Friday, September 28, 2012
HOÀNG NGUYÊN NHUẬN * TRẦN HỒNG CHÂU
Người Thi Triển Túy Quyền Trên Bục Giảng
Vào đề - Bài này được viết ra như một lời cám ơn khi
Hoàng tôi nhận được tác phẩm Dăm Ba Ðiều Nghĩ Về Văn Học
Nghệ Thuật của Thầy tôi gửi cho. Hoàng tôi vừa được tin
Thầy đã giã biệt cõi tạm. Xin mừng Thầy đã chuyển nghiệp,
xin thành kính phân ưu cùng tang quyến, môn đồ và bằng hữu
của Thầy.
Trại Ðỗ Quyên 11 giờ trưa ngày 13 tháng 12 năm 2003.
* *
Hàng năm ngày Tết chúng tôi có lệ lôi ra một tập thơ mình ưa
thích ra để bói... Kiều. Năm nay, chúng tôi dùng Hạnh
Phúc Ðến Từng Phút Giây (Văn Học, California 1999) của
Trần hồng Châu, vốn là... Thầy Hoạch ngày xưa của cả hai đứa.
Nhân đó, Hoàng tôi cũng hứa với Lệ Hằng sẽ viết một vài cảm
nghĩ về tập thơ này. Rủi cho tôi, lúc đó cũng là thời gian
Lệ Hằng nhảy choi choi như gà mắc đẻ vì bao nhiêu chuyện
điên đầu lỉnh kỉnh quanh việc di tản từ Phong Trang trên
Blue Mountains u nhã về Trại Ðỗ Quyên phồn hoa bụi bặm. Bà
ấy động tâm tán loạn làm tôi cũng lắc lư ‘điên’ theo, thế
nên lời hứa với đàn bà có khi trầm trọng chí tử mà có khi
cũng dễ theo gió bay đi? Trong khi tôi lửng lơ chưa giữ lời
hứa thì lại nhận thêm cho quyển DBÐNVVHNT (Trần Hồng Châu -
Dăm Ba Ðiều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật - Văn Nghệ,
California 2001).
Lệ Hằng lại đi Mỹ, phần chính cũng vì trắc ẩn đối với
một con nợ văn bi thảm tội nghiệp của Bà ấy. Nhà vắng cuối
tuần, không lý cứ lơ mơ quanh quẩn rồi than dài như Trịnh
công Sơn /thừa đôi tay dư làn môi/ hay /bạn bè rời
xa chăn chiếu/ ô hay mình vẫn cô liêu/ nên Hoàng tôi tôi
tự cho mình cấm trại mấy ngày để đọc một mạch cho xong
DBÐNVVNNT. Ðọc lần đầu, đã hẳn. Bởi những điều Trần hồng
Châu viết - kể cả thơ, không phải là những gì để chỉ đọc một
lần rồi thôi.
Chẳng hiểu sao mỗi lần nghĩ đến Trần hồng Châu, tôi lại
liên tưởng đến Thế Kỷ 20, xuất hiện rồi tuyệt tích
trên văn đàn Miền Nam đồng thời với Sáng Tạo bộ mới
và Hiện Ðại. Tôi đã quên hầu hết nội dung của Thế
Kỷ 20 số ra mắt, trừ bài đầu, nhất là mấy chữ đầu của
câu đầu: ‘Như một lẵng hoa...’, câu trực khởi rất Tây hấp
dẫn tôi như phù chú. (Trong bài này, tất cả những câu, những
chữ trong ngoặc đơn đều là từ DBÐNVVHNT). Sao có liên tưởng
đó? Có phải vì thuở ấy, tôi có điều khát khao cần được giải
tỏa và trông đợi tìm thấy chìa khóa nơi Thế Kỷ 20
nhưng Thế Kỷ 20 yễu tử khiến tôi thất vọng? Có phải
vì bài chủ lực của Thế Kỷ 20 số ra mắt là một trong
những bài văn luận bằng tiếng mẹ đẻ hay và... hậu hiện đại
nhất tôi được đọc thời đó? Ðó cũng là thời, vì mê bài tựa
truyện Kiều của Chu mạnh Trinh, Hoàng tôi đã ước ao thực
hiện một tuyển tập gồm những bài tựa, bài giới thiệu, bài
bạt... hay nhất cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và ‘quốc ngữ’. Ước
vọng đó cho đến nay vẫn còn dang dở.
Năm 1997, khi ghi lại một vài cảm nghĩ về Trần hồng
Châu, tôi có nhắc đến tạp chí Thế Kỷ 20 rằng: ‘Tôi
đón nhận Thế Kỷ 20 của ông như đồ đệ vô danh đón nhận
‘lẵng hoa đầu xuân’ thầy mình gởi cho. Lẵng hoa đó không
tươi mãi được bởi ông không muốn trồng hoa... nylon hay chơi
hoa vải trong khi hoàn cảnh lịch sử quê hương không cho phép
những người không chịu sắp hàng được thong dong làm văn học
theo sở nguyện. Thế Kỷ 20 biến mất và những đồ đệ nam
nữ của ông lục tục đứa vào quân trường, đứa đi nếm mùi lao
lý, đôi đứa phải chạy qua bên kia dù không muốn sắp hàng
nhưng chẳng còn cách nào khác hơn vì lũ chúng tôi chỉ có hai
đường để lựa chọn hoặc vất vưỡng trong đống rác của tư bản
rừng rú hoặc chết ngộp trong chiếc lồng đầy hoa vô sản quốc
tế... Tôi đã chọn đường vẫy vùng giải hoặc và lạc mất ông từ
dạo đó cho đến khi có duyên may đọc lại văn thơ của ông nơi
chốn lưu đày...’ (Hoàng Nguyên Nhuận - Một Góc Trần Hồng
Châu). Ðó cũng là cảm nghĩ của tôi về Trần hồng Châu hơn
30 năm trước. Thật vậy, trên nguyệt san Vấn Ðề của Vũ
Khắc Khoan số 50 tháng 9.1971, tôi có viết: ‘Sự rã tan của
nhóm Quan Ðiểm đã gây ra một thứ trống không văn hóa góp
phần thành công cho nhóm Sáng Tạo, nơi phát sinh một
số cây bút có thế giá trong nhiều năm sau này. Nhưng Sáng
Tạo, rồi Thế Kỷ 20... chỉ sống được một thời gian
ngắn vì nội dung lạc lỏng, vì cố gắng tạo một sinh khí mới
nhưng chẳng biết để làm gì’. (Tùy Anh - Cuộc Khủng Hoảng
Trí Thức Việt Nam). Tôi ghi xuống những cảm nghĩ ấy
trong liên tưởng về dòng dẫn nhập của Trần hồng Châu trong
Thế Kỷ 20 số ra mắt. Dòng dẫn nhập ấy nguyên văn:
‘Như một lẵng hoa xuân trong mùa lửa hạ vô cùng tận
của miền Nam đất nước’. Mùa lửa hạ vô cùng tận... mấy
chữ dường như báo trước định phận của đứa con tinh thần
của Trần hồng Châu. Miền Nam đang triền miên tắm gội bằng
Napalm, B.40, chất Da Cam và những ý thức hệ ngoại lai xung
đối nên bó hoa xuân của Trần hồng Châu và thân hữu muốn hiến
cho đời chớp mắt đã bị thiêu rụi. Bài dẫn nhập này đã được
in lại trong DBÐNVVHNT hôm nay, vẫn long lanh như một hạt
ngọc.
Các đại học miền Nam trước 1975 không thiếu gì những
‘ông thầy Văn Khoa’. Nhưng theo tôi, thực sự dạy văn - đặc
biệt là Việt văn - với tất cả những nghiêm cẩn say mê nghiệp
dĩ không phải là nhiều. Sài Gòn có Thầy Nguyễn khắc Hoạch,
Huế có Thầy Lê Tuyên. Trong khi các thầy khác chỉ loanh
quanh giảng giải – expliquer, thì Thầy Hoạch, Thầy Tuyên vi
vút huê dạng với tài triển khai – expliciter, rất chi là
Hiện Tượng luận. Chỉ khác một điểm. Thầy Tuyên lên lớp phải
có giấy, như một thợ cắt kim cương lành nghề, tài hoa nhưng
chuẩn xác, không thiếu một câu không thừa một chữ. Thầy
Hoạch thì tay không, như kẻ nhàn du bát phố, như một nhân
vật võ lâm đang thi triển... Tuý quyền. Trên bục giảng, Thầy
Tuyên nghiến ngầm như kẻ xướng hịch, Thầy Hoạch ung dung như
một kẻ cầm chầu Hát Nói. Phải chăng vì vậy mà đa số những
tác phẩm trình đời của Thầy Tuyên là văn luận thì của Thầy
Hoạch lại là thơ? DBÐNVVNNT là đứa em... áp út chào đời sau
một đàn anh tùy bút (Thành Phố Trong Hồi Tưởng - An
Tiêm, California 1991), và ba đàn chị thơ (Nửa Khuya Giấy
Trắng - Thanh Văn, California 1992; Nhớ Ðất Thương
Trời - Thế Kỷ, California 1995 và Hạnh Phúc Ðến Từng
Phút Giây ). Nghĩ như Trần hồng Châu rằng: ‘Sống những
giờ phút yêu đương, thể hiện yêu đương trong cuộc đời chắc
có thể thú vị hơn viết vài pho sách mổ xẻ tình yêu!’ thì
tránh sao khỏi móng vuốt của kiều nữ Ly Tao?! Trong câu này,
‘thú vị’ nhất có lẽ là ba chữ ‘chắc có thể’. Ðã chắc
lại còn có thể, đã có thể lại còn chắc...
Chỉ có tiếng Việt và những người chủ động tiếng Việt bản
lãnh như Trần hồng Châu mới biết lúc nào cần ghép ba chữ đó
lại với nhau một cách... Thiền vị như thế. Có phải vì bản
tâm Trần hồng Châu dịu dàng hòa ái, hay vì không muốn cọ xát
với hồng trần phồn hoa, nên Trần hồng Châu chọn con đường
thơ vì dù ‘... thơ ít có liên quan với thực tại và thực
tiễn!’ nhưng chính thơ mới đủ sức ‘đưa ta thẳng vào tận
trung tâm sự vật, để vươn tới xứ sở của Chân Thiện
Mỹ’?
Một điểm hấp dẫn nữa của DBÐNVVHNT là tiếp sau phần
‘giảng bài’- kể cả bài điểm quyển hồi ký của Giáo sư Nguyễn
đình Hòa vốn là đồng nghiệp của Trần hồng Châu và bài tiểu
luận về ‘vận nước nổi trôi’ của Bác sĩ Hoàng văn Ðức tiếp
sau các phần kiến giải về tư tưởng Xuân Thu và nghệ thuật
thịnh Ðường, về tình yêu trong truyện Nôm, về Nguyễn công
Trứ, về Albert Camus - là phần châu phê những học trò xuất
sắc - hay như chính lời Trần hồng Châu, ‘những học trò siêng
năng, gần gũi của ông thầy Văn Khoa’. Trong phần châu phê
này, Trần hồng Châu thư thái biểu diễn những cách ‘nghĩ về
văn học nghệ thuật’ của ông cũng như chiều hướng và khả năng
sáng tạo ông muốn truyền thụ cho họ thực hành, trong khi ân
cần chỉ cho họ thấy rõ hơn và tự tin hơn vào những sở trường
cần triển khai nơi chính họ. Thủ thuật này hiển lộ qua cách
Trần hồng Châu đặt tiểu đề cho toàn bộ tác phẩm hay riêng
một tác phẩm mà ông giới thiệu. Trần hồng Châu phê Phạm xuân
Ðài của Hà Nội Trong Mắt Tôi là ‘con người yêu chân,
thiện, mỹ quay đầu nhìn về quê hương khổ đau’. Bụi và Rác
của Nguyễn xuân Hoàng là ‘nỗi đau của tất cả chúng ta
hôm nay’. Nghề Làm Vua của Lệ Hằng là ‘bản cáo trạng
nhắm thẳng vào cường quyền trong suốt chiều dài lịch sử’.
Tiểu luận của Hồ đình Chữ về Tản Ðà và Tình Yêu là ‘đường
vào tình sử’. Sử Ca của Nguyễn xuân Thiệp là ‘thơ và
huyền thoại trên thượng nguồn dòng sông lịch sử’. Tập Văn
Luận của Lưu Nguyễn Ðạt là tấm gương phản ánh ‘một người
‘phải lòng’ tiếng Việt’. Từ Ðiển tiếng Huế của Bùi
minh Ðức là ‘cuốn từ điển phương ngữ viết bằng trái tim’.
Hồng khắc Kim Mai qua hai tập thơ Mắt Màu Nâu
và Em Cho Ta Tình Thơ là hình ảnh của ‘Bạch Tuyết,
một mình giữa bão lốc thời đại’. Trong Mê Cung của
Nguyễn trung Hối là ‘vũ trụ hư cấu của kẻ đào thoát khỏi
bản ngã và kỷ niệm’. Ðỗ quý Toàn là kẻ ‘đi vào mê hồn trận
của thơ và tiếng nói’ trong Tìm Thơ Trong Tiếng Nói
... Lối châu phê tài tình bay bướm này nhắc Hoàng tôi nhớ
đến một vị Thầy quý mến hồi Ðệ Tứ. Thầy Cao hữu Triêm, một
dị nhân kiệt xuất trong giới nhà giáo Huế. Thay vì trừng trị
Hoàng tôi ham... trốn học lang thang hay đi trễ về sớm, Thầy
Triêm chỉ phê đại để... Học khá, nhưng xuất hiện phi
thường! Tôi chỉ khổ vì phải giải thích cho gia đình tôi
mấy chữ đó trong học bạ có nghĩa gì.
Cho đến bây giờ hình như chưa nghe ai than là bị ‘ông
thầy Văn Khoa’ phê oan, do đó cũng không nghe ai khiếu nại
là thầy thương không đều cả. Chính qua phần châu phê này mà
người ta thấy rõ cái trăn trở và can trường trí thức, cái
tài lăng ba vi bộ của một kẻ đứng giữa lằn ranh mong manh
của một bên là ‘nghề’ văn khoa phải bám sát các lý thuyết mỹ
học và phê bình văn học, một bên là cố gắng vươn lên, cố
gắng đóng ngoặc những lý thuyết đó vì nghiệp dĩ sáng tạo.
DBÐNVVHNT là một thủ bản có thế giá về phê bình và lý
luận văn học nghệ thuật. Vốn là một sản phẩm sáng giá của
Sorbonne quyền quý tao nhã, dĩ nhiên cái nhìn của Trần hồng
Châu nặng Tây Âu hơn là Anglo-saxon. Ðó là một điều may cho
người đọc. Bởi trong thế giới hiện đại, phê bình và lý luận
văn học nề nếp chững chạc nhưng rất người vẫn là của Tây Âu,
nhất là Pháp. Hay nói như Trần hồng Châu: ‘người Pháp, người
Ý, có lẽ khôn ngoan, hồn nhiên, đi sâu vào nghệ thuật sống
hơn người Mỹ, người Anh’.
Phong cách suy tưởng của Trần hồng Châu ‘nặng’ Tây Âu
nhưng Trần hồng Châu không hề tỏ ra xu phụ hay thần phục,
ngay cả chạy dọi theo đuôi những nhân vật đầu đàn trong
ngành phê bình và lý luận mỹ học của Tây Âu như một số
chuyên gia phê bình lý luận văn học - hải ngoại cũng như
trong nước, đã và đang làm. Từ sau những đợt đánh phủ đầu
của thực dân Pháp, một số trí trức Việt Nam - hữu cũng như
tả - trở nên lòa mắt khớp mấy ông thần bà thánh triết lý,
tôn giáo, văn học, nghệ thuật của Tây phương, cũng thuần
thành như cácx bậc trưởng thượng của họ ngày xưa thuần thành
với lề lối suy tư Tử viết hay /đạo thầy thứ nhất là Nho/
hay giáo chủ này phán rằng, giáo chủ kia dạy rằng. Trần hồng
Châu là một trong những biệt lệ, học Tây phương nhưng lại
không hành xử như những học trò của Tây phương. Trần hồng
Châu đan cử những tư tưởng, liệt kê những tên tuổi bậc thầy
của Tây phương không phải như những á thánh, những tín điều
hay những định đề, nhưng chỉ như là những ví dụ, hiển chứng
hay trang hoàng cho điều Trần hồng Châu muốn nói. Trần hồng
Châu có sự tự trọng và tự ái của một kẻ tự mình biết thế nào
là phải và trái, toàn cầu và tổ quốc, dân tộc và nhân loại.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1995 của nguyệt san Văn
Học, Trần hồng Châu thú nhận: ‘Tôi thường thấy mệt mỏi
với lý thuyết văn nghệ’. Một năm sau, khi trả lời nguyệt san
Khởi Hành, Trần hồng Châu lại nhắc: ‘Tôi ít để ý đến
lý thuyết, trường phái, mới cũ hay Ðông Tây’ chỉ làm cho
người ta ‘sa lầy trong những tranh luận lý thuyết trừu tượng
và không tưởng’. Hai năm sau, trong bài phỏng vấn trên đài
RFI tháng 3.1998, Trần hồng Châu lại nói: ‘Dần dần tôi cảm
thấy mệt mỏi, bảo hòa’ (với những quan điểm và lý thuyết
sáng tạo). Mệt mỏi bảo hòa vì những lý thuyết đó chỉ là ‘màu
xám của lý trí trừu tượng, xa rời cái sống động, nóng hổi và
xanh tốt của nhân sinh’ trong khi những lý thuyết mới như
Tân tiểu thuyết, Tân phê bình, Cơ cấu luận, chủ trương Hủy
tạo lại ‘xa rời nhân sinh, phản văn nghệ và không phát triển
được’. Lý thú hơn nữa là, như một thiền sư dùng thét và gậy
khai tâm cho môn đồ, Trần hồng Châu ‘quại’ luôn người phỏng
vấn vốn là kẻ đang... e lệ ngập ngừng đi vào thế giới phê
bình văn học dưới ánh sáng của cơ cấu luận và hủy tạo!
Qua DBÐNVVHNT, bằng phong thái và bút pháp của một ‘trí
thức sáng tạo’ tự tín khiêm cung và lịch lãm, Trần hồng Châu
kiến giải những vấn đề gai góc của văn học nghệ thuật một
cách bình dị, không rườm rà khúc mắc, không kinh viện nặng
nề, không dung tục trịch thượng và cũng không nhũn nhặn tự
ty. Trần hồng Châu biết mình nói gì, những gì cần nói và nói
như thế nào, bằng một ngôn từ lịch sự khoan hòa trong bóng.
DBÐNVVHNT là một thứ bí kíp, một bài ‘Hiệp Khách Hành’ để
lại cho ‘văn lâm’ của miền Nam Việt Nam trước 1975 và lưu
vong hôm nay - mà theo Trần hồng Châu có cùng một bản chất,
một ý hướng và một định phận. Qua DBÐNVVHNT, Trần hồng Châu
rành mạch kiến giải những vấn đề như sáng tạo văn học nghệ
thuật, và riêng văn học nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh
văn học nghệ thuật thế giới, vấn đề văn học nghệ thuật Miền
Nam trước 1975 và lưu vong hiện nay đứng ở đâu và đi về
đâu...
Trần hồng Châu thú nhận mình là kẻ ‘tha thiết hướng về
Chân Thiện Mỹ’, chân thành, tự hào và tam ‘độc’ - độc nhất,
độc lập, độc đáo. Trần hồng Châu đề cao ‘Tâm Thiện’ khi sáng
tạo, trong khi có kẻ ồn ào sửa lưng Nguyễn Du sai khi bảo
chữ Tâm bằng ba chữ Tài. Sai! vì chỉ có tài mới là động năng
đẩy người sáng tạo theo mới, theo ‘tân’, mới đủ sức làm ‘phá
thể’, ‘hủy tạo’, ‘tân tiểu thuyết’, ‘tân phê bình’.
Trần hồng Châu không dựa vào phe này để chơi phe kia,
không lấy lý thuyết chọi lý thuyết, không lấy ý thức hệ dập
ý thức hệ bởi vì, trong khi sinh hoạt văn học nghệ thuật chỉ
huy tuột dốc vào hố thẳm ‘U mê, cuồng tín, ác độc và lòng
tham không đáy’, thì nền văn học nghệ thuật tự do dân chủ
lại dậm chân tại chỗ trong ‘những lớp bụi bậm của lý trí
lạnh lẽo, ‘mốt’ thời thượng, phấn son làm dáng, ấu trĩ tầm
thường, khuôn mòn bảo thủ ù lì hay cái ‘mới’ a dua, giả tạo,
hung hăng...’.
Trần hồng Châu cảnh giác về hiện tượng tiếng Việt như
một chủng loại trên đà tận diệt: ‘Trong hoàn cảnh hiện tại,
ở hải ngoại, ta còn có thể cầm cự trong một vài thập niên
nữa, cho tới khi không còn người ‘sản xuất’ cũng như người
‘tiêu thụ’ văn nghệ...’. Trần hồng Châu nghiêm cẩn nhắc đến
hai chứng bệnh đang tiếp tay cho sự tàn phai đó. Ðó là ‘cái
a dua thời thượng, cái giả tạo đôi lúc ồn ào quá mức... và
cái ‘hội chứng phe nhóm’. Ðồng thời Trần hồng Châu cũng vạch
ra đường sống và con đường tiến tới của văn học nghệ thuật
hải ngoại đó là ‘phải vươn tới cái khối hơn bẩy mươi triệu
dân Việt ở trong nước, loại độc giả đang thèm khát những
luồng gió mới’. Ðây là một gợi ý nghiêm túc, thiết thực. Và
can đảm nữa. Can đảm vì đi ngược với cái ‘a dua thời thượng’
và ‘giả tạo ồn ào’ của văn học nghệ thuật lưu vong vốn có
khuynh hướng nhìn Việt Nam như một bế tắc tuyệt vọng. Khuynh
hướng này đòi hỏi người làm văn học nghệ thuật phải tỏ ra
tiếc hận, bi phẫn, hay ít ra cũng hờ hững xa cách, hoài nghi
hay trịch thượng khi nói về hay viết về bất cứ gì của Việt
Nam. Nếu không thì có thể bị tố là lội ngược dòng, là không
thời thượng, không chính thống, không thuần túy, không dứt
khoát.
Thuần thành và dứt khoát tôn trọng cái tự do của người
sáng tạo như một tâm nguyện thiêng liêng, Trần hồng Châu
cũng cố gắng níu sáng tạo văn học nghệ thuật ở lại với trần
gian, không phải là một trần gian mơ hồ vô xứ, nhưng là một
trần gian có tên Quê Hương. Tìm được cán cân quân bằng giữa
toàn cầu và địa phương, giữa nhân loại và dân tộc là một
trong những bận tâm của Trần hồng Châu. Ðó là một điều rất
khó - mà hình như cũng là rất dễ, với những kẻ vì nghiệp dĩ
lịch sử phải sống đời lưu vong để rồi phải luôn luôn xao
xuyến trằn trọc giữa lưu đày và quê nhà như lối nói
của Camus. Cho nên, trong khi đa số đang lặp đi lặp lại hai
chữ ‘toàn cầu’ ‘quốc tế’ như bùa chú, trong khi một số người
chỉ muốn nghĩ đến chuyện lìa xa tổ quốc, chôn chặt bản lai
diện mục ‘Mít’ của mình, Trần hồng Châu lại chủ trương tuy
phải ‘vượt ra ngoài biên giới địa phương mỗi khi suy luận về
văn nghệ. Nhưng khi sáng tạo thì cần hòa hợp nhiều yếu tố
trong đó yếu tố quê hương vẫn chiếm phần quan trọng. Vì, chỉ
khi chúng ta hoàn toàn là chúng ta, là quê hương chúng ta,
chúng ta mới đạt tới cái khái quát, cái toàn diện của con
người, của nhân loại... Trên con đường dài, giữa cảnh núi
rừng bao la, nhiều khi người thám hiểm cũng cảm thấy cô đơn
hay mỏi mệt, đôi lúc thấy phải dừng chân về thăm hay tưởng
nhớ lại quê cũ và truyền thống xưa, để tìm ở đấy những điểm
tựa, những niềm an ủi, những lý do tin tưởng, hầu mong vững
lòng tiến xa hơn nữa’.
Một tình yêu quê hương đậm đà, một phong thái bay bướm
nhàn nhã, đó là hai bản sắc của Trần hồng Châu mà Hoàng tôi
cố theo, cố học. ‘Phải dừng chân về thăm hay tưởng nhớ lại
quê cũ và truyền thống xưa, để tìm ở đấy những điểm tựa,
những niềm an ủi, những lý do tin tưởng...’ Ðó chính là bí
kíp sáng tạo của Trần hồng Châu - một người từng ăn pâté
chaud của Pháp và hot dog Mỹ đến mòn răng, một người biết
Pháp biết Mỹ đến độ... thập thành - chứ không phải chỉ biết
sơ sơ ba rọi. Ðọc những vần thơ cổ kính của Trần hồng Châu
mới thấy được cái cảm thức /cử đầu vọng minh nguyệt/ đê
đầu tư cố hương/ hay /bao năm cúc nở riêng sầu/
của ông sâu đậm và quay quắt đến mức nào.
Nhận được
quyển DBÐNVVHNT, liếc nhìn tựa sách, tôi mĩm cười và tưởng
tượng mình đang hầu chuyện với ông Thầy mình cách xa vạn
dặm: ‘Thưa Thầy, sao lại dăm ba điều mà không phải
dăm điều, ba điều hay ít nữa cũng là những điều
hay đôi điều’?! Hỏi thì hỏi, tôi thừa biết, một nhà
mô phạm thường ‘không lý giải, không lý luận’ như Thầy, Thầy
sẽ không hơi đâu dài dòng, Thầy sẽ trả lời tôi bằng một câu
hỏi: ‘Tại sao cậu hỏi vậy’? Cho nên tôi lại mườn tượng nghe
tiếng mình: ‘Vì, thưa Thầy, Thầy dạy con hỏi chứ không dạy
con nhắm mắt nhận những câu trả lời sẵn có’. Ngôn từ nếu
không giải phóng tâm tư thì cũng không thể là cùm xích trói
buộc con người. Des mots, des maux mà! Vị thầy lý tưởng là
kẻ có cách bắt học trò tự thắp đuốc lên mà đi, phải tra hỏi
rồi tự tìm lấy câu trả lời.
Nghiệp dĩ của đứa học trò của Thầy là hành động, hắn
thường cần những công thức để quyết định và ra tay, nên hắn
ham hỏi.Với hắn, dăm là dăm, ba là ba. Nhưng
bản chất của Thầy hắn là một nhà mô phạm, một nhà thơ. Tiêu
ngữ của nhà mô phạm là ‘giáo đa thành oán’. Tiêu ngữ của nhà
thơ là vần điệu. Cho nên Thầy không quyết dăm mà cũng
chẳng chọn ba, chẳng phải vì Thầy sợ bị lâm vào cảnh
phải nhận lời trách móc kiểu Hồ xuân Hương: /Sao nói rằng
năm lại có ba/ mà chỉ vì Thầy thấy dăm ba, vừa
nhẹ, vừa thư thái, vừa... thơ nữa? Với Thầy, thơ mới là đáng
kể.
Nói đến
thơ, Hoàng tôi lại liên tưởng đến sáng tạo. Tôi thường nghe
nói đại khái có một khác biệt văn hóa, một khác biệt theo
miền, trong hai đường lối sáng tạo của Tây phương và Ðông
phương. Sự khác biệt này sâu đậm đến đâu, tôi không biết.
Ðiều chắc chắn là tôi không thể nào trừu tượng hay bỏ quên
sự khác biệt đó để chỉ nhìn thấy điều được gọi là phổ biến
hay toàn cầu trong hành động sáng tạo. Cho nên, dù Thầy ‘ít
để ý đến lý thuyết, trường phái, mới cũ hay Ðông Tây’, Hoàng
tôi vẫn mong có cơ duyên trình Thầy: ‘Thưa Thầy, Thầy dạy
tụi con sáng tạo, nhưng Thầy không chịu nói rõ cho tụi con
chút nữa sáng tạo là gì? Làm thơ là gì?’
Người ta thường nói Tây phương sáng tạo kiểu từ không
ra có, ex nihilo, biến cái thông thường thành cái lạ
lùng, cái chưa từng có. Sáng tạo là đem nhân cách nghệ sĩ áp
đặt vào nghệ phẩm. Trong khi Ðông phương sáng tạo thường là
thích ứng nhân cách đặc thù của cá nhân nghệ sĩ với đối
tượng, nhập thân với đối tượng, là khám phá cái phổ biến
trong cái đặc thù, là biến cái ‘kho trời chung’ thành cái
‘vô tận của mình riêng’ Tranh thủy mạc chẳng hạn. Ðó là
những đại cảnh không phải từ ngoài nhìn vào hay từ trên nhìn
xuống như không ảnh. Tranh thủy mạc được vẽ từ trong ra, hài
hòa và gần gũi. Hay Nguyễn Du chẳng hạn. Cả quyển truyện
Kiều không có một câu, một chữ nào nhắc đến Việt Nam dù là
gián tiếp, thế nhưng không có một người Việt nào không thấy
một chút gì của mình trong đó. Chung chung là như thế. Nhưng
đó chỉ mới trả lời câu hỏi sáng tạo như thế nào, chứ
không phải sáng tạo là gì?
Trần hồng Châu nói: ‘Chung cuộc chỉ còn lại dăm ba điều
nghĩ, một vài xúc cảm và ấn tượng, hoàn toàn gắn bó với thẩm
quan và nhiệt tình của một cá nhân sáng tạo văn nghệ, thân
mật đi bên những người đồng điệu, giữa một vườn hoa nhiều
màu sắc. Với cả tấm lòng tha thiết hướng về Chân Thiện Mỹ.
Với phong thái rộng mở của con người không muốn bị ràng buộc
bởi bối cảnh, thiên kiến, nhóm phái hay ý thức hệ nào cả.
Một con người mong mỏi được hoàn toàn thoải mái, đuổi
theo và ghi lại mọi vẻ đẹp rơi rớt trên giải đất trần
gian mến yêu của tất cả chúng ta’. Như vậy, sáng tạo là đuổi
theo và ghi lại. Phút giây đó Trần hồng Châu mượn lời Hồ
Dzếnh để gọi là ‘phút linh’. Trần hồng Châu và Hồ Dzếnh đợi
thơ, nhưng thơ có thể đến và phút linh đó cũng có khi không
đến. Có phải van Gogh chờ mãi phút linh đó không đến nên nổi
nóng tự hớt mất vành tai? Hay Nguyễn tất Nhiên chịu đựng
không nổi những phút giây đó dồn dập ùa tới nên đành từ giã
cõi đời trong sân chùa một đêm giá lạnh? Cũng như có những
nhà thơ, không đủ kiên trì chờ thơ đến, không đủ tài năng
đón nhận thơ nên đành phải làm như thể nàng thơ đã đến, bằng
những quái thai đẻ non của mình gọi là... thơ tự do, bất cần
người đọc, bất cần vần điệu, bất cần chữ nghĩa. Nhưng đã tự
do mút chỉ như thế rồi thì thích ghi gì xuống giấy - hay
trên màn computer, cứ ghi, thích viết kiểu nào cứ viết,
thích nguệch ngoạc cứ nguệch ngoạc, sao lại còn ràng buộc
mình vào một thể sáng tạo gọi là thơ?! Nói như thế, không có
nghĩa Hoàng tôi đã biết rõ thơ là gì vì thực ra Hoàng tôi
chỉ nghĩ rằng khi đã gọi là thơ tự do thì nhà thơ phải biết
mình nói thơ tự do chứ không phải thơ niêm luật, không phải
văn, không phải câu đối, không phải vè, không phải hô bài
chòi.
Phút linh đó là tiếng réo gọi âm thầm khi người sáng tạo
đối diện với quản bút và tờ giấy. Là phút giây người sáng
tạo cảm thấy cần ‘ghi lại’ và có thể ‘ghi lại’. Nhưng nếu
theo quan điểm của Công tôn Long chỉ có trắng là trắng, ngựa
là ngựa chứ không có ngựa trắng thì ghi lại cái gì? Ghi lại
‘sự vật’ đã thấy, hay ghi lại ‘cái đẹp’ nơi sự vật đã thấy?
Bức La Joconde chẳng hạn. Leonardo da Vinci ghi lại
người thiếu phụ? hay ghi lại người thiếu phụ đẹp? hay ghi
lại vẻ đẹp của người thiếu phụ?
Ghi lại sự vật hay ghi lại cái đẹp của sự vật, đàng nào
cũng phải có ‘phút linh’, phải chờ phút linh và nhờ phút
linh. Mà chờ phút linh là phải ‘đóng ngoặc’ cuộc đời, đóng
ngoặc đối tượng chứ không phải bám sát hay chạy trốn cuộc
đời hay đối tượng. Hiện thực chủ nghĩa, nếu không phải là
một thứ ngụy tín thì cũng là một chủ nghĩa còn cực đoan hơn
chủ nghĩa duy tâm. Ðóng ngoặc cuộc đời hay đóng ngoặc đối
tượng để thấy được rằng: /Giả diệc chân thời chân diệc
giả/Vô vi hữu xứ hữu diệc vô./ như một nhân vật trong
trong Hồng Lâu Mộng đã thấy. Sáng tạo là ghi lại cái thật
không phải là thật, cái giả không phải là giả, cái có như là
không, cái không như là có. Hoa hướng dương của Van Gogh
không phải là hoa hướng dương thật mà thật là hoa hướng
dương. Chân là Mỹ, Mỹ cũng là Thiện, Thiện cũng là Chân.
Phải chăng vì vậy mà Trần hồng Châu không buộc nghệ thuật
phải vị nghệ thuật hay đòi nghệ thuật phải vị nhân sinh mà
để cho nghệ thuật phải vị cả hai, hay đúng ra chẳng cần
thiên vị một cái gì cả? Nói thế khác, Trần hồng Châu không
hoài công với chuyện duy tâm - duy vật, trừu tượng - hiện
thực... trong sáng tạo.
Nhưng điều khó khăn cho người sáng tạo là phút linh qua
rồi nhường chỗ cho phút trần lụy. Người nghệ sĩ chỉ đóng
ngoặc cuộc đời, đóng ngoặc đối tượng trong phút giây sáng
tác, khi chờ phút linh. Phút linh đến, sáng tác xong bài
thơ, bài nhạc, bức tranh, bài văn thì phải mở ngoặc, phải
trở lại cuộc đời, phải sống, phải lựa chọn. Bi kịch và bế
tắc chính là chỗ đó. Và đây có thể là một bế tắc nữa mà Trần
hồng Châu thấy chưa cần nói đến?
Thật vậy, khi đóng ngoặc cuộc đời để sáng tạo, người
ta muốn vị gì cũng được, hay nghĩ rằng mình tha hồ muốn vị
gì thì vị. Nhưng cuộc đời lại chỉ vị ‘bối cảnh, thiên kiến,
nhóm phái, ý thức hệ’. Bế tắc và bi kịch chính là ở chỗ nhảy
qua rồi quên nhảy về, đóng ngoặc rồi quên mở ngoặc. Chiến
tranh, hận thù, chém giết cũng thế. Ở nơi trận tiền, nếu ai
cũng tránh không vơ đũa cả nắm, hay nói như Sartre ai cũng
nghĩ ‘il a volé, il n’est pas donc voleur’ thì làm sao hươi
đao múa kiếm hay bóp cò? Muốn giết, muốn bỏ tù, muốn trấn áp
thì phải đóng ngoặc đối phương, phải giản lược đối phương để
chỉ thấy ‘hắn’ là kẻ ác ôn đơn giản có tên là ngụy, là cộng
sản, là vô sản khát máu hay tư bản rừng rú, chứ không thể
nghĩ rằng tên ác ôn đó còn là cha, là chồng, là anh em, là
đồng bào, đồng loại, là nhà tu, nhà thơ, nhà văn... Qua cơn
chém giết hận thù thì phải mở ngoặc, phải trở lại cuộc đời
với ‘mọi vẻ đẹp rơi rớt trên giải đất trần gian mến yêu của
tất cả chúng ta’ như Trần hồng Châu nói. Ðã giã từ vũ khí
thì không thể di tản cả chiến trận về trong phòng ngủ hay
phòng khách nhà mình. Trên bờ vực thẳm cheo leo của cuộc đổi
đời, người làm văn học nghệ thuật không thể đi tới, chưa thể
nhảy vào tương lai của đại khối ‘hơn bẩy mươi triệu dân Việt
ở trong nước’ chỉ vì họ không thoát được cái gông cùm quá
khứ. Phải chăng đây là cái bế tắc thứ ba?
Và phải chăng bi kịch thứ ba của nền văn học nghệ thuật
lưu vong cũng chính là bi kịch của nền văn học nghệ thuật
miền Bắc chưa rũ bỏ được ám ảnh khủng bố trắng của những
nghị quyết chính trị như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ
Không? Hoàng tôi chợt phân vân như thế khi Trần hồng Châu
bảo: ‘Còn văn học miền Bắc ngày hôm nay, chỉ là một dòng
phụ, tuyệt đối lệ thuộc vào chính trị, nên không được đề cập
tới ở đây. Ðó là một thực thể hoàn toàn khác biệt... đến từ
một hành tinh xa lạ’. Phải chăng vì muốn kiến giải hay triển
khai một nền văn học nghệ thuật mà bản chất có thể là ‘u mê,
cuồng tín’ nô lệ chính trị thì phải có một nền lý luận phê
bình kinh viện độc thiện khép kín là điều Trần hồng Châu
không muốn nên Trần hồng Châu đành nhắm mắt đóng ngoặc dòng
văn học nghệ thuật miền Bắc trong DBÐNVVHNT?
Lịch sử văn học nghệ thuật cho thấy không phải lúc nào
độc tài cũng giết chết được quyết tâm đóng ngoặc cuộc đời để
sáng tạo. Ðộc tài phong kiến sản xuất ra Cao Bá Quát. Ðộc
tài thực dân vẫn để lọt Tú Xương, Tú Mỡ, Ðôi Bạn, Ðoạn
Tuyệt, Nửa Bồ Xương Khô, Bộ Áo Cà Sa Nhuộm Máu... Ðộc
tài nhân vị đâu ngăn nổi Vũ Hoàng Chương viết Lửa Từ Bi,
đâu ngăn được Nguyễn đăng Thục lăng ba vi bộ với... tư tưởng
Việt Nam và triết lý Ðông phương. Vô sản chuyên chính đâu
ngăn nổi Bùi Giáng làm thơ và dân chúng chơi chữ, ‘nói lái’.
Một người anh em của Hoàng tôi kể chuyện là sau 1975, trong
thời kỳ cãi tạo xã hội bằng cách sắp hàng mua nhu yếu phẩm
kể cả thuốt hút, ngoài thuốc lá hiệu Vàm Cỏ, Nông Nghiệp,
Nhà Nước cho ra đời thêm một loại mới tên là BTC. Mấy tháng
sau thì hiệu thuốc mới này biến mất, có lẽ vì tiếng cười dí
dõm của dân chúng khi đọc ba vần BTC thành: Bộ Chính Trị
- Bảo Chúng Ta - Bỏ Công Tác - Bán Chợ Trời đến tai Ban
Văn Hóa Tư Tưởng trung ương? Hồi ở chung với Hoàng anh Tuấn
tại T.4 Phan đang Lưu, Hoàng tôi đã có lần nghe Ông Thần
Nước Ngọt này chơi chữ bằng cách rút gọn tên các nhà lãnh
đạo đương quyền là Lê Duẫn, Phạm văn Ðồng, Trường Chinh,
Nguyễn lương Bằng, Tôn đức Thắng thành một câu rất đơn giản
là Ba đồng chinh bằng tôn! Ngày xưa, Thầy Pháp văn
tếu một cách thâm trầm của Hoàng tôi là Cao hữu Hoành thường
cười khoái trá mỗi khi nói đến Lettres Persannes của
Montesquieu hay cụm từ ‘les deux moitiés inégales’ của
Voltaire. Hôm nay, nếu Thầy Cao hữu Hoàng còn sống, Thầy
liệu có còn cười hô hố khoái chí trước lối chơi chữ đó
không?
Mặt khác, tự do không hẳn là điều kiện ắt có và đủ để
sáng tạo. Nguyễn chí Thiện làm được mấy trăm câu vè thời còn
lận đận bầm dập với những kẻ ông ấy xỉa xói là ác ôn côn đồ.
Ðến Tây phương cực lạc tha hồ tự do rồi ông ấy làm thêm được
bao nhiêu câu vè đáng kể nữa? Solzhenitsyn được giải Nobel
văn chương năm 1970, được làm công dân Mỹ năm 1974. Mãi sáu
năm sau ông mới cho ra đời một quyển tự truyện rồi tịnh khẩu
gác bút, ngay cả khi Bức Tường Bá Linh và chế độ Nga sô-viết
ầm ầm sụp đổ quanh ông.
Lại nữa, chế độ độc tài - bất cứ hình thức độc tài nào
- không hẳn đã giết chết khả năng sáng tạo. Một số bài nhạc
xuất sắc để đời của Phạm Duy được viết ra trong lúc ông thật
lòng tin vào kháng chiến chống Pháp như Bà Mẹ Gio Linh,
Ngày Trở Về. Một số khác chào đời sau khi ông dinh Tề
theo Phan văn Giáo như Tình Ca, khi ông nhập Ðàm
Trường Viễn Kiến của Nguyễn đức Quỳnh như Việt Nam! Việt
Nam, Nửa Hồn Thương Ðau, Chiều Về Trên Sông, khi ông tin
vào cuộc cách mạng 1.11.63 như Con Ðường Cái Quan,
Giọt Mưa Trên Lá, khi ông tin Mỹ sẽ Bắc phạt và trọn đời
bảo bọc Miền Nam như Hùng Ca Một Người Mang Tên Quốc, Thà
Như Giọt Mưa, Ngày Xưa Hoàng Thị, Kỷ Vật Cho Em. Hoàng
tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Phạm Duy tần ngần mơ màng
trước hàng trúc của Phong Trang hay lẩm bẩm ‘Ðâu bằng núi
đồi Tây Bắc của mình!’ khi nhìn dãy Blue Mountains xanh rì
nhấp nhô xa tắp. Chưa kể những tác phẩm được gọi là của
những thành phần đối kháng, chưa kể một số tác phẩm của
Phùng Quán, Trần Dần viết trong thời chuyên chính vô sản.
Cho nên, dù ‘văn nghệ luôn luôn gắn bó với tự do và cần tự
do’ nhưng không phải là không có những lúc thiên tài nghệ
thuật và lựa chọn chính trị vận hành như hai đường tàu song
song. Bởi lý, độc tài tư tưởng, độc tài ý thức hệ - với bất
cứ màu sắc nào, bất quá chỉ là những nhát đao chém nước. Và
như vậy thì có nên lặp lại cái sai lầm bất công của việc
biến văn học nghệ thuật thành con trâu kéo cày ý thức hệ
trên mảnh đất nứt nẻ vì hạn hán tình người không?
DBÐNVVHNT của Trần hồng Châu chưa phải là chiếc giày
của Empédocle. Ðã hẳn. Vì Trần hồng Châu vẫn ‘hy vọng sẽ
viết tiếp về những gì đã xảy ra trong thế giới văn nghệ và
học thuật, từ 1950 đến nay, trong một bài nghiên cứu chi
tiết và đầy đủ. Hiện nay chỉ xin đưa ra vài nét sơ lược’.
Hoàng tôi rất mừng khi Lệ Hằng cho biết đã hầu thăm
Thầy, rằng đã vượt bức tường thất thập cổ lai hy nhưng Thầy
vẫn linh hoạt sắc bén. Như vậy thì hy vọng của Hoàng tôi
được Trần hồng Châu khai tâm về một nền văn học nghệ thuật
Việt Nam không Nam không Bắc, không trước này sau nọ, không
dưới chế độ này trên chế độ kia, khi mà Hoàng tôi có thể
thong dong dùng mấy chữ Việt Nam của Tôi làm đề sách
chứ không phải ngậm ngùi vì mấy tiếng cố quốc, chắc
hẳn không phải là hy vọng xa xôi.
Trại Ðỗ Quyên, 20.8.2002.
Hoàng Nguyên Nhuận
NGUYỄN MẠNH TRINH * TRẦN HỒNG CHÂU
Nguyễn Mạnh Trinh
Trong văn chương:
Trần Hồng Châu, ngoài đời thường: Nguyễn Khắc Hoạch, hai
danh tính ấy, chỉ là một: thi sĩ. Dù, nhà văn Trần Hồng Châu
là chủ nhiệm tạp chí văn học nổi tiếng một thời Thế kỷ Hai
Mươi, là tác giả của nhiều tập biên khảo, tùy bút. Và, giáo
sư Nguyễn Khắc Hoạch đã giữ chức Khoa Trưởng Đại Học Văn
khoa ở Việt Nam trước 1975, cũng như là giáo sư thỉnh giảng
của nhiều đại học nổi tiếng ở Pháp và Hoa Kỳ.
Nhà văn Mai Thảo đã có một nhận xét xác đáng về văn chương của một thi sĩ, mà cũng là nhà giáo dục danh tiếng cũng như nhà biên khảo và viết tùy bút xuất sắc :
“ Đọc thơ và văn xuôi Trần Hồng Châu, tôi nghĩ tới hai điều trái ngược.Về một thời đã mất. Và một sự thể không bao giờ mất, bởi nó chẳng hề bị giam cầm trong giới hạn của một thời nào. Sự thể ấy là văn chương, nơi thơ văn Trần Hồng Châu.”
Không biết ý của nhà văn chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo có phải là văn chương của tác gỉa “ Thành Phố Trong Hồi Tưởng “ đã vượt qua được sự đãi lọc của thời gian? Nhất là, cái tâm vằng vặc của kẻ sĩ Đông Phương, trân trọng với văn học biểu lộ qua chữ nghĩa. Ông đã mất, đã khởi hành chuyến tàu đi vào miên viễn nhưng thơ văn vẫn sống, vẫn còn truyền sinh lực cho những lớp cầm bút đi sau. Chất trí tuệ lãng mạn, mà nguồn gốc cả từ Đông Phương lẫn Tây Phương đã làm sâu sắc thêm những suy tưởng, và thành chỉ nam cho những cuộc kiếm tìmtrong hành trình làm mới trong sáng tạo.
Đọc “ Dăm ba điều nghĩ về văn học nghệ thuật”, để thấy cái tâm của một người đã hiểu được sự mông mênh của biển cả kiến thức. Dù là một nhà khoa bảng, dù là một người có đủ tư cách để bàn luận văn chương ở vị trí dẫn dắt. Thế mà, chỉ là “ dăm ba điều nghĩ “mà thôi. Nhan đề tác phẩm không có những liên tưởng đến những tư tưởng vĩ đại, những danh từ to lớn. Thế mà, đọc từng trang, từng chữ mới thấy là một đại dương tư tưởng, một tâm cảm sâu sắc đầy tính sáng tạo.
“ Chung cuộc chỉ còn lại dăm ba điều nghĩ, một vài xúc cảm và ấn tượng, hoàn toàn gắn bó với thẩm quan và nhiệt tình của một cá nhân sáng tạo văn nghệ, thân mật đi bên những người đồng điệu giữa một vườn hoa nhiều màu sắc. Với cả tấm lòng tha thiết hướng về Chân Thiện Mỹ. Với phong thái rộng mở của con người không muốn bị ràng buộc bởi bối cảnh, thiên kiến, nhóm phái hay ý thức hệ nào cả. Một con người mong mỏi được hoàn toàn thoải mái đuổi theo và ghi lại mọi vẻ đẹp rơi rớt trên giải đất trần gian mến yêu của tất cả chúng ta.
Tất cả mọi vẻ đẹp. Vội vã, đam mê nắm bắt, ôm cho được nhiều, thật nhiều trong vòng tay hạn hẹp!
Vội vã, bởi chúng ta đều biết cuộc đời ngắn ngủi và nghệ thuật thì vẫn là con đường muôn dặm, đường đi không tới! Đam mê, bởi Keats từng nói lên sự thực “ Một vật đẹp muôn năm vui” Nghệ thuật và Đẹp là nguồn suối hoan lạc không bao giờ ngừng chảy. Đam mê, bởi trong những chiều tâm sự với Delacroix, bên cột đèn mờ ảo của Place Furstenberg, hay trong phòng tranh độc đáo của Constantin Guys, Beaudelaire luôn luôn chủ trương gạn đục khơi trong để chỉ nhìn , chỉ giữ lại phần tích cực, phần đẹp, tạm quên những gì mà theo một nhãn quan khác, có thể gọi là khuyết điểm nơi các tác phẩm ( critique des beautés ).
Độc giả hãy cùng người viết khoan thai, nhẹ nhàng mở cửa vào vườn hoa của chúng ta. Tạm bỏ quên các hệ thống, các lý thuyết ở ngoài cửa. Không lý giải, không lý luận. Người viết tự coi đó chỉ là phong cách riêng của mình. Và biết rõ là trên văn đàn còn nhiều thái độ phê bình, nhiều cách thế, nhiều ý hệ khác nữa, khi đến với tác phẩm văn nghệ. Theo quan niệm nào, thái độ nào cũng có phần tích cực và xây dựng. Miễn là hăng say nhập cuộc, không thờ ơ nguội lạnh. Miễn là chân thành tìm hiểu, tất cả bởi và cho văn nghệ…”
Như một bản tuyên ngôn, không có một thái độ dấn thân nào hơn thế nữa. Tất cả “ bởi và cho” văn nghệ. Có nhiều con đường để đến chân lý và đứng ở đoạn đường này không thể phủ định hoặc chê bai con đường người khác đi. Thái độ không cực đoan, lý luận không một chiều, dễ đi đến những nhận định chính xác hợp lý.
Ở nhà thơ Trần Hồng Châu, văn chương là một thế giới khoảng khoát không biên giới phân biệt Đông Tây, là cả hai cõi nhân gian từ hai đầu trái đất hòa hợp trong cái bàng bạc mờ ảo để thành mơ mộng lãng mạn. Triết lý, có khi chỉ là phương cách phụ thuộc làm thơ văn hiển lộng.
Khi trả lời bà Thụy Khuê, ông đã tự thú nhận mình là người “ ngoại đạo” trong lãnh vực triết học:
“.. Tôi yêu tư tưởng và coi đó là chất liệu không thể thiếu được của văn nghệ, nhất là khi tư tưởng có gốc rễ có tương quan mật thiết với tình cảm và cuộc sống, nghĩa là có sự hài hòa cân đối giữa trái tim và khối óc, luôn luôn cửa để mở ngỏ..”
Có phải ngôn ngữ và hình ảnh đã tạo thành cảm quan văn chương để ấn tượng tạo ra sẽ in dấu trong bộ nhớ người đọc. Thơ phải vút cao, biển trời vô tận. Cũng như cái tâm, phải chính đính hiền hòa vằng vặc như trăng rằm và mênh mông như trang kinh không tuổi.
Ông cũng cho biết, chỉ làm thơ khi có cảm hứng, mà là cảm hứng thật sự:
“ Thơ là cái gì mung lung, dựa vào cảm xúc nhiều nên tôi cứ tự thả trôi theo thi hứng. Cho thơ hồn nhiên nở ở đầu cành như một bông hoa đến thời, đến lúc thì xuất hiện, tự nhiên ở đấy như do sự thúc đẩy của một nguồn sinh lực hữu cơ tiềm tàng nào đó. Hãy bỏ rơi rụng lại những lớp bụi bậm lý trí lạnh lẽo, mốt thời thượng phấn son làm dáng, ấu trĩ tầm thường, khuôn mòn bảo thủ ù lì hay cái “ mới “ a dua, giả tạo hung hăng.
Cuối cùng như tôi đã nói nhiều lần chỉ cần biết bài thơ có đạt, có tới hay không. Có tân kỳ, có độc đáo, có làm rung chuyển cả trí thức và tình cảm của người đọc không. Có chân chất, có thơ hay không? Thật ra những ý niệm này cũng rất mơ hồ, chỉ “ cảm “ thấy thôi mà cảm thì là chủ quan, khó phân tích khó định lượng. Nhưng trực cảm mặc dầu là phi ý thức, mặc dầu không đường biên rõ ràng vẫn là cái gì đưa ta thẳng vào tận trung tâm sự vật để vươn tới xứ sở của Chân Thiện Mỹ”
Đọc tập thơ mới nhất, để thấy rằng thi sĩ Trần Hồng Châu đã tận dụng những suy tư vào thi ca như thế nào. Suối Tím, tập thơ in lúc cuối đời dường như mang theo tất cả nỗi niềm của một người nặng lòng với chữ nghĩa.
Thuở đầu đời, là một nhà giáo dục nổi tiếng, là thầy của hàng ngàn vạn sinh viên mà về sau đã thành nhiều khuôn mặt quen thuộc của văn chương Việt Nam. Khi gần rời bỏ dương thế, vẫn nặng lòng với thi ca của những chân trời mơ mộng lãng mạn. Thi sĩ Trần Hồng Châu, tức giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng đại học Văn Khoa, người đã xây đắp một nền tảng vững chắc cho ngôi trường đại học còn sơ khai. Cũng như, là chủ nhiệm tạp chí văn chương “ Thế Kỷ Hai Mươi”, góp phần vào sự phát triển của văn học miền Nam thời kỳ ấy.
Nhưng, trước sau ông vẫn là người đa mang với nghiệp thi ca. Ông yêu thi ca và hiểu được tính vĩnh cửu của vần điệu ngôn ngữ. Bàn luận về thơ, ông có niềm say mê của một người đi tìm chân lý. Thơ, là một phần đời sống của ông. Trước khi ông qua đời, chúng tôi có vào bệnh viện thăm viếng và nghe được ông nhắc đến “Suối Tím” như một gửi gấm cuối đời của một người làm thơ. Với đám môn sinh hiện diện lúc đó, ông nói với tất cả tâm huyết của mình lúc cuối đời…
Tôi đọc tập thơ này nhiều lần trong những thời điểm khác nhau. Tôi cầm trên tay tập thơ mà tưởng nhớ đến tác giả. Sách vẫn đây mà tác giả của nó đã đi vào chốn hạc nội mây ngàn rồi. Giở những trang, để thấy bầu trời thi ca lồng lộng. Có những nỗi niềm giàn trải qua ngôn ngữ hình tượng. Có tấm lòng kẻ sĩ, mang mang theo thời thế mịt mù…
Sống ở trong một thời đại đầy biến động như bây giờ, giữ cái tâm vằng vặc quá khó. Huống chi, vẫn tính lãng mạn văn nghệ bẩm sinh, thêm chất nghiêm túc phải có của một nhà giáo, thành một khuôn mẫu văn chương như ông cũng là một hiếm hoi trong cuộc sống này. Trong thơ Trần Hồng Châu, từ ‘ Nửa khuya giấy trắng”, “ Nhớ đất thương trời”, “ Hạnh phúc đến từng phút giây”, thơ bay bổng thăng hoa vượt qua những nhiễu nhương của thời thế. Thơ, là kết tinh của trầm lắng suy tư có từ những hệ lụy của cuộc đời…
Một điều cảm nhận thật rõ ràng với tôi, từ “ Suối tím “ nói riêng và toàn khối thơ ông nói chung, có nét trầm mặc xương kính của phong thái Đông phương trong nề nếp suy tư luận lý Tây Phương. Thơ , như giao diểm hội tụ của hai đường tàu, tưởng song song nhưng thật ra vẫn gặp nhau trong từng cảm giác.
Lạ lùng, đọc thơ mà tôi tưởng mình đi tìm công án. Mỗi mỗi trang, tưởng tượng những khuôn cửa mở ra vào những lãnh địa riêng. Có cảm thấy những đè nặng của tư duy triết học, nhưng chất luận lý thoảng qua để còn lại những gợi ý bức xúc từ những tượng ảnh mơ hồ chỉ có trong những không gian, thời gian của thi ca. Thơ ông có vóc dáng của một chân dung vĩnh hằng, của những kiếm tìm nỗ lực cái thẩm mỹ quan có sẵn từ cổ đại. Ngôn ngữ, có khi là những viên gạch lót đường để bước nghĩ thong dong chân tới nhưng cũng có lúc là tảng lân tinh rực rỡ lóe lên như tinh đẩu dẫn lối soi đường. Thơ, chính là thông điệp gửi trao, của những đêm thức trắng ngậm ngùi , của những ngày lũi lầm trong cảnh bụi trần cát lấm của cuộc nhân sinh.
“Suối tím “ có dòng thi ca đồng nhất. Kể cả ba bài tùy bút, là những bài thơ văn xuôi mà không gian chính là biển trời thi ca rộng khắp muôn trùng. Con chữ lấp lánh, phản chiếu một cuộc sống nội tâm phong phú. Thực tế đời thường, nếu có những cơn huyễn mộng, thì cũng là lộ trình thoảng qua để đến chốn vô cùng. Ngôn ngữ- hình ảnh – vần điệu , là xuôi dòng về nguồn, nơi chốn mà sáng tạo đã thành yếu tố để tầm mắt người thơ cao hơn, xa hơn, thăm thẳm hơn…
Nhiều lúc tôi tự hỏi. Ở tuổi già, liệu tâm tư sẽ ra sao? Chán nản. Hy vọng. Bình thản. Chờ đợi. Hay là tất cả trộn lẫn lại. Tôi chưa biết. Mỗi người một tâm sự một cách sống riêng. Nhưng, có lẽ từ những thi sĩ, nhất là thi sĩ Việt nam, với chất lãng mạn trầm mặc Đông phương, thì lúc cuối đời, có lẽ là lúc tự tìm kiếm bản lai diện mục mình. Thơ, sẽ thành một phác họa chân dung nhân bản nhất, để , đôi khi, những dông bão hiện thành từ nỗi quặn đau thiên cổ…
Víêt và làm thơ, với đất nước và thời thế, chỉ là những phác họa gián tiếp. Nỗi đau, dường như là những xúc cảm được che dấu lại. Mượn những điển tích xưa, dùng những tên tuổi cũ, để gợi ý thành, để nhắc nhở tới một đẽo gọt của thơ, từ đá tảng nguyên sinh thành những phù điêu dáng tượng hiển hiện cho đời. Bức tượng ấy, từ những nhát dao sáng tác, có chất chứa những nỗi niềm đa mang của cả một thế hệ. Kiêm lời nhưnmg giàu ý, tôi có cảm giác thơ thành những vòng tay ôm choàng khắp đến vô cùng. Nét riêng của một người, như chuyên chở nỗi đau của muôn người trong dẫy đầy biến cố của Việt Nam bất hạnh…
Đại cương toàn khối thì như thế, bây giờ đọc lại những trang thơ để tìm những đoạn tiêu biểu thì tôi lại ngại ngần. Làm sao, để có những chọn lựa chính xác? Làm sao, để nổi bật cái toàn thể trong cái hạn hẹp trích dẫn ? câu hỏi khó, với tôi. Thơ, mênh mông như mây trời, sao có thể nhét dồn trong khuôn khổ hẹp…
Thì thôi, đành lấy cái tương đối để mong biểu hiện được cái thơ không cùng rộng vậy…
Có bài thơ, tôi đọc trong sự cảm động. Thơ rất chân thành, có nét hiện thực của đời thường. Những dòng thơ phác thảo lại những thời điểm mà Đỗ Phủ của Trung Hoa hay Nguyễn Du của Việt nam đã sống, đã buồn, đã cảm, đã viết. Thời của ly loạn, mặc dù đã ngưng tiếng súng của những ngày sau 1975 đau thương:
“.. Đời loạn lạc
chó nhảy bàn độc
hậu vận bố con mình chẳng ra gì!
Bố đi bộ suốt Chợ Lớn Mới
Về Đại Thế Giới
Để dành tiền vé xe buýt
Bố mua hai đồng ô mai
Một gói đậu phụng
Bên cửa bếp
Hai bố con ngồi nhấm nháp
Vị xí muội mặn chát
Chua ơi là chua
Ôi men đắng cuộc đời
Ngọn gió nào bỗng thổi tứ tung
Vỏ lạc lá vàng bay
Hai bố con lặng lẽ
Cắn từng miếng me khô
Muối ớt cay cay
Từng quả cóc ngâm đường
Dôn dốt ngọt chua
Bố bảo : bố con mình, thế mà gân ra phết!
Bố nằm xuống đất rồi, lại càng thương bố..
Đời loạn lạc!”
Có liên tưởng nào đến bài thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền Nguyễn Du ”Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng. Giang nam giang bắc nhất nang không..”(Kiếp cỏ bồng chân không bén rễ. Bắc rồi nam túi nhẹ ven sông.). Dù, một Hán tự, một Việt ngữ. Đời loạn lạc, thân phận kẻ sĩ thật là chán ngán. Thơ Trần Hồng Châu có nét xác thực, ngôn ngữ bình thường, nhưng trong phong thái ấy là một thái độ của một sĩ phu trong một thời kỳ đảo điên điên đảo của dân tộc và lịch sử. Một người đi đông đi tây, đã sinh sống nhiều nơi trên thế giới, mà lúc này, hai cha con chia nhau miếng quà nhỏ để dành từ tiền đi xe buýt. Chuyện cười ra nước mắt nhưng có thực của dân tộc chúng tôi. Đọc thơ, để thấy man mác nỗi niềm. Đọc thơ, để thấy những ngôn ngữ đời thường ấy có sức lôi cuốn biết bao . Và , qua đó , thấy được tấm lòng cha con thắm thiết biết bao…
Bài “ Kỷ niệm về khuya, trừ tịch “, với chữ Em viết hoa, là hiện thực của cảm giác bềnh bồng, của tiến trình tìm bắt hoài hủy trong chuỗi suy tư. Em, có phải là hình bóng đời thường, của son phấn lụa là, của vóc dáng kiều nữ xa hoa? Hay, là tượng hình sáng tạo chỉ có trong tâm tưởng những người mong mòi tìm đến chốn lãng mạn vô cùng. Những câu thơ, của một vấn nạn mờ ảo trong tâm thức. Vô vọng, nhưng mê đắm…
“… Ta vùng dậy đuổi bắt các Em.
Trong hương sắc cầu vồng hồi tưởng
Hiện thực đắm say
Ảo giác vơi đầy
Các Em, gấm hoa tình cảm của muôn đời
Hay chỉ là bụi phù vân của giấc mơ dài
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng…”
Những câu thơ. Áo xuân ngàn nếp còn vương vấn. Buồn thu vạn cổ vẫn chờ mong. Em hư vô hay hiện hữu tuyệt vời. Em độc nhất hay hóa thân muôn vạn… Có phải từ mơ phai kỷ niệm? Hay từ dồn dập nhịp đập trái tim của dĩ vãng thuở nào? Cũ xưa, nào ai định nghĩa ? Trăm năm? Ngàn năm? Vạn triệu năm? Có phải không tuổi tác là những cảm giác mới nguyên của lúc ban đầu? Đời thường, còn có những mốc cắm xác định thời gian. Chứ trong cái hư ảo của cõi hư vô, làm sao phân biệt được giữa sát na giây phút với miên viễn tận cùng. Trong hành trình mù mịt thiên lý cõi xa, vó ngựa cuồng như ngôn ngữ lẩn khuất vào vần điệu. Có ai đánh thức. Một giấc mơ…
‘ …Khi tỉnh giấc
Chỉ thấy trăng khuya chìm đáy ly cạn
Chỉ thấy mây trời treo cửa song thưa
Đào lý hồng hạnh
Lan hương vương giả
Mưa, mưa hoa
Bao phủ khắp châu thân
Hồn say đây bỏ ngỏ
Hơi thở những thiên ha
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng
Ta vùng dậy
Ôm tơ trăng mây gió và sắc hoa gầy
Ta thành Em
Em kỷ niệm
Chúng ta thành trang Tình Sử
Mở rộng cho muôn đời…”
Tôi yêu những trang tùy bút. Những thành phố trong hồi tưởng. Những thời điểm đã qua mất hút. Nhưng mầm kỷ niệm vẫn còn, ngút xanh. Hà nội. Paris. Trường An Tây Vọng. Những nơi chốn của một người và của một thời. Những bài thơ văn xuôi diễn tả bằng một trời tâm tưởng. Tùy bút Nguyễn Tuân sang cả. Tùy bút Mai Thảo kiêu sa. Còn tùy bút Trần Hồng Châu lãng mạn khơi mở những dòng nguồn trác tuyệt của thi sĩ.
Viết về chợ hoa của đất ngàn năm văn vật xưa, thi sĩ như muốn sống lại một thời nào xa lắm, từ hơn nửa thế kỷ xa xôi:
“… Ở đây, màu sắc quả là siêu đẳng nghệ thuật. Chợ Đồng Xuân ngày trước Tết là một trời hoa. Hoa giấy, hoa cây và hoa người. Hoa ngoài chợ, hoa trong chợ… khách si giữa hoa, thở hương hoa, chiêm ngưỡng sắc hoa… Ai đã dồn về đây tất cả người đẹp của băm sáu phố phường? Ai đã xê dịch những vườn hoa còn đẫm sương mai của Yên Phụ, Nghi tàm về đây, về trung tâm Hà Nội?
Cúc vàng, cúc trắng, hồng nhung, thược dược, lan nhất điểm,… một bản nhạc hoa mà nhạc công là những cô hàng, áo tứ thân, điểm thêm một giải thắt lưng màu hoa lý hay cá vàng, vì Tết sắp đến.. Hoa sống và hoa cây tự tô điểm rồi cảm thông với nhau. Và tại sao hôm nay trong vườn hoàng cúc giữa chợ Đồng Xuân tôi lại gặp một bạn gái mặc áo vàng, trùng tên với hoa mùa thu? Có những tình cờ, những chuyện thực, nghe hoang đường như một bịa đặt, tuy vẫn là chuyện thực…”
Viết về bước chân của người học trò cũ trở về trường xưa, nhớ lại đã hơn gần nửa thế kỷ.
“.. Tôi bước vào sân trong. Trời xanh lồng lộng. Những phiến đá vuông nhỏ vẫn dội vang tiếng ngàn xưa dưới chân du khách. Những bậc hè cẩm thạch vẫn trắng trong như lòng tuổi trẻ. Những hàng hiên cửa võng vẫn vươn mình lên, mình cánh cung, như xưa. Tôi hơi rùng mình. Thời gian như ngưng đọng. Cái nhìn của Sorbonne. Của người mẹ . Của người tình.
Mẹ Sorbonne da mồi tóc bạc
Nhưng không tuổi và trẻ hơn hiện tại
Những giây phút huyền nhiệm. Có lúc người và vật dường như cảm thông quấn quýt lấy nhau. Trói buộc lẫn nhau bằng ngàn sợi dây vô hình, bằng màng lưới thần giao. Tôi đứng sững giữa sân trường. Chết đứng. Nước mắt thấm ướt gò má. Sao lại có thể như vậy? Ủy mị, yếu đuối quá đi thôi! Bèn lấy kính mát ra đeo, dằn lại dòng điện cảm xúc đã làm rung chuyển toàn thân. Bốn mươi năm rồi còn gì! Tứ thập niên gian hựu phùng quân. Lý, Đỗ và họ Tô ở Hàng Châu! Hãy cho tôi vay muôn ngôn và từ để nói lên một xúc động chưa từng kinh qua. Cho tôi giải tỏa niềm ngậm ngùi reo vui này. Như một mảng khí áp, một khối tích tụ chăn ngang lồng ngực vừa trải qua cơn địa chấn…”
Suối Tím. Có những câu thơ như:
“ Nước trôi suối ngọc tê hồn đắm
Âm sắc tím chim gọi ngàn năm
Buồn cây chìm bóng cỏ đu võng
Vết thương sỏi trắng đau bộ lạc
Nằm nghiêng nôi lạnh có buồn không?
Màu tím mênh mang buồn. Nhưng mênh mang sâu thẳm mà biền biệt. Cầm tập thơ nâng niu trên tay, nghĩ đến nỗi niềm trao gửi. Đọc thơ mà tưởng đến người nay đã khuất bóng. Thấy lại nụ cười hiền hòa. Thấy lại những tình cảm đôn hậu bao dung khi nói đến nnhững lớp cầm bút đi sau. Và đôi mắt sáng đã từng mơ mộng đã từng ngâm ngùi đã từng vui buồn theo thời thế đẩy đưa.
Tôi đọc trang thơ, không trầm hương mà sao quyện lẫn trong không khí những mùi thơm cổ kính từ thiên cổ tạt về…
Nhà văn Mai Thảo đã có một nhận xét xác đáng về văn chương của một thi sĩ, mà cũng là nhà giáo dục danh tiếng cũng như nhà biên khảo và viết tùy bút xuất sắc :
“ Đọc thơ và văn xuôi Trần Hồng Châu, tôi nghĩ tới hai điều trái ngược.Về một thời đã mất. Và một sự thể không bao giờ mất, bởi nó chẳng hề bị giam cầm trong giới hạn của một thời nào. Sự thể ấy là văn chương, nơi thơ văn Trần Hồng Châu.”
Không biết ý của nhà văn chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo có phải là văn chương của tác gỉa “ Thành Phố Trong Hồi Tưởng “ đã vượt qua được sự đãi lọc của thời gian? Nhất là, cái tâm vằng vặc của kẻ sĩ Đông Phương, trân trọng với văn học biểu lộ qua chữ nghĩa. Ông đã mất, đã khởi hành chuyến tàu đi vào miên viễn nhưng thơ văn vẫn sống, vẫn còn truyền sinh lực cho những lớp cầm bút đi sau. Chất trí tuệ lãng mạn, mà nguồn gốc cả từ Đông Phương lẫn Tây Phương đã làm sâu sắc thêm những suy tưởng, và thành chỉ nam cho những cuộc kiếm tìmtrong hành trình làm mới trong sáng tạo.
Đọc “ Dăm ba điều nghĩ về văn học nghệ thuật”, để thấy cái tâm của một người đã hiểu được sự mông mênh của biển cả kiến thức. Dù là một nhà khoa bảng, dù là một người có đủ tư cách để bàn luận văn chương ở vị trí dẫn dắt. Thế mà, chỉ là “ dăm ba điều nghĩ “mà thôi. Nhan đề tác phẩm không có những liên tưởng đến những tư tưởng vĩ đại, những danh từ to lớn. Thế mà, đọc từng trang, từng chữ mới thấy là một đại dương tư tưởng, một tâm cảm sâu sắc đầy tính sáng tạo.
“ Chung cuộc chỉ còn lại dăm ba điều nghĩ, một vài xúc cảm và ấn tượng, hoàn toàn gắn bó với thẩm quan và nhiệt tình của một cá nhân sáng tạo văn nghệ, thân mật đi bên những người đồng điệu giữa một vườn hoa nhiều màu sắc. Với cả tấm lòng tha thiết hướng về Chân Thiện Mỹ. Với phong thái rộng mở của con người không muốn bị ràng buộc bởi bối cảnh, thiên kiến, nhóm phái hay ý thức hệ nào cả. Một con người mong mỏi được hoàn toàn thoải mái đuổi theo và ghi lại mọi vẻ đẹp rơi rớt trên giải đất trần gian mến yêu của tất cả chúng ta.
Tất cả mọi vẻ đẹp. Vội vã, đam mê nắm bắt, ôm cho được nhiều, thật nhiều trong vòng tay hạn hẹp!
Vội vã, bởi chúng ta đều biết cuộc đời ngắn ngủi và nghệ thuật thì vẫn là con đường muôn dặm, đường đi không tới! Đam mê, bởi Keats từng nói lên sự thực “ Một vật đẹp muôn năm vui” Nghệ thuật và Đẹp là nguồn suối hoan lạc không bao giờ ngừng chảy. Đam mê, bởi trong những chiều tâm sự với Delacroix, bên cột đèn mờ ảo của Place Furstenberg, hay trong phòng tranh độc đáo của Constantin Guys, Beaudelaire luôn luôn chủ trương gạn đục khơi trong để chỉ nhìn , chỉ giữ lại phần tích cực, phần đẹp, tạm quên những gì mà theo một nhãn quan khác, có thể gọi là khuyết điểm nơi các tác phẩm ( critique des beautés ).
Độc giả hãy cùng người viết khoan thai, nhẹ nhàng mở cửa vào vườn hoa của chúng ta. Tạm bỏ quên các hệ thống, các lý thuyết ở ngoài cửa. Không lý giải, không lý luận. Người viết tự coi đó chỉ là phong cách riêng của mình. Và biết rõ là trên văn đàn còn nhiều thái độ phê bình, nhiều cách thế, nhiều ý hệ khác nữa, khi đến với tác phẩm văn nghệ. Theo quan niệm nào, thái độ nào cũng có phần tích cực và xây dựng. Miễn là hăng say nhập cuộc, không thờ ơ nguội lạnh. Miễn là chân thành tìm hiểu, tất cả bởi và cho văn nghệ…”
Như một bản tuyên ngôn, không có một thái độ dấn thân nào hơn thế nữa. Tất cả “ bởi và cho” văn nghệ. Có nhiều con đường để đến chân lý và đứng ở đoạn đường này không thể phủ định hoặc chê bai con đường người khác đi. Thái độ không cực đoan, lý luận không một chiều, dễ đi đến những nhận định chính xác hợp lý.
Ở nhà thơ Trần Hồng Châu, văn chương là một thế giới khoảng khoát không biên giới phân biệt Đông Tây, là cả hai cõi nhân gian từ hai đầu trái đất hòa hợp trong cái bàng bạc mờ ảo để thành mơ mộng lãng mạn. Triết lý, có khi chỉ là phương cách phụ thuộc làm thơ văn hiển lộng.
Khi trả lời bà Thụy Khuê, ông đã tự thú nhận mình là người “ ngoại đạo” trong lãnh vực triết học:
“.. Tôi yêu tư tưởng và coi đó là chất liệu không thể thiếu được của văn nghệ, nhất là khi tư tưởng có gốc rễ có tương quan mật thiết với tình cảm và cuộc sống, nghĩa là có sự hài hòa cân đối giữa trái tim và khối óc, luôn luôn cửa để mở ngỏ..”
Có phải ngôn ngữ và hình ảnh đã tạo thành cảm quan văn chương để ấn tượng tạo ra sẽ in dấu trong bộ nhớ người đọc. Thơ phải vút cao, biển trời vô tận. Cũng như cái tâm, phải chính đính hiền hòa vằng vặc như trăng rằm và mênh mông như trang kinh không tuổi.
Ông cũng cho biết, chỉ làm thơ khi có cảm hứng, mà là cảm hứng thật sự:
“ Thơ là cái gì mung lung, dựa vào cảm xúc nhiều nên tôi cứ tự thả trôi theo thi hứng. Cho thơ hồn nhiên nở ở đầu cành như một bông hoa đến thời, đến lúc thì xuất hiện, tự nhiên ở đấy như do sự thúc đẩy của một nguồn sinh lực hữu cơ tiềm tàng nào đó. Hãy bỏ rơi rụng lại những lớp bụi bậm lý trí lạnh lẽo, mốt thời thượng phấn son làm dáng, ấu trĩ tầm thường, khuôn mòn bảo thủ ù lì hay cái “ mới “ a dua, giả tạo hung hăng.
Cuối cùng như tôi đã nói nhiều lần chỉ cần biết bài thơ có đạt, có tới hay không. Có tân kỳ, có độc đáo, có làm rung chuyển cả trí thức và tình cảm của người đọc không. Có chân chất, có thơ hay không? Thật ra những ý niệm này cũng rất mơ hồ, chỉ “ cảm “ thấy thôi mà cảm thì là chủ quan, khó phân tích khó định lượng. Nhưng trực cảm mặc dầu là phi ý thức, mặc dầu không đường biên rõ ràng vẫn là cái gì đưa ta thẳng vào tận trung tâm sự vật để vươn tới xứ sở của Chân Thiện Mỹ”
Đọc tập thơ mới nhất, để thấy rằng thi sĩ Trần Hồng Châu đã tận dụng những suy tư vào thi ca như thế nào. Suối Tím, tập thơ in lúc cuối đời dường như mang theo tất cả nỗi niềm của một người nặng lòng với chữ nghĩa.
Thuở đầu đời, là một nhà giáo dục nổi tiếng, là thầy của hàng ngàn vạn sinh viên mà về sau đã thành nhiều khuôn mặt quen thuộc của văn chương Việt Nam. Khi gần rời bỏ dương thế, vẫn nặng lòng với thi ca của những chân trời mơ mộng lãng mạn. Thi sĩ Trần Hồng Châu, tức giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, khoa trưởng đại học Văn Khoa, người đã xây đắp một nền tảng vững chắc cho ngôi trường đại học còn sơ khai. Cũng như, là chủ nhiệm tạp chí văn chương “ Thế Kỷ Hai Mươi”, góp phần vào sự phát triển của văn học miền Nam thời kỳ ấy.
Nhưng, trước sau ông vẫn là người đa mang với nghiệp thi ca. Ông yêu thi ca và hiểu được tính vĩnh cửu của vần điệu ngôn ngữ. Bàn luận về thơ, ông có niềm say mê của một người đi tìm chân lý. Thơ, là một phần đời sống của ông. Trước khi ông qua đời, chúng tôi có vào bệnh viện thăm viếng và nghe được ông nhắc đến “Suối Tím” như một gửi gấm cuối đời của một người làm thơ. Với đám môn sinh hiện diện lúc đó, ông nói với tất cả tâm huyết của mình lúc cuối đời…
Tôi đọc tập thơ này nhiều lần trong những thời điểm khác nhau. Tôi cầm trên tay tập thơ mà tưởng nhớ đến tác giả. Sách vẫn đây mà tác giả của nó đã đi vào chốn hạc nội mây ngàn rồi. Giở những trang, để thấy bầu trời thi ca lồng lộng. Có những nỗi niềm giàn trải qua ngôn ngữ hình tượng. Có tấm lòng kẻ sĩ, mang mang theo thời thế mịt mù…
Sống ở trong một thời đại đầy biến động như bây giờ, giữ cái tâm vằng vặc quá khó. Huống chi, vẫn tính lãng mạn văn nghệ bẩm sinh, thêm chất nghiêm túc phải có của một nhà giáo, thành một khuôn mẫu văn chương như ông cũng là một hiếm hoi trong cuộc sống này. Trong thơ Trần Hồng Châu, từ ‘ Nửa khuya giấy trắng”, “ Nhớ đất thương trời”, “ Hạnh phúc đến từng phút giây”, thơ bay bổng thăng hoa vượt qua những nhiễu nhương của thời thế. Thơ, là kết tinh của trầm lắng suy tư có từ những hệ lụy của cuộc đời…
Một điều cảm nhận thật rõ ràng với tôi, từ “ Suối tím “ nói riêng và toàn khối thơ ông nói chung, có nét trầm mặc xương kính của phong thái Đông phương trong nề nếp suy tư luận lý Tây Phương. Thơ , như giao diểm hội tụ của hai đường tàu, tưởng song song nhưng thật ra vẫn gặp nhau trong từng cảm giác.
Lạ lùng, đọc thơ mà tôi tưởng mình đi tìm công án. Mỗi mỗi trang, tưởng tượng những khuôn cửa mở ra vào những lãnh địa riêng. Có cảm thấy những đè nặng của tư duy triết học, nhưng chất luận lý thoảng qua để còn lại những gợi ý bức xúc từ những tượng ảnh mơ hồ chỉ có trong những không gian, thời gian của thi ca. Thơ ông có vóc dáng của một chân dung vĩnh hằng, của những kiếm tìm nỗ lực cái thẩm mỹ quan có sẵn từ cổ đại. Ngôn ngữ, có khi là những viên gạch lót đường để bước nghĩ thong dong chân tới nhưng cũng có lúc là tảng lân tinh rực rỡ lóe lên như tinh đẩu dẫn lối soi đường. Thơ, chính là thông điệp gửi trao, của những đêm thức trắng ngậm ngùi , của những ngày lũi lầm trong cảnh bụi trần cát lấm của cuộc nhân sinh.
“Suối tím “ có dòng thi ca đồng nhất. Kể cả ba bài tùy bút, là những bài thơ văn xuôi mà không gian chính là biển trời thi ca rộng khắp muôn trùng. Con chữ lấp lánh, phản chiếu một cuộc sống nội tâm phong phú. Thực tế đời thường, nếu có những cơn huyễn mộng, thì cũng là lộ trình thoảng qua để đến chốn vô cùng. Ngôn ngữ- hình ảnh – vần điệu , là xuôi dòng về nguồn, nơi chốn mà sáng tạo đã thành yếu tố để tầm mắt người thơ cao hơn, xa hơn, thăm thẳm hơn…
Nhiều lúc tôi tự hỏi. Ở tuổi già, liệu tâm tư sẽ ra sao? Chán nản. Hy vọng. Bình thản. Chờ đợi. Hay là tất cả trộn lẫn lại. Tôi chưa biết. Mỗi người một tâm sự một cách sống riêng. Nhưng, có lẽ từ những thi sĩ, nhất là thi sĩ Việt nam, với chất lãng mạn trầm mặc Đông phương, thì lúc cuối đời, có lẽ là lúc tự tìm kiếm bản lai diện mục mình. Thơ, sẽ thành một phác họa chân dung nhân bản nhất, để , đôi khi, những dông bão hiện thành từ nỗi quặn đau thiên cổ…
Víêt và làm thơ, với đất nước và thời thế, chỉ là những phác họa gián tiếp. Nỗi đau, dường như là những xúc cảm được che dấu lại. Mượn những điển tích xưa, dùng những tên tuổi cũ, để gợi ý thành, để nhắc nhở tới một đẽo gọt của thơ, từ đá tảng nguyên sinh thành những phù điêu dáng tượng hiển hiện cho đời. Bức tượng ấy, từ những nhát dao sáng tác, có chất chứa những nỗi niềm đa mang của cả một thế hệ. Kiêm lời nhưnmg giàu ý, tôi có cảm giác thơ thành những vòng tay ôm choàng khắp đến vô cùng. Nét riêng của một người, như chuyên chở nỗi đau của muôn người trong dẫy đầy biến cố của Việt Nam bất hạnh…
Đại cương toàn khối thì như thế, bây giờ đọc lại những trang thơ để tìm những đoạn tiêu biểu thì tôi lại ngại ngần. Làm sao, để có những chọn lựa chính xác? Làm sao, để nổi bật cái toàn thể trong cái hạn hẹp trích dẫn ? câu hỏi khó, với tôi. Thơ, mênh mông như mây trời, sao có thể nhét dồn trong khuôn khổ hẹp…
Thì thôi, đành lấy cái tương đối để mong biểu hiện được cái thơ không cùng rộng vậy…
Có bài thơ, tôi đọc trong sự cảm động. Thơ rất chân thành, có nét hiện thực của đời thường. Những dòng thơ phác thảo lại những thời điểm mà Đỗ Phủ của Trung Hoa hay Nguyễn Du của Việt nam đã sống, đã buồn, đã cảm, đã viết. Thời của ly loạn, mặc dù đã ngưng tiếng súng của những ngày sau 1975 đau thương:
“.. Đời loạn lạc
chó nhảy bàn độc
hậu vận bố con mình chẳng ra gì!
Bố đi bộ suốt Chợ Lớn Mới
Về Đại Thế Giới
Để dành tiền vé xe buýt
Bố mua hai đồng ô mai
Một gói đậu phụng
Bên cửa bếp
Hai bố con ngồi nhấm nháp
Vị xí muội mặn chát
Chua ơi là chua
Ôi men đắng cuộc đời
Ngọn gió nào bỗng thổi tứ tung
Vỏ lạc lá vàng bay
Hai bố con lặng lẽ
Cắn từng miếng me khô
Muối ớt cay cay
Từng quả cóc ngâm đường
Dôn dốt ngọt chua
Bố bảo : bố con mình, thế mà gân ra phết!
Bố nằm xuống đất rồi, lại càng thương bố..
Đời loạn lạc!”
Có liên tưởng nào đến bài thơ chữ Hán của cụ Tiên Điền Nguyễn Du ”Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng. Giang nam giang bắc nhất nang không..”(Kiếp cỏ bồng chân không bén rễ. Bắc rồi nam túi nhẹ ven sông.). Dù, một Hán tự, một Việt ngữ. Đời loạn lạc, thân phận kẻ sĩ thật là chán ngán. Thơ Trần Hồng Châu có nét xác thực, ngôn ngữ bình thường, nhưng trong phong thái ấy là một thái độ của một sĩ phu trong một thời kỳ đảo điên điên đảo của dân tộc và lịch sử. Một người đi đông đi tây, đã sinh sống nhiều nơi trên thế giới, mà lúc này, hai cha con chia nhau miếng quà nhỏ để dành từ tiền đi xe buýt. Chuyện cười ra nước mắt nhưng có thực của dân tộc chúng tôi. Đọc thơ, để thấy man mác nỗi niềm. Đọc thơ, để thấy những ngôn ngữ đời thường ấy có sức lôi cuốn biết bao . Và , qua đó , thấy được tấm lòng cha con thắm thiết biết bao…
Bài “ Kỷ niệm về khuya, trừ tịch “, với chữ Em viết hoa, là hiện thực của cảm giác bềnh bồng, của tiến trình tìm bắt hoài hủy trong chuỗi suy tư. Em, có phải là hình bóng đời thường, của son phấn lụa là, của vóc dáng kiều nữ xa hoa? Hay, là tượng hình sáng tạo chỉ có trong tâm tưởng những người mong mòi tìm đến chốn lãng mạn vô cùng. Những câu thơ, của một vấn nạn mờ ảo trong tâm thức. Vô vọng, nhưng mê đắm…
“… Ta vùng dậy đuổi bắt các Em.
Trong hương sắc cầu vồng hồi tưởng
Hiện thực đắm say
Ảo giác vơi đầy
Các Em, gấm hoa tình cảm của muôn đời
Hay chỉ là bụi phù vân của giấc mơ dài
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng…”
Những câu thơ. Áo xuân ngàn nếp còn vương vấn. Buồn thu vạn cổ vẫn chờ mong. Em hư vô hay hiện hữu tuyệt vời. Em độc nhất hay hóa thân muôn vạn… Có phải từ mơ phai kỷ niệm? Hay từ dồn dập nhịp đập trái tim của dĩ vãng thuở nào? Cũ xưa, nào ai định nghĩa ? Trăm năm? Ngàn năm? Vạn triệu năm? Có phải không tuổi tác là những cảm giác mới nguyên của lúc ban đầu? Đời thường, còn có những mốc cắm xác định thời gian. Chứ trong cái hư ảo của cõi hư vô, làm sao phân biệt được giữa sát na giây phút với miên viễn tận cùng. Trong hành trình mù mịt thiên lý cõi xa, vó ngựa cuồng như ngôn ngữ lẩn khuất vào vần điệu. Có ai đánh thức. Một giấc mơ…
‘ …Khi tỉnh giấc
Chỉ thấy trăng khuya chìm đáy ly cạn
Chỉ thấy mây trời treo cửa song thưa
Đào lý hồng hạnh
Lan hương vương giả
Mưa, mưa hoa
Bao phủ khắp châu thân
Hồn say đây bỏ ngỏ
Hơi thở những thiên ha
Đến với ta lúc năm tận tháng cùng
Ta vùng dậy
Ôm tơ trăng mây gió và sắc hoa gầy
Ta thành Em
Em kỷ niệm
Chúng ta thành trang Tình Sử
Mở rộng cho muôn đời…”
Tôi yêu những trang tùy bút. Những thành phố trong hồi tưởng. Những thời điểm đã qua mất hút. Nhưng mầm kỷ niệm vẫn còn, ngút xanh. Hà nội. Paris. Trường An Tây Vọng. Những nơi chốn của một người và của một thời. Những bài thơ văn xuôi diễn tả bằng một trời tâm tưởng. Tùy bút Nguyễn Tuân sang cả. Tùy bút Mai Thảo kiêu sa. Còn tùy bút Trần Hồng Châu lãng mạn khơi mở những dòng nguồn trác tuyệt của thi sĩ.
Viết về chợ hoa của đất ngàn năm văn vật xưa, thi sĩ như muốn sống lại một thời nào xa lắm, từ hơn nửa thế kỷ xa xôi:
“… Ở đây, màu sắc quả là siêu đẳng nghệ thuật. Chợ Đồng Xuân ngày trước Tết là một trời hoa. Hoa giấy, hoa cây và hoa người. Hoa ngoài chợ, hoa trong chợ… khách si giữa hoa, thở hương hoa, chiêm ngưỡng sắc hoa… Ai đã dồn về đây tất cả người đẹp của băm sáu phố phường? Ai đã xê dịch những vườn hoa còn đẫm sương mai của Yên Phụ, Nghi tàm về đây, về trung tâm Hà Nội?
Cúc vàng, cúc trắng, hồng nhung, thược dược, lan nhất điểm,… một bản nhạc hoa mà nhạc công là những cô hàng, áo tứ thân, điểm thêm một giải thắt lưng màu hoa lý hay cá vàng, vì Tết sắp đến.. Hoa sống và hoa cây tự tô điểm rồi cảm thông với nhau. Và tại sao hôm nay trong vườn hoàng cúc giữa chợ Đồng Xuân tôi lại gặp một bạn gái mặc áo vàng, trùng tên với hoa mùa thu? Có những tình cờ, những chuyện thực, nghe hoang đường như một bịa đặt, tuy vẫn là chuyện thực…”
Viết về bước chân của người học trò cũ trở về trường xưa, nhớ lại đã hơn gần nửa thế kỷ.
“.. Tôi bước vào sân trong. Trời xanh lồng lộng. Những phiến đá vuông nhỏ vẫn dội vang tiếng ngàn xưa dưới chân du khách. Những bậc hè cẩm thạch vẫn trắng trong như lòng tuổi trẻ. Những hàng hiên cửa võng vẫn vươn mình lên, mình cánh cung, như xưa. Tôi hơi rùng mình. Thời gian như ngưng đọng. Cái nhìn của Sorbonne. Của người mẹ . Của người tình.
Mẹ Sorbonne da mồi tóc bạc
Nhưng không tuổi và trẻ hơn hiện tại
Những giây phút huyền nhiệm. Có lúc người và vật dường như cảm thông quấn quýt lấy nhau. Trói buộc lẫn nhau bằng ngàn sợi dây vô hình, bằng màng lưới thần giao. Tôi đứng sững giữa sân trường. Chết đứng. Nước mắt thấm ướt gò má. Sao lại có thể như vậy? Ủy mị, yếu đuối quá đi thôi! Bèn lấy kính mát ra đeo, dằn lại dòng điện cảm xúc đã làm rung chuyển toàn thân. Bốn mươi năm rồi còn gì! Tứ thập niên gian hựu phùng quân. Lý, Đỗ và họ Tô ở Hàng Châu! Hãy cho tôi vay muôn ngôn và từ để nói lên một xúc động chưa từng kinh qua. Cho tôi giải tỏa niềm ngậm ngùi reo vui này. Như một mảng khí áp, một khối tích tụ chăn ngang lồng ngực vừa trải qua cơn địa chấn…”
Suối Tím. Có những câu thơ như:
“ Nước trôi suối ngọc tê hồn đắm
Âm sắc tím chim gọi ngàn năm
Buồn cây chìm bóng cỏ đu võng
Vết thương sỏi trắng đau bộ lạc
Nằm nghiêng nôi lạnh có buồn không?
Màu tím mênh mang buồn. Nhưng mênh mang sâu thẳm mà biền biệt. Cầm tập thơ nâng niu trên tay, nghĩ đến nỗi niềm trao gửi. Đọc thơ mà tưởng đến người nay đã khuất bóng. Thấy lại nụ cười hiền hòa. Thấy lại những tình cảm đôn hậu bao dung khi nói đến nnhững lớp cầm bút đi sau. Và đôi mắt sáng đã từng mơ mộng đã từng ngâm ngùi đã từng vui buồn theo thời thế đẩy đưa.
Tôi đọc trang thơ, không trầm hương mà sao quyện lẫn trong không khí những mùi thơm cổ kính từ thiên cổ tạt về…
NGUYỄN THIÊN THỤ * TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẦN HỒNG CHÂU
TÌNH YÊU TRONG THƠ TRẦN HỒNG CHÂU
(1921-2003)
Nguyễn Thiên Thụ
Trần Hồng Châu tên thật là Nguyễn Khắc Hoạch, sinh ngày 15-5-1921 tại Hưng Yên, đậu Tiến sĩ quốc gia văn chương Pháp tại Đại Học Sorbonne Pháp. Năm 1957, giáo sư về làm giáo sư dạy văn chương Pháp và văn chương Việt Nam tại trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn và Sư Phạm Sàigòn, và giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Huế.
Khoảng 1967-1969, giáo sư làm khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Sài gòn. Năm 1970-1974, giáo sư sang Mỹ dạy Đại học Illinois rồi trở lại Việt Nam và kinh qua cuộc đổi đời tại đây. Khoảng 1990, giáo sư sang Mỹ theo diện gia đình bảo lãnh, cư trú tại quận Cam, California. Giáo sư là một nhà văn, đã viết văn, làm thơ và biên khảo với các bút hiệu Hữu Minh, Lân Hồ, Hoàng Tuấn, Trần Hồng Châu. Trước 1945, giáo sư đã viềt các tạp chí Gió Mới, Tiền Phong (Hà Nội). Về Việt Nam, ngoài dạy học, giáo sư đã tích cực hoạt động văn hóa. Năm 1960, giáo sư sáng lập tạp chí Thế Kỷ XX Trong lúc này, giáo sư cũng đã cộng tác với tạp chí Văn Hóa Nguyệt San của Bộ Giáo Dục do giáo sư Nguyễn Đình Hòa làm chủ bút, và Văn Hóa Á Châu của giáo sư Nguyễn Đăng Thục. Ra ngoại quốc, giáo sư tiếp tục làm thơ, viết văn dưới bút hiệu là Trần Hồng Châu, cộng tác với Văn, Văn Học, và Thế Kỷ XXI. Giáo sư đã tạ thế ngày 7-12-2003 tại California, Mỹ quốc, thọ 83 tuổi.
Các tác phẩm :
-Ba Lan vận động độc lập, Hà Nội 1945.
- Le Roman Vietnamien aux 18e et 19e siècles. Đại Học Sorbonne, 1955.
- Contribution à l' Étude Critique et Biographique des principaux Romans en vers Vietnamiens. Đại học Sorbonne, 1955.
- Le Japon et le Traité de Paix de San Francisco, Đại học Paris, 1955.
- Les Relations Russo-Japonaises depuis 1951. Đại học Nancy, 1957.
- Xây Dựng và Phát Triển Văn Hóa Giáo Dục, Lửa Thiêng, Sàigòn, 1970.
- Thành Phố Trong Hồi Tưởng ( Tùy Bút). An Tiêm, Los Angeles, 1991.
- Nửa Khuya Giấy Trắng( Thơ), Thanh Vân,USA, 1992.
- Nhớ Đất Thương Trời ( Thơ), Thế Kỷ,USA, 1995.
- Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây( thơ). Văn Học, USA, 1999.
- Dăm Ba Điều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật. ( Tiểu Luận). Văn Nghệ, USA, 2002.
- Suối Tím. Văn Nghệ, USA, 2003.
- Tuyển Tập Trần Hồng Châu. Viện Việt Học, USA. 2004.
Đa số thi nhân đều làm thơ khi còn trẻ, dường như tuổi trẻ là tuổi mơ mộng, là mùa thơ. Chính yêu đương lúc trẻ trung là động cơ sáng tạo của thi ca . Có lẽ Trần Hồng Châu cũng vậy. Thi sĩ đã làm thơ, viết văn rất sớm nhưng vốn là người thận trọng, thi sĩ không muốn in vội tác phẩm của mình. Rồi cơn địa chấn và hỏa sơn bùng nổ tại Việt Nam năm 1975 đã phá hủy một quốc gia và những sự nghiệp văn học, nghệ thuật của cá nhân và của một thời đại. Các tác phẩm thi ca, tùy bút của thi sĩ chỉ mới xuất bản tại Mỹ sau khi thi sĩ rời bỏ Việt Nam, ở vào lứa tuổi thất thập. Trần Hồng Châu đã trở lại với thi văn đàn và đóng góp cho văn học hải ngoại một số tác phẩm quý giá.
Những tác phẩm của thi nhân đã chuyên chở tâm tình của thi nhân. Thi sĩ đã sống trong bao đêm dài bên cạnh những trang tâm tư đang rộng mở ( Nửa Khuya Giấy Trắng), Thi sĩ đã nhớ đến những thành phố Việt Nam thân yêu, và những thành phố của nhân loại mà thi sĩ đã đi qua và đã sống ( Thành Phố Trong Hồi Tưởng). Và bao giờ tâm hồn nhà thơ cũng rộng mở, ấp yêu vũ trụ ( Nhớ Đất Thương Trời). Thi ca và bút ký của Trần Hồng Châu biểu lộ một tình yêu tha thiết. Thi sĩ yêu quê hương, yêu gia đình , yêu giai nhân, yêu nghệ thuật, yêu vạn vật, và lòng lúc nào cũng thảnh thơi, an lạc ( Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây).
I. TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
Trọng điểm của thơ Trần Hồng Châu là tình yêu quê hương. Ra khỏi quê hương Việt Nam yêu quý, thi sĩ luôn sống trong hồi tưởng:
chúng ta đứng giữa dòng sông ký vãng
dòng thời gian không gian bắt đầu và không tận cùng
chúng ta được kết tụ bằng muôn vàn phân tử của hồi tưởng xa xưa
chúng ta tắm trong quê hương tâm tưởng
trong tuổi ngọc miên trường
(Nửa Khuya Giấy Trắng.Về đây kỷ niệm)
Cũng như những nhà thơ, nhà văn hải ngoại, Trần Hồng Châu đã nhận thức được thân phận của kẻ lưu đày. Thi nhân đã đồng hóa mình với người áo xanh đất trích ngày xưa:
Ai đi mấy độ trăng tròn
Một ta đất trích mỏi mòn áo xanh
( Nửa Khuya Giấy Trắng .Cỏ vong Ưu)
Bên trời lận đận
Lau lách đìu hiu
Ta muốn hôn
Cánh vạc lẻ
Ngoài đầm vắng
Đất bùn xa lạ
Sình lầy quê hương
. . . . . . .
Cây si tùng bách
Linh hồn xứ lạ
Có những tổ chim
Nhìn về phương Đông
. . . . . . .
Người lữ khách cô độc
Bốn bề trùng vây
Thương cây hay thương mình? . . .
( Nhớ Đất Thương Trời. Florida)
sầu đông trong gió lộng
tuyết lạc hoàng hoa tư cố hương
( Hạnh Đến Từng Phút Giây, Hạnh Đến Từng Phút Giây)
Thi nhân đã đau khổ khi nhớ quê hương khổ đau bên kia đại dương:
Mây cho ta nhắn gửi
Lời về thăm cố lý
nơi có từng giọt nước mắt rơi
Trên từng hòn đất xót xa
Nơi có những nụ cười héo hắt
(Nửa Khuya Giấy Trắng . Xuân và biển thiếu quê hương)
Tại Việt Nam, thi sĩ vẫn còn người thân ở lại và thi nhân ước mong ngày trở lại:
Quê hương đau buốt mùa ly biệt
Mộng cũ đoàn viên sớm thỏa lòng
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Từ thuở vương xe mối chỉ hồng)
Thi nhân bao giờ cũng nhớ quê hương. Khi đến Florida, một miền nắng ấm đã khiến thi nhân liên tưởng đến Việt Nam:
Ôi cái nóng quê hương
Nóng vỡ tung mặt đất
Nóng nung mủ
Trái bơ xù xì
Nóng vọt máu
Trắi tim lựu đỏ
Nóng căng đứt thần kinh
Chùa Đàn sợi giây huyền thoại
Ta muốn hôn
Muốn hút từng giọt
Cái nóng quê hương
Trên bờ Đại Tây Dương
(Nhớ Đất ThươngTrời . Florida)
Thi sĩ đã sống tại Sài gòn cho nên nhớ Sài gòn nhiều nhất. Trong hồi tưởng của thi sĩ, ta thấy có hai quê hương. Một quê hương tươi đẹp của quá khứ xa xưa trước 1975, và một quê hương tàn tạ sau 1975. Thi sĩ đã tưởng nhớ một Sài gòn thơ mộng:
Ai lên Phú Nhuận Cầu Bông
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Xe đi ngang dọc mấy mùa
Xe ơi có nhớ ngọt chua cuộc đời?
. . . . . . . . .
Xe đưa tôi về Nhà Bè nước chảy chia đôi
Lòng phân vân chẳng biết ở hay đi
Xe qua Tân cảng tới cầu ái ân
Cong cong mình liễu như màu mắt em
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Xe đi ngang dọc mấy mùa)
Trong tập bút ký Thành Phố Trong Hồi Tưởng, nhà văn Trần Hồng Châu đã viết về Cầu Ông Lãnh, đường Trần Hưng Đạo, và con đò Thủ Thiêm:
Năm tháng qua, như nước chảy dưới cầu Khánh Hội, như mây bay trên mười tám thôn Vườn Trầu, tôi vẫn không hết ngạc nhiên., xúc động đến thảng thốt, mỗi khi mưa Sài gòn bủa vây, tới tấp, hay khi nắng Sài gòn nung nấu đến rùng mình cả một bầu khí quyển đến siêu thực, vàng ánh như tranh Van Gogh với cái chói chang bỏng lửa của trưa hè đúng ngọ. Mỗi khi hoa mai bừng nở ở Minh Phụng hay khi con đò Thủ Thiêm đủng đỉnh bắc cầu cho những Sâm Thương thời đại. Mỗi khi sông Nhà Bè bồn chồn nước chảy chia đôi hy khi tấm lòng son của những trái dưa Hà Tiên bằng ngọc thạch được giải bày trên lề đường đi về Cầu Ông Lãnh trong những ngày đầu xuân. (Thành Phố Trong Hồi Tưởng, Buổi chiều hằng cửu).
Thi nhân đã nghĩ về trường đại học Văn Khoa Sài gòn, nơi ông đã giảng dạy, đã đào tạo hàng ngàn môn sinh. Ông viết với tất cả tấm lòng tha thiết bằng những lời rất đẹp:
Tôi yêu những tấm lòng trinh bạch và màu trắng đơn sơ, hồn hậu, màu thanh bần lạc đạo trên vách tường Văn Khoa, Văn Khoa linh hồn thầm kín của Đại học và quê hương trong những mùa lịch sử, nóng bỏng, sôi động. . . Tôi yêu màu trắng chiều đông, hơi ngả sang màu xám hay xanh nhạt, của trường cũ cũng như trường mới, thoáng gợi cái mong manh, u buồm của lớp phấn light blue shadow nằm dài trên mí mắt, khi những cửa sổ linh hồn bâng khuâng, ngỡ ngàng, dường như mở rộng, cuốn chúng ta vào muôn vạn nẻo đường mịt mùng, xa vời vợi, hun hút sâu như vực thẳm giữa lòng đại dương. . . .Nhớ thương luôn nên mắt có quầng viền!
Tôi yêu màu trắng ngà của tơ lụa nõn, của áo vân Hà Đông trên mình người nữ sinh viên, trên mình đàn bướm trắng biết tha thiết yêuVăn, Triết, Sử ( nhưng cũng biết rùng mình sợ chính những đối tượng quyến rũ đó. . . . những khi mùa hè xích lại gần hay hoa phượng nở nhiều thêm). Đàn bướm trắng ngày ngày chập chờn, tản mác trong giảng đường, ngoài dãy hành lang xa tít tắp và trên ngọn cỏ lá cây của khuôn viên Cường Đễ, lúc nắng chia nửa bãi chiều rồi. . . .
(Thành Phố Trong Hồi Tưởng. Tình khúc đại học)
Thi nhân hồi tưởng sông Hồng và các hệ thống của nó ở tam giác châu đất Băc trong đó có con sông nhỏ chảy qua Hưng Yên là quê hương của thi nhân:
Khởi đầu là dòng sông quê mẹ. Dòng sông bé nhỏ trong hệ thống giăng tơ và kết lưới của sông Hồng ngàn vạn cánh tay vừa dịu dàng, vừa cuồng nhiệt. Sông kia bên lỡ bên bồi. Nước phù sa mầu mỡ, đầy tình mẫu tử. Sông đỏ như son, sông đỏ rực những cánh hoa gạo rơi rắc trên bờ sông vắng lặng. Ai cũng có một dòng sông ấu thơ, một dòng sông quê mẹ. Nằm nôi trong dòng nước đó, nghe nhịp đời và nhịp nước âu yếm, vỗ về.
(Thành Phố Trong Hồi Tưởng, Dòng sông trầm tư)
Thi nhân nhớ đến Hà Nội của ba mưoi sáu phố phường ngày xưa:
Một mùa hương cốm vòng
Ta thở đến trăm năm
Một bàn tay Hàng Đào
Ta mê đến triệu ngày
Bàn tay Tố Tâm
Vàng phai khuê các
Trầm thủy Hồ Gươm
Bàn tay cô Phượng ngoài mồ
Tay Liên gánh hàng đỏ tóc xanh. . .
. ... . . . . . . . .
Rưng rưng sông Hồng
Nghiêng mãi mái thu
Nơi đó ta từng yêu
Những người con gái bàn tay búp măng. . .
( Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây .Bàn tay hàng đào)
Ông cũng nhớ Huế:
Tôi nhớ sông Hương. Nhớ đến đau nhói, dòng nước như ngưng đọng trong thời gian ngưng đọng của một đô thành cổ kính, dường như cũng đứng ngoài cái trôi chảy không ngừng của lịch sử. Sông xanh như mắt. Sen nở quanh thành. Hương cỏ bồ và hồn huệ trắng của những người thanh nữ rất đỗi yêu thơ và yêu những người làm ra thơ.
(Thành Phố Trong Hồi Tưởng, Dòng sông trầm tư)
Trí tưởng đã đưa thi nhân trở về quá khứ xa xưa, Việt Nam là một quê hương đã nhiều năm nằm trong đạn bom, khói lửa:
Lạc bước phiếm du mùa đỏ lửa
Cố đô ly loạn khói mờ say
Ai đi chập chờn trong nắng biếc
Mái nhạt đền xưa ẩn bóng mây
(Nửa Khuya Giấy Trắng . Áo biếc mùa xưa)
Nhiều nhà thơ hải ngoại đã viết về lịch sử Việt Nam nhưng không ai viết rõ và thực với phong cách văn hoa bóng bảy như Trần Hồng Châu. Thơ của Trần Hồng Châu một phần mang tính hiện thực. Ông và dân tộc này cũng như Thuý Kiều đã qua khổ ải đoạn trường:
Mười lăm năm tang tóc,
Mười lăm năm hoang tàn.
Mười lăm năm trong sổ đoạn trường.
Có tên!
Thay đời đổi kiếp,
Hờ ơi! Bình minh nào
Đất trời mờ mịt bốn phương.
Lưỡi lê giáo mác chật đường âm binh.
Đô thành không người vuốt mắt,
Bức tử
Niềm oan khiên rừng rực
Thái hằng sơn!
( Suối Tím. Mười lăm năm)
Thi sĩ đã chứng kiến bao cuộc sống của Sài gòn đã bị vô sản hóa, bần cùng hóa sau 1975. Dưới ngọn bút của ông, chúng ta thấy từng cảnh một. Khởi đầu là hình ảnh những chuyến xe lam, xe bus:
Tôi đi xe bus Sài gòn
Xa cảng miền Tây
Xe Cây Mai Phú Thọ Hòa
Xe tã như giẻ rách
Trong lòng quê hương
Rách tơi bời!
Kính chiếu hậu vỡ từng mảng vụn
Như con ngươi mắt trợn trừng nhìn vào thực
tế phủ phàng
Mui xe gồ ghề mu rùa cong cong
Đập mạnh vào sọ não người tài xế già
theo nhịp bánh xe quay
. . . . . . . . . .
Xe nêm cối có đứa trẻ mồ côi
Mặt rầu rầu bán trái cóc với kẹo đồng đôi
Có anh thương phế binh gãy đàn tay trái
Chiều nay ta trở về bại tướng què chân. . .
Có thằng móc túi bị lôi phăng xuống bến
Vào trụ sở quân cướp ngày oai phong
Có hơi người nồng nặc giữa chiều đông
Có mùi rác rưởi trên xe gầy ốm tong teo
Đồng bào tôi áo chằng áo đụp
Mình võ vàng ngàn nỗi thiếu ăn
Đồng bào tôi đi về đâu chiều vô định
Giòng lịch sử lênh đênh chiếc bách
Đồng bào tôi có tội tình gì?
(Nhớ Đất ThươngTrời . Sài gòn xe bus nội ngoại thành)
Tiếp theo là cảnh dân đi kinh tế mới, vì quá khốn khổ phải lui về Sài gòn nằm ngổn ngang như những người tiền sử từ xa xăm hiện về:
Ngã Sáu Sài gòn có những bộ lạc về từ rừng sâu tiền sử
Từ kinh tế mới âu sầu mất hướng
Trại lưu đày dựng bên bờ đại lộ quê hương
Bên kim tự tháp rác rưởi trầm ngâm
Lửa hờn căm đốt sôi lòng nồi nhỏ
Sưởi ấm ruột gan rét cóng giữa trưa hè
Bằng những hạt cơm trừu tượng
Bằng vài lời hứa. . . thiên đường trần gian. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Tháng 4.. . Mưa Ngâu dầm dề)
Thi sĩ đã nói đến thân phận người ca sĩ trong chế độ mới:
chiều nhỏ lệ,
u mê trùm lên đầu thành phố âm u.
sân khấu Sàigon
ngàn năm lời nguyền rủa!
lời ca đoàn ngũ hóa
âm thanh đi vào hợp tác
sóng nhạc từng đợt quốc doanh
như tư tưởng và thơ
hơn một lần rách nát
trong máu sắt bàn tay quản lý.
Tám giờ đêm,
Nhà hát cửa đóng kín
như tâm hồn bức tử
vì cường quyền run sợ
trước mặt tuổi hai mươi
gươm quật khởi
em hát
thờ ơ buông xuôi
hồn đi chơi vắng
sông Volga lạnh buốt
chuông đồng hồ Cẩm Linh
đội vào lồng ngực đau nhói
( Suối Tím. Đoạn trường của ngườI nữ ca sĩ).
Không riêng Sài gòn mà toàn thể đất nuớc Việt Nam đều đau khổ:
Nội ngoại khoa với hằng hà sa số bệnh hoạn
Đau buồn, lở lói
Trong, ngoài trần gian
Trước, sau, hiện tại
Những bệnh căn đè nặng thập tự giá trên
vai con người trôi dạt trong thung lũng
nước mắt không hề vơi
Khoa da liễu vẫn còn ghi nhiều vết sẹo rằn ri
Trên da thịt người dân và đất nước thảm thương
(Nửa Khuya Giấy Trắng .Nhà thương )
Trong thơ, thi sĩ đã nói đến các thuyền nhân vì tự do, vì trốn tránh cộng sản mà bị chết oan ức:
nhưng dưới sâu
sâu nữa
vạn hồn thuyền nhân
sớm đi tối về
vẫn oan khiên
ngập tràn biển đông
. . . . . . .
đoàn hải khấu
ác điểu đen
bỗng đổ sập xuống một trời bóng tối
nữ tu, thôi hết nữ đồng trinh
nghĩa phu thê, thôi lời vĩnh biệt
em gái nhỏ, thôi nhé
dẫm nát một búp hồng non
. . . . . . . . . .
người thiếu nữ trên đảo san hô
ta sẽ dựng tượng em
giữa muôn trùng sóng
hãy nói lên niềm đau dân tộc
hãy vẽ lên dáng đứng quê hương!
(Nhớ Đất ThươngTrời.. Biển oan khiên)
Trần Hồng Châu kết án các cường quốc đã coi Việt Nam như một con tốt trên bàn cờ quốc tế. Và thi sĩ đã gọi chủ nghĩa Marx là ‘’ý thức hệ đen’’ đã gây ra bao thảm cảnh cho dân Việt Nam:
nước biển có giải oan
trắng tinh hồn nhược tiểu?
nước biển có mặn chát
vạn niềm đau?
nước biển có rửa sạch
ý thức hệ đen
đồ thán
chất ngất trời xanh?
(Nhớ Đất ThươngTrời.. Biển oan khiên)
Gần đây nhất là việc buôn bán người tại Việt Nam, do đảng ‘’xuất cảng lao động’’:
Tin AFP rao truyền khắp năm châu bốn biển
‘’Trong năm năm gần đây 5000 (hay 50,000?) con gái Việt Nam đã được bán buôn dưới nhiều hình thức’’
Những người con gái từng thấy trong ca dao
Trong thơ Nguyễn Bính chân quê
Trong thơ Hàn Mặc Tử chị ấy năm nay còn gánh
thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
50 năm trước đây, thời thực dân mấy đời
bánh đúc có xương
Họ còn được là cô dâu trinh trắng nón quai thao về
nhà những chàng trai quan họ quần chùng
áo dài nguyên nếp tình quê
5000 ngưồi con gái Việt Nam ấy, hôm nay sau cơn mê sảng ý thức hệ,
mà họ không hề tạo nên,
đã là món hàng tươi sống xuất khẩu
1. Về những phường dạ lạc Hồng Kông
2. Về những xóm yên hoa Ma Cao
3. Về đảo quốc Đài Loan xả xui bằng chữ ngàn vàng
4. Về vùng Lưỡng Quảng chiều mưa biên giới em đi về đâu?
5. Về niềm tủi nhục ngửa nghiêng Vọng Các thủ đô
ổ nhện suốt sáng thâu đêm. . . .
( Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây. Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười?)
Một đôi khi thi sĩ cũng châm biếm chủ nghĩa cộng sản:
Lằn đường, lane đường
Mù mịt tít mù
Chạy mút mùa như đời cải tạo không án lệnh
Chạy phân minh nhị nguyên
Như đường ranh tư bản dẫy chết. . . vẫn sống nhăn răng
Như đường ranh vô sản tiến nhanh tiến mạnh về thiên đường mù
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây . Buổi chiều góc cạnh)
Thi sĩ tin tưởng một ngày kia dân Việt Nam sẽ vùng lên đập tan xích xiềng để giành lấy tự do:
nhất định
sấm sét cuồng phong sẽ vùng dậy
từ những đốm lửa nhỏ
từ những di động vi ba
Tần Thủy hoàng chết khô
Trong lửa đỏ Hàm Dương
phần thư! phần thư!
nhưng bài thơ vẫn tồn tại
trọn vẹn
ung dung
trên nẻo đường khai phá
nẻo đường tự do
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây. Làm thơ sau cơn hồng thủy)
Trần Hồng Châu là người yêu nước, thương dân, là người quốc gia chân chính, người trí thức chân chính , và có ý thức chính trị rất cao.
II.TÌNH YÊU GIA ĐÌNH
Rất ít nhà thơ nói đến gia đình trong tác phẩm của mình. Trần Hồng Châu thì khác. Ông là một người thâu thái Tây học trọn vẹn nhưng vẫn giữ tâm hồn Á Đông với đầy đủ trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Thi sĩ đã thờ song thân rất mực hiếu thảo.
Thân phụ của thi sĩ đã cùng thi sĩ kinh qua những ngày đen tối sau 1975 và mất trước khi thi sĩ rời Việt Nam. Bài thơ khóc cha sau đây là một trong những bài thơ hay nhất trong văn học Việt Nam . Chúng ta đã có những bài thơ khóc vợ, khóc chồng, khóc bạn nhưng chưa có bài thơ nào khóc bố mẹ đạt nghệ thuật như bài này. Bài thơ này rất có giá trị vì tâm tình chân thành với nghệ thuật giản dị, câu thơ tự nhiên, mộc mạc không trau chuốt nhưng đã đi sâu vào trái tim người đọc. Bài thơ này cũng cho chúng ta biết tình cảm sâu xa của thi sĩ đối với cha già :
Bố nằm xuống
Bố nằm xuống đất rồi, càng thương bố
đời loạn lạc
hậu vận bố con mình chẳng ra gì!
Bố thèm chén rượu nhạt
( một đôi khi thôi, đâu có nghiện ngập gì!)
con cũng chẳng có tiền mua
túi sạch sành sanh
sau mấy chuyến đi chui chẳng thành công
Bố muốn bộ đồ xá xị tầm thường
để bận cho thoải mái
Con cũng chỉ mua được vải tám lai rai
Trông bố ăn
Rất ngon lành
Củ khoai lang buổi sáng
Con muốn khóc quá trời!
Đời loạn lạc
chó nhảy bàn độc
hậu vận bố con mình chẳng ra gì!
Bố đi bộ suốt Chợ lớn mới
về Đại thế giới
để dành tiền vé xe buýt
bố mua hai đồng ô mai
một gói đậu phụng
Bên cửa bếp
Hai bố con ngồi nhắm nháp
vị xá muội mặn chát
chua ơi là chua
ôi men đắng cuộc đời!
ngọn gió nào bỗng thổi tứ tung
vỏ lạc lá vàng bay
Hai bố con lặng lẽ
cắn từng miếng me khô
muối ớt cay cay
từng quả cóc ngâm đường
dôn dốt ngọt chua
bố bảo: bố con mình thế mà gân ra phết!
Bố nằm xuống đất rồi, lại càng thương bố
đời loạn lạc. . .
(Nhớ Đất Thương Trời)
Bài thơ này có giá trị ngang bài Thạch hào lại của Đỗ Phủ. Cả hai thi sĩ đều sống vào thời tao loạn và nói về cảnh thời loạn. Cả hai bài thơ đều có lời giản dị, trong sáng mang nghệ thuật tả thực và tính xã hội, nhưng thơ của Trần Hồng Châu còn mang tính chất riêng tư và mạnh mẽ của tình cảm gia đình, của tình phụ tử trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình và của đất nước.
Thi sĩ Trần Hồng Châu còn làm thơ khóc mẹ khi thi nhân đã ngoại thất tuần.
Sau cơn sốt nhẹ mẹ đã ra đi trên đường thênh thang
Thanh thản
Nhẹ tênh một vẫy gọi hồn thu thảo
Bên kia bờ vĩnh hằng
Có còn giòng lệ đắng
Có còn đớn đau và biển lớn quên mình?
. . . . . . . . . . . .
Hôm nay Mẹ bước vào
Im lặng Yên Tĩnh Tịch Mịch
Để lại đằng sau các con mẹ cổ lai hy nhưng vẫn là
bé bỏng thuở nào
Hôm nay
Tàn hương và lời kinh bát minh hồng phấn
Rụng xuống cùng những quân bài số mệnh
Cùng nằm im bên chuỗi tràng
Trong sáu bức tường vàng - tâm ngát thơm lòng mẹ
Con máu thịt mẹ
Mẹ bồng một phần con ra đi
Con giữ lại một phần Mẹ
Ở đây bụi đỏ kinh thành
Ở đây bốn biển cùng đành sầu riêng. . . .
(Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây . Mẹ )
Thi sĩ Trần Hồng Châu cũng viết về người vợ hiền của thi sĩ. Hai ông bà đã sống bên nhau cho đến tóc bạc răng long, tình cảm rất thắm thiết. Có lẽ tình yêu ở những vợ chồng già cũng nồng đượm vì người già thì cảm thấy cô đơn. Các con đã lớn, đã đi xa, và bố mẹ cũng đã không còn ở trần thế, mà bạn bè cũng thưa thớt, kẻ mất người còn. Và giờ đây chỉ còn hai vợ chồng già với bao khó khăn của cuộc sống. Nhưng với một nụ cười, và một cử chỉ săn sóc ân cần cũng làm cho nhau hạnh phúc. Bài thơ ‘’Chỉ còn nụ cười em’’ có lẽ được viết trong hoàn cảnh này, lời thơ nhẹ nhàng, thắm thiết:
một bóng ta một mình
đèn khuya mờ giấy trắng
tấc lòng người xưa
trăn trở hôm nay
quá khứ ngàn cân
trùng điệp vẫn vòng vây
tương lai mịt mờ
đường hầm không lối sáng
đời khép kín
trắng đôi tay
hồn ngắt lạnh
chỉ còn nụ cười em
bình minh rực rỡ
ngoài chân trời cuộc sống
không sắc, không vị
không một thanh âm
chỉ còn nụ cười em
mỗi buổi sớm em mời anh
chén trà xanh đầu ngày!
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây
III. TÌNH YÊU VÀ NGHỆ THUẬT
Nghệ sĩ nào cũng có hình ảnh một vài giai nhân trong tác phẩm. Trong thơ Trần Hồng Châu, chúng ta cũng thấy có nhiều bản tình ca rất đẹp. Bài Bướm trắng là một bài thơ hay:
Sóng xanh xanh, sông chở đầy ân ái
Trường hồng hồng, trường mang mãi tình non
Quá gần nhau sao vẫn còn quan ải
Mấy mưoi lớp phù kiều dáng mắt em!
Chủ nhật dây nắn nót chữ thơ hồng
Lòng phơi phới hội mở gió như nhung
Ghé Thiên Thai anh trao tình thứ nhất
Tay ghi dòng nhật ký buổi tương phùng
Áo trắng xưa bướm cũ còn vương vấn
Đêm thao thức hồn trĩu nặng buồn thơ
Mộng mơ anh say say mầu hồng phấn
Tóc huyền châu trong khung cửa trường bên
Bờ sông thơ gió vương tình áo trắng
Em đi nhanh nón nhỏ gót hồng son
Bỗng hoa lá chập chờn trong vắng lặng
Hồn bâng khuâng rực rỡ ánh lưu ly
Bước ngập ngừng vân vi mi chớp lẹ
Tình mang mang hò hẹn mái đò xưa
Mộng thanh xuân tuổi ngọc về đây nhé
Về đây nhé bướm trắng mộng thanh xuân
(Nửa Khuya Giấy Trắng)
Thi sĩ là người đa tình đa cảm. Thi sĩ đã ghi lại những xúc động khi gặp nhiều giai nhân trong những trường hợp khác nhau, và những góc độ cuộc đời khác nhau. Phải chăng những giai nhân ở đây tượng trưng cho cái đẹp muôn nơi muôn thuở của đất nước Việt Nam tự do, của nhân loại hòa bình? Bài thơ Em là ai? Từ phương trời nào? là một bài thơ xuất sắc:
Người đẹp bao nhiêu từng thoáng gặp
Như gió hội ngộ mây hồng trôi
Bốn phương trời rộng vẫn bồi hồi
Ngàn năm đâu có lại hẹn hò
Em là ai, từ phương trời nào tới?
Chỉ còn lại hương rơi tiếng đoạn trường
Em chợt đến chợt đi tinh cầu lạc
Một cánh bướm, trăng soi vạn nẻo đường. . .
Anh gặp em bé bỏng chiều dạ hội
Mình xoay xoay luân vũ nửa về khuya
Anh thấy em bâng khuâng chân bước vội
Mắt ngỡ ngàng đại lộ cửa thành đô
Anh gặp em vương mắc sầu thương cảng
Cánh buồm trắng ra khơi màu ly biệt
Anh thấy em trầm ngâm buông cây viết
Trong giảng đường tuổi trẻ mắt đầy sao
Anh gặp em reo vui chuyến tàu sớm
Sương gió lạnh anh mê tình sưởi ấm
Anh thấy tóc em mộng hái mơ vàng
Suối Giải Oan về em có giải oan?
Anh gặp em chân đỏ ruộng phù sa
Môi cắn chỉ hồng duyên nếp mới
Anh thấy em bến cũ trời hoa lá
Mái đò đưa sóng mắt gợi tình đầu
Em là mây gió nước sông đày
Em từ đâu tới em về đâu
Gặp em chớp mắt nhớ vạn ngày
Sớm chiều mưa nắng mắt em buồn
Anh đi ngang dọc kinh vỹ tuyến
Nửa đêm chợt tỉnh lại tình em
Lên non xuống biển mộng hư huyền
Tiên về bích động tình rơi cõi trần!
(Nhớ Đất Thương Trời)
Trên đây, Trần Hồng Châu viết bằng lời thơ giản dị, mộc mạc, nhưng qua phần này, thi nhân viết bằng nghệ thuật tượng trưng. Như một khúc đàn đang dạo những âm thanh nhịp nhàng, đều đặn, đến đây, âm thanh, tiết táu đổi khác, đưa người qua một khung trời khác.
Thi nhân lại đưa chúng ta qua một khung trời khác nữa. Thi nhân đưa chúng ta trở về khung trời ca dao với trầu quế, hoa bưởi của thời Nguyẽn Du, Hồ Xuân Hương. Một bài thơ của Trần Hồng Châu rất gần hồn thơ Nguyễn Bính:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương
Thời gian tỏa bóng đoạn trường
Thời gian che khuất nẻo đường thiên thai
Tôi từ kinh khuyết một hai
Núi cao cao mãi sông dài dài ghê
Nhớ nhung mấy thuở đi về
Cùng nhau sớm tối lời thề nước mây
. . . . . . . . .
Người thơ thơ cả bàn tay
Em xinh xinh cả nét mày gần xa
Nhà em ở xóm Chợ Ngà
Có giây trầu quế đậm đà ngọt chua
Nhà tôi bên ngõ giếng Chùa
Cuối thôn hoa bưởi nửa mùa ngát hương
Ước gì cho núi bình thường
Cho sông bé nhỏ tôi thường sang chơi. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Ước gì sông rộng một gang)
Bài thơ Em vẫn ngồi đây vầng trăng khuyết là một bài thơ rất đặc biệt vì thi sĩ đã dùng trí tưởng tượng trở về thời xưa khi còn những tráng sĩ, những vương tôn, công tử và những nàng ca kỹ tài sắc lừng danh.
Từ biên cương ruổi ngựa về bắc khuyết
Ta tìm em đâu phải mộng vương hầu
Ta tìm em lạc phách Tây hồ xưa
Những vương tôn ngõ liễu màu hồng phấn
Cung đàn say dàn trải mộng thanh xuân
Gió bụi kinh thành đường vạn dặm
Vàng son cửa võng ngói lưu ly
Em vẫn ngồi đây vầng trăng cũ
Nửa mùa ly loạn nét đan thanh?
Hoa cỏ ngàn năm cỏ hoa xuân
Mây trắng rưng rưng bước lữ hành
Mây trắng về đâu hồn bỏ ngỏ
Nhớ nhung đất Hứa có về chăng
Sông vẫn đò đưa chèo mái cũ
Núi vẫn giăng màn bóng mi xưa?
Em vẫn ngồi đây vừng trăng khuyết
Nửa mùa ly loạn nét điêu tàn
Phấn son lợt lạt buồn năm tháng
Thành quách đau lòng lớp phế hưng
Đá cũng pha phôi màu sương gió
Nhung lụa còn đâu dáng Ngọc Kiều
Đàn kêu như khóc lệ Tầm dương
Nhỏ máu năm dây khúc đoạn trường!
Bốn vách vơi đầy như xa cách
Người đi người ở mấy phương trời. . . .
Ngày mai đây xuất phát lại hoàng hoa
Bóng thời gian bạc ố những phím đàn
Đường Yên kinh vó ngựa chập chờn say
Ai khóc ta như ta đã khóc người
Thôi bút nghiên đàn phách cũng đều sai!
( Nhớ Đất Thương Trời)
Bài thơ này và Bài ca man rợ của Đinh Hùng giống nhau vì cả hai đều đặt bài thơ vào một không gian và thời gian xa xưa, tuy rằng một bên là truyện tình của một tráng sĩ, còn một bên là tâm sự của một dã nhân. Bài thơ này và bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ có điểm giống nhau vì cả hai đều dùng chữ và hình ảnh rất cổ kính và theo nghệ thuật tượng trưng.
Những bài Em là hồi tưởng em là âm vang, Chiều đô thành ( Nhớ Đất Thương Trời),Tro tàn kỷ niệm (Nửa Khuya Giấy Trắng) là những bản tình ca rất giá trị.
Một vài bài thơ của Trần Hồng Châu mang một ý nghĩa khác. Giai nhân ở đây là nàng Thơ, nàng Ly Tao:
Em Giáng Thơ kiều mị
Hôm nay ngày của Em
Ngày tôn vinh Thơ
Thơ xóa nhòa biên giới thời, không gian
Thơ không trường phái, không khẩu hiệu
Thơ hoàn toàn giải thoát. . . .
Em Giáng Thơ kiều mi
Gió đã lên!
Anh đang chắp cánh cho Em, cho Thơ
Trên hoa tiên những trang giấy rực màu ánh sáng!
( Nửa Khuya Giấy Trắng, Chắp cánh cho thơ)
Vắng em hồn mộng đỗ quyên
Nước non hiu hắt tiếng huyền bâng khuâng
Ly tao giòng cạn khơi vần
Mưa đan đan mãi giọt sầu ý thơ
( Nửa khuya giấy trắng )
Chính thi nhân đã gọi đó là ‘’em thơ trừu tượng’’:
Em thơ trừu tượng
Hoa vàng phương thảo
Anh sẽ cô đọng thời gian thành một tụ
điểm nóng bỏng đam mê
Để đốt cháy những sa mạc sầu tủi
những băng dương bàng bạc nhớ nhung. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng.’Em thơ trừu tượng’.)
Thi nhân cho mình là đấng Sáng Tạo , và giai nhân là những sáng tạo phẩm của thi nhân trên đỉnh Thi Sơn:
giờ hợp hôn tình giấy trắng
Anh bỗng thấy mình là người khổng lồ
Thổi sáo ngọc
Trên đỉnh Thi sơn sương mịt mờ
Là Hoàng thiên muôn trượng
Thượng đế cao siêu
Anh tạo nên Em
lấy thịt da Anh đắp tượng hình Em. . . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Anh , Em, bài thơ)
Giai nhân nhiều khi là ý niệm trừu tượng, và đó là nghệ thuật trừu tượng của Trần Hồng Châu::
Em và Thơ chỉ là ý niệm
Mông lung cõi trống vẫn muôn vàn
Chiều huyền không hoa trôi cửa động
Cánh bướm hồng vô thủy vô chung. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng .Ý niệm )
IV. TÌNH YÊU NHÂN LOẠI
Thuở thiếu thời, thi sĩ Trần Hồng Châu đã du học ngoại quốc, sau đó sang dạy học tại Mỹ, rồi trở lại Mỹ quốc sau 15 năm sống trong hỏa ngục. Cũng như đa số người Việt hải ngoại, đã ra ngoại quốc tất tâm hồn sẽ có chút rộng rãi, cởi mở. Là một người có tâm hồn nghệ sĩ và nhân ái, thi sĩ Trần Hồng Châu yêu quê hương , yêu cả loài người, và yêu vũ trụ. Tình yêu của thi sĩ vượt qua giới hạn quốc gia. Trong thơ cũng như trong tùy bút, thi sĩ đã ca tụng những con người và xứ sở đã nở hoa, và đã cho thi nhân những kỷ niệm êm đềm. Tấm lòng của thi nhân ở đây mới đích thực là tấm lòng nhân ái, và tình thương nhân loại:
Tôi yêu Tô Châu, Venise và Thuận Hóa
Sông xanh như mắt
Sen nở quanh thành
(Nửa Khuya Giấy Trắng Chắp cánh cho thơ)
Nhớ một bông hồng Fontenay
Một hành lang biển rộng Sorbonne
Một thảm cỏ đồi Montsouris
Nhớ đôi chân son và hồn song song giữa lòng
ga Saint Lazare một chiều ly bôi mà ánh vàng
cô đọng trên tóc xõa
và trong rượu mạch hoàng hoa. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng , Paris chiều chia ly)
Tôi là con tàu lênh đênh sóng vỗ
Lắc lư say theo nhịp hải hành
Về những thương cảng buồm thuyền như bướm lượn
Về những chân trời lộng gió biển mù khơi
. . . . . . . . . . .
Lòng Phi châu nóng bỏng
Bến Hồng Hải biển xanh
Aden, đen trong nắng xế
Suez mấy thuở ê chề!
. . . . . . .
Tôi nương theo hướng mặt trời mọc
Về thăm Hương Cảng một chiều xưa
. . . . . . . . . .
Tôi nương theo hướng mặt trời lặn
Về thăm Nữu Ước mỏi chờ mong. . . .
(Nhớ Đất ThươngTrời.. Ở biển về ngòi)
Trần Hồng Châu không những là du khách mà là một người sống trong hồi tưởng, là ngườI lãng tử trở lại quê nhà. Với Trần Hồng Châu, đi du lịch nghĩa là đi tìm lại quá khứ đã mất hay quá khứ mà mình chưa được sống. Trở lại Paris, lòng thi sĩ vô cùng xúc động. Thi sĩ tỏ ra yêu quý những mái trường đại học. Thi sĩ đã ca tụng đại học Sorbonne:
Tôi yêu màu xám Paris của nửa chừng thế kỷ trong những năm 50, màu xám quen thuộc, màu xám huyền diệu mà H. Miller vẫn bùi ngùi cảm động nhắc tới như một nguồn thơ trìu mến, dịu ngọt tuổi thanh xuân... Tôi yêu Sorbonne trước thời chỉnh trang đô thành cuả A. Malraux, Sorbonne chìm đắm trong màu xám ảo diễm đó, vừa mờ mờ ẩn hiện như sương đêm Bắc hải, vừa trong sáng như những lâu đài, đình tạ trầm ngâm soi bóng trên bờ biển Địa Trung.. (Thành Phố Trong Hồi Tưởng. Tình khúc đại học)
Thi sĩ xúc động khi đến đại học Cambridge:
Tôi yêu điệu blue ‘’ Dòng sông xanh’’ của Cambridge, điệu moderato tịch mịch, chầm chậm, nhẹ nhàng, buông lơi, điệu nhạc tươi sáng vừa dựng cho chính mình.. .Tôi yêu những lời nhỏ to của Cambridge thầm thì như rót vào tai.(Tình khúc đại học)
Ông ca tụng đại học Harvard:
Tôi yêu màu nâu pha đỏ, màu đỏ nâu, ấm áp, bền vững - màu bordeau, hay huyết dụ?- của tường nhà Harvard. Ấm áp ngay cả khi tuyết rơi trắng muốt, xóa mờ những bãi cỏ xanh. . .( Tình khúc đại học)
Thi sĩ Trần Hồng Châu yêu vũ trụ, yêu tất cả. Lúc tuổi ngoại thất tuần, thấy ngày ra đi đã gần kề, thi sĩ đã luyến thương những đồ vật đã sống bên thi sĩ nhiều năm.
Đã Ở Cùng Ta
Cánh trà lênh đênh chát
Ngọt chữ thảo Đường thi
Trên hổ phách buồn vui
Ấm chén ở cùng ta
Hồn xưa nhiều hò hẹn
Chữ nhỏ lắm vân vi
Mắt thơ nghiêng nhạc tóc
Sách vở ở cùng ta
Cái ghế ta nghiêng ngửa
Cái bàn ta gác chân
Cây bút mòn giấy trắng
Tay áo mực vết đau
Tất cả ở cùng nhau
Mai này có theo ta
Trong chuyến đi cùng tận
Lạnh đời đếm bơ vơ
Đã cùng ta ăn nằm
Nhớ cùng ta đi nhé!
(Hạnh Đến Từng Phút Giây)
Thế giới thơ của Trần Hồng Châu mang nhiều màu sắc. Thơ của ông có cái cao quý của trừu tượng, đôi khi giản dị và sát thực tế của nghệ thuật hiện thực. Thơ Trần Hồng Châu cũng như con người ông là sự kết hợp tài tình giữa kiến thức hiện đại với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Những bài thơ tình của thi sĩ là những bản tình ca êm ái. Trái tim của ông luôn tràn ngập tình yêu quê hương, yêu gia đình, yêu nhân loại, yêu cái đẹp và yêu những sự vật xung quanh. Trong loại này, thơ của ông mang màu sắc tượng trưng nhẹ nhàng kiểu Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, không khó hiểu như Đoàn Phú Tứ, Xuân Sanh.
Trần Ngọc Ninh đã nhận định khá chính xác về thơ Trần Hồng Châu:
Thơ Trần Hồng Châu là thơ trí thức đẹp một cách trang nhã với nhiều hương hoa kì diệu của bốn bể năm châu và một tâm hồn cao quý luôn luôn rung động theo âm hưởng với tất cả những cái đẹp vi tế của cuộc đời và những hoài ảnh văn chương cổ điển ( Tuyển Tập Trần Hồng Châu xvii).
Thật vậy, văn thơ của Trần Hồng Châu nội dung luôn luôn súc tích, nhưng lời thơ có khi bay bướm , có lúc bình dị, như cung đàn khi trầm khi bổng làm rung động tâm hồn người đọc. Ông là tổng hơp hồn thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ và nghệ của Rimbaud, Verlaine và Ezra Pound.
Nguyễn Thiên Thụ
Canada 2003
No comments:
Post a Comment