Góc của Phan:Chị Sui

Tạp Ghi Sep 20, 2013 at 9:15 pm
anh-sui
Ở đám cưới con gái của anh Hoàng, cái bàn được gọi là bàn chiến hữu của anh là bàn ồn nhất. Trong bàn ấy chỉ có một người duy nhất là bạn lính với anh ngày xưa; còn lại là bạn làm ăn, làm chung ở những hãng xưởng khi anh đã qua Mỹ từ năm 1980. Vậy nhưng tất cả đều được kể là chiến hữu của ông sui bên đàng gái vì mặt trận khói lửa xa xưa với mặt trận kinh tế đời sống bây giờ đều cần đồng minh như nhau…
Chả ai thèm lý luận về sự so sánh khập khiễng của một chiến hữu đã tận tình cụng ly với nhiều người. Và đương nhiên là thực khách đám cưới phải ngồi bàn theo sự sắp xếp của hai họ. May gặp bàn vui thì vui, bằng không, cứ làm xong thủ tục phong bì với cô dâu chú rể rồi về…
Có điều thật lạ lùng là cái bàn chiến hữu ấy chỉ toàn đàn ông đi ăn cưới một mình, không ông nào dẫn vợ theo. Chả nhẽ ngần ấy ông đều ế vợ, vợ chết, hay vợ bỏ cả đám đông đến thế sao?
Thật là một ý tưởng rượu bia của một chiến hữu năng động giao tranh với bàn tròn bằng cái chai thì to mà cái ly thì nhỏ xíu. Nhưng nghĩ lời ông nói thấy nó bi hùng thật, nên được hưởng ứng náo nhiệt, nhất là khi bàn tiệc ấy đã cạn mấy vò rượu bia.
Chuyện hào hứng khởi đi từ chị sui (bên trai) của anh Hoàng (bên gái) là chị sui còn mướt quá! Làm già nào cũng ngất ngây. Nhất là cái tin: chị sui… chỉ có chị sui với con trai – là chú rể của tiệc cưới hôm nay. Không biết, không thấy, không nghe nói tới cha của chú rể – mới làm cho không khí bàn tròn thêm tranh hùng…
Có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất trong bàn tiệc cưới này nên biết rõ đồ ăn, đồ cúng – không dám hỗn. Biết mình phận nhỏ thì dựa lưng ghế mà nghe! Có quá nhiều những câu chất vấn về chị sui của anh Hoàng mà các bạn, chiến hữu của anh đã đặt tra – mới đầu còn rỉ tai nhau thôi vì còn đủ minh mẫn để tế nhị. Nhưng khi rượu vào, bia nhập thì ông nào cũng tưởng là mình vẫn tế nhị đó chứ! Thật ra, họ làm mấy bàn xung quanh chết cười!
Câu hỏi vào chung kết có thể kể là câu táo tợn nhất: “Ê Hoàng, mày gả con gái. Nhưng có bắt thằng rể gả lại chị sui cho mày không vậy? Nói thật đi, để tao biết đường tranh giành với những tên quỷ râu bạc ở đây,” (tay ông nói quơ một vòng bàn tròn) làm những bàn xung quanh cười nắc nẻ…
Tôi chỉ thấy trước mắt là người phụ nữ đã lục tuần, có thể trên sáu mươi vài tuổi không chừng. Dĩ nhiên là bà không thể so sánh với những cô gái đôi mươi về sự da căng tóc mượt… nhưng cái nét quý phái, vẻ trưởng giả của bà thì nhiều cô gái lắm tiền nhiều của nhưng thiếu hiểu biết và sự uốn nắn từ bé sẽ không sánh kịp với bà. Thứ nhất là tuổi đó mà bà còn giữ được một thân hình cân đối, lưng thẳng khi đi, khi ngồi, không còng còng xuống như những bà mẹ quê; gương mặt bà sáng rực, mắt còn long lanh một thời hoàng thị nào đó – vừa cương nghị vừa mộng thường, nhưng toàn gương mặt lại hài hòa, thùy mị. Bà mặc giản dị nhưng sang trọng, trang sức nhẹ nhàng, và trang điểm như có như không, tạo thành sức hấp dẫn kỳ lạ. Đặc biệt là nét cười, giọng nói của bà vừa nhỏ nhẹ, vừa ấm áp, đủ thân tình với mọi người nhưng không quá lời nào để mất lòng người khác hay hạ thấp mình… Thật là một người tài sắc hiếm có.
Dư luận về bà như chuyện không chán vì mấy hôm sau, cánh bạn bè của anh Hoàng còn nói tới ngoài quán cà phê; nghĩa là ít nhiều bà đã để lại trong đầu óc họ đôi điều đáng nhớ, mỗi người nhớ đến bà khác nhau tùy theo tửu lượng thì quá đơn giản. Chỉ sợ phức tạp với những nỗi nhớ đã tỉnh rượu bia lại hối hận là mình đã quá lời với người đẹp hôm đó! Chỉ trừ tôi với anh Thành (là người bạn lính của anh Hoàng).
Có lẽ tôi thích phong cách điềm đạm của anh Thành trên bàn tiệc mà tự nguyện đưa anh về nhà anh khi tiệc tàn. Đến nhà anh, vợ với mấy đứa con anh đi vắng… Và anh cũng có thích tôi chút xíu nào đó nên rủ rê ở chơi ngoài sân sau nhà. Anh nói, “Trời đêm mới thấy dịu bớt chút đỉnh. Ban ngày, Dallas nóng biết sợ thật…”
Câu chuyện đàn ông thường bắt đầu từ thời tiết. Nhưng kết thúc khó đoán vì hai người nói chuyện có hạp với nhau không. May mắn là tôi hạp với anh Thành nên anh kể cho nghe chuyện riêng của anh Hoàng – người bạn lớn hơn của tôi ở địa phương; người anh thân mến…
Anh Thành kể, “Hôm nay gặp chị sui của thằng Hoàng. Anh cứ tưởng là nó nằm mơ, nói sảng… Ai dè, bả đẹp thiệt! Nó có kể cho em nghe gì không?”
“Em đâu biết gì đâu?”
“Không biết thiệt hả?”
“Biết chết liền! Chỉ thấy anh Hoàng có phần đối xử đặc biệt với chị sui của anh ấy trong bữa tiệc hôm nay thiệt. Nhưng em nghĩ là sui-lẻ nên anh ấy ga-lăng chút thôi! Vì anh Hoàng cũng là sui-lẻ mà… sui gia mà sui-cặp thì mạnh cặp nào cặp đó lo. Chứ anh sui bên đàng gái, ăn thì không ăn mà cứ gắp cho chị sui bên đàng trai hoài, rồi ngồi xuất thần, thì… xui thiệt đó!”
“… nghe rồi bỏ nha cưng. Để thôi nó nói anh lắm chuyện. Hình như nó qua Mỹ năm 80. Anh qua từ 1975. Nó tìm anh. Anh tìm nó. Vì anh nhận được thơ nhà nói là nó có tới nhà anh chào ba má anh rồi mới đi vượt biên… tụi anh gặp nhau đâu năm 81.
Nó có kể cho anh nghe là sau 1975, nó chẳng làm ăn gì được, lại bị địa phương dòm ngó quá, nên năm 77 hay 78 gì đó; nó đi kinh tế mới cho khuất mắt mấy thằng Việt cộng nằm vùng ở địa phương… cũng là thời gian lánh mặt địa phương để vượt biên. Người nhà chỉ nói là nó đi làm rẫy trên kinh tế mới…
Nếu tính là năm 78 thì anh với nó mới chừng 25 hay 26 tuổi! Tại tụi anh đi lính được gần 4 năm thì giải tán vào năm 75.
Nhưng anh nhớ nó kể là năm 78, ở vùng kinh tế mới nó để ý một cô gái đẹp lắm. Khi anh chàng mon men tới căn nhà tranh vách đất mới biết nàng đã có thai!
Anh nhớ nó kể, gia đình đó hình như là gia đình của người ở của gia đình cô, vì cả nhà gọi cô là cô; mà cô cũng giống cô (tiểu thơ nhà chủ) lắm! Chắc là đánh tư sản gì đó, nên cô chủ lánh mặt lên vùng kinh tế mới…
Anh Hoàng nhà mình đi hết đầu trên xóm dưới vùng kinh tế mới cũng chỉ khoai mì, khoai lang; cũng không phải là ghé thăm cô để được mời chén cơm trắng hiếm hoi. Nhưng dù gì ở vùng kinh tế mới mà được người đẹp coi trọng cũng đỡ tủi thân. Hoàng chỉ thắc mắc là thằng nào đã may mắn hơn mình…?
Dè đâu một hôm Hoàng nhận được tin gia đình cho biết là về nhà gấp… nghĩa là đi vượt biên. Đêm đó còn thao thức chờ sáng để đón xe đò về Sài gòn, thì hay tin nàng chuyển bụng. Cái xứ không bà mụ, y tá còn không có thì nói gì đến bác sĩ. Chú Hoàng nhà mình không bằng cấp vì mê chơi nên mới rớt tú tài, nhưng gia đình lại có nhà thuốc tây nên cũng am tường chút đỉnh. Anh ta quyết định ở lại đỡ đẻ cho nàng vì cả xóm kinh tế mới chẳng ai biết gì và nàng cũng kỳ vọng ở mỗi anh ta, nhưng không dám nói ra…
Hoàng ở lại vài ngày thôi, để thấy mẹ tròn con vuông chi cho tủi. Chỉ chờ không thấy có dấu hiệu nhiễm trùng là mừng. Anh ta từ biệt, ra đi.
Định hỏi nàng, “Đứa bé là con ai vậy?” Nhưng anh chàng ngượng miệng nên lặng thinh hoài lúc chia tay. Nàng hiểu ý nên trả lời khéo thôi, với đại ý là: Con của em! Không nói tới cha đứa bé…
Hoàng đi chuyến đó lọt nên qua Mỹ còn vấn vương nhiều lắm! Ít ai đi một chuyến vượt biên trót lọt lại buồn như Hoàng bao giờ! Buồn cho tới gặp bà xã bên Hawaii mới nguôi ngoai mối tình câm. Sau đó Hoàng cưới má con Hằng, là con nhỏ con gái lớn, lấy chồng hôm nay. Con Hằng sanh năm 85. Anh nhớ vậy vì vợ chồng anh có qua Hawaii dự tiệc cưới của Hoàng, năm 83, và qua thăm vợ chồng nó năm 85, khi sanh bé Hằng…”
“Anh Thành. Chuyện của anh giống chuyện ma của ông chuyên trị bệnh mất ngủ quá! Anh kể tiếp là em ngủ đó! Gây cấn chút đi!…” Tôi nói.
“Từ từ… Anh kể cho một người biết thôi! Để lỡ anh có chết thì cũng có người biết chuyện tình kỳ ngộ này…”
“Em thính lắm đó. Đánh hơi được rồi đó!”
“Không đơn giản như chuyện ma đâu em…”
Anh Thành kể tiếp, “Con bé Hằng, không có ý định lấy chồng. Dù đám con thằng Hoàng bực ông già tía tụi nó thì gọi điện thoại nói với anh. Hay chuyện riêng gì đó tụi nó cũng kể anh nghe, anh như người chú bác ruột với ba của tụi nó vậy đó! Con Hằng muốn đi tu, nhưng sợ ba Hoàng nổi giận! (Em biết thằng Hoàng mà)!”
“Dạ biết!”
“Ừ. Con em của con Hằng, đám cưới trước chị. Nó cưới chạy tang khi vợ thằng Hoàng không xong… cũng ba năm rồi hả?”
“Dạ phải…”
“Bây giờ con chị đổi ý lấy chồng! Chắc thằng chồng đẹp trai hơn hai ông bị treo hình truy nã khắp nơi kia…
Theo thằng Hoàng nói với anh, nó thấy thằng bạn trai mà con Hằng đưa về nhà giới thiệu với gia đình, giống một ai đó mà nó đã từng gặp. Nhưng nhớ không ra. Chỉ thấy nó hiền lành mà yên tâm. Cho đến mãn tang vợ thằng Hoàng thì tụi nhỏ mới nói tới chuyện cưới hỏi.
Hôm chị sui đưa con trai đến nhà để chính thức bàn chuyện cưới hỏi. Anh Hoàng nhà mình nhận ngay ra người xưa. Nhưng bên đối tác chỉ ngờ ngợ…”
“Lạ!”
“Lạ gì?”
“Khi anh Hoàng đã 25 hay 26 tuổi vào năm 1978. Tính tới giờ thì anh ấy chỉ già đi thôi chứ làm sao thay đổi gương mặt mà nhận không ra?”
“Em mới lầm! Cô ấy không thay đổi vì tới giờ này, em nhìn cái dáng thôi, đã biết người giữ gìn vóc dáng và nhan sắc một cách có trình độ, và cả điều kiện nữa. Trong khi thằng Hoàng, hồi còn đi lính, anh thường nói nó khi anh tức nó: Mấy thằng Việt cộng bắn sẻ sẽ ngắm mày, vì mày cao hơn anh em cả cái đầu. Trong khi nó đối đáp, Việt cộng ngắm mày vì tao cao nhưng gầy, khó trúng hơn mày – mập…
Có ai ngờ là bây giờ anh thì gầy như nó hồi xưa, trong khi nó mập ra tới anh còn nhận không ra nó…”
“Vậy là nàng quăng cho chàng cục lơ, sau mấy mươi năm bặt vô âm tín…”
“Anh cũng không biết sao nữa! Nó chỉ kể anh nghe cái hôm dạm ngõ đó! Nàng có mất tự nhiên chút xíu nhưng lấy lại bình tĩnh ngay. Và từ đó đến nay coi như chưa từng quen biết!”
“Nhưng anh Hoàng có nhắc chuyện hồi xưa không?”
“Theo anh nghĩ là Hoàng… thì chắc em cũng biết tánh tình hắn. Hắn cũng có kể cho anh nghe về hắn và em ở đây, nên anh mới dám nói: Hoàng nóng tánh nhưng tế nhị lắm! Hai đặc tính trái ngược làm nên con người hắn. Hắn là vậy đó! Em nói một câu xóc hắn, hắn bỏ ra sau nhà đấm lủng tường. Nhưng tuyệt nhiên không khiếm nhã trước mặt em – dù không bao giờ gặp nữa!”
“Chuyện lạ lùng rồi đó! Nhưng theo anh, sẽ đi về đâu?”
“Anh chỉ thấy lạ là thằng rể của thằng Hoàng cũng có ý định đi tu nên không lập gia đình. Đùng một cái lấy vợ.
Hay là… vợ thằng Hoàng chết tức! Cực cả đời, tới hồi chuẩn bị hưởng phước con cháu thì lại chết tức vì ung thư, nên…”
“Em cũng thấy lạ là (theo anh kể lại những gì anh Hoàng kể lể với anh) là không ai nói tới ba của đứa trẻ được sanh ra ở vùng kinh tế mới. Đặc biệt trong đám cưới cũng không nhắc đến lý do vắng mặt của ông sui đàng trai. Chỉ nói đơn giản về bà… và một yếu tố về ngày sanh tháng đẻ của chú rể rất phù hợp… anh có để ý không?”
“Đúng vậy!”
“Thôi thì dù sao cũng đã mãn tang chị Hoàng. Bây giờ anh Hoàng có chị sui để bớt cô lẻ tuổi già cũng tốt rồi! Em nghĩ là anh nên nói với anh ấy biết dừng lại đúng chỗ tri kỷ sẽ hay hơn là tới luôn. Kỳ lắm!”
“Đồng ý! Nhưng còn ý trời thì sao?”
“Trời, kêu ai nấy dạ. Chứ em cũng biết làm sao!”
“Ừ. Cái vô lý của luân lý là điều khó nói, bởi thông gia hai nhà như một. Không chóng thì chày cũng lộ hết ra chuyện đời xưa. Hoàng sẽ phải xử sao đây? Bên chị sui tính sao? Nếu cứ bắt họ phải tuân thủ luân thường đạo lý thì được gì cho họ hay chỉ được cho những cổ lệ có sẵn; mà bước qua thì sống nổi không với dư luận?”
“Em bỗng nhớ tới tuồng cải lương: Tiếng hạc trong trăng thì phải, ông nội cũng là ông ngoại. Thì anh Hoàng là ông ngoại cũng là ông nội – khó tránh. Nhưng dù sao tránh được cũng tốt hơn.
Em thấy duyên nợ lạ lùng lắm! Cha của bạn học em là trung tá, ông đi tù cải tạo hơn mười năm mới về. Về tới nhà không lâu thì vợ chết vì ung thư.
Người tình cũ của ông ở Hà nội, ai mà biết cùng di cư vào Nam năm 1954, nhưng không gặp lại nhau. Bà cũng chồng chết mấy năm trước rồi. Chỉ là đọc trang cáo phó trên báo, thấy tên ông nên tìm đến nhà để chia buồn với ông… Rồi ở lại luôn.
Trời ơi. Anh biết không. Thằng con trai im lặng, nhưng hai đứa con gái biểu tình dữ dội. Cuối cùng ông đi diện HO với bà tình cũ và thằng con trai; hai đứa con gái còn giận cha nên ở lại Việt nam. Nhưng bây giờ, hai đứa con gái đã nghĩ lại. Vì thằng con trai theo cha đi Mỹ thì nó cũng chỉ lo nổi cho gia đình riêng của nó chứ lo gì cho cha đâu! Trong khi hai đứa con gái còn ở Việt nam thì cũng lo cho gia đình riêng mỗi đứa là cùng. Chỉ có bà tình cũ của ông già là người đẩy xe lăn cho ông mỗi ngày…
Theo em đó là duyên nợ. Nhưng anh Hoàng và chị sui giữ ấm cho nhau sẽ hay hơn là góp gạo. Vì dù sao thằng rể vẫn đầy bí ẩn về tông tích người cha. Nếu chỉ là một tên họ Mã thì dễ lắm! Hoặc giả cha nó đã chết trên đường vượt biên cũng tiện… Em chỉ sợ anh Hoàng tấn tới làm người ta khó xử khi đã giữ được bí mật mấy mươi năm…”
Anh Thành thở dài, “Thiệt là rắc rối! Một cây đuốc vợ chết đã ba năm nhưng còn ngún lửa – một bó rơm đã mấy chục năm không khô cháy cho xong; còn mướt quá em ơi!…”
Tạm biệt anh Thành. Tôi về. Đường khuya như có rất nhiều người trong đời đã quen, từng gặp… họ đứng dài theo ánh đèn xe mà cuộc đời là mặt đường – hễ qua sẽ không thấy nữa. Nhưng trở lại thì không đủ thời gian. Duyên nợ của cha bạn tôi là bà tình cũ của ông đã mắc nợ nên sau chồng chết không được thảnh thơi mà phải hết sức tàn lực tận (vì bà cũng đã già) để đẩy xe lăn cho ông. Nhưng duyên của anh Hoàng và chị sui quá êm đềm nên nợ nhau cũng nhẹ mà nặng như tình bạn sẽ hay biết mấy…
Phan