PHONG ĐĂNG * GIÁO DỤC MIỀN NAM
Những hình ảnh về giáo dục miền Nam trước 1975
Cập nhật: 02:22 | 03/12/2013
– Hình
ảnh và những tư liệu về giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975 đang được
chia sẻ trên các trang mạng. Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác
định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần quốc gia
ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học.
Mô hình giáo dục này trong những năm 1970 có khuynh hướng chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn.
Hệ thống giáo
dục gồm tiểu học, trung học và ĐH, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo
dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức
quản trị từ trung ương cho tới địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyện học, chuyện dạy ở thời kỳ này:
Sách giáo khoa cho học sinh. |
Triết lý giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng”.
Mục tiêu giáo dục thời điểm này được xác
định là: Phát triển toàn diện mỗi cá nhân; Phát triển tinh thần Quốc
gia ở mỗi học sinh; Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Bậc tiểu học bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Theo quy định, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc). |
Thẻ căn cước học sinh Trường Võ Trường Toản |
Hệ thống giáo dục trung học gồm: trung học đệ nhất cấp- Trong ảnh: Trường Trung học Cộng đồng Quận 8 năm 1972- 1973 |
Trường trung học Đệ nhị. Trong ảnh: Các nam sinh Trường Võ Trường Toàn |
Trong ảnh: Trường Quốc-Gia Nông-Lâm-Mục B’Lao. |
Học sinh đậu được Tú tài II thì có thể ghi danh vào học ở một trong các viện ĐH, trường ĐH, và học viện trong nước. Vì số chỗ trong một số trường có giới hạn nên học sinh phải dự kỳ thi tuyển có tính chọn lọc rất cao. |
Viện đại học Đà Lạt. |
Viện Pasteur Nha Trang. |
Trường Kỹ Sư Công Nghệ, Trường Hàng Hải thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật. |
Các giáo sư Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ đồng tấu: Trần Thanh Tâm (đờn kìm), Phan Văn Nghị (đờn cò), Trương Văn Đệ (đờn tam), Vũ Văn Hòa (sáo) và Nguyễn Vĩnh Bảo (đờn tranh) |
Buổi học hình họa tại lớp dự bị của trường Quốc gia Mỹ thuật Sài Gòn đầu thập niên 60 |
Thời điểm này,
một số sinh viên bậc ĐH được cấp giấy phép đi du học ở nước ngoài. Hai
quốc gia thu nhận nhiều sinh viên Việt Nam vào năm 1964 là Pháp (1.522)
và Hoa Kỳ (399), đa số theo học các ngành khoa học xã hội và kỹ sư.
Chương trình hai năm (còn gọi là chương trình sư phạm cấp tốc) nhận những ai đã đậu được bằng Trung học Đệ nhất cấp. Hằng năm chương trình này đào tạo khoảng 2.000 giáo viên tiểu học. Giáo viên trung học thì phải theo học chương trình của trường đại học sư phạm (2 hoặc 4 năm).Sinh viên các trường sư phạm được cấp học bổng nếu ký hợp đồng 10 năm làm việc cho nhà nước ở các trường công lập sau khi tốt nghiệp. |
Chỉ số lương của giáo viên tiểu học mới ra trường là 250, giáo học bổ túc hạng 5 là 320, giáo sư trung học đệ nhất cấp hạng 4 là 400, giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng 5 là 430, hạng 4 là 470. Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố có cuộc sống khá thoải mái, có thể mướn được người giúp việc trong nhà. Sau đó, đời sống bắt đầu đắt đỏ, vật giá leo thang, nhà giáo cảm thấy chật vật hơn, nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuy vậy, lúc nào các nhà giáo cũng giữ vững tinh thần và tư cách của nhà mô phạm. |
Đề thi trắc nghiệm đã được sử dụng cho môn Công dân, Sử, Địa trong các kỳ thi Tú tài I và Tú tài II từ niên khóa 1965-1966. Đến năm 1974, toàn bộ các môn thi trong kỳ thi tú tài gồm toàn những câu trắc nghiệm. Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều phải đi dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1.800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời của học sinh để tính độ khó của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu hỏi trắc nghiệm cho thích hợp. |
Đầu những năm 1970, Nha Khảo thí đã ký hợp đồng với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển… đến các con số thống kê cần thiết. Bảng trả lời cho đề thi trắc nghiệm được đặt từ Hoa Kỳ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230. |
- Phong Đăng(tổng hợp từ internet
- http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/151893/nhung-hinh-anh-ve-giao-duc-mien-nam-truoc-1975.html#
Tuesday, December 3, 2013
TIỂU THU * XÓM NHỎ
XÓM NHỎ
Dec 3, 2013 at 8:13 am
Tiểu Thu
Khi gia đình dọn về Ngã Tư Bình Hòa thì Mai vừa lên tám.
Anh Tú hai mươi và chị Thơ mười tám, đang mang bầu thằng Phương.
Trước đó hai năm, chỉ có một mình ba lên Sài Gòn ở tạm nhà
chú Sáu Tuấn bên Thị nghè. Ba giữ chân kế toán trưởng cho một viện bào
chế thuốc tây vào hạng lớn nhứt Sàigòn thuở đó. Ông chủ người Pháp quanh
năm ở tuốt bên Kinh đô ánh sáng. Năm thì mười họa mới giá lâm một lần
để xem nhân viên mần ăn ra sao? Mọi việc đều giao cho một quản lý người
Việt nên cái màn “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” cũng có lúc xảy ra.
Trong đám phụ tá của ba Mai có chú Thạnh, nhỏ hơn ba năm, sáu tuổi nhưng
số nhi đồng lại đông gấp đôi, nên nhà chú thường xuyên thiếu trước hụt
sau. Có lần thiếm Thạnh vô nhà thương mổ ruột dư, túng quá chú đành vô
văn phòng của ba, gãi đầu gãi tai một hồi mới ấp úng :
– Anh Thăng, vợ em nằm nhà thương… (thở dài !), em cũng
biết là làm phiền anh lắm, nhưng mà… (chắc lưỡi…), em hết biết tính sao!
Ba Mai không nói không rằng, rút đại một cái hoá đơn của một nhà thuốc nào đó còn thiếu tiền, đưa cho chú Thạnh:
– Nè, đi đòi đi. Rồi tháng sau ráng trả lại cho đàng hoàng nghe không.
Chú Thạnh hớn hở cầm cái hóa đơn cứu mạng, miệng cám ơn rối rít.
Ba thích giúp đỡ mọi người nên được các đồng nghiệp yêu
mến. Thỉnh thoảng mấy chú kéo đến nhà Mai nhậu nhẹt, cả anh chàng dược
sĩ trẻ người Pháp từ Paris qua. Má Mai làm đồ nhậu là số một.
Sau này, thấy mỗi lần má dẫn Mai lên Saìgòn thăm ba cực khổ
quá, vì phải đi tàu từ Cao Lãnh qua Sađéc. Không muốn phiền người quen
nên má và Mai phải ngủ qua đêm trên mui tàu, sáng hôm sau mới lấy xe đò
lên Sàigòn. Nội qua cái bắc Mỹ Thuận cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Thành
thử quãng đường chỉ dài độ 140 cây số mà phải đi cả ngày mới tới. Má còn
cụ bị lủ khủ nào gạo, khô, gà vịt, trái cây… Lần nào cũng bị lơ xe cằn
nhằn. Đó là chưa kể tình hình dưới quê rất lộn xộn. Lính Quốc gia. Lính
Hòa Hảo. Việt Minh. Người dân ở giữa giống như trái độn. Nạn cướp tới
thăm có khi một tháng đôi lần.
Mai nhớ lần nọ má và chị Thơ chở một ghe xoài qua bán bên
tỉnh Bến Tre, Mai phải qua ở với ông bà nội. Đêm đó ngày rằm nên trăng
sáng vằng vặc. Mai ngủ chung với bà nội ở gian nhà giữa. Chị Yến con cô
Hai ngủ trên bộ ván gỏ cạnh cửa sổ ngó ra vườn. Không hiểu cao hứng gì
mà đêm đó chị gác một chân lên thành cửa sổ. Nửa đêm giựt mình, có cảm
tưởng như hai cánh cửa nhúc nhích. Chị ngồi bật dậy ngó qua khe cửa thấy
một người mặc đồ đen, vai đeo súng đang cố sức kéo cho cánh cửa bật ra.
Chị la :
– Cướp ! Cướp ! Cậu bảy ơi, ăn cướp !
Cả nhà tỉnh ngủ tức thì. Bà nội kéo Mai chun xuống gầm
giường, con nhỏ run như cầy sấy. Bà mò xuống bếp lấy cái mâm thau hay
nồi đồng gì đó Mai cũng quên mất, chun trở vô gầm giường, tay vừa gỏ
xèng xèng, miệng niệm Phật lia lịa. Ông nội có chổ bí mật để ngủ mỗi
đêm, nên không khi nào lên tiếng. Nghe tiếng báo động của bà nội, cả xóm
kẻ gõ nồi, người gõ mâm, người khác gõ mõ vang rân cả xóm. Chị Yến gan
lì hết sức, vừa chạy vòng vòng vừa ngó qua khe cửa. Trong nhà tối, bên
ngoài trăng sáng như ban ngày, mỗi lần thấy bóng một tên cướp, khoảng 3
đứa, đi xung quanh nhà, gặp cửa nào cũng giựt thử là chị lại thét lên
-chắc đế cướp tinh thần địch:
– Nó nè cậu bảy ơi. Chỉa đâu đưa đây con đâm nó (!??)
Chú Bảy cũng phụ họa:
– Đâu đâu. Để đó cho tao !
Lính ở đồn Mỹ An bên kia sông, xéo xéo nhà ông nội nghe
tiếng báo động bên Tân An liền bắn qua mấy tràng súng thị uy. Bọn cướp
thấy không xong bèn rút lui có trật tự…
Mờ sáng hôm sau, vị hôn phu của chị Yến, ở tuốt luốt bên
xã Mỹ Ngãi, lật đật qua vấn an người yêu. Chị cười lỏn lẻn hỏi sao biết,
thì anh Dương cũng rất thiệt thà thổ lộ rằng, tối hôm qua, lẫn trong
tiếng xèng xèng, cóc cóc, anh còn nghe tiếng cướp cướp được phát ra từ
cái giọng Soprano “vượt bức tường âm thanh” của chị, bay qua tận bên nhà
anh. Tuy rằng hai nhà cách nhau một cánh đồng xa cả cây số.
Vì vậy anh
thấp thỏm đợi hừng sáng là qua “thăm dân cho biết sự tình “. Thấy chị
bình an vô sự anh rất mừng. Mai không biết khi khám phá ra cô vợ tương
lai có cái giọng “cao hơn người” này – chị Yến vốn cao chưa tới thước
rưỡi – anh Dương có lo sợ cho hai cái màng nhỉ của anh không nữa ?!. Cứ
vậy, không thành công lần này chúng tiếp tục trở lại hỏi thăm sức khỏe
lần khác. Tuy không tổn thất vật chất, nhưng tinh thần lại thiệt hại
trầm trọng. Ba thấy vậy kêu cả nhà lên Sàigòn ở luôn.
Ba má mua lại một căn nhà nho nhỏ trên đường Lê Quang Định.
Sau này buôn bán khá, căn nhà được nới rộng thêm ra. Nhà cách ngả tư
độ trăm thước đi về hướng chợ Bà Chiểu. Cũng nhờ bác Ba Đại của Mai an
cư lạc nghiệp tại xóm này hơn hai mươi năm rồi. Bác có tám người con –
năm trai, ba gái. Lớn nhứt là anh Hai Jean. Nhưng bị mọi người “nhất
trí” kêu là Răng. Lúc ông Diệm lên chấp chánh bắt phải đổi lại quốc tịch
Việt. Không hiểu do óc khôi hài cao độ hay vì lý do nào khác, anh lấy
tên là Nguyễn Văn Vàng.
Từ đó tên anh trở thành Hai Răng Vàng, tuy cả
hai hàm, kiếm bảy ngày cũng không ra cái răng vàng nào hết. Anh giống
bác Ba trai, đẹp như tài tử Mỹ, cái miệng lại trơn như thoa mỡ. Mỗi lần
anh ghé thăm là cả nhà cười nghiêng cười ngửa. Ông bà già vợ quý anh như
vàng. Hai ông bà chỉ có hai cô con gái rượu. Chị Tâm và chị Nguyệt. Anh
lấy cô em là chị Nguyệt. Tin tưởng tuyệt đối nơi chàng rể quý, nên năm
ba bữa bà má vợ lại nhờ:
– Răng à, chở dùm chị hai con vô Chợ Lớn khui hụi cho má. Bữa nay má ể mình đi hổng đựơc !
– Răng à, chở chị hai con vô nhà bà Tôn đòi tiền dùm má.
Trời Phật ngó xuống mà coi. Thiếu có năm ngàn mà đi mòn đường cũng hổng
chịu trả. Ứ hự !!
Cho tới một hôm chị Tâm khăn gói ra đi không một lời từ
biệt cha mẹ già. Tra khảo riết, cuối cùng anh Răng cũng phải thú thiệt
là đã đem chị Tâm dấu một chỗ chờ ngày đập bầu. Vì ngoài những chuyện bà
má vợ nhờ làm, anh còn thày lay làm luôn những chuyện bả không hề nhờ
tới mới là khổ !!
Nghe tin động thiên đình bà già lăn ra sàn gạch khóc lóc
thảm thiết, nhưng cuối cùng cũng đành chấp nhận thương đau! Nhưng từ đó
hai chị em không thèm nhìn mặt nhau nữa. Riêng cái mục sản xuất nhi
đồng thì không bà nào chịu thua bà nào. Cứ chị Tâm một đứa thì chị
Nguyệt một đứa cho bỏ ghét!
Nhà bác ba Đại ở ngay mặt đường cái. Kế đó là quán cà phê,
hủ tiếu của vợ chồng chú ba Lâm. Mỗi buổi sáng quán này đông nghẹt khách
tới ăn điểm tâm. Phần lớn là dân thợ thuyền hoặc phu xích lô. Hai ông
bà không con, nuôi một con chó vàng khôn hết sức. Không hiểu sao một
bữa cao hứng, chú cẩu ta chạy băng qua đường (chắc thấy một bóng hồng
nào đó đang nhởn nhơ bên kia chăng ? Vì chỉ có tình yêu mới khiến cho
muôn loài đâm ra mù quáng, không còn sợ trời sợ đất gì hết!) bị xe xích
lô máy cán chết tươi. Thiếm ba khóc quá chừng vì thương chú cẩu này như
con. Nhà Mai kế bên nhưng thụt sâu vô trong.
Khoảng sân trước giáp với
quán cà phê. Mỗi buổi sáng, Mai chỉ cầm cái ly bước vô sau bếp chú ba
Lâm là có cà phê sữa nóng hổi và khi thì cái bánh tiêu, khi cái giò chéo
quảy, dĩa xíu mại đem về cho ba ăn sáng trước khi đi làm. Gần đường,
sát vách quán má Mai chất đống củi khô bán cùng xóm. Vì thời đó nhà nào
cũng chụm củi hoặc chụm than. Mỗi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần ở
chiếc bàn tròn trước sân.
Nói chuyện tầm phào hoặc nghe ké mấy tuồng
hát bội từ cái ra dô bên quán cà phê. Vì vậy ngay từ nhỏ, Mai đã thuộc
lòng chuyện Bà Chung Vô Diệm với lão vua dê xồm Tề Tuyên Vương. Mỗi lần
nghe cái giọng khẩn cầu thảm thiết của lão khi giặc tràn tới biên cương:
– Hậu ơi Hậu. Hậu ráng cứu trẫm chuyến này. Trẫm thề
sẽ…v..v..và v..v… để rồi sau đó, khi bà dẹp xong giặc trở về, lão ta
lại nghe lời mấy con Thứ phi xí xọn dèm xiểm, kiếm mọi cách tống bà vô
lãnh cung là Mai lại tức cành hông. Có lần nhỏ hỏi má:
– Má à, sao bà Chung Vô Diệm giỏi võ như vậy, mà lúc bị đày
vô lãnh cung, bả hổng chém cho ông vua một nhát để ổng chết phứt cho
rồi ?
Chị Thơ háy một cái lạnh lùng luôn:
– Vậy cũng nói ! giết “thằng chả” chết rồi là hết chuyện, lấy đâu cho mày nghe mỗi buổi tối ?
Má cũng nói ối chuyện người ta đặt ra mà, hơi đâu thắc mắc!
Vậy chớ Mai cũng cứ ấm ức! Cái bà Chung Vô Diệm ngoài chiến trường thì
oai phong lẫm liệt, trước mặt lão vua già lại yểu xìu như cái bánh tráng
ướt! Lão chỉ cần “thở” ra vài lời đường mật là bà ta lại hồ hởi đem
thân xông pha ra chiến trường dẹp giặc. Có lần vác cái bầu gần ngày sanh
ra trận. Bị kẹt trong vòng vây, bèn đẻ rớt luôn một hoàng tử giữa trận
tiền. Trong khi đó lão vua già phây phây ở nhà ôm ấp mấy con Thứ phi cà
chớn! Bà Chung Vô Diệm hiền chớ Mai là chém đầu ráo trọi. Từ lão dâm
tặc cho tới mấy mụ thứ phi cà chua. Chị Thơ nói con nhỏ này mới nứt mắt
mà đã dữ như bà chằn. Mai mốt chắc ở giá hổng ai dám rước!
Sát vách nhà Mai là nhà cô Bảy Huệ. Lúc gia đình Mai tới
định cư thì họ đã ở đó rồi. Bà mẹ lúc đó độ ngoài năm mươi, tóc hoa râm,
rất đẹp người. Cô bảy độ chừng hăm lăm, hăm sáu tuổi và thằng Bảo là
con người anh ruột của cô. Nghe bác Ba gái nói ông này theo lính Bình
Xuyên đóng bên kia cầu chữ Y. Nó bằng tuổi Mai mà sáng nào cũng ngồi
trước hàng ba khóc nhèo nhẹo cho tới khi bà Hai Cần, bà nội nó xì tiền
ra cu cậu mới chịu nín.
Ba cấm không cho Mai chơi với nó. Ông nói ba nó
là giặc Bình Xuyên. Mai thấy thiệt là vô lý. Ba nó theo Bình Xuyên có
phải tại nó xúi đâu mà bắt lỗi nó? Vì vậy sau giờ học, Mai hay lén qua
sân nhà cô Bảy Huệ chơi nhảy lò cò với thằng Bảo. Trường Mai học ở gần
nhà trong khi ba đi làm tuốt ngoài đường Catinat. Nhưng phải canh chừng,
hể thấy bóng chiếc Alcion trờ tới trứơc cửa nhà nhỏ Kim Châu, cách nhà
Mai hai căn, là phải lẹ lẹ nhảy phóc qua cái lan can mà về tức thì, nếu
bị bắt tại trận tối đó sẽ bị phạt quỳ…
Thật ra cho tới bây giờ, nghĩ lại tình cảnh cô Bảy Huệ lúc bấy giờ, Mai không biết nên thương hay nên trách ?
Cô Bảy người tầm thước, nước da bánh mật, miệng hơi móm
duyên, cười khoe hai hàm răng nhỏ rức. Không phải sắc nước hương trời,
nhưng là một nhan sắc hiền diệu, ưa nhìn. Cô nói năng rất nhỏ nhẹ, chừng
mực. Sáng nào Mai cũng thấy cô mặc bộ đồ nữ quân nhân, đúng giờ một
chiếc xe nhà binh tới ngừng trước ngõ, rước cô đi làm. Chiều cũng chiếc
xe nhà binh đó đưa cô về. Ngoài giờ làm việc Mai chưa thấy cô đi chơi
với bạn trai bao giờ, tuy rằng thời đó, ở tuổi cô, có thể nói là đã lỡ
thời! Mai không biết lương hướng của cô ra sao, chỉ biết ngoài mẹ cô là
bà Hai Cần (mắc bịnh ghiền đánh tứ sắc) cô phải cưu mang thêm thằng Bảo.
Mất mẹ sớm, ba nó lại đi lính Bình Xuyên giao đứt nó luôn cho má con cô
nuôi.
Thấy nó côi cút tội nghiệp, đôi khi bà Hai cưng chiều quá đáng.
Sau này, khi quân chính phủ dẹp tan đám Bình Xuyên, ba thằng Bảo bị bắt ở
tù. Vì vậy ngoài má con cô Bảy Huệ và thằng Bảo, nhà không bao giờ có
bóng đàn ông… Vậy mà một bữa đi học về, mới tới đầu ngõ Mai thấy một
người đàn ông trọng tuổi từ trong nhà cô Bảy đi ra. Dáng người hơi thấp,
mập mạp, trắng trẻo, tóc hoa râm. Nhìn ông, người ta đoán ngay được là
dân có tiền. Tò mò Mai đứng lại nhìn. Ra tới cổng, ông ta còn dòm bên
trái, bên phải như kiếm ai rồi mới đeo cặp kiến đen, bước hối hả ra
đường, đi về hướng ngã Tư Bình Hòa. Mai vô nhà gặp chị Thơ đang nấu cơm
chiều, nhỏ kể luôn:
– Em mới thấy có một “ông già” từ nhà cô Bảy Huệ đi ra.
Chị Thơ thì thầm, vì bếp nhà Mai sát vách nhà cô Bảy:
– Ổng là “mèo” của cô Bảy đó.
Mai nhảy dựng như bị phỏng lửa:
– Cái gì ? Mèo của cô Bảy ?
Chị Thơ cú lên đầu Mai một cái đau điếng:
– Nhỏ họng chút coi. Mày la om sòm bên kia “họ” nghe được làm sao ?
Mai vừa vò đầu vừa nhăn nhó:
– Chị có lộn hông đó. Chắc ổng là “mèo” của bà Hai…
Chị Thơ xì một cái:
– Mày biết gì mà nói. Hôm kia bà Hai qua đây “tâm sự”, khóc
lóc một trận quá trời với má đây nè. Bả nói tại nghèo, lại cần tiền lo
cho ba thằng Bảo ra khỏi tù, nên có người bà con làm mai cho cô Bảy làm
bé ông này, cổ đành ưng thuận. Ổng có vợ mà gần hai mươi năm nay bả cứ
trơ trơ, chẳng chịu chửa đẻ cho ổng đứa con nào hết trơn. Mà ổng thì
giàu quá trời. Chủ một hãng xe đò, tới cả chục chiếc lận. Ổng ham con
lắm nên chịu bảo bọc hết gia đình cô Bảy. Hổm nay tao thấy ổng vô đây
mấy lần rồi đó. Nghe đâu ổng gần năm mươi tuổi, nhưng nhờ giàu có tẩm bổ
nhiều thành thử còn “chiến” lắm. Mày hổng để ý lúc này cô Bảy đâu còn
đi làm nữa.
Ờ há, cả tháng nay Mai không thấy chiếc xe nhà binh mỗi
sáng tới rước cô Bảy như thường lệ. Nhưng ai đâu để ý “chiện” người lớn?
Bữa nay chị Thơ nhắc Mai mới nhớ ra. Rồi sau những lần gặp gỡ lén lút
tại nhà cô Bảy, kết quả là cái bụng cô mỗi ngày một lớn thêm ra. Ông
Kiện mừng hết sức luôn. Bình thường ông ta đến và đi đều trong giờ làm
việc, chắc để bà vợ khỏi nghi, đậu xe xa xa rồi mới tà tà đi bộ đến cái
“tổ oan ương”. Mỗi lần người khách quý này tới là bà Hai Cần phải kiếm
cớ, khi thì xách giỏ đi tuốt xuống chợ Bà Chiểu, lúc lại dọt qua nhà Mai
ngồi tán dóc với má ít lâu cho “đôi trẻ” mần việc –
Mà họ làm việc này
rất nghiêm chỉnh, vì đối với ông Kiện, thì giờ thật sự là tiền bạc! Có
lẽ sung sướng quá nên ông đâm ra bất cẩn, không coi chừng cẩn thận như
trước. Một ngày đẹp trời đi học về, Mai thấy một bà đứng tuổi – cở má –
phốp pháp, mặt mày đầy son phấn đứng trứơc cổng nhà cô Bảy (đương nhiên
là được cài móc phía trong rất kỹ để phòng hờ…). Bàn tay có những móng
sơn đỏ chót, đang xỉa xói vô nhà, miệng chửi dòn tan. Lối xóm bu lại coi
đông nghẹt. Bả phân bua :
– Từ mấy tháng nay tui biết là thằng chả có mèo. Theo dõi
riết bây giờ mới bắt được tại trận. Tui biết chắc là tụi nó đương hú hí
với nhau ở trỏng. Rồi bả nghiến răng trèo trẹo rít lên:
– Trời ơi thằng già dịch. Đầu hai thứ tóc rồi mà còn ngu
(?) đem tiền cho “con ngựa” đáng tuổi con nó ăn. Trời ơi là trời ! Tui
có lầm lỗi gì đâu mà bị đối xử tàn nhẫn như vầy? Đồ ác nhơn thất đức!
Tội nghiệp, bả quên là trong xã hội Việt Nam, vợ chồng lấy nhau không
con cũng là một vấn đề trọng đại. Có được bao nhiêu người đàn ông rộng
lượng? Phần nhiều là các ông hay chụp ngay cái cớ đó để lập phòng nhì,
phòng ba.
Réo đôi gian phu dâm phụ ra chửi tơi bời hoa lá mà thấy trong
nhà vẫn áng binh bất động, bả đâm mất hứng đành lui binh, sau khi ném
lại một câu đe dọa xanh dờn :
– Rồi tụi bây sẽ biết tay tao !
Nghe nói chiếc Peugeot 203 của ổng đậu tuốt ngoài ngả tư,
gần rạp Cao Đồng Hưng bị bà Hoạn Thư đập tan tành hết mấy cái kiếng.
Thôi thì không bị đốt như chồng cô Hườn là may rồi, nhằm nhò gì ba cái
kiếng xe !
Sau đó, không biết ổng về điều đình với bà vợ ra sao mà
không thấy bả trở lại đánh ghen cô Bảy Huệ nữa. Thằng Toàn ra đời trong
sự vui mừng tột cùng của ông Kiện. Đầy tháng của nó, cô Bảy cúng nguyên
một con heo quay to tướng. Bà Hai đem biếu hàng xóm mỗi nhà một phần ăn
lấy thảo. Mai còn nhớ lúc nó được đâu năm, sáu tháng gì đó, ông Kiện bị
tai nạn gẫy một chân phải nằm nhà thương. Vậy mà ngày nào ổng cũng bắt
tài xế chở tới đậu trước cổng nhà, cô Bảy Huệ ẳm thằng Toàn ra cho ổng
nựng nịu, hôn hít một hồi rồi mới chịu trở vô nhà thương. Thấy đống đồ
chơi của nó mà bắt thèm.
Chị Thơ sanh thằng Phương trước nó năm tháng,
mà tội nghiệp quanh đi quẩn lại chỉ có hai ba món đồ chơi quèn. Bù lại
nó là đứa cháu đầu nên được cả nhà cưng như cưng trứng. Nó lại đẹp quá
trời nên ba lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng móc…. hình thằng cháu
ngoại ra khoe !…
Ngay phía sau hè nhà cô Bảy là gia đình bác Hân, người Bắc,
mới di cư vào Nam được gần năm nay. Bác trai độ bốn mươi tuổi nhưng gầy
còm, mặt mũi nhăn nheo như trái táo khô. Con trai lớn nhứt mới mười sáu
và đứa út bảy tuổi. Cả nhà từ lớn tới nhỏ cộng thêm hai người thợ suốt
ngày đánh vẹc ni đàn. Đủ thứ : guitar, mandoline, violon. Chỉ đánh vẹc
ni thôi, xong rồi đem giao chỗ khác. Vì vậy hể mở cửa sau là nghe “nồng
nàn” mùi vẹc ni, bắt nhức cái đầu !
Mai không hiểu sao cả nhà bác Hân có
thể hít thở cái mùi khó ngửi này quanh năm ngày tháng? Chị Thơ nói thì
quen lỗ mũi chớ sao. Giống như bác ba gái nhà mình ghiền dầu cù là, lúc
nào cũng thủ một chai trong túi áo. Bác Hân trai mắc bịnh suyển. Đôi khi
đang làm, bác ngưng tay, vói lấy cái điếu cầy rít thuốc lào ròng rọc,
sau đó lại nổi cơn ho sù sụ, cái lưng cong như con tôm luộc! Bác Hân
gái hiền, cũng ốm o, hàm răng trên hô, chìa ra khỏi cặp môi dày lúc nào
cũng sẵn sàng toét ra cười. Tội nghiệp bác, tối ngày chúi đầu trong bếp
nấu ăn cho chồng con và đám thợ.
Cạnh bác Hân, tức ngay sau hè nhà Mai, chỉ cách cái sân
rộng độ ba thước là nhà bà cụ Hiền. Cụ cũng khoảng sáu mươi, người nhỏ
bé (bây giờ gọi những người sáu mươi bằng cụ dám bị vác chiếu ra tòa vì
tội… phỉ báng!). Tóc còn đen mượt, được vấn trong chiếc khăn nhung đen.
Lần đầu, Mai giựt mình khi thấy cụ cười khoe hai hàm răng đen thủi đen
thui.
Mai tưởng cụ bị sâu răng, nhưng sau mới biết tại cụ nhuộm. Theo
phong tục ngoài Bắc, đàn bà phải răng đen mới đẹp. Hổng giống “người
Việt” mình, răng trắng chừng nào đẹp chừng nấy, má nói. Cụ có một người
con duy nhứt là cô Lành, trắng trẻo, mảnh khảnh, trái với ông chồng tên
Thịnh, mang lon trung sĩ, nghe đâu lớn hơn cô cả một con giáp. Chú Thịnh
to lớn, mặc đồ nhà binh đầy vẻ oai vệ.
Có lần cụ than với má :
– Khổ lắm bà ơi. Thân tôi góa bụa, lại chỉ có một mụn con
gái, không ở với nó thì ở với ai? Ông rể thì suốt ngày lầm lầm, lì lì
không nói một lời, nên mình cũng chẳng biết nó thương hay nó ghét. Thôi
thì cứ cắn răng mà chịu!
Nói xong cụ rơm rớm nứơc mắt. Đều đều, sáng sớm cụ bưng một thúng xôi
bắp nóng hổi, đi một vòng vô xóm trong độ hai tiếng đồng hồ là hết
nhẵn. Thú thật cho tới bây giờ Mai cũng chưa hiểu tại sao người Bắc kêu
xôi bắp là xôi lúa? Có lần Mai ngây thơ hỏi cụ ơi, lúa làm sao mà nấu
thành xôi được hả cụ?
Cụ cười khoe hàm răng đen nhánh :
– À, thì từ xưa người ta vẫn gọi thế!
Nhà cụ còn một nhân vật mà Mai rất thích là chú Phong, em
họ chú Thịnh. Chú Phong thuộc loại bạch diện thư sinh, tuổi chỉ độ ba
mươi, ăn nói duyên dáng. Đôi khi chú qua nhà Mai chơi, gặp bữa cơm, má
mời:
– Mời chú Phong dùng ba hột cơm với gia đình tui cho vui.
Chú giả bộ sửng sốt:
– Trời, bà chị chỉ mời em đúng có ba hột cơm thôi à? Chưa đủ cho em nhét kẽ răng nữa là!!
Cả nhà ai cũng cười má, vì tuy ở Saigòn mấy năm rồi mà vẫn
không bỏ được cái câu “ăn ba hột cơm cho chắc bụng”.
Ba nói ba hột cơm
của má bây chắc là ba hột cơm Thạch Sanh! Cụ Hiền kể cho má nghe hồi còn
ngoài Bắc, gia đình chú Phong ở dưới quê giàu lắm. Chú bị tảo hôn nên
mới lên mười đã bị bố mẹ cưới cho một cô vợ tới hai mươi cái xuân xanh.
Hết tiểu học, chú phải lên Hà Nội ở trọ để học tiếp. Mỗi lần về quê chơi
trở lên, cô vợ có phận sự phải theo hộ tống ông chồng hỉ mũi chưa sạch
này. Có điều rất mất mặt bầu cua là chú đi vé trẻ con và cô vợ thì phải
mua vé người lớn. Khỏi nói, với làn sóng di cư năm năm tư, chú rất hồ
hởi đơn ca bản: Tung cánh chim tìm về tổ…khác. Chú âm thầm theo gia đình
chú Thịnh xuống Hải Phòng lên tầu há mồm đi một lèo vô Nam.
Khít vách nhà cô Bảy Huệ là gia đình cô Tư Kim Anh, em bà
con của thiếm Ba Lâm, chủ tiệm cà phê kế nhà Mai. Cô Tư ốm yếu xanh
xao, lúc nào cũng buồn rười rượi ! Chớ vui sao đựơc mà vui? Mới ba mươi
hai cái xuân xanh mà cô đã phải “quản lý” một đàn con bảy đứa! Con Mỹ
Lan lớn nhứt lên mười và thằng cu út mới biết bò.
Ông chồng lính kín của
cô tối ngày nồng nực mùi rượu, lại mắc chứng bịnh ghen kinh niên. Đi
làm thì thôi, về nhà là ổng kiếm chuyện gây gỗ, đánh đập cô rất tàn
nhẫn. Tiếng chưởi bới, la hét, khóc lóc từ nhà cô vọng ra thường lắm.
Mới đầu chú thiếm ba Ba Lâm còn nóng ruột em, chạy qua can gián, nhưng
bị ông em rể trời đánh này “xực” luôn:
– Bộ anh chị là đồng lõa của con vợ tui hay sao mà binh nó? Muốn ở tù rục xương hả ?
Chú thiếm đành phó mặc cô em với định mệnh đau thương ! Mai
có gặp cái thằng cha ác ôn đó vài lần, mà lần nào cũng thấy cặp mắt,
chắc là đỏ ngầu, của chả dấu kỹ sau cặp kiến đen, mặt mũi sần sùi coi
rất dữ dằn, sặc mùi… lính kín !
Giữa tiệm cà phê chú Ba Lâm và nhà bác ba Đại là con hẽm
chạy ngoằn ngoèo vô rất sâu trong xóm. Sở dĩ nó ngoằn ngoèo là vì bà con
trong hẻm khi cất nhà không thèm theo một nguyên tắc nào cả mà tùy
hứng, lồi ra thụt vô một cách rất “tự ro”. Vì vậy mà tất cả các con hẽm ở
cái đất Sàigòn đều ngoằn ngoèo như những cái ruột gà! Phía mặt đường,
ngay góc tiệm cà phê là giang sơn của bà Năm Hậu. Đối với Mai lúc đó thì
bà đã già lắm rồi. Chiếc khăn rằn đỏ quanh năm trùm mái tóc bạc trắng.
Khuôn mặt và hai bàn tay nhăn nheo, đen sạm vì suốt ngày dãi nắng, dầm
mưa. Không chồng cũng chẳng có con, bà thui thủi một mình trong căn nhà
lá ngay phía sau nhà bác Ba Đại và sống nhờ vào cái sạp hàng nhỏ xíu
trước quán cô Ba Lâm.
Cái sạp gỗ cao hơn mặt đường độ hai tấc. Trên đó
bày đủ thứ, mà trăm phần dầu là nhằm vào các bà, các cô và các đấng…nhi
đồng: cóc được gọt vỏ, tỉa ra từng cánh để xơi cho lẹ, ổi, mận, chùm
ruột, me, soài sống… bên cạnh tô muối ớt giã đỏ tươi và tô mấm ruốt để
chấm những thứ kể trên. Vài hũ kẹo bột, thèo lèo cứt chuột, bánh in,
bánh tai heo… và cái món mà bà moi tiền tụi nhóc nhiều nhứt là món khô
mực nướng. Từng miếng khô cắt vuông vức độ bốn ngón tay, được nướng trên
lửa than. Than cháy đỏ đựng trong cái soong nhôm cũ móp méo thảm hại.
Lúc chín tới, bà để lên trên cái thớt me dày cộm, rồi dùng cái búa nhỏ
đặp nhẹ cho tới khi miếng khô mực tơi ra, sau đó mới phết lên trên một
lớp tương ớt mỏng.
Chèn đét, mới hồi tưởng lại đã chảy nước miếng! Tội
nghiệp bà, bữa nào nắng ráo thì khá, mhững hôm mưa dầm, chẳng có ma nào
mua, lại còn bị nước mưa tạt vô ướt nhẹp, phải dọn hàng về sớm. Phần lớn
số tiền má cho Mai đều chạy tuốt vô túi bà năm Hậu qua những trái cóc,
ổi, khô mực nướng. Phần còn lại nộp mạng cho cái xe nước đá nhận trước
nhà con Bích Thủy. À, má cấm không cho Mai chơi với nhân vật này vì
trên đầu nó có nuôi khoảng … một triệu con chí !
Chỉ cần vén một nhánh
tóc lên thôi, là cả một sư đoàn chí đực, chí cái, chí mén rơi xuống ào
ào như sao sa lá rụng ! Về sau nó phải cạo trọc đầu mới thanh toán nổi
cái đám chí khổng lồ đó. Vậy mà ở trường, thầy nào, cô nào cũng cố gắng
nhét cho bằng đựơc vô đầu đám học trò vô tội cái câu : ở đời có… chí thì
nên ! Hay có lẽ tại má chưa từng nghe câu này nên mới cấm Mai không
được có chí? Hỡi ơi bà đâu có biết cái hậu quả tai hại Mai phải gánh
chịu là cho tới bây giờ, Mai chẳng có một ly ông cụ ý chí nào hết. Làm
cái gì cũng bỏ dỡ nửa chừng! Phải chi hồi nhỏ…
Buổi tối, khi đèn đường bắt đầu bật sáng, không biết từ đâu
một chiếc xe mì được đẩy tới trấn thủ ngay phía trước nhà bác Ba Đại,
dưới tàn cây trứng cá. Bao giờ cái tiếng tắc xịt, tắc xịt của hai thanh
gỗ cũng vang lên từ xa, trước khi bóng dáng chiếc xe mì xuất hiện. Mùi
thơm từ mấy thùng nước lèo xông lên điếc mũi. Chiếc xe đẹp hết ý. Bên
trên những thùng nước lèo và dưới cái mái nho nhỏ che mưa nắng là một
giàng kiếng có bốn mặt.
Một mặt được vẽ sự tích Tề Thiên Đại Thánh – Một
mặt vẽ sự tích Tiết Đinh San cầu Phàn lê Huê và hai mặt nhỏ hai bên chỉ
vẻ chim chóc, hoa lá, tất cả đều tô mầu sắc rực rỡ. Chủ nhân là chú
Woòng, người dong dỏng cao, trạc độ ba mươi ngoài, trên môi lúc nào cũng
có sẵn nụ cười cầu tài, tay thì xóc mì lẹ như người ta múa kiếm. Mỗi
lần anh Hai Răng vô thăm bác Ba đều đựơc đám em út “queo – cơm” hết
mình, vì mười lần hết chín anh cho phép “xực” mì thả cửa.
Tới trể hơn xe mì một chút là gánh cháo huyết của một ông
Tàu già. Mai không biết tuổi, nhưng thấy ông già lắm, lại ốm yếu hom
hem. Tuy vậy tiếng rao cháo… huy…ết… ết… của ổng còn vang rất xa. Cho
tới bây giờ, Mai chưa được ăn lại một tô cháo huyết nào ngon như những
tô cháo huyết của Ông Tàu già ngày xửa ngày xưa. Những hạt gạo trắng
ngần, nở bung, đặc sánh lại với nhau. Những miếng huyết màu đỏ sậm không
bao giờ vỡ vụn khi cháo bị khuấy lên, mềm dịu trên đầu lưỡi. Cái kéo
trong tay ông cắt xầm xập những miếng dầu cháo quẩy vàng rợm, dòn tan lẹ
thoăn thoắt. Rắt chút tiêu, thêm chút hành lá đã có một tô cháo huyết
thơm ngon, béo ngậy dù chẳng có một miếng thịt nào…
Sau này nghĩ lại Mai thấy thiệt hú vía. Vì ngoài hai cái
địa danh rất ư là bất lợi: ngã Ba Chú Ía và ngã Năm Chuồng Chó, ba má
lại chọn đúng cái ngã Tư Bình Hòa để cư ngụ. Giống y như tên, cái xóm
nhỏ của Mai thiệt là hiền lành, dễ thương. Ngoài cái ông lính kín say
sưa và hay ghen ẩu kia, mọi người đối xử với nhau rất thân tình. Ngay cả
cô Bảy Huệ, tuy mang tiếng làm bé ông Kiện mà cả xóm cũng không ai nhìn
cô bằng cặp mắt khinh khi rẻ rúng.
Mai cũng không hề thấy chuyện trộm
cướp xảy ra lần nào. Chỉ có một lần cả xóm náo loạn vì cô Loan con bà
Ba Trà Huế ở ngay phía sau nhà bác Đại bị đáng ghen. Cô có một đời chồng
nhưng người này bỏ vô bưng theo Việt Minh. May mắn chưa có mụn con nào
nên cô về ở với mẹ. Bà ba có sạp bán nước trà huế dưới chợ Bà Chiểu,
nhưng cô Loan lại theo người quen đi buôn hàng chuyến miệt Ban Mê Thuột.
Đi buôn lâu ngày cô cặp với một anh tài xế xe hàng. Mấy ông này phần
lớn thuộc giống đa tình. Mấy bà lại muốn lợi dụng chở hàng vừa nhiều vừa
rẻ, nên hai bên đều sẵn sàng kẻ cho người nhận. Vui vẻ cả làng!
Trung bình một tháng cô Loan đi buôn chừng hai ba chuyến.
Mỗi chuyến độ năm ngày. Thời gian còn lại cô ở nhà hoặc ra quán phụ mẹ
chút đỉnh. Khi nào ông bồ cô tới hú hí thì hai người đóng cửa ở lì trong
nhà suốt ngày. Cả xóm ai cũng biết vì ông ta tới bằng chiếc xe mô tô,
máy nổ bành bạch rùm trời đất. Một bữa nọ ông ta vừa tới độ nửa giờ thì
một đám ba bà trên dưới ba mươi tuổi, mặt mày hầm hầm đi vô hẻm. Tới
trước cửa nhà cô Loan, nhìn thấy chiếc xe mô tô thì một bà nói đúng chỗ
này rồi.
Chắc chắn thằng khốn nạn đó đang hú hí với con ngựa bà ở trỏng.
Chị em, tụi mình tiến vô. Vừa nói bà này vừa đạp cửa rầm rầm, miệng réo
tên chồng và tình địch chưởi um sùm. Nhà bà ba Trà Huế vách bổ kho, mái
lá. Cánh cửa bằng cây thô sơ coi bộ chống không được mấy lăm hơi. Cả
xóm nghe ồn ào bu lại coi đông nghẹt.
Bỗng cánh cửa mở bất thình lình,
một người đàn ông đi chân đất, mặc trần sì cái quần xà lỏn, tay ôm áo
sơ mi và cái quần tây chạy ào ra, vẹt mấy người đang bu trước cửa, phóng
lên chiếc mô tô giông mất. Mấy bà đánh ghen bất ngờ phản ứng không kịp
đành để tên gian phu cao bay xa chạy. Bắt tên này không được họ bèn trút
giận lên đầu con dâm phụ. Vậy là a lê hấp ba bà Hoạn Thư xông vô nhà
đè cô Loan xuống đánh một trận tơi bời. Mái tóc dài đẹp đẽ bị xởn nham
nhở như người bị đau ban mới dậy! Lối xóm còn xầm xì với nhau là cô Loan
bị mấy bà chằng lột trần truồng, xát muối ớt vô …
Vì họ nghe bà vợ bị
cắm sừng la lớn sặc mùi thù hận: tưởng cái của mày dát vàng dát ngọc gì
mà thằng chồng tao mê đắm mê đuối. Trận này bà cho mày tởn tới già, hết
dám quyến rũ đàn ông. Và tiếng thét đầy sự đau đớn của cô Loan khiến mọi
người nổi da gà, nhưng không ai dám vô can. Khi bà Ba hay tin tất tả
chạy về thì chỉ gặp cô con gái nằm trên giường, thân thể bèo nhèo như
chiếc mền rách. Sau trận bị đánh ghen tơi bời này, cô Loan mắc cỡ bỏ xóm
đi luôn.
Khi cô út của Mai dọn nhà ra Nha Trang buôn bán, cô nhường
cái tiệm tạp hóa của cô lại cho má trông coi. Ba má Mai bán căn nhà ở
Bình Hòa dọn về Bến Chương Dương, gần nhà đèn Chợ Quán. Mai không thích
lắm, vì cái tiếng u u từ nhà đèn phát ra rất là khó chịu. Má nói riết
rồi cũng quen. Tụi bây thử tưởng tượng những người không nhà cửa ở dưới
gầm cầu chữ Y, sát bên nhà đèn, họ còn chịu được huống chi mình ở xa
gần hai cây số.
Thỉnh thoảng cả nhà trở về xóm cũ thăm bác Ba Đại. Bác gái
ráp bo : ông Kiện đã ly dị bà vợ, chia đôi số xe đò và bây giờ chánh
thức ở luôn với cô Bảy Huệ. Để đền đáp cái tình sâu nghĩa nặng này, cô
sanh thêm cho ổng hai đứa con gái nữa. Hèn chi đi ngang nhà cũ thấy đã
lên thêm một từng lầu. Thôi cũng mừng cho cổ. Bà cụ Hiền theo con rể đổi
về miệt Hậu giang, mất liên lạc luôn. Chú Phong nhứt định ở lại Sàigòn,
tiếp tục cuộc đời độc thân vui tính. Gia đình bác Hân làm ăn khấm khá,
đổi ra căn nhà ngoài mặt tiền đường, có trương bản hiệu đàng hoàng và
hai ông bà cũng phát tướng, mập mạp hơn xưa.
Cô Tư Ánh sau lần sẩy thai vì bị ông chồng lính kín “âu yếm” hơi nặng
tay, đợi thằng chả đi làm, cô dẫn bầy con bảy đứa trốn luôn về nhà cha
mẹ cổ ở tuốt dưới Trà Vinh. Ông ta tìm xuống, năn nỉ cách mấy cổ cũng
nhứt định hát bài “Kiếp nào có yêu nhau” của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó
có những câu rất hợp với cô như : Đừng nhìn nhau nữa anh ơi – Xa nhau đã
xa rồi, quên nhau đã quên rồi – Đừng “tìm” chi, đừng tìm chi nữa anh
ơi….! Ông ta đành trở về Sàigòn tiếp tục tìm vui trong men rượu đắng và
trút mối hận lòng bằng cách “hỏi han sức khỏe” một cách tận tình mấy
người bị lính kín bắt…
Phần bà Năm Hậu sau một trận sưng phổi nặng vì trúng mưa, tuổi già
sức yếu chịu không nổi cũng đã từ trần. Hàng xóm láng giềng kẻ ít người
nhiều, đóng góp lại, làm cho bà một cái đám tang nho nhỏ. Vậy cũng xong
một đời cô quạnh! Chỉ có xe mì chú Woòng và gánh cháo huyết của ông Tàu
già vẫn bền theo năm tháng…
Ôi cái xóm nhỏ thân thương. Với muôn vàn nhớ nhung, nhưng
Mai không thích sống lại cái cảnh ngỡ ngàng của Từ Thức, khi giã biệt
chốn Thiên Thai để trở lại làng xưa… Biết bao vật đổi sao dời. Mai muốn
cái Xóm Bình Hòa nhỏ xíu muôn đời là một kỷ niệm long lanh trong tâm
tưởng của mình mà thôi !.
Tiểu Thu.
NGUYỄN QUANG LẬP * BA LẦN LẤY CHỒNG
Tháng 5
1
2013
Ba lần lấy chồng
Khi bỏ chồng đầu con Tím mới ba
hai tuổi, còn giòn lắm. Có một kinh nghiệm xưa nay, đàn ông đàn bà đều
vậy, vừa ly dị phải lo kiếm vợ lấy chồng ngay, để lâu mất hết nhuệ khí,
cái duyên cũng mất đi, càng để lâu càng khó bước thêm bước nữa. Biết vậy
nên bạn bè gặp nó ở đâu cũng hỏi nó léo nhéo, nói chồng chưa.. chồng
chưa. Con Tím nhăn răng cười, nói chưa. Lập tức cả bọn xúm lại rối rít
bày cách kiếm chồng cho nó. Con Tím đá cho mỗi đứa một phát, nói cút cả
đi, tao ớn chồng con đến tận cổ rồi, cấm tụi bay nói chuyện đó.
Nó ớn chồng thật, bất kì đâu vào ra cũng
chỉ dắt díu lấy hai đứa con, tuyệt không ăn diện trang điểm gì. Khốn
nỗi gái xinh có mặc áo tơi đội nón rách vẫn xinh. Đàn ông vẫn đeo lấy nó
cả đàn, bám như đỉa đói. Đối phó với đám này lắm khi mệt bở hơi tai,
con Tím nhiều lần phải cầu cứu đến mình. Chẳng phải mình tài giỏi gì,
chẳng qua mình diễn kịch được và hay có mẹo cứt gà.
Một hôm mình vừa cơ quan ra cổng,
bỗng nhiên con Tím lao xe đạp đâm thẳng tới mình, nói anh đi mô em tìm
không ra? Chồng con chi lạ, bỏ người ta đi một mình. Nhác thấy sau nó
một thằng trai lơ mình hiểu ngay vấn đề. Mình tiến về phía thằng đó giữ
chặt ghi- đông xe đạp của nó, nói tao là Lập, Lập sẹo chợ Đông Ba đây.
Thằng kia mặt mày tái mét, mình hất hàm về phía con Tím, nói cô kia là
vợ tao, nhớ lấy mặt tao…tránh xa con vợ tao nhé. Thằng kia lí nhí dạ dạ
rồi chuồn thẳng.
Hôm khác vào nửa đêm nó gọi điện
về nhà, nói mi sang nhà tau ngay. Mình hỏi sao. Nó nói có một thằng cứ ở
lì không chịu về, mi sang đuổi hắn về cho tau với. Mình cười, nói đuổi
được thằng đó về thì tau ở lại nha. Nó cười, nói ông cố nội mi, sang mau
lên. Mình sang, ngó qua cửa thấy thằng bạn nhậu của mình. Thằng này
chết vợ, nó mê con Tím thật chứ không phải dân Đông Gioăng nhưng con Tím
ghét nó cực kì.
Mấy lần con Tím tìm mình, lạy lục phúc bái mình giải
tán thằng này giùm nó. Mình nói thằng này công an khôn như cáo không lừa
được, muốn giải tán mi phải cho tau nói xấu mi. Nó gật đầu cái rụp, nói
thoái mái đi, kể cả việc nói tau không bướm.
Mình giả đò say gõ cửa nhà con
Tím, thằng kia mở cửa, mình một hai nằng nặc rủ nó ra quán. Uống được
một hai chén mình hỏi thằng này, nói mày mê con Tím thật à. Nó nói thật,
tao muốn lấy nó làm vợ. Mình hỏi mày biết con Tím mấy chồng không. Nó
bảo thì nó vừa bỏ thằng Lam đẹp trai, có đâu mà mấy chồng. Mình kéo đầu
nó rỉ tai, nói chuyện bí mật ông đừng cho ai biết nhé. Nó bảo sao. Mình
nói trước đây nó yêu ba thằng chết cả ba, toàn chết trên bụng nó. Đến
lượt thằng Lam lấy nhau được ba năm mới bị, lần này nó rút kinh nghiệm
cứ để yên vậy kêu hàng xóm tới khiêng cả cặp tới bệnh viện, nhờ thế
thằng Lam mới thoát chết.
Sau vụ đó thằng Lam mới biết trước đó đã có ba
thằng chết vì vợ nó rồi, thằng Lam hãi quá bỏ của chạy lấy người. Thằng
này mắt trợn mồm há, mình càng kể cái miệng nó càng há dần ra, hi hi.
Hết chuyện nó ngồi chậc lưỡi ba bốn tiếng, nói rứa à rứa à… nguy hiểm
quá nguy hiểm quá. Từ đó thằng này lặn một hơi không sủi tăm, he he.
Sau vụ đó bẵng đi một thời gian
dài mình không gặp con Tím, rồi chia tỉnh chia teo lạc nhau cả mấy năm
trời. Cuối năm 1992 mình từ Quảng Trị vào Huế, đang nhậu với thằng Ngọc
Bình ca kịch Huế thì con Tím trờ tới, nói vô khi mô không báo tau thằng
tê. Mình kéo nó vào mâm nhậu, nó nói chờ tí rồi chạy ra lôi một thằng cu
con vào, nói đây là con trai chị Điểm. Mình à và cười, nhắc lại chuyện
anh Đoàn chị Điểm ngày xưa. Lôi cả chuyện con Tím cầm cu anh Đoàn, con
Tím lườm mình hai ba lần, nói thằng ni vô duyên chưa, nhắc chi ba chuyện
đó hè.
Vì thằng cu là con chị Điểm nên
mình gọi nó là cháu xưng chú. Thằng cu chừng hai lăm hai sáu tuổi cười
cười nhìn mình không nói gì. Gần cuối bữa nhậu mình đã ngà ngà say, con
Tím chắc cũng thế. Nghe mình cháu cháu chú chú với thằng cu nhiều quá nó
chỉ thằng cu con, nói đây là chồng tau đó, mi đừng có lộn xộn. Mình
ngạc nhiên quá trời.
Sáng sau con Tím rủ mình đi cà
phê để nó trần tình vụ ông chồng hỉ chưa sạch mũi của nó. Té ra chị Điểm
có đứa con học trường âm nhạc Huế 5 năm rồi mà mình không biết, chị gửi
thằng cu cho con Tím cho nó ăn ở cùng. Suốt 5 năm không có việc gì xảy
ra, vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng, cho đến ngày nó tốt nghiệp ra
trường vẫn cô cô cháu cháu rất ấm cúng. Chẳng may thằng cu không xin
được việc làm, nó chạy hai ba chỗ không nơi nào nhận, suốt năm trời nó
vẫn ăn ở nhà con Tím. Rồi đụng nhau ở cầu thang, ở bếp, ở buồng tắm… rồi
dính vào nhau từ lúc nào không biết nữa.
Con Tím tỉnh hơn, nó nói với
thằng cu, nói ông không lấy tôi được mô, tôi hơn ông một giáp lấy răng
được mà lấy. Bây giờ nếu ông thích cứ lặng lẽ ăn ở với tôi, khi nào chán
tôi ông cứ thoải mái đi lấy vợ, thế là tiện nhất. Nhưng thằng cu không
chịu. Không chấp nhận kiểu chơi ngoài mặt cô cô cháu cháu, đóng cửa
buồng mới được anh anh em, nó dứt khoát đòi cưới con Tím cho bằng được.
Mình hỏi con Tím, nói thằng cu yêu mi thiệt à, con Tím nói thiệt. Mình
hỏi mi có yêu nó không, con Tím nói yêu. Mình hỏi thiệt không, con Tím
nói thiệt. Rồi bưng mặt khóc.
Mình biết con Tím “ đau” không
phải việc nó lấy một thằng cu con, cu nào cũng là cu, tình yêu đâu có
phân biệt cu con cu lớn, hi hi. “ Đau” nhất, cũng điều con Tím nghĩ nó
không thể vượt qua được, chính là thằng cu là con trai của bạn nó, công
nhận “đau” cực, hu hu. Đành rằng chị Điểm bậc chị nhưng dù sao cũng là
bạn học thiếu thời, nó với chị Điểm thân nhau con chấy cắn đôi, xảy ra
chuyện này làm sao nhìn được mặt nhau, còn bảo nó với chị Điểm gọi nhau
là mẹ con thì thật quá đắng.
Con Tím kể nó đã mấy lần đuổi
thằng cu ra khỏi nhà nhưng không được, mấy lần nó xách con bỏ nhà đi
khỏi Huế cũng không được. Té ra xưa nay con Tím chưa bao giờ yêu, nó
cũng chẳng ngờ tình yêu lại khủng khiếp như vậy. Nhưng với bản tính lì
lợm nó vẫn hy vọng có ngày tình sẽ vơi đi, thằng cu sẽ nghĩ lại, nó sẽ
cắt được khối tình đắng ngắt này. Con Tím cố tránh không có con với
thằng cu, hai ba lần dính thai nó đều bí mật vào viện xổ ra hết. Lần
cuối cùng thằng cu phát hiện ra, nó chặn lại và tuyên bố cưới nhau, bất
kể con Tím có chịu làm giấy kết hôn hay không nó cũng làm lễ cưới để
tuyên bố với thiên hạ con Tím là vợ nó.
Giây phút thằng cu gọi điện về
nhà mới rùng rợn. Chị Điểm cầm máy, bao giờ thằng cu gọi điện về chị
cũng mừng rỡ, nói mạ đây mạ đây…. Nghe nó bảo sẽ cưới vợ chị mừng rú
lên, hét vang vang, nói cưới ai con… cưới ai con? Nó bảo vợ con là cô
Tím đó mạ, chị vẫn hồ hởi phấn khởi, nói Tím à Tím à, khi mô đem về cho
mạ coi mặt. Thằng cu nhắc lại mấy lần chị mới hiểu vợ con trai mình
chính là bạn học của mình, khủng khiếp hơn nữa đó là người đàn bà 37
tuổi đã có hai con. Chị đứng cứng ngắc mặt tái dại. Mấy phút sau chị rú
lên một tiếng kinh hoàng, nói ôi con ôi!… Và ngã lăn ra bất tỉnh.
Mấy hôm sau thằng cu nhận được điện tín: Về nhà với mạ ngay, từ nay mạ con mình no đói có nhau. Mấy hôm sau thằng cu nhận thêm một điện tín nữa: Nếu con không về mạ sẽ tự tử. Thế cùng con Tím phải theo thằng cu về nhà chị Điểm.
Chị Điểm cấm cửa không cho con
Tím vào nhà, con Tím lặng lẽ nhìn chị Điểm rồi quì sụp xuống, nó cứ quì
trước cửa nhà chị Điểm, quì từ trưa ngày hôm trước cho đến sáng ngày hôm
sau thì ngã vật ra trước ngõ. Chị Điểm chạy ra ôm lấy con Tím, họ ôm
nhau khóc, vừa khóc vừa gọi nhau mạ ơi con ơi nghẹn ngào cay đắng, như
kiếp trước họ đã từng nghẹn ngào cay đắng gọi nhau như thế.
Sau bữa cà phê với con Tím, tết
mình đem vợ con về quê. Nghe tin mình về quê chị Điểm nhắn hai ba nhắn,
nói cu Lập tranh thủ lên nhà chị chơi, có việc. Không lên chị giận đó
nghe. Mình lên.
Mình hỏi chị Điểm, nói tụi nó
răng rồi chị? Chị thở hắt, nói răng nữa. Lấy nhau chơ răng. Nhưng tao
nghi kiểu đó không được ba bảy hăm mốt ngày mô. Mình hỏi sao, chị chép
miệng nói tính con Tím tau biết, thích thì
chết cũng đeo lấy, hết thích ba vạn cũng bỏ. Tính thằng cu nhà tau cũng
rứa. Bây giờ chúng nó đang hạnh phúc nhưng ngó bộ éo le lắm em ơi. Mình
nói chị đừng lo xa quá, chuyện hạnh phúc gia đình không ai biết trước
được, chị cứ để vậy, đến đâu hay đó chị ạ. Chị lắc đầu thở dài, nói để
răng được mà để, tau gọi mi lên để tính giùm cho chị đây.
Chị Điểm ngước lên nhìn mình đầy
van lơn. Mình nói em chẳng có cách chi mô, thấy có một cách cổ điển
thiên hạ vẫn hay dùng. Chị hỏi cách chi, mình nói nên để thằng cu đi
xuất khẩu lao động chừng dăm năm…Sang đó trước sau nó cũng quên con Tím,
nếu không quên được sẽ có cô gái trẻ đẹp khác giúp nó quên. Mắt chị
Điểm sáng lên, nói ừ, e phải đó hè. Em giúp chị nghe. Mình ok liền, nói
việc này em lo được, đang có đợt công nhân xuất khẩu sang Đức. Hai tay
chị Điểm chụp lấy tay mình nói rối rít giúp chị nghe em, giúp chị nghe
em.
Ra tết mình vô Huế gặp con Tím
bàn chuyện cho thằng cu đi xuất khẩu, chị Điểm cũng đã gọi điện bàn với
nó rồi. Nhưng thằng cu không chịu đi, dứt khoát không. Con Tím nhìn mình
buồn buồn, nói hay là mi xin cho tau đi. Mình nói cũng được nhưng nếu
thằng cu cũng không chịu thì răng. Con Tím dướn mắt lên cười nhạt, nói
quyền chi hắn? Mình nói mi đã cho hắn được cái quyền làm chồng thì hắn
phải có cái quyền đó chớ. Con Tím ngồi trơ thở hắt, nói ừ hè. Tự nhiên
con Tím bật cười, nói cái số tau vô duyên chi lạ. Dứt lời nước mắt nó
chảy ròng ròng.
Bây giờ mình mới nhìn thấy vệt
thâm tím dưới mang tai con Tím. Vệt thâm tím chỗ đó không thể nói dối
vấp ngã được. Mình nói thằng cu đánh mi à, hắn ghen quá phải không? Con
Tím khẽ gật đầu. Mình nói lần nào đánh xong hắn cũng quì lạy xin lỗi mi
phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi tính bỏ hắn nhưng không
được phải không? Con Tím khẽ gật đầu. Mình nói mi sợ bỏ hắn thì hắn sẽ
đâm đầu vào tàu hỏa tự tử phải không? Con Tím giật mình trợn mắt, nói ủa
chớ răng chuyện chi mi cũng biết.
Mình chả biết gì hết nhưng trò
đời là vậy. Chuyện này mình gặp nhiều rồi. Xưa có chị H. yêu thằng cu
con, nó ghen đánh chị ghê quá. Mình bảo chị bỏ quách đi, chị nói chị
cũng muốn bỏ lắm nhưng nó đã dọa rồi, nếu chị bỏ nó thì nó đâm đầu vào
đầu tàu hỏa chết ngay lập tức. Mình nói chị cứ bỏ đi xem nó có chết
không nào. Chị H. bỏ thằng cu, chẳng thấy nó đâm vào đầu tàu hỏa mà đâm
đầu vào một cô ả khác. Lại còn viết thư cho chị than thở nó phải yêu một
người khác để “quên đi một nỗi đau”. Mẹ sư bố thằng cu con, hi hi.
Chuyện xuất khẩu lao động cho con
Tím dừng ở đó, phần vì mình phải lo chuyển cả nhà ra Hà Nội, phần vì
chị Điểm có gọi điện cho mình, nói thằng cu có việc làm khá tốt ở Sài
Gòn rồi. Ừ thôi, đi Sài Gòn cũng như đi nước ngoài vậy, miễn là con Tím
tách được thằng cu. Mãi đến cuối năm 2002, mình vào Sài Gòn tìm nấm Linh
Chi cổ, nghe nói nấm này chữa được bệnh của mình. Mình ở khách sạn gì
quên rồi, phố nào đường nào cũng quên nốt.
Chỉ nhớ Hồng Ánh thuê khách sạn này vì nó sát ngay công viên để cho mình sáng sáng ra công viên tập tểnh đi bộ. Hai tuần ở sài Gòn, sáng nào mình cũng đi bộ trong công viên từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Một hôm mình đang chấm chấm phẩy phẩy trong công viên, một người chạy qua mình bỗng quay ngoắt lại nhìn mình trân trố rồi vỗ tay đánh bốp kêu to, nói oa chà Nguyễn Quang Lập! Mình định thần mất gần một phút mới nhận ra đó là anh Đoàn.
Chỉ nhớ Hồng Ánh thuê khách sạn này vì nó sát ngay công viên để cho mình sáng sáng ra công viên tập tểnh đi bộ. Hai tuần ở sài Gòn, sáng nào mình cũng đi bộ trong công viên từ 5 giờ đến 7 giờ sáng. Một hôm mình đang chấm chấm phẩy phẩy trong công viên, một người chạy qua mình bỗng quay ngoắt lại nhìn mình trân trố rồi vỗ tay đánh bốp kêu to, nói oa chà Nguyễn Quang Lập! Mình định thần mất gần một phút mới nhận ra đó là anh Đoàn.
Anh Đoàn ôm lấy mình cười hể hả,
nói tưởng đến chết không gặp được nhau nữa, té ra quả đất tròn thiệt bay
ơi! Anh lại nhấc bổng mình lên nhún mấy nhún, nói mi vô đây con Tím
mừng lắm đây. Mình ngạc nhiên nhìn anh Đoàn, nói anh cũng còn nhớ con
Tím à. Anh cười cái hậc, nói thằng ni nói chi lạ, làm răng quên được đứa
con gái cầm cu mình từ hồi lớp 5. Hi hi.
Anh Đoàn đưa mình đi ăn sáng uống
cà phê. Anh làm nghề sửa xe máy. Hiệu sửa xe của anh ở gần đây, sáng
nào anh cũng ra công viên chạy mấy vòng, đi ăn sáng uống cà phê xong thì
mở hiệu làm đến chín mười giờ đêm. Anh nói nhưng bữa ni tau đóng cửa
hiệu chơi với mi cả ngày. Mình nói anh cứ đi làm đi, chỉ cần anh báo con
Tím giùm em là được. Anh nói tất nhiên rồi, biết mi vô mà không cho con
vợ tau gặp thì có mà chết với hắn. Mình sửng sốt nhìn anh Đoàn, nói con
Tím là vợ anh à? Anh Đoàn nhăn răng cười, nói tất nhiên. Nó không vợ
tao thì vợ ai.
Thấy mình cứ đứng trơ nhìn, anh
Đoàn kéo mình ngồi xuống ghế, nói ngồi xuống đi để tau kể cho nghe. Oa
chà, nhiều chuyện hay tàn bạo mi ơi. Anh kể sau vụ bị con Tím cầm cu ,
anh bỏ học đi lái máy cày. Sau bỏ máy cày đi lái xe tải. Được ít vốn
liếng anh bỏ lái xe tải đi buôn trầm, phất lên rất nhanh và cũng sụp
xuống rất nhanh vì cờ bạc. Trắng tay, năm 1995 anh bỏ vô Sài Gòn mở hiệu
sửa xe máy vỉa hè, đêm ngủ nhờ dưới gầm cầu thang khu tập thể gần đó.
Cuối năm 2000 một hôm con Tím dắt xe máy vào hiệu, vừa trông thấy anh nó
đã rú lên vội vàng dắt xe đi ra.
Con Tím sợ, nó nghĩ vì nó mà anh Đoàn bỏ học, chắc anh thù nó lắm. Anh Đoàn đuổi theo giữ nó lại, mắng nó te tua, nói anh em lâu ngày mới gặp nhau, chi mà sợ tau như sợ cọp rứa mi.
Con Tím sợ, nó nghĩ vì nó mà anh Đoàn bỏ học, chắc anh thù nó lắm. Anh Đoàn đuổi theo giữ nó lại, mắng nó te tua, nói anh em lâu ngày mới gặp nhau, chi mà sợ tau như sợ cọp rứa mi.
Từ đó anh em thân nhau, con Tím
tháo khoán cái xe máy cho anh Đoàn. Bất kì xe hỏng ở đâu, hễ nó gọi là
anh Đoàn xách đồ đến liền. Được hơn một năm anh Đoàn mới biết chồng con
Tím là con chị Điểm.
Thằng cu vào Sài Gòn làm việc, ép con Tím phải bán nhà vào theo. Dạo này vợ chồng nó đã hục hặc lắm rồi, thằng cu đánh con Tím như cơm bữa. Nó ghen tứ tung, ghen cả với anh Đoàn. Nhiều lần con Tím phải chạy đến cầu cứu anh Đoàn. Anh Đoàn xách dao phay đến tận nhà chỉ mặt thằng cu dọa nó. Thằng cu không sợ, nó biết anh Đoàn là bạn học của chị Điểm, chắc chắn không dám làm gì nó.
Thằng cu vào Sài Gòn làm việc, ép con Tím phải bán nhà vào theo. Dạo này vợ chồng nó đã hục hặc lắm rồi, thằng cu đánh con Tím như cơm bữa. Nó ghen tứ tung, ghen cả với anh Đoàn. Nhiều lần con Tím phải chạy đến cầu cứu anh Đoàn. Anh Đoàn xách dao phay đến tận nhà chỉ mặt thằng cu dọa nó. Thằng cu không sợ, nó biết anh Đoàn là bạn học của chị Điểm, chắc chắn không dám làm gì nó.
Thấy con Tím bị đánh đòn mà mình
không làm gì được, anh Đoàn tức lắm chửi um lên, nói con ni ngu chi ngu
tàn bạo, lấy ai lại đi lấy cái thằng mất dạy đó, thà lấy tao còn hơn.
Con Tím cười, nó nhắc đến chuyện xưa, nói bộ anh không mất dạy à. Anh
cười khì, nói tao có thể mất dạy cả thế giới, riêng vợ thì không. Con
Tím lại cười, nói được rồi, khi mô tui gặp chị hỏi xem anh có mất dạy
với vợ không. Anh Đoàn hỏi chị mô. Con Tím nói chị vợ anh đó. Anh Đoàn
cười cái hậc, nói vợ con mô rứa hè.
Con Tím tròn xoe mắt, nói anh
không có vợ thiệt à. Anh nói thiệt chớ răng không thiệt. Tại mi đó. Con
Tím nói tại tui cái chi. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói tại mi cầm cu tao,
từ đó không có đứa mô dám cầm cu tao nữa. Con Tím cười rũ, đấm anh huỳnh
huỵch.
Con Tím cứ tưởng anh Đoàn nói
đùa, người như anh Đoàn không có vợ thật khó tin. Nó nghĩ chắc anh có vợ
con rồi, nếu không thì cũng do bỏ nhau chứ không thể không có, té ra
anh Đoàn chưa hề lấy ai thật. Mấy lần con Tím đòi đến nhà anh chơi, anh
nói tao không có nhà. Con Tím cứ tưởng anh đùa, đến khi mục sở thị anh
ngủ tại gầm cầu thang nó mới tin anh Đoàn nói thật, từ nhà cửa đến vợ
con anh Đoàn đều không có.
Chuyện gì đến rồi phải đến. Một
hôm con Tím gọi điện cầu cứu, anh Đoàn bỏ việc chạy đến. Thằng cu cài
chặt cửa, anh Đoàn khỏe như trâu đạp mấy đạp là cửa bung ra. Con Tím
đang nằm trên vũng máu, nó bị thằng cu lột truồng ra đánh cho tơi tả .
Anh Đoàn hét to một tiếng, nói cha tổ mi thằng mất dạy!… Anh lao vào
đánh thằng cu túi bụi. Anh bóp cổ thằng cu, nói mi cút ngay.
Mi lấy con Tím không hôn thú, nhà này là của con Tím, con Tím đuổi mi mấy lần mi không chịu đi. Giờ chính thức tao đến để đuổi cổ mi ra khỏi nhà. Cút ngay không oong- đơ chi hết. Thằng cu nói quyền gì ở chú mà đuổi tui, anh Đoàn nói quyền chớ răng không. Từ giây phút này tao là chồng con Tím, nghe rõ không thằng chó!
Mi lấy con Tím không hôn thú, nhà này là của con Tím, con Tím đuổi mi mấy lần mi không chịu đi. Giờ chính thức tao đến để đuổi cổ mi ra khỏi nhà. Cút ngay không oong- đơ chi hết. Thằng cu nói quyền gì ở chú mà đuổi tui, anh Đoàn nói quyền chớ răng không. Từ giây phút này tao là chồng con Tím, nghe rõ không thằng chó!
Thằng cu bị tóng cổ ra khỏi nhà.
Anh Đoàn quyết định ở lại canh cửa nhà con Tím mười ngày. Anh bỏ hết
việc ngồi canh cửa. Đêm đến anh cũng ngồi canh cửa từ đầu hôm cho đến
sáng. Đến ngày thứ mười không thấy thằng cu lai vãng gì nữa anh Đoàn mới
chào con Tím ra về. Con Tím kéo áo anh níu lại, nói anh về mô nữa, đây
là nhà của anh rồi mà. Thế là họ thành vợ chồng.
Mình hỏi anh Đoàn, nói lấy nhau
kiểu rứa con Tím có hạnh phúc không. Anh Đoàn trợn mắt lên, nói răng
không, thằng ni hỏi chi lạ rứa hè! Con vợ tao nói trong ba thằng chồng,
tau là thằng làm nó hạnh phúc nhất đó. Anh Đoàn ngửa cổ cười kha kha
kha, nói đàn ông không bần tiện, không ngoại tình, không đánh đập vợ
con, chim cò lại không suy thoái thì không một con vợ nào trên đời lại
không hạnh phúc. Tau nói rứa có đúng không nhà văn?
He he.
NQL (QUÊ CHOA)
SÔNG SAI GÒN & SÔNG ĐỒNG NAI
Luke Hunt
Sông Sài Gòn đang chết dần
Diên Vỹ chuyển ngữ
Trong trận chiến về vai vế, dòng Mekong luôn giữ vị thế là một con sông lớn nhất ở Đông nam Á. Các tiểu thuyết gia từng lãng mạn hoá nó, các nhà khoa học nâng niu nó và giới du khách biến nó thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới.
Quan trọng hơn, nó còn là vựa lúa cho khoảng 70 triệu người dân đang
trông cậy vào nó. Vì thế khi những chính phủ thiếu suy xét toa rập với
giới doanh nghiệp để xây đập và nạo vét dòng Mekong để trục lợi, sự phản
ứng cũng mạnh mẽ như bản thân dòng sông này.
Việc này đã xảy ra với hai con đập Xayaburi và Don Sahong.
Điều đáng buồn là việc tập trung chú ý vào dòng Mekong khiến mọi
người bỏ quên tầm quan trọng của những con sông khác cũng như những vấn
đề mà chúng đang phải đối diện. Sông Sài Gòn sẽ không bao giờ sánh bằng
sông Mekong về tính hùng vĩ nhưng vị trí của nó trong lịch sử, môi
trường thiên nhiên hoang dã cũng như tầm quan trọng chiến lược của nó
đối với thành phố Hồ Chí Minh khiến nó trở thành tuyến sông cực kỳ quan
trọng.
Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam nói rằng con sông này đang chết
dần, họ tuyên bố trên truyền thông nhà nước rằng “niềm kiêu hãnh và
nguồn sống của Thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm trầm trọng vì nước
thải và cần phải có những biện pháp cấp bách để cứu nó.”
Các thử nghiệm đã được tiến hành giữa mùa mưa 2011 và mùa khô của năm
sau đấy và Nguyễn Văn Phước, giám đốc Viện Tài nguyên Môi trường tại
Đại học Quốc gia Việt Nam nói rằng dòng sông này đã không đạt được chuẩn
quốc gia.
Không gì ngạc nhiên khi khu vực hạ lưu thì còn tồi tệ hơn vì ảnh
hưởng nặng hơn từ nguồn nước thải công nghiệp và dân cư ở Thành phố Hồ
Chí Minh và tỉnh Bình Dương kế cận. Những con số thật là kinh khủng.
Kết quả cho thấy nước thải dân cư là nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng
nhất, chiếm đến 62,2% tổng số chất thải chảy vào sông. Khoảng 50 khu
công nghiệp tập trung dọc theo dòng sông đã xả hơn 100 nghìn mét khối
nước thải mỗi ngày. Mặc dù đa số đã qua các hệ thống xử lý, nhiều nơi đã
bơm chất thải thô trực tiếp vào sông. Các trại nuôi gia súc cũng đã xả
hơn 2.600 mét khối chất thải chứa vi khuẩn độc hại vào sông.
Căn cứ theo báo chí nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một cơ sở
xử lý với công suất 140 nghìn mét khối mỗi ngày trong khi đó riêng các
hộ dân đã bơm hơn 1,2 triệu mét khối chất thải chưa qua xử lý vào dòng
sông mỗi ngày.
Con sông Sài Gòn dài 256 km này là một nhánh của sông Đồng Nai, cấp
nước cho khoảng 20 triệu người, cung cấp đường ra biển Đông cũng như bến
cảng và khu nghỉ ngơi Vũng Tàu, nơi vui chơi trước đây của những người
thực dân Pháp và giới thượng lưu địa phương.
Các bộ chính phủ, các viện nghiên cứu nông nghiệp và các trường đại
học đều nói rằng việc cấp bách nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải cùng
với việc tăng cường theo dõi, tăng cường cách thải nước để loại bỏ nước ô
nhiễm và di dời các nhà máy thì cần được tiến hành để bảo vệ những gì
còn lại trong hệ thống sinh thái của dòng sông. Nếu không thực hiện được
những việc này thì sông Sài Gòn có thể trở thành một điểm chuẩn ngoài ý
muốn của hàng trăm cộng đồng đang nương tựa vào những dòng sông kế cạnh
vốn đang nằm trong tình trạng đe doạ tương tự. Và nhiều con sông này
cũng đổ nước vào dòng Mekong.
Để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, một trong những điều cốt yếu là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều tỉnh, thành dọc lưu vực sông. Trong đó phải tìm được tiếng nói chung, sự cân bằng lợi ích phát triển kinh tế và môi trường giữa các tỉnh, thành.
MINH XUÂN - MINH HẢI
Nồng độ các chất ô nhiễm trên sông Đồng Nai đã xấp xỉ ngưỡng loại B. Ảnh: KIM NGÂN
|
Các
tỉnh trong lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai đã liên kết thành lập Ủy ban
Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Các địa phương về cơ
bản đã xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện
các mục tiêu của toàn lưu vực. Tuy nhiên, tại một số địa phương, ban chỉ
đạo mới được thành lập nên chưa tiến hành họp hoặc ra văn bản chỉ đạo,
điều hành việc triển khai đề án sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, sự tham gia
của các bộ, ngành vào hoạt động của Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông
Sài Gòn - Đồng Nai chưa chặt chẽ, nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí
để thực hiện các nhiệm vụ.
Bên
cạnh đó, các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên việc chấp
hành quy chế làm việc chưa đảm bảo; cơ chế giám sát, đánh giá của ủy ban
còn hạn chế, bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ
thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh,
thành làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và
Môi trường đang trình Chính phủ sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các
tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục
bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất
chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực.
Không
dừng lại ở đó, các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương
trên lưu vực trong quá trình triển khai đề án. Đồng thời, tiếp tục đẩy
mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm
môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao
nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân
cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Ông Francois Donier, Tổng Giám đốc Cơ quan Quốc tế về nước của Pháp: Tranh thủ hợp tác quốc tế
Nước
tự nhiên được coi là nguồn tài nguyên vô giá đối với con người. Với các
quốc gia phát triển, tài nguyên nước được đánh giá có vai trò vô cùng
quan trọng, được đặt lên hàng đầu trong việc khai thác, sử dụng và quản
lý với quy mô lớn. Ngược lại, đối với những quốc gia chậm phát triển
hoặc các nước đang phát triển, vai trò của nước vẫn chưa được nhận thức
rõ ràng, song song với điều đó là việc sử dụng lãng phí và ít có động
thái để bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản quý báu này. Là một
quốc gia nằm ở hạ lưu của nhiều con sông quốc tế, tài nguyên nước của
Việt Nam bị đe dọa rất nghiêm trọng từ bên ngoài lãnh thổ.
Vì
vậy, Việt Nam cần phải mở rộng, tăng cường hợp tác với các nước trong
khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan… để cùng chia sẻ nguồn nước; tham
dự các diễn đàn thế giới về nước để có thể chia sẻ cách quản lý nước của
quốc gia mình. Việc hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia sẽ hỗ trợ
và thúc đẩy các cải cách cần thiết cho công tác kiện toàn tổ chức quản
lý lưu vực sông của Việt Nam. Về phía Pháp, sẽ hợp tác hỗ trợ Việt Nam ở
một số lĩnh vực như tăng cường thể chế quản lý tổng hợp tài nguyên
nước; chuyển giao công nghệ phát triển tài nguyên nước và phòng chống ô
nhiễm nguồn nước; tăng cường năng lực trong lĩnh vực thông tin và nhận
thức về bảo vệ tài nguyên nước. Trước mắt, Pháp hỗ trợ Việt Nam đào tạo
nhân sự cho lĩnh vực này.
Cụ
thể, Pháp sẽ nhận 6 cán bộ của Việt Nam sang học tập tại Pháp. Các cán
bộ Việt Nam sẽ có dịp làm việc và tương tác trực tiếp với các cán bộ
chuyên môn tại các cơ quan của Pháp để thấy rõ hơn cách thức tổ chức bộ
máy và công cụ pháp lý để bảo vệ nguồn nước lưu vực sông. Tuy nhiên,
theo chúng tôi, điều quan trọng là Việt Nam cần sớm thống nhất chủ thể
quản lý lưu vực sông. Tránh tình trạng có quá nhiều chủ thể cùng tham
gia như hiện nay vì sẽ rất khó để triển khai bất kỳ chiến lược phát
triển cũng như bảo vệ lưu vực sông.
Ở
Pháp, các giải pháp về quản lý tài nguyên nước đã được tìm kiếm trong
suốt 50 năm. Cuối cùng, chúng tôi chỉ có thể đạt được hiệu quả như mong
muốn khi xây dựng mô hình quản lý chất lượng nguồn nước theo thể thống
nhất của sông. Cụ thể, mô hình cơ quan quản lý lưu vực sông tại Pháp
được triển khai như sau: Ở cấp quốc gia, Ủy ban Nước quốc gia do một
thành viên của nghị viện chủ trì. Các thành viên còn lại bao gồm đại
diện của Quốc hội và nghị viện cùng sự tham gia của các cơ quan liên
quan và liên minh châu Âu. Ủy ban được các bên tham vấn về các chính
sách quốc gia và khu vực liên quan đến lưu vực sông.
Ở
cấp lưu vực chia theo 6 lưu vực sông. Ủy ban lưu vực sông do một quan
chức địa phương được bầu chủ trì, giữ vai trò quan trọng liên quan đến
các hoạt động định hướng sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Ủy ban xây dựng
và thông qua kế hoạch tổng thể cho việc phát triển và quản lý nguồn nước
cho mỗi lưu vực hoặc nhóm các lưu vực; xác định các phương hướng cơ bản
cho việc quản lý nguồn nước một cách cân bằng, đảm bảo chất lượng và
khối lượng được các bên tham vấn về giá cả, cơ sở của thu tiền thuế nước
tiêu thụ và nước thải. Ủy ban cũng được các bên tham vấn về những ưu
tiên cho các chương trình hành động của Cục Nước về lưu vực sông. Cuối
cùng là ở cấp chi nhánh và phụ lưu, cấp này sẽ thực hiện kế hoạch quản
lý và phát triển nước của các cấp nêu trên.
Ông Michel Stein, chuyên gia về tài nguyên nước của Pháp: Cần có nguồn tài chính vững mạnh
Để
có thể triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước, mỗi quốc gia cần phải
tạo được cho mình một nguồn tài chính độc lập, vững mạnh dựa trên nguyên
tắc những người gây ô nhiễm và những người sử dụng nước phải trả tiền.
Nguồn tài chính này có thể dựa trên sự trợ giúp của nhà nước, các tổ
chức quốc tế hoặc đóng góp tài chính của các tỉnh, các hộ dùng nước được
hưởng lợi trên lưu vực sông. Trong thực tế, phần lớn các tổ chức lưu
vực sông trên thế giới được trích một phần nguồn thu từ thuế tài nguyên
nước và phí ô nhiễm nước cho các hoạt động quản lý của mình.
Tài
chính là yếu tố quan trọng để vạch ra được mục tiêu xa hơn. Xác định
được nguồn tài chính chúng ta mới biết được dự án nào cần làm trước, dự
án nào thực hiện sau. Ở một số khu vực kinh tế tạo ra nhiều lợi nhuận để
phục vụ cho quản lý nguồn nước như thủy điện, khai thác dầu mỏ… phải có
chính sách phù hợp để vận động họ tham gia. Cân đối tài chính phải
thông qua các bước: dự chi, nguồn tài trợ ở đâu, ưu tiên điểm nào. Các
yếu tố này không thực hiện riêng lẻ mà phải kết hợp với các kế hoạch ở
từng địa phương. Để đạt được sự cân đối về tài chính phải mất 10-20 năm,
vì thế tôi nghĩ nên bắt đầu ngay từ bây giờ.
MINH XUÂN - MINH HẢI ĐẶNG CHÍ HÙNG * PHAN VĂN KHẢI
Những sự thật cần phải biết - (Phần 23) - Phan Văn Khải - Từ bàn tay nhuốm máu đến bán nước
Đặng Chí Hùng (Danlambao)
- Phan Văn Khải là một trong những tội đồ của dân tộc, trong suốt thời
gian làm thủ tướng và cả trước đây đã có nhiều tội ác với nhân dân. Đem
những tội ác đó ra trước ánh sáng cũng là một điều cần thiết cho công
cuộc đem lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Xin sơ qua để thấy lý lịch của
Phan Văn Khải từ phần văn kiện và tài liệu của báo đảng (1):
I. Con người Phan Văn Khải:
Bí danh: Sáu Khải
Ngày sinh: 25-12-1933
Quê quán: Xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Ngày tham cách mạng: 1947
Ngày vào Đảng: 15-7-1959
Ngày chính thức: 15-7-1960
Trình độ học vấn: Chuyên môn: Đại học
kinh tế quốc dân Liên Xô; Lý luận chính trị: Trường Đảng cao cấp Nguyễn
Ái Quốc; Ngoại ngữ: Nga văn
Tóm tắt quá trình công tác
Từ 1947 đến 1954: Tham gia Đội thiếu
nhi xã, Ủy viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn, Công tác văn thư
Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định.
Từ 10/1954: Tập kết ra Bắc.
Từ 1955 đến 1965: tham gia công tác
giảm tô, cải cách ruộng đất, học văn hóa ở trường bổ túc công nông Trung
ương và học Đại học kinh tế quốc dân Matxcơva Liên Xô.
Từ 6/1965 đến 1971: Phó phòng, Trưởng phòng của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Từ 1972 đến 1975: Cán bộ nghiên cứu
kinh tế miền Nam, 1973 vào chiến trường B2, 1974 ra Hà Nội làm Vụ phó Vụ
Kế hoạch chi viện, Ủy ban Thống nhất.
Từ 1976 đến 1980: Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Kế hoạch thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy viên, Ủy viên thường vụ Thành
ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ
Chí Minh
Từ 1981 đến 1984: Phó Bí thư Thành ủy,
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại
hội V (3/1982) của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết và tại Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (1984) được bầu làm Ủy viên chính
thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ 1985 đến 3/1989: Phó Bí thư Thành
ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội VI
(12/1986) được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Từ 4/1989 đến 8/1991: Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Từ 1991: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội VII (6/1991) và Đại hội
VIII (6/1996) được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp
hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ 9/1997 đến 7/2006: Được Quốc hội
khóa X và khóa XI bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội IX (4/2001)
của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành
Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.”
Đọc qua tiểu sử của Phan Văn Khải chúng ta thấy điều gì? Đó là một cán
bộ cộng sản từ nhỏ đến lớn đều rất trung thành với chủ nghĩa cướp và
bán. Chức vụ cao nhất mà Khải làm chính là thủ tướng nhà cầm quyền cộng
sản Việt Nam.
Con trai Khải là Phan Tấn Hoàn, tự là Hoàn Ty, cũng là trùm Mafia
ở Việt Nam. Hắn nhập cảng lậu nhiều tàu, chứa đầy xe ô tô cũ vào nước
ta, rồi bán sang Trung Cộng. Hoàn Ty làm chủ khách sạn Hoàng Gia và
Planet ở Sài Gòn và Hà Nội. Ăn chơi sa đọa, cờ bạc, buôn lậu, cầm đầu
một băng đảng gồm con ông cháu cha. Năm 1995, vì tranh giành địa bàn
buôn lậu, nên Hoàn Ty bắn chết Phạm Văn Hưng, là công an, con của Phạm Thế Duyệt. Nội vụ được cho chìm xuồng. Ngoài ra Khải nổi tiếng là người thích chửi tục “Đỗ Mười” ngay ở đầu câu nói.
Phan Văn Khải (giũa) vận dụng nghị quyết 36 của Võ Văn Kiệt chia rẽ
đồng bào Việt Nam thông qua vụ chiêu dụ tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ (trái).
II. Bán nước:
Ngày 25/12/200, Trần Đức Lương đến Bắc Kinh cùng Giang Trạch Dân
ký Hiệp Ước cắt 11.362 km2 trên vịnh Bắc bộ cho Trung cộng, là hành
động cắt biển bán cho Trung cộng để lấy 2.000.000.000 Usd, để về chia
chác cho Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải... để đổi lấy những cái gật của Khải, Kiệt v.v...
Sau vụ bán nước cho Trung Cộng, theo lời ông Hoàng Minh Chính cho
biết thì không ai biết được ai trong Bộ chính trị đã ký tên trong vụ
bán nước này, Bộ chính trị cộng sản đã dấu nhẹm chuyện này và BÍ MẬT ĐÃ
được BẬT MÍ và sau đây là những diễn biến về cuộc BÁN NƯỚC NHƯ SAU:
1) Lê Khả Phiêu bị Trung cộng gài Mỹ Nhân Kế lấy cô Trương Mỹ Vân
(Cheng Mei Wang) lúc Lê Khả Phiêu sang thăm Trung Quốc năm 1988 và sinh
được một bé gái. Phiêu không đem con về vì sợ tai tiếng đưa đến nhiều
lần Trung Cộng gửi văn thư đòi lấn vùng biển vào tháng 1 năm 1999. Đồng
thời đòi đưa ra ánh sáng vụ nầy nếu Phiêu không hợp tác. Và buộc Lê Khả
Phiêu phải hạ bút ký bản hiến biển ngày 30 tháng 12 năm 1999.
2) Ngày 31 tháng 12 năm 1999 phái đoàn Trung Quốc cầm đầu do Tang
Jiaxuan và tình báo Trung cộng sang Việt Nam, họ gặp kín Lê Khả Phiêu
bàn thêm về vấn đề hiến đất.
3) Ngày 25 tháng 2 năm 2000, Lê Khả Phiêu phái Nguyễn Duy Niên
sang Trung cộng và Nguyễn Duy Niên cho biết Lê Khả Phiêu đã đồng ý việc
hiến thêm đất. Trung cộng nghe tin rất hoan hỉ mở tiệc chiêu đãi Nguyễn
Duy Niên một cách nồng nhiệt với nhiều mỹ nữ ở nhà khách Diao-yu-tai ăn
nhậu cùng Ngoại Trưởng Tang Jiaxuan.
4) Bộ Trưởng Trung cộng Tang Jiaxuan gửi thư kín nhắn tin muốn
gặp Bộ Trưởng cộng sản VN tại Thailand khi Tang Jiaxuan viếng thăm nước
này. Ngày 26 tháng 7 năm 2000. Nguyễn Duy Niên đáp chiếc Air Bus bay từ
phi trường Nội Bài vào lúc 6 giờ 47 sáng sang Thailand gặp Bộ Trưởng
Ngoại giao TC tại khách sạn Shangri-La Hotel Bangkok phía sau phòng
Ballroom 2. Cuộc gặp rất ngắn ngủi. Tang giao cho Niên một chồng hồ sơ
đòi cộng sản Việt Nam hiến thêm đất, biển trong hồ sơ ghi rõ TQ đòi luôn
50/50 lãnh hải vùng Vịnh Bắc Việt, đòi Việt Nam cắt 24, 000 sq Km vùng
biển cho TQ. Ngày 28 tháng 7 bộ chính trị nhóm chóp bu họp kín.
5) Sau hai tháng họp kín và bàn bạc. Bộ chính trị cộng sản VN cử Phan Văn Khải qua gặp mặt Lý Bằng.
Phan Văn Khải bay chuyến máy bay sớm nhất rời Việt Nam ngày 26 tháng 9
năm 2000 qua Bắc Kinh và được xe Limo chở từ phi trường Bắc Kinh về
Quảng Trường Nhân Dân vào trưa hôm đó. Lý Bằng cho Khải biết là hai tay
Lê Khả Phiêu và Giang Trạch Dân đã gặp nhau 2 lần cho vụ hiến đất rồi.
Lý Bằng cho biết Nông Đức Mạnh phải được cử làm Tổng Bí Thư sau
khi Lê Khả Phiêu xuống, nếu không thì sẽ bị Trung cộng “đòi nợ cũ”, Khải
trước khi về vẫn khước từ vụ hiến vùng biển VN và nói với Lý Bằng là sẽ
xem lại sự việc. Sau đó Lý Bằng bắt Khải ngồi chờ, nói là Chủ Tịch Giang Trạch Dân muốn gặp Khải tại Zhong-nai-hai và sau đó Khải được đưa đi gặp Giang Trạch Dân và cho Zhu Rongji hù dọa Khải nói: “Trung
Quốc đã nắm trong tay Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nếu không nghe lời
TQ Khải sẽ bị tẩy chay và coi chừng bị “chích thuốc”. Khải cúi đầu và
run sợ, sau đó đòi về. Trước khi Khải về, một lần nữa Giang Trạch Dân
nhắn Khải gửi lời thăm Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh chứ không nhắc tới
tên người khác trong Quốc Hội cộng sản VN. Khải không được khoản đãi như
một vị quốc khách vì tính tình bướng bỉnh không nghe lời đàn anh...”.
6) Vào ngày 24 tháng 12 năm 2000, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao cộng sản Lê Công Phụng được Trần Đức Lương âm thầm phái đến Trung Quốc gặp quan chức tình báo của Trung cộng là Hoàng Di
- cánh tay phải của Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng. Di nói tiếng Việt
rất rành. Hai bên đã gặp nhau ở một địa điểm X gần biên giới Việt (tỉnh
Móng Cái Việt Nam). Theo bản báo cáo cho Bộ chính trị cộng sản VN, Lê
Công Phụng cho biết lúc đầu Hoàng Di vẫn khăng khăng đòi chia 50/50 với
Việt Nam về vùng biển Vịnh Bắc Việt “Beibu Bay” đòi lấy luôn đảo Bạch
Long Vĩ sau đó Phụng, được Bộ chính trị dặn trước là xin lại 6% của Vùng
biển gần khu vực Bạch Long Vĩ vì đã được lâu đời là của Việt Nam. Kết
quả cuộc đi đêm Việt Nam còn lại 56% Vịnh Bắc Việt và mất đi 16, 000 Km2
vùng vịnh cho Trung cộng.
7) Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Trần Đức Lương từ Hà Nội qua Bắc
Kinh gặp Giang Trạch Dân và được đưa về Thành Bắc của Quảng Trường Nhân
Dân, theo tài liệu lấy được của tình báo Trung cộng. Trần Đức Lương và
Lê Khả Phiêu chính thức quyết định thông qua bản hiệp ước hiến đất bất
chấp lời phản đối của Khải và nhiều người trong quốc hội. Bản hiến
chương hiến đất cho Trung Quốc được chính Giang Trạch Dân và đảng cs
Trung Cộng trả cho số tiền là 2 tỉ USD được chuyển cho các quan chức
cộng sản chi nhau.
8) Ngày 26 tháng 12 năm 2000 vào lúc 2 giờ trưa, Lý Bằng được cận
vệ đưa tới gặp Trần Đức Lương ở Quảng Trường Nhân Dân. Lý Bằng cho
Lương biết là số tiền 2 tỉ dollar để mua 16, 000 km2 vùng vịnh Beibu của
Việt Nam là hợp lý. Trần Đức Lương cám ơn Trung cộng về số tiền này...
Sau cuộc gặp này thì Khải, Kiệt v.v... đã đồng ý với quyết định bán đất
cho Trung cộng vì có phần chia chác trong số tiền này. Lý Bằng nhắc lại
chuyện Trung cộng đã bán vũ khí và hỗ trợ cho cộng sản VN trong thời
gian chiến tranh và số nợ trên Trung cộng dùng để trao đổi mua lại vùng
đất Bắc Sapa của Việt Nam, Ải Nam Quan, Bản Dốc, Cao Bằng... Sau đó
Lương được mời lên xe Limo và đưa về Zhong-nan-hai để gặp Zhu Rongji,
Zhu Rongji không nói gì khác hơn là nhắc lại số tiền 2 tỉ USD sẽ được
giao cho Việt Nam sau khi Lương trở về nước.
9) Ngày 26 tháng 2 năm 2001 Nguyễn Mạnh Cầm bay sang Trung Quốc để gặp Qian Qichen tại đảo Hải Nam. Nguyễn Mạnh Cầm cám ơn Trung Quốc đã mua vùng Vịnh Bắc bộ của Việt Nam (Beibu Bay) với giá 2 tỉ USD.
Ký kết bán nước của cộng sản
Điểm qua các mốc này cho thấy Khải cũng là một tên hèn khi không chịu
phản đối khi qua Trung cộng. Đồng thời khi về nước và biết có tiền chia
chác nên đã ngậm miệng ăn tiền. Nói cách khác cũng là bán nước. Nhưng để
nhìn rõ những sự kiện này hơn xin mời bạn đọc chú ý những sự kiện sau
đây liên quan đến Khải.
Thứ nhất, Khải còn là một thủ tướng hèn và bán nước khi không dám lên tiếng với Phó chủ tịch QH Trung Cộng là Cố Tú Liên
khi sang Việt Nam, về vấn đề tàu chiến Trung Cộng xả súng giết hại 8
ngư dân Việt Nam, rồi còn vu cáo ngư dân Việt Nam là ăn cướp.
Tiếp theo đó đài BBC, phóng viên của AP ở Hà Nội đề nghị Bộ Ngoại Giao
cộng sản khẳng định thông tin nói rằng, tàu Sea Bee bị tàu hải quân
Trung Quốc đang tập trận bắn, làm 23 thủy thủ trên tàu mất tích. Nhưng
phía cộng sản đã lặng im và cho rằng chỉ là một tai nạn thông thường.
Chúng ta nên nhớ tàu Sea Bee được xem như tàu lớn, có trọng tải 6500
tấn, không thể dễ dàng chìm được nhanh chóng mà không có bất cứ một cuộc
điện đàm kêu cứu nào, ngoài tín hiệu cấp cứu tự động. Điều này chứng
minh cho việc Sea Bee đã bị trúng pháo hoặc ngư lôi của hải quân Trung
Cộng, tuy nhiên, với vai trò thủ tướng thì Khải đã chỉ đạo cho vụ việc
này rơi vào quên lãng.
Thông tin về vụ tàu Sea Bee xem tại bản tin của BBC (2).
Thậm chí khi gặp Cổ Tú Liên thì Khải vẫn còn nịnh bợ Trung cộng: “Ngày
13/1, trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Cố Tú Liên,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Trung Quốc sang Việt Nam tham dự APPF, thủ
tướng cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác, trên cơ sở
phương châm 16 chữ và 4 tốt mà các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã
đề ra...” (3)
Thứ hai, khi Ôn Gia Bảo đến Việt Nam, Khải vẫn xun xoe bợ đỡ được báo chí lề đảng loan tin:
“Ngày 7-10, tại Văn phòng Chính phủ,
Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Trong không
khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, hai bên đã điểm lại tình hình mọi
mặt của quan hệ hai nước trong thời gian qua, nhất là từ sau chuyến thăm
chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 5-2004; trao
đổi về các biện pháp thực hiện có hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo
cấp cao hai nước nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển theo
phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt….
Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định Việt
Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện
với Trung Quốc, coi đây là chính sách nhất quán, cơ bản và lâu dài…
Hai bên nhất trí cho rằng kể từ cuộc
gặp tháng 5-2004 đến nay, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước duy trì đà
phát triển mạnh mẽ và ổn định. Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung
quan trọng, tạo điều kiện cho quan hệ hai nước có bước phát triển mới
tích cực; nhấn mạnh duy trì truyền thống gặp gỡ cấp cao là nhân tố đặc
biệt quan trọng đối với việc xây dựng và củng cố sự tin cậy, tạo cơ sở
cho quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lâu dài theo phương
châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài,
hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt,
đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Hai bên đánh giá cao ý nghĩa việc ký
được các Hiệp định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ,
khẳng định cùng phối hợp và hợp tác chặt chẽ để thực hiện tốt các Hiệp
định nói trên cũng như Biên bản cuộc gặp đặc biệt giữa Thứ trưởng Ngoại
giao hai nước ngày 8-8-2004 và các thỏa thuận hữu quan khác nhằm xây
dựng biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn
định lâu dài, cùng phát triển. Hai bên khẳng định triệt để tuân thủ
Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa các nước
thành viên ASEAN và Trung Quốc...” (4)
Đây cũng là một trong những bằng chứng cho thấy sự bán nước và hèn kém của Phan Văn Khải trước giặc Tàu.
Chủ tịch Trung cộng Giang Trạch Dân và Phan Văn Khải trong thời gian
Đoàn Đại biểu Việt Nam do TBT Đảng CSVN Đỗ Mười đang thăm
Trung cộng ngày 20-10-1998 tại Điếu Ngư Đài (Bắc Kinh).
Trước đó, theo thông tin của đảng thì “Từ
ngày 19 đến ngày 23-10-1998: Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải thăm
chính thức Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã hội đàm với
Thủ tướng Phan Văn Khải. Hai bên đã ký Hiệp ước tương trợ tư pháp về dân
sự và hình sự, Hiệp định mậu dịch biên giới và Điều ước lãnh sự giữa
hai nước.” (5)
Thứ ba, nhóm Mạnh, Lương, An và Khải cũng từng bỏ qua ý
kiến của ngay cả các vị cộng sản kỳ cựu trong việc ký hiệp định bán đất
cho Trung cộng. Nhưng vì có tiền bỏ túi thì Khải cũng đồng ý cũng như
các tên bán nước khác. Đây là bức thư của một người cộng sản kỳ cựu đến
từ Hải Phòng để thấy bộ mặt bán nước của Khải (6):
“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đề nghị Quốc Hội không thông qua hiệp định biên giới Việt Trung
Kính gửi:
- Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh,
- Chủ tịch Nước Trần Đức Lương,
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An,
- Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải,
Tháng 2 năm 2001, trong bản góp ý với
Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội IX, tôi đã có kiến nghị lên Đại
hội Đảng, Chính phủ, Quốc hội không thông qua Hiệp định biên giới Việt
Trung, vì đây là một Hiệp định mà phía Việt Nam nhượng bộ quá nhiều.
Theo tôi, đó là một sai lầm lớn của Đảng và Chính phủ mà dân tộc ta chưa
triều đại nào chịu nhượng bộ nhiều như thế. Cuối năm nay, Quốc hội sẽ
họp, sau khi suy nghĩ và trao đổi với một số các vị lão thành cách mạng
trong Câu lạc bộ Bạch Đằng, tôi trân trọng đề nghị ông Nguyễn Văn An -
Chủ tịch Quốc hội mới được bầu - đưa vấn đề này ra trước Quốc hội, yêu
cầu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao điều trần nói rõ nội dung số cây số vuông đã
nhượng cho Trung Quốc so với Hiệp định Pháp - Thanh và nguyên nhân đi
tới ký kết.
Suốt 4000 năm lịch sử kể cả thời Bắc
thuộc cho đến hơn 1000 năm độc lập tự chủ, nhiều triều đại phong kiến
lúc yếu cũng chưa bao giờ nhượng cho phong kiến Phương Bắc một tấc đất,
một hòn đảo, cùng lắm chỉ cống nạp thiên triều ít ngà voi châu báu; lúc
mạnh như thời Lý Nhân Tông đã đòi vua Tống phải hoàn trả ta 2 động, 8
huyện ở biên giới do bọn đầu mục thổ dân dâng cho nhà Tống. Vua Tống đã
phải trả lại. Thế mà ngày nay, theo Hiệp định biên giới Việt Trung mới
đây ta đã nhượng bộ cho Trung Quốc hàng trăm cây số vuông đất liền và
hàng ngàn cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ (so với Hiệp định Pháp - Thanh đã
ký cuối thế kỷ XIX).
Qua lời thông báo của một vị lãnh đạo
của thành phố Hải Phòng tại CLB Bạch Đằng tháng 2/2001 thì Vịnh Bắc Bộ
chia đôi ta được 53%, Trung Quốc 47%. Sao kỳ lạ thế? Vịnh Bắc Bộ (Golfe
du Tonkin) là của Việt Nam cơ mà! Tôi không rõ sứ thần Trung Quốc đã
khôn khéo thế nào, dùng lời ngon ngọt ra sao mà đã làm mềm lòng sứ thần
Việt Nam, thò tay vào ký Hiệp định trước tháng 12/2000. Có điều kỳ lạ là
Trung Quốc đề ra kế sách ký Hiệp định biên giới Việt - Trung và sát
nhập Đài Loan vào Trung Quốc trước thiên niên kỷ mới. Ta là một nước độc
lập có chủ quyền, có cơ sở pháp lý đầy đủ lại vui vẻ làm theo, còn Đài
Loan là đất đai của Trung Quốc họ lại không tuân theo ý đồ đó. Có người
giải thích rằng: ta không ký không được. Phải chăng ta sợ Trung Quốc
mang quân sang đánh ta? Trung Quốc là nước lớn nhưng không phải dễ dàng
uy hiếp được ta. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh trong 10 thế kỷ vừa qua,
Phương Bắc đã 10 lần mang quân sang xâm lược nước ta, nhưng cả 10 lần
phong kiến Phương Bắc đều thất bại thảm hại. Kể cả trận mới đây nhất,
tháng 2/1979, cộng sản Trung Quốc đã mang quân đánh nước ta, định dạy
cho Việt Nam một bài học, trái lại họ đã học được bài thất bại cay đắng.
Thực ra lúc này Trung Quốc rất cần ổn định để phát triển kinh tế, họ
chỉ dọa được những người nhát gan yếu bóng vía, chứ làm sao dọa được dân
tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Nếu ta không ký mà họ đem quân đánh
ta, cả thế giới sẽ ủng hộ ta và nhân dân ta triệu người như một đoàn kết
sẽ đứng lên cầm vũ khí quét sạch quân thù. Nói thế thôi, chứ Trung Quốc
không dại gì đem quân gây chiến với Việt Nam. Tiếc thay, cả người cho ý
kiến lẫn người đi ký đã không nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Họ quên mất
rằng biết bao sứ thần Đại Việt qua nhiều triều đại đã làm cho phong kiến
Phương Bắc phải kính nể, khâm phục. Thậm chí có sứ thần không chịu
khuất phục đã bị phong kiến Phương Bắc chém đầu, gây một vết nhơ cho
lịch sử đối ngoại của Bắc Triều, càng làm rạng danh đất nước Việt Nam.
Nghe nói trong hội đàm, Trung Quốc đã
nêu lên: trước đây nhà Thanh yếu, Pháp mạnh nên mới có Hiệp định như
vậy; tại sao đoàn ta không có ai biết nói: mạnh yếu trước kia chưa rõ,
bây giờ Trung Quốc là nước lớn, Việt Nam là nước nhỏ, có phải vì thế mà
Trung Quốc ép buộc Việt Nam phải nhân nhượng? Đã là anh em, là đồng chí
"như môi với răng", sao lại nỡ lấn đất chiếm đảo của Việt Nam? Lẽ ra:
Nghĩa tình hữu nghị từng xây dựng Tôn trọng biên thùy nước mới an. Không
phải tự nhiên ông Giang Trạch Dân gợi ý Đại hội Đảng ta nên tiếp tục để
đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng Bí thư. Dân tộc ta có một nền văn hiến
sáng ngời, trung dũng tuyệt vời. Đảng ta, dân tộc ta đã làm cuộc Cách
mạng Tháng 8-1945 vĩ đại, sau đó đã đánh thắng 2 đế quốc hung bạo nhất
của thời đại, mà lại chịu để cho Trung Quốc ép ký một hiệp định bất bình
đẳng như vậy sao?
Tôi đề nghị ông Nguyễn Văn An với chức
danh Chủ tịch Quốc hội thay mặt Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất
của đất nước - kiên quyết không thông qua Hiệp định biên giới Việt -
Trung, cả trên đất liền và trên biển, đảm bảo quyền lợi cho Tổ quốc và
danh dự cho dân tộc. Các ông biết rõ hơn ai hết: chỉ có một Hiệp định
thương mại Việt - Mỹ ký đã hơn một năm nay, Hạ viện Mỹ đã thông qua,
Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua, thế mà hai viện còn phải ngồi chờ Tổng
thống duyệt Hiệp định mới có hiệu lực. Hiệp định biên giới Việt - Trung
còn quan trọng hơn nhiều, sao không đưa ra Quốc hội bàn mà đã vội ký
kết? Bây giờ tuy có muộn nhưng Quốc hội nghe điều trần rồi kiên quyết
không thông qua và báo cho Trung Quốc biết, thì sự không thông qua ấy
vẫn có giá trị. Trong khi chờ đợi hai bên gặp lại, yêu cầu Trung Quốc cứ
coi Hiệp định Pháp - Thanh còn nguyên giá trị. Đất này công sức của cha
ông Khai phá ngàn năm giống Lạc Hồng Xương máu bao đời mới có được. Xin
đừng để thẹn với non sông.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị với Quốc hội
và Chính phủ: từ nay về sau tất cả các Hiệp định quan trọng có liên
quan đến lợi ích Tổ quốc đều phải theo nguyên tắc: được Quốc hội bàn và
thông qua mới có giá trị. Ví dụ: Hiệp định chiến tranh và hòa bình, Hiệp
định biên giới và trên biển đa phương và song phương, Hiệp định kinh tế
quan trọng giữa hai Chính phủ v.v...
Tôi tin tưởng Quốc hội Chính phủ sẽ làm
được việc này. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng đoàn kết xung quanh Quốc hội,
Chính phủ và Đảng để đòi Trung Quốc phải công nhận Hiệp định Pháp -
Thanh đồng thời trả lại cho Việt Nam các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Xin gửi lời chào kính trọng.
Đỗ Việt Sơn, 78 tuổi đời, 54 tuổi đảng.
Hội viên CLB Bạch Đằng.
D-C: 26/14-125 Tô Hiệu Hải Phòng D-T: 031.739039”
Thứ tư, theo Phan Văn Khải kể lại việc đàm phán với Trung cộng: “Thác
Bản Giốc mình không thể nào lấy hết... Bãi Tục Lãm họ có ý đồ lấn thật.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Cố vấn Đỗ Mười cũng phải đấu với Trung Quốc
trên tình hữu hảo mới được như vậy. Tôi, ông Vũ Khoan và ông Lê Khả
Phiêu đã đấu tranh rất căng thẳng nhưng đôi bên cũng phải có nhân
nhượng, chẳng thà mình có một phân định sau này còn có cơ sở để đấu
tranh”. Qua đây cho thấy chính Khải và Phiêu đã xác nhận hành
động bán nước của mình. Tại sao lãnh thổ của Việt Nam lại phải nhân
nhượng? Và việc để mất thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm mà Khải kể chính là
hành động bán nước không thể chối cãi.
Thứ năm, ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực
lượng lớn tấn công, Trung cộng đã chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm
dọc biên giới Việt Nam, trong đó có điểm cao 1509. Hàng ngàn người lính
Việt Nam đã hy sinh trong các đợt phản công lấy lại hai mươi cao điểm ở
Thanh Thủy, Vị Xuyên bị Trung cộng chiếm đóng từ năm 1984. Nghĩa trang
Vị Xuyên, Hà Giang, có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt
sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới, đa số hy sinh trong giai
đoạn 1984 - 1985, có người hy sinh năm 1988 khi tái chiếm điểm cao 1509.
Giai đoạn 1984 - 1985, theo ông Nguyễn Thanh Loan, người trông coi nghĩa trang: “Cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau”. Theo Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất: “Từ
khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một
pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên
tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên
thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc
xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung
Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ý nghĩa thiêng liêng nên họ xin
được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh
đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy
chỉ có 0, 77 hecta nhưng, 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo
đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”.
Tuy không bình luận trực tiếp trường hợp điểm cao 1509, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm giải thích:
“Tôi nghĩ, các anh ấy cũng biết (ý ám chỉ Đỗ Mười, Khải và Phiêu),
nhượng một tấc đất là có tội, nhưng với một nước lớn như Trung Quốc thì
tranh chấp phải được giải quyết để có được một biên giới hòa bình. Trước
đó không ngày nào là không có khiêu khích”. Qua đây cho thấy rõ ràng Cầm thừa nhận Khải, Phiêu... đã nhượng đất cho Trung cộng.
III. Bàn tay nhuốm máu:
Từ năm 1997, Phan Văn Khải nắm chức thủ tướng cộng sản thì ông ta chưa
làm được gì cho quê hương chúng ta. Việt Nam vẫn chưa vẫn chưa có sinh
hoạt chính trị tự do, vẫn chưa có tự do tôn giáo, vẫn chưa có tự do báo
chí, và vẫn còn giữ chính sách hộ khẩu... Ngược lại quá khứ chúng ta sẽ
thấy bàn tay của Khải nhuốm máu đồng bào từ khá lâu.
Thứ nhất, bạn đọc chú ý đến tiểu sử của Phan Văn Khải.
Phan Văn Khải sinh ngày 25 tháng 12 năm 1933 tại Quận Củ Chi, ngoại ô
Sài Gòn. Mới 14 tuổi Khải đã tham gia "Cách Mạng", 22 tuổi thì gia nhập
Phong Trào Cải Cách Ruộng Đất. Đôi bàn tay của Khải đã nhuốm máu của rất
nhiều đồng bào vô tội trong cuộc đấu tố dã man nhất lịch sử Việt Nam.
Mời bạn đọc coi lại “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 5 và 6”
để thấy những con số kinh hoàng trong đó có Phan Văn Khải gây ra. Chính
vì thánh tích ác ôn nhuốm máu đồng bào trong CCRĐ mà Khải được đi học
Liên Xô. Đánh giá việc này một tài liệu của Nga khi Khải lên làm thủ
tướng có viết “Trong cải cách ruộng đất
và chấn chỉnh hàng ngũ sau khi cách mạng vô sản ở Việt Nam thành công
thì ông (ám chỉ Khải) có công rất lớn mặc dù sau này cuộc cải cách bị
đánh giá là đẫm máu”. (7)
Thứ hai, trong suốt thời kỳ nắm chức thủ tướng thì Phan
Văn Khải cũng cho bắt giam các nhà đấu tranh trong nước như BS Phạm Hồng
Sơn, LS Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, mục sư Nguyễn Hồng Quang, BS
Nguyễn Đan Quế, GS Trần Khuê, Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng
Thích Quảng Độ v.v... Như vậy việc Khải tàn ác và chống lại dân chủ là
không thể chối cãi trong vai trò đứng đầu chính phủ của mình. Như vậy
Khải, vi phạm vào Điều 19 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà cộng sản đã ký với Liên Hiệp Quốc.
Phan Văn Khải và đồng chí X
Thứ ba, bạn của tác giả Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ, cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể
rằng ông nội của anh là cụ Phan bị quy lên thành phần địa chủ, quan lại
phong kiến nên nhà cửa của Phan Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở
di cảo của cụ bị đảng cộng sản phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ
Phan một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thế kỷ XX đã bị Hồ Chí Minh bán
đứng cho Pháp (Xem “Những sự thật không thể chối bỏ - Phần 8”).
Khi cụ chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình nộm giống y
người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình nộm cụ
Phan. Và tác giả Lê Nhân là người bạn học của Khải đã viết bức thư chửi
tội ác và sự ngu dốt của Khải với đại ý: “Thủ tướng Phan Văn Khải cũng
không phân biệt được đâu là chuyện chăn gối, đâu là chuyện quốc gia
chính phủ trị dân, nên sỗ sàng đưa vấn đề con cu ra ví với dân.”
Nguyên văn của nó như sau: (8)
“Kính gửi Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thưa anh Khải
Lê Nhân viết lá thư ngỏ này gửi anh vì
tôi chẳng sợ ai cười chê bảo cái thằng Lê Nhân cóc nhái, thứ cua cáy,
rơm rạ xó bếp ở đâu chui ra, thấy người sang bắt quàng làm họ, thật
chẳng còn ra làm sao! Một người dân ngu khu đen như Nhân tôi, đôi khi
ngồi vắt tay lên trán, nhớ lời Bác Hồ dạy:- "Cán bộ là đầy tớ của nhân
dân", mà bật cười khanh khách vì sự hài hước trong chế độ ta không biết
đến đâu là giới hạn, tự nhiên thấy mình oai ngất trời:- hóa ra mình là
ông chủ của chúng nó, ông chủ của cái đám đảng cộng sản, nhà nước và
chính phủ cộng sản đang cầm quyền kia, mà sao mình cứ nơm nớp sợ đám đầy
tớ bắt nạt, thậm chí sợ bọn đầy tớ đến bắt ông chủ nhốt vào tù cho mục
xương luôn? Còn các anh, từ anh tổng bí thư, anh chủ tịch nước, anh thủ
tướng chế độ hiện hành, thảy đều là nô bộc, là ô-sin cho Lê Nhân, ô sin
của 80 triệu đồng bào ngoài đảng hihihi!
Với tinh thần ấy của Bác Hồ, Lê Nhân viết thư cho anh Khải với 3 tư cách:
- ông công dân viết thư cho nguyên thủ quốc gia
- ông chủ viết thư sai đầy tớ
- ông bạn cũ viết thư cho ông bạn cũ ngày xưa…
Thưa anh Phan Văn Khải, tôi cũng chẳng
dám trách rằng anh đã quên cái thằng Lê Nhân cùng tuổi với anh, cùng học
một lớp chính trị Mác-xít do thầy chúng ta là giáo sư tiến sĩ viện
trưởng Viện Mác-Lênin Hoàng Minh Chính từng dạy dỗ chúng ta hết lòng, để
rồi sau đó, tôi với nghề gõ đầu trẻ môn triết học Mác-xít, lại dạy các
anh Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Phú Trọng (sẽ có thư ngỏ gửi hai anh học
trò hàm thượng thư đương triều đang ngấp nghé thế tử này sau).
Người (tức GS.TS triết học Hoàng Minh
Chính) mà cách đây ngót 50 năm trước, đã cứu anh Khải thoát khỏi vụ khai
trừ đảng, nên anh thề sẽ suốt đời mang ơn ông Chính, người mà anh cho
là có công ngang với ơn sinh thành của cha mẹ, thề trong đời sẽ tìm cơ
hội để báo ân, đền đáp công ơn trời bể của GS.TS Hoàng Minh Chính đối
với anh.
Bây giờ, là một nguyên thủ quốc gia,
chắc anh Khải bận vô cùng, hơi đâu nhớ tới ân nghĩa cũ; anh quên là quên
cả nước chứ cứ gì quên cái thằng Lê Nhân, quên cái ông thầy cũ Hoàng
Minh Chính hiện đang bị lính của anh bốc cứt ném vào mặt hôm 1-12-2005
ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội huy hoàng của đế chế cộng sản?
Tôi xin nhắc để anh nhớ, tôi là Lê
Nhân, biệt hiệu trong lớp anh em gọi là " Nhân ngôn luận” (có ý chửi tôi
ăn nói nham hiểm, lời nói ác như vị thuốc độc nhân ngôn giết người).
Còn anh Phan Văn Khải có biệt danh cả lớp đặt cho là “Khải đờ mờ” (vì
anh có tật khi nói hay chêm tiếng đệm hai chữ viết tắt của tên ông Đỗ
Mười: Đ.M. mà những anh em người gốc nông dân Nam Bộ tập kết thường mắc
phải). Năm ấy, anh Khải được nhà trường cấp bằng khen vì thành tích rất
lớn là bỏ được hai tiếng “đù má " chêm vào trước bất cứ câu gì khi anh
nói; nên hôm anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) đến dự lễ khai mạc khóa chính trị
Mác-Lê cao cấp do thầy Hoàng Minh Chính giảng, anh được vinh dự đảng ủy
nhà trường phân công lên hô chào cờ. Có lẽ vì anh Phan Văn Khải xúc động
quá, khi lần đầu được gặp anh Sáu Thọ, thần hồn nát thần tính, giữa
không khí cực thịnh, cực nghiêm trang của tôn giáo Mác-Lê, trên có đảng
kỳ, kèm chân dung 5 lãnh tụ vĩ đại: Mác, Lê Nin, Stalin ở giữa, hai bên
là Bác Hồ và Bác Mao, dưới nữa là cờ đỏ sao vàng, dưới nữa là anh Sáu
Thọ. Thế mà giữa ba quân ngất trời thiêng liêng ấy, anh Phan Văn Khải
đứng cực nghiêm, hô chào cờ bằng giọng Củ Chi Nam Bộ, hệt như Trương Phi
hét trước cầu Trường Bản; anh Khải hô (hét) cực vang, cực to, cực
nhanh, rằng:
“Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!"
Cả hàng quân ngót trăm người tí nữa ngã
đùng ra đất, vội đưa tay bụm miệng, vừa bịt mồm vừa hát quốc ca, nên âm
vang hùng tráng của bài "Tiến quân ca" nghe như tiếng ếch nhái ho, như
thể chó vừa ăn vụng bột vừa hát (sủa), khiến có vài tên ngã lăn đùng ra
như trúng gió vì sặc cười, phải khiêng đi cấp cứu ngay. Tuy vậy, buổi
chào cờ vẫn hoàn tất một cách ngượng chín mặt, ai cũng ước đất nứt ra lỗ
nẻ để chui tọt vào cho đỡ xấu hổ. Sau buổi chào cờ có một không hai ấy,
anh Sáu Thọ vẫn bình tĩnh huấn thị chừng 5 phút, thay vì theo thông lệ,
anh phải dạy dỗ cả tiếng đồng hồ; vị lãnh tụ này mặt vẫn tỉnh bơ, làm
như không hề có chuyện cái thằng phá thối Phan Văn Khải vừa hô chào cờ
bằng câu chửi thề đù má kinh thiên động địa; đây có lẽ là lần bất ngờ và
bực mình nhất trong cuộc đời làm cách mạng vô cùng vẻ vang của anh Sáu.
Sau này, anh Phan Văn Khải tâm sự với
Lê Nhân rằng: "Hô chào cờ mà vẫn chêm tiếng đù má vào theo thói quen,
chắc tao sẽ phải tử hình mất!". Nhưng GS.TS Hoàng Minh Chính đã chạy lên
chạy xuống cứu anh Phan Văn Khải thoát khỏi tội đi tù vì xúc phạm đảng
thì ít mà xúc phạm anh Sáu Thọ là linh hồn của đảng thì nhiều. Thầy
Chính còn cứu anh thoát khỏi cái án khai trừ đảng. Nếu không có thầy
Hoàng Minh Chính xả thân cứu giúp, liệu đến nay anh Khải có lên được
đỉnh của quyền lực là chức Thủ tướng chính phủ hay không?
Thế mà, lạ lùng thay, thủ tướng Phan
Văn Khải đã lấy oán báo ân, đã cùng với Bộ Chánh trị đảng sai lâu la,
lưu manh đến đánh đập cụ Chính, mang cà chua, trứng thối cùng cứt trộn
mắm tôm ném vào người cụ già 86 tuổi Hoàng Minh Chính và vợ con, nhà cửa
của cụ Chính trưa ngày 1-12-2005, xúc phạm vô cùng tận người thầy ngày
xưa mà anh cho là đã có công lớn cứu anh, ngang công ơn sinh thành ba
má, thì hỏi còn trời đất gì nữa hay không?
Chuyện tày trời làm ơn cứu Phan Văn
Khải ngày xưa thoát khỏi vụ án "đù má" chào cờ Lê Nhân vừa thuật lại
trên, dù ai có cậy miệng thầy Hoàng Minh Chính, thầy cũng không nói ra
đâu; vì nói ra, khoe ra lối ứng xử trả ơn thầy học cũ bằng cách sai
thuộc hạ ném cứt vào mặt thầy mình kiểu này của anh Phan Văn Khải, thầy
Chính sẽ cho là đại sỉ nhục; rằng anh dạy dỗ thế đếch nào mà học trò của
anh khi làm đến chức Thủ tướng, nó lại thành ra cái thằng bất nhơn, đểu
giả, tiểu nhân, đại phản nghịch như thế? Giờ đây, nhận mình có một anh
học trò như anh Phan Văn Khải, thầy Hoàng Minh Chính thà chết còn hơn.
Thoắt mấy chục năm sau, Lê Nhân thấy
anh Khải xuất hiện trên tivi: khởi đầu là phó chủ tịch, rồi chủ tịch
TP.HCM, leo dần lên chức vụ phó thủ tướng, rồi thủ tướng chính phủ nhà
nước cộng sản. Mỗi lần nhìn thấy anh trên màn hình, tôi có ý hơi lo lo: -
lỡ mà khi anh đang huấn thị đồng bào, sơ ý, nổi hứng dân Củ Chi ăn tục
nói phét lên, theo vô thức tuôn ào ào ra miệng cái tiếng đệm Đ.M., cứ
như cái thuở chào cờ ngày xưa mà vô tư đù má đồng bào, đù má các đồng
chí, đù má quốc dân, thì sẽ gây họa lớn, đồng bào chắc sẽ vỡ tim mà chết
cỡ vài ba chục triệu vì cú sốc văn hóa quá sức bất ngờ này chăng?
Có lẽ, chính vì lường trước khả năng
tình cảm vô bờ của ông thủ tướng chánh phủ đương nhiệm, một người nông
dân thuần phác Nam Bộ quen chăn trâu, câu cá, đơm lờ, đánh giậm hơn là
việc làm vương, làm tướng, mà khi anh qua Mỹ gặp tổng thống Mỹ W.Bush
vừa qua, Bộ Chánh trị đảng sợ anh nổi hứng chào cờ, lại chả tuôn ra từ
vô thức, tuôn từ trong gan ruột cái tiếng đệm bình dân thân thương quê
kiểng kia; rằng: - đù má ngài W.Bush, rằng tôi thay mặt đù má đảng nhà
nước chính phủ Việt Nam, đù má gởi lời thăm hỏi tới ngài và gia quyến,
có mà Mỹ nó điên lên, chơi bom hạt nhân xuống lăng Bác vỡ cha cái "mặt
trời chân lý", tiêu mẹ nó cái "mặt trời trong lăng rất đỏ” thì lấy gì
làm vật linh, làm tô-tem mà lễ bái, lừa đảo nhân dân? Cho nên, Bộ chánh
trị đã soạn sẵn cho anh bài diễn văn đáp từ tổng thống W.Bush, gồm chỉ
mấy từ đơn giản xã giao, chào hỏi, chúc mừng, cảm kích mà một trẻ chăn
trâu cũng biết nói vo, không cần phải soạn trước như đảng sợ anh văng đù
má bất tử mà soạn sẵn lời đáp từ ngài W.Bush cho anh.
Cả thế giới qua truyền hình, đã thấy
ngài W.Bush oai phong, tươi tắn, đường bệ, sang trọng, lịch lãm, quý
phái thơm như mít trước một ngài Phan Văn Khải dúm dó, mặt đâm lê, co
ro, hèn kém, quê mùa, mặc cảm tự ti, ngồi tội nghiệp hai tay run quá
nhét đại vào háng. Đến độ ngài W.Bush phải thò hết cỡ cánh tay phải sang
tận đùi ngài Khải theo kiểu thò tay vào hang sâu bắt rắn, mới lôi được
bàn tay của thủ tướng Việt Nam như con chim trốn tuyết ra mà bắt cái
rụp, thương thay!
Cả thế giới đã nhìn thấy ngài Khải thò
tay vào túi áo, lấy ra miếng giấy bé bằng cái lá đa, hai tay bê miếng
giấy như bê hòn đá nặng, đưa sát lên mắt ấp a ấp úng đọc lời đáp từ tổng
thống Mỹ, trông thê thảm và âm lịch không sao chịu được. Suốt chuyến đi
thăm Mỹ, qua ống kính truyền hình, nhiếp ảnh, thủ tướng Việt Nam hiện
lên chân dung toàn diện của đảng cộng sản là một kẻ nhà quê ra tỉnh, một
gã ăn mày đi xin tiền, lúc thì văng: - “đù má đuổi nó ra ngay!" khi có
hai vị ký giả một nam một nữ của người Việt di tản lọt vào nơi họp báo
chất vấn và tố cáo tội ác
cộng sản, lúc thì với bàn tay vuốt lên mu bàn chân mang giày của bức
tượng ngài Havard, như có ý xin được đánh giày cho quý ngài từng lập ra
trường đại học danh giá nhất thế giới tọa lạc ở Boston... khiến nhân dân
cả nước ngượng chết đi được.
Chỉ nhìn vào chuyến đi Mỹ của anh,
người ta có thể nhận ra chân dung văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam là
thứ văn hóa diệt trí thức, văn hóa bần cố nông con cái tố cha, vợ tố
chồng, học trò trả ơn thầy bắt cách bốc cứt ném vào mặt thầy, thứ văn
hóa lừa đảo, lấy việc lừa dân từ A đến Z làm sự nghiệp, làm cần câu
cơm...
Anh Phan Văn Khải ơi, giờ đây, cả nước
cứ nhìn vào thằng con trai của anh, thằng Hoàn Ty từng bắn chết con trai
ông Phạm Thế Duyệt khi hai đứa giành gái khi cùng đánh bạc, mà nó vẫn
nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, không ai dám động vào cái lông chân của
nó, thì thiên hạ có thể biết người cha làm thủ tướng của hắn là quân tử
hay tiểu nhân, bản chất là loại người nào. Khổng Tử xưa dạy người quân
tử phải:- "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", lấy nhân, nghĩa,
lễ, trí tín làm đầu. Phật dạy dân ta từ bi hỷ xả cả mấy ngàn năm. Đạo
Công giáo dạy kính Chúa yêu người. Thế mà Bác Hồ của anh và các anh sau
khi dùng bạo lực cướp được đất nước, bèn coi tam giáo đồng nguyên Phật
Khổng Lão (cả Chúa sau này) là phản động, nên sai đập nát đình chùa miếu
mạo, đập nát các nhà thờ Thiên Chúa giáo thời cải cách ruộng đất.
Bạn của Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ,
cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể rằng ông nội của anh là cụ Phan bị
quy lên thành phần địa chủ, quan lại phong kiến nên nhà cửa của Phan
Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở di cảo của cụ bị đảng cộng sản
phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ Phan một anh hùng dân tộc vĩ
đại nhất thế kỷ XX chết rồi vẫn bị đội cải cách ruộng đất sai làm hình
nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình
nộm cụ Phan. Chính vì chuyện này, giúp Lê Nhân tin vào việc ngày xưa ở
Trung Quốc (thời Quốc Dân đảng), Hồ Chí Minh đã bán đứng Phan Bội Châu
cho mật thám Pháp để lấy tiền, trong khi ngoài mặt, Hồ luôn coi cụ Phan
như cha, làm ai cũng khen là ông Hồ hiếu đễ. Chao ôi, cái văn hóa lấy
cứt ném vào, trát vào mặt cha chú, đã có từ độ Bác Hồ, chứ đâu phải
chuyện anh Điềm và anh Khải mới sáng tạo ra lối hại cụ Hoàng Minh Chính
bằng cách lấy cứt trộn mắm tôm ném vào mặt cụ như trưa ngày 1-12-2005
vừa qua đảng cộng sản đã làm?
Giết oan hàng vạn người trong cải cách
ruộng đất, đẩy hàng triệu người vào chỗ chết suốt 30 năm nồi da xáo
thịt, làm hơn mười lăm triệu người Việt Nam chết oan, ngoài Hồ Chí Minh
vĩ đại ra, ai, những ai là người phải chịu trách nhiệm đây?.............
Viết đến đây, Lê Nhân chợt thấy rùng
mình mà ghê thay luật nhân quả ở đời, làm ác thì sẽ bị quả báo, lưới
trời lồng lộng, từ con tép đến Bác Hồ cũng không thể ăn gian, không thể
thoát khỏi thiên la địa võng của luật vay trả đã từng ứng nghiệm vào cái
xác không hồn của Bác Hồ đang bị đứa con đại bất hiếu là ĐCSVN hành hạ
bằng trò lừa hiếu hỉ làm ngược hoàn toàn di chúc Bác! Xin các ông Lê Đức
Anh, Đỗ Mười và giàn thế tử Phan Diễn, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Phú
Trọng… hãy nhìn gương nhỡn tiền của Hồ Chí Minh đang treo trước mắt các
vị mà bơn bớt gian ác, mà nghĩ lại xem có nên đi cùng đường với dân tộc,
với nhân dân, với trào lưu đa nguyên đa đảng là nhu cầu thời đại, kẻo
các vị chết rồi xác lại có thể bị treo ngoài cửa thành cho dân đến xem,
cho quạ diều đến mổ thì động mồ động mả di hại cả ngàn năn sau con cháu
đấy!.........
Xin quý vị xá cho cách nói tục tĩu của
anh Khải, vì anh ít học (anh Khải và Lê Nhân đều ít học, lớp chống Pháp
ta và lớp các anh đàn em như Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Văn
An… đều là dân học bổ túc, học chuyên tu tại chức... nên dân gian mới
bảo:- "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" toàn là dân học giả bằng
thật!). Anh Khải chắc không biết rằng cái câu:- "Trên bảo dưới không
nghe!" dùng để chỉ việc phòng the, chuyện bất lực của đàn ông, rằng rất
muốn làm tình với con mẹ đĩ mà con cu bảo mãi vẫn cứ không nghe, vẫn chỉ
sáu giờ, quyết không bao giờ lên được 9 giờ chứ đừng nói gì chuyện nhất
dương chỉ 12 giờ. Vả lại, nhiều khi thủ tướng Phan Văn Khải cũng không
phân biệt được đâu là chuyện chăn gối, đâu là chuyện quốc gia chính phủ
trị dân, nên sỗ sàng đưa vấn đề con cu ra ví với dân, ví với thuộc cấp
thì quả tình cũng không lấy gì làm lạ!
Thưa anh Phan Văn Khải, người xưa đã
dạy: - “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”; kẻ cầm quyền trong chế độ cộng
sản theo Bác Hồ luôn làm gương xấu, làm toàn việc gian ác, lừa đảo thì
làm sao các vị BẢO mà DÂN nó thèm nghe! Chẳng qua, do quý vị ĐCSVN tàn
ác quá, mấy chục năm làm dân nhược, quên mất bản tính phản ứng của con
giun:- “Xéo mãi cũng quằn!”.
Dân sợ quá, sống như con cá dưới ao tù thiếu dưỡng khí, lúc nào cũng
trồi lên mặt nước cho công an hộ khẩu dễ kiểm kê mà ngáp ngáp cầm hơi!
Hà Nội 5-12-2005
Kính thư,
Le Nhân”.
Qua bức thư chúng ta thấy điều gì? Đó là bức thư tố cáo bàn tay vấy máu
của Khải với nhân dân trong CCRĐ. Ngoài ra là nêu lên vụ án và tội ác
con trai Khải. Và đặc biệt nói đến việc Khải để đàn em đàn áp ông Hoàng
Minh Chính- một người đấu tranh dân chủ ôn Hòa. Qua đây có thể thấy được
bàn tay của Khải cũng không kém phần bạo tàn với nhân dân.
IV. Bất tài:
Phan Văn Khải trong kỳ họp Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam từ 6-13/1/04 đã thú nhận trước cử tọa: “... VN cần 20 năm nữa mới theo theo kịp Thái Lan...”.
Tuy nói như vậy nhưng cái mà Khải làm trong suốt thời kỳ của mình là
gì? Đó chính là tham nhũng tràn lan không kém gì thời kỳ của đồng chí X
hiện nay. Để chứng minh điều này chúng ta hãy để ý những tài liệu sau
đây.
Thứ nhất, ngày 25-7-2001, thủ tướng Phan Văn Khải có quyết
định phê duyệt "Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn
2001-2005" (đề án 112). Tính đến ngày 30-12-2005, vốn đầu tư từ ngân
sách trung ương cấp cho đề án là 685 tỉ đồng, trong đó Ban Đề án 112 đã
chi hơn 277.97 tỉ đồng (hơn 18 triệu Mỹ kim, theo tỉ giá hối đoái vào
thời gian đó.)
Theo báo Người Lao Động ngày 20/1/2009, sau 16 tháng điều tra vụ tham
nhũng trong ban điều hành đề án "tin học hóa quản lý hành chính nhà
nước”, cơ quan điều tra Bộ Công an cộng sản đã đề nghị truy tố 20 bị
can, trong đó có 1 viên chức hàng thứ trưởng tên là Vũ Đình Thuần, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ CSVN (thời kỳ Phan Văn Khải làm thủ tướng), trưởng ban điều hành đề án 112 (tin học hóa quản lý hành chính nhà nước 2001-2005), và Lương Cao Sơn,
thư ký ban điều hành Đề án 112, cùng bị truy tố về 2 tội danh "tham ô
tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vũ Đình Thuần |
Theo điều tra của công an cộng sản, Lương Cao Sơn với tư cách là thư ký
"đề án 112" đã "tư vấn" cho các doanh nghiệp đường đi nước bước và trình
Vũ Đình Thuần ký duyệt các quyết định để kiếm tiền hoa hồng. Cụ thể,
Lương Cao Sơn đã trực tiếp thiết kế tới 7 đường dây cho các vụ làm ăn
này. Vụ đầu tiên là mua sắm nhu liệu bản quyền với Công ty Phần mềm ISA
do Nguyễn Thúy Hà làm tổng giám đốc. Bỏ qua hết các thủ tục mời thầu
theo quy định, ngày 11-10-2004, Sơn đề nghị Vũ Đình Thuần quyết định
công nhận Công ty ISA trúng thầu với giá trị nhu liệu bản quyền của hãng
Microsoft và IBM trị giá hơn 9.1 tỉ đồng (hơn 600, 000 Mỹ kim). Trong
vụ này, Hà đã đưa cho Sơn 360 triệu đồng để chia cho Vũ Đình Thuần 200
triệu đồng, bà Phạm Thị Ngọc, kế toán trưởng Ban Đề án
112, 80 triệu đồng, còn lại là phần Sơn. Kết quả điều tra thật bất ngờ,
nguồn gốc nhu liệu ISA giao cho ban "đề án 112 "lại chính là bà Hà mua
của chồng mình là Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn hệ thống thông tin, với giá chỉ có 5.8 tỉ đồng.
Báo Người Lao Động ghi nhận rằng cơ quan điều tra đã khám phá nhiều
"mánh" làm ăn của Lương Cao Sơn với một ban giám đốc nhà xuất bản Tư
pháp do Nguyễn Đức Giao làm giám đốc. Thông qua sự môi giới của Hoàng Đăng Bảo, thư ký của Vũ Đình Thuần, trong thời gian từ tháng 3-2004 đến tháng 6-2006, Nguyễn Đức Giao
đã ký với Vũ Đình Thuần 28 hợp đồng in ấn giáo trình, tài liệu với giá
trị hơn 3, 8 tỉ đồng. Do nhà xuất bản Tư pháp không có chức năng in,
không có nhà in, để có giáo trình, tài liệu giao cho bên A, nên Nguyễn
Đức Giao ký hợp đồng giao cho 7 công ty in khác để rút ra 667 triệu đồng
tiền chênh lệch. Số tiền này Giao đã chuyển lại cho Hoàng Đăng Bảo 409
triệu đồng.
Trong số can phạm có Lương Cao Phong, giám đốc Trung tâm Thẩm định và Tư vấn thông tin thuộc Công ty Tin học xây dựng và là em ruột Lương Cao Sơn, đã môi giới cho Phạm Văn Hạc, giám đốc Công ty Tin học xây dựng,
thực hiện tổng cộng 15 hợp đồng kinh tế và một giao dịch trực tiếp,
tổng giá trị hơn 1.68 tỉ đồng. Trong đó có 7 hợp đồng đào tạo tin học
trị giá 817 triệu đồng và 8 hợp đồng dịch vụ trị giá hơn 864 triệu đồng.
Cơ quan điều tra làm rõ, bằng uy của anh trai, Lương Cao Phong nhận của
Công ty Tin học xây dựng tới hơn 316 triệu đồng, trong đó tiền môi giới
là 113 triệu đồng.
Cũng theo báo NLĐ, qua nhiều thủ đoạn khác nhau, Nguyễn Thị Phương Hoa
đã rút được hơn 1 tỉ đồng. Sau khi chi lại cho Ban Đề án 112 hơn 717
triệu đồng, còn hơn 277, 8 triệu đồng, ngoài việc chia cho các phòng
ban, bị can Trần Tấn Ngô và Nguyễn Thị Minh Thiệu, tổng giám đốc và phó
tổng giám đốc công ty được chia 17 triệu đồng/người...
Theo báo chí cộng sản thì còn nhiều bị can cùng Vũ Đình Thuần trong vụ này đó là: “Cùng
bị khởi tố điều tra trong vụ việc liên quan đến nguyên Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần còn có 7 bị can khác bao gồm: ông
Lương Cao Sơn, cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thư ký Ban chỉ đạo điều hành
Đề án 112; ông Hoàng Đăng Bảo, chuyên viên Vụ Hành chính của Văn phòng
Chính phủ; ông Nguyễn Đức Giao, Giám đốc NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp); ông
Bùi Duy Hồng, Phó phòng Kế hoạch NXB Tư pháp; bà Nguyễn Thị Phương Hoa,
Phó Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thị Minh Thiệu, Phó Tổng giám đốc và bà Ngô
Thị Nhâm, Phó phòng Kinh doanh Tổng công ty Phát hành sách.” (8)
Vai trò của Phan Văn Khải ở đây thế nào? Khải là Thủ tướng và trong thời gian Khải còn đương nhiệm đã là người ký duyệt dự án
này. Đồng thời Khải đã để yên cho dự án cấp quốc gia này có thể ung
dung tham nhũng ngay trước mũi Khải là điều không tưởng. Có chăng Khải
vì tham nhũng và bất tài nên để cho đàn em mặc sức tham nhũng.
Bình luận về vấn đề này RFA có bài viết: “Vụ án Vũ Đình Thuần ảnh hưởng đến T.T. Phan Văn Khải?”. Bài viết là cuộc phỏng vấn L.s - T.s Cù Huy Hà Vũ có đoạn như sau: (9)
“Mặc Lâm: Đó là những người liên quan
trực tiếp đến vụ án. Riêng những người không được nêu tên nhưng có liên
quan gián tiếp như nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải là thủ trưởng của ông
Thuần và cũng là người theo dõi dự án 112 thì vai trò của ông như thế
nào, thưa Luật Sư?
TS Cù Huy Hà Vũ: Những người có trách
nhiệm gián tiếp, chẳng hạn như nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải thì tôi
cho rằng là ông Phan Văn Khải cũng phải chịu trách nhiệm.
Mặc Lâm: Thưa, Luật Sư vừa nói là ông
Khải cũng phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên thực tế thì từ xưa đến nay
chưa có một lãnh đạo cao cấp nào chịu liên đới trách nhiệm về những việc
làm sai trái của nhân viên thuộc cấp, như vậy thì lần này có sự đột phá
mới mẻ và là một trường hợp cá biệt hay không?
TS Cù Huy Hà Vũ: Nhà nước Việt Nam từ
lâu nay và ngay cả dưới thời ông Phan Văn Khải cũng kêu gọi và quy định
là cơ quan nhà nước nào mà để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải
chịu trách nhiệm.
Vậy trong trường hợp này là vụ án tham
nhũng xảy ra ngay tại Văn Phòng Chính Phủ, tức là dưới sự điều hành trực
tiếp của ông Phan Văn Khải thì rõ ràng nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải
phải chịu trách nhiệm về vụ án tham nhũng này. Không thể nói là không có
trách nhiệm một chút gì!
Nhưng cái chuyện tòa án Việt Nam cho
tới bây giờ vẫn chưa có thông lệ là đối với thủ tướng hay là những nhân
vật cao cấp cỡ Bộ Chính Trị có liên quan thì mời ra tòa với tư cách hoặc
là nhân chứng, hoặc là có quyền lợi, hoặc là có nghĩa vụ liên quan, thì
trong trường hợp này, theo tôi, Thủ Tướng Phan Văn Khải cần được tòa
mời vớí tư cách hoặc là nhân chứng, hoặc là người có quyền lợi và nghĩa
vụ liên quan bởi vì trong trường hợp này có liên quan tới trách nhiệm
của Thủ Tướng Phan Văn Khải.”
Cũng liên quan đến vai trò của Phan Văn Khải, xin chú ý điểm này. Đầu
tiên Khải ký quyết định cho Vũ Đình Thuần làm chủ nhiệm đề án 112 (9). Sau này trong bản kết luận điều tra sơ khởi ngày 10/9/2008 của công an cộng sản có đoạn tại mục 3/ khoản 4 như sau: “Cần
xét đến trách nhiệm trong việc đề bạt cán bộ cũng như quản lý dự án 112
của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải. Chuyển Viện KSNDTC xem xét trách
nhiệm liên đới”. Nhưng cho đến khi bản kết luận điều tra ngày 20/1/2009 thì lại mất hẳn đoạn này.
Chỉ cần nói đến trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ và việc mập mờ
trong kết luận vụ án có thể thấy Phan Văn Khải có vai trò rất lớn trong
vụ Vũ Đình Thuần tham nhũng. Việc quan chức cộng sản bao che cho nhau
cũng là chuyện thường. Tuy nhiên qua đó có thể thấy được bộ mặt thật của
Phan Văn Khải.
Sáu Khải đi thăm Lào Cai
Thứ hai, sau đây là bức thư của một cán bộ cộng sản kỳ cựu
tố cáo sự bất tài và tham nhũng của thời kỳ Phan Văn Khải. Đó là minh
chứng rõ nét cho một nhân vật vô dụng và có bàn tay nhúng chàm tham
nhũng như Khải (10):
“KHỞI KIỆN ông Phan Văn Khải, đứng đầu
Hành pháp hai nhiệm kỳ liên tục đến nay, 2006, ông phải nghỉ mà để lại
một guồng máy cầm quyền vận hành bởi những “người công chức” thương dân
thì ít mà hành dân thì nhiều.
Kính gởi: - Tòa án Lương Tri Tối cao.
Đồng kính gởi:
- Những ai quan tâm, xây dựng chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Các chiến sĩ trên Mặt trận Thông tin Đại chúng
- Tòa án Nhân dân Tối cao
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao
- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa 11
- Bộ chính trị và Ban Bí thư Đảng CSVN khóa 10
Tôi tên Thiều Thị Tạo, SN 1950,
CMND 020.162.003, cấp ngày 18/06/1997 tại Tp. HCM, đảng viên từ 1968,
lúc 18 tuổi, là Đội Vũ trang Tuyên truyền F.100 Ban Binh vận Trung ương
cục hoạt đông Khu Sài Gòn – Gia Định, sau GP 1975, công tác khoa học về
tội ác chiến tranh rồi chuyên nghiên cứu di truyền học, rồi đa dạng sinh
học, rồi cân bằng sinh thái, nghiên cứu viên 10/10, hưu trí từ tháng
8/2005, thường trú số 44, đường 11, Khu phố 4, phường An PHú, Quận 2,
[số nhà cũ 513C, ấp An Bình, xã An Phú, huyện Thủ Đức] – Sài Gòn.
Liên lạc ĐT: 7444220 – Email: taomado@hcm.vnn.vn
Để góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích và quyền hợp pháp của công dân.
Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Tôi khởi kiện ông Phạm Văn Khải, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam nội dung:
Ông Phạm Văn Khải sắp nghỉ làm Thủ
tướng, cho nên, buộc lòng tôi phải cấp tốc khởi kiện Thủ tướng Phan Văn
Khải vì bộ máy cầm quyền của ông được vận hành bởi những “người công
chức”, mà nếu, “vì Dân” thì khó làm việc được, thì bị vô hiệu hóa, khó
bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân lao động, mà nhiều công chức vô
cảm, vô tư (*), thiếu tầm, thu vén cá nhân thì lại dễ dàng kéo bè, kéo
đảng, dễ dàng lên lương, lên chức, tham ô, hủ hóa, hại Dân, hại Nước.
Trong điều kiện “Tam quyền phân lập
thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN”, bộ máy hành pháp của Thủ
tướng là mạnh nhất vì nắm tiền, tiền do Dân làm ra, không phải tiền của
Nhà Cầm quyền làm ra, tại sao Quý vị Cầm quyền tùy tiện xài tiền, tùy
tiện mượn nợ trong nước, ngoài nước khỏi công khai cho Dân biết, Dân
bàn, Dân kiểm tra? Ai trả nợ? Thủ tướng và gia đình có làm nghề nghiệp
gì đóng góp cho kinh tế nước nhà không? cụ thể là làm được gì. Thủ tướng
có kiểm kê tài sản nhà mình trước khi nhận nhiệm vụ và sắp tới, ông
Phan Văn Khải hết làm thủ tướng, theo nguyên tắc dân chủ, có kiểm kê
công khai trước toàn dân hay không? Tại Thủ tướng duy trì bọn công chứ
tham ô từ khi đương chức đến khi về hưu, mỗi người được cấp 5 nhà, 7
đất? Xe lớn? Xe con? Cổ phần, tài sản công biến thành của tư nhân: Trải
qua hai nhiệm kỳ làm Nguyên thủ Quốc gia, Thủ tướng Phan Văn Khải để lại
gia tài khổng lồ cho xã hội Việt Nam, đó là hiện thực: Cướp ngày là
quan. Có bao nhiêu phần trăm công chức của Thủ tướng là Quan cướp ngày?
Và có bao nhiêu công chức đang lãnh lương Nhà nước mà tự do hủ hóa như
cá độ, đá gà, đánh bạc, buôn lậu, hút chích, bồ nhí, điếm già, v.v…
hưởng thụ gấp triệu triệu, tỷ tỷ tiền lương. Thủ tướng có biết đám Quan
công chức đó xài tiền của Ai không? Nhà Cầm Quyền cần làm rõ công Ai
nuôi Ai? Công chức phải ghi rõ chữ to và phát thanh liên tục ở nơi công
sở cho Dân ngu cu đen phải giác ngộ Quyền lợi và Nghĩa vụ công dân. Đã
thành thói quen cái gì dân làm được từ hột gạo, con cá đến bãi phân. Dân
cứ phải đầu môi chót lưỡi câu thiều: “Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính phủ”.
Nay đến thời tiền gia nhập WTO, Nhà cầm quyền còn phải chứng minh có ai
rửa tiền cho ai không?. Một khi những khẩu hiệu mang tính hù doạ dân
lành như: “Có dịch! Có vi-rút! Phải cấm nuôi con này, phải chuyễn nuôi
con khác! Phải giết con này để cứu con kia! Phải chống dịch! Phải
vắc-xin! Phải phun! Phải xịt! Phải khẩu trang! Phải v.v…” phát ra từ cấp
cầm quyền, thì dân lành khốn đốn mất tiền, mất vốn, mất sinh kế, có khi
mất cả mạng, còn giới tài phiệt kinh doanh vắc xin, thuốc men, thiết
bị, con giống v.v… thì tha hồ hốt bạc. Vấn đề này tôi có đóng góp xây
dựng Đại hội Đảng CSVN khóa 10 vì dư luận về ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch
Tp HCM là thiếu đức và thiếu cả tài, ngoài thiếu hiểu biết dịch, đại
dịch, còn vướng vào Đất đai, lãnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, còn
cấu kết với bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Du lịch VN, vay tiền nước
ngoài, phá rừng ngập mặn Cần Giờ, mở rộng con đường Rừng Sác, từ 2 làn
xe lên 6 làn xe, hình thành một xa lộ thênh thang, không biết phục vụ
cho ai? giữa Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, dân cư thưa thớt?! Khu Dự
trữ Sinh quyển này được MAB và UNESCO công nhận lần đầu tiên ở Việt Nam
từ năm 2000. Bất chấp dư luận chê trách Quản lý nhà nước ở Tp. HCM, ông
chủ tịch Lê Thanh Hải được vào Bộ Chính trị. Thủ tướng Phan Văn Khải há
chẳng có trách nhiệm gì trong việc đề bạt cán bộ cầm quyền cao cấp mà bị
tố cáo, thưa kiện quá nhiều?
Cứ mỗi lần, có một vụ thưa kiện nát
nước ở các cấp không xong, Thủ tướng lập Tổ Công tác Chính phủ để thanh
tra, Tổ thanh tra quậy cặn cáo nổi lên, ai là người gạn đục khơi trong –
không có - xử đập dập theo kiểu cứt trâu để lâu hóa bùn – Ai chịu? –
Dân không bằng lòng thì Thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Từ khi Đất đai
(vấn đề cốt từ của cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ) trở thành hàng hóa
thì bộ máy cầm quyền của Thủ Tướng đã không làm gì được ngoài việc thao
túng cho lớp cường hào ác bá mới áp bức, bóc lột nhân dân, đẩy nhân dân
vào con đường cùng.
Không biết rồi sẽ xảy ra đổ máu và bạo loạn ngày nào!!?
Bởi Thủ tướng Phan Văn Khải sắp rời ghế
Nguyên thủ Quốc gia mà không có trách nhiệm gì về lòng tin của Dân đối
với Nhà cầm quyền do ĐCSVN lãnh đạo, đau đớn thay, đang bị lung lay tận
gốc rễ, (mà Thủ tướng và bộ máy vẫn cứ điềm nhiên tọa thị, không chút
xót xa cho bao máu xương, bao tuổi trẻ lớp lớp trải đường cho vị trí cầm
quyền của Đảng], trên nguyên tắc: “công chức chỉ được làm những gì luật
pháp cho phép còn dân thì được làm tất cả những gì luật pháp không
cấm”, tôi phải khởi kiện ông Phan Văn Khải, Thủ tướng nước CHXH CNVN
trước Tòa án Lương Tri Tối cao thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày
bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng Quận 4, Sài Gòn.
Hôm nay, ngày 5 tháng 6 năm 2006, (ngày
Tp làm lễ sự kiện bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng) với
tư cách công nhân của nước CHXH tôi xin gởi Đơn KHỞI KIỆN ông Phan Văn
Khải, đứng đầu Hành pháp hai nhiệm kỳ liên tục đến nay, 2006, ông phải
nghỉ mà để lại một guồng máy cầm quyền vận hành bởi những “ người công
chức” thương dân thì ít mà hành dân thì nhiều. (Người dân cay đắng lắm
thay!).
Rất mong được sự quan tâm giải quyết
của quý vị nhận đơn. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Luật pháp
về tính trung thực của lòng tôi về sự Khởi kiện và tôi sẵn sang cung cấp
nhân chứng khi có yêu cầu.
Nguyên đơn
(Đã Ký)
Thiều Thị Tạo
513C (Số Mới 44 - đường 11)
Khu Phố 4 - Phường An Phú - Quận 2 – Sài Gòn
Tel: 84 – 08 – 7444220”.
Thứ ba, nhắc đến sự bất tài của Phan Văn Khải còn phải nhắc vụ PMU 18.
Đây là một trong số các vấn để nổi bật nhất trong thời kỳ Khải làm thủ
tướng chính là vụ PMU-18, là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng
trong Bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận
tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển
chính thức (ODA) cho Việt Nam, đã khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị
bắt giam… vai trò của Khải trong vụ án này là không thể tránh khỏi vì
khi làm thủ tướng thì ông ta đã ở đâu để cho bê bối ngay trong cơ quan
bộ? Có lẽ chỉ có Khải là biết rõ nhất.
V. Kết luận:
Với bản chất xuất phát từ một kẻ dính máu nhân dân từ trong CCRĐ thì
Phan Văn Khải đã đi trọn con đường quan lộ cộng sản của mình kèm với độc
tài, tham nhũng, bán nước và bất tài. Chính vì vậy chúng ta cần phải
xem xét tội trạng của Khải để sau này khi Việt Nam có độc lập và dân chủ
thực sự sẽ xét hỏi đến những tên như Khải. Chúng ta không hề mong đợi
sự trả thù đẫm máu như cộng sản. Nhưng công lý phải được thực thi nghiêm
minh với những kẻ bán nước hại dân như Phan Văn Khải.
28/09/2013
http://danlambaovn.blogspot.com
___________________________________________
___________________________________________
Chú thích:
(7) (Trích báo cáo về thủ tướng Phan Văn Khải của cơ quan an ninh đối ngoại Liên Bang Nga ngày 13/10/1997)
No comments:
Post a Comment