Trụ sở một ngân hàng thương mại Trung Quốc ở khu phố có Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh tư liệu ngày 24/11/2014.REUTERS/Kim Kyung-Hoon/Files
Trong khi hầu hết các tờ báo chính ở Pháp ra hôm nay đều tập trung vào các đề tài xã hội trong nước, thì nhật báo kinh tế Les Echos dành sự chú ý đặc biệt đến Trung Quốc với sự kiện hôm nay 26/10/2015 khai mạc hội nghị Ban chấp hành trung ương 5 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, một hội nghị đặt trọng tâm các kế hoạch kinh tế quan trọng không chỉ liên quan đến tương lai phát triển Trung Quốc mà còn cả với thế giới bên ngoài.
Tờ báo kinh tế chạy tựa lớn trang nhất : « Trung Quốc đánh cuộc tương lai siêu cường » và nhận xét « Trung Quốc phác họa kế hoạch 5 năm tới trong hoàn cảnh mạo hiểm ».
Les Echos nhận định : « Đúng vào thời điểm Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn khó khăn nhất của việc chuyển tiếp mô hình tăng trưởng, mọi cặp mắt quan sát đều đổ dồn về Bắc Kinh trong tuần này, nơi diễn ra hội nghị Trung ương năm khóa 18 ».
Trong 5 ngày làm việc, cơ quan đầu não của đảng Cộng sản Trung Quốc, bên cạnh một số việc khác, sẽ phải đưa ra được đường hướng chính phát triển kinh tế cho 5 năm tới từ năm 2016-2020, còn gọi là kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Bình luận về sự kiện này, xã luận của Les Echos nhận thấy mục tiêu của đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra trong hội nghị lần này mang « hương vị Liên xô » đó là « hướng tới đỉnh cao ». Les Echos nhận định lộ trình phát triển mới cho đất nước lần này có « tầm quan trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc cộng sản ».
Bài xã luận lý giải : « Quả thực, nếu kế hoạch này đạt mục tiêu, sau năm 2020 Trung Quốc sẽ là cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới, một vị thế mà Hoa Kỳ đã trấn giữ suốt từ năm 1890 trong lĩnh vực kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay hoàn toàn ý thức được sự khó khăn trên con đường này. Thậm chí họ còn nhắc nhau rằng Liên Xô đã bị sụp đổ trước khi kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13 ! Họ sẽ phải làm tất cả để đảng Cộng sản tránh được số phận như người láng giềng cộng sản Liên Xô ».
Theo Les Echos, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 này, Trung Quốc hoặc sẽ trở thành cường quốc số 1 thế giới hoặc sẽ có những biến động lớn. Cả hai khả năng này đều dẫn đến « những hệ quả chiến lược đáng kể ».
Les Echo nhận thấy, thế giới sẽ có lợi khi Trung Quốc theo đuổi con đường kinh tế không có hỗn loạn. Đất nước này đóng góp 32% tăng trưởng toàn cầu và chiếm 30% lượng đầu tư trên thế giới. Vì thế số phận kinh tế Trung Quốc giờ liên quan mật thiết đến kinh tế của toàn cầu. Tờ báo rút kết luận châu Âu cũng « cần phải có một kế hoạch đối phó với Trung Quốc, đó là một chiến lược đối mặt với một cường quốc hành xử theo kiểu có qua có lại dựa trên sức mạnh mà họ có được ».
Giải quyết nhân sự
Les Echos dẫn báo Trung Quốc China Daily cho biết chiến dịch chống tham nhũng cũng sẽ phủ bóng lớn xuống các cuộc thảo luận tại hội nghị trung ương 5 lần này.
Theo China Daily, tại hội nghị trung ương, một vấn đề quan trọng khác cũng được đưa ra, đó là thay thế một loạt cán bộ trung ương vừa bị kỷ luật trong chiến dịch bài trừ tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động, trong đó các quan chức cao cấp chủ yếu có dính dáng đến mạng lưới quyền lực cũ của những nhân vật như Chu Vĩnh Khang hay Hồ Cẩm Đào ....
Vatican cởi mở hơn trong cái nhìn về vần đề gia đình
Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều đó là hội nghị Thượng hội đồng Giám mục của Tòa thánh Vatican bàn về vấn đề gia đình vừa kết thúc hôm 24/10.
Le Figaro đưa tin trên trang nhất « Thượng hội đồng Giám mục bật đèn xanh cho cải cách của Giáo hội về vấn đề gia đình ». Sau ba tuần họp bàn, các giám mục tham gia hội nghị đã thông qua một văn kiện trong đó nêu lên những quan điểm của giáo hội Công giáo cởi mở hơn trên vấn đề gia đình và hôn nhân, theo đó Giáo hội đã bắt đầu chấp nhận một cách thận trọng việc tái hôn của các cặp vợ chồng ly dị trong cộng đồng Công giáo.
Với nhật báo La Croix thì hẳn đây phải là sự kiện quan trọng. Trên bức ảnh lớn Giáo Hoàng Phanxicô tươi cười cầm tập báo cáo trong ngày bế mạc Thượng hội đồng Giám mục hôm thứ Bảy, tờ báo chạy tựa lớn : « Giáo hội mở ra cho tất cả các gia đình ». Tờ báo ghi nhận nét chính của báo cáo mà Thượng hội đồng Giám mục trao cho Giáo Hoàng : Giáo hội Công giáo sẽ dành sự quan tâm cho mọi hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là các trường hợp ly dị tái hôn, họ vẫn có thể được ban thánh thể. Đây là một chuyển biến quan trọng của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên La Croix ghi nhận đó là « Cuộc cách mạng êm dịu », tựa của bài xã luận.
Tờ báo Công giáo nhận xét : « Báo cáo cuối cùng trao cho Giáo Hoàng hôm thứ bảy vừa qua hoàn toàn không đặt lại vấn đề luận điểm của Giáo hội về hôn nhân. Cho dù trong đó có nhắc đến việc hỗ trợ cho các cặp vợ chồng ly dị tái hôn vẫn được hòa nhập trong sinh hoạt của cộng đồng Công giáo. Nhưng với những người mong chờ Thượng hội đồng Giám mục làm một cuộc cách mạng về vấn đề này hay về các vấn đề tránh thai, đồng tính luyến ái thì họ chỉ có thế thất vọng ».
Theo tờ báo thì chính phát biểu của Giáo Hoàng tại hội nghị cũng như thời gian gần đây trước công chúng đã một cách gián tiếp đề cập đến những vấn đề nhạy cảm khi kêu gọi những người Công giáo cùng có một cái nhìn đồng cảm và khoan dung với những hoàn cảnh khó khăn.
Xã luận La Croix kết luận : Như vậy là không cần thay đổi luật lệ, chỉ cần đơn giản huy động những giá trị vốn có của Giáo hội thì cũng có thể coi là cuộc cách mạng êm nhẹ trong Giáo hội. Đó là một trong những điểm mạnh của Giáo Hoàng Phanxicô.
Khủng hoảng di dân : Châu Âu lại bất lực
Trở lại với le Figaro. Trang quốc tế của tờ báo tiếp tục với chủ đề nóng của châu Âu là di dân với ghi nhận Liên hiệp châu Âu bất lực trước người nhập cư ở các nước vùng Balkan.
Cuộc họp thượng đỉnh thu hẹp tại Bruxelles hôm qua bàn về giải pháp cho khủng hoảng di dân cuối cùng không có được kết qủa cụ thể nào mà chỉ làm dấy lên những ngờ vực giữa các nước bắc Âu với Hy Lạp cùng một số nước xung quanh.
Tờ báo đưa con số 643.000 người nhập cư đã tràn vào Liên hiệp châu Âu một cách bất hợp pháp từ đầu năm đến nay, 502.000 người đã đổ vào Hy Lạp. Những người chạy tị nạn này, chủ yếu đến từ Syria, đều muốn tìm đường đến Đức và Thụy Điển, hai nước sẵn sàng đón tiếp họ. Và từ khi cánh cửa biên giới với Hungary bị khép lại, người nhập cư đổ dồn sang Slovenia. Hơn 60.000 người đã đến Slovenia trong tuần qua đang chờ đợi sang được Áo và Đức. Tóm lại là tình hình ngày càng trở nên tồi tệ cho người nhập cư cũng như cho những nước lưu dung tạm thời họ cũng như những nước đón nhận đoàn người khốn khổ chạy nạn.
Le Figaro kết luận : « Ngờ vực, bất đồng, mâu thuẫn nhau, các nước châu Âu còn lâu mới làm chủ được tình hình ».
Ai Cập : Tập trung khai thác quá khứ cổ đại
Trang văn hóa báo Le Figaro dành dung lượng lớn cho Ai Cập với những chương trình rộng lớn trong lĩnh vực khảo cổ, nhằm đem lại sức hấp dẫn mới cho các di tích lịch sử vốn đã nổi tiếng của nước này.
Trong đó đáng chú ý là công trình hai bảo tàng lớn tại Cairo sắp hoàn thành và chương trình nghiên cứu khu mộ của Nefertiti, nữ Hoàng Ai cập và khám phá bên trong các kim tự tháp cổ đại.
Le Figaro ghi nhận « Ai Cập đặt tất cả vào di sản của mình ».
107 kim tự tháp Ai Cập đã được xây cất thế nào, trong đó có kim tự tháp Kheop nổi tiếng với chiều cao 146,59m? Bí ẩn của 4500 năm này vẫn luôn cuốn hút mọi người cho dù đã có không ít giả thuyết đưa ra đến nay có vẻ rất khoa học. Chính quyền Ai Cập đang huy động các viện nghiên cứu cùng với những thiết bị hiện đại nhất để triển khai một nghiên cứu lớn nhằm làm sáng tỏ câu hỏi trên. Chương trình còn có sự tham gia của các chuyên gia thuộc đại học của nhiều nước khác. Mục đích là bằng những phương tiện công nghệ ngày nay cố gắng tìm ra những bí mật còn ẩn chứa bên trong các hầm mộ cổ của các kim tự tháp, nghiên cứu các cấu trúc xây dựng của các công trình.
Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 26/08/2015.REUTERS/Jason Lee
Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh khai mạc hôm nay 26/10/2015. Từ đây đến ngày 29/10, giới lãnh đạo Trung Quốc tập trung thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chựng lại.
Sáng nay, 375 ủy viên Ban chấp hành trung ương được triệu tập để thảo luận về một « lộ trình » phát triển kinh tế và xã hội cho giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020. Báo chí Bắc Kinh cho rằng hội nghị lần này sẽ được cả quốc tế lẫn dư luận trong nước quan tâm do tình hình kinh tế của Trung Quốc không được sáng sủa. Từ tỷ lệ tăng truởng đến các chỉ số xuất khẩu hay sản xuất đều sụt giảm, gây lo ngại cho giới đầu tư. Trung Quốc cần duy trì một tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình 7 %, để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập đầu người vào năm 2020 so với thời điểm của năm 2010. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như hiện tượng dân số đang trên đà bị lão hóa, hay tình trạng nam thừa nữ thiếu. Do vậy, theo một số nhà bình luận, có nhiều khả năng, một lần nữa Trung Quốc phải xét lại chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Một hồ sơ khác cũng được đem ra thảo luận như ô nhiễm không khí và môi trường. AFP nhắc lại kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, đã có nhiều thay đổi trong nội bộ Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Tổng cộng có 104 ủy viên, người thì được lên chức, người thì bị cách chức hay bị kỷ luật và khai trừ khỏi đảng vì chiến dịch bài trừ tham nhũng « đả hổ diệt ruồi » của ông Tập Cận Bình. Theo Hoàn cầu Thời báo, thì đây là đợt « cải tổ » quy mô nhất trong lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước tới nay.
Ban nhạc CBC đã bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy năm 1963
File photo
Nếu lấy mốc thời gian của thập niên 60-70s thì đã 50 năm từ ngày phong trào nhạc ngoại quốc, nhạc ngoại quốc lời Việt, mà gọi chung là nhạc trẻ du nhập vào Việt Nam. Những chàng hippy tóc dài, quần ống loe ngày xưa giờ đây có người đã trở thành thiên cổ, có người tóc đã trắng như vôi. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ trong tâm hồn của họ quên đi được thời kỳ hưng thịnh nhất của nền nhạc trẻ Việt Nam. Nhân dịp “Cuộc hội ngộ 50 năm nhạc trẻ” sẽ tổ chức ở Nam California sắp đến, Cát Linh xin mời quí vị cùng quay về thập niên 60-70s, gặp lại những người đã khởi xướng nên ngọn lửa âm nhạc đã trở thành lịch sử của một thế hệ thanh niên 50 năm trước. “Tôi đã từng sống trong thời kỳ đó, là một người thanh niên, họ rất hoang mang trong cuộc sống và về cuộc chiến tranh, người ta rất hoang mang. Giới trẻ ngày đó người ta nghĩ rằng không biết sống chết ngày nào. Có một phong trào hippy, gọi là big music du nhập vào. Giới trẻ say đắm vào dòng nhạc cuồng loạn để vơi bớt những tâm trạng, những buồn chán, lo lắng của giới trẻ bấy giờ.” Đó là lời tâm tình của nghệ sĩ Kỳ Phát, một trong những chàng trai hippy đã tạo nên phong trào “Việt hoá nhạc trẻ Việt Nam” khi ông nói về nguyên nhân vì sao những thanh niên thế hệ ấy tìm đến và say mê dòng nhạc trẻ. Thập niên 60, 70s là thời gian mà cuộc chiến và sự chia lìa là đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong các tác phẩm văn thơ, âm nhạc. Thế nhưng, bên cạnh những bài ca về lính, những ca khúc chinh chiến đau thương, thì nhạc trẻ xuất hiện như một cơn gió thổi bùng ngọn lửa cuồng nhiệt trong tâm hồn của người thanh niên. Nghệ sĩ Kỳ Phát nói rằng trong một khung cảnh xã hội như thế, nhạc trẻ như một liều thuốc phiện đánh tan nỗi hoang mang, lo lắng về cuộc sống chết nay sống mai. Với nghệ sĩ/nhạc sĩ Nam Lộc, người đã viết nhiều ca khúc ngoại quốc lời Việt trong những năm đó thì ông cho rằng, nhạc trẻ, đơn giản là dành cho người trẻ. “Đã gọi là giới trẻ thì khi lớn lên, rất tự nhiên, họ thích gì thì họ làm đó. Họ không bị ảnh hưởng nhiều bên ngoài, nghĩa là dù đất nước bị chinh chiến, có chiến tranh nhưng không phải lúc nào họ cũng bị cô lập trong cái chinh chiến đó mà họ vẫn phát triển ý thích của họ.” Thời điểm đó, đầu những năm 60s, nhạc trẻ đến từ những bản nhạc Rock n Roll của Pháp, cũng như của Anh, Mỹ và du nhập vào Việt Nam, được giới thanh niên thuộc gia đình giàu có thời ấy ưa chuộng. Bên cạnh những bài tình ca, những ca khúc học trò như nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, hay những giai điệu nhẹ nhàng mà ban nhạc Phượng Hoàng trình diễn thì nhạc trẻ được phổ biến một cách rất tự nhiên. Những điệu nhạc nhanh, cuồng nhiệt nhanh chóng được giới trẻ đón nhận như một nơi quay về sau những hiện thực mất mát từ cuộc chiến.
Trường Kỳ, Tùng Giang, Nam Lộc, Kỳ Phát
“Vẫn có những cuộc vui xảy ra hàng đêm. Những người lính khi trở về, thay 1 bộ đồ trận, trở về thì sà vào những cuộc vui, 1 phần là sở thích của họ, 1 phần là quên đi những khổ đau vất vả của chiến trường. Tuổi trẻ là như vậy. Nhớ đấy rồi quên đấy. Vui đấy rồi cười đấy rồi khóc đấy. Nên tôi cho rằng đó nó phản ảnh cái tuổi trẻ trung thực, lúc vui lúc buồn, lúc khổ đau lúc sung sướng. Tuổi trẻ là như vậy.” Người khởi xướng đầu tiên phong trao nhạc trẻ giai đoạn này là nhạc sĩ Trường Kỳ, người được gọi là ông vua nhạc trẻ, ông vua hippy. “Trường Kỳ là người tổ chức nhạc trẻ, viết về nhạc trẻ. Khi phong trào hippy phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, về vóc dáng của Trường Kỳ thì anh để tóc dài, để râu giống như những tay hippy ở Mỹ nên người ta gọi anh là vua hippy, vua nhạc trẻ Trường Kỳ.” Nhạc trẻ được du nhập và được đón nhận như bản năng tự nhiên. Thì cũng như một quy luật, sau khi bị cấm một thời gian ngắn, nhạc trẻ được cho phép hoạt động trở lại. Khi đó, người nghe và người chơi nhạc như thiếu liều thuốc nghiện lâu ngày được thoả mãn sự mong mỏi, thèm muốn với những điệu nhảy và âm thanh cuồng nhiệt. Đó cũng là thời điểm phát triển mạnh nhất của nhạc trẻ. “Năm 63 là năm đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, thì trước khi đảo chánh, tổng thống cấm tất cả những cuộc vui, cuộc ăn chơi, những tụ họp nhảy đầm của giới trẻ. Khi bị cấm như vậy thì khi mở cửa ra vào tháng 11/1963 cho phép hoạt động trở lại thì như một phong trào bùng nổ mạnh mẽ.”
Kỳ Phát và Trường Kỳ
Khi đó, nhạc trẻ không còn đơn thuần chỉ là nhạc Pháp của các học sinh trường Tây, mà đã có sự gia nhập của nhạc Mỹ, nhạc Anh như Elvis Presley, The Beattles, Bee Gee...và cho đến năm 1965 thì nhạc trẻ ngoại quốc đã ở thời kỳ thịnh hành nhất, đã trở thành một loại thời trang không thể thiếu trong cuộc sống của thanh niên thời đó. Adieu jolie Candy C'est à Orly Que finissent Les vacances à Paris Adieu jolie Candy Une voix t'appelle C'est l'heure Déjà de t'en aller Dans cet avion Qui t'emmène vers Angleterre Từ nay cách xa nghìn trùng Người em bé bỏng Anh tiễn em ra mãi tới nơi phi trường. Còn anh khó quên mùa hè Gặp em, tóc thề Anh đã yêu người em tuổi say mê…(Nhạc: Tiễn em nơi phi trường, nhạc Pháp, lời Việt: nhạc sĩ Phạm Duy) “Đến năm 65, khi những người lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, họ đem theo luôn cả âm nhạc. Và như vậy, phong trào còn phát triển mạnh nữa. Nào là Mama, Papa...đồng thời các club của người Hoa Kỳ, những người lính Mỹ bắt đầu thuê những ban nhạc của người Việt Nam. Lúc đó ban nhạc trẻ không còn chỉ là thuần tuý trình diễn nhạc trẻ theo ý thích của mình nữa mà bắt đầu có tiền đi phục vụ tại các tụ điểm của người Mỹ, người lính Hoa Kỳ tại Việt Nam.” Và rồi cũng lại là quy luật. Khi cái gì vượt quá tầm kiểm soát thì sẽ có những phản ứng ngược, mà theo nhạc sĩ Nam Lộc nói rằng: “Khi phát triển như vậy thì chúng tôi, anh Trường Kỳ và những người bạn khác cảm thấy là đã đến lúc mình cần phải báo động nếu không thì mình sẽ mất giới trẻ đi theo nhạc ngoại quốc mà không đói hoài gì đến nhạc Việt Nam.” Sự báo động đó là nguyên nhân ra đời của phong trào “Việt hoá nhạc trẻ Việt Nam.” “Tim em chưa nghe rung qua một lần Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần Tình trần mong manh như lá me xanh Ngơ ngác rơi nhanh...” (Trưng Vương khung cửa mùa thu – Lời Việt: Nam Lộc) Từ lúc này, những ca khúc ngoại quốc lời Việt như Trưng Vương khung cửa mùa thu, Chỉ còn là giấc mơ qua do nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt và các ca khúc nhạc trẻ khác của Lê Hựu Hà do nhóm Phượng Hoàng trình bày như một cách dung hoà giữa nhạc ngoại quốc và ngôn ngữ, văn hoá của Việt Nam.
Ban nhạc Blacks Caps với Paolo Doan là ca sĩ
“Chiều buồn nhẹ xuống đời Người tình tìm đến người Thấy run run trong chiều phai. Vẻ sầu của đoá cười Tình bền của lứa đôi Thoáng hương trong chiều rơi…” (Chiều Buồn – Serenade – Lời Việt: Phạm Duy)
Một chi tiết rất thú vị được kể lại từ những chàng trai hippy của thời ấy, đó là trong nhóm nhạc trẻ, đứng đầu là nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là người có nhiều ca khúc ngoại quốc chuyển lời Việt nhiều nhất thời ấy. Nghệ sĩ Kỳ Phát nhớ lại rằng
“Tuy ông là một nhạc sĩ cao niên, lớn tuổi nhưng ông rất hoà đồng với loại nhạc trẻ và ông dịch rất nhiều nhạc phẩm nổi tiếng.”
“Làm sao có em để ấm giường êm trong một đêm mềm
Ðể ta ngất ngây một giấc mộng ngoan mơ màng ảo huyền.
Một vòng tay ấm, một ngàn nụ hôn
Ðể ta chết đi rồi tái sinh trong kiếp sống cuồng điên.
Cấu xé lớp da, tấm thân ngọc ngà
Làn tóc bơ phờ, là đó: tình ta…” (Làm sao có anh –The God Father I, lời Việt của Phạm Duy)
Chúng ta ai cũng có một kỷ niệm riêng, một quá khứ riêng cho mình để nhớ về. Nhưng có lẽ tất cả những ai đã lớn lên trong thời loạn ly chinh chiến đó, thì chắc chắn sẽ có cùng một trời kỷ niệm mỗi khi hát lại những bài hát đó. Những bài hát của phong trào nhạc trẻ sẽ mãi mãi ở sâu trong tiềm thức của những người muôn năm cũ, được họ trân quý cất riêng trong một chiếc vali đặc biệt giữa rất nhiều chiếc vali đã đi cùng họ trong cuộc đời.
Nghệ danh là một tấm thẻ bài được các nghệ sĩ mang theo mình trong suốt mặt trận nghệ thuật. Hầu hết mỗi nghệ danh khi nghe đến đều có thể hình dung ngay phong cách trình diễn và nét riêng của người nghệ sĩ đó. Tuy nhiên, trong làng nhạc trẻ của thập niên 60, 70, có một ca sĩ với nghệ danh hoàn toàn đối lập với hình ảnh trên sân khấu của cô. Tên gọi ấy, và những ca khúc cô trình diễn đã từng đốt cháy sân khấu, tụ điểm, đại nhạc hội bấy giờ. Đó là Đệ nhất sexy búp bê lửa Mai Lệ Huyền. Thế nhưng, bên trong những điệu nhảy bốc lửa ấy, là một người phụ nữ bình thường, rất bình thường như bao người phụ nữ khác. Cát Linh mời quí vị cùng trò chuyện với Mai Lệ Huyền. Từ cô học trò hát thế… Tại ngôi trường tỉnh nhỏ của tỉnh Bình Long, Hớn Quản, có cô học trò tên Nguyễn Kim Cúc thích ca hát và đoạt giải Tiếng hát hay nhất của trường Bình Long với ca khúc Duyên quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây cũng là bài hát đầu tiên trong cuộc đời ca hát của ca sĩ Mai Lệ Huyền, nghệ danh sau này của cô học trò ấy. “Lần đầu tiên được hát ca là trong trường, bài hát đầu tiên là bài hát Duyên quê. Một duyên may, một dịp để có tên Mai Lệ Huyền là vì Ban Tân Dân Nam ngày xưa là của bà Tuý Hoa, có người con là ca sĩ Tuý Phượng, rất nổi tiếng. Ban Tân Dân Nam lên trình diễn ở một tỉnh nhỏ ở Bình Long, thì ngày đó người ca sĩ chính để mở màn bị bệnh, không lên được. Ban đó hỏi là trong trường này có ai dám lên hát mở màn giùm để ban Tân Dân Nam diễn không, thì tôi bằng lòng lên hát mở màn. Từ đó ban nhạc Tân Dân Nam mời tôi, và vài nhạc sĩ nói rằng nếu có dịp về Sài Gòn thì liên lạc, nếu muốn làm ca sĩ thì sẽ có người dìu dắt.” Ca khúc Duyên quê trữ tình, nhẹ nhàng lại là ca khúc bắt đầu đưa Mai Lệ Huyền, người sau này “đóng đinh” với dòng nhạc sôi động và cả phong cách trình diễn đầy chất lửa trên sân khấu. Điều này theo lời của Mai Lệ Huyền, đó là do buổi ban đầu chưa xác định được phong cách mình sẽ theo đuổi, vì cô không nghĩ rằng mình sẽ là ca sĩ. “Thời đó là thời học sinh. thời đó tôi chưa có rõ ràng loại nhạc nào mình sẽ diễn sau này. Nhưng mà thật sự cái thích của mình là được hát những loại nhạc tươi trẻ, nhảy nhót. Sau này về Sài Gòn, khi được khi hát và được những người nhạc sĩ coi được cái khiếu của mình là gì thì đã thể hiện ra cái mình có bây giờ.” Từ lúc đó, niềm đam mê và ý định trở thành ca sĩ mới thực sự bắt đầu hình thành trong tâm tưởng cô học trò Nguyễn Kim Cúc. Ngôi trường trung học Bình Long bé nhỏ không giữ chân được cô, không giữ được tiếng hát khoẻ, trong vắt hoang sơ và đầy chất lửa. Cho nên, cô quyết định rời Bình Long để về Sài Gòn. “Bắt đầu liên lạc được với những người nhạc sĩ mà mình đã biết 1 lần hát ở Bình Long, có đến nói chuyện thì họ thấy mình có khiếu, hồi đó chưa có tên Mai Lệ Huyền thì họ quyết định nếu muốn đi hát thì đến tập thường xuyên và sẽ được hướng dẫn đi hát và đặt cho cái tên.” Cho đến nghệ danh “Đệ nhất sexy” búp bê lửa Mai Lệ Huyền Nghệ danh là cái tên gắn liền với cuộc đời của một người nghệ sĩ, phần nhiều nói lên tính cách hoặc mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó. Cái tên Mai Lệ Huyền buồn và nhẹ nhàng như vậy lại được gắn với một giọng hát và phong cách trình diễn được gọi là “búp bê lửa” thời đó. Nhắc lại lời nói của những người nhạc sĩ đặt cho cô nghệ danh này rằng, trên núi rừng Bình Long lúc đó, lại có một cô gái da ngăm đen, nghe nói là từ bên Lào về, mang dáng vẻ của một người Thượng.
Một trong những đĩa nhạc của Ca sĩ Mai Lệ Huyền trước năm 1975
“Họ nói là cái tính rất là lý lắc. Trong trường lúc nào cũng quậy phá, ca hát. Da thì ngăm đen. Mà hễ nói cái gì đụng tới là rơi lệ, dễ khóc. Thành ra họ nói thôi nếu đi hát thì đặt cho tôi cái tên hợp nhất Mai là con khỉ, hay nhảy nhót, Lệ là nước mắt, đụng đến là hay khóc, Huyền là người có nước da nâu đen.” Từ đó cái tên Mai Lệ Huyền ra đời. Từ đó, khán thính giả được biết đến một ca sĩ Mai Lệ Huyền với những bài hát sôi động, những điệu nhảy có thể thiêu đốt những phòng trà, tựu điểm của thập niên 70. “Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều! Từ ngày hai đứa yêu nhau lòng ước bao nhiêu! Mộng vàng hai đứa có chi là quá xa xôi: Ta mơ một mái nhà tranh Ta mơ một túp lều tình Đời mình đẹp mãi với Em và Anh…” (Túp lều lý tưởng) Sự tương phản rõ rệt giữa nghệ danh và phong cách trình diễn. Chính người đặt cho cô cái nghệ danh Mai Lệ Huyền là nhạc sĩ Trần Trịnh và Đinh Việt Lang đã nhìn thấy hai sự đối lập trong một con người của cô học trò Nguyễn Kim Cúc. “Lần đầu tiên họ không biết mình nhiều. Khi mà gặp nhau để chuẩn bị cho một cuộc hành trình bắt đầu đi hát thì họ đã cho mình một nghệ danh như vậy. Khi Mai Lệ Huyền kể với họ là khi đi học trong trường, phá phách như 1 cậu tomboy, leo lên cây mít cây xoài, phá phách như con khỉ, lúc nào cũng lăng xăng, lí lắc. họ nhìn thấy được cái đó. Trong niềm đam mê nhạc quậy khi đứng trên sân khấu thì thích quậy tới bến. Họ nhìn thấy được cái đó. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng nhìn thấy được dòng lệ của mình lúc nào cũng rơi, mà dễ rơi. Lúc nào cũng có thể khóc được.” Mai Lệ Huyền cho biết cô rất thích “nhạc quậy”. Kể lại thời điểm đó, cái thời có ca sĩ Tuý Phượng, Băng Tâm, thời của nhạc 60, nhạc ngoại quốc, mà người ta gọi chung là nhạc trẻ, những nơi đầu tiên cô đi diễn là club Mỹ. Và chính những người nhạc sĩ Việt Nam trình diễn trong club Mỹ thời đó đã nhìn thấy phong cách rất riêng của Mai Lệ Huyền, mời cô về Đại nhạc hội Quốc Thanh hát chung với Hùng Cường, bắt đầu với ban nhạc Khánh Băng, Phùng Trọng. “ Cái chính là Mai Lệ Huyền đi hát ở club Mỹ, do ông Trần Văn Trạch, là người nhìn thấy Mai Lệ Huyền nhìn thấy mình hát nhạc quậy thời đó, cũng là cái thời tập tành hát nhạc Mỹ, vì thời đó người Mỹ qua Việt Nam nhiều lắm, mình cũng là người thích hát nhạc đó, nên đi hát ở club Mỹ rất nhiều trước khi ra hát nhạc Việt Nam với Hùng Cường, để có cái tên chính thức là Mai Lệ Huyền.” Mai Lệ Huyền – “Người yêu của lính” Sau khi từ những club Mỹ ở Bình Long về Sài Gòn hát cho phòng trà Tự Do, Văn Cảnh, và gần như là cái tên thiêu cháy phòng vé thời đó, Mai Lệ Huyền được nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân, nghệ danh của hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân “đo ni đóng giày” bằng những ca khúc viết về người lính. “Bắt đầu từ đó Mai Lệ Huyền hát rất nhiều đại nhạc hội mà nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân ráp vô đặt những loại nhạc ca tụng lính như ‘Hờn anh giận em’, Hai trái tim vàng, 100 phần 100, Đám cưới nhà binh….” “Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm Nguời yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi Nào đâu nào biết tâm tư nguời lính Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau với em tâm tình…” (Một trăm phần trăm) Cái tên Mai Lệ Huyền – Hùng Cường bắt đầu gắn liền với những ca khúc lính. Cô cho biết cả hai đã có rất nhiều những buổi đi tiền đồn để trình diễn cho những người lính. Thời gian đó, tiếng hát Mai Lệ Huyền như tiếng chuông báo thức trên đài phát thanh mỗi sáng. Khi nhớ về những kỷ niệm vàng son ấy, Mai Lệ Huyền có nhắc lại một câu nói của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay nói với những người lính của ông rằng. “Anh, biết cô này là ai không? Dạ thưa biết! À, tưởng anh không biết thì anh không phải là lính Việt nam cộng hoà.” “…Một tấc đất là một tấc vàng Một viên đạn là một chiến công Anh hy sinh vì dân Tôi hy sinh vì dân Thì một viên đạn đồng này Phải lập nên chiến công Chiến công đó đã xây bằng xương và máu…” (Tấc đất tấc vàng)
“Chúng tôi được ân sủng của chánh phủ thời cộng hoà rất nhiều. vì sao? vì thời đó ai cũng là lính hết. Người nào cũng là lính. Dù là đàn bà, mình là ca sĩ, mình vẫn là lính theo kiểu của ca sĩ. Thành ra ông Thiệu cứ nói là cô Huyền, cô đã là lính, chiến đấu tới cùng. Mỗi lần ông Thiệu gặp tôi đi công tác, là ‘cô Mai Lệ Huyền đâu, cô lên đây. Cô phải mở màng bài Tấc đất tấc vàng. Khi tôi hát, tất cả lính phải hừng chí.”
Người phụ nữ bình thường sau sân khấu
Tự nhận mình là người phụ nữ rất bình thường như bao người phụ nữ khác. Ngoài những lần biểu diễn, những điệu nhảy sôi động trên sân khấu, thì cô không có thói quen đi khiêu vũ.
“Hay là đi sòng bài, hát, diễn bao nhiêu nhưng vẫn không rờ đến 1 con bài, 1 ly rượu cũng không biết. Có thể nói là Mai Lệ Huyền là một người đàn bà rất simple và bình thường trong gia đình, một người vợ, một người mẹ.”
Thời gian không thể dừng lại. Hào quang nào cũng phải trôi theo vòng quay đó. Như lời Mai Lệ Huyền nói rằng, tre già thì măng mọc. Cô cảm thấy vui và hài lòng với những gì mình đã tạo được và đã có, mà khán giả đã cho mình đến ngày nay. Không hối tiếc những gì đã qua, và khẳng định rằng, nếu có kiếp sau, cô vẫn mong mình lại là ca sĩ.
“Nhưng hẳn nhiên mình phải biết là không có gì tồn tại trên đời vĩnh cửu. Nếu mình bằng lòng với những gì mình có, số phận ông trời đã cho thì lúc nào mình cũng happy.”
Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn ra mắt độc giả đã lâu, ấn hành lần thứ nhất tại California (không ghi năm), gồm hai quyển: Quyển I dày 290 trang, quyển II dày 428 trang.
Gần đây tôi được tặng bản dịch của quyển này qua tiếng Anh, A Tale For 2000, dịch giả là Đào Phụ Hồ, ấn hành tại Little Saigon vào mùa Thu năm 2010. Sách dày 704 trang.
Bản dịch dễ hiểu, giọng văn lưu loát, uyển chuyển làm tôi có cảm tưởng tôi đang đọc một quyển truyện tiếng Anh chứ không phải bản dịch. Đây là một quyển sách rất khó dịch, dịch giả phải đương đầu với tiếng lóng của người ở tù, tiếng lóng trên hè phố, giọng địa phương, cách xưng hô giữa người kể chuyện (hắn) và các nhân vật khác (ông, anh,) và tên của những cây cỏ hoang dại trong rừng núi. Ông Tấn là người thích đọc truyện ngoại quốc nên ông hay nhắc đến tên các tác giả và tác phẩm ngoại đã được phiên âm ra tiếng Việt. Dịch giả nếu rời VN đã lâu không quen với cách phiên âm ra tiếng Việt sau năm 75 sẽ phải vật lộn để tìm hiểu ông Tấn nói về tác giả nào, vấn đề gì, ẩn dụ gì để dịch cho đúng. Công việc dịch quyển sách này tôi cho là rất gian nan. Bản dịch cung cấp rất nhiều chú thích để giải thích điển tích, địa danh, tên tác phẩm và tác giả đã được viện dẫn. Vặt đi một vài lỗi nhỏ nhặt rải rác trong truyện thì đây là một bản dịch rất công phu. Sau khi tôi đọc bản tiếng Anh, dù rất hài lòng với bản tiếng Anh vì dịch giả đã làm việc rất cẩn trọng đầy tâm huyết, tôi đọc lại bản tiếng Việt, để chiêm nghiệm phản ứng của chính tôi đối với bản chính và bản dịch.
Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3 tháng 7 năm 1934 ở Hải Phòng. Tiểu sử của ông đã được đăng trên blog của ông, như sau: bố ông làm chủ tịch xã và chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng ông theo bố mẹ tôi tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Thi tiểu học, ông đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Suốt thời gian học trung học, ông được học bổng toàn phần. Năm 1954, ông vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô. Cuối năm 1954, ông từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên. Cuối năm 1959, ông chuyển về báo Hải Phòng. Tháng 11 năm 1968 ông bị cáo buộc tội “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo cho đến tháng 4 năm 1973. Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, ông Tấn được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp ông đã làm rất nhiều nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn lúc trẻ, với vợ và hai con
A Tale For 2000 dày 704 trang, một quyển và chia làm hai phần. Phần I nói về thời gian ở trong trại tập trung cải tạo từ năm 1968 cho đến 1973 của Nguyễn văn Tuấn, người kể chuyện có dáng dấp của tác giả. Phần II nói về đời sống của Tuấn sau khi thoát tù. Nhân vật đã vất vả kiếm sống, tìm cách minh oan, cố gắng khôi phục danh dự, và xin phép được làm việc theo đúng khả năng nghề nghiệp của mình, viết văn. Thời gian này kéo dài từ năm 1973 cho đến năm 1975, cuối cùng Tuấn được cấp giấy phép lao động, không được hành nghề viết văn, mà đi làm cho một công ty hải sản.
Năm 1968 là một thời điểm đặc biệt. Miền Nam bị tấn công vào Tết Mậu Thân. Ở Hoa Kỳ, giới thanh niên biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và phụ nữ cởi áo nịt ngực ném vào lửa đốt đòi quyền bình đẳng. Ở Trung quốc, Mao Trạch Đông phát động phong trào thanh lọc tư tưởng bài trừ văn hóa phản động. Nhà văn Yu Hua, cách đây vài năm, trong quyển Brothers (Anh Em) đã phản ảnh hoàn cảnh biến động lúc bấy giờ bằng cách cấu tạo nhân vật Song Gang, đã từng là anh hùng lao động Chủ Nghĩa Xã Hội Trung Quốc, bị người ta vu oan là phản cách mạng nên bị bỏ tù, và vợ ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hứa sẽ đón vợ lúc xuất viện ở bến xe buýt nên Song Gang trốn tù và bị Hồng Vệ Quân giết chết trước khi đến bến xe. Việt Nam, lúc bấy giờ, còn nằm trong quỹ đạo của Trung quốc nên cũng áp dụng chính sách thanh lọc nói trên. Trong Chuyện Kể Năm 2000, Nguyễn văn Tuấn, tương tự nhà văn Bùi Ngọc Tấn, con của một gia đình cách mạng có uy tín, từ chối đi học ở nước ngoài, ở lại để viết văn phục vụ quốc gia và xã hội. Giống như trường hợp Song Gang của Yu Hua, Tuấn bị vu oan tội tuyên truyền phản cách mạng, tuy không có bằng chứng cụ thể cũng không bị tuyên án, anh bị đưa đi tù, lao động khổ sai. Những người bạn thân của Tuấn trong giới viết văn cũng bị điêu đứng với giới cầm quyền. Nguyễn Vũ Phương, chuyên viết kịch bản điện ảnh bị bắt không lâu trước khi Tuấn ra khỏi tù. Nguyễn văn Bình, nhà văn, đã bị theo dõi liên tục. Người ta đặt máy thâu âm thanh để theo dõi cuộc trò chuyện của anh.
Quyển Chuyện Kể Năm 2000 là một bộ tranh chân dung, tổng hợp nhiều khuôn mặt của nhiều thành phần và giai cấp trong xã hội miền Bắc Việt Nam trước năm 1975. Tác giả Bùi Ngọc Tấn cho độc giả hàng chục bức họa truyền thần của những nhân vật cùng chịu đựng sự khắc nghiệt của tù đày với Tuấn, bạn bè và gia đình chia sẻ và giúp đỡ ông, và những bộ mặt giảo quyệt, tham lam, độc ác hay ngu ngốc của giới cầm quyền, từ anh hạ sĩ cai quản tù nhân cho đến cấp lãnh đạo thành phố. Trong khi miêu tả hoàn cảnh xã hội, kinh tế, và chính trị thời bấy giờ, tác giả đưa ra những quan điểm như sau: Ăn cắp không nhất thiết luôn luôn là một hành động vi phạm đạo đức. Để phán đoán hành động ăn cắp người ta cần xét lại động cơ. Tuấn là nhà văn có phẩm cách, rất ngay thẳng trong sạch, tuy thế ông vào tù rồi trở thành tên ăn cắp. Ông khoe học được hai tài mọn, nói dối và ăn cắp. Ông tâm sự: không ăn cắp, có thể ông không chết nhưng sẽ rất khổ sở và buồn bã. Cuộc sống trong tù rất thiếu thốn. Tù nhân làm việc khổ sai nhưng không được cho ăn đầy đủ. Bất cứ hành động nào không vừa lòng ban quản trị tù là họ bị cắt phần ăn, cùm chân và biệt giam. Thỉnh thoảng ở trong rừng họ gặp lá sắn hay khoai môn dại họ hái lá bới củ mang về trại giam để ăn thêm. Hành động này vi phạm nội qui và bị xem là ăn cắp cho dù những thứ tù nhân tìm được là những thứ mọc hoang. Với Tuấn, cũng như các tù nhân khác, ăn cắp ở trong trường hợp này là một cách chống đối và qua mặt những người có uy quyền đã đàn áp họ. Điều đáng chú ý ở đây là Tuấn, cũng như Andrew Dupresne một nhân vật trong tiểu thuyết của Stephen King, là một người ngay thẳng đầy tự trọng, vì bị tù oan mới trở nên người ăn cắp.
Những người ở tù, cả hình sự lẫn chính trị, không nhất thiết tất cả đều là người xấu. Phần lớn họ vào tù vì hoàn cảnh đưa đẩy. Rất nhiều tù nhân biết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ thức ăn với những không được thăm nuôi tiếp tế vì không có thân nhân hay bị bỏ rơi. Nhiều tù nhân trở nên trộm cắp hay móc túi sau khi ra khỏi tù chỉ vì đời sống quá khốn khổ và không có chỗ cho họ nương tựa để vươn lên. Nguyễn văn Dự bị tù vì tội dấu tài liệu tôn giáo về sau đi làm nghề móc túi; Giang, con của liệt sĩ, bị tù vì tội ăn cắp xe đạp về sau trở lại nghề ăn cắp xe đạp sau khi cũng làm đủ thứ nghề như Tuấn; Vòng Kỷ Mình, người dân tộc bị tù vì tội chống tham ô; Lê Bá Di là người thẳng tính và tự trọng. Ông không chịu được sự sĩ nhục của một tên tù nịnh bợ cán bộ đã đập guốc vào mặt tên nịnh bợ này. Sau đó ông bị trả thù trước sự chứng kiến của người quản trị. A Thềnh bị lính gác ngục bắn chết vì tội đi hái ớt rừng; Lý Xìn Cắm, lưng cánh phản, có nét mặt của Hemingway, là thợ lò gốm người Hoa, giản dị và tốt bụng. Họ là những người biết yêu thương và giúp đỡ các tù nhân khác.
Những người ở cương vị lãnh đạo, có quyền bắt giam tù và hạ nhục người khác là những người ăn cắp có tổ chức qui mô và được che chở. Họ có thể là những người thiếu học thức và thiếu lương tâm, nhưng thừa quyền hành. Cai trị và hành hạ những tù nhân có học thức như Tuấn là ông Thanh Vân, hạ sĩ quản lý nhà tù học lớp 10 nhưng thích làm ra vẻ triết gia; Lan mặt ngựa, công an hỏi cung Ngọc, vợ Tuấn, suốt ngày khi chị chỉ còn ba ngày nữa là sinh con; ông Trần, Giám đốc sở Công an, đã dùng mưu mô xảo quyệt cho Tuấn, một người vô tội, vào tù và không cho có điều kiện làm việc, và các ông Quảng, Khuổng là Ngưu Đầu Mã Diện của ông Trần. Đây là những người dùng quyền thế nhận chìm người khác. Cuối cùng,Thưởng, người dám liều chịu khiển trách của cấp trên, đã cấp giấy cho phép lao động cho Tuấn, không hẳn là người tốt bởi vì ông ta cũng móc ngoặc tham nhũng, tuy nhiên có ít nhiều lòng nhân đạo và không hoàn toàn giả dối như ông Trần.
Chuyện Kể năm 2000, bút tích Bùi Ngọc Tấn, Tranh Nguyễn thị Hiền (Nguồn: blog Nguyễn Trọng Tạo)
Trong những bức họa chân dung của Chuyện Kể Năm 2000 có hai khuôn mặt bị tù lâu năm nhất đó là Già Đô và Ngụy Như Cần. Đây là hai nhân vật mà tác giả Bùi Ngọc Tuấn đã xây dựng rất công phu. Trong khi tác giả cấu tạo Già Đô bằng phương pháp hiện thưc, thì với Ngụy Như Cần tác giả đã chấm phá bởi đường nét phi hiện thực. Già Đô là lính thợ của Pháp. Ông có vợ đầm, có con lai, nhưng ông bỏ tất cả để về Việt Nam phục vụ quốc gia. Ông yêu mến ông Hồ chí Minh nên dù vợ ông khóc lóc van xin ông ở lại, ông vẫn ra đi để con lại cho người vợ nuôi. Ông chống tham ô, biểu tình nên bị đuổi ra khỏi xưởng. Người ta nghi kỵ ông vì cái lý lịch làm cho Tây, nên ông bị đi tù lao động khổ sai. Không người thân, không nhà cửa, cuộc sống ở tù hai mươi mốt năm đã tước đọat hết tất cả những tài năng, hy vọng. Khi được thả ra khỏi tù không hộ khẩu, không tiền, không nghề nghiệp ông sống lang thang trở nên mất trí và chết ở góc đường, xác vô thừa nhận. Ngụy Như Cần là người miền Nam bị tù vì người ta bảo là ông phản cách mạng. Người ta đồn ông là trùm gián điệp của Mỹ hay của Pháp, và bị tù hai mươi ba năm. Ở trong tù ông bẫy lợn rừng, ông chăm lo bảy ao cá sắp theo hình bậc thang, cá được dùng để thêm vào món ăn cho cuộc sống thiếu thốn đói khổ của người tù, ông bắt hằng trăm con rít bằng chiếc đũa để cán bộ ngâm rượu. Ngụy Như Cần có tài thu phục thú vật. Ông nuôi một con khỉ, dạy nó biết nấu cơm hái rau, làm bạn với ông. Con khỉ bị cán bộ bắt đem về để cho con cháu chơi. Ông nuôi một con trăn dạy cho nó nghe hiểu ông và hễ thấy loài người thì trốn vào rừng. Ông nuôi hai con tắc kè dạy chúng diễn trò. Và đặc biệt ông nuôi một con cá chép rất to bề dài hơn một mét, biết trồi lên để ông vuốt ve. Sau hai mươi ba năm ở tù, khi được thả ra ông vào rừng treo cổ tự tử chết, có lẽ để tự mình tránh số phận của Già Đô. Sau khi Ngụy Như Cần mất rồi con cá chép bị một cán bộ bắn chết để ăn thịt. Già Đô là khuôn mặt điển hình của những người hết lòng tin tưởng vào chế độ rồi bị chính chế độ mà họ tin tưởng chà đạp. Qua Già Đô tác giả cho thấy một người yêu nước, có thể đóng góp bằng tài năng kỹ thuật đã bị bạc đãi và bỏ rơi. Ông luôn luôn lo sợ sẽ bị chết trong tù mà không hề dự đoán được cuộc sống sau khi ra khỏi tù lại càng đáng sợ hơn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi cấu tạo nhân vật Ngụy Như Cần đã làm một công việc đáng quí. Ông xây dựng một mẫu người miền Nam, có nhân dạng và nhân tính, thông minh và tự trọng, chứ không phải là ác quỷ hay dã thú ác độc ăn gan uống huyết người khác như một số tác giả trước đây. Có thể nói những nhân vật xấu trong Chuyện Kể Năm 2000 như Lan Mặt Ngựa, Thanh Vân, hay ông Trần đều là những người ở vị trí lãnh đạo, và nhất là giới Công an. Những nhân vật này lạm dụng quyền hành và của công. Họ bỏ tù những người ăn cắp trong khi chính họ là những người ăn cướp có giấy phép. Độc giả có thể bảo rằng Tuấn thiếu thiện cảm với những nhà lãnh đạo này là lẽ tất nhiên bởi vì họ đã trực tiếp hỏi cung, thi hành sự trừng phạt, bắt Tuấn phải chịu khuất phục trước quyền uy của họ. Nhưng ở phần truyện viết về Ngụy Như Cần, hai vị cán bộ đã bắt con khỉ khôn ngoan và bắn con cá khổng lồ hiểu tiếng người, là những người lãnh đạo tàn nhẫn. Hai người này không có liên can trong việc tù tội của Tuấn, lúc ấy ông đã được thả tự do. Bắt con khỉ là tước đoạt tài sản của người tù, trong trường hợp này con khỉ không chỉ là tài sản mà còn là người thân. Bắn chết một con cá, lạ hiếm vì to lớn dị thường, chỉ để ăn thịt khi không đói kém, là một hành động dã man. Tác giả để Ngụy Như Cần tự chọn cho mình cái chết khi được trả tự do để tự bảo vệ phẩm cách không bị nhận chìm xuống tận cùng đáy của xã hội như nhân vật Già Đô. Cả hai nhân vật Già Đô và Ngụy Như Cần đều biểu lộ lòng can đảm trong sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết.
Nếu đừng bị tù và trù dập, ông Bùi Ngọc Tấn rất có thể là nhà văn lớn của trường phái lãng mạn. Những đoạn văn hay và cảm động nhất là những đoạn tác giả cho nhân vật Tuấn nói về tình yêu với Ngọc, vợ ông, đặc biệt là cảnh hai vợ chồng tắm dưới ánh trăng ở một nhà kho trong rừng. Nếu ngại chiều dài hơn 700 trang của quyển sách xin độc giả nên đọc ít nhất là chương 26 và hai chương cuối là những chương rất tuyệt vời.
Dù chất chứa rất nhiều chi tiết tương tự như cuộc đời của tác giả,A đây không phải là hồi ký mà là tiểu thuyết. Với dạng tiểu thuyết tác giả có thể sáng tạo linh động hơn, không cần phải chính xác với từng chi tiết nhỏ, ông có thể thêm vào một nhân vật là hiện thân của hai hay nhiều nhân vật khác có thật trong đời sống. Cái ưu điểm lại trở thành nhược điểm vì nó làm giảm đi cái sức mạnh của sự thật khi độc giả tự hỏi đâu là sự thật chỗ nào là hư cấu. Để được xuất bản quyển sách, vẽ lại bộ mặt của xã hội, kinh tế và chính trị của miền Bắc ở cuối thập niên sáu mươi, về cái khổ của tù nhân, còn những điều gì ông đã không thể viết? Tuy những điều Bùi Ngọc Tấn viết về ngục tù của chế độ độc tài không phải là điều mới lạ, không bạo động bằng cuộc thanh lọc ở Trung quốc qua ngòi bút Yu Hua, không ác độc bằng chế độ Trujillo như Junot Diaz đã diễn tả, không được nhiều người biết đến như Quần đảo Gulag của Solzenetsyn, Chuyện Kể Năm 2000 vẫncó sức thuyết phục rất mạnh bởi vì tác giả không những là người đã sống suốt đời với chế độ mà còn đã từng tin tưởng, yêu thương, và phục vụ chế độ này với một lý tưởng cao đẹp. Dù sao đi nữa, Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn can đảm đã dám nói những điều không đẹp về một chế độ tù lao động khổ sai. Cũng cái chế độ này đã giam cầm muôn vàn người lính của miền Nam Việt Nam sau năm 1975.
Biển Đông phải chăng sắp sửa dậy sóng ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đang đặt ra vào lúc khẩu chiến Mỹ-Trung đang càng lúc càng gay gắt sau khi Washington liên tiếp nhắc lại quyết tâm tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển tại vùng Trường Sa, sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp trên nền các bãi đá mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam và Philippines trước đây.
Lời khẳng định quyết tâm gần đây nhất của Mỹ đến từ Đô đốc Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP hôm 22/10/2015, Đô đốc Swift khẳng định rằng Hải quân Mỹ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh « giới hoạch định chính sách » - tức là Nhà Trắng - mà thôi.
Tuyên bố của Đô đốc Swift nằm trong một chuỗi những lời khẳng định theo cùng một chiều hướng của các nhân vật cao cấp trong quân đội cũng như chính quyền Mỹ, từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Ngoại giao.
Trong một cuộc họp báo ngày 19/10 chẳng hạn, ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại tái khẳng định ý định tuần tra Biển Đông của Mỹ để thể hiện lập trường chống lại « các yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng ».
Trước những tín hiệu dồn dập đó, Trung Quốc đã có những phản ứng rất gay gắt, và như thông lệ, đã bật đèn xanh cho báo chí lớn tiếng đe dọa Mỹ và các nước chống lại tham vọng bành trướng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Giới chức ngoại giao Trung Quốc chẳng hạn, đã xác định rằng Bắc Kinh « sẽ không cho phép bất kỳ nước nào vi phạm không phận và lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ».
Giọng điệu ngoại giao nói trên đã trái ngược hẳn với những lời đe dọa trên báo chí Trung Quốc. Tân Hoa Xã ngày 21/10, đã cho rằng Mỹ sẽ phạm phải một « sai lầm nghiêm trọng » nếu cho tàu tuần tra gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vì Trung Quốc « không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ ».
Hoàn Cầu Thời báo, nổi tiếng với lời lẽ dao to búa lớn, thì nói thẳng thừng là nếu Mỹ xâm phạm « các lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc, thì Quân đội Trung Quốc sẽ « dùng vũ lực ngăn chặn ».
Khẩu chiến bùng lên giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến nhiều chuyên gia phân tích lo ngại về khả năng sự cố nảy sinh. Theo một số chuyên gia về an ninh, được hãng tin Anh Reuters hôm 24/10 trích dẫn, thì Hải quân Trung Quốc chẳng hạn có thể cho tàu ra cản trở hoặc bao vây tàu Mỹ, làm tăng nguy cơ xung đột.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều thấy rằng, Mỹ chắc chắn sẽ xúc tiến việc cho tàu Hải quân tiến vào khu vực bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa, vấn đề là lúc nào và bao lâu mà thôi.
Một câu hỏi quan trọng không kém là có nước nào đồng ý cùng tuần tra với Mỹ hay không, vì sẽ là một nghịch lý nếu Hoa Kỳ, nước không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lại năng nổ trong việc bảo vệ quyền tự do qua lại, đa số các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép qua hành động bồi đắp đảo, xây căn cứ có thể dùng vào mục tiêu quân sự, lại có phần im hơi lặng tiếng.
Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine (Hoa Kỳ), vào lúc mà ý đồ nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt, với tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua, và với các hành động cụ thể của Bắc Kinh tại Trường Sa hiện nay, đã đến lúc các nước nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc, đứng đầu là Việt Nam không còn nhân nhượng được nữa, mà phải tích cực hơn trong việc hậu thuẫn cho các hoạt động của Mỹ.
Mỹ đã cố thuyết phục, nhưng Trung Quốc vẫn thách thức
RFI : Tại sao Mỹ vào lúc này lại có thái độ cứng rắn hơn trong việc đưa tàu Hải quân tiến vào vùng bên trong khu vực 12 hải lý bao quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa ?
Ngô Vĩnh Long : Tại vì Mỹ đã cố gắng hết sức, gián tiếp và trực tiếp trong vài năm qua, trong việc thuyết phục Trung Quốc nên bớt hung hăng ở Biển Đông. Cùng với các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc thi hành Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc đã ký, làm nền tảng để xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Đồng thời Mỹ cũng đã cùng nhiều nước kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Nhưng Trung Quốc càng ngày càng đe doạ các nước láng giềng và thách thức Mỹ.
Một ví dụ cụ thể : Trước khi Tập Cận Bình sang thăm Mỹ cuối tháng 9/2015, Tổng thống Obama đã tuyên bố là một trong những vấn đề quan trọng hai vị lãnh đạo này sẽ bàn với nhau là hồ sơ Biển Đông và đòi hỏi là Trung Quốc nên ngưng việc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo chung của hai lãnh đạo ngày 25/09 tại Vườn Hoa hồng (Rose Garden) của Nhà Trắng, Tập Cận Bình đã tuyên bố thẳng thừng rằng những hòn đảo ở Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc tự ngàn xưa. Do đó Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền hạn và quyền lợi hợp pháp của mình trên các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Bộ Quốc Phòng Mỹ và Lầu Năm Góc đã nhiều lần cảnh báo Trung Quốc và đã đưa ra chính sách rõ rệt trước chuyến thăm của Tập Cận Bình.
Một ví dụ cụ thể là trong một buổi nói chuyện tại Aspen, bang Colorado ngày 24/07/2015, Chỉ huy trưởng Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương (Commander of U.S. Pacific Command), Đô đốc Harry Harris, cho nhiều chi tiết về những xây dựng của Trung Quốc ở vùng Trường Sa để đi đến kết luận rằng Trung Quốc rõ ràng có ý định sử dụng các đảo nhân tạo như những căn cứ quân sự để áp đảo và tấn công các nước lân cận. Đô đốc Harris nói thêm là Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân lực để bảo vệ quyền lợi của Mỹ cũng như để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực nếu bị đe doạ từ các đảo nhân tạo ấy.
Ví dụ thứ hai là cuối tháng 08/2015, Lầu Năm Góc đã đưa ra tài liệu « Chiến lược An ninh Biển ở Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Maritime Security Strategy) », trong đó có nói là nếu Trung Quốc sử dụng những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo để cản trở thông thương hàng hải hay tự do đối với các phi vụ trên không, thì đó là việc gây nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ và của thế giới, cho nên Mỹ sẽ phải có những hành động cụ thể.
Tạo sức ép từ từ hay là thị uy cho thích đáng
RFI : Mỹ có thể chọn những « đảo » nào để ra uy ? Các đảo vốn dĩ là nửa chìm nửa nổi – Low tide elevations -, như Xu Bi (Subi) hay Vành Khăn (Mischief) hay là các bãi đá vốn nổi hoàn toàn – Rocks – như Gạc Ma (South Johnson) hay Chữ Thập (Fiery Cross) ?
Ngô Vĩnh Long : Tổng thống Obama đã tuyên bố trong cuộc họp báo chung với ông Tập Cận Bình ngày 25 tháng 9 năm 2015 là quân đội Mỹ sẽ tuần tra trên biển và trên không bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Do đó, tàu và máy bay của Mỹ có thể đi qua những đảo và bãi đá đề cập trên từng cái một hay tất cả cùng một lúc. Việc này còn tuỳ thuộc quyết định là muốn tạo sức ép từ từ hay là thị uy cho thích đáng.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển các đá ngầm xây thành đảo nhân tạo không bao giờ là lãnh thổ với lãnh hải (territorial sea). Đá ngầm chỉ được có 500 thước xung quanh để cho các tầu đi qua giữ được an toàn mà thôi. Chỉ có đảo hay đá nổi mởi có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Mỹ và các nước chỉ phải tôn trọng 12 hải lý lãnh hải chung quanh đá hay đảo nổi, nhưng vẫn có thể đi qua vô hại (innocent passage access), tức là không có ý tấn công nước khác bằng vũ lực hay dừng lại để đánh cá, phóng uế, v.v.
Nhưng đó là trường hợp đảo nổi hay đá này dưới chủ quyền của một nước một cách rõ ràng. Còn trong trường hợp các đảo vừa đề cập đến, thì tại vì Trung Quốc đã dùng sức mạnh và võ lực để chiếm lấy, thì Trung Quốc về mặt pháp lý, không có quyền hạn gì hết.
Nhưng mà dẫu có quyền hạn, thì vào tháng 8 năm nay (2015), Trung Quốc đã cho chiến thuyền của họ đi vào lãnh hải dưới 12 hải lý của Mỹ ở đảo Aleutian (bang Alaska) trong khi Tổng thống Obama đang viếng thăm bang này. Rõ ràng đây là trò thách thức, nhưng chính phủ và quần chúng Mỹ tỉnh bơ xem như không có gì, bởi vì xem đó là hành động trong quyền « innocent passage », nghĩa là chỉ đi qua thôi.
Cho nên, nếu Mỹ cho tàu đi qua vùng Trường Sa mà không có ý định chiếm lại các đảo mà Trung Quốc đã chiếm, thì Trung Quốc không có lý do gì để phản đối.
Dùng sức mạnh mềm để cho Trung Quốc một bài học
RFI : Trung Quốc đe dọa sẽ có phản ứng « thích hợp và dứt khoát ». Đây là hù dọa hay có thể làm thật ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi không biết khi Trung Quốc nói sẽ có phản ứng « thích hợp và dứt khoát », thì điều đó nghĩa là gì. Theo tôi, thích hợp và dứt khoát theo luật lệ quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, là :
(1) trả lại các đảo đã chiếm đóng bằng vũ lực ;
(2) dứt khoát ngưng ngay các hoạt động bồi đắp và xây dựng các căn cứ cho dù không phải là quân sự đi nữa vì những xây cất này rõ ràng là cố ý để hợp thức hoá việc chiếm đóng – tất nhiên là phi pháp ;
(3) dứt khoát cùng các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Còn nếu « thích hợp và dứt khoát » là dùng vũ lực để đe doạ thì Mỹ và các nước trong khu vực nên cho Trung Quốc một bài học thích đáng. Có thể không cần dùng đường lối quân sự mà ban đầu chỉ cần sử dụng những sức mạnh mềm như trong lãnh vực tài chính, mậu dịch, đầu tư, v.v., thì Trung Quốc cũng sẽ phải nhũn bớt đi rồi.
Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ Mỹ thậm chí cùng tuần tra
RFI : Các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines, hoặc là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc có nên tháp tùng tàu Mỹ hay không, dù chỉ tượng trưng ?
Ngô Vĩnh Long : Có thể lúc đầu các nước như Ấn Độ và Úc chưa thấy cần thiết nên tháp tùng hay ủng hộ các hành động cụ thể của Mỹ một cách triệt để, vì hai nước này ở xa, và dân chúng của họ chưa thấy rõ lợi ích cụ thể, nhưng Việt Nam, Nhật Bản, Philippines và Malaysia nếu không tháp tùng được thì cũng nên lên tiếng một cách rõ ràng ủng hộ hoạt động của Mỹ trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh khu vực.
Thái độ của Philippines thì đã rõ từ lâu, ít nhất là từ lúc kiện Trung Quốc. Thái độ của Malaysia cũng càng ngày càng rõ. Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, ông Zulkefli Mohd Zin, trong ngày cuối cùng (ngày 18 tháng 10 năm 2015) của Diễn đàn An ninh - Quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh đã lên án hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông là « khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận » được.
Việt Nam là nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông và bị Trung Quốc đe doạ nhiều nhất chắc cũng nên có những hành động thích hợp và dứt khoát hơn chăng ?
Dẫu sao Mỹ và các nước trên thế giới cần có sự ủng hộ rõ ràng của các nước trong khu vực để quần chúng tại nước họ cho phép có những hành động cụ thể để bảo vệ an ninh và quyền lợi chung.
Đó là lúc đầu. Sau này, nếu Mỹ đi tuần tra thường hơn, thì tôi nghĩ những nước trong khu vực cũng nên tháp tùng đi tuần tra với Mỹ, bởi vì nếu chỉ một nước riêng rẽ như Việt Nam chẳng hạn, mà cho thuyền ra, thì lẽ dĩ nhiên Trung Quốc sẽ dùng tàu của họ và đụng chìm tàu của Việt Nam, như đã dùng tàu ngư chính để đâm chìm các tàu cá của Việt Nam. Cho nên đi tuần tra cùng với Mỹ và các nước khác trong khu vực là vấn đề có ích lợi chung.
Mỹ chắc chắn sẽ đưa tàu chiến ra thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo nhận định của 3 chuyên gia gốc Việt từ Mỹ, Úc, và Canada am hiểu về tình hình Biển Đông trong cuộc hội luận với VOA Việt ngữ hôm nay. Giới chuyên môn đánh giá rằng bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ và đe dọa trả đũa từ Bắc Kinh, kế hoạch của Washington sắp cho tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa ‘có tầm quan trọng rất lớn’ với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Vậy Việt Nam cần tận dụng cơ hội này thế nào để vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa thoát được sự chi phối lâu nay từ Trung Quốc? Mời quý vị theo dõi phần hội luận tiếp theo với luật sư Lưu Tường Quang tại Úc, từng là một nhà ngoại giao thời Việt Nam Cộng Hòa, cựu Tổng Giám đốc hệ thống truyền thanh đa ngữ SBS Radio của liên bang Úc; luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế; và học giả Ngô Vĩnh Long ở Mỹ chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, hiện là Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine.
Vai trò Việt Nam trong kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông’
Giáo sư Long: Mỹ cũng cần sự ủng hộ của một vài nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Cho nên, Việt Nam phải lên tiếng rõ ràng. Là nước duyên hải dài nhất ở Biển Đông và có nhiều đảo ở Trường Sa, nếu Việt Nam không lên tiếng thì sẽ bị thiệt hại. VOA: Nếu Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra này, Trung Quốc sẽ thịnh nộ. Vậy Việt Nam ‘lên tiếng rõ ràng’ thì liệu có tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc? Giáo sư Long: Việt Nam giờ phải quyết định xem lợi ích và sự sống còn của dân tộc có quan trọng hơn lợi ích của một số người trong đảng hay không. Theo đà chính trị trong những năm qua, kể cả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, Việt Nam đã quyết định phải bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Việt Nam vì sát Trung Quốc nên phải nhân nhượng. ‘Nước xa lửa gần’, nhưng đến lúc lửa cháy quá thì phải tìm nước dập lửa mà thôi. Bao nhiêu sự thỏa thuận với Việt Nam, Trung Quốc nói tuần trước thì tuần sau đều đi ngược lại. Ông Tập Cận Bình sang Mỹ cũng thỏa thuận nhiều vấn đề, nhưng sau đó lại tiếp tục làm bậy. Mỹ, Việt Nam và các nước phải chứng minh cho Trung Quốc thấy họ không thể nói một đằng làm một nẻo. Luật sư Quang: Trong trường hợp này, tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thái độ dứt khoát hơn. Tới giờ, ASEAN hoàn toàn chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. Nếu ASEAN, đặc biệt là 4 nước có tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, có một lập trường chung ủng hộ hành động cụ thể, mạnh mẽ của Mỹ thì Việt Nam dễ dàng có thái độ dứt khoát hơn.
VOA: Các cuộc tuần tra của Mỹ tại khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc, nếu diễn ra, liệu có khả năng dẫn tới những xung đột, va chạm trên biển? Luật sư Khanh: Tôi nghĩ chắc chắn không có vấn đề nổ súng. Trung Quốc không điên dại gì nổ súng vì không đủ khả năng chống lại lực lượng Hoa Kỳ. Có sự đối đầu, sẽ rất găng, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ. VOA: Không lên tới mức xung đột nhưng có thể ở mức va chạm? Luật sư Khanh: Dạ và có thể có một mặt trận ngoại giao rất căng.
Giáo sư Long: Dẫu thế, Trung Quốc sẽ càng ngày càng bị cô lập vì pháp lý hiện nay không về phía Trung Quốc. Họ đã chiếm đảo, giết người, xây dựng các sân bay trên đó v..v..rõ ràng là có ý đồ quan sự . Các nước bảo ngưng, Trung Quốc hứa nhưng lại tiếp tục xây. Dư luận thế giới đã hiểu vấn đề này. Nếu Trung Quốc có căng thì cũng sẽ càng làm cho thế của họ yếu đi. Luật sư Quang: Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội về ngoại giao. Ưu tiên của họ bây giờ là làm sao phát triển kinh tế bắt kịp với Mỹ. Trung Quốc cần nhiều phương tiện, cần thương mại, cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc. Ưu tiên đó sẽ không cho phép Trung Quốc gây ra cuộc chiến lớn với Hoa Kỳ. VOA: Mỹ có thể làm gì để hạ nhiệt Trung Quốc nếu thật sự các cuộc tuần tra này làm cho Trung Quốc phẫn nộ có hành động đáp trả? Giáo sư Long: Muốn Trung Quốc hạ nhiệt, Mỹ phải có những hành động rõ ràng. Trung Quốc có thể đụng độ với vài nước nhỏ trên đất liền, trong đó có Việt Nam, hoặc qua các hình thức khác như kinh tế chẳng hạn. VOA: Trong trường hợp bị o ép như thế, Việt Nam có thể làm gì? Luật sư Khanh: Với chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ tháng 7 vừa qua có thể đã có những thỏa thuận ngầm nào đó về vai trò của Việt Nam trong khu vực. Chúng ta cần quan sát thật kỹ hai chuyến đi trong tháng 11 của ông Tập Cận Bình và của Tổng thống Obama sang Hà Nội. Hai chuyến đi này sẽ cho một số dấu hiệu để thấy Hà Nội chuyển trục thế nào. Đầu năm sau, với đại hội đảng 12, chúng ta sẽ hình dung rõ hơn bức tranh của Việt Nam. Họ bắt buộc phải có một sự chuyển trục rõ ràng.
Giáo sư Long: Tại sao ông Trọng sang Nhật sau khi thăm Mỹ? Bởi Nhật là đồng minh rất quan trọng của Mỹ. Tôi nghĩ Việt Nam đã chọn đường hướng.
Luật sư Quang: Việt Nam đã có ý định đó khi vận động cho ông Trọng được Mỹ mời sang.
VOA: Trong trường hợp họ không ‘chuyển trục’ sẽ có những bất lợi thế nào?
Luật sư Quang: Nếu họ chuyển trục, nếu Hiệp định TPP được Quốc hội Mỹ chuẩn y và có hiệu lực, thì cơ hội Việt Nam chịu uống thuốc đắng để dã tật, để phần nào bớt lệ thuộc vào Trung Quốc có thể xảy ra. Không những xảy ra về phương diện kinh tế mà cả luôn về mặt chính trị.
VOA: Luật sư Khanh có nhìn thấy những nguy cơ, rủi ro nào với Việt Nam nếu không chịu ‘chuyển trục’?
Luật sư Khanh: Trong bối cảnh hôm nay, đảng cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác hơn. Nếu họ không chịu quyết định vận mệnh của họ thì Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ quyết định cho họ. Với bờ biển trên 3 ngàn cây số, đó là mặt tiền của Biển Đông, Việt Nam có quá nhiều quyền lợi ở Biển Đông, không thể không có quyết định sớm. Có thể với sự tham gia TPP trong vài năm tới, Việt Nam sẽ từng bước có những sự nới lỏng, không gian xã hội dân sự được giãn ra, từ từ sẽ có chuyển biến chính trị phù hợp với xu hướng của thế giới.
VOA: Những yếu tố ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ để thoát Trung đối với Việt Nam như thế nào khi Mỹ quyết định phải hành động chứ không thể dễ dãi với âm mưu bá chủ của Trung Quốc?
Giáo sư Long: Đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam, nhưng để nắm được cơ hội đó, Việt Nam cần phải dứt khoát. Mỹ đã dọn bàn cổ cho Việt Nam, trong đó có TPP. Việt Nam giờ chỉ cần làm sao chuẩn bị để được hưởng những cái lợi đó. Đại hội đảng 12 rất quan trọng. Việt Nam giờ đang muốn mua thời gian để chuẩn bị cho đại hội đó cũng như chuẩn bị nhân sự để thi hành những chính sách mà theo tôi là họ đã đồng ý rồi. Tôi nghĩ Việt Nam bây giờ đã thấy được giữa cái tương lai và sự nguy hiểm cho đất nước như thế nào.
Luật sư Quang: Tôi hy vọng với sự đe dọa rất lớn từ Trung Quốc, đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016 sẽ đi tới một quyết định tương tự như đại hội 6 năm 1986. Nếu những điều chúng ta thảo luận trở thành sự thật, đại hội 12 sẽ có tầm vóc chuyển đổi Việt Nam từ chế độ cộng sản độc tài lệ thuộc Trung Quốc thành một nước Việt Nam độc tài nhưng thân Mỹ. Điều đó có lợi cho đất nước chúng ta, theo nghĩa là chúng ta bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
VOA: Như vậy kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông lần này xem ra vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam xem Việt Nam có dám nhân cơ hội này mà rời xa Trung Quốc hay không?
Giáo sư Long: Vâng, việc làm rõ ràng của Mỹ sẽ khiến Việt Nam tin cậy Mỹ hơn bởi vì Hoa Kỳ đã đi đêm với Trung Quốc rất nhiều lần, đã gây tổn hại cho nước Việt Nam rất lớn. Các nước khác cũng cần Mỹ chứng minh để họ có thể tin tưởng Mỹ. Bây giờ, những hành động cụ thể của Mỹ sẽ gây tin tưởng cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Luật sư Quang: Để Việt Nam tin tưởng hơn vào Hoa Kỳ, Mỹ có thể tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương để giúp Việt Nam có được phương tiện quân sự chống trả Trung Quốc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công bằng đường bộ.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Long, Luật sư Khanh, và Luật sư Quang đã dành thời gian cho cuộc hội luận này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani, sẽ hội đàm với người tương nhiệm của Việt nam về tranh chấp Biển Đông.
Hãng tin Nhật Kyodo News dẫn lời giới chức ngoại giao cho biết các cuộc hội đàm của ông Nakatani với ông Phùng Quang Thanh theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 11.
Hoa Kỳ mới đây nói họ sẽ đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc cơi nới tại khu vực Biển Đông trong chiến dịch “Tự do Đi lại” nhằm thách thức Bắc Kinh trong nỗ lực tuyên bố chủ quyền tại khu vực có tranh chấp chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật theo dự kiến cũng sẽ bàn thảo việc Tokyo giúp Hà Nội tăng cường năng lực quân sự và sẽ thăm Cảng Cam Ranh.
Được biết Tướng Nakatani bày tỏ sự quan tâm tham dự một phiên họp của bộ trưởng quốc phòng khối Asean với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ United States, được lên lịch vào ngày 3-5 tháng 11 tại Malaysia. Do đó chuyến thăm Việt Nam có khả năng được tiến hành sau phiên họp này.
Nhật Bản mới đây loan báo sẽ cấp khoản viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên để Việt Nam mua thêm tàu tuần tra biển đã qua sử dụng.
Tuyên bố được đưa ra trong dịp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Nhật vào tháng Chín năm nay.
Hai nước khi đó chia sẻ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông do việc tôn tạo, mở rộng đảo, đá, theo tuyên bố chung.
Tuyên bố "tầm nhìn chung" của hai phía có đoạn: “Hai bên bày tỏ lo ngại nghiêm túc về những diễn biến gần đây và đang xảy ra trên Biển Nam Trung Hoa, gồm việc bồi đắp quy mô lớn và xây dựng tiền đồn, làm tăng căng thẳng, hủy hoại lòng tin, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới.”
Mặc dù tuyên bố không nhắc đến Trung Quốc và chỉ dẫn chiếu tới "các hành động đơn phương", người đọc hiểu rằng văn bản ám chỉ các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tại Quốc hội, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã phát biểu về tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong đó có đề cập tới điều ông gọi là "các nước lớn" mặc dù không nêu tên đó là nước nào.
“Ở khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tăng lên, diễn ra việc tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định.
“Trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, chúng ta luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.
“Độc lập tự chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng, vì nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp cho đất nước.”
'Không để TQ tạo tiền lệ'
Trong bối cảnh Washington lên kế hoạch áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc cơi nới tại Biển Đông, một số chuyên gia nói rằng Nhật có thể đóng một vai trò lớn hơn trong tranh chấp ngày càng căng thẳng.
Zack Cooper, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS nói rằng Nhật Bản quan ngại về ổn định khu vực khu vực bị đe dọa và hành động lấn lướt của Trung Quốc có thể tạo ra tiền lệ.
"Nếu Trung Quốc được phép ép các nước nhỏ hơn ở Biển Đông, thì điều đó tạo một tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia lớn hơn như Nhật Bản, đang đối mặt với việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại Biển Hoa Đông."
Một số chuyên gia thậm chí cho rằng các vấn đề tại Biển Đông có thể liên quan tới Nhật hơn là tranh chấp tại Biển Hoa Đông.
"Vấn đề Biển Đông quan trọng hơn đối với Nhật Bản, không chỉ từ góc độ kinh tế, mà còn ở góc độ quân sự và chiến lược, trong khi các vấn đề tại Biển Hoa Đông là có tính chiến thuật và dễ kiểm soát hơn," Tetsuo Kotani, một thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Thời sự Quốc tế bình luận.
Ian Storey, nhà nghiên cứu về hàng hải châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Yusof Ishak-ISEAS nói rằng "Khi Hoa Kỳ quyết định tiến hành chiến dịch tự do đi lại tại Trường Sa thì nhiều khả năng đây sẽ không chỉ là hoạt động đơn lẻ.
“Để củng cố thông điệp của mình rằng Trung Quốc phải tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải tiến hành các hoạt động đó một cách thường xuyên.
"Điều này mở ra khả năng rằng trong tương lai Hoa Kỳ sẽ mời các nước khác tham gia - Nhật Bản và Australia sẽ là ứng viên dễ thấy," ông cho biết qua email.
Corey Wallace, một nhà phân tích chính sách an ninh tại các Trường Nghiên cứu Đông Á tại Freie Universität, Berlin nói rằng Nhật Bản cần phải chủ động tại Biển Hoa Đông và vấn đề Senkaku và rằng Nhật Bản đã thận trọng không đóng vai trò đi trước các nước khác trong khu vực đối với chủ đề Biển Đông.
Trung Quốc đã giận dữ phản đối Hoa Kỳ đưa tàu khu trục USS Lassen tới áp sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết đã cảnh cáo và theo đuôi chiến hạm có trang bị tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ hôm nay, 27/10.
Theo các quan chức Mỹ, trong chuyến đi kéo dài vài tiếng đồng hồ, tàu USS Lassen đã tiến vào khu vực biển 12 hải lý tại bãi đá Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Đây là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở biển Đông, trực tiếp thách thức Trung Quốc, và theo các nhà quan sát, nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng.
Việt Nam là nước có đường biên giới núi liền núi, sông liền sông thì phải có phát ngôn một cách thận trọng. Việc này, Mỹ đã thông báo vài tuần rồi. Trung Quốc lên tiếng phản đối, còn Việt Nam về chính thức là im lặng. Im lặng tức là đồng ý còn gì.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã theo dõi, theo đuôi và cảnh cáo chiến hạm USS Lassen khi tàu này tiến vào vùng lãnh hải gần các hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa một cách “trái phép” và không được sự cho phép của Trung Quốc.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích có chủ ý của bất kỳ nước nào,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Sau đó, trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ này nói rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục “gây căng thẳng trong khu vực”, Trung Quốc có thể sẽ đi tới kết luận rằng nước này cần phải “gia tăng và tăng cường khả năng phù hợp”.
Ông Lục không nói rõ việc tăng cường đó là gì, nhưng cho biết ông hy vọng là Bắc Kinh sẽ không phải làm điều đó. Tuy nhiên, bình luận của ông cũng ám chỉ rằng Trung Quốc có thể tăng cường thêm nữa sự hiện diện quân sự trên biển Đông. Ông này nói thêm:
“Trung Quốc hy vọng sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp, nhưng nếu Trung Quốc phải đáp trả thì thời điểm, biện pháp và nhịp độ của sự đáp trả này sẽ được quyết định dựa trên mong muốn và nhu cầu của Trung Quốc”.
Tin cho hay, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tới để phản đối bước đi của Mỹ.
Truyền hình nhà nước dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại nói với Đại sứ Mỹ Max Baucus rằng việc làm của Washington “hết sức thiếu trách nhiệm”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cảnh báo Hoa Kỳ “hành động một cách thận trọng và tránh gây khiêu khích”.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương nói rằng Mỹ phải “suy nghĩ chín chắn, không hành động hấp tấp và gây rắc rối”.
Một quan chức quốc phòng của Mỹ được các hãng thông tấn phương Tây trích lời nói rằng các chuyến đi trinh sát của tàu chiến Hoa Kỳ sẽ được thực hiện thường xuyên và sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa, và có thể được tiến hành gần những nơi mà Việt Nam và Philippines đã xây dựng trên Trường Sa.
Nhận định về hành động mới nhất của Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch một cơ quan nghiên cứu tư nhân mới thành lập có tên gọi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói rằng đây là “một chuyến đi mang tính biểu tượng để mà bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.
Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động khiêu khích có chủ ý của bất kỳ nước nào.
Việt Nam chưa lên tiếng phản ứng sau khi Hoa Kỳ điều tàu vào Trường Sa. Về sự dè dặt này, ông Trường nói thêm:
“Im lặng là đồng ý còn gì. Mỹ có ở cạnh sát Trung Quốc mấy nghìn cây số đâu. Việt Nam là nước có đường biên giới núi liền núi, sông liền sông thì phải có phát ngôn một cách thận trọng. Việc này, Mỹ đã thông báo vài tuần rồi. Trung Quốc lên tiếng phản đối, còn Việt Nam về chính thức là im lặng. Im lặng tức là đồng ý còn gì. Mỹ là cường quốc, có sức mạnh, nên làm những chuyện đấy là làm được. Chứ ta, Việt Nam, chả lẽ lại gây thêm những cái phức tạp cho Trung Quốc? Muốn ổn định là phải đi với Trung Quốc, và muốn phát triển là phải đi với các nước lớn để dùng làm đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc. Và để phát triển kinh tế nữa thì phải đi với Mỹ, Nhật Bản, EU và với Trung Quốc. Mình phải tính, phải dựa vào lý trý chứ không thể dựa vào tình cảm được. Theo tôi, quan điểm chính thức của Việt Nam là rõ rồi. Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, và bất cứ hành động nào duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng biển Đông. Và Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố là Mỹ sẽ hành động theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng chấp nhận là phải hành động theo luật pháp quốc tế. Về cơ bản thì quan điểm của Mỹ và Việt Nam là nhất trí với nhau. Chính quyền Mỹ người ta hiểu lập trường của Việt Nam, cái vị trí địa chiến lược của Việt Nam là vô cùng khó, vô cùng tinh tế, chịu sức ép rất lớn, hàng ngày, hàng giờ của Trung Quốc, thì mình phải tính cho kỹ là ở chỗ đó. Việt Nam tính toán một cách có trách nhiệm, chứ không phải là sợ Trung Quốc hay là không sợ Trung Quốc”.
Trong khi đó, Philippines, một trong các quốc gia mạnh mẽ phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông, hoan nghênh hành động của Mỹ. Tổng thống Philippines tuyên bố:
“Việc Mỹ đi qua các vùng biển tranh chấp này là để chứng tỏ là các nguyên tắc về tự do hàng hải là như thế nào, và họ hành động như vậy để không có việc thay đổi nguyên trạng trên thực địa.”
Việc Mỹ đi qua các vùng biển tranh chấp này là để chứng tỏ là các nguyên tắc về tự do hàng hải là như thế nào, và họ hành động như vậy để không có việc thay đổi nguyên trạng trên thực địa.
Nhật Bản, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc nhưng là trên biển Hoa Đông, một lần nữa lặp lại quan ngại về hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.
Khi được các hãng thông tấn hỏi về phản ứng đối với hoạt động của tàu khu trục USS Lassen, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ để nhận các thông tin tình báo.
Trong khi đó, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Australia nói rằng chính quyền Canberra mạnh mẽ ủng hộ quyền của mọi nước “về tự do hàng hải, tự do bay bên trên biển Đông, theo luật pháp quốc tế”, nhưng nói thêm rằng “Australia không liên quan tới hoạt động hiện thời của Hoa Kỳ ở biển Đông”.
Tàu khu trục USS Lassen từng do Hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy từ năm 2009 tới năm 2010. Tàu này từng tới thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009.
Lần cuối cùng tàu hải quân Mỹ tiến vào khu vực phạm vi 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là năm 2012.
Tàu khu trục USS Lassen của Hoa Kỳ vừa hoàn tất chuyến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Biển Đông.
Hôm thứ Ba 27/10 tàu này đã vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đá ngầm Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. BBC đã hỏi chuyện một số chuyên gia ở Việt Nam về sự kiện này.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD), một trung tâm nghiên cứu chiến lược dân lập đầu tiên ở Việt Nam.
Cuối cùng, qua các cuộc tranh luận trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc, thì các lợi ích tự do hàng hải và sức ép của hải quân và nhà lập pháp Mỹ đã thắng khi Nhà Trắng cho phép hải quân Mỹ thực hiện chuyến tuần tra này.
Hành động này để thách thức hành động bồi đắp xây dựng trái phép và các tuyên bố chủ quyền không hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, và khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn.
Điều này buộc Bắc Kinh phải bày tỏ lập trường và sẽ phơi bày lập trường phi lý của Bắc Kinh.
Mỹ tuy không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các đảo, nhưng sẽ chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo khu vực Trường Sa.
BBC: Liệu hành động này có làm tăng căng thẳng ở Biển Đông không thưa ông?
Kế hoạch tuần tra đã được tuyên bố từ trước để chuẩn bị dư luận và tránh căng thẳng. Bởi vậy hành động này không gây căng thẳng kéo dài, mà sẽ buộc Trung Quốc phải tìm kiếm một giải pháp lâu dài với Mỹ và các nước có lợi ích.
Nếu hải quân Mỹ không hành động bây giờ thì sẽ quá muộn, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các đảo Trường Sa, xây dựng trái phép và tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và kiềm tỏa nó trong thời kỳ có xung đột. Hoạt động này của Mỹ có lợi cho tự do hàng hải, có lợi cho các nước có lợi ích ở Biển Đông. Dư luận Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ hành động của Mỹ, vì nó phù hợp với hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông đồng thời hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế. Theo tôi nghĩ, sẽ không có xung đột vũ trang. Trái lại, hành động của Mỹ thúc đẩy giải pháp giữa các nước lớn. Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan: Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ. Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất khôn khéo, đây là bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo, Trung Quốc không thể tranh cãi gì được. Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam:
Đây là thông tin rất đáng hoan nghênh vì người Mỹ đã nói là làm, đúng với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng, phản đối và thậm chí trên thực tế có thể sẽ có hoạt động để ngăn cản việc này [tiếp tục xảy ra trong tương lai]. Thế nhưng khó có khả năng sẽ xảy ra xung đột lớn.
Khi hành động, Trung Quốc phải tính tới sức mạnh của họ trong tương quan lực lượng với Hoa Kỳ, nhất là về hải quân. Thêm nữa, hoạt động của Trung Quốc ở đây, như cả thế giới biết, là hoàn toàn phi pháp. Đây là các bãi cạn, không phải đảo tự nhiên và chỉ có thể đòi hỏi vùng an toàn 500m chứ không thể yêu sách 12 hải lý xung quanh. Nhất là khi Trung Quốc cơi nới, xây cất trong vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đi ngược lại Công ước quốc tế về Luật biển.
Như vậy về cả pháp lý và tương quan lực lượng Trung Quốc đều yếu hơn và khả năng gây ra đụng độ là không có.
Tuy nhiên các bên cần kiềm chế, không để xảy ra xung ̣đột, đe dọa hòa bình trong khu vực.
Tàu khu trục USS Lassen vào hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái thách thức trước việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố tại Bắc Kinh: "Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực". "Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này."
Ông Lục Khảng nhấn mạnh rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận". "Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải và hàng không." "Trung Quốc cực lực hối thúc Mỹ nghiêm túc quan tâm sự phản ứng nghiêm khắc của Trung Quốc, lập tức uốn nắn sai lầm, tránh tiếp tục gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ và hoà bình, ổn định của khu vực".
Trung Quốc gần đây cũng nhiều lần tuyên bố "không bao giờ cho phép bất cứ nước nào" xâm phạm vùng biển và không phận của họ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ điều tàu và phi cơ "tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" và vào thời điểm mà Hoa Kỳ lựa chọn. Trước đó tin cho hay Hải quân Mỹ có khả năng điều phi cơ do thám P-8A và P-3 hộ tống khu trục hạm USS Lassen. Các chuyến tuần tiễu bổ sung sẽ được tiến hành trong những tuần tới và cũng có thể được tiến hành xung quanh các cơ sở mà Việt Nam và Philippines xây tại Trường Sa, một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với Reuters. Theo Công ước LHQ về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý không được áp dụng xung quanh các đảo nhân tạo được xây trên các bãi đá ngầm. Bốn trong số bảy bãi đá Trung Quốc xây cất trong vòng hai năm qua bị hoàn toàn ngập nước lúc thủy triều lên trước khi thi công xây dựng, giới học giả luật được nhà báo Greg Torode của Reuters dẫn lời.
'Tuần tiễu thường xuyên'
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia an ninh tại viện nghiên cứu CSIS ở Hoa Kỳ nói việc tuần tiễu của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ diễn ra thường xuyên vì hải quân Mỹ muốn đảm bảo rằng họ không bị cấm cửa tại khu vực này. "Tôi biết là Hoa Kỳ không muốn thấy như vậy. Không ai muốn cho Trung Quốc có khu vực cấm đi lại mới cả.” Tin Hoa Kỳ điều tàu chiến vào khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông được một loại các báo trong khu vực và quốc tế đưa tin trong đó có CNN của Hoa Kỳ, Kyodo News của Nhật, The Guardian của Anh. Truyền thông tại Việt Nam trong đó có Đài tiếng nói Việt Nam, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, An ninh Thủ đô và vnxpress cũng đã chạy tin này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ gần đây nói sẽ không chấp nhận các giới hạn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông. Thông điệp được đưa ra trong khuôn khổ họp cấp ngoại trưởng Hoa Kỳ và khối Asean tại New York. Không đề cập tới tên của bất kỳ nước nào đang tạo ra thách thức, ông Kerry nói: “Tôi nói rõ thế này. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc giới hạn tự do hàng hải và hàng không và những việc sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác. “Bất kể đó là tàu chiến lớn hay là một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, nguyên tắc là rất rõ ràng: quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng".
Tàu khu trục USS Lassen được điều tới Biển Đông từ căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Tàu này từng do Hạm trưởng Lê Bá Hùng chỉ huy (04/2009- 12/2010) và đã ghé thăm Đà Nẵng vào tháng 11/2009. "Người dân VN mong muốn Mỹ tiến vào biển đông của VN để ngăn chặn sự bành trướng của TQ", Thành Nguyễn bình luận trên Facebook của BBC tiếng Việt. Trong khi đó Nguyễn Hòa nhận xét: "Ngư dân VN có thể an tâm đánh bắt trên vùng biển của mình rồi."
Tại Quốc hội, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã phát biểu về tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong đó có đề cập tới điều ông gọi là "các nước lớn" mặc dù không nêu tên đó là nước nào. “Ở khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tăng lên, diễn ra việc tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định. “Trong hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, chúng ta luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. “Độc lập tự chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng, vì nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp cho đất nước,” ông Phùng Quang Thanh phát biểu. Trong cuộc phỏng vấn với Hồng Nga, BBC Việt Ngữ, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore diễn ra hai ngày 30-31/5, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng nói "Tình hình càng căng thẳng thì càng phải giữ độc lập, tự chủ. Đó là nguyên tắc nhất quán của Việt Nam." Ông Vịnh cũng bác bỏ khả năng Việt Nam tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý: Vai trò của Việt Nam?
Mặc Lâm, RFA 2015-10-27
TS Trần Công Trực nói về yếu tố pháp lý và vai trò của VN khi Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông
Chiến hạn USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ.
Courtesy of US Navy
Sáng nay 27/10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu cuộc tuần tra trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo 1 cách bất hợp pháp trong vùng biển đang tranh chấp, trong đó có nơi từng bị Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam hồi năm 1988. Mặc Lâm phỏng vấn tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ để biết thêm ý kiến của 1 viên chức nhà nước từng trách nhiệm về vấn đề biên giới.
Yếu tố pháp lý
Mặc Lâm:Thưa Tiến sĩ Trần Công Trực. Như ông đã biết ngày hôm nay Hoa Kỳ đã đưa tài chiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đang xây dựng bồi đắp trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam, ông có cảm nghĩ gì về việc này? TS Trần Công Trực: Theo ý kiến cá nhân của tôi thì như đã từng phân tích về khía cạnh pháp lý thì những tuyên bố về phía Mỹ trước đây thì cũng rất phù hợp với những qui định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước luật biển 1982.
Tôi cũng mong rằng Mỹ nói thì phải hành động. Quả nhiên hôm nay đã thấy hành động trong thực tế. Có lẽ thông tin này cũng là một thông tin đáng hoan nghênh và cần được chia sẻ.
Bởi vì hành động của Mỹ trong thực tế đó góp phần làm vô hiệu hoá cái yêu sách vô lý của Trung Quốc trong việc mà như chúng ta đã biết là các thực thể mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988.
Sau đó họ bồi lấp và xây dựng biến những bãi cạn này thành đảo nhân tạo và họ muốn áp đặt yêu sách rằng các bãi cạn, đảo nhân tạo mà có công trình trong đó trở thành các đảo để họ tính vùng đặc quyền kinh tế. Cái yêu sách vô lý, đòi hỏi đó, tham vọng đó hoàn toàn đi ngược lại công ước.
Bằng những hành động của mình, Mỹ đã vô hiệu hoá những yêu sách vô lý đó. Cái đó về mặt luật pháp thì tôi cho rằng là một hành động rất tích cực. Và với tư cách là người làm luật, nghiên cứu luật biển, tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ và hoan nghênh những động thái đó của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cũng cần phải có những hoạt động mà phù hợp hoàn toàn với luật pháp, như nếu triển khai những hoạt động vượt ra khỏi luật pháp thì sẽ dẫn đến đụng độ và những xung đột mà có thể gây ra những bất ổn.
Điều đó chúng ta không muốn. Vì vậy những hoạt động thế này thì tôi nghĩ là họ đã tính toán tất cả tính tương quan lẫn yếu tố pháp lý. Họ làm đúng và làm mạnh thì tôi nghĩ là hoan nghênh thôi.
Mặc Lâm:Trước đây khi Hoa Kỳ lên tiếng cho biết là sẽ mang tàu chiến tuần tra trong khu vực này thì một vị đại biểu quốc hội đã tuyên bố Hoa Kỳ phải xin phép Việt Nam mới có thể vào vùng biển này được. Là người rành rẽ về luật biển ông có ý kiến gì về tuyên bố này?
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
TS Trần Công Trực: Tôi thì tôi cho rằng nếu như tàu quân sự của Mỹ đi vào các vùng biển 12 hải lý có các đảo tự nhiên, giống như định nghĩa điều 151 của công ước luật biển 1982 mà Việt Nam đang có các lực lượng làm việc trên đó thì cũng phải tuân thủ đúng công ước và luật biển của Việt Nam nữa.
Đối với vùng mà Trung Quốc xây dựng các công trình trên bãi cạn, kể cả đảo nhân tạo thì theo công ước luật biển cho phép an toàn 500m thôi.
Tôi chưa nói đến việc họ làm bất hợp pháp trên đất của Việt Nam, tôi muốn nói yếu tố pháp lý đơn thuần với chuyện công ước thôi. Ngoài vùng đó nó là vùng biển quốc tế, không liên quan gì đến lãnh thổ hay vùng vùng biển đảo mà liên quan đến vùng đảo Trường Sa.
Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai.
Vai trò của Việt Nam?
Mặc Lâm:Thưa ông việc Hoa Kỳ đem tàu chiến tuần tra trên biển Đông sẽ làm cho Việt Nam đứng trước bài toán vừa dễ vừa khó. Theo ông thì Việt Nam làm cách nào để phù hợp với tình trạng hiện nay giữa hai thế lực Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cùng 1 vấn đề có liên quan trực tiếp đến Việt Nam?
TS Trần Công Trực: Tất nhiên nói về việc Mỹ đưa tàu chiến vào tuần tra lần này thì có mặc tích cực và mặt tiêu cực. Đối với Việt Nam thì theo tôi nghĩ rằng mặt tiêu cực có thể nói là có thể vì hành động đó mà nếu các bên không kiểm soát được, không khống chế được thậm chí không làm đúng với những thủ tục pháp lý thì có thể dẫn đến đụng độ.
Mà dẫn đến đụng độ thì đụng đến quyền và lợi ích của các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam. Điều đó mọi người không muốn. Việt Nam cũng thế, không muốn có đụng độ xảy ra. Các bên cần phải bình tĩnh và kềm chế để kiểm soát đụng độ. Đấy là cái có khả năng tốt.
Thật ra Mỹ vào đây không phải với mưu đồ xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi, mà Trung Quốc là người xâm chiếm lãnh thổ. Mỹ vào đây với tư cách là tàu thuyền họ có quyền đi lại trong vùng biển không thuộc bất kỳ ai, ngoài vùng an toàn 500m.
Mặc Lâm:Xin cám ơn Tiến sĩ Trần Công Trục đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Sáng ngày 27 tháng 10 Mỹ đã chính thức mang chiến hạm USS Lassen vào tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo bị Trung Quốc bồi đắp trái phép. Khi Khu trục hạm USS Lassen nhận chỉ thị của Tổng tư lệnh quân dội Hoa Kỳ là Tổng thống Barak Obama tiến vào bãi đá ngầm Subi và Vành khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa, cũng là lúc Biển Đông chính thức mang một diện mạo mới khác với sự độc diễn của Trung Quốc trong một thời gian khá dài.
Sự chờ đợi phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đã đến lúc chín muồi và dư luận không riêng gì Việt Nam mà cả Philippines và Trung Quốc cùng nhìn vào đường đi của USS Lassen để dự đoán chính sách Biển Đông mà Hoa Kỳ sẽ mang ra áp dụng với Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc quân sự trên biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao.
Chiến lược đưa tàu vào tuần tra là bước đầu tham gia sâu hơn nhằm đối trọng với những hoạt động mà Trung Quốc ngày ngày ăn mòn Biển Đông với các sách lược mà mục tiêu là chiếm trọn vùng biển giàu năng lượng và con đường hàng hải huyết mạch cho cả thế giới.
Hoa Kỳ thấy rõ phương án tằm ăn dâu của Trung Quốc và sau chuyến đi của Tập Cận Bình sang Washington không đạt được một kết quả nào về Biển Đông, cuối cùng thì quyết định đầy khó khăn cũng được mang ra thực hành và từ bước đầu khó khăn ấy khi USS Lassen chạm vào vùng 12 hải lý cũng là lúc mọi sự đã được an bày và tùy vào thái độ cũng như phản ứng của Trung Quốc.
Trước đây vài ngày khi tin tức về tuần tra của Hoa Kỳ được loan tải, phản ứng không chính thức của Việt Nam được một đại biểu quốc hội là ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm ủy ban An ninh Quốc phòng phát biểu:
"Việt Nam mới là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán tại hai quần đảo này. Do đó, khi ra vào khu vực 12 hải lý ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, phía Mỹ phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Câu phát biểu này hàm ý là Mỹ phải xin phép Việt Nam khi mang tàu hải quân tuần tra trong khu vực.
Trả lời câu hỏi này chúng tôi mượn lời TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ trong một bài do chúng tôi phỏng vấn ông cho biết: "Tôi chưa nói đơn thuần tới chuyện công ước thôi thì nó có vùng an toàn chung quanh đó, các tài sản đó các công trình nhân tạo đó. Ngoài vùng đó là vùng biển quốc tế không có liên quan gì đến vấn đề lãnh thổ trong quần đảo Trường Sa thì họ có quyền đi lại trong tự do hàng hải trong vùng biền quốc tế, vùng biển không thuộc về cái quyền, cái lợi ích của bất kỳ quốc gia nào thì họ không cần thông báo cho bất cứ ai."
Nhìn ở góc độ của một chuyên gia về vấn đề Biển Đông G.S Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc nhận xét về việc khu trục hạm USS Lassen tuần tra tại khu vực 12 hải lý như sau:
"Hoa Kỳ đã phản ứng hơi chậm trễ một chút khi Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo trong vùng an toàn 500 mét thuộc khu vực đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền, mặc dù Mỹ đã có những thông tin về việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp chúng qua hình ảnh từ vệ tinh vào năm ngoái.
Tàu USS Lassen là khu trục hạm được trang bị hỏa tiễn định vị mà Trung Quốc không có chiến hạm nào tương đương và Hải quân Trung Quốc không có khả năng trực diện đối đầu với nó.
Tôi nghi ngờ rằng tàu tuần duyên Trung Quốc sẽ có mặt nhưng không làm được gì, tuy nhiên nếu tàu chiến Hoa Kỳ cứ chạy tuần tra lòng vòng trên biển Nam Trung Hoa sẽ không dừng được việc Trung Quốc bồi lấn trên các đảo ngầm khác nữa.
Nếu Hoa Kỳ quyết định chống lại việc này mà không buộc được Trung Quốc bằng biện pháp mạnh thì tôi không thấy sẽ có kết quả nào. Hoa Kỳ phải ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc nếu không thì tình hình vẫn giữ nguyên trạng như hiện nay mà thôi."
Điều mà G.S Carl Thayer nhận xét đặt ra cho Hoa Kỳ một trách nhiệm nặng nề hơn nếu muốn chặn trước sự lấn chiếm của Trung Quốc trên vùng biển mà Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm giữ nó cho an ninh hàng hải cũng như bầu trời.
Can thiệp vào vùng biển này là cách duy nhất có thể ngăn bước tiến của Trung Quốc muốn lấn sâu hơn và từng bước thực hiện tuyên bố của họ về đường chín đoạn.
Sự can thiệp của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết cho Bắc Kinh thấy chiến lược của Mỹ là không hề chùn bước hay bỏ rơi đồng minh của họ trong đó có Philippines, là quốc gia luôn mạnh mẽ chống lại sự xâm lấn các đảo đá chìm mà Trung Quốc đang làm.
Từ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, chuẩn đề đốc hải quân, PGS-TS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân VN cho biết nhận xét của ông:
"Khi Trung Quốc hung hăng biến 7 bãi đá ngầm thành ra đảo nhân tạo lớn và sau khi bị thế giới phản đối thì họ tuyên bố là không quân sự hóa, vậy thì việc Mỹ duy trì việc cho tàu tuần tra để quan sát tình hình thì tôi nghĩ rằng cũng là chuyện bình thường. Chính nhờ sự hoạt động của Mỹ như vậy mới ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc đi, đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai nó sẽ tạo cho các nước Đông nam á thấy rằng Mỹ có trách nhiệm với thế giới và khu vực và họ thấy rằng Mỹ không bỏ Đông Nam Á và Châu Á Thái bình dương và đường lối của họ cũng sẽ ổn định lại.
Nếu Mỹ không tham gia vào hoạt động tuần tra hoặc giải quyết những sự việc trên biển Đông sẽ gây cho Trung Quốc ngộ nhận Mỹ là nước yếu thế không dám làm và họ sẽ hung hăng hơn".
Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi phản ứng của Trung Quốc. Mạnh mẽ hay kềm chế sẽ cho thấy mối tương quan quân sự và những chằng chịt khác trong đó vấn đề cốt lõi là kinh tế có làm chùn bước Trung Quốc hay không?
Trong khi hầu như toàn bộ các nước trong khu vực có đường biên giới hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa đều nhận thức sự lấn lướt, bá quyền và dùng sức mạnh quân sự để trấn áp luật biển của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, thì việc Hoa Kỳ đem chiến hạm vào tuần tra không những làm tăng thêm sự vững tin mà chính sách đối phó của những nước trong khu vực còn có thêm cơ sở để không còn bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc như trước đây.
Trung Quốc cho triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Max Baucus, để phản đối việc chiến hạm Mỹ tuần tra sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa vào ngày hôm qua.
Ông Max Baucus, Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc là ông Trương Nghiệp Toại nói rằng hành động của Hoa Kỳ rất vô trách nhiệm. Trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra thông cáo nói rằng việc tuần tra của tàu chiến Mỹ là bất hợp pháp vì đi vào lãnh hải của Trung quốc mà không xin phép.
Trong khi đó thì Bộ Quốc phòng Bắc Kinh nói là một khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường, cùng với một tàu tuần tra nhỏ của hải quân Trung Quốc đã bám theo chiếc khu trục hạm USS Lassen của Mỹ. Bộ quốc phòng Trung Quốc nói thêm là quân đội sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia.
Về phía Washington, một viên chức Bộ Quốc phòng nói rằng chuyện tuần tra của tàu chiến Mỹ chỉ là một hành trình vô hại, không nên xem là một hành vi khiêu khích.
Cũng nguồn tin từ Bộ quốc phòng Hoa kỳ nói là Mỹ mong rằng những chuyến truần tra tương tự như vậy sẽ thường xuyên hơn, và trở nên bình thường, trong một hoạt động mà Hoa Kỳ nói là để cổ xúy cho việc tự do đi lại trên biển.
Ngày hôm qua, 27/10 khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đã thực hiện một chuyến tuần tra trên biển Đông, trong đó chiếc tàu này đã đi sát trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá Subi và Vành Khăn, mà Trung Quốc đã cho xây cất và bồi đắp thành các đảo nhân tạo có cả phi đạo đáp máy bay.
Hôm nay Bộ trưởng quốc phòng Ash Carter đã xác nhận với Quốc hội Mỹ là hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện một hành trình bên trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá do Trung Quốc chiếm đóng.
Cũng tin tức vào ngày hôm nay từ Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói là chiếc tàu chiến Mỹ cũng đã đi sát các bãi đá do Việt Nam và Philippines chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa.
Hoa Kỳ nêu cơ sở pháp lý để thực hiện những hải trình sát các bãi đá là vì theo Công ước về luật biển Quốc tế, việc chiếm đóng các bãi đá không có người ở và bị ngập khi thủy triều lên như nhiều bãi đá trong quần đảo Trường sa không thể được dùng làm cơ sở để khẳng định lãnh hải.
Điều đó có nghĩa là khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá này không được xem là lãnh hải của bất cứ quốc gia nào.
Việc đi vào các khu vực như vậy được Washington nói là để cho thế giới thấy rằng phải tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển. Nhưng nhiều nhà quan sát nói rằng một mục đích nữa của Washington là thách thức Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông, mặc dù bị cộng đồng quốc tế cũng như các quốc gia có tranh chấp là Việt Nam và Philippines phản đối.
Hiện chưa thấy Việt Nam lên tiếng về diễn biến mới nhất trên biển Đông này, nhưng Manila thì hoan nghênh việc tuần tra của tàu khu trục Mỹ, và nói rằng chuyện này chứng tỏ là không có chuyện cho xây cất đảo nhân tạo như Trung Quốc để đặt mọi người công nhận chủ quyền lãnh hải như một chuyện đã rồi.
Hoa Kỳ đã cho tàu khu trục tuần tra sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây gần biển Đông hôm 27/10 - trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực.
Thử điểm những thứ mà người Việt chúng ta tự bày ra (hay bắt chước người Mỹ hoặc người Tàu mà bày ra): Nhìn chung thì hầu như mọi thứ thực phẩm quanh ta đều được email vàwebpage ca tụng lên mây xanh là “thần dược”.
Nhàu Noni vang bóng một thời, người bày đã hốt nhiều chục triệu bạc xong lặn mất. Kế đó là nước măng cụt, bây giờ còn chút tiếng vang. Kế nữa là Canh Dưỡng Sinh, được phe ta uống như điên trong thời gian chừng sáu tháng rồi tịt ngòi. Kế đó thì dưa chuột, rồi thì lá đu đủ, rồi thì mãng cầu. Hai thứ sau nầy đang phất cờ tiến mạnh vào niềm tin của bà con ta. Chắc chừng năm sau sập tiệm, tuy nhiên mấy vị nhanh tay chế viên mãng cầu, nước mãng cầu cũng kiếm được mươi triệu đô. Sau đó là dầu dừa được ca ngợi (do công ty Tây Mỹ bày bán, kiểu bán mỡ rắn thời nẩm), có một vị MTC suy’t chết vì nó, vị nầy ở Hố Nai.
Hiện giờ thì trái sung, cây bồ công anh, trước đó thì kim thất tai (sao bây giờ ít nghe nói tới coi ai đã dùng và kết quả ra sao). Hiện cũng đang hoành hành là cây lượt vàng, trước đây là cây cần tây, nay cây cần tây lặn mất rồi. Vài năm trước thì là trà xanh là thần dược, trà mọi loại là tiên dược, những vị uống trà ngừa và trị bịnh hiện nằm nhà thương hay ra vào nhà thương (tôi nói ẩu) cũng bộn nên hết hơi sức để vuốt đuôi ca ngợi theo gian thương Trung Quốc. Nay thì được biết người ta né trà rồi, lý do là thuốc trừ sâu (và đủ thứ hương thơm hóa chất vô danh) ướp vào trong đó, kể cả trà ướp xác chết cũng được bán ta cho bà con ghiền thưởng thức (chuyện nầy nói thật, có thật, không nói ẩu đâu).
Sau khi chê trà thì bà con ta sang ca ngợi cà phê. Hình như trong tâm trí một số phe ta phải có cái gì đó ca ngợi mới sống được chăng? Hiện trứng gà được một vị tung lên tới mây xanh (kết quả là thống kê vừa công bố những vị nam giới ăn 7 trứng gà hay hơn mỗi ngày thì mau chết hơn những vị không ăn). Còn gì nữa, cà chua, sả, xoài, trái chuối chín rục đều “trị được ung thư”, trước đó một chút thì chanh giết tế bào ung thư (Chắc mấy tiệm bán chuối chế ra chuyện để tiêu thụ chuối chín thâm đen cho khỏi bỏ thùng rác?) Trước chanh trị ung thư thì có giấm táo và mật ong. Hiện giờ thì mật ong và bột quế. Hiện đang có phong trào củ cải trắng chanh và nghệ.
Nói chung thì: Bất cứ rau trái nào trước mặt các bạn đều cũng là thần dược trị ung thư hay trị được những thứ bịnh mà Tây Y còn đang vật lộn! Quên nữa còn gạo đen(dân Gò Công gọi: “gạo nhum”) cũng trị ung thư và bịnh ngặt, trước đó gạo lức được tâng lên làm thần dược, nay thì gạo lức rang pha nước uống là “thần” dược. Gạo lức được dân BBC gọi là gạo nâu đó nghe bà con.
Thưa quí bạn, những thứ được kể bên trên là tôi chợt nhớ ra, chắc mới liệt kê được chừng phân nửa mà thôi. Hôm nào tôi ghi lại coi tất cả mọi thứ thực phẩm chúng ta ăn coi có món nào KHÔNG phải là thần dược hay không.
Huỳnh Chiếu Đẳng (22-Jul-2013)
REPLY
Một đọan phản hồi cho “những bài thuốc” (trích trong bài viết “Bà Nội Tướng Của Tôi”- Người Phương Nam)
“…Chẳng hạn như tôi nói với nàng là có người mách cho một bài thuốc rất đơn giản, chỉ cần gạo đem rang rồi nấu nước uống hằng ngày như uống trà thì có công hiệu rất tốt cho cơ thể như ngủ ngon, giảm huyết áp, giảm mỡ vv… thì nàng hỏi lại tôi bộ miracle hả? Gạo rang hay không rang cũng là gạo, tại sao nấu cơm ăn hằng ngày thì chỉ chữa bệnh đói còn đem đi rang, cho qua lửa luyện tội lại trở thành “dược phẩm” là sao, vô lý quá vậy. Ấy vậy mà tôi cũng đòi nàng phải rang gạo nấu nước “thánh” cho tôi hết một thời gian hai ba tháng. Nàng bực mình lắm, tuy chìu ý tôi nhưng trong lòng không phục cho là what a silly vớ vẩn!
Có một thời gian, người ta đua nhau đi kiếm mua rau má đỏ con mắt, nói là rau này chữa được bệnh thấp khớp làm tôi cũng rán đi tìm cho được (vì là mùa đông nên khó kiếm chớ mùa hè thì lọai rau này mọc đầy dãy trong vườn nhổ không kịp) thì nàng bảo rau cỏ nào mà không có dược tính . Theo nàng biết thì rau má có tác dụng giải nhiệt, khi nào nóng trong người uống vô sẽ hạ hỏa nhưng nếu lạm dụng nó thì sẽ sinh hàn. Mà thấp khớp thì kỵ hàn. Uống riết chắc đi không nổi phải bò luôn. Rồi còn nhiều phương thuốc khác nữa như Lô hội, trái Nhào, đậu nành, canh dưỡng sinh gì đó lung tung, thứ nào cũng chữa bá bệnh như là thần dược. Tôi thì thứ nào cũng muốn thử coi có hiệu nghiệm không chớ nàng thì nhứt định giữ vững lập trường không là không. Nàng nói thời buổi y học tân tiến này, có biết bao là thuốc hay thầy giỏi, bệnh gì thuốc đó, chữa còn không được, ở đó mà nghe người ta bày. Muốn bào chế một viên thuốc, người ta phải nghiên cứu dung hòa bao nhiêu chất trong đó chớ đâu phải đơn giản một thứ một mà được. Phàm cái gì cũng vậy, phải có chừng mức, cứ một thứ mà tống vào cho cố xác thì có hại chớ sao. Có thể nó chữa được bệnh này nhưng lại phản ứng sinh bệnh khác, hễ có hợp thì có khắc, có lành tính thì cũng có ác tính. Vì vậy trung dung là thượng sách hơn cả, rủi ai phát giác ra là có hại thế nào đó thì mình cũng không đến đổi nào, còn trở tay kịp.
Cụ thể như một lọai cải có tên là Phi Long (English spinach) mà tất cả các giống dân âu, á, trung đông gì cũng rất ưa chuộng (nhứt là Lebanese, mua một lần cả trolley) vì nó có rất nhiều chất sắt làm tăng cường sinh lực đến đổi có một phim cartoon muốn khuyến khích trẻ con ăn vegies đã bịa ra chuyện một nhân vật tên Popye. Anh Popye này nhờ ăn thật nhiều spinach nên mới có đủ sức mạnh để đấu lại mấy thằng baddies. Đó là nói về mặt lợi ích của lọai cải này, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại gây bệnh gout (thống phong) nếu ăn nhiều (không biết nhiều là bao nhiêu) vì nó cũng chứa hàm lượng uric acid rất cao. Như vậy thì tốt nhứt là đừng nghe ai cả mà hãy nghe chính mình. Mỗi tuần nấu canh họặc xào ăn hai ba lần là đủ liều rồi, cứ coi đó là thức ăn thôi, còn muốn làm thuốc thì để cho pharmacist họ làm, đâu có tới phiên mình. Cũng như rượu, mỗi ngày một ly nhỏ cho máu lưu thông điều hòa thì có ích cho tim mạch nhưng nếu cứ uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn thì sơ gan đứng tim luôn là cái chắc.”
Frank Langfitt * Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) lược dịch - “Chính sách chi tiêu “Bá Hộ Sườn” của Trung Cộng: những thành phố mới không người ở, những phi trường mới vắng tanh khách và những nhà máy công xưởng mới nằm im quạnh quẽ.” - Frank Langfitt
Khi bạn lái xe trên đường xa lộ cao tốc đến phi trường mới xây tại thành phố Luliang (Lữ Giang) ở Trung Quốc, bạn sẽ có cảm giác mình như một con chim lẻ loi bị lạc đàn. Khi tôi lái xe ngang nơi này, một người nông dân ngồi trên chiếc xe bò ba bánh đi ngược chiều lại với tôi! Tuy nhiên, không cần phải lo lắng gì về an toàn cả! Cả một xa lộ vắng tanh không xe chạy!
Đơn giản là vì phi trường mới xây này của thành phố, tốn phí lên đến 160 triệu Mỹ kim, mở cửa hoạt động vào năm 2014, chỉ có khoảng năm chuyến bay mỗi ngày, có khi chỉ có ba chuyến bay mà thôi! Chính quyền cho xây phi trường này khi ngành khai thác than ở nơi này bùng phát. Thế nhưng kể từ sau đó, giá cả nguyên vật liệu trên toàn cầu rớt thê thảm vì nền kỹ nghệ lạc hậu của Trung quốc bị suy kiệt. Phi trường này trở thành lãng phí như kiểu ăn sài Bá Hộ Sườn!
Ông Wu Dexi (Vũ Đắc Thanh) tâm sự: "Bởi vì nơi này là nơi có kinh tế lạc hậu kém phát triển cho nên số người cần đi máy bay rất ít! Thu nhập của mọi người ở đây quá thấp, làm sao mà có thể mua nổi vé máy bay!". Ông Wu là một người nông dân trồng bắp và khoai lang ở vùng này, đã từng chở người mẹ của ông, đã 78 tuổi, ra phi trường vắng tanh để coi cho biết chiếc máy bay nó ra làm sao.
Không có quốc gia nào xây dựng rất nhiều cầu đường và sân bay nhanh như Trung Quốc. Nhiều dự án, bao gồm cả mạng lưới đường sắt cao tốc nổi tiếng, cũng ít nhiều đem đến lợi ích cho quốc gia.
Nhưng Anne Stevenson-Yang (Anne Dương) là giám đốc công ty nghiên cứu kinh tế ở Bắc Kinh có tên là J Capital Research, nói rằng chính phủ đã cho xây dưng nhanh quá trớn. Bà Yang cho biết sân bay lẻ loi vắng khách như phi trường ở Luliang không phải là duy nhất. Còn có nhiều phi trường vắng tanh khác cũng như thế ở phía tây bắc của Bắc Kinh, thuộc tỉnh Hebei (Hà Bắc), thị trấn Zhangbei (Giang Bắc).
Bà Yang tỏ bày như sau: "Đây là một vùng nghèo khó. Chính quyền cho xây phi trường nơi này mong tăng thu nhập nhưng chẳng ai muốn bay đến đó cả."
Nói một cách khác, phi trường ở Zhangbei không có một chiếc máy bay nào bay tới cả!
Bà giám đốc Yang khẳng định rằng giới viên chức chính quyền địa phương được bật đèn xanh cho xây hàng loạt các cơ sở hạ tầng không phải vì để giúp ích cho phát triển kinh tế dân sinh mà để chỉ gia tăng chỉ số tổng sản phẩm quốc dân. Và bây giờ, cũng theo lời bà Yang, hành động xây dựng bừa bãi lãng phí này quay ngược trở lại làm nền kinh tế trì trệ suy kiệt.
Bà Yang nói: "Đó là lý do tại sao, nền kinh tế của Trung Cộng sớm nở tối tàn, chỉ số tăng vọt tổng giá trị sản phẩm quốc dân (GDP) ở ngày hôm qua nhờ cho xây dựng đầu tư bừa bãi thì ngày hôm nay lại trở thành những tốn phí khổng lồ nhưng vô dụng làm kinh tế quốc dân suy sụp."
Kinh tế Trung Cộng hiện vẫn còn được cho là đang tăng trưởng dù gặp phải nhiều tình huống xấu gần đây như tin tức loan báo. Những dự án còn nằm im ngày hôm nay có thể sẽ được ầm ầm cho tiến hành vào ngày mai.
Wade Shepard là tác giả của cuốn sách "Những thành phố hoang của Trung Quốc: Câu chuyện của những thành phố không có người ở trong một quốc gia đông dân nhất thế giới". Gần đây, Shepard cùng với một nhóm nhân viên của đài truyền hình Nga đi quay phóng sự tại một thành phố bỏ hoang như thế ngay bên ngoài thành phố Shanghai (Thượng Hải).
Shepard tâm sự về chuyến đi này như sau: "Chúng tôi đang đi bộ nhìn xung quanh thì một cách rất bất ngờ, tôi nhìn thấy được xe chạy. Ồ thì ra cũng có người ở trong thành phố hoang này!" Shepard còn nói tiếp: “Mười tháng qua kể từ khi lần đầu tôi đến thành phố hoang này, người ở mới bắt đầu đổ về. Thật là một sự thay đổi nhanh không ngờ."
Một dự án khác sẽ không có triển vọng sáng sủa như trên trong tương lai gần là dự án xây thành phố có biệt danh là "Liquor City" hay còn gọi là "thành phố Rượu." Đây là một khu kiến trúc theo lối Trung Hoa cổ truyền lớn bằng diện tích của cả mấy sân chơi banh cộng lại, có tường thành đang xây dang dở bao bọc xung quanh theo lối kiến trúc Vạn Lý Trường Thành. Bên trong thành phố, các xí nghiệp nhẽ ra phải đang sản xuất hàng tấn rượu đế có tên là Baijiu (Báu Tửu) rất nổi tiếng của vùng này. Baijiu làm từ hạt gạo, đã có đăng ký chính thức và doanh thu đạt được lên đến 92 tỷ Mỹ kim vào năm 2012.
Và cho đến ngày hôm nay, Thành Phố Rượu (Liquor City) giống như là một phim trường bị bỏ hoang!
Tại sao? Lý do là vì ngân quỹ dành cho dự án là lấy từ lợi nhuận khai thác than đá, vốn hiện đang bị lỗ lã trầm trọng do giá cả thị trường thế giới về nguyên nhiên liệu năng lượng sụt giảm nặng nề. Đó là chưa kể các công ty đầu tư cho dự án bị vướng vào sự thanh tra tham nhũng của Trung-ương hiện đang xảy ra lớn rộng chưa từng có trước giờ trong lịch sử Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Cộng là Tập Cận Bình đã thúc đẩy một chương trình thanh trừng hối lộ, thanh trừng tham nhũng hồi ba năm về trước, nay lan sâu rộng khắp mọi nơi.
Một người bán rượu nơi này là ông Lu Cuie (Lữ Can) tâm sự: "Bây giờ mọi thứ điều ế ẩm! Rượu thượng hạng không bán được. Viên chức chính phủ không mua thì chẳng ai có tiền mà mua uống cả!"
Trước khi cao trào chống tham nhũng được lan rộng, Ông Lu có thể kiếm được 14 ngàn đô tiền bán rượu cho một chầu nhậu (từ các viên chức chính phủ) - một khoảng tiền vô cùng lớn cho vùng nghèo khó này. "Thông thường, một viên chức chính phủ tổ chức đám cưới hay sinh nhật, tiệc tùng kéo dài ba đến bốn ngày" , ông Lu còn kể tiếp, "nhưng bây giờ thì khác, tiệc tùng của các viên chức chính phủ bị ngắn lại chỉ còn một ngày và nhỏ hơn"
Fenjiu, công ty nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng công trình “Liquor City” này, đã từ chối phỏng vấn về dự án. Lu và những người bán rượu khác ở nơi này nói rằng công ty đang gặp khó khăn và phải dựa vào vốn vay ngân hàng để trả tiền công cho nhân viên. Khi gặp các viên chức quản lý bên ngoài cửa thành còn đang xây dang dỡ, tôi hỏi họ khi nào thì dự án hoàn tất và đi vào hoạt động. Họ lắc đầu một cách chán nản và cười mỉa mai. Ghi chú: Frank Langfitt là một cây bút kỳ cựu của National Public Radio News (NPR News), chuyên viết về các vấn đề kinh tế chính trị nóng bỏng của Trung Quốc. Ông hiện đang làm việc tại Thuợng Hải. NPR News là một tổ chức thông tấn do Hoa Kỳ và nhiều tổ chức phi chính phủ NGO (Non – Government Organization ) tài trợ.
Tháng 5-1973. Thời gian này tôi đang đảm trách một phần hành tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Trong lần đơn vị tiếp nhận một số khá đông sĩ quan và hạ sĩ quan, tôi bất ngờ nhận ra trong số những người đang xếp hàng trình diện ông Trung Đoàn Trưởng có một người bạn học khá thân và một vị giáo sư thời trung học ngày xưa. Thằng bạn mang cấp bậc đại úy – tôi đã biết từ trước, nhưng điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên là ông thầy chỉ mang cấp bậc trung sĩ nhất. Thoáng có một chút ngờ vực, tôi bước tới gần ông hơn để chắc chắn là trí nhớ của mình không tệ lắm.
Chờ thủ tục trình diện xong và sau khi ông Trung Đoàn Trưởng dặn dò vài điều cần thiết, tôi chạy đến ôm chầm lấy người bạn và kéo đến gặp ông thầy còn đang đứng ngơ ngác trong hàng. Thằng bạn không nhớ ông thầy, có lẽ nó chỉ học với ông một vài tháng ngắn ngủi. Và dường như ông thầy cũng chưa nhận ra tôi, nên vội đứng nghiêm đưa tay lên chào. Tôi kéo cả hai người vào một căn hầm lớn được dùng làm Trung Tâm Hành Quân, nơi tôi đang làm việc.
Đỗ Bê, bạn tôi, quê ở trên Thành – Diên Khánh. Học cùng lớp với tôi những năm đệ nhất cấp bên trường Văn Hóa. Lớn hơn tôi một tuổi, đẹp trai, tính tình hiền lành và rất hiếu học. Bê và người bạn cùng quê, anh Phan Ái Minh, cũng là bà con họ hàng, thuê một căn nhà nhỏ ở sau khu đình Phương Sài trọ học. Tôi thường đến đây chơi với Bê, nên sau này cũng trở nên thân thiết với Minh. Sau khi đỗ trung học, Bê và tôi cùng vào đệ tam trường Võ Tánh. Bê học Ban A còn tôi Ban C. Phan Ái Minh thì học ở đây từ trước và trên bọn tôi một lớp. Sau này, cả ba thằng đều đi lính. Phan Ái Minh vào Khóa 20 trường Võ Bị Đà Lạt, còn Bê và tôi vào Thủ Đức. Minh nhập học Võ Bị trước một năm nhưng ra trường sau tôi sáu tháng. Ra trường Minh được bổ sung về cùng trung đoàn với tôi, nhưng khác tiểu đoàn. Một tháng sau, khi tôi còn đang hành quân trên Lâm Đồng thì nghe Minh tử trận ở Lạc An. Hai đứa đã hẹn nhau trong hệ thống vô tuyến, để rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
Đỗ Bê vào Thủ Đức sau tôi một khóa. Ra trường được bổ sung về làm huấn luyện viên tại Trung Tấm Huấn Luyện Lam Sơn – Dục Mỹ. Sau đó, tôi chỉ gặp Bê một lần duy nhất vào cuối năm 1970, khi bạn tìm đến thăm tôi đang nằm điều trị vết thương tại Quân y Viện Nguyễn Huệ, mang cho tôi ít đồ dùng, một xâu nem Ninh Hòa và mấy lon bia. Bê dìu tôi ra chiếc ghế đá phía sân sau, vừa uống bia vừa nghe tôi kể chuyện chiến trường. Thấy tôi hành quân vất vả, bị thương mấy lần, nó an ủi, bảo là số nó nhiều may mắn hơn tôi.
Thầy tôi, giáo sư Hồ Đắc Huế, là ông thầy đầu tiên khi tôi bắt đầu bậc trung học. Năm 1958 tôi thi rớt vào lớp đệ thất trường công lậpVõ Tánh. Ngôi trường nổi tiếng vùng duyên hải miền Trung. Buồn và xấu hổ với đám bạn bè cùng quê, nhất là hối hận vì đã làm cha tôi thất vọng. Thời ấy ở quê tôi chưa có trường trung học nào. Chưa biết phải làm gì thì một buổi chiều, sau khi đi làm về, cha tôi cho biết có một giáo sư từ trường trung học Bồ Đề Nha Trang ra Vạn Giã, quê tôi, mở trung học tư (cũng mang tên Bồ Đề), nhưng trước khi niên học bắt đầu vào mùa thu, ông sẽ mở một khóa Hè đặc biệt dành cho các học sinh trung học. Điều đặc biệt bất ngờ hơn, cha tôi bảo là thời gian đầu ông sẽ trọ ở nhà tôi, vì chưa tìm được nhà để thuê. Ông tên Huế và cũng là người gốc Huế, bà con họ hàng với người bạn thân của cha tôi ở Nha Trang, cũng là một ông thầy giáo gốc Huế khác. Chính ông giới thiệu thầy và nhờ cha tôi giúp.
Không biết là thầy có những bằng cấp gì, nhưng ông dạy rất nhiều môn, từ Việt Văn, Pháp Văn đến Toán, Lý Hóa. Môn nào thầy dạy cũng hay, đặc biệt thầy nói tiếng Pháp nghe cứ như Tây. Sau này tôi mới biết là thầy từng du học ở Pháp. Nghe tiếng của thầy, học trò kéo đến học rất đông. Học phí thấp. Biết đứa nào nhà nghèo thầy chỉ lấy tượng trưng.
Thầy khá đẹp trai, mái tóc bồng bềnh và đôi mắt thật buồn. Trông thầy có dáng dấp một nghệ sĩ hơn là ông thầy giáo. Có hai điều giống cha tôi là thầy rất thích đánh cờ tướng và hút thuốc liên tục. Dường như lúc nào tôi cũng thấy có điếu thuốc trên tay thầy. Và cả hai người đều hút Bastos xanh. Cứ mỗi lần tôi đi mua thuốc cho cha tôi thì thầy nhờ mua thêm cho thầy mấy gói. Cha tôi dành cho thầy căn phòng lớn nhất trong nhà, có cửa ra vườn sau. Khu vườn nhỏ chỉ trồng mấy cây cam và một vòm hoa giấy. Có lẽ lúc ấy tôi còn con nít, nên thầy chỉ thường ngồi đánh cờ và tâm tình với cha tôi. Nhưng buổi tối, những lúc thầy ngồi đàn hát phía sau vườn, tôi được thầy gọi cho ngồi nghe và bảo tôi “chấm điểm những bài hát của thầy”. Thầy hát rất hay những bài do chính thầy sáng tác, hoặc phổ từ những bài thơ của thầy. Hầu hết là những bản nhạc buồn. Giọng trầm và tha thiết. Thầy nhìn vào xa xăm và hát như là đang trút tâm sự cùng ai đó chứ không phải cho tôi nghe. Ban đầu tôi cứ tưởng tôi là thính giả duy nhất của thầy, nhưng sau này tôi mới bất ngờ khám phá một điều, có một người đàn bà trẻ thường xuất hiện sau vườn nhà tôi, phía bên kia hàng rào dâm bụt, trong những đêm thầy ngồi đàn hát.
Không biết là vì đẹp trai hay hát hay, mà thầy đã làm xiêu lòng người góa phụ trẻ có nhan sắc. Tôi biết chắc điều này, vì bà đã “hối lộ” tôi mấy lần để đưa cho thầy mấy bài thơ, và dặn dò tôi không được cho ai biết, kể cả cha tôi. Nghe nói bà là vợ của một ông cán sự Nông Lâm Súc làm việc ở Hiệp Hội Nông Dân, bị tử nạn giao thông trên Đèo Cả, chỉ sau một tháng làm đám cưới. Bà là cô giáo dạy trường huyện, ở xa tới, hình như là Phan Rang hay Đà Lạt gì đó, thuê nhà phía sau nhà tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy có mấy ông thầy giáo trẻ đồng nghiệp và cả mấy ông Hiến Binh mũ đỏ lai vãng trước nhà bà.
Một hôm thầy đột ngột dọn ra khỏi nhà tôi, sau khi nói chuyện với ba tôi. Thầy sang tá túc bên hông chùa, nằm ngay phía sau trường Bồ Đề, lúc ấy chỉ có ba phòng học. Cha tôi ngạc nhiên, vì trước đây thầy cho biết thầy ăn mặn và sống hơi phóng túng, ngại làm phiền nhà chùa nên mới đến trọ ở nhà tôi. Sau khi tôi tiết lộ chuyện những bài thơ của người đàn bà trẻ phía sau nhà, cha tôi tròn mắt rồi gật đầu bảo có lẽ đó chính là lý do thầy dọn đi. Trong những lúc tâm tình, thầy thường nói với cha tôi, thầy rất sợ đàn bà.
Mãn khóa Hè, thầy ghé lại nhà tôi, thăm và cám ơn cha tôi. Thầy khen tôi học khá, đề nghị nên cho tôi học đệ lục thay vì đệ thất. Hơn nữa tuổi tôi cũng hơi cao. Cuối cùng trước khi chia tay, thầy cho biết là sẽ rời quê tôi về lại Nha Trang, và có thầy Trần Đức Trang, một vị giáo sư lớn tuổi, có kinh nghiệm về tổ chức và hành chánh, ra thay thế thầy để thành lập và làm hiệu trưởng trường Bồ Đề Vạn Ninh, nhưng không phải bắt đầu từ niên khóa này mà phải chờ đến niên khóa tới, vì các thủ tục chưa hoàn tất kịp. Do đó, tôi phải khăn gói vào Nha Trang. Và theo sự khuyến khích của thầy, thay vì bắt đầu lớp đệ thất, tôi vào học lớp đệ lục trường Văn Hóa, ngôi trường tư thục mới mở ở đầu đường Quốc Lộ 1, gần nhà chú tôi, nơi tôi trọ học.
Bẵng một thời gian hơn hai năm tôi không gặp thầy, mặc dù nhiều lần lên trường Bồ Đề Nha Trang hỏi thăm thầy, nhưng không ai biết. Có người bảo thầy đã về Huế, có người lại bảo đang dạy ở Sài Gòn. Bỗng một hôm tôi bất ngờ thấy thầy xuất hiện trong văn phòng trường Văn Hóa, nơi tôi đang theo học. Gặp lại nhau, thầy trò mừng lắm. Thầy bảo từ Sài Gòn mới về lại Nha Trang và sẽ dạy môn Sử Địa cho các lớp đệ tứ và đệ nhị, thay cho thầy Nguyễn Mậu, vừa đắc cử vào Hạ Nghị Viện. Tôi nhảy cỡn lên vui mừng, vì tôi đang học lớp đệ tứ, sẽ được học với thầy. Thầy chỉ cho tôi đường đến nhà thầy và bảo cuối tuần ghé lại chơi. Thầy thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm lớn, phía trước trường đi xuống Rộc Rau Muống. Ngôi nhà khá xinh xắn, khang trang. Khu vườn nhỏ phía sau trồng đầy hoa cúc và một hàng rào phủ kín hoa tigôn.
Một ngày cuối tuần tôi đến thăm thầy, bất ngờ gặp một chị bạn cùng lớp đang ngồi đánh cờ tướng với thầy. Chị bạn mới vào học năm đệ tứ, cũng gốc Huế, là một người con gái đẹp, nhưng lúc nào cũng u buồn, nhất là đôi mắt. Chị có vẻ lớn tuổi hơn bọn tôi. Trong lớp thường ngồi im lặng, không thân thiết và đùa giỡn với bất cứ ai, kể cả nữ sinh, nhưng ai cũng quý chị. Tôi ngồi xem ba ván cờ. Không biết thầy có nhường hay không nhưng chị bạn tôi thắng cả ba bàn. Lần đầu tiên tôi biết có một người con gái giỏi cờ tướng như vậy. Và cũng lần đầu tiên tôi thấy được nụ cười của chị. Lần sau đến thăm thầy, tôi lại gặp chị, đang ngồi hát cho thầy đệm đàn. Khung cảnh thật lãng mạn. Hết bản nhạc, thầy đứng lên treo cây đàn trên vách, đi lấy thêm một cái tách nhỏ, mời tôi cùng ngồi uống trà. Loại trà Huế có mùi thơm rất đặc biệt. Trông hai người khá tâm đắc. Tôi ái ngại khi phải xen vào cái không khí yên ả và tình tự của hai người, nên viện nhiều lý do để không đến thăm thầy nữa.
Khoảng hơn một tháng sau, chị bạn nghỉ học. Chúng tôi đọc trên báo mới biết chị vừa đóng vai chính một cuốn phim khá nổi tiếng. Nghe nói, khi thực hiện bộ phim này, ông đạo diễn Lê Hoàng Hoa không tìm được tài tử nào thich hợp để thủ vai chính. Một hôm ghé lại Nha Trang, lang thang một mình trên bãi biển, bất chợt ông bắt gặp ánh mắt u buồn của một cô con gái đang ngồi một mình nhìn về cõi xa xăm, tĩnh lặng và đẹp như một bức tượng, không hề biết có ông đang đứng thật gần. Ông lặng yên khá lâu rồi xin phép được nói chuyện. Cô con gái lưỡng lự, gật đầu. Ông đạo diễn đã tìm được một người lý tưởng để thủ vai chính cho cuốn phim đắc ý của mình. Cuốn phim nói về một cuộc tình buồn, có nhiều cảnh đóng ở Nha Trang. Ông đạo diễn muốn thực hiện một bộ phim để kỷ niệm nơi ông đã sinh ra, mặc dù sau đó ông đã sống những ngày tuổi thơ và lớn lên ở Huế.
Bộ phim đã làm cho khán giả tốn nhiều nước mắt, qua khuôn mặt xinh xắn và đôi mắt u buồn rất thật của cô gái Huế thủ vai chính. Bộ phim thu nhiều lợi nhuận cho đạo diễn và nhà sản xuất. Nhưng người thủ vai chính không bao giờ còn xuất hiện. Cô đã uống thuốc độc quyên sinh. Hôm đám tang, thầy Huế dẫn cả lớp đệ tứ chúng tôi theo sau quan tài tiễn đưa chị về cõi vô cùng. Đám tang thật buồn. Thầy Huế mang kính đen, nhưng tôi có cảm giác phía trong đôi kính ấy đong đầy nước mắt. Báo chí có đề cập đến cái chết của chị, người “tài tử” bất đắc dĩ rất tuyệt vời này, nhưng không ai biết chính xác lý do vì sao chị phải tìm cái chết, ngoài những tin đồn.
Một lần nữa, thầy bỗng dưng biến mất. Không ai gặp thầy ở Nha Trang. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Mậu, chuyên dạy Pháp văn, phải tạm thời thay thầy, dạy môn Sử Địa lớp tôi để kịp kỳ thi trung học. Và cũng từ hôm ấy tôi không biết tin tức gì về thầy Huế, và trong lòng cứ mãi băn khoăn bao điều không hiểu được, về thầy.
Hôm nay, ở một nơi chẳng một ai muốn hẹn, tôi bất ngờ gặp thầy. Thầy lại mang đến cho tôi thêm một điều khó hiểu: tại sao thầy chỉ là trung sĩ 1? Tôi khui hộp bánh trong khẩu phần lương khô (Ration C) và làm ba ly cà phê “dã chiến” mời thầy Huế và bạn Đỗ Bê uống mừng cuộc trùng phùng. Nghe thầy cứ gọi thưa chúng tôi bằng cấp bậc, tôi ôm vai thầy:
– Bất cứ trong hoàn cảnh nào, hai thằng chúng em cũng luôn là học trò của thầy. Xin thầy cứ gọi chúng em là em như thưở nào, chỉ ngoại trừ khi phải đứng trước hàng quân. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này, em rất thèm được nghe có người gọi mình là em.
Thầy nở nụ cười rồi lưỡng lự gật đầu. Lâu lắm gặp lại nhau, có bao nhiêu điều muốn hỏi, nhưng thấy ánh mắt lo lắng của hai người khi nhìn ra khung cảnh đổ nát chung quanh còn ngổn ngang các xác xe tăng bị cháy, tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe và gia đình. Điều thắc mắc nhất là cái lon trung sĩ 1 của thầy, nhưng việc này khá tế nhị nên tôi cũng không dám hỏi. Thầy bảo thầy thuộc quân số Tiểu khu Tuyên Đức hơn năm năm nay nhưng may mắn được nằm trong toán phụ trách trông coi các biệt điện của Vua Bảo Đại để lại ở Đà Lạt. Có lệnh đôn quân, cần 20 hạ sĩ quan bổ sung gấp cho Sư Đoàn 23, tất cả hạ sĩ quan đều phải bắt thăm. Ông là một trong số 20 người “không may mắn” đó. Tôi bảo sẽ cố gắng giúp hai người bằng tất cả khả năng của mình. Thầy Huế thì dễ dàng hơn để xin sắp xếp vào một ban tham mưu nào đó ở Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, còn bạn Đỗ Bê với cấp bậc Đại úy, rất khó, hơn nữa theo lệnh ông Tư Lệnh Sư Đoàn, phải bổ sung tất cả sĩ quan cho các tiểu đoàn tác chiến, mặc dù Bê chưa có một kinh nghiệm chiến trường nào.
Tôi nhớ tới khả năng làm thơ, soạn nhạc và đàn hát của thầy Huế ngày xưa, nên đi gặp anh Thiếu Tá Trưởng Khối CTCT xin anh nhận thầy về làm việc với anh. Tôi cũng giới thiệu với anh, ông là thầy cũ rất đáng kính của tôi thời trung học. Nể tình quen biết, anh Thiếu tá theo tôi đến Ban Quân số, xin nhận Trung sĩ 1 Hồ Đắc Huế về Khối CTCT. Thầy nắm tay tôi ái ngại, bảo là không muốn làm phiền tôi, và cũng không muốn người chỉ huy nghĩ là thầy nhờ tôi gởi gấm. Tôi ôm vai thầy bảo là khả năng của thầy rất xứng đáng để làm việc ở Khối CTCT. Sau này, thầy cho biết là anh Thiếu Tá Trưởng Khối đối xử rất tốt với thầy. Tôi không nhận thầy về làm việc với tôi, vì muốn tránh gây sự khó chịu cho thầy và cả cho tôi.
Người bạn Đỗ Bê thì được bổ sung về Tiểu Đoàn 1. Tôi gặp ông Trung Đoàn Trưởng trình bày trường hợp Đỗ Bê, là bạn học và từ khi ra trường Thủ Đức, anh chưa giữ chức vụ tác chiến bao giờ nên đề nghị không đưa Bê ra làm đại đội trưởng tác chiến, mà nắm đại đội chỉ huy của Tiểu Đoàn 1, đang khiếm khuyết, để có thời gian làm quen với chiến trận.
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 là Thiếu Tá Phan Văn Khánh, từ binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt (giải tán) mới thuyên chuyển về. Anh Khánh tốt nghiệp Khóa 12 VBĐL, nhưng vì phục vụ trong Liên Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, thời chính phủ Ngô Đình Diệm, dưới quyền Đại tá Lê Quang Tung, nên sau ngày 1.11.63, anh bị đám tướng tá đảo chánh bắt giam, và sau này còn gặp nhiều rắc rối. Khi mới về Trung Đoàn, anh tạm thời ở Bộ Chỉ Huy, chưa được giữ chức vụ gì. Biết anh là một niên trưởng, rất tư cách, lại có gia đình ở Nha Trang, nên tôi rất kính trọng và thân thiết. Tôi giới thiệu Bê với anh và nhờ anh giúp đỡ, chỉ vẽ cho Bê thời gian đầu ở đơn vị tác chiến. Chỉ hai tháng sau, anh Khánh cho biết Bê rất tư cách, sớm thích nghi, can đảm và có khả năng lãnh đạo chỉ huy, nên anh đã đề nghị đưa Bê lên làm tiểu đoàn phó thay cho người tiền nhiệm vừa bị trọng thương vì đạn pháo kích của địch. Hơn nữa, so với các đại đội trưởng, Bê có cấp bậc thâm niên nhất. Sau cuộc hành quân, khi Tiểu Đoàn về dưỡng quân tại khu Phương Hòa, bên bờ sông Dakbla, tôi ghé lại thăm Bê, mừng và khen nó. Tôi mời anh Khánh và Bê ra tiệm Thiên Nam Phúc ăn thịt rừng uống rượu.
Thầy Huế được đề cử làm Trưởng Ban Văn Nghệ kiêm Hạ Sĩ Quan Tâm Lý Chiến. Trong hoàn cảnh này, thầy có vẻ tạm hài lòng với công việc. Tôi thường đến thăm và đón thầy đi uống cà phê mỗi khi có dịp về phố Kontum. Trong tâm tình, tôi được biết thầy vẫn còn độc thân, và sau khi rời khỏi Nha Trang thầy về Sài Gòn, dạy một vài trường trung học tư và một số giờ Pháp Văn ở Đại Học Vạn Hạnh.
Nhắc tới chị bạn cùng lớp xinh đẹp có đôi mắt u buồn, đóng vai chính bộ phim nổi tiếng của ông đạo diễn Lê Hoàng Hoa lúc trước, tôi hỏi thầy:
– Có phải chị ấy là người yêu của thầy và vì sao chị lại quyên sinh trong lúc cuộc đời đang đẹp?
Thầy cúi xuống, trầm ngâm giây lát rồi lắc đầu:
- Tội nghiệp, cô ấy là một người con gái đặc biệt, tài hoa và rất đáng yêu, nhưng ông trời lại bất công, bắt cô chết sớm. Cô có hoàn cảnh buồn và bị đau tim nên không muốn sống! Đặc biệt cô rất giống người con gái tôi đã từng yêu. Phải nói là từng say mê mới đúng!
Khi ngẩng đầu lên, thầy lấy cặp kiếng cận ra và lau nước mắt. Tôi hỏi thêm:
– Có phải vì vậy mà thầy không lấy vợ? Thầy rất nghệ sĩ và đào hoa, em tin là có nhiều cô con gái yêu thầy.
Bỗng tôi khựng lại, khi thấy thầy lắc đầu:
– Tôi chỉ có một người yêu, người con gái mà tôi từng say mê đó! Nhưng khi tôi học bên Pháp thì cô ấy bỏ tôi đi lấy chồng.
Và đột nhiên thầy hỏi lại tôi:
-Em có biết cô ấy lấy ai không?
Tôi im lặng. Thầy bảo: – Cô lấy em trai tôi. Chính vì vậy mà sau khi ở Pháp về, sau lần dự đám cưới em tôi, tôi không bao giờ trở về Huế nữa.
Tôi khá bất ngờ, câu chuyện gợi cho tôi sự tò mò:
– Chắc thầy buồn và trách cô ấy lắm?
– Buồn, đương nhiên, nhưng trách thì không. Vì lỗi tất cả là ở tôi. Giữa cô ấy và đi du học, tôi đã chọn du học. Tôi chấp nhận trả giá cho sự ích kỷ và ngu xuẩn ấy của mình, không ngờ cái giá lại quá đắt. Còn em tôi, không biết nhiều về tình cảm mà tôi đã dành cho nàng, vì lúc ấy tôi muốn giấu ba tôi, ông rất nghiêm khắc và lúc nào cũng muốn tôi phải tập trung vào việc học.
– Vì cái giá ấy mà thầy không bao giờ lấy vợ?
Ông im lặng một lúc rồi lắc đầu:
- Hồi ấy tính như vậy, nhưng rồi cuối cùng có lẽ tôi cũng sẽ lấy vợ. Lần này lại là một người khổ vì tôi. Tôi không thể ích kỷ và ngu xuẩn thêm một lần nữa. Người con gái, à quên, người đàn bà đó có thể em còn nhớ.
Định nói thêm điều gì nữa đó, nhưng ông khựng lại:
– Nhưng thôi, tôi đã từng có một kinh nghiệm khá đau đớn, nên chuyện gì chưa xảy ra, không thể nói trước được.
Tôi thầm nghĩ, hóa ra cuộc đời ông thầy này có quá nhiều chuyện kỳ lạ. Tôi lại nhớ tới cấp bậc trung sĩ 1 của ông, nhưng rồi không dám hỏi. Nhiều lần tôi nghĩ, có thể ông sinh hoạt trong nhóm sinh viên Phật tử Ấn Quang ở Trường Vạn Hạnh, có tiếng thân Cộng, chống chính phủ, nên gặp rắc rối? Tôi đã có gặp anh Trưởng Ban 1 (Quân Số) để xin được xem qua hồ sơ quân bạ của ông, trong đó chắc chắn có ghi rõ mọi lý do. Nhưng hồ sơ của thầy gởi theo đường Quân Bưu, chưa đến. Tôi đang chờ.
Bất ngờ, Thiếu Tá Phan Văn Khánh được điều động sang một trung đoàn khác để giữ chức vụ trung đoàn phó. Bạn tôi, Đại úy Đỗ Bê, tiểu đoàn phó của anh, được chỉ định xử lý thường vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1. Trong một chuyến bay tiếp tế, tôi đáp xuống bộ chỉ huy tiểu đoàn chỉ để kịp bắt tay khen và tặng một chai Black and White mừng nó lên chức.
Hai tuần sau, trong một cuộc chạm súng với một tiểu đoàn địch, Tiểu Đoàn 1 của Bê được hai trực thăng võ trang của Phi Đoàn Lạc Long 229 yểm trợ, đã tạo một chiến thắng vẻ vang. Đánh tan đơn vị địch, tịch thu trên 60 vũ khí đủ loại và bắt sống 8 tù binh. Ngay sau khi trận chiến vừa kết thúc, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn đáp xuống vị trí ngợi khen đơn vị, gắn cho Bê anh dũng bội tinh với nhành dương liễu và cho làm Quyền Tiểu Đoàn trưởng. Tôi gọi máy chúc mừng và bả0:
-Bắc Bình ơi! “Con bò tứ” (lon thiếu tá) đang ở trước mặt mày đó!
Khoảng hai tháng sau, tin tức tình báo cho biết, có một sư đoàn Cộng quân từ miền Bắc mới xâm nhập, đang có mặt ở Pleiku, gần biên giới Miên- Việt.Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn dự đoán Pleiku, nơi đặc bản doanh Bộ Tư Lệnh QĐ II, sẽ là mục tiêu tấn công qui mô của địch. Trung Đoàn chúng tôi được điều động xuống Pleiku, trách nhiệm phòng thủ trên tuyến vòng đai cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 km hướng tây nam. Bộ Chỉ Huy chúng tôi đóng tại Căn Cứ 801, nằm phía tây QL 14 khoảng 10 km, và cách Hàm Rồng cũng khoảng hơn 10 km đường chim bay. Tiểu đoàn 1 của Bê hành quân tảo thanh bên ngoài, cách căn cứ chừng 5 cây số về hướng biên giới. Một hôm, khoảng 10 giờ sáng, trong một cuộc tao ngộ chiến với một lực lượng địch, Bê bị hứng trọn một quả B-40, tử thương tại chỗ. Xác Bê được đưa thẳng về QYV Pleiku.
Tôi thẩn thờ khi nghe tin Bê chết. Chết một cách bất ngờ và tức tưởi. Trên chiến trường, nhiều cấp chỉ huy từng tạo nên bao chiến thắng hiển hách nhưng cuối cùng lại chết vì một viên đạn vô tình, không đáng.Tôi theo trực thăng CNC của ông Trung Đoàn Trưởng bay đến QYV. Thân xác Bê đầy những vết thương đang còn bê bết máu. Đôi mắt chưa khép hẳn.
Tôi vuốt mắt Bê mà nước mắt tôi đổ xuống, đầm đìa. Điều cuối cùng tôi có thể làm được cho Bê, là xin phương tiện để sớm đưa Bê về nguyên quán. Tôi hình dung đến vùng quê Gò Cam, Diên Khánh hiền hòa, ngôi nhà mái ngói đỏ và những người trong gia đình Bê mà tôi bao lần đến đó, gặp gỡ. Tôi cũng nhớ tới Phan Ái Minh người anh em ở chung nhà trọ học với Bê lúc xưa, cũng là bạn thân của tôi sau này, một con người tài hoa, đã hy sinh chỉ hơn một tháng sau ngày tốt nghiệp từ Trường Võ Bị. Trong không khí yên lặng của khu nhà xác bệnh viện, tôi mơ hồ như bên tai đang văng vẳng bài truy điệu của chính vị Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị vang tiếng một thời: “Ôi! sự nghiệp đang công đeo đuổi thôi đành gián đoạn nửa đường. Chí tang bồng hằng mong thực hiện thôi cũng đành ôm hận ngàn thu.”
Tôi tìm thầy Huế báo tin Đỗ Bê tử trận. Ông tròn mắt rồi bật khóc. Hôm nghe tin có phi cơ chở quan tài của Bê về Nha Trang, thầy xin theo tôi và anh Thiếu Tá Trưởng Khối CTCT ra phi trường để chào tiễn Bê lần cuối. Trước khi đi, tôi hỏi thầy có muốn “hộ tống” quan tài Bê về Nha Trang cùng với anh sĩ quan CTCT của Tiểu Đoàn 1, tôi sẽ xin phép cho thầy. Thầy vui mừng gật đầu, nhưng thoáng một chút ái ngại. Tôi vỗ vai thầy, bảo yên chí, tôi sẽ xin anh Trưởng Khối CTCT và anh Trưởng Ban 1 làm sự vụ lệnh cho thầy thêm một tuần để thầy ghé về Đà Lạt thăm nhà.
Thêm một người bạn nữa ra đi. Cũng ở Tiểu Đoàn này, trước đây một năm, tôi đã mất Đặng Trung Đức, Khóa 19 VB, một người bạn thân quý như anh em kể từ ngày hai đứa mới ra trường, cùng làm trung đội trưởng cho một anh trung úy Khóa 16 VB rất tài ba. Đức là một tiểu đoàn trưởng xuất sắc, đã lập nhiều chiến công hiển hách trong Mùa Hè 1972. Và cũng chỉ mới 8 tháng trước, Trần Công Lâm , thằng bạn thân thiết cùng khóa Thủ Đức, cùng trung đội SVSQ với tôi, (nó giường trên tôi giường dưới), đã bỏ mình trên đỉnh Ngok Wang đèo heo gió hú, khi đang nắm Tiểu Đoàn 3. Dẫu biết trong chiến tranh, sinh tử là lẽ thường tình, nhất là thời gian này, chiến trường thật thảm khốc, con số thương vong rất lớn, nhưng chứng kiến những cái chết trẻ của bạn mình, lòng đau đớn tựa hồ như có trăm ngàn vết chém.
Quá thời gian 15 ngày trong sự vụ lệnh, vẫn chưa thấy thầy Huế trở lại đơn vị. Anh Thiếu Tá Trưởng Khối CTCT và cả anh Trưởng Ban 1 hỏi tôi mấy lần, như là một lời nhắc nhở, bởi chính tôi là người xin phép cho thầy. Tôi bồn chồn lo lắng. Chẳng lẽ thầy đào ngũ vì thấy quá khổ sở và nguy hiểm, nhất là bị ám ảnh cái chết của Đỗ Bê, người học trò cũ cùng đến trình diện đơn vị một lúc với thầy? Tôi không tin là thầy đã phụ lòng tốt của mình, nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh chết chóc này, điều gì cũng có thể xảy ra.
Đã đến hạn phải báo cáo đào ngũ Trung sĩ 1 Hồ Đắc Huế. Được anh Trưởng Ban 1 cho biết và hỏi ý kiến, tôi năn nỉ xin anh chờ thêm hai tuần nữa. Cuối cùng thầy tôi vẫn bặt vô âm tín.
Một tuần, sau khi báo cáo đào ngũ và lệnh truy nã đã gởi đi, bỗng một hôm anh Trưởng Ban 1 cho tôi biết, có người đàn bà tìm đến hậu trạm Trung Đoàn (tại Hàm Rồng), đưa giấy chứng nhận của Cảnh Sát, cho biết là Trung sĩ 1 Hồ Đắc Huế đã bị Việt Cộng giết chết trên đường trở về đơn vị. Tôi lái xe xuống hậu trạm, chờ cho bà làm thủ tục xong, tôi đến mời bà về Ban Xã Hội (nơi bà tạm nghỉ) để xin phép được nói chuyện.
Gặp bà, tôi sửng sốt. Vì dù có thay đổi ít nhiều với thời gian, và trên đầu quấn chiếc khăn tang, nhưng tôi vẫn nhận ra bà chính là cô giáo, người góa phụ trẻ, từng có thời thuê nhà ngay sau nhà tôi, và đã nhờ tôi đưa mấy bài thơ cho thầy Huế phổ nhạc, nhưng đọc qua tôi biết đó là lời tâm sự bà muốn tỏ cùng thầy.
Bà cho biết, vì không tìm được phương tiện quân sự khác, khi sự vụ lệnh đã hết hạn, nên thầy rất nôn nóng, quyết định đi xe đò qua ngõ Nha Trang – Quy Nhơn. Xe bị một đám Việt Cộng giả dạng lính mình, chặn ngay phía dưới Sông Pha. Bọn họ lục soát xem giấy tờ, cướp hết tư trang vàng bạc của hành khách, bắt vào rừng một số đàn ông và bắn chết ba người, trong đó có thầy.
Sau khi nhận ra tôi, bà tỏ ra thân tình, gần gũi hơn, và có lẽ tôi là người để bà có thể trút hết tâm tư đang đè nặng trong lòng. Bà đổi cách xưng hô:
– Chị là bạn và cũng có thể nói là vợ chưa cưới của thầy Huế. Chị lên đây với giấy ủy quyền của bà cụ, mẹ anh ấy. Bẵng đi một thời gian rất lâu, từ dạo nghe tiếng đàn và giọng hát của thầy ở sau vườn nhà em, chị gặp lại thầy ở Đà Lạt, quê của chị và nơi làm việc của thầy.
– Em không hiểu tại sao thầy không là sĩ quan mà chỉ mang trung sĩ? Em thắc mắc điều này mà chưa dám hỏi thầy – Tôi hỏi chị.
– Thầy có tâm sự việc này với chị. Sở dĩ thầy không khai bằng cấp là để khỏi phải vào Thủ Đức. Thầy muốn tránh gặp mặt vợ chồng người em trai, người làm đám cưới với cô nữ sinh Đồng Khánh mà không hề biết là ông anh mình hết lòng yêu trước ngày đi du học. Chú em vào Thủ Đức và khi ra trường được giữ lại làm huấn luyện viên. Cô vợ thì xin được công việc trong một ngân hàng ở Sài Gòn, nhưng nhờ vốn của cha mẹ cho, nên sang lại và làm chủ một câu lạc bộ ngay trong trường Sĩ quanThủ Đức. Thầy Huế không hề trách em mình, nhưng chú em đã buồn và khổ tâm vô cùng khi biết đươc điều này. Thầy Huế muốn tránh gặp mặt vợ chồng chú em trai vì không muốn gây khó chịu cho cô chú ấy và cả cho thầy. Sau đó, có một thời gian ông gần như mất trí khi biết được tin cả hai vợ chồng chú em bị VC giết chết trong Tết Mậu Thân cùng với ông cụ. Trước Tết chú em nghỉ phép dắt vợ về thăm gia đình ở Huế. Riêng thầy, tìm mọi cách xin hoãn được một thời gian, đầu năm 1967 thầy vào Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Ra trường may mắn được chọn về Tiểu khu Tuyên Đức. Nhờ một người học trò cũ là một Phó Đốc Sự quen thân với ông tỉnh trưởng giúp đỡ, thầy được bổ sung vào toán “quản gia” cho mấy cái biệt điện của Vua Bảo Đại để lại. Công việc nhàn nhã, rất ít khi phải mặc quân phục, nên rất ít người biết chức vụ hay cấp bậc của thầy. Thầy xin dạy thêm ở một vài trường tại Đà Lạt, nên tiền bạc cũng không thiếu. Anh mãn nguyện với công việc và rất mê Đà Lạt, nên không có ý định thay đổi, cho đến khi phải bắt thăm và ra Sư Đoàn 23 này.
Tôi hỏi lại bà:
– Sao người học trò làm Phó Đốc Sự không giúp, giữ thầy lại.
– Cả ông tỉnh trưởng và ông Phó Đốc Sự cũng đã thuyên chuyển đi trước đó lâu rồi. Tôi hỏi sang chuyện khác:
- Gia đình cha mẹ thầy vẫn còn ở Huế, và thầy được chôn cất ở đâu?
- Tết Mậu Thân, ông cụ và hai vợ chồng chú em bị giết. Thầy còn hai cô em gái và cậu em trai út, tất cả đều đã lập gia đình. Bà cụ không muốn ở chung với dâu rể, thấy thầy sống một mình tội nghiệp, nên dọn vào Đà Lạt ở với trưởng nam. Chị vẫn thường xuyên đến phụ giúp bà. Từ ngày anh Huế đổi ra Kontum, chị dọn về ở chung với bà, bây giờ bà đã khá già. Khi sống thầy rất yêu Đà Lạt, nên chị xin phép bà cụ an táng anh ở Đà Lạt. Dù chưa chính thức kết hôn, nhưng chị xem anh ấy đã là chồng mình. Thêm một lần nữa chị để tang chồng, mặc dù chị chỉ có một mối tình duy nhất trong đời, với anh ấy. Người chồng trước lớn hơn chị nhiều tuổi, chị lấy cho vui lòng mẹ chị. Khi ấy chị còn nhỏ quá, chưa biết tình yêu là gì và cũng chưa làm chủ được mình. Khi ông ấy chết vì một tai nạn, chị thấy tội nghiệp cho ông và cũng tội nghiệp cho chị.
Tôi mời chị dùng một bữa cơm chiều ở một cái quán“dã chiến” phía trước, do vợ của một anh lính tài xế Biệt Động Quân làm chủ. Tôi khoe ở đó có món cá kho tộ và canh chua nấu với lá giang tuyệt lắm, nhưng chị bảo đã nhận lời dùng cơm và ở lại đêm với các cô nữ quân nhân bên Ban Xã Hội.
Sáng hôm sau, tôi mời chị, anh Thiếu tá Trưởng Khối CTCT và cô Trung úy Trưởng ban Xã Hội đi ăn sáng. Phòng Không Trợ cho biết, có một phi đội trực thăng của Phi Đoàn Thần Tượng 215 hoán đổi, sắp trở về lại căn cứ Nha Trang, chúng tôi đưa chị lại bãi đáp, giới thiệu với anh phi công trưởng hợp đoàn, để xin cho chị được tháp tùng.
Vẫy tay chào tiễn chị, trong lòng tôi dấy lên bao nỗi ngậm ngùi. Một người bạn rồi một ông thầy ra đi. Nhanh quá. Tôi nhớ đã từng hứa giúp họ hết lòng, nhưng quyền hạn và khả năng của mình quá hạn hẹp mà chiến tranh thì lại khốc liệt, tàn nhẫn vô cùng! Và những cuộc tình trong thời chiến tranh cũng sôi nổi, buồn, và ngắn ngủi như đời một người lính chiến.
Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ảnh chụp từ vệ tinh - REUTERS /CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo
Sau hàng tháng trời loan báo, Washington vào sáng sớm hôm nay, 27/10/2015 đã thực sự khởi động chiến dịch được mệnh danh là « Vì quyền tự do hàng hải » tại vùng Biển Đông, nơi Bắc Kinh bất chấp luật quốc tế, đã cho bồi đắp 7 đảo nhân tạo nhằm áp đặt bằng sức mạnh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Hành động của Mỹ được cho là kiên quyết, nhưng thận trọng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trả lời ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông Carlyle Thayer cho rằng Mỹ cần phải kiên quyết hơn nữa.
Khi cho khu trục hạm USS Lassen khởi động chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ trước hết đã tạm thời xóa nhòa hình ảnh « hổ giấy » thường được gán cho mình.
Thái độ kiên quyết của Mỹ đã được ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nêu bật.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, ông giải thích : « Khi dùng đến một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, chứ không phải là một loại tàu nào khác nhỏ hơn… Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ». Thông điệp này, theo chuyên gia Storey, lại càng rõ ràng hơn khi mà Washington khẳng định rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều chiến dịch tương tự được tiến hành.
Hành động của Mỹ tuy kiên quyết, nhưng cũng được đánh giá là rất thận trọng, không muốn khiêu khích vô ích. Điều này thể hiện rõ rệt trong việc chọn địa bàn tiến hành chiến dịch là Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, hai bãi đá thuộc diện nửa chìm nửa nổi trước lúc được Trung Quốc biến thành đảo, cho nên không thể được xem là có hải phận 12 hải lý. Đảo nhân tạo cũng không được quyền đòi có lãnh hải, do vậy Trung Quốc không thể nào cấm tàu Mỹ di chuyển trong vùng 12 hải lý quanh các đảo này.
Ngoài ra, việc chọn một chiếc tàu như USS Lassen, với thủy thủ đoàn giầu kinh nghiệm cọ sát với tàu Trung Quốc, cũng nhằm đảm bảo cho việc không xẩy ra sự cố đáng tiếc do tính toán sai lầm hay bộp chộp. Các yếu tố nói trên cho thấy là chiến dịch của Mỹ đã được lên kế hoạch một cách rất chuyên nghiệp, vừa giúp Mỹ gởi tín hiệu cứng rắn đến Trung Quốc, vừa giảm thiểu nguy cơ xung đột.
Tuy vậy, nếu lồng chiến dịch này vào trong toàn cảnh Biển Đông hiện nay, một số chuyên gia đã tự hỏi rằng phải hành động của Mỹ đã được đưa ra quá muộn ? Đây chính là nhận xét của giáo sư Carlyle khi trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI qua thư điện tử.
« Chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vừa quá yếu, vừa quá trễ. Lẽ ra Mỹ nên hành động ngay từ năm 2014 khi rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu rầm rộ xây đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ là điều cần thiết để phản bác việc Trung Quốc đòi chủ quyền từ các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp nên. Không thách thức Trung Quốc tương đương với việc chấp nhận cái gọi là yêu sách pháp lý của Trung Quốc ».
Đối với Giáo sư Thayer, Trung Quốc có thể là sẽ không trực diện đối đầu với Mỹ trên hiện trường, nhưng sẽ khuấy động dư luận chống Mỹ, đồng thời tiếp tục củng cố cơ sở trên các đảo nhân tạo để có thể biến các nơi này thành căn cứ quân sự khi có thời cơ.
« Chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không cản được Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo của nó. Trung Quốc hoàn toàn có thời gian để quân sự hóa các đảo nhân tạo khi điều đó phù hợp với mục tiêu họ đề ra.
Trung Quốc sẽ không dùng tàu Hải quân của mình để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh thông tin và pháp lý để cố gắng ngăn không cho Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. Trung Quốc sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực, khuấy lên nỗi lo ngại rằng Hoa Kỳ đang làm mất ổn định khu vực. »
Trong bối cảnh đó, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ cần phải thay đổi đối sách.
« Hoa Kỳ cần phải thay đổi chủ trương lúc nào cũng tuyên bố không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Hoa Kỳ cần phải tỏ rõ lập trường bảo vệ hiện trạng ở Biển Đông, và phản đối các hành động đơn phương có hệ quả chiến lược.
Mỹ nên giúp Philippines trong việc bảo đảm cho ngư dân nước này có thể quay trở lại bãi Scarborough. Thủy quân lục chiến Mỹ nên cùng với đồng đội Philippines đến vùng Bãi Cỏ Mây mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng có đầy tàu bán quân sự Trung Quốc. Mỹ và Philippines sau đó nên cùng thực hiện nhiệm vụ tiếp tế chung cho lính Philippines trên chiếc Sierra Madre mắc cạn ở đấy. »
Nói tóm lại, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ nên áp dụng chiến lược bắt Trung Quốc phải trả giá để khôi phục nguyên trạng và chống phá mọi nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng.
Đá Xu Bi (Subi Reef) chụp từ vệ tinh tháng 9/2015 - REUTERS /CSIS Asia Maritime Transparency Initiative
Trước sự kiện Mỹ cho chiến hạm USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh hai đảo nhân tạo bồi đắp tại Đá Xu Bi (Subi Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa hôm nay 27/10/2015, Bắc Kinh giận dữ tố cáo đây là hành động « đe dọa chủ quyền » của Trung Quốc. Tổng thống Philippines hoan nghênh, còn Bộ Quốc phòng Úc ra thông cáo ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) tuyên bố chiến hạm Mỹ đã « tiến vào một cách bất hợp pháp, không được phép của Trung Quốc ». Lục Khảng cho biết « các cơ quan liên quan đã giám sát, theo dõi chiến hạm này để đưa ra lời cảnh báo, theo đúng luật lệ », và chính quyền Trung Quốc sẽ « kiên quyết đáp trả tất cả mọi hành động khiêu khích », « sử dụng mọi biện pháp cần thiết trong trường hợp phải cần đến ». Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) bày tỏ quan ngại : « Chúng tôi khuyến cáo phía Mỹ nên cân nhắc kỹ trước khi hành động, không nên có những hành vi liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, không gây rối loạn vô cớ ».
Ngược lại, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sáng nay tuyên bố trước báo chí : « Tôi nghĩ rằng mọi người đều hoan nghênh một sự thăng bằng quyền lực. Một khi (chiến hạm Mỹ) tuân theo các luật lệ quốc tế, chúng tôi không thấy có vấn đề gì trong việc các tàu không có ý định thù địch đi qua. Nếu nói ủng hộ tự do hàng hải mà lại tìm cách ngăn trở các tàu bè khác, thì có vẻ không phù hợp ».
Hãng tin AFP nhắc lại, vốn luôn phản đối Bắc Kinh, trước đó ông Aquino từng nói rằng Trung Quốc « gây sợ hãi cho thế giới ».
Về phía Bộ Quốc phòng Úc hôm nay ra thông cáo khẳng định : « Điều quan trọng cần phải thừa nhận là theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không, kể cả tại Biển Đông. Úc mạnh mẽ ủng hộ các quyền này ».
Tuy cho biết : « Hiện nay Úc không tham gia các hoạt động cùng với Hoa Kỳ tại Biển Đông » nhưng « Úc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đối tác khác trong khu vực về an ninh hàng hải ». Thông cáo không quên nhắc nhở « gần 60% hàng xuất khẩu của Úc được vận chuyển qua Biển Đông », và « Úc có các lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định » tại vùng biển quan trọng này.
Hãng CNN cho biết chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối đưa ra lời bình luận về việc chiến hạm Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc tự tiện bồi đắp tại Trường Sa, nhưng nói rằng : « Điều vô cùng quan trọng là cộng đồng quốc tế cùng ngồi lại với nhau để bảo vệ một đại dương rộng mở, tự do và yên bình ». Được biết báo Nhật Sankei Shimbun dành bản tin đặc biệt hôm nay cho vấn đề này.
Hiện nay chưa thấy có phản ứng chính thức của phía Việt Nam. Đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988, và đã xây dựng một tòa nhà bốn tầng, hai trại lính, một vòm radar, một ngọn hải đăng tại đây. Còn Đá Vành Khăn thuộc cụm Bình Nguyên, bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995 sau khi trục xuất các ngư dân Philippines. http://vi.rfi.fr/chau-a/20151027-chien-ham-my-di-vao-vung-12-hai-ly-o-bien-dong-bac-kinh-tuc-toi-philippines-uc-hoan-
Cần có giải pháp hòa bình với các tranh chấp trên Biển Đông đó là quan điểm của Đài Loan đưa ra sau khi Hoa Kỳ đưa tàu chiến tuần hành tại khu vực Trường Sa đang có tranh chấp trên Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc coi động thái của tàu chiến Mỹ là một hành động 'khiêu khích' và một 'trò chơi nguy hiểm' đối với 'ổn định ở khu vực', một bài báo trên trang mạng của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, cho hay. Hôm 27/10/2015, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đài Loan, Eleanor Wang, lên tiếng nói: "Đài Loan muốn thấy tất cả các bên có liên quan có một ứng xử đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực," phát biểu từ Đài Bắc của bà Wang, đáp lại việc Mỹ cử một tàu khu trục vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 dặm biển của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông.
Người phát ngôn của Đài Loan cũng nói thêm: "Đài Loan cũng hy vọng các bên liên quan sẽ thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc và tinh thần luật pháp quốc tế phù hợp, bao gồm Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển." Bà Eleanor Wang cũng tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Đài Loạn với một số đảo tại vùng biển vốn có nhiều tranh chấp đan xen về chủ quyền. Bà nói Đài Loan "có tất cả các quyền đối với chúng phù hợp với luật pháp quốc tế". Đài Loan "sẽ không thừa nhận quyền của bất cứ quốc gia nào tuyên bố hoặc chiếm đóng chúng vì bất cứ lý do gì hoặc bằng bất cứ biện pháp nào".
'Khiêu khích, nguy hiểm'
Trong khi đó, một bài báo trên trang điện tử của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc, hôm 27/10 chạy một bài báo với tựa đề dài: "Khiêu khích của Mỹ ở Nam Hải (tức Biển Đông, theo cách gọi của Trung Quốc), một trò chơi thiếu trách nhiệm". Bài báo viết: "Hành vi xâm lăng này có tính chất vô trách nhiệm và nguy hiểm cao độ. Trước hết, nó đã vi phạm cam kết của Washington không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Nam Hải. "Đồng thời, nó đi ngược lại thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã xây dựng củng cố mô hình mới trong các quan hệ chính yếu quốc gia giữa hai người khổng lồ toàn cầu được đặc trưng hóa bởi không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.
"Những khiêu khích này đe dọa làm xấu đi khoảng cách vốn đã rộng sẵn trong sự tin cậy lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington, xuất phát một phần từ hành động thám sát chặt chẽ và thường xuyên trên không và trên biển của Washington chống lại Trung Quốc. "Hành động này cũng nhắm tới việc làm khuấy động vùng biển và hủy hoại các nỗ lực tìm kiếm giải quyết một cách hòa bình và mau sớm các cuộc tranh cãi kinh niên ở Nam Hải và nhờ đó xóa bỏ vĩnh viễn các nguyên nhân cội rễ gây ra các căng thẳng và rắc rối". Bài báo trên Tân Hoa Xã hôm thứ Ba phản ứng lại việc Hoa Kỳ điều tàu khu trục Lassen vào bên trong khu vực 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực Trường Sa kết thúc bằng việc tuyên bố:
"Tính đến tầm quan trọng của Nam Hải đối với mậu dịch thế giới, đây là lúc cao điểm để Hoa Kỳ chú ý đến những lời kêu gọi và cảnh báo của Bắc Kinh và chấm dứt việc gây sóng gió, gây ra những sóng gió vô lối, ở vùng biển bận rộn này," Tân Hoa Xã viết.
Hôm 27/10, tàu khu trục Mỹ USS Lassen đã thâm nhập khu vực biển có phạm vị 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã đưa ra tuyên bố tại Bắc Kinh:
"Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực".
"Trung Quốc cực lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này," người phát ngôn này nói.
Hiện chưa rõ tàu USS Lassen có quay trở lại khu vực này hay không, hoặc Hoa Kỳ có còn phái tiếp một lực lượng hải quân nào trở lại đó cũng với lộ trình tuần tiễu tương tự như tàu khu trục nói trên.
Thời gian qua, có nhiều đồn đoán rằng Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam vào tháng 11, trùng thời gian diễn ra chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tòa Bạch Ốc mới công bố lịch trình công du nước ngoài của Tổng thống Barack Obama trong tháng 11, nhưng không có tên Việt Nam, như kỳ vọng của nhiều người. Theo lịch trình mới công bố, từ ngày 14 đến 22/11, Tổng thống Obama sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để dự hội nghị thượng đỉnh G20 trước khi tới đến Philippines dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và đến Malaysia dự Cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ các cuộc họp cấp cao ASEAN. Thời gian qua, có nhiều đồn đoán rằng Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam vào tháng 11, trùng thời gian diễn ra chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mới nhất, trong lần tới thăm và phát biểu tại Hội Á châu ở New York hồi tháng Chín, khi được hỏi là liệu ông Obama có tới thăm Việt Nam vào tháng 11 hay không, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói:
“Thưa các bạn, việc Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam thì ngài Barack Obama đã nhận lời mời của chúng tôi, trong chuyến thăm năm 2013 [tới Mỹ của ông Sang], ngài đã nhận lờ, và trong chuyến thăm gần đây nhất của ngài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngài Obama cũng đã nhận lời. Cụ thể thì do ngài Obama quyết. Các bạn có thể hỏi thêm ngài Obama. Còn về phía Việt Nam, chúng tôi hết sức là mong muốn chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam để nhằm mục đích tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai nước và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện mà tôi và tổng thống Obama đã ký kết vào năm 2013.”
Trong khi đó, báo chí trong nước dẫn lời các quan chức cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhận lời mời tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian cụ thể của chuyến đi này vẫn chưa được công bố.
Mới đây, một nhóm hơn 100 người Việt vừa ký tên vào một bức thư ngỏ gửi cho chính phủ Việt Nam để phản đối chuyến thăm Việt Nam sắp tới của ông Tập, cũng như kêu gọi Hà Nội “hủy bỏ ý định đón tiếp” nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Bức thư đề ngày 15/10, và được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn: “Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, công bố bản lên tiếng này nhằm thể hiện tiếng nói của những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước và góp phần kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc trước một hiểm họa nghiêm trọng”.
“Xây dựng nội lực dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và xây dựng hợp tác hữu nghị với những nước có cùng mục tiêu là yếu tố then chốt để giúp chúng ta giữ được sự độc lập và chủ quyền đối với Trung Quốc”, bức thư viết tiếp.
USS Lassen, tàu khu trục Hoa Kỳ, đang trên đường tới giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây tại Biển Đông và sẽ ở đó trong nhiều giờ, hãng thông tấn Reuters đưa tin vào đầu giờ sáng ngày 27/10 giờ Việt Nam.
Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái thách thức về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới.
Trung Quốc gần đây nói không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm vùng biển và không phận của họ tại Trường Sa sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ điều tàu và phi cơ tới bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và vào thời điểm mà Hoa Kỳ lựa chọn.
Được biết nhiều khả năng Hải quân Mỹ sẽ điều phi cơ do thám P-8A và P-3 surveillance hộ tống.
Các chuyến tuần tiễu bổ sung sẽ được tiến hành trong tuần tới và cũng có thể được tiến hành xung quanh các cơ sở mà Việt Nam và Philippines xây tại Trường Sa, một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với Reuters.
Tin Hoa Kỳ điều tàu chiến vào khu vực có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông được một loại các báo trong khu vực và quốc tế đưa tin trong đó có Kyodo News của Nhật, The Guardian của Anh...
Tàu tuần tra USS Lassen (DDG 82) của Mỹ, trong kỳ tập trận Foal Eagle 2015 - REUTERS /U.S. Navy
Chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông nhằm phủ nhận yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Trường Sa như vậy đã được Mỹ khởi động vào sáng nay 27/10/2015. Có hai câu hỏi được đặt ra là vì sao Mỹ lại chọn khu trục hạm USS Lassen làm tiên phong, và chọn đá Xu Bi – và Vành Khăn để thị uy.
Về câu hỏi đầu tiên, Tạp chí Nhật Bản The Diplomat vào hôm nay đã cung cấp một phần câu trả lời. Trước hết là vì tàu khu trục này đang có mặt tại vùng Đông Nam Á, với một thủy thủ đoàn đã có kinh nghiệm « tương tác » với tàu Hải quân Trung Quốc. Trong một bài viết công bố trên mạng, tờ The Diplomat cho biết là chiếc USS Lassen vào tuần trước đã ghé cảng Kota Kinabalu ở Malaysia sau 4 tuần lễ tuần tra liên tục trên Biển Đông. Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Lassen được cho là đã có kinh nghiệm « gặp gỡ » tàu Hải quân Trung Quốc và áp dụng các quy định đã được ghi trong Bộ Quy tắc ứng xử Mỹ-Trung trong các trường hợp gặp nhau ngoài kế hoạch trên biển - gọi theo tiếng Anh là CUES. Theo một bản thông cáo của chính bộ phận truyền thông của chiến hạm Lassen, nhân đợt tuần tra sau cùng tại Biển Đông, chiếc tàu đã gặp hai tàu hộ tống Trung Quốc lớp Giang Khải II, và một tàu hộ tống lớp Giang Hỗ (Jianghu). Kinh nghiệm chạm trán với chiến hạm Trung Quốc sẽ giúp cho chiếc Lassen tránh được các sự cố không cần thiết.
Riêng về hai mục tiêu tuần tra là Đá Xu Bi và Vành Khăn, thì đây là hai rạn san hô thuộc diện nửa chìm, nửa nổi trước lúc được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nổi, do đó theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, không thể đòi quyền được lãnh hải 12 hải lý.
Bên cạnh đó, trên các bãi này, Trung Quốc đã cho xây dựng các cơ sở có khả năng được sử dụng vào mục tiêu quân sự, đặc biệt là phi đạo dài hơn 3 cây số trên Đá Xu Bi. Hình ảnh vệ tinh chụp Đá Xu Bi ngày 03/09 vừa qua cho thấy là phi đạo này rộng 60 mét, hiện đã dài 2.200 mét, nhưng khi các công trình nối dài được hoàn tất thì sẽ dài đến 3.300 mét.
Theo giới chuyên gia, Xu Bi có vẻ như được thiết kế để biến thành một cơ sở cho chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trong vùng, tương tự như hai cơ sở khác là Đá Chữ Thập ở Trường Sa và Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.
Khi cho tàu chiến tiến vào một đảo có khả năng trở thành căn cứ quân sự cho Bắc Kinh, thông điệp của Washington khá rõ ràng : Trung Quốc nên thực hiện lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 9 vừa qua tại Hoa Kỳ, theo đó họ không quân sự hóa khu vực Trường Sa
Thông điệp được đưa ra trong khuôn khổ họp cấp ngoại trưởng Hoa Kỳ và Asean tại New York. Ngoại trưởng Kerry nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ các thành viên Asean trong bối cảnh các nước nỗ lực lớn để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Không đề cập tới tên của bất kỳ nước nào đang tạo ra thách thức, ông Kerry nói: “Tôi nói rõ thế này. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc giới hạn tự do hàng hải và hàng không và những việc sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác. “Bất kể đó là tàu chiến lớn hay là một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, nguyên tắc là rất rõ ràng: quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng. “Chúng ta rõ ràng là đối diện với không ít thách thức nhưng chúng ta có thể đạt được nhiều nếu hợp tác cùng nhau.” Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, vào tuần trước nói rằng việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông là vi phạm luật quốc tế và làm nguy hại tới an ninh hàng hải.
Ông Sang cũng nhắc tới quan ngại không chỉ của Việt Nam mà cả các nước trong vùng trước những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông gây nguy hại tới an ninh tại khu vực. Để đáp lại trước những cáo buộc của Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày sau đó lặp lại quan điểm của họ rằng chương trình cải tạo đảo ở quần đảo Trường Sa, hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc, tại vùng Biển Đông là hợp pháp và chính đáng. Cũng trong tuần trước tại cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định trước Tổng thống Mỹ Barack Obama và báo giới rằng, “Các quần đảo ở Nam Hải (“Biển Nam Trung Hoa” theo cách gọi của Phương Tây hoặc “Biển Đông” của Việt Nam) từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở vùng đang có tranh chấp với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Tuy ông Tập cho rằng Trung Quốc có quyền duy trì cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Nam Sa” (Trường Sa) nhưng ông cũng thừa nhận việc cải tạo các đảo trong khu vực này với một ít lời biện hộ. Ông nói: “Các hoạt động xây dựng ở Quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc đang tiến hành không nhằm mục tiêu chống lại hoặc gây ảnh hưởng bất cứ quốc gia nào, và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa chúng”. http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/10/151001_kerry_asean_scs
No comments:
Post a Comment