Wednesday, November 23, 2016

NHƯ PHONG =BÁO CHÍ MIỀN NAM =NGUYỄN VỸ =HỒ NAM



TỪ DUNG * NHƯ PHONG



Cậu tôi: NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN

Cậu tôi


Ông Như Phong Lê Văn Tiến tại Little Saigon năm 1997



CẬU NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN LÀ AI?
CON NGƯỜI – CÁ TÍNH

Thật ra, Như Phong Lê văn Tiến là nhân vật như thế nào?

Từ một người quen biết sơ giao, từ một người bạn thân tình, từ một người cùng hay không cùng chí hướng, tất cả đều nhìn ngắm con người cậu tôi dưới những khía cạnh, những quan điểm khác biệt, để rồi dẫn đến những kết luận, ý kiến có tính cách cá nhân, cũng giống như nhiều anh mù được dẫn đến sờ nắm những bộ phận khác nhau của một con voi, anh thì cho con voi là cái quạt, cái cột đình... vân vân...

Nhưng, có một điểm chung, dù là người Việt Nam hay ngoại quốc, dù là bạn hay thù, ai cũng phải kính nể cậu tôi, cũng tìm đến, ngồi xuống bên cậu để được lắng nghe những lời bình luận sắc bén, những lời khuyên bảo thẳng thắn chân thành của cậu.




Một nhà ái quốc chân chính? Không ai có thể phủ nhận điều đó. Cả tuổi trẻ, cả cuộc đời của cậu, cậu đã cống hiến cho tình yêu thương tổ quốc, dân tộc, không màng danh lợi cho chính bản thân mình. Cả tới hạnh phúc riêng tư, cậu tôi cũng gạt bỏ qua một bên để sống trọn vẹn cho lý tưởng của cậu.

Một nhà cách mạng lão thành? Nếu thế thì những tư tưởng mới mẻ cải tiến về chính trị xã hội có tính cách đi trước tương lai cuả cậu có đủ sức thuyết phục được những đầu óc bảo thủ chỉ lo thủ lợi cho cá nhân? Ở phương diện này, quả cậu tôi đã vấp phải nhiều trở lực khó khăn. Cuộc đời tù tội liên miên của cậu là bằng chứng hùng hồn của sự thất bại này trong đời cậu. Nhưng trong sự thất bại có thành công, thành công ở chỗ thông điệp của cậu có thể được truyền bá cho thế hệ mai sau, cũng như mỗi người chúng ta có trách nhiệm chuyển giao thông điệp của cậu, một khi thấm nhuần được tư tưởng sâu sắc ấy!


Một chính trị gia lỗi lạc? Nhưng mà cậu chính là người nói với tôi: «Cậu không làm chính trị, cậu không thích danh từ đó cũng như những biện luận để bảo vệ cho danh từ đó. Cậu, cũng như ba em(lối xưng hô của cậu đối với tôi vì cậu dạy tôi học từ nhỏ) chỉ có một chí hướng là làm việc hết sức mình để đem lại hạnh phúc cho đồng bào, góp phần dù nhỏ bé thế mấy cho công cuộc xây dựng đất nước».
Đúng thế, thần tượng của cậu về mọi phương diện của cuộc đời cậu là ba tôi, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Có những lúc tôi nhìn thấy đôi mắt của cậu chiếu lên những tia sáng rực rỡ như ánh lửa trong đêm mới hiểu được ảnh hưởng sâu đậm của ba tôi với cậu và những người cùng thế hệ cậu...

Một nhà văn, một nhà báo có tài, có nhiệt tình với nghề cầm bút? Những bút tích do cậu tôi để lại là chứng minh hùng hậu cho lập luận đó!

Tác giả (lên 6) với cậu Tiến tại Hồ Gươm trước khi di cư vào Nam năm 1954



Một người bạn tốt, chân thành, đáng tin cậy? Có thể gọi là tuyệt đối như thế! Những người bạn thân thiết, đồng nghiệp như ông Đinh Trịnh Chính, Nguyễn Ngọc Linh, Nghiêm Xuân Hàm, P.G.Honey hoặc cộng sự nhỏ tuổi hơn cậu như ông Trần Như Tráng, Tạ văn Tài, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Mạnh Hùng, Phan Lâm Hương... đều ngưỡng mộ cậu, ở một khía cạnh hay nhiều khía cạnh khác nhau. Đêm nào, ở căn nhà chúng tôi trên đường Phan Thanh Giản, cũng có ít nhất năm hay mười nhân sĩ, nhỏ tuổi có, lớn tuổi có, ngồi quây quần quanh cậu để bàn luận chuyện quốc sự, quốc tế cho đến ít nhất là 12 giờ đêm, rồi mới luyến tiếc ra về.


Về cá tính con người cậu? Cậu là một người thẳng thắn, cương trực, đầy nhiệt huyết, nóng tính đôi lúc đi đến cực đoan nếu phải bảo vệ lập trường. Có lúc cậu thích diễu cợt khôi hài, lối châm biếm của cậu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tưởng thế mà không phải thế. Nhiều khi người bị đùa giỡn phải về đến nhà mới hiểu được ý nghiã thâm thúy của câu nói đùa và mới cảm thấy đau. Mặc dù cậu tự cho mình là Khổng Minh Gia Cát Lượng mềm dẻo khôn khéo, thật ra, tính cương trực của cậu đôi khi dẫn đến tính cách cực đoan, do đó lời tiên tri của cậu dễ đụng chạm và bị phản kháng bởi xã hội.


MỐI LIÊN HỆ của CẬU NHƯ PHONG với GIA ĐÌNH NGUYỄN TƯỜNG
Có phải cậu là một người cậu thương cháu, biết lo lắng cho gia đình, giúp đỡ bà chị tần tảo nuôi các cháu lớn khôn? Không ai bằng cậu tôi. «Cậu giáo bê bê», đó là danh từ chính tôi đặt cho cậu lúc tôi 7 tuổi, vì cậu đã dạy tôi học phụ thêm tại nhà từ những ngày tôi mới cắp sách đến trường, với những vần mẫu tự a,b,c...

Lọt lòng mẹ không có may mắn được có cha bên cạnh vì ba tôi đã đi sang Trung Hoa hoạt động cách mạng cùng các bác, các chú, tôi được bù đắp bằng tình thương của mẹ, của bà ngoại, của cậu tôi và các anh các chị. Cậu là bàn tay đầu tiên đã bế ẵm tôi khi tôi mới chào đời, là người đầu tiên được tôi «tưới hoa rửa tội». Cậu cũng đã thay thế ba tôi để hướng dẫn tôi từ những bước đi chập chững thời thơ ấu cho đến lúc lớn khôn. Dù tên cúng cơm Từ Dung do ba tôi viết thơ gửi về cho tôi, nhưng công nuôi dưỡng cho đến thành nhân một phần lớn là nhờ công sức của cậu. Ba tôi mất vì bệnh tim trên chiếc xe lửa về Quảng Châu sau khi gặp gỡ mẹ tôi vào năm 1948, lúc đó tôi được 19 tháng và chưa một lần được nhìn mặt bố.


Tôi không được biết sự kiện nào đã đưa đẩy cậu Tiến đến với gia đình Nguyễn Tường, chỉ qua lời thuật lại của cậu, là cậu bất mãn với hoàn cảnh gia đình và người vợ hai của bố nên đã bỏ nhà ra đi, mang theo cơn bệnh phổi ngặt nghèo. Lúc đó vào khoảng 1945, cậu cũng có một người em tên là cậu Nguyễn Ngọc Ấn, thỉnh thoảng có đến thăm cậu và cũng là người ở gần cậu lúc cậu hấp hối.




Từ lúc ba tôi mang cậu về, ba mẹ tôi đã cưu mang cậu dưới mái ấm gia đình của chúng tôi. Cũng nhờ lòng thương người của bà ngoại tôi, vì ba tôi và sự săn sóc chu đáo của ba mẹ tôi, bệnh tình cậu đã hồi phục. Kể từ đó, cậu trở thành một thành phần trong gia đình tôi, sự có mặt của cậu không thể thiếu vắng được nữa!


Cùng với bà cô tôi, bà Cả, và mẹ tôi, cậu tôi đã thay mặt ba phụng dưỡng bà ngoại tôi trong thời gian ba đi họat động cách mạng bên Trung Hoa. Cậu gọi bà ngoại tôi là mẹ nuôi của cậu. Ông ngoại tôi làm tham tá thời Pháp thuộc nên người ta gọi bà ngoại là cụ Tham Bình.

Song song với sự gia nhập vào gia đình tôi, cậu cũng được ba tôi hướng dẫn về tinh thần, hun đúc ngọn lửa nhiệt tình với dân tộc đã cháy sẵn trong tâm hồn cậu. Cậu tôi bước vào sự nghiệp báo chí cũng do sự hướng đạo của ba tôi. Lý tưởng của cậu là dùng những phương tiện truyền thông để phổ biến trong dân chúng những tin tức quốc nội, quốc ngoại cũng như thẳng thắn phê bình và sửa đổi những trật tự xã hội sai lầm mang lại sự đau khổ cho dân chúng. Khi tôi bước vào ngành nghệ thuật ca hát song song với nghề dạy học, cậu tôi bảo rằng: «Con đã chọn lầm nghề rồi, nghề của con phải phục vụ cho quần chúng bằng media mới đúng».


THỜI KỲ DI CƯ VÀO NAM

Ba tôi, Hoàng Đạo, mất vào năm 1948 lúc tôi được 18 tháng. Thời gian này, để an ủi gia đình tôi, cậu Tiến đã có mặt thường xuyên bên cạnh mẹ nuôi (bà ngoại tôi, tức cụ Tham Bình), chị và các cháu để nâng đỡ tinh thần. Không biết chúng tôi sẽ ra sao nếu không có cậu lúc ấy.

Không ai trong gia đình vào thời điểm ấy không nghĩ về cậu như cậu ruột. Trước năm 1954, cậu đã nhìn trước sự việc và thuyết phục mẹ và bà tôi chuẩn bị di cư vào Nam. Bà tôi sợ sự thay đổi và còn luyến tiếc mấy căn nhà ở Hà Nội khó thanh toán, nhưng sau cùng cũng xiêu lòng.Thế là, mùa Xuân năm 1954, chúng tôi vội vã ra đi, nước mắt rưng rưng nhìn ngoái lại căn nhà quét vôi trắng số 18 bis Lý Thái Tổ, nhìn lại cây bàng lá xum xuê đỏ trong khuôn sân nhỏ, nhìn lại lão bộc trung thành tên Lui, nhìn lại căn phố quen thuộc đầy kỷ niệm thuở ấu thời. Lúc đó tôi mới được 7 tuổi, vẫn còn là em bé bêbê của cậu giáo.

Vào đến Nam, mẹ tôi phải trở lại Hà Nội để thu xếp vội vã mấy căn nhà. Cậu tôi lãnh nhiệm vụ trông nom bà ngoại và chúng tôi. Lúc đó gia đình tôi rất lo lắng mẹ tôi sẽ kẹt lại miền Bắc vì cửa ngõ phân chia hai miền sắp bắt đầu đóng. Nhưng mẹ tôi trở về kịp lúc. Bà mua một căn nhà rất rộng ở mặt tiền đường Phan Thanh Giản (bây giờ là Điện Biên Phủ) số nhà 20. Sau này mẹ tôi mở tiệm Chả Cá Thăng Long, rất được khách hàng ưa chuộng thời bấy giờ. Thời gian sau, bà cho thuê mở bar restaurant tên Kontiki.

VAI TRÒ của CẬU TIẾN trong GIA ĐÌNH TÔI

Tôi có hai người anh và một người chị. Chị lớn tên là Nguyễn Minh Thu, người anh thứ hai là Nguyễn Tường Ánh, anh thứ ba là Nguyễn Lân. Tôi là con út, nên ai cũng thương yêu chiều chuộng, nhất là mẹ tôi và cậu tôi. Nhưng cậu cũng rất nghiêm khắc khi phải uốn nắn dạy dỗ tôi về mọi mặt. Cậu luôn luôn nhắc nhở tôi về chí khí, lý tưởng của ba tôi và dòng họ Nguyễn Tường.


Tôi vốn thích thơ văn từ thuở 7, 8 tuổi. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn trong thơ Kiều, còn cố gắng làm trường thi ca bắt chước các bậc tiền bối. Tôi trót thương thầm một chàng hàng xóm cùng tuổi hay chơi đánh bi nhà bên cạnh và làm một bài thơ như sau cho chàng:
Nhưng cũng không ai biết mối tình
Lặng thầm giữa đôi lứa thư sinh
Vì họ cũng không hề hé miệng
Tỏ cho nhau biết nỗi lòng mình
Bài thơ này làm tôi ăn đòn của cậu Tiến và vì cậu đã mất nên sau này không ai tin tôi đã làm thơ tình từ 7 tuổi!

Đi chơi với bạn về trễ 15 phút, đôi khi cũng ăn bạt tai!


Khi tôi lớn lên và tiếp tục làm thơ tình, cậu chỉ lắc đầu và nói:«Hỏng, hỏng thật»!
Trong gia đình tôi, cậu Tiến giữ địa vị của một người con, người em, người cậu thay mặt cho người cha quá cố để giúp đỡ chị nuôi dưỡng các cháu còn thơ dại. Cho đến nay, chị em chúng tôi đều khôn lớn, cũng là nhờ công của cậu rất nhiều và tôi nghĩ chúng tôi không thể nào phủ nhận công ơn ấy. Chị Minh Thu tôi là người lớn nhất trong bốn chị em, cũng góp phần giúp mẹ dạy dỗ các em mồ côi bố từ lúc còn bé bỏng.


Trong thời gian đó, cậu được nhiều nhóm khác nhau mời tham dự các tổ chức như Hội Đồng Nhân Sĩ, một ghế bộ trưởng trong chính phủ Phan Huy Quát, nhưng cậu chỉ thích đứng ngoài đóng góp ý kiến, làm quân sư quạt mo, như một thời gian cậu cũng giúp tướng Kỳ. Niềm đam mê của cậu là tờ báo Tự Do cũng như hoàn thành trường thiên tiểu thuyết «Khói sóng» mà cậu còn viết dang dở cùng thời gian với tiểu thuyết« Tị Bái» của nhà văn Nguyễn Hoạt. Cậu cũng giữ mục điểm tin ngoài Bắc với bút hiệu Cô Thần, nên một số người gọi cậu là chuyên viên về Cộng Sản Bắc Việt nhưng cậu phủ nhận danh hiệu này. Cậu thường nói cùng tôi: «Nhược điểm của cậu là chuyện tình cảm nam nữ, cậu viết chuyện đó dở vì không có nhiều kinh nghiệm thực tế, truyện cậu thiên về biện luận hay phê bình thì có chất lượng hơn».


Quả thực là đời sống tình cảm cậu nghèo nàn ít ỏi. Theo tôi biết có một cô Thu nào đó rất thương cậu nhưng không thành. Cậu chỉ miệt mài làm việc với đống sách vở cao tận trần nhà, hoặc họp mặt cùng bè bạn bàn chuyện quốc sự, hoặc đi nước ngoài dự hội nghị.

Về phần gia đình tôi, lúc đó mẹ tôi «gà mái nuôi con» cùng bà mẹ già nên rất khó khăn. Tuy có một số vốn do bán đổ bán tháo mấy ngôi nhà ngoài Hà Nội, nhưng vì tính tình bà rộng rãi và hay thương người giúp đỡ, chia sẻ những gì bà có nên mẹ tôi không giàu được. Cậu tôi cũng cố gắng giúp gia đình trong khả năng của cậu.

Có những dư luận đồn đại không hay về sự liên hệ giữa mẹ tôi và cậu Tiến, bắt nguồn từ sự ganh ghét của người ngoài họ hoặc trong họ. Những dư luận này bóp méo và bôi nhọ tình cảm trong sạch và đẹp đẽ mà người tầm thường không hiểu nổi. Gia đình tôi rất phẫn nộ vì những dư luận xấu xa đê tiện đó!

Tác giả và cậu Tiến.



                                                    SỰ CHUYỂN MÌNH của THỜI ĐẠI


Thời gian ở Saigon dưới chế độ của ông Ngô Đình Diệm êm đềm trôi. Nếp sống của người dân trong lúc đó tương đối đầy đủ và no ấm. Năm 1960, nhờ cậu Tiến nói giúp, tôi được mẹ cho tháp tùng sang Nhật Bản, Hồng Kông và Thái Lan chơi. Ở Thái Lan, chúng tôi cư ngụ tại nhà ông Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan là ông Đinh Trịnh Chính. Bà Chính rủ chúng tôi trở lại Hồng Kông cùng bà nhưng chúng tôi từ chối để trở về Việt Nam. Tin như sét đánh ngang tai, trong chuyến bay đi Hồng Kông, chiếc máy bay đã rớt xuống biển và bà Chính đã bỏ mình cùng với tất cả hành khách trong chuyến bay định mệnh ấy.






Năm 1963 cậu Tiến bị bắt giam vì tờ báo Tự Do có những lời lẽ chống chế độ. Mẹ tôi và tôi đi từ nơi này sang nơi khác, từ An Ninh Quân Đội sang Tổng Nha Cảnh Sát để thăm nuôi cậu. Thời gian này, ông P.G.Honey, một ký giả nổi tiếng từ Anh quốc thường xuyên lui tới hỏi thăm sức khoẻ cậu. Nhà văn Chu Tử cũng bị bắn thủng họng trong thời gian này, chúng tôi cũng lui tới thăm ông vì con gái ông là Chu Vỵ Thủy là bạn thân tôi.




Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát, cậu tôi được thả về và tiếp tục hoạt động. Mẹ tôi bán căn nhà ở đường Phan Thanh Giản, mua một căn nhà nhỏ ở Chu Văn An, Ngã Năm Bình Hòa.




Năm 1963 đến 1968 là thời gian cậu tôi lại miệt mài làm việc, gặp gỡ rất nhiều nhân vật quan trọng trong chính trường. Cậu tôi thường xuyên nhắc đến Nguyễn Chánh Thi và sau là Nguyễn Cao Kỳ. Dù thời gian đầu, cậu tìm được đôi chút phấn khởi khi làm việc với ông Kỳ nhưng về sau, tôi thấy rõ ràng là cậu đã bị thất vọng có lẽ những lời khuyên của cậu không đủ sức thuyết phục đường lối làm việc của tướng Kỳ và những người cộng sự của ông.




Năm 1968: Saigon vùi dập dưới «Khói sóng» của tết Mậu Thân. Cả gia đình chúng tôi phải di tản tạm thời sang một căn nhà ba tầng ở đường Nguyễn Thiện Thuật vì căn nhà ở Ngã Năm Bình Hòa đã bị bắn nát cả mái ngói và lửa cháy đen sạm.




Năm 1969: tôi lập gia đình và sanh con gái đầu lòng tên Từ Công Ý Uyên. Cậu Tiến tôi rất yêu qúy cô bé này. Những năm trong tù Cộng Sản, tấm hình của bé Uyên luôn luôn được ông nhìn ngắm mỗi ngày, tấm hình giúp ông sức mạnh tinh thần từ mái ấm gia đình để duy trì tinh thần bất khuất dưới áp lực của gông cùm Cộng sản.




Thời gian này, tôi tức là Nguyễn Từ Dung, tên thật do ba tôi đặt cho từ lúc ông ở Trung Hoa, tham gia những chương trình hát cho sinh viên từ các trường đại học, những buổi đại nhạc hội, những hộp đêm như Ritz, Lê Lai, Quán Tre, Khánh Ly... những chương trình truyền hình như Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương...




Cậu tôi lắc đầu: «Con đi lạc đường rồi, nghiệp của con là viết văn, viết báo, là phục vụ cho media».




Tôi có nhà riêng nên chỉ lui về nhà mẹ mỗi ngày để thăm hỏi nên ít có dịp gần gũi chuyện trò với cậu như trước. Mãi cho đến 1975, tôi bán căn nhà riêng về ở với mẹ để trông nom bà vì bà đã bị ung thư nặng và cưa đi một cánh tay, tôi mới lại được chia xẻ cùng một mái nhà với cậu tôi. Sau đây là một đoạn chuyện trích từ tập truyện «Hồi Tưởng» của Từ Dung viết cùng với giáo sư Trần Hoài Bắc:








ĐÊM KINH HOÀNG vào THÁNG TƯ NĂM 1976 (trích trong tập truyện Hồi Tưởng)





«Tại ngôi nhà nhỏ với một vườn lan đơn sơ phía trước trong ngõ hẻm Chu Văn An của xóm Ngã Năm Bình Hòa, người ta thấy một ông trung niên tóc ngả bạc, vận một bộ đồ bà ba vải đen, đi đi lại lại chăm sóc những chậu lan Tiên Hài, Catlaya rực rỡ.




Dân trong xóm cũng mang máng biết rằng trước năm 1975, ông Ba Tốc là một nhân vật quan trọng. Mặc dù không ai biết chính xác ông làm chức vụ gì trong chính quyền, ngoài nghề viết văn làm báo. Bây giờ chỉ thấy ông sống một cách lặng lẽ, mộc mạc, với vườn lan của ông. Nụ cười thân thiện, phúc hậu luôn nở trên khuôn mặt quắc thước. Có ai nhìn kỹ thì mới thấy sau cặp kính trắng, đôi mắt hiền hậu đôi khi sáng quắc lên như ngọn đuốc bùng lên trong đêm.




Trước đó, ông Ba Tốc đã giục giã con cháu ra đi bằng bất cứ cách nào, tìm đường trốn chạy khỏi ách Cộng Sản. Ông đã gửi con trai trưởng của Nguyễn Tường Ánh tên là Nguyễn Tường Kiên đi cùng với em ruột ông là cậu Nguyễn Ngọc Ấn. Nhưng bản thân ông, ông phải ở lại vì những lý do đặc biệt sau đây:




Thứ nhất: Ông chọn lựa đối mặt thực sự với «Cộng sản», đối tượng mà ông đã dày công sưu tầm tài liệu, nghiên cứu các dữ kiện để đưa lên mặt báo. Người ta gọi ông là «chuyên viên về Cộng sản Bắc Việt» với bút hiệu Cô Thần, thì hiện tại, giờ phút này, chính là một dịp may để ông sống thực sự trong thể chế Cộng sản, làm một nhân chứng cụ thể cho những biến cố của xã hội chủ nghĩa. Đó là một thử thách mà một nhân vật tầm cỡ như ông Ba không thể bỏ qua. Đó cũng là nỗi ám ảnh về ý thức hệ, về nhân sinh quan của những người cầm bút. Văn hào Soljenitsin của Liên Xô sau khi thoát khỏi ách Cộng sản Nga đã tuyên bố rằng đời sống hiện tại của ông ở xã hội tự do quá đầy đủ, ông không còn thấy hứng thú để viết, để sáng tác những tuyệt tác như hồi còn ở bên Nga Xô!




Lý do thứ hai là chị nuôi của ông, bà Nguyễn Tường Long đã trở bệnh ung thư ngặt nghèo, cánh tay trái của bà đã bị cưa đi hai lần để tránh sự lan rộng của tế bào ung thư. Bà được chữa chạy trong 9 năm trời với sự điều trị tận tâm của bác sĩ Trần Ngọc Ninh, nhưng căn bệnh quái ác cứ lan dần như cục u nơi cánh tay bà cứ mọc rễ lan dần ra. Trong những cơn đau đớn quằn quại của cơn bệnh, phải có mặt người thân để săn sóc bà.




Trở lại chuyện ông Ba, dĩ nhiên, ông không thể ngây thơ đến độ không biết rằng, Cộng sản đã và đang theo dõi, rình rập những nhân sĩ, những nhà văn nhà báo, những nhân vật có liên hệ đến chế độ trước mà chưa nằm trong trại cải tạo của họ. Sau vụ kiểm tra văn hóa tại Saigon năm 1975, ông đã đốt sạch nhiều tài liệu sưu tập từ bao năm, báo chí hình ảnh, sách vở với những giá trị lịch sử vô cùng quý báu. Nhưng ông vẫn giữ lại được một số, trong số đó, có một tấm hình bác Hồ đứng ngạo nghễ trên đống xương người ngổn ngang.»





«Màn đêm đã buông xuống trên xóm nghèo Ngã Năm Bình Hòa. Tất cả đã chìm trong yên lặng, một sự im lặng dày đặc và đen tối. Không gian ngột ngạt khó thở. Ông Ba đang thiu thiu bỗng giật mình, tim ông bỗng nhói đau. Một tiếng xe thắng rít lên, rồi tiếng người lao xao trước ngõ. Ông Ba biết chuyện gì phải đến đang đến, trong tận cùng sâu thẳm của tâm tư ông, ông vẫn chờ đợi ngày hôm nay trong sự chối từ ý thức.




Hơn ba mươi người vũ trang súng ống đầy đủ ập vào khi cửa mở ra. Với bộ mặt nghiêm trọng, họ đọc án lệnh rất dài, buộc ông tội phản động, phản cách mạng. Khi xưa, khi đọc cuốn Quần Đảo Gulag của Soljenitsin, ông đã mường tượng cảnh đọc án lệnh y như cảnh đang diễn ra cho ông bây giờ. Lịch sử lại tái diễn ở đây, dù ở thời gian nào, không gian nào, cũng không khác biệt là mấy!




Trong giây phút đó, lòng cảm xúc của ông lên đến tột độ. Ông đã sống như một nhân vật lịch sử kể từ giờ phút này. Ông không nghĩ tới những gì xảy ra cho ông những ngày giờ kế tiếp. Trái tim ông phập phồng, mắt ông dướm lệ. Sợ ư? Không phải sợ hãi đâu!




Cháu rể ông lúc bấy giờ mặt tái xanh vì vừa hoàn thành một lá thơ có tính cách phê phán chế độ nhưng chưa kịp gửi đi nước ngoài để ở trên bàn. Nếu bọn người này lùng xét nhà, ông mong rằng ông là người duy nhất bị buộc tội. Tội ông đã nặng ngàn cân, thêm một tội nữa cũng thế thôi. Ông kịp thấy, khi họ lui cui còng tay ông, đứa cháu gái của ông vừa mếu máo hỏi han người cầm đầu trong bọn,vừa hất lá thơ phản động xuống đất rồi lấy chân đá tận vào trong gầm bàn để cứu chồng!




Những ngày sau khi ông Ba bị bắt, cháu gái của ông tên Dung cũng bị mời lên nhiều lần tại trại giam Phan Đăng Lưu, Bà Chiểu, nơi họ giam giữ ông. Khi tới nơi, họ cho Dung vào trong một căn phòng trơ trụi, chỉ có một cái bàn và hai cái ghế gỗ đơn sơ. Chị phải đối diện với một cán bộ miền Bắc có nhiệm vụ thẩm tra chị. Anh chàng này cỡ ngoài bốn mươi, mặt lạnh như tiền nhưng thỉnh thoảng mỉm một nụ cười giả tạo để thay đổi không khí vốn căng thẳng và gượng ép.




Đây là một cuộc đấu trí ba mặt, vì những lời khai của chị về ông Ba phải phù hợp với lời khai của chính ông để cho «họ» thỏa mãn. Chị phải có một trí nhớ trên mức bình thường, vì không phải chỉ khai báo một lần mà cả chục lần, tất cả mọi lần khai phải đồng nhất. Nếu có một điểm khác biệt là anh cán bộ sẽ lôi ra hỏi đi, hỏi lại. Điều đáng kể là anh cán bộ kia, rõ ràng là rất có trình độ, và tuy anh là một người lạ mặt lần đầu tiên chị gặp, anh ta dường như ăn ở trong gia đình nhà chị, anh biết rõ từng chi tiết, từng biến cố xảy ra cho nhà chị vào năm nào, tháng nào, ngày nào, từng nhân vật trong nước và ngoài nước đã đến nhà chị tìm gặp ông cậu của chị. Chị cũng biết, lời khai của chị dù nói hay viết, họ muốn dùng để đưa đến kết luận để buộc tội ông Ba đã và đang làm việc cho CIA!




Đầu óc chị Dung lúc đó làm việc ráo riết, chị không muốn lọt ra một sơ hở nào để họ có bằng chứng buộc tội ông Ba, nhưng cũng không muốn họ cho là mình khai báo không thành thực, sẽ có hại cho ông Ba nhiều hơn nữa. Nước mắt chị đã ráo hoảnh sau ba thảm kịch xảy ra liên tiếp: Cái chết đau đớn của mẹ chị vì bịnh ung thư tháng Mười năm 1975, cái chết thảm thương của bà ngoại lúc 98 tuổi ngay một tháng sau đó vì mất đi người con duy nhất, và sau cùng, vụ bắt giam người cậu thân yêu....».








NHỮNG NGÀY THÁNG THĂM NUÔI CẬU 1976-1988





Từ Phan Đăng Lưu, rồi chuyển sang Chí Hoà, những năm tháng thăm nuôi cậu Tiến cứ kéo dài đăng đẳng như bất tận. Tôi mòn mỏi chờ ngóng, tự lừa mình bằng những nguồn tin vu vơ không căn cứ để trông mong ngày cậu trở về. Gần như lần nào xách giỏ đi thăm cũng gặp gỡ chị Đoàn Viết Hoạt. Chị lại có dịp tặc lưỡi nhìn tôi: «Cứ thế này mãi, biết bao giờ mới có lần xum họp hở cô?»!




Chúng tôi, những người đi thăm nuôi, xúc động nghẹn ngào, tim phập phồng trong lồng ngực căng thẳng. Phút mong đợi đã đến. Kìa, những người tù cấm cố đã lần lượt xếp hàng đi ra trong bộ áo tù màu xanh xám. Những hình bóng gày gò xiêu vẹo, những khuôn mặt u buồn tuyệt vọng, những cặp mắt ngơ ngác, ảm đạm như chất chứa những thảm kịch không thể diễn tả bằng lời nói. Ngày nào mũ mão cân đai, anh hùng một cõi! Những mái đầu bạc, muối tiêu, đen cúi gầm lầm lũi bước, đôi lúc ngẩng lên ngu ngơ tìm kiếm bóng người nhà đến thăm nuôi.




Bỗng tôi giật mình, tim nhói đau! Giữa những hình hài vật vờ tang thương ấy, có một mái đầu hoa râm ngửng cao bất khuất, một dáng đi thẳng đứng hiên ngang, một cặp mắt sáng long lanh sau đôi kính trắng cũ kỹ đã gãy gọng chắp nối trong một khuôn mặt gày gò hốc hác nhưng vẫn có tính thuyết phục và đầy tin tưởng. Cậu Như Phong của chúng tôi, đúng cậu rồi!




Khi được tiếp chuyện, cậu dịu dàng dặn dò tôi những điều cần thiết, hỏi thăm các anh chị, con gái tôi, họ hàng, bảo tôi không được khóc dù dưới tình huống nào chăng nữa, cũng không được quyền cho phép mình yếu đuối, gục ngã:«Em phải luôn luôn nhớ rằng em là con nhà Nguyễn Tường».




«Em không lo, họ rất nể cậu, cậu vào thất 37 ngày, họ tưởng cậu nhịn ăn nên bẻ răng cậu đổ sữa vào miệng đây này». Cậu chỉ cho tôi xem những chiếc răng cửa khấp khểnh, rồi bắt tôi nói về bé Ý Uyên yêu quý của cậu.




Trong khi đó, gia đình tôi đã trải qua nhiều trận phong ba bão tố, vào sinh ra tử vì đi vượt biên hụt nhiều lần. Cháu Ý Uyên thành thạo đến nỗi nếu tôi bảo cháu đi ngủ sớm, nó hỏi «Mai vượt biên hở mẹ?» cứ như «Mai đi chợ hở mẹ?».




Mỗi lần chúng tôi thất bại ôm đầu máu trở về, cháu Uyên phải chạy vào nhà trước để xem có bóng dáng công an canh giữ nhà chưa.




Dù cho có đói khổ, thiếu hụt đến đâu, tôi vẫn đều đều thăm nuôi cậu. Cậu có để lại một số bột làm thuốc, tôi cố gắng bán đi để có tiền thăm nuôi cậu và dùng một phần kinh doanh trong quán Từ Dung để có tiền ăn cho gia đình. Dù không còn tiền chúng tôi vẫn kiếm cách vượt biên, nhưng đều thất bại. Lần thất bại cuối cùng, tôi đã mất nhà, mất cả gia đình, không có nơi ăn chốn ở, đi lang thang bụi đời nhưng vẫn chạy vạy chút đỉnh nhờ anh Tư tài xế cho me tôi trước kia đi thăm nuôi cậu. Anh Tư này là tài xế của me tôi trước, nay lại là đầu bếp chính pha cà phê cho quán nhạc Từ Dung ở đường Trần Quang Khải, Tân Định.








NĂM 1988: RA KHỎI TRẠI GIAM





Sau khi ra khỏi trại giam, tổng cộng là hơn 12 năm tù, cậu về ở nhà tôi, lúc ấy đã mất nhà, ở thuê trong một căn nhà bằng cây trên đường Bùi Hữu Nghĩa gần Cầu Sắt với cháu gái thứ hai của tôi tên Nguyễn Hải Âu. Cháu đầu lòng của tôi tên Ý Uyên đã cùng bố vượt biên sang định cư ở Oregon, Hoa Kỳ.




Hai cậu cháu và bé Hải Âu sống với sự thăm viếng thường xuyên của công an khu vực, công an phường của Ngã Năm Bình Hòa, vì hộ khẩu của hai cậu cháu vẫn ở Ngã Năm Bình Hòa, dù căn nhà đã về tay người khác.




Anh chàng công an khu vực lúc đó gốc người Nghệ An, rất thích đến uống bia với ông Ba Tốc và thường ngồi lì đến tối, mặc dù cậu tôi không uống được hơn hai hớp bia. Cậu rất kỵ uống rượu, nhưng hy sinh cho tôi, cậu bảo tôi chạy sang nhà bạn tránh mặt, để mình cậu đối phó với anh ta.




Cậu cũng phải thường xuyên đến công an phường để làm tờ khai báo những hoạt động hàng ngày. Cũng may lúc đó có sự có mặt của anh họ bên ngoại tôi là anh Lê Văn Vị, trước kia làm công an Hà Nội, sau này về hưu dạy tại trường Đại Học Công An, và anh rất qúy mến cậu Tiến.

Mặc dù ý thức hệ khác biệt, anh Vị rất thương gia đình họ hàng. Anh mời cậu Tiến đến ở nhà anh tại đường Đinh Công Tráng để bảo lãnh cho cậu về mặt pháp lý. Con dâu anh, cô Loan cũng hết lòng phụng dưỡng cậu. Tôi cũng yên lòng vì ở đây, cậu Tiến được «dù» che chở, gọi là tạm yên ổn một thời gian. Ai học được chữ ngờ, chính tại đây, cậu lại bị bắt lần thứ hai!


Thời gian này, cháu Hải Âu hay đến ở với ông để ông Tiến babysit, cả cháu Thơ Thơ, cháu Khôi con của chị Minh Thu cũng năng lui tới. Ở cùng đường có cô chú Cả Trác và con trai là Hiếu cùng con dâu tên Oanh cũng hàng ngày sang thăm viếng cậu.

TÔI LÊN ĐƯỜNG ĐI MỸ- CẬU TIẾN BỊ BẮT LẦN THỨ HAI

Tháng Tư năm 1990 tôi lên đường đi Hoa Kỳ. Cậu Tiến, chị Minh Thu và anh chị Vị đưa tôi ra sân bay. Còn đồng bạc cuối cùng nào trong túi, cả tiền Mỹ lẫn tiền Việt, tôi nhét hết vào tay cậu, dặn dò gần như cầu khẩn: «Em lạy cậu, cậu ơi, cậu đừng vào tù nữa nhé»!


Cậu cả cười: «Em cứ yên chí mà đi đi, cậu không sao đâu!»
Một đêm tháng Chạp năm 1990, tôi đang say giấc tại Hawaii thì tiếng điện thoại khô khốc reo lên kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Có tiếng anh Lân ở đầu giây bên kia: «Em biết chưa? Cậu Tiến bị bắt rồi!» Mấy ngày sau đó, chúng tôi cố chạy vạy cho đủ $1000 gửi về cho cô Tố Vân, bạn thân tôi, cùng với em Trần Đình Hiếu, con cô Cả để đi thăm nuôi cậu ở Phan Đăng Lưu.

ĐỜI SỐNG Ở HOA KỲ của CẬU NHƯ PHONG

Mơ ước của cậu khi sang tới bên Hoa Kỳ là trở lại quê hương để chiến đấu trong lòng quê hương, chiến đấu cho lý tưởng của ông là mang lại sự sống đầy đủ và ấm no cho dân chúng, dù ở thể chế nào. Nhưng cậu đã bị từ chối không được visa nhập cảnh, nên cậu nói:« Có lẽ cậu sẽ đi đường bộ về, lững thững rồi cũng tới». Tôi có nói lại với anh Vị về mơ ước của cậu, anh hứa sẽ kiếm cách giúp cậu toại nguyện, nhưng giấc mơ của cậu không thành vì thời gian không chiều người, tuổi tác cậu đã chất chồng với ngày tháng!

Tôi và bé Hải Âu, cả cháu gái lớn Ý Uyên lúc đó được hai mươi tuổi, sang Orange County thăm cậu ngay khi cậu đặt chân lên Hoa Kỳ. Có lúc cậu ở với cậu Ấn em cậu, rồi sang ở với anh Chiêu bạn cậu, sau cùng cậu ở một mình. Tôi đã nhiều lần cố thuyết phục cậu sang ở Hawaii để được phụng dưỡng cậu, nhưng cậu trả lời rằng ở Hawaii không có đủ đối tượng để cậu hoạt động nên chán lắm! Tôi buồn, nhưng thông cảm cậu. Ở tuổi 70 mà cậu còn hăng say làm việc như thế. Cậu đi diễn thuyết các nơi, cậu sang Anh, sang Pháp để sưu tầm tài liệu viết về lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, qua tập truyện «Như gió vào tù» mà cậu đang viết dở dang, tôi nhận thấy cậu bắt đầu có dấu hiệu lẫn lộn các nhân vật, như cũng nhân vật đó mà đầu truyện tên khác, cuối tập lại tên khác. Có lẽ cậu đã bắt bộ não làm việc quá tải ở tuổi xế chiều nên không còn sáng suốt như xưa? Tôi cũng thường xuyên điện thoại cằn nhằn cậu bớt hút thuốc đi vì cậu hút thuốc như đầu khói xe lửa! Thời gian sau đó cậu cho biết đã cai thuốc rồi.

Lúc bệnh cậu trở nặng, cậu vẫn cố tình dấu tôi, dặn các anh bạn đừng cho tôi hay, khi tôi biết được thì cặu đã yếu lắm. Tôi đã mua vé máy bay để sang Virginia nơi cậu cư ngụ lúc bấy giờ ngày 18 tháng Chạp, thì 19 cậu mất. Trong những ngày đó, tôi túc trực bên điện thoại và từng giờ từng phút, anh Chiêu và cậu Ấn em cậu cho tôi biết mọi diễn tiến về bệnh trạng của cậu. Anh Chiêu là người báo cho tôi biết lúc cậu từ trần.

Vào tháng 7 năm 1999, trước lúc cậu lìa đời, tôi và Hải Thụy (con ký giả Nguyễn Xuân Tòng) viết chung bản nhạc tên «Gió ngàn» để riêng tặng cậu Tiến. Tựa đề đó cũng là tên của ban nhạc Gió ngàn của chúng tôi ở Hawaii.




Qua điện thoại tôi đã hát tặng cậu bài đó để gửi gấm ý nghĩa của những lời tôi muốn nói với cậu:




«Gió đi về đâu, khi hồn cứ mãi lang thang trên xứ người».




Trong cuộc đời tôi, khi gặp những phút khó khăn nhất, chẳng hạn như một bài báo trên internet, rồi một lần phát ngôn bừa bãi bởi một ca sĩ hạng B tại miền Nam California, những lần đó tôi đã bị chúng bôi bác xuyên tạc bằng những lời lẽ hạ cấp vô căn cứ. Chắc chắn rằng có một bàn tay ném đá dấu tay vì thù hằn cá nhân hoặc ghen tị. Ở đời dù mình không làm gì hại ai vẫn có những lòng dạ ghen tị và thù oán thâm độc chuyên ngậm máu phun người. Những lúc như thế tôi vẫn thầm nhủ lời cậu khuyên bảo dặn dò: «Đường ta ta cứ đi, chó sủa mặc chó em ạ»!

Gió, cho dù mạnh mẽ như thế, nhưng gió đi về đâu, khi những dự tính cao quý chưa thành, khi những hoài bão không tìm được nơi để thực hiện? Gió, tuy ào ạt như thế, nhưng gió đi về đâu, khi một đời trôi nổi, chơi vơi trong niềm cô quạnh, trong số phận hẩm hiu lưu lạc gia đình.


Thực thế, mặc dù được sự ngưỡng mộ của người quen kẻ lạ, người trong và ngoài nước, cậu tôi vẫn một đời cô đơn, một đời đi tìm bến bờ không tưởng. Trên đây chỉ là những lời sơ lược về những quãng đường đời tôi được hân hạnh đi bên cậu Như Phong. Xin hẹn trong tương lai sẽ cung cấp qúy độc giả nhiều tình tiết thú vị hơn nữa.
Từ Dung

Tác giả Từ Dung là con út nhà văn Hoàng Đạo
(từ DĐTK)

NGUYỄN VĂN LỤC * CỘNG SẢN LŨNG ĐOẠN BÁO CHÍ MIỀN NAM



Sự lũng đoạn của cộng Sản đối với một số báo chí miền Nam từ 1954-1975


Nguyễn Văn Lục



Báo chí miền Nam trước 1954


Báo chí là một trong những công tác địch vận mà người cộng sản dùng để chi phối, lũng đoạn, gây hoang mang, khích động khi cần. Trước 1954, tại Sàigòn có hai tờ báo nổi tiếng là Thần Chung do ông Nam Đình làm chủ nhiệm và tờ Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai. Vậy mà cả hai tờ đều có sự chi phối của cộng sản gián tiếp hay trực tiếp qua những người như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Mai Văn Bộ ..


Tờ Thần Chung do ký giả lão thành Nguyễn Kỳ Nam làm chủ nhiệm. Nếu nói về tay nghề thì tôi nghĩ khó ai hơn ông được. Tài liệu ông nhiều vô kể, cả một thư viện sách, giao du quen biết rộng trong chính giới Việt Nam, Pháp, Nhật. Tôi biết ông qua cuốn Hồi ký 1925-1964. Trong tập Hồi ký, ông giống như một số trí thức tiến bộ miền Nam, ông theo đệ tứ cùng với các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và ông thù ghét cay đắng nhóm đệ tam như Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn, Hạ Bá Cang {tức Hoàng Quốc Việt} Sau này, khi Nguyễn Văn Hinh phải dời khỏi VN sang Pháp, ông đã lưu vong theo Nguyễn Văn Hinh cho đến khi chế độ đệ nhất cộng Hòa sụp đổ. Ông trở về làm báo trở lại.


Khi ông Diệm về nước nắm chính quyền, tờ Thần Chung bị đóng cửa trong suốt 9 năm. Sau 1963, chính phủ quân nhân cho phép tục bản. Giấy phép vừa ký xong, đọc hồ sơ lý lịch Nguyễn Kỳ Nam, một lần nữa, chính quyền quân nhân vừa ký xong giấy phép lại rút giấy phép.


Riêng tờ tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai, có ai nghĩ là do cộng sản đã gài được người vào tờ báo? Vậy mà Nguyễn Văn Hiếu, tức Khải Minh là Bí thư ban Trí vận thành ủy {1949-1957} đã “nằm vùng” tại tờ Tiếng Chuông từ trước 1954 cho mãi đến sau này.


Cái hiểm họa cộng sản như thế lúc nào cũng cần phải canh chừng. Bài viết này giúp độc giả nhìn cho rõ sự xâm nhập của cộng sản trong làng báo chí như thế nào?.


Sau 1954, một số ký giả, nhà văn lần lượt quay trở về thành phố


Một số ký giả ở ngoài khu kháng chiến, một số ra “bưng” vì lý tưởng chống Pháp. Sau 1954, “nửa nước độc lập”, họ đã quay trở về đời sống bình thường để làm ăn sinh sống. Giấc mộng tuổi trẻ trò Trần Văn Ơn tạm gác lại một bên. {Thật ra, trò Trần Văn Ơn, học Pétrus kỳ, mới học tới lớp nhất, nghe các anh lớn bảo đi biểu tình thì đi, chưa biết gì. Chẳng may bị Tây bắn chết. Bỗng chốc anh trở thành biểu tượng anh hùng của giới trẻ}.


Trong số những người trở về Sàigòn có Bằng Giang, Kiên Giang{Hà Huy Hà}, Văn Bia, Nguyễn Ang Ca, Hiếu Đệ, Tùng Sơn, Tân Dân Tử (Sơn Tùng}.

Việc quay trở về của các cựu kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp được coi là truyện bình thường như trường hợp của nhiều nhà văn, nhà báo khác. Đó là trườnmg hợp của Võ Phiến, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và nhiều nhà văn khác.


Nhưng có người quay trở về mà vẫn còn dính dáng với những hoạt động như thời kháng chiến chống Pháp dưới “môn bài” cộng sản. Đó là cái khó cho chính phủ nền đệ nhất cộng hòa biết ai còn, ai không còn theo cộng sản nữa? Như trường hợp Sơn Nam là còn hay không còn?


Bên cạnh đó, một số không nhỏ những nhà văn, nhà báo có xu hướng theo cộng sản mà người cộng sản xếp chung vào thành phần những nhà văn, nhà báo” tiến bộ”, không có thẻ đảng như Thiên Giang, Nguyễn Bảo Hóa {Tô Nguyệt Đình}, Tam Mộc, Lý Văn Sâm, Thuần Phong, Trần Tấn Quốc, Quốc Ấn, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Huỳnh Hoài Lạc, Trúc Chi, Đỗ Thiếu Lăng, Quách Thoại và Tam Ích.{ Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về nhà văn Tam Ích}


Phải nói là những nhà văn, nhà báo miền Nam có cảm tình với cộng sản là khá đông. Nhưng dính dáng ít nhiều, mức độ thế nào tùy hoàn cảnh, tùy mức độ nhận thức, hẳn là mỗi người mỗi khác, khó có thể xếp loại được. Vì thế họ vẫn có thể công khai tiếp tục làm báo ở Sài gòn mà không có bất cứ lý do gì có thể đưa họ ra tòa được như trường hợp Vũ Hạnh, Tam Ích sau này. Chẳng hạn Tam Ích dùng biện chứng pháp của Mác để phê bình văn học, nhưng có thể chắc chắn là ông không hề có tiếp xúc hay làm bất cứ công tác cụ thể nào cho cộng sản như những tâm sự riêng của ông cho một người bạn văn.


Sau 1954: Ký giả và nhà văn miền Bắc di cư vào Nam


Bên cạnh những nhà văn, nhà báo miền Nam từ trong Bưng về. Một lô các nhà văn, nhà báo trẻ miền Bắc, có tài đã di cư vào Nam và sau này làm nên tên tuổi của họ như Tam Lang, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Lê Văn Trương, Thượng Sĩ, Trực Ngôn, Cát Hữu, Phan Văn Tạo, Trọng Tấn, Nguyễn Vạn An. Đồng thời mốt số các nhà văn còn trong giới sinh viên như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp mà công việc sáng tác của họ sau này trở thành cái nôi cho văn học miền Nam.


Những nhà văn, nhà báo này có một lập trường chính trị rõ rệt, không chấp nhận chế độ cộng sản.

Khi ông Ngô Đình Diệm về nước, bộ thông tin còn trực thuộc Phủ Thủ tướng đã ra một lúc 7 Nghị Định liên quan đến báo chí, xuất bản và kiểm duyệt vào ngày 7.7.1954. Cho giấy phép xuất bản một loạt các tờ Cải Cách và Gió Mới, bán nguyệt san Lửa Việt {tiền thân của nhóm Sáng Tạo} của sinh viên di cư, Trách nhiệm, Tương Lai, Đại Chúng, Dân Chúng, Tuần báo Văn Nghệ.


Sang đến năm 1955, một lô báo chí tiếp tục được cho giấy phép xuất bản như Quan Điểm, Văn Nghệ tập san, Tin Văn, Tiểu thuyết tuần báo, Văn Nghệ học sinh, Tầm nguyên văn học và Tiền Phong, sau đổi ra Văn Nghệ Tiền Phong. {trích Văn Hóa Văn Nghệ miền Nam Việt Nam, 1954.1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 74}.


Đồng thời đình bản các tờ Nhân Loại tập San, Tự Do, Tiếng Dội. Cấm lưu hành cuốn Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ. Đồng thời cũng cấm lưu hành các cuốn sách Xuân Hòa Bình, Hò vè đình chiến hòa binh..


Đây là giai đoạn ổn định và phát triển nhất của giới báo chí, văn học miền Nam. Như một vươn lên, sung sức, như một nguồn hy vọng mới.

Ngoài tờ Cách Mạng Quốc gia của chính quyền hay tờ Chỉ Đạo do các sĩ quan làm chủ nhiệm {Thoạt đầu do Trung tá Trần Văn Trung, chủ nhiệm, Trung úy Ngô Quân chủ bút rồi đến lượt Trung tá Nguyễn Văn Châu, với các chủ bút Kỳ Văn Nguyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đào Đình Hoan, Nguyễn Đình Bảo thay nhau làm}, có một số tờ báo sau cuộc di cư đã tạo được uy tín và tiếng tăm như các tờ Ngôn Luận của Hồ Anh, Người Việt Tự do của Mặc Thu, Lưu Đức Sinh, Tiếng Miền Nam của luật sư Nguyễn Phương Thiệp, Tự Do của Phạm Việt Tuyền, Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung, Sống của Chu Tử, Tin Văn của Tô Văn Bùi Bá Nhân.Tất cả những tờ vừa nêu trên đều có lập trường kiên định, rõ rệt là chống cộng sản, bảo vệ tự do của miền Nam VN..


Bên cạnh đó, có một số tạp chi ra đời như Sáng Tạo của Mai Thảo, tháng 10-1956, tạp chí Bách Khoa với Huỳnh Văn Lang, 15-2-1957. Tiếp theo là Hiện Đại của Nguyên Sa 1960. Tạp chí Quê Hương với giáo sư Nguyễn Cao Hách, Văn Hóa Á Châu với Nguyễn Đăng Thục, Luận Đàm với Nghiêm Toản, Xã Hội Mới với Vương Quan, Thế kỷ 20 với Nguyễn Khắc Hoạch, Những vấn đề của chúng ta với Thái Lăng Nghiêm …


Đó là những trí thức, nhà văn mà theo cái nhìn của Gramsci thì họ là loại trí thức hữu cơ của chế độ đệ nhất cộng hòa. Nhóm trí thức hữu cơ này cùng với nhóm trí thức công giáo thường được coi là thiên tả, cấp tiến tạo thành bản sắc báo chí miền Nam VN.

Hầu hết các tập san trên đều có chủ đích văn học, có giá trị khảo cứu và có lập trường kiên định, cộng sản chưa thâm nhập được vào, trừ trường hợp tờ Bách Khoa có Phạm Ngọc Thảo, Vũ Hạnh và Phan Du ngay từ đầu.


Trong số đó, đắc biệt những tờ như Chính Luận hay tuần báo Tin Văn của Tô Văn bị cộng sản ghét cay ghét đắng.

Nhưng dù nhìn ở góc độ nào, chính trị hay xã hội, hay văn học .. Những năm đầu thời đệ nhất cộng hòa vẫn là những thời kỳ vàng son sinh hoạt báo chí của miền Nam VN


Mặc dầu vậy, có một số tờ báo, dù có lập trường của người quốc gia, nhưng đã để một số cán bộ cộng sản lọt vào và được viết báo một cách công khai và hợp pháp.

Đây là một trong những khúc xương không khạc ra được của báo chí miền Nam, tiếp tay cộng sản mà không biết.

Những tờ báo có sự xâm nhập, trà trộn của cán bộ cộng sản


Xin nêu tên một số tờ báo của người quốc gia bị cộng sản cho người trà trộn vào mà có thể không biết như:


- Báo Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các có cán bộ cộng sản Thành Hương.

- Báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh vừa nêu trên có Châu Dương.

- Báo Sàigòn Mai của thiếu tá Ngô Quân có Ty Ca làm Tổng Thư ký tòa soạn {Tôi có liên lạc với ông Ngô Quân, đến thăm ông, nay đã hưu, tôi muốn hỏi ông cho rõ về trường hợp Ty Ca, tổng thư ký tòa soạn, ông có biết là bị cộng sản gài vào không? Nhưng ông ngại không muốn nói bất cứ điều gì liên quan đến giai đoạn làm báo của ông. Thật đáng tiếc}


- Báo Dân Chúng của Trần Nguyên Anh cũng để lọt Phi Vân làm Tổng thư ký tòa soạn.

- Báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện có ký giả Ký Ninh làm tổng thư ký tòa soạn. {Trích Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, nxb tp HCM, trang 594}


Với môt chế độ kiểm duyệt chặt chẽ, một hệ thống tình báo an ninh cũng khá chặt chẽ, thời đệ nhất cộng hòa, vậy mà cũng đã để lọt lưới một số cán bộ len lỏi vào hàng ngũ báo chí.

Nghĩ tới chuyện cũ để liệu định tình hình hiện nay, ta lấy gì để ngăn chặn cán bộ cộng sản xâm nhập vào báo chí hải ngoại?


Thật là một điều đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, có một số báo được coi là “lá cải”, được quần chúng bình dân ưa đọc vì các tin giật gân, các truyện kiếm hiệp và trở thành những tờ báo bán chạy nhất ở miền Nam bấy giờ. Nó cũng giống như một số báo chợ hiện nay ở Hải ngoại, lấy việc bới móc chửi bới cá nhân, loan tin thất thiệt, phịa đủ thứ truyện làm cần câu cơm.


Các tờ báo lá cải thời ấy là cơ hội, là dịp may, là chỗ ẩn núp, chốn ra vào dễ dàng trong việc cài đặt cán bộ cộng sản vào.

Đó là những cái ổ của cộng sản nằm vùng. Không hiểu những người như bà Bút Trà, nhất là ông Đinh Văn Khai hiện tại ở Canada nghĩ gì về những giai đoạn làm báo của họ?


Có hai loại công việc mà cộng sản thường trà trộn để vừa kiếm cơm, vừa né tránh mạng lưới an ninh, tình báo của VNCH là làm giáo sư tư thục và làm ký giả báo. Với các bút danh và không cần bằng cấp, người ta chẳng còn biết ai vào với ai. Phần lớn các tờ báo này chỉ cốt báo bán chạy, kiếm lời nên họ ít để ý đến chính trị, hay bất chấp các ký giả là thành phần nào. Đó là các tờ:


- Sàigòn Mới: số in 65.000, số bán 50.000 với các ký giả Tư Mã Việt, Trà Tiên, Nhĩ Mục, Thanh Hương, Văn Mạnh, Thanh Phong, bà Ái Lan, Trần Thanh Thê’.

- Tiếng Chuông: in 60.000, số bán 45.000 có các ký giả Khải Minh, Phi Vân, Trần Minh Ký, Trần Ngọc Sơn, Việt Quang, Phong Đạm, Đoàn Hùng, Việt Quang, Quốc Phương, Châu Dương, Hương Nam, Trần Thanh Thế, Kiên Giang ..

- Tin Điển, in 40.000 số, bán 25.000 số với ký giả Phi Bằng, Hương Nam, Lê Hiền…

- Tiếng Dội: in 35.000 số, số bán 20.000 với Triệu Công Minh, Ngọc Hồ, Ngọa Long, Triệu Võ với thư ký tòa soạn là Trần Tấn Quốc.


- Buổi sáng: số in 25.000, bán 15.000 với các ký giả Đào Hưng, tức Bảy Mại, Sơn Tùng, Ngô Văn Quân. Đặc biệt có Trần Bạch Đằng với bút danh Tổng Tào Lao.

- Việt Thanh: in 15.000, bán 8000 với Nguyễn Bảo Hóa, Lương Ngọc, Đằng Nhâm, Quốc Oai. Và còn một số tờ báo nhỏ khác như: Thời Cuộc, Lẽ sống, Ánh Sáng mà số in ra từ 15.000 trở xuống, trong đó tờ nào cũng cài đặt được một số cán bộ cộng sản {Trích Lược sử báo chí thành phố, trang 697}


Mẻ lưới của chính quyền Ngô Đình Diệm


Một số ký giả như Nguyễn Bảo Hóa {làm cho báo Việt Thanh}, Tư Mã Việt {làm cho báo Sài Gòn Mới} có đứng ra lập Phong trào bảo vệ hòa bình, công khai hoạt động cho cộng sản, trụ sở ở đường Gallíeni, Trần Hưng Đạo bây giờ. Phạm Huy Thông, chủ nhiệm, Lê Dân, Nguyễn Bảo Hóa, thư ký. Họ liên lạc với Ủy Hội Quốc tế, ra các bản tin in ronéo ủnng hộ phong trào Hòa Bình. Chính quyền Quốc gia quyết định làm mạnh.


Phải nhìn nhận rằng, dưới thời ông Ngô Đình Diệm, có một cảnh báo chính trị cao, một ý thức đấu tranh kiên định giữa quốc gia và cộng sản, một guồng máy hành chánh tuy sơ khởi, nhưng khá hữu hiệu và nhất là một cơ quan cảnh sát cũng như mạng lưới an ninh tình báo hữu hiệu. Chỉ có thế mới đương đầu với cộng sản được.


- Đợt thanh loạt đầu tiên, ngày 9.2.1955, chính phủ VNCH tống xuất 26 người trong bọn họ được đưa ra Hải Phòng, trong đó có Nguyễn Thị Bình còn có tên Nguyễn Thị Châu Sa, người Quảng Nam, 1948 được kết nạp đảng, 1951 bị Pháp bắt giam, tháng 10.1954 tham gia Phong trào bảo vệ Hòa Bình cùng với Nguyễn Hữu Thọ.


- Tiếp theo, bắt giam hàng loạt người như kỹ sư Lưu Văn Lang, Thích Huệ Quảng {ông này nguyên là chủ tịch hội Tăng già Việt Nam}, Nguyễn Văn Vỹ, giám đốc Pháp Hoa ngân hàng, Dược sĩ Trần Kim Quanng, chủ một nhà thuốc tây lớn ở Sàigòn, ký giả Nguyễn Thị Lựu và khoảng hơn 10 người khác.

- Đóng cửa báo Ánh Sáng, bắt các ông Hoàng Hồ, Phan Bá Cầm ra Côn Đảo

- Đóng cửa Thời Luận, Dân Quý, nhất là Dân Chúng và bắt giam các ông Nghiêm Xuân Thiện, ông Phan Khắc Sửu, Mặc Kinh{Mấy vị trên đây không phải là người theo cộng sản, nhưng bị bắt giam vì lý do chính trị khác}. Bác sĩ Lý Trung Dung thôi làm tờ Tự Do, Phạm Việt Tuyền lên thay thế.


Trong dịp này, tờ Cách Mạng Quốc gia có một câu khá quen thuộc và thới danh:” Ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản”. Tờ báo viết: “Không thể tha thứ những thằng ngủ mơ thiên đàng cộng sản, xác bám miền Nam, hồn gửi ra đất Bắc Những hạng trí thức nửa mùa, có nhiều vốn chữ nghĩa mà lại tin cộng sản là thần thánh coi chúng còn hơn ông nội của mình”.


Sau vụ “ Phong trào Hòa Bình” ở trên, chính phủ ra dụ số 13, ấn định báo nào loan tin có lợi cho cộng sản sẽ bị phạt từ 25.000 đến 1.000.000 đồng. Sau đó các cơ quan an ninh đi lùng bắt các cựu kháng chiến mà một phần không nhỏ len lỏi trong làng báo ở Sàigòn. Chính quyền đã thanh lọc các ký giả sau đây ra khỏi làng báo và giam tù.


- Ký giả Trần Ngọc Sơn, {báo Tiếng Chuông, Tiếng Dội} bị bắt và đầy đi Côn Đảo


- Ký giả Anh Tín an trí ở Cây Dừa, Phú Quốc


- Ký giả Văn Mại đầy đi Côn Đảo


- Trần Quốc Thảo, bí thư thành ủy. Nguyễn Tích Dẫn, Bạch Tùng Hương, An Thế [Diệp Liên Anh đầy ra Côn Đảo]


- Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, bị giam tại trại Tân Hiệp Biên Hòa.


Đến cuối năm 1957, một mẻ lưới nữa, công an bắt các ký giả của các báo sau đây giam ở Mỹ Tho. Sau đó do sáng kiến của ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Trân đã tổ chức một cuộc đấu lý tại rạp Viễn Trường, Mỹ Tho. Không biết cuộc đấu lý diễn ra thế nào, nhưng sau này, ông Nguyễn Trân thôi làm tỉnh trưởng Mỹ Tho.


- Triệu Công Minh, báo Tiếng Dội


- Lương Ngọc, báo Trời Nam


- Nam Thanh, báo Lẽ sống


- Đồng Văn Nam, Phương Ngọc, Phan Ba, báo Buổi sáng


- Trần Thanh Thế, Văn Mạnh, báo Saigòn Mới


- Nguyễn Bảo Hóa , báo Ánh Sáng


- Bắt vợ Nguyễn Bảo Hóa, báo Tiếng Chuông là dược sĩ Mã Thị Chu

- Luật sư Nguyễn Văn Diệp

- Đạo diễn kiêm luật sư Lê Dân

- Mai Thế Đồng, giám đốc cải lương


Sau những cuộc truy lùng “Việt Cộng nằm vùng” trong các tờ báo, chính quyền VNCH tiếp tục bắt hàng loạt các cán bộ cấp Thành Ủy, các cựu kháng chiến, các nhà báo còn sót lại gồm: Các giáo sư Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Trần Văn Hanh, Nguyễn Trường Cửu, Cổ Tấn Văn Luông, Bùi Đức Tịnh, Bà Bình Minh {đều là giáo sư tư thục, không bằng cấp đầy đủ như tú tài dạy tú tài, không chính quy, dạy chui} và một số các ký giả như Hoài Trinh, báo Sàigòn Mới, Sơn Tùng báo Buổi sáng, Hoàng Sơn, Văn Lương, báo Lẽ sống, Hương Ngô, Đoàn Hùng, Việt Quang, Phong Đạm, Quốc Phương, Châu Dương, báo Tiếng Chuông.


Một số cán bộ cộng sản như Hồ Ngọc Anh, Lê Trung Nghĩa, Trần Hồng Đài, Nguyễn Điền Bí thư thành đoàn, các phụ nữ như Kim Mai, Bích Ngọc, Bích Đào, Lan Anh, Mỹ Diệm, Kim Huê.

Một số nhà văn, nhà thơ như Trang Thế Hy, Lê Văn, Viễn Phương, soạn giả Nguyễn Đạt, nhạc sĩ cải lương Trần Văn Khánh, Trần Hữu Thế đều vào tù hoặc bị giam tại các trại giam như Tân Hiệp, Phú Lợi, trại Lê Văn Duyệt, khám Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc, hoặc ở Huế tại Mang Cá, Lao ty Thừa Thiên.


Các cuộc lùng bắt cộng sản nằm vùng như một cao trào, một chiến dịch làm phá tan tổ chức cộng sản một cách không tương nhượng.

Quét sạch “cộng sản nằm vùng” núp sau các tờ nhật báo. Năm 1960 được coi như dứt điểm.

Quét sạch các cán bộ cấp huyện, cấp ủy, cấp thành đưa đến kết quả cụ thể như một thứ khủng bố trắng mà chính người cộng sản phải thú nhận như sau:


“Trước tình hình báo chí bị khủng bố ác liệt, quá nhiều anh em bị bắt, số cán bộ và ký giả yêu nước hoặc chuyển đổi nghề, số khác bỏ nghề báo, hoặc rút lui vào bí mật giữ an toàn như Nguyễn Văn Tài, Tuần san thương mại, Thành Hương, Nhĩ Muc, báo Saigòn Mới, nhà văn Thẩm Thệ Hà, Tiểu Dân, Thanh Lộc báo Lẽ Sống}”.


“Chiến dịch “Tố Cộng” của Diệm gây nhiều khó khăn, một số cơ sở cách mạng bị bể. Những năm 1958, 1959, 1960, nhiều cơ sở cách mạng nội thành bị đánh phá tan tác, một số lãnh đạo Thành Ủy bị bắt, số khác phải tạm lắng” {Trích Báo chí Sàigòn trong 30 năm kháng chiến 1945-1975, trong Địa chí Văn hóa thành phố HCM, trang, 605-608}


Chỉ sau hai năm thực hiện chiến dich, “Tố Cộng”, chiến dịch đã loại trừ phần lớn cán bộ được gài lại từ thành thị đến nông thôn. Trong Hồi ký Bội phản hay chân chính, một cuốn sách hữu ích để hiểu được tình trạng khốn cùng của cán bộ cộng sản nằm vùng thời đệ nhất cộng hòa do chính họ viết lại. Đọc cũng để hiểu thêm về con người ông Cẩn như thế nào, một con người mà Mười Hương {Mười Hương bị bắt giữ từ năm1958, ông Nhu, ông Cẩn có tiếp xúc, gặp nhiều lần.


Sau đó không hiểu vì sao đã được các tướng lãnh thả vào tháng 5.1965.
Thả hổ về rừng. Sau “cách mạng” 1963, họ đã mở toang cánh của nhà tù Chí Hòa. Tha hết. Xổng chuồng hết.




Sau này, ông Mười Hương trong loạt bài:Tướng tình báo chiến lược đăng trên báo Thanh niên của Hà Nôi, số 300, ngày 26-11-2002 viết như sau: “ Hồi xưa, những năm 40, có lúc từ Phúc Yên về Hà Nội nếu không tính thời gian sao cho kịp đến nhà cơ sở thì đêm xuống không biết ở đâu. Tôi đã từng có cảm giác cô đơn lạnh lùng khi phong trào đi xuống. Thế nhưng hồi ấy cũng không đen tối bằng sau này, những năn 1957-1959..Ông bảo: chúng ta lâu nay cứ chê bai thằng Cẩn, rằng nó đi guốc mộc, miệng nhai trầu bỏm bẻm.. chê như vậy không đúng đâu. Thằng Cẩn giỏi lắm, có mưu trí lắm”.


Xin trích một đoạn khác của Văn Phan: ”Có lẽ đến bây giờ chúng ta chưa tổng kết hết có bao nhiêu cán bộ và đồng bào yêu nước đã anh dũng kiên cường đấu tranh và đã hy sinh lặng lẽ trong các nhà tù của “ Đoàn công tác đặc biệt miền Trung”, nhưng những ví dụ sau đây có thể để cho ta một khái niệm về mức độ khốc liệt của cuộc đấu tranh đó: Một mình Lê PhướcThưởng, nguyên cán bộ Thừa Thiên đã khai báo bắt 105 người của ta: sau hai năm, số đó chỉ còn lại 6 người sống !! (Trích Đoàn Mật vụ của Ngô Đình Cẩn, Văn Phan, trang 118, nxb Công An nhân dân}


Đây là một trích đoạn trong Bội Phản hay chân chính của một cán bộ cộng sản: “Tới khi khoanh vùng, cơ sở bị đánh tan tành xí quách, bám trụ trong dân không nổi nữa, anh ta phải bật lên núi. Đối phương bao núi, cắt đường liên lạc tiếp tế. Lương thực cạn dần, liên lạc tắc nghẽn. Cuộc sống ngày một trở thành vô nghĩa nếu cứ bám trụ trên núi cao, trong rừng sâu, quanh quẩn với cây rừng và khỉ đột .. Hết gạo, hết lương khô, hết muối, hết mọi thứ. Đói quá, không tính thì chết đói – không lẽ chết đói để giữ vững khí tiết người vô sản? Xuống núi, thế nào cũng bị bắt, anh cán bộ biết chắc như vậy. {Trích Bôi Phản hay chân chính, trang 102}.


Trong cuốn Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Văn Tiến Dũng cũng ghi lại những số liệu báo cáo của Bộ chính trị như sau:“ Chỉ tính trong 4 năm từ 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9 phần 10 số cán bộ đảng viên. Ở Nam Bộ khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên ta bị địch giết. Chỉ còn 5 ngàn đảng viên so với 60 ngàn trước đây. Có nơi như Tiền Giang chỉ còn 921 gia đình, Biên Hòa, mỗi nơi còn một chi bộ đảng. Ở khu 5, gồm cả Trị Thiên và cực Nam Trung bộ: Khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên đã bị bắt, bị giết Có tỉnh chỉ còn 2,3 chi bộ. Riêng Trị-Thiên, chỉ còn 160 so với 23.400 đảng viên trước đó” { sdd, trang 16, trích lại trong Dòng họ Ngô Đình, Nguyễn Văn Minh, trang 129}


Bằng chứng cụ thể và rõ rệt, Lê Duẩn trong Thư vào Nam, sau này có thư gửi cho Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh có viết: “Đã có lúc ở Nam Bộ cũng như ở Liên khu 5, tình hình khó khăn đến mức tưởng như Cách Mạng không thể duy trì và phát triển được nữa“.

Trong một tài liệu của bộ ngoại giao Kampuchia cũng nhận xét tương tự như Lê Duẩn ”tưởng như cách mạng không còn”, khoảng thời gian 1957-1960. Cộng Sản hầu như không còn đất dụng võ, phải chạy dạt sang Kampuchia: “ En 1957, Le Duan est venu également se réfugier à Phnom-Penh et transiter par le Kampuchea. Tous les membres du Comité Central du parti Vienamien au Sud Viet Nam ont été arrêtés sauf un qui est venu se réfugier à Phnompenh, dans le quartier de Toul Tapoung. C’étai Nguyễn Văn Linh dit Mười Cúc, originaire du Nord Viet Nam.


Face à cette situation catastrophique pour eux et pour échapper à l’anéantissement total, les vietnamiens đécidèrent en 1960 de reprendre la lutte armée. Ils sont venus s’installer le long de la frontìere du Kampuchea, de Romeas Hek jusqu ‘à Snoul. Quands ils avaient des difficultés, ils se réfugiaient au Kampuchea. En 1961, ils ont commencé à s’infiltrer au Kampuchea. En 1962 et en 1963, ils ont poussé davantage leur pénétration, utilisant au besoin la corruption. Les Vietcongs pouvaient se déplacer librement et à volonté au Kampuchea, cela parce que d’une part ils corrompaient les agents de sécurité, de police et et les fonctionnaires de l’ancienne administration et d’autre part le peuple du Kampuchea prenait les Vietnamiens pour des révolutionnaires. En 1965, il y avait 150.000 Vietcongs installés au Kampuchea sur une profonde de 2 à 5 kilomètres de la frontìere depuis Romeas Hek jusqu ‘à Ratanakiri..


En fait, ils n’avaient plus de territoire chez eux, au Sud Viet Nam, à cause de la politique des hameaux stratégiques de Ngo Đinh Diem, car Robert Thompson, en s’appuyant sur ses expériences acquises đans d’autres pays, a fait installer des hameaux stratégiqus sur tout le territoire du Sud Viet Nam de sorte que les Viet congs n’avaient plus ni terre ni population” sur tout le territoire du Sud Viet Nam {Trích trong Lớn lên với đất nước, Vy Thanh, trang 590}


Tạm dịch: Vào năm 1957, Lê Duẩn cũng chạy trốn sang Campuchia với tư cách sang quá cảnh. Tất cả cán bộ trong trung ương đảng của Việt Minh ở miền Nam đều bị bắt trừ có có một người trốn được sang Nông Pênh trong khu vực Toul Tapoung. Đó là ông Nguyễn Văn Linh, tự Mười Cúc, gốc người miền Bắc.


Họ đã phải đương đầu với một hoàn cảnh khốn cùng và để thoát khỏi tình trạng bị tiêu diệt toàn bộ, họ đã quyết định vào năm 1960 là phải tiếp tục lại cuộc chiến đấu bằng võ lực. Họ đã đóng quân dọc biên giới Kampuchia, từ Romes Hek đến Snoul. Khi họ gặp khó khăn, họ lẩn sang Kampuchia. Vào năm 1961, họ bắt đầu xâm nhập vào Kampuchia. Vào các năm 1962 đến 1963, họ dấn sâu thêm việc xâm nhập vào Kampuchia và đã dùng thủ đoạn hối lộ. Vì vậy, họ có thể di chuyển tự do theo ý họ trên đất Kampuchia, một phần vì họ đã hối lộ các nhân viên an ninh, các cảnh sát và các công chức hành chánh cũ, một phần dân chúng Kampuchia coi Việt Cộng như những người Cách mạng. Trong năm 1965, có khoảng 150.000 Việt cộng đóng trên đất Kampuchia, lấn sâu vào từ 2 đến 5 kilô mét, dọc theo biên giới từ Romeeas đến Ratanakiri..


Thực sự, họ không còn mảnh đất nào để trú ẩn ở miền Nam do chính sách Ấp chiến lược của Ngô Đình Diệm, bởi vì ông Robert Thompson, dựa trên những kinh nghiệm thâu thập ở nước khác nên đã cho thiếp lập các ấp chiến lược trên khắp miền Nam đến nỗi, Việt Minh không còn mảnh đất nào cũng không còn dân chúng nào hết.


Tình cảnh khốn cùng của cộng sản miền Nam như vừa nêu trên đã thay đổi khác sau 1963.


Tình trạng báo chí miền Nam sau 1963


Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, ngay tuần lễ đầu đã xuất hiện vô số báo. Đây là thời kỳ nở rộ của báo chí như ong vỡ tổ. Có khoảng 40 tờ báo ngày. Không nhớ hết được. Đại loại có các tờ như: Hôm nay, Tiến, Thân Dân, Miền Nam, Dân chúng, Thắng, Thời đại, Chuông mai, Dân quyền, Dân ta, Dân Tộc, Buổi sáng,Tia sáng, Dân nguyện, Liên minh, Dân chủ, Dân chủ mới, Đồng thanh, Hôm nay, Thần dân, Miền Nam, Tân Văn vv..


Nhiều báo quá. Loạn báo. Không kiểm soát được. Vì thế, trong năm 1964, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã phải đóng cửa 11 tờ vì loan tin thất thiệt, rối loạn an ninh

Sau đó, báo chí “loạn” hơn nữa. Nội các chiến tranh của hai ông Thiệu-Kỳ quyết định đóng cửa toàn thể báo chí một tháng, từ ngày 1-7-1965 để chấn chỉnh báo chí. Đóng tất cả, đóng báo tốt lẫn báo xấu, lại đóng luôn một tháng thì vô lý quá. Báo chí cực lực phản đối nên quyết định trên sau đó được hủy bỏ và chỉ rút giấy phép một vài tờ báo.


Đó là những quyết định sai lầm ngay từ đầu của nội các chiến tranh. Nay thì báo chí “coi thường” chính quyền. Đương nhiên cộng sản nắm lấy thời cơ, lợi dụng tuyên truyền cho cộng sản. Nay thì bọn họ bắt đầu nhô ra khỏi hang ổ một cách công khai hơn trước.


Tìm đọc lại Budda”s Child, không thấy ông Nguyễn Cao Kỳ nhắc nhở gì tới vấn đề này.

Tình trạng loạn báo vẫn tiếp tục. Sang đến 1972, Sài gòn có đến 72 tờ nhật báo. Và kể như chính phủ của TT Nguyễn Văn Thiệu không còn khả năng kiểm soát được báo chí nữa, cũng như giữ vững an ninh cho thành phố Sàigòn. Sau này, chính báo chí đánh xập uy tín của ông Nguyễn Văn Thiệu qua vụ “ ký giả đi ăn mày” và vụ án báo chí 31-10-1974


Cạnh đó, cũng có cảnh lạm phát đảng phái với 22 đảng phái có giấy phép hoạt động. Và 12 đảng đang chờ có giấy phép để hoạt động. Chẳng hạn, Quốc dân đảng có đến 4 hệ phái. Có hệ phái Nguyễn Văn Lực, Lê Ngọc Chấn, rồi Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh và Quốc dân đảng của Nguyễn Hòa Hiệp. Đại Việt cũng chia ra 4 thứ Đại Việt.


Tình trạng báo chí nhố nhăng, rối loạn cũng như tình trạng đảng phái bầy ra một cảnh hoạt náo chính trị. Mỗi đảng phái đều ráng ra một tờ báo cho đảng mình. Nguyễn Văn Lực với tờ Hành Động, Vũ Hồng Khanh với tờ Thân Dân...


Các báo có lập trường Quốc gia, chống Cộng:


Một số báo Quốc gia có lập trường quốc gia, chống Cộng xuất hiện rất sớm nay vẫn còn tồn tại sau 1963 và các báo đó trở thành mục tiêu đánh phá, ám sát của cộng sản. Cộng sản không đánh phá được thì ám sát. Đó là trường hợp báo:


- Báo Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung: Dưới mắt bọn cộng sản thì ông Đặng Văn Sung là một thứ CIA của Mỹ. Ký giả Từ Chung của báo Chính Luận cũng là một thứ CIA ác ôn cần phải trừng trị. Tôi có gặp một cựu ký giả từng làm cho Chính Luận, anh Hồng Dương, nhưng xem ra anh cũng không biết rõ tổ chức nào đã ám sát ký giả Từ Chung. Tất cả chỉ đưa ra những giả thuyết. Nhưng trong cuốn sách: Trui rèn trong lửa đỏ doThành đoàn thành phố HCM xuất bản có bài viết của Hàng Chức Nguyên nhan đề: Những tiếng nổ trong lòng Sài Gòn, Nguyên nhận Thành Đoàn TPHCM là tác giả vụ ám sát ký giả Từ Chung cũng như Chu Tử. Lực lượng vũ trang thành đoàn đã ám sát Từ Chung vào năm 1965 và Chu Tử vào tháng tư/1966. Ngoài ra Thành đoàn cũng tổ chức phá sập tòa sọan báo Chính Luận chỉ vì lý do duy nhất, dịp tháng 9/1969, Hồ Chí Minh chết, báo Chính Luận viết bài phỉ báng Hồ Chí Minh.


Điều này cho thấy an ninh, tình báo của nền đệ nhị cộng hòa đã kém hữu hiệu và tổ chức thành đoàn đã xuấrt hiện, họat động mạnh và công khai. Ngoài hai nhà báo Từ Chung và Chu Tử, Thành đoàn còn tổ chức sau này ám sát bác sĩ Lê Minh Trí vào ngày 6-1-1969, vào lúc 7 giờ 50 sáng. Hai quả lựu đạn đã được thảy vào trong xe của bác sĩ Lê Minh Trí, tổng trưởng giáo dục ở góc Nguyễn Du, Hai Bà Trưng. Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị giết vào trưa thứ tư 10-11-1971, góc Trần Quốc Toản, Cao Thắng, giết hại giáo sư Bông và người tài xế.


Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát? Nhật là sinh viên y khoa mà một số bạn bè cùng lớp với Nhật hiện ở Montréal, Canada. Sau ngày Nhật bị giết, đường phố Sài gòn có nhiều biểu ngữ để tang Lê Khắc Sinh Nhật và lên án sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm chủ mưu ám sát. Tôi có hai tài liệu viết gián tiếp về vụ ám sát này. Hồ Ngọc Nhuận có ý phản bác dư luận lúc bấy giờ đổ cho Huỳnh Tấn Mẫm. Hồ Ngọc Nhuận gián tiếp đổ cho cộng sản khi ông viết: “Ai giết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật? Đến bây giờ ắt nhiều người biết. Riêng tôi trước sau không hề biết, cũng không hỏi. Chính quyền Sàigòn lúc ấy cứ đổ riệt cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, đang trốn là kẻ giết người” {Trích Hồi ký Đời, Hồ Ngọc Nhuận, trang 123}


Trong bài: “ Các điểm hẹn, Phúc Tiế’n viết: “ Cuối tháng 9 năm 1971, mượn cớ tên sinh viên phản động Lê Khắc Sinh Nhật bị giết, giữa đêm, cảnh sát bao vây 207 Hồng Bàng, lùng bắt Ban chấp hành Tổng Hội. Trong trụ sở, Huỳnh Tấn Mẫm và Phan Công Trình nhảy qua của sổ trèo qua sóm người Hoa {Trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 93}


Ai giết cũng được, có thể không phải Huỳnh Tấn Mẫm. Chỉ có một điều chắc chắn là cộng sản đã ra tay hạ sát, vì Lê Khắc Sinh Nhật bỏ đảng.

Tiếp theo là vô số vụ dùng xăng đốt xe Mỹ hay ném lựu đạn vào các cơ sở của Mỹ, nhất là ngôi nhà 5 tầng, 604 Phan Thanh Giản, cư xá của Sĩ quan Mỹ, Đại Hàn rồi Thái Lan.


Nếu chúng ta nhớ lại, vào năm 1961, an ninh của VNCH ở Sàigòn, hữu hiệu hơn, nhạy bén hơn, truy lùng đặc công cộng sản đến nơi đến chốn. Năm 1961, đặc công cộng sản có kế hoạch ám sát đại sứ Nolting do Trần Văn Nhiệm thực hiện. Việc không thành, toàn bộ kế hoạch cũng như nhân sự của đặc công cộng sản bị chính quyền phá vỡ và bọn họ bị bắt hết và đưa ra tòa. Báo Ngôn Luận đưa tin vắn ngày 24-5-1962 như sau: “ Hôm qua, tòa án quân sự đặc biệt khu Thủ đô họp xử án “phản nghịch” tại Saigòn. 8 giờ 30, hai chánh phạm là Lê Hồng Tư, thợ hồ, Lê Quang Vịnh, giáo sư toán trung học Pétrus Ký và 10 bị can khác ra trước vành móng ngựa”.


Sáu tên: Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Hà Văn Hiệu, Đỗ Văn Xinh, Hồ Văn Ngoan bị truy tố về tội: mưu sát bằng lựu đạn ném vào xe đại sứ Mỹ Nolting, ném vào xe cố vấn quân sự, MAAG ở Chợ Lớn. Lê Hồng Tư và Lê Văn Thành lãnh án tử hình {trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 38 }.


Nhưng án tử hình Lê Hồng Tư không biết vì lý do gì đã không được thi hành. Sau này, Lê Hồng Tư, thợ hồ trớ trêu thay của lịch sử, ông này không còn là thợ hồ nữa, ông đóng vai dự thẩm của tòa án tối cao nhân dân ngồi xét xử bọn gián điệp hơn hai chục tên trong suốt tuần lễ cuối năm 1984. Hai Phiên tòa, 1962, Lê Hồng Tư mới trên 20 tuổi và 1984, trên 40 tuổi, mọi truyện đã thay đổi không còn như trước nữa. Kẻ bị cáo trở thành quan tòa.


Bài học lịch sử vẫn còn đó.


Ngoài Chính Luận còn các tờ như:


- Tự Do của Phạm Việt Tuyền


- Quyết Tiến của Hồ Văn Đồng


- Thời Luận của Nghiêm Xuân Thiện


- Xâu đựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm


- Sống của Chu Văn Bình, tức Chu Tử


- Tiền Tuyến của Lê Đình Thanh


Số ít ỏi đó so với số báo chí được coi là “chống Mỹ” khá xôm tụ như các tờ Dân Chủ, Dân Chúng,Tin Sáng, Chánh Đạo, Sống mới, Dân Tiến, Thời Đại, Thời sự miền Nam“.


Tronmg số ấy nổi bật là tờ Tin Sáng với cánh trí thức miền Nam như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba. Báo này cũng có cộng sản cài vào một chức vụ rất khiêm tốn. Phan Ba, tức Phan Hồng Đức, nguyên phó giám đốc đài phát thanh Nam Bộ trước 1954, ông chỉ là thư ký cho nhật báo Tin Sáng trước và cả sau 1975. Tin sáng có 3 thời kỳ: Tin Sáng bộ cũ, trước 1973, Tin Sáng lậu, 1973-1975 và Tin Sáng bộ mới, từ 10-8-1975 đến 1-7-81. Nơi đây là nơi xuất phát những bài viết của Nuyễn Ngọc Lan, chửi Mỹ, chống Mỹ, chửi VNCH chống chiến tranh, cộng chung là 50 bài, đồng thời là nơi khích động các cuộc biểu tinh như các đám sinh viên của Huỳnh Tấn Mẫm.


Vì thế mà tòa sọan Tin Sáng, địa chỉ số 124 đường Lê Lai bị đốt vào ngày 28-3 và có trải truyền đơn như sau: “Đồng bào quyết đập chết những tên cộng sản nằm vùng Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận. Hoặc: “Quần chúng rất phẫn nộ trước những hành động đâm sau lưng chiến sĩ của các dân biểu tay sai Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận” Tin Sáng, bộ mới, từ 1975-1981 mà theo Hồ Ngọc Nhuận, thật là chéo cẳng ngỗng, báo càng bán chạy hơn báo nhà nước, ban biên tập càng lo, vì nguy cơ trước sau sẽ bị chính quyền cộng sản đóng cửa.


Mặc dầu vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đảng, 02-02-80, Tiổng bí thư đảng, ông Nguyễn Văn Linh đã nói: “.. mặt trận chống Mỹ Thiêu không ngừng mỏ rông.. nổi bật là số anh chị em trong nhóm Tin Sang.”


Mà họ đóng cửa thật.


Họ lèo lái cũng khéo lắm, luồn lọt được 5 năm. Khéo nên mới được Trần Văn Giàu khen: “ Các anh làm báo cộng sản hơn cộng sản “.Tôi xem lại những lời tuyên bố của Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức trong nhóm Tin Sáng đã được Alain Ruscio ghi lại trong cuốn Vivre au Viet Nam, trong đó không ai có thể nói “ngọt“ hơn Lý Chánh Trung được. Mặc dầu trong thâm tâm, những người miền Nam thường nói thẳng, họ biết họ đang nói dối, họ đang đóng kịch, họ nói”dzậy mà không phải dzậy”. Nhưng vấn đề là họ đã nói ra rồi, sao gỡ lại được? Họ đã theo đuôi những Chế Lan Viên, Tô Hoài mất rồi. Đây là Ngô Công Đức, giám đốc tờ Tin Sángc: Auparavant, nous étions des bucherons, aujpourd’hui, des menuisiers. (Trước khi chết, Ngô Công Đức cũng đã để lại chúc thư bộc bạch đôi lời, nhưng đã quá muộn}. Trước đây, nghĩa là thời VNCH, chúng tôi chỉ là những người đốn củi, tức những tên phá phách, bây giờ thì chúng tôi là những người thợ mộc. Còn đây là Lý Chánh Trung: “Moi, depuis toujours, je rêvais d’une révolution tolérante. Modeste et tolérante. Le socialisme Vietnamien a répondu à mes souhaits. Nous avons tout fait pour que l’enfantement de la socíété nouvelle se fasse avec le moins de souffrances possible “ Còn tôi, từ trước đến giờ, tôi chỉ mơ ước một cuộc cách mạng có khoan nhượng. Bình dị và khoang nhượng. Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã đáp lại đúng lòng mong đợi của tôi. Chúng tôi đã làm tất cả để làm nảy sinh ra một xã hội mới với càng bớt những đau khổ càng ít càng tốt” Còn đây là Hồ Ngọc Nhuận, chủ bút tờ Tin Sáng: “ Notre expérience est-elle un succes? Je réponds oui. Combien de temps cela durera-t-il? Je ne sais pas. Moi, j’ai la ferme conviction que nous sommes utiles. Pourquoi crois-tu, sinon, que, tous, nous nous dépensons ici jpur et nuỉt ? Kinh nghiệm {kinh nghiệm làm báo tư nhân dưới chế độ XHCN} của chúng tôi phải chăng là một thành công? Tôi trả lời là có thành công. Nhưng nó dẽ kéo dài được bao lâu ? Tôi không biết. Nhưng tôi tin chắc rằng chúng tôi là những người hữu ích. Nếu không, ông tin rằng, chúng tôi đã bỏ hết thì giờ cho công việc làm báo này? {Trích Vivre au Viet Nam, Alain Ruscio, trang 179-182}


Khoảng 6 tháng sau, tờ Tin Sáng “Tự đình bản” vì đã “làm xong nhiệm vụ“. Không ai đóng cửa họ cả.


Một số báo khác được coi là “tiến bộ” như Chuông Mai, Hòa Bình, Thách đố, Quảng Đức, Tiếng nói dân tộc, Công luận, Bút thần, Điện tín, Thần Chung và Đại Dân tộc.


Trong số những tờ này, có tờ Điện Tín và Đại Dân tộc là cặp bài trùng. Đại Dân Tộc do dân biểu Võ Long Triều làm chủ nhiệm. Ông Võ Long Triều nếu có đọc bài này, ông sẽ nghĩ gì, Tư Trời biển nghĩ sao? Tờ báo của ông cũng có cộng sản cài vào. Ông Tô Nguyệt Đình, tức Nguyễn Bảo Hóa là thư ký cho tờ báo Đại DânTộc, sau 1975, ông Tô Nguyệt Đình làm cho tờ Sài gòn Giải Phóng. Chưa hết, họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành từng là người vẽ biếm họa cho các tờ Tin Sáng, Điện Tín và Đại Dân Tộc.


Ông còn để cho “đàn em“ như Hồ Ngọc Nhuận, giám đốc chính trị điều hành, tự tung tự tác. Sau này Võ Long Triều vẫn phải đi tù như thường và tù hơn người đến hai lần, vì thế thêm gần 10 năm tù nữa và khi sang Paris nghi rằng: “Tôi buồn vì người trực tiếp còng tay tôi là một công tác viên của tờ Đại Dân Tộc”. Tôi nghi Võ Long Triều ám chỉ người cộng tác viên ấy là Lý Quý Chung.


Cũng đã muộn. Quá trễ. Có cái trễ, cái muộn của Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận vì đã đi theo cộng sản. Cái trễ của họ cũng có khác. Nhưng cũng có cái trễ của Võ Long Triều, hơn 10 năm trong bóng tối để suy nghĩ về việc làm báo Đại Dân Tộc của mình, của người quốc gia chống Cộng chân chính {Trích Đời, hồi ký Hồ Ngọc Nhuận, dạng bản thảo, trang 167}.


Về tờ Tin Văn


Thành ủy lúc bấy giờ dưới sự chỉ đạo của Trần Bạch Đằng và các cán bộ khác như Vũ Tùng,Trương Bỉnh Tòng, Sáu Chiến. Hoàng Hà là bí thư đảng ủy văn hóa. Chính Hoàng Hà là người trực tiếp chỉ đạo vào thánng 6-1966 cho ra tờ Tân Văn. Tờ này do Nguyễn Ngọc Lương, tức Nguyễn Nguyên{cũng viết cho Đất nước} làm chủ nhiệm. Tờ báo ngoài sự hợp tác của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải như tấm bình phong, còn có rất nhiều những khuôn mặt quen thuộc từng hoạt động cho cộng sản như Kiên Giang, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Thanh Việt Thanh, bà Minh Quân, Hướng Dương, tức Rum Bảo Việt, tức Sáu Chiến, Phan Du, Vũ Hạnh { Phan Du và Vũ Hạnh từng cộng tác với tờ Bách Khoa} vv . Còn có một số khuôn mặt khác ít được biết tới như Lữ Phương, Nguyễn Văn Bồng, Hà Kiều, Mặc Khải, Thái Bạch, cô Hợp Phố, Lương Sơn, Hướng Dương, tức Rum Bảo Việt hay Sáu Chiến, ủy viên đảng ủy văn hóa .


Tờ này gây được tiếng vang. Họ thường dùng chủ trương đòi bài trừ Văn hóa đồi trụy để hoạt động chính tri, dương đông kích tây. Họ gọi những người như Chu Tử là những tên xung kích chống phá cách mạng qua các tác phẩm đồi trụy, phản động. Và dưới mắt Vũ Hạnh thì Chu Tử là: “ Chúng trắng trợn cho tên Chu Tử, tay sai của sở công an và Trung ương tình báo ngụy, bắt đầu một chiến dịch đả kích tôi, tố cáo tôi là Việt cộng nằm vùng, và liên tiếp trong nhiều số báo như vậy, y đã vu khống tôi, cốt làm cho những người đã tham gia phong trào sợ hãi” {Trích Từ tòa án văn hóa đến hát cho đồng bào tôi nghe, Vũ Hạnh, trong Trui rèn.., trang 180} Có những bài như: Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong văn học hiện nay, Tin Văn số 9, 15-10-1966. Hay có bài của Lữ Phương: Đọc tác phẩm của Chu Tử, Lữ Phương, số 10, 30-10-1966 {Trích Nhìn lại những chặng đường đã qua, Nguyễn Văn Trung, trang 358}


Lên án, bài bác Chu Tử, vì Chu Tử là một nhà báo chống Cộng quyết liệt không khoan nhượng. Lữ Phương trở thành thứ tay sai, đánh theo lệnh. Cũng vậy, theo Vũ Hạnh, Văn nghệ SVHS trực diện chống những buổi trình diễn ngụy dân tộc của Phạm Duy khi hắn làm trò lố lăng cũng mặc áo bà ba đen, hát dân ca với tên CIA giữa Sàigon. Thế là Nguyễn Trọng Văn đưa ra một bản án: Phạm Duy đã chết như thế nào? { Phạm Duy trước 1975 không phải Phạm Duy bây giờ}. Đồng loạt, họ vận động 118 văn nhân, ký giả, nghệ sỹ ký tên ra Tuyên ngôn tố cáo Văn Nghệ đồi trụy. Việc ra Tuyên ngôn hẳn là tốt, nhưng đã bị cộng sản cài đặt, xúi giục thì nó nhằm mục đích khác rồi.


Chúng ta đã bị lừa. 118 người ký tên, nhiều người chắc cũng bị lừa. Bài học Chu Tử là bài học chúng ta nên áp dụng cho bây giờ. Họ cũng đang làm như thế đấy, đang khuấy loạn cộng đồng, đang tìm cách chia rẽ người quốc gia, đang đánh những nhân vật có tên tuổi, có thế giá chính trị trong cộng đồng. Người đánh có thể vô tình, cũng có thể ngây thơ vô số tội. Thật giả khó mà biết.


Không phải tự nhiên mà họ làm thế đâu.


Hãy cảnh giác và đừng mắc lừa thêm một lần nữa.


Họ có mặt trên mọi mặt trận, chui lòn vào trong mọi tổ chức, lợi dụng từng thời cơ thuận tiện, mua chuộc mọi người: Hội Phụ nữ, công nhân, Văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, trí thức. Như trong vụ công nhân đình công ở hãng Pin Con Ó, năm 1971, ở số 162, bến Lê Quang Liêm. Hay như vụ 475 trí thức miền Nam ký kiến nghị đòi Hòa Bình ngày 25 tháng 2, năm 1965. Bà luật sư Nguyễn Thị Bình đứng ra cãi cho các bị can chính phạm tại tòa án quân sự, vùng 3 chiến thuật. Kết quả là nhà cầm quyền lúc bấy giờ đã tống xuất ba người là các ông bác sĩ Phạm Văn Huyến, thân phụ bà luật sư Ngô Bá Thành, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và ký giả Cao Minh Chiếm ngày 19-3-1965.


Giá thay vì tống xuất ra Bắc 3 người, mời cả hơn 475 vị ra Bắc để kêu gọi Hòa Bình luôn thể. Không phải 400 vị mà 3000 vị cùng với gia đình đi một lượt ra Bắc thì vẫn hay hơn. Miền Nam sẽ yên.


Bằng chứng là trong bài viết: Có mặt trên mọi trận địa, Nguyễn Hữu Vang đưa ra một nhận xét có vẻ mâu thuẫn, nhưng rất đúng sự thật như sau: Đảng chủ trương tiếp tục giữ vững thế tấn công trên cả 3 vùng chiến lược. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đánh bại ý chí xâm lược của giặc Mỹ đang quán triệt trong toàn quân, toàn dân, kể cả vùng ven ngoại thành. Đánh ! Ấy vậy mà trung tâm chính trị công khai của đảng trong thành phố “Thủ đô” của địch, lại giương cao ngọn cờ hòa bình”{ trích Trui rèn.., trang 218}


Họ còn tìm cách xâm nhập vào bất cứ ngành nghề nào, ngay cả sân kkhấu, kịch trường.Tờ Sân Khấu do Văn Lương làm chủ nhiệm xem ra vô tôi vạ, nhưng thật ra đã được Rum Bảo Việt, tức Sáu Chiến chỉ đạo. Có nghĩa là từ nay tiếng nói của sân khấu cải lương, của giới nghệ sĩ là do Rum Bảo Việt, hay do đảng cộng sản chỉ đạo giữa lòng Sài Gòn.


Cả một đám người quốc gia làm “bình phong”, “ bia đỡ đạn” cho cộng sản đánh phá miền Nam về Mặt trận Văn Hóa. Một hội Liên Hiệp Văn Học, nghệ thuật ra đời sau đó, tháng 6-8-1966 do những người có uy tín, nhưng có khuynh hướng cấp tiến, khuynh tả như Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải làm chủ tịch, luật sư Bùi Chánh Thời làm tổng thư ký và một lô các nghệ sĩ chân chính làm ủy viên như Cô Bảy Phùng Há, Duy Lân, Tú Duyên, Năm Châu, Ngọc Trai, Thái Bạch.


Với những người như cô Bảy Phùng Há, Nghệ sĩ Năm Châu nếu có lên tiếng kêu gọi hay phản đối chính quyền điều gì. Ai có thể bắt và ai dám bắt?


Các hội trên phối hợp với vô số các hội khác như Hội bảo vệ phụ nữ do bà Vân Trang cầm đầu đòi cái này cái kia như đòi “ quyền dân tộc tự quyết”, đòi quyền lợi cho phụ nữ thì hợp lý quá đi rồi ! Chúng ta thử nhìn xem phụ nữ bây giờ có quyền sống, quyền làm người tử tế so với trước 1975 như thế nào?


Sau này chính quyền cho bắt chủ nhiệm Nguyền Ngọc Lương và các người khác như Ký Ninh, Lý Bình Hiệp, Vũ Hạnh.. Những biện pháp bắt giam đó quá nhẹ, nhất là trong trường hợp Vũ Hạnh. Vũ Hạnh bị đưa ra xử án ngày 10-6-67. Tội của y rành rành như chính y tự khai lý lịch hoạt động của y như sau: “ Ngày đầu xuân 1966, Đảng ủy văn hóa khu Sàigòn-Gia Định làm việc “đơn tuyến” với tôi tại ngôi nhà gần bến đò Cây Me, bên bờ sông Sàigòn. Địa điểm nằm trong tầm cối 81 ly của bót ngụy, trong chợ Phú Hòa Đông. Và nhân đó Vũ Hạnh nhận được lệnh: “ anh Hoàng Hà truyền đạt: mở một mặt trận văn hóa tấn công địch trong vùng đô thị bị tạm chiếm” { Trích Từ Tòa án Văn Hóa đến Hát cho đồng bào tôi nhge, Vũ Hạnh}


Và Vũ Hạnh được giao nhiệm vụ ấy. Hoàng Hà nói :


Vũ Hạnh à. Ông sẽ là Tổng thư ký mặt trận đó ..


Bắt mà như thể không bắt, bắt rồi tha, rồi bắt. Nhiều trí thức, nhà văn lên tiếng đòi tha Vũ Hạnh, trong đó có Hội Văn Bút do Thanh Lãng làm chủ tịch. Khi Vũ Hạnh được tha, họ đã đưa xe đến tận khám Chí Hòa đón về nhà và giúp đỡ tiền bạc để y sinh sống.


Đáng nhẽ biết rõ là cộng sản thì mời ra Côn Đảo là đất của họ. Hay trả về Bắc cho họ yên thân.


Kết luận:


Người viết xin tạm ngừng phần bài viết này ở đây và dành một phần khá quan trọng để viết về vai trò báo chí vào những năm chót của nên đệ nhị cộng hòa kể từ 1974 đến 1975 với 3 điểm then chốt: Thứ nhất là Phong trào nhân dân chống tham nhũng của lm Trần Hữu Thanh, ngày 18-1974. Thứ hai Ngày ký giả đi ăn mày, ngày 10-10-1974. Thứ ba Ngày báo chí và công lý thọ nạn, ngày 31-10-1974, trong đó có Báo Sóng Thần phải ra tòa.


Để chuẩn bị cho bài viết này, tôi đã gặp lm Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong trào NDCTN, tại Hà Nôi, tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, ấp Thái Hà vào cuối năm 2005. Đồng thời cũng nói truyện và thu băng với cựu dân biểu Dương Minh Kính, một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu của phong trào này .. Về vụ Báo Sóng Thần thì tôi cũng có một số tập tài liêu quý giá do Báo Sóng Thần thu thập với gần 50 hình ảnh được ghi lại. Nhóm Sóng Thần còn được gọi là Nhóm Hà Thúc Nhơn do quý anh Uyên Thao {Tổng thư ký báo Sóng Thần}, Lê Văn Thiệp soạn thảo cùng với giáo sư Đặng Thị Tám, Nhà văn Trùng Dương và ký giả Trần Phong Vũ.


Đấy là những giai đọan đầy biến động mà nhiều người vẫn coi là niềm hãnh diện chung của giới trí thức miền Nam như lời linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ nhiệm báo Xây Dựng ghi lại: “.. Và mai đây, vào sáng ngày 31-10 này, hai chữ Sóng Thần lại sẽ thực sự được khắc vào bia đá của lịch sử đấu tranh “.


Phần tôi, tôi sẽ đặt nhan đề cho bài viết này là: Một cuộc tự sát tập thể. Và tôi hình dung ra cuộc “Tự thiêu” của báo Sóng Thần vào lúc 18 giờ chiều, ngày 19-9-1974 như một báo hiệu cho một cuộc tự sát tập thể sau này. Bởi vì chỉ 6 tháng sau, toàn miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay cộng sản.


Về phía người cộng sản thì tôi ghi nhận là trong cuộc biểu tình: Ngày báo chí thọ nạn, có hai cán bộ cộng sản đi hàng đầu là quý ông Tô Nguyệt Đình và Ký Ninh, đi giữa có dân biểu Nguyễn Minh Đăng và lm Trần Hữu Thanh.


Chính vì thế, họ có quyền tự hào là trong 30 năm qua, họ đã xây dựng được một đội ngũ ký giả tạo thành Một Mặt trận báo chí với hằng trăm người cầm bút, nhà báo, nhà văn can đảm đối đầu với “ giặc ngoại xâm và tay sai” và cũng là một điểm son của truyền thống đấu tranh của thành phố Sàigòn!!!




Sunday, September 6, 2015


VIÊN LINH * TÚ KẾU



Tú Kếu, nhà thơ trào phúng
với bản án 18 năm tù cộng sản



Viên Linh



Trong một bài báo Xuân gần đây từ trong nước gửi ra hải ngoại, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, giải khôi nguyên Thơ Miền Nam trước 1975, viết rằng: Từ sau tháng 4, 1975, miền Nam mất hẳn một thể loại văn chương vốn trước đó phồn thịnh: đó là Thơ Trào Phúng.



Tấm ảnh chót của nhà thơ Tú Kếu (1937-2002) do Nguyễn Thụy Long chụp, tháng 4, 2002.


Trào phúng, hay châm biếm, thường là “khí giới” của nhà thơ dùng để chống lại kẻ mạnh. Trên báo chí miền Nam trước 75, báo nào cũng có ít ra là hai mục châm biếm: mục văn xuôi, nhất thuộc loại “Ao Thả Vịt,” hay “Radio Catinat,” hay “Tin Trời Biển,” viết theo lối hư mà thực, hư hư thực thực, loại tin đồn không có lửa sao có khói, bởi lẽ viết đích xác ra thì sẽ rắc rối, nếu không bị kiện ra tòa thì cũng ăn đòn hội chợ, hay bị bắn sẻ. Mục này có khi được đưa ra trang nhất. Ở trang trong mục đó thông thường là một mục thơ, Thơ Trào Phúng, có khi gọi là Thơ Chua, Thơ Chì, Thơ Xám. Với Tú Kếu, thi sĩ khét tiếng của thể loại này, mục của ông có tên khởi đầu là Thơ Ðen. Thơ châm biếm của ông lên tới độ siêu đẳng: có thời gian có tới 4 nhật báo mua thơ ông mỗi ngày, ông trở thành thi sĩ duy nhất không cần mưu sinh bằng nghề gì khác (dù dạy học), vì thơ đã nuôi ông. Ông giữ bốn mục Thơ Ðen, Thơ Chì, Thơ Xám, Thơ Chua cho bốn tờ báo khác nhau.

Ông vẫn làm thơ khi cộng sản chiếm được miền Nam, không có báo đăng thì truyền tay cho bạn bè, và rồi, sau những móc ngoặc, Tú Kếu bị đưa ra tòa cộng sản, và bị kết án 18 năm tù. Hình như chưa có thi sĩ nào bị kết án nặng như thế. Thơ ông đáng sợ lắm sao? Xin đọc một bài của Tú Kếu làm sau 1975, có lẽ khoảng thập niên '80:



Nhân quyền


Việt Nam quyền con người
Người được quyền đi lại
Quanh quẩn trong vùng thôi
Ra ngoài bị tóm cổ


Việt Nam quyền con người
Người được quyền cư trú
Nơi chỉ định mà thôi
Ra ngoài cũng tóm cổ


Việt Nam quyền con người
Người được quyền phát biểu
Ca tụng đảng mà thôi
Ngoài ra bắt tự kiểm


Việt Nam quyền con người
Người được quyền đau khổ
Ðược quyền khóc trước cười
Ðược quyền chui xuống mộ

Tú Kếu



Nhà thơ Tú Kếu không còn nữa



Từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Thụy Long báo tin cho bằng hữu hải ngoại: “Tôi báo cho các bạn một tin buồn: Tú Kếu chết hồi 8 giờ 30 sáng ngày 25 tháng 4 năm 2002, tức ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Ngọ.” Tin cũng cho hay tang lễ nhà thơ được cử hành vào ngày 27 tháng 4, tức là Thứ Bảy cuối tuần.

Tú Kếu là một thi sĩ trào phúng nổi tiếng nhất của làng báo miền Nam trong hai thập niên '60 và '70 qua các mục thơ biếm trích thường xuyên trên các nhật báo và tuần báo mà anh đặt là Thơ Ðen, Thơ Chua, Thơ Chém Treo Ngành. Một trong những mục đó là một mục thường xuyên của Khởi Hành trước 1975. Ðối tượng của anh không phải chỉ là những thói hư tật xấu của một hạng người nào đó, mà còn là chính quyền đương thời. Do đó thơ anh thường bị kiểm duyệt đục bỏ, toàn bài hay từng câu từng chữ. Mục thơ trào phúng của anh một mặt làm báo bán chạy, mà mặt khác cũng làm báo ra chậm, vì một khi bài thơ bị đục bỏ, người ta phải dùng mục đen bôi đi, nếu ít, hay phải in lại, nếu báo lỡ in rồi.

Bằng hữu và độc giả thường biết Tú Kếu tên thật là Trần Ðức Uyển, thực ra không phải. Tên thật ông là Nguyễn Huy Nhiên, còn Trần Ðức Uyển, hay Hoàng Bình Sơn chỉ là những bút hiệu ông dùng trong khi làm những bài thơ không châm biếm.

Tú Kếu sinh năm 1937 tại Sơn Tây, dạy học trước khi bước vào làng báo. Anh lập gia đình với con gái một người bạn, và đó là gia đình đầm ấm anh sống cho tới cuối đời, ở Sài Gòn và Lâm Ðồng. Sau khi miền Nam sụp đổ, anh bị cộng sản bắt, và đưa ra tòa, bị lên án 18 năm tù. Dĩ nhiên cũng vì những bài thơ chống Cộng của anh. Ở tù được trên mười năm thì Tú Kếu được thả về, có lẽ vì căn bệnh Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bắt đầu tác hại. Ra khỏi tù, anh về sống ở Bảo Lộc. Những ngày đầu tháng 4, 2002, bệnh của Tú Kếu quá trầm trọng, anh được gia đình đưa về Sài Gòn.Cái chết của Tú Kếu là một cái tang lớn cho làng thơ trào phúng Việt Nam. (1)

Theo nhà thơ Trần Thúc Vũ “Tú Kếu với một tâm hồn ngay thẳng, chân thực, đôn hậu và can trường. Dưới bất cứ thời buổi nào, anh luôn luôn dùng ngòi bút để chống: cường quyền, bạo lực, bất công, áp bức... cả những thói hư, tật xấu cho dù đó là ‘ai’ đi chăng nữa, và ngay cả với chính mình. Anh châm chọc nhưng không tàn nhẫn, anh chỉ trích nhưng tràn đầy yêu thương. Năm 1976, anh bị kết án 18 năm tù cũng bởi những điều như thế. Nhưng năm 1988 thì được thả. Hiện nay anh sống lặng lẽ ở Sài Gòn mà lòng đầy u uẩn về một tương lai cho Việt Nam.”

Tú Kếu ra đi đã được 9 năm. Ðể tưởng niệm một nhà thơ chính khí tài ba của Việt Nam, xin đọc một vài bài thơ cũ của anh:



Vịnh một chính khách bên Tây về



Thời cơ có lẽ tới rồi đây

Phúc hậu ông tôi mặt vẫn đầy

Lưu lạc mấy năm người béo lẳn,

Giang hồ dăm bận má tròn phây!

“Ái quần” số dách trong vòng... “mật”

Ðoàn kết “bom nhe” dựa thế Tây!

Nghe nói quan anh tài... đỡ đẻ

Thôi đừng chính trị, hãy ra tay!



Phúng ông Kennedy



Ông chết rồi, ông chết thật rồi!

Cõi đời khốn nạn lắm ông ơi!

Hòa bình thế giới què chân đứng,

Dân chủ năm châu hụt chỗ ngồi!

Hý hửng anh Mao lòng mở hội

Ngậm ngùi bác Kút, miệng bôi vôi!

Thương ông: hiệp chủng văn minh quá

Ðen, xám, vàng, nâu... trách cụ trời!


Trách cụ trời gây loạn trước tiên,

Làm cho ông mệt mấy năm liền!

Ba thằng tư bổn càng to vốn,

Các gã lưu manh lại rộng quyền.

Khuynh hữu phất phơ cờ... cứu quốc

Cộng huề khấp khởi ghế... ăn trên!

Không gian bát ngát, ông về đất,

Nhớ chống tam vô dưới cửu tuyền!



Dưới cửu tuyền ví gặp cụ Ngô,

Giảng hòa thôi nhé, tiếng cười to!

Bắt tay thân thiện: tôi và bác,

Chào hỏi khoan dung: tớ với bồ!

Súng đạn than ôi, thời buổi loạn!

Anh hùng thảm bấy, phút sa cơ!

Ngàn trùng biển Thái xanh ngăn ngắt!

Ngơ ngác trên cây một ngọn cờ!

Tú Kếu



Chú thích:

1. Trích bản tin đăng báo Khởi Hành số 67, tháng 5, 2002. (Viên Linh, Hồi Ký Văn Học)


HỒ NAM * NGUYỄN VỸ NHÀ THƠ BÂT HỦ

Hồ Nam : NGUYỄN VỸ NHÀ THƠ BÂT HỦ NHÀ VĂN HÓA LẪY LỪNG

Chuyên mục: Tác GiảCập nhật 6 năm trướcFavoritesThích nội dung nàyFeedbackPhản hồiPrintIn nội dung

Nguyễn Vỹ là nhà báo có tài nhà thơ có tầm cỡ nhưng nhà văn thì chỉ thành công trong đia hat hồi ký còn tiểu thuyêt thì ông chỉ làng nhàng thua cả Hồ Biểu ChánhĐể rộng đương dư luận chúng tôi xin trích bài thơ Bạch Nga hai chân của Nguyễn Vỹ đó là bài Sương rơi


NGUYỄN VỸ NHÀ THƠ BÂT HỦ NHÀ VĂN HÓA LẪY LỪNG


Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 tại làng Tân Hội huyện Đưc Phổ con một vị quan Nam Triều vào loai tầm cỡ nhưng vì ông chống Pháp đã từ quan.Nguyễn Vỹ học xong tú tài ra đời viêt báo làm văn làm thơ.Hai mươi bốn tuổi xuât bản tập thơ đầu tiên bằng hai thư chư quốc ngữ và Pháp rồi làm chính trị chống Pháp bi Tây bỏ tù sau qua chống Nhật bị Nhật bắt nhốtVề văn chương Nguyễn Vỹ là bạn đồng hành với Trương Tửu và sáng lập ra trương thơ Bach Nga một trương thơ ảnh hương thơ Pháp do ông làm chủ soái
Với kiến thưc rộng và bách khoa Nguyễn Vỹ đã nổi đình đám khi chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông và và nổi danh với những mục Mình ơi và Tuấn chàng trai nươc Việt
Nguyễn Vỹ viêt tiểu thuyêt không thành công lắm nhưng viêt hồi ký nhât la tập hồi ký về những nhà văn nhà thơ tiền chiến thì lai rât thành công vì trung thực và dám viết những điều thiên hạ né tránh
Nguyễn Vỹ là ngươi đa tình có nhiêu vơ và một chuyến từ Saigon đi thăm vợ nhỏ ở Mỹ Tho ông đã tử nạn trong môt tai nạn xe hơi ở Cầu Voi Long An vào năm1971
Tổng kêt cuộc đời thơ văn của Nguyễn Vỹ chúng ta thấy rõ ràng qua tác phẩm Tuấn chàng trai nươc Viêt Nguyễn Vỹ là một nhà văn hóa dân tộc có trình độ và về thơ Nguyễn Vỹ là nhà thơ tiền chiến có hạng dù ông thất bại trong khi làm chủ soái trường thơ Bach Nga một trương thơ nhập tư thơ của văn chương Pháp


Nguyễn Vỹ là nhà báo có tài nhà thơ có tầm cỡ nhưng nhà văn thì chỉ thành công trong đia hat hồi ký còn tiểu thuyêt thì ông chỉ làng nhàng thua cả Hồ Biểu Chánh

Để rộng đương dư luận chúng tôi xin trích bài thơ Bạch Nga hai chân của Nguyễn Vỹ đó là bài Sương rơi


Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Những hơi
Gió bấc
Lạnh lung
Hắt hiu
Thấm vào
Em ơi
Trong long
Hat sương
Thành một
Vêt thương
Rồi hat
Sương trong
Tan tác
Trong long
Tả tơi
Em ơi
Trong giọt
Thánh thót
Từng giọt
Điêu tàn
Trìu mến
Mồ hoang
Rơi sang
Cành dương
Liễu ngã
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi




Thơ Bạch nga của Nguyễn Vỹ là như thế đó nhưng thơ tám chữ thì lai rât đươc như bài thơ Gửi Trương Tửu thì lai tuyêt vời


Hồ Nam



TRÍCH THƠ NGUYỄN VỸ


GỬI TRƯƠNG TỬU


Nay ta thèm rươu nhớ mong ai
Một mình nhấp nhem chẳng buồn say
T rươc kia hai ta hết một nậm
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm
Nay một mình ta một be con
Cạn rượu rồi thơ mới véo von
Dạo ấy chúng mình nghèo sơ sác
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác
Kiếm đươc đồng nào đem tiêu hoang
Rủ nhau chè chén nói huyênh hoang
Xáo lộn văn chương với chả cá
Chửi Đông chửi Tây chửi tât cả
Rồi ngủ một đêm mộng với mê
Sang dậy nhìn nhau cười hê hê
Bây giờ thời thế vẫn thây khó
Nhà văn Annam khổ như chò
Mỗi lần cầm bút viêt văn chương
Nhìn đàn chó đói gậm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viêt
Xuốt mấy năm trời viết vẫn kiêt
Mà thương cho tôi thương cho anh
Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm trạng nguyên anh tể tướng
Rồi anh bên võ tôi bên văn
Múa bút tung gươm hả một phen?
Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục nát thối
Cho người làm ruộng kẻ làm công
Đều được an vui hớn hở long?
bây giơ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho lịch sử
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hât mồ chồm dậy cươi say sưa
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên đât nươc
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được Tư Do muôn muôn năm?
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hêt đói hêt lầm than tang toi1c?
Chứ như bây giờ là trò chơi
Làm báo làm bung chán mớ đời
Aqnh đi che tàn một lũ ngốc
Triêt lý con cừu văn chương cóc
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn ngày tháng qua
Cho nên tôi buồn không biêt mấy
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa
Bực chí thành say mấy cũng vừa
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ
Rồi đâm ra điên đâm vẩn vơ
Rút cục chỉ còn mộng và mơ


NGUYỄN VỸ


GỬI NGUYỄN VỸ


Văn chương thời nào cũng thế thôi
Làm văn làm thơ tù khổ sai
Càng viêt càng thêm nhiêu lệ rơi
Càng viêt càng thêm nhửng ách tai
Trời sinh cầm bút biêt làm sao
Thiên hạ bao nhiêu chuyện khổ đau
Trăm năm trươc rồi trăm năm sau
Cái nghiệp cầm bút đi buôn sâu
Ta khóc cho anh ta khóc ta
Hỡi ơi trơi đất thật bao la
Cái thân cầm bút là như thế
Cái nghiệp làm thơ ta với ta
Hãy chửi một câu cho nhẹ lòng
Rượu còn đâu nữa thế là xong
Mai ta ngủ dậy ta mở mắt
Sẽ thây đất trời không trống không
Ta đã làm thơ ta viết văn
Đem chuyện người ra để dấn thân
Nỗi đau nhân thế bao giờ dứt
Để chúng ta được nhẹ cõi lòng
Thiên hạ quẩn quanh chuyện áo cơm
Còn ta khóc mươn cứ âm thầm
Rươu một ly thôi nhưng vẫn thiêu
Đêm nằm trằn trọc mãi mưa rầm
Anh đã chêt môt đời trăn trở
Tôi còn sống mãi tháng ngày im
Hãy ngâm cho lơn câu thơ cổ
Để cuối đương kia có nắng xuân

VƯƠNG TÂN


Tác giả: Hồ Nam

Theo: Văn Thơ Lạc Việt

Các tác phẩm khác của Hồ Nam
Dòng Thơ Thi sĩ Vương Tân : GIANG HỒ CA5(11:53:pm - 06/08/2009)
TOAN ÁNH NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN CUỐI CÙNG ĐÃ RA ...(11:21:pm - 09/08/2009)
THANH CHƯƠNG NHÀ THƠ TÌNH CỦA THỜI ĐAI(11:23:pm - 09/08/2009)
PHẠM THÁI NGUYỄN NGỌC TÂN GIỮA NHÀ VĂN NHÀ ...(01:20:am - 10/08/2009)
VŨ BẰNG NHÀ VĂN CỦA NHỮNG MÓN ĂN HÀNỘI(11:05:pm - 11/08/2009)
HÒANG LY TRƯƠNG LINH TỪ MỘT NHÀ VĂN NHÀ THƠ ...(11:38:pm - 12/08/2009)
PHAN LẠC TUYÊN NHÀ THƠ MÔT BÀI TIẾN SĨ LÊN ...(01:16:am - 16/08/2009)
SƠN NAM NHÀ VĂN KHÔNG VƯỢT ĐƯỢC CÁI BÓNG CỦA ...(01:37:am - 16/08/2009)
ĐÀO MỘNG NAM NHÀ NHO CUỐI MÙA CHẾT BẤT ĐẮC ...(01:46:am - 17/08/2009)
NHÀ THƠ NHẠC SĨ AKHUÊ KHÔNG CÒN NỮA(01:00:am - 17/08/2009)
NHÀ THƠ TUYẾT KHANH,DIỆU LỘC,TỊNH NGUYỆT ANH ...(01:32:am - 18/08/2009)
NHÀ VĂN NHÀ THƠ CỦA THỜI ĐẠI VÀ LỊCH SỬ ĐINH ...(01:17:am - 20/08/2009)
TẠ QUANG KHÔI NHÀ VĂN CHUYÊN NGHIỆP NHÀ THƠ ...(01:59:am - 20/08/2009)
NHÀ VĂN NGUYỄN THỤY LONG KHÔNG CÒN NỮA(01:21:am - 03/09/2009)
SƠN ĐIỀN NGUYỄN VIÊT KHÁNH CHÍNH LÀ NHÀ VĂN ...(01:59:am - 05/09/2009)
TRẦN VĂN ÂN NHÀ BÁO KIÊT XUẤT SỐNG MỘT TRĂM ...(01:33:am - 07/09/2009)
Hồ Nam : PHAN ĐIỆN NHÀ THƠ NGÔNG XỨ NGHỆ(01:00:am - 13/10/2009)
Hồ Nam : NGUYỄN BẮC SƠN NHÀ THƠ ĐỘC ĐÁO(01:18:am - 13/10/2009)
Hồ Nam : NGÂN GIANG NHÀ THƠ VẬT VÃ VỚI SỐ ...(01:47:am - 17/10/2009)
Hồ Nam : CHINH NGUYÊN NHÀ THƠ TÀI HOA NHÀ VĂN ...(01:57:am - 24/10/2009)
HỒ HỮU TƯỜNG NHÀ VĂN HÓA LỚN NHÀ VĂN TRÀO ...(01:15:am - 26/10/2009)
LÊ THỊ Ý VÀ BÀI THƠ THƯƠNG CA 1(01:00:am - 31/10/2009)
Hồ Nam : NGUYỄN ĐÌNH THI THIÊN TÀI VÀ QUỈ DỮ(01:31:am - 08/11/2009)
Hồ Nam : TRẦN PHONG GIAO NHÀ VĂN BẤT TÚC NHÀ ...(01:02:am - 15/11/2009)
Phạm Trần Anh : KHÁNG THƯ GỬI BẠO QUYỀN CỘNG ...(01:49:am - 28/11/2009)
Hồ Nam : ĐOÀN PHÚ TỨ DICH GIẢ KỊCH TÁC GIA ...(01:06:am - 28/11/2009)
Hồ Nam : TRẦN LÊ NGUYỄN KICH TÁC GIA HAY NHÀ ...(01:21:am - 28/11/2009)
Hồ Nam : CHẾ LAN VIÊN NHÀ THƠ PHẢN TỈNH TRƯƠC ...(01:28:am - 04/12/2009)
Hồ Nam : SONG LINH VÀ NHỮNG VẦN THƠ TÌNH(01:41:am - 12/12/2009)
Hồ Nam : ĐÔNG ANH NGƯỜI LÀM THƠ TÌNH TẦM CỠ(01:00:am - 12/12/2009)
Hồ Nam : NHÀ THƠ NGUYỄN XUÂN SANH VÀ NHÓM ...(01:14:am - 12/12/2009)
Hồn Nam : MA XUÂN ĐẠO NHÀ THƠ LÀM THƠ CHỮ HÁN ...(01:26:am - 20/12/2009)
Hồ Nam : LÊ ĐẠT NHÀ THƠ CẢ ĐỜI VẬT LỘN VỚI ...(01:37:am - 30/12/2009)
Hồ Nam : HOÀNG NGỌC BIÊN TỪ DICH GIẢ HỌA SĨ ...(01:52:am - 30/12/2009)
Hồ Nam : TRẦN VÀNG SAO NHÀ THƠ PHẢN KHÁNG ...(01:10:am - 30/12/2009)
Cao Thái ... bài hát Mexico / Saigon 60s năm ...(01:16:am - 04/01/2010)
Trọng Đạt : Thạch Lam, cơn say chưa tỉnh(07:26:pm - 01/07/2010)

Tin mới
Viết giờ Giao Thừa 2015(05:23:pm - 19/02/2015)
Ngựa Vực hồn thơ (Xướng Hoạ 2). Tác Giả : ...(12:16:pm - 03/02/2014)
Xuân Giáp Ngọ. Kính chúc Quí Vị Vạn Sự Bình ...(04:50:pm - 18/01/2014)
Summer Dreams(06:11:pm - 19/09/2013)
Chiều Tưởng Niệm(04:03:pm - 01/07/2013)
CHUYỆN QUÊ NHÀ(11:48:pm - 11/03/2013)
Tìm đường gai góc mà đi(03:03:pm - 11/03/2013)
Lê Ngọc Huyền : Giáng Sinh Trên Miền Đất Trọ. ...(07:00:pm - 29/07/2012)
Tâm Ngọc : Sống chết cho Tình Yêu (Giải nhất ...(07:31:pm - 29/07/2012)
Đông Anh : Những Vần thơ tháng Tư(08:57:pm - 17/04/2012)
Các tin khác
Hồ Nam : NGÂN GIANG NHÀ THƠ VẬT VÃ VỚI SỐ ...(01:47:am - 17/10/2009)


NGUYÊN HUY = VIỆT NAM =VIỆN VIỆT HỌC

NGUYÊN HUY * ĐI MỸ



'Ði Mỹ,' ước vọng đắng cay của người tù cải tạo
(12/09/2011 06:33 PM) (Xem: 15130)
Tác giả : Nguyên Huy


Chiều Chủ Nhật tuần này, 11 Tháng Mười Hai, nhà văn Trần Yên Hòa sẽ ra mắt truyện dài “Ði Mỹ” tại hội trường Việt Herald, trên đường Moran, Westminster.

Chuyện “Ði Mỹ” của những người tù cải tạo, sau hàng chục năm trời trong “đáy địa ngục” như cuốn sách của Tạ Tỵ viết, là cả một biến cố lớn tưởng như không bao giờ có sau cuộc đổi đời 30 Tháng Tư, 1975 đối với quân cán chính VNCH. Biết bao nhiêu hoàn cảnh dở khóc dở cười cũng như biết bao nhiêu gian truân, khổ nhục đã đến với người cựu tù cải tạo, từ khi còn là những tin đồn cho tới khi có lệnh nhận đơn từ quận lên đến Nguyễn Du qua Nguyễn Trãi, ở Hàng Bài, Hà Nội,... kéo dài cả chục năm trời.

“Ði Mỹ” với nhà văn Trần Yên Hòa là một số góc cạnh của những cựu tù cải tạo trong biến cố này. Gần 300 trang sách, tác giả nhũn nhặn gửi độc giả trước khi vào chuyện: “Chuyện dài đi Mỹ thì có cả trăm hình vạn trạng. Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng. Ở đây tôi chỉ ghi lại một vài chuyện nhỏ trong muôn hình vạn trạng kia thôi. Dĩ nhiên là hư cấu.”

Hư cấu ở đây vì tác giả dùng hình thức tiểu thuyết để viết về một sự kiện lịch sử diễn ra trong cuộc sống của người dân Việt sau cuộc đổi đời trắng thành đen mà đen thành trắng đối với toàn thể dân tộc Việt Nam kể cả Bắc lẫn Nam. Thực ra sự hư cấu đó hoàn toàn dựa trên thực tế, trên cuộc đời của những người có thật mà phần lớn còn sống tại hải ngoại. Thực tế vì “biến cố” ấy đã làm xao động cả một xã hội tưởng như đã chìm khuất trong “đáy địa ngục.”

Không phải chuyện “Ði Mỹ” chỉ liên quan đến người cựu tù mà nó còn liên quan đến hầu khắp mọi người mọi giới, mọi tôn giáo, mọi thành phần kể cả những thành phần đang là đảng viên của đảng đang cầm quyền.

“Ði Mỹ” trước hết là đổi đời cho người cựu tù, kế đến là vợ con họ, là thân quyến họ, là những người yêu, hôn phu, hôn thê của lớp con cái, là những cán bộ từ khóm phường qua quận huyện lên đến thành phố sang Nguyễn Du (nơi tập trung đơn xin đi Mỹ để chuyển lên Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội) và song song là Nguyễn Trãi (nơi các cán bộ ngoại vụ làm dịch vụ, tức làm tiền cho xuất cảnh), là những người môi giới nhà cửa đất đai, v.v...

Hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH sau 30 Tháng Tư, 1975 bị nhà cầm quyền cộng sản lùa vào tù hết, từ gian manh lập lờ qua hai cái Thông Cáo Học Tập Cải Tạo cho đến bắt bớ vô tội vạ những người có ít nhiều dính đến chế độ cũ, thậm chí có người không liên quan gì đến chế độ cũ nhưng bị bọn “cách mạng 30 Tháng Tư” vu oan cũng phải lên đường “học tập!” Chỉ có một số rất ít là được về sớm trước ba năm do là “gia đình cách mạng” hay do chạy được đúng chỗ... Còn lại phần lớn đều có trung bình từ năm đến bẩy năm tù cải tạo. Một số không nhỏ bóc tới hơn 10 cuốn lịch mà nếu không có được sự can thiệp của Hoa Kỳ thì có lẽ còn “mút chỉ” nữa.

Với số lượng ấy, sự thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cho đi định cư tại Mỹ quả đã là biến cố lớn làm rung chuyển cuộc sống của hầu hết mọi người đang phải sống trong vô vọng.

Nhắc lại chuyện cũ, nhà văn Trần Yên Hòa không phải muốn khơi sâu nỗi hận thù mà như ông viết trong lời “Mở” của cuốn sách rằng, “Ngày Ấy với Hôm Nay đã lâu lắm rồi. Ngày ấy là những ngày, những tháng, những năm của thế kỷ trước. Nói thì lâu lắc lắm vậy, nhưng thật ra, cũng chỉ mười chín, hai mươi năm thôi. Hôm nay, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian đó, tôi vẫn thấy lòng mình có một nỗi chua xót, đắng cay, bàng hoàng, xúc động.”

Ðọc đến đây, chắc hẳn có không ít những người cựu tù, có người đã xênh xang áo mão trở về, nhớ về những ngày, những tháng những năm ấy. Có những chuyện khóc cười muôn vẻ. Như một cựu tù khi trở về thấy mình tay không thật sự, không vợ, không con, không nhà không cửa, không một đồng xu dính túi đành phải làm bất cứ một nghề hèn mạt nào để có được miếng ăn, bỗng có tin “đi Mỹ” thì được ngay một “mệnh phụ” thời đại tiếp rước về làm chồng, sắm cho xe Cub Dream II “để anh đi chạy giấy tờ cùng em.”

Nhưng bỗng nhiên chuyện ra đi khựng lại vì nhà nước giở trò đòi hơn thiệt với Hoa Kỳ nên việc ra đi của cựu tù phải hoãn lại. Chuyện hoãn lại trong chế độ Cộng Sản được hiểu là khó thể có lại nên “mệnh phụ” một sớm một chiều đổi ý, đòi lại chiếc xe và nhẹ nhàng mời anh ra khỏi nhà!!!

Ðó là một chuyện dở khóc dở cười có thật. Một chuyện khác, khi tin ra đi của người tù cải tạo được chính thức thi hành, một người tù thất lạc mất hai con trên đường di tản trên Tỉnh Lộ 7 bỗng được một gia đình cán bộ cấp thành phố làm thân, gửi gấm hai con của ông cho nhập hộ khẩu của người tù cải tạo này, mọi chuyện giấy tờ ông ta lo hết kể cả 10 cây vàng cho người tù làm vốn khi tới xứ người.

Còn không biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười với người cựu tù cải tạo khi được Mỹ nhận cho định cư. Có người đã nắm được giấy xuất cảnh từ Bộ Nội Vụ gửi về, ấy thế mà vẫn chưa đi được chỉ vì nhất định không nhận công tác của một cơ quan thuộc cơ quan bảo vệ chính trị thành phố gửi gấm hay người cựu tù nhất định không làm giấy hiến dâng căn nhà 3 tầng bị nhà nước tịch thu từ “ngày trình diện.”

Ðúng như tác giả Trần Yên Hòa viết: “Mỗi người, mỗi gia đình là một hoàn cảnh, một trường hợp,” không ai giống ai, khóc cười đủ mọi vẻ mà trong suốt lịch sử dân tộc Việt Nam có lẽ chưa bao giờ diễn ra như thế.

Ấy là bởi vì, sau 30 Tháng Tư, 1975 thì “cái cột đèn mà biết đi thì nó cũng đi” nên già trẻ lớn bé được nếm mùi cộng sản vài năm rồi mới khao khát chuyện ra đi như thế. Niềm khao khát ấy không chỉ là người dân từng sống trong thời VNCH mà cả người dân miền Bắc đã phải chịu đựng trong chế độ Cộng Sản trước đó hàng mấy chục năm trời. Cái lạ là ngay cả những đảng viên cao cấp trong đảng, trong chính quyền cũng khao khát cho con cái được ra đi.

Trần Yên Hòa ra mắt sách “Ði Mỹ,” ông đã không chỉ viết tiểu thuyết để đọc chơi thay vì xênh xang áo mão về làng mà Trần Yên Hòa đã viết sử, viết về một giai đoạn lịch sử dân tộc bằng chính cuộc sống của dân tộc.

Quý bạn đọc muốn có “Ði Mỹ” xin liên lạc: (714) 360-7356 hay email: tran hao47@yahoo.com. Giá mỗi cuốn $20.

NGUYỄN HỮU NGHIÊM * MỘT NGƯỜI LÍNH



Câu chuyện về một người lính


Lời giới thiệu: Tôi được đọc câu chuyện về cựu trung úy Đỗ Lệnh Dũng đã khá lâu, cách đây cũng trên 10 năm dưới cái tên “Chuyện người Đỗ Lệnh Dũng”, lúc đó mới chỉ là “chuyện viết từng kỳ” vì tùy theo cái hứng có thể nói khá bất tử “không lường trước” của Lê Thiệp, tôi hãnh diện lắm vì mình lại được ông bạn và cũng là ông anh “tin yêu” giao bản thảo với lời nhắn “ông muốn làm gì thì làm”. Bài đã được đăng nhiều kỳ và khán giả rất say mê khi tôi còn phụ trách tờ báo của người Việt tại Nhật. Đến năm 2006, thì nhận được truyện ký “Đỗ Lệnh Dũng” từ tác giả. Với cảm nghĩ đã có xem qua, tôi không mấy chú ý đến nội dung quyển sách mà sau này tôi mới biết là đã được “hiệu đính” khá cẩn thận và phong phú khác hẳn so với “chuyện viết từng kỳ”. Mấy hôm trước nhận được bài viết dưới đây từ một thằng bạn, tôi bị lôi cuốn theo rồi đọc lại quyển sách và cũng cảm thấy bất ngờ vì mình say mê đọc lại với tốc độ quá nhanh đúng như tên bạn nhận định: “Một tốc độ đọc khá nhanh so với tuổi về chiều….”.


Xin mời quí vị theo dõi bài tóm tắt dưới đây của Nguyễn Hữu Nghiêm và sau đó nếu có ….. điều kiện xin quí vị vào thẳng


Truyện ký “Đỗ Lệnh Dũng” của Lê Thiệp
Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành
P.O.Box 4653 – Fall Church
VA 22044 - USA


Vũ Đăng Khuê


Câu chuyện về một người lính


Phải chờ đến 8 năm kể từ khi quyển sách được xuất bản, và sau khi tác giả là nhà văn nhà báo Lê Thiệp qua đời vì chứng bệnh nan y thì tôi mới có dịp đọc “Đỗ lệnh Dũng”. Một phần vì cuộc sống khá bận rộn, và phần khác tôi đã đọc sơ qua phần giới thiệu về tác phẩm này được đăng tải trên vài tờ báo địa phương khi quyển sách ra mắt độc giả.





Đó là câu chuyện về một ông sĩ quan cấp Úy tên là Đỗ lệnh Dũng bị Việt Cộng bắt trên chiến trường, bị ở tù một thời gian rồi được phóng thích, sau đó được sang định cư ở Hoa kỳ. Tôi nghĩ chắc quyển sách này cũng giống như hồi ký của các người tù cải tạo mà tôi đã đọc trước đó. Như “Đại học máu” của Hà thúc Sinh, “Đáy địa ngục” của Tạ Tỵ, “Thép Đen” của Đặng chí Bình… nên thấy chưa cần phải tìm đọc vội. Cứ thế mà tôi lần lữa hẹn năm này cho đến năm khác cho đến cách nay mấy tháng trước. Một người bạn tâm giao thấy tôi thích đọc sách nên gửi mua tặng cho một số sách trong đó có quyển Đỗ lệnh Dũng. Thôi cứ xem đó là một duyên may, dù đến có hơi muộn màng. Lúc còn trẻ, dù có bận rộn cách mấy, một quyển sách tôi có thể đọc xong trong vòng hai, ba hôm. Bây giờ lớn tuổi, nhịp độ đọc sách của tôi chậm lại rất nhiều. Cho nên khi cầm quyển sách gần 400 trang, tôi hơi ngại ngần một chút, không biết bao giờ mới đọc xong. Nhưng qua ngòi viết tài hoa của nhà văn Lê Thiệp, quyển sách đã lôi cuốn tôi ngay từ trang đầu cho đến trang cuối. Vì vậy mới ba đêm là tôi đã đọc xong quyển sách. Một tốc độ đọc khá nhanh so với tuổi về chiều của tôi.


Quyển truyện kể lại một câu chuyện rất thật của một cựu trung uý tên là Đỗ lệnh Dũng. Qua gần 400 trang sách tác giả đã ghi lại cuộc đời của nhân vật chính từ những ngày sắp bước chân vào quân trường, những tháng ngày trong binh nghiệp, lúc sa cơ bị bắt trong trận đánh cuối cùng ở Đồng Xoài, Phước Long, rồi bị đày ải trong các trại tù CS, cuối cùng được phóng thích và sang đoàn tụ với thân nhân tại Hoa Kỳ. Quyển sách được viết ra không nhằm mục đích vinh danh, đề cao cá nhân hay viết về tiểu sử nhân vật Đỗ lệnh Dũng. Nhưng là câu chuyện về những nghiệt ngã, oan khiên của những người dân Việt Nam, mà Đỗ lệnh Dũng là một trường hợp điển hình, đã phải gánh chịu suốt mấy mươi năm trong và sau cuộc chiến tương tàn của hai miền Nam, Bắc. Và cũng qua quyển sách này chúng ta có thể hình dung được phần nào mức độ khốc liệt của cuộc chiến lúc bấy giờ. Xen vào giữa các chương, tác giả cho vào các tin tức, tài liệu cập nhật hoá tình hình chính trị, quân sự, xã hội của cả 2 miền trong thời chiến tranh và cả sau khi miền Nam bị thất thủ. Nhờ đó mà độc giả dễ dàng nắm bắt được bối cảnh không gian và thời gian của câu chuyện.


Nhân vật chính Đỗ lệnh Dũng thể hiện nhân dáng điển hình của người lính chiến miền Nam. Cầm súng chiến đấu vì bổn phận, trách nhiệm chứ không phải vì hận thù, thích bắn giết nhau. Bản chất của họ là những người nhân ái, giàu tình cảm. Khía cạnh nhân bản này đã được biểu hiện bởi người lính Đỗ lệnh Dũng khi anh ngậm ngùi kể lại: “...Có lần chúng tôi bắt được hai tù binh từ Bắc xâm nhập. Họ trẻ quá, hiền lành quá như những cậu học trò trung học. Tôi có thể làm tình làm tội họ, hoặc nữa là bắn họ. Tôi đã rùng mình trong suy nghĩ rằng mình có quyền định đoạt cái chết của người khác..”


Nhưng không vì thế mà người lính miền Nam chiến đấu thiếu hăng say, thiếu dũng cảm, can cường. Và cũng vì muốn là một người lính đúng nghĩa, Đỗ lệnh Dũng đã từ bỏ một chức vụ an nhàn, tùy viên cho một ông tỉnh trưởng, để xin ra được tác chiến cùng với các đồng đội của mình. Khi được giấy chấp thuận sang Hoa kỳ thăm gia đình, thay vì ở lại Sài Gòn chờ ngày ra đi , nhưng vì tình chiến hữu, đồng đội ông đã trở về thăm đơn vị của mình lần cuối, để rồi bị kẹt lại trong trận đánh mở màn cho cuộc tấn chiếm miền Nam một thời gian không lâu sau đó. Để rồi đến khi bị bắt làm tù binh, bị kẻ thù ngược đãi, hành hạ, ông thản nhiên chấp nhận, chịu đựng, không lời oán trách.


Khi bị bắt cầm tù, không phải phía đối phương tất cả đều là những kẻ hiếu chiến, khát máu. Đâu đó chúng ta vẫn còn thấy lấp lánh điểm sáng của lương tri, của tình người ở những người lính miền Bắc “...Không ngờ một sĩ quan trẻ tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt lại thuộc và hát vọng cổ hay như vậy. Những người lính ngồi chồm hổm phía ngoài đôi khi nổi hứng quăng thuốc lá cho tụi tôi, và có lần một người xông vào giữa đám tù vừa đi vừa chìa bao thuốc lá quăn queo mời. Anh ta nghênh ngang vừa đi vừa nói: “-Sợ đéo gì. Kỷ luật thì kỷ luật, ông đéo sợ...”


Thật ra họ cũng chỉ như là những con ngựa bị che mắt, nạn nhân của sự lừa phỉnh, dối trá: “Em tin là anh kể chuyện thật. Nhưng như vậy thì tụi em bị lừa, lừa từ lúc mới đẻ ra cho đến khi lớn, bị lừa cho đến già. Cả đời bị lừa, cả nước bị lừa.”


Quyển sách mở đầu với trận đánh tấn chiếm Đồng Xoài, Phước Long vào những ngày cuối năm 1974. Trận chiến này đã mở màn cho cuộc cưỡng chiếm miền Nam mấy tháng sau đó và cũng là trận chiến kết thúc cuộc đời binh nghiệp của Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng. Trận đánh rất khốc liệt từ lúc mở màn, quân trú phòng chiến đấu thật dũng cảm, nhưng dần dần trở nên yếu thế vì sự chênh lệch quân số và vũ khí giữa hai bên:


“Và người lính thám báo nhảy hẳn lên khỏi hàng bao cát, quay khẩu M72 bắn. Chiếc T54 trúng đạn chao sang một bên nhưng vẫn chầm chậm lăn về phía hàng rào, pháo tháp trên với nòng đại bác 100 ly hướng về phía chúng tôi. Tôi nhìn thấy họng đại bác khạc lửa và sau đó là tiếng nổ. Người lính M72 lãnh nguyên trái đạn, chiếc áo giáp bay ra như bươm bướm, trắng cả một khoảng giao thông hào.


Tôi không thấy thịt xương của anh ta, có lẽ cả người bị đạn 100 ly đẩy tuốt đi tận đâu. M72 không đủ sức hạ T54 vì chiến xa của địch đã được cải tiến thành xe hạ thấp và có độ nghiêng khiến đạn M72 bị trượt đi.”


…………………………………………………………………………………………………


“…Vừa lui cui chạy dọc theo phía bao cát tôi thấy hai nghĩa quân đang đứng ôm M16 hướng ra ngoài. Một trái 122 ly nổ giữa sân, đất cát bắn tung toé. Chiếc cột cờ gãy ngang, lá cờ vẫn vướng vào dây rách lỗ chỗ. Người nghĩa quân quay sang nói với tôi:


- Tội lá cờ, để em ra lấy.


Tôi chưa kịp cản thì anh ta đã lao ra giữa sân. Một trái 122 ly nữa nổ tung. Người nghĩa quân ngã gục trên lá cờ và chỉ một giây sau đó, xác anh bật tung lên vì trái lựu đạn của anh có lẽ đã tuột kíp nổ. Người nghĩa quân nằm đó bất động, cờ tẩm máu đỏ rách bươm quấn lấy đầu anh….”


Những cái chết thật bi hùng của người lính chiến VNCH. Sau đó Đồng Xoài thất thủ và trung úy Đỗ lệnh Dũng bị giặc bắt khi trên đường tháo chạy. Và từ đó ông bắt đầu những năm tháng bị giam cầm đày ải trong ngục tù CS được mỹ từ hoá bằng tên trại cải tạo. Trong những ngày đầu bị cầm tù, ông ngồi tưởng nhớ lại những ngày tháng trước của mình. Ở đây tác giả Lê Thiệp đã dùng kỹ thuật flashback khá tài tình. Đây là con dao hai lưỡi, nếu dùng một cách khéo léo sẽ làm cốt truyện thêm sinh động, nhưng ngược lại nếu vụng về sẽ làm người đọc dễ bị lầm lộn về thời gian, không gian, không biết chuyện nào xảy ra trước, chuyện nào xảy ra sau.


Nhưng quyển sách không chỉ toàn là những máu lửa giết chóc trong chiến tranh, những đày đoạ tàn bạo của ngục tù và cai tù CS. Trong quyển sách không thiếu những đoạn văn thật đẹp, thật ướt át đầy tình cảm. Như cuộc tình đầu tiên:


“Dung siết nhẹ tay tôi không nói năng gì. Tôi ngửi thấy mùi thơm của hơi thở. Tôi nghe thấy cả tiếng tim mình hay tiếng tim Dung đang đập. Đá ở bãi Ô Quắn nhiều và lớn. Hai đứa mò mẫm, tôi đưa tay cho Dung níu, kéo nàng lên.


Sóng biển rì rào đập vào đá, bọt tung trắng xóa. Đêm thẫm mầu ngoài xa. Khi tôi hôn nàng, mới đầu Dung như muốn đẩy tôi ra nhưng ngay sau đó, tay nàng vòng qua cổ tôi. Hai đứa hôn nhau như thể đã chờ đợi từ kiếp nào. Môi Dung nóng bỏng, đượm vị mặn của biển. Tôi lùa tay trong tóc nàng. Dung từ từ ngả người trên tảng đá, hai tay xỏa ra, ngực phập phồng trong chiếc áo pull xanh mầu lá chuối. Tôi chống tay cúi xuống. Mặt nàng lung linh trong đêm, như thật, như mơ, như từ cõi xa xăm nào hiện về, tôi nhẹ nhàng và rồi chúng tôi quấn lấy nhau. ..”


Nhưng rồi cuộc tình cũng không vẹn tròn, đôi tình nhân phải chịu cảnh ly tan, chia lìa theo vận mệnh đau thương của đất nước. Anh bình thản chấp nhận, cũng như đã chấp nhận cái số phận nghiệt ngã của định mệnh dành cho mình. Tuy nhiên cuối cùng anh cũng có được một người con gái thật lòng yêu thương anh, cảm thông những khổ đau, bất hạnh mà anh đã phải gánh chịu. Nếu cuộc tình thời trẻ tuổi thật sôi nổi, cuồng nhiệt thì mối tình sau cùng này, sau những đau thương, bão tố của cuộc đời, thật dịu dàng, đằm thắm. Dịu dàng, đằm thắm như người con gái đã cùng với anh đi suốt cuộc đời còn lại, từ khi anh còn bị cầm tù cho đến sau khi anh được phóng thích.


“Chúng tôi ngồi như vậy khá lâu, tay Thu úp lên tay tôi. Cả hai không nói năng gì. Một niềm hạnh phúc tươi mát lan khắp người, tôi như không còn là tôi nữa. Tôi quên hết những đoạ đày. Tôi coi thường những đau khổ đã trải. Từ bàn tay mát rượi của Thu tôi thấy mình đã thực sự hồi sinh, đang ngoi lên, trồi lên để sống lại…”


Sau khi ra khỏi tù một thời gian thì ông kết hôn, tìm được việc làm, đời sống gia đình tương đối ổn định. Những tưởng sẽ sống nốt cuộc đời còn lại ở mảnh đất quê hương khốn khổ. Nhưng rồi vì tương lai của con, không muốn chúng bị nhồi sọ bởi một nền giáo dục nặng về tuyên truyền, giáo điều, nhẹ về kiến thức, luân lý, anh cùng vợ con đành phải ngậm ngùi lià bỏ quê hương mến yêu để đi sang miền đất tự do Hoa kỳ, đoàn tụ với những thân sau nhiều năm chia cách.


Đóng quyển sách lại, tôi không khỏi bâng khuâng nghĩ ngợi. Số mệnh của Đỗ lệnh Dũng cũng là số phận của tất cả người dân VN gắn liền với vận mệnh ngả nghiêng, tăm tối của đất nước. Dù sao anh còn có được một kết cục có hậu, được sang miền đất tự do, nhưng còn nhiều người khác, mang số phận nghiệt ngã, bi thương cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Và cũng như nhiều người khác, Đỗ lệnh Dũng chỉ muốn là con người bình thường, chẳng bao giờ muốn là một anh hùng. Khi mặc áo lính anh chỉ mong làm tròn bổn phận của người lính chiến, chiến đấu để bảo vệ non sông và có trách nhiệm với đồng đội, chiến hữu. Như chuyện cứu mạng Đại Úy cố vấn Sam Graves, anh chỉ xem “không có gì ghê gớm, vì đó là bổn phận của tôi, và hơn nữa vì chính mạng sống của tôi và binh sĩ dưới quyền”. Điều này thấy thật rõ nét ở những giòng chữ cuối cùng của quyển sách. Sau khi dự buổi lễ nhằm tuyên dương những anh hùng Mỹ quốc, mà anh là một trong số người được tuyên dương bởi những công trạng trong trận chiến VN, khi trở về phòng anh đã tâm sự với người vợ yêu thương :” Anh đâu có muốn làm anh hùng…Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ hồi nhỏ nhưng rồi cả đời anh là chiến trận, là tù đày, là khổ nhục. Làm anh hùng để làm gì? “. Điều anh thật lòng mong muốn là được sống bình yên trong một xã hội công bằng, nhân bản, tôn trọng quyền làm người. Đó cũng là ước nguyện chung của những người dân Việt trong đó có những người đang bị đày ải, cầm tù vì đã dám lên tiếng nói tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Nhưng biết đến bao giờ.

Mùa Thu 2014,

Nguyễn Hữu Nghiêm

Tuesday, September 8, 2015

MAI THẢO * CÕI TẠM



CÕI TẠM

MAI THẢO

Nghỉ hè nghỉ phép, ta thường đi chơi xa, trú ngụ tạm tại khách sạn. Dăm ba bữa nửa tháng, lại trở về nhà. Thường khi về nhà, lọt vào khung cảnh cũ, ngả mình trên chiếc giường quen thuộc, ta luôn luôn cảm thấy thoải mái, thú vị. Khách sạn là cõi tạm, nhà là cõi thực. Cuộc đời này là một cõi tạm. Hầu như mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng cái cõi tạm này, chúng ta tạm trú hơi lâu, quen hơi quen tiếng, nên khó rời. Biết là tạm mà vẫn cứ thích ở... khách sạn!


Ông bạn da đen của tôi, rất tha thiết được chầu Chúa, đạo Cơ Đốc thuần thành, Chủ Nhật nào cũng đi nhà thờ, trong túi không bao giờ quên tờ giấy hai chục đô cúng dường, cuốn Thánh Kinh luôn luôn đeo theo người, nói câu nào cũng mời Chúa về góp tiếng cho chắc ăn. Một bữa, thấy ông vất vả với công việc, tôi giỡn.
“Này, Gabriel, cuộc sống coi bộ nhiều mồ hôi quá nhỉ?”
Bạn tôi cười nhe hàm răng trắng lạnh.
“Đời mà! Chúa đã phán “Con phải đổ mồ hôi trán lấy bát cơm ăn”. Mình cứ phải theo ý Chúa vậy chứ sao.”
Tôi làm bộ tỉnh phán theo.


“Tôi thấy cậu là con cưng của Chúa, sao không xin Chúa cất về ngồi bên chân Chúa cho nhàn hạ cái thân!”
Gabriel lắc đầu quầy quậy.
“Còn sớm quá! Tôi còn mấy đứa con nhỏ phải nuôi, chắc Chúa cũng hoãn cho một thời gian nữa chứ!”
Bạn tôi không nói rõ một thời gian là bao lâu, nhưng bằng vào cái lắc đầu hung hãn như vậy, tôi dè chừng chắc là phải lâu lắm!


Một ông bạn khác, ung thư thời kỳ cuối, con cái đã chồng vợ đâu vào đấy, đời chẳng còn gì phải lo lắng, cuộc sống rất thoải mái về vật chất, nhưng cái đau đớn của tật bệnh thật khôn lường, chép miệng than thở khi tôi tới chơi.
“Mình cũng tới tuổi rồi. Nhưng nếu Trời cho ít năm nữa thì quý hóa quá!”
Sống có vất vả, đau đớn đến thế nào chăng nữa, vẫn cứ thích bám vào cõi tạm. Sao vậy? Bởi vì cái cõi mà người ta gọi là vĩnh hằng, miên viễn, vô ưu... ta chưa hề biết tới chăng? Hay là bởi vì từ cõi tạm bước qua cõi thật đó, người ta phải xuôi tay nằm dưới ba tấc đất hoặc uốn người trong ngọn lửa thiêu? Toàn những trò khó chơi cả.


Nhà sinh học Susanne Wiigh-Maesak, người Thụy Điển, vừa phát minh ra một trò mới. Trò này coi bộ dễ chịu hơn. Thi hài người chết sẽ được làm lạnh cực nhanh đến -18 độ C và sau đó nhúng vào nitơ lỏng có nhiệt độ -196 độ. Thi hài, sau khi được lấy ra khỏi dung dịch siêu lạnh, trở nên giòn tan như kính và vỡ vụn thành một hợp chất dạng bột. Tất cả số nước còn lại được hút vào một khoang chân không, trước khi cho chạy qua một màn kim loại để lọc bỏ tất cả những vật thể còn sót lại (những thứ cấy ghép trong thân thể) chưa phân hủy.

Bột thi hài, sau đó, có thể được thiêu đốt, hoặc được chôn trong một quách làm bằng tinh bột bắp, đặt trong hố nông khoảng 30 phân. Sau khoảng một năm, oxy và vi khuẩn sẽ phá hủy chúng hoàn toàn, biến thi hài trở thành cát bụi. Bà Wiigh-Maesak cho biết bà đã đăng ký bản quyền phương pháp này ở 35 quốc gia. Phương pháp này giúp tránh làm vẩn đục môi trường như hai phương pháp thông dụng hiện nay là hỏa thiêu và chôn dưới đất quá sâu làm trì trệ quá trình phân hủy.


Không phải là các nhà sinh học, mấy ông bạn tôi cũng bầy ra nhiều cách... vượt biên từ cõi sống qua cõi chết vui lắm. Như ông Du Tử Lê chẳng hạn.

khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Ông Luân Hoán còn cãi cọ với... thinh không.
không từ đất sao phải về với đất
thịt xương này không thể mất khơi khơi
khi tôi chết xin đem giùm thi thể
chia cho thù lẫn bạn nhậu chơi
Ông Lưu Nguyễn cứ thiên thai lơ lửng.
mai này ta sẽ ra đi
người ơi có nhớ có gì nhắn không
trăm năm mây trắng bềnh bồng
về nơi đã đến mà lòng thảnh thơi
Dặn dò rối rít xong các ông ấy đi... uống cà phê. Bởi vì cái chết vẫn chưa trong tầm mắt. Cõi tạm này mới đích thực trong tầm tay. Tạm lâu ngày dễ có ảo tưởng đây mới là cõi thật.


Đời người được bao lâu? Trăm năm trong cõi người ta. Trăm năm? Mấy người được trăm năm? Bà cụ 114 tuổi của kỷ lục Guinness vừa qui tiên, nhà cầm quyền Việt Nam đang vận động cho một cụ bà Việt nam, cũng 114 tuổi, được ghi vào thay thế. Lóng rày, coi bộ Việt Nam ham giữ kỷ lục thế giới dữ. Hết bánh dầy, bánh chưng, bánh tét lớn nhất thế giới (có ở đâu khác làm thứ bánh này không nhỉ?), nay muốn đầu tư vào kỷ lục tới sự sống của con người (bệnh kỷ lục có phải là một biến tấu thời mở cửa của bệnh thành tích ngày cũ chăng?). Kỷ lục là thứ xịn. Thường thường bực trung khó với tới. Ông anh tôi bảo cứ sáu chục cái xuân già là gỡ đủ sở hụi rồi. Thêm được năm nào là bonus của trời đất, cứ hân hoan mà cám ơn!


Trong cái thời gian sống chỉ là tích tắc so với đời sống của vũ trụ, con người quậy như điên. Đủ món ăn chơi. Kèn cựa, khích bác, tranh dành, lừa đảo, xô đẩy, chém giết... nhau. Mỗi người cố thu vén cho riêng mình. Nhà sang, xe xịn, lợi danh, tiền bạc... Mặc sức mà vung tay vung chân. Mặc sức mà lèn cho đầy túi tham. Nhiều người sống trong cái sân si tối tăm trong suốt cuộc sống. Trẻ, tiết vịt còn chảy rần rần trong người, hung hăng con bọ xít đã đành. Già, máu tưởng đã phải nhiễm lạnh mà vẫn cứ sân sân si si phát khiếp. Như Bà Margaret Ann Thomas-Irving, 58 tuổi, cư dân ở Hartford, Connecticut chẳng hạn. Từ tháng 10/2002 đến tháng 7/2003, trong vòng chưa đầy một năm, đã một mình cướp nhà băng tới 12 lần. Tổng cộng số tiền cướp được là 19 ngàn đô. Vũ khí của bà chỉ là khẩu súng đồ chơi con nít, hoặc ngon hơn, chẳng súng siếc gì cả chỉ dọa nhân viên ngân hàng là trong ví có súng là họ nộp tiền ngon ơ!


Cướp có nghệ thuật hơn là hai vợ chồng James Roland Clark, 71 tuổi, và Deloris Jane Clark, 66 tuổi, dân Florida. Ông chồng xách một bao cát vào ngân hàng dọa là chất nổ, bà vợ rồ sẵn máy xe chờ ở ngoài cửa. Cướp xong ông chạy ra phóng lên xe vù mất. Nhờ một gói thuốc nhuộm cho phát nổ sau đó cảnh sát mới tóm được hai ông bà già chịu chơi này.


Bà già Connie Parker, 74 tuổi, cư ngụ ở Nassau, tiểu bang Nữu Ước vừa trúng số độc đắc 25 triệu. Khi đi lãnh thì, sau khi trừ thuế má, bà cầm tay được 7,3 triệu. Bà ôm chặt lấy tiền, nhất định không chia cho ông chồng Kenneth Parker, 77 tuổi, đang bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Ông chồng cho biết là ông đã đưa cho bà 20 đô để bà đi mua số nhưng bà cãi lại bà đã mua số bằng tiền riêng của bà. Ông chồng tức giận đâm hai đơn một lúc. Một đơn đòi chia tiền, một đơn xin ly dị sau 16 năm rưỡi chung sống. Rút cục, cụ đi đường cụ tôi đường tôi, và bà Connie phải thỏa thuận chia cho ông chồng một số tiền không rõ là bao nhiêu nhưng, theo tiết lộ không chính thức, là một phần ba số tiền bà lãnh.
Thất thập cổ lai hy. Hiếm có thiệt! Sống đã từng ấy tuổi tưởng tay chân đã làm biếng nhấc lên nhấc xuống, ai ngờ vẫn cứ chụp giật như máy. Để làm chi? Ôm về cõi viên mãn chăng? Cõi bình an đó có cần những thứ phù phiếm của cõi tạm này không?


Một cặp vợ chồng già đã trên 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Họ ăn uống kiêng khem và tập thể dục hàng ngày. Không may hai cụ qua đời do một tai nạn xe buýt, họ lên thiên đàng và được thánh Phêrô đón tiếp nồng hậu. Thánh Phêrô đưa hai người đi coi nhà bếp khổng lồ, hồ bơi, phòng tắm hơi, sân chơi golf... Lóa mắt vì sự sang trọng của ngôi nhà, cụ ông hỏi thánh Phêrô.
“Chúng tôi có phải trả tiền cho những thứ này không?”
“Tất cả đều miễn phí, đây là thiên đàng mà!”
Đến giờ ăn, thánh Phêrô đưa hai cụ đến môt phòng ăn sang trọng, thức ăn ê hề. Cụ ông hỏi.
“Thưa Ngài, tất cả các món ăn này cũng miễn phí cả sao?”
“Tất nhiên!”


Cụ ông lại rụt rè hỏi tiếp.
“Chúng tôi có thể ăn tùy thích, không phải lo ngại dư mỡ, đường, cholesterol chứ ạ?”
“Không, tôi đã bảo là cụ đang ở trên thiên đường cơ mà! Cụ có thể ăn uống no say tùy thích mà không sợ bị mập phì, đái đường hay nhồi máu cơ tim gì cả.”
Bỗng nhiên mặt cụ ông trở nên đỏ gay, quay sang cụ bà quát to.
“Tất cả do lỗi của bà! Nếu bà không ép tôi phải ăn uống kiêng cữ và tập thể dục hàng ngày thì tôi đã lên đây sớm hơn mười năm rồi!”


Cái cõi mông lung đó đâu phải chỉ có thiên đường. Những nơi khác có vui như vậy không?
Hai bợm nhậu ngồi bên chai rượu đã cạn quá nửa. Một ông hỏi.
“Ông bạn nghĩ là có thế giới bên kia hay không?”
Ông bạn gục gặc đầu.
“Có chứ! Mà chắc ở bển cũng vui vẻ lắm, nhậu nhẹt lu bù.”
“Sao ông biết?”
“Thì ông thấy đấy. Mấy chả đi có cha nào thèm quay về đâu!”


Dương sao âm vậy. Dân gian vẫn cứ tin như thế. Cái cõi đầy bí ẩn đó được hiểu như là một nối dài của cõi tạm này, cũng có cuộc sống và những cung cách sống cụ thể như nhau. Vậy nên mới có dịch vụ gửi UPS không thiếu thứ gì qua cõi mờ ảo đó. Nhà cửa, xe cộ, quần áo, nồi niêu soong chảo, vàng bạc, tiền đô giấy lớn 100.000, và cả... điện thoại di động nữa! Mấy bà thương chồng cũng không quên gửi những nàng hầu trắng trẻo xinh đẹp xuống cho các ông chồng bớt cô đơn. Dĩ nhiên, trước khi hóa vàng, mấy bà không quên rạch mặt, chọc mù mắt hình nhân để thỏa cơn ghen kéo dài qua hai cõi!


Tin như thế bị coi là tin nhảm. Mê tín! Nhưng mâm cơm cúng ngày giỗ ngày tết chắc có ý nghĩa khác. Không ai nghĩ là người từ cõi kia về ăn như chúng ta ăn (cơm canh còn nguyên đó chứ có hụt đi chút nào đâu!) nhưng làn khói nhang ấm áp mời người quá cố về thụ lộc được hiểu như là một cách tưởng nhớ tới người thân đã bước sang cõi khác trước chúng ta. Tấm lòng thương tưởng của chúng ta thể hiện qua cách cúng những món ăn mà người thân quá cố ưa thích khi còn sinh tiền.


Trong nghĩa trang, một ông dọn cơm canh cúng trên mộ vợ. Một ông người bản xứ thành kính đặt bó hoa trên ngôi mộ bên cạnh. Lễ bái, cầu kinh xong, ông bản xứ hỏi ông Việt nam.
“Bộ ông tin rằng vợ ông có thể về ăn được những thức ăn ông cúng như vậy chăng?”
Ông Việt nam bình thản hỏi lại.
“Bộ ông cũng tin rằng vợ ông có thể về ngửi được bó hoa ông đặt trên mộ kia chăng?”


Chỉ một bước ngắn, chúng ta chuyển từ cõi này qua cõi khác. Ai cũng ngại ngần trước nhịp bước vô định này. Cõi tạm, cõi... khách sạn, chúng ta đã quen nếp sống. Cõi thực, cõi... nhà, chúng ta u u minh minh. Cái bước dùng dằng từ một chỗ đứng cân bằng trên mặt đất sang chỗ chênh vênh mây trời là cái bước mỗi con người phải trải qua. Cái điều chắc chắn sẽ xảy ra này chúng ta không muốn nghĩ tới. Càng thêm tuổi, chúng ta càng làm lơ không muốn nghĩ tới. Không nghĩ thì làm sao mà hiểu được.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.


(Mai Thảo)
02/2004

TRẦN THÀNH * GÁI VIỆT Ở MALAYSIA



Nhan sắc Việt ở Malaysia: tha hương cơm áo Trần Thành

The Star, ngày 3-9-2015 đưa tin Sở Di Trú Malaysia đã bố ráp một tiệm bar ở Taman Melaka Raya, và bắt giữ 40 phụ nữ Việt Nam bị cáo buộc cung cấp dịch vụ tình dục cho các khách hàng. Đây là điều không bất ngờ. Ban đêm, chỉ cần đặt chân vào các bar, pub ở 4 thành phố lớn Penang, Johor, Klang và Kuala Lumpur là có thể gặp gái Việt. Ban ngày, ở các tụ điểm giải trí công cộng cũng gặp gái Việt.

 
Miếu Phật 4 mặt trên đường Jalan Alor thường được các cô gái Việt thắp nhang cầu khấn sau khi ghé một quán Việt Nam ở đó để ăn uống, tán gẫu trước và sau khi làm việc tại Beach hay Tiệm cà phê Việt Nam.
“Bộ luật Sharia của Hồi giáo Malaysia không bao giờ tha thứ cho việc mua bán dâm. Đây là tội ác và báng bổ thần thánh có thể bị ném đá đến chết hay ít nhất cũng phạt roi cho tới tàn tật cả đời. Bởi vậy nên ở đây cho phép khu đèn đỏ, nhưng không hề có gái mãi dâm là người bản xứ”. Luật sư Trần Thành có 6 tháng sinh sống và làm việc tại Singapore và Malaysia, nói và nhìn nhận các cô gái Việt làm “bướm đêm” ở Kuala Lumpur nhiều đến độ cứ ra giữa phố rồi chửi thề bằng tiếng Việt, bảo đảm sẽ tới tấp nghe chửi lại cũng bằng tiếng Việt từ những nhan sắc Việt.



“Xuất khẩu lao động” để bán dâm
Trên trang bản ngữ Parsmedia, cho biết trong số 40 phụ nữ Việt bị tạm giữ nói trên, có nhiều cô gái phục vụ tình dục mới chỉ có 16 tuổi. Cũng theo trang này, thì Malaysia là một trong 10 quốc gia có số lượng gái mãi dâm nhiều nhất.


Năm 2013, hãng thông tấn Bernama của Malaysia đưa tin có 3.456 người Việt Nam trong tổng số 12.434 phụ nữ nước ngoài hành nghề mại dâm bị bắt giữ ở Malaysia vào năm 2012. Phần lớn gái bán dâm Việt Nam thường hành nghề ở các hộp đêm, các quán karaoke và tiệm massage. “Thái độ phục vụ của họ (gái bán dâm Việt Nam) là không đòi hỏi lắm, nhất là về tiền bạc. Điều này khiến họ trở thành lựa chọn lý tưởng cho các khách hàng. Chẳng hạn như nếu họ được khách yêu cầu mời rượu thì khách hàng chỉ boa cho họ tiền phục vụ thôi chứ không cần phải boa thêm nếu khách yêu cầu họ ngồi uống cùng. Điều này cũng tương tự trong trường hợp bán dâm. Nếu khách hàng trả họ 100 ringgit cho dịch vụ massage bằng cơ thể, thì số tiền đó sẽ được họ hiểu là 'tiền trọn gói', thậm chí có nghĩa là khách hàng có thể yêu cầu quan hệ tình dục”. Một quan chức của Cục phòng chống tệ nạn, cờ bạc và hội kín của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, cho biết.



Là đất nước có nhiều người theo đạo Hồi nên không có phụ nữ nào ở Malaysia dám làm nghề mại dâm. Vì thế, các nàng “bướm đêm” ở đây chủ yếu là gái ngoại quốc, đến từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam... Tại các nhà hàng, quán bar sang trọng, giá tiền cho mỗi lần “đi khách” của các cô gái thường khá cao, từ 150-300 ringgit (1 ringnit tương đương 8.000 đồng); còn “đi tàu nhanh” khoảng 60-100 ringgit.



Cục phòng chống tệ nạn, cờ bạc và hội kín của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, cho biết phụ nữ Việt Nam, nhất là mấy cô trẻ đẹp đã không ngừng lợi dụng nhập cảnh vào Malaysia với lý do du lịch... để bán thân cho những “khu đèn đỏ”. Tuy nhiên, trong số các cô gái mại dâm ở đất nước Hồi giáo này, cũng có rất nhiều người là nạn nhân của những kẻ buôn người. Các cô bị lừa đi xuất khẩu lao động hoặc làm những ngành nghề lương thiện khác, nhưng khi đến xứ lạ quê người đã bị dồn vào đường cùng, buộc phải bán thân.


“Tôi là người Việt Nam”


Khác với Việt Nam mua bán dâm không được pháp luật thừa nhận thì tại Malaysia, đó là cái “không thể thiếu” của ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, “không thể thiếu” không có nghĩa là ai muốn bán dâm thì cứ qua. Là đất nước theo đạo Hồi nên hầu hết mại dâm đều là người Việt, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Campuchia, Nga, Pháp, Nhật, Philippines…, không có người Malaysia.


Đại úy cảnh sát trưởng khu vực Rawan Selangor, ông Gudian Singh nói vui với tôi rằng: “Người Việt đi du lịch Malaysia đừng ngại bất đồng ngôn ngữ. Chỉ cần đứng giữa một khu phố sầm uất hỏi to: Ở đây có ai là người Việt Nam không? Bạn sẽ nghe mọi người xung quanh trả lời: Tôi là người Việt Nam”.

Quả thật, ở bất cứ nơi đâu tôi cũng gặp những cô gái trẻ Việt Nam. Ban đêm, hầu như tất cả những điểm giải trí như karaoke, bar, pub của thành phố Kuala Lumpur đều có tiếp viên là gái Việt Nam. Nhan sắc Việt Nam nổi tiếng và có giá đến mức, những cô gái Thái Lan, Myanmar phải cố học tiếng Việt để tự nhận với khách phương Tây mình là gái Việt. Thậm chí, trước đây tại giao lộ Jalan Ramlee - Jalan Perak giữa trung tâm Kuala Lumpur, có một bar đã từng mang tên Thai Club rất nổi tiếng bởi những cô gái Thái Lan làm tiếp viên. Sau đó, bar này đã trương biển hiệu bằng tiếng Việt “Tiệm cà phê Việt Nam”. Tất nhiên, những cô gái Thái Lan đã được thay thế bởi những cô gái Việt Nam.
 
 
Quán cà phê Casanova, số 16-22, Jalan Alor, Kuala Lumpur. Địa chỉ quen thuộc của gái mại dâm người Việt.

Ngoài bar “Tiệm cà phê Việt Nam”, Kuala Lumpur còn những tụ điểm nổi tiếng mà bất kỳ khách làng chơi ở các nước phương Tây đều đến như Beach bar, Ù Lủ pub, Sky bar, Karaoke Napoli... Cùng với một người bạn nhà báo từ Việt Nam sang, tôi bước vào bar “Tiệm cà phê Việt Nam”. Ánh sáng thì thiếu, tiếng nhạc lại thừa hơn mức cần thiết. Một gã bảo vệ người Myanmar dìu chúng tôi qua ánh sáng nhập nhoạng, đến một chiếc bàn còn trống. Ngay lập tức, 6 cô gái trẻ sexy áp sát, thân thiết đến vượt ngưỡng bình thường. Một cô ra dấu hướng dẫn chúng tôi cách nói chuyện át tiếng nhạc lớn trong bar. Dùng một ngón tay bịt vào lỗ tai người nghe theo nhịp nói của mình. Quả nhiên, với cách đó, không cần gào thét vẫn nói chuyện được. Sau đó, cô ta hỏi chúng tôi là người nước nào lần lượt bằng các thứ tiếng Nhật, Hoa, Thái, Anh. Khi tôi trả lời mình là người Việt Nam, ngay lập tức, các cô rời bàn nhanh như lúc đến…

Một gã quản lý tiến đến cho biết, rất hoan nghênh khách đến bar nhưng rất tiếc, các cô gái Việt không thích tiếp khách Việt.

Cay đắng xứ người

Từ nhiều năm nay, gái mại dâm “chui” người Việt tại Kuala Lumpur hoạt động chủ yếu ở 3 nơi, đó là Câu lạc bộ Beach Club, Tiệm cà phê Việt Nam (cả hai đều nằm trên đường P. Ramlee) và vũ trường Black Magic. Ngoài ra, còn một số nơi nữa nằm trên đường Alor, đường Hicks, đường Thambipillay nhưng đây là những điểm mại dâm rẻ tiền, khách chơi hầu hết là dân bản xứ.

Mại dâm hợp pháp thì hùng cứ ở khu đèn đỏ thuộc quận Lorong Haji và Chow Kit. Riêng gái mại dâm cao cấp, địa bàn hoạt động của họ thường là các hộp đêm ở Bukit Bintang, Sultan Ismail, Horley và Imbi. Nếu ở Beach Club và Tiệm cà phê Việt Nam, giá cho mỗi lần “đi khách” thường là 100 ringgit thì ở Black Magic hoặc Bukit Bintang, vì sự sang trọng nên khách phải trả từ 150 đến 200 ringgit.

Một trong những địa chỉ được nhiều dân chơi biết đến là khách sạn Casanova, số 16-22, Jalan Alor, Kuala Lumpur. Đây là “đại bản doanh” của gái mại dâm người Việt. Lúc tôi còn công tác ở Singapore, thì Casanova có giá phòng rẻ nhất là 125 ringgit/ngày, nhưng lại chia làm nhiều loại, loại phòng 2 giường, 3 giường, 4 giường, 6 giường… Vì vậy, nếu 6 người ở chung với nhau 1 phòng thì mỗi ngày, mỗi người chỉ tốn 20,3 ringgit. Thường thì một số má mì người Việt đứng ra thuê sỉ luôn mấy phòng để đón khách là những cô gái mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua. Cứ mỗi cô, má mì cho thuê lại với mức “phụ thu” 2 ringgit. Các cô gái ở trọ chừng 25 ngày thì phải về lại Việt Nam để đối phó với thời hạn lưu trú 30 ngày của Sở Di trú Malaysia. Vài bữa sau qua tiếp. Tuy nhiên, cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra nên hầu hết phụ nữ, chủ yếu là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, nếu không đi theo tour thì chỉ được phép ở lại Malaysia 2 tuần.



Nếu bị bắt quả tang khi đang “đi khách”, ngoài việc đóng tiền phạt, các cô sẽ bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh ít nhất là 5 năm. Thế nên, dù bị khách làng chơi hành hạ hoặc bạo dâm chăng nữa, họ cũng đành nín chịu.
Trong giới “bướm đêm” hay kể câu chuyện về một gái mại dâm Việt “đi” với một Tây đen cứ mỗi giờ 200 ringgit. Cuộc mây mưa kết thúc, cô vào nhà tắm rồi lúc bước ra, gã Tây đen yêu cầu cô “chiều” thêm lần nữa. Do chưa hết giờ nên cô đành gật đầu. Tưởng thế là xong, ai dè vừa ra khỏi nhà tắm, gã lại ngoắc cô lên giường. Đến lần thứ tư, cô mới biết mỗi lúc cô vào nhà tắm lại có một gã bên ngoài mở cửa nhảy vào thế chỗ. Và bởi vì gã nào cũng đen thui nên cô không phát hiện ra. Sau lần ấy, cô nằm liệt giường cả tuần lễ…



Nhìn chung, khách làng chơi tại Malaysia hầu hết du lịch tour từ nhiều nước của cộng đồng nói tiếng Hoa như Đài Loan, Macau, Hongkong, Singapore và dĩ nhiên nhiều nhất vẫn là Trung Quốc đại lục. Tất cả những quốc gia nói tiếng Hoa ấy được các cô gái Việt gọi chung là người Tàu hay tiếng Tàu và khi giao tiếp với họ chỉ cần học vài tiếng phổ thông là đủ.


_

HÀ VĂN THỊNH * QUÂN ĐỘI VIỆT CỘNG

Quân doi duy nhat trên the gioi kô " Xai" dên quân truong 
 Dân Luận
Hà Văn Thịnh
3-9-2015
Đọc những bản tin về Lễ diễu binh nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (tôi không xem TV), không thể tin ở mắt mình: Một sĩ quan Quân y, đeo quân hàm trung tá (trên ve áo), sinh năm 1993(!), ngực gắn đầy huân, huy chương các loại? Cái tức chỉ mới ở cấp độ… vừa vừa. Thế nhưng, đọc tiếp, thấy ông Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, trả lời báo chí rằng, tuy là thiếu úy, nhưng theo quy điịnh, phải đeo hàm trung tá cho… thống nhất (Motthegioi.vn; 09:55, 3.9.2015) thì sự uất nghẹn lên đến tận cùng! Thì ra, để đảm bảo tính THỐNG NHẤT, DUY NHẤT, người ta có thể đạp đổ mọi giá trị?
Chưa bàn đến chuyện cộng đồng mạng đang xôn xao: Thiếu úy Quân y Phạm Trúc Sơn Quỳnh là… sinh viên trường Đại học Thương mại (vì chưa kiểm chứng được); chỉ xin luận về cái việc giả dối luôn được coi là sự thật, nó nguy hại và mang tính “truyền thống” khủng khiếp đến mức nào.
Thứ nhất, xin hỏi ông trung tướng rằng, từ cổ chí kim, ở bất kỳ quốc gia nào (không kể mấy nước XHCN), có chuyện quân hàm, huy chương, được đeo một cách tùy tiện để diễu qua diễu lại trước mắt hàng triệu con người như thế hay không? Ở đây, công khai trước mắt toàn dân tộc mà lại ủ mầm dối trá thì người dân biết tin vào ai? Không lẽ, dối trá, tùy tiện lại trở thành quy địnhcủa ta? Làm sao để có quân lệnh như sơn, làm sao việc tôi hay ai đó đeo quân hàm thì bị bắt ngay lập tức mà trong diễu binh lại coi là bình thường?
Những tấm huy chương đó do một cô gái trẻ đeo, chẳng lẽ cũng lại là quy định? Nếu đúng thế thì đó là sự sỉ nhục đối với những người vào sinh ra tử để có được chúng? Xét về tuổi, sinh năm 1993, đeo được quân hàm thì chỉ có thể tốt nghiệp trung cấp y-dược; tức là… y tá hay hộ lý, dược tá vì, chưa thể tốt nghiệp đại học y – dược 6-7 năm. Sự kệch cỡm và trơ tráo là không thể chối cãi. Có lẽ, đây là cách tốt nhất để vả vào mặt hàng loạt sĩ quan cấp tá khác, có phải vậy không?
Thứ hai, báo chí cho biết có 70% trong đội ngũ nữ “quân y” đã có gia đình; vậy, căn cứ vào đâu để đề nghị cấp bằng khen cho một cô gái còn son trẻ? “Động tác” chuẩn, đẹp, tập luyện cả đêm ngày…; chỉ là sự tư biện trắng trợn. Bốn tháng trời tập có mỗi đi đều, vung tay cho đúng thỉ chỉ có ai đó thiểu năng mới không làm được. Còn tập đêm, tập ngày chỉ là do kém mà thôi. Tại sao không đặt ngược câu hỏi rằng 70% của 200 người , tức là trên dưới cả trăm phụ nữ có con mọn không cần tập như thế vẫn đi đúng, đẹp chẳng kém gì? Nói rằng cô thiếu úy – trung tá đẹp hơn về vòng 1 hay gương mặt thì còn khả dĩ, chứ cho rằng đẹp hơn trong một khối 200 người thì quả là sự phỉ báng tư duy: Đẹp hơn có nghĩa là khối đó có hàng trăm người không đẹp bằng – tức là đi đều sai, chào không đúng, cũng đồng nghĩa là khối nữ quân y diễu binh thất bại. Nếu quả là vậy thì “khối trưởng” có gì đáng tặng bằng khen? Một đất nước mà cái gì cũng GIẢ, từ cấp bậc đến huân chương, danh hiệu anh hùng, đẹp, chuẩn…, là phải hiểu sao đây?
Thứ ba, riêng chuyện bố của cô thiếu úy – bà trung tá, là sĩ quan (cao cấp – vì ít khả năng có chuyện con dám đeo quân hàm cao hơn bố, trong khi quy định, thượng tá là cán bộ cao cấp) ở Tổng cục Hậu cần, đủ để biết cái “thị trường” sao – vạch là hình như có vẻ đúng? Biết bao nhiêu phụ nữ (trong số 140 người) trong khối quân y vừa là con dân đen, vừa nuôi con nhỏ xứng đáng hơn mà không được khen? Thì ra, khen hay chê không phải do tài năng, phẩm hạnh mà có phải là CCCC hay không mà thôi. Phải chăng chính ông trung tướng đang ngầm khẳng định cho cái ‘chân lý’ không có ai chịu nổi là vì mục tiêu thống nhất, duy nhất, các vị muốn làm gì thì làm, diễn ra sao thì diễn?
Thứ tư: tôi được biết các tàu bệnh viện, xe cứu thương trên thế giới đều in dấu chữ thập đỏ trên nóc, 4 phía để đối phương không bắn nhầm (quy định quốc tế, xem ảnh chụp tàu bệnh viện Mỹ vừa đến Đà Nẵng). Thế, tại sao bác sĩ, y tá quân đội ta, cô nào cũng cầm AK (trừ chỉ huy là súng ngắn), mặt đằng đằng sát khí? Họ ra trận để cứu người hay bắn người? Nếu họ bắn rồi bị bắn chết thì lấy ai cứu thương binh; hoặc giả, để thương binh… chết luôn?
Trên đây là 3 câu hỏi xin ông trung tướng trả lời. Nếu tôi sai (cầu mong là thế – vì, tôi sai thì đất nước được nhờ), là do kiến thức hạn hẹp, không hiểu hết cái ý thâm, nghĩ ngắn rõ ràng như của các ông. Tuy nhiên, bài này rất tình cờ được viết trong ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giã cõi đời (suốt mấy chục năm trời, thế hệ chúng tôi thắp hương vào ngày… 3.9!), nên có liên tưởng về “truyền thống” dối trá đắng cay. Xin kể ông nghe.
Thuở đó, tôi cũng như nhiều học sinh lớp 7, lớp 8 khác, đã khóc Bác rất chân thành – khóc dàn dụa đến hết nước mắt theo đúng nghĩa đen của từ này. Sau đó, chúng tôi lùng, tìm để học thuộc nhiều bài thơ viết về nỗi đau “tả” cái đau đớn thật sự của hàng triệu con người. Tất nhiên, cũng có bài thơ không hay (thậm chí là phản động) như bài Bác ơi của Tố Hữu. Tố Hữu kể rằng ngày Bác mất, ổng đang bỏ đi chơi đâu đó: Chiều nay con chạy về thăm Bác. Rồi, ổng miêu tả ổng đang lần mò, rình rập nhà bác; không thèm thắp cho người chết một đốm nến tàn: Con lại lần theo lối sỏi quen… Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn…
Tạm không bàn đến những câu thơ dở mà hãy nói đến những câu thơ hay, trong đó có những câu này (tôi quên tên tác giả, nhờ bạn đọc tìm dùm):
Hôm nay, tháng Chín, ngày ba
Bác mất
Từ đó
Những bình minh khổ đau
Những hoàng hôn nước mắt
Lên đường cùng chúng ta…
Lại xin không bàn về cái tài tiên tri của nhà thơ; quả là từ khi đó đến giờ, có không ít khổ đau và nước mắt đã “lên đường”; mà chỉ xin nhấn mạnh rằng, mấy chục năm sau, tôi nghe đính chính rằng thực ra Bác mất ngày 2.9 chứ không phải ngày 3. Thật là đau đớn cho ông nhà thơ nọ vì nếu là ngày 2 thì không thể vần với chữ ta ở câu sau. Thành thử đành phải vất vào sọt rác cái chữ “hay”.
Rồi, tôi còn được biết rằng, Bác viết trong Di chúc là cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; nhưng Đảng ta đã quyết định xóa bỏ “20 năm”(!)
Tất cả đều nhằm mục đích… thống nhất?
Đến đây thì hẳn là ông trung tướng đã buộc phải đồng ý với tôi rằng, khi người ta có thể sửa cả di chúc, tức là, hoàn toàn có thể dối lừa mọi chuyện?
Bước khởi đầu của dối trá (tạm tính là khởi đầu) tai họa đó, cứ nghĩ là do… chiến tranh, không làm rối loạn lòng dân, nên nghe đôi khi, cũng xuôi xuôi. Bây giờ, tra trốc, mốc trọ rồi tôi lại còn nghe thêm lý ‘trấu’ là do thống nhất, từ ông, thì quả là hết thuốc chữa.
Các ông cứ nghĩ dối trá ‘cho vui’, dân ngu khu đen chẳng biết, chẳng dám nói gì thì quả đúng là khủng khiếp…
Viết bài này, mong các ông đọc và bớt dối trá đi cho người dân đỡ khổ, đỡ đau. Đừng đưa “quy định” ra để lấp liếm: Tôi từng biết có người cấp bậc đại úy làm trưởng phòng CSGT trong khi cấp trung tá là phó phòng (nghe đâu bây giờ sắp thay đổi).
Xin lưu ý các ông là lần diễu binh sau (kỷ niệm 80 năm, nếu có) đừng cho bất kỳ cô bé mặt búng ra sữa nào đeo lon trung tá, bởi như thế là làm tái phát vết thương chiến tranh của hàng triệu cựu chiến binh đang buộc phải lặng im dù bị sỉ vả đắng cay!…
Huế, 3.9.2015

ĐẶNG HUY VĂN * BẢY MƯƠI NĂM NGHĨ PHẬN MÌNH

NGƯỜI GỐC HÀ NỘI NGHĨ GÌ SAU 70 NĂM SỐNG VỚI CỘNG SẢN 

BẢY MƯƠI NĂM NGHĨ PHẬN MÌNH

(ông Nguyễn Hoàng Khanh, một thời là thầy giáo của TBT Nguyễn Phú Trọng)

Đặng Huy Văn


29-08-2015


Đặng Huy Văn Giới Thiệu: Tôi có một người thầy giáo cũ hồi còn học tại Khoa Toán trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội cuối những năm 60 của Thế Kỷ trước. Thầy giáo của tôi tên là Nguyễn Hoàng Khanh đã dạy Đại Học Tổng Hợp từ ngày anh chàng bần cố nông Nguyễn Phú Trọng mới lơ ngơ bước vào trường. Gia đình của thầy giáo tôi đã bị CS quy là Tư Sản nên những năm 1958-1961 đã bị chính quyền Hà Nội tịch thu nhà cửa, bắt đi cải tạo.


Thầy giáo của tôi ngày đó đang là sinh viên cũng bị chúng quy kết thuộc nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” vì đã ủng hộ Trương Tửu, Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao…Vì vậy mà chúng đã bạc đãi thầy tôi suốt cả cuộc đời nhưng may do thầy chuyên môn giỏi nên chúng vẫn cho thầy đi dạy. Đến bây giờ thầy tôi đã ngoài 80 tuổi, dù đã về hưu hơn 20 năm mà vẫn phải trăn trở ngày ngày vì cuộc mưu sinh để nuôi vợ nuôi con.


Sau đây, tôi xin trân trọng gửi tới quý vị độc giả những dòng tâm sự của thầy giáo Nguyễn Hoàng Khanh về cái thời cuộc nhiễu nhương đang đày ải biết bao nhiêu thế hệ người Việt Nam từ ngày “Cách Mạng Mùa Thu” đến nay.


70 NĂM NGHĨ PHẬN MÌNH
(Thơ tâm sự tặng Huy Văn)


Bẩy mươi năm chỉ “vâng lời”
Chết oan vẫn phải tươi cười “nhờ ơn….”
Đen ngòm phải nói trắng trơn,
Đói dài vẫn nói “thiên đường trần gian”


Viết không phạm “húy”các quan.
Nói thì phải đúng với đường lối chung
Khi cần, đấu cả cha, ông
Càng to mồm chửi, càng thông lập trường!


Đấu tranh giai cấp – tai ương
Ngoài đời tan nát, trong trường ghét nhau
Hôm qua “đồng chí, đồng bào “
Hôm nay hai tuyến chiến hào đấu tranh


Bắn giết cả vạn dân lành,
Vài câu nhận lỗi – tan tành nỗi oan
Hứng lên, bắt góp ruộng vườn,
Cửa hàng, nhà xưởng – triệt đường tư nhân

Cơm, mì, kem, phở quốc doanh
Gội đầu, cắt tóc …cũng thành nhân viên
“Xin -Cho” gieo thói cửa quyền
Dân thành chuột bạch để đem thực hành.


Càng thi thố, càng tan tành
Đói nghèo vẫn tán “tài tình, tinh khôn”
Quay về kinh tế thị trường,
Tự khoe “cởi trói”, mở đường dân sinh

Lúc này, bố nắm quyền hành
Con giòng, cháu giống tung hoành vét vơ
Nơi nào ngon mắt, dễ “phơ”
Khoanh vùng quy hoạch chung cư cao tầng

Xót thay giải phóng mặt bằng
Cả nhà bị tống ra đường lắt lay!
Thương sao, ruộng mật, bờ xôi
Cây ủi bật rễ, lúa vùi bùn đen

Đành làm thằng ở, con sen
Chân trời, góc bể phận hèn từ đây….
Tư bản đỏ, cả một bầy
Con ông, cháu cụ, đêm ngày hại dân


Đất này đổ máu bao năm
Mong nước độc lập, dân lành tự do
Pháp, Mỹ rút, giặc Tầu vô
Đoạn đường Bắc thuộc đang chờ đó đây !


Đêm nằm càng nghĩ, càng cay
Đem thân phó mặc cho ai xoay vần
“Bắt cởi trần, phải cởi trần
“Cho may-ô mới được phần may-ô….”


Bẩy mươi năm sống xô bồ
Cuối đời mới thấy bơ vơ thân mình!
Hà Nội, Mùa hè đêm trở mưa
Nhà giáo Nguyễn Hoàng Khanh

(Một thời là thầy giáo của TBT Nguyễn Phú Trọng)


__._,_.___

HỒI NHỎ...

 
HỒI NHỎ...
BẢN I
Hồi nhỏ tưởng học lịch sử để biết về tổ tiên nòi giống.
Lớn lên mới biết là láu cá nhồi sọ.
Hồi nhỏ tưởng ráng học thành tài để phục vụ đất nước.
Lớn lên mới biết thành tài chỉ được phục vụ nước khác.
Hồi nhỏ tưởng công an bắt cướp.
Lớn lên mới biết công an ăn cướp.
Hồi nhỏ tưởng cờ đỏ sao vàng là cờ Tổ Quốc.
Lớn lên mới biết đó là cờ Phúc Kiến Trung Quốc.
Hồi nhỏ tưởng Mỹ-Nguỵ là ác.
Lớn lên mới biết Cộng Sản mới ác.
Hồi nhỏ tưởng bán vàng giàu nhất.
Lớn lên mới biết bán nước giàu hơn.
Hồi nhỏ tưởng đánh trận lập công lớn mới được lên tướng.
Lớn lên mới biết lòn cúi hèn hạ với giặc cũng lên tướng.
Hồi nhỏ tưởng chống Tổ Quốc là yêu nước.
Lớn lên mới biết chống Tổ Quốc là phản quốc.
Hồi nhỏ tưởng Đảng giải phóng miền Nam đói rách.
Lớn lên mới biết là cướp miền Nam giàu có.
Hồi nhỏ tưởng bác Hồ là người Việt Nam.
Lớn lên mới biết là người Trung Quốc.
Hồi nhỏ tưởng cán bộ là đảng lo cho dân ấm no.
Lớn lên mới biết dân là đầy tớ lo cho cán bộ ấm no.
Hồi nhỏ tưởng yêu nước là yêu Tổ Quốc.
Lớn lên mới biết yêu nước là yêu Đảng.
Hồi nhỏ tưởng những người lưu vong là Việt gian.
Lớn lên mới biết đó là khúc ruột ngàn dăm.
Hồi nhỏ tưởng hi sinh xương máu đánh Mỹ là đánh cho dân tộc.
Lớn lên mới biết đánh cho Liên Sô và Trung Quốc.
Hồi nhỏ tưởng Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Hồ Thị Kỷ là anh hùng.
Lớn lên mới biết đó là sản phẩm tuyên truyền bố láo.
Hồi nhỏ tưởng thác Bản Giốc, Ải Nam Quan,
Đảo Gạc Ma là của Việt Nam.
Lớn lên mới biết của Trung Quốc.
Hồi nhỏ tưởng muốn thành tiên thành thánh
phải tu thân tích đức.
Lớn lên mới biết gian manh xảo trá độc ác giết vài triệu người mới được thành tiên thành thánh.
Hồi nhỏ tưởng tiền cứu trợ thiên tai dành cho dân.
Lớn lên mới biết dành cho cán bộ.
Hồi nhỏ tưởng cờ vàng của bọn ngụy .
Lớn lên mới biết cờ vàng có từ thời Vua Thành Thái.
Hồi nhỏ tưởng Hồ Chí Minh, "Cách Mạng" là đạo đức.
Lớn lên mới biết họ Hồ dâm đãng trụy lạc âm thầm.
Hồi nhỏ tưởng lính Quốc Gia là Ngụỵ.
Lớn lên mới biết Ngụy chính là Đảng Cộng Sản
Việt Nam."


Hồi nhỏ cứ tưởng… lớn lên mới biết 

BẢN II 
Học Sinh Miền Bắc & Đảng Còm Sỹ Lề Dân - 

Hồi nhỏ cứ tưởng học lịch sử là để biết về tổ tiên nòi giống,
Lớn lên mới biết cộng sản láu cá nhồi sọ;
- Hồi nhỏ cứ tưởng ráng học thành tài để phục vụ đất nước,
Lớn lên mới biết thành tài chỉ được phục vụ Nga Tàu và nước khác;
- Hồi nhỏ cứ tưởng công an bắt cướp, giúp dân,  
Lớn lên mới biết công an ăn cướp, hại dân; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng công an là bạn dân,\
 Lớn lên mới biết công an là khuyển ưng của đảng; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng Cờ đỏ sao vàng là Cờ tổ quốc,  
Lớn lên mới biết đó là Cờ Phúc Kiến bên Tàu; 
 - Hồi nhỏ cứ tưởng Mỹ-Ngụy là ác,
 Lớn lên mới biết cộng sản mới ác; 
 - Hồi nhỏ cứ tưởng bán vàng giàu nhất,  
Lớn lên mới biết bán nước giàu hơn;
  - Hồi nhỏ cứ tưởng đánh trận, lập công lớn mới được lên tướng,
 Lớn lên mới biết lòn cúi, hèn với giặc ác với dân cũng lên tướng; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng chống Tàu là yêu nước (1),
 Lớn lên mới biết chống Tàu là phản quốc; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng đảng giải phóng miền Nam đói rách,  
Lớn lên mới biết là đảng cướp miền Nam giàu có; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng bác Hồ là người Việt Nam, 
Lớn lên mới biết bác là người Tàu Hẹ;
- Hồi nhỏ cứ tưởng bác Hồ ‘đi xa’ nhằm ngày 03 tháng 9, \
Lớn lên mới biết bác chết trùng ngày Quốc khánh, tháng 9 mồng 2;
  - Hồi nhỏ cứ tưởng cán bộ là đầy tớ lo cho dân no ấm, 
Lớn lên mới biết dân là đầy tớ lo cho cán bộ ấm no; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng yêu nước là yêu tổ quốc,
Lớn lên mới biết yêu nước là phải yêu đảng; \
- Hồi nhỏ cứ tưởng những đồng bào Boat People là Việt gian,  
Lớn lên mới biết đó là khúc ruột ngàn dặm; 
 - Hồi nhỏ cứ tưởng hy sinh xương máu đánh Mỹ là đánh cho dân tộc,  
Lớn lên mới biết là đánh cho Liên Sô, đánh cho Tàu cộng; -
 Hồi nhỏ cứ tưởng Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Hồ Thị Kỷ là anh hùng, 
Lớn lên mới biết đó là sản phẩm tuyên truyền bố láo; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng Trần Dân Tiên và T. Lan là hai nhà văn nào đó viết về bác Hồ,  
Lớn lên mới biết cả hai đều là bí danh của bác Hồ tự ca tụng mình; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng CB là Carte Bleue (thẻ tín dụng bên Pháp), 
Lớn lên mới biết CB cũng là bút danh Của Bác dùng khi viết báo trên tờ Nhân Dân, trong đó có bài Địa chủ ác ghê (2); 
- Hồi nhỏ cứ tưởng đảng viên cán bộ hẳn phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư như lời bác Hồ trên giấy,  
Lớn lên mới biết trong thực tế, đảng viên cán bộ cấp càng cao càng trây lười hoang phí, càng trí trá tham tàn, càng thiên vị bè lũ; 
 - Hồi nhỏ cứ tưởng trí thức xhcn là tầng lớp tinh hoa chính trực, uy vũ bất năng khuất, 
Lớn lên mới biết chỉ là học giả, hương nguyện; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng CH xhcn VN là Độc lập, Tự Do, Hạnh Phúc,
Lớn lên mới biết là trừ (-) độc lập, trừ (-) tự do, trừ (-) hạnh phúc;
- Hồi nhỏ cứ tưởng công lý xhcn là bà cô thiết diện vô tư,
 Lớn lên mới biết Công Lý là một ông chú diễn viên hài; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng bác Hồ vì nước vì dân nên trọn đời không vợ, không con, 
Lớn lên mới biết là đếch phải vậy; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc, Ải Nam Quan là của Việt Nam,  
Lớn lên mới biết bác và đảng đã ‘cầm cố’ cho Tàu cộng từ lâu;
- Hồi nhỏ cứ tưởng muốn thành tiên thành thánh thì phải tu thân tích đức,
Lớn lên mới biết gian manh xảo trá, độc ác nướng vài triệu người như bác Hồ, bác Giáp cũng được thành thánh thành tiên; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng tiền cứu trợ thiên tai là dành cho dân,
Lớn lên mới biết là để cứu trợ cán bộ;
- Hồi nhỏ cứ tưởng Cờ vàng là Cờ của bọn “Ngụy”,
Lớn lên mới biết Cờ vàng đã có từ thời Vua Thành Thái;
- Hồi nhỏ cứ tưởng đảng tàn sát địa chủ trong Cải Cách Ruộng Đất là để chia ruộng, chia đất cho dân nghèo,  
Lớn lên mới biết đó là để đảng thu gom về cho riêng đảng; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đất nước,  
Lớn lên mới biết đảng lãnh đạo nhà nước, quản lý nhân dân, làm chủ đất nước;
  - Hồi nhỏ cứ tưởng Quốc hội là vì dân,
 Lớn lên mới biết tất cả chỉ là Bonzaï của đảng; 
- Hồi nhỏ cứ tưởng Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cao nhất của tổ quốc,
Lớn lên mới biết Cương lĩnh đảng còn cao hơn nhiều;
- Hồi nhỏ cứ tưởng mình đang sống ở ngưỡng thiên đường xhcn,
Lớn lên mới biết “còn lâu dài lắm, đến hết thế kỷ (21) này không biết đã có chxn hoàn thiện hay chưa”.

SINH HOẠT VIỆN VIỆT HỌC

 
WESTMINSTER (VB) -- Giáo sư Đặng Phùng Quân từ Texas sẽ tới Quận Cam nói chuyện vào cuôi tuần này về những vấn đề văn chương, khi ông giới-thiệu tác-phẩm Đường Vào Văn Chương Toàn tập I và II tại Viện Việt Học.

Theo nhà văn Lê Lạc Giao, ông đã từng học lớp Triết học Tây phương do GS Đặng Phùng Quân giảng dạy những năm trước 1975 tại Đại hoc Văn Khoa Sài Gòn, rằng ký ức của các sinh viên về GS Quân là cặp mắt kính dày cộm và những ngôn ngữ mang theo sương mù triết lý Paris -- GS Đặng Phùng Quân trước 1975 đã từng in các tác phẩm: Lexistence dautrui et la fidélité dans loeuvre de Gabriel Marcel; Hiện hữu tha nhân với G. Marcel; Triết học và Khoa học; Triết học Aristote; Chân dung triết gia; Triết học và Văn chương.

GS Đặng Phùng Quân sẽ nói gì về Đường Vào Văn Chương? Bản thân Giáo sư quân cũng từng sáng tác văn học: Trong những năm 1957-1963, Đặng Phùng Quân viết văn, làm thơ với bút hiệu Trường Dzi trên những tạp chí Sáng Tạo, Thế Hệ, Tiểu thuyết tuần san...

Mới hơn mười năm trưóc, GS Đặng Phùng Quân trả lời phỏng vấn của nhà văn Hô Trường An trên Talawas.

 
blank

 Bài viết tựa đề “Đặng Phùng Quân: Viết trước hết đem lại sự bất ổn cho đời sống” ngày 13.12.2004 trên Talawas ghi lời họ Đặng:

“Viết cũng là một hành động để biến đổi thế giới. Tôi đã viết như thế từ lâu lắm. Viết trước hết đem lại sự bất ổn cho đời sống. Vận động của văn chương là cách mạng. Cho nên tôi đã xác định ở trong Tự truyện, như tất cả những cuộc đổi mới, tiểu thuyết phá thể hủy tạo mọi quy ước về ngôn ngữ, quy phạm, tu từ, phong cách, tư duy, nhân vật, thế giới, khoa học... nhưng trước hết vẫn trên con đường tìm kiếm.

Hành trạng của viết như tôi đã nói vẫn trên con đường tìm kiếm. Trong Triết học và Văn chương xuất bản năm 1974, tôi viết đâu đó là “điều đau đớn không phải là viết ra tác phẩm thất bại, nhưng là không được viết ra”. Đối với người cầm bút, không có điều bí mật nào không được viết ra, không có điều cấm kỵ nào không được viết ra. Tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ những vấn đề của triết học, tôi đang viết Cơ sở tư tưởng thời quá độ, những nan đề phải khai phá nhưng tôi cũng tiếp tục viết những điều cấm kỵ của thực tại, những phá thể tiểu thuyết...”(ngưng trích)

Đó là năm 2014, và hơm mười năm sau, bây giờ là năm 2015, khi GS Đặng Phùng Quân thuyết trình ở Viện Việt Học, ông sẽ nói những gì?

Viện Việt Học gửi lời mời tham dự buổi giới-thiệu tác-phẩm Đường Vào Văn Chương Toàn tập I và II.

Tác giả: Giáo-sư Đặng Phùng Quân. Chủ-nhật 17 tháng Năm năm 2015, từ 2 giờ đến 5 giờ chiều

Tại phòng hội Viện Việt-Học: 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683.

Ngoài phần nói chuyện của GS Đặng Phùng Quân, cũng sẽ có phần trình bày của GS Đào Trung Đạo và GS Nguyên Văn Sâm.



PHAN TẤN HẢI


Giáo Sư Đặng Phùng Quân Ra Mắt Sách Ở Quận Cam:
3 Giáo Sư Nói Về
Thông Diễn Học và Tiểu Thuyết

tuờng trình


Buổi giới thiệu hai tác phẩm mới của Giáo sư Đặng Phùng Quân ngày 17 tháng 5-2015 tại Viện Việt Học không thực sự là ra mắt sách. Nó phức tạp hơn những buổi giới thiệu sách trước đây. Cả ba diễn giả đều là các vị thầy đại học Miền Nam trước 1975, và mỗi người nói một đề tài riêng, tuy có chung lĩnh vực về những tàng ẩn triết lý trong văn chương. Ngôn ngữ đôi khi bí hiểm, trong lĩnh vực hiếm được đọc tới, cũng như khi nói về ẩn nghĩa của các tiểu thuyết, phim ảnh, và phê bình văn học.


Một điểm đặc biệt: nhiều cựu sinh viên Đại học Văn Khoa, nơi GS Đặng Phùng Quân và GS Nguyễn Văn Sâm giảng dạy trước 1975, dịp này đã tham dự, lắng nghe các thầy cũ nói chuyện, và cũng để hội ngộ – trong đó, có người từ San Diego lái xe lên Viện Việt Học ở Westminster.

Phần thứ 4 của buổi gặp gỡ thật tuyệt vời: nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt độc tấu Tây Ban Cầm, những nốt nhạc của anh làm cho buổi chiều thêm lắng đọng.
Hai tác phẩm được giới thiệu là: Đường Vào Văn Chương, Tập I và tập II.
GS Đặng Phùng Quân nói chuyện về đề tài Ứng dụng Thông Diễn Học vào Giải thích Văn chương, cũng có thể hiểu là Phê bình Lý trí Văn chương.
GS Nguyễn Văn Sâm nói chuyện về đề tài Văn Chương Và Triết Lý.
GS Đào Trung Đạo nói về tiểu thuyết gia Jean Echenoz tác giả của tiểu thuyết “Au Piano.”
Nghĩa là, ba vị giáo sư có ba bài thuyết trình với ba hướng riêng. Trong khi đó, MC Bùi Đường và MC Hoàng Anh đã điều hợp chương trình một cách xuất sắc, linh động.
Người đầu tiên nói chuyện là GS Nguyễn Văn Sâm, một kho tàng văn học chữ Nôm biết đi, cũng là một ngưới viết truyện ngắn cực kỳ xuất sắc.
GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng chữ triết lý đúng hơn là dùng chữ triết học, vì khi buông tập truyện của một nhà văn xuống, những gì độc giả thấy được sẽ là triết lý, một vài tư tưởng về cuộc đời mà tác giả gởi gấm xa gần. Thí dụ, cuốn phim của Mỹ về một người sống 200 năm, anh là một robot vì không thể chết, thế nhưng khi anh thấy một cô gái, anh yêu cô gái và muốn được công nhận như là người, chứ không phải robot – cái giá là, người tất phải chết; và vì đời của một người máy không đáng sống, và anh khát khao yêu thương để chấp nhận chết.
GS Nguyễn Văn Sâm cũng nói về tiểu thuyết Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway với lão ngư ông vật lộn với con cá khổng lồ giữa đại dương sóng gió, để đưa cá vào bờ. Công trình nào của con người cũng tốn rất nhiều công sức nhưng kết quả là bất toàn, và không phải ai cũng nhận thấy công trình đó để xưng tụng, và khi người trên bờ thấy con cá khổng lồ chỉ còn là bộ xương, họ đã bỏ đi hết.
Hay như Truyện Kiều của Nguyễn Du, như khúc ngâm Cung Oán của Ôn Như Hầu, như Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn… là thân phận lưu lạc, hay bẽ bàng của người phụ nữ trong thời bình cũng như thời chiến. GS Nguyễn Văn Sâm cũng dẫn ra một truyện ngắn của John Updike về kỷ niệm Giáng sinh của một cậu bé, khi cha làm chức sắc một hãng phim, cậu bé nhận được vô số đồ chơi, chất đầy nhà, kể cả những thứ cậu bé không thích; khi cha không còn giữ chức lớn, cậu bé không được ai tặng quà gì nữa. Triết lý ở truyện này là con người ưa phò thịnh, chẳng ai phò suy. GS Nguyễn Văn Sâm cũng nói rằng có những truyện không có triết lý gì, nếu văn chương kém thì kể như quăng đi.
GS Nguyễn Văn Sâm nói, theo kinh nghiệm đọc sách của Giáo sư, truyện không cần nhiều sự kiện, suy nghĩ của nhân vật là chánh, đọc xong ta thấy bàng hoàng, thấy nao nao, tự nhiên suy nghĩ về những tư tưởng ẩn tàng trong câu chuyện. GS Nguyễn Văn Sâm nói: “Nói cách khác, độc giả trước và sau khi đọc quyển sách là hai người khác nhau; họ đã có thêm gì đó sinh ra từ tác phẩm.”


GS Nguyễn Văn Sâm cũng dẫn ra bài thơ Thu Chí của Nguyễn Du:

Hữu hình đồ dịch dịch / Vô bịnh cố câu câu/ Hồi thủ Lam Giang phố/ Nhàn tâm tạ bạch âu.

Dịch: Mang hình hài là mang nỗi khổ, không bịnh mà cứ khom lưng. Nhìn quê nhà xa thẳm thẹn với cái lòng nhàn của chim bạch âu.
Triết lý nơi đây là: Làm quan như là nỗi nhục, trong khi đó thì mất đi sự nhàn, chẳng bằng con chim trời tự do bay lượn.
GS Nguyễn Văn Sâm nói nhà văn phối hợp giữa hai thứ triết lý và văn chương sẽ dễ đi vào đường nghiên cứu văn chương, và “bạn tôi, nhà văn Đặng Phùng Quân thiên về triết lý. Ông viết gì? Sự thao thức băn khoăn về cuộc đời của những người sống trong thành thị thời chiến tranh, thấy cuộc sống mong manh nhưng không chán bỏ đời, vẫn đi trong lòng đời dầu là hờ hững. Sự bơ vơ của con người trí thức trước cuộc sống mà mình cho là vô nghĩa. Suy nghĩ của GS Quân đáng trân trọng.”
MC Bùi Đường vẫn trong cách giới thiệu rất bác học, đã đọc câu thơ Nguyễn Du khi nói về Từ Hải, “áo xiêm về với triều đình…” và hỏi rằng văn có nên tải đạo không… Dĩ nhiên, Bùi Đường độc thoại, vì không thấy tác giả Nguyễn Du trả lời MC Bùi Đường… Chỉ thấy GS Đặng Phùng Quân bắt đầu nói về Ứng Dụng Thông diễn học vào Nghiên cứu Văn chương.
Mở đầu, GS Đặng Phùng Quân nói trước kia vẫn thường lấy cớ ra mắt sách để lên San Jose thăm bạn cũ, nơi có các nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh – những người một thời cùng sinh hoạt văn học trước 1975.
Chuyện Thông Diễn Học nghe phức tạp, theo lời GS Đặng Phùng Quân, nhưng chính Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng từng nói về đề tài “Thông Diễn Học Ứng Dụng Vào Nghiên Cứu Phật Giáo Tây Tạng” (Ghi chú: Thông Diễn Học, tức Hermeneutics, là các lý thuyết diễn dịch văn bản.) GS Đặng Phùng Quân nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã sử dụng Thông Diễn Học để nói về các kinh văn bản gốc, và các lựa chọn diễn dịch trong văn bản thuộc Trung Quán Luận hay Duy Thức Học. GS Đặng Phùng Quân nói chúng ta đối diện Truyện Kiều của Nguyễn Dục, và sẽ có lưạ chọn: Đọc Truyện Kiều như Truyện Kiều hay như Truyện Kiều đã được lý giải?
Câu hỏi nữa: độc giả Truyện Kiều ở thế hệ Nguyễn Du có khác độc giả Truyện Kiều bây giờ?
Đặc biệt, GS Đặng Phùng Quân nói về “một thảm họa thông diễn” trong một tác phẩm Anh ngữ gồm nhiều tác giả xuất bản năm 1981, chủ đề về văn chương và xã hội Đông Nam Á trong đó, người viết trong tuyển tập này là GS Nguyễn Đình Hòa, bác sĩ Nguyễn Trần Huân. GS Nguyễn Đình Hòa viết về văn học Hán-Nôm. Vấn đề là, theo GS Quân, trong khi Nguyễn Trần Huân (một bác sĩ ở Pháp) viết về văn học Việt Nam 1945-1973, trong đó, ghi sách tham khảo tới 39 cuốn sách nhưng lại chỉ có 4 cuốn của các tác giả Miền Nam, còn 35 cuốn khia là của các tác giả Miền Bắc trong đó có cuốn in năm 1977 về “Văn Học Miền Nam Dưới Chế Độ Mỹ Ngụy” của các tác giả Hà Nội. Thảm họa Thông diễn ở đây chính là: viết về văn học VN 1945-1973 nhưng lại trích dẫn một cuốn sách 1977 đầy ngôn ngữ đấu tố. Xin nhớ, lúc Nguyễn Trân Huân viết bài này là năm 1981, nghĩa là có nhiều thông tin, có nhiều tác phẩm hai miền dễ tìm đọc. Nhưng Nguyễn Trần Huân trong cuốn này đã giành nhiều trang (3 hay 4 trang) cho thơ Tố Hữu dịch sang Anh văn, Pháp văn, và gọi Tố Hữu là “nhà thơ vĩ đaị nhất của thi ca VN,” trong khi ông lại chụp mũ các nhà văn, nhà thơ Nhân Văn Giai Phẩm là “tay sai đế quốc…”
Văn học Miền Nam có gì? GS Đặng Phùng Quân hỏi, và nói trong một tác phẩm với những bài viết của nhiều tác giả quốc tế mà Nguyễn Trần Huân viết về văn học VN 1945-1973 nhưng lại không hề nhắc tới, thí dụ, một nhà văn nhà thơ nào trong Nhóm Sáng Tạo! Nguyễn Trần Huân chỉ đôi lần trích dẫn thơ Vũ Hoàng Chương.

GS Đặng Phùng Quân nêu câu hỏi, lúc đó là năm 1981, có phải Nguyễn Trần Huân là xu thời, hay là văn công?
GS Đặng Phùng Quân cũng nêu một số tác phẩm ảnh hưởng tới văn học Miền Nam trước 1975, như thuyết duy nhân, thuyết hiện sinh. GS Đặng Phùng Quân nói sự xuất hiện của Nhóm Sáng Tạo ở Miền Nam là một bước đi xa.
GS Quân cũng dẫn ra tiểu thuyết Tường (Le mur) của Jean-Paul Sartre, và nêu câu hỏi, có thể có trường hợp độc giả sẽ lãnh hội nhiều hơn tác giả? Trong quyển Situations I Sartre phê phán François Mauriac viết tiểu thuyết với vai trò chúa tể khi nhét vào nhân vật tiểu thuyết những lời lẽ, ý nghĩ của mình. Nhưng khi viết Le Mur chính Sartre lại rơi vào lỗi lầm này.
Phần thứ 3 của chương trình là tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt… Những âm thanh từ đàn guitar rải vào một buổi chiều sâu lắng, nơi các nhà nghiên cứu văn học và triết lý đang trầm tư, lắng nghe… Phải chăng, những nốt nhạc của Nguyễn Đức Đạt cũng cần khả năng thông diễn từ người tri âm?
Nguyễn Đức Đạt đàn bản “Đời Phải Có Em” do anh sáng tác, tiếp theo, đàn ca khúc “Đoàn Người Lữ Thứ” của Lam Phương. Và rồi đàn ca bài thơ “Mây Vô Xứ” của Đào Trung Đạo do Nguyễn Đức Đạt phổ nhạc.
Một đề tài tiếp theo đã được GS Đào Trung Đạo trình bày, tập trung vào thế hệ nhà văn sau thế hệ Tiểu Thuyết Mới, trong đó, cụ thể là tập trung vào quyển “Au piano” của nhà văn Pháp Jean Echenoz vì quyển này tiêu biểu cho kỹ thuật viết tiểu thuyết của Jean Eschenoz nhất trong số 14 đầu sách của nhà văn này. GS Đào Trung Đạo giới thiệu hai tiểu thuyết của Jean Eschenoz ông cầm theo, “Au piano” và “Je m’en Vais.” Tiểu thuyết thứ nhì vừa nêu thắng giảỉ văn học Goncourt Prize năm 1999. GS Đào Trung Đạo nói rằng khi người ta đọc một trang, hai trang truyện của Jean Eschenoz là hầu như không thể buông sách xuống cho tới khi đọc hết.
 GS Đào Trung Đạo nói rằng chủ ý của tác giả không muốn ai tóm lược cốt truyện, mà chỉ muốn độc giả tham dự vào việc đọc cuốn tiểu thuyết. Trong “Au piano,” nhân vật chính tên là Max Delmarc, 50 tuổi, được tác giả mô tả như một nhạc sĩ trình diễn dương cầm nghiện rượu. Max nổi danh, nhưng lại chán việc trình diễn, khi trình diễn cùng dàn nhạc thường đàn mấy nốt đầu trật nhịp, nhưng không ai nhận ra, và sau vài nốt đầu tâm hồn Max bị những dòng nhạc cuốn đi. Max ở trên một căn nhà hai từng lầu ở Paris, tầng dưới là cô tình nhân tên Alice nhưng có khi Max lại nói với người khác Alice là em gái mình. Vấn đề là, độc giả phải đoán xem cô là tình nhân hay em gái của Max. Nhưng Max suốt đời chỉ mê đắm mơ tưởng tới cô bạn học ở Nhạc viện Toulouse là Rose… Trong buổi trình diễn cuối cho một hội từ thiện, đêm khuya Max đi về nhà và bị một bọn nhóc đè ra cướp tiền, khi còn do dự trong việc chống trả liền bị một tên nhóc cứa cổ họng. Câu hỏi nơi đây: Max chết, hay còn sống?

Phần 2 cuốn “Au piano”, khởi đầu bằng chữ “Non.”
Có ai đó đã cứu anh, đưa anh vào một Trung tâm Chỉnh hình, chữa khỏi vết thương. Bệnh viện này y hệt như nơi của những người đã người chết, vì chung quanh anh là các nghệ sĩ đã quá cố. Y tá của anh là Doris Day, phu đẩy xe là Dean Martin…
Câu chuyện càng lúc càng phức tạp, tới Phần 3 Max được cho về đời thường ở Paris, gặp Rose, rồi Rose biến đi..
Độc giả bị lôi cuốn, không hiểu rằng Max sống hay chết, không hiểu rằng cô Rose chết hay sống… Họ lơ lửng giữa đời, và độc giả chỉ có cách đoán.


Độc giả có thể hỏi, rằng phảỉ chăng ranh giới giữa chết và sống rất mực mong manh…

Điều Jean Eschenoz muốn nói qua tiểu thuyết “Au piano” là: Max không chết cũng có nghĩa tiểu thuyết không chết.


Cần ghi nhận, sau buổi giới thiệu sách, là một bữa tiệc hội ngộ giữa quý Giáo sư và một số cựu sinh viên ĐH Văn Khoa. Bữa tiệc, có chai rượu do họa sĩ Nguyễn Tam Dương (cũng cựu SV/VK) mang lên từ San Diego. Có phải rượu là triết lý của cuộc đời, hay là một chất men thông diễn của phê bình văn chương, hay là những nốt đàn piano trật nhịp vọng lại từ một căn gác Paris?


Phan Tấn Hải

5.2015
PHOTO:
H1

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm
H2:

Giáo sư Đặng Phùng Quân

H3:

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt

H4:

Giáo sư Đào Trung Đạo

H5:

Khán giả trong hội trường Viện Việt Học


H6:
Hình lưu niệm, từ phải: nhà thơ Lê Trung Khiêm, họa sĩ Nguyễn Hồi Thủ, họa sĩ Nguyễn Tam Dương,
nhà văn Lê Lạc Giao, GS Đặng Phùng Quân, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, GS Đào Trung Đạo, Phùng Mạnh Tâm và Phan Tấn Hải.
Bấm vào đây xem tường trình trên Youtube:


No comments: