Friday, October 14, 2016

VIỆT CỘNG-BẠC LAI HY - TRUYỆN NGUYỄN VĂN SÂM - NGÔ TẤT TỐ

CẨU NHẬT TÂN * CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

Phân chia, kiểm soát quyền lực xung quanh Hội nghị TƯ6

Cầu Nhật Tân
Về tổ chức nhà nước, việc mọi quyền lực nhà nước tập trung vào trong tay một hoặc vài cá nhân chính là căn nguyên cho mọi hành vi độc tài, chuyên chế của các công việc nhà nước. Vì vậy, muốn chống lạm quyền phải có sự phân chia quyền lực, có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Triết gia Pháp J.J. Rousseau (1712 – 1778) trong tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” nêu:
“Quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra, kiểm soát nó”.
Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật
Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ Thomas Jefferson (1743-1826) hoàn thiện tiếp:
“Sự phân chia các quyền lực đó theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh chính quyền trong một vấn đề cụ thể thì bị giới hạn bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng vấn đề ấy hoặc về một vấn đề khác có liên quan. Thường được gọi là: “các biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau” – “checks and balance.” Về cốt lõi, đây là một hệ thống nằm ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Vì sự kiểm tra này tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực nhà nước cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa, còn cơ chế kiểm tra được tiến hành từ bên ngoài hầu như chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra”.
Vừa qua, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả rất lớn vì sự lạm quyền của Thủ tướng. Thực chất là quyền hạn đã tập trung quá lớn vào một tay mà không có sự kiểm soát, giám sát hữu hiệu nên mới sinh ra những vấn đề mà mấy Hội nghị của đảng đều bàn về vấn đề này nhưng dường như chưa có lối ra sáng sủa.
Ở Việt Nam, không có chuyện tam quyền phân lập mà có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng – một lãnh đạo đã phát biểu. “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” được đưa ra trong Hội nghị Trung ương 6 như một phương sách để hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm soát quyền lực. Hoàn thiện Ban Phòng chống tham nhũng. Giảm bớt quyền lực Thủ tuớng, chuyển một số bộ sang để Chủ tịch nước phụ trách. Tái lập Ban Kinh tế Trung ương …
Thực chất, quyền lực lại vẫn tập trung vào một tay khác. Chỉ đơn giản là chuyển từ tay này sang tay khác mà vẫn chưa thấy được cơ chế kiểm soát và giám sát hữu hiệu. Hiện, việc hoàn thiện Ban Phòng chống tham nhũng vẫn gặp rắc rối vì cả ba phương án đưa ra đều “có vấn đề” – mà lớn nhất là sự xung đột giữa quyền lực của đảng và quyền lực của chính phủ. Tái lập Ban Kinh tế Trung ương để thực hiện chức năng giám sát thì có sự chồng chéo về chức năng và quyền lực giữa đảng và Quốc hội. Việc để Chủ tịch nước nắm một số Bộ trọng yếu (Quốc phòng , Công an, Ngoại giao) thì giảm hiệu quả hoạt động chính phủ và vô hình chung tạo sự tập quyền cực lớn trong tay Chủ tịch nước nhưng lại chưa hình thành cơ chế giám sát quyền lực này khi Chủ tịch nước vừa nắm Bộ lại vừa nắm cả Tòa án lẫn Viện Kiểm sát. Tức cả hành pháp và tư pháp tập trung vào một tay, còn nguy hiểm hơn mức độ tập quyền hiện nay trong tay Thủ tướng.

Saturday, October 6, 2012

NGUYỄN VĂN SÂM * TỔ NGHIỆP



Tổ Nghiệp
Nguyễn Văn Sâm
Ông già chừng đã bước qua tuổi tám mươi nhưng dáng dấp còn sõi sàng, ngồi nhâm nhi tách nước trà như muốn thưởng thức từng ngụm nước nhỏ trong buổi sáng nhà hàng thưa thớt khách. Mắt ông xa vắng đưa hồn về chỗ dĩ vãng xa xăm nào đó đương chập chờn ẩn hiện trong ký ức. Tôi liếc trộm ông thiệt lâu, ông già nầy lạ, ngồi yên lặng, chưa nói chuyện với mình, nhưng cử chỉ của ông đã toát ra vẽ gì đó thiệt là thoải mái thân thiện khiến mình nao nức muốn làm quen liền. 
Người bạn tôi nói nhỏ:
“Đó là nghệ sĩ lừng danh Tuấn Đạt, người từng làm mưa làm gió trên các sân khấu cải lương ở Miền Nam hơn nửa thế kỷ trước. Bây giờ thời thế bắt ông xa nghề bỏ nghiệp, nói chuyện với ông ta mình biết được nhiều điều hay ho về sinh hoạt cải lương, về tình đời, về những điều cười ra nước mắt trong nội tình các gánh hát sau cuộc đổi đời.”
Bốn người chúng tôi đồng ý cử anh bạn thổ công nầy mời người nghệ sĩ già sang bàn mình. Được mời, ông đứng dậy liền, không khách sáo, tay nầy xách bình trà, tay kia nưng tách nước. Tôi có cảm tình với ông khi nhìn cử chỉ xăng xái nầy vì tôi biết ông là chủ nhân của quán – do quán mang tên nghệ sĩ của ông- chỉ cần đứng dậy thì nhân viên phục vụ đã biết ý mà bưng bình trà qua rồi.
Không cần giới thiệu hai bên, cũng không có những cái bắt tay khách sáo vồn vã chẳng cần thiết, ông nói liền:
“Anh em có biết không, tôi biết viết chữ Tàu đó.”
Cả bọn đưa mắt ngó nhau. Nhập đề hơi lạ à nhe! Quá ấn tượng! Ai khảo đâu mà xưng?
Ông móc ra tờ giấy trắng tuy nhàu nát nhưng được xếp để sẵn trong túi áo sơ-mi, nghiêng mình rút cây viết được mắc trong túi quần, hí hoáy viết hai chữ Hán, đẩy ra giữa bàn. Mắt các bạn chiếu tướng tôi. Tôi nói:
“Tổ Nghiệp” Anh Đạt có ý gì khi viết hai chữ nầy?”
Nghệ sĩ già cười hiền:
“Ý mẹ ý con gì đâu? Quọt quẹt có trần xì hai chữ nầy thôi. Còn ngoài ra trớt quớt hết. Chú tôi dạy khi tôi mới vô nghề, mới bắt đầu học tuồng, đóng vai Quách Hải Thọ. Học để kính trọng tổ đó mà, để khỏi làm bậy mang tiếng tổ nghiệp! Cái lạ của ổng là không dạy mình ca hát, chẳng nói gì tới chuyện diễn xuất mà dạy mình phải trọng tổ và không được làm chuyện gì nhục tổ, ô danh. Tổ không cần phải là khúc cây đẽo hình đứa nhỏ như trong gánh hát bội. Tổ của chú tôi truyền lại cho tôi là hai chữ huyền diệu nầy. Ông bắt viết đi viết lại như là tôi phải học chữ Nho để đi thi Cử Nhơn, Tiến Sĩ Hán Học không bằng. Chán chết được. Trời đất ông địa ơi, con trai mới 12, 13 tuổi còn ham trửng giỡn, còn ham leo trèo nhảy nhót mà ổng bắt viết hai chữ rồng rắn nầy mỗi ngày gần hết cuốn tập 100 trương xích lô máy. Như là cực hình! Mấy anh biết không, mình không dám chống lại ổng, cũng không có ý nghĩ chống lại nên ổng biểu tập là tập thôi. Ngày đêm, lúc nào rảnh rỗi, lúc nào cái lưng nó muốn cúp xuống, đứng lên quay mạnh nó kêu răn rắc mới thôi. Hơn sáu chục năm rồi mà tôi còn nhớ được là nhờ thỉnh thoảng cũng có dịp viết hai chữ nầy để treo lên khi cúng kiếng cho đoàn.”
Tôi dòm sơ qua tờ giấy lần nữa. Nét chữ chân phương tầm thường, có thể nói là còn non nớt nhưng nhằm nhò gì, thầy dạy chắc có ý gì đó khi cố gắng đưa hai chữ nầy vô trí học trò.
“Mấy anh biết đó mà, gánh hát lưu động hoài, ở chỗ thị tứ thì ít mà chỗ xa xôi hẻo lánh chó ăn đá gà ăn muối thì thường. Mang khuôn kiếng đi sợ nó bể, mất công quá, tôi sáng trí bày ra chuyện viết trên giấy cạt-tông thùng sữa con chim. Tức cười là có nhiều chỗ mấy ông già bà lão tưởng tôi biết chữ Nho năn nỉ viết nầy kia để thờ. Phải từ chối trối chết. Cha mẹ ơi, họ lại tưởng tôi làm cao, nằn nì mời về nhà, đãi đằng gà vịt ăn tràn họng, lại còn được con gái, cháu gái họ mắt liếc đưa tình với mình nữa.”
Người nghệ sĩ rót cho mình tách nước đầy, sóng sánh bọt, đưa lên môi thổi nhè nhẹ. Mắt mơ màng.
“Từ lúc thằng nhỏ chưa biết mùi đời chú nó đã răn đe là nên trọng tổ nghiệp. Không phải là cúng vái tổ để được giọng mùi, tiếng thanh, hát hay, hơi dài, diễn xuất ăn khách, cũng không phải biết cách luyến láy, chẻ chữ, bẻ câu cho mê mẩn người nghe, mà trọng tổ nghiệp là không lợi dụng tiếng tăm của mình xí gạt người nầy người nọ để lấy tiền lập gánh hay cất vô túi để xài bậy bạ như là bao gái, đốt khói phù dung hay canh bài lá bạc. Chú tôi oai hùng lắm, ngày trước là bạn cùng đóng tuồng với kép đẹp Từ Anh, cùng ca chung với Cô Tư Sạn. Chú nói đời chú trong ba mươi năm theo hát thì nắm vững cái khí tiết của kẻ cương trực khi chưa nổi tiếng, chưa lập được gánh. Khi có chút tiếng tăm, làm được bầu gánh rồi thì tập lòng trống trải, không ganh ghét ai cũng chẳng mưu cầu lợi dụng ai. Chú tôi là nhà Nho lỡ thời, học trò của ông Đặng Thúc Liêng, ông Lương Khắc Ninh, ông Nguyễn Chánh Sắt nên Nho ổng xổ ngon ơ.”
Tuấn Đạt ngồi thẳng lưng, dựa vô ghế lim dim ngâm nho nhỏ, hơi thiệt là ấm, giọng ngang tàng như một kiếm khách lẫn chút bất cần cuộc đời huyễn ảo của một nhà sư:
Vị xuất thổ thời tiên hữu… tiết…
Đáo lăng vân xứ dã hư… tâm…[1]
Ngâm sĩ chồm tới sát bàn ăn hơn, nói tiếp:
“Dạy cách ở đời thì vậy, còn dạy về phụ nữ thì răn cấm đem giọng kèn tiếng quyển lợi dụng đàn bà, con gái người ta. Mỗi lần ổng nói tới chuyện gái trai thì tôi mắc cở muốn chết luôn, ước sức độn thổ được tôi cũng độn. Mới nứt mắt, biết đách khô gì. Con gái trổ mã, dậy vú đứng gần hay nắm tay nắm chưn tôi cũng tỉnh queo, nhiều khi còn cự nự nữa là đằng khác. Vậy đó mà ông cứ chận đầu trước hoài khiến mình đỏ mặt bừng tai. Ổng thí dụ về một hai nghệ nhân trong đoàn, anh thì mèo đàng chó điếm, anh thì hoa thơm nhổ cả cụm, bẻ một lượt hai cành hoa chị em của một nhà nọ, ông già mấy cổ hay được xách rựa rượt thanh niên cả đoàn chạy trối chết khiến chú phải đứng ra dàn xếp trần ai khoai củ, tốn cả bình nước miếng và nước mấy sông để rửa nhục.”
Tôi thay đổi đề tài để khỏi nghe thêm những chi tiết xấu xa xưa cũ vốn không ích lợi gì cho ai, yêu cầu:
“Anh Đạt! Tiếc là nơi đây không có Tam hùng để làm bộ ba Năm Cơ đàn sến, Văn Vĩ đàn guitar, Bảy Bá đờn tranh như ngày xưa, nhưng thôi, mình giả sử như vậy đi, anh làm ơn ca chừng hai câu bài vọng cổ tuyệt chiêu của anh để bốn anh em chúng tôi bay ngược thời gian trở về hơn bốn mươi năm trước. Cũng là món quà quí giá anh tặng cho người tới từ xa vì cái thanh danh lẫy lng của anh….”
Người nghệ sĩ trầm ngâm, nuốt nước miếng, chậm rãi. Tôi tưởng ông sẽ cất tiếng ca, nhưng không, ông triết lý:
“Bài tuyệt chiêu đó nghe! Nhiều người có: Út Trà Ôn trước khi đất nước chia hai có Tôn Tẩn Giả Điên, Út Bạch Lan có Hoa Lan Trắng, Ngọc Giàu có Áo Tình Đắp Mộ Người Yêu, Út Trà Ôn sau nầy có Tình Anh Bán Chiếu, Lệ Thủy có Bạch Thu Hà, Thanh Nga có Lắng Tiếng Chuông Chùa… Đó là chưa kể trước nữa, các đàn anh như Thanh Tao, Năm Phồi, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Bửu Tài… mỗi người đều chuyên trị một vài bài ruột, nhứt là Năm Nghĩa với bài Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa nghe mà muốn đứt ruột đứt gan.
Ngừng một lúc ông khiêm nhường:
“Nói nầy nghe nhe! Tôi không dám nói mình có bài nào tuyệt chiêu hay ruột hoặc là vua của bài nào cho nên xin được cáo lỗi mấy anh. Với lại ở chỗ nhà hàng ăn uống tạp nhạp xin phép không ca, hôm nào anh em mình huỡn huỡn tổ chức một buổi hội ngộ ở nhà tôi, tôi sẽ đem hết tâm trí ca mấy bài vọng cổ cho anh em thưởng thức…”
Biết nghệ nhơn từ chối khéo, chúng tôi đành thúc thủ ngồi im, quan sát nhà hàng. Cũng đông bộn, cũng có người ngoại quốc ra vô. Chắc chắn là do tài của nhà bếp chớ không phải vì tò mò do cái tên của nhà hàng như bọn chúng tôi…
Một thiếu phụ xuýt xoát sáu mươi nhưng còn mướt lắm, đi vòng quanh bàn chúng tôi một vòng rồi ngừng ngay chỗ Tuấn Đạt, tự tin để tay mình lên vai ông, giọng thân thiết:
“Anh còn nhớ em không?”
Tuấn Đạt nheo mắt, nhìn tới nhìn lui thiếu phụ một hồi lâu ớn mới chậm rãi:
“Sao không kêu bằng chú nữa mà kêu bằng anh. Bỏ hát rồi làm gì?”
Thiếu phụ cười xẻn lẻn:
“Lấy chồng! Ngừng một lúc chị nói thân mật hơn. “Già rồi anh ơi, đâu còn nhóc như hồi đó mà chú chú cháu cháu nữa.” Day qua chúng tôi, chị phân bua: “Hồi đó tôi yêu ảnh quá trời quá đất. Yêu chết được vì giọng ca ảnh hớp hồn tôi, vai của ảnh vừa anh hùng vừa lãng mạn khiến cho mình chỉ muốn được làm người yêu thiệt của ảnh ngoài đời.” Rồi chợt nhớ ra mình đã nói hơi nhiều, chị thắng liền: “Cũng cám ơn ảnh tỉnh táo từ chối sự bồng bột tuổi trẻ của tôi cho nên bây giờ gia đình tôi mới hạnh phúc. Thôi cho xin kiếu mấy anh. Ông xã tôi chắc đương chờ ở tiệm băng nhạc đằng kia, ảnh mở phòng mạch cách đây chừng 5 giờ lái xe, thỉnh thoảng chúng tôi về vùng nầy vì nhớ không khí quán hàng Việt Nam. Tôi sẽ ghé thăm anh Tuấn Đạt thiệt lâu khi có dịp về lại trong vài tháng tới. Gặp nhau ở quê người là hạnh ngộ rồi, đâu để mất liên lạc cho đành. Hồi nãy tôi chỉ vô đây cầu âu khi đọc cái tên nhà hàng...”
Người nghệ sĩ già đứng dậy, bối rối. Một cái hôn được đặt lên má ông, một cái ôm thắm thiết quá hơn tình quen biết cũ tiếp theo đó.
Người đàn bà bước đi coi bộ không vững, chậm chạp. Tuấn Đạt ngồi xuống lại, không đợi người đẹp khuất bóng ở cánh cửa ngoài.
Không khí bàn chúng tôi yên lặng, ai cũng đưa trí mình vào những suy đoán nầy nọ. Tách nước trước mặt người nghệ sĩ già lại được châm đầy, nước tràn qua dĩa loang trên khăn bàn, tay người rót run run…
“Chuyện gặp lại nầy tôi không ngờ nhe! Cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ kể về chuyện cô ấy với ai hết, để bụng cho riêng mình, đó là hành trang đặc biệt của tuổi trung niên. Nhưng mấy anh đã thấy, đã hiểu phần nào nên xin nói lại cho rõ….  
Năm đó tôi đã ly dị cô vợ thứ nhứt được đâu hơn một năm rồi. Đời độc thân có phần bê bối về quần áo, cơm nước và đặc biệt là giờ giấc mấy anh biết đó. Tôi hơi xuống trong nghề, nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Đoàn hát đương ở quận Ô Môn của tỉnh Cần Thơ. Hát một tuồng của chú Bảy Bá mà vai cô ta yêu thầm vai của tôi, và tôi không chịu, có cảnh cô ta té xỉu, tôi phải đở dậy. Tôi xuống câu vọng cổ, đèn màu bựt lên, trong khi khán giả vỗ tay muốn bể rạp thì cổ nói nhỏ:
“Chú ôm cháu mạnh hơn đi, ôm sát nó, cháu thích như vậy. Hun cũng được. Vừa nói cô ta vừa choàng tay qua cổ tôi, kéo đầu tôi sát vô ngực mình, tôi lật đật gỡ ra và nói, đừng làm vậy…. Cô ta mới 17, nhỏ hơn tôi cả hai chục tuổi, tôi không ngờ lại bạo gan quá chừng, phải nói là gan cùng mình, chỗ nào cũng có. Ôm cứng ngắc. Cực khổ trần ai khoai củ mới gỡ được tay ra, sau khi ôm thiệt mùi theo ý của cô ta. Khán giả lại vỗ tay thiếu điều bung cửa, tiếng huýt sáo, tiếng đập ghế điếc lỗ tai mọi người.
Vãn hát cô ta tươi tỉnh, nhỏng nhảnh rủ chú Tuấn Đạt chở xe lên Quận ăn cháo khuya thưởng cho hồi nãy đóng mùi quá, không sượng. Đào kép có mặt ai cũng ngó tôi hoặc là ganh ghét, hoặc là xầm xì. Tôi hẹn rồi lầm lì xuống gầm sân khấu giăng mùng, nằm xảy tay chưn trên ghế bố không chịu ra. Cái tội lỗi ngọt ngào lảng vảng mời gọi làm tôi cả đêm không ngủ được. Tức cho mình đã vô lý, lo sợ viễn vông, trốn tránh cái gọi là sự thử thách của tổ nghiệp, một thứ gì đó mơ hồ, trong khi món quà của trần gian thơm tho hết biết. Rồi tôi lại khen mình đã biết nói không, can đảm lắc đầu trước cám dỗ. Muốn lắm mà từ chối, nó làm mình cao hơn, có giá trị hơn. Thấy mình sắp sai trái để mà đứng lại kịp lúc.”
Người quản lý tiệm bất ngờ xăm xăm tới bàn nói nhỏ với Tuấn Đạt gì đó, ông bình thản nói lớn như ra lịnh:
“Kệ cha nó, tụi nầy không cung cấp thì kiếm tụi khác. Đừng lo. Để đó tao.”
Quản lý bước đi. Nghệ sĩ tươi cười hơn:
“Một chút xíu đó mà sợ cho tụi nó lờn mặt.”
Chúng tôi chẳng hiểu gì, lại ngó nhau. Ông tiếp:
“Có gì đâu, hôm qua tôi làm giặc với tụi whole sale cung cấp cá thịt khi thấy có trứng sên trong một hai vỉ cá. Tụi nó nói là chỉ có một hay hai vỉ là cùng, sẽ đền bù ¼ số lượng cá order lần nầy. Tôi nói tao không cần đền bù, tao cần trả lại hết lô cá không đúng chuẩn lần nầy. Bây giờ tụi nó nói là khó quá thì kiếm nhà whole sale khác cung cấp, trước hết phải thanh toán tiền còn thiếu trước đây. Tụi nầy quen thói làm ăn trời ơi đất hỡi ở ChợLớn, HongKong, không phải đàng hoàng như bọn Mỹ. Coi thấy tức cười không? Tụi nó đâu biết là tôi đã từng tập phải suy nghĩ tới cái không làm hại cho người khác trước khi nghĩ tới cái lợi cho riêng mình. Mình trách thầm người Việt Nam nghèo ở gần biên giới phía Bắc rủ nhau đi mua thịt heo, thịt bò, thịt gà vịt thúi ướp lại bằng hóa chất đem về miền xuôi bán kiếm lời. Tụi chủ nhà hàng thích loại thịt nầy vì vốn một lời 5, 7 thì tại sao mình hám lợi xài thứ cá có thể có sên bán cho khách của mình? Họ đâu có tội tình gì mà mình hại họ bằng cách cấy sinh tử phù vô óc, vô gan họ. Hai hành động ở hai nơi tuy nhỏ lớn khác nhau nhưng có khác gì nhau đâu nè?”
Tôi  chồm tới bắt tay ông để tỏ cử chỉ khâm phục:
“Từ chối dầu lòng rất muốn là làm cho con người mình lớn lên, là làm cho đất nước cùng dân tộc mình hưng thạnh lên. Xin được hổn hào để khen ngợi anh điều đó.”
Người nghệ sĩ già gục gặt đầu:
“Cũng là tổ nghiệp thôi. Trọng nghiệp tổ thì không làm bậy. Tổ nghề ca hát, tổ nghề buôn bán hay tổ của cả nước, tức là tổ quốc có khác gì nhau đâu?”
Tôi nghe mình mát ruột. Cái câu xướng ca vô loại người xưa nói đáng xổ toẹt ở trường hợp người nghệ sĩ nầy, ông ta ngày xưa đã ru hồn tôi bằng bài vọng cổ Tiếng Trống Tàn Canh và ngày nay qua những tâm tình móc ruột phơi gan cũng có giá trị luân lý không kém những bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư là mấy. Điều đáng tiếc là người được nghe chẳng có bao nhiêu và người thực hành theo tôn chỉ tổ nghiệp, hữu tiết, hư tâm mà ông truyền thừa chắc cũng chỉ chép đầy lá mít là cùng. Tôi cảm thấy lòng mình nao nao buồn và hình như quanh tôi, bốn người cùng bàn đều lần lượt buông tiếng thở dài dầu mới nghe được một câu nói rất đáng đồng tiền bát gạo.


San Jose, CA, cuối Aug. 2012
(Khởi thảo tại nhà N.T. Khanh)
Nguyễn Văn Sâm


[1] Vịnh cây tre cây trúc, tức vịnh người quân tử. Có khí tiết khi chưa ra khỏi đất (vị ngộ), khi vương lên cao rồi (thành đạt) thì lòng thiệt hư tâm, chẳng gút mắc, để bụng, chấp nhứt, tỵ hiềm.

TƯỞNG NĂNG TIẾN * BAO GIỜ BƯỚM TA NỔI LOAN?

Bao Giờ Bướm Ta Nổi Loạn





Bướm Nga đang nổi loạn. Nguồn ảnh: procontra.asia
“Trong cái xã hội trước sau vẫn trọng nam khinh nữ, nơi quyền lực quốc gia, quyền lực trong gia đình và quyền lực trên giường vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông, bướm Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải nổi loạn.”
Phạm Thị Hoài


“Ga Vinh một buổi tối trời mưa. Một túp nhà lá nằm nép bên vệ đường, phía sau là khoảng nước dở ao dở rãnh, muỗi và cỏ nhiều. Một ngọn đèn dầu run rẩy vì gió, cháy leo lét được treo trước cửa sổ. Một con chó già còm cõi bê bết bùn đất và lạnh, nằm in bóng đèn dầu dưới cửa sổ, tru ư ử trong họng mà không dám vào nhà vì sợ đòn. Gió hú rít xoáy quanh cửa tranh nhau luồn vào nhà. Có tiếng mái tranh cọ nhau xào xạc như van xin. Tiếng chẫu chuộc gọi cái làm nhịp cho mưa rơi.
Bên này cửa sổ:
“Khêu to đèn thêm tí nữa, không tốn dầu lắm đâu.”
Bên kia cửa sổ:
“Thế này đủ rồi, khách xa thừa sức nhìn thấy.”
Im lặng một lúc lâu.
Bên này:
“Mấy giờ rồi nhỉ…?”
Bên kia:
“Ðồng hồ bán mất rồi… Có lẽ khoảng chín, mười giờ…”
Có tiếng chân rẽ nước đi tới, rồi một cái đầu đàn ông thò vào cửa sổ, nhễu nước lã chã xuống con chó.
“Bao nhiêu?”
Bên này:
“Năm chục.”
“Ðắt thế, gái Sài Gòn còn chả tới nữa là…”
“Thế muốn bao nhiêu?”
“Hai chục…?”
“Thôi về ngủ với bò cho sướng, để hai chục đấy mai mà ăn cháo.”
“Ðồ đĩ rạc!”
Tiếng chân dậm dựt bỏ đi.
“Ba chục được không?” Có tiếng hỏi với lại.
“Ừ thôi, trời mưa mở hàng để lần sau lấy chỗ đi lại.”
“…”
“Thanh toán trước đi!”
“Gì mà vội thế, chả ‘tình’ tí nào cả.”
“Sao? Có tiền không?”
“Lấy gạo nhé?”
“Gạo gì? Mậu dịch hay gạo mới?”
“Mới chia tiêu chuẩn tháng ở cơ quan về, chưa xem.”
“Gạo mậu dịch rồi, tính bao nhiêu?”
“Hai chục.”
“Ðắt quá, mà cũng không có cân nữa.”
“Mười tám đồng vậy, đong đại bằng ống sữa bò đi…”
“Ừ, thế cho tiện, cân mất công, gạo đi mua nặng ký… mà này, có trộn đá dăm vào không đấy?”
“Mang đèn ra mà soi.”
“Gạo này chỉ mười lăm đồng.”
”Ðong vun tay thế kia thành hai cân của người ta chứ còn gì…”
Một thằng nhóc chừng chín tuổi thình lình hiện ra như chui từ dưới đất lên, đứng mút tay nhìn cảnh đong gạo. Người đàn ông còn đang loay hoay cột lại cái bao của mình thì nó giật túi gạo nơi tay người đàn bà, chạy vụt ra cửa.
“Nấu cơm nhé, đừng nấu cháo… Nhớ để phần cho chị đấy.”
Người đàn bà dặn với theo…
Bên này:
“Thu nhập hằng tháng bao nhiêu?”
“Thất thường lắm, không tính được.”
“Có chồng con gì chưa?”
“…”
“Quê quán ở đâu?”
“Ðô Lương.”
“Sao trôi giạt ra tận đây thế?”
“Ở quê khổ quá…”
“Khổ một chút nhưng cuộc sống lương thiện, có chồng con đàng hoàng có thoải mái hơn không?”
“Ðảng viên phải không?”
“Sao biết?”
“Chơi bao nhiêu lần rồi?”
“Ừ… mới tham quan một lần cho biết…”
“Có thích không?”
“…”
“Không sợ chi bộ biết bao?”
“Chỉ sợ quần chúng, cảm tình đảng thôi.”
“Bí thư phải không?”
“Chưa, mới phó thôi.”
“Sao biết mà mò đến?”
“Bí thư giới thiệu… ấy không phải, bà con quen biết…”
“…”
“Hành nghề bao lâu rồi?”
“Sáu năm.”
“Ðúng dân chuyên nghiệp, có bệnh không? Có không?”
“Cải tạo mới ra, chưa kịp có.”
“Vẫn ngựa quen đường cũ, phải cố gắng đè nén những đam mê thấp hèn mà nghĩ đến tương lai chứ! Chết, chết, ai đấy?”
“Ðừng sợ, con chó nằm ngoài lạnh, cào cửa đòi vào nhà đấy.”
“Ba chục… đắt quá, mất đứt một phần tư tháng lương rồi còn gì?”
“…”
“Cái gì đấy?”
“Ngô nướng…”
“…”
“Bẻ một nửa thôi, chưa được ăn tối đâu.”
Tiếng khóa thắt lưng kêu lách cách, người đàn ông kiểm soát lại cái ví của mình rồi đi ra cửa, nách cắp bao gạo.
Từ buồng trong, một bà già tay chống đầu gối, tay đấm lưng lò dò bò ra. Cầm miếng giấy đang cháy, bà múa mấy vòng tròn như đuổi vía, rồi rán sức bê chậu nước hắt toẹt ra đường.
Căn nhà lại chìm trong bóng tối.”
(Thế Giang. “Chỗ Nước Đọng”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa: Người Việt, 1987. 99-104)
Khi tác phẩm (thượng dẫn) được xuất bản ở Hoa Kỳ thì cũng là lúc Việt Nam đang “dũng cảm và quyết tâm” bước vào thời kỳ đổi mới. Mười năm sau, đất nước này lại lập thêm một kỳ tích nữa: cả dân tộc (nô nức) bước ra biển lớn – theo như lời kêu gọi (vô cùng) thiết tha của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông cũng là vị lãnh đạo được nhiều người, trong cũng như ngoài nước, đặt nhiều kỳ vọng và đánh giá rất cao như là kẻ có khuynh hướng cấp tiến và “muốn tăng tốc tiến trình đổi mới kinh tế” (“who wants to accelerate the process of economic change”).
Tương tự, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (vào thời điểm đó) cũng được dư luận nhận định là nhân vật sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong việc cải tổ kinh tế và pháp luật, lót đường cho VN tiến vào tổ chức WTO (“And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam’s accession to the World Trade Organization”) – theo nguyên văn như lời của nhà báo Karl D John (“Vietnam’s South Takes Leadership Wheel”) đọc được trên Asia Times, số ra ngày 28 tháng 6 năm 2006.

Mà thiệt: chỉ cần năm năm sau, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, hình ảnh của những “chỗ nước đọng” đã (hoàn toàn) đổi khác: linh động, tấp nập hơn thấy rõ, và cũng nổi bật những nét hạch toán của nền kinh tế thị trường – theo như “Ký Sự Quất Lâm” và “Nhật Ký Đồ Sơn”, được giới thiệu bởi ngòi bút của nhà văn Đào Tuấn:


Nguồn ảnh: http://daotuanddk.wordpress.com
“Đó là nhật ký ‘làm việc’ của một cô gái mại dâm gần như kín các dấu ‘X’. Sở dĩ phải ghi chép là để cuối tháng, cuối tuần, cuối ngày ‘đọ sổ’ với chủ mà thanh toán tiền, giống hệt với một dạng ‘chấm công’. Đây là một đoạn trong bài viết: ‘Những ký hiệu dấu sao ‘*’ trong vòng tròn, đó là ‘đi qua đêm’ và được tính bằng 3 ‘cuốc’ đi nhanh. ..Dấu ‘X’ có gạch dưới là những lần đi một lần, tính với chủ là 1, nhưng em cho khách làm 2, được bo khá. Còn cái dấu ‘X’ nằm trong ô vuông thì em không nói gì cả, nhất định không chịu nói ra. Như vậy, đây là một dạng ‘văn vật’ có hồn. Có ngày em đánh dấu 16 ‘nhát’, nói chung số ngày có trên 10 ‘nhát’ hơi nhiều. Ngày nhiều nhất là có tới đánh 21 cái dấu X’, lại có 3 gạch chân’. Nhưng 21 lần/ngày vẫn chưa phải là kỷ lục. Cũng chính cô gái này kể lại: Ở Đồ Sơn có đứa dịp 30/4, đã ‘đi khách’ tính với chủ là 50 lần.”
“Ký sự Quất Lâm’, hay ‘Nhật ký Đồ Sơn’ đang cho thấy thêm một hiện thực khác: Các cô gái bán dâm đang phải lao động cực nhọc để kiếm tiền, trong khi số tiền kiếm được rơi tới 70-80% vào túi chủ chứa, còn được gọi là tú ông, tú bà. Có lẽ, điều để lại ấn tượng mạnh là nhận xét của nữ blogger: ‘…Các Tú ông, Tú bà. Họ khác hẳn với tưởng tượng của tôi, và có lẽ là khác tất cả chủ chứa ở những nơi khác. Đa số hiền và lành. Giống như những người tiểu thương ở chợ, hoặc người bán nước chè trên phố. Họ quan niệm cái ‘nghề’ của mình giống như cung cấp dịch vụ thông thường cho du khách y như cho thuê ghế, hay bán quán ăn vậy!”
Thiệt là cởi mở và phóng khoáng. Ngay cả dân tộc Thái Lan, vốn có truyền thống và nổi tiếng vì kỹ nghệ tình dục, chưa chắc đã có quan niệm về chuyện bán dâm cấp tiến đến cỡ đó. Thế mới hiểu thế nào là tính cách “đột phá” của chiến lược đi tắt đón đầu, vẫn thường được nghe ra rả suốt ngày từ hệ thống loa đài – ở Việt Nam.

So với Quất Lâm hay Đồ Sơn thì cung cách hành nghề của chị em ta ở Sài Gòn, xem ra, có vẻ hơi thiếu rộn ràng và cũng kém phần … chuyên nghiệp hơn – chút xíu – theo như ghi nhận của tiến sĩ Kimberly Kay Hoang , qua hai luận văn nghiên cứu điền dã (*) về khu kinh tế mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh Quang Vinh:
“Khách của số lớn trong nhóm phụ nữ này là những đàn ông Việt Nam nghèo với thể xác làm họ buồn nôn. Nếu thủ dâm và khẩu dâm không làm khách đạt thỏa mãn, thì giao cấu là biện pháp cuối cùng những người đàn bà này sẽ làm. Chín trong số mười hai phụ nữ mại dâm đã cho tác giả biết họ đều nôn mửa khi mới vào nghề sau khi cảm thấy tinh dịch của khách hàng trên tay hay trong miệng vì họ tởm lợm thể xác của những khách mua dâm…

Nôn mửa, theo tác giả, là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cảm thấy tởm lợm vì thể xác đàn ông nói chung, và đặc biệt với thân hình của những người đàn ông lớn tuổi không sạch sẽ. Tất cả những phụ này đều nói là họ đã từng ôm nhau khóc vì họ phải làm những việc, như Trâm nói, ‘mà chỉ có những người đàn bà ở dưới đáy của xã hội mới làm.
Mỗi bao cao su giá khoảng 40 xu, một giá quá đắt đối với những phụ nữ mại dâm bậc thấp. Vì thế, họ thường cố gắng làm cho khách xuất tinh bằng những cách khác hơn là giao cấu…”


Công an đang tác nghiệp.
Nguồn ảnh:
banvannghe.com
Ở Việt Nam cũng có những phụ nữ mại dâm “bậc rất cao” mà giá cả mỗi lần đi khách (có thể) mua được một viên kim cương nho nhỏ, hay nhơ nhỡ. Số này ít lắm và họ chỉ phục vụ cho một giới người (hiếm hoi) được gọi là những đại gia, hay còn gọi là những nhà tư bản đỏ – những kẻ đang thu tóm mọi nguồn lợi của xứ sở này nhờ vào nền Kinh Tế Thị Trường, theo định hướng XHCN.
“Trong cái xã hội trước sau vẫn trọng nam khinh nữ, nơi quyền lực quốc gia, quyền lực trong gia đình và quyền lực trên giường vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông, bướm Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải nổi loạn”  thôi. Tôi hoàn toàn, và tuyệt đối, không dám nghi ngờ gì về ước vọng (nóng bỏng) của nhà văn Phạm Thị Hoài. Tuy nhiên khi còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn chưa sắm nổi một cái bao cao su (“giá khoảng 40 xu”) để tự bảo vệ lấy thân, và không ít người còn phải “bán trôn rồi, lại bán cả mồ hôi” (“mà đói rách vẫn quần cho sớm tối”) thì viễn tượng về một cuộc nổi loạn của họ e rằng sẽ rất muộn, chứ khó mà sớm được, với chế độ hiện hành.
Tưởng Năng Tiến


(*) Hai luận văn, “Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry”(1) và “She’s Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City,” (2) là những công trình đã đoạt giải luận văn sinh viên cao học tại các đại học Cornell (2008), UC Berkeley (2010) và những giải thưởng khác cuả ASA và giải Cheryl Allyn Miller, Những nhà Xã hội học cho Phụ nữ trong Xã hội (2011). Tác giả Kimberly Hoàng tốt nghiệp cử nhân về Communication & Asian American Studies tại đại học UC Santa Barbara và theo học Xã hội học tại đại học Stanford trước khi hoàn tất học trình tiến sĩ Xã hội học (chú trọng về phụ nữ, giới tính và tình dục) tại đại học UC Berkeley. [Theo Trần Giao Thủy (dcvonline.net)].


NGÔ TẤT TỐ * GÓC CHIẾU GIỮA ĐÌNH

Góc Chiếu Giữa Đình
: Tác Giả: Ngô Tất Tố 
: Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm, trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu.
 Trong mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa, vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người, ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình. Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ôíng tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận. Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ.
 Lúc đầu ổng cũng phân vân, vì sợ cái của "không tân mà cựu" sẽ không được ai quý trọng. Mấy ông kỳ dịch nói rất bùi tai, họ bảo người ta bỏ hàng năm, bảy trăm, một nghìn để làm ông lý, ông phó. Đằng này, ông chỉ tốn một trăm bạc, không vất vả gì, mà rồi cũng được ngồi ngang với họ, ăn biếu ăn xén như họ. Ấy là một dịp hiếm có, không nên bỏ qua. Nghe vậy, ổng cũng cho là rất có lý và đã bàn kỹ với vợ. Vợ ổng cũng muốn được làm bà Cựu, nên cũng khuyên ổng cố lo. Từ nửa tháng trước, ổng đã bán trâu, bán ruộng, được hơn trăm bạc, để nộp cho làng. Thế là công việc mười phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành danh ông Cựu. Đáng lẽ bữa khao ấy ổng định hoãn đến tháng mười, đợi cho lúa gạo của nhà, đỡ phải vay mượn mất lãi. Nhưng mấy ông hương lý không nghe. Họ nói để lâu không tiện, dân làng đã vậy, còn quỷ thần. ừ thì cái áo còn lo được, huống chi cái giải! Trước một lần, sau cũng một lần, lo lúc nào thì xong lúc ấy. Ôíng nghĩ vậy, nên mới cố mua bát họ hơn sáu chục đồng để lo cho yên. Cứ ý bà Cựu, thì cuộc khao này chỉ cốt cho đủ lệ làng, không mời khách khứa nào cả.
 Ông Cựu không chịu. Bây giờ ổng đã làm bậc lý cựu trong làng, không thể xử cách nhom nhem được. Bởi vậy, ổng định làm thật linh đình. Nhà chật. Trừ khu bếp đun, toàn thể dinh cư chỉ có bốn gian một chái nhà tranh. Ngày thường, với gia đình ổng như thế cũng là rộng. Lúc nào có việc, nó không đủ chỗ để chứa làng xóm họ mạc. Từ chiều hôm qua, ông đã sai mổ con lợn, để nhờ bà con dựng hộ gian rạp. Bấy giờ đã nửa tháng tám, công việc ngoài đồng xong rồi, cả làng ai cũng rỗi rãi. Tôi tuy chưa sang nhà ông, cũng nghe nói số người giúp đáp đông lắm. Mẹ nào con ấy, chị nào em ấy, người ta kéo vào từng lũ. Cái anh người nhà sang mời khoe rằng: - Bữa chiều hôm qua, tất cả năm chục mâm cỗ. Con lợn bảy yến, chỉ ăn một lượt là hết. Sáng nay ông Cựu lại cho giết ba con nữa, hai con để họ hàng ăn cơm, một con để đem lễ thờ, rồi biếu dân làng. Và hắn nói thêm
: - Nhưng cũng chưa đủ. Chiều nay còn mời các lão và tư văn, thế nào cũng phải vài ba con nữa. Rồi hắn giục tôi: - Rước ông sang ngay đi cho kẻo ông Cựu tôi lại bắt người khác sang mời. Ở bên ấy, các ông hàng tổng đương đợi ông đấy. Anh ta nói đúng. Tôi còn lúi húi rửa mặt, đã nghe có tiếng lợn kêu eng éc tự phía ngõ ngoài đi vào. Và một lát sau lại có người nữa sang giục. Thay xong quần áo, tôi theo hai anh người nhà cùng đi. Từ cổng trở vào, bát đĩa mâm nồi la liệt bày khắp mặt đất. Trong rạp đông nghịt những người.
 Đám này không khác gì các đám khác, ngoài một số người tay dao tay thớt, lại có các ông chỉ chuyên thuốc phiện và tổ tôm. Tôi ngó hai dãy phản rạp thấy có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện. Thì ra cái bữa thết làng tuy đã xong từ sáng ngày, nhưng mà các ông kỳ dịch vì có cảm tình với ông "Cựu mới" cho nên còn lưu lại đó tất cả. Thoáng thấy bóng tôi, ông Cựu chào hỏi một cách lơi lả và mời tôi vào trong nhà ngồi với mấy người làng bên. Rồi ông trách tôi đã tệ với ông, vì từ hôm qua đến giờ mới sang. Theo lệ tôi mở ví lấy một đồng bạc ra mừng. Ông Cựu ra ý không thích và nói: 
 - Ông cho nhà cháu mấy chữ chả quý hơn ư? Tiền tuy cũng quý, nhưng nhà cháu còn có thể kiếm ra được. Hay là để cháu mua một đôi liễn, rồi ông viết chữ vào cho. Tôi còn chưa kịp trả lời, thì thấy một người tất tả chạy vào báo với ông Cựu: - Tư văn đã vào! Ông Cựu lật đật chạy ra ngoài rạp. Thằng Mới vừa bưng vào đó một mâm cau và một bánh pháo. Theo nó, một bọn lố nhố độ hai chục người tiến vào trong rạp. Sau khi đã nói vài câu chiếu lệ, ông Cựu mời họ sang ngồi nhờ ở nhà láng giềng, rồi ông giục người bưng cỗ sang đó. Một ông ở bàn thuốc phiện vào chỗ tôi ngồi, nói chuyện tiếp tôi:
 - Ông nó lo một việc này, có lẽ cũng tốn đến hai trăm bạc. Song cũng còn may! Ông tính không làm việc ngày nào, tự nhiên thành người kỳ cựu, chễm chện ngồi chiếu cạp điều giữa đình, há chẳng sướng sao? Vì có chúng tôi giúp cho thì việc mới xong, người khác đâu được như thế. Uống rượu xong, tôi từ biệt ra về. Tới cổng lại thấy một lũ kéo vào. Đó là các lão trong làng vào mừng ông Cựu. Cuộc linh đình còn mãi đến sáng hôm sau. Năm hôm sau nữa, tôi gặp bà Cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui: - Chào ông ở nhà, cháu đi làm đây. Và không đợi tôi hỏi, bà ấy vội vàng cắt nghĩa: - Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng, nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng họ?

TIN TỨC Á CHÂU

 

  5 lý do vì sao Senkaku không phải lãnh thổ Trung Quốc

2012-10-05
Người Nhật, hay một pháp nhân, ký tên là independentjapan2009 đăng trên youtube một đoạn phim video bằng Anh ngữ trình bày 5 lý do vì sao quần đảo Senkaku không thể thuộc về Trung Quốc.


acus.org photo
Người Nhật giương cờ trên đảo lớn nhất của Senkaku
1. Luật pháp quốc tế:
Vụ kiện “Đảo Palmas” năm 1928 , có một trong những án lệ ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong việc giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ, đã phán quyết như sau:
- Trước hết, vấn đề quyền (sở hữu) dựa trên khoảng cách gần về địa dư không có chỗ đứng trong luật quốc tế.
- Thứ nhì, quyền hạn (sở hữu) được đặt do sự phát hiện thì chỉ là loại quyền hạn phôi thai vừa chớm thành hình.
- Và sau cùng, nều có một nhà cầm quyền khác khởi sự thực hiện chủ quyền liên tục và thực sự, (và cơ quan phân xử đòi hỏi rằng sự xác nhận đó phải được khai mở và công khai với quyền sở hữu tốt), và người (hay pháp nhân) phát hiện không tranh giành về sự xác nhận đó, (thì) sự xác nhận của nhà cầm quyền mà đã thực thi thẩm quyền sẽ chiếm phần lợi thế hơn quyền sở hữu chỉ căn cứ riêng rẽ trên sự phát hiện mà thôi.

senkaku
Quần đảo tranh chấp Nhật-Hoa- freebeacon.com photo
Quần đảo Senkaku được sáp nhập vào Nhật Bản từ năm 1895 do “sự chiếm hữu trước một lãnh thổ vô chủ”, nhưng trong suốt 76 năm sau đó tính đến 1071, cả Cộng Hoà Nhân dân Trung hoa lẫn Cộng Hoà Trung Hoa (tức Đài Loan) đều chưa bao giờ phản đối lại sự giành chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku.
Thay vào đó họ đã nhìn nhận một cách rõ ràng quần đảo này như lãnh thổ của Nhật Bản trong các tài liệu, báo chí, sách giáo khoa và bản đồ của họ. Luật quốc tế không còn dành cho họ quyền đòi chủ quyền quần đảo ấy nữa.
2. Quần đảo Senkaku được phát hiện đầu tiên không phải do người Trung hoa mà do người Ryukyu, là người cư dân Okinawa.
Trong 507 năm chỉ có 23 lần những phái đoàn Trung Quốc giong buồm đến Vương quốc Ryukyu, tức Okinawa,  trong khi các phái đoàn người Ryukyu giong buồm đi Trung Quốc qua ngã quần đảo Senkaku tới 580 lần trong cùng thời gian.
3. Không có dữ kiện lịch sử nào rằng Trung Quốc đã thi hành bất kỳ một “quyền kiểm soát có hiệu lực” nào trên quần đảo Senkaku.
Trung Quốc nhận quần đảo Senkaku là lãnh thổ Trung Quốc “kể từ thời nhà Minh”. Tuy nhiên, trong thời nhà Minh, ngay cả Đài Loan cũng không phải là một phần của Trung Quốc. Đài Loan lần đầu tiên được sáp nhập vào Trung Quốc trong thời nhà Thanh là năm 1683.
Và tất cả các tài liệu chính thức của Trung Quốc được biên soạn trong thời nhà Thanh liên quan đến Đài Loan đều nói cạnh phía bắc của Đài Loan là “đảo Hy vọng” ngày nay (chú thích của người dịch: là thị xã Vọng An, thuộc Bành Hồ, ở vĩ độ 23, ngang 1/3 Đài Loan từ phía nam tính lên) không bao giờ nói là Cơ-Long (người dịch: tỉnh cực bắc của Đài Loan ngày nay).  Cũng không có dữ kiện lịch sử nào nói rằng quần đảo Senkaku từng được sáp nhập vào Trung Quốc.
4. Bản đồ cổ của Nhật Bản do Trung Quốc thường viện dẫn  không bao giờ nhìn nhận quần đảo Senkaku là lãnh thổ Trung Quốc.  Trung Quốc viện dẫn bản đồ Nhật cổ năm 1786  「琉球三省並三十六島之図」của Hayashi Shinei, để biện luận rằng quần đảo Senkaku được tô cùng màu với lục địa Trung Hoa nên người Nhật vào thời đó đã nhìn nhận quần đảo này là lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cùng một bản đồ đó, Đài Loan đã được tô màu khác với Hoa Lục bất kể dữ kiện là Đài Loan đã sáp nhập với nhà Thanh khi bản đồ đó được xuất bản tại Nhật.


water-gun-fight-250
Thuỷ-pháo-chiến giũa tuần duyên Nhật với tàu Đài Loan- screen capture
Và Hayashi Shihei không phải là một viên chức chính phủ Nhật Bản, mà chì là một công dân bị chính quyền Mạc Phủ Tokugawa (người dịch: chính quyền quân sự Mạc Phủ Tokugawa trị vì từ 1603-1868) bắt giữ và trừng phạt. Dù sao cũng không thể cho là quan điểm chính thức của Nhật Bản phản ảnh trong bản đồ của người này. 5. Không hề có dữ liệu lịch sử nào nói rằng quần đảo Senkaku từng có lúc thuộc về Trung Quốc, nên Trung Quốc không thể nói nhóm đảo đó bị “đánh cắp” từ tay Trung Quốc. Do đó Bản Tuyên bố Cairo không liên quan gì đến quần đảo Senkaku
KẾT LUẬN:
Trung quốc đã xâm lược và thâu nhập Tây Tạng, Đông Turkestan, Nội Mông và Mãn Châu. Trung Quốc lần này sắp sửa “nuốt” quần đảo Senkaku, Okinawa và Đài Loan. Sự tái lập Đế quốc Trung hoa ngôi vị đầy đủ (“đủ lông đủ cánh”) chính là mục tiêu tối hậu của họ.

No comments: