Wednesday, October 19, 2016

NGÀY QUỐC HẬN

Monday, April 29, 2013

VOA * NGÀY QUỐC HẬN

 

38 năm sau ngày 30 tháng 4



Cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức kỷ niệm Ngày 30 tháng Tư.
Cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức kỷ niệm Ngày 30 tháng Tư.


Blog / Nguyễn Hưng Quốc

Tháng Tư

Xe tăng của quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975.Xe tăng của quân đội miền Bắc Việt Nam tiến vào dinh Ðộc Lập ngày 30/4/1975.
CỠ CHỮ
Tôi có tật ít nhớ ngày và nhớ tháng. Tôi chỉ nhớ thứ: Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, v.v.. Có lẽ lý do chính là vì tôi dạy học. Điều quan trọng nhất đối với người đi dạy là nhớ thứ mấy mình dạy từ mấy giờ đến mấy giờ. Thời khóa biểu in và dán trên bức tường ngay trước mặt cũng chỉ ghi giờ và ghi thứ. Còn ngày? Chả có gì quan trọng cả. Trừ ngày lễ, dĩ nhiên. Về tháng, tôi không để ý mấy, chủ yếu là do thời tiết ở Úc. Xin lưu ý, bình thường, đối với con người, tháng chỉ là một ý niệm khá trừu tượng, chỉ có mùa là cụ thể. Bởi nó gắn liền với khí hậu. Với những cơn nóng và cơn lạnh. Với những chiếc máy quạt (hoặc máy lạnh) và những chiếc áo ấm. Sống ở Việt Nam từ nhỏ đến trưởng thành, với tôi, tháng giêng, chẳng hạn, gắn liền với mùa xuân, với sự mát mẻ, với câu thơ của Xuân Diệu “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”; tháng sáu, bảy và tám, với sự oi bức và với mùa nghỉ hè; tháng mười hai, với giá rét, với mùa đông và với Giáng sinh, hoặc (theo lịch ta), với Tết. Mối quan hệ ấy đã trở thành nếp trong đầu, hơn nữa, trên da thịt. Ở Úc thì khác. Tháng một lại là mùa hè và là mùa nghỉ hè; tháng sáu và bảy lại dịp nghỉ mùa đông. Mối quan hệ quen thuộc giữa tháng và mùa, bị lệch đi, chênh chao hẳn, khiến cho tôi, dù sống ở Úc cả mấy chục năm, cứ thường xuyên bị bối rối khi muốn nhớ đến tháng. Dĩ nhiên, nhìn trên lịch, vẫn biết. Nhưng cái biết ấy sao mà chông chênh, rất dễ bị vụt mất. Trong nhận thức, lúc nào cũng có cảm giác như đang bềnh bồng trong một không gian có mùa nhưng không có tháng.

Vậy mà, mấy tuần vừa rồi, tôi cứ hay bắt gặp mình, nhất là những lúc đang lái xe, lẩm nhẩm trong đầu bài thơ này của Nguyễn Khuyến:

Tháng Tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Nỗi này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đã sớm giục giã.

Thoạt đầu, tôi không hiểu sao mình lại nhớ và ngâm nga bài thơ ấy. Thứ nhất, ở Úc, đang giữa mùa thu, trời bắt đầu trở lạnh, chả dính dáng gì đến mùa hạ cả. Thứ hai, đó cũng không phải là một bài thơ hay của Nguyễn Khuyến. Ít nhất không hay bằng mấy bài ông viết về mùa thu. Sau, tôi mới sực nhớ, yếu tố khiến tôi bị ám ảnh không chừng chỉ nằm ở chữ “Tháng Tư”.

Có lẽ từ trong tiềm thức, tôi đang nhớ đến ngày 30 Tháng Tư.

Nhưng khi nhớ đến ngày 30/4 và câu thơ “Tháng Tư đầu mùa hạ” của Nguyễn Khuyến cùng lúc, tôi lại đâm ra nghĩ ngợi.

Với người miền Nam, và sau này, cộng đồng người Việt ở hải ngoại, biến cố 30/4 được gọi tên theo tháng: Tháng Tư, lúc chính quyền miền Nam bị sụp đổ. Thỉnh thoảng, với một số người miền Trung hoặc một số người lính tham chiến ở miền Trung, biến cố ấy còn có tên khác: Tháng Ba. Thật ra, tên Tháng Ba chỉ trở thành phổ biến chủ yếu nhờ một tác phẩm: cuốn Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy. Đó là một trong vài cuốn hồi ký chiến tranh hay nhất và được nhiều người đọc nhất ở hải ngoại. Nhà văn Cao Xuân Huy (1947-2010), Trung úy Thủy quân lục chiến, lúc ấy đang đóng quân ở Quảng Trị. Đơn vị của ông bị vỡ trận ở đó, hơn một tháng trước khi Sài Gòn thất thủ. Tuy nhiên, chữ Tháng Ba rõ ràng không phổ biến bằng chữ Tháng Tư. Gọi Tháng Tư, chưa đủ, người Việt ở hải ngoại thêm một tính từ phía sau, thành “Tháng Tư Đen”. Cụm từ “Tháng Tư Đen” trở thành nhan đề của khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, kể cả ca khúc, hơn nữa, của một số cuốn sách của người Tây phương, ví dụ, gần đây nhất, cuốn Black April: The Fall of South Saigon, 1973-75 của George Veith (2012). Đánh mấy chữ “tháng tư đen” trên Google, chúng ta sẽ thấy hiện lên cả trên một triệu kết quả.

Ở trong nước, đặc biệt về phía chính quyền, chữ thông dụng nhất cho biến cố này là “đại thắng mùa xuân”. Trước hết, nó gắn liền với chữ “chiến dịch mùa xuân 1975”, trên lý thuyết, bắt đầu từ ngày 4 tháng Một 1975; nhưng trên thực tế, thực sự bắt đầu từ chiến dịch Tây nguyên vào đầu tháng Ba, và kết thúc vào ngày 30/4 tại Sài Gòn. Như vậy, tính theo mùa, cuộc tổng tấn công năm 1975 bắt đầu từ mùa xuân và kết thúc vào tháng đầu tiên của mùa hạ. Toàn bộ cái gọi là “chiến dịch Hồ Chí Minh”, giai đoạn cuối cùng của cuộc tổng tấn công, diễn ra từ ngày 26 đến 30 tháng Tư đều nằm trong mùa hạ. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức của chính quyền Việt Nam, từ truyền thông đại chúng đến sử liệu, đều gọi trận thắng cuối cùng của họ tại Sài Gòn là “đại thắng mùa xuân”. Xin lưu ý: chữ “mùa xuân” trong “chiến dịch mùa xuân” và trong “đại thắng mùa xuân” có hai hàm nghĩa khác nhau. Trong ngữ cảnh đầu, “mùa xuân” chỉ là mùa khô, thời điểm ít mưa nhất trong năm, do đó, thuận lợi cho các cuộc hành quân và việc vận tải vũ khí cũng như lương thực phục vụ cho chiến đấu. Trong ngữ cảnh sau, chữ “mùa xuân” được chọn, thay cho mùa hạ, chỉ vì nó gợi lên ấn tượng về một thời kỳ mới mẻ, tươi đẹp và đầy sức sống. “Đại thắng mùa xuân”, do đó, chắc chắn là có nhiều ý nghĩa và gợi nhiều liên tưởng hay hơn hẳn “đại thắng mùa hạ” hay “đại thắng mùa hè”, chẳng hạn. Đó là một lựa chọn vừa có tính chất tu từ vừa có tính chất chính trị.

Đối với người Việt ở hải ngoại, sự sụp đổ của miền Nam không được nhớ theo mùa, thậm chí, ít khi theo tháng: Nó được nhớ theo ngày: ngày 30 tháng Tư. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, không có mấy biến cố lịch sử gắn liền với một ngày cụ thể như thế. Nhớ đến Cách mạng tháng Tám, người ta nhớ tháng chứ không nhớ ngày, trừ ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, vốn rơi vào tháng 9. Nhắc đến trận Điện Biên Phủ, người ta cũng nhớ tháng chứ không nhớ ngày. Trừ các sử gia, không mấy người nhớ ngày quân đội Pháp đầu hàng là ngày nào.

Thêm một khác biệt nữa: Với người miền Bắc, đặc biệt, với chính quyền, ngày 30/4 là một ngày kết thúc; với người miền Nam cũng như với người Việt ở hải ngoại, đó là ngày khởi đầu. Kể chuyện, bằng văn viết hoặc bằng văn nói, người Việt ở miền Bắc, nhất là những người có chức quyền, thường bắt đầu bằng cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, và, cuối cùng, kết thúc bằng ngày 30/4. Rất hiếm khi người ta nhắc một cách chi tiết và thanh thản về những điều xảy ra sau đó. Cái thời gọi là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa với những giá lương tiền ở miền Nam cũng như cả thời bao cấp trong cả nước nói chung đều bị làm ngơ. Báo chí chính thống tảng lờ, làm như nó không từng hiện hữu. Người Việt ở miền Nam và ở hải ngoại thì thường bắt đầu câu chuyện bằng chính cái ngày 30/4 để tiếp theo là những chuyện đổi tiền, chuyện kinh tế mới, chuyện học tập cải tạo, chuyện đánh tư sản mại bản, chuyện sổ hộ khẩu và sổ lương thực, chuyện công an khu vực, và, cuối cùng, chuyện vượt biên và có thể, chuyện hải tặc.

Với những khác biệt ấy, khác với tất cả các biến cố khác, ngày 30/4 là ngày phân hóa nhất trong lịch sử Việt Nam. Nói theo lời Võ Văn Kiệt: ngày ấy, có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn. Bắt chước cách nói quen thuộc về tình bạn quen thuộc, chúng ta cũng có thể nói: Hãy nói bạn nghĩ gì về ngày 30/4, tôi sẽ nói bạn là ai.

Rõ nhất là “bạn” thuộc về “phe thắng cuộc” hay phe thua cuộc.

Tuy nhiên, cái gọi là “phe” ở đây không phải là một đơn vị rõ ràng và thuần nhất, nhất là ở cái gọi là “phe thắng cuộc”. Nếu bên phe thua cuộc, hầu như ai cũng như ai, tất cả đều, với những mức độ khác nhau, có vô số những mất mát; bên thắng cuộc, ngược lại, hầu như chỉ có một số có chức và có quyền là được nhiều lợi lộc. Không ít người, ở miền Bắc, cảm thấy mình gần gũi với phe thua hơn phe thắng. Tôi nghe kể có người ở Hà Nội, ngay sau năm 1975, vào thăm con cháu ở Sài Gòn, cứ trách những người “thua cuộc”: “Sao bọn cháu không ra giải phóng miền Bắc mà lại để miền Bắc chiếm miền Nam thế này hở?” Trả lời Đinh Quang Anh Thái trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tư năm 2000, nhà văn Dương Thu Hương kể, năm 1975, vào thăm thân nhân ở Sài Gòn, trong khi những người ở miền Bắc vào đều “hớn hở cười” thì bà lại khóc.  Khóc vì hai lý do chính: một, bà nhận thấy việc miền Nam thua miền Bắc đồng nghĩa với việc một “nền văn minh đã thua [một] chế độ man rợ”; và hai, vì bà thấy “tuổi xuân của [bà] đã hy sinh một cách uổng phí”. Nhận thức ấy làm cho bà từ một người thắng cuộc trở thành một người thua cuộc: Thua cuộc vì, trong suốt cả mấy chục năm, bà chỉ là nạn nhân của một nền tuyên truyền dối trá.

Bởi vậy, chữ “bạn là ai” ở trên không phải bao giờ cũng bao hàm ý nghĩa đánh giá.

Trong số các bạn thân của tôi, có hai người ở hai cực khác nhau trong kinh nghiệm về ngày 30/4. Cả hai đều là thầy giáo. Chỉ khác là một người thì lớn lên ở miền Bắc và một người thì trưởng thành ở miền Nam.

Người bạn ở miền Bắc, trước năm 1975, là bộ đội, đóng quân ở một khu rừng nào đó có lần anh kể nhưng tôi không nhớ. Anh sống từng giờ trong nguy hiểm và đói khát. Bom đạn có thể dội vào nơi anh đóng quân bất cứ lúc nào. Anh nhìn hết người bạn này đến người bạn khác chết. Rất hiếm người chết được toàn thây. Rồi bỗng dưng, một ngày, đang trên đường hành quân, anh nhận được tin Sài Gòn được “giải phóng” và chiến tranh chấm dứt. Anh nhảy cẫng lên vì mừng rỡ. Sau này, cả mấy chục năm, cứ đến ngày 30/4, anh lại có cảm giác mừng rỡ như mới thoát khỏi một cảnh hiểm nghèo và một giai đoạn dài đen tối. Nhận định của anh về chế độ xã hội chủ nghĩa và chính quyền Việt Nam thay đổi nhiều nhưng cái cảm giác mừng rỡ ấy vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Có lần, nói chuyện với tôi, nhắc đến ngày 30/4, anh dùng chữ “giải phóng”; sau, có lẽ sực nhớ tôi là người miền Nam, không chừng áy náy, anh bèn nói: “Xin lỗi về chữ ‘giải phóng’. Nhưng thành thực mà nói, với tôi, ngày ấy là một ngày ‘giải phóng’ thực sự.”

Người bạn ở miền Nam, ngược lại, vốn là một công chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, sau năm 1975 bị bắt đi cải tạo năm bảy năm; được thả, anh vượt biên sang Úc; và ở Úc, anh là một giáo sư. Vì nhiệt tình muốn giúp đất nước, anh về Việt Nam làm việc mấy năm, dưới danh nghĩa đại diện cho một trường đại học lớn tại Úc. Anh kể, bình thường, anh không thấy có sự khác biệt đáng kể nào giữa anh - trong tư cách một Việt kiều hay một trí thức miền Nam trước năm 1975 - với các đồng nghiệp ở Hà Nội. Có. Nhưng không đáng kể. Giới hạn trong phạm vi giáo dục, mọi sự hợp tác được tiến hành khá trôi chảy. Nhưng, cũng theo lời anh, mỗi lần đến ngày 30 tháng Tư, lòng anh lại buồn rười rượi. Anh không muốn ra đường; và ở nhà, anh cũng không muốn mở ti vi lên xem. Tất cả đều làm cho anh thấy lạc lõng: Anh nhận thấy rất rõ là anh không thuộc về đám đông chung quanh. Họ là những người chiến thắng. Họ ca ngợi chiến thắng. Còn anh lại là người chiến bại, và sau đó, là một tù nhân. Anh không oán hận. Nhưng anh thấy cay đắng.

Với tôi, cả hai đều là bạn tốt; và theo nhận xét của tôi, đều là những người tốt, đặc biệt yêu nước, lúc nào cũng tha thiết muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Sự khác biệt của họ chỉ là sự khác biệt về kinh nghiệm.

Mà họ lại không được quyền chọn lựa kinh nghiệm ấy.

Thế nhưng những kinh nghiệm ấy lại đeo đẳng theo họ mãi. Và làm cho họ xa cách nhau.

Ít nhất là một ngày trong năm.

 * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Blog / Trịnh Hội

Tại sao phải trốn chạy hòa bình?

Những người Việt Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind là cuộc rút quân cuối cùng ở Sài Gòn ngày 29/4/1975. (Ảnh tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)Những người Việt Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind là cuộc rút quân cuối cùng ở Sài Gòn ngày 29/4/1975. (Ảnh tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)
CỠ CHỮ
Ngày 30 Tháng Tư năm 2013 đánh dấu  kỷ niệm lần thứ 38 ngày Sài Gòn thất thủ, ngày Miền Nam Việt Nam bị Miền Bắc Cộng Sản tiêu diệt - hay thường được nhiều người gọi là ngày kết thúc cuộc chiến Việt  Nam. Nếu không có ngày này, tôi tin  rằng đã không có nhiều nhà hàng Việt Nam như hiện nay nơi bạn ở. Và nếu không có ngày này thì chắc chắn tôi cũng đã không có mặt hôm nay tại nơi này để nói cho các bạn rõ về những gì đã xảy ra từ dạo đó.

Vì đã sinh sống qua gần 2 thập niên ở nước ngoài trước khi quyết định trở lại Việt Nam vào năm 2007, tôi thường được những người tôi gặp trong các chuyến đi của tôi trên thế giới hỏi tôi về thời gian tôi sinh sống ở Việt Nam trong thời kỳ  hậu chiến sau năm 1975 và về tình hình đất nước hiện nay, 38 năm sau. Điều thường khiến tôi ngạc nhiên nhất là khi tôi hỏi lại họ về những gì họ đã biết về đất nước tôi thì hình như chỉ có 2 phiên bản Việt Nam được nhắc tới.

Phiên bản  thứ nhất là một Việt Nam đẩy rẫy những câu chuyện kinh hoàng và những hình ảnh về một đất nước tan nát vì bị cuộc chiến do người Mỹ dẫn đầu tàn phá. Phiên bản thứ hai là một con hổ kinh tế đang trỗi dậy ở Viễn Đông, điểm đến “thời thượng” của những người trẻ trung và danh tiếng.

Brad Pitt và Angelina Jolie đã tiếp tục trở lại Việt Nam. À! trước đây không lâu họ còn nhận một em bé Việt Nam làm con nuôi và đặt tên cho em là Pax – Hòa Bình.  Trong khi hàng đoàn du khách ba-lô từ Úc, châu Âu  và khắp nước Mỹ đã thành tâm làm theo lời khuyên của sách hướng dẩn du lịch Lonely Planet để ghé thăm mọi nơi từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của Sài Gòn, để sững sờ trước nền văn hóa và cảnh sắc mỹ tú của đất nước này. Để nếm thữ hương vị một bát “phở” trước khi bắt đầu một ngày rong chơi với một ngân sách tiết kiệm. Họ đã có thể nhìn thấy tận mắt rằng bây giờ mọi thứ đều thanh bình, yên ổn  và dân chúng có vẻ hạnh phúc, hài lòng với vận mệnh mới của mình
.
Hay ít ra nó cũng có vẻ như vậy.

Cho đến khi tôi cho họ biết sự thật không hẳn vậy.

Như các bạn thấy, cũng giống như 2 triệu người Việt Nam khác đã rời bỏ đất nước từ cái ngày định mệnh đó 38 năm trước đây, gia đình tôi đã đến nước Úc như những người tỵ nạn, do hậu quả của cuộc chiến Việt Nam. Sự thật chúng tôi là một phần trong cuộc vượt thoát ồ ạt đầu tiên của người Việt Nam rời bỏ quê cha đất tổ.

Mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh với nước Trung Hoa láng giềng ở phương bắc, mặc dù đã trải qua một trăm năm đấu tranh giành độc lập chống chủ nghĩa thực dân Pháp, và mặc dù đã là nạn nhân của một nạn đói khủng khiếp do người Nhật gây ra trong Thế chiến thứ II, tiếp  theo đó là Chiến tranh Việt Nam kéo dài cho đến năm 1975, người Việt nam đã luôn gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn và chấp nhận chịu đựng tất cả để chọn Việt Nam làm quê cha đất tổ.

Bất chấp mọi cuộc đổ máu. Bất chấp mọi mất mát, thiệt hại.

Nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước chúng tôi và chẳng bao lâu sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta bắt đầu ra đi, thoạt tiên là từng nhóm nhỏ, rồi sau đó là hàng chục ngàn người. Họ đi bằng thuyền và đi bộ. Bất chấp mọi hiểm nguy trên biển cả và những gì đang chờ đợi họ tại bến bờ bên kia. Theo ước tính, từ 10% cho đến 30% tổng số thuyền nhân đã không  bao giờ được đặt chân lên đất liền. Từ 1975 đến 1997, khi cuộc vượt thoát ồ ạt chấm dứt, đã có khoảng 1 triệu người Việt Nam đến được các nước lân cận.

Điều này bắt buộc phải đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại phải trốn chạy hòa bình?
Câu trả lời rất đơn giản. Đó là ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc và hòa bình được lập lại, sự thật và công lý chưa bao giờ thắng thế trên đất nước tôi. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền tự do hội họp và lập hội, Ông Maina Kiai, mới đây đã gọi tình trạng này là một “cơn hôn mê hòa bình” (peace coma). Rằng nhân danh hòa bình, chúng ta đã cố tình làm ngơ trước những vi phạm trắng trợn nhất về quyền con người bởi các chế độ áp bức nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có chế độ Cộng sản Việt Nam.

Ba tháng sau ngày 30 Tháng Tư 1975, cha tôi, cùng với hàng trăm ngàn quân nhân và trí thức của Miền  Nam Việt Nam đã bị tống  vào các “trại cải tạo” mà không được xét xử. Ba 3 năm sau đó, ông được thả nhưng không được  phép trở lại nghề dạy học; thay vào đó, giống như các gia đình khác bị buộc tội “phản cách mạng”, chúng tôi bị đuổi ra khỏi căn nhà của chúng tôi ở Sài Gòn và cưởng bách dời cư đến những nơi gọi là “các khu kinh tế mới” để nhường chỗ cho một nhà nước không tưởng mới.

Thuyền nhân Việt Nam chờ được cứu vớt.Thuyền nhân Việt Nam chờ được cứu vớt.
Điều đó đã tạo ra làn sóng đầu tiên của thuyền nhân rời khỏi Việt Nam. Cha tôi là một trong những người này.

Kế tiếp, những người Cộng sản chiến thắng mới bắt tay vào việc quốc hữu hóa mọi doanh nghiệp và khởi sự thực hiện một chương trình kinh tế xã hội chủ nghĩa theo đó mọi tư liệu sản xuất và quyền sở hữu đất đai giờ đây đều thuộc về nhà nước thay vì các cá nhân như trước.

Điều này gây nên làn sóng người tỵ nạn thứ nhì rời bỏ Việt Nam, và đợt vượt thoát này chỉ ngừng lại khi Hà Nội nhận ra rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách đó sẽ đưa đển chỗ sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế đất nước. Được hỗ trợ bởi tinh thần của chính sách “perestroika” (cải tổ) ở Liên Xô cũ vào cuối thập niên 1980, các nhà lãnh đạo đảng bắt đầu một loạt cải cách kinh tế và trong 2 thập niên qua những cải cách này đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi nạn nghèo khổ cùng cực.

Tuy nhiên chế độ xã hội và chính trị của đất nước này vẫn không có gì thay đổi  và cho đến tận hôm nay, tất cả đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước và hàng trăm người bất đồng chính kiến vẫn còn bị giam cầm chỉ vì họ dám thách thức sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thật là Facebook bị ngăn chặn, không một phương tiện truyền thông độc lập nào được phép hoạt động, các cuộc biểu tình phản đối bị nghiêm cấm, và những người bảo vệ nhân quyền thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố. Để cuối cùng một số nhân vật bất đồng chính kiến phải đào thoát để xin tỵ nạn chính trị ở các nước khác trong khi những người ở lại có thể bị kết án đến 16 năm tù vì những hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ.

Như vậy, một sự thật phũ phàng là vẫn còn người tỵ nạn từ Việt Nam và không có hòa bình thật sự hay công lý được thực hiện trên quê hương tôi.

Bởi thế, câu hỏi mà tôi thường đặt ra là:

Tất cả những người có thiện ý từng phản đối cuộc chiến Việt Nam trong những thập niên 60 và 70 ngày nay đang ở đâu?

Phải chăng họ chẳng màng tìm hiểu những gì đã xảy ra sau đó tại Việt Nam?

Quan trọng hơn, giờ đây họ có thể làm gì để góp phần giúp cho Việt Nam trở thành một nơi tốt đẹp hơn, tự do hơn? Như họ đã từng nhiệt tình tuyên bố cách đây 4 thập niên trước.

Đây là bài viết mới nhất của tôi được đăng nguyên bản bằng tiếng Anh trên báo Asia Times tuần này. Trong tuần tới tôi mong là sẽ có những tờ báo khác đăng lại. Riêng hôm nay tôi xin gửi các bạn bài dịch này. Nếu có ý kiến gì xin các bạn cứ email cho tôi biết at: hoitrinh@hotmail.com.

 * Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trịnh Hội

Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
 
http://www.voatiengviet.com/content/tai-sao-phai-tron-chay-hoa-binh/1651044.html




BBC * THÁNG 4 -1975




Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng?

Cập nhật: 04:11 GMT - thứ hai, 29 tháng 4, 2013
Người vui, người buồn trong dịp 30/4
Mỗi dịp 30-4 hàng năm, tôi lại nhận được câu hỏi của những người đồng bào Việt Nam ở hải ngoại là “anh nghĩ và có cảm xúc gì khi sắp tới ngày 30-4?”. Tôi lại có dịp kể cho họ nghe về suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Từ nhỏ cho đến năm mười chín tuổi, mỗi dịp 30-4 tôi thực sự vui mừng và tự hào bởi đó là ngày chiến thắng và thống nhất của đất nước. Việt Nam đã chiến thắng cường quốc số một thế giới về quân sự và kinh tế.
Cuối năm 1989, tôi có cơ hội được sang CHDC Đức (cũ) và được chứng kiến người dân Đông Đức lật đổ chế độ cộng sản để thống nhất với chế độ tư bản, dân chủ ở Tây Đức. Tôi lại có dịp may mắn được sang Tây Berlin để xem cuộc sống sung túc và tự do của chế độ tư bản, dân chủ. Và tôi hiểu tại sao người dân Đông Đức đã không cam chịu sống dưới sự cai trị độc đoán, phi lý, lạc hậu của chế độ cộng sản.
Cùng thời điểm đó, tất cả người dân các nước Đông Âu đã vùng lên đập tan sự cai trị của các chế độ cộng sản. Và họ đã xây dựng lại từ đầu chế độ tư bản, dân chủ. Cho đến nay, tất cả các nước Đông Âu, người dân đều có cuộc sống sung túc và hạnh phúc trong một chế độ chính trị tự do và dân chủ mà không có sự cai trị của chế độ cộng sản.
Hoài nghi, nuối tiếc
Cuối năm 1990, tôi trở lại Việt Nam, kể từ đó cứ mỗi dịp 30-4, tôi không còn cảm xúc vui mừng, mà thay vào đó là sự hoài nghi và nuối tiếc.
"Nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự."
Năm 2001 và 2003, tôi có dịp được sang thăm Hàn Quốc và thấy đó là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Ở đó không bao giờ có sự hiện diện và tồn tại của đảng cộng sản. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản. Mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Tôi cảm thấy buồn và nối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhìn lại Việt Nam chúng ta, sau ngày 30-4-1975, trong chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhân dân phải chịu đói khổ, lầm than. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế có phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, đủ ăn, đủ mặc, có được phương tiện sinh hoạt và đi lại hiện đại. Nhưng tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc. Sự suy thoái đạo đức và lối sống diễn ra một cách toàn diện, trên mọi phương diện của đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngành tư pháp, cơ quan hành chính,... và trên mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương.
Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh doanh nghiệp, quan chức chính quyền, các lực lượng vũ trang và xã hội đen hợp sức với nhau để cưỡng chế người nông dân lấy đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất của họ là ruộng đất. Biết bao người dân vô tội khi bước vào đồn công an thì khỏe mạnh, nhưng chỉ ít giờ sau, họ chỉ còn là một cái xác không hồn. Và còn biết bao nhiêu những người dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bị cầm tù. Thật sự đau lòng và xót xa.
Giờ đây, mọi người lại hỏi tôi “anh nghĩ và có cảm xúc như thế nào về ngày 30-4?”
Tôi trả lời: Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, một luật sư bất đồng chính kiến sống tại Hà Nội.
Bấm Trở về đầu trang
 
Cảm xúc ngày 30 tháng 4 hàng năm
Cập nhật: 09:38 GMT - thứ hai, 30 tháng 4, 2012
Sáng 30-4. Cái mốc thời gian không quên trong đời tôi, và trong tim hàng triệu người Việt.
Lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà ra lệnh cho binh sĩ buông súng. Miền Nam đầu hàng miền Bắc. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn chấm dứt.
Nhưng lòng buồn nhiều hơn vui. Gia đình bỏ lại. Bạn bè lìa xa. Lênh đênh trên biển. Con tàu không máy rồi sẽ trôi dạt về đâu?
Mỗi năm hay ra biển vào cuối tháng Tư, nhìn về quê nhà mà lòng quặn đau. Mặt trời tháng Tư chầm chậm vàng úa rồi tắt, để lại những tiếng sóng, khi nhẹ nhàng, khi bồng bềnh, nổi trôi. Như thân phận cuộc đời.
Đứng trước biển nhớ bố mẹ và các em mà rơi nước mắt.
Nhớ bạn bè thân thương thuở còn học chung với nhau mà buồn hơn cả buổi chiều tàn.

Cảnh người vượt biên tìm tự do sau 1975
Nhớ những ngày lênh đênh không mái che. Nhớ nước muối cùng nắng ăn sạm da mặt. Mong chờ một cơn mưa giông gột rửa. Nhớ nắm cơm thùng phuy. Mơ được đến bến bờ.
Chiều ra biển nhớ về Subic Bay xanh cỏ. Nhớ bãi biển Guam đầy đá nhọn. Nhớ Camp Pendleton ở lều lính giữa đồi cỏ khô.


Đứng ở biển nhìn về San Francisco đêm rực rỡ ánh đèn nhớ Singapore của tháng 5-1975 khi con tàu đến đó. Không được lên bờ mà chỉ neo xa xa.
Chiều nhìn ra biển. Xa thẳm bên kia là quê nhà. Lòng thầm hát câu thương nhớ:
Sài Gòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời…
[Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt, nhạc Nam Lộc]
Nhìn qua biển rộng mà nghĩ mông lung. Quê nhà sau 30-4 thay đổi thế nào?


Hoà bình đến rồi sao những con người Việt Nam còn lao ra biển lớn bất chấp thủy thần, sóng dữ.
Ở bên nhà đôi tay ngà em vục bùn đen
Ở bên nhà đôi môi mềm thu vạn tủi oán
Ở bên này sống với ác mộng
Từng đêm ngày anh ra biển rộng…
[Ở bên nhà, nhạc Phạm Duy]


Mộ thuyền nhân Việt tử nạn trên biển Đông Nam Á
Đứng nhìn biển. Bên này thấp thoáng tàu vào bến cảng.
Bên kia thuyền vượt biển. Người thân, đồng bào đang trôi dạt về đâu.
Trời mong manh ôi đời lênh đênh
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn như tiếng Nam Mô…
[Lời kinh đêm, nhạc Việt Dzũng]


Chiều tháng Tư ra biển. Nhìn về quê nhà. Nơi chân trời như thấy có trại học tập cải tạo.
Như thấy các em đang lao động vinh quang.
Thấy thanh niên xuống đường càn quét văn hóa Mỹ ngụy.
Thấy công an xông vào đánh tư sản mại bản. Thấy bo bo, mì sợi.
Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy…
Gửi về cho em kẹo bánh thơm ngon
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng…
[Chút quà cho quê hương, nhạc Việt Dzũng]
Bây giờ ra biển. Cuộc đời không còn nhiều nỗi buồn. Nhưng sẽ chẳng bao giờ vui. Nếu đó là ngày cuối tháng Tư.
Tác giả hiện dạy học và là một nhà báo tự do sống ở vùng Vịnh San Francisco. Bài viết thể hiện cảm nhận riêng của ông.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/04/120430_30_april.shtml

Tháng Tư nghĩ về văn hoá và áo dài

Cập nhật: 09:22 GMT - chủ nhật, 28 tháng 4, 2013
Áo dài phất phới ở Union Square, San Francisco
Áo dài phất phới ở Union Square, San Francisco


Biến cố 30-4-1975 đã đưa hàng triệu người Việt ra nước ngoài sinh sống, đông nhất ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada, Đức.
Mỗi năm, cuối tháng Tư là lúc người Việt hải ngoại nhớ về một sự kiện đau thương đã làm gia đình ly tán, buộc nhiều người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi. Thời điểm này cũng đánh dấu sự khai sinh cộng đồng người Việt tại nhiều nơi trên thế giới, đông nhất là tại Hoa Kỳ với hơn 100 nghìn người tị nạn Việt Nam đầu tiên được định cư.
Từ đó, mỗi năm đến ngày 30-4 luôn có nghi thức tưởng nhớ tiền nhân, cầu nguyện cho những người đã hy sinh vì lý tưởng tự do, cho người vượt biển, vượt biên đã không đến được bến bờ. Tưởng niệm 30-4 là nét đặc trưng trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Bỏ quê hương ra đi, nhiều người không mang theo được gì ngoài văn hoá nguồn cội đã thấm vào lòng.
Phát huy văn hóa Việt
Sau gần bốn thập niên định cư, văn hoá Việt đã có cơ hội phát huy và trở thành một phần trong sinh hoạt đời sống xã hội Mỹ.
Các hội học sinh, sinh viên gốc Việt thường tổ chức văn nghệ dịp tháng Tư. Vùng San Francisco năm nay có văn nghệ của học sinh trường Santa Teresa, của sinh viên San Jose City College, Stanford, U.C. Berkeley. Các em cố gắng vẽ lên lịch sử của nước nhà, của cộng đồng; đưa lên những nét đẹp quê hương qua điệu múa, câu hò tiếng hát bên cạnh tiếng nhạc, điệu nhảy sống động của văn hoá Mỹ.
Trong gia đình người Việt hải ngoại vẫn có tà áo dài, áo gấm, vẫn còn chai nước mắm, gói bún. Bữa ăn vẫn có rau mồng tơi, rau muống, cá kho tộ, có bát phở, tô mì Quảng hay bún bò Huế.
Cạnh dàn máy ti-vi có DVD Thuý Nga, Asia hay Duyên Dáng Việt Nam. Có tiếng hát Khánh Ly, Thanh Tuyền, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Duy Khánh, Phi Nhung, Hương Lan, Quang Linh, Duy Quang, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Quang Dũng qua ca từ nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Thanh Tùng, Bảo Chấn, Phú Quang…
Ngày nay, trong trường cấp 3 và đại học Mỹ đề tài chiến tranh Việt Nam vẫn được thảo luận hay nghiên cứu, nhưng không còn làm nhức nhối lương tâm, không còn gây nhiều xúc động trong lòng thế hệ trẻ như đã từng có đối với thế hệ cha anh. Âm hưởng của chiến tranh mờ dần và nét văn hoá Việt đang trở nên dấu ấn trong đời sống Mỹ với phở, bún, áo dài, Tết, bánh mì.
Văn hoá, hiểu một cách tổng quát là những sinh hoạt của một tập thể mà trang phục và thực phẩm dễ cảm nhận được nhất.
Nói đến “Tết” thì hầu như các sắc dân khác đều biết, vì cứ độ cuối tháng Giêng tây cộng đồng Việt lại rộn ràng với chợ hoa, hội chợ tết, cây nêu tràng pháo. Tết về có thiếu nữ mặc áo dài đội nón lá, có áo tứ thân khăn mỏ quạ, có bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo.


Hoa Kỳ là một quốc gia đa chủng, đa văn hoá. Mới lập quốc hơn 200 năm, có một khoảng dài lịch sử văn hoá châu Âu được xem là chính thống. Nửa thế kỷ qua nước Mỹ đã có những chính sách nhằm thăng hoa các nền văn hoá khác nhau, từ văn hoá của người châu Phi, của sắc dân Mỹ La-tinh cho đến văn hoá Hồi giáo, văn hoá Á đông.
San Francisco nổi tiếng là thành phố nhiều bản sắc và thường xuyên có sinh hoạt đường phố. Đầu năm ta có Tết của người Việt, người Hoa với pháo nổ rền vang. Tháng Ba với lễ hội St. Patrick xanh thắm mầu lá. Tháng Tư dồn dập tiếng trống mừng lễ hội Hoa Anh đào. Đầu tháng Năm với Cinco de Mayo trong tiếng nhạc mariachi rộn ràng.
Áo dài, nón lá
Mấy năm gần đây, trung tuần tháng Năm còn có hội chợ văn hoá Á châu, nhấn mạnh đến truyền thống của những nước Đông Á như Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Hàn Quốc.
Trung tâm Văn hoá Âu Cơ đã đóng vai trò phối hợp tổ chức lễ hội này để làm phong phú thêm cho sinh hoạt thành phố và cho văn hoá cội nguồn Việt Nam với những áo bà ba, áo tứ thân, áo dài tung tăng trên phố.
Trong nét đẹp của văn hoá Việt, tà áo dài và nón lá là hình ảnh được thế giới biết đến nhiều nhất. Chiếc nón lá được dùng khắp nơi, từ bác nông dân ra ruộng cày cấy, mẹ đi chợ, bà bán hàng rong cho đến nữ sinh, phụ nữ ra đường đi học, đi làm cũng đội nón lá.
Huế trở nên đẹp và thơ mộng với chiếc nón bài thơ, với áo dài nữ sinh Đồng Khánh. Sài Gòn giờ tan trường ngập tràn áo trắng Trưng Vương, Gia Long, áo hồng Thiên Phước, áo xanh Bác Ái. Những hình ảnh đã là dấu ấn của một thời thăng hoa nét đẹp áo dài trên quê hương. Những tà áo đã đi vào âm nhạc, vào văn học.
Ngoài nét mỹ thuật của áo dài nón lá, hai trang phục này còn là cách bảo vệ da tốt nhất trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Sau 1975, sân trường và đường phố Việt Nam không còn nhiều tà áo tung bay như trước.
Cho đến khi Việt Nam mở cửa giao thương với phương Tây vào đầu thập niên 1990, hình ảnh áo dài được làm sống lại qua các cuộc thi hoa hậu với những biên cải, cách tân.
"Nhưng làm sao để nhiều người Việt thích mặc áo dài là một điều khó khi ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ ngày càng sâu đậm tại Việt Nam."
Nhưng cách tân quá độ làm mất đi nét đẹp đơn sơ, trang nhã của áo dài.
Năm ngoái ở San Jose có trình diễn áo dài của các nhà thiết kế Đức Hùng, Minh Hạnh, Sĩ Hoàng từ trong nước và Quang Chánh, Debbie Nghiêm ở California, nhưng không thu hút chú ý. San Jose Center for the Performing Arts với hai nghìn chỗ mà chỉ có chừng 500 khán giả. Ngoài bộ áo của Sĩ Hoàng thoát lên nét thanh tao của áo dài, còn lại các nhà thiết kế khác đã làm đậm nét cung đình, quý phái cộng thêm khăn đóng quá khổ trên đầu và lủng lẳng nhiều thứ khác khiến người mẫu trông như nữ hoàng Ai Cập hay châu Phi. Còn áo dài của ông trưởng ban tổ chức cắt quá ngắn nên trông như áo của người Ấn Độ.
Áo dài thực là dấu ấn của văn hoá Việt vì loại hình trang phục này đã được triển lãm trong bảo tàng Hoa Kỳ, một lần ở San Jose Quilt Museum vào năm 2006 và tại American Museum of Natural History ở New York dịp Tết vừa qua.
Chuyện chọn quốc phục cho Việt Nam cũng được bàn luận trong nước từ nhiều năm. Năm 2006, tuy chưa gọi là quốc phục nhưng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã mặc áo dài gấm vàng, cùng với lãnh đạo các nước tham dự hội nghị APEC ở Hà Nội.
Đầu năm nay chuyện quốc phục lại được truyền thông trong nước nhắc đến. Báo Đất Việt ngày 21-1-13 có bài phỏng vấn nhà sử học Dương Trung Quốc và ông bày tỏ muốn có bộ quốc phục là khăn đóng áo dài. Còn trên báo Đời Sống ngày 24-3-13, nhà ngoại giao Vũ Cường cho rằng chọn quốc phục là không cần thiết vì áo dài tự bản chất đã đậm nét văn hoá Việt vì rất nhiều người mặc, như áo kimono của người Nhật. Ông nêu vấn đề nếu tôn vinh áo dài lên quốc phục, còn trang phục của 53 sắc dân khác thì sao?
Sau Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, chưa thấy lãnh đạo nào khác đã mặc khăn đóng áo dài trong dịp lễ hội.
Tại hải ngoại, quan chức ngoại giao Việt Nam như Tổng lãnh sự Lê Quốc Hùng và Nguyễn Bá Hùng lại đi bước trước khi các ông mặc khăn đóng áo dài đón Tết cùng kiều bào vùng San Francisco.
Nhưng làm sao để nhiều người Việt thích mặc áo dài là một điều khó khi ảnh hưởng văn hoá Âu Mỹ ngày càng sâu đậm tại Việt Nam.
Có thể bắt đầu từ học đường. Một chính sách đồng phục cho học sinh, nữ sinh mặc áo dài, nam sinh quần xanh áo trắng sẽ giúp thăng hoa áo dài trở lại và làm đẹp cho phong cảnh quê hương.
Tháng Tư nghĩ về văn hoá. Vì văn hoá là hạt mầm sẽ nở ra những bông hoa tươi đẹp.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/04/130428_thang4_vanhoa_aodai.shtml

 
 Ngày 30/4 khởi đầu một trào lưu bất đồng
Cập nhật: 17:49 GMT - thứ ba, 30 tháng 4, 2013
Quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn
Ngày 30/4 đánh dấu mầm mống bất đồng trong chính nội bộ 'bên thắng cuộc'
Ngày 30/4/1975 đánh dấu mầm mống khởi đầu của sự bất đồng trong chính nội bộ phe những người cộng sản giành chiến thắng trong cuộc tiến chiếm Sài Gòn, theo nhà nghiên cứu từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm thứ Ba từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu độc lập Lữ Phương nói ngay từ những ngày đầu tiên sau giải phóng, đã xuất hiện những rạn nứt trong cách thức nhìn nhận cuộc chiến và cách ứng xử với phần lãnh thổ mà quân đội miền Bắc vừa chiếm được từ tay chính quyền Sài Gòn.
"Những nhà lãnh đạo đã bệ nguyên một mô hình thể chế cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam, và cũng đã có những nhìn nhận chỉ coi trọng vai trò của những người từ miền Bắc vào giải phóng, tiếp quản."
Trong khi đó theo nhà nghiên cứu này những công lao, đóng góp của phe kháng chiến Nam Bộ, những người thuộc lực lượng thứ ba đã có vẻ đã bị coi nhẹ.
Được hỏi từ khi nào thì xuất hiện những tư tưởng bất đồng đầu tiên trong hàng ngũ những người cộng sản tham gia điều hành chính quyền ở miền Nam hậu giải phóng, nhà nghiên cứu nói:
"Nguyễn Văn Linh liên kết với Trung Quốc, chấm dứt cải tổ và đó là bi kịch của Đảng cộng sản Việt Nam"
Lữ Phương
"Ngay từ những ngày tháng đầu đã xuất hiện những ý kiến này khác, nhưng phải đợi tới các dấu mốc là năm 1986 khi ông Nguyễn Văn Linh hứa hẹn đổi mới, để rồi sang những năm đầu thập niên 1990 ông Linh được cho là đã không giữ lời hứa, mà quay lưng lại với cải cách, thì các ý kiến mạnh lên."
Ông Phương nói các cán bộ lãnh đạo thuộc các phong trào kháng chiến nam bộ, mặt trận cách mạng dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, các lực lượng bưng biền, các thành viên thuộc lực lượng thứ ba đã bắt đầu công khai lên tiếng.
"Những người như các ông Nguyễn Hộ, Trần Văn Trà, nhóm câu lạc bộ kháng chiến, rồi ông Trần Độ và nhiều người khác lên tiếng cho rằng ông Linh không giữ lời hứa," ông nói thêm.
Theo nhà nghiên cứu ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đã bị phê phán vào thời điểm cuối thập niên 1980 - đầu 1990 là đã có hành vi trấn áp nhiều tiếng nói, trong đó có giới nhà báo, như bà Kim Hạnh, hay các đồng chí cũ như Nguyễn Hộ, hay Trần Độ v.v...
"Nguyễn Văn Linh liên kết với Trung Quốc, chấm dứt cải tổ và đó là bi kịch của Đảng cộng sản Việt Nam," ông Phương, nguyên Thứ trưởng Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, một tổ chức do chính quyền cộng sản Bắc Việt xây dựng nên, nói.

'Bờ vực phá sản'

Ba mươi tám năm sau sự kiện 30/4, theo nhà nghiên cứu, phong trào bất đồng trong nội bộ đảng cộng sản ở miền Nam vẫn có những tiến triển đáng kể.


"Rút lui cũng là một lựa chọn, rút lui để dân tộc tiến bộ, đất nước hùng mạnh, là một lựa chọn đúng. Trong lịch sử những người cộng sản trước đây đã từng có lúc tuyên bố giải tán, tuyên bố rút lui"
Lữ Phương
"Đã có sự phân hóa và cũng có những tiến triển, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù sự áp bức đã làm một số người thay đổi thái độ, song số đông của phong trào vẫn tiếp tục vì họ vẫn giữ được niềm tin vào sự thay đổi của đất nước, nhất là trước thực trạng của Đảng" ông nói với BBC.
"Lẽ ra những người Cộng sản phải nhận thức được vị thế và thời cuộc của mình, và nếu họ thực sự yêu nước, thương nòi, thực sự có trách nhiệm, thì họ phải biết cần làm gì,
"Rút lui cũng là một lựa chọn, rút lui để dân tộc tiến bộ, đất nước hùng mạnh, là một lựa chọn đúng.
"Trong lịch sử những người cộng sản trước đây đã từng có lúc tuyên bố giải tán, tuyên bố rút lui, họ không nên tham quyền cố vị," nhà nghiên cứu nói.
Theo Lữ Phương, những người lãnh đạo cộng sản hiện nay đang phạm một sai lầm rất nghiêm trọng và to lớn:
"Họ đã đang dẫn đất nước tới một bờ vực của sự phá sản, suy thoái hoàn toàn, các giá trị cơ bản bị phá hoại,
"Họ đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân và đất nước, họ đang giữ chặt thể chế để không làm gì khác ngoài việc làm kinh tế cho họ, biến cả đất nước thành một cỗ máy làm ăn cho họ," nhà nghiên cứu đưa ra những ý kiến có thể coi là chỉ trích khá thẳng thắn.
"Họ đổi mới nửa vời, nay họ còn đang chia ra phe cánh với nhau để làm ăn, họ từ chối đổi mới chính trị đi đôi với cải tổ kinh tế. Họ coi nhân dân như kẻ thù. Rồi trong nội bộ nay họ cũng đang đấu đá, phe nọ đánh đấm phái kia quyết liệt, tanh bành...
"Họ biến đất nước thành một vũng lầy với đầy các tệ nạn từ hối lộ đến bất công, tràn lan, và hiện chưa rõ có con đường nào để thoát ra."

Lữ Phương
Ông Lữ Phương cho rằng phong trào đấu tranh dân chủ và bất đồng trong nước đang gieo những mầm mống tương lai
Nhà nghiên cứu cũng đưa ra một nhận xét nói hiện nay đang có quan ngại trong lúc 'cùng quẫn' đảng có thể ngả theo Trung Quốc để cố gắng có được sự hậu thuẫn, bất chấp tương lai, vận mệnh và quyền lợi của dân tộc có thể bị thế lực ngoại bang này xâm phạm.
"Hãy xem Trung Quốc đang vào Việt Nam như thế nào, từ nhân lực cho tới doanh nghiệp, từ sản phẩm, cho tới thị trường và đồng thời họ cũng chiếm giữ, tiến chiếm, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để gặm nhấm dần dần đất đai và biển đảo của chúng ta."
"Trong khi ấy lãnh đạo Việt Nam suốt ngày nói về đoàn kết ý thức hệ, nói về giữ hòa khí và lấy cớ đó ngăn dân không cho người dân phản ứng, không cho họ lên tiếng trước thứ chủ nghĩa thực dân mới mà ai cũng nhận thấy rõ," ông Phương đưa ra bình luận có tính chất ít nhiều như cáo buộc.

'Âm thầm gieo mầm'

Khi được hỏi liệu những nhà bất đồng xuất phát từ các cựu lãnh đạo, các đảng viên, các thành viên kháng chiến cũ nay có thể quá ít ỏi, yếu về tiếng nói và không có tương lai hay không, như một số ý kiến của giới chức chính quyền, ông Phương nói:
"Không nên lấy số lượng để tính, những tiếng nói bất đồng từ 30/4, từ thập niên 1986, 1990 ấy vẫn âm thầm nhưng họ đang làm được một việc rất quan trọng, các tiếng nói ngày càng nhiều, như các vị Lê Hiếu Đằng, Trần Quốc Thuận, rồi nhiều vị khác nữa...
"Đó là gieo mầm, họ gieo những mầm mống để một ngày có điều kiện, đất nước sẽ có sự đổi thay.
"Số lượng không nói lên điều gì then chốt, chính những người cộng sản ngày trước, những năm 1945 khi họ làm cách mạng chống Pháp, khi họ còn trong vị trí bị trị, họ chỉ có mấy ngàn đảng viên đấy thôi."
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng phong trào đang lớn mạnh lên rõ rệt, với nội dung bất đồng, chỉ trích, đấu tranh ngày càng quyết liệt, không khoan nhượng và triệt để hơn, bất chấp các rủi ro bị đàn áp.



"Mà trấn áp người ta xong, bỏ tù người ta xong thì người ta ra tù lại phát biểu mạnh mẽ hơn, quả quyết hơn, cho người ta đi tù là càng cấp bằng, là càng phong thánh cho người ta chứ gì"
Lữ Phương
"Từ các phong trào ấy, rồi gần đây mở ra, nào là trang mạng Bauxite, những người ra kiến nghị về Thơ Trần Dần, nay phát triển rộng khắp với nhiều nhóm khác,
"Hiện tại phong trào kiến nghị sửa hay đổi Hiến pháp cũng đang rất mạnh mẽ, quyết liệt. Còn trấn áp ư, trấn áp ngày nay so với xưa chưa là gì,
"Mà trấn áp người ta xong, bỏ tù người ta xong thì người ta ra tù lại phát biểu mạnh mẽ hơn, quả quyết hơn, cho người ta đi tù là càng cấp bằng, là càng phong thánh cho người ta chứ gì," ông Lữ Phương nói.
Gần đây trong một phỏng vấn với BBC về phong trào bất đồng chính kiến và tranh đấu cho tự do dân chủ ôn hòa ở trong nước, một Bấm quan chức cao cấp trong ngạch đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đảng cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam hiện không có đối thủ vì đối lập Bấm quá yếu và mỏng.
Phản biện lại ý kiến này, nhà bất đồng chính kiến, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang nói rằng chính do bị chế áp bằng chuyên chính vô sản của chính quyền mà phong trào có thể bị yếu, mỏng, hay có lúc bị phân chia, nhưng nhìn chung vẫn đang vận động tiến lên và có triển vọng
Còn luật sư Bấm Nguyễn Văn Đài, cũng từ Hà Nội, thì nói Đảng đông quân số, lại nắm hết các lực lượng chuyên chính từ quân đội, công an, tới tòa án và toàn bộ bộ máy chính trị, cai trị, nhưng thiếu chính nghĩa.
Trong khi vẫn theo nhà hoạt động dân chủ này, các lực lượng tranh đấu vì dân chủ tuy yếu hay mỏng, nhưng lại có tương lai vì nắm trong tay chính nghĩa và được sự ủng hộ của người dân và các phong trào tiến bộ dân chủ quốc tế.


Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?

Cập nhật: 04:08 GMT - thứ ba, 30 tháng 4, 2013
Chuẩn bị kỷ niệm 30/4 tại Hà Nội
Đâu là sự khác nhau khi viết những tác phẩm về chiến tranh ngày hôm qua và những cuộc chiến mới xảy ra hôm nay? Và nhân tố hoà bình sẽ nằm ở đâu trong những tác phẩm ấy? Đến khi nào những câu chuyện hôm qua trở nên chán ngắt?
Chúng tôi vẫn hỏi nhau như vậy, khi bàn chuyện viết.
Lê Quý Dương, đạo diễn sân khấu thế hệ 6x từng chia sẻ một ám ảnh: năm anh 4 tuổi, B52 dội xuống Khâm Thiên, sát nhà anh có bà già câm điếc sống một mình. mỗi khi có còi báo động thì phải chạy qua gọi cụ. Lần ấy Dương bận lo cho mấy đứa em vì bố mẹ đi vắng, không kịp chạy sang, khi còi báo yên anh trồi lên cũng là lúc chứng kiến căn nhà của bà cụ chỉ còn là đống gạch vụn.
Món nợ ấy chuyển thành sự câm lặng nơi anh mỗi khi hồi ức chiến tranh trào lên. Anh mang sự câm lặng ấy vào tác phẩm, những vở kịch không lời thời anh du học Úc từng khiến khán giả bản xứ lặng đi giây lát.
Sau Dương vài năm, tôi sinh ra ngay miệng hố bom, giây phút chào đời của tôi đánh dấu bằng tiếng còi báo động. Mẹ tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật kể rằng khi ấy, tất cả xuống hầm hết, lũ trẻ sơ sinh, vài đứa chưa được đánh số ở một hầm khác.
Khi lên, họ phát cho mỗi bà mẹ một đứa như phát bánh mì. Mẹ tôi chẳng có thời gian lẫn điều kiện để kiểm tra xem tôi có thực là con ruột của bà không.
Một buổi trưa, mẹ tôi từ nhà máy về, chạy ào vào nhà, làm đổ kềnh cả cái xe đạp vừa dựng. Bà ôm lấy chúng tôi khóc òa: Hòa bình rồi! Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Có hàng ngàn đứa trẻ sinh ra trong năm này mang cái tên Hòa Bình, chúng không còn phải biết đến đạn bom và hầm trú ẩn.

30 tháng 4 màu gì?

"Khi nơi họ sống chính là chiến trường thì chiến tranh là bất đắc dĩ, là phi nhân, rất đáng kinh sợ."
Năm 1995, tôi có dịp đến Quảng Trị -Thừa Thiên. Ngay sau chuyến đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, tôi gặp một bà mẹ anh hùng trong một ngôi làng bờ bắc sông Bến Hải mà số liệt sĩ gần bằng số hộ dân đang cư trú.
Bà mẹ liệt sĩ đã mất chồng và hai con cho hai cuộc chiến, côi cút trong căn chòi ọp ẹp với một con heo ốm nhom.
Cát trắng không một chút màu mỡ nhưng giấu bên dưới nhiều phế liệu, nguồn thu nhập chính của dân trong vùng. Lâu lâu, một tiếng nổ vang trời lấy đi sinh mạng hay một phần cơ thể, một đứa trẻ ở độ tuổi đi học.
Trong ý thức của tôi, cuộc chiến đã thêm màu trắng, của cát, của hàng trăm ngàn bia mộ trong nghĩa trang Trường Sơn và trên mái đầu bạc, trong ánh mắt đục thủy tinh thể của những người mẹ già không còn xúc cảm kia.

Từ 1996, tôi chuyển vào Sài Gòn. Những người bạn trí thức miền Nam dần dần pha thêm cho cuộc chiến trong tôi một màu sắc khác: màu tối của những nòng súng chúc xuống đất, những bộ quân phục cởi vội vứt bên vệ đường và những đôi mắt khép của bên thất trận. Và tôi biết với họ, nó chưa bao giờ kết thúc.
Công bằng mà nói, đối với nhiều người miền Nam, ngày 30 tháng 4, vừa là nỗi đau nhưng cũng vứa chan chứa niềm vui kết thúc chiến tranh, kết thúc cảnh "đại bác đêm đêm dội về thành phố", kết thúc cảnh các cô gái đi làm, đi học đều mang vài trái chanh trong túi để đối phó với hơi lựu đạn cay của cảnh sát đi giải tán những cuộc biểu tình phản chiến diễn ra như cơm bữa trên đường phố.
Khi nơi họ sống chính là chiến trường thì chiến tranh là bất đắc dĩ, là phi nhân, rất đáng kinh sợ.
Xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975
Xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975
Bà ngoại tôi là Phật tử tại gia, khi cậu tôi bỏ dở đại học Bách khoa Hà Nội để vào chiến trường miền Nam, bà tôi chỉ nhất tâm cầu nguyện không có viên đạn nào từ súng của con mình bắn ra làm phương hại đến một ai. Ông chú ruột có mặt trong đoàn quân giải phóng, sau 30/4 được giữ lại trường sĩ quan Thủ Đức làm công tác đào tạo nhưng ông nội tôi nhất quyết phản đối. Ông bảo: “đã bảo là đánh đuổi đế quốc, Mỹ cút rồi thì về nhà, giao lại cho người dân, thế mới là chính nghĩa!”
Men say chiến thắng của cậu và chú tôi không kéo dài bao lâu vì sau đó họ đều phải tập trung học nốt chương trình đại học và lo toan mưu sinh. 30 tháng 4 hằng năm họ tụ tập bạn bè lại uống vài vại bia với lạc rang, ôn lại mấy lần chết hụt.
30 tháng 4 của 4x, và 5x màu ly bia hơi sủi bọt.
Giới công chức bạn bè 6x, 7x, 8x của tôi nhiều năm nay đều xem 30/4 với 1/5 là chuỗi nghỉ dài, họ tranh thủ về quê, đi picnic, xông xênh hơn thì đi du lịch nước ngoài.
30 tháng 4 của họ mang màu những tấm vé.

Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?

Nhưng dường như vẫn có một dòng Bến Hải chảy trong tâm thức chúng ta, giữa công chức miền Nam và miền Bắc, giữa những người làm cho công ty nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân so với các công chức nhà nước.
Vừa rồi trên mạng rộ lên một phong trào nhuộm đỏ Facebook được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều công chức lề phải ở tuổi trung niên, đưa đến những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa hai bên, khiến dòng Bến Hải năm xưa lại sôi sùng sục.
Vì sao chiến thắng 30 tháng 4 vẫn khiến những người ở bờ Bắc phấn khích đến thế? Câu hỏi đặt ra là nếu họ có đầy đủ thông tin, họ có ứng xử khác đi không?
Vì sao họ có thể bắt tay làm ăn với người Mỹ mà 38 năm rồi vẫn không quên được “tội ác của Mỹ-Ngụy”? Vì sao họ khao khát “làm bạn với các nước”, mong mỏi xóa bỏ cấm vận, đổ ra đường chào đón Tổng thống Mỹ mà lại ngồi mãi trên yên cương với vòng hoa chiến thắng để khoét sâu thêm nỗi đau và khoảng cách khó xóa với chính đồng bào mình - những kẻ ngã ngựa, dù chiến tranh đã kết thúc lâu lắm rồi?
Mảnh máy bay B-52 ở Hà Nội
Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã gần 40 năm
Trí não con người có một chức năng quái quỷ là hoàn toàn đóng chặt cửa với tất cả những gì nó không muốn. Trong trường hợp này, phải chăng họ cần cảm giác chiến thắng để vực dậy niềm tin cho một cuộc chiến khác, cuộc chiến chống lại sự tụt hậu, suy thoái trong kinh tế - văn hóa - giáo dục – đạo đức mà họ đang dự phần và đang trào dâng dự cảm thua cuộc?
Tôi cũng có một câu chuyện để kể với bên không thắng cuộc:
Có một người lính miền Bắc, sau chiến tranh tiếp quản một căn biệt thự của một sĩ quan VNCH, chiến lợi phẩm của anh là chiếc bàn viết bằng sắt. Không ai biết trong đó đã được gài lại một món quà cho bên thắng cuộc mà chỉ cần mở ngăn kéo ra là phát nổ.
Nhưng người nhận món quà đó không phải người lính giải phóng mà là đứa con gái nhỏ lẫm chẫm biết đi. Vụ nổ không đủ sức cướp đi sinh mạng cô bé nhưng biến em thành người tàn phế, mù hai mắt, cụt hai tay. Tuyết – một nữ sinh giỏi, đầy nghị lực, niềm tự hào của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Sài Gòn đã “quyết toán” món nợ của hai bên như thế.
Đây là câu chuyện có thật về một cô gái hiện sống bên Mỹ với một người chồng Mỹ sau một đám cưới cổ tích tốn không ít giấy mực của cánh báo chí. Nếu bạn muốn biết thực hư cứ đến giở lại hồ sơ của trường này.
Tôi cũng muốn hỏi những người bờ Nam con sông: như vậy đã đủ chưa, để khép lại một mối cừu thù?
Khi một phóng viên Mỹ hỏi về thái độ đối với người Mỹ sau hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nhiều người Nhật lớn tuổi đã đáp lại anh ta: "Cám ơn các anh đã buộc chúng tôi dừng lại."
Thống tướng Douglas MacArthur – người đã cầm quân đánh bại quân Nhật và chỉ huy lực lượng chiếm đóng nước Nhật hậu chiến – chính là một trong những người được nhân dân Nhật ghi ơn cho đến ngày nay vì đã giúp họ cải cách ruộng đất, soạn Hiến pháp, thành lập một nền dân chủ để họ trở thành một quốc gia siêu cường.
"Cá nhân tôi nhìn nhận: một đại gia đình trải qua 38 năm dằng dặc mà huynh đệ vẫn còn chưa dứt chuyện thắng thua, thì đó là một gia đình có vấn đề về nhận thức."
Phạm Tường Vân
Sau Thế chiến II, một số người dân Nhật đã tôn kính treo hình ông – người từng đánh bại họ.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington của Hoa Kỳ là nơi an nghỉ của hàng ngàn binh sĩ thuộc cả hai phe Nam Bắc đã tử trận trong cuộc Nội chiến 1865.
Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát của Đại học Hebrew Jerusalem cho thấy 61% người Do Thái 'hài lòng' (satisfied) với thái độ nhận trách nhiệm của người Đức về cuộc diệt chủng năm xưa, 80% dân Israel cảm thấy quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn bình thường.
Người Việt nghĩ gì về thái độ của những dân tộc ấy đối với cựu thù trong chiến tranh của họ?
Cá nhân tôi nhìn nhận: một đại gia đình trải qua 38 năm dằng dặc mà huynh đệ vẫn còn chưa dứt chuyện thắng thua, thì đó là một gia đình có vấn đề về nhận thức.
Một dân tộc đau yếu khiến người ta không khỏi hoài nghi khả năng thích ứng của nó trong kỷ nguyên tiếp theo. Liệu chúng ta có đủ năng lực để cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới, sẵn sàng đối đầu với những cuộc chiến của kỷ nguyên số và siêu vi trùng ngàn lần phức tạp hơn?
38 năm đủ để những đứa trẻ mang tên Hòa Bình hay Thống Nhất năm xưa sinh ra những đứa con tuổi teen hôm nay, biết tư duy như một công dân toàn cầu, giỏi công nghệ, chiếm lĩnh các mạng xã hội để đặt cho người lớn những câu hỏi nhức nhối.
Và với chúng, câu chuyện hôm qua nhất thiết phải được kể theo lối mới.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, một nhà văn, nhà báo sống tại TP Hồ Chí Minh.

No comments: