Sunday, November 20, 2016

NGUYỄN VỸ * NGUYỄN NHƯỢC PHÁP * VICTOR HUGO *VĂN THƠ VỀ CỘNG SẢN

SINH NGUYỄN * MỸ ĐẾN NGỤY VỀ

Vái cho Mỹ đến,

vái cho "Ngụy" về?

 Có phải cái thời "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" đã qua... Bây giờ đến "Vái cho Mỹ đến, vái cho Ngụy về"?

.
Cái triết lý: "Tất cả rồi cũng sẽ qua đi và tất cả sẽ không là mãi mãi" Và "Tất cả đều không có thể và tất cả đều có thể". Ngẫm suy hai câu này thấy thấm. Đúng lắm chứ, vì trên đời này có gì trường tồn mãi đâu! Có ai ngờ ông Obama là người da màu lại làm Tổng Thống Mỹ. Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng, Tàu cộng hung hãn và ngang ngược thế này, làm sao chơi thế đu dây được nữa. Bây giờ đến lúc lãnh đạo CSVN phải "vái cho Mỹ đến, vái cho Ngụy về"là cấp bách lắm rồi. Không biết vái lạy lắm lắm mà Mỹ họ có đến và "Ngụy" họ có về không đây? Lo lắm! Vì Mỹ đến, "Ngụy" về, hy vọng biên cương biển đảo nước Việt của chúng ta sẽ không rơi vào tay Tàu cộng.
Mấy ngày nay, trên các trang tin tức, đã cho chúng ta thấy, tình hình biển Đông đang nóng lên như ngọn núi lửa sắp phun trào, có lý do nào khác ngoài sự hung hăng ngang ngược của bọn Tàu cộng đòi chiếm lấy gần 90% biển đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Tổ Quốc ta, mà chúng đã chiếm gần hết. Mỹ đã bỏ chiến trường Uraina, gấp rút đem tàu chiến, máy bay đến biển Đông, chính phủ Úc sẵn sàng tiếp tay với Mỹ, Nhật thì có sẵn hiệp định đồng minh với Mỹ và một số nước khác cũng đang chuẩn bị tham gia cùng Mỹ. Để làm gì? Để cắt đứt cái lòng tham lam ngang ngược của Tàu Cộng đang diễn biến ở biển Đông, để băm nát cái máu bành trướng Đại Hán. Còn Việt Nam cộng sản của "đảng ta" phải làm gì bây giờ? Im lặng rồi dâng hiến tổ quốc này cho Tàu Cộng chăng? Không... không thể. Phải vái cho Mỹ đến và vái cho "Ngụy" về càng nhanh càng tốt. Chỉ có thế mà thôi.
Mỹ là ai? Là kẻ thù khắc cốt ghi xương của CSVN trước đây, trong lớp trẻ học cấp 1 cấp 2 bây giờ, các cháu đã được CSVN nhồi sọ: "đời đời căm thù đế quốc Mỹ" v.v... Nhiều lắm, nhiều lắm. Tôi chỉ ghi một điều là họ nhồi sọ đến độ các cháu xem Mỹ là quân cướp nước. Đầu óc non nớt chúng có hiểu thế nào được, đến lúc vào đại học, qua sự trưởng thành, trí não phát triển, đọc tin tức và tài liệu qua mạng, chúng có tầm suy luận sâu hơn, cao hơn, chúng mới hiểu ra Mỹ có phải là kẻ cướp nước hay không? Chúng sẽ hiểu vì sao VN ta lại có chiến tranh? mà là cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn. Riêng tôi và quý vị chắc cùng khẳng định Mỹ không phải là kẻ muốn cướp nước VN, chỉ giúp miền Nam VN chống lại làn sóng xâm lăng của CS từ miền Bắc, cũng như Mỹ đã giúp Nam Hàn chống lại CS Bắc Hàn, xong rồi Mỹ có chiếm Nam Hàn đâu? ngược lại còn giúp Nam Hàn trở thành một nước phát triển hùng mạnh về kinh tế trên thế giới. Thực tế trên thế giới này Mỹ có cướp nước nào đâu? Trái lại nước nào theo Mỹ và là đồng minh của Mỹ đều giàu mạnh về kinh tế, quốc phòng, chả có nước nào khác dám làm gì. Phải chi VN là đồng minh của Mỹ, thì bố thằng Tàu Cộng dám hó hé và VN ta đâu có mất Hoàng Sa, một số đảo của Trường Sa...
Bây giờ thì Mỹ đã thật sự đem máy bay tàu chiến đến ngăn cản Tàu Cộng, không cho Tàu Cộng làm sân bay, bến cảng, lập căn cứ quân sự trên các đảo mà Tàu cộng đã dùng vũ lực chiếm lấy của VN ta. Điều này không phải vì Mỹ yêu thương gì VN đâu, trước nhất cũng vì lợi ích của quốc gia họ, thứ hai, họ là một cường quốc, bá chủ thế giới, họ phải tỏ ra mình là đấng trượng phu, không để một thằng gian manh như Tàu Cộng, hiên ngang hống hách, ỷ mạnh hiếp đáp và cướp giật lãnh thổ của nước yếu như VN ta và Philippines v.v... Tôi nghĩ, lãnh đạo CSVN phải biết điều này, và phải chịu ơn Mỹ. Trước đây là kẻ thù còn bây giờ là ân nhân cứu nguy cho Tổ Quốc ta đấy, các ông lãnh đạo CSVN ạ... Nếu lãnh đạo CSVN còn một chút lương tri, vì Tổ Quốc hơn vì đảng, thì các lãnh đạo đảng "Vái cho Mỹ đến" là đúng thôi.
"Ngụy" là ai? Là người VN, không theo chế độ CS, là người của chính phủ VNCH ở miền Nam VN. Họ luôn luôn tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền, họ đa nguyên đa đảng chứ không độc tài đảng trị như đảng CSVN. Bây giờ những người mà CSVN cho là "Ngụy" đó ở đâu? họ là người thế nào? CS miền Bắc sau khi chiếm lấy miền Nam VN, hơn một triệu anh "Ngụy" và đồng bào miền Nam đã tìm mọi cách chạy trốn chế độ CS này, họ trốn ra nước ngoài bằng mọi cách và bằng mọi giá, họ trốn bằng đường rừng, họ vượt biển, không biết bao nhiêu người đã bỏ xác ngoài biển khơi, làm mồi cho cá dữ. Gần một triệu người là quân nhân, là cảnh sát là cán bộ công chức, đã bị CSVN bắt đầy vào các trại tập trung cải tạo, có người không chịu nổi gian lao cực hình, đã bỏ xác giữa rừng sâu nước độc, gia đình họ cũng phải chịu liên lụy và trừng phạt, đa phần họ bị tịch thu nhà cửa, con cái họ mang lý lịch là con "Ngụy" thì bị cắt đứt đường học vấn, lý lịch là gia đình "Ngụy" thì phải vào chốn rừng sâu nước độc, tự tìm kế sinh nhai, gọi là đi kinh tế mới, thật ra là bị đi đày. CSVN xem những người "Ngụy" này như cỏ rác...

Thế thì bây giờ, tại sao CSVN lại "vái cho Ngụy về"?

Vì... thứ nhất, họ là những người yêu nước, họ yêu tự do, yêu dân chủ, họ không độc tài cai trị, họ tam quyền phân lập hẳn hoi, họ đa nguyên đa đảng, đảng này dở thì dân có quyền bầu đảng khác lên điều hành đất nước, chứ đâu phải như đảng CSVN, cứ khư khư ôm chặt lấy đảng, ôm chặt chủ nghĩa Mac-Lênin, XHCN, từ cái sai này đến cái sai khác, mà mỗi lần đảng CSVN sai là đi tong vài triệu dân vô tội VN. Nào là đấu tố trong chủ trương cải cách ruộng đất, rồi đánh tư sản mại bản, vì sợ mất lòng đảng, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, đạo đức con người cũng vì theo đảng mà băng hoại, xã hội suy đồi, cái chủ nghĩa Mác vô thần ấy nó khiến đảng dẹp bỏ đình chùa miếu mạo, dẹp bỏ thờ cúng tổ tiên... Khi đảng nhận ra sai thì xã hội này đã băng hoại biết dường nào? Rồi đảng nhận sai, sửa đổi, rút kinh nghiệm... cứ ói ra cho đã rồi liếm lại, rồi huề cả làng, rồi đảng cứ lãnh đạo, cứ ngạo mạn, kiêu ngạo đảng ta sáng suốt, đảng ta thần thánh, cứ tự sướng này đến tung hô khác, dân vẫn lầm than, đất nước cứ trì trệ, tụt hậu.

Tính đến thời điểm này, Lào và Campuchia đã vượt mặt, thế mà lãnh đạo CSVN cũng không biết xấu hổ về sự lãnh đạo của mình, cứ mãi đảng quang vinh muôn năm, cứ mị dân rằng đảng vì nước vì dân, vì nước vì dân hay vì các ông hả CSVN? Có thể một phút giây nào đó, các ngài lãnh đạo CSVN cũng hé hé, chút chút thấy bọn Tàu cộng quá xảo quyệt, dùng mọi thủ đoạn để cướp nước ta, nhất là lúc này, sự việc của Tàu cộng nó rõ như ban ngày, cả thế giới đều biết, chả lẽ các ngài không biết?

Thứ hai "vái cho Ngụy về" là vì một số "Ngụy" qua định cư nước ngoài, có nhiều người thành đạt, con cháu họ học vấn thâm cao, phải vái họ về, vì khi họ về thì họ mang tiền bạc và trí tuệ về để cứu nước. Tôi dùng từ "vái cho Ngụy về" chứ CSVN thực sự là họ vái lậy đấy nhưng bản chất CS mà, họ kiêu ngạo lắm, họ xảo quyệt ngọt bùi, họ vái nhưng lại dùng từ: "Kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc".

"Ngụy" họ khôn lắm, họ sẽ không về hoặc chưa về, vì họ không bao giờ tin những gì CS nói, cũng như lời TT Nguyễn Văn Thiệu dã nói "Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ nhưng gì CS làm". Bây giờ CSVN có vái có lạy cho "Ngụy" họ về thì CSVN phải làm đã. Mà làm cái gì? tức là phải dẹp bỏ đảng CS đi, bỏ cái XHCN đi, phải tự do dân chủ, phải thực lòng vì nước vì dân. Họ sẽ về hợp lực cùng nhân dân đánh đuổi bọn bành trướng Bắc Kinh, chắc sẽ thắng, vì lịch sử VN ta từ ngàn xưa là vậy, khi toàn dân một lòng thì dù có trăm ngàn vạn địch, dân ta vẫn đánh tan.

Ngày 30/04 vừa qua, dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đọc diễn văn chữi Mỹ, ngày khai mạc và bế mạc hội nghị 11 dù trong diễn văn ông Trọng cứ giọng cũ mèm là luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định tiến lên XHCN, nhưng trước cảnh dầu sôi lửa bỏng này, trước sự việc Tàu Cộng đã ngang ngược tuyên bố cướp nước ta (vì chúng tuyên bố 90% biển Đông là của chúng) chúng quyết lấy bằng được, thế thì đã rõ, tự nhiên sao tôi lại nảy sinh một niềm tin, ông Trọng và ông Dũng sẽ đổi thay. Vì sao đổi thay? Vì các ông là người VN, cũng đang mang dòng máu đỏ và da vàng, cũng còn dòng máu của bà Trưng bà Triệu, cũng chung dòng máu của Lý Thường Kiệt, của Quang Trung và các ông là CS, mà CS là nói một đàng làm một nẻo, cho nên dù ông Dũng có chửi Mỹ, ông Trọng có kiên định Mác-Lênin, tôi vẫn đặt một chút niềm tin: trong lòng các ông vẫn có ý: "Vái cho Mỹ đến, vái cho Ngụy về". Vì như tôi đã nói ở trên: "Tất cả đều không thể và tất cả đều có thể".

19.05.2015

Sinh Nguyễn Pr.

MX.MAIVĂN TẤN * NHÂN QUẢ


 MX.MAIVĂN TẤN * NHÂN QUẢ
Nhớ mãi một câu chuyện tôi cứ nghĩ không bao giờ xẩy ra trong đời người. Nhưng nó đã xẩy ra một cách hết sức bất ngờ trong những ngày lao tù dưới chế độ CS ở miền Bắc Việt Nam. Hình như một sự mầu nhiệm nào đó để ngăn cản những người CS bớt làm điều ác để mọi người bớt nguyền rủa và chính bản thân cũng như gia đình họ gặp những điều an lành hơn. Câu chuyện khó có thể tin và ngoài sức tưởng tượng của con người.

       Những ngày tháng ở trại tù cải tạo (trại 2 liên trại 2) Hoàng Liên Sơn, gần bản Mường Côi thuộc huyện Nghiã lộ. Ngày ngày đoàn tù lao động như lấy gỗ, chặt giang, nứa, củi… hoặc đi nhận thực phẩm ở Phù Yên đều đi ngang qua các nhà của dân chúng ở hai bên đường. Họ là thành phần bị chỉ định cư trú mà CS gọi là “Khu Kinh Tế Mới“. Có những người từng làm việc hoặc ở trong quân đội của chính phủ Pháp. Những người sống dưới chế dộ cộng sản nhưng không đúng đường lối hoặc quan điểm. Tóm lại những người mà chế độ cho là nguy hiểm, xét lại hay có hại đối với chế độ, thêm vào đó là người dân bản xứ.
Ðặc biệt mỗi lần ngang qua nhà anh Trung (anh bị thương ở tay cử động khó khăn, VC gọi là Trung Khều làm nghề thợ may), quản giáo và vệ binh (danh từ VC) hay ghé lại nhà anh ngồi nghỉ, uống nước chè hút thuốc lào và tán gẫu. Nhân tiện những người tù cũng ngồi la liệt hai bên đường trước cửa nhà anh để nghỉ. Anh hay đem thuốc lào và nước để anh em dùng. Thời gian này anh em nghiện thuốc lào bất đắc dĩ vì không có thuốc lá. Mặc dầu trong bụng lúc nào cũng cồn cào vì cái đói triền miên, nhưng thuốc lào hình như cần thiết hơn. 

Thấy sự đối xử anh Trung rất khác biệt với những người khác. Ðó là điều hiếm hoi trong một chế độ lấy lừa dối làm chính, xem mạng người như cỏ rác và đầy hận thù. Các con của anh cũng khác xa với “cháu ngoan bác hồ” [mất dạy không chỗ nào nói nổi], không bao giờ gọi chúng tôi là “thằng tù”.

Một lần chúng tôi ngồi nghỉ trước nhà anh trên lề đường để uống nước và hút thuốc lào do con anh mang đến. Nội quy cấm không được tiếp xúc với dân, nếu vi phạm sẽ bị cùm trong nhà kỷ luật vì vậy mọi sự tiếp xúc phải lén lút đừng để bọn cán bộ bắt gặp. Nhân tiện tôi hỏi cháu sao không gọi các chú là “thằng tù“ giống như các đứa trẻ khác. Cháu trả lời “Bố cháu dạy các bác các chú là thành phần học thức miền Nam, vì vận nước phải đi tù chứ không có tội tình gì cả. 

Các con phải đối xử lễ độ với họ và tôn trọng họ“. Thấy sự việc càng ngày xẩy ra không đơn giản, phải có nguyên do sâu xa nào đó mà tôi chưa biết. Trong đầu tôi tự hỏi mãi “tại sao”, mà chính tôi chưa bao giờ trả lời được. Lúc bấy giờ trong trại khoảng 300 tù nhân chỉ có 2 người là TQLC, tôi và anh Nguyễn Văn Ðốc. Nhưng anh Ðốc làm thợ rèn không bao giờ ra khỏi trại, chỉ một mình tôi TQLC lao động ngoài trại (Anh Ðốc đã mất vài năm nay tại Houston.)

Mãi đến ngày gần Tết năm 78, tôi được trại giao công tác lấy lá dong mang về trại để gói bánh chưng cho bộ đội lẫn tù nhân. Tôi đi ngang qua nhà anh, thấy anh ra hiệu tôi xuống suối trước cửa nhà anh, rồi anh đi theo xuống gặp tôi và lại ngồi gần tôi. Một lúc rất lâu anh không nói năng gì cả. Tôi thấy anh ngồi trầm tư và suy nghĩ, đôi mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi ngồi im lặng tôn trọng sự suy nghĩ cuả anh. Một lúc sau anh bắt đầu kể với giọng trầm buồn.

- “Năm 73 sau ngày ngưng chiến, một buổi sáng nhiều sương mù, tôi đi theo bờ biển để tìm cua, ốc tại thôn Gia Ðẳng. Vì không kiểm soát được nên tôi lọt qua phòng tuyến của anh và bị các anh bắt được. Tôi rất lo ngại là sẽ bị các anh đánh đập, nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi, các anh đã đưa thuốc cho tôì hút và tử tế đưa tôi về BCH của các anh. 

Tôi được một anh lính Thủy đánh bộ mang quân hàm Thượng úy hay Ðại úy gì đó, tôi không biết chắc chắn lắm, dẫn tôi ra Huế để ăn uống và xem chiếu bóng bằng xe ôtô con. Thú thật anh, trong lòng tôi vô cùng cảm xúc cách đối xử tử tế của các anh. Nhưng tôi không thể ở lại với các anh mặc dù tôi rất muốn, vì các anh cũng biết tôi còn gia đình hiện đang sống bên kia và sẽ bị trù dập nếu tôi là hàng binh. 

Sau một ngày đi chơi rất thoải mái tôi được các anh trả về đơn vị tôi. Từ đơn vị của các anh tôi chạy về đơn vị tôi. Thú thật tôi không ngờ các anh không bắn theo tôi mà thực sự có ý định thả tôi. Tôi về phải làm tờ kiểm điểm và phải nói lên sự đối xử tàn ác của các anh. Thú thật anh lương tâm tôi rất xẩu hổ nhưng không viết như vậy không được.

Rồi đến ngày “Giải phóng miền Nam“, tôi bị phục viên và được chỉ định đem gia đình về đây sinh sống. Tôi nghĩ chế độ nào dù bạo tàn hay nhân đạo theo thời gian cũng phải thay đổi, con người dù sống một thế kỷ rồi cũng mai một đi. Chỉ có tình người là trường tồn vĩnh cửu, mặc dầu chế độ và xã hội hiện tại rất hiếm hoi. “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“. Ngày hôm nay tôi đối xử tử tế với các anh là vì tôi nhớ mãi sự tử tế của các anh đối xử với tôi, mà trong tư tưởng tôi luôn luôn bị nhồi nhét các anh là thành phần ăn gan uống máu đồng loại. Tôi nghe bộ đội nói tên anh và cho tôi biết anh là “Lính Thủy đánh bộ“ trốn trại vừa bị bắt lại còn đang kỷ luật.

Ngày hôm nay tôi kể cho anh nghe câu chuyện này mà tôi đã giấu kín từ lâu. Tôi biết anh là lính thủy đánh bộ nên thổ lộ cảm nghĩ của tôi vì tôi tin anh cùng đơn vị đã bắt tôi cũng đã biết hoặc đã nghe chuyện này. Tôi muốn nói với anh lời cuối, anh nên giữ gìn sức khoẻ, đừng có trốn trại mà sẽ không bao giờ thoát được mà chỉ thiệt thân, hãy chờ đợi ngày về với gia đình. Tôi không biết thời gian nào nhưng tôi nghĩ rằng sẽ lâu lắm. Ðiều tiên quyết là anh phải còn sống mới về sum họp với gia đình, anh nên nhớ điều hết sức quan trọng này.”

Sau khi nói xong anh đưa tôi gói xôi và trở lại nhà, và nói “Anh ăn đi tôi không có gì hơn để giúp anh.” Trong khi vừa ăn xôi vừa nghĩ lại những lời tâm sự của anh.

Ðúng là năm 73 sau khi có lệnh ngưng chiến tại chỗ đơn vị của Thiếu Tá Trần Quang Duật, Tiểu Ðoàn Phó TÐ1/TQLC có bắt được 1 tù binh đi lạc vào tuyến phòng thủ của TÐ1 ở thôn Gia Ðẳng. Sau khi giải giao về BCH/LÐ/258 đang đóng ở Hội yên. Lữ đoàn Trưởng Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh đã xin lệnh cấp trên để đưa anh ra thị xã Huế ăn uống vui chơi mong tìm hiểu thêm tin tức và mong anh ta hồi chánh. Tôi được cấp xe, tiền để đưa anh ra Huế ăn uống và xem chiếu bóng.


 Tôi không hỏi tên anh vì tôi nghĩ anh sẽ nói tên giả. Ðầu tiên ăn phở anh ăn ngon lành như chưa từng được ăn ngon như thế, được uống cà phê, hút thuốc lá và đi xem chiếu bóng. Trước khi về tôi đưa anh ra quán chè ở cồn Hến để anh giải lao và nhìn đồng bào ta nhộn nhịp qua lại. Anh đăm chiêu và tận hưởng những gì được ưu đãi, chắc anh nghĩ trong đời anh khó có dịp được hưởng lần nữa. Một lúc anh nói với tôi: “Các anh tử tế lắm, ăn uống rất ngon và thành phố tấp nập. 


Tôi thích lắm, nhưng tôi không ở lại với các anh được vì tôi còn gia đình đang sống bên kia”.  Trên đường trở về tôi được lệnh trả anh về cho TÐ1/TQLC để đơn vị này thả anh tại nơi bắt anh để anh trở về đơn vị.

Biết rõ và nhớ rất rõ từng chi tiết theo lời tâm sự của anh. Nhưng suốt thời gian nghe anh tâm sự, ngồi lặng yên tôi lắng nghe. Không xác nhận cũng như không nói lời nào cả. Ở tù với CS một thời gian tôi thấm thiá sự gian trá lừa lọc và tàn ác của họ. Năm 1979 khoảng tháng 7 trời rất là nóng bức từng cơn gió Lào làm cháy da thịt. Tôi xuống suối để rửa mặt cho đỡ nóng bức. Anh xuống theo và gặp tôi. 

Anh Trung đưa cho tôi 2 củ khoai lang đã chín, vài viên kẹo, một nắm thuốc lào và nói: “Tôi chỉ có thể giúp anh bấy nhiêu, anh cũng biết là mọi người rất nghèo, không dư dả như miền Nam của các anh. Tôi nghe 5 người trốn trại sẽ được di chuyển đến trại khác vào ngày mai. Tôi chúc anh may mắn, và tôi nghĩ chúng ta khó có ngày gặp lại. Mong anh giữ gìn sức khoẻ”.

Tôi suy nghĩ sự chuyển trại là một tin không bao giờ cho tù nhân biết, nếu tiết lộ sẽ có biện pháp kỷ luật ngay. Chắc là anh tin tôi mới cho tôi biết. Tôi bèn nói nhanh với anh vì ngập ngừng thì tôi sẽ không bao giờ dám nói: “Người Lính Thủy Ðánh Bộ mà anh kể chính là tôi”. Nói xong tôi chào anh và quay lưng lên đường nhập chung với đội.  Ðúng ngày mai, 5 người chúng tôi chuyển về liên trại nhập chung với những người trốn trại ở các trại khác di chuyển về trại Phú Sơn 4 Bắc Thái để công an quản lý. Tôi nhớ mãi hành động cũng như cách cư xử thân thiết và tử tế của anh. Tôi nguyện trong lòng một ngày nào đó, nếu còn sống sót để trở về với gia đình tôi sẽ tìm gia đình anh để thăm. 

Mãi đến cuối năm 87 tôi mới được thả ra khỏi trại cải tạo về với gia đình. Về đến nhà bao nhiêu chuyện phải lo: lo ăn, lo mặc, lo chỗ ở, lo kiếm tiền để sinh sống cho chính mình và gia đình mình. Sau đó phải lo giấy tờ hồ sơ để xuất cảnh. Bao nhiêu chuyện phải gánh vác không còn thì giờ nghĩ đến gia đình anh Trung cho đến khi gia đình tương đối ổn định sau khi được định cư ở Hoa Kỳ.

Năm 1994, nhân một chuyến làm ăn ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 1 người Hoa quốc tịch Mã Lai. Trong khi chờ đợi hợp đồng với 1 xưởng mộc, anh ta hỏi tôi có muốn về thăm viếng VN hay không. Tôi không có ý định về VN vì chế độ CS còn tồn tại, cha mẹ tôi đã qua đời, hơn nữa tôi mới rời đất nước một thời gian ngắn khoảng 4 năm, không có lý do để về VN. Bỗng tôi nghĩ đến anh Trung tôi đổi ý muốn về VN một chuyến. Sau vài ngày ở Saigon, tôi tìm cách đi ra miền Bắc đến tỉnh Hoàng Liên Sơn tìm gia đình anh Trung. Ðáng tiếc cảnh vật cũng như người đã thay đổi, không có cách gì tìm lại được gia đình anh. 

Tôi trở lại Saigon trong lòng vô cùng hối tiếc và ân hận. Nhưng tôi nghĩ mọi việc đều được thượng đế an bài, tôi cố công đi tìm nhưng không gặp được cũng là do ý trời. Lý luận như thế để lường gạt lương tâm được yên ổn không còn bứt rứt nữa.

Vài ngày sau đó không có chuyện gì để làm, hơn nữa Saigon nóng bức và chật chội, tôi có ý định về miền Tây chơi. Tôi ra bến xe Tân cảng Phú lâm mua vé xe về Cần thơ.
Trong khi chờ đợi xe khởi hành, tôi ngồi quán uống nước nhìn người qua lại tấp nập và vội vã hình như thời gian không đủ đối với họ. Bỗng nghe 2 anh khuân vác giành mối gây nhau bằng giọng Bắc mà theo kinh nghiệm xương máu của tôi đúng là giọng Bắc Kỳ năm 75. 
Hai anh cãi nhau nhiều, nhưng chỉ một câu làm tôi chú ý và ngạc nhiên. “Mày, con Trung Khều, bố con mày là thành phần phản động phải sống ở vùng núi, không được sống vùng đồng bằng như gia đình tao, tao không xem mày ra gì c...” Câu nói này làm trong đầu óc tôi hiện lên hình ảnh quen thuộc xa xưa, nhưng không biết chắc đúng hay không.
Ðợi 2 anh cãi xong lại gần anh bị anh kia mắng, tôi hỏi: “Anh quê ở đâu mà vào Nam làm nghề khuân vác”. Anh nhìn tôi ngỡ ngàng và đôi chút ngạc nhiên. Tôi bèn mời anh lại chỗ tôi ngồi và gọi nước cho anh.
Một lúc sau anh ta tâm sự, “Gia đình tôi trước ở Mường Côi tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau đó cả gia đình di chuyển về Phủ Lý tỉnh Nam Ðịnh để sinh sống. Nhưng cuộc sống quá khổ thiếu thốn đủ thứ, gia đình quá nghèo nên tôi định vào Saigon để kiếm tiền giúp gia đình.” 
Tôi bèn hỏi “Hồi nẫy tôi nghe anh kia nói bố anh là Trung Khều phải không?” 
Anh nhìn tôi và nói: “Bố tôi là bộ đội phục viên, tay bị thương nên mang tật”. 
Tôi bèn nói bố anh làm nghề thợ may phải không? 
Anh ngạc nhiên hỏi vì sao tôi biết. Anh nhìn tôi chăm chú và nói “Bác là Việt kiều ở nước ngoài về phải không?” 
Tôi hỏi tại sao anh lại đoán chắc như thế. Anh bèn chỉ đôi giầy tôi đang mang và nói “Ða số người ta chỉ mang dép mà bác lại mang giầy Adidas”. 
Tôi mỉm cười nói với anh ta “Tôi cũng ở Mường Côi Hoàng Liên Sơn 3 năm”. 
Anh cười nói “Bác nói giọng Nam rặt sao lại ở Hoàng Liên Sơn?”. 
Tôi bèn nói tôi ở tù cải tạo ở đó. Anh ta mừng rỡ nói, “Bác ở trại tù 9 căn bị cháy hết đó phải không?” Tôi nói phải, anh nhớ dai lắm. 
Anh ta nói thêm: “Các bác các chú ở trong trại đó lao động ngang qua nhà cháu, hay nghỉ hai bên đường trước cửa nhà để uống nước và hút thuốc lào”. 
Tôi liền nghĩ: “Khổ công lặn lội đi tìm không được, tình cờ lại gặp cố nhân”. Tôi bèn hỏi thăm bố mẹ anh ta. Anh ta kể: “Bố cháu bây giờ yếu lắm, di chuyển đi lại khó khăn, không làm gì cả. Chỉ có mẹ cháu buôn bán ngoài chợ Phủ Lý nhưng không đủ ăn. Không có vốn làm sao kiếm tiền được. Gia đình cháu rất vất vả và nghèo khổ.” 
Tôi lấy 200 đồng (Dollars) để giúp anh và gia đình anh và gửi lời hỏi thăm bố mẹ anh… Tôi nói tên tôi cho anh biết và nghĩ rằng bố anh có lẽ còn nhớ. Tôi viết địa chỉ cho anh để sau này anh có thể liên lạc được với tôi.

Sau 7 ngày lang thang ở VN, tôi trở lại Malaysia để tiếp tục công việc làm ăn... Trong lòng tôi thực sự thơ thới, hân hoan cũng như tràn đầy hạnh phúc, như vừa trút bỏ gánh nặng ngàn cân trên vai và đã thực hiện được điều tâm nguyện của mình. Mọi việc lặng lờ trôi vào quá khứ và tôi quên bẵng đi một thời gian. 
Năm 1995 khoảng tháng 5, tôi nhận được một lá thư. Lời lẽ trong thư là lời lẽ của một anh bộ đội miền Bắc đã phục viên. Tôi muốn gìn giữ từ ngữ của anh dùng để người đọc có ý niệm rõ chứ tôi không có ý dùng từ ngữ VC…..

“Tôi được con tôi kể lại, anh tặng cho nó và gia đình tôi một số tiền quá lớn đối với trí tưởng tượng của tôi. Tôi nghĩ trong chế độ xã hội hiện nay rất thiếu tình người, không ai cho tôi một số tiền lớn lao như thế và đối xử tử tế như anh vậy. Nhờ đó vợ tôi có số vốn buôn bán, cuộc sống đỡ hơn trước nhiều lắm. Thật sự bây giờ tôi không thể nào hình dung được hình ảnh của anh, hình như thời gian đã làm cho tôi quên mất. Nhưng việc làm của anh đã giúp cho tôi “một ấn tượng bức xúc” không bao giờ tôi quên được. Tôi rất mừng cho anh và gia đình anh đã thoát khỏi sự cùng cực đau khổ. Là nạn nhân của một chế độ bất nhân, tàn bạo và hận thù nhưng mọi người trên thế giới mở rộng vòng tay giúp đỡ. Chế độ đó, tôi đã phục vụ cả cuộc đời tôi và hy sinh xương máu để bảo vệ.
Cuối cùng tôi xin nói với anh rằng. Thuyết nhân quả của nhà Phật đã đánh tan bức tường vô thần trong đầu óc tôi. Bây giờ sự suy nghĩ của tôi vào giờ phút còn lại của cuộc đời hoàn toàn thay đổi hẳn. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào câu nói của nhà Phật “Gieo nhân nào hưởng quả nấy”
Tôi thành thật cảm ơn anh. Sự tử tế của anh đã làm biến đổi con người tôi thành người tốt như hiện nay, theo ý tôi nghĩ…


NGUYỄN VỸ * THẾ LỮ

Thế Lữ (1907 - 1989)
 NGUYỄN VỸ

Tôi không quen biết Thế Lữ, không gặp chàng lần nào, mãi đến hôm chàng đến thăm thôi, với một máy hình xách tay.
Một thời gian trước đó khá lâu, Thế Lữ đã viết hai bài trong báo Phong Hóa, kích bác tôi hết sức tàn nhẫn. Trong tuần báo Đông Phương của Lan Khai, tôi có đáp lại về quan điểm Thơ, còn những lời Thế Lữ mạt sát, thì tôi gác ra một bên, không đề cập. Tôi không muốn gây với Thế Lữ một cuộc bút chiến, vì trong các bài đả kích tôi Thế Lữ có chủ tâm rõ rệt là “đập cho chết không cho ngóc đầu dậy được nữa”, chứ không cố tình trao đổi quan điểm văn chương.

Vi Huyền Đắc, một nhà soạn kịch ở Hải Phòng, hiện nay ở Sài Gòn, và quen thân với Thế Lữ, có kể chuyện cho tôi nghe rằng một hôm Thế Lữ xuống Hải Phòng thăm anh, anh hỏi chàng: “Vì sao công kích Nguyễn Vỹ như thế?” thì đại khái Thế Lữ trả lời “Đập cho nó chết”. Vi Huyền Đắc liền bảo: “Trong vườn Văn học nước ta hiện đang khô khan nghèo nàn, Nguyễn Vỹ cũng là kẻ đã gieo hạt giống mới như các anh, sao anh không để cho hạt giống ấy mọc lên mà lại muốn nó chết đi?”

Vi Huyền Đắc lúc bấy giờ chưa quen biết tôi, tôi càng cảm động khi nghe anh kể lại câu chuyện ấy. Nhưng nói với Thế Lữ về triết lí xã hội, hay lí tưởng văn học, thật chẳng ích lợi gì.
*
Tôi vẫn chưa hiểu với mục đích gì bữa trưa hôm ấy Thế Lữ đến thăm tôi.

Bấy giờ gần 3 giờ, một buổi chiều Chủ nhật nắng gắt. Tôi ở một mình trên gác trọ một nhà buôn nước mắm ở Khâm Thiên gần Ô Chợ Dừa. Cửa phòng tôi vẫn mở toang ra, nắng và gió lùa vào ngập cả căn phòng quạnh quẽ. Tôi đang ở trần, ngồi xem sách.
Bỗng một chàng từ dưới cầu thang bước lên, tiến vô cửa. Đi với chàng có một cậu, trán dồ. Chàng là ai, tôi chưa quen: mặt lưỡi cày, màu da bềnh bệch, vai hơi gù, người gầy, không cao không thấp, đôi mắt ranh mãnh. Tôi thấy khách lạ, vội vàng chạy vào sau màn, bức màn ngăn phòng khách và bàn viết của tôi, mặc áo ra tiếp. Chưa kịp hỏi, chàng đã cười, tự giới thiệu:

- Thế Lữ.
Tôi mỉm cười, đưa tay bắt tay chàng:
- Hân hạnh.
Chàng quay lại giới thiệu chú trán dồ:
- Anh Vũ Đình Liên, Cao đẳng Luật.
Tôi mời khách ngồi.

Câu chuyện hàn huyên về gia đình, đời sống, rồi nói chuyện văn nghệ, kéo dài độ một tiếng đồng hồ. Thế Lữ cho tôi biết anh là cựu học sinh trường Bách Nghệ Hải Phòng (như trường Kĩ Thuật Cao Thắng ở Sài Gòn hiện giờ). Tên anh là Nguyễn Thứ Lễ, nói lái thành ra Thế Lữ. Chữ “Lễ” là Lê ngã, thành ra “Lê Ta”. Trước, anh có đăng thơ rải rác trên vài tờ báo nhưng ít ai để ý. Anh nổi tiếng nhờ báo Phong Hóa “lancer”, do một bài của Nhất Linh giới thiệu. Lúc gặp Thế Lữ, tôi mới 23 hay 24 tuổi gì đó. Thế Lữ lớn hơn tôi 4, 5 tuổi, theo lời anh nói.

Ngồi ghế đối diện với tôi, chính là kẻ đã nói xấu tôi và chửi thơ tôi tơi bời trên báo Phong Hóa, nhưng tôi muốn quên chuyện khó chịu đã qua, để tiếp một người khách có nhã ý đến gặp mình và hôm nay nói với mình toàn những lời vui vẻ, bông đùa, lịch sự. Thế Lữ không ngần ngại khen vài ba bài thơ của tôi vừa đăng trên hai tờ báo Văn Học tạp chí và Phụ Nữ…

Tôi cảm kích đáp lại:
- Cảm ơn anh quá khen. Tôi làm thơ giải trí, đâu hay bằng thơ anh được.

- Thơ Pháp văn của anh, các bạn tôi và tôi cũng công nhận có mấy bài hay.
- Tôi chỉ làm bậy bạ chơi chớ người mình làm sao làm thơ Tây! Vả lại dạo này tôi hết làm thơ Tây rồi.

Trương Tửu tới. Cậu cũng tình cờ lần đầu tiên gặp Thế Lữ. Tôi vừa giới thiệu xong, mặt Trương Tửu bỗng đỏ bừng lên như người vừa uống một hũ rượu. Nhưng chàng cũng ngồi ghế, vui vẻ chuyện trò.

Không được một tách trà đãi khách, Trương Tửu khát nước, ra chum đựng nước mưa ngoài sân, múc vào một bình đầy, rót ra bốn tách, ai nấy uống ngon lành.

Tôi không đá động đến hai bài của Thế Lữ chửi tôi trên Báo Phong Hóa. Nhưng Trương Tửu cười khàn khàn, với giọng hơi khiêu khích, bảo Thế Lữ rằng tên tôi không phải Vĩ là đuôi, mà Vĩ có bộ nhân đứng một bên, có nghĩa khác. Phong Hóa xuyên tạc cả cái tên của người để mà cười thi có ý nghĩa gì?

Thế Lữ bào chữa:
- Trong Phong Hóa vẽ khôi hài cũng như chế giễu để đùa chơi cho vui thế thôi, không có ác ý. Đối với nhân vật nào cũng thế. Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Tiến Lãng, Cụ Nguyễn Văn Tố, cũng bị Phong Hóa chế nhạo, các ông ấy có giận chúng tôi đâu.

Trước khi ra về, Thế Lữ tỏ ý muốn chụp vài tấm hình Trương Tửu và tôi để dán album của chàng, nhưng Vũ Đình Liên xem máy ảnh thấy hết phim.

Tuần lễ sau, nhân buổi sáng đến nhà trọ của Lưu Trọng Lư chơi, ở một ngôi Chùa trên trại Hàng Hoa, lúc về, Tửu rủ tôi ghé thăm Thế Lữ, để trả lễ xã giao. Tôi đồng ý. Vì không có đồng hồ và đi chơi lang thang không biết giờ khắc gì cả, nên hai đứa tôi đến nhà Thế Lữ, thấy cả nhà đang ngủ trưa. Có lẽ đã một giờ, hay một giờ rưỡi. Chúng tôi cũng quên rằng chúng tôi chưa ăn cơm trưa. Theo lời Thế Lữ đã chỉ nhà, ở gần Sở Thú, nơi góc đường Sơn Tây, ngó qua Kho Đạn của Nhà Binh. Thế Lữ ở trên gác. Hai đứa tôi leo cầu thang vừa lên đến gác, ngó phía tay phải, thấy ba bốn chàng nằm dài trên bục gỗ, ngủ ngáy khó khò. Tôi biết mặt trong đám có một cậu học trường Cao đẳng Luật Khoa, tên là Vũ Đình Liên, trước đó là bạn học Anh ngữ, cùng lớp với tôi, ở nhà một bà người Anh, Bà Guezennei.

Thế Lữ nằm lim lim trên bục, nghe tiếng giày Tây cồm cộp của tụi tui (Trương Tửu đi mạnh lắm), anh ngồi dậy, vồn vã ra đón tiếp. Salon kê nơi góc phòng, ngay chỗ cầu thang bước lên. Nhưng bây giờ mình đến chơi giữa giấc ngủ trưa của người ta, bất tiện quá, tụi tôi nói chuyện qua loa rồi cáo từ. Thế Lữ cố giữ lại, để lấy máy hình chụp chúng tôi ba tấm, và chụp riêng cho tôi một tấm.

Tấm hình này, Thế Lữ có gởi biếu tôi một, chính là tấm hình mang kính đen, mà Hoài Thanh in trong quyển Thi nhân Việt Nam. Tôi ngạc nhiên khi thấy bức ảnh đó trong sách của Hoài Thanh.

Có điều mâu thuẫn buồn cười, là trong sách, ông Hoài Thanh chê tôi “y phục lố lăng” mà chính tấm hình in trong sách ông thì đầu mới hớt tóc, chải Brilantine láng bóng, áo quần bằng nỉ serge màu nước biển (do một ông bạn ở Khâm Thiên may cho) và cravate mới, không có gì lố lăng.

Không hiểu sao Hoài Thanh thấy “lố lăng”? Trong tấm hình đó, tôi mang kính đen, vì hôm đi với Trương Tửu ghé nhà Thế Lữ, trời nắng chói chang, chúng tôi đứa nào cũng có mang kính đen.

*
Thế Lữ và tôi gặp nhau lần ấy là lần thứ hai và cũng là lần chót.
Phong Hóa không viết bài mạt sát tôi nữa, tuy thỉnh thoảng vài trang, vài số đặc biệt Xuân, báo ấy vẫn vẽ tôi, bằng nét hài hước để độc giả Phong Hóa cười chơi.

Đến khi tôi xuất bản quyển sách Pháp văn “Grandeurs et Servitudes…” (1937), các báo Việt và Pháp ở Hà Nội đều có lời giới thiệu rất tử tế, riêng trên báo Phong Hóa tuyệt nhiên không có một dòng giới thiệu.

Tôi có gởi hai quyển tặng riêng Thế Lữ và Khái Hưng để tỏ lòng cám ơn Thế Lữ và Khái Hưng đã đề tặng tôi các quyển thơ và tiểu thuyết của hai ông. Nhưng Thế Lữ không hề có một lời, một chữ, dù là giới thiệu qua loa sách tôi trên báo Phong Hóa. Chỉ có Khái Hưng viết thơ riêng cảm ơn và khen tặng.

Ngồi ăn chả cá với tôi ở Phố Hàng Cân, Trương Tửu đỏ mặt, nốc hai li rượu đế, rồi hét lên như Trương Phi:

- Bọn “Văn Phiệt” ấy thật là tồi!


Bài phê bình của Lê-Ta[1]

(Bài này, nhiều người nói đến lắm, nhưng ít ai được đọc vì đã lâu quá. Nay tôi xin rút nguyên văn trong Phong Hóa số 127 ngày 7.12.1934).

“Nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ, tác giả Tập thơ đầu là một nhà thơ có nhiều tài, nhiều tình cảm, mà lòng tự ái lại nhiều hơn. Cho nên, khi ông ra mắt quốc dân, mắt đầy lệ, cây bút cầm tay, ông không muốn ai khinh ông cả. Ấy thế mà Nhất Linh lại bảo Tập thơ đầu của người tên là “đuôi” kia không có ruột!

Muốn khỏi mất lòng thi sĩ, tôi phải nói chữa hộ Nhất Linh, thơ ông Nguyễn Vỹ có ruột đấy chứ, chả tin cứ giở quyển sách của ông ra mà xem. Chỉ tiếc cái ruột ấy đặc quá, mà khốn một nỗi là người ta lại không biết nó đựng những gì.

Về phần thơ Pháp thì tôi thấy Nàng Thơ của ông là một chị chàng sướt mướt, ẻo lả, khóc khóc, mếu mếu như con mẹ điên, mà lại nói ngọng nữa. Bởi thế khi nàng ấy ca, người Nam không ai chịu được, còn người Tây thì… tôi khuyên cả nàng lẫn ông đừng có cho họ nghe.

Đến phần thơ ta, nàng thơ của ông Vỹ khi nói tiếng ta thì ngô nghê, ngơ ngẩn, mà lải nhải nhiều lời… chẳng khác gì một cô “đầm” lắp bắp nói tiếng dân bản xứ:

Các người đã biết cái hôn yêu đầu tiên chưa?
Cái hôn dịu dàng vô hạn, mà nơi vắng vẻ,
Cặp môi âu yếm hãy còn rụt rè e lệ,
In lên trên mắt các người?

(Những đêm trằn trọc).


Tôi chưa thấy vị thánh thần nào to lớn như ngài!
Ngài ngồi giữa gian chùa chật, cao nghiêm, chễm chệ trên ngai!
Trong cung vắng mờ tối ấy, không ẩn mình một con muỗi!
Da thịt ngài đều bằng đồng, Ngài trạc năm sáu mươi tuổi.



Mũi ngài lớn, miệng ngài to, đầu bóng nhoáng và đen mun,
Răng đỏ san sát dưới nửa làn môi, thêm vẻ hãi hùng.

(Đức Thánh Đồng Đen)

Cả một vần thơ của ông Nguyễn Vỹ đều một giọng như thế hết. Không biết nhà thi sĩ của tôi định chế ai? Nếu đem chắp những tiếng kì quặc như thế mà thành nhà thơ được, từ năm xưa tôi cũng là “thi sĩ” đứt đi rồi. Vì năm xưa tôi ngứa làm thơ cũng có bài thơ nghe tương tự như thế. Bài thơ ấy đây này:

Cái đồng hồ

Một tháng về trước, tôi có một cái đồng hồ
Cái đồng hồ ấy là của người anh mua cho
Tôi xem ra nó là vật tốt lắm,
Và nó cũng không nhanh, và nó cũng không chậm.


Nhưng tôi không dám đem xuất bản, và khi đọc nó cho người bạn nghe, thì anh ta bò ra cười, rồi ghé tai tôi nói thầm, bảo tôi rằng: “Anh nên tìm chỗ nào rất kín mà chôn nó đi, không thiên hạ hóa điên mất”.

*

Phong Hóa số 129
Ngày 28.12.1934, Lê Ta chế giễu:
“Ông Nguyễn Vỹ là một nhà học rộng. Bàn về thi ca, ông đã cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ. Ông hiểu rõ được hết các âm điệu thơ, khuôn phép thơ, mĩ thuật của thơ, tuy ông không hiểu thơ là cái gì, và tuy ông thấy mình là thi sĩ.

Ông lại khéo nói nữa. Khéo nói lắm, khéo nói quá! Ông bênh vực ông một cách rất có duyên, rất chu đáo, mà không phản đối ông lại còn chu đáo gấp đôi, Tập thơ đầu của ông là một tập thơ có khuynh hướng cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với phép hạn chế phá, thừa, trạng, luận, kết, của bài thơ Tàu, để mang cái gông cùm mới của luật thơ Tây.

Thơ của ông Nguyễn Vỹ thiếu cái gì kia, chứ “chân thơ” (pieds) thì đủ lắm. Xin đọc ít câu sau này:

Những cặp môi xinh đẹp, mà ta thấy thoáng qua
Ban ngày, lúc ta thủng thỉnh đi trên đường phố,
Bây giờ một mình ta trằn trọc trong đêm tối,
Lại hiện ra, yêu kiều, duyên dáng, trước mắt ra…

(Lối thơ mười chân)



Hai bàn chân linh thiêng ấy! Những ngày rằm và ngày hội,
Tôi được nhìn rất cảm động, những trẻ mồ côi vô tội,
Những bà già, và những cô thiếu nữ xinh đẹp ngây thơ
Hôn hít hai bàn chân Thạch, hoặc lấy tay vuốt ve sờ,
Hay với chiếc khăn mùi soa, vạt áo, miếng nhung, miếng vóc,
Mà họ áp hôn vào môi hoặc họ xoa lên đầu tóc


(Lối thơ 12 chân)

Soi đến kính hiển vi cũng không thiếu một chân nào. Thơ ông quả thật không phải thơ quê. Nhưng quả thật là ngô nghê.

Đeo so sánh thơ ông Vỹ với bài thơ Đồng Hồ của tôi ông không bằng lòng là phải, vì nó không đủ chân.

Tôi lấy hết can đảm để đọc đi đọc lại, lúc thì lẩm nhẩm, lúc thì cất giọng ngâm nga, mà buồn thay cho tôi, tôi nghe nó vẫn làm sao ấy. Nhưng đối với tác giả thì nhiều thi vị lắm. Nó có một thú thi vị ngầm, cũng như người đàn bà xấu số ở trong phong dao có duyên thầm được chồng yêu quí:

Lỗ mũi em tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o…
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.


Ông Vỹ có quyền yêu thơ của ông lắm.
Am hiểu âm luật, biết nói đến những chữ trật tự, qui tắc, biết chế sự hỗn độn, hồ đồ, tại biết ghét những cái ngớ ngẩn, ngây ngô, mà viết ra những thơ như trên kia thì viết làm gì.

Tôi là người bạn ham đọc thơ, mà chỉ mong đợi được đọc thơ hay. Không hay lắm thì vừa vừa cũng được. Lúc trông thấy tập sách xinh xinh, bìa in sạch sẽ của ông Vỹ tôi có bụng mừng rằng sẽ được hoan nghênh một tác phẩm có giá trị. Vì xin thú thực, ngòi bút bông đùa của tôi cũng đã chán ngấy sự châm chích những văn chương không ra gì rồi. Có phải lỗi ở tôi đâu.

Ông bảo tôi có ý mạt sát ông. Ông lại bảo Thế Lữ muốn dìm ông. Tôi cũng như Thế Lữ, không bao giờ mạt sát riêng ai. Giá người ta cứ làm văn hay đi. Thơ văn người ta viết không lúng túng ở trong cái thể văn chật hẹp, buồn cười, thì tôi là người đầu tiên hết lòng ca tụng. Còn như ý muốn dìm ông, trời ơi! Đời nào chúng tôi lại đang tâm thế. Vả lại còn dìm ông thế nào được nữa. Văn thơ kia chưa đủ nói xấu ông rồi ư?”

Lê Ta

Hai bài trích trên đây được đăng trên báo Phong Hóa liên tiếp hai kì. Mục đích, như chính Thế Lữ đã nói với Vi Huyền Đắc, là “đánh cho chết Nguyễn Vỹ”.

Nhưng Thế Lữ không ngờ phản ứng của hai bài đó rất mạnh trong giới văn nghệ Hà Thành và giới Sinh viên Cao đẳng. Dư luận xôn xao, chờ bài trả lời của tôi. Tôi viết trong tuần báo Đông Phương của Lan Khai một “lời phi lộ”, trong đó tôi chỉ trình bày quan điểm của tôi về Thơ, - ngoài ra không đá động tới những lời kích bác và mạt sát của Thế Lữ. Đồng thời, trong l’Annam Nouveau của Nguyễn Văn Vĩnh, trong Văn học Tạp chí 1935 của Dương Tụ Quán, Hà Nội báo của Lê Tràng Kiều, cũng có những bài đả kích lại luận điệu “phê bình” của Thế Lữ. Sau đó, Thế Lữ im luôn.

Tôi xin trích một bài của Lê Trang Kiều trả lời Thế Lữ, trong Hà Nội báo.
 

Bài của Lê Tràng Kiều đáp lại Thế Lữ

Kể bây giờ mà nói đến Nguyễn Vỹ đã là chậm lắm rồi, người ta nói đến Nguyễn Vỹ nhiều lắm, nhiều quá…

Chỉ một cái được người ta nói tới nhiều, cũng đủ vinh dự cho nhà thi sĩ, vì vô duyên nhất, đau đớn nhất cho kẻ hao tổn không biết bao nhiêu tâm trí, biết bao ngày giờ để làm nên một bài thơ, in nên một cuốn sách mà không ai nói tới. Đã đành rằng những lời nói tới đó chẳng đẹp lòng ông Nguyễn Vỹ, nhưng… “Người ta công kích ta, chỉ chứng rằng ta sống”.

Thơ ông Nguyễn Vỹ đã là một cái đần để cho người ta viết, một câu chuyện cho người ta bàn, thơ Nguyễn Vỹ đã sống một cách đầy đủ ở trên mặt các tờ báo…

Quyển Tập thơ đầu, mới ló đầu ra đã bị ông Lê Ta ở Báo Phong Hóa, công kích một cách tàn tệ… Cũng lại chỉ vì ông Lê Ta Thế Lữ cũng làm thơ mà ông Nguyễn Vỹ cũng làm thơ đó thôi! Chứ công kích như cái kiểu ông Lê Ta, trong cái thời kì văn học đang phôi thai này, có nhà văn nào, có tác phẩm nào là không đáng công kích? Cứ theo cái phương pháp phê bình của ông Lê Ta Thế Lữ, thì ông Thái Can, ông Lưu Trọng Lư, ông Huy Thông, cả ông Thế Lữ, trong những văn thơ của các ông ấy, ta cũng thấy nhan nhản những điều đáng công kích, nếu người ta muốn công kích. Phê bình mà chỉ tìm một vài cái kém, cái dở chưa hẳn là phê bình. Một nhà phê bình có tiếng đã nói: “Cố yêu để mà hiểu lấy tác giả…” Vì lẽ rằng không có cái gì hoàn toàn ở đời này ta hãy tìm lấy trong cái thiếu kém một viên gạch, một miếng vôi để mà góp vào sự xây đắp cái tòa lầu Nghệ thuật, cái tòa lầu ấy không thể do độc một người mà xây nổi, vì nó phải dầu dãi nhiều mưa gió, chịu sự vùi dập bao thế kỉ. Cái tòa lầu ấy phải là công xây dựng của quá khứ, của hiện tại, của tương lai.

Ông Nguyễn Vỹ đưa lại cho sự xây đắp ấy, một mảnh vôi nhỏ, cũng đã là nhiều lắm rồi.

Thật là không biết người biết của vậy! Giá như tôi đưa cả quyển Mấy vần thơ của ông Thế Lữ, tôi bỏ ra ngoài vài ba bài thơ “được”, rồi tôi lại cứ đưa những bài “lủng ca lủng củng” đầy dẫy ở trong sách ra mà bắt, mà bẻ (điều ấy khó mà làm được), thì chừng ấy, ông Thế Lữ còn gì mà lên mặt “thi sĩ” với đời?

*

Ai đã thấy Nguyễn Vỹ một lần rồi, đã có gặp ông ấy một lần nào ở trong cái nhà ấy, thì sẽ không ngạc nhiên chút nào, khi thấy văn thơ của ông ấy nhiễm đầy một vẻ buồn não nùng! Cái cuộc đời buồn thảm của ông đi qua, để lại trên cái mặt ông cũng như ở trong văn thơ của ông, những vết sầu, những nếp răn đã đánh dấu hiệu cho ông ở trong đám người chen chúc ở chợ trần, đám người mà ông mang một lòng khinh thị không bờ bến…

Cứ mỗi hôm, lối 9, 10 giờ đi qua xóm Khâm Thiên, vừa khỏi những phố cô đầu rực rỡ ánh điện, và lộng lẫy những cô tiên, gần đến Ô Chợ Dừa, ta ngẩng lên sẽ thấy một cái gác nhỏ… mù mờ dưới một ngọn đèn liu hiu. Trong cái gác ấy có một bóng đen đi đi lại lại, cầm một cái que gõ vào tường như muốn làm nẩy ở trong cái vật vô tri, một cái tư tưởng linh động, mấy câu thơ, một cái linh hồn.

Cái bóng ấy là cái bóng của một thi sĩ.
Cái que ấy là cái quản bút thân yêu của thi sĩ.
Cái gác nửa sáng nửa tối ấy là cái tâm hồn của thi sĩ.
Cái tâm hồn ấy là một bể sầu não.


Những “giọt thơ” từ đấy rơi ra là những giọt sầu não, những tư tưởng ở đấy bay ra đều có đôi cánh đen, đen một màu đen thảm đạm, như đôi cánh quạ.

Con quạ đen ấy đã hơn một lần, đưa lại sự buồn não cho thi sĩ đương triền miên trong giấc mộng ái tình:

Lần đầu hai ta hôn nhau,
Đứng so đôi trên cành dâu,
Một cặp bồ câu trắng gáy,
Em buồn… và em ngẩn ngơ.
Hỏi anh: “Mình yêu em ơi,
Ngày ta yêu nhau được mấy?”

*

Hai ta yêu nhau lần đầu,
Lần đầu hai ta hôn nhau,
Một cặp bồ câu trắng gáy,
Ái tình ru bên tai ta,
Ta sẽ yêu nhau đến già,
Như cặp bồ câu trắng ấy.


(Nguyễn Vỹ – Tiếng quạ kêu)

Đương vui, đương say sưa trong cái lạc thú êm ái của ái tình, cặp tình nhân ấy bỗng giật mình và nghĩ đến chuyện đâu đâu, cõi lòng đương sáng bỗng tối lại:

Nhưng em vẫn cứ không vui,
Em bảo anh: “Mình yêu ơi,
Ái tình sẽ tang thương lắm.
Em không muốn cặp bồ câu
Cùng nhau gáy trên cành dâu,
Lúc hai ta yêu đằm thắm!”

*

Rồi khi hai ta biệt li,
Ôm vào nhau và lâm li
Em khóc, mà anh cũng khóc,
Dầu non nước cách nghìn trùng,
Hai tâm hồn vẫn ở chung
Khăng khít một lời tơ tóc.


Vì đâu mà mộng tình vơ vẩn. Phải chăng là vì chợt thấy cái bóng quạ đen vừa liệng trong trí… Cái bóng ấy đã ấn mạnh vào tâm linh một vết đen không còn nhìn được nữa.

… Từ hôm ấy đến hôm nay,
Cặp bồ câu trắng đã bay.
Anh chờ mà chim không lại,
Hôm qua, tự nhiên anh buồn.
Thầm thì suốt lệ ứa tuôn
Như tràn cả ra sơn hải!
*

Bây giờ anh đã hiểu rồi,
Ôi vong hồn Lang em ôi!
Lời em thiêng chi lắm nhé!
Anh không ngờ cuộc tình duyên
Rất khắng khít của chúng mình,
Cũng đảo điên như dâu bể!


(Nguyễn Vỹ – Tiếng quạ kêu)

Rồi từ đó cái bóng đen ấy không còn rời nhà thi sĩ ra nữa, nhà thi sĩ đi đâu nó cũng đi theo, làm gì nó cũng làm với. Sự lãng mạn của Nguyễn Vỹ có lẽ quá đáng, nhưng biết làm thế nào được? Ta có quyền gì cấm một người khác đừng buồn, đừng khóc, nhất là khi người ấy là một nhà thi sĩ? Nhà thi sĩ ngồi trước mắt ta, đương cười cười, nói nói vui vẻ, hai giọt nước mắt, lẻn tuôn ra trên đôi má, mà nhà thi sĩ cũng như ta có hay những giọt nước mắt ấy đã ứa ra tự hồi nào!

Sự buồn thảm ấy không phải là vô lí mà cũng không phải là vô cớ. Cái cớ làm cho Nguyễn Vỹ phải buồn thảm vẫn là cái cớ đã làm bận lòng biết bao thi sĩ.

Đấy là một sự vô lí đã làm cho nhà thi sĩ lẩn quẩn mãi với những cái lẩn quẩn. Mặc dầu nhà thi sĩ đặt tay lên trán, gõ quản bút vào vách, cái vô lí ấy vẫn là một sự “vô lí”, nhà thì sĩ vẫn thấy mình sống ở đời như một đứa trẻ con, khóc những cái biết rằng sẽ tan như bột xà phòng, mà vẫn cứ yêu, cứ khóc!...

Trong cái khoảng trời đất bao la, thi sĩ không muốn đi vẫn cứ đi. Giờ nào, phút nào, cũng như có vẻ trầm tư mặc tưởng, muốn tìm một cái gì… Cái gì đó, hoặc là một mảnh tro tàn, hoặc là một cái hương thừa, hoặc một chút ái ân đã nguội, hoặc một quãng đời quá khứ vừa qua… Nhưng là một huyễn tượng! Nhà thi sĩ bao giờ có tìm thấy một cái gì đâu.

- Hỡi thi sĩ! Đêm khuya mưa gió,
Ta tìm ta trong đám cỏ xanh.
Mỗi chiều tan cuộc ái ân,
Chút xuân ta cũng tan dần mất thôi.
Cùng người yêu ta vui chốc lát,
Mãn cơn vui xờ xạc cơn buồn!
Còn gì trên cỏ xanh um
Mà ta chẳng để lệ tuôn luôn dòng?
Vừa lúc chiều ta cùng tri kỉ
Trên cỏ xanh rủ rỉ gần đêm
Những lời tình tự êm đềm,
Bây giờ phút ấy còn tìm thấy đâu?
Bàn tay yên, nưng niu ve vuốt,
Nụ hôn yêu dính ướt trên môi,
Lả lơi bộ đứng dáng ngồi,
Lúc chiều gần đấy mà giờ đâu xa?
Một ngày xuân của ta rơi rụng.
Bao lệ xuân ứa đượm trên cành.
Ngó qua đã thấy khó tàn,
Nhìn đến chỉ thấy mơ màng tình duyên.
Sáng ngày mai xuân còn tươi lại,
Nhưng xuân nay tê tái cả rồi!
Mấy lần xuân nữa thì thôi!
Thì tan tác nốt cái đời xuân ta?


(Nguyễn Vỹ – Tìm gì)

Nếu chỉ có thế thì sự buồn não của thi sĩ nó thanh thú biết bao! Khốn nỗi, nhà thi sĩ ngày ngày còn phải chung đụng với người thế, sống giữa một chốn đông đúc mà bao giờ cũng hiu quạnh, lạnh lẽo như kẻ bị đày, bao giờ cũng tưởng như mình lạc loài vào một chốn hang hùm nọc rắn. Đời không bạc bẽo mà nhà thi sĩ cứ nhất định tưởng đời là bạc bẽo. Đời không xấu xa, nhà thi sĩ vẫn tưởng nó xấu xa!

Thật là một cảnh thương tâm, đau đớn. Nhưng biết thế nào mà lột hết cả những cái thành kiến ấy cho nhà thi sĩ?

Làm thế nào được?



Ta không mong ai thương ta, vì ta buồn bã khốn cùng
Lê la trong sương, trong gió, trong bóng lạc mịch mông lung,
một tâm hồn vô thừa nhận…


(Nguyễn Vỹ – Hỏi người yêu không quen biết)

Biết mình khổ cho nên nhà thi sĩ mang một lòng khinh dể vô hạn đối với những cảnh yên ấm giàu sang bên mình, những cảnh đang mai mỉa nhà thi sĩ một cách cay độc.

Cảnh khốn cùng hay tìm đến cảnh khốn cùng.
Cảnh buồn não hay tìm đến cảnh buồn não:
Thương thay! Bây giờ đêm đã khuya vắng,
Mà tiếng ăn mày còn kêu văng vẳng!
Bây giờ mà còn lê la ngoài đường,
Bây giờ còn ai thừa chút lòng thương!

… Nín im đi thôi, hỡi người cơ khổ!
Ta đã nghe thấy tiếng người nức nở,
Bi đát, não nùng, vụt lên một hơi,
Chạm phải cái vòm u khí của trời,
Rồi vỡ nát tan, tả tơi, từng mảnh,
Và rơi trong im, và trong đêm lạnh!
Trên đầu nhà nguơi, một vùng sương mù
Trong lòng nhà ngươi, một hố thâm u,
Tiếng kêu của ngươi xé tim bay bổng.
Để trong lòng người vết thương trống rỗng.
Rồi ngươi, than ôi! Ngã lăn trên đường
Mà tiếng của ngươi cũng tắt trong sương!


(Nguyễn Vỹ – Người ăn mày trong sương lạnh)

Cái buồn não của những kẻ bất hạnh, của kẻ nghèo khổ ở đời này thật là vô cùng, đến nỗi khi ta thấy một kẻ ăn sung mặc sướng trước mắt ta, kẻ ấy biến thành một tội nhân.

Không những Nguyễn Vỹ và tri kỉ của nghèo đói lang thang ở dọc đường xó chợ, cái nghèo đói mỏi miệng kêu gào mà chẳng kẻ đoái hoài. Nguyễn Vỹ còn là thi sĩ của cái nghèo đói lê la ở cái thế giới những người chết: thân xác chết mà cái nghèo đói vẫn theo bên u hồn.

Nguyễn Vỹ là thi sĩ của những vong hồn cơ khổ dắt nhau từng đàn, từng lũ, thất thểu trong đêm tối, trong các miếu đền, trong gò cây, bên lạch nước… để kiếm miếng ăn:

Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù,
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng!
Ta hãy bước vào khe khẽ trong cái im lặng nặng nề,
Của nấm mả, của gò cây, của đền đài lăng miếu cũ,
Ta sẽ gõ đầu quản bút trên miếng gạch, trên cành tre,
Gọi nỗi bi tình mênh mông của những linh hồn vô chủ.
Ta hãy ngồi ven lạch nước dò nghe những tiếng véo von,
Của lòng đá, của bọng cây, của những khe mồ, kẻ núi,
Mà một hơi gió thoáng qua làm gãy nát bao điệu đờn,
Và động lớp sóng âm ba đang gợn đùa trong nắng bụi…


(Nguyễn Vỹ – Gửi một thi sĩ của nước tôi)

Một người như thế, bảo họ không buồn não thì họ còn biết làm gì được? Ta có trách người ấy làm gì, vì trời sinh hắn ra như vậy. Để cho hắn khóc, thì thuận lẽ Trời. Buộc hắn phải cười thì hắn sẽ điên mất.

Đêm đã về khuya. Vài hạt sương gieo nặng ở trên cành… theo điệu sương những cái mảnh lòng của nhà thi sĩ cũng rơi vào trong cái rỗng không vô đề…

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu…

*
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào
Em ơi
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương!...

*

Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng,
Tả tơi
Em ơi!
Từng giọt
Thánh thót,
Từng giọt
Điêu tàn
Trên nấm
Mồ hoang!...

*
Rồi sương
Cành dương
Liễu ngả
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Thánh thót
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi,
Em ơi.


(Nguyễn Vỹ – Sương rơi)

Đó là những hạt sương ư?

Những mảnh lòng tan vỡ ư?

Những hạt lệ rơi thánh thót ư?

Không, đó là tất cả!

Đó là cái nhạc điệu thiên nhiên của những vật vô hình và hữu hình ở trong vũ trụ lúc đêm khuya, những vật ấy, nối tiếp nhau mà tan vỡ thành từng giọt.

“Từng giọt thánh thót
từng giọt điêu tàn”…


*

Một người đã tìm được một cái nhạc điệu mới như thế, há chỉ “xứng” để cho người ta dìm xuống? Làm ra được một bài như bài Sương rơi cũng đã nhiều lắm rồi, cũng đủ cho ta quên hết những cái sơ xuất của nhà thi sĩ trong lúc mới ra đời.

Lê Tràng Kiều

(Hà Nội – Báo số 26, ngày 1.7.1936)




Nguồn: Văn thi sĩ tiền chiến. “Chứng dẫn một thời đại” của Nguyễn Vỹ. NXB Văn học, 2007.


1. Lê Ta là bút hiệu của Thế Lữ, mà trong bài thơ này Thế Lữ không dám công khai nhìn nhận.


LÊ NGỌC TRÁC * NGUYỄN VỸ

Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời  
Lê Ngọc Trác
  
Qua tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn, chúng ta thấy họ là những nhân chứng của thời đại. Nhà thơ Nguyễn Vỹ là một trong những nhân chứng của một thời đại mà ông đã từng sống.

Nguyễn Vỹ sinh năm 1910, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở làng Tân Phong (Tân Hội), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Vỹ là một người đa tài, suốt đời sống bằng nghề văn và báo chí. Ông ký nhiều bút danh: Tân Phong, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền, Tâm Trí... Từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, Nguyễn Vỹ đã xuất hiện trên văn đàn, tham gia viết trên tạp chí Văn học, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà nội báo, Phụ nữ... ở Hà Nội. Và, là một cây bút chính luận sắc sảo trên các tờ báo thời bấy giờ như: Le Sygne, L'ami du peuple, La patrie Annamite...

Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, Nguyễn Vỹ đã thể hiện tư tưởng chống Pháp, chống phong kiến và chống cả Nhật Bản trong những bài báo của mình. Chính vì vậy, năm 1937, ông bị nhà cầm quyền bắt giam 6 tháng tù ở Hà Nội vì một bài báo chống Pháp. Năm 1940, ông lại bị Nhật Bản bắt cầm tù ở Phú Yên. Năm 1945 mới được tự do. Từ năm 1946, ông sống ở Sài Gòn. Nguyễn Vỹ đã sáng lập và điều hành nhiều tờ báo: Dân ta, Bông lúa, Tạp chí Phổ thông, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm...

Nguyễn Vỹ bị tai nạn giao thông tại Long An, qua đời vào ngày 4/2/1971. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm với nhiều thể tài phong phú, đa dạng, phải nói là đồ sộ: Về thơ có: Tập thơ đầuPremières Poésies (1934, thơ Việt – Pháp), Hoang vu (1962). Truyện ngắn: Vinh và nhục của Nguyễn Văn Nguyên (1936). Tiểu thuyết gồm có: Đứa con hoang (1938), Người yêu của hoàng thượng (1938), Thi sĩ Kỳ Phong (1938), Chiếc bóng (1941), Dây bí rợ (1957), Chiếc áo cưới màu hồng (1957), Hai thiêng liêng (1957), Mồ hôi nước mắt (1965). Chính luận viết bằng tiếng Pháp: Kẻ thù là Nhật Bản (1938), Cái họa Nhật Bản (1938), Tấn kịch Việt – Pháp (1947). Biên khảo: Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử (1970). Chứng tích thời đại: Tuấn, chàng trai nước Việt (1970), Văn thi sĩ tiền chiến (1970).

Nguyễn Vỹ là nhà thơ, nhà văn và là nhà báo lão thành trong làng báo miền Nam. Ông được người đời công nhận là một nhà báo dám nói lên sự thật. Về văn, Nguyễn Vỹ chuyên viết tiểu thuyết xã hội. Nhà văn – Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhận định về tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ như sau: "Ông là một người giàu tình cảm, nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, trái tim ông rung động khá nhiều...". Cùng với tiểu thuyết và các thể tài khác, Nguyễn Vỹ trước sau vẫn là một nhà thơ. Ông thật sự nổi tiếng về thơ. Từ năm 1941, mặc dù có những nhận định có phần khắt khe về Nguyễn Vỹ, nhưng cả Hoài Thanh – Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan đều phải công nhận: "Nguyễn Vỹ là người có tài về thơ".

Nhiều thế hệ yêu thích bài "Sương rơi""Gởi Trường Tửu" của Nguyễn Vỹ. Hoài Thanh – Hoài Chân cho rằng 2 bài thơ này thật sự là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Hai bài thơ trên Nguyễn Vỹ viết với phong cách khác nhau. Ông đã tạo ra nhạc điệu riêng trong "sương rơi". Với bài "Gởi Trường Tửu", theo thể thất ngôn trường thiên, Nguyễn Vỹ viết trong cơn say với tâm trạng bi phẫn, u uất:
"...
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương..."

Lời thơ thống thiết, nói lên nỗi khổ của văn thi sỹ và những người làm báo trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp cai trị.
Trên con đường thi ca, Nguyễn Vỹ đã từng viết:

"Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm".

Hai câu thơ trên như một tuyên ngôn về thơ của Nguyễn Vỹ. Và, ông đã có những sáng tạo mới lạ, đầy táo bạo trong thơ. Nguyễn Vỹ là người đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí tiểu thuyết Thứ Năm ở Hà Nội trong thập niên 30 của thế kỷ 20. Nguyễn Vỹ đã viết những câu thơ 2 chữ và 12 chữ (Có người gọi là câu thơ 12 chân). Sau này trên tạp chí Phổ Thông xuất bản ở Sài Gòn, Nguyễn Vỹ tiếp tục đề xướng trường phái thơ Bạch Nga và thể thơ hình đối xứng. Bài thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, đầy mới lạ (Thơ hình đối xứng là lấy câu giữa của bài thơ làm trục đối xứng của những câu thơ theo thứ tự đầu và cuối của toàn bài thơ. Những bài thơ, nhìn toàn bài sau khi viết hoặc in trên giấy giống như những bức họa, hoặc có hình lục lăng, tứ giác, hình thoi...). Trường phái mới lạ này đã thoát ly khỏi những quy tắc thể thơ cổ truyền. Sau Nguyễn Vỹ, chúng ta còn bắt gặp nhiều bài thơ "lạ" như thế của Phan Phụng Văn, Ngô Hữu Đoàn và nhiều cây bút khác.

Trước khi bị tai nạn giao thông qua đời đúng một năm, Nguyễn Vỹ viết bài thơ "Quảng Ngãi, quê hương tôi". Lời thơ tha thiết, ý thơ hùng hồn, Nguyễn Vỹ đã khắc họa được những nét đặc trưng tiêu biểu về đất và người quê hương núi Ấn sông Trà:
"...
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Nhiệm màu guồng xe nước
Tha thướt chập chùng
Lên men đồng lúa mướt
Lả lướt mênh mông
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Thương thương làn mây trôi
Mơn cảnh đồi Thiên Ấn
Vương vương sầu tơ nắng
Nút Bút vùng phương khôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Dòng sông rạo rực
Lưng Rồng uốn khúc
Rực rỡ ánh dương ngời
Trùng trùng gấm vóc
Huyết lệ sử dân Hời
Từ Chiêm Thành khai quốc
Dâng về ngôi Đại Việt
Trọn ân tình Chúa, Tôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Dân tình bất ly
Dân trí bất nhược
Dân đức bất suy
Dân tâm bất khuất
Khí thiêng nung đúc
Văn chương kiệt phách hào hoa
Bất chấp cường quyền, uy vũ
..."
Cùng với sự nghiệp thơ, có một tác phẩm của Nguyễn Vỹ được nhiều người yêu thích và đánh giá cao, đó là tác phẩm "Tuấn, chàng trai nước Việt". Tác phẩm này trước khi in thành sách trọn bộ 2 tập được đăng tải từng kỳ trên tạp chí Phổ Thông đã thu hút được đông đảo người đọc. Hình minh họa trong tác phẩm là một người thanh niên khôi ngô, tuấn tú, mặc chiếc áo dài cổ truyền, đầu đội mũ cối rộng vành đã trở thành thân thuộc với người đọc thời bấy giờ. Theo Nguyễn Vỹ thì tác phẩm "Tuấn, chàng trai nước Việt" không phải là tiểu thuyết, không phải là hồi ký, cũng không phải là tự truyện. Nguyễn Vỹ đã viết về những con người, những sự kiện chân thật với tư cách là nhân chứng khách quan của thời đại. Chính vì vậy, ông gọi tác phẩm của mình là "chứng tích thời đại". Ông viết về xã hội Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, viết về chân dung cuộc sống của một thế hệ cùng thời với ông, mà ông đã gọi là "thế hệ Tuấn – chàng trai nước Việt". Nguyễn Vỹ đã ghi chép một cách đầy sáng tạo các sự kiện; phải nói là ngồn ngộn sự kiện, đầy hấp dẫn, phong phú và đầy chân thật trong "Tuấn,  chàng trai nước Việt". Ông trở thành người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn. Từ chuyện ăn mặc, thời trang, tóc tai, học hành, thi cử, chuyện làng xã, chính trị... Từ đời sống sinh hoạt của một vùng đất, của một đất nước chuyên sống bằng nông nghiệp lạc hậu, tiếp xúc với những phương tiện hiện đại, cơ giới, máy móc tự động của phương Tây; đến tình cảm và suy nghĩ của một thế hệ đối với đất nước và dân tộc.

Đọc tác phẩm này của Nguyễn Vỹ, chúng ta thấy rõ hoàn cảnh, cuộc sống của Việt Nam từ trong thời kỳ phong kiến, thuộc địa đến thời kỳ bùng nổ dân chủ, giành độc lập. Chúng ta hiểu rõ tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, cũng như những tập quán xã hội của nước ta trong thời kỳ đầu thế kỷ 20. Tác phẩm "Tuấn, chàng trai nước Việt" đã trở thành nguồn tư liệu quý giá giúp rất nhiều cho những nhà nghiên cứu, biên soạn, trích dẫn những phong tục tập quán, những sinh hoạt trong đời sống, những chuyển biến lịch sử của đất nước Việt Nam trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20.

Với tác phẩm "Tuấn, chàng trai nước Việt", nhà thơ Nguyễn Vỹ là nhân chứng của một thời đại.

Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1942)
- Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân (1942)
- Nguyễn Vỹ - Nhân tích của một vùng đất và một thời đại
của Đỗ Lai Thúy (Tạp chí VHNT số 7/2007)

TRẦN TUẤN KIỆT * NGUYỄN VỸ

NGUYỄN VỸ VỚI THƠ VÀ BÁO

 

Nhà báo Nguyễn Vỹ sinh năm 1912 tại làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong, và năm 1945 lại đổi tên Phổ Phong), thuộc huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông tên Nguyễn Tuyên từng làm quan ở huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, nhưng do chống Pháp nên đã từ chức, còn mẹ ông là bà Trần Thị Luyến. Ngoài ra ông có người bác là Nguyễn Thuyên từng bị quân Pháp đày Côn Đảo, anh họ là Nguyễn Nghiêm, thủ lĩnh phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Quảng Ngãi năm 1930 sau bị giết hại tại tỉnh nhà.
Nguyễn Vỹ từng theo học tại trường Trung học Pháp-Việt ở Qui Nhơn 19241927, rồi gián đoạn vì tham gia các cuộc vận động chống thực dân, sau đó ra miền Bắc theo học ban tú tài tại Hà Nội.
Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu. Tập thơ này gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Tập thơ đầu in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà. Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác.

Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của Pháp nên tờ báo rút giấy phép xuất bản vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị qui kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia. Kết quả ông bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt. Ông mãn tù năm 1939, lúc Pháp thất trận khi quân Nhật vào chiếm đóng. Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, ông dùng ngòi bút cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật là : Kẻ thù là Nhật bản; Cái họa Nhật-Bản.
Lần này, Nguyễn Vỹ lại bị quân Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê (sau này trong tạp chí Phổ thông bộ mới, Nguyễn Vỹ có kể lại những ngày sống trong tù ngục với tựa bài Người tù 69).
Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này bị đóng cửa. Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.
 

Năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước. Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm
Năm 1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền thời bấy giờ, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa và từ 19674 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (thuộc tỉnh Long An)- Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi. Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ Thông mà thôi.
Tác phẩm : Tập thơ đầu – Premières poésies (Thơ Việt và Pháp), xuất bản tại Hà Nội, 1934Đứa con hoang (tiểu thuyết) Nxb Minh Phương, Hà Nội, 1936Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn) Nxb Đông Tây, Hà Nội, 1937Kẻ thù là Nhật Bản (luận đề chính trị), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1938Cái họa Nhật Bản (luận đề chính trị), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1938Đứng trước thảm kịch Việt Pháp – Devant le drame Franco Vietnamien, (luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn) xuất bản ở Đà Lạt 1947Hào quang Đức Phật (luận đề tôn giáo) tác giả xuất bản, Đà Lạt 1948Thi sĩ Kì Phong (tiểu thuyết, 1938)Chiếc Bóng (tiểu thuyết) Nxb Cộng Lực, Hà Nội 1941 – Chiếc áo cưới mầu hồng (tiểu thuyết), Nxb Dân Ta, Sàigòn 1957Người yêu của hoàng thượng (tiểu thuyết) Nxb Minh Phương, Hà Nội 1958)Giây bí rợ (tiểu thuyết), Nxb Dân Ta, Sàigòn 1957Hai thiêng liêng I & II (tiểu thuyết), Nxb Dân Ta, Sàigòn 1957Hoang vu (thơ) Nxb Phổ Thông, Sàigòn 1962Mồ hôi nước mắt (tiểu thuyết), Nxb Sống Mới, Sàigòn 1965Những đàn bà lừng danh trong lịch sử (biên khảo), Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970Tuấn, chàng trai nước Việt I & II, (chứng tích thời đại), Nxb Triêu Dương, Sàigòn, 1970Văn thi sĩ tiền chiến (ký ức văn học), Nxb Khai Trí, sàigòn, 1970Buồn muốn khóc lên (thơ) 1970Mình ơi (văn hóa tổng quát) 1970Thơ lên ruột (thơ trào phúng) 1971
Bên cạnh những tập sách biên khảo có giá trị như Văn thi sĩ tiền chiến, Tuấn – chàng trai nước Việt… Nguyễn Vỹ còn viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng được đánh giá là không thành công. Riêng về thơ, ông nhận được nhiều lời khen chê. Trong Tập thơ đầu (1934), Nguyễn Vỹ có đăng vài bài theo lối 12 chân (alexandrins), một lối thơ mới trên thi đàn Việt Nam, nhưng không lạ gì đối với thi đàn Phương Tây.
 

Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng…
(Gửi một thi sĩ của nước tôi, Hà Nội báo, số 23, 1936)
Chính vì lẽ đó, ông bị Thế Lữ cho rằng ông có ý định toan lòe và bịp mọi người[4], còn Vũ Ngọc Phan thì viết : Với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt. Hoài ThanhHoài Chân đã viết về Nguyễn Vỹ như sau :
Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…
Chê bai, nhưng ngay sau đó hai ông cũng phải nhìn nhận:
Một bài như bài “sương rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ…Nhưng “sương rơi” còn có vẻ một bài văn. “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người.
Khác với những ý trên, Lan Khai trong báo Đông Phương, Phạm Huy Thông trong báo L’Annam nouveau (báo của Nguyễn Văn Vĩnh), Lê Tràng Kiều trong Hà Nội báo (số 23, ngày 10 tháng 6 năm 1936) lại hết sức khen ngợi thơ Nguyễn Vỹ. Và trong quyển Hồn Thơ nước Việt thế kỷ XX. có ghi lời của Lam Giang (tác giả Khảo luận thơ mới, NXB Hà nội, 1940) như sau :
Phê bình Nguyễn vỹ, Hoài Thanh phát biểu một ý kiến võ đoán : “Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương”. Tôi thiết tưởng cái công du nhập đầu tiên lối thơ nhạc vào thi đàn Việt Nam, giữa lúc rất nhiều người chỉ chăm lo đả kích Luật Đường, chứ chưa sáng tạo được một thể điệu gì mới, cũng đáng cho chúng ta nhìn tác giả với một nhãn quang nhiều thiện cảm hơn.
Năm 1962, tập thơ thứ nhì mang tên Hoang vu ra đời. Bình luận về tập thơ này, nhà văn Thiết Mai trong Sáng dội miền Nam viết :
Nguyễn Vỹ đã nếm mùi tân khổ, gian lao…lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế…rồi đi đến tâm trạng căm hờn, biếm nhạo, khắc khe, chua chát…Nhưng lúc trở lại với bẩm tính vốn có, chúng ta thấy ông hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm…
Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo đễ dàng, không gò ép…Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa…
Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh…). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng…
 

Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng viết trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng):
Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca…Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt.
Đọc Nguyễn Vỹ, người ta cảm nhận những điều mỉa mai, chua chát…là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người…
Thời tiền chiến, thân phận Nguyễn Vỹ đã thế, nhưng với ý chí phục vụ văn nghệ, trung thành đường hướng vạch sẵn, ông, một nhà thơ từng chịu nhiều cam go trên đường tạo lập văn nghiệp, đã kiên trì xây dựng lại Trường thơ Bạch Nga trong bán nguyệt san Phổ Thông từ Trung thu năm 1962 và được nhiều bạn đọc hưởng ứng, chứng tỏ lời nói trước kia của Lê tràng Kiều là đúng: “Người ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống”…. Vậy, Nguyễn Vỹ ngày nay hãy yên ổn với trường phái của mình.”
Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài.Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.
(Trong Wikipedia)

TAO ĐÀN BẠCH NGA CỦA NGUYỄN VỸ



Thuở còn bé ở Sa đéc, tôi ở với người cậu Năm là một nhà trí thức mới ở tỉnh nhà. Nhà nghèo nhưng sách vở không thiếu quyển gì, nhất là báo chí của thời kỳ đó. Thường thì tôi lén lấy xem trong lúc cậu tôi đi làm ở tòa hòa giải Sa Đéc. Tôi coi hết các báo trong đó có tờ Phổ thông bán nguyệt san khá mỏng với những nhà văn như Lê Tràng kiều, Thượng Sỹ…
Thời gian qua, sách vở xưa hầu như rêu mốc cả, cậu tôi đi quân dịch rồi đi luôn. Tôi với bà ngoại phải lên Saigon ở nương náu nhà người cậu Tư, nhưng không ở lâu được tôi bỏ nhà ra đi bụi đời từ năm mười lăm, mười sáu tuổi.
Tôi nhớ lại năm 1963, ông Nguyễn Vỹ có cho tôi ba ngàn đồng tiền riêng để tôi in tập thơ đầu tiên Thơ Trần Tuấn Kiệt do Bùi Giáng đề tựa và Nguyễn Trung vẽ bìa.
Thời kỳ sung túc nhất của báo Phổ Thông sau này khác với Phổ Thông bán nguyệt san thời xưa, thời tiền chiến. Báo quy tụ hầu hết các nhân vật tên tuổi, các nhà văn hóa từ Bắc di cư vào và các nhà văn miền Nam như Thiếu Sơn, ông Triệu Công Minh là chồng bà Ái Lan tên tuổi lẫy lừng thời đó.
Tôi không làm hẳn ở Phổ Thông, chỉ đến chơi với Nguyễn Thu Minh và vợ là Phương Duyên. Hai người này đều có chân trong tao đàn của Nguyễn Vỹ. Đó là thi đàn Bạch Nga lấy tờ nguyệt san Phổ Thông làm diễn đàn. Tao đàn Bạch Nga có Nguyễn Vỹ làm chủ soái. Nguyễn Thu Minh làm thư ký và rất đông các thi sĩ đương thời góp mặt như cô Thu Nhi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh (Pháp), Ngọc Hân, Phương Đài, Thùy Dương Tử, Tuệ Mai, bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát  và tôi.
Lúc này tôi đồng ý vào tao đàn Bạch Nga với Nguyễn Vỹ làm thơ 2 chữ, 10 chữ, 12 chữ, tất nhiên là còn các loại thơ khác. Mỗi năm Tao đàn Bạch Nga mở cuộc thi sáng tác thơ tự do. Tôi phụ trách chấm thi hầu hết các giải này, nhờ thế tôi khám phá ra nhà thơ Thùy Dương Tử ở Quảng Nam làm thơ thật hay để chấm anh giải nhất của Tao đàn Bạch Nga.
Sở dĩ ông Nguyễn Vỹ không bắt buộc các nhà thơ làm thơ làm thơ 2 cước, 8 cước, 12 cước như ông để tránh bị phản đối kịch liệt như thơ tiền chiến. Thời đó ông ở nhóm Hàn Thuyên có Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh… theo thuyết xã hội thường phê phán các tác phẩm của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương Tự Lực văn đoàn. Nổi bật nhất là cụ Thượng Sỹ đưa ra nhiều bài phê bình các tác giả thời đó, tất nhiên là bị nhóm Tự lực văn đoàn tấn công lại dữ dội.
Nguyễn Vỹ nêu lên cách làm thơ hai chữ, mười hai chữ như Tây. Người công kích ông nhiều nhất là Hoài Chân, Hoài Thanh trong Thi nhân Viêt Nam cho Nguyễn Vỹ là bất tài, khua chiêng trống rùm beng mà thôi. Tôi cũng một thời gian chịu ảnh hưởng sự công kích ấy nên sau này khi soạn Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, sách dầy 1300 trang do nhà Khai Trí in và tái bản vài lần ở Mỹ, tôi cũng lên tiếng chỉ trích. Công tâm nhận xét thì ông Nguyễn Vỹ đã cố gắng phổ biến Tao đàn Bạch Nga, cổ súy cho thơ từ 2 chữ đến 12 chữ theo Âu châu cũng là ý kiến tốt, muốn đổi mới nghệ thuật thơ mới vì thơ cũ ở VN thời đó đã khá nhàm. Thi phẩm Hoang Vu của ông có giá trị ngang hàng với tất cả những thi nhân đương thời và cả ngày nay.

 Phong cách Âu châu, tư tưởng cấp tiến của ông thời đó đã làm xốn con mắt của nhiều người đương thời nhất là Hoài Chân, Hoài Thanh trong khi quyển thi nhân VN của Hoài Chân Hoài Thanh tái bản luôn mà không sửa đổi gì cả. Thế ra cái án văn chương này vẫn còn tiền lệ tạo ra sự coi thường nhà thơ Nguyễn Vỹ bất công đến bao giờ.
Trong bài thơ nổi tiếng Gửi Trương Tửu, Nguyễn Vỹ đã than thở : Nhà văn An Nam khổ như chó. Quả vậy, Vita tác giả Mây Ngàn chết vì lao bên Pháp, Vũ Trọng Phụng chết vì lao ở VN, Anh Hợp chết bên đống rác hay Hàn Mặc Tử lẩn lút đau thương trọn đời về bệnh cùi. Lê Văn Trương do anh em chôn cất lúc đó Nguyễn Vỹ lo liệu gần hết, chôn xong thì căn nhà của Lê Văn Trương vừa bán ở đường Trần Hưng Đạo phải giao cho người ta.

 Cụ Tam Ích tuy được gia đình lo cho đầy đủ nhưng có lần ngồi quán ở Cao Thắng với TTKiệt, cụ cũng nói :
– Mày đi mua cho thày mấy viên aspirin.
Bài thơ của Nguyễn Vỹ đã lột lên chân tướng xã hội của các nhà văn đương thời. Ta thử nhìn lại loại thi ca thời tiền chiến, Xuân Diệu ca ngợi ân tình quên đi những kiếp người khốn khổ. Bài thơ Lời Kỹ Nữ có có cái thi hứng phong lưu thời đại hơn là lột trần ra sự cùng khổ thời đại như Victor Hugo, Chế Lan Viên ca ngợi đất nước Chiêm Thành cũ và nói về sự vong quốc, Quách Tấn ảnh hưởng nặng nề của Trung quốc, Vũ Hoàng Chương viết Kinh Kha sang Tần… Thời đại ấy làm thơ viết văn tả thực dường như chỉ có Gởi Trương Tửu là tiêu biểu nhất. Thế mà Hoài Thanh Hoài Chân đã phớt lờ hay nhắc rất ít lời. Quả nhiên là có nhiều vị kỷ, thiên kiến mà ra vậy.
Mặc dù thời trai trẻ than thở Nhà văn An nam khổ như chó nhưng đến trung niên thì đất nước chia đôi. Các nhà thơ di cư vào Nam, xuất bản sách vở báo chí ra được nhiều độc giả chào đón nồng nhiệt. Báo Phổ thông lúc bán chạy nhất lên đến hai mươi lăm ngàn số. Nguyễn Vỹ rất nhiệt tình giúp đỡ các nhà văn cũ như Lê Tràng Kiều, Vũ Bằng. Một nhà văn lão thành là cụ Đàm Quang Thiện đã dịch Thần thoại Hy Lạp cho Phổ thông, cả Thẩm Thệ Hà, Thanh Việt Thanh và nhất là Lê Văn Trương khi còn sống.
Tao đàn Bạch Nga rất đông vui, lúc nào cũng có các thi sĩ trẻ đến chơi và nhập đoàn. Phạm Công Thiện cũng dịch cho báo. Nguyễn Vỹ gây dựng được thanh thế và giàu có. Ông sắm xe hơi đắt tiền, mướn lầu ở gần Cầu Kho đầy đủ mọi phương tiện. Nhưng có tài thì có tật, đó là điều người đời dị nghị về ông nhiều. Ngoài gái gọi mà tôi thường gặp ở căn lầu đó, nhiều phụ nữ khác đến với ông vì chuộng danh tiếng tài năng của ông. Vì thế sự ganh tỵ về bè nhóm cũng không phải là ít.
Một hôm tại nhà của bà chị thi sĩ Bích Khê (Tinh Huyết thi phẩm) giữa lúc đông có cả Đinh Hùng, Đinh Cường, ông Nguyễn Vỹ cầm tập Thơ Trần Tuấn Kiệt mới xuất bản và dường như có giới thiệu tôi là một thiên tài mới xuất hiện. Sau đó một năm, tôi cho in quyển Thơ Nai và gởi tặng nhà thơ Đinh Hùng ở ban Tao Đàn trên đài Phát thanh Saigon. Lúc này cụ Lam Giang Nguyễn Quang Trứ có đề xuất tôi cộng tác cho Đài Phát thanh, giám đốc là nhà thơ Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân.
Một buổi sáng, chợt họa sĩ Nghiêu Đề chạy đến hỏi :
– Mày có nghe chương trình Tao đàn chưa ?
– Tao không nghe. Có gì không ?
Nghiêu Đề nói :
– Hồi tối Tao đàn đọc thơ mày trên đài nhưng có vẻ tấn công mày.
Tôi nổi dóa, lập tức đi lên Đài phát thanh ghé vào văn phòng Hà Thượng Nhân hỏi :
– Đêm hôm qua Đinh Hùng tấn công thơ tôi trên đài, ông có biết không ?
Hà Thượng Nhân từ tốn nói :
– Tôi có nghe, mà Đinh Hùng đâu có chê gì đâu ?
– Để tôi lấy bài viết của Đinh Hùng cho ông xem lại.
Tôi bỏ đi xuống lầu, đến chỗ ngăn để bài, lấy ngay bài của Đinh Hùng trong ngăn mục Tao đàn ra xem qua, lên trao Hà Thượng Nhân rồi bỏ về nhà.
Từ khi tôi in Thơ Trần Tuấn Kiệt và Thơ Nai, các báo chí đều viết khen ngợi, không ai chê cả nên nên tạo cho tuổi trẻ của tôi lúc đó sự kiêu hãnh. Nay đọc bài viết của Đinh Hùng nói thơ Trần Tuấn Kiệt chịu ảnh hưởng Haikai, tanka… của Nhật bản. Tôi bực bội bèn viết một bài trả lời Đinh Hùng đem đến Phổ Thông. Trong đó tôi tấn công dữ dội Tao Đàn, trả lời cho Đinh Hùng biết loại thơ nhỏ vài ba câu do tôi sáng tạo chứ không hề chịu ảnh hưởng gì của Nhật cả. Thơ Nhật ngoài thi hào Basho, ít có thi sĩ làm thơ hay, kém cả thơ Tàu, thơ Tây nhiều, không thể nói tôi chịu ảnh hưởng thơ Nhật được. Tôi tấn công Đinh Hùng là vọng ngoại và thách ông đấu thơ với tôi ở bất cứ nơi nào.
Nguyễn Vỹ thấy trầm trọng quá nên lưỡng lự không dám đăng. Một là sợ xảy ra bút chiến, hai là thế lực Đinh Hùng rất mạnh. Ông này là bạn của cố vấn Ngô Đình Nhu, thường nằm hút chung mâm đèn với cố vấn. Chỉ cần cố vấn gặc cái dọc tẩu xuống mâm đèn, ra lệnh một tiếng thì Nguyễn Vỹ và tôi bị mật vụ hỏi thăm sức khỏe ngay.


Nguyễn Vỹ trả lại bài viết, tôi cả giận nói :
– Ông không đăng bài tôi trả lời trên Phổ thông, tôi sẽ đăng báo khác.
Lúc đó một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp đi vào, cũng là thi sĩ của tao đàn Bạch Nga, chị Ngọc Hân nói với Nguyễn Vỹ :
– Đăng bài trả lời của anh Kiệt đi anh.
Nguyễn Vỹ nghe nói bèn chiều lòng nàng, bảo với tôi :
– Thôi anh đem bài cho chef typo sắp chữ
Lúc này anh Năm Ô tức thi sĩ Nguyễn Vương, một người thợ sắp chữ và trình bày cho báo Phổ thông, sau đó là báo Nghệ thuật của Mai Thảo, anh cùng quê với tôi ở Sa Đéc, lập tức chia bài cho thợ xếp chữ ngay cho kịp số báo tới. Bài báo vô tình tạo ra một hố ngăn cách và hiềm khích mãnh liệt giữa hai bên.
Tao đàn Bạch Nga ở được một thời gian khi báo Phổ thông lên, rồi đến thời kỳ sa sút, Phổ thông bán ế dần cho đến khi chỉ còn một ngàn số.
Đó là vì thời đại này có nhiều báo ra đời như Văn hóa Ngày nay, Tân Phong của Nhất Linh , báo Văn do Trần Phong Giao làm thư ký, Văn học, nhất là các báo Tiểu thuyết Thứ Bảy… lấy hết độc giả của Nguyễn Vỹ, nhiều lần tôi đề nghị thay đổi từ nội dung cho đến cách trình bày nhưng Nguyễn Vỹ là người kỳ cựu trong làng báo, không khi nào nghe lời một thanh niên còn quá trẻ như tôi, ông trở thành bảo thủ hơn nữa. Khi báo thất bại, Nguyễn Vỹ thường rủ anh em đến chùa Cổ Sơn Môn chơi giải khuây.
Càng ngày có nhiều báo mới ra, nguyệt san Thời Nay toàn dịch tài liệu trên báo ngoại quốc như Selection. Tờ này lấy rất nhiều độc giả của Phổ Thông vì tin tức và bài vở ăn khách. Ngoài ra còn Văn của Trần Phong Giao lấy bài của các tác giả cộng tác định kỳ về in. Một vài báo của sinh viên như Huyền của Khưu Ban Lâm, Mai Vi Phúc, Nguyễn Á Châu… tôi làm thư ký tòa soạn báo này.
Đáng kể là Văn hóa Ngày nay của Nhất Linh, đối với tờ này là Sáng Tạo của nhóm Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Bảo Việt, Vương Tân, Trần Dạ Từ… Họ viết nhiều đến chủ nghĩa hiện sinh. Đó là thời của Hiện sinh, ai cũng thích đọc và nghiên cứu về thi ca siêu thực của Breton và các tác giả mới của văn hóa hiện đại. Có cả Văn Nghệ do anh ruột của thi sĩ Quách Thoại là là Đoàn Tường trông nom.


Nguyễn Vỹ và tao đàn Bạch Nga như đóa hoa héo dần, sau này Phổ Thông in một ngàn số mà cũng rất khó bán. Nguyễn Vỹ còn cho ra đời nhật báo Dân Ta do Hải Âu làm tổng thư ký và ông Triệu Công Minh, chồng bà Ái Lan, mới ở Pháp về, hợp tác. Độc gỉả quên dần Phổ Thông để đọc các báo mới từ văn nghệ đến văn học nghệ thuật đều tân tiến.
Anh em chúng tôi làm báo Ngàn Khơi của Nguyễn Hữu Đông rồi tạp chí Tiếng Nói của Trần Dạ Từ. Các báo Văn học, Thế Kỷ Hai Mươi, Đại Học và rất nhiều báo khác tự do ra đời. Các tờ báo như Giáo Dục dường như có bài của Kiêm Đạt. Giáo sư Nguyễn Duy Diễn được giới học sinh và phụ huynh sốt sắng ủng hộ. Tân Phong, Thẩm Mỹ, Phụ Nữ Diễn Đàn có nhiều độc giả, Bình Nguyên Lộc ra báo Vui Sống. Quá nhiều sách báo in ấn thời đó phổ biến tư tưởng văn hóa Âu Mỹ ào ạt vào VN được giới trẻ hưởng ứng.
Lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Vỹ và cụ Đàm Quang Thiện, người dịch thần thoại Hy Lạp cho báo Phổ Thông ở Ngã Bảy rồi sau đó Nguyễn Vỹ mất vì tai nạn xe ở Tân An lúc gần Tết. Ngọc Hân là thi sĩ duyên dáng và vui tính trong tao đàn Bạch Nga, người đã nói Nguyễn Vỹ đăng bài Trả Lời Đinh Hùng của tôi. Sau này chị làm nghề nhiếp ảnh, có lần tôi gặp tại Thị Nghè, bây giờ con cháu đầy đàn cả rồi. Nhắc lại thời Tao Đàn Bạch Nga, tôi và chị, ai nấy đều như luyến tiếc một điều gì đó, một thời tự do của tuổi trẻ đã mất rồi.
Sa Giang – Trần Tuấn Kiệt

No comments: