VÕ KỲ ĐIỀN * TRÀ LŨ
Vài nhận xét về bút pháp Trà Lũ Posted: 28/05/2011
Võ Kỳ Điền
Nhà văn Trà Lũ
Tôi quen nhà văn Trà Lũ đâu chừng trên dưới hai mươi năm. Trong khoảng thời gian đó tôi đã nhận được từ nhà văn, tất cả là mười cuốn sách quí được gởi tặng. Lẽ ra tôi phải gọi nhà văn Trà Lũ bằng thầy, bỡi vì tôi xuất thân từ trường Sư Phạm mà nhà văn Trà Lũ đã từng là Giáo Sư dạy ở đó. Lần đầu tiên khi gặp nhau, tôi gọi nhà văn Trà Lũ là thầy với tất cả những gì kính trọng, quí mến. Nhưng mà nhà văn đã không cho tôi xưng hô như vậy và chỉ muốn tôi gọi bằng anh trong tình văn hữu -cung kính bất như tùng mạng, tôi bắt buộc phải nghe theo, từ đó về sau tôi thường gọi nhà văn Trà Lũ bằng anh, tiếng anh thân kính, tuy bên ngoài là anh mà bên trong vẫn là thầy.
Dầu tôi không được may mắn học trực tiếp với thầy Trần Trung Lương ở trường nhưng bù lại được học hỏi rất nhiều những gì thầy đã viết ra trong sách. Hôm nay nhân ngày thầy Trà Lũ ra mắt cuốn thứ mười, tôi xin phép được khoe với quí vị những nét tài hoa của nhà văn Trà Lũ. Mà chắc là tôi không cách gì nói hết được đâu, bỡi vì Trà Lũ viết hay lắm. Quen biết nhà văn Trà Lũ một khoản thời gian khá dài, con người, tánh tình và nếp sinh hoạt của ông, tôi biết được chút ít. Đọc văn thì biết người. Mà đã biết người rồi, thì thấy văn cũng giống y như vậy. Có thể coi Trà Lũ như một người cực kỳ thông minh, dáng vẻ điềm đạm, khéo giao thiệp, dễ hoà mình với mọi người, nhứt là tánh tình giản dị, tươi vui, yêu đời đầy nét duyên dáng, hóm hỉnh. Ông đến với xứ Canada nầy như cá gặp nước vậy. Ông đối với đời đẹp quá và đời đối với ông cũng đẹp nữa.
Cứ nhìn ông giao tiếp với bạn thì biết, cụ Chánh, cụ B.95, ông ODP, ông H.O, ông Từ Hòe, chị ba Biên Hòa, anh John, cha Paolo,… có nam, có bắc, có đông, có tây, có liền ông và liền bà, có già có trẻ. Người nào cũng hiền lành tử tế, đối xử nhau tương thân, tương kính, thuận thảo, có món ngon vật lạ cùng nhau thưởng thức chia xẻ, có chuyện gì vui cùng kể cho nhau nghe, có chuyện gì lạ cũng báo cho nhau biết,… rồi xúm nhau cười ào ào. Đời thiệt là vui và đáng sống hết sức. Chưa bao giờ tôi thấy các nhân vật Trà Lũ cau có, quạu quọ, giận hờn, tranh chấp hơn thua, cãi vã, dèm pha, ganh tỵ, chữi rủa nhau, bơi móc nói xấu nhau…
.
Mười cuốn sách đã phát hành, nhan đề đều có chữ ‘Đất’ như vậy là tác giả có dụng ý khi đặt tên tác phẩm. Nhà văn Trà Lũ muốn gởi gấm điều gì qua các đứa con tinh thần của mình? Rõ lắm, tác giả hết lời ca tụng đất nước Canada rộng lớn vĩ đại, giàu có và thanh bình. Canada là vùng đất tác giả đã chọn lựa khi định cư, được coi như là quê hương thứ hai. Tất cả các quyển được viết theo cùng một khí văn nhất quán -hơi văn đi một mạch, mười cuốn như một, một cuốn như mười. Lối hành văn lưu loát, nhẹ nhàng, tự nhiên, lôi cuốn, ý nhị, câu chuyện thoắt biến thoắt hiện, tài tình. Tác giả viết tự nhiên như là đang kể chuyện trực tiếp cho độc giả, là chúng ta nghe. Nghe hoài nhưng không chán, trái lại còn say mê theo dõi nữa. Khó có ai cầm quyển truyện trên tay rồi, lại bỏ xuống cho được. Câu chuyện liên tục, nồng ấm, hấp dẫn… quá sức lẽ mình! Ông thường tường thuật lại những buổi hợp mặt thân hữu vào những ngày lễ hội, ngày Tết, ngày kỷ niệm,… cùng nhau bàn luận chuyện đông tây kim cổ, chuyện nọ chuyện kia, những bài thơ, bài báo, sách vở, đôi khi tiếu lâm nữa, khiến buổi họp mặt sôi nổi, hào hứng, xen vào đó vài chuyện tiếu lâm lạt hay mặn… có khi mặn tới quéo lưỡi, khiến các bà đỏ mặt mà vui.
Nội dung câu chuyện lúc nào nhà văn Trà Lũ cũng ca ngợi quê hương mới là đất Canada, hăng say, nồng nhiệt, không hề rụt rè, không đắn đo so bì, Canada là số một, Canada là thiên đường. Ban đầu tên các tác phẩm được đặt là Miền Đất Hạnh Phúc, rồi Đất Mới, Đất Hứa, Đất Thiên Đàng, Đất Yêu Thương, Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Quê Ngoại, Đất Anh Em và cho mãi tới cuốn thứ mười, cuối cùng thì Trà Lũ mới dám gọi Canada là Đất Nhà. Tại sao phải tới cuốn thứ mười tác giả mới gọi như vậy? Cái lý do nào mà Trà Lũ đi loanh quanh lẫn quẫn, gọi Canada là đất nầy đất kia, đi lòng vòng mãi ở ngoại ô mà không dám tiến thẳng vào thủ đô, không dám ôm Canada vào lòng mà hôn hít nó, gọi là đất của mình, tuy tác giả đã có quốc tịch Canadian đã trên 30 năm rồi ?
Rất là dễ hiểu, bỡi vì trong đầu tác giả, còn đầy ắp một đất nước Việt Nam, trong trái tim tác giả còn đập nhịp tư tuởng, tình cảm Việt Nam thiệt là lớn, làm sao một sớm một chiều mà quên phắt cho được. Quê hương chỉ có hai chữ đơn giản vậy thôi, sao lại khiến người ta khắc khoải. Trà Lũ đã viết : -nếu định nghiã quê hương là chùm khế ngọt, là con diều biếc, là con đò nhỏ, thì ở hải ngoại nầy chúng ta không có quê hương sao? Cụ Chánh tiên chỉ làng đáp ngay -có quê hương chứ, có nhiều chứ. Chúng ta đi mang theo quê hương mà. Bao lâu chúng ta và con cháu chúng ta còn nói tiếng Việt, ngâm thơ Nguyễn Du, đọc thơ Nguyễn Công Trứ là bấy lâu chúng ta còn có quê hương. Bao lâu chúng ta còn ăn Tết nguyên đán, còn cúng giỗ tổ tiên, còn tri ân quốc tổ, là bấy lâu chúng ta còn có quê hương. Bao lâu chúng ta còn nấu phở, chiên chả giò, ăn nước mắm là bấy lâu chúng ta còn có quê hương.
Nhà văn Trà Lũ đã bổ túc cái nhìn thiếu sót dùm cho tác giả chùm khế ngọt Đỗ Trung Quân, quê hương không phải chỉ là dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương với núi non, cây cỏ, hoa thảo, sông nước, mà quê hương còn bao gồm cả con người Việt Nam với tất cả những nét văn hóa đặc thù từ cách sống, cách ăn, mặc, đi đứng cùng phong tục, tập quán, văn học, nghệ thuật,… và các hình thái sinh hoạt tinh thần nữa.
Các bài viết trong tác phẩm là những chứng minh hùng hồn của Trà Lũ về lòng thương nhớ quê hương đó. Không phải tự nhiên rảnh rổi mà viết nhiều tới mười cuốn như vậy. Ông muốn chứng minh cho chúng ta, những độc giả quen thuộc, hình ảnh của quê hương yêu dấu khi dứt áo bỏ nước ra đi, chúng ta đã mang theo được và suốt đời không bao giờ quên, qua các món ăn, chả giò, phở, bánh cuốn, nem nướng, chả nướng, thịt bò, thịt heo, thịt chó,… đến chiếc áo dài tha thướt, chiếc nón lá bài thơ, cái yếm phụ nữ thơ mộng, chiếc váy cùng cái quần củn cởn… Đi du lịch Alaska hai tuần, nhà văn Trà Lũ ăn uống toàn món ngon vật lạ, cuối cùng rồi cũng nhớ tới nước mắm, thèm thuồng và ước ao, nhắc nhở cho những người đi sau đừng quên mang theo. Ôi, nước mắm là món ăn thuần túy quê hương, nước mắm là Việt Nam, dù ở góc biển chưn trời, làm sao mà quên cho được.
Nhà văn Trà Lũ cũng đã bổ túc cho chúng ta nhiều lắm, ngoài tình yêu quê hương tha thiết, chúng ta còn học hỏi nhiều qua cái kiến thức rộng rãi của ông. Ông đã có lần nhắc tới cha Đỗ Minh Vọng, khiến tôi xao xuyến. Đó là một vị giáo sư mà tôi kính mến. Tôi đã may mắn được học với cha mấy năm tròn. Cha người Pháp tên Cras, to lớn con, tánh tình hiền lành dễ thương, đi dạy thường mặc áo chùng thâm và lái chiếc xe Lambretta củ. Kiến thức của cha rất rộng, nhờ cha giảng dạy cấu trúc câu văn và tiếng Việt Nam mình so với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà tôi hiểu thêm tiếng Việt, qua hai môn Văn Chương Tỉ Giảo (Littérature Comparée) và Ngữ Nguyên Học (Étymologie). Không biết phải cần bao nhiêu năm học hỏi nữa, bao nhiêu công sức nữa, tôi, một người Việt Nam rặt ròng, mới hiểu biết được ngôn ngữ Việt Nam như cha đã hiểu biết !
Cha Cras giỏi tiếng Việt bao nhiêu thì nhà văn Trà Lũ cũng đâu có thua kém. Khi bàn về cái váy của dân tộc, chúng ta thấy nhà văn cực kỳ thông minh và bén nhạy, chúng ta cùng cười xòa khi Trà Lũ nhắc tới bài thơ Vũng Lội Làng Ngang của Nguyễn Khuyến. Bài thơ đó như vầy :
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đó vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối,
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như con cúi
Thời cụ Nguyễn Khuyến, đàn bà Bắc Kỳ vẫn còn mặc váy. Rõ ràng cụ bà mặc váy. Chữ vén quần trong bài thơ tôi ngờ là nhà in chép sai. Tiếng VN nói vén váy chứ không nói vén quần bao giờ. Lại nữa, theo mạch văn, nếu mặc quần mà xắn lên thì Ông Cuội chỉ thấy bắp đùi là cùng, không thể thấy con cúi được, do đó câu trên phải là “đàn bà đến đó vén váy lên” Ôi chao, cái váy làm phiền Ông Cuội và cụ Nguyễn Khuyến quá..
Nhận xét trên của nhà văn Trà Lũ thật là tinh tế, sự thật là -vén váy chớ không phải vén quần. Nhưng câu thơ viết -đàn bà đến đó vén váy lên, nghe không được, vén quần lên, êm tai hơn. Tiếc một điều, thơ văn VN mình vào cuối thế kỷ 19 chưa có trường phái ‘Bút Tre’, trường phái nầy sanh sau đẻ muộn, mãi đến thời văn minh Xã Hội Chủ Nghiã mới phát minh ra lận. Dù sao thì váy và quần hình thức tuy có khác nhưng nội dung giống nhau, mặc để che kín phần dưới con người. Có điều nhà văn Trà Lũ không giải nghiã cho chúng ta hiểu chữ con cúi, nhắc tới con cúi thì ông Cuội cười trước, chúng ta cười sau… Cứ xúm nhau tưởng tượng rồi cười, cười mà không hiểu rõ, con cúi là con gì? Tôi tò mò lật tự điển Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ, rồi Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của, đọc rõ tự điển ghi con cúi có 4 nghiã :
1/ cá cúi : cá có nhiều mỡ như heo biển
2/ heo cúi : con heo
3/ con cúi : rơm cổ vấn dài để làm hỏa mai.
4/ bông cán bắn ra rồi, xe tròn từng con dài để mà kéo chỉ = cũng hiểu là con heo.
Như vậy dầu là rơm vấn để làm mồi lửa hay là bông vải vấn tròn để xe chỉ (cả hai đều có hình dáng con heo, cái bắp đùi giống con heo), bốn nghiã cũng là con heo. Con heo và thịt heo, tiếng Tây là cochon, là porc. Từ chữ cochon có chữ cochonner (làm bậy) cochonnerie (dơ dáy, bẩn thỉu, thô tục) Việt Nam hay Tây dù là nghiã nào thì cũng là con heo, đồ con heo với chuyện con heo… xấu thiệt là xấu, nghiã đen lẫn nghiã bóng.
Trong quyển Người Tù Khổ Sai Papillon, bản tiếng Pháp, tôi nhớ có đoạn ông Papillon khi bị giam ở quần đảo Guyane thuộc Pháp, có nhắc đến chuyện mượn con heo của một người tù Bắc Kỳ (Tonkinois) mà người tù nầy gọi con heo nhỏ của ông ta là ‘con cúi’. ‘Con cúi’ ủn ỉn đi trước, Papillon lò dò theo sau từng bước, thì tránh được nguy hiểm, khỏi lọt xuống các bãi sình vắt võng xung quanh trại giam, trốn thoát được ra ngoài. Ông Papillon đã dùng chữ ‘le con cui’ rõ ràng trong tác phẩm. Tôi đọc ngang đây thì biết rõ ông Papillon viết đúng sự thật, không hề thêu dệt như một số nhà văn ngồi nhà mà tưởng tượng… Ông không dùng chữ annamite và cochon, mà dùng chữ ‘Tonkinois’ và ‘con cui’ trong câu chuyện. Trong Nam hồi tôi còn nhỏ, nghe mấy bà hàng xóm thường nói :
– Chiều rồi phải lo cho heo cúi ăn. Như vậy ở ngoài Bắc thời Nguyễn Khuyến gọi con heo là con con cúi là đúng. Nhưng con heo của Papillon là heo Việt Nam, loại heo mọi nhỏ và đen, còn heo của Nguyễn Khuyến, tại sao lại trăng trắng, thiệt tình tôi không biết. (heo Việt Nam bây giờ trắng to là giống heo ngoại quốc mới nhập cảng sau nầy) Có vị nào biết được, xin được chỉ giáo, thành tâm đa tạ.
Bàn về giọng Nam, giọng Bắc, nhà văn Trà Lũ khá công bình, ông viết không thiên vị, mỗi miền đều có cái hay cái dỡ, tùy theo trường hợp mà dùng giọng nầy hay giọng kia. Giọng nào ông cũng yêu hết : -Ông bồ chữ ODP góp thêm ý. Rằng hát tân nhạc, các ca sĩ người Nam cũng phải hát theo tiếng Bắc thì mới hay. Ví dụ lời ca ’Anh ơi anh, chuyện chúng mình ta tính đi thôi..’’nếu hát theo tiếng Nam ‘ăn ơi ăn, chuyện chúng mìn ta tín đi thui’ thì không thấy hay gì hết. Nhưng khi ngâm vọng cổ thì anh nghệ sĩ Bắc Kỳ phải theo tiếng Nam thì mới thấy muồi…
Nhà văn Trà Lũ đã có nhận xét thật chí lý. Quả là đúng như vậy, chuyện hát tân nhạc và vọng cổ chứng minh rõ ràng tùy theo trường hợp nào thì nên dùng giọng Nam, khi nào nên dùng giọng Bắc. Nhưng viết ngang đây tôi xin đóng góp vài nhận xét, đa số nhạc sĩ đặt bài hát (compositeur) là người Bắc, nên ca sĩ phải hát theo giọng Bắc, nhạc sĩ là người Trung thì ca sĩ phải hát theo giọng Trung, nhạc sĩ là người Nam phải hát theo giọng Nam (như Phương Dung hát nhạc Lam Phương) Có một số nhạc sĩ người Nam khi viết nhạc bắt chước viết theo lối văn Bắc thì ca sĩ cũng phải hát theo giọng Bắc.
Hình thể đất nước ta thiếu chiều ngang mà phát triển theo chiều dọc, thời chúa Nguyễn chế độ doanh điền tổ chức các đợt di dân từng vùng ở đất Bắc vô đàng trong khai thác đất mới. Vùng châu thổ sông Hồng, vùng trung du, vùng thượng du Bắc Việt, vùng biên giới, đồng bằng, núi non cao thấp, xa gần khác nhau, giọng nói có khác nhau, khi vào trong Nam thì định cư từng đợt một, từng tỉnh một, theo chánh sách tằm ăn, nên giọng nói từng tỉnh, từng vùng trong Nam cũng lại biến đổi thêm chút nữa… Huế khác, Quảng Trị khác, Quang Nam khác, Quảng Ngãi khác, Bình Định khác, Lục Tĩnh khác… Giọng nói có biến đổi và tiếng nói cũng khác biệt đôi chút, theo thời gian. Trà Lũ đã chứng minh..
….Tiếng Bắc xưa nay vẫn được xem như là tiếng gốc tiêu chuẫn, thực sự đã biến thái do ảnh hưởng của tiếng Hán và sau nầy của tiếng Âu Châu. Tiếng Việt nguyên thủy đã từ miền Bắc theo chân lớp di dân vào miền Nam. Khoa ngôn ngữ học đã cho thấy: các di dân bao giờ cũng mang theo và bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Cách đây mấy trăm năm, những người di dân vào miền Nam này thuộc gia đình vợ con lính tráng và những tù nhân phải lưu đày. Tiếng nói của họ là tiếng nói ban đầu, tiếng Việt tinh ròng và bình dân. Một chứng cớ rõ ràng nhất về việc nầy là tiếng Việt miền Nam có rất nhiều từ giống y như tiếng người Mường miền thượng du Bắc Việt. Mà người Mường được coi là nhóm người Việt cổ.
Anh John trưng dẫn một bằng chứng. Trong bài ca dao nói lên nỡi lòng của anh con trai xứ Đàng Ngoài nhớ người yêu đã vào xứ Đàng Trong, anh đã nói thế nầy :
Đường vô xứ Nghệ loanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
Trong mấy câu thơ nầy, tiếng Vô và tiếng Thuơng là tiếng Bắc Kỳ rõ ràng chứ không phải tiếng miền Nam đẻ ra sau nầy. Lời anh Bắc Kỳ mà. Tiếng Vô và tiếng Thương nầy, cũng như trăm ngàn tiếng Bắc khác, đã theo lớp di dân từ Bắc vào Nam…
Đọc ngang đây tôi thấy nhà văn Trà Lũ thiệt là có lý và đâm nhớ lại một định luật căn bản của môn ngữ học (linguistique) -dân tộc nào càng đi xa khỏi quê hương thì càng giữ lấy cái gốc của quê hương. Người miền Nam là những người bỏ xứ ra đi vào các thế kỷ 16, 17, 18… thì họ là những người giữ lấy tiếng nói quê hương vào thời kỳ đó. Còn ở đất Bắc quê hương gốc, thì ngôn ngữ mỗi ngày mỗi thay đổi, phát triển… Có thể ví người miền Nam nói tiếng Việt khác người Bắc, giống như dân Canada, dân Mỹ, Úc, nói tiếng Anh, dân Quebecois nói tiếng Pháp, khác hẳn dân Anh và dân Pháp chánh gốc.
Viết ngang đây thì tôi sực nhớ tới chúng ta, những người tỵ nạn xa xứ gần 30 năm nay, nếu có dịp mà trở về quê hương, đôi lúc chúng ta phải ngỡ ngàng vì mình và người trong xứ, nói chuyện khác biệt nhau nhiều lắm. Khác biệt về giọng nói như nhà văn Trà Lũ nhận xét: -Đó là cái giọng the thé của người Hà Nội bây giờ. Nó ngọng như người Mường nói tiếng Kinh… Khi vợ tôi đến thăm và nghe vợ tôi nói chuyện thì cụ ôm chầm lấy vợ tôi rồi kêu ầm lên :’Các con ơi, các cháu ơi, ra đây mà nghe tiếng Hà Nội nầy. Cô đây móùi thực là người Hà Nội và nói đúng tiếng Hà Nội thời xưa nầy.”
Bà cụ nói – tiếng Hà Nội ngày xưa, là muốn ám chỉ ngôn ngữ Hà Nội những năm trước 1954. Có một nhạc sĩ đã nhận xét về giọng Hà Nội bây giờ cao hơn ngày trước một phần tư (1/4) octave. Cũng vậy nếu bà con trong Nam bây giờ mà gặp chúng ta từ Mỹ, Canada, Úc về thì họ sẽ kêu lên là chúng ta nói đúng ngôn ngữ Sài Gòn trước 1975. Nếu không khác biệt về giọng nói thì cũng khác biệt nhau về tiếng nói. Có nhiều tiếng Việt bây giờ lạ lùng lắm, trong đối thoại hoặc trên sách báo, chúng ta hoàn toàn không hiểu. Hay hay dở, đúng hay sai, phát triển hay thoái hóa, thời gian sẽ gạn lọc… Duy có điều chúng ta, những người tỵ nạn xa xứ có thể tự hào -chúng ta là những người bảo tồn nguồn gốc dân tộc. (đọc Mười Ngàn Năm, thuật chuyện cô Mùi, gốc gác người Việt xa xăm ở Quảng Tây, Đất Quê Ngoại, trang 167)
*
Sau khi đọc qua tất cả các bài viết và ghi chép vài nhận xét chúng ta thấy ngay sở trường Trà Lũ là viết theo thể loại tùy bút, loại văn nầy có từ thời Lê mạt Nguyễn sơ, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Các tác phẩm buổi ấy phần nhiều ghi chép những điều tác giả mắt thấy tai nghe, tùy bút là theo ngọn bút, gặp cái gì chép cái ấy. Hai quyển Vũ Trung Tùy Bút (theo ngọn bút viết khi mưa) và Tang Thương Ngẫu Lục (ghi nhanh các chuyện tang thương, viết chung với Nguyễn Án) của Phạm Đình Hổ là hai tác phẩm tiêu biểu, mẫu mực. Sau nầy thể loại tùy bút là sở trường của nhà văn Nguyễn Tuân (Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Chùa Đàn, Vang Bóng Một Thời…
Tùy bút dễ viết mà khó hay. Tại sao vậy? Bỡi vì khi viết một truyện ngắn, tác giả phải suy nghĩ cho có lớp lang, câu chuyện phải đặc biệt, phải hấp dẫn, bên trong phải có một thông điệp, phải có tình cảm đậm đà hoặc tư tưởng cao xa để gởi gấm, bố cục phải chặt chẽ, các ý tưởng phải mạch lạc, thông suốt. Chuyện và văn không được giống những gì người đi trước đã viết. Trong khi đó thì tùy bút không đòi hỏi bất cứ điều gì, cứ đặt bút xuống, thấy gì viết nấy, đôi khi không cần đến mạch lạc, miễn sao tác giả và độc giả vui thích là được. Đọc tùy bút ta có cảm tưởng như đọc một cuốn sổ tay, tác giả ghi những điều chợt xảy ra trong óc hay nhân một việc gì đó mà nhớ đến chuyện nầy chuyện kia… Vì dễ viết và viết nhanh nên muốn cho hay, cho xuất sắc là điều rất khó. Văn bản cần giản dị nhưng phải làm sao đạt được tánh chất sinh động và hấp dẫn, bộc lộ được hết nét tài hoa, nét đặc thù… Nguyễn Tuân thành công lớn được nhờ nét khinh thế ngạo vật, Võ Phiến nhờ tánh thâm trầm, quan sát tỉ mỉ, tinh tế… Hiện nay thì có Tưởng Năng Tiến ngang tàng, cười cợt, châm biếm (Sổ Tay Phó Thường Dân). Bùi Bảo Trúc thông minh, sắc sảo, tài hoa (Thư Gởi Bạn Ta)… Ở Canada mình cũng có hai nhà văn viết tùy bút nổi danh, được mọi người yêu mến, nhà văn Song Thao ở Montréal và nhà văn Trà Lũ của chúng ta.
Ngòi bút Song Thao thì kỹ lưỡng, tỉ mỉ, viết chuyện nào ra chuyện đó, mỗi đề tài là một trọng tâm, các tài liệu được dẫn chứng đầy đủ, thượng thông thiên văn, hạ đạt địa lý, trung quán nhân sự. Nhà văn tài hoa vùng đất nói tiếng Tây thiệt là giỏi, bao nhiêu chuyện của nhân gian nầy ông viết hết không thiếu món ăn chơi nào. Ông gọi thể loại tùy bút là chuyện phiếm. Phiếm có nghiã là nói chơi, nói tào lao, nói bao đồng, nói lông bông… Tuy là nói chơi mà nét tài hoa là thiệt, nếu không thiệt tại sao có nhiều người mê, không tin quí vị mua các quyển Phiếm (1, 2, 3, 4, 5…) mà xem qua cho biết.
Ngòi bút của Trà Lũ cũng tung hoành không kém Song Thao, nếu đem ra so sánh thì không biết ai cao ai thấp, thôi đành phải nhờ đến câu -xấu đẹp tùy người đối diện. Nhà văn tài hoa của vùng tiếng Anh xứ Canada cũng thiệt là giỏi, chuyện đông, chuyện tây, chuyện kim, chuyện cổ, ông đều biết hết không sót một món nào. Nhưng khác với cách viết xoáy vào trọng tâm đề tài của nhà văn tiếng Tây kể trên, các câu chuyện trong bài viết Trà Lũ thoắt biến thoắt hiện nối tiếp nhau, xoay chuyển lẫn nhau, quấn quít lấy nhau… độc giả không biết đâu mà rờ! Ta có thể ví Trà Lũ dẫn dắt độc giả đi dạo phố Tàu, chưa kịp nhìn ngắm, ăn uống cho đã thèm thì ông đã kéo ngay đến tháp CN Tower cao nhứt thế giới, vừa chưa kịp leo lên tháp ngắm thành phố Toronto bát ngát dưới kia thì ông đưa chúng ta qua thác Niagara Falls hùng vĩ, bụi nước của thác chưa kịp làm ta ướt áo thì ông đã đẩy ta lên xe đi nếm rượu tuyết ngọt lịm ở thành phố cạnh bên…
Ưu điểm hay là khuyết điểm, khó mà trả lời. Nhưng mà cái tài hoa Trà Lũ là ở chỗ đó. Tôi tin cách viết thoắt biến thoắt hiện đó Trà Lũ vô tình mà đạt được, tuy có mức độ. Tôi còn nhớ Kim Thánh Thán khi phê bình Tam Quốc Chí đã khen cách viết của La Quán Trung là thiên cổ kỳ văn. Gọi kỳ văn là nhờ tánh cách -thoắt biến thoắt hiện, đương đánh nhau long trời lỡ đất thì xoay qua nói chuyện pháp thuật trừ ma ếm quỉ, vừa nói chuyện mưu kế thì xoay qua bàn chuyện danh nho tiết tháo, vừa bàn chuyện mỹ nhân xong thì nói chuyện soán ngôi giết vua, vừa nói chuyện bói toán xong thì quay qua thuốc men, mổ xẻ, vừa tả cảnh quân reo ngựa hí vang vang thì xen vào cảnh đạp tuyết bời bời, khoanh tay đứng chờ bậc ẩn sĩ cao tọa… Vua, quan, anh hùng, gian hùng, mỹ nhân, hòa thượng, đạo sĩ, y nho lý số, cường hào ác bá và đám dân đen đủ mặt,… thương yêu nhau, tranh giành nhau, chém giết nhau, không thiếu một ai, không thiếu chuyện gì. Ai muốn tìm hiểu sinh hoạt xã hội thời đó, cứ đọc Tam Quốc Chí sẽ biết rõ ngọn nguồn. Hiện tại chúng ta cũng có ngọn bút Trà Lũ tung hoành trên các báo, liên miên bất tuyệt, những ai muốn tìm hiểu Canada với tất cả mọi sinh hoạt văn học, chánh trị, kinh tế, xã hội,… thì nên tìm đọc sách của Trà Lũ.
Đọc sách của nhà văn Trà Lũ vừa vui vừa bổ ích. Vui là vì cây viết có duyên, bất cứ bài nào, đoạn nào, dầu ai khó tánh đến đâu cũng không thể đọc qua mà không buột cười cho được. Bổ ích vì kiến thức được cập nhật hằng ngày, những tin tức đặc biệt trên thế giới đều có đủ, hơn nữa sự hiểu biết của tác giả sâu rộng, những nhận xét ly kỳ, từng chữ từng câu gợi cho ta nhớ lại chuyện xưa, giúp ta biết thêm chuyện mới bây giờ. Những cuốn sách có chữ Đất làm nhan đề của nhà văn Trà Lũ ích lợi như vậy, vui tươi như vậy, tại sao các bạn lại chưa có, ngoài hội trường trưa nay, để bán nhiều lắm với chữ ký tặng của tác giả nữa. Xin được hân hạnh kính mời !
Võ Kỳ Điền
(Trung Tâm Cộng Đồng St. Christopher Toronto, ngày 6 tháng 5 năm 2006)
PHẠM GIA ĐẠI * SÀIGÒN NGÀY THÁNG CUỐI
SÀIGÒN NGÀY THÁNG CUỐI
(Hồi Ký của Phạm Gia Đại)
Thế là sau năm năm làm việc với Đệ Thất Không Đoàn Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất, tôi lại chuyển qua một nhiệm sở mới là Toà Đại Sứ Mỹ cũng tại thủ đô Sàigòn. Những tay sĩ quan và hạ sĩ quan trẻ của đơn vị gọi là Phân Đội Alpha của Đệ Thất Không Đoàn là những người lính thật vui vẻ cởi mở và rất là thân thiện mà tôi không bao giờ quên được, nhất là sau bao nhiêu chuyến là một thành viên trong cùng một toán công tác, sau bao nhiêu chuyến cùng bay với nhau trên vận tải cơ khổng lồ Hercules C-130 ra Vùng I và Vùng II Chiến Thuật
Thời gian vẫn không ngừng trôi và con người cũng phải thích ứng với không gian mới. Tôi được điều về Đoàn Liên Lạc Hoa Kỳ để yểm trợ một Phụ Bộ thuộc Phủ Tổng Thống. Nội dung công việc cũng không có gì thay đổi nhiều, cũng vẫn là tóm tắt và tổng kết những tin tức về quân sự mà hai bên Việt Mỹ đã thâu lượm được để tường trình lên cấp trên.
Nhờ vào thời gian làm việc cho Không Quân Mỹ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ mà tôi ý thức được rằng người Mỹ nắm rất vững về những tình hình biến chuyển trên chiến trường, tương quan lực lượng đôi bên và cũng biết rất rõ về đối phương tức là Cộng quân Bắc Việt và đám Việt Cộng trong Nam; và Hoa Kỳ có một sức mạnh quân sự phải nói là đa dụng, vạn năng và khủng khiếp thừa sức đè bẹp hay tiêu diệt Cộng quân bất cứ trong không gian và thời gian nào.
Chính vì thế mà niềm tin của tôi vào đồng minh Hoa Kỳ đã từ từ thuyên giảm một cách rõ rệt khi thấy người Mỹ khoanh tay để cho Cộng Sản tràn vào các đô thị, kể cả Sàigòn và Chợ Lớn ngày Tết Mậu Thân 1968. Họ cũng chấp nhận những sự di tản chiến thuật rút khỏi tỉnh Phước Long, rồi sau nầy khỏi Kông Tum, Plei Ku, Vùng II, để xẩy ra Đại Lộ Kinh Hoàng là dịp cho Cộng quân pháo kích giết hại hàng chục ngàn dân lành vô tội dọc theo Quốc Lộ này. Họ đã đem B-52 ra Miền Bắc để rải thảm 12 ngày đêm kể cả thủ đô của Cộng Sản là Hà Nội và phong tỏa cảng Hải Phòng, nhưng lại ngừng ngay cuộc ném bom đó khi Hà Nội đồng ý quay trở lại bàn đàm phán. Những người dân sống tại miền Bắc đều nói rằng chỉ cần B-52 rải thảm thêm vài ngày nữa là Bắc Việt giương cờ trắng đầu hàng; nhưng phía chính phủ Nixon lúa bấy giờ và tay “phù thủy” người Do Thái Henry Kissinger tại Washington chỉ muốn kéo Hà Nội trở lại vòng đàm phán để họ có thể rút khỏi miền Nam, chứ không muốn một Hà Nội thua trận.
Hiệp Định Paris được ký kết một cách đơn phương giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt dù rằng phía VNCH chúng ta cực lực phản đối. Hoa Kỳ vẫn ký để rút quân kể cả các cố vấn ra khỏi Miền Nam trong khi họ biết chắc chắn rằng Bắc Việt sẽ vi phạm hiệp định và vẫn bám chặt vào các căn cứ địa của nó tại Miền Nam. Những năm 1964, 1965, khi họ đến với chúng ta trên danh nghĩa Đồng Minh thì các tổng thống HK đều cam kết, với chế độ VNCH còn non trẻ của chúng ta, để chống lại sự bành trướng của Cộng Sản trong vùng Đông Nam Á. Khi họ muốn rút đi những năm đầu của thập niên 70, thì họ lại ký kết với kẻ thù chứ không cần đến ý kiến và chữ ký của chúng ta nữa, và buộc VNCH phải ngồi ngang hàng với đám VC là MTGPMN. Hiệp Định Paris chính là con dao mà đồng minh Hoa Kỳ đã ngầm đưa cho Cộng Sản Bắc Việt và quan thầy của chúng để thanh toán chế độ VNCH chúng ta nhanh chóng hơn.
Quả thật làm đối thủ của Hoa Kỳ dễ hơn rất nhiều so với làm đồng minh của họ bởi vì hầu như người Mỹ kể cả Tổng Thống của họ nhiều khi công khai hoá luôn cả những kế hoạch mà họ dự tính cho cả thế giới biết.
Sau khi ký kết được như ý muốn Hiệp Định Paris, đồng minh Hoa Kỳ lại thi hành một chiến thuật cắt giảm viện trợ, cả về quân sự lẫn kinh tế, trong chiến lược bỏ rơi đồng minh VNCH đơn độc chiến đấu trong tình trạng thiếu súng ống đạn dược và nhiên liệu, để chống lại cả một khối Cộng Sản Quốc Tế đầy gian manh và hiểm độc đang càng yểm trợ mạnh mẽ cho Cộng Sản Bắc Việt, và đám VC trong Nam theo chủ trương của quan thầy CSVN là “đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng”. Trong lịch sử loài người tự cổ chí kim có lẽ không có một cuộc chiến đấu nào can trường anh dũng và oai hùng hơn cuộc chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - chiến đấu trong đơn độc nhưng với một chính nghĩa sáng ngời và một lòng quả cảm vô biên đến viên đạn và hơi thở cuối cùng để bảo vệ miền Nam tự do.
QLVNCH đã một mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam chống lại cả một khối Cộng Sản bao gồm Nga Sô, Trung Cộng, Khối CS Đông Âu, Bắc Hàn, Cu Ba và CS Việt Nam, dù rằng Mỹ và đồng minh đã bỏ mình ra đi - chứ không chịu đầu hàng giặc phiến Cộng cõng rắn Trung Cộng và Nga Sô vào cắn gà nhà.
Thế rồi cái gì phải đến đã xảy ra, Miền Nam bị lui dần vào thế bị động dù rằng tinh thần quân dân cán chính vẫn vững vàng. Nhưng súng thì thiếu đạn dược và chiến đấu oanh tạc cơ thiếu nhiên liệu bom, rockets, thì miền Nam không thể chống lại được quân xâm lược Cộng Sản đã càng lúc càng mạnh hơn, kể từ khi Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh khác như Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, v.v… lần lượt rút lui khỏi Miền Nam ngay sau khi Hiệp Định Paris ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973.
Qua đầu năm 1975, tình hình càng lúc càng tồi tệ hơn và VNCH lúc đó giống y như vị anh hùng Samson, trong truyện phim Samson & Dalilah, mắt đã không còn nhìn thấy gì và với bộ tóc đã bị cắt ngắn, tượng trưng cho sức mạnh không còn nữa của Samson, và tay chân thì bị xiềng xích, đang bị một bọn người lùn khả ố dùng những chiếc kìm sắt dứt ra từng miếng thịt trên thân thể của mình.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, Miền Nam mà trái tim là Sàigòn trút hơi thở cuối cùng, đóng lại một chương đầy oai dũng và can trường của quân dân miền Nam VN. Trong thời gian bị tập trung trong trại giam ở Miền Bắc, tôi có một dịp may được chuyền tay đọc một tạp chí Reader’s Digest là cuốn nguyệt san mà tôi thích nhất trước kia, trong đó có một bài viết mà tôi không sao quên được của một vị luật sư người Cu Ba về sự thất bại của cuộc đổ bộ tại Vịnh Con Heo. Câu chuyện này đã phần nào soi sáng thêm về việc Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam những năm đầu thập niên 1970’s.
Sau khi cuộc đổ bộ thất bại và chế độ Fidel Castro đang khủng bố, đàn áp và trả thù tàn bạo những chiến sỹ Cách Mạng Cu Ba Tự Do bị bỏ rơi trên vịnh Con Heo lúc đó, thì một vị luật sư trong phong trào kháng chiến chống Fidel Castro đã trốn thoát được qua Hoa Kỳ và ông ta thề rằng nếu phải bỏ ra suốt cuộc đời mình để tìm hiểu tại sao cuộc đổ bộ hoàn hảo như vậy để tái chiếm lại Cu Ba và lật đổ chế độ của Fidel Castro mà cuối cùng lại bất ngờ bị hủy bỏ thì ông ta cũng phải đi tìm.
Theo kế hoạch, cuộc đổ bộ này đã được tập dượt và coi như là toàn hảo với sự yểm trợ của không và hải quân Mỹ để làm cỏ những chiếc máy bay cũ kỹ của Cu Ba; các lực lượng Cách Mạng Cu Ba lưu vong sẽ đổ bộ lên Vịnh Con Heo để tiến vào tái chiếm Cu Ba.
Câu trả lời mà vị luật sư này tìm ra được là kế hoạch đã được chu toàn vào thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Eisenhower; nhưng lúc thi hành thì giờ phút chót TT kế nhiệm là John Kennedy đã ra lệnh hủy bỏ toàn bộ kế hoạch và không quân Mỹ đã không xuất hiện như mong đợi. Tầu chiến HK đã âm thầm rút ra khơi bỏ lại lực lượng vừa đổ bộ nằm phơi mình trên Vịnh Con Heo cho từng đoàn máy bay của Fidel Castro đến dội bom và oanh kích. Cuộc nổi dậy và tái chiếm Cu Ba bị dập tắt trong uất hận và ngậm ngùi. Chúng ta có thể hình dung ra được sự trả thù tàn bạo và ghê rợn của Fidel Castro đối với những chiến sỹ Cu Ba Tự Do còn sống sót trên bãi biển sau lần đổ bộ ấy như thế nào rồi.
Miền Nam của chúng ta cũng đã bị rơi vào tình trạng tương tự. Đầu tháng Tư năm 1975, tình hình rất xáo trộn bất lợi cho chế độ VNCH vì Hoa Kỳ đã để lộ rõ cho cả đồng minh VNCH và cả kẻ thù là CS Bắc Việt thấy rằng Mỹ đang di tản nhân viên Sứ Quán của họ ra khỏi Miền Nam. Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự (Defense Attache’s Office: D.A.O) được lệnh di tản trước.
Tôi vào họp với các cố vấn Mỹ thuộc Toà Đại Sứ HK ở Sàigòn vào đầu tháng Tư thì nhận được chỉ thị rằng tất cả những nhân viên nào mà không thiết yếu (non-essential) sẽ được ưu tiên di tản trước với gia đình của họ, và những nhân viên nào thiết yếu (essential) thì phải ở lại để yểm trợ cho các Phủ Bộ, các cơ quan an ninh, tình báo, Bộ Tưlệnh Cảnh Sát, v.v. của VNCH đến giờ phút cuối.
Tôi và một số bạn đồng nghiệp được lệnh ở lại và được các cố vấn cam kết là sẽ có trực thăng đến tận nhà để đón chúng tôi vào giờ phút cuối cùng của Sàigòn. Lần lượt một số bạn đồng nghiệp của tôi đã ra đi theo gia đình làm việc cho cơ quan D.A.O. và chúng tôi vẫn ở lại.
Lần họp cuối cùng với nhân viên Tòa Đại Sứ HK là ngày 27-4-1975. Tình hình đã tồi tệ. Phía Toà Đại Sứ HK gần như bất lực, và tuyên bố ngưng hoạt động. Tôi ra về trong lòng nặng trĩu vì người anh Cả của tôi lúc đó là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh không có tin tức thời gian gần đây. Chỉ có độc nhất gia đình người anh thứ ba là Thiếu Tá Hải Quân nhờ đi du học tại Rhode Islands đầu năm 1975 nên đã may mắn đoàn tụ được trên đất Mỹ với vợ con đi theo cơ quan D.A.O di tản qua được vào tháng Ba.
Vì gia đình tôi lúc đó cư ngụ tại vùng ngoại ô của Sàigòn, nên tôi đưa vợ và hai đứa con nhỏ lên bên Nội tại Quận Ba một thời gian xem sao, vì ngày 28 một tên phi công nội tuyến VC đã dội bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất và người Mỹ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch di tản bằng đường hàng không.
Tối ngày 29 tháng Tư, tôi quyết định cho vợ con vào Tòa Đại Sứ chứ không ngồi chờ đợi nữa. Sau khi giã từ Mẹ và các em, tôi lái chiếc xe Renault đến cổng sau của Toà Đại Sứ thì thấy thiên hạ đen nghịt và nhốn nháo đầy những người; nhưng chiếc cổng sắt đã đóng và trên bức tường bao quanh khu vực, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang gườm súng không cho ai ra hay vào nếu không có lệnh. Tôi đưa vợ con đến sát chân tường và tuy có thẻ nhân viên tòa đại sứ trong túi nhưng không biết rằng có thuyết phục được các tay lính TQLC này cho vợ con tôi đi theo hay không.
Nếu tôi vào được bên trong mà vợ con bị bỏ rơi lại thì có thể sẽ bị VC trả thù, ý nghĩ đó cứ luẩn quẩn trong đầu tôi một lúc rồi đột nhiên trong một giây tôi quyết định, một quyết định đã làm thay đổi hẳn cả một đời người. Tôi quyết định ở lại cũng vợ con và đưa vợ con tôi về lại nhà bên Nội.
Khi Mẹ tôi nhìn thấy tôi thì chỉ hỏi được một câu là tại sao con không đi? Tôi trả lời rằng tôi không thể ra đi một mình được trong khi Mẹ và tất cả gia đình đều ở lại và ông anh Cả thì chưa có tin tức gì. Lúc đó thì ông anh thứ Hai của tôi nghe tin đồn ở đâu không biết thì tỏ ra lạc quan và nói rằng thế nào cũng có chính phủ Liên Hiệp và chắc mình không sao đâu. Ông ấy là người may mắn nhất vì sau đó đi “cải tạo” chưa đến ba cuốn lịch nhờ làm việc cho ngành Quân Y.
Tối hôm đó, tôi ngủ không được và chỉ có một điều an hận là mình mới 29 và chết quá trẻ. Sáng ngày hôm sau 30 tháng Tư lúc khoảng 10 giờ, đài phát thanh loan báo lệnh “bàn giao” của Tổng Thống mới lên là Dương Văn Minh, “Big Minh”. Tôi nghe như một phát súng nổ bên tai vậy, bèn lên trên lầu của nhà Mẹ tôi trên đường Trương Minh Giảng để thu xếp quần áo trở về nhà trong Phú Lâm.
Một lúc sau thì nghe thấy tiếng xe tăng chạy một cách nặng nề vào trong thành phố, tôi đẩy nhẹ cửa sổ ra nhìn xuống đường thì thấy một đoàn xe tăng T-54 đang lăn bánh từ hướng Ngã Ba Ông Tạ chạy qua nhà Mẹ tôi về hướng chiếc cầu và tôi thấy như toàn thể bầu trời đang sụp đổ trước mặt mình.
Chiều hôm đó, tôi lái xe đưa vợ con về lại căn nhà cũ. Tôi đã mua sẵn một hộp thuốc ngủ loại mạnh và định cùng với cả gia đình quyên sinh chứ không thể sống nổi với Cộng Sản được. Nhưng nhìn hai đứa con đang say ngủ ngây thơ vô tội, lòng tôi chùng xuống, tôi lại bỏ ý nghĩ đó và quyết định là sẽ ở nhà và chờ họ đến bắt mình rồi phó mặc cho số mệnh.
Mấy ngày sau, một chiếc xe díp chạy vào trong sân nhà tôi, với ba người mặc sắc phục như công an, trong đó có một tay có vẻ là tên chỉ huy, ngừng trước nhà và hỏi tìm tôi. Họ đưa tôi đến một căn nhà ba từng tại ngã Ba Ông Tạ, bên ngoài là tiệm Thợ May nhưng không ngờ trên lầu trước kia là VC nằm vùng trong đó. Sau ba ngày thẩm vấn liên tục, tên chỉ huy tự giới thiệu là Trung Tá có lẽ thuộc cơ quan Phản Gián từ Miền Bắc, nói giọng Bắc một cách lạnh lùng bảo tôi về sửa soạn để đi “tập trung cải tạo”. Lúc đó tôi vẫn chưa để ý đến hai chữ “tập trung”. Sau này tôi mới thấu hiểu được cách dùng chữ của VC vì ở tù tập trung có nghĩa là bị giam giữ không hạn định và không có án lệnh.
Thế rồi lệnh của Ủy ban Quân Quản mới “tiếp thu” Sàigòn ra lệnh cho chúng tôi chuẩn bị một tháng đi “học tập cải tạo”, “để thành công dân tốt”, để được hưởng “chính sách khoan hồng nhân đạo” của Đảng và Nhà Nước. Những người đi “cải tạo” mười ngày thì kéo dài ra vài năm. Những người đi một tháng thì trở thành sáu tháng, vài năm, mười năm, mười lăm năm; và còn lại 100 người cuối cùng thì bị giam giữ đến năm thứ mười bẩy tại giam Hàm Tân Z-30D.
“Hãy nhìn những gì Cộng Sản làm, đừng nghe những gì Cộng Sản nói”, câu nói ấy chưa bao giờ đúng và đầy ý nghĩa như vậy.
Khi tôi bước chân vào chốn ngục tù thì hai đứa con gái và con trai của tôi mới lên bốn và lên năm, lúc tôi trở về thì chúng đã bước vào lứa tuổi đôi mươi. Bây giờ cả hai cháu đều đã có gia đình riêng và mỗi khi có dịp gặp lại chị em cháu trên San Jose hay chúng xuống đây thăm tôi, tôi lại nghĩ rằng có lẽ tôi đã quyết định đúng vào cái buổi tối đêm 29 tháng Tư năm ấy tại cổng sau của Toà Đại Sứ Mỹ Sàigòn; và quyết định đúng không dùng thuốc ngủ cho các con mình và tự vẫn.
Con người ta quả là có số mệnh dù đôi lúc số mệnh đã quá ư nghiệt ngã với mình.
Năm Nhâm Thìn 2012,
Kỷ niệm lần thứ 37 - Ngày Quốc Hận.
TƯỞNG NĂNG TIẾN * CAO XUÂN HUY
Cao Xuân Huy
từ chuyện
Tháng Ba Gẫy Súng
Tưởng Năng Tiến
cố nhà văn quân đội Cao Xuân Huy
Tháng 3 năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi, khi khổng khi không, ông Cao Xuân Huy – một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà – giã từ vũ khí. Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng, cũng là kỳ vọng hay ước mơ tiềm ẩn của trung úy Cao Xuân Huy (nói riêng) và của cả nước (nói chung).
Sau đó (theo như lệnh của những nguời thuộc phe thắng trận) ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục (rất nhiều năm) trên những thửa đất … vô phương canh tác – ở nhiều trại cải tạo khác nhau. Ðiều này, dường như, không nằm trong ‘’ dự kiến ‘’ của cả nước (nói chung) và ‘’học viên’’ Cao Xuân Huy (nói riêng).
Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu đuợc tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng (may ra) mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng. Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, bằng hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông truờng quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc – nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là một phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.
Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy đã không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cầy – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nuớc mà đi.
Tháng 3 năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông ta cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt – trong cơn quốc biến – hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm xầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuốc – thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê nguời đất khách – ông Cao Xuân Huy (chả may) lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn và vẫn thuờng gây vô số chuyện phiền lòng (cũng như tai nạn) cho khổ chủ!
Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng (được nhiều người yêu qúi) trong suốt hai thập niên qua – dù ông viết không nhiều. Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn:
- Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.
- Thì mày cũng vậy!
Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng “tự hứa” sẽ bỏ rượu (trong tương lai gần) để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái “tương lai gần” này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khoẻ mong manh của Cao Xuân Huy trong thời gian qua.
Sáng nay, tôi cầm tờ Người Việt mà bỗng thấy run tay:
“Ông Cao Xuân Huy, tác giả cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ qua đời chiều Thứ Sáu 12 tháng 11, 2010, sau một thời gian bạo bệnh, tại tư gia ở Lake Forest, California.”“Tại hải ngoại, ông Cao Xuân Huy từng cộng tác với báo Người Việt trong nhiều năm, cũng như với tuần báo Việt Tide. Ông nhiều lần làm tổng thư ký tạp chí Văn Học và chủ biên tạp chí này.”“Tuy hoạt động rất nhiều với văn chương, ông ít khi tự nhận mình là nhà
văn. Trong bài tựa cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ ông viết, ‘Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể
lại bằng chữ.”“Nhà thơ Du Tử Lê cũng viết rằng ông Cao Xuân Huy ‘là người luôn từ chối hai chữ ‘nhà văn’ một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt
tuổi thanh xuân, cộng thêm 5 năm tù ‘cải tạo!’”“Ông Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.” “Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng.’ Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn ‘Vài mẩu chuyện,” do tạp chí Văn Học xuất bản.“Trong cáo phó, gia đình ông Cao Xuân Huy viết, ‘Mọi phúng điếu, nếu có, sẽ dành trọn để yểm trợ: Quỹ Thương binh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Trại Trẻ em Cô nhi, Khiếm Thị Long Thành, Việt Nam.”“Chương trình tang lễ ông Cao Xuân Huy được cho biết như sau: 92683, điện thoại (714) 893-3525.”
văn. Trong bài tựa cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng,’ ông viết, ‘Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể
lại bằng chữ.”“Nhà thơ Du Tử Lê cũng viết rằng ông Cao Xuân Huy ‘là người luôn từ chối hai chữ ‘nhà văn’ một cách thẳng thắn, với đôi chút khinh bạc của một Thủy Quân Lục Chiến, binh chủng ông từng vào sinh, ra tử, suốt
tuổi thanh xuân, cộng thêm 5 năm tù ‘cải tạo!’”“Ông Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm.” “Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký ‘Tháng Ba Gãy Súng.’ Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn ‘Vài mẩu chuyện,” do tạp chí Văn Học xuất bản.“Trong cáo phó, gia đình ông Cao Xuân Huy viết, ‘Mọi phúng điếu, nếu có, sẽ dành trọn để yểm trợ: Quỹ Thương binh Thủy Quân Lục Chiến VNCH, và Trại Trẻ em Cô nhi, Khiếm Thị Long Thành, Việt Nam.”“Chương trình tang lễ ông Cao Xuân Huy được cho biết như sau: 92683, điện thoại (714) 893-3525.”
- Nghi lễ nhập quan và phát tang: 12 giờ trưa Thứ Ba 16 tháng 11.
- Nghi lễ phủ kỳ: Từ 18 giờ đến 20 giờ Thứ Ba 16 tháng 11.
- Thăm viếng: Từ 12 giờ đến 20 giờ Thứ Tư 17 tháng 11.
- Nghi lễ hỏa táng: Từ 9 giờ đến 11 giờ Thứ Năm 18 tháng 11.
Ðịa điểm: Peek Family Funeral Home, 7801 Bolsa Ave., Westminster, CA
Tôi vốn ham chơi, và hay thích đàn đúm. Đ… mẹ, bạn bè – khi khổng khi không – nó bỏ đi (ngang hông và ngang xương) như vậy thì tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa?
Tưởng Năng Tiến
11/2010
Nhà văn Cao Xuân Huy
Wednesday, October 7, 2015
HỘI NGHỊ XII
Hội nghị trung ương 12 khai mạc, bàn về trường hợp nhân sự ‘đặc biệt’
Bạn đọc Danlambao - Sáng ngày 5/10/2015, hội nghị trung ương lần thứ 12 của đảng cộng sản đã chính thức khai mạc, trong đó vấn đề liên quan đến trường hợp nhân sự ‘đặc biệt’ sẽ được mang ra bàn cãi.
Phát biểu trong phiên khai mạc, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây sẽ là lần đầu tiên bộ chính trị trình bày về phương án nhân sự để trung ương đảng chia chác.
Chưa phải hội nghị trung ương cuối cùng
200 uỷ viên trung ương đảng cũng được yêu cầu xem xét một số trường hợp nhân sự ‘đặc biệt’, tức những người sẽ tiếp tục tái cử tại đại hội đảng 12 sắp tới.
4 chức danh chủ chốt – được coi là ‘tứ trụ triều đình’ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội dự kiến sẽ là một chủ đề nóng tại hội nghị.
“Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.”, người đứng đầu đảng CSVN nhấn mạnh.
Phát biểu trên cho thấy, ông Trọng không kỳ vọng hội nghị lần này sẽ ngã ngũ về vấn đề nhân sự.
Dù đã bước vào giai đoạn nước rút, nhưng các tranh chấp quyền lực trong nội bộ cộng sản vẫn đang bất phân thắng bại. Điều này cũng là nguyên nhân chính khiến hội nghị trung ương 12 vẫn chưa phải là một kỳ họp cuối cùng.
Đại hội đảng toàn quốc 12 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2016, chóp bu CSVN sẽ chỉ còn 2 tháng để đưa ra quyết định cuối cùng về mặt nhân sự.
Trường hợp ‘đặc biệt’
Xét về quy định tuổi tác, 4 chức danh ‘tứ trụ’ hiện nay trong chế độ CSVN (bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) sẽ phải nghỉ hưu do vượt quá độ tuổi 65 tại đại hội 12 sắp tới.
Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, sinh năm 1949, đang có tham vọng sẽ trở thành tổng bí thư vào năm 2016 khi đã ngấp nghé tuổi 67.
Nhờ khả năng thâu tóm cả trung ương đảng, ông Dũng có thể gây áp lực để buộc các đối thủ chấp nhận cho ông ở lại bộ chính trị như ‘trường hợp đặc biệt’.
Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra thì nhiều uỷ viên bộ chính trị đến tuổi nghỉ hưu như: Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị, Phùng Quang Thanh, Lê Hồng Anh, Lê Thanh Hải... cũng sẽ phải đòi cho họ được quyền miễn trừ ‘đặc biệt’.
Khi có quá nhiều ứng cử viên, chiếc ghế tổng bí thư do ông Trọng để lại có thể là nguyên nhân gây ra một cuộc hỗn chiến giữa các phe phái, khiến tan nát cả đảng cộng sản.
Đó là chưa nói đến bàn tay ngấm ngầm can thiệp của Trung Cộng, đặc biệt là khi Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2015.
Do đó, vấn đề nhân sự liên quan đến ‘trường hợp đặc biệt’ sẽ là một chủ đề gay cấn nhất tại hội nghị trung ương lần thứ 12. Các cuộc mật họp sẽ diễn ra trong 6 ngày, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/10/2015 sắp tới.
NGUYỄN TRỌNG DÂN * TRUNG CỘNG
Trung Cộng đang trên đà sụp đổ!
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Trung Cộng đang trên đà sụp đổ! Tạp chí Frontline của Hồng Kông cho rằng sự sụp đổ của Trung Cộng sẽ gồm ba giai đoạn:
1. Giai đoạn một: Sụp đổ về kinh tế.
2. Giai đoạn hai: Sụp đổ về chính trị & nội bộ cầm quyền tan rã
Cho dù có thận trọng đến mấy trước nhân định của báo chí Hông Kông thì mọi người cũng không thể phủ nhận, Trung Cộng đang thật sự đương đầu với khủng hoảng sụp đổ về kinh tế, rạn nứt về nội bộ lãnh đạo và sụp đổ về an sinh xã hội.
A. Trung Cộng đang sụp đổ về kinh tế:
Cương quyết nắm chặt trong tay quyền điều khiển kinh tế của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu đi đến sụp đổ kinh tế tại nước này mà không thể nào cứu vãn.
Quyết định lầm lẫn và cố chấp của Trung Cộng cứ tiếp tục in tiền không ngừng nghĩ để tung ra trợ giá chứng khoán và rồi lại phải bán ngoại tệ dự trữ không ngừng nghĩ để ngăn cản Nhân Dân tệ tụt giá nghiêm trong làm tài lực Trung Cộng bị suy cạn để rồi đất nước đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng và đổ vỡ về tài chánh.
Thị trường chứng khoán của Trung Cộng tiếp tục bốc hơi cả trăm tỷ Mỹ kim của người dân lẫn của chính phủ chỉ vì không tuân theo những quy luật tự nhiên trong kinh tế, trong đó, trị giá cổ phần phải dựa vào thu nhập của công ty bán ra cổ phần trên thị trường. Trong khi hầu hết các đại công ty quốc doanh của Trung Cộng đang thua lỗ thì giá cổ phần của các đại công ty này lại tăng vọt quá mức do bị giựt dây bởi sức mua ồ ạt từ chính phủ. Nếu thế thì khi chính phủ ngừng mua, giá cổ phần lại rớt rất thảm hại trở lại ngay lập tức để trở về trị giá thật của cổ phần vì thiếu người bơm hơi thu mua ồ ạt. Mà nếu tình hình cứ tiếp diễn lập đi lập lại như vậy, tài lực nào mà chịu cho nỗi. Thặng dư
TPP
Tổng thống Obama cổ xúy cho hiệp định TPP
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp về hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Sở Nông nghiệp ở Washington, ngày 6/10/2015.
- Hiệp định TPP châm ngòi tranh luận trên mạng ở Trung Quốc
- Hiệp định TPP được hoan nghênh ở Châu Á với một số lo ngại
- Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố hoàn tất thành công TPP
- Hoàn tất thỏa thuận TPP 07.10.2015
Tổng thống Mỹ Barack Obama cổ xúy cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một ngày sau khi 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương đạt thỏa thuận tự do thương mại này ở Atlanta. Hiệp định gây tranh cãi liên quan đến khoảng 40% thương mại toàn cầu còn phải chờ được giới lập pháp của các nước tương ứng chấp thuận. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke, Tổng thống Obama đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ đối với TPP, kể cả từ các thành viên trong đảng của ông.
Sau hơn 5 năm đàm phán triệt để, Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác hôm thứ hai đã đạt được thỏa thuận để dỡ bỏ hoặc giảm bớt các rào cản đối với giao thương qua lại giữa các nước. Những người ủng hộ TPP, trong đó có Tổng thống Obama, tuyên bố thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp sức cho sự phát triển và thúc đẩy đổi mới trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Obama phát biểu:
“Thỏa thuận này thúc đẩy cạnh tranh thương mại qua việc dỡ bỏ 18 ngàn loại thuế và thuế quan đánh vào hàng hóa của Mỹ tại các nước này.”
Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục nhiều nhà lập pháp ở hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, người đang tham gia cuộc đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống, nói với các ủng hộ viên tại Washington rằng các thỏa thuận tự do mậu dịch trước đây từng không đáp ứng mong đợi. Ông Bernie Sanders nói:
“Lịch sử các hiệp định thương mại của quốc gia này là thảm họa đối với người lao động Mỹ. Chúng ta đã mất hàng triệu công ăn việc làm có lương khá. Các thỏa thuận đó đã đưa chúng ta vào cuộc đua tới đáy. Tôi thật sự chán ngán khi nhìn thấy công nhân Mỹ phải cạnh tranh với người dân các nước có lương thấp trên thế giới với mức lương hàng xu cho một giờ làm việc. Thực trạng này phải thay đổi."
Theo các chuyên gia, thỏa thuận thương mại TPP chắc chắn sẽ làm tổn thương một số ngành công nghiệp, ít nhất là trong bước ban đầu, nhưng sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Ông Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phát biểu:
"Một số ngành công nghiệp được lợi rõ ràng là các ngành công nghệ cao như ngành sản xuất chất bán dẫn, máy vi tính. Thật sự có một số điều khoản đột phá liên quan tới luồng chảy tự do của dữ liệu và ngăn không cho các nước đòi hỏi lưu trữ dữ liệu cục bộ, vốn đang là một vấn đề lớn đối với Google trên thế giới."
Thỏa thuận đối tác thương mại bao gồm gần phân nửa dân số thế giới dự kiến sẽ làm suy yếu Trung Quốc, nước không tham gia TPP. Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng TPP sẽ không có tác động lớn đối với ngành ngoại thương của Bắc Kinh.
Ông Trương Kiến Bình thuộc Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc nói:
"Trung Quốc đã ký thỏa thuận tự do thương mại song phương với 2/3 các nước thành viên trong TPP. Bắc Kinh có thể cân bằng những tác động tiêu cực của TPP trong một chừng mực nào đó. "
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
TPP sẽ giúp Việt Nam ‘thoát Trung’?
06.10.2015
Mỹ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương khác đã đạt được thoả thuận chung cuộc về một hiệp định thương mại sẽ hạ thấp thuế quan và giảm thiểu những rào cản mậu dịch cho gần phân nửa nền kinh tế thế giới.
Thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trong nhiều thập kỷ mà Hà Nội và 11 đối tác mới ký kết mang lại hy vọng về khả năng Việt Nam sẽ thoát khỏi cái bóng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới được 12 nước hoàn tất hôm qua, 5/10, sau nhiều năm đàm phán cam go, dự kiến sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các tiêu chuẩn mậu dịch cho các quốc gia tham gia.
Thời gian qua, Việt Nam là một trong những nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất nhằm tiến tới việc chung quyết TPP.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Thế thì nếu Việt Nam vào TPP, thì có khả năng là với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì sự lệ thuộc này nó sẽ dần dần giảm bớt.
Cựu đại biểu Quốc hội VN Nguyễn Minh Thuyết nói.
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho VOA Việt Ngữ biết rằng cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, ông “rất vui” về diễn biến này.
Ông cho rằng “đây sẽ là một cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường buôn bán với một số ưu đãi nhất định cũng như đỡ lệ thuộc hơn vào một số nền kinh tế khác”. Ông Thuyết nói thêm:
“Việt Nam ở cạnh Trung Quốc là nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều. Hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều. Cán cân thương mại hai nước rất là lệch. Thứ hai nữa là, phần lớn các công trình ở Việt Nam, các công trình quan trọng, là do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Thế thì nếu Việt Nam vào TPP, thì có khả năng là với nhiều đối tác khác, có sự hợp tác chặt chẽ thì sự lệ thuộc này nó sẽ dần dần giảm bớt. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế trước đi đã còn những việc khác theo tôi cũng phải qua một quá trình với một quyết tâm thì mới có thể đạt được. Có thể nói là hầu hết người Việt Nam mong muốn như vậy.”
Phát biểu sau khi TPP được ký kết, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Washington không thể để Trung Quốc lập ra luật lệ về thương mại toàn cầu.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói trong một thông cáo phổ biến hôm 5/10: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để các nước như Trung Quốc viết ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta cần phải viết ra các luật lệ đó, mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ trong khi đặt ra các tiêu chuẩn cao nhằm bảo vệ các công nhân và giữ gìn môi trường”.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia không nằm trong 12 nước ký vào TPP, đã lên tiếng phản ứng thận trọng về TPP. Bắc Kinh tuyên bố “để ngỏ trước bất kỳ cơ chế nào” tuân thủ các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tân Hoa Xã trích lời thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại tự do quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Cái này [TPP] sẽ dần dần mở ra quan hệ với nhiều nước, nó sẽ là cái tốt hơn cho mình. Mặt khác, chính việc Việt Nam tham gia vào cái này, nó cũng là một cơ hội tốt cho kể cả phía Trung Quốc trong việc làm ăn thông qua thị trường của Việt Nam. Cho nên là nó cũng mang lại nhiều mặt tích cực”.
Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhận xét.
Bộ này được trích tiếp: "Trung Quốc hy vọng thỏa thuận TPP và các cơ chế mậu dịch tự do khác trong khu vực sẽ hỗ trợ cho nhau và góp phần làm gia tăng thông thương, đầu tư và kinh tế cho khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng thỏa thuận sẽ có ý nghĩa mang tính chiến lược hơn nếu Trung Quốc gia nhập TPP trong tương lai.
Cũng giống như cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, nói với VOA Việt Ngữ rằng TPP giúp Việt Nam mở rộng thị trường. Ông nói:
“Trong lĩnh vực thương mại của mình với Trung Quốc, thì Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn. Mình thấy cần phải đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường. Cái này [TPP] sẽ dần dần mở ra quan hệ với nhiều nước, nó sẽ là cái tốt hơn cho mình. Mặt khác, chính việc Việt Nam tham gia vào cái này, nó cũng là một cơ hội tốt cho kể cả phía Trung Quốc trong việc làm ăn thông qua thị trường của Việt Nam. Cho nên là nó cũng mang lại nhiều mặt tích cực”.
Theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ phải được quốc hội từng nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Cũng có quan điểm như ông Thảo, cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông “chưa nhìn thấy vướng mắc gì” tại cơ quan lập pháp ở Việt Nam.
Ông nói:
“Trong quá trình đàm phán, các vị đại biểu quốc hội cũng đã theo dõi và cũng được chính phủ thông tin thường xuyên, nên khi mà trình ra để thông qua quốc hội thì tôi chắc rằng câu chuyện không có gì phức tạp, vả lại, với thể chế của Việt Nam thì việc thông qua quốc hội, nó cũng không phải là khó khăn lắm”.
Ông Thuyết nói thêm rằng, cũng như người dân Việt Nam khác, ông “rất mong muốn chính phủ sẽ phải có một kế hoạch rất là chu đáo để chuẩn bị cho Việt Nam bước vào TPP một cách thật là thuận lợi”.
Trong khi TPP được dự báo sẽ dễ dàng được thông qua tại Quốc hội Việt Nam thì thỏa thuận thương mại tự do này được cho là sẽ tiếp tục vấp phải nhiều trở ngại tại quốc hội Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố ông sẽ "làm tất cả những gì có thể để đánh bại thỏa thuận này" tại cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ.
Nhận định trên trang blog cá nhân, tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Thành thị ở Hong Kong, viết rằng “TPP sẽ mang lại những cơ hội tốt cho Việt Nam. Nhưng những tác động của TPP tới sự phát triển của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các thể chế chính trị, kinh tế ở Việt Nam trong những năm tới. Còn sớm là đúng”.
Đồng minh châu Á của Mỹ hy vọng TPP kềm hãm được Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Nhật Akira Amari (G) họp báo nhân lúc nghỉ giải lao tại cuộc đàm phán TPP ở Atlanta, Hoa Kỳ, 3/10/ 2015.REUTERS/Kevin Fogarty
Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã được chào đón như là một chiến thắng của Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại châu Á. Theo nhận định của nhật báo Mỹ The New York Times vào hôm qua, 06/10/2015, các đồng minh và thân hữu của Mỹ tại châu Á đang hy vọng rằng TPP có thể biến thành đối trọng với những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, không chỉ trên mặt thương mại mà cả trong những lãnh vực khác, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, TPP hiển nhiên không thể làm xoay chuyển thực tế là Trung Quốc vẫn là nước có nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn hầu hết tất cả các quốc gia công nghiệp phát triển. Thế nhưng nó lại là một biểu tượng quan trọng của việc Mỹ duy trì được quyền lực ở châu Á.
Ông Eswar S. Prasad, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Cornell, nguyên lãnh đạo bộ phận phụ trách Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định là việc TPP được thông qua « ít ra là đã tạm thời ngăn chặn được đà sút giảm dường như không gì cưỡng lại được của ảnh hưởng của Mỹ, và sự gia tăng tương ứng của ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á ».
Kể từ năm 2011, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại Úc rằng Hoa Kỳ sẽ đóng một « vai trò lớn hơn và lâu dài » trong việc định hình khu vực châu Á, các đồng minh của Mỹ đã nôn nóng chờ đợi kết quả. Trong một thời gian dài, chính sách « xoay trục » qua Châu Á của Mỹ dường như chỉ là nằm dưới dạng lời nói, với mục tiêu là chống lại Trung Quốc.Ngay cả sau khi Washington đã khẳng định rằng trọng tâm mới của họ là Châu Á, bạn bè của Mỹ trong khu vực vẫn tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Thậm chí một số nước còn ký hiệp định thương mại với Trung Quốc sau khi Mỹ loan báo chủ trương xoay trục, và xem Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Một ví dụ là Úc, tháng Sáu vừa qua đã ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, cho dù chưa đưa văn kiện này qua Quốc hội để phê chuẩn.
TPP là một vấn đề « an ninh quốc gia »
Theo The New York Times, có lẽ chính vì nghịch lý như vừa kể mà cả Hoa Kỳ lẫn một số nước châu Á đã cố trình bày thỏa thuận TPP như là một vấn đề thuộc phạm trù « an ninh quốc gia », để chống lại Trung Quốc, chứ không đơn thuần là một vấn đề kinh tế.
Hãng tin Bloomberg vào hôm qua đã nhấn mạnh ý nghĩa này khi cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có tác dụng củng cố thêm vai trò của Mỹ trong chiến lược xoay trục qua châu Á và tăng cường sức ép trên Trung Quốc để nước này chấp nhận các quy tắc mà Hoa Kỳ đề ra trong vấn đề kinh doanh.
Lý do rất đơn giản : Một khi có hiệu lực, TPP sẽ mang lại cho Mỹ những đối tác thương mại gần gũi hơn, nghĩa là những người bạn thân thiết hơn, tại vùng châu Á Thái Bình Dương, có nền kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Trung Quốc có thể sẽ bị buộc phải đi theo các chuẩn mực do Mỹ quy định nếu không muốn bị thua thiệt.
Trong phát biểu đầu tiên của mình sau khi TPP được thông qua, Tổng thống Mỹ không hề che giấu : « Khi có đến hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các nước như Trung Quốc viết ra các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu ».
Tóm lại, với TPP được thông qua, chính sách xoay trục qua Châu Á của chính quyền Obama coi như đã được hoàn chỉnh bằng thành tố kinh tế, cho đến nay vẫn còn thiếu. Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng đối với ông, TPP cũng quan trọng như một chiếc hàng không mẫu hạm khác trên Thái Bình Dương.
Hãng tin Bloomberg vào hôm qua đã nhấn mạnh ý nghĩa này khi cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có tác dụng củng cố thêm vai trò của Mỹ trong chiến lược xoay trục qua châu Á và tăng cường sức ép trên Trung Quốc để nước này chấp nhận các quy tắc mà Hoa Kỳ đề ra trong vấn đề kinh doanh.
Lý do rất đơn giản : Một khi có hiệu lực, TPP sẽ mang lại cho Mỹ những đối tác thương mại gần gũi hơn, nghĩa là những người bạn thân thiết hơn, tại vùng châu Á Thái Bình Dương, có nền kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Trung Quốc có thể sẽ bị buộc phải đi theo các chuẩn mực do Mỹ quy định nếu không muốn bị thua thiệt.
Trong phát biểu đầu tiên của mình sau khi TPP được thông qua, Tổng thống Mỹ không hề che giấu : « Khi có đến hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở bên ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta không thể để cho các nước như Trung Quốc viết ra các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu ».
Tóm lại, với TPP được thông qua, chính sách xoay trục qua Châu Á của chính quyền Obama coi như đã được hoàn chỉnh bằng thành tố kinh tế, cho đến nay vẫn còn thiếu. Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng đối với ông, TPP cũng quan trọng như một chiếc hàng không mẫu hạm khác trên Thái Bình Dương.
TPP, cú đá hậu vào Bắc Kinh
Nhiều thị trường mới sẽ mở ra cho ngành giày xuất khẩu Việt Nam sau khi TPP được ký kết.REUTERS/Kham
Liên quan đến TPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương đã kết thúc thành công hôm thứ Hai sau 8 năm đàm phán gay go giữa 12 nước trong đó có Việt Nam, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro hôm nay 05/10/2015 nhận định « Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, một cú đá giò lái cho Bắc Kinh ».
Đỉnh điểm của chiến lược xoay trục mà Tổng thống Barack Obama mong muốn, thỏa thuận về hiệp định TPP tại Atlanta, theo ví von của Les Echos, là một hòn đá ném vào sân sau của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bị sa lầy trong tiến trình cải cách và xác định lại mô hình kinh tế, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ qua mặt.
Không chỉ có việc không phải là thành viên của khối 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới, mà Washington còn kiến tạo những trao đổi tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lên tiếng hoan nghênh hiệp định, ông Obama nhấn mạnh đến tính chất đối trọng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ nói : « Khi mà trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho kinh tế thế giới. TPP tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ tại một khu vực mang tính sống còn trong thế kỷ 21 ».
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại còn dấn sâu hơn khi khẳng định Nhật Bản, đại địch của Bắc Kinh ở châu Á sẽ « xúc tiến tăng trưởng khu vực, thịnh vượng và ổn định thông qua việc đào sâu quan hệ với các nước cùng chia sẻ những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền ».
Các lời bình này càng làm Bắc Kinh thêm tin tưởng TPP là công cụ để kìm hãm ảnh hưởng Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cố vớt vát sự thiếu vắng phản ứng của Bắc Kinh trong kỳ nghỉ, Tân Hoa Xã cho rằng « hiệp định thiếu minh bạch ». Cuối cùng Bộ trưởng Thương mại cũng lên tiếng cho biết « mở cửa cho mọi cơ chế có thể củng cố sự hội nhập kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương ».
Ngay cả Việt Nam cuối cùng cũng mở cửa
Ngoài Nhật Bản, TTP gồm cả một số đối tác khác của Trung Quốc như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Úc, Brunei. Với hiệp định này, nước Việt Nam cộng sản sẽ mở cửa không gian mạng và xuất khẩu vào khu vực tự do mậu dịch này với thuế suất ưu đãi, còn giá lao động hiện chỉ bằng 60% so với các tỉnh miền đông Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, vốn đã dành ưu tiên cho việc vẽ ra bức tranh của thương mại thế giới trong tương lai, chủ yếu qua sự thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và một khối mậu dịch tự do có tầm vóc khiêm tốn hơn, như vậy đã phải lãnh một cú rờ-ve.
Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia sáng lập TPP, do phải cải cách rất nhiều nếu muốn gia nhập, đặc biệt là phải tự do hóa lãnh vực tài chính. Vấn đề là cuối cùng Bắc Kinh có gia nhập khối TPP hay không. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là phải khẩn cấp thực hiện những cải cách đang bị hoãn lại do kinh tế sa sút, và sự chống đối của các tập đoàn quốc doanh độc quyền cũng như phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Le Figaro, đó là cái giá phải trả nếu Bắc Kinh muốn chuyển đổi từ mô hình công xưởng thế giới thành một trung tâm sáng tạo, một nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng. Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình phải chịu đựng một sự hạ nhục : nghe địch thủ Shinzo Abe « lên lớp ». Thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đạt được việc cải tiến các quy định để có thể gia nhập TPP.
Điều an ủi duy nhất cho Bắc Kinh, là Tổng thống Mỹ còn phải tập hợp được những người ủng hộ thuộc cả hai đảng để hiệp định được Quốc hội thông qua. Một sự đánh cược vào đúng thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống.
TPP và Obama: Thành công của chủ trương « xoay trục »
Cũng về TPP, phụ trang kinh tế của Le Monde trong bài « Thương mại : Mỹ và châu Á ký kết một hiệp định lịch sử » sau khi kể ra những thử thách cuối cùng phải vượt qua về bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm sinh học, sản phẩm sữa và phụ tùng xe hơi ; đã nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục của ông Obama.
Ván bài TPP hết sức rộng lớn. Trước hết, khi hài hòa các chuẩn mực và hạ mức thuế quan, TPP nhằm đẩy mạnh thương mại giữa 12 nước. Các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ được đẩy lên theo quan điểm phương Tây, bên cạnh đó là chấp nhận mở rộng internet kể cả tại Việt Nam, nơi mà chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn phản đối. TPP cũng dành hẳn một chương cho việc cấm buôn bán động vật hoang dã, khai thác quá mức môi trường.
Với TPP, 18.000 sắc thuế do 11 đối tác đánh vào hàng xuất khẩu Mỹ trong các lãnh vực máy công cụ, công nghệ thông tin, hóa học, nông sản sẽ được dỡ bỏ. Một chương được dành cho việc nâng các tiêu chuẩn về quyền của người lao động tại những nước như Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Về mặt ngoại giao, đối với Hoa Kỳ TPP là kết quả chiến lược xoay trục, qua việc siết chặt quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đối phó trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là một thành công cho ông Barack Obama. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh: « TPP gồm các cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường chưa bao giờ đạt được trong một hiệp định tự do mậu dịch, và những cam kết này là bắt buộc thực hiện, khác với những hiệp ước trước đây ».
Tuy nhiên Le Monde nhắc lại những cản ngại chưa phải là chấm dứt cho TPP, vì còn phải được Quốc hội của mỗi nước thông qua, trước hết là Quốc hội Mỹ. Đã có những tiếng nói quan ngại : dân biểu Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện tỏ ra thận trọng ; còn cánh cực tả của phe Dân chủ như Bernie Sanders thì cực lực tố cáo TPP chỉ mang lợi lộc cho Wall Street và các tập đoàn lớn.
Tờ báo nói thêm, một số đại biểu Dân chủ vẫn còn bực tức về hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), thương lượng năm 1994 dưới thời Bill Clinton, cho rằng đã đẩy một số ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ chạy sang Mêhicô, làm mất đi 700.000 việc làm. Tập đoàn xe hơi Ford « khuyến cáo Quốc hội không thông qua TPP dưới hình thức hiện nay, để bảo đảm tính cạnh tranh tương lai của công nghiệp xe hơi ». Các tổ chức phi chính phủ, các nghiệp đoàn cũng sẽ tham gia phản đối trong những tuần lễ sắp tới.
Bắc Kinh tuyên truyền chống Nhật, dân Hoa lục vẫn đổ xô du lịch Nhật Bản
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến hiện tượng « Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản ». Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, số khách du lịch từ Hoa lục đến tham quan đất nước hoa anh đào năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Tờ báo cho rằng đây là cả một sự nhạo báng đối với bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh vốn luôn lặp đi lặp lại những tội ác trong quá khứ của quân phiệt Nhật : ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc sang thăm nước láng giềng Nhật Bản. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài từ ngày 1 đến 7 tháng Mười càng khẳng định thêm xu hướng này, chủ yếu là do chênh lệch tỉ giá giữa đồng yen và nhân dân tệ.
Theo con số đặt chỗ của Ctrip, công ty du lịch trên mạng hàng đầu Trung Quốc được báo chí chính thức dẫn ra, Nhật Bản là hướng đến đứng trên cả Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao và Hoa Kỳ, những lựa chọn truyền thống của du khách Hoa lục trong kỳ nghỉ quan trọng thứ nhì chỉ sau Tết âm lịch. Tổng cục Du lịch Trung Quốc ước tính khách trong nước sang Nhật Bản du lịch tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nỗ lực không ngơi nghỉ của Bắc Kinh nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã vấp phải một thực tế phũ phàng: lợi dụng đồng yen sụt giá, dân Hoa lục sang Nhật chủ yếu để shopping hơn là thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào. Tờ China Daily chọn đăng tấm ảnh kết quả mua sắm trên mạng của một cô gái Trung Quốc ở khu phố Akihabara, Tokyo.
Các món hàng hiệu tại Nhật nay đã rẻ hơn tại Hồng Kông hay Macao, và tất nhiên mang lại niềm vui cho chủ các khách sạn ở Nhật, đầy kín khách. Hồng Kông bỗng nhiên thiệt thòi, trong khi Hàn Quốc dần hồi phục sau nạn dịch SARS. Hoa Kỳ thì vẫn thu hút một lượng khách du lịch Trung Quốc đáng kể nhờ thủ tục cấp visa dễ dàng hơn.
Ngược lại những ai chọn lựa ở lại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ này, có thể sẽ phải hối hận. Từ tối Chủ nhật cho đến nay, thủ đô Trung Quốc bị chìm trong màn sương mù ô nhiễm dày đặc, khiến tầm nhìn bị hạn chế trong vòng vài mét. Chỉ số chất lượng không khí do đại sứ quán Mỹ công bố đã vượt qua ngưỡng 400 trong khu vực nguy hiểm.
Air France có trụ được qua khủng hoảng ?
Sau vụ bạo động tại trụ sở Air France, mà cảnh tượng hai nhà lãnh đạo công ty hàng không này - áo sơ mi bị xé rách, phải mình trần vượt hàng rào thoát thân trước đám đông biểu tình giận dữ -được truyền đi khắp thế giới, gây tổn hại cho hình ảnh nước Pháp. Le Monde cho rằng « một sự sụp đổ là khó thể tránh khỏi ».
Hoặc là hội nhập, hoặc phải biến mất. Thời gian càng trôi qua thì sự tồn tại của Air France càng bị đe dọa. Sau hãng PanAm rồi đến TWA trong thập niên 90 và những năm 2000, hay mới đây là Swissair, Malev hay Sabena, công ty hàng không uy tín của Pháp có thể nối dài danh sách các công ty bị đóng cửa hay bị một đối thủ cạnh tranh nuốt chửng. Mối đe dọa mà cách đây vài tháng được ban giám đốc nêu ra để thúc đẩy nhân viên nỗ lực hơn trong thương lượng, nay có thể thành hiện thực : ngay cả những tên tuổi lớn cũng có thể bị chìm đắm.
Một lãnh đạo Air France ngậm ngùi : « Nếu trong vòng hai mươi năm qua, ban giám đốc không ‘‘mua’’ lấy sự yên tĩnh đối với nhân viên, thì đã không có ngày hôm nay ». Trong thời kỳ đó Air France rất năng động, đến năm 2004 còn mua lại hãng KLM của Hà Lan, được xếp hàng đầu thế giới.
Nhưng rồi trên bầu trời xuất hiện các đối thủ cạnh tranh : các công ty hàng không giá rẻ trên các tuyến đường ngắn và trung bình, các hãng vùng Vịnh trên tuyến đường dài. Air France bị tấn công tại cả hai thị trường chính, và chi phí hiện nay cao hơn các đối thủ ở châu Âu từ 20 đến 25%. Vụ đình công kéo dài hai tuần lễ của các phi công tháng 9/2014 để chống lại việc thành lập chi nhánh giá rẻ Transavia Europe đã gây thiệt hại nặng cho hãng.
Tuy chỉ trích hành động này của giới phi công, nhưng Nhà nước Pháp đang nắm 17% vốn, theo Le Monde cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trong nhiều năm trời, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, chính quyền luôn muốn dàn xếp cho qua để tránh các cuộc đình công thay vì tính đến tầm vóc và nguy cơ của khủng hoảng. Và như thế, một khi Air France lọt vào tay nước ngoài, sẽ là một thất bại cay đắng cho Nhà nước Pháp.
Không chỉ có việc không phải là thành viên của khối 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới, mà Washington còn kiến tạo những trao đổi tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lên tiếng hoan nghênh hiệp định, ông Obama nhấn mạnh đến tính chất đối trọng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ nói : « Khi mà trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho kinh tế thế giới. TPP tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ tại một khu vực mang tính sống còn trong thế kỷ 21 ».
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại còn dấn sâu hơn khi khẳng định Nhật Bản, đại địch của Bắc Kinh ở châu Á sẽ « xúc tiến tăng trưởng khu vực, thịnh vượng và ổn định thông qua việc đào sâu quan hệ với các nước cùng chia sẻ những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền ».
Các lời bình này càng làm Bắc Kinh thêm tin tưởng TPP là công cụ để kìm hãm ảnh hưởng Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cố vớt vát sự thiếu vắng phản ứng của Bắc Kinh trong kỳ nghỉ, Tân Hoa Xã cho rằng « hiệp định thiếu minh bạch ». Cuối cùng Bộ trưởng Thương mại cũng lên tiếng cho biết « mở cửa cho mọi cơ chế có thể củng cố sự hội nhập kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương ».
Ngay cả Việt Nam cuối cùng cũng mở cửa
Ngoài Nhật Bản, TTP gồm cả một số đối tác khác của Trung Quốc như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Úc, Brunei. Với hiệp định này, nước Việt Nam cộng sản sẽ mở cửa không gian mạng và xuất khẩu vào khu vực tự do mậu dịch này với thuế suất ưu đãi, còn giá lao động hiện chỉ bằng 60% so với các tỉnh miền đông Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, vốn đã dành ưu tiên cho việc vẽ ra bức tranh của thương mại thế giới trong tương lai, chủ yếu qua sự thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và một khối mậu dịch tự do có tầm vóc khiêm tốn hơn, như vậy đã phải lãnh một cú rờ-ve.
Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia sáng lập TPP, do phải cải cách rất nhiều nếu muốn gia nhập, đặc biệt là phải tự do hóa lãnh vực tài chính. Vấn đề là cuối cùng Bắc Kinh có gia nhập khối TPP hay không. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là phải khẩn cấp thực hiện những cải cách đang bị hoãn lại do kinh tế sa sút, và sự chống đối của các tập đoàn quốc doanh độc quyền cũng như phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Le Figaro, đó là cái giá phải trả nếu Bắc Kinh muốn chuyển đổi từ mô hình công xưởng thế giới thành một trung tâm sáng tạo, một nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng. Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình phải chịu đựng một sự hạ nhục : nghe địch thủ Shinzo Abe « lên lớp ». Thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đạt được việc cải tiến các quy định để có thể gia nhập TPP.
Điều an ủi duy nhất cho Bắc Kinh, là Tổng thống Mỹ còn phải tập hợp được những người ủng hộ thuộc cả hai đảng để hiệp định được Quốc hội thông qua. Một sự đánh cược vào đúng thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống.
TPP và Obama: Thành công của chủ trương « xoay trục »
Cũng về TPP, phụ trang kinh tế của Le Monde trong bài « Thương mại : Mỹ và châu Á ký kết một hiệp định lịch sử » sau khi kể ra những thử thách cuối cùng phải vượt qua về bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm sinh học, sản phẩm sữa và phụ tùng xe hơi ; đã nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục của ông Obama.
Ván bài TPP hết sức rộng lớn. Trước hết, khi hài hòa các chuẩn mực và hạ mức thuế quan, TPP nhằm đẩy mạnh thương mại giữa 12 nước. Các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ được đẩy lên theo quan điểm phương Tây, bên cạnh đó là chấp nhận mở rộng internet kể cả tại Việt Nam, nơi mà chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn phản đối. TPP cũng dành hẳn một chương cho việc cấm buôn bán động vật hoang dã, khai thác quá mức môi trường.
Với TPP, 18.000 sắc thuế do 11 đối tác đánh vào hàng xuất khẩu Mỹ trong các lãnh vực máy công cụ, công nghệ thông tin, hóa học, nông sản sẽ được dỡ bỏ. Một chương được dành cho việc nâng các tiêu chuẩn về quyền của người lao động tại những nước như Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Về mặt ngoại giao, đối với Hoa Kỳ TPP là kết quả chiến lược xoay trục, qua việc siết chặt quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đối phó trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là một thành công cho ông Barack Obama. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh: « TPP gồm các cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường chưa bao giờ đạt được trong một hiệp định tự do mậu dịch, và những cam kết này là bắt buộc thực hiện, khác với những hiệp ước trước đây ».
Tuy nhiên Le Monde nhắc lại những cản ngại chưa phải là chấm dứt cho TPP, vì còn phải được Quốc hội của mỗi nước thông qua, trước hết là Quốc hội Mỹ. Đã có những tiếng nói quan ngại : dân biểu Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện tỏ ra thận trọng ; còn cánh cực tả của phe Dân chủ như Bernie Sanders thì cực lực tố cáo TPP chỉ mang lợi lộc cho Wall Street và các tập đoàn lớn.
Tờ báo nói thêm, một số đại biểu Dân chủ vẫn còn bực tức về hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), thương lượng năm 1994 dưới thời Bill Clinton, cho rằng đã đẩy một số ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ chạy sang Mêhicô, làm mất đi 700.000 việc làm. Tập đoàn xe hơi Ford « khuyến cáo Quốc hội không thông qua TPP dưới hình thức hiện nay, để bảo đảm tính cạnh tranh tương lai của công nghiệp xe hơi ». Các tổ chức phi chính phủ, các nghiệp đoàn cũng sẽ tham gia phản đối trong những tuần lễ sắp tới.
Bắc Kinh tuyên truyền chống Nhật, dân Hoa lục vẫn đổ xô du lịch Nhật Bản
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến hiện tượng « Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản ». Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, số khách du lịch từ Hoa lục đến tham quan đất nước hoa anh đào năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Tờ báo cho rằng đây là cả một sự nhạo báng đối với bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh vốn luôn lặp đi lặp lại những tội ác trong quá khứ của quân phiệt Nhật : ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc sang thăm nước láng giềng Nhật Bản. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài từ ngày 1 đến 7 tháng Mười càng khẳng định thêm xu hướng này, chủ yếu là do chênh lệch tỉ giá giữa đồng yen và nhân dân tệ.
Theo con số đặt chỗ của Ctrip, công ty du lịch trên mạng hàng đầu Trung Quốc được báo chí chính thức dẫn ra, Nhật Bản là hướng đến đứng trên cả Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao và Hoa Kỳ, những lựa chọn truyền thống của du khách Hoa lục trong kỳ nghỉ quan trọng thứ nhì chỉ sau Tết âm lịch. Tổng cục Du lịch Trung Quốc ước tính khách trong nước sang Nhật Bản du lịch tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nỗ lực không ngơi nghỉ của Bắc Kinh nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã vấp phải một thực tế phũ phàng: lợi dụng đồng yen sụt giá, dân Hoa lục sang Nhật chủ yếu để shopping hơn là thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào. Tờ China Daily chọn đăng tấm ảnh kết quả mua sắm trên mạng của một cô gái Trung Quốc ở khu phố Akihabara, Tokyo.
Các món hàng hiệu tại Nhật nay đã rẻ hơn tại Hồng Kông hay Macao, và tất nhiên mang lại niềm vui cho chủ các khách sạn ở Nhật, đầy kín khách. Hồng Kông bỗng nhiên thiệt thòi, trong khi Hàn Quốc dần hồi phục sau nạn dịch SARS. Hoa Kỳ thì vẫn thu hút một lượng khách du lịch Trung Quốc đáng kể nhờ thủ tục cấp visa dễ dàng hơn.
Ngược lại những ai chọn lựa ở lại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ này, có thể sẽ phải hối hận. Từ tối Chủ nhật cho đến nay, thủ đô Trung Quốc bị chìm trong màn sương mù ô nhiễm dày đặc, khiến tầm nhìn bị hạn chế trong vòng vài mét. Chỉ số chất lượng không khí do đại sứ quán Mỹ công bố đã vượt qua ngưỡng 400 trong khu vực nguy hiểm.
Air France có trụ được qua khủng hoảng ?
Sau vụ bạo động tại trụ sở Air France, mà cảnh tượng hai nhà lãnh đạo công ty hàng không này - áo sơ mi bị xé rách, phải mình trần vượt hàng rào thoát thân trước đám đông biểu tình giận dữ -được truyền đi khắp thế giới, gây tổn hại cho hình ảnh nước Pháp. Le Monde cho rằng « một sự sụp đổ là khó thể tránh khỏi ».
Hoặc là hội nhập, hoặc phải biến mất. Thời gian càng trôi qua thì sự tồn tại của Air France càng bị đe dọa. Sau hãng PanAm rồi đến TWA trong thập niên 90 và những năm 2000, hay mới đây là Swissair, Malev hay Sabena, công ty hàng không uy tín của Pháp có thể nối dài danh sách các công ty bị đóng cửa hay bị một đối thủ cạnh tranh nuốt chửng. Mối đe dọa mà cách đây vài tháng được ban giám đốc nêu ra để thúc đẩy nhân viên nỗ lực hơn trong thương lượng, nay có thể thành hiện thực : ngay cả những tên tuổi lớn cũng có thể bị chìm đắm.
Một lãnh đạo Air France ngậm ngùi : « Nếu trong vòng hai mươi năm qua, ban giám đốc không ‘‘mua’’ lấy sự yên tĩnh đối với nhân viên, thì đã không có ngày hôm nay ». Trong thời kỳ đó Air France rất năng động, đến năm 2004 còn mua lại hãng KLM của Hà Lan, được xếp hàng đầu thế giới.
Nhưng rồi trên bầu trời xuất hiện các đối thủ cạnh tranh : các công ty hàng không giá rẻ trên các tuyến đường ngắn và trung bình, các hãng vùng Vịnh trên tuyến đường dài. Air France bị tấn công tại cả hai thị trường chính, và chi phí hiện nay cao hơn các đối thủ ở châu Âu từ 20 đến 25%. Vụ đình công kéo dài hai tuần lễ của các phi công tháng 9/2014 để chống lại việc thành lập chi nhánh giá rẻ Transavia Europe đã gây thiệt hại nặng cho hãng.
Tuy chỉ trích hành động này của giới phi công, nhưng Nhà nước Pháp đang nắm 17% vốn, theo Le Monde cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trong nhiều năm trời, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, chính quyền luôn muốn dàn xếp cho qua để tránh các cuộc đình công thay vì tính đến tầm vóc và nguy cơ của khủng hoảng. Và như thế, một khi Air France lọt vào tay nước ngoài, sẽ là một thất bại cay đắng cho Nhà nước Pháp.
Nhật muốn TQ tham gia TPP
9 giờ trước
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6/10 tuyên bố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, sẽ có ý nghĩa chiến lược nếu Trung Quốc tham gia trong tương lai.
Công nhân Việt Nam và TPP
Thực tế giới công nhân tại Việt Nam có nghe biết gì về TPP và yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho họ như thế không? Ngoài ra những nhà hoạt động vì quyền công nhân nói gì về việc hình thành công đoàn độc lập theo qui định của TPP?
Khái niệm xa lạ!
Trong khi truyền thông nhà nước loan tin khá nhiều về kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và những cơ hội cho Việt Nam khi tham gia một khối mậu dịch tự do lớn như thế; thì đa số những công nhân tại các tỉnh thành khi được hỏi về TPP đề tỏ ra ngơ ngác không biết gì.
Một nữ công nhân tại Quảng Nam cho biết cô đang làm việc cho một công ty tư nhân. Giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; và mỗi tuần tăng ca 5 ngày cho đến 8 giờ tối. Lương tháng được 3 triệu tám trăm ngàn đồng. Sau khi làm việc cô về nhà trọ nghỉ ngơi, chẳng có giờ để đọc báo; còn TV thì không có. Cô chỉ biết mỗi tháng đóng 10 ngàn tiền công đoàn phí; còn chuyện công đoàn có bảo vệ quyền lợi cho công nhân hay không thì cô không biết; và nếu thấy công việc đang làm quá nặng nhọc thì bỏ đi tìm nơi khác có mức lương cao hơn; chứ tại nơi cô làm lâu nay ở Quảng Nam chưa có chuyện công nhân đình công để đòi quyền lợi. Khái niệm TPP đối với cô hoàn toàn xa lạ vì chưa bao giờ được nghe đến:
“ Em cũng không biết nữa, khi mô tới hãy hay chứ giờ có biết gì đâu!”
Một nữ công nhân ở Nghệ An cũng cho biết hiện cô phải đóng một tháng 15 ngàn đồng tiền công đoàn phí; và tin tức về một công đoàn độc lập đối với cô cũng chưa bao giờ được nghe đến:
“ Lâu nay em không nghe nói gì hết! Em cũng không có gì để hiểu được vấn đề đó.”
Nhận thức của người lao động Việt Nam cũng nằm trong nhận thức chung của người dân Việt Nam; tức là họ vẫn rất mơ hồ thiếu hiểu biết về quyền con người trong đó có quyền của người lao động. Hiện nay nếu có biết chỉ biết đến công đoàn quốc doanhVề tình trạng công nhân không biết tin tức liên quan việc thành lập công đoàn độc lập theo như yêu cầu của TPP, theo một nhà hoạt động cho người lao động Việt Nam, luật sư Lê thị Công Nhân thì đó là tình trạng chung ở Việt Nam, không riêng gì với người công nhân mà người dân nói chung cũng rất ít hiểu biết về quyền của họ. Luật sư Lê thị Công Nhân cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi vào tháng 9 vừa qua sau khi gặp một chuyên viên cấp cao Ủy ban Tài chính- Kinh tế Quốc tế Thượng Viện Hoa Kỳ, ông Jim Greene:LS Lê thị Công Nhân
“Nhận thức của người lao động Việt Nam cũng nằm trong nhận thức chung của người dân Việt Nam; tức là họ vẫn rất mơ hồ thiếu hiểu biết về quyền con người trong đó có quyền của người lao động. Hiện nay nếu có biết chỉ biết đến công đoàn quốc doanh.”
Phát biểu của chính quyền
Ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán đúc kết TPP tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, người đại diện Việt Nam, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong cuộc họp báo chung với những đại diện của các nước khác lên tiếng cho rằng lâu nay Việt Nam từng là thành viên của tổ chức Lao động Quốc tế ILO và những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận TPP không phải chỉ riêng của Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Ông Vũ Huy Hoàng nói rằng Việt Nam là thành viên của ILO và cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO. Ông nói thêm theo ông thì đó là cam kết và sự sẵn sàng mà Việt Nam sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề lao động.
Nhà hoạt động thuộc tổ chức Lao Động Việt, cô Đỗ Thị Minh Hạnh vào trưa ngày 7 tháng 10 trình bày ý kiến về phát biểu mà ông bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đưa ra như thế:
“ Thực sự mà nói Việt Nam nằm trong tổ chức Liên đoàn Lao động Thế giới ILO, trong đó cũng có những qui định cụ thể về quyền lợi người lao động. Tuy nhiên trong thực thế chúng ta có thể thấy được những người lao động Việt Nam phải chịu đựng như thế nào qua những cuộc đình công, qua những bức xúc của công nhân mà công nhân không được cất lên tiếng nói… Vừa qua những chủ xưởng bỏ trốn, để lại công nhân chịu những thất thoát rất lớn, trong tình trạng ‘dở khóc, dở cười’.
Việt Nam không những ký những qui ước với quốc tế với tư cách thành viên ILO, WTO, mà họ che mắt thế giới về sự thật trong nước bằng ngôn từ, bằng những báo cáo ảo, nói với thế giới Việt Nam có công đoàn thực sự và quan tâm đến quyền và lợi ích của người lao động; nhưng thực tế không phải như vậyViệt Nam không những ký những qui ước với quốc tế với tư cách thành viên ILO, WTO, mà họ che mắt thế giới về sự thật trong nước bằng ngôn từ, bằng những báo cáo ảo, nói với thế giới Việt Nam có công đoàn thực sự và quan tâm đến quyền và lợi ích của người lao động; nhưng thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên với TPP này phải có sự khác biệt đối với WTO trước đây. Trước đây hoạt động đấu tranh cho giai cấp công nhân không được quan tâm chú ý; khi đó Lao Động Việt cũng chưa hình thành. Lao động Việt được thành lập năm 2006 mà tiền thân là Ủy ban Bảo vệ Người Lao động cũng như Công đoàn Độc Lập do chị Lê thị Công Nhân và một số công đoàn do anh Đoàn Huy Chương lập ra nhưng mang tính chất nhỏ; nên Việt Nam vẫn che mắt được thế giới. Nhưng trong tiến trình TPP thì ở Việt Nam cũng đã có ý thức đấu tranh cho công nhân nhiều hơn, nên Việt Nam khó che giấu sự thật mà họ đối đãi với công nhân như thế nào. Nếu họ không thực hiện những cam kết của họ đối với thế giới thì những người đấu tranh trong nước, đặt biệt những người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam chắc hẳn sẽ đưa những tin tức dối trá này ra với thế giới”.cô Đỗ Thị Minh Hạnh
Kết quả
Thực tế cho thấy trong thời gian qua có một số ít công nhân được tiếp xúc với những nhà hoạt động công đoàn độc lập cũng như tiếp cận được thông tin trên mạng, nên có ý thức về một tổ chức đại diện cho họ hoàn toàn độc lập không theo hệ thống công đoàn nhà nước như bấy lâu nay. Một công nhân tại Bình Dương từng phát biểu khi được hỏi về cách thức giúp bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người công nhân, thì người này khẳng định phải có một công đoàn độc lập:
“Tôi nghĩ phải tạo điều kiện để công nhân có công đoàn, nghiệp đoàn để ví dụ khi có chuyện gì, có bất công gì thì nghiệp đoàn đó đứng về phía họ. Phải có nghiệp đoàn độc lập. Công nhân phải biết đoàn kết, biết đòi hõi quyền lợi và biết tìm hiểu về pháp luật hơn; không thể cứ kệ họ muốn làm gì thì làm, xong việc thì về nhà. Như thế là tạo điều kiện cho họ, dung túng cho họ nhiều hơn”
Hai nữ công nhân ở Nghệ An và Quảng Nam vừa nói cũng cho rằng dù hiện họ chưa được nghe nói gì về công đoàn độc lập cũng như hầu như chưa quan tâm mấy đến vấn đề đó; thế nhưng nay khi nghe đến điều đó họ cũng mong mỏi Việt Nam tham gia vào với thế giới và bảo vệ quyền lợi cho người công nhân một cách đàng hoàng hơn.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-workers-n-tpp-10072015055931.html
Việt Nam sẽ phải làm gì khi gia nhập TPP
Mặc Lâm, biên tập viên RFA,
2015-10-06
2015-10-06
Việt Nam được biết là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 thành viên gia nhập TPP, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó còn rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp cũng như nhà nước phải vượt qua nếu không cuộc chơi sẽ gặp trở ngại và không khéo có thể mất những cơ hội thành công trong thị phần khổng lồ này. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương để tìm hiểu thêm vấn đề.
Mặc Lâm: TPP vừa ký kết xong và VN được xem là nước hưởng nhiều nguồn lợi nhất trong các đối tác. Theo TS thì điều thuận lợi nào mà ông cho là có khả năng xảy ra nhất thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam gia nhập TPP thì sẽ có 11 nước đối tác trong đó phần lớn các nước có trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều cho nên Việt Nam sẽ có một cơ cấu kinh tế bổ xung cho các nước đó và hàng hóa của Việt Nam và các nước bổ xung cho nhau và ít cạnh tranh hơn. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và ASEAN thì chúng ta có thể thấy là ASEAN và Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa của Thái Lan, dệt may của Campuchia và cạnh tranh hàng điện tử của Malaysia. Nhưng trong trường hợp của TPP thì Việt Nam có điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tập trung vào các lãnh vực như dệt may da giày túi xách hay các mặt hàng đồ gỗ, hay các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như café hồ tiêu và các mặt hàng khác sẽ rất thuận lợi. Vì vậy cho nên cái thuận lợi của Việt Nam nó nằm trong cơ cấu kinh tế.
TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của VNHơn thế nữa Nhật Bản rất quan tâm hợp tác với Việt Nam về nông nghiệp, sản xuất rau quả tươi để xuất khẩu sang Nhật và hai bên có thể hợp tác vì lợi ích của cả hai. Đấy là những điều tôi nghĩ rất thuận lợi đối với Việt NamTS Lê Đăng Doanh
Mặc Lâm: Như TS vừa nói thì dệt may và da giày là hai mối lợi xuất khẩu thiết thực nhất, tuy nhiên rào cản kỹ thuật của TPP ghi rõ là nguyên liệu dành cho sản xuất phải mua từ các nước có tên trong hiệp định. Công nghệ may gia công của VN đang nhập nguyên liệu của Trung Quốc là chính do đó VN phải giải quyết nút thắt này như thế nào thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việc TPP yêu cầu có hàm lượng sợi trong TPP khoảng 70%, tôi không rõ là Việt Nam có thỏa thuận được điều kiện nào thuận lợi hơn hay không nhưng với tình hình như vậy thì tôi nghĩ nó cũng có cái lý của nó đó là TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam
Mặc Lâm: Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ gặp rào cản lớn trong vấn đề thành lập công đoàn cho công nhân độc lập với công đoàn của nhà nước, mặc dù hiện nay VN có thời gian là 5 năm để chuẩn bị cho yêu cầu nghiêm ngặt này. TS có nghĩ rằng vì lợi ích kinh tế của quốc gia Việt Nam sẽ vượt qua được nút thắt này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện như vậy và tôi nghĩ rằng nếu có quyết tâm thực hiện và tổ chức tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này.
Mặc Lâm: Riêng về khung pháp luật phù hợp với TPP thì hiện nay chúng ta vẫn còn trong tình trạng soạn thảo, liệu có đủ thời gian để làm công việc phức tạp này hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Vâng, Việt Nam đã thấy điều đó, thí dụ như Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp làm việc với các Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế để giảm bớt để giàm bớt các thủ tục và gần đây nhất vào ngày 12 tháng 3 năm 2015 thì chính phủ đã có ban hành cái nghị quyết 19 và hiện nay đang tích cực thực hiện nghị quyết này để giảm bớt chi phí và thời gian đối với doanh nghiệp. Tôi nghĩ việc gia nhập TPP và Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều kiện của TPP sẽ là đòn bẫy từ bên ngoài để thúc đẩy Việt Nam cải cách.
Mặc Lâm: Tin VN gia nhập TPP giống như một làn sóng lớn ập xuống doanh nghiệp và cả chính phủ với hàng ngàn việc cần phải làm. Theo ông khả năng hòa nhập cũng như thích hợp với thị trường mới của doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng chưa trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ Việt Nam đang có thời gian để đẩy mạnh việc thực hiện. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ không có điều kiện để có thể hiểu biết và quan tâm nhiều đến các yêu cầu về TPP.
Vì vậy tôi nghĩ trong thời gian mà Quốc hội các nước còn phải thông qua thì Việt Nam nên tranh thủ việc tổ chức thực hiện, cũng như giúp đỡ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thể chế. Tôi nghĩ rằng đó là những điều Việt Nam đã nhận thức và có thể làm được trong thời gian tới.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh.
Bà Phạm Chi Lan: TPP sẽ gặp phải sự chống đối của các nhóm lợi ích ở VN
Người lao động làm việc tại một xưởng may ở ngoại ô Hà Nội. Nhiều nhà sản xuất nổi tiếng như Lever Style, có nhiều thân chủ có uy tín như nhãn hiệu Hugo Boss và J. Crew đã bắt đầu chuyển khâu sản xuất của họ từ miền Nam Trung Quốc sang Việt Nam trong mấy năm gần đây.
07.10.2015
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam Phạm Chi Lan cho rằng Hiệp định TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) vừa đạt được giữa 12 quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện ‘cuộc cải cách lần 2’, và theo bà, cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ gặp phải sự chống đối từ các nhóm lợi ích, buộc Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của đông đảo người dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau đây giữa Khánh An của Ban Việt ngữ đài VOA với bà Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
Cho nên tôi cho rằng khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải nói rõ là ‘nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất’ và cần phải nói thêm một vế nữa là ‘do Việt Nam có điểm xuất phát thấp nhất trong các nước thành viên TPP’ để tránh ngộ nhận là vào TPP, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.
Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.
Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.
VOA: Bà vừa nói đến các nhóm lợi ích ở Việt Nam, nhiều người xem TPP là một sân chơi mà Việt Nam mới gia nhập, bà dự đoán lối chơi của Việt Nam sẽ như thế nào trong điều kiện mà đội chơi của Việt Nam như bà nói là sẽ có sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích?
Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.
VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA.
Nhấp vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
VOA: Thưa bà Phạm Chi Lan, khi TPP thành công, bà có nghĩ rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất không? Tại sao?Bà Phạm Chi Lan: Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, nói rằng khi tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Việt Nam có được tỉ lệ cao chủ yếu là bởi vì Việt Nam có điểm xuất phát thấp. Ví dụ như GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình, nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
Khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do người ta dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Hoa Kỳ…Khi so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỉ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
VOA: Ngoài cái lợi như cơ hội về kinh tế, FDI đổ vào nhiều hơn, có luồng dư luận nói rằng nguy cơ ‘chết’ của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào TPP là có?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên là hoàn toàn có. Nhưng có vượt lên được hay không và ai thắng, ai thua thì nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực bản thân các doanh nghiệp Việt Nam.
Một khía cạnh khác nữa mà tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là đối với đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội thắng thua còn phụ thuộc vào một phần không kém quan trọng là môi trường kinh doanh mà họ đang có ở đất nước Việt Nam. Điều tôi lo ngại là môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tốt.
Một điều rất rõ từ trước tới nay là Việt Nam luôn luôn có một hệ thống chính sách, trong đó ưu tiên số 1 dành cho các doanh nghiệp nhà nước, thứ 2 là cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước thì chịu thiệt thòi về nhiều mặt. Bao nhiêu năm chính phủ Việt Nam năm nào cũng cam kết và đưa ra chính sách gọi là ‘tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp’, nhưng năm nào cũng phải nhắc đến ‘tháo gỡ khó khăn’, có nghĩa là những khó khăn đó về môi trường kinh doanh vẫn còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Những khó khăn về môi trường kinh doanh thì tự thân từng doanh nghiệp không làm được. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp. Thành ra tôi lo cho doanh nghiệp Việt Nam là ở cái vế môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thay đổi được như mong muốn. Do đó, nó gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vốn dĩ đã tương đối yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó có thể làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam không những không nắm được cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, mà họ lại chịu sức ép ngay trên ‘sân nhà’, tức là ngay ở thị trường Việt Nam.
VOA: Bà có nhắc đến vấn đề cải cách, theo bà, khả năng ràng buộc của TPP đối với vấn đề cải cách ở Việt Nam là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Đối với tôi, điều số một ý nghĩa của TPP đối với Việt Nam là chuyện cải cách thể chế. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Nói chung ai cũng biết TPP yêu cầu về nhiều mặt chứ không phải chỉ thương mại. Nó đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi khá nhiều các điều luật, quy định, chính sách hiện có trong nước. Thay đổi này cũng là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam. Cho nên đối với Việt Nam, TPP là cơ hội đầy ý nghĩa là nó đặt ra cho Việt Nam thêm yêu cầu về cải cách thể chế, không chỉ là làm cho thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam theo cách thị trường Việt Nam, mà nó đòi hỏi Việt Nam phải theo chuẩn mực chung của kinh tế thị trường theo quan niệm như các nước thành viên khác của TPP hiểu và đã đưa vào cam kết của hiệp định. Tôi cho đó là thuận lợi.
Nhưng thách thức nằm ở chỗ những điều kiện đó là những điều kiện rất khó đối với Việt Nam. Cải cách để có được thể chế kinh tế thị trường đầy đủ được nhiều chuyên gia coi là một cuộc đổi mới lần 2 mà Việt Nam cần tiến hành. Tuy nhiên, cuộc đổi mới lần 2 này muốn tiến hành hoàn toàn không dễ dàng vì nói gặp phải hàng loạt rào cản các mặt, kể cả tư duy, nhận thức của những người quyết định chính sách hoặc quyết định khuôn khổ luật pháp ở Việt Nam, đặc biệt có sự trở ngại của các nhóm lợi ích ở Việt Nam.
Trước đây khi Việt Nam bắt đầu cải cách cách đây 30 năm thì đổi mới đạt được sự đồng thuận cao bởi vì tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ sự đổi mới. Nhưng bây giờ, khi Việt Nam cải cách sang một hệ thống thị trường đầy đủ hơn, minh bạch hơn thì lợi ích của một số nhóm lợi ích hiện nay sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên họ sẽ chống lại chứ không dễ dàng chấp thuận việc cải cách vì lợi ích chung của cả nền kinh tế hay vì lợi ích của đông đảo người dân.
Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác.
Bà Phạm Chi Lan: Mong muốn cải cách ở các nước, nhìn chung, là để cho đông đảo người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên thế nào cũng có những nhóm nhất định bị tác động tiêu cực, họ bị ảnh hưởng, họ coi là họ bị thua thiệt trong cải cách. Nhưng như vậy là buộc phải đặt lợi ích của đông đảo người dân lên trên, lợi ích của toàn thể nền kinh tế lên trên để thực hiện được cải cách. Việt Nam cũng không loại trừ khỏi quy luật đó. Thực tế trong thời gian vừa qua, ngay cả các vị lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận tình trạng ở Việt Nam có các nhóm lợi ích nổi lên và nó trở thành một trở ngại cho phát triển. Thế thì Việt Nam phải vượt qua những lợi ích đó thôi chứ không có cách nào khác. Nếu không vượt qua được thì chính Việt Nam không phát triển nổi chứ chưa nói đến chuyện tham gia TPP một cách đầy đủ hơn.
VOA: Vâng. Người ta nói Hoa Kỳ dùng TPP như là một cách để ‘xoay trục về châu Á’, ‘đối trọng kinh tế với Trung Quốc’. Thế thì Việt Nam ở giữa 2 cường quốc lớn, theo bà, đường lối khôn ngoan của Việt Nam nên thực hiện là như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ, trong quan hệ với các nước lớn thì luôn luôn phải coi trọng quan hệ với từng nước lớn một, cố gắng làm sao để giữ quan hệ hòa hiếu, tốt đẹp với họ. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần phải quan sát các nước lớn đang quan hệ với nhau như thế nào, đang chơi với nhau như thế nào, để giữ quan hệ của mình hợp lý hơn. Việt Nam không chỉ có TPP, trước khi kết thúc việc đàm phán TPP, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu, với Nga. Đấy cũng là những đối tác chiến lược vô cùng quan trọng của Việt Nam. Ở đây, sự khôn ngoan của Việt Nam là biết chơi với nhiều nước khác nhau để tạo cho mình một vị thế tốt trong quan hệ với các nước lớn trên thế giới.
VOA: Vâng. Cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời gian cho đài VOA.