Wednesday, November 16, 2016

NGUYỄN ĐÌNH QUÁT *THẾ GIỚI *VIỆT NAM * NƯỚC MỸ


Friday, January 16, 2015


NGƯỜI H.O GIÀ * TỶ PHÚ NGUYỄN ĐÌNH QUÁT

 
 TỶ PHÚ NGUYỄN ĐÌNH QUÁT
Người H.O Già


Tỷ phú Nguyễn Đình Quát là nhân vật nổi tiếng trong kinh doanh và Chính trị tại miền Nam Việt Nam khoảng đầu thập niên 1960.

Thời Đệ II VNCH không nghe thấy tên ông, nhưng sau 30-4-1975, ông vẫn bị VC bắt vào tù… cải tạo bởi quá khứ “ bóc lột” Nhân dân và… chống Cộng của ông.

Thật sự cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát ở tù Chí Hòa, chứ không ở tù Suối Máu, nhưng vài tháng gần cuối năm 1980, không rõ lý do gì VC chuyển ông về nằm Trạm Xá trại Suối Máu cùng gần một chục người khác, trong đó có Nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông. Tôi hân hạnh gặp ông Nguyễn Đình Quát tại đây một thời gian tạm đủ để nghe ông kể chuyện đời và thấy cách sống của ông trong hoàn cảnh của một kẻ sa cơ mà vẫn giữ tròn tiết tháo!

Cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát sinh trưởng ở Quảng Bình, xuất thân từ gia đình nghèo khó. Năm 1935, ở độ tuổi thanh niên ông cùng với một người bạn đồng trang lứa rủ nhau mua vé xe lửa vào Saigon tìm đường mưu sinh. Nguyễn Tất Thành (tục danh của Hồ Chí Minh) cũng cùng hoàn cảnh nhưng dùng ngụy danh viết sách lếu láo tự đề cao (đồng nghĩa… tự sướng) rằng “Bác Hồ thời thanh niên vào Saigon tìm đường… cứu nước”, thật ra đến Saigon anh ta làm bồi trên chiếc tàu viễn dương của Tây!

Đặt chân chốn Saigon phồn hoa đô hội, hai chàng thanh niên người Quảng Bình như lạc vào mê hồn trận, không biết cách nào để đùm bọc nhau nên đành chia tay để mà sống, thay vì… đoàn kết sẽ dễ chết! Anh bạn đi đường anh bạn, Nguyễn Đình Quát quyết định phiêu lưu ra… Cap Saint Jacque (tức Vũng Tàu) không có chủ đích gì rõ ràng, ngoạn cảnh hay tìm việc làm. Nhưng lần đầu tiên ra Vũng Tàu lại là lần quyết định cuộc đời của ông một cách kỳ lạ.

Vừa đến Vũng Tàu, anh thanh niên Nguyễn Đình Quát đi ra bãi trước, lang thang ngắm cảnh mà không để ý, suýt chạm phải một phụ nữ Pháp hãy còn trẻ đang dắt tay một đứa bé gái. Anh vội xin lỗi và buột miệng khen đứa bé gái “Elle est très belle fille”.

Người phụ nữ Pháp rất vui và ngạc nhiên nghe anh niên Việt Nam nói tiếng Pháp, bèn hỏi và trả lời anh vài điều nữa. Qua cuộc đối đáp, anh Quát mới vỡ lẽ mình vừa chạm mặt phu nhân của viên Thiếu tá Quân Trấn Trưởng Vũng Tàu và rất sung sướng nhận lời bà, vào ngày hôm sau giã từ nhà trọ, đến nhà bà làm gia sư cho đứa bé gái chính là con của bà!

Nhưng không đầy một tháng sau, anh Quát được lệnh viên Thiếu tá Pháp phải rời khỏi Vũng Tàu trong vòng… 24 giờ mà sau đó theo tiết lộ của bà Thiếu tá phu nhân vì… ghen bóng ghen gió và đồng thời không muốn chứa một thanh niên bản xứ lạ mặt ngay trong nhà! May cho anh, bà nầy động lòng trắc ẩn viết một thư tay, giới thiệu anh Quát với một người bạn Pháp đang làm Trưởng Công Trường Xây Dựng bên núi Nhỏ Vũng Tàu.

Tại đây, anh Quát được thâu nhận làm công nhân, rồi nhờ tiếng Pháp khá giỏi của anh, cộng với bản chất thông minh, cần mẫn, anh vừa làm vừa học nghề xây dựng. Anh Quát leo dần lên nấc thang nghề nghiệp, mấy năm sau anh trở thành nhà thầu khoán, mở đầu sự nghiệp tại Saigon, rồi lan ra khắp Đông Dương lúc đó là thuộc địa của Pháp. Đến năm 1942, anh Quát giờ là ông Triệu phú Nguyễn Đình Quát, dần dần là tỷ phú vào những năm đầu của nền Đệ I VNCH. Ông tham gia chính trường : 1/ Vào Quốc Hội, ông Nguyễn Đình Quát từng lãnh đạo Phái Đoàn Quốc Hội VNCH công du Anh Quốc, được Nữ Hoàng Anh tiếp đón trọng thể. 2/ Ứng cử chức vụ Tổng Thống VNCH ngày 9-4-1961 gồm 3 liên danh : Ngô Đình Diệm/Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Đình Quát/ Nguyễn Thành Phương, Hồ Nhựt Tân/ Nguyễn Thế Truyền.

Sau 30-4-1975, ông Quát bị VC bắt đi tù… “cải tạo” vì quá khứ tỷ phú và… “Ngụy quyền”. Ông từ chối sự bảo lãnh có điều kiện của các thân nhân ruột thịt đang là cán bộ cao cấp trong guồng máy nhà nước CS Hà Nội. Họ ra điều kiện ông phải viết bản “nhận có tội với nhân dân để xin cách mạng khoan hồng”! Ông thà vào tù, bỏ lại sản nghiệp, trong đó có một tòa nhà đồ sộ 27 phòng ở đường Trương Minh Giảng. Việt Cộng giam ông tại Khám Chí Hòa và vì ông bệnh (!?), nên chúng đưa ông đến Trạm Xá của Trại Suối Máu.

Vốn giầu có, ba bà vợ chăm sóc ông đầy đủ bằng mấy gánh đồ thăm nuôi. Các bạn tù tha hồ tiếp sức ông tiêu thụ những món ngon, bổ béo dành cho người tù gốc… tỷ phú.

Một hôm, anh em bỗng dưng nghe ông ngâm Truyện Kiều của Nguyễn Du từng đoạn này sang đoạn kia. Nghĩ rằng ông có trí nhớ rất tốt, anh em bày ra trò đọc thơ Kiều để thử tài. Một anh đọc một đoạn thơ Kiều tự chọn, ông liền đọc đoạn trước và đoạn sau, cứ như thế tới lượt anh em khác. Cuối cùng, anh em cũng vô cùng ngạc nhiên bái phục một nhà kinh doanh Tỷ phú như ông Nguyễn Đình Quát lại thuộc vanh vách toàn bộ Truyện Kiều gồm trên ba ngàn câu đến như thế !

Độ hai năm sau khi tôi về nhà thì nghe tin cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát đã từ trần tại Bịnh Viện Đồng Nai (Biên Hòa) do mắc chứng bệnh nặng gì đó từ Trạm Xá Suối Máu chuyển sang.

Một số ít anh em cựu tù Suối Máu biết cựu Tỷ phú Nguyễn Đình Quát và ngưỡng mộ ông, một kẻ sĩ thà vào tù chịu khổ và chết, cương quyết không ký tên cái gọi là “bản nhận tội” của VC áp đặt như là một điều kiện để được "khoan hồng"! Tự hào thay cựu tù Nguyễn Đình Quát giữ vững tiết tháo cho đến cuối đời mình.

Người H.O. Già

HÀ LOMG * ĐỨA EM TỘI NGHIỆP



Truyện Đứa Em Tội Nghiệp
hà long



Một buổi chiều đầu tháng năm, chị em chúng tôi đang ở nhà, ba má đi vắng, xe công an tới đậu ngay trước cổng, bao vây quanh nhà và lục soát rất kỹ đồ đạc trong các phòng. Chúng tịch thu một số bản thảo do ba tôi viết, phần nhiều là hồi ký và những suy nghĩ của ba tôi về cuộc đời tù đày, về triết lý chính trị, về chế độ bắt ông ngồi tù hơn bảy năm.

Chúng hỏi chị em chúng tôi về những người khách hay đến nhà, những người và những nơi ba tôi thường lui tới. Nghi là chúng có thể bắt ba tôi như vẫn thường xảy ra, Quỳnh nhanh chân chạy ra cầu Kinh, chờ ba má tôi về, báo cho biết và dặn ba má tôi đừng về nhà nữa.

Ba má ở lại nhà một bà thầy bói mà má tôi quen thân, gần chợ Thị Nghè. Chỉ có tôi là chị cả được lên thăm. Ba má tôi quyết định trốn đi, chỉ còn một cách là vượt biên theo đường dây của người hàng xóm vừa đi lọt hôm tết. Ba má tôi định đem theo cả hai đứa út nhưng tôi cản lại, chỉ cho một đứa. Cuối cùng thì bé Hí được đi còn bé Bi ở lại với chị em chúng tôi. Khoảng cuối tháng 6, Diễm, em gái tôi, ở Mỹ gọi điện thoại về báo cho biết là ba má đã tới Bidong. Chúng tôi quá mừng. Thế là ba tôi thoát khỏi tù tội cộng sản một lần thứ hai nữa. Nhưng bây giờ tất cả gánh nặng đổ lên đầu tôi vì tôi là chị cả.

Khi Diễm gọi về, chúng tôi được gọi ra Bưu Điện Saigon để chờ nghe điện thoại. Nghĩ lại mà tức cười. Tôi chỉ vừa nghe: “Allô! Diễm đây!” là Diễm khóc nức nở. Tôi vội vàng la to lên “Hà đây! Hà đây Diễm ơi!” Rồi tôi cũng khóc, cả mấy em tôi, đứa nào cũng giành lấy ống nghe, gọi tên và khóc. Chúng tôi chỉ nghe được có mấy tiếng “Ba má đến Bidong rồi”, thế thôi! còn lại toàn là khóc. Chị em chúng tôi xa nhau thế mà đã năm năm, vắng tiếng, vắng hình mà chị em chúng tôi thì thương nhau lắm, đứa nào vắng nhà một ngày thôi cũng đã nhớ đã thương, huống gì năm năm trời đằng đẵng.

Niềm vui gặp gỡ qua thật nhanh. Ở nhà vắng ba má, nhà vắng vẻ lạ lùng. Nhìn cái gì cũng nhớ ba má cả. Ngoài sân, trong nhà, sau bếp, trên lầu, chỗ nào cũng nhớ, cũng thấy có ba má. Ba má ngồi chỗ này, ba má ăn chỗ này, ba má nằm chỗ này, ba má ở chỗ này...Chỗ nào cũng thấy ba má. Nhớ ba má và nhớ Hí không tưởng được.

Ba ngày sau ngày đầu tiên, xe công an lại đến. Lần này không xét nhà nhưng chúng hỏi kỹ ba má đi đâu, đi bao giờ, đi bao lâu về. Chị em chúng tôi nói liều là về Huế thăm ngoại bệnh. Ngoại già lắm rồi, hơn 90 tuổi. Nói vậy cho có lý. Tháng đầu thì sợ, sợ ba má vượt biên bị bắt, nhưng nhờ ơn trên...

Tháng 6 tháng 7, xe công an đến liền liền. Chúng hỏi đi hỏi lại là ba má đi sao lâu về, hỏi địa chỉ của ngoại ở Huế. Tôi nói dối là ngoại ở quê, chúng tôi xa Huế từ hồi nhỏ xíu, không rõ. Nghe nói các bạn của ba như chú V. Chú S. đều bị bắt cả, chú T. thì bị đánh chết trong tù. Cuối cùng, công an biểu tôi về Trung gọi ba má vào, chúng dụ là chỉ hỏi chuyện ba má thôi. Tôi nói là chị cả, không đi được, bỏ em không ai coi sóc, tụi nó toàn là con gái. Công an bèn bắt thằng em trai tôi, Bảo Long, biểu ra ngoài Trung gọi ba má về. Chúng tôi cũng chẳng lo vì bây giờ biết ba má ở Bidong rồi.

Mấy hôm trước cô tôi xuống thăm, không nói gì, chỉ khóc. Cô tôi rất mau nước mắt và rất thương ba tôi. Cô tôi dặn là coi chừng tụi nó sẽ xét nhà, tịch thu nhà, có gì quý thì lo cất. Tôi và thằng em trai cạy miếng gạch bông trong phòng ăn, lấy mấy lượng vàng lận vào lưng. Sau lần bị đánh tư sản và sau bao nhiêu lần vượt biên bị bắt, bị gạt, của cải ba má cất giấu chỉ còn lại chừng đó. Nghĩ mà thương ba má quá, một đời vất vả dành dụm, bỗng tài sản đi như nước chảy.

Công an phường lại đến tìm thằng em trai tôi, buộc phải đi Trung tìm ba má về. Tôi sợ thằng em trai tôi dám bị bắt lắm. Công an bắt nó để ba má tôi trốn ở đâu đó phải về. Nhân dịp chú Sáu, chú Mười ở Cà-Mau lên thăm, hai ông là người tổ chức cho ba má tôi đi, tôi lại biểu thằng em tôi đi. Sau mấy lần ngần ngại, nó nghĩ là ba má đã đi rồi, trong nhà chỉ có nó là trai, còn lại toàn là chị em gái nên nó không muốn đi. Nhưng sau lần công an gọi nó qua phường, đe dọa, biểu phải khai rõ ba má trốn ở đâu, còn không thì sẽ quy cho nó tội ngoan cố, bao che phản động làm thằng bé sợ quá. Hôm sau, 3 giờ sáng, tôi đưa nó ra bến xe Miền Tây, cho nó về Cà Mau theo đường dây cũ của ba má mà đi vượt biên.

Tội nghiệp thằng nhỏ ở cả tháng dưới ruộng mới đi được. Nó mà chịu ở ruộng lâu như thế là nó sợ công an lắm chứ cậu ta vốn dĩ là con trai độc nhứt của gia đình có tới sáu chị em gái, đẹp trai, con nhà giàu, cả nhà ai cũng cưng, ăn diện dữ lắm, chưa bao giờ phải khổ cả. Cũng tội nghiệp cho nó nữa: Ghe nó tấp vào đảo Redang, nghe nói chỉ cách Bidong có một hòn đảo vậy mà nó bị kéo ra khơi. Nó phá ghe để vào đất liền, lại bị kéo ra. Nó xin người ta cho nó vào Bidong, bập bẹ mấy tiếng Anh “My parents are on Bidong, let me come there” nhưng cũng bị đẩy ra. Ba lần như thế, nó cố đến với ba má mà không đến được. Cuối cùng nó bị đẩy qua Indo. Bây giờ thì nó thui thủi một mình ở trại tỵ nạn Galang.

Công an thấy vắng luôn thằng nhỏ, lại truy riết tới. Ngày nào công an phường cũng gọi tôi lên hạch hỏi, lấy cung, bắt làm tờ khai, kiểm điểm. Những thằng công an này thường đến uống cà-phê nơi quán tôi, để xã giao, tôi không tính tiền. Vậy mà bây giờ chúng làm mặt lạ. Tính tôi đã lì, lại ỷ mình là đàn bà con gái, tôi lại lì hơn. Ngày nào tôi cũng làm kiểm điểm giống ngày nào. Công an tức lắm. Vả lại, tôi cũng muốn chọc tức mấy thằng này. Ba má và Bảo đi rồi, còn lại năm chị em gái, chúng nó làm gì được? Chúng dọa tịch thu nhà vì nhà má tôi đứng tên. Tôi dọa lại tôi sẽ dẫn các em ra trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố khiếu nại. Chúng nó thách. Dù sao thì án chưa xử, chưa tịch thu nhà được, nhưng nếu khi xử, dù xử khiếm diện ba má, chúng cũng sẽ lấy nhà vì luật lệ ở trong tay chúng. Chúng viện cớ quán cà-phê má tôi đứng tên, tịch thu môn bài, đóng cửa. Thật xui, quán mở chưa được mười hôm thì ba má trốn đi. Nhưng chị em tôi cũng chưa đói. Bảo đi ngay gốc nên tốn chỉ hơn một cây, còn Diễm ở Mỹ, nghe chị em tôi ở nhà loe ngoe với nhau, gởi tiếp mấy thùng quà, đủ tiêu chán. Có điều chị em chúng tôi buồn lắm. Bỗng dưng gia đình ly tán, ba má một nơi, chị em mỗi đứa một nơi. Chúng tôi không tổ chức party mỗi kỳ sinh nhật nữa. Mấy năm sau khi ba ở tù về, ba má cho mở party nhảy đầm. Ba má nói “Để cho các con được vui!” Ba má chỉ cấm không được làm ồn ào quá lắm, công an lưu ý, còn ba má thì bắc ghế giả bộ ngồi chơi trước cổng, canh chừng công an để “các con được vui!”

*********
Tình hình thế này thì chị em chúng tôi cũng phải đi thôi, không thể ở được nữa. Chúng nó ghim nhà tôi kinh quá, “bao vây kinh tế” kỷ quá. Không cho bán cà phê là chị em chúng tôi ngồi không tối ngày. Công an cứ gọi tôi hoài, cảnh cáo là đi xa phải xin phép. “Không thì khó khăn đấy.” Đó là lời chúng đe dọa.

Chú Sáu, chú Mười lại lên. Sợ công an, tôi gởi họ bên nhà cậu mợ, bàn với họ cách cho chị em chúng tôi đi. Bi nhỏ không kể, bây giờ còn bốn chị em, không đủ tiền ghe tàu cho tất cả. Tuy nhiên, nếu đưa vàng trước cho chủ ghe tổ chức thì đủ, nhưng nếu không đi được thì coi như mất vàng. Tôi suy đi tính lại thật kỹ: Ba má đi đường này, Bảo cũng đi đường này, an toàn. Chú Sáu và chú Mười thật thà, đáng tin. Chỉ sợ gặp xui. Dù gì thì cũng phải liều thôi, như câu bà nội hay nói đùa mà nay thành ra thật: “Một liều ba bảy cũng liều, cầm như con trẻ chơi diều đứt dây.” Diều đứt dây là coi như... không dám nghĩ tiếp. Chị em chúng tôi tới đường cùng rồi, đi thì may ra thoát còn không đi thì coi như chết cứng ở đây.

Từ khi ba má đi rồi, Bi tội lắm. Nó không chơi với trẻ con hàng xóm nữa, chỉ chơi một mình. Đang ngồi, tự nhiên nó thừ ra, mắt nhìn vào đâu đâu, rồi Bi khóc. Hỏi, Bi nói: “Bi nhớ ba má và Hí lắm.”

Đúng ra Tân Long là út. Tân sinh năm 1972. Mười hai năm sau, khi ba tôi đi ở tù về, vừa đúng 49 tuổi. Má nói đàn ông 49 tuổi xui lắm, nếu má sinh một đứa nữa thì sẽ xả xui cho ba. Vì vậy, năm đó, để xả xui cho ba, má tôi sinh liền hai đứa. Cả nhà, và cả bà con nữa, ai cũng cười. Hai đứa nhỏ này cách chị nó, đứa áp út những 12 năm, trong khi chị em chúng tôi cách nhau đều đều chỉ có 2 năm.

Hai đứa bé sinh đôi, lớn lên, ăn, chơi, ngủ với nhau nên thương nhau lắm. Vậy mà bây giờ Hí thì đã đi, chỉ còn lại thui thủi một mình Bi. Nó rất người lớn, không nhỏng nhẻo như trước, mỗi ngày đôi ba lần nó thờ thẫn nhìn đâu đâu, nghĩ đâu đâu, rồi khóc, cũng khóc một mình, không quấy rầy các chị. Tôi nghiệp, nó không còn cái vui hồn nhiên của trẻ thơ nữa. Năm tuổi đầu, Bi đã biết buồn đau vì những ly tán, xa cách, nhớ nhung và âm thầm chịu đựng. Bi không còn bắt chước các chị gọi đùa tôi là “Hà che (ke)” nữa (vì tôi gầy lắm), không gọi “Bảo sún” (vì Bảo sún răng). Bi gọi đúng tên, nghiêm chỉnh. Nó mất đi cái tính vui vẻ, đùa nghịch. Có khi nghe một bài hát quen, nó bỗng gọi tôi: “Hí biết hát bài này, nó có hát đấy”. Tôi nhớ hai đứa nhỏ rất thích bài Ali Baba. Mỗi khi quán cà phê mở bản nhạc nầy ra, tôi thấy Bi thờ thẫn, nhớ nhung. Nó thường nhớ những kỷ niệm khi hai đứa nhỏ sống với nhau. Bi chỉ còn một thú vui duy nhất, chơi trò chơi điện tử. Đôi khi đưa Bi đi chợ, qua chỗ có trò chơi điện tử, nó nằng nặc xin hai trăm đồng để vào chơi. Tôi đứng ngoài chờ. Nhìn cái lưng nhỏ bé của nó đang ngồi chung với đám con trai trên dưới hai mươi tuổi mà tức cười. Vậy mà chơi lúc nào nó cũng ăn. Mấy đứa trong phường mỗi lần thấy Bi, nói với nhau: “Con bé đó, nhỏ vậy mà chơi điện tử hay vô cùng”. Bi giống chị em chúng tôi, đứa nào cũng thông minh.

Mấy đêm trú nơi cửa biển chờ vượt biên, nó đã khôn lại khéo. Nó bảo là đi gặp ba má phải mặc quần áo đẹp cho ba má thương, lại còn chuẩn bị đem quần áo sang cho Hí. Nó nói là gặp Hí sẽ không gọi “mày tao” nữa, gọi là em Hí, xưng là chị Bi, để khỏi bị người ta mắng là “mất dạy”. Buổi chiều hôm trước khi ra biển, tôi nhờ bà chủ nhà mua cua về luộc ăn. Đòi ăn cái càng cua, Bi nói: “Đưa cái miệng cua cho Bi” khiến mấy chị em tôi cười. Đêm ra đi, Bi tắm rửa, soi gương, chải tóc, lấy ráy tai, thay quần áo đẹp. Bi chuẩn bị đi thăm ba má kỹ đến thế.

Khi xuống ghe, ghe có mui, Vũ Long bồng Bi ngồi trong cùng. Chúng tôi ngồi ở ngoài. Vì vậy, khi ghe lật, Vũ và Bi kẹt trong mui, không văng ra khỏi ghe như mấy chị em. Mọi người bám vào ghe. Tôi đứng trên lưng ghe, lạy lục, van xin, người ta chui vào ghe cứu các em tôi. Quỳnh, Tân lên được trên lưng ghe, còn tỉnh. Khi lôi được Vũ ra ngoài thì nó bất tỉnh rồi, bụng đã phình lên vì uống nhiều nước. Vì bất tỉnh nên Vũ không giữ được Bi, Bi chết trong tay Vũ.

*********
Người ta vớt mấy chị em chúng tôi đưa lên ghe lớn. Vũ được hút nước, làm hô hấp nhân tạo, cả tiếng đồng hồ sau mới tỉnh lại. Mấy chị em ôm nhau mà khóc sướt mướt, thương Bi quá, và thương thân nữa. Thương Bi nhiều nhất. Vượt biên dễ sợ quá, kinh hoàng quá, ghê gớm quá! Chúng tôi ở trên ghe chờ suốt đêm hôm đó, qua hết ngày hôm sau để người ta tìm xác Bi. Nếu tìm được, tôi sẽ nhờ chủ tàu đem Bi về chôn, chúng tôi tiếp tục đi. Đến Bidong không có Bi biết ăn nói với ba má ra làm sao?! Nếu không tìm được xác Bi, chúng tôi sẽ quay về, cố tìm xác em để chôn em vào đất cho được ấm áp. Tội nghiệp cho đứa em bé nhỏ của tôi, âm thầm chịu đau đớn vì ly tán, vì thương nhớ, âm thầm đi vào cõi chết, không một tiếng khóc đau đớn, không một tiếng than cho số mệnh, không một lời nhỏng nhẻo, một cái chào tay giã từ, nhớ lời Vũ Long nói, Bi chỉ kêu lên mấy tiếng “Ba ơi, má ơi” trước khi nước tràn vào ngập cả mui ghe.

Chiều hôm đó, không tìm được xác Bi, người chủ tàu đem ghe ra đón mấy chị em chúng tôi về. Ngày ra đi vui tươi, hy vọng bao nhiêu thì ngày về buồn bã và đau đớn bấy nhiêu! Năm chi em gái đã thiếu một đứa nhỏ nhất, bé bỏng nhất, dễ thương nhất.

Ba giờ sáng, người chủ ghe đón tàu đò cho chúng tôi về Cà-Mau. Chúng tôi sẽ ở lại đó chờ tìm xác Bi, chôn cất xong, chúng tôi mới về Saigon. Nhà chắc không còn. Chúng tôi khóa nhà đi đã hơn mười ngày. Công an đang “ghim” nhà tôi, thấy vắng, chắc chúng sẽ niêm phong. Nhà không còn, tiền bạc cũng không còn, chúng tôi sống bằng gì bây giờ. Nhưng vì thương em, thế nào chúng tôi cũng phải về.

Người ta bọc xác Bi trong một cái áo mưa nylon, đóng vội cái quan tài bằng sáu miếng ván thuyền, chôn ở một khu rừng nào đó, tại một cửa sông nào đó... Bi nhỏ bé của tôi, Bi dễ thương của tôi, Bi “sinh sau đẻ muộn”, Bi đến muộn màng trong gia đình mấy chị em chúng tôi, Bi ra đi vội vàng trong gia đình mấy chị em chúng tôi, và rồi Bi đã nằm lại đó, ở một cửa sông, giữa một khu rừng đước hoang dại, cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo. Ôi, Bi yêu dấu; tội nghiệp cho Bi của tôi biết bao nhiêu!

Sáu tháng sau, tôi nhắn người chủ tàu lên, đưa tôi về bốc mộ cho em. Ngày đi, có Vũ Long đi theo, phòng khi tôi bị ngất xỉu vì đau đớn. Tôi về ở lại nhà người chủ tàu. Bốn giờ sáng, tôi, Vũ Long, người chủ tàu và hai người làm công chèo thuyền ra cửa sông. Tôi ngồi trên ghe, nghĩ đến đứa em bé nhỏ tội nghiệp mà nước mắt cứ tuôn ra ròng ròng. Tôi thấy Vũ Long cũng lau nước mắt. Hai chị em âm thầm khóc. Gần tới cửa sông, ghe rẻ vào một con rạch. Đi càng xa, rạch càng nhỏ dần, hai bên là rừng hoang. Sợ công an, người ta đã đưa em tôi vào đây, chôn giấu một cách lén lút, vội vàng. Ngôi mộ được đánh dấu bằng hai cọc cây: Một cao đằng đầu, một thấp đằng chân. Đầu em tôi quay về hướng nam, hướng đảo Bidong, nơi ba má tôi đang sống trong trại tỵ nạn. Không biết vô tình hay cố ý, người ta đã chôn em tôi hướng về phía ba má tôi. Đất mềm và ướt, chỉ cuốc một chốc, tiếng cuốc đụng nhẹ vào nắp hòm một tiếng cộp nhẹ, tiếng dội nhẹ đập thẳng vào tim tôi. Tôi kêu lên hai tiếng “Bi ơi” và khóc nức nở. Vũ cũng khóc. Tôi cố chồm tới để cố nhìn vào quan tài nhưng người chủ ghe giữ tôi lại, bảo tôi khóc nhỏ, sợ công an, du kích nghe thấy, tìm tới thì bị bắt cả đám. Một lúc sau, quan tài được đưa lên mặt đất, ván còn nguyên, chưa mục. Tôi lại nhoài người tới để xem em tôi nằm trong hòm nhưng người ta lại không cho. Tôi ngoan ngoãn ngồi yên. Tôi nghĩ tới nỗi đau đớn khi nắp hòm cạy ra và Bi nằm yên lặng trong đó. Tôi nhắm mắt và cố nghĩ tới ba má. Nghĩ tới ba má sẽ vơi đi những nỗi khổ đau...

*********
Ba má ơi! Nếu con đưa được em về thì coi như con đã làm tròn phần nào bổn phận đối với ba má. Con tưởng là con đem em đi cho ba má được gặp em, cho ba má đỡ nhớ, đỡ thương, cho ba má được gần gũi đứa con “ănsau chạy dọi” bé nhỏ tội nghiệp mà ba má thương lắm, cho hai chị em sinh sau muộn màng được gặp nhau, được ăn uống vui đùa cùng nhau. Ngờ đâu hôm nay con lại đưa em về, cũng lén lút như khi đưa em đi. Người ta đang sắp những lóng xương, đốt xương nhỏ bé tội nghiệp của Bi vào cái rương thiếc con đã mua sẵn. Khuôn mặt dễ thương ấy, bàn tay bàn chân nhỏ nhắn ấy, giờ đây chỉ còn lại những cái xương vô tình, còn đâu da dẻ hồng hào trắng muốt của em.

Ba má kính yêu,

Hí phiêu bạt của chị Hà,

Con đã lén lút đưa em về, và lại một lần nữa lén lút đem chôn em bên mộ bà nội. Con đã khấn trước mộ: “Nội ơi! Bây giờ ba má đi xa mà em thì côi cút. Con đưa em về ở với nội, gởi cho nội gần gũi hôm sớm để nội chăm sóc cho em, để em vui đùa với nội. Tối tối, nội sẽ hiện lên ngồi trên mộ, em sẽ bắt chí cho nội như mẹ con Cúc Hoa ngày xưa. Đến khi gà gáy sáng, em và nội sẽ về lại cõi âm. Có lẽ em sẽ hỏi bao giờ thì ba má về thăm nội, thăm em. Nội cứ liệu mà trả lời cho em khỏi buồn!”

Sau khi chúng con về, nhà đã bị tịch thu nên chị em chúng con không về nhà cũ nữa. Nhà không còn mà chị em cũng không muốn trở về lại căn nhà dấu yêu và quá nhiều kỷ niệm ấy! Để sống, chúng con phải chạy trốn kỷ niệm. Ba má tha lỗi cho chúng con.

Tết vừa qua, chỉ có bốn chị em chúng con ở với nhau, nhớ ba má, nhớ Hí, nhớ Bảo, nhớ Diễm vô cùng. Nhiều đêm bốn chị em nằm ôm nhau mà khóc. Con khóc ít nhất vì con là chị cả, nhưng con cũng ngủ sau cùng khi các em khóc nhiều, mệt và ngủ thiếp đi, cũng vì con là chị cả.

*********
Một năm sau ngày ba má đi, nhiều sóng gió quá mà chị em chúng con thì cô quạnh quá. Ba bị ở tù Cọng Sản 7 năm, vắng ba còn có má. Bây giờ thì vắng cả ba lẫn má.

Một năm qua, một năm kinh hoàng, đau khổ và cô đơn. Kinh hoàng, con không sợ vì chị em chúng con sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, đã quá quen với bao nỗi kinh hoàng. Kinh hoàng vì năm ngàn người bị giết ở Huế hồi tết Mậu Thân, lúc gia đình mình còn ở ngoài ấy, con mới 5 tuổi; kinh hoàng vì ngày 30 tháng Tư, con mới mười ba tuổi. Đau khổ, con cũng không sợ, vì con chấp nhận triết lý Phật giáo, “Đời là bể khổ”, nhưng chị em chúng con rất sợ cô đơn. Xa ba má, chúng con rất cô đơn. Tất cả chị em chúng con đều sợ cô đơn. Ba má nhớ thư Diễm viết về khi nó ở Bidong năm 1984 không: “Tối qua, lúc ba giờ, giật mình thức dậy, cảm thấy bơ vơ và nhận thấy một cách rõ rệt và đau đớn rằng giờ ba má đã xa rồi, các em đã xa lắm rồi. Mai đây và dài lâu nữa, con một mình sống cuộc đời của kẻ tha hương, biết bao giờ con mới gặp lại ba má và các em... “

Giờ thì “ba má đã xa lắm rồi!”, đang lạc loài nơi đất khách, lưu đày nơi xứ lạ, sống đời vong quốc. Bốn chị em chúng con ở đây, ngay trên quê hương mình, cũng đang chịu kiếp lưu đày. Lưu đày ngay chính trên quê hương mình, đó là câu của Saint Exupery mà ba thường nói khi còn ở nhà. Bây giờ mấy chị em sống côi cút với nhau lại càng thấm thía lời ba nói, đau xót cho ai bị lưu đày ngay chính trên quê hương mình.

Hôn ba má và Hí ngàn vạn cái.

Hà Long
(Bidong, năm 1990, tuệ chương viết lại theo thư của con)

Thursday, January 15, 2015


THANH TÂM TUYỀN * DỌC ĐƯỜNG

Dọc đường

Posted: 13/01/2015 in Thanh Tâm Tuyền, Truyện Ngắn
Thanh Tâm Tuyền


quan_ben_duong

Ba người đàn ông ngồi quây xung quanh cái bàn gỗ tròn trong quán và cùng hướng về phía quốc lộ chạy mất hút vào trong rừng cao su ở hai bên. Quán bằng lá nằm cuối dãy phố mươi lăm chiếc nhà, sát cạnh con đường đất xe hơi có thể vào, ngăn phố với rừng cao su. Đầu trên dãy phố là đồn dân vệ rào ba lần thép gai trên treo lủng lẳng những ống lon rỉ. Người đàn ông ngồi ngoài cùng kế cây cột chống, mặc áo lá và quần xà lỏn, một chân co lên mặt ghế, tay bưng ly cà phê uống từ hớp nhỏ. Người đàn ông liền bên vận quần áo kaki sờn rách, đầu đội nón bẻ vành, chân đi giày không vớ, cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn. Người ngồi tách riêng một phía già hơn hết, tóc tiêu muối, vận quần lãnh đen bám bụi đỏ, áo túi trắng ngả màu, trước một ly cà phê sữa.

“Có lẽ tụi nó về hết rồi”. Ông già nói.
“Còn mà. Ít nhất còn cái 601 chưa về”.
“Vậy ai chơi nổi với mày nữa. Mày thuộc hết số xe còn gì? Thằng này điếm quá”.
“Ờ… tôi nhớ nhưng biết cái nào tới trước cái nào tới sau?”
Người vận quần áo kaki đỏ mặt cãi với ông già. Người vận áo lá quần xà lỏn nói:
“Ăn chung gì. Giờ mình chơi hết các thứ xe đi”.
“Đâu có được mày. Mắt tao nhìn không rõ. Xe ben chạy cà rề cà rề tao còn ngó thấy. Chớ bọn xe đò, xe nhà chạy giờ này nó chạy trối chết làm sao tao trông kịp”.
“Ai ăn lận tía mà tía sợ”.
Ông già lắc đầu:
“Tao không chơi nữa”.
Bà chủ quán mập bự, ngồi phía trong, nửa dòm vô trong nhà, nửa dòm ra trước, hỏi giọng khan như bị cúm:
“Nãy giờ cha nào ăn?”
“Huề. Không ai ăn thua hết”. Người đàn ông đội nón phân trần. Ông già xỏ dép, đứng lên thọc hai tay vô túi áo, móc tiền:
“Nè, trả tiền ly cà phê. Tao về cho sớm. Tối nay thế nào cũng có hành quân”.
Ông đặt mấy đồng bạc cắc lên bàn, bỏ ra theo phía hông quán, bước ngay xuống con đường đất đi sang phía rừng cao su, vòng vào một gốc cây ngoài bìa đứng tiểu. Tiếng nước chảy mạnh soi vào thân cây, người đội nón nghiêng đầu ngó là to:
“Ông già gân dữ quá ta”.
Người ngồi ngoài cũng chợt vểnh tai nghe ngóng. Tiếng ầm ì ở tít xa.
“Còn tao với mày hả?”
“Đâu có ngán”.
“Bài cào hay sóc đĩa?”
“Thứ nào cũng được. Cho mày lựa”.
Người vận áo lá vừa nhíu mày suy nghĩ vừa lắng nghe tiếng động. Khuôn mặt dài ốm nhăn nhó. Người đội nón dở chiếc nón xuống nghĩ dò xét kín đáo hơn, cặp mắt mơ màng nhìn vào những lối cao su thẳng tối. Ông già từ sau gốc cây bước ra đường cũng ngửa cổ nghe.
“Đậu cái này rồi về tía”. Người đội nón gạ gẫm.
“Tụi bay tuột dù hết rồi. Máy trực thăng đó”.
Hai người đàn ông còn ngồi trong quán ngó nhau. Người đàn bà cũng nói:
“Trực thăng thiệt”.
Vài phút sau, tiếng động cơ nổi rõ, tới gần. Chiếc trực thăng, bay sà thấp ngang qua quán, sang phía rừng cao su bên kia lộ, quần vài vòng lớn rồi trở lại hướng cũ. Ông già nhìn theo, cười khoái trá biểu: “Tao biểu mà”. Rồi ông bước đi. Con đường đất chạy men bìa rừng cao su dẫn tới một xóm lá lơ thơ. Buổi chiều vàng rực ở phía sau đồn dân vệ, nhưng phía rừng cao su xanh thẫm. Xuyên qua những gốc cây thẳng tắp đến cả hai cây số là một chút chói sáng của quãng lộ quẹo như rớt xuống ngang tầm đất. Hai người dân vệ từ trong lối xóm trở ra, chân mang giày bó túm ống quần bám sình và bụi đất; một người đeo súng hai tay bưng trên miệng nút vào chiếc lá tre non kêu chít chít từng hồi như tiếng chim, một người quàng hai tay trên hai đầu súng đặt ngang cần cổ ngó phía trước, cả hai đều mặc đồ đen đội những chiếc nón vải đen có lưỡi. Họ rẽ vào quán, dựng súng vô vách, ngồi vào chiếc bàn gỗ còn dư trống. Một người kêu người đàn ông vận áo lá:
“Còn nước đá không?”
Người sau này vẫn ngồi nguyên thế co chân, chỉ xoay nửa thân trên hỏi lại người đàn bà:
“Còn nước đá không mày?”
“Để coi. Chắc còn…”
Người đàn bà vác tấm thân nặng, lê bước vô sau bếp, lục cục tìm kiếm và hỏi ra ngoài:
“Mấy chú uống gì?”
“La de”.
Người dân vệ vẫn bưng tay lên miệng hút kêu những tiếng chít chít, trong khi người bạn ngó lên tấm vách trong có cái giá bầy các chai nước hơi màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu trắng, màu nâu, xếp dài theo tấm vách ván ám khói đen. Chỉ còn hai chai la de trên giá. Người đàn ông vận áo lá, chủ quán, nhăn mặt ngó chỗ khác vì tiếng nút kêu của người dân vệ. Người đàn ông đội nón liệng chiếc muỗng xuống bàn kêu lên:
“Cha. Lâu thấy mẹ”.
Người đàn bà mang hai cái ly đá chặt cục bự nhô khỏi miệng ly đặt trước mặt hai dân vệ, rồi lại ì ạch quay trở vô giá lấy nước. Mụ dùng răng cắn mở nút chai xong rồi cất tiếng hít hà, đưa cánh tay áo quẹt ngang mồm. Ly của người dân vệ tràn bọt sủi tròn xuống bàn. Anh ta buông tay, chiếc lá tre xanh nõn ép dính dọc theo ngón tay bên phải. Anh thủng thẳng lột chiếc lá liệng vào vũng nước trên bàn. Người bạn hỏi:
“Uống lẹ đi mày. Bọn chúng đi qua thấy về lại cằn nhằn”.
Người đàn ông đội nón bỏ ghế ra ngoài hè đứng ngó mông hai đầu đường vắng ngắt như tờ. Đằng chân trời trước mặt, tiếng phi cơ ầm ỳ rồi tắt lặng không thấy dáng. Cách quán hai ba nhà là tiệm sửa xe máy. Một người thợ liu hịu làm việc với chiếc xe máy lật chổng bánh lên trời. Người đội nón quay vô biểu:
“Tối nay về Biên Hòa ngủ. Còn cái sáu lẻ một mà”.
“Ờ, để coi”.
Hai người dân vệ uống cạn ly đứng lên sửa lại quần áo, đội mũ đeo súng, trả tiền sửa soạn bước ra khỏi quán. Người đàn bà vừa nhét tiền vô túi vừa nói với chồng:
“Có đi Biên Hòa coi chừng giùm tôi đó”.
Hai người dân vệ đi ra khỏi quán, tiến về phía đồn, dáng đi nghiêm chỉnh hơn. Người nút lá tre đi trước cách bạn chừng hai ba thước, cả hai đều quay dòm vô các mặt phố. Có tiếng gọi trong rào kẽm gai ở đồng và họ cất bước chạy lúp xúp. Trong quán người đàn bà nói, trong khi người chồng mở hộc tủ của cái bàn trên bày mấy ve bánh kẹo, chai tôm khô củ kiệu chỉ còn thấy nước đục vàng, kê bên dưới giá xếp nước, lấy tiền. Trên đầu người đàn ông treo tòn ten vào móc sắt hai nải chuối già và chuối sứ:
“Mấy cha chỉ bày chuyện đi chơi không à?”
Người đàn ông đi tới chiếc ghế bố đặt bên vách, nơi người vợ ngồi để vừa ngó phía sau phía trước, lượm áo sơ mi khoác lên thân, nói:
“Mầy không thấy trực thăng quần nãy giờ sao. Bộ mày muốn tao chết…”
“Còn tôi dễ không chết hả. Cứ đi hoài tiền đâu chịu cho thấu”.
“Tao là đàn ông mày nghe chưa? Ở nhà để lỡ như lần trước chúng vô bắt kéo thây về rừng cho chúng. Một mình tao phải kéo bốn cái thây mày nhớ không, cả đêm cả ngày tới chừng về phát đau còn bị người ta kêu lên kêu xuống hỏi hoài… Đ.m. thứ đồ đàn bà ngu!”
Người vợ kéo quần tới bắp vế gãi, mặt mụ đờ đẫn không còn phản ứng. Người đội nón trở vô quán nói tiếp:
“Máy bay quần là có chuyện mà…”
Người đàn ông chủ quán tỏ vẻ khinh bỉ vợ, bỏ vô sau rửa mặt, rửa chân, rồi thủng thẳng trở ra xỏ quần. Hai người đàn ông ra đứng trước quán. Trong rừng cao su nghe tiếng còi xe nhấn inh ỏi, hai ba chiếc xe đò đua nhau chạy tới. Dẫn đầu là một chiếc “bờ dô” mũi khoằm theo sau là hai xe cá. Chiếc “bờ dô” thắng ngay trước quán, hai chiếc xe cá vượt đi luôn. Người đàn ông chủ quán quay vô biểu vợ:
“Tao đi nghe mày”.
Người vợ nặng nề bước ra, dặn dò:
“Mai sáng về ghé chợ mua đồ về nghe”.
Người đàn ông mới dớm đặt chân lên thang phía sau xe, đợi bạn chui vô khoang nói:
“Đ.m. Nhớ mà”.
Người lơ chạy vô quán nói: “Xin miếng nước chị Hai”. Không đợi trả lời, thót vô sau nhà. Người tài xế nhấn còi thúc hối, ló đầu ra ngoài:
“Tính ngủ trong đó sao mày?”
Người lơ xe chạy ra mặt còn nhẫy nước, nhảy bám vào đuôi xe la lên:
“Rồi, chạy đi”.
***
Chiếc xe từ từ ngừng trước đồn dân vệ. Người lính gác trong chòi canh bắc loa tay kêu đuổi: “Tới trong kia đậu”. Chiếc xe chuyển bánh đi qua hết đoạn đường rào kẽm gai đậu trước quán hớt tóc. Người lơ nhảy xuống đất kêu vô trong:
“Xuống lẹ lên cha nội”.
Một người đàn ông tay ôm bọc giấy dầu, lom khom bước xuống. Tới đất, người đàn ông muốn trở lên, nói:
“Không phải đây…”
Người lơ đã bước lên bực gỗ đưa tay cản ngang:
“Vậy tía quên hay tía lầm đường rồi. Tía ráng đợi đây đón xe mà về. Chớ tôi cứ ngừng hoài đợi tía kiếm nhà tới đêm tụi tôi mới về tới nhà. Cô bác kêu quá trời”.
“Cho tôi đi khúc nữa”.
“Tía hết tiền rồi. Rồi, chạy đi”.
Chiếc xe rồ ga chạy vọt thẳng vào phía rừng cao su sẫm lạnh. Người đàn ông đứng lại bên đường ngơ ngác. Hắn vận đồ bà ba đen, chân đi săng đan, tóc cắt ngắn, mặt mũi gồ ghề xanh xao. Hắn ngửa mặt nhìn lên trời trông chiếc trực thăng từ phía rừng cao su bay tới. Tiếng nổ ù tai, cánh quạt bay cuốn bụi đất mù một khoảng; cỏ cây ngả rạp. Người lớn, con nít túa ra khỏi nhà ngắm coi, bọn con nít chạy băng ngang lộ tới đứng bên bãi cỏ, tiếng người kêu gọi bị gió và tiếng động cơ quạt bay tung mất hút. Chiếc trực thăng đáp xuống nhưng không tắt máy, nó đậu vài phút rồi lại từ từ cất lên và bay về hướng đồn dân vệ tránh xa quốc lộ. 
Trẻ con và người lớn còn đứng lại ngắm và bàn tán. Một vài người nhìn thấy người đàn ông vận bà ba đen ôm bọc giấy dầu đứng trước quán hớt tóc. Quán hớt tóc là một bức vách gỗ thùng sữa và hai cây cột ngoài, ba mặt bỏ trống. Trong quán không có người, thợ đã nghỉ, nhưng vẫn còn một chiếc ghế ngồi trước một tấm gương đóng chặt lên vách dưới tấm gương là một cái hộc gỗ buộc treo bằng dây kẽm, không có một vật dụng nào để trên. Người đàn ông ngó thấy mặt mình trong gương, con lộ, bãi cỏ, mộ đất cao xa mờ; hắn ngoảnh mặt bước tới quay lưng lại đồn dân vệ hướng về phía rừng cao su. Kế bên quán hớt tóc là một tiệm chạp phô của người Tàu tới một căn nhà ở đóng cửa, trên các cửa đóng dán những bích chương và khẩu hiệu tuyên truyền tới một tiệm trữ Âu dược, một tấm bảng gỗ treo ngang đong đưa với dấu thập đỏ. 
Qua khỏi tiệm trữ Âu dược là một nền nhà đổ rồi một khoảng đất vuông cao hơn mặt đồng trồng rau muống, làm chỗ họp chợ. Trên nền đất có vết cháy đen loang, cỏ vàng úa không mọc được. Sát chợ là nhà việc, mái thủng, tường lỗ chỗ vết đạn, các cửa sổ bể gãy, tấm bảng treo rớt chỉ còn một đầu dính trên tường, nhìn vào trong gạch ngói bừa bãi chưa thu dọn.
 Nhà kế bên nhà việc cũng bị sập mái trước. Khỏi gian nhà gỗ, dãy phố nguyên vẹn. Người đàn ông đi qua một tiệm một người con gái Tàu ngồi đọc báo sau quầy hàng; một tiệm bán sách vở và tạp hóa; một lớp học với mươi bộ bàn ghế và tấm bảng đen; tiệm sửa xe máy với người thợ đang lui hui sửa ngoài hè. Người đàn ông ôm gói đứng lại nhìn người thợ làm việc. Anh này chợt ngửng lên toe miệng cười với người đàn ông nhưng nụ cười tắt ngay tức thời. Anh thợ ngừng hẳn tay ngắm nghía người lạ. Người đàn ông cố gắng cười, gượng gạo hỏi:
“Giờ này xe còn trở xuống không anh Hai?”
“Có lẽ hết”.
Nói xong, người thợ tiếp tục làm việc, bỏ mặc người lạ đứng ngẩn ngơ nhìn xuống. Một hồi im lặng người đàn ông nói:
“Cám ơn anh Hai”.
Người thợ không đáp, cũng không ngó lên. Và người đàn ông lại bước đi. Kế tiệm sửa xe là tiệm chạp phô của người di cư. Người đàn bà quần áo nâu răng đen, vấn khăn, mắt hấp háy đứng bên mấy bó củi và tĩn nước mắm ngó người lạ mặt chằm chằm. Người đàn ông ngó mông sang rừng cao su bên kia lộ. Hắn đi qua hai căn nhà nữa. Trước mặt căn nhà đóng cửa, đặt một cái lu nhỏ đậy nắp gỗ và một cái ca nhôm trên tường. Người đàn ông tiến lại bên cái lu, đặt gói giấy xuống hè, mở nắp lấy cái ca múc nước trong lu uống ừng ực. Uống xong hắn lại múc thêm một ca đầy đứng xích ra gần lộ để vào tay rửa mặt và cổ. Nước trà màu nâu đen. Lấy khăn trong túi áo lau khô mặt, hắn đậy nắp lu, mang ca trở lại chỗ cũ, ôm gói đồ đi tới chỗ tận cùng dãy phố là con đường đất đỏ vắng hoe ngăn cái quán và rừng cao su.
 Hắn đứng ở đầu đường đất ngó mông vào xóm, nhìn con lộ chảy ẩn giữa hai hàng cao su tối. Hắn bước vào quán ngồi bàn phía ngoài, đặt gói đồ lên một cái ghế. Người đàn bà mập từ sau bếp bước ra nói:
“Hết trơn nước đá rồi. Cà phê cũng hết…”
“Thím cho ngồi nghỉ đỡ đón xe”.
Người đàn bà ngó khách từ đầu tới chân. Trong rừng cao su tiếng ve bỗng kêu từ xa lan tới gần. Người đàn ông ngó quanh khắp quán hỏi:
“Thím có bán cơm không?”
“Không, không có cơm”.
Người đàn bà bỏ vô sau nhà. Người đàn ông ngồi thẳng lưng, mó máy lật cái dây thun buộc gói giấy dầu. Hắn móc trong một túi áo lấy ra một xấp giấy gói kỹ kiểm lại và đếm những tờ giấy bạc. Mấy tờ giấy năm đồng, mười đồng. Người đàn bà trở ra hỏi:
“Không có xe hả?”
“Không có. Sợ hết”.
Người đàn bà bỗng lắng nghe bảo:
“Có xe be tới đó”.
Người đàn ông vội ôm gói đồ chạy ra lề đường. Hai chiếc xe be kềnh càng rần rần từ trong rừng cao su, xe chạy chậm. Người đàn ông đưa tay lên cao vẫy kêu: “Cho quá giang…” Hai người tài xế đưa tay vẫy chào và xe vẫn chạy.
Người đàn ông thất vọng lầm lũi trở vô quán. Từ một trại binh xa lắc vọng lại tiếng kèn chào cờ buổi chiều. Ve kêu rộn hơn. Người đàn bà hỏi:
“Chú ở đâu tới?”
“Tôi kiếm thằng em của tôi làm đồn điền cao su. Có lẽ tôi đi lộn xe, mấy năm trước tôi có lên một lần nhưng không nhớ rõ. Tôi nhớ khu nó ở gần lộ”.
“Ôi, đồn điền cao su biết mấy mà kiếm? Đồn điền tên gì ở đâu mới được chớ?”
“Tôi không nhớ, tới đúng nơi thì tôi biết”.
“Chú nói chuyện trời đất không à”.
Người đàn ông đặt gói đồ lên bàn, hai tay ngồi ôm lấy nó. Người đàn bà đột ngột xẵng giọng hỏi:
“Giờ chú tính sao?”
“Tôi không biết tính sao hết. Tôi đón xe”.
Người đàn bà cao giọng hơn:
“Chú nói cà rỡn hoài. Giờ này kiếm xe… Chú tính mà mất toi. Bộ khi không chú ngồi đó không cho tôi đóng cửa tiêm đi ăn cơm hả. Chú tính chuyện gì? Tôi kêu lính trên đồn tới đây bây giờ…”
Người đàn ông sửng sốt, giật hai tay ôm gói đồ vào bụng ngó trân người đàn bà:
“Tôi nói thiệt mà thím. Tôi đón xe mà”.
“Mà tôi biểu chú không còn xe nữa. Chú tính cách sao?”
Người đàn ông ngó ra lộ, ra ngoài rừng, nói một mình:
“Ờ. Không còn xe”.
Tiếng ve kêu chỉ còn lẻ tẻ, rời rạc xa xa. Trời bắt đầu tím trên nền bóng núi xa. Người đàn bà tìm quẹt đốt cây đèn dầu hôi mắt vẫn dòm chừng khách lạ. Một chiếc xe díp vụt ngang ngoài lộ như một cơn gió. Người đàn ông dợm đứng dậy như tính rượt theo kêu, lại ngồi xuống ghế. Đèn thắp lên. Cửa bên hông mở ra phía con đường đất bên bìa rừng đã đóng. Người đàn bà đặt cây đèn lên bàn trong, tiến đến người đàn ông hỏi:
“Giờ chú tính sao?”
Người đàn ông ngập ngừng:
“Thím cho tôi ngủ đậu. Thím làm phước. Mai tôi đón xe về sớm”.
Người đàn bà kêu lên:
“Đâu có được chú. Nhà tôi đâu phải nhà cho mướn. Biết chú là người thế nào mà cho chú ngủ đậu. Lỡ đêm chú cắt cổ tôi sao? Chồng tôi đi khỏi, tôi không chứa đàn ông…”
“Thiệt tình mà thím, tôi đi kiếm thằng em tôi. Thím làm ơn làm phước… Chớ giờ này tôi biết tính sao?”
Người đàn bà suy nghĩ vài giây:
“Bộ chú lỡ đường thiệt à…”
“Thiệt mà thím. Chớ khi không tôi tới đây làm gì”.
Người đàn bà lại cao giọng:
“Không được! Chú ở đâu tới, tôi không biết. Chú xin ngủ dậu, không được. Lỡ đêm có chuyện gì người ta xét nhà, tôi nói sao. Không được. Tôi thương chú, ai thương tôi. Thôi chú đi đi, cho tôi ăn cơm. Tôi đói bụng rồi”.
“Tôi đi đâu?”
“Đi đâu thây kệ chú chớ. Mắc mớ gì đến tôi”.
Người đàn ông chậm chạp đứng lên nhưng chưa bước đi. Người đàn bà tự động lùi lại một bước thủ thế. Người đàn ông nài nỉ:
“Tôi đi đâu? Thím nghĩ coi…”
“Tôi không biết. Mấy người rắc rối lắm… Tôi không kêu lính trên đồn là may phước lắm”.
Người đàn ông ngập ngừng bước ra khỏi quán. Dãy phố và con lộ im lặng như tờ, chỉ nghe tiếng ve rộn rã và tiếng côn trùng khởi trỗi lẻ tẻ ở bãi cỏ. Người đàn bà khép cửa quán lại nhưng vẫn còn ló đầu dòm theo người lạ. Người đàn ông đi trở ngược dãy phố. Trong tiệm chạp phô, gia đình đang ăn cơm trên bộ ngựa ở ngoài. Người đàn bà vấn khăn đang bới cơm không ngó thấy bên ngoài.
Người lạ mặt đứng lại trước tiệm sửa xe. Người thợ đã tắm rửa, thay đồ, ngồi trên ghế ngay trong cửa ôm cây đàn ghi ta đang khẩy. Người đàn ông đứng lại, rồi tiến tới bên cửa:
“Chào anh”.
Người thợ ngừng tay khẩy, ngó lên hỏi:
“Gì anh?”
Người đàn ông đứng trân một hồi mới nói:
“Anh Hai làm ơn chỉ dùm tôi có chỗ nào ngủ đậu một tối, tôi lỡ đường hết xe về”.
Người thợ cười riễu, gác cẳng lên thềm cửa:
“Chỗ ngủ đâu. Anh tới quán kia hỏi coi…”
“Tôi hỏi rồi. Họ không chịu”.
“Vậy tôi cũng chịu”.
Người thợ lại tiếp tục khẩy đàn và cười một mình. Người đàn ông vẫn đứng yên tại chỗ:
“Anh Hai cho tôi ngủ đậu. Dưới đất cũng được. Mai tôi đón xe về sớm”.
“Cha này giỡn hoài ta. Tôi đâu quen biết anh”.
“Anh cho tôi ngủ đậu một tối thôi”.
“Bộ anh cho tôi khùng hả. Cha này kỳ quá…”
Người đàn ông quay mặt về phía rừng cao su trong ấy bóng tối đã dày. Ngoài rừng trời chạng vạng nhá nhem. Người đàn ông đi tới bên lề đường. Một vài tiếng đại bác nổ ầm ở xa. Hắn đi vài bước về hướng nhà việc rồi bỗng quay bước. 
Trong tiệm xe máy tiếng đàn dạo đến khúc mùi mẫn. Hắn đến trước căn nhà có đặt lu nước ở ngoài và đứng lại. Nhà cửa đóng kín không thấy ánh sáng. Hắn gõ nhẹ lên cánh cửa rồi nghe ngóng. Có cả mấy phút không tiếng trả lời. Trong nhà tiếng niệm Phật rất nhỏ. Hắn đứng đợi nghe tiếng mõ đều đều thỉnh thoảng đệm tiếng chuông. Trời cứ tối dần. Một hồi hắn lại gõ cửa và sau tiếng ho là tiếng hỏi nhỏ:
“Ai đó?”
Người đàn ông không đáp. Hắn lại gõ cửa. Trong nhà lại nghe tiếng hỏi: “Ai đó?” Tiếng động trên cửa và một lỗ hổng tròn được kéo ngang tầm ngực người đàn ông.
“Ai ở ngoài đó?”
Người đàn ông cúi nghiêng xuống ngang mặt với lỗ hổng:
“Tôi lỡ độ đường”.
“Chú kiếm ai?”
“Dạ không, thưa bác con kiếm chỗ ngủ tối nay. Bác cho con ngủ nhờ”.
Bên trong im lặng khá lâu, tiếng thì thào rồi nghe giọng già cả run rẩy:
“Thôi chú ơi, tôi tu hành chú đừng phá tôi”.
“Thưa bác, thiệt tình con lỡ đường. Con đi kiếm thằng em mần trong đồn điền cao su lại lên lộn xe. Giờ không có xe về. Bác cho con ngủ đậu một tối. Mai con đón xe về sớm”.
“Thôi mà chú, chú kiếm nơi khác. Tôi tu hành mà”.
“Không đâu họ chịu cả. Bác làm phước thương con”.
“Tôi biết chú nói thật. Nhưng chú thương chúng tôi. Chúng tôi không làm gì hại ai cả. Chú cảm phiền. Trong nhà chỉ có mấy bà cháu không có đàn ông. Lỡ ra tội nghiệp, chú ơi…”
“Thưa bác con thật tình. Con không gạt. Con đi kiếm người em”.
Bỗng trong nhà có giọng thiếu nữ ngắt ngang:
“Bà tôi nói thiệt mà. Khi không tới đòi ngủ đậu. Ai mà tin được. Tụi tôi la bây giờ là lính trên đồn nghe thấy xuống tới”.
“Tôi thiệt tình mà cô Hai”.
“Thiệt hay không thiệt cũng không ai chứa người lạ trong nhà”.
Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Lỗ hổng đóng sập lại và tiếng chân chạy trong các nhà. Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa. Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hỏa pháo khác. Người đàn ông đứng ôm bọc giấy dầu bên lu nước.
Thanh Tâm tuyền
Nguồn: Tủ Sách Online

NẠN ĐÓI NĂM ẤT DẬU

Nạn đói năm 45 trong ký ức người còn sống

Khi cám bã, rau dại, củ chuối đã hết, dân làng đào khoai ngứa ăn. "Ăn xong ngứa như rách cả cổ nhưng không ăn thì chết. Ngẫm lại, con người khi đó còn không được như con lợn, con gà bây giờ", ông Vũ Viết Bật (82 tuổi) ngậm ngùi nhớ lại.

 
Ông Tô Minh Thuyết kể rằng: "Bố tôi mất vào tháng tư năm đói. Mỗi lần làm giỗ cho ông cụ, nhìn đàn con cháu quây quần, mâm cơm đầy đủ là lại chứa chan nước mắt". Ảnh: Hoàng Phương.
Ông Tô Minh Thuyết (80 tuổi, người Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) bị bệnh teo não. Rất nhiều chuyện đã quên nhưng ký ức về nạn đói mỗi lần nhắc đến ông lại rùng mình, buông câu "chuyện xưa rồi nhưng cứ nhớ đến là lại tủi thân". Nạn đói ập về Thái Bình vào tháng 10/1944. Mẹ ông đi thăm đồng về khóc lóc nói với chị cả: "Khéo cả làng chết đói mất thôi con ơi".
Lúa trên cánh đồng thôn Thượng và các thôn khác trắng như cánh cò, không tìm thấy hạt mẩy. "Không ai biết lúa bị bệnh gì, dân chỉ kháo nhau là do trời làm. Không có thóc nộp tô, dân kéo đến nhà giàu để vay nhưng họ không cho, để dành thóc bán cho Nhật. Mẹ tôi phải đội thúng bát đĩa cổ ra nhà địa chủ Lý Sách đổi vài cân thóc. Sau nhà giàu không mua nữa, bà đội thúng đi về giữa trời mưa mấy lượt mà không có gì cho 6 chị em tôi ăn", ông Thuyết kể.
Người ta ăn tất cả những gì có thể. Cậu bé Thuyết mới 10 tuổi vẫn nhớ cảnh dân làng đổ ra cánh đồng nhổ rau dền, rau sam, lá bắp cải già, thứ gì ăn được là nhặt về hết. Rồi người ta giết cả chó mèo vì không nuôi nổi. Có nhà trong làng bán rẻ trâu không ai mua, phải mổ thịt ăn dần, vừa ăn vừa khóc.
Lời kể của ông Tô Minh Thuyết
"Ăn hết rau cỏ, vật nuôi trong nhà, cả làng lùng chuột đồng làm thịt, nướng vội nướng vàng rồi tranh nhau xé ăn. Họ vật vờ ở bờ bụi đào củ dong, ráy, củ chuối, băm ra cho vào nồi đất, đun sôi bốc ăn ngon lành. Nhà nào có cây chuối, đu đủ thì đêm canh như canh miếu thờ vì sợ bị trộm. Trong làng, có đám đánh nhau mẻ đầu vì tranh giành củ chuối. Khi củ chuối hết là bắt đầu có người chết", ông Thuyết kể.
Vì đói, ở Tồn Thành (Giao Thủy, Nam Định), người ta cắt cỏ vực đốt lấy hạt, giã vỏ lấy nhân nấu cháo ăn. Được ít ngày, cỏ vực không còn một ngọn, dân đào khoai ngứa, thứ chỉ dành cho lợn. "Ăn xong ngứa như rách cả cổ, nhưng không ăn thì chết. Ngẫm lại, con người khi đó còn không được như con lợn, con gà bây giờ", ông Vũ Viết Bật (82 tuổi) nhớ lại.
Dải đất bắc miền Trung ít ruộng, dân cư chỉ sản xuất một vụ lúa, sống chủ yếu bằng hoa màu và đánh bắt cá. Thôn Thủ Phú thuộc làng Phú Xá xưa (nay là xã Quảng Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa) từ xưa chỉ có làm nghề đánh bắt cá biển, đổi nông sản với các vùng khác. Tết Ất Dậu là thời điểm mở màn cho những cái chết trong thôn. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Xuân Tài thì bà Sến, người xóm trên là nạn nhân đầu tiên. "Bà này chết rục bên gốc chuối sau nhà, thân hình khô quắp chỉ còn lại nắm xương. Những tháng sau đó, người dân Thủ Phú chết như ngả rạ. Trong làng ngoài ngõ, bên gốc đa, sân đình, bờ đồng, xó chợ... đâu cũng thấy thây ma nằm ngổn ngang", cụ ông 92 tuổi cho hay.
Người bị choáng đâm đầu xuống sông, người nằm bên bờ ruộng khi miệng còn ngậm cỏ, người chết trong nhà không ai biết. Ban đầu, dân làng bó chiếu, chăn đem chôn. Về sau những tấm mành lưới, cánh buồm để ra khơi trở thành "quan tài" tạm, xác chết được kéo ra bãi tha ma phía bờ biển. Nghĩa địa Cồn Mả Quán chi chít nấm mồ lấp vội. 
5-3340-1420799025.jpg

Cụ Trình Thị Chự (102 tuổi) là người duy nhất trong gia đình 9 người sống sót qua nạn đói năm 1945 ở làng Thủ Phú, xã Quảng Đại, (Quảng Xương, Thanh Hóa) . Ảnh: Lê Hoàng.
Thôn Thủ Phú có khoảng 40 hộ chết gần hết cả nhà, như nhà ông Minh Hinh, hai vợ chồng với 7 con trai đều ra đi. Gia đình ông Biện Bang, Bút Lợi, Sệnh Cày... cũng vậy. Thôn này trở thành nơi có nhiều người chết đói nhất xứ Thanh. "Một buổi chiều, có người ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc, chạy sang thì cả 7-8 người nhà ông Minh Hinh nằm chết co mỗi người một xó, chuột bọ, côn trùng bò lổn nhổn. Dân làng phải kéo sập mái nhà châm lửa đốt rồi lấp đất vùi xác tại chỗ", cụ Tài kể lại.
Người già nhất thôn Thủ Phú từng chứng kiến nạn đói Ất Dậu là cụ Trình Thị Chự (102 tuổi). Gia đình cụ Chự có 9 người thì mất 8 (gồm cha mẹ và 6 người con, 3 gái, 3 trai). "Trong ba ngày, tôi phải chứng kiến 8 người thân qua đời. Tự tay tôi lần lượt kéo xác cha mẹ và những người anh em ra đồng. Không có cuốc thuổng, tôi dùng tay bới đất. Ướm chừng như đã lút thân người, tôi chôn vội họ rồi lại tất tả chạy về lê xác người khác", cụ Chự rưng rưng.
Sống gần trọn kiếp người, cái chết vì đói của những người thân luôn ám ảnh cụ bà Nguyễn Thị Sót (87 tuổi, người xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình). "Nhà tôi có 8 người thì 5 người chết. Vợ chồng anh cả chết còng queo ở xó nhà, đứa cháu lớn đói quá nằm vạ vật ở góc bếp. Tôi lay nó tỉnh dậy, nhích mi mắt không thấy gì ăn rồi lại nhắm mắt, từ sáng đến trưa thì chết. Bố tôi chết ở dưới thuyền nhiều ngày, khi phát hiện ra thì đã đầy ruồi bọ, anh trai thứ chết ở đâu không tìm thấy xác", bà Sót kể, nước mắt chực trào ra.
Lời kể của bà Nguyễn Thị Sót


"Năm ấy tôi mới 17 tuổi, đương thanh xuân, thế mà chỉ còn da bọc xương. Nhiều người đói rạc cả thân xác, không phân biệt nổi đàn bà hay đàn ông. Người ta cướp cả manh quần áo vá chằng vá đụp trên thi thể người đàn bà có chửa sắp sinh để đổi lấy miếng bánh đúc ăn", bà cụ kể tiếp.
Dân gian có câu "Thái Bình chết bảy còn ba" để hình dung về thảm cảnh của quê lúa năm 1945. Xóm Trại của xã Tây Lương gần như bị xóa sổ, 130 nhân khẩu thì có 103 người chết. Gia đình ông Tô Nuôi có 4 người, mình ông được cứu sống vì đi làm con nuôi. Cả dòng họ ông 35 người thì chết đói 31. Nhà cụ Hoàng Phác có bốn thế hệ sống với nhau 31 người thì chết đói 26 người, 2 người đến nay không biết tung tích.
Nhà khá giả cũng không thoát nổi. Ở thôn Hiên, xã Tây Lương, người dân còn kể lại câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Tư chết đói đặc biệt. Khi nhiều người mang đồ thờ, bát đĩa quý trong nhà đi bán giá rẻ, ông đem thóc đổi lấy đồ, sau hết thóc xoay không kịp rồi cũng chết. Hay gia đình ông Nguyễn Văn Lý làm tuần đinh, nhà có 2 trâu, 3 mẫu ruộng, 16 nhân khẩu thì chết mất 15 bởi mua sắm đồ đạc nhiều, không có dự phòng.
Trong trí nhớ của bà Sót khi đó, khắp làng xã người chết đói nằm co, người sống thì lê lết kiếm miếng ăn. Người không đi nổi thì ngồi vật vờ nhìn nhau. Không khí tĩnh lặng đến dị thường, không ánh lửa, không tiếng chó sủa mèo kêu, chỉ có tiếng chuột gù. Những con chuột vì ăn thịt người chết mà to béo bằng cả bắp chân. Người đói nhìn thấy không còn sức mà bắt ăn.
IMG-5923-4686-1420799025.jpg


Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngô (102 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sót (87 tuổi) là những người sống sót qua nạn đói ở làng Trung Tiến, xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Hoàng Phương.
Tạm qua cơn đói, khi có lúa mới, nhiều người lại chết vì một bữa no"Khi được mùa, họ ăn như chưa từng được ăn. Thế rồi nhiều người lăn ra chết với tấm bụng căng tròn", cụ Nguyễn Xuân Trang (97 tuổi, thôn Thủ Phú) cho hay, có đến vài chục người trong làng chết vì một bữa no.
"Giữa trưa hè nắng oi ả. Người làng bất thần nghe tiếng khóc ré bên nhà lão Thử. Bà con chạy tới thì lão đang đánh trần nằm giãy đành đạch giữa sân với cái bụng căng lè, bên cạnh là rổ khoai lang mới luộc chưa kịp chín hết", cụ Trang thở dài.
70 năm qua, xã Tây Lương khi xưa chết đói 2/3 thì nay đã thành một vùng giàu có, thanh bình bên sông Trà Lý. Gia đình bà Sót con cháu đuề huề. Sống qua cơn tăm tối của đất trời, bà được dân làng Trung Tiến gọi là người "sống dai nhất làng" vì không ăn gì nhiều ngày mà vẫn sống.
Còn ông Thuyết đã chẳng thể nhớ nổi hương vị củ chuối, cháo cám năm xưa, nhưng mỗi độ tháng tư về, nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm đủ đầy ngày giỗ là lại khóc. "Trải qua năm ấy, gia đình nào cũng sứt mẻ, chẳng nhà nào còn vẹn nguyên", ông nói.



Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu

Trong ký ức người Việt Nam, "nạn đói năm Ất Dậu" vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945.
Công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và GS Furuta Moto (người Nhật) chỉ rõ: chính sách vơ vét thóc gạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với thiên tai, mất mùa ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm cảnh trên.
12-9406-1420769930.jpg
Sống ngắc ngoải trong nạn đói 1945. Ảnh tư liệu.
 
Tháng 10/1940, khi đặt chân đến Đông Dương, Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, hạn chế chuyên chở tự do, chỉ cho chở dưới 50 cân gạo trong một tỉnh; bắt người dân nhổ lúa trồng đay, dành ruộng trồng lạc.
Trong khi Nhật vơ vét cho chiến tranh thì Pháp dự trữ lương thực phòng khi quân Đồng minh chưa tới,phải đánh Nhật hoặc dùng cho cuộc tái xâm lược Việt Nam. Thuế đinh, thuế điền, tô tức trở thành những chiếc thòng lọng buộc vào cổ nông dân.
Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa nhưng Pháp và chính quyền phong kiến vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh phát xít và làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu, cùng thóc dùng đốt lò thay cho than đá. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu nộp. Theo thống kê, năm 1940, diện tích trồng đay là 5.000 ha nhưng đến năm 1944 đã tăng lên 45.000 ha.
Nhật cấm vận chuyển lúa từ miền Nam ra, vơ vét thóc ở miền Bắc khiến giá thóc, gạo tăng vọt.Năm 1943, một tạ gạo giá chính thức là 31 đồng, giá chợ đen là 57 đồng; năm 1944 tăng lên 40 đồng, giá chợ đen là 350 đồng, nhưng đến đầu năm 1945 thì giá chính thức vọt lên 53 đồng còn giá chợ đen từ 700-800 đồng. Giá gạo "phi nước đại" khiến người dân không đủ sức mua, phải chịu cảnh chết đói.
Tháng 9/1944, lụt vỡ đê La Giang (Hà Tĩnh), đê sông Cả (Nghệ An) làm cho nạn đói diễn ra trầm trọng hơn.Theo những người dân trải qua nạn đói khủng khiếp ở Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) thì vụ mùa năm 1944, lúa trên các cánh đồng rộng hàng trăm mẫu đều bị "rù" (rầy phá hoại), chết trắng, chết vàng. Cả mẫu ruộng không thu nổi vài chục cân thóc mẩy.
3-2745-1420769931.jpg
Trại Giáp Bát, Hà Nội, nơi tập trung những nạn nhân đói năm 1945. Ảnh tư liệu.
 
Nạn đói đã diễn ra ở 32 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, từ Quảng Trị trở ra. Trọng điểm là các tỉnh đồng bằng, nơi dân số tập trung đông, có nhiều ruộng, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa. Cái đói không buông tha ai, trọng tâm là những người dân nghèo, người lao động, đặc biệt là nông dân không có ruộng đất chuyên đi làm thuê và nông dân ít ruộng đất.
Để chống lại cái đói, cái chết cận kề, người dân ăn từ rau dại, đến củ chuối, vỏ cây, giết cả trâu bò, chó mèo; dân chài thì ăn củ nâu, cá chết. Khi không còn gì ăn thì họ ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót.
Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm. Lũ lượt người ngược, kẻ xuôi chạy đói đến các thành phố lớn, họ bán cơ nghiệp để lấy tiền đi đường. Người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sắp chết thì được đưa về trại Giáp Bát, còn người chết đói thì xác chất đầy xe bò đem đi "hất xuống hố như hất rác" tại nghĩa trang Hợp Thiện (Hai Bà Trưng).
Mục sư Lê Văn Thái, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam thời kỳ 1942-1960 viết lại: "Tôi thường nghe tiếng rên xiết của những người sắp chết, thấy những đống thịt quằn quại gần những xác chết, nơi này 5-3 xác chết, chỗ khác từng đống người sống nằm lẫn với người chết. Trên những đoàn xe bò đầy những xác chết, mỗi xe chỉ phủ một chiếc chiếu, trong những cái hầm mấy trăm xác chết mới lấp một lần. Một vài lá cải thối trong đống rác, một vài hột cơm đổ bên cạnh vò nước gạo thì họ kéo nhau từng lũ đến tranh cướp".
"Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy. Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó", tác giả Vespy viết trong một bức thư vào tháng 4/1945.
Giữa lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm thì ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Mặt trận Việt Minh phát động nhân dân phá hàng trăm kho thóc của Nhật để cứu đói. Phong trào diễn ra sôi nổi khắp nơi khiến nạn đói phần nào được đẩy lui. Nông dân bắt đầu trở về quê tiếp tục sản xuất. Đến vụ chiêm (tháng 6) có gạo mới, mức sống thay đổi đột ngột lại khiến nhiều người chết vì ăn quá no. Môi trường bị ô nhiễm nặng bởi xác chết không được xử lý và trải qua cơn đói lâu dài kéo theo dịch tả và dịch sốt vàng da lại giết thêm nhiều người ở Bắc Giang, Cao Bằng.
Nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai.. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có hơn 1.000 người thì chết đói mất 956 người. Chỉ trong 5 tháng, số người chết đói toàn tỉnh lên đến 280.000 người, chiếm 25% dân số Thái Bình khi đó. Lịch sử đảng bộ Hà Sơn Bình cũ ghi rõ: "Trong nạn đói năm 1945, khoảng 8 vạn người (gần 10% dân số trong tỉnh) chết đói, nhiều nơi xóm làng xơ xác tiêu điều, nhất là ở những nơi nghề thủ công bị đình đốn. Làng La Cả (Hoài Đức) số người chết đói hơn 2.000/4.800 dân, có 147 gia đình chết không còn một ai. Làng La Khê (Hoài Đức) có 2.100 người thì 1.200 người chết đói, bằng 57% số dân".
16-5855-1420769931.jpg
Một điểm chôn tập thể người bị chết đói, đổ xác đến đâu lấp đất đến đấy. Ảnh tư liệu.
Tháng 5/1945, bảy tháng sau khi nạn đói bùng nổ tại miền Bắc, tòa khâm sai tại Hà Nội lệnh cho các tỉnh miền Bắc phúc trình về tổn thất. Có 20 tỉnh báo cáo số người chết vì đói và chết bệnh là 400.000, chỉ tính miền Bắc. Số liệu nghiên cứu trong cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử của GS Văn Tạo thống kê: "Riêng tỉnh Thái Bình, nơi nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban lịch sử tỉnh điều tra, con số tương đối sát thực tế là cả tỉnh chết đói mất 280.000 người. Chỉ tính số người chết đói ở Thái Bình cùng với Nam Định hơn 210.000 người, Ninh Bình 38.000, Hà Nam chết 50.000 thì số người chết đói đã lên đến hơn 580.000. Như vậy, con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng là gần với sự thực".
So sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chết một triệu người, nước Đức chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn 2 triệu người".
70 năm trôi qua, những chứng tích lịch sử về nạn đói năm xưa không còn nhiều, ngoài những nấm mồ tập thể sâu dưới lòng đất lạnh. Những nhân chứng từng đi qua tai họa lịch sử ấy thì ghi nhớ nỗi đau thương sâu trong tâm, mỗi lần nhắc đến chỉ biết rưng rưng nước mắt.
Hoàng Phương

HƯƠNG THỦY * DẪU LÌA NGÓ Ý



 DẪU LÌA NGÓ Ý

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
TRUYỆN KIỀU NGUYỄN DU


HƯƠNG THỦY

Nhà thơ ngụ ngôn người Pháp La Fontaine đã nói một câu rất hay về tình bạn: “Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn ”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có.

Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.

Chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ, lúc còn học trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội. Hai đứa cứ thế lớn dần lên, lần lượt qua bên kia sông Hương học Đồng Khánh rồi Văn Khoa…

Nhà Cát Đằng nằm ở một góc nhỏ trên đường Mai Thúc Loan. Căn nhà cổ xưa như cuộc sống quan cách của gia đình. Ba Cát Đằng làm công chức cao cấp của Ty Ngân khố Thành phố. Ông đặt cho con những cái tên thật đẹp của các loài hoa : Cát Đằng, Đỗ Quyên, Hoàng Lan…Mấy chị em sống khép kín như những con ốc trong bốn bức tường rêu.

Tôi, tên bình thường: An Nhiên, gia cảnh cũng “thường thường bậc trung”, tóc cắt kiểu Demi Garcon, tính tình đôi lúc ương bướng. Vậy mà chúng tôi thương nhau vô cùng. Chỉ có tôi dám bước qua hai cánh cổng sắt luôn khép kín trong tiếng sủa của con Berger để rủ Cát Đằng đi học. Cũng chỉ có tôi chiếm được lòng tin của ba mạ Cát Đằng. Hai bác nghiêm nghị nhưng coi tôi như con. Hình như hai bác xem tôi là một lá chắn bảo vệ cho cô con gái yếu ớt của mình.

Chúng tôi đã có một thời thơ ấu thật đẹp và hồn nhiên. Những chiều mùa hạ dắt nhau vô con đường bên hông Đại Nội gần cà phê mụ Tôn, nhặt bông phượng đỏ về làm bướm. Những sáng mùa đông sương mù lạnh buốt chở nhau qua cầu Phú Xuân, gió hung hăng như muốn quật hai đứa xuống sông. Những đêm cùng học bài thi, em gái Đỗ Quyên đem vào phòng cho hai chị chén chè hạt sen long nhãn mát rượi. Mạ Cát Đằng thường cười bảo tôi “Phải chi An Nhiên là con trai, bác gả Cát Đằng cho cháu.”

Tuổi dậy thì hồn nhiên và mơ mộng. Cát Đằng đẹp, nhiều người tán. Tan học về bao nhiêu cái đuôi theo, mãi cho đến cửa Hiển Nhơn mới chịu lui gót. Tôi như garde corps cho bạn. Những chàng sinh viên mê Cát Đằng, nhờ tôi làm chim xanh kèm theo nhiều món quà hậu hĩnh, trong số có cả con của một ông Trưởng Ty đang theo học trường Y. Nhưng tôi từ chối. Không ai hiểu bạn hơn tôi. Cát Đằng tâm sự : “Sao mình thấy ông nào cũng nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh. Ngó phát ớn!”. Người hùng trong tâm tưởng Cát Đằng phải bụi bụi như tài tử Charles Bronson, đêu đểu với bộ ria giống nụ cười của Clark Gable hoặc chí ít cũng phải lãng tử như Gregogy Peck trên chiếc Vespa cổ chở nàng công chúa Audrey Hepburn chạy khắp thành Rome trong Vacances Romaines… Thâm tâm tôi thấy bạn mình quá lãng mạn. Biết tìm đâu ra người lý tưởng trong môi trường phố thị này?

Ấy thế mà một hôm thật bất ngờ, “người hùng” của bạn đã xuất hiện. Đó là một buổi sáng “đầy sương thu và gió lạnh” như trong văn Thanh Tịnh, đoàn Sinh Viên Sỹ Quan trường VBQGVN về Huế vào Đại Học Văn Khoa tuyển quân. Phải công nhận sự có mặt của họ như một hiện tượng trong sân trường xưa nay toàn áo dài, chemise, quần tây. Trong trang phục worsted thật đẹp, thật hào hùng mặt anh nào cũng sáng láng thông minh. Họ trình bày thật ấn tượng về ngôi trường quân sự ở Đà Lạt ngang ngửa với Saint Cyr của Pháp, West Point của Mỹ. Đứng bên những chàng trai Văn Khoa “trói gà không chặt”, trông các anh cao to và đường đường khí thế. Nhìn qua cạnh mình, tôi thấy Cát Đằng như trên mây. Nàng say sưa dán mắt vào anh SVSQ đang giới thiệu chương trình đào tạo. Anh nói giọng Bắc pha chút Huế. Khi chàng ta đi từng bàn phát những tờ ảnh về ngôi trường cho sinh viên nam, Cát Đằng cũng nhoài người qua xin một tờ. Một thoáng ngạc nhiên trong mắt anh nhưng người SVSQ vẫn lịch sự trao tận tay nàng. Mắt hai người gặp nhau. Một cái gì đó thật lạ lần đầu tiên tôi thấy xuất hiện ở cô bạn mình. Má nàng ửng hồng, ánh mắt long lanh, môi mọng ướt mềm… Chuông reo giờ ra chơi, hai người còn trao đổi với nhau suốt cả mười lăm phút bên hành lang Morin.

Ra về, tôi bảo Cát Đằng “ Mình thấy hình như có Coup de Foudre”. Nàng yên lặng do dự một chút rồi bảo tôi : - “An Nhiên ơi, bạn có thương mình không?”. Tôi ngạc nhiên : - “Tui không thương bạn thì thương ai?” - “Vậy thì chiều ni bạn xin mạ cho tui qua chơi nhà bạn hí - Được thôi mà”.

Buổi chiều , tôi ngồi chờ bạn trên chiếc xích đu dưới giàn bông giấy. Nàng xuất hiện trong chiếc áo mousseline màu xanh trứng sáo, quần tây đen. Trông Cát Đằng xinh xắn làm sao. Hèn gì con ông Trưởng Ty mê nàng như điếu đổ. Ngồi nói chuyện với tôi mà mắt nàng nhìn ra cổng như ngóng trông ai…Và bốn giờ chiều. Một bóng người xuất hiện trước cửa. Anh chàng Sinh viên Võ bị hồi sáng…Cô nàng thông minh thật, lấy địa chỉ nhà tôi làm nơi gặp gỡ.

Tôi không tin lắm vào duyên tiền định. Xưa nay, ba mạ vẫn hay nói tôi là kẻ cứng lòng. Nhưng với cô bạn thân Cát Đằng thì tôi nghĩ đó là một mối nhân duyên mà tôi là người góp phần dung túng, ủng hộ. Cô bạn tôi không phải là type người “ yêu cuồng sống vội”. Xưa nay nàng chưa hề cười với ai một nụ. Con nhà gia thế, kín cổng cao tường. Điều gì đã làm cho nàng dám vượt qua khuôn phép gia đình và xứ Huế vốn dễ tiếng tăm?

Chàng sinh viên sỹ quan ấy tên H. đang theo học năm thứ ba trường Võ bị. Anh gốc Bắc, di cư vào Nam năm 54, chọn Huế làm quê hương thứ hai. Anh sống cùng mẹ và chị gái bên Bến Ngự. Anh hơn chúng tôi năm tuổi, trước đây từng học MPC rồi mới quyết định tòng quân. Đợt tuyển quân này là một cơ hội cho anh về thăm mẹ và số phận đưa đẩy để hai người gặp nhau.

Anh H. hiền, tính điềm đạm. Tôi chắc bạn tôi không chọn nhầm. Hai người có một tuần để hiểu nhau. Tôi nhiều lần qua nhà Cát Đằng xin cho bạn đi học nhóm , đi thảo luận… để rồi sau đó chở nàng lên đồi Thiên An, chùa Từ Hiếu hẹn hò. Trong khi hai người trò chuyện, tôi lặng lẽ đi dạo dưới những hàng thông hoặc ngồi đọc sách bên hồ Thủy Tiên để rồi sung sướng ngắm nhìn bạn sáng ngời trong hạnh phúc. Tình yêu làm người ta đẹp ra. Anh H. đưa chúng tôi về thăm gia đình. Căn nhà nhỏ nép mình trong một khu vườn sum suê cây trái.Tiếng chim sâu kêu lách chách. Bà mẹ hiền lành mừng rỡ đón bạn của con; người chị gái tên Hương thương em vô hạn, chăm anh từng ly từng tý. Tôi mừng cho Cát Đằng.

Anh H. trở về Đà Lạt tiếp tục khóa huấn luyện. Nhà tôi trở thành địa chỉ cho hai người trao đổi thư từ. Những bức thư đều đặn hàng tuần. Cát Đằng có một cái hộp bánh CHOCOLATE hình chữ nhật .Đọc xong thư bạn cất vào đó và nhờ tôi giữ hộ. Cuộc tình vẫn nằm trong bí mật với gia đình và bạn bè. Không ai biết ngoài tôi.

Gần cuối năm 1971, sau khi đọc xong lá thư có cái insigne rồng vàng ôm kiếm thiêng, Cát Đằng có vẻ suy tư. Bạn ngồi trầm ngâm trên chiếc xích đu trắng nhìn mông lung. Tôi mở lời : “Răng đó? Giận nhau hả?”. – “Không, có chi mô”. Lần này, bạn cầm lá thư về chắc để đêm nghiền ngẫm.

Con đường đến giảng đường sáng hôm sau như dài ra với sự yên lặng của Cát Đằng. Giờ English Grammar bạn dường như không nghe lời thầy John Schaffer giảng. Lúc ra chơi, đứng ở khung cửa sổ nhìn xuống đường Lê Lợi, Cát Đằng đưa bức thư cho tôi : “An Nhiên đọc đi !”.Tôi liếc nhanh qua bức thư với những lời yêu thương nồng thắm nhớ nhung chất ngất, hơi đỏ mặt vì thấy mình xâm phạm chuyện riêng tư của bạn. A, đây rồi. Cái lý do làm bạn tôi trăn trở hai ngày nay. Anh H. muốn bạn tôi có mặt trong đêm Lễ trao nhẫn truyền thống của SVSQ năm 3 trường Võ Bị. Là răng? Cát Đằng đi Đà Lạt ư? Tôi không thể hình dung được chuyện này. Không được. Chuyện quá nghiêm trọng với con gái Huế, nhất là với bạn tôi, một người chưa hề bước chân qua đèo Hải Vân.

Ánh mắt của Cát Đằng tha thiết: “An Nhiên giúp mình đi. Năn nỉ mà. Cam đoan không có chi xảy ra. Mình đi ba ngày. Chỉ bạn mới có thể giúp mình…”. Điều gì khiến một người con gái dịu dàng như Cát Đằng nảy ra quyết định liều lĩnh thế? Cái này gọi là sức mạnh của tình yêu đấy ư? Xưa nay tôi vốn dị ứng với thứ tiểu thuyết lãng mạn của Quỳnh Dao và hoàn toàn không tin vào nhan đề một cuốn truyện của Lệ Hằng “Chết cho tình yêu”. Không, không đựơc.

Hai đứa không nói chuyện với nhau suốt ba ngày. Nhưng cái vẻ ủ dột của Cát Đằng làm tôi thương xót. Anh H. cũng gởi cho tôi một bức thư ngắn. Anh bảo chính vì xem Cát Đằng là người trăm năm nên anh muốn nàng có mặt trong buổi lễ trang trọng và ý nghĩa này. Anh chịu trách nhiệm về chuyến đi. Lòng tôi mềm ra. Tình yêu xét cho cùng cũng có cái lý của nó. Tôi trở thành kẻ đồng lõa trong cuộc hành trình của bạn.

Vậy là tôi sang nhà xin ba mạ Cát Đằng cho hai đứa vào Đà Nẵng ăn cưới bà chị họ. Mạ bạn tỏ ra e ngại như tất cả những bà mẹ người Huế. Nhưng ba bạn thoáng hơn, hình như ông đang vui vì mới trúng một cú affaire. Hơn nữa, chơi với Cát Đằng hơn mười mấy năm, gia đình bạn tin tưởng tôi tuyệt đối.

Ba của bạn đích thân chở chúng tôi ra bến xe. Ông không thể ngờ rằng khi tới Đà Nẵng, việc đầu tiên của chúng tôi là đến ngay Air Việt Nam trên đường Độc Lập. Và chuyến bay DC six đưa Cát Đằng lên thành phố cao nguyên lúc hai giờ chiều để lại tôi ở lại với cõi lòng như lửa đốt.

Ba đêm tôi ăn không ngon, ngủ không yên ở nhà bà chị. Tôi chắp hai tay cầu nguyện Chúa, Phật và tất cả các đấng siêu nhiên cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Tôi hơi ân hận vì đã lạc lòng trước những giọt nước mắt của bạn. Có chuyện gì xảy ra với Cát Đằng chắc tôi không sống nổi...

Và chiều thứ hai tôi đã oà khóc tức tưởi khi thấy bạn bước ra từ chiếc Bus của Hàng không Việt Nam.

Nhưng quả thật, chưa bao giờ tôi thấy bạn xinh như vậy. Mặt Cát Đằng hớn hở như trăng rằm, môi cười rất tươi. Nàng ôm choàng lấy tôi , hôn lên má: - “Cám ơn An Nhiên. Chúng mình cám ơn bạn vô cùng”. Những giận hờn trong tôi đều tan biến.

Trên chuyến xe ra Huế, Cát Đằng tíu tít kể cho tôi bao nhiêu chuyện. Thành phố hoa, những con dốc mù sương, chuyến xe ngựa vòng quanh bờ hồ Xuân Hương và một tấm ảnh đầy ấn tượng. Dưới ánh đèn huy hoàng có hàng chữ Lễ trao nhẫn với hai cái dấu như hai vương miện, bên một cái nhẫn to được trang trí cách điệu lộng lẫy, bạn tôi âu yếm lồng vào tay anh H. chiếc nhẫn Võ Bị. Họ như đôi tân lang và tân nương trong ngày cưới. Mãi mãi đây là một bí mật chỉ riêng ba người biết…

Thi thoảng chúng tôi qua Bến Ngự thăm nhà anh H. Mẹ anh coi Cát Đằng như con dâu tương lai. Bà kể về tuổi thơ vất vả của anh từ khi di cư vào Nam, về lúc cha anh mất , về người con trai cả tên Hùng phải lưu lạc vào Bình Dương kiếm sống. Có những đoạn xúc động, bà rươm rướm nước mắt. Cát Đằng ngồi kế bên bóp nhẹ tay bà. Một hình ảnh dễ thương làm sao. Bà còn dạy cho bạn tôi cách chế biến những món ăn mà con trai thích như canh cua rau đay, bún chả…

Cuối năm 1972 anh H. ra trường. Anh có mười ngày phép trước khi về trình diện tại Sư đoàn 9 Bộ binh có biệt danh “Mũi tên thép”, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn đóng ở Vĩnh Long,Tư lệnh là Chuẩn Tướng Trần Bá Di. Chiến trường miền Trung đang sôi động với chiến dịch tái chiếm Cổ thành Quảng Trị. Đêm đêm tiếng đại bác ì ầm từ phía Bắc vọng về. Thành phố Huế tràn ngập màu áo lính rằn ri .Cát Đằng có vẻ yên tâm với sự chọn lựa này dù hai người có xa nhau về không gian. Mười ngày, tôi phải ra sức bao biện cho bạn để họ có những giây phút hạnh phúc.

Rồi cũng đến lúc chia ly. Chúng tôi tiễn anh vào Nam. Hình ảnh cuối cùng trong mắt tôi là cảnh chàng thiếu úy trẻ trai cầm chặt tay người yêu nói những lời từ biệt: “Em cười đi. Cát Đằng cười đi cho anh yên tâm. Anh sẽ về với em và sẽ thưa chuyện với ba mẹ”. Bạn tôi cười mà nước mắt hoen mi.

Như muốn làm Cát Đằng yên tâm, thư anh H. gởi về liên tục. Anh đóng quân ở Cao Lãnh. Anh làm Đại đội trưởng một đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 14. Anh nói về một vùng đất trù phú, những người dân miền Nam hồn nhiên, những đồng ruộng bạt ngàn, những cánh đồng chó ngáp… Anh ít kể chuyện chiến trường, chắc để người yêu bớt lo.

Nhà ông Trưởng Ty muốn dạm ngỏ Cát Đằng trước khi con trai đi du học. Cô bạn tôi nói với ba mạ “Con chưa muốn lấy chồng” nhưng sau đó cô gặp riêng chàng trai và bảo “Tôi có người yêu rồi. Anh đừng mất công” .Tội nghiệp anh chàng cứ đứng ngẩn tò te.

Cứ thế, những lá thư nối hai niềm vui. Cát Đằng mơ màng dự trù với tôi về tương lai. Một ngôi nhà với ngọn lửa ấm và những đứa con ngoan sẽ ra đời. Ước mơ trong tầm tay với. Tôi chia sẻ hạnh phúc với bạn bằng nụ cười bao dung.

Buổi chiều hai đứa ngồi trước sân hóng gió thì một cánh chim sâu sa xuống trước mặt. Bạn tôi nâng nó lên, âu yếm vuốt ve “Tội nghiệp mày chưa. Chị nuôi em nhé!”. Mạ Cát Đằng đi từ nhà sau lên hốt hoảng: “Chim sa cá nhảy. Ăn nói bậy bạ”. Rồi bà lấy một nắm gạo muối tung ra sân. Bạn tôi le lưỡi “Mạ sao mê tín dị đoan. Thả con chim thấy tội bắt chết !”

***

Huế tháng chín. Mùa thu. Những trái thanh trà da đã rám vàng. Tôi chở Cát Đằng lên Nguyệt Biều chọn những trái thật ngon về cúng Rằm tháng Tám. Bạn không quên lựa một cặp thật đẹp để biếu mẹ anh H. chưng bàn thờ. Hai đứa ngồi thòng chân xuống dòng nước sông Hương trên bến đò Dã Viên. Trời thật đẹp. Nắng vàng như mật

Gió hiu hiu. Cát Đằng thở dài “Phải chi có anh H ”. Tôi nguẩy vai “Rồi sẽ có ”.

Rẽ vào căn nhà dốc Bến Ngự. Cô bạn nhanh nhẹn nhảy chân sáo trên lối đi quen thuộc. Nhà vắng ngắt. Mùi hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ . Chị Hương ngồi lặng trên ghế, nước mắt chảy quanh. Bạn tôi hốt hoảng: “Có chuyện chi rứa chị ? Mẹ mô rồi? ”. Chị Hương òa khóc: “ Mẹ với anh Hùng đi Vĩnh Long. Em ơi, thằng H.”…. Cát Đằng quỵ xuống đất.Tôi và chị Hương đỡ vội lên. Mặt bạn tái xanh, hơi thở ngắn như không còn sức sống. Tôi rót cho bạn một ly nước lọc rồi hỏi han chi tiết. Chị Hương kể cho tôi nghe trong tiếng sụt sịt. Anh Hùng từ Bình Dương gọi ra báo tin anh H. bị thương nặng trong cuộc hành quân vào mật khu ở quận Mỹ An, vùng Đồng Tháp Mười

Mẹ chị đang trên đường vào, chưa biết chi thêm.Trong bóng chiều chạng vạng, ba chị em ngồi yên lặng. Không ai đủ sức đưa tay bật ngọn đèn điện. Chao ôi! Tuần trước tôi vừa đưa thư cho bạn. Anh đang đóng quân ở Đồng Tháp. Anh kể cho bạn nghe về Gò Công - quê hương của bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức; về cam Cái Bè; về mận Trung Lương …Thượng đế ác nghiệt vậy sao? Anh vừa tròn 24 tuổi, ra trường mới chín tháng…

Không biết bằng cách nào tôi đã đưa Cát Đằng về đến nhà. Bạn ngồi sau tôi xiêu vẹo như một cái xác không hồn. Tôi nói với bác gái bạn bị trúng gió rồi đưa bạn vào phòng. Chân tay bạn lạnh ngắt. Đêm ấy tôi xin ở lại, thi thoảng lắng nghe tiếng rên rỉ đau đớn của Cát Đằng. Mọi ngôn ngữ trong giây phút này đều bất lực!

Nhưng nỗi bất hạnh không chỉ ngang chừng đó.Trong khi Cát Đằng định thưa thật với ba mạ để xin phép vào Vĩnh Long thì mươi hôm sau, mẹ anh H. nhắn ra anh H. không chỉ bị thương nặng mà còn mất tích. Cầm bằng như anh đã chết.Thôi còn mong chi nữa. Lần này thì bạn tôi quỵ ngã hoàn toàn. Nỗi đau ẩn giấu tận trong tim biến bạn thành một bóng ma câm lặng. Bác gái cứ căn vặn tôi hai đứa có chuyện chi không. Làm sao tôi dám trả lời. Thôi cứ đế bác tối tối thắp nhang ngoài cổng ngõ cầu cho con gái yêu đừng mắc “bệnh đàng dưới ”.
Phải sau ba tháng mẹ anh H. mới ra Huế. Bà sút gần bốn kí và hốc hác hẳn đi. Bà ôm lấy Cát Đằng khóc nghẹn “Con ơi! Bác không có duyên làm mẹ con rồi !”. Cát Đằng òa lên nức nở. Thôi cứ để bạn khóc cho nhẹ lòng.Tôi thật đau xót khi thấy đêm đêm bạn lôi tấm ảnh hai người trao nhẫn ra ngắm nghía.

Không hiểu sao nhà anh H. không lập bàn thờ. Có lẽ niềm tin của người mẹ cho rằng con mình chưa chết. Vâng, mất tích chưa hẳn là chết. Mắt anh sáng, tai anh to vậy mà. Chắc bác vẫn hy vọng một phép mầu nào đó chăng? Căn nhà đóng kín cửa. Mẹ anh H. vắng nhà luôn. Chị Hương bảo bà vào Bình Dương chơi với cháu nội cho đỡ buồn. Khu vườn rộng thui thủi một mình chị. Mỗi lần ghé thăm, nhìn Cát Đằng, chị lại bệu bạo “ Số em sao khổ thế H. ơi !”

Những đợt trao trả tù binh hai bên ở Lộc Ninh, Quảng Trị làm cho Cát Đằng hi vọng. Biết đâu anh sẽ trở về. Anh chỉ bị thương thôi mà. Bạn chăm chú theo dõi trên những tờ báo Tiền Tuyến, Sóng Thần… Nhưng tháng ngày qua. Niềm hi vọng hầu như đã thành tuyệt vọng. Bất chấp hiệp định Paris, chiến sự ngày càng ác liệt. Máy bay cứu thương liên tục hạ xuống bệnh viện Mang Cá trong Thành Nội…

Rồi Huế nháo nhác, tan tác…Rồi đất nước tang thương…

Ba Cát Đằng đi “cải tạo” vì bị xếp vào loại “ Ngụy quyền”. Bạn tôi bước xuống cuộc đời.

Trải một tấm nilon ở góc chân cầu Trường Tiền, Cát Đằng đi bán chợ trời. Cô tiểu thư con nhà quyền quý ấy bây giờ phải bươn chải với gánh nặng áo cơm của cả gia đình. Bạn bán từng cái áo nhà binh cho người đi lao động, vài cái lon Guigoz tiện cho người đi thăm nuôi, những chiếc áo dài cũ của vợ các sỹ quan một thuở huy hoàng, gói thuốc lá Tam Đảo nặng mùi khét lẹt cho đến cái chén kiểu, ly tách sang trọng một thời vang bóng...Nhìn bạn đếm từng hào tiền Bắc sau buổi chợ , tôi chảy nước mắt. Nhưng một nửa đất nước đều như thế, biết làm sao.

Thi thoảng nhờ em gái Hoàng Lan coi hàng, chúng tôi lên Thiên An quét lá thông về làm chất đốt. Củi cũng phải mua bằng tem phiếu mà gia đình chúng tôi làm gì có đặc quyền đặc lợi ấy. Sau khi nhét đầy lá vào hai bao tải, chúng tôi ngồi dựa gốc cây nghỉ mệt. Cát Đằng âu sầu đưa mắt nhìn chung quanh.Tôi biết trong đầu bạn đang nghĩ về những kỷ niệm xưa. Cũng nơi này, ngày ấy có một cặp tình nhân thật đẹp đang nắm tay nhau đi dưới rặng thông. Cảnh đấy người đây nhưng một người đà khuất bóng. Tôi không dám gợi lên điều gì với bạn. Mọi chuyện cứ như là một giấc mơ nhưng mỗi sáng mai thức dậy lại phải đối mặt với sự thật kinh hoàng.

Thành phố tăm tối hẳn đi. Mới 8 giờ tối điện đã cúp. Những chiếc Honda đổi chỗ cho giai cấp cán bộ. Huế xuất hiện xe đạp thồ. Những khuôn mặt đau khổ nhếch nhác. Những câu ca dao hiện đại được thầm thì chuyền miệng. Những bài hát được chế biến bi hài. Người ta nhắc lại câu nói mười bốn chữ bất hủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. “Rồi cứ thế ni mãi răng???” Mạ tôi ngửa mặt than trời rồi chặt hết những cây mai vàng thay vào mấy luống khoai lang cứu đói!

Bốn năm sau, ba Cát Đằng chết trong tù vì sức tàn lực kiệt. Mạ bạn khô nước mắt đi thăm mộ chồng ngoài Thanh Hóa. Một mô đất trơ trọi trong rừng được đánh dấu bằng viên đá xanh lớn. Còn đâu người đàn ông khả kính trụ cột gia đình. Tóc bà bạc trắng. Cái lúm đồng tiền xưa kia đã trở thành ngoặc đơn rồi ngoặc kép.

Từ nước ngoài người con trai yêu Cát Đằng ngày đó xuất hiện như một vị cứu tinh. Anh ta gởi về giúp gia đình bạn những xấp vải, những gói thuốc tây, những đồng đô la được khéo léo nhét trong hộp sữa… Tất cả chỉ nhằm một mục đích chinh phục tình yêu của người con gái Huế mà anh ta say đắm. Mạ bạn tha thiết khẩn nài “Con ơi! Thằng đó nó tốt, lại hiền lành, con nhà trí thức. Lấy hắn con cũng sướng mà các em cũng đỡ khổ. Với lý lịch này thì nhà mình không ngóc đầu lên được . Con chỉ có nước lấy anh xe thồ hoặc ông nông dân mà thôi”. Bạn tôi gục mặt vào hai bàn tay khóc nghẹn. Phải chăng bạn đang nghĩ đến một Thúy Kiều hiện đại?

Tôi khuyên Cát Đằng: Mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Anh H. mất rồi. Đã gần 7 năm. Bạn đâu phải là kẻ phụ tình. Trong hoàn cảnh này đôi khi phải thực tế. Bạn yên lặng gật đầu.

Mọi chuyện được thu xếp nhanh chóng. Bà mẹ chú rể từ nước ngoài trở về. Một vài lễ nghi cần thiết trong buổi giao thời. Và xúc tiến giấy tờ bảo lãnh.

Tôi đưa Cát Đằng lên thăm chị Hương lần cuối. May sao lại gặp mẹ anh H. từ Bình Dương trở về. Bác bảo có thể bác sẽ vào trong đó ở hẳn. Bác ôm vai bạn tôi: “Bác mừng cho con. Biết tin này ở đâu đó chắc H. vui lắm”. Trên bàn thờ vẫn chưa có ảnh của anh. Ghê gớm thay lòng tin của người mẹ. Bạn tôi xin phép được lạy trước bàn thờ ba lạy và nhét vào túi mẹ anh H. chút vốn liếng còm cỏi. Nước mắt người mẹ ứa ra tràn trề. Bà khẽ kêu “H. ơi! ”.

Trước khi xuất cảnh, Cát Đằng đến nhà tôi ngủ lại một đêm. Bạn đem theo cái hộp bánh CHOCOLATE chứa những bức thư của hai người, tấm ảnh trao nhẫn được đặt lên trên. Cát Đằng bảo tôi “An Nhiên là một chứng nhân quan trọng trong mối tình lớn của mình. Mình không thể mang theo kỉ vật quý giá này. Bạn giữ giúp mình cho đến lúc nào còn có thể ”. Tôi cất vào tủ sách, lòng ngậm ngùi thương bạn.

Thời gian qua, Cát Đằng đã có một gia đình êm ấm. Ông chồng thành đạt, hai con một trai một gái xinh xắn. Cả hai đang định cư ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado. Tôi mừng cho bạn. Cuối cùng, một cô gái ngoan hiền như bạn tôi nhất định phải được sung sướng. Qua những cuộc trò chuyện từ nước ngoài, tôi tránh gợi chuyện ngày xưa.

Tôi cũng đã có gia đình. Một ông chồng do bàn tay số mệnh sắp đặt. Một ông chồng yêu vợ thương con nhưng vô tâm. Tôi cũng chẳng bao giờ hé môi về chuyện bạn mình…

***
Ngày mai, gia đình tôi sẽ vào Nam lập nghiệp. Mở tủ sách, tôi cầm cái hộp bánh cũ. Những bức thư nhuốm màu thời gian nhưng tấm ảnh vẫn còn rất rõ. Ôi! Nụ cười hạnh phúc của cả hai người.

Tôi không thể đem chúng theo. Đốt thì tôi không nỡ. Suy đi tính lại, tôi quyết định đem lên nhà chị Hương, nhờ chị đặt trên bàn thờ anh H. Không còn gì để hy vọng về anh nữa rồi.

Căn nhà vẫn như xưa dù thời gian có làm nó già và cũ kỹ hơn. Tiếng chim sâu vẫn kêu lách chách trên những vòm cây xanh. Tôi dựng chiếc xe vào gốc ngọc lan, lòng bùi ngùi. Kỷ niệm ngày xưa ùa về trong ký ức. Một chiếc xe lăn trên hàng hiên. Tôi trách mình đã lâu không thăm mẹ anh. Cuộc sống bận rộn với cơm áo, gạo tiền làm mình trở thành người có lỗi.

Tôi tự nhiên đẩy cửa vào phòng khách khép hờ. Một người đàn ông nằm trên ghế sofa, tay cầm cuốn sách, chiếc chăn mỏng đắp ngang thân, phía bên dưới là một… khoảng trống. Anh ngước nhìn lên. Có phải tôi đang mơ? Đôi mắt ấy, gương mặt ấy… Đúng là anh H. Anh cất tiếng “An Nhiên đấy ư em? ”. Tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn.

Vâng, anh H. Anh bị thương nặng nhưng không chết. Trong cuộc hành quân của Tiếu đoàn vào mật khu Đồng Tháp Mười, đại đội của anh sa vào ổ phục kích. Môt mảnh B40 đã bay vào lưng anh, chạm ngay cột sống. Anh được đưa về quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Bác sỹ cho biết mảnh đạn đã làm đứt dây thần kinh tủy sống dẫn đến khả năng bại liệt suốt đời. Trong cái đau đớn tận cùng của thể xác, anh vẫn nghĩ đến Cát Đằng. Không thể gắn số phận bất hạnh của mình đối với người yêu, anh cắn chặt răng bảo mẹ báo tin với Cát Đằng là mình bị mất tích. Và người mẹ đã làm theo lời anh…

Từ Cần Thơ, anh được chuyển vể Tổng y viện Cộng Hòa. Các bác sỹ và y tá tận tâm chăm sóc anh. Vết thương bên ngoài tạm ổn, anh sang Trung tâm phục hồi chức năng. Mẹ già theo sát anh từng bước. Đó là lý do khiến bà bảo với Cát Đằng mình vào Nam sống với người anh cả.

Sau ngày 30 tháng 4, tất cả thương binh nặng nhẹ đều bị tống ra đường. Anh về Bình Dương nương tựa nhà anh Hùng. Vết thương không còn được quân y viện chăm sóc, lâu ngày bị hoại tử và hai chân anh bị tháo khớp tới gối. Mẹ già mất, Cát Đằng đã đi xa, anh quyết định về Huế sống phần đời còn lại bên người chị gái thương yêu. Gần mười mấy năm nay anh sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của các khóa Võ Bị ở nước ngoài, những chiến hữu cùng đơn vị và một số anh em còn kẹt lại ở quê nhà...

Cao quý thay tình nghĩa đồng môn của những chàng trai cùng trường Mẹ! Anh cũng tự ôn kiến thức để dịch thuật, để luyện thi cho các học sinh nghèo vào Đại học. Cụôc sống không đến nỗi thấy mình là người vô dụng.

Cầm xấp thư và tấm hình, anh H. trầm ngâm bảo tôi: “Anh cám ơn An Nhiên. Cố vật đã tìm về cố chủ. Cứ để cho Cát Đằng nghĩ rằng anh đã chết. Đó chính là tình yêu của anh giành cho cô ấy”. Anh nâng chiếc nhẫn có viên hồng ngọc trên ngón tay áp út, âu yếm hôn vào nó. Chiếc nhẫn năm xưa, Cát Đằng đã lồng vào tay anh trong đêm Lễ trao nhẫn trên Vũ đình trường.

Một cơn gió lạnh thoảng qua. Mùa Đông đã về trên thành phố.

Hương Thủy

TIN QUỐC TẾ

Nguy Cơ Giảm Phát tại Trung Quốc

Việt-Long- Nguyễn-Xuân Nghĩa, Tư vấn Kinh tế của RFA
2015-01-13

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
yuan-dollar
Tiền tệ- kinh tế Trung Quốc
Courtesy of featurepics.com 
Việt-Long:  Trong loạt bài tổng kết về năm 2014 và dự báo kinh tế năm 2015 mà ông kết thúc hôm Thứ Tư 24 tháng trước, ông nói rằng kinh tế toàn cầu năm 2015 bị đứt neo và có thể đối mặt với nạm giảm phát. Thế rồi hôm mùng chín vừa qua, Cục Thống kê của Trung Quốc cho biết cả chí số giá tiêu dùng lẫn chỉ số hàng công nghiệp đều giảm trong tháng 12 và người ta nói đến nguy cơ giảm phát của kinh tế Trung Quốc. Tuần trước ông  phân tích viễn ảnh kinh tế u ám của Châu Âu, chưa nói gì đến nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Bây giờ trong chương trình hôm nay, xin đề nghị ông trình bày về nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc. Trước hết, ông vui lòng nhắc giúp định nghĩa của giảm phát. Giảm phát là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết tôi cũng muốn nói về định nghĩa và ngôn từ để mình cùng hiểu là đang nói về chuyện gì.
- Chúng ta đều có nghe nói đến nạn lạm phát vì Việt Nam đã từng bị tai họa này vào những năm 1985-1986 khi vật giá leo thang đến 700% vì những sai lầm về chính sách thời đó. Lạm phát là khi đồng tiền bị mất giá khi giá hàng hóa gia tăng mạnh. Lý do thì có nhiều loại, và người ta thường đo lường mức lạm phát ấy ở chỉ số giá tiêu dùng, viết tắt là CPI, tức là giá cả của các sản phẩm hoàn tất được bán cho nhà tiêu thụ sau cùng. Một cách cụ thể thì người ta so sánh dị biệt của giá tiêu dùng giữa hai thời điểm và có thể từ đó quy ra toàn năm thì có tỷ lệ lạm phát. Nếu kinh tế tăng trưởng hài hòa thì một tỷ lệ lạm phát chừng 2% một năm được coi là điều tốt đẹp.
-  Khi mức lạm phát lại không tăng mà giảm dần thì ta gặp hiện tượng chuyển tiếp mà tôi xin gọi là "thiểu phát", tức là có lạm phát mà ít hơn, chậm hơn. Đấy là cách dịch chữ "disinflation" khá thông dụng. Bây giờ, nếu giá tiêu dùng không tăng chậm mà còn sụt thì ta có nạn giảm phát, là "deflation", nguy kịch hơn nạn thiểu phát. Giảm phát là khi giá hàng sụt giảm, dù hàng đã hạ giá mà vẫn ế và dẫn đến hậu quả là hàng sản xuất sẽ giảm. Khi sản lượng giảm thì lợi tức sụt theo và thất nghiệp tăng. 
Thế giới cứ quen nhìn vào nạn lạm phát mà ít thấy ra một nguy cơ trái ngược là giảm phát, với hậu quả thật ra còn tai hại hơn lạm phát vì mọi người đều nghèo đi, cả nhà sản xuất lẫn giới tiêu thụ, cả khách nợ lẫn chủ nợ. Trong vụ Tổng khủng hoảng năm 1929-1933, chính là nạn giảm phát sau đó mới gây ra lầm than và là một nguyên nhân dẫn tới đại chiến.
- Nói vắn tắt cho thính giả của chúng ta dễ nhớ là khi số cầu cao mạnh hơn số cung thì kinh tế bị lạm phát. Ngược lại, khi cung lại cao hơn cầu thì đấy là giảm phát. Từ lạm phát kinh tế có thể bị thiểu phát rồi mới trôi vào giảm phát.
Việt-Long: Sau khi tóm tắt vấn đề, chúng ta trở lại hồ sơ kinh tế của Trung Quốc. Liệu kinh tế xứ này có bị nguy cơ giảm phát không và nếu gặp cái nạn này thì có cách gì đối phó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói về cách đo đếm để trà lời cho câu hỏi đó, thống kê Trung Quốc hôm Thứ Sáu tuần trước cho biết chỉ số giá tiêu dùng là giá bán lẻ chỉ tăng có 2% so với tiêu chí do lãnh đạo đề ra cho toàn năm 2014 là 3,5%. Nếu so với đà tăng giá năm 2013 là 2,6% thì tăng số vừa qua còn chậm hơn nữa. Nghĩa là kinh tế xứ này đang bị nạn thiểu phát, giá có tăng mà chậm. Nếu suy ngược lên tiến trình sản xuất ở trên mà nhìn vào giá cả của các mặt hàng công nghiệp, tức là giá bán sỉ để dự báo về giá bán lẻ sau này, thì thống kê của Bắc Kinh cho biết chỉ số PPI trong Tháng 12 quy ra toàn năm đã sụt mất 3,3%. Đấy mới là dấu hiệu đáng ngại nhất vì năm qua, chỉ số này là 1,9%. Nói đơn giản thì kinh tế Trung Quốc đang từ nạn thiểu phát gặp nguy cơ giảm phát, vì vậy mà các thị trường thế giới gióng chuông báo động rằng Trung Quốc có thể gặp giảm phát như Nhật Bản đã từng bị từ năm 1990 mà nay vẫn chưa thoát khỏi.
Việt-Long: Liệu điều ấy có xảy ra không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu ta lùi lại để nhìn vào toàn cảnh thì Trung Quốc đang gặp vấn đề của các nền kinh tế mắc nợ lớn sau khi bơm tiền kích thích kinh tế và ào ạt nâng số cung. Một cách dễ hiểu thì Trung Quốc đi vay quá đà nên đến hồi trả nợ và tiến trình này gây ra nạn suy trầm hay tệ hơn vậy, nạn suy thoái. Để kích thích kinh tế trong một cơ chế lệch lạc, họ bơm tiền sai chỗ nên thổi lên bong bóng đầu tư, khi bóng bể thì kinh tế khủng hoảng. Từ hai ba năm nay, ta đã thấy nguy cơ bể bóng trong khu vực địa ốc trong khi đà tăng trưởng lại giảm dần.
- Dù chưa biết là núi nợ cao đến đâu và bên trong bị ung thối đến cỡ nào, lãnh đạo xứ này đã biết sợ nên muốn chủ động làm xì trái bóng trước khi nó bể. Nhưng nếu làm như vậy thì lại bị rủi ro là đà tăng trưởng càng giảm. Họ phải cân nhắc kỹ để khỏi trôi vào cái vòng luẩn quẩn là tăng trưởng thấp thì khó trả nợ mà không trả được nợ thì vỡ nợ và khủng hoảng.
- Chuyện thứ hai về bối cảnh, cơ chế kinh tế Trung Quốc sở dĩ lệch lạc là vì chiến lược thúc đẩy tăng trưởng nhờ đầu tư quá nhiều và lại ức chế tiêu thụ. Vì vậy, sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 nhất là sau Hội nghị Trung ương kỳ ba vào cuối năm 2-13, lãnh đạo xứ này muốn chuyển hướng và dồn tiền qua khu vực tiêu thụ với cái giá phải trả là sẽ tăng trưởng chậm hơn trong trung hạn dăm ba năm. Bây giờ khi giá hàng sụt giảm như vậy do hiện tượng thiểu phát thì dân chúng càng chậm tiêu xài để chờ giá thấp hơn cho nên nguy cơ giảm phát sẽ càng tăng và kinh tế sẽ hạ cánh nặng nề chứ không nhịp nhàng như lãnh đạo mong muốn.
Việt-Long: Nói cách khác thì kinh tế Trung Quốc có thể bị giảm phát như Nhật Bản hơn hai chục năm trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng còn tệ hơn Nhật Bản với hậu quả trầm trọng gấp bội.
- Hơn 20 năm trước, khung cảnh kinh tế toàn cầu thật ra còn khá hơn hiện nay vì nhiều yếu tố. Hoa Kỳ mới khởi sự cuộc cách mạng về tín học với năng suất gia tăng mạnh. Các nước đang phát triển và cả Mỹ châu La tinh thì vừa ra khỏi cả chục năm khó khăn nên đồng loạt cải cách hay đổi mới, kể cả Việt Nam và Ấn Độ, và không bị mắc nợ nhiều như bây giờ. Thời ấy, nguyên nhiên vật liệu chưa tăng giá nhưng tương đối ổn định chứ không sa sút nặng như ngày nay. Trong hoàn cảnh đó, kinh tế toàn cầu không sợ nạn thiểu phát hay giảm phát và vì vậy biến động tại Nhật không gây họa cho xứ khác.
- Bên trong, Nhật Bản có xã hội thuần chủng và đồng thuận, có cơ chế dân chủ và ít dị biệt về lợi tức nên người dân chấp nhận khó khăn với tinh thần khắc khổ theo lối "rau cháo có nhau". Nôm na là chính quyền có thể đổ mà xứ sở không loạn. Trung Quốc thì khác mà tệ hơn nhiều vì không có dân chủ. Các thành phần trục lợi nhờ cơ chế lệch lạc đó lại nắm thực quyền ở trên nên có thể cưỡng chống việc chuyển hướng vì thế mà lãnh đạo mới phải mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng để đẩy lui sự cưỡng chống và phá hoại.
Việt-Long: Qua sự phân tích của ông thì Trung Quốc rất khó đối phó nạn giảm phát này, như vậy thì nó kéo dài bao lâu và gây ra những hậu quả gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta rất khó đoán ra thời hạn và cường độ của sự hoạn nạn vì những lý do sau đây. Trước tiên, Trung Quốc bước vào thời trả nợ và nếu lãnh đạo thành công trong việc bắt các chính quyền địa phương mắc nợ phải bán tài sản qua tiến trình cổ phần hóa để lấy tiền trả nợ thì sẽ sớm ra khỏi khó khăn. Nhưng lãnh đạo có làm nổi việc đó không?
- Thứ hai là khả năng tạm gọi là "tái phân lợi tức" để nâng mức tiêu thụ và gia tăng số cầu hầu có một lực đẩy khác để ra khỏi nạn giảm phát. Việc tái phân lợi tức ấy nghĩa là dồn tài sản từ khu vực kinh tế nhà nước về các hộ gia đình cho người dân hưởng thành quả của lao động. Việc phân phối lợi tức như vậy phải đạo về luân lý và hợp lý về kinh tế mà khó thi hành về chính trị!
- Sau cùng, Bắc Kinh còn phải cải cách toàn bộ cơ chế tài chính ngân hàng để tránh nạn úng thủy là khi tiền bơm vào các khu vực của nhà nước, từ trung ương đến địa phương, lại thổi bong bóng và tham nhũng, trong khi các tiểu doanh thương của tư nhân vẫn khó tìm ra tín dụng cho sản xuất. Cho nên, vì sự cưỡng chống chính trị bên trong, Trung Quốc không thể sớm hoàn tất việc cải cách này. Việt Nam cũng có cái tai họa ấy trong xương tủy nên chắc là phải biết vấn đề!
Việt-Long: Trong bối cảnh giá dầu đang giảm, có lợi cho Trung Quốc, thì điều đó có giúp Trung Quốc chống được nạn giảm phát không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cái lợi thì có nhưng không đủ bù cho thiệt hại. Ví dụ giá dầu giúp Trung Quốc được 100 tỉ chẳng hạn, trong khi nền kinh tế thiệt hại hằng ngàn tỉ, thì cái lợi đó không thấm tháp gì!
Việt-Long: Dù sao chúng ta cũng không quên là Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới, sau Mỹ và trước Nhật, trong khi châu Âu chưa ra khỏi khủng hoảng và cũng có thể bị nạn giảm phát. Nếu Trung Quốc bị giảm phát quá nặng và quá lâu vì lãnh đạo khó xoay trở được do các vấn đề kinh tế đa diện lẫn những trở ngại chính trị trong nội bộ như ông vừa phân tích thì hậu quả sẽ ra sao cho kinh tế thế giới trong năm nay và nhiều năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tóm lược như thế này để ta nhìn ra toàn cảnh của thế giới, bên trong có kinh tế Trung Quốc sắp lâm nạn.
- Thế giới bị cái nạn chung là có sức tiêu thụ quá thấp, khối tiết kiệm quá cao và nhiều phương tiện sản xuất dư dôi. Bài toán khách quan ở đây là các nước phải tăng số cầu bằng cách này hay cách khác. Cho tới nay, chỉ Mỹ là còn hy vọng nâng mức cầu chứ các xứ khác như Âu, Nhật và Tầu thì đều rũ liệt. Trong tình huống ấy mà Trung Quốc bị giảm phát thì chẳng thể mong gì ở thị trường bên ngoài mà thế giới cũng chả có lợi gì khi xứ này lâm nạn. Cũng phải nói thêm là những gì đang và sẽ xảy ra tại Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới vốn dĩ đang có vấn đề riêng và phải giải quyết theo phương cách riêng. Trung Quốc không có cái thế lực như người ta thường nghĩ
.
Việt-Long: Câu hỏi cuối thưa ông. Vì ta đang nói về kinh tế Trung Quốc, ông nghĩ sao về đề nghị là Việt Nam nên dùng đồng Nhân dân tệ của xứ này để thanh toán việc giao dịch giữa hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nói ngược với mọi người mà cho rằng đấy là một sáng kiến nay. Thứ nhất, nó xác nhận điều ai cũng biết mà không được nói là Việt Nam không có chủ quyền. Thứ hai, nó gây tai họa kinh tế khi tiền của Trung Quốc mất giá và sẽ còn mất giá, làm cho những ai muốn lệ thuộc vào Trung Quốc dễ phá sản. Những chuyện ấy sẽ thức tỉnh người dân khiến cho bên trong Việt Nam, nhiều người phải tìm ra giải pháp khác.
Việt-Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về nhận xét thâm thúy này!

Trung Quốc 2015: Địa ốc tuột dốc

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-12-31

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
thuong-hai-622
Các tòa nhà cao tầng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 08 tháng 9 năm 2014 (ảnh minh họa).
AFP
Ngày nay, thế giới đã công nhận rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể khả quan như xưa. Nhưng bên dưới tình trạng suy trầm trì trệ ấy còn có nhiều vấn đề khác nữa mà người ta cần nhìn ra. Diễn đàn Kinh tế sẽ khởi đầu cho năm 2015 qua việc phân tích những vấn đề này. Xin quý vị theo dõi phần trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản

Vũ Hoàng: Xin kính chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau loạt tổng kết cho 2014 và dự báo cho năm mới, kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2015. Theo giới quan sát quốc tế thì kinh tế Trung Quốc khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2015, nhưng ngoài ra, xứ này còn có những vấn đề gì khác nữa?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, chúng ta nên đọc vài tin nhỏ mà kém vui vì chúng liên hệ đến kinh tế Việt Nam. Hôm 30, tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa ra một báo cáo có tính khuyến nghị, rằng Việt Nam cần giới hạn dần và chấm dứt việc trao đổi qua biên giới với Trung Quốc để chỉ còn cơ chế xuất nhập khẩu thông thường mà thôi. Việc mua bán qua biên giới, hay mậu biên hoặc xuất nhập khẩu tiểu ngạch, là hiện tượng quá phổ biến, gây thất thu về thuế khóa và đào sâu tình trạng nhập siêu quá nặng của kinh tế Việt Nam với Trung Quốc. Trong năm qua, số nhập siêu này lên tới gần 30 tỷ đô la, tăng gần 22% so với năm ngoái.
Trước đó hai ngày, tờ The Wall Street Journal bên Mỹ lại có cái tin mang tính chất bổ sung. Đó là nạn nhập lậu khá phổ biến tại Trung Quốc. Nhưng chuyện ly kỳ họ nói tới không là nhập lậu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng mà là nhập gạo từ Việt Nam. Con số gây giật mình là số gạo lậu từ ta bán cho Tầu trong 11 tháng đầu năm lên ít nhất là một triệu 200 nghìn tấn, bằng một phần tư của số gạo tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Việt Nam đứng đầu trong các nước bán gạo cho Tầu và cung cấp hơn phân nửa số gạo nhập khẩu chính thức vào xứ láng giềng này. Vì giá gạo bên Tầu quá cao, lên tới khoảng 643 đô la một tấn so với giá 498 đô la của Việt Nam, nên trong luồng giao dịch gọi là mậu biên này mới có tình trạng buôn lậu.
Diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Những tin đó từ Việt Nam và bên Mỹ xác nhận điều mà Cục Hải quan Toàn quốc nhắc đền từ đầu tháng 11. Đó là thi hành quyết định của Hội nghị Ban chấp hành kỳ bốn vừa qua, Quốc vụ viện là Hội đồng Bộ trưởng của Trung Quốc phát động chiến dịch bài trừ buôn lậu nông sản và ma túy gọi là Lục Phong, làm gió xanh lục.
Vũ Hoàng: Ông nghĩ thế nào về những vấn đề rất ly kỳ này, thí dụ như Việt Nam là nước bán gạo nhiều nhất cho Trung Quốc mà lại còn bán lậu nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Những tin ấy thấy hơi buồn, buồn nhất là cho người Việt trong cuộc là nông gia. Xứ này nằm dưới chế độ kiểm soát rất khắc nghiệt vậy mà vẫn để xảy ra nạn buôn lậu thì hiển nhiên là các cấp chính quyền địa phương không làm tròm nhiệm vụ, có khi còn trực tiếp nhúng tay vào nghề buôn lậu nữa. Nhân loại đã bước qua năm thứ 15 của thế kỷ 21 rồi mà hai quốc gia tự xưng xã hội chủ nghĩa lại còn hiện tượng lạc hậu đó. Việt Nam hiện dư gạo, nông dân vẫn là nạn nhân vì không hưởng kết quả lao động của mình với giá gạo quá thấp, lại còn buôn lậu qua một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước mà lại có hành vi áp bức với quốc gia mình.
Chuyện ấy khiến ta nhớ đến một vấn đề khác. Tháng Tư vừa qua, hai bộ Bảo vệ Môi sinh và Tài nguyên Quốc thổ của Bắc Kinh cho biết là một phần năm diện tích đất đai bị nhiễm độc vì hóa chất từ công nghiệp khiến hàng năm họ mất 12 triệu tấn hoa màu, và 30% sản lượng gạo của họ có độ chì cao hơn mức an toàn cho sức khoẻ. Một ví dụ khác là từ nhiều năm rồi, tỉnh Hồ Nam cố khắc phục tình trạng ruộng lúa bị nhiễm chất cadmium mà không xong vì thiếu nước. Và hậu quả là gạo tại Quảng Đông bên cạnh nước ta bị nhiễm cadmium chính là gạo từ Hồ Nam.
Chúng ta biết diện tích canh tác của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới, bây giờ số đất hiếm hoi ấy lại thiếu nước cho canh tác, rồi còn bị ô nhiễm vì quy cách sản xuất vô trách nhiệm, nên việc nhập khẩu lương thực còn kéo dài mãi mãi. Mà lương thực là sản phẩm còn sinh tử hơn dầu khí nên tất nhiên họ có tư tưởng cướp đất để trồng gạo bên cạnh một quốc gia như Việt Nam mà lãnh đạo có thói quen là cái gì cũng bán, kể cả bán nước.

Viễn ảnh 2015 của kinh tế TQ

Vũ Hoàng: Trở lại viễn ảnh 2015 của kinh tế Trung Quốc thì giới quan sát nhận định thế nào?

Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014

Đường phố Bắc Kinh, tháng Giêng năm 2014
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, người ta cho là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm và giảm phát, với đà tăng trưởng không thể là 7%, có khi chỉ 5% mà thôi. Tuy nhiên, từ chuyện đất đai sang nhà cửa thì tôi nghĩ là ta nên tìm hiểu về một quyết định mới của Quốc vụ viện Bắc Kinh.
Hôm 22 vừa qua, họ vừa ra một thông tư sơ khởi để sẽ bắt đầu áp dụng từ đầu Tháng Ba này. Đó là các chính quyền địa phương từ cấp quận huyện trở lên phải lập ra hệ thống kiểm kê và đăng ký mọi loại tài sản gia cư, địa ốc và quyền sử dụng đất trên toàn quốc.
Vũ Hoàng: Thưa ông, vì sao ông lại cho quyết định này là quan trọng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Việc các địa phương phải lập hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc bằng điện tử lẫn ghi trên số sẽ mất nhiều năm mới hoàn thành nhưng trước mắt thì khiến giá nhà tại nhiều nơi sút giảm hơn nữa ngay năm nay. Điều ấy lập tức ảnh hưởng đến sản lượng kinh tế năm 2015.
Nhìn về căn bản thì quyết định này còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Đây là trận đánh lâu dài về ngân sách giữa chính quyền trung ương và các địa phương, lồng trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở cấp địa phương, và sẽ giới hạn được nạn cướp đất của dân để đầu cơ và thổi lên bong bóng.
Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt trình bày cho thính giả của chúng ta những ý nghĩa quả thật là nghiêm trọng mà rắc rối này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là về bối cảnh thì như diễn đàn của chúng ta đã trình bày từ mấy năm trước, chính sách quản lý đất đai và cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế đã dẫn đến hai chuyện. Thứ nhất, các chính quyền địa phương lợi dụng quyền quản lý để ban phát lợi lộc cho tay chân khiến dân oán hận. Lý do là họ thu được 40% ngân sách chi dụng là nhờ số đất thật ra lại rất ít hỏi đó. Thứ hai, chính sách kích thích kinh tế bằng tín dụng ào ạt lại trút tiền vào các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương và chạy vào túi các đại gia có quan hệ với đảng viên cán bộ. Rồi tiền quá dư thừa với lãi suất rẻ mới thổi lên nạn đầu cơ địa ốc và trái bóng đầu cơ bị bể từ mấy năm nay. Hậu quả là ngoài mấy thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, Nam Kinh, tại tất cả các thành phố khác giá nhà đều sụt và các tay đầu cơ có thể phá sản, ngân hàng mất nợ và ngành xây cất bị khủng hoảng, công nhân mất việc.
Trong bối cảnh ấy, chính quyền trung ương bèn ra chỉ thị thành lập hệ thống kiểm tra này để vừa nắm vững tình hình thật, vừa tránh nạn địa phương lạm quyền rồi báo cáo sai lên trên và từ đó có hy vọng đẩy lui nạn đầu cơ trên thị trường gia cư.

Trận đánh về ngân sách

Vũ Hoàng: Hồi nãy ông có nói đến trận đánh về ngân sách giữa trung ương với địa phương, vì sao lại có tình trạng này?
Năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hệ thống ngân sách của Trung Quốc được thiết lập từ 20 năm trước nay đã bị lỗi thời, khi số thu và chi của trung ương và các địa phương đã có thay đổi. Vắn tắt cho dễ nhớ thì trung ương và địa phương thu được bằng nhau, nhưng các khoản chi của địa phương lại tăng mạnh, từ phân nửa của số tổng chi mấy chục năm trước nay đã lên tới khoảng 85%. Khi ấy, họ làm sao giải quyết được nhu cầu chi dụng? Họ cướp đất và bán đất và lập ra cả ngàn công ty mệnh danh là đầu tư để đi vay tiền bừa phứa từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và đang chất lên một núi nợ rất cao, bên trong có nhiều nợ xấu sẽ mất. Cho đến nay, chưa ai tính được các khoản nợ này là bao nhiêu và bao giờ thì vỡ nợ.
Vì vậy, sau nhiều năm xoay trở, năm nay trung ương mới lập ra sắc thuế thổ trạch sẽ áp dụng năm tới. Loại thuế đánh trên tài sản địa ốc này nhắm vào việc giải trừ đầu cơ và đồng thời cho địa phương một nguồn thu rõ rệt hơn. Nhưng muốn vậy thì phải có hệ thống kiểm tra tài sản địa ốc.
Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông có nói đến việc địa phương thiếu tiền chi dụng cho ngân sách nên mới lập ra những công ty đầu tư tại địa phương để hút tiền từ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Thế Bắc Kinh giải quyết vấn đề này như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Để giải quyết chuyện này, từ ba năm truớc, lãnh đạo Bắc Kinh cho thử nghiệm trên 10 thí điểm thể thức trái phiếu địa phương, là các địa phương được vay tiền khi phát hành tờ công khố phiếu của từng địa phương để huy động tiền trong dân gian. Năm 2015 này, họ sẽ thống nhất áp dụng việc đó để các địa phương có tiền trả nợ, tránh nạn cướp đất và tạo cơ hội khác cho giới đầu tư. Nhưng muốn có một thị trường trái phiếu địa phương và đồng thời ban hành sắc thuế thổ trạch thì trước hết người ta cần có một hệ thống sổ sách phân minh và đáng tin cậy. Đấy là ý nghĩa của việc thành lập hệ thống kiểm tra tài sản gia cư địa ốc vừa mới ban hành.
Qua ngần ấy chuyện, ta thấy ra nhiều vấn đề chằng chịt và phức tạp của hệ thống công quyền thiếu dân chủ và chẳng áp dụng thế chế liên bang trên một đất nước quá rộng.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, liệu chính quyền Trung Quốc có thành công hay chăng khi một lúc phải giải quyết ít ra ba bốn vấn đề là chi thu ngân sách, tránh nạn đầu cơ và cướp đất và tránh nạn sụp đổ tài chính nếu các công ty đầu tư ở địa phương bị vỡ nợ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm nay họ mới có quyết định thành lập các cơ chế giải quyết nên phải mất nhiều năm nữa thì mới thấy kết quả. Một trong những kết quả tích cực là sau này, nông gia sẽ có đất canh tác mà khỏi bị nhà nước cướp mất và từ đó hy vọng khai thác theo lối văn minh hiện đại và lành mạnh hơn để kiếm ra nông sản cho thị trường nội địa.
Nhưng trước mắt thì những biện pháp ấy sẽ làm giá nhà suy sụp hơn nữa trong năm nay. Ngoài ra, ta không thể quên là chính sách mới sẽ xâm phạm quyền lợi của cường hào ác bá địa phương cùng các doanh gia đã mặc tình khai thác thị trường địa ốc cho lợi ích riêng dưới sự bao che của thân tộc trong đảng. Vì vậy, các thành phần này sẽ ra sức phá hoại chính sách mới. Đấy là lý do vì sao mình nên nghĩ đến chiến dịch diệt trừ tham nhũng. Mục tiêu vẫn là đánh tan các thế lực kinh tế chính trị thường cấu kết với nhau để trục lợi và còn thách đố chính quyền trung ương. Năm nay, ngoài nạn suy sụp kinh tế, chúng ta còn chứng kiến nhiều trận đánh ly kỳ ấy.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa trong chương trình phát thanh cho một đầu năm dương lịch sẽ hứa hẹn nhiều sóng gió.
 

Phụ nữ và thảm nạn hiếp dâm ở Ấn Độ

Hải Ninh, phóng viên RFA
2015-01-11

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ngoài những cuộc biểu tình các nhà hoạt động Ấn Độ còn dựng những hình ảnh trên đường phố để phản đối vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở New Delhi vào ngày 16 Tháng 12 năm 2014
Ngoài những cuộc biểu tình các nhà hoạt động Ấn Độ còn dựng những hoạt cảnh trên đường phố để phản đối vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở New Delhi vào ngày 16 Tháng 12 năm 2014
AFP
Một vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ hiện nay là tình trạng hãm hiếp phụ nữ diễn ra như cơm bữa. Báo chí liên tục đưa tin các vụ cưỡng đoạt trên xe buýt, trên taxi, hãm hiếp tập thể với phụ nữ Ấn và cả nữ du khách nước ngoài. Hải Ninh tìm hiểu về tình trạng này và những liên hệ tới tình hình ở Việt Nam trong tạp chí phụ nữ hôm nay.
Đó là âm thanh của một cuộc biểu tình phản đối việc nữ diễn viên bị hiếp dâm tập thể ở giữa thủ đô New Dehli. Những năm gần đây, tình trạng hiếp dâm tập thể diễn ra thường xuyên và trở thành một ung nhọt trong một quốc gia ở Nam Á này.
Abhinay Dey, phó tổng biên tập tờ Times of India, cũng phải thừa nhận tình trạng hiếp dâm tới mức đáng sợ ở Ấn Độ ngày nay. Ông trả lời phỏng vấn của phóng viên RFA qua Facebook như sau:
Abhinay Dey: Đúng là tình trạng ở đây vô cùng đáng sợ hãi, có lẽ nhìn từ bên ngoài thì tình hình còn khủng khiếp hơn. Các câu chuyện này vẽ lên một bức tranh xấu xí về xã hội Ấn Độ tuy nhiên điều đó là cần thiết. Du khách nước ngoài cần cẩn thận khi đi du lịch một mình.
Ung nhọt
Hiếp dâm xếp thứ tư trong danh sách những tội phạm phổ biến nhất Ấn Độ. Theo Cục về tội phạm ở nước này, trong năm 2013, có gần 25.000 vụ cưỡng hiếp trên cả quốc gia này. Trong số đó, hơn 98% nạn nhân bị cưỡng đoạt bởi họ hàng hoặc hàng xóm chứ không phải ai khác xa lạ. Theo một thống kê của báo Ấn Độ, cứ 20 phút lại có một người bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên đó chỉ là con số chính thức trên giấy tờ. Phần lớn các vụ hiếp dâm này đều không được báo cáo giới chức. Khi các nạn nhân lên tiếng tố cáo kẻ gây hại mình, họ bị chỉ trích là cố tình đổ oan, gài bẫy những người đàn ông nói trên.
Ông Lakshman Nandwani, một người Ấn Độ và sinh sống ở Mỹ 40 năm nay, đau đớn thừa nhận thực tế ở quê hương ông. Ông nói.
Không chỉ phụ nữ, trẻ em Ấn Độ bị hiếp dâm, tình trạng các nữ du khách bị lừa gạt tới chỗ hoang vắng và bị cưỡng đoạt tập thể là chuyện không hề hiếm. Gần đây nhất là sự kiện một nữ du khách Nhật bị cưỡng hiếp ba tuần liên tiếp bởi năm người đàn ông Ấn Độ
Lakshman Nandwani: Khi nghe những câu chuyện đó xảy ra. Nhiều người đến gặp tôi và nói với tôi là chúng ta cũng không biết mình phải làm gì để có thể giải quyết những vấn đề đó. Chỉ có chính quyền ở đó mới có khả năng giải quyết mà thôi. Ở Ấn khi bạn đến đó sẽ thấy tình trạng cũng giống như ở Washington D.C. Bạn sẽ nghe nhiều vấn đề không khác gì D.C qua báo chí truyền thông loan những tin tức về băng đảng, súng đạn. Ngày xưa khi tôi còn sống ở Ấn thì không có nhiều vấn đề tệ hại như vậy. Nhưng bây giờ dân số tăng rất cao. Cuộc sống ngày càng đắt đỏ cho nên người ta muốn giàu có. Họ cần tiền để mua cái này cái kia nên họ buôn bán ma túy. Có khi người ta mướn họ đi giết người. Những tệ nạn khủng khiếp như thế hiện nay diễn ra không chỉ một nước mà khắp nơi trên thế giới. Không loại trừ một nước nào. Nhưng bạn nên nhớ khi đến Ấn Độ phải cẩn thận. Đừng đi ra ngoài ban đêm, nơi vắng vẻ.
Không chỉ phụ nữ, trẻ em Ấn Độ bị hiếp dâm, tình trạng các nữ du khách bị lừa gạt tới chỗ hoang vắng và bị cưỡng đoạt tập thể là chuyện không hề hiếm. Gần đây nhất là sự kiện một nữ du khách Nhật bị cưỡng hiếp ba tuần liên tiếp bởi năm người đàn ông Ấn Độ. Họ nhốt cô trong một hầm kín tại ngôi làng gần thánh địa Phật giáo Bodh Gaya ở bang Bihar. Chỉ đến khi tình trạng sức khoẻ của cô yếu đi do liên tục bị cưỡng đoạt, cô mới được đưa đi bệnh viện chữa trị và từ đó trốn thoát. Trước đó, một nữ du khách Thuỵ Sĩ bị 8 người đàn ông cưỡng hiếp tập thể khi cùng chồng thực hiện chuyến du lịch đạp xe vòng quanh Ấn Độ.
Khi tìm cách lý giải cho tình trạng này ở Ấn Độ, nhiều chuyên gia nhắc tới hệ thống phân cấp xã hội dựa vào tầng lớp ở quốc gia này. Những người đàn ông thuộc giai cấp trên được cho là cảm thấy có quyền chiếm đoạt phụ nữ thuộc gia cấp dưới mà không bị trừng phạt. Một lý giải khác nữa là phụ nữ Ấn Độ cũng bị coi là thuộc quyền sở hữu của đàn ông, vậy nên họ cũng dễ bị đối xử tàn tệ hơn.
Do đặc điểm bên đó, phụ nữ thường ăn mặc kín đáo, nhưng mà mình từ nước khác, như là áo ngắn tay có thể là không đến mức hở hang nhưng mà cũng không quá kín đáo như phụ nữ nước họ nên rất dễ gây sự chú ý cho đàn ông.
Kim Dung
Kim Dung, 32 tuổi, từng tham gia một khoá học kéo dài ba tháng ở Ấn Độ, cho rằng đây là một đất nước của nhiều sự trái ngược. Theo cô, Ấn Độ là quốc gia của những người vô cùng giàu và những người nghèo đói cùng cực. Cô cũng tìm hiểu và biết đến những vụ việc cưỡng đoạt phụ nữ ở Ấn Độ và vì thế có những biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
Kim Dung cũng chia sẻ về những bí quyết tránh bị hiếp dâm ở Ấn Độ như sau:
Kim Dung: Mình đến Ấn Độ thì không nên đi ra ngoài một mình. Do đặc điểm bên đó, phụ nữ thường ăn mặc kín đáo, nhưng mà mình từ nước khác, như là áo ngắn tay có thể là không đến mức hở hang nhưng mà cũng không quá kín đáo như phụ nữ nước họ nên rất dễ gây sự chú ý cho đàn ông. Nếu mà nhẹ họ chỉ nhìn chằm chằm vào mình thôi, là mình đã thấy bất an rồi. Hoặc họ có thể trêu trọc hoặc đụng chạm vào người mình thì đấy là những hành vi quấy nhiễu mà mình cũng thấy có. Nên làm phụ nữ không nên đi ra ngoài vào ban ngày hay buổi tối. Nhất là buổi tối. Chỉ cần sau 7h tối mình đã không nên đi ra ngoài 1 mình rồi. Mình cũng tránh đến những nới xa xôi hẻo lánh, nên đến những nơi tập trung nhiều người thì nó cũng an toàn hơn, mình cũng nên tìm hiểu một vài nét văn hóa để bớt gây chú ý, vì nó quá khác biệt.
Quấy rối tình dục ở Việt Nam
Câu chuyện bị quấy rối tình dục không chỉ ở Ấn Độ mới có. Ở Việt Nam, phụ nữ cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục, nhiều khi chỉ là những lời chòng ghẹo tục tĩu, những va chạm vô tình, và thậm chí là cưỡng đoạt.
Kim Dung cho biết cô vừa mới bị va chạm ngay tại bến xe khi cô trên đường từ Hà Nội về Thái Bình. Cô cho biết:
Kim Dung: Mình hỏi đường nhưng người ta cứ vừa giả vờ dẫn đường cho mình, đồng thời lại động chạm vào người mình.
Kim Dung nói, ở Thái Bình quê cô cũng xảy ra khá nhiều vụ quấy rối tình dục, phần lớn là do đám thanh niên rỗi việc. Kim Dung kể:
Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối
Nguyễn Vân Anh
Kim Dung: Quê tôi có những khu công nghiệp nó nằm cách xa khu dân cư. Có nhiều khu công nghiệp như là dệt may, đóng gói sản phẩm, các nữ công nhân thường phải về nhà vào khoảng 7, 8h tối, có khi còn muộn hơn. Thường thì có những tốp thanh niên, đàn ông đứng núp ở đường vắng. Mỗi khi thấy nhóm công nhân nào ít, hay chỉ có 2 công nhân nữ thôi thì nó sẽ chặn đường và có những hành vi sàm sỡ.
Tại Hà Nội vừa qua do tình trạng nhiều phụ nữ bị sàm sỡ trên xe buýt, nên có đề nghị nên có những tuyến riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên đề nghị này đã bị nhiều người phản đối cho rằng đó không phải là cách có thể giải quyết rốt ráo nạn quấy rối tình dục phụ nữ.
Trả lời phóng viên của đài Á châu Tự do, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia Đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết vấn đề quấy rối tình dục ở Việt Nam là điều ít người muốn động chạm tới và ít có tổ chức hỗ trợ cho việc đấu tranh chống lại tình trạng này. Bà cho biết luật pháp Việt Nam cũng chưa có những điều luật đối với tình trạng này:
Nguyễn Vân Anh: Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối. Hoặc ở Việt Nam vốn tồn tại một câu nói: làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, nên rất nhiều người nghĩ là đàn ông quấy rối đàn bà là chuyện bình thường.
Do vậy, lời khuyên của bà Nguyễn Vân Anh cũng như các chuyên gia về quyền phụ nữ khác là phụ nữ hãy tự bảo vệ mình và đừng tạo điều kiện cho những kẻ quấy rối có cơ hội thực hiện những hành vi đồi bại.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Mọi ý kiến đóng góp về bài vở và đề tài dành cho trang tạp chí, xin quý thính giả email về theo địa chỉ phamn@rfa.org hoặc gửi tới trang Facebook của Hải Ninh tại www.facebook.com/haininhrfa. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị tuần sau.
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/WomenMagazine/womn-n-rap-in-india-01112015090253.html


Báo Trung Quốc: Quan chức VN nhen nhóm tinh thần bài Bắc Kinh

Chính phủ Việt Nam chi gần 140 triệu đôla cho cho dự án triển khai thực hiện từ năm 2008, và số còn lại là vốn vay ưu đãi hơn 400 triệu đôla của Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam chi gần 140 triệu đôla cho cho dự án triển khai thực hiện từ năm 2008, và số còn lại là vốn vay ưu đãi hơn 400 triệu đôla của Trung Quốc.
Một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc mới đăng một bài viết trong đó cáo buộc Bộ trưởng Giao thông Việt Nam “tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc”.
Tờ Hoàn cầu Thời báo đăng tải bài viết chỉ trích ông Đinh La Thăng ít lâu sau khi quan chức này “xạc” một nhà thầu Trung Quốc vì để xảy ra hai sự cố làm một người chết và ít nhất 3 người bị thương tại một dự án đường sắt trọng điểm ở thủ đô của Việt Nam.
Tờ báo có xu hướng giật gân, câu khách thuộc Nhân dân Nhật Báo, dẫn lời một cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nói rằng ông Thăng “đáng lẽ không nên khiển trách các nhà thầu Trung Quốc”, và cho rằng “vụ việc không nên bị làm rùm beng” như vậy “vì chuyện tai nạn tại các công trường xây dựng xảy ra như cơm bữa” ở Việt Nam.

Tờ báo còn dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc sập giàn giáo “là lỗi của nhà thầu Trung Quốc, nhưng chính phủ Việt Nam cũng đã không hoàn thành trách nhiệm giám sát dự án này”.
Ngoài ra, Hoàn cầu Thời báo cũng cho rằng việc nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn là một học viên Học viện An ninh của ngành công an và dự án do nhà thầu của Trung Quốc đảm nhận đã khiến dư luận Việt Nam càng quan tâm.
Trước đó, trong đoạn video được phát trên truyền hình toàn quốc, ông Thăng lớn tiếng chỉ thẳng tay vào mặt một đại diện của nhà thầu Trung Quốc đứng im nghe quan chức Việt Nam chỉ trích.
Ông cũng tuyên bố rằng Việt Nam “không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, không thể đánh đổi tính mạng của người Việt Nam để vay vốn” của Trung Quốc.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với ông Thăng để phỏng vấn ông về các bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo.
Một quan chức thuộc Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình Giao thông nói với VOA Việt Ngữ rằng vì sự cố xảy ra lần thứ hai, nên bộ trưởng “kiên quyết xử lý, không thể nào khác được”.
Trước đó, cục này cũng đã có văn bản yêu cầu ông Thăng có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu chấn chỉnh tổng thầu EPC của nước này.
Về phản hồi từ phía Trung Quốc, ông Nguyễn Tuấn Dinh, Trưởng phòng Công trình đường sắt thuộc Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông, cho VOA Việt Ngữ biết thêm thông tin:
“Tổng giám đốc của Cục 6 đường Sắt Trung Quốc đã trực tiếp sang Việt Nam và đã làm việc với thứ trưởng. Người ta làm việc rồi, thống nhất sẽ thực hiện nghiêm túc theo các chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải. Chắc là tổng thầu sẽ phải báo cáo lại với đại sứ quán Trung Quốc vì không thấy trả lời gì”.
Theo báo chí trong nước, chính phủ Việt Nam chi gần 140 triệu đôla cho cho dự án triển khai thực hiện từ năm 2008, và số còn lại là vốn vay ưu đãi hơn 400 triệu đôla của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho tới nay, khoản tiền “đội giá” của dự án này đã lên tới hơn 300 triệu đôla.
Quan hệ Việt – Trung rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ hồi tháng Năm năm ngoái sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thềm lục địa của mình.
Nhiều vụ biểu tình bài Trung Quốc dẫn tới bạo loạn và cướp bóc nhắm vào các nhà máy bị coi là của Trung Quốc ở các khu công nghiệp của Việt Nam đã bùng ra sau đó làm ít nhất 2 người chết.
 http://www.voatiengviet.com/content/bao-trung-quoc-quan-chuc-vietnam-nhen-nhom-tinh-than-bai-bac-kinh/2596270.html

Chân dung quyền lực’ gây nhiễu loạn chính trường Việt Nam?

Tính tới tối 14/1, theo hệ thống đếm trên trang, tới nay, “Chân dung quyền lực” hiện đã có hơn 13 triệu người truy cập và đôi khi, cùng một thời điểm, có hàng nghìn người trên trang này.
Tính tới tối 14/1, theo hệ thống đếm trên trang, tới nay, “Chân dung quyền lực” hiện đã có hơn 13 triệu người truy cập và đôi khi, cùng một thời điểm, có hàng nghìn người trên trang này.
Một tờ báo của Nhật Bản mới đăng tải bài viết dài về sự xuất hiện của trang blog “Chân dung quyền lực”, với nhận định rằng những lời đồn thổi trên mạng có thể gây bất ổn chính trị tại Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất xứ sở mặt trời mọc, nêu chi tiết về các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên trang blog mà họ cho là “bí ẩn”.
Tờ báo của Nhật dẫn nguồn từ “Chân dung quyền lực” nói rằng “có cáo buộc về việc Trưởng ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bị một đối thủ chính trị đầu độc trong chuyến thăm Trung Quốc, và đối thủ này đã sẵn sàng cho một vị trí trong nội các sắp tới”.
Nikkei Asian Review sau đó cũng nói về việc các quan chức Việt Nam đã bác bỏ thông tin về chuyện ông Thanh bị hạ độc.
Tính tới tối 14/1, theo hệ thống đếm trên trang, tới nay, “Chân dung quyền lực” hiện đã có hơn 13 triệu người truy cập và đôi khi, cùng một thời điểm, có hàng nghìn người trên trang này.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập ở Việt Nam, nhận định rằng trang blog “đăng tải thông tin về đường tơ kẽ tóc của một số quan chức này” đang “gây bất lợi cho nội bộ chính trị Việt Nam”.
Người ta đặt câu hỏi là ai đứng sau ‘Chân dung quyền lực’ để có thể có được những thông tin đắt giá và chính xác đến như thế? Trước mắt, tôi cho đó là một sự hoang mang, bối rối và sau đó đâm ra hoài nghi, dẫn tới nghi ngờ, và những nghi ngờ đó lại phủ trùm lên tất cả và liên quan tới động cơ tranh giành, tranh đấu nội bộ lẫn nhau thì đó chính là một bi kịch, mà chúng ta gọi là bi kịch của sự mất đoàn kết trong cái thống nhất trong đảng hiện nay.
Ông nói: “Người ta đặt câu hỏi là ai đứng sau ‘Chân dung quyền lực’ để có thể có được những thông tin đắt giá và chính xác đến như thế? Trước mắt, tôi cho đó là một sự hoang mang, bối rối và sau đó đâm ra hoài nghi, dẫn tới nghi ngờ, và những nghi ngờ đó lại phủ trùm lên tất cả và liên quan tới động cơ tranh giành, tranh đấu nội bộ lẫn nhau thì đó chính là một bi kịch, mà chúng ta gọi là bi kịch của sự mất đoàn kết trong cái thống nhất trong đảng hiện nay”.
Dù chính phủ Việt Nam chưa chính thức lên tiếng bình luận về các thông tin do “Chân dung quyền lực” loan đi, nhưng báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mới đây đã cho đăng tải bài viết trong đó ám chỉ tới trang blog này.
Bài viết trong mục “Bình luận – Phê phán” nói rằng “cứ mỗi khi Việt Nam sắp diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng là một số tổ chức, cá nhân lại ráo riết triển khai chiến dịch bịa đặt, vu cáo, tung tin thất thiệt”.
Bài báo có đoạn: “Các bài này được chế tạo như chính người trong cuộc viết, bịa đặt các chi tiết tinh vi với đủ loại âm mưu, thủ đoạn, cuộc chiến giữa các phe nhóm được dựng lên qua lập luận có vẻ có lý, kèm theo có mô tả chi tiết về thời gian, địa chỉ, các mối quan hệ, số tiền bạc, hình ảnh nhà cửa, xe cộ chụp ở đâu đó gán cho đối tượng cần bôi nhọ, kết hợp với vài ba loại giấy tờ mờ mờ ảo ảo, chữ ký loằng ngoằng không thể xác minh!”
Khi được hỏi vì sao trang web với những thông tin bị coi là “ngoài luồng” này lại thu hút được nhiều người đọc, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên, nói với VOA Việt Ngữ:
Báo chí của nhà nước được đảng lãnh đạo và kiểm soát rất kỹ qua ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng như các địa phương. Cho nên tất cả báo chí mà tôi gọi là lề đảng, thì đăng theo một chủ trương như vậy. Các thông tin này bị kiểm duyệt, và hầu như làm công tác tuyên truyền là chính. Vì thế, khi xuất hiện một trang như ‘Chân dung quyền lực’, đưa ra một số thông tin mà người ta có thể khả tin, thì nó tạo được niềm tin nơi người đọc, và vì vậy mà thu hút được số lượng người đọc rất lớn trong thời gian rất ngắn.
“Báo chí của nhà nước được đảng lãnh đạo và kiểm soát rất kỹ qua ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng như các địa phương. Cho nên tất cả báo chí mà tôi gọi là lề đảng, thì đăng theo một chủ trương như vậy. Các thông tin này bị kiểm duyệt, và hầu như làm công tác tuyên truyền là chính. Vì thế, khi xuất hiện một trang như ‘Chân dung quyền lực’, đưa ra một số thông tin mà người ta có thể khả tin, thì nó tạo được niềm tin nơi người đọc, và vì vậy mà thu hút được số lượng người đọc rất lớn trong thời gian rất ngắn”.
Theo tờ Nikkei Asian Review, những thông tin trái chiều nhau cộng với sự im lặng của truyền thông trong nước về bệnh tình của ông Thanh trong một thời gian dài đã khiến người dân “đi tìm câu trả lời trên các trang blog bí hiểm”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn VOA mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính sự ở trong nước, cũng cho rằng tin tức lan truyền trên các mạng xã hội đã khiến nhiều người dân tò mò về tình trạng sức khỏe của Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Tin từ trong nước cho hay, hôm 13/1, một loạt các quan chức Việt Nam, trong đó có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, đã tới thăm ông Nguyễn Bá Thanh tại nơi ông được điều trị tại Đà Nẵng.

Theo nhận định của tờ báo của Nhật, “không còn nghi ngờ gì nữa, các trang mạng xã hội như Facebook và các trang blog bí hiểm sẽ được dùng làm công cụ tranh giành quyền lực trước khi một bộ chính trị mới được lựa chọn”.
“Các trang này sẽ rò rỉ các thông tin về một số cá nhân nhất định, làm sao nhãng công chúng trước các vấn đề quốc gia cấp bách khác”, Nikkei Asian Review viết.sẻ:

Tuesday, January 13, 2015


VƯƠNG TÂN * MAI THẢO




MaiThảo nhà thơ hay nhà vănHồi ký của Vương Tân


Vương Tân chơi thân với Nguyễn Đăng Viên qua nhà văn Chu Tử.Nguyễn Đăng Viên là em họ nhà văn hóa Nguyễn Đăng Thục mà ông Thục là cây đa cây đề trong giới triết học vì trước năm 1945 ông đã viết cuốn Khoa học và Đao học được nhà văn kiêmhọc giả Hồ Hữu Tường khen là tác phẩm thuộc loại độc đáo.Nguyễn Đăng Viên thường khoe với Vương Tân là Viên có người em ruột là Nguyễn Đăng Qúy làmthơ hay lắm.
 
 
Nguyễn Đăng Viên học luật và từng được ông tướng người Pháp tên Salan tư lệnh quân đội Pháp tại Việt Nam bổ nhiệm làmtỉnh trưởng liên tỉnh Thái Bình NamĐinhNinhBình,khi đó Viên đã chọn trung úy Nguyễn Văn Thiệu làm sĩ quan tùy viên theo lời yêu cầu của anh trung úy Thiệu là giáo sư Nguyễn Văn Kiểu một lãnh tụ Đảng Đai Việt mà Viên là người được lãnh tụ tốicao của Đảng Đai Việt,ông Trương Tử Anh chọn là người thân cận như bác sĩ Đăng Văn Sung nhà báo Bùi Diễm. nhà văn Đinh Xuân Cầu
 
Con ngườiViên tính tếu táo nên Chu Tử đã chọn hợp tác khi mở trường Thăng Long ở số 207 Bùi Viện quận 2 Saigon.Khi trung úy Thiệu lên làmTổng Thống có mờiViên hợp tác lúc đó Viênđang làm giámđốc khách sạn Palace của ngừơi Phápở đường Nguyễn Huệ quận 1 Saigon Viên đã cười vàtrả lời Tổng Thống Thiệu rằng lương bộ trưởng thua lương giámđốc khách sạn Palacevà Viên còn nói thêm làm tổng thống như ông còn chẳng làm được gì ra hồn vì người Mỹ họ đã bao sân cả rồi,nói chi làmbộ trưởng nên Viên từ chối .Sau 30 tháng tư năm 1975 Viên bị bắt đi tù ở Xuyên Mộc gặp họa sĩ Đằng Giao con rể nhà văn Chu Tử ,Viên luôn kể chuyện tiếu lâm và hút thuốc lào sòng sọc rối cười tủm,ra tù Viên đi vượt biển chết mất sác ngoài biển

Nguyễn Đăng Viên từng kể với Vương Tân,Nguyễn Đăng Qúy có ba bút danh trước năm 1954 khi đi kháng chiến ở khu tư Nguyễn Đăng Qúy làm thơ ký bút danh Nhi[vì thích một cô gái tên Nhi],những câu thơ Nguyễn Đăng Qúy

Nguyễn Đăng [là chữ đệm tên họ của Qúy]
Năm 1956 họa sĩ Duy Thanh triển lãm tranh tại trụ sở PhápVăn Đồng MinhHộiở đường Gia Long quận 1 Saigon,phòng tranh do nữ sĩ Trúc Liên coi sóc và tiếpkhách mua tranh
Họa sỉ Duy Thanh là bạn văn nghệ với Vương Tân từ ngoài Hà nội trước năm 1954 ,nhà ông và nhà Vương Tân cùng ở phố Trần QuốcToản gần xómHạ Hồi.Lúc họa sĩ Thanh triển lãmtranh,Vương Tân đang phụ trách trang Văn Nghệ của nhật báo Ngôn Luận.Sau khi xem tra nh của Duy Thanh,
 
Vương Tân được Duy Thanh báo anh vừa bán một bức tranh lớn cho tùy viên văn hóa tòa đai sứ Mỹ tên Tucker và cho biết Mai Thao có bài viết xem tranh Duy Thanh với tựa đề Thưởng ngoạn nghệ thuật hội họa Duy Thanh nhờ Vương Tân phổ biến.Bài viết của Mai Thảo ký bút danh Nguyễn Đăng là bài viết lần đầu tiên người viết ở VN dùng bốn chữ"" thưởng ngoạn nghệ thuật"" để chỉ thái độ xemtranh,Vương Tân đem bài này về đăng trên trang văn nghệ báo Ngôn Luận bài đã gâyđược khá nhiều tiếng vang nhà báo Cao Giao Huỳnh văn Phẩm hỏi Vương Tân Nguyễn Đăng là ai mà viết phê bình tranh Duy Thanh hay vậy,
 
Vương Tân cho biết Nguyễn Đăng là bút danh mới của Mai Thảo tác giả tập truyện Đêm Gĩa Từ Hà nội,Cao Giao Huỳnh Văn Phẩm nói Mai Thao viết phê bình hội họa với ngôn ngữ của một nhà nhà thơ chứ không phải ngôn ngữ của nhà phê bình nghệ thuật,độc đáo đấy


Sau triển lãm tranhDuy Thanh mời Vương Tân đi ăn cơmTây ở cao ốc Everest đường Nguyễn Văn Tráng uống rượu vang chai đàng hoàng chứ không phải uống rượu vang thùng.Trong bữa cơmnày họa sĩ Duy Thanh tiết lộ người Mỹ tên Tucker tùy viên Văn Hóa tòa Đai sừ Mỹ ở Saigon có ngỏ ý nhờ Trúc Liên và Duy Thanh giới thiệu cho ông một nhà văn người VN đứng ra xuất bản một tờ tạp chí nhằmmục đích quảng bá Phong Trào Văn Hóa Tư Do trên thế giới.nhất là nền văn hóa văn nghệ Tư Do của VN.
 
Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Saigon sẽ yễmtrợ để tờ tạp chí sống được và những người viết nó sống đàng hoàng bằng cách mỗi số tạp chí phát hành họ sẽ muađứt mấy nghìn bản để tòa soạn thu hồi được tiền nhuận bút và tiền in ấn cùng các chi phí cho tòa soạn.Duy Thanh đã quyết định giới thiệu Mai Thảo làm côngviệc này và Mai Thảo đã gặp Tucker hai ngươi đã thảo luận với nhau bằng tiếng Pháp ,Duy Thanh tiết lộ Tucker là người Mỹ gốc Ý nói tiếng Pháp đúng giọng của người Pháp ở Paris


Điều khó hiểu là tạp chi Sáng Taodo Phòng Thông Tin Hoa Kỳ yểm trợ ra số đầu không phải do họa sĩ Duy Thanh trình bầy và không có sự góp mặt của những cây bút nhóm Ngươi Việt như các ôngTrần Thanh Hiệp,Nguyễn Sĩ Tế ,Doãn Quôc Sỹ, ThanhTâm Tuyền


Mãi tới số thứ ba người ta mớithấy Thanh Tâm Tuyền viết một bài về ngày khai trường Duy Thanh Vương Tân viết bài cho Sáng Tạo còn chậm hơn Sáng Tạo trả nhuận bút khá nhưng anh em viết bài cho Sáng Tạo hầu hết làm nghềdạy học Vương Tân ngoàidạy học còn làm báo hàng ngày thành ra tiền nhuận bút của Sáng Tạo chỉ để anh em đi xuống đường Tự Do chơitrò chơiđiện tử hay chiều thư bẩy đi ăn cơmTây uống rượu vang chai.
 
Mai Thảo có tật gặp anh e m là lấy phong bì đưa tiền đặt bài,không cần biết anh em có cần hay không.Mai Thảo sống đôc thân tại tầng trệt một căn nhà ở đường Ký Con,tầng trệt này có hai phòng,phòng phía trước kê một cái bàn cho Đăng Lê Kim người phụ trách trị sự tờ Sáng Tạo ngồi làm việc và một cái bàn lớn với mấy cái ghế để Mai Thảo tiếp khách,


phòng trong là nơi Mai Thảo ở.Mai Thảo cóxe hơi du lich loại xoàng thua xe hơi loại du lich của NguyênSa ,Trần Dạ Từ.Mai Thảo mê uống rượu phải nói là nghiện rượu ,bình thường Mai Thảo lầm lì ít nói nhưng có rượu vào thì nói nhiều.Mai Thảo thích đi chơi đêm và khiêu vũ có lúc Mai Thảo sống như vợ chồng với một vũ nữ tên Cúc ,nhưng rồi người ta lại thấy Mai Thảo sống một mình.Theo lời Nguyễn Đăng Viên có đôi lần gia đình định hỏi cưới cho Mai Thảo,một ngươi vợ nhưng Mai Thảo đã phá đám nên chẳng đám nào thành cả Tuy nhiên thập niên 60 người ta lại


thấy Mai Thảo một mình lừng lững ra Huế đến gia đình nữ ca sĩ Hà Thanh đánh tiếng xin cưới hỏi Hà Thanh dĩ nhiên với một gia đình danh gia vọng tộc như gia đình ca sĩ Hà Thanh ở Huế cái lối đánh tiếng xin cưới hỏi con gái họ nhưlối của Mai Thảo đã bị đáp lại bằng lời từ chối thẳng thừng
 
Theo bà quả phụ Võ Đình nhũ danh Trần thị Lai Hồng tiết lộ trên mạng Gió O thì Mai Thảo ra Huế nhờ Vũ Quang Ninh lúc đó làmquản đốc đài phát thanh Huế có quen gia đình Hà Thanh làmông mai dẫn Mai Thảo tới nhà Hà Thanh đặt vấn cưới hỏi và bị từ chối riêng Hà Thanh rất kính trọng Mai Thảo dù không yêu đương gì nhưng khi Mai Thảo bệnh nặng ở Mỹ năm 1997Hà Thanh có cùng em gái tới thăm tuy nhiên lúc đó Mai Thảo đã hôn mê nên không đươc gặp.
 
Mai Thảo yêu nữ danh caThái Thanh và Thái Thanh cũng rất thích Mai Thảo nhưng với Thái Thanh thì phải có đám cưới mới ăn ở với nhau được nhưng Mai Thảo thì lại sợ đám cưới nên dù yêu Thái Thanh đến bị Lê Quỳnh đánh ghen tại phòng trà Đêm màu hồng,nhưng Mai Thảo cương quyết không làm đám cưới với người yêu Thái Thanh thành ra cuộc tình này kéo dài khá lâu nhưng lại chẳng đi đến đâu.Tuy nhiên có một chi tiết hơi khó hiểu vế phía Thái Thanh là sau này không cưới xin gì cả Thái Thanh lại về chung sống với dân biểu Trần Qúi Phong chủ khách sạn Catinat


Cuối đời ở Mỹ khi nhận chấp bút hồi ký cho nữ tài tửđiện ảnh Kiều ChinhMai Thảo cũng có tình cảm với Kiều Chinh và cũng được Kiều Chinh đáp lại nhưng mối tình già này cũng chẳng đi đến đâu vì khi Mai Thảo qua đời vẫn làmột người độc thân


Tạp chí Sáng Tạo giai đoan đầu với sự yểm trơ của Tucker kéo dài từ 1956 tới 1961 và nó ngưng xuất bản khi Tucker hết nhiệm kỳ ở VN thời kỳ này Sáng Tạo khám phá đươc các cây bút nhưThảoTrường,DươngNghiễm Mậu,Thạch Trân[ Đào Trung Đạo]Trường Dzi[Đăng Phùng Quân]Ngụy Ngữ


Sau khi Sáng Tạo ngừng phát hành bác sĩ Trần KimTuyến người được ông Ngô Đình Nhu trao cho nhiệmvụ phụ trách Văn hóa Văn Nghệ ở miền Namđã tung tiền ra cho nhà thơ Nguyên Sa ra tờ Hiện Đại nhằmthay thế tờ Sáng Tạo nhưng không thay thế đươc ông lại tung tiền cho giáo sư Nguyễn khắc Hoạch với sự yểmtrợ của nhà văn Đoàn Tường[Lý Hoàng Phong]và kich tác gia Trần Lê Nguyễn ra tờ Thế Kỷ hai mươi thay tờ Sáng Tạo cũng thất bại nên đã dùng Đóan Tường và Dương Nghiễm Mậu ra tờ Văn Nghệ tuy nhiên vẫn không thay được tờ Sáng Tạo trong giới người đọc

Sau năm 1963 một tổ chức Văn hóa của người Mỹ qua bác sĩ Lý Trung Dung đã thương thuyềt yểm trợ Mai Thảo tái bản tạpchí Sáng Tạo.Lần Sáng Tạo tái bản này có sự thamgia của họa sỉ Duy Thanh và nhóm Người Việt từ số đầu và những tên tuổi mới nổi lên như Dương Nghiễm Mậu,Trần Dạ Từ Nguyễn Đức Sơn,Viên Linh,Thảo Trường ,Trần Hoài Thư

Sáng Tạo đợt tái bản tuy trình bầy đẹp hơn bài vởphong phú hơn nhưng không súc tích và đột phá như lần xuất bản đầu nên thời gian hiện diện cũng ngắn ngủi hơn và dấu vết để lại trong lich sữ văn học cũng mờ nhạt hơn đợt đầu.Sau hai đợt phát hành tạpchí Sáng Tạo,nhà văn Mai Thảo đã quyết định chấmdứt việc làm chủ báo và quyết định chỉ đi viết thuê.
 
Vì thế khi tướng Nguyễn CaoKỳ qua nhạc sĩ Phạm Đình Chương ngỏ ý muốn Mai Thảo đứng ra xuất bản tuần báo Nghệ Thuật và ông bỏ tiền ra chi hết từ Atới Znhưng Mai Thảo đã trả lời chán làm chủ báo rồi kiếm ai làm chủ nhiệm ông chỉ nhận làm chủ bút nghĩa là đi viết thuê thôi.Kết quả là tướng Nguyễn Cao Kỳ đã trao cho Nguyễn Văn Minh[nhà báo Minh Vồ]làm chủ nhiệm tuần báo Nghệ Thuật,Mai Thảo làm chủ bút,Viên Linh thư ký tòa soạn.Tuần báo Nghệ Thuật tồn tại đươc hơn một năm nhưng cũng tạo ra được một số nhà văn mới như Cung Tich Biền,Sơ Dạ Hương[Nguyễn Quôc Trụ] nhà thơ Nguyễn Thùy Song Thanh


Sau Nghệ Thuật Mai Thảo vẫn nhất định sống bằng nghề viết thuê hết làm báoVăn của Nguyễn đình Vượng lại đi làm báo Kich Ảnh của Quốc Phong hoăc viết bài cho đài Tư Do của  ngườiMỹ do Vũ Quang Ninh đứng"" đầu trò"".Cái đau đớn của Mai Thảo là ngày 30 tháng tư năm 1975 xẩy ra những người làmđài Tự Do bị người Mỹ khôngmang đi kịp nên những Dương NghiễmMậu ,Mai Thảo cộng tác với đài Tư Do kẹt lại VN


Ngay sau ngày 30 tháng tư Mai Thảo đã quyết đinh sống nay ở nhà người này mai ở nhà ngươi khác,và tìm cách đào thoát khỏi VN.Tháng tư năm 1976 Việt Cộng bắt đầu chiến dịch bắt những nhà văn nhà thơ nhà báo mà chúng ghi vào sổ bìa đen là những nhà văn nhà thơ chống Cộng,
 
Mai Thảo đang sống tại nhà một ngừoi anh ruột ở góc đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Gia Thiều quận 3 Saigon.Lúc công an cộng sản kéo tới nhà người anh ruột của Mai Thảo thì Mai Thảo đi vắng chúng mật phục ở đó nhà văn dich giả Nguyễn Hữu Hiệu [em ruột nhà thơ Viên Linh]đến kiếm Mai Thảo đã bị chúng bắt liền và nói Hiệu có tên trong danh sách bị bắt vì là dich giả cuốn tiểu thuyết Bác sỉ Zivago.
 
Đám công a n Việt Cộng này không có tên nào biết mặt mũi hình dáng Mai Thảo như thế nào nên đã hỏi Nguyễn Hữu Hiệu mặt mũivà hình dáng Mai Thảo ,Nguyễn HữuHiệu vốn tính thích chọc ghẹo người khác nhất là công an Việt Cộng nên đã tả Mai Thảo người thấp đậm mặt vuông tóc chải lật dáng đi lach bạch như vịt bầu đó là hình ảnh nhà văn Vũ Khắc Khoan,một giờ sau Mai Thảo về đi ra nhà sau bọn công an Viêt Cộng thấy anh chàng cao lênh khênh đi vào nhà không nói gì ,Mai Thảo ra nhà sau đươc cháu báo công an Việt cộng đang chờ bắt ở đằng trước  đã lẻn cửa hông ra đường Nguyễn Gia Thiều trốn thoát.Sau khi thoát cuộc vây bắt ở nhà Mai Thảo tới ẩn náu tại nhà Măc Thu Lưu Đức Sinh và Thái Thủy mấy ngàyrồi trốn vào Chợ Lớn.Điều ly kỳ là Mai Thảo vừa ra khỏi nhà cha con Măc Thu Thái Thủy[Thái Thủy là con rể Măc Thu] có hai ngày thì công an ập vô bắt cha con Măc Thu Thái Thủy bỏ tù và phát vãng đi trại Gia Trung ở Kontum


Theo chỗ hiểu biết của Vương Tân thì chính nhà thơ Nhã Ca đã chứa Mai Thảo tại căn nhà đường Hoàng Hoa ThámGia Đinh[căn nhà vợ chồng Trần Dạ

Từ Nhã Ca mua của bác sĩ Hoàng Văn Đức]và liên lạc với nhạc sĩ Văn Phụng tổ chức cho Mai Thảo vượt biển sang Mỹ


Trong một bức thư nhà văn Nghiêmxuân Hồng gửi cho Vương Tân,ông cho biết Mai Thảo sống lưu vong viết xuống tay nhưng lại làm thơ rất hay, cái để đời sau này của Mai Thảochính là những bài thơ làm trong cuối đời.Nhận định của Nghiêmxuân Hồng trùng khớp với nhận đinh của Lê Thị Huệ,Mai Thảo vào đời với những bài thơ ký bút hiệu Nhi và tồn tại vớitập thơTa thấy hình ta những miếu đền


Nói về cái chết của Mai Thảo, nhà thơ Vũ Uyên Giang quả quyết Mai Thảo qua đời sớmchính vì nhà thơ Viên Linh cứlén choMaiThảo uống rượu hoài trong khi bác sĩ cấmMai Thảo""nhậu""vì chất cồn sẽ làm cho Mai Thảo chết sớm và ""hết thuốc chữa""luôn[1]


Vương Tân
Đoạn hồi ký này đã được Lê Thị Huệ nhắc nhở cho VT nhớ hai sự kiện Mai Thảođi Huế đánh tiếng hỏi nữ ca sĩ Hà Thanh và mối tình với nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh. và chỉ cho VT liên lạc với bà quả phụ Võ Đình nhũ danh Trần thị Lai Hồng để đoc bài của bà viết về Mai Thảo hiểu rõ hơn về chuyện Mai Thảo ra Huế hỏi cươi Hà Thanh

VT

Sunday, January 11, 2015


NGUYỄN BÁ THANH

 

 Chuyến trở về của Nguyễn Bá Thanh: thấy và không thấy...

CTV Danlambao - Sau nhiều ngày xôn xao với tin đồn có thật của mạng xã hội và tin chính thống "giả trước thật sau" của đảng, tin ông Nguyễn Bá Thanh trở về đã được đăng tải. Phải nói và chỉ nói tin ông Thanh trở về chứ không nói ông Thanh trở về vì chưa... thấy ông Thanh đâu cả.
Vào lúc 20h45 tối ngày 9 tháng 1, một chiếc máy bay y tế được cho là chở ông Nguyễn Bá Thanh đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng.
Các cán bộ an ninh và y tế tụ tập trước máy bay, và xe cứu thương tấp ngay bên cạnh:
Sau đó xe cứu thương chạy về bệnh viện Đà Nẵng, không có ai thấy, chụp được hình ảnh của ông Thanh được đưa từ máy bay sang xe:
Phía bên ngoài phi trường nhiều người (chỉ có thể viết là người vì phải viết tin chính xác, không biết là dân hay đảng viên, hoặc cán bộ tự động đến hay được điều động) đến chờ đón Nguyễn Bá Thanh:
Phía ngoài bệnh viện Đà Nẵng, khi xe cứu thương được xem là chở ông Thanh trong đó đến, cũng có nhiều người đứng chờ:
Trong bệnh viện cũng có người chờ đón:
Dù không có được một hình ảnh nào của ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng như Thanhnien.com đưa tin: "Ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người gặp và đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ máy bay xuống và vào xe cứu thương, kể với Thanh Niên Online rằng trông ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tỉnh táo, nhận biết nhiều người. Ông Nguyễn Bá Thanh còn hóm hỉnh đùa với ông Nam rằng: 'Tao khỏe mà có chi đâu'. (1)
GocGhiNhanh cũng đưa tin về một người khác gặp ông Thanh: "Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng, người vừa được tiếp xúc với ông Nguyễn Bá Thanh tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng nói với Một Thế Giới: ‘Anh Thanh rất tỉnh táo. Mừng lắm!’.
Cả 2 ông bà Nam và Vân Lan đều cũng không cho người dân xem được 1 tấm ảnh anh Thanh khoẻ mà có chi đâutỉnh táo ra sao cho có người mừng.
Đặc biệt, bà Vân Lan này còn kể với phóng viên một chuyện nghe thật lâm ly: "chị đi trong bệnh viện ra gặp hai cha con, đứa bé từ hồi chiều bắt ba nó chở ra sân bay, đứng ngay cổng dành cho chuyên cơ chờ mãi, sau khi biết anh Thanh đưa về bệnh viện thì bắt ba nó chở xuống bệnh viện muốn vào thăm bác nhưng không được. Thế là nó đứng ngoài cổng khóc khiến cho ba nó khóc theo.
Nghe bà Lan kể chuyện thì tự nhiên bắt đầu nghi nghi "tài" tường thuật sự việc của bà.
Nói chung, chuyện ông Nguyễn Bá Thanh trở về là một biến cố truyền thông rất đặc biệt. Ai cũng "thấy" ông Thanh trở về qua những dòng chữ, và cách giật tít nhưng mọi bản tin hoàn toàn không có một tấm ảnh xa gần, mờ rõ nào để người đọc có thể nghĩ rằng đó là ông Nguyễn Bá Thanh. "tỉnh táo" và "có chi đâu". Đây giống như một cuốn phim mà tài tử chính không hề xuất hiện mà khán giả đoan chắc là tài tử có đóng trong phim.
Bản tóm lược tin này được viết theo tinh thần... bị "răn đe báo chí" và dạy dỗ của ngài phó trưởng ban tuyên giáo trung ương Nguyễn Thế Kỷ "Cần bình tĩnh, tỉnh táo, khoa học, khách quan chính xác. Không nên làm nóng vấn đề. Thông tin phải chừng mực, đúng đắn, cẩn thận." Chưa thấy nên chưa tin. Phải bình tĩnh, tỉnh táo, khoa học, khách quan... Mong các bạn đọc thông cảm cho.
 



Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc: chuyện nhỏ như con thỏ

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Từ sau ngày “đống kít mèo” Nguyễn Bá Thanh đảng ta giấu đi chữa bịnh ở nước trùm tư bản đang dãy ành ạch không chịu chết và “anh trở về” trên Ambulance sơn màu cờ Mỹ, bị báo chí phản động lề Dân lẫn lề… Chân Dung Quyền Lực “phanh phui”, dư luận xôn xao bàn tán về nguyên nhân bệnh tình của đồng chí “Hốt Liền”, “Hốt Hết”, hốt sạch cả Xứ đạo Cồn Dầu gồm nhà thờ nhà dân nhà mồ là do phe ta đầu độc, theo truyền thống Kách Mạng cắt mạng nhau dễ hơn “Tù Cải Tạo” chặt đầu cóc nhái bò tọt chằng hiu để có sức học tập tốt lao động tốt mà trở về xây dựng tổ quốc xhcn.
Thực ra thì chuyện ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, so với ngót nghét một trăm triệu dân Việt Nam đã và đang bị đầu độc bởi thứ phóng xạ độc hại gấp bội mang tên CS.
Ai đưa con sáo sang sông, ai xẹt phóng xạ vào ông “Hốt Tất Liệt” xứ Quảng tuy ác thiệt nhưng chỉ hại được một người và không “gây hậu quả nghiêm trọng” là lây lan sang người khác, và cùng lắm chỉ hủy hoại được phần xác mà không hủy được phần “Hốt”của đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đương kim đang lim dim trên giường bệnh Nguyễn Bá Thanh.
Trong khi đó, phóng xạ CS có công dụng “hoành tráng“ gấp tỷ lần. Phóng xạ CS mang tầm vóc cả một nền văn hóa, “văn hóa mới XHXN”, đối tượng “xử lý không một mà “trọn gói” cả một dân tộc.
Cách đây khoảng 2500 năm, triết gia Lão Tử đã biết “cuỗm” tư tưởng bác Hồ (mọi ca dao tục ngữ, lời hay ý đẹp… đều là của bác cả) nói rằng, “Làm thầy thuộc mà sai lầm thì chỉ giết một người; làm chính trị mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời. “Văn hóa mới XHCN” ngày nay đã rõ mặt là một nền văn hóa sai lầm xuẩn động, và kết quả trồng người của Bác và Đảng ra sao thì mọi người đã thấy.
Cả một dân tộc đang bị nhiễm xạ CS làm băng hoại mọi mặt, đang chết dần, không lo lại đi lo cho một cá nhân bị đầu độc do đồng bọn thanh toán nhau.

 
 
 

NGUYỄN VĂN THÂN * TƯƠNG LAI VIỆT NAM

Tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu sau Đại hội đảng CSVN XII?

Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức Đại Hội mỗi 5 năm để bầu ra thành phần lãnh đạo mới và hoạch định chính sách kinh tế và văn hóa cho Việt Nam trong một thập niến tới. Đại Hội XI đã được tổ chức vào tháng Giêng năm 2011 và Đại Hội XII kế tiếp có thể sẽ diễn ra trong tháng Giêng năm 2016.
Vào ngày 30 tháng 5 năm 2014, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã ký "Chỉ Thị của Bộ Chính Trị" về Đại Hội Đảng Bộ các cấp tiến tới Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ XII, ra lệnh cho các chi bộ đảng tuyển chọn đại biểu tham dự Đại Hội.[1] 
Theo Giáo Sư Carl Thayer thì sẽ có khoảng 1200 đại biểu đại diện cho các chi bộ đảng từ cấp tỉnh cũng như đại diện cho giới quân đội và an ninh tụ về tham dự Đại Hội. Các đại biểu này Họ sẽ chọn ra 200 Ủy Viên Trung Ương Đảng và các ủy viên này sẽ chọn Tổng Bí Thư và 15 thành viên Bộ Chính Trị. Việt Nam áp dụng chế độ về hưu 65 tuổi. Nếu điều lệ này được áp dụng đúng mức thì sẽ có khoảng 1/3 số ủy viên Trung Ương Đảng và 2/3 thành phần Bộ Chính Trị phải về hưu vì quá tuổi. Các ủy viên trung ương phải nằm trong Bộ Chính Trị ít nhất một nhiệm kỳ trước khi được chọn giao cho các chức vụ lãnh đạo như là tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước hoặc chủ tịch quốc hội. Có nghĩa là chỉ có vài người hiện nay trong Bộ Chính Trị có điều kiện trở thành một trong những “tứ trụ” lèo lái con tàu Việt Nam trước phong ba bão táp tại Biển Đông trong thời gian sắp tới.[2] Trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt là khi Việt Nam phải đối diện với những thách thức to lớn về mặt kinh tế và sức ép của Trung Quốc tại Biển Đông thì Đại Hội XII sắp tới có thể sẽ có một tầm vóc quan trọng như Đại Hội VI diễn ra 30 năm trước đây khi Đảng Cộng Sản đề ra chính sách Đổi Mới trong năm 1986.[3]
Theo nhận định của Giáo Sư Alexander Vuving thì quyền lực chính trị Việt Nam cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam bị chi phối bởi 3 thành phần: bảo thủ chế độ (regime conservatives), cải cách (modernizers) và những kẻ trục lợi (rent seekers).[4] Nhóm bảo thủ gồm có những người kiên định theo đuổi xã hội chủ nghĩa và vẫn nhìn thế giới tự do như là một đối thủ nguy hiểm. Nhóm này kiên quyết bảo vệ chế độ độc đảng bằng mọi giá, không muốn mở cửa với thế giới bên ngoài (trừ một vài nước cộng sản còn sót lại) và sẵn sàng đặt quyền lợi của Đảng trên quyền lợi dân tộc. Tiến trình công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng quốc tế chỉ là phương tiện biện minh cho mục tiêu tối hậu là duy trì vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản. Thành phần của nhóm bảo thủ gồm có cựu Tổng Bí Thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng và cựu Chủ Tịch Lê Đức Anh.
Nhóm cải cách muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản nhưng cũng muốn Đảng Cộng Sản xem quyền lợi dân tộc như là quyền lợi của Đảng. Họ xem xã hội chủ nghĩa qua lý tưởng của một xã hội giàu mạnh. Nhóm này đặt tinh thần yêu nước trên ý thức hệ Mác-Lê và sẵn sàng nới rộng một số quyền công dân. Tuy nhiên, khái niệm “dân chủ” của họ không hẳn là dân chủ qua hình thức đa đảng mà chỉ là dân chủ trong nội bộ của Đảng. Đa đảng, đa nguyên vẫn còn là đề tài cấm kỵ trong mọi thành phần của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhóm cải cách gồm có Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn An. Riêng trong trường hợp ông Nguyễn Văn Linh thì ông Linh bắt đầu nhiệm kỳ Tổng Bí Thư với một tư tưởng cải cách nhưng đã đổi thành một người bảo thủ khi các chế độ cộng sản tại Đông Âu lần lượt sụp đổ.
Nhóm thứ ba thuộc thành phần cơ hội và chỉ biết trục lợi mà không thật sự theo đuổi một lý tưởng hay ý thức hệ nào cả. Nhóm này có lúc sẽ ngả theo phe bảo thủ hoặc phe cải cách, miễn là họ kiếm chác được. Có người cho rằng nhóm này còn mạnh hơn cả hai nhóm kia vì mãnh lực của đồng tiền trong một cơ chế quyền lực đóng kín. Mục đích của kinh tế thị trường là phát triển lợi nhuận ở mức tối đa. Trong khi đó thỉ chủ thuyết cộng sản kiên định việc bảo vệ độc quyền quyền lực. Hai yếu tố này tạo điều kiện để tiền có thể mua quyền và có quyền thì đẻ ra tiền. Ông Trần Đức Lương đại diện cho nhóm này. Tuy nhiên và nếu dựa theo tiêu chuẩn này thì tiêu biểu nhất có lẽ là Nguyễn Tấn Dũng vì dưới hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông trong thời gian qua thì các nhóm lợi ích đã và đang kiếm được nhiều tiền nhất. 
Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức to lớn gồm có một nền kinh tế cạn kiệt, một xã hội bị dồn nén và sức ép của Trung Quốc về cả hai mặt kinh tế và an ninh tại Biển Đông.[5] Nguyên nhân chính của những vấn nạn kinh tế, xã hội và chủ quyền lãnh hải này đều bắt nguồn từ thể chế độc đảng. Thể chế độc tài toàn trị đã tiêu diệt hết sức sáng tạo và mọi khả năng cạnh tranh của người dân Việt Nam trong lúc đồng bào ta bị lôi cuốn vào một cuộc chạy đua khốc liệt với những dân tộc khác trên thế giới trong một ngôi làng toàn cầu.
Kinh tế cạn kiệt
Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam thi hành chính sách Đổi Mới thì thành phần cơ hội là nhóm hưởng được nhiều quyền lợi nhất. Sau thời bao cấp thì kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phát triển đáng kể. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì sự yếu kém của cơ chế gồm có hệ thống hành chánh, tư pháp, giáo dục và hạ tầng cơ sở biểu lộ rõ nét khiến nền kinh tế Việt Nam như là một chiếc xe con quá tải cứ phải ì ạch không biết tắt máy lúc nào. Giữa năm 1988 và 1999, kinh tế Việt Nam phát triển đều đặn nhưng từ năm 2000 trở đi thì tỷ lệ phát triển đã giảm dần. Trong năm 2000 thì chính quyền tiến hành chương trình cải cách hệ thống tư pháp và hành chánh nhưng đến nay thì không có kết quả gì đáng kể. Việt Nam thiếu chuyên gia luật, thẩm phán và công chức có tầm vóc. Hệ thống giáo dục yếu kém không đào tạo được tài năng lãnh đạo có viễn kiến. Hệ thống luật pháp tuy đã có tiến bộ hơn nhưng sự hiểu biết và thực thi tình thần thượng tôn pháp luật vẫn còn quá kém.[6]
Thứ hai, cấu trúc kinh tế Việt nam không được cân bằng. Doanh nghiệp nhà nước lấn át và chiếm gần phân nửa nền kinh tế nhưng lại có năng suất thấp và không có hoặc thiếu khả nănh cạnh tranh. Đó là chưa kể cán bộ xem nó như là một phương tiện làm giàu riêng thể hiện qua các vụ tham nhũng Vinashin và Vinalines với hàng tỷ Mỹ kim bị thất thoát.[7] Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5.42% trong năm 2013 nhưng phụ thuộc vào hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. GDP của Việt nam trong năm 2013 lên khoảng 171.4 tỷ Mỹ kim và theo tỷ lệ tăng trưởng thì sẽ lên gần 190 tỷ Mỹ kim trong năm 2014. Giá trị hàng xuất khẩu chiếm 75% GDP so với 56% trong năm 2009.[8] Có nghĩa là kinh tế Việt Nam không đủ yếu tố nội lực và dễ bị dao động bởi tình hình kinh tế thế giới. Vì vậy, Việt Nam bị tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy xuất khẩu nhiều nhưng cán cân mậu dịch vẫn thường bị thâm hụt vì hàng hóa Việt Nam bán ra với giá rẻ so với hàng nhập từ nước ngoài.
Thứ ba, nợ công ở Việt Nam đã vượt qua ngưỡng báo động 65% GDP. Theo đồng hồ nợ công toàn cầu của báo Economist tính tới ngày 30/10/2014 thì nợ công của Việt Nam đã lên tới 85 tỷ Mỹ kim, tức gần $1,000 mỗi đầu người. Nhưng nếu cộng thêm nợ của doanh nghiệp nhà nước thì tỷ lệ chắc chắn sẽ cao hơn 65% rất nhiều. Nếu so với các nước láng giềng thì Việt Nam có tỷ lệ nợ công cao nhất ví dụ như nợ công của Nam Dương chỉ là 24% GDP, Thái Lan 46%, Phi Luật Tân 50%, Lào 46% và Mã Lai Á 55%. Mặt khác, thu nhập trung bình của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều và chỉ xấp xỉ $1,400 Mỹ kim một năm cho mỗi đầu người so với Phi Luật Tân là $4,700 Mỹ kim, Nam Dương $5,200 Mỹ kim và Mã Lai Á $17,500 Mỹ kim. Dân số Việt Nam thì lại lão hóa mau hơn các nước khác ở mức 7% so với Lào là 4%, Nam Dương và Ấn Độ là 5%. Trong khi đó thì năng suất lao động ở Việt Nam ngày càng giảm và thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thua Singapore gấp 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Mã Lai Á 5 lần và Thái Lan 2.5 lần. Trong khi đó, Việt Nam phải dùng tới 25% ngân sách để trả tiền lời nợ công trong năm 2014 và dự kiến sẽ tăng lên tới 30% trong năm 2015.[9] Đây là một tỷ lệ rất cao cho một quốc gia kém phát triển. Nếu chiều hướng không thay đổi thì Việt Nam khó thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. 
Ngoài nợ công thì Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn với nợ xấu. Theo báo cáo của chính phủ Việt Nam trong tháng 11 vừa qua thì nợ xấu đã giảm đi một nửa xuống còn 5.43% so với 17% trong năm 2012. Nhưng sự thiếu minh bạch trong việc thống kê ở Việt Nam thì không có cơ sở nào để có thể tin vào các con số do nhà nước đưa ra. Ví dụ như Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì cho rằng tỷ lệ nợ xấu khoảng 8.6%. Còn các công ty quốc tế như Standard and Chartered Bank ấn định con số cao hơn nhiều từ 15-20% (tính tới cuối năm 2012).[10]
Tóm lại, nền kinh tế Việt Nam đang đi vào ngõ cụt bởi 3 yếu tố cơ chế có liên quan với nhau. Đó là Việt Nam không có một ngân hàng trung ương độc lập để có thể điều hành chính sách tiền tệ một cách linh động và mau chóng đáp ứng được với những biến chuyển quy mô của tình hình kinh tế thế giới. Hệ thống hành chánh và tư pháp của Việt Nam lại quá kém cỏi và thiếu minh bạch. Tệ hại nhất, sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bóp nghẹt mọi sức sáng tạo cần thiết để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển đúng mức. Chính Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh cũng phải thú nhận là đến thời điểm này thì nền kinh tế Việt Nam đã hết động lực phát triển. Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế dựa vào “vốn và bán tài nguyên dạng thô như dầu khí, than đá và các quặng khác. Trong khi lao động thì không phải dựa vào tăng năng suất mà lại nhờ giá rẻ. Các nước đang phát triển, chậm phát triển thì dựa vào các yếu tố trên. Nhưng 3 động lực ấy giờ đã cạn kiệt rồi. Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển”.[11]
Xã hội dồn nén
Bản chất toàn trị và độc đoán của chế độ cộng sản không có chỗ để cho người dân xả áp lực và bày tỏ bức rức. Hiện tượng “dân oan” chỉ xuất hiện trong lịch sử Việt Nam trong vài thập niên nay. Nhưng chỉ từ năm 2008 tới 2011 thì có tới 1.570.000 người nộp đơn khiếu kiện[12] và có tới 700.000 vụ khiếu kiện liên quan tới đất đai.[13] Theo nghĩa thường dùng hiện nay thì dân oan là nạn nhân của sự bất công, mà tại Việt nam thành phần dân oan đông đảo nhất là những người dân đang sống bình thường bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà, trở thành không có chỗ ở, không có việc làm và không có thu nhập để sống. Chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đã được khai thác triệt để dẫn đến hậu quả là có nhiều người nông dân mất hết tài sản, đất đai. Đối với nông dân thì đó là tài sản quý giá nhất vì đất đai của họ không chỉ là nơi cư ngụ mà còn là cơ sở kinh tế nuôi sống cả gia đình. 
Có hàng ngàn vụ thu hồi đất đai có liên quan tới các nhóm lợi ích chiếm đoạt bất động sản và thu hồi đất đai nhưng không bồi thường thỏa đáng. Chính quyền các cấp thì hầu như vô cảm và vô lương tâm. Mỗi năm có hàng chục ngàn cuộc biểu tình phản đối của dân oan. Tuy không có con số thống kê nào nhưng "ước tính tầng lớp dân oan đất đai ở Việt Nam phải lên đến ít nhất 3-4 triệu người - tương đương với số lượng đảng viên trong đảng cầm quyền."[14] Khi người dân oan đi khiếu kiện thì họ bị đá như quả bóng từ huyện tới tỉnh lên tới trung ương rồi về lại địa phương mà không ai xét xử. Khi bị đẩy vào đường cùng thì họ phải liều mình sử dụng bạo lực hoặc tự sát như trường hợp của Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết.
Thứ hai, vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam coi như hết thuốc chữa. Trong cuộc phỏng vấn với Bảo Tuổi Trẻ năm 2005, cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đã trả lời là "tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên". Gần đây hơn, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phải lên tiếng: “hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có".[15] Theo chỉ số của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng cao nhất thế giới. 
Một vấn đề khác cũng nghiêm trọng không kém là vấn nạn lạm phát cán bộ, quan chức và tướng lĩnh. Cả nước ưóc lượng có khoảng 139.000 cơ quan hành chính tức là có khoảng 139.000 cấp trưởng và gấp 2-3-4 lần cấp phó và có cơ quan có 5-6, 7-8 cấp phó. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng. Nên số tiền mỗi năm cả nước phải chi thêm có thể hơn cả 16 ngàn tỉ đồng. Đây là một con số khủng khiếp, nhất là với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi nợ công đang tăng lên hàng ngày. Đến nỗi Đại Biểu Trần Du Lịch đã phải nghẹn ngào thốt lên “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.[16]
Về mặt nhân quyền thì theo báo cáo của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch), tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2013 “xấu hẳn đi, khiến xu hướng tụt dốc đã biểu hiện trong mấy năm qua càng trở nên trầm trọng hơn”. Việt Nam đang giam giữ khoảng 150-200 tù nhân chính trị mà trong đó có nhiều tù nhân lương tâm bị bắt vì hoạt động tôn giáo. Tòa án của Việt Nam thiếu tính độc lập và khách quan và không theo đúng tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Tội danh chính trị được xử như tội phạm hình sự. Nhiều blogger bị đàn áp, đánh đập, sách nhiễu và bị công an bắt giữ tùy tiện.[17] Ví dụ như blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào đã bị bắt giữ và truy tố dưới Điều 258 của Bộ Luật Hình Sự với án tù tối đa 7 năm vì họ đã phổ biến một số bài viết mà nhà cầm quyền không thích. Gần đây hơn, nhà cầm quyền đã bắt giữ hai blogger khác là Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập vì họ bày tỏ thái độ phản đối dã tâm chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc. Rõ ràng là giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn răn đe mọi tiếng nói phản biện và triệt tiêu tinh thần yêu nước của người Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng biển đảo của Đảng Cộng Sản “đàn anh” từ phương Bắc. 
Một vấn đề khác cũng làm nhiều người phẫn nộ là chính sách kinh tế ưu đãi cho các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc dễ dàng thắng thầu các công trình, dự án xây cất hạ tầng cơ sở vì doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng cạnh tranh. Từ năm 2012 thì Trung Quốc đã thi hành quốc sách sa thải các công nghệ lạc hậu và đã công bố danh sách hàng ngàn nhà máy, dây chuyền lạc hậu cần phải loại bỏ. Họ không muốn mất trắng nên di chuyển công nghệ lạc hậu xuống Việt Nam.[18] Giới trí thức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc nhà nước cho phép các công ty Trung Quốc vào khai thác tài nguyên ở những vị trí chiến lược quan trọng như quặng bô xít ở Tây nguyên và thuê rừng ở phía Bắc. Gần đây nhất là vụ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có ý định cho một công ty Trung Quốc thuê đèo Hải Vân để xây dựng một khu du lịch sinh thái. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giá trị giao thương giữa hai nước tăng từ 3 tỷ Mỹ Kim trong năm 2001 tới 41,1 tỷ trong năm 2012. Nhưng cán cân mậu dịch luôn nằm về phía Trung Quốc. Cán cân thâm hụt của Việt Nam tăng từ 11 tỷ Mỹ Kim trong năm 2008 tới 23.7 tỷ trong năm 2013 và ước lượng sẽ lên tới 28,32 tỷ trong năm 2015, tức là khoảng 15% GDP của Việt Nam.[19] Trong lãnh vực đầu tư thì Trung Quốc áp dụng "chiến lược đầu tàu" (Bridgehead Strategy)[20] tại Việt Nam cũng như tại khắp mọi nơi trên thế giới bao gồm cả Phi Châu. Đó là các công ty Trung Quốc không chỉ mang vốn mà mang cả công nhân từ Trung Quốc, xây dựng phố thị Trung Quốc ngay tại Việt Nam làm cả nước “nhức mắt” với phố Tàu ở Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Bình Dương. Nhưng khi blogger lên tiếng phản đối thì nhà nước lại dùng Bộ Luật Hình Sự để bắt bớ và truy tố họ.
Chủ quyền bị đe dọa
Biển Đông là huyết mạch an ninh, chiến lược và kinh tế sống còn của Việt Nam. Với bờ biển dài hơn 3000 cây số, Việt Nam dễ dàng bị tấn công bằng đường thủy nếu bị mất chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên thủy sản ở Biển Đông đã nuôi sống ngư dân Việt Nam từ ngàn đời. Hiện tại, thu nhập của công ty PetroVietnam chiếm khoảng 25% GDP và đóng góp 30% vào ngân sách quốc gia. Hầu hết số tiền thu nhập này đến từ những dự án khai thác và hoạt động kinh doanh tại thềm lục địa ở Biển Đông.[21]
Sau Hội Nghị Thành Đô diễn ra vào ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, Việt Nam đã quyết định ngả về và tìm sự bảo trợ của Trung Quốc với hy vọng là tiếp tục duy trì vai trò độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong lúc chủ nghĩa cộng sản sụp đổ toàn diện tại Đông Âu. Cái giá phải trả là phục tùng và không làm phật lòng Trung Quốc gồm có xóa bỏ hoặc không nhắc tới việc Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào năm 1979. Việt Nam có 3 loại quan hệ ngoại giao: đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Việt nam đã tuyên bố thiết lập đối tác chiến lược với Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương Quốc Anh (2010) và Đức (2011). Từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thành lập quan hệ đối tác toàn diện với Úc. Nhưng trong số này thì quan hệ với Trung Quốc và Nga đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Riêng với Trung Quốc thì Việt Nam có quan hệ đặc biệt và sâu sắc bao gồm quan hệ giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa Quân Đội Việt Nam và Quân Đội Trung Quốc và giữa Nhà Nước Việt Nam và Nhà Nước Trung Quốc. Quan hệ giữa hai Đảng dựa trên ý thức hệ Mác Lê. Đảng viên thường xuyên thăm viếng và trao đổi lý luận bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chống lại kẻ thù chung được gọi là “diễn tiến hòa bình”. Sau cuộc chiến biên giới năm 1979, quân đội hai nước nối lại quan hệ vào năm 1992 và kể từ năm 2005 thì hai bên có cuộc đối thoại quốc phòng thường niên. Trong tháng 11 năm 2010 thì Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu cuộc Đối Thoại An Ninh Chiến Lược tại Hà Nội. Có thể nói là không có một quyết định quan trọng nào của Việt Nam mà không có sự thông qua của Trung Quốc. Không có nước nào “lớn tiếng” với và có tầm vóc ảnh hưởng tới Hà Nội bằng Trung Quốc.[22]
Để chìu theo Trung Quốc, Việt Nam theo đuổi chính sách 3 không bao gồm: (1) không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; (2) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và (3) không dựa vào nước này để chống nước kia. Chính sách này đã được Thứ Trưởng Quốc Phòng Tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8 năm 2010. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu “nước này” là Hoa Kỳ và “nước kia” là Trung Quốc. Có một số người cho rằng Việt Nam đang thi hành chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sự thật thì không phải như vậy vì dưới cái nhìn của phe bảo thủ trong Đảng đang cầm quyền thì Trung Quốc vẫn là "anh em" dù có lúc có bất đồng ý kiến. Họ chỉ lợi dụng Hoa Kỳ khi cần thiết chớ không thật tâm xây dựng quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ.
Ngoài chính sách đa phương hóa quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng tìm sự hỗ trợ của Khối ASEAN để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.Tuy chỉ mới gia nhập từ năm 1995 nhưng Việt Nam đang là một thành viên tích cực nhất của Khối ASEAN.[23] Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Bản Tuyên Bố Ứng Xử (Declaration of Conduct) của các bên tại Biển Đông nhưng Bản Tuyên Bố này không có tính ràng buộc pháp lý. Từ đó thì ASEAN và nhất là Việt Nam luôn tìm cách hối thúc Trung Quốc tiến hành ký kết Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) tại Biển Đông có giá trị như một hiệp ước giữa Trung Quốc và ASEAN. Cho tới nay thì không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ chấp thuận yêu cầu này vì không muốn ý đồ thâu tóm Biển Đông của họ bị cản trở.[24] Chính Khối ASEAN cũng không đủ mạnh để có thể đối trọng với Trung Quốc. Đó là chưa kể có một số quốc gia thành viên bị Trung Quốc chi phối nặng nề như Cam Bốt và Lào. Sự yếu kém và tính thiếu đoàn kết của ASEAN biểu lộ rõ rệt tại Hội Nghị 20 ở Phnom Penh khi lần đầu tiên trong lịch sử 4 thập niên ASEAN đã không ra được một bản thông cáo chung trước khi bế mạc.
Trung Quốc luôn nói là sẽ trỗi dậy trong hòa bình nhưng hành xử thì hoàn toàn trái ngược. Có nghĩ là lời nói không đi đôi với việc làm. Khác với Nhật Bản và Phi Luật Tân, Việt Nam không có đồng minh yểm trợ khi bị Trung Quốc lấn át. Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoang Hải Dương 981 vào khu đặc quyền kinh tế Việt Nam chứng minh chính sách ngoại giao “triệu người quen có mấy người thân” và sách lược quốc phòng 3 không của Việt Nam là không có hoặc thiếu hiệu quả. Sự kiện này cũng cho thấy giấc mơ trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc thật sự sẽ là cơn ác mộng cho thế giới và nhất là cho dân tộc Việt Nam. 
Kết luận
Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức to lớn về nhiều mặt. Kinh tế thì cạn kiệt, xã hội bị dồn nén và chủ quyền lãnh hải đang bị đe dọa trầm trọng. Nếu không thay đổi, cải cách thì hiểm họa mất nước có nguy cơ xảy ra. Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tìm cách gia nhập vào TPP (Hiệp ước Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương) để giảm bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Muốn vậy thì Việt Nam phải chấp nhận các quy chế gia nhập và cạnh tranh công bằng gồm có tôn trọng quyền lao động quốc tế, công nhận công đoàn độc lập, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước phải tiếu tục đẩy mạnh kế hoạch tái cơ cấu kinh tế bằng cách cổ phần hóa hoặc tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước để giảm thiểu vấn nạn nợ công và nợ xấu.
Về mặt xã hội thì Việt Nam cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động để người dân có chỗ xã van áp lực trước những vấn nạn và bất cập của xã hội Việt Nam. Với căn bệnh ung thư tham nhũng bất trị hiện nay, Việt Nam không có con đường nào khác là phải thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí bằng cách tư hữu hóa hơn 800 doanh nghiệp truyền thông nhà nước. Như vậy thì mới mong có thể cầm được căn bệnh. 
Cũng như Nhật Bản và Phi Luật Tân, Việt Nam cần xây dựng quan hệ gần gũi với Hoa kỳ để đối trọng với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Muốn vậy thì Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền. Về việc này thì Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Một nước Việt Nam biết tôn trọng nhân quyền sẽ tìm được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Khối Liên Âu cũng như từ nhiều quốc gia khác trên thế giới tại các diễn đàn quốc tế.
Để thực hiện những đường lối cải cách nêu trên thì Việt Nam cần có giới lãnh đạo mới và có tư duy cải cách trong Đại Hội XII vì thành phần lãnh đạo hiện nay không đủ năng lực hoặc không có tư duy cải cách. Tốt nhất là nhóm lãnh đạo hiện nay nên về hưu hết[25] và nhường chỗ cho cho những thành phần trẻ có khả năng và đã từng tiếp thu hệ thống giáo dục tân tiến ở ngoại quốc có cơ hội nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo. Cần loại bỏ điều lệ phải là thành viên của Bộ Chính Trị ít nhất một nhiệm kỳ trước khi được giao chức vụ lãnh đạo vì nó kiềm hảm nhân tài và cản trở bước tiến của đất nước.
Nhưng những giải pháp nêu trên cũng chỉ là bước đầu và là phần ngọn. Cái gốc của vấn đề là thể chế độc đảng hiện nay. Muốn phát huy được tiềm năng và nội lực dân tộc thì phải thay đổi thể chế độc đảng thành đa đảng để tạo môi trường cạnh tranh chính trị lành mạnh. Chỉ có một thể chế đa đảng mới thay đổi và hiện đại hoá được những cơ chế căn bản gồm có hệ thống quản trị hành chánh, tư pháp và giáo dục để tạo điều kiện cho một nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh và hiệu quả cao, một phong trào xã hội dân sự sinh động, một nhà nước pháp quyền biết tôn trọng nhân quyền và một dân tộc tự tin và tự trọng mà trong đó mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có cơ hội phát huy hết tiềm năng và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 
Có người vẫn mơ mộng tiếp tục theo gương của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc khác nhau rất nhiều. Nhưng Trung Quốc quá to lớn để thất bại (too big too fail). Ngay cả thế giới tự do cũng mong muốn Trung Quốc ổn định vì quyền lợi quốc gia của họ. Trung Quốc cũng có tham nhũng nhưng làm việc hiệu quả hơn. Giới lãnh đạo đều là những người được đào tạo ở những trường đại học có tầm vóc có thể so sánh với Harvard và MIT của Hoa Kỳ. Họ biết trọng dụng nhân tài và thu hút được trí thức người Hoa ở trong và ngoài nước. Trong khi đó thì giới lãnh đạo Việt Nam rất tự hào đã có thời cầm súng.[26] Việt Nam hiện tại không giữ nỗi chất xám trong nước, nói gì đến việc thu hút nhân tài ở hải ngoại. Đa số trí thức ở hải ngoại đã quen sinh sống và làm việc trong một môi trường tự do, trong sáng và lành mạnh. Không có lý do gì để họ phải quy phục một chế độ độc tài, toàn trị, tham nhũng và lạc hậu. 
Câu hỏi đặt ra cho 1200 đại biểu, 175 ủy viên trung ương và 16 thành viên Bộ Chính Trị trong Đại Hội XII là quyền lợi độc tôn của Đảng Cộng Sản Việt Nam hay là quyền lợi của Tổ Quốc Việt Nam quan trọng hơn? Còn 3 triệu đảng viên sẽ đóng vai trò gì với vận mệnh dân tộc? Đó cũng là câu hỏi cho 90 triệu đồng bào trong nước và 5 triệu người Việt ở hải ngoại. 
___________________________________
Ghi chú:
[1] Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam "Chỉ Thị Bộ Chính Trị số 36 CT/TW" thuvienphapluat.vn 
[2] Carl Thayer “SBTN Úc Châu -Hội Luận & Vấn Đáp: Tìm hiểu Thành Phần Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Đại Hội XII" 3/10/2014 
[3] Lưu Tường Quang “SBTN Úc Châu- Hội Luận & Vấn Đáp: Tìm hiểu Thành Phần Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Đại Hội XII" 3/10/2014 
[4] Alexander L. Vuving “Vietnam: A Tale of Four Players” (2010) Southeast Asian Affairs 367-392 
[5] Nguyễn Vũ Bình “SBTN Úc Châu -Hội Luận & Vấn Đáp: Tìm hiểu Thành Phần Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Đại Hội XII" 3/10/2014 
[6] Ha Hoang Hop “More Change Awaits Vietnam’s Political Economy” Institute of Southeast Asian Studies 2013 #04. 
[7] Vu Minh Khuong “The Institutional Root Causes of the Challenges to Vietnam’s Long-Term Economic Growth” National University of Singapore Lee Kuan Yew School of Public Policy 6/5/2014 
[8] World Bank Data 
[9] Phạm Huyền “Nợ công Việt Nam từ một cái nhìn khắt khe hơn” Vietnamnet 15/11/2014 
[10] John Lee “Reforms Will Determine Degree of Vietnam’s Dependence on China” 2014 Institute of Southeast Asian Studies 
[11] Chí Hiếu “Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư: ‘Việt Nam cần chính sách mới để phát triển' vnexpress 22/10/2014 
[12] Thanh Nien News 4/5/2012 "Urban and grab leaves thousands in the lurch 
[13] Rosalind Mathieson "Vietnam tightens Land Seizure Law after Farmers' Protest" Bloomberg News 9/12/2013 
[14] Phạm Chí Dũng "NGO cần làm gì cho xã hội dân sự ở VN?" BBC 3/2/2014 
[15] Nguyên Hà “Tổng Bí Thư: “Hết sức sốt ruột trước tham nhũng, hư hỏng” vneconomy.vn 29/6/2012 
[16] Bùi Hoàng Tám “Lạm phát cấp phó” dân đóng thuế nuổi sao nổi?” dantri.com.vn 3/11/2014 
[17] World Report 2014: Vietnam Human Rights Watch 
[18] Trần Đình Thiên “Vì sao Trung Quốc dễ trúng thầu ở Việt Nam?” vietnamnet.vn 4/9/2014 
[19] John Lee “Reforms Will Determine Degree of Vietnam’s Dependence on China” 2014 Institute of Southeast Asian Studies 
[20] Huong Le Thu “Vietnam: Straddling Souhtheast Asia’s Divide” 2014 Institute of Southeast Asian Studies 
[21] Le Hong Hiep “Vietnam’s strategic trajectory: From internal development to external engagement” Australian Strategic Institute Policy Insight 59 6/2012 
[22] Carlyle A Thayer “The Tyranny of Geography: Vietnamese Strategies to Constrain China in the South China Sea” Paper to International Studies Association 52nd Annual Convention, Montreal, Quebec, Canada 16-19/3/2011. Nguyên văn lời nhận định của Giáo Sư Carl Thayer là “Probably no major decision of any nature is made in Hanoi without taking Chinese interests and likely responses in to account...no other foreign state is as assertive or influential in Hanoi than China”. 
[23] Huong Le Thu “Vietnam: Straddling Souhtheast Asia’s Divide” 2014 Institute of Southeast Asian Studies 
[24] Lê Hồng Hiệp “Hiệp ước về quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nên chăng?” tuanvietnam.vietnamnet.vn 23/12/2010 
[25] David Koh “Dàn lãnh đạo Việt Nam nên về hưu tất” BBC 14/11/2014 
[26] Vũ Quang Việt “TQ tham nhũng hiệu quả hơn VN” BBC 2/8/2014


CẬU BA MIỆT VƯỜN * CHÂN DUNG QUYỀN LỰC

Chân Dung Quyền Lực: Nó là ai???

Cậu Ba Miệt Vườn (Danlambao) - Mấy tuần gần đây trang Chân Dung Quyền Lực xuất hiện trước ngày đại hội đảng công sản đã làm rầm rộ những người quan tâm đến vận mạng đất nước dân tộc vào xem để thấy những chuyện thâm cung bí sử của bọn Ba Đình đang được trang CDQL từ từ hé mở... Nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn chưa biết kẻ đứng phía sau nó...? Có những tin đồn đoán đó là của đồng chí 3X ra lệnh cho anh em tấn công vào đối thủ đầu tiên là Nguyễn Xuân Phúc được cho là đầu độc Nguyễn Bá Thanh bằng chất phóng xạ... Bây giờ chúng ta tạm thời chưa rõ kẻ phía sau nó, nhưng sự thật phơi bày như những gì của trang Chân Dung Quyền Lực đưa ra... ta có thể khẳng định trong đó chắc hẳn có bàn tay tình báo, secret service ở trong đó...
Chúng ta nhận xét thử xem:
1- Khi đưa tin Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc thì kèm tất cả thông tin từ Bệnh Viện này đến BV khác của Mỹ cả những vị bác sĩ đang điều trị cùng hình ảnh đính kèm, Ai có thể vào BV để chụp những bức ảnh đó ngoài thân nhân và số cán bộ theo chăm sóc? Vì chắc hẳn ở Mỹ, Bá Thanh chẳng có người quen đến thăm... Chúng ta nhìn kỹ những bức ảnh được chụp với cách chỉ nghiêng về 1 phía nào đó hoàn toàn chẳng thấy bức ảnh nào chụp rõ ràng potrait, như thế kẻ chụp hình bằng 1 cách lén lút bất cứ góc cạnh hay chỗ nào nếu thấy thuận tiện là chụp không lựa chọn sửa sang, có thể được chụp bằng 1 máy ảnh dùng cho công tác chứ chẳng phải 1 máy chụp ảnh hay phone bình thường.
2- Khi nói về Nguyễn Xuân Phúc (NXP), những căn nhà bên Mỹ biết rõ từng địa chỉ, tất cả tấm ảnh vợ chồng NXP chụp ở New York trước bức tượng Nữ thần Tự Do. Hay những bức ảnh của con cái NXP chụp cùng bè bạn, đó là ảnh riêng tư làm sao để có được! Nhưng đối với nghề nghiệp thì đó là chuyện không khó, có thể mua từ cảm tình viên, bạn bè người của gia đình v.v... hoặc cũng có thể đã được 1 secret nào đó theo từng bước từng hành động của người cần theo dõi.
3- Về con rể của NXP với số tài sản Nhà cửa đất đai được ghi chi ly từng m2 giá trị cũng như tất cả đang hiện có.
4- Tiếp theo mới đây lại bùng lên thêm tài sản cá nhân của cha con Phùng Quang Thanh làm cho ta thêm tin tưởng trong đó phải có bàn tay mật... Anh có thể chụp chiếc xe tôi từ bên ngoài, căn nhà hay bất cứ gì cũng thế, anh không được tiếp cận thì làm sao anh biết nó có gì bên trong... Nhưng không trang CDQL lại đưa ra từng chi tiết cả phòng khách phòng trưng bày lưu niệm kể cả phòng ngủ của chiếc Yacth "du thuyền" và những người tình của chàng đại tá Phùng Quang Hải, điều đó lại càng làm cho chúng ta khẳng định thêm... Vì đối với chúng ta là chuyện bất khả thi... Nhưng với secret service thì không có gì là khó khăn về những thông tin loại đó cả.
Tóm lại khi sắp bắt đầu cuộc họp của đảng cộng sản trang CDQL tung ra những tin thuộc loại cung đình chắc hẳn đã có 1 sự toan tính đúng thời gian... Và chắc chắn trong tay CDQL còn nắm tất cả bí mật của những tên chóp bu, nhưng có lẽ sẽ đưa ra từ từ... đưa anh này mà không đưa anh kia, để nội bộ nghi kị lẫn nhau là thằng này giấu tay để chơi tao, thằng kia lại hờm sẵn coi tên bên cạnh... để tự triệt hạ lẫn nhau... và cũng cho nhân dân thấy rõ những bộ mặt bóc lột tận cùng xương tủy của nhân dân để có cuộc sống đế vương nhưng miệng lại cứ vì dân vì nước... Tôi nghĩ 1 ngày nào đó CDQL lật hết những lá bài tẩy còn chừa lại cũng là ngày lòng dân đã chín mùi...
Để kết luận có nhiều người phỏng đoán sau lưng nó còn có sự nhúng tay của cục tình báo Hoa Nam, mà sao không thêm lại có thể là Uncle Sam C.I.A!?


Cậu Ba Miệt Vườn
danlambaovn.blogspot.com

TIN VIỆT NAM

VN đang phải 'trả giá' về thủy điện

9 tháng 1 2015 Cập nhật lúc 20:42 ICT
Giải quyết hậu quả của các dự án thủy điện với nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang là 'món nợ' của nhà nước với dân, theo chuyên gia chính sách từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 09/01/2015, nhà nghiên cứu chính sách công Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam hiện đang phải 'trả giá' trong lĩnh vực năng lượng do việc 'tăng trưởng nóng' từ phát triển 'tùy tiện' các dự án thủy điện, thủy lợi trong cả nước nhiều năm qua.
Ông nói: "Đây là một vấn đề rất là lớn, thậm chí Quốc hội đã nhiều lần chất vấn Chính phủ về vấn đề này.
"Đây là một món nợ lớn của Chính phủ đối với Quốc hội và đối với nhân dân về thủy lợi và thủy điện.
Ông Phạm Quý Thọ
PGS Phạm Quý Thọ nói việc giải quyết hậu quả các dự án thủy điện đang là một 'món nợ' với dân.
"Vì người ta đã thấy rất nhiều công trình thủy lợi, thủy điện đang có những ảnh hưởng rất xấu về môi trường, dân sinh, rồi về sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp.
"Vì sao lại có vấn đề này? Theo chúng tôi là đã có một thời gian chúng ta tăng trưởng nóng. Tức là tất cả nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện.
"Cho nên ai chạy được các dự án cấp trung ương thì chạy ra trung ương, còn ai mà làm dự án cấp địa phương thì làm cấp địa phương mà không có những tính toán kỹ lưỡng về môi trường, rồi về nhân sinh cũng như rất nhiều vấn đề khác.
"Cho đến nay rất nhiều công trình vẫn còn bỏ hoang và có những cái đương xây dở dang thì xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một vấn đề rất lớn mà có lẽ nó để lại hậu quả không chỉ trong độ mấy năm, mà có lẽ là một thời kỳ dài nữa, kinh tế cũng như xã hội Việt Nam là phải chịu hậu quả này."

'Ai phải chịu trách nhiệm?'

Phó Giáo sư Thọ cho rằng có ba cơ quan phải chịu trách nhiệm chính đối với các dự án vốn gây xáo trộn dân sinh, phá hoại môi trường và để lại nhiều hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng.
"Thế còn trách nhiệm là ai thì hiện nay có mấy cơ quan chịu trách nhiệm, mà người ta đương đưa ra. Trước hết là người ta nói đến Bộ Công thương, mà trực tiếp ông Bộ trưởng đấy phải giải trình.
"Thứ hai là Bộ Nông nghiệp, bởi vì trong đền bù thì nó liên quan đến đất lâm nghiệp rồi đất rừng, tái tạo lại nhưng rồi cũng không làm.
"Thứ ba nữa là các Ủy ban Nhân dân các cấp có lẽ là vì quyền lợi của địa phương mà người ta cũng cấp phép rất nhiều, đặc biệt là những nơi có những độ dốc lớn thí dụ như là miền Trung, thí dụ như là miền Bắc Việt Nam, hoặc thậm chí là vùng Tây Nguyên.
"Rồi người ta nói đến những vấn đề xã hội, cái tác động vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề dân sinh, các dự án này không làm thỏa đáng cái đền bù cho người dân... như cơ sở vật chất.
"Thậm chí những dự án lớn như Thủy điện Lai Châu của nhà nước tập trung như thế nhưng cũng không làm cho người dân yên tâm, mà đến nay rất nhiều dự án vẫn chưa hoàn chỉnh."
Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 09/01/2015, PGS. TS. Phạm Quý Thọ cũng bình luận về các bài học về hoạch định, thực hiện chính sách mà trước mắt để giải quyết hậu quả và về lâu dài là để tránh lặp lại các cách làm không tốt.
Ông cũng đề cập tới một số vấn đề liên quan tới có nên làm hay không 'năng lượng nguyên tử' ở Việt Nam và nhìn chung cần quan tâm điều gì nhất khi ra các quyết định chính sách trong lĩnh vực năng lượng và phát triển này.

Phá giá tiền đồng có ý nghĩa gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-01-08

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tuyên bố phá giá đồng bạc thêm 1% và đây là lần thứ hai trong vòng bảy tháng qua
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tuyên bố phá giá đồng bạc thêm 1% và đây là lần thứ hai trong vòng bảy tháng qua
RFA files
Mới đây Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tuyên bố phá giá đồng bạc thêm 1% và đây là lần thứ hai trong vòng bảy tháng qua Việt Nam phá giá đồng tiền của mình. Động thái phá giá này nói lên điều gì? Mặc Lâm có cuộc phỏng vần TS Lê Đăng Doanh nguyên Cố vấn kinh tế cho Bộ KHĐT, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm vấn đề này.
Mặc Lâm: Thưa TS các chuyên gia kinh tế cho rằng đồng tiền châu Á nói chung đã suy yếu so với đồng đô la trong sáu tháng qua do giả định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay. Như vậy việc phá giá đồng bạc VN có nằm trong lý thuyết này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Đồng bạc Việt Nam đã được ổn định so với đồng Đô la trong năm 2014. Mức ổn định đó căn cứ trên viêc chỉ giảm giá đồng bạc 2% so với mức lạm phát trung bình cả năm là 4%. Nếu cộng thêm với mức độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trước đây thì các nhà kinh tế tính toán rằng tiền đồng Việt Nam thực sự đã lên giá so với đồng đô la tới 30% và điều này thực sự gây khó khăn cho xuất khẩu tại Việt Nam.
Chúng ta thấy xuất khẩu của các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra chứ không phải là mặt hàng gia công nhập khẩu từ bên ngoài vào thì đã có những khó khăn khá lớn. Như vậy cho nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá đồng tiền VN 1% trong những ngày đầu năm của 2015 là một điều có thể hiểu được, không có gì đáng lo ngại lắm.
Điều đáng lo ngại là VN đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ nước ngoài
TS Lê Đăng Doanh
Điều đáng lo ngại là VN đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ nước ngoài. Còn tác động đối với xuất khẩu theo tôi thì chỉ tác động với tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước còn nếu như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì họ nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu vào rồi lắp ráp ở Việt Nam thì tỷ lệ giá trị gia tăng tương đối thấp vì vậy cho nên tác động trực thuộc đối với xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là hạn chế.
Mặc Lâm: Việc phá giá lần thứ hai này có liên quan gì đến yếu tố xuất khẩu dầu của Việt Nam hay không vì nền công nghiệp này đóng góp vào GDP rất lớn. Thưa TS?
TS Lê Đăng Doanh: Việc giảm giá dầu chắc chắn đã ảnh hưởng không tốt đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam và điều này Bộ Tài chính đã có công bố nhiều lần. Vấn đề ở đây là việc giảm giá dầu đó đồng thời nó cũng giảm giá các mặt hàng mà Việt Nam nhập  khẩu như xăng, chất dẻo, phân đạm, như sợi polyester các sản phẩm này đều sản xuất từ dầu lửa cho nên nếu như các sản phẩm đó cũng giảm giá thì tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn. Vì vậy tôi nghĩ giá dầu giảm sẽ có mặt tích cực cho nền kinh tế và có thể sẽ tích cực đối với sức mua của người dân. Xăng hạ người dân có thể dùng khoản tiền tiết kiệm đó để chi cho các khoản khác.
Tôi nghĩ giá dầu giảm sẽ có mặt tích cực cho nền kinh tế và có thể sẽ tích cực đối với sức mua của người dân. Xăng hạ người dân có thể dùng khoản tiền tiết kiệm đó để chi cho các khoản khác
TS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Vâng, TS vừa nói mặt tích cực trong việc sản xuất và chi tiêu của người dân khi giá xăng giảm mạnh vậy thì việc phá giá đồng tiền lần này có ý nghĩa gì nữa thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Đối với việc giảm giá đồng bạc trong tình hình hiện nay thì nó cũng đáp ứng yêu cầu cụ thể của thị trường. Cuối năm thì các doanh nghiệp phải kết toán các hoạt động cho nên họ có nhu cầu mua đô la nhiều hơn và điều ấy thường đem đến cái giá đô la trên thị trường tự do tăng mạnh cho nên sau khi Ngân hàng có điều chỉnh tỉ giá thì ngay lập tức giá đô la cũng đã nâng lên một mức mới. Tôi nghĩ rằng diểu đó cho thấy việc điều chỉnh 1% đối với nền kinh tế Việt Nam không gây ra tác động gì lớn đối với lạm phát cũng như không gây ra biến động lớn đối với kinh tế vĩ mô
Mặc Lâm: Thưa TS đồng tiền phá giá là hình thức chống lạm phát, trong trường hợp này xin cho biết có phải kinh tế VN đang đi vào giai đoạn trì trệ, Sau khi đã phát triển trong mấy năm qua?
Trong tình hình hiện nay thì không thể nào có biện pháp để làm vừa lòng tất cả mọi người. Giảm giá đồng bạc 1% thì có nghĩa là nợ sẽ tăng thêm 1%. Điều ấy cũng đáng lo ngại nhưng theo tôi thì không đến nỗi phải lo ngại một cách quá đáng
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Không. Việt Nam hồi gần đây tăng trưởng trở lại rất mạnh mẽ. Năm 2014 đã tăng trưởng gần 6%. Tôi nghĩ rằng hiện nay không có một dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đang đi vào giai đoạn trì trệ. Hy vọng sắp tới đây chính phủ sẽ đẩy mạnh công cuộc cải cách và tôi hy vọng rằng nền tảng của nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Cái việc điều chỉnh tỷ giá này nó cũng góp phần làm cho các biến động của thị trường và sức ép đối với các ngân hàng được ổn định hơn thôi chứ tôi nghĩ rằng không có gây ra khó khăn gì lớn.
Mặc Lâm: Như TS đã nói là phá giá đồng bạc sẽ gây thêm mối lo ngại vể trả nợ nước ngoài vì nợ sẽ tăng theo việc phá giá. Theo TS ông có đề nghị gì giảm bớt gánh nặng nợ công khi đồng bạc mất giá?
TS Lê Đăng Doanh: Trong tình hình hiện nay thì không thể nào có biện pháp để làm vừa lòng tất cả mọi người. Giảm giá đồng bạc 1% thì có nghĩa là nợ sẽ tăng thêm 1%. Điều ấy cũng đáng lo ngại nhưng theo tôi thì không đến nỗi phải lo ngại một cách quá đáng. 1% không phải là điều gì ghê gớm nếu như so với trước đây Việt Nam đã trải qua các biến động lớn hơn 1% nhiều.
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn ông
 Việt Nam: giá đô la tăng đồng loạt
Đồng đô la Mỹ (minh họa)
Đồng đô la Mỹ (minh họa)
Photo: RFA
Giá Đô La ở Việt Nam hôm nay đồng loạt tăng lên sau khi Ngân Hàng Nhà Nước thông báo hạ tỷ giá đồng bạc kể từ hôm nay nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bản tin AFP cho hay đây là đợt hạ giá đồng bạc VND lần thứ nhì trong 7 tháng qua. Lần này, tỷ giá đồng bạc Việt Nam được điều chỉnh 1% từ mức 21.246 đồng ăn một mỹ kim lên 21.458 đồng ăn một mỹ kim.
Trước đó, tỷ giá liên ngân hàng ở Việt Nam đứng ở mức 21.246 VND/USD trong hơn 6 tháng. Theo Ngân Hàng Nhà Nước, việc điều chỉnh tỷ giá hiện giờ là để phù hợp với những diển biến về kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ trong nước. Mặt khác, quyết định giảm giá đồng bạc cũng được cho là sẽ đẩy mạnh lãnh vực xuất khẩu
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-devalue-dong-01072015091946.html
 

Việt Nam mất 20 ngàn tỷ đồng nếu giá dầu ở mức 80 đô la/thùng

Một trạm phục vụ xăng dầu ở Hà Nội
Một trạm phục vụ xăng dầu ở Hà Nội (minh họa)
AFP
Ngân sách Việt Nam có thể mất 20 ngàn tỷ đồng nếu giá dầu ở mức 80 đô la/thùng.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết như vừa nêu trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, nói rằng giá dầu giảm 1 đô la/thùng thì ngân sách hụt 100o tỷ trong năm 2015 và tình hình giá dầu vẫn đang diễn ra phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng cho biết trong phương án cân đối ngân sách để bù đắp số tiền hụt của Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo hiện tại khai thác những mỏ dầu có giá thấp, có thể đem lại lợi nhuận tương đối và sẽ xem xét khai thác những mỏ dầu có giá cao khi giá dầu thế giới tăng giá mới.
Hiện Việt Nam có nhiều điểm khai thác và giá dầu ở mỗi điểm từ 35-70 đô la/thùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh cho biết giá cước vận tải ở Việt Nam vẫn chưa có chuyển biến mạnh, cho biết thêm Bộ Tài chính ra công văn kiểm soát giá cước theo mức giảm của giá xăng-dầu.
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/oil-price-decrease-budget-deficit-20-bil-vnd-12022014084610.html

Nhân sĩ trí thức nói về Hội nghị trung ương 10

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-01-09

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg4448557-305BB.jpg
Một kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, ảnh minh họa.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc ngày 5 tháng 1 tại Hà Nội với các nghị trình quan trọng nhằm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12. Mặc Lâm hỏi ý kiến những nhân sĩ trí thức có quan tâm để tìm hiểu thêm những suy nghĩ của họ về Hội nghị được xem là rất quan trọng này.

Nhiều dấu hỏi?

Hội nghị lần thứ 10 đã bị trì hoãn nhiều lần và điều này càng làm cho người quan tâm tới nó có thêm nhiều dấu hỏi. Theo những đảng viên kỳ cựu cho chúng tôi biết thì mỗi lần họp Hội nghị trung ương như thế là một lần tranh chấp quyền lực xảy ra và lịch sử các lần Hội nghị trung ương từ trước tới nay chưa bao giờ sự tranh giành nội bộ sôi sục và quyết liệt như lần này.
Những động thái trước và trong khi Hội nghị diễn ra làm giới quan sát chính trị trong và ngoài nước có thêm cơ sở để khẳng định rằng sự tranh chấp ấy tuy diễn ra ngấm ngầm, bí mật nhưng không thể che dấu tai mắt của những người từng dạn dày kinh nghiệm chính trường Việt Nam mỗi lần có Hội nghị trung ương diễn ra.
Hội nghị trung ương 10 như thông tin báo đài đã đưa thì hội nghị này đúng ra đã tổ chức vào tháng 9 trước khi Quốc hội họp nhưng tới bây giờ mới họp nhưng vậy là hoãn tới ha bai lần.
-LS Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích chi tiết hơn về Hội Nghị trung ương 10 lần này:
“Hội nghị trung ương 10 như thông tin báo đài đã đưa thì hội nghị này đúng ra đã tổ chức vào tháng 9 trước khi Quốc hội họp nhưng tới bây giờ mới họp nhưng vậy là hoãn tới ha bai lần. Hội nghị này trong buổi khai mạc thì Tổng bí thư cũng đã nói rồi, tức là để bàn dự thảo báo cáo chính trị và nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm tới. Một điều nữa là bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi cho rằng cả hai nội dung đều cực kỳ quan trọng bởi vì cái mà người ta mong muốn là cái báo cáo chính trị có những gì mở ra hay không, mới hay không?
Trước khi Hội nghị thì có bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì cũng nói lên một số vấn để tương đối rõ hơn về công tác đối ngoại. vấn đề trong nước cũng đưa ra một số nét định hình mà tôi cho rằng tương đối rõ và cụ thể.
Báo cáo chính trị sẽ lấy ý kiến từ các cấp bộ đảng. Từ cơ sở dần lên cấp huyện cấp tỉnh và trung ương thi trong quá trình thảo luận họ có điều chỉnh bổ xung gì không. Những báo cáo chính trị đưa ra bắt đấu như thế thường được coi như định hình, nên vấn đề rất quan trọng nhằm định hình để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam 5 năm tới.”

Có gì thay đổi gì đâu?

Trong diễn văn khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội. Bên cạnh đó ông Tổng bí thư cũng nhắc rằng Báo cáo kinh tế xã hội cũng sẽ được Hội nghị thảo luận cho mục tiêu 5 năm sắp tới.
024_138495-250.jpg
Một bức tranh cổ động trên đường phố Sài Gòn, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.
Về Báo cáo kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đây là báo cáo chuyên đề rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới và đề nghị Trung ương trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế- xã hội hiện nay. Nhận xét những nội dung này ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết:
“Albert Einstein nói rằng những khó khăn mà hiện nay ta đang muốn giải quyết nó là những khó khăn do tư duy cũ do mình tạo ra và bây giờ cũng bằng những tư duy cũ ấy để mà giải quyết những khó khăn thì không bao giờ có kết quả. Cho nên những khó khăn hiện nay của đất nước trước cái họa xâm lăng của Tàu, trước mối quan hệ đối ngoại chập chà chập chưởng với thế giới với Âu Mỹ, với Úc, Ấn, Nhật… cái đó nó gây khó khăn cho mình rất nhiều. Nó đến từ những tư duy rất cũ, rất lạc hậu, rất ảo tưởng và phi khoa học, đánh tráo khái niệm. Đem những mô hình tư duy cũ rích như vậy để giải quyết những vấn để thay đổi cái hiện trạng do tư duy ấy tạo ra thì làm sao có kết quả được? Cho nên nều còn giữ những tư duy như thế thì kết quả không có.
Xã hội nó bắt phải tiến lên cho nên cũng phải hô hào rồi thì phải nói văn minh, dân chủ. Bây giờ cũng phải nói đổi mới thể chế, cũng phải nói là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng… bởi vì không thể không nói những cái điều ấy.”
Ông Nguyễn Đăng Quang cựu đại tá công an cho biết nhận định của ông về những gì xảy ra trong Hội nghị, ông nói:
Albert Einstein nói rằng những khó khăn mà hiện nay ta đang muốn giải quyết nó là những khó khăn do tư duy cũ do mình tạo ra và bây giờ cũng bằng những tư duy cũ ấy để mà giải quyết những khó khăn thì không bao giờ có kết quả.
-Nguyễn Khắc Mai
“Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đang họp đấy nhưng được tổ chức muộn hơn so với bình thường ít nhất là hai tháng. Riêng cái việc triệu tập họp muộn như thế này thì nó cũng là một vấn đề làm mọi người phải suy nghĩ. Còn các vị đang họp thì tôi đã nghĩ hưu không có điều kiện được thông tin đầy đủ cuộc họp này nói chung thì nó bao trùm không khí bí mật, nhất là vấn đề nhân sự còn việc để lại cho đảng viên hay người dân hy vọng gì thì nó có sự lẫn lộn. Người ta cũng kỳ vọng hội nghị này sẽ có một sự thay đổi lớn về mặt nhận thức đường lối cũng như công tác cơ cấu nhân sự.
Nhiều người vẫn nói rằng: ôi giời trước đây vẫn thế đâu có gì thay đổi gì đâu. Thế cho nên dư luận cũng đa chiều.
Riêng tôi tôi thấy về cơ cấu nhân sự chắc là sẽ có nhiều thay đổi lớn và sau việc sắp sếp nhân sự này thì có sự nhượng bộ thỏa hiệp lẫn nhau giữa các xu hướng này xu hướng khác.”
Việc lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 12 có lẽ là mục tiêu lớn nhất mà Hội nghị hướng tới cho 200 nhân vật cao cấp nhất của Đảng thực hiện trong Hội nghị. Trong diễn văn khai mạc ông Tổng bí thư nói rằng Hội nghị sẽ "tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên bộ chính trị, ban bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; bầu bổ sung ủy viên ủy ban kiểm tra trung ương; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và một số vấn đề quan trọng khác".
Luật sư Trần Quốc Thuận qua kinh nghiệm làm việc tại Văn phòng Quốc Hội cho biết nhận xét của ông về việc tổ chức phiếu tín nhiệm, ông nói:
“Vấn đề tôi cho là cực kỳ quan trọng là vấn đề nhân sự. Tôi thấy cuộc bỏ phiếu sẽ không đi đến đâu nhưng tôi cho rằng mang tính cách quyết định nhân sự cho trung ương lần tới tức là khóa 12. Nếu cuộc bỏ phiếu này nó xảy ra người nào có phiếu cao thì ổn định vị trí sẽ thấy rõ còn nếu người nào phiếu thấp hoặc là quá thấp thì khả năng tái cử nói chung cũng rất thấp.
Cuộc bỏ phiếu này không phải là cuộc bỏ phiếu xử lý ngay, đem ra thôi nhiệm vụ của người đó ngay, nều có thì cực kỳ cá biệt. Nếu phiếu nào thấp, quá thấp thì cái đó chưa biết. Tôi cho rằng cái hội ngh5i này đê định hình khâu nhân sự cho đại hội 12 cho nên hai vấn đề đó đều quan trọng. Ở Việt Nam trong mỗi kỳ đại hội thì vần đề nhân sự vẫn quan trọng số một.”
Theo nhận xét của nhiều đảng viên cao cấp thì tuy Hội nghị trung ương 10 sẽ kết thúc vào ngày 12 sắp tới nhưng mọi kết quả của nó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới sinh hoạt chính trị của Việt Nam ngay cả trước khi khóa 12 nhóm họp.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/intellectual-s-opinion-about-the-plenum-10-ml-01092015092014.html

May báy chở ông Nguyễn Bá Thanh đã đến sân bay Đà Nẵng

may-bay-622.jpg
May báy riêng chở ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 20g 20 tối nay 9/1/2015.
Courtesy VTC
May báy riêng chở ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng lúc 20g 20 tối nay 9/1/2015.
Theo VnExpress hàng trăm người dân đã có mặt ở sân bay để mong được nhìn thấy nguyên Bí thư Thành ủy của họ trở về sau thời gian điều trị ở Hoa Kỳ từ nửa năm qua
Tin cho biết, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu và các thành viên trong Ban và bà Nguyễn Bá Thanh đã có mặt ở Đà Nẵng từ 17g chiều nay 9/1. Lúc 17g30, xe cứu thương chuyên dụng với nhiều bác sĩ đã từ Bệnh viện Đà Nẵng đi về hướng sân bay. Hiện nay Khoa ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng hầu như bị cô lập, an ninh thắt chặt.
Ông Nguyễn Bá Thanh 62 tuổi từng là một gương mặt đang lên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bất ngờ lâm trọng bệnh và được chẩn đoán bị rối loạn sinh tủy từ tháng 5/2014; ông Thanh từng qua Singapore chữa bệnh, trước khi sang Hoa Kỳ điều trị từ tháng 8/2014 đến nay.
Các trang mạng xã hội trích các nguồn tin riêng cho rằng, ông Thanh bị hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính và nguyên nhân là bị ám hại vì tranh chấp quyền lực trong Đảng. Phản ứng về thông tin này, ông Nguyễn Quốc Triệu trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương phủ nhận khả năng ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc.
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/nguyen-ba-thanh-arrived-dang-nang-airport-01092015093838.html

Một học sinh lớp 6 thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh

Bàn thờ em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn. (Ảnh: Facebook của Khải Hoàn, mẹ em Hải).
Bàn thờ em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi, thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn. (Ảnh: Facebook của Khải Hoàn, mẹ em Hải).
Một học sinh cấp hai ở TP HCM thiệt mạng sau khi bị cô giáo đánh đòn hôm 6/1.
Em Lê Thị Phước Hải 11 tuổi học lớp 6/7 trường trung học Phan Bội Châu, quận Tân Phú, đã tử vong sau khi bị cô giáo dạy môn Công nghệ cặp những chiếc thước học sinh lại đánh vào mông.

Báo Tuổi Trẻ ngày 9/1 nói em bị cô giáo tên Vy phạt là vì không thuộc bài, nhưng bạn bè cùng lớp cho gia đình em biết Hải bị phạt vì nói chuyện trong giờ học.
Gia đình Hải cho hay em có bệnh sử động kinh được điều trị từ năm lớp 2 tới nay và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.
Thế nhưng, theo lời kể của các nhân chứng là bạn cùng lớp, em Hải đã bị cô Vy bắt nằm lên bàn và dùng nhiều chiếc thước đánh dù em đã van xin cô hãy đánh vào tay và các bạn cùng lớp cũng xin cô tha cho em vì Hải bị bệnh.
Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.
x
Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.
Em Hải có bệnh sử động kinh, và gia đình đã thông báo bệnh trạng của Hải cho nhà trường và bạn bè biết để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với em.
Sau 4 lần roi của cô Vy, em Hải ngất xỉu, rơi từ trên bàn xuống, tiểu ra quần, nhưng cô Vy không đỡ em lên vì nghi em giả vờ.
Sau đó, Hải được đưa xuống phòng y tế và chuyển đi cấp cứu nhưng tim em đã ngừng đập trước khi tới bệnh viện.
Bà Khải Hoàn, mẹ em Hải, cho VOA Việt ngữ biết gia đình không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo Vy vì không muốn hình hài nhỏ bé của em bị mổ xẻ tử thi theo quy định điều tra.
Vụ việc này một lần nữa khơi dậy làn sóng phẫn nộ trong công luận Việt Nam vốn lâu nay bức xúc trước tệ nạn đạo đức sư phạm xuống dốc, bạo lực học đường leo thang, với rất nhiều vụ giáo viên hành hạ, đánh đập học sinh bị phơi bày lên các phương tiện truyền thông xã hội.
Bà Khải Hoàn, mẹ em Hải, nói với VOA Việt ngữ:
“Gia đình tôi đã nhiều lần nói với nhà trường rằng em học được thì học, không thì thôi, không sao hết, trả em về nhà không sao hết vì em có chứng bệnh động kinh. Vậy thì tại sao cô giáo vẫn đánh? Đâu có được phép đánh học sinh, huống hồ là đối với một người bệnh. Hơn nữa, các bạn cùng lớp đã la lên ‘Cô ơi bạn Hải bị bệnh đó’ mà tại sao vẫn ngoan cố đánh? Nói là phải mổ tử thi con tôi thì tôi không bao giờ tôi thưa. Tùy theo lương tâm của bậc làm cha mẹ, của những phụ huynh có con em học trường này, tôi để cho tòa án lương tâm và dư luận xã hội muốn làm gì thì làm.”
Cô giáo Vy (Ảnh: Facebook của bà Khải Hoàn, mẹ em Hải)Cô giáo Vy (Ảnh: Facebook của bà Khải Hoàn, mẹ em Hải)
x
Cô giáo Vy (Ảnh: Facebook của bà Khải Hoàn, mẹ em Hải)
Cô giáo Vy (Ảnh: Facebook của bà Khải Hoàn, mẹ em Hải)
Bà Hoàn nói dù gia đình bà không thưa kiện cô Vy ra tòa, nhưng Bộ Giáo dục và các ban ngành hữu trách phải có biện pháp thỏa đáng để chấn chỉnh đạo đức học đường và lương tâm-trách nhiệm nghề giáo, cũng như tránh để tái diễn những thảm kịch tương tự trong tương lai.
“Không xử lý nghiêm khắc, cô giáo này sẽ tiếp tục làm chết thêm một em học sinh khác nữa. Ngành giáo dục Việt Nam phải xem lại, làm thế nào mà để tình trạng chết người xảy ra như vậy. Ngành giáo dục phải kiểm tra lại vì tôi thấy nhiều trường hợp quá.”
Sau cái chết của em Hải, cô giáo Vy đang tạm thời bị ngưng công tác.

Gia đình nạn nhân cho biết họ rất bất bình trước biện pháp xử phạt đối với cô Vy, người từng đánh chảy máu tay một học sinh trước trường hợp tử vong của em Hải, theo lời bà Hoàn.
 http://www.voatiengviet.com/content/mot-hoc-sinh-lop-sau-thiet-mang-sau-khi-bi-co-giao-danh/2592033.html




TIN QUỐC TẾ

Ngày tuần hành cho « Charlie » tại Paris

Tường An, thông tín viên RFA, Paris
2015-01-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
(Từ trái) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tham gia cuộc tuần hành Unit
(Từ trái) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Palestine Mahmud Abbas tham gia cuộc tuần hành Unity "Marche Republicaine" vào ngày 11 tháng một năm 2015 ở Paris để tưởng nhớ 17 người thiệt mạng trong loạt tấn công khủng bố trong 3 ngày liên tiếp

AFP
Ngày Chúa nhật 11 tháng 1, cả nước Pháp đồng loạt xuống đường tuần hành để tưởng nhớ đến những nạn nhận của cuộc khủng bố trong 3 ngày vừa qua. Tại Paris gần 2 triệu người đã tuần hành đến quảng trường République.
Một ngày lịch sử
Paris, một buổi sáng chúa nhật tháng 1 tràn ngập người, ai cũng với biểu ngữ trên tay và nước mắt trong lòng , những giọt lệ dành cho 17 công dân Pháp, trong đó có những nhà vẽ tranh biếm hoạ tài danh vừa qua đời trong vòng 3 ngày qua. Ngoài Tổng thống Pháp Francois Holland, thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng Anh David Cameron, và gần 50 đại diện các quốc gia đến tham dự. Gần 2 triệu người đã đổ về Paris.  Khắp thủ đô Paris tràn đầy những biểu ngữ với dòng chữ « Je suis Charlie » Những cây bút được dơ cao. Những lá cờ gục đầu tưởng nhớ những nạn nhân đã nằm xuống vì cực đoan tôn giáo.
Một phụ nữ Pháp từ ngoại ô Paris đến tham gia tuần hành cho biết lý do bà tham gia cuộc tuần hành này:
"Tôi đến đây để đồng hành cùng Charlie, ở nước Pháp, dù với bất cứ lý do nào,  không ai có thể bị giết chết vì giá trị của dân chủ và tự do và tự do ngôn luận . Tất cả mọi người cùng tập hợp về đây để lên tiếng và để chính phủ phải làm một cái gì đó.”
Tất cả chúng ta đều bị sốc bởi những gì vừa xảy ra. Cuộc tuần hành này để nói lên điều đó không thể chấp nhận được và để cho mọi người thấy rằng chúng ta không sợ hãi”
Mang theo những biểu ngữ với dòng chữ “Je suis Charlie, chúng tôi là người Việt Nam”, hoà trong biển người đó, ông Nam cho biết cảm tưởng:
Mọi người đều chấp nhận nhẫn nại, chờ đợi có khi cả tiếng đồng hồ, nhưng đều vui cười với nhau và trong gương mặt họ nhìn nhau đã thấy một sự thông cảm với nhau. Biểu ngữ của tôi đưa lên là “công đồng người Việt”. Có lẽ đây là một biểu ngữ đặc biệt cho nên họ đến, họ tìm hiểu và họ nói chuyện với mình rất nhiều. Đây là cơ hội quý báu để nói lên cái thổn thức của chúng ta cũng chính là thổn thức của họ, đó là cảm tưởng của tôi”
Tôi đến đây để đồng hành cùng Charlie, ở nước Pháp, dù với bất cứ lý do nào, không ai có thể bị giết chết vì giá trị của dân chủ và tự do và tự do ngôn luận . Tất cả mọi người cùng tập hợp về đây để lên tiếng và để chính phủ phải làm một cái gì đó
Một phụ nữ Pháp
Ba ngày qua, nước Pháp sống trong nỗi bàng hoàng, lo lắng. Kết quả cuối cùng : 17 người chết và 3 nghi phạm cũng bị tiêu diệt. Pháp đang vào mùa soldes (bán hạ giá) Đã có nhiều người ngại ngần không muốn đến chổ đông người . Pháp có 5 triệu người nhập cư Hồi giáo. Dĩ nhiên không phải người Hồi giáo nào cũng là kẻ khủng bố. Tuy nhiên, sau các vụ tấn công đẩm máu vừa qua, người dân không khỏi đặt câu hỏi về nền an ninh của nước Pháp. Ông Thành, một người làm việc trong ngành bảo vệ và an ninh cho rằng, đã từ lâu nước Pháp sống trong sự đe doạ :

Gần 2 triệu người đã tụ tập tuần hành ở Paris vào ngày 11 Tháng Một năm 2015 để tưởng nhớ 17 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra trong 3 ngày vừa qua.
Gần 2 triệu người đã tụ tập tuần hành ở Paris vào ngày 11 Tháng Một năm 2015 để tưởng nhớ 17 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra trong 3 ngày vừa qua.
« Rõ ràng là có sự đe doạ. Nó không phải là từ những tháng hay những tuần gần đây mà nó đã kéo dài rồi. Gia đoạn của tuần vừa qua là đỉnh điểm »
Ngày 8 tháng 1, 1 ngày sau khi 12 người bị thảm sát tại toà soạn báo Charlie Hebdo, tiếng chuông nhà thờ khắp nơi đổ đúng 12 giờ. Trước nhà thờ Notre Dame, hàng trăm người đứng tưởng niệm dưới mưa. Tờ Financel Times trích lời một cư dân paris : « Cả đất nước đang khóc » Bên cạnh những vòng hoa tưởng niệm đặt ở đường Nicolas Appert, nơi đặt trụ sở toà soạn báo Charli Hebdo, một phụ nữ Pháp ôm một người đàn ông Hồi giáo khóc nức nở khi ông ta la vang «  Tư do muôn năm, chúng tôi yêu mọi người …. » Sau những đau thương, đỗ vỡ này, người dân có quyền hy vọng sẽ vươn lên từ những mất mát ? sẽ đoàn kết lại bất chấp mọi khác biệt ? Cô Mỹ Linh, một người trẻ sống tại Pháp cho biết ý kiến :
« Mấy người tấn công họ nghĩ rằng người Pháp sẽ lo sợ và khủng hoảng. Nhưng tôi thấy ngược lại : sau vụ tấn công này trong nhóm bạn trẻ Pháp và Việt của tôi, cũng như trong gia đình tôi, đương nhiên, sau khi trải qua sự sợ hãi và buồn, tất cả đều lên tinh thần và đoàn kết lại để chống lại khủng bố »
Mấy người tấn công họ nghĩ rằng người Pháp sẽ lo sợ và khủng hoảng. Nhưng tôi thấy ngược lại: sau vụ tấn công này trong nhóm bạn trẻ Pháp và Việt của tôi, cũng như trong gia đình tôi, đương nhiên, sau khi trải qua sự sợ hãi và buồn, tất cả đều lên tinh thần và đoàn kết lại để chống lại khủng bố
Cô Mỹ Linh
Ngày «  Je suis Charlie » đã có mặt gần 2 triệu người tại Paris, nhưng đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia đã không được mời. Cựu chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (Front National) Jean-Marie Le Pen tuyên bố « Je ne suis pas Charlie » Các vụ tấn công khủng bố không khỏi gây lo ngại cho một sự kỳ thị tôn giáo có thể nổi lên trong lòng người dân Pháp, đây đó đã có vài vụ quăng đá vào cửa tiệm người đạo Hồi. Người ta cũng lo ngại các đảng cực hữu sẽ lợi dụng sự kiện này để gây ảnh hưởng. Nhiều nhân vật chính trị, đảng phái đã là đề tài châm biếm của tuần báo này. Có người cho rằng tờ báo này đã đi quá xa trong việc sử dụng quyền tự do ngôn luận. Blogger Mỹ Dung không đồng ý với quan điểm này, cô nói :
« Nếu cho rằng tờ báo này đi quá xa, châm biếm quá, họ có thể trả lời bằng chính cái Tư do ngôn luận đó. Hoặc trong một nhà nước pháp quyền, họ nghĩ rằng việc châm biếm này vượt quá giới hạn cho phép họ có thể kiện ra toà chứ không thể nào dùng bạo lực, dùng súng ống, dùng giết chóc để mà đối lại với những bài báo thể hiện trên tờ báo này được »
Charbonnier và tuần báo Charlie Hebdo
Dù chỉ với một ngân sách ít ỏi, nhân lực hạn chế và số phát hành không nhiều như các tờ báo khác, nhưng tờ Charlie Hebdo đã góp phần vào sự đặc thù của nền văn hoá Pháp, đó là sự trào phúng, diễu cợt qua văn phong, chữ nghĩa. Sau khi tờ báo bị đốt vì đăng lại một bức tranh biếm hoạ về nhà tiên tri Mohammed, toà soạn đã bị đốt, Tổng Biên Tập Stéphane Charbonnier với bút hiệu Charb đã phải có cảnh sát theo bảo vệ. Nhiều người khuyên ông rút lại những biếm họa. Nhưng ông vẫn kiêu hãnh thốt lên câu mà sau này sẽ được khắc lên mộ của ông : « Je préfère mourir debout que vivre à genoux » (Tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ)  Anh Paul, một người bạn từng học cùng trường với Charb trong những năm 82-84 tại college de Louvrais (Pontoise) nói về ông như sau :
« Charbonier hồi xưa khi đi học chung với mình là một học trò giỏi ; tính tình rất đầm, lòng rất là tốt. Ai cũng thích Charbonnier dù anh ta rất là «mắc cở » anh ta không bạo như những người trẻ khác, anh ta học rất là giỏi. Ngày xưa, tôi cũng không quen với Charbonier nhiều, nói thẳng ra là như vậy, vì tính tình không giống nhau : tôi thì thích chơi thể thao nhiều, Charbonnier thì thích ngồi trong lớp vẽ thôi ! Anh ta có khiếu vẽ tranh biếm hoạ, lúc đó tôi thấy cũng vui ! Tôi nhớ lúc đi học với Charbonnier là như vậy. Từ lúc còn trẻ, tính tình anh ta cũng rất là khoan dung, lúc nào cũng chống lại kỳ thị chủng tộc. Từ lúc nhỏ, Charbonnier đã như vậy rồi »
Charbonier hồi xưa khi đi học chung với mình là một học trò giỏi ; tính tình rất đầm, lòng rất là tốt. Ai cũng thích Charbonnier dù anh ta rất là «mắc cở » anh ta không bạo như những người trẻ khác, anh ta học rất là giỏi
Anh Paul
Đây là vụ tấn công khủng bố lần thứ 10 trong vòng 40 năm qua. Nhưng có lẽ đây cũng là vụ khủng bố gây nhiều xúc động và  quan tâm nhất của thế giới, không phải chỉ vì số lượng người chết mà còn vì cuộc tấn công này không chỉ vì lý do tín ngưỡng mà vì nó đã đụng đến sự tự do ngôn luận. Đụng đến đệ tứ quyền của nền Cộng hoà Pháp tức là đánh thẳng vào trái tim của người Pháp vì tự do ngôn luận là nền tảng của nước Pháp. Các cơ quan truyền thông, trang Amazon, hội Phóng viên Không biên giới đều gây quỹ bằng nhiều cách khác nhau để tuần báo Charlie Hebdo có thể hồi sinh ngày 14/1 sắp tới với 1 triệu ấn bản. Charlie được công nhân là công dân danh dự của thủ đô Paris.
Paris, London, Berlin, Barcelona….hàng triệu người cùng tuần hành với Charlie, Paris hô vang : “Qui est tu (anh là ai?) và Paris trả lời “ Charlie, Charlie … với ngọn bút dơ cao để nói rằng dù ở không gian, thời gian nào, bạo lực cũng không thể chiến thắng được sức mạnh của ngòi bút.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/march-for-charlie-01112015164035.html

RFS: Thảm kịch Charlie Hebdo là tấn công nhắm vào nền dân chủ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-01-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
prehome-charlie-en-622.jpg
Hình ảnh minh họa.
RSF PHOTO
Sau vụ thảm sát nhắm vào tuần báo Charlie Hebdo ở Paris, mà mọi người tin là do các phần tử Hồi Giáo cực đoan thực hiện hôm thứ Tư 7 tây khiến 12 người thiệt mạng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới tại Pháp bày tỏ sự thương tiếc những người bị giết hại, đồng thời mạnh mẽ lên án đây là vụ tấn công nhắm vào nền dân chủ và nền tự do báo chí của nước Pháp cũng như của thế giới.

Thể hiện quyền tự do ngôn luận

Trả lời Thanh Trúc từ Paris, bà Claire San Silippo, giám đốc phòng Châu Mỹ trong Reporteurs Sans Frontieres, khẳng định:
Claire San Silippo: Chuyện xảy ra hôm thứ Tư rõ ràng là một thảm kịch khủng khiếp chưa từng thấy, những ác thủ với súng máy hạng nặng ngang nhiên bắn giết giữa trung tâm Paris. Quả thật đó là cơn ác mộng.
Phóng Viên Không Biên Giới ngưỡng mộ lòng quả cảm của những người muốn chứng tỏ rằng tự do báo chí là một trong những nền tảng và giá trị quan trọng của truyền thông và của dân chủ trên thế giới ngày nay mà họ có quyền theo đuổi.
-Bà Claire San Silippo
Là một trong những tổ chức quốc tế, Phóng Viên Không Biên Giới từng nhìn thấy những cảnh bắn giết, tấn công nhắm vào giới truyền thông như đã xảy ra tại Iraq, Pakistan, Somalia, Philippines… Nhưng một chuyện như thế xảy ra ngay giữa lòng ở Paris thì thật không tưởng tượng nỗi, không thể tin nỗi. Cảm giác sửng sốt, bàng hoàng trước cái chết của những người chúng tôi gọi là đồng nghiệp, sự đau xót khi nghĩ đến thân nhân gia đình những người xấu số cứ như đọng lại trong lòng người dân Pháp, trong lòng các phóng viên người Pháp nói riêng và báo giới trên toàn cầu nói chung.
Thanh Trúc: Phóng Viên Không Biên Giới RSF thấy gì qua vụ thảm sát tại Charlie Hebdo vốn chỉ là một tuần báo nhỏ so với những nhật báo lớn khác của Pháp?
Claire San Silippo: Trước hết Charlie là một tuần báo trào phúng khá nổi tiếng đã góp mặt vào làng báo nước Pháp mấy chục năm qua. Với những cây bút hoạt họa tài tình, Charlie chọc cười độc giả khi đưa ra những tranh vẽ và tin tức trào lộng, châm biếm về tất cả mọi người và mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đó là hình thức của tự do ngôn luận, tự do báo chí dù như hình thức đó nhiều lần mang lại phiền phức cho Charlie.
Trong quá khứ, tòa soạn của tuần báo Charlie từng bị đốt phá, điển hình như năm 2011 sau khi đăng lại hình vẽ có ý châm biếm giáo chủ Mohamed của đạo Hồi do một phóng viên nước ngoài thực hiện mà đã gây phẩn nộ tại các quốc gia Hồi giáo. Công việc của Charlie Hebdo thực tế không có gì ngoài thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điểm đáng nói ở đây là ban biên tập của Charlie đã k hông lùi bước không sợ hãi trước những lời đe dọa của những kẻ nhân danh lý tưởng và niềm tin để bịt miệng những tiếng nói trung thực từ mọi giới mà báo chí có bổn phận phải nêu lên. Phóng Viên Không Biên Giới ngưỡng mộ lòng quả cảm của những người muốn chứng tỏ rằng tự do báo chí là một trong những nền tảng và giá trị quan trọng của truyền thông và của dân chủ trên thế giới ngày nay mà họ có quyền theo đuổi.

Chúng ta đứng về phía Charlie

Thanh Trúc: Phóng Viên Không Biên Giới nghĩ sao về phản ứng hoặc cáo buộc mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo thế giới cũng như từ những tổ chức báo chí hay nhân quyền quốc tế. Những bình luận đó có trung thực không?

000_Par8069566-400.jpg

Cảnh sát Pháp truy lùng các phần tử Hồi Giáo cực đoan thực hiện vụ thảm sát nhắm vào tuần báo Charlie Hebdo ở Paris. Ảnh chụp hôm 9/1/2015 tại Dammartin-en-Goele. AFP PHOTO.
Claire San Silippo: Theo tôi nước Pháp và người Pháp, trong lúc đau buồn vì vụ thảm sát, vẫn cảm thấy được an ủi trước những bình luận cứng rắn như vậy từ các vị nguyên thủ thế giới.
Quá nhiều tiếng nói từ báo giới năm châu gởi về nước Pháp, gởi về cho Charlie Hebdo. Cảm tưởng mà họ bày tỏ là hình như chính nền báo chí tự do bị tấn công, bị chết thảm bởi khủng bố.
Trong nhiều năm qua Phóng Viên Không Biên Giới nhận thấy bạo lực và giết hại là phương tiện được sử dụng để tiêu diệt tự do báo chí. Đó cũng là hành động chống lại dân chủ, thí dụ như hành động cắt cổ những nhà báo Mỹ chẳng hạn, nhưng qua vụ thảm sát Charlie Hebdo thì mức độ đe dọa báo chí trở nên khủng khiếp và đáng ngại hơn bao giờ hết. Dù chưa biết các sát thủ thuộc tổ chức nào nhưng hy vọng cảnh sát lần ra manh mối và mang chúng ra trước công lý. Có như vậy thì phóng viên khắp nơi mới cảm thấy mình được bảo vệ khi tác nghiệp cũng như khi tường trình những gì thuộc về dân chủ và truyền thông đúng theo trách nhiệm của mình.
Thanh Trúc: Theo tin từ Charlie Hebdo thì bất kể vụ tấn công đẫm máu và chết người hôm thứ Tư, số báo tuần tới vẫn ra đúng kỳ, Phóng Viên Không Biên Giới nghĩ sao về chuyện này?
Claire San Silippo: Đó là lời hứa thật can đảm và rất đáng ngưỡng mộ mà báo giới dành cho đồng nghiệp của họ ở Charlie Hebdo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ban biên tập còn lại sẽ vượt qua khó khăn tang tóc hầu tiếp tục công việc. Số phát hành tuần tới chắc chắn gây nhiều cảm xúc mà khó có ngôn từ nào diễn tả nỗi, thế nhưng quan trọng nhất là Charlie vẫn sống, Charlie vẫn tiếp tục và chúng ta đứng về phía Charlie.
Thanh Trúc: Sau cùng, thưa bà San Silippo, Phóng Viên Không Biên Giới có thể làm điều gì gì cụ thể trong việc ủy lạo gia đình các nhà báo Charlie Hebdo bị bắn chết?
Claire San Silippo: Dù đã nói rồi song Phóng Viên Không Biên Giới cũng một lần nữa qua quí đài để bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đến cha mẹ, anh em, vợ con và bạn bè của những nhà báo bị giết hại.
Phóng Viên Không Biên Giới sãn lòng hỗ trợ một cách cụ thể qua một quĩ tương trợ nạn nhân Charlie Hebdo đang được tiến hành. Phóng Viên Không Biên Giới cam kết tiếp tục nêu cao tinh thần quả cảm của Charlie, tiếp tục lên tiếng đòi quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tiếp tục tranh đấu để ký giả khắp nơi được bảo vệ hữu hiệu trong khi tác nghiệp.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn bà Claire San Silippo.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rsf-charlie-hebdo-attack-to-free-speech-tt-01092015110514.html

Charlie Hebdo, biến cố làm bàng hoàng nước Pháp

Tường An, thông tín viên RFA
2015-01-09
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
ss-000_Par8067251.jpg
Hai tên khủng bố xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng. Hình chụp từ camera an ninh ngày 7 tháng 1 năm 2015.
AFP

Nền tảng dân chủ bị đe dọa

Ngày 7 tháng 1 vừa qua, tại quận 11 Paris, Pháp Quốc, tòa soạn báo Charlie Hebdo bị khủng bố tấn công. Cả nước Pháp bàng hoàng. Thông tín viên Tường An hỏi chuyện một số cư dân tại Pháp về cảm tường của họ.
Vào khoảng 11 giờ 20 ngày 7 tháng 11. Hai tên khủng bố bịt mặt đã tấn công vào tòa soạn tờ báo biếm họa Charlie Hebdo làm 12 người chết và 11 người bị thương. Anh Lê Đức Nghị, cư ngụ tại quận 11 gần tòa soạn báo Charlie Hebdo đã đến hiện trường sau khi đọc được tin trên mạng Twitter. Anh cho biết cảnh tượng lúc đó:
Khi đến nơi thì thấy cảnh sát và bác sĩ đã đến đó rất đông, mặc dù việc xảy ra mới chưa đầy 1 tiếng. Cảnh sát đưa người bị thương ra và chặn hầu hết những tuyến đường vào nhà đó. Tôi đứng cạnh đó để nghe tường thuật từ đài TF1 và các đài truyền hình khác và người dân đứng đó rất là đông, đứng đo một lúc thì nghe thông báo bao nhiều người chết, bao nhiêu người bị thương. Càng ngày thì số người càng tăng lên.”
Đây vụ tấn công kinh hoàng nhất tại Pháp từ mấy chục năm nay. Tổng thống François Hollande đã gọi ngay đâu là một cuộc tấn công của khủng bố và là một hành động “cực kỳ man rợ Thủ tướng Đức Merkel gọi đó là hành động kinh tởm. Tổng thống Mỹ Obama cho đó là một việc đáng sợ và đng thời hèn nhát” của tổ chức khủng bố. Các nguyên thủ quốc gia từ khắp thế giới đồng lên tiếng về hành động sát nhân này.
Người ta không thể nào tưởng tượng ngay trong lòng Paris một ký giả có thể bị giết vì vẽ một tấm tranh hí họa. Ở đây không chỉ có an ninh của người dân mà cả một nền tảng của dân chủ bị đe dọa trầm trọng.
-Nhà báo Từ Thức
Tại Pháp, nỗi bàng hoàng vẫn chưa lắng xuống trong lòng người dân nước này. Chị Mỹ Dung, một blogger cho biết cảm tưởng:
Cũng như mọi người, nói chung là tôi thấy sốc, nhưng sau đó tôi thấy đây quả là một hành động man rợ. Cho dù núp dưới lý do, danh nghĩa nào đi chăng nữa thì cũng đáng lên án. Bởi vì đối đãi lại với những cấy bút lại dùng vũ khí, dùng đạn dược thì quả là kinh khủng thật. Chỉ có những chế dộ man rợ, những tổ chức man rợ họ mới làm như thế mà thôi.”
Anh Lê Đức Nghị cũng cho biết:
Cảm tưởng khá là bàng hoàng vì nước Pháp là một nước phép sử dụng ngòi bút, sử dụng hình ảnh để nói lên suy nghĩ, nói lên tâm tư của người ta. Và những tâm tư, suy nghĩ ấy không phải bị ràng buộc bởi một giới hạn nào cả. Việc dùng súng đạn để chống lại việc bày đạt tự do như thế là một việc không thể tưởng tượng nỗi, rất là kinh khủng ở nước Pháp.”
Ông Nguyễn Quốc Nam thì liên tưởng ngày đến ngày 11 tháng 9, lúc đó ông cũng đang ở bên Mỹ, ông nói:
Vừa nghe tin này thì tôi nhớ liền đến ngày 11 tháng 9 của nước Mỹ. Mặc dù số người chết không bằng nước Mỹ nhưng sự tàn bạo gây nên chấn động trong nước Pháp.
Nhà báo Từ Thức, cư ngụ tại Paris cho biết đây không phải chỉ là một cuộc khủng bố tấn công vào sự khác biệt tôn giáo mà còn là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận của nước Pháp nói riêng và của thế giới nói chung:

charlie-hebdo-622

Cảnh sát Pháp vào ngày 08 tháng 1 năm 2015 công bố hình ảnh của các nghi phạm trong vụ thảm sát đẫm máu tại tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris: Cherif Kouachi (trái), 32 tuổi và anh trai là Said Kouachi (phải) 34 tuổi.
Phải nói là tôi rất sửng sốt vì đó là những ký giả vẽ hí họa mà tôi theo dõi say mê từ nhiều năm nay. Vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo là một biến cố quan trọng của Pháp giống như là ngày 11 tháng 9 ở Mỹ vậy. Đối với người Pháp thì quan trọng hơn biến cố 11/9 vì lần này quân khủng bố không chỉ muốn giết người, họ còn muốn giết cả tư tưởng con người. Những ký giả bị giết là những người vẽ hí họa có tài. Chỉ cần vài nét vẽ là họ có thể nói nhiều hơn những bài bình luận tràn giang đại hải. Họ là những người đấu tranh chống độc tài, chống độc đoán về tư tưởng, chống kỳ thị hơn bất cứ một chính trị gia nào. Người ta không thể nào tưởng tượng ngay trong lòng Paris một ký giả có thể bị giết vì vẽ một tấm tranh hí họa. Ở đây không chỉ có an ninh của người dân mà cả một nền tảng của dân chủ bị đe dọa trầm trọng.”
Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo có trụ sở tại Paris, được thành lập năm 1970, nổi tiếng với những bức biếm họa táo bạo, tờ Charlie Hebdo là 1 trong những tờ báo điển hình cho tinh thần trào phúng của người Pháp, họ diễu cợt bất cứ ai, từ giới cầm quyền cho đến tôn giáo. Do vậy, họ đã bị nhóm Hồi giáo cự đoan hăm dọa từ năm 2011. Các ký giả biếm họa cũng được cảnh sát bảo vệ.

Lên án hành động man rợ?

Tối đêm 7 tháng 1, khắp nơi trên nước Pháp người dân tổ chức các cuộc biểu tình tự phát. Tại quảng trường Rébublique gần tòa soạn báo Charlie Hebdo tối hôm 7 tháng 1 đã có hơn 3000 người đến thắp nên tưởng niệm, mỗi người mang các biểu ngữ Je suis Chaarlie, we are Charlie, 12 morts, 60 miljoen blessés và giơ lên những cây bút… Họ biểu tình trong im lặng, nến thắp sáng rực một góc trời. Có mặt tại nơi đó, blogger Mỹ Dung cho biết cảm nghĩ:
Rất là cảm động và tôi có nhiều ấn tượng về cuộc biểu tình này. Không khí ở đó rất là tươi trẻ, hoàn toàn không mang màu sắc u buồn, tăm tối, cũng không mang màu sắc thề phanh thấy uống máu quân thù Bao trùm cái không khí mà tôi cảm nhận được là sự tha thứ, sự kêu gọi hòa bình và dĩ nhiên là lên án hành động man rợ đó.
Và chị nghĩ đến những blogger đang bị cầm tù tại quê nhà cũng chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận:
Với một số lượng những người hoạt động báo chí cũng như muốn cất lên tiếng nói tư do của mình ở trong nước, tôi nghĩ tuy mức độ có thể khác nhau, nhưng mà tính chất nó thì cũng như nhau và cái độ khốc liệt của nó cũng chẳng kém gì.
-Blogger Mỹ Dung
Những kẻ hành xử một cách dã man như thế, có thể bên này, họ khủng bố bằng vũ khí, đạn dược. Nhưng kiểu cầm tù lâu dài, quấy rối, gây khó khăn các kiểu trên diện rộng cả nước và với một số lượng những người hoạt động báo chí cũng như muốn cất lên tiếng nói tư do của mình ở trong nước, tôi nghĩ tuy mức độ có thể khác nhau, nhưng mà tính chất nó thì cũng như nhau và cái độ khốc liệt của nó cũng chẳng kém gì.”
Ngày 8/1 vào đúng 12 giờ trưa, các công sở tại toàn nước Pháp đã yên lặng 1 phút để tưởng nhớ nạn nhân khủng bố và sẽ treo cờ rũ 3 ngày. Ông Nguyễn Quốc Nam liên tưởng đến một người đấu tranh cho dân chủ cũng đã hy sinh vào đúng ngày này, 40 năm về trước, ông nói:
Sự tàn bạo không có biên giới. Sự khủng bố gần kề với tất cả mọi người và điều đó làm cho tôi nhớ là ngày hôm nay 8 tây tháng giêng, cái ngày mà cộng đồng chúng ta đều nhớ đến sự tàn sát người yêu nước 1985 mà trong đó có anh Trần Văn Bá. Điều đó làm chúng ta liên tưởng tới cái tàn bạo của một nhóm người hay là một nhóm lãnh đạo. Điều đó làm cho tôi hết sức xúc động. Nhà tôi treo 2 lá cờ: một lá cờ Pháp, 1 lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước cửa nhà của chúng tôi.”
Nước Pháp thường có một chính sách khá hòa hoãn với chế dộ nhập cư cũng như với các nhóm Hồi giáo. Sau biến cố này, có lẽ nước Pháp đã thức tỉnh và theo ký giả Từ Thức chính phủ Pháp sẽ phải cứng rắn hơn:
Trước áp lực của người dân, chắc chắn chính phủ Pháp cũng như chính phủ Âu châu phải có những biện pháp cứng rắn hơn đối với người Hồi giáo quá khích. Có thể nói: Có một nước Pháp trước và sau vụ Chaarlie Hebdo cũng như có một nước Mỹ trước và sau ngày 11 tháng 9.”
Biến cố 7 tháng 1 đã làm người dân Pháp thức tỉnh. Sư đau thương đã kéo họ lại gần nhau. Và, họ đã không sợ hãi trước áp lực của vũ khí. Chị Mỹ Dung chia sẻ:
“Họ không sợ hãi, họ tự nhận rằng chúng tôi là Charlie đây. Giết một Charlie thì còn vài chục triệu Charlie khác Họ nói rất rõ ràng: Tình yêu luôn luôn có sức mạnh nhiều hơn lòng thù hận. Họ hô hào đoàn kết vì giá trị của tự do ngôn luận. Đụng đến tự do ngôn luận, đụng đến đệ tứ quyền của Pháp thì đúng là bọn khủng bố này đã đụng vào ổ kiến lửa thật sự rồi.”
Ông Nguyễn Quốc Nam nói:
“Người dân khi họ ngồi sát bên nhau thì họ không biết sợ hãi nữa. Khủng bố sẽ không đạt được mục tiêu của sự khủng bố vì người dân sẽ phản ứng ngược lại. Tôi thấy rõ ràng rằng người dân Pháp không sợ hãi nữa.”
Anh Lê Đức Nghị khẳng định:
Thật ra sự sợ hãi này nó không có, bởi vì những người tấn công cực đoan như thế là vì họ đã đi đến chỗ bất lực, cho nên họ phải dùng đến vũ khí để mà chống lại ngòi bút.”
Trong số 12 người tử thương có 2 cảnh sát, 8 ký giả và 2 nhân viên của báo biếm họa Charlie Hebdo. Charb, Cabu, George Wolinski,Tignous et Honoré:những cái tên lớn của các nhà biếm họa hàng đầu của nước Pháp đã ra đi, phần lớn Ban Biên Tập của Charlie Hebdo đã nằm xuống, nhưng hàng triệu Charlie khác sẽ đứng lên, và tờ báo, bình thường chỉ xuất bản vài chục ngàn tờ, tuần sau có thể sẽ ra hơn 1 triệu số. Đó sẽ là câu trả lời đầu tiên cho bạo lực.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/terorism-at-journal-charlie-hebdo-ta-01092015101947.html


Bức tranh kinh tế - đối sách của Nga

Việt-Long- RFA
2015-01-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
gdp-chart
Biểu đồ tỉ lệ tăng trưởng GDP lúc giá dầu còn 40 đô la/ thùng
Courtesy of Oxford Economics

Bức tranh kinh tế trong màu giếng dầu

Bước sang năm mới hầu hết các nển kinh tế trên thế giới đều được dự đoán sẽ chậm phát triển hoặc suy thoái, vì nhiều lý do, trong khi giá dầu tiếp tục hạ và không có triển vọng đứng giá trong năm nay.
Thiệt thòi nhất vẫn là Nga và những nước đang phát triển dựa vào dầu thô làm nguồn thu nhập chủ yếu hay nguồn thu chính cho nền kinh tế. Tại Hoa Kỳ giá chứng khoán Dow Jones mất 461 điểm sau hai ngày thứ hai, thứ ba. Qua sáng thứ năm mới hồi phục lại được số điểm đã mất. Châu Âu rơi vào giảm phát, tiền Euro mất giá. Bức tranh kinh tế thế giới sẽ mang màu sắc nào?
Từ ngày thứ tư khi Dow Jones mới lấy lại được 130 điểm giới chuyên môn đã dự đoán thị trường New York sẽ hồi phục nhanh chóng và hồi phục mạnh.  Do đó thị trường này khi mất giá không phải vì giá dầu thô xuống dốc mà còn vì nhiều yếu tố khác, như tình  hình kinh tế châu Âu, gây ảnh hưởng khá mạnh. Tóm lại giá dầu xuống dốc liên tục tuy có tạm thời gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế ở một số quốc gia nhưng làm lợi cho những nước có nhu cầu nhiên liệu rất cao, đặc biệt là vùng Đông Á- Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc. Giá dầu thô không phải là yếu tố chính và lâu dài khiến kinh tế trì trệ, mà còn nhiều yếu tố khác gây ảnh hưởng mạnh hơn.
Kỳ thảo luận bàn tròn về thời sự thế giới hôm 17 tháng 12 có nói giá dầu xuống đã gây đình trệ sản xuất cho ngành sản xuất dầu đá phiến ở nội địa Hoa Kỳ, gây thất nghiệp cùng một số hệ quả tương quan. Tuy nhiên giá xăng giảm lại giúp dân Mỹ bớt được tiền xăng, là một trong những mối tiêu thụ quan trọng trong kinh tế gia đình.  Họ sẽ dùng khoản tiết kiệm bất ngờ đó để tăng mức tiêu thụ vào những mối cần thiết khác, và kinh tế Mỹ hễ tiêu thụ gia tăng là lại có thêm động lực phát triển. Thêm vào đó nhiên liệu rẻ tất nhiên cũng đem lại lợi nhuận gấp bội cho những ngành giao thông vận tải và các ngành sản xuất cũng như các ngành thương mại tại Hoa Kỳ, giảm giá thành, tăng mức bán.
Tuy nhiên nếu giá dầu tiếp tục giảm xuống nữa, giả dụ xuống dưới 45 đô la một thùng, thì điều gì sẽ xảy tới?
strategic-allies
Lãnh đạo của hai đồng mình chiến lược Iran-Nga - Courtesy of Wikipedia
Lúc sáng thứ tư hãng truyền thông Bloomberg đã có câu trả lời. Biểu đồ của công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Ecomomics đăng trên Bloomberg cho thấy năm nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sụt giảm nặng nhất so với mức tăng trưởng khi gía dầu 84 đô la  một thùng, là Á Rập Saudi , Liên Bang Nga, Các Tiểu Vương quốc Á Rập Thống nhất, Na Uy và Malaysia, trong khi 5 quốc gia đạt được đà tăng trưởng mạnh nhất, theo thứ tự là Philippines, Cộng hòa Slovak, Nam Phi, Thái Lan và Hồng Kông. Trung Quốc đứng hạng 9, Hoa Kỳ hạng 12 về tăng trưởng kinh tế. Xin nhắc, đó là tỉ lệ tăng trưởng khi giá dầu còn 40 đô la một thùng, so với lúc giá dầu ở mức 84 đô la  một thùng. Đây không phải mức tăng trưởng hằng tháng hay hằng năm.

Đối sách của Putin

Tạm cho giả thuyết này đúng, thì Á Rập Saudi có thể vẫn chịu đựng được với trữ lượng ngoại tệ bảy tám trăm tỉ đô la, và là xứ đầu tàu sản xuất dầu mà chủ trương hạ giá dầu và còn nói có thể kềm mức sản xuất để giữ giá hạ trong một hai năm nữa. Nhưng nước Nga đang lâm vào khốn đốn, cũng như Venezuela  và Iran, làm sao chống đỡ?
Trong tình cảnh đồng Rúp lao dốc hơn nửa giá trị so với đô la, thu nhập cùng ngân sách của Nga chạy đi chơi chỗ khác mất hơn một nửa, giới chính trị quốc tế dự đoán Nga sẽ phải khuất phục trước những đòn kinh tế chính trị của phương Tây; nhưng ngược lại, thực tế trong năm qua cho thấy Moskva đã chiếm được một số thành quả đáng kể về chính trị và ngoại giao, để có thể xoay sở và sống còn trên mọi lãnh vực.
Tổng thống Putin mở chiến dịch ngoại giao, chính trị, kinh tế nhắm vào những nước có vẻ như là đối thủ của Hoa Kỳ và phương Tây về kinh tế, chính trị và an ninh, để mở mối dây quan hệ hầu tránh bị bao vây bởi một bức màn sắt kiểu mới, dựng lên từ bên ngoài.
Trước hết và quan trọng nhất đối với Nga là quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Kế đó là Iran, rồi tới Bắc Hàn, và mới mẻ hơn nữa là Pakistan, nhưng quan trọng nhất là việc Moskva gây dựng quan hệ chiến lược với một quốc gia NATO, Thổ Nhĩ Kỳ!
Liệu chiến lược này của Tổng thống Putin có đem lại thành công hay không?
Quan hệ với Trung Quốc thì đã được thành tựu với hiệp ước 400 tỉ đô la  để cung cấp năng lượng cho Trung Quốc trong 30 năm tới, cùng với nhiều thỏa thuận quan trọng khác. Với Iran, Nga thiết lập mối liên kết mật thiết về kinh tế, tài chính, an ninh, năng lượng, mà vẫn giữ quy định của Liên Hiệp Quốc hạn chế khả năng vũ khí hạt nhân của Iran. Nga lập ngân hàng chung với Iran để giao thương mà không dùng tiền của phương Tây. Nga đổi hàng hóa lấy 500 ngàn thùng dầu của Iran mỗi ngày. Hải quân Nga cũng tập trận chung ba ngày với hạm đội Caspian của Iran. Nga còn giành được quyền xây dựng từ 2 tới 8 nhà máy năng lượng hạt nhân cho Iran.
choe-lavrov
Ngọai trưởng Sergei Lavrov tiếp đón Phó Thống Chế Choe Ryong-hae, đặc sứ của Kim Jong-un - Courtesy of PressTV.com
Với Bắc Hàn, Nga giải nợ 90% trong 11 tỉ đô la nợ từ thời Xô Viết, còn lại 1 tỉ đô la thì coi như đó là tiền viện trợ cho các dự án năng lượng, y tế, giáo dục trong nước.  Việc này mở đường cho các dự án phát triển mới và gia tăng đầu tư vào Bắc Hàn cũng  như đầu tư trong khu vực. Một ví dụ là các công ty Nga đang dự trù kế hoạch giúp tái thiết hệ thống đường sắt cho Bắc Hàn để đổi lấy mối đầu tư khai thác khu vực khoáng sản kém phát triển của xứ này. Năm qua Moskva đã tiếp đón nhiều viên chức Bắc Hàn nhất, trong đó có đặc sứ Choe Ryong-hae của Kim Jong-un. Phó Thống Chế họ Choe đã gặp gỡ thảo luận với giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của  Nga suốt một tuần lễ tròn.  Các giới chức Nga cho biết Tổng thống Putin đang chuẩn bị cuộc hội kiến với lãnh tụ Kim Jong-un, như nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên gặp gỡ họ Kim. Họ Kim cũng đang mong mỏi được quan hệ sâu rộng hơn với Nga, để bù lại cho mối quan hệ lủng củng với Trung Quốc vì chính sách độc đoán và tàn bạo của Kim Jong-un, điển hình là việc hành quyết dã man cả gia tộc người cậu ruột Jang Song-thaek, người từng nhiếp chính và đại diện cho Bắc Hàn, hình ảnh thân thiết nhất của Bắc Hàn trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc (*).
Với Pakistan, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Sogu đi thăm vào tháng 11, lần đầu tiên từ năm 1969, ký với Thủ tướng Nawaz Sharif thỏa ước về lịch trình công việc cho các cuộc tập trận chung, tàu hải quân thăm viếng lẫn nhau và đối thoại sâu rộng về an ninh khu vực. Moskva cũng giảm nhẹ sự phản đối Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hiện có 6 thành viên, với Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á. Nga cũng bán được cho Pakistan 20 trực thăng tấn công hạng nặng Mi-35, nói là để chống khủng bố và buôn lậu ma túy. Nga vốn vẫn hạn chế bán vũ khí cho Pakistan vì ngại Ấn Độ phật ý, nhưng nay đã tăng cường được quan hệ với New Delhi, trong đó có việc hợp tác bán vũ khí Nga cho Afghanistan, Putin đã có thể với tay ra bắt tay với xứ đối thủ của Ấn Độ.
Những chính sách này đồng thời cũng nhằm hóa giải áp lực của Trung Quốc, nước đồng minh giai đoạn nhưng cũng cạnh tranh với ảnh hưởng của Nga ở tất cả các xứ kể trên. Dù sao Con Rồng Bắc Kinh cũng vẫn cần đến kho năng lượng bát ngát của Gấu Nga.
Đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đề nghị mối quan hệ chiến lược trong đó có việc xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân và mở đường ống dẫn dầu qua lãnh thổ xứ này. Đó là hai việc khiến phương Tây lo ngại nhất về mặt địa chính trị ở châu Âu.
Tháng 12- 2014, Nga tuyên bố hủy bỏ dự án ống dẫn dầu South Stream đi qua Hắc Hải, đem khí đốt cho Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, đến tận nước Áo.  Châu Âu và Hoa Kỳ đã tưởng Nga phải đầu hàng vì trận cấm vận vũ bão, trong khi Nga coi biện pháp thay thế, đường ống Xanh Blue Stream, từ Nga đi qua khu vực phía đông Hắc hải để vào Thổ Nhĩ Kỳ, nối qua đường ống Nabucco Pipeline đi qua Bulgaria, Serbia, Croatia đến Tây Hungary và có thể tiếp sang Tây Âu...
blue-n-south-stream
Hai đường ống South Stream (đã hoãn) và Blue Stream (qua Turkey)
Nga hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là bạn quý của NATO vì đó là xứ Hồi giáo nhưng vẫn chống Bashir al-Assad của Syria.  Đem Thổ vào vòng ảnh hưởng của mình về khí đốt và những mặt khác sau này, Nga không có gì để mất trong tình cảnh kinh tế như ngày nay mà vẫn lôi kéo được một xứ NATO làm lối thoát và có thể thành khiên chắn cho mình.
Mặt khác việc Thổ quăng phao cứu nạn cho Nga đồng nghĩa với việc ngăn chặn NATO trong việc trừng phạt Moskva, nhưng cũng khiến Ankara lệ thuộc thêm vào Nga trong khi Nga đang cung cấp gần 60% nhu cầu khí đốt cho Thổ. Đường ống Blue Stream cũng giúp Nga cạnh tranh với các đường ống Xuyên Thổ (Trans-Anatolian) và Xuyên biển Adriatic (Trans-Adriatic) của Tây Âu ở hành lang phía nam.
"Chiến dịch" Thổ Nhĩ Kỳ của Nga chưa có những thành quả cụ thể và chắc chắn, nhưng chiến lược mở vòng vây qua Hoa lục, Bắc Hàn, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Tổng thống Putin và ê-kíp Moskva vẫn là đấu thủ nặng cân trên đấu trường quốc tế, dù đang chóng mặt vì chảy máu hầu bao. Cũng như hình dáng con Gấu Nga vẫn lừng lững trước con Ó Mỹ và các con sư tử châu Âu, hay đội hockey của Nga vẫn là đối tượng đáng gờm của Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, những đội bóng tuyết hàng đầu trên thế giới.
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­____________________
(*) Cuối tháng giêng 2014, thông tấn xã Yonhap của Hàn quốc dẫn nhiều nguồn tin vô danh từ Bắc Hàn, cho biết gia đình Jang Song-thaek bị "tru di tam tộc" thực sự. Chị ruột và anh rể của họ Jang, là đại sứ tại Cuba, người cháu, đại sứ tại Malaysia, và hai người con trai của những người này khoảng trên 20 tuổi cũng bị giết. Con cái còn nhỏ và cả các cháu nội ngoại của gia tộc này cũng bị giết sạch để trừ hậu họa và làm gương cho mọi người về tội mưu phản. Tin cho hay có người kháng cự lúc bị lôi ra khỏi nhà, đã bị bắn tại chỗ, trước mặt mọi người.  Vợ của viên đại sứ tại Malaysia không bị giết nhưng cả gia đình bị đưa đi cư trú ở một làng xa xôi.  Bà cô ruột của Kim Jong-un, vợ của Jang Song-thaek, sau một ca mổ óc đã rơi vào tình trạng sống thực vật, hay đã chết sau cái chết của chồng mấy tháng, không ai biết được sự thật ra sao.
 

Giá dầu trên thế giới lại tiếp tục giảm

Ngày 12 tháng 12, 2014 giá dầu thô ở vùng biển Bắc châu Âu, chỉ còn có 62 đô la một thùng
Ngày 12 tháng 12, 2014 giá dầu thô ở vùng biển Bắc châu Âu, chỉ còn có 62 đô la một thùng
Files photos 
Giá dầu lại một lần nữa tụt xuống vào tuần qua khi vào hôm thứ sáu vừa rồi giá dầu thô ở vùng biển Bắc châu Âu, chỉ còn có 62 đô la một thùng.
Lên tiếng vào ngày hôm qua tại Dubai, thủ đô các tiểu vương quốc Ả rập, ông Abdullah al-Badri, người đứng đầu tổ chức OPEC bao gồm nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, nói là quyết định vừa qua của OPEC tại Vienna nước Áo giữ nguyên sản lượng dầu mỏ là không nhằm vào một ai hết. Ý ông nói là không nhằm vào việc cạnh tranh về giá thành sản xuất với các công ty khai thác đá phiến dầu của Hoa kỳ, nước không phải là thành viên của OPEC, mà cũng không nhằm vào các quốc gia như Iran hay Nga đang khốn đốn vì giá dầu giảm.
Giá dầu xuống mặc dù làm nhiều người tiêu dùng ở phương Tây vui mừng vì có dư tiền để mua sắm nhân dịp lễ cuối năm, nhưng lại làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại vì cổ phần các công ty năng lượng có liên quan đến dầu mỏ bị xuống giá.
Nhưng khốn đốn nhất là các quốc gia mà ngân sách lệ thuộc phần lớn vào việc xuất khẩu dầu thô, đó là Venezuela, Iran, Nigeria, và nước Nga.
Người ta cho rằng giá dầu giảm vì hai lý do, thứ nhất là kinh tế thế giới không tăng trưởng nhanh, và thứ hai là việc cung cấp dồi dào dầu thô từ đá phiến dầu của Hoa kỳ.

Kinh tế Mỹ đạt mức tăng khả quan về công ăn việc làm

Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ tháng 1, 2004 đến tháng 12, 2014
Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ tháng 1, 2004 đến tháng 12, 2014
Thị trường tài chính Mỹ kết thúc tuần giao dịch đầu năm mới giảm 0,5%, bất chấp những tin tức lạc quan về công ăn việc làm.
Tỉ lệ thất  nghiệp của Mỹ giảm 0,2% trong tháng 12, xuống còn 5,6%.
Báo cáo của Bộ Lao động ra hôm thứ Sáu nói kinh tế Mỹ đạt số tăng thực là 252.000 công ăn việc làm.
Các số liệu này khả quan hơn những dự đoán trước đó của đa số các chuyên gia kinh tế, và đánh dấu năm có mức tăng công ăn việc làm cao nhất trong 15 năm qua.
Nhưng số liệu hôm thứ Sáu cũng cho thấy mức lương tăng trong năm 2014 không hơn được tỉ lệ lạm phát là bao nhiêu. Còn trong tháng 12 thì mức lương giờ trung bình thực ra lại giảm.
Các nhà phân tích lo rằng mức tăng lương chậm có thể làm yếu mức chi tiêu – động lực chính của nền kinh tế của Mỹ.
Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp giảm được tròn một phần trăm trong năm ngoái, 8,7 triệu người vẫn còn thất nghiệp, và khoảng 6,8 triệu người khác vẫn muốn có công việc trọn thời gian ổn định, nhưng chỉ tìm được công việc bán thời gian..

CHUYỆN XỨ CỜ HOA


  Cảm nghĩ đầu tiên về nước Mỹ của một du khách Việt Nam...

the hobbit animated GIF

Máy bay đang hạ cao độ để đáp xuống phi trường LAX, lòng tôi có một chút bồi hồi vì đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Mỹ. Một đất nước được nhiều người cho là # 1 trên thế giới, và xem nó như một “thiên đường hạ giới” nên lòng tôi có một chút háo hức để xem thiên đường đó trong thực tế như thế nào?. Tôi đoan chắc cô A đi chung đoàn với tôi sẽ còn háo hức hơn tôi nhiều, vì theo lời cô tâm sự: “Được đặt chân lên đất Mỹ là niềm mơ ước của tôi từ mấy chục năm trước. Tôi đi làm và kiên nhẫn ky cóp để dành mỗi năm 2 triệu (= $US 100) cho việc thực hiện ước mơ này. Ba mươi năm trôi qua tôi để dành được 60 triệu, kỳ này Việt Travel tổ chức đi Mỹ 1 tuần giá có 40 triệu quá rẻ nên tôi đặt vé liền, còn 20 triệu coi như chi phí linh tinh và mua sắm…Vậy là ước mơ lâu đời của tôi trở thành hiện thực!” Không phải chỉ có cô A mà hình như ai cũng thích đi Mỹ, ít nhất là 1 lần trong đời rồi chết cũng mãn nguyện


image
Note: hình trong bài này là minh họa
Sau khi qua thủ tục Hải Quan, lấy đầy đủ hành lý và đẩy ra khỏi cổng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, chuẩn bị tâm lý để “enjoy” thiên đàng nước Mỹ. Bỗng hướng dẫn viên thông báo có 1 vị khách bị kẹt lại, không biết vì lý do gì, nên cả đoàn phải chờ. Lúc đầu chúng tôi còn đứng lịch sự đợi, tưởng đâu 15′ – 30′, ai dè 1 tiếng rồi 2 tiếng vẫn chẳng thấy tăm hơi vị khách “đặc biệt” đâu? Xuống máy bay ai cũng mệt nhoài vì giờ giấc bị thay đổi và vì hành trình bay quá dài, bây giờ lại phải chờ đợi quá lâu, ai nấy mệt mỏi ngồi bò lê bò càng dưới đất, rồi lại thêm đói bụng nên quay ra “xì nẹt” HDV. Tội nghiệp HDV chỉ biết xin lỗi và cười trừ vì anh cũng mù tịt không biết chuyện gì xảy ra cho vị khách ĐB, họ không cho HDV tiếp cận vị khách. Họ đem ông ta vào phòng và thẩm vấn trong đó. Thật là thiên đường đâu chẳng thấy, chỉ thấy địa ngục, nước Mỹ “Welcome” đoàn như thế này thì # 10, chứ # 1 gì nỗi!


image
Theo chương trình dự định, trước tiên đoàn sẽ ghé thăm khu Little Saigon ( một kiểu Saigon ngoài Việt Nam), nơi có cộng đồng người Việt sống tụ họp lại đông nhất thế giới. Tôi có cô bạn thân ở vùng này, tụi tôi đã liên lạc email và ĐT hàng ngày trước khi đi, bạn tôi dặn khi nào xe lăn bánh đi Little Saigon thì nhớ ĐT báo tin để bạn ra đón gặp mặt. Đợi gần 3 tiếng rồi chắc bạn tôi đang nóng ruột chờ ĐT, may quá thấy ông ngồi kế bên có ĐT nói chuyện với người nhà ở Mỹ, tôi bèn xin cho gọi nhờ để báo tin cho bạn biết. Sau khi tóm tắt ngắn gọn là tôi đã đến Mỹ và bị chờ đợi vô vọng ở phi trường… ấm ức quá tôi bèn “phang” cho bạn một hơi:

– Nước Mỹ # 1 của bạn gì ẹ quá! không có nỗi 1 cái ghế cho khách ngồi. Cả đoàn du lịch hơn 40 người phải ngồi lê lết dưới đất với hành lý ngổn ngang trong mấy tiếng liền, ngó thiệt thảm! Hình ảnh này quay phim chiếu lên chắc không ai dám tới Mỹ nữa!
Nói xong tôi thấy hả bớt ấm ức, nhưng tội nghiệp chắc bạn tôi bị “quê”, dù thường ngày bạn thường khen tôi hiền lành và có “Tâm Phật”, bởi vậy mới biết muốn tu cũng tùy hoàn cảnh, và có bị thử thách mới biết trình độ tu của mình tới đâu?


image
Cuối cùng thì sau hơn 3 tiếng chờ đợi dài lê thê, vị khách ĐB đã xuất hiện với nét mặt bơ phờ hốc hác, ông cho biết vì khuôn mặt ông giống 1 nghi can khủng bố, nên an ninh phi trường phải giữ ông lai thẩm vấn, điều tra, rồi chờ xác minh…vì vấn đề an ninh của nước Mỹ là quan trọng hàng đầu. Như vậy nước Mỹ tiếng là “thiên đàng” nhưng vẫn không có bình an, mà khi không có bình an thì sao gọi là thiên đàng được? Nhìn đâu cũng nghi thấy có khủng bố làm tụi tui bị vạ lây. Vị khách ĐB than thở:


http://baomai.blogspot.com/2015/01/thach-thuc-hang-au-trong-chinh-sach-oi.html
– Không biết cha mẹ sinh ra tôi có khuôn mặt giống mấy thằng trời đánh khủng bố làm chi, để tôi chịu khổ rồi còn làm quý vị khổ lây. Phải chi tôi giống T.T. Obama thì đỡ biết bao.

– Thôi thoát được là mừng rồi. Hú vía! tưởng đêm đầu tiên ở “Thiên đường Mỹ” mà phải nằm đường ngủ rồi chứ

Khi xe lên xa lộ, tôi thấy xa lộ Mỹ cũng bị kẹt xe khủng khiếp giống ở Saigon, chỉ có khác ở Mỹ là xế 4 bánh, còn ở Saigon là xế 2 bánh. Như vậy chắc là môi sinh cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Ở Nhật thì khác, phương tiện di chuyển chính là tàu điện ngầm nên tôi thấy đường phố ít xe cộ và có vẽ yên tỉnh, ở mỗi ngã tư người ta còn làm tiếng chim hót khi khách qua đường nên không gian có vẽ bình an…


image

Sau một thời gian ngắn ở Mỹ, đi chơi nhiều nơi, thăm nhiều chỗ…Cái ấn tượng ban đầu về nước Mỹ # 10 đã dần dần phai nhạt. Dựa vào thực tế những gì tôi trông thấy và trải nghiệm tôi xin chia sẻ một số cảm nghĩ về nước Mỹ: rest-area



image
“Rest Room” ( RR) : Người xưa cũng đã từng nhận định đây là nơi con người thể hiện một trong “tứ khoái” của mình và cái mà tôi “ấn tượng” nhất và khoái nhất của nước Mỹ chính là RR. Tôi khoái nhất là cái giấy lót bàn cầu sao mà nó mướt và sạch, ngồi lên mới thấy sướng làm sao! Tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng không ở đâu tôi thấy có “tiết mục” này. Không biết RR của vua chúa, của tổng thống ra sao, nhưng cái RR công cộng mà tôi “ấn tượng” nhất là RR ở nhà thờ Kiếng (Crystal Catheral) sao mà nó lịch sự đẹp đẽ và sang trọng làm sao! Giờ đây tôi mới hiểu rõ tại sao người Mỹ đặt tên nó là “Rest Room” vì đó là nơi người ta “thư giãn”. Mỗi lần tôi đi RR hơi lâu làm bạn tôi lo hỏi “sao lâu vậy? có gì trục trặc không? ” Thực ra tôi đang enjoy và thư giãn vì tên nó là “Rest Room” mà!


image
Ở Mỹ chỗ nào cũng có RR Free và rất sạch sẽ, ngay cả dọc các xa lộ thỉnh thoảng lại có Rest Area để người ta xuống đi RR, rồi đi tới đi lui thư giãn gân cốt. Điều làm tôi ngạc nhiên là không phải chỉ có con nguời mới được quan tâm mà ngay cả chó cũng được chiếu cố. Ở một khu Rest Area (CA), tôi nhìn thấy tấm bảng “Dog’s Exercise Area” và cạnh đó là khu RR cho chó và có thiết kế sẳn một hộp đựng túi nylon để chủ nó lấy hốt “chất thải” rồi bỏ vô thùng rác gần đó cho vệ sinh.( Cái vụ này không biết đến thế kỷ nào VN mới đạt tới?) Đúng là người Mỹ có cái nhìn thực tế, nên thấy rõ nhu cầu thiết yếu của con người và giải quyết vấn đề một cách “tuyệt vời”. Đối với những du khách tuổi “về hưu” thì nhu cầu RR càng quan trọng hơn. Mỗi khi đi chơi đâu xa mối quan tâm hàng đầu của tôi chính là RR, có như vậy mới thấy thoải mái, an tâm. Cám ơn nước Mỹ đã cho tôi sự an tâm đó khi đi du lịch Mỹ ( và có lẽ cũng chỉ có duy nhất ở Mỹ).


image
Xin đừng xem thường chuyện RR và cho đó là chuyện “dơ bẩn” như ở Việt Nam. Các thành phố lớn, các khu du lịch sang trọng đều ít quan tâm đến việc xây dựng RR, thử hỏi du khách khi có nhu cầu mà không có chỗ giải quyết sẽ “khốn khổ” đến mức nào? Chắc phải mượn câu thơ của N. Du để diễn tả hoàn cảnh “éo le” này : “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Nói tới đây tôi chợt nhớ câu chuyện vui về RR : Trên một chuyến xe đò Saigon – Đà Lạt một chú ba tàu “mắc” quá, chịu hết nổi bèn la lớn lên nói với bác tài : “Chời ơi! làm ơn ngừng xe, cho ngộ xuống “đi”, rồi nị muốn “ăn” bao nhiêu thì “ăn”, ngộ cũng cho hết…” khiến cả xe cười rần rần.


image
Vệ Sinh và nước uống: Ở Mỹ vấn đề vệ sinh luôn được quan tâm, thùng rác có mặt ở khắp nơi tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giữ vệ sinh công cộng. Tôi gần như không thấy rác xuất hiện trên đường phố hay trên xa lộ. Nghe nói xả rác trên xa lộ sẽ bị phạt rất nặng. Dân Mỹ từ người lớn tới trẻ em không bao giờ xả rác ngoài đường, họ có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng rất cao. Tôi nhìn thấy một em bé mở viên kẹo ăn, rồi cầm giấy gói kẹo giữ trong tay cho tới khi tìm được thùng rác thì mới vứt vô đó. Ngược lại khi tôi đi hành hương Ấn độ thì tình trạng vệ sinh thật khủng khiếp, những con bò ngang nhiên đi trên đường phố và vô tư ngừng lại để “ị” bất cứ lúc nào chúng muốn, nên phân bò đầy đường phố, không ai dọn dẹp, mùi xú uế xông lên khắp nơi, nhất là khí hậu nóng bức miền xích đạo của Ấn Độ. Người dân nghèo thì đỡ hơn bò một chút, họ biết chạy vô hai bên lề đường rồi cũng “đứng, ngồi, tiểu, tiện tự nhiên thoải mái”. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Hiếm thấy toilet công cộng ở Ấn Độ. Ngoài ra tôi còn nghe nói ở Sông Hằng người ta thiêu xác người rồi thả xuống đó, rồi tiểu tiện, tắm giặt, gội đầu cũng ở đó. Thậm chí còn uống nước sông Hằng xem như là nước thiêng trị bệnh. Tôi nghĩ tôn giáo không chỉ góp phần nâng cao đời sống tâm linh con người mà còn phải góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về vệ sinh để bảo vệ sức khỏe người dân.


image


Bên cạnh đó, nước uống là một vấn đề cần thiết cho sức khỏe, người ta có thể thiếu ăn, nhưng không thể thiếu nước. Ở Mỹ vòi nước công cộng để cho mọi người có thể tới uống có mặt ở khắp nơi : Công viên, phi trường, bệnh viện, trường học, rest area…. Nhưng tôi bị ám ảnh bởi “nước phong ten VN” thiếu vệ sinh nên mỗi lần đi chơi, phải đem theo nước chai, đem nhiều thì xách nặng quá, đem ít thì không đủ uống. Bạn tôi khuyến khích đem theo 1 chai nước thôi, uống hết gặp vòi nước ở đâu thì châm thêm, vì Bác sĩ nói rằng nước “phong ten” ở Mỹ đảm bảo an toàn vệ sinh còn tốt hơn là nước chai…nhưng sao tôi vẫn thấy hơi ngán sợ bị đau bụng vì bụng tôi hơi yếu. Một buổi sáng trước khi đi chơi, tôi xách nước theo nhiều hơn, vì hôm qua thiếu nước mà mua dọc đường bị “chém” tới 3 $/1 chai nên bị “đau bụng” (dĩ nhiên là đau bụng vì xót tiền, chứ không phải đau bụng kiểu kia). Tôi lẩm bẩm : “Thiệt là nan giải không biết tính sao, sợ đau bụng kiểu này thì lại bị đau bụng kiểu kia”. Bạn tôi cuời nói:


image


– Hôm qua bạn xót tiền không dám mua nước, tôi đưa bạn chai nước , bạn uống hết sạch. Vậy bạn có thấy bị đau bụng không? nước lấy từ phong ten đó!

– Ủa vậy hả? vậy là mình vô tình đã “past test” rồi, nước phong ten ở Mỹ thật an toàn, tôi uống nguyên 1 chai mà chẳng hề thấy đau bụng gì cả, vẫn khỏe re!

Ôi ! tốt quá, từ nay đi du lịch ở Mỹ, tôi an tâm không phải bận tâm về nước uống nữa, vì ở đâu cũng có mà lại Free Thiệt là cám ơn nước Mỹ lắm vì tôi có thói quen uống nước nhiều (do nghe lời BS dặn để tốt cho sức khỏe đó! )


image
– Chim Hải Âu và nỗi sợ hãi : Cảnh mà tôi thích nhất ở Mỹ là được nhìn từng đàn chim sẻ, chim bồ câu và đặc biệt là chim Hải Âu rất dạn dĩ và thân thiện với con người. Lúc đầu khi muốn tiếp cận với chúng, tôi cứ luôn miệng nói “Đừng sợ, đừng sợ” nhưng tôi thấy hình như chúng không biết sợ hãi là gì? Khi trong tay tôi có mấy miếng bánh mì là cả đàn lập tức sà xuống bu chung quanh để ăn. Có con dạn dĩ hơn còn sà xuống và “chớp” miếng bánh mì từ tay tôi tha đi mất tiêu. Từ đó tôi luôn luôn nhớ để dành bánh mì cho chim ăn, vì đó cũng là một niềm vui đầy thú vị mà ở Việt Nam không có được.

Mẹ con tôi chụp hình với chim Hải Âu và cảnh cho chim ăn không biết bao nhiêu lần mà vẫn chưa thấy chán. Các loài chim ở Mỹ hình như không hề sợ hãi con người, có lẽ vì không ai làm hại chúng. Khác với ở Việt Nam thấy bóng con người ở đâu là chim vội vỗ cánh bay xa, chậm bay thì có thể biến thành chim rô ti hay chim nướng cho mấy quán nhậu mọc ở khắp nơi.


image
Ở Việt Nam không chỉ có chim mới mắc bệnh sợ hãi, mà con người cũng nhiễm bệnh này khá nặng. Tôi nói vậy là vì nhớ đến câu chuyện một tối ở hotel, sau một ngày đi chơi mệt mỏi, tối về ai cũng muốn tắm rửa cho mát mẻ. Bạn tôi vô tắm trước, nhưng khi tắm xong đóng lại vì vòi nước cũ quá nên bị rớt ra, không xài được nữa. Bạn tôi đòi gọi tiếp tân để họ cho người lên sửa, nghe vậy mẹ con tôi sợ hãi can ngăn:

– Thôi bây giờ 10 giờ tối hết giờ làm việc rồi, đừng gọi cho mất công mà còn bị rầy Con tôi còn chêm vô:

– Gọi lên có khi họ còn khép mình vô tội phá hoại tài sản rồi bắt mình đền thì chết
Bạn tôi trả lời :
– Đừng sợ, sao cái gì cũng sợ vậy? Không gọi lên sửa rồi làm sao mấy người có nước tắm

– Thì kiếm cái ly hứng nước ở sink, rồi lau mình sơ sơ cũng được mà!

Nhưng bạn tôi không đồng ý và cương quyết gọi cho tiếp tân. Tôi lo lắng thầm nghĩ : “Con nhỏ này gan quá, nói không chịu nghe lời, rồi đây sẽ rắc rối tùm lum cho mà xem” Trong bụng tôi bắt đầu đánh lô tô, tôi lo niệm Phật cho “tai qua, nạn khỏi”. Khi bạn tôi gọi ĐT xong, tôi hồi họp hỏi : “Họ nói sao? có la rầy gì không?”. Bạn tôi cười ngất : “La gì mà la, họ sẽ cho người lên sửa ngay để mình có nước tắm liền” Tôi bán tín bán nghi: “Thiệt vậy sao?”


image
Một lát sau có tiếng gỏ cửa và một ông thợ vào xem xét, ông trở ra và hẹn sẽ đi lấy đồ mới tới thay liền. Quả thật một lát sau ông ta trở lại không phải chỉ thay cái vòi nước mới mà thay luôn cả bông sen mới, vì cả 2 đều quá cũ. Trời ơi tôi mừng quá, vội lấy tiền tip cho ông ta. Đây quả là chuyện lạ vì nó hoàn toàn khác với hotel ở VN mà tôi đã từng trãi qua.

Bạn tôi cuời nói:
– Thấy chưa? mấy nguời ở VN dưới chế độ Công sản lâu quá rồi nên nhiễm bệnh “Cái gì cũng sợ” dù đó là việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình mà cũng sợ không dám nói.

Mấy mẹ con tôi bây giờ mới thực sự hoàn hồn hết sợ bèn thi nhau kể lại tâm trạng sợ hãi lúc nẫy mà lăn ra cuời bể bụng. Đúng là bịnh “Cái gì cũng sợ” đã ăn sâu vô tâm khảm người dân VN từ lúc nào không biết. Bây giờ nhờ qua Mỹ mẹ con tôi mới học được bài học “Đừng sợ”. Nghĩ lại cái xã hội gì mà từ chim tới người ai cũng mắc bệnh sợ hãi trầm trọng. Đơn giản như việc chạy xe ngoài đường, chẳng phạm tội gì, bị CA ngoắc vô là sợ rồi, lo móc tiền ra để “lót tay” cho thoát nạn. Bởi vậy thấy CA đâu là lo né tối đa như chim thấy thợ săn. Nhớ lại chuyện sửa vòi nước lúc nảy vừa thấy “quê” vừa thấy tức cười. Đúng là xả hội Mỹ văn minh có khác, quyền lợi chính đáng của con người luôn được đáp ứng nhanh chóng. Cuộc sống nếu vắng bóng những “nỗi sợ hãi” thì thật hạnh phúc biết bao! Tối đó được tắm với vòi nước và bông sen mới, thấy “đã” làm sao, được hưởng cảm giác mát mẽ, thoải mái, chứ ở VN gặp trường hợp này chắc là phải hứng từng ly nước nhỏ mà lau mình sơ sơ rồi. Cám ơn nước Mỹ đã cho tôi bài học “Đừng sợ” nhưng không biết ít bữa về lại VN cái bịnh cũ này có tái phát không? Thực ra dạo gần đây ở VN đã có nhiều người vượt qua những nỗi sợ hãi để lên tiếng đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như phong trào “Dân oan” hay “Chúng tôi muốn biết” (Tôi mới biết chuyện này khi qua Mỹ, ở VN mọi chuyện đều bị bưng bít hết). Nhưng quan trọng là những đòi hỏi chính đáng ấy có được đáp ứng không? Dân chủ thực sự hay chỉ là “bánh vẽ” thể hiện qua điều này.


image

Free và On time : Khi đi thăm Balboa Park (San Diego) tôi tưởng phải mua vé vào cửa ai dè Free. Đã vậy lại còn Free xe Trạm phục vụ du khách lên ngồi chở đi vòng vòng tham quan cảnh đẹp, vì công viên rộng mênh mông, nếu đi bộ thì chắc phải than thở như TCS : “Ôi! hai bàn chân mỏi…” Chữ Free đáng yêu làm sao, dù được hiểu theo nghĩa “Tự Do” hay “Miễn phí”, nghĩa nào cũng đáng yêu hết! mà chẳng phải mình tôi yêu đâu, có lẽ du khách nào đến Mỹ cũng đều yêu như tôi thôi.


image
Khi đến thăm “Golden Gate”, cây cầu nổi tiếng của San Francisco, mà tôi nghe tiếng từ khi còn học Anh văn ở trung học lận. Tưởng nổi tiếng lâu đời muốn thăm thì phải trả tiền vé, nhưng lại cũng Free luôn. Bởi vậy dân Mỹ siêng năng đóng thuế vì tiền thuế đó được chi vào những lợi ích công cộng, chứ không chui vào túi các quan tham nhũng như ở Việt Nam.


image
Bên cạnh đó tôi thấy dịch vụ nào liên quan đến người Mỹ đều rất đúng giờ (on time), ngay cả lịch trình xe Trạm miễn phí chở khách tham quan cũng rất đúng giờ. Tôi rất thích mục này, vì đâu có ai thích chờ đợi, hơn nữa đúng giờ là một cách biểu hiện mình biết tôn trọng người khác. Người ta thường nói “Thời giờ là vàng bạc” cho nên mình không nên phung phí vàng bạc của người khác, đó là một thái độ có văn hóa. Nguời Việt Nam mình tự nhận là có 4000 năm văn hóa, nhưng lại xài giờ cao su hơi nhiều kể cả ở Mỹ nên mới có câu : “Không ăn đậu, không phải Mễ. Không đi trễ, không phải Việt Nam”


image
Ý thức tự giác và lịch sự: Xa lộ Mỹ có lúc cũng kẹt xe dữ dội hay vào giờ cao điểm các đường trong thành phố cũng bị kẹt xe, nhưng tất cả các xe đều nối đuôi trật tự lớp lang, không có xe nào “xé rào” vượt ẩu, hoặc leo tràn lên lề như ở Việt Nam, rồi mạnh ai nấy lách. Ở các ngã tư tôi không hề thấy có bóng dáng cảnh sát giao thông, mọi người tự giác tuân theo tín hiệu đèn xanh đỏ. Nếu gặp ngã tư có 4 bảng Stop, các xe tự động dừng lại, và lần lượt theo thứ tự, xe nào đến trước, đi trước, đôi khi tôi còn thấy họ ngoắc tay nhường nhau đi trước. Ngay cả những buổi tối về khuya, lác đác ít xe chạy hoặc không có xe, khi gặp đèn đỏ hoặc bảng stop họ vẫn ngừng lại đúng luật. Hình như sống trong xã hội mọi người từ trên xuống dưới đều biết biết tôn trọng luật pháp, nó trở thành một nề nếp tốt ăn sâu vào thói quen của từng người. Ai cũng làm vậy, không thể làm khác được. Không như ở Việt Nam toàn xài “luật rừng”, “luật tùy tiện” hay “luật COCC” bắt đầu từ cấp cao rồi ảnh hưởng lan dần tới cấp dưới, ai cũng lo lách luật hay không muốn giữ luật, nên xã hội mới “bát nháo” như hiện nay. Mới đây nghe nói có “Thư ngỏ” tố cáo nhà nước vi phạm pháp luật, bắt người vô tội (Nhà văn Nguyễn quang Lập già yếu, vì dám viết những sự thật) được hằng ngàn nhà văn, nhân sĩ, trí thúc…tham gia ký tên, nhưng những loại “thư ngỏ” này “gửi thì nhiều” nhưng chẳng bao giờ được phản hồi y như gửi cho “bù nhìn”


image
Nói tới đời sống xã hội, tôi nhận thấy nguời Mỹ cư xử rất lịch sự như khi tới những địa điểm tham quan, lúc thấy tôi và bạn tôi chụp hình cho nhau. Có một bà mẹ đẩy xe nôi đi ngang, ngừng lại và đề nghị chụp dùm cho bọn tôi. Hay như khi đi vào Aquarium thấy bọn tôi có vẽ “lơ ngơ” họ tiến đến hỏi thăm có cần họ giúp gì không? hình như họ đoán mình có nhu cầu cần giúp là họ sẳn lòng giúp. Đi đâu lỡ bỏ quên đồ, quay lại đồ vẫn còn đó. Thật là tử tế ! Những lúc chúng tôi lạc lối hay có thắc mắc gì họ đều tận tình giúp đỡ. Điều này giúp tôi hiểu tại sao người Mỹ làm từ thiện mạnh nhất thế giới. Tôi cảm thấy cuộc sống ở đây sao đầy tình người, dù nước Mỹ là nước tư bản chứ không phải là nước thuộc “thiên đường xã hội chủ nghĩa” mà VN mình đang mơ ước đạt tới. (Lạ một điều là dù chửi Mỹ rất hăng, nhưng con cháu các cán bộ đảng viên cao cấp đều tìm đường qua Mỹ du học hay định cư luôn).

Nói tới cuộc sống tình người ở Mỹ, tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến sự đón tiếp nồng hậu của các bạn quen biết gần xa, kể cả người chưa quen biết (như chị M, bạn của bạn tôi), cô S lặn lội lái xe mấy tiếng từ San Diego – OC để gặp tôi một lát… Các bạn làm tôi cảm thấy mình quá “đắt hàng” và rất “ấm áp” dù trời CA đã bắt đầu trở lạnh. Có lẽ mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại, xin cám ơn “tấm chân tình” các bạn đã tặng, làm tôi rất vui và ấm lòng dù đang ở “xứ lạ quê người “. Các bạn và những người Mỹ tôi gặp trong chuyến đi này đúng là ” The beautiful people”.

Trên đây là một vài cảm nghĩ của tôi khi lần đầu tiên đặt chân đến đất Mỹ, có thể như người mù sờ voi. Hơn nữa ở đời không có gì hoàn hảo 100%, bạn có thể đồng ý với tôi hay không? Điều đó không quan trọng, vì đây chỉ là những cảm nghĩ riêng mà tôi muốn chia sẻ với các bạn sau vài tuần trải nghiệm thực tế trên đất Mỹ. Nó cũng giúp tôi “giải mã” vì sao ai cũng thích đi Mỹ.


image
God Bless America

Tạm biệt America, mong có ngày gặp lại. Kỷ niệm chuyến đi Mỹ đầu tiên.
Cuối năm 2014
N.X.

Phượng Vũ viết thay bạn

 http://baomai.blogspot.ca/2015/01/cam-nghi-au-tien-ve-nuoc-my-cua-mot-du.html

 Đi thăm nước Mỹ

image


Ông Sĩ ngồi ở bàn, bên ấm chè nóng, ông đang tra thuốc vào chiếc điếu cày và châm lửa hít một hơi, xong khoan khoái ngửa mặt ra thả một làn khói bay mù mịt. Bà Sĩ ngồi dưới đất, cạnh bàn, đang lo gói ghém lại các món quà trước khi bỏ vào túi xách cho chồng. Bà hài lòng khoe:

- Toàn là cây nhà lá vườn ông nhá, long nhãn khô, măng khô, bột sắn giây, tự tay tôi làm cả…

Những thức này nghe nói ở bên Mỹ quý hiếm lắm, tìm không có, đào không ra đâu… Ông Sĩ ra vẻ hiểu biết:

- Thiếu giống gì, hàng của ta xuất khẩu sang Mỹ nhiều lắm, đến củ giềng ăn thịt chó cũng có nữa là. Để sang Mỹ tôi sẽ ăn thịt chó Mỹ xem có béo không? Chó tư bản nhà giàu mà. Ông Sĩ hớp một ngụm chè để vài giây cho thấm thía mới gật gù:

- Chè mộc Thái Nguyên ngon thật. Bà có mua chè này mang sang Mỹ làm quà không, hử ?

- Sao không chứ. Những gì ông dặn tôi mua tất…. Bà Sĩ đứng lên, phủi bụi quần và ân cần bảo chồng:

- Xong hết cả rồi, ông đi ngủ sớm mai còn ra phi trường Nội Bài, mai tôi cũng dậy sớm nấu cho ông nắm cơm nếp ăn đi đường.

- Gớm, bà cứ làm như ngày xưa lúc tiễn tôi lên đường trở về đơn vị sau lần tôi hiếm hoi về phép thăm nhà không bằng. Nhưng mà đi xuất cảnh sang Mỹ ai lại mang món cơm nếp nhà quê này chứ ? Bà Sĩ âu yếm gắt:
- Ăn cho nó chắc bụng, không gì bằng cơm nhà quà vợ. Ông đừng có mà sĩ diện. Suốt mấy ngày nay, biết tin ông Sĩ sắp đi Mỹ du lịch, họ hàng, làng xóm đã thăm hỏi, chúc mừng không ngớt và nội bộ nhà ông cũng bận rộn tíu tít, lo sửa soạn hành lý và …tâm lý không ngớt. Đời cứ như là mơ, ông Tượng, người em của ông Sĩ di cư vào Nam từ năm 1954 và di tản sang Mỹ năm 1975 đã mời ông Sĩ chuyến đi du lịch này. Ngày di cư ấy bố ông đã dẫn thằng em 12 tuổi vào Nam trước, ông Sĩ ở nhà với mẹ, sẽ vào Nam sau. Nhưng chuyến đi Nam ấy không thực hiện được, gây ra cảnh chia lìa một gia đình 4 người mà nửa Nam nửa Bắc. Ông Tượng quyết không bao giờ trở về Việt Nam nếu đất nước còn chế độ cộng sản, ông chỉ liên hệ với người anh duy nhất của mình qua thư từ hay điện thoại và thỉnh thoảng gởi tiền về giúp anh chị. Ông Tượng mời anh sang Mỹ chơi, coi như một món quà hào hiệp tặng anh, trước là thăm thân nhân sau là đi cho biết đó biết đây. Hai anh em hai lý tưởng khác nhau, ông Sĩ đi bộ đội miền Bắc suốt một thời tuổi trẻ để giải phóng miền Nam cho đến khi đúng tuổi giải ngũ. Ông Tượng là lính miền Nam , chiến đấu chống lại quân đội Bắc Việt. Sau chiến tranh hai anh em đều sống sót, nhà ông may mắn thế, nhưng biết đâu có những nhà khác, anh em, cha con hay chú cháu đã đối diện nhau nơi chiến trường, xả súng vào nhau để giành phần chiến thắng mà nào hay tình máu mủ liên hệ…

image

Cha mẹ đều lần lượt qua đời mà chẳng thấy mặt nhau sau lần chia ly vì thời cuộc ấy, chỉ còn hai anh em nên ông Sĩ háo hức muốn gặp lại thằng Tượng em ruột của mình lắm.. Ngày xưa bố ông rất mê chơi cờ tướng, nên đặt tên các con theo từng quân cờ, người anh cả mang tên Nguyễn vănTướng qua đời khi lên 3 tuổi vì một cơn bạo bệnh, người con thứ hai là ông Sĩ và người kế tiếp là Tượng thì mẹ ông phát bệnh gì đó mà không thể sinh đẻ được nữa, nếu không thì anh em ông còn …kéo dài thêm mấy quân cờ nữa như Xe, Pháo Mã, Tốt, vì thuở ấy nhà nào cũng bảy, tám đứa con là chuyện thường. Ông Sĩ cũng háo hức muốn biết mặt mũi nước Mỹ nó ra làm sao mà ghê gớm thế, có thể làm ảnh hưởng cả thế giới và một thời đã xâm chiếm miền Nam Việt Nam để miền Bắc của ông phải vất vả, bao nhiêu thanh niên nam nữ lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và bao nhiêu người đã gởi thây nơi rừng núi chiến trường miền Nam, mất xác, mất tăm tích cho đến tận bây giờ. Tất cả chi phí chuyến du lịch qua Mỹ dĩ nhiên đều do người em lo. Nhà nghèo xác nghèo xơ, chuyện đi Tây đi Mỹ du lịch là một giấc mơ vĩ đại cả đời ông không dám nghĩ tới, thì bây giờ cơ hội trong bàn tay dại gì ông từ chối.



image
Phi trường Nội Bài

Sáng hôm sau ông Sĩ thức dậy sớm, nhưng bà đã dậy sớm hơn ông từ lúc nào, cơm nếp nấu xong bà gói trong lá chuối, với một gói muối vừng để tiện mở ra ăn. Đám con cháu cũng lần lượt đến tiễn ông Sĩ lên đường. Thằng con trai cả sẽ làm nhiệm vụ chở bố ra phi trường Nội Bài. Từ quê ông ra Hà Nội mất gần 1 tiếng, từ Hà Nội ra phi trường Nội Bài mất thêm khoảng 40 phút nữa. Hai bố con đến phi trường Nội Bài, bố con dặn dò nhau xong thì ông Sĩ bước vào trong, ông hoa mắt vì lần đầu tiên trong đời mới được biết phi trường là gì. Ông cầm cuốn hộ chiếu chìa ra để trình bày và hỏi thăm, người ta chỉ cho ông chỗ xét gởi hành lý trước.. Cô hải quan đanh đá thô bạo đưa tay bới túi hành lý, cô định mở từng bọc một thì ông Sĩ biết điều móc túi ra, ông tần ngần suy nghĩ, nó trông phong lưu và đẹp người thế, trong khung cảnh phi trường hoành tráng thế, mà đưa tiền ít chắc không xứng đáng lại thêm rắc rối? Ông đành lấy ra 5 trăm ngàn đồng Việt Nam dúi vào tay cô, kẻo cô mở tung toé ra thì giờ đâu ông xếp lại cho được :

- Chẳng có gì đâu, ít thực phẩm khô làm quà thôi mà… Nhận được tiền, cô hải quan dịu dàng, tươi tỉnh ngay:


image

Hình minh họa


- Thế mà bác không nói cho cháu biết trước. Thôi, bác yên chí, hành lý này sẽ chuyển lên chuyến bay với bác. Kinh nghiệm lo xa của ông thật hữu ích, ông đã bảo bà để một số tiền mặt cho ông “đi đường”, hễ có giao thiệp với bất cứ nhân viên cấp nào, ngành nghề nào phải có tiền mới giải quyết được sự việc. Tiền có sức mạnh ghê gớm, tiền cất tiếng nói thay người. Xong việc ký gởi hành lý, ông Sĩ thảnh thơi ôm cái xách tay và lại hỏi thăm chỗ đăng ký lên máy bay, lại hết chỗ nọ đến chỗ kia, cuối cùng ông đã tìm ra đúng chỗ, ông đang ngơ ngác chưa biết phải làm gì thì bị anh hải quan ngồi sau chiếc bàn dài, mặt non choẹt, quát xa xả :

- Ông kia, đưa giấy tờ đây, làm mất cả thì giờ của người khác. ! !

- Vâng ạ, có hộ chiếu xuất cảnh đầy đủ đây ạ…người xuất cảnh là tôi Nguyễn Văn Sĩ, sinh năm.… Anh Hải Quan bực mình ngắt ngang:

- Khi nào cần tôi hỏi, ông không phải khai. Giấy nhập cảnh nữa, xuất khỏi đây ông sẽ đến đâu. Đấy là thủ tục. Ông lại móc túi quần qua hai ba lớp gói, lớp bọc để lôi ra giấy nhập cảnh trân trọng đặt lên mặt quầy cho anh hải quan. Tướng tá sang cả và mặt anh ta lạnh lùng càng làm ông Sĩ cảm thấy mình thấp hèn và hồi hộp như một kẻ đang đợi được ban ơn:

- Thưa anh, thế đủ chưa ạ ? cần gì nữa không ạ? Anh hải quan lại quát:

- Ông ạ, ạ..gì mà lắm thế ? có im đi không cho người ta làm việc. Ông Sĩ im ngay tức khắc, liếc nhìn sang anh hải quan bên cạnh đang “làm việc” với một người nước ngoài, nhã nhặn, lịch sự, ông ngạc nhiên tự hỏi :” Hai anh hải quan này cùng làm một việc, nhưng tính khí khác nhau ? hay chắc tại mình và ông nước ngoài kia khác nhau? mà hai cảnh đối xử một trời một vực thế nhỉ? ” Anh hải quan của ông đã xét giấy tờ xong, anh ta đẩy mạnh mớ giấy tờ về phía ông, suýt nữa thì cuốn sổ hộ chiếu quá đà rơi xuống đất nếu ông Sĩ không nhanh tay đỡ kịp. Anh hải quan không thèm nói một câu, nhưng ông biết là đã xong, vội thu gom giấy tờ của mình bỏ vào bọc, vào túi và bước theo lối có mũi tên chỉ dẫn để ra chỗ cổng vào máy bay, để nhường chỗ cho người khác tiến lên. Tới đây tưởng đã được yên thân, nhưng khi ông cẩn thận và thân ái hỏi một cô mặc đồng phục nhân viên phi trường đang ngược chiều đi đến:

- Có phải lối này ra chỗ máy bay không cháu ? Thay vì trả lời 3 chữ “vâng đúng rồi” để tiết kiệm năng lượng trong người, cô gái tốn công cau có, gắt gỏng bằng một câu dài hơn:

- Có một lối này ông còn hỏi gì nữa…? Ông Sĩ bất chấp lối ăn nói “sinh sự” ấy, vẫn tươi cười và thân ái:

image
Phi trường Nội Bài

- Thế hả, bác cám ơn cháu. Vừa trả lời ông Sĩ vừa rảo bước thật nhanh, kịp lúc người ta đang gọi loa mời hành khách lên máy bay. Vào trong máy bay gặp các cô tiếp viên Việt Nam, ông Sĩ lại…giật mình vì cảm thấy chưa thoát nạn, nhưng ông tự trấn an : “ Đã ngồi vào trong máy bay là chắc ăn rồi, có bị chúng nó gắt gỏng nữa cũng không thành vấn đề”. Các cô tiếp viên hàng không Việt Nam trông ai cũng sáng sủa, trẻ đẹp và sang cả như mấy người hải quan lúc nãy, ông Sĩ tự kết luận phi trường là chỗ làm việc của những đứa con nhà giàu quyền thế, khác hẳn với mấy đứa cùng trang lứa ở quê ông, mặt mày tối tăm, ngu dốt và đáng thương như miếng thịt ôi trên phản thịt chợ chiều 30 Tết. Các cô tiếp viên hàng không đẹp mà kiêu kỳ xa cách qúa, ông lại tưởng như mình không phải là hành khách trên chuyến bay, mà đang đi nhờ họ thì đúng hơn, nên ông không dám làm phiền, biết thân biết phận ngồi gọn gàng và im thin thít tại chỗ, dù có nhiều thứ lạ, ông muốn cất tiếng hỏi han lắm, nhưng chẳng dại gì mở miệng để bị mắng như lúc nãy hỏi đường cô nhân viên...

image

Máy bay rời Việt Nam đến phi trường Nhật Bản, ông lại lạc vào mê cung lần nữa, kinh hoàng hơn vì chung quanh không còn nhiều người Việt Nam. Thà bị mắng, bị gắt như ở phi trường Nội Bài còn là đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, còn dễ dàng hỏi thăm, đằng này xứ lạ quê người. Nhưng khi ông chìa vé, chìa hộ chiếu ra chẳng biết nói câu tiếng Nhật nào mà cũng được người ta giúp đỡ rất tận tình, dẫn tay ông ra tận chỗ cổng máy bay mà ông cần. Thế là ông nhẹ cả lòng, ngồi tại chỗ quyết không đi đâu xa, sợ lạc mất cái cổng máy bay này. Bây giờ ông Sĩ mới thong thả mở gói cơm nếp của bà vợ ra ăn trong thời gian chờ máy bay mấy tiếng đồng hồ. Từ phi trường Nội Bài gặp các sự sách nhiễu vô lý, ông thấy gói cơm nếp của vợ thật có lý, có tình. Lên chuyến bay ở Nhật, từ Nhật cách Việt Nam chẳng bao xa, mà không khí, con người đã khác nhau xa, nhân viên trên máy bay ân cần giúp đỡ ông tìm ghế ngồi, chỉ cách cài dây an toàn, và giúp ông để túi hành lý vào khoang tàu với nụ cười và nét mặt tươi tắn...

Lần này ông ngồi gần khung cửa sổ và tâm hồn tự tin thanh thản hơn nên tha hồ làm chủ tình hình, ông ngả đầu ra ghế để nhìn ngắm bên ngoài, từ lúc máy bay từ từ lăn bánh, rồi lấy đà cất cánh lên cao dần, thành phố càng lúc càng xa ở phía dưới, ông sợ lắm, nhưng cũng thú vị lắm, không ngờ trong đời mình có lúc được đặt chân vào phi trường để xuất ngoại, được “đi mây về gió” thế này.

image
Hình minh họa

Các cô tiếp viên Nhật Bản cũng xinh đẹp, lịch lãm, cao sang không thua gì các cô tiếp viên hàng không Việt Nam nhưng họ thật là thân thiện, họ mỉm cười kiên nhẫn nhìn ông ra dấu chỉ trỏ các món thức ăn, nước uống nào mà ông muốn trên suốt chuyến bay dài từ Nhật đến nước Mỹ xa xôi. Bây giờ ông thật sự là một hành khách được phục vụ tận tình và trân trọng. Ông náo nức nghĩ đến nước Mỹ, nghĩ đến thằng em và đám con cháu nhà nó, cũng như họ hàng làng nước mà ông có thể sẽ gặp trong thời gian thăm viếng Mỹ.

Xuống tới phi trường Los Angeles tiểu bang California lúc 12 giờ trưa hôm sau, ông Sĩ thêm một phen choáng váng đến hoang mang, phi trường to lớn và náo nhiệt như cả thế giới, toàn thể nhân loại đều tụ họp ở đây, người ta nói đủ thứ tiếng làm ông nghe mà điếc cả tai. Ông lắng tìm nghe tiếng Việt Nam, nhìn khuôn mặt Việt Nam và đi theo họ cho chắc ăn, ông chỉ có một túi hành lý ký gởi nên hải quan Mỹ làm rất nhanh chóng. Họ hỏi, thì có người hành khách Việt Nam bên cạnh dịch lại cho ông, ông trả lời không mang thực phẩm có thịt, cá . Thế là anh hải quan xét hàng tin ngay, chẳng buồn mở ra kiểm tra ông nói thật hay không. Người Mỹ sao mà dễ tin người thế chứ. Xong ông xếp hàng dài chờ trình giấy tờ nhập cảnh vào Mỹ mà lòng vẫn chưa hết kinh ngạc vì anh hải quan Mỹ xét hàng vừa rồi, ông vui lây và tự hào vì đã được người ta tin tưởng vào lời nói của mình. Người này tử tế bao nhiêu ông lại nghĩ đến người kia bấy nhiêu, nét mặt câng câng đáng ghét của cô hải quan xét hàng hóa ở phi trường Nội Bài khi lục mở túi hành lý của ông, và bộ mặt ấy bỗng biến thành tươi cười hơn hớn khi nhận được tiền ông đút lót. Bây giờ so sánh hai sự khác biệt, ông mới thấy đau đớn vì tiếc tiền, ông lẩm bẩm chửi khẽ:





image

Los Angeles airport

- Tiên sư con quạ mổ ! Tiên nhân con nặc nô ! làm tao mất toi năm trăm nghìn đồng bạc. Đến lượt ông Sĩ đối diện với ông hải quan Mỹ, ông nộp giấy xuất nhập cảnh ra, nhìn ông hải quan Mỹ to béo kềnh càng, ông Sĩ khiếp vía, ông Mỹ chưa quát tháo gì mà ông Sĩ đã hồi hộp, mồ hôi như rịn cả ra dù trong điều kiện không khí mát lạnh. Xem xong các giấy tờ một cách thành thạo và nhanh chóng, ông hải quan Mỹ nhìn ông Sĩ và nói:

- Welcome to USA . Ông Sĩ chẳng hiểu gì, hồn vía lên mây, vội vàng lục túi áo, túi quần, thì chị Việt Nam đứng cạnh bên ngạc nhiên hỏi:

- Bác tìm gì thế ? Ông ghé tai chị Việt Nam nói nhỏ:

- Chẳng biết ông hải quan Mỹ hạch họe gì, giấy tờ tôi đủ cả, thôi cứ biếu tiền cho xong chuyện. Ở đây họ có tiêu tiền Việt Nam không ? Chị Việt Nam bật cười như vừa bị ai thọc vào nách:

- Bác ơi là bác, ai hoạch họe gì bác, ông hải quan nói lời chào mừng bác vào đất nước Mỹ đấy.

Ông Sĩ ngạc nhiên kêu lên:

- Thế à ? Ai quen biết gì nhà ông ấy mà chào mừng nhỉ …


image

- Thì họ lịch sự xã giao mà bác. Giây phút này ông Sĩ nhớ ngay đến bộ mặt trơ trơ lạnh lùng và cách ăn nói hỗn hào, trịch thượng của anh hải quan ở phi trường Nội Bài, anh ta là người Việt Nam, đáng tuổi con cháu ông mà cư xử với ông còn thua ông hải quan người Mỹ khác giòng, khác giống này nữa. Chị Việt Nam giục:

- Thôi bác cất giấy tờ kẻo rơi mất và ra ngoài đi, chắc người nhà bác đang đợi bên ngoài đấy… Ông Sĩ hớn hở khóac túi xách lên vai, tay còn lại xách cái túi lớn và đi theo dòng người ra ngoài… Ông đi từ ngơ ngác này đến ngơ ngác kia khi nhìn cảnh và người xung quanh, cho đến khi cả đám thân nhân chạy ùa ra đón ông:

- Anh Sĩ đấy à ? Em là Nguyễn văn Tượng đây…

- Chào bác Sĩ, chúng cháu là con ông Tượng. Ông không thể nào nhận ra thằng Tượng em ông ngày xưa, ông từng cõng nó trên vai dù hai anh em suýt soát tuổi nhau, bây giờ nó bệ vệ hồng hào, khiến ông phải thốt lên:

- Giời ạ, chú Tượng mà tôi cứ tưởng ai, dù nhìn hình rồi mà tôi vẫn không nhận ra chú, trông cứ như tổng giám đốc hay thủ trưởng cơ quan ở thủ đô Hà Nội. Nhưng sao chú vẫn nhận ra tôi, hở ? Ông Tượng thành thật:

- Dĩ nhiên là qua hình anh gởi, nhưng nhìn thấy một ông Bắc kỳ ngơ ngác giữa phi trường Los. này thì không ai ngoài anh. Ông Sĩ vẫn chưa tỉnh cơn mê:

- Người ở đâu mà lắm thế ! cứ ồn ào và nhốn nháo như tôm tươi nhảy trong rổ … Mọi người lên xe hơi để về nhà, vì con cháu ông Tượng ra đón đông nên phải đi làm ba xe làm ông Sĩ thầm thán phục khi biết chúng nó đứa nào cũng có ô tô riêng. Ông chợt nhớ ra vội dặn dò con ông Tượng:

- Này các cháu, chạy xe cẩn thận nhé kẻo xe bốc cháy như ở Việt Nam đấy. Ông Tượng trấn an lại ông anh:

- Anh đừng lo, hiện tượng xe gắn máy và xe hơi bốc cháy chỉ có ở Việt Nam , chắc vì xăng dầu bị pha chế do lòng tham của con người mà ra thôi. Xe hơi chở ông Sĩ từ phi trường Los Angeles đi vù vù qua những con đường, lên đến highway 405 song song là 6 hàng xe làm ông Sĩ không tin vào mắt mình, ông cẩn thận đếm đi đếm lại mấy lần. Trên đầu ông cũng là cầu highway, ông nhìn phía trước, những đường cầu highway chạy dài chồng chất hai ba tầng, tạo thành những đường cong uốn lượn, chỗ cao chỗ thấp vừa hoa mỹ vừa hiện đại với dòng xe cộ nườm nượp mà chóng cả mặt. Đường xá ở Mỹ sao mà cao siêu và vĩ đại thế, nơi đâu cũng toàn xe là xe, đông như đi chảy hội, mà tuyệt nhiên ông Sĩ không nghe một tiếng còi xe nào, chả bù cho tại Việt Nam, chỉ phố huyện của ông thôi mà xe cộ ngược xuôi, xe nọ qua mặt xe kia, bất chấp ai trước ai sau và còi xe thì luôn kêu inh ỏi để người ta biết mà tránh né nhau, chứ đèn đường hay dấu hiệu luật lệ giao thông chẳng hiệu quả gì, hình như chỉ để phô trương và triển lãm, đến nỗi người ta có cảm tưởng rằng nếu xe không có còi thì đừng hòng ra đường. Ông Sĩ phải thốt lên:


image

- Sao mà nhiều cầu vượt đến thế, sao mà nhiều xe cộ đến thế ? chỉ riêng nước Mỹ này đã ngốn hết bao nhiêu xăng dầu của thế giới rồi còn gì ! Qua khỏi cầu highway 405, xe chở ông Sĩ đang đi vào một thành phố, rồi đến những khu đường vắng vẻ dần, khi xe dừng lại trước một bảng hiệu stop màu đỏ khá lâu thì ông Sĩ ngạc nhiên hỏi ông Tượng:

- Sao ngừng lâu thế ?

- Bảng “Stop” là phải ngừng hẳn xe anh ạ.

- Ối giời, bảng gì thì bảng, nhưng chỗ này vắng vẻ không có ai thì ta cứ linh động mà đi chứ ngừng làm gì cho phí thì giờ ?

- Luật lệ ở Mỹ ai cũng phải tôn trọng, dù là lúc nửa đêm không một bóng người cũng vậy. Ông Sĩ gật gù khen:

- Ở Mỹ thật là tự giác, chả bù cho ở Việt Nam ta cứ làm liều cho đến khi bị phát giác.…

Những khu nhà cư dân hiện ra, ông Sĩ thất vọng khi nghĩ nhà em trai mình ở một nơi vắng vẻ như thế này chắc không khá giả gì. Ông Tượng như đọc được ý tưởng trong đầu ông anh, bèn giải thích:

- Nhà em ở trong khu này, một trong những khu vực nhà cửa có giá của California . Ông Sĩ hỏi lại:

- Ở nơi hiu quạnh thế này mà lại đắt đỏ thế kia à ?

- Vâng, ăn thua địa thế, nhà trên đồi, trên núi còn đắt hơn nhà dưới mặt đất. Chỉ những ai tiền triệu trở lên mới mua nổi nhà trên ấy thôi.

- Lạ nhỉ, ở Mỹ cái gì cũng ngược đời, ở quê mình, đồi núi bỏ không, làng xã phải khuyến khích người dân lên phát quang làm rẫy trồng khoai sắn tăng gia vì lúa gạo không đủ ăn, chứ làm gì có chuyện dọn lên đồi, lên núi mà ở cho hoang lạnh lẻ loi. Ông Tượng kể thêm:

- Nhà ở càng gần biển càng đắt, nhất là những căn nhà sát ngay bờ biển.

- Ối giời, ở Việt Nam chỉ những nhà nghèo mới ở sát biển, đối diện với sóng gió làm hao mòn nhà cửa, biển lấn đất liền có ngày nuốt chửng cả nhà và người chứ quý hóa gì. Ông Tượng hỏi thăm sang chuyện nhà :

- Nghe nói thằng út nhà anh làm việc ở công ty gì trên huyện, có khá không ?

- Chỉ “túc tắc” thôi. Được mỗi ưu điểm là khỏi chân lấm tay bùn như làm ruộng. Ông Tượng ngạc nhiên:

- Anh nói “túc tắc” là gì ? Em không hiểu…

- Là công việc lằng nhằng tạm đủ sống qua ngày. Trước anh có cho nó học tiếng Trung mà không xin được việc làm ở thành phố đành về làm công nhân phố huyện vậy. Ông Tượng lại hỏi và chép miệng than thở:

- Tiếng Trung là gì ? Việt Nam bây giờ nói nhiều từ lạ qúa em không hiểu nổi…



image

xây nhà cầu (xây dựng nước nhà và cầu nguyện)
Ông Sĩ giải thích:

- Cuộc sống tất bật qúa nên người ta phải nói tắt và hình tượng cho nhanh hiểu chú ạ. Tiếng Trung là Trung quốc, còn Singapore thì gọi là “Sing” cho ngắn gọn, chú hơi đâu mà lăn tăn. À, hai từ “Lăn tăn” là hình tượng đấy, nghĩa là chú cứ để tâm hồn thanh thản như dòng nước bình lặng, đừng suy nghĩ, thắc mắc như khi dòng nước gợn sóng lăn tăn. Hiểu chưa ? Ông Tượng trả lời mà nét mặt vẫn còn hoang mang:

- Vâng, em sẽ cố gắng hiểu. Về đến nhà, sau vài phút chào mừng thăm hỏi nhau rối rít, ông Sĩ lại lục đục với mớ hành lý, lôi ra giấy tờ và nghiêm chỉnh nói với em:

- Chú đưa anh ra công an khu vực khai tạm trú cho xong việc đã….

Ông Tượng bật cười không khác gì chị Việt Nam lúc nãy ở phi trường Los Angeles :

- Ở Mỹ không ai xét hỏi giấy tờ anh đâu. Ông Sĩ không tin:

- Chú nói thế nào ? Nếu công an khu vực không xét giấy tờ, thì chú cứ dẫn anh ra chào họ một tiếng cho phải lẽ, sau này họ không kiếm cớ bắt bẻ, làm tiền mình chú ạ…với lại chị có dự trù sẵn một ký chè Thái Nguyên để biếu họ đây.
Ông Tượng ngưng cười, cũng nghiêm chỉnh để giải thích:

- Nước Mỹ không có anh công an khu vực, không ai phải khai tạm trú tạm vắng. Họ đã xét giấy nhập cảnh của anh ở cửa khẩu phi trường, thế là xong.

- Thế anh đi ngoài đường họ có xét hỏi giấy tờ không ?

- Không tin ngay bây giờ anh cứ ra đường đi khơi khơi xem có ai biết anh mới vừa đến Mỹ không ? Ngay cả người hàng xóm bên cạnh cũng không hề biết nữa là… Ông Sĩ vẫn ngơ ngác:

- Thật thế ư ? Chẳng lẽ người Mỹ lại sơ hở thế ? quản lý đất nước và con người lỏng lẻo đến thế ? Ông Sĩ ngồi thừ người vì chưa hết sửng sốt, cả đời ông quen thuộc với nếp sống xã hội chủ nghĩa, đã ngấm vào thịt da xương tủy ông những thủ tục, luật lệ, nên ông tưởng nó theo ông dù ông đi đâu, đến đâu. Hôm nay, ông là một cựu chiến binh cộng sản, cựu kẻ thù của Mỹ, kẻ đã một thời từng mong tiêu diệt những lính Mỹ trên quê hương Việt Nam, theo đúng câu tuyên truyền “ Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” đang chễm chệ ngồi ngay trong lòng nước Mỹ, vậy mà không hề bị họ để ý, nghi ngờ hay làm khó khăn gì cả, quả là chuyện lạ lùng.
Buổi chiều, ông Sĩ ăn cơm cùng gia đình ông Tượng, có cả các con ông Tượng ở gần đấy sang chơi, trò chuyện đủ thứ. Gia đình ông Tượng bàn nhau kế hoạch sẽ đưa ông Sĩ đi chơi những nơi trong thành phố, rồi đi thăm thân nhân khác, tại những thành phố hay tiểu bang khác. Thật là nồng nhiệt, thân tình và vui vẻ. Tối hôm đầu tiên nằm ngủ ở Mỹ, trong nhà của em trai mình, trong một căn phòng riêng sạch sẽ đầy đủ tiện nghi, giường nệm, chăn gối thơm tho, phòng tắm, cầu tiêu ngay bên cạnh, ông Sĩ tưởng như mình lạc vào cõi mộng nào. Bao nhiêu năm đời bộ đội nằm bờ bụi, đói khổ, hết chiến tranh thì về quê, cảnh nhà nghèo nàn túng thiếu, ông nào biết có những cảnh đời tiện nghi sung sướng như thế này, ông Sĩ ao ước giá mà bà vợ cùng đi với ông để cùng được hưởng, vì mai kia ông có kể lại chắc gì bà ấy hình dung ra được. Ông thao thức mãi chưa ngủ được, phần vì thay đổi giờ giấc, phần vì lạ nhà, lạ cảnh. Ông lan man nhớ lại lúc ở phi trường Los. Anh hải quan đã tin cậy lời ông, một người xa lạ, mới gặp lần đầu một cách dễ dàng mà không xét hỏi thêm gì về hành lý của ông cả.

image
Hình minh họa

Ông chạnh lòng nhớ đến chuyện xa hơn, sau ngày đất nước hoà bình, ông Sĩ làm đơn xin hưởng lương hưu cựu chiến bình. Từ làng xã, đến các đơn vị đều biết ông bao năm đi bộ đội, vậy mà người ta hành hạ ông phải chạy từ quê lên huyện, lên thành phố, trở về đơn vị cũ, gặp thủ trưởng xưa, xin bao nhiêu chữ ký, bao nhiêu thứ xác nhận chòng chéo, vòng vo đến dư thừa thì họ mới cho hoàn tất hồ sơ. Bao nhiêu công lao và xương máu của ông đã đổ ra trong chiến tranh, mà chút quyền lợi đền bù cho ông sao nhiêu khê, khó khăn đến thế ! Lòng ông lại chập chờn những nỗi vui buồn, vui vì anh em ông có ngày đoàn tụ nhìn thấy nhau, ông sẽ có mấy tháng rong chơi ở nước Mỹ to đẹp này, buồn vì ông thấy hai cảnh đời khác biệt. Gia đình ông Tượng sang Mỹ, 3 đứa con đều ăn học thành tài cả, đứa nào cũng có bằng cấp đại học trở lên, có nhà cửa riêng, còn gia đình ông Sĩ cũng 3 đứa con thì 2 đứa lớn theo nghiệp cha ông làm ruộng, cuộc sống nghèo nàn lam lũ chẳng biết đời nào mới ngóc đầu lên nổi, thằng út đậu xong cái bằng phổ thông trung học, ông đã tìm cách cho nó thoát ly cảnh đồng ruộng, để cuộc đời đỡ vất vả, xin làm công nhân ở một hãng sản xuất đồ gốm trên huyện mà cũng tốn bao nhiêu công phu nhờ cậy giới thiệu và đút lót qùa cáp mới được nhận vào. Ông ngậm ngùi thầm trách bố ông sao ngày xưa không đem cả vợ con đi, mà kẻ trước người sau cho mộng đời dang dở, thì ngày nay cha con ông chắc cũng chẳng thua kém gì cha con ông Tượng. Bố ông yêu thích môn cờ tướng, chơi cờ tướng giỏi, vậy mà ván cờ cuộc đời ông chỉ tính sai một nước cờ mà thiệt thòi cả mấy đời người. Hết nghĩ chuyện nọ đến chuyện kia, ông Sĩ bỗng lo xa khi nghĩ đến 3 tháng du lịch ở Mỹ rồi sẽ trôi qua, ông sẽ trở lại Việt Nam, đối diện với cảnh sống nghèo nàn thường lệ, và trước mắt là đối diện với cuộc hành trình trở về từ Mỹ.





image


Hình minh họa

Xưa nay ông đã quen bị đối xử bất công trong mọi tình huống của cuộc sống rồi, có bị quát, bị mắng cũng chai đá rồi. Nhưng từ phi trường ở Nhật Bản đến phi trường ở Mỹ ông đã được đối xử một cách công bằng, lịch sự, hoàn toàn khác biệt ở phi trường Nội Bài, ông chợt thấy một thế giới khác tử tế hơn nơi ông sinh ra và lớn lên cho đến bây giờ. Trời ơi, lượt về ông sẽ gặp lại những bộ mặt từ chuyến bay hãng hàng không Việt Nam ấy, đến phi trường Nội Bài gặp mấy đứa hải quan ấy, mà ông thêm ngao ngán… Ông chỉ muốn chúng nó biến mất trong đầu óc ông để ông ngủ yên tối nay và thoải mái tận hưởng những ngày du lịch một đất nước lạ đời và thăm lại các người thân sau bao nhiêu năm dài xa cách. 
Nguyễn Thị Thanh Dương

GIA ĐÌNH TÔI ĐI HO
 Ngô Đình Châu
Bài số 4362-14-29762vb6101714

 Tác giả sinh năm 1952, dân gốc Sài gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, cựu tù cải tạo.

Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là một tự sự nhiều chi tiết sống thực về hành trình của một HO, nhân dịp 25 năm định cư tại Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
* * *

Ngẫm nghĩ, tôi cùng gia đình đến Mỹ đến nay đã hai chục năm, thời gian vừa qua như một giấc mơ. Trong một chặng đường đời nào đó của chúng ta, nếu có quá nhiều việc phải làm, thì thời gian trôi qua rất lẹ. Nhất là, sau khi nhìn lại, chúng ta cảm nhận một điều rằng, hình như có một sự xếp đặt nào đó của định mệnh, của thiêng liêng, mà với sự hạn hẹp của con người, không sao giải thích nổi.

Tháng 12- 1993, vợ chồng tôi cùng đứa con gái lên 9 tuổi, đến nước Mỹ theo Chương trình HO số 21. Đây là chương trình của chánh phủ Mỹ bảo trợ cho những người “tù cải tạo” trên 3 năm, họ được cùng gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ.

Máy bay của hãng United đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 11 giờ sáng. Ra khỏi cửa, chúng tôi cứ đi theo đoàn người, hối hả đi về phía trước, cứ như thế chứ nào có biết đi về đâu. Rồi cuối cùng chúng tôi gặp một tấm hình thật lớn của Tổng Thống Bill Clinton, tươi cười chào đón chúng tôi. Như vậy là coi như chúng tôi đến được nước Mỹ.

Nhớ trước đó một ngày, gia đình đưa tiễn chúng tôi tới Phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 3 giờ sáng, để chuẩn bị cho chuyến bay lúc 6 giờ. Chỉ có mẹ tôi và mấy đứa em đưa tiễn, cha tôi buồn lắm nên ông không đi, tôi nhớ lúc tôi cất tiếng chào lần cuối: "Thưa Ba, con đi!" tôi thấy ông đã nhỏ nước mắt. Bây giờ cha tôi không còn nữa, khiến tôi nhớ hoài những giọt nước mắt của ông.

Nhân viên của Trung tâm Dịch vụ Di trú Nguyễn Kim, đã tiếp đón và hướng dẫn chúng tôi thật chu đáo và chuyên nghiệp. Họ tập họp mọi người lại, đọc tên kiểm tra danh sách, trao cho mỗi gia đình một túi hồ sơ IOM (Cơ quan Di trú Quốc tế), dán bảng tên có những ký hiệu đặc biệt vào ngực áo của mỗi người. Họ chỉ hết nhiệm vụ khi chúng tôi bước vào khu vực Hải quan.

Nhân viên Hải quan tiếp chúng tôi bằng gương mặt lạnh lùng, họ hỏi tôi có mang tiền đô theo  không? Tôi đưa tiến ra, họ chẳng đếm gì hết, cầm xấp tiền xòe ra, rồi thản nhiên rút một tờ giấy bạc cho vào túi áo, rồi cười cười khoát tay cho đi. Chúng tôi lủi thủi kéo nhau đi, không nói một lời.

Khi máy bay cất cánh rời khỏi Sài Gòn, lúc trời vừa hừng sáng, tôi cảm thấy trong lòng nổi lên một điều lạ, là tôi không cảm thấy một nỗi buồn ly biệt nào, khi phải rời bỏ quê hương đất nước... mà lại cảm thấy trong lòng nhẹ tênh, như vừa trút bỏ một cái gì nặng nề, đã đeo bám theo tôi từ bấy lâu nay.


Từ Sài Gòn, máy bay đến Hong Kong, để chuyển tiếp máy bay khác đi Mỹ. Từ phi trường Tân Sơn Nhất đến phi trường Hong Kong, khung cảnh khác xa một trời một vực. Cơ quan IOM đã chuẩn bị chu đáo, vì họ biết rõ chúng tôi thuộc loại "mán về thành", cho nên họ sắp xếp nhân viên phi trường tiếp đón chúng tôi. Khi vừa ra khỏi cửa máy bay, nhân viên của họ lập tức phân loại chúng tôi thành từng nhóm theo những ký hiệu ghi trên ngực áo, chẳng hạn, nhóm này về Nam Cali, nhóm kia về Houston, nhóm khác về Virginia... Từng nhóm ngồi bệt riêng rẽ trên sàn nhà, những du khách đi lại trong phi trường nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, chúng tôi cảm thấy mình thiệt hèn mạt khi bị đối xử như một đàn vịt đầy ngớ ngẩn với thế giới văn minh bên ngoài đất nước. Sau cùng nhóm chúng tôi được một nữ nhân viên hướng dẫn đến một cái cổng để lên phi cơ bay đến miền Nam Cali. Chuyến bay từ Hong Kong đến Los Angeles dài 12 tiếng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua một chuyến bay dài kinh khiếp, cho đến nỗi mọi cảm giác của tôi đều mụ mẫm. Chốc chốc, tiếp viên lại dọn bữa ăn, chúng tôi "ăn thấy thương", tội nghiệp!

Sau khi bước qua tấm hình chào đón của TT Mỹ, chúng tôi bước vào khu vực Hải quan. Tại đây chúng tôi được một nhân viên IOM người Việt tiếp đón, sau khi kiểm tra danh sách, anh ta dặn dò chúng tôi đủ thứ chuyện, trong đó có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Anh ta đã nói như thế này:" Khi nào quí vị muốn đi toa lét, thì làm ơn nhìn kỹ hình vẽ trước cửa ra vào, đàn ông thì vào cửa có hình đàn ông, đàn bà thì vào cửa có hình đàn bà, xin cẩn thận đừng đi lộn chỗ, sẽ rất phiền toái cho quí vị và cho chúng tôi."

Tôi nghe mà ngượng lắm, trời đất! chả lẽ chúng tôi quê mùa ngớ ngẩn đến như vậy sao? Sau đó anh ta hướng dẫn chúng tôi vào khai báo Hải quan, cũng gặp một nhân viên người Việt, anh ta tươi cười lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ và lễ phép.

Chúng tôi khệ nệ đẩy xe hành lý ra khu Terminal 4, lúc đó chúng tôi chớ hề biết rằng, đống hành lý quần áo mà chúng tôi cất công mua sắm ở VN, chỉ một thời gian sau là vất bỏ hết, vì không còn thích hợp nữa. Khổ nỗi, trước đó không có ai cho chúng tôi biết về điều này.

Loay hoay một hồi tại khu tiếp đón, chúng tôi cũng gặp được người nhà, một bà chị dâu họ, mà tôi chưa hề biết mặt. Đứng trước khung cảnh bao la tráng lệ của phi trường Los, một phi trường lớn vào bậc nhất của thế giới, trong lòng tôi cảm thấy vừa hèn kém vừa sợ hãi.

Một trong những ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi, là người Mỹ sao họ đẹp đẽ quá, nét mặt của họ rất là thông minh sáng sủa, hồng hào đỏ thắm, nhìn họ một hồi là thấy họ có vẽ vừa văn minh vừa thượng đẳng, hơn hẳn các sắc dân khác qua lại trong phi trường vào lúc đó. Rồi một điều làm cho tôi kinh ngạc nhất, là khi nhìn lại những người Việt cùng đi chung chuyến bay với chúng tôi hôm đó, hầu hết đếu mang một bộ mặt sầu thảm khổ nạn. Tại sao lại như vậy? Tôi không biết được, mà lờ mờ cảm thấy rằng, vận mệnh của mỗi đất nước, hình như được thể hiện qua sắc mặt của người dân xứ đó, có phải vậy không?

Bà chị đưa chúng tôi ra bãi đậu xe, chúng tôi nhìn bãi đậu xe mà thấy khiếp vía, xe đậu tầng tầng lớp lớp, không biết cơ man nào mà kể. Chị nói mỗi Terminal có một bãi đậu xe như thế này, mà phi trường Los có đến 8 Terminal.


Nhà chị thuộc thành phố Hawthorne, nằm giữa đường từ Los đến Little Saigon. Xe nhập vào Freeway 105, lao vun vụt vào dòng xe cộ đông nhung nhúc trên đường, xe chạy với tốc độ khoảng 100 cây số/giờ, mà sao lúc đó tôi hãi lắm. Tôi thấy chị lái xe sao "nghề" quá, biết đến bao giớ tôi mới dám lao vào dòng xe cuồn cuộn kinh khủng kia chứ.

Về tới nhà, vợ chồng con cái lừ đừ lử đử, ăn uống qua loa xong chúng tôi kéo vào phòng, ngủ một giấc dài. Khi thức dậy, trời đã về chiều, chúng tôi ra phòng khách ngồi nói chuyện chơi với chị. Bỗng một lát, tôi thấy có người đi làm về, bà chị giới thiệu là ai đó. Rồi một lát sau có thêm người khác về nữa, chị lại giới thiệu. Cứ vài lần nữa cho đến tối thì nhà đầy người. Tôi chẳng hiểu sao nữa, nên ngạc nhiên lắm. Mãi sau này tôi mới hiểu, giá nhà ở Cali rất đắt đỏ, muốn mua một cái nhà rất khó khăn, cho nên người ta sống chen chúc với nhau gọi là "share phòng", để chia tiền nhà ra cho "nhẹ thở", cho nên những người ở chung nhà đóng góp hàng tháng tiền nhà tiền ăn cho bà chị. Ý trời đất ơi! cái kiểu này tôi chưa từng thấy ở VN.

Chị lại dẫn chúng tôi đi vòng quanh nhà, chỉ dẫn cách xử dụng đồ đạc, nào là lò micro wave, bếp ga, nào là máy giặt máy sấy, điện thoại, tủ lạnh, toa lét... hầu hết những thứ này ở VN lúc đó chưa phổ biến lắm, cho nên chúng tôi nhìn chúng mà lòng đầy "sợ hãi". Cái gì cũng xa lạ, thậm chí có khi tôi muốn mở cái tủ trong nhà bếp để lấy cái ly uống nước mà không biết làm sao để mở, lại xấu hổ không dám hỏi ai, thiệt khổ!

Ngày hôm sau, chị dẫn chúng tôi đến Hội Thiện Nguyện. Đây là một Cơ quan tư nhân, hoạt động từ thiện bất vụ lợi, Hội đã trợ giúp chính phủ trong việc tiếp nhận người mới nhập cư, và cũng chính hội này đã cho tất cả các gia đình chúng tôi mượn tiền mua vé máy bay đến Mỹ.


Khi chúng tôi bước vào phòng của bà Thư ký tên Kim (người Việt), lúc đó bà đang tiếp một gia đình khác, nên bà bảo chúng tôi ngồi chờ. Tôi ngồi ngó quanh quẩn trong phòng, chợt nghe bà Kim dặn dò người đàn ông chủ hộ: "Hàng tháng ông nhớ trả tiền vé máy bay cho Hội, mà ông đã ký giấy vay mượn, mỗi tháng ông trả dần một ít, bao nhiêu cũng được tùy theo sức của gia đình ông." Người đàn ông nhạt nhẽo trả lời: "Chắc chị dặn cho có lệ mà thôi, chứ tôi có thấy ai trả tiền này bao giờ đâu?" Tôi nghe sao thấy kỳ kỳ!

Khi gia đình đó xong việc, chúng tôi được mời ngồi vào bàn, bà Kim bèn rao giảng "quốc văn giáo khoa thư" cho chúng tôi ngay lập tức: "Anh chị đừng có nghe cái ông hồi nãy nói nha, thiếu tiền vé máy bay của Hội thì phải trả, có ít trả ít, có nhiều trả nhiều, trả đến chừng nào hết nợ thì thôi. Không trả thì vô ơn bạc bẽo lắm, phải trả cho chúng tôi, để chúng tôi có tiền lo cho những người đi sau nữa chứ, Anh Chị thấy có đúng như vậy không?" Tôi gật gù nói phải a! phải a!

Bà còn chỉ dẫn chúng tôi làm nhiều chuyện, trong đó có một chuyện rất quan trọng, là hướng  dẫn chúng tôi đến Sở Xã Hội để xin trợ cấp cho những gia đình mới đến Mỹ, đồng thời cũng xin trợ cấp Bảo hiểm Y tế. Sau này hàng tháng chúng tôi nhận được trợ cấp là 600 đô cho gia đình 3 người và còn khám chữa bịnh miễn phí, đây là điều mà chúng tôi rất cảm kích nước Mỹ đã giúp đỡ chúng tôi lúc ban đầu, nếu không thì thiệt là "nín thở."

Bà Kim lại một lần nữa dặn dò chúng tôi đủ thứ chuyện: "Ở với người bảo trợ thì miễn đóng tiền nhà tháng đầu, đến tháng thứ hai phải đóng đầy đủ theo thỏa thuận, gọi điện thoại long distance phải trả tiền cho chủ nhà, ăn ở phải giữ gìn ý tứ nhất là khi xử dụng toa lét..." Liếc ngang, tôi thấy mặt mày vợ tôi lộ vẻ nghiêm trọng, còn tôi, càng nghe càng thấy "oải chẻ đậu".

Trên đường về, bà chị chở chúng tôi ghé vào một ngôi chợ Việt Nam có tên là Đất Mới, ngôi chợ to cỡ trung bình, nhưng rất khang trang và sạch sẽ. Lúc đó ở VN chưa có siêu thị, nên khi bước vào chợ Đất Mới chúng tôi rất ngỡ ngàng và thích thú. Chị giới thiệu chúng tôi với bà chủ chợ: "Khách hàng mới đây nha bà!" Bà chủ tươi cười chào đón và nói năng xởi lởi.

Dạo quanh chợ chúng tôi hết nhìn món này rồi đến món kia, chúng tôi xầm xì tính nhẩm từ tiền đô ra tiền đồng VN, thấy món nào cũng đắt "vàng trời". Cứ tính như thế, sợ đến mức không dám mua gì cả.

Đi chợ xong, chúng tôi kéo đến quầy tính tiền, chị vói lấy cho tôi một tờ báo có tên là Người Việt. Chị nói: "Chú mới qua chắc còn thích đọc báo, người ở đây lâu chẳng ai còn muốn đọc báo nữa!"

Chị đã nói sai, kể từ cái ngày đầu tiên tôi cầm tờ báo này trên tay, tôi đã đọc nó ròng rã suốt 20 năm trời. Trong rất nhiều báo phát hành tại Nam Cali đây là một trong những tờ báo đứng đắn và chuyên nghiệp nhất, đồng thời nó là một tờ báo sống dai nhất trong lịch sử báo chí VN, từ hải ngoại cho tới trong nước, tuổi thọ của nó đã được 35 năm rồi. Phải nói một điều, tờ báo Người Việt này là một phần đời sống của vợ chồng chúng tôi, nếu không có nó sẽ tăng thêm phần tẻ nhạt.

Rồi lần lượt ngày qua ngày, Chị đưa chúng tôi đi làm giấy tờ, khám sức khỏe, học lái xe, học Anh văn mà ở đây người ta gọi là học ESL. À nói chuyện học ESL mới thật tức cười. Ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi gặp nhân viên phỏng vấn, họ nói liến thoắng một hồi, mặt chúng tôi cứ nghệt ra, vì có hiểu gì đâu. Thấy bộ tịch "nai tơ" quá, họ bèn xếp vào lớp thấp nhất. Vào lớp, chúng tôi thấy toàn là người Mễ. Sau đó cô giáo cho làm bài kiểm tra, chúng tôi làm rất dễ dàng vì đọc và hiểu hết, trong khi người Mễ họ nói tiếng Mỹ nghe rau ráu mà lại không biết chữ, lạ thật.

Cuối giờ, cô giáo dẫn chúng tôi lên văn phòng đề nghị cho học lớp cao hơn, thiệt là ấm ớ.

Học ESL một thời gian chúng tôi thấy "ngán" quá, bởi vì học đến chừng nào mới thành tài. Trong khi vợ chồng chúng tôi đã lớn tuổi, chữ Mỹ học vô chữ này thì lọt ra ngoài chữ kia. Cứ nói tiếng Mỹ theo cái kiểu "lùng nhùng", trong đầu cứ dịch từ tiếng Việt qua tiếng Mỹ, rồi mới phát ra lời nói. Chúng tôi học còn lâu lắm mới đạt tới trình độ suy nghĩ ngay bằng tiếng Mỹ, cho nên chuyện học còn xa vời lắm.

Sau đó chúng tôi bỏ học ESL, xin vào làm trong một Shop May ở gần nhà. Vợ chồng Chủ Shop là người Việt, không biết các shop may khác ra sao, chứ cái shop này, Chủ biết cách bóc lột người làm ra trò lắm. Tôi đứng ủi quần áo một ngày 10 tiếng, mồ hôi tuôn ra từng chập, vây mà cao lắm chỉ lãnh 20 đô một ngày, trong khi vào thời điểm đó, lương căn bản là 6-7 đô một giờ. Chủ Shop này họ đã tính toán rất kỹ, thí dụ khởi đầu họ giao ủi một cái áo là 15 xu, thấy chúng tôi ủi nhanh quá, họ hạ xuống còn 10 xu, nếu vẫn còn nhanh, họ sẽ tiếp tục hạ xuống nữa, để làm sao ủi cả ngày, họ chỉ trả lương không quá 20 đô. Họ biết chúng tôi là dân mới qua Mỹ, còn hưởng trợ cấp xã hội, cho nên chỉ có thể đi làm "chui" lãnh tiền mặt, cho nên họ tha hồ o ép. Tình "đồng hương" chỉ là chuyện nói cho vui nơi những người này.

Một hôm trong giờ giải lao, đám thợ chúng tôi ngồi tán gẫu trước cửa shop. Bỗng có một anh chàng trạc tuổi tôi, đi đâu đó chạy ngang qua, bèn tạt vào shop ghé thăm người bạn. Anh ta cũng sà vào đám chúng tôi, góp vài câu chuyện vu vơ. Chợt anh ta thốt lên một câu, mà sau này ngẫm nghĩ lại tôi cho đó là một câu định mệnh, đã biến đổi đời sống chúng tôi qua một khúc quanh khác. Anh ta đã nói như thế này: "Các anh em làm ở đây cực quá, lại kiếm không được bao nhiêu tiền. Sao anh em không đi học nghề Nail, nghề này rất dễ kiếm việc làm, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao nữa!" Tôi nghe thế, bèn lấy làm ngạc nhiên lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi nghe như vậy. Trong khi Chị tôi và những anh em sống chung trong nhà, chẳng ai nói với chúng tôi điều đó cả.

Vài hôm sau, chúng tôi đến một trường dạy nghề thẩm mỹ xin học. Trường nằm ở vùng South Bay cũng gần nhà, vừa dạy nghề tóc vừa dạy nghề nail, do người Việt làm chủ. Cô giáo cũng người Việt, dạy chương trình tiếng Mỹ, tuy nhiên bài vở đã dịch sang tiếng Việt cho dễ học. Học được vài hôm, có bữa cô giáo nhìn tôi ái ngại rồi nói một câu làm tôi "ngượng điếng người": " Anh xin học nail, để sau này phụ coi tiệm với người nhà của anh phải không? Chứ anh là đàn ông lại lớn tuổi, thì làm nghề này khó xin việc lắm!"

Cô đã nói sai, lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi, và đã làm nghề nail đến nay liên tục 18 năm, không hề thất nghiệp một ngày nào hết!

Sau khi học khoảng 3 tháng là xong chương trình. Chúng tôi xin đi thi tận trên downtown của Los Angeles. Bài thi lý thuyết bằng tiếng Anh, rồi kế đó là phần thi thực hành trên tay người mẫu, tất cả đều được giám sát gắt gao bởi các giám khảo người Mỹ. Trong cuộc đời đi học của tôi, cũng có khi đi thi lấy bằng này bằng nọ, nhưng tôi chưa khi nào sung sướng tột bực, như khi thi đậu cái bằng hành nghề Nail như thế này. Không phải chỉ riêng tôi vui mừng, trong ngày hôm đó ngoài những người Việt chúng tôi, còn có các sắc dân khác nữa. Khi họ được xướng tên lên lãnh bằng, có người kêu rú lên mừng rỡ, có người nhận bằng xong nằm lăn ra trên thảm, lăn lộn kêu gào như người điên. Bởi vì ở Cali thi cử rất nghiêm ngặt, lấy được cái bằng hành nghề không phải dể, có người đi thi mấy năm trời mới thành công, cho nên họ mừng rỡ tột bực là như thế.

Vợ chồng tôi sau đó được nhận vào làm nơi một cửa tiệm, mà cô chủ có họ hàng với anh chị tôi. Phải nói một điều thật lòng, cho mãi đến bây giờ, chúng tôi không bao giờ quên ơn nghĩa của người chủ tiệm Nail đầu tiên này. Lúc đó cô chủ còn trẻ lắm, chỉ độ ngoài 30, cô đã hết lòng hết sức kèm cặp chúng tôi. Bởi vì những điều học ở trường, chỉ đủ để đi thi lấy bằng, còn khi ra tiệm làm thật sự trên tay khách, là một điều hoàn toàn khác hẳn.

Mấy ngày đầu làm việc, tôi sợ nhũn cả người, mồ hôi tuôn ra dầm dề, nhìn thấy cái móng tay sao mà nhỏ xíu, nhìn mấy bà Mỹ đen sao mà kinh khiếp rụng rời, chỉ sợ dũa đứt tay thì thật là tai họa. Cô chủ phải bỏ khách chạy lại giúp tôi, nhất là cái màn cuối cùng thật "hãi", đó là sơn móng tay, tưởng chừng dễ lắm, mà lại là chuyện cực kỳ khó cho người mới vào nghề, cho nên đôi khi gặp màu khó sơn, cô chủ còn phải sơn hộ cho tôi. Đây lại là một người có tấm lòng nhân ái rất lớn đối với đồng hương.

Ở Cali, nghề Nail cạnh tranh khốc liệt, cửa tiệm nhan nhản khắp mọi nơi, hễ có khu plaza là có tiệm nail nằm trong đó. Người Việt chúng ta có một điều rất dở, làm cùng nghề họ chỉ giỏi lườm nguýt, mà chớ hề biết liên kết lại với nhau, cứ phá giá để kéo khách về tiệm của mình. Đó là một trong những lý do khiến cho người Mỹ và các sắc dân khác bỏ nghề nail, để mặc cho người Việt thống lĩnh thị trường, và tha hồ chém giết tranh giành nhau. Dần dần giá cả làm nail ở Cali rẻ mạt, chỉ còn bằng nửa giá ở các Tiểu bang khác.

Cho nên sau bốn năm sinh sống ở Cali, chúng tôi ngậm ngùi từ giã mọi người: Chị tôi, cô chủ tiệm, bạn bè thân quen. Để bay về một thành phố nhỏ thuộc Tiểu bang Illinois, có tên là Joliet, thuộc ngoại ô của thành phố cực lớn là Chicago.

Chúng tôi đến Joliet vào mùa Đông năm 1997, lúc đó tuyết bay trắng xóa bầu trời chào đón chúng tôi, tuyết phủ kín thành phố, và còn phủ kín cả cánh đồng bắp bạt ngàn ở bên ngoài. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt, nhiệt độ luôn luôn dưới âm độ C. Khung cảnh vừa đẹp man dại vừa thê lương khủng khiếp. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi, đây là nơi chỉ sống tạm bợ để kiếm tiền, chứ không thích hợp cho chúng tôi để sống một cuộc sống lâu dài.

Truyện Kiều có câu: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" Tôi nghĩ không nhất thiết phải như vậy đâu, mà có khi còn ngược lại như thế nữa: "Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ". Không biết có phải trời quá lạnh lẽo hay không? Không biết có phải cái màu trắng ghê rợn của tuyết hay không? Mà sao cảnh vật buồn đến "nín thở", buồn đến độ chán ngán "nẫu" cả người, không còn thiết tha đến điều gì nữa hết, rất dễ đưa người ta đến những ý tưởng tiêu cực.

Tới bây giờ sau một thời gian dài sống trên đất Mỹ, tôi cũng không hiểu tại sao cảnh vật nơi xứ này trông buồn lắm, không phải chỉ ở các tiểu bang lạnh giá, mà ngay cả các tiểu bang nắng ấm cũng buồn nhưng đở hơn mà thôi. Giống y như một câu thơ của Hoàng Anh Tuấn: "Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc" lúc đó tôi nghĩ, mãi mãi tôi chỉ là một người đi lạc ở một nơi chốn không có hồn Việt Nam, chỗ nào đối với tôi cũng đầy xa lạ, vì nó không phải là quê nhà, ở đó tôi có biết bao kỷ niệm, từng dãy phố, từng hàng cây, từng tiếng động và ngay cả từng con người...

Ở Cali, nắng vàng rực rỡ quanh năm, muốn ăn phở là có phở, muốn xôi chè bún mắm đều có đủ, không thiếu một thứ gì ở quê nhà, nên cái buồn quạnh quẻ, nó không đến nỗi nào. Còn ở cái vùng đất Joliet này, quả là nơi cùng trời cuối đất cho người Việt chúng tôi, nơi đây chỉ toàn là người Mỹ, chỉ toàn là xe Mỹ, và nghe tiếng Mỹ rào rào điên đầu điếc óc. Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi lái xe lên khu VN ở khu uptown Chicago. Có những hôm trời đổ tuyết dày đặc, chúng tôi cũng phải đi, không đi thì trong lòng nôn nao không sao chịu được, giống như phát ghiền cái không khí VN ở nơi đó.

Lái xe khoảng một tiếng, đường xa độ chừng 80 cây số, đến nơi chúng tôi đi chợ Việt Nam, mua rau cải, nước mắm nước tương, cá trê vàng, cá ba sa từ VN chuyển qua... rồi mua những món ăn chơi như chè đậu, chuối nướng, bánh ú, bánh cam, bánh còng... Ghé vào tiệm mướn phim bộ Hong Kong (lúc đó chưa có phim Hàn quốc), mua dĩa nhạc, sách báo VN... Rồi vợ chồng con cái kéo vào tiệm ăn tô phở, tô mì hoặc dĩa cơm tấm... và nhìn người Việt đi qua đi lại, chuyện trò râm ran bằng tiếng Việt. Chỉ có vậy thôi, mà sao đỡ nhớ nhà nhớ quê nhiều lắm. Có những chiều trời lạnh căm căm, gió Chicago lồng lộng thổi, chúng tôi co ro đi trên phố vắng người, mà trong lòng thấm thía thế nào là ly hương, thế nào là viễn xứ, "tình ngỡ đã quên đi, nhưng tình bỗng lại về..."

Sau 5 năm chịu đựng những mùa đông xứ tuyết, cái lạnh giá thì có thể chịu được, nhưng cái buồn "nát cả lòng" thì không tài nào chịu nổi, có lẽ tôi là người quá nhạy cảm chăng? Sau khi con gái tốt nghiệp Trung học, chúng tôi quyết định rời bỏ Joliet, để đi về miền nắng ấm Florida. Vất hết đồ đạc, chúng tôi chỉ mang theo quần áo và đồ dùng hàng ngày, chất lên chiếc xe van Honda Odysse. Tôi bấm 3 hồi còi dài để chào gĩa biệt Joliet.

Đến Jacksonville - Florida, được gia đình bạn tôi Lê Tấn Đức K2 giúp đỡ lúc ban đầu. Sau đó, chúng tôi mua một căn nhà nhỏ, rồi sang lại một tiệm nail cũng nhỏ chỉ có hai vợ chồng lủi thủi làm với nhau, tiền bạc không kiếm được nhiều như hồi còn ở Joliet, nhưng mà tôi thấy vậy cũng đủ rồi, "tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc." Con gái cũng tốt nghiệp Đại học, cũng sống đời bình thường với chúng tôi. Và từ đó, tôi nghĩ ông Trời đã đãi ngộ cho tôi quá nhiều, sau những gian truân mà tôi gặp phải, tôi chỉ cầu mong được như vậy thôi mà.

Trong khoảng 10 năm đầu sống trên đất Mỹ, tôi vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm, giống như một câu kinh nhật tụng: "Tôi sẽ về lại Việt Nam... tôi sẽ về..." Như tôi đã nói "ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc", lúc đó tôi thầm nhủ, tôi sẽ mãi ngơ ngác trên vùng đất xa lạ này. Và tôi chớ hề nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi đổi khác.

Rồi cứ hai năm, chúng tôi trở về thăm quê nhà một lần. Và cứ mỗi lần về quê, cảm giác của tôi càng ngày càng lạ lẫm, bởi vì "nó" không còn là quê "ngày xưa" của tôi trong tâm tưởng nữa rồi. Có đi xa rồi ngoái cổ nhìn lại quê mình, lúc đó mới thấy một điều đau lòng, là đất nước ta còn vô vàn những điều bất cập, mà lúc còn sống trong nước tôi chớ hề thấy điều này, và tôi cũng e rằng trong vòng vài ba thế hệ nữa chúng ta vẫn chưa khắc phục nổi.

Khi về thăm VN, tôi có gặp những người giàu có thành đạt rất lớn, họ nói với tôi rằng: "có tiền ở Việt Nam vẫn sướng hơn ở Mỹ!" Tôi thấy đây là luận điệu của những người "ếch ngồi đáy giếng" Và tôi cũng không biết nói sao cho họ hiểu, bởi vì nhiều bạc tiền đến đâu chăng nữa, họ cũng không làm sao có được một môi trường sống "lý tưởng" như ở Mỹ, cho dù đến đời con đời cháu của họ cũng không tạo dựng nổi.

Chúng tôi ở Mỹ đến nay đã được 20 năm, cái "chất Mỹ" nó ngấm từ từ vào người lúc nào cũng không hay nữa. Cũng "cày" cật lực một ngày 10 tiếng, để có tiền trả tiền nhà, tiền xe, tiền bill, tiền thuế, tiền insurance, tiền nuôi con ăn học và hàng trăm thứ tiền "bà rằn" khác...

Dần dần chúng tôi cùng vui cùng buồn với nước Mỹ, chứ không còn thờ ơ lạt lẽo như trước nữa. Từ từ rồi chúng tôi cảm nhận được sự sung sướng khi được sống trong một đời sống văn minh, một môi trường trong lành, một xã hội trật tự ngăn nắp, ở một nơi mà người ta có rất nhiều cơ hội tiến thân, và cũng chính nơi này mọi người đều nhiệt tình đóng góp bổn phận công dân cho đất nước, rất nghiêm chỉnh với vị trí của mình.

Dĩ nhiên, không nơi nào mà không có các tệ nạn xã hội, nước Mỹ cũng vậy, cũng có cướp của giết người, cũng có lưu manh lừa đảo... nhưng những tệ nạn này càng ngày càng bị đẩy lùi một cách rốt ráo, cho nên nó trở thành hiếm hoi chứ không đầy dẫy, như cách nói của những người không ưa nước Mỹ.

Xa quê lâu quá, chúng tôi không còn con đường trở về nữa rồi, chúng tôi đã đổi khác, dẫu cho rằng:" Nguồn ngọn đã chia xa mấy đỗi. Sao nghe róc rách mãi trong lòng..." (thơ Hà Nguyên Dũng). Bởi vì, dần dần chúng tôi không còn chán ngán những dãy nhà buồn hiu, những con người xa lạ, và nhất là không còn thấy một nước Mỹ lạnh lùng với mình nữa. Cho nên chúng tôi đã chọn nước Mỹ là quê hương thứ hai, đúng như ai đó đã nói:" Nước Mỹ không là Thiên đường, nhưng là một nơi đáng sống nhất trên cõi đời này."

Viết xong ngày 12-11-2013.

Ngô Đình Châu

             

Còn đi Mỹ làm gì ?

image

Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo (Trung cộng), bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung tưởng như châm chích cười cợt mỉa mai nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo sâu cay thú vị về chính Trung cộng!
Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch, biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Sau đây là bản chuyển ngữ của Nguyễn Đại Hoàng:

*****

image
Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng!

1. Công nghiệp

image
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển!
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói, nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi!

Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !

2. Kinh tế

image

Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ !
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !

3. Xây dựng

image
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm. Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ !

4. Văn hóa

image
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy !
Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả !

5. Ẩm thực

image
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy!

Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai !

6. Phong cách

image

Người Mỹ làm như không biết tự trọng !
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học rất nổi tiếng, thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung cộng Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm !

Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !
Còn ở Trung cộng, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung cộng có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy ! Một công dân hạng ba của Trung cộng có khi còn hơn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy !

7. Học đường

image
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung cộng là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !

8. Y tế

image

Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung cộng …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm !
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi !

9. Báo chí

image
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao !
Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung cộng có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung cộng cũng có báo chí à ? Nghe mà bực !
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ . Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ !

10. Tâm linh

image
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Thật là buồn cười quá đi : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng !
Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ !

11. Lối sống

image
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoãn đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung cộng chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều !
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ ! Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ!

12. Mua bán

image

Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ !

13. An toàn

image
Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là : chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ?

14. Giao thông

image
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết !
Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95% tài xế không dám vượt đèn đỏ!
Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung cộng cơ chứ !

15. Tình cảm

image
Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc .
Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung cộng liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung cộng chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo !

16. Nhạy bén

image
Người Mỹ không nhạy bén chút nào !
99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau !


Sina Weibo

 

  •  

    No comments:

    Post a Comment

    No comments: