Saturday, November 12, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN * BIỂN ĐÔNG * VIỆT NAM XƯA *

LINH VANG * TRUYỆN TÙ VIỆT CỘNG

 

Như cuộn chỉ rối
Linh Vang

Hiển đi tù cải tạo được một năm thì ở nhà vợ Hiển đi lấy cán bộ. Vân còn trẻ, chỉ mới 24 tuổi và có hai con nhỏ, sau 75, chẳng biết làm gì ra tiền, lại đẹp nên có Tín bám chặt, tán tỉnh, Vân bằng lòng làm vợ để khoẻ tấm thân. Với lại thời gian làm vợ Hiển, Hiển làm quân cảnh nên sau giờ làm việc, đêm đêm cứ la cà ngoài đường, ở những quán bia, quán rượu, thường bỏ Vân cô đơn ở nhà nên từ lâu Vân coi tình nghĩa vợ chồng cũng đã hết mặn nồng. Hiển lớn tuổi hơn Vân cả một con giáp, lấy Vân khi Vân mới mười bảy tuổi, đây cũng có thể là một yếu tố khác để Hiển mất vợ. Ở tù về thì không còn nhà cửa hay một nơi thân thuộc nào để nương tựa, tạm trú cả, Hiển phải ngủ ở chợ, có khi dưới gầm cầu –sau một ngày làm việc vặt vãnh kiếm cơm. Rồi Hiển gặp Hiền là cô giáo tiểu học giúp đỡ, để ý thương. Năm đó, Hiền đã là gái lỡ thì 36, 37 tuổi, tuy vậy, trông cũng dễ coi. Hai người lấy nhau, có một đứa con trai -thằng nhỏ rất giống Hiển. 
Rồi gặp dịp có chương trình HO thì được qua Mỹ. Hiển đô con, còn khoẻ mạnh nên xin vào giốp quét dọn cho trường học. Hiển không biết một chút tiếng Mỹ nào. Cùng là ca chiều cho tới 12 giờ đêm, có một bà hồi xưa có làm thư ký cho một hãng Mỹ thời Mỹ qua Việt Nam thầu mấy việc xây cất, bà này sau bao năm vẫn còn nhớ chút ít tiếng Mỹ, dù là không nhiều nhưng vẫn khá hơn là Hiển, nên chuyện gì Hiển cũng nhờ bà coi giấy tờ hay thông dịch dùm. Đúng ra là những giấy tờ đơn giản và có thông dịch dùm thì cũng chuyện lặt vặt hằng ngày. Thế là lâu ngày rơm bén lửa, hai người cặp với nhau, dù là bà này cũng có chồng và con đùm đề, đã có dâu, rể. 
Ông Đáng, chồng bà thì già quá, hơn bà cả 15 tuổi, bệnh tim, bệnh cao máu, bệnh nhiều mỡ, không làm ăn gì, được hưởng tiền bệnh tật, suốt ngày ở nhà coi phim bộ, không đi đâu vì không biết lái xe. Ông có hai đời vợ, hai giòng con. Đã ly dị bà trước mà lấy bà sau này. Năm xưa, ông đi lính, đổi xuống miền Nam, ngay quê của bà, gặp bà đang là thiếu nữ đi làm sở Mỹ, thấy cái chức đại úy của ông thì ham, nên mê hoặc ông để ông bỏ vợ. Chuyện thật hư thế nào không rõ, nhưng hàng xóm của họ là vợ chồng ông Phước sau này có qua Mỹ cũng đi theo chương trình HO, kể lại như vậy. Họ bênh ông chồng, nói ông hiền lành. Ông gốc đạo Công giáo, và từ hồi ly dị vợ trước, ông không còn đi nhà thờ nữa. Theo bà thì ông đeo đuổi bà nhiều năm cho đến khi bà siêu lòng dù là cha mẹ bà khi ấy vẫn không chịu, vì bà là con gái mới lớn lên, mà ông thì đã có một đời vợ. 
Hằng tháng, đứa con gái lớn từ Saigon xuống Cần Thơ lấy cái check lương của ông đem về cho mẹ nó để nuôi đám con năm đứa của họ. Bà nhỏ bảo với những người quen của bà thì ông nghi đứa con gái út của bà lớn không phải là con của ông. Bà nhỏ đi làm sở Mỹ nuôi đám con ba đứa của bà và ông, nên sau này bà cứ kể công là toàn tiền của bà gánh vác gia đình nhỏ của hai người, chứ ông không có đóng góp gì. Nhưng hồi đó bà không có than thở, vì được mang cái danh là bà đại úy thì bà đã thoả mãn lắm rồi. Mỗi lần đi vô trại thăm ông, mặc áo dài nhí nha nhí nhảnh, được nghe mấy chú lính kêu nhau, “bà đại úy tới kìa, tụi bay!”, bà thích lắm, về nhà cứ kể tới kể lui với đám em của bà về chuyện ấy. Cả thời gian ở VN sau khi lấy ông, bà vẫn ở chung với gia đình của bà. Chị cả trong nhà, chồng lại trong lính, nên bà không muốn ra ở riêng. 
Đó là chuyện bên Việt Nam. Còn chuyện bên Mỹ này là bà cũng chia sẻ chồng của người ta, vì tình huống ở đây là không có chuyện ly dị. Lấy chồng người ta mà bà hiên ngang lắm. Bữa đó, bà Hiền xanh mặt, ói mửa, xem chừng vừa trúng gió đâu đó, gọi vô sở xin nghỉ làm, rồi gọi phôn nhờ bà Lan tới cạo gió dùm, bà Lan rành chuyện cạo gió và giác lưng. Lúc đó, bà Hiền chưa biết chuyện chồng bả với bà Lan cặp nhau. Hai người đang thân nhau vì cùng quê Cần Thơ. Hiển cũng người Nam, nhưng lại là người Tây Ninh. Ông chồng bà Lan thì dân Quảng Trị. Đang chị chị em em nói chuyện trúng gió, cái lưng bầm tím, bị nặng đây, thì bất ngờ bà Lan lại nói Hiển thương bả chứ không phải thương bà Hiền. Bà Hiền giận mà không làm dữ, vì bà hiền quá, đúng như cái tên Hiền của bà. Bà Hiền nhỏ hơn bà Lan ba tuổi, đẹp gái hơn. Bà Lan ra về thản nhiên. Không có chuyện đánh ghen nào! Nhưng chắc chắn là từ nay về sau hết chị chị em em nữa rồi, là tình địch rồi. Thế là chuyện tình ba người! Và ba người trong cuộc đã biết. Còn người thứ tư là ông Đáng chưa biết. Các con của ông Đáng với bà Lan cũng chưa biết. 
Hiển và bà Lan đi chơi với nhau nhiều quá, mới đầu thì còn lén lút ở thành phố khác và đi mướn khách sạn để ngủ với nhau, nhưng sau lại mò ra quán sá Việt gần nhà ăn đồ ăn Việt, thế là người quen thấy. Thấy rồi ngạc nhiên chuyện hai người thân mật đi với nhau, rồi tin đồn bắt đầu lan ra khi mà có nhiều người cùng thấy. Bây giờ thì tới lúc đám con của bà Lan cũng thấy. Chúng làm dữ, hai đứa lớn đòi bắn Hiển nếu mà ông còn dan díu với mẹ chúng nó. Ông Đáng vẫn chưa biết gì. Nhưng chuyện nhà thì đã bắt đầu lục đục, vì bà không chịu ngủ với ông.
 Ông đòi quyền làm chồng thì bà kêu ông hãm hiếp bà! Tự nhiên cái cha Hiển lại xía vô chuyện nhà của người ta, gọi phôn tới nhà ông Đáng kêu ông Đáng không được làm như vậy. Cha Hiển nghe bà Lan kể nên nóng máy. Đám con kêu, chú không được xía vào chuyện cha mẹ chúng nó. Thằng con đầu còn nói với Hiển, chú không nghe tui, tui sẽ xách súng bắn chết tía chú. Cha Hiển bảo xứ này chồng đối xử với vợ như vậy thì cảnh sát sẽ can thiệp, bắt ông Đáng ở tù rục xương. Và cha cũng không sợ lời đe doạ của một thằng nhóc. Hồi xưa, thời làm quân cảnh, có lần cha nhậu nhẹt say sưa, còn cầm súng bắn chết người, phải ở tù mà cha còn chưa ngán. 
Cặp cha Hiển chơi thân với một cặp người Nam khác, đồng hương Tây Ninh với Hiển. Cặp này, cũng rổ rá cạp lại, cô vợ tên Tuyết, trước đây có chồng Mỹ, có bốn đứa con. Anh chồng bây giờ thì cũng có một đời vợ, có chung với bà vợ này một đứa con gái mười lăm tuổi, hiện đang ở với mẹ nó. Anh ta tên là Quân. Quân thua Tuyết cả bảy, tám tuổi, nhưng thấy họ không chênh lệch nhau lắm, vì cô vợ biết trang điểm, biết cách ăn mặc làm cho chị trông trẻ đi. Cứ cách một cuối tuần thì hai cặp này gặp nhau, hai ông tự nấu món ăn rồi vừa ăn nhậu vừa xem phim bộ với nhau, hai bà thì đưa nhau đi chơi Bingo hay đi nghe nhạc. Vùng này có ít người Nam sinh sống, nên những người Nam thường tìm đến với nhau, là chuyện lẽ thường. 
Dĩ nhiên là cặp tên Quân này biết ông bạn Hiển của mình ngoại tình với bà Lan. Mới đầu ông Hiển tin tình bạn bè với Quân như anh em ruột thịt nên đem hết chuyện lòng ra kể cho Quân nghe. Quân nghe xong lại đi kể cho vợ anh ta nghe.
Quân cười nửa đùa nửa thật, nói với Hiển:
-Tui mà em anh thì tui đã đá cho anh một cái để cho anh tỉnh ngủ rồi. Nửa đời người rồi còn yêu mù quáng gì nữa! 
Quân hết lời khuyên Hiển đừng có phiêu lưu vô tình cảm đó, cái bà Lan đó già nua thua vợ Hiển, lại không đẹp, chuyện không đáng mà thiên hạ biết được thì xấu hổ chết. Khi Quân nói câu này, anh ta không biết là hai hàm răng của bà Lan bị nhổ trụi hết rồi, khi hàm răng giả lấy ra thì bà trông như một cụ già không còn răng miệng đã móm. Thì hồi mới qua, răng cỏ xấu, cái còn cái mất, khó chữa quá, nên nha sĩ khuyên nhổ hết làm hàm răng giả cho tiện. Ông nha sĩ đó còn hù, đang có tiền trợ cấp, không chịu làm thì mai mốt chính phủ họ cúp, muốn có hàm răng giả mà ăn thì phải bỏ tiền túi ra, có mà méo mặt. Bị làm áp lực như vậy, thì đâu còn thì giờ mà suy nghĩ gì được, có nên hay không nên, bà Lan đành cho những cái răng thật, cái hư hay cái không hư, đi hết. Nếu Quân biết thì lại càng ngạc nhiên nhiều chuyện Hiển mê một bà Lan già nua xấu xí như vậy. Ái lực gì mà dữ thần vậy! 
Đêm đó, một đêm thứ bảy, gần ngày lễ Thanksgiving, khi chỉ có Hiển và người bạn tên Quân ngồi bên bàn nhậu ở nhà Hiển. Hai bà vợ đã đưa nhau đi chơi casino. Các cửa kính đục mờ vì hơi nấu nướng từ nhà bếp vẫn chưa bay đi hết. Ngoài trời khá lạnh-chỉ là chưa có tuyết thôi.
Chuyện trên trời dưới đất chán thì quay về chuyện của Hiển với bà Lan. Quân lấy tình đồng hương mà coi như anh em nên đã ráng khuyên Hiển hãy làm việc phải. Cuối cùng Hiển hứa là cha sẽ bỏ bà Lan, cha vừa hứa mà vừa ôm đầu gục mặt xuống đất xem chừng là một quyết định khó khăn quá, cha nói chờ cho cha sang năm mới. 
Giọng nói như năn nỉ:
“...Chú cho anh một thời gian...”
“Một thời gian là bao lâu? Để lửa cháy nhiều thì lại khó chữa! Anh cũng còn thằng Tuấn, anh phải lo cho nó đàng hoàng, đã mang qua được bên này, đừng để cho nó hư hỏng.”
Tuấn là đứa con trai của Hiển và Hiền. Nó mới 11, 12 tuổi.
Quân nói bỏ là bỏ, còn năm mới năm cũ gì nữa, nhưng chợt nhớ ra là năm mới thì chỉ còn có tháng mấy nữa thôi, thì Quân cười ừ, thôi vậy cũng được.
Qua lễ Giáng Sinh, qua Tết Tây, qua Tết Ta, Hiển vẫn không bỏ bà Lan. 
Bà Lan biết chuyện cặp cha Quân đang tìm cách ly tán, chia rẽ mối tình đích thực của bà-bà nói đây là lần đầu tiên bà biết yêu, không được sống gần người yêu thì bà sẽ bỏ đi xa, đi một mình, để sống nốt cuộc đời còn lại. Chồng con, bà bỏ hết. Ngày trước, ông ở tù mười năm, bà đã một mình khổ cực nuôi mấy đứa con. Đi gánh hồ, trộn xi-măng, đi bán máu. Bữa đói bữa no. Cái thân bà đã như con mắm-bà vốn nhỏ con. Bà đã không bỏ ông, bỏ con. Ở tuổi này, bà phải sống cho bà chứ, bà không muốn hy sinh nữa. Bà gọi điện thoại chửi cặp cha Quân, đừng có xía vô chuyện của bà.
Gặp Tuyết là dân hàm hồ, thứ dữ, bà Lan bị Tuyết chửi xéo cho một trận, là thứ giựt chồng người. Bà Lan giận quá, chỉ nói lại được, “đồ me Mỹ!”. Chưa nói thêm được thì nghe phôn cúp cái kịch! 
Hiển thì xem chừng không bỏ bà Lan được mà lại mê đậm. Cha khen người bà thơm, mùi nước hoa bà xài dễ chịu, còn bà vợ ông thì không xài nước hoa, đi đâu chẳng chịu sửa soạn gì cả, đứng gần dù mới tắm xong, cũng như ngửi mùi chả giò, mùi cá kho! Bữa đó, ăn uống ở nhà Quân, có một cặp khách lạ khác nữa, bà Hiền cũng chẳng ngại, kể lại chuyện đó mà vẫn còn sùng máu, rồi bất thình lình bà cầm cái dao đang xắt xoài đập xuống bàn một cái mạnh. Cũng đủ làm bà con trong bàn giựt mình, muốn nhảy nhỏm. Không ai mong là có chuyện đáng tiếc nào sẽ xảy ra, nhưng ai biết được, lỡ bà không còn lý trí? Quân cười nói giã lã: 
“Anh Hiển thích chị xài nước hoa nên nói khích để chị xài cho ảnh vừa lòng.”
“Khích cái gì! Chả đi ra ngoài thì khen người này người nọ. Tưởng nó thơm lắm, chắc thúi như c...mà gặp chả thì đổ cả bình nước hoa vào người!”
Cô bạn nhỏ nhẹ khuyên:
“Chị bỏ cái con dao xuống rồi hãy nói, thấy chị cầm, quơ quơ, ghê thấy mồ!”
Mọi người tố ông Hiển là khờ là dại, từng tuổi này mà còn lăng nhăng làm chi.
“Gia đình tan nát, hai người yêu không đúng chỗ, có sống với nhau không bao lâu, rồi cũng đưa nhau ra huyệt lạnh- Quân vừa cười vừa tiếu lâm-Ai đưa ai trước thì không biết, nhưng chắc chắn là chỉ có một người đưa một người, bị người thân gia đình bỏ rồi mà. Tui cũng không đi đưa anh đâu!”
Năm đó Hiển vừa gần 60 tuổi. Cha chỉ ngồi im, xem chừng đau khổ, vì không ai thông cảm cho chả. Làm sao cắt nghĩa được ái tình? Ái tình đâu có tuổi tác. Hiển đang cảm thấy như đang yêu lần đầu mà!

Người ngoài cuộc, ai cũng nói được, cũng đều cho mình cái quyền dạy đời!
Sau này, ông Đáng có nhờ người giỏi tiếng Mỹ viết dùm cho ông một lá thư, gửi cho sếp của Hiển và bà Lan than phiền về sự dính líu tình cảm của hai người, yêu cầu đổi họ đi làm riêng rẽ. Sếp trả lời, đó là chuyện riêng ngoài đời của nhân viên, sếp không có trách nhiệm can thiệp trừ trường hợp họ làm việc bê bối, khi đó thì mới bị khiển trách và đổi đi.

…Một năm sau chẳng biết những người trong cuộc giải quyết với nhau thế nào mà bà Lan với ông Đáng đã ly dị. Bà ra ở riêng một mình trong một apartment cũng cùng khu cũ. Còn đứa con gái duy nhất lâu nay hay đi với bà, quyến luyến bà, lại thấy chọn ở với ông. Có lẽ nó nghĩ cha già bệnh tật, không biết lái xe, không biết nấu nướng, bỏ cha sống một mình trong lúc các anh chị lớn của nó đã ra ở riêng, thì tội cho cha quá.
Hiển thỉnh thoảng thấy đi với vợ, thỉnh thoảng thấy đi với bà Lan. Đi với bà nào Hiển cũng có vẻ không được tự nhiên, chỉ khác là bây giờ đi với bà Lan thì không còn lén lút nữa. Nhưng Hiển không bỏ vợ như bà Lan đã bỏ chồng. Bà Hiền chắc hẳn chịu sự xếp đặt này, nghĩa là cho phép chồng có bồ. Tuy vậy, thấy bà Hiền không vui mấy, quanh đôi mắt bà đã có nhiều đường chim đi! Trông bà già đi nhiều so với mấy năm trước.

Thời gian này, hai đứa con riêng của Hiển vừa được Hiển bảo lãnh qua. Vài tháng sau khi vừa đặt chân đến Mỹ, thằng con trai đã theo bạn qua tiểu bang khác sinh sống. Đứa con gái còn ở với vợ chồng Hiển. Bà Lan tới nhà chở nó đi chỗ này, chỗ nọ, giúp đỡ cho nó khỏi bỡ ngỡ trong thời gian đầu. Bà cũng rộng rãi mua cho nó cái áo, cái quần, thỏi son, hộp phấn. Ơn nghĩa với bà Lan nên nó gần với bà hơn là gần với bà Hiền là bà mẹ ghẻ của nó. Nó còn giận hồi bà dì ghẻ bán nhà để chuẩn bị đi Mỹ, nó có xin một lượng vàng mà bà không cho! Bà Hiền lại cho là con này giống mẹ nó, đẹp, nhưng chỉ biết xài tiền, chứ không chịu học hành hay làm ăn gì cả.

Không hiểu gần gũi làm sao con nhỏ này lại cặp với thằng con trai lớn nhất của bà Lan, cái thằng mà có lần đòi bắn bỏ Hiển. Nó với con vợ của nó mới được một năm chung sống đã thôi nhau rồi. Không của cải, không con cái, nên chia tay cũng dễ và cũng mau. Bây giờ con ông, con bà cặp nhau! Mấy chốc là move in ở chung với nhau! Ông Đáng bị mất vợ buồn lắm, nhưng khi có người bạn đùa chọc ông sao không kiếm một bà khác coi như cái mền cái chăn cho ấm áp vào ban đêm ở tuổi già thì ông cũng còn đùa lại được, nói ai làm mai được tui với bà Hiền thì tui chịu, chồng bả lấy vợ tui, tui lấy bả thì có lý rồi!
Người có ý tốt mà nghe vậy cũng phải kêu lên:
Ây chết! Cái kiểu đó thì rồi sẽ như cuộn chỉ rối nùi, ai gỡ cho nổi, hở ông Đáng!
LINH VANG

NGUYỄN HỮU BA * TRUYỆN VƯỢT BIỂN

 

Chuyện vượt biên: VƯỢT BIÊN BẰNG BÈ (Nguyễn Hữu Ba)

Quê tôi thuộc xã Bình Phú – Huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là Huyện Tây Sơn, nơi xuất phát của 3 anh em Tây Sơn – Nguyễn Huệ). Mẹ tôi họ Bùi thuộc dòng dõi Bùi Đắc Tuyên, Bùi Thị Xuân. Trong khoảng từ 1945 – 1954 gia đình tôi sống trong vùng Việt Minh, bị chúng ghép vào thành phần địa chủ. Cha mẹ tôi bị chúng đấu tố rất khổ nhục, cho nên trước năm 1975 thỉnh thoảng tôi về thăm nhà, mẹ tôi thường dặn “nếu VC mà vào thì con ở đâu được cứ ở, đừng về đây. Nếu con về đây thấy tụi nó làm nhiều điều chướng tai gai mắt, con nhịn không được, cãi lại nó thì nó sẽ giết con chết”.
Cho nên sau 30-4 bằng mọi giá tôi phải bám trụ lại Sài Gòn, không về quê và khi ra phường xin giấy tạm trú tôi khai sụt cấp bậc. Vì vậy tôi chỉ “học tập” ở rạp Đại Lợi (gần chợ Ông Tạ) 3 ngày. Sau đó tôi buôn bán qua quít sống qua ngày. Cực khổ thì đã đành, nhưng ngày nào cũng phải nhìn những khẩu hiệu chướng mắt, không thật và tai thì phải nghe mấy cái loa tuyên truyền láo khoét tôi không chịu được. Tôi thường nói với những người thân “giả sử VC cho tôi một tòa biệt thự, xe cộ tiền bạc xài thả cửa suốt đời, tôi cũng không thèm sống với VC” vì nó nói láo qúa. 
Chẳng hạn, nhà máy hay ruộng đất của người ta nó bắt ép người ta phải “hiến” cho nó mà nó cứ nói là người ta tự nguyện hiến cho Nhà nước. Trên đời này có ai mà tự nguyện đưa hết của cải mình cho nó bao giờ. Cho nên tôi tìm mọi cách để vượt biên. Từ 1976 đến cuối năm 1978, tôi tổ chức rất nhiều lần đều thất bại. Lý do là tôi không tin tưởng mấy ông chủ ghe. Thứ hai, tôi là Hải Quân nên rất khó lân la tới các xóm chài lưới để móc nối. Đến đầu năm 1979, có người biết tôi là Sĩ quan Hải Quân và giới thiệu tôi về Qui Nhơn để lái chiếc tàu đăng ký bán chính thức. 

Tôi về ở đó 3 tháng để coi sửa chữa 2 chiếc tàu. Tôi lái một chiếc và một ông Trung Úy ở Sài Gòn ra lái một chiếc. Tất cả mọi việc chuẩn bị đã xong thì thình lình ngày 20-7-1979, sáu mươi nước trên thế giới họp ở Geneve về vấn đề người tỵ nạn Việt Nam ra đi qúa nhiều làm cho các nước Đông Nam Á khốn đốn. VC đi dự họp, chúng hứa là từ nay sẽ không cho một người Việt Nam nào rời khỏi nước, thế là từ đó VC ngưng chương trình bán chính thức. Ngày 5-9-1979 tôi phải dẫn các con trở vào Sài Gòn để đi học lại.
Hàng ngày, sau khi sắp nhỏ đi học tôi nằm nhà một mình như muốn điên. Tôi chịu không nổi nữa. Một hôm tôi bàn với vợ tôi là tôi sẽ đi tìm mua 1 chiếc xuồng cao su mà trước đây người nhái thường dùng để đi phục kích (loại này ở Úc cũng thường thấy). Thế là tôi đi dạo các chợ trời để tìm mua, nhưng không có ai bán. Về nhà tôi suy nghĩ “nếu người ta có, người ta cũng không bán cho mình. Và nếu họ bán tôi cũng không đủ tiền mua”, (vì lúc đó tôi chỉ còn vỏn vẹn 1 cây vàng).

 Thế là từ hình ảnh chiếc xuồng cao su, tôi mới phác họa ra chiếc bè. Mình không có xuồng thì tại sao mình không lấy nhiều cái ruột xe ráp lại thành cái bè? Tôi đem ý nghĩ này bàn với vợ tôi và trấn an vợ tôi rằng “nếu mình đi bằng ghe, thì có thể bị chìm và chết, còn cái bè, tuy lạnh lẽo khổ cực nhưng không bao giờ chìm”. Vợ tôi cũng tin tưởng vào tôi, nói “vậy được đó, làm đi”.
Đó chỉ là cái ý đại cương vậy thôi. Tôi bảo để tôi tính chi tiết lại đã. Ngày hôm sau, tôi ra chỗ vá xe đạp ở lề đường, tôi đo đường kính trong và ngoài của cái ruột xe tải 900-20. Tính ra, một cái ruột xe tải bơm cứng có thể chở được 150kg. Tất cả gia đình tôi, 2 vợ chồng 4 đứa con, 2 đứa em và 1 đứa cháu + lương thực + nước uống + khung sườn, tất cả độ 750kg (tôi cần 2 đứa em và đứa cháu để phụ tôi bơm ruột xe và để bơi ra khỏi bờ, vì sóng ở gần bờ cứ dập vào rất khó bơi ra). 

Như vậy nếu tôi ráp được 9 cái ruột xe (1350kg) thì tốt hơn. Nhưng nếu ráp 9 cái ruột xe thì khung sườn bằng gỗ dài qúa (5,3m) dễ bị gẫy. Nên cuối cùng tôi quyết định ráp 7 cái (1050kg). Khi bỏ bè xuống nước phần nổi độ 10cm. Thế là tôi lấy giấy bút ra vẽ chi tiết cái bè (tôi đậu tú tài Kỹ Thuật, nên biết vẽ Kỹ Nghệ Họa). Xong tôi ghi ra 2 tờ giấy, vợ tôi giữ 1 tờ và đạp xe đi mua cốm dẹp, đường, dây nylon, can nhựa, poncho v.v… Còn tôi đi mua gỗ và tìm thợ mộc để làm cái khung sườn + ruột xe. Tôi nhớ hoài nét mặt của ông thợ mộc khi tôi đưa tấm sơ đồ, ổng cứ nhìn ngang nhìn dọc, ổng không hiểu cái đó là cái gì?
Chiếc bè
Chiếc bè
Mái chèo (Phần A)
Mái chèo (Phần A)
Mái chèo (Phần B)
Mái chèo (Phần B)
Riêng 4 cái mái chèo tôi chỉ nhờ ổng làm phần A. Còn phần B tôi mua một tấm ván mỏng dày 1 phân rồi lấy dao tự đẽo. Khi ra tới bãi tôi chỉ việc lấy phần A và B ráp với nhau rồi đóng 2 cây đinh là xong. Chứ nếu để cho ông thợ mộc làm cả phần A và B thì ổng sẽ biết đó là cái mái chèo. Riêng hai cái khung sườn tôi đánh số bằng sơn trắng từ A1, A2 đến A11 và B1, B2 đến B11 và bó lại thành 2 bó. Công an lên xét xe, tụi nó chẳng biết đó là cái gì?
Trước khi đi, tôi dự kiến là bè có thể bị lật, nên ngoài tôi và 3 đứa em (14, 16 và 19 tuổi) biết bơi, vợ và 4 con tôi phải mang phao và tất cả đều có dây dù cột dính vào bè (dây dài 2m để di chuyển trên bè). Nhưng làm sao có phao để mang? Tôi phải dùng can nhựa, 4 đứa nhỏ thì một cái 5 lít ngay trước ngực và một cái 5 lít ngay sau ót, còn vợ tôi thì can 10 lít. Đó là dự kiến như vậy, nhưng thực tế tôi đi trong cơn bão 2 ngày 2 đêm không lật một lần nào. Lý do là bè rất thấp (1 tấc) cho nên trọng tâm của bè không thể lọt ra ngoài chân đế, nên không bị lật.
Tất cả những sự chuẩn bị này, đối với tôi không có gì là khó khăn cả. Chỉ có một điều khó khăn nhất cho tôi là làm sao di chuyển số đồ đạc này ra bãi biển Cà Ná (gần Phan Rang). Chỉ riêng điều này không thôi cũng làm tôi tính toán nát óc. Chuyện là như thế này:
Đúng ra tôi phải chọn bãi Bạc Liêu, Cà Mau hay Vũng Tàu là tốt nhất vì tháng 10 là mùa gió Bấc, bè sẽ trôi vào hướng Nam, cho nên nếu chọn bãi càng vào phía Nam càng tốt. Nhưng ngặt nỗi những nơi vừa kể tôi không quen ai gần bờ biển cả. Cho nên cuối cùng tôi phải chọn bãi Cà Ná, vì bãi Cà Ná có đường Quốc Lộ 1 chạy sát mé biển. 
Nhưng cái khó khăn là tại bãi biển này không có nhà dân, không có suối, nghĩa là không có nước ngọt, mà nước ngọt thì không thể chở từ Sài Gòn ra được. Hồi đó, công an lên xét xe, thấy nước ngọt là chắc chắn mình sẽ bị “tó” đầu. Bây giờ chỉ còn một cách là đi xe từ Sài Gòn ra, mang theo can không, tới Phan Rí (cách Cà Ná độ 50 cây số) hoặc Long Hương (cách Cà Ná độ 30 cây số) hoặc Vĩnh Hảo (cách Cà Ná độ 14 cây số) dừng xe lại lấy nước. Rồi tới Cà Ná xuống xe.


 Nói thì nghe dễ vậy, nhưng chủ xe nào chịu dừng xe lấy nước ngọt cho mình, rồi bỏ xuống Cà Ná. Bởi nếu rủi ro bị bắt thì tài sản xe cộ của họ cũng mất luôn. Ai dám giúp cho mình chuyện này, ngoại trừ mình có thật nhiều tiền, nhưng tôi thì không. Trước khi đóng bè tôi chỉ còn 1 cây vàng độ 2,200 đồng tiền VC. Sau khi làm xong bè tôi còn lại 800 đồng. Chủ xe nào lại chịu lấy số tiền này cho một kế hoạch vượt biên. Cuối cùng tôi vạch kế hoạch “liều” gồm 2 bước như sau:
Chiếc bè được trưng trong viện bảo tàng Nam Úc
Chiếc bè được trưng trong viện bảo tàng Nam Úc
Tôi ra bến xe Điện Biên (ở đường Phan Thanh Giản, gần ngã tư Hàng Xanh) xe vận tải Qui Nhơn thường đậu ở đây. Mục đích là gợi chút tình đồng hương để dể năn nỉ. Tôi không đi xe đò, vì xe đò đông khách, bãi Cà Ná lại vắng vẻ, không có nhà ở, khi mình xuống xe ở đó thì hành khách trên xe (có thể có cán bộ VC) họ sẽ nghi mình vượt biên. Nên tôi chọn xe tải chỉ có 1 tài xế và 1 lơ xe.
Khi trả giá xong xuôi như một hành khách bình thường đi từ Sài Gòn đến Phan Rang độ 300 đồng. Tôi sẽ là người ngồi đằng trước với tài xế và cố gắng lấy cảm tình của ông ta. Khi xe tới Phan Thiết (200 cây số). Đãi ông ta và lơ xe bữa cơm trưa để gây cảm tình. Sau khi ăn cơm xong, xe bắt đầu chạy tôi sẽ thố lộ cho tài xế biết là mình đi vượt biên và nhờ ổng giúp giùm, bằng cách tới Phan Rí (cách Phan Thiết 70km) dừng lại lấy nước cho mình. Trong túi mình còn lại 500 đồng đưa hết cho ổng. 


Tuy nhiên, đối với giới xe tải 500đ này rất nhỏ, không có tác dụng gì mấy, chỉ hy vọng vào tấm lòng nhân đạo của ổng giúp mình mà thôi. Nhưng đây là một điều nguy hiểm, rủi ro có thể mất hết tài sản dễ gì ổng giúp mình. Cho nên trước khi thuê xe phải xem xét kỹ lưỡng ông tài xế để “chọn mặt gởi vàng”
- Thứ nhất ông này phải là người chống cộng (có chống cộng mới giúp mình vượt biên chứ)
- Thứ hai là có lòng nhân hậu. Không coi trọng vật chất mấy, nghĩa là không ham tiền quá.
Cả hai tiêu chuẩn này đều do trực giác của mình phán xét vì ông ta với mình có quen nhau trước đâu mà biết được. Vậy mà may mắn sao tôi lại chọn đúng người.
Bước thứ hai, nếu tới Phan Rí mà ông tài xế vẫn khăng khăng không dám giúp mình thì sao? Tới đây bắt buộc cả gia đình tôi phải xuống xe và phân tán mỏng. Gia đình tôi giữ 2 cái can, 2 đứa em và cháu tôi mỗi đứa hai cái (tất cả 8 cái) trà trộn vào mấy quán cơm dọc hai bên đường ăn cơm và tìm cách lấy nước. Độ 1 giờ 30 phút sau, tôi thuê một chiếc xe lam từ Phan Rí đi Phan Rang (độ 70km), lần lượt đón hết mấy đứa em lên xe. Khi lên xe, tôi ngồi băng ghế trước với tài xế, thủ một con dao. Đứa em 19 tuổi cũng ngồi phái bên kia thủ một con dao. 

Khi xe đến Cà Ná, đợi đến khúc đường vắng vẻ, hai anh em tôi sẽ chĩa hai mũi dao vào hông ông tài xế bắt phải lái xe vào bụi rậm. Xong đem tài xế ra băng sau trói chặt vào đó. Còn bao nhiêu tiền nhét hết vô túi ổng. Sau khi mình đi khỏi, ngày hôm sau đám trẻ chăn bò sẽ mở trói cho ổng. Kế hoạch thì như vậy, nhưng rất may chúng tôi chưa phải xài đến giải pháp này.
Ông tài xế xe tải, sau khi nghe tôi thố lộ đã “hồn phi phách tán”, chỉ lái xe theo phản xạ như không hồn. Nhưng vì thương gia đình tôi, ổng đã giúp chúng tôi đến nơi đến chốn và hiện giờ ổng nhận tôi là con nuôi của ổng (tôi chỉ kể vắn tắt vậy thôi, chứ nếu kể hết những gì tôi thuyết phục bác tài xế thì dài dòng lắm).
Theo kế hoạch tôi muốn xuống Cà Ná vào lúc sẩm tối để tránh lũ trẻ chăn bò. Nhưng vì Bác Tư nói xe ổng phải về sớm không thể chần chừ lâu được cuối cùng tôi phải xuống Cà Ná lúc 2 giờ chiều. Rất may là không có ai thấy. Chúng tôi vào bụi rậm và bắt đầu bơm hơi vào ruột xe. Công tác này thật nặng nhọc. Chúng tôi mang theo 9 cái ruột xe tải, 7 cái ráp vào bè và 2 cái xơ-cua. Mỗi cái chúng tôi phải bơm 4 lần mới đầy. Nghĩa là cứ bơm cho đuối sức rồi nghỉ độ 5, 10 phút rồi bơm lại, 4 lần như vậy. Đến 7 giờ tối chúng tôi mang tất cả xuống mé biển và ráp bè. Ráp xong ngồi chờ đến 9 giờ tối, gió đất bắt đầu thổi ra, chúng tôi thả bè xuống nước và khởi hành.
Tôi xin giải thích thêm về hiện tượng gió ở các vùng ven biển. Ở các vùng gần bờ biển, ban ngày đất liền nóng hơn mặt biển, không khí bốc lên nên gió ở ngoài thổi vào. Khi mặt trời lặn, mặt đất toả nhiệt nhanh hơn nên lạnh trước, trong khi nước tỏa nhiệt chậm hơn nên mặt biển vẫn còn ấm. Cho nên khoảng 8:30 – 9 giờ (giờ VN), gió từ bờ thổi ra, chúng tôi lợi dụng cơn gió này để căng buồm ra khơi (vì không đủ tiền để mua máy đuôi tôm).
Tôi thả bè xuống nước lúc 9 giờ đêm, đi được 6 tiếng đồng hồ. Đến 3 giờ sáng thì bão bắt đầu nổi lên. Gió đổi hướng liên tục, tôi phải hạ buồm xuống chỉ để bè trôi theo dòng nước. Thấy sóng thật lớn, nhưng bè vẫn an toàn không lật. Chúng tôi yên tâm tiếp tục đi 2 ngày và 2 đêm trong bão (tôi thả bè xuống nước ngày 21-10-1979 đến chiều 23-10-1979 tôi đã đến ngoài khơi Vũng Tàu cách bờ độ 60km. 


Như vậy tôi đã đi được khoảng 200 cây số đường dài). Buổi trưa ngày 22-10, tôi đi ngang qua Phan Thiết, chỉ cách bờ độ 12-15km, nhìn vào bờ thấy thành phố rất rõ. Nếu trời êm gió lặng, có lẽ tụi nó đã phát giác bè của tôi tại đây. Nhưng vì bão lớn quá, nên mặt biển vắng teo không có một chiếc thuyền nào qua lại. Đến chiều ngày 23-10, khoảng 4 giờ, tất cả chúng tôi đều quá mệt nên trùm poncho để ngủ, không ai lái cả.
 Tuy nhiên bè vẫn trôi về hướng Nam và càng ngày càng ra xa bờ (xin nói thêm là bè không lật nhưng mỗi khi bè lên đến đỉnh sóng thì thường bị cái ngọn sóng bạc đầu phủ lên bè, không nguy hiểm, nhưng ướt và lạnh suốt ngày đêm). Bốn đứa con tôi lúc đó chỉ có 4, 5, 7 và 9 tuổi). Lúc 4 giờ tôi đang ngủ chợt nghe có tiếng gọi “trên bè có ai còn sống không?” 


Tôi giật mình thức giấc thì thấy một chiếc ghe khá lớn, trên đó có độ 10 ngư phủ. Họ tưởng chúng tôi vượt biển bằng ghe, ghe bị chìm mới lên chiếc bè cấp cứu này và thấy nằm im, sắp lớp, nên họ tưởng chúng tôi đã chết hết rồi. Họ cho biết là mấy ngày trước, họ đánh cá ở đảo Trường Sa, gặp gió lớn qúa họ núp bão ở các đảo ngoài đó. Hôm nay gió dịu bớt họ trở về, đi ngang qua đây gặp chúng tôi và họ khuyên chúng tôi nên trở vào. Nếu cứ tiếp tục đi không sống nổi đâu. Chúng tôi hội ý bàn bạc với nhau, thằng em họ lớn nhất (19 tuổi) bàn: “anh Ba à, trật keo này mình bày keo khác, nếu mình tiếp tục đi, em sợ mấy đứa nhỏ không sống nổi”.
Trước lúc ra đi tôi đã quyết tâm, nhưng khi đứng trước cảnh này, nhìn các con tôi không đành lòng để chúng chết trên biển, nên đồng ý quay về. Chủ ghe bắt thanh niên chúng tôi bơi qua tàu họ (vì họ sợ chúng tôi có súng, cướp ghe của họ nên không dám lại gần).


 Tôi còn lại 800 đồng (vì ông chủ xe tải không lấy tiền), một sợi giây chuyền và chiếc nhẫn độ vài chỉ vàng 18. Tôi đưa hết cho chủ ghe và nhờ ổng chở vào bờ, bỏ tôi ở một bãi biển vắng để về Sài Gòn, nhưng ổng không chịu, mặc dù rất thông cảm và thương chúng tôi. Nhưng vì trên ghe có rất nhiều ngư phủ, khi về họ sẽ xầm xì, bàn tán. 


Thế nào công an cũng nghe được và nguy hiểm đến tài sản và gia đình ông ta. Ông chỉ có thể chở chúng tôi đến đồn công an. Anh em chúng tôi bàn tán thêm một lúc và thằng em cũng chỉ khuyên tôi trở về chấp nhận vào tù, khi hết tù sẽ làm chuyến khác. Vì lúc đó bè chúng tôi không thể tự trở về bờ được vì gió bấc thổi về Nam và nước cũng chảy về Nam. Thôi thì chịu cảnh tù tội từ đây.
Ghe đánh cá chở chúng tôi về đến đồn 36 Công An Biên Phòng thuộc xã Hưng Long – Phan Thiết khoảng nửa đêm 23 rạng 24 tháng 10. Chúng tôi bị nhốt ở đây một ngày, đến chiều 24 chúng chở về trại I Phan Thiết và tống tôi vào phòng biệt giam. Vợ con tôi ở nhà nữ, còn mấy đứa em thì nhốt ở các nhà tập thể khác. Sáng ngày 26-10-1979 chúng vào bảo tôi đem hết đồ đạc ra chỗ văn phòng. Tới nơi tôi thấy vợ con và mấy đứa em đầy đủ. Tôi phân vân tự nghĩ “không lẽ chúng thả mình về sớm vậy?” 
Nhìn vợ con, tôi không cầm được nước mắt. Chỉ qua hai đêm mà mặt mày vợ con tôi như miếng gừng xâm kim để làm mứt. Muỗi cắn nát không có khoảng hở nào cách nhau được 5 ly. Chờ một lát, có tên công an ra bảo “chúng tôi cần một số hình ảnh về chiếc bè của anh. Hôm nay chúng tôi sẽ chở anh trở lại đồn 36. Trên đường đi nếu anh có hành động gì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm”. Ý nó nói, nếu tôi chạy trốn nó sẽ bắn bỏ. Khi xuống tới đồn, chúng bắt chúng tôi đem tất cả đồ đạc ra gần mé nước ráp bè và thả xuống nước (vì chúng đã tháo ra hết). Nghĩa là diễn lại y như lúc tôi đi để chúng quay phim, chụp hình làm tài liệu. Xong, chúng chở tôi về trại I vào phòng biệt giam và bắt đầu cuộc đời tù tội từ đây.
Chúng nhốt vợ con tôi 13 ngày, mấy đứa em 3 tháng và tôi 39 tháng. Khi vợ con tôi từ nhà tù ra bến xe, dân chúng hai bên đuờng đều biết mặt, vì họ có đi xem “đóng phim”. Họ thăm hỏi và giúp đỡ rất tận tình. Khi đến bến xe, chủ quán mời vào cho ăn cơm không lấy tiền. Khi lên xe, chủ xe không lấy tiền xe mà còn bao cho ăn trưa. Và khi đến Sài Gòn chủ xe gọi hai chiếc xích-lô chở vợ con tôi về nhà và họ trả tiền trước.
Vợ tôi dẫn 4 đứa con về được Sài Gòn mặc dù trong túi không có xu nào. Vì tôi đã dặn vợ tôi bằng mọi giá phải bám lại Sài Gòn. Sau khi mượn tiền của bạn bè và bà con mua một ít gạo muối để lại cho 2 đứa con, lớn nhất (Vi) và nhỏ nhất (Luân) ở lại Sài Gòn. Vợ tôi dẫn đứa thứ ba (Thủy) ra Nha Trang ở với dì, và Thảo (đứa thứ hai) về Bình Định ở với ngoại. Cha mẹ và các chị em hai bên góp vốn để giúp vợ tôi buôn bán nuôi con.

Những người đàn ông khác thì sao tôi không biết. Chứ tôi có một cái tật xấu là đối với người ngoài, khi ai giúp cho tôi một điều gì, tôi cũng thường nói thank you hay cảm ơn xoèn xoẹt y như… Tây, nghĩa là cũng biết galant, cũng …lịch sự như mọi người. Nhưng đối với vợ con trong nhà thì hình như tôi mang cái ý nghĩ là… “của riêng mình ta, ván đã đóng hòm, không ai thèm vào đây rước ba cái của nợ này”. Nên không bao giờ tôi nói được hai tiếng cảm ơn, ngoại trừ trường hợp nói cảm ơn để …móc họng, trong những lần vợ chồng gấu ó nhau.
Anh Nguyễn Hữu Ba tại phòng triễn lãm Viện Bảo Tàng Nam Úc
Anh Nguyễn Hữu Ba tại phòng triễn lãm Viện Bảo Tàng Nam Úc
Nhân đây tôi xin nói vài hàng về vợ tôi , để nếu “chẳng may” vợ tôi đọc được thì những dòng này sẽ thay tôi nói lời tạ tội và cảm ơn công lao của “Bà”, đã nuôi nấng cha con tôi. Con cá sống nhờ nước, cha con tôi sống cũng nhờ vợ tôi.
Lúc đó vợ tôi là một phụ nữ tương đối coi cũng được, không đến nỗi “ma chê, quỷ hờn”. Nên cũng có những kẻ muốn “xắn tay bẻ nụ… hoa tàn”. Vốn liếng lại không có bao nhiêu, nếu là một người đàn bà yếu lòng, không đủ trung kiên, chung thủy với chồng thì cũng dễ tìm một nơi nương tựa lắm.
Sau khi tôi ở tù về, nghe mấy đứa con kể lại cuộc sống đã qua mà ứa nước mắt. Trong năm đầu tiên, vợ con tôi không dám ăn nước mắm, chỉ mua mắm ruốc kho lỏng thành nước để chấm rau lang và rau muống. Có dư ra đồng nào vợ tôi đều để dành, lúc thì mua 1kg đường, lúc thì mua 1kg chuối khô, để trên đầu tủ, các con tôi thèm nhỏ dãi, nhưng vợ tôi bảo “để dành đi thăm Ba”. 


Cứ hai tháng vợ tôi đi thăm nuôi tôi một lần, còn tháng ở giữa hai lần thăm thì gởi 5 kg bưu phẩm, đều đặn như thế suốt 3 năm 3 tháng. Sau khi ở tù về, tôi rất đau lòng khi biết rằng suốt thời gian ở tù tôi ăn uống còn đầy đủ hơn vợ con tôi ở nhà. Lý do là vợ tôi sợ tôi ở tù phải lao động cực nhọc. Bắt đầu từ năm thứ hai trở đi, vợ tôi buôn bán thuốc tây có thu nhập khá hơn nên gia đình đỡ khổ hơn năm đầu. Thật tội nghiệp cho vợ con tôi. Lòng trung trinh, chung thủy của vợ tôi, có thể ví như… chì đã được thử lửa.
Có một điều đáng nói là cộng sản kêu án tôi 3 năm tập trung cải tạo, nhưng đến 39 tháng họ mới thả tôi ra. Khi họ thả, nhìn vào lệnh tha, tôi thấy họ đã ký thả trước đó một tháng rưỡi. Nghĩa là ký thả đã trễ mà khi đã ký rồi còn nhốt thêm một tháng rưỡi nữa vì công việc đồng án đang cần tù. Đúng là luật pháp của CS.
Sau khi tôi về được hai tháng, được người bạn cùng khóa giới thiệu tôi lái một chiếc tàu dài 12.5m, chở theo 83 người. (Trong chuyến vượt biển thành công này, có một cái chết thật lạ lùng của một thanh niên, tôi sẽ thuật lại trong một bài khác). Tôi trực chỉ đảo Natuna – Indonesia. Sau 77 giờ vượt biển, tôi cập vào bờ Natuna (ngày 12-4-1983) để xin nước và bản đồ để tiếp tục đi Úc. Nhưng chính quyền ở đây không cho đi. Họ đưa tôi qua đảo Kuku rồi trại tỵ nạn Galang. Gần 6 tháng sau (13-10-1983), gia đình tôi đến Úc, bỏ lại Việt Nam một đứa con, vì khi đi gấp quá tôi không về kịp Qui nhơn để mang theo được.
Gia đình tôi tới Adelaide ngày 13-10-1983. Sau hai tháng ở Pennington Hostel, tôi thuê được một căn flat ở Woodville, và vợ tôi làm ở hãng may, còn tôi thì đi làm farm. Đầu năm 1985, tôi thuê được một farm nhà kiếng ở Virginia. Vợ tôi vẫn tiếp tục làm ở hãng may để sinh sống, vì thời gian đầu làm farm chưa có thu hoạch. Dần dần công việc làm farm bề bộn hơn, vợ tôi đành phải nghỉ hãng may để phụ tôi. 


Nhiều đêm, vợ chồng tôi và 3 đứa con (một đứa còn kẹt ở VN) phải chong đèn làm ngoài nhà kiếng đến 11-12 giờ đêm. Hai năm đầu làm farm cũng may mắn được mùa, nên cuối năm 1986 tôi mua được một trại nuôi heo. Tôi tiếp tục làm cả hai farm, nhà kiếng và trại chăn nuôi. Thêm gần được 3 năm nữa thì tôi trả lại nhà kiếng và chỉ giữ lại trại chăn nuôi heo. Đến năm 1990, tôi mở thêm một tiệm Take-Away và làm được 6 năm.
Các con tôi nay đã trưởng thành. Tất cả 4 đứa đều đã tốt nghiệp đại học. Chúng tôi rất mừng có được gia đình hạnh phúc. Tôi xin cảm ơn vợ tôi, Và biết ơn nước Úc đã đón nhận chúng tôi định cư tại Úc, một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và bác ái.
Nguyễn Hữu Ba

 

BILL HAYTON * HOÀNG SA

Các bằng chứng lịch sử về QĐ Hoàng Sa cần được kiểm tra kỹ lưỡng 
 BILL HAYTON
Lê Hoàng Giang dịch 




Những lời bình luận của Giáo sư Li Dexia về quần đảo Hoàng Sa đã tóm gọn một cách hữu ích những luận điểm ủng hộ “tuyên bố chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với quần đảo này. Tác giả biết rõ về những luận điểm đó; bài viết của bà vào năm 2003, Đường 9 Đoạn trên Bản đồ biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc  (The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea) là một trong những tài liệu đầu tiên nói về quan điểm này của Trung Quốc được viết bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, bài bình luận trên RSIS có tiêu đề Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa): Vì sao chủ quyền của Trung Quốc là “không thể tranh cãi” (Xisha (Paracel) Islands: Why China’s Sovereignty is ‘Indisputable’) được đăng vào ngày 20 tháng 6 năm 2014 không đưa ra được những bằng chứng nào có thể xác minh được. Sẽ là rất có lợi cho cộng đồng nghiên cứu Biển Đông nếu tác giả hay những bên khác có thể khắc phục được tình trạng này.

Không có bằng chứng thuyết phục

Tác giả cho rằng: “Dựa trên rất nhiều những ghi chép lịch sử của Trung Quốc, có từ ít nhất là thời kỳ Bắc Tống (960-1127 SCN), Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) một cách hiệu quả”.

Những người ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thường dẫn ra những tài liệu cổ trong đó nhắc đến “vùng biển” hay “quần đảo”. Theo tôi được biết, không dẫn chứng nào trong số này xác định rõ một đảo hay quần đảo cụ thể nào. Không có cách nào để biết được những đảo được nhắc đến thuộc quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, hay chỉ đơn thuần là một trong hàng trăm hòn đảo nằm cách bờ biển Trung Quốc chỉ vài hải lý.

Tác giả liệu có thể cung cấp dẫn chiếu tới những dòng chữ cụ thể trong những ghi chép lịch sử này hay không? Những ghi chép này có xác định rõ “Tây Sa” và “Nam Sa” bằng tên hay không? Dựa trên những nghiên cứu của mình, tôi tin không có bất kỳ tài liệu chính thức nào của Trung Quốc được ban hành trước năm 1909 mà có sử dụng những cụm từ đó.

Trên thực tế, tôi chưa bắt gặp bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Trung Quốc có quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1909. Như nhà nghiên cứu người Pháp Francois-Xavier Bonnet đã đưa ra, một tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông được phát hành năm 1897 chỉ kéo dài về phía Nam đến đảo Hải Nam. Tình trạng này thay đổi vào năm 1909 khi chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, vốn đang trỗi dậy, đã bị kích động mạnh mẽ khi phát hiện ra một doanh nhân người Nhật đang khai thác phân chim biển trên quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) – nằm giữa Hồng Kông và Đài Loan.

Giai đoạn quan trọng trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa đã bị lược bỏ

Sau khi phát hiện ra sự việc đó, một cuộc thám hiểm tới quần đảo Hoàng Sa đã được Tổng đốc tỉnh Quảng Đông là Zhang Yen Jun tổ chức. Theo lời một ông chủ công ty hàng hải người Pháp, P. A. Lapicque (được ghi lại trong một cuốn sách xuất bản 20 năm sau đó), cuộc thám hiểm của vị tổng đốc được dẫn đường bởi 2 người Đức từ hãng buôn Carlowitz and Company.

Rõ ràng là không có người địa phương nào đảm nhiệm được công việc dẫn đường đó. Đoàn thám hiểm dừng chân tại đảo Hải Nam trong vòng 2 tuần để chờ thời tiết thuận lợi rồi sau đó đi tới Hoàng Sa vào ngày 6 tháng 6 trước khi trở lại Quảng Đông vào ngày hôm sau. Chuyến đi này được coi là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.

Lapicque đã tỏ ra nghi ngờ về việc chuyến thám hiểm ngắn ngủi này đã giúp vẽ ra được 15 bản đồ quần đảo Hoàng Sa rất chi tiết. Việc có khả năng đã xảy ra hơn là chính quyền Quảng Đông chỉ đơn thuần sao chép lại những bản đồ của người Châu Âu rồi đặt tên địa danh bằng tiếng Trung Quốc. Đây có thể là nguồn gốc của cái tên “Tây Sa”: dịch lại từ tên tiếng Anh của một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là West Sand (Bãi cát phía Tây).

Chuyển đến gần thời điểm hiện tại hơn, Giáo sư Li đã sai lầm khi khẳng định rằng, “Tuy nhiên sau khi Nhật Bản đầu hàng [quân Đồng minh] vào năm 1945, quần đảo đã được trao trả lại cho Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam”. Trong cả 2 Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam đều không nhắc gì đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả. Điều này là bởi vì Pháp khi đó đã vận động hành lang để các nước khác công nhận 2 quần đảo này là lãnh thổ của Pháp, do đó các nước đồng minh đã không đưa ra cam kết gì về chủ quyền của họ trong tương lai.

Giáo sư Li cũng đã bỏ qua một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa. Như chuyên gia người Na Uy Stein Tonnesson đã minh họa một cách đầy thuyết phục, các lực lượng của cả Trung Hoa Dân Quốc và Pháp đã chiếm đóng các đảo khác nhau trên quần đảo Hoàng Sa sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Người Trung Quốc đã đến trước, trên đảo Phú Lâm thuộc Nhóm đảo An Vĩnh vào đầu tháng 1 năm 1947. Người Pháp đến vào vài tuần sau đó và, sau khi thấy đảo Phú Lâm (Woody) đã bị chiếm đóng, đã chuyển quân sang đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc Nhóm đảo Lưỡi Liềm.

Tuyên bố chủ quyền lịch sử mơ hồ cần được thẩm định độc lập
Các lực lượng của người Pháp, và sau đó là người Việt Nam tiếp tục nắm quyền kiểm soát đảo Hoàng Sa cho đến khi Trung Quốc chiếm đóng đảo này vào tháng 1 năm 1974. Quân Trung Hoa Dân Quốc đã rời bỏ đảo Phú Lâm vào ngày 4 tháng 5 năm 1950 và phải đến năm 1955 hoặc 1956 các lực lượng Trung Quốc Cộng sản mới thay thế chiếm đóng.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng cuộc xâm chiếm đảo Hoàng Sa và Nhóm đảo Lưỡi Liềm của Trung Quốc vào năm 1974 đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước đó, chứ không phải là kết quả không mong đợi của một cuộc va chạm giữa các ngư dân.

Ngày nay, tình hình biển Đông đang rất căng thẳng và để giải quyết được những vấn đề tranh chấp, tất cả các bên cần phải chuẩn bị tham gia thảo luận cởi mở và nghiêm túc. Những dẫn chứng mơ hồ từ những tài liệu cổ xưa là không đủ thuyết phục. Tất cả các bên cần phải cho phép đánh giá độc lập các bằng chứng của mình.

Ngay lúc này, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang tuyên bố chủ quyền đối với những nhóm đảo lớn như thể chúng là những đơn vị đơn nhất. Nếu từng bên tranh chấp có thể đưa ra bằng chứng chủ quyền cụ thể cho từng cấu tạo riêng lẻ – thay vì cho những nhóm đảo lớn liên quan – thì sẽ có thể xem xét, đánh giá từng cấu tạo một một cách riêng biệt. Khi đó mới có thể bắt đầu giải quyết các tranh chấp.

Bill Hayton là tác giả của cuốn sách Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực tại châu Á (The South China Sea: the struggle for power in Asia) sẽ được NXB Yale University Press xuất bản vào tháng 9 năm 2014. Ông đóng góp bài viết này riêng cho mục bình luận của RSIS.

TSYG * TẬP CẬN BÌNH & ADOLF HITLER

ĐỐI CHIẾU VỀ TUYÊN BỐ VỀ HÒA BÌNH  CỦA:
TẬP CẬN BÌNH & ADOLF HITLER
***
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng dù sao vẫn có thể ví vụ Tập Cận Bình cho đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam với hành động quân sự đầu tiên của Hitler là cưỡng chiếm rồi sát nhập nước Áo vào Đế chế Đức năm 1938. 
Âm mưu ngông cuồng độc chiếm Biển Đông, mở rộng lãnh thổ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã lộ ra như ánh sáng giữa ban ngày.  Mới đây thôi, chẳng mấy ai hiểu “giấc mơ Trung Hoa” do Tập Cận Bình đề xướng là giấc mơ gì. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau những sự kiện ở Biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông, và nhất là sau vụ giàn khoan HD 981, chắc hẳn nhiều người đã hiều rõ cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” ấy chẳng qua là giấc mơ Đại Hán, giấc mơ bá chủ toàn cầu mà biết bao triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây đã từng mơ, nhưng giấc mơ bá quyền ấy chưa bao giờ được thành hiện thực.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng dù sao vẫn có thể ví vụ Tập Cận Bình cho đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam với hành động quân sự đầu tiên của Hitler là cưỡng chiếm rồi sát nhập nước Áo vào Đế chế Đức năm 1938.
Việc đặt giàn khoan HD 981 là để mở đầu cho chiến dịch của Tập Cận Bình xâm chiếm toàn bộ Biển Đông, tiến đến làm bá chủ thế giới. Còn việc chiếm đóng nước Áo lại mở màn cho cuộc chinh phục châu Âu và cả thế giới của Hitler.
Một điều giống nhau giữa Tập Cận Bình và Hitler là trước khi phát động các cuộc xâm chiếm, cả Tập và Hít đều có những lời nói rất hay về hòa bình, có thể làm cho “kiến trong lỗ cũng phải chui ra”, làm cho đối phương bị ru ngủ, mất cảnh giác, thậm chí tê liệt.
Những câu nói về hòa bình của Tập Cận Bình (TSYG thống kê chưa đầy đủ, theo các tờ báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam):
-          Ngày 20-9-2012, trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Tập nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ muốn duy trì mối quan hệ hòa bình với các nước trong khu vực. Trải qua rất nhiều thăng trầm thời hiện đại, chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự phát triển và giá trị của hòa bình”.
-          Ngày 5-12-2012, tại cuộc gặp với khoảng 20 chuyên gia nước ngoài tại Bắc Kinh, Tập khẳng định:“Trung Quốc vẫn theo đuổi tiến trình phát triển trong hòa bình, sự phát triển của Trung Quốc không bao giờ thách thức hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Trung quốc không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay sự bành trướng”.
-          Ngày 19-6-2013, trong buổi đón Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Tập Cận bình nói: “Cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam phải hành xử trên tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân mình, phải đặt tình hữu nghị Việt-Trung và mối quan hệ phát triển song phương lên hàng đầu, cùng nhau thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Biển Đông và không để vấn đề đó ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai quốc gia”.
-          Ngày 17-3-2014, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Tập Cận Bình phát biểu: “Trung Quốc không bao giờ ôm mộng bá quyền hay nuôi ý định mở rộng bờ cõi”.
-          Ngày 15-5-2014, trong cuộc mít-tinh kỷ niệm 60 năm Hiệp hội Hữu nghị Trung quốc với nước ngoài, Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, luôn theo đuổi cũng như truyền lại cho thế hệ sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị và hòa hợp. Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Lịch sử ôn hòa của người Bắc Kinh là minh chứng rõ ràng nhất cho sự yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc. Trong máu của người Trung Quốc không có gen xâm lược nước khác hay thồng trị thế giới, cũng như không chấp nhận lập luận cho rằng một nước mạnh phải làm bá chủ”.
Adolf Tập Cận Bình 
(Nguồn: Internet)
Còn dưới đây là những lời nói có cánh về hòa bình của Hitler (theo Wikipedia):
- Ngày 17-5-1033, trong “Diễn văn Hòa bình” đọc trước Nghị viện Đức, Hitler nói: “Nước Đức hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ mọi vũ khí tấn công nếu các quốc gia đã vũ trang cũng sẽ phá hủy vũ khí tấn công của họ. Nước Đức cũng rất sẵn sàng giải tán cả quân đội và phá hủy số vũ khí ít ỏi còn lại, nếu các nước láng giềng cũng làm thế. Nước Đức sẵn sàng ký kết bất kỳ hiệp ước bất tương xâm nào, bởi vì Đức không nghĩ đến việc tấn công mà chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm an ninh”.
Rồi thì: “Đức khao khát hòa bình, không muốn chiến tranh, chiến tranh là sự điên rồ vô bờ bến… Chiến tranh sẽ làm sụp đổ trật tự xã hội và chính trị hiện nay… Đức Quốc xã không muốn ‘Đức hóa’ những dân tộc khác… Người Pháp, người Ba Lan và những dân tộc khác là những láng giềng của chúng tôi, và chúng tôi biết không biến cố nào có thể thay đổi được thực tế này”.
- Ngày 21-5-1935, Hitler đọc một bài “Diễn văn Hòa bình” nữa ở Nghị viện. Ông ta nói rằng tất cả những gì ông ta muốn chỉ là hòa bình và sự cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho các bên, bác bỏ chiến tranh vì cho rằng chiến tranh là vô nghĩa, vô ích và kinh hoàng: “Những cuộc đổ máu trên lục địa Châu Âu trong ba trăm năm qua không cho thấy có sự thay đổi tương xứng. Chung cuộc Pháp vẫn là Pháp, Đức là Đức, Ba Lan là Ba Lan, Ý vẫn là Ý. Tính tự cao của các vương triều, nỗi đam mê chính trị và sự mù quáng ái quốc chẳng đạt được gì nhiều qua những thay đổi chính trị sâu xa với máu chảy thành sông… Nước Đức Quốc xã mong mỏi hòa bình, cũng vì nhận thức được sự đơn giản nhất là không có cuộc chiến tranh nào có thể làm thay đổi khổ dau ở Châu Âu. Hậu quả chủ yếu của mỗi cuộc chiến tranh là hủy hoại tinh hoa của đất nước. Nước Đức cần hòa bình và đòi hỏi hòa bình!”
Và với các nước láng giềng: “Đức không có ý định và cũng không mong muốn can thiệp vào nội bộ của Áo, sát nhập Áo vào Đức hoặc thống nhất Áo và Đức… Nước Đức đã long trọng nhìn nhận và đảm bảo với Pháp về đường biên giới… Bỏ qua quá khứ, Đức đã ký kết hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan, và chúng tôi tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng yêu nước cao độ”…
Thế nhưng:
-  Ngày 12-3-1938, Hitler phát động cuộc tiến công Áo, biến Áo trở thành một tỉnh của Đức.
-  Ngày 15-3-1939, quân Đức tràn vào Tiệp Khắc, và ngày 16-3-1939 bọn chúng chiếm luôn Slovakia.
-  Ngày 1-9-1939, Hitler ra lệnh tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
-  Tháng 4-1940, Đức đánh chiếm Đan Mạch và Na Uy.
-  Tháng 5-1940, Đức đánh chiếm Hà Lan, Bỉ và Luxembourg.
-  Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức.
-  Ngày 22-6-1941, Hitler xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm và bắt đầu tấn công  Liên Xô.
So với Hitler, hành động xâm lược Biển Đông của Tập Cận Bình dường như không ồ ạt bằng. Nhưng từ việc đặt giàn khoan ở những địa điểm tùy ý trên Biển Đông đến việc xây sân bay trên bãi đá Gạc Ma với một số lượng khổng lồ tàu và máy bay hỗ trợ, cho thấy rõ tham vọng vô hạn độ của Tập Cận Bình trong việc độc chiếm toàn bộ Biển Đông.
Đối với việc  chiếm lãnh thổ hay lãnh hải của các nước khác, có thể khẳng định lòng tham không đáy của Tập Cận Bình và Hitler là hoàn toàn như nhau, kể cả về độ điên cuồng của chúng.
Vì vậy, có thể gọi Tổng bí thư Trung Quốc một cách thân thương trìu mến là Adolf Tập Cận Bình!
 http://ygiao.blogspot.ca/

Wednesday, July 9, 2014

DAVID SHAMBAUGH * TRUNG QUỐC

The Illusion of Chinese Power
David Shambaugh
Ngày 25, tháng 6, 2014
 Người dịch Hahangiang- Thailand
Nghĩ đến Trung Quốc như một thế lực toàn cầu là phổ biến, có lý, và sai.
Theo lẽ thường mà nói thì gã cơ bắp Trung Quốc quả là bất trị và thế giới phải chuyển mình lại với thực tế, rằng kẻ khổng lồ Châu Á này có thể là một thế lực toàn cầu. Có cả một làn sóng tiên tri về “Trung Hoa trổi dậy” đã xuất hiện trong thập niên vừa qua, tất cả đều vẽ lên một bức tranh về thế kỉ 21 với Trung Quốc là diễn viên chính. Điều này rất phổ biến và có thể hiểu được - nhưng sai.
 Nên nhớ rằng cách đây không lâu, những năm 1980 đã có những dự đoán tương tự về Nhật Bản như là “số một” và gia nhập vào nhóm các tay thượng thừa của thế giới - trước khi lún vào 3 thập kỉ trì trệ -  và lộ ra rằng nó chỉ là thế-lực đơn-chiều (kinh tế) và tiềm lực quốc gia không đủ rộng để gượng lại. 


Trước đó nữa Liên Bang Xô Viết cũng được dự đoán là một siêu thế lực toàn cầu (vậy nên cuộc Chiến Tranh Lạnh mới diễn ra tận nửa thế kỉ), và rồi lại sụp đổ hầu như sau một đêm năm 1991. Sự lụi tàn của USSR cũng cho thấy tương tự rằng nó chỉ là một thế-lực-đơn-chiều (quân sự) và hao mòn dần trong những thập niên đó. Sau Chiến Tranh Lạnh, một vài học giả nhận định rằng Liên Minh Châu Âu (EU) lớn hơn và mạnh hơn sẽ nổi lên như một thế lức toàn cầu và làm trục cho hệ thống quốc tế - để rồi EU tỏ ra bất lực và thiếu khả năng trước những thách thức tầm cỡ toàn cầu. Châu Âu cũng thế, lộ ra là một thế-lực-đơn-chiều (kinh tế). Vậy nên, khi nói tới Trung Quốc, một chút hoài nghi và cảnh tỉnh là cần thiết.
Rõ ràng rằng Trung Quốc là một thế lực trỗi dậy quan trọng nhất -vượt xa năng lực của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - và trong một số lĩnh vực thì đã qua mặt tiềm năng của các “thế lực tầm trung” như Nga, Nhật Bản, Anh, Đức và Pháp. Theo nhiều phương diện thì Trung Quốc giờ đây hiển nhiên là thế lực số 2 của thể giới sau Mĩ, và trong một vài phạm vi thì nó đã soán ngôi Mĩ. 
Trung Quốc sở hữu nhiều chức vị của một thế lực toàn cầu: dân số đông nhất thế giới, lãnh thổ đất liền rộng lớn, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, quĩ quốc phòng và chi phí quân sự lớn nhất, lực lượng quân thường trực lớn nhất, một chương trình hoạt động trong không gian, một tàu sân bay, bảo tàng lớn nhất thế giới, đập thủy điện lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc lớn nhất thế giới và hệ thống tàu siêu tốc tốt nhất thế giới. Trung Quốc còn là quốc gia giao thương đầu lĩnh, nguồn tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là nơi thải ra khí nhà kính nhiều nhất thế giới, là nước nhận viện trợ lớn thứ 2 thế giới và là nơi khởi đầu lớn thứ 3 thế giới của đầu tư trực tiếp nước ngoài, và còn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về nhiều mặt hàng.
Tiềm lực, tuy nhiên, chỉ là một trong những thước đo về sức mạnh quốc gia và quốc tế - và lại không phải là cái quan trong nhất.
Các thế hệ của các nhà xã hội học đã xác định một kim chỉ quan trọng về quyền lực là sự ảnh hưởng - khả năng nhào nặn sự kiện và hành động của kẻ khác. Một nhà khoa học chính trị gần đây, Robert Dahl đã nhận xét: “A có quyền lực với B ở một mức mà anh ta có thể khiến B làm những điều mà B lẽ ra lại không làm”. 


Tiềm lực mà không được chuyển hóa thành hành động để đạt được những kết quả cụ thể thì không mấy giá trị. Sự tồn tại của chúng có thể mang lại một tác động ấn tượng hoặc thoái chí, nhưng khả năng ảnh hưởng hành động của kẻ khác hoặc một sự việc mới quan trọng. Dĩ nhiên là có nhiều cách mà các quốc gia dùng tiềm lực của mình để ảnh hưởng hành động của kẻ khác và các sự việc: sự thu hút, thuyết phục, kết nạp, cưỡng bức, ban thưởng, xui khiến, hoặc là đe dọa hoặc là vũ lực. Quyền lực và sự thực thi của nó vì thế mà liên quan nhau về bản chất: cách sử dụng những công cụ như trên để ảnh hưởng một tình huống nhằm mang lại lợi ích cho ai đó.
Khi chúng ta nhìn vào sự hiện diện và hành vi của Trung Quốc trên vũ đài thế giới ngày nay, chúng ta cần phải nhìn thấu cái tiềm lực bề mặt đầy ấn tượng và tự hỏi: Liệu Trung Quốc có đang thực sự ảnh hưởng hành động của các nước khác và quỹ đạo của quan hệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực? Câu trả lời ngắn gọn là: không nhiều lắm, thậm chí là hoàn toàn không. Rất ít các lĩnh vực - nếu có - mà Trung Quốc được xem là đang ảnh hưởng các nước khác, đạt tiêu chuẩn toàn cầu hay là hình thành xu thế toàn cầu, cũng như cố gắng giải quyết các vấn đề thế giới. Trung Quốc là một thế lực thụ động, phản xạ e dè trước các thách thức và lẩn đi khi các khủng hoảng quốc tế xảy ra. Các khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine và Syria chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất về sự thụ động của Bắc Kinh.
Hơn nữa, khi tiềm lực của Trung Quốc được xem xét cẩn thận, nó không mạnh lắm. Có nhiều kim chỉ tỏ ra rất ấn tượng về số lượng, nhưng lại không về chất lượng. Chính sự thiếu sức mạnh về chất lượng đã biến Trung Quốc thành thiếu ảnh hưởng. Người Trung Quốc có câu tục ngữ “wai ying, nei ruan”: rắn bên ngoài, mềm bên trong. Đây là một đặc tính xu hướng của Trung Quốc ngày nay. Cào sơ phía dưới bề mặt của nhiều thống kê ấn tượng về Trung Quốc, bạn sẽ thấy các nhược điểm diện rộng, những trở ngại quan trọng và một nền tảng mềm nhũn để trở thành một thế lực toàn cầu. Trung Quốc có thể là con hổ giấy của thế kỉ 21.
ĐIỀU NÀY được chứng minh qua năm lĩnh vực lớn: chính sách ngoại giao quốc tế, tiềm năng quân sự, sự hiện hữu văn hóa, thế lực kinh tế và các yếu tố nội địa làm nền tảng cho vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Hãy cùng xem xét từng thứ một.
1-  Về mặt hình thức mà nói, ngoại giao của Trung Quốc thực sự là toàn cầu. Trong 40 năm vừa qua Trung Quốc đã đi từ một quốc gia bị cô lập bởi cộng động quốc tế đến khi thành một thành viên. Ngày nay, Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao với 175 nước, là thành viên của hơn 150 tổ chức quốc tế và là 1 bên của hơn 300 hiệp định đa phương. Được viếng thăm bởi các quan chức ngoại quốc nhiều hơn bất kì quốc gia nào, và lãnh đạo của Trung Quốc thường xuyên đi khắp thế giới.

Dù đã hòa nhập vào cộng động quốc tế và chính sách ngoại giao đang hiện hữu (active diplomacy) của Bắc Kinh, phạm vi ngoại giao lại là một địa phận mà vị trí mang tính cục bộ của Trung Quốc lộ rõ. Một mặt, Trung Quốc tận hưởng biểu tượng của một thế lực to lớn của thế giới. Là thành viên vĩnh viễn của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (UN security Council), thành viên của G-20 và các hội đồng chính yếu khác, đồng thời tham gia vào tất cả các cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng. Mặt khác, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn thoái thác và thụ động khi họp bàn về các thách thức toàn cầu. Trung Quốc không dẫn đầu. Không tạo hình thái cho ngoại giao quốc tế, thúc đẩy chính sách các nước khác, tạo nên sự đồng lòng quốc tế, hình thành các liên minh hoặc là giải quyết vấn đề. Bắc Kinh không chủ động dính dáng vào giải quyết bất kì vấn đề toàn cầu nào, mà lại thụ động và thường là thành phần miễn cưỡng trong các nỗ lực đa phương được tổ chức bởi các nước khác (thường là Mĩ).
Để là một thế lực toàn cầu thì phải đứng vào giữa các mâu thuẫn và mang các bên lại với nhau, hình thành liên minh và sự đồng thuận chung, và – vâng - dùng vũ lực khi cần thiết. Bắc Kinh lại thích ngồi bên lề và đơn giản là kêu gọi các quốc gia giải quyết vẫn đề của họ bằng “các biện pháp hòa bình” và tìm các giải pháp “lợi đôi đường”. Các câu thần chú trống rỗng như thế chả giải quyết được gì. Bắc Kinh còn bị dị ứng nặng với các biện pháp cưỡng bức và chỉ đứng về phía Hội Đồng Bảo An khi mà nếu không, thì sẽ bị cô lập và ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh quốc tế của mình. Đây không phải hành vi của một lãnh đạo toàn cầu.
Thay vào đó, ngoại giao cấp cao của Bắc Kinh thật sự chỉ là một vở kịch, mang tính tượng trưng hơn là thực chất. Mục đính chính là củng cố sự chính danh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) với những người theo dõi trong nước bằng việc các lãnh đạo Trung Quốc thân mật cùng thành phần ưu tú của thế giới, trong khi làm vẻ với cộng đồng quốc tế rằng đất nước này đã trở lại vị thế hùng mạnh sau một vài thế kỉ bất lực. Theo đó, chính quyền Trung Quốc bỏ rất nhiều công sức để dàn dựng một cách tỉ mỉ các tiếp xúc giữa lãnh đạo của họ với các người đồng chức ngoại quốc. Tuy nhiên, cốt lõi chính sách ngoại giao của Trung Quốc vẫn chủ yếu là thủ thế (tránh rủi ro, risk-averse) và được dẫn dắt bởi các quyền lợi quốc gia hạn hẹp. Bắc Kinh thường chọn mẫu-chung-nhỏ-nhất (lowest-common-denomiator) để tiếp cận, theo cách an toàn nhất và quan điểm ít tranh cãi nhất, và chờ xem quan điểm của các nước khác ra sao rồi mới hé lộ ý mình.
Sự ngoại lệ đáng chú ý của tính thụ động nói chung này cho thấy định nghĩa thông dụng và hạn hẹp về quyền lợi của Trung Quốc: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, nhân quyền và các lãnh thổ tranh chấp. Về những vấn đề này thì Bắc Kinh rất mực thận trọng và đối ngoại rất mạnh mẽ, nhưng những cố gắng để biện hộ cho quyền lợi của họ thì thường lại vụng về và cuối cùng lại phản tác dụng đến hình ảnh và mục đích của mình. Ngoài việc bảo vệ những quyền lợi hạn hẹp của mình thì đối ngoại của Trung Quốc vẫn rất thụ động so với một nước lớn và quan trọng như vậy.
Khi cùng nhau điều hành thế giới, là phải đóng góp cho lợi ích chung một tỉ lệ với tổng tiềm lực của một nước, thì hành vi của Bắc Kinh thường song song với sự thụ động và suy nghĩ hạn hẹp từ chính sách đối ngoại của họ. Trung Quốc quả có đóng góp nhiều mặt trong việc điều hành thế giới: Lưc Lượng Gìn Giữ Hòa Bình (UN peace keeper), triển khai hoạt động chống cướp biển tại vịnh Aden, các hoạt động chống khủng bổ ở khu vực Trung Á, chống phổ biến nguyên liệu hạt nhân, sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ thảm họa và chống tội phạm quốc tế. Trong những lãnh vực này thì Trung Quốc cũng có công. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể và nên làm nhiều hơn thế; vẫn đang là “đánh với hạng dưới cân” (boxing, punches well below its weight) bằng cách không đóng góp theo tỉ lệ với kích cỡ, sự giàu có và thực lực ảnh hưởng của mình. Thế giới nên trông chờ và đòi hỏi nhiều hơn từ Trung Quốc.
Tại sao chính sách tham gia điều hành thế giới của Trung Quốc lại hạn chế như vậy? Có 3 lí do chính. Đầu tiên, bên trong Trung Quốc tồn tại một sự nghi ngờ sâu sắc về cái giả thuyết tươi đẹp và khái niệm căn bản của việc điều hành thế giới, xem nó như là một cái bẫy hiện đại của Tây phương (đặc biệt là Mĩ) để làm “chảy máu” Trung Quốc bằng cách lôi họ vào các cuộc khủng hoảng và các địa điểm mà họ không có quyền lợi quốc gia trực tiếp - và theo đó mà phân tán tài nguyên rồi kìm hãm sự trỗi dậy của họ. 


Thứ hai, dân Trung Quốc sẽ phê bình chính quyền vì phân bổ tài nguyên ra nước ngoài khi mà nạn đói nghèo và các vấn đề nhức nhối khác vẫn đang hiện hữu tại bản quốc. Và thứ ba là Trung Quốc có kiểu tiếp cận “hợp đồng” khi sử dụng nguồn lực của mình, đặc biệt là khi dính tới tiền. Tánh này vốn từ trong văn hóa buôn bán của người Trung Quốc mà ra, nhưng rồi lan cả những mảng khác trong ứng xử của Trung Quốc. Người Trung Quốc muốn biết chính xác là họ sẽ được lại cái gì và khi nào cho một khoản đầu tư. Do vậy, cả cái chủ nghĩa đạo đức và đóng góp không cầu thân cho lợi ích chung là một điều xa lạ với nhiều người Trung Quốc.
Kết quả là, trong lĩnh vực đối ngoại - song phương, đa phương và điều hành thế giới - Bắc Kinh vẫn cho thấy một sự thụ động rõ rệt và miễn cưỡng tham gia. Còn lâu mới trở thành “cổ đông trách nhiệm” mà ông Robert Zoellick phát biểu năm 2005. Chính sách của Bắc Kinh vẫn chỉ hạn hẹp về quyền lợi bản thân, và sự tham gia của Bắc Kinh với các vấn đề thế giới vẫn là tối thiểu và chiến thuật, không phải là quy chuẩn và chiến lược. Mục đích của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, thực tế mà nói, là kiếm tiền. Xem kĩ các thành phần trong phái đoàn chính phủ hay chủ tịch Trung Quốc sẽ thấy một số lượng lớn các CEO của các tập đoàn - đi tìm nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, các cơ hội buôn bán và đầu tư. Chính sách đối ngoại kiểu con buôn như vậy không giúp Bắc Kinh có được sự tôn trọng từ quốc tế, mà thực tế là đang có gia tăng các chỉ trích và dội ngược trên khắp thế giới (đang chú ý nhất là Châu Phi và Mĩ La Tin).

2-  Tiềm lực quân sự của Trung Quốc là một mặt khác màTrung Quốc là một thế lực cục bộ: ngày càng mạnh trong khu vực, nhưng không hề toàn cầu. Trung Quốc không có khả năng phóng sức ra khỏi khu láng giềng châu Á (ngoài các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chương trình không gian và tiềm lực chiến tranh mạng), và ngay cả trong Châu Á thì khả năng triển khai sức mạnh cũng bị hạn chế. Chưa hẳn là Trung Quốc có thể triển khai năng lực quân sự ngoài phạm vi 500 hải lý từ lãnh thổ của họ (như trong các tranh chấp biển Hoa Đông và Hoa Nam) và duy trì đủ lâu để thắng thế trong các mâu thuẫn. Lực lượng quân sự của họ không được thực nghiệm chiến trường, chưa đánh một trận nào từ năm 1979.
Để nói cho chắc, quân sự Trung Quốc đã được cải thiện một cách đều đặn trong 20 năm. Giờ đây họ có quỹ quân sự lớn thứ 2 thế giới (131.6 tỉ đô trong năm 2014), lượng lính thường trực lớn nhất, nhiều vũ khí hiện đại, một hải quân đang giong buồm ngày càng xa hơn đến phía tây Thái Bình Dương và thi thoảng cả Ấn Độ Dương, và một chiếc tàu sân bay khiêm tốn. Vậy nên quân sự Trung Quốc không phải ngon xơi. Nó có khả năng phòng vệ quê hương mình, và giờ thì có thể quậy nên một cuộc va chạm thắng lợi với Đài Loan (đó là khi không có một cuộc can thiệp nhanh chóng và toàn diện của Mĩ). Trung Quốc cũng đang được xem là một thế lực quân sự khu vực châu Á và do đó đang thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực, nhưng quân đội Trung Quốc vẫn không có khả năng phát triển sức mạnh toàn cầu. Trung Quốc không có căn cứ nước ngoài, không có hậu cần đường dài và tuyến thông tin, và vệ tinh phủ sóng toàn cầu cơ bản. Hải quân vẫn chủ yếu chỉ là một lực lượng duyên hải ven biển, không quân không có khả năng đánh xa và chưa chứng minh được năng lực tàng hình, và lực lượng bộ binh không được thiết kế triển khai nhanh.
Hơn nữa, về chiến lược, thì Trung Quốc có thể được gọi là “thế lực cô đơn” - thiếu bạn thân và không có đồng minh. Ngay cả mối quan hệ thân thiết nhất của Trung Quốc (với Nga), các yếu tố ngờ vực và nghi ngại mang tính lịch sự thấm xuyên qua vẻ ngoài dường như rất hòa hợp giữa quan hệ hai nước. Không một quốc gia nào tìm kiếm bảo an và bảo vệ từ Bắc Kinh (có lẽ ngoại trừ Pakistan) - điều này cho thấy một sự thiếu hụt trầm trọng sự ảnh hưởng chiến lược của một thế lực lớn. Trái lại, các nước châu Á khác đang đắp nặn tuyến phòng thủ với Mĩ và cải thiện sự phối hợp với nhau - chính xác là do sự mập mờ và đe dọa mà họ thấy ở Trung Quốc.
3-  Xoay từ sức mạnh cứng sang sức mạnh mềm, Trung Quốc tích lũy như thế nào để thành một thế lực toàn cầu? Không ổn. Không có một xã hội nào khác học hỏi văn hóa Trung Quốc, không có nước nào khác đang tìm cách bắt chước hệ thống chính trị của Trung Quốc, và mô hình kinh tế của họ cũng không thể tái bản đâu khác được. Mặc dù đã đổ ra rất nhiều công sức và một lượng lớn tài nguyên để xây dựng sức mạnh mềm và cải thiện hình ảnh quốc tế của minh từ năm 2008, điều tiếng quốc tế về Trung Quốc vẫn là từ lẫn lộn cho tới tiêu cực. Khảo sát ý kiến cộng đồng cho thấy khắp nơi trên thế giới khái niệm về Trung Quốc vẫn hỗn tạp, vừa tăng vừa giảm với đầy các rắc rối.
Trung Quốc không phải là cái nam châm thu hút kẻ khác để cạnh tranh - văn hóa, xã hội kinh tế và chính trị. Vấn đề của Trung Quốc trong 4 mảng trên là riêng biệt. Trung Quốc thiếu sự hấp dẫn chung khi vượt ra khỏi biên giới hoặc các cộng đồng thiểu số của mình. Phần lớn bởi vì tính độc nhất của kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của Trung Quốc, nên sức mạnh mềm toàn cầu của Trung Quốc chỉ từ yếu đến không tồn tại.
Các sản phẩm văn hóa của Trung Quốc - nghệ thuật, phim ảnh, văn chương, âm nhạc, giáo dục - vẫn ít được biết tới bên ngoài Trung Quốc và không dựng nên một xu hướng toàn cầu nào. Đáng ngưỡng mộ là vậy, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là một sản phẩm của các thành phần không thể tái bản ở các nước khác (kinh tế quy mô cạnh tranh, hoạch định quốc gia kiểu Xô Viết, doanh nghiệp cá nhân, một lực lượng lao động lớn và kỉ luật, ra đời nghiên cứu – và - phát triển và nguồn vốn ngoại khổng lồ). Ngay cả khi “mô hình Trung Quốc” tồn tại (còn đang tranh cãi), thì nó cũng không thể xuất khẩu được, vì tổ hợp các yếu tố này không tìm thấy nơi nào khác. Hệ thống chính trị của Trung Quốc tương tự như một hỗn hợp các ý tưởng biến thể và chọn lọc từ chủ nghĩa Cộng Sản Mác, chủ nghĩa độc trị kiểu Châu Á, Khổng giáo và an ninh nội địa chặt chẽ. Sự đặc biệt này không thể nhân bản được - không có nước nào định làm vậy, và cũng không ai thấy có người ngoại quốc nào muốn tị nạn chính trị hay làm công dân của PRC. (CHDCNDTQ)
4- Còn về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thì sao? Đây là lĩnh vực mà người ta có thể xem Trung Quốc là một thế lực toàn cầu và là người điều chỉnh xu hướng - nhưng tác động của Trung Quốc lại rất hạn chế so với dự đoán. Cũng như các lĩnh vực khác, rất ấn tượng về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Trung Quốc là quốc gia giao dịch lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng cấp thấp; sản phẩm của họ ít được nhận biết thương hiệu từ quốc tế; chỉ có trên đầu ngón tay những tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn thành công tại nước ngoài; tổng dự trữ vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc chỉ đứng hạng 17 toàn thế giới; quỹ viện trợ quốc tế của Trung Quốc chỉ bằng một góc của Mĩ, Châu Âu, Nhật hay là Ngân Hàng Thế Giới.
Khi đánh giá về chất lượng thay vì số lượng thì hồ sơ kinh tế của Trung Quốc không mấy ấn tượng. Vẫn là một nên kinh tế gia công lắp ráp - không phải là sáng tạo và thúc đẩy. Hâu hết các sản phẩm xuất khẩu được gia công hoặc sản xuất ở Trung Quốc đều được kiến tạo ở nơi khác. Hành vi ăn cắp bản quyền một cách hung hăng của Trung Quốc và chính sách “thúc đẩy cách tân nội địa” (cái mà ngốn hàng tỉ đô mỗi năm cho việc nghiên cứu và phát triển quốc nội mỗi năm) của chính quyền là sự thú nhận thất bại trong việc sáng tạo. Điều này có thế, và có lẽ là sẽ, thay đổi theo thời gian - nhưng tới nay thì TQ không đang đặt tiêu chuẩn quốc tế cho bất cứ công nghệ hay dòng sản phẩm nào (hoặc là trong khoa học thiên nhiên, y khoa, khoa học xã hội hay nhân chủng học). Tương tự, Trung Quốc chỉ có hai trường đại học nằm trong top 100 trường thế giới, dựa theo Times Higher Education World University Rankings 2013-2014.
Nếu Trung Quốc muốn thúc đẩy cải tiến, họ sẽ, đương nhiên, là phải đầu tư nhiều thêm vào quỹ nghiên cứu và phát triển. Dựa theo National Science Foundation năm 2009 Trung Quốc chỉ tiêu 1.7% GDP của mình vào nghiên cứu và phát triển, so với 2.9% của Mĩ, 2.8% của Đức và hơn 3.3% của Nhật.

 “Cường độ nghiên cứu” của hoạt động nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc thậm chí còn không vào top 20 của thế giới, khi mà 80% dành để phát triển sản phẩm và chỉ 5% cho nghiên cứu cơ bản. Sự thiếu hụt Giải Nobel cũng là một thước đo. Giữa năm 1949 cho đến 2010, có 584 giải Nobel được trao. Người Trung Quốc được 10 giải (8 giải khoa học), nhưng hết 8 trong số đó là hoạt động tại nước ngoài. Có 2 ngoại lệ là Liu Xiaobo thắng Nobel hòa bình năm 2010 và Mo Yan thắng giải văn chương năm 2011. Trích dẫn trong các bài viết chuyên nghiệp cũng là một thước đo khác. Những bài được trích dẫn nhiều nhất thế giới (bao gồm tất cả các lĩnh vực), học giả Trung Quốc chỉ đạt 4% trong khi Mĩ tới 49%.
Kết quả của chứng “thâm hụt canh tân” kinh niên của Trung Quốc là nước này giờ đây sa lầy vào “bẫy thu nhập trung bình” muôn thuở. Cách duy nhất để thoát ra là canh tân - như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore và Đài Loan đã chứng minh trước đó. Và điều này cần nhiều hơn là đầu tư của chính quyền vào nghiên cứu và phát triển - nó cần một hệ thống giáo dục đặt tư duy phản biện (critical thinking) và tự do khám phá (freedom of exploration) làm tiền đề. Điều này lại cần một hệ thống chính trị tương đối cởi mở và dân chủ và không có cắt dán hay “vùng cấm” trong lĩnh vực nghiên cứu. Học sinh và các trí thức phải được tán thưởng- không phải bị truy lùng và trừng phạ t-vì thách thức những khái niệm phổ thông và mắc lỗi. Cho đến khi điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ luôn bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình - sản xuất và lắp ráp nhưng không phải sáng tạo và sáng chế.
Với bối cảnh này, gã khổng lồ giao dịch Trung Quốc yếu hơn nhiều so với vẻ ngoài của mình. Những yếu điểm tương tự cũng được thấy trong vốn ODI (oversease direct investment; vốn đầu tư ra nước ngoài) của Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã chú trọng hàng đầu việc đưa các doanh nghiệp Trung Quốc ra thế giới, nhưng cho tới nay thì vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn khá nhỏ. Như đã nhắc đến phía trên, tổng dự trữ ODI khó mà đưa Trung Quốc vào top 20 thế giới, mặc cho nguồn tiền xuất ngoại (annual outflows) hàng năm đang tăng nhanh và đứng thứ 3 thế giới (88.2 tỉ Đô trong năm 2012). Vẫn chỉ bằng một phần tư vôn ODI của Mĩ cùng kì.
Quan trọng hơn nữa, như những mảng khác về hồ sơ toàn cầu của Trung Quốc, cần phải đào xuyên qua những thống kê về số lượng và hỏi những câu mang tính chất lượng: nguồn tiền ấy đi đâu, và có phải là đầu tư thật hay không? Các điểm đến trên thế giới và cấu thành của vôn ODI của Trung Quốc đã chuyển hướng nhanh chóng từ năm 2011, nhưng một tỉ lệ lớn danh mục vốn chảy vào những nơi như British Virgin Islands và Grand Cayman Islands (xếp hạng thứ 2 và 3 những nơi nhận vốn nhiều nhất năm 2011). 

Thế mà một số lại không phải thực chất là đầu tư nước ngoài - mà lại là tiền được tuồn ra những bến an toàn. Điều này không chỉ đúng với chính quyền và các công ty Trung Quốc mà còn cả tài sản cá nhân. Sổ Xanh (Blue Book) thường niên năm 2014 về Di Cư Quốc Tế của Trung Quốc, biên soạn bởi Trung Tâm về Trung Quốc& Toàn Cầu Hóa, gần đây báo cáo rằng từ năm 1990 tổng cộng 9.3 triệu người Trung Quốc di cư ra nước ngoài, mang theo 2.8 nghìn tỉ Nhân Dân Tệ (46 tỉ Đô La Mĩ). Đây không phải là một sự phát triển mới, nhưng lại là một xu hướng đang gia tăng trong thập niên vừa qua. Khi một số lớn tầng lớp tinh túy của kinh tế một nước bỏ đi như vậy và rất nóng lòng bảo vệ khoản tiết kiệm tài chính của mình ở nước ngoài, nó chứng tỏ rằng họ thiếu tự tin vào hệ thống chính trị và kinh tế nước nhà.
Dù thế, gần đây hồ sơ vốn ODI và vệt chân địa lý của Trung Quốc đã thay đổi. Trung Quốc đang tung hoành với các đầu tư và mua bán khắp Châu Á, Mĩ La Tin, Châu Âu và Mĩ. Các tay buôn Trung Quốc đang chộp giật đủ loại tài sản - tài sản công dân và tài sản thương mại, nhà máy, khu công nghiệp, các cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển, trang trại, rừng, khoáng sản, dầu và khí đốt, cùng nhiều tài nguyên khác. Do đó mà hồ sơ đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, nhưng tác động của nó vẫn mơ hồ.
Còn về các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc thì sao? Sức cạnh tranh tại ngoại của họ ra sao? Cũng như trong khác mục khác, có nhiều điểm yếu hơn là điểm mạnh. Trên bề mặt, xét theo đánh giá xếp hạng của Fortune Global 500 (500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới), các công ty Trung Quốc chỉ đứng sau các tập đoàn đa quốc gia Mĩ. Nhưng những xếp hạng này được tính dựa trên tổng doanh thu và lợi nhuận cơ bản - không phải điểm mà công ty kiếm ra tiền. Khi khảo sát các công ty Trung Quốc trong danh sách năm 2013, dễ nhận thấy rằng rất ít công ty hoạt động tại nước ngoài và chỉ đếm trên đầu ngón tay các công ty thu hơn nửa doanh thu từ nước ngoài. Cho nên đây không thật là những tập đoàn đa quốc gia, mà là những tập đoàn diễn viên nội địa.
Nhiều doanh nghiệp rất tha thiết để vươn ra toàn cầu, nhưng những người cố để đi xa cỡ đó lại có hành trình không ổn lắm. Có nhiều câu chuyện thất bại hơn là thành công về các tập đoàn tham vọng của Trung Quốc. Các thương nghiệp Trung Quốc thường sẩy chân khi lãnh đạo tập đoàn của họ đã không làm trước khảo sát tiền khả thi (due diligence) hoặc bị va chạm văn hóa tập đoàn. Chung quy lại, nhược điểm chính của các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc là nhân lực - cụ thể là vấn đề quản trị. Chỉ có một vài người quản lý (managers) quý giá là đa ngôn ngữ và đa văn hóa, và các công ty Trung Quốc thường không thuê người nước ngoài với kĩ năng như vậy vào các vị trí quản lí cấp cao (ngoại trừ Huawei và Haier không theo luật này). 

Các công ty Trung Quốc và sự quản trị của họ nhiều lần bộc lộ sự bất lực để thoát khỏi văn hóa tập đoàn và cách làm ăn của chính mình. Bởi vì họ thích hệ thống cấp bậc và các vai trò rõ ràng tại nơi làm việc, người Trung Quốc thường không quen cấu trúc quản lý “phẳng” với chủ trương phân quyền và sáng tạo cá nhân. 

Các xu hướng này cứ tạo nên các cuộc va chạm văn hóa liên hồi giữa các thương nghiệp Trung Quốc và các công ty phương Tây. Các công ty Trung Quốc cũng cho thấy những khó khăn trong việc thích nghi với các luật lệ, quản lý, thuế và môi trường chính trị nước ngoài. Sự minh bạch và quản lý tập đoàn hầu như không phải là đặc tính của các công ty Trung Quốc - nơi mà quá trình ra quyết định thường là mập mờ, cách làm ăn hay dính tới tham nhũng và các thủ tục kiểm toán thì hay có gian lận. Nhiều công ty Trung Quốc đã bị phát hiện gian lận thông tin bằng các công cụ điều chỉnh chứng khoán tại Mĩ trước khi IPOs. (Initial public offerings; chào bán cổ phiếu lần đầu)
Các tập đoàn Trung Quốc còn thiếu sức cạnh tranh khi bàn về thương hiệu thế giới. Chỉ có đếm trên đầu ngón tay các công ty Trung Quốc có khả năng đưa thương hiệu của mình thành quốc tế: bia Tsingtao, điện gia dụng Haier, viễn thông Huawei, Air China, xe hơi Geely và một ít số khác. Nhưng không có lấy một công ty Trung Quốc nào vào được top 100 toàn cầu của Business Week/Interbran.
Các thước đo khác về năng lực nội địa của Trung Quốc cũng không xếp hạng cao mấy và tích cực trên thế giới. Năm 2014, Freedom House xếp hạng Trung Quốc thứ 183 trên tổng 197 nước về tự do báo chí. Từ năm 2002, tổng hợp của Ngân Hàng Thế Giới về Chỉ Số Quản Trị Thế Giới (World Bank’s composite Worldwide Governance Indicators) đã nhất quán xếp Trung Quốc vào hạng 30 trong việc ổn định chính trị và quản lí tham nhũng, hạng 50 trong hiệu quả chính quyền, hạng 40 trong chất lượng quản lí và luật lệ, và dưới 10 về khả năng giải trình (minh bạch). 

 (*ở đây tác giả dùng percentile, nghĩa là so sánh trong vòng 100 nước, đứng thứ 50 là trung bình, hơn 50 nghĩa là chỉ số cao hơn 50 nước và ít hơn 50 là ám chỉ tệ hại). Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới xếp hạng Trung Quốc chỉ thứ 29 trên toàn thế giới vào mục chỉ số Khả Năng Cạnh Tranh Toàn Cầu năm 2013, cùng với hạng 68 mục tham nhũng và 54 mục đạo đức kinh doanh. Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế thậm chí xếp hạng Trung Quốc còn thấp hơn (thứ 88) trong chỉ số tham nhũng quốc tế năm 2013. Trong những đánh giá và phân mục này thì Trung Quốc hầu như đang tuột dốc trong thập niên qua. Bằng những thước đo trên và khác nữa, rõ ràng rằng sự hiện diện cùng hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới không thể lẫn lộn hơn. Trong nhiều hạng mục thì Trung Quốc rơi vào nhóm các nước trình diễn tệ hại nhất và ít được tôn trọng nhất trên thế giới.

Báo cáo của Phát Triển Con Người Liên Hợp Quốc (United Nations Human Development) cho thấy rằng mặc cho sự tiến bộ đáng kể và đáng nể của nền kinh tế xã hội (socioeconomic) mà Trung Quốc đạt được từ những năm 1980, nước này vẫn phần nhiều là một nước đang phát triển. Nước CHDCNDTQ đứng thứ 101 trên chỉ số tổng thể, trong 187 nước được khảo sát.  Thu nhập bình quân đầu người giờ đây gần 8,000 Đô trên phương diện sức mua tương đương (purchasing-power-parity), nhưng 13.1 phần trăm dân số vẫn sống dưới 1.25 đô một ngày. Trong các mảng tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, cung cấp chăm sóc sức khỏe, chất lượng giáo dục và bất bình đẳng, Trung Quốc vẫn chậm hơn nhiều các nước công nghiệp.


Ô nhiễm và nhiễm độc môi trường của Trung Quốc giờ đây là tệ nhất thế giới và đang góp phần vào tỉ lệ ung thư đang gia tăng. Dù cho gần đây chính quyền có cô gắng để mở rộng phân phối, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe phổ thông và thảm họa (catastrophic health care and insurance), hầu hết người Trung Quốc vẫn phải đối mặt nhiều bất ổn khi mắc bệnh. Hệ số Gini (đo chỉ sô bình đẳng thu nhập, 0 tượng trưng cho sự bình đẳng tuyệt đối và 1 tượng trưng cho sự bất bình đẳng tuyệt đối) của Trung Quốc là 0.5, vào nhóm cao nhất thế giới. Trường tiểu học và trung học của Trung Quốc cho ra những kết quả kiểm tra cấp thế giới (world-class test results), nhưng hệ thống đại học còn thua xa các nước lãnh đạo thế giới.
Những kiểm chứng này không nhằm để xem nhẹ những thành tựu phát triển thần kì của Trung Quốc trong 3 thập kỉ qua, nhưng nó chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh lại rằng Trung Quốc còn chưa đâu gần top thế giới trong nhiều hạng mục phát triển.
Đây là một bức tốc họa (?) về Trung Quốc ngày nay. Mười hay hai mươi năm nữa kể từ giờ vị trí trên toàn cầu của Trung Quốc có thể sẽ tiến bộ hơn nhiều trong các lĩnh vực này và có thể nó sẽ vận hành trên cơ sở toàn cầu như Mĩ, nhưng bây giờ Trung Quốc nhiều nhất chỉ là một thế lực cục bộ. Nhưng không nên đơn thuần kết luận là quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ vẫn không thuyên giảm. Có thể, nhưng cũng còn hai khả năng khác- là trì trệ và thụt lùi.
Rất nhiều nhà quan sát Trung Quốc (China watchers) đi đến kết luận rằng nước này đang đến điểm giới hạn ở nhiều mặt. Tổng tăng trưởng đang chững lại (do chi phí sản xuất đang gia tăng và lợi thế so sánh đang giảm) và chính quyền chật vật duy trì 7% tốc độ tăng trưởng hàng năm cần thiết để duy trì việc làm, thu hút thêm nhân công vào lực lượng lao động và duy trì ổn định xã hội. Cố gắng là thế, chính quyền Trung Quốc đã không thể đạt được sự chuyển mình từ kinh tế định hướng - xuất khẩu và đầu tư sang kinh tế dựa vào tăng trưởng tiêu thụ nội địa và “kinh tế tri thức” sáng tạo như đã tuyên bố. Sản xuất đang không gia tăng một cách đáng kể chuỗi giá trị và nấc thang công nghệ, và yếu điểm bẫy thu nhập trung bình đang dần lộ ra (và có thể sẽ thành trạng thái vô định).


 Nợ địa phương đang nhức nhối và nhiều cơ quan địa phương đang loạng choạng bên bờ vực vỡ nợ. Bất bình đẳng xã hội đang ngày càng gay gắt, tham nhũng tràn lan từ chính quyền tới xã hội, đầy rẫy bức xúc trong mọi mặt lĩnh vực xã hội, người giàu thì đang tháo chạy khỏi nước với số lượng gia tăng, tầng lớp trung lưu thì trì trệ, và hệ thống chính trị vẫn cứng nhắc và đàn áp. Trong khi đó, nước này cũng không thực hiện các cải cách chính trị và tư pháp phù hợp để theo đuổi giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng vì điều này sẽ trực tiếp đụng chạm đến quyền lực độc tài của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Vài nhà Hán Học tranh luận rằng chính Đảng Cộng Sản Trung Quốc là trở ngại chính của sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc. Đảng này là một thể chế ngày càng bấp bênh, xơ cứng và mỏng manh và đã tê liệt từ năm 2008. Một phần lí do cho sự tê liệt này từ sự chuyển giao lãnh đạo năm 2012 và cuộc đấu tranh phe phái để dẫn đến điều này (bao gồm cả vụ Bạc Hy Lai), nhưng cũng có dính dáng tới những bất ổn gia tăng trong nước (cụ thể là Tây Tạng và Tân Cương). 


Những yếu tố khác cũng góp phần vào các hành động triệt tiêu và đàn áp của Đảng trong 5 năm qua, bao gồm cả nỗi lo từ vụ Mùa Xuân Ả Rập, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy những bước tiến trong cải cách chính trị từ khi thay đổi lãnh đạo và Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trái lại, đàn áp chính trị còn khốc liệt hơn từ khi Tập đảm nhiệm. Ngay cả Hội Nghị Lần Ba tháng 11 năm 2013 được tung hô như là một bước đột phá trong cải cách, cho tới nay vẫn có vẻ phóng đại hơn là tiến triển.
Đây là một ly Cốc Tai đầy nguy hiểm mà các nhà quan sát Trung Quốc thấy hấp dẫn ở nước này. Một chuỗi các vấn đề phơi bày và oái ăm mà nhân dân và chính quyền nước này phải giải quyết. Vì thế, các nhà quan sát không nên mù quáng mà nhận định rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ phô bày thuyết duy lực của 30 năm vừa qua, hay con đường đi đến địa vị thế lực toàn cầu của nó sẽ nhất thiết phải tiếp tục.
 --------
David Shambaugh là giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế và là trưởng ban Chương Trình Chính Sách Trung Quốc tại Trường Quan Hệ Quốc Tế Elliott tại đại học George Washington. Ông cũng là một thành viên cao cấp không thường trực trong các nghiên cứu Chương trình Chính sách đối ngoại và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings. Cuốn sách gần đây nhất của ông là Trung Quốc đi toàn cầu: Sức mạnh cục bộ. (Oxford University Press, 2013).
 HHG.

MỸ VÀ TRUNG QUỐC TẬP TRẬN


Trung Quốc và Mỹ tập trận chung ở Haiwaii

RFA 24.06.2014
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Tàu chiến của Trung Quốc sẽ tham gia tập trận với Mỹ ở Haiwaii lần đầu tiên vào tuần này trong một nỗ lực mang tính biểu tượng hữu nghị giữa hai cường quốc.
4 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc với khoảng 1,100 thủy thủ bao gồm tàu tên lửa, chiến hạm, tàu cung cấp và tàu bệnh viện sẽ tham gia tập trận với Mỹ và 20 nước khác trong cuộc tập trận kéo dài 6 ngày có tên gọi Vành đai Thái Bình  Dương vào thứ 5 tuần này.
Đô đốc Samuel Locklear của Hoa Kỳ gọi đây là bước quan trọng đối với Trung Quốc khi tham gia tập trận chung, đặc biệt là một cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu.
Bắc Kinh và Washington thường xuyên cam kết sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ trên nhiều mặt. Lãnh đạo hai nước đã gặp nhau không chính thức tại California ngay sau khi chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm ngoái. Quân đội hai nước cũng có những cuộc họp cấp cao và các chuyến thăm hàng không mẫu hạm của nhau.

Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới

Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.
Trung Quốc là một trong 22 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 theo lời mời của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận này, nhưng số tàu mà Bắc Kinh mang tới RIMPAC 2014 đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Chính giới Mỹ bất an vì Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014

Việc Hải quân Trung Quốc(PLA) tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC đã tạo ra làn sóng chỉ trích trong chính giới Mỹ.

Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới
Chiến hạm Trung Quốc tới Trân Châu Cảng để tham dự tập trận RIMPAC 2014. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cuộc tập trận năm nay kéo dài từ ngày 26/6 đến 1/8. Hải quân 22 quốc gia đưa tới RIMPAC 47 tàu nổi, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ. Sự góp mặt của Trung Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế trong bối cảnh mối quan hệ Washington – Bắc Kinh đang khá căng thẳng thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không thể hóa giải những bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Video

Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Thái Bình Dương

Hôm 14/6, 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc, gồm hai tàu khu trục, một tàu cung ứng và hai trực thăng, đã diễn tập bắn đạn thật tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Tạp chí Diplomat của Nhật Bản nhận định, trước năm 2010, RIMPAC không thực sự gây sự chú ý của toàn thế giới do chỉ 14 quốc gia thường xuyên tham gia cuộc tập trận hai năm một lần ngoài khơi quần đảo Hawai. Tuy nhiên, số quốc gia tham dự RIMPAC lần thứ 22 (vào năm 2010) bất ngờ tăng lên 22. Số nước đưa quân tới tham dự RIMPAC giữ nguyên trong năm 2012 và 2014.
Trong quá khứ, do Mỹ không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC nên các nhà phê bình Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Washington cố tình cô lập họ. Giới truyền thông Trung Quốc thường gọi tập trận RIMPAC do Mỹ dẫn đầu là nỗ lực trắng trợn chống lại Bắc Kinh, song những lời chỉ trích đã giảm trong năm nay. Việc Lầu Năm Góc mời Trung Quốc sẽ minh bạch hóa hoạt động của hải quân các nước, đồng thời ngăn chặn những hiểu lầm. Nó rất có lợi cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đặt mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự, đặc biệt là hải quân, với quân đội Trung Quốc.


Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đội tàu của Bắc Kinh chỉ xếp sau nước chủ nhà về số lượng. Ảnh: Tân Hoa Xã
 
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 khẳng định việc Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ không mang lại lợi ích lớn, nhưng nó tạo ra một đường dây thông tin liên lạc giữa Hải quân của Mỹ và Trung Quốc. Đường dây này chỉ phát huy hiệu quả khi mối quan hệ đôi bên căng thẳng.
Mỹ hy vọng sự tham dự của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi hành động cứng rắn nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc còn góp phần củng cố uy tín của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Á và cho thế giới thấy ảnh hưởng của Washington. Ngoài ra, RIMPAC 2014 sẽ giúp Washington và Bắc Kinh phối hợp ăn ý trong các hoạt động cứu trợ thiên tai trong tương lai.
Mỹ biết rõ sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không làm thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực hay khiến giới lãnh đạo Trung Quốc dè chừng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.

Tính toán của Mỹ, Trung tại cuộc tập trận RIMPAC

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vòng đai châu Á (RIMPAC) 2014 đã chính thức diễn ra (26/6-1/8), với sự tham dự của 50 tàu chiến, cùng với 200 máy bay và 6 tàu ngầm đến từ các nước châu Á, Australia, châu Âu, Mỹ Latinh và Mỹ.
Được khởi động từ năm 1971 trong thời điểm chiến tranh Lạnh và hướng đến mục tiêu nhằm vào Liên Xô, RIMPAC những năm gần đây đã có sự thay đổi cả về mục đích và nội dung diễn tập. RIMPAC 2014 đón nhận thêm 3 thành viên mới: Brunei, Na Uy và Trung Quốc.


Tàu chiến Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC 2013. Ảnh: US Navy


Trong số này, sự tham gia của Trung Quốc đương nhiên thu hút được sựt theo dõi lớn nhất. Từ năm 2010, Mỹ đã hối thúc Bắc Kinh tham gia RIMPAC và có nhiều lý do để Washington làm điều này.

Thứ nhất, Mỹ muốn loại bỏ quan niệm cho rằng Washington luôn theo đuổi mục tiêu “kiềm tỏa Trung Quốc”, điều vốn nổi lên từ RIMPAC 2008 mà ở đó Trung Quốc và Nga bị loại ra, gây quan ngại rằng cuộc tập trận là nhằm vào Trung Quốc;
Thứ hai, hải quân Mỹ hy vọng qua đây sẽ tăng cường can dự với hải quân Trung Quốc (PLAN). Đã có nhiều sự cố xảy ra trên biển bất chấp việc hai bên đã ký kết Thỏa thuận tham vấn quân sự trên biển (MMCA) năm 1998. Điển hình là các vụ: Máy bay Trung Quốc va chạm máy bay EP-3 của Mỹ (năm 2001) trên vùng trời Biển Đông; tàu chiến Trung Quốc suýt đâm tàu thăm dò hải dương USS Impeccable (năm 2009) và vụ chiến hạm Trung Quốc “chạy cắt mặt” tàu chiến USS Cowpens của Mỹ ở Biển Đông (năm 2013);

Thứ ba, Mỹ đang khuyến khích phía Trung Quốc minh bạch hơn về chi tiêu quốc phòng, các kế hoạch phát triển hải quân dài hạn, dự tính và chiến lược của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông và Hoa Đông, những vùng biển đã xuất hiện nhiều dấu hiệu căng thẳng thời gian gần đây;

Thứ tư, hải quân Mỹ hy vọng ép Trung Quốc vào can dự sâu hơn vào hợp tác hải quân đa phương. Đáng chú ý,  hải quân Trung Quốc không còn là “người mới” trong các cuộc tập trận kiểu như vậy, sau khi đã tham dự hàng loạt các cuộc diễn tập hải quân Aman do Pakistan tổ chức. Gần đây, hải quân Trung Quốc còn triển khai tàu chiến thực hiện tuần tra ở Vịnh Aden, tích cực tham gia các chiến dịch ở ngoài khơi Somalia.

Về phần mình, Trung Quốc trước đây không tỏ ra quá vồn vã trước lời đề nghị của Mỹ, mà một phần là do Bắc Kinh nhìn nhận Washington tiếp tục thực thi chính sách kiềm tỏa nhằm vào mình. Hơn nữa, nước này cũng nghi ngờ động cơ và ý đồ của Mỹ dưới danh nghĩa “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang châu Á, một chiến lược mà theo đó 60% sức mạnh hải quân Mỹ sẽ được tập trung ở châu lục này vào năm 2020.

Thế nhưng, Trung quốc nhìn nhận việc tự loại mình ra khỏi các cấu trúc hợp tác hải quân và hợp tác biển khu vực sẽ làm dư luận thêm tin vào khái niệm “mối đe dọa Trung Quốc” hiện đang lan ra ở khu vực. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh xem can dự hợp tác này là cơ hội để cùng với các nước khác giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan đến biển.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu sự tham gia của Trung Quốc vào RIMPAC có giúp tăng cường minh bạch (theo kỳ vọng của Mỹ) và xóa bỏ kiềm tỏa (điều mà Trung Quốc muốn) hay không? Xét một cách công bằng, RIMPAC là một công cụ toàn cầu cho can dự mang tính xây dựng giữa hải quân hai nước; thế nhưng sẽ quá tham vọng nếu cho việc nội việc tham gia sẽ giúp chuyển đổi quan hệ trên.

Dù không thể tiến đến mục đích giảm nhiệt căng thẳng tại khu vực, sự hiện diện của Trung Quốc tại RIMPAC 2014 vẫn giúp cải thiện hố ngăn cách giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc “gây bất ổn tại khu vực” tại Đối thoại Shangri La vừa qua.

ĐỪNG TƯỞNG BỞ !

Trung Quốc bị Mỹ cho ‘leo cây’ tại tập trận quân sự



(Quốc tế) - Cuộc tập trận quân sự đa quốc gia liên hợp trên biển lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2014) bắt đầu từ ngày 26.6 và kéo dài tới ngày 1.8.2014. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc cử một biên đội tàu chiến tham gia và có quy mô chỉ kém nước chủ nhà Mỹ.

http://nguyentandung.org/trung-quoc-bi-my-cho-leo-cay-tai-tap-tran-quan-su.html

Nhiều học giả Trung Quốc đã phấn khởi coi đây là biểu tượng giao lưu quân sự mật thiết Mỹ – Trung. Song trên thực tế, Bắc Kinh vẫn khá cô độc tại RIMPAC lần này.


Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014 ở một mức độ nào đó cho thấy thiện chí minh bạch hóa quân sự của Mỹ.


Và việc Trung Quốc cử tàu chiến hiện đại tham gia cũng cho thấy sự đáp trả minh bạch của nước này. Các chuyên gia nhận định, thông qua tham gia diễn tập, hải quân Trung Quốc có thể nâng cao năng lực ứng phó trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa hải quân Trung Quốc và hải quân các nước.




Một số nhà bình luận Trung Quốc còn phấn khích, coi đây là biểu tượng giao lưu mật thiết về quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí, có người còn cho rằng RIMPAC 2014 sẽ giúp tăng cường hiểu biết giữa hải quân hai nước, giảm thiểu xung đột Trung – Mỹ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn, người ta sẽ phát hiện sự lạc quan quá ngây thơ của các học giả Trung Quốc. Việc Trung Quốc tham gia RIMPAC 2014 phần lớn chỉ ở các lĩnh vực mang tính hình thức, không có nội dung thực chất.


Mặc dù số lượng tàu chiến mà hải quân Trung Quốc gửi tới tham gia RIMPAC 2014 chỉ sau Mỹ. Nhưng vấn đề cơ bản là Mỹ không cho phép Trung Quốc tham gia các hoạt động cốt lõi của cuộc diễn tập. Hải quân Trung Quốc chủ yếu tham dự các buổi diễn tập trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo. Đối với các hoạt động có tính chất thực chiến nhất liên quan tới lĩnh vực an ninh truyền thống như diễn tập chống tàu ngầm, chống tàu nước, tác chiến đổ bộ…


Trung Quốc không được phép tham gia. Đây hoàn toàn là sân chơi của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trong số các hoạt động diễn tập mà Trung Quốc được phép tham gia, chỉ có nội dung pháo kích trên biển là có chút ý nghĩa thực chiến, nhưng trên thực tế, cũng chỉ mang tính biểu diễn, không có nhiều giá trị tập luyện quân sự.


Rõ ràng, nếu xem xét kỹ sự hiện diện hạn chế của Trung Quốc tại RIMPAC lần này, có thể thấy rõ bản chất quan hệ Mỹ – Trung. Từ trước tới nay, căn cứ vào mức độ thân sơ trong quan hệ với Mỹ, các nước tham gia RIMPAC được phân chia thành nhiều thứ hạng.


Một số nước đồng minh có quan hệ mật thiết nhất với Mỹ như Anh, Nhật Bản, Australia không chỉ được tham gia vào các hoạt động diễn tập tối mật như diễn tập hạt nhân, mà còn có thể tham gia vào Bộ Chỉ huy diễn tập, tiến hành phối hợp diễn tập thực chiến với Mỹ. Các nước có quan hệ tương đối xa rời với Mỹ chỉ có thể đứng ở vòng ngoài quan sát, tham gia một số hoạt động diễn tập kém quan trọng và lần tham gia RIMPAC này của Trung Quốc là như vậy.


Tất nhiên, so với việc hoàn toàn bị gạt ra khỏi RIMPAC như trước đây, thì sự hiện diện của hải quân Trung Quốc lần này đã là điều khiến người ta bất ngờ. Nhưng việc Mỹ mời hải quân Trung Quốc rõ ràng không phải một biểu tượng giao lưu quân sự mật thiết như các học giả Trung Quốc thổi phồng, mà xuất phát từ lợi ích tự thân của Mỹ, đó là một cái bắt tay xã giao với Trung Quốc.


Tính toán của Mỹ mời Trung Quốc tham gia RIMPAC xong lại chỉ cho phép tham gia các hoạt động diễn tập hạn chế vừa thể hiện sự cởi mở của Mỹ, vừa giúp Mỹ nắm bắt khả năng thực tế của hải quân Trung Quốc. Vì thế có thể nói, dù đã có mặt ở RIMPAC năm nay, Trung Quốc vẫn rất cô độc.

HỒI KÝ CỦA BÀ CLINTON

Hồi ký của bà Hillary Clinton bị cấm phân phối tại Trung Quốc

Tập đoàn Nhập khẩu sách Shanghai Century của Trung Quốc hôm 30-6 đã thông báo hủy kế hoạch phân phối quyển hồi ký Hard choices (Những lựa chọn khó khăn) của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vì cho rằng “có nội dung nhạy cảm”.

Một nhân viên của Shanghai Century cho biết sau khi khám phá nội dung, nhà nhập khẩu đã cấm phân phối quyển sách này nhưng không nói rõ phần nào của nó bị xem là nhạy cảm. Không một nhà xuất bản Trung Quốc nào khác được phép dịch ra tiếng Hoa và phân phối quyển hồi ký này, kể cả phiên bản tiếng Anh cũng không được lưu hành tại Trung Quốc.

Bà Hillary Clinton tại buổi ký tặng hồi ký Hard choices ở Mỹ Nguồn: REUTERS
 
Hillary Clinton tại buổi ký tặng hồi ký Hard choices ở Mỹ Nguồn: REUTERS
Trước Hard choices, một quyển hồi ký khác được xuất bản năm 2003 của bà Hillary có nhan đề Living history (Lịch sử sống) từng bán rất chạy tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng bị thu hồi sau khi nhà xuất bản phát hiện phiên bản tiếng Hoa đã có một số điểm thay đổi khi chưa được kiểm duyệt. Trong đó, đoạn bà Hillary nói về vấn đề nhân quyền đã bị cắt bỏ. 
 Cựu Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Australia có thể mất sự toàn vẹn lãnh thổ về kinh tế và chính trị do chú trọng làm ăn với Trung Quốc.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận định gì về quan hệ Australia - Trung Quốc?
Australia “chơi nước đôi, quá lệ thuộc vào “đối tác thương mại” Trung Quốc, trong khi lại kỳ vọng Mỹ bảo vệ trước Bắc Kinh càng ngày càng “hung hăng con bọ xít” ngược ngạo ở châu Á, cả về quân sự lẫn lãnh thổ.
Bà Clinton ký tên tặng cuốn hồi ký cho người mua.
Đó là lời “đá xoáy” chính phủ Australia của nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, khi bà trả lời phỏng vấn tạp chí Good Weekend nhân dịp bà vừa xuất bản cuốn hồi ký "Những lựa chọn khó khăn".
Bà Clinton cảnh cáo: chính phủ Thủ tướng Australia Tony Abbott quá chú trọng chuyện làm ăn với Trung Quốc “sẽ khiến quý vị lệ thuộc đến độ quý vị bị mất tự do và mất sự toàn vẹn lãnh thổ về chính trị và kinh tế”.
Khi được cho biết Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb dẫn đoàn doanh nghiệp 630 người tham quan nhiều thành phố Trung Quốc hồi tháng 4, bà Clinton nói: “Đó là một sai lầm, dù bạn là một quốc gia, một công ty hoặc là một cá nhân, mà theo cách nói của chúng tôi, thì đó là gom hết cả trứng vào một rổ”.
Bà nói thêm: “Đúng như sai lầm của châu Âu quá lệ thuộc vào chỉ một nguồn cung ứng. Từ tháng 3/2009, tôi đã nêu vấn đề này với các nước châu Âu, rằng họ ngày càng lệ thuộc nguồn khí đốt Nga. Họ đã phải rút hai kinh nghiệm, năm 2006 và 2009, chuyện Nga cắt nguồn cung cấp, khiến nhiều người chết ở Ba Lan và các nước khác”.
Mỹ quay lại châu Á để giúp các nước bị "Trung Quốc bắt nạt"
Lời cảnh báo của bà Clinton trùng thời điểm thắc mắc rằng liệu chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama có thực hiện chủ trương “xoay trục về châu Á” hay không. Bà nói bà khởi xướng chủ trương này hồi năm 2012, để làm “bức tường chắn” sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Bà Clinton giải thích rằng Mỹ phải quay lại châu Á, nơi một nhóm nước nhỏ gồm cả Australia đang bị Bắc Kinh bắt nạt, nên họ phải vận động đồng minh Mỹ bảo vệ trước Trung Quốc ngày càng thèm khát những nguồn tài nguyên tự nhiên.
Hiện Trung Quốc chiếm hơn 35% các mối quan hệ thương mại của Úc. Hồi năm ngoái khi trở thành Thủ tướng Úc, ông Abbott từng có những lời lẽ chỉ trích những hành vi cướp đất, biển đảo của các nước khác khiến Bắc Kinh khó chịu.
Nhưng hồi tháng 4 khi thăm Trung Quốc, ông Abbott không nói đến Mỹ, và tán dương các thành tựu đổi mới của Trung Quốc, khác với trước đây ông chỉ trích những hoạt động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm này, ông Abbott nói: “Australia đủ mạnh để là một đối tác giá trị nhưng không là thế lực vượt trội. Đoàn Australia đến Trung Quốc để giúp xây dựng một thế kỷ châu Á”.
Khi ra về, ông Abbott còn mượn lời của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Làm giàu là vinh quang” rồi ông nói thêm “Nhưng là bạn thật sự thì tuyệt vời”.
 Ông Abbott cạnh một con sư tử đá, phía xa là tấm bảng hiệu có chữ Hoa và tiếng Anh mang nghĩa "Nuốt cả thế giới".
 
Và trong cùng tuần bà Clinton trả lời phỏng vấn, ông Abbott đi Mỹ, thể hiện những suy nghĩ khác. Tại Phòng thương mại Mỹ, ông đề cập Trung Quốc là một đối thủ siêu cường của Mỹ, thay vì là một nỗi đe dọa cho Australia và các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực, điều khiến Mỹ phải xoay trục về châu Á.
Tại Nhà Trắng, ông Abbott nói với ông Obama, rằng cần phải có một cường quốc như Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc đang trỗi dậy.. Ông muốn vị lãnh đạo Mỹ phải đưa hơn 1.150 quân Mỹ đến trú đóng luân phiên ở Australia, thậm chí nên tăng số quân này lên 2.500 người, hoặc Mỹ lập hẳn một căn cứ quân sự thường trực ở Australia.
 
Theo đoàn tùy tùng của ông Abbott, ông nói tất cả những quyết định đưa-tăng quân và lập căn cứ ấy là yếu tố giúp chủ trương “xoay trục về châu Á” đạt thành công.
Trở lại với bà Clinton, người được dự đoán sẽ ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 để có một thành viên đảng Dân chủ Mỹ kế nhiệm ông Obama. Cuốn hồi ký bán rất chạy của bà lại bị cấm phát hành ở Trung Quốc, chưa đầy một tháng sau khi nó được tung ra chợ sách thế giới, theo nhà xuất bản Simon & Schuster.
“Những lựa chọn khó khăn” (Hard Choices) được bà Clinton dùng kể lại 4 năm làm nữ Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama. Nó gồm nhiều chương mô tả lãnh đạo Trung Quốc là những người “ngột ngạt, cứng ngắc”.
Bà còn viết: “Chẳng phải là bí mật gì, trung tâm chống phong trào dân chủ ở châu Á là Trung Quốc”. Bà trách Bắc Kinh từng kiểm duyệt không phát sóng bài diễn văn năm 1995 của bà, tại một hội thảo do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Bắc Kinh về chủ đề phụ nữ.



TRÀ MI * TRỊNH HỮU PHƯỚC

Từ ngôi làng nhỏ ở Bạc Liêu đến NASA, câu chuyện thành công của hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt

Trà Mi, phóng viên đài RFA
Từ một nông dân ở ngôi làng nhỏ bé, hẻo lánh tại tỉnh Bạc Liêu trở thành khoa học gia tài giỏi trong đội ngũ của Trung tâm Không gian NASA tại Hoa Kỳ. Câu chuyện tưởng chừng như một giấc mơ, nhưng đối với vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp, nó đã trở thành hiện thực.
PhuocDiepNASA200.jpg
Vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp. Hình do NASA cung cấp. >> Xem hình lớn hơn 
 
Tiến sĩ Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Tiến sĩ Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi. Cả hai vợ chồng đang làm việc cho Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall ở thành phố Huntsville, bang Alabama.
Làm thế nào họ có thể làm nên điều kỳ diệu như thế? Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, ông bà chia sẻ câu chuyện thành công của mình. 
Tiến sĩ Diệp: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình 9 anh em, ở một ngôi làng rất nhỏ ở tỉnh Bạc Liêu. Giống như bao nhiêu gia đình nông dân khác, tôi lớn lên, làm ruộng, và có gia đình, nhưng riêng cá nhân tôi, lúc nào tôi cũng có một mơ ước là được đi học và có một bước tiến xa hơn nữa.
Sau biến cố năm 1975, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, trong gia đình có tổ chức một cuộc đi vượt biên. Như tất cả những ai đã từng đi vượt biên sẽ hiểu nỗi gian nan, vất vả của hành trình này. Tôi trốn đi rất nhiều lần, đến lần thứ 3 hay thứ 4 mới thành công. Khi đặt chân tới đất Mỹ này lúc đó tôi khoảng 17 tuổi. Tôi không vào trung học được vì nếu như vậy sẽ không thể đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình ở Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của tôi.
Cho nên tôi quyết định chỉ đi học tiếng Anh để thi bằng GED. Sau khi đậu được bằng GED, tôi mới vào cao đẳng cộng đồng để học thử. Nhờ sự cố gắng trường kỳ và sự miệt mài, tôi cảm thấy mình có khả năng vào được đại học của Mỹ, nên tôi tiếp tục cố gắng học lên đến bằng cao học. Sau đó, tôi đi làm được 1 năm rồi trở lại trường, học tiếp bằng tiến sĩ hoá học.

Những kỷ niệm đáng ghi nhớ

Sau biến cố năm 1975, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, trong gia đình có tổ chức một cuộc đi vượt biên. Như tất cả những ai đã từng đi vượt biên sẽ hiểu nỗi gian nan, vất vả của hành trình này. Tôi trốn đi rất nhiều lần, đến lần thứ 3 hay thứ 4 mới thành công. Khi đặt chân tới đất Mỹ này lúc đó tôi khoảng 17 tuổi. Tôi không vào trung học được vì nếu như vậy sẽ không thể đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình ở Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của tôi.
Trà Mi: Trong suốt quá trình nỗ lực không ngừng đó, có những trở lực nào khiến bà cảm thấy nản lòng, thối chí hay không?
Tiến sĩ Diệp: Như tất cả những người đi tìm tự do, đi tìm cuộc sống mới, có những lúc khi tôi vừa đặt chân tới đất Mỹ, tôi cảm thấy rất cô đơn. Đến xứ Mỹ, tôi giống như một đứa trẻ mới sinh ra đời nhưng lại mang thân xác một người lớn, cho nên phải học hỏi lại từ đầu. Có nhiều lúc tôi cũng rất nản, nhưng nghĩ đến gia đình nên tôi cố gắng không ngừng.
Một ngày tôi phải vừa đi học toàn thời gian, vừa đi làm toàn thời gian. Vì nghĩ đến tương lai của bản thân và tương lai của con cháu ngày sau, cho nên tôi rất cố gắng. 
Tiến sĩ Phước: Để kể rõ thêm, tôi sinh năm 1962, xuất thân từ một làng nhỏ ở Bạc Liêu. Sau khi học hết lớp 3, tôi may mắn hơn những người khác trong làng là được gia đình cho ra ngoài chợ để học. Sau 1975, gia đình gặp khó khăn nên tôi rời Việt Nam năm 1979. Qua đây, giống như những người Việt Nam tị nạn khác, trong thời gian đầu rất khó khăn.
Ban ngày tôi đi học, ban đêm làm gác giang cho mấy cái building hoặc biệt thự nhỏ để kiếm thêm tiền sinh sống. Mùa hè tôi vào mấy xưởng bò để kiếm tiền thêm. Vào trường học, khi học sinh ăn trưa thì tôi đi rửa chén để phụ thêm tiền học. Nhưng may mắn là tôi cũng học khá, rồi sau này lên đại học thì được học bổng nên cũng đỡ hơn. 
Trà Mi: Trong quá trình nỗ lực tiến thân từ vị trí của một người Việt Nam tị nạn cho đến vai trò một nhà khoa học không gian của Mỹ, có những kỷ niệm nào đáng ghi nhớ mà ông Phước muốn chia sẻ với quý thính giả không ạ?
Tiến sĩ Phước: Kỷ niệm thứ nhất là hồi tôi học xong cử nhân, NASA đã nhận tôi, nhưng do lúc đó, tôi vẫn chưa có quốc tịch Mỹ nên họ có hứa là sau này khi tôi có quốc tịch rồi, họ sẽ nhận tôi vào làm trong chương trình không gian của họ.
Đến khi tôi lấy được quốc tịch hồi năm thứ nhất của cao học, tôi xin vào làm, thì họ cho tôi vừa làm vừa học hết cao học. Cho nên thời gian tôi hoàn thành cao học dài hơn. Cuối cùng, họ nhận bà xã tôi vào làm còn trước hơn tôi nữa.
Kỷ niệm thứ hai là khi tôi nhận bằng phát minh. Lúc đó, tôi nhìn lại những người ngồi chung dãy bàn với tôi, tôi cảm thấy rất hãnh diện vì tôi xuất thân từ một làng quê nhỏ ở Việt Nam mà giờ đây đã ngồi ngang với những khoa học gia ở Mỹ .
Khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ. Thật ra hồi nhỏ tôi lớn lên ở làng quê, điều mơ ước của tôi là trở thành một nhà ngoại giao, chứ không phải một khoa học gia. Nhưng trong lúc đi vượt biên, thời gian ở đảo Indonesia, tôi thấy hình ảnh rất đẹp của những người y bác sĩ nước ngoài thiện nguyện làm việc giúp người tị nạn mình, lúc đó tôi lại có ý định sẽ trở thành bác sĩ để sau này có thể làm việc như những người đó. 
Trà Mi: Tất cả những khó khăn mà ông đã trải qua, từ một người gác giang, đến người rửa chén..v..v., ông có thể cho biết những động lực nào đã giúp ông có thể vượt qua tất cả những vất vả đó?
Tiến sĩ Phước: Thứ nhất vì trong thời gian đó gia đình tôi chỉ có một mình tôi đựoc may mắn ra nước ngoài thôi. Tất cả anh em tôi đều còn ở lại. Tôi nhìn bạn bè của tôi ở Việt Nam, tôi thấy rằng nếu họ có thể qua bên đây thì họ cũng làm giống như tôi vậy.
Cho nên, với động lực đó, tôi ráng cố gắng thêm. Phần nữa, tuổi trẻ nghĩ về tương lai, tôi ước ao sau này cũng được thành công như những người khác, điều này thúc đẩy tôi vượt qua hết những khó khăn.

Gặp nhiều khó khăn

Trà Mi: Xin được hỏi thăm ông, ông đã trải qua bao nhiêu năm để cuối cùng có được bằng tiến sĩ và hoàn thành con đường học vấn ở Mỹ?
Tiến sĩ Phước: Mới qua, giống như bà xã tôi, tôi cũng chưa có bằng trung học ở Việt Nam, cho nên tôi phải học GED, giống như bổ túc văn hoá. Tôi đậu được GED 6 tháng sau khi đến Mỹ. 6 năm sau, tôi nhận bằng cao học và đi làm cho Cơ quan không gian NASA của Mỹ.
Nhưng may mắn là ở đây họ rất khuyến khích mình đi học thêm nữa. Cho nên, đến năm 2004 tôi lấy được bằng tiến sĩ ở trường University of Alabama ở thành phố Huntsville.
Trà Mi: Xin được hỏi thăm bà Diệp, là một phụ nữ nhưng lại chọn con đường khoa học làm sự nghiệp, những khó khăn mà bà đã gặp phải là gì? 

 
Tiến sĩ Diệp: Khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ. Thật ra hồi nhỏ tôi lớn lên ở làng quê, điều mơ ước của tôi là trở thành một nhà ngoại giao, chứ không phải một khoa học gia. Nhưng trong lúc đi vượt biên, thời gian ở đảo Indonesia, tôi thấy hình ảnh rất đẹp của những người y bác sĩ nước ngoài thiện nguyện làm việc giúp người tị nạn mình, lúc đó tôi lại có ý định sẽ trở thành bác sĩ để sau này có thể làm việc như những người đó.
Thứ nhất phải cố gắng vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Cho nên, mình phải ráng phấn đấu, ráng cố gắng.
Khi đến đất Mỹ, tôi nhận thức rằng giấc mộng làm nhà ngoại giao sẽ không thành tựu vì trở ngại Anh Văn, cho nên tôi quyết định thành bác sĩ và chọn học ngành hoá học. Khi vào trường đại học, các môn như vật lý, hoá học thì tôi lấy điểm A rất dễ, nhưng về các môn sinh vật hay tiếng Anh, thì tôi cố gắng dữ lắm mới được điểm B.
Có nhiều lúc ngồi suy nghĩ lại, tôi thấy chắc có lẽ mình không thành bác sĩ được, thôi thì đi theo ngành khoa học. Với lý do đó, tôi tiếp tục học ngành hoá học.
Trà Mi: Hai vợ chồng cùng đi học và cùng muốn tiến thân trên con đường học vấn, trong suốt khoảng thời gian đó chắc hẳn bà cũng gặp không ít khó khăn trong việc mưu sinh?
Tiến sĩ Diệp: Ngược dòng thời gian khoảng 1980, tất cả người Việt tị nạn mình ai cũng khổ sở, ai cũng có bầu nhiệt huyết, mà con đường tiến thân duy nhất là con đường học vấn. Cho nên, ai cũng phải cố gắng đi học, vừa học vừa làm. Tôi đi học về phải ghé vào nhà hàng làm thâu ngân.
Có nhiều lúc buồn ngủ từ trong tim, trong ruột gan, tôi phải tự ngắt vào người mình cho đau điếng để tỉnh ngủ. Cuối tuần, tôi phải đến nhà người ta chùi dọn. Có nhiều lúc lau dọn nhà cho người ta, tôi suy nghĩ trong tương lai mình phải làm sao cho bằng họ.
Thành ra, cuối cùng bây giờ, nói về vật chất thôi, những gì họ có trong nhà thì tôi cũng có khả năng có được như họ. Có nhiều khi tôi cũng suy nghĩ không biết nếu bây giờ tôi trở lại, những người đó sẽ nghĩ mình như thế nào, vì lúc đó họ nhìn mình với cặp mắt là một người lao công.

Lời khuyên

Trà Mi: Chắc chắn là họ sẽ rất ngưỡng mộ bà. Nếu bây giờ có những lớp thanh niên trẻ Việt Nam trong hoặc ngoài nước đặt câu hỏi rằng những tố chất quyết định sự thành công là gì? Ông bà sẽ dành những lời khuyên gì cho lớp trẻ tương lai?
Tiến sĩ Phước: Thứ nhất phải cố gắng vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Cho nên, mình phải ráng phấn đấu, ráng cố gắng.
Nếu Việt Nam muốn thu hút được nhiều nhân tài ở nước ngoài về thì có lẽ phải có những sự thay đổi về mặt chính trị hoặc tạo những điều kiện tốt. Gỉa sử nói về vấn đề lương bổng, một kỹ sư bên này có thể làm 5-6 chục ngàn đô/năm, không biết Việt Nam có khả năng cung cấp những phần tài chánh như thế cho họ hay không? 
Trà Mi: Nhiều người Việt Nam thành danh, thành công ở nước ngoài có ý định trở về đóng góp tài trí để phát triển quê hương mình. Ý kiến của ông bà ra sao?
Tiến sĩ Diệp: Cái đó tuỳ theo quan niệm của mỗi cá nhân, nhưng riêng bản thân tôi, tôi có ước vọng là khi về già, tôi sẽ trở về Việt Nam mở trường dạy cho những đứa trẻ ở quê. Vì tôi lớn lên tại vùng quê, tôi thấy được có những người rất có khả năng, có tài trí nhưng rất tiếc là không có được cơ hội.
Tôi may mắn hơn những người khác là có được cơ hội thành công cho nên tôi thích về truyền đạt những kiến thức của mình cho thế hệ trẻ. Thứ hai, tôi muốn về các côi nhi viện ở Việt Nam để chia sẻ.
Trà Mi: Cảm ơn bà, xin được hỏi thăm ý kiến của ông Phước. Là một người Việt Nam mà không được đem tài năng, trí lực của mình để đóng góp cho sự phát triển của đất nước mình, mà đóng góp cho một quốc gia khác, ông có ý kiến gì không? 
 
Tiến sĩ Phước: Theo tôi, chương trình không gian, mặc dù nói là của Mỹ, nhưng những khám phá ngoài không gian đều là của chung cho cả thế giới, chứ không riêng của Mỹ. Thứ hai, tôi quan niệm rằng một nhà khoa học thì chỗ nào mình có thể đóng góp được thì mình đóng góp, không phân biệt phải làm cho Mỹ hay cho Việt Nam hay cho một quốc gia nào khác.
Ngành của tôi làm về không gian, tôi nghĩ Việt Nam cũng chưa có tài chánh và điều kiện. Nếu sau này tôi về hưu, có thể tôi sẽ dịch sách hay về Việt Nam dạy, hướng dẫn sinh viên về những kỹ thuật mà tôi đã học hỏi ở bên này.
Trà Mi: Cảm ơn ông. Ông bà có dịp về Việt Nam thăm lại quê hương mình lần nào chưa?
Tiến sĩ Phước: Tôi về rất nhiều lần, vì con cái bên này mình muốn chúng biết về quê hương, cội nguồn.
Trà Mi: Việt Nam bây giờ đang tìm cách thu hút nhân tài, nhất là những người Việt ở nước ngoài thành công, thành danh, về góp sức xây dựng đất nước. Ông bà là những khoa học gia ở Mỹ, ông bà nghĩ những điều kiện nào có thể lôi cuốn được những người tài, những nguồn lực chất xám của người Việt hải ngoại về với quê hương? 
 
Tiến sĩ Diệp: Nếu Việt Nam muốn thu hút được nhiều nhân tài ở nước ngoài về thì có lẽ phải có những sự thay đổi về mặt chính trị hoặc tạo những điều kiện tốt. Gỉa sử nói về vấn đề lương bổng, một kỹ sư bên này có thể làm 5-6 chục ngàn đô/năm, không biết Việt Nam có khả năng cung cấp những phần tài chánh như thế cho họ hay không?
Cũng có những người có bầu nhiệt huyết muốn về phục vụ cho quê hương, nhất là những nhà kinh doanh, nhưng họ về rồi rốt cuộc họ cũng không thành công lắm. Do đó, riêng gia đình tôi, chưa có lúc nào tôi nghĩ rằng sẽ về Việt Nam làm việc đến khi nào chúng tôi về hưu, vì như ông xã tôi nói, ngành của chúng tôi về Việt Nam có thể không có cơ hội để phát triển. Cho nên, tôi không có suy nghĩ nhiều về vấn đề đó. 
Trà Mi: Trước khi chia tay, là những người thành công trên đất Mỹ, ông bà có điều gì muốn nhắn gửi đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại hoặc bà con còn ở Việt Nam?
Tiến sĩ Phước: Theo tôi, giai đoạn qua Mỹ mỗi lúc mỗi khác nhau. Thời tụi tôi đến Mỹ, không có điều kiện bằng những người qua sau này. Những người sau này qua đa số là có thân nhân giúp đỡ hay có cơ hội làm ăn giống như ngành làm móng tay giờ rất thịnh hành bên này.
Rồi những người qua sau này, thấy dễ làm cho nên họ ra đi làm liền, phần vì cuộc sống sinh nhai. Nhưng nói chung, tôi có lời khuyên rằng người Việt mình qua đây, người ta nói nước Mỹ là vùng đất có cơ hội, thành ra mình nên ráng cố gắng để tìm cơ hội để vượt lên, nên cố gắng để phát triển khả năng của mình.
Trà Mi: Xin cảm ơn ông bà rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này

TIN THẾ GIỚI

  Ngũ Giác Ðài có chiến thuật mới để ngăn chặn TQ ở Biển Đông

Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.
Hải quân Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận chung tại Cavite city, phía tây Manila.
Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.
Báo The Financial Times nói rằng Ngũ Giác Đài đã tái xét các chiến thuật của Mỹ, tiếp theo sau một loạt hành động xâm nhập và những bước tuần tự của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, hướng tới kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trong vùng biển này. Hàng năm, hàng hóa vận chuyển bằng tàu qua khu vực có tổng trị giá lên tới 5,300 tỉ đôla.
Thách thức đối với quân đội Mỹ là tìm ra những chiến thuật răn đe những động thái kiểu 'tằm ăn dâu' của Trung Quốc, mà không leo thang bất cứ cuộc tranh chấp riêng lẻ nào thành xung đột quân sự.
Một số yếu tố trong chiến lược mới của Mỹ đã xuất hiện từ hồi tháng Ba, khi Washington điều hai máy bay thám thính bay vào không phận trên bãi Cỏ Mây, một bãi cạn không có người ở trong Biển Đông hiện đang do Philippines kiểm soát.
Máy bay của Mỹ bay ở cao độ thấp để bảo đảm phía Trung Quốc trông thấy họ.
Theo lời một giới chức Ngũ Giác Đài, thì thông điệp Mỹ muốn đánh đi là 'Hoa Kỳ biết Trung Quốc đang làm gì, rằng các hành động của Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hậu quả, và Hoa Kỳ có khả năng, cũng như quyết tâm ngăn cản Trung Quốc thực hiện ý định'.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đông, kể cả Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981, đã làm lu mờ cuộc Đối Thoại Mỹ-Trung về Chiến Lược và Kinh tế tại Bắc Kinh.
Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu một mặt tìm cách cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, trong khi cùng lúc, nêu lên những quan tâm của Mỹ về chính sách bành trướng của Trung Quốc, và các hoạt động tin tặc mà chính phủ Mỹ quy cho một số giới chức quân sự Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về việc Hoa Kỳ tiến hành truy tố các giới chức quân sự Trung Quốc về các hoạt động tin tặc, và quan hệ liên minh giữa Mỹ với các nước Á Châu. Bắc Kinh cho rằng đây là một cách để kiềm chế Trung Quốc.
Nguồn: Financial Times, CNBC
  http://www.voatiengviet.com/content/ngu-giac-dai-co-chien-thuat-moi-de-ngan-chan-trung-quoc-o-bien-dong/1955013.html 
 
 Mỹ xác định « không thể chấp nhận » việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong buổi khai mạc Đối thoại Chiến lược Mỹ Trung lần thứ 6, ngày 09/07/2014 tại Bắc Kinh
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong buổi khai mạc Đối thoại Chiến lược Mỹ Trung lần thứ 6, ngày 09/07/2014 tại Bắc Kinh
Bộ Ngoại Giao Mỹ

Trọng Nghĩa
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ sáu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mở ra hôm qua, 09/07/2014 tại Bắc Kinh, với những tuyên bố hòa dịu từ phía lãnh đạo hai nước. Các tuyên bố đó tuy nhiên đã không ngăn cản Mỹ nêu bật quan điểm bất đồng tình của mình trước hành động của Bắc Kinh trên nhiều vấn đề trong đó có Biển Đông.

Theo hãng AFP, trong buổi họp kín với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã « mạnh mẽ » gây sức ép trên Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp biển đảo khi cảnh báo đối tác Trung Quốc là Washington « không thể chấp nhận » các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Theo một quan chức Mỹ cấp cao xin giấu tên, thì ông Kerry đã nói thẳng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì bất kỳ quốc gia nào cũng đều không có quyền « hành động đơn phương để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích của minh ».
Theo nguồn tin trên, thì phía Mỹ đã tái khẳng định sự cần thiết của « một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương », và yêu cầu Trung Quốc « đóng góp và tham gia vào trật tự đó, thay vì chống lại các chuẩn mực khu vực và toàn cầu ».
Quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ tiếp là phía Mỹ đã nói rõ với đối tác Trung Quốc rằng : « Tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một hiện trạng mới bất kể sự ổn định của khu vực, sự hài hòa của khu vực, là điều không thể chấp nhận được ».
Trung Quốc đang dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và Philippines.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh có hành động hung hăng hơn trong mưu toan bành trướng tại Biển Đông, làm tình hình căng thẳng hẳn lên khi đưa giàn khoan xuống hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho tàu Trung Quốc đâm vào các tàu công vụ và tàu cá Việt Nam đến gần giàn khoan, dùng vòi rồng xua đuổi tàu Việt Nam, thậm chí bắt giữ ngư dân Việt Nam.
Trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng thường xuyên cho tàu thuyền và phi cơ quân sự tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang được đặt dưới quyền kiểm soát của Tokyo, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140710-my-xac-dinh-%C2%AB-khong-the-chap-nhan-%C2%BB-viec-trung-quoc-thay-doi-nguyen-trang-tai-bien-d

Từ an ninh Nhật - Úc đến 50 dàn khoan TQ

Cập nhật: 10:43 GMT - thứ tư, 9 tháng 7, 2014
Nhân chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và các diễn biến tiếp tục tại Biển Đông, BBC Tiếng Việt xin trích đăng một số ý kiến đánh giá cục diện an ninh và chính trị khu vực.
Trả lời BBC tiếng Trung về đối thoại chiến lược Mỹ - Trung tuần này ở Bắc Kinh và về chính sách xoay trục sang châu Á của Obama:
Bằng việc dồn ép Philippines và Việt Nam, Trung Quốc đang muốn cho các đồng minh và bạn của Mỹ thấy là Hoa Kỳ không thể tin tưởng được. Bằng hành động đó, Trung Quốc hy vọng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Họ đang đánh cược rằng Mỹ sẽ không đối đầu với Trung Quốc.
Người ta có thể hiểu vì sao Bắc Kinh nghĩ vậy. Chúng ta có thể thấy bảng thành tích của Obama ở Trung Đông, rằng Mỹ rất do dự khi quyết định tham gia vào xung đột ở đây, ở Ukraine, và các nơi khác.
Nhưng có rủi ro là suy nghĩ đó có thể sai, bởi lợi ích của Mỹ ở châu Á là rất quan trọng. Ví dụ như nếu họ thất bại trong việc trợ giúp Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng ở Senkaku/Điếu Ngư, điều này sẽ làm tổn hại quan hệ của Mỹ với Nhật, cũng như vị trí của Washington tại khu vực.
Trung Quốc có thể đã sai bởi Mỹ có thể muốn trợ giúp Nhật Bản. Đó là lý do vì sao rủi ro đối đầu là khá cao. Chúng ta có một tình huống cổ điển ở đây như hồi năm 1914 (thời điểm Thế chiến thứ nhất diễn ra).
Trung Quốc nghĩ có thể dồn ép bởi Mỹ sẽ lùi bước, còn Mỹ cũng nghĩ có thể dồn ép bởi Trung Quốc sẽ lùi bước. Cả hai có thể đều sai.


Hoa Kỳ muốn tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á
Ở châu Á, ông Obama muốn giữ vai trò chủ đạo của Mỹ, và phản ứng lại bất cứ thỏa hiệp nào với Trung Quốc. Đó thực sự là chính sách “xoay trục” của Obama.
Ngay chính giữa của chính sách xoay trục là ý tưởng rằng nước Mỹ phải sử dụng, như lời Obama, tất cả các yếu tố của sức mạnh Mỹ để bảo vệ hiện trạng, không chấp nhận nhượng bộ với Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là chính sách sai lầm. Tôi cho là ông ấy không thực hiện nó một cách hiệu quả.
Cuối cùng, chính sách xoay trục đã không đưa lại nhiều sức mạnh Mỹ đến châu Á. Nếu nó làm được, sẽ khó để chỉ đơn giản là chấp nhận thách thức từ Trung Quốc và từ chối thỏa hiệp. Sau cùng, Trung Quốc hiện đang gần có một nền kinh tế lớn hơn Mỹ tính theo ngang giá sức mua (PPP).
Vì thế việc Trung Quốc đối đầu với Mỹ là mối nguy lớn nhất mà Mỹ từng đối mặt.
Về mặt kinh tế, họ mạnh hơn hẳn Liên Xô ngày xưa. Vì thế tôi nghĩ sẽ không thực tế cho chính sách ngoại giao của Obama khi cứ giả định rằng Mỹ có thể duy trì địa vị số một tại châu Á và từ chối thỏa hiệp với Trung Quốc.
Nhưng đó là điều mà Obama đã cố làm. Ông ấy đã thử và thất bại, kết quả là uy tín an ninh của Mỹ tại châu Á đã bị xói mòn.
Tôi nghĩ đó là những thứ mà chúng ta thấy trong việc Nhật Bản lo lắng về tương lai đồng minh của mình. Và đó là thứ đứng phía sau các thay đổi trong chính sách ngoại giao gần đây của Nhật Bản.   http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/07/140708_china_us_asian_nations.shtml

'Thảm họa nếu Mỹ - Trung đối đầu'

Cập nhật: 12:24 GMT - thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sẽ là thảm họa nếu Bắc Kinh và Hoa Kỳ ở thế đối đầu.
Ông Tập bình luận như vậy giữa lúc đối thoại thường niên Mỹ - Trung diễn ra ở Bắc Kinh.
Dự kiến các nhà ngoại giao sẽ bàn về đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, Bắc Hàn và căng thẳng trên Biển Đông.
Phái đoàn Hoa Kỳ do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu và ông nói trong diễn văn khai mạc rằng Hoa Kỳ không tìm cách "kiềm chế" Trung Quốc.
Ông Tập nói lợi ích của hai nước "gắn kết với nhau hơn bao giờ hết" và hai bên sẽ được lợi nhiều khi hợp tác.
"Đối đầu Trung - Mỹ, đối với hai nước và với thế giới, sẽ chắc chắn là thảm họa," ông nói.
"Chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau và đối xử với nhau bình đẳng, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, cũng như tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi nước."
Trong khi đó ông Kerry nói Hoa Kỳ "không tìm cách kiềm chế Trung Quốc" và thúc giục Bắc Kinh không nên "xem đó như chiến lược toàn diện" của Hoa Kỳ mỗi khi Washington không đồng ý với Trung Quốc về những vấn đề nhất định.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ "hoan nghênh sự trỗi dậy của một đất nước Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng".
"Chúng tôi vẫn quyết tâm đảm bảo rằng hợp tác là yếu tố căn bản của mối quan hệ tổng thể," ông nói.
'Vai trò có trách nhiệm'
Mặc dù vậy các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng kêu gọi Trung Quốc góp phần giữ ổn định ở châu Á.
Ông Kerry nói Hoa Kỳ hoan nghênh Trung Quốc "góp phần cho ổn định và phát triển trong khu vực và đóng vai trò có trách nhiệm trên thế giới".
Đàm phán với Trung Quốc diễn ra khi Bắc Kinh đang có tranh chấp gay gắt với vài nước láng giềng trong vùng, nhất là Việt Nam và Philippines, liên quan tới Biển Đông.
Về phía mình, Hoa Kỳ đã tăng các cuộc tập trận với Philippines và sự hiện diện của quân đội tại đó, điều khiến Trung Quốc lo ngại.
Hai tuần trước, một cuộc diễn tập như vậy đã diễn ra ở Biển Đông.
Ngôn ngữ chống Nhật tại Trung Quốc cũng gia tăng mấy tuần gần đây, sau khi chính phủ Nhật diễn giải lại hiến pháp, cho phép quân đội nhiều quyền hơn tại nước ngoài.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/07/140709_xi_comment.shtml

Nếu Đảng Cộng sản TQ không còn?

Cập nhật: 09:22 GMT - thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Vụ giàn khoan Hải Dương 981 thể hiện sự mạnh hay yếu của Trung Quốc?
Chỉ trong hơn nửa năm 2014, hàng loạt các diễn biến khủng hoảng gần đây ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á cho thấy chiến tranh tất yếu sẽ đến.
Động lực tham vọng tạo ra khủng hoảng, thúc đẩy tiến trình chiến tranh đều có đầu nguồn từ đệ nhị siêu cường Trung Quốc.
Qua thực hiện chiến lược cứng "Giấc mơ Trung Quốc", việc đầu tiên của ông Tập Cận Bình và giới cầm quyền Trung Nam Hải là thay đổi nguyên trạng cân bằng chiến lược đã tồn tại trước những cửa ngõ sinh tồn của Trung Quốc.

Tranh chấp

Trung Quốc muốn đoạt cửa ngõ sinh tồn và khu vực tranh chấp sinh lợi bằng quyền lực cứng, ngay trong một thời đại mà quyền lực mềm tỏ ra hiệu quả hơn bao giờ hết.
Nước Mỹ và Khối EU dù chưa áp dụng tổng lực quyền lực mềm, nhưng qua sự kiện nước Nga sáp nhập Crimea của Ukraine, chỉ cần sử dụng quyền lực mềm có giới hạn, họ cũng đã làm nguội những cái đầu nóng ở điện Kremli
Với tốc độ và chất lượng từ các cổng thông tin điện tử toàn cầu như hiện nay, có thể nói công dân của từng quốc gia đều có cơ sở thông tin để trở thành nhà bình luận chính trị, quân sự có tầm cỡ.
Một trong những nhận định đáng chú ý nhất tại thời điểm này là Trung Quốc không chỉ đang bị bao vây, cô lập bởi những cánh cửa tự vệ từ các nước láng giềng.
Thực ra, Bắc Kinh đang chống chọi quyết liệt trước tiến trình sụp đổ.
Có nhận định cho rằng, Trung Quốc quyết không rút giàn khoan đang xâm lăng chủ quyền biển của Việt Nam, chính là một trong những bước sửa sai chiến lược cứng.
Và nếu cả khi họ thỏa hiệp để rút giàn khoan thì cũng thuộc sách lược toàn cục nhằm giữ cho Bắc Kinh phần nào đó khỏi thế cô lập để chống chọi, cầm cự giảm thiểu tốc độ tiến trình tan rã.
Mầm mống phát sinh tiến trình sụp đổ của Trung Quốc thuộc về những vấn đề bệnh lý nội tại toàn diện của chính quyền Bắc Kinh và xã hội của Trung Quốc.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khôi phục 'Giấc mơ Trung Quốc'
Nhưng chính sự nôn nóng, quá chủ quan thể hiện chiến lược cứng để thực hiện tham vọng "Giấc mơ Trung Quốc", cụ thể là kéo giàn khoan cùng binh đoàn giàn khoan hùng hậu xuống biển nam đã làm bít cửa sinh tồn của chính họ.

Nếu Bắc Kinh sụp đổ?

Diễn biến chuyện Bắc Kinh sụp đổ cụ thể ra sao?
Có lẽ cộng đồng quốc tế và từng công dân đa quốc gia sẽ đưa những chủ kiến riêng, nhưng ngay lúc này việc xây dựng những kế hoạch dự phòng cho từng dân tộc có chung biên giới với Trung Quốc là việc hết sức thiết thực.
Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, đồng minh lâu đời của Bắc Kinh, đã chủ động đề nghị Đại Hàn Dân Quốc hình thành một nhà nước liên bang.
Nước Nhật thông qua luật Quyền tự vệ tập thể và có những bước liên minh quân sự, an ninh chiến lược toàn diện kéo dài đến Úc, Tân Tây Lan...
Ngay cả khi chưa có vụ giàn khoan HD 981 xâm lăng chủ quyền biển Việt Nam, Miến Điện cũng đã thức tỉnh trước Trung Quốc.
Chính thể Hà Nội sẽ làm gì? Ngay cả khi Trung Quốc không tiến hành chiến tranh trên bộ với các nước láng giềng, sự sụp đổ của Bắc Kinh đồng thời sẽ có những binh đoàn hùng hậu mất chủ cùng với dân tị nạn tràn qua biên giới thì thể chế Hà Nội sẽ làm gì?
"Nếu chính thể Hà Nội hôm nay không có những quyết sách mạnh mẽ trước cận cảnh sụp đổ của Trung Quốc, thì chính sự sụp đổ của chính quyền Bắc Kinh sẽ biến thể chế Hà Nội thành bạn đồng hành."
Dư luận cho rằng đó sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hồi thực địa chủ quyền Hoàng Sa, Gạc Ma... và các phần đất biên giới bị cướp. Nhưng liệu cơ hội đó có trong tầm suy nghĩ và dũng khí của chính thể Hà Nội không?
Thật khó trả lời cho các tiền đề hệ trọng, như làm cách nào giữ được chủ quyền nếu bùng nổ quá trình Trung Quốc sụp đổ mà họ vẫn nhất quyết không buông Việt Nam?
Làm cách nào ngay cả khi chính quyền cộng sản Bắc Kinh mất hết thực quyền và chạy xuống phía nam nắm chắc Việt Nam? Làm cách nào khi chính thể mới lập ở Bắc Kinh để cho Việt Nam thoát Trung?
Làm cách nào mà khi Trung Quốc tan rã thành nhiều quốc gia nhỏ, trong số những quốc gia đó vẫn ngang nhiên, phi pháp tuyên bố Giàn khoan và binh đoàn giàn khoan đang thực hiện quyền khai thác trên chủ quyền lãnh hải của họ?
Trong suốt quá lịch sử, các chính thể cầm quyền Việt Nam luôn luôn sáng rõ ý thức chủ, khách, bạn, thù của dân tộc Vận mạng dân tộc hiện sinh đến ngày nay đã là minh chứng mạnh mẽ nhất cho ý thức độc lập dân tộc.
Nếu chính thể Hà Nội hôm nay không có những quyết sách mạnh mẽ trước cận cảnh sụp đổ của Trung Quốc, thì chính sự sụp đổ của chính quyền Bắc Kinh sẽ biến thể chế Hà Nội thành bạn đồng hành.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Sài Gòn.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/07/140709_tran_tien_dung_china.shtml

Dân biểu Sanchez chống đối việc thương thuyết TPP với VN

Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế  Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ.
Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ.

Dân biểu Loretta Sanchez ra thông cáo báo chí, chống đối việc Hoa Kỳ thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, với Việt Nam.
Dân biểu Sanchez, Đồng Chủ Tịch Ủy ban An ninh Quốc Nội và thành viên Ủy Ban kinh tế  Lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, đã góp tiếng cùng một số nhà lập pháp Mỹ khác, phản đối những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam, và vai trò của Việt Nam trong các cuộc thương thuyết của Mỹ về hiệp định TPP, nêu lên những quan ngại về quyền của người lao động, tình trạng mất cân bằng mậu dịch, cũng như các quyền của giới đồng tính, và nữ quyền.
Bà Sanchez bày tỏ những quan tâm sâu sắc về những cuộc thương thuyết TPP đang tiếp diễn với Việt Nam. Bà nói rằng trong 18 năm qua, bất chấp những thỏa thuận thương mại và việc tăng cường các quan hệ quốc phòng với Mỹ, chính phủ Việt Nam vẫn không có những bước đáng kể nào để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân Việt Nam.
Các nhà lập pháp Mỹ khác cũng  lên tiếng chỉ trích Việt Nam, Myanmar và Campuchia về tình trạng nhân quyền tại các nước này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce nói rằng tình trạng nhân quyền tại Đông Nam Á nói chung là “rất đáng quan tâm.”
Dân biểu Chris Smith thuộc Đảng Cộng Hòa nói rằng Việt Nam đang “tranh đua ” với Trung Quốc và ngay cả Bắc Triều Tiên để được ghi vào cuối sổ trong danh sách các nước vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong khu vực.
  Nguồn: AP, Insurancenewsnet
 http://www.voatiengviet.com/content/dan-bieu-sanchez-chong-doi-viec-thuong-thuyet-tpp-voi-vietnam/1954845.html

VN 'có 110 người siêu giàu'

Cập nhật: 13:57 GMT - thứ tư, 9 tháng 7, 2014

Ông Phạm Nhật Vượng là một trong những doanh nhân giàu nhất Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam hiện có 110 người siêu giàu, với tài sản từ 30 triệu đôla Mỹ (630 tỷ đồng) trở lên.
World Bank nói số người siêu giàu ở Việt Nam “tương đương” với các quốc gia khác cùng mức thu nhập như Việt Nam.
Con số này được nêu trong một báo cáo về kinh tế vĩ mô được World Bank công bố hôm 8/7.
Theo báo cáo, Việt Nam ước tính có 110 người siêu giàu vào năm 2013, tăng từ mức 34 người siêu giàu năm 2003.
World Bank khen ngợi Việt Nam “đã đạt mức tăng trưởng cao trong khi bất bình đẳng về thu nhập chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong thời gian qua”, khác với các nước như Trung Quốc.
Tuy vậy, vẫn có lo ngại về bất bình đẳng, “phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền”.
“Bên cạnh đó là khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội.”

Kinh tế ‘cải thiện’

Báo cáo của World Bank nhận định “ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện”.

Kinh tế Việt Nam đang cải thiện nhưng còn chưa xứng với tiềm năng
“Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng,” báo cáo nói.
Theo báo cáo, Việt Nam gần đây chứng kiến lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối.
Nhưng tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%.
“Cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khoá bị thu hẹp.”
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: “Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.”
World Bank cũng cảnh báo: “Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi.”
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/07/140709_world_bank_vietnam_report.shtmlm 

VĂN HÓA- CHÍNH TRỊ VIỆT NAM

 

Nỗi buồn mùa Hạ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-07-07
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg9799983-600.jpg
Biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm ngày 11 tháng 5 năm 2014 nhằm phản đối TQ hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 tại vùng biển VN.
AFP photo


Mùa hè năm nay có lẽ sẽ được ghi dấu như một mùa hè đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước như đang đứng trước một khúc quanh với nhiều lối rẽ, rẽ về đâu? Về đâu là đúng, là sai? Hay là cứ con đường mòn cũ mà đi? Mà con đường mòn ấy cũng chẳng biết là đúng hay sai, chỉ biết là đi như vậy mấy chục năm nay, vô cùng quen thuộc! Cái ngả rẽ ấy và sự do dự ấy làm bồn chồn, thổn thức bao nhiêu tâm hồn người dân Việt. Cái bồn chồn ấy bao phủ những nỗi buồn trên khắp các trang blog trong mùa hè này.
Xin mượn hai câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh để bắt đầu và cũng xin mượn ý của cây bút Hạ Đình Nguyên mà đặt cho tựa bài điểm blog hôm nay.
Người phu quét lá bên đường
Quét cả nắng hồng, quét hạ buồn tênh
Tác giả Hạ Đình Nguyên là một sinh viên tranh đấu chống sự can thiệp của người Mỹ vào Việt nam trước đây. Ông đã âm thầm phục vụ cho chế độ mới sau năm 1975 lịch sử. Một ngày nọ ông xuống đường chống Trung quốc xâm lược dù biết rằng tình cảm ấy của ông không được những đồng chí cũ đang cầm quyền của ông tán thành. Trong những ngày tháng sáu này, chứng kiến những gì đang diễn ra tại Ba Đình, Hà nội, quanh đi quẩn lại có hai từ Kiện hay không Kiện, Kiện người láng giềng phương Bắc, hay vẫn sát cánh đồng chí anh em với người …lạ. ấy! ông ngao ngán mượn lời nữ văn sĩ Pháp Francois Sagan, Buồn ơi chào mi.
Lời chào ở đây không phải là lời chào tống tiễn, mà lại là lời chào đón nhận, không phải chỉ có một mà nhiều nỗi buồn!
Không buồn sao được khi năm trăm con người tiếng là quyền lực nhất đất nước đang yên lặng để cho những chiếc tàu cảnh sát biển nhỏ bé ra khơi đương đầu với giặc dữ, nỗi buồn lên tới nỗi bi hài khi blogger Cánh cò viết lời tựa cho bài viết mới của mình về những con tàu ấy là Tả tơi trong anh dũng
Con tàu ấy, cũng như con tàu Việt nam đang tả tơi, trong một hoàn cảnh không kém bi hài mà Cánh Cò mô tả:
Con tàu Việt Nam vậy là đã có hướng đi, quẹo trái, tránh phải, lùi một, tiến ba rốt cuộc gì cũng phải thực hiện bằng được mục tiêu Chủ Nghĩa Xã Hội. Khi đã tới được nơi muốn tới thì dân tộc sẽ quang vinh, đảng sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, là niềm tự hào khôn nguôi của dân tộc.
Từ miền Tây sông Hậu, Giang nam Lãng tử hỏi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng:
TBT Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý cử tri cần phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc...”. Nghĩa là ông Trọng khẳng định Nhân dân TQ khác với Đảng cộng sản TQ”, ĐCSTQ khác biệt và đối lập với nhân dân TQ. Vậy thì, vì sao ông còn đồng ý cử 300 cán bộ Đảng sang Quảng Châu để học tập bồi dưỡng công tác Đảng.
Quả là khó hiểu.
Trở lại với những nỗi buồn trong mùa hè này nhà văn Võ Thị Hảo cảm thán một cách đau đớn:
Trước họa xâm lăng đang chẹn cổ, nếu Việt Nam chậm cải cách thể chế nghĩa là tự sát.
Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!
Nhưng vì sao nhà văn lại nghĩ đến một đại bi kịch tập thể như vậy?
Trước họa xâm lăng
000_Hkg9789177-250.jpg
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (T) phun vòi rồng vào tàu VN trên vùng biển gần giàn khoan HD 981 hôm 07/5/2014. AFP photo
Tác giả Đào Tiến Thi nghiền ngẫm bốn câu thơ của Bế Kiến Quốc về ngày Hà nội thất thủ năm xưa:
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.
Đào Tiến Thi viết:
Tình cảnh đất nước hôm nay sao giống hệt vậy. Sỹ phu hôm nay sao cũng giống hệt vậy. Và bi đát hơn nhiều. Bơ vơ, ngơ ngác. Dường như chấp nhận. Dường như buông xuôi.
Bằng một ngôn ngữ ít trau chuốt hơn, Giáo sư Nguyễn văn Tuấn từ nước Úc cũng bày tỏ nỗi buồn của mình trên trang FB của ông:
Nói gì thì nói, tôi thấy chỉ có một số ít người ở VN quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuyệt đại đa số chẳng ai quan tâm. Họ quá bận rộn bươn chải với cuộc sống mỗi ngày thì thì giờ đâu mà nghĩ chuyện xa xôi. Một số người thì không làm gì cả vì họ nghĩ là hoài công do VN chỉ là một phiên bản của Tàu và tự mình làm nô lệ cho Tàu, vậy thì nói làm gì cho mất công.
Một quốc gia gần trăm triệu dân mà tự sát trong thời đại đầy những cơ hội cứu dân cứu nước và cường thịnh này thật khốn nạn thảm khốc biết chừng nào!
- Nhà văn Võ Thị Hảo
Một số nhỏ thì nghĩ đã có Đảng và Nhà nước lo, nên họ thoải mái nhậu nhẹt. Nói chung, tôi gọi đó tình trạng– mỏi mệt cảm xúc. Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này.
Vâng, hãy trách mình trước khi trách kẻ thù.
Phải chăng trong lòng dân tộc này vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều cái khó nói.
Đến xem một buổi trao giải thưởng văn chương của cộng đồng người Việt ở Berlin, Người buôn gió cho biết có những quyển sách không được trao giải vì thiếu tính….Đảng!
Anh nói rằng đã mấy mươi năm sống ở nước Đức tự do mà vẫn còn mùi đấu tố Hồng Vệ Binh.
Và rồi cũng tại nước Đức anh chứng kiến những đồng bào mình giương cao cờ đỏ sao vàng biểu tình chống Trung quốc. Anh viết:
Đã qua lâu rồi những thời phát động phong trào quần chúng, để diễn lấy điểm, để ghi công với cấp trên, dù tàn dư của nó chắc chắn đến bây giờ không hẳn đã dứt. Nhưng ở một thời đại thực dụng thế này, hàng ngàn con người bỏ công việc, thú vui để hăng hái đi tuần hành phản đối quân xâm lược, mạnh mẽ hét vang những lời đả đảo bằng hai thứ tiếng. Chắc chắn đó là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, một tinh thần truyền thống của dân tộc truyền lại trong mỗi tâm thức người Việt, dù bất kỳ ở đâu hay thời thế nào. Chỉ có tinh thần như thế mới làm nên thành công của các cuộc biểu tình.

Khi đưa hình ảnh những người Việt cờ đỏ biểu tình chống TQ nên trang của cá nhân tôi, nhiều bạn có lời lẽ khá nặng nề. Các bạn có lý do của các bạn, nhưng cũng nên để một cái nhìn nào đó riêng rẽ về tấm lòng những người dân tham gia trong cuộc biểu tình đó.

Mối rạn nứt cờ vàng cờ đỏ trong lòng người Việt vốn là một nỗi buồn mấy mươi năm chưa dứt.
Hàn gắn với nhau chưa xong, tìm đồng minh với bên ngoài cũng không dễ.

Đành buông xuôi?
000_Hkg8715299-250.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (T) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 Tháng 6 năm 2013. AFP photo
Tổng bí thư Trọng nói với cử tri Hà nội rằng không thể làm cách nào khác vì phải sống gần láng giềng Trung Quốc. Ông nói điều đó như một định mệnh, mặc dù ông là người cộng sản. Blogger Bách Việt nhắn với ông rằng:
Nếu là nhà ở thì có thể bán nhà dời đến chỗ khác sống, nhưng với đất nước thì chỉ có cách giữ nước hoặc bán nước, và do đó nói là không thể chọn láng giềng là đúng. Nhưng chọn bạn thì ai cấm? Vậy mà VN tự cấm mình khi các vị lãnh đạo thay nhau nhau tuyên bố với thế giới "VN không liên minh với ai...". Làm sao phải "chưa khảo mà xưng" như vậy nhỉ, nếu không phải là do sợ bóng sợ gió? Đó là bài bản gì nếu không phải là kế sách của kẻ bạc nhược? 


FBker Sông Hàn dường như cũng muốn nhắn lời tới ông Trọng và những đồng chí của ông đang điều hành đất nước:
Anh có thể còn nghèo nhưng anh hành xử như những kẻ nhược tiểu thì không xứng đáng để có đồng minh tin cậy và vì thế không chắc đã có thể tự định đoạt được chủ quyền. Cái ước mơ đứng một mình (độc lập) trong cảnh nghèo mà hạnh phúc chẳng khác gì một thứ hàng xa xỉ và viển vông.
Học giả Lê Tuấn Huy từ Việt Nam cũng khuyến cáo những người đang điều hành đất nước ở Ba Đình:
Nghĩ rằng có thể thắng Trung Quốc nhờ mặt trận lòng người mở ra bên trong nó và trong lòng nhân dân thế giới, như đã từng làm với nước Mỹ, là điều tuyệt đối không tưởng. Hoa Lục toàn trị của thế kỷ XXI không phải là Hoa Kỳ dân chủ của thế kỷ XX để mà phải chịu áp lực của công luận trong và ngoài nước và chịu sự phán xét trực tiếp của người dân nước mình.
Và thưa quí vị, dù sao trong mùa hạ này người Việt nam cũng có một tin vui vô bờ bến, người tù chính trị trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thốt lên rằng cánh chim báo bão đã tự do. Ông nói rằng:
Phía trước không chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này.
Nhà giáo Nguyễn Thượng Long, sau khi bày tỏ nỗi đau buồn trước tình hình đất nước trong bài Quốc Thổ Trầm Luân dân tộc lụy của mình cũng cất lên lời hy vọng:
Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu VN bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì...
- Giáo sư Nguyễn văn Tuấn
Nếu xã hội chúng ta ngày càng đông những trang lứa trẻ ngày càng can đảm vượt qua được mọi nỗi “…hà sự phạ Côn Lôn” hay “…hà sự phạ Hoả Lò” thì đó là hồng phúc dân tộc vẫn còn và tôi vững tin giới trẻ Việt Nam hôm nay sẽ vực dậy được một QUỐC THỔ đang bị tả tơi hao hụt vì ngoại xâm lẫn cả nội xâm và cũng vực dậy được tinh thần của một dân tộc đã quá mệt mỏi vì những hệ luỵ bởi những trầm luân mà họ đã phải chịu đựng.
Đó cũng là niềm hy vọng của người cựu tù trẻ tuổi:
Điều đó làm Hạnh vô cùng hạnh phúc. Giới trẻ càng phát triển hơn là động lực khuyến khích, làm Hạnh càng tự tin, càng vững mạnh bước tiếp con đường mà mình đã lựa chọn.
Niềm hy vọng ấy cũng được một thủ lĩnh sinh viên bên nước Úc bày tỏ trong sự cố gắng hàn gắn những cộng đồng cờ vàng cờ đỏ trong cuộc biểu tình tại Melbourne ngày 11/5 vừa qua.
Tôi rất là đau lòng khi sang đây và thấy sự chia rẽ của người Việt chúng ta rất là lớn. Câu hỏi của anh cũng là sự trăn trở của tôi trong mấy năm qua. Vấn đề hòa giải là rất lớn và có thể có nhiều giải pháp.
Riêng đối với tôi thì cuộc biểu tình vừa rồi là một cố gắng để hòa giải. Trong đó chúng tôi nói rõ chúng tôi dùng cờ đỏ nhưng khuyến khích những người cởi mở đến với chúng tôi, và chúng tôi không dè dặt gì chuyện cờ vàng.
Và có giây phút rất xúc động khi chúng tôi và các cô chú cùng bỏ hết những biểu ngữ xuống, nắm tay nhau đưa lên trời cùng hát bài Nối vòng tay lớn.
Những cánh chim báo bão và sự hàn gắn có phải là niềm vui chớm nở sau bao nỗi buồn của mùa hè này? 
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/the-summer-sadness-kh-07072014114611.html

 

 Hát cho Biển Đông và quyền con người

Chân Như, phóng viên RFA
2014-07-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
tuan-hanh-305.jpg
Người việt từ khắp nơi tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của VN, hôm chủ nhật mùng 6 tháng 7, tại Hoa Thịnh Đốn.
RFA


Đồng lòng phản đối TQ

Hàng ngàn người việt từ khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và Canada đã đổ về thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm mùng 6 tháng 7 để lên tiếng phản đối trước việc Trung Quốc ngày càng hung hãn trên biển Đông, xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, cũng như vận động cho nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là quyền bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm hoạ đang bao trùm cả quốc gia, kêu gọi chính phủ Hoa kỳ quan tâm hơn đến tình hình biển đông. Mặc cho cái nắng mùa hè lên đến 90 độ F, tức 32 độ C của thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhưng những người con dân nước Việt, vẫn không quản ngại đã đổ về, giơ cao những biểu ngữ kêu gọi TQ rút khỏi biển Đông, cũng như lên tiếng trước hành động hèn với giặc ác với dân của chính quyền CSVN; Và cùng cất cao tiếng hát cho Biển đông và quyền con người.
Điểm đặc biệt và gây ngạc nhiên cho nhiều người đó là sự tham gia lớn mạnh của các bạn trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ rất đông.Họ đã bắt đầu tiếp nối con đường đấu tranh của ông, cha, họ. Chia sẻ cảm nghĩ của họ lý do vì sao hiện diện tại đây, ngày hôm nay các bạn trẻ cho biết:
Người Việt Nam ở trong nước và cả hải ngoại nên cần có một tiếng nói; Lên tiếng đấu tranh để mang lại trọn vẹn lãnh thổ cho nước Việt Nam.
-Một bạn trẻ
“Lý do anh tới đây là để biểu tình Trung Quốc không được lấy nước Việt Nam và tất cả các nước Á châu khác. Mình không có chận Trung Quốc bây giờ thì Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công mấy nước khác.”
“Em đến đây vì có sự quan tâm đến tình hình đất nước Việt Nam: Việt Nam bán nước cho Trung Quốc là vấn đề rất là lớn và em rất quan tâm đến vấn đề đó. Người Việt Nam ở trong nước và cả hải ngoại nên cần có một tiếng nói; Lên tiếng đấu tranh để mang lại trọn vẹn lãnh thổ cho nước Việt Nam. Các bạn trẻ chỉ muốn đến đây để ủng hộ các bác, các cô chú từ các thế hệ trước và đặc biệt là thế hệ của ba em. Em muốn nói là chúng con luôn ủng hộ các bác, các cô chú và sẽ đứng bên cạnh các bác, các cô chú để đấu tranh và giúp cho Việt Nam lấy lại đất nước Việt Nam cho những người Việt Nam.”
“Em đến đây để ủng hộ tinh thần cho những nhà đấu tranh ở bên Việt Nam, những người tù lương tâm; Và để ủng hộ cho công cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền ở Việt Nam.”
Không những các bạn trẻ mà nhiều các ca nghệ sỹ cũng có hiện diện, theo họ là để ủng hộ thêm tinh thần cho những nhà tranh đấu trong nước, như lời chia sẻ của nam ca sĩ Thái Hoàng:
Lâm Thúy Vân mang dòng máu Việt Nam, người mẹ của Lâm Thúy Vân là người Việt Nam, nên Lâm Thúy Vân phải đứng lên và tranh đấu những gì thuộc về đất nước mình.
-Ca sĩ Lâm Thúy Vân
“Các bạn ơi, các bạn ở trong nước, chúng mình ở hải ngoại luôn luôn hướng về các bạn, luôn luôn để ý và suy nghĩ về các bạn về những tình hình trong nước và muốn cũng như hy vọng có được một ngày quê hương thật sự có dân chủ tự do cho tất cả đồng bào trong nước.
Nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân, người cũng rất hăng say trong việc lên tiếng nói cho nhân quyền dân chủ cho VN cũng chia sẻ cảm nghĩ của mình vì sao hiện diện hôm nay?
“Một lý do rất bình thường là, tại vì Lâm Thúy Vân mang dòng máu Việt Nam, người mẹ của Lâm Thúy Vân là người Việt Nam, nên Lâm Thúy Vân phải đứng lên và tranh đấu những gì thuộc về đất nước mình, mình mang máu người Việt thì phải đứng lên có tiếng nói.”
Chương trình “Hát cho biển Đông và quyền con người” đã diễn ra thành công hơn dự đoán, đó cũng nói lên được sự đồng lòng của người Việt xa quê, luôn hướng về VN lo lắng cho tình hình đất nuớc. Được biết cùng ngày hàng ngàn người việt cũng đã có mặt trước đại sứ quán Trung Quốc để phản đối giàn khoan 981 và sách lược xâm lăng của TQ đối với chủ quyền và lãnh thổ của VN. Đoàn cũng đã tụ họp về trước toà đại sứ quán của Việt Nam để lên tiếng trước thái độ chấp nhận của chính quyền về việc biển đảo và kêu gọi chinh quyền VN hãy tôn trọng nhân quyền và thả hết những tù nhân lương tâm. Đoàn nguời cũng đã có mặt trước toà Bạch ốc để kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ nên cân nhắc hơn trước khi có quyết định cho VN tham gia TPP. Chương trình đã kết thúc vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày.
Chân Như tường trình từ Hoa Thịnh Đốn.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/singing-4-scs-n-hr-cn-07082014094512.html

Ai sẽ là người cứu chúng ta?

Viết từ Sài Gòn
2014-07-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
keu-goi-bieu-tinh-305
Biễu ngữ kêu gọi xuống đường phản đối Trung Quốc vào chủ nhật ngày 18 tháng 5 năm 2014. (Hình minh họa)
File photo

Bài toán phải giải

Trước nạn ngoại xâm, tinh thần và ý chí của mỗi cá nhân trong tập hợp dân tộc bị xâm chiếm luôn là cái lõi quyết định sự thành bại, chiến thắng hay là nô lệ của dân tộc đó. Hiện trạng Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa quân sự, xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, thao túng chính trị và đè bẹp kinh tế đang là bài toán đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải giải nó. Và mỗi đơn vị trong tập hợp dân tộc Việt Nam sẽ là một thành tố quyết định Việt Nam thành nô lệ Trung Cộng hay là độc lập? Và bài toán này, câu hỏi này cần phải xét trên ba phương diện: Nền tảng chính trị xuyên suốt; Tinh thần nhân dân; Bệ phóng tương lai.
Ở phạm trù nền tảng chính trị xuyên suốt, ngoại trừ phía Nam vĩ tuyến 17 từng trải qua một giai đoạn dân chủ ngắn ngủi, hầu như toàn dân tộc Việt Nam đi từ nền chính trị phong kiến chuyên quyền, đặt nhà vua làm trung tâm và yếu tố dân chủ hoàn toàn không có cho đến nền chính trị Cộng sản độc tài, mượn đại bộ phận nhân dân làm tấm bình phong che chắn cho sự thống trị phe nhóm bên trong với danh nghĩa “sở hữu toàn dân”, “nhà nước là đại diện của nhân dân”, mà trên thực chất là một triều đại phong kiến kiểu mới với đầy đủ nhà vua theo nhiệm kỳ và thái tử đỏ theo quyền lực.
Bởi chính quá trình chìm quá sâu trong hai dòng chảy chính trị này, ngoại trừ một số rất nhỏ những người có ý thức dân chủ và chịu khó tìm tòi những mô hình nhân quyền bên ngoài lãnh thổ, đã đấu tranh cho điều này, số đông nhân dân còn lại hầu như chỉ có bản năng phản kháng nhưng chưa bao giờ được trang bị cho một hệ thống tư tưởng hoặc quan niệm về quyền con người cũng như những giá trị đích thực và ý nghĩa tồn tại của một con người trước xã hội. Hay nói cách khác, một xã hội quân chủ rồi sau đó là độc tài chỉ cho con người đạt được ý thức vâng phục và cam chịu tốt nhất, không có ý nghĩa nào khác.
Và một khi nền tảng chính trị xuyên suốt là phong kiến, rồi sau đó độc tài, hệ tư tưởng đi từ Nho giáo, Khổng Tử với tam cương, ngũ thường, với thứ quan niệm vua bảo chết phải chết, vua còn hơn cả thầy và thầy còn hơn cả cha (có thể nói đây là thứ tư tưởng điếm thúi nhất mà Khổng Tử thông minh nghĩ ra, vì lúc đó, dưới vua chỉ có những ông quan, quân sư, mà các ông này cũng là thầy trong thiên hạ, Khổng Tử cũng là thầy, trong khi đó Khổng Tử phục vụ nhà vua, làm nô tài cho vua, như vậy, suy cho cùng, mọi thứ quyền cũng dành cho vua, nếu không cho vua thì cho Khổng Tử. Có lẽ chính vì thế mà khi không được vua ban cho miếng thịt heo, Khổng Tử bỏ ngay triều đình tìm sang một nước khác). Xã hội bị mất hoàn toàn khả năng tự vận động, ý nghĩa tồn tại của cá nhân bị xóa sạch.
Đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, sau một quá trình dài xếp hàng chầu chực miếng ăn, chầu chực từng ký gạo, lát sắn, hạt bắp, lạng thịt, gam đường, tấc vải… đã làm cho con người quen dần với đời sống súc vật, không còn dám suy tư và cũng không có thời gian để suy tư, cuống cuồng trong vòng xoáy đói khổ để rồi sau đó, khi kinh tế mở cửa (1986) theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, mọi âm mưu và toan tính trên cơ sở quyền lực phe nhóm có cơ hội bùng nổ, vẫy vùng, một lần nữa, người dân bị lẩn quẩn và chìm đắm trong thứ quyền lực kinh tế đỏ, quyền lực của đồng tiền và sự phân cấp xã hội dựa trên giá trị vật dục. Có thể nói rằng, xét về mặt chính trị và lịch sử dân tộc, người Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội để đi đến văn minh nhân loại!

Bị cắt mạch Dân Khí?

binhduongbieutinh-600.jpg
Giai cấp công nhân biểu tình chống TQ ở Bình Dương hôm 14/5/2014
Cho đến thời điểm hiện tại, nếu xét trên tinh thần gọi là Dân Khí thì người Việt hoàn toàn bị cắt mạch Dân Khí từ gốc gác chính trị suốt chiều dài mấy trăm năm lịch sử. Dân Khí chỉ thật sự có ở những người hiểu biết, những trí thức, những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và đấu tranh chống bành trướng Trung Cộng. Ngay cả hệ thống chính trị khét tiếng đàn áp và dùng vũ lực như nhà nước Cộng sản, yếu tố Dân Khí của họ chỉ thoi thóp trong vài cá nhân đơn lẻ chưa kịp xuất hiện hoặc chưa phải thời điểm xuất hiện, còn lại cũng chỉ là một đám quan lại hèn kém, chịu nhục ăn xôi, đứa thấp thì quì mọp với đứa cao, đứa cao ăn trên ngồi trốc của triều đình thì lại quì mọp trước những thằng láng giềng, đàn anh như Trung Cộng, Nga Xô… Hệ quả của quá trình này là đất nước trở thành một lũ quì mọp, van lơn và chịu nhục, thậm chí không còn biết nhục.
Thử hỏi, một dân tộc mà đa phần chỉ chú tâm đến miếng ăn, quyền lợi của bản thân, ra đường thấy người khác bị cướp, bị hại thì dửng dưng, thấy công an thì sợ, thấy công an đánh chết người, biết sai trái vẫn không dám lên tiếng, với giới quan chức thì quì mọp trước thế lực mạnh hơn. Trong khi đó, kẻ lộng quyền, lộng sức như Trung Cộng thì tha hồ xâm chiếm Việt Nam bằng mọi cách, bất chấp lẽ phải cũng như luật pháp quốc tế. Thử hỏi, Việt Nam lấy gì để đánh, để giữ nước? Và mỗi khi người dân lên tiếng, những kẻ cầm quyền luôn ra rả đưa ra luận điệu kiểu “dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, từng hai lần đánh bại quân Mông Nguyên… Và sẵn sàng làm một Điện Biên Phủ trên biển…”.
Xin thưa là thời nhà Trần, không có người dân nào biết chiến đấu, biết đứng lên để đánh quân Mông Nguyên cả, chỉ có quân của triều đình dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo, và mọi sự vận động, co giãn của nhân dân thời đó cũng đều do sự điều động, chỉ huy của Trần Hưng Đạo, chính vì sự điều động tài tình này cộng hưởng với sự thống nhất của nhân dân ở hội nghị Diên Hồng mà trong đó các bô lão đóng vai trò đại diện cho nhân dân, chỉ huy nhân dân ở cấp độ địa phương đã tạo ra một mặt trận vững chãi, nhịp nhàng và ăn ý để đánh bại quân Mông Nguyên. Thử hỏi, hiện tại, triều đình Việt Cộng đã làm ra được một hội nghị Diên Hồng nào chưa ngoài mấy ông nghị gật và nghị gáy (toe toe lý thuyết Mác – Lê)? Nhân dân có bao giờ đồng lòng với nhà cầm quyền chưa?
Một khi không trả lời được hai câu hỏi này thì mọi thứ tuyên truyền hiện tại chỉ là những trò bịp bợm trượt dài và không còn cơ hội để gượng chân khi đã đứng sát mép vực. Hơn bao giờ hết, các quan chức Cộng sản cần phải biết suy nghĩ về danh dự và giá trị làm người, cũng hơn bao giờ hết, người dân Việt Nam cần biết suy tư về thân phận cũng như ý nghĩa tồn tại của một con người trong một xã hội có tự do. Chỉ có như thế, mới hy vọng sức mạnh chống ngoại xâm một lần nữa được kích hoạt, phục hồi. Nếu không, Việt Nam chỉ là một cơ thể sống thực vật trong cái ống xông thức ăn của Trung Cộng, và đến một lúc nào đó, Trung Cộng rút cái ống xông này, rút nốt ống dưỡng khí, cái xác kia ngừng thở và một tỉnh lị mới của Trung Quốc hình thành trên dải đất hình chữ S này!
*Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
 http://www.rfa.org/vietnamese/blog/viet-tu-saigon-blog-0708-07082014082941.html
 
VĂN HÓA GIẢ VỜ

Tôi không bênh vực những Tiếp viên Hàng không bằng lý do ngô nghê là họ phải đút lót để đựơc có việc làm trong Air VN, nên họ phải buôn lậu chuyển hàng ăn cắp để gỡ vốn chứ !
Mà tôi thực sự thương hại họ, vì " Quít trồng Giang Nam thì ngọt, trồng Giang Bắc lại chua !"
Ngay khi chào đời, họ đã bị sinh ra trong một bệnh viện "ăn cắp": Bác sĩ, Y tá "ăn cắp" phong bì của bệnh nhân, "ăn cắp" thuốc tiêm chủng ngừa bằng cách chia phân lượng thuốc tiêm ra nhiều phần, không đủ tiêu chuẩn, "ăn cắp" thủy tinh thể nhân tạo của Mỹ, rồi thay thế bằng sản phẩm Ấn Độ để "ăn cắp" giá tiền sai biệt.

Khi lớn lên, họ lại đi học trong những trường học "ăn cắp": Giáo sư "ăn cắp" công trình trí tuệ của người khác, học sinh, Sinh viên "ăn cắp" bảng điểm, "ăn cắp" bằng cấp dỏm bằng phong bì.
Khi bắt đầu bước vào xã hội, bước đầu tiên, họ đã bị Lãnh đạo "ăn cắp" tiền đút lót để được có việc làm, nên họ phải tiến vào quỹ đạo ăn cắp, họ ăn cắp dự án, ăn cắp đất của nông dân, họ ăn cắp tiền phạt giao thông, họ ăn cắp sinh mạng của người dân bằng tra tấn, nhục hình .....

Vì vậy , khi tôi nhìn thấy những cô Ca sĩ, Hoa hậu, Người mẫu, vênh váo khoe khoang quần áo, túi xách, giầy dép hàng hiệu, xe "khủng", nhà "khủng", tôi thương hại họ quá, họ cũng bị "ăn cắp" trinh tiết, bị "ăn cắp" phẩm giá, anh ạ ! Tôi có con gái, và con gái tôi may mắn, được giáo dục tại trường học phân biệt điều phải, điều trái, được tôn trọng nhân phẩm.


Khi về Việt Nam, nhiều lần, xe người bạn chở tôi đi, bị công an thổi còi, rồi công an vòi vĩnh, xòe tay cầm tiền hối lộ. Tôi rơi nước mắt, họ còn nhỏ tuổi hơn con trai tôi. Con trai tôi có công ăn việc làm, nuôi con cái bằng chính sức lao động của mình, dạy con, làm gương cho con bằng chính nhân cách của mình . Những người công an trẻ đó cũng bị "ăn cắp" lương tâm , phải không anh?
Khi những người công an, đánh người, giết người, họ được bố thí trả công bằng vài bữa ăn nhậu, chút đồng tiền rơi rớt.

Khi những phóng viên, bẻ cong ngòi bút, viết xuống những điều trái với lương tâm, sự thật để được bố thí trả công bằng những nấc thang chức vị, những đồng lương tanh tưởi, nhà văn Vũ Hạnh đã gọi đó là "Bút Máu" đấy anh ơi !
Khi những quan tòa, đổi trắng thay đen, cầm cán cân công lý có chứa thủy ngân như trong truyện cổ Việt Nam, họ cũng bị "ăn cắp" nhân tính mất rồi !
Trong xã hội, toàn là "ăn cắp", vậy thì kẻ cắp là ai? Ai cũng biết, nhưng giả vờ không biết, Vì

v​ ăn hóa "giả vờ" là đồng lõa cho xã hội ăn cắp.
Cán bộ lãnh lương 200 đô la một tháng, xây nhà chục triệu nhưng giả vờ" đó là công sức lao động tay chân, và trí tuệ, hay quà tặng của cô em "kết nghĩa"? Tôi muốn xin cô em đó cho tôi được làm "con kết nghĩa " của cô ta quá. Thế mà có những Lãnh đạo, Ủy viên Trung Ương Đảng, Đại biểu Quốc Hội, Ban Nội Chính, Ủy Ban Điều Tra, Quan Tòa "Thiết Diện Vô Tư", Phóng viên Lề phải, Thành Đoàn, Quân Đội Nhân Dân, Chiến sĩ Công An, Trí thức Yêu Nước, Việt Kiều Yêu Nước sẽ sẵn sàng giả vờ tin vào quà tặng của "cô em kết nghĩa" đó!

Còn có thể trong tương lai, sẽ có nhiều quan chức sẽ nhận được nhà "khủng", quà tặng của ông anh kết nghĩa, bà chị kết nghĩa, ông bố kết nghĩa, ông cố nội kết nghĩa, khi không tìm ra con người nữa, sẽ tiếp theo con chó kết nghĩa, con trâu kết nghĩa nữa ...
Công chúa mặc áo đầm hồng, ưỡn ẹo trên đôi giày cao gót hồng, đi thị sát công trường xây dựng, theo sau là một đoàn Chuyên viên già tuổi tác, thâm niên công vụ, nhưng ai nấy vui vẻ, hớn hở, giả vờ Công chúa là một Chủ tịch tài năng thiên phú, không cần đi học, không cần kinh nghiệm gì cả . Y như tên nhóc Bắc Hàn mặt búng ra sửa Ủn Ỉn, và đoàn tùy tùng Tướng già của thằng con nít đó vậy ...
Toàn đảng đều "giả vờ" tin rằng các Hoàng tử, Công chúa đều là thiên tài không đợi tuổi, mặt trẻ ranh mà nhảy lên ngồi trên đầu các nhà cách mạng lão thành, và ai nấy đều "giả vờ" tán tụng khen thơm như múi mít !
Thượng bất chính, hạ tắc loạn:
"Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì?
Hễ có phong bì thì Nó "Thank you"!

Tôi buồn lắm, có đôi khi quá tuyệt vọng, tôi tự hỏi, mình có nên quên mình là người Việt Nam như con đà điểu vùi đầu trong cát, như quả chuối ngoài vàng, trong trắng, vì tôi yêu nước Mỹ quá rồi. Nước Mỹ chưa, và có lẽ không bao giờ hoàn hảo, nhưng ở đây, ít nhất không ai có thể "ăn cắp" lương tâm, phẩm giá, và nhân tính của tôi. Tôi được sống như một "CON NGƯỜI" không phải chỉ "giả vờ " "làm người" đang sống đâu .....

Tra Tấn Tàn Bạo Nhất
Trần Khải

1
Cái chết của tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí đã làm nổi bật cái ác của chế độ CS Hà Nội.

Tất cả các tù nhân chính trị trong thời Pháp, trong thời Việt Nam Cộng Hòa... hiển nhiên đều có thể thấy rằng chế độ hiện nay là cái ác hiện hình vượt sức tưởng tượng. Rằng cõi con người không thể có những cách cư xử như thế: cố ý ép tù nhân sử dụng chung dao cạo râu, ép đưa chân vào cùm còn vệt máu... để lây HIV cho nhau, để sẽ cho ra tù và chết vì bệnh AIDS.

Bài viết “Ánh sáng xuyên màn đêm” của Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế, kể:
“Huỳnh Anh Trí sinh năm 1971 tại Sài Gòn. Đầu thập niên 90, anh Trí theo gia đình di cư sang Thái Lan. Năm 1999, anh tham gia vào tổ chức Việt Nam Tự Do tại Bangkok, một tổ chức có đường lối đấu tranh chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 12.1999, Huỳnh Anh Trí bị bắt cùng với người anh ruột là Huỳnh Anh Tú (sinh năm 1968) tại Sài Gòn. Anh Trí và người anh cùng bị kết án 14 năm tù giam với tội danh “khủng bố” theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự.

Năm 2001, Huỳnh Anh Trí bị chuyển đến giam tại nhà tù Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Trong thời gian bị giam giữ tại đây, anh Trí đã đấu tranh với các quản giáo và giám thị trại giam để phản đối tình trạng giam giữ vô nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là các tù nhân chính trị.

Năm 2005 và 2006, Huỳnh Anh Trí cùng với các tù nhân chính trị đã gởi đơn đến Bộ trưởng Bộ Công an lúc đó là ông Lê Hồng Anh, Ban Giám thị nhà tù để phản đối quy định chỉ cho sử dụng một dao lam cạo râu, hớt tóc cho rất nhiều rất tù nhân (cả thường phạm và chính trị), điều này dẫn đến lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác cho nhiều tù nhân bị giam giữ chung. Nhất là việc sử dụng cùm không sạch, sau khi người nhiễm HIV/AIDS đã cùm bị chảy máu, cho các tù nhân chính trị và Huỳnh Anh Trí đã bị lây nhiễm.

Anh Trí kể, khi bị cùm, người tù rất sợ cùm dơ. Cùm dơ là cùm đã khóa chân người nhiễn HIV/AIDS dính đầy máu, thậm chí có cả da và ít thịt, nhưng không bao giờ được tẩy sạch. Anh Trí nói: “Tôi đã hỏi bác sĩ tuyên truyền về HIV/AIDS của Tổng cục VIII rằng khi cùm dính máu người nhiễm, rồi cùm cho tôi thì tôi có bị nhiễm không? Ông bác sĩ đó trả lời: “Tôi không biết!””...”(hết trích)

Cũng bài này, có ghi lời chứng về nhà tù của một cựu tù nhân chính trị: LS Lê Công Định.

LS Lê Công Định viết:

“Tôi xác nhận có tình trạng sử dụng một dao lam cạo râu và hớt tóc cho rất nhiều tù nhân ở các trại tạm giam và trại cải tạo mà tôi từng trải qua. Riêng tôi, vì ngay từ đầu tôi yêu cầu dứt khoát phải có dao cạo râu riêng, nên các trại giam đồng ý cho tôi sử dụng riêng, nhưng không được giữ trong buồng giam mà phải gửi cán bộ quản giáo cất giùm. Các tù nhân khác không dám yêu cầu như tôi nên đành chấp nhận cảnh dùng dao cạo chung.

Nội quy các trại giam cấm tù nhân để râu, nhưng ở trại Chí Hoà lại cấm hẳn việc sử dụng dao cạo, nên tất cả tù nhân nam đều phải chế tạo đồ bứt râu. Nhìn cảnh ấy mà rớt nước mắt!

Tình trạng cùm dơ dính máu và thịt cũng có thật và tất cả tù nhân các trại đều kể lại đúng như vậy.

Ngoài ra, việc cấp thuốc và điều trị cho bệnh nhân rất hạn chế và không đầy đủ. Khu G trại Chí Hoà nơi tôi ở chẳng hạn, chỉ đưa tù nhân đi khám bệnh vào sáng thứ hai hàng tuần, nên ai có bệnh đều phải chờ đúng lịch mới được đi khám, bất kể bệnh nặng hay nhẹ, trừ trường hợp quá nặng phải đi cấp cứu mới được cho đi ngay...”(hết trích)

Tướng Trần Độ, người công thần của chế độ CSVN, đã làm các câu thơ sau để nói lên cái ác của chế độ Hà Nội:

Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

Khi nhìn thấy cái ác của chế độ, Tướng Trần Độ đã chính thức kêu gọi:

"Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ "hiệp thương" mà thực chất là gò ép"....”

Những đòi hỏi thay đổi đó cũng là ước mơ của anh Huỳnh Anh Trí.

Người ra đi trước anh Trí là thầy giáo Đinh Đăng Định, chết vì ung thư khi ra tù. Và căn bệnh ung thư này được Thầy giáo Định nghi ngờ là do cai tù đầu độc. Thầy Định dạy môn Hóa học, nên nhận ra có hóa chất khác lạ trong bữa ăn của Thầy trong tù.

Bản tin RFI đã phỏng vấn ông Nguyễn Bắc Truyển, Tổng thư ký Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, người đã có thời gian cùng sống trong một trại giam với người tù lương tâm vừa qua đời. Và được kể:

“Ông Nguyễn Bắc Truyển: Anh Trí bị bắt vào tháng 12/1999, và vừa ra tù vào tháng 12/2013. Khi ở trong cùng trại với anh, tôi thấy sức khỏe của anh vẫn bình thường trước tháng 5/2010. Sau tháng 5/2010, tôi ra tù. Sau ngày anh ra về, tôi thấy sức khỏe anh vẫn bình thường cho đến sau tháng 3/2014.

Sau chuyến đi vận động nhân quyền ở Hà Nội trở về, thì sức khỏe anh rất xuống. Đầu tiên anh bị ói ra máu, thì đầu tiên nghi rằng anh bị chấn thương, do bị đánh đập vào tháng 6/2013, khi tù nhân thường phạm ở phân trại số 1 (trại Z30) nổi loạn thì anh là người trả lời phỏng vấn trên diễn đàn Paltalk. Sau đó anh bị chuyển trại và bị đánh đập rất nhiều, bị chấn thương phổi, bị ói ra máu nhiều lần. Ban đầu anh cũng nghĩ (sức khỏe suy yếu là do nguyên nhân) như vậy, nhưng gần đây, sau khi anh đi xét nghiệm về HIV, thì bác sĩ tại hai nơi, một bệnh viện và Viện Pasteur, xác định anh bị dương tính HIV và đang ở giai đoạn cuối, thì tôi nghĩ rằng chắc chắn anh mắc HIV trong thời gian 14 năm anh ở tù...”(hết trích)

Có nghĩa là, cho tới tháng 3-2014, sức khỏe anh Trí trông vẫn bình thường.

Ông Nguyễn Bắc Truyển nhận định:

“Sau khi tin anh Huỳnh Anh Trí bị HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS, nhà cầm quyền chưa có ý kiến phản hồi gì về điều này. Chắc chắn là họ từ chối trách nhiệm của họ. Nhưng tôi xin khẳng định, anh Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV là thời gian ở trong nhà tù. Còn nguyên nhân thế nào để bị nhiễm, thì chúng ta cần phải tìm hiểu thêm. Tôi chưa xác định nguyên nhân nhiễm, nhưng trách nhiệm là thuộc về nhà tù Xuân Lộc...

...Theo tôi được biết, có rất nhiều tù nhân chính trị bị mắc HIV, chuyển sang AIDS và chết tại nhà tù Xuân Lộc, ít nhất là khoảng 10 người. Những người này tôi chỉ nghe kể lại khi vào nhà tù Xuân Lộc năm 2007, nhưng chưa được gặp họ. Nhưng một người tù hiện nay đang bị nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS, và hiện nay đang còn sống là anh Đỗ Quang Thái, tù chính trị, hiện đang bị giam giữ tại phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc. Cho tới nay anh ấy cũng đang bị vào giai đoạn cuối. Tình trạng sức khỏe của anh đang bị suy giảm nghiêm trọng...”

Cần ghi nhận, nhà nước CSVN đã ký Công ước chống tra tấn năm 2013... và đang dùng biện pháp tra tấn tàn bạo nhất lại là vi khuẩn HIV.

Cái ác ai cũng thấy đó, ngay ở Ba Đình, không chôi được.

NGHỀ NGHIỆP VIỆT NAM XƯA


CÁC NGHỀ NGHIỆP TẠI VIỆT NAM XƯA

Những thước ảnh quý giá này giúp cho giới trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về nghề nghiệp ngày xưa của ông cha. Hầu hết những bức ảnh này được chụp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhưng không còn bản quyền, không rõ ai là tác giả. So với ngày nay, nhiều nghề nghiệp đã có sự thay đổi rất lớn hoặc mai một theo thời gian, nhưng nó là một trong những nét đẹp văn hóa của Việt Nam xưa rất đáng trân trọng và lưu giữ. Xem những thước ảnh này, nhiều người có lẽ sẽ thêm thấu hiểu và yêu mến công việc mình đang làm.

Xưởng thợ rèn trong căn nhà tranh
Hớt tóc dạo ở Sài Gòn xưa
Một nhà làm lọng. Nghề làm lọng của nước ta bắt đầu từ thời nhà Lê. Lọng là dụng cụ thường dùng cho các quan lại và vua chúa hoặc được sử dụng trong đình, chùa,...


Một cửa hàng bán cân tiểu ly. Ngày xưa, người ta thường dùng loại cân tiểu ly đơn giản, được làm thủ công. Một đầu là đĩa cân, một đầu là cán khắc vạch nhỏ với quả cân. Loại cân này khó đọc và cho sai số khá cao.

Thợ vẽ và thợ thêu ở Bắc Kỳ xưa.
Thợ làm mành. Ngày xưa, mành được sử dụng để ngăn nắng mưa, gió bụi, chống côn trùng. Mành thường được làm từ tre, trúc, cỏ lau,...
Một cửa hiệu sửa và bán giầy dép làm thủ công.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 1
Một quán bán đồ ăn dạo.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 2
Những sạp đồ gốm ở ven đường tại Hà Nội xưa. Gốm được bày bán chủ yếu là bình, chậu hoa, chum, chĩnh,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 3
Gánh trầu cau bán dạo. 
Ăn trầu là một tục lâu đời của người Việt, có từ thời Hùng Vương. Hình ảnh phụ nữ Việt với bộ răng đen nhánh đã gắn liền với lịch sử của dân tộc. Nhai trầu vừa giúp thơm miệng, vừa là một biện pháp để bảo vệ răng của người xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 4
Lấy ráy tai dạo tại Hà Nội. Chỉ cần một que sắt và một chiếc ghế đẩu, người đàn ông này đã có thể hành nghề.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 5
Hớt tóc dạo ở Sài Gòn xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 6
Thợ mộc đang xẻ gỗ ở một xưởng mộc.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 7
Một thiếu phụ bên khung dệt.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 8
Một người làm nghề thu tiền với cuốn sổ ghi chép trên tay.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 9
Ảnh chụp những người thợ trong một xưởng làm giấy. Thời xưa, giấy được làm từ vỏ cây, ngâm, giã, ép,... qua nhiều công đoạn.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 10
Người thợ săn tại Nam Kỳ xưa với vũ khí tự chế.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 11
Một gánh phở rong. Người bán hàng gánh cả bếp lò, nồi nước sôi đi khắp nơi.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 12
Một họa sĩ ở làng tranh dân gian Hàng Trống.


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 13
Xưởng thợ rèn làm từ căn nhà tranh.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 14
Dàn nhạc biểu diễn ở Nam Kỳ...


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 15
... và ở Hà Nội xưa.


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 16
Ảnh chụp một đoàn xe chở thư từ Sài Gòn về Cần Thơ.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 17
Một xe đưa thư chuyến từ Sài Gòn về Tây Ninh.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 18
Trái với hình ảnh hiện đại bên trên, một đoàn vận chuyển thư và bưu chính bằng chân.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 19
Họ nghỉ đêm trong rừng ở một chỗ trú chân giản đơn.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 20
Một phụ nữ hành nghề thầy bói ở chợ.  Bức ảnh được chụp vào năm 1921. Ngày xưa, có rất nhiều người mù hành nghề thầy bói, họ thường đeo kính đen hoặc dùng mạng che mặt.


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 21
Một cửa hàng ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 22
Cửa hàng bán đồ đồng thau ở Bắc Kỳ xưa, với đủ loại vật dụng: lư hương, mâm, nồi, chảo, ấm,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 23
Nghề đan nón rơm.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 24
Thợ khảm tại Bắc Kỳ ngày xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 25
Thợ làm mành.
Ngày xưa, mành được sử dụng để ngăn nắng mưa, gió bụi, chống côn trùng. Mành thường được làm từ tre, trúc, cỏ lau,...


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 26
Một cửa hiệu sửa và bán giầy dép làm thủ công.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 27
Lớp dạy nghề khảm ở trường dạy nghề Hà Nội xưa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 28
Một người đàn ông đan phên trên phố Hàng Mành. Phên được đan từ tre, nứa, thường được dùng để ngăn phòng, hoặc che cửa,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 29
Một cụ già làm nghề in tranh.
Ở các làng tranh dân gian, người ta dùng các bản in có sẵn để tạo nên các bức tranh. Thợ in phải in từng loại màu, phơi khô rồi mới tiếp tục in màu khác. Khi in phải ấn bản in đều tay, để màu đều, không bị loang làm mờ đường nét.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 30
Một nhà làm lọng. Nghề làm lọng của nước ta bắt đầu từ thời nhà Lê. Lọng là dụng cụ thường dùng cho các quan lại và vua chúa hoặc được sử dụng trong đình, chùa,...

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 31
Ảnh được chụp ở một xưởng thuộc da. Những người thợ đang làm công đoạn phơi da.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 32
Một cửa hàng bán cân tiểu ly. Ngày xưa, người ta thường dùng loại cân tiểu ly đơn giản, được làm thủ công. Một đầu là đĩa cân, một đầu là cán khắc vạch nhỏ với quả cân. Loại cân này khó đọc và cho sai số khá cao.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 33
Diễn viên Hồ Quảng trong đoàn ca kịch của người Hoa tại Sài Gòn. Thời xưa, ca kịch thường được diễn ở các sân khấu đất lưu động.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 34
Nghề làm bánh đa.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 35
Nghề phơi tằm. Tằm được nuôi để nhả tơ, dùng dệt vải may quần áo.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 36
Hai người phụ nữ đang phơi gạch.

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 37
Phu kéo xe. 
Ngày xưa, ở Đông Dương, những chiếc xe kéo có mặt tại Hà Nội vào năm 1883 do được đem từ Nhật qua. Sau đó gần 15 năm, xe kéo mới có mặt tại Sài Gòn.
Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 38
Một quán nước nhỏ tại Hà Nội,

Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 39
Thợ vẽ và thợ thêu ở Bắc Kỳ xưa.


Khám phá thú vị về nghề nghiệp xưa ở Việt Nam qua ảnh 40
Xưởng làm đồ bạc hiệu Tiến Bảo tại phố Hàng Bạc. Ngày xưa, đồ trang sức được làm thủ công, rất tỉ mỉ, tinh xảo.

BÙI TÍN * CÔNG AN VIỆT CỘNG

Lực lượng công an trong mắt triết gia Trần Đức Thảo

Sau khi tôi giới thiệu trên VOA cuốn sách Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối  của nhà báo Tri Vũ, một số bạn trẻ trong nước gửi thư điện tử cho tôi hỏi rằng tôi đã trích ra mấy đoạn ngắn khi tác giả khắc họa chân dung “ông Cụ” - cụ Hồ - rất sống động, chân thực, vậy cuốn sách có chứa đựng chân dung nào khác cũng lý thú, sinh động như vậy không?
Xin thưa là có, có khá nhiều, như chân dung các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…cũng cô đọng, sinh động không kém.
Đó là những nhân vật đè nặng như ma ám suốt 40 năm ròng trên sinh mệnh của triết gia Trần Đức Thảo, buộc ông phải ngậm đắng nuốt cay, đóng vai kẻ lẩn thẩn dở hơi để tồn tại, để rồi trong gần 6 tháng cuối đời đã để lại cho hậu thế những phán xét sâu sắc được nghiền ngẫm kỹ càng. Qua lời kể của ông, mới vỡ lẽ ra là khi ông phê phán bài “Hãy đi theo bảng chỉ đường của trí tuệ” của nhà dân chủ Hà Sỹ Phu là làm theo lệnh trên, nhằm được yên thân để còn sống được và thổ lộ tư duy tỉnh táo của mình và lúc cuối đời.
Dưới đây xin trích dẫn vài đọan ngắn khi ông Trần Đức Thảo nói về lực lượng công an CS Việt Nam, những người đã theo dõi, rình rập, đe dọa, đấu tố ông trong suốt 40 năm ông phải sống trong nhà tù lớn Việt Nam.
Nhận định về lực lựơng công an chìm và nổi, Trần Đức Thảo cho biết:
“Có một ngành quen dùng dối trá như một phương pháp hành động chính quy, đó là ngành công an, Với những cán bộ chìm và nổi dày đặc trong xã hội, miệng thì nói công an là bạn dân, là bảo vệ dân, nhưng thực tế công an là ngành đã quản thúc, quản chế dân bằng phương pháp khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, đe dọa tài sán. Công an đáng lẽ là lực lượng giữ gìn, bảo vệ trật tự, kỷ cương cho xã hội, mà lại luôn tận dụng dối trá thủ đoạn để áp đảo, thống trị xã hội như thế thì làm sao duy trì được tính lương thiện trong dân, làm sao giữ được trật tự kỷ cương, được luân thường đạo lý cho xã hội? Các cụ ta đã dạy “thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, “gieo gió thì gặt bão”, ngày nay ngành công an dùng quá nhiều hành động bất chính, gieo toàn là thủ đoạn dối trá, hận thù… thì rồi chế độ này sẽ gặt được gì? Các dân tộc từng sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã có đủ kinh nghiệm để trả lời! Thực tế là guồng máy công an đã phá hoại lý tưởng, đã bôi đen, bôi bẩn đảng, đã làm ô danh chế độ, làm ung thối cách mạng nhiều nhất. Dư luận vẫn than sự lộng quyền của ngành công an là đã hằng ngày đào sâu mồ chôn chế độ”.
Ở một đoạn khác, ông nói thêm:
   “Tôi thấy cái cấp bách là cần phải can đảm bãi bỏ hẳn mọi phương pháp tổ chức. mọi chính sách hành động bất chánh trong toàn thể guồng máy cai trị của đảng và nhà nước, cả về mặt tuyên truyền lẫn mặt hành chính. Đứng đầu là phải thay đổi hẳn cách huấn luyện, phải tổ chức hẳn lại ngành công an. Dùng công an để kiểm soát và đàn áp tư tưởng là việc làm vô ích. Công an không thể bịt miệng dân, không thể kiểm soát những suy tư trong đầu người dân. Chính những người CS lãnh đạo có kinh nghiệm đó hồi bị thực dân, phong kiến đàn áp, cầm tù. Nhà tù, trại cải tạo luôn luôn là lò đào tạo ý chí phản kháng mạnh nhất. Vậy mà nay chính quyền lại hành động thống trị còn tệ hơn cả thời thực dân phong kiến! Dân chúng cứ bị đẩy về phía căm thù chế độ. Chế độ như vậy thì không thể nào sửa sai, sửa lại mà dùng được…” 
Rồi ông kết luận đoạn này như sau:   
“Tôi chống thủ đoạn gian dối về mọi mặt chứ không chỉ về mặt tuyên truyền hay công an… Tôi chống đây là chống cái gian, cái ác, tức là chống một cách xây dựng. Không lắng nghe tôi là chế độ sẽ ngày càng bị lún sâu vào hư đốn, cho đến khi bị đào thải… Tôi biết những nhận xét ngay thẳng đó là những liều thuốc đắng, nhưng không chịu lắng nghe thì rồi chính lãnh đạo và nhân dân sẽ phải trả giá, có khi là rất đắt. Tôi luôn luôn cố vận dụng sự trong sáng của lương tri trong những ý kiến đối kháng, phản biện… "
Có những hoài nghi rất có cơ sở là chính một vài tên công an nỗi và chìm trong sứ quán VN ở Paris đã được lệnh kết thúc cuộc đời ông khi họ nghi rằng ông đang viết một cuốn sách tâm huyết, bạch hóa hết những thâm cung bí sử mà ông được biết, nhằm đền đáp lại nhân dân, với niềm tin rằng nhân dân sẽ hiểu ra cuộc đời trong sáng của một trí thức chân chính và nhận ra chủ nghĩa Mác và đảng CS VN cũng như “ông Cụ” và các đồng chí của “ ông Cụ” là tai họa thật sự của dân tộc, của nhân dân.
Phải chăng để che dấu cả chuỗi dài tội ác với nhân dân và với cá nhân ông Trần Đức Thảo mà đã có những điều không bình thường xảy ra sau khi ông chết bất ngờ vì “đau bụng”  ngày 23/4 /1993: đó là việc Đại sứ VN Trịnh Ngọc Thái ở Pháp được lệnh đến cơ sở  hỏa táng trong Nghĩa trang Père Lachaise  ngày 29/4/1993 để báo tin ông được truy tặng Huân chương Độc lập (mà không có một lời điếu văn nào); sau đó 7 năm, năm 2000 ông được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, mà không ai nói rõ về thành tích và công lao gì.  Hẳn dưới suối vàng ông đã cười to một mình về những điều trái khoáy kỳ quặc như thế trong một chế độ quái dị.
Cả Bộ Chính trị 16 người, 200 ủy viên Trung ương đảng CS, và đặc biệt là hơn 400 viên tướng và hơn 1.000 cán bộ cấp cao khác của riêng ngành Công an hãy đọc kỹ “Những lời trăng trối” của nhà triết gia Trần Đức Thảo và tự vấn lương tâm, rút ra nhiều điều bổ ích.
Đây là việc làm cấp bách, vì khi nhà triết học nói lên những sự thật trên đây từ 21 năm trước đến nay, lực lượng công an còn sa sút thêm nhiều, trượt dài trên quá trình trở thành tai họa thật sự cho nhân dân. Công an bịt mồm linh mục giữa tòa án, đạp giày lên mặt anh đảng viên CS trẻ đang xuống đường chống bành trướng, tra tấn hành hung các cụ ông cụ bà cao tuổi, giết hại nhiều công dân ngay trong trụ sở công an…
Nếu còn sống triết gia Trần Đức Thảo chắc sẽ đau lòng lắm khi thấy những tên móc túi, những ké trộm vặt,  trộm gà, trộm chó thì bị bắt, bị tra khảo, ngồi tù, còn những quan chức, tướng lãnh cướp của nhà nước, của nhân dân hàng triệu, hàng tỷ, hàng trăm ngàn tỷ đồng, kết thành nhóm thành phe  thì vẫn nhởn nhơ thống trị xã hội, còn được phong tướng tá công an, với một ngân sách kinh hoàng là không kém ngân sách quốc phòng.
Chỉ tiếc là triết gia yêu nước thương dân không còn sống để chứng kiến sự rệu rã của một chế độ mục nát phi nhân, đúng như ông đã dự đoán trong những lời trăng trối tâm huyết và những lời cảnh báo nghiêm khắc “Công an đang hằng ngày đào mồ chôn chế độ”.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bùi Tín
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

THẾ GIỚI & BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Ðề tài hàng đầu trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.
Scott Stearns
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sẽ lên đường đi Bắc Kinh trong tuần này để tham gia các buổi họp với các vị tương nhiệm Trung Quốc về vấn đề thương mại và an ninh. Như lời tường thuật của Thông tín viên Scott Stearns của VOA từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bao gồm các giàn khoan dầu mới của Trung Quốc trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam, một vấn đề đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Việt Nam nói các giàn khoan của Trung Quốc nằm trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và công bố một băng video chiếu cảnh một chiếc tàu của Trung Quốc đang đâm vào một tàu kiểm ngư Việt Nam gần địa điểm này.

Việt Nam đang làm việc với Philippines về việc đưa Trung Quốc ra tòa để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi mà Malaysia, Brunei, và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền. Nhưng Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất, theo Giáo sư Hillary Mann Leverett của Đại học American University. Bà nhận định:
“Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định quốc phòng với Hoa Kỳ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này, ngay cả trong cuộc tranh chấp về một hòn đảo hiểm trở. Chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Thế cho nên Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn so với Nhật Bản hay Philippines.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng những nước đang đẩy mạnh việc đưa cuộc tranh chấp Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế, vi phạm những lối hành sử thông thường về mặt pháp lý.
Ông Tần Cương nói: “Một số quốc gia đang trương lên những bảng hiệu luật pháp để vi phạm các quyền hợp pháp và các lợi ích của những nước khác, khoác ra ngoài một cái áo “hợp pháp” để che đậy các hành động vi phạm luật pháp của họ.”
Tuy Hoa Kỳ đang giúp nâng cấp hải quân Philippine, Washington không có lập trường về bất kỳ vụ tranh chấp đối kháng nào ở vùng Biển Đông. Sau đây là nhận định của ông Michael Auslin, thuộc Viện Kinh doanh Mỹ:
“Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi nhìn thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm được. Nhưng chính quyền của ông Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định sẽ sử dụng sự mơ hồ về pháp lý để không can dự vào.”
Và sự kiện đó, theo ông, đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược S&ED trong tuần này.
"Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi S&D có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất.”
Các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Bắc Kinh diễn ra tiếp theo việc hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc thao diễn hải quân ngoài khơi Hawaii. Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng điều đó có thể góp phần giải quyết các khó khăn đa phương. Các giới chức Trung Quốc nói nó chứng tỏ điều họ gọi là “các thái độ tích cực của quân lực Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực.
 Biển Đông : Mỹ tố cáo yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh hôm nay để chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung - REUTERS /B. Smialowski
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh hôm nay để chuẩn bị cho cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung - REUTERS /B. Smialowski

Mai Vân
Các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông "có vấn đề". Một hôm trước lúc mở ra cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên Mỹ-Trung tại Bắc Kinh, một quan chức Mỹ cao cấp đã nhận xét như trên vào hôm nay, 08/07. Vấn đề chính là các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt các yêu sách đã gây căng thẳng trong vùng.

Trung Quốc hiện cũng tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, một đồng minh có hiệp định an ninh với Hoa Kỳ và sẽ được Washington bảo vệ nếu bị tấn công. Các quan chức Mỹ tháp tùng theo Ngoại trưởng Mỹ đã cho biết là Mỹ "hết sức quan ngại" về "sự sẵn sàng của các bên tranh chấp trong việc sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự, tuần duyên nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của mình".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Bắc Kinh vào hôm nay để chuẩn bị cho hai ngày họp với phía Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ sáu. Hồ sơ tranh chấp biển đảo giữa Bắc Kinh và các láng giềng được cho là sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự vì đã khuấy động quan hệ giữa hai cường quốc trong thời gian gần đây, bên cạnh hai vấn đề khác là tin tặc và thương mại.
Riêng về Biển Đông, phía Mỹ đặc biệt tố cáo tính chất mập mờ của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam và Philippines. Một quan chức Mỹ trong đoàn của Ngoại trưởng Kerry xác định : "Sự mơ hồ gắn với đường chín đoạn quả là có vấn đề."
Trung Quốc và các láng giềng đã tăng cường công việc tuần tra trên các khu vực tranh chấp, và gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xẩy ra những vụ phun vòi rồng, tàu hai bên đâm vào nhau, ngư dân bị bắt giữ.
Theo quan chức cao cấp Mỹ nói trên tình hình căng thẳng leo thang "có liên quan đến Mỹ trong tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, là một quốc gia thương mại chủ chốt, một khách tiêu thụ quan trọng của các tuyến đường biển và là người bảo kê lâu dài cho sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương."
Theo hãng tin Pháp AFP, viên chức cao cấp Mỹ đã xin được giấu tên để có thể nói thẳng thắn về các vấn đề tế nhị. Nhân vật này khẳng định rằng các cuộc nói chuyện với phía Trung Quốc sẽ "rất trực tiếp, thẳng thắn, và xây dựng".
Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh rằng họ không bênh bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền, nhưng đã tố cáo Bắc Kinh về những hành vi gây mất ổn định và thúc giục Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên các tuyến đường thủy quan trọng.
Theo quan chức Mỹ được AFP trích dẫn, Trung Quốc từng tuyên bố là họ quyết tâm dùng các biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết tranh chấp, do đó phía Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các cam kết.
  http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140708-bien-dong-my-to-cao-yeu-sach-chu-quyen-qua-dang-cua-trung-quoc

Đối thoại Mỹ-Trung : Lập trường về Biển Đông vẫn đối nghịch

Tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông nổi cộm nhân cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung / Reuters
Tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông nổi cộm nhân cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung / Reuters

Thanh Phương
Ngày mai, 09/07/2014, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên tại Bắc Kinh. Trong cuộc đối thoại lần này, bên cạnh vấn đề gián điệp mạng, tranh chấp chủ quyền Biển Đông và biển Hoa Đông chắc chắn sẽ bao trùm chương trình nghị sự.

Đặc biệt là về tình hình Biển Đông, lập trường giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn rất đối nghịch, rất khó dung hòa với nhau. Sau đây mời quý vị nghe nhận định của nhà báo Phạm Trần từ Washington.


Báo Trung Quốc chọc giận Nhật Bản với bản đồ mới

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida bày tỏ sự phẫn nộ của chính quyền Tokyo - AFP
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida bày tỏ sự phẫn nộ của chính quyền Tokyo - AFP

Thanh Phương
Tấm bản đồ Nhật Bản, với các đám mây hình nấm trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, đăng trên một nhật báo của Trung Quốc đang gây phản ứng giận dữ từ phía Tokyo, khiến Ngoại trưởng Nhật Bản phải lên tiếng hôm nay, 08/07/2014.

Theo thông tin từ mạng tiểu blog Sina Weibo của Trung Quốc ( tương đương với Twitter ), tờ Trùng Khánh Thanh Niên Báo, trực thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản của thành phố này, vào tuần trước đã giành trọn một trang quảng cáo để đăng một bản đồ Nhật Bản, với tiêu đề : « Nhật Bản lại muốn chiến tranh ».
Trên bản đồ này, có vẽ những đám mây hình nấm bên trên Hiroshima và Nagasaki, hai thành phố đã bị Mỹ ném bom nguyên tử vào cuối thế chiến thứ hai, dẫn đến việc quân đội Nhật Bản bại trận.
Chưa rõ là ai đã đăng trang quảng cáo này và hơn nữa trên trang chính thức của Trùng Khánh Thanh Niên Báo cũng không còn thấy bản đồ này, thế nhưng thông tin nói trên đã gây phẫn nộ chính phủ Tokyo. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida hôm nay tuyên bố : « Với tư cách Ngoại trưởng của quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử, và cũng là một chính khách xuất thân từ Hiroshima, tôi không thể chấp nhận điều này ».
Theo hãng tin Jiji Press, ông Fumio Kishida cho biết đã chỉ thị cho tổng lãnh sự Nhật ở Trùng Khánh gởi công hàm chính thức phản đối, nếu được xác nhận là bản đồ nói trên đã được đăng trên báo chí của thành phố này.
Hãng tin AFP hôm nay nhắc lại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn kích động tinh thần dân tộc để củng cố quyền lãnh đạo của họ. Đặc biệt đích thân chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua đã cùng với hàng trăm binh lính, cựu chiến binh, học sinh dự lễ kỷ niệm, được tổ chức rầm rộ một cách bất thường, đánh dấu 77 năm khởi đầu chiến tranh Trung-Nhật.
Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình đã gián tiếp chỉ trích Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi lên án những kẻ « không thèm biết đến những sự thật lịch sử hiển nhiên ». Chính quyền Tokyo đã phản ứng lại, cho rằng lễ kỷ niệm nói trên « không giúp gì cho hòa bình và hợp tác trong khu vực ».
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140708-bao-chi-trung-quoc-choc-gian-nhat-ban-voi-ban-do-moi

Ngân hàng Thế giới : Tăng trưởng của Việt Nam còn dưới mức tiềm năng

Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 sẽ vẫn ở mức 5,4% - REUTERS /Kham
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 sẽ vẫn ở mức 5,4% - REUTERS /Kham

Thanh Phương
Hôm nay, 08/07/2014, Ngân hàng thế giới vừa công bố bản báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới mức tiềm năng.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2014 dự báo sẽ vẫn ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%. Mặt khác, định chế tài chính này lưu ý rằng mức cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu, « do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao ».
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn, định chế tài chính này đề nghị chính phủ Hà Nội « đẩy mạnh cải cách cơ cấu, tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xoá bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước. »
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng chậm trễ về tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng và có thể khiến cho nợ công tăng đến mức không còn bền vững. Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông, cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi cho Việt Nam.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140708-ngan-hang-the-gioi-tang-truong-cua-viet-nam-con-duoi-muc-tiem-nang
 Nhà tù cố tình làm lây nhiễm HIV'
Cập nhật: 12:30 GMT - chủ nhật, 6 tháng 7, 2014
Ông Huỳnh Anh Trí, một tù nhân chính trị Việt Nam đã thụ án 14 năm tù, vừa qua đời vào trưa hôm thứ Bảy ngày 5/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những tháng cuối đời, ông Trí được xác định đã nhiễm HIV /AIDS chuyển sang giai đoạn cuối.
Hiện đang có cáo buộc ông Trí bị nhiễm HIV khi đang thụ án trong tù và đây là một ‘hành động cố ý’ đối với ông. Tuy nhiên, BBC không có điều kiện kiểm chứng cáo buộc này.
Ông bị chính quyền bắt vào năm 1999 cùng với người anh ruột với cáo buộc ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’. Ông ra tù vào cuối năm 2013.
Trao đổi với BBC, linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, người đã gần gũi bên cạnh ông Trí vào những lúc cuối đời của ông, nói rằng ông Trí nghi ngờ mình đã bị nhà tù ‘cố tình làm cho nhiễm HIV’.
"Theo anh Trí thì ít nhất trong 14 năm ngồi tù anh đã chứng kiến ít nhất 14 tù nhân chính trị bị nhiễm HIV... Không có sự chăm sóc y tế đặc biệt nào đối với những tù nhân, nhất là những tù nhân chính trị, bị nhiễm HIV"
Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh
Linh mục Thanh cho biết ông Trí có đề cập đến ‘hai bằng chứng’ để chứng minh cho nghi ngờ này.
“Có một thời gian dài trong trại giam Z30 họ bắt tất cả các tù nhân chính trị đều dùng chung một lưỡi lam để cạo râu cắt tóc cho cả chục tù nhân,” ông Thanh nói.
Sau đó với sự đấu tranh của các tù nhân thì trại giam cũng cho phép họ được dùng lưỡi lam riêng nhưng phải giao cho quản giáo quản lý, ông Thanh nói thêm.
“Đối với anh Trí họ đã giữ như vậy nhưng không biết họ đã làm gì với dao lam đó.”
Bằng chứng thứ hai mà ông Trí nêu, theo ông Thanh, là ông đã bị cùm chân cùng chiếc cùm với ‘những tù nhân nhiễm HIV bị chảy máu khi bị cùm’.
Linh mục Thanh cũng giải thích là quản giáo nhà tù dùng cách này để ‘làm tiền tù nhân’.
“Nếu anh chịu cho tiền thì người quản cùm sẽ cho cùm sạch còn nếu anh mà phản đối, kiếm chuyện hoặc làm đơn tố cáo thì anh sẽ phải đeo những cùm dơ,” ông giải thích.
Tuy nhiên theo lời linh mục Thanh thì hành động này là vô tình hay cố ý thì ‘khó có thể khẳng định’.
“Nhưng theo anh Trí thì ít nhất trong 14 năm ngồi tù anh đã chứng kiến ít nhất 14 tù nhân chính trị bị nhiễm HIV,” ông nói và cho biết ‘không có sự chăm sóc y tế đặc biệt nào đối với những tù nhân, nhất là những tù nhân chính trị, bị nhiễm HIV’.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/07/140706_lengocthanh_huynhanhtri.shtml
 

No comments: