Monday, October 31, 2016

VIỆT CỘNG

LÊ ANH DŨNG * SẤM PETRUS KÝ

Truyện Ngắn » “Sấm” Petrus Ký
Font Size: Tác Giả: Lê Anh Dũng

  
Duy đạp xe dạo phố Sai Gòn. Những con đường quen xưa nay đã đổi, những địa danh, tên đường cũng được thay bằng các tên mới! Chàng đạp xe đi trong thành phố đầy người. Lòng đường không biết cơ man nào là đủ loại xe di chuyển. Các con đường giống như những con sông, nước bị tắt nghẽn. Nào xe hơi, xe gắn máy đủ loại, xe đạp, chen vào thêm một ít xe xích lô... 
 Người đi bộ cũng không cần đi trên lề đường mà tự nhiên lấn ra lộ. Cuối cùng chàng đành xuống xe dắt bộ theo lề đường. Chàng không dám mạo hiểm ngồi trên chiếc xe đạp mà không có lối nào để chen. Thật ra, mọi người đang điềm nhiên đi, điềm nhiên cỡi xe gắn máy và lái xe hơi, còi xe inh ỏi... Nhưng riêng Duy, chàng không muốn bị người ta cọ quẹt hay đè lên người mình khi chiếc xe đạp chẳng may bị ai đó đụng phải... 

    Hình như Sài Gòn bây giờ đầy người, ngập tràn, giống như nước lũ từ các nơi đổ dồn về con sông nhỏ. Con sông nhỏ chảy không kịp, nên nước dâng lên tràn bờ gây lũ lụt. Nếu ta ở trên một máy bay quan sát lượng người và xe cộ của một thành phố mà đường sá chưa được mở mang, trong lúc mật độ xe và người tràn đầy lòng và lề đường, thì ta có thể tưởng tượng đó là nước của những con suối nhỏ tìm chảy về dòng sông cái. Nhưng dòng sông cái ấy đã bị tắt nghẽn ở đâu đó... Ấy vậy mà Duy vẫn dắt được chiếc xe đạp mượn của bạn đi trên lề, tuy phải lách qua nhiều chướng ngại vật là người đi bộ cùng chiều và ngược lại. 

    Xa Sai Gòn đã mười mấy năm trời, bây giờ về lại chính nơi chàng đã sống qua thời tuổi thơ; thế mà giờ đây chàng cảm thấy mình như bị rơi vào một hành tinh nào lạ hoắc. Chàng nhớ lúc bé, sống với ông bà nội từ tuổi lên năm, mẹ phải nuôi hai em nhỏ ở quê ngoại. Cha chàng là một Sĩ Quan chế độ miền Nam bị “học tập cải tạo” ngoài Bắc.
 Lúc vừa bị đưa xuống tàu biệt xứ, cha chàng viết thư từ giã gia đình. Hình như ông nghĩ rằng đi chuyến nầy là không có ngày trở về; cho nên nói với mẹ đem chàng cho ông bà nội nuôi. Theo quan niệm của ông bà, chàng là cháu đích tôn, lỡ ông bỏ xương nơi xứ Bắc thì cũng có người nối dõi tông đường... Thế là chàng đã phải xa mẹ xa em vào Sai Gòn ở với Ông Bà đi học... Lúc gia đình chàng được qua Hoa Kỳ theo diện tị nạn là lúc chàng đang theo học Đại Học năm thứ hai Phú Thọ, ngành Công Chánh. 

    Qua Mỹ, với vốn liếng tiếng Nga và hành trang là một mớ kiến thức về XHCN trong đầu; những năm đầu tiên chàng phải vật lộn với cái cũ và cái mới, những chán nản xé rách cả một thời tuổi xuân. Từ năm thứ hai Đại Học rơi xuống con số không, một tiếng Anh chàng cũng không biết. Thế mà trước sự khuyến khích của cha mẹ, của các em và bè bạn, chàng đã quyết tâm nhập cuộc bằng từ con số không đó bò lên từng bước. Thế rồi bảy năm sau, chàng đã mặc áo thụng đen, đội mũ ra trường từ Đại Học nổi tiếng Berkeley! Thật là một niềm hãnh diện cho cả gia đình... 

    ... Chàng vừa dắt xe đi theo lề đường Thống Nhất cũ, bây giờ mang tên Lê Duẫn, vừa ngắm mấy cô nữ sinh viên đang tung tăng với nhau gần nhà thờ Đức Bà. Phố xá có đổi thay một ít, nhà cửa cao hơn to hơn, người đông đúc hơn, nhịp độ buôn bán có phần sầm uất hơn lúc chàng ra đi, nhưng đường sá thì vẫn thế. 
Một thành phố không có những bãi đậu xe, không có những lối dành cho xe đạp, đèn xanh đèn đỏ chưa có ý thức tuân thủ... bao nhiêu đó khiến cho Sai Gòn vẫn là nơi tai nạn nhiều nhất và kém an toàn nhất... Mải suy nghĩ vẩn vơ, chàng vượt qua tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ lúc nào không hay. Lần đến công viên trước Dinh Độc Lập cũ, chàng cảm thấy mỏi mệt trong người. Tìm một ghế đá công viên, cho xe đạp sát vào, chàng ngồi trên ghế mà một chân thì xỏ vào xe phòng hờ bị cướp. Xe đạp mượn mà bị cướp mất thì phiền, chàng suy tính trong đầu... 

    Buổi chiều Sài gòn nhè nhẹ đến trong cái oi nồng mùa hạ. Mồ hôi trong người chàng cứ xâm xấp, hực ra mùi chua khó chịu. Định cư lâu năm ở một xứ ôn đới, quanh năm ít có mồ hôi toát ra trừ khi tập thể dục; bây giờ về lại quê hương với cái nóng ẩm vùng nhiệt đới, chàng cảm thấy hình như mình đang bị bỏ vào lò lửa...
 Hai mắt chàng mệt mỏi nhìn về phía xa, những con chim trên cành đang nhảy nhót chít chiu với nhau rồi cùng ùa bay về phía dinh Độc Lập... Cái nóng mùa hè bốc lên làm mờ ngọn cờ đỏ. Màu cờ đỏ cọng với sự oi bức làm chàng chóng mặt... Chàng nhìn đồng hồ, đã 5 giờ chiều mà sức nóng vẫn chưa tha, ánh sáng chói chang, mặt trời vẫn như lò than. Hay là chàng bị dị ứng với khí hậu? Hai mí mắt cứ chờ cụp xuống, nặng trĩu... 

    Bên kia đường bổng có mấy bóng đàn bà, không, mấy cô gái còn rất trẻ đang tiến về phía chàng. Họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ, ăn mặc diêm dúa lẳng lơ đến sát ghế đá nơi chàng đang ngồi. Duy đứng vội lên, lúng ta lúng túng trong cổ họng muốn chào. May mà chàng kịp giữ những lời chào còn trong thanh quản, chứ nếu phát ra thì lộ tẩy chàng là người ở nước ngoài mới về! Chẳng là những câu chào hỏi bằng tiếng Anh cứ đợi sẵn theo thói quen! 

    - Anh đợi ai đấy?
    - Anh có nhớ chúng em không?
    - A! người nầy lạ tụi bay ơi!
    - Trông sao búng ra sữa nè!
    - Cho tụi em ngồi với... 

    Chàng nghiêm giọng:
    - Xin các cô cho tôi yên, tôi đang nhức đầu muốn ngồi tịnh dưỡng một chút, vả lại tôi không có tiền đâu!
    - Để em mát xa cho anh nghen, tay em lành lắm đó, hết liền hà!
    - Cảm ơn! Xin các cô đi kiếm nơi khác! Tôi đang bệnh mà!
    - Thằng chả chỉ biết cảm ơn thôi tụi bay...
    Mấy nàng cảm thấy không ra ngô ra khoai gì nên nguýt dài rồi cuốn gói qua phía bên kia, có mấy người đàn ông đang ngồi trên ghế hoặc đang đi dạo... Buổi chiều xuống dần trong tiếng ồn ào xe cộ, tiếng người, tiếng máy bay với sức nóng oi nồng nhiết đới...
   
 Từ sáng đến giờ, chàng đã đi qua những con đường kỷ niệm ngày xưa, những ngôi trường khi chàng còn đi học. Trường Nhật Tảo, nơi Duy đã mài đủng quần những năm tiểu học, nay xuống cấp trầm trọng. Chung cư Ấn Quang, nơi Duy lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của ông bà nội, ngày nay mục nát, chàng có cảm tưởng rằng nó sẽ có thể sập bất cứ lúc nào. 
 Không khí ồn ào chung cư trước sau vẫn thế, nhưng cái thối nồng ở các xó cầu thang thì không thể nào chịu nổi. Thế mà từng ấy người vẫn ở, từng ấy không gian nhỏ hẹp vẫn phủ chụp mọi người... Cái nghèo và cùng khốn của đám dân lao động khi xưa, bây giờ càng tệ! Bạn bè chàng hầu hết đã theo gia đình định cư ở các quốc gia. Chỉ còn sót lại thằng Lèo con ông Bốn Tân trên lầu ba chung cư Ấn Quang. Nó ngồi trước tủ bán vé số, thuốc lá lề đường với một vợ và ba con nhỏ. 

    Lèo, sau khi đậu trung học, đi nghĩa vụ quân sự mấy năm, bị thương cụt hết một tay, giải ngũ về nhà báo gia đình. “May là còn được một tay để đếm vé số!” Lèo vui vẻ tâm sự với Duy như thế. Nhìn bạn và nhìn cảnh sống của gia đình bạn, bỗng nhiên Duy thấy cay cay ở mắt. May mà chàng đã thoát khỏi và đã từ kinh nghiệm trong đói nghèo ở quê nhà, nên khi ra hải ngoại chàng mới hết sức cố vươn lên; bằng không, chắc gì giờ này chàng đã khác với hoàn cảnh của Lèo! Lúc xin phép đi vacation, Thằng Vương, làm cùng sở hỏi:
    - Du lịch chỗ nào vậy?
    - Về thăm Việt Nam.
    - Ứ! Như thế không phải là du lịch mà đi tìm quá khứ.
    - Có lý! Tìm quá khứ xem còn gì như trong ký ức không.
    - Có thể có có thể không, nhưng chắc chắn là mầy sẽ buồn suốt cuộc hành trình. Mầy sẽ thấy một tháng trời đầy nỗi u hoài mà thôi! 

    Thằng Vương nói không sai chút nào. Duy về lại nơi xưa đã chất chứa bao kỷ niệm ngày thơ, tìm lại từng con đường, từng hơi thở dồn dập khi theo em xuống phố... Thế mà thực tế từ khi xuống máy bay đến giờ là những chán chường, những ray rứt, những suy tư cùng những cái không vui phủ chụp lấy... Đi chơi, đi vacation là để cho đầu óc nghỉ ngơi sau bao nhiêu ngày tháng làm việc. Nhưng chuyến hành trình nầy, chàng chỉ chuốc lấy chán và buồn mà thôi.
    Đạp xe ngang qua Trường Lê Hồng Phong, nơi Duy qua những năm trung học, những ganh đua, những tị hiềm giai cấp, những khăn quàng đỏ, những Mac- Lenin, Thanh niên CSHCM và XHCN tốt đẹp, những giờ học tiếng Nga...Nếu không vào được Đại học thì đi nghĩa vụ quân sự ở Miên thời ấy...! Ôi cái quá khứ không có gì vui sao cứ lẩn quẩn trong hồn! Giờ đây, Duy đứng trước cổng trường, sao xa lạ như một người vừa mới ngủ một giấc dài trên giường, khi thức giấc thấy mình đang nằm ngoài cánh đồng không mông quạnh... Chàng cô đơn nhìn những thế hệ đàn em đang vào lớp... Ngồi mơ màng suy nghĩ vẩn vơ, hai mắt Duy cố mở lớn, nhưng không hiểu sao, chúng cưỡng lại lệnh, cứ từ từ nhắm lại. Và chàng đi vào một giấc mơ...
    
                                                                                  * * *
  
  ... Đứng trên một con cầu bắt qua suối, Duy ngắm những tia nước róc rách tìm lối chảy vào một hồ trong veo đầy những con cá Koi nhiều màu sắc đang bơi lội. Cảnh trí buổi chiều thong thả, bên kia hàng cây dâm bụt là một căn nhà cổ, cất theo lối miền Nam. Căn nhà mà hình như Duy đã thấy ở đâu đó từ trong tiềm thức. 
Đúng là chàng đang đứng trước một phong cảnh miền Nam. Đúng là Duy đang ở giữa những cánh đồng cò bay thẳng cánh... Căn nhà cổ sang trọng kia nằm giữa một vùng giàu có đầy thóc lúa! Nhưng Duy ngạc nhiên là tại sao mình có thể bất ngờ đến nơi nầy. Chàng đang thắc mắc và đang tìm câu trả lời thì trong nhà có hai em nhỏ khoảng mười ba tuổi chạy ra vái chào:
    - Chào anh Duy! Ông tổ của chúng em sai ra đây đón anh! 

    - Sao các em biết tên anh? Ông tổ của các em là ai vậy?
    - Ông tổ nói ra đón anh Duy! như vậy ông tổ đã biết tên anh. Mời anh vào nhà.
    Duy theo chân hai em nhỏ vào sân. Sân trước nhà kê nhiều chậu hoa lạ, lối bước lên tam cấp có hai con lân bằng đá chạm trổ tinh xảo. Các loại kỳ hoa dị thảo đều có mặt mổi thứ hai chậu sắp đối hai bên trong thật là bề thế. Ánh sáng buổi chiều dìu dịu, mái ngói lâu năm màu xám xịt rong rêu, những cột kèo chạm trổ tinh vi bóng loáng. Bộ tràng kỷ xưa chạm trổ những hoa văn sa cừ... Một ông già đang ngồi thong thả uống trà. Chàng gập người vòng tay: 

    - Cháu xin chào ông!
    - Ừ! Duy đấy hửng! Vào đây... Con học ở Petrus Ký từ năm 1982 đến năm 1988 phải không? Tuy tên trường bị đổi thành tên khác, nhưng đó là gia tài trí thức của miền Nam, là ngôi từ đường biết bao thế hệ mang tên Petrus phải không? 

    Duy giật mình đánh thót, như có ai đó sờ vào lưng với bàn tay nước đá lạnh ngắt. Chàng chưa kịp tỉnh táo quan sát ông già đang ngồi trên ghế trường kỹ thì nghe ông nói tiếp:
    - Con học khá lắm! Qua Mỹ không những không nản chí mà còn làm nên được tiếng cho quê hương, cho trường Petrus Ký nữa. 

    - Dạ thưa ông là ai mà biết con từ chân lông kẽ tóc?
    Ông già bỗng cười vang, giọng miền Nam vui:
    - Con ngồi đi! ông cho phép.

    Duy chưa dám ngồi vào ghế tràng kỷ, chàng nhìn ông lão tiên phong đạo cốt, bận áo dài, trên ngực có nhiều huy chương, có cả dây chuyền mang Thập Tự Giá, đội khăn đóng, không có râu... Ôi! sao giống tượng bán thân Petrus Ký chính giữa trường mà Duy thấy trước khi bị người ta hạ bệ cho vào dĩ vãng, thay thế bằng tên Lê Hồng Phong. Chàng đánh bạo nhìn kỹ lần nữa và... Ôi Chao! Đúng là ông Petrus Ký đang ngồi đó. 
Thất kinh, không kìm được sự kinh ngạc và kính phục, chàng quì xuống:
    - Thưa... Có phải Ngài là Petrus Ký? Con có mắt như không, xin Ngài tha lỗi!
    - Con thông minh lắm! Đứng dậy đi -
    Ông vừa nói vừa đứng dậy đến bên Duy hiền từ đỡ duy dậy, ấn chàng ngồi xuống chiếc trường kỷ đối diện. Trên bàn, bộ tách trà nhỏ màu đất sẫm tỏa mùi thơm kỳ dịu hương hoa lài.
    - Ta biết chuyến về quê hương lần nầy, mục đích của con là tìm kỷ niệm quá khứ. Nhưng con đang bị chán chường trước thực tế phải không? Uống trà đi rồi ta cùng trao đổi những kinh nghiệm cuộc đời! 

   
 Duy rón rén ngồi xuống mà lòng đầy thắc mắc, làm sao mình đến nơi nầy, ai đã đem mình đến đây. Mà phong cảnh nầy hoàn toàn trong quá khứ? Ông già ngồi kia là Trương Vĩnh Ký? Ôi! hay là chàng đã chết, hồn đến đây gặp những người muôn năm củ... 

    - Ta biết con đang có trong đầu trăm ngàn câu hỏi và thắc mắc rằng sao có thể đến nơi này gặp ta. Ta thấy con đang ngồi bên chỗ pho tượng của ta ngày trước trong công viên mà tâm hồn không ổn định. Ta gọi con đến đây để có một vài điều tâm sự cùng con. Khi xưa, lúc ta còn nhỏ, ta đã bị xa cha mẹ như con vậy... Ta cũng trăm đắng ngàn cay thoát ra từ đói nghèo mà không nản chí cầu học. Con nên hiểu câu “tang điền biến vi thương hải”, mà Nguyễn Du, Cụ cũng có hai câu thơ hay: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao!” Con đã vượt qua được những gian nan thời tuổi trẻ, giờ đây chờ dịp để giúp ích cho quê hương...
    - Thưa Ngài! Xin cho một vài giáo huấn về con đường trước mặt. 

    - Sau mấy mươi năm vật đổi sao dời, thiên cơ còn bất khả lậu. Ngoạ Quỉ thì nhiều mà lòng người thì đang ly tán! Không thể tính một năm hai năm mà phải tính từ hàng chục. Con có thấy các triều đại vua chúa thời xưa không? Mỗi triều đại tính hàng trăm năm, mỗi dòng họ cai trị hàng bao thế kỷ. Thế thì nước ta bây giờ vẫn nằm trong những vòng xoay ta bà, rồi cũng sẽ biến thiên thuận thế! 
Về mặc nhân sinh, dân Việt mình đã đi đến tận cùng trái đất, đâu đâu cũng có con dân nước Việt. Đó cũng là việc tốt! Đất nước tuy trong vận hạn chưa tan chướng khí, nhưng những đổi thay tất yếu đang chuyển mình. Ngày con có dịp phục vụ quê hương trong tự do dân chủ không còn xa. Hãy cố gắng lên! 

    Duy vừa uống trà vừa nghe, những âm vang quá khứ và tương lai như nhắc nhở cái hiện tại đầy bất trắc nhiễu nhương trong tham nhũng, áp bức, độc quyền độc tôn, giai cấp mới ngoi lên vẫn đè đầu dân quê ngheo xơ xác... 

    - Thưa Ngài! Con xin có thắc mắc, Thưa, định hướng XHCN trong Kinh Tế Thị Trường có thể tồn tại được không ạ!
    - Nước với lửa thì không trộn vào nhau được nhưng không thể thiếu hai thứ ấy trong cuộc đời. Mỗi thứ dùng vào mỗi lãnh vực, nhưng không trộn cho chung một.
    - Thưa Việt Nam có thể nào có Đa nguyên như mọi người ước mơ?
   
 - Trước mặt thì chưa, cái nọc độc còn phát tát, dân trí chưa cao, nền giáo duc một chiều; Vả lại hệ thống công an và hệ thống Đảng cắm quá sâu vào từng thớ thịt quê hương... Ta cho con bốn câu thơ để suy nghiệm:
    Chó sủa hai lần định âm dương,
    Gà toi sống lại thuận Nam Phương
    Liềm búa trả về tay cố chủ,
    Lưỡng cực hòa minh rạng tỏ tường
    Muốn tháo gỡ phải mất hàng thế hệ bằng giáo dục, bằng thông tin, bằng...
    
                                                         * * *
    
- Ê! Dậy mau, kiểm tra giấy tờ! Nằm ngủ ngay trong công viên là vi phạm...
    - Thằng nầy ngủ ngon quá! Dậy mau...
    Duy giật mình tỉnh dậy trong kinh hãi. Trước mắt chàng là một đám công an áo vàng, kẻ đèn pin, người cầm súng. Duy ngồi phắt dậy, dụi mắt: 

    - Các ông làm gì vậy?
    - Anh cho xem giấy tờ chứng minh nhân dân.
    - Tôi không có chứng minh nhân dân, chỉ có hộ chiếu...
    - A! Ông nầy ở Mỹ về mà nằm ngủ ở đây có thể là đang làm tình báo CIA! Đem về đồn Công An Quận 2 !
    - Mà cái xe đạp của tôi đâu rồi?
    - Ông nói cái gì? Chúng tôi đến đây chỉ thấy ông nằm ngủ chèo queo trên ghế đá, không xe cộ gì hết, đừng có lộn xộn... Đứng lên, về đồn sẽ biết!
    
Kết Thúc (END)

NGUYỄN HÙNG * DÂN THAM & QUAN THAM

Dân tham và quan tham

Cập nhật: 13:37 GMT - thứ bảy, 7 tháng 12, 2013
Người dân hôi bia - ảnh của Phương Thanh/Tuổi Trẻ
Người dân lấy đi hơn 1000 thùng bia (ảnh Phương Thanh/Tuổi Trẻ)

Sau một loạt các quan tham trong những 'đại án' tham nhũng, giờ tới lượt dân tham lên mặt báo vì đi hôi bia của xe gặp tai nạn giao thông.
Báo Tuổi Trẻ đăng đoạn video của một độc giả ghi lại cảnh hàng trăm người dân công khai trộm bia giữa ban ngày của xe tải chở bia bị sự cố bất chấp "sự bất lực và gào khóc đến khản cổ của tài xế".
Vụ việc xảy ra hôm 4/12 ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bấm Video cho thấy người ta ào ào đổ tới lấy bia, cả nam lẫn nữ, cả người dùng tay lẫn người dùng túi.
Tuổi Trẻ nói đây là những hình ảnh "hết sức xấu xí" của người dân "vô cảm" trong khi có báo dùng từ "dân man rợ" để chỉ những người hôi của.
Đông đảo độc giả đã lên án hành động hôi của của người dân.
Nhưng phải nói rằng chuyện hôi của cũng không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nó cũng xảy ra khi Philippines hay Hoa Kỳ gặp bão hay khi London bị đốt phá.

'Đổ bia, trôi liêm sỉ'

Các độc giả của BBC cũng có những phản ứng mạnh trên trang Bấm Facebook của BBC Tiếng Việt.
Xuân Hùng viết: "Đổ môṭ xe bia trôi hết bao nhiêu liêm sỉ."
"Đổ môṭ xe bia trôi hết bao nhiêu liêm sỉ."
Xuân Hùng
Tim Nguyen bình luận: "Nghĩ lại ông Hồ và Đảng cộng sản giỏi thật. Họ chỉ cần trồng con người 40 năm thì đã có cây ăn trái rồi."
Diep Hai Nguyen nói: "Thật nhục nhã thay cho kiếp con người, hoạn nạn chả giúp nhau thì thôi, lại tranh thủ kiếm trên hoạn nạn của người khác."
Độc giả Koanh Huynh bình luận: "Từ nhỏ đã được dạy "hãy chép bài của bạn để được điểm cao", "ăn xong rồi à! con vứt vỏ ngoài đường đi", "nó đánh con thì con đánh nó đi, cô giáo không giúp được gì đâu", "đồ của bạn con, con xài đi có sao đâu", "mình lấy thêm có một trái cà thôi mà", "cô ơi, bạn này đánh con,... mày không biết đánh lại à?"...
Trong khi đó An Truong không đồng tình với chuyện gọi những người hôi bia là "vô cảm" và nói:
"Phải mình làm thêm xe bia nữa xong bơm đầy thuốc sâu vào rồi quay lại làm đổ tiếp..."
Linh Hải
"Vô cảm à, thôi cho tôi xin, cứ lấy từ đó ra mị hoài. Vô cảm mà biết đem xe ba gác đến hôi bia, người người đổ ra hôi của người ta. Đó là tham lam, trên tham nhũng, dưới tham lam chung quy gọi là ăn cướp có quy trình."
Cũng có người bình luận cực đoan. Linh Hải viết: "Phải mình làm thêm xe bia nữa xong bơm đầy thuốc sâu vào rồi quay lại làm đổ tiếp..."
Còn độc giả có nick Nguoi Ha Noi bình luận: "Khi nghe tin ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép, đánh đập tàn nhẫn, quẳng ngư cụ xuống biển thì có được bao nhiêu người lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ ngư dân?
"Chính cái chính quyền đang điều hành đất nước này đang tìm mọi cách để người dân bàng quan với chính đồng bào của mình, bưng bít thông tin, nói sai sự thật, ngu dân để trị, từ đó nó dẫn đến những việc như hôi của mà BBC đưa."
Độc giả có nick Một Chén Say lại viết: "Người Việt Nam đây sao? Dân việt nam là vậy sao? Đâu rồi: lá lành đùm lá rách. Nhân cách con người để đâu. Thật đáng xấu hổ."

'Giáo dục công dân'

Cũng có độc giả BBC, người có nick Shaco Aquarius bình luận: "Sự thất bại của bộ môn giáo dục công dân."
Không phải người dân Việt nào cũng đi hôi của và không phải cứ có tai nạn xảy ra là hôi của xảy ra ở mọi nơi trên thế giới.
Nhưng chuyện một số lượng lớn người lấy đi hàng ngàn thùng bia cho thấy trình độ và đạo đức của một bộ phận dân chúng.
Hàng trăm người bình luận trên Facebook của BBC
Nó cũng phần nào cho thấy cách họ từng được giáo dục trong gia đình và nhà trường.
Nhân đây xin kể hai chuyện nhỏ, một về ảnh hưởng của giáo dục tới cách ứng xử và một về thay đổi cách tổ chức xã hội để thay đổi hành vi.

Chuyện thứ nhất liên quan tới cậu con trai lớn của tôi, năm nay 12 tuổi.
Hồi đầu năm tôi dẫn cậu và hai đứa em đi thăm Công viên Olympics đang được sửa sang lại.
Tôi có sẵn vé đi tàu hàng năm và cần mua vé cho lũ con. Với vé năm của tôi, khi mua vé cho người khác tôi được giảm 30% đối với mỗi vé mua thêm.

Phòng vé đóng cửa mà máy bán vé thì không biết cách giảm giá cho tôi nên tôi quyết định khi đến ga cuối sẽ mua vé để được giảm giá.
Cậu con trai thấy tôi không mua vé vùng vằng đòi về không đi. Sau khi bị tôi bắt phải lên tàu, cậu liền gọi nhân viên nhà ga đứng điều khiển tàu lên hỏi.
Thấy nhân viên này gật gù đồng ý với giải thích của tôi cậu ta mới thôi.

Hành không là chính

Chuyện thứ hai liên quan tới việc xin hộ chiếu cho cậu út.
Nếu ở một nước quan liêu, tôi sẽ phải ra công an phường hay quận, tốt nhất là cầm theo cái phong bì, để làm mọi thủ tục.
Hộ chiếu Anh
Người Anh muốn làm hộ chiếu chỉ việc ra bưu điện
Nhưng ở Anh, tôi chỉ việc ra bưu điện lấy bộ hồ sơ, điền vào, lấy chữ ký và cam đoan của một người có tư cách và có hộ chiếu Anh là họ biết tôi, biết con tôi và ảnh đúng là của cháu.
Tôi nhờ một đồng nghiệp chứng thực rồi mang ra bưu điện. Bưu điện lại có dịch vụ kiểm tra xem tôi điền có đúng quy định của nhà nước không, dĩ nhiên tôi phải trả cho họ vài bảng, rồi họ thu tiền lệ phí hộ chiếu gần 50 bảng cho trẻ con và gửi đi.
Chừng một tuần sau tôi nhận được tin nhắn qua điện thoại của cơ quan cấp hộ chiếu báo là họ đã nhận được và đang xử lý hồ sơ, ba ngày sau họ gửi hộ chiếu về.
Thay đổi hành vi của người dân và của quan chức không phải là điều bất khả thi và rất nhiều nước đã làm thành công.
Vấn đề là người ta có dũng cảm để chấp nhận rằng những gì họ làm là không hợp lý và từ đó thay đổi hay không.
 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/blogs/2013/12/131207_dan_tham_va_quan_tham.shtml

HOÀNG NGỌC TUẤN * DƯỚI CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI

Dưới chế độ độc tài

Hoàng Ngọc Tuấn gửi RFA từ Sydney
2013-12-02
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg9235693-305.jpg
Quốc huy Việt Nam trên mặt tiền Văn phòng Thủ tướng tại Hà Nội. Ảnh chụp hôm 21/11/2013.
AFP photo
Eduardo Galeano, nhà văn Uruguay, là một trong những nhà văn phản kháng mà tôi yêu thích nhất. Ông đã quan sát và mô tả bản chất của chế độ độc tài bằng một ngòi bút rất sắc bén và thâm thúy. Tôi xin trích dịch và giới thiệu đến độc giả một số đoản văn của Eduardo Galeano mà tôi tin rằng, khi đọc, đa số người Việt Nam hôm nay đều lập tức có cảm tưởng rằng đây là những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Xin mời mọi người cùng đọc.
Trước hết là một đoản văn về thân phận của người dân bị đè bẹp dưới chế độ độc tài:
NHỮNG KẺ-KHÔNG-LÀ-AI-CẢ
Những con rận mơ sẽ mua được một con chó để sở hữu, và những kẻ-không-là-ai-cả mơ sẽ thoát khỏi sự nghèo khổ: vào cái ngày kỳ diệu ấy, vận may sẽ bất ngờ đổ mưa xuống cuộc sống của họ — mưa như trút những thùng nước lớn. Nhưng vận may chẳng hề đổ mưa hôm qua, hôm nay, ngày mai, hay bao giờ cả. Thậm chí nó chẳng hề ban phát một cơn mưa phùn nhè nhẹ, bất kể những kẻ-không-là-ai-cả đã nỗ lực nhọc nhằn đến chừng nào để triệu thỉnh nó. Ngay cả khi họ cảm thấy bàn tay trái của họ nhột nhạt, hay họ tỉnh giấc vào buổi sáng vì cảm thấy bàn chân bên phải được ai đánh thức, hay họ thay những cái chổi để bắt đầu một năm mới.
Những kẻ-không-là-ai-cả: không là con cháu của ai cả, không là sở hữu chủ của cái gì cả. Những kẻ-không-là-ai-cả: những kẻ không nhân thân, những kẻ không tiểu sử, chạy như những con thỏ, chết giữa dòng đời, bị bạc đãi bằng mọi cách:
Họ không là gì cả, chỉ có thể là.
Họ không nói ngôn ngữ nào cả, chỉ nói tiếng lóng.
Họ không có tôn giáo nào cả, chỉ có sự mê tín.
Họ không sáng tạo nghệ thuật, chỉ làm những đồ thủ công.
Họ không có văn hoá, chỉ có tập quán.
Họ không phải là những con người, chỉ là sức người. Họ không có mặt, chỉ có tay.
Họ không có tên gọi, chỉ có những con số.
Họ không xuất hiện trong sử ký của thế giới, chỉ được liệt kê trong bản tin hình sự trên những tờ báo địa phương.
Những kẻ-không-là-ai-cả, họ còn rẻ hơn viên đạn giết chết họ.
***
Tiếp theo là những đoản văn về tình trạng chính trị và xã hội của một đất nước dưới chế độ độc tài:
HỆ THỐNG / 1
Các nhà chức trách không thi hành chức trách.
Các nhà chính trị phát ngôn nhưng không nói bất kỳ điều gì.
Cử tri chỉ bỏ phiếu nhưng không chọn lựa.
Giới truyền thông đưa tin bịa đặt.
Các nhà trường dạy sự ngu dốt.
Các quan toà trừng phạt những nạn nhân.
Quân đội tuyên chiến với nhân dân của chính mình.
Công an không chống tội ác vì chính họ quá bận bịu gây tội ác.
Những sự phá sản thì được công hữu hoá, nhưng những lợi tức thì được tư hữu hoá.
Tiền bạc thì tự do hơn nhân dân.
Nhân dân làm đầy tớ cho mọi sự.
HỆ THỐNG / 2
Đây là thời của loài kỳ nhông: không ai dạy bảo chúng ta về lòng nhân đạo nhiều bằng những con thú ấy.
Những kẻ chuyên che đậy thì được sùng bái, văn hoá của chiếc mặt nạ thì được tôn vinh. Người ta nói thứ ngôn ngữ hai mặt của những nghệ sĩ giả trang. Ngôn ngữ hai mặt, phán đoán hai mặt, đạo đức hai mặt: một thứ đạo đức cho lời nói, một thứ đạo đức cho hành động. Thứ đạo đức cho hành động thì được gọi là chủ nghĩa hiện thực.
Quy luật của hiện thực là quy luật của quyền lực. Để cho hiện thực không có vẻ phi hiện thực, nhà cầm quyền bảo chúng ta rằng đạo đức phải là vô đạo đức.
HỆ THỐNG / 3
Nếu anh không lanh lẹ, anh sẽ chết. Anh bị bắt buộc phải làm một kẻ lừa đảo hay một kẻ bị lừa đảo, một kẻ láo khoét hay nạn nhân của sự láo khoét. Đây là thời của những ý nghĩ: "việc gì tôi phải lưu tâm đến điều đó, tôi làm được gì cho điều đó, đừng dính vào, hãy tìm cơ hội tốt nhất." Đây là thời của những kẻ lường gạt: sản phẩm thì vô dụng, óc sáng tạo thì vô ích, lao động thì vô giá trị...
NHỮNG TỘI LỖI
Guồng máy ấy sách nhiễu những người trẻ tuổi; nó cầm tù, nó tra tấn, nó giết chóc. Họ là bằng chứng của sự quan trọng của nó. Nó vất họ ra ngoài: nó bán họ như bán thịt người, nó bán sức lao động của họ với giá rẻ mạt ra ngoại quốc.
Guồng máy vô sinh thù ghét bất cứ thứ gì vươn lên và chuyển động. Nó chỉ có thể làm nhân lên những ngục tù và nghĩa địa. Nó chỉ có thể tạo ra những tù nhân và những xác chết, những tên tình báo và những viên công an, những kẻ ăn mày và những người lưu vong.
Trẻ là một tội ác. Hiện thực khởi động mỗi ngày vào lúc rạng đông; lịch sử cũng vậy, nó tái sinh vào mỗi buổi sáng. Đó là lý do tại sao hiện thực và lịch sử bị cấm đoán.
NHỮNG CÁI CHUỒNG
Mỗi tháng lại có thêm một nhà tù. Đó là cái mà các kinh tế gia gọi là Kế Hoạch Phát Triển.
Thế còn những cái chuồng vô hình? Những bản tường trình chính thức nào hay những văn kiện đối kháng nào ghi nhận những tù nhân của sự sợ hãi? Sợ mất việc làm, sợ không kiếm được việc làm; sợ nói, sợ nghe, sợ đọc. Trong đất nước câm nín, một tia sáng từ ánh mắt có thể khiến người ta vào trại tập trung.
Chế độ kiểm duyệt giành thắng lợi khi mỗi công dân răm rắp tự kiểm duyệt ngôn từ và hành động của mình.
Nhà nước độc tài sử dụng những đồn lính, những đồn công an, những toa xe lửa cũ, những con tàu hoang phế để nhốt những người tù. Thế còn căn nhà của mỗi người? Chứ không phải mỗi căn nhà là một nơi giam giữ hay sao?
NHỮNG ĐIỀU ÁC
Bảng liệt kê những vụ tra tấn, giết và thủ tiêu không thể kể hết những điều ác của một chế độ độc tài. Guồng máy huấn luyện cho bạn quen với thói ích kỷ và dối trá. Đoàn kết là một tội lỗi. Guồng máy khải thắng: người ta sợ nói, sợ nhìn nhau. Không ai muốn gặp ai nữa. Khi có một người nào đó bắt gặp đôi mắt của bạn và không nhìn đi chỗ khác, bạn nghĩ: “Gã này sẽ bắt ta.” Thủ trưởng nói với nhân viên, cũng là bạn của hắn: “Tôi phải báo cáo bạn. Họ đòi những danh sách. Tôi phải giao cho họ một cái tên người. Tha lỗi cho tôi, nếu được.”
Tại sao việc đánh thuốc độc để sát hại tâm hồn không được ghi vào biên niên ký của sự bạo động?
NHỮNG KỸ THUẬT
Một người bị tử hình có thể gây xôn xao dư luận thế giới, nhưng hàng ngàn người mất tích thì chỉ gây nên sự hoang mang. Gia đình và thân nhân phải trải qua những hiểm nguy để tìm kiếm vô vọng từ nhà giam này đến nhà giam khác, từ đồn lính này đến đồn lính khác, trong khi đó thì những tử thi bị rữa nát trong rừng và trong những bãi đổ rác. Kỹ thuật của sự thủ tiêu không tạo ra những thánh tử đạo và những tù nhân. Những xác người bị mặt đất nuốt chửng, còn chính quyền thì rửa tay sạch sẽ: không có tội ác nào để tường thuật, và không có gì để mất công giải thích. Mỗi người chết thì phải chịu chết nhiều lần, và cuối cùng chỉ để lại một đám sương mù của nỗi kinh hoàng và một sự hoang mang trong tâm hồn.
LƯU VONG
I
Những chiếc thuyền ra đi chở đầy những người trẻ tuổi thoát khỏi ngục tù, sự chết và cái đói. Sống là nguy hiểm; trốn thoát là một tội lỗi; ăn là một phép lạ.
Nhưng còn có bao nhiêu người lưu vong ngay trong đường biên giới của tổ quốc mình? Có bản thống kê nào đếm những người bị đuổi việc và bị bắt buộc phải câm nín? Sự hy vọng là tội ác lớn hơn những hành động khác, chứ không phải sao?
Chế độ độc tài là một sự ô nhục biến thành tập quán, một guồng máy làm cho bạn điếc và câm, không còn biết nghe, không còn biết nói, và mù loà trước những gì bị cấm nhìn thấy.
Cái chết đầu tiên vì sự tra tấn đã gây nên dư luận xôn xao trong cả nước. Cái chết thứ mười vì bị tra tấn chỉ được báo chí tường thuật sơ sài. Cái chết thứ năm mươi được xem là “bình thường”.
Guồng máy dạy cho nhân dân chấp nhận sự kinh khủng cũng giống như cách người ta làm quen với độ lạnh của mùa đông.
II
Guồng máy dạy rằng bất cứ ai chống lại nó thì đều là kẻ thù của tổ quốc. Chống lại sự bất công là một tội ác đối với tổ quốc.
Ta là tổ quốc, guồng máy nói. Trại tập trung này là tổ quốc: đống rác thối tha này, miền đất hoang phế này.
Bất cứ ai tin rằng đất nước của mình là ngôi nhà của mọi người thì bị ném ra khỏi ngôi nhà đó.
Tôi đặc biệt lưu ý đến đoản văn LƯU VONG II của Eduardo Galeano. Qua đoản văn này, ông lật tẩy một trò điêu trá của chế độ độc tài: nó luôn luôn tự đồng hoá chính nó với "tổ quốc". Bất cứ ai phê phán chế độ, hay chống lại những sự sai lầm và tội ác của chế độ, thì đều bị kết án là "chống lại tổ quốc"!
Suốt mấy mươi năm qua, chế độ Cộng Sản ở Việt Nam luôn sử dụng trò điêu trá này và luôn ra sức tẩy não thế hệ trẻ và nhồi nhét vào đầu óc họ cái ý tưởng rằng "chế độ Cộng Sản" là "tổ quốc". Thế nhưng, chỉ cần giở bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei, 1848) ra xem "Phần II: Những người vô sản và những người cộng sản" (II. Proletarier und Kommunisten), thì ai cũng có thể thấy rằng Marx và Engels đã khẳng định: "bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị" (daß der erste Schritt in der Arbeiterrevolution die Erhebung des Proletariats zur herrschenden Klasse), và nhấn mạnh: "Công nhân không có tổ quốc" (Die Arbeiter haben kein Vaterland).
Khi những kẻ thống trị của một chế độ lại chính là những kẻ "không có tổ quốc", thì cái trò đồng hoá chế độ với "tổ quốc" là một trò điêu trá lố bịch nhất dưới ánh mặt trời, và trò điêu trá này chỉ có thể đánh lừa được những con cừu đã bị tẩy não.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

TƯỞNG NĂNG TIẾN * NHỮNG CÁI DAO PHA

Những Cái Dao Pha

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

“Cán bộ Đảng nó cứ như là một con dao pha ấy. Vứt đâu cũng được, cái gì rồi cũng làm. Loay hoay ngày đầu , nhưng có ý thức trách nhiệm, rồi cũng tìm ra, vừa làm vừa học…”
 
Thỉnh thoảng, Nguyễn Tuân cũng nịnh. Trăm hay không bằng quen tay. So với nhiều nhân vật tăm tiếng (và tai tiếng) đồng thời, ông nịnh không khéo lắm:
 
“Cán bộ Đảng nó cứ như là một con dao pha ấy. Vứt đâu cũng được, cái gì rồi cũng làm. Loay hoay ngày đầu , nhưng có ý thức trách nhiệm, rồi cũng tìm ra, vừa làm vừa học…”
 
Tôi chưa thấy “con dao pha” bao giờ, và cũng không hình dung ra trông nó dài/ngắn hay dầy/mỏng ra sao nhưng vẫn có cảm nghĩ rằng sự so sánh của Nguyễn Tuân có phần không được ổn. “Cán bộ Đảng” quả là “cái gì rồi cũng làm” nhưng với “ý thức trách nhiệm” rất thấp nên làm chuyện gì cũng hỏng, trừ chuyện sát nhân. Nếu rảnh,  thử xem qua vài vụ:
 
Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn”) của ông Vũ Quang Hùng:
 
Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ...
Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
GS Nguyễn Văn Bông năm 1967. Ảnh AP. Nguồn Flickr
 
Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng ... trừ khử bằng chất nổ. Hai năm trước, ông Bộ Trưởng Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.
 
Một nạn nhân khác nữa là nhà báo Từ Chung. Cái chết của ông được cậu con trai 12 tuổi kể lại như sau, theo bản tin của nhật báo Chính Luận, số ra ngày 1 tháng 1 năm 1966:
 
Cháu nghe thấy tiếng còi ô tô của bố cháu. Cháu chạy ra đứng phía trong cửa để chờ bố, cháu thấy bố cháu xuống xe rồi mở thùng xe đằng sau để lấy cái gì đó. Thế rồi có hai người đi gắn máy dừng lại, cháu nhìn rõ xe hiệu Goebel sơn màu xanh. Một người xuống xe tay cắp cặp da, mặc quần mầu xanh màu da trời, áo xanh lạt có sọc, trạc độ 26 tuổi. Người ấy mở cặp da lấy ra một khẩu súng và tiến lại gần bố nhắm bắn luôn mấy phát liền. Bố cháu gục xuống.
 
Vẫn theo bản tin thượng dẫn:
 
Từ Chung đỗ tú tài tại Hà Nội, vào Nam, ông được học bổng du học tại Thụy Sĩ năm năm và đậu bằng Tiến Sĩ Kinh Tế tại Fribourg năm 1961. Về nước, ông được Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế mời giảng dạy tại trường Luật, và sau đó được mời làm ủy viên trong Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế nhưng ông từ chối vì yêu nghề viết báo.
Từ Chung viết rất nhiều thể loại, từ điểm sách, văn chướng, văn hóa đến chính trị, kinh tế v.v... nhưng nổi tiếng nhất là các bài xã luận về kinh tế... Những bài viết xã luận về kinh tế của ông thường được một số trí thức gọi đùa là "mục kinh tế chợ" đã có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp giai cấp và thế hệ độc giả khác nhau. Về dịch thuật, Từ Chung có dịch cuốn "Bí Danh" (Secret Name) của Lâm Ngữ Ðường.
 
Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn đoán chắc (như bắp) là cả ba nhân vật thượng dẫn đều có chung tội danh: thuộc thành phần phản động. Với tội danh này thì không chỉ vài ba mà (có lẽ) phải đến năm bẩy triệu người Việt đã bỏ mạng vì bom đạn, mã tấu, hay cuốc xẻng. Cái giá để tạo dựng nên cái Chính Quyền Cách Mạng mạng hiện hành – rõ ràng – không rẻ nhưng thành quả thì rất đáng ngờ, và đáng ngại!
 
Tôi tìm mãi trên mạng nhưng không thấy được một thông tin nào đáng kể về ông cựu Bộ Trưởng Y Tế Lê Minh Trí của miền Nam, ngoài một tấm ảnh mờ với hai dòng chữ chú thích khác nhau: 
 
Bộ Trưởng Y Tế (*) Lê Minh Trí bị Cộng Sản ám sát, 1969.
Ảnh và chú thích của Minh Đức
 
Cũng bức ảnh này như trên, ở trang web Lê Ngọc Túy Hương với chú thích hơi khác: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969.
Thân thế, sự nghiệp của cố  bác sĩ Lê Minh Trí ra sao? Thực sự, ông đã “phạm tội” gì để phải nhận lãnh một cái chết tàn bạo và thảm khốc đến như vậy? Khi gõ bốn chữ “bộ trưởng y tế” trên mạng google, tôi chỉ thấy hiện ra hình ảnh và thông tin của một người duy nhất: Nguyễn Thị Kim Tiến. 
 
Theo Wikipedia:
Bà (sinh năm 1959) là một chính khách Việt Nam, hiện nay là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XI, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ khối cơ quan trung ương, đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII, Bộ trưởngBộ Y tế Việt Nam từ năm 2011.[ Bà cũng là một Tiến sĩ Y khoa, học hàm Giáo sư, được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Tổng Biên tập Tạp chí Y học thực hành Bộ Y tế...
 
Theo bài viết "Truyền thống gia đình trong Đảng" đăng trên BBC Việt ngữ thì bà Tiến là cháu ngoại của Hà Huy Tập (1906-1941) Tổng bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Tuổi Trẻ viết rằng Nguyễn Thị Kim Tiến là "một người cháu gái" của Hà Huy Tập. 
 
Không chỉ xuất thân trong một gia đình “danh gia,” bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn để lại nhiều câu “danh ngôn” bất hủ:
     - Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện quá tải như tại Việt Nam - Thanh Niên Online 29/11/2011.
 
     - Ăn chỉ toàn là đồ bẩnLao Động Online 18/12/2011.
 
Báo Kiến Thức (25/07/2013) còn đưa nhận xét rằng bà Bộ Trưởng Y Tế có những phát ngôn làm ... dậy sóng dư luận:
     - Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin... do kỹ thuật xử lý kỹ thuật.
     - Tăng viện phí là thành tựu y tế  hàng đầu.
     - Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước!
 
Tôi không có ý, và cũng chả có lý do gì để bênh vực bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhưng công tâm (và khách quan) mà nói thì bà hoàn toàn có lý khi lập luận rằng “Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị... Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước!”
 
Và người đứng đầu Nhà Nước hiện nay, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng – tất nhiên – cũng đành phải bó tay thôi vì làm gì còn tiền để xây nhà trường hay nhà thương nữa. Phần lớn ngân qũi quốc gia đã bị thâm thủng hay thất thoát vì tham nhũng. Phần còn lại đã mất đứt vào những chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước, như đầu tư vào việc khai thác Bauxit hay mua những con tầu về làm thép vụn.
 
Cả nước bị đẩy đến mức cùng quẫn chớ có riêng chi cái ngành y tế của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Chứ giáo dục, môi trường, luật pháp, thông tin ... bộ không đang tan hoang, vỡ trận sao?
 
So với những vị cán bộ khác thì cái lỗi duy nhất của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là không ... khéo nói. Nếu bà vẫn cứ liếng thoắng (“Tôi bị ‘chửi’ suốt...  Tôi quen rồi) hay xuê xoa theo kiểu hứa hẹn sẽ “tự soi, tự sửa... để nâng cao tinh thần trách nhiệm” như ông bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng  thì làm gì đến nỗi khiến cho “dư luận dậy sóng” (nghe) ghê vậy.
 
Ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Đinh La Thăng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, và các ông các bà gì gì ... đó – nói cho chính xác – chỉ là sản phẩm của tất yếu của chế độ hiện hành. Họ là những con người mới của Xã Hội Chủ Nghĩa. Loại người này đã được ông Hà Sĩ Phu nhận diện từ hồi cuối thế kỷ trước lận:
 
Suốt từ những năm 60-70, khi ấy tôi dạy học nên được chứng kiến một chiến dịch dai dẳng và vất vả để cố xây dựng cho được hình mẫu "Con người mới Xã hội Chủ nghĩa". (vì bác Hồ nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa Xã hội phải có những Con người Xã hội chủ nghĩa.)
 
Sách giáo khoa, tài liệu tuyên giáo, truyện ngắn, truyện dài, sân khấu, điện ảnh, báo chí, phong trào Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đội Thiếu nhi Bác Hồ...xây mãi mà không mẫu nào có thể đứng được. Nếu không bám víu vào những phẩm chất của “con người cũ truyền thống” như lòng yêu nước, lao động cần cù, chịu đựng gian khổ hy sinh, thương người hoạn nạn...thì "Con người mới" không còn có xương có thịt gì cả.
 
Cái chất "mới""xã hội chủ nghĩa", chất "giai cấp", chất "Đảng", chất "thời đại" tô vẽ mãi vẫn cứ mờ nhạt, khô cứng, thậm chí (nhiều nhà văn, nhà báo kể cho tôi nghe) khối lời nói anh hùng, nhân vật anh hùng là do ta bịa ra. Nhưng ngần ấy thứ con người mới giả vẫn không địch nổi cái đội ngũ hùng hậu của những “con người mới thật”, tệ hại, bằng xương bằng thịt cứ tuôn ra từ cuộc đời thật, ngày càng đông về số lượng và chủng loại, càng điển hình và độc đáo về phẩm chất...
 
Có thể nói 90 phần trăm tác phẩm văn học được giải trong những năm gần đây là tác phẩm "phản diện"mang tính phê phán, và những "điển hình" xây dựng thành công là những điển hình về mặt trái của Con người và xã hội. Người ta bảo: hãy quên chuyện "Con người mới" đi! hãy tìm lại những "Con người cũ" tử tế.
 
Những “con người cũ tử tế” còn đâu nữa mà tìm. Cách mạng đã (lỡ) thay một vị thủ tướng có bằng tiến sĩ luật và thạc sĩ công pháp bằng đồng chí X mất rồi. Giáo sư Nguyễn Văn Bông, bác sĩ Lê Minh Trí, nhà báo Từ Nguyên ... đều đã bị giết chết. Chúng ta đành phải chịu tiếp tục sống (theo thời) với ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, và các ông (công an) viết báo như ông Như Phong hay Hữu Ước thôi. 
 
Chịu được thêm bao lâu nữa (mới bung) thì lại là chuyện khác.
 
 

TERRY EAGLETON * KARL MARX

Karl Marx, một nhà nhân văn lãng mạn

Tháng 5 2, 2013
Terry Eagleton
Phạm Thị Hoài dịch
Kỉ niệm 130 ngày mất (14-3-1883) của Karl Marx đã qua và kỉ niệm 195 ngày sinh (05-5-1818) của ông sắp đến, lặng lẽ, trong quốc gia lấy chủ nghĩa Marx làm nền tảng tư tưởng hiến định là Việt Nam. Không ở đâu Marx bị phá giá như ở những nơi chủ nghĩa mang tên ông bị áp đặt bằng mọi giá. Sự “thấm nhuần” chủ nghĩa Marx có lẽ đã khiến các học giả marxist chính thống ở Việt Nam bội thực tư tưởng và không thể nói gì về Marx ngoài tuyên truyền đãi bôi.
Bài viết sau đây cũng của một học giả marxist, nhà nghiên cứu văn học người Anh, ông Terry Eagleton, với tác phẩm gần đây nhất là Why Marx Was Right (Vì sao Marx có lí), Yale University Press, 2011.
Người dịch
­­­­­­­­­­______________
Ca ngợi Karl Marx có lẽ cũng khó lọt tai như nói một điều gì dễ thương về Thiền vu Hung Nô Attila. Chẳng phải những ý tưởng của Marx là đầu mối của độc tài, giết chóc quy mô lớn và tàn phá kinh tế đó sao? Còn có gì để bênh vực cha đẻ của những học thuyết từng dẫn thẳng đến các trại cải tạo và tệ sùng bái một gã nông dân Gruzia hoang tưởng, được biết đến với cái tên Stalin? Chẳng phải một học trò khác của Marx, Mao Trạch Đông, là thủ phạm gây ra vụ tàn sát dân chúng có lẽ lớn nhất trong lịch sử hiện đại đó sao?

Nhưng bắt Marx phải chịu trách nhiệm về Mao thì đại loại cũng giống như nhè đầu Jesus mà đổ cho tội của các Tòa án Dị giáo La Mã. Tay của nền văn minh Thiên chúa giáo cũng vấy máu biết bao nhiêu nạn nhân vô tội. Nhưng chúng ta không đem những điều kinh hoàng đó ra để cáo buộc các tác giả của Kinh Tân ước, cũng hệt như chúng ta không lấy nạn đói khổng lồ ở Ái Nhĩ Lan hay Đại chiến Thế giới I để quy trách nhiệm cho các nhà tư tưởng cấp tiến vĩ đại đã góp công lí giải xã hội tư bản hiện đại.

Có nằm mơ Marx cũng không nghĩ rằng nên dùng chủ nghĩa xã hội để bẩy những quốc gia nghèo mạt rệp, lạc hậu về kinh tế, vọt lên xã hội hiện đại. Ông đã cảnh báo: Làm kiểu đó thì rốt cuộc ta chỉ được thêm một lần nữa đống phân cũ mà thôi. Hậu quả sẽ là cái mà Marx gọi là sự nghèo túng phổ cập.

Muốn tạo dựng các quan hệ xã hội chủ nghĩa, phải tận dụng những ưu thế của chủ nghĩa tư bản, chế độ mà Marx đã nhiệt liệt biểu dương. (Khác với một người hậu hiện đại, một người marxist bao giờ cũng đầy lòng kính trọng di sản cách mạng của các giai cấp trung lưu.)

Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi những nguồn vật chất, những thiết chế dân chủ, một xã hội dân sự đua nở, những truyền thống khai sáng cởi mở cũng như một đội ngũ công nhân được đào tạo tốt và có tay nghề cao. Tất cả những điều đó không thể có được, nếu dân chúng đói ăn, thất học và bị cai trị bởi những kẻ chuyên quyền.

Tất nhiên những quốc gia như vậy cũng có thể theo con đường xã hội chủ nghĩa, như những người Bolshevik Nga đã chọn. Nhưng họ chỉ có thể thành công nếu được những nước giàu mạnh hơn trợ giúp. Song ở trường hợp những người Bolshevik, các nước giàu lại tràn vào xâm lăng nước Nga và dìm cuộc cách mạng vừa mới lọt lòng trong một biển máu.

Tác phẩm của Marx quy về một vấn đề duy nhất. Vì lẽ gì mà những nền văn minh thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại lại đi liền với nhiều nghèo đói, bất công, lao động rẻ mạt và lầm than như vậy? Đấy thuần túy chỉ là một sự bất hạnh đáng tiếc, hay nó nói lên một điều gì đó về những mâu thuẫn mang tính cơ cấu của những chế độ xã hội này? Như Freud, người đã khám phá hẳn một châu lục mới và đặt tên khai sinh cho nó là “Vô thức”, Marx đã lột trần và đặt tên cho sự vận hành của các hệ thống, đã nghiên cứu những nguồn gốc lịch sử của chúng và miêu tả những điều kiện khiến chúng có thể suy vong.

 Kẻ Do Thái tị nạn rách rưới ấy, người đàn ông có lần tự nhận rằng không ai viết nhiều về tiền mà hiếm khi trong túi có tiền như mình, đã đưa bộ động cơ biến tốc ẩn khuất của cái hình thái sinh tồn mà phần lớn chúng ta coi là đương nhiên ra ánh sáng. Sau Marx, người ta không thể lẫn lộn hình thái sinh tồn ấy với một sự phổ quát có tên là bản chất tự nhiên của con người nữa. Ngày nay, thậm chí các nhà tư sản cũng băn khoăn về chủ nghĩa tư bản. Đã đến mức ấy thì người ta biết rằng hệ thống này đang lâm vào vấn nạn. Sự khủng hoảng nội tại đã tước đoạt tính chất tự nhiên của nó và khiến nó trần trụi hiện ra đúng là mình.

Theo suy luận của Marx, không một hệ thống xã hội nào trong lịch sử chứng tỏ tính cách mạng như hệ thống mà chúng ta đang sống. Chỉ trong vòng vài thế kỉ, các giai cấp trung lưu châu Âu đã tích lũy của cải vật chất và tinh thần, đã lật nhào các nhà độc tài, giải phóng nô lệ, phá tan các đế chế, đem lại cho chúng ta dân chủ và nhân quyền và đặt nền móng cho một hình thái nhân văn thực sự mang tính toàn cầu. Với những ai ủng hộ giai cấp này, lịch sử là một tự sự hấp dẫn về tiến bộ; nhưng với những ai phê phán nó thì đó không là gì khác hơn một lịch sử của suy vong.

Marx thấy cả hai mặt đó. Với ông, lịch sử hiện đại là một câu chuyện của giải phóng xã hội, nhưng đồng thời cũng là một cơn ác mộng dài và khủng khiếp. Thêm vào đó, lại không thể kể câu chuyện này tách khỏi câu chuyện kia. Marx cho rằng cả hai đều xuất phát từ cùng những cơ chế xã hội ấy. Ông không hề phản đối những lí tưởng tư sản mạnh mẽ về tự do chính trị, bình đẳng, tự do cá nhân và tự định đoạt. Đó cũng là những lí tưởng của ông.

Ông chỉ muốn tìm ra nguyên nhân vì sao những lí tưởng ấy, cứ khi nào được thực hiện, lại có xu hướng gây ra bạo lực, đàn áp, bất công và chủ nghĩa cá nhân tiêu cực. Chủ nghĩa tư bản đã giúp con người vươn đến những sức mạnh và năng lực vượt quá mọi thước đo từng biết. Nhưng nó không dùng những sức mạnh ấy để giải phóng con người khỏi ách lao công.

Con người trong những xã hội thịnh vượng nhất địa cầu vẫn phải làm quần quật, chẳng khác tiền bối của mình thời đồ đá mới. Lí tưởng của Marx không phải là nhọc nhằn, mà là nhàn hạ. Nếu ông đã quá tập trung vào các vấn đề kinh tế thì chẳng qua chỉ nhằm bẻ gãy quyền lực độc đoán của nó với chúng ta.

Marx là một nhà đạo đức theo nghĩa đẹp nhất, truyền thống nhất. Ông chia sẻ với Aristotélēs, Hegel và Thomas Aquinas quan điểm rằng một cuộc đời đáng sống không phải là một cuộc đời của những bổn phận và trách nhiệm, mà là của hạnh phúc trong sự thực hiện bản thân. Vì thế điều căn bản trong luân lí, theo ông, là học cách phát triển những tư chất của bản thân, và ông cho rằng bản chất con người được phát huy tốt nhất khi nảy nở cùng đồng loại và thông qua đồng loại.

Hoặc, như ông viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: khi con người vui hưởng một xã hội, trong đó “tự do phát triển của mỗi người là điều kiện cho tự do phát triển của mọi người”. Khi con người thấy mình thỏa nguyện trong sự thỏa nguyện của kẻ khác thì chúng ta gọi đó là tình yêu. Marx nghiên cứu một triển vọng như thế ở bình diện chính trị. Đồng thời, ông không buồn để tâm đến mọi bàn luận vô ích về một xã hội không tưởng. Hoàn thiện hóa xã hội là điều Marx không hề quan tâm.

Marx nồng nhiệt tin ở cá nhân. Hết mình là một nhà duy lí khai sáng, ông cũng hết mình là một nhà nhân văn lãng mạn, tránh lí thuyết trừu tượng và thích tất cả những gì rung cảm, sờ nắm được và độc đáo. Ông không cấp cho chúng ta bản thiết kế cho một tương lai xã hội chủ nghĩa. Ông chỉ vạch ra rằng, chúng ta có thể giải quyết những mâu thuẫn hiện đang ngáng trở một tương lai như thế bằng cách nào là tốt nhất. Còn sau đó, điều gì sẽ đến, thì ông gần như không thể nói gì hết. Ông không là một nhà tiên tri nhòm quả cầu thủy tinh mà đoán tương lai. Ông là một nhà tiên tri theo nghĩa Do Thái xác thực, người cảnh báo rằng chúng ta sẽ không có tương lai nếu không chọn những con đường khác.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức: “Ein romantischer Humanist“, Zeit, 23-05-2011

NELSON MANDELA

 

Tổng thống Obama: Nelson Mandela, con người vĩ đại của lịch sử


A- A A+ ‹Đọc›
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi ông Nelson Mandela là ‘người nắm giữ lịch sử trong tay và hướng nhân loại đến sự công bằng”.

Ông Obama bày tỏ thương tiếc sâu sắc trước sự ra đi của Nelson Mandela.
Ông Obama bày tỏ thương tiếc sâu sắc trước sự ra đi của Nelson Mandela.
Ngay khi nhận được tin cựu tổng thống Nelson Mandela qua đời, ông Obama có bài phát biểu đầy xúc động chia tay con người mà ông mô tả là ‘nắm giữ lịch sử trong tay và hướng nhân loại đến sự công bằng’
Ông Obama phát biểu “Ông Nelson Mandela đã sống vì lí tưởng. Ông đã làm được nhiều hơn những gì mong đợi. Hôm nay, ông đã ra đi. Chúng ta đã mất đi một người “có ảnh hưởng, can đảm và tận tâm”. Giờ đây, ông đã không còn là của riêng ai nữa, ông đã thuộc về lịch sử. Cả cuộc đời, ông đã hi sinh vì tự do của đất nước”.
“Hành trình từ một tù nhân trở thành Tổng thống Nam Phi của ông càng tô đẹp thêm một niềm tin lớn lao rằng nhân loại và các nước trên thế giới có thể thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn”, ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ còn hồi tưởng lại những cảm xúc cá nhân của mình về cố Tổng thống Nelson Mandela và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid. Đây được coi là động lực để ông Obama tiến vào lĩnh vực chính trị: “Tôi chỉ là một trong số hàng triệu người được “truyền lửa” từ chính cuộc đời cố tổng thống Nelson Mandela. Hành động chính trị đầu tiên của tôi, hành động đầu tiên mà tôi có liên quan đến việc đưa ra một chính sách chống chủ nghĩa Apartheid. Tôi đã nghiên cứu các bài phát biểu của cố tổng thống. Ngày mà cựu tống thống Nam phi được ra tù đã cho tôi cảm giác về những gì con người có thể làm được khi họ có hi vọng và không bị áp chế bởi nỗi sợ hãi.
"Và cũng giống như nhiều người trên thế giới này, tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi sẽ thế nào nếu không có tấm gương của cố tống thống Nelson. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ áp dụng những gì mà tôi đã học được từ ông. Gia đình tôi bày tỏ sự tiếc thương vô hạn và lòng biết ơn đối với con người vĩ đại này"
“Đối với toàn thể người dân Nam Phi, chúng ta học hỏi được sức mạng về ví dụ của sự đổi mới, hòa giải và phục hồi từ những gì các bạn đã làm. Một Nam Phi hòa bình- đó là ví dụ cho toàn thế giới, và đó cũng chính là di sản mà cố tổng thống dành cho đất nước ông yêu”.
Cố Tổng thống Mandela đã gặp gỡ Tổng thống Barack Obama năm tại Washington (Mỹ). Khi đó ông Barack Obama mới chỉ là một nghị sỹ chưa có gì nổi bật


Ta học được gì từ Vĩ nhân ?
                               alt
           


Những câu nói bất hủ của huyền thoại Nam Phi Nelson Mandela :
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy" là một trong những câu nói bất hủ của huyền thoại Nelson Mandela.

Ngày 25/2/1985, mặc dù đã bị cầm tù suốt hơn 20 năm, ông Nelson Mandela vẫn thẳng thắn khước từ đề nghị của Tổng thống Nam Phi khi đó là P.W.Botha về việc từ bỏ phương thức đấu tranh chính trị bằng bạo lực để đổi lấy tự do: “Chỉ những người tự do mới có thể thương lượng mà thôi, tù nhân thì không. Tự do của tôi và của ông không thể tách rời”.

Trước khi ra tù năm 1990, ông Mandela nói: "Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi vẫn sẽ ở trong tù".
Trong tự truyện “Hành trình đến tự do” của huyền thoại Nelson Mandela, xuất bản năm 1994, ông viết: 
“Từ chối nhân quyền của con người chính là thách thức nhân tính của họ”.

“Về cơ bản thì tôi là người lạc quan. Đó là do tự nhiên hay được giáo dục thì tôi không biết. Một phần của sự lạc quan là luôn hướng về phía mặt trời và liên tục bước về phía trước. Đã từng có nhiều thời điểm đen tối, khi mà niềm tin vào nhân tính của tôi bị thử thách khốc liệt, nhưng tôi không bao giờ và không thể để bản thân mình từ bỏ. Vì đó là cội nguồn của thất bại và cái chết.”

Đề cập tới cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc: “Không ai sinh ra đã có lòng thù hằn với người khác bởi màu da, địa vị hoặc tôn giáo. Điều đó được hình thành qua giáo dục, và nếu họ có thể học thù ghét, thì họ cũng có thể học yêu thương, mà tình yêu thì luôn tìm đến trái tim một cách tự nhiên hơn thù hận”.


Khi thôi làm Tổng thống Nam Phi, ông tuyên bố: "Tôi bước xuống với ý thức, một cảm giác rõ ràng rằng bằng một cách nhỏ nhoi, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ với dân tộc tôi và đất nước tôi".

Ông cũng từng nói:
“Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất để thay đổi thế giới”.

“Dũng cảm không phải là không hề sợ hãi mà là nỗ lực vượt qua nó. Người dũng cảm không phải là người không biết sợ mà là người chinh phục được nỗi sợ hãi.”

“Mọi thứ luôn trông có vẻ bất khả thi cho đến lúc bạn hoàn thành nó”.
Thù hận giống như thể uống thuốc độc và rồi tự hi vọng điều đó sẽ giết chết kẻ thù của bạn”.
"Đừng đánh giá tôi dựa trên những thành công, hãy đánh giá tôi dựa trên số lần tôi gục ngã và đứng dậy".
“Vinh quang lớn nhất trong cuộc đời không phải là không hề thất bại mà đứng lên sau mỗi thất bại”.

“Tự do không chỉ là bẻ gãy gông cùm của mình mà còn là tôn trọng và đề cao tự do của người khác”.
Trong bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, ông Nelson Mandela chia sẻ: "Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi một người đã hoàn thành điều mà người đó coi là trách nhiệm với dân tộc mình, với đất nước mình, anh ta có thể yên nghỉ. Tôi tin rằng tôi đã hoàn thành nỗ lực đó, và vì vậy, đó là lý do tôi sẽ yên nghỉ trong vĩnh hằng".
 

THANH THANH * VẤN-ĐỀ PHIÊN-DỊCH ANH-VIỆT & VIỆT-ANH

VẤN-ĐỀ PHIÊN-DỊCH
ANH-VIỆT & VIỆT-ANH

Trên các diễn-đàn của các Nhóm Tin (News Group) cũng như các Nhóm Thảo-Luận (Discussion Group) liên-mạng, đồng-hương đã đề-cập đến rất nhiều vấn-đề bao gồm hầu hết mọi lĩnh-vực trong đời sống, tức là tổng-quát, chứ đa-số không chuyên về một lĩnh-vực riêng-biệt nào. Tuy nhiên, có hai lĩnh-vực bị xem như là cấm-kỵ đối với một số cơ-quan truyền-thông ̶ đó là chính-trịtôn-giáo ̶ là gây tranh-cãi nhiều nhất.
Nếu có bài-viết hay tài-liệu nào, nhất là về hai lĩnh-vực nói trên, mà không đúng với Sự Thật, rồi có người nào tham-chiếu, trích-dẫn vào các tác-phẩm về sau phổ-biến rộng thêm, thì sự tai-hại hẳn là khôn lường.
Nên việc cải-chính bổ-khuyết những điểm sai/lầm liên-quan là điều cần-thiết và hữu-ích vậy.

I

Tổng-Quát
Vào ngày 7 tháng 1 năm 2011, tôi có đọc được trên các diễn-đàn liên-mạng một bài nhan đề “Tại sao phụ nữ Trung Quốc tại Trung Quốc không Get ung thư Vú?!” trong đó có câu sau đây:
Những lời nói vang vọng trong tâm trí của tôi.
Tại sao không phải phụ nữ Trung Quốc tại Trung Quốc bị ung thư vú?
Nguồn:
Fri, January 7, 2011 12:42:11 AM
From: Fanxico Tran
To: BsNgaiNguyen ; Btgvqhvn-1 ; Btgvqhvn-2 <Btgvqhvn-2@yahoogroups.com>; ...
Như thế, người đọc có thể hiểu là “phụ nữ Trung Quốc tại Trung Quốc [thực-sự có] bị ung thư vú, chứ tại sao lại không phải?
Nhưng viết như thế thì lại mâu-thuẫn với nội-dung (văn-cảnh) của toàn bài, ấy là: quả thật (vâng! phải!) phụ nữ Trung Quốc tại Trung Quốc không bị ung thư vú.
Vì thấy có sự nghịch-lý như thế nên tôi dò tìm thì thấy ở bên tiếng Anh, trong bài “Why Women in China Do Not Get Breast Cancer” cuả Prof. Jane Plant, PhD, CBE, câu viết tương-đương là:
Those words echoed in my mind.
Why didn't Chinese women in China get breast cancer?
Câu này, nếu dịch ra tiếng Việt, như theo bài viết đăng lên diễn-đàn, thì nó phải là: Tại sao phụ nữ Trung Quốc tại Trung Quốc không bị ung thư vú?” (chứ viết như câu trong bài nói trên, cuả ông Fanxico Tran, thì nghe thật là nghịch nghĩa và trái tai).
Tôi đọc lại bài nói trên thì thấy người đăng đã có ghi rõ:
ZO "MÁY" GOOGLE ZỊCH THUẬT
Té ra là người đăng bài đã nhờ máy dịch, mà không dò lại xem máy có dịch đúng không.
Người xưa có câu: “Dịch giả địch giả” (“Traduire, c’est trahir”: dịch là phản). Đó là mới nói về người.
Người dịch mà còn có khi phản lại (ý của nguyên-tác), huống gì là máy.
Đó là chưa kể câu văn không suôn, khiến một độc-giả, Tran Khang, đã phải phát-biểu:
On Fri, 1/7/11, Tran Khang wrote:
Subject: ZO (Máy) GOOGLE ZỊCH THUẬT !!...
Thưa ông Fanxico Tran,
Bài dưới đây được chuyển qua Việt-ngữ bởi một người mà tôi nghĩ là không giỏi tiếng Việt nên rất khó hiểu...
II
Chính-Trị
Vào ngày 6 tháng 1 năm 2011, trang mạng cuả báo Cali Today có đăng một bài nhan đề “Viên tướng huyền thoại của Lào, Vang Pao, vừa từ trần tại California vào hôm thứ năm” trong đó có câu sau đây:
Lar YangFresno, người phỏng vấn tướng Vang Pao vào tháng qua và cuộc phỏng vấn này được đăng trong niên giám thương mại của cộng đồng Hmong mà chính ông ta xuất bản hàng năm, thì “Tướng Vang Pao là một loại keo dính gắn chặt mọi người lại với nhau. Ông ta là người luôn luôn giải quyết mọi chuyện. Tôi không tin rằng vào thời điểm này không có một người nào có thể thay thế ông ta...”>
Câu viết Tôi không tin rằng vào thời điểm này không có một ngươì nào có thể thay thế ông ta có nghiã là: Tôi tin rằng vào thời điểm này một người nào đó có thể thay thế ông ta.
Nhưng viết như thế (bài của ký-giả Nguyễn Dương) thì lại mâu-thuẫn với nội-dung (văn-cảnh) của toàn bài, đặc-biệt là trái ngược với câu tiếp theo “Sẽ có thể có một cuộc đi tìm một người như thế. Và sẽ có nhiều hỗn loạn (chaos) trong một thời gian nào đó, trước khi mọi chuyện được dàn xếp”, và trái với câu kết-luận ở cuối bài:
tướng Vang Pao không chỉ là người hùng vĩ đại nhất trong cuộc chiến chống Cộng tại đông dương trước đây, mà còn là một lãnh tụ bất khả thay thế trong hơn 35 năm qua của cộng đồng Hmong tại hải ngoại, mà còn là một vì sao chưa có người nào có thể thay thế khi vì sao này vừa tắt”.
Vì thấy có sự nghịch-lý như thế nên tôi dò tìm thì thấy có nhiều nguồn tin tiếng Anh, trong đó có ít nhất là hai bản tin loan về vụ này (của Garance Burke thuộc Hãng Associated Press, với sự góp phần của Don ThompsonSacramento) mà câu tương-tự bên phiá tiếng Anh thì ghi như sau:
<“He's always been kind of the glue that held everyone together, said Lar Yang of Fresno, who featured an interview with Vang Pao last month in the Hmong business directory he publishes annually.
He's the one that always resolved everything ... I don't think it can be filled by one person at this point. There will probably be a search for identity. There will be a lot of chaos for a little while, until things get settled”>.
Nguồn:
Câu này, nếu dịch ra tiếng Việt, như theo bản tin của Cali Today, thì nó phải là: “Tôi không tin rằng vào thời điểm này mà có một người nào có thể thay thế ông ta”.
Thế mà tác-giả bài báo cuả Cali Today lại viết ngược lại: “Tôi không tin rằng vào thời điểm này không có một người nào có thể thay thế ông ta”.
Phải chăng tác-giả bài tiếng Việt ấy cũng đã không tự mình dịch mà lại nhờ... máy dịch giùm?
III
Tôn-Giáo
Lại cũng trước đó không lâu, tôi thấy có người phổ-biến trên các diễn-đàn liên-mạng một bài rất dài cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, trích từ Kinh Thánh tiếng Pháp, rồi kèm thêm phần tiếng Anh dịch từ các câu tiếng Pháp liên-quan. Tình-cờ tôi đọc lướt qua thì thấy tiếng Pháp rất rõ ý-nghiã, nhưng qua tiếng Anh thì có những đoạn trái-ngược với nghiã ở bên tiếng Pháp, thí-dụ các câu 29 30 cuả Chương 25 trong Sách Matthew:
Câu 29 tiếng Pháp: “Si ton oeil droit entraîne ta chute, arrache-le et jette-le loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne soit pas jeté dans la géhenne”, nghiã là “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc nó mà ném đi: vì lợi ích quan trọng của anh là mất một phần thân thể, và () toàn thân cuả anh không bị ném vào hỏa ngục.”
Thế nhưng bên phía tiếng Anh thì là “If your right eye causes you to sin, pluck it out and cast it from thee: for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body should be cast into hell”, nghiã là “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc nó mà ném đi; vì lợi ích quan trọng của anh mất một phần thân thể của anh và là (đồng thời) toàn thân của anh sẽ phải bị ném vào hỏa ngục”.
Câu 30 tiếng Pháp: “Et si ta main droite entraîne ta chute, coupe-la et jette-la loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne s'en aille pas dans la géhenne”, nghiã là “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt nó mà ném đi : vì lợi ích quan trọng của anh là mất một phần thân thể, và () toàn thân cuả anh không sa vào hỏa ngục.
Thế nhưng bên phiá tiếng Anh thì là “And if your right hand causes you to sin, cut it off and cast it from thee: for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body will go away into hell”, nghiã là “Và nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt nó mà ném đi : vì lợi ích quan trọng của anh mất một phần thân thể của anh và là (đồng-thời) toàn thân của anh sẽ sa vào hỏa ngục ”.
“Lời Chúa tức là Kinh Thánh, tiếng Việt cũng như tiếng Anh, hiện nay không hiếm, tại sao không trích mà lại đi trích tiếng Pháp kèm theo tiếng Anh dịch sai?
Tôi đưa vấn-đề này lên diễn-đàn, nhưng người đăng bài, là bà Thuấn Đỗ, hẳn biết tiếng Pháp và cả tiếng Anh, thì không trả lời, mà bà Nguyễn Thị Thanh, đã từng ở Pháp, lại góp ý-kiến [về tiếng Anh] rằng <For... that...Bởi vì (thà) ... hơn (là) ...”> và kết-luận rằngCú Pháp tiếng Anh hiểu ngầm như vậy” lại còn chua thêm “Tiếng Việt đôi khi cũng vậy” [sic].
Tôi đã trả lời: câu văn rõ nghiã, không có “hiểu ngầm” gì cả; ý-kiến như thế là sai về cả văn-phạm lẫn về cú-pháp.
Bởi vì, đem “For” mà ghép vào với “that" để làm thành “For... that” thì là rứt râu cha nọ cắm cằm mẹ kia (Forở đây là liên-từ, và “thatở đây là cũng là liên-từ (conjunction); chứ không phải “Had better... thanhay “Had rather... than”.
Had better/rather... than(“thà... hơn là...” hoặc “... tốt hơn là...”) là một thành-ngữ (idiom), trong đó có cách dùng đặc-biệt của động-từ (verb) to have dùng với tính-tử/trạng-từ ở thể so-sánh (comparative form of adjectives/adverds). Thí-dụ: “Ms. Nguyễn Thị Thanh had better be right than wrong (Bà Nguyễn Thị Thanh thà [viết] đúng hơn là [viết] sai).
Nhưng ở đây bà Thanh đã lầm chữ “that” với chữ “than”. Trong 2 câu Kinh Thánh kể trên, chỉ có chữ “that” (“and that”) chứ không có chữ “than”.
Do đó, câu viết “for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body will go away into hell” nếu muốn hiểu ngầm” (như bà Thanh muốn) thì phải hiểu ngầm” thế này: “For it is your interest to lose one of your members and (it is your interest) that thy whole body will go away into hell nghĩa là: “Bởi vì, lợi ích quan trọng của anh là mất một phần thân thể, và () toàn thân cuả anh cũng sẽ sa vào hỏa ngục”.
Chưa kể, [Kinh Thánh gì mà] đã dùngyour(your members) thì không thể dùngthy(thy body); vìyour” được dùng trong cách xưng-hô lịch-sự, mà “thylà trong trường-hợp thân-mật/suồng-sã/tục-tằn.
Thật đúng như lời bà đã tự-nhận “tôi dở Anh Văn". (Đã dở thì còn viết ra làm gì?)
Tôi dò lại bài liên-quan thì thấy quả thật cũng là do máy dịch ra: (Traduire cette page: de Français en Anglais - Traduire) khiến cho “Lời Chúa” đã bị dịch sai.
Phổ-biến “Lời Chúa” mà sai tức không tôn-trọng “Lời Chúa”.
(Xin xem chi-tiết ở cuối bài này. Tôi chỉ trích dẫn mấy câu mà thôi, vì toàn bài ấy quá dài).
Đ dễ hiểu hơn, tôi xin trích dẫn một câu (câu kia cũng thế) trong cuốn Kinh Thánh tiếng Anh chính-thức:
Lịch-sự: And if your right hand causes you to sin, pluck it out and cast it from you; for it is more profitable for you that one of your members perish, than for your whole body to be cast into hell (phiên-bản Kinh Thánh The Gideons International).
Thân-mật: And if thy right hand offend thee, cut it off and cast it from thee; for it is profitable for thee that one of thy members should perish, and not that thy whole body be cast into hell (phiên-bản Kinh Thánh King James Version).
Tóm lại, người dịch mà cũng cần phải xem lại, thì khi máy dịch lại càng phải cảnh-giác hơn, dù là trong những tiết-mục tổng-quát , huống-hồ về các đề-tài “húy-kỵ” (taboo subjects) chính-trịtôn-giáo.

Sun, December 26, 2010 11:30:19 AM
Chi Thanh Versus Anh Nhuận !
From: Dr Nguyen Thi Thanh
Date: Saturday, December 25, 2010, 5:40 PM

Cùng anh Lê Xuân Nhuận và Hoàng Nam ơi, tôi dở Anh Văn, nhưng theo tôi nghĩ về câu Phúc Âm anh LXN trích :

"29 Si ton oeil droit entraîne ta chute, arrache-le et jette-le loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne soit pas jeté dans la géhenne.

29 If your right eye causes you to sin, pluck it out and cast it from thee:
for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body should be cast into hell.

30 Et si ta main droite entraîne ta chute, coupe-la et jette-la loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne s'en aille pas dans la géhenne.

30 And if your right hand causes you to sin, cut it off and cast it from thee:
for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body will go away into hell."

Người ta viết chữ : "For.... that...." " Bởi vì (thà) .... hơn (là) ....."

Anh LXN và Hoàng Nam nghĩ như vậy có đúng không?

Chứ không ai dịch sai đâu. Cú Pháp tiếng Anh hiểu ngầm như vậy chăng? Tiếng Việt đôi khi cũng vậy.

Bs Thanh

---------- Forwarded message ----------
From: Hoang-Nam <nr_tran@yahoo.com>
Date: 2010/12/25
Subject: Fw: NOI VOI ONG CHU TAT TIEN 8
To: Dr Nguyen Thi Thanh <
Dr.Thanh101@gmail.com>, Francis Duong <Francis_Duong@hotmail.com>, Thien-Thanh <TCLaHauLa@yahoo.com>, Bao Quoc Kiem <QuocKiemB@yahoo.com>
Cc: Nhuan Le Xuan <
LeChanNhan@yahoo.com
>
From: Nhuan Xuan Le <lechannhan@yahoo.com>
Date: Saturday, December 25, 2010, 1:42 AM

LỜI CHÚA

Bài này không phải là để khen-ngợi hay là chê-bai Lời Chúa như một số người đang làm, mà là để tự nhắc mình, mỗi khi trích dẫn Lời Chúa (Kinh Thánh) thì nên dò lại cho đúng (nhất là khi có cả hai thứ tiếng thì phải dò kỹ xem có chữ nào bị dịch sai/sót hay không).

Sở-dĩ tôi viết bài này là vì vừa rồi có người phổ-biến cả một đoạn dài Kinh Thánh tiếng Pháp (Sách Matthew, Chương 5, từ câu 1 đến câu 48 - và cả Chương 6 từ câu 1 đến câu 15 mà còn ghi là sẽ tiếp), rồi phổ-biến tiếp cũng chừng ấy câu mà bằng cả hai thứ tiếng Pháp-Anh (nhưng lại không có tiếng Việt).

Tôi đọc lướt qua, ở phần Pháp-Anh, thì thấy có hai (không biết có nhiều hơn không) trong các câu dịch tiếng Anh, mà ý nghĩa lại hình như phản nghịch với bên tiếng Pháp.

Đó là hai câu 29, 30, trong Chương 5, mà theo bản dịch tiếng Việt (do Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện) thì là:

“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục”.

Ý nghĩa như thế thật là rõ-ràng và hợp lý-luận.

Thế nhưng, trong bài thật dài dưới đây, sau phần toàn cả tiếng Pháp, ở phần gồm cả tiếng Pháp dịch sang tiếng Anh (Chương 5, hai câu 29 và 30), có đoạn như sau:

29 Si ton oeil droit entraîne ta chute, arrache-le et jette-le loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne soit pas jeté dans la géhenne. 29 If your right eye causes you to sin, pluck it out and cast it from thee: for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body should be cast into hell. 30 Et si ta main droite entraîne ta chute, coupe-la et jette-la loin de toi : car c'est ton intérêt de perdre un de tes membres, et que ton corps tout entier ne s'en aille pas dans la géhenne. 30 And if your right hand causes you to sin, cut it off and cast it from thee: for it is your interest to lose one of your members and that thy whole body will go away into hell.

Tôi thấy ở phần tiếng Anh hình như lại có ý nghĩa ngược lại:

“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì lợi ích quan trọng của anh là mất một phần thân thể của anh toàn thân của anh bị ném vào hỏa ngục (“should be cast into hell” trong lúc tiếng Pháp là “ne soit pas jeté dans la géhenne”). Và nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì lợi ích quan trọng của anh là mất một phần thân thể của anh toàn thân của anh phải sa vào hỏa ngục (“will go into hell” trong lúc tiếng Pháp là “ne s’en aille pas dans la géhenne”)”.

Tôi tự nghi-ngờ vốn-liếng tiếng Anh của mình, nên nhờ quý vị cao minh chỉ cho.

Xin mời quý vị rà chuột xuống dưới, để đọc hai câu liên-quan mà tôi đã tô màu đỏ.

From: Thuan Do <dothuan@sbcglobal.net>
Subject: [diendanviahe] Re: [BAO QUOC KIEM] - (bai 8) - NOI VOI ONG CHU TAT TIEN 8
To:
Cc: "HONG LINH" <honamtran5@yahoo.fr>, "_BAO QUOC KIEM" <quockiemb@yahoo.com>
Date: Friday, December 24, 2010, 8:33 AM
Anh nuôi, anh cũng là Thiên Chúa Giáo phải không? Cần nhất là nhớ và thực hiện lời Chúa dạy nhé! Chúa dạy « Ne jugez pas, afin que vous ne soyez pas jugés. »
Chúng ta nên thương xót những người có đầu óc dơ bẩn, thay vì khinh ghét họ
Thuan
Le Sermon sur la Montagne
Traduire cette page: de
Avoir l'esprit ouvert comme des enfants, pour recevoir et comprendre l'enseignement du Seigneur. Have an open mind as children, to receive and understand the Lord's teaching. C'est enseignement est tout Amour ! That lesson is Love!
Évangile selon Saint Matthieu Chapitre 5 Gospel according to Saint Matthew Chapter 5
Quand Jésus vit la foule, Il monta sur une colline et s'assit .Ses disciples vinrent auprès de lui 2 et il se mit à les enseigner en ces mots:
When Jesus saw the crowds, He went up a hill and sat down. His disciples came to him 2 and he began to teach in these words:

This message has been truncated

No comments: