Khai Hoang
~~~





Nghe nói, người ta dự trù thiết lập nhà máy làm giấy, tại một tỉnh thuộc miền xuôi. Nhà máy do nước Thụy Điển bên trời Âu viện trợ cho nước ta. Không biết công trình đã khởi công hay chưa. Chỉ nghe tin đồn, mà tin đồn thì thực hư chẳng lấy gì làm chính xác. Nhưng có điều chắc chắn, những người thất trận từ miền Nam xa xôi, bị đẩy tuốt lên vùng mạn ngược, đã được lệnh khai hoang, phá rừng để trồng cây bạch đàn. Lúc đầu, không ai biết trồng bạch đàn làm gì. Mãi sau, mới vỡ lẽ ra rằng, thân gỗ xốp của bạch đàn có thể dùng làm giấy. Nhà máy chưa xây, đã bắt tay vào việc tạo nguồn nguyên liệu cung cấp. Quả là biết lo xa!

Những tháng mùa Đông. Trời Việt Bắc mang một màu trắng đục. Chưa nói tới cái rét trên da thịt, chỉ nhìn màu trời ảm đạm, đã thấy buốt cả tâm hồn. Kẻ đi đày, áo rách, xác ve. Lòng sầu quê cũ. Nếu so với kẻ đi xây Vạn Lý Trường Thành vào thời Tần Thủy Hoàng, chắc cũng có điểm tương đồng. Sử sách ngàn năm xưa chép lại, tiếng kêu ai oán còn nghe văng vẳng theo ngọn Đông phong dọc suốt dãy Trường Thành. Khí uất xông lên, mây mù che ám một góc trời phía Bắc Hàm Dương. Chế độ nhà Tần bị diệt, cung A Phòng cũng cháy thiêu. Đền đài cung điện nguy nga, bỗng chốc hoá tro tàn. Trải qua bao nhật nguyệt nắng mưa. Hươu nai chạy trên nền cũ. Lau sậy lút đầu. Chứng tích một thời ác nghiệt kinh thiên, còn lại một Vạn Lý Trường Thành. Dù nhân loại không muốn tái diễn chế độ bạo tàn, nhưng các sử gia khẳng định rằng, lịch sử luôn luôn lặp lại. Và lịch sử Việt Nam đang lặp lại cái thời Tần Thủy Hoàng, hơn hai ngàn năm trước. Không gian, thời gian sai biệt, tình huống chẳng khác gì nhau. Đốt sách và đày ải con người, dường như sao nguyên bản của chính sách nhà Tần.

Lên miền Thượng Du, đứng đâu cũng thấy núi non bốn bề vây hãm. Trông về Tây Bắc, lô nhô một dãy chắn ngang tầm mắt. Núi nhoà sương, không rõ nét. Muốn sang bên kia, khu vực được chọn trồng cây bạch đàn, phải qua đèo. Đèo không cao mà dốc ngược. Thế đất yên ngựa nằm vắt ngang dãy núi. Thoạt nhìn, đã ngao ngán đôi chân. Đường đèo trơn ướt, gập ghềnh đá tảng, luồn lách qua những cây nhỏ cây to, quanh năm che khuất mặt trời. Đá núi ngậm sương lâu ngày, phủ áo rêu phong. Người đi trước, nhỡ làm lăn một tảng đá, khó lường được tai nạn khốc liệt cho người đi sau. Có nhiều đoạn đèo cheo leo bên bờ vực. Tay bám vào cây, chân lần từng bước. Sơ ý ngã xuống vực, mất mạng như chơi.

Đoàn tù lên dốc lom khom, thân chúi về phía trước, trông như những con ốc sên to lớn dị thường, từ từ bò trên miệng vực. Để chống cái rét thiên nhiên, có bao nhiêu áo quần vá víu, tù nhân đều chùm đụp cả lên người. Trên lưng lại chở thêm chiếc ba lô tự tạo. Trong ấy đựng nhiều thứ vặt vãnh, nhưng vô cùng cần thiết cho một một đời sống vốn đã đơn giản hoá đến mức tối đa. Những hình nhân biến tướng, thành những hình thù kỳ dị biết di động. Dù đã trùm nhiều lớp áo quần, nhưng vẫn thấy rét. Rét từ đâu trong xương rét ra. Rợn từng hồi, dọc theo xương sống. Rét thắt ruột gan vì đói. Rét luồn vào đường gân thớ thịt, tạo thành cơn run.

Lên tới đỉnh đèo, ngồi lại nghỉ mệt. Ủ hai bàn tay trong cặp đùi, sưởi ấm cho những ngón lạnh tê. Hai bên sườn núi mịt mù sương trắng. Nhìn xuống lũng, mây nặng màu chì, la đà trên thôn bản. Vời trông xa xa. Không gian mù đục, chẳng thấy chân trời. Làm người quen sống tụ họp nơi những vùng đất thấp. Lên cao, cảm giác chênh vênh hiu quạnh lạ lùng. Khí ẩm. Cây lá ướt mù sương. Trời đứng gió. Mọi vật chung quanh im lìm, dường như nín thở. Chỉ có lũ vắt rừng đang âm thầm hoạt động. Nghe hơi người, vắt từ lá mục bò lên, bám vào kẻ ngón chân. Vắt trên lá cây buông mình rớt xuống, chui vào cổ áo. Khi nghe da thịt ngứa ngáy, con vắt đã no máu rồi. Trên mặt địa cầu, nơi nào cũng có loài hút máu. Nhưng so ra, trong tất cả các loài hút máu, không có loài nào kinh khủng bằng loài người. Loài người, khi đã hút máu người, thì hút đến cạn kiệt sự sống. Những kẻ đi đày hôm nay, đang bị xuất huyết bởi chính đồng loại của mình.

Trong nỗi cùng khốn, chợt nghĩ đến một nhà văn ngoại quốc. Ông ta cảm thấy bị lưu đày ngay trên quê hương mình. Ở những quốc gia bình yên sung túc, cuộc đời nhàn tản mãi, làm người ta nhàm chán. Họ muốn tìm cảm giác mới cho tâm hồn, tưởng tượng ra mọi nỗi thống khổ để quằn quại rên la cho thân phận kiếp người. Trên quê hương tôi, những thứ đó chẳng cần tưởng tượng. Tất cả những bất hạnh khổ đau nào cũng đều hiện thực. Chiến tranh. Nghèo đói. Chết chóc. Tù đày. Không vào địa ngục, cũng thấy cảnh A Tỳ. Quỷ Vô Thường hiển lộng. Những đấng Từ Bi Cứu Thế đều bỏ đi xa. Chúng sinh lặn ngụp trong bể trầm luân. Kêu gào. Than khóc. Chẳng thấy ai ra tay cứu độ. Thế mới biết, tại sao Lão Tử một mình cưỡi trâu xanh biệt tăm vào núi. Nhưng, thời của Lão Tử còn có thể tìm nơi cao sơn cùng cốc lánh đời. Thời của tôi, ẩn trong hang cùng xó núi cũng chẳng yên thân. Người ta sẽ lôi ra, gán cho đủ thứ tội lên đầu. Thành phần xã hội ở đây, được phân chia rất rõ. Quỷ và Người. Con người ở dương thế, nhưng sống trong trạng thái địa ngục. Phía sau những khẩu hiệu tưởng chừng dẫn tới thiên đàng, thật ra là đường về âm cảnh. Làm người trong thời của tôi, thường xuyên đi trên chông gai lửa đỏ. Tinh thần khủng hoảng, nhìn đâu cũng hồ nghi có họng súng lưỡi lê rình rập. Đêm chập chờn ác mộng. Nghe tiếng chó sủa, giật mình thảng thốt. Nghe gà gáy báo hiệu bình minh, sợ có kẻ tới nhà gọi đi thẩm vấn. Bị thẩm vấn là điềm báo tai ương, dữ nhiều lành ít.

Lên đèo đã vất vả. Xuống đèo, càng vất vả hơn. Không vận dụng sức lực nhiều, nhưng lắm rủi ro. Bất cứ lúc nào cũng có thể sẩy chân lăn xuống vực. Có nhiều đoạn dốc ngược, không thể di chuyển bằng đôi chân. Ngồi mà tuột dốc. Thương cho cái đít quần. Lết xuống tới chân núi, đít quần mòn rách te tua. Hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, cái ăn cái mặc là quý. Mảnh vải che thân bị rách, cũng đau như chính da thịt mình xây xước.

Qua tới khu vực chọn trồng bạch đàn, việc đầu tiên là lo chỗ ở. Tù nhân tạm trú trong nhà kho hợp tác xã. Nhà kho tứ bề trống lốc, không vách phên che. Dựng nhà kho để làm mô hình cho hợp tác xã. Người dân sơn cước chưa đủ miếng ăn, có đâu dư thừa lương thực cho vô nhà kho? Để chống cái lạnh thiên nhiên, tù nhân được ra đồng ôm rơm về lót ổ. Ngày còn nhỏ, nghe nói đến ổ rơm của người nghèo Miền Bắc. Thời xa xưa ấy, tưởng đã qua rồi. Không ngờ, mấy chục năm sau người tù đến đây, thực hiện cái ổ rơm cho chính mình. Ổ rơm của tù có hình thức như chiếc máng dài. Lòng máng lót nửa tấm chăn. Nửa tấm còn thừa, dùng đắp lên người. Cuộn mình lâu trong ở rơm, hơi ấm tụ lại, thấy đời cũng dễ chịu. Khi con người bị tước mất tất cả, thì một chút tiện nghi nhỏ nhoi, cũng nhân lên thành sự thoải mái lớn. Thoải mái thường sinh ra những ước mơ tình cảm. Nếu được nằm ôm vợ trong cái ổ rơm ấm áp này, thì hạnh phúc biết chừng nào. Nghĩ thế, lại bàng hoàng. Từ lâu, gia đình vợ con đã không còn là nỗi nhớ nhung quay quắt. Những hình bóng mờ nhạt ấy lùi sâu vào quá khứ, xa xôi như thời tiền sử. Trong cảnh cố cùng đói rách, dạ dày vật vã đòi ăn, kéo cái đầu xuống thấp, chạm mặt vào thực tại. Ước mơ được gần gũi gia đình hạnh phúc, là chuyện quá tầm tay. Đòi hỏi bức bách bây giờ là miếng ăn. Một đòi hỏi tầm thường của con vật. Thế nhưng không dễ gì được thoả mãn. Đêm nằm trăn trở, chỉ mơ tưởng miếng ăn hèn mọn. Củ sắn, hạt ngô bỗng to lên, chiếm hết những khoảng tình cảm dành cho vợ con, đẩy lùi hết những mơ mộng viễn vông. Khẩu hiệu tự do ấm no hạnh phúc, xem chừng đơn giản. Nhưng muốn vươn tới, không dễ. Bởi những khống chế giam cầm, những nghèo đói kinh niên, những trù dập răn đe, đi ngược chiều khẩu hiệu.

giữa thời kinh mang
người nằm trong đất không yên
phá mả tìm vàng
cạy nắp áo quan
huyệt sâu chấn động hồn thiên cổ
gỗ đá còn đau nhức thấu xương.


Người chết đã thế. Người đang sống vật vờ mà mong bình yên hạnh phúc, là điều hư tưởng.

Gần cuối thập niên bảy mươi, cả nước lâm vào tình trạng kiệt quệ. Hội Lương Nông quốc tế ồ ạt tuôn bột mì vào nước ta cứu đói. Bột mì được phân phối lên tận miền cao. Người dân sơn cước không quen ăn thứ bột xa lạ này, nên điều đình với trại tù đổi lấy sắn ngô. Chuyện trao đổi, người khác quyết định, nhưng tù nhân lại ăn bột mì. Phẩm càng cao, lượng càng ít. Tù đói rã ruột. Đói lờ đờ trắng mắt. Đói chóng mặt xiêu xiêu. Thời gian này, có nhiều người phải chống gậy mà đi. Cán bộ cho thế là cố tình bôi bác chế độ, bắt phải vất gậy. Sự thật tự nó đã hiển bày, cần chi bôi bác?

những bạn tôi ngồi như cổ thụ
già trăm năm trước tuổi không ngờ
manh áo vá che mùa gió bấc
mặt hao gầy râu tóc xác xơ.


Buổi sáng, trước khi lên rừng, được một cục bột luộc bằng nắm tay. Buổi chiều về, được ổ bánh mì dài cỡ gang tay. Ăn một lượng bột như thế với nước muối, mà phải ra sức “chém tre đẵn gỗ trên ngàn”, thì linh hồn nào cũng muốn ruồng bỏ xác thân.

Sương sớm còn âm u, đoàn tù đã có mặt trên vùng khai hoang. Đồi núi chập chùng. Rừng già heo hút. Tưởng như từ thời khai thiên lập địa chưa có chân người đi tới. Muỗi đói, vắt rừng làm tổ. Quơ ngọn dao lay động lá cành. Muỗi bay ra như bầy ong vỡ tổ. Muỗi cánh bông, hung dữ lạ thường, ào ạt tấn công. Nhưng muỗi cũng chưa đáng sợ bằng vắt. Vắt áp dụng chiến thuật du kích. Âm thầm len lõi, và đánh bất ngờ. Khi phát hiên được vắt, ta đã bị tổn thất rồi. Chỗ vắt bám, máu cứ ri rỉ cả ngày. Còn một loài ác ôn nữa, vô cùng độc địa. Loài này không nhiều, nên ít ai nói tới. Đó là ve chó. Vùng hoạt động lý tưởng của ve chó, là nách và háng. Người bị ve chó, cảm thấy sốt nhẹ và hơi đau nơi vết thương. Cổi áo ra xem. Một vùng da ửng đỏ. Trung tâm vùng đỏ, con ve vẫn còn bám như một hạt đậu đen, rúc sâu vào da thịt. Không biết nó bám đã mấy ngày rồi. Hấp tấp lôi nó ra, thì đầu và chân nó dính lại trong thịt. Nơi ấy sẽ làm độc thành ghẻ. Phương pháp hiệu nghiệm nhất để trục toàn thân tên cố lỳ, dùng đầu điếu thuốc nóng hơ vào đít nó. Chiến thuật hoả công buộc con ve rời nơi tử thủ như cái hố tròn bằng đầu đủa, tươm máu. Hậu quả ve chó để lại một vết thương ngứa ngáy cả tháng trời chưa khỏi.

Một thời gian dài khai hoang, vùng rừng già tre nứa mênh mông nằm rạp xuống. Châm một mồi lửa, tất cả cháy thiêu. Lửa cháy lan suốt đêm, không người canh giữ. Đất nước là của chung, nếu nạn cháy rừng xảy ra, ai nhận lấy trách nhiệm? Nửa khuya, đứng từ nhà kho hợp tác xã nhìn lên, bầu trời tối đen, không thấy dáng núi. Chỉ thấy lửa cháy trên cao, như lửa trời cháy giữa thinh không. Sau một đêm, vùng rừng thiêng tồn tại cả ngàn năm bị hủy ra tro. Người tù nhìn đất, ngẩn ngơ. Người với đất chung niềm đau nhức. Đất lặng thinh phơi bãi tro tàn.

Tù nhân khai hoang phá rừng dọn đất, nhưng không có lệnh chỉ định trồng bạch đàn. Nghe nói gần khu hợp tác xã, có trại lâm nghiệp. Trại này đang ương giống bạch đàn. Nhân viên lâm nghiệp toàn là phụ nữ độc thân. Bởi những đàn ông trai tráng đã hiến mình cho Đảng, vào Nam làm cuộc cách mạng thần kỳ bằng xương máu. Cách mạng giành được toàn quyền kiểm soát Miền Nam, nhưng họ không bao giờ về nữa. Tình trạng trai thiếu gái thừa, phụ nữ phải đảm trách những việc nặng nhọc trên các công nông trường. Cán cân nam nữ chênh lệch, gây nên lắm chuyện cười ra nước mắt. Phụ nữ lâm nghiệp đã từng đệ đơn kêu gào lên chính phủ, xin cung cấp đàn ông. Mục đích để có đứa con chăm sóc cho mình lúc tuổi già bóng xế. Và đàn ông phục vụ tập thể các cô trong trường hợp này, không theo cái nghĩa người chồng ân ái với vợ, mà phải hiểu như con nọc làm bổn phận nhảy đực truyền giống cho con nái sinh đẻ.

Bao giờ cây con bạch đàn sẽ trồng xuống vùng đất khai hoang? Hiện nay, các công trình thường hay bỏ dỡ nửa chừng. Chỉ cần một ý kiến thay đổi nào đó, toàn bộ kế hoạch trồng bạch đàn sẽ hủy bỏ. Trên xứ sở này, chuyện vô lý nào mà không thể xảy ra? Nghe nói (lại nghe nói), vật liệu từ Thụy Điển đem sang nước ta để xây nhà máy giấy, bị mất quá nhiều do nạn ăn cắp. Thụy Điển đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng rồi. Không có nhà máy giấy, trồng bạch đàn làm gì? Lệnh khai hoang, trở thành lệnh phá rừng vô tội vạ.

Ngày đoàn tù vượt đèo về trại cũ, nhằm ngày Chúa gáng sinh. Trời đổ mưa phùn. Mưa lất phất lai phai, trắng cả núi rừng. Lao đao trên đèo trơn dốc ngược, lại nghĩ đến cây thập giá trên vai Chúa. Ngài xuống đời gánh vác tội lỗi cho loài người. Chúng tôi gánh vác tội lỗi cho ai, mà cũng muôn vàn khổ nạn?

Lâm Chương