Ca trù trên đất cố đô
Nguyễn Xuân Diện

Huế không phải là cái nôi của ca trù, nhưng Huế đã từng vang lên tiếng hát ca trù ngay trong hoàng cung gác vàng điện ngọc, và thể thơ hát nói ca trù đã được các thi sĩ hoàng gia tìm đến như một lựa chọn để thể hiện tấm lòng “giãi tỏ với tri âm”.

Huế, miền đất thơ mộng của sông Hương núi Ngự, kinh đô của các vua triều Nguyễn đã từng là nơi diễn ra các khánh tiết, nghi lễ cung đình. Hồ sơ lưu trữ còn lưu giữ được các hình ảnh của đào kép của các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa vào kinh đô Huế chúc thọ “tứ tuần đại khánh” vua Khải Định vào tháng 9 và 10 năm 1924.


Các thi sĩ thuộc hoàng tộc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng rất chuộng hát ả đào và đã sáng tác nhiều bài theo thể thơ hát nói. Tập Bán buồn mua vui của ông có tới 42 bài hát nói ca trù (trong khi có 30 bài ca Huế, 36 câu Mái nhì và hò khoan, 6 đoạn Nói lối và Hát nam). Giai nhân với tài tử vốn là nợ sẵn, Ưng Bình Thúc Giạ Thị cũng đã ghi lại kỷ niệm giữa ông và các ả đào. Mỗi bài thơ là một câu chuyện riêng tư thi vị, mà rất nhiều trong số này lại là những sáng tác ngẫu hứng, ngay trong chiếu hát, ngay trong tiệc rượu. Nào là cuộc tái ngộ với cô đào Như Ý, nào là bài thơ đưa cho cô Tuyết Ngọc, và rồi những giận hờn: Giận cũng vì thương, thương mới giận/ Thương nên quá giận, giận càng thương. Rồi những dòng tâm sự lắng sâu của khách tài tử được viết ra lúc tiếng trống chầu lỗi nhịp giữa canh khuya…

Nguồn: trích từ Tạp chí Sông Hương số Tết (2010)

View more latest threads same category: