Friday, October 14, 2016

NGUYỄN VĂN SÂM - TIN VIỆT NAM


Monday, October 15, 2012

NGUYỄN VĂN SÂM * MÙA XUÂN

Mùa Xuân Lọt Qua Kẽ Hở

Nguyễn Văn Sâm.

Email In
                                                                           Mùa Xuân Lọt Qua Kẽ Hở

                                                                                  Nguyễn Văn Sâm
                                                              
1.
Minh đứng xớ rớ trong trạng thái thừa thãi, hết sờ cằm, nhổ râu lại cho tay vào túi, không biết mình đang làm gì. Từ khi hồng thủy ngập tràn, mọi người bỗng trở thành nhỏ nhoi, ngơ ngác. Trước con bịnh, tình trạng càng bi thảm hơn, đôi tay ngắn lại, thừa mứa, vô ích theo sự vắng mặt của dụng cụ thuốc men, chỉ đứng đó, nhìn ngó, ước vọng. Những con mắt bi thiết, lo sợ, những tiếng thở dài sườn sượt như chấp nhận sự bất lực, nép mình lại nhũng nhặng van vái cầu xin sự mầu nhiệm, trạng thái chịu thua thực trạng, hành động bó tay đầu hàng của người thái cổ trước thần linh, quỷ dữ. Một chai dầu Nhị Thiên Đường ai đó trân trọng giữ gìn phòng khi hữu sự được đưa ra, tấm ván mục nát mong manh được thảy đến với leo lét hi vọng kéo sinh mạng một đồng nghiệp, đồng cảnh trở về. Ánh mắt thương tâm đồng thời ẩn chứa niềm lo lắng bâng khuâng cho chính phận mình. Giữa đồng khô cỏ cháy, muỗi mòng bệnh tật có chừa ai? Rồi ra may đây rủi đâu? Trời kêu ai? Chuyện gì xảy ra trong những ngày còn lại?
Cả trại hình như thức dậy hết. Giáo sư Diệm, người ít nói nhất, cái bóng trong những sinh hoạt, nhìn bao quát cảnh tượng lắc đầu nói với người ngồi bên: ‘Tội nghiệp, mới hồi chiều anh ấy còn cười cười nói nói, khen  mận ngon và mời tôi cùng ăn.’ Rồi ông chép miệng: ‘Trông nặng lắm… có bề nào…’ Câu nói bỏ lững với cái nhìn buồn thảm về phía bệnh nhân. Một cái chép miệng, vài cái gật đầu ừ hử, không buồn lên tiếng của người nghe. Ngoài kia gió thổi lòn vào vách lá kêu vi vu ma gọi hồn. Khung cảnh tang thương áo não.
Minh áy náy ngó hiện thân của sự sắp sửa thua bại trước Thần Chết. Mùi tử khí và hình ảnh Thần Vòng lảng vảng quanh quất. Nó nằm cong lên như con tôm sẳn sàng búng để nhảy tới, đầu gối gập vô ngực, tay chống xuống sạp tre, miệng gắng chỏ vô kẽ hở giữa hai thanh tre để ói xuống đất. Não nùng như đóa hoa rụng xuống đất lầy sau cơn mưa chịu trận những bước chân vô tình. Nó đang trên thổ dưới tả, toàn nước, một thứ nước thôi thối, tanh tanh với những lợn cợn nhỏ đen đen, giống như tô canh được rắc nhiều tiêu giờ đầy cặn đổ tràn trên sạp, nhớp nhúa, dơ dáy đến khó chịu. Mền của bệnh nhân được dùng đậy ơ hờ chỗ tháo mữa đó, mùi xú uế trùm phủ căn trại. Một vài người mê ngũ đằng đầu kia đã lục đục thức dậy sau vài cơn gió và tiếng xì xào của những người dễ động lòng. Thân thể T. đang báo hiệu từ chối sự sống. Mồ hôi vã ra như tắm. Trên trán từng chấm nhỏ đọng lại, lớn dần, gần nhau hơn, nối lại, rồi chảy xuống mũi, nhễu từng giọt một từ chóp mũi xuống sàn tre theo nhịp thở. Mắt T, đỏ rần vì dầu nóng, cái đỏ trong cái xanh, có vẻ gì đó rất ma quái, bệnh hoạn.
Minh chán nản, số phận nó như chỉ mành treo chuông. Đã ói đến mật xanh, nước vàng. Đã kiệt lực vì đang nằm gối đầu bên bờ vực thẳm phân cách sống-chết. Gần kề, đếm được từng giờ, từng phút, từ khi lửa hực rừng; cách này hay cách khác, rõ ràng hay không, sự xuất huyết não trầm kha của dân tộc.
Minh tìm chai dầu Song Thập trong túi đựng quần áo, anh đổ thật nhiều vào tay, nín thở thoa lên trán, lên màng tang, lên cổ T. hỏi giọng run run:
‘Bây giờ sao? Đỡ chưa?’
T. gật đầu, vẫn không ngửng lên, những sợi tóc hất ngược về phía  trước phủ kín trán, hơi thở vẫn hào hễn, mệt nhọc. Nó có đang tự hỏi tại sao mình đối đầu với tử thần vô lý như thế nầy? Nếu không có cái gọi là tuần lễ lao động xã hội chủ nghĩa vớ vẩn, nếu không có họ đến đây? Nhưng tất cả đã có, đã xảy ra. Sự thật khó tưởng đến ngơ ngác mọi người. Câu hỏi của mình cũng mang vẻ lơ láo như vậy. Làm sao nó trả lời được? Cơn bệnh không thể dễ dàng rút lui vì vài giọt dầu nóng chỉ có tính chất an ủi, chận sự lo sợ hơn là chống chỏi lại bệnh trạng.
Lúc bốn giờ sáng, tên cán bộ hướng dẫn bước vào cùng với một người trung niên, tay xách hộp y tế và vài dụng cụ y khoa. Hắn vui vẻ nói lớn như để thông báo, hãnh diện vì đã làm được điều hay:
‘Có bác sĩ đây rồi, khỏi lo nữa.’
Bác sĩ hỏi qua về diễn biến căn bệnh, rồi lặng lẽ sửa soạn thuốc chích.
Vui mừng biểu lộ trên nát mặt, hy vọng long lanh trong khóe mắt mọi người. Ngại ngùng vì được đặt quá nhiều tin tưởng, viên bác sĩ nói, giọng buồn buồn, mở đường:
‘Mũi này chỉ là thuốc khỏe. Nông trường không còn thuốc dịch tả. Hết từ tháng trước. Báo cáo hai lần, y tế thành đều trả lời nhất trí, nhưng phải chờ, hiện giờ số lượng dành cho cán bộ cũng không còn, nếu còn tôi du di được.’
Rồi ông chép miệng:
‘Không biết chờ đến bao giờ. Mấy ngài ấy làm ăn tôi chẳng biết ra sao cả. Sáng mình dùng thuốc dân tộc xem sao! Nếu không xong nữa, phải chở về thành phố. Tháng trước tôi có một trường hợp tương tợ mà đành chịu! Cậu ấy rất khỏe mạnh. Dũng sĩ đào kênh, liên tiếp dẫn đầu con số vượt chỉ tiêu trong mấy tháng. Cái mã lạn ở gần bụi tre trên đường ra ao cá đấy.’
Ngừng một chút vì biết mình đã nói quá nhiều, ông trở về thực tế:
‘Trường hợp này hy vọng nhiều, vì mình phát hiện kịp thời. Nếu có chuyện gì ta có thể đưa về thành phố, mai có chuyến. Mỗi tuần ở đây chúng tôi có xe về thành phố hai ngày.’
Không muốn nghe thêm, Minh rời khung cảnh buồn bã của trại lững thững đi vào bóng đêm. Vậy đó, danh từ, lý do này nọ để phủi tay giao nạn nhân cho Tử Thần. Vậy đó, điều kiện làm việc của những người vắt đến tận cùng sức khỏe để xây dựng chế độ. Vậy đó, số phận của Giáo Sư Đại Học. Nửa dân tộc đã chịu đựng gần phần tư thế kỷ, nay cả nước đang trong cảnh trầm luân, quốc nạn kéo dẫn dân tộc đi xuống con đường dốc thẵm mịt mùng.
Gió lạnh của ngày giáp Tết đánh bật dậy lớp da gà trên tay Minh. Anh rùng mình kéo sát hai vạt áo mưa lại, cái áo mưa nhà binh Minh ưa mặc như áo ấm mỗi tối. Một cách vô ý thức, anh bước về phía đám rẫy cao, nơi có một thửa đất khô, cỏ xanh mịn như thảm nhung những buổi tối, trước giờ ngủ, cùng vài người bạn thân ra quây quần nhìn sao, chia từng điếu thuốc, kể chuyện phiếm và chửi lén chế độ. Đêm, trăng nhạt không sao, gió nhhiều, trời đem sậm. Từ phía xa, mấy chùm cây trên nền không gian đen mấy mãng đậm âm u. Một con tắc kè đâu đó buông những tiếng kêu rã rời,  đứt đoạn: Tắc… tắc… kè… tắc… kè. Anh lẩm bẩm: Còn mấy ngày nữa thì Tết rồi. Một năm nữa tủi nhục sắp qua.
Nghĩ đến Tết, anh bỗng ngao ngán. Tết thứ mấy của cuộc đổi thay ngược ngạo. Bạn bè mất mát hầu hết. Tản lạc. Đứa lang thang quê người, đứa ngậm hờn trong vòng kẽm gai tù ngục, đứa đổi phần cuộc đời trong những sinh hoạt vô bổ, chán mứa để sống còn. Và mình, trầm mình trong những suy tư câm nín, càng lúc càng héo úa như trái non chín nắng, nhăn nheo, co quắm. Thảm hại. Rồi đây nó sẽ ra sao? Thuốc trị không có, thuốc cầm cũng không, số mạng thuộc mấy chai dầu nóng lạnh nhức đầu. Cầu tới bốn giờ chiều nó mới được chở về Sàigòn, biết còn kịp? Bệnh viện và cách làm ăn bây giờ đâu phải để dành nhau với Thần Chết tranh sự sống cho những người mang nhãn Sàigòn như nó. Có gì bọn mình chỉ thiệt thòi, một người bạn nữa ra đi, thêm vào sự mất mát cũ, một sự tiếc thương đau xót cho thân phận mình. Kẻ thua trận, người bị trói trong bẫy sập, thương nhau cùng cảnh, bọn chúng sẽ dửng dưng lãnh đạm. Mặt hồ đâu dễ xao động vì hạt bụi nhỏ. Một gợn sóng li ti lăn tăn còn chưa có nữa là!
Tiếng ếch nhái kêu rầu rĩ bốn bề khiến Minh bực bội hơn. Do thói quen, anh cho tay vào túi quần móc thuốc và hộp quẹt. Tay anh chạm cái Zippo lạnh ngắt T. đưa mồi thuốc hồi tối hôm qua.
‘… Của đào tặng đó, bao nhiêu năm rồi không động tới. Em nói ngọt lắm, không chấp hành nghiêm chỉnh không được. Mỗi lần thèm thuốc, tìm quẹt, nhớ đến em, yêu em thì đừng nên dùng nó… để giữ gìn sức khỏe của em. Bây giờ thì sức khỏe của anh. Một điếu thuốc tiêu vạn cổ sầu mà! Em theo cha mẹ di tản từ dạo đó. Tin tức gì đâu. Mình ở lại chịu đựng đến nhàm chán mấy thằng ông trời con ‘thầy chạy’ nầy… chưa xách búa chém để bị bắn chết là may. Làm sao không hút được…?’
Có kẻ ra ngoài bỏ cuộc chơi. Minh mỉm cười với mình. Tiếc quá, lúc đó cả bọn ngồi trong bóng tối, không quan sát được diễn biến trên mặt nó. Chắc buồn thảm não, người tình khuất bóng, người tình không trọn luôn là nguyên nhân của chán chường, tìm quên. Huống hồ loạn cảnh chung quanh thường xuyên đập vào tâm tư những nhát bổ đau điếng.
Minh châm thuốc. Đắng nghét và cháy bùng thành lửa táp gần hết nửa điếu, diêm sinh hòa lẫn va-ni tạo một hỗn hợp mùi vị ngớ ngẩn, ‘Capstan lá vàng’ gì mà như hạch, thứ nào cũng như thứ nấy, không dỡm thì xì-cút, không thứ nào thiệt, chỉ là thay thế tạm bợ đánh lừa tri giác. Minh búng hai ngón tay, đốm lửa vạch cái vòng lưỡi hái đỏ hoạch trong không gian. Ánh lửa ma quái, màu lửa lưỡi hái tử thần. Màu máu chết chóc. Đêm tối xuống thật nhanh. Sương lạnh ướt vai, côn trùng vẫn hòa âm điệu nhạc đêm thôn dã sáng tác từ muốn thuở trước. Minh lắng tai nghe. Anh phân tách từng tiếng nhái, tiếng ếch, tiếng ểnh ương. Anh tự đùa bằng cách để ý nhóm nào lớn hơn, nhóm nào nhỏ hơn, chỗ nào ứng trước, chỗ nào hòa theo. Lòng anh dịu lại dần, bộ mặt hốc hác của T. chạy biến khỏi tâm trí, anh hít thở đầy phổi, mùi sương khuya thấm mát lồng ngực, không gian bao la ôm chầm thân thiết, tình tứ…
Như có tiếng thì thầm đâu đó chen lẫn với tiếng côn trùng nỉ non. Minh vẫn ngồi im theo dõi mấy ngôi sao xa xa, nhấp nháy. Tiếng thở dồn dập quen thuộc trở mình xào xạc trên lá khô. Tiếng của tội lỗi, tiếng của xác thịt đam mê. Minh thở ra, đứng dậy, phủi mấy cọng cỏ phía sau quần, vuốt lại mái tóc đẫm sương khuya, bước xéo trở về phía khác. Tụi nhỏ! Bù gỡ nỗi thống khổ ban ngày! Anh tìm chỗ nằm dựa lưng vào gò mối, dưới chân vạt đất cao, nhìn đường viền của mô đất in một vòng cung đậm trên nền trời. Khung cảnh đẹp nên thơ, đánh bật những lo âu bực bội. Hình ảnh bạn bè dàu dàu trong trại một phút nào đó tan biến nhường thức-trường cho hiện-cảnh. Mùa xuân cảnh đẹp, sớm mơi nầy vừa gặp mấy nhánh mai rừng rực rỡ. Vạn mộc xuân vinh, Minh nhớ tiếp theo ý thơ của vị thiền tăng đời Lý… thu hựu khô.
Phải, không gì trường cửu, không gì bị hủy diệt mà không tái sinh, chúng ồn ào, mạnh mẻ, nhịp nhàng như vậy nhưng cơn lốc phản ứng của dân chúng một ngày kia sẽ bứng đi không để lại dấu vết. Xuân vinh, thu khô. vật cùng tắc phản, lý đổi thay của cuộc đời, sự tuần hoàn của vũ trụ. Minh mỉm cười lạc quan: Đêm-ngày. Mưa-nắng. Chỉ có đều là lúc nầy đêm hơi dài. Ngày hè mưa lê thê. Nhưng mà cũng phải có lúc mặt trời hiện ra.
Mắt anh chợt bắt gặp sự đổi thay đột ngột, vòng cung mô đất in trên nền trời không đứng yên mà hình như thay đổi.
Anh ngạc nhiên, trố mắt nhìn kỹ hơn. Không phải một mà hai, ba chỗ khác nhau, lay động nhịp nhàng ‘như nhịp thở giao động lớp da bụng con quái vật khổng lồ tiền sử’. Anh đã hiểu. Bực dọc tràn tới cổ. Cả bọn bị đẩy lên đây làm cảnh cho chế độ. Tụi trẻ bị thảy đến để vắt sức, bù lại được bước chân vào cũng lầy vật dục, chôn vùi tương lai và sức khỏe trong hoàn cảnh lửa rơm.
Minh nhỏm dậy, bỏ lại sau lưng khung cảnh và bóng đêm đồng lõa, đi lần về phía ánh đèn lù mù rọi qua vách lá của trại với nỗi buồn mất mát một thứ gì quý báu.
Một người bạn đứng dựa lưng vào cột tre phập phập điều thuốc nói với anh sau cái chép miệng:
‘Coi mòi không xong, sợ trong mình nó sẽ hết nước. Tiêu ở đây thì ức quá. Đâu xa Sàisòn mấy…’
Tim Minh thắt lại với câu nói của bạn. Cảnh ngoài kia sôi lên sùng sục, hơi nước tràn đầy trong đầu Minh. Anh nóng mặt như mới bước ra từ lò lửa. Tên cán bộ hướng dẫn đang nói chuyện với viên bác sĩ, giọng thật bình thường. Đó đây từng toán anh em tụm năm, tụm ba, ai nấy thầm thì vừa đủ nghe. Minh đến trước mặt hai người đưa mắt dò hỏi. Hắn rút chân ra khỏi đôi dép râu, co lên, khoanh lại trên võng:
‘Tạm giải quyết, chuyện cũng thường thôi, cả trăm người đi thực tế thế nào cũng có người bịnh hoạn. Trước đây sau thời gian sơ tán, tôi theo đoàn văn công, có mấy ông nhà văn bị ngã nước nặng lắm, nhưng rồi đâu cũng vào đó thôi. Vấn đề là bảo toàn chất lượng của công tác, còn cá nhân thì…
Minh ngó về phía bác sĩ hỏi ý không muốn nghe hắn nữa:
‘Anh thấy có khả quan chút nào không?
Nụ cười gượng gạo cố dán lên mặt:
‘May ra. Nhưng tôi ngại không tìm được phương tiện chuyên chở. Tôi hơi lo về chuyện nầy. Xe của công trường chở đủ thứ đồ linh tinh. Chật chội, mỗi lần nhờ vả gay lắm.
Như vậy đó, bao nhiêu vấn đề đặt ra vì nầy, vì kia. Gương mặt T. xám ngoẹt dưới ánh đèn lù mù mờ ảo, ma quái. Ngoài kia bóng tối bao phủ, bụi tre trước ngõ lay động mảng đen chùm lá trên ngọn phát ra những tiếng kẽo kẹt tủi hờn.
Giọng hắn lạc lõng, không ai thèm nghe:
‘Tôi định sáng nay anh em vẫn công tác như thường lệ. Để một anh ở lại trông chừng anh T. là được rồi. Đơn vị ta chỉ phụ trách có cái ao cá nầy thôi mà không làm tốt thì gay lắm.
Chán nản chạy lên tận cổ Minh, anh thất vọng hoàn toàn. Công tác! Công tác! Chỉ có ao cá bằng bụm tay, không biết bao giờ mới có cá giống mà làm như vá trời lấp bể không bằng. Nhưng anh không trả lời. Vô ích thôi. Bọn thất trận không có quyền cãi. Anh nhìn lại T., nằm đó co quắp, hổn hển, tên cán bộ vẫn thản nhên phì phèo điếu thuốc ‘Sông Hương’, bộ mặt không biểu lộ một tình cảm tương lân nào. Mắt anh bỗng cay xè, ươn ướt…
Tiếng anh chàng phó chủ tịch hội kêu gọi anh em sẵn sàng cho buổi công tác trong ngày, giọng tâng công đến trơ trẻn, oang oang làm ô uế buổi sáng tinh sương. Minh vừa bực bội vừa buồn cười. Hắn tiết kiệm từng phút cho nhà nước, chẳng bù trước đây, được nuôi ăn học ở ngoại quốc, trở về, một giờ dạy học, mười giờ hội thảo phá chế độ. Minh lẩm bẩm: ‘Nếu không may gặp cảnh như T. mầy cũng thế thôi, chết như một con chó. Số phận lót đường, làm cảnh đâu lâu bền gì.’
T. vẫn nằm yên ở vị trí cũ, người tóp lại, uể oải, khô héo. Ngoài trước trại của anh em Thanh Niên Xung Phong tiếng cười vui vẻ của một vài người vô tâm nghe rõ mồn một:
‘Sướng quá còn hai ngày nữa là được về ăn Tết rồi!
Mấy con ruồi xanh rủ nhau quây quần trên vạt giường, một con đậu trên mép T., tung tăng, cái vòi mạnh khỏe, thẳng tròn di động trên lớp da đã ngã màu…
 2.
Còn nhớ rõ buổi sáng hôm đó, chúa nhật đầu tháng cuối năm, trái với lệ thường tôi không theo bạn bè la cà ở quán nước, bàn bi-da. Tôi chán ngấy mấy người bạn vô tâm, dễ dãi với cuộc sống, chỉ biết nhậu nhẹt, hay bày trò này nọ, những trò chơi vô bổ. Là bạn học, họ phần nào dính dáng tới thời trai trẻ của mình, tôi ít khi từ chối, thường chắc lưỡi đi theo, có mặt, nhưng sự tham dự thật lỏng lẻo. Thời gian lúc đó dài ngoằn, vô vị, nhạt nhẽo. Tôi đã sống không hết mình, để ngày trôi qua trong khi bọn họ đã sống thật đúng từng giờ từng phút, thật rắn chắc, chặc chịa cái hiện tại đó. Nhiều khi về khuya mệt nhoài, cảm thấy mình thắp nến hai đầu, tôi lật đật lật tới, lật lui cuốn sách ‘Làm thế nào để nói không’, nhưng rồi cũng không áp dụng được cho lần tới.
Hôm qua tôi ở nhà, và may quá gặp được nàng. Buổi sáng bừng nở trong phòng  khách, nắng mai xuyên qua cửa kính lọt qua lớp màn mỏng, chạy nhảy lung linh, reo rắc điệu nhạc Diêu Trì trên từng thớ gỗ của bộ bàn ghế chạm lộng chúng tôi đang ngồi. Nàng cúi đầu chào, tự tin chen lẫn một chút ngượng ngập. Người con gái biết mình đẹp như có khả năng đo lường, tính toán chi li từng cử chỉ, không dư thừa, không thiếu. Nụ cười nửa miệng nửa thân thiện nửa khép kín diệu vợi xa cách. Nụ cười người đối diện vừa có cảm tình vừa nhận thấy ngay khoảng cách phòng thủ cần thiết nữ phái.
Nàng đến để hổ trợ tinh thần cho đứa em gái nhờ thầy giảng lại chuyện gì đó tôi quên rồi. Xứ nầy khác nước Mỹ, không tổ chức giờ trực văn phòng thường xuyên của Giáo sư để giúp đỡ sinh viên. Tội nghiệp nàng phải theo em đến đây, không thích thú lắm khi ngồi nghe tôi giảng bài, mắt lơ đãng ngó sự giao động trong tách nước trà người làm mang ra, hay tò mò quan sát mấy bức tranh treo trên tường, những bức tranh kỷ niệm, không chút xíu nghệ thuật nào cha tôi cho treo trên đó từ lâu lắm.
Tôi không có dịp nói chuyện nhiều với nàng ngoài những câu chào hỏi thông thường. Tôi không thể để học trò mình thấy ông thầy bị hớp hồn ngay từ phút đầu, nên chỉ tìm hiểu nàng qua những câu hỏi vô tội vạ từ cô em. Nàng mân mê mấy ngón tay giũa khéo léo, sơn màu nhạt, phù hợp với nước da mát mẻ của đôi bàn tay thon với những ngón dài, bàn tay, thuở nào ông bà mình nói, búp măng, quý phái của người tướng sang. Nam tánh tôi trở lại sau thời gian giữ tròn vai ông thầy già, tạo một khoảng cách thật xa với học trò nữ, trốn chạy trước các thiếu nữ trẻ đẹp gặp bất kỳ ở đâu vì sợ nhỡ họ là học trò mình, tôi ước ao được nắm bàn tay đó, bàn tay thiên đường, tiên nữ…
Nàng ngồi, mặt bàn che lấp phần dưới thân thể, nhưng cử chỉ vén vạt áo dài trước khi ngồi xuống ghế, áo màu xanh đọt chuối, tàu áo lả lướt như tàu lá chuối non vừa mới xòe ra phất phơ trong gió, gợi trí tưởng tượng đến cặp đùi rắn chắc, đầy sinh lực ở phía sau lớp quần trắng mịn. Sau nầy, cả hai năm trời sau lần gặp gỡ đó, lúc đã là người yêu, đủ thân mật, để thố lộ một điều hơi không đứng đắn về mình, tôi kể lại  cảm tưởng lúc nầy cho nàng nghe, nàng đã thẹn thùng phác lên vai tôi với câu nói thật nghiêm:
‘Vĩnh viễn anh không biết điều dự đoán đó trúng hay trật đâu.’
Tôi biết câu dọa trên đưa ra để chữa thẹn, để chận đứng sự sàm sỡ mà tôi có thể nói thêm, nhưng không ngờ lời nàng lại quá thiêng. Gió tanh mưa máu trút xuống từ tháng Tư năm đó, thổi bật nàng ra khỏi quê hương. Chỗ quê hương là đẹp hơn cả, có thể nàng không vui, lạc lõng khung trời xa lạ, có thể nàng cần nhìn thấy mái chùa cong cong, lá dừa lả ngọn, tiếng cười tiếng nói buổi chợ sớm, tiếng xe nhỏ ồn ào trên đường. Tất cả những thứ đó ở nơi khác có thể có, nhưng chắc chắn sẽ chứa thật nhiều yếu tố xa lạ. Chợt nghĩ tới một cành hoa hồng nhung mọc giữa rừng cỏ dại, không đủ phân, nước, èo uột, khẳng khiu, tôi eo xèo tiếc thương những giọt mưa sa xuống vũng lầy nhớp nhúa. Cho nàng, cho chính thân tôi.
Như giờ đây tôi nằm trong vị thế khó coi này, bụng như cào như cấu, như ngàn dao bằm nhỏ tì, vị, rụôt gan, mửa thốc mửa tháo. Những hình ảnh lộn xộn hiện ra trước mắt với tất cả mùi vị. Lúc gần chết ai cũng thấy lại được thật rõ ràng, như một khúc phim tài liệu tốt, tất cả những chuyện xảy ra trong đời mình. Tôi không thấy rõ ràng, nhưng tôi có cảm tưởng mình sắp giã từ thế giới nầy. Tôi thấy người khách trú mặc cái áo thun màu cháo lòng, mồ hôi nhuể nhải đang hai tay hai con dao phay lớn đại bầm bầm thật mạnh, liên tục nhịp nhàng đống thịt bầm giờ đã nát ngứu. Tôi đứng đó mãi mê ngó theo nhịp lên xuống của cặp dao, mắt không chớp, nghĩ đến sự đau đớn của mấy miếng thịt tội tình.
Tôi thấy mình lăn lóc trong xóm nghèo lúc nhỏ, cạnh một cầu tiêu công cộng, sáng sáng đi cầu, người lao công đang quét dọn lớp phân vun vẩy, nhớp nhúa, lợm giọng, trét trây hầu hết trên đường đi, và đoàn người kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi đến phiên mình. Xong việc cho buổi sáng vẫn còn cảm tưởng mùi thối tha quyện trong quần áo da thịt, tóc tai. Hình ảnh hiện ra với những chi tiết thật bất ngờ, một vài nét vẽ tục tĩu trên tường. Câu thơ ‘Rớt tú tài anh đi Trung Sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con!!!!’ với bốn chấm than to tướng. Và hàng hàng lớp lớp giòi mập tròn nhớp nhúa, nhun nhúc bò lên đôi guốc, tiến lên chưn, lên mắt cá… Tôi thoát ra khỏi khu nghèo khổ và quên lững nó, quên như những chuyện đó xảy ra từ kiếp trước.
Tôi cũng quên nàng sau thời gian bị dạy dỗ về những điều vớ vẩn, những phạm trù triết học xa lạ vô bổ, thượng từng kiến trúc, hạ từng cơ sở, vật chất - tinh thần, cái chung - cái riêng. Vậy mà trong khi nằm đây tôi lại nhớ nàng. Nhớ ghê gớm, tưởng chừng tôi có thể chết được để hồn bay qua Thái Bình Dương gần nàng… Tôi không chịu nỗi mùi thuốc khét lẹt ai đó hút quanh đây. Lúc bịnh hoạn thấy ai khỏe khoắn đã bực rồi, huống chi thấy họ hứng thú. Mà mùi thuốc khó chịu thiệt. Mùi thuốc lào và cách rút của thầy Trị, ro-ro-rột-rột, càng khiến khó chịu hơn. Hắn, người tự nhận nói lên tiếng nói của thành-phần-thứ-ba-yên-lặng-và-không-có-chánh-quyền, đang chấp nhận ân sũng được làm đại diện dân trong một Quốc hội bày hàng của kẻ thắng trận, đang mồi lửa vào ống điếu bằng cái Zippo trắng lóng lánh, ngó ngó tôi rồi lắc đầu. Tôi không biết hắn đang nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ tới tôi đêm hôm qua lúc móc túi đưa bật lửa cho Minh, tôi nhớ đến nàng một phút thật ngăn ngủi, ngó một ngôi sao cô độc trên nền trời, lòng chợt buồn cho tinh cầu đơn chiếc nầy và tôi ước ao mình có mặt bên cạnh nàng, nối tiếp lại cuộc tình.
Giờ là mùa Xuân, sắp Tết, Tết ở đây buồn hiu, buồn hắt với từng trận mưa danh từ trong các diễn văn, thư gởi, với những ngón đòn bỉ ổi chí tử lên tôn giáo bằng các trò chơi, hát hò ở trong khuôn viên Lăng Ông và chùa chiền. Tết của tôi đã mất ý nghĩa. Hi vọng nàng hưởng được những cái Tết thuần túy dân tộc cùng cộng đồng Việt ở quê người. Tôi cho rằng Tết ở trong phong tục một phần lớn hơn là ở thời tiết và không gian. Tôi nhớ mấy cái Tết cùng nàng đi xem chiếu bóng, vòng tay tôi che chở làn sóng lấn ép người là người. Nàng nhỏ bé trong tay tôi, nàng hưởng sự bảo vệ và tôi biết rõ hơn ý nghĩa tình yêu từ đó, thân thể quyện trong nhau, e ấp, nương tựa, tin tưởng.
Tiếng anh chàng triết gia đón gió một thời muốn giết chết sự nổi tiếng của người nhạc sĩ nhất Việt Nam triết lý kiểu thời đại:
‘Có đi thực tế, có bịnh hoạn, thiếu thốn mới thấy giá trị của lao động, mới quý giai cấp công nhân.’
Tôi lại muốn tháo mửa ra, mặc dầu mọi thứ còn trong dạ dày đã được tháo ra hết và mỗi lần buồn nôn tôi rất khổ sở vì sự oặn thắt từ bên trong, cố vắt ra một chút gì đó để tuôn ra ngoài. Ở đâu thời nào cũng có loại người đó. Tại sao phải đem sinh mạng của một người ‘tôi hay ai cũng thế mà thôi, một người’ để cho hắn thấy giá trị của lao động? Hắn muốn nói lên sự ích lợi của việc trí thức đi thực tế? Chuyện nầy xưa rồi! Chỉ là một sự đày ải, phân tán, đàn áp được mạ bằng lớp chữ nghĩa. Dầu sao cũng không nên quá bực bội. Vô ích. Cuộc sống không thay đổi gì hơn bằng những bực bội. Như tôi, sẽ không được bực bội vì mình bị thảy vào đây để nằm ói mửa. Thằng Minh hỏi câu ngớ ngẩn. Đỡ chưa? Sau khi xoa nóng mặt tôi bằng nửa chai dầu Song Thập. Làm sao đỡ được, dầu chứ bộ thuốc trị thổ tả sao? Chắc nó bối rối vì tội nghiệp cho bạn, nhưng tôi không trả lời. Tôi tỉnh trí thiệt nhưng miệng đắng nghét, cổ rát rạt thì trả lời làm chi cho mệt. Nằm im thả trí bay bỗng theo những suy tư này nọ sướng hơn. Giờ thì còn gì là quan trọng nữa đâu chớ? Điều tức là không ngờ mình vướng bệnh, nếu không trước khi lên đây tôi đã chạy ra Nguyễn Huệ, chợ trời thuốc tây, mua về một mớ. Tôi lại thấy đời sống có vợ chồng là ích lợi. Mấy bà bỏ nầy bỏ nọ vô bao đồ đạc của chồng lẩm rẩm vậy mà đỡ. Nếu không có chuyện lộn xộn bây giờ chắc nàng đã trở thành người lo lắng cho tôi. Bạn bè chung quanh ai cũng  có người lo, còn tôi, bù trớt, cu-ki, đi đâu cũng mồ côi, tự sửa soạn, nên phần nhiều, để cho tiện, tôi xách thật ít quần áo theo. Nói qua nói lại cũng là thiếu nàng. Đời tôi lúc nhỏ nghèo khổ, lớn lên đầy mặc cảm, chỉ khoảng thời gian nàng hiện hữu đời tôi mới có ý nghĩa thôi. Nàng, cây chống tinh thần cho tôi, điểm long lanh lân tinh trong bóng tối đưa tôi ra khỏi sự lệch lạc trong đời sống tình cảm. Nàng thứ nước, thứ phân để tôi, hạt mầm khô héo, có thể đâm chồi.
Cây xanh mơn mởn thì nàng mất tiêu từ ngày quốc nạn đầu tiên. Cơn lốc này tới cơn lốc khác. Biền biệt mới được tin nàng qua biết bao trung gian rằng đã theo chồng bỏ cuộc chơi hai năm sau ngày tới Mỹ. Người ta có thể sống cho kỷ niệm, vì kỷ niệm nhưng không thể sống bằng kỷ niệm. Nàng phải lo đời nàng trước. Chuyện đó không có gì đáng trách. Cái già xồng xộc nó đi theo sau, người con gái nào cũng lo sợ điều đó. Tôi hiểu, tôi thông cảm nàng hoàn toàn. Bị chặt cẳng chặt chân bó rọ ở đây, có cánh họa may tôi mới thoát. Thôi cũng được. Xong một cuộc tình. Và bây giờ thì tuần lễ lao động giúp tôi xong một cuộc đời. Từ tối, lúc bị thần dịch tả làm tình làm tội, tôi đã thấy trước bước cuối của mình. Phải dọn mình thật thư thả, phải thanh thản tuyệt đối. Thù hận kể ra nhưng để thù hận lại cho người đời. Tam thập dư niên thế giới trung. Không không sắc sắc diệc dung thông. Kim triêu mãn nguyện hoàn gia lý… Bài thơ của Liễu Hoán hòa thượng không lúc nào hợp bằng lúc nầy. Hiểu rõ sự sắc không thì mãn nguyện bỏ thế giới nầy về thế giới khác. Đâu cũng vậy mà thôi, kể cả sống bảy mươi tuổi như Liễu Hoán hòa thượng hay mới ngoài ba mươi như tôi.
Có điều ra đi lúc gần Tết là điều gì không ổn. Mùa xuân là mùa thạnh mậu mà, đâu phải mùa thu đâu mà khô héo rơi rụng. Thôi mệt. Thời nầy thì vậy không, chuyện ngược đời xảy ra luôn, ‘trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi’. Con xin chịu bất hiếu với cha mẹ.
Ngoài ngõ tiếng mấy người thanh niên xung phong mừng sắp được về ăn Tết sao mà đáng thương đến muốn chảy nước mắt. Đáng lẽ tự do đó là của họ, bị giữ lại hết, lâu lâu mới được thí lại cho một chút, mừng quính, mừng quáng thấy thảm hại.
Suốt năm là mùa Xuân của họ mà, đâu phải chỉ có mấy ngày thôi đâu? Người lớn làm lọt mất chớ đâu phải họ. Tội nghiệp…
3.
Nàng uống vội ly sữa, bốc chìa khóa từ giã chồng trước khi đi làm:
‘Thôi em đi. Năm nào Tết cũng nhằm ngày thường. Tết nhứt mà đi làm thì tức tức. Ở nhà thì tiếc. Hình như còn hai ngày nữa Tết phải không anh?
‘Ừ! Chúa nhựt nầy hội Tết ở nhà thờ Baptist, chắc em đi một mình, hôm qua manager mới kêu vô bảo tuần nầy làm over-time, từ chối không được.’
Nàng đứng lại chỗ phân cách giữa nhà bếp và garage ngó chồng. Vậy là nằm nhà. Đàn bà con gái ai đi tới chỗ hội hè đình đám một mình. Tết nào đó, một lần, hai lần, ba lần, trong rạp hát chật ních, hơi ấm chàng chuyền từ phía sau tới, những cái xiết tay thật mạnh, âu yếm đến xáo trộn nhịp đập tim. Những lúc nắm tay nhau đi lại chỗ nầy chỗ kia trong Lăng Ông, niềm vui tràn tận lên khóe mắt, trong cử chỉ của chàng. Những nụ hôn len lén, run rẩy của cả hai đàng trên ghế đá công viên. Vậy mà bây giờ ngàn trùng thời gian, không gian. Vậy mà giờ đã nhạt nhòa trong trí nhớ. Ở đây một cái Tết thật bình thường tìm cũng không ra. Mùa Xuân lọt qua kẽ hở mất tiêu. Chỉ còn lại một cái tên gọi, một tiếng kêu, một ngày để chép miệng nhớ tiếc.
Mở cửa xe, ngồi vào vị trí người lái, nàng bỗng rung động toàn thân, một luồng lạnh chạy dài trên xương sống, chẻ nhánh ra hai tay. Mồ hôi ở lòng bàn tay tuôn ra lạnh ngắt. Nàng nói với mình:
‘Kỳ vậy! Hay là có người thân nào bị nạn? Mà đâu phải. Bà con ai cũng ở Mỹ nầy, có gì thì đã biết rồi. Còn có ai thân thuộc ở Việt Nam nữa đâu?’
Nàng de mạnh xe ra khỏi garage, quẹo trái ra đường lớn. Bóng đèn đỏ phía sau xe để hai chấm máu là đà trên mặt đất.
 Nguyễn Văn Sâm

HUY PHƯƠNG * TỘI NGU

  Tội Ngu

Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”
(Nguyễn Trãi)

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn oán trách, lên án cộng sản chuyên lật lọng, nói một đường làm một nẻo. Câu chuyện mà chúng ta nhắc nhở nhiều nhất là chuyện sau ngày 30 tháng 4, cộng sản thông báo sĩ quan cấp úy “đi học tập” một tuần, và sĩ quan cấp tá 15 ngày, nhưng sau đó đày đọa Quân, Cán, Chính VNCH trong các trại tập trung ở các vùng thâm sơn cùng cốc đến mười năm, hai mươi năm và đã biết bao nhiêu người kiệt lực phải chết ở trong tù!
Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu khó nhớ lại và đi tìm, thì không có văn bản nào của Ủy Ban Quân Quản VC thời đó thông báo hay ấn định thời gian học tập là một tuần hay mười lăm ngày. Họ chỉ nói lập lờ là sĩ quan cấp úy đem theo tiền ăn cho “một tuần,” và sĩ quan cấp tá “15 ngày.”
  
Hiền lành, hiểu biết nông cạn, hay phỏng đoán và suy luận hời hợt, tôi, là người viết bài này, một sĩ quan cấp úy vội hiểu rằng cộng sản tập trung chúng tôi lại để học tập chính sách mới trong vòng một tuần. Là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị trung cấp (cứ xem như vậy đi), đã biên tập nhiều bài vở, phỏng vấn nhiều tù binh CS, viết nhiều slogan chống Cộng trên sách báo và đài phát thanh mà ngây thơ, hoàn toàn không hiểu gì về cộng sản. Buổi trưa ngày 24 tháng 6, theo thói quen, tôi vẫn có một giấc ngủ trưa, thức dậy vào khoảng ba giờ chiều, hẹn một người bà con cùng cấp bậc ở chung trong cư xá khăn gói cùng đi trình diện. Trong ba lô cá nhân có một cái mền dù, một cuốn sách không nhớ tên, hai bộ áo quần, một đôi dép, một số tiền để đóng tiền ăn cho một tuần và đúng bảy gói mì ăn liền “Hai Con Cua” cho bảy buổi sáng. Như mỗi lần đi công tác, ra đi, tôi nói với vợ: “Anh đi một tuần về!” Cũng không hôn vợ hay xoa đầu con trước khi ra đi.
  
Theo thông cáo của chính phủ Lâm Thời Miền Nam (tức là MTGPMN) thì sau cuộc chiến, sĩ quan và binh sĩ (Ngụy) được cho trở về nơi quê quán làm ăn, đó là trên văn bản, nhưng trong thực tế, một cuộc trả thù quy mô đã thực sự bắt đầu.
Ðến nơi trình diện, chưa đóng tiền ăn thì ngay buổi chiều đã có những chiếc xe của những nhà hàng Tàu nổi tiếng Chợ Lớn như Soái Kình Lâm, Ðồng Khánh… mang thức ăn đến với những món như cơm chiên Dương Châu, Cá Chua Ngọt, Mì Xào… chia cho anh em theo từng toán, phòng dùng bữa. Nếu như có bà vợ nào lo lắng cho số phận của chồng, đứng lấp ló bên kia đường, thấy vậy cũng yên tâm, tối nay về ngủ yên. Người nào đang còn nghe ngóng, hồ nghi chưa chịu đi trình diện thì cũng “hồ hởi” hăng hái vào rọ. Ai cũng cho rằng “Cách Mạng” chu đáo, bảy ngày “tẩm bổ” như thế này, đi “học”về chắc lên cân.

Tranh Bích Chương Nguyễn Hữu Nhật: CSVN Trả Thù Hèn Hạ
Sau một tuần lễ trôi qua, rồi sau một tháng, khi đã bị sập bẫy, trong một lần chuyện trò với những người bạn tù cùng hoàn cảnh, tôi bày tỏ ý kiến về chuyện chúng ta có thể bị tập trung, giam giữ lâu dài chứ không phải một hai tuần như nhiều người đã tin tưởng. Trong số bạn tù, có người đã không đồng ý với nhận định của tôi, tin tưởng vào lời hứa hẹn ỡm ờ của bọn cai tù, y cho là tôi đã làm mất tinh thần anh em, hung hãn bước tới và toan đánh tôi, vì tôi là người đã nói ngược lại những điều mà họ tin tưởng: “học tập” vài tháng rồi về!
Nhà tù cộng sản nêu khẩu hiệu và đoan chắc: “Học tập tốt, lao động tốt” sẽ được sớm về sum họp với gia đình. Do đó đám tù khi lên lớp “học tập,” kiểm thảo thì đấm ngực mình nhận tội, sẵn sàng đấu tố bạn bè, đồng ngũ chưa thành khẩn khai báo, lúc “lao động” thì làm việc trối chết, tranh thủ để được bầu làm “tiên tiến,” nhưng cuối cùng về hay ở là do chuyện ở đâu đâu! Nếu có năm bảy chục lượng vàng đút lót ở cấp trung ương thì may ra.
Ở ngoài nhà tù lớn thì gia đình, vợ con những người tù “cải tạo” được phường khóm hứa hẹn, khuyến khích bồng bế nhau đi vùng kinh tế mới cho chồng mau về sum họp gia đình, nhưng cuối cùng mất nhà, mất tiền, thân tàn, ma dại, lâm vào cảnh khốn cùng.
Ði làm thủy lợi thì chia toán, phân lô, cán bộ hô hào “làm sớm nghỉ sớm,” toán nào làm xong, đạt chỉ tiêu thì được về nhà trước. Ai cũng làm việc trối chết vì mẹ già con dại ở nhà, nhưng làm xong phần mình thì được “điều” sang làm cho toán khác, “đoàn kết để cùng nhau tiến bộ!”
Ở trong trại tù, có tin đồn là tù sắp chuyển trại, thì trước hàng tù tập họp, cán bộ trại thề sống thề chết là không bao giờ chuyện đó có thể xẩy ra, nhưng ngay tối hôm đó thì trại tù được lệnh chuẩn bị khăn gói… lên đường.
Ở trong nhà tù “cải tạo” cũng với trò này, anh nào làm sớm được nghỉ sớm, nhưng xong chỉ tiêu thì sẽ có việc khác làm tiếp, “nước sông công tù,” biết bao giờ cho hết việc làm.
Tết Mậu Thân ở Huế, Việt Cộng kêu gọi viên chức VNCH ra trình diện, lần thứ nhất tuyên truyền qua loa xong cho về nhà, lần thứ hai học tập sơ sài lại cho về. Do vậy, những người còn ẩn náu trốn tránh gọi nhau ra trình diện, nhưng lần thứ ba cũng là lần cuối cùng, và là lần về… mồ chôn tập thể!
Ông Nguyễn Văn Thiệu đã có một câu danh ngôn để đời: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói…” tuy ai cũng khen ngợi câu nói này, nhưng lại thật thà, mau quên, nhớ được một lần, nhưng những lần sau lại không nhớ! Cuối cùng chúng ta đều là những “cô bé choàng khăn đỏ” ngây thơ, cả tin, thiếu kinh nghiệm trước con cáo già cộng sản!
Những gì mà cộng sản nói thì phải hiểu ngược lại hay hiểu một cách khác. Hiệp định ký chưa ráo mực trên bàn thương thuyết thì ngoài mặt trận chúng đã vi phạm. Lệnh hưu chiến mới có hiệu lực thì lực lượng cộng sản đã nổ súng tấn công. Mậu Thân là một bài học lịch sử trả bằng máu quá đắt.
Phát ngôn viên chính phủ trong các cuộc họp báo thì nói ngược để che giấu sự thật một cách trơ trẽn. Năm 2008, phóng viên AP ở Hà Nội, Ben Stocking, 49 tuổi khi đến chụp hình chuyện tranh chấp đất đai giữa giáo dân và chính phủ cộng sản, đã bị “đánh đấm, bóp cổ và đập vào đầu, tịch thu máy ảnh,” có chứng cớ bằng hình ảnh và những đoạn phim thu hình, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn chối phăng là không hề có vụ hành hung này.
Trong vụ Văn Giang, hai ký giả bị đánh tàn nhẫn thì chính quyền cho đó là những đoạn phim giả tạo được ghép vào! Mô tả một vụ máy bay cháy, thì chúng nói có khói bốc lên nhưng không phải cháy! Ngay người đại diện chính phủ còn ăn gian nói dối mà không hề biết ngượng nên xã hội ngày nay đã mất hết đạo lý. Chân thật, ngay thẳng luôn luôn phải chịu thiệt thòi, nên con người phải chạy theo gian trá, lươn lẹo để sống còn.
Chúng ta thua vì chúng ta sống có đạo lý, ngay thẳng.
Chúng ta cứ hô hào “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo,” nhưng rút cuộc hung tàn, cường bạo đè bẹp chuyện đại nghĩa, chí nhân. Dương Thu Hương đã từng cho rằng: “Chế độ chiến thắng cuộc chiến chẳng qua chỉ là một thể chế man rợ!”
Ðến hôm nay tôi vẫn chưa quên được chuyện khăn gói mang theo bảy gói mì “Hai Con Cua”dành cho bảy ngày “học tập,” trở thành bảy năm tù của tôi.
Sau bảy năm tù, tôi đắng cay nhận ra cái tội của mình: tội ngu!
@Bài tác giả Huy Phương gửi đến BBT
@DD Người Dân Việt Nam

PHÓ THƯỜNG DÂN * MIỀN NAM

Miền Nam VN sau 37 năm dưới chế độ CS

image


Tôi thấy gì và nghe được gì ở Sài Gòn và miền Nam VN sau 37 năm dưới chế độ CS
Lời người viết:  Đây không phải là một phóng sự hay một bài nghiên cứu xã hội với những phương pháp khoa học của nó - mà chỉ là những điều vụn vặt mắt thấy tận nơi, tai nghe tận chỗ - ghi lại một cách trung thực.

Tôi thấy bộ mặt Saigòn đổi mới với: Những khách sạn 5 sao, 4 sao lộng lẫy. Đổi mới với những nhà hàng “ vĩ đại “ trên các tuyến đường du lịch. Với những trung tâm “thư giản” sang trọng, quý phái cở câu lạc bộ Lan Anh. Với những vũ trường cực kỳ tráng lệ như vũ trường New Century Hà Nội. Với những trường Trung học tư thục mang tên Mỹ, giáo sư Mỹ, chương trình học của Mỹ, giảng dạy bằng tiếng Mỹ- học sinh phải trả học phí bằng tiền Mỹ - 1,000 US$ đến 1,500 US$ /tháng. (Giai cấp nào đủ sức trả học phí nầy cho con? )

image
Tôi cũng hiểu rằng các nơi nầy là nơi ăn chơi của vương tôn công tử “đỏ”, các nhà giàu mới - thân nhân các quyền lực đỏ đứng đàng sau, các quan chức đỏ đô la đầy túi. Họ đến đây để “thư giản”, uống rượu, đánh bạc, cá độ và tìm gái.
Uống chơi vài chai rượu ngoại VSOP, XO là chuyện thường. Mỗi đêm có thể tiêu hàng ngàn đô la Mỹ cũng không phải là điều lạ. Trong khi lương tháng của một thầy giáo Trung học trường công không đủ để trả một chai rượu XO. Vụ cá độ hàng triệu US $ đã bị phanh phui. là một thí dụ cụ thể. Vũ trường New Century bị Công an đến giải tán vì các công tử và tiểu thư con các quan chức lớn nhảy đã rồi… “ lắc” suốt đêm.
Để vài hôm sau - đâu lại cũng vào đó…

image
Tôi cũng thấy Sàigòn- người, xe và phố xá dầy đặc, nghẹt thở - vài tòa cao ốc mọc lên vô trật tự - ở xa xa, có cái trông giống như chiếc hộp quẹt. nhà cửa mặt tiền hầu hết đều lên lầu nhiều tầng. Kiến trúc hiện đại. Vật liệu nhập cảng đắc tiền. Nhà trong hẻm - phần lớn cũng lên nhiều tầng cao nghệu. Có nhiều khu xây cất bừa bãi, nhô ra thụt vào như những chiếc răng lòi sỉ vô duyên. , lấn chiếm ngang ngược đất công hoặc lề đường…  
Tôi thấy Sàigòn bị ô nhiểm trầm trọng với hằng triệu tiếng động cơ, ngày đêm đinh tai nhức óc và 5.000.000 chiếc Honda - phun khói mịt mù - chưa kể đến xe hơi ???


image
Và hệ thống cống rãnh lạc hậu. mỗi khi trời mưa lớn - nước rút không kịp, ứ đọng tràn ngập nhà cửa. Hệ thống đổ rác còn lạc hậu. không đáp ứng nổi nhu cầu thải rác của 10.000.000 dân nhung nhúc như kiến. Sàigòn đầy dẫy những hàng ngoại do công ty ngoại quốc sản xuất tại chỗ, hàng lậu của Trung quốc tràn vào vô số kể. Máu kinh tế Việt Nam bị loảng ra. Nhưng chế độ xã nghĩa im thin thít chịu trận, không dám một lời phản kháng. Một chiếc xe Honda nhãn hiệu Trung quốc giá khoản chừng 1,200 đô la Mỹ, chưa kể hàng Trung quốc lậu thuế, rẻ mạt. Thuốc lá và bia - bia nội, bia ngoại - có đủ. Nhậu và hút là 2 cái mốt bình dân thời thượng nhất ở Sàigòn. Đảng viên, cán bộ - giai cấp thống trị -"Nhậu". Già nhậu, trẻ nhậu… con nít cũng tập tành nhậu. Hút thì khỏi nói. Giai cấp cán bộ răng đen mã tấu bây giờ là giai cấp nắm quyền thống trị - đã lột xác - không còn quấn thuốc rê, bập bập phà khói mịt mù nữa - mà lúc nào cũng lấp ló một gói 3 con 5, Craven A, trong túi. Lãnh đạo hút, cán bộ hút, dân chúng hút - thậm chí con nít 9, 10 tuổi ở đồng quê cũng phì phà điếu thuốc một cách khoái trá. Các hãng bia và thuốc lá ngoại quốc đã tìm được một thị trường tiêu thụ béo bở. Cán bộ lớn cũng âu phục cà vạt hẳn hoi, xe hơi bóng loáng. nhưng bộ răng hô, mái tóc bạc thếch, và nước da mông mốc, cũng không dấu được nét thô kệch của một anh nhà quê mới lên Tỉnh.

Tôi còn thấy Sàigòn với hiện tượng “tiếm công vi tư” lộng hành, ngang ngược của Công an đến độ dân chúng quen thuộc, xem là một chuyện đương nhiên như chuyện hối lộ đã trở thành cái lệ bất thành văn trong chế độ xã nghĩa. Chiếm đoạt một nửa công viên, xây nhà gạch dùng làm quán cà phê. Chưa thỏa mãn - ban đêm còn dọn thêm bàn ghế trên sân cỏ của phần công viên còn lại và thắp đèn màu trên mấy chậu kiểng cho thêm thơ mộng. Ông chủ bự nầy chắc chắc không phải là dân thường. Ông lớn nầy xem công viên như đất nhà của ông vậy. Ai có dịp đi ngang qua mũi tàu - nơi gặp gỡ của 2 đường Nguyễn Trải và Lê Lai cũ, ngang hông nhà thờ Huyện Sĩ - thì rõ.

image
Còn nhiều, rất nhiều chuyện lộng hành chiếm đất công, lấn lề đường nhan nhãn ở khắp Saigòn. Chỉ đưa ra vài thí dụ cụ thể: Một công thự tại vườn Tao đàn (có lẽ là nhà cấp cho viên Giám đốc Công viên Tao đàn) - mặt tiền ngó vào trong - mặt hậu nhìn ra phía đường Nguyễn Du (Taberd cũ) - bên có màn trổ cửa mặt sau nhà, xây thêm phía sau thành 2 căn phố thương mại mặt tiền ngó ra đường Nguyễn Du, trị giá mỗi căn, nhiều trăm ngàn Mỹ kim - ngon ơ ! Tương tự như vậy - ở góc đường Thành Thái và Cộng Hoà cũ, trước sân nhà của ông Hiệu Trưởng trường Quốc gia Sư Phạm trước 75 - phố thương mại,  quán xá la liệt chiếm mất mặt tiền. Ngang ngược và lộng hành nhất là 2 căn phố thương mại bên hông trường Trương minh Ký, đường Trần hưng Đạo, chễm chệ xây lên ngay bên góc phải sân trường như thách đố dân chúng. Còn trên lề đường khá rộng trước câu lạc bộ CSS cũ, bây giờ là câu lạc bộ Lao động - nhiều gian hàng thương mại bán quần áo, giày vớ thể thao, buôn bán ầm ĩ, náo nhiệt suốt ngày.

Công an chiếm đất công, xây nhà tư. Công viên, lề đường trước nhà dân là đất riêng của Công An. Công an sử dụng làm chỗ gửi xe, bịt kín cả lối đi vào nhà. Không ai dám hó hé. Im lặng là an toàn. Thưa gửi là dại dột. Mà thưa với ai? Tất nhiên là phải thưa với công an. Không lẽ công an xử công an? Tướng CS Trần Độ phản ảnh còn rõ rệt hơn :
Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội vô pháp luật mà phần đầu tiên gây ra là Đảng . Không thể nào chống tham nhũng được vì nếu Đảng chống tham nhũng thì Đảng chống lại Đảng sao? “ (Nhật ký “Rồng Rắn” của Trần Độ).
        
Nón cối, nón tai bèo, dép râu, áo chemise xùng xình bỏ ngoài chiếc quần màu cứt ngựa của người cán bộ CS ngơ ngác khi mới vào Sàigòn - đã biến mất.
Cũng không còn thấy những chiếc áo dài tha thướt của những cô gái đi dạo phố ngày cuối tuần trên các đại lộ Lê Lợi, Lê thánh Tôn, Tự do những ngày trước 75 nữa. Thay vào đó là một đội ngũ phụ nữ - mũi và miệng bịt kín bằng “khẩu trang”, găng tay dài đến cùi chỏ, cỡi mô tô chạy như bay trên đường phố.

image
Tôi còn thấy những người nghèo khổ chở trên chiếc xe thồ, những thùng carton và bao túi Nylông, chồng chất lên nhau cao ngất như sắp đổ xuống… Những bà cụ già, những cậu bé tuổi đáng được ngồi ở ghế nhà trường, những anh phế binh cụt tay, cụt chưn, lê lết trên một miếng ván gỗ … đi bán vé số (một cách ăn xin trá hình).

image
Bộ mặt Sàigòn “đổi mới” bằng những khách sạn lộng lẫy, những câu lạc bộ thời thượng, những phố xá thương mại sang trọng, những hiệu kim hoàn lóng lánh kim cương, những nhà hàng ăn vĩ đại, những vũ trường cực kỳ tráng lệ, những biệt thự đồ sộ nguy nga mới xây bằng vật liệu ngoại đắt tiền. trang trí cây cảnh như một mảng vườn Thượng uyển của vua chúa ngày xưa, những xe hơi bóng loáng nhởn nhơ trên đường phố - Nhiều người chóa mắt. choáng váng, cho là “Việt Nam bây giờ tiến bộ quá”.
Riêng Phó thường dân tôi tự nghĩ : Như vậy có phải là tiến bộ không ? Sự tiến bộ của một nước cần phải nhìn về nhiều mặt : Mặt y tế và giáo dục, mặt đời sống vật chất và tinh thần của dân chúng. Lợi tức đầu người của Việt Nam - theo thống kê của báo The Economist - bằng: 800 US $ năm 2011 (Hà Nội bốc lên 1,000 US $, Chỉ hơn Lào và Cambodia chút đỉnh. So với các nước láng giềng: Thái Lan: 3.500 US $ - Phi luật Tân: 2.000 US $ - Nam Dương: 1.160.US$. Tân gia Ba 30.000 US$. (The Economist World, năm 2011 - p. 158, 176, 238)
Việt Nam còn lẹt đẹt đàng sau rất xa. Và trước bộ mặt thay đổi choáng ngợp nầy - nếu đặt câu hỏi: Ai là chủ nhân của những xe hơi, khách sạn- vũ trường, những thương hiệu lớn, những biệt thự lộng lẫy kia? - Thì câu trả lời không sợ sai lầm là của cán bộ đảng viên (tại chức hoặc giải ngũ) hoặc con cháu thân nhân của họ. Và ở thôn quê - Giai cấp giàu có bây giờ là ai ? Giai cấp địa chủ là ai ? Có phải do của cải của ông cha để lại hay do sự kinh doanh tự do, mua bán làm ăn mà có ???    
HIỆN TƯỢNG NGƯỜI BẮC XA HỘI CHỦ NGHĨA CHIẾM HỮU TOÀN BỘ PHỐ XÁ THƯƠNG MẠI QUAN TRỌNG Ở SÀIGÒN - KHỐNG CHẾ MỌI LÃNH VỰC TRỌNG YẾU Ở MIỀN NAM.
Cho dù núp dưới cái hào quang chiến thắng “đánh Tây, đuổi Mỹ” - cho dù che giấu, lấp liếm, giải thích thế nào chăng nữa - Thì dân miền Nam (gồm cả Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) vẫn thấy một sự thật. Sự thật đó là người Bắc XHCN tràn ngập, chiếm hữu toàn bộ phố xá thương mại trọng yếu của Sàigòn. Làm sao nói khác được khi đi một vòng quanh Sàigòn. Và các khu phố sầm uất nhất, vào những hiệu buôn lớn để mua hàng hay hỏi han chuyện trò thì thấy toàn là người Bắc Cộng sản - Từ cô bán hàng đến bà chủ ngồi phía trong - Cũng toàn là người của xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Các tiệm buôn lớn trước 75- như các tiệm vàng Nguyễn thế Tài, Nguyễn thế Năng, Pharmacie Trang Hai, tiệm Émile Bodin của bầu Yên, nhà hàng Bồng Lai, Thanh Thế, Nguyễn văn Đắc, Phạm thị Trước. Hiện nay, một số đã đổi bảng hiệu hoặc xây cất lại. nhưng đều do người miền Bắc XHCN làm chủ. Các cơ sở khác như nhà hàng ăn lớn, tiệm phở, công ty thương nghiệp, dịch vụ lớn, những tiệm buôn bán đồ nhập cảng v. v. cũng đều do người Bắc XHCN chiếm giữ. Tuy không có con số thống kê chính xác nhưng tự mình đi đếm hàng trăm tiệm buôn sang trọng quanh các khu phố lớn ở Sàigòn thì khám phá ra được chủ nhân là người Bắc XHCN (Tất nhiên là vợ con, thân nhân cán bộ lớn). Những gái Bắc XHCN bán hàng là con cháu của chủ nhân người Bắc CS (do các cô tự nói ra). Các cô chiêu đãi viên trên phi cơ VNHK đều là người Bắc thân nhân hay con cháu cán bộ - dĩ nhiên - vẻ mặt lạnh lùng, hách dịch với người Việt Nam và khúm núm lịch sự với khách ngoại quốc. Cán bộ, công nhân viên trọng yếu - Cũng đều là người Bắc - Trừ một số cán bộ gốc miền Nam ra Bắc  tập kết - theo đoàn quân viễn chinh vào đánh chiếm miền Nam - Thì cũng kể họ là người XHCN miền Bắc cả.
     
image

Hệ thống quyền lực từ trên đến dưới - Từ Trung ương đến địa phương - Từ Tỉnh thành đến quận lỵ, thị trấn, làng xã gần - đều do đảng viên người miền Bắc XHCN - nắm giữ. Những công Ty dịch vụ có tầm cỡ, những công Ty thương mại sản xuất lớn - điển hình là một công Ty vận tải và du lịch có đến 10,000 xe hơi đủ loại, chủ nhân cũng là người Bắc XHCN. Từ chính trị đến văn hóa, từ giáo dục đến truyền thông, từ nhà cầm quyền cai trị đến chủ nhân cơ sở thương mại, sản xuất - Cũng là do người miền Bắc XHCN nắm giữ.

Đó là sự thật trước mắt ai cũng thấy. Còn những vàng bạc, kim cương, đô la, tài sản tịch thu, chiếm đoạt được trong các cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp - nhà cửa của tù cải tạo, của dân bị đuổi đi kinh tế mới, những tấn vàng của VNCH để lại, những lượng vàng thu được từ những người vượt biên bán chánh thức - tài sản những người thuộc diện tư sản - toàn bộ tài sản nầy từ Saigòn đến các Tỉnh miền Trung, miền Nam - được đem đi đâu? - Không ai biết.      

Thông thường - những của cải nầy phải được sung vào công quỷ - để làm việc công ích như các ông cộng sản thường rêu rao bằng những mỹ từ đẹp đẻ. Thế nhưng - sự thật trước nhất - là các ông đem chia chác nhau. Chia nhau một cách hợp hiến và hợp pháp theo Luật pháp XHCN (Đọc Đất đai-Nguồn sống và Hiểm Họa của Tiến sĩ Nguyễn thanh Giang). Ông lớn lấy tài sản lớn. Ông nhỏ - nhà cửa nhỏ. Có ông cán bộ trung cấp chiếm hữu đến 4, 5 căn nhà. Ở không hết… đem cho công Ty ngoại quốc thuê. Điều phổ biến nhất là các ông cán bộ nầy - vì lo sợ cái gì đó - bèn đem “ bán non” những căn nhà đó lấy tiền bỏ túi trước. Một căn nhà của một viên chức tù cải tạo đã sang tay đến 3 đời chủ. Nhà cửa thuộc diện tù cải tạo là dứt khoát phải tịch thu - không ngoại lệ. Những trường hợp con ruột có hộ khẩu chánh thức còn được phép ở lại - là những biện pháp vá víu. Chủ quyền căn nhà nầy là Nhà nước XHCN.

Không chỉ có những người thuộc diện cải tạo công thương nghiệp, tù cải tạo, vượt biên mà người dân thường có nhà cửa phố xá đều bị “ giải phóng” ra khỏi nhà bằng nhiều chánh sách: Đuổi đi kinh tế mới, dụ vào hợp tác xã tiểu công nghiệp, mượn nhà làm trụ sở, cho cán bộ vào ở chung (chủ nhà chịu không nổi… phải bỏ đi), đổi tiền để vô sản hoá người dân, khiến họ bắt buộc phải bán tất cả những gì có thể bán để mua gạo ăn, cuối cùng chịu không nổi, phải bán nhà với giá rẻ bỏ, để vô hẻm ở, ra ngoại ô hoặc về quê… Cán bộ hoặc thân nhân cán bộ miền Bắc XHCN tràn vào “mua” nhà Saigòn với giá gần như cho không… và bây giờ là chủ những căn nhà mặt tiền ở Saigòn.

Mang xe tăng T. 54, cà nông Liên xô, AK Trung cộng, đẩy hàng hàng lớp lớp thiếu niên “xẻ dọc Trường Sơn” bằng máu, nước mắt và xác chết… vào xâm chiếm miền Nam. Chiêu bài là “giải phóng” nhân dân miền Nam - nhưng sự thật khó chối cãi được - là vào để chiếm đoạt tài sản, đất đai, của cải, đuổi dân Saigòn (
gồm cả người Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) ra khỏi Thủ Đô bằng nhiều chánh sách khác nhau - để bây giờ chính các ông đã trở thành những nhà tư bản đỏ triệu phú, tỉ phú đô la, vàng bạc kim cương đầy túi - những ông chủ công Ty có tầm vóc, những địa chủ đầy quyền lực. Trương mục ở nước ngoài đầy nhóc đô la. Con cái du học ngoại quốc. (Trường hợp con Thủ Tướng CS Nguyễn tấn Dũng đang du học Mỹ là trường hợp điển hình). Như vậy hành vi nầy gọi là gì? Trong những lúc canh tàn rượu tỉnh - một mình đối diện với lương tâm thuần lương của mình - các ông tự gọi mình đi.

Đến thời “mở cửa” - cơ hội hốt tiền còn nhiều hơn gấp bội. Tư bản ngoại quốc ồ ạt đầu tư, khai thác dầu khí, thâu đô la Việt kiều về thăm quê hương - đô la khách du lịch ngoại quốc, bán đất cho Công Ty ngoại quốc xây cất cơ xưởng, cấp giấy phép các công Ty ngoại quốc, các dịch vụ đấu thầu xây cất cầu cống, làm đuờng xá, xây cất đại công tác. Những món nợ kếch xù từ Ngân hàng thế giới, từ quỹ tiền tệ quốc tế - những món nợ trả đến mấy đời con cháu cũng chưa dứt.
Những đại công tác nầy mặc sức mà ăn, no bóc ké. Nhiều công trình vừa xây cất xong đã muốn sụp xuống vì nạn ăn bớt vật liệu. Một thí dụ điển hình: Một bệnh viện gần chợ “cua” Long Hồ - quê hương của Phạm Hùng - nước vôi còn chưa ráo đã muốn sụp. Hiện đóng cửa không sử dụng được.

Hiện tượng người Bắc XHCN khống chế toàn bộ, làm chủ nhân ông mọi lãnh vực, chiếm hữu nhà cửa, phố xá thương mại ở những khu thương mại quan trọng nhất - là một sự thật không thể chối bỏ. Cán bộ lớn đã trở thành những nhà tài phiệt đầy quyền lực - những ông chủ lớn giàu có nhất lịch sử. Trong khi dân chúng miền quê - nhất là miền Nam - ngày càng nghèo khổ, thất nghiệp kinh niên. Khoảng cách giàu nghèo càng lớn - đời sống cán bộ và dân chúng càng ngày cách biệt. Giàu thì giàu quá sức. Nghèo thì nghèo cùng cực.
         
Nhà văn - bác sĩ Hoàng Chính - gọi thời kỳ sau 75 là thời “Bắc thuộc”:
- “Năm Bắc thuộc thứ 2: Lưu vong tại quê nhà trong cái đói lạnh.
- Năm Bắc thuộc thứ 6: Cầu cho em nhỏ 10 tuổi đầu đủ cơm ăn giữa bầy thú hát điên cuồng chuyện thù oán.
- Năm Bắc thuộc thứ 12: Trong ngục thất quê hương ấy, có những bộ xương thôi tập khóc cười. “
Miền Bắc XHCN đem quân xâm chiếm miền Nam để khống chế nơi đó bằng sự đô hộ hà khắc và tinh vi.

BỘ MẶT THÔN QUÊ MIỀN NAM

Có nhìn tận mắt, nghe tận nơi, mới hình dung được khuôn mặt miền Nam sau 37 năm dưới chế độ cộng sản. Để được trung thực - người viết ghi những điều thấy và nghe - không bình luận - tại những nơi đã đi qua. Thôn quê miền Nam - những làng xóm gần tỉnh lỵ quận lỵ đã có điện. Những làng xã xa xôi hẻo lánh vẫn còn sống trong sự tăm tối. Đường sá có tu sửa phần nào. Đường mòn đi sâu vào thôn xóm được lót bằng những tấm dalle lớn (đường xóm Cái Nứa, Cái Chuối xã Long Mỹ, VL), xe Honda và xe đạp chạy qua được. “Cầu tre lắt lẻo”, cầu khỉ được thay thế bằng cầu ván, cầu đúc (vật liệu nhẹ). Cầu tiêu công cộng trên sông các chợ quận (Cái bè, Cái răng) nay không còn thấy nữa.
Nhà cửa dọc theo bờ sông Cần Thơ - chen vào những nhà gạch ngói, nhà tôn - còn nhiều nhà lá nghèo nàn. Tương tự như vậy - dọc theo bờ sông Long Hồ - một số nhà gạch nhỏ mới cất. xen kẽ những mái lá bạc màu. Vùng Trà ốp, Trà Cú (Vĩnh Bình), chợ Thầy Phó (Vĩnh Long) nhiều nhà gạch mới xây nhưng vẫn không thiếu nhà lá, nhà tôn. Đường mòn chạy sâu vào thôn xóm vẫn còn đường đất lầy lội vào mùa mưa nước nổi.        
Hai bên đường xe chạy từ Mỹ Tho, Cao Lãnh, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ. Nhìn chung - có một sự thay đổi rõ rệt. Nhà cửa, hàng quán dầy đặc, động cơ ồn ào, người ta chen chúc. Cảm giác chung là ngột ngạt, khó thở. Những vườn cây xanh um bên đường đã biến mất hoặc thụt sâu vào trong, không còn thấy nữa. Không còn vẻ đẹp thiên nhiên ngày nào của vườn xoài cát sai hoằng, mát mắt vùng Cái Bè, An Hữu, vườn mận Hồng Đào chạy dài hàng mấy cây số ở Trung Lương.
   
image

Dưới sông - từ kinh Vĩnh Tế chảy dài ra sông Tiền Giang - hai bên bờ toàn là nhà sàn, phía sau chống đỡ sơ sài bằng những trụ cây tràm. Mỗi nhà hoặc 2, 3 nhà đều có cầu tiêu tiểu bắc phía sau.

Tắm rửa giặt giũ, múc nước lên uống, phóng uế - cũng cùng trên một dòng sông. Không có gì thay đổi. Làng Chàm còn gọi là chà Châu Giang cũng còn đó. Cũng nghèo như trước. Những chiếc ghe vừa dùng làm nhà ở, vừa là hồ nuôi cá. Basa, cá điêu hồng v. v. ở dọc bờ sông khá dài. Dường như ngành nầy hoạt động khá mạnh. Dọc trên những nhánh phụ lưu của 2 con sông Tìền và sông Hậu - người ta không còn thấy bóng dáng của những cô gái thướt tha trong chiếc áo bà ba và chiếc quần lãnh Mỹ A, chèo ghe tam bản, bơi xuồng như thời trước 75 nữa. Hỏi một ông già tên Ph. tại Cái Răng, được trả lời: “ Đi lấy Đại Hàn, Đài Loan hết rồi ông ơi!
Tôi hỏi thêm: “ Các cô gái có nghe nhiều người bị gạt bán vào ổ mại dâm, nhiều cô gái bị chồng bắt làm lao động khổ sai, bị ngược đãi, đánh đập. các cô gái nầy không sợ sao ông?
“ Biết hết - mấy cổ biết hết, báo Tuổi trẻ đăng hàng ngày. Nhưng cũng có những cô có chồng Đại Hàn, cho tiền cha mẹ xây nhà gạch. Cô khác thấy vậy ham. Phần nghèo, phần không có việc làm kinh niên. Họ liều đó ông. Biết đâu gặp may. “Câu chuyện gái Việt lấy chồng Đại Hàn, Đài Loan hiện không ai là không biết.

image

Tờ Tuổi trẻ - số ra ngày mùng 1 Tết năm Đinh Hợi - trong bài: “ Nỗi đau từ những con số”- có nói đến số phận của 65.000 phụ nữ đang làm vợ những ông chồng Đài Loan già, tàn tật đui mù, làm vợ tập thể cho cả gia đình cha lẫn con. Cũng do tờ báo nầy: “Tại một tổ chức kết hôn lậu, hàng chục cô gái đang “bày hàng” để 2 ông Hàn quốc tuyển chọn làm vợ và 118 cô gái khác đang nằm, ngồi, lố nhố chờ đến lượt mình “ Và cũng do tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 25-04-2007, viết: “Hơn 60 cô gái, tuổi từ 18 đến 20 từ miền Tây Nam bộ lên Saigòn để dự tuyển. Các chàng rể Hàn Quốc được quyền soi xem kỹ, chú ý đến cả từng vết thẹo trên thân thể cô gái. Dich vụ môi giới hôn nhân lậu có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong vòng nửa tháng mà Công An đã phát hiện 3 vụ môi giới hôn nhân trái phép ở quận 6, 10 và Tân Bình với gần 400 lượt cô gái hiện diện. Thậm chí - những cô gái được xe ôm chở tới địa điểm dồn dập gây náo loạn cả xóm”. 
Người viết có lần lang thang trên đường Nguyễn Tri Phương tìm quán ăn cơm trưa, có chứng kiến tại chỗ: Từng cặp trai gái lố nhố xếp hàng đôi trước cửa một trường học, để lần luợt vào trong. Hỏi một người trung niên lái xe Honda ôm, được anh trả lời:
‘ “Đó là những người con gái đi lấy chồng Đài Loan và Đại Hàn. Hàng bên trong là những người đang làm thủ tục xuất ngoại theo chồng. Hàng bên ngoài là những người đang vào ký giấy hôn thú sau khi đã qua các cửa ải môi giới và thủ tục tuyển lựa”.

image
Tôi nhìn kỹ các cô gái nầy tuổi rất trẻ khoản chừng 18 đến 20, đứng cặp với những anh Tàu già sồn sồn- có một người tàn tật. Không thấy có thanh niên trẻ. Nhìn cách ăn mặc và nghe họ nói chuyện - tôi đoán chừng họ đến từ miền Tây Nam Bộ. Đây là tổ chức môi giới chánh thức có giấy phép hành nghề.
Song song với tổ chức chánh thức, còn có một tổ chức “ môi giới hôn nhân lậu”- sự thật là một tổ chức buôn người, chuyên đi dụ dỗ trẻ em và gái, nói gạt là đi bán hàng hay đi làm việc tại các cơ xưởng ngoại quốc nhưng là để bán thẳng vào các ổ mại dâm ở Kampuchia, Thái Lan, Ma Cau để nơi đây huấn luyện trẻ em làm nô lệ tình dục, các cô gái làm điếm, hoặc bán cho người Tàu bỏ tiền ra mua nô lệ. Tất nhiên là phải có sự tiếp tay che chở ăn chia của Công An. Nói là lậu nhưng thật ra là nhan nhản xẩy ra hằng tuần - thậm chí hằng ngày trước mặt dân chúng tại các quận Bình Thạnh, quận 11, Sàigòn.

Cho dù chánh thức hay lậu, hậu quả cũng gần giống nhau. Chánh thức thì có giấy phép, có công an làm thủ tục, chánh phủ thu tiền lệ phí. Lậu thì lén lút với sự che chở của Công An. Hậu quả gần giống nhau. Nhiều cô gái về làm vợ mấy tên Đài Loan, Đại Hàn bị ngược đãi, đánh đập tàn nhẫn - ban ngày làm nô dịch, ban đêm phục vụ tình dục rồi bán vào động mại dâm lấy tiền gỡ vốn lại. (
Trại cứu giúp nạn nhân của cha Hùng ở Đài Bắc là một bằng chứng) Còn lậu thì bán thẳng vào ổ điếm. Biết bao nhiêu thảm cảnh, biết bao nhiêu bi kịch thương tâm làm rúng động lương tâm nhân loại.

Cựu Quốc Trưởng Sihanouk không giấu được nỗi xót xa trước thảm cảnh người phụ nữ Miên làm vợ mấy thằng Tàu, lên tiếng kêu gọi họ trở về nước. Không thấy Việt Nam nói nửa lời!
Những cô gái nầy có biết những thảm kịch đau thương, những sự hành hạ, ngược đãi, đánh đập. nầy khi lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn không? Có bị cưỡng bức, bị dụ dỗ hay tự nguyện? Cha mẹ có đồng ý hay cản trở? Nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ dấn thân vào con đường hiểm nguy, tương lai mù mịt?    
Trừ những trường hợp bị dụ dỗ qua đường dây buôn người - những người con gái này thật sự là họ
TỰ NGUYỆN. Họ còn phải vay tiền mua sắm, ăn diện, hối lộ để đuợc giới thiệu. Nhưng nguyên nhân nào thúc đẩy họ đi lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn?

Có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp. Phó thường dân tôi chỉ đưa ra vài nhận định thiển cận như sau: Quá nhiều chương trình ngăn chống lũ lụt, chương trình công nghiệp hóa, đô thị hoá bừa bãi, không được nghiên cứu cẩn trọng, đất đai canh tác bị thu hẹp, Dân số gia tăng. Khối lượng đông đảo người miền Trung, Bắc XHCN tràn vào. Nông dân miền Nam thiếu đất canh tác. Các cô gái miền Tây quẩn bách vì không có việc làm kinh niên - cuộc sống vô vọng mịt mờ - có nhiều trường hợp bị thúc đẩy vì cha mẹ mắng nhiếc, đay nghiến khi so sánh con gái mình với cô con gái làng bên có chồng Đại Hàn mang tiền về xây nhà gạch cho cha mẹ. Và cũng vì hấp thụ một nền giáo dục của chế độ CS (sinh sau 75) - những người trẻ tuổi không có ý niệm về luân lý đạo đức cũ. Thang danh giá trị bị đảo lộn nên họ không đặt nặng danh dự, sĩ diện như thời trước. Do vậy - khi bị dồn vào đường cùng họ đành đánh liều nhắm mắt đưa chân. Nhưng động lực chánh là nghèo.

NGHÈO

Là nguyên nhân chánh đưa đẩy các cô gái miền Tây Nam Bộ đi lấy chồng Đại Hàn và Đài Loan… để hy vọng thoát khỏi cảnh đời cơ cực, vô vọng không lối thoát. Thế nhưng tại sao đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa nuôi sống cả nước - sau 37 năm dưới chế độ CS lại trở nên nghèo như vậy - nghèo hơn cả đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) ? Theo tiêu chuẩn nghèo từng vùng của Tổng cục thống kê Việt Nam - thì tỷ lệ ĐBSCL năm 1998: ĐBSC: 37%. ĐBSH: 29% . Năm 2002: ĐBSCL: 13 %. ĐBSH: 9%. (Nhà x. b Thống kê - Hànội, trang 13 - LVB trích dẫn) Dù theo tiêu chuẩn nào: tiền tệ (tính bắng tiền hay bằng gạo) - mức sống (bao gồm lương thực, nhà ở, mức sống văn hóa) - ĐBSCL vẫn nghèo hơn ĐBSH - bởi lẽ khi nghèo về lương thực - thì khó có thể giàu về nhà ở và đời sống văn hoá.

image

Đó là cái nghèo mà anh Lâm văn Bé đã nhìn qua những con số có giá trị của những chương trình nghiên cứu thống kê khoa học. Và sau đây là cái nghèo miền Nam qua cái nhìn tận mắt, nghe tận nơi của người viết:
Cái nghèo ở Việt Nam bao gồm cả thành thị lẫn thôn quê là cái nghèo thiếu trước hụt sau, ăn bữa sáng lo bữa chiều - cái nghèo của một nông dân, nhà dột nát. khi trời mưa lúc ban đêm, không có chỗ để nằm phải tìm một góc nhà, phủ cái mền rách lên người ngồi run cằm cặp, trước từng cơn gió lạnh buốt lùa vào căn nhà trống hốc… Cái nghèo của một người đi mượn tiền, mượn gạo. tới ngày hẹn không tiền trả. Cái nghèo của một thanh niên thất nghiệp, cha bị lao phổi không tiền mua thuốc nằm ho sù sụ, mẹ bơi xuồng đi bán bắp nấu không đủ gạo cho một đàn con 4 đứa, mũi dãi lòng thòng đang bốc đất cát chơi ngoài sân.

image

Tục ngữ bình dân có câu: Ít ai giàu 3 họ, khó 3 đời. - Có. Tôi quen biết ông Sáu S. làm nghề chày lưới. ở sông Long Hồ. Đời con là anh Tư Te tiếp nối nghề nầy: nghề đi nhủi tép. Và trên bờ sông Long Hồ năm nay (2011) tôi thấy vợ chồng một cậu thanh niên tên M. vừa cặp xuồng vào bến, đem miệng nhủi còn dính đầy rong rêu phơi trên mái nhà lá đã nhuộm màu thời gian bạc thếch. Hỏi thăm thì té ra là con của Tư Te. Đời ông nội - nghèo! Đời cha nghèo! Đời cháu cũng nghèo! Khó 3 đời đó. Cộng Sản đổi đời cho người giàu thành nghèo - không đổi đời cho người nghèo thành giàu. Người nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Nói chung thì nông dân Việt Nam chiếm 85% dân số mà đất không đủ để canh tác - còn công nghiệp không có khả năng biến nông dân thành thợ thuyền. trong khi dân số lại gia tăng quá tải. Cho nên thất nghiệp không thể tránh. Nghèo là hiện thực. Tiến sĩ Lê đăng Doanh trong một bài phổ biến trên mạng, viết : “Nông dân đã nghèo, đất đã kém đi, nhưng mỗi năm thêm 1 triệu miệng ăn, lấy đâu ra mà ăn. Lao động vất vả mỗi ngày trên 8m2 đất thì lấy gì mà giàu có được? “ 

MIỀN NAM - 37 NĂM DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

image


Kinh tế Việt Nam - trong đó có miền Nam - có chút tiến bộ - so từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ mở cửa. Nhưng chỉ là tiến bộ với chính mình. Đối với các nước khác trong vùng thì còn lẹt đẹt, cầm lồng đèn đỏ… Và điều quan trọng là sự phát triển nầy có đem lại phúc lợi cho dân chúng qua sự tái phân lợi tức quốc gia, để tài trợ các chương trình y tế, giáo dục (hiện nhiều người nghèo không có tiền đóng học phí bậc Tiểu học cho con) - các chương trình tạo công ăn việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở hay không? Hay là phát triển bằng những con số báo cáo rỗng tuếch? Lợi tức tạo được đã bị cả hệ thống của những con virus tham nhũng đục nát cơ thể. Và hiện tại - muốn phát triển công nghiệp - nhà cầm quyền địa phương - theo lệnh Đảng - mở rộng khu công nghiệp, khu du lịch, đã quy hoạch lấy đất, phá mồ phá mả, chiếm nhà dân một cách bạo ngược. Lòng dân phẩn uất, kêu la than khóc. Oán hận ngút trời xanh! (19 Tỉnh miền Nam biểu tình khiếu kiện trước trụ sở quốc hội 2 Sàigòn). Như vậy có gọi là phát triển không?


KẾT LUẬN
- 37 năm nhìn lại:
Người ta thấy miền Bắc đã “giải phóng” dân Sàigòn ra khỏi đất đai, nhà cửa của họ. Họ phải rút vô hẻm, ra ngoại ô hay về quê bằng nhiều chánh sách khác nhau. “Giải phóng” miền ĐBSCL ra khỏi sự trù phú do thiên nhiên ưu đãi từ nhiều thế kỷ. “Giải phóng” quân nhân, viên chức chế độ cũ ra khỏi nhà, để đưa họ vào các trại tù cải tạo hoặc đẩy họ ra biển… “ Giải phóng” phụ nữ miền Tây, để họ được tự do đi làm “vợ nô lệ”, đi làm điếm ở Kampuchia, TháiLan. 
   
- 37 năm nhìn lại:
Người ta thấy Việt Nam trở lại thời kỳ mua bán nô lệ như thời Trung cổ. Phụ nữ Việt Nam bị bán đấu giá trên E-bay Taiwan website (2010) - bị trưng bày trong lồng kính, cũng để bán đấu giá như một con súc vật ở Singapour (2011). Chỉ trong năm 2011 - có khoản 400.000 phụ nữ và trẻ em bị bán ra ngoại quốc. (Theo UNI CEF - LHQ và Bộ Tư Pháp Việt Nam )   

- 37 năm nhìn lại:
Mượn lời nhà báo Claude Allegre, báo L’expresse ngày 29-8-2011: “Người ta không thể cho qua một cách im lặng những Khơ me đỏ, những trại tập trung ở Cambodia và những cuộc tàn sát man rợ ở đó. Và Việt Nam không được biết đến như là một chế độ nhân đạo hơn. Dưới cái cớ là dân tộc can đảm nầy đã chiến thắng các siêu cường quốc - người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi trên xứ sở" 

- 37 năm nhìn lại:
Miền Bắc XHCN rõ ràng đã thiết lập một nền đô hộ miền Nam - khắc nghiệt, tinh vi hơn cả thời Pháp thuộc.
Và điều quan trọng trên hết là Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Một trí thức Việt Nam lên tiếng cảnh cáo: “Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Mất cả đất đai, sông núi và dân tộc. Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh lẻ của Tàu." (Trích Người việt hải ngoại - Nguyễn văn Trấn)


PHÓ THƯỜNG DÂN

HÀ NHÂN VĂN * VIỆT NAM TRUNG QUỐC

Hà Nhân Văn 

 Thời Sự Quốc tế Việt Nam.

Việt-Nam Trước Thách-Đố Đại-Hán Đỏ Xâm-Lăng
Mục tiêu xa của Bắc Kinh: Dầu khí Côn Sơn, Tây Nguyên, Trường Sơn Việt-Nam Trước Thach-Đố Đại-Hán Đỏ Xâm-Lăng
VẤN ĐỀ LIÊN MINH VỚI HOA KỲ
Ts Cù Huy Hà Vũ từng thống thiết kêu gọi Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ, “Đó là mệnh lệnh”. Mệnh lệnh của ai? Mệnh lệnh của tổ quốc và của Mẹ Việt Nam. Lời kêu trầm thống ấy chính là nguyên nhân Bắc Kinh áp lực CSVN phải bắt giam và bỏ tù Cù Huy Hà Vũ đồng thời tiêu diệt khí thế VN. Nhưng liên minh với Mỹ vào lúc này có dễ không? Dễ mà khó, rất khó!
Dễ là vì Mỹ đang muốn giúp VN và bảo vệ Biển Đông. Các tổ chức cựu chiến binh Mỹ “Viet Veterans” đã và đang đổ xô qua tiếp tay tái thiết VN, hàn gắn vết thương “20 năm cuộc chiến” và xóa nhòa “hội chứng VN”. Khuynh hướng thân Mỹ trong giới trí thức, sinh viên, cựu tướng lãnh và cựu chiến binh VNCS càng ngày càng lan rộng, lấy “Trung tâm Hoa Kỳ” ở Sàigòn làm thí dụ, giới trẻ tấp nập đến trung tâm, nhất là ngày thứ bảy chủ nhật. Nhưng rất khó lúc này, chỉ có thể liên minh với Mỹ về chính trị và quân sự trong điều kiện tiên quyết, “ắt có và đủ”, VN phải có tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Thời cơ vàng son đang tới. Ngày 2-6 vừa qua, sau khi dự thượng đỉnh G-8 trở về, TT Obama tái xác định với lời lẽ hết sức cứng rắn: Bất cứ nơi nào an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa, Hoa Kỳ sẽ phản ứng tức khắc, kể cả dùng biện pháp quân sự. Biển Đông là vùng an ninh của Mỹ.
HAI ĐIỀU KIỆN CHỐNG ĐẠI HÁN
Nếu bất hạnh Trung quốc Đỏ xâm lăng VN như phe diều hâu Bắc Kinh đã và đang hô hào cổ võ “đánh! đánh” , Tàu Đỏ chắc chắn sẽ thua Việt Nam trong 2 điều kiện sinh tử: 1. Diệt được lũ Việt gian trong lãnh đạo và trong lòng ĐCSVN. 2. Trung hòa đạo quân thứ năm của Bắc Kinh đang lúc nhúc trên đất nước, đó là tập thể trên 300,000 Hoa kiều mới nhập lậu vào VN từ đầu thập niên 2000, hầu hết là Hán dân đến từ các tỉnh nghèo như Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Nam… Cần phân biệt lớp Hoa kiều mới này với đồng bào Việt gốc Hoa trước năm 1975 ở cả 2 miền Nam Bắc, nay gọi đơn giản là đồng bào Hoa, hầu hết đến VN từ thế kỷ 17 và trước nữa, gốc Phúc Kiến, Quảng Đông, đảo Hải Nam và một số ở Chiết Giang và Quảng Tây, vốn là huyết hệ Việt tộc trong dòng Bách Việt, ta phải bảo vệ, là đồng bào ta.
TẬP ĐOÀN VIỆT GIAN TRONG ĐẢNG CSVN
Bộ “sậu” của Bắc Kinh đang là một quyền lực sinh sát trong lãnh đạo ĐCSVN. Do cao trào chống Đại Hán bá quyền trong quân đội và quần chúng VN, chúng mai phục nằm im, chờ giờ hành động. Trùm Nguyễn Phú Trọng chắc không đến nỗi nào so với Lê Khả Phiêu – Trần Đức Lương và Tô Huy Rứa, sản phẩm của Bắc Kinh, vẫn chưa đủ lông cánh vượt qua mặt Trương Tấn Sang, dù tháng 7 này, Sang sẽ hết thực quyền điều hành đảng. Một
Nguyễn Chí Vịnh, như biết thân phận nằm êm ru, chưa qua mặt nổi Phùng Quang Thanh. ĐH kỳ 11 vừa qua, tướng Thanh về nhì, 95% phiếu sau Trương Tấn Sang. Trọng đứng thứ 6, do là người của Bắc Kinh nên được đẩy lên làm TBT, nếu không có cục Tình báo Hoa Nam mua chuộc thúc đẩy, không đến lượt Trọng làm TBT mà phải do họ Trương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Trọng là tay em của phe chống TQ, suốt nhiều năm phục vụ tại tòa soạn báo Nhân Dân, Trọng chống Đại Hán bá quyền rất mãnh liệt, Trọng nằm trong quĩ đạo Lê Duẫn – Lê Đức Thọ. Trọng du học và đậu Phó tiến sĩ ở Liên Xô. Theo tin Hà Nội, Trọng chỉ ngả vào vòng tay Bắc Kinh từ khi Trọng làm bí thư thành ủy Hà Nội, Trọng lạc vào phe làm ăn móc ngoặc với các đại gia Tầu Đỏ trong dịch vụ vĩ đại “mở rộng thủ đô”, mua bán đất ở các huyện ngoại thành. Xét về ý thức hệ, suốt nhiều năm, từ thập niên 1960, Trọng thuộc phe giáo điều Mác Lê Liên Xô, cực lực chống lại chủ nghĩa xét lại của Mao Trạch Đông.
Do quyền lợi sinh tử của địa phương, các ủy viên TƯĐ hầu hết thuộc phe âm thầm chống Đại Hán, từ Nghệ Tĩnh đến Nam Ngãi, Bình Phú. Nhờ vậy, bọn Việt gian tay sai Đại Hán càng ngày càng co cụm lại nhưng chúng dư thừa phương tiện. Tiền đẻ ra quyền lực! Sự thức tỉnh, chống Đại Hán càng ngày càng lan rộng trong nội đảng, nhất là hàng tướng lãnh và sĩ quan cao cấp QĐND nay đã về hưu nhưng ảnh hưởng vẫn còn lớn trong tập thể cựu chiến binh và cán bộ cơ sở. Tiêu biểu nhất như cựu Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của VN tại Bắc Kinh (1974-1989), Gs. Trần Phượng, cựu Phó Thủ tướng, sử gia Dương Trung Quốc v.v… họ là những tiếng nói đầy trọng lực và rất thuyết phục, do họ là người yêu nước và thanh liêm… Nhưng bộ sậu của TC và sâu bọ Việt gian vẫn còn lúc nhúc trong nhiều ngành.
TRƯỚC THÁCH ĐỐ VÀ SỢ HÃI
Sợ Trung Cộng thì dân ta không sợ. Nếu sợ, làm sao VNCS chiến thắng cuộc chiến biên giới năm 1979, với trên 20,000 quân TC phơi xác và vài vạn tù binh, thương binh! Đại tướng Tổng tư lệnh quân viễn chinh Dương Đắc Chí trở thành Dương Thất Chí sau khi bị thiêu rụi trăm cỗ xe, pháo, nướng trọn 2 vạn quân. Bây giờ anh tướng Tàu Đỏ rụng răng, tuần này qua tuần khác viết lên website hô hào “đánh Ô Nam, lấy lại đất cũ của Trung quốc”! Những ngàn năm, người Việt dù sợ và rất sợ Đại Hán xâm lăng nhưng ở thế chân tường lại vùng lên không hề biết sợ. Sợ là sợ nội xâm, nội thù. Qua các tấm gương dũng liệt của Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đan Quế, Lê Quốc Quân và hàng trăm trí thức đã can trường đứng lên, đồng bào trong và ngoài nước chê trách phàn nàn: Hào kiệt VN còn ở đâu? Sao trí thức trong nước vẫn im lìm! Xin khoan phê bình và lên án. Ở hải ngoại này nói gì viết gì mà không được. Nỗi sợ bạo quyền vẫn còn bao trùm xã hội VN hôm nay.
SỢ CHỬI! SỢ CÔNG AN BÔI NHỌ!
Hàng ngàn trí thức và nhân vật thượng thặng của CSVN đã lên tiếng phản đối vụ Bô xít Đắc Nông trong đó có cả bà già Nguyễn Thị Bình và Gs. Ngô Bảo Châu, học giả Nguyễn Huệ Chi. Thế rồi im bặt, tiếng nói tắt ngay như viên sỏi ném xuống lòng giếng sâu. Tại sao? Vẫn là sợ. Sợ tù đầy chưa bằng sợ bị bôi nhọ trên báo của công an Cộng Đảng. Hãy xem: lúc còn sinh thời, cố HT Thích Huyền Quang liên tục bị báo công an bôi nhọ, réo tên tục của ngài, gọi bằng ông. Rồi HT Thích Quảng Độ, liên tục bị xuyên tạc bôi nhọ.
Gần đây, tháng 5, báo CA của Đảng lại lải nhải bôi nhọ Cù Huy Hà Vũ, kéo theo Ngô Bảo Châu, gọi là “Gs. Châu hiểu lầm về Cù Huy Hà Vũ”. Tâm hồn trí thức, nhất là trong giáo giới đại học vốn rất nhạy cảm, rất sợ bị bôi nhọ, xuyên tạc bôi tác trên mặt báo. Tại sao lại sợ và rất sợ như thế? Đây là tâm lý chung, nó chửi mình mình ráng chịu nhưng còn vợ con, anh em, bà con bên nội bên ngoại và học trò. Bằng hữu và chiến hữu không sao. Đảng CSVN có ba đội “hùng binh” bảo vệ Đảng: một là QĐND, sau là công an rồi đến đội quân báo Đảng trong đó chửi, xuyên tạc và bôi đen đối thủ của Đảng được trao cho báo Công An, nghĩa là công an làm 2 chức năng: bắt bớ tra tấn nhân dân, bôi đen và chửi các nhân vật CS cần triệt hạ. Thí dụ liên tục bôi đen bôi bẩn cựu Đại tá Bùi Tín, vu cáo Đại tá Tín theo VT. Hãy hiên ngang và dõng dạc như Đạ tá Tín, ông sẵn sàng đối phó với quân “khốn kiếp” ấy. Đại tá Tín đã lên tiếng như người cha dạy lũ con hoang của tổ quốc, ông Tín đã cho chúng một vài bài học đích đáng qua bài viết của ông. Bản thân người cầm bút Cao Thế Dung là khách hàng thường trực nhiều năm của báo Công An. Thí dụ tuần báo “An Ninh Thế Giới” của Công An số ra ngày 16-2-2004, số 426, bài đầu, trang 3 “An ninh trong nước”, viết rằng: “Các nhân vật trong “chính phủ” bịp đã kể rõ: Cao Thế Dung “tham mưu đường lối” hiện là bồi bút. Ở khu Bolsa, quận Cam, California, nơi có đông người Việt sinh sống và cũng là nơi đẻ ra nhiều tổ chức phản động nhất, hễ ai đưa cho Cao Thế Dung – dù chỉ vài chục “đô”, thuê Dung viết bài “đánh” người này người nọ trên mấy tờ báo lá cải là Dung “đánh” liền mà chẳng cần biết sai hay đúng. Trình độ học vấn mập mờ nhưng sang Mỹ, Dung khoe đã có bằng tiến sĩ do… Đại học Harvard cấp”. Họ Cao vui vẻ, lịch sự viết thư về Hà Nội trả lời: Chửi nữa đi các em, để anh gửi cho chút ít đô la xài chơi!
Trí thức trong nước hãy noi gương Hòa thượng Thích Quảng Độ, ngài đâu có thèm quan tâm! Chấp! Như đánh cờ chấp chúng cả xe pháo mã. Đừng sợ! ĐGH Gioan Phao lô II, vị tân Á Thánh từng lên tiếng khuyên dân Ba Lan của ngài dưới thời bạo quyền CS: Đừng sợ! Hãy đừng sợ như Điếu Cầy, như Lê Thị Công Nhân, như Cù Huy Hà Vũ, như Nguyễn Đan Quế… Chấp chúng! Nhưng không bất chấp, ta đã và đang thắng bọn bạo quyền Việt gian, ngay cả ở hải ngoại.
Bất chấp luật pháp quốc tế, trước sau TC cũng sẽ chiếm hết Trường Sa, áp đảo VN, thực hiện “nghị quyết” 2 nước, 2 đảng là một, bỏ ngỏ biên giới Việt – Trung. Vấn đề sinh tử của dân tộc VN bây giờ là phải diệt lũ Việt gian, tay sai Đại Hán ở trong lòng lãnh đạo TƯĐ – CSVN. Phải theo gương xưa, ngoại thù có thể khoan hồng, Việt gian phản quốc phải diệt ngay. Nhưng với tập đoàn lãnh đạo CSVN ta phải tính sao đây? Vận nước đang như treo trên sợi chỉ mành. Với lãnh đạo CS thì Đảng trên nước, cá nhân lãnh tụ trên Đảng. Bế tắc! Tạm thời vào lúc này vẫn không thể khoanh tay. Chờ quốc tế can thiệp ư? Chưa thể được! Ngay Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ lập trường không can thiệp vào cuộc tranh chấp các phía ở Biển Đông. Nam Dương hiện là chủ tịch ASEAN, Nam Dương vẫn lập lờ. Bắc Kinh đang chia để trị. TC đầu tư dẫn dầu ở Nam Dương. Bắc Kinh đang thuyết phục hải quân Nam Dương và TC sẽ “liên kiểm”, 2 bên tuần tiểu chung ở Biển Đông trong khi Nam Dương không liên hệ đến cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Còn lại Mã Lai, Brunei, Phi Luật Tân và Tân Gia Ba, cả 3 nước vẫn không tin VN, nghi ngại VN vẫn là chư hầu Đỏ của Bắc Kinh. Vả lại, TC sẽ phá và đả phá mọi toan tính liên minh của ba nước ASEAN. Vậy ta phải làm thế nào?
Bài toán rất nan giải! Trước hết, cứu nước như chữa lửa, hải ngoại cần vận động một cao trào không sợ, thúc đẩy đồng bào trong nước không sợ, nhất là không sợ báo đảng Công An bôi nhọ. Và từ đó, vận động cao trào không sợ Đại Hán xâm lược. Bằng tài liệu qua video hay tivi (như Global Tivi) chứng minh để đồng bào các giới trong nước biết rõ 2 điều: 1. Nếu kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN, TC đã xâm lăng cướp đoạt, ngay cả thềm lục địa VN, chắc chắn VN sẽ thắng. Pháp quốc là một nhân chứng. 2. Làm một phim tài liệu lịch sử qua video: qua 8 lần Đại Hán xâm lăng VN kể từ đời Ngô Vương Quyền, Lê Đại Hành đến Quang Trung, Đại Hán đã bị đánh bại. VN không thua một trận nào. Trước hết, trong sự bế tắc hiện nay hãy tạo một niềm tin tất thắng đã! Điều căn bản khác là tiếp tục tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, vẫn là một vũ khí nhiệm mầu để lật đổ bạo quyền cho đến chừng nào lũ Việt gian, bộ sậu của TC bị đánh bật khỏi tập thể lãnh đạo VN, chừng nào những Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Phương từ lòng đảng CSVN hàng loạt thức tỉnh đứng lên: không sợ bạo quyền, không sợ Đại Hàn Đỏ, bấy giờ khả dĩ VN sẽ tìm được thế quốc tế. Chắc chắn, quốc tế không bỏ Biển Đông, không bỏ rơi ASEAN, không bỏ VN nếu một VN có tự do dân chủ không còn bọn đầy tớ tai sai Bắc Kinh.
BẮC KINH PHƠI BÀY CHÂN TƯỚNG DÃ THÚ
Như quí đồng hương đã rõ qua đài và báo, ngày 26-5 vừa qua, ba tàu hải giám của TC tiến sâu vào hải phận VN, cách Nha Trang hơn 100 hải lý, áp vào tàu Bình Minh 2 của công ty Petro VN, quấy phá, đe dọa và cắt dây cáp thăm dò địa chất. Hà Nội lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên bộ ngoại giao TC phản bác lại, ngang ngược nói rằng VN hoạt động phi pháp trong vùng biển của TQ. Và tự hậu VN không được quyền hoạt động phi pháp như vậy! Đây là hành động xâm lăng trắng trợn của TC, chứ không phải 2 bên tranh chấp! Đây là thềm lục địa VN cách Mũi Né và Nha Trang hơn 100 hải lý thì tranh chấp cái gì? Hành động của TC bất chấp luật biển 1982 và công pháp quốc tế. Thực ra thì họ đã bất chấp khi đơn phương in bản đồ mới TQ và Biển Đông, tự khoanh vạch làn ranh chiếm trên 80% Biển Đông! Cả thế giới từ lâu đã biết rõ tham vọng bá quyền của TQ. Nay hơn một lần nữa, TC lại bất chấp quốc tế và ASEAN. Hành động ngang ngược này, TC làm cho cả ĐNA và Á châu hoảng sợ. Tự TC đã tự tố cáo mình là bành trướng bá quyền.
Bắc Kinh có tính toán, tại sao lại hành động vào lúc này? Sau khi hòa hoãn với Mỹ, bái phục Mỹ, nịnh hót Mỹ để Mỹ cho rảnh tay ngang dọc Biển Đông. Lịch sử lại tái diễn, năm 1978, Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ hòa hoãn và kết thân, trở về nước họ Đặng “dạy cho VN một bài học”, tung 11 quân đoàn hay là 44 sư đoàn tấn công thượng du cũng là để giải cứu chế độ khát máu Pol Pot đang bị VNCS vây khốn ở vùng Tây Nam Việt – Miên, phá vỡ tham vọng của TC xây một tiền đồn chiến lược ở Cao Miên qua chế độ diệt chủng Pol Pot. Như ta đã biết Bắc Kinh thua to ở cả Cao Miên (1978) và Thượng du Bắc Việt (tháng 2-1979). Nếu không kịp thời tháo chạy, ít nhất 3 quân đoàn TC đã không thoát được vòng vây tử thần ở Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng và Lạng Sơn (sau hơn 3 tuần lễ bại liệt kể từ ngày 17-2-1979).
Đánh Thượng du VN, chủ yếu là để cứu Miên. Mất Cao Miên Pol Pot, TC mất thế đứng ở ĐNA (tham khảo: Chang Pao-im “The Sino-Vietnamese conflict over Kampuchia, Suervey, no 27, Autumn & Winter 1983, pp. 171-206). Bài học cũ tái diễn chăng? Bộ trưởng QP Lương Quang Liệt qua Manila hòa hoãn với Phi, hứa hẹn đủ điều, ngầm chia rẽ, xé lẻ Việt – Phi. Tướng Trần Bỉnh Quốc qua Mỹ nịnh Mỹ, thổi Mỹ lên đến mây xanh, cả hai ông trở về Bắc Kinh cho đoàn tàu chiến hải giám tiến sâu vào thềm lục địa VN. Để làm gì? Mới chỉ là “dương oai diễu võ”, màn đầu nhưng lại gây tai hại cho TC không phải là nhỏ ở TBD, ĐNA và cả Á châu. TC quá kiêu căng, đi thêm bước nữa sẽ đổ bể to!
LÃNH ĐẠO ĐCSVN BẼ BÀNG – LÚNG TÚNG
Vụ tàu Bình Minh 2 và Bắc Kinh tiếp tục ngang ngược xâm lấn hải phận VN đã làm cho phe thân Bắc Kinh trong lãnh đạo CSVN lúng túng to! Thật sự bẽ bàng, “16 chữ vàng, 4 tốt” trong quan hệ Việt – Trung để đâu? Phe thân Mỹ và Tây phương có lý do vùng lên: Nhìn coi! Đồng chí TQ như thế đấy! Trong họa vốn có phúc, cả nước VN nhốn nháo “mất nước đến nơi rồi!”. Đây là cơ hội ngàn vàng “Dân tộc thức tỉnh”. Uncle Sam vỗ đùi hỉ hả: “Muốn cứu nguy không? Dân chủ tự do đi, sẽ OK cái rụp!”. Có thể nói qua vụ Bình Minh 2, trước sự hung hãn ngang ngược công khai của TC, cả nước VN đều hướng về chân trời Tây, SOS!
MỤC TIÊU CHÍNH CỦA BẮC KINH
Hầu hết cho rằng TC công khai xâm lăng Biển Đông do tham vọng tài nguyên dầu khí, mà một website của Bắc Kinh ví Biển Đông là một vịnh Ba Tư, Ả Rập Trung Đông! Phóng đại! Khí đốt tuy nhiều, tập trung ở thềm lục địa từ Đà Nẵng đến Phú Yên, Nha Trang, nhưng thuộc loại chất lượng kém. Vùng dầu lửa quanh giếng Bạch Hổ không nhiều. Các bản nghiên cứu phúc trình của Đại học Harvard đã cho ta biết rõ về số lượng phỏng định làm sao mà so được với dầu khí ở vịnh Ba Tư (tham khảo “Theo hướng Rồng Bay” – Viện phát triển quốc tế, ĐH Harard 1994 – Bản dịch của Ts. Cao Đức Phát, hiện là bộ trưởng bộ nông nghiệp). Dầu khí và hơi đốt VN tập trung ở vùng đảo Côn Sơn, nhất là từ Nam Côn Sơn đến biển Rạch Giá với khối lượng vĩ đại, vượt Brunei, đứng đầu ĐNA – TBD.
Rất may do các hãng dầu Mỹ đã khám phá, có giếng với trữ lượng trên 90 tỷ thùng! Đại Hán Bắc Kinh nhắm tới vùng này. Sau là tài nguyên tôm cá và than đá. Bản nghiên cứu của ĐH Harvard cho biết: “Tại VN có những vỉa than đơn lẻ có độ dầy cực lớn tới 90 m, và hiện nay, VN là nước có trữ lượng than antracit lớn nhất thế giới, nằm ngay sát bờ biển” (tlđd, chương X, tr. 25). Tóm lại mục tiêu chính của Đại Hán. Đỏ là nguồn hải sản trong hải phận VN, dầu khí hơi đốt ở vùng biển Côn Sơn và Rạch Giá trong vịnh Thái Lan thuộc VN. Chiến lược của Bắc Kinh là làm chủ Biển Đông, khống chế VN, buộc VN phải qui phục để khai thác tài nguyên như vô tận ở Trường Sơn và Tây Nguyên VN.
Thế nước đang chơi vơi, bên lề sụp đổ. Tiên quyết là phải có tự do dân chủ, nhân quyền và phải có thế tựa Âu Mỹ mới chống trả được đại họa Đại Hán Đỏ.
Hà Nhân Văn

No comments: