Thursday, October 20, 2016

TÀU VIỆT NAM THƯƠNG TÍN - THƠ THANH NAM

SƠN TRUNG * CON TÀU VIỆT NAM THƯƠNG TÍN

 http://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2012/03/tau_viet_nam_thuong_tin.jpg?w=300&h=219

 CÂU CHUYỆN CON TÀU 
VIỆT NAM THƯƠNG TÍN
SƠN TRUNG 

 Câu  chuyện con tàu Việt Nam thương tín
Trở về từ đảo Guam
Là chân dung lịch sử Việt Nam
Từ đầu đến cuối
Là một kịch bản đầy bi và hài...
Cho những ai
Còn tin theo cộng sản...
Tin theo bè lũ cuội...
Bè lũ nói dối...

Những người đã vượt trùng dương
Đã đến cửa thiên đường
Lại nghe lời cộng sản
Kêu gọi tình  yêu quê hương
Kêu gọi lòng yêu Tổ quốc
Trở về với nước nhà độc lập
Trở về với tự do
Trong thiên đường đỏ..
Của bác Hồ
Của Trung Quốc và Liên Xô...

Đâu có ai bắt họ lên tàu
Đâu có ai buộc họ từ giã quê hương
Đâu có ai bắt họ lìa xa mẹ già
Lìa xa con thơ
Lìa xa người vợ trẻ

Trong giây phút bàng hoàng
Mặt trận tan vỡ
Họ chạy theo làn sóng 
của những nạn nhân cộng sản
Từ Bắc vào Nam
Từ cổ thành Quảng Trị
Từ mậu thân Huế
Từ Ban Mê Thuột- Nha Trang
Từ An Lộc Bình Dã
Từ Pleiku- Phan Rang

Nhưng khi lên tàu
Họ nghe lời cộng sản dụ dỗ
Họ đòi trở về
Để sống với quê hương
Và tình thương
của mẹ già, vợ trẻ
Và quê hương 
... chùm khế ngọt

Họ tranh đấu với sĩ quan Việt Nam trên tàu
Họ cho họ là yêu nước
Yêu quê hương
Và họ đã mãn nguyện
 Người Mỹ đã cho họ trở về
Vì thế giới này tôn trọng tự do
Không ai bắt buộc họ phải sống trong đau khổ 

Người  ta đã để cho họ trở về với Bác Hồ
Với cờ đỏ
Với kiếp nông nô
Mà những người khôn ngoan đã sớm từ bỏ...
 Và những người ngu dại  đã từng hoan hô Hồ Chí Minh
và theo lũ quỷ hôi tanh
Trong Mặt trận Giải Phóng
Cũng giã từ thiên đường đỏ
Như Trương Như Tảng
Trần Thúc Linh
Đoàn Văn Toại
Châu Tâm Luân
Nguyễn Văn Hảo
Lê Văn Hảo
Họ đã trở về
Họ được đảng hoan hô
Và sau đó
Họ được vào các lao tù
Để nghiền ngẫm hai chữ tự do


Hỡi những con người khốn khổ
Họ đã về quê hương độc lập 
Vì họ ước mơ
Về đây mặc áo the đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe gọi tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỗ bờ



Nhưng khi họ trở về
Họ có trở lại mái nhà xưa?
Họ có ôm hôn bà mẹ già?
Họ có bồng đứa con thơ?
Họ có nghe người vợ trẻ hát "ầu ơ"?

Một năm, hai ba năm trôi qua
Chín, tám, mười, mười hai năm lao tù
Có người  đầu thai ở Thái Nguyên
Có người  tình nguyện làm quỷ  Pac Bó
Có người ở  lại 
Với nắm xương khô
Ở Cổng Trời
Để suy nghĩ cuộc đời khôn dại.
Có người được Mỹ rộng lòng cho định cư
Họ sang Mỹ làm gì?
Họ là những kẻ ngu si
Hay là  những tên gian trá?

Ngàn năm mây bay
Chuyện đời mấy ai hay
Chuyện con tàu Việt Nam Thương Tín
 Mấy ai còn nhớ mãi
Để gẫm suy cuộc đời khôn dại!
Nhưng bọn gian ác
Vẫn lừa gạt hằng ngày
Và con người vẫn thơ ngây
Chui vào lưới bẫy!

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN * THƠ THANH NAM

30 Tháng Tư - Ðọc lại tập thơ ÐẤT KHÁCH của Thanh Nam

Nguyễn Ðình Toàn

Trong tập thơ “Ðất Khách” của Thanh Nam, Thái Thủy cho mượn để đọc, còn có thêm một lá thư viết tay của Tử Vi Lang được chụp lại, một trang rời in ba bài thơ tứ tuyệt của Thanh Nam, một đề tặng Vũ Quang Ninh, một đề tặng Trần Cao Lĩnh, và một chỉ thấy ghi ở bên dưới Tháng Sáu 1984.

Bài thơ đề tặng Vũ Quang Ninh có tên là “Mười Năm”:


Chớp mắt mười năm gặp lại nhau
Ngậm ngùi tóc bạc ngó lòng đau
Nụ cười như muốn tan thành lê
Trong mắt ân tình rộn biển dâu

Bài “gởi” Trần Cao Lĩnh là “Lời Xa”:

Rượu tiễn chưa trao lời giã biệt
Tháng giêng theo tuyết bạn xa rồi
Gió đưa khăn gói thành ly khách
Có gặp hồn quê giữa xứ người?

Và bài “Phố Cũ” như sau:

Nhận thư bè bạn từ quê nhà
Dò đọc tên đường thấy xót xa
Ôi, đã nghìn thu vào tịch mịch
Những anh hùng cũ, mỹ nhân xưa!

Những trang viết của Tử Vi Lang, không thấy ghi tên người nhận, nên không biết gửi cho ai, nhưng đọc tưởng chừng thấy thời gian ngừng lại:

Nhà văn Thanh Nam trút hơi thở cuối cùng tại Seatle, tiểu bang Washington, lúc 07 giờ tối ngày 02 Tháng Sáu năm 1985, thì qua hôm sau, tôi tiếp cú điện thoại của anh Vũ Ðức Vinh gọi xuống Los Angeles, báo tin buồn ấy, và hỏi rằng:

- Hội Văn Hóa Việt Nam tiểu bang Washington chúng tôi muốn đăng một ai-cáo lên các báo, để cho các văn nghệ sĩ, ký giả và bằng hữu tại hải ngoại cũng như ở nước nhà biết tin. Vậy, chữ ‘Cáo Phó’chỉ dành riêng cho gia đình anh Thanh Nam dùng, thì Hội Văn Hóa chúng tôi dùng chữ ‘Khấp Báo’ có được chăng?

Trong phút xúc động, tôi trả lời ngay:

- Ðược lắm chứ! Chữ ‘khấp’ không có nghĩa là khóc thành tiếng, mà ‘khấp’chỉ là ‘ứa lệ’ khóc thầm. Anh thử nghĩ xem: Tại sao trời đất lại sinh chúng ta vào cái thế kỷ mà quốc gia dân tộc phải chịu nhiều đau thương tang tóc nhất lịch sử này? Có thể nói: Ða số chúng ta, chỉ vì quốc nạn mà trở thành kẻ cầm bút viết báo, viết văn. Thế rồi cuộc bể dâu hồng thủy đã khiến chúng ta phiêu dạt khỏi quê hương yêu dấu! Và trong khi các anh đang họp mặt, nắm tay nhau ở Seatle, cảm thán hiện cảnh, thắc mắc tương lai... thì Thanh Nam nằm xuống, vĩnh viễn ra đi! Như thế, các anh - và cả tôi ở đây nữa - không ‘ứa lệ’ sao được?

Dứt cuộc điện đàm với anh Vũ Ðức Vinh, tôi cầm bút thảo ngay bài thơ cảm thán này để đăng báo, gọi là ghi chút tình đồng nghiệp với Thanh Nam...



VĂN THANH NAM THỆ THẾ

Vô đoan thiên địa ngẫu sinh ngô
Dữ nhĩ đồng kham khứ-quốc-sầu
Dị địa khả lân vô nhất kiến
Hoa-bang hàn vũ tống cô chu

Tử Vi Lang tự dịch bài thơ của mình như sau:

Nghĩa gì, trời đất sinh ta?
Chung sầu khứ quốc, chốc đà mười xuân
Tha hương chẳng gặp một lần
Bang Hoa mưa lạnh đưa hồn hoài hương

Tập thơ “Ðất Khách” của Thanh Nam đã được in ra cách đây đã hơn hai chục năm.

Thanh Nam đã qua đời chỉ hai năm sau khi “Ðất Khách” được xuất bản.
Sách in khổ lớn, bìa và phụ bản bên trong là tranh và ảnh rất đẹp của Duy Thanh, Ngọc Dũng, Trần Cao Lĩnh.
Thanh Nam sang Hoa Kỳ năm 1975, tổng cộng cho đến nay đã gần ba chục năm.
Ba chục năm nơi đát khách dài hay ngắn?
Rất nhiều chuyện đã rơi vào lãng quên.

Nhưng cũng có rất nhiều chuyện người ta không thể nào quên được trong khoảng thời gian ấy, chuyện kẻ ở người đi, kẻ còn người mất, tang thương biến đổi, xa nhau khi tóc còn xanh, gặp lại mái đầu đã trắng cả... Lại còn những người một lần chia tay cũng là vĩnh biệt, chẳng còn bao giờ nhìn lại thấy nhau nữa!

Ðối với một số bằng hữu, một số độc giả của ông, Thanh Nam ở trong trường hợp như vậy.
Những người đến muộn trên miền đất Thanh Nam gọi là “tạm dung” này, cầm cuốn sách trong tay, chợt cảm nhận một nỗi buồn mênh mang.

Cuốn sách có thật.
Những dòng chữ trên giấy trắng, mực đen là có thật.
Nhưng cầm nó trong tay, người ta tưởng chừng chỉ đang cầm giữ một cái ảo. Ba mươi năm tóa tang, lụt lội nước mắt, hay dùng chữ của chính Thanh Nam “ phí bao nhiêu tóc xanh đợi chờ”, rút cục cũng chẵn biết đợi chờ cái gì, quên hay nhớ thì tất cả mọi chuyện cũng đã tan vào hư không rồi, không níu lại được gì nữa, không sửa chữa gì được nữa.

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá tự do

Thanh Nam đã ghi lên trang đầu tập thơ của mình hai câu thơ ấy.

Lấy lòng của người ở lại để hiểu lấy nỗi đau của người đi được chăng?
Hiểu được hay không hiểu được, rồi sao?
“Ðất Khách” của Thanh Nam tràn ngập một nỗi ngậm ngùi của thân lữ thứ, nhớ nước, nhớ người.

Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đăng tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta tròn năm dài Một Tháng Tư!

Trước 1954, ở Hà Nội, người ta đọc “Cuộc Ðời Một Thiếu Nữ” của Thanh Nam, “Nhìn Xuống“của Sao Mai, “Cánh Hoa Trước Gió” của Nguyễn Minh Lang, “Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu“của Hoàng Công Khanh... Năm đó Thanh Nam còn rất trẻ, mới chỉ trên dưới hai mươi.
Ông nổi tiếng rất sớm.

Thanh Nam bỏ Hà Nội vào Nam trước khi xảy ra hiệp định Geneve, nên ông có dịp làm quen và chơi thân với hầu hết các nhà văn, miền Nam, nhất là những người làm việc trực tiếp tại các tòa báo.
Khi được tin Lê Xuyên mất mới đây, hầu hết những người quen biết Thanh Nam đều liên tưởng tới ông và những ngày Sài Gòn cũ là vì vậy.

Cuộc lưu vong 30 Tháng Tư 1975 Thanh Nam coi như là:

Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Ðành cho giông bão phũ phàng đưa
Ðầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Ðổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ

Có thể lấy cái buồn của người ở lại để hiểu nỗi khắc khoải của người ra đi và ngược lại chăng?
Giả thử rằng được, giả thử rằng không, rồi sao?
Mọi sự có gì khác với những gì đã xảy ra?
Hai mươi chín năm rồi ba mươi năm.
Những ai, còn ai mất?

“Ðất nước” người ta có trở về được cũng vẫn chỉ là những cuộc viếng thăm.
Những người “cùng một lứa bên trời lận đận” còn lại bao nhiêu ngày à còn có thể làm được gì nữa đây?

Ngoài trên một chục cuốn tiểu thuyết, Thanh Nam còn viết kịch thơ, làm rất nhiều thơ, viết lời ca cho nhiều ca khúc của các nhạc sĩ bằng hữu, từng phụ trách biên tập nhiều tuần san văn nghệ, biên tập cho nhiều chương trình phát thanh.

Ông sống đôn hậu với tất cả bạn bè và được mọi người yêu mến.

Ở Hoa Kỳ mới vào Xuân. Tết Việt Nam qua đã khá lâu rồi, có còn cũng chỉ còn cái rét Tháng Ba. Liệu có đủ lạnh để ta cùng nghe lại “Thơ Xuân Ðất Khách” của Thanh Nam không nhỉ:

Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn đánh phải đàn thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!
Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ
Ðứa nuôi thù hận, đứa phong ba
Ðứa nằm yên phận vui êm ấm
Ðứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa
Mây nước có phen còn hội ngô
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Ðối bóng mình ta say với ta

Ðọc thơ mới giật mình: Thanh Nam mất mới ở tuổi năm mươi. Còn quá trẻ!
Thế nhưng, có biết bao người như ông, có thể coi như đời đã mất từ nhiều năm trước đó, đứt ngang trước đó.

Bao giờ Tháng Tư sẽ không còn là viết thương của lịch sử chúng ta nữa nhỉ?

Nguyễn Ðình Toàn
Saturday, April 24, 2004

http://www.dactrung.com/Bai-bv-1152-30_Thang_Tu_%C3%90oc_lai_tap_tho_%C3%90aT_KHaCH_cua_Thanh_Nam.aspx 

THANH NAM * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG

 




Thơ Xuân Đất Khách

: Thanh Nam






Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách
Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi giạt từ đông sang cõi bắc
Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữ sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bời
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa .

Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một Tháng Tư !
Chấp nhận hai đời trong một kiếp
Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế
Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Học làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
Thân phận không bằng đứa mãng phu
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do !
Bằng hữu qua đây dăm bẩy kẻ
Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui êm ấm
Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa .

Mây nước có phen còn hội ngộ
Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục
Đối bóng mình ta say với ta .

Seattle, mùa xuân 1977 .

 

 Tà Dương Cuối Trời
  Thanh Nam






(1983)

Chín năm đón Tết quê người
Vẫn ta ở tạm, vẫn đời ghé qua
Chín năm thương tuổi thêm già
Cành Xuân đã ngã qua bờ Thu Đông
Thấy mình như có như không
Xót xa cơm áo, bềnh bồng thê nhi
Đấu trường bốn mặt hôn mê
Dấu chân xa mãi nẻi về quê hương
Lửa nào rực sáng mười phương
Xua giùm ta bóng đêm trường cô đơn ...

Chín năm lạ bến xa nguồn
Nỗi phai tâm ý, nỗi mòn xác thân
Sóng đời tiếng bạc phân vân
Ngẩn ngơ tiếng mất, băn khoăn tiếng còn
Cõi xưa mộng ngủ rêu buồn
Dăm trang sách cũ, một hồn tang thương
Mịt mùng dáng khói hình sương
Đã như hiện nét tà dương cuối trời
Sài gòn ơi, thủ đô ơi
Theo ta chung thủy nghìn nơi lưu đày
Chín năm, ôi tiếng than dài
Rợn trong hơi thở, vang ngoài biển Đông ..

 MƯỜI NĂM
Tặng Vũ Quang Ninh

 Chớp mắt mười năm gặp lại nhau
Ngậm ngùi tóc bạc ngó lòng đau
Nụ cười như muốn tan thành lê
Trong mắt ân tình rộn biển dâu

Tháng Sáu 1984.

  LỜI XA

Gởi” Trần Cao Lĩnh

Rượu tiễn chưa trao lời giã biệt
Tháng giêng theo tuyết bạn xa rồi
Gió đưa khăn gói thành ly khách
Có gặp hồn quê giữa xứ người?

 Tháng Sáu 1984.

PHỐ CŨ


Nhận thư bè bạn từ quê nhà
Dò đọc tên đường thấy xót xa
Ôi, đã nghìn thu vào tịch mịch
Những anh hùng cũ, mỹ nhân xưa!

 Tháng Sáu 1984.


ĐẤT KHÁCH 

 Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
Rối bời tâm sự tuyết đăng tơ
Một năm người có mười hai tháng
Ta tròn năm dài Một Tháng Tư!



 

TRẦN TRUNG ĐẠO * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG

Chuyện Đời Mẹ

Trần Trung Đạo


Con chẳng về đâu dù mưa hay nắng
Sông Thu Bồn trăng tháng bảy còn in
Mười năm trời con làm mây viễn xứ
Mười năm dài biền biệt dấu chân chim

Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa

Ngày mẹ chết con nằm trong máng cỏ
Có hay đâu mây kéo một phương trời
Cha vấn cho con một vành tang nhỏ
Con mang đi, đi suốt phận con người

Từ mẹ chết cha một đời góa bụa
Sống âm thầm trong mái lá tường xiêu
Xin cho con bú từng hơi sữa lạ
Giọt mồ hôi nhỏ xuống chén cơm chiều

Những đêm mưa con nằm nghe cha kể
Chuyện đời cha dài như một giòng sông
Mẹ có đẹp? Cha nhìn xa không nói
Nhưng con nghe dao cắt ở trong lòng

Chuyện cha mẹ gặp nhau không cưới hỏi
Buổi giao thời xiêu lạc cả bà con
Rượu tân hôn cha thay bằng nước vối
Dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng
Và phương ấy bao mùa mưa sẽ đến
Nấm mồ hoang hương khói lạnh từ đây
Cầu xin mẹ bình yên qua chín cõi
Trên dương gian con nối cuộc lưu đày

 
Anh Bộ Đội Thương Binh Tôi Gặp

 Cuối năm tám mươi
Có một lần tôi đi ngang bệnh viện Vì Dân
Nghe đâu đã đổi tên là Thống Nhất
Anh bộ đội thương binh
Ngồi dưới hiên
Nghêu ngao hát
Khuôn mặt gầy tuổi mới quá hai mươi
Giọng anh buồn đôi mắt ngắm xa xôi
Anh đang hát về quê hương miền Bắc
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh
Anh rất tự nhiên xích người nhường chỗ
Tôi khen anh hát rất hay
Anh mỉm cười
Nụ cười sao hồn nhiên chất phác
Tôi rút mời anh điếu thuốc
Anh lấy trong người cái hộp quẹt Zippo

Tôi bỗng bật cười to:

- Thế anh cũng thích xài đồ Mỹ ngụy

Anh điềm nhiên trả lời:

- Ðây chỉ là kỷ niệm
Của thằng bạn thân đã chết ở Bình Long

Không hẹn hò chúng tôi bỗng thấy thân
Ánh mắt bao dung
Nụ cười tuổi trẻ
Hết điếu nầy chúng tôi mồi điếu khác
Khói thuốc mịt mù quanh chỗ chúng tôi

- Anh đi bộ đội bao lâu ?
- Từ khi mười bẩy tuổi
- Thế anh bỏ học sao ?
- Họ bảo đã có người khác lo việc đấy
Bổn phận tôi là giải phóng miền Nam
Tôi thật tình chẳng hiểu tại sao
Nhưng không thể làm gì hơn được

- Bố mẹ anh vẫn còn ngoài Bắc ?
- Tôi là đứa con duy nhất
Vào Nam không lâu thì nghe tin bố mất
Mẹ tôi vẫn còn đang sống với bà con

- Anh thế nào cũng phải về thăm ?
- Tôi mãi chần chừ cũng đã mấy năm
Chỉ vì tôi không muốn làm mẹ tôi đau khổ

Anh cúi xuống nhìn đôi chân gỗ
Mắt rưng rưng không nói thêm lời
Ngoài hiên mưa bắt đầu rơi
Rơi thấm ướt lòng chúng tôi đêm ấy

Tôi cầm lấy tay anh
Ðôi bàn tay lạnh giá
Mắt nhìn nhau như đã nói nghìn câu
Tôi thấy trong vô cùng hun hút đêm sâu
Chảy trong chúng tôi chung một dòng máu đỏ
Ðời chúng tôi đời những đứa con hoang
Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ

Anh vỗ nhẹ vai tôi
Rồi khệnh khạng trở về bệnh viện
Tôi ngậm ngùi không thể nói thêm chi
Vì mai nầy tôi cũng sẽ ra đi
Ðến một nơi tôi chưa hề nghĩ đến

Năm tháng vẫn trôi đi
Dòng đời tôi lạc bến
Nhưng trong lòng khói thuốc chẳng hề tan.
 Bà Mẹ Điên
: Trần Trung Đạo





Có lần tôi đi ngang
Qua vỉa hè Ðồng Khởi
Một bà ôm chiếc gối
Ðứng hát như người say
Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây
Người biết chuyện cho hay
Chồng bà đưa ra Bắc
Từ khi con trai mất
Bà trở thành người điên
Nhà bà là mái hiên
Tấm vải dầu che nắng
Sớm chiều khoai với sắn
Heo hút với bầy con
Bà ngày một héo hon
Bỏ vùng kinh tế mới
Về Sài Gòn chen lấn
Giữa cuộc đời đắng cay
Ðứa con út ốm đau
Vẫn hằng đêm đòi sữa
Chẳng còn gì bán nữa
Ngoài giọt máu mẹ cha
Khi trời vừa sáng ra
Bà lại lên Chợ Rẫy
Lần nầy lần thứ mấy
Bà bán máu nuôi con
Trên đường về đi ngang
Ghé cửa hàng mua sữa
Bà gục người trước cửa
Suốt đêm mà không hay
Ðứa con út đang đau
Chờ mẹ về chưa tới
Qua đời trong cơn đói
Thiếu cả một vòng tay
Khi bà về tới nơi
Thì con mình đã chết
Bà ôm con lạnh ngắt
Ðứng hát như người say
Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây
Ðêm qua tôi nằm mơ
Thấy mình ôm chiếc gối
Ðứng trên đường Ðồng Khởi
Và hát như người điên.
 
 Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng
: Trần Trung Đạo






Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng
Mười năm dài mộ mẹ chẳng ai trông
Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng
Ðất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ

Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện

Còn chăng nhỉ những con đường kỷ niệm
Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu
Tóc chưa xanh mà đã vội hoen màu
Thời ly loạn tìm nhau trong ký ức

Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp
Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng
Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm
Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước

Ðường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước
Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau
Ðình Cẩm Phô, Khu Khổng Miếu, Chùa Cầu
Tên nghe lạ nhưng vô cùng tha thiết

Cho tôi ghé bến xe đò Nam Phước
Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi
Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì
Nghìn năm để mây buồn vương trong mắt

Bao giờ nhỉ tôi về thăm Núi Quế
Ðứng bên cầu Chợ Ðụn nước trôi xuôi
Mùa sim lên tím rực cả lưng đồi
Hương ngây ngất tôi mộng thành thi sĩ

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tầm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ

Trái tim tôi có một dòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sông Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòn bon Ðại Lộc

Bao giờ nhỉ tôi trở về Ðà Nẵng
Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn
Bến Bạch Ðằng còn những chuyến đò ngang
Ngày hai buổi nối cầu qua An Hải

Em Trường Nữ có bao giờ trở lại
Thả tơ tình trêu chọc đám con trai
Ðường Hùng Vương thuở ấy rất là dài
Sao quá ngắn trong những chiều chung bước

Mây có trắng trên đỉnh chùa Non Nước
Mưa có buồn giăng kín núi Tiên Sa
Về chưa em sương phủ xuống Sơn Chà
Còn chăng nhỉ dấu chân tình trên cát

Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát
Bài ca buồn tiếng quốc vọng đêm khuya
Quảng Nam ơi khúc ruột đã chia lìa
Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước

Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước
Ðời lưu vong chưa hẹn buổi quay về
Câu hỏi nầy chỉ hỏi để tôi nghe
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng.
 
 

Bao Lần Tự Dối Lòng

 Trần Trung Đạo






Khuya giật mình thức giấc
Thấy mình nằm co ro
Đưa bàn tay chải tóc
Biết là còn tự do

Nhìn ra ngoài cửa sổ
Đất trời rộng muôn phương
Nghìn ngôi sao lấp lánh
Ngôi nào là quê hương

Lôi ra tờ báo củ
Bi hài kịch Việt Nam
Hoan hô và đả đảo
Kẻ khóc ngươì cười khan

Đã bao lần tự dối
Phú quí như phù vân
Công danh là mộng ảo
Tình như chuyến đò ngang

Đã bao lần tự dối
Chí lớn nhưng thời không
Nên gươm thề buổi ấy
Lỡ hen cùng núi sông

Đời trôi theo năm tháng
Mộng vỡ trên bàn tay
Còn ai là tri kỷ
Về cùng ta đêm nay

Mười năm trên đất khách
Mười năm dài long đong
Ngày đi hai tay trắng
Bây giờ hai tay không

Mười năm trên đất khách
Bao lần tự dối lòng
Gió sương rồi cũng mặc
Thổi đời ta lưu vong
 

Đêm Ngồi Nghe Tiếng Chim Trên Biển

 Trần Trung Đạo






Đêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Chợt nhớ ngày ra cửa Vũng Tàu
Một cánh chim chiều theo đưa tiễn
Vô tình ... cũng thấy xót xa đau

Đừng theo, chim nhỏ, đừng theo nữa
Rồi sẽ như ta lạc lối về
Ta như ngựa bỏ đời hoang dã
Quay nhìn mờ mịt dấu sơn khê

Từ nay cánh hạct vàng xa khuất
Chân trời kỷ niệm trắng mênh mông
Xung quanh chỉ một màu mây nước
Cách một trùng dương, vạn nỗi lòng

Bỗng dưng ta mộng làm mây trắng
Rót xuống quê hương những giọt sầu
Đêm nay mẹ có ngồi than khóc
Nước mắt xin làm mây trắng bay

Đêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Như tiếng thu xưa thổi lá vàng
Lòng ta mấy độ vàng như lá
Từ buổi xa người trên bến sông

Ở đây ta sống đời khinh bạc
Sớm tối đi về một cõi riêng
Cả một sơn hà ta nỡ bỏ
Sá gì chỉ một trái tim em ...
 
  
 

THÍCH QUẢNG ĐỘ * THƠ VONG QUỐC & LAO TÙ

 
ÁC MỘNG

Vào một đêm
trời không trăng sao
Bóng tối ngập tràn
Tôi bắt đầu cuộc hành trình từ đó
luân hồi mấy độ
lang thang khắp nẻo mịt mù
lần mò quờ quạng trong kiếp sống phù du
Không gian tôi thở toàn mùi tử khí
Chặng đường tôi đi xương trắng ngổn ngang
những vũng máu từ nghìn xưa còn đọng lại
bên những thành quách hoang tàn
chắc hẳn nơi đây là chiến địa
Nơi đây là trần gian
Rồi băng qua một miền đất lạnh
bát ngát mênh mông
gió thổi vù vù
Tôi thấy những nấm mồ nằm la liệt
giữa những đám cỏ úa vàng
đìu hiu quạnh quẽ
Và qua đốm lửa lập lòe
trên những tấm bia tôi nhìn rõ
từ các đế vương đến những người cùng khổ
tất cả chỉ còn lại nắm xương tàn
chắc hẳn nơi đây là nghĩa địa
Nơi đây là trần gian
Tiếp tục cuộc hành trình
tôi đi sâu vào một vùng u tịch
tường cao cửa kín
bóng tối dày đặc đượm mùi hôi tanh
Những dãy nhà màu xám chìm trong im lặng
và dưới ánh đèn ma trơi
tôi nhìn ra những cảnh tượng hãi hùng
tôi thấy những người mà không ra người
nhưng giống đười ươi
nằm trong gông cùm xiềng xích cũi sắt kẹp kìm
Trên tường
tôi thấy những vết máu đào loang lổ
trông như những con vật không đầu
hay những hình thù ma quái
mặt ngựa đầu trâu
phồng mang trợn mắt
Như muốn ăn tươi nuốt sống khách bàng quan
và từ đâu đây vọng lại
Tiếng kêu cứu thất thanh
tiếng rên la quằn quại
và những tiếng kêu “oan”
chắc hẳn nơi đây là địa ngục
Nơi đây là trần gian
Tôi bàng hoàng sực tỉnh
cơn ác mộng vừa tàn
nhìn ra ngoài
Đầy trời trăng sao
và vui mừng
Tôi reo lên
Ôi trần gian sáng đẹp biết bao!
Ôi trần gian sáng đẹp biết bao!


MƠ ƯỚC NGÀY VỀ

Ngày trở về
đường tôi đi thênh thang rộng mở
ánh nắng chan hòa
mùa xuân tươi sáng
và đầy vườn hoa nở chim ca
gió thổi vi vu nghìn khúc nhạc hòa
qua những hàng cây sum suê trải dài bóng mát
thoang thoảng không gian một mùi thơm ngát
của hương trời lá thắm cỏ non
khắp nẻo đường tôi đi
những tà áo xinh tươi vờn theo ngọn gió
dưới nắng vàng
cành liễu thướt tha
tiếng cười vui vang lên từ khắp mọi nhà
hòa lẫn tiếng trẻ thơ ê a tập hát
mọi người nhìn nhau qua ánh mắt
của tình người
của trìu mến thiết tha
sau hàng phượng vĩ
dưới mái trường xưa
thầy trò hoan ca mở hội
thôi hết rồi những năm dài tăm tối
sống đọa đày tủi nhục lầm than
những năm dài áp bức bạo tàn
đã vĩnh viễn chôn vùi trong dĩ vãng
Đất nước hôm nay muôn màu rực sáng
đời tự do hoa nở thắm tươi
hạnh phúc trên môi hé mở nụ cười
như chào đón một mùa xuân bất tận
thôi hết rồi những tháng năm thù hận
tình thương yêu mở lối tương lai
người với người
tay trong tay
cùng ước mơ xây dựng ngày mai
trong thanh bình ấm no hạnh phúc
cùng điểm tô non sông gấm vóc
sáng đẹp muôn đời tổ quốc Việt Nam!






ĐÊM MƯA NGHE TRẺ KHÓC (1)

Đêm khuya rồi
trời mưa gió lạnh
bé thơ ôi
hãy ngủ ngon đi
và đừng khóc nữa
bé biết không
tôi đang âm thầm đứng bên khung cửa
lắng nghe bé khóc trong mưa
và tự hỏi lòng mình
tại sao bé khóc
Nơi đây
bé đang nằm trong nhà tù của Việt nam anh hùng
quang vinh độc lập
bé được chào đời vào những ngày đầu của kỷ nguyên hạnh phúc ấm no
rồi mai này
bé sẽ là “cháu ngoan Bác Hồ”
Và được học những lời vàng ngọc
“không có gì quý hơn độc lập tự do”
Bé biết không
đó là niềm vinh dự rất to
mà hôm nay - vì còn thơ ngây
bé chưa hiểu nổi
niềm vinh hạnh ấy sẽ to gấp bội
khi bé lớn lên tới tuổi thành niên
cùng với hàng vạn bạn trẻ đồng trang
bé sẽ được “đảng ta” đào tạo luyện rèn
để xứng đáng là thanh niên của thế hệ “Hồ chí minh” vĩ đại
rồi noi gương bác
bé sẽ không chối từ ngần ngại
hiến cả đời mình cho sự nghiệp “giải phóng loài người”
ôi ! vinh dự làm sao
và tự hào biết mấy
một sứ mệnh cao cả thiêng liêng
Thôi nhé
bé thơ ôi
đêm đã khuya lắm rồi
và vẫn còn mưa rơi
hãy ngủ cho ngon
đừng khóc nữa
tương lai của bé “tươi đẹp sáng ngời”

(1) Mẹ bé đi vượt biên bị bắt và sinh bé trong tù

TRỜI ĐÃ SÁNG


Vào một buổi chiều mưa
trời nhà tù buồn thảm
như ngày ba mươi tháng tư
năm bảy mươi lăm lịch sử qua rồi
bên cửa sắt xà lim tăm tối
tôi đứng nhìn những giọt mưa rơi
từ mái nhà đổ xuống
lênh láng chan hòa
trông như những giòng nước mắt
của muôn vạn người dân vô tội
đã chảy ra
khi trải qua một cuộc đổi đời
gió rít từng cơn
mưa tuôn càng lạnh
lòng trống lạnh bồi hồi
tôi nhìn quanh tôi
bốn bức tường dày đặc
bóng tối phủ đầy
rồi đưa mắt nhìn ra chân trời
tôi tìm trong tưởng tượng
một nơi trú ẩn sáng tươi
nhưng hoàn toàn mờ mịt
cũng như xà lim tăm tối của tôi
Miền Nam ơi !
tôi thầm gọi
đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
ngoài kia là miền Nam trong nhà tù rộng lớn
còn có nơi nào yên ổn
xin chỉ cho tôi ẩn trốn
hỡi miền Nam thương mến của tôi ơi !
Đêm xuống rồi và mưa đã ngừng rơi
sau hồi kiểng hiệu vang lên
toàn khu nhà chìm vào im lặng
im lặng như một nấm mồ hoang vắng
giữa miền cát trắng bao la
và nằm trong căn nhà mồ
tôi không thấy gì nữa cả
trừ những bóng ma
(vai mang khẩu súng AK)
Thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió (1)
Đêm khuya đã đưa tôi vào giấc ngủ
thời gian lặng lẽ
trôi theo định luật vô thường
và mơ màng
tôi nghe đâu đây tiếng chim hót véo von
tôi choàng dậy
ô kìa !
thì ra trời đã sáng
từ phương đông
vừng thái dương hiện lên chói rạng
mở đầu một ngày rực rỡ ánh hào quang

(1) trên tấm cửa sắt của xà lim, người ta để một cái lỗ nhỏ vừa bằng bàn tay để đưa thức ăn qua, gọi là cửa gió


                                                                                  

TRẦN HOÀI THƯ * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG

 
 Thơ về Huế

Trần Hoài Thư

Phải viết gì trên gói pall mall
trên đôi giày há mồm sờn đít
phải viết gì trên báng súng M.16
trên chiếc võng nylong làm khăn choàng cổ
phải viết gì cho lũ học trò
thầy kiếm miếng cơm nhà giàu nhà rộng
thầy khóc từng đêm mỏi mòn tương lai
dạy các em một bài chính tả
như giọng khô khan trên chiếc bảng đen
thầy tính tiền lời tiền lỗ
như buổi tối đạp xe qua cầu
gió lùa áo tơi thầy về thở dốc
phải viết gì cho một gia đình
cha làm đơn gửi bà dân biểu
xin phụ cấp từng miếng cơm
và từng bao xi măng bột mì viện trợ
cha làm đơn gửi bà dân biểu
xin cho con được ở gần gia đình
(thằng con hai lần bị thương cận thị rất
nặng)
Mẹ từ lâu trốn về miền xa
không biết mẹ còn nhìn mặt thằng con út
mẹ từ lâu khóc cảnh đoạn trường
như lời ru não nùng vào mưa mùa hạ
phải viết gì cho lũ bạn bè
khi tôi về qua trường đại học
khi tôi buồn lầm lũi trong mưa
mà ký ức nhòe đi hàng băng biểu ngữ
làm sao tôi gọi trong mưa
lời gọi to khi tôi về thăm Huế
buổi chiều đi giữa công viên
hàng cây dừa khô đen sùi rủ xuống
tôi lại thèm cúi xuống đất nhìn
những nấm mồ vô danh hiền hậu
làm sao tôi đi qua một quán cà phê
không khỏi thèm thuồng mùi vị
không khỏi buồn rầu dừng lại rất lâu
kêu tên từng người thân sơ năm cũ
tôi phải nói gì đây
một điều làm con tim giận dữ
như mỗi lần uống thêm một tí cà phê
thấy anh em mỗi người xa cách
trong mưa tháng mười cố đô lụt lội
tôi ngửa mặt tìm áng mây xanh
và dịu dàng tắm mùa ngâu rụng
phải nói gì đây
lũ bạn bè càng thêm xa cách
thằng từ miền Nam về đây trốn lính
thằng từ miền Bắc vào lại cụt chân
Thằng để râu uống hớp whisky
Mặt nóng bừng làm thơ vô sản
Phải viết gì trên gói pall mall
Tôi tự nhiên nhổ bãi nước miếng
Trên trời mây vẫn màu tang
Tôi đợi ngày trở về thật là yên ổn.
Trích từ : Tạp chí VĂN HỌC
SỐ 94 – NĂM THỨ BẨY - Ngày 1 tháng 10 năm 1969
 
Vào Giêng
Tôi ở bên ni trời viễn biệt
Em xa. Xa ngái tận phương trời
Ở đây tuyết trắng giăng mờ ngõ
Tháng giêng em và tôi hai nơi
Nơi quê nhà trời đã vào xuân
Em nơi nào, Sài Gòn, Qui Nhơn?
Tôi qua Nữu Ước trời không độ
Khuấy cốc cà phê đặc nỗi buồn
Em nơi nào, nắng có vàng không?
Cho tôi về thăm lại Ban Đông
Những đồi hoa tím, đồi sim tím
Tím theo từng cây số nhớ nhung
Em nơi nào, chim én về không?
Trời quê hương lúa trổ đòng đòng
Cho tôi nhớ lại mùa xuân cũ
Em đã theo đời tôi ruổi rong
Em nơi nào, hương sứ còn vương?
Tôi có người yêu đẹp lạ thường
Đêm tối miền cao trời thấp lại
Muôn sao trời cũng chụm yêu thương
Em nơi nào, rừng có lao xao?
Trời mù sương, bóng em gầy hao
Tôi đi để lại người em nhỏ
Giữa rừng hoa quì vàng chiêm bao
Xin em hãy lại căn nhà cũ
Giúp mẹ tôi lau màng nhện giăng
Cố thử xem giùm trong một xó
Đôi giày há mõm thuở thanh xuân
Xem thử trong giày còn hạt cát
Của những ngày tôi lội thăm em
Xem thử đế giày còn bẹt gót
Của những ngày gian khổ lênh đênh
Em nơi nào, ở nơi nào nhỉ
Trời đã giêng rồi, em biết không
Tôi qua Nữu Ước ngày không độ
Gọi cốc cà phê, lạnh nỗi lòng
Lạnh thêm nỗi nhớ trùng trùng
Tìm đâu hương cũ giữa dòng viễn khơi
Một nửa vầng ngọc lan
Em xa nhà. Tôi xa quê
Em bỏ đi, tôi cũng đi, chẳng về
Kể từ sông núi từ ly
Đá ê ẩm đá, người ê ẩm người
Em đi, thị trấn ngậm ngùi
Có con phố cũ nhớ người đèn chong
Em đi, buồn lại dòng sông
Bên này, buồn lại nửa vầng ngọc lan
May còn một nửa vầng trăng
Dỗ tôi soi bóng dặm ngàn ly hương 
 
Tình si
Cuối cùng anh cũng phải từ giã em
Uớc gì con đường qua nhà em là con đường vòng
Để anh được nhìn em một lần nữa
Tại sao em lại mời anh ly cà phê quá đen
Để anh phải nhớ em những đêm không ngủ ?
 
Cuối năm bên dòng Hudson
Trở lại dòng sông này mấy bận
Bên kia thành phố đã lên đèn
Cơn mưa nhoà nhạt hoàng hôn lạnh
Chiều cuối năm trời mau tối thêm

Mưa phủ trường giang không thấy bến
Nơi này, nơi ấy như hôm qua
Con sông vẫn một vùng sương khói
Vẫn buồn theo lau lách bờ xa

Sông vẫn hắt hiu con phà đậu
Vẫn bầy chim biển tiễn chiều đi
Sao sông không thấy con đò cũ
Chở người về bên nớ bên ni

Sông vẫn mênh mông và mênh mông
Đây là đâu hay dòng sông Hương
Thèm ơi, một chuyến phà năm cũ
Một chuyến phà chở hết quê hương

Thèm ơi một chuyến phà Thừa Phủ
Chở những người áo trắng qua sông
Có bao cô gái qua Đồng khánh
Để tôi còn đốt thuốc chờ mong

Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch
Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em
Nhà em bên ấy giòng sông nhỏ
Bông cải mùa xuân vàng rộ sân

ừ nhỉ, cuối năm nơi đất lạ
Mưa mênh mông và sông mênh mông
ừ nhỉ, hình như lòng rướm lạnh
Tiếng còi phà u uẩn hoàng hôn


Tiếng còi phà đã dục từ lâu
Phà ơi, phà ơi cho ta một góc
Ta sẽ đứng yên như người Từ Thức
Và cô đơn như cùng tận cô đơn
Như một người không có quê hương

TRẦN HOÀI THƯ
 

Ta Lính Miền Nam

Ta trở về, giáp mặt chiến tranh
Ðồi cháy lửa mặt trời nhuộm đỏ
Thau rượu đế mừng ta thằng lính sữa
Dzô ông thầy ! hữu sự có thằng em
Trung đội ta về, hai mươi mấy thằng con
Thằng trai miền Nam hề , sinh thời ly loạn
Ðứa gốc Kinh, đứa Nùng, đứa Thượng
Ðứa độc thân, đứa con vợ đề đùm
Ðứa gốc nhảy dù , đứa gốc đào binh
Ðứa ăn chay trường , đứa thèm thịt chó
Ta ra trường núi sông nghiêng ngửa
Tập chửi thề, gái , rượu, xung phong
Hàng trang ta là lựu đạn dao găm
Thêm tuổi trẻ ta già như quả đất
Thêm một trái tim ngự đầy Chúa Phật
Thêm một cõi lòng tràn ngập quê hương
Khi đánh nhau, thắng bại lẽ thường
Chỉ mong đàn con bình an vô sự
Chỉ mong trở về gặp nhau đụng rượu
Lỡ chết rồi hồn cũng thoát thành men
Ta cần gì giáp sắt che thân
Gánh gì đồ chiến tranh cho nặng
Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẩ~ng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Ðể thấy miền Nam lính hiền ghê gớm
Mấy năm trời giày da vẹt gót
Ngày lãnh lương về chợ dưỡng quân
Cám ơn những nàng má phấn môi son
Yêu ta vội vàng trước khi tiếp Mỹ
Con gái tiểu thư mơ toàn hoàng tử
Còn ai chia giùm ta con rận hành quân ?
Ta lính miền Nam hề, gốc nho phong
Không chiến tranh cũng thành đốc tờ,đốc tiếc
Thời thế đẩy đưa ta làm lính chiến
Mang nỗi buồn như rừng lá khai quang
Ta đứng giữa trời bốn phía rưng rưng
Em mười lăm đi làm đĩ Mỹ
Thằng nhỏ mười ba học đòi sát ngụy
Ma quỉ phương ngoài học xẻ Trường Sơn
Ðất nước ta , cường quốc bán buôn
Hậu phương ăn chơi biểu tình đảo chánh
Lúc đồng đội ta sống lên chết xuống
Một đám ở nhà nhảy nhót thâu đêm
Lãnh chúa ta thì ăn trước ngồi trên
Hùng hổ lắm nhưng mạt hèn cũng lắm ...
Khóa của ta
Trên mấy trăm thằng tình nguyện
Ði nhảy dù, thủy bộ, thám báo " ác ôn "
Ðứng đợi cả ngày để bốc lá thăm
Toàn thứ dữ mà vui như chợ tết
Có đứa mang bằng kỹ sư về nước
Chọn cọp ba đầu rằn làm lính tiền phong
Ta lính miền Nam hề,vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
một nơi nào hơn ở Việt Nam ?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam ?
Trần Hoài Thư
 
 

Saturday, April 20, 2013

CAO TẦN * TRANG THƠ VONG QUỐC LY HƯƠNG




Kẻ trở về

Thằng bạn đòi về trên tàu Thương Tín
Hoan hô Đảng và tranh đấu rất chì
Giờ được tin vùi thây Yên Bái
Thôi, còn chê trách nó mà chi.

Nó tưởng được về hôn con, ôm vợ
Bước rưng rưng trong những phố phường xưa
Ôm vợ, hôn con, ngắm trời đất cũ
Chỉ một lần thôi rồi tịch cũng vừa

Nhớ nó xưa chọc trời, xô núi
Thân nam nhi ngang dọc cõi bờ
Bỗng di tản ra thân lúi xúi
Trong trại xếp hàng chầu cơm như mơ

Trong trại sáng giật mình, hoảng hốt
Đêm bụng đầy nhóc rượu tìm quên
Gọi vợ trong mơ, nhắc con lúc thức
Nằm thì trằn trọc, đứng thì điên

Nó quyết đòi về trên tàu Thương Tín
Anh em xúm xít, khản cổ can hoài
Thằng bạn cười buồn, tác phong lính chiến:
“Thôi coi đời tao là con củ... khoai.”

Thấy nó lên tàu biết xong một kiếp
Nhưng hy vọng hão cứ nguyện như thường
Cầu nó bình an thấy con, thấy vợ.
“Yếu như thằng này chắc đất trời thương.”

Nó bước xuống tàu giữa rừng cán bộ
Về quê hương mà như lạc tinh cầu
Rồi trôi giạt trên nghìn dặm khổ
Rồi âm thầm đổ giữa rừng sâu.

Mày có linh thiêng qua đây tao cúng
Một chầu phim X một quả tắm hơi
Thiên đường mày hụt thì tao đang sống
Cũng ngất ngư đời như con củ khoai!

Tháng 2-77
                                                                                        
                                                                                          
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non...

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao...

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Tháng 3-77
                                                                         
                                                                       

Trên non cao

Ta biết nhà ông rầu thấy mồ
Thôi cuối tuần này theo ta lên núi
Lên thật cao nhìn xuống đời lô nhô
Rũ bớt bụi trần, quên thân múa rối

Hơn mười năm nhà ông bay trên cao
Mặt đất nâu xanh nằm ngoan dưới gót
Nhân loại tí teo xinh đẹp chừng nào
Nhân loại hiền từ như những con sâu

Những đêm đen tàu trôi qua thành phố
Cả đất trời nở triệu ánh sao xinh
Mặc những đấu tranh lọc lừa dưới đó
Nhìn từ cao nhân thế thật thanh bình

Đời khốn kiếp quăng tòm ông xuống đất
Bôi mặt nhà ông giống một tên hề
Tên hề giễu trong kịch đời luân lạc
Kịch như đời: nhạt nhẽo, lê thê.

Trên núi cao ta biết rành một chỗ
Có hòn đá xanh có gốc thông già
Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử
Hồn nhẹ tênh theo bướm lượn chiều tà

Hãy tựa gốc thông mà nhìn xuống thế
Tưởng hôm nào ngất ngưởng chín tầng mây
Còn thương mãi một nhân gian nhỏ bé
Có thể ôm tròn trong đôi cánh tay

Nhà ông khổ hơn người vì đôi cánh
Những thinh không bát ngát, những trời xa
Này cánh đại bàng nhớ chân trời thẳm
Thôi cuối tuần này lên núi cùng ta.

Tháng 11-77
                                                                                   

Mai mốt anh trở về

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Tháng 3-77
                                                                     
 Biển chiều

Chiều nay ra biển ngồi ngơ ngẩn
Nhúng hai giò trong nước Thái bình Dương
Để hơi ta giạt về bờ Ô Cấp
Chạm thân ái vào lưng đất mẹ tang thương

Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát
Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người
Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc
Thì xá gì thêm một chuyến ra khơi

Thở thật dài vào thinh không bát ngát
Theo gió về động lá cánh rừng xa
Này thằng lì còn chơi miền gió cát
Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta

Có thằng bạn nào tàn đời học tập
Cõng gông xiềng lê lết một thân đau
Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp
Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau.

Tháng 6–77
                                                                                        
 Chú nào nghe mái tôn mưa

Chú nào đi đường ta bình minh này
Có nhớ chào dân xóm ta dậy sớm
Có nghe thơm mùi bụi mới đầu ngày
Cùng lá hoa tươi mừng nắng lớn.

Chú nào trưa nay ngồi trên đồi ta
Thở gió thông khô quen từ kiếp trước
Đếm nắng hoa sao nở đầy trên hồ
Trưa thật tuyệt vời, đẹp hơn mơ ước

Chú nào ngồi hiên nhà ta chiều nay
Nghe mưa Sài gòn rạt rào thơm mát
Sau một ngày nắng loá chín tầng mây
Những mái tôn mưa cười ran hạnh phúc

Chú có biết yêu thương vài nụ hồng
Đã thắm tươi trên giàn che cổng gỗ
Những giọt trong veo từ cõi vô cùng
Vỗ rộn ràng vui trên từng lá nhỏ

Chú nào đêm nay kê đầu gối đó
Thở hương nồng hạnh phúc đẫm không gian
Có biết nói nghìn năm sau vẫn nhớ
Vẫn hai vai êm ấm mãi ơn nàng?

Tháng 12-77
                                                 
                                                                                  
Thư quê hương

Thư quê hương như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
Son phấn hân hoan phủ nghìn cay đắng
Mắt lệ đầy, miệng hát những lời vui...

Ta biết thư em vượt muôn cửa ải
Mắt sài lang soi nát cả linh hồn
Em chẳng được khóc cùng ta bằng chữ
Thì gửi chi dăm khẩu hiệu buồn nôn!

Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
(Nuôi một bầy con cuối đời vẫn lạnh)
Cho anh hôn ơn nặng một thời xa...

Anh muốn thở mùi nhọc nhằn nô lệ
Gửi cho anh manh áo rách con thơ
Con chào đời: ta rừng sâu lính trẻ
Ta non cao, con tập nói u ơ...
Giờ bước đầu đời chân non vấp ngã
Muốn nâng con… nào biết có bao giờ.

Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở...

Và gửi cho anh một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Để anh đọc: Mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấm áp gối chăn xưa...

Tháng 4–77
                                                                                          
                                                                                   
 Chốn tạm dung

Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực

Bắt đầu ngày bằng một chút vui
Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
Bài ca quen bỗng chợt quên lời
Chút kỷ niệm còm lại mất khơi khơi

Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa

Giang hồ một túi bài ca cũ
Hát nhảm cho qua nốt tuổi già
Qua những bình minh còn ngái ngủ
Còn như chưa lạc mất quê ta

Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Đã chán nhân gian ở cuối đường

Chiều về lên dốc thân tơi tả
Một quả hoàng hôn đỏ kín trời
Mình mới ngoi lên ngày đã ngả
Đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi

Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non

Tháng 5-77


                                                           
Kho tàng

Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên
Anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng

Hết chuyện chơi, một chiều đông lạnh cóng
Đè thằng em ra cướp túi coi chơi
Gác trọ rung rinh như thuyền biển động
Thằng em kêu như sắp sửa xong đời

Miệng túi mở kho tàng rơi tung tóe
Một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
Một đứa hét: “Vàng này thằng em bé
Không mại đi, mày tính để đem thờ?”

“Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
Ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
Còn cục này tàn đời ông cóc bán
Lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”

Một chiếc khăn tay cũ xì, cũ xịt
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
“Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?”
“Khăn vợ trao ngày khoác áo nhà binh”

Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ

Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
Cù Lần xấu hổ chửi như ca
Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
Hoá đem theo muôn vạn mảnh quê nhà

Cù lần dọa đêm nay đâm chết hết
Ôi, ví dầu chú mở được tim anh
Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
Với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh

Với danh thiếp những tên đường đã đổi
Những số nhà chớp mắt bỗng tang thương
Những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
Những tên đời tơi tả khắp quê hương

Tháng 10-77
                                                                     
Đóng tàu

Vách tàu dựng vút lên như núi
Một bãi mênh mông sắt thép trùng trùng
Hải âu lượn vòng, biển xanh phơi phới
Hồn dậy vu vơ một chút hào hùng

Tay búa tay kìm thấy đời chắc nịch
Sắt nâng hàng tấn linh hồn nhẹ tênh
Mặt mũi lấm lem che đời bí mật
Thần trí lang thang cuối bãi đầu ghềnh

Buổi trưa nghỉ nằm chơi trong thùng sắt
Ngửa cổ coi trời thấy đúng một khung vuông
A, khi không ta biến thành con ếch
Đáy giếng sâu mơ mộng rất khiêm nhường

Con ếch không tin đất trời nhỏ bé
Biết ngoài kia còn một cõi bao la
Lẩn thẩn nghĩ về chuyện đời dâu bể
Hay vơ vẩn chờ chút mây bay qua

Nhớ thơ Trường Anh thủa nào khoái đọc
(Ông Trường Anh có lạc đến phương này?)
“Tiền thân ta phải chăng là con cóc
Thơ nghiến răng trời chuyển bốn phương mây.”

Một năm nữa con tàu sẽ xuống nước
Tháng ngày nào mới đi qua Biển Đông?
Biển Đông giờ này bao thuyền hấp hối
Ôi con tàu đến trễ cả nghìn năm

Lòng bắt đầu mơ những điều huyền hoặc
Mơ con tàu cảm được những thương tâm
Nghe được tiếng đàn bà con trẻ khóc
Và xót xa như có một linh hồn

Tháng 11-82
              
 Cảm khái

Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai...

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh Đại Bàng...”
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ

Tháng 6–77
                                                                                   
Hát ngao trên tuyết

Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí
Múa tưng bừng vào thinh không giá băng

Khoái thay đời ta một đời quái đản
Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư
Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản
Một đời quê hương khét mùi súng đạn
Một đời xót xa bằng hữu lao tù

Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt
Đi dọc quê hương, đi vòng địa cầu
Đi thênh thang thở đồi cao gió mát
Đi ngất ngây thương lúa vàng, hương cau
Đi hội trùng phùng, đi chia tan tác
Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau
Đi sỏi đá mềm, bếp hồng trước mặt
Đi bùng bão biển, quê hương phía sau
Những bước thú hoang lạc rừng đất lạ
Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu

Sông không đầu đuôi sông màu đá cục
Dưới trên lẫn lộn, trời đất mang mang
Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc Cực
Một mình cười cùng thinh không giá băng

Khoái thay hồn ta một hồn dị thường
Khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp
Khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?
Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?

Tháng 2-78


No comm

No comments: