Câu chuyện của một người tù cải tạo
Lời nói đầu:
Ngày 15 tháng 12 năm 2007 vừa qua, sau hơn 30 năm lưu lạc sống rãi rác khắp nơi, nhóm tù cải tạo 520 Xuyên Mộc mới có cơ hội qui tụ về thành phố Houston tham dự buổi họp mặt lần đầu tiên. Tôi không phải là thành viên trong nhóm, nhưng hân hạnh được tham dự buổi họp mặt cảm động và tràn đầy tình huynh đệ này. Tôi gặp lại một số bạn cũ cũng như được biết thêm nhiều anh em mới trong dịp này mà tên mỗi người đều kèm theo một biệt danh dí dỏm như: Hoàng “xà lim”, Hối “Hilton”, Dũng “Sún”, Hải “Vờ”, Toàn “chí chóe”… 
Đặc biệt hơn hết trong số người tôi được giới thiệu ngày hôm đó là anh Phạm Văn Thức. Sau đó được nghe chính anh và những bạn bè trong nhóm kể lại câu chuyện độc đáo có một không hai của anh. Thú thật tôi bị cuốn hút vào câu chuyện hấp dẫn này ngay từ đầu nên đã xin phép anh Phạm Văn Thức được viết lại nó. Mời quý vị theo dõi câu chuyện độc đáo sau đây của người tù cải tạo nhóm 520 Xuyên Mộc có tên Phạm Văn Thức mà các bạn tù đã thân thương đặt cho anh cái biệt danh là: Thức ” trốn trại”.
Kể từ sau ngày trình diện tập trung cải tạo, các sĩ quan chế độc cũ đã phải trãi qua nhiều trại tập trung khác nhau như Trảng Lớn, Đồng Pan, Cà Tum, Long Thành, Suối Máu …v…v… nhưng đến năm 1979, một đợt chuyển trại nữa lại xảy ra. Trong đợt này có 520 sĩ quan cấp úy QLVNCH bị chuyển về trại Xuyên Mộc thuộc Bà Rịa, Vũng Tàu. Trại Xuyên Mộc này từ trước chỉ nhốt tù hình sự, nên nhóm tù sĩ quan cải tạo bị chuyển về đây cũng phải chịu chung sự quản chế rất khắc khe, tàn ác giống như qui chế dành cho các tội phạm hình sự. Mọi qui chế ở trại Xuyên Mộc này đều khó khăn hơn nhiều so với các trại cải tạo mà họ đã ở qua trước đây. Bọn Công An quản giáo trại vì quen thói đánh đập tù hình sự, nên cũng đánh đập tù sĩ quan cải tạo rất dã man mỗi khi có ai phạm vào nội qui của trại, dù là những lỗi rất nhỏ. Những hình phạt khắc nghiệt như cùm giò, nhốt xà lim bỏ đói cả tháng trời… hoặc hình ảnh cả đám cán bộ quản giáo xúm lại đánh hội đồng một anh tù cải tạo vô phúc nào đó là hình ảnh xảy ra hàng ngày… Chính những điều này đã dấy lên sự bất mãn trong nhóm tù cải tạo 520 Xuyên Mộc và càng làm rõ nét thêm sự gian trá láo khoét của cái chính sách gọi là “Khoan Hồng, Nhân Đạo” mà chính quyền cộng sản lúc nào cũng rêu rao.
Một số tù bắt đầu tổ chức trốn trại. Khoảng giữa năm 1979, một vụ tổ chức cướp súng trốn trại nổi tiếng xảy ra ở trại Xuyên Mộc. Tham gia trong kế hoạch cướp súng trốn trại này gồm có 5 người là: Thiên, Tài, Thịnh, Đức và Khanh, trong đó người chỉ huy là Thiên, một sĩ quan Trinh Sát Dù. Sau nhiều lần bàn bạc cũng như theo dõi những thói quen của các vệ binh, cán bộ mỗi ngày khi ra lao động bên ngoài. Tổ chức này quyết định sẽ hành động vào lúc hết giờ lao động trong một ngày đã định sẵn, khi các tù cải tạo sắp xếp chuẩn bị trở về trại. Nhiệm vụ được phân công rõ ràng cho từng người, ai có nhiệm vụ nấy. Nhưng đúng là “Người tính không bằng Trời tính”. Câu nói đó xem ra không phải là một câu nói vô duyên cớ…
 Đến ngay lúc sắp ra tay hành động thì một trục trặc nhỏ xảy ra đã làm đảo lộn hết mọi việc. Như mọi người đã bàn tính từ trước, nếu gặp trục trặc xảy ra trái với dự trù thì kế hoạch phải hủy bỏ ngay lập tức, chờ cơ hội khác an toàn hơn. Sau khi mọi người trong tổ chức nhận được dấu hiệu huỷ bỏ kế hoạch, ai nấy yên chí xếp hàng đi về trại, thì Thiên người đứng đầu tổ chức, vào một phút chủ quan nào đó, hoặc có thể anh ta thấy tiếc cho một cơ hội khó có được lần thứ hai… đã quyết định tấn công và cướp súng của một vệ binh gần đó. Trong lúc hai bên còn đang dằng co thì Thiên bị các vệ binh khác xông lên bắn chết tại chỗ, ngay cả tên vệ binh bị Thiên cướp súng cũng trúng đạn bị thương. Tài ở gần đó bỏ chạy cũng bị bắn chết luôn sau đó. Ba người còn lại trong tổ chức là Thịnh, Đức và Khanh lúc bấy giờ đang ở phía sau hoàn toàn không chuẩn bị gì cho việc này cả, nên không ai trở tay kịp hoặc giúp gì được cho Thiên và Tài. Lúc đó anh nào cũng đang mang trong người một ruột tượng đựng cơm phơi khô, bất thình lình thấy Thiên ra tay hành động… rồi súng nổ… rồi Thiên và Tài bị bắn ngã… sự việc xảy ra nhanh quá! 
Nghĩ là mọi việc đã bị đổ bể, ở lại thế nào cũng sẽ bị xét bắt nên ba người cũng vội bung ra chạy… Quân vệ binh cộng sản truy lùng ngay sau đó… Kết quả Thịnh và Đức bị bắt lại và bị đánh thê thảm. Chỉ có Khanh may mắn chạy thoát được. Vụ trốn trại này không những làm xôn xao tất cả đám tù cải tạo còn lại, mà cả ban chỉ huy trại và quản giáo cũng xôn xao, rúng động không kém. Ngay sau đó, hệ thống quản lý tù càng siết chặt chẻ hơn… nội qui trại đưa ra càng khó khăn hơn và kỷ luật mới được ban hành để đối phó với bất cứ ai phạm nội qui lại càng tàn bạo hơn trước nhiều…. Tuy thế cũng không làm cho các tù nhân cải tạo sợ hải. Ít ra là đối với một người: Đó là anh Phạm Văn Thức.
Anh Phạm Văn Thức trước đây là Thiếu Úy Phân Chi Khu Trưởng đơn vị đóng tại tỉnh Long An. Anh là người miền Bắc di cư, hiền lành, ít nói và là một tín đồ Công Giáo rất ngoan đạo. Nhưng không ai ngờ rằng với bề ngoài hiền lành, ít nói của anh lại ẩn tàng một ý chí sắt đá với những quyết định táo bạo khó có ai bì được. Sau khi từ trại Suối Máu bị chuyển về Xuyên Mộc, dưới sự quản thúc tàn bạo của đám Công An đã đối xử với anh và các bạn tù cải tạo như thú vật… thì anh đã nảy ra ý định trốn trại. Tuy nhiên anh chưa kịp thực hiện kế hoạch của mình thì đã xảy ra vụ tổ chức 5 người kể trên cướp súng vượt trại thất bại trước rồi. Việc này xảy ra bắt buộc anh phải tạm thời đình hoãn kế hoạch của mình lại, chờ mọi việc yên ổn, lắng dịu xuống hết rồi mới tính được.
Qua năm 1980, chuyện 5 người âm mưu cướp súng trốn trại tương đối đã êm. Mọi sinh hoạt trại trở lại bình thường. Lúc bấy giờ vào mùa thu hoạch bắp nên tất cả công tác lao động của trại chủ yếu là làm việc trên những rẫy bắp nên các vệ binh đi theo canh gác tù chỉ tập trung ở những rẫy bắp. Lợi dụng cơ hội này, Phạm Văn Thức quyết định thực hiện ý định của mình. Anh nhận thấy nếu việc trốn trại có nhiều người tham dự sẽ không được an toàn cho lắm. Tuy rằng với có nhiều người thì sẽ có sự giúp đỡ lẩn nhau trong khi hành động cũng như trên bước đường trốn tránh trong rừng, nhưng đồng thời kế hoạch cũng dễ bị vỡ nếu mọi việc không hoàn toàn ăn khớp với nhau, như trường hợp của 5 người bạn tù trước đây.
 Do đó Phạm Văn Thức quyết định thực hiện việc đào thoát một mình và không bàn với ai về ý định của mình cả. Theo như sự tính toán của anh, trường hợp nếu bị bắt lại thì không còn gì để nói, phải chấp nhận mọi hậu quả thôi. Còn nếu trốn thoát được thì chỉ cần vài ba ngày lội trong rừng là có thể thoát ra được do thế việc chuẩn bị lương thực, nước uống không cần thiết lắm. Vấn đề mưu sinh thoát hiểm trong rừng 2, 3 ngày không phải là một điều khó khăn lắm đối với một sĩ quan, nhất là điều này anh đã được huấn luyện từ trước. Kinh nghiệm anh đã thấy qua từ vài âm mưu trốn trại bị lộ trước đây ở các trại khác cũng chỉ vì bị cán bộ quản giáo phát giác ra việc dự trử cơm phơi khô để dành…
 Nên anh quyết định không chuẩn bị gì cả cho phần lương thực. Mỗi buổi sáng đi ra lao động, chỉ cần chút ít thức ăn mang theo trong ngày, bình nước nhỏ và con dao được phát cho việc lao động là đủ. Với tư thế lúc nào cũng sẵn sàng như thế anh kiên nhẩn chờ đợi thời cơ, ngày này không được thì chờ qua ngày khác… Mọi sinh hoạt trong trại vẫn đều đều như bình thường, không ai mảy may nghi ngờ gì đến anh cả. Cuối cùng rồi thời cơ cũng đến. Ba ngày trước, lúc được giao công tác thu hoạch trên rẫy bắp. Mọi người ai nấy đều lui cui bận rộn với công việc, 2 tên vệ binh đi theo canh giữ thì đang ngồi tán gẫu với một tên vệ binh khác ở phía xa. Thừa lúc không ai chú ý tới, Phạm Văn Thức lợi dụng địa thế rậm rạp và thân cây bắp cao che khuất lủi nhanh vào sâu bên trong và biến mất ngay.
Sau khi băng qua mấy rẫy bắp và vào được trong rừng, Phạm Văn Thức cố gắng đi càng xa càng tốt khỏi vùng ảnh hưởng của trại Xuyên Mộc. Sau đó anh nhắm hướng đi theo kế hoạch đã tính từ trước. Anh không đi về hướng Bà Rịa, Vũng Tàu mặc dù từ trại Xuyên Mộc đi về Bà Rịa gần hơn; ngược lại anh đã quyết định chọn con đường về hướng Gia Kiệm, Đồng Nai xa hơn để đi. Có hai lý do khiến anh chọn con đường dài hơn, đồng nghĩa với khó khăn hơn vì: Thứ nhất anh có thể đánh lạc hướng truy đuổi của các cán bộ vệ binh Cộng Sản, ít ai ngờ anh sẽ chọn con đường xa hơn sau khi trốn trại. Thứ hai ở Bà Rịa,Vũng Tàu anh không có ai là thân nhân quen biết để có thể giúp đỡ. Còn nếu đến được Gia Kiệm, thì anh có ông anh đang ở đó, sẽ nhờ ông anh này giúp đỡ cho bước kế tiếp…
Đã quyết định như thế từ trước, nên anh cứ căn cứ vào điểm chuẩn của núi Chứa Chan từ xa lầm lủi đi. Ban ngày thì cứ nhắm hướng mà đi. Đêm đến thì anh tìm cách leo lên một nhánh cây lớn để tránh thú dữ, ngủ chút đỉnh lấy sức chờ trời vừa sáng lại leo xuống tiếp tục cuộc hành trình đào thoát… Một ít lương thực mang theo cho ngày lao động hôm trước và mấy trái bắp bẻ lúc còn trong rẫy cũng giúp anh thoát được cơn đói hành hạ. Tuy nhiên đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, mệt đến lã người nhưng anh không dám nghỉ ngơi lâu vì chỉ sợ mệt quá ngủ quên luôn… Chỉ khi nào mệt lắm anh mới dám tìm bụi rậm ngồi nghỉ ngơi chút đỉnh lấy lại sức, còn lại thì anh cứ bươn bả đi miết. Vừa đi anh vừa cầu nguyện và tự nhắc nhở để cổ vũ tinh thần: “Phạm Văn Thức ơi! Mày phải cố gắng lên. Không được nghỉ… Mày đã trốn thì phải trốn cho thoát, thà là chết trong rừng, đừng để bị bắt lại, chúng nó sẽ hành hạ mày thê thảm còn hơn chết nữa….
 Chúng nó đang đuổi theo phía sau đó. Không được nghỉ… Cố gắng lên… Cố gắng lên. Qua khỏi khu rừng này là an toàn rồi…” Cứ thế anh vừa len lỏi đi, vừa tự nhắc nhở, khuyến khích mình như thế. Gặp khu gai góc thì dùng dao phát quang xuyên qua hoặc tìm cách né tránh rồi cố gắng giữ theo hướng cũ để khỏi bị lệch quá xa. Một đôi khi gặp suối thì dò tìm chỗ cạn để vượt qua, rửa vội mặt mày cho tỉnh người lại rồi cứ thế vượt suối đi tiếp… cuối cùng sau 3 ngày 2 đêm thì anh đã sắp ra khỏi rừng, gặp đường quốc lộ rồi.
Núp vào một bụi cây rậm rạp, Phạm văn Thức hướng mắt về phía bìa rừng, cẩn thận quan sát kỷ động tịnh chung quanh. Từ nơi đây, thỉnh thoảng anh đã có thể nghe tiếng xe cộ chạy ngang qua nên đoán chắc phía trước là quốc lộ. 
Theo như vị trí hiện tại chỗ anh đang đứng so sánh với bóng dáng của núi Chứa Chan ở phía trước mặt, thì anh đoán mình còn cách Gia Kiệm, điểm anh muốn đến, không bao xa. Nghe tiếng xe cộ thỉnh thoảng vọng lại từ phía ngoài bìa rừng lòng anh mừng khấp khởi, tuy nhiên anh không dám mạo hiểm đi ra quốc lộ vào lúc này. Trời hãy còn sáng lắm. Nhìn lại quần áo trên người đầy bụi bậm, một vài nơi bị gai góc, cây cỏ móc rách nát te tua lòi cả da thịt bên trong, anh nhủ thầm: “Với bộ dạng thê thảm như vậy, rủi có ai bắt gặp cũng dễ bị nghi ngờ!”. Anh kiên nhẩn ngồi dựa người vào trong một góc khuất của bụi rậm nghỉ ngơi chờ mặt trời lặn. Ý nghĩ sắp gặp được người thân và thoát khỏi cảnh tù đày làm anh nôn nao trong dạ, chỉ thầm mong cho mặt trời lặn thật sớm để tiếp tục đi.
******
Khi Phạm Văn Thức lần mò tìm được tới nhà người anh ở Gia Kiệm thì trời đã khuya rồi. Trên đường đi, anh tránh né hết những bóng dáng người di động từ xa nên không ai phát giác ra anh cả. Khỏi phải diễn tả, chúng ta cũng có thể đoán được là ông anh của Phạm Văn Thức sửng sốt như thế nào khi biết được em mình trốn trại trở về. Sau khi trao đổi với nhau vài câu, Phạm Văn Thức cho biết là không thể ở lại đây vì không an toàn. Anh nhờ ông anh cấp tốc chở về Hố Nai nơi anh có một bà cô đang sống. Ở đó an toàn hơn vì ở Hố Nai không ai biết gì về anh trước đây hết. Thế là sau khi tắm rửa, thay quần áo, ăn uống qua loa lấy lại sức, hai anh em chở nhau trên một chiếc Honda lên đường đi ngay trong đêm khuya về Hố Nai.
Như chúng ta đã biết, Hố Nai là một xứ đạo được lập ra sau khi phong trào di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954. Cư dân ở đây hầu hết theo đạo Công Giáo, rất sùng đạo và đặc biệt có tinh thần đoàn kết rất cao. Ngay cả sau năm 1975, khi cộng sản nắm chính quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cai quản và áp đặt chính sách lên xứ đạo nổi tiếng này. Chính nhờ thế ở tại nhà bà cô, Phạm Văn Thức cảm thấy rất an toàn. Không một ai thắc mắc, để ý gì đến anh hết. Lúc bấy giờ vợ con của anh vẫn còn ở với gia đình bên vợ tại Long An. Anh dặn người anh và bà cô tạm thời không cho vợ con anh biết tin, vì chắc chắn sau khi phát giác anh trốn trại, họ sẽ báo về địa phương truy lùng anh. Cứ kiên nhẩn đợi mọi chuyện lắng dịu đâu đó rồi sẽ cho gia đình biết sau cũng không muộn. Phạm Văn Thức ở nhà bà cô được hơn 2 tháng, mọi việc vẫn yên ắng, thuận lợi. Lúc đó anh mới nhờ người báo tin cho vợ con ở Long An lên Hố Nai gặp mặt.
Vào thời điểm này phong trào vượt biên đã rầm rộ lắm rồi. Gia đình bàn với nhau là trường hợp của anh không thể ở lại VN được, bằng mọi cách phải cho anh vượt biên ra khỏi VN. Nhưng trong khi chờ đợi tìm được đường dây tổ chức vượt biên thì cũng phải kiếm việc gì làm để sống chứ đâu thể ở mãi nhà bà cô được. Cũng may lúc đó có một gia đình người quen đang làm rẫy ở khu kinh tế mới Cây Gáo, Trảng Bom. Gia đình này sẵn lòng giúp đỡ và khuyên anh nên về ở chung với họ làm rẫy trong khi tìm đường vượt biên. Vùng Cây Gáo lúc bấy giờ là một vùng mới khai phá, cư dân hầu như từ khắp nơi đổ về đây lập nghiệp, sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy. 
Không ai biết quá khứ của ai và cũng chẳng ai thắc mắc gì ai cả. Ngay chính quyền địa phương cũng rất dễ dãi với mọi người vì họ đang có chiến dịch khuyến khích người dân về vùng này khai phá, trồng trọt tăng gia sản xuất thêm… 
Nơi đây đúng là một nơi lý tưởng để Phạm Văn Thức ẩn thân trong khi chờ đợi vượt biên. Thế là anh bảo vợ con tạm thời ở lại Long An, còn một mình anh đi lên khu kinh tế mới Cây Gáo tá túc ở nhà người quen tốt bụng này, ngày ngày vác cuốc ra rẫy làm lụng che mắt thiên hạ. Trong khoảng thời gian này, anh dò tìm mua được một giấy “Chứng Minh Nhân Dân” giả với một tên họ khác. Nhớ thế chính quyền địa phương ở Cây Gáo, Trảng Bom cũng không thắc mắc gì về anh, mọi sự đi lại của anh nhờ thế cũng dễ dàng.
Kéo dài như thế cũng hơn năm trời, anh vừa tiếp tục làm rẫy vừa để ý tìm kiếm đường dây vượt biên. Cuối cùng có người giới thiệu anh với một chủ ghe và cũng là người tổ chức. Sau nhiều lần đi lại tìm hiểu kế hoạch… anh đóng tiền cho chủ ghe và chờ đợi ngày xuất phát. Tuy nhiên chuyến này anh đã bị gạt! Đến ngày xuất phát, chủ ghe âm thầm ra đi bỏ anh lại không thông báo tiếng nào cả. Trời bất dung gian, chuyến vượt biên đó cuối cùng bị đổ bể. Người chủ ghe bị Công An bắn chết còn tất cả những người tham gia đều bị bắt lại hết… cũng may, nếu anh tham dự trong chuyến này thì cũng bị bắt luôn rồi. Thật đúng là số Trời! 
Không ai có thể nói trước được. Sau lần bị gạt này, tiền bạc mất hết, Phạm Văn Thức không còn đủ khả năng tham gia vào một chuyến vượt biên nào nữa. Anh đành bàn với vợ con gom góp mọi thứ lên khu kinh tế mới Cây Gáo, Trảng Bom an phận làm ăn sinh sống. Gia đình anh tiếp tục làm rẫy thêm một thời gian nữa, sau đó tìm được một việc khác tương đối đỡ hơn: Đó là nghề đi bán và bỏ mối nước mắm lẻ. Tuy nghề này cũng vất vả, chủ yếu chỉ lấy công làm lời, nhưng nhờ tính cần cù nhẫn nại, chịu khó chìu khách hàng… nên mối quen càng ngày càng đông, gia đình anh nhờ thế cũng đỡ vất vả hơn trước.
Năm 1989, chính quyền địa phương Cây Gáo, Trảng Bom có chính sánh cứu xét cho những người địa phương ở “lậu” vào hộ khẩu thường trú. Nhưng muốn được cứu xét người đó phải chứng minh được là mình thuộc diện lao động sản xuất… Theo lời anh Phạm Văn Thức kể lại thì lúc đó gia đình anh không còn làm rẫy nữa mà chuyên hẳn về nghề bán nước mắm lẻ. Công việc này chính quyền địa phương coi như không hợp lệ trong việc cứu xét vào hộ khẩu? Nhưng có lẽ nhờ gia đình anh thường ngày đối xử với bà con xóm giềng rất tốt nên ai nấy đều thương mến. Biết được chuyện khó của anh, một người láng giềng tên Long trước đây là Thượng Sĩ QLVNCH thuộc sư đoàn 5 bộ binh đã giúp cho anh đứng tên đất rẫy của mình để anh có thể chứng minh được với chính quyền địa phương gia đình anh là một gia đình thuộc diện lao động sản xuất… 
Nhờ thế gia đình anh mới được cho vào hộ khẩu. Mãi tới bây giờ Pham Văn Thức vẫn nhớ tới cái ơn giúp đỡ của ông Thượng Sĩ Long tốt bụng này. (Như chúng đã biết, sau 1975, chính quyền cộng sản áp đặt ra chế độ hộ khẩu như một hình thức kiểm soát người dân về nhiều mặt. Những người không có hộ khẩu thường trú sẽ gặp rất nhiều khó khăn đối với chính quyền địa phương. Ở vào trường hợp những người như anh Phạm Văn Thức, việc vào được hộ khẩu thường trú, cũng đồng nghĩa với việc sống một cách an toàn, hợp pháp, khó có ai có thể truy lùng ra gốc tích trốn trại của anh ngày trước). Từ đó anh và gia đình cứ an phận ngày ngày tiếp tục chở nước mắm đi bỏ mối nuôi sống gia đình…
Nếu câu chuyện của anh Phạm Văn Thức chỉ có thế thì cũng chẳng có gì quá đặc biệt. Chúng ta xem như anh đã thành công trong việc trốn trại, sử dụng giấy tờ giả, tên giả và cuối cùng an phận sinh sống với gia đình ở một địa phương khác không ai hay biết gì hết… Nếu chỉ có thế thì chúng ta có thể chấm dứt ở đây. Tuy nhiên câu chuyện của anh còn nhiều điều ly kỳ và phần kế tiếp mới chính là phần độc đáo, có một không hai trong cuộc đời của người tù nhóm 520 Xuyên Mộc có tên Phạm Văn Thức này. Mời quý vị theo dõi tiếp…
******
Năm 1990 khi chương trình định cư nhân đạo HO của chính phủ Mỹ đưa ra, Phạm Văn Thức lúc đó đang ngày ngày chở nước mắm bỏ mối ở vùng kinh tế mới Cây Gáo, Trảng Bom nên hoàn toàn không hay biết gì cả. Đến khi một người bạn thân của anh thời còn học trung học là Nguyễn Anh Tuấn (hiện đang định cư tại Lafayette, Louisiana) nhắn tin lên báo cho anh biết về chương trình này… Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết là mình đã nộp đơn xong và đang chờ phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Anh bạn này thúc dục Phạm Văn Thức nên lo thủ tục cần thiết và nộp đơn sớm để được phỏng vấn sớm…
Tuy nhiên sau khi xem kỹ điều kiện thì Phạm Văn Thức không khỏi thất vọng, vì điều kiện hợp lệ tiên quyết để được nhận đơn phỏng vấn cho những cựu quân nhân, cán chính thuộc QLVNCH là phải chứng minh được mình đã từng bị tù cải tạo trên 3 năm. Oái ăm thay trường hợp Phạm Văn Thức hiện nay lại không có giấy tờ gì chứng minh được điều này, mặc dù anh đã từng ở tù hơn 5 năm và qua mấy trại khác nhau trước khi trốn thoát khỏi trại Xuyên Mộc! Ngoài ra tên và giấy tờ của anh hiện này đang xài là tên giả! Anh không còn giấy tờ gì chứng minh được tên thật của mình.
Tuy thất vọng nhưng anh cũng cố điền đơn cầu may và khai thật hết tất cả mọi việc trong phần khai lý lịch….Kết quả đơn của anh đưa vào không được chấp nhận vì thiếu giấy tờ hợp lệ: Giấy ra trại chứng minh đã ở tù cải tạo trên 3 năm! Nhìn bạn bè và người quen lần lượt được nhận đơn và chờ gọi tên phỏng vấn làm anh càng nôn nóng và tuyệt vọng hơn. Đây là cơ hội cuối cùng ngoài ra không còn cơ hội nào khác có thể cứu vớt anh và gia đình thoát ra khỏi chế độ cộng sản hiện tại cả! Anh nản chí đến độ không còn thiết gì đến làm ăn nữa. Mọi việc nhà đều giao phó cho vợ con lo, còn anh thì cứ đi lên Saigon nghe ngóng tin tức, hy vọng có một cách nào khác để được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Người ta bảo anh về trại cũ xin giấy chứng nhận, nhưng đối với những người được thả về mà bị mất giấy ra trại thì còn làm cách này được. Còn trường hợp trốn trại như anh thì ai mà chứng nhận cho. Vả lại trở về trại cũ thì chẳng khác nào mang thân vào miệng cọp, nguy hiểm quá…
Sau nhiều tháng đi lại, tốn kém đủ thứ mà không được gì cả. Phạm Văn Thức buồn rầu lắm và càng đau lòng hơn khi nhìn thấy vợ con sống lam lũ ở khu kinh tế mới. Nhận thấy mình cũng đã từng ở tù cải tạo 5 năm, chịu biết bao nhiêu đắng cay cực khổ. Chỉ vì bất mãn chế độ đối xử hà khắc của bọn công an trại… và vì muốn sống Tự Do nên anh mới phải trốn trại. Để rồi hậu quả bây giờ không có gì chứng minh được là anh đã ở tù đủ thời hạn yêu cầu để được cứu xét thì đau quá!! Không lẽ vợ con anh phải suốt đời chịu sống lây lất ở khu kinh tế mới Cây Gáo này hoài sao? Rõ ràng anh đã liên lụy đến gia đình, nếu không thì vợ con anh chắc cũng được đi định cư ở Mỹ như những gia đình sĩ quan khác…
Càng nghĩ Phạm Văn Thức càng đau lòng thêm. Sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, anh quyết định trở lại trại cũ Xuyên Mộc trình diện và xin được ở tù lại. Hy vọng sau khi hết hạn sẽ được thả về với một giấy chứng nhận ra trại. Vì tương lai của gia đình vợ con, vì khát vọng được sống trong một xứ Tự Do, thoát khỏi chế độ kềm kẹp của chế độ cộng sản hiện tại… anh đành đi nước bài liều này, chấp nhận hết mọi hậu quả. Anh biết rằng đi nộp mạng như thế, có thể họ sẽ bắt giữ anh lại nhốt triền miên không có ngày ra, có thể bị gông cùm đánh đập và thậm chí có thể mất cả mạng nữa cũng không biết chừng…
 Tuy nhiên thà là liều như vậy còn hy vọng có được một tương lai sáng sủa cho gia đình, còn hơn là cứ sống lây lất mãi ở khu kinh tế mới Cây Gáo này suốt đời! Anh tự an ủi miễn còn sống thì họ nhốt mãi cũng phải có ngày ra. Lúc đó anh sẽ hợp lệ nộp đơn xin cứu xét đi định cư theo diện HO. Viễn ảnh của một ngày mai tươi sáng nơi xứ Tự Do làm anh quyết tâm hơn!
Tuy đã có quyết tâm như vậy nhưng Phạm Văn Thức không dám bàn với vợ con về ý định của mình vì sợ bị ngăn cản. Anh âm thầm tìm đến một người bạn tù trong nhóm 520 Xuyên Mộc trước đây là anh Nguyễn Văn Vượng (Hiện đang định cư tại California), nói ý định của mình cho Nguyễn Văn Vượng biết và nhờ anh bạn này chở dùm anh lên trại Xuyên Mộc, sau đó trở về báo cho gia đình vợ con anh biết sau.
Nguyễn Văn Vượng cũng kinh ngạc trước quyết định của bạn, lên tiếng khuyên cản anh nên suy nghĩ lại vì ý định này quả thật quá nguy hiểm. Nhưng ý Phạm Văn Thức đã cương quyết như vậy rồi nên người bạn này cũng đành chịu. Sau khi bàn bạc cặn kẻ và chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, hai người bạn chở nhau trên một chiếc Honda đi thẳng lên Xuyên Mộc. Lúc đó là năm 1991, nếu tính từ khi trốn trại ra năm 1980 thì anh Phạm Văn Thức đã ở bên ngoài đúng 11 năm rồi.
Trại Xuyên Mộc lúc bấy giờ hầu như đã thay đổi hết. Nơi đây không còn nhốt tù cải tạo sĩ quan chế độ cũ nữa, mà chỉ còn là trại tù dành cho tội phạm hình sự mà thôi. Kể cả ban chỉ huy trại, công an quản giáo và các vệ binh cũ cũng không còn ở đó nữa. Mấy cán bộ công an mới không biết gì về vấn đề tù sĩ quan cải tạo trước đây. Khi Phạm Văn Thức cho biết mình đã trốn khỏi trại này 11 năm trước, bây giờ vào trình diện để xin được ở tù trở lại, thì tất cả cán bộ công an trại ngẩn người ra nhìn anh như nhìn một người điên. Họ ngạc nhiên cũng phải, vì trước đây đâu bao giờ có trường hợp nào xảy ra như thế này? Họ hỏi anh:
– “Lý do gì anh đã trốn thoát ra ở bên ngoài 11 năm rồi, bây giờ mới trở vào tự thú?”
Phạm Văn Thức trả lời:
– “Đời sống bên ngoài càng ngày càng khó khăn đối với một người sống không giấy tờ như anh. Vả lại anh còn có vợ con nên càng gặp khó khăn nhiều hơn. Cuối cùng chịu đựng hết nỗi nên anh quyết định chọn con đường tự thú để hy vọng sau khi ở tù xong, ít nhất sẽ được trại cấp một giấy chứng nhận và sau khi về cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, không phải trốn chui trốn nhủi nữa…”
Họ còn hỏi anh nhiều điều nữa và bắt anh làm bản tự khai. Anh cứ một mực khai sau khi trốn trại về sống vất vưởng ở nhiều nơi khác nhau không giấy tờ gì cả, nên không ai chứng thật được lời khai của anh.
Theo lời anh Phạm Văn Thức kể lại thì ban chỉ huy trại Xuyên Mộc lúc bấy giờ không quyết định được trường hợp của anh nên giữ anh ở lại đó và điện về Bộ Nội Vụ xin chỉ thị. Một lúc lâu sau, bọn công an trại quay lại nói ngay với anh:
– “Anh mà có tinh thần tự giác trở lại thành thật khai báo cái gì? Nói thật đi. Mục đích của anh đến đây chỉ vì muốn xin giấy chứng nhận để được cứu xét đi Mỹ thôi. Có phải thế không??”
Cả bọn xúm lại hỏi anh câu này xong cứ chỉ trỏ cười hoài. Anh cũng cười giả lả trả lời cho qua chuyện với bọn chúng. Anh đoán sau khi điện về Bộ Nội Vụ xin chỉ thị, chắc có lẽ trên Bộ Nội Vụ có nói gì đó về chương trình HO, nên đám công an mới biết được mục đích của anh, chứ trước đó chúng còn ngơ ngác không biết gì cả.
Cuối cùng họ giam Phạm Văn Thức ở chung một buồng với đám tù hình sự. Ban ngày anh không phải làm việc gì hết, ban đêm công an giao cho anh nhiệm vụ “trưởng buồng”, điểm danh và trông chừng tù hình sự tìm cách trốn. Anh cười thầm trong bụng:
– “Mình là thằng trốn trại ngày trước, bây giờ lại làm nhiệm vụ canh chừng tù trốn trại. Đúng là khôi hài thật!”.
Làm “trưởng buồng” được mấy hôm cứ ở mãi một chỗ tù túng quá, anh xin được ra ngoài lao động. Họ cho anh ra trông coi mấy mẫu điều mới trồng, hàng ngày theo dõi xem có bị hư hại gì không?? Công việc cũng không có gì nặng nhọc và điều đáng nói là không ai cai quản anh cả. Anh muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm miễn ở trong phạm vi đó thôi. Trong khoảng thời gian ở tù lần này, gia đình vợ con anh được phép lên thăm viếng đều đặn thoải mái lắm. Nói chung họ đối với anh lần này rất dễ dãi, ngoài sự tưởng tượng của anh. 
Cứ như thế Phạm Văn Thức ở gần đúng một năm thì một hôm được gọi về buồng giam nhốt lại, không cho ra ngoài lao động nữa. Ở trong buồng giam khoảng 3 tuần thì anh được gọi lên thả về. Họ cấp cho anh một giấy ra trại chứng nhận từ ngày đầu tiên anh trình diện tập trung cải tạo 28 tháng 6 năm 1975 đến khi thả vào tháng 6 năm 1992 (không nhớ rõ ngày). Như vậy là họ đã chứng nhận anh ở tù liên tục 17 năm không gián đoạn, xem như anh chưa hề trốn trại ra ngoài bao giờ. Anh cũng ngạc nhiên về điều này tuy nhiên cũng chẳng thắc mắc gì cả vì đã đạt được kết quả mong muốn. Phạm Văn Thức cầm tờ giấy ra trại với tên thật của mình trên đó mà lòng vui mừng vô hạn. Lần này thì chắc chắn anh đủ điều kiện nộp đơn theo diện HO rồi. Tuy nhiên anh không ngờ rằng việc chứng nhận anh đã ở tù liên tục 17 năm vô tình lại đưa anh vào một rắc rối khác!
*****
Sau khi về nhà không bao lâu, Phạm Văn Thức xúc tiến ngay việc nộp đơn xin đi theo chương trình HO. Lần này đơn của anh được nhận ngay. Anh vui mừng trở về nhà yên tâm chờ đợi. Cuối năm 1994 anh nhận được giấy mời đi phỏng vấn. Khỏi nói cũng biết là anh và gia đình vui mừng biết chừng nào. Đúng ngày hẹn, hai vợ chồng anh lên Saigon gặp phái đoàn Mỹ. Sau đây là tóm tắt những điểm trong buổi phỏng vấn ngắn ngủi với phái đoàn Mỹ:
Theo đúng thủ tuc, Họ yêu cầu anh giơ tay tuyên thệ những lời khai trong cuộc phỏng vấn là hoàn toàn sự thật. Nếu gian dối thì sẽ chịu mọi trách nhiệm… và hồ sơ sẽ không được cứu xét nữa. Sau đó họ hỏi ngay anh:
– “Xin ông cho biết tên thật của ông là gì? Gia cảnh của ông hiện nay như thế nào?”
Anh trả lời:
– “Tôi tên Phạm Văn Thức. Tôi có vợ và 3 con.”
– “Ngoài tên này ra, ông còn sử dụng tên nào khác nữa không?”
– “Có! Sau khi trốn trại về, để tránh tai mắt địa phương và dễ dàng trong việc đi lại, tôi có xài tên giả. Tôi đã có khai chuyện này trong phần tờ khai lý lịch trong hồ sơ…”
– “Hiện ông có đang sống cùng với vợ con của ông không? và đang làm nghề gì?”
– “Vâng, tôi đang sống cùng với vợ và 3 con của tôi ở Cây Gáo, Trảng Bom. Chúng tôi hiện đang sống bằng nghề bán nước mắm”
– “Trước năm 1975, cấp bậc chức vụ của ông là gì? Đơn vị ở đâu?”
– “Trước 1975 cấp bậc của tôi là Thiếu úy. Chức vụ Phân Chi Khu Trưởng, đơn vị ở tại tỉnh Long An”
Người Mỹ trong phái đoàn phỏng vấn nhìn vào hồ sơ của anh một lúc rồi hỏi:
– “Cấp bậc của ông là Thiếu Úy, chức vụ Phân Chi Khu Trưởng, nhưng tại sao ông đi học tập cải tạo đến 17 năm? Ngay cả cấp Tướng trước đây đi học tập cải tạo cũng không lâu đến như vậy? Có gì đặc biệt trong việc ông đi cải tạo trước đây không?”
– “Tôi đã trình bày rất rõ trong phần khai lý lịch là sự thật thời gian ở tù cải tạo của tôi hai lần tổng cộng 6 năm, 3 ngày: Lần thứ nhất hơn 5 năm, sau đó tôi trốn trại ra ngoài ở hết 11 năm. Lần thứ hai họ bắt giữ tôi lại khoảng gần đúng 1 năm ”
– “Nhưng tại sao trong giấy ra trại ghi rõ thời gian tính từ ngày ông đi trình diện là 28 tháng 6 năm 1975 cho đến ngày ông được thả ra năm 1992. Như vậy không phải là tổng cộng thời gian đã ở trong trại là 17 năm hay sao?”
Mgười Mỹ đen phỏng vấn Phạm Văn Thức nói thẳng với anh:
– “Mong ông phải khai rõ hơn về chuyện này vì chúng tôi nhận thấy có điều gì đó không ổn trong tờ giấy ra trại này và lời khai của ông?? Có phải giấy ra trại này giả không?”
Đến đây thì Phạm Văn Thức cảm thấy bất an lắm:
– “Giấy ra trại đó dĩ nhiên là thật! Tôi cũng không biết tại sao họ lại chứng nhận trong giấy ra trại như vậy? Lời khai của tôi hoàn toàn là sự thật. Ông có thể liên lạc kiểm chứng với họ”
Người Mỹ đen đóng tập hồ sơ của Phạm Văn Thức lại một cách lạnh lùng:
– “Thời gian trốn trại ở bên ngoài 11 năm của ông nếu là sự thật thì tại sao họ lại không tính đến? Rất tiếc chúng tôi không có nhiệm vụ tìm hiểu tại sao cho vấn đề mâu thuẩn này của ông?”
Rồi không đợi Phạm Văn Thức có dịp trình bày thêm, người Mỹ này tiếp luôn:
– “Rất tiếc chúng tôi từ chối cứu xét hồ sơ này của ông vì những lời khai và giấy tờ của ông đã không chứng minh được rõ ràng và ăn khớp với nhau. Bây giờ xin mời ông bà về và chúc may mắn.”
Bước ra khỏi phòng phỏng vấn, phải nói là tinh thần Phạm Văn Thức xuống thê thảm. Mọi hy vọng tan biến hết! Rốt cuộc sau bao nhiêu cố gắng, chịu đựng, liều lĩnh đi trình diện xin ở tù lại lần thứ hai với hy vọng có được giấy ra trại để được phái đoàn Mỹ nhận đơn cứu xét… để rồi kết quả cũng chính tờ giấy ra trại này hại anh… 
Càng suy nghĩ Phạm Văn Thức càng thấy chán nãn! Đám đông đang đứng tụ tập ở phía trước cửa chờ đến phiên mình được gọi vào phỏng vấn, thấy vợ chồng Pham Văn Thức buồn rầu đi ra thì xúm lại hỏi thăm. Sau khi biết chuyện hồ sơ của anh bị phái đoàn Mỹ từ chối vì không chứng minh được rõ ràng thời gian trốn trại và thời gian anh đã ở tù trước đây…., một người trong đám đông góp ý khuyên anh nên tìm lại những bạn tù biết về chuyện trốn trại của anh và nhờ họ làm đơn xác nhận dùm rồi gởi qua toà đại sứ Hoa Kỳ ở Bankok xin tái cứu xét lại hồ sơ… chuyện này cũng chỉ là hy vọng thôi, tuy nhiên còn nước thì còn tát…
Phạm Văn Thức cũng muốn nghe theo lời khuyên đó lắm, nhưng bây giờ biết đi đâu mà tìm gặp bạn tù cũ nhờ giúp xác nhận dùm việc anh đã trốn trại…? Thời điểm lúc đó là cuối năm 1994 các bạn tù của anh đã đi định cư theo những diện HO trước đó hết rồi!! Số của anh đúng là xui tận mạng! Chẳng lẽ Thượng Đế cố tình thử thách sự chịu đựng của gia đình anh hay sao? Bao nhiêu sức lực ý chí của anh gần như kiệt quệ hết. Vợ chồng anh chỉ còn biết đêm ngày cầu nguyện xin Thượng Đế, Ơn Trên ban phép màu ra tay cứu giúp mà thôi!!
Có lẽ lời cầu nguyện đầy thành tâm của vợ chồng Phạm Văn Thức cuối cùng đã thấu đến tai Thượng Đế và khiến Ngài cảm động nên đã lóe lên cho anh một tia hy vọng mới: Trong khi dò tìm cầu may tin tức những người bạn tù cũ, thì anh nghe nói có một người tên là Đào Văn Long, trước đây cũng là là tù cải tạo ở trại Xuyên Mộc, lẽ ra đã đi định cư theo diện HO lâu rồi, nhưng vì anh này bị bệnh phổi nên phải ở lại uống thuốc chữa trị khi nào hết mới được đi. Tuy thế không ai biết rõ anh Đào Văn Long hiện nay đang ở đâu?
Nhận được tin này Phạm Văn Thức mừng quá. Tưởng ai chứ Đào Văn Long thì anh rất thân, từ lúc hai người còn ở trại Suối Máu. Anh còn nhớ lúc chuyển từ trại Suối Máu về Xuyên Mộc, anh và Đào Văn Long ngồi kế bên nhau trên cùng một chiếc xe. Khi đi ngang qua Bà Rịa Vũng Tàu, anh nhớ Đào Văn Long có kể cho anh nghe rằng nhà ba anh ta ở Bà Rịa, Vũng Tàu từ nhiều đời trước. Gần như những ai ở lâu vùng này đều biết đến ba anh Đào Văn Long cả. Cứ đến đó hỏi tên ông Ba Quạ là sẽ có người chỉ đến ngay. Lúc bấy giờ ngồi trên xe, Đào Văn Long kể cho anh nghe chuyện này cũng chỉ là vô tình khi xe đi ngang qua vùng này vậy thôi chứ không có ý gì khác. Tuy nhìên vì tên thường gọi của ba anh Đào Văn Long là “Ba Quạ” khá đặc biệt nên khiến Phạm Văn Thức còn nhớ tới bây giờ.
Thế là Phạm Văn Thức lên đường đi Bà Rịa, Vũng Tàu hỏi thăm nhà ông Ba Quạ ngay, hy vọng từ đó sẽ biết được tin tức người bạn Đào Văn Long. Sau khi đến nơi hỏi thăm nhiều người, cuối cùng anh được một anh lái xe Honda ôm cho biết ông Ba Quạ đã chết lâu rồi. Nghe tin này Phạm Văn Thức chới với, tuy nhiên anh cũng cố hỏi tiếp:
– “Thế anh có biết con cái của ông Ba Quạ còn những ai và ở đâu không?”
Anh tài xế xe ôm trả lời:
– “Ông ta có người con gái đang mở quán bán hủ tiếu gần đây thôi.”
Mừng quá, thế là sẵn xe Honda ôm, Phạm Văn Thức nhảy lên nhờ chở ngay tới chỗ cô con gái ông Ba Quạ. Té ra đây chính là cô em của Đào Văn Long, người bạn tù mà anh muốn tìm. Nhờ cô này chỉ dẫn, sau đó anh đã tìm gặp Đào Văn Long. Cũng may là anh này vẫn còn đang uống thuốc điều trị bệnh phổi nên Phạm Văn Thức mới có cơ hội gặp được, nếu không thì chắc anh ta cũng đã đi Mỹ lâu rồi. 
Sau khi biết rõ câu chuyện, Đào Văn Long đưa cho Phạm Văn Thức địa chỉ của một người bạn tù khác cũng rất thân với cả hai người từ lúc còn ở trại Suối Máu. Đó là anh Nguyễn Đức Dũng, biệt danh Dũng “Sún”, đã đi định cư diện HO và hiện đang sống ở Washington DC. Đào Văn Long khuyên anh nên gởi thơ liên lạc và nói rõ ý định của mình cho Dũng “Sún” biết. Chắc chắc Dũng “Sún” sẽ liên lạc thêm được nhiều anh em khác làm đơn xác nhận cho anh để bổ túc hồ sơ.
Lập tức Phạm Văn Thức gởi ngay một lá thơ qua Mỹ cho Nguyễn Đức Dũng kể rõ mọi chuyện và nhờ anh này giúp đở. Đến đây thì hình như những đại nạn, rủi ro của gia đình anh đã thực sự chấm dứt. Mọi chuyện sau đó xảy ra thật nhịp nhàng, ăn khớp với nhau một cách tuyệt diệu. Sau khi nhận được thơ của bạn, Nguyễn Đức Dũng đã liên lạc được 8 bạn tù cải tạo khác cũng ở cùng trại Xuyên Mộc với nhau trước đây, cùng làm ngay một tờ đơn xác nhận rằng có quen biết với Phạm Văn Thức từ lúc còn ở trại cũ Suối Máu và cùng chuyển sang trại Xuyên Mộc vào năm 1979… tất cả khai biết rõ chuyện trốn trại năm 1980 của anh như thế nào… sau đó mang đi thị thực chữ ký và gởi bản chính qua toà đại sứ Hoa Kỳ ở Bankok, Thailand và một bản sao về cho anh.
 Năm 1997, phái đoàn Mỹ mở lại hồ sơ Pham Văn Thức, gởi giấy mời vợ chồng anh trở lại tái phỏng vấn và tuyên bố chấp nhận gia đình anh được định cư ở Mỹ theo diện nhận đạo HO 40. Gia đình anh lên đường đi định cư không bao lâu sau đó, chấm dứt một quảng đời dài lận đận tưởng như không bao giờ thoát ra được. Hiện anh Phạm Văn Thức đang sống an lành cùng gia đình tại thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa kỳ.
Câu chuyện của anh Phạm Văn Thức, một người tù cải tạo trong nhóm 520 Xuyên Mộc kể trên, là một điển hình đáng cho chúng ta suy gẩm về ý chí kiên cường, quyết không chấp nhận sống dưới sự kềm kẹp của chế độ cộng sản… cũng như tinh thần nhẫn nại, sự chịu đựng bền bỉ, sẵn sàng hy sinh và bất chấp mọi hậu quả của anh để đánh đổi lấy cuộc sống TỰ DO mà anh hằng khao khát.
Vĩnh Khanh
Phố Đá Tròn, những ngày cuối năm 2007