Friday, September 7, 2012
TỪ HY THÁI HẬU
Về
cái chết của Từ Hy Thái Hậu
Được
xem là người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa -
nơi vốn có tư tưởng kỳ thị phụ nữ nặng nề, Từ Hy Thái hậu đã viết
nên một trang sử mới cho lịch sử gần 5000 năm của đất nước rộng lớn
này. Không chỉ được người đời nhớ đến khi còn sống, Từ Hy còn được
ghi vào sử sách Trung Quốc về một đám tang kỳ lạ và thi hài 3 lần
nhập quan mà vẫn chưa được an nghỉ.
Đám tang “đông tây lẫn
lộn”
Cuộc đời của Từ
Hy Thái hậu gắn liền với triều đại Mãn Thanh - triều đại cuối cùng
của chế độ phong kiến Trung Hoa đang trong giai đọan suy tàn và
khủng hoảng tột độ.
Từ một mỹ nữ
trong dân dã được chọn vào cung làm quý nhân, rồi từ địa vị quý phi
nhảy lên ngôi thái hậu, thâu tóm quyền lực, gây bao tội ác. Vì thế
đến khi từ giã cõi đời, Từ Hy cũng đã chết trong cô độc khi bá quan
văn võ không một ai dám động vào xác của bà.
Vào một ngày tháng
10 năm 1908, Từ Hy Thái Hậu đã trút hơi thở cuối cùng khi công trình
lăng tẩm của bà vừa hoàn thành trước đó đúng 4 ngày, sau 13 năm xây
dựng đằng đẵng. Cũng giống như các hoàng hậu và phi tần khác của
triều đình Mãn Thanh, Từ Hy được chôn cất tại Đông Lăng - nghĩa
trang hoàng gia của hai triều Minh, Thanh nằm trong thành phố Tuân
Hóa tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Qua 272 năm tồn tại, Đông Lăng là nơi
an nghỉ thiên thu của 5 vị hoàng đế, 15 hoàng hậu, 136 phi tần... Từ
Hy Thái hậu cũng nằm tại đây bên cạnh những tiền bối lừng danh như
hoàng đế Khang Hy, Càn Long, Hiếu Trang hoàng
hậu...
Mặc dù nền văn minh
của thế giới đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, nhưng là một
người của hoàng tộc nên đám tang của Từ Hy vẫn diễn ra theo đúng
truyền thống và quy định của hoàng gia. Tuy nhiên, một điều lạ lùng
là ngoài những vật phẩm bằng vàng mã truyền thống ra, người ta còn
cho đốt rất nhiều những loại vàng mã chưa bao giờ xuất hiện tại các
đám tang ở Trung Quốc khi đó như: tiền giấy, đồng hồ, tủ... cho vị
Thái hậu này.
Trước khi tang lễ được cử hành tưng bừng 2 ngày, theo lệnh
của Từ Hy, Lý Liên Anh - thái giám thân cận nhất của vị thái hậu này
đã cho đốt hàng trăm đội quân bằng giấy nhằm để dẹp đường và bảo vệ
Từ Hy khi xuống... âm phủ. Khác với những đoàn binh sỹ trong triều
đình, đội binh sỹ dẹp đường lần này cho Từ Hy vô cùng đặc biệt, họ
đều mặc đồ tây và ôm súng khư khư trước ngực. Nhiều quan chức trong
triều đình khi đó còn mỉa mai rằng: “Phải bồng súng thì xuống âm phủ
mới có thể chiến đấu được với binh lính đến từ phương
Tây”(?)
Trong đám tang đình
đám vào năm đó, chiếc quan tài của Từ Hy được đặt trong một chiếc xe
kéo lớn trang trí tinh xảo và cầu kỳ diễn qua khắp các con phố của
thủ đô Bắc Kinh. Đi đầu đám tang là một nhóm kỵ binh mặc quân phục
hiện đại, tiếp đến là một đoàn ngựa bạch nhỏ và hàng trăm binh lính
đi sau để đổi nhau khiêng quan tài. Đằng sau nữa còn có một nhóm kỵ
binh tay cầm giáo dài có treo những lá cờ màu đỏ và nhóm kỵ binh
mang súng. Họ đều là người của cấm vệ quân triều đình. Sau cùng là
đoàn nô tì mặc quần áo đỏ và cầm những lá cờ đủ màu sắc cũng như
những dải lụa treo rủ. Đoàn người cầm cờ nhiều tới mức khiến người
ta tưởng rằng, tất cả số cờ trong hoàng cung đã được đem ra để đưa
tiễn Thái hậu…
Sau khi tổ chức
đám tang rầm rộ, Từ Hy đã được an táng tại Đông Lăng. Được biết,
công trình này đã xây dựng trong vòng 13 năm với kinh phí lên tới
hàng triệu vạn lượng bạc. Không những thế, sau khi chết, đồ bồi táng
trong quan tài của Từ Hy là cả một kho vàng bạc châu báu. Đây chính
là nguyên nhân khiến cho lăng mộ của bà trở thành mục tiêu săn lùng
của những tên đào mộ cướp kho báu khét tiếng sau này. Mộ Từ Hy và
những điều bí ẩn Là một người rất thích các loại đồ vàng ngọc, trân
châu, mã não, đá quý... Vì thế trước khi chết, Từ Hy đã lên kế hoạch
đem vào quan tài của mình những trang sức quý giá để nếu có xuống
suối vàng thì bà cũng có cái để... dùng dần. Trong tài liệu lịch sử
mà giới sử gia Trung Quốc còn lưu lại đến giờ vẫn còn ghi đầy đủ
“kho báu” đã chôn theo Thái hậu Từ Hy vào năm
1908.
Trong bộ sách “Ái
Nguyệt Hiên” bút ký do Lý Liên Anh - thái giám thân cận nhất của Từ
Hy có ghi chép rõ ràng chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của
các đồ tùy táng trong lăng mộ Từ Hy. Theo đó, trong quan tài phía
dưới lót bằng gấm quý đan sợi tơ vàng dày 7 tấc, có đính 2.604 hạt
trân châu, 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc. Phủ trên thi hài Từ
Hy là tấm chăn thêu bộ kinh Đà La Ni bằng tơ vàng với 25.000 chữ,
trên chăn đính 820 viên trân châu.
Khi nhập liệm, Từ
Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả
trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong
miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng
trong đêm xa ngoài 100 bước. Trên cổ bà còn đeo 3 xâu chuỗi, trong
đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch. Thân mình Từ
Hy mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng
ngọc. Ngoài ra, bên người còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật
bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại. Và để “kho
báu” này có thể an toàn nằm trong lăng mộ của mình mà không bị bọn
trộm ngó tới, chính Từ Hy đã đôn đốc cho xây dựng lăng tẩm mang tên
“Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt” cho riêng bà. Theo đánh giá của các nhà
chuyên môn ở thời điểm đó thì lăng mộ này “bất khả xâm
phạm”.
Theo “Thanh sử”
ghi chép, chỉ riêng số vàng lá dùng đắp trong 3 đại điện của lăng mộ
Từ Hy đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64
chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Đó là kim
tuyệt.
Những rường cột
trong ba đại điện đều làm bằng loại mộc thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng.
Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà
đẹp, về giá cả, có thể nói là “tấc gỗ, tấc vàng”. Riêng quan tài của
Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng. Đó là mộc
tuyệt.
Tất cả đá dùng
trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu
khắc tinh xảo. 76 trụ trong điện đều chạm hình “Nhất phụng áp song
long” - hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị
thái hậu này, phá vỡ quy tắc “rồng trên phụng dưới” bao đời. Cho nên
mới gọi là thạch tuyệt.
Bí ẩn 3 lần nhập
quan
Với một số lượng
lớn trang sức và của cải được chôn theo mình, lăng mộ của Từ Hy thực
sự đã được yên ổn trong vòng 20 năm đầu tiên. Vào một ngày tháng 10
năm 1928, Tôn Điện Anh - quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc dân
đảng đã dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hy. Kết quả là,
quan tài của Từ Hy đã bị phá hủy, xác của bà đã bị “quẳng” ra khỏi
quan tài và tất cả những gì quý giá nhất đều bị lấy đi một cách thô
thiển. Theo sử sách Trung Hoa còn ghi lại, trong đợt khai quật lần
này, Tôn Điện Anh chỉ để lại cho Từ Hy đúng một chiếc quần.. lót
trên người.
Xác của
Từ Hy vào năm 1983
Được biết, khi
quân lính của Tôn Điện Anh dùng dao nạy quan tài Từ Hy ra thì: “Lúc
ấy, có một thứ ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc
đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc. Nhìn vào quan tài, Tây Thái
hậu diên mạo như còn sống, thấy rõ ở ngón tay mọc lông trắng dài cả
tấc... Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn,
quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột long bào,
lấy sạch châu báu trên đó...”.
Tin về Tôn Điện
Anh trộm báu vật ở Đông Lăng mau chóng lan ra toàn Trung Quốc, các
đoàn thể xã hội liên tiếp gửi điện đến chính phủ Quốc dân Đảng yêu
cầu nghiêm trị kẻ chủ mưu trộm lăng. Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã hạ
lệnh đưa Từ Hy trở lại quan tài và để vào đó những báu vật đã thu
giữ được. Vào năm 1983, một tổ công tác bao gồm 13 người đã được
thành lập để tu bổ lại di hài cũng như lăng mộ của Từ Hy. Khi mở
quan tài lần này ra, cũng giống như lần đầu tiên, nhà sử học Ninh
Ngọc Phúc - người đứng đầu tổ công tác này cho biết: “Lịch sử đã lặp
lại khi vừa mở nắp áo quan, một thứ ánh sáng chói lòa đã làm cho các
nhà khoa học lúc đó ngỡ ngàng. Di thể của Từ Hy hầu như vẫn còn
nguyên vẹn”. Cũng theo ông Ninh Ngọc Phúc, sau khi nhìn thấy hiện
trạng, tổ công tác đã báo cáo lên Bộ văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Ngay tức khắc, Bộ này đã có thông báo: “Đậy nắp quan tài của Từ Hy
và giữ nguyên hiện trạng”. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lưu giữ
xác của Từ Hy một cách trọn vẹn nhất, vào tháng 4 năm 1984, một lần
nữa tổ công tác của ông Ninh Ngọc Phúc đã lại mở nắp quan tài của bà
Thái hậu. Trong đợt kiểm tra lần này, tổ công tác đã tìm thấy trong
tay phải của Từ Hy có một chiếc túi nhỏ, trong đó có 1 chiếc răng và
2 chiếc móng tay của bà. Đây là những vật phẩm mà vào năm 1928, Tôn
Điện Anh đã không màng tới và lấy trộm đi. Sau khi phun chất sát
trùng để tẩy uế, các nhà khoa học Trung Quốc đã tu bổ lại di thể của
Từ Hy bằng những vật dụng chuyên môn nhằm giữ nguyên được xác ướp
vốn đã hoàn chỉnh của bà. Được biết, mặc dù trên cơ thể của Từ Hy đã
xuất hiện nhiều vết nứt, tuy nhiên da của bà vẫn dính chặt vào
xương. Vì vậy, tổ công tác đã không cần phải dùng đến dây để “chằng
buộc” cơ thể.
Mọi công tác “tu
bổ và bảo trì” hoàn thành chỉ sau 1 ngày. Di thể cuối cùng của Từ Hy
khi đưa lại vào quan tài có chiều cao 1m60. Tất cả những vật dụng
quý như trang sức, áo choàng, trân châu... lấy lại được từ vụ trộm
năm 1928 vẫn để y nguyên trong nơi an nghỉ cuối cùng của vị Thái Hậu
quyền lực này.
|
__._,_.___
HÒA THƯỢNG * SILANNANDA * NGHIỆP
Hòa thượng Silānanda giảng
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
Nhiều người không sinh ra trong gia đình Phật Giáo, nhưng đã tìm học về Phật Giáo nhờ nghe luật Nghiệp Báo; bởi vì luật Nghiệp Báo đã giải thích cho họ thấy rõ lý do của sự bất đồng của các cá nhân trong xã hội con người, đồng thời cũng giải thích cho họ biết tại sao những người rất tốt trên cõi đời này lại gặp cảnh đau khổ.
Tôi
có quen một người Ý Đại Lợi. Người này rất băn khoăn thắc mắc về vấn đề
bất đồng của các cá nhân trong xã hội. Ông ta suy nghĩ về vấn đề này
rất nhiều. Ông tìm hỏi nhiều người về vấn đề này, nhưng không tìm ra câu
trả lời thỏa đáng. Một ngày nọ ông đọc được một cuốn sách về Phật Giáo
trong đó có nói đến luật Nghiệp Báo. Khi đọc về luật Nghiệp Báo ông ta
rất thỏa mãn với những lời giải thích của luật Nghiệp Báo. Ông quyết
định tìm hiểu thêm về đạo Phật. Ông sang Á Châu trở thành một nhà sư, và
mất ở tuổi tám mươi. Luật Nghiệp Báo là động lực đầu
tiên khiến ông trở thành một nhà sư Phật Giáo.
Bài
giảng về Nghiệp Báo hôm nay căn cứ vào Kinh Cūlakamma bhanga trong
Trung Bộ Kinh. Đây là bài kinh Đức Phật giảng cho chàng thanh niên Bà La
Môn Subha.
Chàng thanh niên Bà la Môn Subha hỏi Đức Phật:
1. Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?
2. Tại sao có những người thường hay bị bịnh, có những người đầy đủ sức khỏe?
3. Tại sao có những người mặt mày xấu xí, có những người đẹp đẽ?
4. Tại sao có những người cô thế, có người đầy quyền uy.
5. Tại sao
có người nghèo nàn đói khổ, có người giàu sang sung túc?
6.
Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai
cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quuyền quí, trong giai cấp
cao sang?
7. Tại sao có người ngu dốt (những người thiếu trí tuệ), có người thông minh?
Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn về mười bốn hạng người trên. Đức Phật nói:
"Này
người thanh niên. Chúng sinh có Nghiệp là tài sản của mình. Chúng sinh
là kẻ thừa tự của Nghiệp của mình. Chúng sinh có nguồn gốc từ
Nghiệp của mình. Chúng sinh sinh ra từ Nghiệp của mình hay chúng sinh
là thân bằng quyến thuộc của Nghiệp mà mình đã tạo. Chúng sinh có Nghiệp
là nơi nương nhờ. Ḍo Nghiệp mà có sự khác nhau giữa các chúng sinh hay
Nghiệp đã tạo ra sự khác nhau giữa chúng sinh, Nghiệp đã tạo ra sự khác
nhau giữa người và người"
Đức Phật đã trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như vậy.
Subha bạch với Đức Phật rằng anh ta không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Đức Phật. Subha nói:
"Bạch Ngài, con không hiểu rõ những lời giải thích ngắn gọn của Ngài. Xin Ngài giảng giải rộng rãi, nhiều chi tiết hơn."
Đức
Phật bèn giảng giải cho Subha nhiều
chi tiết hơn. Sở dĩ Đức Phật trả lời cho Subha một cách ngắn gọn như
vậy bởi vì Ngài biết rằng Subha là một người đầy cao ngạo. Subha nghĩ
rằng mình là người thông minh sáng láng có thể hiểu tất cả những gì Đức
Phật dạy dầu đó là những lời ngắn gọn. Đức Phật muốn làm cho tâm cao
ngạo của Subha giảm xuống để Subha có thể khiêm nhường nghe những lời
giảng giải của Ngài nên Đức Phật chỉ trả lời một cách ngắn gọn. Khi
Subha thỉnh cầu Đức Phật giảng giải chi tiết, Đức Phật mới giảng giải
chi tiết cho ông ta.
Mặc
dầu, những câu hỏi này được Subha hỏi, nhưng đây là những câu hỏi
thường được mọi người thắc mắc và muốn được trả lời, bởi vì họ đã từng
gặp những vấn đề này trong cuộc sống của con người. Có những người mặc
dầu được sinh ra trong cùng một gia đình, có cùng cha cùng mẹ, được nuôi
dưỡng dưới cùng hoàn cảnh và điều kiện giống nhau, nhưng họ khác nhau;
có người thông minh, có người ngu đần; có người sống lâu, có người chết
sớm, người giàu, kẻ nghèo v.v... Đây là những câu hỏi người ta thường
đặt ra và muốn được trả lời thỏa đáng.
Nếu
bạn đặt những câu hỏi này cho người tin tưởng vào Thượng Đế, vào ông
Trời hay vào Đấng Sáng Tạo thì bạn sẽ được trả lời rằng:
"Bởi vì Thượng Đế, Chúa Trời đã tạo ra như vậy."
Câu
trả lời này chắc chắn không làm bạn thỏa mãn. Sẽ có nhiều câu hỏi tiếp
theo khi bạn
được nghe câu trả lời như vậy. Chỉ có những lời giải đáp của Đức Phật
mới làm cho người ta thỏa mãn bởi vì những câu trả lời của Đức Phật
không vô lý. Đức Phật trả lời từng câu hỏi một của chàng thanh niên
Subha.
Mặc
dầu được sinh ra cùng cha cùng mẹ, được nuôi dưỡng cùng hoàn cảnh và
điều kiện giống nhau, nhưng chúng ta không thể lấy những điều kiện và
hoàn cảnh này làm nguyên nhân của sự bất đồng của họ, cũng không thể lấy
lý do họ có cùng cha, cùng mẹ nên nói sự di truyền là nguyên nhân. Cùng
được nuôi
dưỡng dưới những điều kiện và hoàn cảnh giống nhau nhưng họ khác nhau.
Như vậy, lý do của sự khác nhau của những người trong cùng một gia đình
phải là cái gì nằm ngoài di truyền, và hoàn cảnh. Đức Phật chỉ cho chúng
ta thấy rõ rằng: Có cái gì đó trong quá khứ đã làm cho chúng ta, và đời
sống của chúng ta khác nhau.
Đức Phật đã giải thích cho Subha từng câu hỏi một:
1. Tại sao có người chết yểu, có người sống lâu?
"Một
số người giết hại chúng sinh khác, không phải chỉ giết hại chúng sinh
một lần mà nhiều lần họ giết hại chúng sinh. Do hậu quả của sự giết hại
này, họ tái sinh vào bốn đường ác. Họ bị tái sinh vào cảnh Súc Sinh, Ngạ
Quỷ, A Tu La, Điạ Ngục. Sau khi ở các cảnh khổ này, nếu được tái sinh
làm người trong kiếp hiện tại thì họ bị chết yểu (đoản thọ). Bởi vì họ
đã giết hại chúng sinh, nghĩa là họ đã có ý muốn làm cho đời sống của
chúng sinh bị ngắn lại, muốn chấm dứt mạng sống của chúng sinh sớm hơn,
làm cho tuổi thọ của chúng sinh ngắn lại. Thay vì chúng sinh được sống
lâu hơn, họ làm cho chúng sinh chết sớm. Do có ý muốn làm cho tuổi thọ
của chúng sinh ngắn đi nên họ nhận hậu quả là đời sống của họ cũng bị
ngắn đi hay bị chết yểu.
Có
những người không bao giờ giết hại chúng sinh. Họ giữ giới sát sinh. Họ
ngăn ngừa sự giết hại chúng sinh. Những người này sau khi chết sẽ được
tái sinh vào cõi trời. Khi họ tái sinh làm người họ sẽ trường thọ. Những
người chết sớm là những người đã giết hại chúng sinh trong những kiếp
sống trước đây. Và những người trường thọ là những người giữ giới không
sát sinh trong những kiếp trước đây. Khi họ ngăn ngừa
hành động giết hại chúng sinh thì tâm họ có lòng mong muốn chúng sinh
được sống lâu. Lòng mong muốn chúng sinh được sống lâu là nguyên nhân
khiến họ được trường thọ khi họ tái sinh làm người.
2. Tại sao có người thường hay bị bệnh hoạn, có người đầy đủ sức khỏe?
Có
những người hay bị bệnh hoạn, hết bệnh này lại đến bệnh kia, hoặc sức
khỏe họ luôn luôn yếu kém. Những người này, theo lời dạy của Đức Phật,
là những người đã làm những chúng sinh khác bị thương. Họ không giết hại
người hay chúng sinh khác, nhưng họ hành hạ đánh đập làm cho người
khác, chúng sinh khác đau đớn, khổ sở, làm cho
cơ thể chúng sinh khác bị tổn thương. Do hành động độc ác, hành hạ,
đánh đập, làm hại cơ thể chúng sinh, làm cho chúng sinh bị thương nên họ
bị tái sinh vào bốn ác đạo. Khi họ tái sinh làm người, họ luôn luôn bị
đau ốm, bị tật nguyền, sức khỏe yếu kém.
Có
những người thân thể cường tráng, sức khỏe đầy đủ. Có người chẳng bao
giờ đau ốm, chẳng bao giờ đến gặp bác sĩ, chẳng bao giờ vào nhà thương,
chẳng bao giờ uống một viên thuốc nào. Họ có một cơ thể khỏe mạnh. Tại
sao vậy? Trong kiếp sống này, họ có cơ thể
khỏe mạnh, bởi vì trong những kiếp sống quá khứ họ không bao giờ hành
hạ kẻ khác, không làm kẻ khác bị thương tật, không làm tổn thương thân
thể kẻ khác. Họ đã có lòng bi mẫn đối với chúng sinh khác. Do những hành
động thiện họ đã làm nên khi tái sinh làm người họ có đầy đủ sức khỏe.
3. Tại sao có người mặt
mày xấu xí khó coi, có người mặt mày đẹp đẽ dễ nhìn.
Một
số người thường hay giận dữ. Người ta chỉ chỉ trích một tí thôi là đã
nỗi sân lên. Với bản chất sân hận, giận dữ như thế nên họ phải tái sinh
vào
bốn đường ác. Khi họ được tái sinh làm người, do Nghiệp giận dữ mà họ
đã tạo, mặt mày họ trở nên xấu xí.
Như
vậy, nóng giận, sân si là nguyên nhân làm cho người xấu xí. Chúng ta có
thể dễ dàng để hiểu điều này. Ngay cả khi chúng ta đang sống trong đời
sống hiện tại này, khi giận dữ thì mặt mày chúng ta thật là xấu xí; khi
giận dữ mặt mày hung dữ, dễ sợ. Nếu chúng ta muốn biết khi giận dữ mặt
mày chúng ta xấu xí như thế nào thì mỗi lần giận dữ hãy nhìn vào gương
soi, lúc đó, chúng ta sẽ thấy chúng ta xấu
xí?
Những
người đẹp đẽ có bản chất không giận dữ. Họ là những người luôn luôn đối
xử tốt với người khác, và họ không dễ dàng giận dữ. Bởi vậy, nếu bạn
muốn đẹp đẽ ngay cả trong kiếp sống này thì đừng giận. Một trong những
nguyên nhân giúp bạn có gương mặt đẹp đẻ là cố gắng hành thiền từ ái.
Như vậy, nguyên nhân của sự xấu xí là giận dữ, và nguyên nhân của đẹp đẽ
là không giận dữ, có lòng từ ái. Điều này chứng tỏ cho ta thấy rằng:
Nếu chúng ta muốn đẹp đẽ, nếu chúng ta muốn gương mặt chúng ta vui
vẻ dễ thương thì chúng ta đừng bao giờ dễ dàng giận dữ.
4. Tại sao có người cô thế, có người đầy quyền uy.
Đôi
khi bạn gặp những người đầy quyền uy, lời họ nói ra đầy uy quyền, và họ
ảnh hưởng đến người khác, khiến người khác phải nghe theo, đi theo họ.
Cũng có những người không có quyền uy, họ không có uy quyền để làm việc
gì. Có nhiều người, mặc dầu có chức vụ lớn, địa vị cao, có tiền của
nhiều, nhưng họ nói không ai nghe.
Nguyên nhân tại sao?
Có
những người có quyền cao, chức trọng nhưng không làm người khác nể
phục, không ảnh hưởng đến người khác bởi vì kiếp trước họ có tánh hay
ganh tỵ: Thấy ai được lợi, được danh, được người khác tôn trọng, kính nể
thì họ cảm thấy khó chịu và ganh ghét. Người nào hay ganh tỵ, đố kỵ,
ganh ghét khi thấy người khác được lợi lộc, được vinh dự v.v... thì chắc
chắn người đó sẽ bị cô thế, không có thẩm quyền hay năng lực ảnh hưởng
tới ngưòi khác
trong kiếp sống tương lai. Những người có thẩm quyền được mọi người
tùng phục nghe theo trong đời sống này là những người không ganh tỵ
trước những thành công, lợi lộc, sự tôn trọng, hay sự kính nể
của người khác. Ganh tỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp sống này chúng
ta trở thành người không có uy quyền, không ảnh hưởng đến người khác.
Ngược lại, không ganh tỵ, không đố kỵ là nguyên nhân khiến trong kiếp
sống này chúng ta có uy quyền, có ảnh hưởng đến người khác.
5. Tại sao có người nghèo nàn đói khổ, có
người giàu sang sung túc?
Những
người nghèo khổ trong kiếp sống này là những người kiếp trước không
biết bố thí, giúp đỡ thực phẩm, áo quần, vật dụng khác cho Sa Môn, Bà La
Môn và những người khác. Họ là những người không thực hành hạnh bố thí.
Những người giàu có trong kiếp sống này là những
người thực hành hạnh bố thí trong những kiếp trước. Họ đã bố thí cúng
dường thức ăn, thức uống, áo quần, thuốc men, và những vật dụng khác cho
mọi người. Thực hành hạnh bố thí là nguyên nhân của sự giàu có, và
không thực hành hạnh bố thí hay bủn xỉn, keo kiệt là nguyên nhân của sự
nghèo nàn. Như vậy, bủn xỉn, keo kiệt, không dám cho ai thứ gì là nguyên
nhân của sự nghèo
khổ.
6.
Tại sao có người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt, trong giai
cấp bần cùng, có người sinh ra trong gia đình quuyền quí, trong giai cấp
cao sang?
Những
người sinh ra trong gia đình thấp kém, hạ liệt vì kiếp trước họ tự cao,
ngã mạn, kiêu căng, tự phụ. Họ chẳng hề tôn kính lễ bái những bậc đáng
tôn kính. Họ không đứng dậy, tỏ vẻ kính trọng những người đáng được đứng
dậy, đáng được kính trọng. Họ không biết nhường chỗ ngồi cho những
người đáng được nhường chỗ. Họ không nhường lối đi cho những bậc đáng
được nhường lối đi. Họ không tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được
tôn
kính, lễ độ. Không biết tôn trọng, kính nhường là nguyên nhân của sự
tái sinh vào giai cấp thấp kém.
Nguyên
nhân được sinh vào gia đình quyền quí, giai cấp cao sang thì do những
nguyên nhân ngược lại. Những người này kiếp trước không kiêu hãnh, tự
cao, tự đại. Họ thường tôn kính lễ bái những bậc đáng tôn kính lễ bái.
Họ đứng dậy, tỏ vẻ tôn trọng những người đáng được đứng dậy tỏ vẻ tôn
trọng. Họ biết nhường chỗ ngồi cho những người đáng được nhường chỗ
ngồi. Họ nhường lối đi cho những bậc đáng được
nhường lối đi. Họ tôn kính, lễ độ đối với những bậc đáng được tôn kính,
lễ độ.
Tóm
lại, tự cao, tự đại là nguyên nhân của sự sinh trưởng trong gia đình
thấp kém, và không tự cao tự đại, biết tôn kính là nguyên nhân được sinh
ra ở những gia đình cao sang.
7. Tại sao có người ngu dốt, thiếu trí tuệ, có người thông minh sáng suốt?
Nguyên nhân của sư thiếu trí tuệ, ngu dốt, trì độn, và nguyên nhân
của sự thông minh sáng suốt, trí tuệ minh mẫn là biết đặt câu hỏi hay không đặt câu hỏi.
Những
người không chịu gần bậc thiện trí thức để học hỏi. Không chịu đặt câu
hỏi để biết thế nào là thiện, thế nào là ác, những gì cần phải làm,
những gì không nên làm v.v... Những người không chịu tìm tòi học hỏi,
đặt câu hỏi thì sẽ tái sinh thành người chậm lụt, thiếu trí tuệ hoặc dễ
trở thành ngu đần. Những người nào luôn luôn tìm tòi, học hỏi, biết hỏi
han thế nào là hành động thiện, thế nào là hành động ác, điều
gì thích nghi và điều gì không thích nghi, việc gì nên làm và việc gì
không nên làm. Những người đó tái sinh làm người thông minh sáng suốt,
bậc trí tuệ. Như vậy, đặt câu hỏi, tìm hiểu giáo pháp là nguyên nhân của
sự thông
minh trí tuệ, không đặt câu hỏi, là nguyên nhân của sự kém trí tuệ.
Như vậy, bây giờ các bạn đã biết, đã hiểu do nguyên nhân gì, do thực hành điều gì đưa đến kết quả gì?
-
Giết hại chúng sinh đưa đến chết yểu hay có đời sống ngắn ngủi. Thực
hành giới không sát sinh sẽ đưa đến sự trường thọ. Như vậy, có
hai sự lựa chọn:
-
Nếu bạn muốn sống lâu thì đừng giết hại chúng sinh khác. Nếu bạn không
cần sống lâu; cho rằng sống lâu hay chết sớm cũng không thành vấn đề thì
đừng giữ giới này.
- Nếu bạn muốn được khỏe mạnh trong tương lai thì đừng đánh đập hay làm tổn thương đến thân thể người khác.
- Nếu bạn muốn đẹp đẽ thì đừng sân hận.
- Nếu bạn muốn có uy quyền, ảnh hưởng đến người khác và được người khác tôn trọng thì đừng ganh tỵ hay đố kỵ.
- Nếu bạn muốn giàu có thì hãy bố thí.
- Nếu bạn muốn sinh trưởng trong gia đình quyền quí, cao sang thì phải biết khiêm nhường, không tự cao, tự đại.
- Nếu bạn muốn thông minh, trí tuệ thì hãy đặt câu hỏi.
Đó là những nguyên nhân đã tạo ra sự chênh lệch, sự bất đồng giữa người này và người khác.
Đức Phật đã trả lời câu hỏi do chàng thanh niên Subha đặt ra và cuối bài giảng, một lần nữa, Đức Phật dạy rằng:
Tất
cả chúng sinh đều có Nghiệp là gia tài của họ. Họ là kẻ thừa kế của
Nghiệp mà họ đã tạo. Chính Nghiệp đã làm cho người này khác với người
kia.
Như
vậy, Đức Phật đã trả lời cho chàng thanh niên Shuba hiểu rằng: Tất cả
sự bất đồng của con người không phải được tạo ra bởi Thượng Đế, Chúa
Trời, Thần Thánh hay một cái gì cả. Do Nghiệp hay những hành vi tạo tác
bởi thân, khẩu, ý của mỗi người mà họ sẽ nhận chịu những kết quả khác
nhau. Do Nghiệp của chính họ trong quá khứ khiến họ sống lâu hay chết
yểu, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay ngu dốt. Chính Nghiệp đã
tạo ra sự bất đồng trong kiếp hiện tại này. Và Nghiệp là gì mà nó tạo ra
sự bất đồng của chúng sinh?
Kamma
(Nghiệp) thường được dịch là hành động. Thật ra, nghĩa chính xác của
Nghiệp là tâm sở “cố ý” (Cetana) - Sự cố ý là một tâm sở hay một yếu tố -
có nghĩa là muốn hay cố ý để làm một chuyện gì đó qua thân, khẩu, ý.
Nghiệp chính thật là sự cố ý để làm một việc gì. Do “sự cố ý” này, người
ta thực hiện hành động, lời nói hay ý nghĩ. Bởi vì mọi hành động, lời
nói hay ý nghĩ đều được đi kèm với “sự cố ý” hay Nghiệp. Do đó, chữ
Kamma hay Nghiệp nên dịch là sự “cố ý”, chứ không nên dịch là hành động.
Chúng ta phải thận trọng về nghĩa của chữ Nghiệp,
nếu không khi nói đến Nghiệp, chúng ta lại nghĩ đó là hành động.
Nếu chúng ta muốn dùng chữ cho chính xác thì chúng ta phải nói Nghiệp là sự cố ý.
Như
vậy, Nghiệp hay sự cố ý là một tâm sở khởi sinh trong các loại tâm của
chúng ta. Bởi vì, là một tâm sở nên nó có đặc tính: “khởi sinh rồi lại
hoại diệt
ngay”. Đặc tính sinh, diệt là đặc tánh chung của mọi sự vật trên thế
gian. Mọi sự vật trên thế gian là Vô thường. Mọi sự vật đều có đặc tính
khởi sinh rồi hoại diệt, đến rồi đi. Tâm sở cố ý cũng sinh và diệt như
các tâm sở khác. Nhưng một điều cần lưu ý ở đây là: các tâm sở khác khởi
sinh rồi hoại diệt ngay và chẳng để lại một chút ảnh hưởng nào cả.
Nhưng tâm sở cố ý khi hoại diệt vẫn còn để lại tiềm năng đưa đến những
hậu quả sau này. Tiềm năng của Nghiệp này nằm trong
'luồng tồn sinh' (hộ kiếp) của Tâm. Đó là lý do tại sao khi có điều
kiện thuận lợi thì Nghiệp trổ quả.
Một lần nọ, vua Milanda hỏi Đại đức Nāgasena rằng:
"Bạch Ngài, Ngài có thể chỉ cho tôi biết Nghiệp chứa đựng ở đâu không?".
Ngài Nagasana trả lời:
"Không
thể nào, nói một cách chính xác, Nghiệp được tồn trữ ở đâu. Nhưng
Nghiệp tùy thuộc vào luồng bhavanga (luồng tồn sinh, luồng hộ kiếp), tùy
thuộc vào Vật Chất và Tâm. Khi luồng tồn sinh gặp những điều kiện thuận
lợi thì Nghiệp sẽ trổ quả".
Mặc
dầu chúng ta không thể nói một cách chính xác Nghiệp đã được tích chứa ở
đâu, nhưng khi có điều kiện thuận tiện để cho Nghiệp tốt trổ sinh thì
sẽ có quả. Như vậy, Nghiệp này, sự cố ý này, khi biến mất thì nó còn để
lại một cái gì đó, để lại tiềm năng trong luồng tồn sinh (bhavanga) của
chúng sinh, khi có điều kiện thuận tiện thì chúng sinh sẽ nhận chịu hậu
quả.
Ngài
Nāgasena đã đưa ra một ví dụ về cây xoài: “Chúng ta không thể nào nói
rằng trái xoài đã chứa ở đâu trong cây xoài: ở trong rễ, trong thân, hay
trong cành, nhưng khi khi đến mùa, khi có đủ độ ẩm, khi có thời tiết
thích hợp, khi có điều kiện thuận lợi… thì quả sẽ hình thành và cây sẽ
trổ quả. Cũng vậy, mặc dầu không thể nói Nghiệp cất chứa ở đâu, nhưng
khi có đủ điều kiện thuận tiện thì chúng ta sẽ nhận được quả của Nghiệp.
Sau khi đã hiểu thế nào là Nghiệp, chúng ta cũng cần nên
hiểu những gì không phải là Nghiệp.
Một
số học thuyết quan niệm rằng con người bị chi phối bởi Số Phận hay Tiền
Định. Và Số Phận hay Tiền Định là cái gì được áp đặt lên chúng sinh bởi
quyền lực kỳ diệu khó biết được, hoặc bởi thần thánh, bởi Thượng Đế,
bởi Phạm Thiên… Nghiệp không phải là số phận hay Tiền Định theo quan
niệm đó.
Mỗi khi chúng ta đau khổ về chuyện gì hay mỗi khi chúng ta đạt được cái gì ta muốn, chúng ta nói:
"Đây là quả của Nghiệp"
Hay là chúng ta chỉ đơn giản nói:
"Đây là Nghiệp của ta".
Nhưng
nếu gọi hay định nghĩa Nghiệp là số phận hay là tiền định đã được đặt
định lên kẻ khác thì Nghiệp ta nói đây không phải là số phận hay tiền
định đó.
Kamma
(Nghiệp) là những gì chúng ta đã cố ý làm trong quá khứ, và ta nhận
chịu hậu quả của Nghiệp mà ta đã tạo, nhưng quả của Nghiêp đã tạo có thể
xảy ra trong hiện tại hay trong tương lai.
- Quả của Nghiệp là hậu quả đương nhiên của Nghiệp.
- Quả của Nghiệp tốt hay xấu không phải do Thánh Thần, Thượng Đế, Phạm Thiên tạo ra.
- Quả của Nghiệp, không phải là sự ban thưởng hay sự trừng phạt của
Thần Linh, Thượng Đế v.v...
- Quả tốt chúng ta gặt được không phải là phần thưởng của Thánh Thần, Thượng Đế.
- Quả xấu chúng ta gặt được không phải là hình phạt của Thánh Thần, Thượng Đế.
Những
gì chúng ta gặt được đó là quả của những gì chúng ta đã làm. Quả của
Nghiệp là của chính chúng ta, là kết quả của những gì chúng ta đã làm
với sự cố ý. Như vậy, Nghiệp không phải là số phận hay tiền định do một
quyền năng nào đó đặt định lên chúng ta mà Nghiệp là của sở hữu của
chúng ta. Chúng ta nhận quả tốt hay quả xấu đều do chúng ta làm.
Tóm lại,
quả của Nghiệp không do ai tạo ra mà là kết quả đương nhiên của Nghiệp mà ta đã tạo.
Có
người nghĩ rằng chấp nhận Nghiệp chẳng khác nào "chủ bại" hay Nghiệp là
chủ thuyết "chủ bại". Người theo chủ nghĩa "chủ bại" chấp nhận tất cả
những gì đến với họ, và không thể làm gì để cải thiện chính mình. Đây là
một quan niệm sai lầm. Nghiệp không phải như thế.
Do
tạo Nghiệp tốt ta sẽ nhận quả tốt ngay trong kiếp sống hiện tại. Như
vậy, Nghiệp không phải là lý thuyết chủ bại. Nghiệp không phải là chủ
bại, chấp nhận hay cam chịu với những gì xảy đến cho mình, mà không tìm
cách tránh né hay cải thiện. Chúng ta chấp nhận rằng những gì tốt xấu
xảy ra cho ta là do quả của Nghiệp, nhưng chúng ta cải thiện hoàn cảnh
của chúng ta bằng cách tạo ra những Nghiệp thiện mới. Như vậy, Kamma
không phải là thuyết "chủ bại" như một số người hiểu lầm.
Một câu hỏi kế tiếp là: Chúng ta có thể biến đổi hay cải thiện các tác động hay hậu quả hay của Nghiệp không?
Ngay
chính Đức Phật cũng không can thiệp vào sự tác động của Nghiệp. Khi
hoàng tử Vidūdabha quyết ý giết hại thân quyến của Đức Phật. Đức Phật
không thể can thiệp được bởi vì đây là quả của Nghiệp mà thân quyến của
Đức Phật đã tạo ra trước đây nên họ phải bị hoàng tử Vidūdabha tiêu
diệt. Như vậy, Đức Phật không thể ngăn chặn quả khổ mà thân bằng quyến
thuộc Ngài phải trả. Lý do là vì luật Nghiệp báo là một luật tự nhiên.
Luật Nghiệp báo không do ai tạo ra. Luật Nghiệp báo không do Thượng Đế,
ông trời hay thánh thần nào tạo ra cả. Đây là một luật tự nhiên. Bởi vì
Nghiệp là luật tự nhiên, do đó không ai có thể can thiệp vào tác động
của
Nghiệp.
Mặc
dầu không thể can thiệp vào tác động của Nghiệp, nhưng chúng ta có thể
biến đổi được phần nào tác động của Nghiệp. Đó là chúng ta có thể tạo ra
những điều kiện bất thuận lợi cho Nghiệp bất thiện trổ quả. Nghĩa là
chúng ta có thể hay làm cho Nghiệp bất thiện chậm trỗ quả hơn. Bởi vì,
như tôi đã nói trước đây, Nghiệp chỉ trỗ quả khi có điều kiện thuận lợi.
Khi không có điều kiện thuận lợi thì Nghiệp sẽ ở đó chờ.
Nếu
chúng ta tạo những điều kiện bất thuận lợi cho Nghiệp bất thiện trổ quả
thì chúng ta có thể không nhận chịu hậu quả của Nghiệp bất thiện. Mặc
dầu, không thể can thiệp vào luật Nghiệp báo, không thể thay đổi luật
Nghiệp báo, nhưng chúng ta có thể tạo ra những điều kiện bất thuận lợi
cho Nghiệp trổ quả. Ít nhất chúng ta có thể đình hoãn được sự trổ quả
của Nghiệp trong một thời gian.
Ngay
Đức Phật cũng phải nhận chịu những quả xấu do những Nghiệp bất thiện mà
Ngài đã tạo ra trước đây. Đức Phật thường bị đau đầu và đau lưng, và
đôi khi bị cảm. Khi Devadatta xô một tảng đá lớn từ trên cao xuống để
hại Đức Phật. Mặc dầu tảng đá lớn không rơi trúng Ngài, nhưng một mãnh
đá nhỏ vỡ ra từ tảng đá lớn làm Ngài bị bầm máu nơi chân, Ngài phải chịu
đau đớn, và vết bầm phải được mỗ để máu ứ đọng chảy ra. Ngay Đức Phật
cũng không tránh khỏi hậu quả của những Nghiệp ác đã tạo trong quá khứ.
Có rất nhiều câu chuyện cho ta thấy không ai có thể thoát khỏi hậu quả
của các Nghiệp ác.
Chúng
ta không thể can thiệp vào những tác động của Nghiệp. Chúng ta không
thể thay đổi dòng Nghiệp, nhưng chúng ta có thể làm cho hiệu quả của
Nghiệp xấu triển hạn một thời gian - trong một số trường hợp hay trong
một giới hạn nào đó. Không ai có thể xóa tan tất cả Nghiệp lực hay xóa
tan toàn thể một Nghiệp lực nào mà mình đã tạo. Có nghĩa là không ai có
thể tiêu trừ tất cả Nghiệp hay tất cả những quả của Nghiệp đã tạo, như
vậy mọi người phải nhận chịu những hậu quả của Nghiệp mà mình đã tạo
trong quá khứ.
Tuy
nhiên, vào lúc Giác Ngộ đạo quả A La Hán tất cả các Nghiệp đều bị tiêu
diệt. Tâm Đạo vào lúc Giác Ngộ tầng thánh thứ tư được gọi là "tâm đã hoàn thành trách nhiệm tiêu diệt Nghiệp".
Như vậy vào lúc đạt đạo quả A La Hán tất cả các Nghiệp đều diệt. Điều
này không có nghĩa là tất cả các Nghiệp trong quá khứ đều bị diệt và vị A
La Hán không còn nhận chịu các quả của Nghiệp quá khứ. Nhưng điều xảy
ra là vào lúc Giác Ngộ A La Hán là tất cả các phiền não đều bị diệt ngay
vào lúc ấy. Khi tâm không còn phiền não thì những gì vị đó làm thì chỉ
đơn thuần là làm
thôi mà không tạo nên Nghiệp nào nữa bởi vì vị
A La Hán không còn dính mắc vào đời sống nào cả hay không còn dính mắc
vào sự hiện hữu nào cả. Vị A La Hán không còn vô minh. Bởi thế, những gì
vị A La Hán làm thì chỉ là tác động thôi mà không tạo ra Nghiệp. Nói
cách khác, Vị A La Hán hay Đức Phật không còn tích lũy những Nghiệp mới
nữa. Các Ngài không tạo nên Nghiệp mới nào dầu các Ngài có làm điều
thiện đi nữa. Đức Phật đã dạy cho nhiều chúng sinh, Đức Phật đã giúp cho
nhiều người thoát khỏi đau khổ. Những vị A La Hán cũng làm nhiều điều
thiện lành cho các nhà sư khác và mọi người, nhưng các Ngài không gặt
hái quả tốt khi các Ngài làm việc tốt. Những tác động của các Ngài hay
Nghiệp của các Ngài được gọi là "Kiriya" (Duy tác) nghĩa là chỉ có tác
động, chỉ có hành động xảy ra.
Tất cả các Nghiệp đều hoàn toàn bị tiêu diệt ở tầng thánh thứ tư có
nghĩa là sau khi vị này đạt tầng thánh thứ tư thì không còn tạo tác các
Nghiệp nào nữa, và bởi vì không có Nghiệp nên sẽ không có quả của Nghiệp
trong tương lai.
Như
vậy những Nghiệp các Ngài đã tạo trong quá khứ hay những Nghiệp cũ thì
như thế nào? Các Ngài vẫn còn nhận chịu quả của những Nghiệp cũ, như Đức
Phật vẫn còn đau khổ vì bị nhức đầu v.v... Những vị A La Hán khác vẫn
còn bị đau khổ bởi bệnh tật và còn nhận chịu những quả của Nghiệp
quá khứ. Các bạn còn nhớ chuyện Ngài Moggallāna đã bị 500 tên cướp giết
chết v.v... Như vậy mặc dầu Phật và các vị A La Hán không tạo những
Nghiệp mới, nhưng các Ngài vẫn còn những Nghiệp cũ nên các Ngài vẫn còn
hưởng thụ hay nhận chịu hậu quả của những Nghiệp các Ngài đã làm trong
quá khứ. Nhưng sau khi các Ngài nhập diệt, các Ngài không còn tái sinh
nữa, nên những
Nghiệp các Ngài đã tích tụ trong quá khứ không thể trả quả sau khi các
Ngài chết.
Các
bạn đã biết câu chuyện của Ngài Anguli-māla. Angulimāla đã giết cả ngàn
người. Đức Phật đến gặp ông ta và dạy đạo cho ông, sau đó ông trở thành
một nhà sư và đắc quả A La Hán. Là một vị A La Hán, nhưng trước khi
chết Ngài Angulimāla còn phải chịu đau khổ vì hậu quả của những Nghiệp
bất thiện Ngài đã làm. Trước khi trở thành một nhà sư, Ngài đã tạo nhiều
Nghiệp bất thiện. Nếu không trở thành một vị A La Hán, những Nghiệp bất
thiện
này sẽ trả cho Ngài rất nhiều kiếp. Nhưng sau khi đã đắc quả A La Hán,
Ngài Angulimāla không còn tái sinh nữa nên những Nghiệp ác mà Ngài đã
làm không thể cho quả. Như vậy, đối với Ngài Angulimāla, Nghiệp bất
thiện
đã trở thành vô hiệu.
Giống
như trường hợp một người sau khi phạm tội đại hình thì bị chết, và vì
người này đã chết rồi nên quan tòa không thể xử phạt y nữa. Cũng vậy,
khi một vị A La Hán tịch diệt, các Ngài không còn tái sinh nữa. Bởi vì
không còn tái sinh nên những Nghiệp cũ không thể trả quả cho các Ngài
sau khi các Ngài chết. Nghiệp của các Ngài đã trở thành vô hiệu. Khi ta
nói những vị A La Hán đã hoàn thành việc tiêu diệt Nghiệp, điều này có
nghĩa là các Ngài không còn tạo các Nghiệp mới nữa, nhưng các Ngài vẫn
còn
nhận chịu quả của các Nghiệp mà các Ngài đã tạo trong quá khứ.
Nhiều
Nghiệp trở thành vô hiệu có nghĩa là những Nghiệp này không còn trả quả
cho Chư Phật và Chư A La Hán khi các Ngài đã mất; bởi vì Phật và A La
Hán không còn tái sinh nữa.
Chúng
ta không muốn nhận chịu quả của những Nghiệp dữ, nếu vậy thì chúng
ta đừng làm những Nghiệp dữ nữa. Nếu chúng ta đã làm Nghiệp dữ rồi thì
sao? Đối với những Nghiệp dữ đã làm bây giờ chúng ta phải làm thế nào
đây? Đức Phật dạy: "Dầu chúng ta có ăn năn hối hận về những Nghiệp xấu
đã làm trong quá khứ thì Nghiệp xấu cũ đó cũng không thể nào sữa chữa
lại". Những việc chúng ta đã làm rồi thì chúng ta không thể trở lại quá
khứ để làm lại. Cái gì đã làm thì đã làm rồi, bởi thế ăn năn hối hận
càng làm cho tình thế tệ hại hơn, và càng tích lũy nhiều hành vi bất
thiện hơn. Càng ăn năn hối hận bao nhiêu, càng tiếc nuối bao nhiêu thì
càng tăng
thêm các Nghiệp ác đã tạo bấy nhiêu. Như vậy, ý Đức Phật muốn nói:
"Quên nó đi". Đừng nhớ đến những Nghiệp quá khứ, vì càng nhớ thì càng
tạo thêm Nghiệp bất thiện. Quên đi những Nghiệp bất thiện được gọi là
"từ bỏ những Nghiệp bất thiện này và trong tương lai nguyện tránh xa
các hành vi bất thiện đó".
Như
vậy, đối với những Nghiệp quá khứ đã tạo, trước tiên chúng ta đừng nghĩ
đến chúng nữa, đừng hối hận vì đã làm những Nghiệp xấu đó nữa đồng thời
cố gắng tránh xa hay tự chế không làm các hành vi hay
Nghiệp xấu đó trong tương lai. Điều này được gọi là "loại trừ các
Nghiệp xấu" hay "vượt qua các Nghiệp xấu". Như vậy, nếu chúng ta đã làm
Nghiệp xấu trong quá khứ thì chúng ta đừng nhớ đến chúng nhiều lần, đừng
ăn năn hối hận về chúng nhiều lần nữa, hãy để chúng sang một bên, cho
chúng về quá khứ và từ nay tự chế, ngăn ngừa không làm những hành vi bất
thiện tương tự trong tương lai. Bằng cách này, chúng ta đã để lại đàng
sau tất cả
những Nghiệp bất thiện.
NHỮNG HIỂU BIẾT SAI LẦM HAY TÀ KIẾN VỀ KAMMA (Nghiệp).
1. Tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm thứ nhất:
"Tất cả những cảm thọ mà một người nhận chịu dầu đó là lạc thọ, khổ thọ hay vô
ký thọ đều là kết quả của Nghiệp quá khứ, người nào quan niệm như vậy là tà kiến".
Bạn có đồng ý như vậy chăng? Tôi xin lập lại "Những
cảm thọ mà một người nhận chịu: Lạc thọ, khổ thọ hay vô ký thọ đều là
kết quả của Nghiệp quá khứ, ai quan niệm như vậy là tà kiến".
Muốn
hiểu câu nói này
thì bạn phải hiểu về những cảm thọ hay hiểu tất cả những tâm quả đi kèm
với tâm sở thọ, chúng đi kèm với những tâm thiện và bất thiện, và chúng
đi kèm với tâm Kiriya (tâm duy tác), khởi sinh trong tâm vị A La Hán.
Đối
với những cảm thọ đi kèm với tâm quả thì câu này đúng, phải không? Đúng
vậy. Bởi vì, giả sử tôi đau ở đây. Kinh nghiệm về sự đau là kết quả của
Nghiệp quá khứ. Đó là tâm quả; điều này đúng. Nhưng ngay trong khi
chúng ta làm các hành vi thiện hay bất thiện trong hiện tại thì chúng ta
có "tâm thiện" và "tâm
bất thiện". Trong tâm thiện và bất thiện đó có sẵn lạc thọ, khổ thọ và
vô ký thọ. Những thọ này đâu phải là kết quả của Nghiệp quá khứ, những
thọ này là những gì ta tạo trong hiện tại. Tâm khởi sinh trong các vị
Phật và các vị A La Hán cũng vậy. Các Ngài cũng có lạc thọ, khổ thọ (về
thân) hay vô ký thọ. Những cảm thọ của các Ngài hay
những kinh nghiệm về những cảm thọ của các Ngài không phải là kết quả
của Nghiệp. Như vậy, nếu bạn nói rằng những cảm thọ: lạc khổ hay vô ký
mà một người đã nhận chịu là quả của Nghiệp trong quá khứ thì đó là quan
niệm sai lầm.
2. Một loại tà kiến hay hiểu biết sai lầm khác là: "Những cảm thọ lạc, khổ và
vô ký mà ta kinh nghiệm được tạo ra bởi đấng sáng tạo hay Thượng Đế." Điều
này có nghĩa là những cảm thọ mà một người có thể kinh nghiệm được do
Thượng Đế tạo ra. Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ cho họ. Nếu
bạn quan niệm như vậy thì đó cũng là tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm về
Kamma. Thật vậy, cho rằng Thượng Đế tạo ra niềm vui, tạo ra sự khổ là
một quan niệm thật sai lầm!
3. Một loại tà kiến khác là: “Tất cả các cảm thọ: lạc, khổ, vô ký mà một người nhận chịu chẳng có nguyên nhân, chẳng có điều kiện gì cả”.
Chẳng
có cảm thọ nào khởi sinh mà không có nhân duyên. Mọi cảm thọ đều tùy
thuộc vào nhân duyên. Không có nguyên nhân (nhân), không có điều kiện
(duyên) thì cảm thọ không thể khởi sinh. Nói rằng: "Hạnh phúc hay đau
khổ của người này... chẳng có nhân duyên gì cả” Đó là câu
nói sai lầm".
Nói rằng: “Lạc thọ, khổ thọ được tạo ra bởi Chúa Trời hay Thượng Đế” thì cũng sai lầm. Bởi vì tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải được sáng tạo bởi Trời hay Thượng Đế.
Nói rằng: “Những cảm thọ khởi sinh chẳng do nguyên nhân hay
điều kiện nào cả”. Đó cũng là một câu nói sai lầm bởi vì “tất cả mọi sự vật đều phát sinh do một số điều kiện nào đó chứ không phải tự nhiên phát sinh”.
Quan niệm sai lầm thứ hai: “Cảm thọ được tạo ra bởi Chúa Trời” và quan niệm sai lầm thứ ba: “Cảm thọ khởi sinh chẳng do nhân duyên nào cả”, Hai quan niệm này thật dễ hiểu, nhưng quan niệm sai lầm đầu tiên: "Những cảm thọ mà một người nhận chịu đều là kết quả của Nghiệp quá khứ” hơi khó hiểu một chút. Muốn hiểu quan niệm
đầu tiên này bạn phải hiểu Abhidhamma.
Có một đoạn văn rất quan trọng, nhưng cũng rất khó hiểu là: "Ta
không hề dạy rằng Nghiệp đã làm có thể bị tiêu diệt mà không phải trả
các quả trong đời sống này, trong đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế
tiếp nữa". Tôi nghĩ rằng câu này cũng không khó hiểu lắm, chúng ta có thể hiểu như vầy: “Nghiệp sẽ không bị tiêu diệt nếu chưa trả quả”, có nghĩa là “khi Nghiệp chưa trả quả thì Nghiệp chưa diệt” và “sau khi đã trả quả thì Nghiệp diệt mất”, đại khái
như vậy. Điều này không khó hiểu.
Nhưng câu kế tiếp rất khó hiểu: "Ta không dạy rằng: Có thể làm cho Nghiệp đã tạo chấm dứt mà không cần phải trả". Câu này có nghĩa là: “Ta không dạy rằng có thể chấm dứt đau khổ mà không cần phải trả quả của các Nghiệp đã tạo”. Có nghĩa là trước khi chấm dứt sự đau khổ bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó.
Câu này khiến tôi suy nghĩ nhiều. Thật là khổ cho tôi: "Trước khi chấm dứt sự đau khổ bạn phải nhận chịu những hậu quả của nó". Nghĩa là: “Nếu bạn chưa nhận chịu quả của các Nghiệp đã tạo thì bạn không thể chấm dứt đau khổ”. Như vậy, nếu bạn muốn chấm dứt đau khổ thì bạn phải trả hết các quả của Nghiệp đã tạo? Không phải vậy?
Thế
thì câu này có nghĩa như thế nào? Tôi cũng không biết nữa! Tôi muốn các
bạn suy nghĩ về điều đó. Nhưng
đừng suy nghĩ trong khóa thiền này. Sau khóa thiền này các bạn hãy suy
nghĩ nhiều lần và tôi sẽ cho biết ý kiến của tôi trong khóa thiền tới.
Khi
tôi đọc câu trên, tôi không hiểu, tôi bèn đọc chú giải. Nhưng chú giải
chẳng giải thích tý nào về câu này. Chú giải giữ im lặng. Tôi bèn giở
phụ chú giải ra để xem. Nhưng phụ chú giải cũng chẳng nói gì. Cả hai chú
giải và phụ chú giải đều làm tôi đau khổ. Như vậy, khi hỏi câu hỏi này,
tôi cũng làm các bạn đau khổ. Các bạn hãy suy nghĩ về điều này và chúng
ta sẽ gặp lại trong kỳ
tới...
*****
Trong khóa thiền vừa rồi, khi nói về luật Nghiệp báo tôi đã gởi đến các bạn một đoạn văn
về Nghiệp báo. Đoạn văn này nói: "Ta không hề dạy rằng Nghiệp đã tạo
có thể bị tiêu diệt không phải trả các quả trong đời sống này, trong
đời sống kế tiếp hay trong đời sống kế tiếp nữa".
Những điều Đức Phật dạy là: "Ta không dạy rằng có thể chấm dứt Nghiệp đã tạo, đã tích lũy, mà không phải nhận chịu hậu quả của chúng”, điều này có nghĩa là “Nghiệp
sẽ không bị tiêu diệt khi chưa được trả quả trong đời sống này, trong
đời sống kế tiếp, hay trong các đời sống kế tiếp nữa”. Đức Phật
tiếp tục dạy rằng: "Ta không dạy rằng sự đau khổ có thể chấm dứt mà
không cần phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp đã tạo". Câu này có
nghĩa là: “Không thể chấm dứt sự đau khổ nếu không nhận chịu hậu quả của Nghiệp đã tạo”
hay: “Phải nhận chịu hết hậu quả của Nghiệp đã tạo đau khổ mới chấm dứt”.
Trước
tiên khi đọc câu này, chúng ta cảm thấy hơi kỳ lạ, câu đầu tiên nói
rằng: "Nghiệp sẽ không chấm dứt nếu quả của chúng chưa được trả. Quả của
các Nghiệp có thể trả trong kiếp sống này, trong kiếp sống kế tiếp hay
trong
các đời sống tiếp theo nữa. Nhưng theo luật về Nghiệp báo thì Nghiệp sẽ
vô hiệu nếu nó không trả quả vào lúc nó phải trả quả. Có những Nghiệp
trả quả trong kiếp sống này, có những Nghiệp trả quả trong kiếp sống
tới, có những Nghiệp trả quả trong những kiếp sống kế tiếp kiếp tới và
vô số kiếp sau đó nữa cho đến khi chúng ta trở thành một vị A La Hán và
chết.
Nếu
Nghiệp phải trả quả trong kiếp sống này mà không trả quả được bởi vì
thiếu điều kiện thuận lợi thì Nghiệp này vô hiệu. Những Nghiệp phải trả
quả trong kiếp này, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả vì lý do nào đó
thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong kiếp tới hay
trong những kiếp sau nữa. Cũng vậy, những Nghiệp phải trả quả trong
kiếp kế tiếp, nhưng nếu Nghiệp đó không trả quả trong kiếp kế tiếp vì lý
do nào đó thì chúng trở thành vô hiệu và chúng sẽ không trả quả trong
những kiếp sau nữa, cho đến khi chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Cũng
vậy, những Nghiệp trả quả bắt đầu trong kiếp sống này và kéo dài cho đến
các
kiếp sau nữa cho đến khi chấm dứt vòng luân hồi sẽ trở thành vô hiệu
khi chúng ta trở thành A La Hán và chết.
Những
Nghiệp cho quả trong kiếp này, sẽ không bị tiêu diệt hay vô hiệu nếu
chưa trả quả trong kiếp sống này. Nhưng sau kiếp sống này chúng sẽ không
trả quả nữa và trở thành vô hiệu. Loại Nghiệp thứ hai cho quả trong
kiếp sống tới. Bao lâu chúng trưa trả quả trong kiếp sống tới và bao lâu
mà kiếp sống tới còn hiện hữu thì Nghiệp đó không trở thành vô hiệu.
Khi thời gian cho quả đã trôi qua, có nghĩa là khi người tạo
nghiệp đã tái sinh trong kiếp tới, thì Nghiệp này trở thành vô hiệu.
Loại
Nghiệp thứ ba cho quả trong kiếp thứ ba và các kiếp sống tới cho đến
khi chấm dứt vòng luân hồi, những Nghiệp này sẽ không vô hiệu bao lâu
chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi. Ở đây, chú giải giải thích
rằng chúng ta không thể nào thoát khỏi
hậu quả của Nghiệp khi chúng ta còn ở trong vòng sinh tử luân hồi.
Câu
thứ hai nói rằng không thể chấm dứt sự đau khổ nếu không trả các Nghiệp
đã tạo. Câu này có nghĩa là nếu chưa trả hết quả của Nghiệp đã tạo thì
chúng ta không thể chấm dứt đau khổ. Chúng ta không thể vứt bỏ loại
Nghiệp này. Nếu vứt bỏ nghiệp này, có nghĩa là không nhận chịu hậu quả
của nó, thì đau khổ của chúng ta không thể chấm dứt. Trong thực tế, làm
sao có thể trả hết các Nghiệp quá khứ được, bởi vì Nghiệp quá khứ quá
nhiều, một khối
Nghiệp khổng lồ mà chúng ta đã tạo trong nhiều kiếp quá khứ. Nếu chúng
ta phải nhận chịu tất cả quả của Nghiệp tốt xấu mới có thể chấm dứt được
đau khổ thì chẳng bao giờ chúng ta hết đau khổ
được.
Câu
trên hàm ý rằng: "Trước khi chúng ta trở thành A La Hán hay rời bỏ vòng
luân hồi sinh tử này thì chúng ta phải nhận chịu các hậu quả của các
Nghiệp đã tạo". Như vậy, tất cả chúng sinh đều phải nhận chịu hậu quả
của Nghiệp đã tạo. Không chúng sinh nào không nhận chịu hậu quả của các
Nghiệp tốt xấu mình đã tạo. Như vậy, những gì hàm ý trong câu này, theo ý
kiến của tôi, là tất cả chúng ta phải nhận chịu hậu quả của các Nghiệp
tốt xấu đã tạo. Nếu chúng ta không trả hết hay nhận chịu hết các Nghiệp
tốt
xấu mà mình đã tạo trong quá khứ thì sẽ không chấm dứt được đau khổ.
Hãy
lấy trường hợp Trưởng lão Angulimāla. Như các bạn đã biết, Trưởng lão
Angulimāla trước đây là một tên cướp đã giết cả ngàn người. Khi được gặp
Đức Phật, được nghe những lời giáo hóa của Ngài, Trưởng lão Angulimāla
vứt bỏ vũ khí trở
thành học trò của Đức Phật. Sau khi trở thành một nhà sư, Trưởng lão
Angulimāla tinh tấn hành thiền và trở thành một vị A La Hán.
Trong
thời gian làm tên cướp, trưởng lão Angulimāla giết cả ngàn người, và đã
tạo nhiều ác Nghiệp. Những Nghiệp này sẽ trả quả trong kiếp sống này,
sẽ trả quả trong kiếp tới, và sẽ trả quả trong các kiếp sống sau nữa.
Những Nghiệp phải trả quả trong kiếp tới và phải trả quả trong các kiếp
sống sau nữa sẽ vô hiệu bởi vì Ngài không còn tái sinh nữa, nhưng Ngài
phải nhận chịu hậu quả của
Nghiệp trả trong kiếp sống hiện tại. Bởi thế trong những ngày làm nhà
sư Ngài đã nhận chịu nhiều quả đau khổ như bị đánh đập, ném đá và đói
khát vì không ai dâng cúng cho Ngài... Sau khi Trưởng Lão trở thành một
nhà sư rồi, nhưng mọi người vẫn còn sợ Ngài. Mỗi
khi thấy Trưởng Lão, họ sợ hãi bỏ chạy, vào nhà đóng chặt cửa lại, bởi
vậy Ngài rất khó có được đầy đủ thức ăn. Đôi lúc người ta ném đá Ngài,
đá trúng đầu Ngài làm bể đầu chảy máu. Ngài đau khổ bởi vì phải nhận
chịu quả của các Nghiệp xấu mà Ngài đã tạo và các Nghiệp này đã cho quả
trong kiếp hiện tại, nhưng với các quả sẽ trả trong kiếp kế tiếp và
trong các kiếp sau nữa sẽ trở thành vô hiệu bởi vì Ngài đã ra khỏi vòng
luân hồi và khi chết Ngài chết với tư cách là một vị A La Hán. Như vậy
trong trường hợp của Trưởng Lão Angulimāla thì Trưởng Lão đã thành tựu
trong việc làm chấm dứt đau khổ mà không cần phải nhận chịu tất cả các
hậu quả của Nghiệp đã tạo. Ngài chỉ nhận chịu các quả của Nghiệp trả
trong
kiếp hiện tại mà thôi.
MỘT SỐ CÂU HỎI LIÊN QUAN ĐẾN NGHIỆP:
No comments:
Post a Comment