Saturday, October 29, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = HỒI KÝ TẠ TỴ

BS. PHÙNG VĂN HẠNH * VỤ ÁN TRẦN QUANG TRÂN


 
Vụ án Trần Quang Trân ở trại tù Tiên LãnhBS Phùng Văn Hạnh / Chuyển đăng: Trần Lê Lý


Tôi muốn nói lên những đau khổ chất ngất của anh em tù chính trị và quân đội trong ngục tù Tiên Lãnh. Làm y tế trại, tôi được gọi lên phòng kiên giam để xác nhận cái chết của Nguyễn Công Vĩnh. Trước kia anh to con, nhưng bây giờ xác anh teo táp, co rúm, da bọc xương, gò má lồi cao, hai mắt mở trừng trừng. Anh ta chết vì đói. Bọn cai tù có lệnh không cho anh ăn uống. Bọn trật tự kể lại là những ngày cuối, trong mê sảng, anh bốc những con dòi bò trong đường cống lên ăn, chắc anh tưởng là hạt cơm. Ðường cống là một cái rảnh dọc theo bờ tường phòng kiên giam, dùng cho tù phạm tiêu, tiểu tiện vào đấy. Chắc có nhiều hồi ký trại giam Cộng sản đã tả cái dã man, tinh vi của cái cùm sắt dài xuyên từ bờ tường này đến bờ tường kia. Cảnh cô độc, đói khát, mơ tưởng những món ăn thời tự do, những tiểu xảo để giết thì giờ thiên thu và để kéo dài chịu đựng, nói lên cái tàn bạo chưa từng có của kiên giam. Chuồng cọp Côn Ðảo là thiên đường sánh với kiên giam.

Vụ án Trần Quang Trân là một biến cố đặc biệt của trại Tiên Lãnh, nói lên tinh thần bất khuất của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ðây là một tổ chức có mục đích, hệ thống. Một hoạt động dũng cảm, nhiệt tình, có tính cách quy mô rộng lớn, bao gồm trên 100 sĩ quan và tù chính trị. Bởi thế, khi vỡ lỡ, công an điều tra mất vài tháng trước khi đưa nội vụ ra tòa với hai lần xử: phúc thẩm và chung thẩm. Bản án chung thẩm là: Tuyên truyền chống phá cách mạng, tổ chức cướp súng, cướp trại, âm mưu lật đổ chính quyền.Sau đây là tên họ những người lãnh án phạt và thời gian ở tù thật sự:

- Thiếu úy Trần Quang Trân, án tử hình. Xử tử ngày 19.06.1982.
- Thiếu úy Trần Lân, án chung thân, ở tù 20 năm.
- Trung úy Ngô Văn Thạnh, án 20 năm, ở tù 19 năm.
- Ðại úy Nguyễn Văn Hưng, án 18 năm, ở tù 19 năm.
- Ðại úy Ðỗ Ngọc Nuôi, án 12 năm, ở tù 16 năm.
- Xã trưởng Võ Kinh, án 13 năm, ở tù 15 năm.
- Trung úy Ðỗ Văn Sĩ, án 13 năm, ở tù 16 năm.
- Ðại úy Ðinh Văn An, án 10 năm (chết trong tù Hàm Tân năm 1990).
- Trung sĩ Lê Cao Phúc, án 10 năm, ở tù 14 năm.
- Bác sĩ Tôn Thất Sang, án 10 năm, ở tù 15 năm.
- Lê Phò, án 10 năm, ở tù 10 năm.
- Ðại úy Nguyễn Minh, án 5 năm, ở tù 12 năm.
- Thiếu úy Huỳnh Tiến, án 3 năm, ở tù 11 năm.

Ngoài ra có một số bị kiên giam, song không bị án. Trong số những người kiên cường này, phải kể Nguyễn Văn Ngật, Nguyễn Văn Ðiểu, Lê Quang, Lê Xuân Mai, Phạm Lộc, Trần Thao, Châu Văn Mầu, Nguyễn Ngọc Trai, Trương Quang Ðông…

Tóm lại có chừng 75 người xử theo biện pháp hành chánh, nghĩa là tập trung cải tạo vô thời hạn, không biết ngày nào về, trung bình ở tù 10 năm. Trừ hai người ra đi vĩnh viễn là anh Trân và An, số còn lại lãnh 9 thế kỷ tù tội. Chín thế kỷ đau thương triền miên ray rứt. Ðiểm đặc biệt của vụ án là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Những người có án nặng là thiếu úy và trung úy.Người được anh em mến phục nhất là anh Trần Quang Trân và Ðinh Văn An. Trân, người thon nhỏ, mặt trắng thư sinh. Tính tình bặt thiệp, ưa đùa cợt, làm thơ hay. Rất tiếc là thơ anh không ai ghi chép lại, vì thơ làm trong kiên giam không giấy bút. Song anh hơn Nguyễn Chí Thiện ở chỗ là anh đọc thơ cho bọn Cộng sản giam giữ anh nghe. Làm thơ xong, anh đọc sang sảng, rất to, cốt cho trại viên nghe, song cán bộ vội xua đuổi trại viên đi, không cho nghe những lời ca yêu nước, hạch tội bọn Cọng sản vong bản, nô dịch chủ thuyết ngoại lai, gieo rắc khổ đau cho nhân dân Việt Nam.Trong đêm giao thừa đầu năm 1982, trong kiên giam lạnh lẽo, chờ ngày xử chung thẩm, anh ngâm nga:

Ðón giao thừa giữa bốn bức tường vôi
Xuân lạnh lùng quá mẹ Việt Nam ơi !
Bao giờ dẹp tan loài quỷ đỏ
Mẹ con mình no ấm, rộn niềm vui.
(chưa chắc đã đúng trong nguyên tác, chỉ vì nghe từ đàng xa, và lại thời gian xoi mòn trí nhớ).

Anh Trân thông minh hiếu học. Nếu đến được bến gờ tự do, anh sẽ là một chuyên viên điện tử có hạng. Trong tù, anh không ngừng trao dồi kiến thức, học thêm ngoại ngữ. Ở Kỳ Sơn, anh được điều động lên cơ quan của tổng trại 2 để sửa chữa máy truyền tin và lắp ráp điện đài. Anh đã sửa chữa một máy dò tìm vàng nhãn hiệu Trung cọng, mà nhiều kỹ sư đào tạo ở miền Bắc bó tay. Anh là một chuyên viên điện tử tu nghiệp ở Nhật do tài trợ của hãng Panasonic. Với phương tiện nghèo nàn, anh tái tạo các linh kiện điện tử trong công việc sửa chữa hàng ngày cho cơ quan, và lắp ráp những đài thu thanh nhỏ cầm tay, phân phát cho các trại.

Ðể che mắt bọn cán bộ, linh kiện được lắp vào các máy đo điện đã hư. Muốn máy phát động, chỉ cần lắp vào một dây dẫn điện ngắn, và có thể nghe nhiều đài phát thanh ngoại quốc như VOA, BBC, v..v.. Nhờ thế, tin tức về cuộc tấn công của Trung Quốc vào miền Bắc, chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ đều được phổ biến bí mật cho trại viên để nuôi dưỡng ý chí quật cường.

Trại Kỳ Sơn, với quy chế tù binh, chế độ ăn uống, lao động không khắc nghiệt như trại Tiên Lãnh. Tôi nghĩ rằng quân đội miền Bắc XHCN cũng tự hào về thành tích của họ, song không biết họ có thấy xấu hổ khi đem đồng loại khác chính kiến ra hành hạ, đem bắn lén nhiều sĩ quan như vụ bắn Ðại tá Võ Vàng, bề hội đồng Thiếu úy Huỳnh Tiết, một sĩ quan trẻ miền Nam giỏi võ. Hận thù giai cấp đã làm họ tối mắt, không biết gì đến tinh thần thượng võ và tình thương đồng loại. Chiến thắng lẫy lừng, cuối cùng là để nhốt đồng loại vào trại tập trung hành hạ, còn Mỹ thì cao chạy xa bay rồi.Cuối năm 1978, sĩ quan trại Kỳ Sơn chuyển qua Tiên Lãnh.

Công an là chuyên viên cai quản tù trong XHCN. Những phương thức đàn áp như lao động cưỡng bách, hạn chế dinh dưỡng, nội quy sắt máu, trừng trị tàn bạo, tối đa là truyền thống quy củ trong quần đảo Goulag, nhà tù Trung Cộng, và một loạt nhà tù miền Bắc mà nghe tên ai cũng giật mình. Tất cả những phương thức ấy đều được áp dụng ở trại Tiên Lãnh.

Vài tháng sau nhập trại, toàn thể sĩ quan trở nên rách rưới, ốm đói, phờ phạc, hãi hùng. Vài người quá tuyệt vọng đã tự tử chết. Trung tá Bình, Ðại úy Quy trốn trại không thoát. Ðã có lệnh từ trên là bắn chết một người để làm khiếp hãi trại viên. Trên đường áp giải hai người trốn trại, bọn công an đã bắn lén từ phía sau, giết Trung tá Bình và tri hô lên là vì tù nhân chạy trốn. Tôi có khám tử thi, và thấy vết thương có lỗ vào phía sau lưng, đen thuốc súng, chứng tỏ nạn nhân bị bắn rất gần. Thật là một thời kỳ u ám. Nhiều sĩ quan cấp tá bị kiên giam rồi chuyển đi trại Ðồng Mộ. Số người sợ hãi bị chiêu dụ làm ăng-tên tăng lên đáng kể. Soát phòng liên miên. Trại đông người lại có nhiều trại lẻ ở xa, ban giám thị cần một hệ thống liên lạc hữu hiệu, nên anh Trân lại được kêu ra để thiết lập một tổng đài điện thoại, đài liên lạc vô tuyến với Ty Công an.

Anh và Trần Lân được ở một căn nhà nhỏ riêng biệt dùng làm xưởng sửa chữa máy móc điện tử. Các cán bộ trong trại cũng nhờ sửa những máy thu thanh cá nhân. Vì là việc làm không công, họ thường bồi dưỡng anh thịt, trứng v..v.. Nhưng anh Trân không vì những ưu đãi ấy mà quên anh em. Anh lặp lại việc đã làm tại trại Kỳ Sơn là lắp một máy thu thanh để nghe lén các đài ngoại quốc. Anh đã thành công ở Kỳ Sơn vì không bị phát hiện, nhưng lần nầy không may.

Trong vụ án xử anh và bạn hữu, chỉ có độc nhất một tang chứng là cái máy đo điện trở, trong đó anh có lắp linh kiện điện tử để nghe đài phát thanh. Các người bị kêu án là những người có ký vào bản nhận tội khi công an tra tấn hoặc đe dọa. Có nhiều người giữ nhiệm vụ quan trọng, song một mực chối hết, nên chỉ bị trừng trị bằng biện pháp hành chánh.

Có bằng cớ gì đâu, chẳng qua là nói miệng với nhau, chứ đâu có hội họp biên bản gì. Song cuối cùng biện pháp hành chánh cũng giam giữ rất lâu, ít nhất là trên mười năm. Nhiều khi hơn nữa. Xử án chỉ là bày trò hình thức.

Phân tích vụ án ta thấy hai phần rõ rệt:

Phần loan truyền tin tức ngoại quốc đem lại hưng phấn cho trại viên, ví dụ như cuộc nổi dậy của nhóm Fulro, cuộc bao vây kinh tế Việt Nam của Tổng thống Mỹ Reagan. Vì oán hận lối đối xử dã man tàn bạo của bọn Cộng sản, ai cũng vui mừng khi nghe những tin bất lợi cho chúng. Chẳng thấy viễn ảnh ngày về, những tin ấy mang lại chút hy vọng mong manh. Ví dụ trường hợp bác sĩ Tôn Thất Sang làm y tế cho trại Na sơn. Sang vào tù vì tội vượt biên. Anh có nói một câu đơn giản mà bị án 10 năm. Nhân Lê Phò, từ trại Na Sơn về trại chính, anh nhắn với Trân là có tin tức gì hay nói cho “mệ” biết với (con cháu vua thường tự xưng là mệ). Sang không có tham gia gì vào tổ chức. Chỉ nghe câu ấy mà không báo cáo với cán bộ, Phò cũng lãnh án 10 năm. Thật là một chuyện không thể tưởng tượng nổi, mà các nhà luật học khi nghe phải sững sờ. Những thiệt hại mà anh Sang phải chịu trong tù đày, cùng những hậu quả dai dẳng trong cuộc sống định cư ở Mỹ, ai sẽ chịu trách nhiệm đây ? Các nhà luật học phải có biện pháp đưa bọn Cộng sản Việt Nam ra tòa án quốc tế để trả lời những tội ác đối với hàng triệu người vô tội.

Phần thứ hai của vụ án là tổ chức cướp súng, cướp trại, đánh quận Tiên Phước, liên lạc với cuộc nổi dậy Fulro lập chiến khu, v.v...là những tiết lộ của đại úy Nguyễn Văn Hưng. Anh nói: “Hệ thống nầy suốt trong thời gian ở tù và sau này khi còn ở Việt Nam, tôi không hề tiết lộ cho ai. Nhưng nay (anh đã định cư tại Mỹ) theo yêu cầu của một số anh em, chúng tôi xin ghi lại chi tiết”. Anh cho biết anh điều khiển tổ chức trong nhiệm vụ là Tổng thư ký.

Trân chỉ là trưởng ban liên lạc ngoại vụ. Trần Lân lo liên lạc với Fulro. Ðinh Văn An (chết trong tù) đại đội trưởng đội xung kích, lo chiếm kho súng của trại. Thiếu tá Lê Quang là trung đoàn trưởng trung đoàn giải phóng Quảng Nam Ðà Nẵng. Anh còn tiết lộ nhiều ủy viên khác. Nói chung, anh em đã có ý chí quật cường, có can đảm chấp nhận hiểm nguy. Tiếp xúc với Fulro là có thật; nhân đi lao động ở Trà Nóc, lúc còn ở trại Kỳ Sơn.

Nghiên cứu về khả năng cướp súng là có thật. Ngoài ra những điều khác chỉ nằm trong mơ ước. Phiên tòa dựng lên gọi là “tòa án nhân dân tối cao”, có cán bộ ở Hà Nội vào dự, chỉ là xử cái ước mơ đó, chứ không có một hành động phá hoại nào cụ thể. Trị từ trong tư tưởng. Cái dã man, phi lý và luật rừng là ở đó.Phiên tòa đúng là một trò hề. Xử trong trại vì sợ dư luận dân chúng. Không có luật sư biện hộ. Chánh án, phụ thẩm …. ăn bận lôi thôi. Bà phụ thẩm có tên là Chát, mặc áo cụt, ăn trầu, ngồi chồm hổm trên ghế , ăn nói thiếu văn hóa. Chỉ có lính công an là mặc đại lễ. Bị can cũng bị bịt mắt dẫn vào, vành móng ngựa là một hàng ghế dài. Trại viên được nghỉ lao động để dự phiên tòa, một biện pháp răn đe. Nói là cho bị can tự biện hộ, song ai nói ra lời nào thì bị chận lại ngay. Phiên tòa chỉ có chánh án, phụ thẩm nói. Phán quyết thì đem ra hỏi trại viên:

- Tên A có phải là phản động không? (Trại viên đuợc các ăng-tên mớm lời)
- Phải.
- Có đáng tử hình không?
- Rất đáng.
Ðúng là một tòa án nhân dân trong cải cách ruộng đất. Phần lớn trại viên trả lời lí nhí. Một số khác im lặng.

Phải nói anh Trân là một người trẻ tuổi nhưng rất chững chạc, đầy lòng vị tha và suy nghĩ. Anh thấy ý định của bọn Cộng sản là phải có một án tử hình trong vụ nầy, anh đứng ra lãnh cái chết cho anh em. Anh chịu nhận tội, và thay mặt anh em, tỏ ra cái khí phách của một sĩ quan có lý tưởng quốc gia. Trước phiên tòa, anh không nói “thưa quan tòa” như ấn định. Anh gọi họ là ‘các ông” làm chánh án tức giận đập bàn nhắc lại. Song anh không đổi cách xưng hô. Khi chánh án hỏi anh:

- Các anh đã được chính phủ khoan hồng cho vào đây để học tập cải tạo. Các anh không thành tâm hối lỗi, mà tổ chức chống đối. Ðộng cơ nào thúc đẩy các anh làm việc ấy?

- Các ông không có quyền xử tôi, vì các ông không có tổ quốc, mà chỉ là tay sai đế quốc Cộng sản. Các ông không xứng đáng để tôi đối đáp. Lịch sử, dân tộc Việt Nam sẽ xử các ông. Chế độ các ông là một chế độ phi nhân, tàn khốc. Nhà tù mọc lên khắp nơi. Dân chúng đói khổ lầm than, còn các ông sống phè phỡn. Nhà tù của các ông là địa ngục sống trên trần gian.

Chánh án lại đập bàn bảo anh im, song anh cứ nói cho hết ý. Một công an phải chồm tới, bịt miệng anh lại. Thật là hài hước, chốn công đường mà không có tự do ngôn luận.

Khi tòa tuyên bố bản án tử hình và cho anh nói lời cuối cùng:

- Tôi biết chắc là chế độ phi nhân, tàn ác chưa từng có trong lịch sử loài người của các ông gần đến ngày cáo chung. Chỉ tiếc là tôi không còn sống để phục vụ đất nước.

(Nội dung những lời đối đáp trên đây rất trung thực. Tuy nhiên đây không phải là những lời ghi chép tại chỗ, người nghe chỉ ghi lại theo trí nhớ).

Thái độ hiên ngang bình tỉnh, giọng nói chắc nịch không chút run rẩy của anh làm cho cả hội trường bàng hoàng. Bọn công an, tổ xứ án sạm mặt trước khí thế hùng dũng của anh.

Sau khi xử án, chúng cho anh một thời gian suy nghĩ lại và xin ân xá. Song anh không viết đơn xin ân xá, vì anh biết đó chỉ là một đòn tâm lý để làm giảm nhuệ khí của anh. Thế nào bọn chúng cũng đem anh ra bắn. Xin xỏ chỉ thêm nhục. Bởi thế, trong thời gian chờ đợi, anh làm thơ và đọc to lên, mạt sát chế độ tàn ác của Cọng sản. Sợ gương anh ảnh hưởng đến trại viên khác và làm mất mặt chế độ, chúng đem anh ra bắn trước thời gian dự định.

Ngày 19.06.1982, lúc 12 giờ, chúng bịt mắt anh đẩy anh lên xe đưa ra pháp trường. Toàn thể trại viên bị lùa vào phòng, đóng cửa nhốt lại. Ra đến cổng trại, anh Trân la to:

- Xin vĩnh biệt anh em. Bọn Cộng sản đưa tôi đi bắn đây. “Ðả đảo Hồ Chí Minh!” “Ðả đảo Cộng sản!” “Dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng Cộng sản!”

Anh còn muốn hô nhiều khẩu hiệu nữa, song bọn công an đè anh xuống, nhét chanh vào miệng. Sang bên cơ quan, anh ký tên vào bản án, chấp nhận tử hình. Chúng dọn ra trước mặt anh một mâm cơm thịnh soạn. Anh từ chối không ăn và dặn mang vào phòng giam cho bạn bè đang đói. Ra pháp trường anh không chịu trói và bịt mắt. Anh té nghiêng xuống sau loạt súng đầu. Một tên công an đến bắn phát ân huệ vào thái dương.

Trong tù tôi có lần nói chuyện với Trân. Anh ta cho rằng chừng cuối thế kỷ, chế độ Cộng sản sẽ cáo chung. Anh chết đi và không ngờ là thành trì của XHCN Liên Xô và Ðông Âu tiêu tan 10 năm trước lời tiên đoán. Song chế độ Hà Nội vẫn còn tồn tại mặc dầu biến chất đi nhiều. Lạc quan nay ở trong trận tuyến của ta. Ta chỉ đi lên, bọn chúng chỉ đi xuống. Trang sử đau buồn, đầy phản phúc, nham hiểm, tàn bạo từ 1945 đến nay sắp cáo chung. Cơ hội cho những người muốn đóng góp để xây dựng cho một nước Việt Nam thật sự tiến bộ và dân chủ, một xã hội công bằng và thịnh vượng sắp thành hình. Chỉ tiếc là thiếu mặt anh Trân, như lời nói cuối cùng của anh trước tòa án.

Anh Trân là người anh hùng bất đắc dĩ. Hoàn cảnh đã xô đẩy anh đứng trước một chọn lựa. Anh đã có chọn lựa đầy suy nghĩ và trách nhiệm. Việc phải làm, không đùn lại cho ai, tự mình gánh lấy. Anh chết đi để lại người vợ trẻ và hai con gái. Anh là người có thiện tâm, người tốt nhất trong chúng ta như lời Tổng Thống Kennedy: “Những người tốt nhất trong chúng ta đã chết”.

BS Phùng Văn Hạnh
(Trích đoạn Hồi ký của BS Phùng Văn Hạnh)
http://www.vietthuc.org

VĨNH KHANG * CHUYẾN VƯỢT BIÊN THỨ TƯ

Hồi Ký Vượt Biên (4) : Chuyến Vượt Biên Thứ Tư
Vĩnh Khanh (Thương Tặng Con Trai LVS) C/N 2011/08

Giữa tháng 03/1981 trong một dịp tình cờ ghé thăm Nguyễn Thành Lộc, đứa em kết nghĩa có một sạp bán quần áo cũ ở ngay trong chợ Khu Dân Sinh mà thỉnh thoảng đi đâu ngang qua tôi hay ghé vào chơi ; tôi gặp lại một người bạn cũ trước đây cùng chung một « tổ » sản xuất trong tù cải tạo với tôi, ở trại Cây Cầy A. Tên anh ta là Hồng (tôi quên họ), hàng ngày anh em cùng chung cam khổ, vui buồn ... trong một thời gian dài trong tù cải tạo . Sau khi chuyện vãn mấy câu thăm hỏi xã giao anh ta từ giã. Lộc hỏi tôi sau đó :

- Anh này tổ chức vượt biên, khách anh ta ở khu Dân Sinh này nhiều lắm. Có một lần em cũng định đi trong đường dây của anh ta đó chứ.
- Vậy hả ? Anh đâu có biết đâu. Chỉ quen với anh Hồng này hồi còn ở trong trại tù cải tạo. Sau khi về đến nay, bây giờ mới gặp lại anh ta lần đầu đó.

Thật tình mà nói, tôi nghe nói Hồng nằm trong tổ chức vượt biên thì mừng lắm, vì tôi đã đi thất bại 3 chuyến trước đây rồi. Nay nghe bạn cùng tù cải tạo với mình tổ chức thì thế nào cũng phải dò hỏi để xem may ra anh ta có thể giúp gì cho tôi được không. Tâm trạng của tôi như là người không có lối nào thoát thì gặp những gì có thể mang đến cho tôi niềm hy vọng thì dù mong manh nhưng có vẫn còn hơn là không.

Tôi ngồi nơi sạp bán quần áo cũ của Lộc chơi một hồi thì gặp lại Hồng đi trở lại, lúc đó anh ta rảnh việc nên chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê. Câu chuyện lây lan sang vấn đề vượt biên và sau khi anh ta xác nhận là đang tính làm thêm một chuyến, tôi ngỏ lời cho vợ chồng con cái tôi tham gia. Anh ta suy nghĩ rồi nói vì anh làm chung với mấy người nữa, nên không thể quyết định một mình được, anh phải hỏi lại ý kiến với mấy người trong cùng tổ chức rồi sẽ trả lời tôi sau. Anh ta hẹn tôi một ngày sẽ gặp lại và cho tôi biết kết quả luôn.

Mấy hôm sau, tôi gặp lại Hồng đúng ngày hẹn. Lần này anh cho biết là nếu vợ chồng và hai đứa con tôi tháp tùng thì phải đóng góp 3 chỉ rưởi vàng, nói là để phụ thêm tiền dầu, bến bãi ... chứ thật ra với 3 chỉ rưởi vàng cho cả gia đình như thế thì chẳng là bao. Thật tình mà nói, đúng là 3 chỉ rưởi vàng cho hai vợ chồng, hai đứa con thì không đáng gì trong chuyện vượt biên này cả, vì người ta quen nói chuyện « cây » này « cây » nọ ... trong vấn đề vượt biên. Nhưng khổ nổi, đối với tôi lúc bấy giờ, 1 chỉ vàng cũng không có chứ đứng nói cho đến 3,5 chỉ ! Tôi đành buồn bả rút lui, tự biết mình không có khả năng đó. Khi về nhà tôi có nói chuyện này với vợ tôi. Thú thật đây là dịp đầu tiên chúng tôi có thể tham gia vượt biên cả hai vợ chồng, hai đứa con. Ba chuyến trước, chỉ có tôi và thằng con trai mà thôi, nên cả hai vợ chồng đều tiếc cho cơ hội này lắm.

Bà Dì tôi thấy vợ chồng tôi cứ bàn tán rồi tỏ vẻ buồn hoài nên hỏi thăm, tôi đem câu chuyện ra kể cho Bà nghe. Bà Dì này là chị thứ Tư của Má tôi, vì Dì chỉ có hai đứa con, nhưng một đứa thì bị bệnh thần kinh ngay từ nhỏ, chỉ còn có ông anh tôi và từ nhỏ Dì đã nuôi tôi ăn học. Đa số thời gian từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành tôi ở nhà Dì nhiều hơn ở nhà Ba Má tôi. Nói đúng ra trước năm 1975, gia đình Bà Dì tôi tương đối khá giả, nhưng sau năm 1975 cũng như biết bao gia đình khác, gia đình Dì tôi lụn bại, sa sút nhiều. Tuy thế Bà Dì tôi vẫn giúp đỡ cưu mang cả nhà tôi khi từ rẩy bỏ về sống ở Sài Gòn. Dì tôi mở ra một trường dạy may cho vợ và hai đứa em gái tôi đứng ra dạy. Mặc dù học viên đến học khá đông, nhưng với lợi tức từ trường dạy may như thế cũng không đủ để trang trải cho toàn bộ hai gia đình của Dì tôi và gia đình tôi nhập lại. Việc kiếm sống lây lất qua ngày đã là một việc khó khăn rồi, nên những chuyện khác chúng tôi không dám hó hé gì tới Dì tôi cả. Nhưng nay Dì tôi đã hỏi tới, nên tôi kể lại cho Bà nghe câu chuyện thằng bạn tù cải tạo chung trại có thể cho hai vợ chồng, hai đứa con tôi đi được với số 3,5 chỉ vàng ... Bà Dì tôi nghe xong cũng buồn lắm, với số vàng như thế quả thật không nhiều, nhưng lại quá lớn đối với hoàn cảnh chúng tôi hiện tại. Hai ba ngày sau đó, Dì tôi gọi tôi lại và cho tôi biết bà sẽ cố giúp cho vợ chồng tôi và sẽ cho tôi 3,5 chỉ rưỡi vàng đó.

Thật là không còn gì mừng hơn nữa. Thế là tôi đi ngay lên Khu Dân Sinh, nhắn gặp Hồng. Hai hôm sau tôi gặp Hồng cho biết là nhờ bà Dì giúp đỡ nên tôi có thể đóng góp số vàng mà anh ta yêu cầu. Hồng bảo tôi cho địa chỉ rồi cứ ở nhà chờ, gần đến ngày đánh, anh ta sẽ đến cho hay và lúc đó lấy 3 chỉ rưởi vàng luôn. Như vậy thì ổn quá rồi ! Tôi mừng quá, về nhà nói lại cho vợ và Bà Dì tôi hay. Cả nhà hy vọng chờ đợi. Trong khi đó, tôi vẫn lên xuống Khu Dân Sinh và để ý theo dõi tình hình. Thằng Lộc, em kết nghĩa của tôi biết chuyện này, nên dò hỏi dùm tôi và được biết một vài người quen của nó cũng đang tham gia trong tổ chức này.

Khoảng 10 ngày sau, Hồng ghé nhà tôi cho hay là chuyến đi sắp bắt đầu, anh ta nói có mấy người khách cũng ở gần khu nhà tôi và ngày mai anh ta sẽ đến nhà họ lấy vàng cũng như sẽ cho biết chi tiết về chuyến đi sắp tới, anh ta cũng sẽ ghé nhà tôi và lấy 3,5 chỉ vàng luôn, bảo tôi chuẩn bị sẵn sàng ... Đúng 5 giờ chiều ngày hôm sau, anh ta đến nhà tôi nhận số vàng và sau đó anh ta đưa cho tôi 4 miếng thẻ bằng plastic mà anh ta gọi là thẻ lên tàu. Anh ta cho biết khi taxi đưa ra, để tránh việc đi "hôi" xảy ra, người ta sẽ hỏi thẻ lên tàu này, nếu không có thì sẽ bị từ chối không cho lên, do đó tôi phải giữ kỷ, không được làm mất ! Tôi nghe Hồng nói như thế, tôi không thắc mắc gì. Tôi hỏi Hồng :
- Làm sao tôi có thể liên lạc được anh ?

Anh ta trả lời :
- Để tránh tai mắt, tôi không ở một chổ. Nay chổ này, mai chổ khác ... Muốn liên lạc với tôi thì cứ lên Khu Dân Sinh, đến sạp bán quần áo cũ của chị P nhắn thì anh ta sẽ nhận được tin, vì khi lên Khu Dân Sinh giao dịch vần đề khách, anh hay ghé lại sạp bán quần áo của chị P này. Anh cho biết thêm, em chị P trước đây là khách của tổ chức này và đã đi thành công.

Thật tình mà nói, tôi tin lời Hồng ngay và vì trong thời gian trong tù cải tạo, anh em đã nhiều lần tâm sự, cam khổ khó khăn gì cũng chia sẽ, nay Hồng lại là người đang giúp chúng tôi, nên tôi không thắc mắc gì cả.

Trước khi chia tay, Hồng cho tôi biết :

- Chuyến đi sẽ bắt đầu trong vòng tuần tới. Sẽ có người đến đưa chúng tôi đi và chổ xuất phát bắt đầu ở bến Hàm Tử, từ đây ghe nhỏ sẽ chở chúng tôi đi ra hướng Phú Xuân, Nhà Bè, đi qua Rừng Sát và ráp nối với cá lớn trên sông Lòng Tảo rồi đi luôn ra biển.
- Vậy làm sao tụi tôi biết ngày nào đi để chuẩn bị ? Tôi hỏi.
- Cứ chuẩn bị sẵn sàng đi, tôi sẽ cho biết trước khi "đánh" một ngày.

Thế là chúng tôi sắp xếp, mua những vật dụng cần thiết cho chuyến đi, nhất là cho hai đứa nhỏ. Chuyến này là chuyến đầu tiên cả hai vợ chồng và hai đứa con cùng tham gia nên hai vợ chồng chúng tôi thấy vui trong lòng và hy vọng lắm. Bà xã tôi cứ nói : « Biết đâu số của vợ chồng mình khổ quá rồi nên Phật Trời thương tình cho cơ hội như vầy để cả gia đình cùng đi được với nhau và không còn xa cách nữa ». Ngày nào vợ tôi cũng cầu nguyện van vái cả.

Chúng tôi chờ đợi tuần lễ kế tiếp đó với tâm trạng thật nôn nóng. Cả tuần đâu có làm ăn gì được. Cứ sáng sớm tôi đạp xe lên Khu Dân Sinh, đến sạp bán quần áo cũ của Lộc ngồi nói chuyện chơi với nó, mục đích cũng chỉ là để dò hỏi xem có tin tức gì mới về chuyến đi sắp tới hay không ? Vì có mấy người khách ở đây cũng đang chờ như chúng tôi. Nhưng không có tin tức gì mới hết. Đến trưa lại đạp xe về. Cứ như vậy cả tuần lễ trôi qua cũng không thấy gì cả. Cũng không thấy ai đến nhà báo tin tức gì nữa hết ! Vợ chồng tôi lo lắm. Tôi lên Khu Dân Sinh và nhờ Lộc hỏi dùm chị P xem có gặp Hồng hoặc có tin tức gì của Hồng không ? Thì được trả lời là : « Không thấy Hồng đến, cũng không có tin gì hết. Ở đó cũng có mấy người đi khách cũng đang nôn nóng chờ và đang lo âu, không biết chuyện gì xảy ra ? ».

Tôi quả thật lo lắm, nhưng vẫn cứ bám vào hy vọng, vì được mấy người ở đó xác nhận là tổ chức của Hồng trước giờ đã làm mấy chuyến rồi, uy tín lắm ... Chỉ không biết tại sao lần này lại như thế này ... ? ?

Lại một tuần nữa trôi qua và vẫn bặt tin của Hồng. Tôi đã thấy không xong rồi. Một là Hồng đã bị bắt, hai là Hồng đã lừa gạt tôi và những người ở đây rồi trốn mất ! ! Tôi đi lên Khu Dân Sinh và đến sạp của chị P đó hỏi có cách nào nhắn được với Hồng không, thì chị cho biết là chị cũng không biết chổ ở chắc chắn của Hồng vì anh ta di chuyển và không khi nào ở một chổ nhất định. Tôi hỏi :

- Có ai biết vợ con của anh ta ở đâu không ?
- Không ai biết rõ ràng ở đâu cả, chỉ nghe nói là ở Nhà Bè.
- Nếu như vậy chuyến đi trước đây người nhà của chị đi thành công qua đường dây này thì chị liên lạc bằng cách nào ?
- Thông thường thì Hồng đến đây trao đổi tin tức.
- Nếu như chỉ có như vậy thì tại sao mọi người lại tin tưởng anh ta đến thế ?

Chị P cho biết :
- Ban đầu ở đây đâu có ai biết anh ta là ai đâu. Câu chuyện bắt đầu từ một người trước đây cũng buôn bán ở Khu Dân Sinh này lâu năm và rất có uy tín với tất cả bạn hàng ở đây. Anh này tính chuyện vượt biên và cùng tổ chức chung với Hồng. Mọi người ở đây sở dỉ biết Hồng là qua người bán hàng ở đây. Nhưng phải thành thật mà nói, họ tổ chức và làm ăn rất uy tín. Đã thành công mấy chuyến và cũng thất bại một hai chuyến, nhưng những người khách đi thất bại họ đều dàn xếp để đi chuyến chuyến kế và đều đi được hết. Chính vì thế nên khi Hồng đến đây, những người khách tham gia đều tin tưởng. Tôi cũng không biết tại sao lần này lại trục trặc như vậy ?

Tôi nôn nóng hỏi tiếp :

- Vậy bây giờ người cùng tổ chức với Hồng còn ở đây không ?
- Không ! Anh ta và toàn bộ gia đình đi trong chuyến chót thành công tới Mã Lai rồi. Trong chuyến chót, tôi có người em cũng tháp tùng đi chung.

Tôi thở dài :

- Nếu như vậy bây giờ không còn cách gì nhắn tin tới Hồng được hay sao ?
- Lúc trước thỉnh thoảng Hồng bận gì không tới được, thì có một người khác tới trao đổi tin tức. Hai ba bữa trước tôi còn thấy người này ở đây. Nhưng nghe đâu anh ta không có hợp tác chung với Hồng lâu lắm rồi.

Nghe nói vậy tôi vội hỏi ngay :
- Vậy anh ta ở đâu ? Chị làm ơn chỉ dùm cho tôi nhắn với Hồng đi, anh ta là bạn trong tù cải tạo với tôi trước đây. Tôi chỉ muốn nhắn anh ta để biết tin tức cho yên lòng. Tôi tham gia chuyến này thật tình mà nói phải nhờ bà con giúp cho mà sau khi đưa tiền cho Hồng rồi không có tin tức gì hết, tôi thiệt là khó ăn nói với bà con của tôi.

Tôi kể sơ cho chị P biết về tình cảnh khó khăn hiện tại của tôi, chị nghe qua thì cũng đâu biết phải làm sao ? Chị nói với tôi nếu chị có gặp người đó thì sẽ nhờ nhắn cho Hồng dùm tôi thôi chứ chị cũng đâu biết phải làm thề nào ? Tôi cũng hiểu vậy nhưng chỉ đành bám theo tia hy vọng cuối cùng này thôi. Tôi viết một bức thư nhỏ cho Hồng, đại ý kể rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi hiện tại và số tiền tôi đưa Hồng là do bà Dì giúp cho, vợ chồng tôi lại đang tá túc ở nhờ nhà bà Dì này, nay tôi gặp khó khăn, nếu Hồng nhận được tin này thì với tình bạn cùng cảnh khổ với nhau trong tù trước đây, xin hảy hoàn lại số tiền đó để tôi trả lại cho Dì tôi ... Tôi viết xong nhờ chị P cố gắng giúp dùm tôi, chị cũng nhận lời. Mỗi ngày tôi lại đến Khu Dân Sinh để thăm hỏi mà cũng vẫn không có tin tức gì thêm, niềm hy vọng lụi tàn theo mỗi ngày như vậy.

Trong khi đó vợ chồng tôi quả thật gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối diện với bà Dì của tôi. Bà đã cố gắng giúp vợ chồng tôi trong một hoàn cảnh mà tôi biết rằng Dì cũng khó khăn lắm mới có số vàng 3,5 chỉ đưa cho tôi như vậy. Nhưng sau khi Hồng lấy đi rồi và chuyến đi không thành, vợ chồng tôi bị bà Dì cằn nhằn mỗi ngày chịu không nổi. Mỗi ngày hể thấy mặt tôi là bà Dì lại la mắng về chuyện này ... Vợ chồng tôi thật không biết phải làm sao. Bà trách tôi là thời buổi này mà sao tin người quá vậy ? Nhà đang cảnh khó khăn đủ mọi thứ mà vẫn cố gắng lo cho chúng tôi, thà là đi không xong trở về thì cũng cam lòng, nhưng để bị gạt lấy mất tiền thì Bà giận tôi lắm. Dì tôi la mắng tôi là quá đúng. Chuyện này do lổi ở tôi hoàn toàn, tôi đã tin lời bạn quá. Than ôi ! Người bạn đồng cam cộng khổ với tôi trong tù. Đã từng chia sẽ với nhau những ngọt bùi cay đắng trong những tháng năm lận đận nhất, lại nỡ lường gạt tôi một số vàng 3,5 chỉ nhỏ nhoi như vậy sao ? Tuy đối với tôi vào lúc bấy giờ số vàng đó lớn lắm, rất lớn là đàng khác, nhưng tôi nghĩ cũng không đủ để bán rẻ đi tình bạn. Nhưng nói gì được nữa bây giờ !

Từ đó đến nay, tôi hoàn toàn không nghe được tin tức nào của Hồng nữa. Trong thâm tâm, dù chuyện này rõ ràng là tôi đã bị gạt, nhưng tôi vẫn hy vọng là Hồng gặp chuyện gì đó bất trắc nên không liên lạc được với tôi, chứ không phải là anh ta đã lường gạt tôi. Cố nghĩ như thế để tôi thấy lòng mình bớt bị đau đớn. Ngồi viết lại mấy dòng này mà tôi cảm khái lắm. Đây chưa phải là một chuyến đi vượt biên hẳn hoi, nhưng dù sao nó cũng là một trong những dự tính, sắp xếp cho một chuyến đi và đã bị « thua non » nữa chừng. Đoạn đường đi tìm Tự Do của tôi đã có lúc gặp phải những chuyện buồn lòng, bực bội còn hơn là những vất vả cực khổ của thân xác.
Vĩnh Khanh, Phố Đá Tròn 2005/07

TẠ TỴ: HỒI KÝ VĂN NGHỆ


TẠ TỴ: HỒI KÝ VĂN NGHỆ



TẠ TỴ


Tôi vẫn làm ở Nha thông tin, ngày 2 buổi. Phòng Tranh tôi đóng cửa lâu rồi, nhưng dư âm vẫn ồn ào qua báo chí. Tôi quen thêm Nguyễn Phố , em ruột Nguyễn Giang , cùng làm ở Nha thông tin. Anh chuyên làm bản kẽm. Nguyễn Phố cũng mê hội họa lắm. Anh mua của tôi một tấm tranh đắt gấp 3 lần số lương hàng tháng, nhưng nhờ có nghề làm bản kẽm, nên anh có tiền. Nhưng có tiền là một chuyện, mua tranh lại là chuyện khác. Rất nhiều người giàu, nhưng không mua tranh, vì không biết được giá trị của hội họa. Phần lớn người mua đều thuộc thành phần trí thức Việtnam. Ngoài Nguyễn Phố, nhà văn Vũ Bằng, nhà văn Ngọc Giao cũng mua, mỗi người 1 tấm. Tôi rất sung sướng, không phải vì đã thu về được số tiền lớn, mà chính vì đường của trường họa, tôi đương theo đuổi, đã có một số người thưởng thức- nó báo hiệu con đường rẽ củanghệ thuật tạo hính Việtnam bắt đấu đi tiên phong trong cung cách cấu tạo hình thể, màu sắc củatranh lập thể và gọi tôi là Picasso Việtnam. Nhưng theo ý tôi , không đúng như vậy. Về phương diện chuyên môn, tuy cùng theo một phương pháp cấu tạo họa phẩm; nhưng mỗi họa sĩ có lối diễn tả riêng. Điều này rất dễ nhận biết , nếu chúng ta để 2 tác phẩm: 1 của PICASSO, I của BRAQUE bên cạnh nhau, sẽ thấy sự cách biệt ; tuy cả 2 đều đi tìm chiều thứ 4 ( 4è dimension) , tức chiều động của sự vật được mang vào nghệ thuật tạo hình. Cái khối phương lập ( cube)mà Picassodùng không phải là cái khối mà BRAQUE hoặc GLELZESS đem áp dụng trong kích thước hoạ phẩm của mình. Sự cái biệt của mỗi họa sĩ tạo cho mỗi người chỗ đứng riêng rẽ, không trộn lẫn, không dung hòa. Nó là định luật chung của mỗi trường phái tạo hình. Những tác phẩm của tôi cũng không đi ra ngoài định luật đo, vì thế, không thể có sự so sánh, hoặc sự trùng hợp giữa tôi và Picasso hoặc của các danh họa tây phương khác- tôi chỉ là người họa sĩ Việtnam mở đường, phá vỡ cái quan niệm cũ rích của nền hội họa do Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo, đạp đổ bức tường thành kiến, coi người họa sĩ là chiếc máy chụp hình, một người thợ vẽ không hơn là nhà sáng tạo .


Sau cuộc triển lãm, tôi vững tin vào con đường hội họa mới, nhưng không phải tôi dừng tài năng ở trường Lập Thể mà tôi còn muốn đi xa hơn nữa , vì sau đệ 2 thế chiến , trường họp này đã bắt đấu già, trường trường Trừu Tượng đã khởi sắc, đang vươn lên giữa vùng trời sáng rực hào quang bên Âu châu.


Từ ngày thêm anh em hồi cư về Hànội, đời sống có phần vui hơn, nhưng cung cách sinh hoạt không còn như trước nữa. Đời sống của Vũ Hòang Chương, Đinh Hùng vẫn không có gì đáng khích lệ. Họ vẫn sống lây lất, qua sự đùm bọc của một số anh em có lòng. Bùi Xuân Phái và vợ sống nhờ vào đại gia đình. Tôi vẫn thường đến thăm Phái tại căn gác phố Hàng Bút. Tâm sự của Phái nặng chĩu ưu tư, ohiền muộn; vì sau những năm kháng chiến, lúc trở về cũng chẳng làm gì hơn là quanh quẩn trong gian phòng hẹp, với 5, 7 bức tranh quen thuộc. Trong khoảng thời gian này, Bùi Xuân Phái thường vẽ người – nhất là vẽ vợ, chứ ít vẽ phố -mặc dù vẽ phố - là sở trường của anh. Phái có người em họ: Bùi Xuân Uyên , ở phố hàng Quạt , đang chủ trương tờ tạp chí THẾ KỶ .


Một hôm, nhân cuộc găp gỡ bất ngờ, Phái giới thiệu tôi với Bùi Xuân Uyên , bằng lời lẽ rất nồng nhiệt. Bùi Xuân Uyên dáng người tầm thước, có khuôn mặt lưỡi cày, đôi mắt to sáng. Đặc biệt đôi lông mày rậm như 2 vết mực. Anh có nụ cười thật hồn nhiên, 2 đầu môi như lúc nào cũng kéo lên, làm chiếc miệng rộng hẳn ra. Anh có tú tài toàn phấn Pháp. Vợ anh tên MÉN, người phốp pháp , trắng, nổi tiếng đẹp ở phố Hàng Bông, chuyên bán mền và mùng. Về sau, chị Uyên cũng viết truyện ngắn trong tờ Thế Kỷ, dưới bút hiệu XUÂN NHÃ. Khi gặp, Bùi Xuân Uyên ngỏ ý mời tôi và Bùi Xuân Phái vẽ bìa cho tờ Thế Kỷ mỗi kỳ, sau, thỉnh thoảng, Phạm Khanh cũng có vẽ và viết cho tờ báo.


Tờ Thế Kỷ có mặt, do vài anh em làm công chức bỏ tiền ra in, nhằm mục đích phổ biến kiến thức văn hóa. Nguyên tắc chung của nhóm, ai viết sao, vẽ sao, làm gì cũng được, miễn chịu trách nhiệm về công việc của mình. Người bỏ tiền cũng như người viết, vẽ giúp ai, ai cũng có quyền riêng, không nhận sự chỉ huy dưới bất cư hình thức nào. Trên phương diện pháp lý, Bùi Xuân Uyên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, còn quản lý do chị Mến đứng tên. Trên thực tế, nhóm THÉ KỶ gồm có 4 nhân vật chính: những người đã bỏ tiền ra mỗi tháng để ấn hành tờThế Kỷ là ; BÙI XUÂN UYÊN, TRIỀU ĐẨU, TRÚC SĨ và VIÊN PHONG. Bùi Xuân Uyên dạy học, Triều Đẩu công chức cấp cao, Trúc Sĩ làm ở Kho Bạc, và Viên Phong là chánh sở Nha nhân viên . Trừ Bùi Xuân Uyên, còn các tên khác đều khác đều là bút hiệu. Trúc Sĩ, trước làm lục sự tại tòa án khi ở trong kháng chiến, anh làm ủy viên Tòa án nhân dân. Lúc vào Thành, anh mới làm ở Kho Bạc. Ở Hànội vào những năm 1951 – 1952 và 1953, chỉ có tờ tạp chí THẾ KỶ , cơ quan ngôn luận độc lập, chuyên về văn học, khảo cứu cũng như sưu tầm tài liệu có ích cho sự hiểu biết chung, chứ không dính dáng tới chính trị. Vì nhìn rõ mục đích, nên tôi vui lòng hợp tác với nhóm THẾ KỶ qua lời giới thiệu của Bùi Xuân Phái.


Sau cuộc triển lãm , tôi thấy cần phải nghỉ vẽ một thời gian để quên đi những hình thể , và màu sắcx mình đã dùng rồi, nếu mình còn muốn tiến xa hơn. Trong lúc rảnh, chả biết làm gì, tôi tập viết trruyện ngắn và làm thơ. Khi còn ở vùng kháng chiến, tôi đã viết truyện ngắn, nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu, như đứa trẻ tập đi. Nếu viết để chơi, không sao; nhưng muốn sau khi viết, còn để lại chút gì, đó lại là một vấn đề khác. Vẽ có kỹ thuật của vẽ, văn chương có kỹ thuật của văn chương, không phải chuyện đùa . Do vậy, tối tối, tôi ngồi viết, viết chán lại sửa làm sao cho câu văn có tác động tâm lý sâu sắc đối với độc giả.


Nếu trong những bước đầu mới của tôi ở hội họa có Bùi Xuân Phái , Nguyễn Sáng khuyến khích, thúc đẩy, thì trong văn chương, bước đầu, tôi được nhà văn Ngọc Giao luôn luôn thúc giục và sẵn sàng đọc lại, cho ý kiến về bài viết.


Nhờ đó, dần dà tôi viết khá hơn.

Nhà văn Ngọc Giao * có một thời gian làm chủ bút tờ Tiểu thuyết tử bảycủa nhà TÂN DÂN. Anh là cây bút rất nổi tiếng của độc giả trung lưu, nhất là phụ nữ, vì văn anh bóng bảy, nhẹ nhàng, với cốt truyện thuần túy tình cảm. Anh không được các trí thức, có tầm hiểu biết cao rộng ưa, vì họ cho rằng văn chương của anh thuộc loại tầm thường, không sâu sắc, chỉ để cho đàn bà, con gái đọc thôi. Riêng tôi, thấy sự chê đó chỉ đúng một phần nhỏ, vì mỗi nghệ sĩ đều có cá tính riêng ở bất cứ ngành nghệ thuật nào; do vậy, nếu văn Ngọc Giao chỉ làm thỏa mãn sự thưởng ngoạn của một số người nào đó, âu cũng do biệt tài của anh vậy. Ngọc Giao tuy là nhà văn, nhưng rất yêu mỹ thuật; vì vậy, khi gặp, mến tôi ngay. Chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi trở thành bạn thân. Ngọc Giao, con người rất đa tình. Theo tướng số, anh có dáng người tầm thước, hơi mập một chút, khuôn mặt thô, với mái tóc rợn sóng và cặp mắt sâu không lúc nào mở to, luôn luôn dim dim mơ mộng, với đôi môi dầy chúm lại, như lúc nào cũng thèm khát yêu đương! Với hình dáng đó, anh tránh sao được chiếc lưới ái tình mà định mệnh lúc nào cũng giăng sẵn ở dọc đường. Tuy anh có tới 2 vợ, mà vẫn chưa thỏa mãn? Đặc biệt, Ngọc Giao rất mê xem đá bóng. Không một trận cầu quốc tế nào thiếu mặt anh ở sân cỏ Mangin , gần thành Cửa Bắc. Anh thuộc tên từng cầu thủ và lối chơi của họ.
———–
* Ngọc Giao ‘ đạo 1 cốt truyện ’ của Somerset Maugham để viết ‘ Cầu sương hay thiếp phụ chàng’ ( Nxb Thế giới Hànội in) gây một dư luậm ồn ào một thời ở Hànội, (TP)
————-
Tinh tình anh trái ngược hẳn với nhà văn Vũ Bằng. Vũ Bằng rất thâm trầm, kín đáo. Lúc nào cũng tỏ ra lịch sự, nói năng rất nhỏ nhẹ, đôi khi tỏ ra lễ độ; nhưng sự thực không biết anh đang nghĩ gì trong bụng. Vũ Bằng cũng có vóc người mập mạp, nhưng nước da hơi đen, tóc lúc nào cũng hớt ngắn, trông gọn gàng chứ không bay bướm như Ngọc Giao. Vũ Bằng cũng thuộc nòi tình, khi chưa lập gia đình, nhưng từ nag2y lấy vợ, người vợ già hơn anh nhiều tuổi, nhưng nhiều tiền. Từ đó anh không chơi bời nữa ! Tôi nghe nói, hình như vợ anh, người trong thân tộc, anh gọi bằng cô. Có lẽ vì lý do đó, nên ít khi anh mời ai về chơi nhà, trừ bạn thân lắm. Khi tôi quen anh, vì cùng làm ở Nha thông tin, anh đã cai thuốc phiện từ lâu, anh có viết cuốn hồi ký CAI, để cảnh tỉnh giới thanh niên, chớ nên đi vào con đường thuốc sái. Cuốn sách trước khi in đã đăng tải từng kỳ trên báo TRUNG BẮC CHỦ NHẬT, do Nguyễn Doãn Vượng chủ trương. Văn chương Vũ Bằng ngắn, gọn, sâu sắc.


Người mở cánh cửa đầu tiên cho Vũ Bằng bước vào nghề văn là LÃNG NHÂN- PHÙNG TẤT ĐẮC , khi nhà văn này làm chủ bút báo ĐÔNG TÂY ( khoảng 1931) . Vũ Bằng viết rất nhiều loại, ký dưới nhiều bút hiệu như Tiêu Liêu, Thiên Thư, Vạn Lý Trình v.v …


Cuốn CAI sau này được tái bản tại sàigón, dưới nhan đề PHÙ DUNG ƠI, VĨNH BIỆTdo nhà THẾ GIỚI xuất bản. Cuốn này có sửa chữa lại chút ít, so với cuốn CAI in trước kia. Vũ Bằng sống rất khép kín, ít khi tâm sự với ai. Anh yêu hay ghét, cũng không đoán được, vì nó không lộ trên nét mặt.

Nhà văn Ngọc Giao và Vũ Bằng cùng hợp tác, để làm việc cho tờ TIỂU THUYẾT THỨ BẢY của nhà in TÂN DÂN - họ không ưa nhau bao nhiêu, một phần vì tính tình không thích hợp . Ngọc Giao luôn luôn cở mở,còn Vũ Bằng lúc nào cũng thu hẹp; riêng cái đặc tính ấy cũng đủ làm cho xa cách, còn nói gì đến đường lối văn chương ?! “ *
—–
* Biên tập cho in chữ nghiêng. .
———
Sự thực, những truyện ngắn do tôi viết vào những năm 1951 -1952 hãy còn yếu lắm ! Tôi mới chỉ như đứa trẻ đi những bước đầu. Nhưng lúc đó tôi đâu có biết, cứ tưởng, nếu bài của mình viết được đăng trên tờ THẾ KỶ là có giá trị rồi.


Và sau khi vào trong Nam , có thời gian xem lại, tôi mới hay mình chưa có kỹ thuật; dù ý tưởng tuy có xúc tích. Nhưng, những truyện ngắn tôi viết vẫn được đăng đều đều, có lẽ, do hảo ý Bùi Xuân Uyên và các anh em khác trong nhóm.


Triều Đẩu, người to lớn, bệ vệ, húi cua, tác phong đúng công chức , viết trruyện ngắn rất sâu sắc , nội dung nghiêng về xã hội phan lẫn chút ít chính trị. Tính tinh anh rất hồn nhiên, nhất là nụ cười, nửa bao dung, nửa kiêu bạc. Anh không bao giờ chê ai, còn khen, nếu có, cũng rất chừng mực. Cái gi đối với anh, hình như cũng là trò đùa. Anh nói với tôi :


- Anh ơi, viết cho vui ấy mà, cho quên đi những lo nghĩ vẩn vơ và cũng để cho đời mình thêm chút hương vị, nhất là được tiêu dùng những trước phút trống rỗng !

Thỉnh thoảng , tôi có ghé thăm anh ở phố Hàng Quạt. Anh rấtc ó hiếu đối với mẹ. Tuy đã lớn tuổi, đứng trước mẹ , anh vẫn ngoan ngoãn như đứa con nít. Còn đối với bạn bè, giúp được ai cái gì, anh giúp ngay không ngại khó khăn. Triều Đẩu, ngoài văn tài, anh còn là người co tư cách. Nhưng thật đángt iếc, khji di cư vào Nam,anh viết rất ít, có lẽ cái văn phong của anh không thích úng với sự thưởng ngoạn của dân chúng miền Nam. Đau khổ hơn nữa, anh lại gắn bó với nàng Phù Dung tiên nữ và nàng đã dìm sâu đời anh cùng sự nghiệp văn chương xuống vực thẳm . *
——–
* Triều Đẩu vào Nam , địa chỉ cuối cùng ở Phú Nhuận, số nhà 53 Trương tấn Bửu (nay Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận). Ông bà có 1 đứa trai độc nhất ( enfant unique ) cho sang Pháp học. Có sáng tác vài cuốn, trong đó
MEN RƯỢU ĐẾ ( truyện dài in rô-nẹ-ô trong Nxb Đại nam văn hiến ) và NĂM CHƯƠNG TỰ NGÔN ( tự sự kể đời làm văn) in linograph rất đẹp tại Kim Lai Ấn quán / Nguyễn Doãn Vượng. Có dịp thuận tiện, tôi sẽ cho POST cuốn tự sự kể NĂM CHƯƠNG TỰ NGÔN , bìa do họa sĩ Hoàng lập Ngôn phác họa chân dung. (TP)
—————-


Sau Triều Đẩu, đến Viên Phong, anh này thường viết những bài nghiên cứu về văn học, cũng như chínht rị. Viên Phong có một kiến thức khá rộng, anh có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt nhẹ nhàng, luôn luôn đăm chiêu, hình như lú nào cũng như đang suy tư, kể cả lúc đi đường. Anh nói năng nhẹ nhàng, ít khi thấy cười. Tôi nghe có người nói, chính Viên Phong mới là linh hồn của tạp chí THẾ KỶ, chứ không phải là là Bùi Xuân Uyên. Theo riêng tôi, dù Viên Phong hay Bùi Xuân Uyên, cũng thế thôi, vì họ đâu có dùng tờ THẾ KỶ làm bực thanh danh vọng.


Sau Viên Phong, phải nói đến Trúc Sĩ. *, nhà văn chuyên viết truyện quái đản trong tờ THẾ KỶ. Dù là nhà văn , nhưng có lẽ vì làm công chưc lâu ngày , nên tác phong Trúc Sĩ không có gì là nhà văn cả. Từ cách ăn mặc đến lới nói, cười, đi, không có vẻ gì là dáng dấp nghệ sĩ, nhà văn cả. … Nhưng đó chỉ là cung cách bề ngoài, khi giao du với anh, mới biết con người Trúc Sĩ rất hào phóng, thành thực. Chỉ có cái khổ, anh bị nghễnh ngãng; nên nói chuyện tâm tình với anh không được, muốn gì phải nói to.
——-
* Trúc Sỹ cũng dinh líu tới một vu đạo văn. Xem thêm trong NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950-1956 / THẾ PHONG, Đại nam văn hiến xuất bản, Saigon 1959, 1965) ( hoặc tại web Newvietart.com France )
—————–


Trường hợp của anh giống như nhà văn, nhà cách mạng Trọng Bình vậy. Trọng Bình còn bị nặng hơn Trúc Sĩ nhiều, nhưng đâu phải lỗi ở họ, mà do bệnh tật làm phiền lụy. tạp chí THẾ KỶ còn được sự hợp tác của các nhà văn, nhà báo khác nữa- trong đó có THẠCH TRUNG GIẢ* , nhà toán học NGUYỂN XUÂN VINH **,nữ sĩ Thụy An, Tương Phố.
———-
* tập sách CHÂN GIẢ LUẬN của Thạch Trung Giả, bản in rô-nê-ô đầu tiên trong Nxb Đại nam văn hiến , không xin cấp phép, sau Lá Bối tái bản lại. (TP) .
** Nguyển Xuân Vinh ( 1930 Yên Bái - ) đậu tú tài toán, bắt đầu tập viết văn , thường gửi bài lai cảo tới các báo ở Hànội, trong đó có tạp chí THẾ KỶ. Sau tốt nghiệp phi công ở Pháp, từng giữ chức Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng Hòa thời chính phủ Ngô Đình Diệm, tác giả tập truyện ngắn’ Đời phi công’ ( bút danh Toàn Phong) ( được giải ba Văn chương thời Đệ I VNCH 1962 ) , có cấp bằng Ph.D Aerospace (USA), Docteur Es- Science ( Sorbonne, France), giáo sư thường trực đại học Michigan (USA), có chân trrong NASA ( Hoa Kỳ). Vợ cả Nguyễn Xuân Vinh là con gái tuần phủ Cung Đình Vận, vai vế trên đối với trung tá KQ / VNCH Cung Thúc Cần - bởi Cung Thúc Vận là chú ruột CungThúc Cần . ( Cung ThúcCần có bút danh Cung Trầm Tưởng). Hiện Toàn Phong – Nguyễn Xuân Vinh ở San Jose ( 2012). (TP) .
—————
Một buổi , tôi đến thăm Triều Đầu, vô tình gặp nhà văn Toán Ánh, người chuyên viết về tiểu thuyết phong tục tiểu thuyết và phong tục… Toan Ánh cũng là công chức. Tính tình mực thước, đại khái giống như chuyên môn “sớm vác ô đi tối vác về” .


Toan Ánh viết dễ dãi, khiông cầu kỳ, chọn chữ, miễn sao lời văn diễn đạt được ý` tưởng là xong. Hơn nữa, tất cả những đề tài được anh viết ra, đều nằm trong phạm vi xã hội đã có, đã hình thành như vậy rồi – anh chẳng cần thêm thắt, bày đặt để có một nội dung hấp dẫn như nhà văn Trần Tiêu, tác giả CON TRÂU , lúc đầu in trong báo NGÀY NAY, sau Tự Lực văn đoàn xuất bản. Trần Tiêu nhiòn người dân quê với phong tục, tập quán; tuys ẵn có, nhưng mục đích dựa vào phjong tục tập quán để nói lên thân phận con người thấp cổ, bé miệng bị cường hào ác bá trấn áp, bóc lột; tạo nên bao cảnh huông bi phẫn, thương tâm, trong lòng nảy sinh mối căm thù chống phong kiến. Từ đó, tiến lên làm cách mạng. Toán Ánh không như vậy. Truyện của anh hiền hòa như một bức tranh, có trời mây, có lũy tre, có những con người sống yên phận, cam chịu sự an bài của định mệnh. Văn là người ( le style , c’est l’homme) , từ ngữ này rất đúng áp dụng vào Toan Ánh. tên thật của anh là TOÁN , anh đổi ngược lại chữ ANH TOÁN thành TOAN ÁNH . Dáng người anh trung bình, không có gì đặc biệt, bởi vậy, vẽ chân dung anh bằng ngôn ngữ rất khó, càng khó hơn, khi nói đến nghệ sĩ tính của anh, vì anh không có nghệ sĩ tính nào trong đới sống cả. Sống ở trong Nam được chừng đâu đó mươi năm, chị Toan Ánh qua đời. Vì lòng yêu thương vợ hiền, anh viết cả một cuốn sách với đầy đủ hình ảnh từ thuở lấy nhau tới ngày vĩnh biệt. Lời văn vô cùng bi lụy. Cuốn sách in ở Kim Lai ấn quán thật đẹp, chỉ dành tặng bạn bè và họ hàng nội ngoại.


Nguyễn Xuân Vinh , nhà toán học nổi tiếng tại nước Mỹ, người đã đóng góp một phần công lao vào công việc hoạch định đường lên mặt trăng, từ mấy chục năm trước, khi xưa, thỉnh thoảng cũng có viết bài cho THẾ KỶ. Nguyễn Xuân Vinh khi đó còn trẻ lắm, tôi ít giao thiệp, nên không biết nhiều về anh; chỉ đọc thôi.


Thi sĩ Hoàng Công Khanh thỉnh thoảng cũng cho đăng tải thơ trên tạp chí THẾ KỶ, ngoài ra tờ THẾ KỶ còn được sự trợ giúp đỡ thừơng xuyên của 2 nhà văn nữ: Tương Phố và Thụy An.


Tương Phố , tác giả tập GIỌT LỆ THU. Đây là một tập thơ khóc chồng thật thống thiết ! Ở trong khoảng thời gian thập niên 40, ít có nữ sĩ lắm, do vậy, sự nổi tiếng của nữ sĩ Tương Phố, người mảnh khảnh, dáng đi như đàn ông, giọng nói sắc, đôi gò má hơi cao. Theo các cụ thì, người đàn bà nào có tướng như vậy đều sát phu. Có lẽ, tướng số đã nói đúng trong trường hợpTương Phố, vì nữ sĩ đã mất chồng từ lúc rất trẻ. Khi tôi được gặp, nữ sĩ vẫn quấn khăn trên đầu, như những người đàn bà Việtnam cổ, lời nói, dáng điệu rất lịch sự, thanh nhã. Tương Phố nhiều hơn tôi gần 20 tuổi; nhưng không vì thế mà có sự cách biệt về cảm nghĩ trong chiều hướng vă nghệ. Nữ sĩ Tương Phố rất giỏi Hán văn, thường dịch thơ Đường - đôi khi cũng có thơ sáng tác- nhưng đó là những vần thơ buồn bã. Hình như định mệnh đã an bài đời sống tinh thần cũng như vật chất của nữ sĩ, làm sao mà trốn chạy ? Tôi nghe nói nhà thơ Đông Hồ , khi vợ chết, cũng làm thơ khóc vợ, có ra Hànội thăm nữ sĩ Tương Phố. Cuộc thăm viếng này không biết có ẩn giấu ý tình nào không, tôi không dám quyết, chỉ biết, sau khi ở Hànội về, Đông Hồ có làm mấy bài thơ, trong số những bài đó, có một, hai bài mang nhiều ẩn dụ. Anh em đọc và suy luận lung tung, nhưng vì kính trọng nữ sĩ Tương Phố, không ai nỡ hỏi, hoặc đề cập gần, xa về những bài thơ của Đông Hồ.


Còn nữ sĩ Thụy An, một trong những nữ sĩ đầu tiên đã nhảy vào làng báo, tôi biết tiếng từ lâu, nhưng qua tờ THẾ KỶ mới được gặp. Chị dáng người cao, gầy, người nữ đầu tiên * nhảy vào làng báo, nhìn bề ngòai thời trang hơn Tương Phố xa. Công việc của chị ở VIỆTNAMPRESS rất bận, chị vẫn viết đều cho THẾ KỶ , lúc là truyện ngắn, khi thơ.


Nữ sĩ Thụy An có đôi mắt sáng dễ sợ , khi nói chuyện, cặp mắt long lanh, vừa thông minh, vừa bén nhậy, hình như với đôi mắt ấy, chị có thể nhìn rõ tim gan người đối thoại.


Chị còn có đôi bàn tay với 10 ngón rất dài. Chị ăn nói lưu loát, có lẽ, vì lý do nghề nghiệp, chị trở thành con người linh hoạt. Nữ sĩ Thụy An giỏi Pháp ngữ, chịu đọc sách. Chị thích văn chương Nga, nhất là Dostoievsky, chị rất khâm phục. Khi trước, chị là chủ nhiệm tuấn báo ĐÀN BÀ, lại có một tác phẩm tiểu thuyết rất nổi tiếng MỘT LINH HỒN. Tôi cũng không hiểu sao chị lại thích thơ của tôi đăng tải trong THẾ KỶ. Thú thật, tôi cũng rất hãnh diện và sung sướng khi được khen, nhất là được nghe chị đọc lại những đoạn thơ mình làm. Tôi cũng như nữ sĩ Tương Phố và thụy An chỉ là cây bút tài tử, viết cho vui, chứ quả tình không biết tới sự điều hành, chi, thu của Thế kỷra sao ? Có nhiều hay ít độc giả ? Lời hay lỗ? Chỉ biết một điều, người viết không có nhuận bút, bây giờ gọi là viết chùa. Nhưng, như cái lệ, sau mỗi số báo phát hành , Bùi Xuân Uyên triệu tập anh em đánh chén một bữa tại một tiệm cơm Tàu nào đó ở Bờ Hồ chẳng hạn. Tiệm này không phải tiệm sang hoặc có món ngon, mà nó có địa điểm tốt, vừa ăn, vừa nhìn thấy Hồ Gươm. Nếu không có bữa ăn hàng tháng này, chắc ít anh em có dịp gặp nhau đông đủ. Bút hiệu Thụy An về sau được thêm hai chữ thành Thụy An- Hoàng Dân. Tôi nghe anh em nói, Hoàng Dân là bí danh của Đỗ Đình Đạo, giám đốc cơ sở Quân thứ lưu động, dưới thời thủ hiến Nguyễn Hữu Trí, người tình của chị Thụy An. Việt Minh rất căm thù cơ sở này, vì nhiệm vụ của nó là bình định, nới rộng khu do Quốc gia kiểm soát. Vào đầu năm 1954, tôi có gặp lại chị Thụy An tại Saigon, chị mời lại chơi, ở đường Võ Tánh. năm đó, tôi đã trở thành quân nhân, phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu, năm trên đường quận 5. Tôi viết một truyện ngắn tựa đề CẨM NHUNG đăng trên tờ ĐỜI MỚI , chủ nhiệm Trần văn Ân. Chị Thụy An có đọc truyện ấy, khen hết mình. Chị nói:


- …nếu cứ viết như thế, anh sẽ trở thành một Dostoievsky Việtnam.


Tôi cảm ơn, nhưng trong lòng hơi buồn !


Lời khen của chị Thụy An hôm nay không giống như lời chị khdn thơ tôi bữa trước, vì lý do đơn giản, tại sao, khi tôi vẽ tranh Lập Thể, ai nấy đều khen tôi là Picasso Việtnam , còn viết văn lại bảo sẽ trở thành Dostoievsky ? Quả tình, tôi không muốn vậy ! Tôi muốn tôi là tôi, nghĩa là không giống ai, cũng chẳng ai giống tôi. Tôi có thể là hòn núi, cũng có thể là viên sỏi nhỏ, nhưng cả hai đều riêng biệt.


——–* người nữ đầu tiên làm chủ nhiệm báo là SƯƠNG NGUYỆT ANH ở Nam Kỳ. Nữ chủ nhiệm là con gái nhà ái quốc Nguyễn Đình Chiểu. Thụy An , chủ nhiệm báo ĐÀN BÀ, từng in ảnh một phụ nữ đẹp sau là nữ sĩ THƯ LINH, tác giả Những dòng thơ hoa, Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Những dòng thơ dĩ vãng … người đã tiết lộ cho Thế Phong về chuyện tình T.T.KH … NÀNG LÀ AI? chính là VÂN CHUNG- TRẦN THỊ VÂN NƯƠNG. Cuốn này sau được Amazon. com tung lên mạng Kindle Direct Publishing, in COPY bán một used from 30 USD / cuốn ( nay đã tạm ngưng – tháng 6/ 2012) , không xin phép, không trả bản quyền. -


———


Cái đó mới quan trọng, mới có giá trị thực. Tôi gặp chị Thụy An lần đó, lần sau cùng, ít hôm sau, chị ra lại Hànội. Tới khi giưã Pháp và Việt Minh chia đôi đất nước, 20 tháng 7 năm 1954, chị không di cư vào Nam, ở lại Hànội. Mấy năm sau, tôi được tin chị đã đầu độc Đỗ Đình Đạo, người tình của chị, thù địch của Việt Minh, để làm vui lòng những kẻ chiến thắng một nửa đất nước Việtnam. Sự kiện trên, tôi viết một cách dè dặt với nhiều nghi vấn vì không lý gì, một con người như chị Thụy An, dám hy sinh người tình để phục vụ cho lý tưởng Cộng sản , lại có thể bị Cộng sản kết án phản động và bị cải tạo đúng 20 năm ! Trong lúc ở tù, vì quá uất hận chế độ Cộng sản, chị đã dùng bút chọc thủng một mắt, để mang tật suốt cuộc đời !


Vào năm 1981, sau khi đi cải tạo được tha về, anh Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tạp chíBÁCH KHOA , đã mấy lần đưa tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Vinh để gặp chị Thụy An- nhưng cái số tôi vô duyên đối với cả 2 nữ sĩ, dù đã leo mấy cầu thang cao chót vót, chả lần nào được gặp ! Chị Thụy An cũng muốn gặp lại tôi, nhưng không biết nhà, nhắn rằng, muốn gặp chị, cứ lại nhà Nguyễn Thị Vinh . Bấy giờ chi Nguyễn Thị Vinh đang ở Hòa Lan, còn chị Thụy An vừa mới ra người thiên cổ, sau gần cả cuộc đời gánh chịu nhục nhằn, ray rứt tại giữa lòng đất nước Việtnam trùng trùng đau khổ, từ tinh thần đến vật chất.


Khi đang tuổi thanh niên, tôi cũng thường uống rượu, nhưng không uống được nhiều. Trong số bạn bè làm chung sở, tôi thường đi uống rượu với Nguyễn Hoạt, tức Hiếu Chân sau này.


Nguyễn Hoạt có kiến thức rộng, giỏi cả Pháp lẫn Hán văn, như Vũ Hoàng Chương vậy. Anh và Mặc Thu được tuyển dụng vào Nha thông tin Bắc Việt cùng một thời gian, cũng như tôi, làm việc theo khế ước, 6 tháng ký lại một lần, với bậc lương 3000 đồng / tháng . Số lương này tương đối đầy đủ, nếu gia đình ít người, vì thời giá 1951-1952 tại Hànội tương đối rẻ. Do vậy, chúng tôi mới ó tiền để mời nhau uống rượu, nay chỗ này, mai chỗ khác. Mặc Thu lúc ấy chưa ai biết đến, ngoài công việc chuyên môn, tuy có` viết văn. Mặc thu trông có vẻ thư sinh, dáng người nho nhã. Khuôn mặt thanh thoát, với 2 hàng ria mép con kiến, làm khuôn mặt có duyên khi cười. Anh nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, đúng ra, nghe nhiều hơn nói; do vậy, khó mà đoán được ẩn ý. Tuy biết uống rượu, nhưng Mặc Thu ít đi chơi với anh em, một ophần nặng gánh gia đình, không lẽ uống rượu của anh em hoài, lại không mời lại ? Do vậy, tôi ít khi thấy anh la cà ở nơi anh em thường tụ tập. Đặc biệt Mặc Thu viết rất tốt. Anh thường viết một mạch, ít khi sửa chữa. Cũng vì tính tình và hàon cảnh gia đình, nên tôi và Mặc Thu chỉ quen, không thân, giống như trrường hợp Nguyễn Hoạt và tôi. So với Hoàng Lập Ngôn , Ngọc Giaovà Tú Be , thì Nguyễn Hoạt người nhỏ thó, mặt xươngt xảu, vầng trán cao, sói ờ bên như chữ V. Tính tình hoà nhã, đôi lúc tỏ ra khinh bạc ! Có những chiều ngồi uống rượu, sau giờ tan sở, Nguyễn Hoạt thường nói về những sách mà anh đọc, đ6i khi anh đề cập chính rị, lại không mấy tin vào sự hữu hiệu cùa guồng máy chính trị Quốc gia . Anh cho rằng, ngày nào còn có mặt quân đội Pháp thì ngày đó chế độ Quốc gia chưa có chính nghĩa. Mình phải làm sao cho có thực lực riêng biệt, từ đó mới có thể nói chuyện chống Cộng chứ ngày ngày tụi mình, tuy làm việc dưới danh nghĩa Quốc gia, dùng chũ việt trong mọi giao dịch, tuyên truyền, nhưng thực tế, thì Cao ủy Pháp nắm hết quyền hành; kể cả súng đạn đấu tranh với VM. Ta chỉ là lực lượng phụ thuộc, làm sao có uy tín với đồng bào, và cả quốc tế nữa ?


Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hoạt, tôi hỏi lại, nếu anh không chấp nhận thực tế ấy, làm cách nào đuổi Pháp khỏi VN, và lấy vũ khí ở đâu để chiến đấu ? Nguyễn Hoạt đưa ly rượu uống ực một ngụm, như để nuốt những gì không ứng ý vào bụng. Tuy vậy, hoạt có đời sống mực thước, tuy uống rượu, lại không trác táng, bê tha, trụy lạc. Ngoài rượu, thuốc lào, anh không biết thêm thứ gì khác. Trường hợp Nguyễn Hoạt giống Mặc Thu, nổi tiếng, lại nhiều người biết tới, chỉ sau ngày di cư vào Nam mà thôi.


Chúng tôi cứ sống vẫt vờ trong hoàn cảnh nửa tối, nửa sang như vậy. Tin tức mắt trần đổ ve72 rất sôi động, san bớt gánh nặng về nhân mạng bị tổn thấy, nên Pháp đã tổ chức lực lượng bảo chính đoàn, đoàn quân hàon toàn VN, nhưng, thực tế, vẫn do Pháp chỉ huy, điều động. Sở tuyển mộ Pháp đã ban ah2nh lệnh động viên, thanh niên có bằng tú tài, tương đương, đều được gọi đi học khóa sĩ quan đầu tiên ạti nam Đình, sau Thủ Đức, nên gọi là kháo đầu tiên Nam Định- Thủ Đức. Tử khóa 2 chuyển vào Nam, mỗi kháo học 6 tháng, các tiểu đoàn Việtnam được thành lập, một phần tuyển mộ, một phần đưa từ lực lượng phụ thuộc bổ sung. Thế thức điều hành, hấun luyện đều do Pháp quyết định. Cả Hànội nhốn nháo cghuyện bắty lính, ai cỹng muốn yên thân- đi lÍnh khi ấy- dù là sĩ quan vẫn chỉ là tay sai, bia đở đạn, nên thanh niên có học hay ít, hoặc không có học đều mong tránh né- trrừ số` ít- vì nhu cầu đời sống đi l1inh nuôi thân. tâm trạng thanh niên hồi đó là vậy, chưa ai hướng dẫn, đề ra lý tưởng đấu tranh cho mai sau, cho đất nước. Trước mắt họ, chỉ có sùng đạn và cái chết cận kề vô nghĩa! Các cấp sĩ quan răng đen mã tấu do Pháp huấn luyện , từ chú cai, thầy dội, quan quản – nào có biết gì, ngoài quyền uy giả tạo từ Pháp phết lon lên cầu vai, để họ tác loai, tác quái với đám người mặc đồng phục dưới quyền. Dù cho thời thế biến chuyển ra sao, mọi sự việc đều ngoài tầm tay của chúng tôi. Do vậy, mỗi chiều tan sở, anh em rủ nhau la cà, vào quán rượu, Trong số ấy, có anh Tú Be, nhà thơ trào phúng, tuống bạo hơn cả. Tú Be dáng ngườo cao lớn, làm trong ban Kiểm duyệt sách báo, công việc chẳng nặng nhọc gì; hơn nữa, không con cái, dù lấy vợ đã lâu- nên anh dùng rượu khỏa lấp nỗi buồn đời ! Tú Be làm được bao nhiêu lươngm đưa vợ một số nhất định, còn chi cho rượu. Tuy tôi ó thích uống rượu, chỉ tới mức nào thôi, tôi rất sợ Tú Be ép bắt uống say. Mười lần mời chì 1 lần nhận, tôi cố thoái thác để anh đừng ép. Tính tình Tú Be rất mã thượng, không bao giờ anh so kè hơn thiệt. Vì uống quá nhiều nên anh nợ nần ngập mặt, mỗi lỷ lương, nhiều khi, không còn đồng bạc dính túi, uống vào lại nợ, hứa trả vào tháng lương sau.



NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI…


TẠ TỴ


Sáng hôm sau, chúng tôi trình diện văn phòng tiểu đoàn.T ôi cũng không quên đem lá thư của đại úy Giai gửi thiếu tá Nguyễn Khánh. Trong khoảng thời gian 1953, cấp thiếu tá lớn lắm, (…) nên quyền hành tiểu đoàn trưởng rất rộng. Tiểu đoàn 13 lo bảo vệ tỉnh Cần Thơ với 4 đại đội.


Chánh văn phòng thiếu tá Khánh là trung úy Huỳnh văn Tồn (sau là đại tá, tỉnh trưởng Gia Định), bảo chúng tôi về câu lạc bộ nghỉ ngơi, chờ quyết định của tiểu đoàn trưởng. Vài hôm sau, tôi được trung úy Tồn mới đến văn phòng, cho biết, thiếu tá muốn giữ tôi ở lại Bộ chỉ huy, để thay thế ông ta làm chánh văn phòng cho thiếu tá Khánh.


Trung úy Tồn không cho biết lý do, vì sao có sự tình đó. Tôi trả lời ngay, tôi không thích làm văn phòng, xin đi chiến đấu. Sở dĩ tôi có quyết định nhanh vậy, vì tôi được 1 sĩ quan ở tiểu đoàn ,trong giờ ăn tối đã cho tôi biết về chuyện này. Theo sĩ quan đó, trung úy Tồn muốn rời chức vụ, làm chánh văn phòng không có quyền lợi gì hết, kể cả việc thăng cấp khó khăn- hơn nữa, lại phải tổ chức nhẩy đầm, tiệc tùng và mời những cô gái đẹp trong tỉnh đến vui chơi cùng thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Giờ làm việc bắt buộc nghiêm chỉnh, nhiều khi còn phải ở lại đến 9, 10 giờ tới mới được về . Tôi cũng không hiểu vì sao, bạn sĩ quan kia, chưa quen biết bao giờ, lại khuyên tôi vậy. Anh khuyên tôi đừng nhận, thà đi chiến đấu khoái hơn. Lúc nào “uýnh” trận xong, có quyền lè-phè, không ai động tới mình. Còn làm nghề chánh văn phòng, tuy chữ ”thọ” vững đấy, nhưng làm hèn con người. Tôi suy nghĩ thấy đúng, nên trả lời nhanh vậy. Trung úy Tồn ghe xong, bào tôi trở lại Câu lạc bộ chờ lệnh. Hai đứa long nhong cả tuần, sau cũng biết, cả 2 đều được bổ xung cho Đại độ 4 ở quận Phụng Hiệp.


Đại đội 4 cho xe Jeep lên tiểu đoàn đón chúng tôi, vào buổi trưa 1 ngày đầu tuần lễ thứ 2, kể từ ngày có mặt tại Cần Thơ. Quận Phụng Hiệp cách Cần Thơ khoảng 50 cây số, tài xế lái xe là người việt gốc Miên . Khẩu Carbine M2 gài vào thành xe, với băng đạn gắn ngược đầu, nối liền bằng 1 miếng vải nhựa. Về sau, khi đi trận, khẩu súng của tôi cũng có 2 băng đạn đen như vậy, nó tiện cho việc sử dụng khi cần kíp. Tài xế đứng nghiêm chào, mời chúng tôi lên xe. Riệu nhường tôi ngồi phía trước, chiếc xe lướt nhanh trên mặt lộ. Phong cảnh 2 bên cũng chỉ là ruộng lúa, đôi chỗ có nhà cửa chạy dọc theo con kinh đào. Suốt đường, chúng tôi im lặng, không ai nói chuyện với ai


Chiếc xe đang ngon trớn, bỗng từ từ hạ tốc độ, chạy thêm quãng nữa, tôi nhìn thấy 1 chiếc cầu. Tài xế quẹo tay mặt vào con đường đá, ngay sát bờ sông, rồi băng qua 1 dãy phố nghèo nàn, tôi nhìn thấy tấm bảng xanh, chữ trắng; QUẬN PHỤNG HIỆP. Nhưng xe không dừng tại quận, mà chạy 1 đoạn đường nữa, Tôi nhìn thấy 1 doanh trại, với những vòng kẽm gai với bao quát quây kín. Ngay cổng trại có đặt những con ngựa gai và vọng gác: chiếc cổng khá lớn có tấm bảng gỗ sơn màu vàng, kẻ chữ đỏ: TIỂU ĐOÀN 13, ĐẠI ĐỘI 4 và hình chiếc đầu trâu giống hệt Bộ chỉ huy tiểu đoàn vậy. Anh lính gác cổng kéo cây cản. Chiếc Jeep lái ngoằn ngoèo, rồi chạy vào doanh trại, đưa chúng tôi đến gặp Đại đội trưởng trình diện. Đại đội trưởng mang cấp bậc trung úy, người miền Nam, đứng chờ chúng tôi ở bực thềm, rồi sau mời vào văn phòng.


Đây là căn nhà ngói duy nhất doanh trại. Xung quanh toàn nhà vách nứa, mái lợp lá dừa. Sau mấy câu xã giao kiểu nhà binh, đại đội trưởng cho người dẫn chúng tôi đến nơi ở. Căn buồng dành cho chúng tôi chẳng rộng bao nhiêu, kê vừa đủ 2 chiếc ghế bố, 1 chiếc bàn viết. Túi quân trang phải tím cách máng vào cây cột nơi góc nhà. Cuộc đời binh nghiệp bắt đầu.


Hôm sau, chúng tôi đi lãnh súng, mỗi ngưởi 1 cây Colt 45 và 1 khẩuCarbine. cây Colt tượng trưng cho sĩ quan chỉ huy, còn cây Carbine để chiến đấu khi lâm trận. Mỗi người còn được quyền có 1

“ tà-loọc” để lo việc cơm , nước , giặt giũ, sai bảo v. v. ..


Riệu nắm Trung đội 1, còn tôi Trung đội 2. Khi chưa có chúng tôi, 2 trung đội này do 2 thượng sĩ điều khiển. Đại đội tuy có 4 trung đội, nhưng chỉ có 3 trung đội thực sự chiến đấu, còn 1 chuyên canh gác, làm tạp dịch doanh trại. Trung đội trưởng thường vụ này vẫn do 1 thượng sĩ làm trung đội trưởng. Khi chưa có chúng tôi, đại đội chì có 1 trung úy đại đội trưởng là sĩ quan, còn hầu hết là cấp hạ sĩ quan. Nay tất cả có 3 si quan- chỉ có một trung úy đại đội trưởng quen chiến trận; còn 2 chúng tôi mới ra trường, chưa biết trận mạc, nên chức vụ trung đội phó đều do các hạ sĩ quan ở lâu trong quân ngũ phụ giúp, vì họ có kinh nghiệm chiến đấu.


Nhưng tôi cũng không ở đơn vị này lâu, dù tôi cũng đi hành quân khoảng 20 lần, khắp tỉnh Cần Thơ. Có những cuộc hành quân liên tỉnh, phải lội sình cả tuần, nên đã biết thế nào là muỗi ở miệt Hậu Gang- quần áo treillis đầy như vậy, mà vòi muỗi sắc như kim xuyên qua như không. Tối, trâu ngủ phải buông mùng, nếu không, muỗi đốt, trâu cũng chết, nói gì tới con người! Tôi đã biết thế nào là chiến tranh, biết máu đổ, và những giọt nước mắt, cùng tiếng gào thét thảm thiết! Cảnh bắn giết này đâu phải do người Quốc gia chủ xướng, mà do hoàn cảnh không may của đất nước đẩy đưa.


Một buổi, sau buổi hành quân, thân xác còn mệt mỏi; tôi nhận được lệnh Tiểu đoàn bộ buộc trình diện gấp. Hôm sau, chiếc xe Jeep của đại đội đưa tôi lên Cần Thơ, với túi quân trang như khi xuống, sau khi đã trả lại súng ống, giao lại cho trung đội cho một thượng sĩ gốc Miên. Có thể nói, đến 70% lính của Đại đội 4 thuộc diện này. Tôi biết, tôi đã có lịnh thuyên chuyển về Sài Gòn, trong lòng nửa vui, nửa luyến nhớ trung đội đã cùng mình sống, chết trong mấy tháng qua. Con đường từ Phụng Hiệp lên Cần Thơ, hoặc ngược lại, trong thời gian chiến tranh, thường bị Việt Cộng đặt mìn, bắn xẻ ở khúc quẹo gắt, nơi toàn cỏ lát mọc quá đầu người. Do vậy, mỗi sáng sớm, có 1 toán chuyên môn đi dò mìn, khi biết chắc con đường an toàn mới thông báo cho đơn vi đóng quân biết để di chuyển cho an toàn. Thường ra, muốn an toàn, nên đi sau 9 giờ sáng.


Nhưng buổi sáng hôm đó, tôi nôn nóng, không đợi chờ được, nên giục tài xế lên đường sớm, tài xế cười cười, nhe bộ răng vàng chóe:
-Ủa, thiếu úy không sợ sao ?
Hỏi lại:
- Cậu có nhát không ? Lính chiến hỏi vậy, nghe đâu được ? Tôi lái mà !
Tôi ngồi lên xe, đề máy, còn tài xế ngồi ghế bên, tay ôm khẩu Carbine M2. Đại đội trưởng cùng Riệu và vài anh em khác chúc tôi lên đường may mắn, nhớ là đừng quên anh em ! Cảm ơn, cho xe chạy từ từ tiến ra cổng trại. Tôi muốn nhìn lại cái quận này lần cuối, nên lại vòng xung quanh chợ, gần đó có 1 tiệm bán cơm, hủ tiếu Ba Tàu, nơi tôi vẫn thường ăn, sau lần hành quân mệt mỏi, vì lội sình và bị muỗi đốt. Quận lỵ này rất hiền hoà, mọi người đều quen thuộc với lính Đại đội 4. Khi ra trận, họ có thể làm ẩu, nhưng trong quận thì không. Do vậy, tình quân dân rất đậm đà.


Sau khi lái 1 vòng, tôi cho xe chạy thẳng ra đường cái, nhấn lút ga, chiêc xe lao vùn vụt, dưới ánh nắng sớm mai chưa tan sương mù. Sỡ dĩ lái nhanh, chính để giữ an toàn sinh mạng, như xe bị cán mìn, với tôc độ cao, sự thiệt hại, nếu có, không đáng kể. Còn chuyện bắn sẻ cũng không lo, trừ phi kẻ bắn là tay thiện xạ, bách phát, bách trúng ! Cái đó hơi khó đấy, đồi với tay du kích thỉnh thoảng mới bắn 1 viên đạn, xong, giấu súng chạy trốn ! Tôi cố giữ nguyên tốc độ cao, nên từ Phụng Hiệp tới Cần Thơ mất 1 tiếng đồng hồ, nếu đi trung bình, phải mất 1 tiếng rưỡi; vì có nhiều đoạn đường bị lồi lõm, do sự phá hoại của địch.


Tôi quyết định chưa vào Bộ chỉ huy vội, kéo tài xế vô 1 quán ăn bữa no nê, thỏa thích . Xong, 2 thầy trò mơi quay về tiểu đoàn . Tài xế mang giùm túi quân trang vào Câu lạc bộ , anh nghiêm chào tôi, trước khi lên ghế lái. Từ đó, tôi và Đại đội 4 không còn gì liên hệ. Viên quản lý câu lạc bộ đưa tôi lên lầu, lại đến cái phòng ngủ lần trước. Để túi quân trang đưới ghế bố, qua Bộ Chỉ huy trinh diện.


Trung úy Tồn cho biết, tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn, theo lệnh Bộ Tổng tham mưu. Sự vụ lệnh và giấy tờ thuyên chuyển của tôi còn nằm trên bàn thiếu tá Khánh- chờ ký xong- sẽ chuyển cho thiếu úy. Về phương tiện thì tiểu đoàn lo, khi nào có, sẽ báo. Tôi ngồi chờ tới gần trưa , giấy tờ mới đến tay.


Như vậy, lại có quyền đi chơi và ăn cơm ở Câu lạc bộ, đi chơi phố Cần Thơ rồi. Nói cho đúng, ở Cần Thơ, tôi chẳng quen ai, đi mãi cũng chán. Các cô gái đẹp Tây Đô kiếm hoài mà vẫn chưa gặp, nều gặp , chỉ nhìn, ngắm xuông, làm gì có hoàn cảnh để giăng lưới, dù khi ấy, tôi vừa tròn 30 tuổi. Đó là tuổi huy hoàng nhất đời thanh niên !


Thành phố Cần Thơ nằm bên dòng sông Bassac, trên bến, dưới thuyền sầm uất. bên kia là vùng thuộc Hòa Hảo, do tướng Năm Lửa trấn giữ. Dạo ấy, quân đội Quốc gia và Lực lượng Hòa Hảo không ưa nhau, nên các sĩ quan từng ở lâu ở đây, khuyên tôi, không nên lớ ngớ qua đó; nhỡ mang hoạ ! Nhưng tôi cũng không ở lâu tại nơi này, 2 ngày sau, có chuyến xe đi Sài Gòn công tác, cũng lại xeDodge. Lần này, tôi ngồi ghế trên, cạnh lái xe. Đằng sau, chở một đống quân trang cũ và một trung sĩ.- lại phải 2 lần qua” bắc” mất khá nhiều thời giờ, đến tận 2 giờ chiếu mới tới Sài Gòn.


Tôi lại ghé nhà anh chị Độ tá túc. Và đánh điện về Hànội, báo tin gấp cho gia đình biết; việc tôi đã được thuyên chuyển, vì trong thời gian ở Đại đội 4 , tôi đã làm đơn xin nhà và phương tiện cho vợ con vào Nam.


Tôi nghỉ ngơi 1 ngày, rồi quần áo chỉnh tề tới Bộ Tổng tham mưu, Phòng 5 trình diện. Đại úy Phạm Xuân Giai niềm nở tiếp tôi, sau còn nghỉ vài ngày để thu xếp chỗ ở, vì Câu lạc bộ sĩ quan, ngay sát Bộ Tổng tham mưu đã hết chỗ. Lúc đó, sự thực, tôi chưa biết tính sao về chỗ ở – vì nhà anh chị Độ ở quá xa – đi làm không tiện, mà lấy phương tiện đâu để đi ? Do định mệnh an bài,, trong đầu tôi, bỗng nhớ tới anh bạn Nguyễn Doãn Chi, làm nghề nhà in, ở hẻm 4 đường Nancy- cái địa chỉ này khi trước, chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư. Khu Nancy gần nơi làm việc của tôi. Ngay tối hôm đó, tôi tìm địa chỉ của anh Chi để biết nhà anh, rồi sẽ tính sau.


Hẻm số 4 là một con lộ mới làm, mỗi khi có xe hơi chạy qua, bụi tung mù mịt. Nếu đi từ phía Sài Gòn xuống, quẹo tay mặt chừng hơn 100 thước, sẽ thấy nó. Đây là 1 khu nghèo của thành phố Sài Gòn. Phần lớn nhà bằng cây. Cái hẻm này còn có nhiều hẻm nhỏ bám vào nó. Mấy năm sau, con hẻm được tráng nhựa , và có tên PHAN VĂN TRỊ . Nó thuộc vùng Chợ Lớn , chứ không thuộc Sài Gòn.


Khi tìm được nhà anh Chí, sau những câu chuyện tầm phào, tôi nói với vợ chồng anh , về ý định của tôi, muốn tá túc 1 thời gian, đi làm cho gần, khi nào vợ con tôi vào sẽ tính sau.


Nguyễn Doãn Chí là em họ của Nguyễn Doãn Vượng, tay này từng là chủ nhiệm tạp chí TRUNG BẮC CHỦ NHẬT . Anh Chí là thợ nhà in, có 1 thới gian làm ở Nha thông tin Bắc Việt- sau anh vào Sài Gòn, làm cho nhà in Đông Nam Á. Tuy không phải tay nghệ sĩ, nhưng anh có lòng mến yêu những ai là nghệ sĩ . Anh có tật ở cánh tay trái, không bao giờ duỗi thẳng ra được, nên anh em đặt cho biệt danh CHÍ KHÈO. Anh nghe mà không giận.


Khi nghe tôi trình bày xong, vợ chồng anh Chí đều hoan hỉ, dù rằng nhà tuy chật chội; nhưng cố thu xếp, tôi có 1 chỗ nằm thoải mái, ở ngay phòng khách, còn toàn gia đình ở buồng trong + căn gác xép.


Tôi định sẽ đưa trả vợ chồng anh mỗi tháng 500 đồng tiền ăn ở; nhưng anh chỉ lấy tiền ăn thôi, còn chỗ ở, anh nói :
-Không có cậu, phòng khách có ai ngủ đâu ? Kê cái đi-văng, ai đến chơi càng có nhiều chỗ ngồi.
Mà đúng ra, anh Chí rất ít bạn bè.


Tôi bắt đầu làm việc ở Phòng 5. Chỉ huy trực tiếp, trung úy Lê Đình Thạch , trưởng phòng báo chí. Anh Thạch người miền trung, chuyên viết phóng sự thể thao, dưới bút hiệu THẠCH LÊ.. Trước kia, anh thuộc Vệ binh đoàn của thủ hiến Phan Văn Giáo ở Huế. Dáng người thanh nhã, ít nói, làm việc với anh vô cùng thoải mái. Anh vô Nam làm việc, do sự vận động giữa anh và đại úy Phạm Xuân Giai, vì họ cùng quê.


Lúc ấy, Phòng 5 có 2 tờ báo, một dành cho sĩ quan, một cho chiến sĩ. Tuy trưởng phòng báo chí.
anh Thạch không viết 1 bài báo nào , dù đứng tên chủ bút. Tất cà đều do THẨM THỆ HÀ chịu trách nhiệm phần chuyên môn. Thẩm Thệ Hà, một nhà văn miền Nam , đồng hoá cấp bậc thượng sĩ, hay trung sĩ gì đó – mà anh được cấp giấy phép đặc biệt mặc thường phục, kể cả lúc lảm việc. Nội dung tờ báo, phần lớn, đều dịch theo sách báo ngoại quốc, thơ văn ít thôi. Do vậy, công việc cũng không khó khăn . nặng nhọc bao nhiêu. Hơn nữa, lại có sự đóng góp các cây bút nhà bình, từ đơn vị gửi bài đăng.


Ngoài ra, chuẩn úy Tô Kiều Ngân phụ trách viết bài cho cả 2 tờ báo. Chính thức, còn có 1 số anh em nữa, tuy họ mang cấp bậc nhỏ; nhưng họ có khả năng, đóng góp nhiều vào sự hình thành làm tờ báo lớn mạnh. Anh Thạch thường đi công tác ở nước ngoài, ở nhà. ngồi bàn giấy, chỉ lấy chiếc nhíp ra nhổ râu, chẳng trò chuyện với ai. Anh có tật mê cờ bạc, chiều nào, sau giờ tan sở, anh vào khu Đại thế giới chơi trò đen, đỏ. Chả biết anh chơi ra sao, chỉ biết thiếu nợ tùm lum, hầu như cả phòng đều là chủ nợ của anh.


Nhà văn Thẩm Thệ Hà , con người này cũng ít nói. Anh đeo bộ kính trắng dầy cộm, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trái soan. Anh đến, đi như chiếc bóng. Tôi không thấy anh chơi với ai, ngoài bàn chuyện công việc. Hình như, anh vào quân đội là lý do bất đắc dĩ – bộ quân phục, với anh, như 1 sự câu thúc- do vậy, sự có mặt của anh trong cơ cấu quân sự, hình như bị lạc lõng. Nhưng đối với độc giả miền Nam, lúc ấy, tên tuổi anh đã được kính trọng.


Còn Tô Kiều Ngân, tên thật Lê Mộng Ngân, anh này có nhiều tài, nào viết, nào làm thơ, ngâm thơ, thổi sáo, hát tân nhạc- da tài nên tài nào cũng ở mức trung bình- chính vì vậy , nên anh không có 1 công trình nghệ thuật nào nổi bật, để đưa anh vào 1 chiếu ngồi xứng đáng như anh em khác.
.
Tôi cũng không quên, lúc đó còn có mặt trung sĩ Lưu Nghi, người Hội An, cũng viết báo CHIẾN SĨ. Lưu Nghi có bộ mặt choắt , miệng nhỏ – khi nói, 2 hàm răng viết lại, tài không bao nhiêu, lại có dáng khinh bạc ! Mấy năm sau, Lưu Nghi xin giải ngũ, làm cho Bộ Y tế, rồi theo Cộng sản. Bị bắt, khai tùm lum, làm nhiều người bị vạ lây. Tên này, theo đúng sách lược Cộng sản, nếu bị bắt, cứ người Quốc gia mà khai. Hắn hoạt động ở ban Trí vận , vì quen nhiều các nhà văn, nhà báo Sài Gòn. Sau 30-4-1975, tên Lưu Nghi đã viết nhiều bài bêu xấu Quốc gia.


Cùng làm ở Phòng 5 , còn có ký giả Nguyễn Ang Ca, cũng mang cấp bậc trung sĩ , rồi thăng thượng sĩ cho tới ngày giải ngũ. Nguyễn Ang Ca dáng mập mạp, nhanh nhẹn, tháo vát, anh là ký giả, vừa viết báo quân đội, vừa viết báo dân sự. Anh người miền Nam, tính tình bộc trực trong công việc, anh không liên hệ nhiều với tôi, như tôi và anh Lê Đình Thạch.


Sau còn Hà Thúc Cần , tuy cấp nhỏ; nhưng có học vấn. Mấy năm sau, xin giải ngũ, làm nghề điện ảnh và bây giờ sống tại Singapore.


Làm việc ở Phòng 5, còn có thiếu tá Đàm Quang Thiện và đại úy Đái Đức Tuấn (nhà văn TCHYA). Thiếu tá Thiện, tôi đã 1 lần nhìn thấy, trong buổi lễ mãn khóa Thủ Đức; nhưng nhìn xa, không rõ mặt, nay có cơ hội gần, nên mới biết rõ. Cả 2 người: Đàm Quang Thiện và Đái Đức Tuấn đều không làm việc thường xuyên. Mỗi tuần, họ chỉ có mặt chừng vài buổi, muồn đi, đến giờ nào tùy ý, có xeJeep đưa đón. Họ là cố vấn cho đại úy Phạm Xuân Giai, về phương diện chuyên môn, hơn là nhân viên thường. Thiếu tá Đàm Quang Thiện dáng người tầm thước, sắc da mai mái, khuôn mặt luôn như ưu tư, trầm lắng- ngay cả lúc cười cũng có vẻ gượng gạo – không hồn nhiên, thoải mái, như nụ cười đại úy Đái Đức Tuấn. Mỗi lần đến sở, cà 2 đều vào nói chuyện khá lâu với đại úy Giai, sau đó ra ngồi bàn làm việc. Hai chiếc bàn thường để trống, trên bàn không có giấy tờ chi cả. Thường ra, 2 vị đó viết bằng tiếng Pháp – rồi đưa thẳng cho đại úy Giai. Lúc đó, tôi chỉ biết, họ là nhân vật đặc biệt. Tôi được Lê Đình Thạch giới thiệu tôi với cả 2 người. Dưới mắt họ, tôi chỉ là sĩ quan cấp nhỏ. trẻ, cả 2 chắc coi tôi như đứa em, thường gọi bằng chú , hoặc tên, nhưng không kêu cấp bậc.


Họ mến tôi ngay từ buổi đầu. Đàm Quang Thiện ít nói, chứ TCHYA nói cười hồn nhiên. Khi còn ở Hànội, tôi đã đọc nhiều truyện và thơ của TCHYA, nhất là truyện THẦN HỔ , một truyện quái đản, với “ma chành“ kinh dị. Thơ TCHYA hay, đối với tôi, thời ấy:


… Gặp em hôm ấy, em xinh thắm,
Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
Bèo nổi, nước trôi, em vẫn trẻ
Cái già như sợ cái hồng nhan …
hoặc :
Nghệ sĩ trót sinh giầu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau !


Thơ của TCHYA đăng tải trên nhiều báo, chứ không viết riêng cho 1 tờ báo nào. Nhưng cả 2, ngoài học vấn uyên bác, còn là đệ tử Phù Dung Tiên Nữ. Tôi nghe anh em kể, Đàm Quang Thiện đang học năm thứ 4 Trường Thuốc, thì bỏ ngang , vì chuyện riêng tư gia đình. Khi đã quen thân, không bao giơ tôi đề cập chuyện này, chỉ biết, anh là 1 con người có 1 trí nhớ siêu đẳng. Một khi chữ nghĩa đã đi vào tiềm thức , hình như nó ở lì trong đó - để khi cần- anh lấy ra dùng, như ta lấy đồ dùng trong ô ngăn kéo. Nói theo kiểu hôm nay, trí nhớ anh Đàm Quang Thiện như cái đĩa software cùa máy computer vậy. Ai cần biết điều gì, trong cuốn sách nào, anh cho biết ngay nó ở trang bao nhiêu. Không biết trí nhớ siêu đẳng của học giả Nguyễn Văn Tố ra sao , chứ trí nhớ Đàm Quang Thiện thì tuyệt luân ! Anh rất mê
S. Freud và nghiên cứu về Phân tâm học. Anh viết và dùng Phân tâm học để áp dụng vào tâm lý của Thúy Kiều, vì sao mà bạc mệnh ?


Cuốn sách này tuy mỏng, nhưng anh phải để rất nhiều thời giờ cho nó. Có thể nói, anh thuộc truyện Kiều và dẫn gỉải truyện Kiều, với những điển tích mà không cần có cuốn Kiều trước mặt. Anh Thiện nói tiếng Pháp rất giỏi, tuy giọng nói của anh không mấy hấp dẫn, nói lè nhè, chậm rãi, như kể chuyện. Khi nói, đôi mắt anh lim dim, chứ không mở to, như khối óc bị lôi cuốn vào câu chuyện đang nói .


Vào khoảng đầu 1954, Bộ Tổng tham mưu còn rất nhiều sĩ quan Pháp , mọi giấy tờ đều phải viết bằng tiếng pháp. Trong buổi nói chuyện về chiến tranh tâm lý, anh Đàm Quang Thiện đã nói một hơi, mấy tiếng đồng hồ bằng tiếng pháp, trong tay không có 1 mảnh giấy. Đại úy Phạm Xuân Giai thấy lâu quá, ra đấu để anh ngưng, anh vẫn tiếp tục nói, cứ như không hay biết. Khi nào anh muốn ngừng thì ngừng. Sau buổi thuyết trình, đại úy Giai ngỏ ý trách, anh chỉ cười, rồi nói:
- Toa phải cho moa nói hết đã chứ, nếu cắt ngang, tụi Pháp tưởng mình ngu !
Đại úy Giai cũng đành chịu. Tính tình anh Thiện rất tốt. Tôi chưa hề nghe thấy anh nặng lời với ai, dù người ấy có lầm lỗi. Gặp ai, dù thân hay sơ, anh cũng bày tỏ cảm tình, qua cái xiết tay, lời thăm hỏi nồng nhiệt.


Còn đại úy Đái Đức Tuấn ( TCHYA) người dong dỏng, đầu tóc lúc nào cũng chải chuốt gọn gàng. Anh có khuôn mặt trái soan, bộ ria mép tỉa sén cẩn thận, nằm trên cặp môi dầy. Dáng dấp của anh nho nhã. Anh nhiều tuổi hơn Vũ Hoàng Chương, nhưng giống Chương ở điểm : vừa giỏi tiếng pháp , cả chữ hán. Chữ viết TCHYA rất đẹp, nhất là anh viết chữ hán, lối chữ thảo đẹp tựa bức tranh thủy mặc. TCHYA luôn niềm nở tười cười, chứ không kín đáo như Đàm Quang Thiện
.
Dạo ấy, chúng tôi làm việc cả chiều thứ bảy, sáng chủ nhật làm luôn – nhưng những giờ chiều thứ bảy, sáng chủ nhật, thường ra chúng tôi có mặt ở Câu lạc bộnhiều hơn ở bàn giấy.


Về rượu mạnh, anh Thiện uống ít hơn , còn anh TCHYA uống được nhiều. Anh TCHYA thường nói cho tôi biết, các loại rượu ngon pháp, cũng nhu tàu- vì có 1 thời gian, anh làm cách mạng ở bên Tàu, do vậy anh biết nhiều về các tỉnh phía nam Trung hoa. Anh đậu tú tài tây hồi còn trẻ lắm, thi đỗ vào làm tham biện Nha học chính Đông Dương. Tính tình phóng khoáng, thích văn chương, thi phú,có địa vị, tiền bạc, nên rất đông bằng hữu. Có thể nói hồi đó, anh giao du với hầu hết những người làm văn học ở miền bắc, và xóm Dạ Lạc, cũng là nơi ăn, chốn ở của anh hàng ngày .


Anh Đàm Quang Thiện ít tâm sự với tôi; nhưng anh TCHYA trong giở rảnh rỗi, thường kể cho nghe về cuộc đời luân lạc. Anh nó về danh lam thắng cảnh bên Trung hoa, nơi đã đi qua, hoặc đã sống ngày lưu vong nơi đất khách, quê người. Khi chưa nói được tiếng Tàu, anh dùng lối bút đàm nói chuyện. Mãi 1 năm sau, anh mới nói được tiếng Quan thoại. Kể từ ngày đó, đời sống đỡ vất vả. Ở bên Tàu, anh làm đủ nghề, miễn có tiền sống qua ngày. Có khi bị kẹt quá, làm cả chân rửa chén, bát cho tiệm ăn nào đó, để có cơm ăn. Nhưng bao giờ, lúc kết thúc câu chuyện, anh cho rằng chẳng đâu dễ sống bắng quê nhà.
“ Nay , ngẫm lại thân phận tôi sau những năm dài sống nơi đất khách, tuy nhìn được bao kỳ công người văn minh, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ tạo hóa – mà sao lòng vẫn cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối 1 cái gì đó- mà mình không sao tìm thấy ở đất lạ, quê người; đó là sự ràng buộc tâm hồn mình với cây tre, bụi chuối, đống rơm, đụn rạ, nhất là tiếng nói, câu ru- đã nhập tâm trí mình từ lúc sơ sinh! ”


Chính thực không phải chờ đến ngày đi lính, làm việc ở Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu, tôi mới biết anh TCHYA, mà còn nhìn thấy anh, trong buổi chiều hè, anh thường mặc bộ quần áo nâu may rộng rinh, theo lối cổ, tay cầm quạt thước, đi bách bộ trên vỉa hè phố Huế ( Hànội).


TCHYA lúc đó đối với tôi, như cái gì quá xa vời, đến nỗi tưởng rằng, dù cho đi suốt đường đời, cũng không chắc gì làm quen được. Tôi có nói chuyện này cho anh nghe, anh TCHYA cười rất cởi mở :
- Hồi đó, chú còn nhỏ, chưa có hoạt động gì về văn chương, nghệ thuật; nên nghĩ như vậy là đúng. Nhứng khi chú đã bước chân vào khu vườn cấm đó rồi ; trước, hay sau; anh, em mình cũng có lúc gặp nhau. Thản, hoặc, nếu vô duyên, không có cơ may làm bạn ; thì :


” Cùng lận đận bên trời một lứa cả ! “


Nói cho đúng, trong thời gian ấy, tôi chỉ kính trọng 2 người: ĐÀM QUANG THIỆN và ĐÁI ĐỨC TUẤN, dù 2 người đều không giúp đỡ tôi gì về sự có mặt của tôi ở Phòng 5 này; nhưng cả 2 đã dạy cho tôi biết, thế nào là tình bạn. Hai anh cùng ở chung 1 căn nhà , do quân đội cấp, vì lúc ấy Quân Đội Việtnam còn phụ thuộc vào Quân đội Pháp …


Sau vài tháng ở nhờ nhà anh Nguyễn Doãn Chí, đến đầu năm 1954, tôi bắt buộc phải mua căn nhà ở gần nhà anh Chí, vì vợ con tôi sắp theo vào, chỉ còn chờ chuyến bay. Ở đó đi làm gần, có thể đi bộ được. Phương tiện di chuyển lúc ấy, mấy sĩ quan đi chung 1 xe Jeep, hơn nữa sự chờ đợi mất rất nhiều thì giờ, lại mất tự do nữa. Từ nơi tôi ở đến sở chừng 10 phút, chỉ có trời mưa trời nắng, hơi mệt 1 chút. Anh Đàm Quang Thiện và anh TCHYA đi chung 1 xe, nhưng vì 2 anh ít đến sở, nên xe Jeep dành cho cho anh Lê Đình Thạch, với 2 sĩ quan khác.


Khi nào 2 anh muốn đi làm, sẽ điện thoại trước, lúc ấy có xe đến đón, như vậy cũng tiện. Anh Đàm Quang Thiện có 3 con: 1 gái, 2 trai; còn anh TCHYA không có con. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm 2 anh tại nhà, chị Thiện đẹp, hiền hậu, nhưng nét mặt buồn. Chị vẫn nói cười đấy, nhưng tôi nhận thấy, sự nói cười ấy ẩn giấu sự gượng ép nào đó. Tôi biết vậy, không dám nói ra, còn chị TCHYA đẹp, phải nói rất đẹp, nói cười thoải mái, khiến tôi bớt được sự mặc cảm. Một buổi, tôi đem chuyện này tâm sự với anh TCHYA, anh cho biết:
- Chú đừng hiểu lầm chị Thiện, tội nghiệp ! Chị ấy có nỗi buồn riêng, nên kính trọng, chú chỉ nên biết thế mà thôi. Chả cứ chú đâu, ai đến chơi với anh Thiện, khi gặp chị ấy, cũng biết thế thôi. Đó là chuyện riêng trong mỗi gia đình mà. Thôi, ta sang câu lạc bộ uống rượu với anh !


Công việc Phòng 5 đang điều hòa, bỗng nổi lên sóng gió ! Ấy là, kể từ ngày ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng, thì tướng Nguyễn Văn Hinh chống ông Diệm là lẽ đương nhiên – còn Phạm Xuân Giai phải theo tướng Tổng tham mưu trưởng, dùng đài phát thanh quân đội, do trung úy Minh phụ trách, đả kích thủ tướng Diệm.
Tôi, lúc ấy, là trưởng ban Hội họa, có 5 nhân viên dưới quyền, trong số đó có 2 thượng sĩ Duy Liêm và Thái Văn Ngôn, cùng 3 cô nữ trợ tá, tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Gia Định.


Duy Liêm, một họa sĩ rất khéo tay, có tài; nhưng” ba gai“ vô cùng, iý khi có mặt tại ở sở- còn Thái Văn Ngôn chuyên vẽ, tay này chuyên viết bằng tay trái. Thái Văn Ngôn kẽ chữ tất đẹp, tính tình đôn hậu, hoà nhã, đi làm rất đúng giờ, do vậy tôi rất mến Ngôn – ngay cả trong lúc này- hình ảnh, tư cách Ngôn vẫn in đậm trong tâm hồn tôi. Tuy là trưởng ban Hội họa, nhưng đôi khi, tôi cũng viết bài đăng báo CHIẾN SĨ - hơn nữa – tôi luôn luôn giữ đúng kỷ luật giờ giấc công tác. Đại úy Phạm Xuân Giai rất quí tôi, sau 18 tháng ra khỏi quân trường, tôi mang cấp bậc trung úy. Đây không phải đặc ân, mà do luật định. Chẳng biết đại úy Giai nghĩ gì về tôi - ông đưa tôi lên trình diện, giới thiệu tôi với tướng Hinh- lại đề cao tài năng, nên tướng Hinh cùng phu nhân ( bà vợ đầm) ưu ái tôi, dù cấp bậc tôi rất nhỏ. Cũng vì thế, khi có sự tranh chấp quyền hành giữa tướng Hinh và thủ tướng Diệm, và khi ấy, tôi được đề bạt làm trưởng ban Bình luận Đài tiếng nói quân đội. Thú thực, tôi chẳng thù oán gì với ông Diệm, hơn nữa, tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, được đại úy Giai đưa đẩy tôi vào một công tác rất khó xử , nói thật lòng, tôi không mấy ưng ý. Biết vậy, nhưng luật là luật.không thể tránh né, buộc phải thi hành.


Nơi làm việc Ban biên tập đặc biệt đóng đô tại tòa báo THẦN CHUNG, chủ bút là ông NAM ĐÌNH. Ông có 1 cô con gái là ký già, rất “ chịu chơi” , lại quên biết rộng, cả giới quân sữ lẫn chính trị, dân sự; nhất là thường đi khiêu vũ với tướng Hinh. Có nhiều người viết bài đả kích ông Diệm, và tôi chịu trách nhiệm, cho sửa , cho đọc, trước khi trao lại Ban điều hành phát thanh. Tuy được cấp riêng một Jeep, mang cấp đại úy giả định ( mang lon nhưng không ăn lương) , lòng tôi không được yên ổn – bản chất không ham danh vọng, chi yêu nghệ thuât- nay bỗng nhiên bị đẩy vào đấu trường bất đắc dĩ – phải bêu xấu một cá nhân, một gia tộc không thù ghét, hoặc có ân oán giang hồ- quả thực, đã làm tôi khó xử trong 1 thời gian, có thể nói là bi đát nữa.


Cũng may, ông Ngô Đình Diệm được Mỹ nâng đỡ, buộc tướng Nguyễn văn Hinh ( của Pháp) phải ra đi , tiếp theo dẹp toàn bộ đảng , giáo phái ( Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo v. v.. ) , thu về một mối, xây dựng một chính phủ duy nhất.
Tôi và các anh em cũ trở về cơ sở làm việc, đại úy Giai mới được tướng Hinh cho thăng chức thiếu tá, sau khi tướng Hinh qua Pháp, ô Giai cùng vợ con chạy qua Lào. Tân trưởng Phòng 5 mới được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm là thiếu táNguyễn Phước Đàng.


Tân trưởng phòng lên thay, thì chỉ 1 thời gian ngắn, 2 anh Đàm Quang Thiện và TCHYA xin giải ngũ, sau này anh Thiện sang làm cố vấn cho tướngNguyễn Ngọc Lễ ở Tổng nha cảnh sát + công an, để có lương , ăn , và tiền mua thuốc phiện hút.
Anh TCHYA sang bên Hội Cựu chiến sĩ, vì không còn ở trong quân đội, nên nhà ở hẻm Võ Tánh phải trả lại. (…)


Trước khi anh TCHYA giải ngũ, tôi mời anh qua Câu lạc bộ uống rượu, anh tặng tôi tập thơ ĐẦY VƠI * ( khoảng 300 bài sáng tác hằng mấy chục năm, có cả thơ dịch của Thôi Hiệu, Lý Bạch, Trương Kế, Tô Đông Pha , và 1 bài thơ Les pas của Paul Valéty). Anh nói với tôi, cố gắng giữ giùm tác phẩm này, vì anh chỉ còn 1 bản duy nhất . Trong khi vừa uống, vừa tâm sự , có lần đi làm cách mạng, đã từng cai thuốc phiện đươ85c1 thời gian. Nhưng từ thất bại này, qua thất bại kia, làm anh buồn phiền nhiều; lại phải mượn nàng Phù Dung Tiên Nữ an ủi cho khuây khỏa :


… Ví không đủ sức thành công nghiệp
Thì phá cho tan chí vẫy vùng
Mượn thú văn chương khuây thế lụy
Lấy tài nghiên bút đo đao cung …
TCHYA / ĐẦY VƠI
—————
* chỉ là 1 b3n thảo, gồm thơ đã đăng, hoặc chưa đăng báo (TP)
————–


Nay cả 2 anh Đàm Quang Thiện và TCHYA đã đi vào cõi hư vô!
Anh Đàm Quang Thiện để lại cho đời 1 tác phẩm Ý NHIỆM BẠC MỆNH TRONG ĐOAN TRƯỜNG TÂN THANH, nói về thân phận nàng Kiều, phân tích theo lối phân tâm học. Còn TCHYA , ngoài vài cuốn truyện thần ký quái đản, bản thảo chưa in ĐẦY VƠI gửi tôi giữ, có lẽ chẳng bao giờ được in ấn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tập ĐẦY VƠI đã bị tịch thu trong vụ đánh văn hóa đồi trụy được phát động vào cuối 1976. Nhưng hình ảnh 2 anh đươc sống mãi trong tôi, với lòng kính trọng vô vàn !


Một buổi, có 1 người mặc dân sự vào Phòng 5 thăm phòng, anh Lê Đình Thạch cho tôi biết, đó là Hoàng Trọng Miên, hiện là thư ký tòa soạn * tạp chí tuần báoĐỜI MỚI, Trần Văn Ân chủ nhiệm. Tòa báo nằm phía bên kia đường Trần Hưng Đạo ( Saigon 5) , Hoàng Trọng Miên có nét mặt xương xương, vầng trán cao, mặt hơi gẫy, dong dỏng cao, trông có dáng trí thức. Chưa quen, đã được nghe anh em nói tới Hoàng Trọng Miên, anh là bạn Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê v. v. .. cùng gốc miền trung, quen Phạm Xuân Giai, nói chuyện xong, Miên quay sang nói chuyện với Thạch. Chỗ tôi ngồi làm việc gần đó, Lê Đình Thạch giới thiệu tôi với Hoàng Trọng Miên. Qua vài câu thăm hỏi xã giao, không để lại trong tôi ấn tượng nào, có thể báo trước sau này tôi và Hoàng Trọng Miên có sự liên hệ dài lâu được ! Còn chủ nhiệm Trần văn Ân, tôi chưa hề 1 quen biết !
—–
* đúng ra lúc đó là chủ bút.
——–
Tôi chưa 1 lần bước chân vào tuần báo, tạp chí Đời Mới, tuy hàng ngày, nhìn sang bên kia đường vẫn thấy. Đó là 1 căn nhà trệt, trông bề ngoài nhỏ bé, nằm kế bên tòa biệt thữ rộng lớn, cơ sở Phật giáo Hòa Hảo.


Vào 1 buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của Hoàng Trọng Miên mời qua tòa soạn chơi. Tôi nhận lời, từ nơi làm việc, trèo qua khung cửa sổ, theo lối đi cửa sau, chỉ khoảng 10 bước chân ra đến lộ, bắng qua đường là tới tòa soạn tạp chí Đời Mới. Tôi tuy ở miền Nam chưa bao lâu, nhưng được nghe nhiều người bàn tán, tạp chí Đời Mới có 1 uy thế, tầm cỡ, có ảnh hưởng rất sâu rộng trong quẩn chúng miền Nam- cũng như tờ báo NGÀY NAY của Nhất Linh ở ngoài bắc xưa . Tôi cũng đã đọc vài, ba số báo Đời Mới, có nhận xét này, nội dung báo thiên về chính trị nhiều hơn văn học. Nói chung, bài vở đứng đắn, vấn đề đặt ra nghiêm túc, chứ không như những bài viết nhằm mục đích thương mại, hoặc gây ủy mị độc giả. Nói cho đúng, từ ngày về Sài Gòn làm việc, tôi chưa có ý viết văn trở lại, một phần vì gia cảnh chưa ổn định- tuy chúng tôi đã mua được 1 căn nhà trệt, giá khoảng mấy chục ngàn đồng, tiền dành dụm vợ con, và đại gia đình cho thêm chút ít – một phần nữa, vì chưa giao du nhiều, chưa đánh giá được trình đô thưởng ngoạn nghệ thuật dân chúng miền Nam đích xác. Và lối viết ở miền bắc, với những danh từ quen thuộc, không biết độc giả miền Nam có tiếp thụ được không ? Vì 2 lý do chính trên, mặc dù trong đầu tôi có nhiều ý tưởng để viết, mà cứ lần chần hoài, không để 1 dòng mực nào chảy xuống mặt giấy !
Khi còn đứng ở lề đường bên này, chờ cho dòng xe bớt đi, mới dễ bắng qua đường an toàn – tôi đã nhìn thấy Hoàng Trọng Miên đứng chờ tôi ở trước cửa tòa báo. Sang tới nơi, Miên ôm chặt tôi, tỏ .lòng quí mến, mời tôi và tòa soạn.


Tôi vô cùng ngạc nhiên, không ngờ tòa soạn tờ báo lớn như Đời Mới, mà chỉ có chiếc bàn dài đã cũ , cùng dăm bẩy chiếc ghế đẩu. Xung quanh tường là những kệ đặt những chồng báo cũ, phấn lớn báo tây. Hoàng Trọng Miên mời tôi ngồi vào 1 trong những chiếc ghế, rồi anh qua quán gần đấy mua 2 chai la-la-de. Bọt bia la-de sùi trắng qua miệng ly, chảy xuống mặt bàn. Miên lấy mảnh báo cũ chùi cho khô. Vừa uống la-de vừa trò chuyện, Hoàng Trọng Miên cho biết, có đọc nhiều bài của tôi trong tạp chí
THẾ KỶ ở Hànội và anh cũng đã đọc những bài phê bình về hội họa khi tôi triển lãm ở Phòng Triển Lãm TIỀN TIẾN của tôi nữa. Nhưng, theo ý của Miên, bài phê binh của Nguyễn Giang là đứng đắn, sâu sắc nhất – sau đó mới tới bài của họa sĩ Phạm Khanh.


Câu chuyện loanh quanh tới đó, bống từ trong nhà đi ra, 1 người lớn tuổi khoảng trên, dưới 50- dáng người trung bình, thiếu chiều cao một chút. Nhìn người, tôi đoán là TrầnVăn Ân; nhưng tôi cứ coi như là không quen biết. Hoàng Trọng Miên đứng lên, giới thiệu, tôi đành đứng lên theo:
- Xin giới thiệu, anh Trần Văn Ân, chủ nhiệm; còn đây, anh Tạ Tỵ, người mà tôi thường nói chuyện với anh.
Sau khi giới thiệu, chưa kịp nói gì thêm; Trần Văn Ân nở nụ cười khoan nhã, mời tôi ngồi lại chỗ cũ, xong, anh ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bắt đầu trò chuyện.


Trần văn Ân, người Nam , giọng nói chân thật, không màu mè, duyên dáng. Hỏi thăm về gia cảnh, chỗ làm, việc vẽ và viết ra sao - nhưng tuyệt nhiên không đề cập chuyện mời viết cho Đời Mới. Không phải vì thế, tôi chê trách anh Ân, nếu ở cương vị tôi, tôi cũng xử sự như vậy; vì giữa tôi và anh, cũng như tôi với anh Hoàng Trọng Miên mới quen sơ giao mà thôi. Trần văn Ân chỉ ngồi nán khoảng 5 phút, xong xin lỗi, bắt tay thật chặt, trở vào phòng làm việc.


Tôi và Miên lại tiếp tục uống la-de, cạn 2 chai, thì Miên ngỏ lời mời tôi viết cho Đời Mới. Và nói thêm, anh Trần Văn Ân rất quí mến tài năng tôi, nên có nhờ anh, nhân danh thư ký tòa soạn mời cộng tác. Đứng trước cảm tình nồng hậu ấy, làm sao tôi từ chối? Nhận lời, không định ngày, giờ nào phải giao bài.


Ngay tối hôm đó, cơm nước xong, tôi ngồi vào bàn viết. Căn nhà tôi quay mặt phía hướng tây, buổi chiều nóng vô cùng, dù chiếc quạt sau lưng vẫn chạy vù vù. Chứng 1 tuần lễ sau, tôi đưa Hoàng Trọng Miên 1 truyện ngắn đầu tiên, viết tại miền Nam- đó là truyện ngắn CẨM NHUNG . Nội dung truyện đơn giản, , tôi viêt về khoảng đời chiến đấu ngắn ngủi ở Phụng Hiệp. Một đứa bé mồ côi sống với ông ngoại ở miệt ruộng, tróng trận giao tranh, đứa be chết vì ảmnh đại bác. Còn lại, ông già sống đơn độc, với chiếc cần vó, bên bờ kinh. Câu chuyện có phần thực, có phần hư cấu. Chị Thụy An-Hoàng Dân đọc truyện này khen hết mình, như tôi đã có viết ờ CHƯƠNG BA trên. Từ đó, thỉnh thoảng lúc nào hứng, tôi lại viết cho Đời Mới, thình thoảng ghé qua tòa soạn , tán dóc cho vui. Tiền nhuận bút thực sự chẳng bao nhiêu; nhưng nhờ viết cho Đời Mới, tên tuổi tôi bắt đầu được độc giả miền Nam chú ý . Ngày tháng cứ trôi đều đầu.


Sau ngày Việt Minh và Pháp ký Hiệp định chia cắt đất nước ( 20-7-1954) , người dân miền bắc có 300 ngày để chọn lựa Tự Do, hoặc ở lại sống với CS. Có nhiều người ở miền Nam làm đơn xin ra bắc, vì ngghĩ rằng chế độ Việt Minh là chế độ có tự do, thản, hoặc tin VM có chính nghĩa, đã anh dũng thắng quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ- nay lại giành độc lập, dù là người xin ra Bắc, tuy không nhiều,thuộc giai cấp thấp, nhưng chứng tỏ, họ bị CS tuyên truyền, lôi kéo, để bỏ công ăn, việc làm, nhà cửa để ra Bắc. (…)


Chính trong thời gian đó, bà mẹ vợ tôi, cũng viết thư, bảo vợ chồng tôi,. nên ra Hànội sống với đại gia đình, như ngày trước- nhưng vợ chồng tôi cương quyết từ chối (…) và cũng viết thư khẩn khoản mời cà gia đình vô Nam. Tất cả gia đình bên tôi không có y kiến gì về lời mời của vợ chồng tôi – riêng nhạc mẫu tôi có vẻ không hài lòng về chuyện vợ chồng tôi không chịu ra Hànội, khi 1/2 nước đã được độc lập. Nhưng nhạc mẫu tôi đâu có biết, lý do sâu sa nào làm tôi đã rời bỏ kháng chiến để dinh tê về Hànội? (…).


Cũng rất may, vợ tôi là người hiểu biết, nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Vợ chồng chuang tôi nhất định không trở ra Hàbnội, chỉ năn nỉ cha mẹ vợ vào Sài Gòn sống chung với các con, và cháu. Nhạc phụ tôi muốn vô Nam sống cùng gia đình chúng tôi; nhưng bà cụ không chịu, nên cụ ông đành ở lại, nhưng cũng cố gắng vào thăm con cái 1 lần chót – ở chừng đâu một tháng, xong lại trở ra Hànội. Lúc ấy, nhạc phụ tôi đã về hưu, nếu vô sống ở miền Nam, hiển nhiên vẫn được tiếp tục lãnh hưu bổng, còn ở lại, coi như mất hết !


300 ngày trôi nhanh như gió thổi, mây bay ! Các địa điểm tập kết đã hoàn tất, cán binh cuối cùng đã lện tàu thủy của Ba Lan hoặc Liên Xô ra ngoài bắc; trừ 1 số nằm vùng ở lại, cùng các vũ khí chôn giấu đó đây khắp miền Nam. Những người dân và quân đội Quốc Gia ở miền Bắc cũng đã lên tàu Mỹ, hoặc đi phi cơ vào Nam. Kể từ đó, mọi sinh hoạt miền Nam bắt đấu có xáo trộn về ngôn ngữ và tập quán. Trong số 1 triệu di cư từ miền Bắc vào, đa số giáo dân Thiên chúa giáo, một phần quân nhân, công chức, và chỉ có 1 số nhỏ thuộc thành phần văn nghệ sĩ.


Các nhà văn, nhà tHơ vào miền Nam có : Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nguyễn Hoạt, Mặc Thu, Bùi Xuân Uyên, Triều Đẩu, Viên Phong, nữ sĩ Tương Phố, Tam Lang, Toan Ánh, Vũ Bằng, Thượng Sỹ, Bàng Bá Lân, Đỗ Tốn, Thanh Nam v. v. …


Qua danh sách trên, nhóm THẾ KỶ , coi như vô Nam gần hết, chỉ thiếu có Trúc Sĩ . Còn họa sĩ không co ai. Về kịch có Vi Huyền Đắc, TiỀn Phong, Thiếu Lang … Riêng trường hợp Trúc Sĩ, ở lại với CS vài năm , thấy không sống nổi ( …) nên vượt biên qua lối đi Lào, mấy tháng lội trong rừng, sau vào tới miền Nam. Trúc Sĩ có viết 1 hồi ký về chuyến vượt biên, sau đăng tải trên nhật báo CÁCH MẠNG QUỐC GIA do Đỗ La Lam làm chủ nhiệm.


Trúc Sĩ chuyên viết truyện ngắn quái đản , khi viết hồi ký vượt biên rất ly kỳ, hấp dẫn; đến nỗi người đọc tưởng như đọc tiểu thuyết. Báo CÁCH MẠNG QUỐC GIA , là phổ biến học thuyết nhân vị do ông Ngô Đình Nhu khởi xướng. Tờ báo này rất ít độc giả, sống được, nhờ vào quỹ mật của Sở Nghiên cứu Chính trị- các cơ quan phải mua ủng hộ, phát không cho công chức. Tờ nhật báo NGƯỜIVIỆT TỰ DO ra đời, cũng nhờ vào sự trợ giúp từ qũy mật chính quyền, nhưng sau lớn mạnh dần, nhờ vào nhiều cây bút giá trị hợp tác. Về sau, tự túc tài chính, với số vốn khá lớn, chứ không lẹt đẹt nhu tờ Cách mạng quốc gia .


Trường hợp nhà văn Trúc Sĩ vượt biên không phải là trường hợp duy nhất, còn có nhiều người không vượt biên mà vượt tuyến , tức là vượt qua sông Bến Hải dể vô Nam. Cuộc vượt tuyến tuy không gian truân và kéo dài nhiều ngày như vượt biên, nhưng vô cùng nguy hiểm, dễ bị bắt. Tôi biết được đã có 2 người thoát, đó là nhà văn Điền Tuấn, người thường viết phiếm luận trên tờ nhật báoCHÍNH LUẬN và anh Nguyễn Thanh * , sinh viên Đại học tổng hợp Hànội. Anh Nguyễn Thanh bị nhà cầm quyền miền Nam
———-
* từng làm ở dằi phát thanh Hànội, ngâm thơ rất hay, có 1 tghời gian cùng với nhạc sĩ Phạm Duy công tác tại Trung tâm Xâ Dựng Nông thôn tại VũngTàu. ( 1965- 1966). Hiện nay ở Hoa kỳ (TP) .
———-


giữ lại thẩm vấn 1 thời gian ngắn, su được trả tự do. Anh có giọng ngâm thơ rất truyền cảm. Tôi hỏi ở Hànội, anh học ngâm thơ với ai, ở đâu ? Anh cho biết là học trò của Văn Phú, nghe nhắc tên Văn Phú; tôi nổi bùng lến nỗi nhớ. Bài thơ Tụng kinh Kha trong vở klích TÂM SỰ KẺ SANG TẦN của Vũ Hoàng Chương lại âm vang trong tiềm thức, qua giọng ngâm, thơ sang sảng của Văn Phú. Ở trại cải tạo ra , vào 1981, có nhiều anh em ở Hànội vào thăm tôi, tôi không thấy còn ai nhắc tới tên Văn Phú, Mai Luân ..?!
Tôi không có nhiều thời gian và cơ hội tìm hiểu thêm lý do về họ ?


Từ ngày vô miền Nam, đời sống của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương vẫn vất vả trong những tháng đầu. Đinh Hùng mang theo được dăm chục cuốn thơ MÊ HỒN CA để làm vốn. Tác phẩm này do nhà xuất bản TIẾNG PHƯƠNG ĐÔNG ấn hành. Cơ sở xuất bản này, do thi sĩ Hồ Dzếnh chủ trương. nhà thơ Hồ Dzếnh, tôi có gặp 1 lần, tại nhà kịch sĩ Hoàng Năm vào 1954. Hồ Dzếnh, nhà văn Minh hương giống như nhà văn Sao Mai vậy. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Mỹ, vì 2 trái bom nguyên tử, quân đội Lư Hán từ miền nam Trung hoa kéo qua Việtnam, tước khí giới quân Nhật.


Hồ Dzếnh có cho ra đời tập thơ QUÊ NGOẠI , thơ anh nhẹ nhàng, dễ thương như chính con người anh vậy. Tuy chỉ gặp nhau có 1 lần , trò chuyện không lâu, nhưng Hồ Dzếnh đã để lại trong tôi niềm ưu ái đặc biệt. Trông bề ngoài, nhà thơ có dáng dấp ngu ngơ, ăn nói từ tốn, một con người bình
thường như mọi người, nhưng đôi mắt nhà thơ như chứa chấp cả 1 rừng thương, nỗi nhớ; đôi mắt toát ra sự thông minh, nhưng không lộ liễu, làm khuôn mặt nhà thơ có chút gì duyên dáng dễ gây cảm tình với người đốin thoại.
Nói chung, tập thơ QUÊ NGOẠI có nhiều bài , không vay mượn, chịu ảnh hưởng của bất cứ ai cả. Hồ Dzếnh tự tạo cho mình 1 chỗ ngồi xứng đáng trong nền văn học Việtnam
.
Bài thơ MÀU CÂY TRONG KHÓI được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ (ca khúc CHIỀU) thường thường được hát trên đài phát thanh ở miền Nam. Một bài nữa cũng được nhiều người ngưỡng mộ, đó là bài NGẬP NGỪNG- nhất là ai ở lứa tuổi đôi mươi, vừa bước chân vào mảnh trời tình ái, với nhớ nhung chờ đợi :


Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn, tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần
Tôi nói khẽ: Gớm làm sao mà nhớ thế ?


Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa


Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai, mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi
Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ


Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp, những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau … lơ lửng … với nghìn xưa ! …


Cái hơi thơ của Hồ Dzếnh cách biệt hẳn với hơi thơ của các thi nhân cùng thời. Tuy là Tàu lai, nhưng Hồ Dzếnh rất yêu quê mẹ, vì lẽ dễ hiểu, Hồ Dzếnh lớn lên trong lòng mẹ Việtnam, với những lời ru bên nôi rất em ái, nhẹ nhàng !


Sau lần gặp gỡ đó, Hồ Dzếnh trở ra Hànội và không hiểu duyên cớ gì, Hồ Dzếnh làm bạn với người đàn bà, chủ tiệm sách và tạp háo BÌNH MINH ở phố Huế * , gần khu tôi ở . Vì làm chồng bà chủ tiệm
———
* chính xác phải là ngã tư Route de Huế + Rue Reinach (sau, Trấn Quốc Toản). Chủ nhà sách BÌNH MINH , bà NHẬT, vợ góa nhà thơ thiếu nhi TRẦN TRUNG PHƯƠNG. Có thể xem thêm NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930- 1945 , tập 1, trong bộ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM / THẾ PHONG- Nhà xb Vàng Son, Sài Gòn 1974). (TP)
———-
sách có tiền, nên Hồ Dzếnh mới thực hiện xuất bản MÊ HỒN CA của Đinh Hùng . Nếu không có Hồ Dzếnh thực hiện , chắc chắn bản thào còn nằm trong đáy rương nhiều năm tháng nữa. Hồ Dzếnh không di cư vào Nam, chắc vợ chồng tiếc nuối sản nghiệp quá lớn. Đã lâu lắm, tôi không còn nghe ai nhắc tới Hồ Dzếnh trong giới làm văn học ở miền bắc . []



Bài thơ dài, tôi chỉ chép lại phân nửa , còn nửa dưới, Nguyên Sa chỉ dùng thơ để chửi đổng cuộc đời và coi cuộc đời là chốn mua bán ô trọc, cần ném tất cả xuống biển sâu. Nguyên Sa thay vì khóc, đã reo mừng cho người chết, thoát được kiếp làm người! Nguyên Sa làm báo cũng tài tử lắm, ít khi anh tới tòa soạn, mọi công việc đều giao cho Thanh Nam và Thái Thủy. Tuy chịu trách nhiệm về đường lối, cũng như sự sống chết của tờ báo mà Nguyên Sa cũng chỉ đóng góp và viết bài như các nhà văn, nhà thơ cộng tác thôi. Sự thu chi , lời lỗ ra sao; chỉ có Thái Thủy biết và nói lại vói Nguyên Sa. Vấn đề làm báo , với Nguyên Sa , hình như chỉ là cái cớ, để có dịp gặp anh em; chứ Nguyên Sa không cần tiền, vì cái cơ sở tư thục do Nguyên Sa làm hiệu trưởng đã cung cấp cho Nguyên Sa quá dư dật về đời sống vật chất.


Một chiều, tôi và Nguyên Sa ngồi uống nước ở quán CÁI CHÙA , trong tay Nguyên Sa cầm tờ HIỆN ĐẠI mới phát hành. Sau khi chuyện vãn vài câu, bỗng, Nguyên Sa nhìn tôi, hỏi:
- Ông dã đọc thơ của Nhã Ca đăng trong số này chưa ?



Tôi trả lời, chưa nhận được báo. Nguyên Sa lật trang báo, đọc cho tôi nghe bài thơ của Nhã Ca. Đọc xong, Nguyên Sa nói:
- Tôi không biết con bé xứ Huế này là ai, sao nó làm thơ hay thế ?


Từ đó, hầu như số báo Hiện đại nào cũng có đăng thơ Nhã Ca. Có lẽ tạp chíHiện đạiđã mở đường cho Nhã Ca bước vào khung trời văn học từ dạo ấy, và mấy năm sau, Nhã Ca trở thành một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồngvà Nguyễn Thị Thụy Vũ. Nhưng mỗi nhà văn nữ đều có môi trường trưởng thành khác nhau, tuy sinh cùng thời và khởi sắc cùng không gian cũng như thời gian.
Từ ngày sống ở miền Nam, tuiy giao du nhiều; nhưng không có thời giờ để gặp gỡ. Tôi quá bận trong công việc nhà binh, lại làm việc riêng, không viết thì vẽ, không viết, vẽ, thì lại làm thơ – do vậy, hiếm có thời giờ nghỉ ngơi thoải mái. Lắm lúc nghĩ lại, thấy câu nói của anh Nguyễn Đức Quỳnh là đúng: ” .. ôm rơm chỉ nặng bụng…” – nhưng đã là cái nghiệp, bỏ cũng chẳng xong !


Tôi và Phạm Duy cùng sống ở Sài Gòn , nhưng ít khi gặp nhau. Ban nhạc THĂNG LONG mỗi ngày một thăng hoa, lại có thêm một giọng hát nữa là Khánh Ngọc. Sự gặp gỡ tuy là ít, nhưng không phải vì thế; mối giao hảo giữa tôi và Phạm Duy phai lạt. Tôi mừng cho Duy, cũng như ban Thăng Long gặt hái nhiều thành công qua các Đại nhạc hội được dân chúng yêu mến, đều qua tiếng hát Thái Thanh . Trời đã ban phát cho Thái Thanh có một làn hơi phong phú , mỗi lần tiếng hát thoát ra, như cả 1 rừng chim véo von hòa nhịp. Tiếng hát vừa cao, vừa trầm ấm thiết tha, nửa như ru, nửa như niu kéo người nghe đi vào dòng huyễn mộng ! Tiếng hát nghe có lúc như ngất đi, như chết lịm giữa một vùng âm thanh bao la, bát ngát- có lúc nó dạt dào như cơn sóng thủy triều vỗ vào chân đá, có lúc nó hồn nhiên, thanh thoát như mây trời phiêu lãng , bềnh bồng ! Ôi! tiếng hát sao mà [ kỳ diệu] đến vậy !


Ban hợp ca Thăng Long , ngoài Phạm Duy – linh hồn của nhóm - còn có Thái Hằng, Thái Thanh, Khánh Ngọc, Hoài Trung và Hoài Bắc. Tuy chơi thân với Phạm Duy, nhưng tôi yêu Hoài Bắc nhất. Hoài Bắc tính tình đôn hậu, ăn nói nhẹ nhàng, chơi với bè bạn rất lịch sự, phong nhã. Ngoài tài hát, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) còn sáng tác cá khúc rất nổi tiếng như MƯA SÀI GÒN, MƯA HÀNỘI phổ thơ Hoàng Anh Tuấn; NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU phổ thơ Thanh Tâm Tuyền trong phim CHÂN TRỜI TÍM, TIẾNG DÂN CHÀI và bản trường ca HỘI TRÙNG DƯƠNG . Thái Thanh trong thời gian đó đã trở thành1 thiếu nữ, chứ không còn là cô bé kẹp tóc bưng phở cho khách ở Chợ Đại năm xưa. Rồi do duyên số, Khánh Ngọc kết bạn trăm năm với Hoài Bắc và sau nhiều năm tháng theo đuổi, bám víu, Thái Thanh cũng ngã vào đôi tay củaLê Quỳnh … - khi cuộc tình giữa Hoài Bắc và Khánh Ngọc đã tan vỡ do bàn tay của Định mệnh .(1)


Từ ngày Khánh Ngọc dứt áo ra đi khỏi ban Thăng Long, để lại 1 khoảng trống không bao bít nổi ! Cũng kể từ ngày đó, Hoài Bắc mang tâm sự u hoài, đi tìm lãng quên trong men rượu; nhưng men rượu cũng không đủ sức làm Hoài Bắc nguôi ngoai phiền muộn, một thứ phiền muộn ray rứt mỗi đêm không ngủ, một mình một bóng với nhớ thương chen lấn hờn giận, như độc tố ngấm dần vào cơ thể làm chết lần mòn nguồn sống . Chỉ còn 1 cách , dìm mình vào hương khói quê nâu, may ra mới thoát ! Phù Dung tiên nữ có đôi tay mầu nhiệm , đã ru biết bao nhiêu tâm sự chán chường, bước vào vùng trời quên lãng !


Sau khi cuộc tình tan vỡ, Hoài Bắc không sống cô đơn lâu dài, có nhiều vóc dáng đàn bà đã đi qua cuộc đời đau khổ ấy.


Riêng Hoài Trung ( Phạm Đình Viêm) ít bị xáo trộn, về vấn đề tình cảm. Bên cạnh ban Thăng Long, còn có gia đình Phạm Đình Sỹ với nữ kịch sĩKiều Hạnh . Phạm Đình Sỹ là anh ruột của Hoài Trung, Hoài Trung là anh cùng cha khác mẹ với Hoài Bắc, Kiều Hạnh là chị dâu. cái gia đình này có đời sống riêng biệt, nên hình như, không dính líu gì về chuyện riêng tư của ban Thăng Long. Kiều Hạnh, một nữ kịch sĩ có tài, đóng được rất nhiều vai [ diễn]. Tính tình hiền hậu, nét đẹp thùy mị, vẻ đoan trang cúa ngươi đàn bà đông phương. Nhưng hôm nay, Kiều Hạnh không còn nữa, đã vĩnh viễn đi vào cõi hư vô, sau nhiều năm sống dưới chế độ… CS tại miền Nam.


Vì câu chuyện Phạm Duy + Khánh Ngọc - 1 thời gian sau – ban hợp ca Thăng Long không còn ở chung tại tòa biệt thự ở đường bà huyện Thanh Quan nữa; mà phân tán thành các đơn vị nhỏ. Hoài Bắc sống chung với đứa con trai, vẫn đi hát cho đài phát thanh và các phòng trà mỗi tối. Ban Thăng Long mất dần uy thế.


Khi trước, nhờ có Phạm Duy lèo lái, ban Thăng Long đã có nhiều dịp xuất ngoại. Đi đâu, đến đâu , đều được tiếp đón nồng hậu. Tróng 1 chuyến viễn du trình diễn tại Philippimes do Quân đội [ làm trưởng đoàn ] hướng dẫn * , ban Thăng Long chỉ đi cò người: Phạm Duy và Thái Thanh. Còn Lê Quỳnh có mặt trong ban vũ của Hoàng Thư. Ngoài ra, còn có nhiều nghệ sĩ thuộc các bộ môn dân ca, có cả Hồ Điệp ngâm thơ. Sau buổi trình diễn tại sân khấu 1 đại học, các chuyên viên về âm nhạc Philippines, họ nói với nhau: ”Trong tất cả các ca sĩ Việtnam, chỉ có 1 mình Thái Thanh biết hát thôi !”. (2)


Ai cũng biết Phi luật tân ( Philippimes) là xứ của âm nhạc. Cây đàn Hoki-Lili là 1 nhạc khí thông dụng cho cả trẻ con, lẫn người lớn tại xứ này. Cũng may câu nói đó, rất ít người được nghe, do vậy, không khí của Đoàn văn nghệ [VN] xuất ngoại vẫn vui vẻ. Ngay cả Thái Thanh cũng không biết về lời phát biểu này; nhưng tôi tin, sẽ có người nói lại. Đài Vô tuyến truyền hình Phi luật tân có mời Đoàn chơi một show, cho toàn nước Phi, được biết tài năng, đặc tính nền văn nghệ Việt Nam, xuyên qua các bài hát, câu thơm điệu múa.


***


Từ ngày thôi làm báo ĐỜI MỚI, rồi NGUỒN SỐNG MỚI , tôi và Hoàng Trọng Miên ít gặp nhau. Một buổi tối, có lòng nhớ, tôi đến thăm Hoàng Trọng Miên . Khi đến, tôi gặp 1 người có 1 dáng điệu tráng kiện, trắng trẻo, bận đồ soọc trắng , trông có vẻ trí thức- đang ngồi nói chuyện với HTMiên ở phòng khách. Thấy tôi đến, HTMiên đứng dậy, giới thiệu:
- Đây, Thanh Nghị, anh ruột tôi.


Tôi nhìn Thanh Nghị bằng con mắt ngạc nhiên, vì trông trẻ hơn HTMiên nhiều. Đã có lần HTMiên cho tôi biết, có người anh đang soạn bộ tự điển, đồng thời ông ta chưa có vợ, và đang mê nữ ca sĩ Tâm Vấn . HTMiên vừa nói vừa cười , có vẻ như chê tư cách người anh. Riêng tôi, không có ý kiến, tuy tôi đã được nghe nhiều người nói về sự phục vụ của nhà trí thức Thanh Nghị đối với ca sĩ Tâm Vấn. Mỗi lần Tâm Vấn đến Đài phát thanh hát, Thanh Nghị dùng xe đưa đón đi, về và chầu chực, nhiều khi, cả nửa ngày ở ngoài xe, mà không hề than van! Ít lâu sau, Tâm Vấn trở thành bà Thanh Nghị , mưa dầm lâu cũng lụt, là vậy !


Sau vài câu chuyện vãn , Thanh Nghị ra về; còn tôi và HTMiên. Miên rủ tôi lại thăm Tam Ích. Tôi biết tiếng Tam Ích lâu rồi, anh học rộng, chịu đọc sách, tinh thần khuynh tả. Anh thường viết bài nhận định về văn học, hay trích dẫn văn danh nhân, để chứng tỏ tài học của mình. Tam Ích sống bằng nghề dạy học. Trước khi gặp Tam Ích, HTMiên nói sơ qua cho tôi biết về gia cảnh, tính nết ra sao ? Tam Ích có người vợ Tàu lai, anh lại là đệ tử nàng Tiên nâu, tính tình vẫn rất kiêu bạc, không thích ai là không tiếp, dù cho anh có ở nhà đi nữa. Nhà của Tam Ích lúc ấy ở con hẻm giữa Võ Tánh và Phạm Ngũ Lão (3) . Đến nới, nhìn vào, tôi thấy 1 tủ sách, tòan những cuốn sách đóng bìa da, chữ mạ vàng. Như vậy, Tam Ích là người đọc và quý sách. Khi được thông báo, Tam Ích từ trong nhà đi ra, anh mặc bộ bà ba trắng, dáng người mập mạp, nước da xỉn xỉn, khuôn mặt hơi thô với đôi lưỡng quyền cao và chiếc miệng khá rộng.


Sau lời giới thiệu nồng nhiệt của HTMiên , Tam Ích tiếp tôi như 1 người bạn quen từ lâu. Anh nói đến các trào lưu văn học tây phương và đợt sóng mới, lại đề cập cả triết học. Anh nói thao thao bất tuyệt như giảng bài. Tôi và HTMiên chỉ ngồi nghe,. có lẽ biết mình đi quá đà, anh ngưng lại, hỏi tôi [ về ] hội họa và các trường phái. Qua câu chuyện hội họa, tôi biết Tam Ích không mấy để ý đến ngành này, chỉ chuyên chú vào văn học, triết học. Tôi liếc mắt nhìn vào tủ sách, thấy cuốn LE CAPITALISME dày cộm, đặt bên cạnh các cuốn của Marx, Engels! Tôi biết anh đã đọc và nghiên cứu về Đệ Tam chủ nghĩa . Anh đã chịu ảnh hưởng và bị chi phối. Do vậy, các bài anh viết đều có khuynh hướng thiên tả, tuy không quá lộ liễu. Dù muốn, dù không, sau nhiều lần giao tiếp với anh và trở nên thân thuộc, tôi phải thừa nhận Tam Ích, con người có tài, đọc nhiều, hiểu rộng; nhưng oan trái thay, chỉ vài năm sau, anh dọn nhà đi nơi khác- ít khi tôi và Tam Ích có cơ hội gặp nhau. Bỗng 1 buổi nghe tin Tam Ích đã treo cổ tự tử, bằng cách [ đứng lên trên] chồng sách quí ở dưới chân, [ đạp ra] cho thân xác treo lơ lửng trên chiếc đà ngang, đến chết !


Đám tang Tam Ích, tôi có đưa tiễn tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Tôi được Hoàng Trọng Miên cho biết, vì quá túng thiếu – hơn nữa vợ con đối với Tam Ích chẳng ra gì – nên Tam Ích mượn sợi dây oan nghiệt đễ giã biệt cuộc đời !. Sau khi ném 1 bông hoa và cục đất xuống huyệt, để chào vĩnh biệt Tam Ích; tôi ra về với Lê Ngộ Châu , lúc đó đang làm chủ nhiệm tờ BÁCH KHOA. Châu bảo tôi:
-… Cậu phải làm 1 bài thơ khóc Tam Ích, vì lúc sống, Tam Ích quí cậu lắm !


Tôi nghe lời , làm bài thơ đăng vào số Bách Khoa mới nhất. Bài thơ không dài lắm; nhưng lâu ngày, tôi quên nhiều đoạn, chỉ nhớ vài câu :


Tam Ích , Tam Ích hồn đi đâu ?
Nếu trở lại mai sau
Xin đừng về chốn cũ
Lưới nhện dã giăng sầu …!


Nói cho đúng, sự nghiệp văn học của Tam Ích không để lại cho cuộc đời được bao nhiêu; nhưng ai biết anh, đều cảm phục thái độ sống và cái học, cái đọc của anh qua sách vở …


***


Tôi vẫn vẽ tranh để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm lần thứ 2 tại Sài Gòn, được dự định vào 1961- nghĩa là theo chu kỳ – cứ 5 năm 1 lần. Phương pháp vẽ của tôi bắt đầu thay đổi. Tôi cảm thấy trường họa lập thể đã già rồi và cái chiều hướng thứ tư ( 4 ème dimension) không còn mấy quyến rũ – hơn nữa, cái trường họa này vẫn phải tựa vào con người, cũng như sự vật- mới có tác phẩm- trong khi đó, một trường hợp mới ra đời sau Đệ 2 thế chiến đang phát triển mạnh- đó là trường trừu tượng( abstraire. )
Trường họa này có điểm đặc biệt là không tựa vào cái gì để có, để tạo nên tác phẩm. Nó hoàn toàn tự do, nhưng cũng vô vàn khó khăn – khi muốn có 1 tác phẩm đẹp. Nó là sáng tạo. Nó là sự thanh thoát mở đường cho mỗi cá nhân họa sĩ, tùy theo bản ngã, tài năng riêng biệt, để tạo [ra] một thế giới riêng , thật riêng biệt- ngay cả người tạo ra nó cũng biến thành người thưởng ngoạn đầu tiên của công trình khám phá do chính mình xây dựng. Còn đứng về phía người xem tranh, yêu hội họa; nó giải phóng tầm nhìn, nó không bắt người yêu tranh phải lệ thuộc vào hoạ sĩ – mà người yêu tranh cũng là kẻ sáng tạo, khi đứng trước bức tranh, để tỉm hiểu, mình đã nghĩ gì về nó, nó đã gợi cho mình những ấn tượng nào khả dĩ chấp nhận được ?


Theo ý riêng, tranh trừu tượng là chiều sâu thăm thẳm của suy tư, muốn nắm được nó, họa sĩ phải có tài năng vững về chuyên môn; họa may, mới có thể tung hoành nét bút, nét dao trên mặt vải. Những hình thể và màu sắc chứa đựng trong họa phẩm, không thể thiếu, cũng không thể thừa. Tất cả đều phải gắn bó với nhau, như 1 tòa kiến trúc, không thể tháo gỡ được. Có nhiều người hiểu lầm,tranh trừu tượng muốn vẽ sao cũng xong, miễn khuôn vải được che kín bởi hình thế và màu sắc. Nghĩ vậy không đúng ! Những gì có trong 1 họa phẩm trừu tượng, người ta không thể làm hơn và kém đi – nếu không – tấm tranh chỉ còn cách đem vứt bỏ. Quả thực mấy chục năm cầm bút vẽ trong tay, tôi chưa thấy lối vẽ nào khó hơn vẽ tranh trừu tượng. Nhưng dù khó đến đâu, đứng trước trào lưu tiến hóa , tôi vẫn cứ phải lao vào, như con thiêu thân ném mình vào lửa ! Cũng may nhờ 1 phần vào tuổi còn trẻ, một phần, mỗi tháng có 1 số lương nhất định để nuôi sống gia đình – do vậy – tôi yên tâm sáng tạo, nếu có thất bại ! Nhưng sự làm việc về hội họa của tôi cũng không thường xuyên, khi nào có hứng thì vẽ, bằng không, để thì giờ làm chuyện khác.


***


Có những buổi sáng chủ nhật, tôi thường la cà tại phố Lê Lợi, đôi khi ngồi quán KIM SƠN uống cà phê, tán dóc với vài ba người bạn. Chính tại nơi này, tôi đã gặp Thế Phong. Khi đó, anh đang chủ trương nhà xuất bản ĐẠI NAM VĂN HIẾN . Sách của nhà xuất bản này đặc biệt in bằng máy rô-nê-ô ( ronéo) , và do Thế Phong vừa biên soạn, vừa đánh máy. Sau khi in ra, chính tay anh mang đi phát hành. Tất cả những gì do nhà ĐẠI NAM VĂN HIẾN xuất bản đều không mang số kiểm duyệt, tức in lậu. Thế Phong thường được các nhà văn trẻ gọi đùa là : nhà văn nghệ cao bồi - vì anh có cái tướng trông ngang tàng, bất cần ai và sẵn sàng đánh lộn, nếu cần. Thế Phong hớt tóc ngắn, lởm chởm, vì sợi tóc khô, cứng. Khuôn mặt trông khắc khổ, cặp mắt sắc sảo, với chiếc cằm nhọn. Đặc biệt anh có bàn tay 6 ngón. Thân hình tuy không to lớn, nhưng gân guốc, khỏe mạnh. Thế Phong viết phê binh rất độc. Anh không sợ sự oán giận của người bị anh phê bình, do đó anh viết cả 1 cuốn sách để nói về cuộc đời của Nguyễn Đức Quỳnh , để mạt sát người đã dìu dắt và nâng đỡ anh trong bước đầu vào khung trời văn học. Nhưng không phải Thế Phong chỉ nói và chửi người khác đâu, anh dám nói cả những thói hư, tật xấu của riêng anh nữa.


Cho đến hôm nay , tôi cũng không hiểu vì lý do nào, Thế Phong lại mến phục tôi, vì lúc nào gặp, hoặc nói về tôi, anh đều dè dặt, có vẻ giữ lời, chứ không buông thả, chửi bới tùm lum như đối với những người khác.


Thế Phong , con người rất đam mê , không những văn học mà còn đàn bà. Những người được anh mê, chắc cũng khổ tâm lắm- như Cao Mỵ Nhân và nữ sĩLinh Bảo. Thế Phong cứ viết đại ra , không biết viết như vậy, làm hại danh dự của người khác; nhất là giới phụ nữ, nhưng hình như, anh không cần 2 chữ danh dự- anh viết, chỉ nhằm mục đích được nói hết những gi mình nghĩ.


Thế Phong còn ký dưới bút hiệu khác như: Đinh Bạch Dân, Đường Bá Bổn v. v. …
Tên thật Thế Phong là Đỗ Mạnh Tường. Tôi cũng không hiểu sao ,Thế Phong lại có tiền để làm công việc, mà tôi tin rất ít kết quả. Sách in ronéo lem nhem, , chữ còn chữ mất, lại in lậu, nên phải bàn giấu giếm, chứ không công khai như các loại sách có kiểm duyệt.


Thế Phong, nhà văn nghệ cách mạng muốn lành mạnh hóa nếp sống tinh thần qua phương tiện văn chương; nhưng có điều Thế Phong quên, trước khi muốn sửa người, hãy tự sửa mình- nghĩa là phải soi gương trước khi nhìn người khác. Tôi tin rằng, Thế Phong nay đã gần 60 tuổi trời, khi quay lại nhìn lại những hình ảnh cũ, thế nào cũng nhận ra một số lỗi lầm và ân hận !


(còn tiếp)


—–
(1) Tạ Tỵ đổ lỗi cho định mệnh an bài- chỉ là một lối nói , để bênh vực Phạm Duy - chính Phạm Duy đã tằng tịu ” đi ăn chè Khánh Hội“ với vợ của em vợ , hậu quả đầu tiên làm tan nát 1 gia đình, sau ,tới ban Thăng Long . Nhờ sự độ lượng, khoan dung, chiu đựng tuyệt vời hiếm có 1 người vợ đối với chồng, Thái Hằng đã khuyên can em vợ ( Phạm Đình Chương ) tha thứ anh rể, không đưa ra tòa . Rồi Khánh Ngọc đi du học ở Hoa kỳ, gặp người chồng tốt sau này , hiện nay sống hạnh phúc ở Mỹ . Sau 1975, khi Phạm Duy viết Hồi ký ( in tại Hoa Kỳ) cũng phải tự thú nhận tội lỗi , nhưng ‘ tội lỗi thú nhận trước bình minh’ , chỉ đâu đó không quá ít dòng chữ . (TP).



(2) nếu tôi không nhầm, chính trung tá Tạ Tỵ, Biệt đoàn trường văn nghệ thủ đô , hướng dẫn phái đoàn qua Manila trình diễn, sau đó còn sang Tokyo ( Nhật bản) nữa, thì phải ? (TP) .


(3) Nhà của Tam Ích, khi ấy, ở trong hẻm Lê văn Duyệt ( nay Cách mạng Tháng 8 , khúc ngã 3 Nguyễn Du ) thông qua Võ Tánh. (TP) .



TẠ TỴ


Cũng tại quán KIM SƠN này, tôi cũng gặp Nguyễn Đình Toàn, một nhà văn trẻ, được nhà xuất bản Tự Do ấn hành, sau khi đăng trường kỳ trên nhật báo TỰ DO – đó là CHỊ EM HẢI. Theo lời của anh em hồi đó, sau khi đọc, cho rằng tác phẩm nói trên, thuộc loại ĐỢT SÓNG MỚI! Nguyễn Đình Toàn ít tuổi* hơn tôi nhiều. Anh có mái tóc dày và dài, khuôn mặt xương xương, và luôn đeo kính trắng. Nước da xanh mét như người bị bệnh. Thân hình anh cũng gầy guộc như không đủ sức mang cái đầu với vầng trán rộng. Nguyễn Đình Toàn chẳng những viết văn , còn làm thơ. Anh tặng tôi tập MẬT ĐẮNG , tuy không bề thế trên phương diện hình thức, nhưng nội dung thật hay. Tuy mới quen nhau, nhưng tôi mến Nguyễn Đình Toàn vô cùng, vì tính tình anh hiền hậu, ăn nói nhỏ nhẹ, khi cười miệng rộng, để lộ hàm răng trắng bóng.


Saigon coi như một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ – nên sự gặp gỡ nhau – giữa người này, kẻ khác không khó khăn gì. Cứ mỗi chiều thứ bẩy hay sáng chủ nhật, đi nhởn nhơ trên vỉa hè đại lộ Catinat, Lê Lợi; thế nào cũng bắt gặp những anh em quen biết. Có mấy quán nước anh em thường ngồi là LA PAGODE, BRODARD, GIVRAL và KIM SƠN. Còn quán THANH THẾ tuy có, nhưng ít, vì nằm ở vị trí hơi khuất, ít người qua lại. Tuy nhiên, quán này thường là nơi gặp mặt của các ký giả.


Nguyễn Đình Toàn sống sống trong 1 khu nghèo gần Đakao. Khi trước, tôi không được biết anh sống ra sao, bằng nghề gì, nhưng từ ngày có tác phẩm và bắt đầu được chú ý, anh sống hoàn toàn bằng ngòi bút của mình. Anh viết rất ít cho tạp chí, ngoài tờ VĂN của Nguyễn Đình Vượng, do Trần Phong Giao điều hành tòa soạn và tờ VĂN HỌC của Phan Kim Thịnh. Nhưng anh có nhiều tác phẩm được ấn hành, do vậy, số tiền bản quyền cũng cung cấp cho đới sống của anh không đến nỗi quá túng thiếu. Ngoài ra, anh còn làm cho Đài phát thanh Saigon, số tiền cachets hàng tháng cũng đỡ lắm. Nguyễn Đình Toàn không hề bê tha thuốc, sái, tuy có uống rượu, nhưng chẳng bao nhiêu. Anh chỉ đam mê một thứ: đánh xì phé! Sự đánh bài cũng chỉ chơi quanh quẩn trong vòng anh em, nhưng sự thua được, đôi khi làm cho đới sống mất thăng bằng. Nếu nói về sự nghiệp, quả thực Nguyễn Đình Toàn đã có, và được chứng minh qua những tác phẩm được ấn hành từ năm 1962 tới năm 1975.


Một chiều, tôi đi làm về, trên bàn viết có 1 bao thư đưa tay. Tôi mở ra xem thấy lá thư kèm theo 50 đồng. Đọc thư tôi mới biết là Trần Phong Giao, có ý nhờ tôi, viết bài cho số đầu của tạp chí VĂN, do Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Tiền nhuận bút được trả trước . Trường hợp này giống hệt Mai Thảo đã xử đối với tôi , khi ra số đầu tờ SÁNG TẠO. Trần Phong Giao, một con người , ngoài văn tài, còn cần mẫn, chăm chỉ và cẩn thận. Trong mấy năm, anh làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn, anh lo hết mọi công việc – từ việc giao dịch với anh em, nhờ viết bài, sửa bản in, trông nom phần mỹ thuật về ấn loát- nghĩa là tờ báo có bao nhiêu việc, anh làm hết. Nguyễn Đình Vượng chỉ lo điều hành việc thu, chi. Mẫu bìa tạp chi Văn, do VĂN THANH trình bầy, tuy không mới, nhưng trang nhã. Mỗi số thay đổi 1 màu. Thỉnh thoảng, tôi có ghé thăm Trần Phong Giao ở tòa soạn trên đường Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình. Nơi làm việc rất chật chội, bên trong, máy chạy ầm ầm; thế mà Trần Phong Giao vẫn bình tĩnh ngồi sửa bản in và viết. Nhiều lần tôi đến , Giao cứ để mặc tôi ngồi, cắm cúi làm việc; còn Nguyễn Đình Vượng mỗi lần nhìn thấy tôi, lại hỏi:
- Chắc cậu cần tiền, bài đâu ?


Đôi lúc, vì nhu cầu riêng, tôi cần tiền thường đến Nguyễn Đình Vượng mượn trước để tiêu, bài đưa sau. Cơ sở Nguyễn Đình Vượng rất phát đạt, vì có 1 chiếc máy in 3 màu, chạy cùng lượt. Chiếc máy này để in thuê, tuy không mấy tối tân, nhưng được cái nhỏ, dễ dùng để in lịch, bìa sách, hoặc phụ bản rất tốt.
Như đã nói, tôi không viết chuyên và đứng hẳn về 1 nhóm nào – do vậy- vấn đề viêt cho tạp chí Văn cũng tùy hứng. Trần Phong Giao luôn luôn có hậu ý, sớ nào có bài của tôi, cũng gửi tới 2 số, để tùy, muốn tặng ai cũng được. Nhưng định mệnh đã buộc Nguyễn Đình Vượng qua đời , khi tờ Văn mỗi ngày 1 thăng hoa. Bà Vượng thay chồng điều hành cả tờ báo lẫn nhà in. Trần Phong Giao tiếp tục làm thời gian, rồi nhường cho Nguyễn Xuân Hoàng , rồi đến Mai Thảo. Từ ngày không còn Trần Phong Giao , tôi ghé thăm Mai Thảo, nhưng không viết.


Sau khi SÁNG TẠO khuất bóng, Mai Thảo cùng Thanh Nam chủ trương báo NGHỆ THUẬT ra hàng tuần. Tòa soạn củng ở đường Phạm Ngũ Lão, nhưng ở phía trên, gần tòa soạn nguyệt san PHỔ THÔNG của Nguyễn Vỹ. Tờ Nghệ Thuậtin bìa offset, trình bầy rất mỹ thuật, bài vở xúc tích – Mai Thảo lại nhờ tôi viết bàigiùm. Vì nể anh em, tôi lại viết và cho in cả tác phẩm trừu tượng trên trang bìa nữa. Tòa soạn báo Nghệ Thuậtvề sau còn tăng cường Viên Linh, một nhà văn trẻ, nhưng báo chẳng tồn tại được bao lâu. Bởi vậy, làm báo dễ thôi; nhưng giữ được tờ báo sống thì khó !


Tờ ĐỜI MỚI chết, vì chủ nó làm chính trị, chứ không, còn sống dài dài; vì nó đã đi vào quỹ đạo của tâm hồn độc giả miền Nam từ bao năm trước, cũng như tờ NGÀY NAY của nhóm Tự lực văn đoàn ở ngoài Bắc vậy.


Nơi tôi làm việc [ bây giờ ] có thêm 1 nhà thơ, đó là đại úy Phan Lạc Tuyên. Tác phong của Phan Lạc Tuyên rất nhà binh. Anh thay Đỗ Tốn trông nom tờ TIỀN PHONG. Phan Lạc Tuyên dáng ngưởi hơi mập, đặc biệt mắt lé; nhưng không đến nỗi nào! Tính tình hơi khô khan một chút, nhưng có lòng với anh em. Anh sống cuộc đời lính chiến đấu lâu rồi, mới ngồi ở văn phòng, nên đôi khi có hành động hơi cứng rắn. Cái gì không ưng ý, anh nói thẳng, chứ không quanh co, hoặc sợ mất lòng ai hết. Người ta biết tiếng Phan Lạc Tuyên qua bài thơ TÌNH QUÊ HƯƠNG , được nhạc sĩ ĐAN THỌ phổ nhạc. Sự giao du giữa tôi và Phan Lạc Tuyên ở mức độ vừa phải, không thân, không sơ. Đặc biệt, anh rất mê tranh của tôi. Anh có ghé thăm nhà tôi 1 vài lần, để xem tranh và bày tỏ cảm tưởng về lối vẽ trừu tượng, mà tôi đang thực hiện, dự tính cho cuộc triển lãm sắp tới. Anh ngỏ ý muốn mua tác phẩm với giá đặc biệt. Tôi đồng ý và chỉ xin mượn lại để trưng bầy khi có triển lãm.


Phan Lạc Tuyên tuy không nói thẳng ra, nhưng qua lời bóng gió, tôi biết anh không ưa chế độ Ngô Đình Diệm. Một hôm, anh lục tủ hồ sơ, vô tình tìm thấy 1 bài viết đả kích ông Diệm, anh biết bài đó ai viết, ở giai đoạn nào. Anh cầm xấp bài, vẫy tôi lại chỗ vắng, bảo:
- Ông ơi, tôi thấy bài này trong tủ hồ sơ, ông hủy ngay đi, nếu ai biết, chắc ông sẽ không yên thân đâu ?


Nói xong, anh đưa xấp bài cho tôi. Nhìn chữ viết, không phải là nét chữ của tôi, mà của 1 trong những người thuộc ban biên tập chống ông Diệm dưới thời tướng Hinh – nhưng dù sao, tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cảm ơn Phan Lạc Tuyên, xé nhỏ xấp bài, quăng vào thùng rác phi tang ! Nhưng Phan Lạc Tuyên cũng không làm chung với tôi lâu . Anh xin được thuyên chuyển qua đơn vị Biệt động quân, nhưng vẫn ở trong ngành Chiến tranh tâm lý (danh xưng mới của Phòng 5).


Rồi tình hình chính trị của miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm không còn êm ả nữa. Những đợt sóng ngầm chống đối đã nổi lên, báo trước những gì sẽ xảy ra, nếu chính quyền không khôn khéo sửa đổi cho hợp lòng người. Nhưng ông Diệm quá tin váo sự ngay thẳng của mình, cũng như tinh thần chống Cộng tuyết đối của chế độ, do ông và gia đình điều khiển- nên mới đưa đên cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi , tư lệnh Nhảy Dù, và các đơn vị Biệt động quân – trong đó có Phan Lạc Tuyên, vào 1960. Cuộc đảo chính thất bại, những tay chủ chốt lên máy báy, qua tị nạn ở Cao Miên (Campuchia), trong đó có cả Phan Lạc Tuyên.


Kể từ ngày đó, giữa tôi và Phan Lạc Tuyên không 1 lần gặp lại. Sau những ngày tháng lưu vong nơi xứ người, không hiểu sao Phan Lạc Tuyên lại đi theo Mặt trận giải phóng, ra Hànội, và được đi Liên Xô học về lịch sử, và có văn bằng phó tiến sĩ. Nhưng theo ý riêng, Phan Lạc Tuyên có đi theo CS, chẳng qua vì không còn con đường nào khác, đâm lao phải theo là, là vậy!


Sau cuộc đảo chính hụt, tình hình miền Nam bắt đầu không yên, tuy nhien sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, cũng chẳng vì tình hình chính trị mà ngưng trệ, nó vẫn sinh hoạt đều đầu, coi như mọi biến chuyển đều ở ngoài nó.


Một buổi chiều, tôi và Phạm Duy ngồi uống nước tại LA PAGODE , bỗng có 1 thanh niên mặt mày trắng trẻo, trông ra dáng con nhà, từ ngoài bước vô, đến thẳng chỗ tôi và Phạm Duy ngồi. Duy cười, giới thiệu: ”Cung Trầm Tưởng”.


À, bây giờ tôi mới biết mặt. Tôi ngó Cung Trầm Tưởng, với cái nhìn thiện cảm. Tôi biết anh mới từ Pháp về, qua khó học chuyên môn do Bộ Tư lệnh Không quân gửi đi. Anh có mấy bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và được nhiều người hâm mộ. Tôi không biết Mặc Đỗ đã rõ mặt CTTưởng chưa, từ sau khi bài thơ của anh ta đăng trên tuyển tập ĐẤT ĐỨNG. Vì những lần gặp sau, tôi không hề nghe Mặc Đỗ nói gì về CTTưởng nữa. Qua lần gặp đầu tiên, tôi và CTTưởng không nói gì nhiều với nhau – chỉ có Phạm Duy và CTTưởng nói về tập nhạc phổ thơ được dự định in ra sao. Tôi thấy sự có mặt của mình hơi thừa, nên cáo từ. Về sau, tôi và CTTưởng có nhiều dịp gặp nhau, vì cùng ở trong quân đội. tên thật là Cung Thúc Cần, cháu gọi Cung Đình Vận bằng bác ruột. (….)


Vào 1 buổi tối, lúc đó cũng hơi khuya, tôi nghe tiếng gõ cửa. Trước khi mở, tôi nhòm qua cửa sổ xem là ai? Thì ra nhà văn Lê Văn Trương. Tôi mở cửa mời anh vô nhà và hỏi sao đến chơi muộn vậy? Lê Văn Trương trả lời, vừa trốn ở nhà thương ra, sực nhớ đến tôi ở gần nhất, nên đến. Sau ly nước trà, tôi nhìn một Lê Văn Trương gầy guộc, nước da xanh xạm. Thật tội nghiệp!.


Anh giơ 2 cánh tay cho tôi coi những đường gân nổi to như chiếc đũa, với những nốt đen, rồi nói:
- Đệ có ý định cai thuốc phiện, nên vô nhà thương Chợ Quán cho họ thay máu, có nghĩa là họ rút hết máu cũ đi, tiêm máu mới vào. Nhưng khốn nỗi, thuốc phiện đã vào tận tủy rồi, nên dù có thay máu cũng chẳng đi đến đâu. Mỗi lần cơn ghiển đến, nó hành hạ quá sức, đệ không chịu nổi lâu hơn nữa, nên đành trốn, muốn ra sao thì ra!


Cái lối nói của Lê Văn Trương như vậy. Tôi năn nỉ anh đừng xưng” đệ” với tôi, vì tôi còn thua tuổi anh nhiều. Hơn nữa, cái sự nghiệp văn chương của anh quá lớn, làm sao tôi dám đứng ngang hàng, chứ đừng nói hơn. Nhưng anh không nghe và nhất định cứ xưng hô như vậy. Tôi đành chịu. Tôi biết tiếng Lê Văn Trương từ thuở còn đi học và cuốn MỘT NGƯỜI của anh đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn tôi lúc ấy. Vào những năm 40 , tiểu thuyết Lê Văn Trương là sách gối đầu giường của tuổi trẻ. Vì mê đọc văn anh , tôi cố làm quen với 1 đệ tử của anh và nhờ đưa đến gặp anh tại 1 căn nhà gần CHÙA VUA.


Dưới mắt Lê Văn Trương , lúc ấy, tôi chỉ là 1 cậu bé con- còn anh đã trưởng thành và đang nổi tiếng – sách bán rất chạy. Sự gặp gỡ này không giống như sự gặp gỡ giữa tôi và Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, nó lạnh lùng và xa cách. Tôi nhìn Lê Văn Trương nằm hút với người bạn, chiếc khay đèn thật sang trọng đặt trên tấm thảm hoa rực rỡ. Sau 1 hơi thuốc kéo ro ro, tôi nhìn không thấy 1 sợi khói thuốc nào thoát ra ỡ mũi, miệng, [ vậy ] là nó được nuốt hết. Sau điếu thuốc đó, Lê Văn Trương ngồi dậy, đưa tay cho tôi xiết, xong, lại nằm xuống, không nói 1câu nào. Thấy nản quá, tôi kéo người bạn ra về.


Từ đó, tôi không gặp lại Lê Văn Trương, tuy vẫn đọc sách của anh. Cho tới khi vô Nam, tự anh tìm đến tôi nhiều lần, vì anh có đọc thơ và truyện tôi viết, anh cho rằng tôi viết rất sâu sắc và thơ thì hay! Tôi cảm ơn anh, nhắc lại câuu chuyện năm xưa, anh xin lỗi – vì khi ấy, anh có nhiều người ái mộ quá, nên anh chẳng biết ai với ai? Vào Nam, con đường người hùng của anh đã tàn rồi! Sự nghiệp văn học của anh coi như chấm dứt – tuy anh có viết, nhưng không được đón tiếp như những năm 40 về trước. Do vậy, anh sống rất nghèo, nhưng trong nhà luôn luôn có 1 bầy mèo. Khi anh hút, chúng nằm quây quần bên cạnh, có lẽ, lũ mèo này cũng nghiện khói thuốc phiện !


Một vài lần, tôi và anh có gặp nhau tại tòa soạn SÁNG DỘI MIỀN NAM, anh Võ Đức Diên mời anh viết, để có cớ giúp đỡ anh hút tiền. Nhưng rồi định mệnh cũng lấy anh đi trong cảnh túng thiếu cùng cực. Anh mất trong bệnh viện, ở khu làm phúc. Đám tang anh chỉ lèo tèo có vài bằng hữu đưa tiễn. Từ ngày anh mất, lũ mèo kêu gào mấy đêm, rồi cũng bỏ đi mất dạng.


Trong những bằng hữu của tôi còn 1, 2 người quái đản lắm.


Một tối, tôi đang ăn cơm, bỗng nghe tiếng trẻ con reo hò ầm ĩ cả lối ngõ. Tưởng có chuyện gì, tôi ra cửa, thấy nhà thơ Bùi Giáng – vaiđeo chiếc bị- đang quí gối lê dần đến cửa, 2 tay chắp ngang ngực, như dang cầu nguyện. Tôi chạy vội ra cửa, dìu Bùi Giáng vô nhà. Bùi Giáng nhìn tôi, như ngạc nhiên, hỏi:
- Tại sao ông nâng tôi dậy? Đến nhà ông Tạ Tỵ, phải đi bằng đấu gối, ông ta mới chịu tiếp !


Tôi biết, Bùi Giáng, 1 nhà thơ lỗi lạc; nhưng chẳng may mắc bệnh tâm trí, nên tôi thông cảm với mọi hành động, cũng như lời nói của nhà thơ. Vào trrong nhà rồi, Bùi Giáng vẫn nhất định không chịu bỏ chiếc bị trên vai xuống. Khốn khổ thay, chiếc bị là cái bao tải cũ đã rách, thòi cả quần áo, giấy tờ ra ngoài. Đã mấy lần tôi định gỡ xuống, đều bị Bùi Giáng ngăn lại. Nhân tiện đang ăn cơm, vợ chồng tôi mời Bùi Giáng ngồi ăn luôn – cái lối ăn Việtnam – thêm đũa, thêm bát, chứ có mất mát gì đâu .


Bùi Giáng nhất định không ngồi vào ghế của bàn ăn, mà bưng bát cơm, ngồi phệt uống nền gạch, bắt buộc tôi cũng phải ngồi phệt xuống theo. Thế là, thay vì ngồi ăn trên bàn tôi và Bùi Giáng ngồi xệp xuống nền gạch đánh chén, còn vợ con tôi đứng bên hầu hạ. Vừa ăn, Bùi Giáng vừa nói chuyện trên trời, dưới đất, nào chuyện “ mẫu thân Phùng Khánh “ cùng giấc mơ kỳ dị ! (hiện Phùng Khánh đã dâng mình , hiến đời cho đạo Phật và quyết tâm bảo vệ Phật pháp đến cùng dưới chế độ CS hôm nay ).


Bữa đó, Bùi Giáng vừa ăn vừa nói chuyện, đâu đó tới khoảng 12 giờ khuya, mới chịu vác bị ra về. Nhưng chẳng phải 1 lần, còn nhiều lần khác, mỗi lần Bùi Giáng đến, mỗi lần làm tôi bận rộn. Nhưng chẳng biết làm gì hơn là chịu đựng, vì yêu qúy những vần thơ trác tuyệt, với tác phong cúa kỳ tài :


… Thưa em rượu uống bây giờ
Là thiên cổ lụy còn trơ bên mình
Tài hoa tiếng vọng điêu linh
Phạm đan Phượng chết theo Quỳnh Như sao
Thưa em từ bữa nghiêng chào
Chớm trong đầu chợt sóng trào trường giang
Em đi rắc lá trên đàng
Cỏ xanh rì mọc suốt càn khôn kia
Muà xuân mưa rưới ruộng lìa
Về trong nắng hạ mép bìa sai bâu …


LÁ HOA CỒN / BÙI GIÁNG


Bùi Giáng chẳng những [ là ] con người của thi ca , mà còn ở cả phạm vi triết học, nhất là giáo lý đạo Phật đã xâm nhập vào trí tuệ làm tâm hồn thi nhân lúc nào cũng choáng váng, cũng mê ngộ giữa ảo ảnh và thực tại, giữa cõi đời ô trọc và thế giới huyễn hóa nhiệm mầu, do các nhà đại tư tưởng của thế giới phác họa.


Còn người nữa là Nguyễn ngu Í [NGUIỄN NGU Í]. Tuy NGU Í không có những hành động giống Bùi Giáng, nhưng khi nói chuyện với anh, cũng phải hết sức chú ý- có thể nửa chừng đang vui, anh nổi cơn điên, chửi loạn lên, chửi từ tổng thống trở xuống, không biết sợ là gì!


Sau ngày 30 – 4 – 19785, một buổi sáng, anh đến thăm tôi, khi nói vài câu về tình hình mới, qua chén trà, tự nhiên lên cơn, cứ réo tên của HCM mà chửi, tôi can không nổi. Sáu hồi chửi đã miệng, anh ra về, tôi thở phào nhẹ nhõm! Anh có thành tâm, thiện chí với tiền đồ văn học. Anh cũng là người có sáng kiến cải tiến lối viết chữ quốc ngữ, nhưng không thành công. Anh quen biết rất nhiều người làm văn học đương thời. Anh đã viết và ấn hành 1 tác phẩm mang tựa đề SỐNG VÀ VIẾT …, nói về nhiều cây bút tên tuổi. Anh hợp tác thường xuyên với tạp chi Bách Khoa. Ngoài việc viết, vợ chồng anh còn có nghề dạy học, do vậy, đời sống vật chất không đến nỗi nào! Nguiễn ngu Í, người miền Nam, dáng mảnh mai, nói nhanh và nhỏ, nên khó nghe. Cái điên của Nguiễn Ngu Í tuy chưa cao độ bằng Bùi Giáng; nhưng khi lên cơn cũng lôi thôi lắm. Anh cứ lải nhải nói những chuyện đâu đâu, không dính dáng tới mình, vẫn phải nghe,nhiều lúc cực chẳng đã, phải thoái thác ra 1 việc gì đó cần phải đi, anh mới chịu ra về. Nhưng nay, Nguiễn Ngu Í không còn nữa. Sau mấy năm sống dưới chế độ CS, cơn mê tâm trí càng tăng. Tôi nghe nói, phải đưa anh đi điều trị tạiDưỡng trí viện Biên Hòa 1 thời gian; nhưng cuối cùng ôm đau, bệnh tật và uất hận cũng buộc anh phải vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời. Âu cũng là điều may mắn cho Nguiễn Ngu Í .


——
* Giấy khai sinh Nguyễn Đình Toàn : 1936 . Tập viết văn từ Hànội, khoảng 1953, quê Gia Lâm. ban đầu, ký bút danh TÔ HÀ VÂN, hay làm đỏm dáng, kể cả bản thảo, nét chữ đẹp, viết bằng mực tím. Chị em Hải, tác phẩm đầu tay xuất bản năm 1961. Bạn văn đầu đời là nhà văn NHẬT TIẾN, ĐỖ PHƯƠNG KHANH, DƯƠNG VY LONG, v.v… Sách mới xuất bản ở Hoa kỳ, Nguyễn Đình Toàn chỉnh lại năm sinh, thay vì 1936, năm sinh đúng: 1930. (TP)



Trong suốt 1 đời sống nghệ thuật, tôi chi gặp có 2 người đăc biệt đó thôi [Bùi Giáng & NguiễnNguÍ] còn tất cả đều bình thường. Đã lâu tôi không gặp lại Hoàng Trọng Miên và Nguyễn Đức Quỳnh. Bỗng 1 chiều, anh Quỳnh lại thăm và tặng tôi cuốn “ai có qua cầu” (1). Anh Quỳnh trông vẫn vậy, chiếc trán cao vòi vọi, đôi mắt sắc sảo, chiếc pipe luôn luôn ngậm lệch một bên miệng. Anh xem và khen những bưc tranh mới sáng tác của tôi và hỏi bao giờ thì triển lãm? Tôi cho anh biết, Phòng triển lãm được dự định vào cuối năm 1961.


Anh nói :


-… Tranh trừu tượng, nếu biết vẽ thì đẹp lắm, nếu vẽ ẩu, coi chán chết- mà tranh của cậu, cái nào trông cũng công phu, tôi tin cậu sẽ thành công.


Tôi cảm ơn anh về nhũng lời khuyến khích nhiệt tình. Đó cũng là lần cuối anh đến nhà tôi, tuy về sau, tôi với anh có dịp gặp nhau vài lần nữa tại nhà Phạm Duy.


Tôi vẫn cộng tác vời tờ Sáng dội miền Nam. Anh Võ Đức Diên xin cho tôi được biệt phái qua làm hẳn ở tòa soạn. Khi đó, vì nhu cầu mở rộng hoạt động, nên Nha Chiến tranh tâm lý được đổi danh xưng, thay thế cho Phòng tác động tinh thần , tức Phòng 5 cũ. Cơ cấu tổ chức qui mô hơn nhiều. Địa điểm không còn ở Bộ Tổng tham mưu nữa, mà tọa lạc tại đường Thống Nhất, đối diện rạp hát Thống Nhất, nơi mỗi chiều thứ ba có mở xổ số và thỉnh thoảng được dùng đễ trình diễn một vở kịch, một vở tuồng nào đó, hoặc làm nơi hội họp quan trọng của Quân đội.


Tạp chí Sáng dội miền Nam lần đầu cho in phụ trương bản trường ca Con đường cái quan. Chính thực, bản trường ca này Phạm Duy làm xong đoạn đầu từ 1955, nhưng nay mới có dịp cho phổ biến. Sau khi in ra, bản nhạc được hoan nghênh đặc biệt, do đó, Võ Đức Diên thúc giục Phạm Duy làm tiếp đoạn vào miền Trung và miền Nam, vào 1960. Khi anh Võ Đức Diên đưa ý kiến ra, Phạm Duy cười cười, nói :
- Anh ơi, lữ khách hết tiền rồi, đói quá, không đi tiếp được nữa !


Nghe vậy, Võ Đức Diên hiểu ý, lấy giấy viết mấy chữ cho quản lý Đạt, bảo anh ta đưa ngay cho Duy một khoản tiền . Tuy Phạm Duy đã có tiền rồi, nhưng lại cònyêu sáchthêm, đề nghị anh Võ Đức Diên nên tổ chức một chuyến đi miền Trung để tìm thêm tư liệu sáng tác. Tuy Võ Đức Diên là kiến trúc sư, nhưng tinh rất nghệ sĩ, lại hào phóng nữa, đồng ý ngay, rồi tổ chức đi, sau đó vài hôm.


Chuyến đi có 2 chiếc xe, một chiêc dành cho anh Diên ngồi cùng Lê Văn Siêu + nhà coi tử vi Nguyễn Duy Diễn (2) và thầy địa lý Dương Thái Ban . Còn tôi, Phạm Duy, Văn Thanh, Phùng Trực (chuyên viên chụp ảnh ) đi chiếc xe hơi Citroen 2 ngựa. Tôi thường gọi đùa loại xe này là xe lễ phép, vì mỗi lần thắng, mũi xe chúi gập xuống đất như cúi chào.


Lộ trình đi lên Đà Lạt trươc, vì anh Võ Đức Diên đang chịu trách nhiệm vê công trình xấy cất ngôi biệt thự của ông bà Ngô Đình Nhu ở trên đó. Anh Diên nhờ tôi vẽ vài tấm hình trang trí cho ngôi nhà, do vậy, tôi đã nhiều lần lên thăm ngôi biệt thự xây cất cầu kỳ đó. Tôi còn được biết cả căn phòng bí mật ở trên nóc nhà , để đề phòng khi có biến cố , ông bà Nhu có thể dùng nơi đó ẩn thân, chờ tình thế đổi thay ra sao ? Nếu không có người chỉ vẽ cho biết, không ai có thể tìm ra lối lên căn lầu ấy, vì nó được ngụy trang bằng 1 bức tường giả, trông như thực. Uổng thay, căn phòng bí mật ấy không có 1 cơ hội nào được dùng đến cả.


Chúng tôi ngủ lại 1 đêm ở Đà Lạt, hôm sau vòng ngả đèo Ngoạn Mục , qua Krông Pha xuống Phan Rang, đến Nha Trang. Vì anh Diên đang làm giám đốc Nha Kiến thiết , nên 1 khách sạn của chính phủ đều do cơ sở này quản lý, nên chúng tôi đến ngủ tại 1 khách sạn lớn nhất , trông thẳng ra biển, qua hàng dừa xanh, với bãi cát vàng óng. Chúng tôi rong chơi, tắm biển 1 ngày thỏa thích – trong khi đó, nhà tử vi kiêm tướng số Diễn nằm dài bên khay đèn , tâm sự với ả Phù dung- còn nhà địa lý Dương Thái Ban cứ mang cái địa bàn đi tìm hướng đất, chả biết để làm gì ? Buổi tối, trời quá nóng, tôi cởi trần, mặc mỗi chiếc quần tắm, thì nhà tử vi tướng số Diễn, sau hơi thuốc, mở mắt lim dim, nhìn tôi, khen:


- Thằng Tạ Tỵ, nó có bộ cốt đẹp !


Lúc ấy còn trẻ, tôi không mấy tin tướng số , nên cười diễu cợt :


- Ông coi tôi, con gái còn mê được không ?


Ông iễn nghiêm mặt, nói :


- Tôi không giỡn với cậu đâu, với bộ cốt ( xương ) này, cậu thọ lắm !


Tôi nghe và quên đi, không bao giờ để ý đến lời nói của ông Diễn. nay càng già, càng cảm nhận thấy tất cả mọi số phận, hình như có một sự định đoạt trước, mình không biết đấy thôi .


Hôm sau, chúng tôi đến Quảng Ngãi, ngủ lại đây 1 đêm. Tối, Phạm Duy mang đàn ra ngoài hiên ngồi hát. Tiếng hát bay xa đến đâu chẳng biết, chỉ biết, ít phút sau có năm, bẩy cô gái lượn lờ trước cửa. Phạm Duy buông lời chợt nhả, mấy cô cười rúc rích. Nếu có thời giờ ở lâu, chắc thế nào cũng có cô bị vỡ nợ với Duy !


Con đường xuyên Việt rất nhiều cảnh đẹp. Chiếc xe hơi chạy đều đều, Phạm Duy ôm đàn làm nhạc. Đến của bể Đại Lãnh [tác giả nhớ sai, vì Đại Lãnh thuộc vùng Phú Yên ( Đèo Cả) , sau đó mới qua Bình Định, rồi Quảng Ngãi ] lúc giữa trưa , chúng tôi rủ nhau xuống tắm, vì bãi biển quá đẹp, lại không có bóng dáng 1 người nào. Trừ Võ Đức Diên + 2 ông tử vi, thầy địa lý, còn tất cả đều cởi hết quần áo, nhẩy ùm vào sóng biển. Lần thứ nhất, chúng tôi nhin thấy … của nhau, cũng ngồ ngộ !


Ra tới Quảng Trị, định đi thăm cầu Bến Hải, nhưng vị phó tỉnh trưởng Nội an cho biết; không mấy an ninh, nên chúng tôi quay về Huế, ở lại 1 ngày, sau đó trở về Sài Gòn.


Phân khúc 2/ Con đường cái quan của Phạm Duy được hoàn thành sau đó ít lâu, rồi kết thúc bằng tiếng hò lơ miền Nam – tức là lữ khách đã đi hết con đường xuyên Việt – con đường sáng tạo của dân tộc Việtnam trong công cuộc mở mang bờ cõi, làm tiêu tan vương quốc Chiêm Thành !


Nhưng anh Võ Đức Diên vắn số, tôi được tin anh mất, khi tôi đang công tác ở Phi Luật Tân ( Philippines ) – do đó, đám tang anh, tôi không có mặt. Trở về, tôi đến mộ anh thắp hương, đến nhà anh tại đường Hiền Vương, gần Đa kao, chia buồn cùng chị Võ Đức Diên. Nhìn lên bàn thờ, ảnh anh gợi trong tâm trí tôi biết bao kỷ niệm ! Tôi coi anh như 1 người anh, chẳng những vì tuổi tác, mà còn do đức độ nữa.


Đời sống của Sài Gòn đang yên lành, bống buổi sáng có tiếng phi cơ khu trục rít như xé gió, lượn 1 vòng quanh thành phố, rồi có tiếng bom nổ. Chưa ai hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy 1 cột khói bốc cao từ Dinh tổng thống ở đại lộ Thống Nhất. Tiếp theo, những tiếng súng lớn từ hướng bến Bạch Đằng vọng lại. Sau khi thả mấy trái bom, 2 chiếc khu trục lao vút đi , nhưng 1 chiếc trúng đạn phòng không Hải quân đã bị rớt tại khu vực Biên Hòa – còn chiếc kia mịt mù bóng dáng. Mọi người, mọi nhà đều mở đài nghe tin tức. Lúc đó mới biết, 2 phi công, tên là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử, lái Skyraider ,thay vì đi ném bom, lại ném xuống đầu gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm – tuy không gây thiệt hại nào về nhân mạng ,chỉ làm hư 2 cánh trái của ngôi nhà, khi xưa là nơi ngự trị của viên toàn quyền Đông Dương, dưới thời Pháp thuộc. Chiếc phi cơ bị trúng đạn do Phạm Phú Quốc lái. Tuy máy bay rớt, nhưng phi công chỉ bị thương nhẹ, bị bắt ngay, nhốt vào khám Chí Hòa. Còn chiếc do Nguyễn văn Cử lái thẳng qua Cao Miên ( Campuchia) xin tỵ nạn chính trị. Đó cũng là l điềm báo trước những gì sẽ xảy ra sau này cho chế độ Ngô Đình Diệm, nếu ông ta và gia đình không thay đổi chiều hướng cai trị cho thuận lòng dân.


Sau cuộc ném bom, tổng thống Diệm và các cơ cấu phụ thuộc, tạm dọn về Dinh Gia Long. Chiếc dinh cũ bị phá sập hoàn toàn để xây cất 1 cơ sở mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu.


Sự chống đối chế độ Ngô Đình Diệm mỗi ngày 1 gia tăng, tuy ngấm ngầm; nhưng quyết liệt ở tất cả mọi phe nhóm chính trị đối lập. Tuy vậy, ai làm chính trị cứ làm, còn cuộc sống trước mắt với nợ áo cơm, mọi người vẫn phải cúi đầu tuân hành theo vòng quay của nó.


Đúng như dự định, cuối năm 1961, Phòng Triển lãm tranh của tôi mở cửa. Nội dung phòng tranh lần này khác hẳn lấn trước, vì loại tranh trừu tượng bắt đầu xuất hiện , xen kẽ với 1 số tranh, còn vẽ theo lối cũ. Đây chỉ là bước đầu thăm dò, nên phòng tranh chưa hoàn toàn theo ý muốn. Nhưng quả thực, tôi không ngờ, dân chúng miền Nam cũng có tinh thần thưởng ngoạn thực tiến bộ. Từ ngày mở cửa cho tới ngày bế mạc, không ngày nào vắng người; trái lại, số người xem tranh càng tăng. Tôi không chủ quan, cho rằng mọi người đi coi triển lãm đều có khiếu thẩm mỹ cả đâu, có một số thôi, còn phần đông vì tò mò, thấy lạ mắt đến xem cho biết ! Số tranh lớn bán được cũng tới 70 %. Như vậy, tôi có thể vững tin vào tương lai nền hội họa mới Việtnam. Cũng như lần trước, vì không có mặt thường xuyên tại Phòng Triển lãm, tôi nhờ nữ sĩ Trúc Liên (3)coi giùm - như lần trước , tôi đã nhờ cô cháu gái nhà văn Mặc Đỗvậy. Nữ sĩ T.L, một người đàn bà tuy không đẹp lắm, nhưng có duyên và nhất là biết ngoại ngữ, giao thiệp giỏi, biết cách giới thiệu tác phẩm với người yêu tranh. Do vậy, nên các họa sĩ thường mời Trúc Liên trông nom giùm, lâu dần thành 1 cái nghề.


Phòng triển lãm lần trước của tôi, Thanh Tâm Tuyền đã mê cô cháu của Mặc Đỗ, nhưng chẳng đi tới đâu – lần này, nhà văn Trúc Sỹ của tạp chí Thế Kỷ ngày xưa, lại lao đầu vào mê nữ sĩ Trúc Liên . Nói đúng ra, chuyện yêu đương là chuyện thường tình ở cõi đời này; nhưng mấy ai, khi yêu, có biết được cái tình mình cho, liệu người ta có nhận không ?


Trúc Sỹ (4) khi ấy cũng nhiều tuổi , bỏ vợ con ở lại Hànội, một mình vượt biên vô Nam, qua ngả Lào, không chịu được cảnh cô đơn – nên muốn tìm người bạn đời chia sẻ vui buồn . Hầu như không 1 ngày nào thiếu bóng Truc Sỹ tại phòng triển lãm nhưng Trúc Liên không phải người đàn bà tầm thường , cũng là tay cao thủ võ lâm – chỉ có Trúc Sỹ không biết đấy thôi, cứ lao đầu vào, sau anh ta mang lấy vết thương lòng. Nhưng chẳng ai có lỗi cả, , nó chỉ là tai nạn khó tránh vUeDyM8MwuD9iKaGxaSHR1JBIOiSKGRlNi4SRI6AUaAQtIooOjaZAIoK5Pio0khYeSQuHMaBR7Ki4zJhEZnh0cGKeEhpB/AEhhYQTf0CIf0IoIRG0MBgdEk">Ảnh đám cưới Duy Thanh- Trúc Liên, Sàigòn 1963


Ít năm sau, Trúc Liên là bạn đời của họa sĩ Duy Thanh. Còn Trúc Sỹ cũng tìm thấy hơi ấm đàn bà với người bạn cùng sở. Chỉ tội người vợ mất chồng và những đứa con mất bố, hiện ở ngoài Bắc.


Thấm thoát, tôi sống ở miền Nam đã gần 10 năm. Miền Bắc, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, trong tình thương yêu của gia đình; nhưng quả thực, tôi đã trưởng thành ở miền Nam và càng ngày tôi càng thấy yêu mến miền Nam, coi như ruột thịt của mình. Miền Nam tuy không có 4 mùa luân chuyển, tuy phong cảnh không có nơi nào tuyệt đẹp như phong cảnh miền Bắc; nhưng khí hậu miền Nam, và cái nếp sống cởi mở của người Nam đã làm tâm hồn tôi đắm chìm, như dòng nước nhỏ chảy tuôn vào dòng sông lớn.


Tôi không có mối tình nào, với bất cứ cô gái miền Nam nào, nhưng mỗi khi nói chuyện với họ, dù là câu chuyện tầm phào, họ cũng làm tâm hồn tôi rung động, qua cách phát âm ngọt ngào, dễ mến! Ngay cả những cô gái làng chơi , họ đối xử không quá máy móc và thụ động như những cô gái ở địa phương khác.


Do vậy, nhiều khi tôi nghĩ – nếu 1 ngày nào thống nhất đất nước, qua đường lối hòa bình, tôi cũng sẽ ở lại miền Nam. nếu có nhớ Hànội, tôi cũng chỉ ra thăm thôi. Tôi đã bị Nam- hóa tự lúc nào không biết, ngay cả tiếng nói thường nhật, cũng pha ít nhiều tiếng miền Nam mà chính tôi cũng không hay biết!


(Còn nữa)


_________
(1) Tựa sách không viết chữ hoa, lối viết chữ thường, gọi là bdc. ( Nxb Quan điểm loại mới, Saigon 1957. ) Tôi đã cho đăng trọn tâm bút trên < Newvietart.com > Pháp / Từ Vũ - ( TP )


(2) Tác giả chỉ ghi tên thật. Đó là giáo sư dạy bậc trung học tư thục Nguyễn Duy Diễn kiêm nghề bói toán, tướng số. Là bạn thân Nguyên Sa, khi ông Diễn qua đời, Nguyên Sa làm 1 bài thơ khóc nức nở tên ‘ đệ tử Phi Tôn’
- Tạ Tỵ có trích dẫn 1 đoạn thơ Nguyên Sa khóc N.D. Diễn ở chương sách trước . ( TP )


(3) Tên thật Vũ Thị Tuất. Sinh 1929 tại Sa Đéc, viết văn từ 1948, tác phẩm đăng trên các báo Tin điển, Nhân loại, Giáo dục phổ thông, Cách mạng quốc gia v. v. … Vợ họa sĩ Duy Thanh ( tên thật Nguyễn Khánh Thành). Hiện vợ chồng Duy Thanh sống ở San Francisco, Hoa Kỳ. ( TP )


(4) Trúc Sỹ sinh năm 1918. ( TP )



Một buổi tôi đến thăm Trần Phong Giao ở tòa soạn Văn, Giao hỏi tôi có biết Thế Uyên , tác giả 10 ngày phép của người lính không? Tôi bảo, có đọc tập sách mỏng đó, nhưng chưa quen tác giả:


“Cuốn đó viết được lắm, ông nên mời viết cho báoVăn“. Thói quen Trần Phong Giao là vừa làm việc vừa nói chuyện, nên câu chuyện tuy nói mà không hứng thú bao nhiêu! Giao cho tôi biết hiện Thế Uyên mang cấp bậc thiếu úy và được biệt phái làm việc tại Nha Công tác xã hội miền Thượng. ‘Cơ sở này ỏ vùng Ngã Bảy, nêu ông muốn gặp, lại đấy mà tìm’. Tuy biết vậy, tôi cũng chưa có ý tìm gặp nhà văn trẻ, có lối viết khá bạo, nghiêng về dục tính và có thái độ bất chấp cuộc đời này!


Nhưng có lẽ do duyên nghiệp đẩy đưa, một buổi , vì công vụ, tôi đến Nha Công tác xã hội miền Thượng. Sau khi nói chuyện với phó giám đốc, bạn thân, tôi ngỏ ý muốn gặp Thế Uyên . Anh mở to mắt ngạc nhiên, nhìn tôi hỏi :
” Thế Uyên là ai, ở đây làm gì có Thế Uyên ?”


Tôi nó, Thế Uyên mang cấp bậc thiếu úy mới được biệt phái về đây mà ! Anh bạn cười, có phải là thiếu úy Nguyễn Kim Dũng không ? Tôi nói, không biết rõ lắm, nhưng cứ đưa tôi gặp. Anh bạn tôi đưa tới một căn phòng, rồi chỉ , tôi nhìn thấy 1 con người nhỏ bé, nước da xạm đen, trông lạnh lùng, đang ngồi khiêm nhượng trong một góc. Trên mặt bàn trống trải, một xấp giấy tờ công vụ. Tôi tiến đến. Anh thiếu úy đứng dậy chào, vì nhìn thấy cấp bậc tôi mang trên cổ áo. Tôi chào lại, rồi hoà nhã, đưa tay ra bắt tay anh hỏi bút hiệu Thế Uyên có phải anh không ? Anh nhìn bảng tên tôi mang trên nắp túi áo treillis, rồi ngập ngừng trả lời :
- Phải !
Tôi kéo chiếc ghế bỏ trống ở bàn kế bên, ngồi xuống, mở đầu câu chuyện – bằng cách khen ngợi cuốn 10 ngày phép của người lính. Anh cảm on [ vì ] những lời khen , nét mặt không hề thay đổi, vẫn [ rất ] lạnh lùng. Lúc ấy, tôi chưa biết Thế Uyên là em ruột Duy Lam ( Nguyễn Kim Tuấn ) . Nếu biết, tôi nói ngay và do đấy, câu chuyện đầu tiên còn thể cởi mở dễ dàng hơn. Sau chừng 5 phút, tôi thấy có ít cảm tình với nhà văn trẻ này, dù tôi yêu lối văn sâu sắc, táo bạo của anh đến đâu đi nữa !


Ít lâu sau, tôi và Thế Uyên có [ cơ hội ] gặp nhau ở môi trường khác, làm chúng tôi trở nên thân và quý mến nhau qua tải năng cùng tư cách. Nhưng Thế Uyên không phải mới bước chân thứ nhất vào khu vườn văn học, đã nổi tiếng ngay đâu, mà còn phải kinh qua 1 thời gian thử thách. Thế Uyên thực sự được nhiều người biết đến, [ được] yêu mến qua truyện Tiền đồn đăng trên tạp chí Bách Khoa.


Tờ tạp chí này đã có công tìm ra Thế Uyên , Túy Hồng , cũng nhưNguyễn Mộng Giác.
Thế Uyên viết khá nhiều, dịch sách nữa. Chủ trương nhà xuát bản Thái độ, và cũng là linh hồn của nhóm. Càng giao du nhiều với Thế Uyên, càng biết rõ Thế Uyên, có tinh thần chống đối nhà Ngô, cũng như chống đối những bất công trong xã hội. Thế Uyên không hay khoe khoang, nhưng giọng nói có chút kiêu bạc. Đặc biệt, đôi mắt Thế Uyên rất sáng, biểu lộ sự thông minh, chứ nhìn thoáng qua, vóc dáng anh bình thường, không có gì đặc biệt hơn người . Tuy là anh em ruột, cùng chịu ảnh hưởng của Nhất Linh, nhưng cung cách viết của Thế Uyên khác xa, đối với lối viết Duy Lam. Mỗi người có nét riêng của họ. Không trộn lẫn, [ cũng] không thể hòa tan !


Cùng thời với Thế Uyên, còn nhà văn nữ cũng bất ngờ nổi tiếng qua truyện ngắn Thởdài. , [ cũng đăng tải đầu tiên ] trên Bách khoa, đó là Túy Hồng. Túy Hồng viết cũng bạo lắm , không ngại ngần gì khi đề cấp vấn đề dục tính trong văn chương. Tôi nhớ, gặp Túy Hồng tại thành phố Huế, trong 1 đêm mưa rả rích làm cho Huế đã buồn lại buồn thêm ! Nhân chuyến công tác ra miền Trung, tôi vàPhạm Duy, trước khi ra Quảng Trị , chúng tôi dừng chân thăm lại Huế [ Giáo sư ]Lê Văn Hảo ] và Xuân , sinh viên ở chung, mời chúng tôi ở lại ăn cơm tới. Lê văn Hảo, người dong dỏng cao, mặt mày thanh nhã, đúng là 1 trí thức. Anh thích những ca khúc Tâm ca của Phạm Duy lắm. Lê Văn Hảo được mời từ Pháp về để dạy triết tại Đại học Huế. Có lẽ bị nhồi sọ từ Paris, nên Lê Văn Hảo có tinh thần thân Cộng , lại phản chiến. là giáo sư trẻ, chưa vợ con, nên Lê văn Hảo được nhiều cô gái Huế mơ làm mệnh phụ ! Người ta nói nhiều lắm , nhưng riêng tôi chỉ biết có[ ca sĩ ] Hà Thanh, con họa mi xứ Huế và Túy Hồng, lúc ấy cũng là giáo sư dạy trường trung học.
Khi bữa cơm gần xong, có tiếng gõ cửa, Xuân ra mở, Hà Thanh tới. Tôi đã nghe tiếng hát của Hà Thanh qua làn sóng điện. Hà Thanh có giọng hát rất trầm ấm, dịu dàng, làm say mê giới một điệu. Hà Thanh trông dịu hiền, cách ăn mặc cũng bình dị, chứ không se xua như nữ ca sĩ Saigon. Dưới ánh đèn, Hà Thanh càng đẹp, nét đẹp thuần hậu của người con gái đất Huế. Nhưng đó là bề ngoài, còn bề trong của hà Thanh ra sao , tôi hoàn toàn không biết. Khi chúng tôi ăn cơm xong, Phạm Duy vừa ôm cây đàn vừa hát, lại có tiếng gõ cửa, Xuân lại ra mở và reo to :
- À chị Túy Hồng tới chơi.
Tôi liếc nhìn Hà Thanh, thấy đôi mày nàng hơi cau lại. Vào trong nhà, Túy Hồng cởi chiếc áo mưa đen tuyền, vất lện thành ghế, ngồi xuống, chẳng chào ai. Lê Văn Hảo hơi luống cuống, vụng về – vì 1 lúc phải tiếp bọn tôi và 2 người đàn bà đến đây không phài là vô cớ. Một vài câu xã giao đưa đà, không làm cho không khí thay đổi.
Hà Thanh và Túy Hồng thỉnh thoảng liếc ngang như 2 con thú tranh mồi. Để tránh cái không khí khó thở đó, tôi bảo Phạm Duy hát cho anh em nghe những bài Tâm ca . Phạm Duy cũng cảm thấy như tôi, nên bật dây nâng giọng hát. Duy hát liên tục mấy bài, không khí vẫn không thay đổi. Lê Văn Hảo vẫn lúng túng, như thợ vụng mất kim, không giải quyết được gì ? Chán quá, tôi bảo Phạm Duy, nên đi về ngủ sớm mai còn đi Quảng Trị. Duy hiểu ý, cáo từ. Nói cho đúng, Phạm Duy quen Lê Văn Hảo, Hà Thanh, Túy Hồng, do 1 người bạn ở Huế cho biết vậy.


Nhưng cuối cùng cũng chẳng ái được, ai thua, khi Lê Văn Hảo đi theo CS vào dịp tết Mậu thân, làm chủ tịch thành phố Huế được ít giờ, cưối củng rút lui theo CS ra miền Bắc.


Túy Hồng, tuy không phải là giai nhân, sắc nước hương trời- nhưng có cái đẹp sắc sảo, và nhiệt
tình trong mỗi dáng điệu. Câu chuyện trên đối với riêng tôi , nó cũng thường tình- vì họ là trai chưa vợ, gái chưa chồng cả- nếu không duyên dố, dù có đi suốt cuộc đời cũng chẳng thể gặp nhau. Điều làm tôi ngạc nhiên, mấy năm sau , Túy Hồng lại là bạn đời của Thanh Nam. Do đó mới có tác phẩm Tôi nhìn tôi trên vách, Túy Hồng viết rất nhiều - nhưng theo y riêng- tác phẩm Những sợi sắc không là tuyệt phẩm. Túy Hồng viết rất bạo, nhưng cái bạo được trình bày qua văn chương, không thấm thía gì, so với cái bạo gtrong những bức thư viết cho 1 bạn văn, trước khi Túy Hồng xuất hiện chính thức trên mặt trận chữ nghĩa !


Tôi có rất nhiều bằng hữu làm tại Đài Phát thanh Saigon, đôi khi rảnh, tôi hay đến phòng thu thanh để xem, nghe hát – cũng như ngồi quán uống la- de vậy.


Ở đây ,tôi gặp nhạc sĩ Thẩm Oánh, em ruột được sĩ Thẩm Hoàng Tín, có một dạo từng là thị trưởng thành phố Hànội, dưới thời thủ hiến Nguyễn Hữu Trí. Thẩm Oánh là chồng bà Đào, nhà nữ dương cầm, – khi [ tôi ] còn nhỏ – cũng đã biết tiếng. Nhạc sĩ Thẩm Oánh , tuy sáng tác nhiều ca khúc, nhưng bàiÔi mê ly được nhiều người ái mộ. Trông bề ngoài, Thẩm Oánh , bao giờ cũng chải chuốt, đỏm dáng, như vừa ở tiệm hớt tóc hay tiệm thợ may ra. Dáng điệu đi đứng cứng nhắc, nom như người gỗ. Vì có nợ với Phù Dung tiên nữ, nên trước khi ra cửa, anh phải đánh phấn, thoa son, để tự đánh lừa mình cũng như người xung quanh. Nhưng Thẩm Oánh, con người rất lịch sự, ăn nói dịu dàng, nhã nhặn, chứ không kiêu căng, lố bích, như một vài người xuất thân trong gia đình danh giá! Anh luôn luôn giữ nụ cười [ trên môi ] , dủ là xã giao để làm vui lòng người đối thoại. Nói cho đúng, tình cảm giữa tôi và nhạc sĩ Thẩm Oánh ở mức độ chung chung, gặp nhau là cười nói; nếu không gặp cũng thế thôi – chẳng có gì mất mát với nhau cả.


Còn 1 người nữa, tôi cũng hay gặp là nhạc sĩ Vũ Thành , anh cũng ở trong quân đội như tôi- thuộc ban Quân nhạc- nhưng anh được biệt phái qua đài Phát thanh Saigon, với tư cách chuyên viên. Tôi mến nhạc sĩ Vũ Thành lắm, qua các sáng tác của anh. bài Giấc mơ hồi hương, qua giọng hát Kim Tước, hoặcThái Thanh, đã làm nhiều người mê cảm ! Anh rất giỏi về nhạc lý, do đó, nhiều ca khúc anh viết, đều nghiêng về lối cấu tạo tiết điệu bán cổ điển tây phương – rất khó hát, nếu ca sĩ không có hơi bụng. Vũ Thành, dáng người tầm thước, để ria mép, làm cho nét cười thêm duyên dáng. Tuy là sĩ quan, nhưng anh ít khi mặc quân phục. Đi làm bằng xe riêng, chứ không dùng xe Jeep. Do vậy, ít người biết anh là quân nhân . Điều đặc biệt, tuy rất yêu Vũ Thành, nhưng chưa 1 lần, tôi đi chơi riêng với anh , ở bất cứ nơi nào, như đối với các anh em khác. Còn 1 điều nữa, tôi quý mến Vũ Thành, anh không bao giờ nịnh bợ, luồn cúi [ ai ] để được đeo thêm nhánh hoa trên cổ áo . * Cái khí tiết người nghệ sĩ phải như vậy ! Nhưng hôm nay, Vũ Thành không còn nữa, song nhạc phẩm của anh sẽ tồn tại mãi cùng thời gian vĩnh cửu !
—–
* tác giả nói không luồn cúi, nịnh bợ để lên lon . ( TP )


***


Một lần tôi đang nói chuyện với anh Hoàng Cao Tăng * ở bực cửa Đài Phát thanh, bỗng Dương Thiệu Tước , tư ngoài đi lên. Nhìn thấy tôi, Dương Thiệu Tước cưòi, nói :
- A lâu lắm không gặp anh Tạ Tỵ Từ ngày vô Nam, sao anh không lại chơi ?
-Biết anh ở đâu mà tìm ?
Anh Tước cho tôi ngay địa chỉ và mời tôi, lúc nào đến cũng được. Sự thực, tôi quen Dương Thiệu Tước từ ngày còn ở Hànội, đâu đó vào cuối 1950, sau khidinh tê vào thành . Dạo ấy, tôi còn có cây violon, tuy bỏ đàn từ lâu, vì không có năng khiếu – nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn kéo chơi, để nhớ lại những ngày mê nhạc
——-
* Hoàng Cao Tăng từng là giám đốc Đài Phát thanh Pháp Á ở Saigon. Ba của nữca sĩ nổi tiếng Băng Tâm , bố vợ nguyên chánh án tòa án Thiếu nhi Saigon + thi sĩ tài tử Đào Minh Lượng. Đào Minh Luợng hiện ở San Diego , viết 1 tập truyện ngắn viết bằng anh ngữ đăng tải trên web Newvietart.com ( Pháp ). - TP.
———-
Tôi đến tiệm đàn của Dương Thiệu Tước để mua dây đàn và sách nhạc. Khi ấy , Dương Thiệu Tước còn trẻ lắm, chuyên chơi guitare hawaienne . Anh đánh đàn rất hay, nên tôi mê và làm quen bằng cách đến mua dây đàn, tuy ở nhà còn cả mấy chục sợi. Dương Thiệu Tước thuộc dòng họ Dương Khuê ở Vân Đình ( Hà Đông), một dòng họ khoa bảng . Anh trông hiền hậu, dáng người lịch sự, tuy hơi lạnh lùng một chút. Tiệm đàn của Dương Thiệu Tước nhỏ, nằm thấp hơn lề đường; nhưng người yêu nhạc thường có mặt tại đây để mua dây đàn và sách nhạc. Tôi nhớ, có nói với thật với Dương Thiệu Tước, mình đã bỏ nhạc, nhưng một hôm qua đây, vô tình được nghe tiếng đàn của anh, cơn mê nhạc nổi lên- cũng như mỗi lần đi qua nhà Đỗ ThếPhiệt, nghe tiếng đàn violon từ lầu cáo réo rắt vọng xuống mặt đường, trong lòng lại dấy lên nỗi nhớ ! Nhưng vì bận đi làm, nên dần dần, tôi cũng ít đến tiệm đàn Dương Thiệu Tước. và sau đó đóng cửa 1 thời gian, rồi Dương Thiệu Tước vô Nam, theo tiếng gọi của Thần Tình Ái. Cũng nên nói thêm, Dương Thiệu Tước rất mê giọng hát trên làn sóng điện của Đài Pháp Á.


Một lần, Minh Trang được thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mời ra Hànội trình diễn, Dương Thiệu Tước đã nhìn thấy người nữ mình mê, nên quyết tâm vô Nam để xây dựng cuộc tình. Trường hợp này cũng tương tự như Bá Nhỡ tìm cô Tơtrong Chùa Đàncủa Nguyễn Tuân vậy ! Chỉ khác, Bá Nhỡ tìm cô Tơ, 1 đào hát, vì muốn trả ơn cho ân nhân ; còn Dương Thiệu Tước tim Minh Trang cho chính mình. Nữ ca sĩ Minh Trang, tôi cũng quen khi còn ở Hànội, chị có tới thăm 1 lần tại nhà tôi.


Một tồi, rảnh rỗi, tôi đến thăm Dương Thiệu Tước và Minh Trang , tại căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần chợ Vườn Chuối. Đời sống của 2 người có vẻ hạnh phúc. Minh Trang ngoài chuyện hát hỏng ra, còn là xướng ngôn viên phần Pháp ngữ cho Đài Saigon. Những kỷ niệm xa xưa được nhắc lại, có lúc vui, có lúc buồn. Minh Trang cho biết, Đỗ Thế Phiệt gặp cô Thuyền, em ruột Minh Trang, tại đây – ” .. .trước khi đi Pháp -và cũng do duyên số - 2 người gặp là dính liền, như ông Tước và tôi vậy …!” . Nói xong, Minh Trang liếc nhìn Dương Thiệu Tước, với nụ cười dí dỏm .


Chỉ có 1 lần ấy thôi, rồi bẵng đi một thời gian, khi tôi có y định vẽ 50 chân dung văn nghệ sĩ , để trưng bầy cùng 50 họa phẩm trừu tượng- tôi mới đi tìm Dương Thiệu Tước tại nhà anh lần thứ hai. Nơi ở nay đã rời lên đường Cách Mạng , trong 1 ngõ vũng khá rộng. Căn nhà này có vườn cây, hoa lá, trông rất cổ kính, lại rất nên thơ. Tôi đã vẽ chân dung Dương Thiệu Tước ở căn nhà này; nhưng chỉ là những nét
sơ họa. Khi chân dung hoàn thành, chính Dương Thiệu Tước cũng chưa được nhìn thấy, bởi lẽ, hiện nó vẫn còn ở Việtnam , trong căn phòng người bạn thân, trước khi vượt biên- tôi đã gửi cả mấy chục tấm chân dung anh em ở đó. Sự thực, tôi cũng không hiều vì lý do nào, hoàn cảnh nào, đã xô đời Dương Thiệu Tước ngã vào vòng tay Phù Dung tiên nữ . Có lẽ, vì 1 lý do sâu xa bí ẩn nào đó, người ngoại cuộc không thể hiểu, nên tôi chẳng muốn tìm hiểu thêm làm gì, ngoài những gì tôi đã biết ! Và oái oăm thay, lúc tuổi xế chiều, Thần Ái Tình lại gắn bó với cô học trò đáng tuổi con mình, điều này cũng chẳng có gì lạ lùng !


Riêng tôi, chỉ biết Dương Thiệu Tước , một nhạc sĩ có tài, đã có cả hàng trăm ca khúc rất nổi tiếng, như : Đêm tàn bến Ngự, Tiếng Xưa, Chiều … , phổ thơ Hồ Dzếnh v. v. … Hơn nữa, còn là 1 người bạn đời cùng đi trên con đường văn nghệ, cùng thế hệ, cùng gánh chịu những nhục, vinh của lịch sử Việtnam đẩy đưa ! …


Tôi ít quen với giới cải lương , tuy rất thích 5 câu vọng cổ. Ở ngoải Bắc, tôi chỉ chơi với [ kịch sĩ] Sỹ Tiến – còn vô Nam – tôi chỉ quen với Năm Châu .
Hình như lần đầu tôi gặp Năm Châu tại Rạp Thống nhất, trong 1 buổi trình diễn kịch, do Thiếu Lang và một số anh em tổ chức, do tôi làm đề-co. Lâu ngày quá, tôi quên mất tên vở kịch đó. Người giới thiệu tôi với Năm Châu là kịch sĩ Thiếu Lang . Năm Châu, tuy là thay tuồng, chuyên viết tuồng, theo thể thức truyền thống miền Nam ; nhưng anh có tinh thần tiến bộ. Anh rất thích thoại lịch. Anh nói với tôi, về niềm mơ ước của anh là làm sao dung hòa được sự cách biệt giữa tuồng và kịch , để sân khấu miền Nam có bộ mặt mới – chứ cứ để nguyên vậy- thì cả trăm năm nữa cũng vậy thôi. Năm Châu tính tình cũng giống như ngaàn, ạn người miền Nam khác: bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Có điều, anh Năm Châu không cài tiếng chửi thề [ Đ. M. ] , trước câu nói, như phần đông thuộc giới cải lương [ miền Nam ] .


Tuy không gặp thường xuyên, nhưng mỗi lần, có cơ hội; chúng tôi lại đàm đạo { về ] những đề tài sân khấu. Một buổi, tôi đến vẽ chân dung anh tại nhà, ở khu Chi Lăng, Phú Nhuận. Khuôn mặt Năm Châu đẹp như pho tượng, với làn tóc rợn sóng, bạc phơ, với những nét nhăn hằn sâu trên thớ thịt, với từng nét dắn dỏi của con người dầy dạn của tháng năm trên sân khấu cuộc đời !
Nơi phòng khách có chiếc piano con gái anh đang dạo, trong lúc tôi vẽ . Năm Châu vì đã bỏ công nghĩ tới anh, việc này không bao giờ anh ngờ tới- nhưng tôi cho anh biết, anh rất xứng đáng, vì anh đã hy sinh suốt dòng sống cho sân khấu, ca kịch cải lương và làm cho nó mỗi ngày thêm phong phú !


Năm 1962, tác phẩm văn chương thứ 1 của tôi ra đời. Đó là tập truyện ngắn Những viên sỏi, đây là những truyện ngắn thâu góp lại, từ những năm viết lách ở miền Nam.
Tưởng cũng nên nói qua về nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, vì không phải là nhà xuất bản chuyên môn – nó ra đời, chỉ để in vài cuốn của anh emtrong nhà mà thôi. Hệ thông in ấn của Kim Lai ấn quán do Lãng Nhân -Phùng Tất Đắc làm gíam đốc, [ Nguyễn Doãn Vượng điều hành ) . ... anh Lãng Nhân, nhà văn, nhà báo kỳ cựu có tiếng từ thời Hoàng Tích Chu - nghĩa là vào khoảng 1930 - Lãng Nhân đã có mặt trên văn đàn. Nhà in Kim Lai, vì ở Sài Gòn , chỉ có 1 nhà in này mới đủ máy móc, và thợ giỏi trong nghề in offset * . Đó chính là thừa hưởng nhà in Taupin ở phố Tràng Thi Hànội xưa, do ông Taupin làm chủ. Trước hiệp định Genève, nhà in được đưa vào Sài Gòn, lấy tênImprimerie Francaise d'Outre Mer ( IFOM ) , chuyên in tài liệu cho quân đội viễn chinh Pháp. Khi Pháp được chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu rút khỏi Việtnam ( 1957) , nhà in không cò việc làm, bị lỗ vốn, đành phải tìm cách việt- nam -hóa. Ông Taupin trai lại cho ông Phạm Cao Phái, có họ hàng bên vợ của Lãng Nhân trông coi- luôn cả 2 cơ sở, Nhà sách Portail và nhà in IFOM. Ông Phái có bằng Cao đẳng Thương mại, nhưng không biết tí gì về ngành in ấn, nên nhờ Lãng Nhân điều hành.
--------
* Lúc đó ở Sài gòn, chỉ có 2 n hà in, sắp chữ bằng máy Linograph, sau đúc ra chữ,mise en point, đưa lên máy in, nên in rất đẹp. Nhà in kia là NHÀ IN QUỐC GIA (trên đường Lê ThánhTôn, Saigon 1 ) thuộc chính phủ, nhà thứ hai là KIM LAI ẤN QUÁN. Năm 1967, tôi được đồng hóa, lính KQ, được cử ra trông coi in ấn báo Lý Tưởng và Chính huấncủa Không Lực VNCH. Cũng bởi tôi làm chủ nhiệm Đại Nam văn hiến xuất bản cục, anh em nhờ trông coi ấn loát, khi đưa in sách tại nhà inKim Lai . Năm 1964, tôi đã trông coi in tập thơ THIẾT THA , thơ BÙI KHẢINGUYÊN , rồi tập kịch ngắn ĐÔI KÍNH / ĐINH XUÂN CẦU ( 1966) , tập hồi ký văn học NĂM CHƯƠNG TỰ NGÔN/ TRIỀU ĐẨU ( 1968) và những bìa sách SOUTH VIETNAM THE BABY IN THE ARMS OF THE AMERICAN NURSE, poems by THẾPHONG ( 1968, bìa in tại Kim Lai ấn quán, nhưng ruột in mimeographed ). ( TP ) .
---------
Tuy nhiên cơ sở này vẫn của người Pháp cho tới 1954, ông Phái bỏ tiền mua nhiều cổ phần nhài , nên sau trở thành chủ. Qua năm sau, CS làm chủ miền Nam , ông Phái bỏ nước sang Pháp, và ông được chính phủ Pháp bồi hoàn số tiền mà ông bỏ ra mua cổ phần nhà in IFOM. Lãng Nhân thay tên nhà in được đổi thành Kim Lai Ấn quán ...
Pháp bán lại Nhà sách Portail cho ông Ngô Đình Thục ( giám mục ) , do đó, ông Phái còn trách nhiệm với nhà in thôi. Quả thực, nhà in Kim Lai in quá đẹp, nhưng đắt tiền, do vậy, rất ít người dám in sách tại đây.
Anh Lãng Nhân vì qúy mến tôi, nên vui lòng in sách, và Hiếu Chân đề tựa. Lãng Nhân có trí nhớ thuộc loại siêu đẳng, nhất là vế các điển tích. Những ai không biết, không nhớ điển tích, hoặc vài câu thơ cổ, nếu tới hỏi, anh chỉ dẫn tường tận. Lãng Nhân có giúp tôi đọc lại bản thảo, xóa bỏ chữ thừa, thêm chữ thiếu. Chỉ có thế thôi. Trước khi thêm, bớt chữ nào, bao giờ anh cũng cho biết, xem tôi có đồng ý không ? Chính nhờ vào sự thêm, nớt của anh Lãng Nhân, về sau, tôi viết cẩn thận hơn- vì khi viết - người ta dễ chủ quan [ thô thiển] lắm !


Tôi vẫn thường cho rằng, cái học không bao giờ xấu cả, chỉ có ăn cắp, lừa thày, phản bạn, làm đầy tớ cho kẻ thù, mưu cầu tư lợi mới x6áu mà thôi ! Biển học rộng mênh mông, ai dám cho mình là bậc thần, thánh, quảng bác và mấy ai tránh được sơ xuất, lỗi lầm – khi trí nhớ không còn đủ sáng suốt để chỉ đường dẫn lối.


Tác phẩm đầu tay Những viên sỏi ra đời, một năm sau mới bán hết. Như vậy, tôi có độc giả, và đã vững tin cho ngòi bút của mình; nên có ai mời viết lại cho vui, để giải tỏa những gì mà hội họa không nói được. Hơn nữa, hội họa hạn chế quá, chỉ có 1 số người được xem, được biết - ở 1 khoảng không gian nào đó thôi, chứ nó không có tầm phổ biến rộng rãi như ; văn, thơ, âm nhạc.


Phạm Duy sáng tác 1 ca khúc khi được phổ biến trên làn sóng điện, cả nước đều [được ] nghe. Vũ Hoàng Chương ra tập thơ, cả nước đều thấy trong tiệm sách và điều quan trọng hơn nữa, tác giả có vài bản trong tay để lưu giữ. Còn hội họa, không có cái ưu thế đó ! Mỗi phòng triển lãm ra đời, phải có 1 không gian và thời gian nhất định. Tác phẩm nào bán đi rồi , như mất, ngoài tấm ảnh[ chụp lại] làm kỷ niệm, và không có ai thích chơi tranh giả , tức tranh sao chép lại, dù cho kỹ thuật có tinh vi đến đâu đi nữa ?!


Khi tuần báo Nghệ Thuật của Mai Thảo nằm trên đường Phạm Ngũ Lão , gần tòa soạn tạp chí Phổ thông, tôi thường ghé lại thăm anh Nguyễn Vỹ – một nhà báo kỳ cựu, đã có câu thơ bất hủ :


Nhà văn Việtnam khổ hơn chó !


dáng ngừơi [ Nguyễn Vỹ ] hơi lùn, nhưng chắc, có khuôn mặt thô, chiếc trán hơi gồ, đôi môi hơi nhỏ so với toàn bộ. Anh chủ trương thi phái Bạch Nga. Ngoài viết văn, anh còn làm rất nhiều thơ – nhưng thơ không được giớ trẻ hưởng ứng. Anh sống hoàn toàn nhờ vào nghề làm báo. Chả biết tạp chí Phổ Thông có bao nhiêu độc giả,. nhưng nó cứ lai rai sống hoài ! Anh cũng có tật xấu, hay làm ấu, đối với phụ nữ – dù người đó đáng tuổi con, cháu mình. Vấn đề này làm anh mang tirếng không ít !


Nhưng công bằng mà nói, đã là nghệ sĩ, không mấy ai mà không có tật, chỉ có nhiều hay ít mà thôi. may mắn, không bị lộ – còn chẳng may câu chuyện vỡ lở, thì đành chịu mang tiếng, chứ biết làm sao hơn ? Anh cũng viết về tiến trinh cách mạng Việtnam, qua truyện Tuấn, chàng trai nước Việt đăng
trường kỳ trên báo Phổ Thông . Nhưng định mệnh cũng khắt khe, bắt anh phải bỏ lại 1 sự nghiệp dang dở, vì tai nạn xe hơi trên đường Sài Gòn- Mỹ Tho . Rất tiếc tôi không còn nhớ năm nào ? [ 1971 ].



Có những buổi sáng chủ nhật, trời cao và trong, tôi thèm đi ra phố hơn ở nhà. Sau khi ăn 1 tô suông tại nhà hàng Thanh Thế và uống ly cà phê, tôi thả bộ long vòng qua cáv ngả đường Lê Lợi, LêThánh Tôn, TựDo. Đi mỏi chân, tôi ghé vào tiệm hình ĐỐNG ĐA, tán dóc với Trần Cao Lĩnh, đôi khi có cả Nguyễn Cao Đàm, Mỹ Tín nữa.


Trần Cao Lĩnh có vầng trán cao, hói, tóc rất thưa, có đôi mắt sáng, và cũng rất khó tính trong vấn đề nghệ thuật- còn Nguyễn Cao Đàm xuề xòa. dáng người cao, nhưng không gầy, ăn nói dí dỏm, sau mỗi câu,thường chêm : ’Có phải không ạ? ‘. Còn Mỹ Tín, , có tiệm bán đàn nằm kề bên tiệm Đống Đa, nên Mỹ Tín thường qua lại. Mỹ Tín , con người mê đóng kịch, không thua gì Ngọc Đĩnh vàTrương Đình Thi tại Hànội. Đặc biệt, Trương Đình Thi có bộ răng hô khá nặng, nhưng nhờ bộ răng đó, nên ăn nói rấtt có duyên. Trương Đình Thi chẳng những mê kịch, còn cả tuồng, chèo nữa. Âu cũng là cái nghiệp! Anh này xấu trai, nhưng ăn mặc đẹp đẽ, lúc nào cũng com-lê, cà-vạt, trông phong lưu, công tử lắm !


Mỹ Tín luôn luôn bị ám ảnh bởi ánh đèn sân khấu. Anh cũng viết kịch và rất am hiểu về bô môn vũ, anh mở tiệm đàn cũng như Dương Thiệu Tước vậy. Nhưng không phải Mỹ Tín chỉ mê kịch mà thôi, anh còn mệ giọng hát của Thanh Thúy và mê cả người luôn – tuy anh trọng tuổi hơn nàng ca sĩ bé bỏng này ! Nghệ sĩ bao giờ cũng có nhiều đam mê, và nhờ có đam mê, nên mới có cảm hứng tạo nên tác phẩm. Nếu cứ chăm chú sống vào nghề làm đàn, bán đàn; Mỹ Tín có thể sống ung dung, nhưng nghề làm đàn không làm anh vui, về sau anh chỉ nhận đàn ,do người khác làm gửi bán lấy lời. Mỹ Tín rất phong nhã, thẳng thắn, yêu ai bảo rằng yêu, ghét aio nói ghét; chứ không chung chung. Anh có viết một vở kịch
‘ Chúng nó ba thằng‘ đưa lên sân khấu ; nhưng không mang lại kết quả bao nhiêu !


Ở tiệm ảnh Đống Đa còn có 1 người anh của Trần Cao Lĩnh , tên Thụy, một họa sĩ [ tài tử ] chuyên vẽ phấn màu (pastel) . Tài năng ở mức trung bình, nhưng Thụy có tấm lòng – rất lịch sự đối với bất cứ ai quen biết. Còn 1 người nữa, tên Thu, người chung vốn với anh em Trần Cao Lĩnh mở tiệm ảnh Đống Đa. Tên Thu là CS nằm vùng , lúc ấy không mất người biết. Mọi người chỉ biết, sau 30 – 4- 1975, khi Thu chính ra mắt ‘nằm vùng‘ và biến tiệm ảnh Đống Đa thành căn phòng triển lãm những thành tích chiến thắng CS, qua trận đánh chiếm miền Nam. Tấm ảnh chủ tịch HCM to, được treo giữa nhà, cùng lá cờ Mặt trận giải phóng. Ít năm sau, tên Thu , đươc nhà nước thưởng công, cho ra tham quan Hànội và được đi Liên Xô, miền đất thánh của CS!
Nhưng thôi, câu chuyện thuộc về quá khứ và cũng không phải mục đích của cuốn sách [ bàn về vấn đế ấy ].


Bây giờ, tôi muốn nhắc đến một bạn văn: Nguyễn Mạnh Côn. Sự thực, khi còn ở Hànội, tôi không quen Nguyễn Mạnh Côn và cũng không nghe ai nhắc đến cái tên ấy bao giờ. Nhưng vào 1 buổi chiều, tôi đương làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, được quân cảnh báo :
- Có 1 người muốn gặp, trung úy có tiếp không?
Trả lời :
- Có, anh đưa vào đi !
Khi gặp, tôi không biết là ai, chỉ thấy người muốn gặp tôi – một thanh niên gầy guộc, đeo kính trắng, nước da mét, đôi mội thâm đen.


Tôi nghĩ ngay [ trong đầu ] , anh chàng này hút thuốc phiện , không biết gặp tôi có chuyện gì ?
Mời ngồi, và anh ta tự giới thiệu : ’ Nguyễn Mạnh Côn ‘ , và cho biết , anh ta rất mến tài vẽ của tôi, muốn nhờ tôi trình bày mẫu bìa ( manchette ) cho 1 tờ báo của anh sắp ra mắt. Lúc ấy, quả tình, tôi không còn chút thì giờ nào rảnh rang, tôi từ chối khéo léo, để anh ta không buồn. Tuy vậy, anh ta vẫn buồn rầu, lộ qua cử chỉ, giọng nói. Tôi biết, mà chẳng làm gì hơn được; ví đã phụ lòng 1 người yêu quí mình. sau vài câu chuyện, tôi tiễn anh ta ra đến cổng trại. Từ đó, bẵng đi vài năm, tôi không hề gặp lại anh ta lần nào.


Nhưng có 1 tối, tôi vô cùng ngạc nhiên, khi thấy Nguyễn Mạnh Côn đeo cấp bậc thiếu uy đến tìm tôi ở nơi làm việc, tại đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, ngang Sở Thú. Anh cho biết, đã được đồng hóa vào quân đội, với cấp bậc thiếu úy, để phụ trách 1 tờ báo do Bộ Quốc phòng chủ trương – anh đến nhờ tôi trình bày mẫu bià cho tập san đó. Người chỉ huy trực tiềp anh là đại úy Ngô Quân, bạn tôi. Quả thực, tôi cũng không hiểu, bằng cách nào, anh ta qua mặt được sự giảo nghiệm y khoa khám về sức khỏe- nhất là bệnh ghiền của anh in dấu trên khuôn mặt. Vấn đề này, không bao giờ đề cập tới, mỗi lần [tôi] nói chuyện với Nguyễn Mạnh Côn.


Trường hợp nhà văn Mặc Thu, cũng được mang cấp thiếu úy đồng hóa – nghĩa là không phải học ở quân trường 1 ngày nào, không biết nỗi gian khổ bãi tập, đoạn đường chiến binh, không tốn 1 giọt mồ hôi, mà vẫn trở thành sĩ quan. Họ quả có cái may mắn hơn tôi nhiều !


Là tờ báo của bộ Quốc phòng, nên tôi vui lòng vẽ giúp mẫu bìa, những Nguyễn Mạnh Côn cũng tế nhị lắm, nói với đại úy Quân trả tiền cho tôi- vì tờ báo- có ngân khoản riêng để mua bài các nhà văn, bất luận ở trong hay ngoài quân đội. Nhờ có tờ báo trong tay, Nguyễn Mạnh Côn mới có cơ hội chứng minh tài năng [ làm báo ] .
[Nguyễn Mạnh Côn ] là tác giả truyệnBa người lính nhẩu dù lâm nạnđược đón nhận nồng nhiệt. Tác gỉả dùng thuyết tương đối Einstein để giải minh cho 1 phương trình vận tốc trở ngược của thời gian. Câu chuyện vừa ly kỳ, vừa [ có tính cách ] khoa học làm say mê người đọc. Sau đó, đến hồi ký Đem tâm tình viết lịch sử, được đăng báo trường kỳ, sau in thành sách, như truyện Ba người lính nhảy dù lâm nạn vậy. (….) Cuốn sách là 1 bản cáo trạng dài, với những chứng cớ … của lịch sử, dó đó CS khó bề chối cãi.


Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Côn còn viết rất nhiều bộ sách khác, do Cơ sở Giao Điểm ấn hành. Cơ sở này do Trần Phong Giao , chứ không phài củaNguyễn Đình Vượng, như nhiều người tưởng lầm. Ngoài vấn đề viết văn , làm báo, Nguyễn Mạnh Côn còn viết bình luận pháp ngữ cho Đài Phát thanh Saigon. Trần Phong Giao rất kính phục Nguyễn Mạnh Côn, vừa [coi ] là bạn, vừa là thầy. Mỗi khi Trần Phong Giao dịch cuốn sách nào, đều đưa cho Nguyễn Mạnh Côn đọc, và sửa lại cho gần đúng với nguyên tác.


Nhưng Nguyễn Mạnh Côn , cũng như Mặc Thu; không ở trong quân đội lâu. Vài năm sau, họ đều xin giải ngũ, trở thànhd ân sự dễ hoạt động hơn.


Còn 1 người nữa , dũng được đồng hóa với cấp bậc đại úy, đó là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân- người thay Đinh Hùng , làm thơ tếu trong mụcĐàn ngang cungcủa nhật báo Tự do- lúc này chỉ còn 1 Phạm Việt Tuyền nắm giữ vận mệnh tờ báo.


Phạm Xuân Ninh trong thời gian kháng chiến ở Khu Tư, tức Thanh Hóa, trong tổ chức của Đặng Thái Mai, người dịchLôi Vũ / Tào Ngu – mang tênHoàng Trinh. *
——-
* tên thậtHoàng Sỹ Trinhlấy bút hiệuHoàng Trinh. Sau khi dinh têvề Hànội. làm con nuôi giám đốc Nha Học chính Phạm Xuân Độ, bèn đổi họ, thay tên là Phạm Xuân Ninh. Được đồng hóa với cấp bậc đại úy, do chính tổng thống Ngô Đình Diệm ký nghị định thời đệ I Cộng hòa ( nghị định viết tiếng pháp ) – nhờ bạn cột chèo làm Bộtrưởng Quốc phòng, tên Lê Ngọc Chấn .
Phạm Xuân Ninh từng chủ nhiệm nhật báo quân đội VNCH , báoTiền Tuyến, giải ngủ với cấp bậc trung tá, đi học tập cải tạo, sang Huê Kỳ theo diện HO, và mới qua đời ở San Jose. ( Hoa Kỳ).


ông Lê Ngọc Chấn là chồng bà Trần Thị Vân Chung( làm thơ kýVân Nương) – một ‘ TTKH ‘ mà Thế Nhật (Thế Phong) đã đưa vào sách TTKH NÀNG LÀ AI? ( Nxb Văn hóa- thông tin , Hànội 1994 )- một nghi án văn học – đã 70 năm qua vẫn còn tranh luận, t ừ trong đến ngoài nước – mới nhất- cuối năm 2012, báo mạng VĂN CHƯƠNG VIỆT (Nguyễn Hòa vcv) còn đưa ra mổ xẻ, qua nhiều kỳ đăng báo. Cuốn TTKH NÀNG LÀ AI? còn đượcAmazon.com phát hành ‘ lậu’ ( không xin phép ) trên mạng đọc sáchKindlevà COPY, gọi làUSED COPY , from
$, 30,00 / copy, bán cho người thích đọc sách giấy in .


tôi lên tiếng phản đối, viết thư đăng trên báo ở Huê Kỳ ( CALITODAY / SAN JOSE ngày 20 – 11- 2011, đồng thời, tôi gửi thư ngỏ tới Ngài Đại sứ Huê Kỳ tại Việtnam khiếu nại về nạnpiracy- CopyrightInfringement ở nội địa Huê Kỳ in, ấn, , phổ biến sách tác giả Việtnam: không xin phép , không trả bản quyền. Tới nay, ngài đại sứHuê Kỳ tại Việtnam chưa trả lời việc tôi nhờ Ngài can thiệp , kể càAmazon. com vẫn ‘ lờ tịt’ trả bản quyền.


trong lần trả lời mới nhất 1 đoàn phóng viên Mỹ ( 3 người: 1 filmakwer, 1 cameraman, 1 thông dịch viên , tại nhà tôi, vào tháng 10 / 2012- tôi đề cập Copyright Ingringement , đối với sách tiếng anh, tiếng việt của tôi bịAmazon.com in , phổ biến lậu trên mạng Kindle. Hy vọng tiếng nói phản đối của tôi được phổ biến trên hệthống truyền thông Hợp chủng quốc.


sách Thế Phong như:Thephong by The Phong, the writer, the work, the life, ( bán 1 used copy : $64, 99 / copy),
IWas an American militiaman, A Brief Glimpse at the Vietnamese literary Scene, from 1900 – 1956,
Uplifting Poems, The Summing Up of Ten yeras of Writing.. đều do Đàm Xuân Cậnchuyển dịch anh ngữ , Đại Nam văn hiến xuất bản cục in tại Saigontrước 1975, hiện có trong các thư viện Mỹ, nhưCornell University Library… bị họ lục ra tự in ấn, phổ biến trên mạng.
( TP ) .


Trong thời gian ở miền Nam , ít ai biết đến tên Hoàng Trinh , ngoài tập thơ in rô-nê-ô * đề tặng anh em , trong đó có nhiều bài thơ rất hay. Lâu ngày, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu :


Đêm trăng ruổi ngựa trên thành
Chiều thu thét gió bên ghềnh Lạng Sơn ! ...


——-
* Tiếng hát tự do / thơHoàng Trinh (TP) .
———


Không phải Hà Thượng Nhân chỉ làm thơ vui,. chính thực, anh làm thơ rất hay, nhất là thơ theo
thể ‘hành’ . Hà Thượng Nhân vóc người tầm thước, rất khôn ngoan, trong cách đối xử. Đôi kính trắng và mấy chiếc răng bọc vàng, làm khuôn mặt anh thêm duyên dáng. Anh không làm ai mất lòng bao giờ , nhưng cũng vì thế trở thành ba phải. Anh rất thích đánh chắn , chứ không chơi xì- phé như Ký già Lô Răng . Sau một thời gian làm việc ở Bộ Quốc Phòng [ chính xác là Nha Tác động tinh thần ] , Phạm Xuân Ninh được thuyên chuyển về Nha Chiến tranh tâm lý. Do thời cuộc, có 1 thời gian , anh làm giám đốc Đài Phát thanh Saigon.


Vì nhu cầu chiến tranh, Nha Chiến tranh tâm lý được mở rộng thành Tổng Cục chiến tranh chính trị, dưới nó, có Cục Tâm lý chiến, Cục Xã hội, Cục An ninh, Cục Chính huấn và các Nha Tuyên úy Phật giáo, Công giáo và Tin lành.


***


Khi Thanh Nam còn ở cùng ngõ với tôi, có 1 người thường đến chơi với Thanh Nam là đại úy Phan Lạc Phúc. Tôi và Phúc gặp nhau tại đây lâu dần thành thân. Lúc ấy, cái bút hiệu Lô Răng chưa ra đời, vì Phúc chưa làm báo, cũng chưa viết văn. Riêng tôi, chỉ biết, anh rất yêu văn thơ và đọc nhiều sách. Phúc, người khá ca ráo, cũng đeo kính trắng, vầng trán cao; đặc biệt, ăn nói rất bặt thiệp, biết nhiều, hiểu rộng mọi vấn đề, chẳng những văn học, cả chính trị. Nhưng không phải vì vậy, mà anh có thái độ tự kiêu, tự đại. Anh luôn tỏ ra nhã nhặn, lịch thiệp. Học khóa 2 Thủ đức, ra trường đi chiến đấu ngay, bị thương ở mắt cá chân, đi hơi cà nhắc, nhưng phải tinh ý mới thấy.


Về phương diện gia tộc, anh phải gọi Phan Lạc Tuyên, cũng như nhà thơ Phan Lạc Giang Đông bằng chú, tuy tuổi tác không kém nhau bao nhiêu . Tôi e nhà thơ Phan Lạc Giang Đông còn ít hơn Phan Lạc Phúc, có lẽ chỉ bằng tuổi nhà thơ Phan Lạc Tiếp, là em Phan Lạc Phúc. *
—-
* theo tôi biết, Phan Lạc Phúc , Phan Lạc Tiếp là vai chú trong gia tộc họ Phan – Phan Lạc Tuyên, Phan Lạc Giang Đông.
Phan Lạc Phúc trước ở binh chủngThủy quân lục chiến, sau khi bị thương trở về hậu cứ Thủy quân lục chiến ở Lê thánhTôn ( Saigon 1).
sau 1964, nhờ bộ vó sâu đậm snob , thêm có vỏ, dáng dáng dấp báo chí, văn chương,’ thuộc thơ Quang Dũng, tự rao ‘ mình là em rể hụt Quang Dũng’ , lại có khảnăng viết lách nho nhỏ , cộng sự quen biết rộng rãi , xin được chuyển về Cục Tâm lý chiến, bắt đầu phụ trách mụcTạp ghi nhật báo Tiền Tuyến , dần dà được đề bạt lên chức chủ bút – trung tá Phạm Xuân Ninh chủ nhiệm . Sau khi họC tập cải tạo, được định cư tại úc, có 1 cuốn sách in ỏ Huê Kỳ, chính trị gia Bùi Diễm đề Tựa .


còn Phan Lac Tiếp , ban đầu là hạ sĩ quan hải quân, phụ trách báo hải quân’ Lướt sóng’ cùng hạ sĩ quan . thi sĩ Phan Minh Hồng, sau xin đi học sĩ quan tại trường BộBinh Thủ đức, và được trở vể quân chủng Hải quân., cấp bậc sau cùng 1975, thiếu tá, tác giả ‘ Bờ sông lá mục’ …


Phan Lạc Giang Đông sinh 1940 , ít hơn Phan Lạc Tiếp ba, bốn tuổi, còn trung tá Phan Lạc Phúc sinh đâu, vào khoảng 1929. Phan Lạc Phúc viết báo ở Huê Kỳ, nhưng hiện ở Úc, còn Phan Lạc Tiếp hiện ở San Diego , và Phan Lạc Giang Đông qua đời ở Mỹ, tiến sĩ Phan Lạc Tuyên qua đời’ cô độc’ trong một ngôi chùa ở phường 13 quận Bình Thạnh ( tp HCM ) mới đây. . (TP).
———-


Trong cùng dòng họ, có tới 4 người cùng hoạt động văn học, kể như hiếm thấy . Quê của Phan Lạc Phúc ở Sơn Tây, gần quê thi sĩ Quang Dũng. Tôi nghe Phúc nói lại, hình như Quang Dũng thuở thiếu thời cũng hoạt động tróng đảng phái nào đó; nhưng sau khi VM cướp chính quyền, Quang Dũng đi theo luôn, gia nhập Trung đoàn Thủ đô-một trung đoàn gồm đủ mọi thành phần, từ chàng công tử bột, tới anh thợ nề, trhợ điện, từ ả vũ nữ tới cô bán hàng rong; nhưng chính cái trung đoàn này đã cầm chân được quân Pháp trong bước đầu xâm lăng miến Bắc Việtnam.


Một buổi, tại nhà Thanh Nam, trong lúc mạn đàm về thơ, Phan Lạc Phúc nói, chỉ mê thơ Quang Dũng và vài thi nhân khác, như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng chẳng hạn ! Anh có giọng ngâm thơ rất ấm , rất truyền cảm; nhưng không bao giờ anh ngâm thơ cho Ban Tao đàn của Đinh Hùng cả . …


Thời gian cứ trôi đi lạnh lùng, như bất kể tới những sư việc , mà con người toán tính trên mặt đất. Mùa nắng qua, mùa mưa lại.


Ở miền Nam, mùa nào cũng vậy, nó không làm cho con người cảm thầy cần phải đổi thay rong nếp sống hàng ngày. Cơn mưa đến đột ngột riồi tạnh bất ngờ, không có trận mưa nào kéo dài qua1 ngày, trừ trời bão, mà bão ở miền Nam cũng rất nhẹ, không dữ dội như ở miền Trung, hay bắc. Ngay cả ngày tết của miền Nam , trới nắng chang chang, vẫn có người com-lê, cà-vạt đến hà chúng tụng năm mới. tết miền ìnam, tuy không có hoa dào, nhưng có hoa mai thay thế; còn các thứ hoa khác, nơi nào cũng có…


Một buổi chiều, mồng 1 tết , năm 1960, 61, gì đó; tôi cùng gia đình nói chuyện vui, tôi nhìn ra thấy anh Nguyễn Gia Trí và đứa con nhỏ ngồi ở bình xăng đến chúc tết trong ngày mồng 1. Tôi đi vội ra cửa, đón anh và đứa nhỏ vô nhà. Anh Trí nắm chặt tay, chúc mừng tôi và gia đình được may mắn tốt lành
trong năm mới. Tôi cũng chúc anh những điều như vẫy. Sự chúc này đối với người khác, co thể vì xã giao bắt buộc- nhưng với anh Nguyễn Gia Trí, tôi nói lên, với tất cả sự rung động tận đáy lòng !


Như ở phần trên, trong đời làm họa sĩ, tôi chỉ kính phục có 2 người: TÔ NGỌC VÂN & NGUYỄN GIA TRÍ


Tô NgọcVân đã mất trong trận Điện Biên Phủ, nay chỉ còn anh Nguyễn Gia Trí.


Khi còn học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật , tôi chỉ mớ ngày nào được anhNguyễn Gia Trí bắt
tay và biết mặt- là đủ mãn nguyện rồi. Nhưng nay, đúng ngày mồng 1 tết, anh Nguyễn Gia trí lại đến gtận nhà chúc tết, làm sao tôi không cảm động cho được ? Sau chén trà, vài câu chuyện trao đổi, anh Trí cho biết, anh có người bà con ơp3 ngõ đối diện với ngõ tôi ở, nên anh biết nah2 va sang chúc tết. Anh nói, đã đi xem Phòng Tranh của tôi, và nhìn nhận những bức tranh do tôi sáng tạo, đặc biệt tiến bộ, rất có giá trị !. Tôi cảm ơn anh về những lời khen tặng. sau đó, anh muốn được xem những bứac tranh mới. Tôi mời anh, cứ tự do, vì tranh của tôi treo la liệt trên gác lửng, xung quanh tường không còn khe hở- ngoài ra, còn 1 số xếp đống trong góc nhà.


Anh đứng lâu, thật lâu, trước mỗi tấm tranh; nhưng không nói gì, tôi chỉ thấy đôi kính cận dầy cộm, cứ đưa lên hạ xuống nhiều lần. Vì là ngày tết, nên anh không muốn làm tôi mất nhiều thời giờ, dù rằng, anh chưa xem hết, hẹn lần sau, vào ngày thường, anh sẽ đến xem lại. Tôi tiễn anh ra cửa, hai bàn tay lại xiết chặt!


Tôi không hiểu lúc ấy , anh nghĩ sao, riêng tôi, cảm thấy như được truyền thêm chút tài hoa của anh sang tôi; vì bàn tay của anh đã tạo nên bao nhiêu tác phẩm sơn mài bất tử ! Tôi tin rằng, sau anh, không một ai có tài năng, tạo nên những giá trị vĩnh cửu như vậy.


Tôi nhớ lúc mới vô Nam , do 1 người bạn cho biết địa chỉ của anh tại Phú Nhuận, khi anh mới được tụi thực dân Pháp vừa tha có cái án an trí tại Thủ Dầu Một, vì tội chống Pháp, tôi có tìm tới thăm anh. Đó, là lần đầu, tôi gặp tận mặt Nguyễn Gia Trí . Anh dáng người nhỏ bé, trông lờ đờ, chậm chạp. Đôi kính cận nặng nề đè trên sống mũi như muốn rớt xuống. Anh có mái tóc dày và râu nhiều, tuy đã cạo. mà chân râu còn xanh rì quanh khuôn mặt.


Khi đó, anh chưa biết tranh tôi vẽ. mà chỉ biết tôi cùng nghề với anh thôi. Cũng vì thế, nên câu chuyện giữa tôi và anh , ở buổi sơ giao không mấy hứng thú ! Không hiểu sao, trước khi tôi ra về, anh lại tặng tôi tấm tranh nhỏ, cắt bằng giấy báo dán lại ( collage ) – hính cô gái miền Nam ôm con mèo. Anh cho biết, đã thực hiện nó, trong thời gian bị an trí tại Thủ Dầu Một. Không có màu, bút vẽ, anh đành cắt giất dán thành tranh. Trước khi trao, anh ký tên vào 1 góc. Tôi nhìn tay anh cầm bút, run run, khi ký. Lúc ấy, tôi tưởng anh cảm động, nhưng không đúng. Tôi cảm ơn anh vô cùng, mang tấm tranh về, mua chiếc khung thật đẹp, treo trong phòng riêng.


Như vậy, ngoài tấm tranh, anh Nguyễn Gia Trí mới tặng- tôi còn có 1 tấm củaNguyễn Tiến Chung , một tấm của Bùi Xuân Phái. cả hai tấm này, các bạn Nguyễn Tiến Chung và Bùi Xuân Phái tặng tôi, trước ngày lên đường vô Nam. Tôi quý những tấm tranh này vô cùng, vì là kỷ vật thân yêu của hai người bạn cùng nghề. Nay thêm bức tranh của anh Trí, như vậy là 3 . Những bức tranh hiện còn ở Saigon cùng với mấy chục bức tranh riêng của tôi .Theo thời gian, tình nghĩa giữa tôi và anh Nguyễn Gia Trí cứ tăng dần. Tôi thường đến thăm anh tại xưởng họa, lúc này, tại con hẻm đường De Gaulle (sau là Ngô Đình Khôi, Cách Mạng 1-11, bây giờNguyễn Văn Trỗi).


Mọi ngừoi đều biết anh Nguyễn Gia Trí, một họa sĩ rất khó tính, không phải ai muốn đến lúc nào cũng được. Cánh cổng luôn đóng kín mít, nếu giật chuông, chị Tri sẽ ra mở chiếc cửa con, to bằng bàn tay, xem ai – và tùy theo mức độ thân, sơ – chị sẽ nói anh Tri có nhà hay đi vắng. Riêng đối với tôi, mỗi lần đến, dù bận đến đâu, anh Trí cũng để chút thời giờ tiếp. Anh nói rất ít, giọng nói lại khó khăn, mỗi khi cần diễn tả điều gì. Anh nhỏ con, tướng hầu, ăn mặc rất giản dị, không bao giờ tôi thấy anh thắt cà-vạt. Có lần đến thăm, anh đang bận vẽ, nên mời tôi vào xưởng họa luôn, việc này rất hiếm! Tôi nhìn anh vẽ, bàn tay run run, như khi anh ký tặng tôi tấm tranh. Chính cái runấy đã tạo cho nét vẽ của anh sự rung chuyển mềm mại, uyển chuyển, linh động; không 1 một họa sĩ nào có được nét vẽ như vậy, dù cho cố tình bắt chước !.


Nguyễn Gia Trí không làm việc 1 mình, dưới tay anh, bao giờ cũng có vài người thợ vẽ giúp anh những chỗ không quan trọng. Thường ra, bao giờ anh Trí cũng vẽ những bản phác họa trước (esquisse), với màu sắc và bố cục đàng hoàng. Từ bản phác họa đó, anh chuyển qua hình họa (dessin) to bằng kích thước của tấm tranh, bắt đầu cho 1 công trình cần cù, qua kỹ thuật sơn mài.


Nguyễn Gia Trí, họa sĩ có biệt tài về chữatranh dầu nhiều (peinture à l’ huile). Nó đòi hỏi một kỹ thuật tuyệt luân, chữa, mà người xem tranh không tìm ra chỗ chữa; vì sơn mài đòi hỏi mặt tranh phải phẳng và nhẵn bóng.


Vào khoảng 1962, anh Nguyễn Gia Trí có mở một cuộc triển lãm tại gia, gồm những tác phẩm đã được đặt mua – trong số đó có 2 tác phẩm của Phủ Tổng thống. Anh muốn khi trả khách hàng, để không bao giờ được nhìn những đứa con tinh thần của mình, mời bằng hữu đến xem cho biết. Người đến xem, một phần chủ nhân các tấm tranh; còn phần đông bằng hữu. Ai cũng tấm tắc ca ngợi, riêng tôi, cho rằng thừa, vì đối với Nguyễn Gia Trí – lời chê chắc không có rồi – nhưng khen, chẳng khác gì khen phò mã tốt áo.


Phòng triển lãm chỉ mở cửa có vài ngày rồi thôi. Sau khi trả hết tranh, anh lại bắt đầu làm những tấm khác, mà người mua đã đặt tiền cả vài năm trước. Nói về đời sống, quả thực Nguyễn Gia Trí không bao giờ túng thiếu; nhưng hình như, chẳng bao giờ anh để ý đến tiền – anh làm việc vì yêu nghề, chứ chẳng bao giờ muốn làm giầu vì nghề nghiệp .


Đến thăm Nguyễn Gia Trí một đôi lần, tôi gặp ông Nguyễn Gia Tường , giáo sư trườngBưởi thuở xưa, người anh cả và cả kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức. Anh chàng này cũng có tài , nhưng lập dị lắm! Giữa thời đại bê-tông, cốt-sắt, anh cứ vẽ nhà bằng tre, vách trét rơm trộn vời bùn. Tuy nhà tranh, nhưng tất cả mọi tiện nghi đều có, kể cả nơi mắc võng và chỗ kê chiếc chõng tre nằm đọc sách trước hiên nhà. Tuy là em, nhưng Nguyễn Gia Đức to con hơn anh Trí nhiều. Tính tình Nguyễn Gia Đức tuy hiền từ, nhưng cũng khó khăn trong vấn đề nghệ thuật chuyên môn.


Quả thực, tôi cũng không hiểu vì sao, tôi và Nguyễn Gia Trí, có thể thân và quý mến nhau như vậy – vì 2 người có 2 đường lối tạo tác cách biệt nhau, không thể dung hoà được! Nhưng ít lâu sau, tôi không còn ngạc nhiên nữa; khi thấy anh cũng vẽ tranh sơn mài theo cung cách trường trừu tượng. Như vậy, tôi và anh không còn cách biệt. Cái sự quý mến đặc biệt, anh dành cbo tôi mấy năm qua, không phải không có duyên cớ. Anh cũng như tôi, đều nhìn thấy con đường nghệ thuật cần theo đuổi, nếu muốn tiến bộ .


Bộ mặt sống của miền Nam đột nhiên thay đổi, kể từ ngày xẩy ra sự lộn xộn tại Huế, nhân ngày Phật đản, vì vấn đề treo cờ. Cũng kể từ đó, chính quyền Ngô Đình Diệm lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Sự phản đối tăng dần theo những cuộc xuống đường. Nhân tâm ly tán, trong khi dó CS cũng hoạt động mạnh hơn, để quấy phá miền Nam.


Tôi không còn được biệt phái làm cho báo Sáng dội miền Nam, sau khi anh Võ Đức Diên qua đời ít lâu. Người thay thế Võ Đức Diên là Nguyễn Phụng, cựu tỉnh trưởng thành phố Nam Định trước 1954. Ông Phụng rất tốt, nhưng không biết gì về phương diện chuyên môn. Mọi công việc giao cho Lê Văn Siêu và Văn Thanh điều hành. Ông chỉ lo vấn đề tài chánh, làm sao tờ báo có đủ tiền, trả tiền bài, tiền in .


Tuy trở về quân đội, nhưng tôi vẫn làm công việc cho tờ báo, với số lương khoán như cũ. Cơ sở tọa lạc của tôi tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn. Đó là một trung tâm huấn luyện về chiến tranh tâm lý, có các cố vấn Đài Loan giúp đỡ phần chuyên môn.


Từ chỗ tôi làm việc raCơsởKim Laiấn quán đường Nguyễn Siêu rất gần – do vậy, khi nào rảnh rỗi, tôi thường ra đó, để thăm Lãng Nhân, nói chuyện cho vui. Năm đó, Lãng Nhân đã ngoài 60 tuổi, tuy nhiên anh vẫn còn tráng kiện lắm. Lãng Nhân dáng người bệ vệ, ra dáng ông chủ nhà in, trên môi lúc nào cũng ngậmpíp, thở khói suốt ngày. Trông bề ngoài , Lãng Nhân cò vẻ nghiêm nghị, nhưng gần anh lâu ngày, hiểu anh, mới biết cái bề ngoài đó, không phải thực chất của anh. Nét mặt anh trong giống nét mặt sư tử, trán cao, mũi to, miệng rộng, địa các nở, có tướng thọ* Lãng Nhân ăn nói dí dỏm, thuộc nhiều điển tích, nên mỗi lần nói chuyện với anh, lại học thêm được 1 chút. Anh học không cao, chỉ tới năm thứ 3 Trường Bưởi (Lycée du Protectorat ), vì làm grèvechống viên hiệu trưởng Pháp, nên bị đuổi. Từ đó, anh tự học. Năm 19 tuổi, anh đã được bầu làm Nghị viên thành phố Nam Định, ông nghị trẻ nhất, nhưng cũng dám ăn, dám nói, đấu tranh với Pháp – vì quyền lợi dân thành phố. Sau khi gặp Hoàng Tích Chu từ Pháp về, anh bỏ nghể làm nghị viên, đi làm báo với Hoàng Tích Chu. Đó là báo Đông Tây, anh rất phục Hoàng Tích Chu, người dám cải cách lối làm báo, cũng như lối viêt văn trên báo


Tuy không hút thuốc lào, nhưng lúc nào trong phòng làm việc, nơi bàn khách, cũng có chiếc điếu bát được lau chùi sạch sẽ và ống thuốc lào ngon, để bạn bè nào trót đa mang chất tương tưthảo cứ tiện dùng. Nhưng nói cho đúng, số người biết hút thuốc lào rất ít; có lẽ cái điếu ấy, chỉ dành riêng cho tôi, vì hầu như ngày nào, tôi cũng có mặt- có khi mươi lăm phút, có khi cả nửa ngày.


Lãng Nhân, con người rất hào phóng, coi đồng tiền nhỏ lắm – do vậy – anh thường đãi đằng bè bạn thỏa thuê; hơn nữa, ai cần vay mượn, vì túng thiếu, anh sẵn sàng giúp đỡ. Lãng Nhân giao du rất rộng, tuy những bằng hữu của anh đều thuộc lứa trên dưới 60 - nhưng không phải vì thế, anh không giao du với lớp người trẻ, như tôi,như Trần Phong Giao , Phạm Duy v. v. … Nhà in Kim Lai, hầu như không ngày nào vắng bóng tao nhân, mặc khách !


Mặc dù vấn đề thời cuộc bên ngoài, mỗi ngày mỡi sôi động về chính trị, vái chỗ ngồi của chế độ Ngô Đình Diệm, bị những bàn tay chống đối lay đi, lay lại; làm đời sống dân chúng chịu ảnh hưởng lây. Ai cũng nghĩ sẽ có đổi thay; nhưng chưa ai đoán được sẽ thay đổi như thế nào? Mỗi người đến Kim Lai ấn quán lại đưa thêm tin tức, có khi đúng, khi sai; nhưng tất cả những gì tôi nghe được, thì bất lợi cho chế độ ông Diệm - … Lãng Nhân cũng chỉ nghe, chứ ít khi có ý kiến về chính trị – vì anh cho rằng chế độ nào cũng có ưu, khuyết điểm của nó.


Nhà in Kim Lai, với 1 phòng khách có máy lạnh, để tán dóc là 1 thú vui – do vậy – tôi đã gặp rất nhiều khuôn mặt văn nghệ trong căn phòng này.


Tại cơ sở, ngoài Lãng Nhân, còn Nguyễn Doãn Vượng , giữ vai trò Phó gíám đốc kỹ thuật. Anh Vượng từng làm chủ nhiệm báo Trung Bắc chủnhật, do Nguyễn Văn Luậngiúp đỡ. Anh có hỗn danh Tây chồm, vì bất cứ chuyện gì, dù liên hệ đến anh, hay không; anh cũng nhẩy bổ vào cho ý kiến và thường tự hào, ai anh cũng quen biết, và bất cứ có biến cố nàio xảy ra, anh đều rõ.


Ngoài Lê Văn Siêu và Văn Thanh đến Kim Lai ấn quán, vì tờ báo, tôi còn gặp nhà thơ Đoàn Thêm thỉnh thoảng cũng ghé chơi. Đoàn Thêm, công chức cao cấp thuộc Phủ Tổng thống, anh đeo kính cận, khuôn mặt xương xướng. Anh có tật hay nhún vai, nháy mắt; khi nói chuyện. Đoàn Thêm, con người có học, đọc nhiều. Anh rất mê thơ Đinh Hùng; nhờ anh, tập thơ Đường vào tình sử của Đinh Hùng mới ra đời được.


Ngoài tài làm thơ, anh còn viết sách khảo cứu về hội họa, cũng như nhiều loại sách khác; nhất là, anh có công sưu tập những biến chuyển về chính trị, quân sự từng ngày – in thành sách - Tính tình Đoàn Thêm hơi kiêu ngạo, một phần vì địa vị của anh trong xã hội, một phần tự tin vào cái học và sự hiểu biết của mình.


Nhà văn Đàm Quang Thiện đôi khi cũng có mặt, nhưng anh Thiện vốn ít nói. Cuốn sách nói về đời Nàng Kiều, anh in tại đây. Anh đến để sửa bài; sau khi cuốn sách in xong, ít khi gặp lại. Các nhà văn, nhà thơ TCHYA cũng ít đến. Mỗi lần đến, TCHYAcũng không ngồi lâu, chỉ nói vài câu cần thiết, song ra về. Mỗi lần TCHYA đến, lúc về, thế nào Lãng Nhân cũng tiễn chân tận cửa…


Một buổi chiều, khi tan sở, tôi đến thăm Lãng Nhân- vừa đến cửa, tôi đã nghe tiếng đọc thơ chữ Pháp vang dội ra. Thì ra, Bùi Xuân Uyên vừa làm xong bài thơ, đọc cho Lãng Nhân nghe. Đã lâu, tôi không gặp Bùi Xuân Uyên , thấy anh già, và nước da hơi xấu; nhưng tiếng đọc thơ vẫn sang sảng. Nhìn thấy tôi, Bùi Xuân Uyên ngưng đọc, đứng dậy, bắt tay hỏi thăm về đời sống – rồi mời tôi đến nhà chơi - xem tranh. Nghe vậy, tôi vô cùng sửng sốt, vì không ngờ Bùi Xuân Uyên lại vẽ tranh. Tôi tưởng nguyên cái nghề làm hiệu trưởng và dạy học đã chiếm hết thời giờ của anh rồi, nếu rảnh rang, anh viết, làm thơ – chứ có bao giờ tôi thấy Bùi Xuân Uyên vẽ đâu? Tôi hứa sẽ đến thăm để xem tranh.


Còn 1 người nữa, một ông huyện dưới thời thực dân, không hiểu nguyên cớ gì – ông Diệm cho ngồi chơi sơi nước., theo đúng nghĩa đen- lại thường có mặt tại Kim Lai. Người đó là Nguyễn Hữu Chì, tác giảBiệt ly qua thi ca. Nếu không có thời gian bị thất sủng, chua chắc đã có cuốn sách quý nói trên. Cái tâm sự buồn bã ấy, Nguyễn Hữu Chì nhờ thơ người khác nói giùm mình. Thời thế đôi khi cũng tạo nên văn nghiệp.


Nhà văn Phan Văn Tạo, cũng từng là quan huyện, hoàn cảnh tuiy không giống Nguyễn Hữu Chì; nhưng nhờ vào mấy truyện ngắn đăng trong tạp chí Bách Khoa – sau Nam Chi ấn hành thành tuyển tập, với tựa đề Chiếc bong bóng lợn , nên cũng nổi tiếng1 thời. Phan Văn Tạo dáng điệu thanh lịch ăn nói hoạt bát, vui vẻ. Sự kiêu căng không biểu lộ ra ngoài, nhưng nó tiềm ẩn trong khóe mắt, giọng cười. Có 1 thời, nhà văn này nắm Bộ Thông tin trong tay ** Nói cho đúng, tôi cũng yêu lối viết của Phan Văn Tạo. Nó đơn sơ, thự thà, dễ hiểu, nhất là không dùng văn chương để làm dáng.


Nơi đây, còn có sự qua lại của đại sứ Phạm Trọng Nhân, mỗi lần từ nước ngoài trở lại Việtnam vì công vụ. Phạm Trọng Nhân, con người dễ mến, tuy là đại sứ, quyền cao, chức trọng – nhưng gặp anh em lại xuề xòa, coi mình như cũng như anh em. Phạm Trọng Nhân viết cũng dí dỏm lắm. Cuốn Những nỗi vui buồn của nghềngoại giaođược mọi người tán thưởng, vì anh dám nói thẳng, nói thực cái nghề: đưa người cửa trước rước người cửa sau, cũng chẳng tốt đẹp gì! Ông đại sứ nhiều khi cũng như hoàn cảnh cô gái lầu xanh thôi!


(còn tiếp)


( Nguồn: Blog Thế Phong – Thằng Mõ xuất bản, San José USA, 1990 – tr. 262 )


__________
*Di tản sang Anh quốc, lấy thêm vợlần 3, qua đời, thọtrên 100 tuổi . (TP).


** Chính xác là Tổng giám đốc Thông tin - trước đó ( 1960 ) làm đổng lý Bộtrưởng Công dân vụNgô Trọng Hiếu- mà chủsoái nhóm Hàn Thuyên Nguyễn Đức Quỳnh là cốvấn của bộtrưởng Hiếu. Khi ông Tạo đem ký tặng Cái bong bóng lợn, ông Quỳnh, ngài cốvấn phán: “… anh mới được hưởng 1/2 vinh quang mà thôi, vì anh chỉ mới là nhà văn tài tử, chưa biết khổ đau là gì!“. Ông Tạo di tản sang Pháp sau chính biến 75, và qua đời tại đó. (TP)


No comments: