Thursday, October 20, 2016

ĐOÀN DỰ - VĂN QUANG - CAO CHÁNH CƯƠNG

ĐOÀN DỰ * QUANG DŨNG

Làm Người Yêu và Vợ Nhà Thơ – Đoàn Dự

http://www.thoibao.com/images/stories/Mar13TH/doandu%201%201703.jpg
- Đoàn Dự ghi chép  
Thưa quý bạn, ngay từ thời còn đi học tôi đã rất yêu thơ Quang Dũng với những câu thơ như:
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ


Xa quá rồi em, người mỗi ngả
Đêm nay đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? (Đôi Bờ)


Hay quá phải không thưa quý bạn? Và tôi cứ thắc mắc “em” đây là ai, “Đôi mắt người Sơn Tây” là ai? Mãi đến khi nhạc sĩ Phạm Duy, bạn học cùng lớp với nhà thơ Quang Dũng, tiết lộ, rồi mới đây, bà Akimi-Nhật (bà tên là Nhật, có biệt danh Akimi do bạn bè đặt chứ không phải là người Nhật), hiện đang sống ở Hoa Kỳ, có gửi cho người quen bài thơ của Quang Dũng làm tặng bà thời đó, người quen đưa lên internet, tôi được đọc, bấy giờ mới biết “người đẹp” Akimi – cô gái con của bà chủ quán rượu nhỏ ở Sơn Tây – chính là người đã khiến Quang Dũng viết nên những bài thơ diễm ảo, trong đó có bài “Đôi mắt người Sơn Tây” mà sau này nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, nữ danh ca Thái Thanh hát lần đầu tiên tại phòng trà Đêm Màu Hồng đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, sau đó ông Nguyễn Cao Kỳ – cũng người Sơn Tây – bạn của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và ban hợp ca Thăng Long, nổi hứng bèn lên hát chung với nhạc sĩ Phạm Đình Chương trên bục sân khấu Đêm Màu Hồng.
 
 
Nay, tôi xin trình bày hầu quý bạn về nhà thơ Quang Dũng cùng mối tình thật đẹp của ông với cô Akimi con gái của bà chủ quán rượu ở Sơn Tây, sau đó nói về bà cụ Bùi Thị Bạch, 94 tuổi, vợ của nhà thơ Quang Dũng, hiện đang ở Nursing-home tư nhân Tuổi Vàng, Hà Nội. Xin mời quý bạn thưởng thức.
 
Nhà thơ Quang Dũng
Quang Dũng sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng,tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), tên thật là Bùi Đình Diệm (anh ruột của Thiếu tướng Bùi Đình Đạm, QLVNCH trước năm 75).
Trước CM tháng 8-1945, ông học Ban Trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, đi dạy học tư tại Sơn Tây.
Ông gia nhập bộ đội Việt Minh ngay sau cách mạng tháng 8-1945 và trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.
Năm 1947, ông được điều động đi học Trường bổ túc quân sự trung cấp tại Sơn Tây. Sau khóa học, ông được cử làm đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến, tức lên vùng Tây Bắc, chỗ tam giác Việt Nam giáp với Lào và Trung Quốc (nơi có thành phố tỉnh lỵ Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên hiện nay). Trong chiến dịch Tây Tiến, ông được cử làm phó ban tuyên truyền Lào – Việt.
Cuối năm 1948, ông làm trưởng ban tuyên huấn Trung đoàn 52 Tây Tiến rồi làm trưởng ban Văn nghệ Liên khu III. Trong thời gian này, ông viết nhiều truyện ngắn, kịch, và triển lãm tranh sơn dầu cùng các họa sĩ khác. Ông cũng sáng tác nhạc, bản Ba Vì của ông rất nổi tiếng trong vùng Ba Vì, Bất Bạt. Bài thơ Tây Tiến của ông làm năm 1948 trong khi dự Đại hội Toàn quân Liên khu III tại làng Phù Lưu, thuộc tỉnh Hà Nam.
Năm 1951, Quang Dũng được duyệt xét để kết nạp vào đảng Cộng sản nhưng do khai trong lý lịch rằng trước đây từng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nên thế là tương lai chấm dứt. Năm 1954, sau khi có hiệp định hòa bình Genève, Quang Dũng bị cho giải ngũ, về làm công nhân tại nhà xuất bản Văn Nghệ Hà Nội với mức lương rất thấp cộng với 13kg gạo/tháng và được mua bằng tem phiếu 5m vải/năm cho cả gia đình.
Trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm (bắt đầu vào tháng Giêng năm 1956, do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, bị dập tắt vào tháng 6-1958), Quang Dũng cùng nhiều văn nghệ sĩ khác bị đưa đi cải tạo tại Việt Bắc như Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm v.v…, mấy năm sau được thả về, sống trong cảnh nghèo nàn, bệnh tật. Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, sau một thời gian dài đau ốm.
Thơ của Quang Dũng trong thời chiến tranh Việt-Pháp, kể cả sau hiệp định Genève năm 1954 cho tới khi ông qua đời, ở ngoài Bắc bị phê phán là tiểu tư sản, ủy mị, thiếu tinh thần giai cấp, thiếu tính chiến đấu, trong khi ở trong Nam thì lại được xuất bản, phổ biến rộng rãi và được nhiều người ưa thích.
Mãi tới thời kỳ mở cửa (khoảng năm 1991-1992) dần dần các tác phẩm của Quang Dũng mới được đánh giá một cách công bằng, và năm 2001, ông được truy tặng giải thưởng cấp nhà nước về văn học nghệ thuật.
Quang Dũng là người tài hoa, vẽ giỏi, chơi ghi-ta giỏi (ngang tầm với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý), hát hay, làm thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang nét hào hùng, bi tráng, pha chất lãng mạn,sau này được giảng dạy trong giáo trình trung học. Một số bài thơ như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờĐôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Em mãi là 20 tuổi được 3 nhạc sĩ khác nhau phổ nhạc (Việt Dũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương), quý bạn có thể mở Google, nghe trong website nhacuatui.com.
Giải đáp bí ẩn “Đôi mắt người Sơn Tây”
 
 
 
Quang Dũng có nhiều bài thơ trữ tình rất hay, như: Cố quận, Đêm Việt Trì, Tây Tiến, Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây, Đường trăng v.v… nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là bài thơ nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ nhất. Thi phẩm nói lên cuộc gặp gỡ của nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen biết rồi chia tay giã biệt trong cuộc tình buồn, ngắn ngủi:  
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
  “Em ở thành Sơn chạy giặc về”, như vậy người con gái này quê ở Sơn Tây, nhưng nàng là ai, tên gì, họ gì, làm nghề gì, gia đình ra sao và bao nhiêu tuổi?
Theo nhạc sĩ Phạm Duy, bạn học cùng lớp với Quang Dũng tại trường Thăng Long, Hà Nội – Quang Dũng ngồi phía sau Phạm Duy cách hai bàn. Ông to con, nước da trắng, thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh, đẹp trai, trông như Tây nhưng rất hiền lành. Lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến đóng ở Hòa Bình thì Phạm Duy cũng ở trong ban Văn công hoạt động tại đấy. Quang Dũng được nghỉ phép về thăm gia đình ở làng Phùng Xá thuộc tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, gần với Sơn Tây (sau này Hà Đông và Sơn Tây nhập lại thành tỉnh Hà Tây, bây giờ cả hai nhập vào Hà Nội), nơi có con sông Đáy đẹp như tranh vẽ. Từ Hòa Bình ở phía Nam đi lên phía Bắc về Hà Đông phải đi qua Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là Kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người yêu tên Nhật. Do nàng tên “Nhật”, lại đẹp như người Nhật nên bạn bè thường gọi đùa là “Akimi”. Bà mẹ Akimi khi chạy tản cư từ thị xã Sơn Tây xuống Kinh Đào, có mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán tạm, Quang Dũng mỗi lần về ngang qua quán thường hay ghé uống. Nàng chính là “người đẹp Sơn Tây”, nguồn cảm hứng cho Quang Dũng làm “Đôi mắt người Sơn Tây” đầy cảm xúc:
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương
Và:
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…
  Akimi sống với mẹ trong cái quán nước đơn sơ này, nhà thơ thường hay lui tới và có lần sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng dán lên vách nứa:  
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên… (Đây là trích đoạn bài thơ mới phát hiện sau này do chính bà Akimi Nhật – định cư ở Hoa Kỳ cung cấp).
Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp lãng mạn của người con gái mặc dầu không biết mặt. Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:
  Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai (Đôi Bờ)
Sau này, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành phố, bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình.
Tới năm 1954, nàng di cư vào Nam, sống tại Sài Gòn, đã một thời là kiều nữ của Nhà hàng Tự Do, đến năm 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ, chỉ biết:
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào...
Bài thơ càng nổi tiếng ở Miền Nam hơn khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc rất hay, trở thành phổ biến qua giọng ca truyền cảm của nữ danh ca Thái Thanh và sau đó là danh ca Duy Trác. Có người ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ một lượt hai bài thơ trong cùng một bản nhạc, đoạn đầu lấy bài Đôi Bờ, đoạn sau là phần chính thì lấy bài Đôi mắt người Sơn Tây, rất độc đáo, hiếm thấy trong âm nhạc.
Như vậy, chính “người đẹp” Akimi Nhật là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng, và Phạm Đình Chương là người đã chắp cánh cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người…  
Người vợ của thi sĩ hiện nay
Phần sau này được trích từ bài viết của nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim ở Việt Nam viết về chuyến viếng thăm bà cụ Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng hiện đang ở “Nhà Tuổi Vàng”, một ngôi nhà nho nhỏ dùng làm viện dưỡng lão tư nhân. (ĐD)
Trước khi đến đây tôi vẫn đinh ninh Nhà Tuổi Vàng là một trung tâm to lớn, nằm trong khuôn viên rộng có vườn cây thoáng mát để hằng ngày các cụ đi dạo hoặc ngắm cảnh như nhiều trung tâm khác tại Hà Nội tôi đã có dịp viếng thăm. Khi đến đây rồi tôi mới biết Tuổi Vàng là một căn nhà nho nhỏ nằm trong khu dân cư Linh Đàm, được chị Bình thuê để mở nhà dưỡng lão. Vì diện tích hẹp nên hiện nay nhà chỉ có 9 cụ ở. Chị cho biết chị sắp mở thêm một Nhà Tuổi Vàng thứ 2 cũng gần đây để tiện chăm sóc.
 
Tôi lên tầng trên gặp cụ Bùi Thị Thạch. Năm nay cụ 94 tuổi, vợ của nhà thơ Quang Dũng. Căn phòng rộng chừng hơn 10 mét vuông nhưng khá thoáng vì có cửa sổ mở ra bên ngoài. Cô Huyền, người trông nom cụ, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội, vừa đưa bánh bích quy cho cụ ăn vừa cho tôi biết: “Cụ Thạch ăn uống giỏi lắm, bánh quy của chị Bùi Phương Thảo là con gái cụ gửi vào đấy. Cụ ăn thoáng cái là hết”. Rồi chị ngồi xuống bên cạnh cụ, vuốt tóc, chải đầu cho cụ:
“Chị coi, 94 tuổi mà da dẻ cụ hồng hào như thế này đấy. Hồi trẻ chắc cụ đẹp hết sức. Cụ ăn uống được lắm, ngày ba bát cháo hết vèo chưa kể các đồ ăn vặt. Cái gì cụ cũng ăn được, kẹo cứng thì cụ ngậm, lấy lưỡi đưa đẩy một lúc lâu cho tan rồi xin cái khác”. Chị kể tiếp: “So với cách đây 5 năm khi mới vào Nhà Tuổi Vàng thì bây giờ cụ già yếu hơn nhiều. Hầu như cụ không còn nhận ra người chung quanh kể cả chị Thảo là con gái cụ. Tuần nào cứ đến cuối tuần là chị Thảo vào thăm mẹ nhưng có lúc cụ nhận ra, có lúc không. Cụ thường lẩm bẩm khe khẽ một mình rồi vỗ vỗ hai tay vào nhau hay mân mê cái chăn, cái gối. Cụ không đi lại được vì ảnh hưởng của chân bên trái bị gãy do ngã cách đây mấy năm khi chưa vào nhà dưỡng lão”.
Tôi hỏi cụ khá lớn: “Cụ còn nhớ nhà thơ Quang Dũng chồng cụ không ạ?” Cụ ngớ ra, mắt như nhìn đi đâu đâu và đang nghĩ tới việc gì: “Ông Dũng ấy à? Có chứ! Mãi không thấy ông ấy về, sốt cả ruột. Kỳ này ông ấy đi đâu lâu thế, chắc viết lách nhiều”. Tôi được biết ngày trước cụ là một thợ đan len rất giỏi, thậm chí nhờ hai bàn tay khéo léo ấy mà cụ đã nuôi được 5 người con ăn học nên người, ngoại trừ cậu con trai đầu lòng bị thất lạc từ nhỏ trong khi chạy tản cư: “Cụ còn đan len được không ạ?” Cụ giương mắt nhìn tôi: “Đan hả? Làm gì có len mà đan. Muốn đan phải mua len tốt ở Hà Nội. Chạy tản cư thì chả có len tốt được”. Cụ im lặng một lát rồi lại vỗ vỗ hai tay vào nhau, đầu óc để tận đâu đâu coi như không có tôi ngồi đấy.
Cô Huyền cho biết cụ Thạch là một trong những cụ già hiền lành nhất trong Nhà Tuổi Vàng. Tối đến, uống thuốc xong là cụ ngủ một mạch cho đến 2 – 3 giờ sáng. Hầu hết các cụ ở đây đều bị lẫn. Cụ Thạch tuổi cao đã đành, có những cụ chỉ mới ngoài 60 – 70 nhưng xem ra còn nặng hơn. Đang đêm, nhiều cụ tỉnh dậy nói một mình như đang đối đáp với người khác, la hét hoặc đi lại trong nhà.
 
(H.5 : cô Bùi Phương Thảo)

Monday, May 20, 2013

VĂN QUANG * CẢ BA ANH CÙNG CHẾT DỞ




Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 17.5.2013
  
Cả ba anh cùng chết dở!
"Kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng, thu nhập giảm, nhiều người dân đang phải đối mặt với những bài toán đau đầu của cuộc sống".


Thưa bạn đọc, đó là diễn đàn của một tờ báo mạng ở VN mở ra cho mọi người dân được góp ý về những suy nghĩ thật nhất của mình trong cuộc sống hiện nay, qua đó cùng tìm ra những giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có thể nói đó là một vấn đế gai góc nhất tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Tất nhiên ở đây, không dám kể đến những ông bà tỷ phú, những đại gia và những vị có chức có quyền hét ra lửa, mửa ra… đô la. Chỉ kể đến 90% số người dân VN từ hạng đủ ăn đủ mặc trở xuống đến đám "thứ dân" rách như tổ đỉa hoặc gần như tổ đỉa.


Khi mà câu ca dao thời đại: Tiền là Tiên, là Phật/ Là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già/ Là đà cho danh vọng/ Là lọng của nịnh thần/ Là cán cân công lý/ Tiền là hết ý... trở thành mục đích của đời sống, là một thứ "lý tưởng thật" để tôn thờ thì luân lý đạo đức và liêm sỉ trở thành vô nghĩa, không có trong từ điển VN.

3 năm qua, nghèo đi 2 lần

Một nhà báo kinh tế đang sống ở Hà Nội đã tâm sự cuộc sống khó khăn của cô trên mạng xã hội.: " 3 năm qua, mình đang bị nghèo 2 lần nghèo. Lương giảm, ai cũng thấy rõ điều này. Nhưng rổ CPI của gia đình mình thì tăng khủng khiếp.



                                             

                                                    Người dân ngẩn ngơ khi tiền gửi ngân hàng cứ thi nhau giảm



Giá gas 3 năm trước 250.000 đồng/bình, giờ 450.000 đồng/ bình. Tính ra mức tăng bình quân 27%/năm. Thịt cùng khoảng thời gian tăng giá từ 50.000 đồng/kg lên 140.000/kg, tương đương 60%/năm. Rau tăng bình quân 20-30%/năm. Sữa của con từ 400.000/ hộp 900 gr cách đây 2 năm, giờ 500.000/hộp, tức tăng đâu đó 12,5%/ năm. Truyền hình cáp tăng giá từ 66.000/tháng vào năm 2010 nay lên 110.000/tháng, tức 30%/năm; internet từ 280k lên 313.000/tháng, có vẻ tăng ít nhất.

Dầu ăn 38.000/ chai, giờ 45.000/ chai; đường, sữa tắm, dầu gội, dầu rửa bát… cho đến thức uống, hoa quả.. tăng ít nhiều cũng trên dưới 10%... Tiền thuê nhà, tiền thuê giúp việc 3 năm tăng 30%.

Đó chỉ là CPI của những nhu cầu tối thiểu, còn chưa kể các chi phí cho việc giải trí, vui chơi, tinh thần… khác. Thu nhập giảm 30%, CPI thì tăng vài chục % thế này, làm sao để sống được đây?".

Phản ứng việc khi NHNN độc quyền vàng miếng SJC

Ông Nguyễn Tiến Lực Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cũng nói thẳng, "do cơ chế nhà nước giao Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia, nên năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài, xuất hiện vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các DN kinh doanh bán cho người dân. Từ tháng 7-2012 đến nay, SJC phát hiện 300 lượng vàng nhái thương hiệu của họ. Bộ Công an cho rằng quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia chỉ đem lại lợi ích cho DN SJC và làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác". Người dân xô vào mua vàng SJC vì đó là thương hiệu "chính thức".


Còn rất nhiều những bài bình luận, những ý kiến của người dân hoàn toàn không tin tưởng vào sự bình ổn này. Cũng như gần đây nhất là việc cắt giảm tiền lãi suất huy động của người dân gửi tiến vào ngân hàng với mục đích là để cứu các doanh nghiệp đang chết đứng như Từ Hải giữa đống hàng hóa làm ra không tiêu thụ được hoặc cứu các ông "bất động sản" có hàng ngàn căn nhà từ nhỏ tới lớn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng thực ra có cứu được không lại là chuyện khác hẳn.

Ba anh cùng chết dở

Rất nhiều nhà "lý luận theo kiểu chính quyền" cho rằng lạm phát xuống, kéo lãi suất đầu vào của ngàn hàng xuống là đúng là "thực dương" hay nói rõ là người gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lời. Có ông nói người dân cần thông cảm với doanh nghiệp (DN), phải cứu DN thì kinh tế mới phục hồi, người lao động mới có việc làm. Có ông khuyên người dân nếu rút tiền ngân hàng ra, hãy đầu tư vào việc kinh doanh cho đồng tiền lưu thông chứ đừng mua vàng cất kỹ trong đáy tủ, đừng mua đô la về để dành, còn không đầu tư được thi cứ gửi dài hạn ở ngân hàng cho chắc ăn.


Xin thưa rằng tất cả những lời khuyên vàng ngọc đó người dân không cần vì họ biết từ lâu rồi. Và cả những lý luận kiểu "nhà nước" kia, người dân cũng hiểu giá trị của nó đến đâu bởi các ông cứ nói lạm phát giảm trong khi giá cứ tăng, điện nước, xăng dầu cũng tăng vù vù, vậy giảm lạm phát như thế thì người dân được cái gì? Giảm bao nhiêu phần trăm? Giá thực phẩm và đủ các món về đời sống hàng ngày có giảm tí nào đâu! Thế nên người dân "xin không dám tin" những kiểu nghiên cứu và lý luận như thế. Họ chỉ còn biết tin vào mình.


Cho đến bây giờ, tình hình người dân và các ngân hàng cùng các DN thực ra cùng bi đát như nhau, chẳng anh nào khá hơn cả. Xin tuần tự điểm qua những cái chết dở ấy

1- Dân "đi" trước

Tính từ tháng 8-2011, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) đã sáu lần giảm trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm dưới 12 tháng, từ 14%/năm còn 7,5%/năm (điều này cũng đồng nghĩa với nguồn thu của người gửi tiết kiệm, phần lớn là người cao tuổi, về hưu bị hao hụt đi nhiều). Và trước mỗi lần điều chỉnh, NHNN đều công bố để người dân cả nước biết. Thế nhưng lãi suất cho vay hiện bao nhiêu lại là câu hỏi khó trả lời. Bởi các NH từ lớn tới nhỏ đều giấu biệt thông tin này, chỉ tiết lộ riêng sau khi người đi vay vượt qua nhiều "vòng".


Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất cho vay của các NH không giảm mức tương ứng mà chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí là giậm chân tại chỗ.


Mặt khác, người dân có thể đồng tình với việc phải "hy sinh" để cứu DN. Nhưng có người nhìn lại quá khứ, mới vài năm trước, họ tính toán rất chi ly. Trước đây nhiều DN chỉ buôn nước bọt, họ thế chấp vài miếng đất nhà cửa vớ vẩn để vay ngân hàng làm vốn. Hãy thí dụ họ vay 100 tỳ đồng đi mua đất rẻ mạt, làm nhà từ đầu năm giá chưa đến 1 tỷ một căn, đến cuối năm, bán rẻ cũng được 2 tỉ (chưa nói đến các dự án ngàn tỉ). Như vậy họ lời 100% 1 năm. Vậy DN đó có trả lời ngân hàng nhiều lắm là 30% chăng nữa, họ vẫn lời 70%. Cho nên hầu hết các DN này giàu lên cực nhanh. Đến nay hàng hóa nhà cửa không bán được thì hà cớ gì dân phải lăn lưng ra cứu họ? Số lời 70% một năm đến nay đi đâu? Vào nhà lầu xe hơi, chân dài, chân ngắn, ăn tiêu như ông bà hoàng hết rồi lại đeo theo cái nợ ngân hàng. Những DN đó có nên cứu không, hãy bán hết tài sản chìm, tài sản nổi đi rồi hãy tính chuyện đợi người khác cứu. Hơn thế những DN xưa nay chỉ dựa vào thần dựa thế, cũng nên để "chết bớt" dành chỗ cho những DN có thực lực, có tài kinh doanh.

2- Doanh nghiệp theo sau

Các quan chức ngành NH cho rằng việc giảm lãi suất "đầu vào" sẽ gián tiếp hạ nhiệt lãi suất "đầu ra", tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, từng bước khôi phục thị trường sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định.


Nhưng thực ra "nói dzậy mà không phải dzậy".

Theo phản ánh của các DN trên báo chí thì lãi suất trung bình mà họ đang gánh là 13%-15%/năm. Không nhiều DN vay được mức này. Với các khoản vay cũ, DN phải trả lãi đến 17%-18%/năm, các khoản cho vay tiêu dùng hay bất động sản còn lên đến 20%/năm. Một số ngân hàng (NH) đã bắt đầu tung ra các gói tín dụng lãi suất 10%-12%/năm nhưng lại kèm nhiều điều kiện khắt khe nên rất ít DN có khả năng vay được.


Hệ quả tất yếu là các DN nản chí, không muốn đi vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh hay tái đầu tư vì sợ "làm không đủ tiền trả lãi". Nhiều DN chấp nhận phá sản hoặc sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, các NH "ăn cả hai đầu": Vay vốn (huy động) giá rẻ và cho vay lại với giá "cắt cổ" vì không bị ràng buộc bởi quy định về trần lãi suất cho vay.


Có thể thấy việc trói lãi suất huy động nhưng thả lãi suất cho vay của NHNN đang bị lợi dụng để làm giàu cho một nhóm nhỏ "đại gia" NH. Và như vậy, đã đến lúc các nhà quản lý cần trả lời câu hỏi: "Liệu lãi suất có cần trần?". Cách đúng nhất là NHNN nên bỏ lãi suất đầu vào, vấn đề then chốt là khống chế và kiểm soát chặt chẽ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Như vậy NH sẽ phải tự điều tiết tình hình tài chính của mình. NH nào mạnh có thể sống được với thi trường tiền tệ, họ có quyền huy động lãi suất nhiều hay ít. NH yếu kém sẽ lộ ra ngay và cũng cần sát nhập với NH hàng lớn hoặc tự "rút lui trong vòng trật tự". Nhiều NH quá cũng chẳng để làm gì trong nền kinh tế khó khăn này. Bớt được lãng phí, bớt gánh nặng cho xã hội. Và như thế NHNN cũng không bị "mang tiếng" là góp sức làm giàu cho các đại gia NH.

3- Ngân hàng cũng có thể chết vì nhiều tiền quá

Nhưng xét cho cùng các NH lớn ở VN hiện nay cũng đang lâm vào cảnh nhiều tiền quá, muốn cho vay mà không tìm được "đối tác". Không thể cho anh "khố rách áo ôm" vay tiền và cả những anh "giàu sổi" có tiếng mà không có miếng. Cái thời cho nhân viên đến đánh giá các DN vay tiền qua rồi. Cơ ngơi đáng giá một tỉ, nhân viên đánh giá 10 tỉ. Thế nên nợ xấu bây giờ tràn lan như nước vỡ bờ. DN chẳng còn gì để NH xiết nợ, thậm chí có NH còn phải cử nhân viên đến mai phục ở nhà giám đốc DN để xiết nợ một cái xe hơi thôi. Thật thê thảm. Có ông bà Giám đốc lặn mất tăm không sủi bọt, NH đành thua. Có ông bà giám đốc mù chữ như vợ chồng Đặng Thị Loan và Lê Thanh Hải ở Đồng Tháp cũng lừa được hơn 60 tỉ đồng, trong đó có 2 ngân hàng là Vietinbank và Eximbank (chi nhánh Cần Thơ).

                                              

                                                    Người dân kéo đến xiết nợ Công Ty của vợ chồng Thanh Hải



Một đống nợ xấu không đòi được, một đống tiền của người gửi hàng tháng phải trả lãi, không tìm đủ DN có năng lực để cho vay cũng là một bài toán khó giải. Thế nên có NH đã phải hạ lãi suất đầu vào xuống dưới mức khống chế của NHNN tức dưới 7,5%. Thậm chí như Agribank đã đưa lãi suất huy động về 5% - thấp nhất thị trường và chỉ bằng hai phần ba mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Điều này khiến không ít người gửi tiền xót xa và cảm thấy thiệt thòi.


Lúc này họ không cần thêm tiền gửi của dân nữa. Hạ lãi suất như thế không khác nào khuyến khích người dân rút tiền ra. Các ông lớn NH này nghĩ rằng khi cần thêm tiền họ lại tăng lãi suất. Chiến thuật kinh doanh này chưa chắc đã mang lại hiệu quả lâu dài vì người dân mất tín nhiệm với NH rồi, khó mà quay trở lại, thà họ gửi ở nơi khác, không bị "ép ngang xương" kiểu này.


Một suy nghĩ khác là bây giờ người dân không cần chọn NH lớn nhỏ, tốt xấu nữa mà là chọn NH nào có lãi suất cao nhất. Bởi họ hiểu rằng NHNN và các NH khác không bao giờ dám để một NH "chết", dân đến rút tiền không đủ trả. Họ phải cứu nhau. Nếu không chỉ trong vòng 1 ngày là cả nước đua nhau đi rút tiền. Lúc đó "chết cả làng"!


Bởi tất cả những nguyên nhân trên, hiện hay cả 3 anh gửi tiền, anh giữ tiền, anh DN đều đứng ngó nhau lâm vào cảnh "thằng nào cũng ốm dở, chết dở". Chẳng có anh nào "mạnh khỏe" cả. Anh nào sống sót sau trong nền kinh tế èo uột này? Chúng ta hãy chờ xem.

Hội chứng "sợ" đang thịnh hành

Cũng trong chuyện NHNN dồn dập bán vàng ra hàng chục tấn vàng, quả thật người dân thường chỉ biết ớ mặt ra nhìn, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Tại sao phải bán? Bán làm gì? Dân có lợi gì? Người dân hoàn toàn mù tịt.


Trong khi đó trên báo Thanh Niên số 114 ra ngày 24.4, có bài báo của tác giả Nguyên Hằng cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu. Lập tức NHNN ra thông cáo giải thích trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục An ninh II - Bộ Công an phối hợp xử lý theo pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/3/2013. Thế nên, thông tin cho rằng, chủ trương tạm xuất, tái nhập này nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước.


           
                           Công văn của NHNN gửi Bộ Công An điều tra về việc "bóp méo chính sách nhà nước".



Báo Thanh Niên cũng đã cáo lỗi với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng bạn đọc. Chưa biết Tổng Cục An ninh II sẽ "xử lý" vụ này ra sao, nhưng chắc chắn là có khối anh sợ xanh mặt. Cái "hội chứng sợ" cũng đang rất thịnh hành ở VN. Từ nay chắc chẳng anh nào dám "bóp méo" chính sách của NHNN nữa, cứ "bóp cho tròn" thôi. Như thế hy vọng VN sẽ có giải Nobel, các ông chuẩn bị ăn mừng đi là vừa.


Nhân nói đến ăn mừng, lại nhớ đến những vụ ăn nhậu của các vị công chức thời nay.

Những công chức bụng phệ vì nhậu

Ăn nhậu nhiều, có ngày nhậu liên miên vài bữa liền, không ít công chức bụng cứ ngày một phệ ra, người dân gọi là các quan "đeo ba lô ngược". Do là bệnh viện chuyên khám chữa bệnh cho các viên chức nên các bác sỹ ở bệnh viện Hữu Nghị gặp khá nhiều các trường hợp khôi hài. Khi được BS hỏi một bệnh nhân là công chức tại sao không ngừng uống bia, người bệnh cho biết: "Không nhậu thì không được, làm nghề này không đi ăn uống tiếp khách thì không thể làm việc được" (!?)


                                             

                                                       Công chức Hà Nội và Sài Gòn bụng phệ nhiều nhất nước




Bệnh nhân này hầu như ngày nào cũng đi uống bia sau giờ làm việc, trước đây thì buổi trưa cũng không ngoại lệ. Kể từ khi có quy định cấm uống rượu, bia buổi trưa, các cuộc nhậu hầu như toàn diễn ra vào cuối ngày, có lúc ông còn phải "chạy sô" vì có nhiều cuộc diễn ra cùng lúc, cuộc nào cũng "khó từ chối" vì "từ chối thì mất hết quan hệ"!



Công chức Hà Nội và TP. Sài Gòn thừa cân nhiều nhất


Tại cuộc "hội thảo" về bổ sung chất xơ trong sản phẩm dinh dưỡng cho người thừa cân, béo phì tại Hà Nội, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho biết tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm 45-49 tuổi khu vực thành thị là 9,9%.


Theo điều tra này thì Hà Nội và TP.Sài Gòn là những địa phương có tỉ lệ người thừa cân, béo phì cao nhất, đặc biệt ở nhóm cán bộ công chức có tới 15% thừa cân, béo phì.



Không chỉ ở các TP lớn các quan thích nhậu mà ở những tỉnh lẻ, nhậu còn mang đến nhiều điều thú vị hơn nữa.


Từ nữ phó chủ tịch say xỉn đến quan chức nhậu bất kể gió bão


Theo thông tin trên báo chí, chiều 1/5, Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phê bình, kiểm điểm đối với bà Cụt Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND huyện này vì nhiều lần uống rượu say quá đà trong các cuộc "liên hoan", hội nghị và tiếp khách. Vào tháng 6-2011, khi cơn lũ quét tràn qua làm nhiều nhà dân bị cuốn trôi thì nữ phó chủ tịch này vẫn vô tư ngồi tiếp khách, uống rượu và hát karaoke... rồi say xỉn.


Cũng là hình ảnh quan huyện ngồi nhậu trong mùa bão lũ, nhưng lại "sôi động" hơn trên mặt báo là ở một tỉnh khác thuộc Bắc trung bộ. Vào năm 2011, trong lúc cả tỉnh này đang tập trung chỉ đạo sát sao đối phó với cơn bão sắp đến, người dân đang còng lưng cố vớt vát ít lúa hè thu trước khi bị bão tàn phá, thì mấy ông 'quan' này cùng với lãnh đạo một doanh nghiệp chén tạc chén thù món đặc sản gà đồi, tại một quán ăn đặc sản, khá hẻo lánh.


Đứng đầu cuộc nhậu cũng là một vị Phó Chủ tịch UBND huyện, rồi Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường, Trưởng ban Quản lý dự án...


Câu chuyện trên được báo chí tường thuật lại ngay sau khi cuộc nhậu vừa kết thúc: "Cảnh tượng chúc tụng, đùa cợt giữa các cán bộ huyện với Giám đốc doanh nghiệp xây dựng nọ liên tục rôm rả. Thậm chí, trong lúc cao hứng những cán bộ huyện này còn yêu cầu một số nhân viên nữ đi vòng quanh bàn lần lượt chúc mỗi cán bộ một chén để làm vui".


Tửu lượng cũng là "tiêu chuẩn" thăng chức?


Từ thực tế, nhiều độc giả cho rằng, bên cạnh chuyên môn giỏi, tửu lượng khá cũng ngầm được xem là tiêu chuẩn để cất nhắc viên chức ở nhiều nơi. Từng đi công tại nhiều nơi, bạn đọc tên Nam cho biết tình trạng uống rượu cà kê càng ở cấp thấp càng nhiều.


Nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Chuyện các cán bộ cấp xã đi ăn sáng từ 7h - 10h là chuyện thường như cơm bữa. Ban đầu cụng vài chén cho vui, lai rai uống thêm vài chén nữa, đến khi về phòng làm việc, nhiều người đắp áo ngủ hết trưa chờ tỉnh rượu.


Ngoài lãng phí thời gian, tiền bạc, nhậu nhẹt còn khiến một số quan ông quan bà tha hóa. Ông cán bộ này "loạng quạng" với bà cán kia cũng vì rượu, vì chung bàn chung chiếu, chung niềm vui cùng đi... nhà nghỉ, quên đường về nhà.


Nhậu còn dễ dàng được thăng quan tiến chức. Bạn đọc Minh Quân nêu quan điểm từ kinh nghiệm thực tế:


Trong thời gian hướng dẫn nghiệp vụ công tác, thanh niên này được các sếp thẳng thắn dạy bảo: "Em có năng lực, nhưng có tới 50% năng lực được xét trên bàn nhậu. Tửu lượng yếu, anh chỉ là "gà mái", không hòa đồng với anh em, chơi không nhiệt tình, con đường công danh chả đi đến đâu..." Tóm lại lời khuyên đưa ra là muốn lên chức nhanh phải biết nhậu.



Bạn đọc ở địa chỉ minhtai@... thừa nhận chuyện nhiều quan chức nhậu nhẹt triền miên đã có từ vài chục năm qua, nhưng bây giờ mới được đề cập rôm rả.


"Tôi có người quen làm ở một tỉnh cao nguyên. Chẳng biết nó "bảo vệ" rừng thế nào mà cứ ngày càng giàu có lên và trở thành đại gia vào cái tuổi còn khá trẻ. Tôi hỏi nó: công việc chính yếu của mày bây giờ là gì, nó trả lời: Nhậu! Nhậu từ sáng tới tối! Trước kia là để quan hệ, còn giờ là "được" người ta quan hệ vì lên chức...".

Được nhậu lại được thêm tiền

Nhiều độc giả chia sẻ, có một thực tế, các cuộc nhậu của nhiều cán bộ, công chức thường tổ chức ở những nơi sang trọng. Nhậu xong, thuộc cấp có trách nhiệm lấy hóa đơn đỏ về cơ quan thanh toán. Ăn 1 lại tính thành 10. Đây cũng là lý do nhiều cán bộ tích cực nhậu vì ngoài việc thỏa mãn cơn thèm... còn được thêm tiền đút túi.


                                             


                                                        Nhiều công chức nhậu 7 ngày một tuần - (Ảnh minh họa)
Độc giả Thanh Hương cho biết, một cuộc nhậu của sếp chị không bao giờ dưới 3 triệu đồng. Cả năm nhân lên, đủ biết nhiều chừng nào. Trong khi đó, bạn đọc Ngô Lê Tuấn cũng khẳng định, tiền trả cho các bữa nhậu rất hiếm khi từ túi cán bộ, công chức. Bởi, lương vài ba triệu, tiền đâu chi trả cho những cuộc nhậu kín mít cả 7 ngày/ tuần?

Xét ra như thế dù trong tình hình kinh tế khủng hoảng, chỉ có mấy anh quan "tích cực đi nhậu" là sướng hơn cả.

Văn Quang
 

CAO CHÁNH CƯƠNG * VĂN PHẠM VIỆT NAM



      Dấu Hỏi Ngã trong Ngôn ngữ Việt

           Dấu "Hỏi Ngã" Trong Văn Chương Việt Nam

Văn hóa Việt Nam của chúng ta vô cùng phong phú. Một trong những nguồn phong phú vô ngàn mà trên thế giới không ai có, đó là ý nghĩa về dấu hỏi ngã Thật thế, dấu hỏi ngã trong tiếng Việt đóng một vai trò quan trọng. Viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm đảo ngược và có khi vô cùng tai hại cho văn chương và văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi xin đơn cử một vài trường hợp như sau : Danh từ nhân sĩ, chữ sĩ phải được viết bằng dấu ngã để mô tả một vị chính khách có kiến thức văn hóa chính tri... , nhưng nếu vô tình chúng ta viết nhân sỉ, chữ sỉ với dấu hỏi thì ý nghĩa của danh từ nhân sĩ sẽ bị đảo ngược lại, vì chữ sĩ với dấu hỏi có nghĩa là nhục sĩ và như vậy sẽ bị trái nghĩa hoàn toàn.

Một chữ thông thường khác như là hai chữ sửa chữa, nếu bỏ đi dấu hỏi ngã sẽ có nhiều ý khác nhau: sửa chữa (sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã) tức là chúng ta sửa lại một cái gì bị hư hỏng, thí dụ sửa chữa xe hơi. Nhưng nếu cho dấu ngã vào thành chữ sữa và dấu hỏi trên chữ chửa tức có nghĩa là sữa của những người đàn bà có thai nghén.

Người sai lỗi nhiều nhất về viết sai dấu hỏi ngã là người miền Nam và Trung (người viết bài này là người miền Trung).May mắn nhất là người thuộc miền Bắc khi sinh ra là nói và viết dấu hỏi ngã không cần phải suy nghĩ gì cả. Nhưng khốn nỗi có khi hỏi họ tại sao chữ này viết dấu hỏi chữ kia lại đánh dấu ngã thì họ lại không cắt nghĩa được mà chỉ nở một nụ cười trên môi...

Bài viết này nhằm mục đích đóng góp một vài qui luật về dấu hỏi ngã của tiếng mẹ đẻ Việt Nam chúng ta.

Dấu hỏi ngã được căn cứ vào ba qui luật căn bản: Luật bằng trắc, chữ Hán Việt và các qui luật ngoại lệ.

A. LUẬT BẰNG TRẮC

Qui luật bằng trắc phải được hiểu theo ba qui ước sau.

1. Luật lập láy

Danh từ lập láy tức là một chữ có nghĩa nhưng chữ ghép đi theo chữ kia không có nghĩa gì cả.

 Thí dụ: vui vẻ, chữ vui có nghĩa mà chữ vẻ lại không nghĩa, chữ mạnh mẽ, chữ mạnh có nghĩa nhưng chữ mẽ lại không hề mang một ý nghĩa nào hết, hoặc chữ lặng lẽ, vẻ vang...

2. Luật trắc

Không dấu và dấu sắc đi theo với danh từ lập láy thì chữ đó viết bằng dấu hỏi (ngang sắc hỏi).

Thí dụ:

Hớn hở: chữ hớn có dấu sắc, thì chữ hở phải là dấu hỏi.
Vui vẻ: chữ vui không dấu, thì chữ vẻ đương nhiên phải dấu hỏi.
Hỏi han: chữ han không dấu, như thế chữ hỏi phải có dấu hỏi.
Vớ vẩn: chữ vớ là dấu sắc thì chữ vẩn phải có dấu hỏi.
Tương tự như mắng mỏ, ngớ ngẩn, hở hang,...

3. Luật bằng

Dấu huyền và dấu nặng đi theo một danh từ lập láy thì được viết bằng dấu ngã (huyền nặng ngã).

Thí dụ:

Sẵn sàng: chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.
Ngỡ ngàng: chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.
Mạnh mẽ: chữ mãnh có dấu nặng, do đó chữ mẽ phải viết dấu ngã.
Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng,...

B. CHỮ HÁN VIỆT

Văn chương Việt Nam sử dụng rất nhiều từ Hán Việt, chúng ta hay quen dùng hằng ngày nên cứ xem như là tiếng Việt hoàn toàn. Thí dụ như các chữ thành kiến, lữ hành, lãng du, viễn xứ,... tất cả đều do chữ Hán mà ra.

Đối với chữ Hán Việt được sử dụng trong văn chương Việt Nam, luật về đánh dấu hỏi ngã được qui định như sau:

Tất cả những chữ Hán Việt nào bắt đầu bằng các chữ D, L, V, M và N đều viết bằng dấu ngã, các chữ Hán Việt khác không bắt đầu bằng năm mẫu tự này sẽ được viết bằng dấu hỏi.

Thí dụ:
Dĩ vãng: hai chữ này phải viết dấu ngã vì dĩ vãng không những là hán tự mà còn bắt đầu bằng chữ D và V.
Vĩ đại: vĩ có dấu ngã vì chữ vĩ bắt đầu với mẫu tự V.
Ngẫu nhiên: chữ ngẫu dấu ngã vì áp dụng qui luật Hán Việt nói trên.
Lẽ phải: lẽ dấu ngã vì chữ L, phải dấu hỏi vì có chữ P.
Tư tưởng: chữ tưởng phải viết dấu hỏi vì vần T đứng đầu.
Tương tự như: lữ hành, vĩnh viễn,...

Để có thể nhớ luật Hán tự dễ dàng, chúng tôi đặt một câu châm ngôn như thế này:

"Dân Là Vận Mệnh Nước"

để dễ nhớ mỗi khi muốn sử dụng qui luật Hán tự nói trên.

C. CÁC QUI ƯỚC KHÁC

1. Trạng từ (adverb)

Các chữ về trạng từ thường viết bằng dấu ngã.

Thí dụ:

Thôi thế cũng được.Trạng từ cũng viết với dấu ngã.
Xin anh đừng trách em nữa.Trạng tự nữa viết với dấu ngã.
Chắc anh đã mệt lắm rồi.Trạng từ đã viết với dấu ngã.

2. Tên họ cá nhân và quốc gia

Các họ của mỗi người và tên của một quốc gia thường được viết bằng dấu ngã.

Thí dụ:
Đỗ đình Tuân, Lữ đình Thông, Nguyễn ngọc Yến...
Các chữ Đỗ, Lữ, Nguyễn đều viết bằng dấu ngã vì đây là danh xưng họ hàng.
Nước Mỹ, A phú Hãn,...
Các chữ Mỹ và Hãn phải viết bằng dấu ngã vì đây là tên của một quốc gia.

3. Thừa trừ

Một qui ước thừa trừ ta có thể dùng là đoán nghĩa để áp dụng theo luật lập láy và bằng trắc nói trên.

Thí dụ:
Anh bỏ em đi lẻ một mình.Chữ lẻ viết dấu hỏi vì từ chữ lẻ loi mà ra, chữ loi không dấu nên chữ lẻ viết với dấu hỏi.

Anh này trông thật khỏe mạnh, chữ khỏe ở đây có dấu hỏi vì do từ khỏe khoắn mà ra, khoắn dấu sắc thì khỏe phải dấu hỏi.

D. KẾT LUẬN

Văn chương là linh hồn của nền văn hóa, viết sai dấu hỏi ngã có thể làm sai lạc cả câu văn, đó là chưa kể đến nhiều sự hiểu lầm tai hại cho chính mình và người khác cũng như các việc trọng đại. Không gì khó chịu cho bằng khi đọc một cuốn truyện hay nhưng dấu hỏi ngã không được chỉnh tề.

Một ký giả người miền Nam trong câu chuyện thân mật tại một quán phở thuộc vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã thành thật công nhận điều thiếu sót và tầm quan trọng của dấu hỏi ngã trong văn chương Việt Nam.Và cũng chính vị ký giả lão thành nói trên đã khuyến khích chúng tôi viết bài này trong mục đích làm sống lại sự phong phú của nền văn chương, văn hóa Việt Nam chúng ta, nhất là đối với những thế hệ trẻ hiện đang lưu lạc trên xứ người.

CAO CHÁNH CƯƠNG

Trích tài liệu khóa Tu nghiệp Sư phạm 1991 Của các Trung tâm Việt ngữ Miền Nam Cali

No comments: