Wednesday, November 23, 2016

TRƯỜNG SA =TUẤN KHANH =MÙA NƯỚC NỔI =HÌNH NAM NỮ TRONG CÁC ĐỀN ẤN ĐỘ =VIỆT CỘNG


NGUYỄN NHÂN CHỨNG * THẢM SÁT TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA





Thảm Sát Trên Đảo Trường Sa
Nguyễn Nhân Chứng
Chúa ơi cứu con với !


Tiếng thét đau thương, hãi hùng của người phụ nữ nằm sát cạnh tôi, cùng lúc với một dòng nước ấm văng vào mặt đã khiến cho tôi phải lấy tay vuốt mặt mình và bàng hoàng nhận ra toàn là máu, máu nóng đã ập vào mặt tôi từ người phụ nữ bên cạnh. Tôi ngẩng cao đầu lên một chút để nhìn sang bên cạnh, người phụ nữ đang oằn oại với vết thương một bên đùi vỡ toác do đạn xuyên phá, máu tuôn xối xả. Tôi xót xa nhìn người phụ nữ đang lăn lộn vì đau đớn, nhưng cũng đành bất lực không cứu giúp gì được, vì ngay bản thân tôi cũng đang nằm bẹp dí xuống sàn tàu để tránh đạn.

Đạn vẫn tiếp tục nổ, tiếng rên xiết, la hét, kêu gào, của những người bị trúng đạn quyện vào nhau tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn đến rợn người, âm thanh giữa biên giới của sự sống và cái chết chỉ diễn ra trong một cái nháy mắt, mới còn nghe rên la đó ... một loạt đạn tiếp theo đã ghim chặt vào thân người, lập tức tiếng rên la im bặt, một con người đã vĩnh viễn ra đi, những người khác tiếp tục rên la, chờ đợi loạt đạn tiếp theo cướp lấy mạng sống của mình. Tôi tự nhủ thầm, muốn sống còn phải rời bỏ con tàu ngay lập tức. Tôi vùng dậy, và nhận ra con tàu đang chìm dần từ phía sau của thân tàu, phía trước của con tàu đã bị đạn pháo bắn gãy, đang chông lên trời. Trước mặt tôi, chung quanh tôi, máu thịt văng tung tóe, thây người nằm la liệt, một cảnh tượng hãi hùng mà tôi chưa từng chứng kiến. Thần kinh tôi tê cứng vì sợ hãi khiến tôi muốn khuỵ xuống, nhưng bản năng sống còn của con người trong tôi bừng sống dậy, tôi lao mình ra khỏi con tàu phóng xuống biển vừa lúc một cơn sóng biển chụp tới cuốn tôi rời xa con tàu. Thật là may mắn, tôi vừa rời xa con tàu thì dường như cùng một lúc, một trái đạn pháo kích rớt chính xác ngay giữa con tàu khiến con tàu gãy đôi và chìm xuống biển, mang theo toàn bộ số người có mặt trên tàu lên tới trên 130 người.

Trên mặt biển bây giờ đã không còn thấy bóng dáng con tàu đâu nữa, thay vào đó là những vật dụng bể nát của con tàu, những tấm ván bể nổi trôi lềnh bềnh trên sóng nước. Xác người chết ! xác người chết trôi nổi quanh tôi, phụ nữ, đàn ông, con nít, già có, trẻ có. Tất cả, không một ai còn được toàn vẹn thân thể, không một ai còn sống cả ... Có lẽ tôi là người sống sót duy nhất còn lại của con tàu, ngoài tôi ra thì chỉ còn lại toàn rặt là xác của người chết. Máu, là máu, từng vệt loang dài chảy ra từ vết thương của những xác chết, theo dòng nước trôi quanh tôi. Thuỷ triều đang lên, tôi rùng mình nghĩ đến đàn cá mập đói đang lẩn quẩn quanh đây chờ thuỷ triều lên cao sẽ theo mùi máu mà kéo đến, thì cho dù tôi có còn sống thì vẫn phải làm mồi cho đàn cá mập như những xác chết kia mà thôi ! Tôi vươn tay cố gắng chụp lấy một mảnh ván để bám vào, tôi bám chặt vào mãnh ván, nhắm mắt lại cầu nguyện, dọn mình chờ chết, và trong cái khoảnh khắc tuyệt vọng đó tôi đã nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những người thân thương ruột thịt, đã không biết được rằng tôi đã bỏ thây giữa biển cả và làm mồi cho cá mập. Vĩnh biệt tất cả.

3 giờ sáng thành phố Nha Trang vẫn còn chìm trong giấc ngủ, hàng trụ điện bên đường Nguyễn Thái Học toả ánh sáng mờ mờ, soi bóng tôi trên đường. Vai mang cái phao (loại ruột xe hơi được bơm căng lên) giả làm dân đi tắm biển sớm (đối với người dân Nha Trang thì việc có người đi tắm biển vào lúc 3-4 giờ sáng là chuyện thường) tôi rảo bước thật nhanh hướng về phía biển cho kịp giờ hẹn. Xuống tới bãi cát, tôi đưa mắt nhìn quanh dò xét địa thế, bãi biển vắng lặng không một bóng người, tôi yên tâm cởi bỏ áo ra chỉ mặc chiếc quần cụt, giả vờ làm vài động tác thể dục trước khi bước xuống nước. Từ xa, về phía biển có ánh sáng mù mờ của một chiếc thuyền câu đang tiến vào bờ, tôi lại đảo mắt nhìn quanh kiểm soát lần cuối trước khi rời bãi cát. Bước xuống nước, tôi nhoài người bơi nhanh về hướng chiếc thuyền câu, trả lời đúng mật mã, một bàn tay vươn ra kéo tôi lên chiếc thuyền. Thuyền lướt nhẹ trên mặt biển hướng về “Hòn Tre” cá nhân tôi thì phải nằm sát xuống khoang thuyền không được ngồi dậy cho đến khi tới chỗ ẩn nấp ngoài đảo Hòn Tre.

Hòn Tre là một hòn đảo lớn, nằm cách bờ biển và hải cảng Nha Trang khoảng chừng 6 cây số, cư dân trên đảo này rất ít chỉ chừng vài chục gia đình, hầu hết đều sinh sống bằng nghề chài lưới. Nơi đây cũng là nơi ẩn nấp của các tàu thuyền và ngư dân mỗi khi gặp gió bão. Con thuyền chạy được chừng hơn tiếng đồng hồ thì tới một cửa động nằm khuất sâu vào phía trong trên đảo Hòn Tre, rất khó mà tìm thấy nếu không quen thuộc được địa hình nơi đây. Từ phía ngoài nhìn vào, tôi chỉ nhìn thấy một màu tối đen, bằng ánh sáng của cái đèn (pin) do người ngồi trước mũi soi sáng, chiếc thuyền câu từ từ lướt nhẹ vào động. Tôi được bỏ xuống đây để ẩn trốn chờ đêm đến sẽ ra « tàu lớn » một tốp 5 người đàn ông chạy ra đón tôi, ai nấy đều trần như nhộng, không mặc một thứ gì trên người (sau này thì tôi cũng như họ vì không khí trong động rất oi bức khó chịu) họ là những người đã đến trước tôi từ đêm hôm trước, cũng để chờ để ra tàu lớn. Trời đã sáng tỏ, nhưng từ phía bên trong động, chúng tôi nhìn ra bên ngoài cũng chỉ nhìn thấy được một vệt ánh sáng rất mờ, yếu ớt chiếu sáng vào trong động. Lúc này trong động chúng tôi cũng đã lờ mờ nhìn thấy được nhau, thật là một cảnh tượng sống động có một không hai mà trong cuộc đời của tôi đã được tận mắt nhìn thấy, 5 ông Adam của thời kỳ hồng hoang, ăn lông ở lỗ, trên người không một mảnh vải che thân, đang đứng giữa một thạch động thiên nhiên thì thào to nhỏ với nhau, vì cứ sợ bên ngoài nghe được. Nhưng thật ra thì có hét to lên cũng chẳng có ai người ta nghe thấy. Không khí trong động đã bắt đầu oi bức dần lên, tôi cũng phải lột bỏ cái quần cụt mang trên người để trở thành người tiền sử như những người khác. Qua câu chuyện, tôi được biết nơi đây là nơi cất giấu dầu chạy máy dùng cho chuyến vượt biển, mỗi ngày một ít số dầu tồn trữ được tăng dần lên theo với thời gian, và đây là giai đoạn chót cho nên 5 người họ đã ở lại luôn trong thạch động, chờ tối nay thì sẽ chuyển sang tàu lớn. Tôi được chia cho một ít cơm với muối mè đã được vắt cục lại với nhau để đỡ đói chờ đêm đến ra tàu lớn, nằm ngả lưng trên mặt đá lởm chởm, tôi liên tưởng đến chuyến vượt biển đêm nay và cầu nguyện ơn trên cho mọi việc được thông suốt, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến tương lai không biết rồi sẽ đi về đâu, tôi bồi hồi tấc dạ. Đêm đến, ánh đèn pin từ cửa động chiếu ánh sáng vào, cùng với tiếng người nói chuyện với nhau. Rõ ràng là không phải những người trong ban tổ chức, mọi người nín thở chờ đợi, mọi người đều nằm ép sát mình xuống mặt đá, không dám cử động mạnh, cũng may là từ phía ngoài nhìn vào thì chỉ thấy một màu tối đen, nên chúng tôi đã không bị phát giác. Thời gian chờ đợi tưởng chừng như vô tận, sau cùng thì nhóm người đó cũng bỏ đi, chúng tôi thở ra nhẹ nhõm. Một anh trong nhóm chúng tôi cho biết, đó là những người đi « soi mực » ban đêm và anh đoan chắc rằng họ chỉ vô tình đi lạc vào đây mà thôi. Vào khoảng giữa đêm thì chiếc thuyền câu liên lạc đã trở lại thông báo cho biết là : tối nay không thể khởi hành được vì có sự trục trặc do lý do an ninh. Mọi người lộ vẻ thất vọng, nhưng cũng đành phải nhận lấy phần lương thực cho ngày mai và tiếp tục chờ đợi. Thời gian chờ đợi trong thạch động dường như dài vô tận, chúng tôi chỉ có việc ăn xong rồi nằm hoặc đi lại cho giãn gân cốt, trò chuyện thì hạn chế tối đa vì lo sợ bị phát giác. Một ngày một đêm đã trôi qua, mọi người nôn nóng chờ tin từ con thuyền liên lạc, bóng đêm lại phủ đầy bên ngoài cửa động, con thuyền liên lạc đã trở lại và tiếp tục báo tin buồn vẫn chưa thể khởi hành được, chúng tôi nóng ruột thấy rõ, người đưa tin thì chỉ làm nhiệm vụ đưa tin và chuyển lương thực cho chúng tôi xong thì rút lui. Đêm thứ 3, bóng con thuyền đưa tin đã trở lại, lần này có vẻ hối hả hơn 2 đêm trước, theo sau nó là 3 chiếc thuyền câu khác nối đuôi nhau tiến vào thạch động, tôi đoán là giờ khởi hành đã tới. Quả đúng như tôi dự đoán, chúng tôi được lịnh “bốc” toàn bộ số dầu chạy máy lên bốn chiếc thuyền câu cùng với mọi người rời thạch động ra tàu lớn. Giây phút quan trọng đã đến, chúng tôi lần lượt chuyển hết số dầu lên thuyền, còn chúng tôi thì nằm sát xuống thuyền bên trên được phủ một tấm nylon để che kín. Bốn chiếc thuyền câu theo hàng dọc lặng lẽ rời thạch động hướng về tàu lớn. Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi đã cập được sát tàu lớn đang bỏ neo chờ chúng tôi.

“Tàu lớn” là một chiếc ghe đi biển của ngư dân, dài khoảng 15 thước, rộng chừng 3 thước, mà dân trong nghề đi biển gọi là « 3 lốc đầu bạc », dầu được chuyển cấp tốc và nhanh chóng lên tàu lớn, chúng tôi cũng đã lần lượt leo lên tàu lớn. Tàu nhổ neo, chạy ở vận tốc bình thường như là một chiếc tàu đánh cá bình thường khác đang hoạt động quanh đó. Tôi leo lên mui tàu tìm chỗ ngồi, tôi đã giật mình kinh ngạc khi nhìn thấy toàn bộ số người có mặt trên tàu. Đông quá ! Chỗ nào cũng có người ngồi chen chúc, nhưng rồi tôi cũng không lấy làm quan tâm cho lắm, miễn sao con tàu cứ tiếp tục hướng mũi ra khơi hướng về Philippines. « Tháng ba bà già đi biển » câu thành ngữ của những người hành nghề đánh cá, rất đúng trong trường hợp của chuyến vượt biển đêm nay. Mặt biển phẳng như gương, bầu trời trong vắt với muôn vì sao lấp lánh. Sau khi đã bỏ xa khu vực đánh cá trong vùng, con tàu mở hết tốc lực hướng mũi ra khơi. Mặt trời đã ló dạng từ phía chân trời, trời đã dần sáng tỏ, từ trên mui tàu tôi có dịp quan sát rõ hơn toàn bộ khung cảnh trên tàu, điều khủng khiếp đập vào mắt tôi đầu tiên là mặt nước biển chỉ cách bẹ tàu có chừng non 1 thước, chứng tỏ con tàu đang bị khẳm vì chở nặng, con tàu như đang oằn mình trườn tới phía trước với sức nặng vượt quá mức cho phép. Trên khoang tàu la liệt là người, trước mũi, sau khoang, chỗ nào cũng có người. Nắng đã lên cao, tuy mới sáng sớm nhưng nắng giữa đại dương đã mang lại cái nóng khó chịu trong người rồi, vài người đã cởi áo ra cũng như tận dụng hết tất cả những gì khả dĩ có thể che nắng được để tránh cái nắng đã bắt đầu gay gắt. Chỗ duy nhất có thể tránh nắng được là cabin tàu đã được dành riêng cho gia đình chủ tàu, các hầm tàu bình thường dùng để làm nơi chứa cá sau khi thu hoạch được, đã được gỡ bốc nắp hầm đi dùng làm nơi tránh nắng, nhưng có lẽ dưới hầm tàu không khí quá ngột ngạt oi bức nên cứ chốc chốc lại có người trồi lên để hứng lấy khoảng không khí trống trải trên tàu, có người leo lên khỏi miệng hầm thì cũng có người lại chui xuống dưới hầm tàu, cái quy trình « cắc cớ » này cứ thế mà tiếp diễn trong suốt cuộc di hành. Vài tiếng khóc của trẻ em đã nổi lên vì khát nước, chủ tàu ra lịnh cung cấp nước uống cho mọi người, người lớn thì được ba nắp « bi đong », con nít được gấp đôi trong ngày đầu tiên, cứ cách khoảng chừng 1 giờ đồng hồ thì lại cấp tiếp cho con nít, người lớn thì phải chịu nhịn lâu hơn. Vì ngồi trên mui cabin nên tôi đã nói chuyện được với gia đình chủ tàu, theo như họ cho biết thì chuyến đi đã bị gặp khó khăn do địa điểm bị tiết lộ ra bên ngoài bởi những người chung vàng cho chuyến đi, do đó thân nhân của những người này đã « canh me » rất sát chuyến đi. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi phải chờ đợi trong thạch động hết hai ngày đêm, đêm thứ ba chủ tàu quyết định phải ra đi bằng mọi giá trước khi việc đổ bể. Tàu cập sát bờ biển nơi « kho gạo » để bốc người, số người dự trù chính thức là gần 60 người. Không ngờ, khi tàu cập vào bờ thì người ở mọi ngõ ngách túa ra leo lên tàu, và vì không muốn bị lộ nên chủ tàu đành phải chở hết số khách không có trong danh sách, sau khi kiểm soát lại thì được biết là con số người đã lên đến hơn 130 người.

Trời đã vào chiều, gió thổi lạnh, một đàn cá heo « dolphin » bơi cập theo hông tàu trông rất đẹp mắt, mặt trời đỏ ối đang từ từ lặn xuống chân trời, bóng tối bắt đầu phủ xuống, con trăng thượng tuần treo lơ lửng trên đầu, bóng con tàu trông thật cô đơn giữa biển cả mêng mông, con người đã trở nên vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, đâu đó văng vẳng tiếng cầu nguyện, lúc đầu nhỏ, sau to dần lên, và không hẹn hầu như mọi người trên tàu đều cầu nguyện theo tôn giáo mình. Biển hoàn toàn vắng lặng, không có bóng một con tàu nào qua lại, không gian là một màu đen che phủ đến lạnh người, con tàu vẫn lầm lũi lướt tới, tôi được anh tài công người của chủ tàu đưa cho một « tấm bạt » loang đầy dầu mỡ để che lạnh, tôi cùng vài người khác quây quần phía bên trong tấm bạt cho bớt lạnh. Một ngày một đêm đã trôi qua trong an bình, mọi người thầm cảm tạ ơn trên đã che chở cho con tàu. Ngày thứ hai, nắng dường như gay gắt hơn, nắng như đổ lửa xuống những tấm thân đã rộp lên vì bị phỏng nắng, tiếng con nít khóc vang trời. Nước ! Nước đã trở thành một thứ quan yếu bật nhất trên tàu, chủ tàu đã cử bốn thanh niên lực lưỡng đứng canh gác khu vực để nước. con nít được ưu tiên tăng lượng nước uống lên từ 6 nắp lên 8 nắp, nhưng người lớn thì bị giảm xuống chỉ còn có một nắp mà thôi.

Ngày qua đi, đêm lại xuống, tiếng kinh cầu lại vang lên, thỉnh thoảng lại có tiếng nôn oẹ vang lên, đoàn lữ hành nằm dã dượi trân mình hứng chịu khí hậu lạnh lẽo của đại dương về đêm. Ngày hứng chịu cái nắng khủng khiếp, đêm về lại phải đón nhận cái lạnh, chỉ mới có hai ngày mà những con người khốn khổ đã teo hóp lại, sức đề kháng dường như đã không còn nữa. Ngày thứ 2 cũng trôi qua bình an, nhưng đoàn người thì đã hoàn toàn đuối sức, ai nằm chỗ đó, phó mặc cho con tàu muốn đưa mình đi tới đâu thì đi. Trưa ngày thứ 3 thì sóng gió đã nổi lên, mặt biển đã không còn phẳng lặng nữa, gió đã nổi lên kéo mạnh từng cơn, bầu trời vần vũ, mây đen kéo về đen kịt, từ xa từng ngọn sóng bạc đầu đang kéo tới. Sóng to, gió mạnh, khiến con tàu chao đảo liên tục, từng cơn sóng cao vời bốc con tàu lên cao, nhìn xuống dưới là một hố sâu thẳm đến rợn người. Tôi cùng những người khác trên mui phải leo xuống khoang tàu, vì quá nguy hiểm nếu cứ tiếp tục ở lại trên mui tàu. Đang ở giữa trưa mà tôi cứ ngỡ rằng là đang lúc chiều tối vì bầu trời tối đen, chủ tàu trấn an mọi người rằng : Đây là chuyện thường thôi, chỉ là « gió Nam », gió Nam thì mấy người làm nghề biển coi như cơm bữa ». Hư thật ra sao không biết, mhưng mọi người đã quá hoảng sợ và trở nên nhốn nháo, khiến con tàu đã bị sóng nhồi chao đảo lại thêm tròng trành như muốn lật úp. Chủ tàu phải hét lớn ra lịnh, không được nhốn nháo, nếu không muốn tàu bị lật thì ai ở đâu ngồi đó. Con tàu chuyển mình kêu răng rắc như muốn vỡ ra từng mảnh nhỏ, khiến mọi người đang lúc hoảng sợ càng thêm hoảng sợ, tiếng than khóc, tiếng gọi nhau vang lên thảm thiết, người ta dồn cục vào với nhau như để tìm sự che chở cho nhau. Mưa đã bắt đầu trút xuống, ngày càng nặng hột hơn, mưa giăng trắng xoá cả một khoảng không gian rộng lớn giữa đại dương, con tàu vẫn trồi lên hụp xuống tưởng chừng như muốn hất văng những thuyền nhân xuống biển. Con tàu đã phải chuyển hướng, không thể nào đi theo hướng đã định mà phải cập theo sóng để tránh cho tàu khỏi bị lật úp, người tài công chính của tàu, người nắm giữ sinh mạng của hơn 130 thuyền nhân, giờ đây đang gồng mình ôm chặt bánh lái với sự giúp sức của hai người khác để giữ cho con tàu khỏi bị lật, giữ cho con tàu khỏi bị lật đã là một việc vô cùng khó khăn lắm rồi, việc nhận rõ phương hướng đã không còn được đặt ra nữa. Con tàu đã thật sự lạc mất phương hướng, mặc cho sóng gió đưa đẩy, mọi người chỉ còn biết cầu nguyện và phó mặc số mệnh vào sự may rủi mà thôi. Cơn bão vẫn tiếp tục quần thảo từ trưa đến tối, nhồi con thuyền xoay vòng giữa cơn bão dữ, những người trên tàu giờ đây đa số đã phải chui vào hầm tàu để tránh khỏi bị hất văng xuống biển. Đến tối thì cơn bão chấm dứt, mọi người ngoi ngóp bò dậy, may mắn thay suốt cơn bão dữ mọi người vẫn được bình an dù đã phải trải qua một ngày kinh hoàng khiến ai nấy không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc tiếp tục di hành thêm nữa. Có ánh đèn ! Có ánh đèn ! Một người la to, rồi nhiều người khác cùng la, cứ tưởng như là mơ. Nhưng quả thật, từ hướng bên phải của con tàu có ánh đèn leo lét khi ẩn khi hiện do sự trồi lên hụp xuống của con tàu. Tài công hướng mũi con tàu chạy thẳng vào nơi có ánh đèn, trông thì gần, nhưng thật ra thì tàu phải chạy gần hai giờ đồng hồ mới đến được. Càng đến gần thì mọi người nhận ra đó là một hòn đảo, đảo nhưng có ánh đèn, nghĩa là có người sinh sống trên đảo. Mọi người mừng rỡ quỳ tạ ơn trên đã dẫn dắt con tàu đến nơi bình an. Con tàu đang ngon trớn, bỗng nghe đánh ... ầm một tiếng lớn, tiếng máy tàu gầm rú liên hồi, anh tài công la lớn « Ghe mắc rạng », anh tài công cố gắng bằng mọi cách để xoay chuyển con tàu nhưng đành bó tay đứng nhìn, nhìn mũi tàu ghếch cao ở phía trước, tôi đoán là con tàu đã « cưỡi » lên đá ngầm rồi. Từng đợt sóng mạnh mẽ đánh vào mạng tàu như muốn phá vỡ con tàu ra làm trăm mảnh. Nhìn vào phía trong đảo, thấy không còn xa lắm, từ chỗ con tàu gặp nạn vào đất liền khoảng chừng vài trăm thước. Phải rời tàu đi tìm phương tiện cấp cứu thôi, có người lên tiếng đề nghị. Thế là một số trai tráng khoảng chừng 20 người trong đó có tôi, tình nguyện rời tàu đi vào đảo tìm phương tiện cấp cứu, chúng tôi được quấn dây thừng thật chặt rồi lần theo đó mà vào chỗ nông hơn để đi vào bờ, thật may mắn là vào lúc đó thuỷ triều đang rút xuống cho nên chúng tôi có thể đi bộ vào đảo được, dưới chân tôi là muôn ngàn những con cầu gai cùng với các loại vỏ nghêu, vỏ ốc, mà tôi đã phải giẫm lên khiến cho lòng đôi bàn chân bị cắt đứt ngang dọc, khiến đau rát buốt óc. Chúng tôi lần mò, nối đuôi nhau tiến vào đảo, đặt chân được lên bãi cát trên đảo, chúng tôi nằm nhoài ra nghỉ lấy sức. Hồi tưởng lại cơn bão vừa qua, tôi vẫn còn hãi hùng và thầm cám ơn ơn trên đã che chở, bằng không có lẽ giờ này chúng tôi đã vùi thây giữa lòng biển cả rồi. Lấy lại được sức, đoàn người tiếp tục bước sâu vào trong đảo, riêng tôi thì còn quá mệt nên cũng chẳng vội vã bước theo họ. Vì lý do đó, cho nên tôi trở thành người cuối cùng ở sau chót của đoàn người. Bất ngờ, hàng loạt đèn pha từ phía trong đảo bật sáng chiếu thẳng vào chúng tôi. Có tiếng hô to ... ai đó, đứng lại, vào đây làm gì ? Lúc đầu chúng tôi nghe không rõ vì gió biển thổi cùng với tiếng sóng, hơn nữa họ lại nói tiếng Việt phát âm giọng Bắc khiến chúng tôi ngỡ là một thứ tiếng ngoại quốc, có thể là tiếng Phi. Chúng tôi đã vô cùng mừng rỡ vì biết được mình đã tới nơi chốn mà mình muốn. Chúng tôi vừa đưa cả hai tay lên trời, vừa làm dấu cho họ biết rằng chúng tôi đến đây là do thiện chí và cứ thế tiếp tục bước tới. Nhưng càng đến gần thì chúng tôi nhận ra rõ ràng là tiếng Việt chứ không phải là tiếng ngoại quốc. Có tiếng hô qua loa phóng thanh. Tất cả đứng lại ... nếu không sẽ bị bắn bỏ. Trời ạ ... chúng tôi đã lạc vào đảo của Việt Nam rồi ! Chúng tôi lập tức đứng lại, hai tay vẫn đưa thẳng khỏi đầu, chúng tôi hội ý với nhau là : để qua mặt được họ, chúng tôi phải nói rằng tàu vượt biên do nhà nước tổ chức ra đi. Khi nói như vậy, chúng tôi ngầm hai ngụ ý : Thứ nhất, khi biết là chúng tôi ra đi do nhà nước tổ chức thì họ sẽ tìm phương tiện giúp chúng tôi. Thứ hai, nếu không giúp được gì thì họ cũng sẽ không làm khó dễ chúng tôi, trường hợp tệ lắm là họ sẽ bắt trở về đất liền để đi tù, trong trường hợp này thì mọi người sẽ an toàn hơn cả. Giọng nói kia tiếp tục vang lên : Tất cả đứng yên tại chỗ đợi lịnh ... Thời gian lặng lẽ trôi qua trong ngột ngạt. Khoảng chừng hơn 10 phút, thì đột nhiên từ phía bờ cát một loạt lửa da cam tóe lên cùng lúc với những tràng súng liên thanh nổ rền trời, tôi giật mình ngó về phía đoàn người. Tôi như bị hoa mắt vì thấy máu từ các thây người phun ra khắp nơi, thây người đổ ập xuống, tiếng rên la thảm thiết vang lên như muốn xé tan màn đêm. Việt Cộng giết người ... nghĩ thế xong là tôi vội vàng bò hết tốc lực để tránh ra xa khỏi đoàn người và đứng lên vùng chạy về phía biển, vài người khác trong đoàn người cũng cố gắng mang thương tích vùng chạy ngược trở ra biển, một số chỉ chạy được nửa chừng rồi thì ngã xuống nằm lại luôn. Bằng tất cả sức lực còn lại trong người, tôi chạy thẳng và nhào người ra biển, giẫm lên cầu gai, võ nghêu, võ ốc mà chạy càng xa, càng tốt, trong tôi bây giờ không còn có cảm giác đau đớn do bị cầu gai đâm thủng chân nữa, tôi hoàn toàn ở trong trạng thái vô cảm. Sau cùng thì tôi cùng vài người khác cũng đã chạy ra được nơi con tàu mắc cạn. Mọi diễn biến trên đảo đã được chúng tôi tường thuật lại, thực ra thì mọi người đã nghe được tiếng súng nổ tuy không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng cũng phần nào đoán ra được là đã có chuyện không lành. Khi nghe chúng tôi báo cáo lại mọi chuyện, mọi người đã vô cùng hoảng sợ. Tất cả đàn ông, trai tráng trên tàu, đều được huy động xuống để đẩy con tàu ra khỏi vùng đá ngầm. Trời đã phụ lòng người ! Sức của con người làm sao chống chọi lại với sức mạnh của thiên nhiên, chúng tôi cố đẩy được con tàu xê dịch đi một chút, thì lập tức các ngọn sóng lại đánh đẩy con tàu trở về vị trí cũ. Đang lúc tất cả đang cố gắng đẩy con tàu thì súng lại nổ vang rền, đạn bay như rải về phía con tàu. Có tiếng thét kinh hãi ... có người trúng đạn ... có người trúng đạn, tiếp theo là những tiếng khóc, tiếng kêu gào, khung cảnh rối loạn cả lên, mạnh ai người đó chạy tìm chỗ nấp, nhưng nấp vào đâu bây giờ, giữa trời nước bao la và con tàu khốn khổ đang phải hứng chịu những vết đạn từ những con người tàn bạo ? Súng đã thôi nổ liên hồi, nhưng vẫn tiếp tục nổ cầm chừng, và thỉnh thoảng lại có người gào lên kêu cứu khi thân nhân mình trúng đạn. Phải ở vào hoàn cảnh trên thì mới có thể cảm nhận được hết cái không khí dã man, tàn bạo, đầy khủng bố mà không thể có ngòi bút nào lột tả được hết. Súng vẫn nổ lai rai, đoàn người vẫn cố gắng trong tuyệt vọng để đẩy con tàu. Nhưng bất lực ! Hoàn toàn bất lực ! Mọi người đã kiệt sức vì đói lạnh, da thịt mọi người đã thâm tím đi vì lạnh. Tất cả đều buông xuôi leo lại lên tàu phó mặc cho trời. Suốt đêm đạn vẫn nỗ, người tiếp tục chết vì đạn, tiếng kêu khóc vẫn cứ vang lên mỗi khi có người trúng đạn chết. Từ nơi xa xa, có thấp thoáng ánh đèn chiếu sáng từ một hòn đảo khác bên cạnh.


Trời sáng dần, tiếng kẻng buổi sáng phía trong đảo vang lên. Đoàn người tội nghiệp dõi mắt về hướng đảo trông chờ phép lạ. Trên đảo nhộn nhịp hẳn lên, bộ đội chạy tới chạy lui, gia đình thân nhân vợ con của bộ đội cũng chạy ra đứng nhìn con tàu nghiêng ngả. Đàn bà, con nít trên tàu được cho lên mui tàu hướng về trong đảo quỳ lạy xin được cứu giúp. Tiếng kêu khóc vang dội trời xanh, những con người Việt Nam khốn khổ đang quỳ lạy những con người Việt Nam khác ngừng tay bắn giết đồng bào mình. Lịch sử Việt Nam từ bao nhiêu ngàn năm nay chưa bao giờ có những trang sử ô nhục như thế này. Ô kìa ... phép lạ xảy ra, có bóng của những bàn tay vẫy phất như báo cho thuyền nhân biết là họ có thể vào bờ được rồi, những cái vẫy tay mời gọi từ phía trong đảo đã làm mọi người như sống lại. Ưu tiên cho đàn bà và con nít vào trước, dây thừng được lấy ra quấn chặt vào mình, cùng với sự giúp sức của vài thanh niên, sợi dây thừng dài được nối từ con tàu vào thân của những người xuống tàu lôi vào bờ. Đoàn người rời con tàu xa dần dần tiến vào bờ, dây thừng vẫn được quấn chặt vào người, cách bờ chừng 100 mét nhưng vẫn chưa thấy người từ trên bờ ra cứu giúp. Bỗng nhiên súng lại nổ. Trời ơi ! súng nổ nhắm vào những người đang quấn chặt dây thừng ngang mình để vào bờ, thế là chỉ còn có chờ chết mà thôi, làm sao mà có thể chạy thoát được khi sợi dây oan nghiệt đang trói mọi người lại với nhau. Không một ai sống sót qua trò chơi man rợ của lũ người không tim trên đảo. Tiếng kêu gào thảm thiết lại vang lên của những người chồng, người cha, khi nhìn thấy cảnh vợ con mình bị bắn giết vô cùng man rợ như trên. Đàn bà con nít lại được đưa lên mui tàu chấp tay hướng vào đảo mà van lạy xin được buông tha, đáp ứng lại những lời van xin thảm thiết này là những tràng đàn nổ tiếp theo, bóng người đàn bà với tư thế hai tay chấp vào nhau vì đang quỳ lạy ngã chúi xuống biển từ trên mui tàu, cùng lúc với các em trẻ bật ngửa ra sau giẫy chết vì trúng đạn. Tàn bạo, man rợ, không thể nào tả hết.

Nắng đã lên cao, từ trong đảo bóng dáng bộ đội cộng sản chạy lại ụ súng được mọi người trên tàu nhìn thấy rõ mồn một. Tấm phông che súng được kéo xuống, nòng súng được hạ xuống. Trời ơi ! ... Một cây súng pháo với nòng súng dài có đến 10 thước đang hiện ra trước mắt mọi người trên tàu. Kinh hãi ... Hỗn loạn trên tàu đã diễn ra, chỉ cần một trái đạn pháo từ khẩu súng đó mà trúng vào con tàu thì tất cả chỉ còn là tro bụi. Cầu nguyện, và dọn mình chờ chết, vì sẽ không còn ai sống sót sau khi trái đạn được khai hoả bắn trực xạ vào một mục tiêu cố định là con tàu. Nhưng không, tấm phông đã được kéo lại che đậy khẩu súng, nòng súng đã được nâng lên cao, không còn ở vị trí sẵn sàng nhả đạn nữa Bóng dáng bộ đội lại chạy nhốn nháo, và họ đang lấp ráp chân « đế » của cây súng cối. Dã man, tàn bạo, bộ đội cộng sản Việt Nam vì tiếc một quả đạn súng pháo lớn, nên thay vào đó là đạn súng pháo nhỏ hơn, và gió là trò chơi giết người của họ.

Ầm ... quả đạn đầu tiên được bắn ra rớt xuống biển cách con tàu chừng vài thước, mọi người chưa kịp hoàn hồn thì. Ầm ... quả đạn thứ hai rớt chính xác ngay mũi tàu, thịt xương văng tung tóe, máu đổ chan hoà, cùng lúc với hàng loạt đạn lớn nhỏ vang rền khắp nơi, tay chân, máu thịt, vung vãi ở khắp mọi nơi trên tàu, con người lăn lộn, vật vã với vết thương, khung cảnh của địa ngục trần gian đang phơi bày trước mắt tôi. Sau tiếng thét đau thương, hãi hùng của người phụ nữ nằm bên cạnh tôi. Tôi vùng dậy, nhoài mình phóng ra khỏi con tàu, một ngọn sóng cuốn tôi ra xa cùng lúc với một trái đạn khác rớt ngay giữa thân tàu, con tàu gẫy đôi và chìm xuống biển. Tất cả sự kiện xảy ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, sau khi tiếng kẻng buổi sáng trên đảo vang lên.

Chung quanh tôi xác người chết trôi vất vưởng khắp nơi, những người còn sống sót thì vẫn phải đang lặn hụp với từng cơn sóng biển, và từ trong bờ đảo những tên bộ đội khát máu vẫn giương súng nhắm bắn vào những người sống sót, rất may là nhờ sóng biển nhồi lên hụp xuống mà cái đầu tôi là một mục tiêu khó nhắm đích của những kẻ sát nhân, có người đang cố gắng bơi ra xa khỏi tầm đạn, nhưng nửa chừng thì tôi bỗng thấy nằm bất động trôi vật vờ trên biển, tôi biết rằng họ đã trúng đạn hoặc chết vì vết thương quá nặng. Thuỷ triều đã lên cao, sóng biển không còn đánh mạnh nữa, và cũng chính vì vậy mà những người sống sót khó tránh khỏi tầm ngắm của lũ sát nhân. Tất cả đã vĩnh viễn ra đi, tôi cũng đã trôi ra xa khỏi tầm đạn và đang nằm chơi vơi giữa đại dương bao la, khung cảnh hoàn toàn im lặng đến rợn người. Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện, nghĩ đến gia đình đang còn ở lại đất liền xa xôi, chỉ trong chốc lát nữa thôi những con cá mập sẽ kéo tới và tôi sẽ chết vì bị cá mập ăn. Nghĩ tới cá mập, tôi hoảng sợ mở mắt ra. Và kìa, từ hướng xa tôi nhìn thấy một chiếc thuyền câu đang trôi về hướng tôi. Thoạt đầu, tôi cứ tưởng bộ đội công sản Việt Nam hạ quyết tâm đuổi tận, giết tuyệt, nên không dám bơi lại gần. Nhưng nhìn kỹ lại thì tôi nhận ra trên chiếc thuyền đó hoàn toàn im lặng, không có một sự di động của bất cứ người nào trên thuyền, tôi hơi vững tâm và cố gắng bơi lại gần thuyền. Nắm được be thuyền và leo lên thì tôi trông thấy có người trên thuyền, nhưng mọi người đang nằm ở tư thế ẩn nấp. Thấy tôi leo lên thuyền họ bèn quay lại sụp lạy tôi và xin tha mạng, tôi không có thời giờ giải thích gì cả, bật ngửa ra nằm bất động trên sàn tàu. Sau khi đã hoàn hồn và hỏi chuyện nhau thì tôi mới vỡ lẽ ra họ cũng trôi dạt vào đây và cũng bị bắn như chúng tôi. Thuyền của họ xuất phát từ Phước Tỉnh, Bà Rịa, trên tàu gồm 13 người gồm 11 người đàn ông và 2 đứa trẻ, bé chị vào khoảng 9 tuổi, cậu em khoảng 6 tuổi. Ba của 2 em bé này đã bị bắn vỡ đầu nằm chết ở phía mũi thuyền, một thanh niên khác bị bắn nát mất phần vai 2 bên, 2 cánh tay chỉ còn dính liền bởi phần da còn lại trên vai, đang nằm thôi thóp thở dưới hầm máy, tình trạng cho thấy là anh này sẽ khó thoát chết do vết thương quá nặng. Trong khi con thuyền đang trôi vật vờ như thế thì cũng có được 4 người khác từ chiếc tàu bị bắn chìm trước đó thoát chết, leo lên được con thuyền mà chúng tôi đang có mặt. Như vậy là tổng cộng số người thoát chết của 2 chiếc thuyền là 16 người, con số trên 130 người đã bị bắn chết vùi thây dưới lòng biển lạnh.

Con thuyền cứ tiếp tục trôi vật vờ trên biển, nhưng càng lúc càng rời xa khu vực nguy hiểm, lúc này đã vào khoảng 10 giờ sáng, nhìn sang bên trái của con thuyền, chúng tôi nhìn thấy một hòn đảo khác cách chúng tôi không xa lắm. Nghĩa là con thuyền của chúng tôi đang nằm giữa vị trí của 2 hòn đảo. Hòn đảo này tôi đoán có lẽ là hòn đảo mà chúng tôi đã thấy thấp thoáng ánh đèn từ đêm hôm trước, đêm hôm bị bộ đội cộng sản Việt Nam tàn sát. Chúng tôi quyết định phải rời xa 2 hòn đảo này càng sớm càng tốt nếu còn muốn sống. (Đây là một quyết định sai lầm mà chúng tôi đã phải trả giá rất đắt, sẽ được nói đến ở đoạn sau) chúng tôi dùng mái chèo cố gắng chèo con thuyền ra khơi, vì bình xăng của con thuyền đã bị bắn vỡ chảy hết dầu. Gió đã đổi chiều, thổi con tàu tội nghiệp của chúng tôi trôi vào cõi vô định. Con thuyền này dài chừng 6 thước, rộng gần 2 thước, loại thuyền dùng để đi câu ven bờ biển chứ không thể đi xa hơn. Vậy mà nó cũng đã chở 13 con người vượt được hàng trăm hải lý để đến nơi đây cùng chung số phận như chúng tôi.

Chiều xuống dần, không gian yên tĩnh, không có một bóng dáng của bất cứ một con tàu nào khác ngoài con thuyền của chúng tôi lạc lõng giữa đại dương. Tối đến, chúng tôi phát giác ra một chuyện chết người khác, con thuyền đang bị vô nước từ phía dưới lườn tàu, thế là chúng tôi tìm cách chặn nước không cho tràn vào, và cử người canh chừng để tát nước liên tục. Cứ 2 người cho mỗi phiên trực tát nước, số phận của 16 người sống sót trên con thuyền này sẽ tuỳ thuộc vào 2 người có nhiệm vụ tát nước ra khỏi tàu, nếu chẳng may họ buồn ngủ, hoặc mệt quá mà chểnh mảng thì con thuyền sẽ chìm và mọi người cũng sẽ chìm theo con thuyền, nhưng biết làm sao hơn đây ! khi mà tất cả mọi người ai cũng còn mang nét mặt kinh hoàng vì mới vừa phải trải qua một biến cố quá đau thương và ... phó mặc mọi việc cho Thượng Đế. Một đêm kinh hoàng trôi qua, người sống phải sống cùng xác chết trên một diện tích vô cùng chật hẹp của con thuyền, vấn đề vệ sinh chung đã được đặt ra, là phải giải quyết cái xác chết vẫn còn ở trước mũi thuyền. Thật là tội nghiệp cho 2 đứa trẻ, chúng kêu khóc thảm thiết không cho thuỷ táng người cha thân yêu của mình. Chúng tôi cũng đành phải chiều lòng của 2 em, nhưng sang đến ngày thứ 3 thì chúng tôi phải giấu 2 em mà thuỷ táng người quá cố để bảo vệ sức khoẻ cho những người còn lại. Sau này biết được các em đã lăn lộn khóc lóc vô cùng bi thảm, chúng tôi chỉ còn biết rớt nước mắt dỗ dành 2 em. Tình trạng của anh thanh niên bị thương dưới hầm tàu đã trở nên tồi tệ hơn vì không có thuốc men chạy chữa, vết thương đã thối rữa, biết là anh cũng sẽ không qua khỏi, tối ngày thứ ba, sau khi thuỷ táng người đàn ông ba của hai đứa trẻ, chúng tôi quyết định nấu cho anh chút cháo trộn với đường cát như là bữa ăn tối cuối cùng trước khi ra đi, tôi là người đã đút cháo cho anh ăn, suốt bữa ăn anh cứ liên tục kêu cứu cầu sống, tôi chỉ còn biết gạt lệ an ủi với anh là cố gắng chút cháo, rồi mọi người sẽ được cứu sống. Sáng hôm sau, chúng tôi thấy anh đã nhắm mắt lìa đời, thân thể anh tái xanh vì đã không còn máu. Chúng tôi cũng đã thuỷ táng anh và cầu nguyện cho linh hồn anh sớm được siêu thoát.

Đã hơn một tuần lễ lênh đênh trên biển, có một điều thật lạ lùng là chúng tôi không hề nhìn thấy bất cứ một thương thuyền nào qua lại vùng biển này cả. Không lẽ chúng tôi đã lạc vào một vùng biển chết ? Lương thực còn được mấy kí gạo sau ngày bị bắn dùng để nấu cháo cầm hơi cũng đã hết, nước uống thì đã hết từ trưa, cơn đói khát đang đốt cháy ruột gan mọi người. Một ngày đói khát đã bắt đầu và sẽ còn tiếp tục không biết kéo dài đến bao lâu. Cầu nguyện, chỉ còn có biết cầu nguyện thôi, tất cả mọi việc đều đã được sắp đặt và an bài do Thượng Đế, con người đã trở thành vô cùng nhỏ bé trước thiên nhiên, vũ trụ.

Lại một ngày đói khát nữa, cái khát làm cho da thịt như muốn bốc khói, môi nứt nẻ, đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi thức ăn, nước uống. Tội nghiệp hai đứa trẻ, suốt ngày chúng cứ nói đến miếng ăn mà trước đây mẹ chúng làm cho chúng ăn, hoặc thứ nước uống mà chúng thích. Mọi người như mê loạn đi vì đói và khát. Dường như lời cầu nguyện của chúng tôi đã thấu tới trời xanh. Chiều hôm đó, trời đổ cơn mưa, những hạt mưa như những nước cam lồ trong chuyện thần tiên, tưới mát thân thể chúng tôi, chúng tôi say sưa ngửa mặt lên trời hứng lấy nước mưa mà uống, lấy thêm “can nhựa” trên tàu hứng lấy nước mưa dự trữ. Nhưng trời mưa lại dẫn đến một vấn đề khác. Thuyền ngập nước, thế là mọi người xúm vào tát nước cho thuyền khỏi chìm, rất may là cơn mưa không kéo dài, và còn may hơn nữa là từ đó cho đến ngày được cứu, cứ vài ngày lại có một cơn mưa ngắn giúp chúng tôi có đủ nước uống. Vấn đề nước uống đã được giải quyết, nhưng còn thức ăn ? Chúng tôi đã không còn được bất cứ một thứ gì để có thể ăn được. Cơn đói cứ dày vò, ám ảnh chúng tôi liên tục, người chúng tôi đã teo lại chỉ còn lớp da bọc lấy xương, hay nói cho đúng hơn là những bộ xương biết bò, vì chúng tôi không thể nào đứng vững được nữa. Một hôm tôi bò xuống hầm máy để cố gắng kiếm thử xem còn gì có thể ăn được không, tôi trông thấy một chai “ xá xị “ mới nhìn tôi cứ tưởng đó là một chai đựng dầu nhớt gì đó của mấy người thợ máy bỏ quên, nhưng tôi cứ cầm lên và ngửi thử. Một mùi thơm ngào ngạt bốc thẳng vào óc tôi, khứu giác tôi dường như mở ra tối đa để hít lấy mùi thơm đó. Mùi thơm của mỡ heo, đúng vậy, chai xá xị kia là một chai dùng để đựng mỡ heo dành để chiên đồ ăn của các ngư phủ. Tôi thọc ngón tay vào miệng chai và đưa lên miệng mút. Trời ạ ! Thật là một thứ cao lương mỹ vị mà tôi chưa hề được thưởng thức qua bao giờ, tôi cứ mút lấy mút để cái thứ nước sền sệt nhưng vô cùng tuyệt hảo đó. Chợt nhớ lại những người ở trên, đặc biệt là hai đứa trẻ, tôi bò trở lên với chai xá xị, không ai còn để ý đến tôi vì mọi người đều đã nằm liệt. Tôi bò đến hai đứa trẻ, thò ngón tay tôi móc một ít mỡ heo nhét vào miệng các em, như là một liều thuốc tiên các em bừng tỉnh lại, tôi ra dấu cho các em cứ bình tĩnh mà mút mỡ heo, nhắm chừng các em đã dần dần có chút sinh lực trở lại, tôi trút một ít mỡ heo vào cái chén nhựa cho các em, còn lại tôi dùng một chiếc đũa thọt vào chai xá xị có mỡ heo và kêu mọi người lại mút lấy chiếc đũa thần kỳ diệu. Nhờ có chai xá xị mỡ heo mà chúng tôi có được một bữa tiệc sang trọng nhất trong đời. Và cũng nhờ chút mỡ heo tuyệt vời đó mà em bé trai có chút sinh lực ngồi nghịch phá cái máy radio nhỏ xíu bất khiển dụng, cái radio bị vỡ lòi ra mấy sợi dây kẽm nhỏ, một bác lớn tuổi trên thuyền có sáng kiến uốn mấy sợi kẽm nhỏ đó thành những cái móc câu, dùng cước cột các móc câu đó lại, cạy các con ốc nhỏ bám theo be thuyền làm mồi. Kết quả thật bất ngờ khích lệ, buổi đầu tiên bác câu được hai con cá lớn độ bằng bàn tay người lớn. Cái cột buồm vô dụng được bác ấy chẻ ra từng miếng nhỏ dùng để nhóm bếp. Cũng may là trên thuyền còn có được cái hộp quẹt còn sử dụng được. Hai con cá được bác nướng lên chia đều cho mỗi người. Từ đó chúng tôi được chia ra làm công việc chẻ cột buồm để giữ lửa, bác ấy làm công việc câu cá. Ngày nào có được vài con cá thì bác chia đều cho mỗi người được một miếng bằng hai ngón tay, ngày nào không câu được thì mọi người nhịn đói uống nước mưa cho qua cơn đói.

Chúng tôi đã trôi trên biển 20 ngày qua rồi, nhưng vẫn không nhìn thấy bóng dáng của một chiếc thương thuyền nào, mỗi khi chiều xuống tôi thường bò lên trước mũi thuyền nằm trông ngóng bóng dáng một con thuyền. Nằm nhìn những con chim hải âu săn mồi trên biển mà lòng tôi tan nát, không ngờ rằng cuộc đời của mình lại kết thúc trong bi thảm như thế này. Sợ nhất là mỗi khi chiều về, màn đêm chuẩn bị buông xuống, chung quanh là một màu tối đen, không khí chết chóc cứ như lẩn quẩn đâu đây. Hoặc những khi trời nổi cơn giông, từng lượn sóng cao như mái nhà bốc con thuyền lên cao, rồi nhận con thuyền xuống đáy, rồi lại bốc lên, cứ như thế kéo dài hàng mấy giờ đồng hồ liền khiến chúng tôi vô cùng sợ hãi. Tình trạng cô đơn giữa đại dương bao la kéo dài cho đến tuần lễ thứ ba thì chúng tôi nhìn thấy con tàu đầu tiên. Thật là không còn gì để diễn tả được nỗi vui mừng của chúng tôi, chúng tôi reo mừng, reo la cầu cứu, vì nghĩ rằng chắc chắn là mình sẽ được cứu. Nhưng, ô kìa ! Chiếc thương thuyền vẫn lạnh lùng rẽ nước phăng phăng chẳng buồn ngó đến chúng tôi, mặc dù khoảng cách của đôi bên quá gần, gần đến nỗi chúng tôi có thể nhìn thấy thuỷ thủ trên chiếc tàu buôn đang tập trung trên bong tàu để nhìn chúng tôi. Con tàu khuất dạng ở chân trời, chúng tôi ngỡ ngàng, hụt hẫng, sao lại có chuyện lạ lùng như vậy ? Sao lại có những người vô lương tâm đến như vậy ? Thấy người sắp chết sao không cứu ? Ngần ấy câu hỏi cứ quay trong đầu tôi cho tôi đến khi tôi lịm người đi vì mệt mỏi và thất vọng.

Lại có thêm bóng dáng một chiếc tàu buôn từ đàng xa, như được tăng thêm sức, tôi cùng vài người khác vùng dậy trèo lên mui ra dấu cầu cứu, và cũng như chiếc tàu thứ nhất, họ lạnh lùng bỏ đi mặc cho chúng tôi kêu gào đến kiệt sức. Từ đó trở đi, mỗi ngày chúng tôi nhìn thấy hàng chục chiếc tàu buôn qua lại trong vùng nhưng không một chiếc nào chịu cứu vớt chúng tôi. Thậm chí, có ngày chúng tôi còn nhìn thấy hạm đội của Mỹ đang thao dượt trên biển với máy bay phản lực lên xuống trên các chiến hạm. Từ dữ kiện này, tôi đoán là chúng tôi đang ở đâu đó trong vùng vịnh Philipines. Chiều ngày thứ 30 trên biển, chúng tôi tuyệt vọng trong mòn mỏi, không còn hơi sức để kêu cứu nữa, mặc cho các tàu buôn vẫn qua lại nhìn chúng tôi sắp chết. Tôi nằm xoải trên mui con thuyền đưa mắt hững hờ nhìn chiếc tàu buôn mang hàng chữ Nhật chở đầy những cây gỗ với đường kính hai người ôm, chiếc tàu buôn đó, cũng như những chiếc khác trước đây, cũng lạnh lùng băng qua trước mặt chúng tôi mà đi thẳng, tôi cũng chẳng buồn ngó theo làm chi vì quá chán ngán với thế thái nhân tình. Khoảng độ hai tiếng đồng hồ sau, tôi đang nằm nhìn mặt trời xuống dần thì bỗng giật mình vì tiếng còi hụ ngân dài, tiếng còi hụ giữa biển khơi nghe vang dội, tôi nhổm mình dậy nhìn thì trông thấy từ đàng xa chiếc tàu buôn chở gỗ mà tôi nhìn thấy từ chiều đang tiến về hướng chúng tôi. Và ...& ... Trời ạ ! Thuỷ thủ trên tàu đang nhộn nhịp với dây thừng và phao cấp cứu, và quan trọng hơn nữa là nó đang giảm dần tốc độ để lựa thế lại gần thuyền chúng tôi mà tàu chúng tôi không bị lật do sóng vỗ. Dùng thân tàu to lớn như ngọn núi, chiếc tàu buôn chận lại các ngọn sóng đang vỗ về phía tàu chúng tôi như một bà mẹ đang bảo vệ đứa con bé bỏng của mình, các thuỷ thủ đang cố gắng quăng các sợi dây thừng sang phía chúng tôi. Họ đã cứu chúng tôi, sau khi đã cột được dây thừng vào thuyền chúng tôi, họ đã kéo được con thuyền cập sát hông chiếc tàu buôn, chiếc thang dây được buông xuống, chúng tôi từng người một dưới sự phụ giúp của các thuỷ thủ trên chiếc tàu buôn, chúng tôi đã lần lượt lên được chiếc tàu buôn an toàn. Leo lên được bong tàu chúng tôi ngã sóng soài xuống và nằm im không cử động gì được nữa, vì tất cả sinh lực còn lại đã được dồn lại cho việc leo lên chiếc tàu buôn to lớn kia sau gần hai tiếng đồng hồ cố gắng thực hiện.

Con tàu nhỏ bé tội nghiệp của chúng tôi được kéo theo sau chiếc tàu buôn, nhưng sau đó có lẽ vì lý do an toàn đã được cắt bỏ, nhìn chiếc thuyền bé nhỏ tội nghiệp đã cưu mang chúng tôi một tháng trời ròng rã trên biển đang từ từ chìm xuống biển, chúng tôi không hẹn mà ai cũng bật lên tiếng khóc chào vĩnh biệt con thuyền.

Tối đến, chúng tôi được cho uống nước mát ướp lạnh, một loại nước uống thông dụng của người Đại Hàn có pha đường. Thật là một cảm giác khó tả, khi cầm ly nước trong tay nhưng chưa uống được vì quá vui mừng vì đã được cứu sống, tất cả xảy ra như trong một giấc mơ. Sáng hôm sau chúng tôi được cho ăn cháo loãng với nước tương (xì dầu) chúng tôi ăn như chưa bao giờ được ăn. Nhưng vì sợ chúng tôi bị bội thực, thuỷ thủ trên tàu đã không cho chúng tôi ăn nhiều, vậy mà cũng có người sau khi ăn xong bèn quay qua ói xối xả vì bội thực. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là một chiếc tàu chở mướn của một công ty hàng hải Nhật Bản với thuỷ thủ đoàn và Thuyền Trưởng là người Đại Hàn, chiếc thuyền đang trên đường chở gỗ từ Pakistan về Okinawa, một hòn đảo nằm về phía cực Nam nước Nhật. Viên Hoa Tiêu cho chúng tôi biết diễn biến của sự việc như sau : Lúc chiều (là lúc mà tôi nhìn thấy chiếc thuyền) ông ta đã thấy con thuyền của chúng tôi và đã báo cáo lên Thuyền Trưởng xin phép được tiếp cứu, nhưng viên Thuyền Trưởng cho biết là ông ta không được phép làm vậy, nếu không tất cả nhân viên kể cả ông sẽ bị mất việc và gặp rắc rối, vì vậy mà chiếc tàu vẫn tiếp tục hải trình như tôi đã thấy. Tuy nhiên, viên hoa tiêu vẫn cứ tiếp tục van nài Thuyền Trưởng với lý do là sẵn sàng bị mất việc, chứ thấy người sắp chết mà không cứu là không được. Hơn nữa, theo tin tức khí tượng cho biết thì tối nay bão sẽ kéo tới và chắc chắn rằng con thuyền vượt biên sẽ bị nhận chìm xuống biển. Viên Thuyền Trưởng đã khóc và chấp nhận vớt chúng tôi. Vị trí mà chiếc tàu buôn đã cứu chúng tôi nằm cách đảo Lữ Tống (Luzon) của Philippines khoảng 60 cây số. Và nếu chúng tôi có sống sót qua cơn bão này thì chúng tôi sẽ trôi ra tới Ấn Độ Dương, vì gió đã đổi chiều và chúng tôi sẽ khó có cơ hội được cứu thoát vì đó không phải là hải trình của tàu buôn.

Chúng tôi cũng đã tường thuật lại chuyến vượt biên kinh hoàng của chúng tôi cho Thuyền Trưởng và toàn thể thuỷ thủ trên tàu được biết. Sau khi nghe chúng tôi tường thuật, Thuyền Trưởng đã đánh điện vào đất liền thông báo cấp tốc, vì trước đó qua tin tức ông cũng đã biết được chuyến vượt biên kinh hoàng này do những người sống sót trước đó tường thuật lại. Số là trong cái đêm kinh hoàng gió, khi chúng tôi bị bộ đội cộng sản Việt Nam tàn sát dã man, thì có 8 người đàn ông nhìn thấy có ánh đèn trên một hòn đảo ở từ phía xa, cách nơi chiếc thuyền bị nạn chừng vài hải lý, nên thay vì ở lại chờ chết, họ đã lặng lẽ dùng các can nhựa có trên tàu để bơi về phía hòn đảo có ánh đèn đó để tìm sinh lộ. Họ đã tìm đúng sinh lộ, vì đó là hòn đảo thuộc chủ quyền của Philippines. Họ được cứu và đưa về đất liền ngay đêm hôm đó. Đêm đó, quân trú phòng trên đảo được lệnh báo động và sẵn sàng để cứu vớt các thuyền nhân mắc nạn, họ cho biết là có nghe tiếng súng nổ suốt đêm, và súng pháo kích sáng hôm đó, nhưng không thể làm gì khác hơn được là đứng nhìn, vì hòn đảo đang diễn ra cuộc tàn sát thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tóm lại, trong khi chúng tôi vẫn còn đang lênh đênh trên biển đúng một tháng, thì đã có 8 người trên chiếc “ghe ông Cộ” đã được cứu thoát do bơi sang đảo Phi.

Nhận được tin từ vị Thuyền Trưởng, Bộ Nội Vụ Nhật Bản đã đồng ý cho chúng tôi cập bến Okinawa, Thuyền Trưởng hoan hỷ loan báo tin này cho chúng tôi biết và chúc mừng chúng tôi thoát nạn. Ba ngày sau, chúng tôi cập bến hải cảng Okinawa. Người đầu tiên bước lên tàu để đón chúng tôi là một thông dịch viên tiếng Nhật, anh tên là Nguyễn Gia Hùng, một sinh viên du học tại Nhật Bản trước năm 1975, hiện đang phụ giúp với hội Caritas Nhật lo giúp đỡ những thuyền nhân Việt Nam đang tị nạn tại Nhật Bản. Chúng tôi đã vô cùng xúc động vì nghĩ mình đã được tái sinh lần thứ hai. Chúng tôi bịn rịn bắt tay từ giã các vị ân nhân cứu mạng mình để lên đất liền làm thủ tục tị nạn, những người này cũng đã khóc khi tiễn chúng tôi bước xuống cầu tàu. Bước xuống tàu, chúng tôi đã nhìn thấy một rừng phóng viên báo chí, các hãng thông tấn thế giới đang chờ sẵn để lấy tin tức, một cuộc họp báo đã được tổ chức liền tại chỗ dưới sự hướng dẫn và thông dịch của các anh thuộc tổ chức Người Việt Tự Do tại Nhật Bản. Sau gió chúng tôi lên xe bus về trại tị nạn tại quận Motobucho, một trại tị nạn dành cho người Việt tị nạn được coi là lớn nhất nước Nhật với vỏn vẹn chừng 300 người Việt hiện đang tạm trú để chờ các quốc gia đệ tam nhận đi định cư. Ngày hôm sau, tất cả các báo chí, đài truyền hình Nhật Bản đều cho chạy đi bản tin đầu với hình ảnh và tin tức về chuyến vượt biển kinh hoàng do tội ác cộng sản gây nên, và 30 ngày đói khát lênh đênh trên mặt biển của chúng tôi. Cầm trên tay tờ báo, nhìn vào hình ảnh của chính mình, tôi đã rúng động không còn nhìn ra được mình nữa, thay vào đó là một bộ xương với hộp sọ nhô cao lên. Đôi dòng lệ đã âm thầm chảy xuống vì hạnh phúc. Tôi biết mình đã thực sự sống sót.

Chủ nghĩa cộng sản đã là một thảm hoạ của nhân loại, kể từ khi thứ chủ nghĩa này xuất hiện trên thế giới, nó đã giết chết không biết là bao nhiêu nạn nhân vô tội. Cuộc vượt biển tìm tự do đầy bi thảm và kinh hoàng của tôi cũng chỉ là một sự đóng góp vào kho tàng tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Điều đáng quan tâm là hiện nay đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chìm đắm dưới sự độc tài, toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có một con đường duy nhất là phải chấm dứt cái chế độ man rợ này, không thể nào nói chuyện hoà hợp hoà giải với những con người với đầu óc chai cứng vì đặc quyền, đặc lợi, mà họ đang thụ hưởng trên từng thân xác của những con người Việt Nam bất hạnh.


Nguyễn Nhân Chứng



TÂN SƠN NHẤT = VIỆT CỘNG =TIẾN SĨ MA

TÂN SƠN NHẤT TỆ NHẤT!



Tân Sơn Nhất tệ nhất thế giới
Thanh Niên 20/10/2015 05:06
    Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lại một lần nữa lọt vào nhóm 10 sân bay tệ nhất châu Á và lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới với vị trí thứ 8.

Hạ tầng dịch vụ kém là lý do chính khiến Tân Sơn Nhất bị xếp hạng tệ nhất –
Ảnh: D.Đ.Minh
Khảo sát sân bay thế giới tệ nhất 2015 của trang mạng chuyên xếp hạng sân bay khắp thế giới Sleepingin Airports vừa công bố cho biết, trong danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới có một đại diện của VN là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, xếp vị trí thứ 8.
Cáo buộc nhũng nhiễu
Bình luận về Tân Sơn Nhất, trang mạng này viết: “Tân Sơn Nhất xấu đi rất nhiều trong mắt hành khách trong những năm qua bởi những cáo buộc về nhũng nhiễu. Nhiều người tham gia khảo sát cho biết cán bộ xin hối lộ để được giải quyết nhanh hơn; những ai từ chối hối lộ ngay lập tức bị xử lý chậm chạp hoặc làm trì hoãn một số thủ tục giấy tờ của hành khách. Một số than phiền khác về tín hiệu wifi nghèo nàn, nhà vệ sinh dơ bẩn và không nhiều lựa chọn nhà hàng. Nếu đến sân bay này, bạn chắc chắn phải giấu đi những vật có giá trị”.
http://static.thanhnien.com.vn/publishingimages/img-thanhnien/quote1.gif?width=500
Quan điểm của Bộ GTVT là cho dù phản ánh của một hành khách thì cũng phải tìm cách khắc phục. Trong khi, đây có thể là phàn nàn của rất nhiều hành khách
http://static.thanhnien.com.vn/publishingimages/img-thanhnien/quote2.gif?width=500
Ông Lại Xuân Thanh,  
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng VN
Hằng năm, SleepinginAirports tiến hành một cuộc khảo sát dựa trên bình chọn của du khách về những trải nghiệm ở sân bay mà họ từng đi qua về dịch vụ và cơ sở vật chất, sự sạch sẽ, thoải mái và kinh nghiệm tổng thể. Những sân bay tệ nhất thế giới là những sân bay nhận được nhiều phiếu bầu tiêu cực nhất trong năm qua. Đây là những sân bay dơ bẩn, nhân viên phục vụ không thân thiện và dịch vụ thiếu những điều cơ bản nhất, không tiện nghi.
Trong danh sách bình chọn 10 sân bay tệ nhất châu Á, Tân Sơn Nhất xếp ở vị trí thứ 4. Như vậy, so với những sân bay tệ nhất bình chọn hồi năm ngoái, sân bay Nội Bài đã thoát ra khỏi danh sách.
Tổ chức họp khẩn
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt, cho rằng TP.HCM luôn là điểm đến chính của du khách quốc tế, khi có hơn 60% lượng khách nước ngoài vào VN qua sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay là nơi mà du khách lần đầu đến một quốc gia và cũng là điểm đến cuối cùng trong hành trình, nên luôn để lại nhiều ấn tượng. “Trong nhiều lần từ nước ngoài về VN qua sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi phải di chuyển vào nhà ga bằng xe buýt thay vì đường ống tiện nghi. Nhiều khi vợ chồng vừa mang hành lý xách tay, vừa ôm con nhỏ rất bất tiện và mệt mỏi vì phải bay một chặng đường dài. Chưa kể, khi ra khỏi sân bay phải trầy trật trong việc đón taxi”, ông Long phàn nàn.
Người phụ trách chuyến bay của một hãng hàng không quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất (đề nghị không nêu tên) đồng tình với phản ánh của ông Long là hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất thiếu đường ống đưa khách vào và ra nhà ga. Đặc biệt, sau khi khách lấy hành lý ở băng chuyền để ra ngoài phải qua máy soi chiếu hải quan. Nhiều người mang nhiều hành lý phải khệ nệ khuân xuống máy soi chiếu rồi khuân lên lại xe đẩy rất cực khổ.
Giám đốc bộ phận sân bay của một hãng hàng không nước ngoài tại TP.HCM thừa nhận, những phản ánh của SleepinginAirports là đúng. “Nhiều năm qua Hiệp hội Các hãng hàng không nước ngoài ở TP.HCM liên tục phản ánh tình trạng wifi chập chờn nhưng không được cải thiện. Nhà vệ sinh trong sân bay được dọn dẹp thường xuyên nhưng khử mùi kém nên hôi; xe cộ ở cả ga đi và đến lộn xộn; cách bố trí các đơn vị chức năng trong sân bay không phù hợp, như soi chiếu hải quan trước lúc vào bên trong nhà ga chỉ có hai máy, nên liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ, khiến khách khó chịu vì chờ lâu...”, vị này bức xúc.
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng VN cho biết ngay trong chiều 20.10, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cảng vụ miền Nam - đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - sẽ có cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị phục vụ trong sân bay để xem xét tất cả những vấn đề tiêu cực được nêu trong bảng xếp hạng của SleepinginAirports. “Quan điểm của Bộ GTVT là cho dù phản ánh của một hành khách thì cũng phải tìm cách khắc phục. Trong khi, đây có thể là phàn nàn của rất nhiều hành khách. Chúng tôi chắc chắn sẽ rà soát và có biện pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới”, ông Thanh phát biểu.
Trở nên kém hơn
Trong danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á hồi năm ngoái, Tân Sơn Nhất xếp ở vị trí thứ 8, còn Nội Bài xếp ở vị trí thứ 5. Năm nay, Nội Bài không còn trong danh sách này nữa, nhưng Tân Sơn Nhất lại thăng hạng lên vị trí thứ 4.
Danh sách 10 sân bay quốc tế tốt nhất thế giới 2015 có Changi, Singapore; Incheon, Hàn Quốc; Tokyo Haneda, Nhật Bản; Taipei Taoyuan, Đài Loan; Hồng Kông; Munich, Đức; Helsinki, Phần Lan; Vancouver, Canada; Kuala Lumpur, Malaysia; Zurich Kloten, Thụy Sĩ. Trong danh sách top 30 sân bay tốt nhất châu Á có 2 đại diện của VN là Nội Bài (vị trí 28) và Đà Nẵng (23).
Danh sách 10 sân bay quốc tế tệ nhất châu Á 2015 lần lượt gồm Kathmandu Tribhuvan, Nepal; Tashkent, Uzbekistan; Kabul Hamid Karzai, Afghanistan; Tân Sơn Nhất; Islamabad Benazir Bhutto, Pakistan; Guangzhou Baiyun, Trung Quốc; Chennai (Madras), Ấn Độ; Manila Ninoy Aquino, Philippines; Dhaka Shahjalal, Bangladesh; Colombo Bandaranaike, Sri Lanka.
Danh sách 10 sân bay quốc tế tệ nhất thế giới 2015 có Port Harcourt, Nigeria; Jeddah King Abdulaz, Saudi Arabia; Kathmandu Tribhuvan, Nepal; Tashkent, Uzbekistan; Caracas Simón Bolívar, Venezuela; Port au Prince Toussaint Louverture, Haiti; Kabul Hamid Karzai, Afghanistan; Tân Sơn Nhất; Islamabad Benazir Bhutto, Pakistan; Paris Beauvais-Tille, Paris, Pháp.
Như vậy, có thể thấy, ở khu vực Đông Nam Á chỉ duy nhất có một đại diện VN trong danh sách.
N.Trần Tâm

" src="http://c1.f33.img.vnecdn.net/2015/10/16/1-1444963553_660x0.png" data-reference-id="23066976" id="vne_slide_image_0" style="cursor: url(http://st.f1.vnecdn.net/responsive/js/utils/slideshow/css/slideshow/images/icons/zoom_cursor.png),auto;" />  
Quần thể 85 ngôi đền tại thị trấn Khajuraho, bang Madhya Pradesh được các triều đại Chandela xây dựng từ giữa năm 950 đến 1050. Tuy nhiên, đến nay ở đây chỉ còn hơn 20 ngôi đền được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986.
Ấn tượng nhất trong số hình được điêu khắc nổi bên ngoài ngôi đền là tượng nam nữ giao hoan với đủ tư thế như trong cuốn sách Kamasutra nổi tiếng, được viết vào thời Ấn Độ cổ đại, giữa thế kỷ thứ 4 TCN và thế kỷ thứ 2.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về sự tồn tại của các bức tượng này. Một số cho rằng kể từ khi các vị vua Chandela đi theo triết lý Tantric đề cao bình quyền nam và nữ, họ đã tạo ra tín ngưỡng của mình trong các ngôi đền được xây dựng.
Các giả thuyết khác lại lý giải, những ngôi đền được coi là nơi tụ tập cũng như thờ phụng, đặc biệt là các tài nghệ, bao gồm cả nghệ thuật làm tình. Một số người tin rằng sự thể hiện các hoạt động tình dục trong đền thờ được coi là điềm tốt vì nó đại diện cho sự khởi đầu và cuộc sống mới.
Việc Ấn Độ giáo có truyền thống coi tình dục là một phần thiết yếu của cuộc sống cũng lý giải các bức tượng nam nữ âu yếm điêu khắc đan xen với các hoạt động khác nhau như cầu nguyện và chiến tranh.
Hiện vẫn chưa có lời giải thích cho việc tại sao các ngôi chùa trang trí công phú lại được xây dựng ở Khajuraho. Sau hàng trăm năm ẩn giấu dưới cánh rừng, những kiệt tác này được đội trưởng Anh TS Burt phát hiện ra năm 1838.
Phụ nữ bản địa thường mang theo hoa tươi và nhang khi đi cầu nguyện. Các tác phẩm điêu khắc phủ mọi bức tường. Ngoài cảnh sinh hoạt tình dục, nội dung của các tác phẩm còn đề cập đến các vị thần, nữ thần, chiến binh, động vật và chim muông.
Không chỉ là kho khảo cổ, ngày nay các ngôi đền ở Khajuraho còn là địa điểm du lịch nổi tiếng Ấn Độ.
<

No comments:

Post a Comment

No comments: