sàng cân nhắc những thay đổi cụ thể để khắc phục những quy định hạn chế trong Pháp lệnh năm 2004.
b) Những hạn chế đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
Theo tiêu chuẩn quốc tế, việc thực hành quyền con người về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không phải là không thể có một số hạn chế được đặt ra. Đồng thời, Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) liệt kê một số tiêu ch cần đạt được để những hạn chế đặt ra đó được coi là chính đáng. Việc tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các tiêu chí này là cốt yếu để đảm bảo rằng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trở thành sự thực.
Các điều khoản hạn chế được quy định trong các văn bản luật có liên quan của Việt Nam hiện nay rộng hơn nhiều so với các điều khoản hạn chế quy định trong ICCPR. Tuy nhiên quy định giới hạn quá rộng có thể làm nhòe ranh giới của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, vì thế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi quyền này trong thực tế. Điều còn thiếu trong các quy định pháp luật của Việt Nam về tôn giáo, trước hết là chưa nêu rõ rằng khía cạnh cá nhân trong niềm tin và nhận thức tôn giáo, đạo đức hay triết lý của một người –thường được gọi là “forum internum” (tâm linh, hay thế giới nội tâm) – phải được tôn trọng vô điều kiện và không bao giờ được áp dụng bất kỳ giới hạn chính đáng hay can thiệp nào với bất kỳ lý do nào, ngay cả trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng hay tình trạng khẩn cấp. Việc bảo vệ vô điều kiện đối với tâm linh cá nhân phản ánh quan niệm rằng cưỡng ép con người giả mạo một niềm tin không thực hoặc từ bỏ điều họ tin tưởng sâu sắc có thể phá hủy lòng tự tôn của họ. Việc cấm bất kỳ sự can thiệp mang tính cưỡng ép nào đối với nội tâm trong niềm tin tôn giáo, đạo đức hay triết lý của một người vì thế cũng có vị trí quan trọng trong luật quốc tế tương đương với việc cấm nô lệ hay cấm tra tấn. Đây là những quy định tuyệt đối không có bất kỳ ngoại lệ nào. Trong khi đó, Điều 24 Hiến pháp 2013 nhắc đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói chung mà không quy định cụ thể việc bảo vệ khía cạnh tâm linh cá nhân trong tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
(Xem điều 38 Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước đó.” (4))
Không như tâm linh bên trong con người, việc truyền bá tôn giáo hay tín ngưỡng trong phạm vi xã hội (“forum externum”, hay thế giới bên ngoài) không được bảo vệ vô điều kiện, theo luật quốc tế quy định. Vì vậy phải quy định cụ thể các điều kiện được phép áp dụng các hạn chế một cách rõ ràng và dự đoán được. Việc này cần được thực hiện trên cơ sở nhận thức rằng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, ở cả khía cạnh cá nhân và cộng đồng, có vị thế quy định là một quyền con người phổ quát. Mối quan hệ giữa quyền tự do này và những hạn chế đối với quyền ấy, vì thế, cần được xem xét như một mối quan hệ giữa quy định và ngoại lệ.
Theo đó, việc đưa ra các lập luận chứng minh không phải là nghĩa vụ của những người muốn thực hành quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ; mà là nghĩa vụ của những người cho rằng việc hạn chế là cần thiết. Trong trường hợp có nghi vấn, quy định sẽ được áp dụng, còn ngoại lệ luôn luôn yêu cầu phải có thêm lập luận chứng minh, cả ở mức độ bằng chứng cụ thể và lập luận lý thuyết.
Khi trao đổi với các đại diện của Chính phủ, tôi thường nghe nhắc đến “pháp luật Việt Nam” nói chung. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đối với các biện pháp hạn chế quy định trong điều 18 ICCPR, những hạn chế này phải cụ thể hơn và đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Ngoài việc phải được quy định về mặt pháp lý một cách rõ ràng, cụ thể và đoán trước được, những hạn chế phải là cần thiết để phục vụ một mục đích chính đáng – bảo vệ “an toàn của công chúng, trật tự công, sức khỏe, hay đạo đức hay các quyền và tự do căn bản của những người khác”.  Thêm nữa, các hạn chế phải tuân thủ chặt chẽ tính cân xứng, nghĩa là các hạn chế phải luôn luôn giữ ở mức can thiệp tối thiểu. Những tiêu chuẩn này và một số tiêu chuẩn khác đã được quy định với mục đích bảo vệ các thành tố của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ngay cả trong những tình huống (có vẻ, hay thực sự) có xung đột với những quyền khác, hay với lợi ích chung quan trọng.
Để so sánh, các văn bản pháp lý liên quan của Việt Nam đã cho các cơ quan chính quyền nhiều không gian để quy định, giới hạn, hạn chế hay cấm việc thực hành tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Điều 14 Hiến pháp 2013 liệt kê một số lý do để hạn chế các quyền con người và quyền công dân mà, tôi cho rằng, cũng áp dụng với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Khả năng hạn chế các quyền con người vì lợi ích của “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” đã khác so với các mục đích được liệt kê trong điều 18 ICCPR (. Mặt khác, Pháp lệnh về Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng đưa ra các mục đích như “lòng yêu nước”, “thống nhất đất nước”, “đoàn kết nhân dân” và “truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”. Thêm nữa, theo điều 8, khoản 2 của Pháp lệnh, “Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc t yên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.”
Trong các cuộc thảo luận với các quan chức Chính phủ ở các cơ quan khác nhau, bao gồm đại diện cấp cao của cơ quan lập pháp, tôi thấy những hạn chế rất rộng này được nhắc đến nhiều lần. Viện dẫn “lợi ích xã hội” không rõ ràng cũng có thể, thậm chí, dẫn đến truy tố tội hình sự, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Khoản 1 của Điều này quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.“ Tôi thấy một điều đáng lo ngại trong điều khoản này là việc không có quy định cụ thể hành vi như thế nào sẽ bị coi là “lợi dụng” tự do tôn giáo hoặc các quyền tự do dân chủ khác. Các thành viên của Tòa án Nhân dân Tối cao không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào để giải thích thuật ngữ “lợi dụng”. Cách thức quy định rộng và không rõ ràng trong Điều 258 đã đem lại cho các cơ quan chức năng liên quan khả năng tự ý định đoạt để ngăn người dân trong tất cả các loại hoạt động – kể cả thái độ ngầm của họ – nếu những hoạt động này bằng cách nào đó bị coi là mâu thuẫn với lợi ích của Nhà nước. Từ nhiều trao đổi thảo luận tôi đã nghe, đây không phải là một vấn đề lý thuyết đơn thuần, và Điều 258 Bộ luật Hình sự đã được áp dụng thường xuyên, và được áp dụng để hạn chế quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng và các quyền con người khác. Khi đặt ra câu hỏi về tù nhân lương tâm, tôi được cho biết không có vụ việc nào về tù nhân lương tâm. Với quy định không rõ ràng và con số lớn các vụ việc bị buộc tội theo Điều 258 bộ Luật Hình sự, người ta tự hỏi làm thế nào cơ quan có thẩm quyền có thể loại trừ được khả năng này.
c) Yêu cầu hành chính với thực hành tôn giáo:  Pháp lệnh về Tôn giáo và Tín ngưỡng bao gồm rất nhiều quy định mà các cộng đồng tôn giáo phải tuân thủ để có thể hoạt động. Các quy định này được hướng dẫn chi tiết hơn trong Nghị định 92. Ví dụ, các cộng đồng tôn giáo được yêu cầu phải đăng ký tư cách với Ban Tôn giáo Chính phủ; họ phải xin các giấy phép cụ thể để xây dựng hay kiến thiết nơi thờ tự; họ phải trình với chính quyền địa phương một bản kế hoạch các hoạt động hàng năm; họ phải thông báo với chính quyền về việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo; họ phải được chính quyền địa phương liên quan cho phép mới có thể tiến hành các nghi lễ ở nơi công cộng, vv..
Các yêu cầu trong Pháp lệnh và Nghị định bao gồm những nghĩa vụ về thông tin và thông báo cũng như quy định phải được phê duyệt trước khi tiến hành một số hoạt động tôn giáo nhất định. Nghị định cũng quy định thời hạn mà chính quyền được yêu cầu phải trả lời các đơn được gửi đến. Nếu có một quyết định không thuận, cơ quan có thẩm quyền phải nêu rõ lý do.
Những phát hiện sơ bộ của tôi không nhằm mục đích đưa ra một đánh giá tổng thể những quy định hành chính rất cụ thể trong Pháp lệnh và Nghị định xem các quy định này có phản ánh phù hợp sự tôn trọng tự do tôn giáo tín ngưỡng không. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào một vấn đề xuất hiện trong hầu hết tất cả các cuộc thảo luận của chúng tôi, đó là yêu cầu các cộng đồng tôn giáo phải có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Theo Điều 16 của Pháp lệnh, các tổ chức cần phải đáp ứng được một số tiêu chí để được công nhận trước pháp luật là một tổ chức tôn giáo. Cụ thể là, các điều kiện này nhằm đảm bảo tôn trọng “thuần phong, mỹ tục và lợi ích của dân tộc”.
Không đề cập đến các chi tiết về thủ tục và nội dung cụ thể, tôi muốn tập trung vào hai khía cạnh đặc biệt quan trọng. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến bản chất của việc đăng ký. Đây là một đề nghị, hay một yêu cầu chính thức? Khi thảo luận vấn đề này, tôi nhận được những câu trả lời khác nhau, và có vẻ như thiếu sự rõ ràng. Trong khi một số đại diện của Chính phủ tuyên bố không chút ngập ngừng rằng không có đăng ký với chính quyền thì các cộng đồng sẽ không được hoạt động, một số khác cho rằng một cộng đồng tôn giáo vẫn có thể tiến hành một số hoạt động tôn giáo căn bản như tụ họp để sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng. Ngay cả với cách diễn giải thứ hai mang tính tạo thuận lợi hơn, tôi kinh ngạc thấy phạm vi của tự do tôn giáo vẫn còn rất hạn chế và không rõ ràng.
Trong bối cảnh này, thuật ngữ “công nhận” được sử dụng trong Pháp lệnh và cũng được đề cập đến trong nhiều cuộc trao đổi, có thể cần được giải nghĩa ngắn gọn. Việc thực thi quyền con người đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng đồng với những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị thế quy chuẩn cao hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào. Lời nói đầu của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu bắt đầu bằng “công nhận nhân phẩm vốn có và các quyền bình đẳng và không thể bị tước đoạt của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại”. Rõ ràng là “công nhận” ở đây có nghĩa cơ bản là bất kỳ tương tác có nghĩa nào giữa con người với nhau đều phải tôn trọng nhân phẩm và các quyền con người. “Công nhận” trong nghĩa căn bản là tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, vì thế, vượt trên bất kỳ sự “công nhận” nào về mặt hành vi hành chính cụ thể.
Như vậy, quyền của một cá nhân hay một nhóm đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ không bao giờ có thể “được tạo ra” bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào. Đúng ra là ngược lại, việc đăng ký phải là phương tiện cho quyền con người này, mà bản thân quyền ấy phải được tôn trọng là có trước bất kỳ việc đăng ký nào. Trên cơ sở nhận thức chung ấy, việc đăng ký phải là một đề nghị của Nhà nước, không phải một yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý. Tình trạng của các cộng đồng tôn giáo không đăng ký, vì thế, gợi ý kết quả của một phép thử quan trọng đối với nhận thức về vị thế chuẩn của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói
Điểm thứ hai, tôi muốn đưa ra những quan ngại về việc có tồn tại một tư cách pháp nhân nào khác đối với một số cộng đồng không được đăng ký như tổ chức tôn giáo. Với các tiêu chí khá cao như quy định trong Điều 16 của Pháp lệnh, việc các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng có một phương án lựa chọn đáng tin cậy để được nhận một hình thức tư cách pháp nhân nào đó – nếu họ muốn – là rất quan trọng. Với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp khuôn khổ pháp lý và thể chế phù hợp để các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng có thể hoạt động tự do, không phải chịu những gánh nặng không phù hợp và không có sự phân biệt đối xử. Điều này bao gồm phương án lựa chọn để các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng có thể nhận được các tư cách pháp nhân khác mà họ có thể cần để thực hiện các chức năng cộng đồng quan trọng khác như mua bất động sản, tuyển dụng nhân viên chuyên nghiệp, vận hành các tổ chức từ thiện, thiết lập các viện đào tạo chức sắc tôn giáo hay giáo dục thế hệ trẻ, vv.. Không có, và không thực sự tiếp cận được với vị trí tư cách pháp nhân phù hợp, tương lai phát triển của các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, đặc biệt là các nhóm nhỏ, có thể bị nguy hiểm nghiêm trọng. Tôi được biết rằng cókhả năng cho các cộng đồng tôn giáo đăng ký như các hiệp hội, nhưng tôi không có điều kiện để tìm hiểu kỹ hơn phương án này trên thực tế đã được áp dụng đến mức độ nào.
Điều 16 khoản 1 Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng quy định như sau:
1. Tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức của những người có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc;
b) Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật;
c) Có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định;
d) Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp;
đ) Có tên gọi không trùng với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Trao đổi với nhiều đại diện khác nhau của Chính phủ về vấn đề đăng ký, tôi tin rằng đây là một vấn đề cần quan tâm, đòi hỏi các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác. Tôi khuyến nghị rằng những cải cách pháp lý mới cần (1) làm rõ rằng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, với vị thế là một quyền con người, cao hơn bất kỳ một hành vi phê duyệt hành chính nào và có thể được thực hành bởi các cá nhân và các nhóm người trước khi đăng ký và độc lập với việc đăng ký; (2) đem lại cho các cộng đồng tôn giáo các phương án lựa chọn đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn để họ có được tư cách pháp nhân phù hợp nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của một cơ cấu tổ chức phù hợp. Ban Tôn giáo Chính phủ cần đóng một vai trò cốt yếu trong việc hướng dẫn và đào tạo các cơ quan địa phương diễn giải các quy định theo các quyền con người phổ quát.
d) Vấn đề truy đòi khắc phục pháp lý
Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền khiếu nại với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc thực thi hiệu quả các quyền con người, bao gồm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, phụ thuộc nhiều vào sự tồn tại của một cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý phù hợp.
Mọi người phải có thể khắc phục, mà không bị yêu cầu đáp ứng những giới hạn hay gánh nặng bất hợp lý nào, bằng những công cụ pháp lý để có thể không thừa nhận một quyết định được cơ quan chức năng đưa ra nếu họ thấy các quyền có họ đã bị vi phạm, căn cứ vào tất cả các nguyên tắc về đảm bảo một quá trình thích đáng và công bằng. Mục đích chính của biện pháp truy đòi khắc phục pháp lý không phải để xác định xem cá nhân nào trong hệ thống hành chính đã làm sai, mà để đảm bảo việc thực hiện một cách nhất quán các quyền con người cho tất cả mọi người.
Khi hỏi về các ví dụ liên quan đến các vụ việc trong đó người dân thành công trong việc không thừa nhận và khắc phục những cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ như được quy định tại Điều 24 của Hiến pháp, tôi được biết chưa có trường hợp nào như vậy được biết đến ở Việt Nam. Kể cả thành viên của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng không biết một vụ việc nào. Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên – và càng ngạc nhiên hơn khi trong thực tế có nhiều mâu thuẫn về đất đai đã được thông tin đến tôi. Một số mâu thuẫn có vẻ có liên quan đến khía cạnh tự do tôn giáo, ví dụ như khi mảnh đất trước kia đã được dùng cho nghĩa địa tôn giáo hay các nhà thờ tự đã bị lấy đi để phục vụ phát triển kinh tế.
Khi trao đổi về vấn đề biện pháp truy đòi khắc phục pháp lý, khả năng thường được nhắc đến là gửi đơn kháng nghị đến cấp hành chính cao hơn. Tuy nhiên phương án này không 8 thể được tính là tương đương với một cơ quan tư pháp độc lập có nhiệm vụ bảo đảm quyền con người của tất cả mọi người, bao gồm trường hợp xung đột giữa cá nhân hay nhóm người với cơ quan hành chính. Mặc dù tôi đã nghe nói có một số trường hợp kháng nghị lên cấp cao hơn, bao gồm cả Thủ tướng, đã giúp giảm nhẹ mâu thuẫn, nhưng trong nhiều trường hợp khác, người kháng nghị không thấy cơ quan hành chính có phản ứng gì. Với một số trường hợp khác, cấp hành chính cao hơn chỉ đơn thuần chuyển lại vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để xem xét lại, nghĩa là vụ việc có thể rơi vào quên lãng. Từ góc độ pháp quyền, tình trạng này còn xa mới được coi là thỏa mãn tinh thần thượng tôn pháp luật.
III. Quyền tự chủ của các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng
a) Thái độ tiêu cực đối với các cộng đồng tôn giáo chưa được công nhận:
Các đại diện của Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần là tôn giáo có thể và cần đóng góp vào sự phát triển của  đất nước, không chỉ bằng cách khuyến khích các giá trị xã hội, đạo đức và công dân. Sự trông đợi này được phản ánh vào Pháp lệnh về Tôn giáo và Tín ngưỡng, trong đó tại Điều 2, câu thứ hai quy định: “Chức sắc nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.”
Dựa trên giả định rằng hầu hết các giá trị tôn giáo và lợi ích của Nhà nước trùng nhau, nhiều tôn giáo đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tổ chức tôn giáo lớn nhất trong Mặt trận Tổ quốc là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Các cộng đồng tôn giáo được công nhận chính thức khác cũng góp một phần lớn vào Mặt trận Tổ quốc.
Khi thảo luận vấn đề này với Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi được biết Giáo hội gồm chín hệ phái Phật giáo theo truyền thống Đại thừa (phổ biến ở Việt Nam), Tiểu thừa và các nhánh khác. Hợp tác trong tinh thần đoàn kết, nhiều hệ phái có thể duy trì những đặc tính và bản sắc riêng, bao gồm những di sản ngôn ngữ khác nhau. Điều này cũng được khẳng định trong những cuộc trao đổi tại hai ngôi chùa Khmer ở thành phố Hồ Chí Minh nơi thực hành Phật giáo Tiểu thừa. Tuy nhiên, trong khi công nhận sự đa dạng ngay trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi lưu ý thấy thái độ phủ nhận các thực hành Phật giáo bên ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một vài chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết họ chưa bao giờ nghe thấy các nhóm Phật tử độc lập ở Việt Nam. Một số vị khác ám chỉ đến “quan điểm riêng” của một số cá nhân bị dẫn dắt bởi các tham vọng có vấn đề về mặt đạo đức và không đáng được chú ý nghiêm túc. Việc gán những mối quan tâm “ích kỷ” vặt vãnh cho những người đang thực hành Phật giáo hay các tổ chức tôn giáo ngoài các kênh chính thống là một điều được lặp đi lặp lại trong các cuộc trao đổi. Điều này có vẻ trùng hợp với việc “lợi ích của số đông” thường được nhắc đến, với giả định là lợi ích của số đông sẽ được đặt lên trên quyền của những người thiểu số hay các cá nhân.
Tôi muốn nhấn mạnh là trong bối cảnh này, tự do tôn giáo tín ngưỡng không chỉ đơn thuần là vấn đề thiểu số. Là một quyền con người, nó liên quan đến tất cả con người, bất kể họ có theo một tôn giáo chiếm số đông hay thuộc về một cộng đồng thiểu số, hay không thuộc về một cộng đồng tôn giáo nào. Cần đặc biệt chú ý đến cách thức đối xử với những người thiểu số, vì cách thức đối xử với thiểu số thường cho thấy bầu không khí chung của một xã hội có khoan dung hay không. Khi các cộng đồng thiểu số có thể hoạt động tự do và độc lập, thành viên của một nhóm đa số nhìn chung cũng có nhiều không gian hơn để thực hành tôn giáo 9 của chính họ theo cách họ thấy phù hợp. Bất kỳ sự tôn trọng nào với quan điểm cá nhân, bao gồm cả quan điểm bất đồng, đều tạo điều kiện cho những dòng tư duy tự do luân chuyển trong một xã hội nói chung, và vì thế cũng làm phong phú sự tương tác của những người thuộc các nhóm đa số. Tuy nhiên, tôi đã lưu ý thấy trong một số cuộc trao đổi, “lợi ích của đa số” đã được viện dẫn với mục đích rõ ràng là để phủ nhận yêu cầu của thiểu số là không phù hợp, hoặc để cho rằng những yêu cầu ấy là không chính đáng vì có vấn đề đạo đức. Việc này cũng xảy ra khi vấn đề các tổ chức tôn giáo độc lập – như Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, các nhóm độc lập theo đạo Hòa Hảo, Cao Đài hay Tin lành – được nêu ra.
Trong các cuộc gặp gỡ với các đại diện của cộng đồng Phật giáo độc lập, tôi được nghe những khiếu nại về tình trạng đàn áp vẫn diễn ra, bao gồm việc công an triệu tập, giữ tại nhà, bỏ tù và tịch thu tài sản, những việc sẽ cản trở các cá nhân thực hành tự do tôn giáo hay tín ngưỡng kể cả ở mức tối thiểu. Mặc dù tôi không thể phân tích một cách thỏa đáng và chi tiết tất cả những khiếu nại đó (việc này sẽ cần nhiều thông tin hơn từ tất cả các bên liên quan), thái độ chung phủ nhận các thực hành tôn giáo không chính thức, như tôi đã gặp trong nhiều cuộc trao đổi, là một dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng cộng đồng Phật tử độc lập hiện không thể thực hành tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Bên cạnh đó, một số nhà sư tự gọi mình là “Khmer Krom” cũng muốn có thêm quyền tự chủ không chỉ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn cả bên ngoài tổ chức Phật giáo có tính bao trùm này. Tình hình của các cộng đồng Hòa Hảo độc lập cũng có vẻ khó khăn như vậy.
Một tôn giáo ít được biết đến bên ngoài Việt Nam là đạo Cao Đài. Đạo này tập hợp nhiều truyền thống của Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và Cơ đốc giáo với một số phương thức truyền dạy mới. Giống như trường hợp của Phật giáo, tín đồ Cao Đài chia ra thành nhóm những người là thành viên của Mặt trận Tổ quốc và nhóm những người nhất quyết thực hành tôn giáo độc lập. Mối quan hệ giữa hai nhóm có vẻ căng thẳng. Trong khi các nhóm Cao Đài chính thức cáo buộc nhóm không chính thống là có tư tưởng chia rẽ và gây ra “hoang mang” trong nhân dân, nhóm Cao Đài độc lập cho rằng truyền thống chân truyền của họ bị Chính phủ can thiệp nên, họ cho rằng, đã dẫn đến áp đặt những thay đổi trong tôn giáo Cao Đài. Mặc dù tôi không ở vị trí phù hợp để đánh giá các chi tiết thần học trong mâu thuẫn giữa hai bên, nhưng tôi trông đợi Chính phủ đảm bảo việc hoạt động tự do của các cộng đồng Cao Đài độc lập và tạo điều kiện cho sự phát triển của các cộng đồng này theo cách mà bản thân họ thấy phù hợp. Tình trạng hiện nay của các nhóm Cao Đài độc lập rõ ràng là không phù hợp với tự do tôn giáo tín ngưỡng, vì các cộng đồng này thiếu cơ sở vật chất phù hợp để cầu nguyện và truyền dạy, và cho biết thường phải chịu sức ép để gia nhập các nhóm chính thức.
b) Đào tạo và bổ nhiệm giáo chức:
Số các cơ sở đào tạo giáo chức của các tôn giáo khác nhau – Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và các tôn giáo khác – đã tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Tôi được Chính phủ cho biết hiện nay có khoảng 45.000 cơ sở đào tạo tôn giáo trong cả nước. Trong khi các cộng đồng tôn giáo quyết định những phần chính trong chương trình đào tạo –nghĩa là việc dạy các giáo lý, thực hành và nghi lễ, lịch sử của cộng đồng và các vấn đề khác – chương trình cũng bao gồm các môn học về lịch sử và luật pháp Việt Nam và chủ nghĩa Mác-Lênin, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.
Các cộng đồng tôn giáo có thể bổ nhiệm và suy cử chức sắc tôn giáo theo quy định riêng của họ. Họ cho biết quyết định bổ nhiệm của họ không cần chính quyền phê duyệt, nhưng 10 cần đăng ký chức sắc tôn giáo đã được bổ nhiệm. Về việc bãi chức danh tôn giáo hay sư tăng, việc này có vẻ hiếm xảy ra, các quyết định nhìn chung cũng do cộng đồng tôn giáo đưa ra, theo giáo luật của họ. Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp một số cáo buộc về việc Chính phủ can thiệp vào một số trường hợp trong đó nhà sư bị bắt bỏ áo tu. Tôi không thể xác định các chi tiết cần thiết để đánh giá rõ ràng những trường hợp này. Tuy nhiên, việc chỉ có rất ít các phương án lựa chọn cho một đời sống cộng đồng tôn giáo tự chủ, chắc chắn dẫn đến một tình trạng cơ cấu trong đó việc bổ nhiệm hay bãi nhiệmtrên thực tế có thể chịu ảnh hưởng bởi những lợi ích của Chính phủ.
c) Các vấn đề tài sản và đất đai:
Trong chuyến thăm, nhiều vấn đề tài sản đã được trao đổi với tôi, không chỉ từ thành viên của các cộng đồng tôn giáo không được công nhận mà bởi cả đại diện của các cộng đồng đang hợp tác với Chính phủ trong Mặt trận Tổ quốc. Nhiều yêu cầu về tài sản liên quan đến bất động sản và/hoặc đất đai. Để phục vụ phát triển kinh tế hoặc các dự án hiện đại hóa khác, một số cộng đồng tôn giáo đã mất – hoặc đang bị đe dọa mất – một phần lớn đất đai của họ. Tôi nhiều lần nghe được những yêu cầu trả lại cho các cộng đồng tôn giáo những tài sản họ đã bị lấy đi.
Thông thường việc tranh chấp tài sản cần có những thông tin chính xác về các tình tiết phức tạp, mà tôi không thể thu thập đủ các thông tin này. Vì thế tôi sẽ hạn chế mình trong phạm vi một số nhận xét chung. Có bất động sản và đất đai là một trong những điều kiện tiên quyết căn bản cho đời sống cộng đồng tôn giáo. Sở hữu rõ ràng và được đảm bảo vững chắc vì thế là một yếu tố quan trọng xác định quyền tự chủ của các cộng đồng tôn giáo – hay việc họ thiếu quyền tự chủ. Thêm nữa, một số cộng đồng có những gắn bó về văn hóa và tôn giáo mạnh mẽ với một mảnh đất cụ thể, ví dụ, nơi chôn cất tổ tiên của họ. Một trường hợp đặc biệt liên quan đến vấn đề này là cộng đồng Chăm đang thực hành đạo Hồi và Ấn độ giáo. Người Chăm coi mình là một nhóm dân cư bản địa và nỗ lực để được công nhận như vậy.
Đại diện của Chính phủ công nhận rằng ở Việt Nam có mâu thuẫn đất đai – cũng như ở nhiều nước khác. Đồng thời, họ nghi ngờ việc mâu thuẫn đất đai có thể ảnh hưởng đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Ít nhất trong một vài trường hợp, nhu cầu tôn giáo rõ ràng có vai trò quan trọng. Ví dụ, đại diện của các nhóm Tin Lành cho tôi biết về những trường hợp ở nông thôn trong đó nhiều giáo xứ Tin Lành bị gộp lại thành một để “dễ quản lý hơn”. Họ cũng cho biết, việc sáp nhập như vậy không phải luôn luôn được tiến hành với sự tôn trọng thỏa đáng đối với sự khác biệt trong những hệ phái Tin Lành khác nhau, và nhu cầu của giáo dân.
Những mâu thuẫn về vấn đề đất đai, đặc biệt khi có thêm yếu tố tôn giáo, luôn cần được xử lý một cách tinh tế với mục tiêu là đưa ra những giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên có quan tâm. Việc thiếu biện pháp khắc phục pháp lý như đã nêu ở trên – đặc biệt trong ngành tư pháp – cũng có ảnh hưởng mạnh đến tình trạng đất đai và các vấn đề tài sản liên quan đến các cộng đồng tôn giáo. Trong khi trao đổi với đại diện của nhiều cộng đồng tôn giáo – bao gồm cả những cộng đồng hợp tác với Chính phủ trong Mặt trận Tổ Quốc – tôi nhận thấy một nỗi thất vọng lớn về các thủ tục pháp lý không hiệu quả. Kết quả là, một số cộng đồng tôn giáo thấy họ bị phụ thuộc vào sự ban ơn của chính quyền địa phương. 11
IV. Thực hành tôn giáo trong những hoàn cảnh đặc biệt
a) Phạm nhân
Như đã đề cập, Điều 24 Hiến pháp 2013 quy định dành cho mọi người chứ không dành riêng cho công dân. Vì thế, phạm nhân, ngay cả khi tạm thời mất đi các quyền công dân đầy đủ, cũng cần, trong bất kỳ trường hợp nào, được thụ hưởng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng như một quyền con người. Khi thảo luận vấn đề này tôi nhận được những thông tin trái ngược. Các cơ quan chính phủ nhìn chung nhấn mạnh rằng phạm nhân có thể thực hành tôn giáo trong phạm vi trại giam nếu việc đó không ảnh hưởng tiêu cực đến các phạm nhân khác và những hoạt động chung của trại giam. Những người khác đã trải qua cuộc sống trong tù thì nói rằng các hoạt động tôn giáo ít khi được cho phép trong tù; ngay cả việc nhận và giữ kinh sách hay tài liệu tôn giáo cũng thường bị cấm. Vấn đề này rõ ràng cần được chú ý nhiều hơn.
Việc tổ chức giáo đoàn cho trại giam, nghĩa là chức sắc của các tôn giáo khác nhau giúp hỗ trợ nhu cầu tinh thần cho phạm nhân, theo yêu cầu của phạm nhân, không tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích rằng họ sẽ tăng cường việc phục vụ trong các trại giam, bao gồm việc thuyết giảng để khai trí về xã hội và đạo đức cho phạm nhân. Các giáo sỹ Thiên Chúa giáo cũng thỉnh thoảng làm lễ cho phạm nhân. Các mục sư Tin Lành tôi đã trao đổi về vấn đề này cho biết họ không thấy có bất kỳ sự hỗ trợ tinh thần nào đối với phạm nhân theo đạo Tin lành.
b) Quân nhân
Quân đội Việt Nam không có hệ thống giáo đoàn quân đội để đáp ứng nhu cầu tôn giáo hay tinh thần của quân nhân. Tuy nhiên, tương tự như trong trại giam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có lẽ đang cố gắng tăng cường hoạt động này. Tôi được cho biết các vị sư cầu nguyện cho quân nhân đang phục vụ tổ quốc trong những trường hợp phức tạp. Họ cũng có thể dạy phương pháp thiền để giúp quân nhân khắc phục những khó khăn trong nhiệm vụ và điều kiện sinh hoạt.
Từ chối không phục vụ trong quân đội với lý do lương tâm không được biết đến ở Việt Nam, và không có phương án phục vụ dân sự cho các cá nhân phản đối cầm vũ khí vì lý do lương tâm.
V. Báo cáo về các trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
Tôi đã được nghe một số cáo buộc nghiêm trọng về các vi phạm cụ thể đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam. Các vi phạm được báo cáo gồm có những vụ vây bắt nặng tay của công an; những trường hợp thường xuyên được mời lên đồn công an “làm việc”; các hoạt động tôn giáo bị giám sát chặt chẽ; các lễ hội và nghi thức làm lễ tôn giáo bị cắt ngang; các vụ giữ tại nhà, đôi khi trong thời gian dài; các vụ bỏ tù, đôi khi cũng trong cả một quãng thời gian dài; các vụ đánh đập và hành hung; bị mất việc làm; mất phúc lợi xã hội; gây áp lực đối với những người trong gia đình; hành động phá hoại; phá dỡ những nơi thờ tự, nghĩa trang và các nhà tang lễ; tịch thu tài sản; gây áp lực một cách có hệ thống để phải từ bỏ một số hoạt động tôn giáo nhất định và chuyển sang hoạt động theo các kênh chính thức được thiết lập cho việc thực hành tôn giáo; và gây áp lực để bắt từ bỏ tôn giáo hay tín ngưỡng. Tôi cũng đã gặp một tù nhân lương tâm tại trại giam nơi đang thụ án.
Các cáo buộc nói trên có mức độ khác nhau và được đưa ra bởi những người thuộc các cộng đồng Phật giáo độc lập, các cá nhân thuộc nhiều cộng đồng Tin lành (trong đó một số cộng đồng đã được đăng ký chính thức), một số nhóm Công giáo ở địa phương, những người thuộc các tổ chức Cao Đài độc lập, một số người theo các rao giảng tôn giáo mới như Dương Văn Mình, và nhiều nhóm khác. Do bị gây áp lực và bị khởi tố, một số người đã phải bỏ trốn hoặc chạy ra nước ngoài do lý do tôn giáo. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc đăng ký chính thức theo quy định của Chính phủ không phải là điều kiện bảo đảm cho quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được tôn trọng một cách đầy đủ.
Tôi muốn giải thích rõ một thực tế rằng chuyến thăm quốc gia trong vai trò Báo cáo viên Đặc biệt không phải nhằm mục đích đánh giá sâu các trường hợp cụ thể. Để phân tích một cách toàn diện về các trường hợp cụ thể, cần phải có nhiều thông tin hơn nữa để có một bức tranh đầy đủ về các sự kiện thực tế có liên quan và được nhìn từ góc độ của tất cả các bên liên quan. Thay vào đó, mục đích chuyến thăm quốc gia của Báo cáo viên Đặc biệt là để đánh giá mức độ tin cậy trong các cáo buộc liên quan đến các vấn đề nhân quyền và lạm dụng nhân quyền. Không định kiến về tính chính xác của tất cả các sự kiện thực tế của tất cả các trường hợp cụ thể đã được báo cáo với tôi, tôi tin rằng, những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam – nhất là ở các vùng nông thôn, tuy không phải chỉ có ở nông thôn.
Đánh giá chung này không chỉ dựa trên các cuộc phỏng vấn và các tư liệu mà tôi nhận được từ những người bảo vệ nhân quyền và thành viên của nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau, mà còn liên quan mật thiết đến những quan sát một cách có hệ thống mà tôi đã mô tả ở phần đầu của tuyên bố báo chí này, bao gồm:
- thái độ nhìn chung là tiêu cực và tùy tiện đối với các quyền của các nhóm thiểu số và cá nhân thực hành tôn giáo ngoài các kênh chính thức đã được thiết lập;
- việc thường xuyên viện dẫn một cách thiếu cụ thể về “lợi ích của đa số” hoặc lợi ích của “trật tự xã hội”;
- Các điều khoản hạn chế quá rộng về nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói riêng;
- Cách trình bày không rõ ràng trong Bộ luật Hình sự, cụ thể là Điều 258 liên quan đến việc “lạm dụng” tự do dân chủ;
- Hệ thống tư pháp chưa có cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý đủ hiệu quả mà người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng, v.v.
Những điều kiện đó đã tạo ra một cơ chế dễ gây tổn thương cho một số cá nhân và cộng đồng nhất định, phù hợp với báo cáo về các vi phạm nói trên.
Trong bối cảnh này, tôi muốn nhấn mạnh rằng thông qua nhiều cuộc trao đổi thảo luận của tôi với các thành viên của các cộng đồng tôn giáo, mà một vài tổ chức trong số đó đã chính thức đăng ký với chính quyền và thậm chí còn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mọi người đã bộc lộ nhận thức chung về những hạn chế hiện tại trong quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là các lãnh đạo cấp cao của tòa án chưa hề nghe đến bất kỳ trường hợp nào một cáo buộc vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã được đưa ra tòa.
Một khía cạnh quan trọng cũng được nhắc đến trong nhiều cuộc thảo luận, đó là sự phân chia giữa nông thôn với thành thị. Điều kiện hoạt động của các cộng đồng tôn giáo có thể rất khác nhau, tùy theo thông lệ ở các địa phương khác nhau trong nước. Ngoài ra, các chính sách của Ban Tôn giáo Chính phủ trung ương dường như chưa được phổ biến một cách hiệu quả xuống các cấp chính quyền địa phương.
VI. Nhận xét kết luận
Điều khoản tham chiếu cho chuyến thăm quốc gia của Báo cáo viên Đặc biệt có các yêu cầu đảm bảo “việc tiếp xúc một cách bí mật và không bị giám sát với các nhân chứng và nguồn tin riêng” và “Chính phủ phải bảo đảm rằng trong số những người đã tiếp xúc chính thức hoặc tiếp xúc riêng với Báo cáo viên Đặc biệt […] trong các dịp có liên quan đến nhiệm vụ của Báo cáo viên đặc biệt sẽ không có một ai bị đe dọa, sách nhiễu, trừng phạt, hoặc phải chịu các thủ tục tố tụng tư pháp do đã gặp Báo cáo viên Đặc biệt”.
Những điều kiện này đã không được tôn trọng, như tôi đã đề cập ở trên, với sự vi phạm nguyên tắc bảo mật. Do đó phần sau của chuyến thăm quốc gia đã bị gián đoạn. Sự gián đoạn này càng đáng tiếc hơn vì tôi đã nhận thấy một số chuyển biến tích cực ở cấp trung ương. Hầu hết các đại diện của các cộng đồng tôn giáo đều đồng ý rằng, mặc dù có những vấn đề nghiêm trọng còn đang tồn tại nhưng điều kiện thực hành tôn giáo của họ đã được cải thiện trong những năm gần đây. Các cộng đồng tôn giáo bị cấm hoạt động sau năm 1975 hiện nay đã được phép hoạt động. Hơn nữa, một số đại diện của các cơ quan Chính phủ đã bày tỏ mong muốn xem xét những thay đổi trọng yếu trong quá trình thay thế Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng hiện nay bằng một luật mới để điều chỉnh những vấn đề này. Thực sự không nên bỏ lỡ một cơ hội như thế, vì đó có thể là một bước ngoặt để Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Phép thử để đánh giá sự phát triển quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam là điều kiện hoạt động của các cộng đồng tôn giáo độc lập. Theo tình hình hiện nay, khả năng để họ hoạt động như các cộng đồng độc lập rất không an toàn và rất hạn chế; điều này rõ ràng là một vi phạm đối với Điều 18 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên. Văn bản luật sắp được xây dựng về tôn giáo và tín ngưỡng cần làm rõ rằng việc đăng ký với chính quyền là một đề nghị, chứ không phải là một yêu cầu pháp lý. Đồng thời, các cộng đồng cần có nhiều phương án lựa chọn khác đáng tin cậy và dễ tiếp cận để đạt được tư cách pháp nhân nhằm xây dựng hạ tầng thích hợp. Một ưu tiên hiển nhiên khác là xây dựng một cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý hữu hiệu và dễ tiếp cận nhằm sửa chữa điều chỉnh những vi phạm đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của các cá nhân hay nhóm người.
Để kết luận, tôi xin nhắc lại lời cảm ơn đối với Chính phủ Việt Nam đã mời tôi thực hiện chuyến thăm quốc gia này. Tôi tin rằng Chính phủ sẽ thực hiện đúng những yêu cầu bảo đảm cho tất cả những ai đã làm việc cùng tôi trong chuyến thăm này và những ai đã gặp và tiếp xúc với tôi trong chuyến công tác này sẽ không bị đe dọa, sách nhiễu, trừng phạt hoặc phải chịu các thủ tục tố tụng tư pháp sau chuyến thăm quốc gia này. Tôi sẽ tiếp tục liên hệ với họ và theo dõi sự an toàn của họ. Bất kỳ sự cố nào có tính trả thù đều sẽ được báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tôi vui mừng nếu được đóng góp ý kiến chuyên môn của tôi với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt trong tiến trình Chính phủ Việt Nam cải thiện các điều kiện pháp lý và hạ tầng nhằm thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho tất cả mọi người. Tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam trên tinh thần hợp tác xây dựng
_
Notes:
1. The final version of new constitution was adopted by the National Assembly on 28 November 2013.
2. See Article 38 of the Ordinance: “In the case where an international treaty concluded, or acceded to, by the Socialist Republic of Vietnam contains a stipulation that contravenes stipulations by this Ordinance, the stipulation of the international treaty shall prevail.”
3. Article 18, paragraph 3 of the ICCPR.
4. Article 14, paragraph 2 of the 2013 Constitution.
5. Article 16 paragraph 1 of the Ordinance on Belief and Religion reads as follows:
1. An organization shall be recognized as a religious organization if it meets all the following conditions:
Being an organization of people sharing the same religious belief, of which the religious dogmas, canon laws and rites are not contrary to the fine customs and habits and the interests of the nation;
Having a charter and/or statutes depicting the goal, objectives and action orientation that are in close association with the nation and not contrary to stipulations by the law;
Having its religious activities registered and conducted on a stable basis;
Having a lawful office, organization and representative;
Having a name not duplicating that of any other religious organization that has been recognized by the competent State authority.
********************
Nguồn:
http://www.ohchr.org/Documents/Issues/Religion/StatementVietnameseVersion31July2014.pdf
Press Statement on the visit to the Socialist Republic of Viet Nam by the Special Rapporteur on freedom of religion or belief:
http://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=14914&LangID=E

TỰ DO NGÔN LUẬN 200-1-8-2014 * THƯ NGỎ



THƯ NGỎ 

Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất  chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.


Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.
Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.


Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:


1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.


Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một QH chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.


Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…

Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, VN cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.

Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.


Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!


Danh sách các đảng viên ký thư. 1- Nguyễn Trọng Vĩnh, vào đảng năm 1939. 2- Đào Xuân Sâm 1946. 3- Trần Đức Nguyên 1946. 4- Nguyễn Văn Tuyến 1946. 5- Lê Duy Mật 1947. 6- Tạ Đình Du 1948. 7- Vũ Quốc Tuấn 1948. 8- Nguyễn Hữu Côn, 1949. 9- Hoàng Hiển 1949. 10- Đỗ Gia Khoa 1949. 11- Hà Tuân Trung 1949. 12- Nguyễn Thị Ngọc Toản 1949. 13- Phạm Xuân Phương 1949. 14- Tô Hòa 1950. 15- Võ Văn Hiếu 1950. 16- Hoàng Tụy 1950. 17- Huỳnh Thúc Tấn 1951. 18- Tạ Đình Thính 1951. 19- Nguyên Ngọc 1956. 20- Tương Lai 1959. 21- Nguyễn Khắc Mai 1959. 22- Đào Công Tiến 1960. 23- Vũ Linh 1962. 24- Nguyễn Kiến Phước 1962. 25- Nguyễn Thị Ngọc Trai 1963. 26- Võ Văn Thôn 1965. 27- Nguyễn Trung 1965. 28- Huỳnh Kim Báu 1965. 29- Hạ Đình Nguyên 1965. 30- Nguyễn Văn Ly 1966. 31- Lê Công Giàu 1966. 32- Kha Lương Ngãi 1966. 33- Tô Nhuận Vỹ 1967. 34- Phạm Đức Nguyên 1968. 35- Bùi Đức Lại 1968. 36- Lữ Phương 1968. 37- Nguyễn Lê Thu An 1969. 38- Nguyễn Đăng Quang 1969. 39- Trần Văn Long 1970. 40- Nguyễn Thị Kim Chi 1971. 41- Huỳnh Tấn Mẫm 1971. 42- Võ Thị Ngọc Lan 1972. 43- Hà Quang Vinh 1972. 44- Nguyễn Đắc Xuân 1973. 45- Lê Đăng Doanh 1974. 46- Chu Hảo 1974. 47- Nguyễn Xuân Hoa 1974. 48- Nguyễn Vi Khải 1974. 49- Cao Lập 1974. 50- Lê Thân 1975. 51- Ngô Minh 1975. 52- Trần Kinh Nghị 1976. 53- Hồ An 1979. 54- Đoàn Văn Phương 1979. 55- Hồ Uy Liêm 1980. 56- Trần Đình Sử 1986. 57- Lê Văn Luyến 1987. 58- Nguyễn Gia Hảo 1988. 59- Phạm Chi Lan 1989. 60- Đào Tiến Thi 1991. 61- Nguyễn Nguyên Bình 1996.


Nhận định của TDNL: Phải hơn nửa thế kỷ, các đảng viên trên đây mới mớ mắt để nhận ra rằng đại huynh, đại đồng chí Tàu cộng chỉ là một bọn cướp nước. Nhưng nếu đi đên cùng đường lý luận và cuối điểm lương tâm, chân thành nhìn vào bản chất, cơ cấu và lịch sử Cộng đảng, họ phải thấy rằng nó là phản dân chủ, phi nhân quyền và vô dân tộc. Thoát Trung đòi hỏi phải thoát Cộng. Và muốn thoát Cộng phải thoát Hồ, tên đại tội đồ đã đưa vào VN cái chủ thuyết, cái chế độ và cái chính đảng vốn đã tàn hại Đất nước và Dân tộc từ hơn nửa thế kỷ nay. Có như thế mới logic với lương tâm và lương thức của mình.


V/v: Chính quyền VN ngăn cấm CTNLT Phạm Bá Hải tham dự “Hội thảo : Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” tại Hà Nội.


Kính gửi:


- Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Úc cùng các vị Đại diện của EU, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ tại Hà Nội.

- Ngài Tim Wilson, Đặc ủy viên của Ôxtrâylia về Nhân quyền.

Hội CTNLTVN nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần nội dung hội thảo “Truyền thông phi nhà nước ở VN trong thời kỳ hiện nay” sẽ diễn ra ngày 30-7-2014 tại ĐSQ Úc, Hà Nội, có sự kết hợp tổ chức với CĐ Âu châu, Canada, New Zealand, Na Uy, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ.


Báo chí viết (in và mạng) đóng vai trò như một chiếc cầu quan trọng giữa nhà nước và công dân. Nó có mối liên quan đến chính trị tùy thuộc vào mức độ tự do viết phóng sự điều tra, báo cáo… để đưa ra ánh sáng các khuất tất, lạm quyền và bất công. Vì để bảo vệ bộ máy cai trị độc tài, xâm phạm nghiêm trọng các quyền căn bản của con người, chính quyền VN thực thi hệ thống kiểm duyệt báo chí gắt gao, toàn diện. Kiểm duyệt trực tiếp như thông qua tòa soạn, trang web và phóng viên phải chịu trách nhiệm những gì họ viết, đưa tin. Kiểm duyệt gián tiếp như sự chỉ đạo, định hướng của các cơ sở đảng; chương trình giáo dục phóng viên viết theo “tính đúng đắn” của chính sách của đảng…


Việc tập trung toàn bộ quyền lực báo chí vào duy nhất đảng CS, đã tạo ra luồng thông tin một chiều nhằm củng cố cho mục đích chính trị của họ, và phục vụ cho quyền lợi của họ. Những tư tưởng khác “phi nhà nước” đều bị xem là phi pháp, “không khách quan” và “sai sự thật”. Hiện đang có trên 30 người cầm bút đang ngồi tù vì chính sách kiểm duyệt và bịt miệng bất đồng chính kiến, trong đó có Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn… và mới đây là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Anh Ba Sàm Ng. Hữu Vinh.


Đã có quá nhiều hy sinh để đòi quyền tự do thông tin tại VN, đã có quá nhiều giấy mực nói lên khốn khó vô bờ của thân nhân gia đình các tù nhân ấy; và với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đây là thời điểm chính quyền VN cần phải thực hiện và tôn trọng quyền tự do bày tỏ ôn hòa các chính kiến bất đồng của người dân.


Hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” là dấu hiệu đáng mừng trong tình hình truyền thông phi nhà nước không ngừng bị đàn áp. Anh Phạm Bá Hải, điều phối viên của Hội CTNLT đã vinh dự nhận giấy mời tham gia hội thảo này.


Tuy nhiên, trưa ngày 29-7-2014 khi trên đường từ nhà ra sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hà Nội, CTNLT Phạm Bá Hải đã bị lực lượng an ninh công an phối hợp ngăn cấm không cho đi. Họ nói lệnh của BCA là Phạm Bá Hải không được đi tham gia hội thảo này, nếu chấp hành thì quay về nhà, còn nếu phản đối thì sẽ bị cưỡng chế vào đồn công an theo giấy mời mà họ đã tống đạt vào lúc sáng cùng ngày.


Kính thưa quý vị Đại diện ngoại giao. Đây là vụ việc xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại trong nước của công dân Phạm Bá Hải một cách bất hợp pháp. Can thiệp ngăn cấm mà không hề có giấy lệnh nào ngoại trừ một lực lượng công an an ninh của phòng bảo vệ chính trị (PA67), cơ quan điều tra Phan Đăng Lưu (PA72), an ninh huyện Hốc Môn và công an địa phương.


Cách đó mấy ngày, anh Phạm Bá Hải cũng đã bị cấm ra khỏi nhà khi Ngài Heiner Beiderfeldt, Báo cáo viên LHQ về tự do tôn giáo đến Sài Gòn vào ngày 25-7-2014. Vị Đồng Chủ tịch hội CTNLT, Bs Nguyễn Đan Quế cùng với Phạm Chí Dũng và Dương Thị Tân cũng bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà.


Tiến trình ra đời các tổ chức phi chính phủ của quần chúng và dần dà hình thành xã hội dân sự là một tiến trình tất yếu, và VN cũng đã chấp nhận khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hoạt động XHDS có thể tự do hội họp và thể hiện quan điểm. Trái lại tinh thần trên, sau khi nhận được hộ chiếu ngày 9-7-2014, thì ngay ngày hôm sau anh Phạm Bá Hải đã bị Phòng quản lý XNC Tp HCM (PA 72) mời lên làm việc và tịch thu lại. Điều kiện để được có hộ chiếu và được sang Ấn Độ tiếp tục học chương trình tiến sĩ mà Phạm Bá hải đã bị dở dang khi bị bắt năm 2006 là rút tên ra khỏi và chấm dứt hoạt động trong Hội CTNLT và Hội Nhà báo Độc lập (IJAVN).


Trong phạm vi truyền thông phi nhà nước, thông tin đa chiều và thừa nhận quyền tự do hội họp và lập hội là những dấu mốc không thể tránh khỏi, Hội CTNLT kêu gọi Ngài Đại sứ Úc cùng các Đại diện các đoàn ngoại giao trong ban tổ chức hội thảo tiếp tục mở ra nhiều cuộc hội thảo tương tự, làm sáng tỏ quyền được tiếp cận thông tin đa chiều của người dân.


Qua đó, chính quyền VN phải thả toàn bộ những người đã bị xét xử theo điều 88, điều 258 cùng các điều khoản khác có liên quan trong bộ luật hình sự CHXHCNVN; vô hiệu hóa Nghị định 72 và các văn bản dưới luật khác nhằm hạn chế quyền này.



Việt Nam, ngày 29-7-2014.

Thường trực BĐH Hội CTNLT:

- Đồng chủ tịch: Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi

- Chủ tịch Hội đồng cố vấn: HT. Thích Không Tánh

- Điều phối viên: Ths. Phạm Bá Hải, Ls. Nguyễn Văn Đài

- Phát ngôn viên: Ts. Phạm Chí Dũng


NGUYÊN ỦY ĐỐI LẬP


PGHH sinh ra từ lòng dân tộc, lớn lên trong khí thiêng sông núi của Tổ Quốc nên lập trường nhất quán của PGHH là phải sống với Tổ Quốc và Dân Tộc và cũng chết vì Tổ Quốc và Dân Tộc.


Đặc trưng giáo thuyết của PGHH là pháp môn Học Phật Tu Nhân. Học Phật là làm tất cả các điều lành dù là lành nhỏ. Tránh tất cả các điều làm ác dù là ác nhỏ. Tu Nhân là phải làm tròn 4 điều ân lớn: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), Ân Đồng Bào và Nhân Loại.


Về phần Học Phật, trên phương diện xử thế, người tín đồ PGHH phải lấy Nghĩa, Nhân làm cơ sở... trong lúc chủ thuyết cộng sản thì chủ trương “mọi phương tiện đều tốt... mạnh được yếu thua”.


Về phần Tu Nhân, người tín đồ PGHH đặt Ân Tổ Tiên Cha Mẹ lên hàng đầu... trong lúc chủ thuyết cộng sản thì chủ trương: vô gia đình... Người tín đồ PGHH đặt Ân Đất Nước vô cùng trọng đại, thì chủ thuyết cs chủ trương: vô Tổ quốc... Người tín đồ PGHH đặt Ân Tam Bảo là một đại trọng ân thì chủ thuyết cs chủ trương: vô tôn giáo.


Bấy nhiêu vừa kể cũng đủ cho thấy tôn chỉ PGHH và chủ thuyết cs đối lập nhau như nước với lửa... và dưới mắt của đảng csVN, PGHH là một chướng ngại đáng quan tâm trên con đường “xích hóa” VN nên phải diệt trừ cho bằng được bất luận ở môi trường nào, tình huống nào, cơ hội nào... có thể được.


Nhất là sau ngày đảo chánh Pháp (1945) Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ PGHH thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất quy hợp gần như hầu hết các tôn giáo, đảng phái ở Nam Bộ VN làm cho đảng cộng sản VN càng lo sợ phải đẩy mạnh những âm mưu dù thô bạo đê hèn đến đâu để triệt tiêu PGHH cho bằng được.


Trong lúc VN mới thu hồi độc lập, còn ngổn ngang phức tạp, sự đoàn kết  toàn dân là một nhu cầu thiết yếu để kiến tạo xứ sở... thì đảng csVN do Trần Văn Giàu cầm đầu ở Nam Bộ lại trắng trợn mở những cuộc trấn áp thô bạo và đê hèn nhằm triệt hạ các thế lực quốc gia... nhất là đối với PGHH là một cái gai chọc vào mắt mà cs phải đối xử mạnh tay hơn tất cả.


Đêm 9-9-1945, Trần Văn Giàu gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với Đức Huỳnh Giáo Chủ để biết chắc Ngài có mặt tại văn phòng rồi liền sau đó hằng trăm công an của Giàu ào ạt tràn đến bao vây văn phòng của Đức Huỳnh Giáo Chủ ở đường Miche (Saigon) để sát hại Ngài. Nhưng cuối cùng bọn Trần Văn Giàu không thành công.


Giai đoạn này là thời điểm vô cùng nghiêm trọng cho đất nước VN, bên ngoài quân đội Pháp do tướng Leclerc chỉ huy lăm le tái chiếm VN, bên trong thì đảng csVN trắng trợn khai hấn cuộc tương tàn để giành độc quyền lãnh đạo đất nước, nếu VN xảy ra một cuộc tương tàn thật sự thì là một lợi lớn cho quân thù.


Với tấm lòng chân thành yêu nước của một nhà chí sĩ, Đức Huỳnh Giáo Chủ phải đặt quyền lợi Tổ Quốc trên tất cả, Ngài đành lánh mặt để tránh cuộc tương tàn với đảng csVN trong lúc Ngài có triệu rưỡi tín đồ sẵn sàng hy sinh theo một tiếng lịnh của Ngài trong lúc đảng csVN ở Nam Bộ chưa được 100 ngàn đảng viên.


Sau khi Đức Huỳnh Giáo Chủ lánh mặt, đảng csVN dưới danh nghĩa Việt Minh (VM) thẳng tay tàn sát PGHH không chút tiếc thương bằng những cuộc thảm sát tập thể... bằng những cuộc xử tử công khai... Đại thể như cuộc xử bắn công khai tại chợ Lấp Vò (Đồng Tháp) ngày 10-10-1945, các nạn nhân đều là nhân sĩ, Trị sự viên PGHH có tên tuổi như quý ông: Thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp, Huỳnh Phú Mậu (bào đệ Đức Huỳnh Giáo Chủ), Trần Ngọc Hoành, Võ Tăng Sâm, Nguyễn Văn Hay, Nguyễn Văn Ngàn, Huỳnh Văn Công, Huỳnh Văn Kích v.v...


Cụ Lê Quang Liêm cũng là một tử tội nằm trong nhóm tử tội này, đáng lý bị xử một lượt nhưng vì cụ là một nhân sĩ trụ cột của PGHH nên VM muốn xử bắn vào ngày mồng 4 Tết 1946 để thị oai. Nhưng đến ngày 23-12-1945 thì quân đội Pháp đổ bộ chiếm Lấp Vò, VM bỏ chạy, anh em bảo an PGHH phá khám cứu sống cụ trong gang tấc. Năm nay cụ đã 95 tuổi và sống tại Sài Gòn với cương vị Hội trưởng Trung ương PGHH Thuần Túy (không được nhà cầm quyền csVn thừa nhận).


Trong giai đoạn thảm thiết này kể ra có khoảng 50 ngàn nhân sĩ tín đồ PGHH bị VM sát hại. Tại các tỉnh Miền Tây Nam Bộ có hàng chục mồ chôn tập thể do những cuộc thảm sát này, nhưng đến ngày nay thì nhà cầm quyền cs đã tìm cách xóa bỏ mọi dấu tích man rợ này, duy chỉ hiện giờ tại xã Phú Thuận (Đồng Tháp) còn một mồ chôn tập thể với 467 hài cốt cs chưa phi tang được vì nó quá lớn.


Rồi... kể từ năm 1954 đến 30-4-1975, suốt 20 năm dài đằng đẵng này, tại Nam Bộ, vmcs chỉ còn là những toán du kích ẩn núp ở núi rừng, nhưng vmcs vẫn theo đuổi chủ trương triệt tiêu PGHH trong mọi môi trường, trong mọi tình huống, trong mọi cơ hội... có thể được.


Hạ bán niên 1946, quân đội Pháp đã tái chiếm gần hết các điểm xung yếu ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lên tiếng kêu gọi toàn dân đoàn kết để chống quân thù chung, đồng thời phái đại diện chánh thức là ông Phạm Thiều, năm lần, bảy lượt đến tiếp xúc với Đức Huỳnh Giáo Chủ để thỉnh cầu Ngài tham chánh.


Cũng vì tấm lòng chứa chan yêu nước, Đức Huỳnh Giáo Chủ chấp nhận tham chánh với chức vụ Ủy viên Đặc biệt để chứng tỏ cho quốc dân đồng bào nhận thấy rằng Ngài không vì hiềm riêng mà hờ hững với phận sự cứu nước.


Thế mà trước lòng từ bi hải hà của một đấng thiêng liêng, trước lòng yêu nước chân thành của một nhà chí sĩ, vmcs vẫn theo đuổi một chủ trương khát máu đê hèn: ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ lần thứ 2 tại Rạch Đốc Vàng (Đồng Tháp) đêm 16-4-1947... tạo một tội ác trời không dung, đất không tha.


Sau ngày 30-4-1975, cưỡng chiếm được Miền Nam, đảng csVN vẫn tiếp tục theo đuổi chủ trương trảm thảo trừ căn đối với PGHH qua một chính sách tàn bạo đại lược như dưới đây:


A- Đối với Giáo Hội PGHH:


a- Triệt để cấm hoạt động giáo sự.

b- Toàn bộ tài sản Giáo Hội bị nhà cầm quyền cs tịch thu sạch sành sanh không chừa một miếng ngói, một viên gạch từ ngôi Hội sở Trung ương đến các Hội sở các cấp tỉnh, huyện, xã, ấp... cả đến trên 10.000 Độc giảng đường cũng bị tịch thu, tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng.


B- Đối với nhân sĩ và tín đồ PGHH:


a- Công an âm thầm canh chừng ngày đêm. Tín đồ PGHH không được tụ họp với nhau quá 5 người.

b- Cuộc sinh sống luôn luôn bị hạn chế.

c- Một số tài sản cá nhân bị nhà cầm quyền cs tịch thu, điển hình là tài sản của cụ Lê Quang Liêm bị tịch thu sạch sành sanh tổng giá trị hằng mấy trăm tỷ đồng.


Sau 30-4-1975, cụ Lê Quang Liêm, vị Hội trưởng Trung ương PGHH do Đại hội Toàn quốc PGHH bầu ngày 9-8-1970 phải đi ngồi tù 5 năm và bị quản chế 5 năm. Sau khi được tự do cụ Liêm liền cầm đầu một phong trào tranh đấu đòi nhà cầm quyền cs phải chấp nhận tái phục hoạt Giáo Hội PGHH. Cuộc tranh đấu này thật vô cùng truân chuyên nguy hiểm, gần trăm nhân sĩ PGHH phải bị ngồi tù từ 5 năm đến chung thân, bao nhiêu nhà tan cửa nát, đại lược như:


-Tu sĩ Nguyễn Văn Điền 7 năm tù. -Nguyễn Văn Thơ 7 năm tù. -Dương Thị Tròn 9 năm tù.


-Mai Thị Dung 11 năm tù. -Võ Văn Bửu 7 năm tù. -Nguyễn Ngọc Hà 4 năm tù. -Nguyễn Thanh Phong 5 năm tù. -Lê văn Sóc 6 năm 6 tháng tù. -Nguyễn Văn Thùy 5 năm tù. -Nguyễn Châu Lang 3 năm tù. -Trương Văn Đức 12 năm tù. -Bùi Thiên Huệ 5 năm tù. -Lê Văn Tính 20 năm tù. -Bùi Tấn Nhã chung thân. -Trần Văn Bé Cao 5 năm tù. -Lê Hữu Hòa 5 năm tù. -Lê Văn Nhuộm 5 năm tù. -Nguyễn Văn Lía 5 năm tù. -Võ Văn Thanh Liêm 5 năm tù. -Trần Hoài Ân 3 năm tù v.v. và v.v... Cả đến việc cụ bà Nguyễn Thị Thu và Tu sĩ Trần Văn Út phải tự thiêu.


Cuộc tranh đấu đòi tái phục hoạt Giáo Hội PGHH do cụ Lê Quang Liêm lãnh đạo ngày càng quyết liệt kéo dài suốt 15 năm, được Thế giới Tự do quan tâm, làm cho đảng csVN tự thấy không thể dìm PGHH mãi được nên phải thay một sách lược mới: “dùng giáo Tàu đâm các chú” cố nắn ra một Ban Trị sự Trung ương tay sai để trám vào chỗ đòi hỏi của cụ Lê Quang Liêm trước dư luận quốc tế.


Thế là một Ban Trị sự quốc doanh ra đời từ tháng 5-1999 do Nguyễn Văn Tôn cầm đầu và cũng từ đó Giáo Hội PGHH do cụ Lê Quang Liêm lãnh đạo phải thêm 2 chữ Thuần Túy để phân biệt chánh tà.


PGHH có 3 ngày lễ chánh:


- Đại Lễ 18-5 âl là lễ kỷ niệm ngày khai sáng PGHH.

- Đại Lễ 25-11 âl là lễ kỷ niệm Ngày Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ.

-Đại Lễ 25-2 âl là lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị vmcs ám hại.



Từ ngày có Ban Trị sự quốc doanh thì 2 ngày lễ lớn là ngày khai đạo và ngày Đản sanh chỉ có Ban Trị sự quốc doanh được phép tổ chức, còn ngày lễ 25-2 âl thì Ban Trị sự quốc doanh hủy bỏ hẳn, còn Giáo Hội PGHH Thuần Túy vẫn bị nhà cầm quyền cs triệt để cấm tổ chức; và ròng rã 39 năm liên tiếp (1975-2014), năm nào cũng như năm nào, nhà cầm quyền cs phải sử dụng hàng ngàn công an với mọi phương tiện để mở chiến dịch ngăn chận không cho Giáo Hội PGHH Thuần Túy tổ chức 3 ngày lễ này.


Ngoài ra hằng trăm gia đình các Trị Sự viên PGHH Thuần Túy bị công an công khai đóng chốt trước cửa nhà với nghiêm lịnh: “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong những ngày lễ của PGHH, dù trong nhà có ai bị phát bịnh bất thường cũng phải nằm chờ chết, chớ không được ra khỏi nhà; mỗi lần bị phong tỏa như vậy ít nhất là 3 ngày đêm.


Thỉnh nguyện


Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc dùng uy tín khuyến cáo nhà cầm quyền csVN phải:

- Tuân thủ các quy điều của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

- Tôn trọng Nhân quyền và Quyền Tự do Tôn giáo tại VN.

- Trả tự do không điều kiện cho các tù nhân lương tâm còn giam giữ tại VN.

- Trả lại tài sản cho Giáo Hội PGHH vì PGHH hiện nay là một trong bốn tôn giáo lớn tại VN, có tư cách pháp nhân hẳn hoi tại sao lại bị tịch thu tài sản?

- Trả lại tài sản cho cụ Lê Quang Liêm, vì hiện nay cụ Lê Quang Liêm là một công dân hợp pháp như bao nhiêu công dân khác, tại sao lại bị tịch thu tài sản ??

- Trả lại đất vườn cho hằng triệu dân oan đang sống lang thang đói rét ở đầu đình xó chợ.


Ngày 22 tháng 7 năm 2014.

Giáo Hội PGHH Thuần Túy

Hội trưởng Trung ương


¢¢¢¢¢¢¢¢¢¢¢¢¢¢


I- Từ ngày khai sinh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Đạo Cao Đài.


- Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn.

- Cổ Pháp (Xuân Thu, Phất Chủ, Bát Vu) biểu tượng của tam giáo Phật, Thánh, Tiên.

- Đạo Kỳ: 3 màu Vàng, Xanh, Đỏ.

- Pháp Chánh Truyền, là Hiến Pháp Đạo.

- Tân Luật là luật chung của Đạo.


- Kinh lễ, Thiên Đạo, Thế Đạo, Giáo Lý, Bát Đạo Nghị Định và Luật Lệ của Hội Thánh là nội quy nội luật hành Đạo.

- Đạo Cao Đài có 4 cơ quan Chánh Trị Đạo là:

- Hiệp Thiên Đài (cơ quan giữ gìn luật pháp Đạo)

- Cửu Trùng Đài (cơ quan hành chánh của nền Đạo)

- Phổ Tế (cơ quan phổ độ chúng sanh)

- Phước Thiện (cơ quan bảo tồn giúp khó trợ nghèo).

Từ năm 1926-1975 Đạo Cao Đài có trên 3 triệu tín đồ ở quốc nội, hải ngoại.


II- Sau năm 1975, Cộng sản chiếm Miền Nam Việt Nam, Đạo Cao Đài là 1 trong những tôn giáo bị CS tiêu diệt nặng nhất.


Qua những văn bản của chế độ CS sau đây:


1- Bản án Cao Đài của MTTQT TN ký ngày 20-9-1978 (lên án Đạo Cao Đài thân Mỹ, Nhật, Pháp, chống cách mạng.)

2- Quyết định số 124/QĐUB của UBNDTTN do ông Đặng Văn Thưởng ký ngày 4-6-1980.

3- Hướng dẫn số 21 của trưởng ban DVTW do ông Phan Minh Tánh ký ngày 29-1-1991 (để đưa đảng viên CS vào nội bộ tôn giáo).

4- Thông báo số 34 của BCHTWĐ do ông Lê Đức Anh ký ngày 14-11-1992 (không khuyến khích phát triển tôn giáo và chuẩn bị nhân sự được cài vào để điều hướng đại hội của tôn giáo)


5- Thông báo số 10 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ do ông Vũ Gia Thanh ký ngày 30-2-1995 (theo chủ trương của CS để điều hành tôn giáo quốc danh do họ lập nên).

6- Kế hoạnh 01 ứa của Tỉnh ủy TTN do ông Nguyễn Văn Rốp ký ngày 29-5-1996 (ngăn ngừa+ trấn áp không cho phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Đạo và đời theo chủ trương của đảng).

7- Quyết định 42 của TUTTN do ông Nguyễn Văn Rốp ký ngày 29-5-1996 (thành lập UB chỉ đạo để hướng dẫn Cao Đài quốc doanh đại hội dể CQCSVN công nhận tư cách pháp nhân).


8- Thông tư số 02 của BTGCP do ông Lê Quang Vịnh ký ngày 16-6-1999 (Chức sắc HĐCQ được công cử phải do chính quyền CSVN công nhận theo phẩm cấp).

9- Thông báo 319/TB/DV của DVTW do ông Trịnh Xuân Giới ký ký 30-9-1996 (không cho sử dụng cơ bút và dự thảo hiến chương của HĐCQ Cao Đài quốc doanh)

10- Hướng dẫn 31/HD/DVTW của BDVTW do ông Trịnh Xuân Giới Ký ngày 16-2-1998 (nắm rõ tình hình diễn tiến của từng hệ phái để đảng có hướng chỉ đạo tiếp).

11-Thông báo số 145 Tối mật/ TB/TW của Bộ Chính trị do ông Phạm Thế Duyệt ký 15-6-1998 (tiến tới lập pháp lệnh tín ngưỡng cho các tôn giáo)


Như vậy qua 11 văn bản mật và tối mật ở trên đã chứng minh CQDCSVN quyết tâm tiêu diệt Đạo Cao Đài do ĐỨC CHÍ TÔN lập thành. Xem chi tiết vào đường link: baotonchanhphap.net/new -> Diễn Đàn -> những tài liệu ĐCS tiêu diệt Đạo Cao Đài.


III-Tiếp đến CQCSVN tịch thu toàn bộ cơ sở của Đạo từ trung ương đến địa phương:


- Giải thể Hội Thánh và tất cả cơ cấu hành chánh của Đạo

- Cấm sử dụng Cơ bút (thần linh học), không cho Hội Thánh Thông Công với quyền năng Thiêng Liêng để hành đạo theo chánh truyền của Đức Chí Tôn.

- CQCSVN buộc những Chức sắc Thiên phong không theo chủ trương của chủ thuyết Vô thần CS phải về Tu tại gia.


IV- Vì vậy các Chức sắc và Tín đồ trung kiên vì Đạo, đấu tranh quyết giữ chơn truyền


Chánh Pháp của Đức Chí Tôn đã hướng dẫn lập Đạo từ năm 1926 không cho quyền đời lợi dụng.

* Đã trải qua gần 40 năm, Chức sắc và Ban Đại diện Khối Nhơn sanh đấu tranh bảo vệ Đạo quyền trong tinh thần ôn hoà, nhưng CQCSVN vẫn tiếp tục đàn áp qua nhiều hình thức: đưa giấy triệu tập lên công an, khủng bố tinh thần, cản trở việc đi lại trong công việc đạo sự. Họ còn dùng Cao Đài Quốc Doanh + công an + côn đồ… ban ngành Chánh quyền, cướp một số Thánh thất Chơn truyền như TT. Long Bình ở tỉnh Tiền Giang, TT Định Quán tỉnh Đồng Nai, TT Phú Mỹ tỉnh Bình Định, đánh đập 1 số đồng đạo bị trọng thương.


Gần đây CQCSVN liên tục đàn áp, sách nhiễu đồng đạo ở Vĩnh Long, cụ thể ở văn phòng Tộc đạo Châu Thành, nhà của Hiền huynh CTS. Nguyễn Kim Lân. Hiền tỷ CTS. Nguyễn Bạch Phụng bị theo dõi nhiều hơn sau khi điều trần ở Quốc hội Hoa-Kỳ.


Hiền Huynh CTS Hứa Phi, trưởng BĐDKNS, bị khống chế từ thể xác đến tinh thần và bị người giả dạng Cao Đài quốc doanh đánh trọng thương phải nằm viện. Đồng đạo trong nước như ở Quảng Ngãi, An Khê, Tây Ninh bị đàn áp vì không theo Đạo Cao Đài quốc doanh, đứng đầu là ông Cựu Dân biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tám và ông HDND tỉnh Tây Ninh Lê Minh Khuyên làm Chưởng Quản và Phó Chưởng Quản Hội thánh Cao Đài Tây Ninh.


Trên đây là dẫn chứng một số việc của Đạo Cao Đài và các tôn giáo khác như : Công Giáo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành và Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý đang bị CQCSVN đàn áp.
Chúng tôi mong muốn thanh bình đến trên tổ quốc Việt Nam, để đạo và đời hưởng được ân huệ của Đấng Thượng Đế tối cao.


Chủ quyền của Đạo phải được tôn trọng; tất cả những cơ sở của Đạo CQCSVN phải trả lại cho Đạo dưới sự giám sát của LHQ.

Nay kính :


Việt Nam ngày 16-7-2014.

(ÂL ngày 20-6 năm Giáp Ngọ).

Thay mặt BĐDNSDCD

Trưởng ban: CTS. Hứa Phi.




TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN THỐNG NHẤT


HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn. Phật lịch 2558

Số: 02/HĐĐH/TB/VT


THÔNG BẠCH VU LAN 2014


Kính gửi:

- Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni,

- Chư Thiện hữu Cư sĩ cùng Đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước,

Kính thưa Liệt quý vị,


Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất xin gửi lời chân thành tri ân chư liệt vị đã hết lòng ủng hộ, tham gia sinh hoạt Tăng Đoàn trong hoàn cảnh đầy biến động, phân hóa, không mấy ai mong muốn. Xin tán dương công đức Phật sự nhằm từng bước ổn định sinh hoạt Tăng Đoàn thời gian qua của các cấp điều hành Tăng Đoàn trong và ngoài nước.


Đại lễ Vu Lan nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo, đức từ bi và phẩm hạnh thanh tịnh.

Báo hiếu chỉ có ý nghĩa khi hạnh nguyện cứu khổ độ sanh được thể hiện đầy đủ. Bởi vì, ở đâu có đau khổ, ở đó cần đến lòng từ bi cứu độ.

Địa ngục không phải chỉ có nơi âm phủ mà địa ngục còn có tại trần gian. Nơi nào có khổ đau, nơi đó có địa ngục. Ở đâu có đàn áp, ngược đãi, nhục hình, ở đó có địa ngục.


Vì vậy, nếu chỉ tế độ oan hồn uổng tử, mà không phát tâm cứu hộ người còn sống đang lâm cảnh đọa đày, cũng chưa trọn tình hiếu hạnh, chưa trọn nghĩa từ bi.

Trong suốt hơn 2000 năm lịch sử hoằng hóa, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Thực hiện giáo pháp từ bi, Phật tử chúng ta không bao giờ xoay lưng ngoảnh mặt trước cảnh đau khổ của con người.


Đức Đệ tứ Tăng thống, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang nhấn mạnh rằng: “Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do, thoát ly nô lệ”.


Dù Phật giáo đã và đang trải qua những cơn Pháp nạn hiểm nghèo, nhưng Tăng Đoàn GHPGVNTN không để chướng duyên làm lu mờ bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng già vốn là yếu tố làm nên sức mạnh và sự trường tồn của Phật giáo.

Trước cảnh quê hương bị bất công, lầm than, rách nát, quyền sống của con người bị tước đoạt, nhân phẩm bị chà đạp, đất nước đang đứng trước hiểm nạn ngoại xâm, Tăng Đoàn GHPGVNTN thiết tha kêu gọi chư liệt vị hãy vì tiền đồ của dân tộc và đạo pháp, thể hiện Bồ Tát hạnh cứu khổ trừ nguy, tích cực dấn thân hơn nữa để khỏi cô phụ bản hoài xuất thế độ sanh của chư Phật.


Muốn giải trừ khổ hoạn cho người khác, bản thân của mỗi tu sĩ cần sống thanh tịnh. Vì bản thể thanh tịnh của Tăng già là sức mạnh vô biên có khả năng giải thoát mọi khổ đau phiền não. Do vậy, chúng ta hãy nỗ lực phát huy nội lực thanh tịnh, sống đời phạm hạnh, thánh thiện, tránh xa các tham vọng, thị phi thế tục, an trú vững chãi trong chánh pháp, nhằm giải thoát tự thân và góp phần cứu khổn phò nguy. Mong quý Cư sĩ Phật tử hãy cùng gia tâm, gắng sức trong sứ mệnh hộ trì chánh pháp, lợi lạc hữu tình.


Xin chân thành đốt nén tâm hương, cầu nguyện Cửu huyền Thất tổ, Phụ mẫu quá vãng được siêu thăng, quyền sống con người được tôn trọng, đất nước thoát nạn ngoại xâm, thế giới thanh bình, chúng sanh an lạc.

Nam Mô Vu Lan thắng hội vô lượng chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng tác đại chứng minh.


Mùa Vu Lan Báo hiếu năm Giáp Ngọ, 2014.

Thay mặt HĐ Điều Hành

Tăng Đoàn GHPGVNTN


Viện trưởng

(đã ấn, ký)

Tỳ kheo Thích Viên Định

BÍ MẬT THÀNH ĐÔ * THƯ CỦA THIẾU TƯỚNG LÊ DUY MẬT

 


 Đã đến lúc giải mật Hội Nghị Thành Đô?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-08-06 Hội nghị Thành đô 1990
Hội nghị Thành đô 1990
Files Photos 

Hội Nghị Thành Đô là cụm từ nhức nhối đối với người quan tâm tới vận mệnh đất nước có liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Hồi gần đây sự đòi hỏi minh bạch hội nghị này ngày một xuất hiện nhiều hơn trong giới sĩ phu cũng như tướng lãnh quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bí ẩn vẫn bao trùm Hội nghị Thành Đô
Trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 Hội nghị Thành Đô được tổ chức tại Tứ Xuyên quy tụ lãnh đạo cao cấp của hai nước Việt Nam-Trung Quốc cho đến nay vẫn còn để lại trong lòng người dân nhiều câu hỏi về những gì mà hai bên bàn luận. Những khuôn mặt phía Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Phạm Văn Đồng, cố vấn ban chấp hành Trung ương Đảng. Phía bên kia là Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.
Qua hình ảnh, những cái bắt tay đi kèm những nụ cười cho biết họ vừa bàn thảo những sự kiện quan trọng nhưng không ai được đọc hay nghe những gì mà hai bên thỏa thuận bên trong hội nghị. Từ đó đến nay, sự bí mật, hay nói đúng hơn là bưng bít vẫn bao trùm câu chuyện Thành Đô như một vùng cấm của người cộng sản mặc dù nội dung của nó liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc.
Lịch sử cho thấy bất cứ sự thỏa hiệp mờ ám nào dù tinh vi tới đâu cũng bị lật tẩy. Không ai có thể buộc kẻ thù không được công bố những gì mà trong quá khứ đã trót bằng lòng với chúng. Câu chuyện công hàm Phạm Văn Đồng là một thí dụ lớn nhất mà nhà nước có thể lấy làm bài học vì thời gian dù có bao lâu vẫn không mài mất được chữ ký của một Thủ tướng.
Qua hình ảnh, những cái bắt tay đi kèm những nụ cười cho biết họ vừa bàn thảo những sự kiện quan trọng nhưng không ai được đọc hay nghe những gì mà hai bên thỏa thuận bên trong hội nghị. Từ đó đến nay, sự bí mật, hay nói đúng hơn là bưng bít vẫn bao trùm câu chuyện Thành Đô
Công hàm Phạm Văn Đồng do Hà Nội quá lâu không lên tiếng giải bày khiến Trung Quốc có lợi thế như một yếu tố phân hóa quần chúng không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền khi xảy ra vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã dùng sự mập mờ của Hội Nghị Thành Đô để bịt miệng lãnh đạo Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử khiến tay họ trót nhúng chàm vì quá tin vào người bạn xã hội chủ nghĩa.
Năm 2004 tập hồi ký của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho thấy phần nào sự bí ẩn phía sau khi ông bị Trung Quốc gạt ra khỏi Hội Nghị vì quan điểm chống Trung Quốc công khai của ông. Yếu tố này một lần nữa chứng minh sự gượng ép của những người đại diện Việt Nam tham gia hội nghị và mãi một phần tư thế kỷ sau đó bí mật vẫn bao trùm câu chuyện Thành Đô.
Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang là người từng nhiều lần tiếp xúc với nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho biết:
Chụp ảnh lưu niệm sau hội đàm Thành Đô
Chụp ảnh lưu niệm sau hội đàm Thành Đô
Trung quốc đưa ra một điều kiện tiên quyết đó là Việt Nam thực tâm muốn bình thường, cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thì việc đầu tiên là Việt Nam phải loại bỏ Bộ trưởng Thạch, đó là điều anh ấy nói riêng với tôi và sau này tôi được biết anh ấy nói công khai trong Bộ Ngoại giao. Còn nhiều việc anh ấy nói với tôi nữa nhưng tôi chưa dám công bố bởi vì có thể những việc đó anh ấy sẽ viết trong cuốn hồi ký của anh ấy.
Anh ấy là người rất hiểu Trung Quốc và hiểu tận tim gan của họ. Ví dụ như Trung Quốc nói rằng đảo Hoàng Sa có xương của người Trung Quốc thì ảnh đập lại anh ấy nói nếu như thế thì ngay thủ đô Hà Nội cũng sẽ là đất của Trung Quốc bởi vì gò Đống Đa có rất nhiều xương của Trung Quốc vì người Hán bị vua Quang Trung tiêu diệt chất thành cả một cái gò như thế. Nếu nói đâu có xương của người Hán người Trung Quốc thì nơi đó là dất của Trung Quốc thì phi khoa học.
Việt Nam một tỉnh tự trị của Trung Quốc?
Tài liệu về hội nghị này hết sức ít ỏi khiến bao nhiêu học giả muốn nghiên cứu về nó phải chịu thua vì sự trung thành của người trong cuộc. Bí mật càng giữ, sự xuyên tạc sự thật về nó càng khiến người ta tin hơn, đặc biệt nếu sự xuyên tạc ấy đến công khai từ phía Trung Quốc khi hai nước chạm trán với nhau trên vấn đề biên cương lãnh thổ.
Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên
Tờ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã
Tờ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã vừa cùng nhau công bố những chi tiết mà hai cơ quan này gọi là sự thật về “Kỷ Yếu Hội Nghị” trong những ngày vừa qua với những câu chữ như sau:
Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh , như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….
Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên , và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”
Với những từ ngữ tuyên giáo như thế không ai có thể tin rằng lãnh đạo Việt Nam đã mù quáng đến nỗi đi tới quyết định như vậy mặc dù sự xụp đổ của Liên Xô đã khiến đảng Cộng sản Việt Nam phải tìm cách dựa vào Trung Quốc để sống còn.
Dù sao thì Chủ nghĩa Xã hội cũng không thể biến Việt Nam thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc vì ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cộng với Phạm Văn Đồng không đủ chính danh để ký một văn tự vô giá trị như thế.
Tuy nhiên vì Hà Nội tiếp tục im lặng nên câu hỏi đã dần dần biến thành sự thật cho dù chỉ phân nửa sự thật đến từ Hoàn Cầu Thời Báo.
Phản ứng của nhân sĩ trí thức và tướng lãnh Việt Nam rõ ràng là phẫn nộ và họ đòi hỏi nhà nước phải bạch hóa sự kiện Thành Đô. Trước tiên là Thiếu tướng Lê Duy Mật sau đó là Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cùng nhiều người khác đã công khai kiến nghị lãnh đạo phải giải thích minh bạch những điều mà Trung Quốc đưa ra như đã từng đưa sự việc công hàm Phạm Văn Đồng khiến Hà Nội phải ngậm bù hòn làm ngọt không thể tiến tới một vụ kiện phản đối Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời báo thì nó không phải là cơ quan chính thức của dảng và nhà nước Trung Hoa cho nên nó đưa như thế ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, bản thân cá nhân tôi thì tôi không tin đó là sự thật. Thế nhưng nếu mình im lặng trong chuyện này thì bất lợi cho mình. Phải có một kênh thông tin nào đó để phản bác lại chuyện đó
Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Nói với chúng tôi Thiếu tướng Lê Duy Mật cho biết:
Vấn đề Thành Đô quan hệ như thế nào nó ảnh hưởng ra sao và hậu họa của nó thế nào thì giờ mình cũng chưa thật rõ cho nên tôi nêu ra vấn để để các đồng chí lãnh đạo xem xét và đồng thời có ý kiến với toàn bộ đảng toàn nhân dân thế thôi. Bây giờ thì cứ chờ họ xem quan điểm, thái độ và cách giải quyết như thế nào. Còn bây giờ mình hãy nêu vấn đề, một vài ví dụ thế thôi. Nó là vấn đề bang giao chiến lược và của tập thể chứ không phải của một cá nhân nào.
Đại tá Nguyễn Đăng Quang không tin vào những thông tin này tuy nhiên theo ông nếu nhà nước vẫn chủ trương im lặng thì không khác gì trao vũ khí tuyên truyền cho giặc, ông chia sẻ:
Cái thông tin này thì bản thân tôi nghĩ rằng không phải là thật. Hoàn Cầu Thời báo nó tung ra để gây chia rẽ mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam với nhau thôi và gây phân hóa trong người dân Việt Nam với nhau.
Hoàn Cầu Thời báo thì nó không phải là cơ quan chính thức của dảng và nhà nước Trung Hoa cho nên nó đưa như thế ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. bản thân cá nhân tôi thì tôi không tin đó là sự thật. Thế nhưng nếu mình im lặng trong chuyện này thì bất lợi cho mình. Phải có một kênh thông tin nào đó để phản bác lại chuyện đó.
Còn chuyện có công bố cho dân biết về Hội nghị Thành Đô hay không thì tôi nghĩ rằng không phải là chuyện dễ làm nhưng phần nào ít nhiều gì cũng phải cho người dân biết.
Hội Nghị Thành Đô như một giọt nước tràn ly, đây là cơ hội để nhà nước bạch hóa một sự thật được giữ kín trong suốt 24 năm. Tuy nhiên bí mật khi đã trở thành gai nhọn thì cách hay nhất vẫn phải chịu đau mà lấy gai lể nó.
Thỏa thuận Thành Đô cho tới nay vẫn là bí mật


Thỏa thuận Thành Đô cho tới nay vẫn là bí mật
THƯ CỦA THIẾU TƯỚNG LÊ DUY MẬT
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập Tự Do HạnhPhúc
    Hà Nội ngày 20 tháng 07 năm 2014
Kính gửi: Đ/C Tổng Bí thư  BCHTW Đảng
Các đ/c Uỷ viên Bộ Chính Trị
Các đ/c Uỷ viên Ban Bí thư TW Đảng
Các đ/c ủy viên Trung ương Đảng khóa XI.
Tôi là: Lê Duy Mật – Thiếu tướng – Nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2 và Tư lệnh Mặt trận 1979-1984 (Hà Giang) thay mặt một số đảng viên xin được nêu thắc mắc và kiến nghị như sau:
Cuộc chiến tranh biên giới 1979 – 1984 cũng là một trong những cuộc chiến đẫm máu vô cùng đau thương trong lịch sử nước ta. Đây là cuộc chiến tương tự các cuộc chiến Bạch Đằng,Chi Lăng, Đống Đa, nhưng tại sao đã qua 30 năm mà cuộc chiến này vẫn không được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm phục vụ cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc cấp thiết trước mắt, Việc tổng kết này vô cùng cần thiết và sẽ rất hữu ích khi mà đối tượng chiến đấu vẫn là một, khi mà quân xâm lựợc đang cận kề chứ không xa xôi như trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bên cạnh đó các chính sách đối với gia đình liệt sĩ và những người chống xâm lược năm 1979 – 1984 ,chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng vẫn không được giải quyết ,mà chỉ có những lời hứa hẹn xuông.

Phải chăng có một nguyên nhân mà chúng tôi săp nêu lên sau đây.
Chúng ta đều biết mọi tiêu cực trong xã hội hiện nay từ Trung Quốc gây ra, khiến cho nước ta sản xuất lẹt đẹt, lạc hậu, đã thế, họ lại còn có những lời sỉ nhục đôi với cả dân tộc ta :“Việt Nam là con hoang, loại vô liêm sỉ, phải cho thêm vài bài học”.
Vậy mà, lãnh đạo ta không hề có một phản ứng nào!
Rồi khi bọn xấu trà trộn trong đám biểu tình được xúi giục phá phách gần 1000 nhà máy của Hàn Quốc, Đài Loan,Singapore,Trung Quốc, thì công an lúc đó làm ngơ , sau đó mới xuất hiện, chỉ xử lý qua loa và xin lỗi xin đền bù thiệt hại cho họ. Trong khi đó Tung Quốc đâm phá gần 30 tàu ,thuyền của chúng ta thì không quyết liệt đòi bồi thường, mà chỉ “nhẹ nhàng” lên án.
Khi có hiện tượng bất thường nho nhỏ về dân sự thì lập tức nửa đêm đại sứ của Việt Nam ở Bắc Kinh bị gọi đến để nhận thư phản kháng, còn khi Trung Quốc gây hại cho ta thì chỉ có cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam đến gặp cơ quan Lãnh sự Trung Quốc tại Hà Nội để giao công hàm phản kháng.
Lạ lùng nhất là tỉnh ủy Quảng Đông mà lại ngang nhiên gửi công văn cho Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phải thực hiện 16 việc phải làm. Một thái đọ trịch thượng ,coi thường nước ta rất vô lễ mà ta vẫn chịu đựng.
Trung Quốc tự tiện cho giàn khoan vào xâm nhập lãnh hải Việt Nam bất chấp mọi ý kiến phản đối của nhân dân ta và dư luận các nước lên án. Khi rút đi, họ tuyên bố là do họ đã xong việc. Trung Quốc làm như vậy mà ta vẫn khen Trung Quốc là bạn tốt,16 chữ vàng và 4 tốt. Đến nỗi dư luận thế giới cũng phải ngạc nhiên về thái độ quá ư nhu nhược của chúng ta.
Ngạc nhiên hơn là Nhà nước đàn áp những người biểu tình chống xâm lược ở trong nước mà chỉ khuyến khích biểu tình ở nước ngoài.
Chẳng lẽ một dân tộc Việt Nam anh hùng đã ba lần chiến thắng Nguyên Mông, đã có Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu mà nay lại hèn kém như vậy sao! Chúng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là ở Thỏa hiệp Thành Đô ngày 4/9/1990 của một số vị lãnh đạo. Chúng tôi chưa rõ thực hư thế nào mà chỉ biết sau này những hiện tượng tiêu cực xảy ra đã thể hiện nội dung của bản Thỏa hiệp đó . Xin trích một đoạn Thỏa hiệp Thành Đô: “Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ.Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh , như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông,Tây Tạng,Quảng Tây….

Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên , và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020)  để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.” .(Hết trích)  (1) .
Vì vậy, chúng tôi yêu cầu trong hội nghị TW này Bộ chính trị , Ban Bí thư cần công bố các văn bản của Thỏa hiệp Thành Đô ,để chứng minh thực hư thế nào.Nếu Thỏa hiệp Thành Đô là đúng như vậy thì rõ ràng là một bản thỏa hiệp rất nguy hiểm cho đất nước như là phản bội Tổ Quốc.  Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hội nghị TW xem xét và ra tuyên bố phản bác bản thỏa hiệp đó ,chấn chỉnh lại tổ chức, kỷ luật những người đã ký và những người thực hiện sau này. Có như vậy Đảng ta mới thực sự là một Đảng chân chính ,dám nhận khuyết điểm ,dám công khai khuyết điểm như Bác Hồ đã nói :” Một Đảng mà không dám nhận khuyết điểm, công khai khuyết điểm là một Đảng hỏng”.


Theo điều lệ Đảng (điều 3 khoản 3),Đảng là của nhân dân lao động ,Đảng của toàn thể đảng viên vì vậy chúng tôi có quyền yêu cầu phải công khai các hoạt động của những người lãnh đạo để dân biết ,dân bàn,dân làm,dân kiểm tra như trong các Nghị quyết TW đã đề ra .
Trên đây là những kiến nghị tâm huyết và bức xúc của đảng viên.Tôi mong rằng :Bộ chính trị ,Ban bí thư nên tôn trọng ý kiến của các đảng viên cơ sở và thực hiện các việc nói trên .Tóm lại là:
1-  Tổng kết cuộc chiến tranh chống quân xâm lược năm 1979 ,thực hiện chính sách qui tập mồ mả ghi công các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược cũng như bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc trước đây của dân tộc ta, tổ chức kỷ niệm trọng thể hàng năm.
2-  Công khai bản Thỏa hiệp Thành Đô tháng 9/1990 để toàn dân ,toàn Đảng biết được thực hư và ra tuyên bố để giải thích các hiện tượng tiêu cực . Thỏa hiệp Thành Đô là thứ ung nhọt đang di căn khắp cơ thể đất nước ta.
Nguy cơ mất nước đang là sự thật, mong các đồng chí có lương tâm ,vì sự nghiệp của tổ quốc mà thực hiện cho được. Nếu ở Hội nghị Trung ương X này không ra được bản tuyên bố thì yêu cầu đưa vào chương trình Đại hội Đảng bất thường hoặc Đại hội 12.
Chúng tôi chờ mong hồi đáp của các đồng chí.
Kính
Thiếu tướng Lê Duy Mật
© Đàn Chim Việt

TRẺ RANH * CHUYỆN NƯỚC NON




CHUYỆN NƯỚC NON
 TRẺ RANH


 
Truyện dài đấu đá trong hàng ngũ lãnh đao ĐCSVN
Mãi tới đầu năm 2016 mới đai hội lần thứ 12 ĐCSVN nhưng ngay từ bây giờ các phe nhóm trong hàng ngũ lãnh đao ĐCSVN đã bắt đầu các cuộc vận động tranh chức Tổng   bí thư ĐCSVN nhiệm kỳ 12 từ 2016 tới 2021.Phe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa con gà nòi là ủy viên bộ chánh ,trị bí thư thành ủy Hà nội ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ tiếp    xúc với chính giời Mỹ cao cấp làm một cuộc vận động cho chương trình cải   cách kiểu Myanmar,mà ĐCSVN sẽ đóng vai trò của quân đội Myanmar còn ông Nghị sẽ đóng vai ông Theinsen để tổ chức một quốc hội đa nguyên một nền chính trị cũng đa nguyên.Bộ chánh trị ĐCSVN đã cản không cho phó thủ tương kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao VN đi Mỹ để vận động cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng coi bộ  thủ tướng Dũng không những vẫn được tổng thống Mỹ và chính giới hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ ủng hộ vì ông dám chống Trung Quốc và chịu làm dân chủ ở VN[dù  tuyên bố khá nhiều chứ chưa     làm được bao nhiêu]

Không những thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đươc Mỹ ủng hộ mà còn đươc tổ chức siêu quyền lưc quốc tế Bilderberg ủng hộ[tổ chức siêu quyền lưc Bilderger   là tổ chức đã đưa thượng nghị sĩ Obama lên làm TT Mỹ và đang có kế hoạch cắt Trung Quôc thành năm nước nhỏ].Tình thế này chắc chắn cuộc đâu đá giữa các phe nhóm trong Đảng CSVN còn hứa hẹn nhiều pha gay cấn và cụp lạc
 Nguyên nhân nào khiến luật sư Nguyễn Đăng Trừng  bị khai trừ Đảng
Theo kết luận của ban thường vụ Thành ủy TPHCM thì sau kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước tập thể Đảng Đoàn luật sư TPHCM cho đến nay dù đã đươc tổ chức Đảng tạo điều kiện để khắc phục sửa chữa khuyết điểm nhưng luât sư  Nguyễn Đăng Trừng chủ nhiệm đoàn luật sư TPHCM  không những không khắc phục các khuyết điểm vi phạm đã được kiểm điểm trước tập thể mà còn tiếp tục có những vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn


.Một trong những vi phạm đươc chỉ ra là ông Trừng lợi dụng chưc vụ chủ nhiệm Đoàn luật sư không thông qua ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM tự ý ký văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo  của UBNDTPcủa Liên đoàn luật sư VNđồng thời xuyên tạc nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đao công tác chuẩn bị Đai hội đai biểu Đoan luật sư TP nhiệm kỳ VIđối với một số cán bộ lãnh đao trong Ban thường vụ Thành ủyTP và chủ tịch Liên đoàn luật sưVN chiếm giữ con dấu của Đoàn luật sư TP gây khó khăn cho hoạt động của ban chủ nhiệm Đòan luật sư TP trong quá trình chuẩn bị đai hội đai biểu Đoàn luật sư TP nhiệm kỳ VIBan Thường vụ Thành ủy TPHCM kết luận thái độ và việc làm của ông Nguyễn Đăng Trừng không còn đủ tư cách đảng viên và khai trừ ông
Sự thật thì nguyên nhân khiến ông luật sư Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ Đảng chỉ vì ông chống việc Đảng CSVN đưa ông thẩm phán Lê Thúc Anh lên làm chủ tịch Liên Đoàn luật sư VN dù ông Anh là bạn thân với ông nhưng ông Anh chỉ có bằng trung cấp pháp lý còn các bằng khác đều là bằng tại chức .Ông Anh là thẩm phán đã về hưu dù ông làm tới phó chánh án tòa án tối cao nhưng lại""mít đăc"" về luật thế mà làm chủ tich     liên đoàn luật sư VN thì thiên hạ coi các  luât sư VN ra cái gì,nên không phải chỉ có luật sư Trừng phản đối mà nhiều luật sư khác cũng bất bình về chuyện ông   thẩm phán Lê Thúc Anh đươc Đảng cơ cấu làm chủ tich liên đoàn luật sư VN

Sau khi bị khai trừ Đảng luật sư Trừng ngày 1 tháng 8 đã có văn thư gửi ban thương vụ Thàng ủy TPHCM nói huych toẹt lý do ông bị khai trừ chỉ vì người của Thành ủy TPHCM đưa  ra tranh cử  chức chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM là hai luật sưTrương Trọng Nghĩa,Nguyễn Văn Trung trong một cuộc bỏ phiếu thăm dò 468 tổ chức hành nghề luật sư ở TPHCM luật sư Trừng đươc  351 phiếu ủng hộ luật sư Nghĩa chỉ đươc có 65 phiếu luật sư Trung có 52 phiếu,nên Thành ủy  đã áp đặt không dân chủ và can thiệp trái phép vào Đai hội đai biểu Đoàn luật sư TPHCM bằng cách khai trừ Đảng ông

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân yêu cầu ĐCSVN từ bỏ chủ nghĩa xã hội
Trong một bức thư gửi bộ chánh trị ĐCSVN nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cùng 60 đảng viên lão thành ĐCSVN đã kiến nghị Đảng bỏ chủ nghĩa xã hội lỗi thời và mở rộng dân chủ cùng công khai hóa thỏa hiệp Thành đô năm 1990 giữa ĐCSVN chánh phủ CHXHCNVN và ĐCSTQ chính phủ CHNDTQ.Sau khi lá thư kiến nghị này đươc gửi đi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tuyên bố với phóng viên đài BBC rằng ông biết lá thư của ông và những người cùng chí hướng sẽ không có hồi âm nhưng biết Đảng sai mà không nói là có tội Đảng cứ toàn trị và theo chủ nghĩa Mác Lê thì sẽ không còn ai theo Đảng nữa
Chuẩn tuyển quan ở VN
Theo nhà báo Bút Bi viết trên báo Tuổi Trẻ thì bực thang chuẩn làm quan ở VN như  sau: thứ nhất là ""hậu duệ""[con ông cháu cha] thứ hai  là""quan hệ""[ phảiquen lớn] thứ ba là tiền tệ[ phảicó nhiều tiền bôi trơn] thứ tư là trí tuệ[bằng cấp]Với cái chuẩn này các quan ở VN làm cho thiên hạ phải ""ngất ngư con tầu đi""  là đúng thôi
 Ông Stephen B Young nói đúng
Ông Stephen B Young  một người Mỹ thuộc loại con nhà nói cha từng làm đai sứMỹ ở Thái Lanbản thân ông từng chiến đấu ở VN rồi về Mỹ làm khoa trưởng  khoa Luật một trường đai học danh tiếng ở Mỹ vì là rể VN[con rể cố luật sư Nguyển Tường Bá] nên rất quantâm tới số phận dân tộc VN ông hết vận động xây dựng dân chủ cho VN lại viết báo tham gia ý kiến giúp VN tiến bộ.Mới đây ông có một  bài báo về chuyện ông Đặng Quốc Bảo nguyên trưởng ban Khoa giáo trung ương Đảng Cộng Sản VN đưa ra ý kiến cái lý thuyết trung tâm của Đảng Cộng Sản VN là học thuyết Mác Lê đã lỗi thời rồi sao Đảng CSVN không thay  đổi và sám hối với dân tộc đất nước vì sự sai lầm của mình trở về với dân tộc đất nước mà vẫn theo Trung Cộng làm Hán Ngụy.


Theo ông Stephen B Young thì trước đây ĐCSVN lên án những người quốc gia VN nhờ sự giúp đỡ của ngươi Mỹ chiến đâu cho Tự Do Dân Chủ là Mỹ Ngụy trong khi ĐCSVN hếtdâng đất lại dâng biển cho Trung Cộng   thì gọi  là gì có phải Hán ngụy không.làm Hán ngụy mà đâu Đảng CSVN đã yên còn đang bị Trung Cộng lấn tới thật tội nghiệp cái thân phận Hán ngụy.Ông Stephen B.Young nói trúng phóc ĐCSVN chỉ còn mỗi một con đường là từ bỏ cái thân phận làm Hán ngụy trở về với dân tộc may ra mới có lối thoát

Gíáo sư Cao Huy Thuần mạnh miệng
Gíáosư Cao Huy Thuần tức nhà báo Ba Cao vừa có một bài tham luận đoc tại cuộc hội thảo nói về""Sư trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với VN và thế giới""đươc tổ chức trong hai ngày 31 tháng 7 và 1 tháng 8 tại Toulouse [Pháp] phải nói là hay tuyệt với câu kết luận về ông Tập Cận Bình Tổng bí thư Đảng cộng Sản Trung Quốc và nươc Tầu của ông ta như sau""Thật buồn cười khi ta gọi ông là đồng chí.Đồng chí với chủ nghĩa dân tộc của ông ấy?Đông chí để cùng Hán hóa nước ta""
Nhà văn Chu Tấn loan  báo 6 tin   vui
Nhà văn Chu Tấn nguyên là môt trung tá không quân quân lưc VNCH,ông đã tưng đi tù cải tạo 10 năm rồi vượt biên qua Mỹ và hiến cuộc đơi còn lại cho việc quang phục quê hương khỏi ""tà quyền"" công sản vừa loan báo 6tin vui của đai cuộc
  1. Thư nhất làtổ chức siêu quyền lưc ILLUMINATI BULDERBERG,một tổ chức quốc tế từng đưa thương nghị sĩ Obama lên làm tổng thống Mỹ đã có chương        trình chia cắt Trung Quôc thành năm nươc nhỏ
  2. 61 đảng viên Đảng CSVN trong đó có nhưng đảng viên gạo cội như thiêu tướngNguyễn Trong Vĩnh tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhà nghiên cứu Nguyễn Đăc Xuân giáo sư Tương Lai đã có thư ngỏ yêu cầu ĐCSVN từ bỏ chủ nghĩaxã hội và con đương toàn trị công khai thỏa hiệp Thành Đo mà trong đó có điều năm 2020 VN thành một tỉnh của Trung Quốc
  3. Wilikeaks công bố bí mật của thỏa hiệp Thành Đô ký giưa Tổng bí thư DCSVN Nguyễn văn Linh và Giang Trach Dân năm 2020 VN thành một tỉnh của Trung Quốc
  4. Walmart vận dụng kế hoach Made in America  không bán hàng Trung Quôc  ở Mỹ
  5. Hội nhân sĩ Diên Hồng Nam và  Bắc Cali quyết định tổ chưc Diên Hồng thời đai tại NAam Cali vào hai ngày 1 và 2 tháng 11 năm 2014
  6. 33 dân biểu hạ viên Mỹ quyêt định không cho VN tham dự hiệp địnhTPP[Hiệp định kinh tế xuyên Thái bình dương
Láo đến thế là cùng
Cuộc xâm lược của quân Trung Cộng diễn ra từ 12 tháng 7 năm 1984 tới tận năm 1987 ở vùng Thanh Thủy -Vị Xuyên tỉnh Hà Giang vô cùng ác liệt đã sóa sổ sư đoàn 356 củaViệt công làm chết hàng chục ngàn người nhưng Việt Cộng cứ lờ đi chuyện này nay ba mươi năm sau những cựu chiến binh sư đoàn 356 tổ chức kỷ niệm đau thương mọi ngươi mới chưng hửng ra Trung Cộng đánh VN đau quá,láo đến thế là cùng bây giờ còn trơ trẽn thắp nhang xây đài tưởng niệm

Vũ Khoan nói về hiệp định Genève 1954
Ông Vũ Khoan từng là thứ trưởng bộ ngoại giao rồi phó thủ tướng Chánh phủ ,bí thư trung ương Đảng mới đây viết một bài trên báo Nghiên cứu ngoại giao cho biết theo các tài liêu mà ông có đươc thì chính Trung Công là thủ phạm chia đội đất nươc VN.tưởng gì chứ chuyện này luật sư Trần Văn Tuiyên đã có cả một cuốn sách xuât bản ởSaigon trước  ngày 30tháng tư năm 1975
Những tiết lộ của nhà văn Tô Hoài
Trươc khi qua đời ở tuỗi 95 nhà văn Tô Hoài đã tiết lộ nhiều chuyện động trời với nhà thơ nhà báo Hồng Thanh Quang phó tổng biên tập nhật báo Công An Nhân Dân nhưng nhà thơ nhàbáo Hồng Thanh Quang phải đợi đến khiTô Hoài về cõi bĩnh hằng mới cho công bố trên phụ san An Ninh giữa tháng số 78 để tránh phiền phức cho Tô Hoài-Tô Hoài nói ôngkhông phải nhà văn loại""nhận đường"" mà là là nhà văn loại đã ""biết đường"" nhưng ông cũng đã bị rắc rối về cuốn tiểu thuyết Mười Năm tuy nhiên ông vẫn viết theo ý ông và cứ tà tà viết về những vấn đề mà thiên hạ cho là phưc tạp và ""nhậy cảm"" ông có sách bị ""ách"" lại nhưng rồi cũng ra được hết chỉ có chậm thôi
Theo Tô Hoài thì nếu nhà văn Nam Cao không bị Tây bắn chết  cũng sẽ như Nguyên Hồng phải khóc ròng vị vụ án báo Văn bỏ Hà nội về Nhã Nam thôi
Vẩn theo Tô Hoài thì nhà văn Vũ Bằng con nhà giầu học trường Albert Sarraut học chung với Trần Lệ Xuân và cố thủ tướng Pham văn Đồng là nhà văn đàn anh Tô Hoài chịu ảnh hưởng nhưng Vũ Bằng phức tạp lắm vợ đầu bà Qùy vốn là bạn với mẹ Vũ Băng  hơnVũ Bằng cả chục tuổi ,vợ sau là ""ô shin"" của Vũ Bằng
 VN nếu không có kiều hối thì đã phá sản từ lâu rồi

Chuyên gia Tài Chánh Bùi Kiến Thành con trai bác sĩ Bùi Kiến Tín người từng là tiến sĩ kinh tế vào đợt đầu tiên của VN tốt nghiệp ở Mỹ và ông từng về nước phục vụ chế độ Ngô Đình Diệm đươc chánh phủ này trao chức Viện trưởng Viện Hối Đoái,nhưng chẳng bao lâu vì cái tật thích nói thật nói thẳng phải ra đi lưu vong,dù ông được rất nhiều người Mỹ thế lưc ;lúc bấy giờ ủng hộ.Tiến sĩ Bùi Kiến Thành làm chuyên gia cố vấn về tài chánh cho các chính phủ Võ Văn Kiệt ,Phan văn Khải,Nguyễn Tấn Dũng ông đã nói thẳng VN nếu không có kiều hối thì đã phá sản từ lâu rồi

Ông Đinh Đức Lập vẫn ngon lành
Sau bao nhiêu bê bối tại báo Đai Đoàn Kết ông Đinh Đức Lập tổng biên tập báo Đai Đoàn Kết cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quôc VN vẫn vững như ""bàn thạch"" nhưng tới thời ông Nguyễn Thiện Nhân về làm chủ tịch  Mặt Trận Tổ Quốc VN thì ông Đinh Đức Lập đã bị cách chức.Nhưng ông Lập có chỗ dựa là ông Vũ Trọng Kim ủy viên trung ương Đảng Tổng thư ký MTTQVN nên bị cách chưc Tổng biên tập báo Đai Đoàn Kết hôm trước thì hôm sau ông đươc cất nhắc lên chức Phógiám đốc Trung tâm bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học MTTTQVNnghĩa là còn lớn hơn chức Tổng biên tập báo Đai Đoàn Kết
Nghệ sĩ Kim Chi tức cười
Sau khi đi Mỹ nói chuyện về nhân quyền ở VN nghệ sĩ Kim Chi về nước bị các hội Điện Ảnh và Sân Khâu khai trừ ra khỏi hội theo lệnh của Ban Tuyên Gíao Trung ương ĐCSVN.Trươc hiện tương này nghệ sĩ Kim Chi chỉ cười và không nói gì cả vì cô coi khinh những hội hè chỉ biết 'Bợ""
Nhà văn Nhật Tuấn đươcbáo Văn Nghệ bốc thơm
Sau khi nhà văn Nhật Tuấn viết bài đả kích hai nhóm văn nghệ Năm con ngựa trời và   nhóm Mở Miệng,người ta đột nhiên thấy báo Văn Nghệ đăng một bài dài bốc thơm nhà văn Nhật Tuấn của nhà thơ Vũ Từ Trang..Ly kỳ là sau bài bốc thơm này thì nhà văn Nhật Tuấn bỗng viết bài trên trang điện tử của mình ""chơi""nhà văn Phan Thị Vàng Anh vì nhà văn này phá đám nhóm nhà thơ Hữu Thỉnh làm báo điện tử hơn thế nữa nhà văn NhậtTuấn  còn mượn tay Hà Phan báo Thanh Niên đánh trang mạng Tiền vệ của Nguyễn Hưng Quôc chơi tới bến Vi Thùy Linh ,Nguyễn Viện,Dương Tường.Mới đươc Văn Nghệ bôc thơm chút xíu mà Nhật Tuấn đã thay đổi nhanh quá
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao VN vẫn chưa đươc đi Mỹ
Ông Phạm Bình Minh phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao VN tháng tám này  vẫn chưa có thể đươc đi Mỹ.Hồi tháng sáu vừa rồi ngoại trưởng Mỹ J.Kerry có mời ngoại trưởng Minh thăm Mỹ hành lý đã sẳn sàng để lên đường nhưng giờ chót bộ Chánh TrịDCSVN ""ách"" ngoại trưởng Minh lại vì sợ Trung Quốc mích lòng về chuyến đi này.Ngoại trưởng Minh vốn là con trai cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch[tên khai sinhPhạm Văn Cương]người mà Trung Quôc yêu cầu Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh  phải loại ra khỏi bộ chánh trị ĐCSVN và cách chức ngoại trưởng mới bang giao lại với VN tháng tám chuẩn bị đi Mỹ nưa nhưng vẫn truc trặc
Thắng lợi kiểu nhân vật AQ của Lỗ Tấn
VN vừa kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Genève chia đôi đất nước làm chết mấy chục triệu người VN vơi khẩu hiệu thắng lợi vẻ vang.Đúng là thắng lợi kiểu nhân vật AQ của nhàvăn Lỗ Tấn thua sặc máu nhưng AQ luôn miệng nói đang thắng lợi vẻ vang
Nhà văn Hoàng Xuân Việt đã về cõi vĩnh hằng

Nhà văn Hoàng Xuân Việt là môt tác giả sách Học Làm Người tuy ông không viết được nghiêm chỉnh như nhà văn Nguyễn Hiến Lê và sâu sắc thâm trầm như học giả Nguyễn Duy Cần nhưng ông lại là ngươi dich thuật và biên khảo hơn một trăm cuốn sách loại học làm người.Hoàng Xuân Viêt tên khai sinh Nguyễn Tùng Nhân sinh năm 1930 tại Bến Tre từng đi tu đao Thiên Chúa năm 1955 sắp thụ phong linh mục thì bị đuổi ra khỏi Đại chủng viện vì tội in sách chưa đươc bề trên duyệt,từ đó ông tiếp tục làm nghề viết sách.Hoàng Xuân Việt từng sang Mỹ đinh cư và sau đo nghe lời xúi dục của các đệ tử ở VN trong đó có ông đệ tử cộng sản ""gộc"" Trương Tấn Sang hồi hương về lại VN hồi đầu thế kỷ 21 mới đây qua đời tại nhà riêng ở quận 10 và qua đời vì bệnh già lúc 21 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2014
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên hung hăng con bọ xít
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa có một bài trên mạng internet nói về nhà báo Đỗ Ngọc Yên người viết bài trên báo Nhân Dân cuối tuần nói về hiện tượng Nhiễu loạn sách văn chương tái bản trong đó có đề cập tới tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên   mà lại viết sai tên tập truyện ngăn này nhưỞ lưng chừng nhìn xuống đám đông thành   Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông và sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên mới in lần đầu      thành sách in nối bản tái bản rồi lên án lung tung.Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ lên án     tác giả Đỗ Ngọc Yên là chó săn văn nghệ còn lên án bộ biên tập báo Nhân Dân cuối tuần là thiếu chuyên nghiệp

Ông Phạm Quang Nghị đang muốn thành  Thein Sein VN
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng phát biểu trên đài phat thanh RFI thì ông Phạm Quang Nghị bí thư thành ủy Hà nôi vừa sang Mỹ làm một cuộc'lóp by'[thăm dò và mua chuộc] chính giới Mỹ về chuyện ông sẽ đóng vai trò trùm ""cải cách'""kiểu Myanmar[Miến Điện]ông sẽ làm một thứ nhân vật tương tự ôngThein Sein khi ông làm Tỗng bí thư Đảng Cộng Sản VN sau đại hội 12
Gíáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chơi bạo
Sau khi bị đám Mai Quôc  Nguyễn Văn Lưu ,Vũ Tú Nam'""bề hội đồng""về vụ viết hồi ký tưởng rằng giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh sẽ""rét'"" không dám viết tiếp nữa nhưng coi bộ ôngchẳng sợ gì cả cứ viết tiếp nào là chĩ có những kẻ có vấn đề về lý lich mới nịnh Đảng như,Nguyễn Đinh Thi ,Hoàng Xuân Nhị,Chế Lan Viên,Hoài Thanh ,Nam Môc ,Phan Ngọc.Ông quả quyết Lê Đưc Thọ hách lắm  ông đã chứng kiến đai tướng Lê Đức Anh đến gặp Lê Đưc Thọ ra về không dám quay lưng phải đi thụt lùi Phạm Hùng chủ tịch Hội Đồng bộ trưởng muốn gặp Thọ nhưng Thọ bắt chờ với lý do bận tiếp anh em văn nghệ sĩ
Thơ  của mấy ông Hội nhà văn VN'""cầm các"" ghê quá
Nhà văn Nguyễn huy Thiệp trong bài trò chuyện với Hoa Thủy Tiên đã trích bài thơ của tác giả Bùi Hoàng Tâm hội viên hội nhà vănVN ""cầm các"" nguyên văn như sau
Vơ tôi nửa dại nửa khôn
Ngày dăm bẩy  bận dí L…vào thơ
Tôi thì ra ngẩn vào ngơ
Ngày dăm bẩy bận dí thơ vào L…
Kỳ này tranh giải Qúi Đôn
Đề nghị xét giải cho L…vào thơ
Mấy tay xét giải ất ơ
Lại đem bỏ tuốt cả thơ ra ngoài
Rôi kêt luận""cái danh nhà thơ là một thư nhìn chung chung chỉ là nhưng nhít hữu danh vô thưc chả ai muốn động vào.Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng hâm hấp quá        khích""
TRẺ RANH

HAN VĂN SONG * CHỐNG TRUNG CÔNG XÂM LƯỢC



Chống Tàu Là Làm Nghĩa Vụ Quốc Tế
Phan Văn Song

Suốt tuần qua dư luận thế giới gần như ngột thở với những tin tức nóng bỏng : nào các tai nạn máy bay, nào cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine, nhưng đối với chúng tôi, với chúng ta, người Việt tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại, tin làm chúng ta lo ngại nhứt là tình hình chiến sự giữa quân ly khai người Ukraine thân Nga, do Nga xúi dục, đòi Độc lập, đòi tách miền Đông ra khỏi quốc gia Ukraine, có thể tạo một tiền lệ cho Trung Cộng bắt chước Nga, có thể đưa đến một hiện tượng tương tự tại Việt Nam. Trong chiến sự ở Ukraine đang bùng nổ giữa quân đội Ukraine và quân ly khai được Nga xúi dục và viện trợ vũ khí.
Trong lúc để tránh tình hình hổn loạn ở ngay Âu châu ấy, các quốc gia Tây phương thuộc Liên Âu, đang dùng đòn ngoại giao (trừng phạt kinh tế ?) thúc ép Tổng thống Nga Poutine không được viện trợ quân ly khai nữa và buộc phe ly khai Đông Ukraine phải nói chuyện, hòa giải và tìm giải pháp ôn hòa với phe chánh phủ Kiev, thì xảy ra tai nạn chiếc máy bay của Malaysian Airlines bị rơi vì bị quân ly khai dùng hỏa tiển tối tân do Nga viện trợ bắn lầm.. Trong cái rủi cũng có cái may, vì là đây cũng có thể, là một dịp để phe Tây phương buộc Poutine không được che chở phe Ukraine ly khai nữa, và buộc phe ly khai phải thương thuyết làm hòa với chánh phủ Ukraine Kiev. Nhưng giả thuyết, nếu thương thuyết có thể đi đến một giải pháp là cắt đất nước Ukraine ra làm đôi, phe thân Tây phương và phe thân Nga ?
Và nếu giải pháp ấy thành hiện thực, thì có thể biến thành một tiền lệ ? Vì mới ngày hôm qua bán đảo Crimée, qua trưng cầu dân ý nhập vào khối thân Nga, để Nga quản trị hành chánh, quốc tế ngậm tăm, tức chấp nhận. Và hôm nay, một Ukraine thân Nga sẽ thành hình, và kết cuộc là thế giới cũng chấp nhận vì tiếng súng sẽ yên. Dỉ nhiên năm kia đã có một tiền lệ với hiện tượng Géorgie, bị cắt làm ba xứ khác nhau rồi Chỉ có Biélorussie, thủ đô Tbilissi độc lập thôi, thân Tây phương, còn hai tỉnh sát biên giới Nga, Abkhazie và Nam Ossétie biến thành thuộc địa Nga. Và vì nếu ngày nay người dân trong một chế độ Dân chủ, ai ai cũng có quyền đòi quyền Tự quyết. Nếu đa số dân Ukraine miền Đông đòi tỉnh mình nhập Liên Bang Nga, thì nếu ta là người Dân chủ ta phải chấp nhận thôi.
Tiền lệ ấy có thể xảy ra ở Việt Nam không ? Trước mắt, Trung Cộng, người Tàu để giải quyết vấn đề Quần đảo Hoàng Sa, nay có dân cư trú người Hoa nói tiếng Tàu. Dân cư ấy, chỉ cần làm một cuộc trưng cầu dân ý đòi nhập vào đất Trung Hoa Cộng sản ? Ai có quyền phủ quyết quyền tự quyết của nhân dân ấy ? Quốc tế ? Vì không lên tiếng vụ Crimée, tức nhìn nhận sự việc Nga tiếp thu Crimée làm của riêng, thì không lý do gì phản đối dân Hoàng Sa nhập đất Hoàng sa vào đất Tà., Mà một khi Hoàng Sa thành đất Tàu hải phận Tàu trở về thế lưỡi bò một cách đương nhiên khỏi phải tranh chấp gì cả ! Đó là chỉ nói riêng Hoàng Sa, nhưng nếu giả dụ một vài tỉnh miền Bắc Việt Nam, nằm sát biên giới ? Dân chúng những vùng ấy, ngày nay trà trộn giữa người Việt Nam thiểu số Nùng nói tiếng Quảng đông và người Hoa di dân, qua lại biên giới sống chung, sanh hoạt, buôn bán trà trộn, nếu tất cả số đông nói tiếng Hoa ấy đòi ly khai, đòi cắt đất, biến làng xã họ, làng mạc họ về Tàu ?
Hán hóa, cũng như Nga hóa, dùng dân xâm chiếm dần dần là một chánh sách. Bài tuần trước, chúng tôi kể chuyện Tàu đang cưởng chiếm Tân Cương bằng chánh sách di dân để đồng hóa, Hán hóa. Số dân Tân Cương gốc Hán ngày nay xấp xỉ bằng số dân bản xứ bằng chánh sách di dân người Hán xâm nhập Tân Cương. Với Tây Tạng cũng vậy, không phải thương yêu gì người Tây Tạng mà Trung Cộng xây dựng đường xe lữa cao tốc tối tân nhứt xứ Tàu nối Beijing, Thủ đô Trung Hoa Cộng sản với Lhassa, thủ đô Tây Tạng, để người Hán dễ thông thương đi lại dễ dàng và di dân vào sống ở Tây Tạng. Kết cuộc Lhassa, ngày nay đầy khu pghố Tàu sanh hoạt buôn bán sầm uấtồn ào nháo nhiệt, trái với người bản xứ Tây Tạng bổn tánh hiền hòa sanh hoạt trầm lặng, nên từ từ đâu có người Hoa là người Tạng lánh xa bỏ đi.
Thế là mất đất !
Những Chinatowns đã đang và sẽ là những vũ khí xâm lược của Tàu. Ở Mỹ các khu phố của các cộng đồng, nếu Ý thì gọi Little Italy ( New York), Việt thì gọi Little Saigon (Nam Californie), Nga thì gọi Little Odessa (New York), Hy lạp thi Little Athena,… nhưng phố Tàu thì gọi đồng nhứt Chinatown. Mà ở mọi nơi, từ New York, qua San Francisco, đến Los Angeles, và ngay cả Paris, hồi xưa còn gọi quartier chinois, nay đã dùng từ quốc tế Chinatown !…Thử hỏi tại sao ? Hỏi tức trả lời. Paris, ở quận 13 ngày trước phần đông có những tiệm Việt Nam gốc dân di tản sau 1975, ngày nay tất cả các cửa hiệu hấu như của người Tàu cả. Ngày nay người Tàu tràn qua khu Belleville, tràn qua khu chung quanh Gare de l’Est. Ở các tỉnh lẽ xưa có tiệm Việt Nam, nay toàn tiệm Tàu. Đông dương thuộc Pháp đáng lý đem di dân qua đông hơn người Tàu chứ, nhưng nay người Tàu, mà Tàu mới đến từ lục địa, công dân Trung Cộng đang di dân tràn đầy xứ Pháp, đông hơn người gốc Đông dương thuộc Pháp. Tàu nay là một TradeMark sáng giá.
Cá nhơn chúng tôi năm 1984 có mở một tiệm « trà-cà phê-quán ăn » ở Château Thierry. Quán Á đông duy nhứt trong trung tâm thành phố, khách toàn người Pháp bản xứ hay du lịch. Château Thierry là quê hương của văn hào La Fontaine, ở cạnh hai thành phố Épernay và Reims thủ phủ của vùng Champagne nổi tiếng với chai rượu bọt được tu sĩ và nghệ nhơn sáng tạo Dom Pérignon biến thành món hàng cao cấp không thể thiếu trong bất cứ một buổi tiệc nào. Cửa hàng chúng tuy nhỏ, sức chứa tối đa là 50 khách, nhưng rấtdân khách, tấp nập vì mở cửa từ sáng 10giờ đến tối khuya.. Sáng, sanh hoạt chủ yếu là tiệm tạp hóa bán trà lẽ ; trà đủ loại, từ trà đen ấn độ, hiệu Anh, đến trà tàu cũng đủ loại, đủ hiệu. Mở cửa bắt đầu 10 giờ là đã có khách vào mua trà lẽ rồi. Trưa là nhà hàng bán cơm. Xế bắt đầu 4/5 giờ là quán trà, cà-phê bánh ngọt, là nơi tập tụ của đám học trò trung học lớn thoạt đầu đến uống trà, chơi cờ đam (Dames), cờ vua (Échec-Chess), cờ Tướng Việt Nam hay cờ Gô Nhựt bổn. Hélène, bà vợ chúng tôi- lúc ấy chúng tôi chưa có con, đứng ra tổ chức lớp dạy các cậu bé.
 Tiệm chúng tôi chẳng chốc, buổi chiều từ 4 giờ trở đi là câu lạc bộ các loại cờ chỉ tan lúc 7 giờ để 7 :30 mở quán ăn. Hélène tổ chức các lớp dạy cờ, từ cờ Âu châu, đến cờ tướng Việt hay cờ Gô Nhựt đều miễn phí ! Và chẳng chốc chiều nào cũng tấp nập dân chơi cờ, từng nhóm chuyên môn theo ý thích được thành hình, người biết trước giảng dạy chỉ mách nước người biết sau, những sách chuyên môn được bày bán. Chiều nào cũng đầy người đánh cờ, chầu rìa, trà, cà phê, bánh ngọt đầy những bàn, và nhờ vậy thượng vụ chúng tôi cứ thế mỗi ngày mỗi cao. Thoạt đầu là nhóm trẻ, nhưng sau đó có cả những người lớn cũng đến. Công việc làm ăn gia đình nhờ vậy thành công, cá nhơn chúng tôi lại có thêm công việc thứ hai là Giám đốc thương mại xuất cảng trách nhiệm Nam âu châu cho một xí nghiệp sản xuất Nhựa cán mỏng.
Mỗi tuần chúng tôi phải ở ba ngày đầu tuần, tuần tự Ý, Tây Ba Nha hai vùng - Cataluna với Barcelone và Thủ đô là Madrid, tuần thứ tư mà Lisboa của Bồ đào Nha. Vi phải đi xa, nên ngày thứ sáu chỉ làm buổi sáng. Nhờ vậy cuối tuần, tối thứ sáu, thứ bảy Chủ Nhựt có thể hoặc phụ hoặc thay bà vợ xuống tiệm tiếp khách. Giàu có dư dã thật, cũng thấm mệt vi suốt năm không nghỉ ngày nào. Năm 86, hy vọng vợ chồng người em tỵ nạn qua có người phụ. Nhưng hai em, từ Việt Nam qua chỉ muốn ở Paris, mặc dù Château Thierry chỉ cách Paris 90 cây số trên một giờ lái xe thôi, nhưng hai em chỉ thích và cần ở chung với những Việt. Ở với chúng tôi không gặpngười Việt, và giới trẻ Pháp ồn ào và sanh hoạt hoàn toàn khác lạ với các em.
Một hôm có hai cặp vợ chồng người Hoa đến ăn tối thứ sáu, hôm sau trở lại ăn trưa thứ bảy, tối thử bảy, và trưa Chúa Nhựt xin được nói chuyện với chúng tôi để mua lại cửa hiệu. Họ đã theo dõi chúng tôi từ lâu. Nhưng câu đầu tiên họ chê mầu sắc trang hoàng của chúng tôi. Chúng tôi, vì ở Pháp lâu nên không trang hoàng lè loẹt, vàng đỏ, chúng tôi sử dụng mầu xanh đậm và trắng, chúng tôi treo tranh mặc thủy trắng đen, treo sơn mài đen trắng, hoặc bảng gỗ xa cừ, bảng hiệu chúng tôi dùng hai mầu trắng xanh đậm. Kiểu trang hoàng chúng tôi Á đông nhưng Nhựt bổn hơn Á đông Trung Hoa hay Việt Nam. Tóm lại họ chê quán chúng tôi mầu tang tóc nhứt là tên quán là GinSeng ( Nhơn Sâm) nghe rất Đại Hà – chúng tôi gọi để bán trà Nhơn Sâm. Về món ăn họ cũng chê chúng tôi trình bày và nấu ăn không giống Tàu – vì anh đầu bếp là một cậu bé 20 tuổi cá nhơn chúng tôi huấn luyện đứng bếp. Cuối tuần khách đông, cá nhơn chúng tôi cũng phải đội Toque-mũ bếp, đứng bếp chánh và cùng nấu với hắn, và đội toque, mang tablier lớn, xuống nhà hàng chào khách.
Chúng tôi để bếp trên lầu một để khách vào tiệm ăn không bị hôi quần áo. Dàn nhơn viên chúng tôi là đám trẻ cả, nên lên xuống thang dễ dàng. Chúng tôi lựa các em apprenti nghề bếp hay nghề nhà hàng, muốn học nghề, hoặc nấu ăn hoạc chạy bàn, chúng tôi vừa làm vừa huấn huyện học trò – cách nấu ăn Ta hay Tây gì cũng chỉ một phương pháp, chỉ có recipe-recette là khác thôi ! Ngày nay đám ấy thành tài cả ! Có đứa đã làm chủ cửa hiệu. Trong đám có cả cậu con cả, nay là nghệ sĩ nổi tiếng Kongo con chúng tôi, lúc ấy vừa đi học Beaux Arts Paris, vừa chạy bàn với chúng tôi. Trở về hai đình Tàu, họ tự hỏi sao cái gì của chúng tôi cũng amateur cả - họ chê chúng tôi là amateur, họ mới nhà nghể - mà sao khách đông vậy, như vậy có một thị trường « thèm món ăn Tàu ». Thế là họ hỏi mua. Tôi nói tôi không bán vì hằng năm thương vụ tôi là như vậy đủ chúng tôi sống ngon lành ! Và họ ra giá ! Quý vị có thể tưởng tượng, họ ra giá đầu tiên là trên sức tôi tưởng tượng là trong một tiếng nói, giá đề nghị là trên hai lần vốn liếng chúng tôi bỏ ra. Tôi không bằng lòng, họ thêm 50% nữa. Bà vợ tôi nháy tôi bảo tôi nhận. OK, thỏa thuận nhưng với điều kiện, sau khi ký tên, họ chồng tiền ngay tại văn phòng chưởng khế, họ trả trọn không crédit và phần chúng tôi sau 15 ngày chúng tôi phải dọn nhà. Bán nhà chớp mắt. ông chưởng khế nói với chúng tôi chưa bao giờ ông có một affaires như vậy !
Chúng tôi làm ăn, mở cửa hiệu mùa đông 1984, bán cửa hiệu hè 1987. Hai năm rưởi, chúng tôi nhơn 3 vốn liếng. Kể chuyện dài dòng như vậy để kể với quý vị rằng khi người Tàu muốn xâm nhập thị trường họ sẳn sàng lấy thịt đè người… Chuyện kể về sau, họ không thành công vì họ không biết giao thiệp. Không còn bán trà lẽ, không còn tiệm trà, hay cờ kiết gì cả…chỉ một tiệm ăn Tàu thuần túy, tầm thường, vàng đỏ, ở đâu cũng thấy, với cái tên rất Tàu tầm thường là Village de Chine -Làng Tàu…cũng những món Tàu bình thường…Họ không thành công, nhưng ngày nay họ mở đường cho ba quán ăn Tàu khác đến, và giữa đường đến Reims có một tiệm Buffet.
Tàu tràn ngập thế giới bằng di dân, đây là một chánh sách, dành đất sống bằng xuất cảng dân, xuất cảng hai từng, từng thấp là xuất cảng dân nghèo bỏ xứ Tàu đi làm ăn xứ người. Thế gìới Tây phương không chống di dân Tàu vì cho rằng dân cần cù, chịu khó làm ăn, chỉ nhìn thấy cái bề ngoài tốt quên hẳng cái thằng Tàu xấu xí đi ! Ngày nay song song với các nạn di dân Tàu nghèo, các quốc gia Tây phương đang lãnh thêm các nạn chánh sách di dân từng cao của Tàu là xuất cảng Tàu giàu, Tây phương đang bị thằng Tàu giàu đô hộ. Đô hộ Tây phương loại cao cấp bởi tài phiệt Tàu gốc tư bản đỏ, Con Ông Cháu Cha, tham nhũng, Tàu giàu đến Âu châu, đến Pháp bằng đầu tư, mua địa ốc, hôtels, khách sạn, lớn bé, mua vườn nho làm rượu, mua cửa hàng thuốc lá, cà phê, và chưa kể nghề của các chàng là tiệm ăn, kiểu buffet, all you can eat tràn đầy,…Tàu cũng đến với tệ nạn, ma cô, động mãi dâm, nghề cô điếm, ở động cũng có, đứng đường cũng đầy, xông vào nghề làm tóc, làm neo, và luôn cả đấm bóp, tẩm quất, massage chưn và bằng chưn. . . Và cuối cùng dân Pháp đang gặp nạn dân du lịch Tàu ! Nước Pháp chúng tôi ngày nay sẽ khổ sở vì chỉ thấy cái lợi trước mắt quên cái hại về sau. Ngày nay, nhà nước Pháp đang trải thảm đỏ cho dân du lịch Tàu. Cả một chương trình :
Làm sao rước và phục vụ anh du lịch Tàu :
Báo Nouvel Observateur, số tuần nầy làm một bài phóng sự dài do hai phóng viên Cécile Desfontaine và Nathalie Bensahel diễn tả cái chánh sách của Chánh phủ Pháp đang trải thảm đỏ rước khách du lịch Tàu. Thông kê du lịch Pháp cho biết Năm 2013 có 1 Triệu 500 du khách Tàu, con số ấy tăng 20% mỗi năm. 60% các du khách ấy sẽ trở lại Pháp trong 2 hay 3 năm nữa. (Nguồn Atout France).
« Ở đây, trong thực đơn-menu có cháo trắng, có mì xào, có trứng « luộc thật chín ». Ở đây tức là Hôtel du Collectionneur, khách sạn 5 sao, cách Arc de Triomphe-Đài Chiến Thắng, nằm cuối đại lộ Champs-Élysée mười phút. Ở đấy người ta hiểu thế nào là phục vụ anh du khách Tàu, nhơn viên được huấn luyện để chiều chuộng khách Tàu, bằng chứng menu nói trên đề nghị cho phần ăn điểm tâm. Một tấm ván cứng cũng sẳn sàng để lót những chiếc giường nệm quá mềm với các cái lưng Tàu. Và dỉ nhiên, nước trà uống thả giàn, sẳn sàng, lúc nào cũng có và miễn phí.
Từ mùa Thu qua, một nhơn viên trẻ đẹp trai, chuyên viên tiếp khách Tàu với câu mở đầu « Nị hảo » dòn dả. Paris đang sống giờ Tàu ? Paris thôi sao ? Sai ! Cả Xứ Pháp đang sống giờ Tàu, trong Văn hóa Tàu. Tổng trưởng Ngoại Giao Pháp Laurent Fabius nhắc tới nhắc lui : « Hãy trải thảm đỏ rước các khách quý nầy và bằng mọi giá xoá ấn tượng xấu xí năm ngoái khi một đoàn khách Tàu ngơ ngơ, ngẩn ngẩn bị bọn lưu manh nhanh nhẩu tước tất cả từ ví bóp đến nữ trang đồng hố »
…Ông Tổng trưởng còn chơi ngon, bỏ một buổi, đến tận phi trường Roissy biểu diễn rước khách bắt tay mấy anh du khách Tàu vừa đáp xuống. Ngành Du lịch là ngành không có khủng hoảng kinh tế, nên phải bằng mọi giá lợi dụng để hái tiền, và du khách Tàu là khách xộp nhứt ngày nay. Bà Bộ trưởng Bộ Du lịch, gốc Á châu (Đại hàn) Fleur Pellerin còn thêm một đề nghị nữa là các khách sạn từ nay nên chào khách Tàu bằng mời khách một « Tô cháo chào hàng-une soupe de riz de bienvenue ». (người viết hỏi thêm tô cháo trắng hay cháo cá nấm đông cô ? ). Từ hôm đấu năm nay, tháng giêng 2014, khi có quyết định cấp visa cho dân Tàu nhập cảng trong 48 tiếng đồng hồ, đon xin vào Pháp tăng 40%, và khách nhập cảng trên 20%, và chỉ tính đến đầu hè nấy thôi !
Vào Pháp, chặng đầu tiên, dỉ nhiên là Paris, Người Hoa viếng Paris vì « thơ mộng-Romantisme ». Nào là Tháp Eiffel, Bảo tàng Viện Louvres, Arc de Triomphe, Nhà thờ Notre Damẹ (và thằng Gù), Nhà thờ Sac
Sacré Cœur (và những anh họa sĩ ngoài đường) và …Lâu đài Versailles. Và chung quanh .. . nào là bãi biển Normandie, nào là Núi Saint Michel… Xưa rồi những hình ảnh nhà quê với các xe car, xe bus đầy khách Tàu quê mùa thợ thuyền công nhơn, xí xô xí xào sắp hàng chụp hình. Du khách Tàu ngày nay, ngon lành hơn, tử tế bảnh bao, đi du lịch một mình, hay từng cặp sánh đôi, tình nhơn, hay vợ chồng, hay một nhóm bạn như ba cô Fen, Huan Yue và Qiao. Ba nàng, trẻ đẹp trong tuổi hai mươi, quần short, tóc cột đuôi ngựa, trẻ trung, mạnh mẻ, thể thao, đang chụp hình trước Tháp Pyramide của Điện Louvres sau khi đã viếng Nhà Bảo tàng Louvres.
Khen rằng Điện Louvres rất « Chinese friendly », nhờ các bảng chỉ dẫn bằng tiếng Hoa, nhờ máy nghe cắt nghĩa bằng tiếng Hoa, các cô không bở ngỡ gì cả. Bảo tàng Viện còn có đầy đủ nhơn viên hướng dẫn nói tiếng Hoa, thông dịch khi các cô cần đối thoại với người bản xứ. Với các nàng (và với đa số các du khách Tàu) viếng Paris là « half visiting, half shopping », các nàng có thể, ráng lắm, ghé Café Marly thưởng thức cốc cà phê sữa hay cappuccino, trước khi đến Đại lộ Champs-Élysée để phải (bắt buộc) ghé vào tiệm Vuitton nổi tiếng với những các túi xách-it-bags. Sổ mủi, nhức đầu, say nóng, cảm ho, hãy ghé vào Nhà thuốc-Pharmacie La Boétie, ở đấy sẽ gặp Bình, anh bán thuốc nói tiếng Hoa. Ba cô nương ( cú nường) Fen, Huan Yue và Qiao thuộc thế hệ người Hoa mới, chịu chơi, sẳn sàng tung nguyên tệ-Yuan bì để đi chơi. Mua hàng chiếm 40% tiêu dùng của du khách Tàu : trung bình 1200 euros.
Thiếu nữ Tàu vào tuổi cập kế, thích được làm đám cưới theo tục lễ của Pháp, les noces à la française, ngày nay là số một của thời đại, nói theo kiểu trong nước thời thượng ( nhưng đấy là theo mode Tàu). Nhờ vậy ngành Du lịch để làm đám cưới-Tourisme matrimonial ở Pháp, ngày nay lên như diều gặp gió ! Những agencies chuyên nghiệp mọc như nấm sau cơn mưa, với những quảng cáo kiểu « những lời thề tình yêu – muôn đời ad vitam aeternam bằng tiếng la tinh trong những giáo đường xưa được dựng lại : « Bên xứ họ, bên Tàu, họ làm lễ cưới như họ đi chợ, từng cặp dắt nhau vào nhà Tỉnh, lãnh một cái phiếu, nhận một cái giấy có đóng mộc thế là xong. Ở đây chúng tôi đề nghị với họ một buổi lễ thật sự với tinh yêu và một chút tâm linh » HenrietteVersteeg nhơn viên Cửa Hàng Eternal Provence, chuyên môn tổ chức đám cưới cho người Hoa nói. Năm vừa qua, cô tổ chức 20 buổi lễ, giá trung bình 4000 đến 5000 euros cho một lễ cưới.
Khách thường là những người đã từng biết Âu châu rồi, nay trở lại làm lễ cưới theo kiểu Thiên Chúa Giáo nhưng không Thánh thiện-catholique déconsacré. (Thật là Đạo nhưng không phải đạo. Đúng là thời thượng ! uống Cà-phê không có chất cà phê, uống Bia không có chất rượu, uống đường không có chất đường, cả lấy vợ củng không phải vợ vi lấy người đồng giới ! người viết xin được góp lời bàn). Buổi lễ được cử hành trước một ông Linh mục « giả », đôi hôn phối rung rẩy cảm động trao nhau những lời hẹn ước tình tứ, yêu nhau đến tóc rụng răng long, đất trời nghiên ngã, trong tiếng nhạc Marche Nuptiale của Mendelssohn hay Lohengrin của Wagner. Lầu đài Barben (tỉnh Bouches-du-Rhône, gần Marseille, miền Tây Nam Pháp), một lâu đài cổ kính là nơi được lựa chọn đễ diễn tuồng đám cưới. Giá thuê 500 euros cho một buổi chụp hình, hay một buổi lễ cưới. « Có những cặp đến với rương hòm quần áo, họ thay y phục độ 10 lần, đem theo cả thợ chụp hình và người trang điểm riêng » Bernard Pillivuyt, anh cai quản lâu đài kể.
Mỗi tháng Bảy, Michèle Angelvin bắt gặp cả chục cặp người Tàu ăn diện bảnh bao đứng chụp hình trên cánh đồng lavandes, vùng Valensole của bà (hoa lavandes mầu tím, thángJuillet trổ hoa tím cả những cánh đồng đến tận chơn trời-hoa lavandes dùng làm dầu thơm) họ đạp càn xéo hoa mà không xin phép bà. « Có khi có cả những cặp diện áo quần đám cưới, nở những nụ cười trên khung trời tím. Nhiều hôm gặp mưa, đất lầy lội, họ mặc áo cưới nhưng dưới mang dép hay giày bottes đi mưa, và chụp bán thân. Tôi miễn ý kiến, nhưng phải lắt đầu chán nãn, vì họ dẩm nát những luống hoa của tôi ! ». Những album đám cưới là những kỷ niệm rất quý giá đố với những người Tàu. Ad vitam aeternbam-muôn đời mà. Họ không ngần ngại vào sân nhà bà chụp hình trước những giàn hoa của bà, « Họ rất vô phép, và họ không biết tư hữu là gì, đi ngang qua vườn nhà mình không có rào là họ vào ngồi chụp hình, trên ghế, trên bực nhà (tự nhiên như người Hà lội vậy !) .
Mấy anh nhà giàu mới nầy, nhiều khi có những đòi hỏi lạ đời ( người viết nghĩ « lạ đời vì các cô phóng viên không biết tập tục của dân nhà giàu mới Á châu của chúng ta, thích show off lắm, nhứt là Cộng sản Việt Nam hay Tàu, xêm xêm một lứa cả đó thôi). Henriette Versteeg kể « Có người đòi muốn được lái xe đua Formule1, hay thử lái phản lực Rafale của Pháp. Tôi đành chịu mất khách, không giải quyết được» Hiện nay Henriette đang tổ chức một WineTour, đi viếng một vòng các hầm rượu ở vùng Bordeaux, và « Có người muốn tôi mời nữ diễn viên Sophie Marceau cùng đi với phái đoàn, tôi có liên lạc với agent của Cô Marceau, nhưng không trả lời. Người Tàu không hiểu rằng tuy có tiền nhưng nhiều khi có tiền cũng có cái khó mua lắm ! » Ngành Du lịch cũng đem đến vài chuyện thú vị. « Người Tàu thích uống nóng ». Khỏi mắc công đề nghị họ nước hay rượu lạnh. « Ở những khách sạn họ sợ các trần nhà có cột gỗ để lộ – poutres apparentes, họ sợ cột rơi xuống. Họ không ở phòng số 66, hay ở lầu 5 ». « Và nếu chẳng may – có những khách khạc nhỏ trong phòng của khách sạn ( và đã từng có rồi) - bảo nhơn viên không được cằn nhằn và …im lặng lau nhà ! » Cô Versteeg quan sát.
Để kết luận
Chống Tàu là làm nghĩa vụ quốc tế :

Họa Mã Viện với Trụ đồng. Họa Nhà Minh đốt Sách, diệt Văn Hóa Đại Việt, chúng ta quên sao ? Ngày nay nếu còn được tý Tự Hào Đại Việt Không Nên Để Việt Cộng Bán Nốt.
Hẹn ngày mai Gặp nhau tại Sài gòn.
Hồi Nhơn Sơn, cuối tháng Bảy 2014
Phan Văn Song
Đọc phóng sự trên để chúng ta, người Việt Nam, chúng ta cảm rất cô đơn khi muốn chống Tàu. Chúng ta tẩy chay hàng hóa Tàu, có người bản xứ hưởng ứng đấy, nhưng người bản xứ nào ? Rất ít người có ý thức, nhưng nhiều khi không có phương tiện, hàng bản xứ, hay âu châu quá mắc và hiếm.
Ở Pháp anh em công đồng Việt Nam đang tổ chức một phong trào tuyên truyền dùng bích chương Pháp Việt tung dán ở khắp các tường phố các quân 13, các khu phố Tàu … tẩy chay Bánh Trung Thu cho Mùa Trung Thu sắp đến, tiếp sau sau đó hàng ắn Tết, mứt kẹo. …Được chừng nào hay chừng đó.
Người Pháp bạn bè chúng tôi đang cố gắng mua hàng thực phẩm hay sử dụng Made in France nhưng rất khó khăn. Cạnh nhà chúng tôi ở làng Hồi Nhơn Sơn-Montmorillon, anh em nhà vườn, nhà nông chung vùng thành lập một tiệm tạp hóa nhỏ ngay trong làng, bán sản xuất của vườn, đồng nhà. Chúng tôi khuyến khích ăn uống hàng tươi, rau cỏ, hoa quả, thịt heo, bò gà, vịt, bồ câu… sản xuất gần nhà (đường kính 50 cây số) . Nhưng cá ? hải sản ? - đành phải mua từ xa chở đến. Cả cà phê, trà hay bột mì, gạo, đậu… cũng vậy.
Nhưng chúng ta phải làm. Hàng Tàu đang tràn đầy thế giới. Người Tàu đang tràn đầy thế giới. Hồi xưa Việt Cộng đánh miền Nam Ta là đánh dùm cho Liên Sô và Tàu.
Ngày Nay, người Việt ta ở Hải ngoại phải chống Tàu tẩy chay một phần hàng hóa Tàu, không ăn tiệm Tàu, không ăn món ăn Tàu, không mặc quần áo Tàu là chúng ta làm nghĩa vụ quốc tế.
Tàu bớt thu nhập, bớt giàư bớt du lịch, bớt hống hách và … May ra Tây Mỹ bớt nịnh bợ Tàu.
Chống Tàu nhưng cũng không quên thằng đầy tớ Tàu, là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn Cộng sản Việt Nam, là còn Tàu Cộng, Còn Tàu Cộng là mất Nước.

 

SƠN TRUNG * CÁC ÔNG CỘNG SẢN DỄ THƯƠNG




CÁC ÔNG CỘNG SẢN DỄ THƯƠNG
SƠN TRUNG


Đa số cộng sản đều cực kỳ tàn ác nhưng một số khá tốt, biết thương người, trọng lẽ phải và yêu nước mặc dầu quá khứ họ cũng đã lỗi lầm. Cụ thể là Gorbachev, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang , Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn v.v...

Một số vị khác trước đây đã lên tiếng phản đối hay ly khai hoặc bây giờ lên tiếng chỉ trích Cộng đảng. So với bọn tay sai Trung Cộng thì hạng này tốt hơn nhiều.

Nhân dân ta đã từng trải qua những cuộc phỉnh phờ dối trá của Việt cộng từ 1945 cho đến nay nên khó lòng tin tưởng những chú Cuội cung trăng. Thơ Hoàng Cầm (Lá Diêu Bông), Thơ Phùng Quán ( Trăng Hoàng Cung), tiểu thuyết của Lê Lựu ( Chuyện Làng Cuội), và Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn, Trần Mạnh Hảo v. v.. đã tố cáo hành động gian ác, xảo trá của cộng sản.

Ai là người thành tâm sám hối? Ai là kẻ thật dạ yêu nước, thương dân?Thực tại xây dựng XHCN của Việt nam, và việc Trung Cộng xâm lược biển đông đã cho nhân dân ta càng thấy bản lai diện mục của con quỷ Cộng sản.

Người thực tâm giác ngộ và yêu nước, thương dân thì phải nhận thức đầy đủ các điểm sau:

1- CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN LÀ MỘT TAI HỌA CHO NHÂN LOẠI VÀ DÂN TỘC.

Chủ nghĩa cộng sản phản khoa học, phản nhân dân, là một tôn giáo với những tín điều ngu xuẫn, và các đảng viên là những kẻ cuồng tín. Đúng như lời của các chính trị gia, triết gia quốc tế, bao gồm một số cựu lãnh tụ cộng sản đã nhận xét về chủ nghĩa Marx và đảng cộng sản:

“The Soviet Union is an Evil Empire, and Soviet communism is the focus of evil in the modern world.”
Liên Bang Sô Viết là một đế quốc ma quỷ, và Cộng sản Liên Xô chỉ chú trong điều ác trong thời đại mới. –Ronald Reagan

I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that The Communist Party only spreads propaganda and deceives.
Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá.Mikhail Gorbachev

Socialism is a philosophy of failure, the creed of ignorance, and the gospel of envy, its inherent virtue is the equal sharing of misery.
Chủ nghĩa xã hội là một triết lý thất bại, là một tín điều ngu dốt, và là phúc âm đố kị, bản chât của nó chia đều đau khổ. Winston Churchill.

Mặc dù Đặng Tiểu Bình vẫn dùng danh hiệu đảng cộng sản, cờ búa liềm, xưng tụng Marx, Mao nhưng thực chất là họ Đặng đã đặt Marx , Mao vào sọt rác khi ông lớn tiếng chỉ trích Mao, dẹp bọn Giang Thanh, hủy bỏ kinh tế chỉ huy, thực hành mở cửa đón tư bản đầu tư. Ngày nay, Việt nam ôm chân Trung quốc, cũng mở cửa, đón tư bản đầu tư, hủy bỏ chính sách dân chủ và xã hội, cương quyết giữ chế độ độc tài, bắt nhân dân lao động , nhân dân vô sản phải chịu mọi bóc lột của đảng như phải trả học phí, viện phí là một việc mà quân chủ, tư bản và thực dân vẫn duy trì. Càng tệ hại hơn, cộng đảng nay lộ bộ mặt cướp bóc khi cướp nhà, cướp đất của nhân dân. Như vậy, chính cộng sản chôn sống cộng sản, công nhận chủ nghĩa cộng sản là một thất bại, một tai họa cho nhân dân.


2. HỒ CHÍ MINH LÀ MỘT KẺ PHẢN QUỐC, LÀ MỘT TÊN ĐẠI GIAN ĐẠI ÁC, TAY SAI CỦA TRUNG CỘNG.

Trong khi các chiến sĩ quốc gia lên án Hồ Chí Minh thì đa số người cộng sản vì bị tuyên truyền, lừa dối nên coi Hồ Chí Minh là thần thánh. Ngày nay, các tài liệu Trung Quốc cho biết Hồ Chí Minh là người Trung Quốc, gốc người Hẹ, còn gọi là Khách gia, tên thật là Hồ Tập Chương, được đảng cộng sản cấy vào trong đảng cộng sản Việt Nam để lèo lái Việt Nam thành chư hầu của Trung Quốc, và các bộ đội , đảng viên Việt Cộng trở thành lính lê dương của chủ nghĩa thực dân Đại Hán. Một số sĩ quan cộng sản như đại tá Bùi Tín, Đại tá Phạm Quế Dương tự nhận là đối lập, đã viết lách, nói năng lên án cộng sản rất mạnh bạo. Khi bàn luận các việc khác thì họ tỏ rõ là một người đại giác ngộ, nhưng hỏi đến Hồ Chí Minh thi hầu hết co đầu, rụt cổ thảm thương! Những lời nói của họ nửa khen nửa chê, úp mở, che đậy nhưng là một sự che đậy của các cô gái bán hoa. Tuy vậy, đôi khi bản chất đỏ và cuồng tín vẫn lộ rõ.


Đại tá Bùi Tín trả lời phỏng vấn của Thụy My:

Còn tôi, tôi khẳng định ông ta là một nhân vật yêu nước, nhất là thời trẻ của ông [1].

Câu này thì một vài ông quốc gia thân cộng hoặc không có lập trường chính trị, triết lý kiên định cũng phát biều như thế.

Gốc đại phong kiến mà lên được đại tá thì công phu ngài tu luyện phải ngàn năm, không thành tiên thì cũng thành tinh. Khi nghe tin Hồ Tuấn Hùng, người Đài Loan xuất bản quyển sách Hồ Chí Minh — Sinh bình Khảo (Khảo cứu về Cuộc đời Hồ Chí Minh) (2008), Bùi Tín quên khoác lốt mỹ nhân, hiện nguyên hình con chồn già bênh vực ông thánh đại cáo của ông.Ngài viết:

Nhật bản làm một cuộc khảo cứu để đi đến kết luận rằng Hồ Chí Minh về cơ bản là người yêu nước chứ về cơ bản không phải là người Cộng sản (!), rằng ông Hồ là người theo chủ nghĩa cộng hòa hơn là theo chủ nghĩa cộng sản.[2]

Thế ngài đại tá tin theo ông Nhật mà cho rằng đại thánh của ngài không phải là cộng sản ư? Ôi chao ôi, sao có kẻ lấy rọ úp voi như thế ở thế kỷ này!

Đại tá còn biện hộ một cách ngây thơ vô số tội:
Tôi đưa ra vài dẫn chứng : sau khi ông Hồ về ở Hànội tháng 8-1945, bà Thanh chị ruột ông Hồ ra gặp ông, 2 người lập tức nhận ra nhau, và ông Hồ trở lại nói hoàn toàn giọng Nghệ An, với âm sắc riêng của vùng Thanh Chương - Nam Đàn, hỏi thăm rất nhiều người trong họ đã chết và còn sống.

Bà Thanh còn nhìn 2 tai ông , mũi và cằm ông, nói :" đúng là 2 tai, mũi và cằm của thằng Coong thời trẻ".
Rồi năm 1957, khi ông Hồ về thăm quê cũ ở Kim Liên, ông đi ngay vào ngõ bên trái nhà ông khi xưa, không đi vào cổng mới làm sau này, sau đó tự ông sang lò rèn phía trái để hỏi thăm các cụ ở lò rèn xa xưa, nơi ông thường qua lại khi còn bé.
Làm sao một người Tàu quê ở đảo Đài Loan lại có thể nói tiếng Nghệ An, lại theo thổ âm Nam Đàn, và nhập vai trọn vẹn là em ruột bà Thanh, và về quê Kim Liên xa lạ, lại am hiểu địa hình và nhân vật làng quê cũ xa xưa thuần thục đến như vậy ![2]



Năm 1945, ngài đại tá 18 tuổi, còn thân phụ ngài vì trở cờ mà toàn mạng,trong khi đó bao kẻ vong gia thất thổ. Vì cụ cố khôn ngoan luồn cúi nên ông Hồ mới có đặc ân cho đại tá.
Lúc đó đại tá chỉ là một thằng bé con, xin lỗi ngài, chưa có công cán gì, chức vụ gì như Tạ Đình Đề, Hoàng Tùng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng để có thể gần gũi Hồ Chí Minh và mắt thấy tai nghe khi bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội. Như vậy là đại tá viết tiểu thuyết giả tưởng theo đường lối dối trá của cộng sản chứ không phải là một nhà viết sử chân chính.
Đại tá viết tiếp về việc bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội.

Tôi đưa ra vài dẫn chứng : sau khi ông Hồ về ở Hànội tháng 8-1945, bà Thanh chị ruột ông Hồ ra gặp ông, 2 người lập tức nhận ra nhau, và ông Hồ trở lại nói hoàn toàn giọng Nghệ An, với âm sắc riêng của vùng Thanh Chương - Nam Đàn, hỏi thăm rất nhiều người trong họ đã chết và còn sống.

Bà Thanh còn nhìn 2 tai ông , mũi và cằm ông, nói :" đúng là 2 tai, mũi và cằm của thằng Coong thời trẻ". Rồi năm 1957, khi ông Hồ về thăm quê cũ ở Kim Liên, ông đi ngay vào ngõ bên trái nhà ông khi xưa, không đi vào cổng mới làm sau này, sau đó tự ông sang lò rèn phía trái để hỏi thăm các cụ ở lò rèn xa xưa, nơi ông thường qua lại khi còn bé.

Làm sao một người Tàu quê ở đảo Đài Loan lại có thể nói tiếng Nghệ An, lại theo thổ âm Nam Đàn, và nhập vai trọn vẹn là em ruột bà Thanh, và về quê Kim Liên xa lạ, lại am hiểu địa hình và nhân vật làng quê cũ xa xưa thuần thục đến như vậy !
Xin giáo sư Hồ Tuấn Hùng lý giải cho tôi được thông suốt
..[2]

Qua đoạn văn trên, ta thấy đại tá như uống thuốc lú quên hết mọi sự, đại tá như một anh Mán, anh Mường chẳng hiểu gì phong tục Việt Nam.

Trong chỗ thân tình, anh chị em có thể "mày tao chi tớ" nhưng đó là khi nhỏ, năm mười tuổi, không ai gọi ông 40-50 bằng thằng , nhất là khi thằng đó lại là đảng trưởng và chủ tịch  nước! Và anh em gặp nhau, không ai xét tướng mạo giống hay không giống. Không lẽ bà Thanh nghi ngờ con người thằng Coong hay sao mà xét nét như thế? Chuyên giống hay không giống cũng không thành vấn đề vì chỉ vài nét cạo sửa, tô điểm là xong, nhất là khi có khoa giải phẩu. Mà làm sao giống được sau gần nửa thế kỷ xa cách hỡi đại tá?

Còn việc ông Đài Loan mà biết rõ  đường sá Nghệ an cùng thân nhân ông Hồ thì đâu có khó gì! Không lẽ đại tá chưa qua khóa đào tạo KGB, hoặc cũng không đọc tiểu thuyết trinh thám? Chuyện nhỏ thôi quý vị ạ. Họ điều tra, ghi chép, danh tánh, lai lịch  cho ông Đài Loan học thuộc lòng,  rồi ban đêm hay ban ngày, cho ông Đài Loan đi qua nhà cụ Bảng vài lần là biết ngay! Sao ông đại tá 50-60 tuổi đảng, 90 tuổi đời mà mà ngây thơ và dễ thương như em bé lên năm, lên sáu? Đúng là nhân chi sơ, tánh bản thiện!

Còn việc nói tiếng Nghệ thì xin có ý khác với đại tá:
- Có 5, 6 giọng Nghệ an lơ lớ của người gọi là ông Hồ. Phùng Cung cho rằng giọng nói của ông Hồ lơ lớ Hạ phang hoặc Mán, Thổ . . [3]

Bất cứ ai, ra ngoại quốc vài chục năm là giọng biến đổi, không nhiều thì it, do vậy ông Hồ không thể nói hoàn toàn giọng Nghệ An, với âm sắc riêng của vùng Thanh Chương - Nam Đàn như đại tá khẳng định. Tôi e thính quan đại tá có vấn đề! Hơn nữa, bắt chước giọng có khó chi. Nghe các ca sĩ ngoại quốc hát tiếng Việt, nhất là giọng Ỷ Lan đài RFA thì rõ ngay!

Bài trên ông viết năm 2009, cùng năm đó, BS Trần Văn tích góp ý.



Đáng lý bài trên phải gọi là dối trá, bịa đặt, bác sĩ Trần Văn Tích rất lịch sự mà gọi là đại tá viết " dật sử". Trần Văn Tích nói rằng chuyện ông Hồ nói tiếng Nghệ An theo đúng thổ âm Nam Đàn thì tôi lại vẫn chưa có thể tin ông Bùi Tín nhiều hơn. Với những thủ đoạn độc đáo của các cơ quan phản gián, khi có được một thời gian dài hằng chục năm, kế hoạch đào tạo ra một người nói đặc giọng Nghệ An không phải là bất khả thi. Nếu người Tàu bắt cóc vài ba thanh niên thanh nữ Thanh Chương Nam Đàn rồi đem về cho “tam cùng” với nhân vật được chỉ định đóng vai ông Hồ thì người lên ngôi Chủ tịch nước Việt Nam sau này có thể nói đặc giọng Nghệ An lắm [4]


Viết bài trên mà vẫn chưa an tâm, năm năm sau, đại tá Bùi Tín bồi thêm một bài nữa cho xứng đáng là cao đệ của Hồ Đại Cáo. Thứ bảy, 03/04/2014, ông trả lời đài VOA, gồm những điểm chính như sau:

Thật ra không có khó khăn gì để chứng minh rằng nội dung cuốn sách chỉ là một điều hoang tưởng, theo kiểu tiểu thuyết trinh thám rẻ tiền, có thể là do động cơ vụ lợi kèm theo động cơ chính trị ám muội kiểu nước lớn đang nuôi dưỡng dã tâm thôn tính lâu dài nước ta theo kiểu gặm nhấm dần.

Dù cho lập luận có vẻ chặt chẽ đến đâu đi nữa, dù cho đưa ra những chứng cứ có vẻ chân thực đến đâu chăng nữa thì bịa đặt vẫn hoàn toàn là bịa đặt, cuộc đánh tráo Hồ Chí Minh - Hồ Tập Chương chỉ là trò bịp 100%. Chỉ cần đặt vài câu hỏi.

Xin hỏi tác giả Hồ Tuấn Hùng, đảng CS Liên Xô, Đệ Tam Quốc tế CS để lại ở kho lưu trữ khối tư liệu đồ sộ hàng triệu trang, mở ra cho công luận, đã có dòng nào nói đến sự kiện ‘’đánh tráo người‘’, nói đến bà Vera Vasilieva với sứ mạng huấn luyện cho ông Hồ Tập Chương đội lốt Hồ Chí Minh?
Ông biết chăng, hồi năm 1960 ông Hồ Chí Minh mời vợ chồng luật sư Frank Loseby sang Hà Nội, khách vẫn nhận ra ông bạn cũ của gần 30 năm trước, đâu có phải là ai khác?

Và khi ông Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946 gặp lại hàng loạt bạn Pháp cũ, có một ai ngỡ ngàng nhận ra là một người Tàu đội lốt ông Hồ Chí Minh đâu?..

Và ông Hồ đã có cả một loạt nhà báo, nhà văn, học giả quốc tế viết về ông, như W.J. Duiker, Sophie Quinn Judge, Pierre Brocheux, Bernard Fall, Wilfred Burchett …với mọi chuyện ly kỳ, sao không có một ai nói đến chuyện đánh tráo danh nhân, ‘’thay rồng hóa phượng‘’ trên đây.

Có những người quen biết ông Hồ từ trước năm 1933, như Nguyễn Lương Bằng, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, cho đến cả ông Nguyễn Hải Thần, để đến 1942, 1945, 1946 gặp lại, có ai nghi ngờ là đã gặp một con người khác, một người Tàu giả dạng Việt Nam, đóng vai Hồ Chí Minh một cách trọn vẹn, đánh lừa mọi người quen biết cũ do đã được huấn luyện kỹ càng tỷ mỷ, như tác giả Hồ Tuấn Hùng kể lại.[5]


Đại tá mang danh chống đối chế độ nhưng thực chất là cá mè một lứa. Đại tá làm đến Phó tổng biên tập  báo Nhân Dân là cái mỏ  láo khoét vĩ đại của Việt Cộng cho nên ặn nói, viết lách sắc sảo theo đường lối cộng sản chuyên nghiệp. Theo đường lối khoe mình chê người, cộng sản mở miệng là vu khống người ta là CIA, là tay sai thực dân, đế quốc, là nói láo, là ăn tiền , cực kỳ khinh  miệt  và hỗn láo cho dù người ta nói sự thât!

Xin thưa,

- Thằng ăn trộm nó ăn trộm gà ,trộm vàng bạc, không ai nói nó ăn trộm, biết nó ăn trộm nhưng không thể vì thế mà bảo thằng ăn trộm lương thiện. Trước pháp luật, không có chứng cớ thì không thể kết tội nó nhưng thực tế nó là một tên trộm.


-Tài cải trang có thể đánh lừa. Không ai phát giác, không có nghĩa là ông Hồ không phải người Trung Quốc. Có thể vài người Trung Quốc chứ không phải một mình Hồ Tập Chương vì mặt mũi, chữ viết có nhiều khác biệt.

-Không ai nói ra không có nghĩa là không ai biết. Có cơ quan phản gián biết nhưng họ không nói ra. Đừng lấy vải thưa che mắt thánh. Người xưa cho rằng trời đất, thánh thần biết hết.
-Không nói ra không phải là không biết. Biết cũng phải làm bộ không nghe, không biết, không thấy. Bép xép là mất đầu như chơí! Lệ Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng , Lê Đức Thọ có bao giờ hở môi, ngay cả việc bán nước dâng đất, huống hồ bí mật Hồ Tập Chương là bí mật của đảng, của quốc gia,  là việc tối mật nếu tiết lộ toàn gia phải tan xương nát thịt!

Cái kim để trong bọc lâu ngày sẽ thòi lòi ra. Mấy chục năm trước nào ai ngờ Nguyễn Tất Thành , cậu học sinh tiểu học, đại lãnh tụ của Việt Công cũng làm đon xin học trường Thuộc địa.  Tài liệu ở Nga không có mà Pháp và  Trung Quốc có đây, ngài đại tá . Ngày nay, chính Trung Quốc đã hé lộ cơ mật cho thấy Hồ Tập Chương-Hồ Chí Minh là gián  điệp Trung Quốc và nhiều tài liệu khác nữa! Không thể bưng bít, Việt Cộng ngày nay cũng thú nhận lãnh tụ của họ cũng muốn làm tay sai thực dân để hưởng bơ sữa, và bậc đại thánh của họ gian dối, miệng bô bô hy sinh hạnh phuc gia đình cho cách mạng thì sự thật phơi bày ông có hàng tá vợ, hàng chục thiếu nữ cho ông ấu dâm , và ông đã giết Nông Thị Xuân rồi quăng xác ra đường. Tư tưởng, đạo đức Hồ chí Minh là thế đấy!

Ngài đại tá và Dương Thu Hương  biện hộ cho ông đều nói rằng ông Hồ cũng chỉ là con người...Đồng ý là con người thì ai cũng có lỗi lầm, không ai đòi hỏi ông Hồ là bậc thánh. Nhưng cái đáng chê trách cười cợt và phỉ nhổ  là dâm dục mà lão già lại muốn làm thánh khổ tu, tay bán nước, trộm cắp, sát nhân  mà tự cho là đạo đức.. Một con người đại gian, đại ác như thế mà lão ta và toàn đảng Việt cộng  lại ca tụng là bậc thánh, bắt nhân dân thờ phụng, bắt trẻ con phải học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh! Mà không phải ai,  không phải bọn phản động xuyên tạc mà chính  các đảng viên và người đồng chí anh em Trung Quốc tiết lộ!

Dù sao đi nữa, không phải riêng Hồ Tập Chương là người Trung cộng mà cả lũ đầu gấu Viêt cộng như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng văn Hoan, Lê Duẩn, Lê Đức Tho v. v..đều là nô lệ của Trung Cộng, suốt đời tuân lệnh chủ, cam tâm phản bội quê hương Việt Nam.

1-Về giờ chót của già Hồ

a. Văn nô Việt Nam viết như sau:

Không gian của câu truyện cũng chỉ thu nhỏ trong căn nhà A67. Căn phòng này cách ngôi nhà sàn của Bác chỉ vài chục bước chân. Trước đó, theo lời đề nghị của bác sỹ, để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc sức khoẻ của Người, ngày 18/8/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và những đồng chí trực tiếp chăm sóc Bác đã chuyển Bác xuống ở căn phòng này.

Sau gần 20 ngày chống cọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm. Nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức, Người hỏi thăm tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người còn dặn các đồng chí trong Bộ Chính trị phải làm sao tổ chức ngày lễ Quốc khánh thật long trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân dân phấn khởi. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đối diện với quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước mà “ nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nằm trên giường bệnh, sáng 2/9, lúc này Người đã rất mệt, mong muốn cuối cùng của Người là được gặp và thăm đồng bào miền Nam không thực hiện được, hơi thở của người mỗi lúc một yếu dần. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bác sỹ không ai nỡ rời xa Người dù chỉ là một phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung quanh rồi hỏi:

- Trong các chú có ai biết hò Huế không?

Mọi người lúng túng nhìn nhau, quả là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Thường ngày, Người vẫn thường nói “ miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, thêm vào đó Huế vốn là mảnh đất gắn bó cùng Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Giờ đây, trong những phút cuối cùng, có lẽ Người mong muốn mang hình ảnh miền Nam yêu thương, hình ảnh núi Ngự, sông Hương với những kỷ niệm buồn đau theo mình vào cõi vĩnh hằng bất tử. Nỗi niềm ấy của người dường như ai cũng thấu hiểu, nhưng tìm nghệ sỹ hò Huế lúc này thật khó.


Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi. Lúc này giọng người đã yếu hơn nhiều:
- Trong các chú, ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không?
Thêm một lần nữa sự im lặng và bối rối bao trùm căn phòng. Câu ví dặm câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thủa lọt lòng. Ngươì lớn lên và đi ra thế giới từ chiếc nội văn hoá quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy. Trước giây phút sắp biệt ly Người khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương.

Lần thứ ba tỉnh lại, Người ngỏ ý muốn nghe một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, lần này thật may mắn khi cô y tá bé nhỏ Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Với chất giọng trong trẻo của người con gái Vĩnh Phúc, chị cất lời hát “ Ngươì ở đừng về”.. Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát. tiếng hát hay tiếng lòng! Không ai phân biệt được. Chỉ biết rằng lời quan họ sâu lắng, tha thiết quá. “ Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về” đã nói hộ lòng người. Cô y tá càng hát càng ngẹn ngào, những người xung quanh không ai cầm được nước mắt. 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập, để lại muôm vàn tình thưong yêu cho đồng bào cả nước.[6]

Trong năm học cuối cấp 2, mình có một buổi ngoại khóa tìm hiểu về dân ca - ca dao Việt Nam, cô giáo mình đã hát và giới thiệu bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" - của nhạc sỹ Trần Hoàn - để làm ví dụ minh họa cho giá trị tinh thần vô giá của kho tàng ca dao - tục ngữ - dân ca Việt Nam.


Khi Internet xuất hiện, mình có đọc ở đâu đó bản tin về việc "nghe nhạc trên giường bệnh của Hồ Chí Minh, nó hoàn toàn trái ngược với những gì mình được nghe, được học. Mình nhớ là mình có đem việc này trao đổi với vài người lớn và họ bảo mình thật là vớ vẩn khi đi tin vào mấy tờ báo "phản động".

Khi search trên Google sự ra đời của nhạc phẩm "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" nó ra thế này:

b. Mẹ Nấm viết:

Trong năm học cuối cấp 2, mình có một buổi ngoại khóa tìm hiểu về dân ca - ca dao Việt Nam, cô giáo mình đã hát và giới thiệu bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" - của nhạc sỹ Trần Hoàn - để làm ví dụ minh họa cho giá trị tinh thần vô giá của kho tàng ca dao - tục ngữ - dân ca Việt Nam.

Khi Internet xuất hiện, mình có đọc ở đâu đó bản tin về việc "nghe nhạc trên giường bệnh của Hồ Chí Minh, nó hoàn toàn trái ngược với những gì mình được nghe, được học.


“Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa... Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ... Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở tái tê, rằng Người ơi Người ở đừng về...” - Những ca từ trong bài hát: “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sỹ Trần Hoàn mỗi khi cất lên đã làm lay động hồn người bao thế hệ kể từ khi Bác Hồ đi xa mãi mãi. Nhưng hẳn nhiều người còn chưa rõ, nhân vật “em gái nhỏ” ngoài đời đó là ai?...


Hạnh phúc bất ngờ

Chúng ta đều biết rằng, ngày 2-9-1969, Bác Hồ - vị Cha già của dân tộc đã vĩnh biệt đồng bào, đồng chí, mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Những giây phút cuối cùng bên giường bệnh của Người là một câu chuyện thật giàu chất nhân văn, mỗi lần nghe đến, ai cũng thấy nao lòng. Một trong những câu chuyện lịch sử thật cảm động này là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Trong ca khúc của Trần Hoàn có nhân vật “em gái nhỏ” đã hát khúc dân ca trong một hoàn cảnh đặc biệt, chính là chị Ngô Thị Oanh, quê ở vùng đất bãi Yên Lạc - Vĩnh Phúc, nguyên y tá Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).


Bông hồng trắng buổi ấy cùng một vài kỷ vật khác trong những ngày cuối cùng bên Bác, chị Ngô Thị Oanh giữ gìn như báu vật. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nghe ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn, chị lại chan chứa nước mắt..."[7]

Một bài khác của Quân Đội Nhân dân Việt Nam cũng viết về giờ cuối của già Hồ do mẹ Nấm ghi lại hoàn toàn khác với bài của Việt cộng văn nô;

c. Quân Đội Nhân Dân Trung quốc và QDND Vietnam

Ba lần Bác cười trước lúc đi xa
QĐND - Thứ Hai, 25/01/2010, 20:33 (GMT+7)


...Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã rời xa chúng ta, nhưng hình ảnh ba lần nhìn thấy nụ cười hiền hậu của Người mãi khắc sâu trong tôi. Sự nhẹ nhàng thanh thoát, những ngôn ngữ, cử chỉ thân thiết của Người, tôi luôn mang theo suốt cuộc đời...”.


Là y tá trưởng của Bệnh viện Bắc Kinh, từ những năm 60 của thế kỉ trước, tôi làm công tác chăm sóc sức khỏe bên cạnh Thủ tướng Chu Ân Lai. Tiếp nhận chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, tôi được phân công vào đội ngũ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Ngày 24-8-1969, trời Bắc Kinh oi nồng, không một chút gió. Đêm xuống, tôi giội ào một cái cho mát, chuẩn bị lên giường đi ngủ. Đột nhiên nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi vội dậy mở cửa. Thì ra là người của bệnh viện tới, nói rằng: “Có việc khẩn, lập tức lên đường”.
.......

Bác mỉm cười sau khúc hát của tôi

Ngày 31-8-1969, bệnh tình của Bác đột nhiên tăng lên. Hôn mê không tỉnh. Các chuyên gia bình tĩnh, kịp thời đưa ra biện pháp cấp cứu phù hợp. Bác sĩ Hồ Húc Đông xuyên kim vào tim Bác để bơm thuốc trợ lực tim. Thành công rồi! Chủ tịch Hồ Chí Minh từ từ tỉnh lại, Bác mở mắt ra, nhìn khắp một lượt các y, bác sĩ trong phòng. Mọi người cảm động không nói nên lời. Tổ trưởng Trương Hiếu lại gần bên Bác, khẽ gọi: "Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Người thấy trong mình hiện giờ thế nào? Còn chỗ nào chưa thấy thoải mái?". Bác khẽ lắc đầu, một lúc sau Bác ra hiệu muốn ăn một chút.


Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người.


Sáng ngày 2-9-1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Người đã vĩnh viễn đi xa. Chúng tôi không cầm được nỗi buồn, nước mắt tuôn trào. Đứng bên giường bệnh của Người, vô cùng buồn thương… và từ biệt Người. Ngày 9-9-1969, toàn bộ tổ chữa trị đã cùng lãnh đạo và nhân dân Việt Nam tham gia lễ truy điệu được cử hành tại Hội trường Ba Đình. Hai ngày sau chúng tôi rời Hà Nội về nước. Để ghi nhận công lao của các bác sĩ, y tá trong các tổ y tế đã tham gia chữa trị cho Bác Hồ, Chính phủ Việt Nam đã tặng nhiều huân chương cao quý cho thành viên trong tổ y tế.[8]

Như vậy là bác là người Trung Quốc, được bac sĩ và y tá Trung quốc săn sóc và giờ chót bác thích nghe nhạc Hoa nào phải dân ca Huế, dân ca Nghệ Tịnh như bọn Việt Cộng dối trá, láo khoét, lừa bịp. Bài báo trên của QDND Việt Nam đăng lại bài báo của Trung quốc do Nguyễn Hòa biên dịch.

 d. Đài Loan loan tin: Cháu nội Hồ Chí Minh thăm Đài Bắc - Mạnh có vợ ? TAIPEI (VB, Trần Đông Đức)-- Ông Hồ Chí Minh có vợ con, không phải là chuyện bí mật đối với các sở tình báo Trung Quốc, Đài Loan, Liên Xô. Điều này đã được viết trong nhiều sách và tài liệu, mặc dù còn bị bưng bít ơ? VN.[9].

Ngoài ra có những sự kiện khác cho biết ông Hồ là người Trung quốc:
-Người  Việt Nam có câu: " Nói như Vẹm" ấy thế mà khi GS Lê Hữu Mục lật mặt Ngục Trung Nhật Ký là đồ giả mạo thì cộng đảng im re, chỉ trừ một vài văn nô hạng tôm tép biện hộ một cách yếu ớt. Nhất là không đảng viên nào  lên tiếng về cuốn sách của Hồ Tuấn Hùng và tài liệu của Huỳnh Tâm!
- Năm 1954, Ông Hồ làm  mấy bài thơ tặng tướng Trung Quốc Trần Canh, có bài như sau,
Huề trượng đăng cao quan trận địa ,
  Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân ,
  Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu ,
  Thệ diệt sài lang xâm lược quân.


Những bài thơ này rất hay tuy là bắt chước cổ thi nhưng chứng tỏ tác giả gỉỏi chữ Hoa. Nhưng bài này Việt Cộng không dám đưa ra vì bể mánh nhãn hiệu Trung Quốc. Phải chờ khi nhật ký các tướng Trung Quốc xuất bản, mấy chú cộng nhà ta phải thêm vào trong thơ của Bác. Ôi, giấu đầu hở đuội!

2. TÀI LIỆU VỀ GIÀ HỒ TẠI TRUNG QUỐC


Sau khi Hồ Tuần Hùng xuất bản Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo 2008, thì năm 2014, Huỳnh Tâm là người Trung quốc viết tài liệu về Hồ Tập Chương- Hồ Chí Minh.

Tài liệu này có những điểm chính như sau:

- Trung quốc tạo Hồ Tập Chương thay thế Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh tay sai KGB và chết trong tù năm 1932. Trung Quốc lấy Ngục Trung Nhật Ký (狱中日记), của một người Hoa vô danh viết trong năm 1932-1933 và phải sửa lại 1942-1943 , nhưng nội dung sửa đồi, văn bàn chữ nghĩa khác biệt bản chính. Ban dịch thuật và sao lục ngụy tạo những năm không tương xứng với ngày Hồ Chí Minh lao lý trong nhà giam Trung Quốc. Nguồn: Tư liệu Hoa Nam.[10]

-Hồ Chí Minh có bí danh trong các bản báo cáo là Nhân Thụy  ( 人瑞) ),Nhược Đái Lệ (弱戴丽), là gián điệp của Trung quốc cài vào trong đảng cộng sản Việt Nam, tài liệu về bút tich, thi ca, các bản báo cáo (214 -345 công văn) là một kho tàng tài liệu đều do Trung Quốc lưu trữ nguyên bản công văn, báo cáo bút tích đích thực của Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn còn lưu trữ trong các cơ quan của Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CPC) hay Cục Hoa Nam tại Bắc Kinh. [10].. "Công văn mã số 15" (派遣15号), vào ngày 20 tháng 2 năm 1948: "Bác" đã công bố trước cộng sản đảng quốc tế. "...Hồ Chí Minh gián điệp Trung Cộng Quốc với tư cách Trung ương Việt Minh". (胡志明为越南中部, 被中国间谍的心理活动). Công văn này được lưu tại Trung Cộng Quốc, Liện Xô, Nhật Bổn, Miến Điện, Ấn Độ, Nam Dương và Đảng của "Bác". [11]


Đại tá Phạm Quế Dương là một đối lập nổi danh và rất oai hùng nhưng khi được hỏi về Hồ Chí Minh thì y như con gà nuốt dây thun. Cựu đại tá Phạm Quế Dương, cựu tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, cho rằng rất khó tin vào những tư liệu đó và ông yêu cầu Đảng và Nhà nước Việt Nam phải làm rõ những chi tiết do các tài liệu của Trung Quốc đưa ra liên quan đến cuộc đời ông Hồ Chí Minh.
Không tin là phải. Marx, Lenin, Mao, Hồ dạy ông chủ nghĩa Marx giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bóc lột, tạo nên một thế giới thịnh vượng gấp trăm, gấp ngàn tư bản. và thế giới không còn hận thù, sau  khi tiêu diệt bọn tư sản, bọn đế quốc, thực dân thì thế giới sẽ hòa bình. Marx, Lein, Mao, Hồ là những nhà đại cách mạng, đại thánh, đại thần tiên.

Tinh thần vô sản quốc tế vô cùng cao cả. Mao tuyên bố viện trợ không cho Việt Nam và Hồ Chí Minh đã ca tụng:
Mối tình thắm thiết Việt Hoa
Vừa là đồng chi, vừa là anh em.

Trung Quốc yêu Việt Nam, Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu... tôn thờ Mao như cha con, như chủ tớ, tình nghĩa đâm đà tha thiết dường ấy thì lẽ nào Trung Quốc, Mao Trạch Đông chơi trò lưu manh, hạ cấp, lường gạt, bỉ ối như thế! Không Thể tin. Trăm lần, ngàn lần không thể tin!

Trong khi Trần Dần sang Trung Quốc tập huấn một lần thì về nhà phát sốt, phát rét, ghê tởm  chủ nghĩa Mao it Mao nhiều. Chế Lan Viên dù làm thơ ca tụng Mao như cung cách của già Hồ

Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
 
 nhưng ông cũng thì thầm với Vũ Thư Hiên:
Bác Mao chẳng ở đâu xa,
Bác Hồ ta đó chính là bác Mao!

Rồi bản báo cáo mật của Khrushchev, rồi  sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cũng không làm cho trái tim sắt đá của đại tá lay chuyển. con người kiên trinh son sắt thờ Mao chủ tịt, Hồ chủ tịt như thế thì phải  lên tướng. Nếu không có bè lũ phản động trong đảng đánh phá thì dại tá nay thành tướng, cũng không thua kém  Phùng Quang Thanh, Nguyễn Chí Vịnh. Phải chăng vì vậy mà đại tá sinh ra " bất đồng chánh kiến"? Nhyưng bất đồng cái nhỏ thôi còn không bao giờ bất đồng với Mao, với Hồ và chủ nghĩa Mác Dao.


Cũng như Tố Hữu, bị bọn thoái hóa đá văng ông ra khỏi chức Phó Thủ tướng  thì sinh ra bất đồng nhưng trong tim ông bác Mao, bác Hồ là vĩ đại, và chủ nghĩa Marx vẫn là bó đuốc dẫn đường nhân loại  (xuống vực sâu )
Trong một bài đề ngày 10/06/2014, ông Phạm Quế Dương viết : « Tôi rất quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tự hào 45 năm được làm “Người lính Bác Hồ”. Tôi đã nhiều lần vào Nghệ An thăm quê Bác và lễ mộ thân mẫu Bác. Đọc quyển sách của Hồ Tuấn Hùng đã rất bất bình. Nay lại đọc tập tài liệu này của Huỳnh Tâm, tôi càng bức xúc. Tại sao Trung Quốc cho phổ biến công khai những tài liệu này! Ý đồ của họ là gì?
Thời nay là thời đại thông tin, trẻ già trong nước ngoài nước rất nhiều người biết, chắc hẳn bộ máy của Đảng và Nhà nước cũng phải biết rõ. Nhưng, sao lại lặng im vô trách nhiệm đến thế. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo và cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ và công bố rộng rãi để sự thực được bảo vệ và tôn trọng » [13].
Câu hỏi Tại sao Trung Quốc cho phổ biến công khai những tài liệu này! Ý đồ của họ là gì? là một câu hỏi ngây thơ, rất dễ thương của các cháu vườn trẻ.  Hỏi như vậy là xưa nay ông tin tưởng Trung quốc là cha mẹ, đời nào đem bí mật của con cái nói cho người ngoài hay! Không lẽ ông đại tá hồi hưu gần 60 tuổi đảng, đánh đông dẹp bắc lên đến đại tá, là một bậc đại giác ngộ cách mạng mà không biết ý đồ của Trung Quốc hay sao? Sự tiết lộ này cho biết  rằng Trung Quốc nay nói thẳng cho  Việt Cộng chúng bây hay rằng Hồ Chí Minh và đảng Việt cộng đã là người của Trung quốc tao, là nô lệ của Trung quốc tao, nhờ Trung quốc tao cho vay mượn vũ khí, tiền bạc , lương thực, và binh sĩ, tướng tá nên bây giờ chúng bây mới được độc lập, tự do. Chính Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng bán biển đảo và biên giới.  Tất cả là nhờ ơn Trung quốc, Việt Nam chúng mày bây giờ  phải trả nợ! Chúng mày phải cút xéo đi nơi khác hoặc cam tâm lảm nô lệ vì Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã bán Việt Nam cho tao rồi! Chúng mày không thể kiện cáo vì tao có văn tự của cha ông chúng mày đây!

Câu thứ hai ông viết: Tôi đề nghị các vị lãnh đạo và cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ và công bố rộng rãi để sự thực được bảo vệ và tôn trọng.
Câu này cũng rất dễ thương. Từ khi Hồ Tuấn Hùng xuất bản Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo nên nay gần 8 năm trời mà đảng Cộng sản Việt nam vẫn im lặng. . Lẽ nào đại tá không biết lý do tại sao đảng im lặng. Đó là chuyện xấu hổ, nói ra sợ dân chúng chống đối, mất uy tín. Đó cũng là cái tội tiết lộ bí mật quốc gia nên chẳng ai dám tiết lộ.Cổ nhân nói: "danh bất chính thì ngôn bất thuận". Hơn nữa, cộng sản làm việc gì mà  gian manh, dối trá, mà đả gian manh đối trá thì đời nào nói thực trừ ra khi bị còng đầu, đánh cho tan xương nát thịt chúng mới chịu khai. Đại tá hơn nửa đời người trong chăn mà không biết chăn có rận ư? Sao con người đại tá lương thiện và thuần khiết như thế? Quý hóa thay!
Ông đại tá giác ngộ này lại tỏ ra vô cùng ngây thơ, dễ thương khi ông thú nhận:Tôi rất quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tự hào 45 năm được làm “Người lính Bác Hồ”. Tôi đã nhiều lần vào Nghệ An thăm quê Bác và lễ mộ thân mẫu Bác. Đọc quyển sách của Hồ Tuấn Hùng đã rất bất bình. Nay lại đọc tập tài liệu này của Huỳnh Tâm, tôi càng bức xúc.
Đấy là do ông bị đầu độc, đã sa vào cái đường lối sùng bái cá nhân, và ông cũng chỉ là những tín đồ giáo điều của một tôn giáo cực đoan, không suy xét, không biện luận, để đi vào mê muội, và tự cao là trí tuệ, không chịu đọc và học hỏi các vấn đề chính trị, triết lý của loài người.

Hai ông đại tá là người bất đồng chính kiến mà suy nghĩ như vậy thì hóa ra các ông chỉ là những con nòng nọc chưa đứt đuôi,  con sâu chưa ra khỏi kén.. Một là các ông chỉ giả vờ đối lập, hai là các ông chưa gột rửa sạch nọc độc cộng sản. Huống hồ  16 con khỉ ở sở bách thú Hà Nội  suốt ngày khẹc khẹc  tôn trọng 16 chữ vàng,và tình hữu nghị Việt Hoa thắm thiết.bởi vì còn cộng sản là chúng còn boc lột nhân dân, cướp tài sản quốc gia, và được mẫu quốc Trung Hoa cho hàng tỷ bạc! Và các ông khác cũng vậy. Nếu quả thấy chủ nghĩa Marx sai lầm, đảng cộng sản và Hồ Chí Minh gian manh sao  giờ này vẫn còn mang danh hiệu đảng viên của cái đảng mà các ông cho là  xấu xa, phản quốc, hại dận? Các ông  tự hào là chiến sĩ cách mạng tại sao các ông không đứng lên làm cách mạng mà còn thưa bẫm với bọn đầu trâu mặt ngựa?Tối thiểu các ông cũng nên như  Trần Độ, Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng v. v.. mà ly khai cái đảng cộng sản gian manh,tàn ac, phản quốc, hại dân, cam tâm bán rẻ quê hương cho Trung Cộng!
 

Một người cộng sản giác ngộ thì phải hiểu rõ hai vấn đề:

-Chủ nghĩa cộng sản là một sai lầm, một thất bại, một chủ nghĩa tàn ác.
-Đảng cộng sản và Hồ chí Minh là một lũ phản dân bán nước.
Nếu chưa thấm nhuần hai điều này thì chưa phải là người cộng sản giác ngộ.


Từ năm 2013 cho đến nay nhiều sự kiện xuất hiện.

-Tháng 8 -2013, Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi lập chánh đảng mới. [14]
- Ngày 22.1.2013 , gần 500 nhà trí thức tại Việt Nam đã ký thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng và tôn trọng thật sự các quyền căn bản của con người.[15]
 -“Thư tâm tình của Huỳnh Tấn Mẫm gởi các bạn thanh niên - sinh viên - học sinh” đề ngày 4/7/2014
 đòi thay thế “chế độ độc đảng, độc tài toàn toàn trị” bằng một “chế độ đa đảng, dân chủ pháp trị” như Lê Hiếu Đằng đã viết.[16]

-Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt vào ngày 4 tháng 7 năm 2014. [17]
-Ngày 30-5-2014, hơn một trăm nhà trí thức Việt Nam vừa ra thư ngỏ gửi đến đồng bào trong và ngoài nước cùng các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bày tỏ quan tâm về “tình thế hiểm nghèo khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm”,[18]


Những thư tâm tình, kêu gọi có kẻ khen, người chê.  Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫn, Nguyễn Đắc Xuân... giác ngô thật hay giác ngộ bịp?, Không ai tin ở những ông đã từng theo cộng sản, phản bội quê hương, và chúng ta cần tỉnh táo trước những tổ chức giả mạo dân chủ. Có thể ban đầu họ dân chủ nhưng sau bị cộng sản tràn ngập.

 Trong tháng 8 năm 2014, một bức thư làm sôi động tình hình chính trị Việt Nam. Bức thư đề ngày 28/7/2014 với 61 chữ ký của nhiều nhân vật hoạt động lâu năm và có tiếng ở Việt Nam như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Thứ trưởng Chu Hảo, các kinh tế gia Lê Đăng Doanh và Phạm Chi Lan... được gửi tới Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
-kêu gọi từ bỏ con đường xây dựng XHCN  theo mô hinh Sô viết và thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc.
-yêu cầu minh bạch hóa sự thật về quan hệ Việt – Trung và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế … - khuyến cáo nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tình hình tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông.
- Quan điểm 'không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba' là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi."[19]
Đó là một điều rất tốt cho công cuộc tiêu trừ chủ nghĩa Marx và đảng cộng sản nhằm xây dựng Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ. Tuy  nhiên trong số này có kẻ còn muốn  cứu đảng chứ không diệt đảng.  Họ muốn cộng sản tồn tại mãi mãi và họ muôn đời vẫn làm đảng viên cao cấp, vẫn ở trong giai cấp tư sản đỏ, giai cấp thống trị bóc lột như ông Tương Lai. Ông nói:":Cái lý do mà chúng tôi đứng lại trong đảng vì chúng tôi muốn rằng với tư cách là một người đảng viên, chúng tôi muốn làm sao cứu đảng ra khỏi cơn suy thoái trầm trọng này.[19]
Đó là tâm trạng kẻ muốn tiếp tục con đường cũ phản dân hại nước, của bọn trí thức gian manh, che đậy lòng ich kỷ, tham lam luôn muốn đè đầu cưỡi cổ thiên hạ suốt đời, nào có phải vì tổ quốc, nhân dân!.
Chúng ta đòi hỏi dân chủ nhưng là một  thứ  dân chủ thực sự. Đừng để cho cộng sản tồn tại, mang mặt nạ dân chủ như Hồ Chí Minh đã giải tán đảng Cộng sản lập đảng Lao động, và lập  ra các đảng dân chủ giả hiệu như   dảng Dân Chủ  của Cù Huy Cận ,  Vũ Đình Hòe và  đảng  Xã hội của Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Chánh để lừa bịp nhân dân ta và thế giới.
Chúng ta không nên tin tưởng vào bọn cộng sản vì bọn này đa số gian manh, tàn ác. Độc lập, tự do phải do ta tranh đấu, không thể xin xỏ ai, yêu cầu ai. Toàn dân hãy đứng lên quyết định vận mệnh của mình và của đất nước.

-----------

[1]. Cựu đại tá Bùi Tín nói về ông Hồ Chí Minh. http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/BuiTinTalkAboutHoChiMinh_TMi-20070518.html
[2]. Bùi Tín : "Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo" của Hồ Tuấn Hùng.
http://www.danchimviet.info/archives/2123/y-ki%E1%BA%BFn-nha-bao-bui-tin-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%91n-h%E1%BB%93-chi-minh-sinh-binh-kh%E1%BA%A3o-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93-tu%E1%BA%A5n-hung/2009/03
[3]. Phùng Cung. "Phùng Cung, truyện và thơ. Văn Nghệ. CA. 12/2003. Ván cờ khai xuân, tr.68
[4]. Trần Văn Tích. Lịch sử và dật sự –http://www.talawas.org/?p=1761
[5]. http://www.voatiengviet.com/content/cuoc-danh-trao-khong-the-co/1885671.html
[6]. Tình yêu Bác Hồ giành cho những khúc dân ca.
http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/hoctaphcm/mau-chuyen/Pages/Bac-Ho-va-dan-ca.aspx
[7]. Đâu Mới Là Sự Thật? Nguồn: http://menam0.multiply.com/journal/item/325/325. http://xoathantuong.tripod.com/mn_daumoila.htm
-http://bbp.bienphong.com.vn/nd5/detail/trang-nhat/ho-so-tu-lieu/chuyen-ke-rang-truoc-luc-nguoi-di-xa/36888.001055.html
[8]. Ba lần Bác cười trước lúc đi xa http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/242/242/242/101538/Default.aspx
[9].http://www.gov.tw/PUBLIC/view.php3?id=76989,"=49...main=GOVNEWS http://www.epochtimes.com.tw/newspagẹasp?catid=2...newsid=172253
 [10] .Huỳnh Tâm. Hồ Chí Minh, một gián điệp hoàn hảo - Kỳ 1 (Huỳnh Tâm)
http://huynh-tam.blogspot.ca/2014/05/ho-chi-minh-mot-gian-iep-hoan-hao-ky-1_5576.html
[11].. Huỳnh Tâm. Hồ Chí Minh - một gián điệp hoàn hảo (Kỳ 4)
 Huỳnh Tâmdanlambaovn.blogspot.com
[12].Cần làm sáng tỏ các tư liệu Trung Quốc công bố về Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140715-can-lam-sang-to-cac-tu-lieu-trung-quoc-ve-ho-chi-minh
 [13].Đảng viên lão thành kêu gọi thoát Trung.
 http://195.188.87.10/vietnamese/vietnam/2014/07/140729_veterans_open_letter.shtml
 [14].Kêu gọi thành lập chính đảng mới ở VN
.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130816_vietnam_new_party.shtml
[15]. : http://www.boxitvn.net/bai/44588
[16].http://www.voatiengviet.com/content/huynh-tan-mam-mot-dang-vien-cong-san-phan-tinh-muon-mang/1958261.html
[17]. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/1-ever-indep-journ-ass-come-act-in-vn-gm-07032014121902.html
[18].  http://www.voatiengviet.com 
Video from VOA Tiếng Việt
[19]. Những người cộng sản muốn cải tổ
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/communists-who-want-the-reform-kh-07292014094539.html


No comments: