Friday, October 14, 2016

HUỲNH NGỌC CHÊNH - LÊ HIỀN ĐỨC - SAIGON

Monday, October 15, 2012

HUỲNH NGỌC CHÊNH * THƯƠNG QUÁ NHỮNG CỤ GIÀ VIỆT NAM

THƯƠNG QUÁ NHỮNG CỤ GIÀ VIỆT NAM


Khi đến tuổi về già, người ta gác hết mọi chuyện thế sự để về sống bình yên với con cháu, với thiên nhiên, tận hưởng sự thanh thản trong những giây phút cuối cùng còn lại trên cõi đời.
Nhưng đó là chuyện xảy ra ở xứ sở nào chứ không phải ở Việt Nam.
Tôi thương lắm cụ nhạc sĩ Tô Hải, đã 85 tuổi, không lúc nào được yên ổn trong lòng cho đến sức cùng lực kiệt trên giường bệnh, không còn cử động được những ngón tay, chỉ mấp máy được đôi môi vẫn cố gắng thì thào ra những lời lẽ  nói lên nỗi lo đau đáu về hiện tình đất nước cho con cháu ghi lại.
Ngày 11.4, cụ thì thào:
THÂN GỬI CÁC BẠN ĐỌC THÂN YÊU CỦA ..."Tớ"
Apr 11, 2010
Vậy là, sau nhiều ngày cố gắng vượt qua những cơn đau kéo dài và âm ỷ, để mỗi tuần có một bài viết lên mạng những điều dằn vặt trong tâm hồn và nhận thức của một người suốt đời đau khổ vì không dám nghĩ, dám nói những gì là THẬT nhất của cái đầu và trái tim minh…
Tới hôm nay, tớ đã bị cái tuổi già và bệnh tật (xẹp thêm một đốt xương sống nữa là 4) nó hành hạ tới mức "bác sỹ gia đình" (rất giỏi nhưng không có bằng tiến sỹ-giáo sư gì) cấm tớ không được ngồi quá 5 phút, cấm di chuyển dù chống gậy quá 10 phút ngay trong căn hộ, và đặc biệt xử dụng computer (trừ nằm mà đọc cũng không quá 30 phút/lượt... nếu không muốn liệt hẳn…
Quả là đau khổ vô cùng vì đang lúc muốn dùng hơi tàn lực kiệt của mình để góp sức với đời đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho một xã hội Việt Nam thật công bằng, thật dân chủ, thật văn minh...
Ngày tàn của tớ vậy là đang sắp đến nếu tớ cố gắng thêm cho "tờ báo công dân" của tớ được tồn tại thêm, bất chấp mọi áp lực của mọi phía..., nhất là một cái "chết không ra chết sống không ra sống" nghĩa là: bại liệt cả toàn thân lẫn cái bộ não đã lẫm cẫm này!
Ngày 28.4, cụ tiếp tục nói:
Nhật ký mở: Lực bất tòng tâm mất rồi các bạn của tôi ơi!
TRONG CUỘC ĐỜI CÓ NGÀN VẠN ĐIỀU CAY ĐẮNG, CAY ĐẮNG NÀO BẰNG LỰC BẤT TÒNG TÂM? 
Ngày 28 tháng 4/2012 
- Tưởng rằng xin được về nhà sau khi thoát khỏi cơn mê để được tự do góp phần tiếng nói của mình trong những giờ phút “nước sôi lửa bỏng”, bạn-thù đã ngày càng rõ ràng, hết đường nhập nhèm đánh lận con đen...
- Tưởng rằng hai mặt trận giữa một hệ thống chánh tổng, lý trưởng, quan huyện, quan phủ, tổng đốc, công sứ, toàn quyền cùng các đội quân lê dương, khố xanh, khố đỏ, hiến binh, cảnh sát... đang ra sức bảo vệ quyền lợi cho vài trăm tên tài phiệt và gia đình họ hàng chúng, và một bên là những người nông dân, nông dân Việt đang ngày đêm bị chúng chiếm đoạt hết tài sản, sức lao động mà “càng được mùa thì lúa càng mất giá”...mà “lương tăng một thì tăng giá đòi lại hai”,...mà bắt buộc vẫn phải khen là “Chưa có bao giờ đời sống dân ta tuyệt vời như hôm nay!”...là “Đây là khát vọng đi lên XHCN của toàn dân”! Còn...”nói ngược lại ông ra lệnh bắt bỏ tù, cho công an đánh bỏ mẹ!”
Khủng bố! Khủng bố tinh thần, khủng bố bằng võ lực! Khủng bố các kiểu, cà-rốt –cây gậy chán rồi chăng? nên lần này sau khi dán băng keo các cái miệng lắm điều về vụ Tiên Lãng thì nay đến vụ Xuân Quan -Văn Giang “lực lượng thù địch” đã công khai trải cả ngàn quân đủ loại để tấn công nhân dân ủi đất, cướp ruộng đồng của dân để biến một vùng trồng cây cảnh nổi tiếng trở thành cái tên Ê-Cô-Pắc đậm đà bản sắc... ngoại lai, sửa soạn chỗ ăn chơi cho mấy người dân không phải là người Việt!?
Nhạc sĩ Tô Hải phải nằm viết lúc còn khỏe
Và cụ thì thào nói tiếp:
Không phải là đáng tiếc mà là đáng phỉ nhổ là cái bọn, cho đến phút này, vẫn soen soét ngợi ca, vu cáo những người đứng về phía nông dân, công nhân... là nhưng "phần tử kích động nhằm lật đổ chính phủ", thậm chí quy chụp cho họ là lưc lượng thù địch, mặc xác họ là ai dù cách mạng lão thành đáng bậc cha ông, mặc cho họ là những giáo sư tiến sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ thứ thiệt, mặc dù họ đầy mình huân chương, thân thể còn đầy dấu vết của những chiến trận, những dấu vết của khủng bố của tù đầy... 
Trái lại những kẻ có tội với nhân dân chiếm đoạt đất đai, tài sản, phá của cải, bán tài nguyên, biến ngân hàng thành nơi buôn vàng buôn đô la, lộ bí mật thị trường chứng khoán để bắt tay nhau tích tụ tư bản...thì lại là những kẻ tự cử nhau điều khiển nền kinh tế nước nhà, bằng những học vị tự phong, những chức danh vô dụng, không một chút hiểu biết tối thiểu về chuyên môn! 
Bọn chuyên bưng bô, bồi bút mạt hạng này chúng biết, biết cả đấy, nhưng vì ăn phải bả đồng tiền nên thi nhau hua ra, tụng kinh tán thưởng trên đài, trên báo, trên ti vi, như những “vầng dương sáng ngời” sắp được đưa lên ngang tầm ba cha- ông- cháu thằng Thành, thăng Ỉn, thằng Ủn bên Bắc Triều Tiên (mà vừa qua trong điện chúc mừng thằng Ủn, "vua" nước ta đã hân hoan vui mừng gọi là "ĐỒNG CHÍ"!)
Rồi sau đó vào ngày 16.5  nghe người thân của nhạc sỹ thông báo:
THÔNG BÁO SỐ 2
Trong tuần qua, sức khỏe nhạc sĩ Tô Hải tuy có khá hơn lên nhưng bệnh danh được xác định là suy hô hấp, nghẽn phổi mãn tính, nên hôm nay, ông đã phải nhập lại Bệnh Viện HOÀN MỸ (Phan xích Long, BT, Saigon), phòng 910, để được theo dõi chăm sóc và điều trị.
------------------
TIN CẬP NHẬT
Cuối chiều nay, Friday May 18, 2012 nhạc sĩ Tô Hải đã được chuyển đến Phòng Hồi Sức Cấp Cứu để tiện tịnh dưỡng và điều trị hơn nên ông không còn ở phòng 910 nữa.
Xin thông báo để các bạn đọc gần xa được rõ.
Nhiều anh bạn trẻ ở Sài Gòn nghe tin nầy đã bật khóc, vội chạy đến bệnh viện để thăm ông.



Cái gì đã làm cho một cụ già đã từng đi theo chế độ nầy từ buổi sơ khai, nay đến lúc không còn thở được trên giường bệnh vẫn không để mình yên ổn?
Cái gì đã làm cho một cụ bà 80 tuổi cũng đã đi theo chế độ nầy từ lúc còn trong núi rừng tăm tối, nay phải lặn lội vào Nam ra Bắc, đi đến tận nơi phát ra những tiếng kêu oan khuất từ dân đen, phải thao thức đêm ngày đọc hàng vạn lá đơn kêu oan... Và mới đây nhất, vì đi theo làm chứng cho một blogger trẻ, cụ còn bị người của chính quyền giữ lại đến rạng sáng hôm sau, sau khi đã gây ra thương tích? Tôi muốn nói đến cụ bà Lê Hiền Đức, ngọn đèn hy vọng của hàng vạn dân oan. Dù hiểu rằng, cụ cũng không thể nào giúp được gì cho họ nhưng họ biết bám víu vào đâu trong tận cùng của sự nhiễu nhương nầy nếu không bám vào một bà cụ đã sức tàn lực kiệt? Tôi không thể không bậc khóc khi nghĩ đến tình cảnh của cụ ngay vào lúc nầy, khi tôi đang viết những giòng chữ nầy...
Tôi thương lắm vị tướng già Nguyễn Trọng Vĩnh, cụ đã hy sinh gần hết cuộc đời mình chiến đấu bảo vệ cho chế độ nầy, nay đến lúc tuổi già sức yếu vẫn không được thanh thản trong lòng để an hưởng những ân sủng của chế độ giành cho cụ. Cái gì đã bắt cụ phải xuống đường cùng thế hệ trẻ? Cái gì phải bắt cụ phải luôn luôn lên tiếng bênh vực cho những người thức tỉnh đang bị vùi dập?
Tôi cũng rất thương cụ tướng già Lê Đức Anh, cụ đã và đang thụ hưởng tất cả những ân sủng lớn nhất của chế độ nầy giành cho cụ, nay ở tuổi già bệnh tật, nói không ra lời vẫn không cho phép mình nằm yên, cố gắng gióng lên tiếng nói để bênh vực cho người dân bị oan khuất Đoàn Văn Vươn.
Tôi thương các cụ già đã chết như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ...đến khi trút hơi thở cuối cùng lòng dạ vẫn không yên về hiện tình đất nước.
Tôi cũng thương cho những cụ già khác của chế độ như cụ Nguyễn Văn An, Nguyễn Khoa Điềm, Đặng Quốc Bảo, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt...cũng được hưởng những ân sủng cao nhất nhưng vẫn không chút nào được thanh thản ở tuổi về già. Chỗ nầy, chỗ khác, cách nầy, cách khác các cụ cũng cố gióng lên hồi chuông phản tỉnh. Vì sao vậy?
Và tôi cũng thương những cụ già khác mà tôi biết được, tuy sống âm thầm lặng lẽ, không hé ra một lời nào nhưng trong lòng lại nặng như chì, cái khối nặng ẩn ức của lòng sám hối không được giải bày ra..
Các cụ, từ lúc thiếu thời đã can đảm đi theo tiếng gọi của lương tri đấu tranh chống lại chế độ thối nát để mong ra đời chế độ mới, ra đời một đất nước mới, một xã hội tự do, công bằng, không còn bất công áp bức. Thế nhưng cái các cụ và những kẻ tiếp bước các cụ tạo ra lại đối nghịch hẳn những gì các cụ mong ước.
Hồi xưa chỉ cần ăn cắp một lon gạo có thể bị đem ra xử bắn. Ngày nay dưới chế độ do các cụ tạo ra, người ta ăn cắp hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn cứ cho lên chức cao hơn. Và chuyện nầy lại không cá biệt.
Hồi xưa, bọn ác ôn thực dân phong kiến có cướp đất của dân lành thì cũng chỉ dám, mỗi lần, cướp riêng rẽ của một vài hộ dân. Ngày nay người ta, mỗi lần cướp đất, lại cướp của cả một xã với vài ngàn hộ nông dân. Người dân mất đất phản ứng lại bị hành hung, bị bắt bỏ tù.
Ngày xưa, thực dân đế quốc tuy áp bức vẫn cho các cụ làm báo, cho các cụ biểu tình, cho các cụ nói lên tiếng nói của mình, các cụ không bị du côn xã hội đen đến hành hung. Ngày nay, ngay những tiếng nói tâm tình trên các trang nhật ký riêng cũng bị cấm đoán, cũng bị gây khó dễ, bị côn đồ hành hung, và thậm chí có những người bị bắt ra tòa...Đi biểu tình chống xâm lược cũng bị bắt bớ, cũng bị du côn trá hình đánh đập. Ngày nay ở đâu mà ra bọn côn đồ nhiều thế?
Ngày xưa, phong kiến theo cơ chế cha truyền con nối nhưng chúng cũng chỉ cho một đứa con duy nhất kế ngôi. Những đứa con khác của vua cũng như con cháu của quan lại muốn ra làm quan cũng phải học hành thi cử đỗ đạt đến tiến sĩ mới được đề bạt dần lên. Ngày nay, có quá nhiều hoàng tử, công chúa, công tử, quận chúa....Họ lại chả cần phấn đấu gì cũng đưa ngay ra làm quan lớn.
Ngày xưa các cụ hy sinh để chiến đấu đuổi quân ngoại xâm. Ngày nay quân ngoại xâm được rước vào nằm phục sẵn khắp mọi nơi: Rừng đầu nguồn, khu kinh tế đồng bằng, Cao nguyên chiến lược, quân hải cảng chiến lược...
Còn nhiều điều ngược ngạo nữa, nhan nhản ra đấy, không cần kể thêm ra các cụ cũng đã biết rồi.
Vì biết hết những điều đó mà lòng dạ các cụ luôn nặng như chì, phải không các cụ?
Và vì những điều đó, bảo sao cụ bà Lê Hiền Đức có thể yên ổn nằm nhà.
Và vì những điều đó, bảo sao cụ Tô Hải đến gần tắt hơi trên giường bệnh vẫn cố thét lên những tiếng nói lương tri.
Thương quá các cụ và cũng thương cho dân tộc nầy.




MINH BẠCH LÊ HIỀN ĐỨC

 Sau khi lá thư này gởi đi, công dân Phạm Thị Dung Mỹ hãy tập hợp đầy đủ các bằng chứng, tài liệu bà bị ngược đãi, hành hạ và bôi nhọ vừa qua, đặc biệt các tài liệu của hàng ngàn dân oan cả nước khiếu kiện, cũng như các bằng chứng cụ thể về tham nhũng (mà có thể bà có được) của giới cầm quyền từ địa phương đến trung ương, để chuẩn bị tiếp đón đoàn luật sư do Tổ Chức Minh Bạch Quốc tế cử đến để hợp tác cùng bà khởi kiện giới cầm quyền Việt Nam. (Nguyễn Ngọc Già)

Mời xem 113 phường Cát Linh làm nhiệm vụ  "Cứu Cụ Hiền Đức"


 Đêm mùng 1 tháng 6, lúc 11 giờ 35, khi bà con, người thân của Cụ Hiền Đức phát hiện ra trên tầng 4, trong cửa kính có Cụ Già đang dùng dép đập vào cửa kính kêu cứu thì mấy người  bốc máy gọi điện cho 113 đến.
 

 15 phút sau họ đến gồm 4 người : hai cảnh sát 113, hai cảnh sát giao thông. Họ được một công an mặc thường phục đứng trong cổng ghé tai hội ý trong 5 phút rồi họ đi ra , bà con giữ lại yêu cầu giải quyết nhưng họ nói không có quyền hạn, đề nghị cử đại diện về phường giải quyết ! nghe hay không thưa bạn đọc ?
 
 
 


 Nếu các bạn xem xong thử nghĩ xem cảnh sát 113 trả lời như vậy thì họ chỉ được làm gì khi có các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân bị nhân dân tố cáo : cơ quan truyền thông giam giữ trái phép một cụ già 82 tuổi từ 3 giờ chiều đến 23 giờ 30, công an không biết làm gì ? hay họ cùng nhóm với đám xã hội trong cơ quan truyền thông 4 T kia ?

Hai an ninh, một áo trắng là Thảo của quận Đống đa có mặt suốt từ khi cụ Đức đến 4T.


Và 113 leo lên xe bỏ về, mặc cho Cụ Đức đang cần cấp cứu trên tầng 4.


 Thế đấy, vậy mà ngay hôm sau họ cắt ghép clip do các nhân viên của họ rình sẵn cụ Đức, chọc tức cụ để quay phim rồi đưa lên bôi xấu cụ. Có cả công an đến đọc biên bản lúc 3 giờ sáng trên tầng 4, lúc cụ bị chảy máu bê bết từ lúc 12 giờ đêm, khi ấy cụ đã gọi cho Luật sư Hà Huy Sơn thông báo cho con cháu và người thân gọi công an, cấp cứu đến cứu cụ.




  Những gì mà sở 4T và các lực lượng an ninh đã làm với Cụ Đức hôm mùng 1 tháng 6 là khó chấp nhận được, rất khốn nạn và bẩn thỉu. Mọi chứng cứ sẽ được đưa dần lên để họ nhận ra những việc làm của họ đều bị Nhân dân giám sát, ghi lại để làm rõ trước công luận.( Blog Nguyễn Xuân Diện)
Mời xem lại video clip của Anh Chí ghi cảnh bà cụ Lê Hiền Đức đập cửa kêu cứu lúc đêm khuya

Cụ Lê Hiền Đức đập cửa kêu cứu 

Theo Facebook Anh Chí – 23h55: Cụ Đức đập cửa kêu cứu nhưng không được ra. Cụ vừa gọi điện ra nói bị chảy máu. Mọi người lại xông vào đòi thả đưa cụ ra đi cấp cứu.
Tin khẩn lúc 23h05: Cụ Hiền Đức bị nhốt vào phòng kín, tắt hết điện. Cụ đập cửa kêu cứu. Bà con dưới đường xông vào cổng đòi lên cứu nhưng lực lượng an ninh và bảo vệ chặn cửa không cho vào. Xảy ra xô xát giữa bà con với lực lượng bảo vệ. Mọi người đến hiệp thông gấp.
Công dân Lê Hiền Đức đừng chần chờ nữa!

Sự việc TS. Nguyễn Xuân Diện và công dân Lê Hiền Đức đang bị “tổng tấn công” từ hệ thống công quyền với sự góp sức của bộ phận truyền thông như VTV, HTV, kể cả sự góp tay bỉ ổi của một vài kẻ nhân danh “nhà báo”, đang làm dấy lên làm sóng phẫn nộ trên khắp diễn đàn trong và ngoài nước. Điều bức xúc lớn lao của dư luận là việc hành xử nhẫn tâm với một cụ già trên 80 tuổi là điều khó chấp nhận đối với xã hội văn minh.

Hơn nữa, cụ già với tên thật – Phạm Thị Dung Mỹ đã từng được thế giới vinh danh vào năm 2007 với giải thưởng “Liêm Chính” do tổ chức Transparency International (Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế) (1) trao tặng. Giải thưởng không phải hiện kim, thay vào đó là: Tặng vật bằng pha lê cùng với tấm bằng ghi nhận công lao cống hiến của người được trao giải. Giá trị tinh thần cao cả đó càng chứng minh sự trong sạch tuyệt đối cho bất kỳ ai nhận giải thưởng danh giá này.

Chúng ta cũng biết, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đi đầu trong công cuộc chống tham nhũng, như tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp tài chính cho các quốc gia đẩy mạnh chống tham nhũng đồng thời trừng phạt kinh tế với các quốc gia thờ ơ với tham nhũng, các tổ chức, quốc gia trên đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chống tham nhũng trên toàn thế giới, hàng năm tổ chức thường liệt kê thành danh sách và xếp hạng các quốc gia về tham nhũng, là niềm tin cho các nhà đầu tư doanh nghiệp quốc tế. Nó có trụ sở chính tại thủ đô Berlin, Đức (1).

Sau công dân Việt Nam Phạm Thị Dung Mỹ, một trong 3 người đoạt giải Liêm Chính 2009 – 2010 là ông Gregory Ngbwa Mintsa ở Gabon (châu Phi).

Theo trang baomoi.com, cho biết (2):

Năm 2008, ông Gregory Ngbwa Mintsa cùng với chi nhánh Tổ chức Minh bạch thế giới ở Pháp kiện ba nhà lãnh đạo châu Phi dùng tiền tham nhũng mua hàng loạt bất động sản ở Pháp và Mỹ, gồm Tổng thống Omar Bongo ở Gabon (đã qua đời), Tổng thống Sassou Nguesso ở Cộng hòa Congo và Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm nghiệp Teodoro Nguema Obiang Mangue ở Guinea Xích đạo, con trai của Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.

Mặc dù bị đe dọa, bị phong tỏa tiền bạc, thậm chí bị tống giam nhưng ông kiên quyết không bỏ vụ kiện. Công sức của ông đã được đền đáp. Ngày 9-11 vừa qua, Tòa án tối cao Pháp đã ra phán quyết yêu cầu mở cuộc điều tra về bất động sản của các nhà lãnh đạo châu Phi nêu trên ở Pháp.

Hành động dũng cảm, kiên trì đã tạo ra kết quả tuyệt vời của người đoạt giải cùng với sự hỗ trợ tốt đẹp từ Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.

Với kết quả thành công thượng dẫn, tôi kính đề nghị công dân Phạm Thị Dung Mỹ hãy tiến hành mau chóng:

- Viết một lá thư gởi cho Tổ chức Transparency International (tiếng Việt cũng tốt, tiếng Anh càng hay). Trong đó nêu rõ qúa trình đấu tranh không mệt mỏi suốt 5 năm qua (kể từ khi bà đoạt giải thưởng uy tín này) cho công cuộc giải trừ nạn tham nhũng, mà bà kiên trì theo đuổi cho đến hơi thở cuối cùng. Lá thư đó cũng cần được xâu chuỗi, kết nối với sự kiện bà bị ứng xử kém văn hóa, rất thô bạo vừa qua. Sự việc bà bị vu khống, chậm trễ chăm sóc y tế, bị bỏ đói và nhốt người phi pháp nhiều giờ đồng hồ cần được nhấn mạnh trong lá thư như là sự trả thù từ giới cầm quyền nhắm vào bà và những ai sát cánh cùng bà trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực, chà đạp pháp luật. Đồng thời yêu cầu Tổ chức T.I chỉ định một đoàn luật sư mau chóng đến Việt Nam để hợp tác cùng bà làm việc (cần nêu số lượng Luật sư cụ thể, theo thiển ý của tôi, 5 vị luật sư là tối thiểu).

- Sau khi lá thư này gởi đi, công dân Phạm Thị Dung Mỹ hãy tập hợp đầy đủ các bằng chứng, tài liệu bà bị ngược đãi, hành hạ và bôi nhọ vừa qua, đặc biệt các tài liệu của hàng ngàn dân oan cả nước khiếu kiện, cũng như các bằng chứng cụ thể về tham nhũng (mà có thể bà có được) của giới cầm quyền từ địa phương đến trung ương, để chuẩn bị tiếp đón đoàn luật sư do Tổ Chức Minh Bạch Quốc tế cử đến để hợp tác cùng bà khởi kiện giới cầm quyền Việt Nam.

Bội nhọ danh dự công dân Phạm Thị Dung Mỹ là bôi nhọ danh dự Tổ chức Minh Bạch Quốc tế.

Hạ gục uy tín công dân Phạm Thị Dung Mỹ là hạ gục uy tín Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế.

Việt Nam đã là thành viên WTO, do đó giới cầm quyền cần học lại phép văn minh tối thiểu cần có với bạn bè thế giới. Những ai nhân danh Chính quyền Việt Nam hành xử thô bạo và ngược đãi Giải thưởng Liêm Chính Quốc tế – Phạm Thị Dung Mỹ cần phải được đối diện với vành móng ngựa thế giới để học lại bài học “Tôn trọng Pháp Luật”.

Người Việt Nam cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ cho công dân Phạm Thị Dung Mỹ, người đã được Đại sứ Thụy Điển – ông Rolf Bergman nhấn mạnh rằng:

Việt Nam cần tự hào vì có những công dân như bà Lê Hiền Đức, là người không những chỉ muốn Đảng và Nhà nước chấm dứt nạn tham nhũng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, đóng góp cụ thể vào cuộc chiến chống tham nhũng… hy vọng là bà Lê Hiền Đức sẽ là tấm gương điển hình cho nhiều người Việt Nam khác”
.

Người Việt Nam tự hào về bà, tri ân bà và đồng lòng lên tiếng bảo vệ bà – Người Công Dân Mẫu Mực – Giải Liêm Chính Quốc Tế 2007 – Lê Hiền Đức – Phạm Thị Dung Mỹ.






VŨ KHẮC KHOAN * NHẬP THIÊN THAI

Nhập Thiên thai

Tác giả: Vũ Khắc Khoan

Tôi nhớ rồi. Anh không cần nhắc lại nữa. Anh không tin à? Các anh hình như chẳng bao giờ tin ai. Anh nói sao? Hà... không có gì lạ lắm. Anh tin tôi bây giờ chỉ vì anh biết là tôi không thể phản được anh. Anh tưởng tôi không hiểu. Tôi hiểu ngay từ cái phút nhận lời hát lên để anh cưa xong cái chấn song sắt. Tôi biết là nếu muốn tố cáo anh thì tôi phải tố cáo ngay từ phút đó. Một phút sau khi cất tiếng hát, tôi đã là đồng lõa với anh rồi. Nếu bây giờ chuyện vỡ lở, anh vẫn có thể khai ngay tên tôi và tất cả anh em. Sao tôi không làm? Sao tôi không tố cáo anh? Bởi vì... bởi vì tại sao tôi lại tố cáo anh? Ở địa vị tôi chắc chắn là anh... Đừng chối! Tôi biết. Vì các anh là những người hiểu phép biện chứng. Các anh biết là các anh đang đi xuống và chính tôi, chính chúng tôi... Thôi, để lúc khác. Thế nào mà chúng ta chẳng gặp lại nhau?

Thế nào? Anh nhất định bắt tôi nhắc lại một lần nữa? Cũng được đi! Chúng ta còn nhiều thì giờ. Bây giờ chưa đến 6 giờ. Ở đây gần núi, sát rừng, nên đêm xuống mau. Thế này nhá: bao giờ trăng mọc thì tôi bắt đầu kể một câu chuyện. Tất cả anh em sẽ xúm lại nghe, ở đầu phòng đằng kia. Anh thì nằm sát ngay cửa sổ đằng này. Nó đứng gác phía cửa sổ đằng kia và sẽ luôn luôn nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi sẽ giả vờ say mê câu chuyện. Nó sẽ yên tâm mà không để ý tới anh... À, có đích cửa sổ này nhìn ra hướng Đông? Đúng chứ? Mặt trăng sẽ mọc phía này. Anh nằm sát chân tường, trong bóng tối. Ánh trăng chiếu rõ chúng tôi. Thế rồi, khi nào trăng lặn thì... Trăng lặn vào lúc mấy giờ nhỉ? Hôm nay mùng 5 ta. Trăng thượng tuần. Trăng lưỡi liềm. Chúng ta có đúng hai tiếng đồng hồ. Tôi phải kể một câu chuyện ít nhất là trong hai tiếng đồng hồ. Cũng may là lũ lính gác ở đây lại biết là tôi hay kể chuyện mua vui cho anh em. Anh cũng nhận thấy điều ấy? Chắc vì thế cho nên anh mới nghĩ ra cả cái kế hoạch này. Kể cũng may cho anh đấy, vì theo thường lệ ở mọi trại giam, khi đi ngủ, có bao giờ được phép tụm năm tụm ba đâu. Anh không biết à? Anh bị lần đầu? Tôi... thì... không phải lần đầu.

Lần này chính các anh đã giam tôi. Ở đây. Thế rồi Pháp nhảy dù. Và tôi vẫn tiếp tục bị giam. À... nó ngờ. Còn đợi lệnh Hà Nội, chắc thế.

Kể cũng may cho anh ta thật! Nhưng nghĩ kỹ, thì cũng buồn cho tôi. Anh muốn biết tại sao? Vì tôi vừa nhận thấy câu chuyện tôi sắp kể, đối với anh, sẽ chỉ có giá trị là một phương tiện trong một giai đoạn. Một cái dũa để dũa một chấn song. Không hơn không kém. Tính tôi lẩm cẩm, có phải không anh? Nhưng... tôi cho kể chuyện cũng là làm văn nghệ. Chủ quan? Thì người làm văn nghệ nào mà chẳng chủ quan? Thôi… chúng ta sắp lạc vào đất lý thuyết rồi. Điều quan trọng lúc này chính là phải tĩnh trí để mà thực hiện cho đúng kế hoạch. Phần việc của anh, tôi cũng nhớ. Anh phải leo qua cửa sổ. Chấn song cưa sẵn, chỉ cần đẩy mạnh một chút thôi. Cửa sổ trông ra đường. Bên kia đường là rừng, nghĩa là tự do... theo cái nghĩa các anh.

Kèn! Chúng nó đi ăn. Ta lại phía cửa đằng kia. Nhìn chúng nó một chút. Ở đây, đó là một trò giải trí lành mạnh. Lắm lúc tôi tự hỏi giữa chúng nó và chúng ta, giữa thằng gác tù và thằng ở tù, không biết thằng nào tù hơn thằng nào!

Anh sắp thoát nơi đây. Anh sắp trở lại cái nơi mà nhân danh công việc xây dựng một Thiên đường cho Nhân loại, các anh đang thủ tiêu nửa phần Nhân loại. Giải phóng? Anh định bỡn ai ở đây? Ở phòng giam này, có tám tên tù thì bảy kẻ đã là tù cũ của các anh...

Chúng nó ăn cơm xong rồi. Thế thì trăng cũng sắp lên đó. Kể cũng tức cười. Thế là cả cái ông trăng, đối với các anh, cũng đang trở thành một thứ công cụ giai đoạn. Để chỉ một thứ thời giờ.

Đáng thương mà cũng đáng giận cho cái gã thi sĩ "rất kỵ đàn bà" của các anh. Chính gã có phen đã viết nổi:

Trăng võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng.

Vậy mà... hỡi ơi!...

Không hiểu trong cái Thiên đường lý tưởng của các anh, con người có còn biết ngắm trăng không nhỉ? Anh nói sao? No và ấm? Nhưng còn thiếu, anh ạ. Vì các anh không để ý đến cái mà những người như tôi muốn nuôi dưỡng. Cái mà các anh đã liệt vào loại kẻ thù số một, trên cả địa chủ, cường hào, thực dân, phong kiến. Cái mà vì nó làm chúng ta xứng danh là những con người. Con người với đúng nghĩa của nó. Nghĩa là con người toàn diện.

Một Thiên đường. Danh từ đẹp đẽ thay, mà cũng quyến rũ thay! Anh đã đọc Anatole France chưa? Thế ra anh cũng đã đọc những loạt sách đó. Anh bạn trẻ ơi, anh có biết là tôi bắt đầu mến anh rồi không? Anh cho Anatole France hoài nghi và tiêu cực. Ý kiến của anh không làm tôi ngạc nhiên. Thật ra nhắc đến Anatole France chỉ vì nói đến Thiên đường. Chỉ vì Anatole France đã chán Thiên đường. Cũng như Từ Thức, cũng như Lưu Thần, Nguyễn Triệu đầu đời nhà Hán. Người thì chán, kẻ thì sợ, đến nỗi đã đến, đã ở, không chịu được mà phải trở về. Tại sao vậy? Một biểu tượng? Đồng ý với anh. Những biểu tượng đó ngụ cái ý gì? Anh thử nghĩ xem... Trăng vẫn chưa lên. Chúng ta còn có thì giờ...

Chúng có đổi phiên gác. Thằng này tôi biết. Một thứ lê dương kiểu mẫu. Người Đức? Không chắc đâu. Có lẽ chính hắn cũng đã quen. Từ vực thẳm ký ức của cuộc sống lê hải hồi đó, một đôi lần, giữa hai ly rượu, hương vị của một chiếc bánh madeleine nào đó chắc cũng có gợi lên một thoáng xứ sở, kết tinh quanh một vết thương nội tâm lâu ngày đã lên sẹo, đầu mối của những cuộc phiêu lưu... Bonsoir, pote! On parlait justement de toi, et du Paradis aussi... Veux-tu y aller, au Paradis? Non? Pourquoi? Le coin est trop pépère pour teszgiues? Ah...

Anh thử tưởng tượng một thứ người như thế kia mà sống ở một Thiên đường! Có mà loạn! Mà nhân loại này đâu có hiếm những mẫu người tương tự? Ấy là chưa kể biết bao nhiêu là mẫu người khác. Anh. Tôi. Và sáu người bạn kia. Mỗi người là một tâm sự. Mỗi người theo đuổi một kiếp, trong hằng hà sa số là kiếp con người.

Các anh đang khởi công xây dựng một Thiên đường trên cõi đất. Công tác vĩ đại nhưng thiên lệch vì kết quả chỉ có thể giải quyết những phiền trọc gây ra bởi cuộc sống xã hội bên ngoài. Mà tất nhiên là phải như thế. Giữa cuộc sống xã hội và cuộc sống nội tâm, những ai có hoài bão xây dựng Thiên đường đều phải chọn lựa. Thích Ca Mâu Ni, Christ... và bây giờ thì trái ngược lại, là Marx. Nhưng Thiên đường là gì?... Đối với tôi là một con người bình thường phải ăn, phải uống mà cũng yêu yêu, ghét ghét, thì Thiên đường chỉ là kết quả của một cố gắng phân cực trong cõi tư duy. Và như vậy thì Thiên đường cũng có nghĩa ngang với Địa ngục. Và hai thái cực của một thực tại đầy dẫy mâu thuẫn. Hai đầu tuyệt đối của một thứ dây mà con người là một tên hề múa may, làm xiếc ở trên. Mỗi bước tiến là một cố gắng bổ sung nặng nhẹ, ghi mọi thế quân bình tạm bợ, nhưng lại đòi hỏi những bước tiến sau. Tên hề dầu rợn chân đến mấy cũng vẫn phải tiến. Anh có thể tưởng tượng một thứ hề ung dung xuống tấn, giữ thế thủ ở một đầu dây?

Nói để làm gì? Để chờ trăng lên. Trăng sắp lên rồi. Anh nói sao? Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi! Ta bắt đầu thì vừa. Anh ra đàng kia. Thôi bày vẽ. Thế nào mà chả gặp lại nhau. Tôi chắc chắn như vậy. Sao? Anh bảo sao? Ờ, ý kiến hay đấy. Kể lại câu chuyện Nhập Thiên thai. Kể to à? Để làm gì? Anh cũng muốn nghe? Mà... anh nghe làm gì? Câu chuyện của tôi, đối với anh chỉ là một phương tiện. Anh nên tĩnh trí, nhìn trăng thì hơn. Trăng lặn thì... Thế cũng được. Anh muốn nghe thì nghe... Im.

Trăng lên...

Trăng buổi đó cũng không khác trăng đêm nay, bởi câu chuyện Nhập Thiên Thai bắt đầu vào một đêm thượng tuần, thuở nhà Hán vừa thu xong thiên hạ vào một mối, Lưu Bang xuống ngựa nghĩ kế an dân, trăm họ dần dần trở lại cuộc sống thanh bình thời vua Nghiêu, vua Thuấn.

Lúc bây giờ – trăng lưỡi liềm vừa nhô lên khỏi ngọn cây tùng – tại một thôn nhỏ miền Tây Bắc Trung Hoa, nhà cỏ lác đác ven một dòng sông vắng, có người đánh cá họ Nguyễn tên Triệu cũng vừa neo thuyền vào bến, tay cắp rổ cá, lững thững men theo con đường dốc thoải về nhà.

Đến đầu ngõ, nhìn xuống rổ, Nguyễn chợt thấy ánh trăng loang loáng trên mình cá. Bèn ngẩng đầu nhìn trăng thì thấy trăng nhếch mép như đùa, như cợt, ánh trăng xao xuyến trong lòng. Cảm giác đó, Nguyễn đã từng thấy thoáng lên gờn gợn, một đôi khi dừng tay tung lưới, cô đơn giữa khoảng nước trời bát ngát. Không hẳn là khó chịu. Cũng không hẳn là vui. Như thừa một cái gì mấp mé trong tâm. Như thiếu một cái gì nhẹ nhàng dìu dịu. Nguyễn cúi đầu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi không về nhà mà xăm xăm tiến thẳng tới nơi quán rượu đầu thôn, dựng ở một mom đất nhô hẳn ra sông.

Người chủ quán tên gọi Lưu Thần cùng một lứa tuổi với Nguyễn, vốn là người trọng nghĩa khinh tài, dựng quán bán rượu để mà uống rượu. Vì vậy cũng nổi tiếng là người khó tính. Khi gặp khách tục, dẫu vàng xếp đầy bày, Lưu cũng chỉ dọn những hạng rượu thường. Còn những thứ rượu hoặc cất bằng trái mơ phủ sương buổi sớm, hoặc pha men gạo nếp tơ đúc tới bảy lần, hoặc phơn phớt màu hồng thơm như môi con gái dậy thì, tất phải gặp người tri kỷ Lưu mới chịu đem ra. Những lúc đó, thường thâu đêm đối ẩm cùng khách, lộ bày tâm sự, bàn chuyện cổ kim, khách có trả tiền cũng không chịu lấy. Nguyễn là một trong đám người đó. Hai người còn lại giống nhau ở chỗ chưa lập gia đình. Vì thế đã thân, lại càng gắn chặt tình bằng, chuyện lớn, chuyện nhỏ, thường cũng nói với nhau.

Tới nơi quán đã đóng cửa, le lói ánh đèn lọt qua kẽ liếp. Nguyễn không lên tiếng, đẩy liếp mà vào. Lưu đặt bát xuống bàn, vỗ tay và reo lên:

"Đang ngắm trăng mà nghĩ tới bác. Đệ chắc bác có động tâm mà lại".

Nguyễn đặt rổ cá xuống đất mà rằng:

"Không hiểu tại trăng hay vì bác. Nhưng nhất định đêm nay không về nhà".

Rồi chỉ rổ cá mà nói tiếp:

"Đồ nhắm có đây, bác còn đợi gì mà không hóa kiếp cho lũ chúng sinh này?"

Lưu hô người nhà sửa soạn. Rồi lại tự mình đi tìm bát lớn đặt trước mặt Nguyễn, tự tay nâng vò mà rót đầy hai bát. Lúc bấy giờ, mặt trăng chênh chếch, ánh trăng lọt song loang loáng trên men rượu. Lòng bát ngậm trăng. Rượu chưa nhấp mà cả bát lẫn người, cùng gió nhẹ gợn sóng trên sông, tất cả đều đã chếnh choáng. Hai người im lặng nâng bát rượu mà uống cạn. Rồi lại im lặng ngắm trăng cạn luôn bát nữa.

Đến bát thứ ba, Lưu nâng lên rồi đặt xuống. Chàng nhìn thẳng vào Nguyễn mà nói rằng:

"Đệ nghe nói tâm sự thường theo men mà bốc ra lời. Nỗi u sầu cũng vì thế mà vơi đi theo lời tâm sự. Đệ chắc bác có điều nghĩ ngợi. Nếu vẫn coi đệ là chỗ tâm giao, sao yên lặng mà không lên tiếng?"

Nguyễn thở dài mà rằng:

"Muốn nói nhưng lại thấy là thừa. Bởi vẫn câu chuyện cũ. Sợ nhàm tai bác chăng?"

Lưu nghiêm nét mặt có vẻ không bằng lòng.

Nguyễn vội tiếp:

"Ít lâu nay, không hiểu sao, đệ lại thấy băn khoăn như những năm xưa. Đã tưởng ẩn mình trong chốn thô lậu, bỏ qua việc đời mà tiêu dao năm tháng cùng khói sông, sương núi, nhưng lòng riêng, riêng những hoang mang. Chiều nay, ngắm trăng mà tự thấy thẹn. Không cầm được lòng mà vẫn còn phân ngôi chủ khách. Mỏng manh là thân thế. Bền chặt là cái tự nhiên..."

Nguyễn dừng lời, nhận thấy bớt nỗi cô đơn trong niềm thắc mắc. Vì Lưu cũng đang cúi đầu suy nghĩ. Quán rượu mênh mang lặng lẽ. Lá rơi vài chiếc ngoài song. Sóng nhỏ vỗ bờ nhè nhẹ. Lưu nâng bát rượu uống cạn. Giọng chàng thủ thỉ cất lên:

"Bác đã nói, đệ đâu dám giấu? Thật tình cũng đang cảm thấy mất dần yên ổn trong lòng. Trước kia, có thể ngắm trăng mà quên thế sự, bình tĩnh ngâm thơ giữa buổi nhiễu nhương... Nhưng gần đây, cái ồn ào phức tạp bên ngoài đã thấy chen lấn vào cuộc sống lặng lẽ bên trong. Cho nên, tuy không muốn mà bên cạnh tiếng lá, lời chim, vẫn còn nghe thấy người mua kẻ bán, cố giữ mà trong làn gió của sông, trong hương thơm của hoa ngoại nội, vẫn thấy thoảng mùi tục lụy nồng nồng. Nung nấu thâu đêm suốt sáng, nỗi tâm sự thật cũng không ngờ lại có bác chia sẻ".

Nói đoạn, Lưu lại cạn thêm bát nữa.

Một lúc sau, Nguyễn mới nói:

"Bác nghĩ nhiều, chắc có cách!"

Lưu thủng thẳng mà rằng:

"Thế còn bác?"

"Thú thực thì cũng chưa biết làm gì. Xin cho nghe".

Lưu rằng:

"Tất là có cách. Chỉ sợ bác chưa quyết tâm thôi".

Nguyễn có vẻ giận:

"Bác ngờ đệ sao?"

Lưu cười:

"Không ngờ, nhưng cạn vò đã. Trăng sắp lặn rồi".

Vừa nói vừa bưng vò rót đầy bát. Hai người lại cùng nhau thù tạc, mặt trăng vừa lặn thì vò rượu cũng vừa kịp cạn. Trong thôn, trống điểm canh hai. Sao trên trời từng ngôi lóng lánh. Mặt sông mênh mang vắng lặng. Lúc bấy giờ Lưu mới lên tiếng:

"Đệ đã thức thâu đêm để nghĩ, tự canh một cho tới canh năm, đêm không phải là dài. Đời những cũng vậy, mấy ai sống quá trăm năm? Vậy mà thiên ma, bách chiết, nhỏ mồ hôi lấy bát cơm ăn, có bao giờ được hoàn toàn thư thái? Tâm hồn thì như muốn mọc cánh hồng, cánh hộc để vươn về Đạo lớn mà những trò múa rối chung quanh lại ra mặt trớ trêu cản trở, như đeo nặng thêm chì vào phần thể xác. Cuộc sống nơi đây, đệ đã thấy gây nhiều phiền trược. Vậy thì... trong ba mươi sáu cách, chỉ còn có một. Bác nghĩ sao?"

Nguyễn ngần ngừ chưa đáp, Lưu đã đứng lên, giọng hùng hồn thúc giục:

"Đêm nay không hẹn mà bác lại tới đây. Đó là cái duyên giữa chúng ta. Không lên đường ngay đêm nay, còn đợi đến bao giờ?"

Nguyễn đã hơi xiêu lòng:

"Nhưng còn việc nhà?"

Lưu cả cười mà rằng:

"Bác chưa lập gia đình mà đệ cũng chưa vợ chưa con. Cái quán rượu này đệ sẽ để cho tên bộc trông nom. Việc nhà như thế đã gọn chưa?"

"Đi hướng nào?"

"Đệ nghe nói càng tiến sâu vào phía Tây, càng lắm chỗ hoang vu, càng lắm nơi cốt cách. Ta ngược dòng sông mà đi".

"Vậy thì xin hiến con thuyền làm phương tiện".

Lưu cười ngất:

"Lần này, quyết tìm ra nơi đắc ý. Chúng ta sẽ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người và việc. Chúng ta sẽ lập được thế quân bình cho..."

Những lời nói cuối cùng tan trong gió đêm. Sao Bắc Đẩu chênh chếch, con thuyền bập bềnh ngược về phía Tây, giữa canh ba thì nhà cỏ trong thôn mờ dần trong sương bắt đầu phủ kín mặt nước, mờ dần trong tâm trí hai người bạn trai cưỡi sóng đi tìm đất sống.

Đất sống có nghĩa là Thiên đường. Ở trong câu chuyện, là Thiên thai. Lưu Nguyễn nhập Thiên thai. Thiên thai ở vào vùng nào nhỉ? Tôi cũng không biết. Mà cũng chả cần. Vì đây chỉ là một biểu tượng có một giá trị khá vững chắc, đối với thời gian và không gian, cho tới khi loài người ở mọi địa điểm trên thế giới thôi nuôi ảo mộng xây dựng Thiên đường trên cõi đất... Tôi không cố ý nói cạnh ai đâu, kể cả anh nữa. Tôi chỉ kể lại một câu chuyện cũ.

Bịa à? Thì tất nhiên phải bịa. Bịa hiểu theo nghĩa văn nghệ. Mà tất nhiên là văn nghệ lại phải hiểu theo cái nghĩa của tôi, của chúng tôi. Văn nghệ là gì? Sao anh rắc rối thế? Tôi tưởng trong lúc này, anh nên để ý đến ánh trăng thì hơn, vì trăng lặn thì... Anh nhất định bắt tôi giảng giải hay sao? Giảng thì giảng.

Vậy thì văn nghệ bắt nguồn ở một mâu thuẫn và hướng tới một thế quân bình. Nghĩa là văn nghệ dựa vào một chuyện có thật để "bịa" ra một chuyện sắp xảy ra. Chuyện có thật, ở đây, là Lưu, Nguyễn nhập Thiên thai. Còn chuyện sẽ xảy ra thì thú thực là chính tác giả của nó là tôi, trong giờ phút này, cũng chưa biết "bịa" ra làm sao cho ổn...

Tôi tưởng không gì hơn là theo dõi hai anh chàng Lưu, Nguyễn lúc bấy giờ đang bập bềnh trên dòng sông mỗi lúc nhỏ dần...

Dòng sông hẹp dần. Cho đến khi mạn thuyền sát bờ, thuyền không thể lách được nữa thì hai người buông mái chèo mà nhìn lên bờ. Lúc bấy giờ đang độ tiết hè mà cả hai người đều không thấy nóng. Mồ hôi tan ra thành hơi. Cả hai đứng dậy, người lâng lâng như chưa từng dùng sức chèo thuyền đã...

"Mấy hôm rồi, bác Nguyễn?"

"Hình như mới có một đêm".

"Bảy chứ?"

"Vô lý, vì ta có dừng lại nơi nào đâu? Mà có ăn uống gì đâu?"

"Ờ, mà bây giờ cũng không thấy đói..."

Lưu nhẹ nhàng nhảy lên bờ. Nguyễn cũng nhảy theo. Cả hai đứng sững. Đào thắm, liễu xanh, hồng, lan, huệ, cúc, tường vi, thược dược, mẫu đơn, rồi tiếng con oanh, con yến, con sáo, tiếng con sơn ca, màu sắc, thanh âm, hình dáng, cả một khoảng giang sơn cẩm tú đẹp đến rợn người, mở rộng từng ngách đi, từng mạch nhỏ, từng khe thẳm, từng dòng suối li ti, đón chào Lưu, Nguyễn. Mỗi bước đi là một bản nhạc thành hình. Mỗi bước tiến sâu vào nội địa là một khám phá tân kỳ, huyền ảo. Cứ như thế, theo bước chân bỡ ngỡ của Lưu và Nguyễn, cảm giác giữ nguyên vẹn ở bậc lâng lâng.

Cứ như thế – thời gian ngưng đọng và ánh sáng đổi màu tùy theo cảnh trí – không biết đã được bao lâu, Lưu khẽ hỏi Nguyễn:

"Thế nào, bác?"

"Sao?"

"Ta làm gì bây giờ?"

"Biết làm gì? Bác có đói không?"

"Không... Còn bác?"

"Đệ không thấy cả khát".

"Có lẽ ta dừng lại, nghỉ ngơi..."

"Bác mệt sao mà cần nghỉ?"

"Ấy, quen miệng thì nói, chứ có thấy gì đâu?"

Nhưng hai người cũng dừng lại bên một cỗi đào, quả chín phơn phớt lông tơ đỏ ửng như má người con gái đến tuổi cập kê. Nguyễn giơ tay với một quả, đưa lên miệng. Đào vừa chín tới, hương thơm phưng phức, ăn một miếng mà như nuốt cả trăm hoa vào bụng, gia dĩ lại vừa giòn, vừa ngọt, vừa dơn dớt chua, ăn một miếng lại thèm một miếng. Lưu cũng bắt chước Nguyễn. Và vội reo lên:

"Chà... ngon!"

Dứt lời, bỗng ở tận đâu đâu, nổi lên một khúc nhạc thiều, tiếng sênh lanh lảnh, tiếng phách mưa rơi, tiếng tì, tiếng nguyệt nhặt khoan, tiếng hồ u huyền, tiếng sáo, tiếng tiêu vắt vẻo. Thanh âm dìu dặt, ý nhạc là ý thanh bình, gọi đến cái cảnh thái hòa vua Nghiêu, vua Thuấn, có người Sào Phủ có người Hứa Do, có gã mục đồng chống gậy, đứng sững trên khoảng đồi cao, tâm hồn phơi phới trong một cơn mộng siêu hình.

Lưu, Nguyễn nhìn nhau chưa biết nói sao thì ở mỗi gốc cây, lùm lá, uyển chuyển nhón bước hiện ra một bầy thiếu nữ. Thế rồi những nét, những hình, mềm như tơ nõn, nhẹ tựa gió xuân, thanh âm, xiêm áo, trăm tía, nghìn hồng, tất cả nhịp nhàng hòa điệu trong một vũ khúc mà Lưu và Nguyễn đều nhận thấy chỉ có thể mệnh danh là một vũ khúc Nghê Thường. Hai chàng đang còn ngẩn ngơ, ngơ ngẩn, bỗng nghe có tiếng người nói bên cạnh. Giật mình ngoảnh lại, lại bàng hoàng vì sắc đẹp của hai thiếu nữ khép nép cạnh một khóm mẫu đơn màu tía. Để ý đến lời nói thì mới nghe rõ giọng chiếc oanh thỏ thẻ:

"Phu nhân đang đợi hai chàng".

Nguyễn đánh bạo mà hỏi:

"Phu nhân là ai?"

Thì chỉ thấy, lộ hàm răng ngọc, má lúm đồng tiền mà không thấy trả lời.

Nguyễn gặng hỏi:

"Các cô tên gì?"

Cô áo hồng giục cô áo trắng. Cô áo trắng dịu dàng:

"Mai Nhi".

Cô áo hồng bấy giờ mới tiếp theo:

"Còn em, thì em là Đào Nhi".

Nói đoạn hai cô gái nhón bước đi trước, Lưu, Nguyễn thong thả theo chân, lần quanh những khóm mẫu đơn cành Diêu chen đóa Ngụy, những dải phong lan thơm ngát, hoa Hạc đính sát với cánh Nhất điểm hồng, tới một tòa nhà kiến trúc tráng lệ, góc mái cong veo, thếp vàng, dát bạc.

Có con chim khách vụt bay lên. Đào Nhi và Mai Nhi tránh ra hai bên. Lưu, Nguyễn bước lên thềm cẩm thạch. Cánh cửa sơn son thếp vàng từ từ mở rộng.

Gian phòng trần thiết cực kỳ lộng lẫy. Những đồ bài trí trang hoàng nhất nhất đều là vật lạ mà cả Lưu lẫn Nguyễn đều chưa từng nhìn thấy. Cuối phòng là một cái giường thất bảo rủ rèm châu, hai bên có hai cái ghế bành bằng gỗ đàn hương.

Từ trong rèm, có tiếng đàn bà nói ra, giọng nghiêm mà ấm:

"Tính hiếu kỳ của hai chàng thế là đã mãn nguyện. Sự vui sướng trong một chuyến đi này cũng đã thỏa chí bình sinh. Âu cũng là cái duyên kỳ thiếu thú mà nơi đây lại được tiếp hai chàng. Xin mời ngồi".

Lưu và Nguyễn cúi đầu thi lễ rồi mỗi người ngồi xuống một cái ghế bành.

Lưu Thần dọn giọng rồi thưa:

"Chúng tôi là những người phàm. Nhưng một mái chèo quế, một lá thuyền nan, lòng thành muốn vượt cõi bụi để tìm một chỗ thoáng hơn thế sự. Thật không ngờ mà được tới đây. Song le lòng dục chưa gạn được trong, cảnh sắc được ngắm mà vẫn chấp mê, dám xin chỉ bảo rõ ràng cho được biết.

Người trong rèm như cười mà đáp:

"Có gì mà không rõ ràng?"

Nguyễn Triệu vội hỏi:

"Xin hỏi, phu nhân là ai, mà nơi đây là đâu?"

Ở trong rèm, như ngần ngừ. Nhưng rồi cũng đáp:

"Nơi đây tạm gọi là Thiên thai. Còn tôi thì chỉ là người đến trước. Cũng như hai chàng. Vì sẽ có người đến sau hai chàng. Và lúc đó, nếu còn ở lại, thì hai chàng sẽ lại là những người đến trước..."

"Lúc nãy... có hai cô gái..."

"À... Mai Nhi!"

"Và Đào Nhi..."

Giọng trong rèm thoáng một chút e dè:

"Đã biết tên rồi kia ư?"

Rất nhiều câu hỏi dồn dập làm nghẹn lời Lưu và Nguyễn.

Nhưng chủ nhân như biết ý:

"Hai chàng ở xa mới đến, chắc cần nghỉ ngơi. Xin để Đào và Mai đưa về thư phòng yên nghỉ. Sẽ xin tái ngộ".

Hai người đứng dậy thi lễ trước rèm rồi trở lui theo hai cô gái. Đi quanh mấy dãy hành lang mây xanh bám ở lan can, hoa lạ nở đầy mặt đất, hai người được dẫn vào một gian phòng trang hoàng u nhã, đủ đồ văn phòng tứ bảo, trên giá kê sát tường xếp đầy sách lạ.

Hai cô gái cúi đầu chào đi ra.

Lúc bấy giờ, đêm xuống đã từ lâu. Trăng nở chênh vênh trên một góc mái cong veo.

Lần tái ngộ với chủ nhân là một đêm đại yến. Chủ nhân vẫn ngồi trong rèm tại gian phòng cũ. Lưu và Nguyễn lại được mời ngồi ở hai chiếc ghế bành. Nhưng, đèn lấp lánh đốt bằng mỡ phượng, đệm vằn rồng xanh đỏ trải khắp gian phòng, nhạc tấu lên ở dãy hành lang, tiệc bày bằng mâm ngọc lưu ly, đĩa bằng chất san hô, các món sơn hào hải vị la liệt, rượu đủ màu đủ vị, hương thơm phưng phức, rót vào bát vàng đại đầu, dâng lên bởi những búp tay ngà, mỗi bát rượu là một khúc ca kèm theo một điệu múa, Lưu, Nguyễn tâm thần như thấy bâng khuâng, khi say khi tỉnh, uống uống, ăn ăn, lắm lúc giơ tay véo đùi sợ đang mê ngủ, có khi ẩn mặt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười.

Tiệc kéo dài từ canh một đến quá canh ba. Kịp đến lúc ngoài xa vẳng lại tiếng con chim lạ rúc đủ ba hồi thì ở trong rèm, chủ nhân mới lên tiếng:

"Bây giờ thì xin nói chuyện với hai chàng".

Câu nói có mãnh lực như một mệnh lệnh. Trong giây lát, cả bàn tiệc, khúc ca, điệu múa, thảy đều bị hãi. Gian phòng yên lặng khác thường. Đèn bớt sáng. Ánh trăng lành lạnh hắt vào sáng ngời một chiếc bình pha-lê với rượu bồ đào bỏ quên lại trên một chiếc đôn sứ xanh lam. Lưu và Nguyễn thấy thấm dần vào người mối buồn tỉnh rượu lúc canh tàn.

Cả hai đồng thanh:

"Xin nghe".

Ở trong rèm như nghĩ ngợi rồi mới nói:

"Trước hết xin hỏi một điều. Hai chàng định giữ nguyên ngôi khách quý hay có ý vĩnh viễn ở lại an cư?"

Lưu nhìn Nguyễn, Nguyễn cũng nhìn Lưu. Cuối cùng Lưu nói:

"Chúng tôi lìa bỏ nơi thô lậu, một đêm vượt sóng ra đi, thật không ngoài cái ý tìm một nơi thoát tục để di dưỡng tâm thần".

Nguyễn tiếp theo:

"Nếu chủ nhân rộng lượng mà không chê chúng tôi là những kẻ căn phàm thì xin cho nương nhờ cái khí tự nhiên nơi đây để dễ hướng về Đạo lớn..."

Chủ nhân ngắt lời:

"Hai chàng tới đây là đã dày căn tu luyện. Tôi không hẹp bụng mà ngăn cản ý trở về nguồn. Nhưng nhập gia tất phải tùy tục. Chỉ e phong tục nơi đây đạm bạc không dung nổi hai chàng thôi!"

Lưu Thần sốt sắng:

"Xin cứ nói cho nghe".

Nguyễn cũng vội vã mà rằng:

"Chúng tôi một đi là muốn tới. Nay tới, chẳng có lẽ lại về?"

Giọng chủ nhân vẫn bình tĩnh:

"Vậy thì xin hết lời" – chủ nhân ngừng lại trong giây lát rồi lại nói tiếp – "Số là Trời Đất mở ra tất phải phân phân hóa hóa. Cái lẽ âm dương tương sinh tương khắc ở đấy mà ra. Con người cũng như vạn vật cũng đều phải theo cái lẽ đó mà sinh sôi nảy nở. Nhưng thỉnh thoảng đến chỗ cùng cực của tang thương biến đổi thì tĩnh tâm, thành ý, con người lại nuôi cái ý muốn trở về nguồn. Lớn rồi đi, đi rồi xa, xa rồi trở về. Nói như thế không biết có đạt được ý không?"

Lưu, Nguyễn vâng vâng dạ dạ, chủ nhân lại tiếp:

"Cái ý muốn trở về nguồn đó, hàng ngàn thế kỷ qua đi, lại kết tinh thành cái khí thiêng liêng chung đúc ở một vài khoảng giang sơn trong vũ trụ. Non nước nơi đây là một".

"Thế ra kẻ hèn này đã đạt tới nguồn. Thảo nào, hoa hoa, lá lá..."

Chủ nhân chậm rãi cắt lời:

"Nguồn tất phải đẹp. Vì nguồn là Tuyệt Đối. Cho nên con người từ phân hóa sinh thành, mấy ai mà quên hẳn được nguồn?"

Đến đây chủ nhân ngừng nói, để yên lặng kéo dài trong giây lát, vừa đủ cho lời nói của mình kịp thấm vào trí não hai người nghe chuyện. Lúc bấy giờ Lưu và Nguyễn đã tỉnh hẳn cơn men. Cả hai đang sửa soạn thần trí để bước những bước đầu tiên trong cõi Tuyệt Đối. Khi cảm thấy đã đến lúc nói tiếp, giọng chủ nhân trong rèm mới lại cất lên:

"Nguồn là Tuyệt Đối, cho nên phân cực cũng rất rõ ràng. Có nơi toàn thể thuộc dương. Và cũng có nơi, như nơi đây, lại hoàn toàn là một nguồn âm cực. Từ cây cỏ, muôn hoa, từ vạn vật đến loài người thảy đều thuộc về âm tính. Không biết hai chàng có nhận thấy điều đó?"

Bước đầu tiến vào nội địa cõi Tuyệt Đối đã là một bước ngượng ngùng. Lưu và Nguyễn vừa ý thức được cái thế khó xử của mình: cái thế của một người đàn ông sống giữa một thế giới đàn bà.

Chủ nhân nói tiếp:

"Tôi hiểu hai chàng hiện đang lúng túng. Đặt cái mâu thuẫn trong cái đơn thuần, lồng cái Tương Đối vào khuôn Tuyệt Đối. Kể cũng khó thay! Nhưng..."

"Nhưng... đây là nguồn" – Nguyễn nghĩ thầm như vậy – "Từ đặt chân vào nguồn, mình đã thấy hết bận rộn cuộc đời ngoại giới. Cuộc sống nội tâm đã bắt đầu cởi mở. Lẽ nào lại bỏ mà về?"

Lưu cũng cúi đầu suy nghĩ. Chàng nghĩ rằng:

"Ta đã sống từ lâu như người xử sĩ. Chả lẽ không cầm nổi lòng trước đám phụ nhân hay sao?"

Chủ nhân như đọc được ý nghĩ của hai người:

"Hai chàng nghĩ lung là phải. Vì thật tình chỉ sợ cho hai chàng. Còn đám người nhà thì đã có gia pháp. Tôi tin họ không thể sai đường".

Lúc bấy giờ cả Lưu lẫn Nguyễn đều đã quyết định. Hai người đồng thanh:

"Chúng tôi đã quyết một lòng. Xin chủ nhân dạy cho gia pháp".

Chủ nhân rằng:

"Trời đất sinh ra, âm dương đối diện tất sinh tình. Vậy chỉ xin diệt hẳn chữ tình".

Hai người đồng thanh:

"Tưởng gì... nếu chỉ có một điều đó..."

Nhưng bị ngắt lời:

"Chúng tôi là căn tuyệt đối, giữ trọn âm tính là một điều dễ. Nhưng hai chàng dầu sao cũng còn mang nặng cái nghiệp tương đối. Vì thế mà khó chấn ngự nổi tình. Việc nếu xảy ra, tôi sẽ phải làm tròn nhiệm vụ bảo tồn sông núi nơi đây. Đến lúc đó dù muốn, cũng không dung nổi hai chàng. Vậy xin nói trước để hai chàng tiện bề quyết định".

Chủ nhân ngưng lời. Ánh trăng mờ dần trong yên lặng. Gian phòng mênh mang lạnh lẽo. Ở đàng xa, tít đàng xa, tiếng một con vượn cái hú dài...

"Thế nào, xin cho biết ý định?"

"Chúng tôi đã quyết. Xin tùy chủ nhân định đoạt".

Thế là Lưu, Nguyễn đã nhập Thiên thai. Cũng giống như anh, cách đây chắc không lâu, khi đứng trước một lá cờ và hai người giới thiệu, anh long trọng hứa giữ trọn "gia pháp" của cái thứ Thiên thai của anh. Không thể so sánh được à? Tại sao không? Cái tâm trạng của Lưu và Nguyễn khi lên đường tìm về Tuyệt Đối với cái tâm trạng của một thanh niên hào hiệp khát khao hành động theo một lý tưởng...

Anh đã lựa chọn. Giữa hai thái cực, sự lựa chọn của anh tất thiên về một phía. Cũng như Lưu và Nguyễn đã quên mất căn tương đối của kiếp người mà tìm nguồn Tuyệt Đối, thì giữa cái thế gọng kìm tư bản - vô sản, anh cũng đã quên hẳn cái thế của chính anh, của tất cả những người như anh, như tôi, cái thế của chúng ta. Nghĩa là cái thế của những con người tuy không tư bản nhưng nhất định không là vô sản.

Anh đã nhập Thiên thai. Thật cũng may mà anh bị bắt. Nếu không, thì chính anh, một ngày kia, anh cũng phải bắt buộc dời bỏ cái Thiên thai của anh. Ê đừng cáu! Người ta nói chuyện tử tế. Sử sách còn ghi lại đó. Từ Thức đã bỏ Thiên thai. Và Lưu, Nguyễn tất nhiên cũng thế. Tại sao? Nhớ nhà? Anh ngây thơ quá. Một người như Lưu và Nguyễn không bao giờ vì cái cớ nhỏ nhen nhớ nhà mà dời bỏ cái nơi mà cả hai đã hy sinh tất cả cái hiện hữu để mà đạt tới. Tại sao? Theo tôi thì không ở lại, chỉ vì không thể ở lại. Chỉ vì thấy Thiên thai không phải là chỗ của mình.

Anh còn nhớ lời chủ nhân cõi Thiên thai? "Âm dương đối diện tất sinh tình. Vậy chỉ xin diệt hẳn chữ tình".

Vậy mà Lưu Thần, Nguyễn Triệu lại chỉ là những con người...

Chủ nhân? Chủ nhân chỉ là giọng nói. Anh đoán đúng. Mai Nhi và Đào Nhi.

Nhưng trăng sắp lặn. Nếu anh muốn nghe hết câu chuyện thì phải để cho tôi tiếp tục. Anh nói sao? Anh phải nghe hết câu chuyện. Vậy tôi xin nói tiếp.

Những ngày đầu sống ở Thiên thai là những ngày đầy hạnh phúc. Nội tâm của Lưu và Nguyễn thôi bị ràng buộc, dần dần trở nên thanh thoát. Lắm lúc tưởng như an tọa trên đầu ngọn lốc mà vút lên tới thượng tầng tĩnh khí. Trong những giây phút đó, hai chàng cảm thấy như được sống, đồng thời, hàng vạn kiếp sống khác nhau. Hoặc chìm sâu xuống đáy trùng dương mà đùa với cá kình, cá ngạc; vươn hẳn lên cao mà bay lượn với chiếc đại bàng; lao mình trên con xích thố; hay lâng lâng cùng chỏm cây thông vi vút đầu mỏm đá Côn Lôn...

Nhưng một buổi bình minh, ánh mặt trời hoe vàng trên nội cỏ màu ngọc thạch, cạnh một gốc thùy dương lả ngọn, Lưu và Nguyễn bỗng bắt gặp Mai Nhi đang nô giỡn với Đào Nhi.

Lần đầu gặp gỡ, tuy khen thầm sắc đẹp của hai cô gái, nhưng cả hai chàng đều không thấy mảy may rung động. Lần này gặp lại lần thứ nhì mà không hiểu tại sao cả Lưu lẫn Nguyễn đều cảm thấy lúng túng. Cứ đứng sững mà nhìn, quên cả cúi đầu thi lễ. Một phút định được thần thì Mai đã kéo tay Đào đi nhanh về phía rừng tùng.

Cả ngày hôm ấy, họ Lưu không nói một lời. Còn Nguyễn Triệu thì ngồi yên một chỗ. Cứ như thế, trong suốt ba hôm. Đến hôm thứ tư, thì không ai rủ ai, con sơn ca vừa bay lên khỏi ngọn cây phong, hai chàng đã sắm nắm đi ra chỗ cũ. Và cũng bắt gặp Mai, Đào. Lần này đã có định ý, hai chàng tiến lên cúi đầu thi lễ. Mai, Đào ung dung đáp lại, thần sắc không thấy đổi thay. Thế rồi Nguyễn nhìn Mai, Lưu ngắm Đào, hai người đàn ông thấy nghẹn thở mà không thốt ra lời. Hai cô gái lại càng đĩnh đạc, dịu dàng, phong thái rất mực hồn nhiên. Đánh bạo, Nguyễn bèn rủ Mai đi ngắm phong lan. Mai tỏ vẻ nhận lời, hai người sóng bước mà đi, khuất sau cụm tường vi. Lúc bấy giờ, Lưu Thần bàng hoàng nhìn quanh bốn phía.

Trước mặt chàng chỉ còn có Đào Nhi...

Một đôi bạch yến từ đâu bay lại đậu trĩu cành thùy dương. Trong yên lặng, tiếng một con oanh vàng cất lên lanh lảnh.

Trên nền trời xanh thẳm, một đám mây trắng nõn như bông, trôi qua như một giấc mơ.

Và cũng như trong một giấc mơ, Lưu và Nguyễn không màng tới thời gian vần chuyển. Bóng cây thùy dương từ từ chuốt dài trên nệm cỏ. Ánh chiều rớt lại đó đây, trên những lùm cây, trên những chòm lá đang mờ dần trong sương chiều dâng lên từ đồng nội xa xa. Từng cơn gió nổi lên nhè nhẹ. Nền trời nhè nhẹ sẫm màu. Sông Ngân Hà bắt đầu lìa nguồn, gợn lên từng đợt sóng sao lấp loáng.

Ngưu Lang và Chức Nữ.

"Làm sao xây nổi được một nhịp cầu Ô thước?"

Cả Lưu lẫn Nguyễn đều nghĩ như vậy. Hai người như đọc thầm được nỗi cô quạnh của mình qua ánh mắt của người đối diện. Người đối diện là Mai và Đào.

Lưu, Nguyễn nheo mắt nhớ lại buổi sáng, khi thừa dịp con sơn ca vừa im tiếng hót, hai chàng thổn thức nhẹ kêu:

"Yêu..."

Thì không một lời đáp lại. Không cả một thoáng chớp hàng mi. Tuy búp tay ngà của hai cô gái vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay gân guốc của hai chàng. Tuy vẫn dịu dàng uyển chuyển. Tuy vẫn nói nói cười cười.

Mai Nhi, Đào Nhi không phải là người, không phải là người.

Vì Mai và Đào không biết yêu. Không ai ở Thiên thai biết yêu cả. Ở Thiên thai thì phải diệt tình. Vì lẽ tồn tại của cõi Thiên thai.

Mai Nhi, Đào Nhi chỉ là hai pho tượng sống.

Anh nói gì? Thế nào là người à? Anh hỏi, khó trả lời đấy. Tuy nhiên đặt nổi vấn đề cũng đã là giải quyết một phần vấn đề. Anh đã thắc mắc về con người. Thế là đủ. Vì niềm thắc mắc đó tố cáo, ngay trong anh, có hiện hữu một cuộc sống khác hời hợt bên ngoài.

Nhưng cuộc sống nội tâm đó, các anh đã dùng đủ mọi phương tiện để thủ tiêu, cũng như người con gái Thiên thai đã diệt hẳn tình.

Các anh... Anh nói sao? Anh không muốn tôi dùng chữ "các anh"? Vậy thì dùng chữ gì? Hay ta dùng chữ "họ"?" Sao?

Kết luận? Rất ngắn, anh ạ. Vả chăng cũng sắp đến giờ...

Tảng sáng hôm sau, khi gió sớm vừa nổi, sao mờ dần trên trời bàng bạc, thì Lưu và Nguyễn đã vội giẫm lên cỏ còn đẫm hơi sương mà tiến nhanh về phía bờ sông. Chiếc thuyền câu vẫn neo nguyên vị, đôi mái chèo song song đợi chờ.

Nguyễn nhìn Lưu:

"Nửa năm!"

Đoạn, cả hai yên lặng xuống thuyền.

Mái chèo vừa đụng mặt nước thì đôi bờ hoa lá bỗng mờ trong sương buổi sớm. Dòng sông mở rộng thênh thênh, con thuyền xuôi nước về phía đại dương xa tắp.

Đến khi mồ hôi nhỏ giọt đầu tiên trên trán, Lưu và Nguyễn mới nhớ ra chưa kịp từ biệt chủ nhân.

Ngoảnh lại, chỉ thấy một màu trắng xóa. Sương trần gian đã lấp lối về nguồn.

Thế là hết câu chuyện Nhập Thiên thai. Mặt trăng cũng vừa kịp lặn. Như một tấn kịch hạ màn. Và bây giờ thì...

Sao thế này? Anh không... Anh... Sao?

Tôi không hiểu. Anh muốn... không? Anh không vượt... Anh muốn nói gì? Tôi quên mất đoạn cuối à? Nhưng... Nhất định? Còn các anh, đồng ý chứ? Vâng, thôi thế tùy anh. Tôi xin đóng vai thính giả. Tôi thật không ngờ. Thú quá. Anh bắt đầu đi.

Khi thuyền của Lưu và Nguyễn cập bến, thì mặt trời lại mọc. Hai người vội bước lên bờ. Rồi ngạc nhiên đứng sững. Vì cảnh nơi ven sông thảy đã đều thay đổi. Nhà cửa san sát như bát úp, chợ họp trên bến dưới sông, người đi kẻ lại đông như nước chảy. Hai người lần theo đường cũ tìm về quán rượu. Nhưng quán rượu không còn. Trên nền cũ không hiểu ai đã dựng lên một ngôi trường học, tiếng trẻ học bài vang khỏi cánh song.

Bèn đem tên họ hỏi thăm những người già cả thì có ông cụ già râu tóc bạc phơ nghĩ ngợi hồi lâu rồi mới nói:

"Thuở bé, tôi nghe ông cụ bảy đời nhà tôi có quen một người họ Nguyễn một đêm bỏ nghề đánh cá cùng người họ Lưu, ngược dòng sông mà đi vào núi tu tiên. Đến nay đã được hơn 600 năm".

Nói đoạn ông cụ già hấp tấp chống gậy bỏ đi. Vì cả Lưu và Nguyễn đang ôm mặt khóc. Khóc chán lại thét lên cười. Cười cười khóc khóc suốt một ngày, rồi bỏ xuống thuyền đi mất.

Cũng không ai rõ đi về phía nào.

Nhưng nhất định không quay lại chốn cũ Thiên thai. Và đến đây mới thật chấm dứt câu chuyện Nhập Thiên thai của anh.

Nhưng lại bắt đầu một câu chuyện khác: Chuyện của tôi. Vì tôi không "Nhập Thiên thai" nữa. Tôi ở lại. Tại sao? Bây giờ thì đến lượt anh chất vấn. Tại sao? Vì tôi không muốn thành điên như Lưu và Nguyễn. Tôi không muốn vắng mặt những 600 năm. Tôi muốn kịp thời có mặt ở mọi khúc quanh của dòng tiến hóa. Và nhất là vì... tôi cũng muốn yêu... Vì tôi là một con người. Con người toàn diện, như anh thường nói.

Tôi nhất định rồi. Anh gọi hộ tôi tên Lê dương. Để làm gì à? Để sửa lại cái chấn song.

Cho nó chắc chắn.

Trong khi chờ đợi.

1956

Sunday, October 14, 2012

SƠN TRUNG * RỒI MỘT NGÀY

 


 RỒI  MỘT NGÀY
SƠN TRUNG *

Từ hành tinh nào
Ta nhập thai trong bụng mẹ
Một không gian nhỏ bé
Và tối tăm
Nhưng có ánh trăng rằm
Tình yêu bao la của mẹ     

Rồi một ngày
Ta thấy ánh mặt trời
Ta khóc, ta cười   
Ta  ngắt đóa hoa tươi
Ta   hái trái cây chín ngọt
Ta băng qua suối
Ta đi lên đồi
Ta đi vào cuộc đời.
Ta đi trên đường thiên lý
Ta băng qua  biển khơi

Rồi một ngày
Ta ngã xuống
Trên giường bệnh
Trong căn phòng  tối tăm
Ta sống âm thầm
Ta không thấy những vì sao đổi ngôi
Ta không cùng  bạn bè  nói cười 

Để rồi một ngày 
Ta sẽ qua hành tinh xa xôi

                                                       

HÌNH ẢNH SÀI GÒN NGÀY XƯA

Saigon những hình ảnh đầy kỷ niệm...
 
alt
Chợ Bến Thành

alt
 
Bùng binh chợ Bến Thành
alt
Áo dài trắng xuất hiện khắp mọi nẻo đường SG
alt
Bán cơm trưa cạnh dãy kiosque trên Đại Lộ Nguyễn Huệ 1966
alt 
Món ăn "chơi" thịnh hành của dân SG từ xưa đến nay: Bò bía
 
alt
Các em bé SG thật hồn nhiên và dễ thương trong cuộc sống tạm bợ,
vất vả giữa cuộc chiến
alt 
Xe lam chạy lên Chợ Lớn
alt
Đường Tự Do
alt
Góc đường Lê Lợi - Phan Bội Châu (bên hông Chợ Bến Thành) - 1964

alt
Góc đường Tự Do - Thái Lập Thành (nay là Đồng Khởi - Đông Du) - 1974

alt
Hội trường diên hồng, trụ sở thượng nghị viện
alt
Kiến trúc bên hông chợ Bình Tây 
alt
Góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ
alt
Mưa Sài Gòn - đường Tự Do
alt
Ngã Bảy Lý Thái Tổ

alt
Ngân hàng quốc gia VN
alt
SG ngập nước, năm 1960 (góc Lê Lợi - Pasteur, nhìn về phía Chợ BT)
alt
Saigon đã lên đèn

alt
 

SG về đêm

alt
Rạp chiếu phim Rex
alt
Nhà hàng nổi tiếng Maxim, đường Tự Do
alt
Xe lam SG xưa
alt
Saigon 1968 - Đường Nguyễn Thiệp

alt
Đường Tự Do 1972
alt
Góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão
alt
Trên đường Tự Do, gần góc đường Gia Long.
Nhà tường vàng là bộ kinh tế VNCH.
alt
Đường Phan Châu Trinh, phía bên trái chợ Bến Thành

alt
Đường Đinh Tiên Hoàng, bên trái là ĐH Canh Nông, bên phải là Đài Truyền Hình

alt
Chùa Phước Viên, ngã tư Hàng Xanh - Saigon 67-68

alt
 
Cảng SG 1965

alt
 

Rạp Casino Dakao, Đinh Tiên Hoàng 67-68
alt
Quang cảnh SG nhìn từ khách sạn Metropole
alt
Chợ trời
 alt
Xe xích lô có mặt khắp nơi
alt
Saigon 1966
alt
Sạp báo với chủ nhân nằm dài đánh một giấc ngủ trưa
alt
SG 1970
alt
Nữ sinh SG thời xưa trong đồng phục áo dài trắng truyền thống
alt
SG Quân cảnh điều khiển giao thông
altC
Các bác tài xế xích lô máy
alt
Xe Velo Solex được sử dụng rộng rãi
alt
Phương tiện đi lại thịnh hành là xe vespa
alt 
Tượng Trương Vĩnh Ký gần nhà thờ Đức Bà 1969
alt
Xe ba gác đẩy nước đá từ hãng nước đá ở cuối đường Nguyễn Văn Thinh
giáp Hai Bà Trưng
alt
 Khu trung tâm Sài Gòn luôn luôn nhộn nhịp
alt
Công trường Lam Sơn
alt
Đường Tự Do
alt
Tòa nhà Quốc Tế, đường Nguyễn Huệ 1969
alt
Đường Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi 1967
alt
Khu vực bùng binh gần Thương xá Tax
alt
 Xe xích lô đậu chờ khách tại các tuyến đường chính trung tâm thành phố
alt
Bãi đậu xe phía sau Quốc Hội 1969
alt
 Phòng trà ca nhạc Quốc tế góc Lê Lợi - Công Lý ;
sau 1975 là cửa hàng vàng bạc đá quý
alt
Khách sạn Continental Hotel 1973
alt
City Hall - Tòa Đô Chánh 1968
alt
Góc Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực 1975
alt 
Một bãi giữ xe chật kín chỗ tại khu vực trung tâm thành phố
alt
Cạnh vòng xoay Lăng Cha Cả 1969, xưa là đường Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ
alt
Ngã tư Hồng Thập Tự - Pasteur - 1966 -72
altNgã tư Trần Hưng Đạo - Phát Diệm, nay là Trần Đình Xu
alt
Góc Hai Bà Trưng - Hiền Vương (Võ Thị Sáu) - 1968
alt
Bùng binh Cây Gõ 1969
alt
Rạp hát Hưng Đạo, chuyên diễn cải lương
alt
Rạp Lê Ngọc
alt
Đường Hai Bà Trưng 68-69
alt
Góc đường Hai Bà Trưng -Trần Quốc Toản 1968
alt
Đường Trương Minh Giảng, phía trước chợ TMG 67-68
alt
Quán bar khá nổi thời SG xưa: Nữu Ước, nằm trên đường Hai Bà Trưng
altTổng nha Ngân Khố - đường Nguyễn Huệ 67-68
alt
Cây xăng ở góc Phan Thanh Giản - Lê Văn Duyệt - 1968
altCaravelle Hotel 1973
alt
Xe xích lô máy
alt
Đường lên phi trường Tân Sơn Nhất
alt
Chợ Cũ trên Đại lộ Hàm Nghi 
altChợ Lớn 1965 - góc Đồng Khánh - Phù Đổng Thiên Vương
alt
Kênh Nhiêu Lộc - trên cầu Công Lý nhìn về phía cầu Trương Minh Giảng,
tòa nhà cao là ĐH Vạn Hạnh
alt
Rạch Bến Nghé
alt
Rạch Thị Nghè, hình chụp từ cầu Phan Thanh Giản
alt
Xóm nhà sàn kênh nước đen
alt
Đường Trương Công Định đi qua giữa Công viên Tao Đàn 1967
alt
Nhà thờ Tân Định 67-68
alt
ĐH Y Khoa Sài Gòn 1967
alt
Cổng chùa Xá Lợi 1969
alt
Nữ sinh SG
alt
Cảnh sát giao thông
alt
Sân Phan Đình Phùng, hình chụp góc Công Lý - Trần Quý Cáp
alt
Bảng quảng cáo xuất hiện khắp nơi 1971



No comments: