Friday, October 14, 2016

TẠ DUY ANH - MAI THẢO -HOÀNG NGỌC LIÊN

Wednesday, January 2, 2013

RFA * TẠ DUY ANH

Tạ Duy Anh và cách đối phó với Trung Quốc


2012-12-30
Trong chương trình VHNT kỳ trước Mặc Lâm đã có dịp trao đổi với nhà văn Tạ Duy Anh về vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là làm cách nào đối phó với Trung Quốc, một nước lớn nhưng nhiều dã tâm với Việt Nam qua sự xâm lấn trắng trợn mà Bắc Kinh không ngần ngại đã và sẽ làm đối với chủ quyền biển đảo của nước ta từ nhiều chục năm qua.

hennhausaigon2015.com photo
Hộ chiếu TQ với bản đồ lưỡi bò

Chương trình trao đổi kỳ này như một nhịp cầu nối liền những suy nghĩ của các nhà văn hóa, chính trị hay hoạt động trong lĩnh vực văn học với người nghe, đọc của RFA nhằm khai thác những góc nhìn khác nhau để kiến tạo những đóng góp thiết thực cho những ai quan tâm đến cách đối phó với Trung Quốc.

Tiếp tục câu chuyện về vấn đề Trung Quốc với nhà văn Tạ Duy Anh, ông cho biết một cách khái quát về vị trí địa lý chiến lược của Trung Quốc và từ đó hình thành các yếu tố khiến Trung Quốc phải vươn ra ngoài để tiến tới mộng bá chủ thế giới, trước tiên là lấn chiếm từng bước vì mục tiêu chiếm Biển Đông của họ sẽ không bao giờ thay đổi.

Quốc tế hóa Biển Đông

Nhà văn Tạ Duy Anh: Từ những nhận định ban đầu của tôi là Trung Quốc không thể mở cuộc chiến tranh tổng lực tại Biển Đông được nhưng mục tiêu họ chiếm Biển Đông là không thay đổi. Họ đã mất từ một đến hai nghìn năm mà vẫn không chinh phục được người Việt Nam nhưng vẫn sẵn sàng mất thêm một đến hai nghìn năm nữa để tiếp tục công cuộc chinh phục và đô hộ người Việt, trong đó mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc về mặt lãnh thổ trong thế kỷ 21 là Biển Đông chứ không phải vùng biển nào khác.

Nếu thật tỉnh táo mình sẽ nhận ra được điều này. Bởi vì ở hướng nào thì họ cũng vấp phải những thành trì. Hướng Bắc thì vướng Nga, hướng Đông thì Biển Hoa Đông vướng Nhật Bản, Triều Tiên và sau Nhật Bản, Triều Tiên là Mỹ thế rồi phía Tây là Ấn Độ… Một lối khả dĩ duy nhất là xuống phía Nam, vùng biển mà Trung Quốc có thể coi là bàn đạp để họ thực hiện ước mơ vương rộng ra thế giới để cai quản một nửa thậm chí còn hơn như mong ước của họ.
Mặc Lâm: Nhưng thưa nhà văn Tạ Duy Anh, ý muốn và cách thực hiện không phải là một khoảng cách ngắn, làm cách nào để họ thực hiện điều ấy khi các nước đều không phải là ngây thơ hay hèn nhược để cho dễ dàng nuốt trọn?
tam-sa-250.jpg
Hải quân Trung Quốc trong lễ bổ nhiệm các quan chức cho cái gọi là TP Tam Sa. AFP photo.
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc sẽ dùng toàn bộ lực lượng và những tiềm lực hay trí tuệ của họ để làm cách nào đó thôn tính Biển Đông ở những mức mà họ muốn. Tất nhiên là họ muốn toàn bộ Biển Đông còn thôn tính được đến đâu thì không biết.

Trong khi chưa chiếm được Biển Đông bằng một cuộc hải chiến, và điều đó chắc chắn rất khó, vậy thì không cách nào khác là họ sẽ dùng chiến thuật như họ đã dùng từ xưa tới nay để làm cho đối phương mệt mỏi, nản chí bằng cách quấy nhiễu, dùng tiềm lực quân sự hay vị thế nước lớn để áp đặt, vu vạ cho các nước láng giềng. Bằng cái đường lưỡi bò như vậy thì chỗ nào cũng là của họ. Nếu bây giờ các nước chấp nhận đường lưỡi bò là của họ thì mình chỉ cần bơi ra khỏi bờ một đoạn là vào bờ biển Trung Quốc rồi!
Chính cái điều vô lý ấy mà không một nước nào ở Đông Nam Á chấp nhận trong đó có Việt Nam. Thế nhưng Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ tham vọng khổng lồ của họ đối với Biển Đông. Cái cách mà người Trung Quốc rất giỏi làm đó là cứ nói mãi, cứ dùng những động tác lập đi lập lại, một mặt thì họ tuyên truyền cho thế giới điếc cả tai ra nhưng cuối cùng thì cũng thuận tai đối với họ!

Đơn giản trước mắt là việc thành lập thành phố Tam Sa. Không phải đơn thuần chỉ là một động thái mang tính hình thức nhưng đây là một động tác rất nguy hiểm bởi vì đến một lúc nào đó địa danh Tam Sa trong những hợp đồng kinh tế hay trong những địa điểm tổ chức các hội nghị quốc tế. Nghiễm nhiên nó sẽ trở thành một địa danh chính thức đối với nhiều quốc gia, với châu Âu và các nước không quan tâm nhiều đến việc ai làm chủ Biển Đông.
bởi vì Biển Đông mà không quốc tế hóa, lập trường của mình không kiên trì trong việc này thì Trung Quốc lấy rất đơn giản.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Rồi dần dần họ làm một cách bài bản hơn, một mặt họ khiến cho thế giới hiểu rằng cứ nói mãi nói mãi về chủ quyền Biển Đông, mà mình và các nước khác lại không làm gì cả thì đương nhiên thế giới sẽ dần dần quen với địa danh và quan niệm rằng biển Nam Trung Hoa là của họ.
Một mặt khác họ dùng mọi tiềm lực để chèn ép mình. Thực ra họ chưa chắc đã chiếm được đâu nhưng họ chèn ép để lấy thế thượng phong nhằm bắt mình chấp nhận những điều kiện do họ đưa ra như chấp nhận đàm phán song phương, chấp nhận không quốc tế hóa Biển Đông, và bằng cách đấy họ cho rằng: Đấy người Việt Nam lựa chọn đi, giữa cái quyết tâm quốc tế hóa Biển Đông với cách nói chuyện với họ thì anh phải lựa chọn. Vậy thì, nếu không tỉnh táo thì người Việt Nam mình rất dễ sa vào bẫy của họ, bởi vì Biển Đông mà không quốc tế hóa, lập trường của mình không kiên trì trong việc này thì Trung Quốc lấy rất đơn giản.
Việc Trung Quốc khó vượt qua nhất bây giờ là Biển Đông chắc chắn sẽ được quốc tế hóa mà Việt Nam và Philippines là những nước buộc lòng phải cứng rắn nhất trong lập trường này, và họ sẽ tập trung làm cho các lập trường của Philippines và Việt Nam phải mềm lại.
Mặc Lâm: Mềm lại theo ý anh là như thế nào? Anh cũng biết rằng nếu càng mềm thì họ càng lấn tới…
Nhà văn Tạ Duy Anh: Họ làm mềm lại bằng cách chia rẽ khối ASEAN, dùng cách nghi binh, áp lực dương đông kích tây, hay răn đe với Nhật Bản, với Đài Loan. Thực ra đều là để dằn mặt Việt Nam và Phi bởi vì Biển Hoa Đông không quan trọng đối với Trung Quốc. Cái quan trọng không bằng 1/10 đối với Biển Đông so với vị trí chiến lược của họ.

Người dân

000_Hkg8090462-250.jpg
Những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc và diễu hành tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Mặc Lâm: Theo anh thì đối phó với các thủ đoạn này thì người Việt phải làm sao?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi nghĩ rằng người Việt hiện nay thứ nhất phải thật tỉnh táo. Thứ hai phải cứng và cương nhu đúng lúc. Hiện nay tôi không có thông tin vì vậy cứ nói như rất nhiều trí thức họ quy kết chính quyền là nhu nhược, bán nước rồi nhượng bộ Trung Quốc… Tôi không nghĩ rằng bất cứ người Việt Nam nào lại có thể vì lợi ích để bán lãnh thổ, để công khai ủng hộ một thế lực ngoại bang để họ có thể gậm nhấm đất nước thì khó vô cùng và không ai dám.

Tấm gương Trần Ích Tắc, tấm gương Lê Chiêu Thống, đủ để cho người Việt không ai có đủ sự bỉ ổi, thiếu liêm sỉ để có thể làm những việc như vậy nữa.
Mặc Lâm: Thế nhưng có nhận xét cho rằng bây giờ giòng máu nóng chống ngoại xâm của người Việt hình như không còn như xưa nữa sau một thời gian dài lo cơm áo gạo tiền… anh nghĩ sao về nhận xét này?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Người Việt có một đức tính rất hay là sau một nghìn năm đô hộ bởi Trung Quốc rồi nên giờ đây không sợ Trung Quốc. Nói đến Trung Quốc không ai sợ cả. Và cái việc không ai sợ Trung Quốc nó không phải là một sự cố gắng về mặt lý trí mà nó là một phản ứng bản năng, như một thói quen với người Việt mình rồi.

Sống cạnh thằng khổng lồ hàng nghìn năm nó chẳng làm gì được mình thì giờ đây không ai sợ nữa. Đó là điều quan trọng và những người cầm quyền phải khai thác triệt để cái phẩm giá này của dân tộc. Đôi khi cũng phải dám cứng rắn bởi vì mình cũng đoán định được rằng Trung Quốc sẽ hành động đến đâu, đến mức nào. Tôi nghĩ Trung Quốc không thể nào hành động vượt quá giới hạn khiến cho một cuộc chiến bùng nổ bởi vì bản thân Trung Quốc trong thời điểm này và trong nhiều năm tới, tôi nghĩ họ cũng không muốn cuộc chiến nổ ra ở Biển Đông.
Mặc Lâm: Anh có thể giải thích thêm trong vấn đề này hay không? Tại sao Trung Quốc lại chưa thể gây chiến tranh trong lúc này?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Bởi vì nếu nó nổ ra như mình đã nói thì nó sẽ như thế nào? Nó kết thúc được hay không và hậu quả ra sao thì chính họ cũng không lường tới được. Tôi nghĩ người Trung Quốc hiện nay chưa có một cách nào khác ngoài cách lì lợm, chơi bẩn. Chơi bẩn bằng mọi thủ đoạn trong đó có lừa phỉnh, đánh úp, hay gậm nhấm những chỗ họ có thể làm được như bãi Gạc Ma năm 88. Cứ xểnh ra là họ làm. Họ chơi những con bài đúng như người ta gọi là tiểu nhân mà người Tàu vẫn áp dụng cho những địch thủ, những hàng xóm láng giềng của họ, nhất là những nước như là nước mình.

Chính quyền

000_Hkg8090526-250.jpg
Công an ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Mặc Lâm: Trước những tình hình thực tế này theo anh thì chính phủ Việt Nam phải có kế sách như thế nào để đối phó một mặt vừa không xảy ra chiến tranh, một mặt vô hiệu hóa kế hoạch tầm ăn dâu của Trung Quốc?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi nghĩ trong thời gian tới cái quan trọng nhất đối với chính quyền là phải vô hiệu hóa tất cả những quyết định ngang trái của họ.

Vô hiệu hóa bằng nhiều cách, thứ nhất không chấp nhận, và khi không chấp nhận thì phải có biện pháp đáp trả. Hai nữa cũng phải tỉnh dần ra. Phải cho rất nhiều người dân trong nước hiểu ra cái thâm ý, cái bản chất sâu xa của Trung Quốc để từ đó mình có những liên kết quyền lợi khác. Liên kết với Ấn Độ, với Mỹ, với Nhật Bản, với những nước có nền công nghệ cao về vũ khí.

Mặc Lâm: Anh vừa nói tới vấn đề vũ khí, theo anh thì Việt Nam có nên bóp bụng để tự trang bị cho mình một dàn tên lửa nhằm tự vệ khi có chiến tranh xảy ra hay không, và liệu hành động này có làm cho Trung Quốc chùn tay hay khiến nó càng hung dữ hơn?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải có một dàn tên lửa cực kỳ gắn dọc bờ biển có thể vươn tới Hoàng Sa hay Hải Nam. Bởi vì thế này, nếu xảy ra chiến tranh thì Trung Quốc cũng không ngán gì mà không tương tên lửa vào đất liền hay những cơ sở quân sự của mình vì vậy mình phải có khả năng đáp trả.
Nếu như người cầm quyền cứ lấy cái cớ giữ ổn định giữ hòa bình để cho tương lai những vấn đề của ngày nay thì không phải là vấn đề hay.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Nhưng những bước đi như vậy phải rất nhiều kỳ công, tốn kém và nhất là cả dân tộc phải quyết tâm. Nếu như người cầm quyền cứ lấy cái cớ giữ ổn định giữ hòa bình để cho tương lai những vấn đề của ngày nay thì không phải là vấn đề hay.
Trước sau con cháu chúng ta phải đối mặt, và khi đó nó phải đối mặt với một cuộc chiến đẫm máu rất nhiều lần nếu xảy ra so với ngày hôm nay. Bởi vì ngày hôm nay cái may nhất là những cường quốc lớn như Mỹ và Trung Quốc không bao giờ có thể bắt tay nhau được. Chừng nào mà những lợi ích của họ còn xung đột thì mình còn sống sót.

Cái chiến thuật thoát hiểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua là chiến thuật của con sóc, tức là anh leo dây thoát hiểm nhưng cái đó nó không tồn tại mãi được. Trước sau anh phải đối mặt với một sự thật là anh chỉ né tránh. Anh né tránh những cú đòn của họ thôi, nhưng khi nó ra quá nhiều cú đòn và thậm chí với những cú né như vậy, mỗi lần né thì nó lại áp sát vào lãnh thổ của mình thì cuối cùng anh cũng không thể thoái thác, anh không thể tránh phải đối mặt với một kẻ thù khổng lồ.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn Tạ Duy Anh. Sau hai kỳ phát thanh nhà văn Tạ Duy Anh đã chia sẻ với chúng ta nhiều ý kiến thú vị về cách làm sao sống chung và đối phó với Trung Quốc. Mặc dù còn nhiều tranh cãi đối các ý kiến này nhưng chúng tôi tin rằng, những ai quan tâm tới vấn đề sẽ có cơ hội nhìn ra một khía cạnh khác để góp thêm kinh nghiệm cho việc bảo vệ bờ cõi của Việt Nam.
Quý vị muốn đóng góp ý kiến cho chương trình này xin vui lòng e-mail về địa chỉ: maclam@rfa.org.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/taduyanh-abt-east-sea-2-12302012115551.html

Sunday, October 21, 2012

MAI THẢO * NHÀ MỚI

Truyện Ngắn » Nhà Mới
Font Size: Tác Giả: Mai Thảo
Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:
    Những ngày đầu tiên vừa đặt chân xuống Sài Gòn, Hoá ở tạm một gian “phố” gần khu Chợ Quán. Căn nhà là một tầng bé nhỏ, cuối một ngõ hẻm. Đằng sau nhà là bãi hoang.
    Căn nhà này là của người bạn Hoá vừa đi vắng vì công vụ. Anh ta về Hà Nội. Hôm gặp Hoá, chân ướt chân ráo, giữa phi trường Tân Sơn Nhất, anh bạn đã bắt tay Hoá rồi rút ở túi áo ra một cái chìa khoá. Anh chìa cho Hoá:
    “Cho anh mượn tạm cái nhà. Chắc chưa có ai ở. Nhân tiện, coi nhà hộ. Độ nửa tháng nửa, tôi sẽ vào. Chúng mình nói chuyện sau vậy”. 



    Thế là người bạn về Bắc, Hoá đã đến mở cửa cái gian nhà bé nhỏ này. Buổi trưa hôm anh đến, mưa to. Anh xuống xe, đi bộ qua một ngõ đất, vừa hẹp, vừa lầy lội. Dăm ba đứa trẻ con đầu trần mặc áo hoa, đứng dưới mưa nhìn anh. Anh nhìn chúng, mỉm cười xã giao, khi anh nghĩ đến những giấc ngủ trưa của anh, bọn chúng dễ đến phá phách loạn xạ lắm đấy.
    Sau đó, Hoá đi nhanh về cuối ngõ. Căn nhà nhỏ bé cửa sơn xanh khép đóng im ỉm sau một hàng rào gỗ lưa thưa. Dăm bụi cỏ dại mọc ngổn ngang trên lối đi. 



    Nhà mới có hai tầng và một gian gác lửng bằng gỗ. Một cặp vợ chồng và hai ba đứa con thì ăn ở rộng rãi. Ở cho đủ, có thể chứa được ba chục con người. Hoá chợt nghĩ đến cái nơi ở thứ hai này. Trong một thoáng, Hoá nghĩ đến cái gác trọ của anh ở Hà Nội. Một số lẻ giữa phố Cầu Gỗ. Anh tính nhẩm: Dễ cũng đến ba chục người. Hoá mỉm cười, nhớ đến những ngày nắng tháng Năm, tháng Sáu ở Hà Nội, gian gác xép Cầu Gỗ rung lên trong những tiếng quạt, tiếng thở, và ngột ngạt một thứ không khí nồng cháy. Bọn Hoá ăn ở cái lối “hấp cách thuỷ”, như thế trong suốt một vụ hè 54. Vậy mà chẳng ai kêu ca, chẳng ai ốm đau, và cũng không một ai bỏ đi. Thì ra cái khu vực tối thiểu cho một đời sống, nhiều khi đi xuống mức của những phân, những ly. Người ta nằm nghiêng mà ngủ, đi lên đi xuống cũng phải có tổ chức để tránh va chạm. Gian gác biến thành những con đường một chiều.
    

Mưa to hơn, Hoá mỉm cười một mình nhìn chung quanh gian buồng bỏ không. Từ ngoài mặt đường, nước chảy vào buồng ngoài, vào buồng trong và đọng lại trước cửa bếp. Vũng nước đục ngầu ngầu. Hoá nghĩ thầm: Không quét dọn sạch sẽ chỗ này không ở được. Đoạn, anh lần xuống bếp. Người bạn vừa đi khỏi mà cái bếp tro lạnh như không có ai thổi nấu đã nhiều ngày. Hoá nghĩ đến những nếp sống phóng túng ở đây. Bữa ăn người ta kéo cả ra tiệm. Anh không ngạc nhiên nữa.


    Anh đi lên gian gác xếp. Trên đó tối thẳm. Một mùi ẩm mốc bốc lên từ những góc tối. Hoá đánh diêm soi thấy một gian gác trống trơ trọi. Trên sàn ngổn ngang mấy tấm gỗ mộc. Anh đi xuống.
    Mưa đã tạnh hẳn. Hoá mở cửa ra ngồi trên bực cửa nhìn ra đường. Từ đầu ngõ, gió thổi tới, mát lạnh qua những vũng nước. Lá rụng xanh mặt đường. Bọn trẻ con ban nãy, thấp thoáng từ những căn nhà bên cạnh, lại ùa đến. Chúng cũng có vẻ nghịch ngợm như những lũ trẻ của phố sá Hà Nội, nhưng trông tươi tắn và ngây ngô hơn. Chúng nắm tay nhau nhìn Hoá rồi nhìn nhau, cười ầm lên. Hoá cũng cười. 

Anh hút một điếu thuốc lá. Bọn trẻ thấy Hoá yên lặng, càng cười dữ. Đoạn một đứa sán đến hỏi anh:
    “Thầy mới vô hả?”
    Hoá bảo:
    “Phải rồi mới vô”. Tiếng Bắc anh dùng, làm lũ trẻ con cười to hơn.
    Một lát sau, chúng đã biết tên anh, và anh đã mượn được lũ trẻ vô số là đồ dùng. Búa, chổi sể và mấy cái gầu con để múc nước. 



    Chúng để cả trên thềm cửa rồi bỏ đi.
    Đêm xuống. Một đêm Sài Gòn rộng thoáng sau một chiều nhạt nắng. Hoá ngồi ngoài thềm cửa, nhìn từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Anh nhìn vu vơ. Một nửa ngày đặt chân thủ đô tự do, Hoá chưa kịp quen ai. Anh hút một điếu thuốc lá nữa. Thuốc cháy, khói chảy xanh về cuối ngõ, như vào một lối đi quen thuộc cũ. Lòng Hoá phân vân nhiều. Anh nghĩ đến Sài Gòn. Anh nghĩ đến Hà Nội. Nghĩ miên man. Một số bạn hữu cũ, anh sẽ không gặp họ ở đây. Có lẽ không bao giờ nữa. Họ đã ở lại. 



    Giữa một buổi đêm Sài Gòn vừa lên đèn. Hoá nghĩ về Hà Nội qua những ý nghĩ đầy mến thương. Anh nghĩ đến những gian nhà ngoài ấy, cửa ngõ khép đóng trong một tâm sự đau khổ thầm kín, khi những người lên đường đã vội vã bỏ đi. Một miếng đất. Một khoảng sân. Một chỗ ngồi xem một cuốn sách dưới mái hiên. Rất nhiều tình người gắn bó gửi cho một mái nhà ấm. 



    Vậy mà Hoá đã lìa bỏ tất cả, để mà ngồi một mình trong cái ngõ tối hẹp này. Ngày mai dành cho anh những gì? Trong thời gian và không gian miền Nam, ngày tới, rồi Hoá còn mất nhiều ngày xây dựng một cơ sở mới, để cho một đoạn đời lại có thể lên hương và một cuộc sống lại có thể bắt nguồn. Anh nhìn lâu lâu xuống lòng đất ngõ trước mặt. Tối xuống hẳn. Hoá không nhìn thấy gì nữa. Nhưng anh đoán thấy đất ở đây cũng như ở bất cứ nơi nào cũng mát lắm, và cũng chứa đầy những sự bất ngờ cho một bàn tay của người.


    Ngày mai, ngày kia, anh sẽ gây lại như từ xưa, những ngọn lửa, những sợi dây nối kết với chung quanh. Anh nghĩ đến bọn trẻ ban nãy. Những tấm áo hoa sặc sỡ của chúng. Tiếng chúng cười vang vang. Những con mắt chúng đen láy nhìn cái “ông ngoài Bắc” vừa đến ở cùng ngõ. Dăm ba ngày, rồi Hoá quen thuộc với lũ trẻ hơn, chúng sẽ thay thế cho một lũ cháu Hoá ở ngoài Bắc với bố mẹ chúng nó. 


    Trong phút giây suy nghĩ đến một cuộc chiến tranh đau khổ lâu dài chỉ chấm dứt để nối kết những con người trên xứ sở xấu số này vào một niềm đau chia sẻ thù oán, Hoá nghĩ nhiều đến những đứa nhỏ. Tương lai của những mái đầu trẻ thơ ấy sẽ ra sao nếu hôm nay, những lứa tuổi măng non ấy đều lớn lên trong một thế hệ chia cắt đứt đoạn? Những sợi dây nối kết đứt rồi, từng đoạn một, ngày lại ngày. Trong Hoá ớn lạnh một cảm giác núi rừng. Hình ảnh một chân trời mịt mùng. Cách sông. Cách núi. Hoá để lại tất cả ngoài ấy. Tất cả. 



    Chiều nay, ngồi một mình trong ngõ hẹp, Hoá nhìn xuống một ngọn lửa lấp lánh đầu ngọn thuốc lá, và anh nghĩ đến những con người mới anh sẽ tiếp xúc ở đây. Lũ trẻ nhỏ mặc áo hoa. Những gia đình chung ngõ. Cùng là đời sống phường phố lớn rộng của Sài Gòn. Những sợi dây liên kết vừa rụng xuống thì những đường tơ mới đã rung lên. Vĩ tuyến không ngăn chia được lòng người, cũng không đánh nhoà mất được những khía cạnh của một sự sống đã được giác ngộ ý thức của tập thể. Đâu đâu, cũng là gắn bó, cũng là bám hút, cũng là những sợi dây, những bàn tay đan lấy nhau. 



    Một ý nghĩ. Một ý nghĩa khác nữa. Trong Hoá, những gánh nặng tâm sự buồn thảm với lần lần. Chúng như những chuyến đi, ngược về bên kia một vĩ tuyến oan khiên nào, và ở lại đó trong cái không khí tù đầy của một thế giới thiếu tình người.
    Hoá dụi tắt thuốc lá, đứng lên. Anh thong thả đi ra ngoài đầu ngõ. Hai bên, những cửa sổ mở rộng, ánh đèn lọt ra ngoài. Con đường đất nhỏ sáng lên từng quãng một. Nước đọng vui dưới chân anh. Nhìn vào bên trong anh thấy những gia đình Sài Gòn đầu tiên dưới ánh đèn: 



    Người bố, người mẹ, mấy đứa con. Những đứa trẻ mặc áo hoa ban nãy. Hoá mỉm cười đoán thầm, chúng đã kể chuyện cho bố mẹ về cái “ông ngoài Bắc” vừa đến. Khắp ngõ, tiếng rađiô tưng bừng một bản nhạc lên đường. Nốt nhạc líu ríu, đổ mạnh. Tiếng hát ngân dài, vươn lên, chứa đựng âm thanh đường trường. Buổi tối Sài Gòn cũng là buổi chiều Hà Nội đang lắng tai trong một bản nhạc mỗi người cùng nghe dưới mái nhà của mình. 



    Hoá đứng ngoài nhìn vào. Bóng anh đổ xuống mặt đường, xiêu đổ, lênh đênh. Anh nghĩ rằng trong những ngày gần đây, cuộc sống của anh rồi cũng sẽ có những tiếng nói, nụ cười của một lớp người sẽ đến, và sẽ nhận anh vào tập thể. Từ một sự xây dựng rất cá nhân, cuộc sống khởi thuỳ rộng lớn thêm mãi, theo nhịp đi của những mạch máu nối kết đằm thắm với chung quanh. Hình ảnh một bếp lửa bập bùng hắt sáng lên một đêm đầu mùa trên mảnh đất mới, thổi mạnh một hương lửa thơm ngát vào Hoá, vào tận chỗ sâu thẳm của nội tâm anh.
    Những hình ảnh cũ nhoà dần: Một chuyến đi. Những nét mặt. Những người bạn. Những bờ phố cũ. Một cuộc đời đã an định.


    Trong ký ức gần gụi, Hoá nhớ đến một cuộc thử thách dữ dội nhất mà thời đại đã đặt ra cho những con người như anh. Anh đã chọn lấy một con đường trên đó thổi lùa một thứ gió lùa và chan hoà một thứ ánh sáng của miền tự do. Và Hoá đã đến đây chiều nay trong cái ngõ hẹp, sau một trận mưa chiều đột ngột của thành phố nhiệt đới. 


    Những tiếng động xa xôi vọng về. Nghe không rõ. Ầm ầm, ran ran. Những tiếng vội vã, như những bước chân đuổi gấp, lại như những đoàn người đang xô chen nhau trên những ngã ba nào. Đèn lấp lánh tứ phía. Cả một thành phố rộng lớn đang sống cái nhịp sống đương hoa, không bến bờ. Một cuộc sống toàn diện. Hoá nghĩ đến cái tự do của một ngọn triều đổ oà oà về cái nét xanh veo của trời xa. Sài Gòn ở đây, Chợ Lớn bên kia. Những tiếng đổ gần như những bước chân xuống núi. Thành phố chứa đầy những tiếng suối trong. Thành phố đựng đầy những ngả cỏ non. 



    Hoá quay trở lại. Lòng ngõ đã tối hẳn. Một vài vũng nước óng ánh. Hai bên, những cánh cửa đã đóng hẳn. Tiếng rađiô tắt lặng. Hoá đẩy cửa vào trong nhà. Anh bật đèn. Ánh sáng bừng lên khắp hai gian buồng. Vẫn như cũ. Một vài vũng nước đục ngầu chưa khô hẳn, làm thành những đường viền màu nâu tươi trên nền đá hoa. 


    Lòng Hoá thấy ấm lắm. Anh vui vẻ lấy chổi quét sạch một góc nhà, vừa đủ cho một chỗ đặt mình. Có tiếng muỗi vo ve nổi lên. Hoá chợt nhớ đến lũ trẻ mặc áo hoa. Ngày mai chúng sẽ mang đến cho anh mượn một hộp thuốc trừ muỗi. Đêm nay hãy tạm ngủ với mấy ông muỗi của đất mới. Hoá có cảm giác chúng sẽ đốt đau lắm. Muỗi Sài Gòn mà. Nhưng cũng chẳng hề gì. Giấc ngủ của Hoá sẽ ngon lành. Và ngày mai, một suối nắng sẽ chảy vào đây, và Hoá sẽ lại lên đường. 


    Ngày lớn sẽ dựng.
    Hoá nghĩ về Hà Nội. Những hình ảnh mờ nhạt. Thấp thoáng sương khói. Ngoài ấy đã vào dĩ vãng. Những chân trời núi rừng. Hà Nội.


 

HOÀNG NGỌC LIÊN * BỨC TRANH BÁCH MÃ

 
 
 
Bức Tranh Bách Mã
Tạp Bút 

Lên hết 144 bậc thềm, Quân mới nhìn rõ toàn cảnh tòa lâu đài, kiến trúc theo lối cổ với 5 vòm tháp. Khá đông du khách hiếu kỳ đến thành phố Hoa Hồng này đã mua vé vào cửa Lâu Ðài X. để tận mắt chứng kiến khung cảnh sống của một gia đình từng nổi danh tại địa phương hồi trên nửa thế kỷ về trước. Từng tốp khoảng vài chục người được hướng dẫn viên đưa đi coi từ dưới lên lầu chót của tòa lâu đài rồi theo mũi tên chỉ lối xuống và ra chỗ đậu xe.
Quân đã chứng kiến những căn phòng bầy biện theo cung cách ngày xưa, cũng không có gì đặc biệt lắm so với những tòa nhà cổ kính bên châu Âu mà Quân đã biết. Duy khi thoạt bước vào căn phòng chót, Quân rất ngạc nhiên khi thấy trên tường có treo Bức Tranh Bách Mã quen thuộc, tuy rằng bức tranh ở đây không có thêm vài hàng đề tặng... Chỉ ít phút đừng chân trong phòng tranh, Quân đã hồi tưởng đầy đủ câu chuyện ngày xưa...
* * *
Quân mua bức tranh này trong một kiosque bán đồ sơn mài trên đường Nguyễn Huệ Sài Gòn. Bức tranh được cuộn tròn trong chiếc ống sơn màu nâu nhạt. Khi về nhà trải bức tranh để lồng kính, Quân mới nhìn kỹ bức tranh thì thấy có hai dòng chữ ghi bằng bút bi phía dưới, bên góc trái:
Kính mừng sinh nhựt 
anh Hà Ðản.26-XII 
(và chữ ký tên rất dễ đọc): Bạch Lan
Thì ra đây là bức tranh đã được mua đi bán lại. Trước khi treo bức tranh lên tường, Quân đã tò mò đếm đủ 100 đầu ngựa, trải treo chiều ngang 60 X 100 cm đúng như tên của bức tranh bằng chữ Hán: "Bách Mã Tề Phi" cùng với triện son và ký hiệu của một họa sĩ Ðài Bắc (Trung Hoa Dân Quốc). Thực ra, Quân chỉ muốn mua 1 bức tranh ngựa, dù là vẽ 1 con. Không phải Quân tin điều mà người Trung Hoa thường viết trên 
những thiệp hồng: "Mã Ðáo Thành Công" để chúc nhau, mà chỉ vì Quân tuổi Ngọ. 
Sau khi bức tranh được treo lên, anh đứng ngắm coi và khi toan quay bước, thốt nhiên anh thoáng thấy có điều gì khác thường. Anh lui trở lại vị trí cũ, mắt vẫn không rời bức tranh. Rõ ràng, anh nhận ra là những mông ngựa đều xoay theo tầm nhìn của mình. Anh thử đưa bước chân qua trái, rồi qua phải, vẫn chiếc mông ngựa di chuyển qua lại. Anh rất thích thú điều này, nên mỗi lần trước khi đi làm hay vừa về nhà, anh đều đứng 
trước bức tranh rồi di chuyển qua hai bên để nhìn những mông ngựa xoay theo tàm mắt.
Bé Mai, con gái Út 5 tuổi của anh, hỏi:
- Ba nhìn bức tranh hoài, không chán sao?
Anh tươi cười:
- Nè, con lại đây ba biểu!
Con bé đến gần anh.
- Con thấy con ngựa lớn nhứt không?
- Thấy, thưa Ba!
- Bây giờ mắt con nhìn mông nó, còn chân con bước qua trái. Con có thấy mông ngựa xoay theo bước chân của con không?
- Thấy. sao ngộ quá, Ba!
Quân vui vẻ:
- Cho nên Ba cứ nhìn bức tranh hoài!
Thế rồi nhiều lần Quân thấy con nhỏ cũng đứng nhìn bức tranh, xê qua xê lại y hệt ... ông già nó!
Cho đến một buổi chiều, anh còn làm việc, thì bé Mai kêu điện thoại đến Sở:
- Thưa Ba, có một cô vừa ghé nhà mình. Cổ ngỏ ý muốn chờ gặp Ba để có chuyện muốn thưa với Ba. Má biểu con mời khách dùng trà rồi báo tin cho Ba hay.
- Con nói lại với cô, là rất tiếc chiều nay Ba đã có hẹn nên sẽ về muộn. Vậy mời cô ấy tới vào trưa chủ nhật này...
 
Nhưng cô khách không y hẹn, mà Quân cũng sẽ quên chuyện đó, nếu khá lâu sau đó anh không nhận được bức thư có đóng nhật ấn bưu điện Nha Trang:
Ngày...
Kính ông,
Tôi là Hà Mỹ Lệ, người mà mấy tháng trước đây đã đến thăm ông, nhưng rất tiếc chưa được hân hạnh gặp ông, sau đó lại lỗi hẹn vì ngày chủ nhật kế tiếp, tôi có việc gia đình phải về Nha Trang. Bữa nay xin gửi thư này với lời kính thăm của tôi, mong ông không cho là đường đột. Vậy xin kể hầu ông, nguyên do nào thúc đẩy tôi tìm ông. 
Bữa tôi đến và được bà nhà và cô em niềm nở tiếp đón, đã là lần thứ hai. Lần đầu, nhân có việc đi qua ngõ trường học, tôi thoáng thấy bên trong một căn nhà có treo bức tranh quen thuộc.. Ðây cũng là tôi có duyên với con đường nhỏ lát đá chạy qua nhà 

 
ông. Căn nhà của gia đình ông có bức tường thấp mà chân tương cũng là lề đường đi. Khách đi qua có thể dễ dàng nhìn thấy bức tranh treo cạnh chiếc đồng hồ quả lắc có những chữ số La Mã.
Cách đây mấy năm, trên tường trong phòng khách nhà tôi cũng đã treo một bức tranh y hệt bức tranh mà tôi đã trông thấy tại nhà ông. Y hệt, vì khi dừng chân lại để nhìn vào, tôi còn nhận ra, tuy không rõ lắm, mấy dòng chữ đề tặng nữa. Ðó là nguyên do mà tôi đã có mặt trong nhà ông để nhìn rõ mấy dòng chữ ấy.
Thưa Ông, xin ông rộng lượng thứ lỗi vì cần phải trình bầy chi tiết để ông cảm thông cho. Theo ý nghĩ chủ quan của tôi thì ... Bức Tranh Bách Mã được treo trong nhà ông cũng chính là bức tranh của Ba tôi đã thất lạc từ nhiều năm nay sau một vụ trộm mà nhiều người ở Khánh Hòa đều nghe nói. Câu chuyện là vào một đêm mà gia đình chúng tôi vắng mặt, kẻ trộm đã khuân đi tát cả những đồ vật đắt tiền, kể cả bức 
tranh treo trên tường vốn không đáng giá bao nhiêu. Nhưng đó lại là kỷ vật mà sinh thời Ba tôi rất trân trọng. Chúng tôi đã nhận được một vài món đồ sau đó được đem bầy bán tại Chợ Trời gần ga xe lửa. Nhưng không thấy bức tranh để mua lại. Cho nên khi nhận ra bức tranh đang được treo tại nhà ông, tôi nghĩ ngay là kẻ gian đã mang vô bán tại Sài Gòn và ông đã mua được. 
Tôi biết là bức tranh hiện đang thuộc quyền sở hữu của ông. Việc tôi ngỏ ý có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Thành công, nếu được ông hào phóng và cảm thông, ban ơn cho tôi được nhận bức tranh này, để tôi giữ được di vật của Cha mình.
Thất bại, nếu bức tranh đối với ông cũng quan trọng vì một lý do nào đó, ông sẽ từ chối đề nghị của tôi. Dù thành công hay thất bại, tôi cũng tư an ủi là đẵ làm hết sức mình.
Tôi nóng lòng chờ mong hồi âm của ông.
Xin tạ ơn ông.
Trân trọng kính chúc ông và bửu quyến vạn an.
Kính thư,
Hà Mỹ Lệ
Hộp thu lưu trữ Ty Bưu Ðiện NT.
* * *
Thưa cô Mỹ Lệ,
Nếu bức tranh quả thực quan trọng đối với cô như đã viết trong thư, tôi rất sẵn sàng tặng lại cô.
Khi có dịp trở lại Sài Gòn, xin mời cô ghé tệ xá để nhận bức tranh. Tôi sẽ nhớ dặn trước người nhà điều này. Mong cô đừng câu nệ.
Kính chúc vạn an.
Phạm Quân.
* * *
Ngày....
Kính Ông,
Ðầu tiên, tôi vô cùng cảm tạ ông, đã cho tôi nhận Bức Tranh Bách Mã do tấm lồng hào hiệp của ông. Bức Tranh sẽ được treo cạnh bàn thờ Ba tôi. Sau, để đáp lại thạnh tình của ông, tôi có ít dòng tâm sự muốn kể hầu ông.
Bức Tranh Bách Mã là một kỷ niệm mà Ba tôi đã nhận tư tay Dì Bạch Lan.
Theo thương tình, đứa con gái mất Mẹ ít khi trân trọng tình yêu của người Cha với một phụ nữ khác. Nhưng có lẽ tôi là kẻ hơi khác đời! Mẹ tôi mất khi tôi đủ trí khôn để nhận ra niềm đau tột cùng của Ba tôi. Ông héo hon đi sau tang lễ. Nhiều khi đang ngồi nói chuyện với tôi, bỗng ông nức lên, nghẹn ngào:
- Sao mình lại bỏ anh và con?
Tôi không biết làm gì để an ủi ông, mà chính ông lại an ủi tôi:

 
- Mỹ Lệ à! Ba xin lỗi vì đã không giữ được Mẹ cho con! Bây giờ Ba có thương con gấp bội cũng không thể nào thay được tình mãu tử.
Tôi ôm chặt Ba và tự nhủ sẽ làm tất cả những gì để ông được vui.
Ba tôi mới 50 tuổi. Còn trẻ lắm., Ông không thể "gà trống nuôi con" mãi được. Nhưng Ba yêu Mẹ như vậy thì người phụ nữ nào thay được Mẹ để Ông lại có được hạnh phúc? Ba tôi có hạnh phúc là tôi có hạnh phúc. Tôi phải tìm cho Ba tôi một phụ nữ thích hợp, hy vọng Ông chấp nhận. Nhưng đứa con gái khờ khạo như tôi làm sao tìm ra được người phụ nữ như thế?
Ngày đêm tôi cầu nguyện cho Ba. Và thành tâm của tôi đã được các đấng Thiêng Liêng ban ơn. Ðó là Dì Bạch Lan, mà tôi thường kêu là Dì Hai, người bạn chí thiết của Mẹ tôi. Trong tang lễ Mẹ tôi, dì Bạch Lan đã tất bật hơn cả những người thân trong gia đình. 
 
Một ngày kia, tôi đến thăm Dì tại nhà riêng.
- Mỹ Lệ! Thật bất ngờ được cháu đến thăm. Ba cháu khỏe không? Vui không?
Tôi vui vẻ:
- Cảm ơn dì Hai, ba cháu khỏe, nhưng không vui!
- Hẳn nhiên. Ba cháu còn luôn tưởng nhớ Mẹ cháu.
Rồi Dì kéo tôi ngồi kề bên, dịu dàng:
- Thời buổi này thiệt khó mà kiếm ra một người đờn ông có tình nghĩa với bà vợ đã mất như ba cháu.
Tôi nắm chặt tay Dì:
- Cháu có điều này muốn nói với dì Hai. Nhưng..
Dì khuyến khích tôi:
- Cứ nói, cháu đừng ngại. Dì rất vui nếu giúp được chuyện gì cho cháu.
 
Tôi mạnh dạn:
- Thưa dì Hai, cháu e ngại vì câu chuyện sẽ... thiệt thòi cho Dì, nếu lời cầu mong của cháu được Dì chấp nhận...
- Dì không ngại bị thiệt thòi. Hãy coi dì như người thân trong gia đình cháu.
- Dì Hai ơi! Hiện nay Ba cháu sống như một thân cây cằn cỗi vì lẽ sống của Ông là Mẹ cháu đã không còn nữa. Cháu dù yêu Ba vô cùng, sẽ không thể nào thay thế Mẹ được. Cháu nghĩ rằng, vì hạnh phúc cuối đời của Ba cháu, cũng chính là hạnh phúc của cháu, phải tìm cách thế nào cho Ba cháu tiếp tục được một bàn tay chăm sóc, an ủi. Ba cháu còn trẻ, đâu thể vì quá yêu Mẹ cháu mà héo hon đi, rồi sẽ có một ngày suy sụp. Vì Ba, cháu phải làm tất cả những gì có thể làm được để Ông có hạnh phúc. Cháu nghĩ ngay đến Dì Hai. Dì là người thích hợp với Ông nhứt. Nhưng Dì chưa từng lập gia đình, như vậy sẽ thiệt thòi cho Dì. Ðó là chưa nói đến chuyện cháu không hiểu tình cảm của Dì dành cho Ba cháu ra sao. Cháu đã cầu nguyện nhiều, đã khẩn xin các Ðấng Thiêng Liêng phò hộ Ba cháu. Hôm nay cháu cầu cứu Dì Hai.
 
Tôi nghe rõ tiếng Dì thở dài. Dì ôm tôi vào lòng, để tay trên đầu tôi:
- Cháu Mỹ Lệ mến thương của dì. Thế này nhé! Dì sẽ dành nhiều thời gian đến thăm Ba cháu. Dì sẽ dò ý coi phản ứng của Ba cháu. Nếu Ba cháu vui vẻ và coi dì như thân hữu, dì cũng sẽ hỏi lòng mình, coi tình cảm mà dì dành cho Ba cháu đến mức độ nào. Nếu dì có thể an ủi được Ba cháu,thì đừng nói đến chuyện thiệt hơn. Dì rất kính trọng Ba cháu và hâm mộ tình nghĩa vợ chồng thủy chung mà Ôâng đã dành cho Mẹ cháu..
Tôi nghẹn ngào ôm chặt Dì:
- Cháu đội ơn Dì! Cháu đội ơn Dì!
Một buổi chiều, sau khi tan sở, Ba tôi đang ngồi coi báo trong phòng khách thì Dì Bạch Lan ghé thăm.
- Thưa anh, hồi nãy trên đường về, bỗng nhiên tôi sực nhớ ngày mai là sanh nhựt của anh. Tôi vô hiệu sách trên đường Ðộc lập định mua một tấm thiệp để gửi mừng sanh nhựt anh. Nhưng thấy trên tường hiệu sách có treo bức tranh phù hợp với năm sanh của anh. Tôi nghĩ là nên đem tới để xin anh vui lường nhận Bức Tranh Bách Mã này, như chút lòng thành của tôi, chúc anh sức khỏe và thành công.
Ba tôi vui vẻ nhận món quà rất có ý nghĩa đối với Ông, ngỏ lời cảm ơn Dì Bạch Lan. Tôi được chứng kiến khung cảnh đó và nhanh miệng mời Dì ở lại ăn với cha con tôi một bữa cơm.
Bức tranh được treo trên tường. Tôi đọc và nhớ mãi mấy lời đề tặng:
"Kính chúc Anh Hà Mỹ 
Sanh nhựt 26 - XII vui vẻ"
(cùng với chữ ký rất dễ đọc:) Bạch Lan.
Sau đó, Dì Hai thường ghé thăm Ba con tôi. Theo tôi nhận xét thì Ba tôi cũng có nhiều cảm tình với Dì. Tôi tiếp tục theo đuổi nguyện vọng của mình, vun đắp tình cảm giữa hai người. Tôi thiết tha cầu mong Dì sẽ là người thay thế Mẹ để đem lại hạnh phúc cho Ba tôi trong quãng đời còn lại.
Nhưng thưa ông, người tính không bằng trời tính. Sau một cơn đau tim, Ba tôi dột ngột ra đi theo Mẹ tôi. Tôi đã khóc ngất trong vòng tay dì Bạch Lan. Từ đó, Dì toàn mặc đồ đen khi ra ngoài, kể cả khi đi làm. Dì thường đến thắp hương trước di ảnh Ba Mẹ tôi và luôn an ủi đứa con mồ côi này.
Bất hạnh còn đến với tôi, như đã thưa trên đây, Bức Tranh Bách Mã đã bị kẻ gian đem đi mất. 
Thưa ông,
Một lần nữa, xin ông vui lòng nhận lòng biết ơn sâu sa của tôi khi đã cho tôi nhận lại bức tranh. Từ nay, tôi có được đầy đủ các hình ảnh kỷ niệm về Ba Mẹ tôi, về dì Bạch Lan, người mà lẽ ra đã là kế mẫu của tôi. Ðôi lúc tôi còn tự nghĩ rằng nếu dì đã cúng cha tôi chung sống, biết đâu cha tôi đã không gục ngã.
Kính chúc ông và bửu quyến an khang, vạn phước.
Hà Mỹ Lệ
* * *
Nếu không phải đi theo đoàn du khách, Quân còn đứng lại để nhìn bức tranh mà dù bước qua trái hay phải, vẫn thấy mông những con ngựa xoay theo tầm nhìn của mình.
Trước khi lái xe trở lại thành phố, Quân còn quay lại ngắm tòa lâu đài nổi bật trên nền trời xanh với một giải mây vàng, nhộm ánh nắng tà ngời sáng long lanh, hắt xuống ngọn tháp chính giữa. Thế giới này thiệt là gần, trong tòa lâu đài tại một thành phố ở Bắc Mỹ, lại có họa phẩm có xuất xứ từ bán đảo Ðài Loan: Bức Tranh Bách Mã. Quân đã từng có một ấn bản như thế tại nhà mình, với câu chuyện một cô gái muốn Cha mình có hạnh phúc sau khi Mẹ cô không còn nữa. 
Vì như cô đã tâm sự với tôi: hạnh phúc của Ông cũng chính là hạnh phúc của Cô.

Hoàng Ngọc Liên

VILAS MANIVAT * SÚNG ĐÂU AI CẦN ĐÂU

Súng, đâu ai cần đâu?

Vilas Manivat
Nguyễn Văn Sâm chuyển ngữ
 
 
 
Nai Phan là người nỗi tiếng trong xóm. Không phải vì ông là vũ công chân múa nhẹ như bụi đường, cũng không phải vì ông xả thân vào lảnh vực chánh trị hay trường văn trận bút. Có lẽ ông nỗi tiếng nhờ có tài xào nấu cơm chiên ngon lành, nhưng ngay cả nếu tài kia không hay ho gì mấy, ông cũng nỗi tiếng như thường, bởi vì  ông hay cho khách hàng mua chịu bao nhiêu cũng được.

Ông thích cho trẻ con kẹo, cho không, không lấy tiền. Dĩ nhiên là bà vợ phàn nàn, nhưng ông trả lời: “đáng giá một hai chục satang thì đâu làm giàu làm có gì được.” Ông Than Khun, một công chức cao cấp sống trong vùng, mỗi khi thèm cà-phê thường biểu con mình: “Lại mua cà-phê đằng tiệm ông Nai Phan, ổng bỏ nhiều sữa. Ổng có nuôi một con bò để lấy sữa đó!”
Trong vùng có một người uống rượu như hủ chìm, hay đến tiệm ngâm nga chuyện thơ Khun Chang và Khun Phaen; thường thì Nai Phan chú ý lắng nghe. Sau khi ngâm nga xong, người nghiện rượu xin một ly trà đá. Nai Phan vui lòng cho ngay, còn thảy thêm một cái bánh để thưởng tài.
Vào mùa mưa, Nai Phan thường nói với đám học trò con gái: “Mấy cô bé nè, mấy cháu lội trong bùn đất cực khổ, từ rày về sau có thể xách giày dép đi chưn không tới tiệm bác, rửa cẳng chưn sạch sẽ rồi hãy mang dép giày.” Ông ta luôn luôn cho chúng nước để rửa chân bùn đất.
Nhưng hể tới đúng 8 giờ tối là ông ta đóng cửa tiệm. Bạn bè thường khuyên lơn: “Anh phải mở cửa ban đêm chớ, đêm bán đắt, chẳng mấy chốc anh sẽ phất lên làm giàu.”
Nai Phan cười trả lời hóm hỉnh: “Ngủ sớm khoái hơn làm giàu mau!”
Câu nói động lòng những người giàu hơn Nai Phan, giàu nhưng không bao giờ thoả mãn với sự giàu sang của mình, vẫn đôn đáo để kiếm chác thêm thêm mãi.
Người sống trong vùng, buổi tối về nhà sau một ngày chạy theo lợi nhuận, thấy Nai Phan nằm trên cái ghế dựa, nói nói cười cười vui vẻ với vợ thì nhủ thầm: “Trông họ hạnh phúc làm sao ấy, khỏi bận bịu lo lắng chuyện bạc tiền. Họ sung sướng hơn mình thiệt.”
Một đêm nọ, vợ  đi coi hát, Nai Phan ở nhà một mình. Trời đang tối, ông sửa soạn đóng cửa tiệm thì một người thanh niên chạy xầm vào.
“Thưa, ông cần gì?” Nai Phan hỏi.
Thay vì trả lời, người lạ mặt rút ra khẩu súng lục, chỉa thẳng vào ngực Nai Phan. Ông không hiểu chuyện gì, nhưng cảm thấy có điều chi bất ổn.
“Đưa tiền đây,” người thanh niên nạt bằng giọng cọc cằn thô lỗ, “đưa hết đây, có bao nhiêu đưa hết. Giết người bây giờ là chuyện quá thường rồi, thiên hạ bắn nhau như cơm bữa. Nếu tôi giết ông thì cũng không phải là chuyện lạ, mà nếu ông giết tôi thì cũng chẳng phải là chuyện trời long đất lỡ gì đó. Vậy thì đưa mau lên đi. Nếu không đưa tiền thì ăn đạn.”
 
 
Nai Phan không run. Ông đứng yên bình tĩnh và nói bằng giọng đối thoại: “Tôi sẽ đưa anh tiền, nhưng không phải vì cây súng của anh đâu nhé. Tôi đưa tiền vì hình như anh rất cần tiền. Có thể là cần đến nỗi không có không được. Đây … Đây… tất cả số tiền tôi có đây. Lấy đi rồi mau về nhà. Ai biết được? Có thể là mẹ anh đang đau nặng, có thể là bà ta không cơm cháo gì  mấy ngày nay. Về mau đi, có thể là nhiều người đang đợi anh ở nhà, đang ngóng trông không biết anh có đem tiền về không. Nhiều sinh mạng đang chờ anh đem tiền về. Tôi sẽ không báo cảnh sát đâu. Có khoảng chín trăm bạc mặt đây, có thể nhiều hơn chút đỉnh… lấy đi.”
 
 
Ông ta để tiền lên bàn nhưng dường như tay súng trẻ không thu đủ can đảm để nhận.
“Tại sao anh không lấy?” Nai Phan hỏi. “Coi nè, sao tôi lại phải gạt anh chớ? Tôi biết anh đang gặp khó khăn. Lúc nầy mọi người chúng ta ai cũng gặp khó khăn hết. Tôi không nghĩ anh là một người tệ. Đâu ai muốn trở thành trộm cắp nếu có thể sống được như người bình thường. Có thể là cha anh bịnh tim ngặt nghèo anh phải săn sóc. Đem tiền về chửa trị cho cha anh đi, nhưng đừng dùng hết cho thuốc men nhe! Tin tôi đi, bác sĩ chữa được bịnh tật của thân thể nhưng con người cũng cần chữa trị cái thần trí và tâm hồn nữa. Hãy mua vài đóa hoa thơm. Một bó hoa cho mẹ anh chưng trên bàn thờ. Đêm nào tôi cũng làm như vậy. Không cần gì phải biết thiêng thiêng là cái gì, ở đâu. Chỉ cần cảm nhận sự an bình trong tâm hồn mình là đủ. Niết Bàn là vậy đó. Nhưng mà để súng xuống đi chớ — anh sẽ cảm thấy thoải mái ngay. Ai cầm súng cầm đạn thì không biết thanh thản là gì đâu. Sợ hãi, nghi kỵ dày xéo lòng. Cảm thấy nguy hiểm cận kề. Tay còn cầm súng thì không ai thấy sung sướng được.”
Người thanh niên bỏ súng vào túi quần, ngoan ngoản như một đứa trẻ. Anh ta đưa tay lên làm cử chỉ chào giả biệt Nai Phan, con người nỗi tiếng vì món cơm chiên, cà-phê và lòng hào phóng.
“Tôi thà bắn tôi một phát còn hơn là bắn ông,” anh ta nói.
 
 
“Đừng có nói điên nói khùng nè,” người chủ quán nói trong khi đưa tiền ra cho người thanh niên. “Tất cả có bao nhiêu đó đó. Của anh đó. Không phải cho vì giận dữ đâu nhé. Tôi biết là trại giam đầy chật, nhưng không phải đầy những kẻ tội phạm. Anh cũng là người như tôi, như mọi người khác; bất cứ ai, ngay cả một thầy tu, cũng làm như vậy thôi, nếu rơi vào cảnh vô cùng tuyệt vọng.
Người thanh niên ngồi xuống. “Tôi chưa từng gặp ông và tôi cũng chưa từng gặp ai nói năng như ông. Tôi không lấy tiền của ông đâu, nhưng tôi bỏ súng đi rồi đó. Bây giờ thì tôi về nhà với mẹ như ông đã dạy.” Anh ta ho vài tiếng và tiếp tục: “Tôi là đứa con bất hiếu. Tiền mẹ tôi đưa cho, tôi nướng vào cá ngựa hết, nếu còn lại chút nào thì lại tiêu vào rượu chè…”
 
 
“Nhân sinh là bất toàn mà, ai cũng lầm lỗi. Đời là gì nếu không phải là một sự pha trộn những thử nghiệm, lỗi lầm và thất bại?” Nai Phan nói.
“Ông biết đó, tôi không được khỏe,” người trẻ tuổi tiếp tục. “Ông có nghe tiếng ho của tôi không? Tôi nghĩ là tôi bị lao rồi. Đáng đời tôi, vì tôi đã làm nhiều điều quấy. Đáng chết đi càng sớm càng tốt. Không được sống nữa, sống chỉ chật đất mà thôi. Xin cám ơn ông. Vĩnh biệt ông.”
“Anh không cần phải đi ngay. Ở lại thêm chút nữa đi, mình nói chuyện. Tôi muốn muốn biết về anh. Anh ở đâu? Anh thích gì? Tôi muốn nói anh tin tưởng điều gì?”
 
 
Người thanh niên lắc đầu tuyệt vọng. “Tôi không biết bây giờ mình về đâu nữa. Tôi có thể về đâu nữa chớ? Tôi tin tưởng gì à? Không biết nữa. Dường như trên đời nầy không có gì đáng để tin tưởng hết. Tôi ở trong tình huống khốn khổ ngay từ lúc mới sanh ra đời. Bởi vậy không lấy làm lạ là tôi không thích bà con cật ruột. Lắm khi tôi nghĩ rằng mọi người đều có trách nhiệm về điều không may của tôi. Tôi không muốn kết bè kết bạn. Tôi không tin tưởng ai hết. Tôi ghét cách người ta nói chuyện với nhau, cách họ sống, cách họ thương yêu, cách họ khen ngợi, cách họ cười cợt…”
Nai Phan gật đầu biểu đồng tình. “Ai cũng thỉnh thoảng có những tình cảm như vậy.”
“Ông tin không nè? Tôi không còn thích bất cứ thứ gì nữa. Tôi chán hết mọi thứ. Cả thế gian nầy như hư vô đối với tôi. Vô sắc, không có thứ gì để con người bám víu vào hay để thiết tha. Nếu thật sự tôi muốn làm việc, tôi nghĩ là có thể tìm được việc. Nhưng tôi ghét thấy con người một cách thậm tệ, tôi không muốn nhận một ân huệ gì từ con người. Ở công việc nầy một tuần, sang công việc kia hai ba tuần — Tôi không trụ ở đâu lâu hết.”
 
 
“Anh có đọc sách không?”
“Trước đây thì có. Nhưng bỏ rồi. Bây giờ cũng không thèm đọc báo nữa? Đọc để làm gì chớ? Tôi biết rõ những gì đăng trong đó mà. Toàn chuyện bắn nhau, cướp giật, giết người. Khác là thay đổi tên người tên đất, nhưng chuyện thì cũng vậy thôi.”
Người thanh niên chà chà cằm mình rồi nhìn Nai Phan nheo nheo mắt nghĩ ngợi. “May cho ông, ông không biểu lộ chút gì sợ hãi hay giận dữ khi tôi chỉa súng đe dọa. Nếu không thì tôi đã giết ông rồi. Đời nầy đầy rẫy người biểu lộ sự giận dữ, những người có tâm hồn hạ tiện ấy mà, họ luôn luôn mở miệng kêu gào rằng nền văn minh nầy và nền luân lý nầy đang băng hoại. Tôi không tin điều đó. Tôi không tin rằng vì có cả trăm, cả ngàn người làm bậy thì tất cả mọi người khác phải làm bậy theo. Bây giờ thì tôi biết rằng mình đến đây không phải vì tiền mà vì muốn chứng minh cho chính tôi rằng mình tin tưởng đúng.
 
 
 Tôi thường nghĩ rằng mặc dầu thế giới nầy đã mất hết hi vọng và đang chìm xuống vực thẳm không đáy tuyệt cùng, đang bị làm cho dơ dáy và hư hoại do tội lỗi của con người, vẫn có thể còn ít nhứt là một người, là người không phải vì ông ta giống con người mà vì là một con người thật sự đúng nghĩa của nó. Người nầy phải biết cách thương yêu đồng loại, phải biết làm sao để được kính trọng. Nhưng tôi đã không thể tin tưởng như vậy vì chưa bao giờ được gặp một người như vậy. Biết bao nhiêu năm trời nay tôi ao ước, xin cho tôi được gặp một người không xấu xa bỉ ổi vì thế giới nầy xấu xa bỉ ổi; gặp để tôi tin tưởng rằng vẫn còn có sự tốt, sự thiện, để tôi có đủ nghị lực tiếp tục sống. Bây giờ thì tôi đã gặp được người đó. Ông đã cho tôi tất cả những gì tôi mong muốn rồi. Không còn gì cần phải cho thêm nữa. Tôi về nhà đây. Chắc chắn trong trí tôi tôi sẽ không thù ghét thế giới nầy nữa. Sau cùng tôi đã khám phá ra cách sống mà tôi mong muốn.”
 
Người thanh niên lạ mặt duờng như vui hơn. Anh ta đứng dậy dợm bước đi, rồi, nhớ lại, anh rút cây súng ra, đưa cho người chủ quán.
“Xin nhận vật nầy. Tôi không còn cần nó nữa. Đó là dấu hiệu của sự hung hăng. Người nào cầm súng thì không còn ưa ai, không còn trọng ai nữa. Anh ta chỉ trọng cây súng mà thôi. Bọn cướp có thể sống bằng súng, nhưng cuộc sống của họ luôn luôn bị quấy động vì nghĩ rằng kẻ thù có thể tấn kích bất ngờ. Họ không bao giờ có thì giờ ngắm mặt trời chiều hay ca hát vẩn vơ. Khi mà con người không có thời giờ để ca hát vẩn vơ, thì thà là làm một con dế mèn hay một con sáo sậu còn hơn.”
Tay súng mỉm cười sung sướng. Khi vẩy tay chào từ giã, anh nói thêm: “Tôi sẽ trở lại để thăm ông, nhưng đừng để tôi thấy cây súng nữa. Súng là kẻ thù của cuộc sống thuần khiết. Chào.”
Người lạ mặt biến mất trong màn đêm. Người chủ tiệm cúi đầu xuống quan sát vật mình mới có. Ông nghĩ ngày mai mình sẽ bán nó đi. Ông đang rất cần một cái máy lọc cà-phê.
 
Vilas Manivat
Nguyễn Văn Sâm chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Who needs it? trong Short Story International
@Diễn Đàn Người Dân Việt Nam
 

TRẦN MỘNG TÚ * CON MÈO CÔ ĐƠN

 
  
CON MÈO CÔ ĐƠN

Con mèo nằm ngoài sân
Cô đơn đùa với nắng
Tôi bên trong cửa kính
Cô đơn ngắm con mèo
Cỏ mầu xanh ngọc thạch
Chiếc lưng trắng quay tròn
Nắng lung linh từng giọt
Mèo xoay quanh nỗi buồn
 
Tôi nhìn tôi trên kính
Chiếc bóng mờ vết loang
Cửa hôn nhân khép chặt
Giam tôi rất nhẹ nhàng
Mèo có góc sân cỏ
Tôi có khung kính mờ
Hai ta cùng bé nhỏ
Niềm cô đơn vô bờ
Mèo ơi phơi trong nắng
Khô hộ tôi nỗi buồn
Quê xưa, người tình cũ
Vẫn ướt sũng trong hồn.
1980

THƠ HÀ THÚC SINH

Hà Thúc Sinh
Thơ làm khi còn trẻ


Kẻ lùa bò
Mạnh mẽ tai lắng nghe
Mạnh mẽ hồn rung động
Mạnh mẽ ôi tứ chi
Quả rừng và nước suối
Hiểu thấu lời sơn khê
Một ngày hay một kiếp
Sức sống vẫn ê hề
Cơm nắm làm mấy nắm
Nắng sớm hay sương khuya
Nước lã làm một bụng
Cười một nụ hả hê
Ồ một nụ hả hê
Khanh tướng hề vất vả
Áo mũ hề lu bu
Thiên nhiên hề thú vị
Ðời việc đếch gì lo


Bài ca cung hiến
Hồn ta như giọt mật
Khát khao miệng lưỡi người
Xác ta như hoa nhỏ
Thèm lắm bàn tay ai
Hãy nếm đi người ơi
Lòng hoa ta có mật
Hãy hái đi người ơi
Kẻo thu đời lẩn khuất

Mẹ đẻ lầm
Mộng ta không giới hạn
Trí ta không biên cương
Hồn ta không một chỗ
Mẹ đẻ lầm hư không
Mẹ đẻ lầm hạt sương
Ôi hạt sương bé mọn
Lơ đãng dưới vườn hồng
Mà nghìn năm nhân loại
Chứa không nổi trong lòng
Hà Thúc Sinh

QUÊ CHOA * CHIỀU THỨ BẢY

Chiều Thứ  Bảy


 
Sẽ rất khó khăn để viết cho trọn vẹn chủ đề này, đó là một câu chuyện dài của báo chí Việt Nam hiện tại. Chỉ đơn giản, kể và phân tích một vài câu chuyện, dưới  góc nhìn cá nhân.
 Tôi ít khi đọc báo, cả báo giấy và báo mạng. Sự thật là báo chí Việt Nam đã làm tôi thấy ngán, một cảm giác ngầy ngậy nơi cổ họng khi đọc tiếng nước mình. Nếu cho tôi là người lạc hậu, tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng chậm nắm bắt thông tin, hơn là phải đọc báo. Không phải chụp mũ tất cả, nhưng với cảm nhận cá nhân, tôi cảm thấy mình bình yên hơn nếu không có báo chí.
Ngày xưa, nhà tôi ở một vùng quê hẻo lánh, không điện thoại, không sách báo. Mỗi lần muốn đọc báo, tôi phải đạp xe ra bưu điện xã, coi đi coi lại mấy tờ báo cũ, nhưng mê. Tuổi thơ của tôi là thế, nắm bắt thông tin qua tờ báo gói xôi của mẹ, qua mảnh báo gói bánh mì của cha. Một chữ cũng là tin tức, cũng là niềm vui.
Vậy mà giờ đây, khi có đủ điều kiện, khi có thể tiếp xúc với đủ loại báo đài, tôi lại cảm thấy “dị ứng”. Báo bây giờ cẩu thả đến từng con chữ. Không biết từ khi nào chuyện sai chính tả, viết câu lủng củng, lặp ý, lặp từ… đã trở thành cái lẽ dĩ nhiên. Xót xa thay cho những người buôn chữ kiếm lời. Ngay cả con chữ cũng không tròn trịa, liệu hỏi còn thiết tha gì với cái nội dung. Một lần, tôi đọc một tin trên trang NĐT, tin không dài nhưng sai chính tả đến nực cười. Tôi góp ý, thế là nhà báo sửa lại, nhưng chẳng thấy cái góp ý của tôi hiện lên. Tôi cũng chẳng cần phải hiện, biết sai biết sửa là tốt. Nhưng không thể phủ nhận một sự thật về tính cẩu thả của người làm báo, không thể phủ nhận một sự thật về tính cố chấp của người làm báo. 
Báo chí bây giờ lắm tin giật gân. Tờ báo sẽ trở nên “xấu xí” nếu thiếu một cái tít lộ hàng, tụt váy, sao đua đòi, đại gia chịu chơi… Tôi tự hỏi, báo đang làm gì? Báo có đang sống với hiện thực, hay đang chạy giựt giựt theo những kẻ dị hợm, sao nọ, trăng kia? Gần 90 triệu dân ta có được mấy người làm sao, giàu có? Cũng từng đó người có mấy ai được cái quyền tụt váy, sốc hàng? Có khi nào báo ta tự hỏi, ta đang ru dân ta đến giấc ngủ nào? Những thứ ảo đang dần dần được dựng lên, danh vọng ảo, tiền tài ảo… nhờ báo chí. Khen cũng báo, chê cũng báo. Ta nên hiểu báo đa chiều ngôn luận hay báo nhiều mặt ngôn luận?
Gần đây, lại lùm xùm việc tờ báo nào “cải hóa” hơn tờ báo nào. Đọc báo này đến báo kia, nghe báo này phê phán báo kia, buồn cười đến chảy nước mắt. Đọc cái tit trên NĐT, tôi nghe sao nó “đạo đức” đến thán phục, rồi bỗng thấy vỡ òa đến đáng sợ với một sự “giả” nực cười. Tôi hiểu sao NĐT lại viết bài phê bình như thế, đơn giản, vì trước đó vừa mới bị PN và LĐ phê bình. Có tật giật mình, ai cũng biết tính chất “cây lá” của tờ báo, với những cái tít giật gân sặc mùi, chỉ có cái gọi là “nhóm PV” thì chưa biết thôi. Cũng đúng, vì họ chính là những người đang tạo nên khu vườn cây lá đó. Cứ tưởng chỉ có hàng rau, hàng cá, các bà, các chị ngoài chợ mới có tính sân si. Đến nay tôi mới biết báo chí cũng sân si không kém. Ờ cũng phải, báo chí cũng đã chuyển qua bán rau cả rồi, thứ rau lắm sâu, nhiều mọt…
Khi cái thực bị cho là tầm thường, cái dị hợm được coi là quý giá, có lẽ không mấy chốc nữa thì mọi giá trị cũng bị bóp méo, lệch lạc. Báo chí vẫn ngày ngày nhồi nhét vào đầu người dân những chuyện “thiên đường”, tạo cho dân những ước mộng đầy tính “huyền bí”, và ru dân trong giấc ngủ “lạc hướng”. Tự hỏi, mùa này sao rau cải rẻ thế?
Tác giả gửi Quê choa
QUÊ CHOA

DŨNG HÀ * ODA

Dũng Hà
 
Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.
 ”Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã đến mức báo động, các nhà tài trợ đang trông chờ những hành động cụ thể từ Chính phủ. Vốn ODA trong giai đoạn mới sẽ phụ thuộc vào hành động thực tế đó của Việt Nam” – Đó là thông điệp chính từ các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra cách đây đúng 6 năm, vào ngày 9/6/2006 tại Nha Trang.
 Hội nghị trên diễn ra ngay sau khi vụ tham nhũng PMU 18 bị phát giác. Cũng trong hội nghị này, trong khi bà Anna Lindstedt – đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp chống tham nhũng hiệu quả là công khai, minh bạch thông tin cho báo chí, thì báo chí lại không được tiếp cận ngay cả khu vực hành lang trước phòng hội nghị…
Đã tròn 6 năm lặng tắt kể từ sự kiện sóng gió PMU18. Trong 6 năm ấy, không biết nhận định “Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất” đã được thực chứng như thế nào, chỉ biết rằng đã không có thêm bất kỳ một vụ scandal nào về ODA được lộ ra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam. Có chăng, chỉ là vài “con sâu” như PCI – đại lộ Đông Tây xảy ra vào năm 2008 và mới đây nhất là câu chuyện người Đan Mạch đã quyết định dừng 3 dự án ODA viện trợ cho Việt Nam. Và những vụ việc ấy, đều chỉ được biết đến và làm rõ từ những người mang quốc tịch nước ngoài.
 Một lần nữa, thể diện quốc gia lại bị đe dọa. Một lần nữa, ODA lại không hoàn thành chức trách nhiệm vụ đối với các nhu cầu sử dụng bức thiết ở Việt Nam, khi nguồn tài trợ này có nguy cơ bị xem xét lại – từ phía những cơ quan viện trợ quốc tế đang phải chịu búa rìu dư luận của những người dân có trách nhiệm đóng thuế cho chính phủ.
 Từ năm 2006, khi vụ án PMU 18 nổ ra với hệ thống chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp, người ta đã phải nêu lại một triết lý then chốt và phù hợp nhất với nền tảng đạo lý: ODA không phải là tiền từ trên trời rơi xuống, mà đó là tiền đóng thuế của người dân các nước phát triển để dành cho người dân các nước đang và kém phát triển. Vì thế đương nhiên mối quan hệ giao tiếp về ODA không chỉ là giữa các chính phủ với nhau, mà thực chất nhất, đó chính là mối quan hệ trực tiếp giữa các cộng đồng nhân dân của các quốc gia. Chính người dân mới là đối tượng thụ hưởng và có toàn quyền kiểm soát đối với việc tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ này.
Thế nhưng thực tế tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn viện trợ ODA ở Việt Nam lại không có sự tham gia của các hội đoàn nhân dân. Ngay cả đại biểu Quốc hội – những người có chức trách đại diện cho cộng đồng nhân dân, cũng chỉ được biết đến kết quả sử dụng ODA qua các báo cáo, trong các cuộc họp thường kỳ.
 Nhận thức thế nào thì hành xử thế đó. Thực tế quản lý vốn ODA đã chỉ được xếp khá xa sau phần hành quản lý vốn ngân sách. Hệ quả là đất nước phải trả giá với những hiện tượng “chi tiêu sai mục đích”… như thông tin về các dự án mà Đan Mạch tài trợ.
 Điều khác là, lần này, DANIDA đã có riêng cho mình một cơ quan kiểm toán. Kết quả mà cơ quan kiểm toán công bố với dư luận quốc tế và xã hội Việt Nam đã nêu bằng chứng cho những đồn đoán trước đó về thất thoát trong ODA: trong số 49 tỷ dồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến 11 tỷ đã “bốc hơi”, chiếm đến 23%.
Cái giá của tham nhũng
 
Phía trước, con đường của ODA vẫn còn dài, và có thể còn quá đậm đà cho những ai quan tâm đến nó theo chiều kích “miếng ăn không phải là miếng nhục”.
 Trong năm 2012, vẫn còn hơn 7 tỷ USD mà các đối tác nước ngoài đã cam kết giải ngân ODA cho Việt Nam. Xa hơn nữa về những năm tới, con số giải ngân còn có thể lên tới 20-30 tỷ USD, gần bằng một phần ba toàn bộ GDP của Việt Nam.
Nhưng ODA, như điều đã được mô tả là “cái giá của sự phát triển”, lại bao gồm một phần rất lớn – 90% hoặc hơn – là vốn cho vay chứ không phải là vốn viện trợ không hoàn lại. Cuộc chơi rút ruột nguồn vốn này sẽ để lại một món nợ tiềm tàng, từ đời này sang đời khác và trong không biết bao nhiêu năm nữa, cho con cháu của họ.
 Đó chính là cái giá của tham nhũng.
 Ở phía trước, vẫn còn không ít công trình giao thông sử dụng vốn ODA khủng như dự án Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án xây dựng Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án xây dựng Đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2. Mỗi dự án đó đều tương đương đến từ 5.000 đến 10.000 tỷ đồng hoặc hơn thế…
 Thời gian có lẽ đã quá đủ, không phải cho lời hô hào chống tham nhũng hay những hội nghị hoặc bàn tròn về việc rút kinh nghiệm. Cái đủ đó chỉ đến khi người ta nhận ra rằng một đất nước vẫn có thể tồn tại và phát triển mà không cần đến ODA, nhất là khi đất nước ấy chưa có gì bảo đảm để chính thức chấm dứt nạn tham nhũng.

Rate this:

THƠ SONG NGỮ

CHÂU TRỌNG NGÔ * GIÁO DỤC



GIÁO DỤC VÀ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO[*]
Châu Trọng Ngô
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một đại nạn đe dọa sự sống trên toàn cầu. Lo âu của rất nhiều quốc gia không phải chỉ dính líu đến việc khai thác bừa bãi các khoáng sản, các nguồn nước ngầm, đã gây nên biến động khôn lường về thời tiết, đưa đến nhiều tai họa long trời lở đất. Cũng không phải chỉ tập trung vào các chất độc được thải vào không khí, vào lòng đất và vào các nguồn nước gây nên nhiều dịch bệnh lạ kỳ. Thật ra xã hội loài người đang còn khắc khoải lo âu về chính con người, một thành phần chính và cao cấp nhất của thiên nhiên cạnh cỏ cây, núi rừng, sông lạch, cầm thú chim muông. Nguy cơ ấy đã lên tột độ khi chính sinh mạng của mình đã được hủy diệt trong các cuộc khủng bố tự sát, lắm khi không phải để chống lại kình địch mà lại hãm hại chính đồng bào của mình.
Một hiện tượng khác đang phá hoại cư dân của nhiều nước hơn là thảm họa khủng bố. Đó là lề thói gian tham đang gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sinh mạng của người khác khi sản xuất và kinh doanh quá nhiều mặt hàng có chứa chất độc, tệ hại nhất là các đông, tây y dược dõm và các loại thực phẩm hằng ngày lắm khi đã hư thối được chế biến lại một cách tinh vi.
Để chỉ nói về đất nước ta thôi thì điều đau buồn hơn cả là sự băng hoại đạo lý dường như chưa được để ý tới về tình người. Bạo lực học đường có cả nữ sinh tham gia, có trường hợp dẫn đến chết người mà thủ phạm chỉ là một cháu gái đang học cấp II chưa tròn 15 tuổi. Bạo hành trong gia đình thì không chừa tuổi thơ dại. Các báo hằng ngày đã đưa tin mẹ nguyền rủa đánh đập con hằng bữa, bố hành hạ con liên hồi. Thật là hiểu hết nổi khi nghe chuyện người mẹ nỡ nhẫn tâm đầu độc hai con còn bé bỏng, tỉnh táo bỏ hai thi hài vào thùng giấy đem quăng ở bìa rừng; bố thì rưới xăng vào mình con rồi châm lửa đốt. Ngay tại trường học mà cũng có cảnh lạ đời chưa từng thấy: chị bảo mẫu dùng băng keo dán miệng cháu bé để khỏi nghe tiếng khóc; cô giáo thì cầm dao kề cổ học trò, bảo để răn dạy. Phải chăng những cảnh đau lòng đó là sự nối dài của thảm cảnh ruồng bỏ thai nhi một cách không thương tiếc.
Con người hiện đang bị ô nhiễm nặng về tâm thức. Điều dễ sợ nhất hiện nay là con người trở nên hung dữ quá mức đến nỗi một chút chi không vừa ý cũng phải giải quyết bằng dao găm và mã tấu, dẫn tới cảnh chém giết nhau hằng ngày hằng buổi. Mới đây, một vị nữ đại biểu Quốc Hội cho biết: “Ngày trước, ra đường đi vào nơi vắng vẻ thì hơi lo ngại; hoặc ra phố ban đêm mà phải vào ngỏ tối thì có sợ. Nay chỉ ngồi ở nhà thôi mà cũng đã lo sợ rồi!” Thêm vào đó, có quá nhiều vụ cướp giật, có khi khổ chủ đã mất mạng lại chỉ là đàn bà hay con trẻ. Thủ phạm giết người có khi còn quá trẻ, tuy trẻ nhưng đã được phương tiện truyền thông hiện nay cung cấp hiểu biết sự đời trở thành lớn trước tuổi. Có lẽ độ thành niên 18 tuổi ngày xưa nay chỉ còn 15 tuổi.
Ở đây, chúng ta không khảo sát con người một cách quá bao quát; đó là những nghiên cứu đã có từ nhiều thời đại và trong nhiều nước về nhân bản luận, về lý thuyết nhân tính. Để chỉ hướng tới việc góp ý về giáo dục, có lẽ chúng ta chỉ đề cập đến hai khía cạnh tốt và xấu nơi con người, cụ thể là con người Việt Nam. Cách đây mấy chục năm, nhà văn Vũ Hạnh đã tổng kết tinh hoa của người Việt Nam trong tác phẩm “Người Việt Cao Quí”. Cách đây không lâu cả hai mặt tốt và xấu được nhà xuất bản Thanh Niên - Báo Tiền Phong tập hợp trong một tác phẩm nhan đề “Người Việt Phẩm Chất & Thói hư - Tật xấu”.
Nói chung về tính người, xã hội ta không lạ gì với những lời dạy.
“Thường người như thể thương thân”
        Hoặc như câu “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” mà điều thứ nhất trong
Ngũ giới đã ghi một cách cụ thể “làm người ai cũng tham sống sợ chết, vậy chớ giết và chớ bảo giết”.
Nếu cần đề cập tới tính tình người Việt, ta có thể chắt lọc tốt xấu từ những nhận định đã có, ví dụ từ cuốn “Việt Nam sử lược” trong đó cụ Trần Trọng Kim đã viết:
 “Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài  bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tín tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang, khéo chân khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quí là tiết, nghĩa, cần kiệm. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong tục, nói môt thứ tiếng, cùng giữ một kỳ niệm, thật là cái tính đẳng nhất của một dân tộc từ đầu nước đến cuối nước.”
Hoặc từ nhận xét của nhà sử học Lê Tắc về những đặc điểm của người Việt trong tác phẩm “An Nam chí lược”:
“Đàn ông lo đi làm ruộng, đi buôn, đàn bà nuôi tằm, dệt vải. Cách nói phô hiền hòa, ít lòng ham muốn. Người ở khác xứ trôi nổi đến nước họ, họ hay hỏi thăm, ấy là tình thương của họ. Người sinh ra ở Giao Châu và Ái Châu (từ Thanh Hóa trở ra) thì rộng rãi, có mưu trí, người Châu Hoan, Châu Diễn (Nghệ An - Hà Tĩnh) thì tuấn tú ham học, dư nữa thì khờ dại, thật thà...”
Có lẽ cũng nên nhắc lại ở đây vài nhận xét về người Việt của ông Pierre PASQUIER, Toàn quyền Đông Dương thời Pháp. Trong cuốn “Nước Nam xưa” do ông biên soạn, có đoạn:
“Cái dân tộc nhỏ bé gầy còm ấy, không dễ gì cai trị đâu, súng ống, sức mạnh không làm cho họ sợ hãi đâu”.
Ông cũng ca tụng và chứng minh luật pháp cổ nước Nam văn minh lắm:
“Có điều vị tất các nước Thái Tây đã theo kịp. Người An Nam cho hình phạt là một cách chuộc tội, chuộc rồi mới sạch tội, người Tây cho là một vết ô nhục, dù chịu tôi cũng không bao giờ rửa sạch; so sánh hai đằng (Tây và Nam) đằng nào có ý cao thượng hồn hậu? (L’Annam d’autrefois, trang 92. Bản dịch của Phạm Quỳnh” Nước Nam đời xưa”, Nam Phong tạp chí số 45).
Trong một bài thuyết giảng cho công chức Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, ông Pierre PASQUIER đã nhắn nhủ:
“Cai trị giống dân An Nam gầy còm này, phải khôn khéo ứng xử lắm, không thì họ cười cho đó. Khi họ chống chúng ta bằng những châm biếm, cười cợt thì hãy chuẩn bị va li mà chuồn về nước!”.
Nếu muốn trở về xa xưa, mong nắm bắt được chút ít bản sắc dân tộc để hy vọng cái cảnh “Lặp di lặp lại trong một ngàn năm trước đây” không còn cơ hội tái diễn được, ta có thể dùng đoạn văn trong tờ sớ do Hoài Nam Vương Lưu Ân dâng lên Vua nhà Hán. Trong sách “Suy nghĩ về Văn hóa Giáo dục Việt Nam” (Nhà xuất bản Trẻ - năm 2000), nhà giáo dục Dương Thiệu Tống đã trích dẫn các nhận xét của Lưu Ân về bản sắc dân tộc Lạc Việt ở hai trang 79 và 80:
(1) Nước Việt là đất không thể xâm lăng được (đất ấy không thể ở được), dân ấy không thể sai khiến được (dân ấy không thể chăn được).
(2) Không thể đem văn hóa, pháp luật của nước lớn để áp đặt được (không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được).
(3) Người Việt có niềm tự hào dân tộc nên từ lâu đã có thái độ khinh bạc đối với dân tộc “đội mũ mang đai”.
(4) Người Việt biết cân nhắc đúng đắn quan niệm dân tộc, rộng rãi với quyền lợi đất nước cho nên lúc thì họ hòa hoãn chịu nhượng bộ người Hán, lúc thì quay mũi dáo chống lại họ, vì vậy mới bị coi là tráo trở.”
Cũng liên quan đến bản sắc dân tộc khi ta để ý đến từ người với ý nghĩa rất tổng quát dùng trong ngôn ngữ Việt Nam: từ người luôn luôn đứng trước địa danh để chỉ người của một vùng hay một nước.
Ví dụ: người Huế, người Nam bộ, người Đức
Trong lúc đó, cùng một ý định như nhau, ngôn ngữ nước khác lại ghi:
Chinese, Italian, African (Tiếng Anh)
Laotien, Japonais, Suédois (Tiếng Pháp)
Những tiếp vĩ ngữ ese, an, ien... trên đây cũng như chữ nhân () ở tiếng Quan Thoại luôn luôn đứng sau tên nước trong lúc ở Việt Ngữ từ người lại đứng trước. Có lẽ đó là một biểu tượng nhắc mọi người Việt chúng ta phải nhớ rằng muốn là người Việt thì đầu tiên hết anh phải là người đã, sau đó mới có thể là người Việt và nếu muốn thì sau nữa mới có thể là người Việt có niềm tin này hay tôn giáo nọ. Đó là một nét độc đáo minh chứng cha ông ta đã có một nếp sống hiếu hòa, thương yêu đồng loại, thể hiện được tính người (và từ đó tình người):
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Ý đó đã được nhiều nước ghi vào phần mở đầu của Hiến pháp “Mọi người sinh ra đều bình đẳng” hoặc ý đó cũng đã được chứa đựng trong lời Phật dạy:
“Cùng là người thì sống không phân biệt vì máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”.
Những ai hành xử thiếu chất người thì Tiếng Việt không dùng từ người mà lại thay vào đó những từ có ý chê bai trách móc như tên, kẻ, bọn, bè lũ tùy theo trường hợp cá nhân hay băng nhóm: tên cướp, kẻ trộm, bọn côn đồ, bè lũ tham quan ô lại...
Đối chiếu tính người giữa xưa và nay, rõ ràng ta phải khiếp sợ những gì con người ngày nay đang bị ô nhiễm. Là vai chính trong quần thể môi sinh, con người, nói rõ ra là mỗi người đều phải gấp rút tự uốn nắn trở lại trong sự nỗ lực chung của toàn thể xã hội để lần hồi dứt được dịch bệnh “đạo lý suy đồi” do vi-rút “tham ác” gây nên. Nếu không thì sẽ là một nguy cơ lớn trong mỗi nước để dễ lan rộng ra cả toàn cầu. Điều này đã gây buồn lo rất nhiều cho “Tấm lòng Việt Nam” mà hai trích dẫn dưới đây đã mạnh dạn đề cập đúng chỗ cần chữa trị ưu tiên.
Ở trang 64 thời báo Kinh Tế Sài Gòn, số ra ngày 15/05/2008,
tác giả Vương Trí Nhàn đã buồn phiền kêu than trong bài viết “Tội làm hư dân”:
“Trời ơi! Con người đô thị bây giờ càn rỡ và bất nhân ngoài sức tưởng tượng!”
Dòng suy cảm của tác giả đành phải chạm vào sự thật không thể làm ngơ theo chiều hướng thương cảm nhìn nhận những kẻ phạm pháp chỉ là những nạn nhân hay bệnh nhân của căn bệnh thời đại:
“...Trong phần lớn trường hợp, tình trạng dân hư liên quan tới hiện tượng nhức nhối là chuyện cán bộ kiếm chác vô nguyên tắc, tư lợi vô cảm, gộp chung là thoái hóa biến chất. Đáng lẽ phải gương mẫu tuân thủ pháp luật thì họ lại tự đặt mình cao hơn luật, phá luật để trục lợi.
Trước mặt người dân lúc ấy, lý tưởng như bị xúc phạm. Người ta không thể thờ ơ và dễ bảo mãi. Về mặt triết học có thể bảo con người bắt đầu rơi vào hư vô. Chúa đã chết rồi! Ai muốn làm gì thì làm ! Bởi cảm thấy trên đời này không còn cái gì là thiêng liêng, họ rơi vào liều lĩnh phá phách một cách hung hản. Những cái xấu sẵn có mà bấy lâu họ kìm nén, được lúc vùng lên quẫy lộn. Tự cho phép mình hư ! Nhìn nhau để yên tâm mà hư ! Khuyến khích nhau hư thêm, càng đông người hư càng thích ! Sự bùng nổ lúc này là theo lối dây chuyền, không gì có thể giữ con người lại nữa.”
Trong bài “Tâm địa quỷ-người” đăng ở nhật báo Thanh Niên ngày 18.01.2008, tác giả CAMERA đã đau xót phân tích đưa đến một cách hỏi để khẳng định:
“... một sự bất nhẫn man rợ ở mức không thể nào lý giải... sao xã hội ta lại sản sinh một thứ người như vậy? Những yếu tố đầu vào nào đã đưa đến những sản phẩm loại ấy ở đầu ra? Anh ta là chính phẩm hay phế phẩm? Một báo động cực kỳ nguy cấp”.
Để trả lời câu hỏi đó của tác giả CAMERA có lẽ nguyên do chỉ có thể tìm thấy ở thực trạng: cách đào tạo của một thời “thân người thành công cụ” đã làm sai lệch thành “thân người chỉ là công cụ” Nay đất nước đã chuyển qua thời bình gần bốn chục năm rồi mà hình như trong nhiều địa phương các hội đoàn vẫn dễ dãi chìu theo sức ì của lề thói cũ, lối mòn “xưa bày nay làm”, làm cho sự sai lệch bị đẩy lên cao khiến “chất người” bị phai mờ dần nơi thân người, tạo nên một tình trạng xã hội vận hành ngược hướng với những gì mà mục tiêu giáo dục phải nhắm tới.
Trong một xã hội như thế thì trường học khó dạy được học trò và ngành giáo dục dễ bị bó tay. Nhận xét này giúp chúng ta thông cảm với các “triều đại giáo dục” mà bao nhiêu sửa đổi trong thời gian qua cũng chỉ có tính cách hành chính mà thôi, gần như nặng nề hơn cả là việc cải cách thi cử sau mỗi mùa thi, chưa hề thấy hé lộ một chút ít ý tưởng gì về cải cách giáo dục.
Như thế, có lẽ mục tiêu trong nền giáo dục không thể không nhằm dạy trẻ nên người. Bởi vậy một nền giáo dục chính thống phải là một nền giáo dục nhân bản vì chỉ nền giáo dục ấy mới làm cho các nước xích lại gần nhau để có hòa bình thế giới cũng như mới có thể vực dậy đạo làm người đang suy đồi, tái tạo an sinh xã hội cho đất nước
*
*   *
Lời thỉnh cầu đó khiến chúng ta phải nghĩ đến quan điểm của Phật giáo về con người khi chúng ta muốn đề cập tới giáo dục Phật giáo. Cụ thể hơn, nhân tính trong thân người phải được hiểu theo những điều đức Phật đã dạy.
Tác phẩm “Lý thuyết về nhân tính qua kinh tạng Pali” ấn bản 1996 của Hòa Thượng Thích Chơn Thiện giúp ta điều đó. Ở trang 16, Hòa Thượng đã viết:
“...Thế nên con người chẳng là gì khác hơn sự vận hành của mười hai chi phần Duyên Khởi dẫn đến khổ đau, nếu tâm con người bị tư duy hữu ngã chế ngự. Nếu tư duy vô ngã, hay sự giác tĩnh Duyên Khởi vận hành thì sự vận hành này sẽ dẫn đến sự đoạn diệt của mười hai chi phần ấy, hay sự đoạn diệt khổ đau. Bấy giờ con người xuất hiện là con người của cái nhìn vô ngã về sự vật và của hạnh phúc trong hiện tại và tại đây”.
Ở trang 59, Hòa Thượng lại ghi:
“Theo duyên khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh, là vô ngã và rỗng không; con người và thế giới cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Sự thật này đã được đức Phật chứng tỏ trong Mahàpunnama (Trung bộ III) và trong Giới Phân biệt (Dhàtuvibhanga, Trung bộ III) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý; điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người.”
Ý nghĩa đó được ghi tiếp ở trang 77:
“Hai mươi sáu thế kỷ qua đức Phật đã cho nhân loại một định nghĩa vô cùng tuyệt vời và cực kỳ kinh ngạc rằng: sắc uẩn của một người là bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Định nghĩa ấy xác định rằng thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người hay là một phần rất lớn của cơ thể con người”.
Rõ ràng những lời đức Phật dạy trên đây đã như là ngọn đuốc soi đường cho chủ trương lâu nay của Liên hiệp quốc về môi sinh mà mọi quốc gia dân tộc đang nhiệt tình noi theo.
Trong các đoạn kế tiếp của sách đã dẫn, Hòa Thượng Thích Chơn Thiện lại phân tích cặn kẽ hai nội dung “Con người là năm Uẩn”, “Tu tập năm Thủ Uẩn và giáo dục” (từ trang 150 đến trang 176); từ đó Hòa Thượng đã đề ra mục tiêu cụ thể của giáo dục Phật giáo trong một đoạn văn ở trang 169: “Sự tu tập Năm thủ uẩn là công phu giải thoát có hai việc để thực hiện:
- Chế ngự thói quen của con người nghĩ về các hiện hữu như là có một ngã tính thường hằng từ đó dục vọng dấy khởi.
- Phát triển cái nhìn sự vật là vô ngã từ đó vô dục khởi sinh.
Vì thế công phu này là sự chấm dứt các phiền não, khổ đau, vốn là giấc mơ yêu dấu của con người, và là mục tiêu cơ bản mà ngành tâm lý giáo dục hiện đại nhắm đến. Tất cả những lời dạy của đức Phật kiết tập trong kinh tạng Pàli là đặt trọng tâm vào điểm tuyệt vời này”.
Quan điểm Phật giáo về nhân tính đã xác định rõ mục tiêu xuất thế của nền giáo dục Phật giáo là giúp mọi chúng sinh đạt trí tuệ giác ngộ chân thực, toàn diện và tột cùng. Đó là một nền giáo dục trí tuệ mà từ xưa nơi thảo am, chùa vắng các Ngài tổ đã dạy đệ tử với thân giáo và tâm truyền. “Nếp Sống Chùa” ngày cũ đã un đúc nên nhiều vị Cao Tăng Thạc Đức, dẫn dắt tứ chúng tiến tu trên đường giải thoát.
Như thế, hệ thống Chùa chiền, Tu viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Thiền viện được thiết lập hay chỉnh trang xưa nay đều đáp ứng trọng trách căn bản và cốt lỏi của nền giáo dục Phật giáo mà nội dung và phương pháp đã được Ban Giáo dục Tăng Ni đương nhiệm biên soạn công phu và ban hành năm 2001.
Chỉ khi nào “Nếp sống Chùa” theo tinh thần ấy được củng cố trọn vẹn, thực chất và gương mẫu thì sự hiện diện của các Trường Phật học mới thật sự tồn tại có ý nghĩa. Hiện nay các Trường ấy đang được tổ chức gần như theo khuôn mẫu trong hệ thống giáo dục học đường ngoài đời. Thật sự, đã là Trường Phật học thì phải là nơi đào tạo các Tông đồ giáo dục, xứng danh Sứ giả Như Lai, nói cụ thể là những giảng sư ban truyền Phật pháp. Có lẽ mô hình gần gũi nhất là các Trường Sư phạm; các học viên, hỗn hợp cả tu sĩ và cư sĩ, được học nhiều điều về sư phạm chẳng hạn như tâm lý giáo dục, tâm lý quần chúng, phương pháp Khế Cơ, Khế Lý, kỹ thuật diễn đạt. Hy vọng rằng các Trường Phật học được biến cải theo lối đó sẽ ngăn chặn được ảnh hưởng thế tục hiện nay vào Đạo của bằng cấp theo tên gọi ngoài đời đối với hệ thống thứ bậc nghiêm túc xưa nay như Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng về Tăng chúng.
Các vị giảng sư nhận lãnh nhiệm vụ nhập thế qua sự phân công có hội ý giữa Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Cư sĩ và Gia đình Phật tử. Thính chúng đến từ các Đạo tràng, Gia đình Phật tử hay Khuôn hội ở Niệm Phật đường từng địa phương. Giáo dục Phật giáo còn được tổ chức dưới hình thức các phái đoàn đi hành hương, những buổi thuyết giảng ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo hoặc các Khóa Tu ngắn hạn nhân dịp các Lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan.
Các nội dung truyền giảng được chọn sát với thực tế đời sống (Khế thời). Một thuận lợi lớn cho vấn đề này là hiện nay đã có một kho tàng tư liệu luận giải đã được phổ biến trên sách báo xưa nay về các vấn đề liên quan giữa Đạo và Đời. Có lẽ nhân dây, một “Chuyện Đời” cũng đáng được nêu ra để mong có biện pháp cứu chữa từ giáo dục. Đó là vấn nạn “trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ đang mất nghĩa”.
Như với chữ chung chẳng hạn thì các thể hiện lại riêng: công viên biến thành nơi dọn hàng quán nhân, công điền công thổ có thể sử dụng thành của riêng; thủ tục hành chính kế toán tại mỗi bệnh viện đang bị cách tổ chức ngành Y khống chế, đã làm giảm nghĩa chữ cấp cứu, có trường hợp trở thành thong thả trước sự lo âu của người nhà bệnh nhân; lời khuyên trước đây ở học đường “thầy giáo phải thương yêu học sinh” về sau phải được nhấn mạnh “Thầy giáo phải thực sự thương yêu học sinh” vì chữ thương yêu không được thực thi trọn nghĩa.
Chữ mất nghĩa như thế nên lần hồi trong mối giao tiếp giữa người và người năng có sự dè chừng thủ thế, không còn biết ai tin ai. Tình trạng đó đã làm bật ra tiếng kêu đau xót “Sao nay dối trá tràn lan?!” Bên cạnh thảm trạng đó, cái ác đang lộng hành và có quá nhiều trường hợp cái ác ngang nhiên diễn ra trước mắt mọi người mà đa số đành vô cảm vì sợ liên lụy. Tệ hại hơn là hình thái vô cảm âm (vô = không và số âm còn tệ hơn số không) của những kẻ lượm tiền bỏ túi khi có người đi đường bị cướp giật làm vung vãi tiền trên mặt đất. Nhức nhối hơn nữa là khi cái ác đang sờ sờ mà phải vỗ tay như trong cảnh vài nam sinh vui cười phụ họa một nữ sinh đấm đá dã man một nữ sinh khác (hình ảnh dịu hiền của nữ sinh hay bóng dáng đôn hậu của phụ nữ đang đổi khác rồi!).
Chung qui cũng chỉ tại cái tâm ác và vọng ngữ mà xã hội trở nên bất an. Vì là Đạo diệt Khổ nên Phật giáo phải nhập cuộc, đương nhiên với lòng từ, vẫn nhìn những kẻ thủ ác như là những con bệnh (từ nhãn thị chúng sinh). Nội dung căn bản nhất được truyền đạt có lẽ là phát huy ngũ giới và tiêu trừ tam độc tham sân si. Xen lẫn, còn có những bài giảng thiểu dục tri túc, những câu chuyện về nhân quả, luân hồi, may ra làm giảm được các trường hợp phá hoại môi trường và phá rối an sinh xã hội như tham ô, cướp của, giết người.
Một điều chủ chốt nhất trong giáo dục là vấn đề thân giáo. Trong giáo dục học đường ngoài đời, vấn đề đó đang còn đơn giản đối với các thầy giáo chứ với giáo dục Phật giáo mà khởi nguyên là tại các Chùa, thân giáo gần như là điều kiện thiết yếu đòi hỏi sự đồng bộ của giới xuất gia và là yếu tố căn bản quyết định thành quả của mọi Phật sự; được vậy, mới mong tái lập lòng tin nơi quần chúng học Phật./.
Châu Trọng Ngô
                                   Bài đã đọc tại
“Hội thảo khoa học: GIÁO DỤC PHẬT GIÁO”
tại  Sóc Sơn – Hà Nội, ngày 09/05/2012.
Thân kính tặng
Quí thân hữu  Quốc Học – Đồng Khánh
Châu Trọng Ngô


[*] Bài đã được đăng trong Văn hóa Phật giáo số 93 năm 2009 và tu chỉnh năm 2011.

No comments: