Tuesday, October 25, 2016

CHUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN - TRUYỆN SƠN TRUNG - ÂM NHẠC

JIMMY LE * HÀNH TRÌNH BIỂN ĐÔNG

 
Hành Trình 200 Dặm Trên BiểnĐông
Font Size:
Tác Giả: Jimmy Le

    Trước khi vào chuyện tôi tự giới thiệu, tôi là Jimmy Le, tóm tắt tiểu sử sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thành phố Cần Thơ. Thủa nhỏ yêu nghề máy thích cuộc sống phiêu lưu, tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, năm 17 tuổi với nghề chuyên môn về động cơ (Diesl) và gia nhập gia đình mũ xanh TQLC. Năm 1968 chưa tròn 18 tuổi, được phục vụ ở đơn vị YTTV/ ĐVT / SDTQLC chức vụ tài xế quân xa. Năm 1971 làm đơn xin về nguyên quán của cha tôi được bộ quốc phòng chấp thuận và thuyên chuyển về lữ đoàn 4/VT/vùng 4/Chiến thuật, chức vụ hạ sĩ tài xế quân xa. Phục vụ đến ngày 30/4/75.
    Tôi cưới vợ năm 1971. Sau 7 năm góp mặt yểm trợ khắp các chiến trường kể cả chiến trường ngoại biên. Sau miền Nam đổi chủ - những người chủ mới từ bắc vĩ tuyến 17 cho rằng tôi loại ác ôn, có nợ máu với nhân dân nên đưa đi cải tạo ở núi Trầu (Kiên Lương ) Hà Tiên, sau 2 năm trả tôi về địa phương. Khi trở về nhà cũ, thì mới hay vì sợ áp lực và theo đường lối mới của “nhà nước” mà cha tôi phải đi về quê tăng gia sản xuất. 

Vì thương cha già, tôi cho vợ con tôi cùng về quê để hôm sớm có người chăm lo, còn một mình tôi ở lại Cần Thơ đi tìm việc làm nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Vì là thành phần “tàn dư của chế độ cũ”. Sau cùng tôi mua chiếc xe ba gác đạp để hang đêm xuống bến Ninh Kiều chở rau cải, ngày thì ai gọi thuê chở cái gì thì lãnh chở để kiếm sống và còn để dành tiền để gửi về quê lo cho gia đình. Tôi cũng bằng lòng với số phận nên những lúc rảnh rỗi đã làm mấy câu thơ, để đọc mà an ủi cuộc đời từ một tài xế mà bây giờ đẩy chiếc xe ba gác. 

    “ Rồi từ đó anh đi làm ba gác
    Khoác lên mình chiếc áo rách vai
    Trong đêm xuân anh mơ được những gì
    Đời ba gác người yêu là ra cải.” 

    Nếu thời gian bình thản trôi đi thì chắc không có hồi ký của chú Sáu ba gác, mà giờ này chắc chú Sáu còn tiếp tục đẩy xe. Qua thời gian sống xa tôi, vợ tôi quan hệ với tên tập đoàn trưởng ở ấp. Sau khi thằng con trai lớn bắt gặp mẹ nó dan díu, tôi hay tin bán xe ba gác về quê làm đơn thưa kiện, bây giờ nhớ lại tôi làm việc đó hết sức là dại dột. 

Như bạn đọc cũng hiểu chánh quyền mới, người dân gởi đơn phải chầu chực có khi gần nửa tháng để ngâm cứu, mà chung quanh công an ấp xã đều là vây cánh của tên tập đoàn trưởng. Cuối cùng, công an xã ra lệnh công an ấp và du kích bắt tôi với tội trạng là tôi cáo gian và tình nghi tôi là CIA làm mất thể diện cán bộ ở địa phương và dánh lệnh tầm nã, may mắn, người du kích sai đi bắt tôi lại cho tin cháu tôi đưa đi trốn. 

    Trở về Cần Thơ thì phương tiện làm ăn đã bán rồi, chỉ còn ít tiền, tôi sắm chiếc xe đạp chở khách để sống qua ngày. Ngày ngày chỉ đủ lon gạo bó rau và bịch tương, và không biết bị bắt lúc nào vì được mang tên là CIA. Dịp may đến với tôi, người chị thứ năm của tôi từ Cà Mau về Cần Thơ. Người chị tôi nghèo, nhà chỉ có hai chiếc xuống tam bản chở mối kiếm sống, sau khi nghe hoàn cảnh, chị tôi dắt tôi xuống Cà Mau. 

Tôi cầm chiếc xe đạp được 800 đồng để làm lộ phí. Sau khi xuống Cà Mau, chị tôi giớ thiệu với bà Tám chủ ghe, sau khi nhìn qua tôi và qua sự giới thiệu tôi biết nghề máy, tôi được làm công cho bà, điều kiện không có trả tiền, chỉ cho ăn cơm, nửa tháng cho một bánh thuốc Gò Vấp và một sấp giấy báo cữ vấn hút. 

Công việc mỗi ngày lái ghe ra bờ biển xúc cá lúc nước ròng vô ghe, và sau đó lái ghe về quận Năm Căn vác đồ lên bờ, chiêc 1ghe dài hơn 20 mét, rộng 7,8 mét, trọng tải ước chừng 5 tấn. Ngày ngày, tôi phải làm công việc đó và quan sát cửa biển Hòn Khoai, nó nổi lên cồn cạn, để đến ngày ra đi không bị mắc cạn. Cái vấn đề khó khăn của tôi là lúc đi tôi chỉ mặc có bộ đồ và cái quần đùi, cĩung may, cái quần đùi bằng vải kaki nên chịu đựng hơn ba tháng trời. Nhiều lần tôi nói với bà Tám có ra chợ mua cho tôi cái quần đùi nhưng rồi bà cứ khất lần cho đến ngày ra đi. 
    Bạn đọc cũng hiểu địa danh U Minh nổi tiếng là muối, cái khổ của tôi lúc đó là mỗi ngày lao động chiều tắm nước mặn, xách một gầu nước ngọt và cái nùi giẻ chạy vô sâu trong rừng tìm một gốc cây đứng rửa, sỏ cái chân cởi quần vắt cho ráo nước và dùng nùi giẻ thấm nước ngọt để lau qua cái body. Eo ơi, mỗi lần như vậy các bạn có tưởng tượng không biết bao nhiêu là muỗi và bù mắc thi nhau tấn công, tôi không hiểu ngày nào được ra đi. Rồi sự mong đợi đã đến với tôi chiều ngày 22/12/87. Cuộc hành trình 200 dặm trên biển Đông bắt đầu. 



    Ba giờ chiều ngày 22/12/87, bà Tám cho tôi biết hành khách đã ém rải rác xung quanh huyện Năm Căn đủ rồi. Lệnh sáu giờ chiều, tôi lái ghe qua đổi nước lấy 10 can nước ngọt, còn lương thực, xăng do hai xuồng tam bản chở ra điểm hẹn gần cửa biển Kinh Năm. Tôi nhận đèn pin, ám hiệu “hỏi 2 ngắn đáp 1 dài" , mật khẩu tổng số là 9. Thí dụ từ xa thấy xuồng đến tôi bấm 2 đèn là bên chiếc xuống kia trả lời bấm lại một đèn hồi lâu. 


Để ngăn ngừa công an thì hỏi tiếp mật khẩu “Mạnh giỏi anh Sáu?” bên kia trả lời: “Dạ khoẻ anh Ba”, sáu cộng ba chung là chín thì đúng là phe ta, còn nếu sai thì lo chạy trốn. Phần tôi đến điểm hẹn, tôi chợt nghỉ ra rằng đi với hai cái máy đuôi tôm chắc không ổn, nên tôi vác búa lên bìa rừng đốn một cây đước thật suông dắt theo bên ghe để có gì làm buồm. Và tôi đốn thêm một ít củi, trời tối muỗi cắn dữ quá, tôi đốn được một ôm củi dài non một mét để sau lái ghe khỏi có thiếu củi chẻ mà dùng, sau đó canh chừng từng chiếc xuồng đến. Tất cả những ám hiệu đều tốt. 


    Gần tới giờ xuất phát, ông và bà chủ ghe đi vỏ lãi ra lấy giấy của hành khách để sau này thanh toán với người nhà. Ông chủ ghe bắt tay tôi lần chót chúc may mắn, trao cho tôi một hải bàn và một bản đồ vùng biển Cà Mau, Malaysia, Thái Lan. Nói hải bàn nghe cho oai, thực ra nó chỉ là cái địa bàn ở bên Mỹ auto part nào cũng có bán để trang trí trên xe. 


Có kinh nghiệm sau nhiều tháng ra vô, vấn đề là phải né ngọn hải đăng suốt đêm quét vệt sáng dài bao quanh vùng biển Hòn Khoai. Để né tránh Cồn Cạn đầu tiên, tôi phải bắt hướng West đi về Thái Lan và chạy hai máy để thoát nhanh, chỉ sợ tàu ở đồn công an biên phòng Hòn Khoai. Vừa ra chừng 30 phút thì đa số là phụ nữ bắt đầu nôn ói từ 12 giờ khuya đến rạng sáng ngày 23/12/87. 

Tám giờ sáng thì bỏ Hòn Khoai đằng sau lưng chỉ còn nhìn thấy bằng cái bàn ăn cơm. Từng đoàn cá nươc lội theo hai bên hông ghe rất lâu như muốn đưa tiễn chúng tôi. Tổng số người trên ghe là 26 người. Lúc này, tôi nhờ những cậu trai trẻ phụ dọn sạch sẽ trên ghe do các cô nôn ói và tát nước ghe còn tôi châm thêm nhiên liệu và kiểm soát hải bàn, tôi kẻ đường biểu diễn từ mũi Cà Mau đi Pulau Bidong. Lúc này, tôi bắt đầu qua hướng South Eath và đi phuogn giác 110. Mọi việc xong xuôi mọi người còn tỉnh táo nấu mì gói ăn, lúc đó mới có dịp hỏi tên nhau. 3 giờ chiều 23/12/87 thì hết thấy Hòn Khoai, tôi cắt giảm một động cơ để hy vọng luân phiên sử dụng được lâu hơn. 


    Đêm 24/12/87 phải nói là đêm giáng sinh tuyệt vời, mặt biển yên như trong hồ, ghe đi nhanh nhưng rồi chiều ngày 25/12/87 thì hai cái máy lần lượt ra đi và bị tôi quẳng xuống biển. Đúng như dự đoán, tôi nhờ mấy cậu thanh niên dựng cây cột buồm và lấy cái mền rách ra làm buồm. Tôi nhờ một câu giơ cái khăn lên ước lượng gió thổi 10km/giờ. Bây giờ mọi người trên ghe hết sức hoang mang vì sợ trôi về Việt Nam sẽ đi tù. Lúc này chiếc ghe không còn điều khiển theo ý muốn, nhìn hải bàn lệch về hướng South West. 


Tôi cầm bản đồ, tính toán và mạnh dạn trả lời với bà con trên ghe chắc chắn không bị trôi về Việt Nam vì đã đi huốt Hòn Son Rạch Giá và định mệnh đã đưa chúng ta vào vùng biển Thái Lan, lành dữ ra sao thì chưa biết và bao lâu đến bờ thì không hiểu. Trước mắt phải giới hạn nước uống, một ngày một người chỉ được uống một cốc nước nhỏ, chỉ có hai đứa nhỏ thì lúc nào khát sẽ uống nửa cốc riêng. Riêng tôi vì ở quân đội, chiều tôi dùng tấm nylontrải mui ghe hứng những giọt sương đêm để sáng thấm giọng. 


    Tối đêm 26/12/87 thì gặp tàu đánh cá Thái Lan loại nhỏ nhưng chiếc tàu này hiền, tuy nhiên không cứu cũng không đá động dến chiếc ghe của chúng tôi. Mọi người đều đặt niềm tin vào tôi vì thấy tôi đã nói đúng:đã thực sự đi vào Thái Lan. Sáng ngày 27/12/87, chúng tôi bắt gặp một tầu đánh cá Thái Lan loại to, vị thuyền trưởng đã nhân đạo cho chúng tôi ăn một bữa sáng trên boong tàu và cho thêm nước, thực phẩm. Trên ghe tôi có một cậu biết tiếng Anh trao đổi thì người thuyền trưởng nói theo luật Hoàng Gia, tất cả tầu Thái Lan không được kéo giúp ghe vượt biên, nếu hải quân Hoàng Gia bắt gặp sẽ bị phạt, vì lẽ đó sau khi giúp nhân đạo tầu này xô ghe chúng tôi ra và ra đi. 


    Trưa ngày 27/12/87 tôi nghe có tiếng phi cơ trên nền trời, lập tức tôi lấy cái bếp ra mũi ghe nhóm ít lửa bỏ tí vỏ cây đước, lấy cái áo trùm lại rồi dỡ ra làm ám hiệu cầu cứu theo bài mưu sinh thoát hiểm, lấy khăn trắng vải mui ghe và lấy cục than kẻ chữ S.O.S nhưng rồi chiếc máy bay bay đi luôn. Buổi chiều, nước biển đang trong, từng đám cá lội nhợn nhơ bỗng dưng biến mất, tôi lo sợ vì báo hiệu biển có sóng lớn.


 Đó là kinh nghiệm của một cư dân truyền lại cho tôi trong những ngày hành quân vùng duyên hải. Tôi thương hai đứa nhỏ trên ghe, đứa 7 tuổi thì cha mẹ luôn bị say sóng, có chuyện chắc không lo được gì nên tôi lấy can không cột lại làm sẵn cho hai vợ chồng này rằng nếu có chuyện gì bất trắc thì lấy cái phao và ôm hai đứa con mà còn hy vọng. Tôi không dám nói vì chưa hiểu có đúng vậy không. 

    Khoảng 7 giờ tối, những hiện tượng bắt đầu xuất hiện, mưa nhẹ biển gầm lên, những ngọn sóng ước chừng như quả đồi sẵn sáng chụp bao phủ chiếc ghe như là tấm lá nhỏ. Cũng may là sóng thưa, chiếc ghe bị nhấc lên cao rồi lại bị hụp xuống, chạy dài ra rồi nhấc lên. Bây giờ, đa số mọi người đều ói dữ tợn, còn rất tỉnh táo, người ói nằm rũ ra ghe, người nằm như cá hộp, vấn đề tát nước thật là chật vật, một người tát, một người phải lôi người ói sang một bên. Dỡ ván sán ghe đén không có, cái đèn pin bị lỏng khi tắt khi cháy. 



    Sáng ngày 28/12/87, sóng bắt đầu hơi dịu lại, cho đến bốn giờ chiều tôi thấy một chiếc tầu đánh cá chạy nhanh về hướng chúng tôi. Tôi nói chiếc tàu này có ý tấn công, lập tức tôi bố trí cậu Hiền ở mũi ghe, cậu này ở sứ Vĩnh Châu và Út Bà Bóng ở phía sau lái, tôi ngồi giữa ghe lấy mấy cây củi dài phát và phân công, vừa xong thì chiếc tầu đó đâm vào gần đằng mũi ghe, cậu Hiền dùng cây đánh ngang ống quyển tên Thái Lan nhảy qua như tôi đã dặn dò. 


Trước khi đánh, tôi áp dụng bài học đánh cận chiến nhưng rủi thay mũi ghe thì tròng trành, phần thì sóng, phần thì do con tàu bị hút vào, sau khi đánh thì nghe hai tiếng “á”, rồi tên Thái lan và cậu Hiền bị văng xuống biển, chiếc tàu Thái vòng lại vớt người, còn cậu Hiền trôi ra xa, sóng và gió đưa ghe tôi ra xa rồi mất hút trong màn sương chiều, một người bạn vừa mới quen vài ngày đã vĩnh viễn ra đi. 


    Đêm đó vì lo và buồn và cái hậu quả chiếc tàu đụng vào, chiếc ghe bị rêm, nước vào nhiều quá, tôi lo tập chung bốn người thức xuốt đêm ở 4 khoang trên ghe để lo mà tát nước, ai nấy đều cầu nguyện, chúng tôi vấn thuốc rê hút suốt đêm chống buồn ngủ và tát nước nghe tay rã rời. Sáng lại tôi bàn kế hoạch bây giờ cứu vãn tình huống chỉ còn có cách lấy tấm nylon dài che dọc chiếc ghe, và nhổ những cây đinh trên kèo mui đóng phủ bên ngoài vết nứt do chiếc tàu gây ra thì mới giảm được nước vào ghe.


 Công việc này cần 4 người, 3 người chia đều căng nylon, một người cầm búa đóng. Tất cả được cột vòng một bên nách cọng dây dính trên ghe để không bị nước cuốn trôi và cán của cây búa cũng được buộc một cọng dây để có vuột còn níu kéo được. 


    Phân công xong, biển lúc đó tương đối êm, bây giờ chỉ cón sợ bầy cá mập nhỏ, tôi dặn kỹ rủi ro mà có đóng dập tay, lập tức la lên để kéo lên ghe nếu không cá mập con sẽ tấn công. Một con rỉa một tí thì chết. Sau một tiếng thì công việc ổn cả cả, bây giờ nước bớt vô, chừng ba tiếng tát một lần. Vấn thuốc ngồi ăn bánh bía, bỗng tôi thấy dề rác trôi nhìn kỹ có vỏ chai nước tương, tôi la lớn mừng rỡ: “ Gần tới bờ rồi bà con ơi vì tôi thấy vỏ chai nước tương trong đám rác”.


Năm giờ chiều, nhiều bầy chim biển bay lượn trước mũi ghe, ai cũng mừng rỡ nhưng rồi tai biến lại đến với chiếc ghe tôi nữa. Lúc đó trước sáu giờ từ trong bờ có chiếc ghe nhỏ chỉ lớn hơn chiếc ghe tôi có tí chút chạy vòng xung quanh chiếc ghe tôi, có ba tên Thái Lan mặt mày dữ tợn. 

Trên ghe có cô Hoàng, sau này đi Canada, học lõm đâu được tiếng Thái chữ ăn cơm là “kinh khào”, bọn Thái lan thấy có con gái lập tức tấn công, một tên Thái lan nhẩy qua sau lái ghe, một tên cầm búa bị Út Bà Bóng lấy cái leng xúc cát vớt trúng ngang ba sườn la thất thanh và văng xuống biển. Chiếc ghe Thái Lan vòng qua vớt tên Thái xong và chạy hết ga lên khói đen. 

    Nói về tôi sau khi đụng váo lái súc và văng bánh lái xuống biển, bây giờ tình trạng chiếc ghe trôi quay ngang mà không còn điều khiển được. Để đối phó, tôi nói với Út Bà Bóng: 2 Cậu mạnh tay khi nào nó tấn công nữa cậu lấy can xăng 20 lít ném qua, cần nhất trúng ngay chỗ thằng lái ghe, tôi sẽ phóng lửa qua, bây giờ chỉ còn đánh đón hy sinh”. 


Vừa nói, tôi kéo can xăng giao cho Út, lập tức tôi bẻ nẹp tre xé áo trên ghe quấn vào đầu nẹp tre làm bùi nhùi tẩm chút xăng và thủ cái quẹt ga. Chuẩn bị vừa xong, ghe thái Lan sau khi cứu người đâm thẳng váo giữa ghe và một tên nhẩy qua, vì mũi ghe lợp lá mỏng, tên nhẩy qua lọt chân, nhân cơ hội tên Thái Lan mất thăng bằng, tôi lấy cây đước dài từ dưới lòng ghe chọt thẳng xuyên qua lớp lá mui ghe trúng ngay ngực, tên này la một tiếng rồi văng xuống biển. 

Hạ được hai tên, lên tinh thần, chiêc ghe Thái vòng qua hông bên phải để vớt, bọn chúng vừa vòng qua ngang hông, tôi la to ném can xăng qua, Út Bà Bóng lập tức ném qua liền, may mà trúng ngay góc chỗ tên Thái Lan điều khiển ghe, can dòn do tái sinh nhiều lần đã để xăng chảy ra, tôi phóng nẹp tre đốt lửa và gây ra một đám cháy trên ghe Thái Lan, tiếp tục Út ném bồi thêm một can nữa để tăng sự cháy. Sau đó gió thổi mạnh đưa chiếc ghe tôi vào thị trấn Songkhalia. 

    Nói về cuộc chiến lần này, các cô gái trên ghe sợ quá giựt can không nhảy xuống biển và hai chú người Việt gốc Hoa sợ quá cũng giựt hai cái can to ôm nhảy xuống biển và trôi nguyên đêm vô bờ cách chúng tôi chừng hai cây số. Còn phần con gái trên ghe, cô Nguyệt sứ Sài Gòn làm nghề bán hàng rong gom ít tiền đi vượt biên, ôm trúng cái can bể sau đó đã chết. Hai ngày sau khi nhập trại, xác cô ta trôi vào bờ, police Thái Lan gọi bọn tôi có phải người đồng hành trên ghe không rồi tiêu hủy hài cốt ở Songkhalia, cô này khoảng Trên hai mươi tuổi, nghe kể chuyện còn độc thân, không hiểu sau này có ai biết chính xác địa chỉ ở đâu báo tử cho gia đình cô ta không. 



    Bây giờ trở lại chiếc ghe, sau khi tạo được đám cháy, gió thổi chiếc ghe tôi vào bờ vào khaong? 10 giờ 30 đêm, trên bãi biển Vắng, thỉnh thoảng trên con đường lộ ở xa có những vệt đèn xa chạy lưu thông, tôi yêu cầu những người còn khoẻ dìu những người say sóng lên bờ và đào hai cái hố lớn để trốn gió, nhất là các cô nhẩy xuống biển quàn áo ướt sũng nước, cón tôi lập tức phá vỡ hông ghe và quăng búa xuống biển phi tang vì sợ ghe còn lành Thái Lan sẽ kéo ra biển, mọi việc xong, tôi trở lại hố và chưa biết việc gì đến nữa, khoảng vài phút sau nhóm tuần tra bờ biển TQLC Hoàng Gia Thái Lan bắt gặp chúng tôi, họ ăn mặc và mang cấp bậc giống như VNCH trước năm 1975, 


Lập tức súng M16 lên đạn chĩa thẳng vào chúng tôi, mọi người đều thất kinh, trong nhóm có một tên hạ sĩ quan gọi máy truyền tin PCR25, khoảng 15 phút sau, một xe jeep quân sự đến pha đèn thẳng vào chúng tôi, người chỉ huy mang cấp bậc trung tá, vì ngày xưa tôi ở TQLC nên biết, một phút im lặng, mấy người đàn bà con gái nói: “Chú Sáu đại diện đứng lên nói đi”, tôi trả lời: “ Tiếng Anh tôi đâu biết, tiếng Thái thì ngọng luôn, có cậu kia biết tiếng Anh sao không nói.” 


    Cậu ta thấy súng ống run lập cập, bí quá tôi làm gan đứng dậy trên miệng hố, hai tay chấp và xá vị trung tá vì Thái Lan họ theo đạo Phật và tôi nói xin kính chào Trung Tá, may thay hồi chiến tranh Việt Nam tên này có tham chiến nên ông ta nghe và hiểu chút ít tiếng Việt, ông trả lời với giọng lơ lớ như người Thượng. 

Ông ta hỏi: “ Sao anh biết tôi là Trung tá?” Tôi mừng quá vì lâu ngày ông ấy không nói tiếng Việt nên ông nói rất chậm, tôi liền trả lời: “ Dạ thưa Trung tá, sở dĩ tôi biết ông là Trung tá vì trước năm 75 tôi là lính TQLC, và nếu tôi không lầm thì Trung tá đã từng tham chiến ở Việt Nam?” Ông ta trả lời: “Hồi lúc còn thiếu tá có sang Việt Nam hơn một năm, do đó tôi biết ít tiếng Viẹt, bây giờ tôi tin anh là lính TQLC nhưng những người kia thì sao?” 


    Tôi trả lời họ trước đây cũng thuộc gia đình binh lính của chế độ trước. Sau 75, cũng vì chế độ mới khắc nghiệt và cùng ra đi với tôi, mong chờ trung tá thương tình mà giúp cho chúng tôi. Ông ta gật gù, tôi mừng quá, sau đó ông gọi police đến giữ bọn chúng tôi tới sáng và có báo chí Thái lan đến chụp hình chúng tôi với chiếc ghe, hai chiếc xe truck chở bọn tôi nhập trại bên bờ biển giao cho một ông police già giữ bọn chúng tôi. 


Khoảng 10 giờ sáng hôm đó thì xe Cao Ủy tị Nạn đến phát lương thực, chăn mền quần áo xà bông, kem đánh răng và có xe Hồng Thập Tự đến khám bệnh và cấp thuốc. Tôi thấy xe police chở hai người bạn đồng hành đi chung ghe người Hoa đã ôm can nhảy xuống biển trong lúc chúng tôi chống cự với chiếc ghe Thái Lan. 

    Lúc này tôi cảm thấy sung sướng nhất là có quần áo đẻ mặc, có khăn lông lau mình, lại có xà bông thơm. Bữa đầu tắm gội tôi thấy mình tôi sao nhẹ quá tưởng chừng như bay bổng và tôi không quên giăt bộ quần áo cũ phơi phóng và gói cất đến tận bây giờ làm kỷ niệm. Sau bữa cơm đầu tiên mọi người ăn uống vui vẻ, tôi đề nghị “ chiều nay bọn mình ra bờ biển quì xuống cầu nguyện tùy theo tôn giáo để cảm tạ ơn lành may mắn chúng ta còn sống và cầu nguyện cho linh hồn của hai bạn đồng hành với chúng ta chẳng may đã bỏ mình dưới biển”, mọi người tán thành ý kiến và sau đó tôi cạo trọc đầu vì tôi có lời nguyện hồi máy hư, nếu ơn trời che chở cho ghe con tới bến bờ thì con sẽ cạo đầu. 

    Sau khi cầu nguyện chúng tôi ăn bữa cơm chiều và mọi người tự kiếm chỗ nghỉ ngơi. Vì cái trại này đã bỏ haong từ lâu không có người ở và cũng không có điện nên Cao Ủy có cho đén dầu và ít đèn cầy dể thắp sáng trong đêm, tôi ngủ một giấc ngon lành. Nửa khuya, vì theo thói quen thức dậy xem nước có vô ghe không, thức dậy biết mình đang ở trên bờ Songkha Thái Lan, nhớ đến hai người cùng đi mới quen được vài hôm đã mất, nghe sóng biển gầm tôi buồn quá, đốt đén cầy, hút thuốc suy nghĩ cuộc đời qua ánh nến châp chờn, cảm hứng lấy cục than ở bếp hối chiều nấu ăn, viết mấy câu thơ trên vách để nhớ người đồng hành chẳng may đã mất 


    Hồn ai siêu thoát ở nơi đâu
    Biển mặn ai đi để kẻ sầu
    Ngọn nến nung hoài hơi gió lộng
    Hỡi người dưới biển có buồn không
    Viết thư đêm vắng sầu trăm ngả
    Thôi đành phải xa cách
    Lặng lẽ mầu tang thương với nhớ
    Nghìn thu ai biết chuyện Song Kha

    
Kết thúc câu chuyện hồi ký "cuộc hành trình 200 dặm trên biển Đông", tôi nghĩ rằng sau khi được định cư, mọi người lo làm ăn đâu có dịp mà kể lại, may thay nhờ có cuộc thi viết bài kẻ lại cuộc hành trình trên biển Đông nên mới có dịp kể lại cuộc hành trình để các vị gần xa hiểu thêm hoàn cảnh thuyền nhân chúng tôi. Bây giờ thì Chúa thương tôi đã có được mái ấm gia đình, tôi có người vợ hiền và đã bảo lãnh được hai đứa con đang sống chung nhưng mỗi lần đông về tết đến, tôi lại nhớ kỷ niệm Songkha.
    

NGÔ VIẾT TRỌNG * VĨNH BIỆT SAO ĐÀNH

 
Chim ơi! Vĩnh biệt sao đành!

Lời tác giả:Ở đời có những chuyện nói ra nghe khó tin nhưng lại là chuyện rất thật. Khi viết lại (2001), tôi vẫn thấy chuyện này như mới xảy ra, mặc dầu nó đã qua đi 25 năm rồi. Nó có những hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến thời nô lệ thượng cổ trung cổ rất xa xưa nào đó: Hai người đàn bà trẻ cầm hai cây roi, xông xáo giữa một đám đàn ông trần truồng, tay chân khẳng khiu lòng khòng với dáng vẻ những con kanguru... Nhân chứng biết chuyện giờ vẫn còn nhiều.Tôi có gọi điện thoại đến một số người trong cuộc để nhờ xác định lại một vài chi tiết. Chuyện xảy ra ở trại giam B5 Tân Hiệp, Biên Hoà, vào năm 1976.

Khoảng cuối năm Ất Mão, không biết bệnh ghẻ phát xuất từ đâu, lan tràn nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam và đặc biệt phát triển mạnh trong các trại tù. Ghẻ lan đi như một trận dịch. Người ta nói ghẻ theo chân mấy anh bộ đội từ rừng sâu về đồng bằng nên cũng gọi là ghẻ bộ đội. Nó không chỉ phát triển ở người mà còn ở các loài khác như chó, mèo và cả đến các loài sống dưới nước nữa. Những ai sống gần đồng gần suối lúc bấy giờ hẳn đã thấy những con cá da bị lở loét gớm ghiếc bơi lờ đờ, có con tưởng chừng như chỉ còn cái đầu với bộ xương...
Khoảng tháng 7 tháng 8/75, tôi bị đưa vào trại giam B5 Tân Hiệp Biên Hoà. Trại này có mười bốn phòng, chứa ngót ngàn người. Mỗi phòng đều có cầu tiêu và bể lớn chứa nước. Tuy vòi nước chảy mạnh, mở tự do, nhưng lượng người quá đông nên việc tắm rửa rất khó khăn. Bị nhốt chừng một tháng thì một số tù bắt đầu bị ghẻ, khởi đầu bằng những nốt nhỏ ngoài da làm cho người ta ngứa ngáy khó chịu. Trại không có thuốc trừ ghẻ nên bạn tù đã "sáng tạo" ra cách lấy nước đắng trong các ống thuốc lào để xức. Mặc dầu thứ nước đen đó có một mùi hôi rất khó chịu nhưng nhiều người vẫn tranh nhau xin để dùng. Kết quả nhiều hay ít không rõ, chỉ biết rằng, ghẻ vẫn lan ra.
Rất tội cho những người bị ghẻ "tiền phong"! Ghẻ hành hạ họ đã đành, cái lòng, cái đầu họ cũng muốn lộn tung lên vì bị bạn bè xa lánh có khi đến độ phũ phàng! Người bị ghẻ tiếp theo sau cứ trách người bị ghẻ trước "Vì mày lây sang cho tao đấy!" Trong hoàn cảnh từ chỗ nằm đến chỗ để đồ đạc đều ở trong thế ép buộc "chen vai sát cánh", vậy mà cũng phải cắt chiếu phân ranh! Cái dây mùng, cái chéo áo bên này vướng qua bên kia một chút đôi khi cũng sinh chuyện. Những cái miệng nhỏ nhen cứ mở ra là "Ở dơ thì sinh ghẻ chứ có gì lạ!" hoặc "Ghê tởm quá! Thế mà không biết chút lịch sự, cứ chung lộn với người ta!" Thậm chí khi chia đồ ăn, có cả chuyện người lành hất chén của người bị ghẻ khi người này vô tình đặt chén gần chén mình. Không thiếu những toán "người lành" ngồi với nhau rỉa rói những người bị ghẻ.

Nói không quá đáng, họ hất hủi những người bị ghẻ thiệt tình như "con chó ghẻ". Có anh còn lên mặt giảng giải về phép vệ sinh, về phép xã giao, lịch sự nọ kia... tưởng chừng như mình là kẻ hoàn toàn tốt. Một số sợ ghẻ đến nỗi phải nhịn phần ăn quá đạm bạc của mình để thuê những người sáng mắt bắt con ghẻ trong các mụn ghẻ. Người ta dùng cái kim khều khều trong mụn ghẻ rồi khươi ra những sinh vật cực nhỏ, mắt thường rất khó thấy, quệt lên một cái gì đó. Chính mắt tôi đã thấy những sinh vật li ti này nhúc nhích. Trông con ghẻ hơi giống con nhện, nhỏ hơn cả con "mạc" gà. Tuỳ người ghẻ nhiều hay ít, người ta linh động ấn định số lượng con ghẻ bắt ra được để lấy một phần ăn hay nửa phần ăn. Nhưng bắt mãi ghẻ vẫn lan nên nghề này rốt rồi cũng không thọ.
Dịch ghẻ lan thật nhanh. Nhiều người tắm xát xà phòng như điên hàng ngày vẫn không thoát. Rồi những người hay giảng phép giữ vệ sinh cũng không ngăn chận được bệnh ghẻ đến với họ. Chuyện trớ trêu là cái người hay nói chuyện vệ sinh, hay mỉa mai khinh bỉ những người bị ghẻ nhất về sau lại dẫn đầu về ghẻ. Đó là ông Ẩn. Tôi là một trong những người bị ghẻ đầu tiên, ông ta từng nhìn tôi bằng cặp mắt khinh thị như nhìn con quái vật. Mãi tới ngày ông Ẩn được thăng ngạch ghẻ "thượng hạng ngoại hạng" ông mới chịu nở với tôi một nụ cười. Lúc ấy trong phòng không còn ai tránh được ghẻ nữa, còn khác nhau chăng là ghẻ nặng hay nhẹ.

Có điều ai cũng nhìn nhận là người da sáng sủa bị ghẻ chiếu cố mạnh mẽ hơn người da tối tăm. Một điều khá tức cười nữa là con ghẻ cũng biết nể "thể diện" con người. Nó mọc khắp chỗ hở, chỗ kín, trên đầu, khắp bàn chân, bàn tay... nhưng nó vẫn chừa ra cái mặt cho bất cứ ai. Phong trào "gảy đàn" trong phòng phát triển sôi nổi. Càng gãi càng ngứa! Càng ngứa càng gãi! Lúc này hết còn ai đổ thừa cho ai vì tất cả đều đã bị nhiễm ghẻ. Nhưng nhìn chung, những người có thăm nuôi được bồi dưỡng ghẻ vẫn ít phát triển hơn. Ngược lại, những người thiếu thốn lại còn dễ mang thêm môt chứng bệnh khác: bệnh tê bại. Dần dần có một số người phải bò lết thay vì đi đứng bình thường.
Có người bị ghẻ chay, mọc nốt trên da, tuy ngứa nhưng không làm mủ, loại này tương đối ít dơ dáy. Có người lại bị ghẻ mủ, chỗ nào cũng mưng lên từng cục mủ, lớn thì bằng hạt bắp, mọc nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, nhỏ thì bằng mũi kim mọc khắp mình mẩy, đụng đến thì vỡ ra nhầy nhụa tanh tưởi không ai chịu được. Cũng có người bị mang cả hai loại. Tôi thuộc dạng chay, mủ kiêm toàn này. Về sau có một số người bị ghẻ nặng đến độ kiệt quệ.
Ghẻ mủ làm người bệnh khổ sở hơn ghẻ chay rất nhiều. Người bị ghẻ nặng luôn đau đớn theo từng cử động. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp đều đau đớn theo từng cái trở mình. Ngồi không yên nằm cũng không ổn, thức chẳng xong ngủ cũng chẳng xuôi. Tôi đã lâm cảnh đau đớn, đờ đẫn, mê mê mệt mệt, ngày cũng như đêm. May lắm khi nào trời mát lạnh tôi mới thực sự ngủ được chút ít. Tôi chỉ tỉnh hẳn người mỗi khi được mở cửa cho ra sân trại tắm nước phèn và phơi nắng.
Sân trại giam hình chữ nhật, đất pha cát, có một số giếng đào không sâu lắm, nước đầy phèn. Sân cũng có trồng vài cây trứng cá để lấy bóng mát. Ban đầu trại ấn định hằng ngày cán bộ trực từng đợt mở cửa một hai phòng cho tù ra sân hít thở, phơi nắng một hai tiếng. Những lúc được ra chơi như thế, hầu hết tù nhân chỉ mặc quần xà lỏn và ở trần. Trong dịp này, một số tù cũng đem áo quần ra giặt phơi, tắm táp. Cũng có người thèm thuốc quá nhưng không có thuốc, họ phải hái lá trứng cá khô vấn hút cho đỡ ghiền. Đây là những dịp tốt cho tù khác phòng chuyện vãn, trao đổi gởi gắm quà cáp cho nhau.
Về sau, thấy người bị ghẻ và tê bại ngày càng nhiều, trại đặc ân cho những tù bệnh nặng ở tất cả các phòng đều được ra sân suốt ngày. Họ được tắm giặt, phơi phong thoải mái. Đó là cái ân huệ mà chẳng người tù nào muốn từ chối. Dù không làm được gì họ cũng dựa cây dựa tường để hít thở thoải mái, tránh bớt được cái ngột ngạt hôi hám trong phòng. Nghiễm nhiên họ cũng trở thành những tay liên lạc tốt giữa các phòng tù.
Nhưng dù cho tù bệnh ra sân thường ngày mà khan hiếm thuốc chữa và thiếu bổ dưỡng thì bệnh đâu có giảm! Thấy được điều đó, trại phải lo tìm một biện pháp mới.
Một buổi sáng, viên cán bộ tới mở cửa cho bọn tôi ra ngoài dặn:
"Mấy anh bị ghẻ mủ đem tất cả áo quần theo ra ngoài hết!"
Dặn xong anh ta bỏ đi mở cửa các phòng khác. Chúng tôi bắt đầu phỏng đoán nọ kia. Có thể là đổi phòng. Dám lần này họ dồn những tù ghẻ nặng về một hay hai phòng để cách ly cho ghẻ khỏi lây lan lắm.

Thật sự số tù bị ghẻ và tê bại nặng được cho ra ngoài lúc bấy giờ chắc đã cao hơn con số một trăm. Người nào cũng trơ bộ xương cách trí, bụng thóp lại, hai tay do chứng tê bại tạo cho họ thói quen co gập cổ khuỷu lại trước ngực, hướng lòng bàn tay và các ngón ra phía trước, bước đi lựng khựng trông chẳng khác gì những con kanguru. Viên cán bộ mở các cửa phòng xong, bỏ đó mặc ai làm gì thì làm, đi mất tiêu.
Chừng nửa giờ sau, tôi thấy hai người đàn bà trẻ, một khá mập, một mảnh khảnh đều mặc áo bà ba đi vào, mỗi người cầm một cây roi. Cả hai đều khoảng hăm lăm hăm bảy tuổi. Đi gần đến chỗ bọn tôi đứng thì họ ngừng lại. Hai bà lặng lẽ nhìn người này rồi người khác như xoi bói điều gì.

Chốc sau lại có hai người tù khỏe mạnh từ phía nhà bếp vác hai cái bao nhỏ nhưng khá nặng đến quăng xuống gần thềm một cái giếng. Đó là hai bao muối hột. Tiếp đó là bác sĩ tù Lê Công Hùng tay xách hai cái xô chứa nước bước đến. Ông vốn người Bắc, cựu thượng uý, vào Nam dự chiến dịch Mậu Thân và bị bắt trong dịp này, sau đó xin cải danh thành chiêu hồi. Ông được trại chọn làm bác sĩ khám bệnh cho tù. Chúng tôi chưa hiểu họ định làm gì thì người đàn bà mảnh khảnh đến trước mặt tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nghiêm nghị nói:
"Cởi quần ra!"
Tôi ngạc nhiên như trên trời rớt xuống. Lúc ấy trên thân tôi chỉ có độc một cái quần đùi. Thế nghĩa là gì? Tôi ngẩn ngơ nhìn lại bà ta dò hỏi. Những bạn tù chung quanh cũng ngơ ngác nhìn bà ta và tôi. Bà ta lặp lại pha một chút cười:
"Tôi biểu anh cởi quần ra, anh nghe rõ không?"
Tôi hỏi lại:
"Cán bộ bảo cởi quần đùi này?"
Bà ta gằn giọng:
"Chứ còn cái gì nữa!"
Tôi đâu hiểu ý bà ta muốn gì. Mọi người đàn ông gần đàn bà lạ, lại là đàn bà trẻ trung láng lẩy, đều có cái xốn xang gió bão trúc gốc gẫy cành là chuyện thường tình. Cái lệnh "cởi quần ra" của người nữ cán bộ này khiến tôi vô cùng lúng túng. Tôi lo sợ sự nhạy cảm của mình. Nhưng liền đó, tôi chợt nhớ rằng, "hài nhi" của tôi đã bệnh liệt giường qua bao nhiêu ngày rồi...
Trong khi tôi đang dùng dằng thì người đàn bà hơi mập kia cũng chỉ một loạt nhiều anh tù khác ra lệnh:
"Tất cả mấy anh này cũng cởi quần ra hết!"
Qua mấy phút nhìn nhau, cả trăm người tù đàn ông đều tồng ngồng trước mặt hai người đàn bà trẻ. Thật là một cảnh tượng khác thường tôi chưa hề tưởng tượng tới bao giờ. Người đàn bà khá mập nói với bác sĩ Hùng:
"Anh lựa cho tôi mấy người mạnh khỏe!"
Bác sĩ Hùng lựa được sáu anh trong đám. Chốc sau chúng tôi mới biết mấy bà lựa những người này để múc nước tắm cho chúng tôi. Tôi và ba anh bạn khác được gọi lại đứng gần giếng để mấy anh kia dội nước và kỳ cọ cho. Hai cán bộ nữ đứng quan sát và đưa roi chỉ nặn mụt ghẻ này, gỡ mụt ghẻ nọ. Tuy có đau rát nhưng cái đau rát chịu đựng được có pha chút sảng khoái. Từ khi lên mười, tôi có bao giờ được ai tắm cho như vậy đâu!
"Xách xô nước kia lại đây!"
Người đàn bà khá mập ra lệnh. Một anh tù ì ạch xách xô nước đầy lại, trong đó có sẵn một cái lon gô. Xô nước đã được một người tù quậy hoà tan vào cả lon muối hột. Người đàn bà khá mập nói tiếp:
"Anh hãy múc nước trong xô dội cho anh này!"
Gô nước vừa dội lên mình là tôi nhảy dựng người và hét lên. Rát ơi là rát! Không khác gì xát ớt hiểm vào da bị thương! Tôi phải gập người lại, hai tay bụm lấy hạ bộ mà rên rỉ trong khi tiếng cười chung quanh vang rân. Anh tù dội nước ngưng lại. Người nữ cán bộ thét lên:
"Anh cứ dội cho nó! Không dội làm sao mà lành!"
Mấy gô nước muối nữa dội xuống làm cho tôi rát đến thấu xương tưởng chừng muốn ngất đi.
"Thôi, được rồi! Lấy nước lạnh dội lại cho anh ta!"
Khoảng nửa giờ sau tôi mới trở lại bình thường. Tôi thấy nhiều cặp mắt nhìn tôi mỉm cười, trong đó có cả bà cán bộ mập. Bấy giờ lại tới phiên tôi đứng vừa phơi nắng vừa chứng kiến những người bạn khác chịu trận. Bị dội nước muối sau khi các mày ghẻ bị tróc nó rát không tưởng tượng được. Không một ai bị dội vào mà khỏi phải rên la nhảy tưng tưng lên! Tới phiên anh tù người Đại Hàn bị dội, anh hét tướng lên như bò rống rồi vùng chạy bươn bả gặp ai xô vẹt ra nấy. Mấy người tù khỏe phải chạy theo bắt anh ta lại dội nước muối tiếp mặc cho anh vùng vẫy la hét. Trong khi người ta tắm cho anh, tôi lẳng lặng đưa mắt quan sát. Tôi chợt nhận ra một điều khác thường. Cái thân hình khẳng khiu vì thiếu ăn, bệnh hoạn của anh ta lại mang cái "hạ bộ" hết sức kỳ dị. Nó rất lớn, hơi đỏ, cương láng lên không khác gì hạ bộ của trâu bò thời kỳ sung sức. Hèn gì bình thường tôi thấy anh ta chỉ mặc quần đùi một ống! Tên anh ta không biết viết thế nào nhưng mọi người vẫn gọi là Chung Goam. Anh là một kỹ sư, can tội làm việc giúp Việt Nam Cộng Hoà. Lần tắm ghẻ bằng nước muối đầu tiên đã làm cho những người bị ghẻ vô cùng khiếp sợ.
Hôm sau Chung Goam và một số anh không dám ra ngoài tắm nữa.
Cũng bắt đầu từ hôm đó, ngày nào hai nữ cán bộ cũng cầm roi trên tay, xông xáo giữa đám tù đàn ông trần truồng, khẳng khiu, đi lựng khựng hay ngồi ủ rũ. Tôi cứ tưởng tượng ra đó là hai nữ chủ nhân và đám nô lệ của một thuở xa xưa nào. Hai nữ cán bộ ấy bấy giờ chúng tôi đã biết tên, bà mập có bầu tên Phấn, bà mảnh khảnh tên Hồng, đều là người miền Nam.
Cũng kể từ hôm hai cán bộ nữ bắt những người tù bị ghẻ cởi truồng thì vấn đề tù nhân cởi truồng trong trại trở nên bình thường. Nhiều anh chưa bị ghẻ bao nhiêu cũng ở truồng ké cho thoải mái. Bất cứ khi nào, trước bất cứ cán bộ trại nào, kể cả trưởng trại, không ai quan tâm đến chuyện tù mặc quần hay cởi truồng nữa. Dĩ nhiên là ngoại trừ khi đi làm việc.
Ngày kế tiếp thì trại xảy ra một biến cố lớn: Chung Goam qua đời. Có lẽ anh là người đầu tiên chết vì bệnh ghẻ trong tù!
Mãi sau này, khi tôi bị giam ở khám đường Bà Rịa, nơi có đến mấy chục người chết vì bệnh ghẻ, tôi mới rút được kinh nghiệm tất cả những ai bị ghẻ mà đến độ bộ dái sưng lên như dái trâu, mặc quần không được nữa, thì chỉ một hai ngày sau nhất định phải chết. Chính hai người bạn nằm bên trái cũng như bên phải của tôi ở khám đường Bà Rịa, một anh tên Liên, một anh tên Đày, đều chết vì chứng đó. Tôi vẫn còn xúc động mỗi lần nhớ lại việc vài hôm trước khi chết, hai anh này còn dùng muỗng ăn cơm, thay phiên cạo ghẻ cho nhau đến chảy nước vàng và cứ khen "Đã quá! Đã quá!"...
Thấy Chung Goam chết, trại không còn để tự do ai muốn ra tắm thì ra nữa mà bắt buộc các phòng phải đưa những người bị ghẻ nặng ra "tắm muối". Tắm muối như một cực hình ai cũng khiếp sợ. Ngày nào cũng có cảnh la hét tơi bời ở giếng tắm. Cho nên rất nhiều anh hễ có cơ hội thuận tiện là trốn tránh. Ngày kia, một anh Tàu Chợ Lớn tên là Lý Tường, bị lôi ra tắm nhưng anh cứ mặc quần dài và nhất quyết không chịu cởi. Cán bộ Phấn nổi giận ra lệnh:
"Mấy anh cứ đè nó xuống mà cởi ra!"
Lý Tường phát khùng lên quay nhìn cán bộ Phấn trừng mắt nạt lại:
"N... l... hay sao mà bắt người ta cởi quần để coi c...?"
Mọi người ngẩn tò te ra hết. Gã cán bộ trực đứng gần đó quay mặt giả lơ, miệng tủm tỉm cười. Còn Lý Tường nạt lại cán bộ xong, liền vùng chạy. Cán bộ Phấn hét lên:
"Bắt nó lại! Bắt nó lại!"
Thế là mấy anh khỏe mạnh đuổi bắt Lý Tường lại, đè xuống cởi đồ ra mà tắm cho hắn. Cán bộ Phấn cũng cười khi thấy Tường vùng vẫy la hét vì bị dội nước muối. Nhiều người tưởng hắn sẽ bị phạt hay ít nhất cũng bị rày một trận cảnh cáo nhưng rồi chẳng có chuyện gì xảy ra hết...
Kế hoạch chữa ghẻ bằng cách tắm muối trong trại B5 Tân Hiệp Biên Hoà đã trải qua nhiều tháng sau tết Bính Thìn. Những người ghẻ chúng tôi thành quen lệ cứ sáng ra là loã lồ trăm phần trăm ngồi đợi mở cửa. Một số lớn người bị ghẻ nặng dần thuyên giảm thật sự. Trại cho đây như là một thành công trong kế hoạch chữa bệnh do sáng kiến của trại. Riêng tôi thì không hẳn tin như thế. Tôi thấy những người bệnh đang phát triển mà được gia đình tới thăm, ăn uống đầy đủ thường thuyên giảm rất nhanh. Một anh ghẻ mủ đang đầy người, cầm chén cầm đũa không được, thế mà chỉ sau một tuần được thăm thì ghẻ lặn bớt và nhiều vết lở mím miệng đâm da. Hiệu quả nhất là có vitamin B1 trợ sức. Thuốc tây bấy giờ quá đắt, quá hiếm cho nên người được gia đình cung cấp vẫn hay giấu kín để phòng thân. Những gia đình không kiếm ra được thuốc B1 thì gởi cám trộn đường cho thân nhân. Những gói cám đường tù trao cho nhau cũng là một thứ quà quí. Chỉ tội nghiệp những người không được thăm nuôi bệnh vẫn kéo dài. Dù sau, tắm nước muối riết rồi sự đau rát cũng dần quen phần nào.
Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng hiệu quả của sự tắm nước muối này chỉ là ở chỗ ngăn ngừa sự lây lan của ghẻ. Sau này khi bị đưa vào khám đường Bà Rịa tôi mới có thêm một nhận định khác. Khám đường Bà Rịa số người bị ghẻ ít hơn nhiều so với số lượng người bị ghẻ tại trại B5 nhưng lại chết trên hai mươi người, trong khi trại B5 chỉ chết một viên kỹ sư Đại Hàn Chung Goam. Phải chăng là nhờ trại B5 cho tù tắm nước muối hàng ngày trong khi khám đường Bà Rịa cả tuần tù mới được tắm sơ sài một lần, đó là chưa kể trường hợp tù biệt giam có người cả năm không được tắm? Phải chăng người bị chết là do nhiễm trùng?
Chung Goam từ khi vào tù cho đến khi chết không hề có ai thăm viếng. Anh lại là người ngoại quốc không thạo tiếng Việt nên khó bày tỏ với ai những khó khăn của mình. Cái chết của anh đã làm tôi giật mình. Người tôi yếu đuối và nhỏ con hơn anh ta nhiều. Tôi cũng bị ghẻ trước anh ta khá lâu. Phải nói đúng vào dịp tết Bính Thìn tôi đã đạt mức quán quân về ghẻ ở trại B5 Biên Hoà. Toàn thân tôi chỗ nào cũng nổi nhọt mủ, chỉ chừa mặt. Hai bàn tay chạm nhau một cái là mủ chảy tèm lem. Lại thêm chứng tê bại phụ vào, tay tôi không còn sử dụng chính xác nữa. Khi ăn, tôi phải dùng cả hai tay đưa cái chén lên rồi cố gắng dùng tay trái ép chén vào ngực để giữ. Tay phải lại đưa xuống cầm muỗng bằng cách dùng hai ngón tay chỉ và trỏ để kẹp cán muỗng. Rất nhiều lần tôi đã làm đổ mất phần ăn của mình. Người tôi càng ngày càng luội, lúc nào cũng chỉ ưa nằm. Mà nằm thì cứ mê thiếp từng cơn, đầu óc thì cứ bị ám ảnh chuyện chết chóc.
Nhưng cũng may, vận tôi chưa đến ngày cùng! Một hôm tôi ra phơi nắng thì gặp ba vị cứu tinh. Đó là ông Võ Huyến, cựu Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia Quảng Trị, ông Cái Viết Pháp, cựu Chỉ huy phó Trung tâm huấn luyện Cảnh sát Dã chiến Đà Lạt và anh Lưu Phát. Lưu Phát có thời gian cùng làm việc một chỗ với tôi, cũng lại là anh ruột Lưu Khánh Vân, bạn học của tôi. Cả ba người đều mới được thăm nuôi nên đều tiếp tế thức ăn cho tôi. Riêng ông Võ Huyến, thấy tình trạng tôi kiệt quệ như thế, đã không ngần ngại đưa cho tôi cả gói thuốc B1. Kỳ diệu như phép màu, chỉ mấy ngày sau tôi đã giảm bệnh nhiều, nhất là chứng tê bại. Từ đó về sau, mỗi lần được thăm nuôi, mấy ông ấy vẫn tìm cách chia sẻ cho tôi. Có một ông đại tá tên Cát, người cao lớn, tôi chưa hề quen biết, cũng có lần cho tôi một gói đồ toàn thức ăn tốt như đường, cá và bột mình tinh. Ông lại an ủi tôi:
"Qua thấy cặp mắt em còn 'thần' lắm, không thể chết đâu mà sợ!"
Không biết ông coi tướng được thật hay là chỉ trấn an tôi, nhưng nhờ đó tôi cũng an tâm rất nhiều. Nếu không gặp được những người ấy, nhất là ông Võ Huyến, có thể tôi đã tranh đi theo Chung Goam rồi.
Qua thời gian được cho ở truồng ra ngoài tắm muối, đầu óc tôi cũng dần bình thường. Ông Võ Huyến biết tôi ngoài đời hay ngâm thơ nên mỗi lần gặp phòng ông được ra chơi, ông lại gọi tôi. Ông khuyên tôi nên ngâm thơ để giải buồn cùng luyện lại giọng. Trong thời gian bị ghẻ phát triển nặng, giọng tôi bị tắt, chỉ nói được khào khào. Tôi nghe lời, bắt đầu ngâm thơ trở lại. Bất cứ bài thơ nào tôi cũng nói là của Tố Hữu hết. "Hồ trường" cũng của Tố Hữu, "Nhớ rừng" cũng của Tố Hữu, "Hai sắc hoa tygon" cũng của Tố Hữu nốt... Mà đã ngâm thơ Tố Hữu thì cán bộ không bao giờ thắc mắc. Tôi vốn thuộc một số bài thơ nổi danh như "Đêm liên hoan", "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm, "Đôi mắt người Sơn Tây", "Đôi bờ" của Quang Dũng, "Nhà tôi" của Yên Thao, "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, bốn bài thơ của T.T. K.H., một số của Tản Đà, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Thế Lữ... nên nhiều người thích nghe tôi ngâm. Một số kiếm giấy bút lén nhờ tôi đọc cho chép lại những bài họ thích. Tôi không thể chép giúp vì chứng tê bại đã làm tôi không sử dụng viết được. Ngày nào tôi cũng được thính giả người thưởng táng đường, kẻ cho trái chanh, cái bánh... Chính chút nghề mọn này đã giúp tôi mau hồi phục sức khoẻ thêm. Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, tôi không khỏi tức cười vì cái việc hi hữu mình đã làm: ở truồng ngâm thơ mà vẫn được đông thính giả ái mộ như thường! Có lúc có cả cán bộ đến nghe nữa. Những lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ngâm, nhưng hay dùng thơ thứ thiệt của Tố Hữu. Cán bộ nghe cũng khoái chí vỗ tay khuyến khích.
Có một lần tôi trần truồng ngâm thơ cho một nhóm thính giả cũng trần truồng kẻ đứng người ngồi thưởng thức như thế thì cán bộ Phấn đến. Bà ta cũng ngồi xuống nghe. Anh Tám, một bạn tù cùng phòng với tôi vẫn rất thích nghe thơ, đang ngồi bên tôi bỗng cười khục khặc cụi tay vào người tôi rồi bỏ đi nơi khác. Tôi không hiểu anh muốn nói gì, vẫn tiếp tục ngâm nga. Khi về phòng tôi thấy anh cứ nhìn tôi mà cười ngặt nghẽo. Mấy người chung quanh xúm lại hỏi chuyện gì. Anh kể không ra hơi:
"Tôi đang nghe thằng này ngâm thơ thì mụ mập tới ngồi gần tôi. Nhìn thấy mụ nây nây cái bầu ba bốn tháng, thằng nhỏ của tôi ngủ mê đã mấy tháng nay thình lình nhảy nhổm dậy khiến tôi hoảng hồn phải chạy đi chỗ khác! Nghĩ mà cứ tức cười!"
Mọi người nghe Tám nói đều cười nghiêng cười ngả. Một anh hỏi tôi:
"Nếu 'ngâm sĩ' gặp trường hợp đó thì mần răng hè? Không lý đang ngâm mà cán bộ tới thưởng thức lại bỏ chạy! Nặng tội lắm, biệt giam như chơi đấy!"
Một người khác đùa:
"Ngâm sĩ lúc này lấy cả hai tay mà vò nó cũng không nhúc nhích được chứ đừng nói là nó nhảy nhổm dậy!"
Anh này nằm gần tôi nên biết rõ về tôi. Quả thật, mặc dầu bệnh ghẻ và bệnh tê bại của tôi có giảm nhiều nhưng hài nhi của tôi vẫn còn thiêm thiếp liệt giường. Một anh khác lại cười ngặt nghẽo nói:
"Ngâm sĩ bây giờ đã thành 'công công' rồi. Để tôi ngâm thế ngâm sĩ đôi lời gọi là thương tiếc thằng bé đã qua rồi một thời quá khứ liệt liệt oanh oanh nhé:
Trời đất từ nay xa cách mãi!
Cửa động, đầu non, đường lối cũ!
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!
(thơ Tản Đà)

Các bạn thấy mấy câu thơ có hợp cảnh hợp tình không?"
Mọi người lại tiếp tục cười ó khen hay. Lôi ra được những câu như thế thì thật tuyệt diệu. Nhưng chết cha! Như vậy là lạm dụng và bất kính đối với nhà thơ tiền bối đáng yêu rồi! Hi vọng rằng người xưa cũng thông cảm cho lũ hậu bối tìm chút vui nhỏ trong bước đường cùng chăng? Một người lại hỏi:
"Công công là cái gì?"
"Công công là từ dành riêng xưng gọi mấy anh thái giám ngày xưa."
Sau buổi vui đùa trên của các bạn tù, tôi càng lo nghĩ về mình. Quả thật đã khá lâu, tôi không nghĩ tới chuyện gì ngoài sự hành hạ của bệnh hoạn. Bây giờ bệnh đã giảm nhưng hài nhi của tôi vẫn cứ co ro gầm mặt. Phải chăng đời nó đã tàn?
Lợi dụng lúc mọi người yên ngủ, tôi thử mân mê vuốt ve nó nhiều lần, đủ cách, đủ kiểu nhưng nó vẫn vật và vật vượi vô hồn. Nó có thể bình phục không đây? Qua một thời gian cố gắng không kết quả, tôi đã nghĩ đến cuộc sống gia đình sau này với một viễn tượng tối tăm. Sống đây cũng như chết rồi ư!
Cửa động, đầu non, đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

Ôi, lời thơ buồn thúi ruột! Từ đó, hằng ngày tôi thẫn thờ ra sân nhưng không còn hứng thú gì để ngâm nga nữa. Lòng tôi đang trĩu nặng nên tôi cứ tìm chỗ vắng mà ngồi. Dù vậy, đêm về tôi vẫn thử kiểm tra vốn riêng và vẫn hoàn toàn thất vọng!
Thời gian cứ thế trôi qua. Những người chung quanh ngạc nhiên về thái độ của tôi nên bắt đầu hỏi thăm. Chẳng đặng đừng, tôi phải tâm tình với một người bạn thân. Không ngờ anh ta hở ra với người khác để rồi cuối cùng ai cũng biết hết. Chẳng bao lâu sau, mọi người đều chú ý đến tôi làm cho tôi càng khó chịu. Có người thật tình khuyên giải an ủi, nhưng cũng có người lấy đó để trêu chọc làm trò cười. Mấy câu thơ của Tản Đà bỗng được nhiều người ngâm nga.
Lại một chuyện tức cười nữa xảy ra, một anh tù vốn chẳng hề màng đến thơ phú, một hôm cũng ồ ề ngâm Cửa động, đầu non, đường lối cũ. Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi! Gặp lúc viên quản giáo đi ngang, nghe anh ta ngâm, viên quản giáo hỏi:
"Anh đang ngâm thơ gì đó?"
Anh tù ghẻ trả lời tỉnh bơ:
"Thơ Tố Hữu đấy cán bộ!"
Viên quản giáo hỏi lại:
"Có thiệt thơ Tố Hữu không? Thơ Tố Hữu làm gì mà có 'ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!' à? Anh liệu hồn mà ngâm thơ phản động!"
Nói xong viên quản giáo bỏ đi thẳng. Anh em tù nhìn nhau cười. Không ngờ sau này khi ra tù, tôi có gặp một bạn tù cũ, nhắc lại chuyện xưa thì anh này cũng tưởng mấy câu thơ đó là của Tố Hữu thiệt.
Một hôm, tôi đang ngồi một mình thì anh Khởi bước lại ngồi xuống bên cạnh. Trước đây anh cũng là tù ở truồng, nhưng gần đây anh đã mặc quần trở lại. Khởi nhỏ nhẹ hỏi:
"Thằng cháu anh nó đã ngồi dậy được chưa?"
Tôi cười méo mó khôi hài:
"Nó đành tâm vĩnh biệt tôi rồi anh ạ! Tôi đã cố làm nhiều cách mà đều vô hiệu."
Anh Khởi tủm tỉm cười:
"Tôi bày cho anh một cách, anh hãy cố gắng thử xem sao nhé! Nói thiệt với anh, trước đây tôi cũng bị như anh, sau nhờ nhìn lén cán bộ Phấn mấy lần mà nó hoạt động trở lại đấy anh. Anh cứ ráng vừa 'chiêm ngưỡng' vừa tưởng tượng nhiều pha gây cấn thử xem sao. 'Chiêm ngưỡng liệu pháp' có thể là cách trị liệu thần diệu đấy!"
Tôi chỉ nhìn Khởi cười buồn. Khởi lại hài hước tiếp:
"Nhưng nhớ hễ kết quả sơ sơ là lo chuồn liền chứ đừng chờ nó khỏe mạnh mà hung hăng lên là mang họa đấy nhé!"
Cán bộ Phấn có bầu cỡ ba bốn tháng chi đó. Bà ta có thói quen cẩu thả, hay bạ đâu ngồi đấy. Anh em tù nhiều người dù gần chết nhưng vẫn hay "bình phẩm" nọ kia để vớt vát tinh thần. Tôi vốn nhút nhát nên bình thường không dám đấu tranh trực diện như thế mà chỉ âm thầm luyện công thôi. Hôm ấy, sau khi nghe Khởi mách nước, tôi quyết định thử ứng dụng "chiêm ngưỡng liệu pháp" xem sao. Biết đâu nó chữa trị được căn bệnh của tôi! Thế là tôi cứ ngong ngóng cán bộ Phấn đến. Vừa trông đợi vừa cố tưởng tượng những đòn "hồi mã tấn thương" thật tuyệt vời. Nhưng thể chất đã quá tàn lụi, dù cố gắng tưởng tượng thế nào cũng vô ích. Suốt ngày đó, cán bộ Phấn vẫn bặt tăm hơi, chỉ có cán bộ Hồng mảnh khảnh "ít gợi cảm" vào điều hành việc tắm rửa. Hôm sau cũng chỉ một mình cán bộ Hồng vào lo công việc. Lòng tôi cảm thấy buồn buồn như mất mát một cái gì. Phải nói thành thật, cả ngày tôi không ngớt theo dõi những cán bộ vào ra cổng trại. Tôi quên luôn cả mục tiêu cần đạt là để chữa bệnh mà lại ngỡ như mình đang mong đợi một người tình, một người bạn thiết xa cách lâu ngày. Mong ngày không được lại mong đêm. Quả đúng là liên tưởng củng cố đam mê, thời gian ấy gần như lúc nào tôi cũng nghĩ tới người đàn bà đó...
Cũng may, bà Phấn không đi hẳn. Một buổi sáng kia, với cái dáng nâng náo hơn, bà Phấn lại xuất hiện để chỉ huy việc tắm xát chữa bệnh. Sau một hồi xông xáo làm việc, bà Phấn lại gốc cây trứng cá chảng chân ngồi. Tôi thấy cơ hội thuận lợi đã đến, bèn giả vô tình, mon men lại gần làm như núp nắng dưới bóng cây. Lúc này trại nới việc thăm nuôi, gia đình tiếp tế thuốc men cho tù khá thoải mái. Những người bị ghẻ nặng nguy ngập phần lớn đã được bắn tin cho gia đình thăm nuôi tiếp thuốc, bệnh cũng giảm lần. Một số tù ở truồng đã mặc quần trở lại. Những người bị xếp vào hàng tanh tưởi nhất, trong đó có tôi, bây giờ đã ít bị người khác né tránh. Tôi đã có thể lẫn lộn giữa đám đông một cách bình thường để hành động không lộ liễu. Hễ có cơ hội là tôi tận tình vận dụng phương thức "ba mặt giáp công": mắt thì liếc chiêm ngưỡng, đầu óc thì tưởng tượng những đòn phép thần sầu, tay thì lén mân mê "nó" để hà hơi tiếp sức. Nhưng than ôi! Tôi cố thử đi thử lại rất nhiều lần mà hài nhi vẫn thiêm thiếp giấc nồng...
Đêm này qua đêm khác, tôi cứ nghĩ về tương lai tối tăm của mình:
Trời đất từ nay xa cách mãi,
Cửa động, đầu non, đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!

Thế là hết rồi. Trước kia tôi đã nghe nhiều người nói về cái bệnh khốn kiếp kia. Nó đã làm cho bao nhiêu người thấy mất hết ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều gia đình đã ly tan vì nó. Tôi cứ hay nghĩ về mấy con gà trống thiến béo nung núc thui thủi kiếm ăn một mình không bầu bạn mà thương. Thôi thì cứ mặc dòng đời đưa đẩy. Cả ngày về tôi cũng chẳng còn thiết tha mong đợi nữa. Dù sức khỏe có phần vãn hồi nhưng tôi không còn chút nào hứng thú ngâm nga như trước. Tôi chỉ muốn được tĩnh lặng, không ai quấy rầy. Cái danh công công của tôi đã dần thành thông dụng. Tôi cũng thản nhiên chấp nhận, không vui, không buồn...
Thấy tình hình chữa ghẻ cho tù khả quan, hai cán bộ nữ cũng thưa tới điều khiển việc tắm rửa lần. Những người ra ngoài lúc này dần mặc quần đùi trở lại càng nhiều. Riêng tôi, tuy không còn tin tưởng mấy, nhưng nhớ lời người xưa "còn nước còn tát", tôi vẫn tiếp tục luyện công cầu may.
Một hôm, lựa lúc mọi người đã tắm xong cả tôi mới ra giếng. Lúc đó trời nắng hơi gắt, mọi người đều tìm chỗ tránh nắng. Tôi muốn được một mình một chiếu tôi tìm một chỗ vắng để dễ luyện công hơn. Không ngờ "cao nhân tất hữu cao nhân trị", một vài anh đã đoán biết ý tôi. Tôi đang tập trung thần lực truyền sức cho hài nhi thình lình một toán bốn năm người vừa cười vừa chạy nhanh đến chỗ tôi:
"Chào công công! Công công luyện chưởng thành công tới đâu rồi?"
Tôi ngượng ngùng chỉ hài nhi cười:
"Nó vẫn mê mê muội muội vậy thôi!"
Anh Bằng, người bạn tù tuổi cỡ năm mươi, ít nói, luôn tỏ ra đàng hoàng chững chạc, nhìn tôi thương hại:
"Được rồi, để mai tôi cố giúp anh thử sao! Ngày mai cũng vào giờ này, tôi ra đây tắm cho anh!"
Mấy người khác đều cười nửa tin nửa ngờ:
"Phải đấy, ngày mai tụi tôi sẽ ra đây chứng kiến sư phụ làm phép cho công công!"
Một anh cười hô hố:
"Mấy con mẹ y tá chữa được bệnh ghẻ mà lại không chữa bệnh này cho chả luôn, thiệt là bất nhân!"
Một anh khác nhìn anh Bằng dò hỏi:
"Anh không trêu gạt công công đó chớ!"
Anh Bằng cũng cười:
"Tôi nói thật mà! Biết đâu cách làm của tôi lại hiệu quả thì sao!"
Tư cách ăn ở hàng ngày của anh Bằng đã làm tôi có chút tin tưởng. Mà cũng có thể do tôi đã hết đường xoay xở, nên cố bám víu vào lời nói đó. Tôi nhìn anh biết ơn:
"Tôi rất hi vọng ở sự giúp đỡ của anh. Tôi sẽ nhớ ơn anh suốt đời!"
Anh Bằng nhìn tôi nói có vẻ thành thật:
"Tôi cũng hi vọng giúp được anh. Nhưng trước hết, nhất là trong đêm nay, anh hãy cố gắng tập trung trí tưởng tượng vào những pha cụp lạc nhất mà anh đã gặp trong đời. Nó sẽ giúp anh rất nhiều. Mong anh chuyến này toại nguyện!"
Suốt đêm đó, phải nói là tôi đã lạm dụng quá đáng. Tôi không thành công trong việc thức tỉnh hài nhi mà lại làm cho hài nhi nôn mửa tả tơi. Tôi lại càng tràn trề thất vọng vì nghĩ như thế chỉ làm cho nó đuối sức thêm.
Hôm sau, đến giờ hẹn, tôi ra giếng thì anh Bằng và rất nhiều người cùng theo ra. Tôi để ý thấy anh Bằng cầm một cái hũ Péniciline. Sau khi tắm rửa và đợi khô người xong, tôi ngồi bên miệng giếng đợi anh Bằng làm phép. Phải nói là tôi cũng khá hồi hộp. Những người khác có lẽ cũng như tôi, đều chăm chú theo dõi hành động của anh Bằng. Anh mỉm cười mở hũ péniciline: chỉ có một ít thuốc nước gì trong trong dưới đáy hũ. Anh nhìn mọi người rồi nhìn tôi:
"Công công hãy ra sức tưởng tượng đi! Bà Phấn, bà Hồng hay nàng tiên nào đó cũng được!"
Anh bảo tôi chấm ngón tay vào hũ thuốc rồi quệt lên hài nhi. Tôi quệt nhiều lần cho đến khi hết thuốc trong hũ. Ban đầu tôi cảm thấy mát mát nhưng sau đó nó nóng lên như bôi dầu nhị thiên đường. Tôi cũng cảm thấy có cả mùi dầu nhị thiên đường. Anh Bằng nói:
"Anh xoa bóp đều cho hài nhi đi! Thuốc trợ sức ngày trước xuất ngoại đem về còn chừa đó!"
Tôi làm theo lời anh, dùng cả hai bàn tay để xoa như người ta dùng tro để tẩy nhớt khi làm thịt con cá chạch hay con lươn. Mọi người chung quanh chăm chú theo dõi. Một vài người lên tiếng hỗ trợ cổ võ:
"Hậy, hậy, dô, dô!"
Lần đầu tiên từ sau trận bệnh ghẻ, tôi thật sự thấy hài nhi cựa quậy. Mọi người cùng cười rôm rả:
"Nó chuẩn bị ngồi dậy đó! Nó chuẩn bị ngồi dậy đó! Chúc mừng! Chúc mừng!"
Và quả thật nó chuyển gồng mình rồi ngóc đầu lên. Tôi sung sướng quá chừng. Trông nó cũng còn đẹp trai như thuở nào. Nó gật gật như thể cám ơn những người chung quanh đang thật tình chúc mừng cho nó. Một anh khen:
"Nó nghễu nghện trông chẳng khác gì một nhân vật quyền uy đang hiểu dụ dân chúng về một kế hoạch kinh tế nhảy vọt sắp thực hiện hỉ!"
Người bên cạnh thúc cùi chỏ vào người mới phát biểu, nói khoả lấp:
"Thôi, đừng đi quá lạc đường! Thế mới phải chớ! Tôi đã biết nó đâu nỡ để cho ngâm sĩ chịu cảnh 'Cửa động đầu non, đường lối cũ, Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi' sao đành?"

Ngô Viết Trọng


SƠN TRUNG * VƯƠNG LÃO SƯ

  VƯƠNG LÃO SƯ

SƠN TRUNG

 

Tại kinh đô Thăng Long có Vương lão sư, tên thật là Vương Hồng Phát, tổ tiên vốn người Hoa, sang phố Hiến nước Việt lập nghiệp. Cha mẹ tiên sinh giàu có, cho tiên sinh du học kinh đô Thăng Long. Mặc dầu tiên sinh không thi đỗ tiến sĩ, cử nhân hay tú tài, tiên sinh cũng có tài văn chương, nên đã trúng tuyển cuộc thi lại viên của triều Mạc, được bổ làm lại viên (thư ký) cho một cơ quan nhỏ ở kinh đô. Sau vì tiên sinh có tài chọn kim cương, ngọc thạch cho các bà chúa họ Mạc, tiên sinh được vua Mạc phong làm Phó Chưởng Quản thư viện của viện Bảo Tàng. Vì gia đình có tiền của cho nên tiên sinh không bận sinh kế . Cái lương bổng của tiên sinh cũng chỉ dùng vào việc vui chơi chốn tửu điếm, trà đình cùng bạn trang lứa. Tiên sinh là người có máu văn nghệ, đa tài và nhiều đam mê. Cái tài hoa thứ nhất là tài văn chương. Tiên sinh có giọng văn quyến rủ, duyên dáng đặc biệt. Tiên sinh viết truyện cổ, truyện kim, truyện mình, truyện người đều tuyệt, nay còn lưu các sách: Tôi Mê Đào Nương, Một Đời Hư Hỏng, Thăng Long Năm Xưa,, Nghệ Thuật Chơi Cổ Ngoạn. . .

Ngôi nhà của Vương lão sư



Tiên sinh có ba cái đam mê và cũng là ba cái tài hoa của tiên sinh. Cái đam mê thứ nhất là thích sưu tầm sách. Sách xưa đã quý mà sách mới xuất bản cũng được tiên sinh yêu thích. Bất cứ sách nào mới xuất bản tiên sinh đều mua ba quyển, một quyển để xem, một quyển để vào thư viện gia đình, và một quyển để cho bạn bè mượn. Đam mê thứ hai là mê ca vũ nhạc. Và đam mê thứ ba là sưu tập đổ cổ.

Nước ta vốn nghèo, việc ấn loát sách khó khăn, và đắt đỏ, nên ít người mua. Lại nữa, thời buổi chiến tranh, sách mất mát, thư viện hoàng gia cũng chẳng thu thập được bao nhiêu. Vì tiên sinh có nhiều sách cổ và quý nên một số văn quan trong trường Quốc tử giám đã mời tiên sinh vào dạy tại đây để việc giao du và trao đổi giữa hai bên thêm bền chặt. Tiên sinh được giao dạy môn Văn Học Ngoại Biên và tiên sinh chọn đề tài “Thú tiêu khiển ” để giảng dạy các sinh viên. Tiên sinh không có tác phong nghiêm trang, đạo mạo của một giáo sư. Phong thái độc đáo của tiên sinh là phong thái của một nghệ sĩ, một tay chơi thượng hạng, và của một nghệ nhân kể truyện trong các trà đình tửu điếm ngày xưa bên Trung Quốc. 
Những buổi giảng dạy của tiên sinh không giống như những buổi giảng dạy của các giáo sư khác. Tiên sinh kể truyện cho sinh viên nghe. Tiên sinh không bao giờ cầm sách hay soạn giáo án gì cả. Buổi giảng dạy của tiên sinh chỉ là những buổi kể chuyện rất thích thú. Tiên sinh cười nói vui vẻ coi các sinh viên là những thính giả hay những bạn đồng trang lứa, và các sinh viên cũng rất thích thú vì những điều tiên sinh nói ra đối với đa số sinh viên là rất xa lạ. Tiên sinh kể về thú đá dế, chọi gà, chọi cá lia thia . .
 

Tiên sinh cũng nói về thú mê hát của tiên sinh thuở trẻ. Tiên sinh kể rằng lúc bấy giờ tiên sinh mê cô đào Phùng Hoa. Cô này nổi tiếng về tuồng hát bội, cô thường thủ vai Quan Công, Triệu tử Long rất xuất sắc. Cô đào này to lớn, vạm vỡ, giọng hát thanh tao cho nên khi cô thủ vai Quan Công, Triệu Tử Long hay Lữ Bố thì rất oai phong lẫm liệt. Khi cô xuất hiện trong những vai này thì các vương tôn, công tử Hà thành hoa lệ thảy đều đắm say. Cô này có một điểm đặc biệt là trước khi diễn tuồng phải có cái mục “đệ tam khoái” để kích thích và gây cảm xúc thì mới diễn xuất hay. Việc này thì cũng thông thường và cũng khá đặc biệt trong hàng văn nghệ sĩ .

Trong đời sống riêng tư, con người có những sắc thái đặc biệt. Nhiều văn nghệ sĩ đã tìm nguồn trợ hứng trong rượu, nha phiến hay cà phê, trà. Có cô họa sĩ khi vẽ phải khỏa thân hoàn toàn thì mới vẽ được. Lẽ tất nhiên đoàn hát phải lo đầy đủ phương tiện cho bậc danh nghệ này để đạt nghệ thuật cao, vì cô là đệ nhất danh ca, là con gà đẻ trứng vàng của gánh hát, nhờ tài nghệ cô mà gánh hát thu bộn tiền. Tiên sinh cũng đã gặp cô đào này. Tiên sinh không nói rõ tiên sinh là kép của cô đào này hay chỉ là một khách hàng xa lạ. Đêm chung chăn với người đẹp thì biến cố xảy ra. Mấy cắc bạc trong túi tiên sinh rớt ra ngoài và đi xuống gậm giường. Tiên sinh phải tìm hộp quẹt đánh diêm soi khắp nơi, làm cho giai nhân tỉnh giấc nồng. Người đẹp bực mình hỏi:
-Anh làm gì mà cứ lục đục hoài vậy?
Tiên sinh phải thú thực:
-Anh tìm mấy cắc bạc rớt xuống gậm giường.
Người đẹp liền lấy hai ba tờ giấy bạc, không rõ là tờ một đồng hay tờ năm, mười đồng đốt lên để tìm mấy cắc bạc cho tiên sinh! (Nên nhớ rằng lúc này một đồng bạc có giá trị lắm, quyển sách ba xu hay năm xu, lương quan huyện khoảng một trăm đồng ).
Tiên sinh dạy được một hai khóa rồi nghỉ dạy nghe đâu trong trường có người phê bình sao đó.


Tiên sinh là một người say mê cổ ngoạn. Tiên sinh có một kho tàng bảo vật trong nhà do công phu một đời sưu tập. Những nhà chơi cổ ngoạn hay những danh gia vọng tộc muốn mua hay bán đồ cổ thường đến hỏi ý kiến tiên sinh, nhờ tiên sinh thẩm định giá trị và giá cả. Vì vậy, trong nhà tiên sinh lúc nào cũng đầy khách khứa vào ra.


Lúc bấy giờ quân nhà Lê đã tấn công kinh đô Thăng Long nhiều lần và nhà Lê đã chiếm thượng phong. Những kẻ giàu sang đã mang của cải chạy sang Trung Quốc, Nhật Bản hay Cao Ly. Cũng có người tính chạy theo họ Mạc lên Cao Bằng, Lạng Sơn. Một số tướng quân nhà Lê cho người vào kinh đô Thăng Long vận động các nhà giàu ở lại . Họ nói đi ra xứ lạ quê người khổ lắm. Làm người vô tổ quốc là làm thân lưu đày. Hơn nữa, đi ra nước ngoài, không biết tiếng tàu, tiếng tây, tiếng u, không có nghề nghiệp, không có thân thích giúp đỡ chỉ làm nô lệ cho người. Họ hát khúc Không nơi nào đẹp bằng quê hương ta, hoặc Ta về ta tắm ao ta!


Vương lão sư cũng được các tay dân vận và trí vận của nhà Lê chiêu dụ. Họ bảo họ rất quý trọng tiên sinh. Khi nào nhà Lê chiếm được Thăng Long, đánh tan nhà Mạc thì họ sẽ mời Vương tiên sinh làm thượng thư hoặc tể tướng đứng đầu triều. Cũng có điệp viên họ Lê giả làm phú thương đến mua đồ cổ ngoạn để dóm ngó, kiểm kê kho tàng của tiên sinh. Hết người này đến người kia bao vây tiên sinh, không cho tiên sinh được gặp quan lại họ Mạc. Thực ra, từ khi được quan lại nhà Lê hứa hẹn nhiều điều, nhất là thấy quân nhà Lê hùng mạnh, lòng tiên sinh đã chán cha con họ Mạc, vì vậy tiên sinh đã quyết định ở lại Thăng Long. Tiên sinh cũng đã tính tới tính lui. Tiên sinh chỉ là một nho gia, một viên thư lại, không giữ chức vụ quan trong trong triều Mạc, cũng không gây thù oán với ai.

Người hiền lương như tiên sinh thì sống triều đại nào cũng được an an bình bình. Lại nữa, đi ra nước ngoài thì làm sao chở hết kho tàng của tiên sinh? Còn ngôi nhà tiên sinh là ngôi nhà đẹp nhất, cổ nhất ở Bắc Ninh, tiên sinh đã tốn ngàn lượng vàng để mua về dựng lại tại khu vườn nhà ỡ Thăng Long. Bây giờ bỏ đi sao đành! Yêu Thăng Long diễm lệ, yêu kho tàng quý báu, và yêu ngôi nhà cổ kính , tiên sinh ở lại, không bao giờ tiên sinh có ý nghĩ rời xa những kỷ vật thân yêu đó.



Cuối cùng, quân vua Lê đã vào Thăng Long và quân nhà Mạc đã tháo chạy lên Cao Bằng. Vua Lê lên ngôi nhưng binh quyền nằm trong tay cha con họ Trịnh. Trịnh Tùng ngày càng kiêu hãnh, coi thuờng vua Lê và luật pháp quốc gia. Trịnh Tùng phong em là Trịnh Thọ làm Ngũ môn Đô Thống, quản lĩnh quân đội trong kinh thành. Các quan văn võ dưới quyền Trịnh Thọ cho người liên tiếp đến nhà Vương tiên sinh thăm viếng và hỏi han về cổ ngoạn. Vì sợ oai hùm và cũng do đầu óc ưa khoe khoang của con người, tiên sinh phải dẫn họ đi xem kho báu của tiên sinh. Hết phái đoàn Bảo tàng viện, đến phái đoàn Sử học, phái đoàn Khảo cổ, đến viện Văn hóa, Nghệ thuật, ngày nào cũng tấp nập đến nhà tiên sinh. Nếu có khách đến thăm, thấy nhà tiên sinh khách khứa ồn ào, xe cộ tấp nập thì tự động ra về.


Cũng có kẻ hiếu sự, cố ngồi chờ hoặc hỏi han kia nọ, thì có người trả lời:
-Tiên sinh bận tiếp khách, xin mời hôm khác trở lại!
Họ Trịnh cũng đã tỏ lòng quý mến tiên sinh thật sự. Anh em họ Trịnh cũng đã có kẻ tới thăm tiên sinh. Họ khen ngợi tiên sinh. Sở Văn hóa mời tiên sinh đăng đàn diễn thuyết. Hội Nghệ thuật xin in mấy quyển sách của tiên sinh và trả tác quyền khá hậu hỉ.
Sau mấy tháng giao lưu, Viện Khào cổ, rồi sở Văn hóa ngỏ ý mượn đồ quý của tiên sinh đi triển lãm thì tiên sinh thẳng cánh từ chối theo nguyên tắc “ vật bất ly thân”. Nhưng anh em họ Trịnh không lùi bước!


Lúc bấy giờ tiên sinh tuổi gần bát tuần, có một vợ và một trai. Đời tình ái của tiên sinh khá trắc trở cho nên sau vài lần đứt gánh giữa đường, tiên sinh chắp nối với nữ danh ca Hồng Ngọc, và hai người đang sống yên vui trong cảnh già nua tuổi tác. Tiên sinh hiếm muộn chỉ được một cậu trai tên là Hồng Bảo. It lâu sau người ta bắt giam Hồng Bảo về tội mắc nợ. Không hiểu cậu mắc nợ ai, nợ bao nhiêu và vì sao mà mắc nợ đến nỗi phải bị tù tội? Gia tài tiên sinh thiếu gì vàng bạc. Nếu tiên sinh bán đi một vài cái lọ Khang Hy thì cũng bộn tiền, cần gì mà phải mắc nợ. Chắc là quan quân họ Trịnh tìm cớ gây áp lực với tiên sinh, bắt Hồng Bảo để đe dọa tiên sinh. Nhưng tiên sinh vẫn không lùi bước. Tiên sinh thà chết chứ không đầu hàng bạo quyền. Rồi thì cuối cùng tiên sinh cũng phải chết, không vì lý do này thì cũng lý do khác. Họ Trịnh cho quân tiến vào chiếm nhà tiên sinh và họ bảo tiên sinh đã hiến nhà cho chúa Trịnh. Họ Trịnh đưa ra một chứng từ do ông thầy thuốc Nam tên lả Nguyễn Văn Nhiều ở cạnh nhà tiên sinh viết như sau:
Tôi là Nguyễn Văn Nhiều, đông y sĩ. Bạn tôi là Vương Hồng Phát để di ngôn cho tôi là cống hiến toàn bộ gia sản cho chúa Trịnh v. v. . .


Những người mê tín, dị đoan cho rằng các bảo vật thường là đồ bất tường, ai mang bảo vật là mang tai họa vào thân. Người ta nói rằng các cổ vật quý báu thường có những lịch sử đầy máu và nước mắt. Những bảo vật này đã có những chủ nhân giàu sang quyền quý một thời. Họ đã có những ngày tháng vui vẻ hả hê khi được báu vật. Họ khoe với mọi người hoặc cất giấu kín đáo, thỉnh thoảng lấy ra chiêm ngưỡng, sờ mó và hôn hít, ôm ấp. Rồi ngày tháng trôi qua, họ làm ăn thất bại, phải bán vàng ngọc và đồ cổ ngoạn để mua gạo thóc hoặc để trả nợ nần. Cũng có kẻ mang bảo vật thì mang họa, bị cướp hay quan quân vào nhà, giết con cái và đoạt tài vật. Những kẻ này tiếc của thương khóc hay uất hận mà chết, vong hồn không đi đầu thai mà cứ lẩn quẩn bên những báu vật đó, ngày càng đông và oán khí ngày càng dầy. Một cái dĩa đời Đường, một bức tranh đời Tống, một cái đôn sứ của vua Lý Thái Tổ qua bao nhiêu chủ là tập trung mấy vong linh u uất và đau khổ như hồn những con ma trành bên con hổ ăn thịt người. Nếu điều này là đúng thi vong hồn tiên sinh đã nhập vào đám vong linh uất hận ngàn đời không tan vì bạo quyền coi khinh pháp luật, ngang nhiên cướp đoạt tài sản của tiên sinh.

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT


Thứ bảy 03 Tháng Tám 2013
Besame Mucho, nụ hôn đắm đuối giã từ đêm cuối
Tuấn Thảo
Giới soạn nhạc La Tinh đã cống hiến cho đời nhiều tình khúc bất tử. Người Uruguay rất tự hào với nhạc phẩm La Cumparsita. Dân Panama xem bài Historia de Un Amor như một di sản văn hóa. Người Cuba đưa bản Quizas, Quizas đi vòng quanh thế giới. Còn Besame Mucho từng được chọn là giai điệu Mêhicô hay nhất mọi thời đại.
Sở dĩ có sự lựa chọn như vậy là vì Besame Mucho (dịch sát nghĩa là Hãy hôn em thật nhiều) là ca khúc Mêhicô nổi tiếng nhất ở nước ngoài. Bản nhạc này cũng phá luôn kỷ lục về số lượng ghi âm, vì tính tới nay, bài đã có trên dưới hai ngàn phiên bản. Do vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm khi Mêhicô đã nhiều lần vinh danh tác giả bài hát là bà Consuelo Velasquez với những giải thưởng cao quý nhất.
Có hai điều khá thú vị đáng được RFI ghi nhận : thứ nhất, trong số các nghệ sĩ tên tuổi cùng thời, bà Consuelo Velasquez là gương mặt phụ nữ hiếm thấy chuyên soạn nhạc bolero. Thứ nhì, bà Consuelo sáng tác một ca khúc cực kỳ lãng mạn, hết sức trữ tình, cho dù bà chỉ mới ở cái tuổi dậy thì, ở cái thời trinh nữ chưa biết tình yêu chăn gối hay rung động xác thịt là gì.


Để so sánh, tác giả Consuelo Velasquez đã soạn nhạc phẩm Besame Mucho năm mới 15 tuổi, trong khi tác giả Carlos Eleta Almaran sáng tác bài hát Historia de un Amor (Chuyện tình yêu) năm ông 37 tuổi, còn Osvaldo Farres soạn ca khúc Quizas, Quizas ở tuổi 45.
Vậy thì điều gì đã khiến cho một thiếu nữ trong trắng trinh nguyên lại viết lên một ca khúc nồng nàn say đắm, lãng mạn đượm thắm đến như vậy. Nhạc phẩm Besame Mucho ra đời đầu những năm 1940, thời mà xã hội Mêhicô còn rất bảo thủ, nếu không nói là trọng nam khinh nữ. Thời mà hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, định đoạt. Thời mà các gia đình sùng đạo tạo ra những khuôn thước tư tưởng, mà người đàn bà khó thể nào mà xé rào vượt qua.
Trong cái khuôn khổ trật tự ấy, nơi mà người đàn bà được răn bảo từ thuở ấu thơ là nên tránh tiếp xúc với đàn ông, dục vọng là cám dỗ, nụ hôn là tội lỗi, bà Consuelo Velasquez đã dám dùng trí tưởng tượng để nói lên nỗi đam mê hừng hực bùng cháy qua biểu tượng nụ hôn. Sự táo bạo của bài hát nằm ở chỗ đó, do nó phản ánh cương vị của tác giả vào cái thời mà bà đang sống.
Giả sử như bà Consuelo Velasquez viết bài này vào những năm 1970, thời kỳ của Cách mạng tình dục và phong trào đòi nữ quyền, giải phóng người phụ nữ, thì chưa chắc gì bản nhạc sẽ có tiếng vang lớn đến như vậy. Chính cái bối cảnh khắt khe ràng buộc mới làm cho ý tứ của bài hát trở nên cực kỳ sexy, vô cùng táo bạo.


Nhạc phẩm Besame Mucho được viết tựa như một kịch bản phim đầy chi tiết. Một cặp tình nhân quấn quýt bên nhau như thể họ đang sống trọn bên nhau một đêm cuối cùng trước khi xa rời vĩnh viễn. Nghe bài hát người ta có thể hình dung ra một màn phim quay cận ảnh, nơi mà đôi tình nhân vòng tay ghì chặt, đắm đuối nhìn nhau, chết lịm ánh mắt.
Trong tiếng Tây Ban Nha, chữ hôn em "besame" được dùng dưới dạng động từ chứ không phải là danh từ, cái ý tưởng ngày mai sẽ chia ly càng lớn trong tâm trí, thì đôi tình nhân càng gần với nhau qua thể xác. Lối dùng ca từ tượng hình, để nói lên các động thái càng lúc càng cận kề ấy đánh vào trí tưởng tượng của người nghe, khiến họ phải hình dung ra cặp tình nhân này đang làm gì với nhau.
Cách dùng hình tượng cận ảnh chứ không phải là toàn cảnh, cho thấy sự chuyển động rất gần và vì rất gần nên không thể nào thấy hết. Bài hát chỉ nói đến một phần thôi, người nghe tự mình sẽ đoán ra hết tất cả những gì có thể xảy ra trong cái đêm định mệnh ấy.


Sinh năm 1916, mất năm 2005, Consuelo Velazquez thời còn trẻ đã tốt nghiệp nhạc viện thành phố Guadalajara. Bà vào nghề như một nghệ sĩ dương cầm, biểu diễn trong khuôn khổ Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mêhicô. Song song với sự nghiệp chơi đàn piano cổ điển, bà còn sáng tác hàng trăm ca khúc nhạc nhẹ, nhưng không có bài nào đạt đến tầm vóc kinh điển của bài Besame Mucho.
Bài hát này được ca sĩ Emilio Tuero ghi âm lần đầu tiên vào năm 1941, nhanh chóng trở thành một ca khúc ăn khách để rồi được chuyển dịch sang hàng chục thứ tiếng. Riêng trong tiếng Việt, bản nhạc này có ít nhất là hai lời khác nhau.
Lời thứ nhất do tác giả Y Vân đặt cho bài hát với tựa đề ‘‘Đời như giấc mơ’’. Lời thứ nhì là của tác giả Trường Kỳ với tựa “Yêu nhau đi”, và đây là phiên bản thông dụng nhất vì đa số các bài ghi âm tiếng Việt đều chọn lời của tác giả Trường Kỳ.


Nói rằng Besame Mucho là một bản nguyên tác của Consuelo Velasquez không hoàn toàn đúng. Bởi vì khi viết bản nhạc này ở tuổi 15, Consuelo đã vay mượn khá nhiều từ các bậc tiền bối. Khi bạn nghe kỹ, thì hai câu mở đầu bài Besame Mucho đã lấy lại một giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển Enrique Granados người Tây Ban Nha.
Trong những câu sau và nhất là trong phần điệp khúc, bà Consuelo Velasquez đã ngẫu hứng biến tấu theo câu mở đầu, thay đổi cấu trúc thành điệu bolero, dựa vào ca từ để mở ra một bối cảnh cụ thể và dẫn dắt câu chuyện trong bài hát. Tác giả Enrique Granados cùng với các nhà soạn nhạc Isaac Albéniz, Manuel de Falla và Joaquín Rodrigo, được mệnh danh là Tứ Quý, tiêu biểu cho sự khởi sắc của dòng nhạc cổ điển Tây Ban Nha cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Trong các kiệt tác của nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha, có tác phẩm mang tựa đề là Goyescas, một tổ khúc gồm 6 điệu đàn dương cầm gợi hứng từ thế giới hội họa của Francisco Goya. Tổ khúc này còn có tiểu tựa : Đôi tim non trẻ yêu đương (Los majos enamorados).


Trong sáu giai điệu này, có khúc đàn số 5 với tựa đề là "Lời thở than hay Thiếu nữ và Cánh chim Họa mi" (Quejas, o La Maja y el Ruiseñor), nổi tiếng là rất khó đối với người chơi đàn, do các nốt nhạc bay bổng thường được viết liền nhau, buộc người độc tấu dương cầm phải vuốt cùng lúc nhiều phím đàn, để tạo ra tiếng hót thánh thót của chim họa mi.
Tác giả Enrique Granados viết khúc đàn này để tặng cho vợ (bà Ampero). Tựa như bàn tay của một nhà kim hoàn mài dũa trau chuốt một viên ngọc, ông Enrique Granados đã chạm trỗ, khắc họa nhiều chi tiết vào giai điệu, để rồi qua đó, ông gửi gấm tất cả những cảm xúc tình tứ sâu lắng nhất.
Khi vay mượn lại những câu đầu của khúc đàn số 5, bà Consuelo Velasquez giữ lại tiết tấu tha thiết của giai điệu, cũng như hình tượng của đôi tình nhân trong cái thuở yêu thương say đắm ban đầu. Từ giai điệu Tiếng chim Họa mi, bà ứng tấu thành một bản Dạ khúc cho đôi Tình nhân.
Vượt thời gian, bài hát Besame Mucho đã đi vào huyền thoại. Vượt không gian, bản nhạc trữ tình này nói lên được một điều mà tuổi trẻ ở nơi nào cũng dạt dào khát khao : Sống như thể ngày mai ta chết. Yêu cho đến tàn đêm chấm hết.






 


   http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130629-besame-mucho-da-khuc-hoa-mi
 

Historia de un Amor : Muôn thuở nguồn cội, tình yêu tuyệt đối
Historia de un Amor là một trong những bài hát tủ của Luis Miguel, ông hoàng bolero (DR)
Historia de un Amor là một trong những bài hát tủ của Luis Miguel, ông hoàng bolero (DR)
Tuấn Thảo
Trong làng nhạc Tây Ban Nha, tình khúc Historia de un Amor, tựa tiếng Việt là Chuyện tình yêu đã trở thành khuôn mẫu nếu không nói là kinh điển của dòng nhạc bolero. Theo Hiệp hội các tác giả Panama, bài hát này tính đến nay đã có hơn hai ngàn phiên bản (cover), chiếm hạng đầu trong số các giai điệu La Tinh, đứng hàng thứ sáu trong số các ca khúc quốc tế được ghi âm lại nhiều nhất.
Historia de un Amor có đến hơn hai ngàn phiên bản trong hàng chục thứ tiếng. Do thời lượng chương trình có giới hạn, nên hôm nay RFI mời quý thính giả và các bạn thưởng thức một số bài tiêu biểu nhất. Gần đây nhất có phiên bản của ban nhạc người Ý Il Volo, hoà âm ca khúc này theo lối bán cổ điển. Ca sĩ người Pháp Karen Ruimy thì chuyển bài này sang hướng flamenco kết hợp với tango mới.
Ca khúc tiếng Pháp của Dalida cũng vừa được hoà âm lại trong khi phiên bản của Guadalupe Pineda & Los Tres Ases lại thuần chất Trung Mỹ nhất. Ông hoàng Luis Miguel của dòng nhạc bolero là một trong những giọng ca thể hiện thành công nhất Historia de un Amor. RFI mời các bạn khám phá bài này dưới dạng song ca ảo, kết hợp phiên bản tiếng Việt với giọng ca Bằng Kiều và phiên bản Tây Ban Nha với tiếng hát Luis Miguel.
Nhạc phẩm Historia de un Amor ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, dưới ngòi bút của tác giả Carlos Eleta Almaran. Ông sinh năm 1918 tại Panama trong một gia đình giàu có gốc Tây Ban Nha. Thân phụ của ông làm ăn phát đạt nhờ nghề kinh doanh thuốc lá. Vì là con trai cả (trưởng nam) nên Carlos được đặt tên giống hệt như bố, còn đứa em trai (sinh năm 1921) thì mang tên của ông ngoại là Fernando. Thời niên thiếu, hai anh em được gia đình đưa về quê nội là Malaga (Tây Ban Nha) học nội trú, cấp phổ thông. Lên đến đại học, cả hai được gửi sang Mỹ đào tạo.
Sau 4 năm du học, Carlos thi đỗ bằng quản trị kinh doanh, còn Fernando thì tốt nghiệp khoa hành chính. Trở về Panama, hai anh em nối nghiệp cha, điều hành công ty gia đình và các nhà máy sản xuất thuốc lá. Vào đầu những năm 1960, hai anh em thành lập đài truyền hình đầu tiên của Panama, sau đó được khuếch trương thành tập đoàn truyền thông lớn nhất của quốc gia Trung Mỹ này. Người em trai Fernando sau đó chọn sự nghiệp chính trị, ban đầu làm bộ trưởng Thương mại (1965) rồi sau đó được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Panama. Về phần mình, Carlos Eleta Almaran tiếp tục con đường kinh doanh, nhưng lại nổi danh từ giữa những năm 1950 trở đi nhờ cái tài soạn nhạc.
Thật ra, tác giả Carlos Eleta Almaran đến với công việc soạn nhạc một cách tình cờ ngẫu nhiên. Thời còn nhỏ, ông được gia đình cho học nhạc, nhưng đàn hát chỉ được xem như là một thú tiêu khiển. Vả lại, ông xuất thân từ một gia đình giàu sang quyền thế, cho nên không cần phải sống nhờ nghề soạn nhạc. Carlos có một người bạn tên là Arturo Hassán (1911-1974), hai người quen nhau từ thưở ấu thơ, chơi thân với nhau dù cách biệt đến 7 tuổi. Nổi danh tại Panama như một nhà soạn nhạc, Arturo Hassán còn được mệnh danh là ‘‘El Chino’’ vì ông có hai dòng máu Âu-Á, thân phụ của ông là người gốc Hoa (José Hassán Chong), sinh trong một gia đình đến lập nghiệp tại Trung Mỹ từ nhiều đời trước.
Theo lời kể của tác giả Arturo Hassán, thì có một lần ông chê Carlos Eleta Almaran là một người có đầu óc thực dụng, tâm hồn quá khô khan như một nhân viên kế toán cho nên khó thể nào mà viết nhạc trữ tình lãng mạn. Bực mình trước câu nói này Carlos Eleta Almaran mới bắt đầu mò mẫm soạn nhạc rồi cho bạn mình nghe thử. Khi khám phá các sáng tác đầu tay của Carlos, tác giả Arturo Hassán phải cúi đầu bái phục. Sáng tác thử nào ngờ lại rất hay, gọi là học trò nhưng lại vượt trội bậc thầy.
Nhạc phẩm Historia de un Amor không phải là sáng tác đầu tiên của Carlos Eleta Almaran. Những ca khúc đầu tay của ông viết vào đầu những năm 1950, mang nhiều hơi hướng dân ca Trung Mỹ, ít dùng bộ gõ La Tinh như các bản nhạc thịnh hành thời bấy giờ. Mãi đến 5 năm sau, ông mới chuyển qua sáng tác nhạc bolero, giữ nguyên cấu trúc bài bản, nhưng lời lẽ cô đọng chắt lọc, ca từ thường được dùng một lần tránh lặp đi lặp lại.
Bản nhạc Historia de un Amor được phát hành vào năm 1955, nhưng được viết từ cả một năm trước đó, khi Carlos chứng kiến nỗi khổ đau tột cùng của người em trai (Fernando) khi ông biết được hung tin là vợ mình qua đời vì tai nạn. Historia de un Amor trước hết là câu chuyện của một mối tình, nói về một hoàn cảnh cá nhân, nhưng lại đạt được tầm mức phổ quát vì nó khắc họa nỗi mất mát thiệt thòi, do số phận tiền định nhiều hơn là hệ quả của sự chọn lựa. Bài hát không chọn bối cảnh cụ thể mà chỉ diễn đạt những lời thở than từ nội tâm, giai điệu sầu não, nỉ non với một chút tủi hờn oán trách làm cho con tim thêm nhức nhối vì nó đề cập đến những đổ vỡ, đứt liền trong tâm hồn của một người buộc phải ở lại.
Theo ghi chú Hiệp hội các tác giả Panama, người đầu tiên ghi âm nhạc phẩm Historia de un Amor là ca sĩ kiêm diễn viên Leo Marini, còn được mệnh danh là giọng ca thần sầu của Argentina. Bản nhạc sau đó được danh ca Libertad Lamarque, với biệt danh là Nữ hoàng Tango, ghi âm làm ca khúc chủ đề cho bộ phim Dimela Al Oido quay tại Mêhicô vào năm 1956. Chưa đầy một năm sau, bản nhạc nổi tiếng trên khắp thế giới một phần vì hầu hết các ca sĩ trứ danh của dòng nhạc bolero đều chọn ca khúc này làm bài tủ (répertoire) của họ.
Phong trào này cực thịnh cho đến những năm 1965, 1966. Nhưng phần lớn cũng vì Historia de un Amor đã được chuyển dịch hàng chục thứ tiếng khác nhau : ngoài các ngôn ngữ rất thông dụng còn phải kể đến tiếng Do Thái, Ba Tư, Croatia hay tiếng Thái. Trong tiếng Việt bài từng được tác giả Anh Bằng thuộc nhóm sáng tác Lê Minh Bằng chuyển ngữ thành nhạc phẩm Chuyện tình yêu với những câu mở đầu rất uớt át mà hầu như mọi người Việt Nam đều biết tới.
Được xem như là một trong 4 gương mặt thuộc hàng Tứ Qúy của Panama (Carlos Eleta Almarán, José Luis Rodríguez Vélez, Arturo Chino Hassan, Ricardo Fábrega), tác giả Carlos Eleta Almaran tiếp tục soạn nhạc khá đều đặn, nhưng không có bài hát nào đạt đến tầm vóc kinh điển như Historia de un Amor. Hầu hết các tên tuổi lớn của làng nhạc quốc tế đều đã ghi âm bài này, Dalida và Dany Brillant trong tiếng Pháp, Luis Miguel hay Cesaria Evora trong tiếng Tây Ban Nha, Amalia Rodriguez tiếng Bồ Đào Nha, tình khúc này với hơn hai ngàn phiên bản khác nhau phá kỷ lục về số lượng ghi âm do ca khúc La Paloma tiêu biểu của dòng nhạc Habanera nắm giữ trước đây trong dòng nhạc La Tinh.
Về mặt quốc tế, Historia de un Amor chỉ đứng sau bài Yesterday của nhóm Tứ Quái The Beatles, Comme d’habitude (My Way) của nhóm sáng tác Claude François & Jacques Revaux, hay Summertime của George Gershwin. Dù được chuyển thể theo điệu nào đi chăng nữa, các phiên bản của Historia de un Amor nổi trội khi giữ được cốt cách mềm mại du dương, chứ không nhất thiết phải phối khí với nhịp điệu La Tinh.
Nhắc đến nhạc phẩm này, tác giả Arturo Hassán từng nhận xét rằng : Historia de un Amor là giai điệu quyến rũ mê hồn, đánh cắp hàng triệu trái tim. Dòng nhạc của Carlos Eleta Almaran trở nên xuất sắc khi nó diễn đạt được tính chất triệt để của tâm hồn La Tinh. Bài hát nói về cái cảnh kẻ ở người đi, nhưng lại khéo dùng một nửa (nửa còn nửa mất, nửa tối nửa sáng) để thể hiện cho sự trọn vẹn nguyên khối, dùng những chi tiết rất nhỏ để nói lên tính muôn thuở nguồn cội của tình yêu tuyệt đối.

  http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130406-historia-de-un-amor-muon-thuo-nguon-coi-tinh-yeu-tuyet-doi
  Thứ sáu 12 Tháng Bẩy 2013
El Choclo, tango gối mộng Của quý đàn ông
Thời nguyên thủy, tango được mệnh danh là Vũ điệu ác quỷ (DR)
Thời nguyên thủy, tango được mệnh danh là Vũ điệu ác quỷ (DR)
Tuấn Thảo
Trong thể loại tango của Argentina, bản nhạc El Choclo là giai điệu nổi tiếng nhất nhì trên khắp thế giới, chỉ thua nhạc phẩm La Cumparsita (Vũ nữ thân gầy). Bản El Choclo từng được dịch sang tiếng Anh là Kiss of Fire (Nụ hôn rực lửa) và trong tiếng Việt là Tình như Mũi tên (lời của Anh Bằng). Nhưng ít có lời nào lột tả một cách trọn vẹn cái hồn của nguyên tác : ca từ thanh tao, ý tứ thô tục.

Liên khúc tango La Cumparsita - El Choclo
12/07/2013
Trong khuôn khổ loạt bài phát thanh mùa hè, RFI kỳ này giới thiệu bản tango đề tựa ''El Choclo'' mà xét trên nhiều phương diện rất tiêu biểu cho nguồn gốc ''dung tục'' của tango. Vào cuối thế kỷ XIX, các bài tango chủ yếu là các giai điệu phổ biến trong giai cấp bình dân, thường là sáng tác tùy hứng, ít có cấu trúc bài bản.
Nội dung các ca khúc chủ yếu nói về cuộc sống về đêm, xoay quanh cái thế giới của các cô gái điếm. Trong những khu phố bình dân của vùng Rio de la Plata, có đủ mọi thành phần xã hội lui tới các nhà chứa : từ giới thượng lưu quý tộc, các doanh nhân tài phiệt, thành phần văn nghệ sĩ, các tay anh chị trong giang hồ, thổ dân da màu hay công nhân thấp hèn trong tầng lớp nhập cư … Thượng vàng hạ cám, khác biệt hay chăng là ở cái túi tiền mà khách làng chơi, giàu sang hay nghèo nàn, chịu bỏ ra để mua vui.


Khá nhiều bản tango đã ra đời trong cái bối cảnh đặc biệt của xã hội Achentina thời bấy giờ. Những bản nhạc thô tục nhất ít khi nào được ghi chép mà chỉ được truyền khẩu nên dễ bị mai một. Nếu có may mắn được lưu lại, thì bản nhạc cũng hiếm khi nào mà ghi tên tác giả.
Một điều cũng khá dễ hiểu vì chẳng có ai mà dám công bố mình là tác giả của những bài hát với lời lẽ thô tục, sống sượng đến như vậy. Những bản nhạc lưu truyền cho tới tận ngày nay, thường là những ca khúc dùng chữ thanh để nói lên cái tục : bài hát El Choclo vì vậy trở nên tiêu biểu cho các khúc tango hoan vui trụy lạc, lẳng lơ đĩ thõa.
Trong tiếng Tây Ban Nha, El Choclo có nghĩa đen là Trái Ngô, nhưng trong nghĩa bóng nên hiểu là ‘‘Của quý đàn ông’’ thì có lẽ đúng hơn. Khúc nhạc El Choclo do nhà soạn nhạc Angel Villoldo (tác giả của bài "El Porteñito") sáng tác vào khoảng những năm 1897-1898 và được diễn lần đầu tiên vào năm 1903. Theo sử sách, lời của bài hát đã được viết vào năm 1905. Trong phiên bản nguyên gốc, tác giả dùng những chữ thanh tao như :
Đầu đồng có trái ngô
Mịn râu kết hạt vàng
Rót vào hồn miên man
Giọt đam mê dịu dàng
Trong thực tế, "El Choclo" là biệt danh của một tên ma cô chuyên cò mồi, dắt khách vào nhà chứa. Dựa vào một nhân vật có thật, với mái tóc vàng như râu ngô, tác giả Angel Villoldo phác họa cảnh dục vọng ái ân giữa hai nhân tình cũng như quan hệ giữa tên ma cô và cô gái điếm.


Đến đầu những năm 1930, ca sĩ kiêm tác giả Juan Carlos Marambio Catan sửa đổi ca từ bài hát cho lần thu âm đầu tiên, nội dung trở nên tình tứ lãng mạn hơn, nói về tình yêu đôi lứa nhưng lại gạt qua một bên những hình tượng thanh tục. Phiên bản này sau đó rất ăn khách với giọng ca Angel Vargas. Trong ca từ, tác giả lược bỏ thủ pháp hoán dụ tài tình của bậc đàn anh là Angel Villoldo. Bản nhạc vì thế mà mất đi chiều sâu ban đầu do thiếu hẳn một cách đọc.
Đến năm 1947, bài El Choclo lại có thêm một lời thứ ba trong tiếng Tây Ban Nha. Nhà thơ Enrique Santos Discépolo với cách dùng chữ trang trọng trau chuốt, lái hẳn nội dung của nguyên tác về một hướng khác. Tác giả nói về tình quê hương, những kỷ niệm thời thơ ấu để gợi lên tình cảm gắn bó của ông với đất nước, quê nhà thông qua biểu tượng của dòng nhạc tango, từ lúc khai sinh cho tới khi trở thành hình ảnh tiêu biểu của một quốc gia.


Từ năm 1952 trở đi, bản nhạc El Choclo nổi danh trên khắp thế giới nhờ có thêm phiên bản tiếng Anh là Kiss of Fire (Nụ hôn rực lửa). Nhiều ca sĩ nổi tiếng quốc tế như Nat King Cole, Connie Francis, Louis Armstrong, Tony Martin, Georgia Gibbs … đều có thu âm bài này.
Những năm gần đây hơn thì có các phiên bản của Julio Iglesias, Helmut Lotti hay của Hugh Laurie. Còn trong tiếng Việt, nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời cho bài này sau năm 1975, các phiên bản quen thuộc nhất là qua tiếng hát của Tuấn Ngọc phối theo điệu rumba, hay của Nguyên Khang phối theo tango.
Lối dùng ca từ trau chuốt của nhà thơ Enrique Santos Discépolo định hình khuôn thước của bài El Choclo, tất cả các phiên bản ghi âm trong tiếng Tây Ban Nha đều chọn lời thứ ba làm khuôn mẫu. Các bản dịch cũng ít nhiều gợi hứng từ lời này. Bài thơ của Enrique Discépolo được nhiều người tán tụng, trong đó có văn hào trứ danh Jorge Luis Borges khi ông cho rằng không có bài thơ nào viết về tango hay như bài thơ này.


Nhưng bên cạnh đó, cũng có ý kiến ngược lại, đánh giá rằng El Choclo đã hai lần bị kiểm duyệt : khi giai điệu cực kỳ quyến rũ của bài hát trở nên phổ biến, thì ca từ nguyên gốc của bài hát lại bị cắt xén, sửa đổi cho lọt tai đa số người nghe. Vào những năm 1930, khi các dàn nhạc thường xuyên biểu diễn bài này trong các buổi dạ hội dành cho giới thượng lưu, qúy tộc, thì ca từ khiêu gợi của bản nhạc nguyên gốc khó mà chấp nhận được.
Khi nhìn lại các bản nhạc tango viết vào những năm 1890, người ta sẽ thấy là có nhiều bài hát thô tục, thô trong cách tả chân, tục vì có sao nói vậy. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều bài đậm đặc chất thơ, trong đó các tác giả khuyết danh cũng như các nhà soạn nhạc lưu danh hậu thế nhờ trổ tài luồn lách, nói bóng nói gió, qua ẩn dụ hay hoán dụ, dùng chi tiết để nói lên tổng thể, dùng cận ảnh để phác họa toàn cảnh.
Thông qua những hình tượng như Una Flota (Ống sáo), Siete pulgadas (Bảy tấc hay là Dài như bảy đốt ngón tay), El Serrucho (Ổ khóa), El fierrazo (Nòng súng) hay El Choclo (Trái Ngô), các tác giả đánh vào tâm trí người nghe. Hình ảnh càng thanh, thì ý nghĩa càng tục : Chỉ cần một chút tưởng tượng thì người ta có thể hình dung ra được các tác giả đang muốn nói gì.




Không phải ngẫu nhiên mà tango từng được gọi là Vũ điệu của ác qủy, bời vì nó biểu hiện cho đam mê rực cháy lửa tình, con tim hừng hực dục vọng trong cái thời khai sinh, từ cái thuở nguyên thủy. Những giọng ca ‘‘thiên thần’’ sau đó nổi danh là ông vua hay bà hoàng của thể điệu này, biết lột tả cái hồn của tango do có kinh nghiệm từng trải với nỗi đau xác thịt.
Khi nghe các phiên bản sau này của bài El Choclo, cái bối cảnh hình thành của dòng nhạc tango trở nên mờ nhạt hơn. Trong nghĩa đen, ca từ nguyên gốc làm cho ta liên tưởng đến những ca khúc dân gian đồng án, còn trong nghĩa bóng, ý nghĩa của bài hát làm cho những tác giả thánh thiện đạo mạo phải thẹn thùng đỏ mặt.

Trong cách chơi chữ hình thanh mà bóng tục, bài hát Trái Ngô coi vậy mà lại khuynh đảo tư tưởng phải đạo, vì thế cho nên các tác giả thường dùng uyển ngữ để làm nhẹ đi ca từ. Khi lược bỏ thủ pháp hoán dụ, lưỡi kéo kiểm duyệt đã hai lần cắt ngang "Của quý Đàn ông".




 http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130726-el-choclo-cua-quy-dan-ong-thanh-tuc-trong-dieu-tango


Amor, Amor : Muôn thuở rumba, chữ thập tình ca

Tuấn Thảo
Hôm nay, 21/06/2013, là ngày đầu tiên của mùa hạ. Theo truyền thống từ năm 1981, nước Pháp chọn ngày này làm Ngày hội Âm nhạc. Kể từ hôm nay và trong suốt mùa hè này, RFI phát thanh loạt bài với chủ đề Nhạc tình muôn thuở. Đây là dịp để cho chúng ta cùng khám phá lại những giai điệu rất quen thuộc, cho dù công chúng ít để ý tác giả là ai.
Trong số này, có bản nhạc Amor, Amor, Amor (Tình yêu, Tình yêu) được chọn để mở đầu loạt bài Giai điệu muôn thuở trên đài RFI hôm nay. Ca khúc đã được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1943. Tuy đã tròn 70 tuổi, nhưng khúc nhạc này viết theo thể điệu khiêu vũ rumba, cho tới nay, vẫn không có vết nhăn thời gian. Ngoài phiên bản rumba của Olivia Molina do RFI hoà âm lại năm 2013, chúng ta sẽ còn cùng nghe ca khúc này trong nhiều thứ tiếng khác, kể cả tiếng Việt, phối theo nhiều thể điệu như cha cha hay samba.    
Trong nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, bài hát do nhà soạn nhạc người Mêhicô Gabriel Ruiz Galindo sáng tác vào năm ông 35 tuổi. Bản nhạc được viết trong cái bối cảnh đổ vỡ hạnh phúc, trái tim chán nản, tâm hồn tuyệt vọng cho đến cái ngày mà con tim biết yêu trở lại, niềm hy vọng từ đó mà tái sinh. Để nhấn mạnh niềm tin tuyệt đối nơi tình yêu, tác giả lặp lại ba lần chữ Amor trong tựa đề nguyên tác, nhưng khi ghi âm thu đĩa, giới nghệ sĩ thường rút ngắn lại chĩ còn có hai chữ : Amor, Amor.


Tác giả Gabriel Ruiz Galindo (1908-1999) sinh trưởng ở Guadalajara, thủ phủ vùng Jalisco, tức là có cùng nguyên quán với bà Consuelo Velázquez (tác giả của bài Besame Mucho) mà RFI sẽ đề cập đến trong một kỳ tới. Sau khi đổ bằng tú tài, ông nghe lời song thân, thi vào trường đại học y khoa. Nhưng đam mê đầu đời của ông vẫn là âm nhạc, vì từ thuở thiếu thời ông vẫn là một học trò xuất sắc của nhạc viện thành phố Guadalajara.
Học sang năm thứ ba trường y, thì vào năm 1930, ông lại nhận được một học bổng của Trường Quốc gia Âm nhạc. Chàng trai lúc đó 22 tuổi mới khăn gói lên đường đến thủ đô Mêhicô, bỏ ngành y chuyển sang học nhạc trong vòng bốn năm. Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mêhicô. Sở trường của ông là chơi đàn vĩ cầm trong các buổi trình diễn nhạc thính phòng, nhưng bên cạnh đó ông còn biết đánh dương cầm và tây ban cầm, một yếu tố khá quan trọng, để làm giàu các làn điệu sáng tác sau này của ông.
Trong khuôn khổ Dàn nhạc giao hưởng Mêhicô, ông làm quen với bà Consuelo Velázquez. Bà nhỏ hơn ông nhiều tuổi, học sau ông nhiều lớp nhưng họ đều xuất thân từ nhạc viện thành phố Guadalajara. Cả hai đều có cùng một thầy vì trong dàn nhạc giao hưởng, bà Consuelo độc tấu dương cầm, còn ông Gabriel thì chơi vĩ cầm dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Carlos Chavez. Về sau này, hai người đều có mặt trong ban chấp hành Hiệp hội các tác giả Mêhicô, và cả hai đều nhận giải thưởng thành tựu sự nghiệp trong cùng một năm 1989.


Gabriel Ruiz Galindo viết những ca khúc đầu tay với tác giả Ricardo López Méndez vào giữa những năm 1930. Hai người từng quen nhau do sáng tác chung các ca khúc cho đài phát thanh : Gabriel soạn nhạc, Ricardo đặt lời. Tuy nhiên, những sáng tác đầu tiên này không thành công cho lắm, cho nên Gabriel mới chuyển qua sáng tác nhạc phim. Lối sáng tác của ông ban đầu rất nghiêm túc, mang nhiều ảnh hưởng của dòng nhạc cổ điển thính phòng.
Thầy của ông là nhạc sư Carlos Chavez mới khuyên ông là đừng ngại sáng tác nhạc nhẹ, vì theo ông Carlos Chavez điều quan trọng trong âm nhạc không phải là tính bác học hay bình dân, mà là tác giả diễn đạt được tình cảm chân thật từ đáy tim, chứ đừng có kiểu cách làm dáng. Đến một lúc nào đó, cái tình cảm chân thật ấy sẽ tìm thấy đối tượng đồng cảm.
Theo cách nhìn của người thầy, cái cốt lõi trong sáng tác là đạt đến sự tuyệt đối. Nhưng chữ tuyệt đối ở đây không có nghĩa là chinh phục mọi trái tim, mọi tâm hồn, bởi vì trên đời này chẳng có tác giả nào, dù có lớn cách mấy, cũng chẳng làm được như vậy. Chữ tuyệt đối ở đây nằm trong lối diễn đạt thấu đáo cặn kẻ cái cảm xúc của tác giả trong khoảnh khắc, tuy rất ngắn ngủi mà lại trọn vẹn.


Hai năm sau khi bà Consuelo Velásquez thành công rực rỡ với bản nhạc bolero Besame Mucho (1941), đến lượt ông Gabriel Ruiz Galindo sáng tác ca khúc để đời kinh điển của mình. Tác giả này lấy kinh nghiệm của chính mình để đưa vào trong ca khúc. Sau khi viết nhạc, ông phác thảo ra lời hát đầu tiên, rồi nhờ người bạn đồng nghiệp Ricardo López Méndez gọt dũa lại. Kết quả là bản nhạc Amor, Amor phá kỷ lục số bán trong mùa hè năm 1943.
Chỉ vài tháng sau bài hát được chuyển dịch sang tiếng Anh dưới ngòi bút của Sunny Skylar. Tùy theo phiên bản ghi âm, các nghệ sĩ Anh Mỹ khi thì giữ nguyên tựa đề Amor, lúc thì đổi thành More and More Amor. Ca sĩ Bing Crosby mở đường cho các giọng ca crooner ghi âm bài này. Trong các phiên bản tiếng Anh đáng ghi nhớ có phần ghi âm của Andy Russell vào năm 1944, của Julie London vào năm 1963 và nhất là của Dean Martin phối theo điệu cha cha.
Trong tiếng Việt, bài này có đến ít nhất ba lời khác nhau. Trước hết có phiên bản ghi âm của anh Tuấn Ngọc mang tựa đề "Tình Yêu", và tùy theo nguồn, lời được ghi chép là của tác giả Vũ Tuấn Đức. Kế đến có phiên bản "Em Yêu" của ca sĩ Lê Toàn. Lời tiếng Việt thứ ba là của nhạc sĩ Khánh Băng.
Trong tiếng Pháp, bản nhạc được hai tác giả Pascal Sevran và Serge Lebreuil phóng tác cho Dalida vào năm 1976, nhân dịp cô ghi âm các tình khúc vang bóng một thời, làm mới bằng cách phối khí lại theo điệu nhạc disco (trong đó có các bài J’attendrai hay Besame Mucho). Trong tiếng Tây Ban Nha, Julio Iglesias kết hợp ca khúc này với điệu samba, còn Luis Miguel cũng hay phối lại bản nhạc với lối hòa âm nhạc pop.


Dù có cố gắng cách mấy, các tác giả chuyên phóng tác chuyển ngữ vẫn không lột tả được hết cái ý tứ trong nguyên tác tiếng Tây Ban Nha. Vào lúc các nhà soạn nhạc bolero hay rumba tìm cách làm giàu ca từ bằng cách tránh lặp đi lặp lại những chữ đã dùng, thì hai tác giả Ruiz-López cố tình dùng sự trùng lặp để nhấn mạnh ý tứ. Ngoài chữ Amor, hai chữ khác là "nació" có nghĩa là nảy sinh và "besos" những nụ hôn được dùng rất nhiều lần. Nhưng độc đáo nhất là cách dùng ẩn dụ trong phần điệp khúc mà ta có thể tạm dịch như sau :
Nghe trong tim, nụ hôn xây tổ ấm
Cho cánh chim hy vọng trổ nhánh ngầm
Rắc trên môi làn hôn đầy chữ thập
Khắc niềm tin thắp sáng cõi thì thầm
Cách dùng ẩn dụ liên hoàn mà hoán chuyển, lần lượt nối kết nhau để tạo ra một sự chuyển động rất tượng hình. Nói rằng một đàn chim đang làm tổ thì nghe rất thường, nhưng hoán đổi hình tượng của một bầy chim bằng hình ảnh của những nụ hôn về xây tổ ấm trong đáy tim thì bỗng nhiên nghe rất lạ tai.
Tổ ấm xây xong, đàn chim lại tung bay tựa như thiên sứ đem những nhánh hy vọng đặt trên bờ môi người yêu, ánh sáng là biểu tượng của hy vọng, nụ hôn chữ thập là biểu tượng của thánh giá niềm tin. Thủ pháp ẩn dụ ở đây càng độc đáo khi dùng hình tượng tôn giáo chỉ để nói lên duy nhất một điều : tuyệt đối nhiệm mầu phép lạ tình yêu, trổ mọc nhánh hoa sa mạc tiêu điều, trẻ lại tâm hồn già cỗi đìu hiu.







 http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130621-amor-amor-giai-dieu-tinh-yeu-muon-thuo

Sway, mambo hừng hực nóng bỏng cơn sốt dục vọng
Thần tượng Brigitte Bardot trong phim Thượng đế sáng tạo Đàn bà (DR)
Thần tượng Brigitte Bardot trong phim Thượng đế sáng tạo Đàn bà (DR)
Tuấn Thảo
Cách đây đúng 60 năm, bản nhạc Quién Será ra đời dưới ngòi bút của hai tác giả Mêhicô Pablo Beltrán Ruiz và Luis Demetrio. Được sáng tác vào năm 1953, bài Quién Será sau đó đã đi vòng quanh trái đất. Với cả ngàn phiên bản ghi âm khác nhau, bài hát đã giúp phổ biến rộng rãi hai vũ điệu mambo và cha cha trên toàn thế giới.
Trong nguyên tác tiếng Tây Ban Nha, bài Quién Será được viết cho thể điệu mambo và có tựa ban đầu là Quien Será la que Me Quiere a Mi có nghĩa là Ai sẽ là người yêu ta. Đến khi bản phác thảo được xuất bản, tựa bài hát được rút ngắn lại cho cô đọng gãy gọn hơn. Tác giả bài hát là nhạc sĩ Pablo Beltrán Ruiz (1915 - 2008), nổi tiếng ở Mêhicô với dàn nhạc do ông điều khiển.

Liên khúc Sway - Dean Martin
05/07/2013
Có thể nói là trong nguyên tác, nhạc phẩm Quién Será ban đầu đã được soạn theo thể điệu mambo, bởi vì điệu nhạc cha cha cha chỉ chính thức ra đời vào năm 1954, gần hai thập niên sau điệu mambo. Điệu cha cha do nhạc sĩ người Cuba Enrique Jorrín sáng chế, Quién Será sau đó cũng thường được phối theo thể điệu này. 
Sinh trưởng tại vùng Sinaloa, miền tây Mêhicô, Pablo Beltrán Ruiz rời nguyên quán lên thủ đô sau khi thi đổ đại học. Thời gian đầu, ông học khoa luật nhưng sau đó lại chuyển qua ngành hóa học. Thế nhưng, từ thuở niên thiếu, tác giả Pablo Beltrán Ruiz vốn say mê nghệ thuật âm nhạc nhiều hơn là các bộ môn khoa học. Vì thế cho nên, thời còn là sinh viên, ông học thêm âm nhạc tại các lớp dạy đàn miễn phí (Escuela Libre de Música) theo hướng dẫn của nhạc sư José Vázquez.


Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông kiếm được một việc làm trong một thời gian ngắn một xưởng bào chế dược phẩm. Ban đêm, ông kiếm thêm tiền bằng cách chơi đàn trong các quán nhạc, vũ trường. Cái nghề tay trái này sau đó trở thành một công việc hẳn hoi, khi ông sáng lập từ những năm 1940 một dàn nhạc khiêu vũ gồm bộ trống và kèn đồng. Ngoài việc chơi các bản nhạc thịnh hành thời bấy giờ, Pablo Beltrán Ruiz còn sáng tác thêm để làm giàu vốn tiết mục biểu diễn (répertoire) của ban nhạc.
Nhà soạn nhạc này gặp tác giả Luis Demetrio (1931-2007) nhân một vòng lưu diễn. Cả hai cùng hợp tác với nhau để cho ra đời bài hát Quién Será. Ngoài việc soạn lời bài hát, Luis Demetrio còn giúp đồng nghiệp đàn anh (Pablo lớn hơn Luis 15 tuổi), hoàn chỉnh khúc biến tấu trong điệu nhạc Quién Será. Chính cái khúc nhạc biến tấu trong hai đoạn : phần chuyển tiếp và phần kết thúc bài hát, biến Quién Será thành một trong những ca khúc xuất sắc và tiêu biểu nhất của mambo, cho dù dòng nhạc này không xuất phát từ Mêhicô.


Bởi vì điệu mambo ban đầu khởi nguồn từ hòn đảo Cuba. Mambo là một dạng biến thể của điệu nhạc danzón, du nhập từ Haiti vào Cuba từ những năm 1880. Nhạc sĩ Miguel Failde là người đầu tiên định hình về mặt nhạc lý làn điệu danzón. Từ thể điệu này, Mambo đã thừa hưởng nhịp đập lôi cuốn, tiết tấu dồn dập, giai điệu tươi mát của một thể loại âm nhạc thịnh hành tại quần đảo Caribê trong các mùa lễ hội hoá trang (carnaval). Danzón là tên gọi của thể điệu, nếu có thêm lời ca, thì được gọi là danzonete.
Vào năm 1938, chữ mambo chính thức ra đời khi tác giả Orestes Lopez chọn từ này làm tựa đề cho ca khúc mà ông vừa sáng tác. Dùng chữ mới không có nghĩa là Orestes Lopez là cha đẻ của thể điệu này, vì tác giả này đã vay mượn từ bậc tiền bối là nhạc trưởng José Urfé González. Vào năm 1910, José Urfé González đã soạn bài hát Bombín de Barreto, biến tấu một khúc nhạc danzón thành một thể điệu mới mà ông gọi là nuevo rítmo. Và như vậy, nói cho thật công bằng, chữ mambo chỉ là một cách dùng tên gọi mới cho những gì đã được thực hiện từ gần ba thập niên về trước.


Một khi đã được định hình, dòng nhạc mambo lan tỏa từ La Havana sang các quốc gia lân cận, trở nên ăn khách nhờ các ban nhạc thịnh hành thời bấy giờ như dàn nhạc của Perez Prado, còn được mệnh danh là Ông hoàng mambo, nổi danh trên thế giới từ năm 1949 với bản Mambo số 5 (Mambo N°5).
Về phần mình, tác giả người Mêhicô Pablo Beltrán Ruiz cũng nằm trong phong trào này. Vào đầu những năm 1950, dàn nhạc của ông chuyên lưu diễn một vòng các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Đi đến đâu, ông cũng được nghe bản nhạc Mambo số 5 của Perez Prado. Chính cũng vì vậy mà ông mới bắt tay sáng tác cùng với Luis Demetrio nhạc phẩm Quién Será, với tham vọng là bài hát này sẽ hay hơn cả bản nhạc Mambo N°5.
Giọng ca đã giúp thực hiện ước mơ của Pablo Beltrán Ruiz chính là ca sĩ crooner người Mỹ Dean Martin. Phiên bản do Dean Martin ghi âm vào năm 1954, với tựa đề là Sway, lời tiếng Anh của Norman Gimbel giúp cho ca khúc này chinh phục thị trường Anh Mỹ. 
Sau ca sĩ Dean Martin, hàng loạt tên tuổi quốc tế khác đều có ghi âm bản nhạc này, từ Julie London, Ella Fitzgerald, Anita Kelsey, Lisa Ono, Arielle Dombasle trong phái nữ cho tới Bobby Rydell, Ben E. King, Cliff Richard, Julio Iglesias trong phái nam. Các nghệ sĩ ăn khách thời nay, từ Jennifer Lopez cho tới Michael Bublé, từ nhóm Pussycat Dolls cho tới Shaft, tìm cách làm mới điệu nhạc khi kết hợp mambo với jazz hay mambo với nhạc dance, phối khí điện tử.


Trong tiếng Pháp, lời bài hát do tác giả Hubert Ithier phóng tác thành C’est si doux cho dàn nhạc Jean Faustin cũng vào năm 1954. Bài hát cũng được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng khác trong đó có tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Ả rập, hay tiếng Hoa (kể cả Quan Thoại và Quảng Đông qua phần trình bày của diễn viên kiêm ca sĩ Quách Phú Thành).
Còn trong tiếng Việt, bản nhạc Quién Será có ít nhất đến ba lời khác nhau. Đầu tiên là bài hát đề Đêm Vui, lời Việt của tác giả Anh Bằng. Kế đến có Khiêu vũ bên nhau của Phan Thế Huy (khác với bài cùng tựa Khiêu vũ bên nhau do Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt cho nhạc phẩm Laissez moi danser của Dalida).
Lời Việt thứ ba đề tựa Ai sẽ là em, phiên bản ghi âm của Nguyễn Hưng. Phiên bản thứ ba này gần sát hơn với nguyên tác Tây Ban Nha Quién Será, trong khi hai bản phóng tác kia thì chủ yếu gợi hứng từ cái ý tưởng khiêu vũ trong bài tiếng Anh là Sway, và chủ yếu đánh theo điệu cha cha.
Có thể nói là nhạc phẩm Quién Será đã chinh phục thế giới từ năm 1953 trở đi nhờ cả ngàn phiên bản trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng trong thời gian đầu, tức là trước khi có thời đại hoàng kim của video clip và các kênh truyền hình âm nhạc, thì sự phổ biến đó chủ yếu là qua âm thanh nhiều hơn là hình ảnh.


Vào năm 1956, đạo diễn Pháp Roger Vadim quay bộ phim Et Dieu créa la Femme (Thượng đế sáng tạo người Đàn bà) với vợ ông thời đó là ngôi sao màn bạc Brigitte Bardot trong vai chính. Nhờ bộ phim này mà Brigitte Bardot đăng quang thành thần tượng điện ảnh, để rồi được mệnh danh là người phụ nữ đẹp nhất hành tinh.
Cũng từ đó mà vũ điệu rực lửa mambo in đậm tâm trí để rồi mãi lắng đọng trong lòng người mến mộ. Trong cuộn phim này, nhiều người còn nhớ hình ảnh sống động của thần tượng tóc vàng trong điệu nhảy mambo : chân trần xoay vòng lắc ngực rung mông, mồ hôi ướt đọng nẩy lửa đường cong. Một cảnh quay cực kỳ nóng bỏng, như thể người đàn bà bị thiêu cháy trong cơn sốt dục vọng.


100 năm El Cóndor Pasa : Hoài hương tâm hồn Inca
Tuấn Thảo
Nhạc phẩm El Cóndor Pasa là điệu dân ca của Peru nổi tiếng nhất ở nước ngoài. Vào năm 2004, chính quyền Lima nâng ca khúc này lên hàng di sản văn hóa quốc gia. Nhưng ít ai để ý rằng phiên bản chính thức của bài El Cóndor Pasa ra đời tại Peru vào năm 1913, tức cách đây đúng một thế kỷ.

El Cóndor Pasa - Phiên bản 2013 - Simon & Garfunkel
28/06/2013
Nhân dịp này, mời quý thính giả và các bạn cùng khám phá một phiên bản hòa âm mới của bài El Cóndor Pasa do RFI thực hiện vào năm 2013. Chương trình nằm trong khuôn khổ loạt bài phát thanh mùa hè với chủ đề "Giai điệu muôn thuở" trên đài RFI. 
Trước năm 1913, bản nhạc El Cóndor Pasa đã là một khúc hát dân gian quen thuộc có từ thế kỷ XVIII, nhưng lại khuyết danh tác giả. Nhạc sĩ Daniel Alomía Robles cùng với nhà biên đạo kịch Julio de La Paz (tên thật là Julio Baudouin y Paz) đã hoàn chỉnh ca khúc này từ giai điệu đến lời ca, để đưa nó vào trong một vở kịch zarzuela.
Theo truyền thống Tây Ban Nha, zarzuela (có từ giữa thế kỷ XVII) thuộc vào dạng ca vũ kịch, kết hợp đối thoại, ca khúc với hoạt cảnh múa. Kịch hát zarzuela không nghiêm túc bằng opera, thể loại gần giống nhất là kịch opérette của Pháp.
Vở kịch mang tựa đề "Soy la Paloma que el Nido Perdió", dùng hình tượng của cánh chim mất tổ ấm, con người không còn quê hương, được diễn lần đầu tiên cách đây đúng 100 năm tại Teatro Mazzi, nhà hát lớn thủ đô Lima. Đến năm 1933, toàn bộ tác phẩm được xuất bản, rồi sau đó chìm dần vào quên lãng, nhưng ca khúc El Condor Pasa lại nổi tiếng trên khắp thế giới.


Qua hình tượng của cánh chim Đại Bàng Lướt Bay hai tác giả Daniel Alomía Robles và Julio de La Paz nói lên tình hoài hương và xa hơn nữa là sự gắn bó của họ với nền văn hóa cổ truyền Inca, có từ thời xa xưa, trước khi đội quân viễn chinh Tây Ban Nha thống trị vùng đất Nam Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà hai tác giả dựa vào thổ ngữ địa phương để đặt lời ca tiếng Tây Ban Nha cho bài hát. Tựa đề bản nhạc nguyên gốc được viết bằng tiếng quechua là Kuntur, Kuntur, trong khi El Cóndor Pasa là tựa đề tiếng Tây Ban Nha. Gọi là thổ ngữ địa phương, nhưng tiếng quechua lại có hơn 10 triệu người sử dụng ở các nước Nam Mỹ, từ Peru đến Bolivia, từ Ecuador đến vùng cao nguyên miền bắc Argentina. Tiếng quechua chỉ được Peru công nhận làm ngôn ngữ chính thức vào năm 1975.
Do nguồn gốc bài hát là một bản dân ca của Peru, cho nên ngôn ngữ địa phương thích hợp hơn so với tiếng Tây Ban Nha. Theo ghi nhận của chuyên gia ngôn ngữ Nam Mỹ Rodolfo Cerrón-Palomino, vào thời kỳ huy hoàng của đế chế Inca, ngôn ngữ chính thức là tiếng aymara chứ không phải là tiếng quechua. Tuy nhiên, aymara chủ yếu được dùng trong các văn bản hành chính, trong khi thổ ngữ quechua thì lại rất phổ biến thông dụng trong dân gian.


Nguyên gốc bản nhạc Kuntur, Kuntur (El Cóndor Pasa) thuộc vào thể điệu huayno, dành cho tiệc cưới, lễ hội. Hai tác giả Robles và La Paz khi hoàn chỉnh ca khúc không giữ lại nhịp điệu rộn ràng vui tươi trong đoạn cuối. Bài hát nói lên tâm trạng của những người sống tha hương, nhìn thấy đại bàng lướt bay trên bầu trời mát lạnh mà bỗng chạnh lòng nhung nhớ quê cha đất tổ.
Xếp cánh đại bàng, về bên dãy núi. Kẻ tha hương hứa hẹn một ngày về thăm quê hương xứ sở, tìm lại tâm hồn dân tộc Inca qua hình tượng của dãy núi Andes, của kinh thành Machu Picchu và của cố đô Cuzco. Trên xứ sở Peru, bản dân ca này đã được nhiều nghệ sĩ trình bày ghi âm lại.
Nhóm đầu tiên đưa ca khúc này ra nước ngoài kể từ đầu những năm 1960 là ban nhạc Urubamba, ghép lại hai từ uru và bamba thành một chữ. Chữ uru vì nhóm này chuyên chơi các nhạc cụ dân tộc xuất thân từ Uruguay, và bamba là một khúc dân ca truyền thống của người Mêhicô có từ năm 1683 (cuối thế kỷ XVII).


Ban nhạc Urubamba được thành lập vào năm 1956, vài năm sau đó mới đổi tên thành Los Incas, họ chuyên sử dụng các nhạc cụ cổ truyền và biểu diễn các bài dân ca Nam Mỹ. Trong số các tiết mục biểu diễn của họ có bài Paso del Condor, hát bằng tiếng Tây Ban Nha (phóng tác từ Kuntur, Kuntur).
Đến Paris lưu diễn vào năm 1963, tức cách đây đúng nửa thế kỷ, thành viên sáng lập ban nhạc là Jorge Milchberg mới giúp chuyển dịch bài hát sang tiếng Pháp thành Sur le Chemin des Andes (Đường lên dãy núi), do Marie Laforêt ghi âm năm 1966.
Khúc dân ca này sau đó lọt vào tai của Paul Simon thuộc ban song ca Simon & Garfunkel. Tác giả người Mỹ mới viết lời tiếng Anh If I Could cho bản nhạc. Do không chuyên về các nhạc cụ truyền thống Nam Mỹ, nên ban song ca mới nhờ nhóm Los Incas ghi âm bài này cùng với họ vào năm 1970.
Ngoài tiếng sáo thần nhân dương (tức là sáo thần Pan - pan flute), giai điệu còn thuần chất Peru nhờ tiếng đàn đặc thù charango, một loại đàn giống như mandoline nhưng có đến mười dây. Nhạc cụ đặc trưng này của các cộng đồng thổ dân sinh sống tại các vùng cao nguyên, được sáng chế tại thành phố Ayacucho của Peru từ thế kỷ XVII, sau đó được phổ biến rộng rãi ở các nước Nam Mỹ.


Phiên bản tiếng Anh của Simon & Garfunkel giúp bài hát chinh phục thêm nhiều tầng lớp khán giả. Hàng loạt phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau lần lượt ra đời kể cả tiếng Croatia, tiếng Ý, tiếng Nga, Hà Lan, Do Thái. Phiên bản tiếng Hoa gồm cả hai lời Quan Thoại và Quảng Đông. Còn trong tiếng Việt thì có phiên bản ghi âm song ngữ của nam ca sĩ Anh Khoa.
Thành công của El Condor Pasa gợi hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ khác. Vào năm 1975, tác giả người Peru Walter León Aguilar, thành viên sáng lập nhóm Los Illusionistas viết ca khúc La Colegiala. Từ đầu những năm 1980 trở đi, bản nhạc trở nên rất quen thuộc vì giai điệu được chọn làm nhạc quảng cáo cho một thương hiệu cà phê. Nhưng đây là một ca khúc nhạc nhẹ, sáng tác theo thể điệu cumbia colombiana, chứ không phải là một bản dân ca truyền thống như điệu huyano của người Inca.
Dù được nhiều lần phóng tác chuyển ngữ, nhưng không có phiên bản nào của El Cóndor Pasa lột tả được trọn vẹn tâm hồn của dân tộc Inca, với nguyên tác viết bằng thổ ngữ quechua. Lời ca mộc mạc đơn giản nhưng man mác nỗi buồn, mênh mông lưu luyến. Tiếng sáo nhân dương dào dạt dập dìu, tiếng đàn charango rung động tha thiết nhưng không lâm ly ai oán, mà lại thổn thức dìu dịu. Do có thân hình rất nặng, cho nên đại bàng (kuntur) không bao giờ cất cánh tung bay mà chỉ dựa vào sức gió để xoải cánh lượn bay, tùy theo luồng gió mà bay lên, bay xuống.
Chính cũng vì thế mà trong nguyên tác, giai điệu bài hát mô phỏng theo nhịp điệu xoải cánh chầm chậm khoan thai của loài chim đại bàng, đối chiếu một bên là tâm hồn nặng trĩu của những kẻ tha hương, và một bên là sự gửi gấm những tình cảm hoài niệm chan chứa trong tim, nhẹ nhàng lướt gió theo đại bàng cánh chim. Nguyên tác của bản nhạc El Cóndor Pasa vì vậy không những rất tình, mà còn rất người. Bởi vì ở bất cứ nơi đâu, kỷ niệm nhè nhẹ ban đầu, nặng dần năm tháng qua mau, rồi không biết từ thuở nào, khiến linh hồn thêm nhức nhối đớn đau.






 http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20130628-100-nam-el-condor-pasa-hoai-huong-tam-hon-inca

 
Giai thoại và ý nghĩa của bản nhạc "Comme Toi"
Tuấn Thảo
Cách đây 30 năm, một tác giả vừa tròn 30 tuổi cho ra mắt một tập nhạc mà ban đầu ít ai để ý tới. Vài tháng sau, album này phá kỷ lục số bán với gần một triệu bản chỉ riêng trên thị trường Pháp, khẳng định Jean Jacques Goldman như là một trong những ca sĩ kiêm tác giả hàng đầu, thành công trong ba thập niên liền.
Mang tựa đề Minoritaire (có nghĩa là Thiểu Số), tập nhạc được phát hành vào năm 1982, là album thứ nhì của Jean Jacques Goldman. Gọi là album thứ nhì nhưng thật ra anh đã có 7 năm tay nghề. Trước khi khởi nghiệp hát solo, Jean Jacques Goldman từng là giọng ca chính của ban nhạc rock Tài Phong, do hai anh em nghệ sĩ gốc Việt sáng lập (Khanh Mai và Tài Sinh). Cả nhóm này ăn khách vào mùa hè năm 1975 với bản nhạc slow rock mang tựa đề Sister Jane, mang đậm ảnh hưởng của Lou Reed với ban nhạc Velvet Underground, nhiều hơn là bản nhạc Angie của Mick Jagger với nhóm The Rolling Stones.
Comme Toi - Về chốn thiên đường

Về phần Jean Jacques Goldman, tập nhạc solo thứ nhì của anh dày đặc chất pop rock, tiết tấu sôi động lôi cuốn, nhịp điệu rắn chắc vững vàng. Đa số các bản nhạc có khúc dạo đàn bằng ghi ta điện, thổi một luồng gió mới vào trong ca từ, khoác cho album này một sắc thái trẻ trung hồn nhiên. Nhưng trong bộ sưu tập của những ca khúc nhạc rock gân cốt cứng cựa ấy, tiêu biểu nhất là hai nhạc phẩm Quand la musique est bonne (tạm dịch là Tiếng nhạc chân thành) và Au bout de mes rêves (Đến tận cùng giấc mơ), lại xuất hiện bài Comme Toi, một giai điệu trữ tình lãng mạn, nhưng nội dung ca từ không hề kể chuyện đôi lứa nồng nàn, mà lại nói về tình người miên man, tha thiết ngập tràn.
Về giai thoại của bản nhạc Comme toi, theo lời kể của chính tác giả Jean Jacques Goldman, anh đã viết bài này cho đứa con gái đầu lòng (tên là Caroline). Cũng cần biết rằng, Jean Jacques Goldman lớn lên trong một gia đình người gốc Do Thái. Thân mẫu của anh sinh trưởng tại Đức. Còn thân phụ là người gốc Ba Lan, từng tham gia kháng chiến chống Đức Quốc Xã. Thời còn nhỏ, Jean Jacques Goldman ít khi nào nghe song thân kể lại cái thời loạn lạc chinh chiến. Cho đến cái ngày anh được xem tập ảnh chụp lưu niệm của bố mẹ anh.
Comme Toi - Nguyên tác của Jean Jacques Goldamn

Những tấm hình hết sức bình thường, mà bao gia đình vẫn chụp mỗi khi có dịp tụ họp quây quần lại với nhau. Đối với Jean Jacques Goldman, những gương mặt trong các tấm ảnh, dù là bà con họ hàng, nhưng vẫn hoàn toàn xa lạ, có người đã qua đời, người thì còn kẹt lại ở Ba Lan. Nhưng điều làm cho anh bất ngờ nhất là nhiều tấm hình lưu niệm có đánh dấu ở phía dưới. Hỏi ra anh mới biết là những người này đã mất tích hay đã chết trong các trại tập trung.
Bàng hoàng xúc động, Jean Jacques Goldman mới đặt bút viết thành bản nhạc Comme Toi. Trong đó, anh kể lại câu chuyện của một cô bé người Ba Lan 8 tuổi tên là Sarah, lớn lên trong tình thương của cha mẹ, đi học ở trường làng, thích đọc chuyện cổ tích thần tiên, mê tiếng đàn dương cầm cổ điển. Thế nhưng, hạnh phúc tuổi thơ, mái ấm gia đình đột ngột nát tan, khi chiến tranh ập đến. Giấc mơ được một cuộc sống bình thường của cô bé Sarah chẳng bao giờ thành hiện thực.
Với lối mô tả chi tiết, Jean Jacques Goldman viết nhạc phẩm Comme Toi như thể đang lật từng trang quyển album lưu niệm. Bài hát phác họa một khung ảnh chụp, chọn bối cảnh thời xưa để nói về thời nay. Nội dung bản nhạc là một lời nhắn nhủ của tác giả với đứa con gái đầu lòng, nhắc nhở mỗi con người sống yên ổn thời bình đừng bao giờ quên đi những mất mát hy sinh của bao thân phận lạc loài trong thời chiến.
Vì thế cho nên bản nhạc Comme Toi phải được dịch là Cũng như con. Bởi vì cũng như con, Sarah đang gối yên giấc mộng, tâm hồn trẻ thơ đầy khát vọng bềnh bồng. Nhưng rồi dòng đời lặng yên lại phong ba nổi sóng. Khác hay chăng là Sarah sẽ chẳng bao giờ được đến tuổi xuân nồng.
Comme Toi - Phiên bản tiếng Anh & Ả Rập

Tình khúc Comme Toi, sau khi ăn khách trong tiếng Pháp, lại càng được phổ biến hơn khi được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Cũng như nhạc phẩm Imagine của John Lennon, (cho dù tầm vóc của bài Comme Toi không thể lớn bằng Imagine) bài hát của Jean Jacques Goldman có cả lời Do Thái và Ả rập. Bản nhạc mang tựa đề Como Tu trong tiếng Tây Ban Nha, Come Te trong tiếng Ý.
Phiên bản tiếng Hoa là do ca sĩ người Đài Loan Terry Lin đặt lời và thể hiện. Trong tiếng Anh bài hát này được dịch thành hai lời là As You AreCalling You, phiên bản ăn khách là của Grace Deeb, ca sĩ người Liban. Còn trong tiếng Việt, bài Comme Toi cũng có hai lời khác hẳn nhau Về chốn Thiên đườngHãy đến với Em, do khá nhiều ca sĩ trong nước cũng như hải ngoại thể hiện từ Thu Phương đến Quang Dũng, từ Ngọc Lan đến Thanh Trúc. Góc vườn Âm nhạc RFI mời quý thính giả và các bạn nghe bài này dưới nhiều phiên bản khác nhau.
Comme Toi - Phiên bản Đài Loan

Bài hát Comme Toi là một trong những sáng tác đầu tay của Jean Jacques Goldman, nơi mà thể hiện cho sự truyền đạt tiếp nối, ghi lại lời kể của song thân để rồi truyền lại cho con gái đầu lòng. Qua đó, anh cũng bày tỏ sự gắn bó với nguồn cội, với đất mẹ quê cha, qua khúc dạo đàn vĩ cầm mang nhiều âm hưởng Đông Âu, điều mà anh có nhắc đến trong các album kế tiếp.
Xét trên nhiều phương diện, album thứ nhì của Jean Jacques Goldman, về nội dung đề cập đến sự truyền nối, nhưng về hình thức lại đoạn tuyệt với dòng nhạc những năm 1970, kể cả phong cách và sáng tác. Trong sáng tác, do rất ngưỡng mộ danh ca Léo Ferré, cho nên Jean Jacques Goldman gợi hứng từ tác giả bậc thầy cách dùng danh từ riêng để làm giàu vần điệu, nhưng thường hoán chuyển vị trí, đảo ngược ca từ, đan xen nghĩa đen với nghĩa bóng để tạo ra cách kết hợp hình tượng bất ngờ.
Chẳng hạn như trong nhạc phẩm C’est Extra, Léo Ferré dùng những chữ Moody BluesNuit Satin tức là Night in White Satin để nhân gấp đôi cách dùng ẩn dụ. Còn Jean Jacques Goldman trong nhạc phẩm Quand la Musique est bonne thì dùng chữ đàn Gibson và Tobacco’s Road để chỉ định tiếng đàn của người nô lệ da đen, nhức nhối nhưng không bao giờ biết giả dối.
Comme toi - Hãy đến với Anh

Về phong cách, Jean Jacques Goldman xây dựng hình ảnh của một nghệ sĩ bình dị chân phương, tức là đi ngược lại với sự hào nhoàng lộng lẫy của các ngôi sao dòng nhạc nhẹ của Pháp những năm 1970. Không phải ngẫu nhiên mà anh đặt tựa cho album đầu tay là Démodé có nghĩa là Lỗi thời, và tựa album thứ nhì là MinoritaireThiểu số. Cả hai tựa đề này đều bị các nhà sản xuất gạt bỏ, cho nên hai album đầu tiên của anh khi được phát hành thường không có tựa. Theo quan niệm của giới sản xuất, rất khó thể nào mà quảng cáo tiếp thị hình ảnh của một nghệ sĩ không muốn làm siêu sao.
Comme Toi - Phiên bản tiếng Do Thái

Có người từng so sánh cách viết nhạc của Jean Jacques Goldman như là một người chuyên làm phóng sự truyền hình. Sở trường của tác giả này là quan sát những mảnh đời thường, để rồi dùng câu chuyện của những con người tầm thường ấy để vẽ lên bức tranh xã hội : từ hoàn cảnh của người đàn bà neo đơn vừa đi làm vừa lo cho con trong bài Elle a fait un bébé toute seule, cho đến cảnh tượng một bà cụ đơn độc tuổi già trong bài La vie par procuration.
Bà cụ suốt ngày không có ai đến thăm viếng, nên để giành bánh mì khô vụn để làm bạn với bầy chim sẻ, với đàn bồ câu, biết đâu chừng thú vật còn biết ơn nghĩa hơn là con người. Vì doanh thu lợi nhuận mà các nhà sản xuất lại chóng quên rằng : Từ những câu chuyện cá nhân, tác giả lại dễ đạt đến tầm phổ quát. Gợi hứng từ những vách đời lẻ loi trơ trụi, điệu ru thoáng bay phút chốc ngậm ngùi, lời ca mới nghe đã thấm lòng người.





eature=player_embedded" frameborder="0" allowfullscreen>


 TỪ KHÓA : Âm nhạc - Nhân vật - Tạp chí - Văn hóa
Nhạc Pháp lời Việt : Solenzara nào có Nắng Xuân
Enrico Macias ghi âm Solenzara, bản tiếng Pháp vào năm 1967 (DR)
Enrico Macias ghi âm Solenzara, bản tiếng Pháp vào năm 1967 (DR)
Tuấn Thảo
Có những địa danh đi vào huyền thoại nhờ vào bản nhạc, bài ca. Có những thắng cảnh vương vấn tâm hồn một khi đã qua. Syracuse ở Sicilia mê hoặc thấm mềm con tim sắt đá, Capri của Ý say đắm trọn đời tiếng vọng tình ca. Còn Solenzara tại Pháp xao xuyến nỗi niềm lòng người đi xa.
Nằm trên Bờ biển Xà cừ (Côte de Nacre), thành phố Solenzara được liệt vào hàng danh lam thắng cảnh của đảo Corse, ở ngoài khơi miền nam nước Pháp. Tuy chưa từng đặt chân đến nhưng nhiều du khách trên thế giới đều từng nghe nhắc tới địa danh nhờ vào một bài hát ăn khách vào năm 1967.
Người đầu tiên ghi âm bài này trong tiếng Pháp là ca sĩ Enrico Macias. Ca khúc của anh tuy rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lại không phải là phiên bản chính gốc. Trong nguyên tác, đây là một bài ca của đảo Corse, do nhạc sĩ Dominique Marfisi sáng tác vào năm 1961, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ.
Sinh trưởng tại Oletta, một ngôi làng ở miền núi hẻo lánh, tác giả Dominique Marfisi (sinh năm 1902 - mất năm 1973) rời đảo Corse đến Pháp lập nghiệp năm ông 18 tuổi. Thời còn nhỏ, ông đã có năng khiếu âm nhạc, học đàn piano với thầy là Michel Costa, một giáo sư trường quốc gia âm nhạc đã về hưu. Tuy giỏi sáng tác, nhưng đối với Dominique Marfisi, công việc soạn nhạc chỉ là một nghề tay trái vì trong hơn 35 năm liền ông làm việc cho Cơ quan kiểm lâm.
Solenzara : bản ngợi ca tình quê hương
Do xa quê mẹ từ lúc ông mới trưởng thành, cho nên sáng tác của ông gắn liền với đảo Corse. Chủ đề ưng ý của tác giả này trước sau vẫn là tình quê hương. Vào năm 1965, ông từng đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác của thành phố Nice nhờ một tập thơ song ngữ viết bằng tiếng Corse lẫn tiếng Pháp.
Về mặt ca khúc, số lượng bài hát do ông sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ khá nhiều, trong đó có các bài như Sirinata (Dạ khúc) hay U Mio Mulinu (Cối xay đầu làng). Nhưng bản nhạc Solenzara vẫn nổi tiếng hơn cả do đã được chuyển dịch sang hàng chục thứ tiếng khác nhau.
Vào năm 1961, tác giả Dominique Marfisi đến tuổi về hưu, dọn nhà về sống luôn trên đảo Corse. Nhân một buổi ăn mừng sinh nhật của một người bạn tại Solenzara, ông tổ chức một bữa tiệc tại quán nhạc Mare e Festa. Cả nhóm bạn rủ nhau đi du thuyền trước giờ ăn tối.
Thuyền vừa ra khơi lúc mặt trời bắt đầu lặn, ánh nắng chiều tà phủ ánh ngân quang, ngả bạc màu sóng biển. Ngoảnh mặt lại nhìn đằng sau lưng khung cảnh nên thơ của một ngôi làng trải khắp chân đồi, ông mới thốt lên câu nói : Không tìm thấy nơi nào đẹp bằng Solenzara (A Solenzara, piu bella un si po sta). Cũng từ giai thoại này mà ông chấp bút viết thành bản nhạc nổi tiếng cùng tên.
Trong vòng nhiều năm, Solenzara là một ca khúc rất thịnh hành trên đảo Corse nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Mãi đến năm 1967, bản nhạc này mới lọt vào tai của ca sĩ Enrico Macias. Do rất thích giai điệu của bài hát, nên anh mới nhờ người khác chuyển dịch lời ca sang tiếng Pháp.
Điệu ru trên vành nôi Địa Trung Hải
Phiên bản do Enrico Macias ghi âm trở thành một trong những tình khúc ăn khách nhất mùa hè năm 1967. Trong nguyên tác, bản nhạc được đánh bằng một bộ đàn dây, nhưng rõ nét nhất vẫn là đàn mandolin. Khi chuyển thể, bài hát chủ yếu dùng đàn ghita, thông dụng hơn nên càng dễ trở nên phổ biến.
Chỉ một năm sau, nhạc phẩm Solenzara trở thành điệu ru của vành nôi Địa Trung Hải, khi bài ca được đặt thêm lời tiếng Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Cuối những năm 1960, bản nhạc có cả lời tiếng Đức, Hà Lan rồi Đan Mạch. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là phiên bản tiếng Ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ba Tư (tiếng farsi của người Iran).
Một khi du nhập qua các nước này, bài Solenzara do là tên riêng, cho nên biểu tượng của tình quê hương thông qua một địa danh không còn được giữ lại. Phần hòa âm cũng ít dùng ghita và lại nhấn mạnh với bộ gỏ. Trội nhất là phiên bản của Vigen (Barge Khazan), ca sĩ người Iran, còn được mệnh danh là ông hoàng nhạc nhẹ phương Đông.
Có một điều rất lạ là mãi đến năm 1993, tức là hơn ba thập niên sau ngày ra đời, bài hát Solenzara mới được đặt lời tiếng Anh, để trở thành bản nhạc In the Death Car. Lạ lùng hơn nữa, đây là một phiên bản hoàn toàn phá cách do ca sĩ nhạc rock Iggy Pop ghi âm với ban nhạc Goran Bregovic.
Đây là ca khúc chủ đề của bộ phim Arizona Dream của đạo diễn Emir Kusturica từng đoạt giải Gấu Bạc tại liên hoan phim Berlin. Được chuyển đổi theo một nhịp điệu gần giống với reggae, bài hát lại đượm thêm hơi hướng của các bài dân ca du mục. Thành thử ra, thoạt nghe lần đầu, nhiều người nhận thấy là bài ca rất quen thuộc nhưng không nhớ rõ là bài nào.
Khoác thêm lời Việt cho giai điệu đẹp
Riêng tại châu Á, Solenzara cũng như bài Tombe la neige (Tuyết Rơi) của Adamo nằm trong số những ca khúc Pháp đầu tiên được đặt lời tiếng Nhật, ban đầu không phải là để cho người Nhật hát mà chủ yếu vì các ca sĩ Pháp thời đó đều có cái mốt ghi âm một phiên bản tiếng Nhật từ những ca khúc nổi tiếng của họ, hầu chinh phục dễ dàng hơn thị trường Nhật Bản. Cũng từ xứ hoa anh đào mà nhiều ca khúc tiếng Pháp du nhập Đài Loan, Hồng Kông hay Hàn Quốc.
Còn tại Việt Nam, bài Solenzara được tác giả Phạm Duy ‘‘chuyển ngữ’’ từ tiếng Pháp thành nhạc phẩm Nắng Xuân. Gọi là chuyển ngữ chứ không phải là chuyển dịch vì thật ra lời tiếng Việt không ăn nhập gì với phiên bản tiếng Pháp và càng xa hơn nữa với nguyên tác viết bằng tiếng Corse. Tình quê hương ban đầu đã nhường chỗ lại cho tình yêu đôi lứa và đổi hẳn luôn nhân vật cũng như bối cảnh câu chuyện.
Cũng như trường hợp của bài Lạc mất mùa xuân (lời việt của tác giả Lữ Liên đặt theo bài Le Géant de papier), các tác giả Việt Nam mượn một giai điệu đẹp của làng nhạc nước ngoài, để rồi khoác thêm áo mới cho hợp với phong cách và gần gủi với thị hiếu của người nghe nhạc Việt.
Suy cho cùng, Solenzara qua việc ngợi ca phong cảnh tuyệt đẹp của một địa danh, trong mắt của tác giả lại trở thành biểu tượng của tình hoài hương. Bài ca nói lên tất cả những thổn thức rung động của một chàng trai mới lớn khi phải lìa xa mái ấm gia đình, chia tay mối tình đầu đời, khung trời hạnh phúc tuổi thơ. Nhưng do được viết bởi một tác giả đến tuổi về chiều, Solenzara còn là một giai điệu hoài niệm lưu luyến, tiết tấu nặng lòng kẻ đi xa dù vẫn nhẹ nhàng xao xuyến. Tuổi thơ càng ngập tràn kỷ niệm, tuổi cao càng nhức nhối nỗi niềm.

No comments: