Thursday, October 27, 2016

CHÂU PHÊ TRIỀU NGUYỄN= CỌP TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN

CHÂU PHÊ TRIỀU NGUYỄN



Kỳ thú xem nét bút phê của 10 hoàng đế triều Nguyễn


– Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cùng Trung tâm lưu trữ quốc gia I đã tổ chức triển lãm thư tịch với chủ đề “Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn”.

Đây là một triển lãm thú vị, được xem là một trong những triển lãm độc đáo nhất từ trước đến nay của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, nhằm chào mừng Kỷ niệm 20 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại, và kỷ niệm 90 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế,

Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm thuộc diện quý hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ). Số lượng Châu bản được lựa chọn trưng bày gồm trên 150 tài liệu qua 10 triều đại: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.




Đoàn du khách Nhật dừng lại xem lâu trước các văn bản bút phê của vua Nguyễn
tại Trường Lang, Đại Nội Huế chiều 20/9


Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Vì vậy có thế coi châu bản là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.

Theo TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn với các hình thức phản ánh nội dung như: một nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua; một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo; một vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà vua chấp thuận; nét son được phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn hoặc không chấp thuận của nhà vua; nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; các chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.




Các kiểu đánh dấu, viết lên châu bản của vua Nguyễn thời trị vì tại cố đô Huế

Tất cả những điều đó sẽ góp phần cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của các hoàng đế của từng thời đoạn lịch sử đối với các vấn đề khác nhau trong điều hành tổ chức nhà nước, góp phần tìm hiểu chế độ văn thư triều Nguyễn nói riêng cũng như văn hóa lịch sử, mỹ thuật nói chung.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội biết đến chữ viết của 10 vị hoàng đế triều Nguyễn trong cùng một chủ đề. Nhiều người từ trước đến nay, chưa có điều kiện biết đến nét chữ (chữ Hán) của một số vị hoàng đế như Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại.


Qua nội dung và hình thức châu phê cũng phản ánh phần nào thư pháp, chương pháp của các vị hoàng đế, điển hình như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định. Từ các châu bản, cũng có thể hình thành nên “bộ sưu tập thư pháp thảo thư của các hoàng đế Nguyễn” với những nét chữ thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mỹ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa.


Nét bút phê của vua Gia Long (màu đỏ) trên bản tấu của tộc An Nhơn (huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn) xin kê vua kê khai họ tên, tuổi, số dân các hạng của tộc để làm sổ bộ. Bản tấu này vào năm 1818, tức cách hiện nay gần 200 năm




Tờ khải của Viện Thái Y năm Gia Long thứ 18 (1819). Nội dung : Ngự y phó Viện Thái y Đoàn Văn Hòa về thang Bát vị hoàn có gia giảm, uống sớm tối cho vua. Vua Gia Long sau đó phê : Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khỏe mạnh





Bản tấu của Tuần phủ 2 tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nói về tình hình các quan 2 tỉnh cầu mưa được mưa. Vua Minh Mạng đã ngự phê : Được tin có bản tấu nói có mưa khắp nơi, trẫm vui lòng, duy tại kinh gặp đợt gió rét, lúa mạ sợ chẳng được đẹp hoàn toàn, không biết ở trấn hạt ngươi có bị gió rét hay không.





Bản tấu của trấn Nghệ An năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Các quan ở đây kính tâu về việc dân tố cáo quan tham nhũng ở Nghệ An. Vua phê : Lập tức cách chức Phan Nhật Tỉnh. Việc này thấy lỹ lẽ các ngươi phân tích rất rõ ràng, thực đáng khen. Hãy gắng lên.




Bản tấu của Trương Minh Giảng năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Nội dung Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Trương Phúc Đĩnh tâu về việc đã dẹp giặc ở biên giới. Vua phê : Xem tờ tấu thấy quân ta ít đánh quân giặc đông mà liên tục giành thắng lợi, khiến cho quân giặc mạnh mà phải khiếp sợ chạy trốn ra khỏi biên giới, không dám manh tâm nhòm ngó tới. Công lao của các khanh rất đáng khen ngợi. Lòng Trẫm cũng rất vui mừng úy lạo, sẽ có chỉ riêng gửi đến. Kính theo





Bản tấu của quan Đê chính về tình hình tu bổ, hoặc đắp thêm bề mặt chân đê hoặc đắp cao thêm đê điều ở Bắc thành cốt sao cho kiên cố (năm Minh Mạng thứ 11 – 1830). Vua phê ý các quan làm cốt sao cho chắc chắn, lo liệu cho đê điều thực kiên cố để vua cùng người dân đều vui mừng.




Bản tấu của các quan cho vua Minh Mạng (năm 1827) về việc vụ án quan lại tham lam tại trấn Nam Định. Vua phê: Cho áp giải tên quan sâu mọt Bùi Khắc Kham đến chợ trong trấn, chém ngang lưng, bêu đầu lên cọc cao để làm gương răn. Ngoài ra, đúng như xét xử. Khâm thử.




Bản tấu của Phòng Văn thư năm Minh Mạng thứ 3 (1822) kê khai danh sách các y sinh giỏi hay kém. Vua phê, một số y sinh giỏi được thưởng từ 6-5 lạng bạc. Các y sinh yếu phạt đánh 60 trượng, 50 roi, 40 roi. Những người khác được miễn thưởng phạt.





Cũng có những lúc, vua thể hiện tâm trạng buồn rất rõ khi lễ tế đàn Nam Giao bị hoãn lại do chuyển mưa rét. Bản tấu của Bộ Lễ năm 1838, vua Minh Mạng phê : Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, phàm kính gặp lễ Nam Giao đều rất thành kính xin trời lượng chứng giám. Nay lại xảy ra sự thực bất đắc dĩ này. Thật là khổ tâm. Sẽ có chỉ riêng.




Nét phê của Vua Thiệu Trị năm 1842, về việc ban cho hoàng tử, hoàng nữ mỗi loại dầu, rượu loại 1, các đại thần phải đi phát ngay




Bản tấu của Bộ Lễ cho vua Thiệu Trị năm 1842 về trường hợp Nguyễn Kim Hoán, tỉnh Bắc Ninh khi thi Hội được xếp thứ 7, nhưng đến lúc thi Đình thì mắc bệnh sốt rét hôn mê rất nặng , không thể vào thi Đình được. Vua đã phê : Nguyễn Kim Hoán lần này miễn phải vào thi. Sau khi bệnh khỏi nên giải quyết thế nào cho thỏa đáng, truyền cho bộ ấy bàn bạc rõ ràng rồi tâu lên đầy đủ.



Tờ phúc của Bộ binh năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) về việc tuyển chọn voi. Vua phê : Chọn voi ngự, điều cốt yếu là như thớt voi Thái Bình, trang nghiêm, giỏi dang, thuần lương, khỏe là được


​.

Vua Tự Đức rất chăm phê, nhiều bản tâu của quan, vua phê vào còn nhiều chữ hơn quan tâu lên.




Vua Tự Đức năm 1874 phê về xử tội các quan để Thành Hà Nội thất thủ vào tay thực dân Pháp với ý : giao cho Truyền thần và Viện Cơ mật tham khảo điển lệ, sự việc tình thế, từ đó mà xử rõ ràng.


 
Bản tấu của Bộ Tư pháp năm Bảo Đại thứ 20 (1945) về việc phạt quan lại. Vua đã phê bằng chữ quốc ngữ : Chuẩn y cho phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa, còn mặt truy cứu về mặt hình chiểu giao Nội các mới xét tâu.




Bản tấu của Bộ lễ nghi công tác năm Bảo Đại 18 (1843), nội dung đề nghị bác đơn của mục sư IRWIN có liên quan đến Hoàng Trọng Vân. Vua phê bác đơn bằng chữ tiếng Pháp là Demande rejettée.

NGUYỄN THANH LỢI * CỌP TRONG VĂN HÓA



CỌP TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN ĐÔNG NAM BỘ 
Nguyễn Thanh Lợi 

Vào buổi đầu khai phá, khi cư dân Việt từ miền ngoài đến vùng đất Đồng Nai-Gia Định, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt họ là một thiên nhiên hoang sơ, với những vùng đất màu mỡ nhưng lại không kém phần lam sơn chướng khí với những thú dữ, “Từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm” (Phủ biên tạp lục). Cho nên, có thể nói lịch sử khai phá vùng đất này được mở đầu bằng trang sử chinh phục thiên nhiên, trong đó những loài như cọp, sấu, rắn rết, muỗi mòng, đỉa vắt… luôn là mối đe dọa thường trực trong cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân nơi đây.


1.      Cọp trong lịch sử
Một trong những sức mạnh của tự nhiên mà cư dân buổi đầu phải “đối đầu” đó là cọp (hổ), được mệnh danh là “mãnh hổ giữa đồng hoang”. Quả thực, vào lúc này cọp nhan nhản khắp nơi, ra sức tác oai tác oái, tạo ra sự khiếp đảm cho dân chúng. Chúng có mặt khắp nơi, từ những cánh rừng già của miền Đông cho đến những cánh rừng sác ven biển miền Tây, ngang nhiên qua lại những xóm làng còn hẻo lánh cũng như xông thẳng vào chốn phố phường đô hội như chỗ không người. Đúng như Trịnh Hoài Đức đã nhận xét:”Xứ này có nhiều cá sấu và cọp dữ[1]. Hay nói như nhà văn Sơn Nam ở nơi mà: “Cọp sấu rống và nghé sát vách chòi”.[2] Hoặc như trong dân gian:”Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um
Vào giữa ngày tết năm 1770, cọp từ rừng Sác[3] kéo về chợ Tân Kiểng[4], gây kinh hoàng cho dân chúng, khiến thầy trò Tăng Ân và Trí Năng phải ra tay tiêu diệt, đem lại an lành cho dân chúng. Và sư Hồng Ân[5] cũng bị chết sau trận chiến ác liệt ấy.[6]
Hung dữ và liều lĩnh như vậy nhưng người dân đất phương Nam trong quá trình đi mở cõi vẫn đánh cọp, diệt cọp, dù đó là đàn bà hay trẻ con:“Tuy người bé và đàn bà cầm dao cắt cỏ và đòn xóc cũng bắt được cọp”.[7]
Ông Nguyễn Văn Sắt ở làng Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng là một tay giỏi võ, thường đánh xe trâu vào rừng theo đường sứ cũ mà không hề sợ cọp.[8]
Thuở xưa, ở vùng Tân Khánh-Bà Trà[9] và ở Tân Ninh[10] mỗi nơi có một ông thầy võ nổi tiếng. Hai người kết nghĩa anh em, cùng nhau luyện tập võ bùa, một môn võ thời thượng hồi đó. Khi biết có con cọp dữ hại người ở hóc Ông Che, hai người đưa đồ đệ tới đó quyết tâm giết cọp. Họ chia làm ba cánh đi vào rừng sâu diệt ác thú. Người và thú đánh nhau từ sáng sớm cho tới tối mịt không phân thắng bại, đám học trò yếu sức bị văng ra. Hai thầy võ tay vung roi, miệng hô thần chú gọi âm binh âm tướng đến trợ lực cho đến quá khuya. Sáng hôm sau, dân chúng cùng đám học trò đến trợ lực, thì đã thấy hai ông thầy nằm chết bên xác cọp dữ. Ngày nay, tại đây vẫn còn ngôi chùa Hóc Ông Che.[11]
Năm 1806, ở làng Thanh Ba có nhà sư Tăng Ngộ (pháp danh Viên Ngộ) tên là Nguyễn Chất đã làm việc thiện:”Ở trong xóm có con đường từ đông sang tây, bị bùn lầy, cây cỏ sầm uất, hùm beo ra vô thường hại người…Ông phát tâm thể nguyện, một mình đốn chặt cây gai, đắp bằng đường đi về nam dài 200 trượng, đường đi về tây dài 250 trượng dư. Ban ngày ông làm việc hoặc có cọp cũng cúi đầu mà đi qua không hề xâm phạm, đắp sửa như vậy trong vài tháng mới xong, đến nay qua lại đường ấy đều thuận tiện”[12]
Vào cuối thế kỷ 19, sau khi Pháp sang nước ta hơn 10 năm, dân cư đông đúc, vậy mà nạn cọp vẫn còn hoành hành. Con số thống kê sau cho biết: vùng Cầu An Hạ, 3 tháng có 10 người chết; vùng Hóc Môn, trong vài tuần có 4 người bị ăn thịt; vùng Thủ Dầu Một, trong vài tháng có 8 người cọp bắt.[13]
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xung quanh chợ Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh nay) vẫn còn rừng. Dĩ An gần đó hoang vu hơn, thỉnh thoảng có cọp. Ông hoàng người Pháp Montpensier thường hay đến Dĩ An săn bắn. Khoảng năm 1890, Thái tử Nga sau này là Sa hoàng Nicolai II ghé Sài Gòn chơi, được đón tiếp trọng thể, đưa lên đây đi săn nai.[14]
Chuyện cọp lộng hành ngay giữa chợ Thủ Dầu Một được nhà văn Victor Hugo kể lại như là những chi tiết “đường xa xứ lạ” về cuộc đời phiêu lưu của một thủy thủ già trong tiểu thuyết Những người lao động miền biển (Les travailleurs de mer) có lẽ lấy tư liệu qua tin tức báo chí Pháp:”Chánh thống quản lãnh Qưới bị Pháp xử tùng xẻo (lóc từng miếng thịt) về tội giết một chủ ấp (bù nhìn theo Pháp). Ở Thủ Dầu Một, có con sư tử (đúng ra là cọp) về bắt một bà lão lúc chợ đang nhóm khá đông”.[15]
Đêm 13-7-1914, cọp lẻn về xóm trường học và nhà thờ Công giáo trong phạm vi châu thành Tây Ninh. Mới hơn 4 giờ chiều cọp bắt ngay một con bò, lôi vào một góc khuất gần nhà thờ. Giáo dân đi lễ phát hiện ra liền cấp báo cho các nhân viên tòa án và tòa bố (tòa hành chính tỉnh) ở gần đấy. Tòa án ở xa nên ông chánh án đến trước, có thầy đội Bùi Văn Nhiều đi theo. Ông chánh án vừa móc súng thì cọp liền lao tới vồ ông chánh án và ông đội. Ông đội Nhiều phải lột nón phang vào mặt cọp, hai ông kịp né tránh. Cọp chụp lấy nón và xé nát. Ông đội nhanh chân trèo lên cây me gần đấy, còn ông chánh án chạy thoát ra đường vào ty bưu điện gọi cấp báo với tỉnh. Trong khi đó, cọp vẫn ngạo nghễ phục nơi lùm cây ra dáng thách thức con người. Lực lượng tiếp ứng kéo tới, ngay loạt đạn đầu tiên viên chủ tỉnh đã hạ được cọp dữ.
Năm 1927, một con cọp ra đầu đường Ngô Tùng Châu (Tây Ninh) ngay trên quốc lộ 13 vồ một con ngựa đang gắn trong một chiếc xe thổ mộ, lôi vào mé rừng và móc họng.
Khoảng năm 1945, người dân ở xã Phước Thọ (Long Thành, Đồng Nai) thỉnh thoảng vẫn thấy cọp từ phía rừng Vũng Gấm về.[16]
Những năm 1947-1948, ở Tây Ninh cọp về loạn rừng. Từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng lệnh giới nghiêm được ban ra, chủ yếu để tránh cọp. Vào những giờ ấy, trong nhà ngoài đường không một bóng người. Tại ấp Chánh, xã Ninh Thạnh cọp bắt 3 mạng người, mỗi đêm về bắt heo mang vô rừng dự trữ. Có hôm vào 5 giờ sáng mà hai mẹ con cọp vẫn còn đùa giỡn trong sân chùa Long Sơn, khiến các nhà sư phải một phen khiếp vía.[17]
Cọp ở Đông Nam Bộ lừng danh với chuyện Cọp Ba Móng được viết dưới dạng tiểu thuyết, hồi ký, thu hút rất nhiều độc giả thích “chuyện đường rừng” mang tính ly kỳ trong thời kháng chiến chống Pháp. Con cọp này xuất hiện tại rừng Lạc An, Tân Tịch và quanh khu vực Mã Đà (thuộc vùng chiến khu Đ) từ sau trận càn tháng 3-1948. Đó là một con cọp già, rất tinh khôn, có sức mạnh vô địch. Trong một lần sụp hầm, cọp phải cắn đứt một chân để tẩu thoát, nên mức độ hung hăng ngày càng tăng. Trận ấy, xác giặc nằm ngổn ngang, cọp ăn riết thành quen. Sau này nó cứ hay rình bắt người, dù đang ở trong nhà, đang hội họp ở cơ quan hay đi công tác ngoài đường, thậm chí cả nơi đóng quân của quân đội ta cọp cũng không ngán. Tính đến đầu năm 1950, cọp Ba Móng đã sát hại hơn 100 người. Con cọp này đã thoát chết không dưới 10 lần do bộ đội ta giăng bẫy và tập kích bằng súng. Đây là con cọp rất tinh quái, lúc ẩn lúc hiện, di chuyển liên tục khắp vùng căn cứ. Nhân một lần một người bị cọp vồ, bị bao vây, cọp ta phải bỏ xác người xấu số tại chỗ. Sau nhiều lần diệt hụt, tháng 6-1950, đội diệt cọp của ban quân giới phải gài mìn dưới xác người chết ấy mới diệt được cọp Ba Móng.[18]
2.      Cọp trong tín ngưỡng
Do tương quan lực lượng giữa con người và tự nhiên vào buổi đầu, nên dù có diệt cọp nhưng những người dân đi khai phá vẫn phải tôn thờ nó. Những danh xưng cao nhất được dành cho cọp: “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân chúa xứ”, “Sơn quân mãnh hổ”, “Sơn lâm chúa tể”, “Sơn lâm chúa xứ”, “Sơn lâm đại tướng quân”, “Sơn quân chúa động”, “Chúa xứ sơn lâm”, “Mãnh Hổ”, “thần Hổ”, “Ông”, “ông Thầy”, “ông Cả”, “Ngài”, “ông Ba Mươi”, “Hương quản”…
Ở các làng quê Nam Bộ, thường có tập tục cử cọp giữ chức Hương cả[19] của làng, không ai trong các thôn làng được giữ chức vụ này cả. Con người chỉ giữ chức vụ thứ nhì, tức chức Hương chủ. Vào dịp cuối năm hay trước khi tổ chức lễ Kỳ yên, dân chúng tổ chức lễ Bầu Ông:”Ở ấp Phước Lai trước đây có miếu thờ thần Hổ. Vào ngày 19 tháng 4 âm lịch hằng năm, dân làng cúng thần Hổ. Lễ vật cúng thần Hổ gồm mấy lá sớ gói trong giấy hồng (gọi là hồng đơn) và một thủ dĩ (đầu heo) để sống. Sau khi trình cúng tại miếu, dân làng đem lễ vật lên một ngã ba hay ngã tư phía rừng để đó. Nếu qua đêm hôm sau, thủ dĩ mất, tờ các sớ mới viết mất mà có tờ sớ cũ (của năm trước cúng) bỏ lại trong mâm thì dân làng tin thần Hổ chấp nhận lễ cúng và về nhận tờ sớ mới. Nếu còn thì dân làng đem đầu heo về luộc cúng ba cho đủ ba ngày đêm mà lễ vật còn để nguyên thì xem như thần Hổ không nhận. Sớ phải đốt đi và thủ dĩ phải đem chôn. Cũng có ý kiến cho rằng, việc cúng lễ vật tại bàn thờ thần Hổ trong đình. Nếu lễ vật còn thì sớ phải đốt đi, đầu heo thì ông từ giữ đình hưởng”. [20]
Có nơi như Bến Tre, dân làng gọi cọp với chức “Đại hương cả” (gọi tắt là Hương cả) và có tác giả giải thích rằng sở dĩ ở Nam Bộ không gọi con đầu lòng là con “cả” là chính vì lẽ ấy. Người xưa không dám gọi to hoặc nhiếc mắng, đánh đập “thằng Cả”[21]
Ở Nam Bộ có nhiều truyện tương tự về ông “ông Cọp” như Ông Cả Cọp, Ông cọp cả Mỹ Điền…Ở Châu Bình (Bến Tre) từ khi lập làng, hễ ai được cử làm hương cả thì đều bị bệnh chết. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức hương cả liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Dân làng phải làm lễ cử “Cả Cọp” cúng đầu heo quay[22] và viết tờ cử cuộn tròn đặt trong ống tre, nơi cọp đã vồ ông Cả. Sáu bảy năm liền không thấy cọp về, mới có người tên Non nhận chức hương cả trở lại.[23]
Các đình làng, chùa, miếu ở Nam Bộ đều có ban thờ thần Hổ: đình Bình Trưng (quận 2), đình Bình An (quận 6), đình Phú Mỹ, đình Tân Quy Đông (quận 7), đình Long Vĩnh (quận 8), đình Tân Nhơn, đình Phong Phú (quận 9), đình Thạnh Phước (đình Cầu Võng), đình An Phước (quận 12), đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Tân Thới Nhì, đình Tân Thới Tam, đình Tân Thới Tứ, đình Thới Tam Thôn, đình Tân Đông, đình Tam Đông, đình Hòa Bình, đình Xuân Thới Tây, đình Bình Nhan, đình Thới Đông (huyện Hóc Môn), đình Thới Hiệp (đình Nhơn Chánh) (huyện Nhà Bè), đình Tân An Hội, đình Phước Vĩnh An, đình Mỹ Thạnh, đình Tân Mỹ Đông, đình Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), đình Bình Trường, đình Tân Kiên, đình Tri Hòa (huyện Bình Chánh) thuộc TP.Hồ Chí Minh[24]; đình Bà Lụa (thị xã Thủ Dầu Một) thuộc tỉnh Bình Dương; cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa)[25], miếu Bà Mụ (Bến Gỗ, huyện Nhơn Trạch) ấp Phước Lai (xã Hiệp Phước, Nhơn Trạch) thuộc tỉnh Đồng Nai trước đây có miếu thờ Thần Hổ, 19-4 âm lịch hằng năm, dân làng cúng thần Hổ; đình Long Phượng (huyện Long Điền), đình Long Hương (thị xã Bà Rịa), đình Thắng Nhất, đình Thắng Nhì, đình Thắng Tam (TP.Vũng Tàu), đình Phước Hòa (huyện Tân Thành)…Thậm chí ở các miễu Bà, nhà lớn Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Dinh Cố, chùa Chân Tiên  (huyện Long Điền), chùa Long Cốc, đền thờ liệt sĩ xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ)…của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đều thờ vị sơn thần này.
Ở Tây Nam Bộ các nơi thờ cọp là: đình Tân Định (xã Tân Thành, TP Cà Mau) thường gọi là đình Ông Cọp, ngày cúng 10-11/2, ba năm tổ chức một lần [26]; Long Trung, Hội Xuân (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) có 2 miếu thờ ông Hổ, đây là những con cọp cuối cùng của vùng đất này[27]; đình Đa Phước Hội, đình Phú Hưng (thị xã Bến Tre), đình Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú), đình Qưới Sơn (huyện Châu Thành) thuộc Bến Tre thờ sọ cọp [28]; đình Thới Sơn (huyện Tịnh Biên, An Giang)[29]
Điện Bà ở núi Lớn (Vũng Tàu) khởi thủy  là miếu thờ Thần Hổ. Cá biệt như ở xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) tuy không có đình vì đây là vùng đất mới khai phá vào những năm 20 của thế kỷ trước, nhưng lại có miếu thần Hổ riêng biệt.
Biểu hiện của tín ngưỡng thờ cọp thường thấy nhất là dưới dạng miếu nhỏ hoặc các bình phong ở đình làng. Một số nơi ông Hổ được thay thế bằng các phù điêu đắp nổi hình sư tử! Trên các bình phong này là hình đắp nổi chúa sơn lâm (thường màu vàng), từ trên núi bước xuống trông rất oai vệ. Một số đình thay vì là các bình phong ở trước đình là các tượng hổ như: Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Thới Tam Thôn có tượng cọp.[30] Một số ngôi đình lại có miếu thờ Bạch Hổ: đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), đình Tân Thới Tứ (huyện Hóc Môn), đình Tân Mỹ Đông (huyện Củ Chi), đình Bình Trường (huyện Bình Chánh)[31], đình Hưng Phú (quận 8), đình Thắng Nhất (TP Vũng Tàu), đình Long Hương (TX Bà Rịa)…Có nhà nghiên cứu cho rằng, hổ trắng là biểu tượng của thần chữa bệnh và thần Tài, có một thời được các lương y và nhà buôn thờ (?).[32]
Miếu thờ Cả Cọp thường ở gần đình. Có nơi thờ cốt tượng hoặc hộp sọ cọp chết rũ. Có nơi thờ bài vị với các danh hiệu: Sơn Quân chi Thần, Lý Nhĩ Đại Tướng Quân, Sơn Lâm Hổ lang chi Thần, Hội Đồng Hương Thôn chi Thần, Mãnh Hổ Đại Tướng Quân, Ngũ Hổ Đại Tướng Quân, Hổ phụ húy Phạm Văn Thích, Hổ mẫu húy Trần Thị Hà Sơn Quân Chúa Tể Mãnh Hổ Lý Nhĩ chi Thần.
Các đình làng ven rừng còn tòng tự thêm: Mộc Trụ Dương Thần (Thần gốc cây còn sót lại sau khi khai hoang), Thanh U Bạch Nha chi Thần (Thần rừng xanh răng trắng), Ác Lang chi Thần (Thần sói dữ), Tam đầu nhà lang, Tứ đầu nhà cầm (sói ba đầu, chim bốn đầu).
Sơn Quân cùng Thần Nông và Hậu Tắc là các vị thần được cúng tế trong ngày khai sơn (ngày 7/1).[33]
Các bài vị trong miếu thờ thần Hổ ở Bà Rịa-Vũng Tàu đều ghi là “Sơn quân chi thần”.
Bài vị trong các đình ở Bình Dương thường ghi hai chữ “Bạch Hổ”, “Sơn Quân” với cái tên rất giống người là “Lý Nhĩ Tướng Quân”. Việc thờ Ngũ Hổ Tướng Quân cũng thấy ở vài nơi. Đình Định Thành (huyện Dầu Tiếng) thờ Ngũ vị Thống chế (tên gọi khác của Ngũ Hổ Tướng Quân), tức thần cọp vàng, cọp trắng, cọp xanh, cọp đỏ, cọp đen. Năm thần cọp này tương ứng với Ngũ Hành.[34]
Trong dân gian vẫn quan niệm Bạch Hổ (cọp trắng) là “hổ thần”, không bao giờ ăn thịt người. Truyện Ông Tăng Chủ, đệ tử của đức Phật Thầy Tây An đã nhờ Bạch Hổ đi trừ con hạm (hổ ăn thịt người, đã thành tinh) ở núi Bà Đội Om (An Giang) là một truyện tiêu biểu ở Nam Bộ. Khi cọp đã ăn thịt người nào, thì linh hồn người chết bị cọp khống chế để trở thành “ma trành”[35] (ma cọp), mách bảo những điều tốt xấu cho cọp, khiến cho con vật này càng trở nên tinh quái hơn. Có thể nhận thấy điều đó qua các truyện kể về về “Cọp Ba Móng” với những thuộc tính “siêu đẳng”: hoặc thần thánh hoặc ma quái.[36]
Một số ban thờ trong các đình ở Thuận An (Bình Dương) thờ Thanh Long và Bạch Hổ thể hiện quan niệm theo phong thủy “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”[37]. Ở Tiền Giang, thần Hổ thờ chung với Thanh Long (Rồng xanh).[38]
Đặc điểm chung dễ nhận thấy ở Nam Bộ là trước các đình thường thờ một hệ thống các thần linh nông nghiệp như thần Nông, thần Hổ, bà Chúa Xứ, Ngũ Hành hay Linh Sơn Thánh Mẫu. Riêng ở Bình Dương hệ thống thần linh này được đưa vào trước miễu.[39]
3.      Cọp trong văn học dân gian
      So với ca dao liên quan đến cọp ở Tây Nam Bộ, số lượng ca dao dạng này ở Đông Nam Bộ hầu như rất hiếm, chúng tôi chỉ tìm thấy có 2 câu: Đồng Nai xứ sở lạ lùng/Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um; Vàm Sát, Rạch Già dưới sông lềnh sấu trên rừng hùm beo.
      Riêng số lượng tục ngữ có nhiều hơn: Cọp Biên Hòa, ma Rừng Sác (Đồng Nai-TP. Hồ Chí Minh); Cọp Biên Hòa, ma Bình Thuận (Đồng Nai-Bình Thuận), Dữ như cọp Vườn Trầu, ác như sấu Vũng Gấm (TP. Hồ Chí Minh-Đồng Nai); Sấu Rạch Lá, hạm Ăn Thịt (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh).Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh (Bình Dương). Ở Nam Trung Bộ thì phổ biến với câu Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận. Tây Nam Bộ có Cọp Cà Mau, hàu Đá Bạc (Cà Mau). Đó là chưa kể những câu phổ biến ở cả Nam Bộ, kiểu như: Hùm tha, sấu bắt; Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp, Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um
Điều này cho thấy, hình ảnh con cọp đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong văn học dân gian Nam Bộ nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng. Nó phản ảnh sinh động việc chinh phục thiên nhiên trong buổi đầu khai phá của cư dân Việt ở vùng đất phương Nam .
            Truyện kể về cọp ở Đông Nam Bộ là một tập hợp khá đa dạng với các truyện như:
Sự tích eo Ồng Từ, Ông Cả Cọp, Sự tích hang ông Hổ ở núi Chân Tiên, Đường mòn ông Hổ, Truyện hổ nghe cầu kinh ở suối Ngọc Tuyền, Nuôi cọp ở Côn Lôn (Bà Rịa-Vũng Tàu); Cọp nghe tụng kinh, Diệt cọp dữ ở Hóc Ông Che, Thần hổ núi Chứa Chan, Sự tích Ông Bò Bà Hứa, Truyện Ông Bò-Ông Hứa, Truyện Bà Mụ Trời (An Hòa, Long Thành) và Đại Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai); Truyện cọp oán (Bình Dương), Tử sanh hữu mạng, Cọp vắt khăn (Tây Ninh), Ông cọp ba cẳng ở Rừng Sác, Tăng Ân đánh cọp, Cọp hóa ra chó, Truyện ông bà bắt con cháu con cháu bắt ông bà, Cọp Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh)…
         Môtip Ông Cả Cọp là một môtip rất phổ biến trong nhiều truyện kể ở Nam Bộ, có thể tìm thấy ở cả miền Đông Nam Bộ lẫn miền Tây Nam Bộ: Ông Cả cọp (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), Ông Cả cọp Mỹ Điền (Tiền Giang), Ông cả cọp (Bến Tre)…để giải thích một tập tục thờ cọp phổ biến trong buổi đầu đi khai phá khi con người phải thừa nhận những sức mạnh của tự nhiên, mà cọp là một đại diện tiêu biểu.
Mẫu đề Bà Mụ cọp được lưu hành rộng rãi trong hệ thống truyện về cọp ở Nam Bộ với cốt truyện chính là “Bà mụ đỡ đẻ cho cọp”, được khuôn đúc theo cách “nhân nghĩa hóa” cọp. Đây là bài học đạo lý đầy tính nhân văn về thế ứng xử giữa người và vật được ẩn chứa trong lớp vỏ truyền thuyết huyền ảo, nhằm tôn vinh các nhân vật anh hùng khai phá, thông qua quan niệm thẩm mỹ của dân gian.
Truyện Bà Mụ Trời ở Đồng Nai là một ví dụ tiêu biểu. Thuở xưa, tại làng Tân Chánh, huyện Bình Dương, có một bà cụ rất giỏi việc hộ sản. Tiếng tăm của bà lan khắp vùng, được rất nhiều người đến rước đi đỡ đẻ, được người đời tôn xưng là mụ Trời. Đến thú rừng cũng biết danh của bà. Bạch hổ, hắc hổ, thần Hổ, “ông Cụt”, “ông Một” là những chúa cọp danh tiếng của đất Biên Hòa đều kính phục bà. Một hôm trời vừa sẫm tối, trăng lên, bà mụ Trời đang cùng gia đình ăn cơm thì có con cọp rón rén đi vào phủ phục dưới chân bà. Bà hốt hoảng toan bỏ chạy, một con khác xông vào ngoạm nhẹ thân bà đặt lên lưng con cọp đang nằm. Hai con cọp đưa bà đi mất dạng, dân làng vác giáo mác đuổi theo. Qua một đoạn đường rừng, cọp đặt bà xuống một bãi cỏ. Bà thấy một con cọp thở dốc sắp sanh, bên cạnh đó là túi đựng đồ nghề của bà. Biết ý, bà ra tay đỡ cho cọp cái. Bà mụ đặt chú cọp con nằm trên đống cỏ khô. Cọp cái liếm con, mắt nhìn bà tỏ vẻ biết ơn. Rồi cọp đực đưa bà về. Sáng hôm người nhà thức dậy đã thấy một con heo rừng con đẫm máu nằm trước sân. Đó là món quà đền ơn của cọp. Từ đó cứ khoảng nửa tháng, hai mươi ngày cọp đem heo rừng, nai, hươu đến bỏ trước sân. Bà mụ sống đến tám mươi tuổi mới mất. Ba ngày sau người nhà ra mở cửa mả thì thấy ba xác heo rừng còn nóng do cọp mang đến để cúng bà.[40] Hiện làng Bến Gỗ (xã Hòa Hưng, huyện Long Thành, Đồng Nai) vẫn còn miếu Bà Mụ Trời.[41]
Sự tích Ông Bò-Ông Hứa là loại truyện đánh cọp rất đời. Ông Bò cùng gia đình khai hoang ở khu rừng nay thuộc Tân Cang-Phước Tân (Biên Hòa), nhưng năm nào ruộng rẫy của ông cũng đều bị cọp. Một năm nọ, trước khi cày cấy, ông Bò làm lễ cúng và hứa nếu vụ mùa tốt đẹp thì ông sẽ tạ lễ cho cọp đứa con gái đương thì. Năm đó được vụ bội thu, do không bị cọp phá. Ông dẫn đứa con gái ra dâng cho cọp. Chúa cọp dẫn lũ cọp ra “nhận” lễ vật, bị cô gái võ nghệ cao cường đánh chết cọp chúa và đuổi lũ cọp chạy thục mạng. Hôm sau, ông Bò chở lúa đưa cả nhà bỏ ruộng đi nơi khác không dám ở lại.[42] Sự tích Ông Bò-Ông Hứa khá giống với truyền thuyết về Sự tích rạch Mồ Thị Cư ở U Minh (Kiên Giang) theo khảo dị trong sách Nghìn năm bia miệng, dựa theo bài viết của nhà văn Đoàn Giỏi trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh (số 319, 1984). Còn Sự tích rạch Mồ Thị Cư dựa theo sách Người Việt có dân tộc tính không [43] của nhà văn Sơn Nam cũng trong sách trên lại có những tình tiết khác.[44]
Các truyện kể liên quan đến việc tu hành của cọp hoặc bị con người cảm hóa như truyện thần Hổ ở núi Chứa Chan, truyện cọp nhường hang đá ở chùa Chân Tiên (Bà Rịa), truyện cọp nghe các nhà sư tụng kinh vào dịp rằm ngươn ở Đá Chồng (Định Quán, Vũng Tàu)…
Khu vực Đá Chồng (huyện Định Quán, Đồng Nai) có hai con cọp trắng rất dữ tợn. Nhưng khi nghe tiếng chuông chùa và lời niệm kinh Phật tại chùa Thiện Chơn, chúng trở nên hiền lành. Cặp hổ trắng này trú ngụ ở hang đá mà người dân gọi là hang Bạch Hổ, nay vẫn còn dấu tích. Sau này do chiến tranh, đôi hổ này đã bỏ đi nơi khác.[45]
Vùng Bửu Long (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thuở xưa còn hoang vắng, có một nhà sư đến lập chùa. Dân chúng sống thanh bình. Một hôm có một con cọp trắng xuất hiện nhưng chẳng hại ai, cọp còn giúp đỡ những người lên núi thăm chùa. Cọp thường về nằm chỗ có hai tảng đá nằm chồng lên nhau, hình vòng cung, có dáng như cọp đang há miệng, bên dưới có tảng đá bằng phẳng. Người dân gọi nơi đây là Hổ đầu thạch. Từ đó không có con thú dữ nào dám về phá phách. Dân làng bầu cọp làm chức Hương cả, mỗi năm đem đặt tờ sớ tại hàm Hổ. Về sau, cọp trắng đi đâu không rõ, nhưng cứ đến đêm của ngày cúng thì về nhận giấy cử chức năm mới.[46]
Ở núi Lớn, xã Thắng Nhì, gần chợ Bến Đá có ngôi chùa, thường gọi là Điện Bà (tên cũ là Long Nhan điện) do nhà sư họ Trương sáng lập. Năm 1949, sư Thích Giác Độ đến tu hành tại đây, cho trùng tu ngôi chùa. Bên cạnh Điện Bà có hai miệng hang lớn là hai miệng hang thần Hổ tu hành ngày xưa. Chiều chiều, hai vị chúa sơn lâm thường đến nghe tụng kinh, gõ mõ, song chẳng bao giờ bắt gà vịt, quấy phá dân chúng và ở tu luôn tại hai cái hang ấy. Một ông tu tại đó cho đến chết, còn ông kia ra ngoài rừng kiếm ăn bị Pháp bắn chết. Chùa hay tin đem xác về chôn ngay tại hang ông ở, lấy cái đầu phơi khô đem thờ trong chùa, về sau bị lấy cắp.[47]                                
Chùa Thiên Thai dưới chân núi Cô Sơn (Bà Rịa) cũng có một truyền thuyết tương tự. Tục truyền, trước khi chùa Thiên Thai được khai lập, thì Cô Sơn là một vùng hoang vắng, bốn bề là rừng núi. Dưới chân núi có một thạch động (động Thiên Thai) là nơi ở của một con cọp trắng. Do chưa xây được am cốc, vị tổ đã vào trú tạm trong thạch động. Bạch hổ đi săn về thấy người trong thạch động liền gầm thét dữ dội. Tổ ôn tồn đề nghị bạch hổ nhường nơi ấy cho ông làm chỗ thờ Phật. Cọp trắng gục gặc mấy cái rồi bước đi. Từ đấy, cứ đến ngày rằm, mồng một cọp trắng lại trở về thạch động, nằm im trước cửa nghe tụng kinh gõ mõ. Bạch hổ cũng không ăn thịt nữa, mà chỉ ăn mít chín. Do vậy, mỗi khi bạch hổ đến đâu thì mùi mít chín thơm lừng cả vùng. Về sau, bạch hổ chết già trong một hang núi, sát miếu thờ Cô Sơn, nên nơi này có miếu thờ bạch hổ (tức trên đỉnh Dinh Cố-NTL chú thích). Ở chùa Thiên Thai hiện vẫn còn miếu thờ bạch hổ ở thạch động.[48]
Truyện Ông Tăng Chủ[49] ở An Giang có nhiều nét tương đồng trong việc con người chinh phục hổ dữ. Vùng núi Kéc thuở xưa nổi tiếng hổ dữ. Nhưng từ khi ông Tăng Chủ được đức Phật Thầy giao việc trông coi trại ruộng thì các loài thú dữ đều kiêng dè. Khi ông đi rừng, cọp thấy đều quỳ mọp, quấn quýt theo ông lên núi như nông dân dắt chó đi đồng vậy. Một hôm có con bạch hổ bị mắc xương đến ngồi trước cốc ra chiều đau đớn. Ông Tăng ra tay đấm ba cái tức thì cục xương văng ra. Hổ cúi đầu lui ra, vài hôm sau cõng một con heo đến tạ ơn. Từ đó về sau, thú dữ trong rừng không dám quấy phá dân chúng nữa. Có một con hạm bên núi Bà Đội Om , nơi nổi tiếng có nhiều cọp dữ, qua phá khuấy. Ông Tăng dắt bạch hổ đến đánh đuổi. Ông hổ này huy động cả một đàn đến trợ chiến, con hạm kia bị đánh rơi xuống trũng mà chết.[50]               
Khu vực Tây Nam Bộ cũng có một loạt các truyện liên quan đến cọp với nhiều biến thể mang tính tương đồng, phạm vi phổ biến rất rộng: Bà Hớn bà Hở, Tăng Ngộ, Ông Thống Sô (Long An), Giết cọp ở Giồng Găng, Bảy Giao Chín Quỳ, Cọp ở cù lao Ông Mối, Ông Móm ở Truông Cóc, Con “chồn” ở Rạch Già, Ông Cả cọp Mỹ Điền (Tiền Giang), Ông Yến đánh cọp, Sự tích ông Gốc, Ông cả cọp, Nghĩa hổ, Bà Mụ cọp (Bến Tre), Ông Dột (Vĩnh Long), Sự tích miếu ông Hổ (Cần Thơ), Đạo sĩ và cọp (Trà Vinh), Bà Mụ cọp (Đồng Tháp), Sự tích cù lao Ông Hổ, Khỉ mắc mưu cọp, Giết hổ cứu bạn (An Giang), Sự tích Mồ Thị Cư (Kiên Giang), Họ Phạm bị cọp ăn, Cọp xay lúa (Cà Mau)[51]…  
4.      Cọp trong địa danh
      Ở miền Đông Nam Bộ, địa danh liên quan đến cọp không nhiều như ở Tây Nam Bộ, chỉ có một vài địa danh như: eo Ông Từ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Ông Bò Bà Hứa (Đồng Nai), tổng Ăn Thịt, tắt Ăn Thịt, Vườn Trầu (TP. Hồ Chí Minh).
Địa danh eo Ông Từ ghi lại sự tích ông Lê Văn Từ ở vùng Bàu Vú, một dân nghèo chuyên nghề đốn cũi, múc dầu rái độ nhật. Ông có võ nghệ cao cường, đã từng diệt nhiều cọp giữ yên cho dân làng. Vì vậy, cọp quyết tâm báo thù ông. Một đêm khuya, ông Từ đi múc dầu rái về bán. Bất thình lình một con cọp vàng lớn phóng ra, vật ông ngã xuống và móc họng, ông kêu cứu. Dân làng đổ ra ứng cứu nhưng ông đã bị cọp giết hại. Ông được chôn cất nhưng cọp còn muốn đến đào xác ông, dân làng tiếp ứng cọp mới bỏ đi. Để ghi nhớ công lao của ông, địa danh này được đặt cho tên ông.[52]
Theo nhà nghiên cứu Phan Đình Dũng (Đồng Nai), địa danh Ông Bò Bà Hứa trong truyện Ông Bò Bà Hứa khi xưa là một cánh đồng hoang ở vùng Tân Cang[53], nay thuộc huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Khu rừng Tân Cang-Phước Tân[54] thì Địa chí Đồng Nai ghi là thuộc Biên Hòa.[55]
Tổng An Thít lập năm 1880, là một trong 19 tổng của hạt Sài Gòn, gồm 5 xã thôn, nay thuộc huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). An Thít vốn là Ăn Thịt, chỉ nơi cọp ăn thịt người trước kia, bị nói và viết trại ra trong thời Pháp thuộc. Địa phương phổ biến câu:”Sấu Rạch Lá, hạm Ăn Thịt”. Cũng ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) còn có rạch An Thít, do tên tổng mà ra.[56]
Vườn Trầu thường được biết đến với cái tên “18 thôn vườn trầu” (Thập bát phù viên), bao gồm hầu hết các phường trong quận 12, huyện Hóc Môn và một phần đất huyện Củ Chi thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trung tâm 18 thôn vườn trầu là các thôn Tân Thới Nhất, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung (nay là Tân Xuân), Tân Thới Tam (nay là Thới Tam Thôn). Từ 6 thôn ban đầu là Tân Thới Nhất, Thuận Kiều, Tân Thới Nhì, Tân Thới Trung, Xuân Thới Tây và Tân Phú đã phát triển thành 18 thôn: Thuận Kiều, Thuận An, Trung Hòa, Tứ Chánh Giáo Đức, Tân Thới Bình, Tân Thới Đông, Tân Thới Tây, Tân Thới Trung, Tân Thới Nhất, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Tân Thới Tứ, Mỹ Toàn, Tân Thới Nhứt Tây, Tân Thới Nhì Tây, Xuân Thới, Xuân Thới Tây, Tân Phú.[57]Dữ như cọp Vườn Trầu, ác như sấu Vũng Gấm” để chỉ sự hung ác của cọp nơi đây. Không phải ngẫu nhiên khi mà có đến 10/21 đình trong huyện Hóc Môn có miếu thờ Hổ, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh.
         Trong khi đó, đối với Tây Nam Bộ số lượng địa danh dạng này nhiều hơn: giồng Ông Ngộ (Long An), rạch Ông Hổ (Long Hưng, Tiền Giang)[58], đìa Cứt Cọp (ấp 4, Hưng Nhượng, Giồng Trôm), giồng Ông Hổ (Thới Lai), Sân Ngự (thị trấn Bình Đại), đồn Cọp (Phú Nghĩa, Chợ Lách), Mỏ Cày, rạch Gầm (Châu Thành) thuộc Bến Tre; cù lao Ông Hổ[59] (An Giang), Hổ Cứ (Đồng Tháp)[60]
5.      Nhận xét
- Con cọp từ trong thiên nhiên đã bước vào trong đời sống văn hóa dân gian ở Đông Nam Bộ với những sắc thái chung và riêng của khu vực Nam Bộ. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hơn với những rừng già, núi non đầy lam sơn chướng khí nên mức độ phổ biến, tầm hoạt động của cọp rộng rãi hơn so với Tây Nam Bộ.
- Về đại thể, tục ngữ, ca dao, truyện kể, địa danh, tín ngưỡng thờ cọp ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có nhiều nét chung nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những nét riêng biệt như: phạm vi phổ biến, mức độ, số lượng, bản sắc địa phương của các yếu tố trên có khác nhau giữa hai khu vực. Góp phần tạo nên một diện mạo văn hóa riêng với những quan niệm về tín lý, thẩm mỹ đối với tự nhiên và xã hội.
- Thể hiện thế ứng xử của con người trong việc chinh phục những sức mạnh của tự nhiên với đại diện tiêu biểu là cọp. Con người vừa phải đối đầu song vẫn phải tôn thờ cọp. Đó là tâm thức phức tạp, đa diện của những lưu dân trong buổi đầu khẩn hoang ở vùng đất phương Nam .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (chủ biên), Địa chí Bà Rịa-Vũng Tàu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
2. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Bến Tre, Tái bản lần thứ nhất có sửa chữa và bổ sung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.
3.  Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
4. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
5. Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện kể về cọp ở Nam Bộ, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 549, ngày 10-11-2005, tr.13-16.
6. Hà Thắng, Sơn Phước Hoan, Ngô Kim Long, Tào Văn Ân, Truyện dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Đồng Tháp, 1994.
7. Bùi Ngọc Diệp, Cọp trong ký ức dân gian Nam Bộ, Tập san Khoa học xã hội & nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP. Hồ Chí Minh, số 31, tháng 6, 2005, tr.81-89.
8. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường sưu tầm và biên soạn, Nghìn năm bia miệng, 2 tập, In lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
9. Nguyễn Văn Quynh, Tín ngưỡng thờ hổ ở Cà Mau, Tập san Văn hóa Thông tin Cà Mau, xuân 2008, tr.60-61.
10. Phan Đình Dũng, Tản mạn về chuyện cọp ở Biên Hòa-Đồng Nai. Trong Văn hóa Đồng Nai (Sơ thảo), Nxb Đồng Nai, 2005, tr.128-132.
11. Nguyễn Phúc Nghiệp, Cọp ở Tiền Giang và Nam Bộ xưa. Trong Những trang ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang, Nxb Trẻ, 1998, tr.73-81.
12. Nguyễn Phương Thảo, Nguồn truyện dân gian Nam Bộ về cọp. Trong Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.61-71.
13. Nguyễn Thanh Lợi, Đình làng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong Thông báo văn hóa dân gian 2005, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr.334-343.
14. Hà Thắng, Nguyễn Hoa Bằng, Nguyễn Lam Điền (chủ biên), Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
15. Nguyễn Hữu Hiếu, Nam Kỳ cố sự (Chuyện kể Nam Bộ), Nxb Đồng Tháp, 1997.
16. Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên sưu tầm và biên soạn, Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
17. Sơn Nam , Lịch sử khẩn hoang miền Nam , Đông Phố xb, Sài Gòn, 1973.
18. Sơn Nam , Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn, An Tiêm xb, Sài Gòn, 1970.
19. Sơn Nam , Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985.
20. Sơn Nam , Bến Nghé xưa, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
21. Sơn Nam , Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.
22. Huỳnh Lứa (chủ biên), Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
23. Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
24. Huỳnh Văn Tới, Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Nxb Đồng Nai, 1999.
25. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Đồng Nai, Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa các dân tộc ở Đông Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
                                              


[1] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập hạ, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa, Sài Gòn, tr.21.
[2] Sơn Nam , Người Việt có dân tộc tính không, An Tiêm xb, Sài Gòn, tr.88.
[3] Nay thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh.
[4] Nay thuộc khu vực phường 2, quận 5, TP. Hồ Chí Minh
[5] Đình Tân Kiểng hiện còn bàn thờ sư Hồng Ân, ngoài bàn thờ Thành Hoàng bổn cảnh Án sát Lê Công Pháp (Võ Thanh Bằng chủ biên, Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2008, tr.52)
[6] Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.97.
[7] Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.21.
[8] Huỳnh Văn Tới (chủ biên), Địa chí Đồng Nai, Tập V, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2001, tr.132.
[9] Nay thuộc Bình Dương. Đây là một lò võ nổi tiếng ở Đông Nam Bộ.
[10] Nay thuộc huyện Dĩ An, Bình Dương.
[11] Huỳnh Văn Tới (chủ biên), Sđd, tr.131-132.
[12] Đại Nam nhất thống chí, Tập thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa xb, Sài Gòn, 1973, tr.107. Chùa Lan Nhã xưa (còn gọi là chùa Ông Ngộ) do sư Viên Ngộ cất nay chính là chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An), quê vợ của Nguyễn Đình Chiểu, nơi thi hào đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng. Ở đây vẫn còn địa danh giồng Ông Ngộ, tháp Ông Ngộ, tấm bia ghi lại công đức của nhà sư Viên Ngộ vẫn còn đó (Sơn Nam, Chùa Tôn Thạnh, Sở Văn hóa Thông tin Long An-Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, 2004).
[13] Sơn Nam , Bến Nghé xưa, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.167.
[14] Trần Bạch Đằng (chủ biên), Địa chí Sông Bé, Nxb Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.338-339.
[15] Trần Bạch Đằng, Sđd, tr.354.
[16] Đỗ Tiến Khải, Trần Trọng Nhiệm, Lê Minh Thuần, Lê Phải, Long Thành những chặng đường lịch sử, Nxb Đồng Nai, 1988, tr.13.
[17] Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay, Tác giả xb, Sài Gòn, 1972, tr.166-170.
[18] Hồ Sơn Đài (chủ biên), Lịch sử chiến khu Đ, Tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, bổ sung, Nxb Đồng Nai, 1997, tr.105; Trần Bạch Đằng, Sđd, tr.353-354; Nhiều tác giả, Bình Dương miền đất anh hùng, Nxb Trẻ-Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, 2006, tr.49-50.
[19] Miếu cúng thần Vĩnh Long và đình Tân Vĩnh (Mỹ Tho, Tiền Giang) vẫn còn giữ tục lệ này (Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa & nay, Nxb Đồng Nai, 1999, tr.126).
[20] Theo đề tài “Di sản văn hoá làng Hiệp Phước”, (phần Văn học dân gian do Phan Đình Dũng biên soạn),  Bảo tàng Đồng Nai, 2007. Tài liệu do Ths Phan Đình Dũng cung cấp. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn.
[21] Nguyễn Phúc Nghiệp, Cọp ở Tiền Giang và Nam Bộ xưa. Trong Những trang ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang, Nxb Trẻ, 1998, tr.75. Sơn Nam , Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr.40. Nguyễn Hữu Hiệp trong bài Về cung cách xưng hô và vị thứ trong gia đình-Vì sao ở Nam Bộ không còn gọi người con trưởng là con cả? (Tạp chí Đồng Tháp xưa & nay, xuân 2004, tr.37-40) kể lại chuyện đánh cọp của gia đình ông Nguyễn Văn Núi trên cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang), diệt được cọp chúa. Gia đình ông có người con trai cả bị cọp vồ mất xác trong lúc đi săn ở cù lao này. Do quan niệm dân gian tin rằng trong gia đình nếu có một người bị cọp ăn thịt thì cả nhà lần lượt sẽ bị cọp vồ, nên người dân rất kiêng dè, sợ “có huông”, không dám gọi con đầu là “cả” nữa.
[22] Ở Hưng Nhơn (huyện Bình Đại, Bến Tre), ông Cả Cọp ở đây rất hung dữ. Mỗi năm, dân làng phải nộp một mạng người. Về sau, khấn vái mãi mới xin được cúng heo, rồi giảm xuống còn đầu heo (Nguyễn Phúc Nghiệp, Sđd, tr.76).
[23] Nguyễn Phúc Nghiệp, Sđd, tr.77.
[24] Hổ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2005, tr.276-307. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Võ Thanh Bằng chỉ ghi nhận có 2 miếu thờ ông Hổ: ấp Phong Phú, xã Tăng Nhơn Phú, quận 9 (đình Phong Phú) và ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (Sđd, tr.87). Điều này không đúng với thực tế. Nhiều đình tuy không có miếu thờ thần Hổ riêng biệt nhưng trước đình vẫn có bình phong đắp nổi hình cọp hoặc đặt tượng cọp ở tiền điện như: đình Hòa Thạnh, đình Phú Thạnh (quận Tân Phú), đình Minh Phụng (quận 11), đình Tân An (quận 1) thuộc TP. Hồ Chí Minh.
[25] Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Cù lao Phố lịch sử và văn hóa, Nxb Đồng Nai, 1998, tr.286. Có duy nhất một miếu thờ thần Hổ, trước kia nằm đối mặt với miếu thờ Thổ thần trước đình Hòa Quới, trên vách miếu có hai chữ “Mãnh Hổ”.
[26] Nguyễn Văn Quynh, Tín ngưỡng thờ hổ ở Cà Mau, Tập san Văn hóa Thông tin Cà Mau, xuân 2008, tr.61.
[27] Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn, Địa chí Tiền Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang-Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam , tr.769.
[28] Nguyễn Phúc Nghiệp, Sđd, tr.75-76.
[29] Nguyễn Hữu Hiệp, An Giang đôi nét văn hóa đặc trưng vùng đất bán sơn địa, Nxb Phương Đông, 2007, tr.81.
[30] Tài liệu do nhà nghiên cứu Hồ Tường cung cấp. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn.
[31] Hổ Tường (chủ biên), Nguyễn Hữu Thế, Sđd, tr.290, 293, 294, 300, 301.
[32] Trần Lâm, Con hổ trong tâm thức dân gian, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 1, 1988, tr.25.
[33] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Sđd, tr.126-127.
[34] Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương, Sở Văn hóa –Thông tin Bình Dương, 1998, tr.22.
[35] Những oan hồn bị cọp ăn, nhập vào con “chim ma” dắt đường cho cọp đi tìm bắt kẻ khác. Khi có hồn khác thay thế thì oan hồn kia mới được đầu thay (Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam , Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1982, tr.163-166).
   Ngày xưa, vùng Tân Hưng (huyện Ba Tri, Bến Tre) có rất nhiều cọp. Một đêm nọ có con cọp bạch thò đuôi vào chuồng nhà vợ chồng ông Yến. Ông Yến nắm được đuôi cọp. Sợ nắm không chặt, ông dùng răng cắn thêm vào đuôi cọp. Bà Yến xách mác ra đâm chết cọp. Từ đó, cọp bạch truyền “tướng tinh” vào người ông Yến, ông trở thành chúa cọp, tất cả cọp lớn nhỏ trong vùng đều phải nghe lời ông. Hàng ngày, chúng chở ông đi chợ, đi ăn giỗ, đi cúng đình…Khi ông chết, cọp tụ họp bên mộ kêu rống thảm thiết, cào đất đắp mộ ông (Nguyễn Phúc Nghiệp, Sđd, tr.78).
   Các thầy bùa Xiêm có tài chuyên du cọp. Họ nằm ngửa dưới gốc cây giữa rừng, dùng một lá tre làm kèn thổi. Tức thì cọp mẹ, cọp con chạy lại, quỳ xuống canh gác cho thầy ngủ. Khi thức dây, ông thầy Xiêm vỗ về từng con, nhổ vài sợi râu hoặc lông cọp để nuôi sâu. Lông và râu cọp được đem về cắm trong măng tre đang mọc. Vài hôm sau, thì mỗi sợi biến thành một con sâu, lớn bằng cườm tay, mặt đỏ hôi, mỉnh mảy vằn vện, có đuôi dài ngoe nguẩy, được nuôi trong một cái hủ kín để giữ nhà. Khi ó khách đến, sâu nhảy dựng, la hét trong hủ. Cứt của nó rất độc, có thể giết người trong nháy mắt (26 truyện ngắn Sơn Nam , Nxb Mũi Cà Mau, 1987, tr.13-14).
[36] Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện kể về cọp ở Nam Bộ, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 549, ngày 10-11-2005, tr.14.
[37] Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương, Sđd, tr.20.
[38] Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Anh Tuấn, Sđd, tr.768.
[39] Tài liệu điền dã; Sơ khảo về tín ngưỡng, lễ hội dân gian và truyền thống tỉnh Bình Dương, Sđd, tr.62.
[40] Lương Văn Lựu, Biên Hòa sử lược toàn biên, Quyển 2, Tác giả xb, Sài Gòn, 1972, tr.282-287 (Bà Mụ Trời). Trước đó, trong sách Biên Hòa sử lược (Tác giả xb, Sài Gòn, 1960), Lương Văn Lựu cũng viết một cách tóm lược truyện Bà Mụ Trời (Tân Ba-Bến Sắn) trong một trang sách (tr.229). Ngoài ra, ở Nam Bộ còn có những truyện cùng một môtip như: bà mụ Hơm ở xóm Cầu (Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), bà mụ Nguyễn Thị Hoa ở Rạch Bà (Cái Nước, Cà Mau), bà mụ ở An Thạnh (Bến Lức, Long An), bà mụ Sáu ở Bình Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre), bà mụ ở Lộc Thuận (Bình Đại, Bến Tre), bà mụ cọp ở Nước Trong (Cái Bè, Tiền Giang), bà mụ ở vàm Rạch Công (Kiên Giang)…(Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường sưu tầm và biên soạn, Nghìn năm bia miệng, Tập 1, In lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.321; Nguyễn Hữu Hiếu, Nam Kỳ cố sự (Chuyện kể Nam Bộ), Nxb Đồng Tháp, 1997, tr.203). Theo khảo dị của truyện Bà Mụ Cọp, ở vùng Bình Đại (Bến Tre) có truyện kể về bà mụ trời, có tài đỡ đẽ rất giỏi. Ai đau bụng đẻ dù khó đến đâu, cứ đặt bàn vái thì dù bà đang cấy lúa hay làm bất cứ việc gì, cũng lặn lội đến nơi, bà có thể vượt sông không cần ghe. Nhưng câu chuyện không có chi tiết đỡ đẽ cho cọp (Nguyễn Phương Thảo, Hoàng Thị Bạch Liên sưu tầm và biên soạn, Văn học dân gian Bến Tre, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr.73)
[41] Diệp Đình Hoa, Làng Bến Gỗ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, 1999, tr.109-111.
[42] Huỳnh Ngọc Trảng, Bđd, tr.14-15.
[43] Sơn Nam , Người Việt có dân tộc tính không, Sđd, tr.74.
[44] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường sưu tầm và biên soạn, Sđd, tr.295-298.
[45] Phan Đình Dũng, Tản mạn về chuyện cọp ở Biên Hòa-Đồng Nai. Trong Văn hóa Đồng Nai (Sơ thảo), Nxb Đồng Nai, 2005, tr.130. Trần Quang Toại (chủ biên), Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2004, tr.83.
[46] Phan Đình Dũng, Bđd, tr.131.
[47] Huỳnh Minh, Vũng Tàu xưa và nay, Tác giả xb, Sài Gòn, 1970, tr.174-177. Ở truyện Cọp tu trong sách Nghìn năm bia miệng (Sđd, tr.235-236) do ni cô ở thạch động (Tổ đình Thiên Thai, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) kể cũng tương tự, chỉ khác nhau chi tiết hai vị chúa sơn lâm cai quản muôn thú, rất khỏe và tinh khôn. Chúng được nhà sư họ Trương chế phục.
[48] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nghìn năm bia miệng, Sđd, tr.237-238. Sách này chú nhầm chùa Thiên Thai là Chơn Tiên (tr.238).
[49] Vị sư quản lý trại ruộng.
[50] Nguyễn Hữu Hiệp, Sđd, tr.79-81.
[51] Nguyễn Chí Bền cho biết, trong truyện kể dân gian Nam Bộ đã sưu tầm được, có 44 truyện kể về cọp (Người hay đất cọp, Tài liệu đánh máy, 1990) (Theo Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.62). Năm 1993, cuốn Mãnh hổ giữa đồng hoang (Truyện dân gian Nam Bộ về cọp) (Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội) do Nguyễn Phương Thảo sưu tầm, sưu tập và biên soạn với tổng số truyện là 60 (Nguyễn Nguyễn Phương Thảo, Nguồn truyện dân gian Nam Bộ về cọp. Trong Văn hóa dân gian Nam Bộ những phác thảo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.61). Bài viết  này được in lần đầu trên Tạp chí Văn hóa dân gian (số 1, 1994) và Tạp chí Xưa & Nay (số 47B, tháng 1, 1998) với bút danh Nguyễn Phương Thảo. Sau đó được in tiếp trong các sách Văn hóa dân gian Việt Nam những phác thảo (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003), Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006) cùng của Nguyễn Chí Bền.
[52] Huỳnh Minh, Vũng Tàu xưa và nay, Sđd, tr.178-180.
[53] Tân Cang là thôn thuộc tổng Bình Dương, huyện Tân Bình, phủ Gia Định từ thời chúa Nguyễn. Thời Gia Long đổi tên thành thôn Trọng Hòa, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Thời Minh Mạng thuộc tổng Bình Trị Thượng, vẫn thuộc huyện và phủ cũ của tỉnh Gia Định. Đến đầu thời thuộc Pháp thì giải thể (Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.968, 1.232).
[54] Xã Phước Tân nay thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai).
[55] Huỳnh Văn Tới (chủ biên), Sđd, tr.130.
[56] Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003, tr.19-20. Trong sách này ghi là:”Sâu rạch Lá, hạm An Thít” (tr.20). Sách Truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Duyên Hải (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1986) ghi là tổng Ăn Thịt (tr.9). Đến Lịch sử truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giờ (1930-1975) (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003) ghi:”Tổng An Thịt gồm 5 làng: An Thạnh, Bình Khánh, Khánh Độ, Sài Tân, Vạn Phước…Tổng An Thịt (thường ghi là An Thít) gồm 3 làng: Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp” (tr.23). Còn theo Nguyễn Đình Tư thì tổng An Thịt thuộc hạt Sài Gòn, thành lập ngày 29-2-1875 do tách 5 thôn khỏi tổng Cần Giờ cùng hạt. Và mục từ thứ hai là An Thịt, cơ sở hành chính thuộc tỉnh Gia Định từ ngày 27-10-1944, bao gồm khu rừng cấm An Thịt (Sđd, tr.93).
[57] Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn (1859-1975), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn, 1991, tr.15-17.
[58] Tên chữ là Sầm Giang. Thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
[59] Nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang, quê hương của Tôn Đức Thắng.
[60] Chỗ 2 làng Tịnh Thới và Tân Tịch (nay thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Xưa là căn cứ của quân Đông Sơn chống Tây Sơn. Dân gian gọi là bãi Hổ. Hổ Cứ cũng gọi Hổ Châu, vì nó như cù lao Hổ Châu (Đại Nam nhất thống chí, Tập hạ, Sđd, tr.28).

No comments: